June 28, 2012

June 29, 2012


Ngày 22 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Ở Mỹ, khoảng năm 1977, 1978, khi việc cầm được trong tay tờ báo từ trong nước gửi ra còn rất khó, tôi đã đọc được một bài viết khá dài trên tờ Nhân Dân đề cập đến tệ nạn chửi thề và văng tục ở Hà Nội.
Bài báo nói rằng chuyện ăn nói tục tĩu, chửi thề là chuyện hết sức phổ biến, mà ngay cả các nữ sinh viên, luôn cả các giáo sinh sư phạm, các cô giáo tương lai cũng làm. Bài báo còn kể ra khá đầy đủ những câu chửi luôn luôn ở cửa miệng của các thành phần này. Tuy tất cả đều được viết tắt nhưng đọc qua ai cũng hiểu ngay chúng là những câu, những chữ gì. Hiểu ngay và chán nản, và lo sợ, khi thấy nét thanh lịch của đất nghìn năm văn vật Thăng Long đã mất hẳn. Thứ ngôn ngữ ở bến xe, đầu đường xó chợ, cặn bã của xã hội đã thay thế cho lối ăn nói văn vẻ, lịch sự và học thức đã từng một thời của Hà thành ngày trước. Thứ ngôn ngữ của thị Nở, của Chí Phèo mà Nam Cao cực tả đã trở thành ngôn ngữ thường ngày ở đầu môi của luôn cả các nhà giáo tương lai.
Nếu nói rằng ngày xưa ở miền Nam, người ta không chửi thề và không văng tục là không đúng. Cũng có chửi nhau, người ta cũng mời nhau ăn đủ thứ của ngon vật lạ, gọi nhau bằng những danh từ nôm na nhất thường dùng để chỉ một số bộ phận kín đáo, hay cầu mong cho những điều tồi tệ nhất xẩy ra cho phía bên kia, cho các thành viên gia đình của đối phương, bao gồm nhiều đời trước cũng như sau, hay đề nghị làm một số chuyện rất bất kính với tiền nhân của phía bên kia vân vân.
Nhưng những thứ ngôn ngữ đó thường chỉ thấy ở một thành phần, giai cấp nào đó trong xã hội.
Học sinh miền Nam cũng có chửi thề và nói tục. Điều đó có thật. Nhưng các nữ sinh thì gần như không bao giờ. Chuyện học sinh chửi thề, văng tục thì cũng chỉ thấy ngoài lớp học, trong sân chơi, ngoài cổng trường, những lúc bỏ lớp trốn học, lêu bêu trên đường phố. Chửi thề và văng tục là một chuyện bình thường trong tiến trình trưởng thành của các thanh, thiếu niên. Chửi thề và nói tục cũng là cách để xả bớt những ẩn ức, bất mãn, bực bội trong đời sống. Nhưng vào lớp, về nhà, trước mặt người lớn, cả với người lạ thì luôn luôn có nỗ lực tự chế.
Nói chung, người Việt Nam chửi thề và nói tục rất nhiều. Võ Phiến đã đưa ra nhận định như thế trong một tùy bút của ông. Nhưng không thấy Võ Phiến nói về thói quen này nơi các phụ nữ, những thành phần có học thức, văn hóa ở miền Nam.
Tuần qua, tờ Tuổi Trẻ trong nước có đăng liên tiếp mấy bài về chuyện văng tục và chửi tục ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội.
Bài báo thuật lại từng chữ của một câu chửi như thế này:" Ê, Đ.M. con Linh đến rồi kìa. Con mặt l. này làm đ. gì mà lâu thế."
Chỉ với hai câu, người ta tìm được 3 tiếng tục tĩu. Đó là một đoạn nghe được tại một quán nước ở cạnh khu Nhà Thờ Lớn thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trong một số báo sau đó, một độc giả cho biết trò chửi thề, văng tục được thấy cả ở các học sinh lớp 2 và lớp 3. Một lá thư khác viết cho tòa báo thì nói các học sinh lớp 4 và lớp 5 cũng chửi thề văng tục dữ dội. Lớp 2 và lớp 3, lớp 4, lớp 5 là các lớp tiểu học.
Tuổi học các lớp đó là 7 tuổi đến 10 tuổi. Tôi cố nhớ lại hồi tiểu học, ở các lớp tương đương với các lớp 2,3,4 và 5 bây giờ tôi biết những gì. Cố mãi mà cũng chỉ nhớ là biết được khoảng 5 hay 6 tiếng tục học lóm từ những người bạn nhỏ ở trường, của nhà hàng xóm khi ông đội xếp tên là Mậu đánh chửi bà vợ mỗi tối. Biết thôi, chứ không đem dùng bao giờ. Ở trường và trong lớp đã đành. Ở nhà, dưới cái hẻm bên cạnh nhà với mấy người bạn nhỏ cùng xóm thì lại càng không. Câu đe dọa dễ sợ nhất của một người bạn, câu "Ông cáo bố mày là mày ăn roi mây chết nát đít con ơi!" cũng đủ để răn đe chàng thiếu niên Hà thành bỏ ngay mấy câu chửi thề tục tĩu mới học được ở sân trường. Ghê khiếp lắm thì chàng cũng chỉ có câu " Ô lê manh (haut les mains), anh mày chết, chị mày đui… một chọi một lên Cột Đồng Hồ…" mặc dù không hề biết đường lên Cột Đồng Hồ ra làm sao.
Nhưng hậu sinh ngày nay rất là khả úy. Mới nứt mắt 7, 8 tuổi đã văng tục chửi thề, đòi mây mưa với mẹ của bạn thì giỏi thật.
Tại sao lại có tình trạng như báo Tuổi Trẻ cho biết?
Chuyện bình thường của những năm mới lớn? Cũng có.
Bực bội, phẫn uất, bất mãn trong đời sống? Rất nhiều.
Nền giáo dục đã hoàn toàn phá sản? Rất đúng. Giáo viên không khả năng, cách giảng dậy dốt nát, gian lận thi cử trở thành chuyện bình thường ở khắp nơi, đạo đức gia đình băng hoại …
Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ vẫn duy trì một mục có tựa là Theo Gương Bác. Đọc mục này, người ta thấy những bài có tựa đề như "30 Năm Tôi Đi Tìm Hồ Chí Minh", "Bốn Chữ "Thật" Trong Di Chúc Hồ Chí Minh", "Tấm Gương Đạo Đức Hồ Chí Minh", "Hoạt Động Theo Gương Bác", "Hồ Chí Minh Trong Tôi", "Học Bác Về Thái Độ Trước Cái Xấu", "Tình Bác Sáng Đời Ta", "Học Tập Theo Tấm Gương Đạo Đức Hồ Chí Minh"
Mẹ kiếp học nhiều thế để rồi trở thành một lũ cháu mất dậy, khốn nạn ăn nói vô giáo dục như vậy sao?
Học được cái gì của một tên vồ vợ của Lê Hồng Phong, hại bao nhiêu đồng chí, bán Phan Bội Châu cho Pháp, thuổng thơ của người khác nhận là của mình, già đời người còn đòi gái trẻ, con rơi con rớt hai ba đứa, sai đàn em giết đào nhí ném ở đê Yên Phụ…
Hay nhờ học được những thứ đó nên bọn cháu ngoan Bác Hồ mới trở thành một lũ khốn nạn, mất dậy giàn trời, ngôn ngữ kinh khủng như thế?

Ngày 23 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Một cuộc khảo sát hồi cuối năm ngoái đã cho thấy trình độ học sinh trong nước tồi tệ đến mức độ nào.
Thực ra phải nói là các giáo viên dốt đến mức độ nào mới đúng.
Người ta đã tới một kết luận như thế sau khi đọc một bài báo có tựa nguyên văn như thế này: "Giáo Viên Ngoại Ngữ Không "Thông" Ngoại Ngữ."
Tựa bài báo đã nói được hết. Và đây không phải là một tờ báo phản động hay một tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại. Bài báo xuất hiện trên tờ Công An Nhân Dân, tờ báo của Đảng Ủy Công An Trung Ương và Bộ Công An xuất bản ở Hà Nội. Không còn có thể nói đó là một bài báo do "kẻ xấu" viết để "bôi bác chế độ" và các sinh hoạt ở trong nước.
Dậy ngoại ngữ mà không "thông" ngoại ngữ thì dậy cái gì bây giờ?
Cuộc khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 40% giáo viên dậy tiếng Anh ở Việt Nam ngày nay có thể nghe và hiểu các bài giảng của các chuyên gia giảng dậy. Khoảng 30% hiểu được chừng một nửa các bài giảng và khoảng 30% thì không hiểu gì hết.
Các chuyên gia giảng dậy đây là các giáo sư ngoại quốc, có thể là các giáo sư Anh, Mỹ, Úc được thuê mướn để huấn luyện các giáo sư Việt Nam về tiếng Anh.
Như vậy, khoảng 30% không hiểu gì hết nhưng vẫn được đưa vào lớp để dậy tiếng Anh cho các học sinh. Khoảng 30% khác (những người lĩnh hội được 50% bài vở của các giáo sư ngoại quốc) cũng được cho dậy. Chỉ có 40% là có khả năng thực sự để dậy Anh ngữ. Bài báo cho biết tình trạng này không phải chỉ thấy ở các tỉnh miền núi, mà người ta gặp cả những thầy cô loại này ở cả Sài Gòn và Hà Nội.
Thế thì ở các tỉnh nhỏ thì tiếng Anh được dậy như thế nào?
Chuyện dậy học không thể cứ "sỏi đá cũng thành cơm" được. Không biết tiếng Anh thì không thể dậy tiếng Anh được. Theo bài báo, nhiều người được trao nhiệm vụ dậy tiếng Anh là những người được chuyển từ các thành phần dậy tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Hoa sang. May phúc thì có 30% hiểu chút chút tiếng Anh, 30% kia là vịt nghe sấm.
Có lẽ chính vì như thế mới có những công trình dịch thuật Việt Anh mà người ta đã được thấy qua một đĩa CD thực hiện để gửi cho "các bạn nước ngoài" nghe và hy vọng họ sẽ biết đến nhạc Việt như chính nhóm thực hiện rêu rao, trong đó có những bài như Hà Nội Niềm Tin Và Hy Vọng ( Hanoi Is The Faith And Hope); Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội ( Are You The Autumn Of Hanoi); Sài Gòn Đẹp Lắm (Saigon So Nice) … Chỉ mới nghe những tựa bài hát được viết bằng tiếng Anh như ở trên cũng đủ kinh hoàng về khả năng tiếng Anh của nhóm.
Nhưng hãi hùng nhất là bài Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa được dịch là Hanoi This Season Absent The Rains , trong đó có những câu như "Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh" được dịch là "the first cold of Winter make your towel’s gently in the wind" hay "Em bên tôi một chiều tan lớp" thành "You inside me after class"…
Bản dịch của những bài hát đó là những câu tiếng Anh bậy bạ, bất chấp mọi qui luật văn phạm, chữ nghĩa cũng sai thảm hại, không cách gì có thể sửa chữa được.
"Công trình" ấy do một nhóm tên là BSP Entertainment gồm các thành phần mà chính họ tự khai là bác sĩ, nghệ sĩ, sinh viên ở Sài Gòn thực hiện để phổ biến ra ngoài nước . Các báo Người Lao Động, Phụ Nữ vồ ngay lấy những cuốn CD gồm 10 ca khúc này rồi hô hoán lên rằng công trình đó là để "Chắp Cánh Cho Ca Khúc Việt Bay Xa."
Thật là khốn khổ cho tiếng Anh. Bản dịch tiếng Anh nghe đã thất học như thế, đến phần trình diễn thì người nghe không thể nhận ra đó là tiếng Anh nữa.
Nếu có một đứa dốt thì cũng phải có đứa ít dốt hơn một chút để thấy những sai sót về văn phạm, ngữ vựng. Nhưng không, hoàn toàn không nên mới ra nông nỗi đó. Một bọn xúm lại dịch, rồi in, rồi hát, rồi thu thanh 10 bài hát với tiếng Anh cóc nhái đó là thế nào?
Là kết quả của nền giáo dục dốt nát thế chứ còn gì nữa!
Rồi lại một bọn vồ lấy đem phổ biến cùng khắp mới là khổ đời tiếng Anh học bậy bạ của những thứ thầy dốt như vậy.
Được học ở trường mà còn dốt đến thế, nói chi đến việc học lóm ở dưới bếp của mấy cái nhà hàng ở Luân Đôn trước kia.
Đứa dốt ấy là thằng chó nào thì con cháu nhà nó biết.

Ngày 24 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Đọc tờ Công An Nhân Dân mấy hôm trước tôi tìm được một bài nhan đề "Ấm Lòng Tình Đảng, Chan Chứa Lòng Dân".
Đó là nguyên văn tựa đề bài viết về chuyến đi thăm của Nông Đức Mạnh tại huyện Hòa Vang, tỉnh Đà Nẵng hồi năm 2005.
Ngay ở đoạn đầu của bài báo, là mấy câu này: " Bà con ùa ra, vây quanh Tổng Bí Thư, chân tình, ngây ngất như đón người thân trở về gia đình. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ. Tất cả tạo nên sự đầm ấm đến nao lòng".
Phải nói ngay đó là một bài viết rất hay để tâng bốc nhân vật cao nhất nước thời ấy.
Rất hay nhưng cũng rất thối.
Viết như thế thì không thể bố lếu bố láo hơn được.
Ngay cái tựa cũng thối hoắc. Giả dối, rỗng tuếch.
"Ấm Lòng Tình Đảng." Làm thế nào có được chuyện đó? Đảng mà có lòng, có tình sao? Có nhìn thấy bằng mắt, có sờ thấy được bằng tay không? Làm ơn chỉ cho tôi đi. Lòng ở đâu, tình ở đâu qua những chuyện nhân danh Đảng diễn ra ở cái đất nước khốn khổ ấy như đợt cải cách ruộng đất đấu tố, giết cả trăm ngàn người, hay việc làm mới đây dâng lãnh thổ cho Tầu Cộng, cưỡng đoạt đất đai, ức hiếp người dân vốn đã vô cùng khốn khổ ? Thế còn "Chan Chứa Lòng Dân" là thế nào? Người dân nào nhìn thấy đồng chí Nông Đức Mạnh mà "chan chứa ân tình," chỉ cho coi một cái.
Hay chỉ có những câu chửi thầm dành cho cái tổ chức khốn nạn bán nước gây ra bao nhiêu chuyện cùng khốn cho cả nước từ mấy chục năm nay?
Và người dân nào là người "chan chứa" trong lòng khi thấy cái bản mặt nham nhở của người đàn ông họ Nông, một đứa từng bao lần chỉ nói vòng nói vo không dám nhận chính cha ruột của nó?
Mẹ kiếp bị lùa ra đón Nông Đức Mạnh mà "chân tình, ngây ngất như đón người thân trong gia đình trở về." Bố khỉ là nói láo. Trông thấy họ Nông mà đã thấy ngay "sự đầm ấm đến nao lòng."là nói phét.
Nhớ lại trong những năm còn bé, những lần chúng tôi được nhà trường dẫn đi xếp hàng đón tổng thống Diệm đi công du Mỹ về nước, hay khi chào mừng tổng thống Nam Hàn Lý Thừa Vãn đến thăm Việt Nam chúng tôi thực sự cũng chỉ thấy vui vì được nghỉ học một buổi mà thôi. Hoàn toàn không hề thấy "đầm ấm đến nao lòng" trong những lần như thế.
Cũng không thấy "ngây ngất như đón người thân trở về gia đình".
Bộ bọn nhãi ranh chúng tôi hồi học đệ lục, đệ ngũ trung học không biết "ngây ngất", "đầm ấm đến nao lòng" hay sao?
Yêu cụ Diệm thì có đấy. Bắc kỳ di cư mà. Nhưng chúng tôi không thấy "ngây ngất, đầm ấm đến nao lòng" bao giờ. Đứa nào nói dối đứa ấy chết ngay tại chỗ.
Người Việt Nam tử tế không bao giờ có thứ tình cảm nham nhở và thối tha như bài báo của tờ Công An Nhân Dân đã viết. Viết như vậy là vô liêm sỉ, là không tự trọng, là coi thường người đọc, là viết láo viết lếu.
Những trang báo với kiểu viết lách như thế chỉ nên dùng để làm sạch cơ thể sau khi đi bài tiết.
Nhưng cũng lại thương cho cái hậu môn bị chùi bằng những thứ giấy in những bài báo như vậy.
Tội nghiệp cho cái hậu môn vô cùng.
Nhất là mới đây người ta biết được chuyện Nông Đức Mạnh lấy vợ, lấy một con nạ dòng tên là Đỗ thị Huyền Tâm 46 tuổi, bốn đời chồng và có thời dính líu với Nông Quốc Tuấn, con trai của Mạnh, thua Tuấn tới ba tuổi.
Một thứ chó dại sống loạn luân bẩn thỉu như thế mà cũng "được" dân chúng ra đón "chan chứa, ngất ngây đầm ấm đến nao lòng" thì người đọc bài báo làm sao không văng tục ra cho được!

Ngày 25 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Cách đây mấy năm, cuộc thăm dò ý kiến hơn một ngàn người của Zogby đã đưa người ta lại gần hơn với câu chuyện mà hơn một chục năm trước gần như ai cũng nghĩ là chỉ có thể xẩy ra ở Hollywood với Demi Moore trong phim Indecent Proposal.
Demi Moore, vai chính trong cuốn phim, được một người đàn ông đề nghị qua một đêm với ông ta, và để đổi lại, ông ta sẽ trả cho cô và chồng cô một triệu Mỹ kim.
Đề nghị kể trên, sau đó đã trở thành điều suy nghĩ cho khá nhiều người xem cuốn phim. Cuộc thăm dò của Zogby cũng đặt ra câu hỏi là nếu có người hứa sẽ trả một triệu Mỹ kim để được qua một đêm với chồng hay vợ của người được hỏi, thì câu trả lời sẽ như thế nào.
Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy người Mỹ vẫn là một dân tộc có một trình độ đạo đức cao, một số lớn vẫn coi trọng hôn nhân và coi những ràng buộc trong hôn nhân là những cam kết thiêng liêng, cao quí. Trong số hơn một ngàn người được hỏi, thì khoảng 3/4 không chấp thuận đề nghị đó. Chỉ có 11.5% đồng ý, và 9.1% nói là có thể chấp thuận nhưng còn phải suy nghĩ kỹ.
Nhưng đó là những câu trả lời trong một tình trạng kinh tế khả quan của nước Mỹ. Ngày nay, kinh tế không tốt đẹp, thì những câu trả lời có thể khác, có thể không còn như cuộc thăm dò đã cho thấy.
Gia đình Kiều kín cổng cao tường, bố làm viên ngoại, gia tư bậc trung, êm đềm trướng phủ màn che, vậy mà lúc gia đình gặp khó khăn, với bốn trăm lượng, Kiều phải bán mình cho thanh lâu, luân lạc suốt mười lăm năm trời.
Mà bốn trăm lượng, theo giá vàng hôm nay, chỉ được gần một trăm ngàn Mỹ kim.
Một triệu một đêm là một đề nghị có thể sẽ làm nhiều người nghĩ lại.
Tưởng tượng Raquel Welch, hay Demi Moore, hay Meg Ryan, hay Catherine Zeta-Jones, hay Gwyneth Paltrow, hay Brooke Shields, hay Charlize Theron... một hôm đem đề nghị ấy đưa cho mẹ cháu để mượn bố cháu một đêm, hôm sau mang trả tận nhà, không sứt mẻ khúc nào, trong túi có tấm lệnh phiếu ngân hàng trả cho mẹ cháu một triệu Mỹ kim thì mẹ cháu nghĩ sao?
Tôi nghĩ mẹ cháu có thể không nhận, mẹ cháu sẽ hét lên câu ca dao... hủ lậu "chồng em nào phải trâu cầy / mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!" để từ chối phắt cái đề nghị đó.
Mẹ cháu từ chối vì yêu, vì thương bố cháu, sợ bố cháu cố quá rồi … quá cố nên một triệu Mỹ kim mẹ cháu cũng không thèm.
Nhưng một triệu Mỹ kim thực ra có thể làm được rất nhiều thứ. Cái condo ở La Jolla chẳng hạn. Sáng sáng chạy sang bên kia đường, đánh răng, xúc miệng, nhổ xuống biển, rửa chân một cái rồi bước về nhà ăn sáng cũng được đấy chứ. Hay cùng với bố cháu đi một chuyến tới chân núi Kilimanjaro bắn một con sư tử như Hemingway đã làm cũng đâu có dở lắm. Nếu không thì một chuyến đi Paris, ngồi bateau mouche chạy dưới dạ cầu, đọc cho mẹ cháu nghe vài bài thơ ngắn của Prévert cho bõ những ngày cơ cực cũng được quá chứ... Chưa hết, còn có thể có cục đá vài carat đeo vào tay mẹ cháu cho mẹ cháu đi lệch người sang một bên mà không được hay sao?
Chỉ cần một đêm, là sáng hôm sau có thể huy hoàng như thế đấy. Mà có mất mát bao nhiêu đâu.
Nếu bố cháu trình bầy cho mẹ cháu những điều có thể thực hiện được với một triệu Mỹ kim, thí bỏ cho những con mụ đàn bà kể trên một buổi tối, sau đó, bà lại quản lý tiếp đời người đàn ông trung niên, thì biết đâu mẹ cháu chẳng chịu. Bố cháu mà có "lạng quạng thì cũng chẳng mòn / chính chuyên thì cũng chẳng sơn son mà thờ" chi bằng thả cho đi một đêm, sáng hôm sau mang về một triệu cho rồi.
Nhưng chỉ sợ mẹ cháu bác hết, từ chối hết mấy chị có tên ở trên mà nhất định chỉ cho bố cháu qua đêm với Whoopi Goldberg thì sao?
Lúc đó, liệu bố cháu có còn sẵn sàng bán mình để kiếm một triệu cho mẹ cháu không? Hay là bố cháu sẽ bĩu môi, xua tay, nhất định gìn vàng giữ ngọc (?) cho riêng mẹ cháu?

Ngày 26 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Nguyên Sa có một bài thơ mang những hình ảnh rất khác những bài thơ khác của ông. Đang đường phố Paris, chim én, bầu trời đục, mờ sương, đang tháp Eiffel kiễng chân ngó những chuyến métro qua vồi vội, ông đưa người đọc thơ ông lên con thuyền gác mái giữa dòng sông, uống rượu suốt đêm trăng rằm để rồi sợ chén nghiêng cạn mất trăng...
Trong bài thơ này, tôi thích nhất câu: "... gọi nàng bằng tên họ Giai Nhân..."
Gọi nàng bằng tên họ Giai Nhân khác với khen nàng đẹp, vì khen nàng đẹp thì thường quá, chúng ta làm đã nhiều lần. Khai sinh lại cho nàng bằng cái tên mới, cái tên ngợi ca sắc đẹp của nàng, là khiến nàng hết cãi, hết làm khách, làm điệu, làm bộ, vờ vịt khiêm tốn rằng "... em xấu... ỉn à, sao anh xạo quá cỡ thợ mộc vậy... mà anh nói gì em nghe không rõ, nói lại nghe coi đặng không..."
Đứa nào lạng quạng chưa nhận, cậu đặt thêm cho cái biệt hiệu Nhan Sắc nữa là hết đường cãi.
Tán đến như thế là nhất. Bài thơ ông làm đã lâu, "người con gái đứng gần" mà ông gọi tên không biết có thật hay không, bây giờ, nếu nàng có thật, có đứng gần, có ở trên con thuyền gác mái giữa dòng sông thật, cũng không nên làm thế nữa.
Nàng tử tế, không làm gì thì thôi, chứ nếu nàng kiện ông thì cũng đến khổ đời ông mất thôi. Kiểu tán của ông bây giờ không còn ăn khách nữa mà có khi lại còn nguy hiểm, hao tổn tiền bạc nữa là khác.
Tôi vừa phải khuyên một người bạn ở đây nên bỏ hẳn lối ăn nói hào phóng của chàng đi để tránh những hậu quả không tốt. Bạ ai chàng cũng "Chào người đẹp!". Cứ hào phóng trong những lời khen tặng như thế sao cũng có ngày mang họa. Chi bằng lúc nào cũng mặt mũi khó đăm đăm, không bao giờ quăng ra một câu hào phóng vô bổ như thế nhiều khi lại là hay.
Ở Fort Worth, tiểu bang Texas vừa xẩy ra một vụ gần giống như lời lẽ của bài thơ Nguyên Sa, và người phụ nữ được gọi là người đẹp ấy nổi cáu, than phiền, làm đơn khiếu nại, người đàn ông hào phóng trong cách ăn nói, một ông giáo dậy tiểu học, bị phạt hai mươi ngày không lương.
Câu nguyên văn mà ông thầy giáo này dùng là "Hello, good looking", một câu ông nghĩ là để chào, và đồng thời cũng vừa để khen người đồng nghiệp, thì lại chính là câu làm cho ông vất vả. Đồng nghiệp của ông coi đó là một câu sách nhiễu tình dục (sexual harassment), nàng kiện, chàng bị cho nghỉ hơn một tháng trước khi bị phạt hai mươi ngày không lương.
Tôi nghĩ có thể chàng chỉ hát lên một câu hát như bạn đọc lên câu thơ của Nguyên Sa mà thôi chứ chẳng định sách nhiễu ai hết. Hank Williams, người ca sĩ hát nhạc đồng quê của thập niên 50, nay đã qua đời, có một bài hát tựa đề là Hey, Good Lookin', bài hát nghe thật sầu thảm, nhất là khi nghe với giọng nasal twang, giọng mũi của chàng. Nhưng đó lại là ca khúc khiến chàng rất nổi tiếng. Cũng như bài thơ rất hay của Nguyên Sa, bài ca của Hank Williams lôi ra dùng vào lúc này để chào hỏi là mang họa vào thân ngay.
Không biết khi ra trước hội đồng kỷ luật của trường, ông giáo ở Fort Worth giải thích thế nào mà đến nỗi bị nặng thế. Có thể ông đã nhận tội là khen nàng coi được nên ông bị quàng cho cái tội sách nhiễu người nữ đồng nghiệp vào cổ rồi bị mất hai chục ngày lương. Tội nghiệp ông. Ông vừa tốt, vừa lịch sự, lại hào phóng nên lãnh cái búa tạ.
Chứ nếu ông cứ cãi phăng đi rằng ông không hề định nói điều ông nói ra thì đã sao? Cứ nhận là có nói "Hello, good looking" nhưng tại sao đồng nghiệp lại dám nhận rằng nàng là... good looking? Tui hello đứa good looking chứ bộ tui nói đồng nghiệp sao? Nè, cái gương đây, soi lại xem có còn dám nhận là good looking nữa không? Ô hay sao lại nhận vơ thế này nhỉ? Ðây nói bên ấy, sao "du" động lòng? "Du" được coi là good looking hồi nào, nói nghe coi nào? Nói "du" nghe, tui biết một người đàn ông trung niên, lúc y béo và xấu trai nhất, y vẫn còn coi đặng hơn "du" nữa à nha... Tui nhất định không chào "du" bằng câu "Hello, good looking" mà sao " du" cứ nhận hoài vậy?
Cãi như thế thì nhất định người con gái tên họ Giai Nhân cũng phải ôm hồ rượu sang thuyền khác lập tức. Ở đó mà kiện với cáo...
Không nên hào phóng trong cách ăn nói chút nào là vậy.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 145)
EXCUSE MY FRENCH !
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 145 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Hôm chúng ta sẽ nói về một số câu, một số từ ngữ người Anh và người Mỹ hay dùng mà chúng ta nên biết. Đó là những câu ngắn hay những chữ của tiếng Pháp mà người Anh mượn để dùng, một số nay đã trở thành rất quen thuộc. Tôi không định sắp xếp chúng thành một bài học như thường lệ vì thực ra, hai cô muốn nhớ cũng được mà không muốn nhớ cũng chẳng sao. Nhưng biết được chúng thì cũng tốt. Đem chúng ra dùng thì lại càng hay hơn.
TRÚC GIANG
Như vậy, người Anh và người Mỹ cũng hay đem chúng ra dùng lắm hay sao, thưa chú?
QA
Thưa anh, chắc cũng như ba QA và những bác cùng thế hệ với ba QA trong lúc nói chuyện bằng tiếng Việt cũng dùng khá nhiều tiếng Pháp. Nhưng người Mỹ có xưng "moa / toa" như người Việt, như mấy bác bạn của ba má QA không?
BBT
Xưng "moa / toa" như người Việt thì người Anh và người Mỹ không làm. Nhưng chêm tiếng Tây vào thì có. Ở Mỹ, tôi chỉ thấy Miss Piggy, một trong những muppet của chương trình Sesame Street là xưng "MOI" thôi. Miss Piggy luôn luôn coi mình là một cô đầm Pháp, nhưng chỉ biết có một tiếng "MOI" mà thôi.
TRÚC GIANG
Cháu có nghe nhiều lần câu này, có phải nó được dùng trước khi người ta lôi mấy câu tiếng Pháp ra nói với nhau không, đó là câu EXCUSE MY FRENCH!
BBT
À, câu này khá đặc biệt. Người Anh đã có những lúc trong lịch sử rất không ưa người Pháp. Thế nên, cứ cái gì không hay, không lịch sự, hơi thô tục là họ đổ cho người Pháp, tiếng Pháp. Thí dụ cái bao cao su ngừa thai thì người Anh gọi nó là FRENCH LETTER, bức thư tình của mấy ông Tây, bà đầm. Người Pháp liền trả đũa bằng cách gọi nó là CAPOTE ANGLAISE. Thế là huề cả làng. Trở lại câu EXCUSE MY FRENCH, cũng có khi người ta nói PARDON MY FRENCH, một trong hai câu này được dùng trước hay sau khi người ta văng ra một tiếng tục tĩu hay một câu chửi thề và đổ vấy cho nó là một câu tiếng Tây mặc dù nó là 100% tiếng Anh. Thí dụ sau khi văng tục, sau một câu chửi thề như WHAT THE HELL ARE YOU TALKING ABOUT? người ta liền nói tiếp câu EXCUSE / PARDON MY FRENCH! Câu EXCUSE MY FRENCH hay PARDON MY FRENCH là câu nói cũng giống như khi chúng ta nói trong tiếng Việt rằng "Nói ông bà tha lỗi cho nhá…" Rồi sau đó văng tục ra cho … lịch sự.
TRÚC GIANG
Cháu nghĩ lại thì chính cháu cũng đã có dùng một vài câu hay một vài chữ tiếng Pháp rồi chứ không phải là không đâu. Cháu nhớ lúc học xong khóa về computer, cháu gửi đơn đi xin việc và kèm theo cái RÉSUMÉ. Bản tiểu sử kê khai kinh nghiệm làm việc, bằng cấp là cái RÉSUMÉ, một danh từ cháu nghĩ là tiếng Pháp vì chữ RÉSUMÉ có hai cái dấu "sắc" có đúng không thưa chú?
BBT
Đúng vậy. RÉSUMÉ là lý lịch ngắn gọn để nộp kèm đơn xin việc hay mang theo khi đi phỏng vấn xin việc. Tôi tin là cả hai cô đã vài ba lần nhận được thiệp mời dự tiệc cưới. Cuối những tấm thiệp đó có những chữ gì QA nhớ không nào?
QA
QA nhớ đó là những chữ RSVP. QA biết đó là những chữ viết tắt nhưng không biết RSVP là viết tắt của những chữ gì. QA chỉ biết là thiệp mời muốn người nhận trả lời vì ở dưới có kèm theo số điện thoại, và nay, ghi thêm cả địa chỉ e-mail nữa.
BBT
RSVP là viết tắt của những chữ Pháp RÉPONDEZ S’IL VOUS PLAIT nghĩa là xin phúc đáp, xin vui lòng trả lời. Dịch từng chữ thì là xin hãy trả lời nếu việc đó làm ông bà vui.
QA
Cám ơn anh. QA nghĩ danh từ "boa" ở Việt Nam cũng là tiếng Pháp có phải không?
BBT
Đúng rồi. Hồi trước năm 1975, ở Sài Gòn người ta không nói là "boa". Hồi ấy, chúng tôi nói đầy đủ là POURBOIRE. POUR tiếng Pháp nghĩa là để. BOIRE là uống. POURBOIRE là tiền TIPS, tiền chúng ta thưởng cho nhân viên phục vụ trong các nhà hàng, tiệm ăn. Chúng ta nói lịch sự là POURBOIRE, nghĩa là tiền cho những người này để họ đi uống nước, uống cà phê nếu thấy họ phục vụ chúng ta cẩn thận, nhanh chóng, lễ độ.
QA
QA đọc thấy trên báo các văn phòng lo dịch vụ di trú có dùng chữ FIANCE. Đó cũng là tiếng Pháp phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Nhưng nếu muốn cho quảng cáo đầy đủ và rõ ràng hơn thì phải ghi cả FIANCÉ và FIANCÉE. Danh từ FIANCÉ là vị hôn phu. Danh từ FIANCÉE có thêm chữ E ở cuối là vị hôn thê. Bảo lãnh thì bảo lãnh cả vị hôn thê lẫn vị hôn phu chứ không lẽ chỉ bảo lãnh cho các cô thôi hay sao?
QA
Mấy chữ này thì QA cũng đã dùng và biết nó là tiếng Pháp: À LA MODE nghĩa là chưng diện, điệu đàng phải không anh?
BBT
Gần đúng vậy. À LA MODE đúng ra là thời trang, là "đúng mốt" như chúng ta vẫn nói, là STYLISH, là ELEGANT.
Nhưng BOEUF À LA MODE thì lại là món thịt bò nấu với rượu, cà rốt và hành Tây. À LA CARTE là các món được ghi trong menu. HORS D’OEUVRES là những món ăn chơi, khai vị, thường không có trong menu. Chữ khác là APPETIZER. Từ tiếng Pháp, còn có câu chúc ăn ngon miệng là BON APPETIT. Ở Mỹ, người ta dùng nhiều tiếng Pháp trong menu cho sang và đắt tiền. Như ENTRÉE là món chính trong bữa ăn.
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu còn nghe câu này nữa, C’EST LA VIE. Câu này nghĩa là gì?
BBT
C’EST LA VIE, đây cũng là câu nhiều người Mỹ hay nói. Nghĩa đen, dịch từng chữ một thì câu ấy có nghĩa đó là đời sống. Cũng có thể hiểu C’EST LA VIE là đời sống như vậy đó. Câu này tương đương với những chữ SUCH IS LIFE trong tiếng Anh. Đời sống đó có thể khó khăn, không tốt đẹp, nhưng đó là cuộc đời, chúng ta nên chấp nhận nó. Hồi còn nhỏ, ở trung học, chúng tôi còn thêm một câu nghe rất vô nghĩa lý, nhưng vẫn thêm vào cho thành đôi, cho Pháp Việt đề huề, đó là ĐỜI, C’EST LA VIE, TÌNH C’EST L’AMOUR. Cùng với hai câu đó còn có thêm câu vớ vẩn này: L’HOMME SANS AMOUR COMME LE CANH CUA SANS CÀ CHUA nghĩa là người ta mà không có tình yêu thì cũng như canh cua không có cà chua.
Hai cô có biết chữ CÚ cũng là do tiếng Pháp mà ra không? Người Mỹ cũng dùng vài ba thành ngữ có chữ COUP ở trong. Thí dụ cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Diệm thì người ta dùng luôn cả danh từ tiếng Pháp để gọi là COUP D’ÉTAT.
Hai cô nghe danh từ này chưa: COUP DE FOUDRE. Nhắc tuồng cho hai cô một chút nhé: danh từ FOUDRE là sấm sét.
TRÚC GIANG
COUP DE FOUDRE là cú sấm sét, là trời gầm phải không chú?
BBT
Không phải. Hai cô có biết LOVE AT FIRST SIGHT trong tiếng Anh nghĩa là gì không nào?
QA
LOVE AT FIRST SIGHT là gặp lần đầu là yêu liền phải không thưa anh?
BBT
Thì đúng là thế. COUP DE FOUDRE là câu tương đương với LOVE AT FIRST SIGHT. Trông thấy lần đầu là bủn rủn chân ta, té cái ầm vào cái … tình yêu như bị sét đánh vậy. Cú sấm sét là như thế. Hai cô chắc đã biết EAU DE COLOGNE và EAU DE TOILETTE rồi, nên khỏi nói ở đây. Thế còn EAU DE VIE là gì nào?
QA
QA nhớ anh vừa nói ở đoạn trên VIE là đời sống. Vậy EAU DE VIE là nước uống có đúng không?
BBT
Không phải vậy. EAU DE VIE lại là rượu mạnh, là whisky hay cognac.
Đố hai cô biết kiểu tóc của cô Mai Khanh của đài Hồn Việt và tóc của Mỹ Linh ca sĩ ở Việt Nam người ta gọi là gì nào?
TRÚC GIANG
Là tóc ngắn.
BBT
Thì đúng rồi. Nhưng tiếng Pháp có cách gọi mà người Anh và người Mỹ cũng mượn để dùng là À LA GARCONNE. Hai cô cũng biết GARCON là cậu con trai. Danh từ này còn có nghĩa là người bồi làm việc trong các nhà hàng ăn. Búng tay kêu "chóc" một cái rồi kêu GARCON nghe cho giống Tây.
Chào nhau GOODBYE thì người Anh cũng nói tiếng Tây là AU REVOIR nghĩa là cho đến lúc gặp lại nhau, tương tự như SEE YOU AGAIN.
QA
Còn bánh mì ba ghét cũng là từ tiếng Pháp phải không thưa anh?
BBT
BAGUETTE là bánh mì Tây. Người Mỹ không biết BAGUETTE còn có nghĩa là đũa nữa. Họ gọi đũa là CHOPSTICKS.
Chuyện kể một chú bé Việt Nam học tiếng Pháp cứ lập đi lập lại: BAGUETTE là đũa. Rồi chú nói ngắn lại thành BAGUETTE đũa, BAGUETTE đũa... Mẹ chú nghe thấy, không biết là chú đang học bài liền nói vọng từ bếp lên rằng ba ghét đũa thì lấy nĩa cho ba ăn cơm sao cứ ngồi đó mà nói hoài vậy… Chữ này cũng được dùng khá nhiều ở Mỹ: CROISSANT cũng được mượn của tiếng Pháp.
QA
Thưa anh, QA còn nghe chữ DEMITASSE hôm bữa đi uống cà phê với người bạn. QA nghi đây cũng là từ tiếng Pháp quá.
BBT
DEMI là nửa. TASSE là cái tách, cái ly bằng sứ. DEMITASSE là ly cà phê nhỏ bằng nửa ly bình thường dùng để uống cà phê Ả Rập hay cà phê ESPRESSO. Đúng, đó cũng là tiếng mượn của mấy ông Tây. Dĩ nhiên là còn CAFÉ AU LAIT là cà phê sữa nữa. Người Mỹ cũng dùng chữ này thay vì COFFEE WITH MILK nghe dài hơn và WHITE COFFEE nghe hơi nhà quê.
TRÚC GIANG
Thưa chú, BON VOYAGE cũng là tiếng Pháp chứ?
BBT
Đúng. Nhưng thường BON VOYAGE được dùng để chúc A GOOD TRIP khi người ta đi xa bằng máy bay hay tầu biển chứ không dùng ở bến xe bus hay ga xe lửa bao giờ. Chữ ADIEU cũng được dùng để chào từ biệt. ADIEU là do hai chữ À DIEU là phó mặc, gửi cho Thượng Đế, nhờ Thượng Đế bảo vệ, phò hộ. Chào người sắp lên đường như vậy là rất chu đáo.
Người Mỹ cũng mượn chữ VOILÀ! của tiếng Pháp để diễn tả một ý tương tự như SEE THAT? Hay THERE IT IS! Khi nói chữ này, người nói còn có ý ngầm khoe là mình đúng, mình có lý, làm đúng hay tiên đoán điều gì đó và điều đó xẩy ra đúng như tiên đoán.
Người Anh người Mỹ còn mượn của người Pháp rất nhiều nữa nhưng phần nhiều là những chữ hai cô không cần biết trong lúc nói chuyện hàng ngày nên tôi không kể ra ở đây. Để dành cho những lần khác vậy.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

June 20, 2012

June 22, 2012


Ngày 18 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Người Mỹ có thể có sáng kiến dành ngày chủ nhật thứ ba của tháng Sáu để làm ngày của những người cha, Father's Day, nhưng điều đó không có nghĩa là người Mỹ thương cha của họ hơn chúng ta thương yêu các ông bố của chúng ta.
Trái lại, có thể chúng ta thương yêu các ông bố nhiều hơn người Mỹ là đằng khác.
Người Mỹ, chỉ có trong ngày chủ nhật thứ ba của tháng sáu, năm nay là ngày 17, mới dành ra để nhớ về người cha, nghĩ về người đàn ông cho chúng ta một nửa mầm sống, để các hãng bán thiệp, ca vát, eau de cologne, sơ mi... gia tăng được số bán, và ngày Father's Day ở Mỹ cũng chỉ có từ gần một trăm năm nay, và được tổng thống Mỹ ký một tuyên cáo nhìn nhận chính thức từ năm 1966 và cử hành mỗi năm từ năm 1971.
Trong khi với chúng ta, ngày nào cũng là ngày của cha, và người cha được nhắc, một cách đầy lo sợ cũng như một cách đầy lăng mạ không biết bao nhiêu lần mỗi ngày.
Nhắc nhiều như vậy thì người cha phải ở thường xuyên trong đầu chúng ta, ở chóp lưỡi, đầu môi của chúng ta mỗi giây mỗi phút trong những lúc thức tỉnh của chúng ta. Mà như thế, thì chúng ta tưởng nhớ, nghĩ về người cha của chúng ta cũng như của người khác nhiều hơn, thường hơn là người Mỹ, và có thể còn cả các dân tộc khác nữa mà chúng ta không biết tới mà thôi.
Những câu hô thán bầy tỏ ngạc nhiên hay lo sợ, e những chuyện không may xẩy ra cho người cha, hay cho chính mình để không còn dịp chung sống với người cha là những câu chúng ta nghĩ, nói ra, thốt lên mỗi ngày không biết bao nhiêu lần.
"Bỏ cha," "bỏ bố," "chết cha," "thấy cha..." được dùng ở đầu những câu bầy tỏ những lo lắng, ngạc nhiên như ở trên.
"Bỏ cha, bỏ bố " là chết, không còn được ở với cha, với bố nữa. "Đánh bỏ bố nó đi" nghĩa là đánh cho nó chết, cho nó không còn được sống với bố nó nữa. Rõ ràng là một lời hăm dọa, cầu mong những bất hạnh lớn nhất xẩy ra cho phía bên kia.
"Chết cha" là mong cho thân sinh của phía bên kia chết, biến phía bên kia thành một đứa con côi cút khổ đau. Con có cha như nhà có nóc. Cầu mong cho cha đối phương chết là cầu mong cho nó bị toàn những bất hạnh giáng xuống. Trong trường hợp khác như khi nói "chết cha, stock lại xuống nữa rồi!" có nghĩa là lo sợ vì một việc không may, không tốt đẹp có thể xẩy ra.
"Thấy cha" là cha nó chết, làm cho nó khổ, cho nó bỏ mạng để nó xuống âm phủ gặp cha nó.
Khi nói "đau thấy cha," hay "đau thấy tía" thì có nghĩa là đau lắm, cha chết rồi, còn chạy xuống cõi âm gặp cha để than thở. "Sợ thấy cha" có nghĩa là sợ lắm.
"Thấy cha mày nghe mày" là một câu hăm dọa, với một nửa câu được dấu đi, đáng lẽ phải nói đầy đủ là "Tao đánh cho mày thấy cha mày nghe mày", nghĩa là đánh đau lắm, đến nỗi có thể bỏ mạng
Nhiều khi, không vì lo lắng, người cha cũng được nhắc đến như trong câu hát, "... Chết cha, con ma nào đây, thằng Tây chết liền, thằn lằn cụt đuôi..."
Người cha cũng thường được nhắc đến trong những trường hợp khác như khi nói câu "bố bảo cũng không dám làm." Đây là một cách nói lên lòng tôn kính dành cho người cha, người chúng ta luôn luôn nghe lời, vâng lệnh. Việc phải khó lắm, nguy hiểm lắm người ta mới đành phải trái lời cha. Tuy trái lời, nhưng lòng tôn trọng vẫn còn. Trái lời là vì nguy hiểm hay đe dọa quá lớn mà thôi.
Người Mỹ cũng không bao giờ có một trò chơi hào hứng bằng chúng ta. Bao nhiêu người trong chúng ta thoát khỏi nỗi khổ đau khi bị những tên bạn quái ác biết được tên bố và giờ ra chơi cứ lôi tên người đàn ông chúng ta yêu quí đó ra... nói nhẹ thôi khi đi qua mặt chúng ta? Chỉ ở Việt Nam mới có trò chơi độc ác làm cho bao nhiêu đứa trẻ đau khổ suốt mấy năm trời ở những năm tiểu học.
Người Mỹ cũng không kiêng tên cha như chúng ta.
Nhưng thế nào chẳng có người trong ngày Father's Day sẽ kiêng thứ nước uống còn có cái tên văn vẻ, chữ nghĩa là quốc đả phụ: nước đánh cha, tức là nước đá chanh.
Kiêng tới độ không uống nước đá chanh thì chỉ có người Việt Nam mới có thể thương bố như vậy.
Ngày Father’s Day, tôi nhớ người đàn ông ngày tôi còn bé hay cạ râu vào má tôi, tập cho tôi đi xe đạp, chở tôi đi bằng xe đạp lên Bờ Hồ ăn kem, cho tôi đi học đàn và học vẽ, người đã dậy cho tôi yêu sách vở, chữ nghĩa, thơ văn, viết lách... người nhiều lần tôi cũng đã làm buồn lòng không ít, người tôi bế lần cuối hơn một chục năm trước ra xe cứu thương để vào bệnh viện, và cũng là người sáu chị em chúng tôi đặt tay vào cái contact điện để hỏa thiêu nhục thể.
Vào những ngày như thế, tôi nhớ ông bố tôi vô cùng.

Ngày 19 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Tôi biết bọn chó đẻ ở Hà Nội đang nhẩy cẫng lên, khen nhau rối rít khi đọc bản tin nói rằng Việt Nam được xếp hạng nhì trên thế giới, nơi người dân có được đời sống hạnh phúc, sau có Costa Rica và trước Colombia, hai quốc gia ở Trung Mỹ trong bảng xếp hạng hơn 150 nước trên thế giới.
Bảng xếp hạng này do một tổ chức tên là quĩ Kinh Tế Mới (New Economics Foundation) một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu các lãnh vực kinh tế, xã hội và môi trường trụ sở đặt tại Anh quốc thực hiện. Có tất cả 151 quốc gia liệt kê trong bảng xếp hạng được công bố hôm 14 tháng 6 vừa qua.
Bảng xếp hạng dựa trên mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái.
Một giới chức thuộc quĩ Kinh Tế Mới nói rằng một số nước có đời sống kinh tế cao nhưng lại gây ra nhiều tai hại về môi sinh nên bị đánh giá thấp, trong khi các nước Phi châu thì bị xếp hạng thấp hơn nữa vì tuổi thọ trung bình của người dân và đời sống kinh tế quá thấp ở đó.
Việt Nam được xếp hạng cao hơn nước Anh (thứ 41), Nhật (thứ 45), cao hơn cả Đức, Ý, Canada, Mỹ (thứ 105) và Nga (thứ 122). Việt Nam còn được xếp hạng cao hơn cả Malaysia, Singapore, Đại Hàn…
Như vậy, theo bảng xếp hạng, đời sống của người Việt hạnh phúc hơn, sung sướng hơn người dân của 149 nước khác, và chỉ thua có Costa Rica.
Nói theo kiểu ngôn ngữ trong nước thì … hết biết.
Nếu cho rằng người dân Việt Nam hài lòng với cuộc sống thì không biết tại sao ở Việt Nam, ai cũng muốn ra khỏi cái đất nước khốn khổ ấy để đi ở chui tại Nga, Đông Âu, hay tìm mọi cách trốn ra các nước ngoài, đút lót tiền bạc để được đưa đi làm tôi mọi cho các nước bị xếp hạng ở dưới như Malaysia, Singapore, Đài Loan, Nhật…? Sống hạnh phúc, hài lòng với cuộc đời sao vẫn phải xếp hàng, thoát y cho những con thú đực đến xem đồ đạc để chúng mua về làm nô lệ tình dục cho những thứ đui, què, mẻ sứt ở Hoa Lục, Đài Loan, Nam Hàn?
Hài lòng ở đâu, chỉ thấy dân chúng xuống đường kiện đòi bồi thường cho đất đai bị cướp, phản đối công an cảnh sát đòi hối lộ, tác yêu tác quái, hành hung người dân đến thiệt mạng trong bao nhiêu vụ chết người trong tay bạo hành của công an cảnh sát? Hài lòng ở đâu khi mặc cái áo in mấy chữ nói lên chủ quyền của đất nước cũng đủ để bị bắt giam, bị đạp giầy lên mặt, bị đưa đi phục hồi nhân phẩm, bị bịt miệng cấm nói như một linh mục khi bị đưa ra tòa, với hình ảnh chụp còn rành rành ra đó? Hài lòng ở đâu khi bọn cầm quyền trộm cướp thì nhà cửa rềnh rang, cấp nhỏ cũng xây nhà bạc tỉ, một cán bộ cấp trung bị trộm cũng mất hàng trăm ngàn tiền Mỹ dấu trong nhà trong khi người dân càng ngày càng cùng khốn?
Tuổi thọ của người dân cách nào cao hơn được tuổi thọ của người Nhật, của dân mấy nước Bắc Âu, Canada?
Dấu chân sinh thái của Việt Nam mà sạch sẽ hơn ở các nước Úc, Tân Tây Lan, và luôn cả Singapore thuộc Á châu sao?
Cậu Saman Abdallah giải thích vòng vo về bảng xếp hạng đó. Càng nghe cậu càng không hiểu lối đánh giá của tổ chức New Economics Foundation.
Sao không hỏi chính phủ Đan Mạch nghĩ sao về Việt Nam khi quyết định ngưng một chương trình viện trợ cho Việt Nam hồi tháng trước? Sao không đọc phúc trình về nhân quyền ở Việt Nam của bộ Ngoại Giao Mỹ vừa phổ biến để biết người Việt Nam hài lòng đến mức độ nào về đời sống?
Chứ ngồi ở Luân Đôn viết cái phúc trình tào lao xịt bộp đó làm mẹ gì? Chỉ để bọn chó đẻ có thêm cái cớ nhâng nháo nhận là chúng nó xứng đáng ngồi tiếp trên đầu trên cổ của những người Việt Nam khốn khổ ở trong nước.
Cách hay nhất cho cậu hiểu mức độ hạnh phúc của người dân Việt là bắt cậu về Việt Nam sống vài tháng, rồi cho nghe đài nhà nước ông ổng khoe là theo chính tổ chức của cậu, người Việt Nam hạnh phúc xếp hàng thứ nhì trên thế giới.
Cho đáng kiếp nhà cậu. Bố cậu!

Ngày 20 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Trong một số Playboy, tôi đọc được một câu có thể dùng để phá tan tất cả các bức tường băng bất kể bề dầy ở mức độ nào, hữu hiệu còn hơn cả những chiến lược mà Tây phương đã dùng để kéo sập bức tường Berlin, chấm dứt giai đoạn chiến tranh lạnh hơn mười năm trước.
Nhân vật chính trong truyện ngắn, tôi nhớ hình như là của John Updike, có một cách làm quen, bắt chuyện lần nào cũng thành công, mà lần nào chàng cũng chỉ dùng có câu: You smell so good... what is it?
Giản dị hết sức. Nửa đầu khen một cái đã. Nửa sau bắt đương sự phải trả lời, để sau đó, đẩy đưa câu chuyện. Mà thường thì đương sự trả lời ngay. Lý do là vì vừa được khen, đang còn sung sướng chết ngất, bị hỏi thêm một câu về cái nguyên do làm phát sinh ra lời khen đó thì phải trả lời chứ: Cô/ bà thơm lắm... mùi gì vậy?
Câu trả lời là cái tên của loại nước hoa. Aria, hay Contradiction, hay Allure... Rồi sau đó, là những chuyện khác nữa cứ từ tốn kéo ra. Lần nào nhân vật trong truyện ngắn đó của Updike cũng thành công rực rỡ. Các ông Khruschev, Brezhnev... có sống dậy cũng không thể làm hồi sinh được chiến tranh lạnh nữa.
Nhưng bây giờ, có thể lối khai mở đó sẽ không còn thành công nữa.
Khen thơm phức thì được. Nhưng hỏi mùi gì thì chưa chắc đã được trả lời. Nếu đó là thứ nước hoa không bán ở ngoài tiệm, nếu đó là thứ nước hoa được pha chế riêng cho người đang xức nó. Người bị hỏi có thể sẽ quay lại quăng ra mấy câu hỏi liên tiếp: Tại sao muốn biết? Biết làm gì? Muốn mua hả? Mua cho ai? Không nói được.
Cuộc đối thoại chấm dứt. Nhân vật của John Updike sẽ cứng họng, chịu thua không sao cứu vãn được tình hình.
Và nếu người có mùi nước hoa kỳ lạ đó muốn nói về cái mùi được đặc biệt pha chế riêng cho nàng, nàng sẽ phải viết xuống giấy, ký tên cho phép như một tác giả bảo vệ tác quyền của mình, thì người kia mới mua được. Những chi tiết quái đản này tôi vừa được biết khi đọc được trong Internet một bài viết về những loại nước hoa được pha chế riêng đang được nhiều khách hàng chiếu cố.
Trò này cũng lại xuất phát từ miền tây nước Mỹ.
Xức một mùi nước hoa mà được nhận ra cũng có thể sung sướng lắm chứ. Như trong phim Scent Of A Woman, đoạn Al Pacino trong vai đại tá khiếm thị Frank Slade ngửi và nhận ra, nói đúng tên của mùi nước hoa người phụ nữ trẻ lần đầu tiên ông gặp trong quán ăn. Nhưng trong một sở làm, ba bốn chị một hôm cùng rú lên vì thấy mấy chị kia cũng dùng một thứ nước hoa mua ở Nordstrom như mình thì không có gì vui hết. Và đó là lý do phải đi kiếm một mùi đặc biệt không ai có cho khỏi tức cái...mình.
Các phụ nữ có vẻ rất đồng ý với chuyện này, và công việc làm ăn của Sarah Horowitz, pha chế những mùi nước hoa theo yêu cầu của khách hàng, có chiều hướng đi lên. Nhưng với những cái giá khá cao, khoảng gần $300 cho mỗi 1/4 ounce perfume oil, người ta chưa thấy được cái ngày ai cũng một mùi riêng như tiên đoán của Internet.
Những người đàn ông có hai ba nơi để tặng nước hoa sẽ gặp vất vả. Mỗi nơi một mùi riêng có thể gây đủ mọi thứ phiền nhiễu cho các chàng. Không thể gửi hai ba nơi đó cùng một mùi, mùi Dona Karan trong cái chai rất kiểu cọ chẳng hạn. Hai ba cái nơi ấy sẽ đòi mỗi nơi một mùi thì phiền lắm. Làm sao hết cái mùi vừa chia tay ý thức hệ ở ga xe điện ngầm khi đến gặp cái mùi thứ nhì? Mà phụ nữ mũi tốt hơn đàn ông rất nhiều, đã tốt lại còn được chống đỡ bằng những miếng plastic (?) thì phân biệt mùi chắc phải giỏi hơn. Lập tức chàng sẽ bị quay như ông Clinton bị hạch về Monica. Không thể cứ vung ngón tay, chối bay chối biến như ông Clinton được.
Vậy thì phải làm gì để thoát hiểm?
Vạn ứng Nhị Thiên dầu. Chai dầu Nhị Thiên Đường chứ còn gì nữa. Vừa đánh át được cái mùi kia, vừa gây được thương cảm cho một người vừa trúng phải cơn gió độc, như bài học tôi học được của một trong những cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam, đại sứ P.Đ.L. lúc sinh thời mà tôi rất yêu quí.
Nhưng chai dầu này có thể sẽ bị dẹp, như tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách để ngăn không cho Hoa kỳ thiết lập một hệ thống phòng thủ chống phi đạn vậy. Lúc ấy, quần áo sực nức mùi phở lại là an toàn nhất...

Ngày 21 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Middleborough, một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Massachusetts, sẽ là nơi tôi không đến thăm trong chuyến đi về miền Đông mùa hè năm nay.
Tôi đã quyết định như thế. Middleborough bị gạch hẳn danh sách những nơi tôi định đi tới trong tháng 8 tới đây.
Thoạt đầu, tôi định tới Middleborough để thăm người bạn lâu ngày không gặp.
Nhưng nay, tôi sợ đến thăm nó rồi tôi sẽ không còn tiền để trở về miền Tây nữa. Cảnh sát có thể không nhận cái thẻ debit ATM của tôi, mà tôi tin là tôi sẽ bị phạt nhiều nếu tới Middleborough.
Thị trấn này mới đây với 183 phiếu thuận và 50 phiếu chống đã thông qua một dự luật đề nghị phạt những người chửi thề 20 dollars mỗi lần bật ra một tiếng, một câu chửi thề tục tĩu ở những nơi công cộng.
Thị trấn này mấy năm nay bị nhiều người phàn nàn là ở các khu buôn bán, việc chửi thề công khai và lớn tiếng đã khiến cho những người qua lại lui tới những nơi ấy rất khó chịu. Một số người khó chịu đến độ quyết định không đến đó nữa. Thiệt hại kinh tế có thể không lớn lắm nhưng hình ảnh của thị trấn đã bị tổn thương không ít.
Việc chửi thề và văng tục ở những nơi không coi là công cộng thì vẫn được. Nhưng văng ra ở những chỗ riêng tư, vắng người ấy thì còn gì là thú vị nữa.
Tuy nhiên, việc biên phạt và áp dụng bộ luật này sẽ khó chứ không phải là dễ. Có những chữ không còn bị coi là tiếng chửi thề nữa thì làm thế nào phân biệt lúc tục lúc không. Ngày nay, chúng có thể được dùng để làm cho nghĩa của câu nói mạnh hơn thí dụ chữ "fucking" mà phó tổng thống Joe Biden đã dùng mấy lần trước báo chí như khi ông nói "a fucking deal" hay "a fucking break", hay "a fucking choice", và có cả một lần khi ông ghé sát vào tai của tổng thống Obama trong một cuộc họp báo.
Cũng có những chữ trước đây bị coi là tục tĩu nhưng nay thì không, như chữ "damn" trong câu Clark Gable (vai Rhett Butler) của phim Gone With The Wind dùng khi chia tay với Scarlet O’Hara: "Frankly my dear, I don’t give a damn."
Tôi cũng thỉnh thoảng văng ra vài ba chữ cho đỡ bực bội. Nay bị cấm thì… bực lắm.
Mà có rất nhiều lần, không văng ra thì không chịu được.
Thí dụ bị người bạn rủ đi ăn cơm … lạ ở Middleborough chẳng hạn. Làm sao không văng ra mấy câu tục tĩu cho được? Nhẹ ra thì cũng đòi mây mưa với má của quí ông Ôn Gia Bảo, Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân, Đặng Tiểu Bình, Chu Ân Lai … chứ. Hay bước chân vào cái chợ, thấy những sản phẩm độc hại chế tạo tại cái nước khốn nạn đang gây sự với người Việt Nam, ngang ngược và hỗn hào trong mọi hành động đối với người Việt ở biên giới, ở các đảo của chúng ta, tại các vùng có tài nguyên của chúng ta đang bị đào khoét ăn cướp đi, tại những vùng tô giới nhường đứt cho bọn … lạ. Không thể tử tế, trong sáng như ở những lúc khác được.
Hay khi nghĩ về các lãnh tụ Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nông Đức Mạnh, Hồ Chí Minh, Phạm văn Đồng …cùng với đồng bọn của chúng nó thì cách gì có thể không muốn làm chuyện dâm dục với má của những thứ chó đẻ đó? Hay khi đọc thấy tin bọn nhãi ranh, con gái thằng này, con trai thằng nọ nhâng nháo được đưa vào những chức vụ chỉ để giúp đưa cả nước xuống đất đen, lao xuống cái mả mẹ nhà chúng nó, hay chuyện chúng nó biến nguyên mấy thế hệ người dân thành những thứ dùng bằng giả, thi gian, học lận, tạo đủ mọi tiếng xấu xa khi ra nước ngoài, làm cho đất nước bị khinh miệt như một nhà tu thấy xấu hổ khi cầm cái thông hành Việt Nam trong những lần đi ngoại quốc…
Tôi nhớ câu đầu một bài thơ của Trạch Gầm:
Đù má cho tao chưởi mày một tiếng
Đất nước của ông cha sao mày cắt cho Tầu…
Chỉ mới nghĩ đến bằng ấy chuyện đã thấy không chửi thề không được rồi. Làm sao đến Middleborough đây?

Ngày 22 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Tuần tới, có ngày thứ ba cuối cùng của tháng 6, theo cuốn Chase's 2000 Calendar of Events, cuốn sách ghi những ngày quan trọng trong năm, được dành ra để nghĩ và nhớ đến những người, mà theo cuốn lịch vừa kể trên, đã đem lại niềm vui cho người đọc suốt năm -- who bring you joy all year long.
Những người ấy, vẫn theo cuốn Chase Calendar, xứng đáng để được độc giả "celebrate" -- tôi xin không dịch chữ này vì dịch ra thì đụng chạm nhiều lắm-- ít nhất một lần trong năm (... deserve to be celebrated by their readers at least once a year.)
Đó là những người mà cầm tờ báo lên, tôi mở ngay đến trang của họ để đọc trước. Những người ấy có thể là William Safire của tờ New York Times, hay Ellen Goodman của tờ Boston Globe, hay George F. Will của tờ Newsweek...hay Andrew A. Rooney trong chương trình 60 Minutes của hệ thống truyền hình CBS trước đây.
Họ quả là có mang lại niềm vui cho độc giả thật. Hôm nào không có William Safire thì có Ellen Goodman, thiếu Ellen Goodman thì có George F. Will...
Người ta đọc William Safire vì kiến thức của ông, vì chữ nghĩa của ông, đọc George Will vì quan điểm rất bảo thủ của ông, đọc Ellen Goodman vì cái nhìn rất phụ nữ của bà, đọc Mike Royko (đã qua đời năm 1977) của tờ Chicago Tribune vì óc hài hước của ông.
Những người này, tiếng Anh gọi là columnist, tiếng Việt không biết phải gọi là gì. Columnist là một người viết được trao cho giữ riêng một cột báo, viết thường xuyên cho khu đất đó của mình.
Những columnists cao thủ ở Việt Nam trước đây là Hiếu Chân, Mai Nguyệt trong báo Tự Do, là Ký Giả Lô Răng, ký giả Ba Tê của tờ Tiến Tuyến... những người làm mới ngôn ngữ, đưa ra những cái nhìn hài hước, cay độc mà cũng lại rất thông minh, rất trí tuệ cho người đọc suốt bao nhiêu năm. Người ta đọc báo thường chỉ vì bài viết của các ông.
Gọi họ là... cột nhân? Không ổn lắm. Nửa Nôm nửa Hán. Thuyền nhân thì được, chứ cột nhân nghe... vừa chán vừa kỳ quá.
Dùng chữ của các ông bạn đồng văn, ký mục gia, nghe cũng kỳ cục không kém. Người trông lịch sự như mấy ông vừa nhắc tên ở trên mà bị gọi bằng cái tên nghe chán như thế sao?
Gọi các chàng (xin lỗi hai cụ Hiếu Chân và Mai Nguyệt đã qua đời) là gì thì các chàng cũng không bao giờ là những người sung sướng.
Buổi sáng, những người đàn ông bình thường và khỏe mạnh chỉ thắc mắc hôm nay... ăn sáng ở đâu, ăn gì vân vân. Nhưng các columnists thì câu hỏi đầu tiên là hôm nay viết cái gì...
Và các chàng chỉ trở lại tình trạng bình thường của đầu óc khi tìm ra được đề tài để viết.
Nhưng tìm đâu? Andy Rooney nói rằng ý tưởng để viết thì ở khắp nơi. Điều làm cho người columnist khác những người khác là ông ta luôn luôn đi tìm, đi kiếm. Khi ý kiến bay ngang qua mặt, ông ta vồ lấy nó ngay và ngồi xuống viết. Không có gì ông ta không viết được. Chỉ cần sắp xếp các ý tưởng đó theo một thứ tự nào đó, là có một bài cho cột báo.
Nghe Andy Rooney nói như thế, thì làm một columnist cũng chẳng khó gì. Nhưng Ellen Goodman, một cây bút phụ nữ thì nói rằng việc làm của người columnist cũng giống như làm... tình với một nymphomaniac (người mắc chứng mộ nam cuồng, chứng điên loạn vì quá mê thích đàn ông), đó là xong một bài(?), là lại phải lo viết ngay một bài khác, rồi một bài khác nữa, rồi lại một bài khác nữa nữa, không bao giờ xong.
Nếu đúng columnists là những người "hạnh phúc" như thế, thì ai bảo làm columnist là khổ? Mà đó là các columnists viết mỗi tuần một bài.
Còn những người ngày nào cũng viết một bài, không bao giờ sai hẹn thì có nên được cho một ngày nghỉ không?
Đến như con cá chuối cũng còn có được một ngày tuyệt hảo (A Perfect Day for Bananafish / truyện ngắn của J.D. Salinger) nữa là!

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 144)
SO / SUCH / TOO
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 144 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Hôm nay chúng ta sẽ nói về SO và SUCH cùng với TOO và cách dùng của mấy tiếng này.
SO và SUCH cùng với TOO có thể hiểu là VERY, là quá, quá sức, rất nhiều. Tất cả đều được dùng để làm cho ý nghĩa của những tiếng đi sau chúng trở thành mạnh hơn . Chúng ta bắt đầu với SO.
Trong Anh ngữ, SO đi với tĩnh từ (ADJECTIVES) hay trạng từ (ADVERBS) để làm cho nghĩa của những tĩnh từ và trạng từ này mạnh hơn. Thí dụ IT IS SO HOT IN ARIZONA DURING THE SUMMER. HE ALWAYS DRIVES SO FAST. Chữ SO làm cho mức độ nóng ở Arizona thêm nóng hơn và việc lái xe nhanh của ông ta trở thành nhanh hơn. Trúc Giang cho biết HOT là loại tiếng gì và FAST là loại tiếng gì. WHAT PARTS OF SPEECH ARE THEY? Sau đó Trúc Giang cho nghe mấy thí dụ của cô coi.
TRÚC GIANG
HOT là ADJECTIVE và FAST là ADVERB. Sau động từ TO BE chúng ta dùng ADJECTIVES và sau các động từ khác chúng ta dùng ADVERBS phải không thưa chú?
BBT
Thì nói chung là như thế cái đã. Cũng có vài ba động từ khác chúng ta dùng với ADJECTIVES. Hai cô sẽ thấy bao giờ cũng có những trường hợp đặc biệt. Thí dụ TO FEEL chẳng hạn. I FEEL HAPPY thì HAPPY là ADJECTIVE. Sau động từ TO FEEL, như hai cô thấy đó, chúng ta dùng tĩnh từ HAPPY mà KHÔNG dùng trạng từ HAPPILY. Còn thí dụ của Trúc Giang đâu?
TRÚC GIANG
THE EMPIRE STATE BUILDING IN NEW YORK CITY IS SO TALL.
HE WORKED SO HARD FOR THE FINAL EXAM.
BBT
Đúng rồi. TALL là ADJECTIVE và HARD là ADVERB. Còn QA?
QA
HIS CHILDHOOD WAS SO WONDERFUL.
TIME GOES BY SO QUICKLY.
WONDERFUL là ADJECTIVE và QUICKLY là ADVERB.
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ nói qua SUCH. Sau SUCH chúng ta dùng một danh từ (NOUN). Có thể thêm một tĩnh từ đi trước cũng được. Thí dụ HE IS SUCH A GOOD SINGER. Cũng có thể nói HE IS SUCH A SINGER. Tuy không có tĩnh từ GOOD đi cùng nhưng chúng ta cũng hiểu ngay ông ấy là một người hát hay. QA cho nghe hai câu với SUCH coi.
QA
THEY LIVE IN SUCH A BIG HOUSE.
HE WAS SUCH A LOUSY LEADER.
TRÚC GIANG
WE WAITED FOR SUCH A LONG TIME.
THEY SAVED SUCH A LOT OF MONEY.
BBT
Bây giờ chúng ta chuyển sang một cách đặt câu khác mà hai cô chắc cũng đã gặp trong lúc nói chuyện. Đó là cách đặt câu QUÁ… ĐẾN NỖI. Cách đặt câu này có HAI phần. Một nửa đưa ra NGUYÊN DO dùng với SO hay SUCH nghĩa là QUÁ, nửa kia nói về HẬU QUẢ được đưa vào bằng mệnh đề THAT với ý nghĩa ĐẾN NỖI.
Thí dụ IT IS SO HOT là nửa diễn tả NGUYÊN DO, tiếng Anh gọi là CAUSE.
Nửa sau bắt đầu bằng THAT để nói về hậu quả của nguyên do đó. Hậu quả tiếng Anh là EFFECT. Trời nóng quá đến nỗi gì đây? IT IS SO HOT THAT I MUST TURN ON THE A/C (AIR CONDITIONER). Trong câu này, IT IS SO HOT là nguyên do, là CAUSE. THAT I MUST TURN ON THE A/C là hậu quả, là EFFECT.
QA và Trúc Giang cho nghe 2 thí dụ với SO…THAT coi.
QA
THE FILM WAS SO GOOD THAT I SAW IT 2 TIMES.
THE MUSIC IS SO LOUD THAT I CANNOT HEAR HIM.
TRÚC GIANG
MY NEPHEW WAS SO HEAVY THAT I COULD NOT LIFT HIM UP.
HIS ENGLISH IS SO FLUENT THAT PEOPLE THINK HE WAS BORN HERE.
BBT
Bây giờ hai cô sẽ cho nghe những thí dụ với SUCH…THAT để cũng diễn tả ý nghĩa QUÁ … ĐẾN NỖI. Nhớ là sau SUCH chúng ta dùng gì nào, Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Sau SUCH chúng ta dùng danh từ, có thể có một tĩnh từ đi trước cũng được. Đây là hai câu của cháu: NEW YORK IS SUCH A LARGE CITY THAT PEOPLE CANNOT SEE IT IN ONE DAY.
THIS IS SUCH AN INTERESTING BOOK THAT I FINISHED IT IN ONE SITTING.
QA
QA có hai câu này: MY DAUGHTER IS SUCH A CAREFUL WORKER THAT SHE ALWAYS CHECKS EVERYTHING TWICE.
SAN FRANCISCO IS SUCH AN EXPENSIVE CITY THAT WE HAD TO MOVE TO HOUSTON.
BBT
Với SO và SUCH, mệnh đề theo sau có thể là AFFIRMATIVE (xác định) như trong câu I WAS SO MAD THAT I THREW EVERYTHING AWAY. Mệnh đề sau cũng có thể là NEGATIVE, tức là thể phủ định như I WAS SO MAD THAT I DID NOT TALK TO HIM AGAIN. Với SUCH cũng vậy: IT WAS SUCH A COLD WINTER THAT WE HAD TO SPEND A LOT FOR HEATING. Hay NEGATIVE như câu này: IT WAS SUCH A COLD WINTER THAT THEY DID NOT GO ANYWHERE FOR THE HOLIDAY. Khi dùng những câu này, chúng ta nhớ là phải lên giọng, phải nhấn mạnh vào SO hay SUCH. Không cần phải nhấn vào THAT. Nói như thế thì mới diễn được hết ý nghĩa của câu và điều chúng ta định nói.
TOO cũng có nghĩa là quá, tương đương với VERY và SO. Nhưng mệnh đề đi sau bao giờ cũng là NEGATIVE. Thí dụ IT WAS TOO COLD THAT I COULD NOT GO SWIMMING. Như vậy, TOO…THAT nghĩa là QUÁ … ĐẾN NỖI KHÔNG… QA cho nghe hai thí dụ với TOO…THAT coi.
QA
THE HOUSE IS TOO EXPENSIVE THAT THEY CANNOT BUY IT.
THE FOOD IS TOO SALTY THAT WE CANNOT EAT IT.
TRÚC GIANG
HE IS TOO NASTY THAT PEOPLE DON’T WANT TO TALK TO HIM.
GERMAN IS TOO DIFFICULT THAT PEOPLE CANNOT MASTER IT IN ONE OR TWO YEARS.
BBT
Chúng ta có thể làm cho câu ngắn lại bằng cách đặt câu TOO…TO+VERB. Thí dụ THE TEA IS TOO HOT THAT I CANNOT DRINK IT QUICKLY. Chúng ta rút ngắn lại để thành: THE TEA IS TOO HOT TO DRINK IT QUICKLY.
QA và Trúc Giang đổi các thí dụ của hai cô thành cách đặt câu mới với TOO…TO+VERB coi.
QA
THE HOUSE IS TOO EXPENSIVE TO BUY.
THE FOOD IS TOO SALTY TO EAT.
TRÚC GIANG
HE IS TOO NASTY TO TALK TO.
GERMAN IS TOO DIFFICULT TO MASTER IN ONE OR TWO YEARS.
BBT
Chắc hai cô cũng nghe mấy câu này rồi: TOO GOOD TO BE TRUE và TOO GOOD TO BELIEVE. QA sẽ dùng những câu đó trong trường hợp nào?
QA
QA sẽ dùng câu TOO GOOD TO BE TRUE nếu có ai nói là có thể mua một cái I-pad mới với giá 50 dollars chẳng hạn. Đó là chuyện quá tốt đẹp, quá hay để có thể là sự thực. Còn Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Hay có ai nói là xăng ở gần sở của cháu được bán với giá 99 cents 1 gallon. Như thế thì quá tốt, quá rẻ, không thể tin được là chuyện đó có thể là sự thực. TOO GOOD TO BELIEVE, nghe không tin được.
QA
Thưa anh, QA có thắc mắc này phải hỏi anh ở đây. Bữa nọ QA đứng trong garage bỗng nghe thấy mấy đứa con nói chuyện với nhau. Không biết chúng đang nói gì, QA chỉ nghe cậu con trai nói đi nói lại với em nó rằng "I CAN’T HELP IT! I CAN’T HELP IT!" QA liền nói với con rằng em nó cần gì thì con nên giúp nó chứ tại sao lại nhất định không chịu giúp em… Con gái QA nói rằng HELP đây không phải là giúp mà là nghĩa khác. Nó nói nó không thể cắt nghĩa cho QA hiểu được.
QA nghĩ HELP là giúp đỡ nhưng tại sao con gái QA lại nói vậy? Bộ HELP còn có một nghĩa khác hay sao thưa anh?
BBT
Đây là một cách dùng khác của động từ TO HELP. Nói đầy đủ thì phải là CAN’T (CANNOT) HELP SOMETHING. Thành ngữ này nghĩa là không thể ngăn chặn hay tránh không để cho một chuyện gì, một việc gì đó xẩy ra. Thí dụ có nhiều người rất thích chơi video games chẳng hạn. Nhiều người biết như vậy mất thì giờ, bài vở, công việc bị ảnh hưởng tai hại nhưng họ không sao bỏ video games được. Có trường hợp cháu giết bà để lấy tiền chơi games như báo ở Việt Nam mới đây có đăng. THEY CAN’T STOP PLAYING VIDEO GAMES. THEY CAN’T HELP IT. QA hiểu chưa nào?
QA
Thưa vậy thì QA hiểu rồi. Cũng như nhiều người biết thuốc lá có hại nhưng vẫn hút. THEY CAN’T HELP IT.
TRÚC GIANG
Cũng như có những người vừa lái xe vừa TEXT bất kể luật cấm và bị cảnh sát phạt rất nặng. Như thế cũng là THEY CAN’T HELP IT phải không thưa chú?
BBT
Đúng vậy. Bây giờ qua một cách đặt câu khác. Đó là CAN’T (CANNOT) HELP BUT DO SOMETHING nghĩa cũng là cố KHÔNG làm một việc gì đó mà không được. Thí dụ tôi không ưa ông ấy nhưng bữa đi ăn cưới, tôi bị cho ngồi chung bàn với ông ấy. Vậy thì theo hai cô, tôi có chào ông ấy không?
QA
YOU CAN’T HELP IT! YOU CAN’T HELP BUT SAY HELLO TO HIM.
TRÚC GIANG
Con gái cháu đòi thức khuya coi TV. Cháu thấy nó cũng tội nhưng vẫn phải bắt nó tắt TV đi ngủ. I CAN’T HELP BUT SEND HER TO BED.
BBT
Nhớ là với CAN’T HELP BUT thì chúng ta dùng INFINITIVE WITHOUT TO, động từ nguyên mẫu KHÔNG CÓ TO như hai thí dụ của hai cô ở trên. Nhưng lại còn một cách nói khác nữa, đó là bỏ chữ BUT đi, để thành CAN’T HELP và sau đó, chúng ta dùng VERB+ING. QA đổi câu thí dụ của cô, bỏ BUT đi sẽ như thế nào?
QA
YOU CAN’T HELP SAYING HELLO TO HIM.
TRÚC GIANG
Câu của cháu sẽ thành: I CAN’T HELP SENDING HER TO BED.
BBT
Bài hôm nay đã khá dài rồi. Chúng ta phải ngừng ở đây…
TRÚC GIANG
Mặc dù cháu muốn học nữa. Nhưng WE CAN’T HELP IT.
QA
Đúng rồi. WE CAN’T HELP BUT END THE LESSON RIGHT HERE.
BBT
Cám ơn hai cô. WE CAN’T HELP ENDING THE LESSON HERE.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

June 13, 2012

June 15, 2012


Ngày 11 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Danh từ "phao" có nhiều nghiã khác nhau. "Phao" có thể là một miếng bấc nhỏ buộc vào sợi dây câu, cho nổi trên mặt nước để báo cho biết có cá cắn mồi ở dưới. "Phao" cũng còn có nghĩa là dụng cụ dùng để cấp cứu, giúp cho người sắp bị chìm dưới nước khỏi chết đuối.
Có thể là chính qua cách dùng này, ngày nay, "phao" có thêm một nghĩa khác nữa là tài liệu đem bất hợp pháp vào phòng thi để các thí sinh gặp bài thi khó có thể lôi ra dùng, như người ngã xuống nước được quăng cho cái phao.
Thực ra, trước năm 1975, tại các trường học dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chuyện cóp bài, lén mở sách ra xem trong các kỳ thi trong lớp cũng như tại các trường thi cũng có chứ không phải là không. Nhưng so với trò chép bài, cóp pi và quay phim ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc bây giờ thì trò quay phim của các học sinh thời trước là đồ bỏ, là tay mơ, dở hết chỗ nói.
Hồi ấy, tại các kỳ thi lục cá nguyệt trong lớp, việc coi thi để ngăn chặn trò quay phim, cóp bài diễn ra nghiêm ngặt đã đành. Tại các kỳ thi trung học phổ thông, tú tài 1 và tú tài 2, luôn cả ở mức đại học, việc quay phim, gian lận thực sự là rất khó. Trước khi phát đề thi, các giám thị đều nhắc thí sinh phải đem nộp hết các tài liệu mang theo. Các tài liệu, gọi là "phim" nếu bị bắt sau đó, cho dù là chủ nó không dùng, thí sinh cũng bị đuổi ra khỏi phòng thi ngay lập tức.
"Phim" thường được viết trong những miếng giấy rất nhỏ, dấu trong những cây bút , trong tay áo, dưới ghế, trong ngăn kéo bàn, trong nhà cầu, trong cạp quần, trong cả áo lót của các nữ thí sinh. Nhưng chúng vẫn bị tìm ra gần hết. Ngoài ra, việc ngó sang người bên cạnh, làm hiệu với nhau, trao đổi giấy nháp đều bị cấm ngặt. Các sinh viên Văn Khoa Sài Gòn đều nhớ cảnh linh mục Thanh Lãng đeo chiếc kính đen vào, mùi nước hoa thơm lừng đi vần vũ trong phòng thi là mọi âm mưu quay phim của các sinh viên đều biến thành mây, thành khói hết.
Nhưng "phao" ở Việt Nam ngày nay thì "hoành tráng" hơn nhiều. "Phao" có khi được in bằng computer mang công khai vào lớp. Các thí sinh tha hồ quay xuống bàn dưới, sang bàn bên cạnh, nhoài người lên bàn trước, hỏi nhau công khai, trao đổi "phao" với nhau, nhận bài giải ném từ hành lang vào, và giám thị ngồi lù lù trong lớp thì không có bất cứ một hành động nào để ngăn chặn những việc làm gian lận công khai đó. Có những trường hợp giám thị còn mách nước cho thí sinh một cách không thèm dấu giếm gì.
Tất cả những cảnh như vừa kể nếu chỉ nghe nói thì không ai có thể tin được. Nhưng những cảnh đó đã được thu lại rất rõ bằng video của một thí sinh ngồi ngay trong phòng thi. Khoảng năm hay sáu video clip thu được trong phòng thi của trường trung học phổ thông Đồi Ngô thuộc tỉnh Bắc Giang đã được đưa lên internet, và vì thế, người ta mới được thấy cảnh gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Tại trung tâm thi tốt nghiệp Đồi Ngô, có 12 phòng thi với 39 nhân viên phụ trách việc coi thi. Tổng số thí sinh là 273 người.
Cuộc thi toàn quốc vừa được báo cáo (láo) là diễn ra tốt đẹp thì một loạt video clip thu cảnh gian lận được gửi lên internet. Đến lúc ấy người ta mới lôi vụ này ra thảo luận. Và trong khi nhà chức trách chưa nói gì đến việc điều tra, hay có biện pháp với các giám thị và các học sinh quay cóp trong phòng thi, thì một giới chức cao cấp giáo dục nói là sẽ phải có biện pháp đối với những người thu được các video clip có cảnh gian lận. Báo Tuổi Trẻ số mới nhất cho biết thí sinh thu những video clip này đang rất lo sợ bị kỷ luật và trả thù.
Tại những trung tâm thi ở các tỉnh khác, hình ảnh chụp ở sân trường cho thấy "phao" thi quăng trắng xóa trên lối đi, trên thảm cỏ, ngoài phòng thi.
Như vậy là thế nào? Hăm dọa trừng phạt người đưa ra bằng cớ gian lận trong khi chưa nói gì đến việc có biện pháp với các thí sinh cóp bài và các giám thị để mặc cho trò gian lận diễn ra? Có một quốc gia nào trên thế giới làm như thế không? Ở Mỹ, chính phủ cho người tố cáo các tội ác được hưởng mọi biện pháp bảo vệ để người đó không thể bị hãm hại. Trong một số trường hợp, người "thổi còi" (whistle blower) còn được cho một căn cước mới và được đưa đi sống tại một nơi không một ai biết, đó là chương trình witness protection tức là chương trình bảo vệ nhân chứng.
Nhưng ở Việt Nam, người "thổi còi" thì liền bị hăm trừng phạt. Vậy thì làm sao làm sạch được xã hội?
Nghĩ cho cùng thì ngay chính bác Hồ cũng thuổng tập thơ của một anh Tầu để nhận vơ Ngục Trung Nhật Ký là của bác. Các tài liệu viết bằng tiếng Pháp đả kích chế độ thực dân Pháp của cụ Phan Văn Trường ở Paris thì bác nhận là của bác để bọn đàn em hít hà nói là bác thông thạo năm bẩy thứ tiếng. Mẹ kiếp làm bồi tầu, làm phụ bếp thì học tiếng Anh tiếng Pháp tử tế ở đâu mà cứ nhắng lên là thông thạo Anh Pháp ngữ?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khoe có cử nhân Luật trong … rừng. Ngày nay, ở đâu cũng có thể mua bằng giả nên mới có những đứa không biết một chữ tiếng Anh, chưa ra khỏi Việt Nam bao giờ cũng có bằng cấp đại học Mỹ xài chơi.
Thế thì việc chó gì phải dùng "phao" đi thi? Cứ mua vài cái bằng dổm về, vừa dọa được bu nó vừa trèo lên chức này chức nọ ngay.
Học báo chí (?) cũng được trao chức giám đốc to đùng, mặc áo đầm mầu hồng váy ngắn cũn cỡn, đi giầy cao gót đỏ thanh sát công trường như con nhãi ranh con cậu Tô Huy Rứa thì hà tất phải quay cóp làm gì mới có bằng để bị quay video trông chán vô cùng.
Ra chúng nó là như … rứa vậy sao?
Bố khỉ.
Các video clip trong khi đó lại cho thấy rất rõ một khẩu hiệu vẽ trên tường của lớp học nơi diễn ra kỳ thi ở Đồi Ngô câu này:" THI ĐUA HỌC TỐT, DẠY TỐT".
Tốt cái … con củ gì đây?

Ngày 12 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Một thành phố ở miền trung Thụy Điển, thành phố Sormland, vừa có một dự luật mới mà một số người cho là vi phạm quyền tự do của đàn ông ở đó nếu dự luật được thông qua.
Dự luật này do một đảng nhỏ với chủ trương tả khuynh đề nghị. Đảng gồm đa số là phụ nữ, thành lập năm 1917 sau khi tách ra khỏi đảng Dân Xã Công Nhân.
Dự luật đòi các nam nhân viên, công cũng như tư chức khi sử dụng các nhà cầu công cộng nam nữ dùng chung không được đứng khi hành sự nữa. Các ông phải hạ cái bệ cầu xuống và ngồi xuống trước khi làm công tác thủy lợi.
Dự luật nói rằng đàn ông thường nhắm rất dở nên nước nôi vung vãi ra cả bên ngoài bồn, làm cho sàn nhà cầu lúc nào cũng ướt nhẹp. Người đến sau thường phải dẫm lên những vũng nước các chàng để lại. Để tránh tình trạng này, những người đàn ông sử dụng nhà cầu sẽ phải ngồi xuống hết. Không còn có trò đàng hoàng đứng… đắn (?) như trước nữa.
Thực ra, biện pháp này tôi cũng đã thấy ở Mỹ mấy lần, ở vài ba căn nhà tôi có dịp đến thăm. Tất cả đều là những gia đình mà phe đàn ông là thiểu số: chỉ có ông chồng là đàn ông. Vì thế, việc xử ép phe thiểu số cũng dễ. Việc kiểm soát sự tuân thủ lệnh trên cũng không khó. Hễ thấy cái bàn cầu dựng lên là biết ngay có người phạm luật. Khách đến nhà cũng bị căn dặn ngay từ ngoài cửa. Không chịu tuân theo lệnh của gia chủ thì cố mà giữ nước đi tới nơi khác tự do hơn mà xả.
Với thứ luật lệ đó, nhân vật đóng vai chính trong phim Mrs Doubtfire, người đàn ông giả phụ nữ do Robin Williams đóng sẽ không thể bị khám phá. Vào nhà cầu mà ngồi thụp xuống thì ai dám nghi ngờ phái tính của chàng.
Nhưng vai Mrs Doubtfire lại đứng hiên ngang để làm việc thoát nước nên chuyện giả phụ nữ của chàng bị khám phá ra ngay.
Chuyện đứng mà làm việc đó mà bị cấm thì những người đàn ông sẽ mất đi bao nhiêu lạc thú. Bởi lẽ đứng thẳng làm việc đó sướng hơn là ngồi xuống rất nhiều.
Một phụ nữ quí tộc nước Anh có lần đã nói ngay ở Quí Tộc Nghị Viện rằng bà không thua gì mấy ông đàn ông cả, chỉ có một điều là bà không thể viết tên của mình trên tuyết được như các ông mà thôi. Điều đó cho thấy là đứng chình ình viết tên mình trên tuyết là chuyện nhiều người thèm lắm mà không làm được.
Nhưng có lẽ phải bổ túc một chi tiết khác nữa cho câu nói của bà, đó là bà sẽ không bao giờ có thể điều khiển để dòng nước bắn tan xác những mẩu thuốc lá mà người ta quăng vào những cái bồn cầu. Có thể nói chắc rằng không một người đàn ông nào lại không từng chơi trò chơi hào hứng đó mỗi lần đi làm thủy lợi. Đó là chưa nói tới nghệ thuật bắn vòng cầu lên những vùng cao khi cần thiết, nếu cái urinoir được gắn hơi cao một chút như hồi còn bé, khi chiều cao chưa đạt được hết cỡ.
Và nếu phải ngồi xuống như vậy, ông Trạng Quỳnh làm sao chửi cha sứ Tầu bằng nghệ thuật "vũ qua Bắc Hải" được. Cứ ngồi thụp xuống làm sao … mưa qua biển Bắc cho ướt đầu mấy anh Tầu?
Nhất là trong tình hình biển Đông ngày nay.
Đái được lên đầu mấy thằng Tầu … lạ thì sướng biết là bao.

Ngày 13 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Ca khúc nền của phim High Noon với Gary Cooper và Grace Kelly nghe mấy chục năm trước đến nay tôi chỉ còn nhớ được có mấy câu đầu:
Do not forsake me oh my darling
On this our wedding day
Đừng bỏ em nhé, anh yêu, trong ngày cưới của chúng ta… Mấy câu đau sót đó cùng với mấy câu dịch sang tiếng Pháp của bài hát:
Si toi aussi, tu m’abandonnes, ô mon unique amour, toi
Cả hai lời Anh và lời Pháp đều bầy ra cảnh đau lòng. Bỏ nhau thiếu gì lúc để làm. Tại sao lại làm công việc đó ngay trong ngày cưới?
Đúng một năm trước đây, ngày 11 tháng 6 năm 2011, một phụ nữ 25 tuổi đã "xù show", cho người đàn ông hơn cô 60 tuổi đứng một mình ở bàn thờ khi cô quyết định không tiến tới với chương trình đám cưới của hai người nữa.
Câu hát của bài High Noon tưởng không còn có thể đúng hơn với cảnh ngoài đời của hai người được.
Tháng 6 năm 2011, Crystal Harris quyết định bỏ cho chàng một mình ở lại đúng vào ngày đáng lẽ đám cưới diễn ra. Nàng ôm con chó, chất quần áo lên chiếc xe chàng mua cho nàng, luôn cả cái nhẫn kim cương chàng đeo cho nàng và bỏ đi mất đất.
Người đàn ông bị bỏ lại là Hugh Hefner, chủ nhiệm sáng lập tờ Playboy, 86 tuổi, hơn nàng đúng 60 tuổi.
Em đi bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em
Em đi bỏ lại dặm trường
Ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm
Bùi Giáng đã viết mấy câu lục bát trên. Trịnh Công Sơn đem viết lại thành ca khúc, thêm vào đó mấy câu làm bản nhạc càng nghe càng thấy ngậm ngùi, tan nát.
Một người đàn ông khác mà tôi biết thì hạnh phúc hơn. Đêm tân hôn người phụ nữ trẻ hỏi chàng bao nhiêu tuổi. Chàng gợi ý cho nàng làm một con tính thì biết ngay tuổi của chàng: ngũ thập niên tiền nhị thập tam…
Nửa thế kỷ trước chàng mới 23 tuổi. Cộng vào đó năm mươi năm. Chàng 73 tuổi. Nhưng tuổi của nàng thì không thấy Uy Viễn tướng công nói ra. Nàng bao nhiêu? Mười tám, hai mươi?
Thuở ấy tuổi vàng hay tuổi đá
Yêu nhau ai tính tuổi bao giờ
…(Vũ Hoàng Chương)
Không thấy nói là nàng bỏ đi. Sau đó mấy năm, chàng còn xin tái ngũ xin ra trận đánh Pháp sau khi tầu chiến Pháp kéo tới bắn phá Đà Nẵng.
Crystal Harris bỏ chàng ở lại một mình. Còn ném lại một câu tàn nhẫn, gọi chàng là "two-second man", người đàn ông hai giây để nói về khả năng kéo dài những nỗ lực giúp vui (của chàng) cho nàng.
Cố lắm cũng chỉ được hai giây
Em buồn, em chán, em bỏ anh ngay giữa đường…
Nàng bỏ chàng, nhưng không như người phụ nữ trong mấy câu của Trần Tế Xương:
Tháo nhẫn ma dê ném xuống sông
Thôi, thôi, tôi cũng mét xì ông…
Người phụ nữ bỏ đi, thấy không tiện tiếp tục đeo cái nhẫn nên ra bờ sông quăng cha nó xuống nước, cám ơn chàng rồi bỏ đi. Nhưng Crystal Harris thì đem bán cái nhẫn được 90 ngàn đô la. Và hôm nay, một năm sau, nàng quyết định trở về với chàng. Nàng cẩn thận tweet cho bạn bè rằng "Yes, I am his #1 girl again. Yes, we are happy . Hope that clears up any confusion." Vâng, tôi lại là người số 1 của chàng. Vâng, chúng tôi hạnh phúc. Hy vọng điều này sẽ đánh tan mọi hiểu lầm…
Đọc bản tin của AP, tôi không thể không nhớ một bài thơ, bài số 46, trong tập The Gardener của Rabindranath Tagore. Xin chép lại ở đây cho bạn đọc chơi:
Em đã bỏ tôi và ra đi.
Tôi nghĩ mình sẽ phải khóc than, thương tiếc, đem hình bóng cô đơn của em vào tim, viết thành ca khúc bằng vàng.
Nhưng số mệnh trớ trêu cay nghiệt, mà cuộc đời thì ngắn ngủi.
Tuổi hoa niên theo năm tháng úa dần; ngày xuân chóng qua; những bông hoa mỏng manh tàn tạ vô ích, và bậc trí giả răn rằng đời sống chỉ là những hạt sương đọng trên lá sen.
Liệu tôi có nên quên đi tất cả những điều này để hướng mắt nhìn theo người đã quay lưng bỏ tôi ra đi?
Làm vậy thì quá vô lễ và điên dại , vì cuộc đời ngắn ngủi.
Vậy thì hãy lại đây, những đêm mưa với những bước chân lộp bộp; hãy cười lên mùa thu vàng lá; hãy lại đây hỡi tháng Tư vô tư , reo rắc những nụ hôn đi khắp mọi nơi.
Em hãy lại đây, em, và em nữa, tất cả hãy lại đây!
Hỡi những người yêu của ta, các em biết chúng ta chỉ là những phàm nhân, tất cả rồi đều phải chết. Liệu có khôn ngoan không khi để cho con tim tan nát, đau khổ vì người đã đem lòng đi nơi khác? Vì cuộc đời ngắn ngủi.
Thật là tuyệt vời khi ngồi ở một góc, mơ mộng viết thành vần điệu rằng em là tất cả thế giới của tôi.
Thật là anh hùng khi ôm lấy nỗi buồn của mình và nhất định không để cho ai an ủi vỗ về.
Nhưng một khuôn mặt tươi mát nhìn qua cừa và nhướng mắt lên nhìn tôi.
Tôi đành phải lau khô nước mắt và đổi điệu bài ca.
Vì đời người thì ngắn ngủi. (*)
Và thế là em đã trở về.
Dù đến, dù đi, tôi cũng xin tạ ơn đời, tạ ơn em đã cho tôi…(TCS)
Tuổi già mà còn được như vậy thì cũng … tạm. Còn hơn cứ nằm nhìn cái trần nhà thì chán biết là dường nào. Thông cảm cho chàng. Tội nghiệp chàng mà!
---------
(*) You left me and went on your way.
I thought I should mourn for you and set your solitary image in my heart wrought in a golden song.
But ah, my evil fortune, time is short.
Youth wanes year after year; the spring days are fugitive; the frail flowers die for nothing, and the wise man warns me that life is but a dewdrop on the lotus leaf.
Should I neglect all this and gaze after one who has turned her back on me?
That would be rude and foolish, for time is short.
Then , come, my rainy nights with pattering feet; smile, my golden autumn; come, careless April, scattering your kisses abroad.
You come, and you, and you also!
My loves , you know we are mortals. Is it wise to break one’s heart for the one who takes her heart away? For time is short.
It is sweet to sit in a corner to muse and write in rhymes that you are all my world.
It is heroic to hug one’s sorrow and determine not to be consoled.
But a fresh face peeps across my door and raises its eyes to my eyes.
I cannot but wipe away my tears and change the tune of my song.
For time is short.

Ngày 14 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Theo cuốn Chase Calendar of Events, cuốn lịch ghi các ngày nghỉ, ngày kỷ niệm trong năm, những ngày được dành ra để cử hành, để đánh dấu, để làm một chuyện đặc biệt nào đó, hay nhiều khi cũng chẳng đặc biệt, thú vị gì, có khi lại là những chuyện hết sức vớ vẩn ở nước Mỹ, thì tuần này là tuần lễ ôm toàn quốc, National Hug Holiday Week, tuần lễ để ôm và được ôm lại.
Tuần lễ này được dành để tôn vinh, nhìn nhận và bầy tỏ sự cảm kích của chúng ta dành cho người khác qua một hình thức rất giản dị là một cái ôm.
Đoạn văn chương lổn nhổn ở trên là cố gắng dịch lại những chi tiết của tuần lễ ôm toàn quốc in trong cuốn Chase Calendar.
Tôi hy vọng tuần lễ này sẽ giúp một người đàn ông Á châu sống quá nửa đời ở ngoài nước Việt Nam thấy thoải mái với những cái ôm bất kể những nỗ lực rất lớn của chàng để làm cho có vẻ Tây một chút, để chàng thấy thoải mái hơn trong những cái ôm vào lúc mà chung quanh chàng cái gì cũng có thể ôm được, hết xe ôm, bia ôm rồi cơm tấm bì sườn chả cũng... ôm luôn.
Trong khi chàng thì vẫn không thoải mái mấy trong những lần có người ôm chàng, hôn lên má phải lẫn má trái của chàng. Chàng cứ đứng nguyên bất động, không một nỗ lực nào để trả lại cái... ân huệ đó.
Tôi nghĩ có thể cái ôm đầu tiên trong đời chàng đã theo chàng mãi suốt mấy chục năm nay, và cái ôm đầu tiên ấy đã khiến chàng không bao giờ có thể thoải mái, thưởng thức những cái ôm kế tiếp từ đó đến nay.
Cái ôm đầu tiên của chàng là của cô rửa chén bát ở cái lưu học xá chàng sống hồi ấy. Cô nặng khoảng hơn hai trăm cân Anh, đôi giầy của cô to gấp hai đôi giầy của chàng. Cô cao hơn chàng nguyên một cái đầu. Cô hôi nách khủng khiếp, và có một bộ ria khá đẹp nếu ở trên môi một người đàn ông.
Một buổi chiều mùa đông, chàng sinh viên trẻ tuổi đi học về muộn, vào phòng ăn kiếm cái gì dằn bụng, thì ở bếp, cô rửa chén đang mở radio nghe nhạc. Bản Tamoure, một bài top hit hồi đó, hồi năm 1963 vừa trỗi lên, thì chàng bước vào, cô đang rửa chén, liền đưa tay ra sau chùi vào... đít quần, rồi chạy ào tới phía chàng, cô ôm chàng, bắt nhẩy Tamoure với cô. Cô ôm chàng thật chặt. Và mùi mỡ cừu và mùi hôi nách của cô là hoài niệm không thể phai về chiếc ôm đầu tiên ấy. Cả hai theo chàng cho đến bây giờ. Chiếc ôm của cô, sau đó chàng mới biết, là một cái bear hug, là cái ôm của một con gấu, chàng suýt gẫy hết xương sườn vì cái ôm ấy. Bộ ria của cô quét trên mặt chàng đến nay cảm giác rờn rợn vẫn còn nguyên. Chàng nhớ cho đến bây giờ. Nhớ đời cái ôm ấy.
Từ đó trở đi, chàng rất sợ ôm. Freud đã chết rồi, chàng không thể đi Vienna, leo lên chiếc divan của Freud để nói hết những điều bị đè nén, đẩy xuống tiềm thức, chôn ở vô thức để thỉnh thoảng trồi lên, ảnh hưởng vào ý thức của chàng. Freud không còn nữa nên không ai có thể giải thích những điều đó cho chàng để chàng quẳng gánh lo đi và vui sống, thưởng thức những cái ôm không của những cái thân thể hơn hai trăm cân Anh, mùi mỡ cừu quyện mùi hôi nách, bộ ria xanh mướt của cô rửa chén.
Nhưng suốt tuần lễ ôm này, chàng phải đi làm, mà ở sở, chạy lăng quăng xin người này cái ôm, người kia cái ôm trong khi tháng trước vừa được dùng để tạo ý thức về sách nhiễu tình dục (sexual harassment awareness month) tại nơi làm việc thì bộ có dự định đi xin trợ cấp thất nghiệp hay sao mà đi kiếm vài cái ôm như cuốn Chase Calendar đề nghị?
Hay là chiều nay đi chợ, lôi một két dầu gió xanh Heineken ra quầy trả tiền mang về nhà làm bia... ôm cho khỏi tủi thân đây?
Sao National Hug Holiday Week mà chán như thế này?
Hay là vì tuần lễ này cũng lại là tuần lễ nhức đầu toàn quốc -- National Headache Week-- như cuốn Chase Calendar đã ghi mà nhiều người cố tình bỏ qua?

Ngày 15 tháng 6 năm 2012
Bạn ta,
Bộ ngoại giao Hoa kỳ lại vừa đề cập tới Việt Nam trong tập báo cáo thường niên về nhân quyền thế giới, theo đó, Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền và hạn chế rất nhiều quyền tự do của của người dân Việt.
Vài ngày sau, Việt Nam liền cho thấy nước ta nhân đạo hơn nước Mỹ rất nhiều. Qua một quyết định của nhà cầm quyền liên quan đến những chuyện đang ầm lên ở Việt Nam, người ta thấy quả thật nhà nước Việt Nam có nhân đạo hơn nước Mỹ nhiều. Mà cũng không chỉ hơn nước Mỹ, mà nhà nước, chính phủ ta còn hơn luôn cả một đồng minh thân cận của Mỹ là nước Anh về mặt nhân đạo.
Còn nhớ năm 1963, vụ Christine Keeler, một cô gái gọi (call girl) hạng sang nổ ra, lập tức báo chí ở Luân Đôn liền nêu đích danh ông John Profumo, bộ trưởng bộ Chiến Tranh (Secretary of State for War) của chính phủ Harold MacMillan và kể rành rọt về những dính líu của ông với cái ổ điếm ấy. Vì tên tuổi bị nêu ra trên báo, John Frofumo phải từ chức, chính phủ MacMillan cũng đổ theo.
Ở Mỹ, mới đây, thống đốc New York Ellliot Spitzer cũng phải từ chức thống đốc sau khi tờ New York Times cho biết ông có dùng dịch vụ bán dâm của một cơ sở tên là Emperors Club VIP.
Trong một số vụ khác, những quyển sổ ghi tên tuổi của các khách hàng đã làm cho nhiều tai to mặt lớn thuộc các lãnh vực công cũng như tư đều phát sốt phát rét. Bao nhiêu người đã phải từ bỏ các chức vụ quan trọng chỉ vì tên tuổi của họ bị công bố. Một số thành phố Mỹ còn nêu tên và đăng hình của những khách mua dâm bị cảnh sát bắt, xe cộ của họ bị tịch thu. Thủ đô Washington là một trong số những thành phố làm công việc vừa kể.
Nhiều gia đình tan vỡ vì những vụ mua dâm đó khi tên tuổi của khách tìm hoa bị công bố.
Tại Việt Nam, những vụ bán dâm của một số hoa khôi, hoa hậu, diễn viên, người đẹp có tên tuổi mới đây bị báo chí khui ra cho thấy chuyện mua bán dịch vụ tình dục có liên quan đến nhiều phụ nữ nổi tiếng ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội. Báo chí nêu đích danh của những phụ nữ này. Các bài báo cũng cho biết nhiều tai to mặt lớn đã chi những khoản tiền rất lớn để trả cho các dịch vụ mua dâm này. Số người có khả năng bỏ ra hàng mấy ngàn đô la để vui chơi được mô tả là các đại gia, tức là những người lắm tiền nhiều bạc ở Việt Nam, và chắc chắn phải có luôn cả một số các nhân vật cao cấp trong chính quyền.
Người dân chờ đọc những bài báo kế tiếp để xem những tên tuổi ấy là ai. Nhưng các độc giả đã bị một phen thất vọng vì Lê Đức Hiền, phó cục trưởng Cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội của nhà cầm quyền, cho biết những tên tuổi của các khách mua hoa sẽ không được công bố . Việc không công bố các tên tuổi này là việc, nguyên văn lời của Lê Đức Hiền, "mang tính nhân đạo của chính phủ ta".
Thế là các khách mua hoa thở phào nhẹ nhõm. Tên tuổi của các chàng được giữ kín. Không có ai phải làm công việc tự trọng là từ chức như các ông John Profumo của Anh hay Elliot Spitzer của Mỹ cả. Các chàng vẫn tiếp tục ngồi ở các chức vụ đang giữ, tiếp tục lãnh đạo quốc gia, ăn lương của nhà nước và tham nhũng, tiếp tục khoe là theo đúng gương của bác Hồ đặt ra.
Mấy con mụ vợ gốc gác bần cố nông cũng không thể đùng đùng nhảy cỡn lên để chửi cha mấy thằng chồng hư đốn.
Và như thế, là chính phủ đã tỏ ra hết sức nhân đạo, không ác ôn, côn đồ Cộng phỉ như ở các nước Anh và Mỹ.
Nhà nước sẽ yêu cầu các chính phủ khác im mồm lại, không được nói đến chúng tôi, đổ cho chúng tôi tội vô nhân đạo được vì các ông lôi tên của các khách làng chơi ra khiến họ phải từ chức, không còn ngồi tiếp để ăn bẩn như các tai to mặt l…ớn (?) của chúng tôi.
Trong khi chúng tôi cứ dã man vô nhân đạo công bố hết tên của hoa hậu này, hoa khôi nọ, luôn cả các "má mì" và ma cô ma cạo cho hậu thế soi chung.
Chứ nêu tên của mấy thằng khốn nạn kia ra để rồi chết hay sao?
Phải nhân đạo mới được.
Tổ cha nhà chúng nó. Đúng là nói như Vẹm thật.