August 27, 2009

August 28, 2009

HTML clipboard

Ngày 24 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Liên tiếp mấy ngày hôm nay, hộp thư e-mail của tôi đã nhận không biết bao nhiêu là những thư chia buồn từ hai ba cái cáo phó của những người tôi không hề quen biết bao giờ.

Một số người có tên trong cái mailing list, trong đó có địa chỉ của tôi, hễ nhận được là lập tức gửi lại cho những người khác cũng có tên trong danh sách ấy, và vì thế, tôi nhận được cả vài chục cái thư chia buồn kèm theo những mẩu tin buồn.

Họ gửi đi những cái tin buồn, những lời chia buồn đúng là theo kiểu trúng ai nấy chịu, theo kiểu võ khí có sức hủy diệt hàng loạt (mass destruction weapons) mà ông Bush kiếm không ra ở Iraq.

Cáo phó là loan báo cho mọi người biết về tin buồn, tin một người qua đời. Chuyện qua đời của một người là tin buồn, tang quyến cần được bạn bè của người ấy gửi lời chia buồn. Nhưng đó là khi có những sự quen biết với người có tang.

Thế giới mỗi ngày có cả triệu người chết. Nhưng gần hết là những cái chết không liên quan gì với chúng ta, nên chúng ta vẫn sống qua ngày đó một cách bình thường, hoàn toàn không buồn chút nào để phải cần chia buồn, mà cũng không vui để phải góp vui.

Vài trăm người chết mỗi ngày ở Darfur, Phi châu chẳng hạn. Mắc mớ gì tới chúng ta?

Cũng thế, những cái cáo phó gửi theo kiểu hàng loạt như vậy, gửi theo kiểu trúng ai người ấy chịu, thì những người không quen biết với tang gia sẽ phải làm gì?

Chắc phải bấm cái nút delete nó đi, đưa nó vào waste basket, cái thùng rác như một vài công ty sản xuất nhu liệu vẫn dùng cách giải quyết những trường hợp đó.

Như vậy, cái tin buồn ấy, vì lối gửi hàng loạt, đã làm cho cái tin đáng lẽ phải tạo xúc động cho người nhận, lại bị đưa thẳng vào thùng rác, mặc dù người nhận không hề có thái độ bất tôn kính với tang gia.

Nhưng vẫn phải làm công việc dọn dẹp cái hộp thư e-mail của mình.

Như vậy, người gửi, thay vì để bầy tỏ lòng thương cảm với tang gia, thì lại làm cho tên tuổi của người quá vãng bị xúc phạm khi cái cáo phó bị đưa vào thùng rác để xóa đi.

Tại sao không gửi lời chia buồn cho địa chỉ của chính người hay gia đình đang có tang?

Chuyện một người qua đời là một sự mất mát rất lớn. Sự mất mát ấy phải được người quen, bạn bè đón nhận bằng một thái độ thương cảm. Người chết khi đang còn tuổi trẻ thì tiếc cho công chưa thành, danh chưa toại, gia đình con cái còn quá nhỏ. Nếu là người lớn tuổi, dù đau yếu quá lâu, thời gian còn lại trên mặt đất không vui thì cái chết cũng vẫn làm cho người quen biết xúc động, ngậm ngùi về một cuộc sống đã chấm dứt.

Nhưng với những người không quen biết thì khó có thể có được những xúc động hay ngậm ngùi cần phải có như thế.

Ðó là chưa nói tới việc có những người khó tính hơn thì lại thấy rất bực bội khi bị ném cho một cái tin chết chóc trong lúc đang cần một chuyện đem lại hy vọng tốt đẹp cho buổi sáng.

Nhớ đã lâu, một xướng ngôn viên truyền thanh ở đây, trước khi đọc những cáo phó của các gia đình có tin buồn cho phổ biến trên làn sóng điện, đều cẩn thận xin lỗi là chỉ có tin buồn gửi thính giả.

Việc phổ biến những cáo phó này bằng phương tiện truyền thanh rất cần thiết và có ích. Tin tức loan đi nhanh chóng, người nghe nhận ra vài ba cái tên trong gia đình có tin buồn sẽ có thể liên lạc với tang gia nhanh chóng.

Nhưng người xướng ngôn đọc những bản tin cáo phó thì lại có một câu quen dùng là "Sáng nay chúng tôi không có tin buồn nào gửi quí vị."

Ô hay sao lại ác thế này? Ðang bắt đầu một ngày, thắt cái ca vát đẹp, kiếm cái áo sơ mi tươi tắn, khoác cái jacket vào tung tăng ra xe đi làm, hy vọng một ngày mới tử tế hơn thì bị cô xướng ngôn viên xin lỗi là không có cái tin buồn nào gửi cho nghe!

Thưa cô, tôi đang lơn tơn vui với một niềm vui nhỏ sáng nay. Ðang còn vui được một chút thì cô muốn cho nghe cái tin buồn, nhưng cô không có nên phải xin lỗi lia chia.

Ðừng cô ạ. Mỗi ngày cho tôi chọn một niềm vui chứ chọn hộ cho cái tin buồn làm gì cho khổ đời nhau?

Cũng như sáng ra, mở e-mail ra thì thấy những cái tin buồn không dính líu gì tới mình cả.

Ðọc đi đọc lại, vẫn chỉ thấy bật ra câu cuối của bài sonnet d’Arvers:

"Quelle est donc cette femme?"


Ngày 25 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Nguyễn Khuyến qua đời năm Kỷ Dậu, năm 1909, lúc đó, Việt Nam chưa có nhật trình, nên không cái chết của người ba lần đỗ đầu bảng này không được thông báo bằng những cái cáo phó đăng trên báo.

Nhưng trước khi chết, cụ Nguyễn có để lại một di chúc bằng chữ Hán, và được môn sinh là Trần Tán Bình dịch sang thơ Nôm ngay tại tang lễ. Bản di chúc này cho thấy Nguyễn Khuyến là một con người giản dị khiêm tốn. Cụ Nguyễn dặn dò chuyện ma chay rất kỹ, đừng văn tế, đừng cỗ bàn, đừng minh tinh, đề chủ, đồ khâm liệm cũng không nề xấu tốt, tống táng lăng nhăng qua quít, không nhận phúng điếu, chỉ có cờ biển vua ban thì đem rước đầu tiên, một việc làm mang ý nghĩa tôn kính nhà vua hơn là muốn khoe khoang với thiên hạ về bằng cấp, tước vị lúc sinh thời...

Cho nên nếu gia đình cụ Nguyễn có cáo phó đăng trên báo, thì chắc cũng chỉ là đôi ba dòng giản dị.

Mà cho dù là nếu có cáo phó thì chắc cũng không do ông phó bảng Nguyễn Hoan, tri phủ Kiến Xương, Thái Bình viết, vì ông Hoan, trưởng nam của cụ, đã qua đời trước cụ Nguyễn.

Nhưng ông Nguyễn Hoan, cho là còn sống khi cụ Nguyễn qua đời, và nếu như ông có viết cái cáo phó đăng nhật trình báo tin cái chết của thân phụ, thì chắc ông cũng chỉ viết dăm ba dòng khiêm tốn, giản dị. Qua những bài như Xuân Nhật Thị Tử Hoan (Ngày Xuân Khuyên Con Là Hoan), hay Thị Tử Hoan (Dặn Con Là Hoan) cụ Nguyễn để lại, thì người ta thấy ngay ông Nguyễn Hoan được thân sinh dậy cho đức khiêm tốn, một cách sống giản dị, thanh bần: Danh cư quá mãn ưu lăng tiết nghĩa là danh quá lừng lẫy e lấn át mất khí tiết, hay: Hoạn đào chỉ dĩ khinh tâm trạo nghĩa là bể hoạn sóng gió chỉ nên chèo với tấm lòng coi nhẹ...

Tưởng tượng cái cáo phó thông báo đại tang của ông Nguyễn Hoan mà lại được viết như thế này:

Chúng tôi đau đớn báo tin cha, ông chúng tôi là cụ Nguyễn Khuyến, tự Tam Nguyên... đã qua đời ngày, tháng, năm 1909...

Con trai trưởng: Nguyễn Hoan, phó bảng, tri phủ Kiến Xương, Thái Bình

Con dâu: X cử nhân giáo khoa Việt Hán, giáo sư Việt văn trường trung học XYZ (?)

Cháu nội: Y, sinh viên đang học ở Quốc Tử Giám, ban quản trị kinh doanh, sẽ tốt nghiệp năm 19...

Thì cụ Nguyễn còn đang nằm đấy, sẽ chán như thế nào. Chuyện cụ chết là chuyện không có gì vui của dòng họ Nguyễn, đáng lẽ con cái phải đau buồn, nhưng ông con trai cụ lợi dụng ngay cái chết của bố để lôi tí bằng cấp, chức vụ ra giật le với làng xóm thì ông đau khổ nỗi gì đây? Cụ Nguyễn đọc cái cáo phó ấy làm sao có thể tin nổi rằng ông trưởng nam có buồn khổ trước cái chết của cụ. Cái cáo phó đầy huênh hoang ấy chắc chắn làm cho cụ thấy ngay là ông con của cụ chỉ nhân dịp đại tang, viết cái cáo phó, lôi hết bằng cấp, chức vụ của mình ra khoe, rồi lại khoe luôn cả cho vợ, tức là con dâu cũng là người có học, đỗ tới cử nhân giáo khoa Việt Hán (?), lại còn đi dậy học nữa mới hung tàn. Rồi luôn cả con trai của ông ta, tức là cháu nội cụ đang học ở Văn Miếu, chưa ra trường, cũng được bố lợi dụng ông nội chết lôi lên báo cho thiên hạ biết tay.

Rất may, gia đình cụ Yên Ðổ không làm cái công việc nực cười đó, những điều kể trên chỉ là sản phẩm của tưởng tượng chứ không hề là một chủ ý xúc phạm ông Nguyễn Hoan mà cụ đã khóc bằng đôi câu đối này:

Bảng vàng bia đá nghìn thu, tiếc cho người ấy
Tóc bạc da mồi trăm tuổi, thiệt lắm con ơi!

Nhưng bạn có biết là ở ngoài đời thật, đã có cái cáo phó nhâng nháo với những khoe khoang bằng cấp, chức vụ của con trai, con gái, cháu nội như vậy không? Chuyện kinh khiếp đó chẳng phải là sản phẩm của trí tưởng tượng bao giờ.

Vì trí tưởng tượng của một người bình thường, dẫu có để cho chắp cánh, bay lượn một cách hung hãn, hoang dại, khùng điên nhất cũng không thể sản xuất ra được một cái cáo phó ghê rợn như thế. Trong lúc đau đớn của đại tang, ai lại làm vậy bao giờ.


Ngày 26 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ xuất bản năm 1992 ở Hà Nội có những cách định nghĩa rất kỳ cục, lại thêm rất nhiều sai sót, làm khó chịu những người khi có việc phải dùng tới nó.

Nhưng cũng có những trường hợp định nghĩa không kỳ cục, không sai, nhưng hết sức là tức cười. Tức cười vì người soạn từ điển không theo một lối, một qui ước về định nghĩa nào.

Thí dụ về những giống thú, khi định nghĩa, thì phải cho biết nó thuộc về họ nào, những chi tiết về tầm vóc, cách sinh hoạt vân vân. Ðịnh nghĩa về hổ thì phải cho biết nó họ mèo, cao bao nhiêu, dài bao nhiêu, sống ở đâu, những vùng nào, sống thành bầy như sư tử hay sống một mình, kiếm ăn như thế nào, hiện đang bị đe dọa và có thể bị tuyệt chủng hay không vân vân.

Hôm trước, cần định nghĩa về loài sâm cầm, tôi dùng cuốn tự điển này thì được đọc một định nghĩa chưa bao giờ thấy trước đây ở bất cứ một cuốn tự điển nào.

Một định nghĩa bình thường thì có thể sẽ như thế này: chim sống ở ao, sông, hồ thuộc họ vịt; chim trống sải cánh có thể tới 60cm chim mái nhỏ hơn, ăn tạp, ưa nước, không thuận khí hậu lạnh vân vân.

Nhưng ở trang 839, người ta đọc được những giòng nguyên văn như thế này để giải thích hai chữ sâm cầm: "chim sống ở nước, lông đen, mỏ trắng, sống ở phương Bắc, trú đông ở phương Nam, thịt ngon và thơm."

Nhà làm từ điển trong khi không cho biết những chi tiết như kích thước, tầm vóc, cách sinh hoạt để người đọc có được một hình ảnh rõ hơn về giống chim này thì lại cung cấp những chi tiết hoàn toàn không cần thiết và thích hợp. Những chi tiết không cần thiết và không thích hợp trong định nghĩa của sâm cầm là "thịt ngon và thơm".

Ðang mô tả, đang định nghĩa loài chim thấy khá nhiều ở Hồ Tây ngoại thành Hà Nội, chàng lôi tắp nó xuống bếp cắt tiết, đánh đĩa tiết canh, thịt thì luộc, cổ cánh đem băm nấu canh. Nên chua thêm "thịt ngon và thơm" vào định nghĩa.

Làm từ điển mà tham ăn như vậy thì xấu quá. Mà nhà làm từ điển này lại là người rất hay ăn. Cái tật hay ăn của chàng được thấy khá nhiều lần trong cuốn từ điển. Thí dụ chàng định nghĩa gà đồng: ếch, nói về mặt thịt ăn được và ngon (trang 370). Hay rươi: giun đất, thân có nhiều tơ nhỏ, sinh theo mùa, ở vùng nước lợ, có thể ăn được(trang 827). Hay ếch: loài ếch nhái không đuôi, thân ngắn, da trơn sống ở ao đầm, thịt ăn được (trang 367). Hay trứng lộn: trứng vịt, trứng gà đã ấp dở, bắt đầu thành hình con, dùng để luộc làm món ăn (trang 1037). Hay măng: mầm tre, vầu non mới mọc từ gốc lên, có thể dùng làm thức ăn (trang 614). Hay mực: động vật ở biển, thân mềm, chân ở đầu và có hình tua, có túi chứa chất lỏng đen như mực, thịt ăn được (trang 648). Hay thỏ: thú gậm nhấm, tai to và dài, lông dầy mượt, nuôi để lấy thịt và lông (trang 929). Hay mướp: cây trồng thân leo, hoa đơn tính mầu vàng, quả dài, dùng làm thức ăn (trang 649) và cùng trang, dưới 5 giòng, là mướp đắng... cũng dùng làm thức ăn...

Như thế, bất cứ gì, thực vật hay động vật, cứ ăn được là chàng cẩn thận ghi vào từ điển: ăn được, dùng để ăn, ăn ngon...

Những chữ kể trên (chưa có thì giờ tìm hết nhưng chắc phải còn nhiều) khi dùng Việt Nam Tự Ðiển của hội Khai Trí Tiến Ðức hay Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ, người ta không thấy cái ám ảnh ăn uống như trong cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ. Nếu có thêm chi tiết ăn được hay không, thì cũng là rất ít. Không nhiều như nhà làm từ điển tham ăn của Hà Nội.

Có phải vì những cuốn tự điển kia được soạn trong lúc các nhà làm tự điển được ăn uống tử tế và đầy đủ không?

Khi đói, dứt khoát là không nên làm từ điển.


Ngày 27 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Dẫu có nói gì đi chăng nữa thì người ta vẫn phải công nhận Elsie Poncher là một người phụ nữ tử tế. Cho dù bây giờ nàng quyết định không để cho ông chồng tiếp tục ở cái chỗ ông đã ở từ năm 1986. Bề gì thì Elsie Poncher cũng đã cho ông ở đó suốt 23 năm. Bây giờ thì Elsie Poncher muốn đưa ông đi chỗ khác.

Chỉ riêng chuyện nàng để cho ông chồng ở đó không thôi cũng đủ cho thấy nàng là người tốt. Lại còn để cho ông ở đó suốt bằng ấy năm trời trong một tư tế rất là quái đản mà không một người vợ bình thường nào chịu để cho người chồng của mình làm như thế, dẫu cho là chỉ nửa tiếng đồng hồ (?), nói chi tới suốt 23 năm.

Trước khi chết, ông yêu cầu nàng, thay vì đặt ông nằm ngửa trong quan tài, thì để cho ông nằm sấp và đem chôn ông trong tư thế đó.

Thực ra, nói chôn cũng không đúng. Quan tài đựng xác của ông được gắn rất kín, và để vào trong một cái ngăn ở trên mặt đất.

Và trong cái ngăn ngay phía dưới ngăn của ông, là xác của một người phụ nữ đẹp vào bậc nhất thế kỷ thứ 20.

Người phụ nữ ấy là Marilyn Monroe. Ông chồng của Elsie Poncher mua được cái ngăn kéo đặt quan tài ngay ở phía trên cái ngăn của Marilyn Monroe.

Và vì thế, ông mới xin với Elsie là khi ông chết, đừng đốt, đừng chôn, cứ bỏ xác ông vào, cho nằm sấp, rồi đặt quan tài vào cái ngăn ông mua của Joe DiMaggio, chồng cũ của Marilyn Monroe khi Joe và Marilyn chia tay nhau hồi năm 1962.

Ông nói là ông muốn nằm sấp chỉ để ngó (?) xuống Marilyn mà thôi. Thấy khi qua đời, ông đã 82 tuổi, Elsie Poncher tin là nếu ông không ngó thì ông cũng chẳng làm ăn gì được nữa. Nên Elsie cho ông toại ý. Thế là ông được cho nằm trên (?) Marilyn Monroe trong suốt 23 năm qua ở nghĩa trang Westwood Village Memorial Park.

Marilyn Monroe được cho vào cái ngăn của nàng năm 1962. Ðúng 24 năm sau, thì có người vào nằm ở trên. Người đàn ông 82 tuổi ấy là chồng của Elsie Poncher.

Mới đây, Elsie cần tiền trả tiền nhà. Nàng đang ở căn nhà trị giá hơn một triệu. Nàng phải vất vả lắm mới tiếp tục ở lại được căn nhà ấy. Nàng liền nghĩ tới ông chồng quá cố từ hơn hai mươi năm. Cho ông thỏa mãn như vậy đủ rồi. Hai mươi bốn năm nằm trên Marilyn Monroe chứ bộ một chị khác, hay một ông Mỹ bệu rệu nào khác đâu. Nàng cần căn nhà hơn ông. Hai mươi ba năm ở đó đã là quá đủ. Nàng bèn rao bán đấu giá cái ngăn của ông để lấy tiền trả tiền nhà. Nàng đặt giá sơ khởi là 500 ngàn đô la. Sau khoảng 10 ngày, một người đàn ông Nhật chán không muốn khi chết bị chôn ở Nhật, đã trả 4 triệu 602 ngàn 100 đô la để mua cái ngăn ở trên cái ngăn của Marilyn Monroe.

Nhưng chỉ hai ba ngày sau, người đàn ông Nhật này nghĩ lại. Chắc ông thấy là đem xác sang gửi ở Los Angeles thì chán chết. Thỉnh thoảng lạng quạng bò ra ngoài chơi, lạc đường xuống quận Cam đi ngoài đường toàn gặp những nhân loại với những khuôn mặt bí xị, nhường đường cho đi cũng không tặng lại cho một cái nhếch mép, giữ cửa cho đi ra cũng vẫn cứ tiếp tục buồn xa vắng, đạp phải chân người khác thì vẫn cứ nghiêm và buồn, nói điện thoại cầm tay mà lúc nào cũng như hét lên, mặt mũi lúc nào cũng như vừa ăn một củ gừng to tổ chảng thì làm sao sống?

Nghĩ lại thì thấy dẫu sao, ở lại Nhật, kiếm chỗ nào gần nơi có Kim Các Tự, hay lầu Bạch Hạc, nghe tiếng chuông chùa ở Edo, ngó lên thấy hoa anh đào ở hoàng cung chắc là có lý hơn.

Thế là ông Nhật đổi ý. Không mua nữa. Giá như mua mà được nằm gần người nữ diễn viên khi nàng đang đóng River Of No Return, hay Gentlemen Prefer Blondes, hay Seven Years Of Itch … thì cũng được đi, dẫu có tiêu hơn 4 triệu 600 ngàn đô la cũng được. Chứ vào nằm bên cạnh một cụ bà 83 tuổi thì thà ở nhà hát karaoke với mẹ cháu còn sướng hơn nhiều.

Cái ngăn đó nay được bán cho người trả 4 triệu 500 ngàn. Nhưng nếu vẫn còn có người muốn được nằm gần Marilyn Monroe thì hiện còn một cái cách vài ba ngăn được bán với giá 250 ngàn đô la. Ngăn bên cạnh của Marilyn đã có người mua. Người đàn ông mua nó là Hugh Hefner, chủ bút tờ Playboy.

Nhưng cũng tội cho người đàn ông này.

Sống làm chồng khắp người ta, chết xuống âm phủ thành ma không vợ.

Nên chàng đành phải lo trước cho mình cái chỗ nằm cạnh Marilyn Monroe. Thỉnh thoảng cô đơn quá, quay sang bên cạnh, quờ quạng còn thấy bà cụ ngoại bát tuần (?) chứ quờ tay sang chỉ thấy cái gối ôm … ướt nhẹp thì chán biết là chừng nào!

Chỉ tội cho Marilyn Monroe cho đến nay vẫn chưa được yên nghỉ như mấy chữ khắc trên tấm bia: REST IN PEACE.

Thỉnh thoảng lại có một anh đười ươi vào xin nằm cạnh thì có chán đời không cơ chứ.

Tưởng tượng một anh nằm sấp ở trên, một anh nằm ngửa ở dưới. Một anh nằm nghiêng phía bên trái, một anh nằm nghiêng phía bên phải thì làm sao mà yên giấc nghìn thu cho được?


Ngày 28 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Những chi tiết bên cạnh vụ Jasmine Fiore, một kiểu mẫu áo tắm bị giết ở California mới đây đã cho những người không biết gì về chuyện bơm ngực những hiểu biết hết sức mới lạ.

Báo chí cho hay nạn nhân sau khi bị giết, còn bị nhổ hết hai hàm răng, tất cả các ngón tay đều bị cắt để cảnh sát không thể tìm ra tên tuổi của nạn nhân qua hình quang tuyến chụp tại các phòng răng và qua dấu tay lưu trữ tại các cơ quan công lực.

Nhưng cảnh sát vẫn tìm ra căn cước của nạn nhân nhờ những mã số ghi trên những bao silicone độn trong ngực nạn nhân.

Chi tiết này, với những người chưa bao giờ bơm vú và cũng không hề có kinh nghiệm về những bộ ngực được bơm (không phải của mình), là những chi tiết hoàn toàn mới lạ.

Trước khi đọc được những chi tiết này, những ngươi cù lần , kinh nghiệm sống không có bao nhiêu, cứ tưởng là dịch vụ chỉnh trang đô thị chỉ gồm việc cắt hai đường cắt, nhồi hai bịch silicone hay hai bịch nước biển vào, rồi khâu lại. Sau đó, người được chỉnh trang đô thị ngồi dậy, nhồi nhét các bộ phận vừa được tăng cường vào những chiếc nịt vú mới mua với những chữ D thay cho những chữ A, B kém mở mang và về nhà kiếm vài ba cái áo size nhỏ hơn mặc vào cho chật ních, rồi đi dạo phố Bolsa. Nhưng nay thì những người đàn ông cù lần đó đã biết là trên những cái bịch plastic, silicone, nước biển đó có những con số để không có thể lầm lẫn được. Thí dụ không thể bịch của người này lại tưởng là bịch của người khác được nữa.

Hệt như những bộ phận gắn trong xe hơi, trên máy bay và các sản phẩm kỹ nghệ khác, những cái bịch này đều có số hết.

Từ nay, câu mà người ta hay nói rằng giầy dép còn có số nữa là con người ta, có thể sửa lại thành bịch silicone cũng còn có số nữa là con người ta.

Sự kiện những cái bịch ấy có số đã làm cho việc làm của cảnh sát dễ dàng và giản dị đi nhiều. Nếu những cái bịch trong người của cô nữ kiểu mẫu Jasmine Fiore không có mã số thì tới nay chưa chắc cảnh sát đã tìm ra được căn cước của nạn nhân.

Các hồ sơ của các phòng giải phẫu thẩm mỹ đều ghi lại những chi tiết này, số bao nhiêu, đặt vào cho ai, ai trả tiền, đã sang tên cho ai, chủ nhân của chúng là ai, có phải là người đang mang chúng trong người hay là một người khác, bảo hiểm của công ty nào, chi phí bảo trì là bao nhiêu, do ai trả, ai là người được quyền sử dụng (?) chúng …

Nếu những con số và các dữ kiện kể trên có thể được ghi trên những cái bịch đó thì tại sao lại không gắn trên thêm các kỹ thuật khác để tiện về theo dõi hơn. Thí dụ hệ thống định vị bằng vệ tinh GPS để cho biết chúng (?) đi những đâu, đang ở đâu nếu muốn tìm chúng. Kỹ thuật mới cũng có thể ghi lại rõ những áp xuất (?) ở trên những cái bịch đó để có thể biết là chỉ có một hệ thống áp xuất (?) hay nhiều hệ thống áp xuất khác nhau ở trên (?) chúng. Các dữ kiện này có thể được nạp vào máy điện tóan ở nhà để có thể truy cập vào máy và biết được hành trình và hoạt động của chúng.

Tiện biết là chừng nào.

Và nếu mấy con chó mèo có thể được gắn cho mấy cái micro chip, mấy cái mạch vi điện tử có các dữ kiện về địa chỉ, chủ nhân của chúng thì tại sao những người phụ nữ không thể đem những người đàn ông đi gắn những cái micro chip để không ai có thể lẫn lộn chủ quyền được. Thí dụ phải có password chúng mới có thể hoạt động được. Không đúng mã số, thì chúng cứ tiếp tục xuội lơ, trên bảo dưới không nghe. Những cái micro chip đó cũng có thể nạp một chương trình điện toán vào để sau khi hoàn tất phi vụ, nó sẽ phát ra một câu đại khái "Thank you, (tên chủ nhân)" và một cái ngáp lớn để phía bên kia không biết là mệt quá buồn ngủ hay chán quá, ngáp chơi cho vui.

Và nếu cái tên không phải là cái tên của phía bên kia thì có bị đánh cho mấy đấm, cào mấy đường cho đáng đời cái thứ hay đi ăn cơm tiệm, rồi đạp thẳng ra ngoài cửa cho mà về nhà với mẹ cháu có phải vui không nào.

Bùi Bảo Trúc


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 45)

Bản chuyển tả do Nhã Lan thực hiện. Bài học số 45 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

NHÃ LAN

Hôm nay Nhã Lan có thư của một khán giả gửi cho chương trình muốn được giải thích về động từ TO MIND. Nhã Lan thấy đây cũng là một động từ rất lý thú mà Nhã Lan chỉ mới biết được có vài ba nghĩa của nó.

BBT

Cô Nhã Lan nói đúng, tôi nghĩ động từ TO MIND ít nhất cũng 4 nghĩa khác nhau. Nó cũng còn vài ba nghĩa khác nữa, nhưng ít khi gặp nên tôi sẽ không đề cập ở đây. Trước hết, hãy nói về những nghĩa thường gặp nhất của động từ này. Sau đó là một số idiom, một số thành ngữ có động từ TO MIND ở trong. Và cuối cùng, cách dùng nó sao cho đúng.

QA

QA biết một nghĩa của động từ TO MIND. QA hiểu TO MIND với nghĩa là quan tâm, lưu tâm, để ý, coi chuyện gì đó là quan trọng. Vừa tuần qua, QA đưa hai cô con gái đi shopping. Buổi chiều QA hỏi hai đứa muốn ăn gì, ăn cơm Tầu hay ăn cơm Việt thì cả hai đều nhún vui nói "I DON’T MIND". QA hiểu câu đó có nghĩa là không quan trọng, không nhất thiết phải là cơm Tầu hay cơm Việt. QA không thích câu này. Nhưng nghe nó cũng còn nhẹ hơn là câu " I DON’T CARE!" nghĩa là không cần.

Con gái lớn của QA thỉnh thoảng nói "WHATEVER YOU SAY, MOM!" thì lại dễ nghe hơn phải không thưa thầy?

BBT

Ðồng ý với cô QA. Nhưng hai cô thấy gì đặc biệt khi động từ TO MIND trong câu vừa rồi không? Ðó là nó xuất hiện trong thể phủ định trong một số trường hợp.

I DON’T MIND HIS SINGING nghĩa là tôi không phiền, cũng không vui về chuyện hát hỏng của ông ta.

I DON’T MIND THE WEATHER là tôi không quan tâm mấy về thời tiết lạnh cũng không sợ mà nóng cũng không bực bội.

I DON’T MIND HIS BLUNTNESS là tôi không phiền, lưu ý, quan tâm về cái lối ăn nói sống sượng huỵch toẹt của anh ta. Chỉ họa hoằn lắm nó mới được dùng trong thể xác định (AFFIRMATIVE).

NHÃ LAN

Anh cho Nhã Lan hỏi câu này, cũng là tiếng Anh của mấy cô con gái ở nhà. Hai đứa con Nhã Lan thỉnh thoảng nói với nhau MYOB là gì thưa anh? Nhã Lan hiểu lơ mơ trong đó có MIND cái gì đó phải không anh?

BBT

Ðúng, cô nghe đúng đó nhưng MYOB không chỉ có MIND không, mà còn chữ Y viết tắt của YOUR; chữ O viết tắt của OWN; chữ B viết tắt của BUSINESS. MYOB viết nguyên và đầy đủ, không viết tắt là MIND YOUR OWN BUSINESS là hãy lo chuyện của mình đi, đừng có xía vào chuyện người khác. Nói toàn câu MIND YOUR OWN BUSINESS thì dài quá, người ta nói tắt cho ngắn gọn lại. MYOB. Cũng như khi nói I WANT YOU TO FINISH THIS ASAP. ASAP bây giờ thấy xuất hiện thường hơn trong những thư từ, văn thư , thư trong e-mail. ASAP là viết tắt, nói tắt của AS SOON AS POSSIBLE là càng sớm càng tốt.

MYOB được dùng thay thế cho câu này nghe "rùng rợn" hơn: IT IS NONE OF / NOT YOUR BUSINESS. Chuyện không phải của anh, của ông, bà, chị… Muốn nói cho mạnh hơn một chút thì thêm chữ BLOODY vào. BLOODY cũng không tục tĩu cho lắm vì nay, chữ này càng ngày càng được nhiều người dùng : NONE OF YOUR BLOODY BUSINESS!

Nhưng cẩn thận là nói xong có thể chiến tranh lớn chứ không nhỏ đâu.

NHÃ LAN

Trong một tấm post-card của cô bạn đi Nhật gửi cho, QA thấy hình cái cửa trong một ngôi chùa cổ, với hàng chữ MIND YOUR HEAD nghĩa là coi chừng cái đầu phải không thầy? Nhưng tại sao lại phải dặn dò du khách MIND YOUR HEAD?

BBT

MIND YOUR HEAD nghĩa là coi chừng đụng đầu. MIND ở đây có nghĩa là coi chừng. Cái chùa cổ ở Nhật được xây cho những người Nhật với chiều cao khiêm tốn. Du khách nước ngoài cao hơn nên phải cảnh cáo bằng tấm bảng ghi hàng chữ đó.Thí dụ muốn căn dặn "coi chừng lời nói" thì QA phải nói thế nào bằng tiếng Anh?

QA

MIND YOUR WORDS hay MIND WHAT YOU SAY. QA nhớ có xem một tấm poster của thời đệ nhị thế chiến với hàng chữ MIND WHAT YOU SAY! WORDS CAN SINK SHIPS! nghĩa là gì thưa thầy?

BBT

Tôi chắc đó là tấm bích chương cảnh cáo người dân Mỹ là phải coi chừng lời ăn tiếng nói, có gián điệp ở khắp nơi và những bí mật quân sự khi bị lộ ra, địch có thể dùng những tin tức mật đó để đánh chìm tầu của chúng ta.

TO MIND còn có nghĩa là coi chừng, chăm sóc, coi sóc. Cô Nhã Lan nói câu này bằng tiếng Anh coi. Xin làm ơn để ý em bé trong lúc tôi lên lầu một chút.

NHÃ LAN:

PLEASE MIND THE BABY WHILE I GO UPSTAIRS.

QA

QA còn nghe câu này nữa: WHO IS MINDING THE STORE? Anh giảng cho nghe tại sao lại có câu này?

BBT

Thực ra, khi nói câu này, thì chúng ta không có cái cửa tiệm nào để phải đứng coi tiệm cả. Ðây là một lối nói. Thí dụ cả nhà ngồi say sưa coi phim bộ Hồng Kông, chợt có người nhớ ra là cửa trước nhà mở toang, nồi bún bò đang sôi sùng sục ở trong bếp, món BBQ sắp cháy ở sân sau … người ấy hét lên rằng WHO IS MINDING THE STORE? thì câu ấy chỉ có nghĩa là ai coi chừng mọi chuyện đây, kéo hết vào phòng khách coi phim bộ trộm nó khiêng nhà đi cũng không biết…

Ðộng từ TO MIND còn có nghĩa là để ý, lưu ý, coi chừng. Thí dụ khi nói YOU SHOULD MIND THE MAN LIVING NEXTDOOR AND HIS PITBULL nghĩa là phải coi chừng người đàn ông bên cạnh nhà với con pitbull dữ tợn của ông ấy. Nhìn chung thì động từ này có nghĩa là để ý, coi chừng, suy nghĩ, quan tâm, coi một chuyện gì đó là quan trọng.

Nhân đây, tôi muốn hai cô biết một câu cũng hay gặp lắm. Ðó là câu MIND YOU , bao giờ cũng là MIND YOU, không bao giờ là YOU MIND. Câu này được nói cho ngôi thứ HAI, tức là người đang nói chuyện, đang đối diện với chúng ta. MIND YOU nghĩa là tôi muốn ông coi chừng, tôi muốn ông hiểu, tôi muốn ông biết rõ là …

MIND YOU, THE BUS LEAVES AT 10 O’CLOCK. Nhã Lan cho nghe vài thí dụ coi, dùng MIND YOU như để nhắc nhớ, dặn ai coi chừng chuyện gì đó…

NHÃ LAN

MIND YOU, THANKSGIVING IS COMING SOONER THAN YOU THINK.

MIND YOU, THE ELECTRIC BILL IS STILL ON THE TABLE.

QA

QA chắc phải có lý do nào người ta mói nói MIND YOU phải không anh? Chứ tại sao khi không lại chẳng có chủ từ gì hết, chỉ có cái túc từ YOU ở sau.

BBT

Cô nói đúng. Ðáng lẽ phải nói đầy đủ là I WANT TO REMIND YOU THAT nghĩa là tôi muốn nhắc ông rằng. TO REMIND là nhắc, làm cho ai nhớ tới chuyện gì, vật gì, hay là ai đó, người nào đó.

QA

Như khi QA nói SHE REMINDS ME OF HER MOTHER. Hay PLEASE REMIND ME TO GIVE YOU THE BOOK.

NHÃ LAN

Bây giờ, xin anh dậy cho lớp của anh mấy idiom hay gặp có động từ TO MIND và danh từ MIND là đầu óc, tâm hồn … như anh đã hứa.

BBT

Tôi không quên đâu. Tưởng tượng hai cô đưa con vào tiệm ăn, các cháu cứ đọc tờ menu mãi, sốt ruột quá, mẹ nói với con như thế nào, chọn món gì thì chọn đi, quyết định đi, ăn cho nhanh còn đi shop tiếp. Cô Nhã Lan nói thử coi. Quyết định là TO MAKE UP ONE’S MIND.

NHÃ LAN

COME ON, MAKE UP YOUR MIND! WE DO NOT HAVE ALL NIGHT.

BBT

HAVE YOU MADE UP YOUR MIND?

I HAVE MADE UP MY MIND. I DO NOT WANT A LEXUS.

Cô QA thử dịch câu này sang tiếng Anh nhé: "Những tâm hồn lớn suy nghĩ giống nhau."

QA

Tâm hồn là MIND. Lớn là GREAT. Nghĩ là THINK. Giống nhau là THE SAME. GREAT MINDS THINK THE SAME.

BBT

Ðúng. Văn phạm thì đúng. Nhưng người ta nói GREAT MINDS THINK ALIKE cho vần hơn. MINDS và ALIKE vần với nhau tuy không toàn bích lắm.

Bây giờ tôi có một câu rất gần với lối nói của người Việt. Xa mặt, cách lòng. Câu này cũng dùng danh từ MIND nghĩa là đầu óc, tâm hồn. Thôi, để nói luôn cho hai cô nghe vậy.

SIGHT là thị giác, là mắt nhìn. OUT OF SIGHT nghĩa là ở khuất lấp, ở chỗ không nhìn thấy, ngoài khả năng của thị giác, không trong tầm mắt là OUT OF SIGHT. Thì …

NHÃ LAN

Thì OUT OF MIND luôn. Toàn thể câu tục ngữ là OUT OF SIGHT, OUT OF MIND. Ðúng không thưa thầy?

BBT

Ðúng. Nhân dùng chữ SIGHT là thị giác, là sự nhận biết bằng mắt để chỉ cho hai cô câu tục ngữ vừa kể trên, tôi chắc hai cô thế nào trong đời chẳng đã có lần có được tình cảm này: LOVE AT FIRST SIGHT. Nghĩa là gì cô QA?

QA

QA biết câu này vì mấy tháng trước QA dẫn con gái lên thăm đại học. Cháu nó thấy trường Riverside là mê luôn. Nó đòi đi học ở đó thay vì đi thêm các trường khác. Anh nó nói IT WAS LOVE AT FIRST SIGHT FOR HER. Tức là thấy là thích ngay.

BBT

Còn hơn thế nữa. LOVE AT FIRST SIGHT dễ sợ hơn nhiều. Thấy lần đầu là chân tay bủn rủn, mắt tóe sao, sấm sét nổ đùng đùng như thể Trương Chi trông thấy Mỵ Nương lần đầu ở dinh quan thừa tướng.

NHÃ LAN

Nhã Lan gọi đó là cú sấm sét. Nhưng tại sao trong tiếng Việt lại có lối nói nghe Tây quá vậy?

BBT

Tại vì câu đó chúng ta mượn của Tây. Nguyên văn tiếng Pháp là COUP DE FOUDRE, cú sấm sét. Chúng ta đi quá xa rồi , bây giờ phải quay trở lại. Câu này cũng nên biết: NEVER MIND. Câu này nghĩa là đừng lo, đừng ngại, đừng sợ.

QA

Gần nhà QA có một căn nhà có treo trước cổng cái bảng trên có vẽ hình một con chó Nhật xinh lắm. Một bữa QA nhìn kỹ tấm bảng thì đọc rõ thấy câu: NEVER MIND THE DOG! BEWARE OF THE OWNER!

QA không biết động từ BEWARE là gì.

BBT

Câu này được dùng để cảnh cáo ai đi gần sân nhà của ông ta. Thông thường thì người ta nói BEWARE OF THE DOG! Nghĩa là coi chừng chó dữ như bên Tây nhà cửa có treo bảng CHIEN MÉCHANT! Là chó dữ. Nhưng con chó gần nhà cô QA nhỏ xíu thì việc gì phải sợ thế nên ông chủ nhà cẩn thận: Ðừng sợ chó, coi chừng chủ nhà!

NEVER MIND được dùng để trấn an, khuyên không nên sợ hãi, không cần phải quan tâm. Thí dụ cô Nhã Lan dẫn con vào tiệm xem cái áo. Con gái đắn đo về cái giá tiền. Cô nói với cháu là đừng lo, đừng ngại giá tiền, mẹ mua cho con làm quà sinh nhật thì cô nói thế nào?

NHÃ LAN

NEVER MIND THE COST! IT IS MY BIRTHDAY PRESENT TO YOU.

BBT

Ðúng lắm. Còn cô QA cho nghe một thí dụ với NEVER MIND coi.

QA

Bữa đó QA đến nhà cô bạn Mỹ của con gái QA chơi, vô ý QA làm bể cái ly uống nước. Bà chủ nhà nói ngay NEVER MIND, IT IS ALREADY CRACKED… Không sao đâu, cái ly đã nứt từ trước rồi. Vậy NEVER MIND nói cách khác là NO STAR WHERE phải không thầy?

BBT

Muốn biết phải hay không phải, cô về nói thử với con của cô ở , mấy đứa Mỹ con của cô nói tiếng Anh như gió, coi chúng có hiểu không. Tôi cũng biết nhiều câu Việt Mỹ đề huề như thế… Còn một thành ngữ này hai cô cũng nên biết: MIND YOUR P’S AND Q’S. Thành ngữ này có nghĩa là nên để ý, cẩn thận từ lời ăn tiếng nói cho đến mọi chuyện chúng ta làm. Lý do là vì khi không viết hoa, không dùng chữ capital, thì chữ "p" và chữ "q" có thể lầm chữ nọ thành chữ kia. Cũng như chúng ta nói "chữ TÁC đánh chữ TỘ, chữ NGỘ đánh chữ QUÁ." Ông Trần Tế Xương vì không MINDS HIS P’S AND Q’S , trông thấy chữ KIÊN, đọc thành chữ TIỆP nên thi không đậu.

NHÃ LAN

Thưa anh, khi nói là tôi đã chán ông ấy lắm rồi, tôi chỉ muốn bỏ ông ấy ra ngoài đầu óc của tôi thì nói thế nào?

BBT

Coi bộ có vấn đề rồi đó. QA nói thử coi: Tôi muốn giữ cho ông ấy ở ngoài cái đầu óc của tôi.

QA

I WANT TO KEEP HIM OUT OF MY MIND có đúng không thưa thầy?

BBT

Không thể nào đúng hơn được.

NHÃ LAN

Nhã Lan có nghe Willie Nelson hát bài YOU ARE ALWAYS ON MY MIND cảm động lắm. Còn Ray Charles thì có bài GEORGIA ON MY MIND.

QA

Anh cho QA hỏi là dùng ON MY MIND hay IN MY MIND?

BBT

Dùng IN cũng được mà ON cũng được. Nhưng trong trường hợp khi nói là nhớ, đừng quên, ghi vào đầu thì chúng ta nói KEEP IT IN MIND. Hay khi nói trong đầu tôi, tôi không bao giờ quên những ngày ở Huế thì chúng ta cũng nói IN: IN MY MIND ARE THE DAYS I SPENT IN HUE.

Bây giờ còn một thành ngữ nữa tôi muốn hai cô biết. Ðó là TO BE OUT OF ONE’S MIND, nghĩa là gì, cô Nhã Lan đoán thử coi.

NHÃ LAN

TO BE OUT OF ONE’S MIND là điên, là khùng, là ngớ ngẩn, là mát dây.

BBT

Ðúng rồi. ARE YOU OUT OF YOUR MIND? WHY ARE YOU CUTTING UP YOUR MONEY? Nghĩa là gì cô QA?

QA

ARE YOU OUT OF YOUR MIND? WHY ARE YOU CUTTING UP YOUR MONEY? Nghĩa là ông điên hay sao? Tại sao ông lại cắt nát tiền như thế này?

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ cô Nhã Lan cho một câu thí dụ với TO BE OUT OF ONE’S MIND.

NHÃ LAN

PRINCE CHARLES MUST BE OUT OF HIS MIND TO DIVORCE PRINCESS DIANA.

BBT

Hay lắm. QA muốn hỏi gì đây?

QA

QA muốn anh giảng cách dùng của TO MIND. QA thấy rắc rối quá.

BBT

Thực ra thì cũng không khó như cô nghĩ đâu.

Sau TO MIND, chúng ta dùng VERB+ING. Thí dụ DO YOU MIND SPEAKING A LITTLE LOUDER?

DO YOU MIND NOT SMOKING?

Chỉ có cách trả lời những câu này thì nên cẩn thận mà thôi.

Tôi nhớ có một lần đang ngồi ăn trưa trong cafeteria của đại học thì có một nữ sinh viên với một khay thức ăn tiến đến và hỏi tôi: DO YOU MIND ME SITTING HERE? Bằng tất cả sự hiếu khách cùa tôi, tôi trả lời YES! Cô liền bưng khay thức căn đi bàn khác. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng ngồi ăn tiếp. Tuy nhiên, khi người sinh viên thứ ba đến xin ngồi cùng bàn đều rồi lại cũng bỏ đi như những giòng sông nhỏ thì tôi lẩm bẩm câu hỏi của họ và câu trả lời của tôi để xem tại sao cứ hỏi, rồi lại bỏ đi bàn khác ngồi, thì một lúc sau tôi hiểu. DO YOU MIND ME SITTING HERE? là ông có phiền khi tôi ngồi xuống đây không. Tôi trả lời YES thì câu trả lời cho thấy là tôi phiền lắm. Bỏ đi là phải. Người thứ tư đến hỏi, tôi đứng dậy, nói nhanh: PLEASE SIT DOWN!

QA

Trả lời YES không được sao anh?

BBT

Phải trả lời NO, OF COUSE NOT! Là thưa không, chẳng phiền gì hết… Hay là đứng dậy, cầm cái đàn ghi ta và hát lớn "hãy ngồi xuống đây bên con vực này ngó xuống thương đau" như nhạc Lê Uyên Phương là ngồi xuống ngay.

QA

Thưa quí vị khán giả, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.

August 20, 2009

August 21, 2009

Ngày 17 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Ở Mỹ có truyền thống là liền ngay sau ngày Giáng Sinh, cả nước Mỹ mang đi trả lại, hay đổi những món quà nhận được mấy hôm trước đó. Thí dụ cái ca vát hay chai nước hoa không... vừa chẳng hạn.

Những người đi trả hay đổi quà, tuy có mất thì giờ, mất công một chút, nhưng họ là những người hạnh phúc vô cùng. Không thích những thứ đó, họ đem đổi hay trả lại, lấy lại tiền. Nhưng tôi thì không, vì món quà tôi nhận được thì không cách nào đem trả lại được, và mãi tới hôm nay, tôi vẫn còn khổ sở, vất vả với nó.

Tôi nhớ rất rõ hôm tôi nhận được nó. Người tặng tôi là một người đàn ông thỉnh thoảng gặp ở nhà một vài người bạn khác, cũng có khi ở tiệm phở quen khi ghé qua ăn sáng. Và tuần trước, trong một buổi sáng ghé tiệm phở, thì tôi lại gặp ông.

Sáng hôm ấy, trông ông như cái giẻ lau cũ và rách. Ông xấu trai không thể nói hết. Cái áo len mặc bên ngoài, cái khăn quàng quanh cổ, cái mũ xùm xụp che gần hết mặt. Ông đi thẳng về bàn tôi đang ngồi, thò tay bắt tay tôi và tôi chưa kịp chào hỏi, bầy tỏ đôi điều quan tâm về dung nhan và sức khỏe của ông, thì ông kéo ghế ngồi xuống, và cho biết ông đang bị cúm hành gần chết.

Tôi không thể bưng tô phở di tản sang bàn khác, cũng không thể đứng dậy đi rửa tay bằng xà phòng antibacteria như tôi vẫn được căn dặn khi chích ngừa cúm. Xã hội văn minh không cho phép chúng ta làm như thế. Cái điện thoại di động dở chứng tự nhiên không thấy kêu réo như những lúc khác, để ít nhất tôi có ngay được một lý do bỏ tô phở, nín thở, chạy ù té ra ngoài, nhẩy lên xe trốn những con cúm của ông đang bay lượn, nhẩy múa, uốn éo, bẹo hình bẹo dạng trong không khí của tiệm phở...

Tôi đang nghĩ cách để bỏ đi, thì ông lên tiếng hỏi tôi mấy câu, lại còn ghé sát sang nửa bàn của tôi cho thêm nét thân tình. Tôi cố gắng vừa trả lời vừa nghĩ cách để kiếu ông. Mấy năm gần đây, cơ thể của người đàn ông sống trên nửa thế kỷ này không còn đủ sức để đánh lại được những con cúm khủng khiếp nữa. Gặp chúng, tôi thua ngay, liệt giường ít nhất mười ngày, cơ thể rũ ra, chán đời không thể tả được. Chỉ muốn chết ngay cho rảnh nợ. Ðúng lúc tôi đang nghĩ như thế, thì ông bỗng chớp chớp mắt, cái miệng trễ xuống... tôi biết ông sắp làm gì, nhưng tôi cũng không có cách nào để phản ứng. Thực ra thì ông cũng tìm cách quay đi, nhưng chỉ mới xoay cái cổ được khoảng ba mươi độ, thì ông hắt xì một cái long trời lở đất. Bàn tay tôi đang để trên bàn thì nhận được mấy hạt chất lỏng bay xuống như mưa bụi, chỉ khác là chúng nóng hôi hổi. Tôi kín đáo thu bàn tay về, đưa xuống gầm bàn, chùi vào quần. Ông xin lỗi, lấy giấy xì mũi, cẩn thận lau và ngoáy kỹ lưỡng cả hai lỗ mũi rồi vo viên tờ giấy, bỏ xuống bàn. Trong khi đó, những con cúm vừa thoát khỏi cổ họng của ông đã vội vàng nhào đến phía tôi. Tôi biết chắc như vậy. Tôi muốn bóp cổ ông vô cùng. Buổi sáng của tôi hỏng hoàn toàn. Tô phở chưa hết một nửa, ly cà phê chưa uống. Tôi ngó đồng hồ và hét lên: "Thôi chết rồi... Iraq lại hai vụ đánh bom tự sát, Afghanistan đang bầu cử, ông Kim Ðại Trọng qua đời.. thôi tôi phải chạy đây ông ạ..."

Ông nhất định giữ tôi lại ăn tiếp tô phở có những con cúm của ông đang bơi lội tung tăng ở trong. Nhưng tôi nhất định "say NO" với tô phở và những con cúm đó. Cuối cùng, ông còn bắt tay tôi một cái để bỏ vào tay tôi vài trăm ngàn con cúm làm bonus.

Tôi chạy ra xe, vừa chạy vừa lau tay vào quần. Và chiều hôm đó, ở trong sở, món quà ông tặng tôi bắt đầu làm khổ cái cổ họng của tôi.

Hôm sau, những con cúm tìm được nơi vui chơi giải trí trong cái cơ thể rã nát của tôi và đến hôm nay vẫn còn lưu luyến chưa chịu rời đi.

Tôi muốn đem trả món quà lại cho ông mà không sao làm được.


Ngày 18 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Hôm qua, tôi thấy một lời rao kiếm bạn rất đáng để cho bộ quốc phòng Mỹ quan tâm nghiên cứu.

Lời rao của người phụ nữ Việt còn rất trẻ tuổi ở Pháp cho biết cô là người có dung mạo giống một nữ ca sĩ nổi tiếng về dân ca ở hải ngoại. Dựa trên sự mô tả đó, và cứ theo "nguyên bản" mà suy ra, thì người cô là người có nhan sắc. Cô cho biết cô có giọng nói "thỏ thẻ" rất hay. Như thế, thanh cô cũng có, mà sắc cô cũng không thiếu. Ngay sau đó, ở chi tiết sở thích, cô cho biết thêm một điều khác nữa về cô, một chi tiết tôi ít thấy ở các phụ nữ trong những lời rao kiếm bạn trên các báo Việt ngữ: cô thích môn box Thái (Thai boxing), nhưng cô không phải chỉ là người xem, mà cô là người thích chơi môn võ này. Thai boxing là một môn võ hung bạo hơn rất nhiều môn võ khác mà chúng ta biết. Các võ sĩ Thái cũng đeo bao tay, nhưng lại không đi giầy, và loại võ này cho phép dùng chân để đá. Sau những trận đấu box Thái nhà nghề, thế nào cũng có người thương tích trầm trọng.

Tuy thế, chuyện phụ nữ chơi box Thái cũng có thể hiểu được. Tại sao phụ nữ lại không được cho chơi môn võ này trong khi họ đã từng chơi nhu đạo, thái cực đạo, hiệp khí đạo, kiếm đạo rất xuất sắc?

Nhưng điều kiện cô đặt ra cho người mà cô kiếm để làm bạn mới là điều đáng nói ở đây. Sau khi cho biết hạng tuổi mà cô muốn kiếm, cô ra điều kiện là người bạn trai của cô phải KHÔNG được biết đánh box. Cô muốn cô là người duy nhất biết chơi box Thái trong liên hệ mà cô muốn thiết lập. Người bạn cô muốn kiếm không được quyền biết đánh box.

Cô là người có những hiểu biết chiến lược. Nhưng cô chỉ đi tìm những đối phương không tương xứng để nắm phần chắc khi cần phải giao tranh. Mà như vậy thì không thể nào có được hòa bình lâu dài.

Trong suốt mấy chục năm chiến tranh lạnh, sở dĩ Hoa kỳ và Nga không xẩy ra chiến tranh trực diện bao giờ vì hai bên hiểu là nếu xẩy ra đụng độ, thì bên này sẽ tiêu diệt bên kia -- mutual destruction -- và sẽ không có bên nào chiến thắng, thoát được cảnh bị san bằng thành bình địa. Chiến lược của hai phía dựa trên nguyên tắc răn đe nguyên tử -- nuclear deterrence -- và chính nhờ đó, Hoa kỳ và Liên Xô đã không bao giờ dám nghĩ tới việc dùng đến võ khí nguyên tử mà cả hai bên đều có. Một bên ra tay, bên kia trả đũa thì sẽ không bên nào thoát.

Nhưng khi đối phương không đồng cân đồng lạng, không cùng có những võ khí tương đương có sức hủy diệt qui mô như của bên kia, thì phe mạnh nhất định sẽ gây chiến.

Chính vì thế mà năm 1972, Hoa kỳ và Liên Xô đã ký với nhau bản hiệp ước chống phi đạn đường đạn (phi đạn đạn đạo) tức là Anti-Ballistic Missile Treaty, gọi tắt là ABM. Hiệp ước không cho phép hai bên phát triển những hệ thống phòng thủ chống phi đạn, vì nếu một phe có được hệ thống chống phi đạn hữu hiệu thì sẽ không sợ phi đạn phía bên kia nữa, và như thế bên kia sẽ phải tìm cách phát triển một hệ thống tương tự và những phi đạn mới mạnh hơn, bay nhanh hơn, có khả năng né được phi đạn chống phi đạn và phải bố trí nhiều phi đạn hơn để trừ hao những phi đạn bị đối phương bắn rơi.

Hai bên sẽ lao đầu vào một cuộc chạy đua võ trang mới.

Người phụ nữ trong lời rao tìm bạn, nếu tìm được người đàn ông không biết box Thái mà hai bên vẫn có thể sống chung hòa bình như chủ trương của ông Nikita Khruschev mà không cần dùng tới chiến lược răn đe, thì người phụ nữ này nên được chính phủ Hoa kỳ mời làm trưởng đoàn thương thuyết để thuyết phục Nga rằng Hoa kỳ nên được cho phép phát triển và bố trí một hệ thống chống phi đạn ở Ba Lan và cộng hòa Czech mà thế giới vẫn có thể sống trong hòa bình được.

Nhưng nếu người đàn ông của cô lén đi tập và lấy được cái đai đen cùng với ba, bốn cái gạch trắng của thái cực đạo, thì thế giới khó mà có được hòa bình, và một cuộc chạy đua võ trang sẽ lại làm cho hai phía phải chi tiêu rất nhiều cho võ khí mới trong một thế giới có bao nhiêu vấn đề cần được giải quyết như hiện nay.


Ngày 19 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Jeannine Stein, fashion police của tờ Los Angeles Times có đăng bức thư của một độc giả không ký tên thật, nêu thắc mắc và than phiền tại sao quần áo phụ nữ không có nhiều túi như quần áo của đàn ông để phụ nữ cũng có thể, như đàn ông, để đựng bút và những thứ cần dùng khác, khỏi phải cầm trong tay, bận tay bận chân.

Fashion police Jeannine Stein là một tiếng nói thẩm quyền về thời trang, không hề bắt giữ, câu lưu những người vi phạm thời trang như chữ police có thể làm cho nhiều người nghĩ. Jeannine Stein cho biết là có thể các nhà họa kiểu quần áo sẽ không bao giờ cho quần áo phụ nữ nhiều túi như quần áo của đàn ông.

Mà quần áo của đàn ông thì nhiều túi thật. Nếu mặc một bộ suit ba mảnh (?) thì số túi có thể lên đến gần hai chục cái.

Sơ mi ít nhất có một túi. Quần dài bốn cái, có thể là năm nếu có thêm một chiếc túi đựng bật lửa hay chìa khóa. Áo gilet có bốn túi. Jacket ba túi ngoài, ba túi trong. Tổng cộng là mười sáu cái túi. Móc mệt nghỉ.

Người nữ độc giả viết thư cho Jeannine Stein ghen tức là phải.

Nhưng nếu Jeannine Stein nói đúng, nghĩa là thời trang sẽ không bao giờ để phụ nữ có nhiều túi như quần áo đàn ông, thì đó phải là tin mừng cho những người đàn ông.

Con số túi trong quần áo đàn ông là thành trì cuối cùng chưa bị phụ nữ xâm phạm (?) và nên được bảo vệ đến cùng. Lý do là trong khoảng ba chục năm trở lại đây, nhiều khu vực thời trang của đàn ông đã bị lấn chiếm tàn bạo. Những chiếc ca vát chẳng hạn. Phụ nữ cũng đã lôi ra đeo khi mặc sơ mi, cũng của đàn ông. Hay quần dài, có cả zipper ở phía trước mặc dù không biết dùng để làm gì. Những chiếc quần dài này cũng có túi trước, túi sau để người mặc cũng có thể tay trong túi đi tung tăng như những người đàn ông không biết làm gì với đôi tay trơ trẽn của mình. Quyền bỏ tay vào túi quần của đàn ông bị xâm phạm thô bạo vì những cái túi quần đó.

Trong khi váy của phụ nữ thì đàn ông không bao giờ lấn chiếm (?) hay vi phạm (?) ngoại trừ đàn ông Tô Cách Lan với những cái kilt, họ hàng rất xa của những "cái thúng mà thủng hai đầu" của phụ nữ.

Sự thực thì các nhà họa kiểu thời trang không may nhiều túi cho phụ nữ không phải vì họ không muốn phụ nữ lấn chiếm thêm nữa vào lãnh vực quần áo đàn ông, mà việc không may nhiều túi cho phụ nữ là vì lý do địa lý hình thể.

Thí dụ những cái túi áo sơ mi mà đàn ông vẫn dùng để đựng một trăm thứ chẳng hạn. Bút mấy cái, thẻ ra vào sở, vài ba thứ giấy không bỏ vào ví được. Những thứ ấy, khi cần, đều có thể lấy ra rất dễ dàng, không hề gây trở ngại lưu thông bao giờ. Nhưng tưởng tượng Demi Moore hay Dolly Parton, hay Sharon Stone tìm cách lấy những thứ họ đựng trong túi ra mà xem. Việc làm đó sẽ khó khăn hơn việc làm của những người đàn ông rất nhiều. Những cái túi của họ, không để gì ở trong cũng đã cộm (?), đã như nhồi nhét một triệu thứ. Bây giờ lại phải tìm cách lấy cái bút ra thì khổ đời những người qua lại biết là chừng nào.

Như vậy thì nhất quyết là không nên cho họ những cái túi áo như người độc giả muốn.

Thế còn túi quần?

Cũng không nên. Lý do như đã nói ở trên, là cảnh thọc tay trong túi quần, huýt sáo đi tung tăng là đặc quyền của đàn ông. Ðàn bà không có lý do gì để thọc tay trong túi quần hết.

Hơn nữa, có những lúc đàn ông phải để tay trong túi quần. Thí dụ như khi bị hỏi một câu tương tự như câu của Mae West: "Is that a gun in your pocket or is it because you are glad to see me?"

Bị hỏi như thế, lại không dấu súng trong người, không thọc tay vào túi quần, bỏ đi lập tức thì phải làm gì bây giờ? Ðàn ông phải có túi quần, đàn bà thì không là vì thế.

Không cần thì đòi túi làm gì?


Ngày 20 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Trong những năm Minh Thế Tông, niên hiệu Gia Tĩnh, còn làm vua ở Trung quốc, việc "chiêu tập lại là còn nguyên" thực ra không khó, nhưng nhiêu khê không ít, như một đoạn trong Kiều đã cho thấy.

Gia đình họ Vương gặp nạn, Kiều phải bán mình chuộc cha. Băng nhân dẫn một người đàn ông "trạc ngoại tứ tuần, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao" lại xem mắt Kiều.

Kò kè mặc cả mãi, người đàn ông họ Mã mua được Kiều với giá "vàng ngoài bốn trăm" và đưa nàng về trú phường. Ngay trong đêm đó, họ Mã tính liền chuyện "nước trước bẻ hoa", và món hàng, sau khi bị hư hao, sẽ tìm cách đánh lận con đen bằng "nước vỏ lựu, máu mào gà" là xong, các tay chơi sau đó khó mà có thể biết được rằng đóa trà mi đã bị con ong rõ hết đường đi lối về.

Ðó là kỹ thuật của năm thế kỷ trước ở Trung Hoa. Những người đàn ông sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để "lưu huyết" một cái, thì phe mạt cưa mướp đắng cũng sẵn sàng "mượn mầu chiêu tập lại là còn nguyên" bằng "nước vỏ lựu, máu mào gà" để đối phó ngay.

Sách Bắc Lý Chí mà cụ Vân Hạc Lê Văn Hòe dẫn trong cuốn Truyện Kiều Chú Giải của cụ, trang 150, viết rằng "gái thanh lâu tiếp khách xong, lấy vỏ lựu sắc lên pha máu mào gà mà rửa thì lại như nguyên."

Có "còn nguyên" không thì không rõ, nhưng phải pha chế, đun nấu như những chỉ dẫn trong sách thì nhiêu khê và tùm lum quá.

Những người như nhân vật Thân của Nhất Linh trong Ðoạn Tuyệt loay hoay trải cái khăn lên giường để kiếm chút bằng cớ về sự trong trắng của Loan thì lại rất cần những dấu tích để có thể biết rõ đó là lần đầu của người phụ nữ.

Thế kỷ thứ hai mươi đã có cách để giúp những người phụ nữ mải vui quên hết "tiết hạnh là câu sửa mình" bằng phẫu thuật để tạo đôi chút khó khăn, gây đổ máu (?) cho vừa lòng những người đàn ông, để cái thủ lợn hôm nhị hỉ nhà trai mang về biếu nhà gái còn đầy đủ cả hai tai.

Nhưng vẫn còn mất công quá. Có thời người ta phải sang Nhật mới tái tạo được "câu tiết hạnh", vừa tốn kém, lại phải vắng mặt rất khả nghi trong những ngày trước đám cưới.

Mà chẳng riêng gì ở những xã hội cũ mới thế, mà luôn cả một số xã hội mới cũng đặt nặng cái lần đầu ấy lắm. Hồi những năm 70, một tay quần vợt người Argentine nói rằng công chúa Caroline của Monaco đã có (?) lần đầu với chàng. Hoàng gia Monaco quýnh lên đòi chàng cải chính lia lịa, nhưng sau đó, không thấy cải chính gì mà chuyện cũng êm nên người ta ngờ rằng lúc ấy, hoàng gia Monaco không mua được vỏ lựu nên mới không thấy động tĩnh gì nữa.

Mới đây, một nhà phát minh ở New Jersey đã nộp đơn xin được cấp bằng sáng chế cho một phát minh của ông. Văn phòng cấp bằng sáng chế Hoa kỳ -- U.S. Patent Office -- cho biết đang cứu xét đơn số 5,27,278 để cấp bằng sáng chế cho nhà phát minh này. Phát minh của ông, theo tờ Playboy, là một bao cao su dành cho phụ nữ có đựng một lượng chất lỏng mầu đỏ. Chất lỏng mầu đỏ như máu này được cho thoát ra trong khi hữu sự, để ngay cả những người phụ nữ dạn dầy kinh nghiệm chiến trường cũng vẫn có thể đem phất chiếc khăn trải giường trong gió sớm như những lá cờ của quân đội Thiên Hoàng khi tiến vào Nam Kinh để khởi đầu một cuộc tàn sát man rợ nhất trong lịch sử nhân loại.

Phát minh của ông, tờ Playboy cho biết, sẽ rất được ưa chuộng trong những xã hội vẫn còn đặt quá nặng vào cái lần đầu tiên (?) ấy.

Nhưng các xã hội ấy có đặt ra những đòi hỏi khe khắt quá cho những người đàn ông không? Hình như không thì phải. Ai cho những người đàn ông này quyền đòi phụ nữ thì phải thế này, thế nọ trong khi một số rất lớn những người đàn ông lại đem dâng lần đầu tiên ấy, không phải cho "người tình chung" như Kiều đã ân hận không làm với Kim Trọng, mà cho những đồng nghiệp của Kiều mới là nản.

Phải làm gì với những người đàn ông ấy để có được phần nào bình đẳng đối lại với những đòi hỏi của phe đàn ông đặt ra cho phụ nữ?

Phải đánh dấu bằng mực, hay đeo cho mỗi cậu một cái thắt lưng trinh tiết (chastity belt) như những phụ nữ thời trung cổ, để đảm bảo và tạo một sự yên trí cho những người chồng lên đường tùng chinh cuộc thập tự chiến ở Trung Ðông rằng các nàng ở nhà không làm gì sốt cả?

Nhà phát minh ở New Jersey nên nặn óc sáng chế một sản phẩm khác cho... huề chứ.


Ngày 21 tháng 8 năm 2009

Bạn ta,

Recanati là tên một thị trấn nhỏ ở Ý với dân số khoảng hai chục ngàn người. Sau tháng giêng năm tới, số dân hai chân của Recanati có thể giảm đi hay cũng có thể gia tăng hoặc giữ nguyên mức hiện tại, nhưng số dân bốn chân có thể sẽ gia tăng đáng kể.

Ðất lành chim đậu. Ðất tử tế thì chó, mèo kéo nhau đến ở cũng là chuyện dễ hiểu.

Bản tin Reuters tôi đọc được hồi tuần qua cho biết là kể từ đầu năm tới, thị trấn này sẽ cho áp dụng những luật lệ để bảo vệ quyền của thú vật nói chung và chó nói riêng rất nghiêm ngặt. Các luật lệ này đòi người dân phải tôn trọng những quyền căn bản của các giống vật nuôi trong nhà như nhu cầu giao du với những con thú cùng giống và nhu cầu sinh lý chính đáng, hợp pháp của chúng (... respect domestic animals' need to socialize with their own breed and their legitimate sexual needs...) Ngoài ra, nơi ăn chốn ở (living quarters chứ không phải là dog house, chuồng chó nghe đầy vẻ miệt thị) của chúng phải có một diện tích ít nhất là 9 mét vuông, có đèn sáng, thoáng khí và được giữ ở một nhiệt độ thoải mái.

Những đòi hỏi về nơi ăn chốn ở cho chúng thì dễ hiểu và cũng dễ thực hiện. Gắn đèn cho chó khỏi sợ ma, khỏi sủa ủng oẳng như... chó cắn ma khiến cho chủ khó yên giấc, việc đó nên làm. Nhiệt độ phải giữ cho điều hòa để chó khỏi biến thành "nhiệt cẩu", tiếng Anh gọi là hot dog, thì chỉ có chết... chó. Toàn là những đòi hỏi chính đáng và hợp lý. Nếu thích, còn có thể treo ở bên trong... nhà chó một bức Van Gogh như Snoopy được Charlie Brown cẩn thận lo lắng săn sóc nơi ăn chốn ở mà chúng ta đã thấy trong loạt tranh Peanuts của Charles Schulz.

Việc tôn trọng nhu cầu giao du với đồng loại cũng hợp lý. Chó phải để cho chơi với chó. Không thể ăn chung bàn với chó, ngủ chung trên giường với chó vì chủ chó không là đồng loại với chó, những chuyện chúng ta thấy rất nhiều người làm.

Phải đăng báo kiếm bạn đồng loại cho chó. Thí dụ phải rao trên báo như thế này để tìm bạn cho cậu: Pit Bull nam một tuổi rưỡi, biết karate, cắn không bao giờ nhả, hobby là moi thùng rác, đứng đầu băng du côn trong xóm, chuyên đái đường, ỉa bậy, ghét thức ăn khô của Alpo, mê thịt ngựa nhập cảng của Pháp, thích rượt các ông phát thư, mê nhạc rap của Tupac Shakur, mê mầu đỏ, ghét mầu tím, muốn tìm một Pit Bull gái một tuổi trở lên cùng sở thích và có cùng những trò mất dậy để học hỏi và an ủi nhau trong những lúc vui buồn. Dữ hay hiền tùy người đối diện. Nếu hợp hơn sẽ tiến xa. Xin gửi ảnh và số phone. Sẽ hồi âm cả những thư đến muộn...

Chuyện lo cho Pit Bull giao du với đồng loại như vậy là cũng không khó lắm. Thế nào cậu chó cũng kiếm được mợ chó xứng đôi vừa lứa.

Nhưng còn khoản tôn trọng những nhu cầu sinh lý của cậu chó thì làm sao đây?

Khó chứ không đùa đâu.

Thứ nhất là không được lôi chúng đi cắt đốt cột để không cho chúng được sống đời những cậu chó bình thường và khỏe mạnh. Cắt bỏ đi rồi thế chỗ bằng hai viên bi nhỏ (neuticles) như nhiều người đã làm là không được.

Phải biết tháng bẩy là tháng các cậu các mợ lên cơn rượn, đi tìm nhau mà thả các cậu và các mợ ra đầu đường cho các cậu các mợ rửng mỡ date nhau, rủ nhau đi bới thùng rác ăn nhậu no nê và làm tình với nhau...

Các cậu các mợ xong việc đi về, không được hạch hỏi đi với con đĩ chó (?) nào, hay thằng chó (?) nào. Phải cho các cậu ăn steak cho khỏe, hôm sau đi rượn tiếp.

Vất vả quá thể.

Cứ đà như thế, các cậu chó các mợ chó sau một thời gian sẽ rủ nhau ra tranh cử, các cậu các mợ đắc cử, sẽ viết những bộ luật chó khác để cai trị bọn hai chân ngu dại lỡ để cho chúng liếm mặt.

Lúc ấy, các bàn độc sẽ không sao kiếm ra được nữa. Các cậu các mợ sẽ chiếm lĩnh hết, và loài mèo sẽ khổ. Không có chó, hay chó không chịu, mèo sẽ chết vì những thứ mà chó không chịu ăn.

Nhưng khi loài chó không còn bị bỏ đói nữa, thì câu ví von như trong ca dao Việt Nam cũng sẽ biến mất, thí dụ như hai câu:

Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó đói đứng trông trên bờ...

Biết đâu, vì hai câu ấy không còn thì cảnh trôi dưới sông cũng không xẩy ra nữa. Vậy thì những luật mới về chó của thành phố Recanati chưa chắc đã là những điều bất lợi cho con người.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 44)

Bản chuyển tả do Nhã Lan thực hiện. Bài học số 43 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Hôm nay, QA xin chuyển ông thầy bức thư của một độc giả, cụ Nguyễn Văn Tri Ðạo. Cụ nghĩ rằng cụ muốn "tiên học lễ" với ông thầy rồi "hậu học Anh văn" cũng được. Cụ muốn được chỉ dẫn nói cám ơn. Cụ viết rằng hai chữ "thank you" thì ai cũng biết cả rồi. Nhưng cụ biết là còn có những cách khác để nói "thank you", cụ có nghe vài ba lần nhưng không rõ lắm, cụ muốn ông thầy chỉ cho những cách cám ơn khác để tránh trường hợp được cám ơn mà không biết, để còn đáp lại.

NHÃ LAN

Vâng, đúng rồi, lỡ người ta nói cám ơn mình không biết, cứ "nghiêm và buồn" thì người cám ơn lại tưởng mình kênh kiệu.

BBT

Ðồng ý với cô Nhã Lan, sau khi người ta cám ơn mình thì cũng nên đáp lại, như không dám nhận những lời cám ơn đó. Cứ "nghiêm và buồn" thì người ta lại hiểu lầm là đúng rồi, phải cám ơn tôi mới là phải phép chứ … cám ơn tôi là đúng quá đi … thôi tha cho đi chỗ khác chơi. Vậy thì kỳ thật.

QA

QA có lần bầy đặt nói câu cám ơn bằng tiếng Tây Ban Nha do con gái dậy là "GRACIAS MUCHO, MUCHO!"với bà hàng xóm người Mễ thì bà đáp lại bằng hai tiếng gì đó QA nghe không hiểu, nhờ thầy chỉ cho.

BBT

Tôi nghĩ bà hàng xóm Mễ của cô nói "DE NADA". NADA là NOTHING trong tiếng Anh. DE NADA là IT IS NOTHING. Trong tiếng Pháp, người ta nói là DE RIEN. Ðó là những câu để nói khi có người cám ơn mình. Cũng như người Việt Nam nói "không có chi" vậy. Thôi bây giờ để tôi nói về những chữ cám ơn khác trong tiếng Anh.

NHÃ LAN

Có một câu Nhã Lan hay nghe là MUCH OBLIGED! MUCH OBLIGED là gì thưa anh?

BBT

Hai cô chắc đã biết danh từ OBLIGATION nghĩa là bổn phận. MUCH OBLIGED thực ra phải nói đầy đủ là I AM MUCH OBLIGED TO YOU. Nhưng nói vậy dài quá, người ta nói ngắn lại thành MUCH OBLIGED. Câu I AM MUCH OBLIGED TO YOU cũng cùng ý nghĩa với I AM VERY MUCH INDEBTED TO YOU. Cả hai câu đều nghĩa là tôi mắc nợ ông hay bà quá nhiều. TO BE INDEBTED TO là mắc nợ. DEBT không đọc chữ "B" nghĩa là nợ. Ông bà làm cho tôi chuyện đó là tôi mắc nợ ông bà nhiều lắm.

QA

QA nhớ người ta còn nói cái gì APPRECIATE. QA chỉ hiểu động từ TO APPRECIATE là biết thưởng thức, thí dụ như TO APPRECIATE CLASSICAL MUSIC là biết thưởng thức nhạc cổ điển.

BBT

Ðúng, TO APPRECIATE có nghĩa như cô QA vừa nói. Nhưng nó cũng còn có nghĩa là cảm kích hay biết ơn nữa. Thí dụ sáng nay tôi bị hư xe, ông hàng xóm đề nghị cho tôi đi nhờ xe, tôi rất biết ơn chuyện ông ấy nghĩ đến tôi. I APPRECIATE YOUR SUGGESTION, nghĩa là tôi biết ơn gợi ý đó của ông.

Khi nói I APPRECIATE IT thì câu ấy có nghĩa là tôi cám ơn ông hay bà về việc làm đó, về chuyện đó, về điều đó.

NHÃ LAN

Nhã Lan nghe mấy câu cám ơn anh vừa chỉ nghe mệt quá, nghe … quí tộc quá.

BBT

Cô nói điều đó cũng có đúng. Nói cám ơn mà khó khăn như vậy thì không có nhiều người nói lắm đâu. Nhưng chúng ta cần biết những câu như thế. Chứ ngày thường, hay nói với con cái ở nhà thì ít ai nói MUCH OBLIGED hay I APPRECIATE IT.

QA

Thôi thì cứ THANKS A LOT; THANKS A GREAT DEAL; THANKS A MILLION; THANKS A BUNCH là đủ. Anh cho biết người Anh, người Mỹ có nói cám ơn au fond de mon coeur như trong tiếng Pháp mà QA còn nhớ lõm bõm không?

BBT

Có. Người Anh nói THANK YOU FROM THE BOTTOM OF MY HEART. Tôi hay nói THANK YOU VERY MUCH INDEED, đó là thói quen tôi học được của một gia đình tôi ở trọ hồi còn đi học, từ đó đến nay, hơn 40 năm rồi vẫn dùng.

Nhưng các cô cũng nên để ý cách lên xuống giọng (INTONATION) khi nói lời cảm ơn.

Cám ơn nhiều, và thực tình thì nói lên giọng một chút ở cuối.

Cám ơn bình thường thì không phải lên giọng. Ở Singapore, Hongkong tôi nghe là THANK YOU AH!

Elvis Presley nói THANKYOUVERYMUCH! Trong mấy tiệm sushi của Nhật thì bao giờ cũng là THANK-YOU-VERY-MUCH, chữ cuối lên cao hẳn.

NHÃ LAN

Nhã Lan còn nghe THANKS BUT NO THANKS! thì nghĩa là gì thưa anh?

BBT

Câu đó được dùng trong trường hợp như khi có người đề nghị cho cô đi vượt biên miễn phí nhưng với điều kiện là sau khi đến được Indonesia cô phải làm thư ký riêng cho ông ấy mãn đời chẳng hạn. Ðoạn đầu của đề nghị có vẻ hấp dẫn, nhưng đoạn sau thì lại nghe không được chút nào. Thế thì cô Nhã Lan phải nói với ông ấy như hế nào?
NHÃ LAN

THANKS BUT NO THANKS!

BBT

Ðúng. Cũng có những lúc chúng ta cần … chua một chút. Thí dụ trong những đề nghị nghe toàn những điều bất lợi đẩy sang phía chúng ta thì chúng ta nói thế nào? Thí dụ có người nói với cô QA rằng bàn tay cô đẹp lắm chắc sờ vào cái dây điện này, điện cũng nể mà không giật đâu. Mời cô sờ vào cái dây điện này chút coi.

QA

THANK YOU!, nhấn mạnh vào chữ YOU. Bây giờ tạm xong phần cám ơn rồi. Xin ông thầy dậy cho cách nói thế nào, cách đáp lại khi có người cám ơn mình, để khỏi phải lí nhí như QA vẫn làm.

BBT

Thì cô cứ nói rằng xin ông bà đừng nhắc, đừng đề cập tới chuyện đó nữa: OH, DON’T MENTION IT! Hay OH, THAT WAS NOTHING! Nghĩa là chuyện đó có đáng chi. Hay OH, NO, IT WAS MY PLEASURE! Nghĩa là không, chuyện đó là niềm vui của tôi, chuyện tôi cho ông vay 5 triệu đô la là chuyện làm tôi vui lắm.

QA

Thế còn YOU ARE WELCOME có được không thưa anh?

BBT

Ðược chứ. YOU ARE WELCOME, hay YOU ARE VERY WELCOME; YOU ARE MORE THAN WELCOME ; hay YOU ARE ALWAYS WELCOME đều là những câu chúng ta thường nghe, và thường dùng khi có ai cám ơn chúng ta.

Nhưng hai câu này thì nghe lạnh tanh, người nghe có cảm tưởng như người vừa làm ơn cho chúng ta có vẻ ân hận, có vẻ tiếc là đã giúp chúng ta. OH, YOU DON’T HAVE TO THANK ME nghĩa là ông, bà không cần phải cám ơn tôi, và câu YOU DON’T OWE ME ANYTHING nghĩa là ông bà không nợ nần gì tôi hết.

NHÃ LAN

Nhân tiện, xin anh giảng cho tĩnh từ THANKLESS dùng như thế nào.

BBT

THANKFUL là biết ơn. I AM THANKFUL FOR YOUR HELP.

Trái với FUL là LESS. FUL là có. LESS là không. THANKLESS là không biết ơn, là không được biết ơn, nhớ ơn.

Thí dụ A THANKLESS JOB. SOMETIMES I THINK FIGHTING IN IRAQ IS A THANKLESS JOB.

QA

Bây giờø QA muốn nhờ anh dậy cho mấy câu để nói sao cho chua một chút. Có lúc muốn nói mấy câu chua một chút mà không biết để nói. Thí dụ "Sức mấy!" chẳng hạn.

NHÃ LAN

Ðúng rồi, hay như khi muốn nói kiểu như mấy ông anh của Nhã Lan hay nói "phải bước qua xác tôi".

BBT

Ðược rồi. Nhưng hai cô có biết câu "bước qua xác tôi" là câu có từ lâu lắm không, mà lại là câu của Hưng Ðạo Vương nói với vua Trần Nhân Tông khi nhà vua thấy thế yếu có ý muốn đầu hàng quân Nguyên. Hưng Ðạo Vương nghe vậy thì nói nếu nhà vua muốn hàng giặc Nguyên thì hãy chém đầu tôi đi đã rồi hãy ra hàng. Chắc Hưng Ðạo Vương nói : YOU HAVE TO BEHEAD ME FIRST. THEN YOU HAVE TO STEP OVER MY DEAD BODY! Câu này chính ra phải là IF YOU WANT TO DO IT, YOU MUST STEP OVER MY DEAD BODY! Nếu ông muốn làm chuyện đó thì ông phải bước qua xác tôi, mà bước qua xác tôi thì khó lắm chứ không dễ đâu.

QA

Có giống như NEVER IN MY LIFE không?

BBT

Có, nhưng mạnh hơn. Nói OVER MY DEAD BODY thì cũng lựa người mà nói. Lỡ nói xong, phía bên kia lôi súng ra, nổ vài viên thì phiền to. Câu NEVER IN MY LIFE cũng như câu JAMAIS DE LA VIE của tiếng Pháp.

QA

QA muốn viết câu "Bỏ đi Tám" nói tiếng Anh như thế nào? Xin anh tìm cho một câu tương đương với "Bỏ đi Tám".

BBT

Trong tiếng Anh có một câu gần giống như thế. Câu tiếng Việt dùng tên một người. Câu tiếng Mỹ cũng dùng tên một người. Trong câu tiếng Việt, người đó là ông Tám. Trong tiếng Mỹ là ông JOSE. Do đó, câu tương đương với "Bỏ đi Tám" là NO WAY JOSE!

Thực ra, "Bỏ đi Tám" cũng mang nghĩa là "sức mấy" vì thế, NO WAY JOSE cũng là "sức mấy" luôn.

NHÃ LAN

Thế thì tại sao lại đưa ông JOSE vào? NO WAY không được sao?

BBT

NO WAY JOSE là câu của người Mỹ. Người Anh, người Canada, người Úc … không nói câu này . Câu NO WAY JOSE có từ những năm 1960, khi người Mễ bắt đầu kéo vào nước Mỹ đông đảo. Vì thế người ta thêm vào câu NO WAY cái tên JOSE, một cái tên của rất nhiều người Mễ mà lại vần với WAY ở trên. Câu này có vẻ hơi coi thường người kia một chút, coi người kia ngớ ngẩn như ông JOSE, tiếng Anh không biết nhiều, nói một đằng hiểu một nẻo, ấm a, ấm ớ nên mới thành ra câu NO WAY JOSE. Câu NO WAY JOSE có thể được dùng với tất cả mọi người, bất kể người ấy có là người Mễ hay không. Cũng như "Bỏ đi Tám " được dùng cho cả những người không mang tên Tám vậy.

QA

QA xin hỏi thêm một câu nữa: TO GIVE SOMEBODY A BREAK là gì, và dùng nó như thế nào?

BBT

Chắc hai cô hiểu chữ BREAK nghĩa là gì rồi mặc dù BREAK có nhiều nghĩa lắm.

NHÃ LAN

Nhã Lan biết TAKE A BREAK là nghỉ tay một chút. Hôm nọ, Nhã Lan đọc một bản tin thấy có 1 ngân hàng cho biết là đặc biệt với các quân nhân Mỹ từ Iraq hay Afghanistan về nước, ngân hàng sẽ cho các quân nhân đó tạm hoãn việc trả tiền credit card trong vài ba tháng. Bản tin nói rằng các binh sĩ này được ngân hàng GIVE A BREAK, nghĩa là các ngân hàng này cho những người lính xả hơi một chút, đỡ đi phần nào rắc rối, vất vả về tài chính. Nhã Lan thấy bản tin có câu THE BANK GAVE THE SOLDIERS A BREAK IN CREDIT CARD PAYING. Có đúng như thế không thưa anh?

BBT

Ðúng như vậy. Nhưng khi nói GIVE ME A BREAK thì câu này lại có nghĩa là vừa phải thôi, khó khăn vừa vừa chứ, đừng làm khó nhau chứ, dóc vừa thôi cha nội vân vân. Thí dụ tôi nói câu này với QA: Chiều nay về đến nhà, hai cô con gái QA đã nấu xong một bữa thịnh soạn chờ mẹ về, cởi giầy cho mẹ, lồng vào chân mẹ đôi giầy mới mua, khoác cho mẹ cái áo vừa đem từ tiệm St Jones về và mời mẹ ngồi xuống dùng bữa tối…

QA

MISTER BUI, PLEASE GIVE ME A BREAK! Thực ra thì hai cô con gái QA còn nhỏ quá, chưa làm được những chuyện như mua cho mẹ bộ St Jones nên ai nói điều đó ra, QA phải đáp lại ngay bằng câu GIVE ME A BREAK! Bây giờ, mới chỉ có cảnh mẹ hầu con thôi. Chưa có chuyện con hầu mẹ như vậy.

NHÃ LAN

Như vậy là chuyện không có thực. Nhưng thỉnh thoảng QA cũng như Nhã Lan cũng có những ao ước như vậy chứ. I WISH MY DAUGHTER IS HELPFUL TO ME. Nói vậy được không thưa thầy?

BBT

Không được. Khi muốn nói tới một việc chúng ta muốn xẩy ra mà có rất nhiều cơ hội là sẽ không xẩy ra, chúng ta dùng WERE cho tất cả các ngôi. Ðó là khi chúng ta nói tới một ước muốn. Ước muốn thì chưa là sự thật, mà cũng có thể là sẽ không bao giờ là sự thật. Vì thế, cô phải nói I WISH MY DAUGHTER WERE THAT HELPFUL. Ðộng từ TO BE luôn luôn là WERE cho tất cả các ngôi. I WERE, YOU WERE, SHE WERE, HE WERE, WE WERETHEY WERE. Cứ dùng WERE với các ngôi là đúng.

Thỉnh thoảng tôi lại ước gì tôi là thái tử Charles. SOMETIMES I WISH I AM PRINCE CHARLES.

QA

Lần này thì ông thầy sai nặng. Phải là SOMETIMES I WISH I WERE PRINCE CHARLES mới đúng phải không Nhã Lan?

NHÃ LAN

Lâu lâu mới bắt được lỗi của ông thầy chứ. Nhã Lan không nghĩ vậy đâu. Ông thầy muốn thử học trò coi có học trước quên sau không đấy mà.

BBT

Cám ơn cô QA bắt được cái lỗi to tầy đình của tôi. Và cám ơn cô Nhã Lan đã cứu tôi.

Vậy thì hễ dùng động từ WISH thì động từ theo sau bao giờ cũng là WERE nếu là TO BE. Các động từ khác, cứ dùng thể quá khứ là đúng. Gọi là PAST nhưng nó không phải là PAST mà là PAST SUBJUNCTIVE thì đúng hơn. Nhã Lan cho nghe mấy câu về những điều ước muốn của cô xem nào.

NHÃ LAN

I WISH I WERE A MILIONAIRE

I WISH MY HEALTH WERE BETTER

I WISH I COULD SPEND MORE TIME WITH MY DAUGHTERS

I WISH MY CAR WERE A CLONKER

I WISH I HAD A SON

BBT

Còn cô QA. Cô thử nói mấy câu với động từ WISH coi cô không phải là vua mộng ước của cô có bình thường không.

QA

I WISH VIETNAM HAD A DEMOCRATIC GOVERNMENT.

I WISH THE RECESSION WOULD GO AWAY QUICKLY.

I WISH I HAD A WAND TO MAKE THE ECONOMY GROW AGAIN.

I WISH I COULD PICK THE JACK POT TICKET

I WISH MY MIND WERE A HARD DISK TO REMEMBER ALL THE THINGS YOU TAUGHT ME TODAY

Thưa quí vị khán giả, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Phạm Quí, Irvine, California

VU QUI và THÀNH HÔN

Những chữ này rất khác nhau về ý nghĩa.

VU nghĩa là đi qua. QUI là về. Vu qui là con gái về nhà chồng.

Chữ "qui" viết bằng bộ "chỉ" như trong hai chữ "vu qui" thì lại còn có nghĩa là người đàn bà bị chồng bỏ. Chữ "qui" nghĩa là con rùa viết với bộ "sước" lại có nghĩa là người chồng để cho vợ bán dâm.

THÀNH HÔN

Thành là dựng lên. Hôn là lấy vợ. Thành hôn là trai gái lập gia đình với nhau, lấy nhau làm vợ chồng. Vì thế, trong thiếp báo hỉ, chỉ cần viết "lễ thành hôn" là đủ. Vu qui được dùng cho phụ nữ về nhà chồng. Thành hôn dùng cho cả con trai lấy vợ, con gái lấy chồng. Không cần quá cẩn thận viết "lễ thành hôn và vu qui của con chúng tôi".

VINH THÂN PHÌ DA?

Không thể nói "vinh thân phì da". Phì "gia" mới đúng. Gia là nhà. Vinh thân phì gia nghĩa đen là sướng mình, béo nhà.

Da chữ Hán là cây dừa. Da tử là quả dừa. Da cũng là tiếng để gọi ông nội. Không lẽ vinh hiển, cả cây dừa sau nhà cũng béo mập, hay ông nội cũng béo theo ? Có thể chữ "gia" viết lầm thành "da" vì người viết lý luận lầm là béo phì đến độ da căng lên chăng?

Câu "vinh thân phì gia" không mang ý nghĩa tốt đẹp, mà là một câu chê bai những quan trên chỉ lo cho bản thân mà không nghĩ gì tới cho người dân ở dưới.

ÐẬU HŨ hay ÐẬU HỦ?

Ðậu HỦ (dấu hỏi) đúng. Ðậu HŨ (dấu ngã) sai.

Cô Trần Ngọc Thị Tuyết, San Jose, California

Romeo là tên của nhân vật kịch Shakespeare, người yêu của Juliet. Ngày nay, Romeo có nghĩa là một người đàn ông thành công với phụ nữ. Romeo không mang tiếng xấu như Casanova.

Casanova là tên của Giovani Jacopo (1725-1798), một nhà văn Ý rất thành công với phụ nữ nhưng lừa các nàng thì nhiều hơn. Casanova nay trở thành một danh từ như chữ Sở Khanh trong tiếng Việt.

Ðây là bài thơ của Mai Thảo tặng Võ Phiến mà cô hỏi:

Ði vắng từ xa trở lại nhà
Bộ đồ cũ mặc, ấm trà pha
Tựa lưng vào vách tường thân thuộc
Trong cõi riêng buồn thấy lại ta

Bài thơ này Mai Thảo làm trong khi ở một căn phòng ở sau tiệm ăn Song Long trên đường Bolsa thuộc thành phố Westminster, California.

Nhà văn Huy Trâm nguyên là một thẩm phán công tố trước năm 1975 tại Việt Nam. Huy Trâm từng được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1969. Ông cũng là một nhạc sĩ sử dụng dương cầm và là người sáng lập và điều hành chương trình Nhạc Chủ Ðề trên đài tuyền hình Việt Nam từ năm 1971 đến năm 1973.

Ông hiện sống một mình tại Westminster, California.

Cụ Nguyễn Anh Ðức, Washington DC

Tiếng Anh cũng có thể nói lái được, nhưng không nhiều bằng tiếng Việt. Nói lái, tiếng Anh là spoonerism. Cách nói này được đặt cho tên của mục sư William Archibald Spooner (1844-1930). Thực ra, mục sư Spooner chỉ là người hay nói nhịu chứ ông không phải là người sáng chế ra cách nói này.

Sau đây là vài thí dụ về spoonerism:

A WELL-BOILED ICICLE (một cục nước đá được luộc kỹ) nói lái hành A WELL-OILED BICYCLE (một chiếc xe đạp được vô dầu mỡ kỹ)

IS THE BEAN DIZZY? (hột đậu có chóng mặt không?) nói lái thành IS THE DEAN BUSY? (ông khoa trưởng có bận không?).

A BLUSHING CROW (con quạ mắc cở đỏ mặt) nói lái thành A CRUSHING BLOW ( cú đấm thôi sơn).

FIGHTING A LIAR (chiến đấu chống một tên nói láo) nói lái thành LIGHTING A FIRE (nhóm lên một ngọn lửa).

OUR QUEER OLD DEAN (ông khoa trưởng kỳ quái / đồng tính luyến ái) nói lái thành OUR DEAR OLD QUEEN (nữ hoàng yêu quí của chúng ta)

YOU’VE TASTED TWO WORMS (bạn đã nếm thử 2 con sâu) nói lái thành YOU’VE WASTED TWO TERMS (anh đã bỏ phí mất 2 học kỳ)

A NOSEY LITTLE COOK (ông đầu bếp tí hon hay xía vào chuyện người khác) nói lái thành A COSY LITTLE NOOK (cái góc nhà ấm cúng)

TONGUE TWISTERS là những câu, những chữ rất khó đọc nhanh mà không bị vấp:

HOW CAN A CLAM CRAM IN A CLEAN CREAM CAN?

CAN YOU CAN A CAN AS A CANNER CAN CAN A CAN?

I WISH TO WISH THE WISH YOU WISH TO WISH, BUT IF YOU WISH THE WISH THE WITCH WISHES, I WON’T WISH THE WISH YOU WISH TO WISH.

PICKY PEOPLE PICK PETER PAN PEANUT BUTTER, ‘TIS THE PEANUT BUTTER PICKY PEOPLE PICK.

I SCREAM, YOU SCREAM, WE ALL SCREAM FOR ICECREAM.

SIX SLEEK SWANS SWAM SWIFTLY SOUNTHWARDS.

HOW MANY COOKIES COULD A GOOD COOK COOK IF A GOOD COOK COULD COOK COOKIES? A GOOD COOK COULD COOK AS MUCH COOKIES AS A GOOD COOK WHO COULD COOK COOKIES.