February 27, 2012

February 24, 2012

Ngày 21 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Tờ Time cách đây ít lâu có một bài viết của Richard Stengel về cuốn You're Too Kind: A Brief History of Flattery của chính ông trong hình thức của một bài essay, một bài đọc rất thú vị.

Flattery là chữ người Anh mượn của người Pháp: flatterie, do động từ flatter nghĩa là vuốt ve, làm vui thích, nịnh hót, bợ đỡ, xưng tụng. André Maurois trong cuốn Lettres à L'Inconnue thì gọi đó là cách làm đẹp lòng người (lá thư số 32). Ở cuối lá thư, Maurois nói thẳng: làm đẹp lòng người là một cái đức.

Bernard Shaw, kịch tác gia người Anh thì nói rằng đàn bà đợi lời tán tụng của đàn ông cũng như con nhện đợi con ruồi vậy. Mà nhện thì rất thích ruồi.

Người ta ai cũng thích được vuốt ve bằng lời nói, tán tụng, nịnh bợ, xưng tụng, nhưng Stengel cho rằng chúng ta ngày nay đã làm mất cái nghệ thuật làm đẹp lòng người, biến nó thành những câu nói rẻ tiền, thiếu hẳn công hiệu. Ngôn ngữ chúng ta dùng trong khi làm công việc xưng tụng, vuốt ve đó đã mỏi mệt, đã quá cũ, đã trở thành giả dối vì thiếu rất nhiều chất sáng tạo. Trong khi người ta thì lại rất cần những câu như vậy. Jean Jacques Rousseau có lần viết rằng con người dã man, sơ khai thì chỉ sống với mình trong khi con người sinh vật của xã hội thì chỉ biết sống với những ý kiến của người khác.

Khen ngợi, xưng tụng cũng là một cách rất hữu hiệu để dậy dỗ, như Robert Smith Surtees, một tiểu thuyết gia người Anh đã viết: nhiều người được tán tụng rồi sống đạo hạnh hơn là số người bị buộc phải từ bỏ tội lỗi của mình bằng những biện pháp mạnh. Điều này thấy rõ nhất trong lúc dậy trẻ.

Richard Stengel trong cuốn sách của ông, có đưa ra một số những gợi ý mà độc giả có thể đem dùng để tán cho thành công. Một số đề nghị nghe được, nhưng đề nghị thứ hai của ông có thể sẽ không thành công mặc dù ông cho rằng cách này là viên đạn bằng bạc trong kỹ thuật tán tỉnh, nghĩa là hay lắm: Praise the beautiful for their intelligence, and the intelligent for their beauty. Hãy ca ngợi những người đàn bà đẹp về trí thông minh của họ, và ca ngợi những người đàn bà thông minh về vẻ đẹp của họ.

Sai bét. Phụ nữ chỉ thích được khen đẹp. Đã đẹp thì càng muốn được khen đẹp. Lỡ không đẹp cũng thích được khen đẹp. Càng không đẹp, càng muốn được khen là đẹp. Nếu cần phải cầm dao kề cổ dọa giết để được khen đẹp thì cũng vẫn phải làm như thường.

Tưởng tượng đứng trước Cindy Crawford, cứ tán tụng nét thông minh của nàng thì sẽ không đi đến đâu hết. Được mời ngồi lên chiếc Rolls Royce, cứ xuýt xoa khen cái radio thì khó có thể được mời đi Rolls Royce một lần nữa trong tương lai. Khen kiểu ấy thì có khác gì sau bữa ăn mà gia chủ mất nguyên một buổi để nấu, chỉ tằng hắng khen nước mắm và ớt ngon không? Hay là khen cái khung của bức sơn dầu rất đẹp cho họa sĩ... vui lòng?

Kiểu khen ngợi, xưng tụng đó nếu không vụng về thì phải gọi là đểu.

Khen người đẹp về đầu óc của nàng là không thèm ngó gì đến nàng. Một người mất hai tiếng đồng hồ để sơn bộ móng tay sau khi đã đánh, rồi chùi đi hai ba mầu, thay gần một chục chiếc áo, chải hai kiểu đầu khác nhau rồi mới quyết định được một kiểu để đi chơi, và người kia đến bấm chuông, nàng ra cửa để nhận được một câu đại khái là "... úi giời sao mà thông minh quá vầy nè!" thì cái cửa phải đóng cái rầm trở lại vào mặt tức khắc.

Hay một người vừa thi xong bài trắc nghiệm thương số thông minh (I.Q.) với số điểm trên 120 mà được khen là đẹp não nùng thì cũng hoàn toàn không được.

Kiểu khen ớt cay, nước mắm pha khéo, bia... ngon thì tương lai thấy rõ nhất là tiếp tục mì gói và TV dinner đến chết mà thôi.

Phải khôn hơn một chút chứ. Thí dụ ăn xong, phải khen lấy khen để đòn chả lụa... sao mà khéo đi chợ thế... tôi mua thì chẳng bao giờ ngon được thế này đâu... giỏi quá hà... con dao cắt miếng chả trông cũng quí phái làm sao...ối giời ơi, cái bình nước mắm sao mà xinh quá đi thôi...mì gói bạn nấu cũng ngon hơn mấy cha đàn ông bạn độc thân nhà nghề của tôi nữa đấy...

Khen hay nịnh mà như đề nghị của Richard Stengel thì sẽ không đi đến đâu ngoài cái cửa mở ra đường hết. Khen đường kim, mũi kéo của thẩm mỹ viện còn dễ nghe hơn là khen nàng thông minh, học nhanh, giỏi đại số và hình học nhất trường chẳng hạn.


Ngày 22 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Nếu không đọc bài báo đăng trên tờ L.A. Times thì tôi không thể biết được là đời sống này lại có những bất công và bi thảm đến như thế.

Một người đàn ông trẻ tuổi ở Century City, California, cần tiền tiêu, nên đã phải bán tinh trùng của mình cho một phòng thí nghiệm. Một trong những đứa bé mà chàng giúp cho ra đời, bị di truyền bệnh thận của chàng, và tòa thượng thẩm ở California buộc chàng phải ra tòa để khai trước tòa về tình trạng sức khỏe của chàng.

Khía cạnh pháp lý là thuộc thẩm quyền tòa án, tôi không thể lạm bàn.

Nhưng những chi tiết khác của bài báo cho thấy ở nước Mỹ vẫn còn những bất công không biết đến bao giờ mới dẹp bỏ được. Đó là bất công mà những người đàn ông sẽ còn phải chịu trong một thời gian lâu dài nếu chiều hướng như hiện nay được để cho tiếp tục.

Người đàn ông này, theo những chi tiết của bài báo, trong thời gian từ năm 1986 đến năm 1991, đã tới phòng thí nghiệm bán tinh trùng của mình tất cả 320 lần, và được trả $11,200. Như vậy, làm một con tính nhỏ, người ta thấy ngay là mỗi lần, chàng được trả đúng $35.

Và chính đây là chi tiết cho thấy những bất công, bất bình đẳng ghê gớm ở nước Mỹ, sự rẻ rúng mà đàn ông trong xã hội tân tiến nhất thế giới vẫn tiếp tục bị gánh chịu. Đó là các phòng thí nghiệm, trong khi trả cho người đàn ông này, hồ sơ tại tòa gọi ông ta là Donor 276, tức là người hiến tinh trùng số 276, mỗi lần $35, thì phụ nữ được trả ít nhất là gấp một trăm lần như thế, và cao nhất có thể là gần ba ngàn lần như những quảng cáo tìm mua trứng các nữ sinh viên theo học tại các đại học danh tiếng.

Equal pay for equal work, chủ trương thù lao phải được trả ngang bằng cho cùng một thứ công việc của lao động Mỹ hoàn toàn không được tôn trọng trong trường hợp này. Người đàn ông này đã làm cùng một thứ việc, nhưng không hề được trả thù lao tương đương với các nữ sinh viên đại học của các trường Ivy League hàng đầu của nước Mỹ.

Bán vài chục ngàn con tinh trùng mà chỉ được có 35 Mỹ kim trong khi đó, với một quả trứng, hay cứ coi là vài quả đi, người bán trứng có thể được trả cả ngàn hay mấy chục ngàn Mỹ kim. Bất công không thể tả được.

Nhưng làm thế nào được, khi mà người mua đặt ra những cái giá khủng khiếp như vậy. Chính phủ không thể can thiệp, nhất là trong lúc nước Mỹ đang hô hào các nước phải khác trên thế giới phải thực hiện những cải cách kinh tế thị trường tự do.

Những người đàn ông Mỹ vẫn tiếp tục bị đối xử bất công như thế về mặt giá cả ngoài thị trường. Giá trung bình ở New York hiện nay là khoảng từ 50 đến 75 Mỹ kim cho mỗi lần mua bán như thế.

Đó là điểm bất công không biết làm sao giải quyết.

Điểm bi thảm của bài báo là chi tiết cho biết người đàn ông này vì cần tiền túi mà phải đi bán tinh trùng lấy tiền.

Pocket money, tiền túi, như bài báo cho biết, không phải là món tiền để thanh toán tiền nhà hàng tháng, hay trả tiền nợ xe, nợ credit card, mà là những chi tiêu lặt vặt như đổ xăng, mua tờ báo, đi xi nê, mời cô bạn đi chơi, đi ăn cuối tuần.

Người đàn ông này mỗi lần cần một số tiền nhỏ cho những chi tiêu kể trên, chàng liền ghé phòng thí nghiệm, đúng hơn là cái tinh tử khố, cái spermbank tên là California Cryobank, bán khoảng một hai muỗng (?), là lại rủng rỉnh tiền bạc ngay.

Trong thời gian 5 năm, vẫn theo bài báo, người đàn ông trẻ tuổi này tới Cryobank tất cả 320 lần. Như vậy, mỗi năm, chàng bán 64 lần. Mỗi tuần một lần, còn 12 lần kia có thể là để cho những món chi tiêu bất ngờ trong những dịp lễ lạc để mua quà cáp, hoa hồng cho cô bạn trong dịp Valentine, sinh nhật, Giáng Sinh, năm mới chẳng hạn. Những tuần lễ rơi vào những dịp lễ lạc đặc biệt như vậy thì chàng ghé tinh tử khố hai, ba lần là lại thành con người chi tiêu hào hoa rộng rãi ngay.

Nhưng những người được chàng mời đi ăn, đi uống, đãi đằng quà cáp có biết cách chàng kiếm tiền để chi cho những món quà hay những bữa ăn đó không?

Họ vẫn tin rằng chàng đem đồng lương chàng kiếm được bằng sức lao động của chàng? Nhưng nếu biết được rằng chàng đã kiếm được tiền bằng cách ấy, thì có ai còn muốn đi ăn đi chơi với chàng nữa không? Tưởng tượng đang ăn, chàng lẩm nhẩm tính lại số tiền có trong túi, và hốt hoảng vội vã xô ghế chạy ra cửa, thẳng tới Cryobank, lúc sau trở về bàn với cô bạn, tự tin trở lại bằng số tiền vừa nhận được của món hàng vừa bán.

Bi thảm vô cùng. Nhất là ngay liền sau bữa ăn, nàng đòi chàng đưa về phòng nghe... nhạc chẳng hạn. Lúc ấy còn gì là... nhạc (?) nữa mà nghe!


Ngày 23 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Helen Gurley Brown là ai, làm gì, nàng là một nhà văn hay một tài tử, một chính khách hay một thương gia... tôi nghĩ tất cả những chi tiết trên đều không cần thiết.

Nhưng bạn nên đọc bài viết của Helen Gurley Brown trong tờ Newsweek. Bạn là người không thích nghe ai khuyên cả, nhưng lần này có thể bạn sẽ nghĩ khác sau khi đọc nàng. Nàng có một hai lời khuyên, mà tôi nghĩ bạn cũng có thể đem ra dùng được.

70 còn phải học 71 huống chi nàng không chỉ 71, mà là 78 như nàng cho biết ở ngay đoạn đầu của bài báo, và bạn thì chưa bao giờ 70 cả. Có nghe nàng khuyên vài câu thì cũng không sao đâu.

Lời khuyên ấy nằm ngay ở tựa bài báo: Don't Give Up on Sex After 60. Nàng không muốn bạn về … hưu sau năm 60.

Nàng 78 tuổi. Chồng nàng, David Brown, một nhà sản xuất điện ảnh, 83 tuổi. Vậy mà vừa mới tối hôm qua, họ vẫn còn làm chuyện đó: "I had sex last night". Đó là câu đầu của bài báo. Vậy mà bấy lâu nay tôi vẫn nghĩ là những người ở tuổi của họ, là đã thôi, đã rửa tay, đã gác kiếm, đã giải nghệ kiếm cung, đã quên hết mọi chuyện.

Nhưng hơn bạn và tôi mười mấy tuổi David Brown vẫn tiếp tục. Và Helen Gurley Brown, 78 tuổi, vẫn … còn.

Vậy mà chúng ta đang nói chuyện về hưu.

Theo Helen, phụ nữ (Helen cũng là phụ nữ, nên nàng rất có thẩm quyền để nói về chuyện này) vẫn tiếp tục không phải chỉ ở tuổi 40 và 50, mà còn tiếp tục cho đến tuổi 60 và 70 nữa.

Helen Gurley Brown 78 tuổi thì vừa mới tối hôm qua. Và nàng nói rằng phụ nữ như nàng -- 78 tuổi -- lại còn thắc mắc về chuyện đó hơn bất cứ lúc nào.

Helen viết một câu hay tuyệt nhưng đọc xong, tôi thắc mắc cả tuần nay đến nay vẫn còn thắc mắc. Helen viết rằng sex là một trong ba chuyện thú vị nhất trên đời nhưng hai cái kia thì nàng không biết là những cái gì -- Sex is one of the three best things there are, and I don't know what the other two are.

Hai thứ kia là gì?

Tại sao người đàn bà này không biết? Tại sao nàng ngưng ở đó, không chỉ thêm cho những người đàn ông sáng chỉ biết chơi ô chữ, tối đọc sách và nghe nhạc để những người này còn biết, để khi không có cái này, còn có hai cái kia. Hai cái kia không biết là những cái gì thì làm sao sống nổi.

Nhưng Helen Gurley Brown thì lại chỉ nói về sex. Theo nàng, sex giúp chúng ta tiếp tục liên hệ với loài người, tránh cho chúng ta trở thành những con người mặt mũi táo bón, khó khăn, ngột ngạt, dấm dẳn, khật khùng... Sex giúp bạn (?) thành một phụ nữ còn hoạt động được thay vì là một mụ đàn bà già đeo, khô héo quắt queo không có sex: It makes you a functioning female instead of a sexless old crone.

Những người phụ nữ sau tuổi 50 và 60, phải làm theo lời khuyên của Helen là ngày ngày phải tâm niệm câu thần chú nguyên văn như thế này: "I'm a sexual person; I want sex in my life; I deserve it, and I'm not gonna let it disappear." Tôi là một sinh vật tính dục; tôi muốn có sex trong đời sống; tôi xứng đáng được có sex; tôi sẽ không để cho sex bỏ tôi, biến khỏi đời sống này...

Rồi Helen Gurley Brown kê ra một số việc các nàng phải làm như phải xuất hiện với hình ảnh của một phụ nữ tài giỏi, lão luyện, đẹp, thích vui sống, tốt trong giường (good in bed) (?) và có tí tiền... nếu muốn hấp dẫn những người đàn ông trẻ.

Và khi xong việc (?), nhớ đi giật lùi ra khỏi phòng nếu nghĩ rằng phía trước (?) trông đỡ hơn phía sau (?) nhầu nhẹt, nhăn nhúm...

Toàn là những điều tôi chưa hề biết trong cuộc đời quá nửa thế kỷ này.

Bài báo mới được có một tuần nên chưa thể biết có bao nhiêu phụ nữ sẽ đọc lẩm bẩm câu thần chú Helen Gurley Brown mách nước đó. Nhưng từ nay, chúng ta nên lắng tai nghe kỹ hơn, biết đâu lại chẳng nghe thấy những điều khấn nguyện nào xứng đáng, nào quyết tâm không cho "nó" bỏ đi, biến mất khỏi cuộc đời... thì liệu nước mà chạy ngay không thì chỉ có từ chết đến trọng thương mất thôi.

Tất cả đều đọc thấy ở tờ Newsweek. Đọc Newsweek mấy chục năm nay thì cũng phải đọc được một số báo đọc được chứ!

Những độc giả trung thành mua dài hạn từ bao nhiêu lâu nay như tôi rất cần nó trong đời, xứng đáng để có nó và nhất định không để cho nó biến mất, ra đi khỏi cuộc đời này, tờ Newsweek yêu quí!


Ngày 24 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Bill Robert ở Madison, Wisconsin là một người khôn khủng khiếp. Ông già 89 tuổi này vừa tổ chức cho chính ông một đám tang rất trọng thể.

Ông đi đầu, theo sau là quan tài có sáu người khiêng, sáu người bạn rất thân của ông, lại còn kèn trống không thiếu thứ gì.

Nhưng ý kiến tổ chức tang lễ cho mình thực ra không phải là của ông, mà là của Ginny O'Brien, một ca sĩ hát nhạc Jazz, bạn ông. Năm ngoái, khi được mời tới hát tại tang lễ của một người yêu nhạc Jazz, Ginny O'Brien nói với Bill Robert rằng thật là uổng vì người chết nằm đó, mà không nghe được những bản nhạc yêu mến lúc sinh thời. Bill Robert liền nẩy ra ý kiến cho ông được ngửi hoa phúng viếng chính mình. Chứ chờ đến lúc chết, nằm trong quan tài, làm sao ngửi được hoa bạn bè đến viếng. Ấy là chưa nói đến những lời lẽ tốt đẹp mà có thể suốt đời không bao giờ có hạnh phúc là được nghe của bạn bè nói về mình.

Ông mời khoảng vài trăm người tới dự đám tang của ông và nói rằng sau này, khi ông chết thật thì bạn bè khỏi phải phân ưu, phúng viếng gì nữa. Ông quả là người rất biết điều.

Thế là bạn bè kéo đến gặp ông, chúc ông chết vui vẻ, lên đường không vướng mắc. Nhạc Jazz được trình tấu suốt buổi, trong khi bạn bè, thân nhân lên lần lượt đến bên quan tài nói về ông, ca ngợi ông, kể ra toàn những điều hay và tốt về ông, cố tình bỏ đi những chi tiết không đẹp lắm. Ông nghe mà lịm người đi vì sung sướng. Có những điều tốt đẹp ông không hề làm, bạn bè thân quyến cứ đổ hết cho ông, ông nhận luôn, như ông đã chết thật và đang nằm trong quan tài vậy. Vả lại, bạn bè nói tốt thì mình cứ im mà nghe chứ cãi lại hay cải chính, người ta nói mình không chết thì sao tiện. Người ta mang hoa đến chất quanh quan tài của ông. Ông đến trước những vòng hoa phúng ông, cúi xuống ngửi đi ngửi lại. Cả những người không mấy ưa ông, cũng nói toàn những điều tốt về ông. Ông không phản đối gì hết. Ông ở lại cho đến lúc người khách cuối cùng ra về.

Ông thật là khôn. Mấy ai làm được như ông: ngửi được hoa phúng viếng, nghe được bao nhiêu điều tốt đẹp về mình, đến nỗi không nhận ra mình là người được nhắc, được đề cập trong những bài điếu văn bạn bè đọc trước quan tài mình nữa. Khác hẳn những người chết khác, không được nghe, nhìn, ngửi thấy những điều đẹp đẽ ấy. Những tiếc thương của vợ, con, gia đình cũng không được biết. Tiếc biết là chừng nào.

Đến như Đinh Hùng trong một lúc để cho trí tưởng tượng bay bổng nhất, thì cũng chỉ nghĩ khi nằm dưới mồ, mấy người em bé bỏng, những Sầu Hoài Thương Nữ, những Em Buồn Cố Kết, những Em Duyên Số, những Em Đau Thương... đứng xõa tóc, tay cầm hoa là cùng, dẫu cho vẫn còn "vị chút tình lưu luyến với nhau xưa..." Lúc ấy, họ Đinh đã ở dưới huyệt, các em có "về một buổi / ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi... ngậm ngùi in khóe mắt..." thì cũng là quá muộn. Phải còn đi đứng, bắt tay, bẹo má các em trong đám tang của mình mới được chứ. Cho nên ông già Bill Robert này vẫn là người khôn ngoan hơn cả.

Khi kể chuyện này cho một người bạn ở đây nghe, ông bạn của tôi nhún vai, có vẻ không phục ông già Bill Robert chút nào. Ông để tôi nói thêm về sáng kiến của ông già Bill Robert một lúc, mới chép miệng nói rằng tôi đúng là người chưa đi xem ra mắt sách, ra mắt thơ bao giờ.

Ông già Bill Robert, bạn tôi nói, đâu có làm được điều gì mới lạ. Ngửi hoa phúng viếng thì thiếu gì người đã làm rồi, mà lại còn trước ông từ rất lâu nữa chứ...


Ngày 25 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Cuốn Đằng Sau Dinh Độc Lập in lần thứ hai của Nguyễn Duy Xi do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ở Hà Nội ấn hành là một cuốn sách chứa đựng rất nhiều điều không đúng. Thí dụ rất nhiều tên người và ngôn từ, cách ăn nói trong những đối thoại của họ chẳng hạn.

Nó được xếp vào loại tiểu thuyết như chính nhà xuất bản và tác giả đã ghi rõ ở bìa trước. Đọc ở trong, người ta thấy không có thư mục, hay những ghi chú về tài liệu tham khảo, nên nó phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng, mặc dù các nhân vật của cuốn sách đều có những cái tên (nhiều khi viết sai) của những người có thật ngoài đời, của giai đoạn lịch sử vừa qua.

Người đọc cũng có những thắc mắc như khi đọc cuốn sách viết về Watergate của Bernstein và Woodward, ở đoạn Henry Kissinger rủ ông Nixon quì xuống đọc kinh trong một căn phòng ở tòa Bạch Ốc. Lúc ấy chỉ có hai người: ông Nixon và Kissinger. Ai trong hai người này kể chuyện đó cho Bernstein và Woodward? Ông Nixon thì không, Henry Kissinger lại càng không nữa. Vậy Bernstein và Woodward lấy đâu ra những chi tiết mà họ viết xuống trong cuốn sách của họ?

Những thắc mắc như thế được thấy đầy trong cuốn sách của Nguyễn Duy Xi. Người viết có được bao nhiêu tiếp xúc với những người có tên trong sách? Có thể nói chắc là không một người nào hết. Một số đã chết, hay không sống ở Việt Nam, mà nếu có sống ở Việt Nam, cũng không thể có chuyện những người này ngồi xuống nói lại ngọn ngành cho Nguyễn Duy Xi viết cuốn tiểu thuyết Đằng Sau Dinh Độc Lập.

Nhưng những chi tiết như thế không đáng kể và thắc mắc nữa, khi chính những người làm cuốn sách cũng đã nhận đó là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Tuy thế, có một chữ ở trang 167 làm người đọc không nhịn được cười. Đó là chữ "thôi".

"Thôi" được dùng trong một cách người ta chỉ thấy ở trong ngôn từ của miền Bắc trước năm 1975. Sau năm 1975, chữ "thôi" và cách dùng ở miền Bắc mới xuống miền Nam và làm khó chịu những người nghe không ít.

Cách dùng ấy không thấy ghi trong Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức cũng như Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị.

Nhưng trong Từ Điển Tiếng Việt của trung tâm Từ Điển Ngôn Ngữ Hà Nội, Việt Nam, ấn bản 1992, ở trang 934 thì có ghi cách dùng đó và còn thêm cả vài ba thí dụ về cách dùng .

"Thôi", theo sách vừa dẫn, là trạng từ, "từ biểu thị ý nhấn mạnh sự miễn cưỡng đồng ý hoặc chấp nhận điều được nói đến vì người nói thấy cũng khó có ý kiến gì thêm được nữa."

Thực ra, thì lối dùng này đã có từ lâu, chẳng riêng gì miền Bắc. Nhưng khi dùng nó, sự chấp nhận chỉ là bắt buộc, không có gì tự ý, hài lòng hay mãn nguyện. Thí dụ nói "cuốn sách cũng được thôi," nghĩa là không được lắm, hay nói "cuốn sách cũng tạm thôi," thì cuốn sách không hay lắm. Ý nghĩa luôn luôn mang nét phủ định, chối bỏ, không chấp nhận, miền cưỡng. Nhưng cách dùng chữ "thôi" mang từ miền Bắc vào sau năm 1975 thì lại là cách dùng rất khác.

Nó được dùng với tĩnh từ "tốt", một cách dùng có thể nói là không hề có trước đây, ít nhất cũng là trong những năm trước 1954 ở miền Bắc.

Nhưng sau năm 1975, người ta bắt đầu nghe "cũng tốt thôi" rất nhiều từ những người miền Bắc vào.

Đã tốt rồi, tại sao phải thêm "thôi" ở cuối để cho cái tốt đó trở thành không tốt nữa, một cái gọi là tốt nhưng lại không hoàn toàn tốt, nhưng vẫn phải chấp nhận, coi là tốt, vui vẻ tiếp thu? Hay là cái tốt ấy không tốt nhưng không được phản đối vì phản đối thì có chuyện ngay?

Thí dụ trong đoạn đối thoại: "Đồng chí được đảng chọn đi chiến trường miền Nam". Đồng chí liền trả lời: "Cũng tốt thôi."

Như thế là chúng tôi không muốn, chúng tôi cóc muốn vác AK đi dép râu đội nón cối cho xấu trai chúng tôi đi, để làm bia đỡ đạn cho con các cậu Lê Duẩn Lê Diếc, Đỗ Mười Đỗ Miếc... Nhưng ấn vào tay chúng tôi thì chúng tôi phải nhận. Cãi là chúng tôi nát thây, tan xác. Phải cố mà vui với điều ấy. Nhưng không vui thật lòng nên chúng tôi tống thêm chữ "thôi" vào cuối câu cho bõ ghét.

Do đó mà "cũng tốt thôi." Nghe khó chịu vô cùng. Vậy mà không phải vậy.

Kiểu nói đó nhất định tôi không bao giờ nghe trong mấy chục năm sống ở miền Nam.

Nhưng ở trang 167 của cuốn Đằng Sau Dinh Độc Lập, tác giả Nguyễn Duy Xi cho ông Tư Mắt Kiếng tức là thủ tướng Trần Thiện Khiêm phang một câu xanh rờn khi nghe vợ (Đinh Thùy Yến) cho biết sắp đi ủy lạo gia đình binh sĩ ở miền tây bằng phi cơ riêng: "Ô-kê thôi!"

Sao lại "Ô-kê thôi!" ông Tư Mắt Kiếng mà ăn nói kiểu ấy bao giờ?

Bịa đặt, phét lác thì cũng vừa phải thôi. Chi tiết nhỏ như thế cũng viết láo viết lếu thì làm sao mà... "ô kê" được.

Chỉ "ô-kê thôi" thôi. Sách viết như vậy mà cũng tái bản được thì lạ thật. Hay là một lũ ngu dốt đọc nhau chăng?

Cũng tốt... thôi?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 133)

PRESENT AND PAST PARTICIPLES

Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 133 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 5 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

Hôm nay, chúng ta sẽ nói về PARTICIPLES trong tiếng Anh. Mục đích của câu chuyện hôm nay là để hai cô hiểu ý nghĩa và cách dùng của từ loại này. Thực ra, không nhất thiết phải hiểu hết ngọn ngành về PARTICIPLES. Bài học sẽ chỉ nói vừa đủ những điều cần biết về PARTICIPLES mà thôi.

QA

Thưa anh, tiếng Việt có từ loại này không?

BBT

Tiếng Việt không có PARTICIPLES vì động từ trong tiếng Việt không thay đổi theo các ngôi (PERSONS) thí dụ I GO, SHE GOES… và các thì (TENSES) THEY GO, WE WENT như trong tiếng Anh. PARTICIPLES tiếng Việt gọi là PHÂN TỪ, là tiếng được tạo thành từ một động từ.

TRÚC GIANG

Như vậy, có nhiều phân từ phải không thưa chú?

BBT

Đúng vậy. Có HAI loại phân từ, tức là hai thứ PARTICIPLES trong tiếng Anh là PRESENT PARTICIPLES và PAST PARTICIPLES. Người ta có thể nhận ra PRESENT PARTICIPLES một cách dễ dàng. Đó là khi thấy một tiếng tận cùng bằng ING thì chúng ta có thể nói chắc đó là một PRESENT PARTICIPLE, một HIỆN TẠI PHÂN TỪ. Nhưng PAST PARTICIPLES thì hơi khác. Các động từ qui tắc ( REGULAR VERBS), tức là các động từ ở thì quá khứ có cái đuôi ED thì PAST PARTICIPLES cũng tận cùng bằng ED như TO WORK, WORKED, WORKED. Nhưng các động từ bất qui tắc (IRREGULAR VERBS) thì khác, vì chúng không theo một qui luật nào hết. Thí dụ TO CUT, CUT, CUT; TO BRING, BROUGHT, BROUGHT; TO MEAN, MEANT, MEANT… vân vân.

QA

Như vậy có thể nói là khi nhìn vào danh sách các động từ bất qui tắc thì cột thứ nhất là động từ nguyên mẫu (INFINITIVE), cột thứ hai là quá khứ (PAST TENSE), và cột thứ ba là quá khứ phân từ (PAST PARTICIPLE) phải không thưa anh? Thí dụ TO EAT là INFINITIVE; ATE là quá khứ (PAST TENSE) và EATEN là quá khứ phân từ (PAST PARTICIPLE) có đúng không?

BBT

Đúng là như thế.

TRÚC GIANG

Thưa chú, trong những bài học trước đây, cháu thấy PARTICIPLES có thể xuất hiện trong những thì (TENSES) như CONTINUOUS và PERFECT.

BBT

Trúc Giang nói đúng. PRESENT PARTICIPLES được dùng với TRỢ động từ (HELPING VERB) TO BE để tạo thành các thì CONTINUOUS như WE ARE LIVING IN CALIFORNIA (PRESENT CONTINUOUS); SHE WAS WORKING FOR A HOSPITAL (PAST CONTINUOUS); và THEY WILL BE FLYING TO ENGLAND NEXT WEEK (FUTURE CONTINUOUS).

PAST PARTICIPLES khi đi cùng với trợ động từ TO BE thì chúng ta có PASSIVE VOICE tức là THỤ ĐỘNG CÁCH như HE IS LED TO HIS SEAT hay WE WERE MET AT THE DOOR, hay THEY WILL BE WELCOMED IN THIS HOUSE.

Khi PAST PARTICIPLES được dùng với động từ TO HAVE thì chúng ta có các thì PERFECT thí dụ HE HAS GONE (PRESENT PERFECT); WE HAD ARRIVED (PAST PERFECT) và THEY WILL HAVE FINISHED THE BOOK (FUTURE PERFECT).

QA

Thưa anh, ngoài ra, các PARTICIPLES còn được dùng trong những cách dùng nào khác nữa không?

BBT

Có chứ. PARTICIPLES còn có thể dùng để biến các động từ thành tĩnh từ (ADJECTIVES) để phụ nghiã, bổ nghĩa, thêm nghĩa cho danh từ. Thí dụ COOKING OIL là dầu để nấu ăn, SKIING BOOTS là giầy trượt tuyết, DRIVING GLOVES là găng tay để lái xe. Trúc Giang thử cho nghe ba thí dụ với PRESENT PARTICIPLES được dùng như tĩnh từ coi.

TRÚC GIANG

TYPING CLASS là lớp học đánh máy. SINGING VOICE là giọng hát. SPEAKING GUEST là khách được mời để nói chuyện.

QA

QA cũng có ba thí dụ: PAINTING JOB là công việc sơn nhà; MOVING VAN là xe van để dọn nhà và WALKING DISTANCE là khoảng cách có thể đi bộ được.

BBT

Nhưng có những trường hợp ý nghĩa không rõ rệt lắm như WORKING MAN chẳng hạn. Hai chữ này có thể hiểu là một người đang làm một công việc gì đó thí dụ như tấm bảng WORKING MEN AHEAD chúng ta thấy ngoài đường để báo động, tạo sự chú ý của chúng ta là phía trước có người đang làm việc như sửa ống nước, tráng nhựa đường vân vân. Nhưng WORKING MAN cũng có thể hiểu là một người làm việc để kiếm sống, thường là nghề chân tay, lao động. Trong trường hợp này, muốn làm cho rõ nghĩa, tránh hiểu lầm, muốn người nghe hiểu đây là một công nhân, làm việc lao động thì chúng ta thêm cái dấu nối (HYPHEN) vào giữa hai tiếng WORKING và MAN để thành WORKING-MAN. Hay trong trường hợp WORKING-CLASS cũng thế.

Có một số PARTICIPLES đã trở thành tĩnh từ luôn và không còn được dùng làm động từ nữa. Thí dụ A SPOILED CHILD là một đứa bé được nuông chiều thành ra hư đốn; A ROTTEN APPLE là một trái táo bị sâu; A DRUNKEN DRIVER là một người say rượu lái xe.

TRÚC GIANG

Chú nói cả hai thứ phân từ PRESENT PARTICIPLES và PAST PARTICIPLES đều có thể dùng làm tĩnh từ. Nhưng làm sao để biết lúc nào dùng PRESENT PARTICIPLES và khi nào dùng PAST PARTICIPLE làm ADJECTIVES?

BBT

Câu hỏi của Trúc Giang khó có câu trả lời dứt khoát. Nhưng có thể nói là với một chuyện, một việc, một vật đã được làm, đã hoàn tất, đã xong … thì chúng ta dùng PAST PARTICIPLES. Nếu chưa có chuyện làm xong, hoàn tất thì chúng ta dùng PRESENT PARTICIPLES.

Theo Trúc Giang thì chúng ta dùng COOKING là PRESENT PARTICIPLE hay COOKED là PAST PARTICIPLE để dùng với LESSON?

TRÚC GIANG

Cháu nghĩ là COOKING để thành COOKING LESSON thì hợp lý hơn. Không có ai nấu … bài học cả.

BBT

Thế chúng ta dùng COOKING hay COOKED với MEAL, MEAT, EGGS?

QA

Chắc chắn phải là COOKED MEAL là bữa ăn đã nấu sẵn, COOKED MEAT là thịt đã nấu chín, COOKED EGGS là trứng đã luộc.

BBT

Trúc Giang cho nghe mấy thí dụ dùng PRESENT và PAST PARTICIPLES coi.

TRÚC GIANG

Cháu có thể nói BREAKING NEWS nhưng A BROKEN HEART; A BOILING EGG là quả trứng đang luộc nhưng chưa chín và A BOILED EGG là quả trứng đã được luộc chín rồi; A BOMBING SORTIE là một phi vụ oanh tạc nhưng A BOMBED CITY là một thành phố đã bị oanh tạc tan tành.

QA

QA biết một câu dùng hai PRESENT PARTICIPLES là

A BARKING DOG NEVER BITES, A BITING DOG NEVER BARKS nghĩa là chó kêu không cắn, chó cắn không kêu. WRITING PAPER là giấy dùng để viết. A WRITTEN DOCUMENT là một tài liệu, văn kiện đã được viết xuống. A GRINDING MACHINE là cái máy xay cà phê và GROUND COFFEE là cà phê đã xay sẵn.

TRÚC GIANG

Thưa chú có khi cháu lại thấy VERB+ING được gọi là GERUND. Tại sao vậy? Khi nào VERB+ING là PRESENT PARTICIPLE và khi nào nó là GERUND?

BBT

Khi VERB+ING được dùng với TO BE để tạo thành các thì CONTINUOUS như hai cô đã đưa ra trong mấy thí dụ ở trên, thì chúng là PRESENT CONTINUOUS.

Nhưng khi VERB+ING được dùng làm chủ từ (SUBJECT), hay túc từ (OBJEC) cho động từ, nghĩa là chúng làm công việc của danh từ thì chúng là GERUND. GERUND là danh động từ, là tiếng danh từ được tạo thành từ một động từ. Vì thế, GERUNDS cũng được gọi là VERBAL NOUNS. Thí dụ khi nói WALKING IS GOOD FOR YOUR HEALTH. Trong câu này, WALKING là chủ từ của IS . Do đó, nó là GERUND. I HATE DRIVING IN THE SNOW. Trong trường hợp này, DRIVING là túc từ của HATE, nên nó cũng là GERUND.

Bây giờ tôi hỏi QA khi tôi nói HE IS FLYING TO SAN JOSE thì FLYING là loại tiếng gì?

QA

Trong câu anh vừa nói, FLYING đi với TO BE (IS) để tạo thành thì PRESENT CONTINUOUS TENSE nên nó là PRESENT PARTICIPLE.

BBT

Đúng. Thế còn THE FASTEST WAY TO SAN JOSE IS FLYING thì FLYING là loại tiếng gì, Trúc Giang?

TRÚC GIANG

FLYING là túc từ của TO BE (IS) nên FLYING trong thí dụ nay là GERUND.

BBT

Hai cô cho nghe, mỗi cô, 2 câu , sử dụng vừa PRESENT ARTICIPLE, vừa GERUND coi. Trúc Giang làm trước.

TRÚC GIANG

MISTER WATSON WAS TEACHING AT SAIGON UNIVERSITY. Trong câu này, TEACHING là PRESENT PARTICIPLE dùng với WAS để thành PAST CONTINUOUS.

TEACHING IS A VERY NICE JOB BUT TEACHING DOES NOT PAY WELL. Câu này dùng TEACHING làm chủ từ cho động từ TO BE (IS) và cũng là chủ từ của động từ DOES NOT PAY WELL nên nó là GERUND.

QA

MANY TOWNS AND CITIES NOW BAN SMOKING IN THE PUBLIC. Trong câu này, SMOKING là túc từ của động từ BAN, vì thế, SMOKING là GERUND, là danh động từ. HE IS DRINKING TOO MUCH THESE DAYS. DRINKING là PRESENT PARTICIPLE vì nó đi cùng với TO BE (IS) để thành PRESENT CONTINUOUS TENSE.

TRÚC GIANG

Thưa chú, làm sao nhớ hết được các động từ bất qui tắc?

BBT

Chỉ có một cách, đó là học thuộc lòng. Và đó là cách học ngày xưa của tôi. Nhưng ngày nay, sống ở Mỹ, trong môi trường nói tiếng Anh rồi, thì chúng ta chỉ cần nghe vài ba lần là thuộc. Không thuộc thì bị mấy con trứng ở ngay trong nhà nó nghĩ là nó khôn hơn mẹ vịt nó chữa, nó sửa cho vài lần là biết.

Tuy nhiên, có một số IRREGULAR VERBS viết thì giống nhau khi ở nguyên mẫu (INFINITIVE), quá khứ (PAST) và quá khứ phân từ (PAST PARTICIPLE) như những động từ sau đây:

TO BURST, BURST, BURST

TO CUT, CUT, CUT

TO HURT, HURT, HURT

TO LET , LET, LET

TO QUIT, QUIT, QUIT

TO READ, READ, READ

Hy vọng là với 6 động từ vừa kể, việc học PAST TENSE và PAST PARTICIPLE của hai cô sẽ dễ đi phần nào. Danh sách các động từ bất qui tắc cũng không nhiều lắm. Từ từ , cứ sống ở Mỹ, hai cô sẽ biết hết. Nhớ là chính người Mỹ nói và viết tiếng Anh cả đời vẫn còn nói sai và viết sai cơ mà. Hai cô cứ thử nghe kỹ các con cô nói mà coi. Thế nào cũng có vài ba lỗi như HE HAS BRUNG THE BOOK thay vì HE HAS BROUGHT THE BOOK.

Còn đây là lỗi người dịch. Đọc trong thực đơn một số tiệm ăn Việt ở Mỹ thế nào hai cô cũng đã thấy có món gọi là SHAKEN BEEF. Người dịch thấy món Bò Lúc Lắc liền hiểu là cầm miếng thịt bò lắc qua, lắc lại. Mà lắc qua lắc lại, lúc lắc thì tiếng Anh có động từ TO SHAKE, SHOOK, SHAKEN. Vậy thì SHAKEN BEEF là thịt bò lúc lắc chứ còn chi nữa? Một tiệm dùng nó, rồi hai tiệm, rồi các tiệm ăn sao chép lại của nhau nên thành món SHAKEN BEEF trong khi chính ra phải là DICED BEEF. DICE là quân súc sắc. Số ít của DICE là DIE. DICED BEEF là món thịt bò chiên cắt vuông, cắt quân cờ, cắt hạt lựu, như những quân súc sắc. SHAKEN BEEF nghe kỳ quá, như vừa ăn … vừa run vậy.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

February 16, 2012

February 17, 2012

Ngày 14 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Chuyện một người ở đầu sông Tương, con sông lớn ở tỉnh Hồ Nam, người ở cuối sông, khúc chẩy vào hồ Động Đình, nhớ nhau mà không thấy được nhau, trong khi cả hai lại uống nước của cùng dòng sông, tưởng như chỉ có thể tìm thấy trong mấy câu thơ cổ, thì lại vẫn còn ở thế giới chúng ta sống.

...sông Tương một giải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia...

Cảnh tội nghiệp vô cùng.

Nhưng ít ra, nếu muốn, cứ dọc bờ sông mà đi, thế nào cũng gặp nhau ngay. Trong khi đó, có những sự chia cách khác, khoảng cách tuy không bao nhiêu, không kẻ đầu sông, người cuối sông, nhưng gặp nhau thì không dễ gì. Chàng và nàng có thể phải chờ trong một khoảng thời gian vài ba năm mới có thể đi tìm nhau được. Như cặp tình nhân trong bức thư đọc được trong mục gỡ rối tơ lòng tuần trước: chàng và nàng đều phải chờ cho mãn án tù, mới đi tìm nhau được, vì cả hai đều đang ở tù tại California.

Bức thư của nàng viết cho biết như thế. Nhưng như người ta hay nói: love will always find the way. Cứ yêu nhau, thì chuyện gì cũng giải quyết được, đường đi có khó đến mấy thì rồi cũng kiếm ra cách, cũng tìm ra lối.

Bức thư của người phụ nữ nhờ gỡ rối cho biết nàng đang ở trong cùng một khám đường với người đàn ông mà nàng rất có cảm tình. Hai người chưa gặp nhau bao giờ -- tương tư bất tương kiến -- hệt như lời bài thơ cổ, nhưng họ đã nói chuyện với nhau bằng một cách khá kỳ lạ.

Không phải bằng điện thoại thường, cũng không phải bằng điện thoại di động, mà bằng một cách chưa ai nghĩ ra được.

Hai người, mỗi người một phòng giam, cách nhau không biết bao nhiêu hành lang. Nhưng họ vẫn nói chuyện được với nhau mỗi ngày. Trong phòng giam, theo lời người viết bức thư, họ đã dùng cái cầu tiêu để nói với nhau.

Bằng cách nào? Nàng cho biết cả hai người cùng cho nước thoát ra hết bồn cầu. Việc này dễ, không có gì khó: khóa nước lại, rồi bấm nút cho nước thoát đi. Nước thoát đi, nhưng ống dẫn vào bồn bị khóa nên nước không vào được bồn nữa. Ống nước không bị chặn lại ở con thỏ nên thông sang một cái ống khác cũng đã được khóa và không cho nước làm đầy bồn nữa. Thế là một đường dây viễn thông được mở ra. Hai người cứ úp mặt vào bồn cầu, nói với nhau, thăm hỏi nhau, tỏ tình với nhau, và sắp yêu nhau đến nơi, theo thư nàng cho biết. Sau một tháng chuyện trò với nhau như thế, chàng nói chàng yêu nàng và muốn được nàng yêu lại. Nhưng nàng có vài điều nghi ngại nên hỏi ý kiến người giữ mục gỡ rối tơ lòng. Nàng đang ở trong tù. Nàng muốn chờ cho đến lúc ra tù, đầu óc minh mẫn, lúc đó nói yêu nhau cũng chưa muộn.

Mục gỡ rối đồng ý với quyết định chờ mãn án của nàng rồi mới bước hẳn vào mối tình này.

Nhưng cũng như mọi thứ khác trên đời, chuyện của hai người không phải là không có khó khăn.

Thứ nhất là ngay ở phương tiện thông tin đang sử dụng.

Nói với nhau mà dùng cái bồn cầu đã là kỳ rồi. Lúc đang nói chuyện, một trong hai người bị thiên nhiên réo gọi, phải trả lời tiếng gọi của thiên nhiên thì kỳ lắm. Chàng phải xin lỗi nàng, hay nàng phải xin lỗi chàng để tạm ngưng cuộc đối thoại rất lãng mạn và thò tay mở cái khóa nước. Nước sẽ chẩy vào thùng nước phía trên. Quả cầu nhỏ trong thùng nước bị nước đẩy lên và bịt ống nước lại. Bấm nút cho nước thoát đi, một thùng nước khác được làm đầy. Chàng hay nàng lúc ấy ngưng úp mặt vào bồn cầu để quay lại ngồi lên bàn cầu. Phía bên kia hồi hộp chờ đợi bên này xong việc để nối lại câu chuyện. Có thể bên kia cũng lợi dụng bên này bận để giải quyết cùng một vấn đề tuy lúc đó có thể chưa thúc bách lắm. Ít phút sau, việc giấy tờ (paper work) xong xuôi(?), lại bấm nút cho nước thoát đi, khóa ống nước lại, đường ống... thông tin được thiết lập trở lại, hai bên nói tiếp câu chuyện tình ái...

... Sông biển nào nghe thấu nỗi niềm?
Sóng đâu cồn khóe mắt thâm nghiêm?
Lòng ơi! hoài vọng bao giờ nói
Thăm thẳm trùng dương một tiếng "em"...

(Đinh Hùng)

Hai người sẽ không bao giờ cãi nhau, giận nhau trong những lúc nói chuyện như thế. Tức lắm cũng không ai dám nói người kia là "Này, đừng có dở khắm, dở thối ra nhá. Ăn nói cái kiểu gì mà thối quá vậy..."

Bởi vì trong cách nói chuyện đó, thì cả hai đều... thối cả. Nói ra dễ làm mất lòng nhau lắm...

Mà cũng không thể nói "đồng ẩm Tương giang thủy" được. Lúc nhớ nhau, nói chuyện với nhau bằng cách ấy thì khó mà nghĩ tới chuyện uống nước được lắm.

Tôi muốn chúc lành cho cặp tình nhân. Họ là những người đầy sáng kiến. Trong những tình cảnh đầy khó khăn như thế mà họ vẫn yêu được nhau thì họ xứng đáng được hạnh phúc.

Chỉ sợ trong đời sống bình thường sau này, lối tỏ tình nhạt nhẽo, thiếu hương vị như của chúng ta sẽ làm cho họ chán nhau mà thôi.


Ngày 15 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Cách đây ít lâu, một độc giả cũng của mục gỡ rối tơ lòng có kể một lối để dành tiền đi du lịch khá lý thú.

Vợ chồng ông, theo thư ông viết, cứ mỗi lần yêu nhau, ông lại bỏ một Mỹ kim vào con heo đất ở đầu giường. Ông không nói hai người làm như thế (bỏ heo đất để dành) trong bao nhiêu lâu, mà chỉ cho biết vợ chồng ông đủ tiền để thực hiện một chuyến du lịch Hawaii, lại còn có vài trăm cầm theo để tiêu trong chuyến đi.

Một chuyến đi Hawaii, rẻ nhất cho mỗi người cũng phải $1,500.00, gồm vé máy bay đi Maui, và sáu đêm ở khách sạn Sheraton như phụ trang du lịch tuần này cho biết. Cứ cho là cầm theo $500.00 để tiêu vặt thì chuyến đi sẽ tốn khoảng $3,500.00 cho cả hai người.

Nếu cứ 4 (?) ngày, ông lại để dành được một đô la thì một năm ông để được $91.00.

Cứ 4 ngày một đô la bởi lẽ không thể có chuyện ngày nào cũng để dành được một đồng. Lý do là vì có khi ông ốm, bà đau, thỉnh thoảng bà lại bắt chước Nam Hàn, Bắc Hàn ngưng bắn vài hôm, có khi giận nhau, không chiến đấu được. Lúc trẻ tuổi có thể khác, khi nhiều tuổi khoảng cách có thể dài hơn giữa những lần ra trận. Và muốn để dành được số tiền $3,500.00 ông bà phải mất 38 năm.

Bức thư của người độc giả này xuất hiện trên báo đã làm cho rất nhiều người ghen tức. Ghen tức vì không làm được như cặp vợ chồng hạnh phúc đó.

Trước hết, phải có 38 năm. Cộng trừ nhân chia nhiều... nơi để được 38 năm là không được.

Những lần lẻ tẻ đó, mỗi lần may ra mời nhau được một cái vé xe điện và tô phở là nhiều. Không có cách gì để dành được $3,500.00 để mà đi Hawaii.

Cũng có khi ghen tức vì có ở với nhau 38 năm thật đấy, nhưng sức vóc cũng có thể không đủ để có nổi $3,500.00 đi du lịch. Có khi cố gắng lắm cũng chỉ may ra mời nhau nổi một chầu bò bía là cùng. Thảm lắm.

Nhiều người tin là tác giả bức thư chỉ muốn chọc quê các độc giả khác. Nếu chủ tâm của ông là như thế, thì ông đã thành công rực rỡ. Suốt mấy năm nay, tôi hậm hực về thành tích của ông vô cùng.

Tôi không tin chuyện đó là chuyện thật.

Thì hôm tuần trước, một độc giả khác viết cho mục gỡ rối một bức thư cũng dùng lối để dành đó, và sau 50 năm ở với nhau, ông đã có thể mời bà đi ăn tối ở một tiệm ăn rất sang, cơm Tây rượu chát, bạch lạp lung linh, vĩ cầm nỉ non... Và sang năm mới, ông sẽ mua vé đưa bà đi chơi vòng quanh thế giới. Tất cả đều bằng tiền bỏ heo đất để dành ở đầu giường.

Nhưng có khác với tác giả bức thư đầu một chút. Đó là tác giả bức thư đầu tiên chỉ có một con heo đất ở đầu giường. Đập con heo đất, ông đủ tiền đưa bà đi Hawaii, tiết lộ làm nhiều người vẫn còn ấm ức vì bị thua đậm.

Tác giả bức thư thứ hai cho biết ông và bà có hai con heo đất ở đầu giường.

Mỗi lần hai ông bà yêu nhau, ông bỏ một đồng vào con heo đất số 1. Và mỗi lần bà... nhức đầu, bà "hổng chiệu đâu", hay bà giận ông, hay bà chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh với ông, ông cũng bỏ một đồng vào con heo đất số 2.

Ông cho biết trong bức thư gửi Ann Landers rằng bằng những đồng tiền để dành đó, ông đã có quà kỷ niệm cho bà nhân ngày kỷ niệm kim hôn ( 50 năm ).

Ông cho biết bữa ăn tối rất lãng mạn đó được trả bằng tiền để dành của con heo đất số 1.

Và chuyến đi vòng quanh thế giới được trả bằng tiền lấy từ con heo số 2.

Bạn có bao giờ ăn ở một tiệm ăn đắt tiền như thế không? Có thể nào tiền ăn to hơn tiền một chuyến đi vòng quanh thế giới không?

Hay là tổn phí cho chuyến đi du lịch vẫn lớn hơn bữa ăn tối.

Nếu vậy thì không ai thèm ghen tức với ông già viết lá thư thứ hai cả.

Tôi cũng thấy đỡ tủi nhiều lắm.


Ngày 16 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Chiếc cell phone tôi mang trong mình không lúc nào rời, hệt người tiết phụ đeo đôi ngọc sáng dưới chiếc áo lót mình mầu sen -- hệ tại hồng la nhu -- trước khi hoàn quân minh châu song lệ thùy, như trong thơ của Trương Tịch, hóa ra lại còn làm được bao nhiêu việc khác hơn chỉ là phương tiện để những người bạn quí liên lạc rủ đi nhậu như từ bao nhiêu lâu nay.

Ngoài việc đọc và gửi e-mail, xem tin tức, giá chứng khoán trong ngày (tôi không có) nó còn giúp làm được nhiều chuyện khác mà không cần phải mất công chạy tới chạy lui mất rất nhiều thì giờ như trước đây nữa.

Cách đây mấy tuần, tờ Newsweek cho biết là một công ty Đức (www.zappybaby.de), với một khoản lệ phí nào đó, sẽ thông báo cho người cần dịch vụ của họ lúc nào là lúc dễ trở thành nhà sản xuất nhất. Việc này sẽ giúp khỏi phung phí(?) sức người đi rất nhiều, vẫn theo lời của công ty trong tài liệu đọc được ở web site.

Người có tiềm năng sản xuất trước hết phải cung cấp một số dữ kiện liên quan đến hoạt động của bộ phận sản xuất trứng trong người. Thí dụ như ngày giờ nào thì những quả trứng sẽ được cho rụng.

Việc này dễ. Các y sĩ chuyên khoa có thể cho biết rất chi tiết về quá trình và thành tích rụng trứng của nhà sản xuất. Các dữ kiện này được cho vào máy điện toán để máy phân tích và dựa trên những lần trứng rụng trước đây, tiên đoán ngày giờ của những lần trứng sẽ rụng trong tương lai.

Nhờ dịch vụ này, người ta không còn phải viết những ký hiệu bí mật, khó hiểu trên những trang lịch trong buồng tắm và cũng sẽ không cần phải làm những sự tính toán nhiều khi sai lạc, lầm lẫn rất tai hại nữa.

Khi tới ngày, theo tờ Newsweek, công ty sẽ thông báo cho thân chủ biết lúc nào là lúc... chạy trời cũng không thoát đó.

Thông báo bằng cách nào? Thì chiếc cell phone đeo trong áo lót mình mầu sen chứ còn gì nữa.

Tưởng tượng lúc ấy, chuông sẽ reo nhè nhẹ. Thân chủ lôi cell phone ra, bấm nút TALK, áp máy vào tai, thì phía bên kia, www.zappybaby.de, sẽ đưa ra lời nhắc nhở đại khái: "Này, tới cữ rồi nghe ông / bà. Ở đâu, đang làm gì thì cũng ngừng tay, về nhà ngay lập tức... nếu ông / bà muốn trở thành nhà sản xuất".

Thế là quân ta quăng tất cả mọi thứ đang làm để chạy đến nơi hẹn để làm nhà sản xuất. Hay cũng có thể sẽ ù té chạy đến một thành phố khác nếu không muốn làm nhà sản xuất, vì công ty này thông báo cho cả phía bên kia nếu phía bên kia cũng cần dùng dịch vụ báo động đó.

Nếu hai bên cùng muốn trở thành nhà sản xuất, nhất định không tin vào những cảnh cáo về nguy cơ nhân mãn của các nhà dân số học và kinh tế học, thì sẽ có cảnh cả hai vừa chạy, vừa đọc nhanh cuốn sách chỉ cách đặt tên cho em bé, chọn cái tên nào thích nhất để đem dùng đúng chín tháng mười ngày sau...

Khi dịch vụ này trở nên thịnh hành hơn, mọi người đều dùng, thì con số những vụ chửa hoang, đẻ lung tung của các thiếu niên Mỹ, của các bà mẹ welfare có thể sẽ giảm đi. Được thông báo, các nhà sản xuất sẽ bị ba má hay sở xã hội đến canh chừng không rời mắt nửa giây, cho đến khi trứng bị hư, không còn hy vọng biến thành những cái của nợ cho xã hội nữa, các đương sự mới thả cho đi lại tự do. Chi phí đó nhất định sẽ thấp hơn là tiền trả cho các bà mẹ welfare rất nhiều.

Và khi đó, ai cũng sẽ tài giỏi như chuyện hai chú bé mà tôi đọc được đã lâu. Hai chú cùng năm tuổi, khoe sự hiểu biết về đời sống cho nhau nghe. Một chú khoe biết cách... làm sao có em bé và tưởng như thế là tiến bộ lắm. Người bạn nhỏ cũng năm tuổi đó liền đáp lễ rằng chú biết làm thế nào để... không có em bé, và như thế mới thực sự là giỏi.

Nhưng bây giờ, chuyện đó dễ ẹc. Ai chẳng biết, nếu nhờ www.zappybaby.de giúp cho một tay. Nhưng ở tuổi tôi và những sự quen biết của tôi, thì chúng tôi không bao giờ còn phải tốn tiền cho www.zappybaby.de nữa. Còn Grade A, Jumbo... nữa đâu mà lo. Trứng đã thối hết rồi còn chi nữa. Chẳng cũng khoái ư?

Nói theo kiểu ông Thánh Thán.


Ngày 17 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Trong Đông Dương Tạp Chí số 22, cụ Nguyễn Văn Vĩnh có viết một bài nhan đề "Gì Cũng Cười" về cái "thói lạ" của chúng ta, đó là thế nào cũng cười. Hay, dở, phải hay quấy cứ nhăn răng ra hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang.

Cụ bực bội viết vài ba chục dòng nữa để nói về sự bất bình của cụ đối với cái cười mà cụ coi là không đúng chỗ của người Việt Nam chúng ta.

Cụ Vĩnh rõ ràng là không ưa cái thói hay cười kỳ lạ ấy. Cụ xếp bài viết của cụ vào loạt bài có tựa chung là "Xét Tật Mình". Đã coi đó là cái tật, thì nó phải xấu lắm. Cụ không thích những cái cười ấy của chúng ta.

Cụ Vĩnh mất khi còn trẻ, mới ngoài năm mươi tuổi. Cụ không hay cười, lại có vẻ ghét tiếng cười. Điều đó làm người ta nghi có thể cụ mất vì bệnh tim. Những người bị bệnh tim, theo Trung Tâm Ngăn Ngừa Bệnh Tim Mạch tại đại học Maryland ở gần thủ đô Mỹ, là nhưng người bị bệnh làm mất đi óc hài hước và không thích cười. Và vẫn theo những khám phá mới đây của trung tâm y khoa này, óc hài hước giúp ngăn chặn được các bệnh về tim. Cụ Vĩnh không thích cười, cụ còn ghét cả những người hay cười nữa. Điều đó cho thấy những người bị bệnh tim thường không nhanh chóng nhìn ra được khía cạnh hài hước của vấn đề và do đó, họ cười ít hơn. Ngay cả trong những hoàn cảnh tốt đẹp, họ cũng nhìn ra những điều không tốt và thường dễ nổi cáu, bực tức hơn là những người bình thường.

Phải viết nguyên một bài để nói về sự bực bội trước tiếng cười như cụ Vĩnh đã làm thì đúng là cụ có vấn đề với quả tim, như khám phá mới đây của khoa học đã cho thấy.

Tiếng cười là thang thuốc bổ -- Laughter, The Best Medicine -- không phải chỉ là tên một mục trong tờ Reader's Digest nữa, mà cười có thể thực sự giúp người ta khỏe mạnh, yêu đời, lạc quan, giảm bớt được căng thẳng tâm thần, ưu sầu và nhờ đó, tránh được những khó khăn về tim.

Nhưng cười được nhiều khi cũng khó lắm khi mà chung quanh, cảnh trí bầy ra như trong hai câu của Nguyễn Đức Sơn:

Mẹ con bản mặt lầm lì
Bà con mắc chứng xầm xì suốt đêm...

Cảnh như thế, thì khó cười quá. Muốn tim mạch khỏe mạnh không phải là dễ. Đóng vai Tí Quạu có vẻ dễ hơn.

Tưởng tượng buổi tối đang ngồi xem Tonight Show của Jay Leno hay Late Show của David Letterman cười thoải mái để đối xử tử tế một chút với quả tim theo lời khuyến cáo của đại học Maryland, thì cái TV yêu quí bị tắt, người tắt máy ngồi xuống bên cạnh để đóng vai nàng thơ của Nguyễn Đức Sơn (...bản mặt lầm lì...) ngó vào khoảng không, hứ một cái rồi mới vừa chê vừa mắng cả hai tài năng chọc cười của Mỹ là "vô duyên" thì trái tim không ngủ yên đó biết ngay là gió bão sắp kéo tới.

Không biết đó là chuyện gì, mắt bão nằm ở đâu, tuần trước hay tuần này, đã lỡ miệng nói cái gì, hay vừa có ai báo cáo nhảm, ném lựu đạn, pháo kích lầm, oanh tạc trải thảm bừa bãi trúng bậy vài ba nơi hiểm yếu... Mấy câu khôi hài không thấy có tiếng cười phụ họa. Không khí đầy thuốc súng còn hơn tình hình Trung Đông.

Muốn cứu vãn cho sức khỏe quả tim một chút mà cũng thấy khó quá.

Đứng dậy đi lên lầu với quyển sách thì bị gọi giật lại. Tưởng là những câu đay nghiến như thường lệ, nhưng lần này, là những tiếng khóc, than rằng không còn communicate nữa, không còn đối thoại, không còn dành thì giờ cho nhau nữa, sống như thế thì thà đừng ở chung với nhau nữa...

Biết thừa chỉ là những hăm dọa, chứ hạnh phúc có bao giờ dễ như ăn cơm sườn vậy. Cứ cho nhau mừng hụt mãi mà làm gì.

Thế là ngồi xuống, trái tim không được để ngủ yên thì bóp cho nó chết luôn đi cho rảnh nợ.

Chao ơi, trong cảnh như thế thì làm sao cười được mà cụ Vĩnh cứ bực bội chúng tôi mà làm gì thưa cụ?

Và cả đại học Maryland nữa, tìm ra chuyện cái cười là thang thuốc bổ tim, mà không thuyết phục được những người và việc làm héo hắt nụ cười làm niềm vui thì khám phá làm gì cho... tủi?


Ngày 18 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Hôm qua, trong mục Obituary, mục cáo phó của một tờ báo ở đây, tôi đọc được một cái cáo phó rất lạ. Người qua đời là một phụ nữ hưởng thọ ngoài bẩy mươi tuổi. Cụ có một đời sống khá dài, ra đời và lớn lên ở một thị trấn nhỏ miền trung tây Hoa kỳ, học đại học ở miền đông, lập gia đình với một nhà ngoại giao, từng theo chồng tới một số nước Á châu, Phi châu, cuối cùng về sống tại vùng thủ đô sau khi cụ ông nghỉ hưu và con cái trưởng thành, có gia đình ra ở riêng. Cụ bị ung thư, và qua đời sau một thời gian ngắn ở bệnh viện.

Nhưng những chi tiết vừa kể thì không có gì đáng nói. Câu cuối của cái cáo phó mới lạ. Câu này cho biết những người còn sống trong gia đình của cụ, cũng tương tự như đoạn chúng ta viết "Tang gia đồng khấp báo" rồi kê ra ở dưới tên của chồng, con, dâu rể, cháu chắt vân vân. Câu cuối của cái obituary viết như thế này: "Survivors include her husband Thomas Stanford, her two sons Bruce and Sean, five grandchildren and her beloved Mr. Alex and Mr. Rigg".

Cụ để lại trần thế cụ ông, hai con trai và năm cháu nội, cùng với hai ông Alex và Rigg yêu quí, như cái cáo phó viết. Những trang cáo phó trong báo tiếng Việt thì cũng viết tương tự, chỉ có khác là thỉnh thoảng con cháu cho luôn đống bằng cấp vào sau tên cho cả nước ghen tức mà chết bớt đi thôi. Nhưng điều kỳ lạ của cái cáo phó báo tin cụ bà Stanford qua đời, là tên của hai ông Alex và Rigg yêu quí được ghi ở cuối.

Hai ông này là những người chồng cũ của cụ chăng? Chắc không phải, vì ở đoạn trên, những chi tiết của cái obituary không hề nói đến những cuộc hôn nhân khác của cụ. Hay hai ông Alex và Rigg yêu quí (her beloved Mr. Alex and Mr. Rigg) là hai ông bồ của cụ? Chắc không phải. Người viết obituary, nếu không là cụ ông, thì cũng phải là hai ông con trai, không lẽ mấy người đàn ông này lại cho hai ông bạn trai của vợ, của mẹ mình vào trong cáo phó. Chịu chơi thì cũng vừa vừa thôi chứ.

Cả buổi sáng tôi thắc mắc về chi tiết này. Chỉ sợ sau này, khi chết, mấy chú em ở lại, viết cáo phó lại cẩn thận ghi hết tên của mấy (?) người quen vào, vừa gây phiền nhiễu cho các đương sự (kiểu như... bà Alex và bà Rigg chẳng hạn) lại vừa tốn giấy. Nhất định phải dặn dò kỹ các ông em này để các ông tha cho người chết cái tội làm phiền người sống ấy, mặc dù cũng muốn được như trong thơ ông Đinh Hùng lắm: "Khi anh chết các em về đây nhé..."

Vào sở, có việc xuống thư viện thì tôi nhớ là có một người chắc chắn có thể giải đáp thắc mắc của tôi: bà thủ thư. Tôi đi kiếm bà ngay, thì được giải thích cho biết ngay hai ông Alex và Rigg không phải là bạn trai của cụ bà mà cũng không phải là chồng trước của cụ.

Hai ông là hai cậu chó của cụ. Và theo bà thủ thư ở thư viện thì bây giờ rất nhiều người làm vậy: ghi tên của chó và mèo vào cáo phó để báo tin buồn chó mất chủ -- táng gia cẩu -- cho thân bằng cố hữu biết mà chia buồn.

Thế mà từ hơn một ngày, tôi nghi oan cho cụ, và "...đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh..." sợ cho mình.

Nhưng chắc còn phải lâu lắm, những cái cáo phó trên các báo Việt ngữ mới có những Vện, Mực, Luốc, Lem, Vá, Đốm... đồng bái tạ được. Bởi vì có khi cụ vừa nằm xuống, mấy ông con đã lôi Vện, Mực, Luốc, Lem, Vá, Đốm... làm một trận rựa mận thì ở đó mà bái với chẳng tạ.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 132)

SUBJUNCTIVE MOOD

Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 132 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 5 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, tuần qua, một thính giả ở Houston có viết thư cho chương trình để hỏi về SUBJUNCTIVE MOOD và nhờ chú giải thích. Cháu hỏi chị QA thì cả hai cũng đều chưa nghe SUBJUNCTIVE MOOD bao giờ. Xin chú nói về cách dùng này.

BBT

Thực ra, cả hai cô có thể quên SUBJUNCTIVE MOOD đi cũng chẳng sao. Chính một nhà văn nổi tiếng của văn chương Anh, William Somerset Maugham, cũng đã có lần nói rằng ông muốn đào sâu chôn chặt SUBJUNCTIVE MOOD đi cho rồi. Ông muốn nó chết ngắc cho tiện. Tuy nhiên, vì có thính giả yêu cầu, tôi sẽ chỉ nói qua về SUBJUNCTIVE MOOD và sẽ không đi sâu, mà chỉ vừa đủ để hai cô khi nghe thì hiểu tại sao người ta lại dùng nó và cách cấu tạo của nó để khỏi thắc mắc.

Tiếng Việt gọi SUBJUNCTIVE MOOD là BÀNG THÁI CÁCH. SUBJUNCTIVE MOOD có BA thì (TENSES) tất cả nhưng trong Anh ngữ hiện đại, người ta chỉ dùng có HAI thì là PRESENT và PAST. Và trong hai tenses này thì chỉ có PAST SUBJUNCTIVE là đáng để chúng ta đề cập ở đây mà thôi.

Trúc Giang cho biết đây là thì gì nhé: I WAS, YOU WERE, HE WAS, SHE WAS, IT WAS, WE WERE, THEY WERE?

TRÚC GIANG

Đó là thì SIMPLE PAST.

BBT

Rất đúng. Thì SIMPLE PAST của động từ TO BE thì hai cô đã rành rồi. Và đây là SUBJUNCTIVE PAST:

I WERE, YOU WERE, HE WERE, SHE WERE, IT WERE… QA thấy có gì đáng nói ở đây?

QA

QA thấy ở thì SUBJUNCTIVE PAST, tất cả các ngôi thứ nhất (FIRST PERSON), thứ hai (SECOND PERSON), thứ ba (THIRD PERSON), số ít (SINGULAR) cũng như số nhiều (PLURAL) đều là WERE, mà không là WAS trong các ngôi số ít như I, HE, SHE, IT.

BBT

Đúng thế. Chúng ta dùng SUBJUNCTIVE MOOD cho những trường hợp của những điều kiện KHÔNG THỂ XẨY RA, KHÔNG BAO GIỜ THỂ LÀ SỰ THỰC.

IF I WERE YOU chẳng hạn, tôi không bao giờ là anh, là chị được. Điều đó là nhất định rồi. Trúc Giang cho một thí dụ của giả thiết KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ XẨY RA coi.

TRÚC GIANG

IF I WERE IN THE MOON NOW. Hay IF HE WERE MY SON. Cả hai giả thiết đều không bao giờ có thể trở thành sự thực.

BBT

Chúng ta cũng dùng SUBJUNCTIVE MOOD cho những trường hợp RẤT KHÓ CÓ THỂ DIỄN RA. Thí dụ IF I WON THE LOTTERY, I WOULD RETIRE AT ONCE.

QA cho nghe thử hai thí dụ mà cô cho là rất khó có thể diễn ra hay rất khó trở thành sự thực coi.

QA

IF HE KNEW ALL THE ANSWERS, HE WOULD WIN THE NEXT JEOPARDY.

IF WE COULD BE YOUNG AGAIN, WE WOULD GO BACK TO COLLEGE.

BBT

Chúng ta cũng dùng SUBJUNCTIVE MOOD cho những điều chúng ta ước ao, ước mơ xẩy ra, hay những chuyện không thể có thực. Thí dụ I WISH I WERE IN AUSTRALIA RIGHT NOW. Hay I WISH I HAD A BROTHER LIKE HIM.

Một chi tiết khác chúng ta nên biết, đó là khi đưa ra những đề nghị hay đòi hỏi, thì ngôi thứ BA số ít bao giờ cũng là INFINITIVE không có TO đi trước.

Thí dụ WE INSIST THAT HE IS ON TIME là sai. Phải nói là WE INSIST THAT HE BE ON TIME. Trúc Giang làm thử một câu dùng SUBJUNCTIVE MOOD với ngôi thứ BA coi.

TRÚC GIANG

THEY SUGGEST THAT SHE STUDIES DENTISTRY.

BBT

Câu đó không đúng. Trúc Giang sửa lại đi.

TRÚC GIANG

Thế thì cháu nói THEY SUGGEST THAT SHE STUDY DENTISTRY có đúng không?

BBT

Vậy mới đúng.

QA

Có phải vì thế mà câu đầu của quốc ca nước Anh mới là GOD SAVE THE QUEEN thay vì GOD SAVES THE QUEEN không thưa thầy?

BBT

Đúng vậy. Trong những trường hợp chúng ta bầy tỏ sự ao ước, hay những điều chúng ta muốn xẩy ra, chúng ta cũng dùng SUBJUNCTIVE MOOD như trong những câu chúng ta đã nghe nhiều lần:

COME WHAT MAY chứ không nói COMES WHAT MAY; TILL DEATH DO US PART thay vì TILL DEATH DOES US PART; SO BE IT mà không nói là SO IS IT; hay PEACE BE WITH YOU mà không nói PEACE IS WITH YOU… vân vân. Còn rất nhiều nữa không thể kể ra hết ở đây.

Vậy là tạm đủ về SUBJUNCTIVE MOOD. Hôm nay, tôi muốn nói về một cách đặt câu mà hai cô sẽ thấy là rất dễ dùng và rất tiện dụng. Đó là IT IS+ADJECTIVE+TO. Hai cô sẽ tự đặt lấy những câu xác định (AFFIRMATIVE), phủ định (NEGATIVE) và nghi vấn (QUESTION) với cách đặt câu này. Tôi sẽ cho một thí dụ trước:

IT IS POSSIBLE TO TRAVEL FASTER THAN THE SOUND. Đó là AFFIRMATIVE.

IT IS NOT POSSIBLE TO TRAVEL FASTER THAN THE SOUND. Đó là NEGATIVE.

IS IT POSSIBLE TO TRAVEL FASTER THAN THE SOUND? Đó là QUESTION.

Trúc Giang dùng DIFFICULT nghĩa là khó khăn cho ba câu như vậy coi.

TRÚC GIANG

IT IS DIFFICULT TO FIND A NEEDLE IN THE HAYSTACK.

IT IS NOT DIFFICULT TO FIND A NEEDLE IN THE HAYSTACK.

IS IT DIFFICULT TO FIND A NEEDLE IN THE HAYSTACK?

BBT

QA cho nghe thí dụ với UNDERSTANDABLE nghĩa là có thể hiểu được coi.

QA

IT IS UNDERSTANDABLE TO HATE COMMUNISM.

IT IS NOT UNDERSTANDABLE TO HATE COMMUNISM.

IS IT UNDERSTANDABLE TO HATE COMMUNISM?

BBT

Trúc Giang đặt ba câu với NORMAL nghĩa là tự nhiên, bình thường coi.

TRÚC GIANG

IT IS NORMAL TO LOVE SOMEBODY KIND AND NICE TO YOU.

IT IS NOT NORMAL TO LOVE SOMEBODY KIND AND NICE TO YOU.

IS IT NORMAL TO LOVE SOMEBODY KIND AND NICE TO YOU?

BBT

QA cho nghe thí dụ với WONDERFUL nghĩa là tuyệt diệu coi.

QA

IT IS WONDERFUL TO HEAR GOOD NEWS FROM THEM.

IT IS NOT WONDERFUL TO HEAR GOOD NEWS FROM THEM.

IS IT WONDERFUL TO HEAR GOOD NEWS FROM THEM?

BBT

Trúc Giang cho nghe thí dụ với GOOD coi.

TRÚC GIANG

IT IS GOOD TO GET A JOB WITH THIS COMPANY.

IT IS NOT GOOD TO GET A JOB WITH THIS COMPANY.

IS IT GOOD TO GET A JOB WITH THIS COMPANY?

BBT

Ngoài ra, hai cô cũng có thể đặt hàng trăm câu khác với FORGIVABLE, BELIEVABLE, UNDERSTANDABLE, BETTER, BEST … vân vân.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

February 8, 2012

February 10, 2012

Ngày 6 tháng 1 năm 2012

Bạn ta,

Mới đây, tại một tòa án ở Florida, người phụ nữ, nguyên đơn đã xin li dị người chồng, và lý do bà nêu ra tại tòa là vì người chồng không biết kích thước quần áo, giầy dép của người vợ. Tòa đã cho phép hai người chia tay, lỗi về phần người chồng.

"Anh nói anh yêu tui, mà anh biết tui đi giầy số mấy hông?" Nhiều người sẽ chết ngay ở câu này. Không trả lời được thì cái tội tệ bạc, không ngó ngàng gì đến vợ sẽ bị quàng lên cổ, hết lối thoát.

Mà nếu trả lời đúng được câu đầu dễ ợt này, thì câu số hai chắc chắn sẽ còn khó thoát hơn nữa.

"Anh biết... của tui số mấy không? 32, 34 hay 36? Mà A, B hay C, hay D nào?"

Không trả lời được câu này, tội to hơn khi không trả lời được câu hỏi về giầy số mấy rất nhiều. Tiếng trách móc sẽ lớn hơn, lời than phiền sẽ nặng hơn... "Anh không lý gì đến tui hết. Sống với nhau bằng ấy năm, bao nhiêu lần... mà anh vẫn không biết tui mặc số mấy, "cup" gì thì anh có thương yêu tui bao giờ đâu... Có hỏi anh rằng tui mặc của hãng nào chắc anh cũng không biết thôi... Ừ thế của tôi là Playtex, Olga, Warner's, Bali, Vanity Fair, Delicates, Victoria's Secret, Cacique, hay Lou... nào? Anh không biết à? Vậy thì anh coi tui là gì của anh chứ? Là sex object của anh chắc...Sao anh rành mấy cái khóa thế? Khóa trước, khóa sau anh mở cái một, không chờ tui... mở hộ cho nó tình tứ gì hết... Nhưng hỏi số mấy thì không biết... Sao mà tui khổ thế này hở Giời cao, đất dầy ơi! Cái gì, anh nói 36 D hả... thôi chết rồi, tui đâu có... thô tục như thế bao giờ? Hay là của con đĩ chó nào, của con mèo mả gà đồng nào? Anh với nó... bao nhiêu lâu rồi mà tui không biết? Phải rồi, tự nhiên sao Victoria's Secret lại cứ gửi catalogue về nhà cho anh? Anh mua cho con đĩ chó bao nhiêu cái 36 D rồi? Nói tui nghe coi... Đừng có giả bộ đọc báo nữa... Ra tui hỏi đây... Là người chồng tốt thì phải biết kích thước của vợ chứ ... lương phu thì phải biết tui mặc nịt vú số mấy chứ... Tại sao anh ăn ở bạc bẽo với tui như thế? Tui thì biết anh mặc sơ mi cổ 16 rưỡi, tay 32, quần thì bụng 38, inseam 30, giầy 9 rưỡi... mà anh nỡ lòng nào không biết tui mặc nịt vú số mấy... Anh đi hỏi mọi người coi như vậy có là chồng tốt hay không? Ối Giời đất ơi..."

Nhưng đúng vào lúc có vụ li dị này, thì nước Mỹ cũng đang ở trong tuần lễ gọi là National Bra Fit Week, tuần lễ kêu gọi phụ nữ đi thử lại nịt vú để mặc cho đúng số, khỏi nhỏ quá, khỏi lớn quá cỡ … thợ mộc. Và nhờ đó, một số người sẽ thoát hiểm.

Từ mấy hôm nay, mở tờ báo nào ra cũng thấy những quảng cáo nịt vú. Và theo các chuyên gia có giấy chứng nhận thị thực đàng hoàng (Certified Fitting Consultants) mà các department store như Macy's thuê để giúp các phụ nữ tìm được những chiếc nịt vú vừa vặn thì hầu hết (80%) phụ nữ không mặc đúng số -- wrong size.

Những người đàn ông bị hạch hỏi cứ để cho những câu mè nheo đến đoạn tạm nghỉ, thì nhẹ nhàng đẩy cái quảng cáo với con số thống kê 80% mà các chuyên gia này cho biết (rằng phụ nữ không mặc nịt vú đúng số) là thoát.

Hey... 80% các đương sự tự tay chọn nịt vú cho chính mình còn chọn sai bét, thì chúng tôi làm sao đúng cho được mà đòi chúng tôi phải biết?

Nhưng cách hay nhất là tối nay, về mở tủ áo ra coi lại vài ba cái cho chắc ăn, lẩm nhẩm cho thuộc cả size (số) lẫn cup (chữ) để khi bị hỏi còn có thể trả lời bằng giọng rất bình thản cho mẹ cháu vui. Mà mình thì toàn thây.


Ngày 7 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Bây giờ thì tôi có thể đồng ý với bạn là đàn ông có giá, nhưng theo chỗ tôi biết thì cái giá đó, tính ra hiện kim, không được bao nhiêu.

Cũng may là sau cái giá lần đầu (?) không là bao nhiêu ấy, những lần sau, giá của những người đàn ông lại tăng lên chứ không hạ xuống như trong những dịch vụ buôn bán thông thường khác.

Ít nhất cũng là theo lối hiểu của tôi.

Sở dĩ bây giờ tôi đồng ý với bạn về chuyện đó là vì tôi mới đọc được cái quảng cáo của một văn phòng luật sư trong một tờ báo Việt ngữ ở đây. Văn phòng luật sư này hình như chuyên lo dịch vụ cung cấp vị hôn phu cho các phụ nữ, vì quảng cáo ghi rõ như thế này: "Fiancé, Giá đặc biệt cho khách mới $ 1,000."

Như vậy, fiancé, vị hôn phu, người đàn ông mà người phụ nữ đính hôn để lập hôn thú --the man to whom a woman is engaged to be married-- như định nghĩa đọc được trong cuốn Webster's New World Dictionary tôi vẫn dùng, ấn bản năm 1976, trang 518, giá chỉ có một ngàn Mỹ kim, mà đó là giá đặc biệt dành cho khách mới, chứ khách đã vài ba lần, thì giá có thể cao hơn, không còn là một ngàn nữa. Cao đến đâu thì quảng cáo không cho biết.

Lần đầu tiên, để khuyến khích phụ nữ lập hôn thú, văn phòng luật này kiếm cho các thân chủ những người đàn ông sẵn sàng ký giấy với các nàng, giá mỗi chàng là một ngàn Mỹ kim. Như thế là rẻ chán. Số tiền ấy còn ít hơn là tiền đặt cọc để mua một chiếc xe hơi. Mà có nguyên một người đàn ông để... lái cho điên luôn, như một lối nói của người Mỹ: to drive him crazy.

Nhưng nếu không hài lòng, các thân chủ của văn phòng có thể mang những người đàn ông này trả lại, và được bồi hoàn lại số tiền một ngàn đó, không ai hỏi han thắc mắc gì hết. Nếu các thân chủ muốn nhờ văn phòng giúp thêm lần nữa, thì lúc ấy, văn phòng sẽ có giá mới, cao hơn, vì thân chủ không còn mới nữa, không còn là lần đầu tiên nữa, đúng như câu đọc được trong quảng cáo: Giá đặc biệt cho khách mới $1,000. Khi nói khách mới, nghĩa là cũng có những khách cũ. Khách cũ là những người tới nhờ văn phòng hơn một lần. Mang về thử thấy không hợp, dắt tay đem lại trả về nguyên quán, nhờ kiếm cậu khác.

Chuyện này chắc phải xẩy ra nhiều lần nên văn phòng mới nói rõ lần đầu, giá đặc biệt một ngàn, lần sau, tính giá khác. Giá khác là thêm vài chục, một trăm hay hai trăm? Thêm bao nhiêu đi chăng nữa thì những người đàn ông cũng thấy tủi thân quá sức.

Trong khi đó, fiancée (có 2 chữ "E" ở cuối ) chắc phải mắc hơn nhiều. Mà từ đời Gia Tĩnh nhà Minh, cũng đã đắt lắm, bây giờ chắc phải hơn thế nhiều. Thời ấy, tài, sắc, nụ cười, chữ trinh... mỗi món đều được đặt giá là nghìn vàng hết như trong những câu Kiều: thân nghìn vàng để ô danh má hồng (854); một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa (826); tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân (1456); nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài (1990); nghìn vàng gọi chút lễ thường (2347); nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao (2804); chữ trinh đáng giá nghìn vàng (3095)...

Trong khi lần đầu tiên, vào thời gạo châu củi quế đắt đỏ như thế này, đàn ông được đặt giá có một ngàn Mỹ kim, mà tất cả đều vào túi luật sư hết chứ chính các fiancée thì không được cho dù là một xu đỏ.

Và đó là chuyện bất công không thể nói sao cho hết được. Tại sao những cuộc biểu tình chống Ngân Hàng Thế Giới và Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế từng làm tê liệt một vài khu phố ở thủ đô nước Mỹ không quay sang tranh đấu giúp chống lại những bất công trong cách đối xử này một chút.

Nếu đoàn biểu tình chuyển mục tiêu tranh đấu đi để dẹp bỏ chuyện bất công trong cách định giá như trên, thì nhất định không chỉ vài khu phố ở thủ đô bị nghẽn, mà có khi cả thủ đô sẽ kẹt cứng luôn. Không thể dung thứ những bất công như thế mãi được.

Không tăng giá cho chúng tôi, chúng tôi không chịu làm phi ăng xê nữa thì lúc đó chỉ có khóc.

Nhưng tại sao quảng cáo không thấy đưa ra giá biểu của các fiancée ( có 2 chữ "E" ở cuối), mà chỉ thấy có giá của các fiancé ( có 1 chữ "E" ở cuối)? Hay đó là vì các fiancée (có 2 chữ "E" ở cuối) hoàn toàn miễn phí? Khách mới hay khách cũ thì cũng... miễn phí cả?


Ngày 8 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Chúng ta đã có tử vi nam nữ xem chung, tiệm hớt tóc unisex cắt cho cả đàn ông lẫn đàn bà, bít tất one size fits all cỡ chân nào đi cũng được, những chiếc mũi plastic cùng một kiểu ngự trên những khuôn mặt phụ nữ ở California, những thứ thuốc trị bá chứng của các ông thầy thuốc quảng cáo trên báo từ nhiều năm nay thì cớ gì chúng ta không có những chữ dùng cho mọi trường hợp?

Chữ "tốt" mà người đàn ông già nọ hay dùng, rồi cả đống đàn em ngu dốt của ông ta bắt chước dùng theo nhắng lên một hồi, nay đã bắt đầu biến đi để chúng ta đỡ phải nghe cái chữ nguyên là một tĩnh từ, được dùng làm trạng từ một cách rất khó chịu như lao động tốt, học tập tốt, làm tốt vân vân.

Bây giờ có hai chữ cũng đang trên đường được dùng một cách văng mạng, bừa bãi, thiếu suy nghĩ và lười biếng, là hai chữ "sâu sắc".

Hai chữ này không mới mẻ gì, nhưng ngày nay chúng được dùng thường hơn, với những nghĩa mới, đi ra khỏi những định nghĩa và cách dùng nguyên thủy của chúng.

Tự điển Khai Trí Tiến Đức định nghĩa sâu sắc là sâu và sắc. Tự điển Lê Văn Đức định nghĩa là sâu và sắc bén, có thêm nghĩa khôn ngoan và hiểm độc. Tự điển Thanh Nghị định nghĩa là thâm trầm, thâm thúy. Hai chữ này trong vai trò tĩnh từ đi sau những danh từ như ý tưởng, thì nó có nghĩa là thâm thúy; đi sau danh từ mưu mẹo, thì nó nghĩa là khôn ngoan, có khi là hiểm độc; đi sau một người, nó có nghĩa là thâm trầm.

Ngày nay hai chữ "sâu sắc" được đem dùng làm trạng từ, phụ nghĩa cho động từ để khoác thêm những ý nghĩa mới. Trong một bài viết của ông Nguyễn Minh Cần (Chuyện Nước Non, Văn Nghệ xuất bản năm 1999) hai chữ này xuất hiện rất gần nhau, tất cả ba lần: tình cảm nồng thắm, sâu sắc (trang 230); vết thương lòng sâu sắc (trang 231); để lại những dấu vết sâu sắc (trang 234).

Trong những trường hợp vừa kể, thì việc dùng hai chữ này cũng không có gì quá đáng để nêu ra. Có chăng là chúng xuất hiện quá gần nhau, trong cùng một bài viết. Người viết văn nên tránh làm như thế. Nhưng ở những chỗ khác trong các báo chí hay ngôn từ của nhiều người, hai chữ "sâu sắc" có vẻ đang được bạ đâu dùng đó. Thay vì tìm những chữ thích đáng hơn, thì tiện tay, người ta kéo hai chữ này vào như lối trị bệnh bằng... noni nhàu vậy.

Thí dụ thay vì nói hai chính phủ bất đồng nghiêm trọng, thì người ta quăng hai chữ "sâu sắc" vào cho khỏi mất công nát óc: hai chính phủ bất đồng sâu sắc. Trong trường hợp này, sâu sắc mang ý nghĩa tiêu cực, không mấy tốt đẹp.

Nhưng hai chữ này cũng lại được dùng trong trường hợp ý nghĩa tốt đẹp, tích cực: hai bên đã quan hệ sâu sắc với nhau. Có cần phải lười biếng lôi đại "sâu sắc" vào trong khi chúng ta đã có trạng từ "thắm thiết" vẫn dùng bao lâu nay không?

Tại sao phải nói là thay đổi sâu sắc trong khi có thể nói thay đổi quan trọng, thay đổi từ cốt lõi, thay đổi từ căn bản? Tại sao phải nói ảnh hưởng sâu sắc trong khi có thể nói ảnh hưởng nghiêm trọng? Tại sao phải nói mâu thuẫn sâu sắc trong khi có thể nói mâu thuẫn cơ bản, mâu thuẫn nặng nề?

Tại sao phải làm cho ngôn ngữ nghèo đi bằng lối viết, lối nói "xuống cấp" như thế? Tại sao phải bỏ bao nhiêu trạng từ, tĩnh từ chính xác hơn, đích đáng hơn, đúng hơn, hay hơn, phong phú hơn, thích hợp hơn đã có sẵn bằng hai chữ "sâu sắc" vừa nghèo nàn vừa bầy ra sự lười biếng của người sử dụng tiếng nói?


Ngày 9 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Ở Mỹ, khi cảnh sát chặn một người và muốn đưa người ấy về bót, quàng cho vài ba tội, thì cảnh sát có nhiệm vụ phải đọc rõ những lời cảnh cáo, cũng có thể là những nhắc nhở về quyền của người ấy trước khi hỏi đương sự một số câu hỏi. Nó là Miranda Rights. Nó nhắc cho những người gặp rắc rối với luật pháp, và với nhân viên công lực rằng họ có quyền giữ im lặng, họ có quyền có luật sư ở bên cạnh và nếu không có khả năng thuê luật sư, nhà chức trách sẽ chỉ định luật sư cho họ, và những lời họ khai với cảnh sát sẽ có thể được đem dùng ở tòa để kết án họ sau này.

Miranda Rights bảo vệ cho những người vô tội, bị hàm oan, đồng thời đảm bảo nước Mỹ không trở thành một nước cảnh sát trị, một điều mà ai cũng sợ.

Nhưng cũng có những trường hợp những lời khai tự nguyện sau đó bị đem ra dùng để kết tội, hay đương sự không có quyền giữ im lặng và khi bị tra hỏi không được có luật sư bên cạnh.

Những lời khai, những lời tự thú, những câu chuyện kể trong những lúc vô tình nhất, từ những thuở hồng hoang xa lắc, từ thời tiền sử,( tức là trước khi có con Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng), vẫn có thể bị lôi ra để kết án, để gây khó dễ, độc ác và dễ sợ còn hơn cảnh sát và công tố viện, thì chưa thấy một nỗ lực nào được đưa ra để bảo vệ những trường hợp đáng thương đó.

Thí dụ trong một lúc đương sự đang vui, thì được / bị hỏi là hồi đi du học, có bao giờ đi nhẩy đầm không chẳng hạn. Đương sự có thể hồn nhiên trả lời là có, nghĩ rằng ai chẳng đi nhẩy đầm, thì sau đó, vài năm, năm năm, mười năm, thế nào cũng có bữa chuyện nhẩy đầm với mấy con... Kangaroo và Koala ở Úc bị lôi ra để nhiếc móc, xỉa sói. Ối chao ơi, hồi ấy tôi ở nhà, có người chặn tôi ở cửa trường, đưa "phong thư tình ngây dại," tôi nhất định không nhận vì tôi nghĩ đến anh ở bên ấy một mình vò võ đi về khu học xá, ai ngờ anh đi nhẩy đầm tối ngày với chúng nó... lại còn nhẩy xì lô đi bộ nữa chứ đâu có thèm paso doble hay bossa nova, bebop cho nó xa xa hộ tôi một chút... Thôi, anh đi ra ngoài phòng khách mà ngủ đi... Bỏ cái tay dơ dáy ôm mấy con đầm Úc béo ú ra, đừng có đụng vào tôi nữa...Ối giời ơi, thảo nào cứ ư ử than thở thôi em xanh mắt bồ câu / vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau (thơ Cung Trầm Tưởng)... Sao không đi hầu hạ chúng nó ngay kiếp này đi cho tôi bình yên...

Mà giữ im lặng cũng không được. Cái tội khinh bỉ, coi thường, nhục mạ thẩm phán được quàng ngay vào cổ. Mà mở miệng nói thì thế nào cũng hố. Mà hố thì chỉ có chết đứ đừ.

Rồi thêm kiểu hỏi cung đúng theo lối hỏi tù ở những gulag mà Solzhenitsyn đã tả: dựng cổ dậy hỏi vào lúc ba giờ sáng, khi bộ máy tự vệ mỏi mệt nhất, dễ nhận tội bị đổ lên đầu nhiều nhất thì kiếm đâu ra luật sư để ngồi cạnh cố vấn trả lời?

Các thứ lời khai, các chi tiết moi móc được ở tất cả mọi nơi, từ bạn bè thân quen đến sơ giao đều được ghi chép đầy đủ vào những bộ nhớ mấy trăm megabyte, lúc nào cũng có thể lôi ngay ra được để buộc tội thì ai mà cứu nổi?

Có cần phải bắt những người hỏi cung đó đọc cho nạn nhân nghe mấy câu tương tự như Miranda Rights không? Có cần nhắc cho các nạn nhân này biết rằng họ được quyền giữ im lặng, tất cả những gì nói ra đều có thể bị đem ra buộc cho đủ mọi thứ tội sau này, rằng đương sự có quyền được có luật sư ngồi cạnh, nếu không có tiền thuê luật sư thì ráng chịu không?

Tôi nghĩ là có. Chứ mấy cái lời khai với cảnh sát, ra tòa, có luật sư giỏi vẫn thoát như OJ Simpson. Chỉ những nạn nhân của những vụ hỏi cung ở nhà mới tan xác mà thôi.

Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện lúc chúng tôi cần thì chẳng thấy ma nào hết. Chán thế đấy...


Ngày 10 tháng 2 năm 2012

Bạn ta,

Nếu các trường chúng ta học ở Việt Nam mấy chục năm trước cũng áp dụng những hình phạt hệt như một học sinh lớp 6 của một trường học ở Mamaroneck thuộc tiểu bang New York vừa nhận được, thì không biết chuyện học hành của chúng ta đã ra sao.

Vì bạn và tôi đều đã làm đúng những chuyện em học sinh này đã làm, nhưng hình phạt mà trường cho áp dụng với em thì phải nói là quá đáng, nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận lãnh hồi đó rất nhiều. Hình phạt không tương xứng với tội... ác của em chút nào.

Em học sinh này bị đuổi 5 ngày, sau đó, số ngày bị đuổi được rút lại còn 3, và đã trở lại trường. Đó là sau khi cha mẹ em thuê luật sư kiện khu học chính.

Tội ác của em học sinh 11 tuổi này? Em xuyên tạc mấy câu hát, hay cũng có thể em nghe người khác, rồi bắt chước hát lại, cho hai nữ sinh cùng lớp nghe.

Câu hát nguyên thủy là từ một ca khúc Jim Reeves hát hồi những năm 60 mà tôi chắc bạn cũng biết, bài Roses Are Red. Đoạn đầu của bài nhạc đồng quê Mỹ này có mấy câu như sau:

Roses are red
Violets are blue
Sugar is sweet
But not as sweet as you...

Hoa hồng thì đỏ, hoa đổng thảo thì tím, đường thì ngọt, nhưng vẫn không ngọt bằng em... một thứ ca dao theo thể hứng, nhìn thấy cảnh, vật rồi dựa vào để lấy hứng mà nói ra ý của mình.

Đây là một kiểu tán tỉnh hơi nhà quê một chút. Nhưng cậu nhỏ ở trường Mamaroneck không hát đúng những lời ca đó, mà sửa lại thành: Roses are red / violets are black/ your chest is as flat as your back...

Hoa đổng thảo được đổi thành mầu đen (black) để hợp với "back" ở cuối, và câu cuối được đổi hẳn thành your chest is as flat as your back, nghĩa là trước sau như một, chung thủy hoàn toàn, phẳng lì như sàn đá hoa, không có đồi núi gì hết trơn hết trọi...Hai nữ sinh này bực lắm, về mách cha mẹ, nội vụ được đưa ra trước ban giám đốc, và tên học sinh hát bậy bị đuổi học một tuần.

Hình phạt của chúng ta cho những tội ác tương tự hồi đó, nhiều lắm, là bị thầy giáo hay cô giáo quất cho mấy cái thước kẻ vào đít, cầm cái thư của thầy hay cô giáo viết về về nội vụ cho bố ở nhà ký nhận, và lãnh thêm một trận đòn quắn đít lại là xong, cho đến khi học được câu hát xuyên tạc mới hơn, tối tân hơn, tục tĩu hơn. Thí dụ câu ngợi ca mùa hè, khi chạy qua phố hàng Bông, trong có mặc một món đồ lót... Hay câu ví anh như một con vật nuôi trong nhà, em cũng như một con vật khác nuôi trong nhà, hai con cắn nhau, rồi lại "anh như trời đánh, em như thánh đâm sao không lấy nhau..." thay cho những lời ca nguyên thủy trong sáng của Hùng Lân trong bài Hè Về và lãng mạn Nguyễn Văn Tý trong bài Dư Âm...

Những hình phạt đó tuy không nặng bằng hình phạt dành cho cậu nhỏ ở New York nhưng nó cũng làm thui chột đi bao nhiêu tài năng đặt lời hát của nền văn học nghệ thuật chúng ta. Tiếc biết chừng nào.

Hình phạt của chúng ta có thể được nhẹ đi một chút vì chúng ta chỉ hát một mình, không may lọt vào tai người lớn, chứ chúng ta là những đứa trẻ rất hiền lành, không bao giờ ngỗ nghịch đem hát cho những cô bạn nhỏ của chúng ta nghe bao giờ. Cậu nhỏ ở New York thì có hư đốn thật. Ai lại chê bạn cùng lớp là... dẹp như cái pan cake, là phẳng lì, là phía trước cũng hệt như sau lưng, là tiền hậu như nhất, là trước sau như một, là thủy chung, là chung thủy, là loài bò sát không "dú" .

Tội đó đáng bị phạt nặng hơn những hình phạt chúng ta nhận, nhưng không thể là bị đuổi học một tuần như thế.

Sở dĩ cậu bé bị nặng là vì theo nhà trường, cậu đã sách nhiễu tình dục (sexually harassed) hai cô bạn cùng lớp. Cậu bị phạt nặng là phải, mặc dù theo luật sư của cậu, cậu có thể chưa bao giờ nghe thấy danh từ sexual harassment (sách nhiễu tình dục), mà có thể cậu cũng chưa biết sex là gì cũng nên.

Nhưng theo cách giải thích luật của trường, thì những câu mà cậu nói trước mặt hai bạn cùng lớp đã tạo ra một môi trường bất thân thiện, không thích hợp và thuận tiện để cho người bị sách nhiễu sống và làm việc. Ôi chao, dễ sợ vậy sao?

May làm sao khi chúng ta bằng tuổi cậu, ý niệm sách nhiễu tình dục chưa có trên thế giới, nên chú nhỏ hàng xóm nhà tôi ở phố Sinh Từ mới có thể bình thản hát mỗi khi thấy cô bạn nhỏ đầu đường đi qua mấy câu... chẩn bệnh như thế này:

Con gái chơi với con trai
Về sau hái vú bằng hai quả dừa...

Mà chẳng sao cả. Và luôn cả những bài hát khác mà chúng ta vẫn hát một mình trong cái ngõ nhỏ những buổi trưa hè hồi đó. Bây giờ có mà tù mọt gông cả lũ! Vì những câu chúng ta hát thì ác hiểm hơn nhiều.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 131)

NÓI KHÔNG LÀ CÓ, NÓI CÓ LÀ KHÔNG

Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 131 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 5 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, có một khán giả, cụ Toàn ở Buffalo, New York, gửi thư cho chương trình nhờ anh giảng về cách dùng của WOULD RATHER cũng như WOULD RATHER được dùng trong trường hợp nào.

BBT

Tôi xin trả lời ngay là WOULD RATHER được dùng để diễn tả một sự lựa chọn, một điều chúng ta quyết định làm thay vì một việc khác. Thí dụ trước hai việc có thể làm, chúng ta chọn một. WOULD RATHER được dùng với việc chúng ta lựa chọn đó. Giữa việc đi ăn sushi và đi ăn cơm Thái, nếu chọn sushi thì chúng ta dùng WOULD RATHER GO TO A JAPANESE RESTAURANT.

Cô Thúy, các con của cô đề nghị đi xi nê nhưng cô thì lại thích ở nhà xem TV hơn thì cô nói thế nào?

LÃM THÚY

BETWEEN GOING TO THE MOVIE AND STAYING HOME TO WATCH "DANCING WITH THE STARS", I WOULD RATHER STAY HOME.

BBT

Đúng rồi. Còn QA, cho nghe một thí dụ với WOULD RATHER coi.

QA

I WOULD RATHER GO TO CANADA FOR MY VACATION. WHAT WOULD YOU RATHER DO ? WHERE WOULD YOU RATHER VISIT, MISTER BUI?

BBT

I WOULD RATHER GO TO TIBET. I WOULD RATHER NOT GO TO CHINA.

Như vậy, hai cô đã nghe WOULD RATHER trong câu hỏi (INTERROGATIVE): WHAT WOULD YOU RATHER DO?; câu phủ định (NEGATIVE): I WOULD RATHER NOT GO TO CHINA; và câu xác định (AFFIRMATIVE): I WOULD RATHER GO TO CANADA.

Cách đặt câu với WOULD RATHER có hơi kỳ lạ một chút là vì RATHER không phải là một động từ. Theo sau nó luôn luôn là một động từ nguyên mẫu không có TO (INFINITIVE WITHOUT TO).

LÃM THÚY

Thưa anh, có khi Thúy thấy không có WOULD ở trước RATHER. Như vậy là làm sao?

BBT

Trường hợp Thúy nói là khi WOULD được viết tắt. Chắc đó là khi cô thấy I WOULD RATHER được viết tắt thành I’D RATHER. Như thế, WOULD vẫn có mặt đấy chứ, nhưng được viết tắt lại mà thôi. Trường hợp đó rất thường thấy vì trong những câu xác định, người ta thường viết ngắn lại như thế.

QA

Như vậy, WOULD RATHER là TENSE nào vậy thưa anh?

BBT

WOULD RATHER có thể dùng để nói về một thời điểm hiện tại hay một thời điểm trong tương lai cũng được. Thúy cho nghe hai thí dụ một ở lúc này và một thí dụ với một lựa chọn trong tương lai coi.

LÃM THÚY

WE WOULD RATHER KEEP THIS HOUSE FOR THE TIME BEING.

MY COUSIN WOULD RATHER APPLY FOR A TEACHING JOB NEXT YEAR.

BBT

Còn QA?

QA

MY SON SAYS HE WOULD RATHER GO FOR A GRADUATE DEGREE IN COMPUTER SCIENCE.

WE WOULD RATHER HAVE A REPUBLICAN PRESIDENT NEXT TIME.

BBT

Nếu muốn nói đầy đủ cả hai lựa chọn và cho biết chúng ta lựa việc gì, thì chúng ta dùng WOULD RATHER …THAN. Thí dụ giữa hai chuyện đi câu và đi shop, tôi thích đi câu hơn thì tôi sẽ phải nói thế nào, cô Thúy nói thửa coi.

LÃM THÚY

I WOULD RATHER GO FISHING THAN GO SHOPPING.

BBT

Cô nói sai rồi. Cô thích đi shop chứ cô có bao giờ thích đi câu đâu.

QA

THAT’S RIGHT. THÚY WOULD RATHER GO SHOPPING THAN GO FISHING.

BBT

Vậy mới đúng. QA đưa ra hai sự lựa chọn cho các con và hỏi chúng thích cái gì thì cô sẽ hỏi như thế nào?

QA

WOULD YOU RATHER HAVE CÁ KHO TỘ THAN TÔM RIM?

BBT

Đúng rồi, đó là QUESTION FORM. Bây giờ cô Thúy cho nghe một thí dụ NEGATIVE coi.

LÃM THÚY

I WOULD RATHER NOT EAT ANYTHING THAN TRY MUTTON.

BBT

WOULD RATHER cũng được dùng trong những trường hợp chúng ta muốn một người khác làm một việc gì đó. Thí dụ tôi nghe ông ấy nói chuyện chán quá, tôi phải hét lên rằng I WOULD RATHER HIM SHUT UP. Hai cô có bao giờ muốn người khác làm một việc gì đó không?

QA

I WOULD RATHER MY SON STUDIED DENTISTRY.

LÃM THÚY

WOULD YOU RATHER WENT TO AMERICA INSTEAD OF AUSTRALIA?

BBT

Cả ba việc trên đều đã không xẩy ra nên chúng ta mới ước là người kia có một lựa chọn khác nên các động từ đều ở thì quá khứ như HIM SHUT UP, MY SON STUDIED DENTISTRY, WOULD YOU RATHER WENT.

Thay vì dùng WOULD RATHER, chúng ta còn có thể dùng PREFER để nói chúng ta thích làm một việc nào đó hơn một việc khác. Nhưng cách dùng của động từ TO PREFER có khác với WOULD RATHER.

Sau TO PREFER chúng ta có thể dùng một động từ nguyên mẫu (INFINITIVE WITH TO), hay một GERUND tức là một danh động từ tạo thành bằng cách thêm cái đuôi ING vào cuối (VERB+ING). Thí dụ I PREFER TO SPEAK TO MY CHILDREN IN VIETNAMESE thì cũng hệt như I PREFER SPEAKING VIETNAMESE TO MY CHILDREN. Mời cô QA và cô Thúy.

LÃM THÚY

WE PREFER LIVING IN CALIFORNIA. THEY FREFER TO DINE IN A FRENCH BISTRO.

QA

MY NEIGHBOR PREFERS WORKING IN THE GARDEN. THE BOY NEXT DOOR PREFERS TO FIX HIS OLD CAR DURING THE WEEKEND.

BBT

Động từ TO PREFER còn được dùng trong những cấu trúc khác nữa. Thí dụ khi chúng ta đưa ra HAI lựa chọn và muốn nói rõ là chúng ta thích lựa chọn này hơn lựa chọn kia chẳng hạn. Khi đó, chúng ta sẽ dùng cách đặt câu PREFER SOMETHING TO SOMETHING ELSE, như là khi tôi nói I PREFER WINE TO HARD LIQUOR. Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

I PREFER COLD WEATHER TO HOT WEATHER.

QA

AS FOR ME, I PREFER POP MUSIC TO CLASSICAL MUSIC.

BBT

Chúng ta cũng có thể dùng PREFER TO DO SOMETHING RATHER THAN SOMETHING ELSE để nói thích cái này hơn cái kia. Thí dụ I PREFER TO DRINK BLACK COFFEE RATHER THAN COFFEE WITH MILK là tôi thích cà phê đen hơn là cà phê sữa. Mời cô Thúy.

LÃM THÚY

MY DAUGHTER PREFERS TO HAVE A DOG RATHER THAN A CAT.

QA

WE PREFER TO DRIVE A TOYOTA RATHER THAN A HONDA.

BBT

Chúng ta cũng có thể dùng PREFER theo sau là VERB+ING mà ý nghĩa không hề thay đổi. Hai cô nói lại các thí dụ của hai cô với VERB+ING thay vì INFINITIVE WITH TO coi.

LÃM THÚY

MY DAUGHTER PREFERS HAVING A DOG RATHER THAN A CAT.

QA

WE PREFER DRIVING A TOYOTA RATHER THAN A HONDA.

BBT

Tuần qua, một khán giả viết e-mail cho chương trình để hỏi về một kết hợp của động từ SHOULD. Đó là SHOULD HAVE+PAST PARTICIPLE của động từ chính. Hai cô nhớ là động từ đi liền theo sau động từ HAVE bao giờ cũng phải là PAST PARTICIPLE.

Trong cách kết hợp này, SHOULD HAVE+PAST PARTICIPLE, hành động của động từ chính ĐÃ KHÔNG XẨY RA. SHOULD HAVE+PAST PARTICIPLE được dùng để nói về một chuyện trong quá khứ đáng lẽ đã phải xẩy ra, đáng lẽ đã xẩy ra thì hơn, đáng lẽ đã xẩy ra thì tốt hơn nhưng ĐÃ KHÔNG XẨY RA. Chúng ta không cần phải nói điều đó đã không xẩy ra mà người nghe vẫn hiểu là IT DID NOT TAKE PLACE, IT DID NOT HAPPEN. Thí dụ PRESIDENT DIEM SHOULD HAVE LEFT SAIGON AS AMBASSADOR LODGE SUGGESTED. Nhưng tổng thống Diệm có chịu ra đi theo lời đề nghị của đại sứ Hoa kỳ không?

QA

Không nên ông mới bị giết. Như vậy đâu cần phải nói rõ BUT HE DID NOT LEAVE SAIGON mà người nghe vẫn hiểu. QA cũng có thể nói về trường hợp của gia đình QA: WE SHOULD HAVE GONE TO THE US EMBASSY ON THE LAST DAY OF APRIL 1975. Còn Thúy thì sao?

LÃM THÚY

WE TOO, WE SHOULD HAVE GOTTEN OUT OF VIETNAM EARLIER.

BBT

Như vậy, hai cô đều đã hiểu rằng SHOULD HAVE+PAST PARTICIPLE, tuy câu nói ở thể AFFIRMATIVE nhưng ý nghĩa lại là NEGATIVE, tức là nói CÓ nhưng lại KHÔNG. Đáng lẽ đã rời Sài Gòn sớm nhưng thực ra thì đã không rời Sài Gòn ngay cuối tháng 4 năm 1975, cũng như tổng thống Diệm đáng lẽ đã nên ra khỏi Việt Nam ngay nhưng đã không chịu làm theo lời đề nghị của đại sú Mỹ.

Bây giờ, chúng ta đặt câu với SHOULD NOT HAVE+PAST PARTICIPLE. Hai cô để ý động từ trong câu câu sẽ được dùng trong thể PHỦ ĐỊNH với NOT ở sau SHOULD. Thí dụ câu này nhé: MANY AMERICANS THINK THE US SHOULD NOT HAVE GONE TO IRAQ. Vậy thì cô Thúy nghĩ thực ra thì chuyện xẩy ra như thế nào?

LÃM THÚY

Câu thầy vừa nói nghĩa là nhiều người Mỹ nghĩ là nước Mỹ đáng lẽ đã không nên đem quân đi Iraq nhưng sự thực thì Hoa kỳ đã đem quân đánh Iraq. Như vậy, SHOULD NOT HAVE+PAST PARTICIPLE nói KHÔNG nhưng lại là CÓ.

BBT

Đúng là như thế. Nhưng TOO MUCH GRAMMAR WILL MAKE ME ĐÂU CÁI ĐIỀN nên NEXT WEEK, WE WILL TALK ABOUT SOME IDIOMS

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.