August 25, 2011

August 26, 2011

Ngày 22 tháng 8 năm 2011

Bạn ta

Tôi có đứa cháu con người em vừa trở lại Canada sau một năm làm việc ở Đại Hàn. Nó ký giao kèo với một trường tiểu học ở Hán Thành để dậy Anh ngữ ở đó. Học trò của nó là những đứa bé được cha mẹ cho học chương trình dậy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Chương trình chủ trương dậy ngoại ngữ ngay từ khi học sinh còn rất bé để nói tiếng Anh không có giọng … Đại Hàn như thế hệ, cha ông của chúng. Đó là cách Đại Hàn áp dụng để tiến lên hàng đầu của thế giới.

Qua rồi cái cảnh Đại Hàn nói tiếng Anh mà tôi có dịp nghe trong mấy chuyến đi Hán Thành hồi cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70. Đại khái …du gô e po tu mó lô… du nô gô, ai nô gô… rồi líu lo kam sai hăm ni đa … hay gì gì đó, tôi nhớ không nổi.

Đã có lúc du khách đến Nhật hay Đại Hàn thì du khách nói du khách nghe, Nhật, Đại Hàn nói, Nhật, Đại Hàn nghe với nhau. Mấy chuyến đi Tokyo và Seoul hồi đó cho tôi kinh nghiệm là chớ bao giờ xuống phố một mình. Bảng hiệu, tên đường viết toàn bằng tiếng Nhật, tiếng Đại Hàn làm du khách lạc lung tung. Sinh viên đại học Tokyo, đại học Waseda, đại học Dongkuk, Ewha … hầu hết đều chê tiếng Anh, hỏi gì cũng cười cười, lắc đầu. Chú em học ở đại học Tokyo viết luận án cao học công chánh bằng tiếng Anh nhưng vẫn phải học tiếng Nhật để ra phố, lên xe điện, đi chợ… Tiếng Anh hoàn toàn không dùng được ở Shinjuku, ở Nandaemun …

Nhưng mới đây, ở California tôi thấy quảng cáo ít nhất hai trường tiểu học tư của Đại Hàn do các giáo viên Đại Hàn nói tiếng Anh phụ trách. Học sinh vừa học chữ, vừa được dậy lễ phép kiểu Đại Hàn, chào cô giáo thầy giáo gập người lại. Lũ con tôi đã lớn nên tôi không còn thắc mắc về những lớp học như thế nữa.

Những chi tiết tôi vừa kể chỉ để nói là tiếng Anh đang được rất chuộng tại Đại Hàn. Chương trình học của Đại Hàn nay được xuất cảng sang tận nước Mỹ hệt như xe hơi KIA, Hyundai của Đại Hàn đang chạy trên các đường phố Mỹ.

Không thể tự ái dân tộc chỉ nói tiếng Nhật hay tiếng Đại Hàn và quăng tiếng Anh ra cửa được. Từ mười mấy năm trước, trên các máy bay của Continental, American Airlines, United …người ta đã thấy tiếng Đại Hàn in kèm theo với tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha trong các quảng cáo của các hãng máy bay này để giúp các du khách không nói và viết được tiếng Anh…Mà đó là trên các đường bay nội địa ở Hoa kỳ. Làm business là phải như thế mới giữ được khách.

Mấy tuần trước đọc trên một nhật báo ở đây, tôi thấy có một bài viết của gia đình một cụ bà Việt Nam đã quá cố. Người trong gia đình của cụ nhắc lại một câu cụ nói trong lúc sinh tiền, khi còn ở Việt Nam. Theo bài báo đó, một hôm có người ngoại quốc đến đề nghị buôn bán với cụ và nói với cụ bằng tiếng Anh, cụ không chịu nói tiếng Anh và nói với ông khách đại khái rằng "mày đến nước tao thì phải nói tiếng nước tao". Tôi rất thích câu nói của cụ. Đến nước người ta thì phải học nói tiếng nước người ta là đúng rồi. Người Mỹ ít khi làm được việc đó. Họ cứ nghĩ có tiếng Anh rồi thì không cần học thêm tiếng nước khác nữa.

Vì thế bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Mỹ mới khốn đốn vì ở cả hai bộ, chỉ có được vài ba người biết nói tiếng Farsi , tiếng Pashtoon, tiếng Urdu … để dùng khi giao tiếp với các giới chức Iran, Afghanistan hay Pakistan…

Tổng thống Thiệu nói tiếng Anh rất hay nhưng trong những lễ lạc, gặp gỡ ngoại giao, ông nói tiếng Việt để được thông dịch lại. Có lần người dịch không đúng ý, ông đã sửa ngay tại chỗ. Việc ông làm là rất đúng. Quốc thể là ở đó. Quốc thể là dùng tiếng Việt, để cho người khác thông dịch, mặc dù ông thừa sức nói tiếng Anh một cách chính xác.

Nhưng trong những giao tiếp hàng ngày, nói được và sử dụng ngoại ngữ là điều cần thiết. Hồi chiến tranh Việt Nam, ngoài mặt trận, cần không quân hay pháo binh Mỹ yểm trợ mà cứ đòi các phi công hay các xạ thủ Mỹ tới Việt Nam phải nói tiếng Việt thì chắc không được.

Nhật và Đại Hàn, hai quốc gia phát triển hàng đầu của thế giới mà vẫn phải học tiếng Anh mặc dù cả hai đều là nhũng nước có nền văn minh, ngôn ngữ và văn hóa rất đáng để tự kiêu.

Họ vẫn phải nói tiếng Anh. Không thể nói một ngoại ngữ ngu xuẩn như kiểu Lê Đức Anh đọc một bản văn phiên âm từ tiếng Pháp mê đam ê mê xia tại cuộc hội nghị Francophone mấy năm trước ở Hà Nội được.

Đó là dốt.


Ngày 23 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Đúng ngày này năm 1797 ở Montreal đã diễn ra cảnh bán nô lệ cuối cùng. Một người đàn ông Phi châu tên là Emanuel Allen là người Phi châu cuối cùng bị bán ở chợ người Montreal, vì sau đó, việc mua bán nô lệ bị cấm hoàn toàn ở Canada.

Ở Hoa kỳ mấy chục năm sau, chế độ mãi nô cũng bị cấm, đưa tới những tranh chấp nổ thành trận nội chiến Nam Bắc phân tranh dưới thời tổng thống Lincoln.

Người ta còn giữ được tấm quảng cáo rao bán 94 người da đen khỏe mạnh vừa được chở tới bằng tầu, trong đó có 39 người đàn ông, 15 thiếu niên, 24 phụ nữ và 16 thiếu nữ. Tất cả đều bị bắt đưa từ Sierra Leon chở sang Charleston, South Carolina năm 1769.

Những người đến mua thường là các trại chủ ở miền nam. Họ đã tới xem "hàng" như xem những con vật để mua về cho trại của họ. Họ sờ nắn bắp thịt của những người đàn ông, xem răng lợi còn đủ không, coi tuổi tác xem còn làm việc được thêm bao nhiêu năm nữa. Họ xem vú vê, bụng, đít của những người đàn bà coi còn sinh đẻ thêm được nô lệ con nữa hay không vân vân.

Không thể tưởng tượng còn có cảnh nào mất nhân phẩm hơn là cảnh diễn ra ở các nơi bán nô lệ ở Charleston, ở Baltimore, ở Montreal. Những cảnh như thế, cách đây hơn hai thế kỷ, tưởng không thể nào còn trong thế kỷ 21 nữa.

Thế giới bây giờ đã tiến bộ, văn minh hơn thế kỷ 18 rất nhiều. Nếu có còn những vụ buôn bán nô lệ thì cũng chỉ diễn ra một cách bí mật. Không một quốc gia nào còn cho phép chuyện mua bán người công khai như thế nữa. Có chăng ở một vài nước nghèo, cha mẹ phải bán con hay gán con để trả những món nợ vào các xưởng máy như ở Ấn độ, Pakistan…

Nhưng mới đây, một tờ báo ở Trung quốc có đăng hình một phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, dáng còn rất trẻ, kèm theo là một quảng cáo có ghi rõ muốn mua chỉ tốn khoảng 20 ngàn Nhân Dân tệ tức là khoảng 7 ngàn đô la Mỹ. Với số tiền ấy, một phần cho môi giới, cho công ty bán người, một khoản nhỏ trả cho gia đình của người phụ nữ, công ty sẽ cung cấp "hàng" với những bảo đảm là còn trinh; việc giao hàng được thực hiện trong vòng 3 tháng; sẽ không có thêm bất cứ một phí tổn nào khác; và nếu "hàng" bỏ trốn trong vòng 1 năm, công ty sẽ thay một món hàng mới hoàn toàn miễn phí.

Running brides

A Vietnamese woman is pictured on a flier advertising the sale of Vietnamese brides. Photo: IC

Quảng cáo cho thấy phụ nữ Việt Nam bị coi như những món hàng được bảo đảm là chưa "khui", chưa có ai dùng qua, hư hao được bồi thường miễn phí như người ta đi mua hàng ở các cửa tiệm.

Những phụ nữ ấy chắc chắn đã được cha mẹ sinh ra, yêu quí, nâng niu biết là chừng nào. Chạy chơi, té ngã đau cái tay, đau cái chân được bế lên dỗ dành, cuống quít xoa những vết đau, thuốc men khi đau ốm, dậy dỗ từng li từng tí, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, nay bị coi như cái bàn, cái ghế, con trâu, con bò bán sang Trung quốc để làm nô lệ ngày đêm, bị bán vào những nhà điếm không khác gì cảnh buôn bán nô lệ cách đây hai thế kỷ.

Thủ đô Bangkok cách đây mấy năm bị ghi trong một cuốn tự điển xuất bản ở Anh là một thành phố nổi tiếng về những ổ điếm. Chính phủ Thái lập tức lên tiếng phản đối, nhà xuất bản cuốn tự điển liền phải xin lỗi và thu hồi những cuốn tự điểm đã tung ra thị trường.

Nhưng người ta không hề thấy nhà cầm quyền Hà Nội tỏ bất cứ một thái độ nào với cái quảng cáo khốn nạn và hỗn xược đó. Bọn chó má cầm quyền ở Hà Nội đã biến thành những con hến hết. Nguyễn Phương Nga, Tôn Nữ Thị Ninh nổi tiếng là lắm mồm (?) bỗng im thin thít. Hay bọn chó đang bận nghĩ cách phản ứng khi có người xuống đường mang những tấm quảng cáo ô nhục đó để tỏ thái độ với bọn buôn người. Lại bắt bỏ bót, đạp vào mặt những người dám động chạm tới bọn chó đẻ ở Trung quốc chăng?


Ngày 24 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Không hẹn mà gần như cùng một lúc, hai tiệm ăn, một ở Pennsylvania và một ở North Crolina , rồi lại mới thêm một tiệm ăn khác ở Pittsburg đã đưa ra quyết định cấm trẻ em dưới 6 tuổi.

Không phải là các tiệm này chiếu những cuốn phim nội dung không thích hợp cho các em, mà là vì các thực khách trẻ tuổi này la thét, chạy nhẩy, nghịch phá trong tiệm mà cha mẹ các em không kỷ luật các em khiến các thực khách khác không thể có được những bữa ăn yên lành tử tế.

Trời đánh còn tránh miếng ăn. Nhưng những ông bà trời con này thì không bao giờ thèm tuân theo qui luật đó. Đi ăn tiệm, người ta không làm sao biết được bữa ăn của mình sẽ như thế nào, có bình yên dưới thế cho người thiện tâm không, hay bữa ăn lại bị phá hỏng vì những cô bé, cậu bé dưới 6 tuổi ấy.

Rất nhiều lần tôi tưởng kiếm được cho mình trong tiệm ăn một cái bàn an toàn, khuất lấp, bên cạnh không có những hung thần để ăn trưa, hay ăn tối. Nhưng rất nhiều lần, các hung thần bỗng thình lình xuất hiện, theo cha mẹ vào ngồi ngay bàn bên cạnh. Và bữa ăn lập tức bị phá hỏng bằng những tiếng la thét, những chiếc đũa được lôi ra khỏi ống đũa để đập lên mặt bàn, những chiếc ghế bị kéo ra, kéo vào cho các cô các cậu leo lên, trèo xuống, không được thì lại la thét tiếp.

Một vài lần tôi đã phải bỏ ngang bữa ăn ra về.

Những chiếc đũa, những chiếc muỗng bị ném xuống đất thì được cha mẹ nhặt lên, bỏ lại vào ống đũa, ống đựng muỗng để khách đến sau hồn nhiên tha hồ thưởng thức. Những hung thần ấy nhiều khi không vì bất cứ một lý do gì cũng có thể hét lên đùng đùng cho vui cả tiệm. Tôi có thể hiểu nếu các hung thần nam nữ ấy bị đau, khó chịu, đói, đòi ăn hay đòi uống… nhưng la khóc chỉ để tạo chú ý của … Liên Hiệp Quốc thì không nên chút nào. Cha mẹ chúng cũng không có bất cứ một nỗ lực nào để dỗ chúng, giúp cho những người khác ngồi trong tiệm khỏi bị chúng làm phiền. Thường thì họ không có phản ứng gì vì đã quá quen với những trò tiêu khiển đó của chúng.

Những người khách khó chịu quay sang ngó chúng thì thường gặp phải những cặp mắt còn ghê rợn hơn những đôi "mắt trừng gửi mộng qua biên giới" như trong thơ Quang Dũng…

Quyết định của mấy tiệm ăn miền đông đã được nhiều người hoan nghênh nhưng cũng bị một số chống đối hô hào tẩy chay. Tuy thế, khuynh hướng chung có thể là sẽ có thêm nhiều tiệm khác áp dụng biện pháp này.

Nhưng chỉ cấm các khách dưới 6 tuổi mà không nói gì đến những trẻ em trên 6 tuổi ngày nào người ta cũng bị các thành phần này tra tấn thì hơi bất công.

Đám trẻ em này oang oang trên điện thoại cầm tay, cướp diễn đàn của các khách trong các nơi tụ họp công cộng trong tiệm ăn, trên xe bus, trong các siêu thị, ở các khu thương xá cứ … "tiếng mình tôi nói" lanh lảnh như lệnh vỡ thuyết trình đầy đủ về những chuyến đi ăn chơi ở Việt Nam, con cái cầm đầu toàn Mỹ ở sở làm, mua nhà này, nhà nọ, vơ kế sần mỗi năm mấy chuyến, hồ sơ bệnh lý bầy ra cho mọi người coi từ tiêu chẩy, tiểu són đến các bệnh kinh hoàng khác cho tiệm nghe chung để vui đời di tản.

Không cấm lũ con nít này thì quả là có bất công đấy.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 111)

TO DO OR TO MAKE

Bản chuyển tả do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 111 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, hôm nay, cháu xin chú giảng về những khác biệt mà cháu nghĩ là khá nhiều nên đã gây nhiều rắc rối cho người nói tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính. Cả hai đều nghĩa là "làm" trong tiếng Việt, nhưng không thể thay động tự này bằng động tự kia.

QA

Chắc Trúc Giang định nói hai động từ TO DO và TO MAKE phải không? QA cũng rất muốn biết thêm về hai động từ này. QA thấy lũ con nói LET’S DO LUNCH. Nhưng QA nghe TO MAKE LUNCH thường hơn. Bộ hai động tự TO DO và TO MAKE LUNCH ở trong trường hợp này là một hay sao?

BBT

Không. Đây là một trong những cách dùng đặc biệt của động từ TO DO khiến cho cô nghĩ là TO DO và TO MAKE có thể giống nhau, và có thể thay TO DO bằng TO MAKE.

TO DO LUNCH như trong câu cô nghe các con nói ở nhà là một IDIOM nghĩa là đi ăn trưa với nhau. LET’S DO LUNCH là chúng ta hãy cùng đi ăn trưa với nhau. Nhưng TO MAKE LUNCH thì lại có nghĩa là sửa soạn, nấu bữa ăn trưa, làm thức ăn trưa cho các con mang đi học…

Thuê người đến chùi rửa nhà có khi phải hỏi cho kỹ: YOU DO WINDOWS, DON’T YOU? nghĩa là cô có lau chùi cửa kính không?

Người ta cũng nói TO DO THE DISHES là rửa chén bát. TO DO THE TANGO là khiêu vũ điệu Tango.

Còn một trường hợp này nữa tôi cũng muốn nói ngay ở đây: TO MAKE DO nghĩa là dùng một cái gì để thay thế cho một cái gì khác mà thường là dở hơn, không tốt, không hay bằng. Thí dụ I WANTED SOME BREWED COFFE BUT HAD TO MAKE DO WITH SOME INSTANT COFFEE.

TRÚC GIANG

Thế thưa chú, khi nào dùng TO DO và khi nào dùng TO MAKE? Có phải TO DO được dùng cho những vật trừu tượng và TO MAKE cho những vật cụ thể không?

BBT

Có thể nói như vậy. Nhưng chính xác hơn thì chúng ta dùng động tự TO DO với một hành động, một hoạt động hay một công việc.

Thí dụ bổn phận là một điều trừu tượng. Cái bàn là vật cụ thể. Làm bổn phận là TO DO . Làm cái bàn hay đóng cái bàn là TO MAKE.

Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với TO DO coi.

TRÚC GIANG

I THINK YOU LIKE TO DO CROSSWORD. YOU ALWAYS DO IT AT BREAKFAST, IS THAT RIGHT?

AT HOME, MY HUSBAND ALWAYS DOES THE IRONING FOR THE WHOLE FAMILY.

BBT

Còn QA?

QA

MY DAUGHTER NOW DOES THE WASHING FOR ALL OF US.

I ALWAYS DO CHRISTMAS SHOPPING EARLY.

BBT

Chúng ta cũng dùng TO DO với tất cả mọi công việc như TO DO THE HOMEWORK, TO DO THE HOUSEWORK, TO DO A GOOD JOB, TO DO THE TIDYING UP THE HOUSE, TO DO THE SPRING CLEANING… QA biết làm ơn nói thế nào không?

QA

Câu này QA cũng học của các con: CAN YOU DO ME A FAVOR: TURN DOWN THE TELEVISION A LITTLE BIT.

Từ hai cô con gái, QA còn thấy TO DO NAILS , TO DO HAIR FOR THE PARTY.

TRÚC GIANG

Cháu cũng nghe nói TO DO BUSINESS, TO DO GOOD, TO DO HARM…

BBT

Đúng rồi. Nhưng TO DO TIME là gì, hai cô biết không? Thí dụ người ta nói YOU DO THE CRIME, YOU DO THE TIME là gì nào?

QA

Hình như có nghĩa là ngồi tù phải không thầy? YOU DO THE CRIME, YOU DO THE TIME, QA nghe câu này lúc Paris Hilton bị ra tòa cách đây mấy tháng. Câu này chắc nghĩa là phạm tội thì đi tù phải không?

BBT

Đúng. Từ idiom TO DO WELL chúng ta có những chữ này: WELL-TO-DO và NEVER-DO-WELL hay NE’ER-DO-WELL. TO DO WELL là gì, Trúc Giang?

TRÚC GIANG

TO DO WELL là giỏi, thành công, là khá giả. Thí dụ MY DAUGHTER DOES WELL IN HER CLASS. SHE DOES WELL IN MATH. MY FRIEND DID WELL IN REAL ESTATE FOUR YEARS AGO.

QA

Như vậy, WELL-TO-DO là tĩnh từ nghĩa là giầu có, khá giả, nhiều tiền phải không thưa anh? Nhưng NEVER-DO-WELL là gì, là không bao giờ khá phải không?

BBT

NEVER-DO-WELL hay NE’ER-DO-WELL là một danh từ nghĩa là một người lười biếng, thất bại hoàn toàn trong đời sống. Thí dụ NOT ALL MEMBERS OF THE KENNEDY CLAN ARE SUCCESSFUL. AT LEAST, ONE WAS A NE’ER-DO-WELL.

Bây giờ chúng ta nói về động từ TO MAKE. TO MAKE là làm, chế tạo, xây dựng, đóng , tạo ra một đồ vật, kiến trúc.

TRÚC GIANG

Như vậy cháu dùng TO MAKE A DRESS có đúng không? Chị họ cháu chuyên may áo là DRESS-MAKER phải không chú? Thế còn MATCH-MAKER là gì thưa chú?

BBT

Là người làm một trong bốn chuyện ngu nhất trên đời: trên đời có bốn chuyện ngu/ làm mai lãnh nợ, gác cu , cầm chầu. MATCH-MAKER là ông mai, bà mối. Thế còn COFFEE-MAKER là người làm cà phê chăng?

QA

Người này giỏi lắm, có cái sợi dây điện, cắm vào ổ điện thì có cà phê để uống ngay. Là cái bình pha cà phê phải không thưa anh?

BBT

Nhớ là chúng ta dùng động từ TO MAKE với những danh từ cụ thể đi đằng sau. Thí dụ TO MAKE A CAKE, A MEAL…

TRÚC GIANG

Nhưng cháu cũng nghe người ta nói TO MAKE AN EXCUSE, TO MAKE A MISTAKE, TO MAKE A PLAN…

BBT

Đúng rồi, Trúc Giang nhớ là chuyện gì cũng có những ngoại lệ, những điều bất thường. QA có biết những trường hợp ngoại lệ khác của TO MAKE không?

QA

QA nghe lũ con nói ở tiệm ăn hôm cuối tuần: MAKE A CHOICE QUICK! Chắc có đứa sốt ruột thấy đứa kia đọc menu lâu quá mà chưa gọi món ăn. TO MAKE A DECISION có cùng nghĩa như TO MAKE A CHOICE không thầy?

BBT

Cũng có thể. CHOICE là sự lựa chọn. DECISION là sự quyết định. Hai cô muốn đi gặp nha sĩ thì nói thế nào?

TRÚC GIANG

TO MAKE AN APPOINTMENT. Thưa chú TO MAKE A BED là đóng cái giường. Có thể nói là làm giường không?

BBT

Cô định chơi chữ hay sao đây? Hai cách nói có khác nhau. Ra HOME DEPOT mua gỗ về cưa, dùng đinh đóng bốn cái chân là TO MAKE A BED, là làm cái giường.

Sáng dậy gấp chăn mền, trải lại khăn trải giường, xếp cái gối ngay ngắn lại là TO MAKE ONE’S BED, là làm giường. Do đó, làm cái giường và làm giường khác nhau.

Tục ngữ Anh có câu AS YOU MAKE YOUR BED, YOU MUST LIE IN IT nghĩa là gì cô QA?

QA

Thưa thầy câu ấy nghĩa gần như câu gieo gió gặt bão trong tiếng Việt chăng?

BBT

Gần giống thôi. Câu gieo gió gặt bão mạnh hơn. Câu tục ngữ tiếng Anh nghĩa là chúng ta phải chấp nhận hậu quả của việc chúng ta làm. Hậu quả đó có thể tốt, có thể xấu… trong nhờ đục chịu, tốt nhờ, xấu chịu.

Động từ TO MAKE còn được dùng trong câu mà chắc hai câu đã nghe, nhất là trong mùa bầu cử : YOUR VOTE CAN MAKE A DIFFERENCE. Câu đó nghĩa là gì Trúc Giang?

TRÚC GIANG

Cháu nghĩ đó là câu kêu gọi mọi người đi bầu, lá phiếu có thể đưa tới những khác biệt, những đổi thay.

BBT

Vẫn liên quan đến động từ TO DO, chúng ta còn dùng nó trong những trường hợp chúng ta muốn nhấn mạnh vào một điều gì đó. Chúng ta dùng TO DO trong một câu XÁC ĐỊNH (AFFIRMATIVE) ở thì hiện tại (SIMPLE PRESENT) hay quá khứ (SIMPLE PAST).

Thí dụ I THINK HE IS A GOOD MAN là một câu không được đặc biệt nhấn mạnh gì hết. Nhưng thêm động từ TO DO để thành I DO THINK HE IS A GOOD MAN thì động từ TO THINK được nhấm mạnh hơn. I DO THINK nghĩa là tôi thực sự, tôi chắc chắn, tôi hết lòng tin rằng ông ấy là người tốt.

QA cho nghe hai thí dụ với TO DO trong cách dùng EMPHATIC USE tức là cách dùng nhấn mạnh coi.

QA

THEY DO LIKE THE FOOD I MADE.

HE DOES WANT TO BUY THE HOUSE.

BBT

Nhớ là sau TO DO thì động từ đi sau phải là nguyên mẫu không TO, INFINITIVE WITHOUT TO: HE DOES WANT TO BUY chứ không thể nói HE DOES WANTS TO BUY THE HOUSE. Còn Trúc Giang…

TRÚC GIANG

WE DO KNOW WHAT THE CHINESE WANT IN THE SEA OFF VIETNAM.

MY GIRLS DO HOPE FOR A BABY BROTHER.

BBT

Chúng ta dùng DID nếu muốn nhấn mạnh một chuyện gì trong quá khứ. Thí dụ nói ông ấy quả thật hôm qua đã đến đây chờ anh thì QA nói thế nào?

QA

HE CAME HERE YESTERDAY AND WAITED FOR YOU. HE DID COME AND DID WAIT FOR YOU ALL DAY YESTERDAY.

BBT

Khi nói, nếu chúng ta nhấn mạnh vào động tự DO, DOES hay DID thì câu ấy lại nghe như là chúng ta đang bất đồng với người đang đối thoại với chúng ta.

I DO THINK MISTER REAGAN WAS A GOOD PRESIDENT. Câu này chỉ nhấn mạnh vào chuyện tôi nghĩ ông Reagan là một tổng thống giỏi.

Nhưng khi nói I DO THINK MISTER REAGAN WAS A GOOD PRESIDENT thì câu này lại có nghĩa là ông không nghĩ tôi đánh giá cao ông Reagan nhưng tôi thì nghĩ ông Reagan là tổng thống giỏi, không như ông hiểu lầm tôi.

TRÚC GIANG

MISTER BUI, WE DO THANK YOU FOR THE LESSON TO DAY.

BBT

I DO ENJOY WORKING WITH YOU.

QA

THE TIME DID PASS BY SO QUICKLY MISTER BUI.

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

 

 

 

 

August 18, 2011

August 19, 2011

Ngày 16 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông Đà cũng còn có tên là sông Bờ hay Đài Giang.

Bắt nguồn từ Vân Nam, sau khi chẩy hơn 400 kilômét trong lãnh thổ Trung quốc, sông Đà nhập vào sông Hồng ở Phú Thọ. Người Pháp gọi con sông nước đen này là Rivière Noire. Sông Đà cung cấp một lượng nước rất lớn, khoảng 31% cho sông Hồng.

Vì lượng nước rất lớn mà nó đóng góp cho sông Hồng nên tên của con sông này đã xuất hiện trong một câu ca dao mới và nay được nghe khá nhiều. Hai câu lục bát dùng tên con sông này ở câu 6 để đưa ra một cách ví von nói lên nét vĩ đại kiểu như công cha như núi Thái Sơn.

Câu ví đó là "tiền vô như nước sông Đà". Nước sông Đà đủ sức vận chuyển 8 cái "tuộc bin" sản xuất điện cho Hòa Bình và nay người ta lại đang xây thêm một đập nước nữa ở Sơn La thì lượng nước chẩy từ sông Đà vào sông Hồng Hà phải kinh khủng lắm.

"Tiền vô như nước sông Đà" thì chắc chắn là giầu sang tột bực.

Tiền kiếm được là như thế. Còn tiền tiêu ra thì sao? Tiền ra mà như sông Hồng Hà thì chắc chắn là không thể giầu được.

Sửa đi một chút câu Sắp Kèo Rượu tức là bài Tương Tiến Tửu của Lý Bạch thì thành:

Quân bất kiến Hồng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi

Người chẳng thấy nước sông Hồng từ trên trời đổ xuống, chẩy tuôn ra bể không bao giờ trở lại. Tiền ra mà như nước sông Hồng thì chỉ có mà xin khai phá sản mất thôi.

Thế nên tiền ra không thể như nước sông Hồng được.

Phải thế này mới giầu:

Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin.

Thật là cảnh giầu lắm tiền nhiều bạc. Tiền chỉ có vào, không chịu ra bao nhiêu. Vào như nước sông Đà 31% nước cung cấp cho sông Hồng. Tiền ra thì như cà phê phin.

Đây là hai câu chắc phải xuất hiện sau năm 1975 và phải ở miền nam. Trước năm 1975, người miền nam ít hiểu biết về địa dư miền bắc. Sông Đà là một con sông miền Bắc. Có thể đến sau năm 1975, sông Đà mới được nghe nói tới nhiều hơn ở miền Nam. Chữ "vô" trong câu 6 cũng cho thấy nó ở miền Nam.

Câu ca dao này xuất xứ ở miền Nam. Không thể từ miền Bắc được.

Lý do khác nữa là ở câu 8 . Câu 8 là "Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin".

"Cà phê phin" chứ không phải là "cái nồi ngồi trên cái cốc".

Như vậy rõ ràng là hai câu xuất xứ từ miền nam. Đây là hai câu có tính cách hài hước hơn là dùng để chúc nhau.

Nhưng mấy năm trở lại đây, trong những ngày Tết, càng ngày người ta càng đem nó ra dùng để thay cho những lời chúc đã cũ, đã thành sáo ngữ, nghe chúc mà cứ văng vẳng mấy đoạn thơ của ông Tú Xương khi ông phát cáu vì những lời chúc sống lâu giầu bền, con cái đầy nhà, tiền bạc gà ăn cũng không hết.

Người ta bèn chúc nhau tiền vô như nước sông Đà/ tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin .

Người chúc thì khỏi phải nhắc lại mấy câu chúc đã cũ mà ông Tú Vị Xuyên rất ghét. Người nghe thì cũng vui vì cái nét hài hước ở trong.

Mấy ai tin là sang năm mới, tiền bạc sẽ dễ dàng như thế. Không thể nào có chuyện tiền chạy vào như nước con sông lớn ở miền Bắc.

Và cũng không ai tin là sau khi tiền vào nhu nước sông Đà mà tiền ra thì lại vài ba giọt như cà phê chẩy qua phin.

Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin thì sốt ruột làm sao chịu nổi. Phải uống espresso kiểu Ý hay cà phê instant, cà phê bột pha uống được ngay. Mà đó chỉ là một vấn đề nhỏ của việc tiền ra như cà phê phin mà thôi. Tiêu tiền mà như thế thì làm cách nào kinh tế phát triển cho được. Vì thế, nếu đúng như hai câu chúc về tiền bạc ví von như sông Đà và cà phê phin này thì kinh tế sẽ chết. Tiền giữ trong nhà sẽ có thể làm cho những người ngồi trên đống bạc đó chẳng sung sướng gì.

Nhưng không ai trong chúng ta phản đối cả, vì ai cũng biết hai câu lục bát đó chỉ để đùa chơi . Ai lại ghim lấy hai câu lục bát ấy để chờ cuối năm đến nhà người chúc bắt đền là chẳng thấy giọt nước nào chẩy vào nhà cả. Lấy đâu ra nước sông Đà chẩy xối xả vào.

Hai câu lục bát tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin là nhũng câu nói cho vui giữa những người bạn. Nghe rồi bỏ ngoài tai, không hơi đâu mà nín thở chờ cho chuyện đó xẩy ra bao giờ.

Chớ có dại mà tin vào những điều ấy.


Ngày 17 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Có kiêng có lành. Chúng ta vẫn nói thế. Người Việt có thể là dân tộc hay kiêng và kiêng nhiều thứ nhất thế giới.

Ngày xưa thì kiêng tên vua. Vì có Nguyễn Hoàng nên đọc Hoàng thành Huỳnh, vì có hoàng tử Cảnh nên đọc Cảnh thành Kiểng, rồi Phúc thành Phước vân vân. Không kiêng, đi thi làm bài viết những chữ phải kiêng thì bị đánh trượt lập tức. Ông Trần Tế Xương phạm trường qui cũng hơn một lần, chỉ vì không biết kiêng.

Trong làng, trong xóm thì phải kiêng tên các cụ kỳ mục lớn tuổi. Mấy cái tên đẹp các cụ đặt cho nhau hết, chỉ còn mấy cái tên xấu chưa có ai đặt thì mang ra dùng. Kiêng thế nên cứ chia nhau mấy cái tên xấu xí. Lỡ đặt cho con cháu cái tên đẹp, thình lình có một cụ xuất hiện có cái tên ấy, thế là gia đình đứa bé phải thêm cho nó một cái dấu, sắc, huyền, hỏi, ngã hay nặng cho cái tên của nó không giống tên của cụ . Oan uổng hết sức.

Ngưòi Việt sáng ra đã kiêng. Bước chân ra khỏi nhà thì kiêng gặp gái. Gặp đàn bà, con gái là phải quay lại nhà ngay, lấy cái bao thẻ hương đốt vứt ra cửa cho nó tan cái vía xấu đi rồi mới lại bước ra cửa để đi học, đi thi, đi mua sắm, đi mua họ, chơi hụi. Cứ gặp đàn bà con gái nữ nhi là xấu, phải kiêng.

Nhưng cứ kiêng như thế cũng phiền. Thập thò mở cửa lại thấy một cô hay một bà đứng gần là lại thụt vào thì còn làm ăn gì nữa.

Đó là chưa nói đến chuyện kiêng cữ như vậy là một hành động xúc phạm nặng nề các phụ nữ. Các phụ nữ không là cụ, bà nội ngoại, mẹ, vợ, chị, em gái, các cháu gái thì cũng có thể là cô hàng xóm đẹp não nùng như cô gái ở căn nhà bên cạnh nhà chúng tôi ở Hà Nội chẳng hạn .

Cứ thấy là thụt vào trong nhà né một cái đã.

Ngày thường đã kiêng. Tết lại càng phải kiêng hơn nữa. Không kiêng thì rông cả năm.

Trong ba ngày tết phải kiêng quét nhà để khỏi quét đi những điều may mắn khách đem lại. Bây giờ khách đến nhà mang theo rác rến thì máy hút bụi hút hết vào trong bao, có đổ ngay ra đường đâu mà sợ mất đi những may mắn?

Kiêng không nói những tiếng xấu xa, tục tĩu. Khỉ, chó là không được lôi ra trong lời ăn tiếng nói ba ngày tết. Mà những tiếng ấy thì lại thường nằm trong những câu chửi thề, la mắng, gắt gỏng. Khoản kiêng này lũ trẻ chắc thích nhất, vì ba ngày tết đỡ bị la mắng. Không bị la mắng, không bị đòn trong mấy ngày xuân. Đó có thể là những kiêng cữ thú vị nhất và có lý nhất theo cái nhìn của trẻ con.

Mấy ngày tết là những ngày phải nói ra, phải chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Nhưng bao nhiêu người muốn được chúc những điều tốt đẹp như thế?

Ông Obama chẳng hạn. Năm nay là năm bao nhiêu điều phiền toái cho ông ở trong nưóc cũng như ở ngoại quốc. Sáng mồng một đến tòa Bạch Ốc chúc ông bằng năm bằng mười năm ngoái thì đúng là chơi ác với ông mới mong cho ông được bằng năm bằng mười năm 2011.

Hay chúc đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái? Câu chúc này không ai còn dám chúc nữa. Hai đứa trong một năm thì kiếm baby sitter ở đâu cho kịp? Tã, sữa lấy đâu ra? Không thể cứ nói Trời sinh voi, trời sinh cỏ đưọc. Trời sinh voi nhưng bố chúng nó chạy cỏ hụt hơi gần chết thì có.

Điều này, từ đầu thế kỷ hai mươi ông Tú Xương hẳn đã thấy. Ông ngán ngẩm làm 4 bài tứ tuyệt về chuyện chúc nhau sống lâu giầu bền, thăng quan tiến chức, giầu sang phú quí, con cái đầy nhà.

Nên những câu chúc bây giờ cũng có khác. Thôi thì chúc nhau nhiều sức khỏe. Nhưng vừa chúc nhiều sức khỏe, lại đụng phải một câu chúc của một nữ xướng ngôn viên: chúc bác sĩ nhiều bệnh nhân.

Thế thì làm sao người ta nhiều sức khỏe cho được.

Quay trở lại chuyện sợ rông. Người Việt tin là hễ trong ngày đầu năm chúng ta làm gì thì suốt năm những chuyện như vậy sẽ xẩy ra cho chúng ta.

Vài ba chục năm nay, tết nào tôi cũng đi làm, hay nhờ vậy mà không bao giờ thất nghiệp.

Thế nên ngày tết, cứ đi làm, càng rông càng tốt.

Còn khoản đạp đất thì sao? Ngày xưa người Việt kỹ chuyện này lắm. Ai xấu vía , xấu tính xấu nết thì nhất định không được mời xông đất. Không được mời mà dẫn xác đến có khi bị đòn . Phải là người tử tế, lắm con, nhiều tiền, vui vẻ, may mắn thì mới được mời đến xông nhà. Nhưng ngày nay, tìm đâu được những người đầy đủ những cái tốt như thế mà lại rảnh rỗi để sáng mồng một xuất hành đến cửa nhà chúng ta?

Thôi thì nhờ mấy đứa con, hay mấy đứa cháu làm cho việc đó. Con cháu thì bao giờ chẳng nghĩ tốt về mình. Nhờ chúng nó là phải.

Thế nhưng tại sao lại quên đi một người rất đẹp, lại ăn nói duyên dáng, thông minh , hiền lành và tử tế hơn biết bao nhiêu người khác làm công việc ấy?
Người ấy là ai? Thì chính là cái người quí vị nhìn thấy trong gương mỗi sáng, nhìn rồi bịn rịn không muốn bỏ đi đấy chứ còn ai trồng khoai đất này nữa?
Nhờ chính cái người ấy xông nhà. Được thì vui, có sao thì ráng chịu, khỏi oán trách phiền ai hết.


Ngày 18 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Cách đây mấy năm, cứ mở truyền hình ra xem là người ta không cách nào tránh được không phải xem những chuyện liên quan đến Tom Cruise và Katherine Holmes và cô con gái mới sinh của hai người.

Tom và Katherine sau những trò điên dại diễn xuất tỏ tình với nhau, hôn nhau trước ống kính của các chuyên viên săn hình hay nhẩy đùng đùng trên ghế sofa của Oprah Winfrey, cuối cùng sinh được một cô con gái.

Chuyện sinh con đẻ cái thì cũng không phải là chuyện lạ trong cái thế giới đang càng ngày càng chật chội vì quá đông người này.

Báo chí truyền hình tiếp tục loan tin về cái tên mà Tom và Katherine chọn để đặt cho con gái. Đứa bé được đặt tên là Suri, mà không phải là Mary, Susan, Michelle, Jane, Deborah... những cái tên thường thấy tại Mỹ.

Theo Tom giải thích thì Suri là tên Hi Bá Lai (Hebrew), một cách viết và phát âm khác của tên Sarah.

Nhưng theo một giáo sư ngôn ngữ học tại đại học Hi Bá Lai ở Jerusalem thì , trong tiếng Do Thái, tiếng Hi Bá Lai, Suri nghĩa là cút xéo, là đi đi.

Kể ra có cái tên là cút xéo thì cũng không hay lắm.

Nhưng càng ngày, thì người ta lại thấy những thứ tên như thế xuất hiện nhiều hơn.

Thí dụ Demi Moore và Bruce Willis khi còn ở với nhau, có với nhau 3 con gái. Cả ba đều được đặt cho những cái tên hết sức kỳ lạ. Rumer, Scout và Tallullah.

Hình như các diễn viên điện ảnh hay làm như thế nhất: đặt cho con cái những cái tên quái đản như vậy.

Dakota, tên một bộ lạc da đỏ cũng thấy được đặt cho nhiều người.

Tennesee Williams là tên của một nhà soạn kịch Hoa kỳ.

Keanu Reeves là tên một diễn viên điện ảnh. Oprah là tên một phụ nữ có một chương trình talk show rất nổi tiếng và rất ăn khách.

Cher là tên một ca sĩ.

Ice T hay trà đá (iced tea) là tên một ca sĩ nhạc Rap.

Snoopy Dog cũng là tên một ca sĩ nhạc Rap.

Một thám tử tư chuyên lùng bắt những tội nhân tại đào tự nhận mình là tài giỏi như ông trời, định lấy tên là God nhưng sau đó thấy kỳ, liền viết ngược chữ God thành Dog, là chó, để dùng làm biệt hiệu luôn.

Gwynette Paltrow đặt tên con gái đầu lòng là Apple. Còn bé thì tên Apple rất hay. Nhưng lớn tuổi mà lại mang tên là bà Táo thì sao tiện?

Con gái một giáo sư dậy Phật giáo Tây Tạng, giáo sư Robert Thurman được đặt là Uma Thurman. Cô trở thành một diễn viên nổi tiếng nhưng tên của cô bị David Letterman lôi ra diễu mãi trong buổi lễ phát giải Oscar cách đây mấy năm. Uma trong tiếng Phạn nghĩa là nữ thần ánh sáng. Nhưng mấy ai biết được cái nghĩa đó.

Những trường hợp như thế không ít.

Người Mỹ da đen hay đặt tên Tây cho con cái vì nghĩ là người Pháp không đem họ từ Phi châu sang làm nô lệ . Họ đặt cho con tên Tây mà không dùng tên Anh, tên Mỹ như một cách phản đối, chống lại những người đưa họ từ Phi châu sang sống đời nô lệ ở Bắc Mỹ. Những tên như Rene, Michelle, Josephine, Claude đầy rẫy trong thành phần người da đen.

Nhưng sau cuốn tiểu thuyết Roots của Alex Haley viết năm 1976 kể chuyện một người đàn ông Phi châu bị bắt bán sang Mỹ, thì lại có một phong trào đặt tên cho con cái những cái tên Phi châu. Hết Kunta Kinte, nhân vật chính trong truyện Roots, người ta đặt tên con cái là Kenya, Kintasha, Tabisha...

Ấy là chưa nhắc đến những cái tên rất Ba Lan, rất Đức, Áo, Hung như Zbigniev, như Caspar, hai ông tai to mặt lớn trong chính phủ Carter và Reagan.

Hồi còn đi dậy tiếng Anh ở Washington, tôi dậy chung với một bà giáo người Mỹ. Trong lớp của bà toàn học viên người Việt, những người vưà từ trại tị nạn sang. Bà không đọc được tên của các học viên người Việt nên đặt cho mỗi người một cái tên Mỹ nào John, nào Robert, Dick, Tom... phụ nữ thì Mary, Suzy, Sandy, Rose…

Hầu hết đều chấp nhận việc làm của bà, và gọi nhau bằng cái tên mới đó. Duy có một người đàn ông xin với trường cho đổi sang lớp khác. Ông nói rằng tên Việt Nam của ông rất hay. Ông không muốn cái tên Johnny bà giáo đặt cho ông. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông và giúp ông đổi lớp.

Ông rất có lý.

Tại sao ông Zbigniew Brzezinski không bị bắt đổi tên rồi mới cho dậy chính trị tại đại học Harvard rồi lại được mời làm cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Carter. Ông Caspar Weinberger thì được cho làm bộ trưởng quốc phòng mà ông học viên lớp ESL thì phải đổi tên cho nghe có vẻ Mỹ? Thế thì tại sao phải đổi tên thành Johnny, thành Dick, thành Tom?

Tại sao lại không giữ nguyên cái tên cũ như ông học viên lớp ESL cuả tôi?

Những cái tên Rumer, Tallullah, Scout, Dakota, Keanu... có ai cười đâu?

Thế nên nếu có cái tên Việt Nam đọc theo kiểu Mỹ xuyên tạc đi nghe giống như cái xe vận tải thì đã sao?
Truck cũng không sao hết. Đổi đi mà không xin phép các cụ, các cụ giận chết. Các cụ nghĩ mãi mới ra cái tên ấy, nỡ lòng nào quơ đại cái tên Mỹ vào cho mình?

Margot Hemingway, cháu nội của nhà văn Hemingway là một kiểu mẫu và diễn viên điện ảnh

Thôi thì cha mẹ đặt cho cái tên mấy chục năm trước có bao giờ hai cụ nghĩ một ngày nào đó con các cụ lưu lạc sang đến bên Mỹ này sống đâu nên các cụ không thắc mắc phải làm sao đọc cho dễ, và vì thế, đến nay tên tuổi cứ bị đọc thành ra cái xe vận tải thì có chán không.

Nhưng đổi thì nhất định không. Cứ giữ nguyên thế này.


Ngày 19 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Mấy hôm trời nóng làm tôi nhớ những trưa hè hồi còn bé, những trưa hè trốn nhà vào Văn Miếu chơi, bắt những con chuồn chuồn ngô bằng cái sào dài bôi nhựa mít ở trên đầu.

Đó là mùa hè cuối cùng chúng tôi ở Hà Nội. Tội nghiệp những con chuồn chuồn. Chúng vô phúc bị bắt được là kể như chúng tới số. Một miếng giấy bằng ngón tay, xé một cái lỗ tròn nhỏ vừa đủ để luồn những cái cánh của chúng vào rồi thả cho bay như món đồ chơi không tốn tiền. Con chuồn chuồn chắc chắn sẽ chết dưới sức nặng của miếng giấy. Nó sẽ kiệt lực vì phải mang một miếng giấy quá nặng, không bay nổi nữa, sẽ rơi xuống đất, làm bữa sáng hay bữa trưa, bữa chiều cho những con chim sâu tinh mắt. Hay ban đêm, sương xuống, miếng giấy thấm nước sẽ nặng hơn, nó không cất cánh bay lên được nữa thì nhất định nếu không chết thì cũng lại làm mồi cho những con sáo mà chúng tôi thấy rất nhiều ở Văn Miếu.

Tóm lại, số mạng nó kể như đã an bài sau khi chúng bị chúng tôi bắt.

Người ta vẫn nói là cho những con chuồn chuồn ngô cắn rốn thì chủ của cái rốn sẽ tự nhiên không học, không tập, không ai dậy, cũng biết bơi.

Nhưng không một người nào tôi biết đã trở thành những ông Yết Kiêu, người đàn ông bơi lội giỏi đời nhà Trần lại biết bơi nhờ những cái hàm của những con chuồn chuồn.

Thế là chúng, những con chuồn chuồn cũng vẫn không trả thù được những đứa bé độc ác bằng những cú cắn rốn đó.

Chuồn chuồn cắn rốn để biết bơi chỉ là một trong những thứ huyền thoại của tuổi trẻ, như để phấn bướm rơi vào tai thì điếc trong khi thực ra, để chút phấn (?) hay chút son (?) dính vào vành tai, chứ chưa cần vào lỗ tai thì có người sẽ bị điếc tai khi về nhà với những hạch cùng hỏi.

Những con chuồn chuồn rất hiền lành, nó hình như không làm hại ai hết, thế mà nó suýt bị một môn sinh học làm thơ haiku của Ba Tiêu, một nhà thơ Nhật nổi tiếng về thơ haiku định xé nát ra để làm một bài thơ haiku.

Người môn sinh này nói rằng xé những cái cánh đi, con chuồn chuồn sẽ thành quả ớt. Ba Tiêu nói ngay rằng đó không thể là thơ haiku. Thơ haiku phải là gắn những chiếc cánh vào quả ớt đỏ thì chúng ta có con chuồn chuồn. Trong văn học, chỉ thấy một trường hợp như thế là con người tử tế với loài chuồn chuồn.

Nó không thỉnh thoảng làm khổ thế giới một trận như bọn cào cào, châu chấu, cũng không làm điếc ai như những con ve sầu cạ hai cánh vào nhau để tìm bạn bốn phương yêu cuồng sống vội trước khi ra đi sau vài ba tuần trên mặt đất.

Những con chuồn chuồn thật tội nghiệp. Chẳng bao giờ thấy nó đưọc các nhà văn nhà thơ cho được một hai câu thơ để vào văn học một chút.

Nguyễn Du chỉ nhắc đến nó có một lần để ví những cái cánh của nó với nét mỏng manh của số phận của Kiều:

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay
(411/412).

Tagore viết nguyên một tập thơ ngắn nhan đề đom đóm. Để nguyên con đom đóm đã hạnh phúc, đã được ghi trong truyện cổ của Trung Hoa là giúp cho người học trò tên là Trác Giận học hành trong những đêm không đèn. Nhưng con chuồn chuồn thì không, trong khi chúng là niềm vui của bao nhiêu đứa trẻ trong những mùa hè của tuổi thơ.

Nó xuất hiện trong có một câu tục ngữ và hai câu đồng giao. Câu tục ngữ thì cũng chẳng đúng được bao nhiêu về thiên văn, thời tiết: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Còn câu đồng giao kia thì cũng chẳng tử tế gì với nó:

Chuồn chuồn có cánh thì bay
Có thằng kẻ trộm thò tay bắt mày

Hai câu này không hề có ý cứu nó, mà chỉ để phá người bạn nhỏ đang rình túm lấy cái đuôi của nó, gọi người bạn là thằng ăn trộm và mong cho nó bay thoát để cho nguời bạn nhỏ tức chơi.

Hai câu đồng dao miền nam thì khác một chút, nhưng mục tiêu thì vẫn là để chọc giận người bạn nhỏ:

Chuồn chồn có cánh thì bay
Kẻo thằng bụng ỏng bắt mày đem bêu

Lâu lắm tôi không thấy những con chuồn chuồn.

Lũ con tôi ra khỏi nưóc từ khi còn bé. Ở bắc Mỹ thấy được nhũng con chuồn chuồn không dễ. Chúng lớn lên ở thành phố. Không có hồ ao, không có những cây lau mọc dưới nưóc, không có những buổi trưa, buổi chiều sắn quần lội xuống nước chờ bắt những con chuồn chuồn ớt cái bụng đỏ rực rỡ, những con chuồn chuồn kim, những con chuồn chuồn ngô cái đầu to hơn những hột bắp mà không một đứa trẻ nào ở Việt Nam lại không được hưởng cái thú bắt được những con chuồn chuồn này mang về chơi những trò độc ác với chúng.

Bỗng nhớ ông Bùi Giáng , người duy nhất tử tế với những con chuồn chuồn, thỉnh thoảng ông lại đem nó vào những bài thơ của ông:

Sầu riêng châu chấu năm xưa
Em về với ruộng cầy bừa đã xong
Em về rắc cỏ vào trong
Vui về với hội trổ đồng đồng xanh
Sầu riêng gác bỏ sau ghềnh
Năm xưa châu chấu mang tên chuồn chuồn

Tội nghiệp những con chuồn chuồn .


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY



Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc

(Bài số 110)

ENGLISH ON THE MENUS

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 110 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, bữa nọ Thúy dẫn các con đi ăn ở một tiệm trên đường X. Đọc tấm thực đơn của tiệm, cả ba đứa con của Thúy đều cười lăn lộn vì những cái tên viết bằng tiếng Anh của các món ăn. Chúng không thể hiểu những chữ tiếng Anh đó trong menu là những món gì. Thúy giải thích cho chúng bằng tiếng Việt thì chúng hiểu ngay. Thầy có gặp những tấm thực đơn như thế bao giờ chưa?

BBT

Có. Nhiều lần là khác. Tính tôi tò mò nên đến các tiệm ăn thì đọc hết cái menu mặc dù chỉ gọi có một món mà thôi. Cô cho biết món gì mà dễ sợ thế?

LÃM THÚY

Thưa thầy đó là món SHAKY BEEF. Chị Quỳnh Anh đã thử món này bao giờ chưa?

QA

Không biết đó có phải là món bò lúc lắc không Thúy? Ông thầy gọi món này bao giờ chưa? Và thưa anh, tại sao lại có cái tên ấy?

BBT

Tôi nghĩ cái tên này xuất hiện đã lâu lắm. Tôi thấy nó ở một tiệm ăn ở miền đông từ mười mấy năm trước. Tại sao lại có cái tên ấy? Tôi nghĩ người dịch tấm menu ấy tra tự điển Việt Anh , tìm chữ "lúc lắc" hay chữ "lắc", thấy động từ TO SHAKE, SHOOK, SHAKEN là lắc như TO SHAKE HANDS là bắt tay, rồi cạnh đó là SHAKY là run rẩy, lúc lắc, không vững, không chắc và dùng SHAKY đặt đằng trước chữ BEEF là thịt bò để thành SHAKY BEEF.

Trong khi lúc lắc tiếng Việt là cục xí ngầu, quân súc sắc, tiếng Anh là DIE, số ít và DICE là số nhiều. Động từ TO DICE là đổ súc sắc, đổ xí ngầu, hay thái hột lựu, thái thành những viên hình vuông như những quân súc sắc. Từ đó, chúng ta có DICED STEAK coi bộ hợp lý hơn là SHAKY BEFF. Nhưng sau khi nó xuất hiện trong những cái menu khắp miền đông qua tới miền tây nước Mỹ, quán này chép lại menu của quán kia, thì người Mỹ cũng chịu thua, đành phải gọi nó là SHAKY BEEF và nay, vào internet, cứ tìm SHAKY BEEF là có ngay món VIETNAMESE BEEF DISH, lại còn được chỉ luôn cách để làm món này nữa.

LÃM THÚY

Thúy giảng cho mấy con rằng đó chỉ là món BÒ LÚC LẮC thì chúng hiểu ngay là món mẹ chúng cũng từng lâu lâu trổ tài nấu nướng ở nhà. Dịch như thế, thực khách My như mấy đứa Mỹ con, con của Thúy chịu thua không thể hiểu được thì dịch làm gì cho mất công?

QUỲNH ANH

Thưa anh, QA còn thấy trong thực đơn của một tiệm ở Garden Grove món FILET MIGNONNE. Đặc biệt trên chữ "N" còn có dấu "~" cho giống tiếng Tây Ban Nha nữa.

BBT

MIGNONNE không phải là tiếng Tây Ban Nha, mà là tiếng Pháp. Chủ nhân nhanh nhẩu đoảng thật thà hư nên cho thêm dấu "~" trên chữ "N" giữa chữ "G" và chữ "O" nên mới thành chuyện. Đúng ra phải viết là MIGNON mới đúng. MIGNONNE là xinh xắn, là CUTE trong tiếng Anh, là tiếng gọi nghĩa là cục cưng xinh xắn của … tui ơi như trong bài thơ của Pierre de Ronsard, một nhà thơ Pháp sống thời thế kỷ XVI nhan đề Gửi Cassandre, A CASSANDRE với hai câu đầu là: MIGNONNE, ALLONS VOIR SI LA ROSE/ QUI CE MATIN AVOIT DESCLOSE… Em cưng ơi, hãy ra đây cùng xem bông hồng sáng nay vừa nở…

Vậy thì khi vào tiệm ăn, nên gọi FILET MIGNON thay vì FILET MIGNONNE, rắc Maggie, sauce A-ONE và quệt mù tạc vào ăn cho cơ thể tích lũy thêm một ít cholesterol… cho đủ bộ.

LÃM THÚY

Cô bạn của Thúy một bữa cho xem một tấm thực đơn mà cô xin được ở một tiệm ăn vùng San Francisco có món NAKED SAVORY RICE BALLS, Thúy đọc mà cứ rụng rời chân tay ra. Đố thầy biết món ấy là món gì.

BBT

Tôi đoán thôi nhé. NAKED là khỏa thân, là trần truồng, là không mặc quần áo. Tôi ngạc nhiên tại sao trong tiệm ăn lại có món đòi thực khách phải khỏa thân mới ăn được. Nhưng tôi đoán đó phải là một món có chữ "trần" thì mới có tĩnh tự NAKED đi trước. Có phải "bánh ít trần" không?

LÃM THÚY

Thưa đúng.

BBT

Trong một tấm thực đơn khác tôi thấy là người dịch tên các món của tiệm sang tiếng Anh thì năm ba lần cứ đụng món hủ tiếu là lại dùng chữ "ALIMENTARY" trong khi chữ này chỉ có nghĩa là ruột, thực phẩm, hay liên quan đến thực phẩm, tiêu hóa vân vân. Tôi nghĩ mãi về chữ này mà vẫn không tìm ra được một cách giải thích nào thỏa đáng cho việc dịch món hủ tiếu là ALIMENTARY. Phải chi còn cụ Vương Hồng Sển chắc phải lặn lội đi tìm cụ để xin hỏi cụ, may ra cụ cười một trận đã đời xong rồi mới giảng nghĩa được. Thí dụ SHRIMP ALIMENTARY nhà hàng dịch từ những chữ hủ tiếu tôm cá, hay PORK ALIMENTARY là hủ tiếu xá xíu. Tất cả các chữ hủ tiếu đều được dịch thành ALIMENTARY. Hay là người dịch đụng chữ hủ tiếu, đọc lầm là HỦ TIÊU, rồi nghĩ TIÊU là tiêu hóa nên dùng ALIMENTARY? Nhưng vẫn chưa ly kỳ bằng, cũng vẫn trong tấm thực đơn ấy, hễ cứ món nào có huyết ở trong thì bao giờ cũng được dịch là BLOOD CELL nghĩa là tế bào máu. Người Mỹ đọc tên món này lên, biết còn ai dám ăn nữa hay không?

QA

Bữa nọ, có người gửi cho QA qua e-mail bản chụp tấm thực đơn của một nhà hàng ở Việt Nam làm mấy đứa con của QA được một trận cười nghiêng ngửa không biết thầy có được đọc tấm menu Anh Việt đó hay không?

BBT

Có, đó là thực đơn song ngữ của một nhà hàng ở Quảng Trị tên là Phúc Quang nằm trên đường Hùng Vương nối dài. Người yếu bóng vía không nên đọc tấm thực đơn này. Tôi nghĩ đầu óc phải méo mó lắm và hài hước lắm may ra mới lơ mơ hiểu được những chữ này.

Thí dụ món DÊ HẤP XẢ ỚT được dịch là INTERESTING SOCIAL GOAT. Tại sao lại có SOCIAL nghĩa là thuộc về xã hội trong món này? Tôi chắc vì chữ XẢ, mà người dịch tưởng là do chữ "XÃ" … HỘI nên lôi chữ SOCIAL vào đứng bên con dê cho vui. Nhưng còn INTERESTING nghĩa là hay, lý thú tại sao lại đứng đó? Chắc vì INTERESTING còn có nghĩa là "hấp dẫn" nên món DÊ (GOAT) HẤP (INTERESTING) XẢ (SOCIAL) mới được dịch như thế. Món DÊ TÁI CHANH được dịch là FINANCES GOAT chắc người dịch mắt mũi lờ mờ đọc TÁI CHANH thành TÀI CHÁNH nên phang chữ FINANCES là tài chánh vào cho tiện. NGỌC DƯƠNG TIỀM THUỐC BẮC được dịch thành NGOC DUONG POTENTIAL MEDICINE. Tiềm được người dịch hiểu là tiềm năng, tiềm tàng nên dùng chữ POTENTIAL để dịch. Món GÀ ÁC được dịch là CHICKEN EVIL vì EVIL nghĩa là độc ác. Còn món GÀ ÁC TIỀM THUỐC BẮC dịch sang tiếng Anh … Quảng Trị thành CHICKEN POTENTIAL BAD MEDICINE vì BAD cũng có nghĩa là độc ác, xấu xa… Ai dám liều mạng và gan cùng mình để ăn món có BAD MEDICINE này?

Món CÁ LÓC UM MĂNG được dịch thành PERSONAL UM CEMENT vì người dịch hiểu "CÁ" là cá nhân nên dịch là PERSONAL. UM thì người dịch chịu thua bèn để nguyên. MĂNG, theo người dịch, là từ danh tự xi măng mà ra (?) nên dịch là CEMENT. Món cá này ăn chắc rụng răng, trẹo quai hàm mất thôi.

Nhưng hay nhất là món DƯA BAO TỬ CHẤM MUỐI. Mời cô QA đọc tấm menu mà cô có xem nó là món gì trong tiếng Anh Quảng Trị đây…

QA

QA thấy ghi là MELON STOMACH DOT SALT. QA hiểu MELON là dưa. STOMACH là bao tử. SALT là muối nhưng DOT là gì, tại sao lại đứng đó?

LÃM THÚY

Thúy hiểu. Trong các địa chỉ ở internet, người ta thường viết ở cuối là YAHOO . COM, chúng ta quen đọc là YAHOO DOT COM. Trong nước người ta đọc là YAHOO CHẤM COM. Có phải vì thế mà CHẤM MUỐI thành DOT SALT không thầy?

BBT

Chịu cô Thúy. Tức cười nhất là món DỒI TRƯỜNG CHẤM RUỐC được dịch là INSTITUTION DOT RUOC trong khi INSTITUTION là cơ chế, qui chế, cơ sở, trường học, học viện. Thì ra người dịch dùng nghĩa nhà trường của danh tự INSTITUTION, để dịch chữ TRƯỜNG trong DỒI TRƯỜNG nên mới ra cơ sự.

QA

Thưa anh, tiếng Anh dẫu sao cũng là tiếng người ta, có sai thì cũng thông cảm được. Nhưng tại sao những cơ sở này không nhờ những khách người Mỹ đến ăn ở tiệm giúp sửa chữa lại những chữ tiếng Anh mà cứ để nguyên những sai sót đó? Ở Quảng Trị cũng thiếu gì du khách ghé ngang để thăm Khe Sanh, sao không nhờ họ đọc hộ cái menu tiếng Anh rồi nhờ sửa ?

BBT

Thưa cô, người được nhờ hay thuê dịch đời nào nhận là mình sai sót. Cơ bút thần thánh đã giáng xuống thì cứ để nguyên đó cho … tôi! Không có sửa sang gì hết. Tiếng Anh đã thế, tiếng Pháp cũng thê thảm không kém. Ở quận Cam có một nhà hàng mà tôi nghĩ chủ nhân muốn đặt cho nó cái tên Tây cho … sang, nhưng lại viết sai, viết thừa một chữ để thành BISTROT. Trong tiếng Pháp, BISTRO không có chữ "T" ở cuối.

Cũng liên quan đến tiếng Pháp, một nhà "truyền thông" nọ đọc cái quảng cáo trên đài phát thanh đã đọc tên của một thứ bánh là PA-TÊ CHAU có thể vì chưa bao giờ được thưởng thức món PATÉ CHAUD chăng. Một người khác thì đọc FILET MIGNON thành phi lê MI NHON.

LÃM THÚY

Tiếng Việt lưu lạc sang Mỹ cũng chung số phận. Thúy đọc được vài ba món viết bằng tiếng Việt mà cứ sững người ra. Thí dụ món BÒ NƯỚNG và BÒ NƯỚNG LÁ LỐP, đáng lẽ là BÒ NƯỚNG VỈ và BÒ NƯỚNG LÁ LỐT mới đúng. Món cù lao thì đọc thành món LẪU với dấu ngã (~) trong khi các tự điển tiếng Việt đều viết với dấu hỏi.

BBT

Mấy năm trước, tờ Far Eastern Economic Review trong mục Travellers’ Tales có đăng một bức ảnh của một độc giả chụp tấm bảng hiệu của một tiệm ăn ở Việt Nam tên là MỸ DUNG. Bức ảnh cho thấy nguyên cả ba chữ MY DUNG RESTAURANT. Chắc các độc giả Anh và Mỹ lấy làm lạ lắm không biết tiệm bán những món ăn gì mà lại mang cái tên kỳ lạ đó. DUNG là … phân thú vật. MY DUNG là … của tôi, chủ tiệm.

QA

Thưa anh, đâu phải là chỉ ở Việt Nam mới có cái tên như thế. QA biết là ngay ở California, ở phía bắc Los Angeles cũng có một tiệm ăn tên là MỸ DUNG. Khổ một nỗi là người Mỹ mấy ai đọc được chữ MỸ, phát âm đầy đủ cả dấu ngã (~) nên rủ nhau đi ăn ở MY DUNG thì ai mà dám.

LÃM THÚY

Trước đây ở gần khu Phước Lộc Thọ còn có một tấm bảng quảng cáo cho một phòng mạch y sĩ viết có bốn chữ thì sai mất ba, thay vì BÁC SĨ NHÃN KHOA thì viết thành BẤC SỈ NHẨN KHOA. Một cơ sở chủ nhân là người có học mà còn treo tấm bảng đầy lỗi chính tả Việt Nam như thế thì trách gì những tấm menu viết bằng thứ tiếng Anh như vậy.

QA

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

August 12, 2011

August 12, 2011

Ngày 6 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Chúng xuất hiện khoảng cuối những năm 1970, và hiện nay chúng được thay thế bằng phone mail, để ghi lại những lời nhắn nếu chủ nhân của điện thoại không thể trả lời ngay được.

Phải nói những cái answering machine đó, và nay, những cái phone mail là những thứ không thể không có trong đời sống của chúng ta.

Không cần phải là ông Obama để sợ lỡ đệ nhất phu nhân gọi và nhờ tìm hộ cái quần đùi mặc cho đẹp tòa Bạch Ốc, không trả lời kịp vì đang bận chuyện trần nợ với nợ trần vân vân.

Mà người bình thường như chúng ta cũng rất cần những cái máy nhắn đó.

Không có mặt ở nhà, đang ở trong văn phòng của Winston Churchill, gọi tắt là WC, không tiện trả lời vì đang tâm tình hiến dâng, đang rửa xe, đang chờ điện thoại của bộ trưởng quốc phòng đọc cho nghe ít tài liệu mật ... để không trả lời được thì cũng không lo.

Sau mấy hồi chuông, điện thoại sẽ chuyển sang máy ghi lời nhắn. Chủ nhân về nhà, hay xong việc, mở ra nghe vẫn không sợ bị mất bữa tối của người bạn rủ đi ăn. Nếu đồng ý thì gọi lại để giải quyết bữa chiều với chàng.

Cái máy nhắn cũng có thể được dùng để xem ai gọi, có đáng để dời gót, đưa bàn tay ngọc bên bếp hồng lên để bốc máy trả lời hay không, khỏi phí lời vàng ngọc trả lời những cú điện thoại với câu hỏi làm điên đầu nhiều người là "Có gì lạ không?" vân vân.

Nhưng nhiều người cũng rất ghét những cái máy trả lời đó. Nó vô tình, giọng nó lạnh tanh hệt như ông Tú đã than rằng "Sao đang vui vẻ ra buồn bã / vừa mới quen nhau đã lạ lùng..." Nên không thèm trả lời, quăng máy xuống, trở lại với "Đời tôi cô đơn" kêu ai cũng không ... ra.

Những người có Caller ID thấy số điện thoại quen, gọi lại thì gọi. Nhất định không thèm nhắn gửi hay "trả lời lòng anh hay lòng em mấy câu" gì hết .

Một lý do khác khiến nhiều người ghét cái máy nhắn là mấy câu chào hỏi của đường dây bên kia.

Có lúc tôi dùng một cuộn cassette có tiếng của một kịch sĩ hài hước của Mỹ, Steve Martin giả giọng của ông Nixon, của John Wayne, của ông Carter để trả lời hộ điện thoại. Cuộn cassette bị đứt sau vài năm, nay không kiếm đâu ra được cuộn khác để thay thế.

Còn câu chào hỏi có sẵn thì lại có thể gây ngộ nhận hết sức tai hại.

Thí dụ vừa gọi đến, máy bên kia trả lời rằng ông hay bà, hay cô X is not available nên không thể trả lời điện thoại được.

Rắc rối là đoạn nói rằng phía bên kia not available. Mà not available thì theo tiếng Ăng lê rất hạn chế của tôi, nghĩa là không còn không nữa.

Còn không như trong đoạn ca dao:

Sao anh không hỏi những ngày em còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu...

Not available là không còn không. Là kẹt rồi, là hoa có chủ, là xe có người lái, là nhà đã sang bán và sang tên cho người khác, là cuốn sách trong thư viện đã có người mượn trước mất rồi.

Ô hay, vừa mới hôm qua, vừa mới sáng ngày, còn dặn là không bận gì thì gọi nhé.

Bây giờ , tuy không bận nhiều … quần áo, vì trời nóng, cố gắng gọi lại thì máy cho biết là not available, tình cảnh oan trái có khác gì "Trâm gẫy, bình rơi" không nào?

Có khác gì "Khi về hỏi liễu Chương Đài / Cành xuân đã bẻ cho người ..." lôi đi.

Nghe not available liền không nhắn lại gì hết.

Thực ra, cái lời nhắn thu sẵn đó, câu "You have reached the number of XYZ. The person is not available" nghe cũng còn có thể chịu được.

Bắt bẻ, phiền hà thì phía bên kia đổi câu chào, thu lại một câu khác không làm thất vọng người gọi đến, lại cho thêm một chút hy vọng.

Nhưng có một lời nhắn làm cho người gọi đến phải chịu thua luôn.

Tưởng tượng gọi đến, chuông reo vài tiếng, rồi một giọng trẻ con như rít vào tai "Leave a message!" nghe đầy mệnh lệnh thì phải làm sao?

Đồng ý là lên ba nói muốn cười, nhưng chuyện muốn cười ấy có thể là muốn cười với cha, với mẹ, với ông bà nội ngoại của đứa bé. Nhưng khách của ông bà nội ngoại của nó tại sao lại để cho nó ăn nói hỗn hào như thế? Có khi nào đang ngồi đông đủ ở phòng khách, nó chạy ra hét vào mặt khách "Uống trà đi! Ăn bánh đi!" và khách riu ríu làm theo lời của đứa bé mới học nói đó không? Đó có phải là cách ăn nói với người lớn không?

Tôi đã bị ít nhất là hai câu chào trong điện thoại như thế.

Bèn không nhắn gì cả.

Không thể làm theo cái lệnh trong máy được.

Ghét mấy cái máy nhắn như thế vô cùng.


Ngày 9 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Hồi trưóc năm 1975, có một bài hát không biết tại sao lại được rất nhiều người thích nghe ở các phòng trà Sài Gòn. Bài hát ấy cũng làm nên tên tuổi của người hát nó mặc dù nó không có bất cứ một lý do gì để đưọc hát lên ở Việt Nam .

Phải nó là bài J’ai deux amours của thời ông cụ tôi, một bài hát về Paris thì cũng đúng. Hay bài I Left My Heart In San Francisco thì cũng được đi.

Bề gì người nghe cũng đôi chút dính dáng tới Paris hay đã nghe qua về San Francisco...

Nhưng nó lại là một bài hát tiếng Pháp, để nói về Mexico. Giá bằng tiếng Tây Ban Nha thì cũng còn hiểu được.

Một bài hát về Mexico hát bằng tiếng Pháp cho người Việt Nam nghe.

Bài hát có những câu như thế này: Người ta đã ngợi ca những phụ nữ Paris, những cái mũi rất xinh và những cái nón họ đội. Người ta cũng ca ngợi những cô đầm Tây Ban Nha ở Madrid đi xem đấu bò ở đấu trường. Người ta cũng ca ngợi những phụ nữ Bắc Âu và bầu máu nóng của họ... Thế nhưng đến Mexico, thì người ta quên hết, người ta điên lên dưới ánh nắng nhiệt đới...

Khi nghe bản nhạc này, tôi tường tượng ra cảnh những ngày hội, những fiesta, các senorita nhẩy vũ điệu Mexican Hat Dance trong một cái đĩa của người bạn có tiếng kèn đồng, tiếng violon, tiếng ghi ta thùng, tiếng castanets…

Thế rồi lại có lúc nghĩ giá đươc’ sống ở Paris chắc phải vui lắm...

Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một vùng sương trắng
Là áo sưong mù hay áo em…

Tội ông Nguyên Sa hết sức. Đọc thơ ông là lại muốn xuôi xuống dòng Montparnasse, ngược lên dòng Sacré Coeur như một đoạn của Vũ Hoàng Chương.

Rốt cuộc hơn ba mươi mấy năm, tôi kẹt cứng ở nuớc Mỹ. Chuyện đến sống ở Paris phải bỏ, luôn cả Luân Đôn, cái thành phố mà nhà làm tự điển Samuel Johnson nói là khi chán Luân Đôn thì cũng là khi người ta chán đời luôn.

Lại cũng không thể trở lại Wellington, sống trên căn nhà trên đồi ngó xuống vịnh biển, buổi chiều những chiếc thuyền buồm trở về bến mà tôi đã ngồi ngắm không biết bao nhiêu ngày…

Có những vì sao lòng mình không bao giờ đến được

(Nguyên Sa) . Những buổi chiều buồn bã ngồi nhìn nắng chiều ở phi trường Tân Sơn Nhất:

Chiều trên phi trường, anh bỗng nhớ em
Nhớ chuyến đi xa đầy hẹn ước
Đây mùa xuân không đến
Đám cỏ hèn mọc trên diện tích xi măng khô...

Những chuyến đi , những thành phố không bao giờ tới được, như ước mơ thời tuổi trẻ muốn đến Huế để sống, uống nước ở Huế, thở cái không khí ấy để xem tại sao người dân ở đấy lại như thế, tâm hồn lại như vậy...

Nhưng thôi, những chuyến đi không làm được nữa. Chọn ở đây để sống nốt đời. Mặc dù có những lúc chán đời không thể tả. Thua xa những con chim én ở San Juan, Capistrano, mùa thu bay đi Argentina tránh rét, mùa xuân lại về cái tu viện mái đỏ ở California.

Nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ mang những mơ ước đó ra nữa.

Nơi tôi sống, chán như thế đấy, nhưng nếu bỏ đi, thì tội cho biết bao nhiêu người đang tìm đủ mọi cách để tới.

Tôi nhìn ra điều đó, khi đọc cuốn sách viết về chuyến đi của một thanh niên ở một quốc gia trung Mỹ trong cố gắng tìm lại người cha đã mấy năm không gặp đang sống tại Hoa kỳ. Chuyến đi thập tử nhất sinh gặp bao nhiêu nguy hiểm dọc đường. Mà không phải chỉ có cậu liều mạng tìm cách đi tới nưóc Mỹ. Mà còn hàng trăm, hàng ngàn người ở cái xứ mà bài hát bằng tiếng Pháp nghe mấy chục năm trước cũng tìm mọi cách để đi sang Mỹ, sống ở cái thành phố mà đã nhiều lần tôi rất chán nó.

Nhìn những người, cũng là người cả, làm đủ mọi cách để đến đây, sống cuộc sống cũng không huy hoàng bao nhiêu. Chẳng hề có cảnh ngồi cà phê boulevard ở Paris, cũng không có chuyện đi xem kịch ở Soho, Luân Đôn, cũng không có căn flat trên Kilburn Parade ở Wellington hay căn nhà bên cạnh bờ sống Avon đầy hoa daffodil ở Christchurch, mà chỉ là một cuộc sống lam lũ khổ cực, sống trong phập phồng lo sợ.

Vậy mà họ vẫn tiếp tục tìm đến cái thành phố tôi đã có lúc chán ghét hết sức này.

Mấy lần nhìn những cuộc biểu tình của những người di dân bất hợp pháp, tôi mới lại càng thấy ra được cái hạnh phúc đã có trong tay từ bao nhiêu lâu nay mà cứ bỏ quên không ngó lại.

Bài cuối của ca khúc ngợi ca nước Mexico là câu như thế này: Et tu sera toujours le paradis des coeurs et de l’amour...

Mexico ơi, người sẽ mãi mãi là thiên đường của những trái tim và của những cuộc tình.

Không, chắc không phải như thế nên người ta mới bỏ bầu trời nhiệt đới đó để liều mạng sang đây sống.

Thế nên có ai hỏi là thiên đường đấy, có đi Mexico sống không, thì chắc chắn phải có một cái nhún vai, và một câu trả lời hết sức thích hợp:

No way José !


Ngày 10 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Tĩnh Dạ Tứ hay Dạ Tứ là một bài ngũ ngôn tuyệt cú của Lý Bạch:

Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Bài thơ bốn câu năm chữ ba vần của họ Lý với các câu 1, 2 và 4 vần với nhau quang, sươnghương. Hai câu thứ ba và thứ tư đối nhau đúng theo luật của những bài tuyệt cú.

Dạ Tứ là ý nghĩ trong đêm . Tĩnh Dạ Tứ là nghĩ trong một đêm yên lặng.

Sàng tiền khán nguyệt quang là ở đầu giường thấy ánh trăng chiếu
Nghi thị địa thượng sương ngỡ rằng đó là sương đọng trên mặt đất
Cử đầu vọng minh nguyệt ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Đê đầu tư cố hương cúi đầu nhớ đến quê cũ.

Những tài liệu về Lý Bạch không cho biết rõ ông làm bài ngũ ngôn này trong thời gian nào, cũng hệt như hầu hết nhũng bài thơ khác của họ Lý. Các nhà thơ Trung Hoa ít khi ghi rõ ngày tháng sáng tác thơ văn của mình. Nhưng đọc bài thơ này, những ý mà ông đặt vào 4 câu 5 chữ, người ta có thể nghĩ Lý Bạch viết bài Dạ Tứ trong khoảng thời gian ông bị Đường Túc Tông đầy đi Quí Châu vì những liên hệ với An Lộc Sơn và cuộc nổi loạn của Vĩnh Vương Lý Lân.

Bài thơ nói về tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương trong một đêm trăng sáng, ánh trăng chiếu vào đầu giường. Tác giả nhìn ánh trăng trên mặt đất, ngẩng lên thấy vầng trăng và nhớ đến quê hương xa cách.

Mặt trăng vẫn gợi ra những liên tưởng nhu thế. Trăng ở đây, trăng ở quê cũ. Vầng trăng ai xẻ làm đôi.

Trăng của nhà ai, trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường

Lý Bạch có nhiều bài thơ trong đó ông nhắc đến trăng như trong những bài Nguyệt Hạ Độc Chước, Dạ Bạc Ngưu Chử Hoài Cổ, Quan San Nguyệt, Tử Dạ Thu Ca , Anh Vũ Châu ...

Nhưng những trăng sáng trong các bài thơ vừa kể của Lý Bạch không làm xúc động nhiều bằng ánh trăng trong bài Dạ Tứ.

Trăng của những bài thơ ấy chỉ là ánh sáng. Trong bài Dạ Tứ, ánh trăng bầy ra một cảnh tượng cô đơn hơn hẳn những cảnh cô đơn trong những bài thơ khác của ông. Trăng ở những bài thơ khác là cái cớ để nhớ bạn, để uống rượu một mình, để neo thuyền trên bến sông. Trăng trong Dạ Tứ trong một đêm tịch lặng và cô đơn ấy làm nhớ lại quê hương cũ đã quá xa của một người trên đường đi đầy, không biết đến bao giờ trở lại được.

Bài thơ không được các nhà phê bình coi là hay lắm của Lý Bạch. Bài Dạ Tứ còn bị coi là một bài thơ tầm thường là khác. Tản Đà, Ngô Tất Tố không chọn để dịch. Có thể là vì câu thứ tư của bài Dạ Tứ không làm đau lòng các ông Tản Đà và Ngô Tất Tố bao nhiêu khi các ông chọn những bài thơ của Lý Bạch để dịch. Cuộc sống của các ông Tản Đà và Ngô Tất Tố thời ấy chưa cho các ông những cảm xúc mà ý Bạch ghi trong bài Dạ Tứ. Các ông dịch được một số thơ rất hay của Đường thi vì những bài thơ đó tạo đưọc xúc động nơi các ông. Bài Dạ Tứ thì không.

Nhưng nếu các ông sống được tới sau năm 1975, thì chắc bài thơ ngũ ngôn của Lý Bạch đã được đem ra dịch.

Bài thơ này đặc biệt được phủi bụi đem ra đọc rất nhiều trong những tháng ngày sau biến cố 30 tháng Tư.

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Ngước nhìn trăng sáng bao la
Cúi đầu quặn nhớ quê xa ngàn trùng

Bài thơ không hay lắm bỗng nhiên ai cũng thuộc, đọc cho nhau nghe trong những ngày đầu sống ở đất Mỹ, ở những trại tị nạn.

Hôm nay, xin đọc lại bài Dạ Tứ của Lý Bạch với bản dịch sang lục bát của Trần Trọng Kim:

Đầu giường chợt thấy bóng trăng
Mập mờ trên đất ngỡ rằng sương sa
Ngẩng đầu trông vẻ gương nga
Cúi đầu luống những nhớ nhà băn khoăn

Hơn ba mươi năm chưa trở lại quê nhà. Trăng thì vẫn chiếu hằng đêm xuống miền đất cũ. Mấy chục năm rồi không nhìn lại được mặt trăng Việt Nam.

Hôm trước, trăng cũng sáng đầy mảnh sân sau nhà, lạnh lẽo và hết sức vô tình.


Ngày 12 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Đã lâu trên một vài con đường ở Little Saigon, người ta thấy xuất hiện những tấm quảng cáo với hàng chữ Bride Expo, mà người đọc hiểu ngay đó là cuộc trình diễn, triển lãm những thứ liên quan đến đám cưới, có thể là áo cưới, quần áo cho cô dâu, phù dâu, tiệc tùng, bánh cưới vân vân. Nhưng nếu dùng là Bridal Show hay Bridal Expo thì chính xác, đỡ gây ngộ nhận hơn.

Vì Bride Expo có thể hiểu là cuộc trưng bầy các cô dâu.

Nhưng không ai tin là có thể có một cuộc trưng bầy như thế bao giờ nên cũng không ai thắc mắc về chữ dùng trong những tấm giấy quảng cáo.

Bride Expo dĩ nhiên không phải là cuộc bầy hàng phụ nữ để cho những ông sheik Ả Rập tới xem mặt để mua về cho harem của ông như cảnh thấy trong một vài cuốn phim về xứ ngàn lẻ một đêm mấy chục năm trước. Cảnh đó có thật sự diễn ra ở mấy nước Ả Rập hay chỉ là sản phẩm tưởng tượng của các nhà làm phim thời ấy thì khó biết được.

Nhưng những chuyện tương tự như vậy lại có thật, vừa diễn ra chỉ mấy tháng trước.

Một tờ báo ở Singapore, tờ News Today, trong một bài viết của ký giả Patricia Yap, cho biết một số phụ nữ Việt Nam mới đây, tại một hội chợ cuối tuần, được cho đứng trong lồng kính của Blissful Heart Mariage Center, một trung tâm mai mối phụ nữ Việt Nam với người Singapore. Các phụ nữ này được bầy ra như những món hàng để cho khách đi hội chợ đứng coi.

Trò window shopping như thế, đã tiến được lên một nấc mới, hay thụt xuống một nấc thấp hơn là tuỳ theo cách nhìn sự vật của chúng ta.

Cách đây hơn ba thế kỷ, cũng có những cuộc trưng bầy như thế, phần lớn là ở tiểu bang Maryland, mỗi khi có những chiếc tầu chở người da đen từ Phi châu cập bến Baltimore hay Annapolis. Những món hàng người này được bầy cho khách mua đến xem.

Khách thường là các trại chủ muốn có thêm nô lệ để làm việc cho trại, kéo đến xem hàng như đi chợ thú vật mua ngựa, mua bò về nuôi. Họ xem răng, xem bắp thịt chân, bắp thịt tay của những người đàn ông Phi châu để thẩm định khả năng làm việc cho trại. Họ xem kỹ những phụ nữ để xem ngoài việc lao động có còn khả năng để đẻ thêm những nô lệ mới cho trại không.

Những việc làm xúc phạm danh dự, phẩm giá con người như thế, ngày nay không còn thấy nữa. Chế độ mãi nô, một vết nhơ trong lịch sử văn minh nhân loại đã bị dẹp ở nước Mỹ và các quốc gia văn minh. Nước Mỹ quyết định chấm dứt chế độ này mặc dù vì nó mà xẩy ra nội chiến tương tàn nam bắc dưới thời tổng thống Lincoln.

Lý do là vì một xã hội tiến bộ như nước Mỹ không thể để cho tiếp tục diễn ra những chuyện đi ngược lại với văn minh, những việc làm hạ thấp phẩm giá con người như thế.

Mà đó là đối với những người nô lệ không cùng một chủng tộc hay cùng một nước.

Các xứ Phi châu thời ấy còn rất kém văn minh và cũng chưa trở thành những quốc gia để lên tiếng đòi chấm dứt tệ nạn buôn bán người dân của họ. Chính Hoa kỳ đã tự ý quyết định chấm dứt chế độ mãi nô.

Cảnh những phụ nữ Việt Nam được bầy trong các lồng kính cho khách hàng Singapore tới xem đã lập tức làm sống lại hình ảnh những chợ nô lệ cách đây ba thế kỷ.

Và người ta đã không thấy nhà cầm quyền Việt Nam lên tiếng dù chỉ một lần, để phàn nàn việc làm thiếu văn minh, tàn ác, xúc phạm nhân phẩm các nữ công dân Việt Nam và bênh vực cho họ.

Khi tin về vụ bầy hàng phụ nữ Việt Nam được phổ biến trên một tờ báo ở Singapore, thì nhà cầm quyền Hà Nội liền gọi tờ báo đăng tải bản tin đó là một tờ báo lá cải và sau đó, phủ nhận tin của tờ báo này.

Thế nhưng trong một bài báo sau đó, tờ News Today đã trưng được hình chụp các phụ nữ Việt Nam đứng trong lồng kính tại hội chợ. Bài báo nói các phụ nữ này trông như những con cá bầy trong hồ cá. Cách mô tả đó còn là quá nhẹ nhàng cho một hành động công khai hạ nhục, chà đạp lên nhân phẩm, giá trị của người Việt Nam.

Người phụ nữ Việt Nam tại gian hàng hội chợ Singapore bị coi là một thứ thương phẩm để mua bán, bị đem ra bầy như những con vật, như những người nô lệ da đen hai ba thế kỷ trước.

Sứ quán Việt Nam ở Singapore không lên tiếng phản đối mà chỉ nó bản tin của một tờ báo lá cải là không đúng.

Lá cải hay không lá cải, sứ quán và nhà cầm quyền Hà Nội phải tìm hiểu cho ra sự thật để có biện pháp. Không thể im lặng như họ đã làm mặc dù sau đó đã lại có thêm một bài báo khác trưng ra được bức hình chụp ba phụ nữ đứng sau lớp kính của gian hàng tại hội chợ.

Ngày Phụ Nữ Quốc Tế vừa qua phải được coi là một ngày để tranh đấu cho quyền sống và phẩm giá của phụ nữ, không thể chỉ là ngày để tung ra vài ba khẩu hiệu trong khi các công dân bị đem ra bầy bán, danh dự quốc gia bị xúc phạm mà không một lời lên tiếng.

Hay là phải chờ cho đến lúc phụ nữ Việt Nam bị định nghĩa như là một thứ thương phẩm xuất cảng như tự điển Oxford mấy năm trước đã định nghĩa Bangkok là thủ đô nổi tiếng về đĩ điếm rồi mới có phản ứng?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 109)

EUPHEMISMS

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 109 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

Hôm nay tôi muốn đề cập về một cách nói của người Anh và người Mỹ mà tôi tin chắc hai cô, không phải là một đôi lần, mà nhiều lần nghe trong những tiếp xúc hàng ngày. Cách nói đó tiếng Anh gọi là EUPHEMISM, tức là uyển ngữ, những chữ, những câu, những lối nói mà người ta dùng khi không muốn nói thẳng ra. Lý do có thể đó là những chuyện quá riêng tư, quá nhậy cảm, không tiện để nói huỵch toẹt ra. Cách nói ấy đôi khi mang ít nhiều mầu sắc hài hước ở trong. Trong bài học hôm nay, tôi không chủ trương hai cô phải thuộc hết những câu tôi nêu ra, mà chỉ muốn hai cô biết cho vui mà thôi.

LÃM THÚY

Chắc phải vui lắm nên xin thầy mở đầu ngay cho.

BBT

Chuyện chết chóc là một trong những chuyện người ta nói đến nhiều, vì đó chuyện không ai tránh được nhưng phải nói tới thì cũng không vui mấy. TO DIE là chết nhưng nghe nặng quá, vì thế nên khi nói về những cái chết mà chúng ta có thể dửng dưng thì dùng động tự TO DIE này không sao. Chẳng hạn như khi nói STALIN DIED IN 1953. Nhưng với một người ra đi mà lại quá thân thiết với chúng ta thì người ta thường tránh dùng động tự này. Thay vào đó, người ta nói MY FATHER PASSED AWAY MORE THAN TEN YEARS AGO. Hay nói thế này cũng được: HE FOUGHT A LONG BATTLE WITH CANCER. Cách nói như vậy là EUPHEMISM. Như trong tiếng Việt chúng ta nói là qui tiên, khuất núi, lìa đời…

QA

Thưa anh, chắc trong tiếng Anh, cũng có những cách nói hơi hài hước một chút như khi chúng ta nói mặc sơ mi gỗ, đi ô tô bương, về quê, bán muối … phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy. Thí dụ nói HE BOUGHT THE FARM LAST YEAR. Hay HE IS NOW SIX FEET UNDER. Hay WHEN HE IS IN HIS BOX, WE WILL TALK ABOUT WHAT HE DID IN LIFE hệt như khi chúng ta nói "cái quan luận định", đóng nắp áo quan rồi hãy nên có ý kiến về đời người ấy. Dùng TO MEET YOUR MAKER nghĩa là về với Chúa hay về chầu Trời cũng vậy.

LÃM THÚY

Thúy nghe bà hàng xóm nói về con chó mà cũng không dám nói là nó chết mà phải quanh co rằng WE HAD TO PUT HIM DOWN BECAUSE HE WAS VERY SICK AND OLD.

BBT

Cũng có khi người ta nói rằng THEY PUT AN END TO HIS SUFFERING nghĩa là chấm dứt những khổ đau cho nó. Con chó già, mắt mù, thấp khớp đi không nổi, ăn không được thì phải PUT HIM DOWN. Nhưng cả hai cách này đều không thể dùng cho người. Ngoại trừ đó là ông bác sĩ tử thần Jacob Kevorkian, Dr. Death, người đến tận nhà giúp người bệnh qua đời bằng cách giúp người ấy tự tử (ASSISTED SUICIDE).

Có khi người ta cố tình dùng những chữ có hai ba nghĩa để cho câu nói nhẹ đi. Khi ông Lê Duẩn chết năm 1986, tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh loan tin nguyên văn thế này: VIỆT NAM LÃNH TỤ NHÂN LÊ DUẨN KHỨ THẾ. Khứ thế là lìa đời. Nhưng khứ thế cũng đồng âm với khứ thế là thiến, là cắt bỏ bộ phận sinh dục.

QA

Xỏ xiên nhau như vậy là hết ý. QA nhớ khi mua căn nhà đang ở, người chuyên viên địa ốc nói là căn nhà có 1 POWDER ROOM ở tầng dưới. Vào xem thì nó là cái nhà cầu chứ làm gì có chỗ son phấn đâu nào. Đó cũng là EUPHEMISM phải không thầy?

BBT

Đúng vậy. Khi nói về chuyện nhà cầu, thì người ta cũng dùng nhiều uyển ngữ cho lịch sự. Người ta gọi nó là RESTROOM, là BATHROOM, là THE SMALLEST ROOM IN THE HOUSE, WATER CLOSET, hay văn phòng ông Winston Churchill, tức là SIR WINSTON CHURCHILL’S OFFICE. Tại sao vậy cô Thúy?

LÃM THÚY

Chắc vì tên của cựu thủ tướng Anh Winston Churchill viết tắt là WC phải không thưa anh? Thế khi muốn xin phép dùng cái căn phòng nhỏ thì nói sao cho thanh tao thưa anh?

BBT

Cứ nói thế này là mọi người hiểu ngay: WHERE CAN I WASH MY HANDS? Hay WHERE CAN I POWDER MY NOSE? Tuy thế, đàn ông thì đừng dùng câu vừa kể. Đàn ông không ai cần tô lại chút phấn ở mũi cả. Cũng có thể nói CAN I USE THE BATHROOM/REST ROOM?

Còn hai cách nói này cũng được dùng để nói chuyện đi cầu: HE IS IN THE BOG hay HE IS OUT TO SEE A MAN ABOUT A DOG hay HE IS TALKING TO A MAN ABOUT A HORSE thì cũng vậy. Trong tiếng Anh còn có chữ này mà tôi dùng để dậy con trai tôi khi cháu mới sang Anh và gặp phải trường hợp khan cấp: MAY I GO TO THE LOO. Nhưng người lớn thì ít ai nói như thế. Có khi người ta nói I HAVE TO DO MY BUSINESS, hay I’VE GOT TO GO NOW. Ngoài ra còn cơ man nào là những cách nói khác không thể kể hết ra đây.

QA

Thưa anh, QA có lần nghe về một người quen với câu này: HE IS BETWEEN JOBS thì như thế là thế nào?

BBT

Thì nghĩa là ông ấy đang trong thời gian giữa hai công việc…

LÃM THÚY

Tức là ông ấy đang thất nghiệp phải không thầy? Nói thế này dễ hiểu hơn: HE IS COLLECTING UNEMPLOYMENT CHECKS.

BBT

Cũng có khi người ta nói HE IS ON PRESIDENT OBAMA’S PAYROLL là đang lĩnh lương do ông Obama trả. Đặc biệt ở Hollywood hay New York thì người ta nói HE IS A RESTING ACTOR như trường hợp Charlie Sheen hiện nay đang thất nghiệp, chưa có ai mướn đóng phim nên đang tạm nghỉ tay.

QA

Thưa anh, khi nói SHE WAS IN THE FAMILY WAY nghĩa là gì? Là cô ấy có gia đình? Hay cô ấy đang sống chung với gia đình?

BBT

Không phải. SHE WAS IN THE FAMILY WAY là SHE WAS PREGNANT, là SHE WAS EXPECTING, là cô ấy có bầu. Cũng có khi người ta nói SHE WAS WITH CHILD. Chuyện kể một thanh niên mời một phụ nữ nhẩy một bài. Người phụ nữ từ chối, chê chàng là con nít và nói I AM SORRY, I DON’T DANCE WITH CHILD. Người đàn ông liền nói … I DID NOT KNOW YOU ARE PREGNANT. Chàng cố tình hiểu TO BE WITH CHILD là TO BE PREGNANT.

LÃM THÚY

Như vậy, lối nói này cũng giống như những IDIOM phải không thầy?

BBT

Đúng vậy. EUPHEMISM dùng rất nhiều IDIOMS và luôn cả tiếng lóng, SLANGS. Thí dụ khi nói SHE HAS A BUN IN THE OVEN cũng như chúng ta nói cô ấy đeo ba lô ngược hay cô ấy mặc áo đình chiến vậy.

Trong Anh ngữ, động tự TO LIE nặng hơn là động tự nói dối trong tiếng Việt. Chỉ mặt ai và nói người đó LIE thì không thể còn là bạn bè với nhau nữa. A LIAR là tiếng nặng lắm. Vì thế người ta cũng tránh dùng động tự TO LIE. Thay vào đó, ngươi ta nói TO STRETCH THE TRUTH nghĩa là kéo dài sự thật hay TO BE ECONMICAL WITH THE TRUTH là tiết kiệm sự thật cũng vậy. Hay nói HE ONLY TOLD HALF THE TRUTH là ông ta chỉ nói một nửa sự thật … thì cũng là nói dối vậy.

QA

Vậy thì trong các sinh hoạt ngoại giao chắc người ta dùng nhiều uyển ngữ lắm phải không anh?

BBT

Đúng như vậy. Thí dụ thay vì nói thẳng nhà ngoại giao ấy là thành phần bất hảo, thì ngôn ngữ ngoại giao gọi người ấy là một PERSONA NON GRATA, tiếng La Tinh nghĩa là một người không được hoan nghênh tại một quốc gia, người không nên cho nhập cảnh vì đã phạm pháp hay làm những việc không phù hợp với tư cách một nhà ngoại giao.

Sau một cuộc họp ngoại giao mà người ta đọc thấy những chữ trong bản tin tường thuật cuộc họp là hai phía đã có một FULL AND FRANK DISCUSSION thì phải hiểu ngay là hai bên đã bất đồng ý kiến, cuộc hội nghị đã không suông sẻ, tốt đẹp. Thảo luận đầy đủ và thành thật thì hai bên phải bất đồng với nhau về nhiều điểm và không che dấu những bất đồng ấy.

Khi không ngoại giao nhưng muốn nói có bất đồng thì người ta nói THE TWO OF THEM HAD WORDS nghĩa là hai bên có lời qua tiếng lại với nhau.

LÃM THÚY

Thưa anh, chúng ta sống trong một xã hội văn minh nên ngôn ngữ cũng phải văn minh trong các giao tiếp với nhau. Nhất là phải ăn nói thế nào để chỉnh về mặt chính trị nữa, tức là phải POLITICAL CORRECT. Ít người còn dùng những chữ như lùn, mù, điếc, trì độn … như trước đây nữa. Con út của bà Palin bị David Letterman gọi là RETARD thì gần như cả nước Mỹ phản đối khiến David Letterman phải xin lỗi. Bây giờ, nếu người ta muốn tránh không dùng chữ RETARD thì phải dùng chữ gì?

BBT

Người ta dùng chữ MENTALLY CHALLENGED.

Cô nói đúng. Hệt như trong tiếng Việt, chúng ta dùng chữ KHIẾM THỊ thay vì nói thẳng ra là mù; dùng danh từ bệnh Hansen thay vì bệnh hủi, bệnh cùi… Thí dụ gọi Hàn Mặc Tử là người bị bệnh phong. Thay vì lùn là SHORT, DWARF… người ta mô tả bằng những chũ VERTICALLY CHALLENGED hay HEIGHT CHALLENGED nghĩa là bị thách đố về chiều cao…

Ngày nay, ngay cả chữ POOR là nghèo cũng phải kiêng và dùng những chữ TO BE DISADVANTAGED thí dụ THE GOVERNMENT HAS A NEW PLAN TO HELP THE DISADVANTAGED.

Chính phủ Nhật đến nay vẫn dùng danh từ ỦY AN PHỤ để chỉ những phủ nữ Cao Ly bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân Nhật hồi đệ nhị thế chiến. Tiếng Anh gọi họ là COMFORT WOMEN trong khi chính xác nhất, phải gọi họ là SEX SLAVE hay nô lệ tình dục.

QA

Thưa anh, danh từ AFRICAN AMERICAN có phải là uyển ngữ không?

BBT

Cô có thể gọi đó là uyển ngữ. Người Mỹ da đen không ưa danh từ NEGROES hay BLACKS, hay COLORED nữa và quay sang dùng AFRO-AMERICANS và AFRICAN AMERICANS trong những năm 70 đến ngày nay.

LÃM THÚY

Thúy có câu này muốn hỏi thầy nữa. Tiếng Anh có nói lái được không và nói lái tiếng Anh là gì?

BBT

Nói lái là SPOONERISM nghĩa là nói theo cách của mục sư người Anh William Archibald Spooner (1884-1930). Thực ra, đây là một cái bệnh tên là MARROWSKY, một bá tước người Ba Lan. Ông Bùi Giáng có thể là người cũng bị chứng này. Bà Hồ Xuân Hương thì cố tình tìm ra những chữ nói lái hiểm hóc để gài vào trong thơ. Có lẽ trường hợp của bà là CONTREPÈTERIE thì đúng hơn. Người ta hoán chuyển những chữ đầu của hai hay ba tiếng để tạo ra những tiếng mới. Tiếng Việt dễ nói lái nhiều hơn tiếng Anh hay tiếng Pháp. Đây là một câu tiếng Pháp: I A VOLÉ MON VÉLO, trong đó VOLÉ nói lái thành VÉLO. Trong tiếng Anh, LEMON nói lái thành MELON; CHICKEN nói lái thành KITCHEN vân vân.

QA

Anh cho nghe thêm vài thí dụ khác trong tiếng Anh để QA về nhà dọa mấy đứa con cho vui.

BBT

SHAKE A TOWER/ TAKE A SHOWER; TEASE MY EARS / EASE MY TEARS; WAVE THE SAILS/ SAVE THE WHALES; MAD BUNNY / BAD MANEY; FLUTTER BY/ BUTTERFLY; MEND THE SAIL/ SEND THE MAIL; EYE BALL/ BYE ALL; NO TAILS/ TOE NAILS…

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.