June 30, 2011

July 1st, 2011

Ngày 27 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Tôi không hiểu những cái e-mail, những cái thư điện tử gửi bằng internet đến cho tôi có công dụng gì.

Mấy tháng trước thì cô em gửi cho xem một đoạn phim quay bên trong một nhà hàng ăn với cảnh miếng thịt bò rơi xuống sàn nhà được nhà bếp nhặt lên bỏ vào đĩa mang ra cho khách làm như không có chuyện gì xẩy ra. Rồi lại một cảnh khách với ông đầu bếp vừa trong nhà cầu đi ra, tay chân chưa rửa gì đã vội xà vào bếp nấu tiếp, một người khác, tay móc lỗ mũi rồi lại trang hoàng tiếp đĩa kem bánh terumasu mà tôi rất thích mỗi lần đi ăn ở tiệm gần nhà.

Cuối đoạn phim video là câu hỏi có còn dám đi ăn cơm Tây nữa hay không.

Tôi biết đoạn phim không phải là chuyện thật ngoài đời, chỉ để cười chơi. Nhưng những đoạn trong phim chắc chắn là có xẩy ra, có thể không chủ ý, vẫn có thể xẩy ra.

Chuyện vô tình, nhưng thôi, khuất mắt khôn coi.

Trong một cuốn phim Tầu ở Sài Gòn trước đây có cảnh ông Lý Côn đóng vai đầu bếp, ông tức giận một ông khách nên nhổ bọt vào đĩa thức ăn trước khi bưng ra cho khách. Từ đó, đi ăn tiệm bao giờ tôi cũng rất tử tế với các waiter và waitress. Tôi không muốn ăn nước bọt, nước giãi của ai hết.

Hôm nay, một người bạn gửi cho xem mấy bức ảnh chụp cảnh làm thịt chuột. Trót lỡ mở ra xem ở sở trước khi về, tôi phải chạy thẳng về nhà, lấy hai tô mì gói ra để xua cho hết hình chụp những miếng thịt chuột chiên vàng ra khỏi đầu óc. Hy vọng sau vài ba ngày, khi những mầu sắc của bức hình được đẩy vào khu vực quên của bộ nhớ thì sẽ lại cơm đường cháo chợ trở lại.

Việc làm của cô em và của người bạn chắc chỉ có mục đích cho người nhận mấy phút vui chứ không có bất cứ một chủ đích độc địa nào.

Nhưng cả hai đều không hiểu hậu quả của những việc làm của họ.

Cô em thì nấu nướng bình thường như các phụ nữ Việt Nam khác. Người bạn thì nấu những món nhậu rất giỏi. Ngày thường thì đã có vợ chàng lo chuyện ăn uống cho chàng.

Tất cả đều không phải là những người cơm đường cháo chợ. Họ ăn những thứ họ nấu lấy. Sạch sẽ. Rơi xuống đất, nếu dùng lại thì cũng rửa cho sạch. Cái sàn bếp của nhà họ cũng rất sạch, như cái bếp nhà cô em ở Montreal.

Nhưng những cái bếp ở các tiệm ăn thì chắc không. Một người bạn hay đi ăn với tôi có khuyên tôi là không bao giờ nên bưóc vào những cái bếp của các tiệm ăn nếu còn muốn, hay còn phải đi ăn tiệm.

Những người gửi cho tôi nhũng cái e-mail đó đều là những ngưòi có đưọc những lựa chọn trong khi tôi thì không. Đó là hoặc nấu lấy ở nhà hay đi ăn tiệm.

Thường thì họ nấu lấy.

Nhưng những người đàn ông bị mẹ làm hư, cấm không cho vào bếp bằng câu "đàn ông con trai không được vào bếp", lớn lên thì bị vợ làm hư tiếp, rốt cuộc các chàng "thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên", vụng thối vụng nát như mẹ tôi vẫn nói.

Thế là bé không tập nấu nướng, già chỉ biết đi ăn cơm tiệm.

Nhưng rồi chuyện đi ăn tiệm cũng không được để cho yên bằng những cái e-mail như thế.

Những người cả đời đi ăn tiệm đều biết những gì diễn ra ở trong bếp chứ. Nhưng chúng tôi làm được gì? Không đi ăn tiệm thì ăn ở đâu?

Cũng có vài ba nỗ lực để giải quyết chuyện ăn uống ở nhà bằng mì ly, mì gói, đồ hộp, TV dinner chất đầy trong freezer đấy chứ. Những khi bão tuyết ở miền đông hay động đất nếu xẩy ra tại miền tây, hay khi cơ thể phải để cho vài triệu con cúm ghé chơi một hai tuần thì cũng cầm cự được ít ngày chứ không phải là không.

Nhưng không ai có thể mì gói chan nước mắt mãi được. Không phải các món đều có thể bỏ microwave được. Không thể đáp lễ bạn bè bằng đại tiệc TV dinner và mì gói được. Thế thì phải đi ăn tiệm. Đi ăn và làm quen với các tiệm để chủ tiệm, waiter , waitress, ngưòi nấu trong tiệm thấy quen, không quá đáng ghét vì cũng biết pour boire đúng điệu nên lỡ miếng steak rơi xuống đất thì thương tình lấy cho miếng khác, vào nhà cầu xong thì rửa tay cho sạch, móc lỗ mũi xong thì chùi vào đít quần trước khi làm bếp tiếp.

Lâu dần phải tử tế với tất cả mọi người, cái gì cũng khen và trở thành một nguời không có thẩm quyền gì về chuyện khen chê các món ăn trong những lần được bạn bè gọi lại nhà cho ăn như một hai người bạn đã nói bằng giọng dầy khinh bỉ không biết bao nhiêu lần.

Chuyện cơm đường cháo chợ lâu ngày đã biến một người đàn ông Á châu xấu trai thành một người dễ tính và dễ thương như vậy đó.

Được cho ăn cái gì cũng khen rối rít. Khen từ chai bia Heineken khéo mua đến chai nước mắm đầy tình tự quê hương dân tộc, hai bàn tay ngọc bên bếp hồng khiến chủ nhà lại muốn mời trở lại.

Đang chỉ muốn được sống yên lành như vậy với đời cơm đường cháo chợ mà cũng không đưọc với những cái e-mail video ghê rợn như thế.

Trời đánh còn tránh miếng ăn. Xin nhắc lại là miếng ăn.

Tại sao lại tàn ác với nhau như thế.

Bộ muốn phải mì gói đến chết hay sao chứ!


Ngày 28 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Đêm hôm qua, một con dế ghé vào thăm nhà tôi và ở lại suốt đêm. Không biết làm sao nó vào được trong nhà. Nhưng khoảng hơn 1 giờ sáng thì nó báo cho chủ nhà biết về sự có mặt của nó. Có thể nó ở vườn sau, và theo chân tôi vào lúc về nhà buổi tối. Tôi biết có nó trong nhà sau khi căn nhà yên ắng trở lại, chủ nhà xem xong bản tin cuối cùng trong truyền hình, tắt đèn đi ngủ. Khi ấy nó mới bắt đầu gáy.

Lúc đầu chỉ là vài tiếng kêu nhỏ, có vẻ rụt rè, nhưng ít phút sau, thì nó loan báo sự có mặt của nó một cách bạo dạn hơn, và khẩn trương hơn.

Tôi biết nó không ca hát gì như lời đề quyết của nhạc sĩ Lê Thương trong một bản nhạc ông viết mấy chục năm trước, bản nhạc có thời cứ gần tết Trung Thu là chúng tôi lại đem ra hát với nhau. Ông bảo nó suốt trong đêm thâu hát xẩm không tiền nên nó nghèo xác nghèo xơ.

Nó không hát, lại càng không biết điệu sẩm hát như thế nào. Ông Lê Thương có lẽ nhìn cảnh mấy cô ca sĩ thời ấy, những người mà cuộc đời nhạc sĩ của ông đã cho ông gần gũi họ, rồi tưởng những con dế cũng hoàn cảnh như các ca sĩ.

Nhưng nó có ca hát gì đâu.

Nó chỉ đi kiếm cô bạn gái bằng cách cọ hai cái cánh lại với nhau, chờ các cô nghe thấy tiếng gáy não nùng đầy giọng năn nỉ của nó để đến với nó.

Nó dại vô cùng. Trong căn nhà của người đàn ông già sống một mình này làm gì có đối tượng nó đi kiếm. Nó bắt đầu kêu đúng vào lúc giấc ngủ sửa soạn đến với tôi.

Vài giây sau, tôi biết là nó đang ở sau cái tủ quần áo ở góc phòng.

Một chiếc giầy ngủ ném về phía tủ áo, trúng ngay một cái ngăn kéo. Tiếng gáy im lập tức. Những cô bạn gái của nó thì không bao giờ đến với nó như thế.

Giấc ngủ sắp trở lại, thì tiếng gáy của nó lại vang ra từ phía sau tủ sách. Sao nó lại ngu thế. Dế mái mà đọc sách bao giờ. Nó bắt đầu gáy lớn hơn. Chắc hẳn để biểu diễn sự dài hơi và đôi cánh còn cứng của nó để nói về tuổi trẻ và sức khỏe của nó cho cô bạn yên tâm.

Tờ National Geographic ở đầu giường được ném về phía tủ sách. Tờ báo bay trúng bức tượng gỗ tạc một nhân vật múa rối nước khiến bức tượng rơi xuống thảm.

Tiếng gáy lại im.

Nhưng cũng chỉ im được một lúc. Con dế này đêm nay chắc phải có gì vui lắm nên mới nhất định đi tìm cho được một chị dế để tâm tình. Chắc hồi chiều đã ăn vài ba cọng giá từ một tiệm phở nào gần nhà tôi, rồi chắc bụng, lên đường đi kiếm một chị dế mái không chừng. Đôi cánh được đem ra sử dụng để làm khổ một người đàn ông đang cần giấc ngủ.

Nghĩ cũng hay là chỉ có những anh dế đực mới có cặp cánh cứng và trong, gân guốc nổi lên thật đẹp. Mấy chị dế mái thì cánh nhẵn thín, trông xấu gái lắm, hệt như những sinh vật giống cái khác. Nó gáy là phải. Nhiều người không có gì cũng hay gáy huống chi là nó.

Tiếng gáy của những anh dế đực này cho các chị biết về sức khỏe của các anh, về tầm vóc của các anh, nhờ đó, trong bóng tối, chứ cũng không cần đến bóng trăng trắng ngà như bài hát của ông Lê Thương vẽ ra, các chị cũng có thể tưởng tượng ra mặt mũi các anh như thế nào, sức vóc ra sao, tài nghệ cỡ nào để quyết định mà tìm đường trong bóng tối hù như hũ nút mà tìm đến với các anh.

Không ngủ được, tôi bật TV lên, xem tiếp chương trình tin tức. Hồi sau, chán quá, tôi tắt truyền hình, hy vọng nó nghe tiếng đọc tin tức trong máy vọng ra, nó cũng chán lỗ tai, đi ngủ cho chủ nhà nhờ một giấc.

Vài phút sau, nó lại gáy trở lại. Nhưng tiếng gáy lần này không còn ở trong phòng ngủ nữa. Tiếng gáy của nó từ phòng khách vang vào. Đúng là nó ở sau chiếc ghế bành. Nó mất công thật. Kiếm dế mái mà cũng xục xạo khắp nhà. Tôi đứng dậy, đóng cửa phòng ngủ lại.

Con kiến mà bị đóng cửa còn không chạy đâu được huống chi to xác như con dế .

Con kiến mày ở trong nhà
Tao đóng cửa lại, mày ra đàng nào.

Kiến thì ra không được.

Con dế mày ở phòng ngoài
Tao đóng cửa lại, đố mày vào đây...

Quả nhiên tôi không bị nó phá nữa.

Ôi nhưng con dế của thời thơ ấu, có thời tôi yêu nó biết chừng nào. Những tháng mùa mưa ở Sài Gòn cầm cái hộp dế đi khắp xóm để đá với những con dế lửa, dế than của những người bạn. Những con dế cả đời sống ngoài vườn, ngoài đồng, trong những cái hang đào dưới đất mà chúng lúc nào cũng sạch sẽ, những cái chân, những cái bụng, cái đầu, những sợi râu bao giờ cũng sạch bóng. Chúng cũng không hại người như những con châu chấu cào cào họ hàng xa của chúng để mang tiếng là loạn châu châu, loạn cào cào...

Thế mà chúng bị đối xử hết sức độc ác. Những đứa bé thì mang nước đổ vào hang cho chúng ngộp phải chui ra để bị bắt đem đi đá chơi... Người ta lại mới khám phá ra rằng chiên nó lên ăn cũng ngon lắm. Thế là người ta đổ nhau đi bắt dế bán cho các thành phố như ở Campuchea trong những đoạn phim thời sự hồi tháng trước.

Tự nhiên tôi thương những con dế vô cùng. Tôi ngồi dậy, mở cửa phòng ra, mong nó kiếm chán ở phòng khách thì lại vào phòng ngủ của tôi, tiếp tục nỗ lực kiếm cô bạn. Biết đâu đêm nay nó hên thì sao.

Thế rồi cuối cùng, giấc ngủ cũng đến. Sáng ra thì tôi quên hẳn con dế đến thăm tôi tối hôm trước.

Lúc mở cửa đi làm, đang quay lại khóa cửa thì nó nhẩy ra theo, nhẩy thêm vài cái nữa thì nó ra đến khoảnh vườn nhỏ rồi biến mất trong bụi cỏ cuối vườn.

Nếu biết nó theo tôi ra của, tôi đã không để nó ra đi như vậy.

Phải chi giữ đưọc nó lại, buổi tối tôi sẽ vẫn còn có nó. Biết đâu nó lại chẳng tìm đưọc cô bạn đâu đó trong nhà tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy xác vài con dế mái ở cạnh đống báo.

Nhớ một bài haiku của Ba Tiêu:

Tiếng của một con dế
Rình rập sau cánh cửa
Sợ mùa thu đang về

Hình như hôm nay chưa phải là mùa thu.

Thế là tối nay tôi khó có cơ hội có bạn ghé thăm.


Ngày 29 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Mấy hôm trước, ở California người ta lại nhắc trong lúc lái xe mà một tay lái, một tay cầm điện thoại áp vào tai là không được, sẽ bị phạt nặng.

Luật pháp khó khăn như vậy là để giữ an ninh cho người lái xe cũng như cho những người lái xe khác. Tôi không có gì phản đối chuyện này. Những cú điện thoại gọi đến cho điện thoại của tôi trong lúc đang lái xe chắc cũng không bao giờ là những cú điện thoại quan trọng cho thế giới. Shiite và Sunni ở Iraq vẫn giết nhau. Các tay đánh bom vẫn mơ lên thiên đàng được 72 trinh nữ ra đón. Ông Obama vẫn làm tổng thống cho đến hết nhiệm kỳ. Bà Clinton quay ra thương ông Obama thật tình coi thấy tội hết sức.

Những tiếng chuông điện thoại trong khi đang lái xe bao giờ cũng làm tôi nhớ đến tên một cuốn phim tôi chưa xem nhưng lại rất thích cái tựa của nó: Heaven Can Wait.

Thiên đàng mà còn đợi được thì tại sao phải vội vã vồ lấy cái điện thoại trong lúc đang lái xe để trong chỉ vài tích tắc, cái xe có thể làm cái rầm vào một cái xe khác, cái cột điện, căn nhà, cái cây. Biết bao nhiêu chuyện có thể xẩy ra vì cái rầm ấy. Vậy nên cứ lờ đi cũng chẳng sao. Bao giờ ngừng xe, xem lại cái số nào vừa gọi, lúc ấy gọi lại trả lời cũng không muộn. Duy có cái số nào area code của thiên đường thì đừng trả lời vì có thể đó là của Trời gọi. Có trả lời thì cũng không nên "Dạ" mà rồi bức ảnh chụp đẹp nhất, đắc ý nhất và mới nhất lại được đem ra đặt bên đèn nến lung linh, ngó ra cái phao câu gà cởi truồng thì khổ.

Cấm trả lời điện thoại trong khi đang lái xe là đúng. Vừa lái xe vừa nói điện thoại, trò này đã làm cho một người bạn của tôi bực mình không ít. Bà nói rằng mấy lần đang lái xe , trông thấy "nó" đang chờ để từ bãi đậu xe ra đường lớn, mình ngừng lại, nhường đường cho "nó" đi, "nó" vẫn áp tai vào cái điện thoại, nói chuyện tiếp, không thèm ngó mình lấy một giây, mà có ngó, thì cũng cứ trơ mắt ra, không biết cảm ơn mình một câu. Bà bạn nói là bà đã chứng kiến vài ba lần như thế. Bà không biết "nó" đang nói cái gì trong điện thoại mà mặt mũi xưng xỉa như thế, không thèm "ngạo với nhân gian một nụ cười".

Một nụ cười thôi cũng đủ. Thôi bỏ qua cái khoát tay, cái vẫy tay đi cũng được. Hai tay thì một tay trên vô lăng, một tay ôm cái điện thoại mà vẫn còn một tay để vẫy thì có hơi không bình thường.

Thôi, bây giờ, có cái luật cấm ấy, một tay không cầm điện thoại chắc bạn tôi thế nào cũng bớt đi một vài chuyện không vui. Từ nay, nhường cho đi thế nào cũng được phía bên kia giơ tay vẫy rối rít. Chỉ sợ từ nay trở đi bạn tôi lái xe cứ chạy rề rề nhường cho người trong parking lot chạy ra để được vài cái vẫy tay cám ơn thì phiền cho những người lái xe đi đằng sau không ít.

Tôi muốn tin như bạn tôi muốn tin. Nhưng từ những điều nhìn thấy trong quá khứ, tôi không nghĩ với bộ luật mới này, tình hình sẽ khá hơn. Tôi tin rằng điện thoại vẫn được gọi tới. Sau hai tiếng chuông, nếu có cái "răng xanh" thì đường dây được nối với nhau, và cuộc điện đàm được bắt đầu. Nội dung các cuộc điện đàm vẫn không có gì thay đổi. Sẽ không bao giờ là những điều có thể thay đổi vài ba chuyện trên thế giới, chuyện xăng nhớt, chuyện lò nguyên tử ở Nhật… mà toàn là những chuyện cuối tuần này nhẩy đầm ở đâu, ca sĩ ấy có tự tử thật không mà sao vẫn mặt mũi buồn bã quá vậy, Macy’s bán đại hạ giá tới hôm nào vân vân.

Toàn là những chuyện đại để như thế. Nhưng mặt mũi khi trả lời điện thoại thì vẫn nghiêm và buồn như vẫn còn quá đau khổ sau hơn ba mươi năm Sài Gòn thất thủ.

Tôi tin chắc là những người mà ông Bá Dương mô tả trong cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí của ông vẫn còn nguyên. Những người chúng ta đi trước, qua cửa, đi chậm lại giữ cánh cửa cho người đi sau cũng vẫn cứ khó đăm đăm, mặt mũi tỉnh bơ, không chịu ngạo với nhân gian một nụ cười.

Ông Bá Dương bực mình chỉ muốn buông tay ra cho cánh cửa đập vỡ mặt cái đứa bất lịch sự và vô giáo dục ấy đi.

Người Tầu đối với nhau là như thế. Chuyện ấy đã xẩy ra cho tôi nhiều lần. Tuy thế, không lần nào trong đầu thoáng qua cái ý định buông tay cánh cửa cho nó vỡ mặt chơi.

Nhưng những khuôn mặt khó đăm đăm mắt tiếp tục ngó vào nơi xa vắng ấy thì vẫn còn. Tội nghiệp ông Bá Dương không có ở đây để mà thấy là không phải chỉ đồng bào ông sống trong cái vại tương mới hành xử như vậy.

Và như thế, không bao giờ nên vộị vã mừng là ở California có luật cấm cầm điện thoại trong lúc lái xe người ta sẽ lịch sự, tử tế hơn. Chuyện rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Vẫn là những trò nhường nhau của bà bạn tôi ỏ trên mấy con đường chính ở quận Cam để lại vẫn chỉ gặp "những con mắt thù hận cho ta đời lạnh căm."

Nghĩa là tay lái xe thì vẫn cứ lái, còn vẫy một cái cho bạn tôi thì không bao giờ.

Đừng có mà vội mừng.


Ngày 30 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Ai có gọi tôi là cực đoan thì tôi xin chịu. Tôi biết tôi bị cái bệnh không chữa được mà hai câu ca dao này nói rất đúng:

Yêu ai yêu cả đường đi
Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng

Đã ghét thì mặt đất có cái vết chân của người không ưa cũng ghét.

Ghét như đào đất đổ đi là như vậy.

Đó là dưới đất. Trên trời thì đội trời chung là không được.

Bất cộng đái thiên, không đội trời chung có thể hiểu theo hai cách. Cách mà chúng ta thưởng hiểu là hai người có những mối thù ghê gớm lắm dến độ phải giải quyết bằng cách một trong hai phải chết, phải ra đi như trong các truyện kiếm hiệp. Nhưng câu này cũng có thể hiểu được là hai bên không ưa nhau, nên đội chung một bầu trời, thở chung một thứ không khí, đạp chung một mặt đất là khó chịu, là không vui, là bực bội nhất định phải bỏ đi một nơi khác.

Hiểu theo cách thứ hai không quá sắt máu, không đòi phải giết phía bên kia. Nhưng ở gần, ở chung một bầu trời, một lãnh thổ, là chịu không được.

Alec Baldwin, một diễn viên điện ảnh Hollywood là người không ưa ông Bush. Trong lần ông Bush tranh cử nhiệm kỳ 2, Alec Baldwin có nói rằng nếu ông Bush tái đắc cử, người diễn viên này sẽ dọn đi nước khác để sống, chừng nào ông Bush không còn ở trong tòa Bạch Ốc nữa , Alec mới về.

Nhưng Alec vẫn không đi đâu cả, Alec vẫn đội trời chung với người mà chàng ghét.

Tuy thế, bề gì nước Mỹ cũng vẫn là đất nước của Alec. Có bực bội ông Bush rồi nói như vậy cũng chẳng sao. Nếu có không lánh đi một nơi khác như đã quả quyết mà tiếp tục ở lại Mỹ thì cũng chẳng có gì đáng nói.

Một số người khác cũng ghét ông Bush, ghét cả nước Mỹ như Rosie O’Donnell hay Michael Moore thì vẫn ở lại Mỹ. Cả hai nhìn đâu cũng thấy những xấu xa của nước Mỹ. Đến độ gần như đồng ý với loạt khủng bố 911. Nhưng họ là người Mỹ, họ ghét nước Mỹ . Tuy thế nước Mỹ là đất nước của họ. Họ có quyền ở lại. Tôi không có quyền chỉ trích họ về việc họ ghét nước Mỹ.

Tôi chỉ không hiểu thái độ của một số người mà một cuộc thăm dò mới đây cho thấy.

Những người này không như trường hợp của Rosie O’Donnell hay Michael Moore, hay Alec Baldwin , những người ra đời ở nước Mỹ, xứ sở của cha ông họ đã vài ba đời. Không ưa, thì nước Mỹ vẫn là quốc gia của họ. Họ không thể đi nơi khác được.

Nhưng có những người đến sống tại nước Mỹ, rồi quay ra ghét cay ghét đắng quốc gia này mới lạ.

Họ ghét tất cả mọi thứ, từ tôn giáo của nước Mỹ, ghét qua tiếng Mỹ, ghét cả người Mỹ.

Nhưng họ lại đòi đủ mọi thứ ở nước Mỹ. Đòi trường đại học phải dành cho chỗ riêng để quì đọc kinh mỗi ngày 5 lần. Không cho thì kiện. Đòi được che mặt chụp hình lấy bằng lái xe. Đòi được đội khăn trùm đầu để đi học. Không được thì hét nhắng lên là bị kỳ thị.

Một số mua võ khí, đi Afghanistan, Pakistan học khủng bố, âm mưu phá chỗ này, tấn công chỗ kia.

Có thể tôi suy nghĩ giản dị hơn. Đó là nếu đã ghét nước Mỹ, xã hội và con người Mỹ như thế thì tại sao không trở về những nơi cho đọc kinh mỗi ngày 5 lần, trùm khăn kín mít để khỏi khổ sở như đang sống ở cái vùng đất của bọn ngoại đạo, bọn infidel này?

Tôi thì không bao giờ trở lại cái đất có công an bịt miệng linh mục, hay không ưa ai thì bắt giam người ấy, đem phụ nữ bán ra nưóc ngoài, đẩy người dân đi làm mọi cho các nước.

Nhưng những người ghét Mỹ thậm tệ mà tôi vừa nhắc tới ở trên thì nếu muốn, có thể về nước của họ để sống cho tha hồ thoải mái.

Tiếp tục sống ở cái nước mà mình thù ghét, đi làm, đóng thuế để cái chính phủ này dùng tiền thuế mình đóng để mua súng đạn giết anh em của mình thì coi sao tiện?

Về nước, khóa các giếng dầu lại, không chơi với bọn ngoại đạo, ra sa mạc dựng lều da dê lên sống, thỉnh thoảng mời nhau cụng ly dầu hỏa uống chơi cho lịch sự.

Tưởng tượng một người sang nhà hàng xóm, thấy chủ nhà vặn máy lạnh cho chạy tối đa, lạnh quá liền đòi chủ nhà phải tắt máy lạnh đi cho mình khỏi lạnh thì còn việc nào vô lý bằng?

Không thích lạnh thì về nhà mở máy nóng, can cớ chi sang nhà người ta rồi bắt nguời ta ngưng chạy máy lạnh cho mình khỏi bị lạnh?

Nhưng đó lại là những điều vô lý mà nước Mỹ đang phải gánh chịu mà phần nào được nhìn thấy qua kết quả của một cuộc thăm dò những ngưòi Hồi giáo đang sống tại Hoa kỳ.

Đa số cho thấy một thái độ rất không ưa nước Mỹ. Không ưa đến độ tin chắc vụ 911 là do chính Hoa kỳ tạo ra, và không tin là những người cướp máy bay lao xuống Trung Tâm Mậu Dịch Thế giới là người Ả Rập, và nước Mỹ là nguồn gốc của tất cả mọi tội ác xấu xa nhất của thế giới.

Tội nghiệp, tại sao phải tiếp tục sống ở cái xứ đáng ghét như vậy.


Ngày 1 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Câu đầu tiên của bài học Anh ngữ thường thì phải là câu "How are you ?"

Cho dù đó là bộ đĩa Linguaphone hay Assimil, hay bộ sách Anglais Vivant, bộ English For Today, bộ Life With The Taylors hay bộ Direct Method mà chúng ta, ai học tiếng Anh cũng phải học qua.

Và câu kế tiếp, gần như bao giờ cũng là "I am fine, thank you, and you?"

Ông, bà, cô khoẻ không? Dạ thưa tôi khỏe, còn ông, bà cô thì thế nào?

Để trả lời cho câu hỏi, nhưng mang nhiều ý nghĩa một lời chào đó, ở những lớp học tiếng Anh, chúng ta được dậy là thưa ông, bà, cô tôi khoẻ.

Vậy là đủ.

Chưa thấy một lớp tiếng Anh là sinh ngữ thứ hai nào dậy chúng ta phải dài dòng rằng thưa ông, tôi khỏe lắm ông ạ. Áp huyết, cholesterole đo tuần trước rất tốt, đường ở mức bình thường. Ngủ thì tôi vào giường thẳng cẳng một giấc đến tận sáng hôm sau 7 giờ sáng mới thức. Ăn hai lát bánh mì nướng, cầm hai quả tạ 10 pounds đi tới đi lui, chạy treadmill 15 phút rồi vặn truyền hình xem tin tức , tắm một cái rồi sửa soạn đi làm, mang theo tờ báo vào sở đọc. Buổi trưa xuống cafeteria ăn cái sandwich, chiều về ăn uống rồi đọc báo, xem TV đi ngủ. Cứ như là cảnh trong Vang Bóng Một Thời ấy thôi.

Cũng

Dạ bán tam bôi tửu
Bình minh sổ trản trà
Nhất nhật y như thử
Lương y bất đáo gia

Nửa đêm ba ly … đỏ
Sáng ra một bình trà
Mỗi ngày được như thế
Thầy thuốc chẳng đến nhà...

Có thể chúng ta không được dậy ở lớp vỡ lòng tiếng Anh đầu cua tai nheo như vậy là vì tiếng Anh của chúng ta chưa đủ, nên mới chỉ ngập ngừng "I am fine. And you?"

Nhưng cũng có thể chúng ta nói như thế là vì nói những thứ đầu cua tai nheo ra, nói thật về bệnh trạng của chúng ta ra là điều không nên chăng?

Tưởng tượng vừa mới đưa ra câu chào "How are you?" thì phía bên kia như vừa mở được cái nút, là ào ra như thế này : "Thưa ông , chẳng nói dấu gì ông, tôi thấy trong người mấy hôm nay nó làm sao ấy. Sáng hôm qua, đi cầu tôi thấy phân không được vàng như những ngày thường, nó lại nổi lên chút váng, phân hơi đen ông ạ, lại có mùi hơi lạ. Chẳng hiểu như thế là thế nào . Lại còn thêm vào đó là cứ đi tiểu nhiều lần trong đêm ông ạ. Mà dòng nước thì lại không được mạnh như thời còn trai trẻ. Sáng dậy chân tay cứ bã ra ấy thôi, phải nằm cả nửa tiếng mới thấy đỡ mệt ông ạ. Thế là chẳng thấy sống vui sống khỏe chút nao. Ăn thì hai bát là nhiều lắm. Có khi hai ba ngày không bài tiết được ông ạ. Cố thế nào cũng không ra được bao nhiêu. Ông thấy tôi khổ không. Còn ông thì sao, bệnh trĩ của ông đi đến đâu rồi? Ông có tính lần này nhờ cắt, đốt, cột không? Chứ để nguyên như vậy, trông ông đi đứng tôi ái ngại lắm…"

Tưởng tượng cứ vừa tay bắt mặt mừng chìa tay ra "How are you?" một cái mà được nghe đủ bằng ấy thứ thì ai mà còn dám hỏi với lại han nữa.

Thế nên câu "How are you?" hình như chỉ để hỏi cho có lệ thôi thì phải. Cũng như "How are you doing?" vậy.

Không lẽ "I am not doing"…

Hay "How do you do?" rồi trả lời "I don’t do" ?
Người ta vẫn nói rằng người đại vô duyên là người khi chúng ta nói "How are you?" thì liền ngồi xuống cho chúng ta biết đủ mọi thứ đầu cua tai nheo trên đời này. A bore is someone when asked "how are you?", would tell us how he is.

Sáng hôm qua, vừa bước vào sở thì bị quăng ngay câu "How are you?" vào mặt.

Tôi trả lời là chán lắm. Nhìn thấy cái mặt người trong gương ngó ra là không muốn ra khỏi nhà rồi.

Thì liền bị người hỏi câu đó nói rằng thưa ông, tôi không muốn nghe phúc trình sức khỏe của ông. Tôi hỏi cho có lệ đấy thôi. Sao ông không trả lời "I am fine. Thank you. And you?", như những người vừa học xong lớp English As A Second Language mà ông phải nhiều lời như thế.

À thì ra đó chỉ là một câu chào cho có lệ. Thế mà cứ tưởng người hỏi quan tâm về mình lắm.

Lại nhớ đến hai câu của ông Bùi Giáng:

Dạ thưa phố Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.

Hay nếu không thì:

Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa …

không biết có được không...

Mấy câu dẫn ở trên thực ra là những câu khai bệnh nghe được trên làn sóng điện giữa một bữa cơm chiều. Bữa cơm bị dẹp và chạy vội ra dầu đường kiếm ông McDonald vậy.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 103)

THE VERBS TO SPEAK, TO TALK, TO TELL, TO SAY

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 103 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, QA có một thắc mắc, thật ra là nhiều thắc mắc, là làm sao phân biệt và dùng chính xác bốn động tự TO SPEAK, TO TALK, TO SAY, TO TELL. Trong tiếng Việt, tất cả đều nghĩa là "nói", giản dị biết là chừng nào. Nhưng trong tiếng Anh, các động tự vừa kể hình như rất khác nhau, người ta phân biệt chúng rất rõ, dùng cho đúng không phải là dễ phải không thưa anh?

BBT

Thực ra thì chúng hơi rắc rối. Nhưng dùng và nghe quen thì thấy cũng không khó gì.

Trước hết chúng ta sẽ nói về động tự TO SPEAK.

Động tự này thường được dùng khi chỉ có một người nói. Thí dụ tổng thống Obama nói với quốc hội thì tại diễn đàn, chỉ có ông Obama nói mà thôi, các nhà làm luật ngồi nghe ở dưới. Thúy sẽ nói tiếng Anh thế nào trong trường hợp này?

LÃM THÚY

PRESIDENT OBAMA SPOKE TO THE LAW MAKERS . Hay THE PRESIDENT SPOKE TO THE NATION ON TELEVISION LAST NIGHT.

BBT

Nhưng khi hai bên thảo luận với nhau về chuyện ngân sách, nghĩa là hai bên cùng nói, trao đổi ý kiến với nhau thì chúng ta dùng động tự TO TALK. QA nói thử một câu với TO TALK coi.

QA

MISTER OBAMA AND THE LEADERS OF BOTH HOUSES TALKED ABOUT TAX CUTS.

WE TALK ABOUT COLLEGE FOR THE KIDS.

BBT

Đúng lắm. TO TALK là nói qua nói lại, thảo luận, trao đổi ý kiến.

LÃM THÚY

Thưa anh, có thể dùng TO TALK khi nói về chuyện sử dụng ngôn ngữ không?

BBT

Không được. Phải dùng TO SPEAK như SE HABLA ESPANOL là WE SPEAK ENGLISH HERE… ICI ON PARLE FRANCAIS… Chúng ta là người sử dụng tiếng Việt… WE ARE VIETNAMESE SPEAKERS… WE SPEAK VIETNAMESE. Do đó ENGLISH NATIVE SPEAKERS là người nói tiếng Anh thổ sinh, ra đời là nói tiếng Anh ngay, không phải đi học rồi mới nói được tiếng Anh như chúng ta. Chúng ta là NON NATIVE (ENGLISH) SPEAKERS.

QA

Thưa anh, con trai QA kể là nó chỉ nói chuyện thể thao với người bạn hàng xóm. QA thấy nó kể WE TALKED FOOTBALL ALL THE TIME. Vậy có đúng không?

BBT

Đúng chứ. Chúng ta dùng TO TALK chứ không dùng TO SPEAK trong những trường hợp khi nói và đề cập đến một điều gì đó, một đề mục nào đó.

LÃM THÚY

AT HOME, I NEVER TALK (ABOUT) POLITICS WITH MY SON. BUT I DO TALK (ABOUT) RELIGIONS WITH HIM.

BBT

Cám ơn cô Thúy. Hai đề tài tôi luôn luôn tránh là POLITICS và RELIGIONS. Đụng tới chúng là thế nào cũng cãi nhau. WE DO NOT TALK POLITICS AND RELIGIONS. Chúng ta cũng dùng TO SPEAK khi nói về cách ăn nói của chúng ta. TO SPEAK LOUDLY, SOFTLY, NICELY, INTELLIGENTLY, CLEARLY… Trong những trường hợp như vừa kể, dùng TO TALK cũng không sao.

Câu này là của tổng thống Theodore Roosevelt: SPEAK SOFTLY BUT CARRY A BIG STICK nghĩa là nói lời nhẹ nhàng nhưng vác theo cái chầy vồ thật to, lộn xộn là đánh chết ngay. Đó là câu tóm tắt chính sách ngoại giao của Hoa kỳ thời đó.

LÃM THÚY

Như vậy Thúy nói thế này được không? HE TALKED TO ME NICELY ABOUT HIS PLANS FOR COLLEGE, THEN HE TALKED ABOUT THE NEW CAR THAT HE WANTS…

BBT

Vậy thì cô phải gật đầu chứ gì nữa? Hai thí dụ cô vừa đưa ra cũng có thể dùng động tự TO TELL. Động tự này được dùng để nhắc đến những gì được nói ra và nói ra với ai. Thí dụ TO TELL A STORY, A LIE, THE TRUTH, THE TIME, THE DIFFERENCE BETWEEN… QA cho nghe thí dụ về cách dùng TO TELL coi.

QA

PLEASE TELL ME THE TRUTH. DO NOT TELL ME LIES AGAIN. CAN YOU TELL THE TIME? CAN YOU TELL THE DIFFERENCES BETWEEN A KOREAN AND A JAPANESE?

BBT

Động tự TO TELL cũng được dùng để kể lại chuyện được nói với ai. PRESIDENT NIXON TOLD PRESIDENT THIEU THAT THE US WOULD COME TO HELP VIETNAM.

LÃM THÚY

MY SON TELLS ME ALL ABOUT HIS NEW GIRL FRIEND.

QA

MY DAUGHTER TELLS HER SISTER ABOUT THE EXCITING LIFE IN COLLEGE EVERY TIME SHE COMES HOME FOR THE HOLIDAYS.

LÃM THÚY

Còn một động tự chót, TO SAY, Thúy nghĩ là khó nhất. QA đồng ý không?

QA

QA hay bị lũ con sửa sai nhất là khi dùng động từ TO SAY.

BBT

Sự thực, TO SAY cũng không khó gì. Cứ khi nào phải dùng TO SPEAK, TO TELL và TO TALK thì đừng dùng TO SAY.

Thí dụ không thể nói TO SAY VIETNAMESE. Không thể nói TO SAY THE TRUTH. Không thể nói TO SAY A STORY .

Chúng ta dùng TO SAY để thuật lại lời của một người, điều hay chuyện người ấy nói. Thường sau TO SAY, chúng ta dùng giới từ THAT để thuật lại lời của người kia nói. Có khi chúng ta dùng HAI CHẤM (:) rồi mở và đóng ngoặc kép (" …") để nhắc lại đúng những lời của người đã nói câu đó. Chúng ta sẽ đề cập đến các trường hợp DIRECT SPEECH và INDIRECT SPEECH trong một bài tới.

Thí dụ LITTLE GEORGE WASHINGTON ONCE SAID, " I CANNOT NOT TELL A LIE."

QA

GENERAL TRẦN HƯNG ĐẠO SAID THE EMPEROR WOULD HAVE TO KILL HIM BEFORE SURRENDERING.

LÃM THÚY

PRESIDENT THIEU SAID WE SHOULD NOT BELIEVE WHAT THE COMMUNISTS SAID. INSTEAD, WE SHOULD WATCH WHAT THEY ACTUALLY DID.

BBT

Bây giờ chúng ta sẽ nói về một vài thành ngữ với các động tự vừa học ở trên. Tôi thấy người Anh dùng cách nói này nhiều hơn người Mỹ: I SAY. Người ta dùng nó để làm cho người nghe chú ý vào câu sắp nói hơn. Thí dụ I SAY, DO YOU WANT TO WATCH THE TELLY?

QA

Câu này QA nghe giống như câu "NÓI NGHE…"trong tiếng Việt vậy phải không thưa anh? Nói nghe, có muốn xem TV không? Nhưng câu này chỉ nên dùng trong những lúc nói chuyện thân mật chứ với người trên có lẽ không nên dùng phải không anh?

BBT

Đúng như thế. I SAY còn được dùng như một câu hô thán, một EXCLAMATION bầy tỏ ngạc nhiên, mừng rỡ hay bực mình. Thí dụ I SAY, HE IS HERE AGAIN!

Thành ngữ THAT IS TO SAY nghĩa là nói cách khác là… Thúy cho nghe thử một trường hợp có thể dùng với THAT IS TO SAY coi.

LÃM THÚY

HE SAID "OVER HIS DEAD BODY" THAT IS TO SAY HE DID NOT WANT IT TO HAPPEN.

BBT

TO SAY NOTHING OF nghĩa là chưa nói đến, không kể tới. Thí dụ HE SMELLS TERRIBLE, TO SAY NOTHING OF HIS CLOTHES. Ông ta hôi hám dễ sợ, mà đó là chưa nói tới quần áo ông ta mặc.

QA

QA nhớ một câu nghe của mấy đứa con, câu YOU CAN SAY THAT AGAIN. Câu này nghĩa là gì thưa thầy.

LÃM THÚY

Thúy xin trả lời chị QA hộ thầy. Câu này là câu để cãi nhau, bầy tỏ sự bất đồng mà Thúy học được của một ông cán bộ " NÓI NỘN CHO NÓI NẠI ĐẤY!" Đúng không anh?

BBT

Đúng boong. Động tự TO TELL có những nghĩa khác hơn là chúng ta đã đề cập ở trên như TO TELL A SECRET là tiết lộ bí mật. TO TELL FORTUNES là tiên đoán, xem bói cho ai đó. Thành ngữ TELL YOU được dùng để khẳng định, cam đoan, đoan chắc về một chuyện gì đó. Thí dụ I TELL YOU, MISTER OBAMA WILL BE HARD TO BEAT IN 2012.

QA

Cũng giống như khi nói "Tui nói ông nghe, sẽ khó mà đánh bại tổng thống Obama vào năm 2012 lắm à nghe!"

BBT

Cám ơn cô QA. Một thành ngữ khác với TO TELL nhé. TO TELL OFF, TO TELL SOMEBODY OFF là bác bỏ ý kiến của ai đó, kê tủ đứng ai đó. Cô Thúy cho một thí dụ coi.

LÃM THÚY

HE ASKED HER TO GO OUT WITH HIM BUT SHE TOLD HIM OFF RIGHT AWAY.

BBT

Tội nghiệp người ta mà cô. Ấp úng mãi mới ra được nửa lời, lại bị ngay cô chủ tiệm furniture kê cho cái tủ thì sống sao nổi.

TO TELL APART là phân biệt. Tôi hay đến chơi nhà người bạn có hai cô con gái sinh đôi. Tôi không có cách nào phân biệt đứa nào là chị, đứa nào là em. I CANNOT TELL THEM APART. THEY ARE LIKE TWO PEAS IN A POD.

QA

QA nghe mấy đứa con nói với nhau rằng RICKY AND MOLLY ARE NO LONGER SPEAKING nghĩa là gì thưa anh?

BBT

Nghĩa là hai cô cậu giận nhau, không còn nói chuyện với nhau nữa. Cũng như khi nói THEY ARE NOT ON SPEAKING TERMS.

Đố hai cô biết câu này nghĩa là gì: ACTIONS SPEAK LOUDER THAN WORDS?

LÃM THÚY

Là thùng rỗng kêu to phải không anh?

BBT

Không phải. ACTIONS là hành động. WORDS là lời nói. ACTIONS SPEAK LOUDER THAN WORDS là hành động nói được nhiều hơn là lời nói. Nghĩa là bắt tay vào làm việc thì tốt hơn, thì đem lại kết quả hơn là chỉ nói mồm.

LÃM THÚY

Thế còn TO SPEAK VOLUMES là gì thưa anh?

BBT

Là nói lên được rất nhiều. VOLUMES là những pho sách. Thí dụ việc ngoại trưởng Trần Văn Đỗ khóc ở hội nghị Geneve năm 1954 đã nói lên được rất nhiều, rất nhiều điều về lòng yêu nước của ông, về sự lo lắng cho tương lai của quốc gia Việt Nam, về những điều mà ông sợ cho người dân Việt. Cô Lãm Thúy nói bằng tiếng Anh nghe coi.

LÃM THÚY

Dr. ĐỖ’S TEARS AT THE GENEVA CONFERENCE SPOKE VOLUMES.

BBT

Cám ơn cô. TO SPEAK OUT la gì hai cô, khi nói THE YOUNG PEOPLE IN VIETNAM ARE SPEAKING OUT ABOUT TRƯỜNG SA AND HOÀNG SA.

QA

Nghĩa là thanh niên trong nước đang lên tiếng về Trường Sa và Hoàng Sa. TO SPEAK OUT là nói lớn, là bầy tỏ lập trường một cách can đảm về những vấn đề chung một cách công khai. Thưa anh, TO SPEAK UP có cùng nghĩa với TO SPEAK OUT không?

BBT

TO SPEAK UP vừa có nghĩa là nói lớn lên, vừa có nghĩa như TO SPEAK OUT, nghĩa là nói bằng giọng can đảm, không sợ sệt, không ngập ngừng.

TO SPEAK OF nghĩa là đáng để nói ra, đáng để đề cập tới. Thí dụ nói sau khi đọc quyển sách đó xong, tôi chẳng thấy gì đáng nói cả, thì cô Thúy, người lúc nào cũng có sách vở vây quanh từ sáng đến chiều sẽ nói thế nào đây?

LÃM THÚY

AFTER READING THE BOOK, I FOUND NOTHING TO SPEAK OF.

BBT

Cám ơn cô. Còn động tự TO TALK là động tự cuối trong bài hôm nay. Chúng ta có TALK BIG là khoe khoang, huênh hoang, là nổ, là xạo, là nói thánh, nói tướng... HE ALWAYS TALKS BIG WHEN THERE ARE LADIES AROUND.

Thành ngữ TO TALK SENSE cũng giống như TO MAKE SENSE có nghĩa là nói một cách hợp lý, có lý, có ý nghĩa.

Thí dụ MOST OF THE TIME, HE DOES NOT TALK SENSE hay HE DOES NOT MAKE SENSE đều có nghĩa là gần như lúc nào ông ta cũng nói năng không có nghĩa lý gì hết.

LÃM THÚY

THANK YOU FOR TELLING US ALL ABOUT THE FOUR VERBS. YOU TALK SENSE AND SPEAK VERY CLEARLY. I WANT TO SAY THANK YOU AGAIN.

QUỲNH ANH

Anh chắc cũng đã thấy Lãm Thúy dùng ngay được bài vừa học về mấy động từ TO SPEAK, TO TALK, TO TELL và TO SAY. Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

June 23, 2011

June 24, 2011

Ngày 20 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Hình như chúng ta càng ngày càng trẻ ra. Không cần phải uống sữa ong chúa, bôi vài ba chục lọ kem dưỡng da, rồi lại cả hộp Shisedo đắp lên mặt mỗi tối, hay để hai lát dưa chuột lên mắt và vài ba tháng đi chích Botox một lần, chúng ta vẫn đang càng ngày càng trẻ ra.

Thượng nghị sĩ John McCain khi 71 tuổi vẫn ra tranh cử tổng thống.

Ông Reagan tranh cử tổng thống khi bị đối thủ coi là già, ông nói với ứng cử viên Mondale rằng ông không bao giờ đem chuyện tuổi tác của ông Mondale ra nói để bị coi là kỳ thị. Ý nói ông không già, chỉ có ông Mondale trẻ (người non dạ) mà thôi.

Ông Reagan đắc cử, ngồi ở ghế tổng thống hai nhiệm kỳ tổng cộng tám năm.

Diane Sawyer

Mấy hôm trước, Diane Sawyer mặc một chiếc áo vàng tươi và một chiếc váy nhiều mầu sặc sỡ. Nàng tuổi tác đã ngoài 60. Những mầu sắc như thế trước đây, ở tuổi nàng, ai dám mặc.

Cách đây ít năm, cứ khoảng ngoài 40 là người ta phải chọn những mầu nào coi cho nhã một chút để khỏi bị chê là trẻ quá. Đó là những mầu nâu, mầu xám, mầu tím than. Sơ mi thì cứ mầu trắng, ca vát đỏ sậm, hay nâu đậm cho đạo mạo.

Fernadel trong phim Sous Le Ciel De Provence vừa quàng vào cổ cái ca vát mầu hơi tươi một chút đã bị vợ cằn nhằn là sao lại chọn chiếc ca vát mầu quá trẻ đó.

Vai Fernandel đóng trong phim là một người đàn ông mới 40 tuổi. Hôm sau, người phụ nữ trẻ chàng gặp trong chuyến xe hàng thì lại nói tại sao chàng đeo chiếc ca vát mầu già như thế, phải đeo mầu tươi hơn mới được.

Như vậy là chúng ta bị những người chung quanh bắt phải già. Ngoài bốn mươi, ông bố tôi đã được, thực ra không biết phải nói là được hay bị, gọi là cụ. Cụ giáo, cụ hiệu trưởng, cụ thanh tra. Thôi thì cho đó là chuyện gọi chức vụ đi. Nhưng chúng ta quả là đã bị những người chung quanh bắt là già đi.

Năm mươi tuổi Nguyễn Khuyến lên lão, đã vườn Bùi chốn cũ lụ khụ trở về nghỉ hưu. Bây giờ năm mươi ai dám nói là già?

Báo Orange County Register tuần qua có một bài viết về một cặp tân hôn. Tân lang 100 tuổi. Tân giai nhân 90 tuổi. Chúc hai người chúc gì? Bách niên giai lão chăng? Cụ ông đã một trăm rồi còn chi? Chúc hạnh phúc đến lúc đầu bạc răng long ư ? Ca hai mái đầu đều đã bạc. Mấy hàm răng không thể long được nữa. Có thể tháo ra để đầu giường mỗi tối chứ long ở đâu mà long.

Đọc những trang tìm bạn trên các báo người ta đọc thấy những lời rao tìm bạn của những người trên 60 kiếm những người cũng trên 60. Nhớ lại mấy chục năm trước, khi ông cụ tôi và các bạn của cụ bằng tuổi ấy, có ai dám làm chuyện đó đâu. Gợi ý ra với các cụ là bị gạt phắt đi ngay lập tức.

Bày giờ, các cụ vẫn còn rối rít tìm nhau làm con cháu chóng cả mặt. Tại một cư xá của các cụ ở Virginia, những vụ đánh ghen lại thỉnh thoảng diễn ra vì cụ ông tránh một cụ bà ở lầu 2 để dùng bữa với cụ bà khác ở một lầu khác.

Một bản tin truyền hình nói là sáu mươi tuổi bây giờ là 40 tuổi của hồi cách đây 20 năm. Như vậy, 70 tuổi nay chỉ là 50 tuổi chứ già ở chỗ nào. Tuổi 70 vẫn lái xe ào ào, vẫn nhuộm tóc, đeo tóc giả đi nhẩy đầm, kiếm bạn trai cũng như bạn gái, làm đám cưới linh đình, rồi lại còn ra tranh cử tổng thống và tin chắc là nếu đắc cử, sẽ ngồi ở tòa Bạch Ốc ít nhất 4 năm nữa.

Bởi thế, Diane Sawyer ngoài 60 vẫn quần áo rực rỡ, bầy chân cẳng ra như mới hai mươi mấy. Không ai bắt bẻ rằng ngoại lục tuần rồi mà còn áo quần xí xọn.

Những người đàn ông và những người đàn bà bỗng thấy cái ca vát mầu tươi, cái áo rực rỡ, bộ suit mầu nhạt, đôi giầy mầu đỏ, mầu vàng trở nên mời gọi hơn, muốn vào tiệm mang về nhà cho tiện việc sổ sách.

Nhìn chung quanh chắc chúng ta cũng đã thấy những đổi thay như thế. Không còn phải kiếm những thứ mầu đậm, ảm đạm nữa. Phải kiếm cái ca vát, cái áo tươi một chút. Tại sao phải đạo mạo? Tại sao phải già? Tại sao phải chọn cái mầu cho nhã? Tuổi tác là cái gì? Là mấy con số thoi chứ là cái gì.

Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta

Già ư? Cứ để cho anh nhận hết. Còn em? Cứ tuổi nhỏ như thơ ông Mai Thảo. Và mặc kệ cho trăm ngọn gió thổi vào cõi đời còn xanh biếc của chúng ta.

Cõi biếc ấy là cõi không già, không có tuổi vậy.


Ngày 21 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Mấy chục năm trước, thỉnh thoảng có dịp ngồi ăn trưa với ông ngoại các cháu, tôi lại phải nghe suốt bữa những lời than thở bực mình về vật giá trong ngày. Cụ nhắc lại thời giá của hơn ba chục năm trước, hồi những năm 1930, 1940 một chiếc xe đạp Alcion giá có mười mấy đồng, bộ quần áo may đẹp cũng chỉ vài đồng bạc, những bữa đi ăn tiệm chỉ mấy hào … Ông Tú Xương thì than

Vừa đồng bạc lớn ông lang Sán
Lại mấy hào con chú Ích Sinh
.

Toàn là những thứ tiền đến thời của chúng tôi thì không còn thấy dùng nữa.

Bây giờ thì là những đồng xu Mỹ. A penny saved is a penny earned. Một xu tiết kiệm được là một xu kiếm được.

Nhưng không còn ai ngồi mà đếm mấy đồng xu đỏ nữa. Những cách nói có từ lâu chắc cũng sẽ ra đi. Not a penny to my name, không một xu dính túi.

Nhiều ý kiến đã muốn dẹp hẳn những đồng xu này. Lý do là vì không còn ai tiêu chúng nữa, mà phí tổn để đúc chúng lại cao hơn trị giá của chúng. Từ ngoài đường về nhà,gần như người Mỹ nào cũng móc hết những đồng bạc kim khí ra, ném lên bàn. Giữ lại những đồng 5 xu, 10 xu , 25 xu. Những đồng 1 xu thì gạt sang một bên chờ một hôm nào có nhiều, ra ngân hàng mang theo đổi thành tiền giấy. Nhưng phải một trăm đồng mới thành một đô la giấy. Ít khi nhớ mang chúng theo nên những đồng xu mầu đỏ với chân dung nhìn nghiêng của tổng thống Abraham Lincoln tiếp tục nằm trong những góc kẹt của những chiếc ngăn kéo, trong những góc nhà cho đến khi dọn dẹp căn phòng hay đổi địa chỉ đến một nơi khác mới lại thấy chúng.

Chúng cũng chẳng an ủi được người tiêu thụ bao nhiêu. Thay vì đề giá 20 đô la, người ta đề 19 đô la 99 xu. Ai là người tin cái giá đó là giá rẻ hơn 20 đô la. Cộng thêm mấy xu thuế là thành trên hai chục đô la ngay. Mà cho dù có đúng là 19 đô la 99 xu, đưa tờ giấy 20 đô la ra, mấy ai chúng ta giơ tay chờ nhà hàng trả lại 1 xu đó.

Khách không thèm lấy 1 xu, mà chủ tiệm nhiều khi cũng chẳng thèm lấy. Thế là có cãi hũ nhỏ, cái hộp nhỏ cho khách bỏ đồng 1 xu, hay nhiều khi là ba , bốn, đồng xu vào cái hũ ấy. Không ai biết chúng đi đâu.

Nhưng thỉnh thoảng chúng cũng làm được việc. Thí dụ khi tính tiền, giá món hàng phải trả là 15 đô la lẻ 1 xu chẳng hạn. Người mua đưa ra tờ giấy 20 đô la. Một số tiệm trả lại bằng một tờ giấy năm đồng , xí xóa 1 xu lẻ đó. Nhưng cũng có những tiệm nhất định lấy cho đủ 1 xu bằng cách trả lại cho khách 4 đô la 99 xu. Lúc ấy, nếu có cái hũ để sẵn vài đồng xu của những vị khách trước, thì chỉ cần thò tay lấy 1 xu trong hũ đưa cho nhà hàng đúng hệt như hàng chữ viết bên ngoài hũ: You give one, you take one. Thừa thì cho 1 xu. Thiếu thì lấy một xu.

Khi thấy nhà hàng nhất định lấy cho đủ 1 xu mặc dù phải phá đồng 5 đô la ra để trả lại 4 đô la 99 xu vừa lẻ loi, vừa nặng chình chịch đó, lục trong ví, trong túi không sao có được 1 xu để đưa cho người thu tiền khó tính và độc ác đó, thì người ta mới thấy sự lợi ích của đồng 1 xu.

Cầm lấy 4 đồng 99 xu mà giận điên lên trong khi phía bên kia thì lặng lẽ cười khoái chí vì vừa chọc giận được một người khách.

Nếu có thể tránh được, chuyện trở lại tiệm chắc không bao giờ xẩy ra nữa.

Như vậy, đồng penny cũng có thể là một thứ có thể dùng để chọc tức người khác hay trả thù cho bõ ghét.

Một người lái xe nọ, bị cảnh sát phạt mấy chục bạc. Ông đến quận cảnh sát với khoảng năm ngàn đồng 1 xu, chở bằng mấy thùng để trả tiền phạt. Cảnh sát không nhận, nại lý do là không có người đếm tiền. Người bị giấy phạt thì nói là không có chi phiếu hay tiền giấy. Kết cục cảnh sát vẫn thắng. Chỉ là để làm khó nhau mà thôi.

Nhưng vô duyên nhất là con số 9/10 của một xu. Đây là cái gì? Ai tìm được 9/10 của 1 xu, xin chỉ chỗ. Chắc nó phải trở thành một món sưu tầm quí lắm.

Tìm thì không thấy, không sờ được,không nhặt lên được. Nhưng 9/10 xu thì vẫn thấy lù lù ở ngoại đường. Ở giá xăng tại những cây xăng củacác thành phố Mỹ.

Giá 4 đô la 99 , 9/10 xu có thấp hơn 5 đô la không?

Nhất định là không. Nhưng nó vẫn xuất hiện trên bảng giá tại các trạm xăng. Ghi nó trên bảng giá làm gì? Ai tin là giá xăng ghi như thế là rẻ, là thấp hơn 5 đô la?

Nhớ con cò trong ca dao Việt Nam.

Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng
Có sáo thì sáo nước trong
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con

Con cò xin được chết yên lành, sạch sẽ, ngon lành vì đằng nào cũng chết.

Người lái xe cũng vậy. Đằng nào cũng phải chi trên 4 đô la 1 ga lông xăng. Thì cứ tính cho đủ, cho đúng trên 4 đô la , chúng tôi vẫn ngậm đắng nuốt cay, giữ khuôn mặt vui tươi và trẻ trung để trả cái giá đó.

Đừng giả bộ an ủi, tử tế, nhẹ nhàng với chúng tôi trong khi lưỡi dao dấu sau lưng sắp chém chúng tôi nát cổ không một mảy may thương sót.


Ngày 22 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Thỉnh thoảng ngồi một mình tôi lại nhớ lại một thứ đã mấy chục năm nay không thấy trên bìa những tờ báo xuân Việt ngữ ở hải ngoại.

Đó là những bức chân dung phụ nữ một thời không thể không có trên bìa những tờ báo xuân ở Việt Nam mấy chục năm trước. Trước khi có phong trào in hình ca sĩ và diễn viên điện ảnh, thì bìa của một vài tờ báo xuân bao giờ cũng là một bức chân dung phụ nữ, một bức vẽ chứ không phải là tác phẩm nhiếp ảnh.

Và trong nhiều năm, những bức chân dung của người phụ nữ có một khuôn mặt duy nhất là món không thể không có của những tờ báo của các báo miền nam. Những tờ báo của các nhà báo miền bắc làm báo ở Sài gòn thì không dùng những bức chân dung đó. Nhưng gần như tất cả các báo xuân của các nhà báo miền nam đều dùng những chân dung đó làm bìa.

Những bức vẽ chân dung phụ nữ trên các bìa báo này đều có những nét rất giống nhau. Và người đi đầu trong lối vẽ chân dung cho các báo xuân là họa sĩ Lê Trung. Lê Trung cũng là người vẽ những chân dung đẹp nhất.

Họa sĩ Lê Ngọc Trung - Lê Trung,
nổi tiếng về tranh vẽ thiếu nữ

Ông vẽ cô nào cũng giống cô nào. Tất cả đều mang vẻ đẹp của những phụ nữ miền nam. Miền nam từ mái tóc đến đôi mắt, đôi môi trái tim hơi dầy mọng. Đôi mắt nếu những người chưa bao giờ hiểu hai chữ ướt rượt thì chỉ cần nhìn những đôi mắt của phụ nữ trong tranh Lê Trung là thấy ngay. Đó là những đôi mắt to, mở lớn, lòng đen bao giờ cũng có nét sáng long lanh, và hàng lông mi, cho dù người mẫu đưa ra những gợi ý của một vẻ đẹp đồng quê, vẫn là hai hàng mi dài và cong như vừa dùng xong nửa chai mascara.

Người phụ nữ trong tranh có khi có chiếc khăn rằn trên đầu nhưng vẫn không dấu đi mái tóc, đôi bông bụp bông xoè và chiếc áo bà ba may rất khéo . Phía sau bao giờ cũng là một mái tranh, một khúc sông, những cây dừa , một con thuyền, những cảnh rất miền nam.

Những chân dung Lê Trung vẽ đã ngự trị trên những bìa báo trong suốt nhiều năm. Hết Tết, những tấm bìa được dán trên vách những căn nhà gỗ, trang điểm cho căn nhà suốt năm.

Ông Lê Trung ở với chúng ta như thế mà không mấy ai biết được bao nhiêu về ông. Những sách vở viết về văn học nghệ thuật miền nam không một cuốn nào đề cập đến ông. Ông có tốt nghiệp một trường mỹ thuật nào không, ông khởi vẽ từ năm nào, ông còn vẽ những loại tranh nào khác nữa không, ông ở đâu, có còn vẽ nữa không, có còn ở với chúng ta không, không một chi tiết nào về ông có thể tìm thấy được trong các tài liệu về Việt Nam

Lối vẽ của ông có thể không thuyết phục được những con mắt có nghiên cứu hội họa nhưng nói là xấu thì không thể nói được. Lối vẽ đó không kinh điển, mực thước như những bài dậy ở trường Mỹ thuật, nhưng ông vẽ phụ nữ ra phụ nữ, phong cảnh đúng luật viễn cận, mầu sắc pha rất khéo.

Thế thì còn đòi hỏi gì nữa.

Lối vẽ đó làm vui mắt độc giả bao nhiêu mùa xuân ở Việt Nam.

Họa sĩ Lê Trung ông đang ở đâu? Ông có còn ở với chúng ta không? Ở một nơi nào đó, nếu ông còn sống, xin ông hiểu là vẫn còn có rất nhiều người cầm những tờ báo xuân là lại nhớ đến tác phẩm của ông.

Ông vẽ giản dị, mộc mạc, thành thật, hiền lành như miền nam của những năm 50, 60.

Những bức chân dung phụ nữ ông vẽ tượng trưng cho cái đẹp rất miền nam mà chúng tôi rất yêu quí.

Không một họa sĩ nào vẽ được như ông. Ông đã tạo những ấn tượng không bao giờ quên được của những năm tháng trong cái đời sống đã có lúc hết sức đẹp mà đến nay vẫn chưa quên được.

Nhớ đến những tờ báo xuân tôi nhớ ông rất nhiều, nhớ khuôn mặt phúc hậu và hiền lành của những phụ nữ miền nam đã theo tôi đến tận ngày hôm nay.

Đó là nhũng chân dung của hạnh phúc mà tôi có được trong một thời gian ngắn nhưng không bao giờ rời xa và bỏ đi trong suốt những năm sau đó.

Cám ơn họa sĩ Lê Trung. Nhũng chân dung của tuổi trẻ và những ngày tháng hạnh phúc nay đã rất xa.


Ngày 23 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Nhớ ít ngày trước khi có những cuộc di tản đưa một số người Việt ra khỏi nước, có nhiều người nói là đi sang Mỹ chỉ làm bồi bếp, rửa chén cho Mỹ. Rồi sau những chuyến di tản đó, lại cũng có người trong chính phủ Hà Nội gọi những người Việt di tản năm 1975 là bọn đĩ điếm.

Chuyện đi tới một quốc gia rất nhiều xa lạ và một xã hội mới thì những việc làm không xứng ý lắm vẫn phải nhận là chuyện thường. Những kinh nghiệm làm việc có từ trước thì thường không thể đem ra dùng ở cái quê hương mới của những người Việt bỏ nưóc ra đi.

Thế nên chuyện làm bồi bếp thì cũng có chứ không phải là không.

Thí dụ muốn xin vào làm trong tiệm ăn McDonalds chẳng hạn. Ai cũng phải đi từ dưới lên trên. Phải biết cọ rửa cái nhà cầu, cái bếp, cái lò chiên trước khi leo lên được những công việc khác. Nhờ thế mà những người làm việc cho công ty McDonalds đều biết rõ tất cả mọi công việc trong tiệm.

Nhưng rồi khi kinh nghiệm đã có, tiếng Anh nói khá hơn, thì không ai chịu đứng nguyên một chỗ.

Nước Mỹ được cái hay là không cầm chân bất cứ ai. Chỉ có chính mình cầm chân mình thì có. Câu mà người Mỹ hay nói để khuyến khích mọi người đi lên, nuôi dưỡng và thực hiện những giấc mơ của mình là câu "The sky is the limit", nghĩa là trời cao là hạn chế của chúng ta, tức là không có gì là hạn chế cả.

Thỉnh thoảng đi ăn cưới ở đây, tôi nhìn thấy một cảnh mà ba mươi năm trước thì không thể nào tưỏng tượng ra được.

Tại những đám cưới sang trọng, đắt tiền, tổ chức ở những khách sạn hạng sang ở California cũng như ở miền đông Hoa kỳ như Washington, Virginia thì bao giờ cũng có cảnh nguời ngồi dự tiệc là ngưòi Việt, bạn hữu, gia đình cô dâu, chú rể. Và những người phục vụ thì gần như bao giờ cũng là mắt xanh, tóc vàng, có khi là những người Mỹ gốc Phi châu, hay những người nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhìn cảnh ấy, rồi nghĩ lại thì lại thấy các vai trò được đổi ngược hoàn toàn. Khi mới sang Mỹ, đặt được chiếc va ly, gói hành lý, là phải vội vàng đi kiếm việc. Mà việc bưng các đĩa thức ăn ra phòng tiệc là những việc người di tản mới sang không với được tới. Phải có tiếng Anh, phải biết cách đi đứng, bưng những cái khay, mở những chai rượu. Mới đến thì chỉ được làm trong bếp là nhiều.

Nhưng nhìn những chiếc áo đắt tiền, kim cương lóng lánh tại bàn tiệc thì làm sao tưỏng tượng những nguòi ấy trong chuyến đi tới nước Mỹ, chỉ có cái va ly rất khiêm tốn hay một cái túi ni lông là nhiều.

Những tin tức làm xao động nước Mỹ mấy tuần qua là những tin về những người di dân bất hợp pháp, những người nhập cảnh lậu vào nước Mỹ, hơn năm trăm người bị nhốt trong một chiếc xe vận tải kéo rờ mọc.

Không có giấy tờ làm việc hợp lệ, họ phải làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền. Và một trong những việc dễ kiếm nhất, là việc bồi bếp ở các tiệm ăn.

Và có một hiện tượng càng ngày càng thấy tại các tiệm ăn của người Việt Nam ở miền đông cũng như miền tây, đó là những nguòi làm việc trong bếp, rửa chén, dọn bàn, thì rất nhiều là những người gốc Trung và Nam Mỹ.

Lý do là vì lương trả cho họ không cao lắm. Họ không đem chuyện của tiệm ra nói cho tiệm khác biết. Và họ cũng không biết mở ngay bên cạnh một tiệm ăn khác để cạnh tranh với tiệm của chủ.

Những người này, một số tuy chưa biết hỏi bằng tiếng Việt khách dùng món gì trong thực đơn, nhưng nếu khách hỏi xin quả ớt, miếng chanh, cái ly đá thì họ làm được, mà còn làm nhanh nữa.

Một người đàn ông Mexico làm việc cho tiệm ăn gần nhà tôi, khi được khen là đẹp trai còn biết cám ơn và nói không dám hệt như một người đàn ông Bắc kỳ khách sáo.

Một người gốc Honduras làm việc cho một tiệm phở ở Virginia thì sau mấy năm, nhớ nhà, quyết định trở về nước và nhờ ông chủ tiệm chỉ bí quyết nấu phở. Ông ta về nước, mở một tiệm phở rất nhiều khách vì khi về nước, ông không quên mang theo một phụ nữ Việt Nam làm chung trong bếp của tiệm phở. Hai người trở thành chủ nhân một tiệm phở duy nhất ở Honduras.

Nhưng không phải nguời di dân lậu nào cũng làm những việc như thế. Hầu hết không có nghề chuyên môn, học hành lại ít, tiếng Anh không nói được nên việc đòi hỏi sức mạnh là việc họ làm nhiều nhất.

Nhìn những người thoáng cũng biết là Trung hay Nam Mỹ đứng chờ người thuê mướn làm công việc chân tay thấy tội nghiệp hết sức. Họ sống gần cộng đồng người Việt, ăn uống theo kiểu người Việt vửa rẻ vừa ngon. Tiệm bán bánh mì thịt nổi tiếng ở Little Saigon lúc nào cũng có những người khách như thế. Ở tiệm bán các món nấu sẵn, họ chỉ trỏ một lúc cũng mua được những món ăn chiều, đủ cả cá kho, canh cải, canh bí, canh mướp đắng, thịt kho trứng hệt như những người đàn ông Việt Nam dở chuyện nấu nướng thấy rất nhiều ở California.

Tội nghiệp, họ cũng kiếm sống hệt như những người di tản Việt Nam vậy.

Trong khi người Việt kim tuyến hột soàn lóng lánh thì những người Trung và Nam Mỹ ở trong những khu gần Little Saigon thì vẫn vất vả không biết đến bao giờ mới hết.


Ngày 24 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Trong cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác, giáo sư Nguyễn Văn Trung nêu ra một điểm rất lý thú. Nước bọt trong miệng chúng ta, mỗi ngày chúng ta nuốt cả vài chục lần. Có sao đâu.

Nhưng thử nhổ ra ngoài, thì ai dám nuốt lại nước bọt của chính mình?

Chắc là không. Nước bọt của mình còn thế, huống chi của người khác.

Thế nên chuyện khua cái đũa của mình vào tô canh là điều rất dễ sợ. Mà không ít người có thói quen đó. Thản nhiên mút đũa của mình, rồi lại khuấy tiếp trong bát canh.

Đó là hành động tôi sợ nhất.

Phải làm gì?

Tôi hay đi ăn tiệm, nhiều khi được kéo xuống ngồi ăn chung với dăm ba người khác. Trong trường hợp ấy thì phải phòng thân trước đã.

Tô canh vừa bưng ra, thì phải giả bộ bất lịch sự trước, nói to rằng ối giời ơi, lâu quá không được ăn canh, tôi phải xin phép các ông nhá, rồi lấy muỗng, múc ngay vào cái bát sạch trước tất cả mọi người. Xong rồi nói về bát canh cho đỡ ngượng và để mọi người tin đây là 1 người đàn ông vụng dại, không biết nấu nướng gì ở nhà, lại cũng không có bếp nấu cho ăn ở nhà. Cả bàn tiệc sẽ rất thương cảm cho cuộc đời chẳng có gì vui của người đàn ông ấy.

Đó là bát canh. Làm được như vậy thì hết lo chuyện người khác khoắng đũa vào bát canh. Còn đĩa xào?

Dễ. Nước canh lỏng nên các thứ từ đũa có thể bơi lội tự do, né không được.

Nhưng món xào thì dễ, cứ tấn công khu vực những cái đũa chưa đụng vào. Tránh nhắm miếng lớn , vì miếng lớn thì để cho nguời khác. Cứ gặp miếng nhỏ, ở góc chưa có ai đụng vào là an toàn, mà lại không mang tiếng ăn tham, ăn tục.

Nếu phải chấm chung thì cũng tìm cách chấm trước rồi để sang một bên đĩa của mình cho an toàn.

Thực ra, chuyện lây bệnh thì cũng có. Nhưng chưa lây, mới chỉ ngó và tưởng tượng chung đụng với những người ấy cũng đủ phát bệnh.

Một bữa, ở tiệm ăn, người ngồi chung bàn với chúng tôi bị một người ho sặc sụa và phun nguyên một đống cơm và canh vào mặt. Gặp chuyện đó thì làm gì bay giờ?

Muốn thì cũng dễ, chỉ cần khả năng diễn xuất 1 chút: nhăn mặt làm Tây Thi, giả vờ đau bụng, xin kiếu, vào nhà tắm, rửa tay, rửa mặt cho hết nước miếng của ông bạn văng vào mặt, rồi yểu điệu đi ra, nói là khó chịu, xin kiếu để đi về trước. Ra đầu đường ghé tiệm mì kêu một tô là xong bữa tiệc.

Còn hơn là ngồi đó mà lợm giọng.

Còn một trò chơi rất nham nhở của một vài người tại các tiệc cưới: cầm chai rươu và cái ly đi từng bàn, rót rượu vào ly, rồi ép uống.

Dứt khoát là không uống. Ép gì cũng được, ép dầu, ép mỡ, ép duyên cũng được. Nhưng ép rượu kiểu đó thì không uống. Mời lại ông ta xem ông ta có chịu chơi cái trò mọi rợ đó hay không.

Một lần tôi được mời lại nhà một người, chưa thấy cảnh khoắng đũa, nhưng trên bàn có cái đĩa, trên đĩa có cái khăn ướt. Chủ nhà cầm lên, lau mặt, lau mắt, lau mũi, lau tai, lau tay, rồi gấp lại, để trở lại trên đĩa...

Tại sao lại không có cái khăn giấy Kleenex?

Chiếc khăn có thể được giặt, phơi trong buồng tắm. Khăn không có nắng, mùi hôi còn bốc ra.

Làm sao mà ăn được?

Lại đóng xuất sắc vai đau bụng, chạy ra xe về nhà lập tức.

Bây giờ, cái điện thoại cầm tay với cái nút nhỏ, trông thấy cảnh có thể làm mất appétit thị bấm vào nó, chuông reo thì hét vào máy rằng 5 phút đến ngay, rồi quay sang người vừa khoắng đũa, nói là có emergency phải đi gấp.

Ra ngay tiệm phở, gọi một tô, đũa của mình muốn khoắng thế nào cũng được.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 102)

SOME COMMON MISTAKES IN ENGLISH

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 102 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh tuần này có một thính giả nhờ anh giải thích khi bị hỏi HOW DO YOU DO? thì trả lời như thế nào cho đúng. Thúy cũng gặp trường hợp này một hai lần, bây giờ, sau khi đọc bức thư của vị khán giả này gửi cho chương trình, Thúy cũng thấy không biết những lần Thúy trả lời câu hỏi đó trước đây có đúng hay không nữa.

BBT

Trước hết, đây không phải là một câu hỏi. Đây cũng không phải là câu thăm hỏi về sức khỏe. Có điều câu HOW DO YOU DO? ít nghe thấy ở Mỹ. Câu này là câu chào thì đúng hơn, khi hai bên gặp nhau lần đầu. Hồi mới đến New Zealand mấy chục năm trước, chúng tôi cứ hay đùa nhau một người nói HOW DO YOU DO? người kia nói lại I DON’T DO hay I DO, I VERY DO. Nhưng đó là nói đùa thôi, không phải là cách đáp lại câu HOW DO YOU DO? Câu này thường được dùng khi hai bên được giới thiệu để gặp nhau, quen nhau lần đầu. Một bên nói HOW DO YOU DO? có dấu hỏi (QUESTION MARK ?) ở cuối. Người được hỏi đáp lại HOW DO YOU DO nhưng không có QUESTION MARK.

QA

QA thấy thật là kỳ cục. Hỏi và đáp đều là một câu, chỉ khác có cái dấu hỏi (?). QA thấy là khi viết xuống thì có cái dấu hỏi, nhưng khi nói thì làm sao thấy cái dấu hỏi đó?

BBT

Đây là cách chào nhau , một cách chào nhau hơi xã giao, kiểu cách một chút, hơi quí tộc Ăng Lê một chút chứ ngày nay, ít người còn ăn nói như thế. Cứ HI!, phía bên kia HI! Lại là được rồi. Cách trả lời cho HI! có thể như tôi vẫn trả lời bạn bè khi HI … ANH! hay HI…ÔNG! là "cải chính"… Có một thôi, HAI (HI) bao giờ… Thôi để nói tiếp . Trả lời HOW DO YOU DO? có thể là (I AM) PLEASED TO MEET YOU, hay HELLO, hay HOW DO YOU DO nhưng không có dấu hỏi ở cuối. Kỳ cục thật. Hỏi rồi lại đáp bằng chính câu ấy.

LÃM THÚY

Gặp lần thứ nhì, sau khi đã quen, đã biết nhau rồi thì có hỏi HOW DO YOU DO? nữa không thưa anh?

BBT

Không. Câu này chỉ được dùng trong lần đầu tiên khi được giới thiệu mà thôi. Còn khi được hỏi HOW ARE YOU? lúc ấy mới là lúc khai báo đầy đủ bệnh trạng của mình.

Thực ra không cần thành thật khai báo như thế. Chúng ta không ai muốn nghe về bệnh trạng não nề của người khác, nên nếu không đang đứng trong phòng mạch, hay trong Emergency Room thì dù cho có không khoẻ mười mươi đi chăng nữa thì cũng cứ nhẹ nhàng I AM OKAY… I AM FINE… I AM DOING ALRIGHT.

Người Mỹ có câu này tôi nghe cũng đôi ba lần: A BORE IS A PERSON WHEN ASKED "HOW ARE YOU?", WOULD TELL YOU… nghĩa là người vô duyên là người khi được hỏi HOW ARE YOU? thì người ấy sẽ ngồi xuống đầu đuôi ngọn ngành, đọc luôn cả hồ sơ bệnh lý của mình ra cho người thăm hỏi mình nghe cho điên cái đầu luôn. HOW ARE YOU? là một câu hỏi, là câu thăm hỏi sức khỏe thật đấy nhưng ít người muốn nghe chuyện ốm đau sầu não của người khác bao giờ. Cứ I AM FINE THANKS, AND YOU? là đủ.

QA

Anh vừa nói A BORE, anh nói thêm về chữ này được không?

BBT

Động từ TO BORE là làm cho ai chán vì những chuyện hay việc làm vô duyên ngớ ngẩn. Thí dụ HE CAN BORE US TO DEATH WITH THE DETAILS OF HIS TRIP TO CHINA nghĩa là ông ta có thể kể liên miên về chuyến đi Trung quốc của ông đến lúc chúng ta có thể chết về những câu chuyện vô duyên đó.

A BORE là danh từ nghĩa là một người ăn nói vô duyên mà chúng ta rất muốn gặp khi vào giường đi ngủ. Nghe chàng hay nàng nói chuyện thì chỉ năm phút là xưởng cưa có thể chạy hết tốc lực ngay.

BORING là vô duyên, buồn nản, ngao ngán. A BORING EVENING; A BORING PERSON; A BORING STORY.

LÃM THÚY

Thế trái nghĩa với BORING là gì thưa anh?

BBT

Tôi biết cô định nói gì rồi. Trái nghĩa của BORING là INTERESTING. Chữ này rất khác với INTERESTED. INTERESTING là lý thú, hấp dẫn. INTERESTED là quan tâm, thích, muốn biết về, muốn tìm hiểu về. Tôi cũng đã nghe hai chữ này bị dùng không đúng khá nhiều lần. AN INTERSTING BOOK là một quyển sách hấp dẫn. AN INTERESTING PERSON là một người lý thú, ăn nói duyên dáng. Hai chữ này đều dùng được với động từ TO BE như TO BE INTERESTED và TO BE INTERESTING, và vì thế chúng mới rắc rối. Thí dụ nói I AM INTERESTED IN WINE MAKING là tôi muốn tìm hiểu, muốn biết thêm về, tôi muốn bước vào nghề làm rượu nho. Nhưng không bao giờ nói I AM INTERESTING IN WINE MAKING… Nói I AM INTERESTING chẳng lẽ lại là khoe mình là ngươi hấp dẫn, duyên dáng … Việt Nam hay sao.

QA

QA biết câu "chữ TÁC đánh chữ TỘ, nhữ NGỘ đánh chữ QUÁ" để nói về những chữ hay lầm khi học chữ Hán ngày xưa, cũng như "KIÊN trông ra TIỆP" khiến ông Trần Tế Xương văn hay chữ tốt mà vẫn hỏng thi. Nhưng đó là chữ Hán, chỉ cần thiếu hay thừa một nét là thành những chữ khác nhau xa. Trong tiếng Anh có như thế không thưa anh?

BBT

Có chứ. Có khá nhiều trường hợp như thế. Tôi sẽ đưa ra một số trường hợp hay gặp. Một số mà thôi.

LÃM THÚY

Thúy nhớ mấy đứa con Thúy nói với nhau về một người bạn của chúng ở trường. Cậu học sinh này được một đứa mô tả là học hành chăm chỉ HE WORKS HARD. Đứa kia nói HE HARDLY WORKS. Hình như chúng không đồng ý với nhau có phải không thưa anh?

BBT

Đúng. HE WORKS HARD là nó học hành chăm chỉ. Nhưng HE HARDLY WORKS thì lại có nghĩa là nó ít khi làm việc lắm. I HARDLY KNOW HIM là tôi không quen biết ông ta bao nhiêu. I CAN HARDLY HEAR YOU là tôi nghe anh khó lắm. I HARDLY UNDERSTAND HER là tôi thấy khó mà hiểu được cô ấy.

QA

Mấy hôm trước, QA lại vừa bị con gái bắt lỗi khi nói về chuyến đi Đài Loan mới đây. QA nói I HAVE GONE TO TAIWAN thì bị con gái sửa lưng là phải nói I HAVE BEEN TO TAIWAN mới đúng. QA thấy cả hai câu đều nghĩa là QA đi Đài Loan cả thế thì sai là ở đâu?

BBT

Hai câu rất khác nhau. I HAVE BEEN TO TAIWAN là tôi đã đi Đài Loan. Chuyến đi đã xong. Tôi đã về nhà.

I HAVE GONE TO TAIWAN là tôi đã đi Đài Loan và chuyến đi chưa chấm dứt, tôi chưa về nhà.

LÃM THÚY

Có hai chữ này Thúy hay lộn hoài, đó là LOOSE và LOSE. Xin anh giảng cho nghe về chúng.

BBT

LOOSE là tĩnh từ có vài ba nghĩa khác nhau. LOOSE là lỏng, không chặt, rời ra, không dính vào nhau. Cái áo rộng là LOOSE. HE LOST A LOT OF WEIGHT. HIS SHIRTS ARE NOW VERY LOOSE. Tiền lẻ là LOOSE CHANGE.

TO LOOSEN là nới lỏng ra, làm rộng ra. Trái nghĩa là TO TIGHTEN. Thắt lưng buộc bụng là TO TIGHTEN THE BELT.

Trong khi đó, LOSE là động từ TO LOSE là mất. PAST TENSE là LOST. PAST PARTICIPLE là LOST. Thí dụ WE LOST (quá khứ củaTO LOSE) EVERYTHING IN APRIL 1975. RECENTLY PEOPLE FOUND MANY LOST (PAST PARTICIPLE được dùng như tĩnh tự) MANUSCRIPTS BY HỒ XUÂN HƯƠNG.

Có hai chữ này có lẽ hai cô cũng nên biết vì chúng rất khác nhau. Đó là MOST và MOSTLY. Hai cô chắc phải biết dùng tĩnh từ MOST rồi. QA cho nghe thử một thí dụ với MOST coi.

QA

MOST nếu là tĩnh từ thì nó đi trước danh từ, có nghĩa là phần lớn, đa số, phần nhiều như khi nói THEY FINISH MOST OF THE CAKE. Chúng nó ăn gần hết cái bánh.

LÃM THÚY

MOST OF THE BOOK IS ABOUT NHẤT LINH AND TỰ LỰC VĂN ĐOÀN.

BBT

Bây giờ qua trạng từ MOSTLY. Trạng từ này nghĩa là tổng quát, chính yếu, đa phần, thông thường. Thí dụ MUSLIMS ARE MOSTLY GOOD PEOPLE. Cô Thúy cho nghe một câu với MOSTLY coi.

LÃM THÚY

PEOPLE OF SRI LANKA ARE MOSTLY BUDDHISTS.

QA

PEOPLE GO TO VATICAN ARE MOSTLY FOR THE MASS WITH THE POPE.

BBT

HAI động từ này cũng có thể làm cho người nói tiếng Anh lầm vì chúng đều có nghĩa là đưa lên cao, nhấc lên, tăng lên. Khác nhau là ở chỗ một động từ phải có túc từ tức là OBJECT và một động từ KHÔNG CẦN OBJECT.

Khi nó cần túc từ, nghĩa là nó phải có túc từ đi sau thì văn phạm gọi nó là THA ĐỘNG TỰ, TRANSITIVE VERB. TO RAISE là nâng lên, nhấc lên, đưa lên một vật gì. Quá khứ là RAISED; Past Participle là RAISED.

Khi nó KHÔNG cần túc từ, nó là TỰ ĐỘNG TỰ, INTRANSITIVE VERB. TO RISE là INTRANSITIVE VERB, là TỰ ĐỘNG TỰ. Past Tense của TO RISE là ROSE và Past Participle là RISEN. Hai cô cho biết khi nói THE SUN ALSO RISES, mặt trời cũng mọc thì TO RISE có cần một túc từ hay không?

QA

THE SUN ALSO RISES tên của một tiểu thuyết của Hemingway thì động tự RISES là một TỰ ĐỘNG TỰ. Đằng sau TO RISE không cần một thúc từ đi theo.

BBT

Thế còn khi tôi nói tôi giơ tay lên thì tiếng Anh nói thế nào, cô Thúy?

LÃM THÚY

I RISE MY HAND… Đúng không thầy?

BBT

Không đúng vì TO RISE không cần túc tự HAND.

LÃM THÚY

Vậy thì phải nói là I RAISE MY HAND . Đúng rồi. Nhưng nói I ALWAYS RISE EARLY EVEN DURING THE WEEK-END. Tháng trước, Thúy cho con trai thêm 20 đô la mỗi tháng làm anh chàng cám ơn mẹ rối rít… THANK YOU FOR THE RAISE, MOM! Bây giờ thì Thúy biết nếu viết xuống, phải là RAISE chứ không phải là RISE nữa. Nhưng thưa anh, THE RAISE là lên lương, tăng tiền túi là danh tự của động tự TO RAISE. Còn TO RISE có danh từ xuất xứ từ động từ TO RISE không?

BBT

Có chứ. Thí dụ THE RISE OF HITLER là sự dấy lên, sự vùng dậy, trỗi dậy của Hitler.

Còn một cặp này nữa tôi thấy cần nói hôm nay không thì quên mất. Đó là USED TO như trong TO BE USED TO và USED TO DO.

TO BE USED TO là quen, để nói về những việc đã trở thành quen thuộc , cho dù đó là việc hay chuyện cũ hay mới. USED TO được dùng như một tĩnh tự (ADJECTIVE) thí dụ khi nói tôi nay đã quen với giọng Mỹ thì QA nói thế nào bằng tiếng Anh?

QA

I AM USED TO THE AMERICAN ACCENT.

BBT

Thúy cho nghe một thí dụ với TO BE USED TO hay TO GET USED TO coi. Nhớ dùng một danh từ sau USED TO.

LÃM THÚY

MY CHILDREN ARE NOW USED TO MY NEW SCHEDULE.

BBT

USED TO là một động từ để nói tới một việc làm thường diễn ra trong quá khứ nhưng nay thì không còn diễn ra nữa. Nó chỉ có một thì quá khứ mà thôi. Thí dụ I USED TO SMOKE A PACK A DAY. QA cho nghe một thí dụ với USED TO, với một động tự nguyên mẫu (INFINITIVE) coi.

QA

MY DAUGHTER USED TO ATTEND THE SAME SCHOOL WITH HIM.

BBT

Lãm Thúy đặt một câu với USED TO coi.

LÃM THÚY

I USED TO CLOSE THE SHOP AT 7 P.M. BUT NOW I CLOSE AT 6.30.

BBT

Thôi chúng ta qua chuyện khác, những cặp … nguy hiểm đầy cạm bẫy của tiếng Anh sẽ trở lại vào một dịp khác. Tôi muốn nhắc hai cô một PHRASAL VERB này: TO LOOK FORWARD TO. Gọi nó là PHRASAL VERB vì nó là một nhóm chữ cấu thành một động từ. Không phải chỉ là TO LOOK, mà là TO LOOK FORWARD TO. Khi dùng nó, tiếp ngay sau phải là một danh tự hay một danh động tự, một GERUND, hay nói cách khác, là VERB+ING. KHÔNG BAO GIỜ là một INFINITIVE. Thí dụ nói I LOOK FORWARD TO SEE YOU là sai. Phải nói là I LOOK FORWARD TO SEEING YOU mới đúng.

Nhưng rất nhiều người phạm phải lỗi này. TO LOOK FORWARD TO nghĩa là mong cho tới ngày, tới khi làm được việc gì đó. Trong thư viết, chúng ta thỉnh thoảng cũng thấy dùng PHRASAL VERB này. Thí dụ nói tôi mong được gặp ông để nói chuyện về công việc. Câu này thường được dùng trong những bức thư xin việc . Cô Lãm Thúy nói thử bằng iếng Anh coi.

LÃM THÚY

I AM LOOKING FORWARD TO SEEING YOU.

QA

I AM LOOKING FORWARD TO MEETING YOU hay I AM LOOKING FORWARD TO TALKING (DISCUSSING) WITH YOU ABOUT THE JOB.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

June 16, 2011

June 17, 2011

Ngày 11 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Trong khi cả nước Mỹ đi kiếm việc mà không có được bao nhiêu người kiếm ra việc thì lại có những người nghĩ ra những công việc mới, chẳng cần nhờ tới ông Obama kiếm hộ.

Mà những công việc như thế lại được trả thù lao rất cao. Từ mấy ngàn đến 100 ngàn cho những dịch vụ từ A tới Z như người ta vẫn nói. Người làm những công việc đó gọi là Proposal Planner. Đó là người lo sắp xếp cho việc cầu hôn của những người không biết làm sao để xin bàn tay của giai nhân.

Vậy ra trên đời vẫn có những người đàn ông cù lần như vậy hay sao?

Như thế, mà quả đất vẫn quay, thiên hạ vẫn lấy nhau khi chưa có những Proposal Planner thì lạ thật.

Chuyện xin bàn tay xưa có lẽ không kém trái đất, người ta đã làm từ khi leo từ trên cây xuống đất, dắt díu nhau vào những hang đá, mà nay có những người phải nhờ người khác chỉ dậy cho cách làm.

Đồng ý bây giờ không còn vác cái chầy vồ trên vai, chọn lấy miếng da thú đẹp nhất khoác lên người, kiếm một chị phụ nữ nào vú to đít to, tóc bôi mỡ heo thơm lừng, tiếng cười khọt khẹt … đến nắm tóc lôi xềnh xệch về hang để sống với nhau đến lúc đầu bạc răng long như tổ tiên chúng ta đã làm. Nhưng từ cách hỏi nhau một cách tiền sử như vậy đến cách lôi mấy quả nhãn ra dụ: Cô kia cắt cỏ bên sông/ có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây/ sang đây anh nắm cổ tay/ anh hỏi câu này có lấy anh không…

Là cũng xong chuyện.

Nay người ta phải nhờ người chỉ cách làm sao hỏi mà nàng không thể lắc đầu.

Thực ra, chuyện có gì khó.

Kiếm cục hột xoàn to có thể ném bể đầu con chó đến đeo vào tay người phụ nữ. Đeo xong thì chưa cần hỏi, cái đầu bên kia đã gật lia lịa, khoác tay ra quận làm cái giấy ngay chứ khó quái gì.

Nhưng một số người thì không muốn chuyện giản dị như thế. Phải kiếm chỗ nào đặc biệt mới hỏi nàng câu "Lấy tôi nghe chưa… lấy ai cũng vậy, lấy tôi tôi cám ơn, lẹ lên cho nhỏ (?) nó mừng…"

Người thì phải lên đỉnh núi, người thì lặn xuống biển, người viết lên trời xanh tên của hai người, người mời nàng đi ăn phở, nàng ăn hết tô phở, đang định bê cái tô lên húp cho hết nước hết cái, thì thấy cái nhẫn hột xoàn, vừa vớt ra thì chàng đã quì xuống xin cưới nàng…

Những sáng kiến như thế càng độc đáo càng tốt. Thế nên mới phải đi nhờ Proposal Planner để tốn 100 ngàn đô la.

Nhưng làm sao biết chắc rằng thuê được chỗ trăng nước hữu tình, một ban nhạc mariachi chơi đi chơi lại bài Solamente una vez / Ame en la vida/ solamente una vez /Y nada mas … chỉ một lần anh yêu trong đời, chỉ một lần mà thôi, không gì nữa… quì xuống lấy cái nhẫn ra đeo và tay nàng, nàng lại lắc đầu quầy quậy?

Mà đã chắc gì lâm ly sầu não như thế đảm bảo vài ba năm nữa sẽ không có một ông bà luật sư tốt bụng (?) nào len vào giữa?

Tại sao không dùng 100 ngàn ấy đưa cho nàng, bảo nàng đi shop cho vui đời trong cơn suy thoái kinh tế? Việc quái gì phải tốn tiền vô ích như vậy?


Ngày 14 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Không biết có phải vì không nhờ Proposal Planner mà người đàn ông già nọ bị người chàng định đưa về dinh đã không chịu về dinh với chàng không?

Trong khi chàng có đủ thứ trên đời mà những người phụ nữ muốn có.

Tiền chàng có. Nhà là một cái dinh, một cái mansion. Danh tiếng chàng cũng có. Hồi ở Chicago, người ta chỉ cần vẽ cái đầu con thỏ là bưu điện cũng giao tận nhà cho chàng. Lịch thiệp chàng cũng có thừa. Quần áo mùa nào thức ấy, lúc cần đẹp và thời trang, chàng cũng rất đúng mốt. Trên tầu bay dưới thì Rolls Royce…

Chàng là Hugh Hefner, xếp chúa của tờ Playboy năm nay 85 tuổi. Nàng là Crystal Harris 25 tuổi. Chàng hơn đứt Uy Viễn tướng công của tôi. Khi tướng công bị giai nhân hỏi tuổi trong đêm động phòng, tướng công đáp "ngũ thập niên tiền nhị thập tam". Tướng công hơn nàng có 50 tuổi. Trong khi Hugh Hefner hơn nàng 60 tuổi.

Khi có tin chàng sắp cưới Crystal Harris, bao nhiêu là sơn nữ và sơn… nam Phà ca đều buồn gần chết (hôm nay đám cưới người ta / mà sao sơn nữ Phà Ca lại buồn). Nhưng hôm nay, tin cho biết nàng không chịu lên xe hoa nữa khiến bao nhiêu người (đàn ông) lại thở ra nhẹ nhõm.

Đó, thấy chưa, giầu ai bằng Hugh Hefner, sang ai bằng chàng? Thế mà vẫn bị xù như thường.

Không thấy lý do của việc hai người hủy cái đám cưới đã sửa soạn xong gần hết đó. Hôm cuối tuần trước, hai người cãi nhau một trận kịch liệt, và ngay sau đó, nàng xách va ly bỏ về nhà mẹ.

Tôi bỗng nhớ hai câu lục bát của Đỗ Kh. một nhà thơ nay không biết ở đâu. Hai câu ấy như sau:

Bây giờ em bỏ người ta
Tiểu nhân tôi cũng cười khà một câu

Cười khà thì có. Không phải là cười có một câu, mà cười nhiều câu. Nhưng tiểu nhân thì chắc không. Chỉ vui một chút trên sự bất hạnh của người khác thì sao lại gọi là tiểu nhân được?

Chàng là người đã làm được những điều mà chúng tôi chỉ ao ước thầm kín mà thôi. Thí dụ ở trên cái ngăn kéo đựng Marilyn Monroe có một cái ngăn trống. Nhiều người đang để dành tiền mua nó để mai mốt còn gần gũi Marilyn một chút thì chàng mua cha nó mất hồi nào không hay. Thế rồi từ mấy năm nay, trong tờ Playboy của chàng, số nào chàng cũng khoe những bức ảnh chụp với những phụ nữ quần áo thì ít, đồi núi thì nhiều để trêu tức chúng tôi mặc dù chúng tôi tin chắc rằng có nuốt từng vốc Viagra thì cũng chỉ như người đứng bên sông Dịch cho tóc (?) dựng ngược lên mà thôi.

Nhưng cứ nhìn những bức hình ấy ai mà không ói máu lên được.

Bây giờ, tin do chính chàng xác nhận là nàng đã bỏ đi.

Không biết "bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em" như thế nào…

Nhưng "bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé, bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi" như mấy câu của hai ông Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn thì chán chết được.


Ngày 17 tháng 6 năm 2011

Bạn ta,

Thỉnh thoảng ngôn ngữ, cách nói của chúng ta lại có thêm được một vài tiếng mới hay một vài cách ăn nói mới.

Không như William Safire của tờ New York Time, ông vua chữ nghĩa của Mỹ, người có thể nói rõ một từ ngữ xuất hiện ở đâu, năm nào, của ai… tôi không thể nói chắc câu "xấu đẹp tùy người đối diện" là của thiên tài nào. Nhưng tôi rất thích câu này và rất biết ơn người đã nghĩ ra nó.

Nó xuất hiện trên những trang tìm bạn bốn phương khoảng giữa những năm 60. Nó nhanh chóng được nhiều người thích và đem ra dùng ngay. Từ đó, khi không muốn, hay không thể nói chắc là đẹp hay xấu, nhất là khi nói về chính mình, thì người ta dùng câu "xấu đẹp tùy người đối diện".

Đại khái nghĩa là tôi không dám nói là tôi đẹp sợ phía bên kia không đồng ý với nhận định, đánh giá chủ quan của tôi. Tôi cũng không nói mình xấu vì ai lại dại dột như thế.

Vì vậy, tôi xấu hay đẹp tùy người ngó tôi. Đẹp thì tôi nhận. Xấu thì nhất định là không nhận rồi.

Nhưng làm thế nào để tránh chủ quan khi nhìn chính mình. Nhiều khi cũng chẳng phải là chính mình nữa, mà là những cái liên quan đến mình, của mình. Những thứ ấy cũng cần phải … đẹp, phải hay mới nhận chứ.

Con vua, vua dấu, con chúa, chúa yêu.

Của tôi, có dở cũng là của tôi. Xấu tôi cũng coi nó đẹp. Con vua xấu như ma mút nhưng vua vẫn cứ yêu như thường. Con chúa thì chúa yêu. Tôi chỉ yêu con tôi thôi.

Lịch sự thì là như thế. Không lịch sự lắm thì như nhận định về cái trung tiện chẳng hạn. Của ai thì người ấy cưng. Cái trung tiện nó không thơm tho gì, nhưng nó là của tôi. Nó từ trong ruột tôi thoát ra. Tiếng của nó có thể không hay nhưng nó cũng vẫn là của tôi. Mùi của nó không ra gì nhưng cũng là của tôi. Đến như những cục phân cũng thế. Vì vậy, tục ngữ mới có câu "cứt ai vừa mũi người ấy".

Của tôi thì nó vừa mũi tôi. Vậy thôi. Cũng như tôi, sáng sáng vào buồng tắm ngó người trong gương nhiều khi cũng nản chí bầu cua lắm. Nhưng chán cái khuôn mặt ấy thì sống với ai? Mỗi sáng đều thấy nó. Ghét nó thì giết nó hay sao? Vậy nên lại nhận là nó đẹp, duyên dáng có thừa để mà sống chứ. Thế là lại quần áo vào, tự nhủ "xấu đẹp tùy người đối diện". Đứa nào nói cậu xấu thì đi chỗ khác chơi. Đứa nào thấy cậu đẹp thì ngồi lại, đối diện tha hồ mà ngắm.

Nhưng nhất định bắt những người khác phải đồng ý và chấp nhận cái nhận định, phê phán, đánh giá về nhan sắc của mình, hay nhờ người khác hét lên rằng mình đẹp thì cũng không nên mấy.

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!

Kiều chỉ vì "sắc đành đòi một, tài đành họa hai" thì làm sao còn để cho người khác sống!

Hay khi hai người lấy hết của thiên hạ, không chia cho những người khác chút tài, chút sắc mà giữ chặt trong tay thì quá khó. Đến như Cao Bá Quát sau khi nhận gần hết mấy bồ chữ trong thiên hạ cho mình, cho anh mình và cho bạn mình là Nguyễn Văn Siêu cũng còn thương tình đem chia cho thiên hạ chút ít chứ ôm hết thì khổ cho người khác biết là chừng nào.

Mà Cao Bá Quát là "trai tài" thứ thiệt đấy chứ! Không thấy "cô" trong đôi câu đối "Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái / Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi " có là "gái sắc" không.

Vì không thấy báo chí (?) thời ấy ở Quốc Oai viềt về vợ chồng Cao Bá Quát.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 101)

Bản chuyển tả do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 101 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2010.

TRÚC GIANG:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Trúc Giang xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa thầy, hôm nọ ở trong bếp, con gái Thúy lại dậy dỗ Thúy về tiếng Anh. Thúy không muốn nhận là mình thua nó nên phải đem ra hỏi lại thầy cho rõ. Thúy nói với nó rằng nó phải đi ngủ sớm bất cứ ngày nào trong tuần. Nó cãi lại, nói rằng MUST là không đúng. Mà phải là SHOULD. Thầy nghĩ sao?

BBT

MUST là phải, nặng hơn SHOULD. Khi dùng MUST, thì nếu việc đó không làm, thì sẽ có một việc khác tiếp theo sau, mà thường là không tốt đẹp lắm. Thí dụ THE PATIENT MUST TAKE ALL THE MEDICINE PRESCRIBED BY THE DOCTOR nghĩa là bệnh nhân phải uống tất cả các thứ thuốc mà y sĩ đã kê trong toa. Nếu không thì bệnh sẽ không hết, sẽ nặng thêm. Nhưng SHOULD thì nhẹ hơn. SHOULD là nên, không có nghĩa bắt buộc. Thí dụ WE SHOULD EAT HEALTHY AND EXERCISE. Không ăn uống cẩn thận và không tập thể dục thì chưa chắc đã bị bệnh hoạn ngay như không uống thuốc. Con gái Thúy cũng đúng mà Thúy cũng đúng.

TRÚC GIANG

Thế còn HAD BETTER thì sao thưa chú? HAD BETTER có tương đương với SHOULD không?

BBT

À đây là một động từ khá kỳ cục. Nó bao giờ cũng chỉ là HAD BETTER. Không có PRESENT TENSE. Không có FUTURE TENSE. Nó đưa ra một lời khuyên cho những chuyện nên làm vào lúc này hay trong tương lai. Nhưng bao giờ cũng là HAD BETTER. Không bao giờ là HAVE hay HAS BETTER hay WILL BETTER. Nhưng trong ngôn ngữ thường ngày, người Mỹ gần như bao giờ cũng chỉ dùng BETTER mà thôi. Ít người dùng HAD BETTER trong khi nói. Nếu dùng thì gần như bao giờ cũng nói tắt, ít khi nói rõ hẳn ra. Họ nói YOU’D BETTER CHANGE THE OIL EVERY 3 THOUSAND MILES. WE’D BETTER CUT DOWN OUR DRIVING. THEY’D BETTER LEAVE EARLY FOR THE AIRPORT.

LÃM THÚY

Thế còn khi nói không nên, nghĩa là khi nói về một điều không nên làm thì NEGATIVE của HAD BETTER là gì thưa anh?

BBT

Chúng ta thêm NOT vào sau HAD BETTER như hai cô chắc đã nghe trong bài SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN mỗi dịp Giáng Sinh: YOU’D BETTER NOT CRY…YOU’D BETTER NOT POUT…

HAD BETTER có nghĩa như SHOULD nhưng chúng ta đều ngầm hiểu rằng làm theo lời khuyên đó THÌ HƠN. Có nghĩa THÌ HƠN vì HAD BETTER có trạng từ BETTER ở trong. Thí dụ I’D BETTER NOT COME nghĩa là tôi không nên đến thì hơn. Khi dùng I SHOULD NOT COME thì câu đó chỉ có nghĩa là tôi không nên đến mà thôi, không có nghĩa thì hơn . Trúc Giang cho nghe thử một câu với HAD BETTER NOT coi.

TRÚC GIANG

YOU’D BETTER NOT SAY ANYTHING

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

WE’D BETTER NOT MISS THE PRESIDENT’S SPEECH.

BBT

Nhưng hai cô cũng để ý là HAD BETTER được dùng trong một trường hợp đặc biệt nào đó. Thí dụ bài diễn văn của tổng thống, hay một điều gì đó mà Trúc Giang muốn dấu , không muốn kể cho người kia nghe. Đó là những trường hợp, những chuyện, những điều đặc biệt nào đó. Nhưng khi nói về những chuyện chung chung, những chuyện có tính cách tổng quát thì chúng ta dùng SHOULD. Thúy nghĩ thử coi có chuyện gì chung chung, tổng quát mà chúng ta nên làm hay không nên làm để dùng với SHOULD hay SHOULD NOT không?

LÃM THÚY

WE SHOULD CHECK OUR EYES EVERY YEAR.

Nhưng HE’D BETTER CHECK HIS EYES AFTER THE ACCIDENT

BBT

Đúng rồi. Chuyện khám mắt thường niên là chuyện ai cũng nên làm nên chúng ta dùng SHOULD. Nhưng ông ta bị tai nạn, bị acid bắn vào mắt thì ông ấy HAD BETTER đi khám mắt vì mắt bị dính acid thì là chuyện bất thường, đặc biệt mới xẩy ra cho ông ấy, nên ông ấy HAD BETTER đi khám mắt.

Trúc Giang cho hai thí dụ để cho thấy sự khác biệt giữa SHOULD và HAD BETTER .

TRÚC GIANG

I SHOULD ANSWER ALL CHRISTMAS CARDS I RECEIVE.

I HAD BETTER SEND HIM A CHRISTMAS CARD TO CHEER HIM UP.

BBT

Đúng rồi. Thường thì chúng ta SHOULD trả lời các thiệp Giáng Sinh chúng ta nhận được. Nhưng riêng ông ấy thì chúng ta HAD BETTER gửi lại cho ông ấy một tấm thiệp Giáng Sinh để cho ông ấy vui trong dịp cuối năm.

Động từ SHOULD còn khác HAD BETTER trong một cách dùng khác nữa. HAD BETTER chỉ có một thì quá khứ nhưng lại được dùng để đưa ra những những lời khuyên ,những điều nên làm hay không nên làm vào lúc này hay trong tương lai. Động từ SHOULD có thể đi kèm với HAVE và PAST PARTICIPLE để mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.

Thí dụ I SHOULD HAVE và một PAST PARTICIPLE thì tuy hình thức nó không có chữ NOT ở trong nhưng chúng ta phải hiểu việc đó, việc diễn tả bằng PAST PARTICIPLE đã KHÔNG XẨY RA.

I SHOULD HAVE STAYED. Không cần phải nói thêm BUT I DID NOT người ta cũng hiểu là tôi đã không ở lại. Mời cô Trúc Giang.

TRÚC GIANG

THEY SHOULD HAVE SOLD THE HOUSE THREE YEARS AGO nghĩa là họ đáng lẽ đã nên bán căn nhà hồi 3 năm trước nhưng họ đã không làm việc đó, vì thế, nay họ không bán được nhà nữa.

LÃM THÚY

I SHOULD HAVE ENCOURAGED MY SON TO STUDY LAW nhưng Thúy lại khuyến khích cháu học y khoa thay vì khuyến khích nó học luật. Nó cãi Thúy giỏi như thế mà học luật nữa thì mẹ sẽ tiếp tục thua nó dài dài mà thôi.

BBT

Như vậy SHOULD HAVE là đáng lẽ nhưng đã không. Bây giờ chúng ta dùng SHOULD HAVE trong thể NEGATIVE . Thí dụ SHOULD NOT HAVE và Past Participle như trong câu này: PEOPLE THINK THE US SHOULD NOT HAVE ATTACKED IRAQ. Trúc Giang hiểu câu này như thế nào?

TRÚC GIANG

Cháu hiểu thế này: nhiều người nghĩ rằng Hoa kỳ đáng lẽ đã không nên đem quân đi Iraq nhưng thực ra thì Hoa kỳ đã đem quân tham chiến tại Iraq. Như vậy, SHOULD NOT HAVE là đáng lẽ không nên nhưng lại đã làm đúng điều đó. Cháu nói thế này được không: MISTER OBAMA SHOULD NOT HAVE BOWED TO THE EMPEROR OF JAPAN đáng lẽ tổng thống Obama đã không nên cúi mình xuống khi gặp Nhật Hoàng.

BBT

BUT DID HE?

TRÚC GIANG

BUT HE DID. HE BOWED TO THE JAPANESE EMPEROR.

BBT

Đúng rồi. Đáng lẽ đã không nhưng lại đã làm là SHOULD NOT HAVE BUT HE DID. Cô Thúy?

LÃM THÚY

I SHOULD NOT HAVE WASTED TIME TO LEARN RUSSIAN.

BBT

Như vậy là cô đã phí mất một thời gian học tiếng Nga trong khi đáng lý ra cô đã nên học tiếng Anh phải không?

Hai cô có biết chúng ta có thể dùng SHOULD NOT HAVE để thay cho một câu cám ơn không?

TRÚC GIANG

Có. Một lần cháu mua tặng cô giáo ở lớp ESL một món quà, cháu nghe cô ấy nói: OH YOU SHOULD NOT HAVE. YOU SHOULD NOT HAVE DONE THAT. Có phải thế không chú? Thay vì nói cám ơn về một việc gì đó người ta làm cho mình, cháu cũng có thể nói đáng lẽ ông bà không nên, không cần làm thế, đúng không chú?

BBT

Đúng là như thế. Nhưng không phải lúc nào cũng dùng cách nói ấy được. Cô Thúy cho nghe một thí dụ coi.

LÃM THÚY

Trong trường hợp Thúy trượt chân suýt té, có người đưa tay đỡ cho Thúy khỏi té thì cứ nói THANK YOU FOR HELPING chứ không nên nói YOU SHOULD NOT HAVE DONE THAT. Nói vậy là ông đáng lẽ cứ để cho tôi té lộn xuống sình hay sao?

Thưa anh, còn có một lối nói nào KHÔNG trong thể NEGATIVE mà ý nghĩa lại là NEGATIVE không?

BBT

Có chứ. Thay vì nói IT IS TOO COLD. I CANNOT GO SWIMMING, chúng ta dùng cách nói này TOO+ADJECTIVE+TO+VERB để nối hai câu lại với nhau và thành IT IS TOO COLD TO GO SWIMMING. Như thế, tôi có đi bơi không?

TRÚC GIANG

NO YOU DID NOT. Cháu cũng hay nghe câu này: IT IS TOO GOOD TO BE TRUE. Thí dụ có người rao bán cái xe Lexus mới tinh chỉ có 200 đô la thì điều đầu tiên thoáng qua đầu phải là câu IT IS TOO GOOD TO BE TRUE là điều đó quá tốt đẹp để có thể trở thành sự thật. Nghĩa là làm sao có chuyện bán cái Lexus có 200 đô la.

LÃM THÚY

Nhưng khi nói IT IS NOT TOO GOOD TO BE TRUE thì điều đó có thể hay đã xẩy ra phải không thưa anh? Thí dụ MISTER HUGH HEFNER THINKS HE IS NOT TOO OLD TO GET MARRIED nghĩa là ông Playboy Hugh Hefner nghĩ ông ấy không quá già để lên xe hoa lần nữa. Còn cô Crystal Harris 25 tuổi thì SHE THINKS HE IS TOO OLD TO BE HER HUSBAND nên cô ấy mới không làm đám cưới với ông già Playboy Hugh Hefner 85 tuổi ấy.

TRÚC GIANG

Tuần qua chương trình nhận được thư của cụ Trần Văn Anh hỏi về sự khác nhau giữa hai preposition FOR và SINCE. Xin chú giải thích.

BBT

Hai chữ này rất khác nhau. FOR nghĩa là "trong" như trong 5 phút, trong 8 năm, trong 2 thế kỷ, trong một thời gian dài… FOR được dùng với A PERIOD OF TIME, A LENGTH OF TIME.

SINCE nghĩa là "kể từ", theo sau là một mốc thời gian nào đó như 2 giờ trưa, thứ Tư tuần trước, năm 2001, từ khi ra khỏi trường…

Với FOR người ta có thể dùng thì PAST TENSE hay thì PRESENT PERFECT. Thí dụ I WAITED FOR HIM ALL DAY. Hai chữ ALL DAY là chiều dài thời gian. Thay vào đó là ONE WEEK, HALF AN HOUR, TWO YEARS … đều được.

Nếu dùng PRESENT PERFECT cũng được.

HE HAS LIVED HERE FOR 2 YEARS. WE HAVE KNOWN HIM FOR SEVERAL YEARS.

LÃM THUÝ

Nhưng thưa anh, hai câu này có khác gì nhau không : I WAITED FOR 3 HOURS và I HAVE WAITED FOR 3 HOURS.

BBT

Trước hết , một câu là PAST TENSE : I WAITED FOR 3 HOURS. Một câu là PRESENT PERFECT: I HAVE WAITED FOR 3 HOURS.

Sự khác biệt thứ hai là một câu người đợi không còn ở đó nữa, không còn đợi nữa, chuyện chờ đợi đã chấm dứt: I WAITED FOR 3 HOURS. Thì PAST TENSE chỉ một hành động đã hoàn tất.

Trong câu dùng PRESENT PERFECT thì chuyện chờ đợi vẫn còn, người ấy vẫn còn đứng đợi: I HAVE WAITED FOR 3 HOURS.

Bây giờ qua SINCE. Sau SINCE chúng ta dùng một mốc thời gian. Thí dụ THE WAR IN IRAQ HAS CONTINUED SINCE 2003. Trúc Giang cho nghe hai câu một với FOR và một với SINCE coi.

TRÚC GIANG

I HAVE DRIVEN THIS CAR FOR 3 YEARS. I HAVE HAD IT SINCE 2008.

BBT

Còn Thúy?

LÃM THÚY

MY SON HAS DATED THIS GIRL FOR 6 MONTHS, SINCE CHRISTMAS.

BBT

THIS ENGLISH PROGRAM HAS GONE ON FOR 2 YEARS, SINCE 2009.

TRÚC GIANG

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Trúc Giang xin kính chào quí vị.