November 29, 2012

November 30, 2012


Ngày 26 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Tôi dùng eau de cologne Old Spice đến nay đã là gần đúng 50 năm, kể từ khi ông chủ nhà tôi ở trọ hồi đi học ở Tân Tây Lan tặng cho một chai hôm Giáng Sinh năm 1962.
Tôi thích ngay cái mùi của nó. Nó không quá mạnh như mấy mùi khác. Mùi chanh nhẹ của nó rất dễ chịu, nên dùng nó trong dịp nào cũng được. Trong những năm còn đi học, rồi sau đó là khi đi làm, và cho mãi tới bây giờ, gần như bao giờ cũng vẫn là nó.
Old Spice đã thử ít nhất là 3 hay 4 mùi khác, nhưng tôi vẫn chỉ thích cái mùi đầu tiên tôi có, mùi mà ngày nay được ghi trên những cái chai là mùi Classic.
Old Spice cũng thử vài ba kiểu chai. Đã có lúc người ta thử loại chai bằng plastic mầu đỏ, dẹp, tiện bỏ trong những cái túi nhỏ khi đi du lịch cùng với bàn chải đánh răng, lược và dao cạo râu. Nhưng cái chai mầu trắng ngà vẫn ở lại với công ty này cho mãi tới ngày hôm nay.
Trong những năm ở Sài Gòn, tôi vẫn tìm được nó ở một hai tiệm trong Passage Eden nên suốt chiều dài 50 năm, lúc nào tôi cũng có nó trong buồng tắm. Không cần phải cạo râu xong mới dùng nó, mà là bất cứ lúc nào.
Sáng nay ghé một tiệm thuốc, tôi mua một chai Cologne vì chai ở nhà đã gần hết. Vẫn chiếc hộp đỏ nhưng lần này, tôi thấy ở phía sau có mấy hàng chữ khá lớn bằng tiếng Anh và cả bằng tiếng Pháp. Hàng chữ tiếng Anh nguyên văn như thế này: IF YOUR GRANDFATHER HADN’T WORN IT, YOU WOULDN’T EXIST.
Tôi đọc luôn cả câu tiếng Pháp ở dưới coi mình có hiểu lầm không: SI VOTRE GRAND-PÈRE NE L’AVAIT PAS PORTÉ, VOUS N’AURIEZ PAS VU LE JOUR.
Như vậy, tôi hiểu đúng câu tiếng Anh: nếu ông nội/ngoại mày không dùng cologne Old Spice thì đã không có mày, mày đã không được nhìn thấy ánh sáng.
Nhưng như vậy là thế nào? Không dùng Old Spice thì không có cháu nội/ngoại?
Tôi đã có cháu nội cũng như cháu ngoại. Như thế, vai trò ông nội và ông ngoại tôi đều đã có đóng. Các cháu của tôi gồm cả hai … thứ: nội và ngoại.
Vậy thì tôi đã dùng Old Spice (như hàng chữ trên vỏ hộp) vì tôi đã có cháu nội và ngoại.
Nhưng chuyện dùng Old Spice thì mắc mớ gì đến chuyện có chúng nó, lũ cháu nội ngoại?
Tôi nhớ lại thì thấy quả đúng tôi đã dùng Old Spice từ rất lâu. Thời đi học, những năm xa nhà. Rồi về nước làm việc. Bao giờ ra đường cũng có mùi Old Spice. Nhưng tôi vẫn không thấy được liên hệ giữa chuyện dùng Old Spice và sự có mặt của mấy đứa cháu.
Về đến nhà thì tôi chợt hiểu. Khoảng mười mấy năm trước, một một quen biết rất lâu không gặp từ Luân Đôn sang thăm, đã nói là tôi không đổi thay gì, vì vẫn còn nguyên mùi Old Spice, cái mùi trong một chiều mưa trong cái quán nước ở Sài Gòn gần 40 năm trước. Người bạn ấy rất thích mùi Old Spice nên đã kiếm mua cho bằng được một chai.
À, bây giờ thì tôi hiểu. Có thể nói khá chắc chúng tôi suýt nữa đã có một đời sống với nhau sau đó. Chuyến đi Đà Lạt để học của người bạn đã thay đổi tất cả mọi chuyện.
Nhưng lại có một ý nghĩ khác xẹt ngang qua đầu: biết đâu lại có một người rất ghét cái mùi Old Spice đó! Bởi chính vì nó mà tôi mới có những đứa cháu ngày nay.
Người bạn kia thì đã chết ở Luân Đôn hơn 10 năm rồi.

Ngày 27 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Ông Tú Vị Xuyên là người sinh bất phùng thời. Ông vừa được 3 tuổi thì Pháp đánh Hà Nội, rồi Nam Định. Năm 14 tuổi, triều đình Huế phải cắt đất nhường cho Pháp. Với thất bại của Phan Đình Phùng, Việt Nam không còn một cuộc kháng chiến đáng kể nào khác. Người Pháp thiết đặt tại Việt Nam một bộ máy cai trị qui mô, xã hội Việt Nam bị đảo lộn hoàn toàn. Trần Tế Xương sống ở Nam Định, chứng kiến tất cả mọi nhố nhăng của thời đại, những "trọc phú ti toe bàn thế sự/ đĩ già tấp tểnh nói văn chương", chuyện "đậu lạy quan xin" tạo ra những loại người mới trong xã hội.
Mộ Trần Tế Xương tại Tp Nam Định
Những chuyện như thế đã thấy phản ảnh rất rõ trong thơ văn của ông. Ông hằn học, phẫn nộ trước một xã hội đang suy thoái ở mức cùng cực. Những con người của những giai cấp mới, những me Tây, những thầy thông, thầy ký làm việc cho Pháp, những nhà tu đầy tội lỗi, những thành phần chỉ biết hơi đồng, quan lại chỉ biết "phê ngay một chữ tiền"…Thơ của ông là cáo trạng gay gắt lên án những chuyện trái tai gai mắt mà ông phải chứng kiến.
Trong một bài thơ chúc Tết, sau khi nghe những lời chúc đủ mọi loại người trong thiên hạ, ông cũng đưa ra một lời chúc:
…Vua quan sĩ thứ người trong nước
Sao được cho ra cái giống người.
Bài thơ bầy ra sự chán nản cùng cực của ông về xã hội chung quanh ông, cái xã hội tha hóa mất gần hết nhân tính, những ông ấm, ông cử, ông thứ chồng chung, vợ chạ... Ông đã tỏ ra đặc biệt không khoan nhượng trước những cảnh đời ngao ngán ấy. Ông tuyệt vọng chỉ mong sao những người ấy phục hồi được tư cách để trở lại thành con người.
Trần Tế Xương là người có tâm huyết, có lòng với đất nước (…đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn)…trước những đổi thay nhố nhăng của thời đại. Nhưng ông cũng tìm được một điểm sáng để hướng tới (…em hỏi thăm qua bác vẫn còn…) Song chuyện vợ trói, con cột không cho ông đi theo "mái tóc Giáp Thìn" tìm đường cứu nước…
Trần Tế Xương không muốn những gò bó, ràng buộc nên ông cả đời bất mãn đến chết. Ông ước ao mọi người sao được xứng đáng để được gọi làm người.
Đọc câu "sao được cho ra cái giống người" những người đọc thơ ông không thấy bị lăng mạ vì Trần Tế Xương là người có tâm huyết, có ưu tư về thời thế, có lòng yêu nước tha thiết. Ông quá chán ngán cảnh đời chung quanh, nên chỉ mong sao có được những đổi thay tốt đẹp hơn cho đất nước. Và vì thế, ông mong vua quan sĩ thứ trở lại thành những con người đúng nghĩa. Trần Tế Xương nghiêm khắc nhưng ông có quyền và có tư cách để nói lên điều đó. Ông nhận ông cũng là thành phần mà ông rất chán đó (… dơ dở lại ương ương…) Ông nhận ông có những tật rất xấu (cao lâu thường ăn quịt/ thổ đĩ lại chơi lường) nên thái độ nghiêm khắc đó của ông không có nét ngạo mạn, khinh thường.
Nhưng nếu ông nhận ông là "người" rồi chúc cho những người khác cũng được là người như ông thì lại khác.
Trần Tế Xương không làm như thế. Ông biết ông không đứng ở vị thế trên cao, ngó xuống và dậy dỗ người khác.
Cho nên về nước hát hò thì cứ về. Đừng bao giờ nói rằng những người về nước hát hò mới là người. Ám chỉ những người khác không về nước thì không phải là người.
Trần Tế Xương không ngạo mạn như thế. Ông Tú mà có thái độ như vậy thì chắc chắn những người đương thời như Nguyễn Khuyến sẽ phải hét lên rằng "đồ hỗn!"
Trần Tề Xương chết, Nguyễn Khuyến làm đôi câu đối đầy giọng thương tiếc:
Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
Ông Tú nói thì được. Đứa khác thì nhất định là không!

Ngày 28 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thật là khổ. Con người lúc nào cũng chỉ coi mình là một nhà sư tầm thường – a simple monk – trong những lần nói chuyện với các tín đồ Phật giáo cũng như với báo chí Tây phương, nhưng lại phải đối phó với không biết bao nhiêu là khó khăn trong đời sống.

Ra đời trong một gia đình nghèo, năm 2 tuổi, ngài được các nhà sư Tây Tạng khám phá ra là hậu thân của Ðạt Lai Lạt Ma thứ 13 và bắt đầu được đưa đi xa gia đình để học tu từ năm lên 6. Năm 1950, lúc mới 16 tuổi, ngài được đưa lên làm lãnh tụ tinh thần cũng như chính trị của Tây Tạng vào lúc Bắc Kinh bắt đầu tạo áp lực mạnh để sáp nhập hẳn Tây Tạng vào lãnh thổ Trung quốc. Năm 1959, ngài bị buộc phải lưu vong sang Ấn Ðộ sau cuộc khởi nghĩa bất thành của người Tây Tạng.

Tại Dharamsala, Hô Ðồ Khắc Ðồ Ðạt Lai Lạt Ma tiếp tục cuộc vận động cho Tây Tạng được tự trị, sống trong tự do và gìn giữ di sản văn hóa, tôn giáo cho người Tây Tạng. Bắc kinh tìm đủ mọi cách để tạo khó khăn cho việc làm của ngài như đốt phá trên sáu chục ngàn tu viện ở Tây Tạng, bỏ tù, tra tấn các tăng ni, đưa người Hán vào lập nghiệp ở Tây Tạng, quyết diệt cho bằng được nền văn minh và văn hoá của người Tây Tạng. Ở Tây Tạng hiện nay, chỉ cần có trong nhà một bức chân dung của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng đủ để bị phạt tù nặng.

Ngoài những thủ đoạn độc ác của Bắc kinh, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma còn phải đối phó với những trò phá hoại khác không ai có thể tưởng tượng ra nổi vẫn đang thường xuyên nhắm vào ngài. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ tuần báo Die Welt am Sonntag phát hành tại Berlin nhân dịp ngài đến diễn thuyết trước một đại hội của thanh niên Công giáo, ngài cho biết trong những chuyến đi đây đó, ngài luôn luôn bị nhiều phụ nữ rượt đuổi và đòi lấy ngài làm chồng (*).

Trời đất, bộ hết trò chơi rồi hay sao mà các phụ nữ này lại gây phiền nhiễu cho một nhà sư hiền lành như thế?

Cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng. Ðức Ðạt Lai Latï Ma, hiện thân thứ 14 của Bodhisatva Avalokiteshvara tức là Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm bị ma quỉ nhất định không để cho ngài yên tâm tu hành, lãnh đạo tinh thần cho người dân Tây Tạng lưu vong, tranh đấu cho chủng tộc, văn hoá và văn minh Tây Tạng.

Tại sao bọn ác quỉ tiếp tục phá ngài, một nhà sư hiền lành và đạo hạnh như thế? Ngài làm gì để tạo sự chú ý của bọn ma quỉ? Ngoài chuyện tu hành, thuyết giảng Phật giáo cho các tín đồ khắp thế giới, ông sư hiền lành này chỉ thích sửa đồng hồ và radio để giải trí mà cũng không được để cho yên thân.

Thật là quá sức.

Nhưng chuyện Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tiết lộ cho tờ tuần báo Ðức thực ra cũng có một điều đáng để cho người trần mắt tục suy ngẫm.

Ðó là ngay cả người đàn ông đạo hạnh, đời sống sáng như gương, được khắp thế giới, không cần phải là tín đồ Phật giáo cũng phải yêu quí và mến phục, sống giản dị hiền lành như vậy mà vẫn bị bọn ma quỉ phá phách toan làm hỏng nghiệp tu hành, huống chi là những người đàn ông khỏe mạnh và rất bình thường khác.

Những người đàn ông này nếu có không may bị ma đưa lối, quỉ đưa đường đi lệch ra ngoài con đường chính, thì cũng chỉ là chuyện thế gian quá thường tình mà thôi chứ có gì đáng để nói đâu. Ngay chính Ðức Ðạt Lai Lạt Ma còn bị nữa là các chàng.

Mà chống lại những ma quỉ đó, thì chỉ có Ðức Hoạt Phật, Ðức Phật sống Ðạt Lai Lạt Ma, giải Nobel Hòa Bình năm 1989 mới cưỡng lại được chứ những người đàn ông bình thường khác, lại không có giải Nobel Hoà Bình bao giờ, thì làm sao chống lại được bọn ma quỉ quá nhiều như vẫn thấy ngoài đời.

(*) Dalai Lama says he has received many marriage proposals over the years .  
Ngày 29 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Câu "Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò" thực ra không mang ý nghĩa chê trách hay hạ thấp giá trị của những người học trò, mà trái lại, là một nhận định có phần ưu ái và yêu quí về tuổi trẻ ở trường học.
Ở hạng thứ ba, học trò được coi là thành phần ranh mãnh, tinh quái chỉ thua có quỉ và ma. Trong những năm học tiểu học và trung học chắc chúng ta ai cũng đã thấy được điều đó. Những trò trêu chọc bạn bè, phá thầy giáo trong lớp, đùa nghịch ngoài sân trường kể không biết bao giờ mới hết. Có thể nói người học trò nào cũng có hàng chục câu chuyện như thế. Nhưng đó lại là nhưng câu chuyện vui nhất, đáng nhớ nhất trong những năm còn là học trò:
… lúc mười lăm mười bẩy
Làm học trò mắt sáng với môi tươi
Ta bước lên chân vẫn dạo bên người
Ngoài cặp sách, trần ai coi cũng nhẹ…
…Ôi khoái lạc của những giờ trốn học
Những bình minh xuân đẹp, những chiều thu
Bao cảnh nước mây đằm thắm hẹn hò
Khi biếng gặp nhớ nhung pha mầu áo…
Trò ghê gớm nhất của chúng tôi hồi đi học là trò trốn học như đoạn thơ trên của Đinh Hùng. Là học trò mà không có một lần "cúp cua" thì kể như là học trò … ngoan. Trai thế hệ (?) phải biết trốn học. Ở trường, thoắt một cái là chúng tôi đã nhẩy qua cửa sổ chạy bay xuống cái salon littéraire tức là cái quán nước của ông tùy phái (trường Chu Văn An) ngồi tán dóc, hay nếu có tiền thì rủ nhau lên cà phê Mai Hương ngồi nghe mấy bản nhạc của Dalida, Nat King Cole, Doris Day…
Chuyện lạng xe trước mấy trường nữ trung học thì cũng có nhưng không thể hào hứng bằng ngồi ở bến tầu để thấy như Thanh Tâm Tuyền:
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Trời không xanh, không tím, không hồng
Những ống khói tầu mệt lả
Chúng tôi còn nhát lắm. Hồi ấy, thấy các cô Gia Long hay Trưng Vương thì chúng tôi sợ hết vía. Mấy tên làm báo xuân được đặc cách cho vào hai trường bạn để bán báo cậu nào cũng mặt đỏ tía tai, nói không nên lời. Về đến trường mới quay ra nói phét nào em này dòm, em kia dòm, lai còn mấy em chặn xin chữ ký nữa khiến mấy anh cù lần không được đi bán báo tiếc hùi hụi.
So với học sinh Hà Nội bây giờ thì đúng là một trời một vực.
Cách đây không lâu, báo Giáo Dục Việt Nam số đề hôm thứ Năm, ngày 6 tháng 9 có tường thuật về một tấm bảng nội qui dựng ngay ở trong sân một trường trung học thuộc quận Hai Bà Trưng Hà Nội với một số điều cấm các học sinh không được làm. Đại khái trường cấm các học sinh đá bóng trong sân trường, cấm cãi nhau gây mất trật tự, cấm chơi bài bằng tiền, cấm ăn quà, vứt rác… Những điều bị cấm đó thì cũng không khác gì những điều mà chúng tôi cũng đã từng bị cấm. Nhưng tấm bảng ghi những điều cấm các học sinh còn có thêm một điều nữa mà học qui hồi ấy của trường chúng tôi không có ghi. Giản dị là vì chúng tôi không bao giờ làm việc đó. Ngay chuyện nghĩ tới những việc đó, chúng tôi cũng không có ở trong đầu. Điều cấm thứ 3 được viết rõ trong tấm bảng trong sân trường có một khúc nói rõ là cấm học sinh nam nữ ôm hôn nhau. Như vậy trường học này có cả học sinh nam và nữ, niềm mơ ước thầm kín và lộ liễu nhất của chúng tôi hồi còn đi học không bao giờ có. Bây giờ trường học có cả nam và nữ sinh, và các học sinh chắc chắn đã phải làm công việc hôn hít nhau nhiều lần lắm nên nhà trường mới phải ghi trong tấm bảng cấm ở trường. Chao ôi, sao đi học ngày nay lại có thể vui đến là như thế! Ngày xưa, tuổi 13, 15 của chúng tôi thì biết gì. Đến 17, 18, hai năm cuối của trung học chúng tôi cũng vẫn còn ngoan lắm. Đến cầm tay nhau mà còn sợ … dính bầu nữa, nói chi đến hôn nhau.
Đọc tiếp điều cấm số 3, người ta mới biết thêm là hôn nhau như vậy cũng còn hiền chán. Phần tiếp của điều cấm thứ 3 là "cấm tụt quần trong sân".
À cái này thì không hiền nữa. Ngày xưa chúng tôi đâu có làm thế bao giờ. Nhưng bây giờ thì các học sinh làm việc tụt quần nhau nhiều và lộ liễu đến độ phải nghiêm cấm và ghi rõ trên bảng dựng trong sân trường.
Lý do gì đã khiến cho những chuyện như vậy xảy ra ở các sân trường ngày nay mà ngày xưa không ai có thể quan niệm nổi?
Đọc số mới nhất của tờ báo Giáo Dục Việt Nam, tờ báo của hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, người ta thấy sau đây là những tin được đọc nhiều nhất:
-Thêm một chân dài Việt bỏ chồng sau 18 ngày kết hôn.
-Hồng Quế được che chắn kín đáo và đàng hoàng.
-Jennifer Phạm : Đám cưới sẽ được chăm chút cẩn thận và tinh tế.
-Angela Phương Trinh đi bơi lúc nửa đêm.
-Lộ nhiều hình ảnh nóng bỏng của Ngọc Trinh.
-Lộn trái chiếc váy trong suốt của Hồng Quế.
-Mỹ nhân game nóng bỏng nhất Việt Nam: Thủy Top, Tâm Tít…
Báo giáo dục mà đăng những thứ tin như vậy mà lại được đọc nhiều nhất thì nền giáo dục mới sản sinh ra cái thứ học trò như vậy chăng?

Ngày 30 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Tôi tưởng người đàn ông ấy đã về nước trong vinh quang sau khi gây sự với người Việt Nam tị nạn Cộng sản ở California qua việc ông ta treo lá cờ đỏ và chân dung Hồ Chí Minh tại tiệm sang băng nhạc của ông ta trên đường Bolsa hồi năm 1999 rồi chứ.
Biểu tình chống Trần Trường. (Hình: Lý Kiến Trúc)
Nhưng hình như không phải vậy. Ông ta bị Cộng sản lừa cho một vố nặng mất sạch vốn liếng, tài sản bị cưỡng đoạt, bao nhiêu tiền bạc mang về từ Mỹ bị lừa lây hết, vợ con phải trở về Mỹ, cái xứ mà gia đình ông ta đã từ bỏ để về Việt Nam, tin là có thể giúp xây dựng cái quốc gia của bọn trộm cướp đó.
Tôi nhớ trên tờ Newsweek có một bài viết về ông ta khi diễn ra những cuộc biểu tình kéo dài suốt 55 ngày để chống lại việc ông ta treo cờ đỏ và hình Hồ Chí Minh. Ông ta lập đi lập lại câu "I have no choice", câu ông học được ở Mỹ để biện minh cho việc ông treo những thứ gây phẫn nộ cho người Việt tị nạn Cộng sản. Ông nói rằng ông không có một lựa chọn nào khác ngoài việc treo lá cờ và bức hình Hồ Chí Minh tại cửa tiệm của ông. Ông cũng nói với báo Mỹ rằng nước Mỹ là nước tự do, ông muốn làm gì cũng được.
Thì đúng là như vậy. Nhưng tự do ở nước Mỹ không có nghĩa là ông chửi bố, chửi mẹ ông, lăng mạ tất cả những người liều chết bỏ chạy cái cờ và cái hình anh già, những thứ ôn hoàng dịch lệ ấy. Ông nói là ông tự do muốn làm gì cũng được thì ông cứ thử cầm cái cờ swastika của Quốc Xã đi vào khu phố của người Do Thái ở New York coi ông sống được mấy phút.
Còn chuyện ông nói ông có một cái "choice" nào khác ư? Có chứ. Thích cái cờ đỏ ấy, thích cái chân dung ấy thì ông có lựa chọn là về Việt Nam mà thích. Rốt cuộc, ông lại thấy ông "have no choice" ngoại trừ về Việt Nam sống.
Ông than thở tại một buổi gặp gỡ ở San Jose mới đây rằng ông bị lừa, bị cướp hết tiền bạc. Ông phải về Mỹ, trước hết là xin lỗi cộng đồng, và sau đó, xin được giúp đỡ về tài chính để ông về Việt Nam đòi lại tài sản.
Ông tưởng người Việt hải ngoại sẽ bênh vực ông như bênh vực gia đình ông Đoàn Văn Vươn và những gia đình bị cướp đất khác đang kéo nhau ra Hà Nội khiếu kiện.
Cuộc tiếp xúc của ông với một số người ở San Jose đã diễn ra từ vài tuần nay. Chưa thấy ông xuống Little Saigon để vận động xin tiền.
Nhưng nếu ông xuống đây và gặp lại những người người biểu tình chống ông hồi mười mấy năm trước và hỏi xin tiền thì tôi đã biết chắc những người Việt này sẽ trả lời ông như thế nào rồi.
Chắc phải là một cái lắc đầu, rồi một cái nhún vai và một câu tiếng Anh mà ông hiểu ngay, và hiểu rất rõ: "I have no choice!"
Tưởng tượng ông về mua đất làm ăn, thành công trở thành đại gia, ông có quay trở lại Mỹ không? Chắc có, nhưng chắc ông sẽ về bằng limousine chạy lòng vòng cho người Mít tị nạn ở California tức chơi.
Có vậy thì mới nên về. Chứ về như ông thì về làm gì? Ai cũng chỉ chờ đọc cái cáo phó có tên của ông mà thôi ông à!
Tôi thấy tôi cũng "have no choice!" nên phải có vài lời nói với ông hôm nay vậy.
Đáng đời ông "that serves you well."

November 21, 2012

November 23, 2012


Ngày 19 tháng 11 năm 2012

Bạn ta,
Trong những ca khúc của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, bài tôi thích lại không phải là bài hay nhất của hai ông. Thu Quyến Rũ viết năm 1950 là một ca khúc thua hẳn những bài khác như Lá Thư, Cánh Hoa Duyên Kiếp, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay...
Nhưng tôi thích bài ca này vì một câu trong bài và trong câu ấy, có một chữ, một chữ hai ông dùng mà tôi nghĩ là hay vô cùng:
... Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu...
Bài hát mở ra là một chuỗi hình ảnh về mùa thu: trời xanh, những cơn mưa, lá vàng rơi rụng, cánh chim ngập ngừng, bông hồng lả lơi, và một tà áo, tà áo mầu xanh. Đặt những hình ảnh của thu bên cạnh người phụ nữ trẻ, người viết lời cho ca khúc dần biến tất cả những thứ ấy thành người phụ nữ. Những đám mây cuốn về cuối trời mang theo mầu xanh của mùa thu. Mầu xanh của mây trở thành mầu xanh của tà áo, rồi mầu xanh của tà áo biến thành người yêu dấu. Người yêu biến thành mùa thu mà anh chờ đợi. Và sau đó, chờ đợi mùa thu là chờ người yêu dấu đã ra đi. Mầu xanh của trời đất thành niềm nhớ mầu xanh của tà áo. Mầu xanh của tà áo gợi lại người yêu cũ.
Yêu người, yêu sang mùa thu, yêu mầu xanh của tà áo, yêu mầu xanh của trời đất, yêu mối tình đã xa...
... Mùa thu quyến rũ anh rồi...
Nhưng có phải vậy không? Có phải mùa thu khơi niềm nhớ, khiến cỏ cây đẹp tươi, làm gợi lại chuyện đã qua, và quyến rũ chàng không? Người viết chỉ tự đánh lừa mình. Nhưng ở một câu trên đó, người viết lời ca đã thú nhận: có trót yêu mầu xanh. Mầu xanh của mây trời mùa thu, mầu xanh của tà áo người yêu dấu mà không ai còn có thể phân biệt được nữa.
Trạng từ "trót" là chữ hay tuyệt. Cứ thử thay nó bằng "vẫn", hay "đã", hay "lỡ", ý nghĩa sẽ không còn như trước nữa.
Mầu áo xanh là mầu anh "vẫn" yêu. Dùng trạng từ "vẫn", chuyện yêu mầu áo xanh chỉ là một việc xẩy ra trong quá khứ. Có yêu thật, nhưng chỉ yêu vừa vừa thôi. Cũng như mầu áo xanh là mầu anh "đã" yêu. "Vẫn" " đã" chỉ nói ra chi tiết tình yêu với tà áo xanh đã có trong quá khứ. "Vẫn" có kéo dài thêm một chút.
Hay mầu áo xanh là mầu anh "lỡ" yêu cũng không được. Trạng từ "lỡ" bầy tỏ một hành động có thể sai lầm. Lỡ là có thể không muốn nhưng chuyện đã xẩy ra, ngăn chặn không được, có thể là một việc làm sai nhưng làm xong rồi mới biết.
Như vậy, thay bằng bất cứ một trong ba chữ "vẫn", "đã" hay "lỡ" đều không được.
Chỉ có thể "trót" mà thôi.
"Trót" là trạng từ phụ nghĩa cho một động từ khi muốn nói hành động đó đã xẩy ra mà không thể ngăn chặn được, dẫu cho là có muốn ngăn chặn cách mấy đi chăng nữa.
Mầu áo xanh là mầu anh "trót" yêu nghĩa là anh đã yêu mầu xanh của tà áo em, nhiều khi nghĩ lại có muốn yêu bớt đi một chút hay không yêu cái mầu đó nữa cũng khó quá, nếu không nói là không thể được. Anh chịu thua rồi. Anh trót... dại rồi. Ông già anh có bảo anh rằng không được yêu em thì anh cũng phải chịu tội bất hiếu vậy chứ anh không làm gì khác hơn được, anh nhất định phải trái ý ông già. Bây giờ làm sao đây? Trời sao "bất nhơn" quá (*) thế này, cứ cho mây xanh bay về đây làm cái gì cho anh nhớ em chết luôn. Mùa thu quyến rũ anh rồi em biết không? Em quyến rũ anh gần chết rồi đây nè. Bắt đền em đấy! Anh hổng có chiệu đâu...
Tán em bé bằng câu đó thì có mà chạy đằng trời.
Cám ơn hai ông Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Yêu bài hát của hai ông biết là chừng nào!
----------
(*) Thương sao thương quá bất nhơn
Bữa nay gặp mặt, thương hơn bữa nào (Ca dao)

Ngày 20 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Trong một đất nước phải nói là còn rất nghèo là Việt Nam thì căn nhà xây ở thôn Đông Tân, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương trên một diện tích gần 5 ngàn mét vuông là một căn nhà người dân thường không thể nào có nổi tiền để xây.
NHA BUI THANHTUNG
Căn nhà có thể đã được xây xong. Tổn phí, theo những ước đoán của báo chí trong nước, phải lên đến khoảng vài triệu đô la Mỹ.
Có một số điều chung quanh căn nhà này cần phải được xét lại. Thứ nhất, nó được xây trên một khu đất canh tác, không phải là đất để xây nhà ở. Việc xây cất nó có thể là bất hợp pháp. Ở khu đất chung quanh, chủ nhà đem về trồng một số cây rất hiếm và rất đắt tiền. Hai hòn non bộ trước và sau nhà được tạo bằng những loại đá quí. Số cây cối hiếm cùng những khối đá quí, một hệ thống dẫn nước qui mô để tưới cây và cho hai hòn non bộ có phong thủy cũng phải trị giá hàng triệu đô la.
Mấy tháng trước, khoảng giữa năm 2012, báo chí trong nước đã rất thắc mắc về ngôi nhà này. Chủ nhân của nó, theo tin cho hay, là một thanh niên tên là Bùi Thanh Tùng 32 tuổi giữ chức trưởng phòng An Toàn Lao Động tỉnh Hải Dương. Bùi Thanh Tùng chỉ mới giữ chức vụ này được khoảng vài tháng. Tổng cộng số năm làm việc cho chính phủ của Bùi Thanh Tùng là khoảng 10 năm.
Các chức vụ mà Tùng đã giữ từ trước đến nay, với số lương được trả, thì dù cho đương sự có nhịn, không ăn một hạt cơm, không uống một giọt nước, và nếu Bùi Thanh Tùng cùng với cha là Bùi Thanh Quyến (bí thư tỉnh ủy Hải Dương) để dành hết số lương của cả hai trong hơn một trăm năm cũng không thể có nổi số tiền vài triệu đô la để xây căn nhà đó.
Bùi Thanh Tùng nói với những người thắc mắc về chuyện làm sao có tiền xây căn nhà rằng đó là tiền do "mồ hôi nước mắt xuất phát từ trí tuệ vận động cá nhân" chứ không bất cứ một nguồn tiền bạc nào khác.
Một ủy ban kiểm tra của trung ương đảng đã điều tra những chuyện chung quanh căn nhà và sau mấy tháng, ủy ban đã đưa ra kết luận là đống bùn ở bên này ao lại vẫn cứ nằm tiếp ở vị trí cũ. Đúng là chuyện đánh bùn sang ao.
Ủy ban kết luận không hề có chuyện thằng bố Bùi Thanh Quyến can thiệp hoặc có ý kiến chỉ đạo các tổ chức hay cá nhân có liên quan trong việc giải quyết các thủ tục chuyển nhượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho thằng ranh, con của nó là Bùi Thanh Tùng. Ngoài ra, những cây cối, đá trong vườn được đem từ những nơi khác đến để tô điểm cho căn nhà cũng không phải là những thứ cây đá hiếm qúi. Ủy ban chỉ đưa ra một khuyến cáo là Bùi Thanh Quyến nên "thường xuyên khuyên bảo , giáo dục con trai tự giác, gương mẫu chấp hành đầy đủ các qui định của luật đất đai tránh gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và Đảng bộ".
Mẹ kiếp như vậy là huề tiền.
Ủy ban không hề đề cập tới chuyện làm thế nào hai bố con Bùi Thanh Quyến có tiền để xây căn nhà to như thế chỉ bằng tiền lương nhà nước trả cho chúng.
Thế thì điều tra làm con mẹ gì.
Khổ thân cái đất nước của chúng ta. Trên đớp, dưới cũng đớp lia lịa thì làm sao khá được.

Ngày 21 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Hạnh phúc nhiều khi lại chính là những bất hạnh không xẩy ra cho chúng ta. Bởi thế, nếu không thấy đâu là hạnh phúc, thì hãy cứ nghĩ đến những điều không tử tế đã không đến với chúng ta, là chúng ta sẽ lại thấy hạnh phúc vô cùng.
Thí dụ chuyến đi Virginia của tôi chẳng hạn. Vẫn mấy chị tiếp viên vừa già vừa xấu, vừa hà tiện (hành khách muốn uống nước cà chua, mấy chị chỉ rót đúng một cái ly plastic nhỏ thay vì đưa cho hành khách nguyên cả lon như trong những chuyến bay của các hãng khác) vẫn một chị hành khách to béo ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng lại quay sang liếc tình rồi ợ một cái nghe rợn mình, sau khi mất cả tiếng đồng hồ chờ đợi, khám xét gây ra không biết bao nhiêu là phiền nhiễu.
Nhưng đã không xẩy ra chuyện vài ba anh bỗng nhiên chạy ào vào phòng lái, đòi thay phi công chính lái hộ cho chàng... một đoạn chẳng hạn.
Chẳng cũng khoái ư thưa ông Thánh Thán.
Vì thế, tôi vẫn cám ơn chuyến bay có chị hành khách có tiếng ợ tươi tắn đó. Vì cạnh tôi là nàng ngồi, không phải là vài ba đàn em của Osama Bin Laden.
Mà nếu vậy, thì tại sao Thanksgiving năm nay lại không tạ ơn những chuyện như thế?
Như người vợ tạ ơn người chồng càu nhàu vì cơm tối không đúng giờ. Bởi lẽ như thế có nghĩa là chàng đang ở nhà với nàng chứ không đang ở nhà con đĩ ngựa nào khác.
Như cặp vợ chồng tạ ơn khi nghe cô con gái phàn nàn, ta thán vì phải xuống bếp rửa chén sau bữa chiều: như vậy là nó đang ở nhà chứ không lêu bêu đầu đường xó chợ với những con bạn hư đốn của nó.
Như người công chức tạ ơn phải trả thuế cho chính phủ, vì phải trả thuế tức là còn đang có công ăn việc làm chứ không thất nghiệp như gần 6% người Mỹ khác.
Như người chủ nhà tạ ơn căn phòng khách bừa bộn sau cái party vì điều đó cho thấy bà vẫn còn có bè bạn đến chơi với bà.
Như người phụ nữ tạ ơn những cái áo cái quần chật ních, vì lý do như vậy, bà vẫn còn có cái... ăn, cái mặc.
Như người chủ nhà tạ ơn cái sân cỏ cần phải cắt, mấy cái cửa sổ cần phải lau, mấy cái ống máng cần phải thông vì như thế là nhắc nhở ông còn có ngôi nhà để ở.
Như những người tạ ơn những lời chỉ trích nhắm vào chính phủ vì đó là dấu hiệu nước Mỹ vẫn còn tự do ngôn luận, dân chúng còn được đối lập chính phủ mà tối không bị cho đi học tập.
Như người tạ ơn chỗ đậu xe tìm được ở tuốt phía xa của bãi đậu xe, vì điều đó cho ông ta thấy là ông ta vẫn còn đủ sức để đi bộ và vẫn còn có cái xe để làm phương tiện di chuyển.
Như người chủ nhà tạ ơn cái bill tiền sưởi to tổ bố, vì như vậy có nghĩa là ông ta được sưởi ấm trong mùa đông.
Như người tín đồ ở nhà thờ tạ ơn bà đạo hữu bên cạnh hát thánh ca sai nhịp, sai nốt, vì điều đó nghĩa là tai bà còn nghe thính.
Như người đàn bà tạ ơn đống quần áo bà phải giặt, phải ủi, vì như thế, bà vẫn còn quần áo để mặc.
Như người tạ ơn cái mỏi, cái mệt, cái đau lưng, đau tay vào lúc cuối một ngày làm việc vì như thế nghĩa là ông ta vẫn còn đủ sức làm dăm ba công việc nặng.
Như người tạ ơn cái đồng hồ báo thức gọi dậy đi làm trong buổi sáng sớm, vì như thế nghĩa là ông ta, bà ta biết là vẫn còn sống.
Và như người tạ ơn đống e-mail nằm trong computer vì như thế có nghĩa là còn có người nhớ đến mình.
Như tôi tạ ơn người đã gửi cho cái danh sách những điều tạ ơn ngộ nghĩnh này để viết thành lá thư gửi bạn ta hôm nay.

Ngày 22 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Hôm nay là ngày rất thích hợp để nói vài ba câu về một sinh vật bị đối xử hết sức bất công ở nước Mỹ.
Đó là con gà tây, hay gà lôi, mà mỗi năm, người Mỹ lấy cớ nói là cảm tạ những ân sủng nhận được của Thượng Đế rồi đem chúng ra giết thẳng tay để bầy lên bàn ăn.
Những con gà này không hề gây thù chuốc oán gì với các ông bà Thanh Giáo đổ bộ lên mỏm Plymouth sau chuyến đi đầy gian khổ vượt đại dương sang tân lục địa lập nghiệp hồi năm 1620 để phải gánh chịu lấy số phận kinh khủng như thế.
Thực ra, đáng lý người ta phải đặc biệt đối xử tử tế với những con gà này trong ngày Thanksgiving mới đúng. Lý do là chính những con gà này đã cứu sống được đám di dân sau mùa đông đầu tiên đầy kinh hoàng ở Massachusetts. Bệnh tật, thời tiết khắc nghiệt và đói ăn đã khiến cho đoàn di dân này chết đi khá nhiều. Khi mùa xuân trở lại năm 1621, họ được những người da đỏ trong vùng chỉ cho cách trồng ngô, săn gà tây để có cái ăn mà sống.
Và để trả cái ơn cứu sống đó, mỗi năm, khoảng gần 50 triệu con gà tây bị bỏ lò, rồi lôi lên bàn tiệc. Cực kỳ vô lý!
Người ta không nên làm thế. Để đền cái ơn cứu sống đó, người dân Mỹ nên tha mạng cho loài gà tây trong ngày Thanksgiving và giết những con vật khác để ăn, hay nếu không thì cũng tạm kiêng thịt một ngày để tưởng nhớ những con gà tây cứu sống đám di dân đầu tiên của nước Mỹ mới là phải.
Nhưng đó mới chỉ là trong dịp lễ Tạ Ơn. Trong những ngày thường, người Mỹ cũng không tử tế gì với những con gà tây này.
Ngôn ngữ của họ, khi đề cập đến loài gà tây chỉ toàn những ý nghĩa không tốt đẹp.
Turkey, danh từ gọi con gà tây trong ngôn ngữ của người Mỹ còn được dùng để chỉ một người ngu đần, xuẩn động. Tử tế và tốt đẹp biết là chừng nào!
Turkey còn có nghĩa là một thất bại thê thảm, như một cuốn phim, một vở kịch không có được bao nhiêu người xem chẳng hạn...
Toàn là những điều không tử tế gì dành cho những con gà tây từng cứu mạng những người di dân đầu tiên của quốc gia di dân này.
Người Mỹ phải bỏ tục lệ ăn thịt gà tây trong dịp lễ Tạ Ơn mới phải. Họ nên làm theo đề nghị của Benjamin Franklin, một trong những nhân vật lập quốc của nước Mỹ và dùng con gà tây làm biểu tượng cho nước Mỹ thay vì con đại bàng, một giống chim hoàn toàn không đem lại bất cứ một thứ lợi lộc gì cho nước Mỹ mà cũng chẳng là giống chim anh hùng gì cho cam, chỉ chuyên bắt nạt những giống chim nhỏ hơn để kiếm ăn như những nghiên cứu mới đây đã cho thấy.
Nước Mỹ nên xét lại cách đối xử dành cho những con gà tây này để phần nào tỏ ra công bình, nếu không muốn nói là biết ơn nó.
Tại sao lại gọi là lễ Tạ Ơn trong khi đem những con gà từng cứu mạng mình ra mà ăn như thế?
Mà thịt chúng thì có ngon gì cho cam. Nếu ngon mà ăn thì cũng có thể... tha thứ được. Chứ nó dở như vậy mà cũng ăn, vừa không thích thú gì, lại mang tiếng là đối xử ác và vô ơn với loài gà tây.

Ngày 23 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Thành phố Guayaquil thuộc Ecuador, một quốc gia ở Trung Mỹ vừa có một quyết định làm cho nhiều người mừng mà cũng khiến cho không ít người buồn.
Xem những phản hồi của độc giả sau khi đọc bản tin về quyết định của thị trấn Guayaquil thì người ta thấy ngay điều đó. Bản tin Associated Press cho biết hội đồng thành phố đã biểu quyết chống lại đề nghị của một số cử tri muốn đưa một con lừa ra tranh cử vào một chức vụ trong thành phố.
ECUADOR DONKEY
Một số người trước đó đã dẫn một con lừa đến trước văn phòng bầu cử đòi cho con lừa được ghi tên vào danh sách ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới. Bản tin của AP cho biết có một đám đông đi cùng, lại có một ban nhạc theo sau con lừa. Ứng cử viên lừa được thắt cho một chiếc ca vát, lại có luôn cả một thẻ ghi danh bầu cử. Đám đông còn rắc confetti đầy đường để tạo một không khí vui nhộn cho đám rước.
Nhưng ủy ban bầu cử vẫn cương quyết chống lại đề nghị đó, không cho ứng cử viên lừa ghi tên tranh cử. Ứng cử viên lừa còn không được bước chân vào bên trong văn phòng của ủy ban bầu cử.
Đây không phải lần đầu tiên có ứng cử viên khác thường như thế. Tại Brazil năm 1996, một con dê cũng được đề nghị ra tranh chức thị trưởng một thành phố. Khoảng 50 chiếc xe đã nối đuôi nhau dự đám rước của ứng cử viên dê. Nhưng rồi dê cũng bị loại, không được cho ra tranh cử.
Gần đây tại Virginia, một con mèo cũng được đưa ra tranh chức nghị sĩ của tiểu bang . Con mèo đực tên là Hank đã thu được hơn 60 ngàn đô la trong những buổi gây quĩ. Khẩu hiệu tranh cử của Hank là "Hãy bỏ phiếu để trục xuất bọn người ra khỏi thượng viện". Mèo Hank được 7,319 phiếu bầu qua đường bưu điện. Số tiền hơn 60 ngàn được chuyển cho hội bảo vệ súc vật.
Nhưng bản tin cũng không lý thú bằng những lời bình luận của các độc giả. Một ý kiến cho rằng Hoa kỳ tiến bộ và văn minh hơn Ecuador nhiều. Bằng cớ là nước Mỹ không chống báng một cách bất công như Ecuador nên nước Mỹ mới có một con lừa tái đắc cử vào tòa Bạch Ốc. Một ý kiến khác thì nói rằng nước Mỹ đã dồn phiếu cho một con lừa từ năm 2008 đến nay chứ đâu có phải đợi đến bây giờ. Một độc giả quả quyết rằng nếu nước Mỹ cũng cấm đoán gắt gao như Ecuador thì người ta đã không có ông Romney. Một bức thư khác đề nghị phải áp dụng các biện pháp cấm mấy con thú tranh cử mới được.
Trong khi đó, các ý kiến đọc được trên internet, nghiêm túc cũng có mà diễu cợt cũng có đều cho thấy Ecuador, Hoa kỳ đều thua xa một quốc gia ở Đông Nam Á. Quốc gia này đã có một bầy chó ngồi chồm chỗm trong các ghế lãnh đạo từ bao nhiêu năm rồi chứ có phải là mới mẻ gì. Một bọn ăn hại đái nát, mặt trơ trán bóng vẫn tiếp tục ngồi trên đầu trên cổ của 80 triệu người dân của cái quốc gia ấy.
Bọn chó bọ ăn hại đái nát tại Việt Nam
Tại sao lại có chuyện đó?
Tại vì ở cái quốc gia ấy không hề bao giờ có được những cuộc bầu cử dân chủ tự do. Chỉ mấy con chó dơ dáy nhẩy ra chia chác, ăn uống phị mặt ra, cài hết con trai, lại con gái, đàn em, họ hàng hang hốc nhà chó vào những chỗ mà chúng nó nhâng nhâng nói là được cái đảng chết tiệt trao phó nên chúng nó vẫn quyết tâm ngồi tiếp để chia nhau cái đống cứt, tiếp tục sống chết mặc bay, cứt thì cứ đớp.
Ứng cử viên lừa ở Ecuador còn tử tế hơn mấy con chó dại này rất nhiều. 

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 156)
SOME INTERESTING WORDS
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 156 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thưa anh, Thúy muốn anh nói về chữ AIN’T. Đây là chữ làm cho Thúy khó chịu lắm nhưng Thúy lại nghe rất nhiều qua mấy đứa con của Thúy trong những lúc chúng nói chuyện với nhau . Thúy vẫn nghĩ chữ AIN’T không phải là thứ từ vựng của các thành phần có học như Thúy đã được nghe một ông thầy Mỹ nói hồi Thúy mới sang đây. Nay thì đó lại chính là chữ mà Thúy phải nghe mỗi ngày từ mấy đứa con.
QA
QA cũng thấy điều đó. Như thế có phải là đã có những đổi thay trong cách nói hàng ngày của người Mỹ hay không?
BBT
Trước hết, tôi xin nói là hai cô chắc sẽ không thấy nữ hoàng Anh nói chữ này bao giờ. Nhưng đó là "The Queen’s English", thứ tiếng Anh khuôn mẫu của nước Anh. Còn bình thường trong cách ăn nói hàng ngày, không ai nói thứ tiếng Anh cung đình đó, thứ tiếng Anh vương giả của nữ hoàng Anh cả. Ngôn ngữ lại thay đổi mỗi ngày nên hôm nay hai cô thấy chữ đó khó chịu nhưng rồi đây sẽ có lúc chính những chữ đó không còn gây khó chịu nữa, khi chúng được người ta chấp nhận. Và luôn cả các nhà văn phạm bảo thủ nữa.
AIN’T là gì? Trước tiên, nó là một chữ luôn luôn có nghĩa phủ định, NEGATIVE. Nó là một chữ tắt, ABBREVIATION. Nhưng là chữ tắt của những chữ gì?
Thí dụ trong câu này: HE AIN’T HERE. SHE AIN’T COMING. THEY AIN’T HAPPY ABOUT IT.
QA
QA nghĩ AIN’T là NEGATIVE của động từ TO BE.
LÃM THÚY
Thúy cũng nghĩ vậy vì nếu thay AIN’T bằng IS NOT hay ARE NOT, WAS NOT hay WERE NOT thì nghĩa của những thí dụ anh đưa ra ở trên sẽ không khác nhau gì.
BBT
Đúng như vậy. AIN’T là tất cả những chữ vừa kể, nó vừa là PRESENT , vừa là PAST TENSE của động từ TO BE trong thì quá khứ và hiện tại. Cứ lúc thì IS NOT, lúc ARE NOT, lúc WAS NOT, lúc WERE NOT… rắc rối quá, thôi thì nói ngắn lại tất cả, thay vì ISN’T, AREN’T, WASN’T hay WEREN’T… cứ AIN’T là tiện nhất.
LÃM THÚY
Nhưng thưa anh, trong câu này mà Thúy nghe được của con gái, câu I AIN’T GOT THE CAR THIS WEEK END thì AIN’T không phải là NEGATIVE của TO BE phải không?
BBT
Đúng như thế. AIN’T trong câu này thì lại là HAVE NOT. HAVE NOT nói tắt thành HAVEN’T rồi thành AIN’T. Cô nói thử lại bằng tiếng Anh cô học của ông thầy Mỹ coi nào.
LÃM THÚY
Chắc phải là I DO NOT HAVE hay I HAVEN’T THE CAR THIS WEEK-END nghĩa là cuối tuần này nó không có xe vì anh nó mượn của mẹ trước rồi.
QA
Con trai QA có hôm nói thế này: I AIN’T BEEN TO WASHINGTON D.C. BEFORE thì chắc phải hiểu là I HAVEN’T BEEN TO WASHINGTON D.C. BEFORE phải không thưa anh?
BBT
Đúng thế. Hồi nẫy, cô Lãm Thúy nói là một bữa hai con của cô đã dùng chữ HELL với nhau. Cô muốn biết HELL có phải là tiếng dùng để chửi thề không thì tôi xin nói ngay là đúng, đã có một thời nó là tiếng dùng trong những lúc chửi thề. Nhưng bây giờ, HELL không còn bị coi là tiếng chửi thề nữa. Tuy vậy, nó vẫn còn là tiếng không nên dùng để nói chuyện với người lớn như ông, bà hay cha mẹ. Ngay người Mỹ cũng vẫn còn có người kiêng không dùng nó, mà nói trại ra thành HECK. Thay vì nói WHAT THE HELL, người ta nói thành WHAT THE HECK… HE’S HECK OF A GUY thay vì HE IS HELL OF A GUY. Thay vì THE HELL YOU SAY, người ta nói thành THE HECK YOU SAY!
QA
Như vậy HELL có còn cái nghĩa cũ là địa ngục nữa hay không, thưa anh?
BBT
Trước khi trả lời, tôi muốn nhắc hai cô là khi đọc, nên cẩn thận phân biệt HE’LLHELL.
HE’LL có APOSTROPHE tức là cái dấu PHẾT, cái dấu trông như dấu phẩy để thay thế cho một hay hai chữ đã bị bỏ đi. Thay vì nói hay viết thành HE WILL, người ta viết thành HE’LL và đọc là "hi-ưl" nghĩa là ông ấy, anh ấy sẽ… Trong khi đó, HELL là nguyên một chữ, không viết tắt của bất cứ một chữ nào khác và đọc gần như là "heo".
THE HELL được dùng để diễn tả sự tức giận, sự ngạc nhiên, sự bất mãn.
Các cô nghe kỹ những câu sau đây:
WHAT HAPPENED TO YOU?
WHY IS HE HERE?
WHERE ARE THEY NOW?
WHEN DID THAT MAN COME HERE?
WHO DOES GEORGE THINK HE IS?
HOW DID HE FIND HER?
Cô Thúy thấy những câu đó như thế nào? Người hỏi có vẻ gì bực bội, ngạc nhiên hay bất mãn không?
LÃM THÚY
Thưa anh không. Những câu đó nghe cũng chỉ là những thắc mắc thường thôi. Nhưng nếu muốn chúng có nghĩa bực bội, kinh ngạc hay bất mãn thì phải làm thế nào? Cho chữ HELL vào đâu?
BBT
Dễ lắm. Thêm THE HELL ngay vào sau của các tiếng WHERE, WHAT, WHERE, WHY, WHO và HOW. QA chọn lấy hai câu trong số những câu trên và biến chúng thành những câu có ý bực bội coi.
QA
WHO THE HELL DOES GEORGE THINK HE IS?
WHAT THE HELL HAPPENED TO YOU?
BBT
Nhớ nhấn mạnh vào THE HELL thì ý nghĩa bực bội mới có. Còn Thúy cho nghe hai câu có vẻ kinh ngạc coi.
LÃM THÚY
WHEN THE HELL DID THAT MAN COME HERE?
HOW THE HELL DID HE FIND HER?
BBT
Bây giờ là hai câu có vẻ tức giận :
WHY THE HELL IS HE HERE?
WHERE THE HELL ARE THEY NOW?
QA
Như thế có phải HELL chỉ được dùng trong những câu hỏi không thưa anh?
BBT
Không. Không phải thế. HELL cũng được dùng trong những câu tán thán, những câu biểu lộ sự bực bội, giận giữ nữa chứ. Thí dụ TO HELL WITH THE SO-CALLED COW TONGUE!
Hay HELL NO! WE WON’T GO ! như khẩu hiệu của phe phản chiến hồi thập niên 60 vậy. Hay HELL YEAH! để biểu lộ thái độ hết lòng đồng ý. Tôi nhớ trong một truyện ngắn của Ernest Hemingway, nhân vật của ông cũng dùng chữ HELL hơi nhiều. Chính Hemingway, ngoài đời, cũng là người rất hay "xổ Nho".
LÃM THÚY
Thúy có thắc mắc này nữa. Đó là cái tên JOHN. Tên JOHN thì ai cũng biết rồi. Nhưng nói như hai câu này có đúng không và hai câu có khác nhau không?
THERE IS A JOHN AT THE CORNER OF THE STREET.
HE IS USING THE JOHN AT THE CORNER OF THE STREET.
BBT
Cả hai câu đều đúng nhưng ý nghĩa thì rất khác nhau.
Trước hết JOHN là tên người. Khi là tên người thì JOHN luôn luôn phải viết hoa (CAPITAL hay UPPER CASE) Và nếu JOHN là tên người thì không có mạo từ A hay THE ở trước.
HE IS JOHN.
Tuy thế, cũng có thể nói A JOHN như trong câu HE IS A JOHN nếu chúng ta muốn nói là trong lớp có hai ba người tên là JOHN, và đây cũng là một người tên JOHN. Hay trong câu này: THE JOHN YOU MET AT THE PARTY WAS MY AUSTRALIAN FRIEND. Trong câu này, chúng ta nói THE JOHN để xác định, đặc biệt nói tới ông bạn Úc của tôi.
Câu THERE IS A JOHN AT THE CORNER OF THE STREET mà JOHN không viết hoa, lại có mạo từ A ở trước thì JOHN có nghĩa là khách làng chơi, khách mua hoa.
Câu HE IS USING THE JOHN AT THE CORNER OF THE STREET mà JOHN cũng không viết hoa, thì THE JOHN có nghĩa là cái TOILET, cái cầu tiêu.
QA
Thưa anh, còn chữ JOHN nào khác kỳ quái như vậy nữa không?
BBT
Có chứ. JOHN HANCOCK chẳng hạn. Thí dụ hai cô vào ngân hàng điền vào mẫu xin vay tiền, nhân viên ngân hàng đưa cho hai cô tờ đơn đã điền xong và nói: I NEED YOUR JOHN HANCOCK HERE thì người ấy thực ra chỉ muốn nói I NEED YOUR SIGNATURE HERE. Lý do là vì nhân vật John Hancock ký một chữ ký rất to vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa kỳ, vừa ký vừa nói rằng để cho Anh Hoàng George thấy cho rõ. Từ đó, JOHN HANCOCK có nghĩa là chữ ký.
Còn có một chữ JOHN nữa. JOHN DOE là cách nói như khi chúng ta nói ông Nguyễn Văn X. Hay ông Ổi, ông Soài, ông Mít… tức là trong những trường hợp chúng ta không biết tên đương sự, hay biết nhưng không thể hay không tiện nói ra. Thí dụ một người bị tai nạn tử vong, xác đưa vào nhà xác nhưng chưa biết tên thì tử thi đó sẽ được gọi tạm là JOHN DOE. Nếu là phụ nữ thì là JANE DOE, là em nhỏ thì là BABY DOE. Cũng có vài ba cách gọi khác như JOHN Q. PUBLIC hay JOHN PUBLIC hay JOHN SMITH.
Tên JOHN còn xuất hiện trong thành ngữ A DEAR JOHN LETTER , thành ngữ này có nghĩa là bức thư tuyệt tình của một phụ nữ gửi cho người đàn ông. Thí dụ nói SHE WROTE HIM A DEAR JOHN LETTER là cô ấy viết cho anh ta bức thư để chấm dứt cuộc tình giữa hai người.
LÃM THÚY
Nhân tiện, để hỏi anh chuyện này nữa. Trong tiếng Anh có động từ nào là động từ BETTER không? Cứ cuối năm, gần Giáng Sinh, là Thúy lại nghe thấy động từ này trong mấy câu của bài hát SANTA CLAUS IS COMING TO TOWN, đó là câu YOU BETTER WATCH OUT...
BBT
Không có động từ BETTER. Nhưng có động từ HAD BETTER. Động từ này là một động từ khá kỳ lạ. Nó chỉ xuất hiện với hình thức HAD BETTER mà thôi, không bao giờ là HAVE BETTER hay WILL HAVE BETTER. Nó luôn luôn ở hình thức PAST nhưng nó lại được dùng cho các việc của hiện tại và tương lai. Thí dụ YOU HAD BETTER CALL HIM NOW (PRESNT) hay WE HAD BETTER TAKE THE PLANE THIS CHRISTMAS (FUTURE).
HAD BETTER thường được nói ngắn lại thành ‘D BETTER thay vì HAD BETTER và vì thế, khi nghe I’D BETTER cô mới nghĩ nó là động từ BETTER.
HAD BETTER được dùng để đưa ra một lời khuyên, một khuyến cáo là nên làm một việc gì đó.
QA
Thưa anh, động từ SHOULD cũng được dùng để đưa ra lời khuyên phải không? Như thế, SHOULD cùng nghĩa và cùng có cách dùng như HAD BETTER phải không?
BBT
Gần đúng như thế. SHOULD tương đương với một động từ kỳ cục khác là OUGHT TO. Động từ OUGHT TO không có "S" khi đi với chủ từ là ngôi thứ BA số ÍT (THIRD PERSON SINGULAR như HE, SHE, IT…) thí dụ HE OUGHT (không phải HE OUGHTS) TO STUDY FOR THE TEST. SHOULD tương đương với OUGHT TO, có thể dùng thay đổi lẫn cho nhau. Hai động từ này được dùng để đưa ra một lời khuyên nhưng là một lời khuyên nhẹ thôi, làm cũng được mà không thì cũng chẳng sao. Thí dụ YOU SHOULD SEE THAT NEW FILM hay YOU OUGHT TO SEE THAT NEW FILM.
Nhưng HAD BETTER thì lời khuyên đó có thêm sự khuyến cáo ở trong. Nên làm nhưng nếu không làm thì có thể hậu quả không tốt. Thí dụ WE HAD BETTER STOP SMOKING CIGARETTES. Khi chúng ta nói WE SHOULD hay WE OUGHT TO SEE THE NEW FILM thì đi xem cuốn phim mới cũng được, không xem cũng không sao còn nếu không bỏ thuốc thì sẽ rất có hại cho sức khỏe.
LÃM THÚY
Thưa anh, Thúy ít nghe thấy người ta dùng động từ OUGHT TO, có phải như vậy không?
BBT
Đúng vậy. Động từ OUGHT TO càng ngày càng ít xuất hiện. Chúng ta dùng SHOULD nhiều hơn. Thực ra, SHOULD cũng đang từ từ thay thế cho HAD BETTER.
Trong đời sống, chúng ta không thích nghe khuyên bảo lắm đâu. Nhất là khi đó là những lời khuyên mà chúng ta gọi là UNSOLICITED ADVICE, tức là những lời khuyên không ai nhờ khuyên … Người Việt nói "ăn có mời, làm có khiến". Vì thế, để cho lời khuyên dễ nghe một chút, người ta thường thêm I THINK ở trước những lời khuyên. Thí dụ I THINK YOU SHOULD VISIT HIM IN THE HOSPITAL. Câu đó nghe nhẹ hơn, bớt giọng khuyên bảo hơn là YOU SHOULD VISIT HIM IN THE HOSPITAL.
Thêm một điều nữa về động từ HAD BETTER là khi tôi nói HE HAD BETTER DAYS BEFORE APRIL 1975 thì câu này không phải là lời khuyên. Sau HAD BETTER nếu là một động từ thì đúng là lời khuyên. Nhưng trong câu vừa rồi, theo sau HAD BETTER là một danh từ nên nghĩa của nó hoàn toàn khác. Thúy hiểu câu ấy như thế nào?
LÃM THÚY
Thúy hiểu là ông ấy đã từng có một đời sống rất khá, khá hơn bây giờ nhiều trong thời gian trước tháng 4 năm 1975.
BBT
Cám ơn hai cô.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

November 17, 2012

November 16, 2012


Ngày 12 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Tôi nghĩ John Stuart Mill đã đi quá đáng khi ông viết trong cuốn Utilitarianism rằng thà làm một người không thỏa mãn còn hơn là làm một con heo thỏa mãn; thà làm một Socrates khốn khổ còn hơn là làm một người điên thỏa mãn.
Câu này của ông còn được cắt ngắn lại cho gọn để thành thà làm một Socrates khốn khổ còn hơn là làm một con heo tự mãn.
Socrates là người, lại là một triết gia, môn sinh có cả trăm, nổi tiếng là sáng suốt. Nhưng ông cũng lại là người không hạnh phúc. Có lần ông khuyên người ta rằng là đàn ông thì nên lấy vợ. May thì được hạnh phúc với vợ. Không may thì sẽ thành triết gia.
Socrates trở thành một triết gia. Như thế, ông là người không hạnh phúc. Chuyện là người của ông cũng bị đem ra chỉ để nhắc một điều ai cũng phải đi qua bằng cái tam đoạn luận nghĩ lại thì cũng chẳng có gì cao siêu:
Tất cả mọi người đều phải chết.
Socrates là người.
Socrates phải chết.
Nhưng cái chết của Socrates cũng không bình thường. Ông bị bức tử, chọn uống nước lá cây độc cần.
Con heo từ khi ra đời cho đến lúc bị đưa vào lò sát sinh chỉ ăn với ngủ. Nghĩ lại thì nếu không ăn và ngủ thì heo biết làm gì bây giờ? Lôi sách của John Stuart Mill hay của Socrates ra đọc hay sao?
Đọc để đi tới đâu? Thì cũng đến lò sát sinh. Nhỏ thì thành heo sữa quay ăn với bánh hỏi. Lớn thì thành heo thịt, vào nồi hủ tiếu, thành món cốt lết, thịt đông, thịt ba chỉ với mắm tôm chua. Già thì thành lợn sề, nghe gọi đã thấy phát sợ. Không thì thành heo nọc, tưởng là vui mà hóa ra chẳng có gì sung sướng với một cuộc sống không bình thường để kiếm tiền cho chủ heo, bị buộc phải làm những chuyện không do tình yêu đưa tới thì có gì là hạnh phúc, vui vẻ.
Thế thì nếu nó hí hửng , hớn hở vui được lúc nào thì tại sao lại không mừng cho nó mà lại dè bỉu, coi nó ngu si hưởng thái bình, mà thái bình thì cũng có được bao lâu.
John Stuart Mill để hai cuộc đời bên cạnh nhau, một là Socrates, triết gia Hy Lạp, môn sinh bao nhiêu người thành đạt như Platon, như Aristote… nhưng đời sống không hạnh phúc, và bên cạnh là một con heo hoàn toàn vui vẻ với đời sống có khi rất ngắn của nó, ngu xuẩn , đần độn, không biết làm thơ, đọc thơ, lại càng không biết tại sao Israel đánh nhau với người Ả Rập, tại sao người Hồi giáo không ăn thịt mình (heo) mà lại chỉ thích đi giết người khác, thích lao tầu bay vào các cao ốc cho vài ngàn người chết vân vân.
Đặt Socrates và con heo bên cạnh nhau, rồi quay sang chọn ông Socrates, triết gia Hy Lạp sống cách đây 2 ngàn 500 năm, cả đời lang thang với một lũ môn sinh đầu đường xó chợ thay vì chọn con heo vui vẻ tự mãn.
Như vậy, hạnh phúc là một điều không nên có hay sao? Phải đau khổ, phải khốn khổ, phải bất hạnh mới đáng sống chăng?
Con heo vui vẻ thì bị chê, bị khinh là không có suy nghĩ gì hết trơn, không cogito ergo sum, je pense donc je suis như Descates gì hết. Phải mặt mũi khó đăm đăm, đi tìm những ngóc ngạch khổ đau của nhân lọai rồi ngồi suy tư như bức tượng Le Penseur của Rodin (hình như để quên quần áo ở đâu không biết) mới là người đáng sống hay sao?
Mấy hôm trước xem trên truyền hình thấy cảnh ở Syria tôi lại nhớ Socrates. Thoắt nổ cái rầm là mất ngay cái mái nhà trên đầu, chung quanh gạch ngói ngổn ngang. Tiếng la khóc ầm vang trong xóm. Những việc làm tầm thường nhất mỗi ngày chúng ta làm một cách bình thản bỗng không còn làm được nữa. Muốn uống ly nước có thể cũng không có. Tắm một cái lại càng khó hơn. Nói chi đến ly cà phê, tờ báo, bản tin truyền hình, bữa ăn sáng ở một tiệm quen. Cái xe thân thuộc đi làm. Chiếc bàn làm việc ở nhà. Chai bia trong tủ lạnh. Căn nhà trở về trong đêm, mùi ngọc lan từ nhà bên cạnh bay qua.
Toàn là những thứ tầm thường chứ nào có là những hạnh phúc lớn của con heo mập được vỗ cho béo để đem đi giúp trại heo bên cạnh có giống tốt đâu?
Nhưng nhất định không là Socrates lang thang đầu đường xó chợ ở Nhã Điển với lũ môn sinh gàn dở hỏi đáp những câu vớ vẩn để rồi chính vì những câu gàn dở đó mà ông già Socrates bị đem ra tòa xử tử hình.
Không khổ sở như Socrates. Không hạnh phúc , tự mãn như con heo.
Hanh phúc nhiều khi ở quá gần như Kahlil Gibran, nhà thơ Li Băng viết trong một bài thơ của ông, con chim chết khô trong lồng bên một dòng suối nươc chẩy róc rách. Có nước thì hãy cứ uống, không việc gì phải ép rệp khổ đau như Socrates. Là con heo tự mãn cũng được.
Làm thế nào để đến được với hạnh phúc, Socrates hay heo thì cũng đều đáng được hưởng những chuyện tốt đẹp. Nghĩ lại thì lại phải cám ơn đời sống và những may mắn rất nhỏ và tầm thường đang có. Cứ hỏi những người tị nạn đang lây lất ở Darfour coi con heo tự mãn tốt hay Socrates khốn khổ là tốt thì biết liền câu trả lời.

Ngày 13 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Tin của đài BBC cho biết cảnh sát Thái tại Pranbury, một thị trấn cách Bangkok khoảng 230km về hướng nam trong ngày hôm nay, 13 tháng 11, đã bắt giữ một xe vận tải chở khoảng 600 con rắn hổ mang bành (cobra), một loại rắn rất độc từ Malysia vào lãnh thổ Thái.
Người tài xế bị bắt cho biết số rắn này đang trên đường đi Lào. Nhà chức trách Thái tin rằng Việt Nam mới là trạm giao hàng cuối cùng của hơn 600 con hổ mang gốc từ Malaysia này.
Trong những năm gần đây Thái đã trở thành nơi thông quá của những loại hàng lậu này, có khi là hổ báo, gấu, sừng tê giác và rắn. Vừa mới vài tháng trước, Thái đã chặn bắt được cả hai ngàn con chó mà những tổ chức trộm chó đã bắt được ở Thái để đưa đi Việt Nam. Số chó này chắc chắn sẽ được đưa lên các bàn nhậu, phục vụ các thành phần mê thịt chó. Ở trong nước, việc bắt chó cung cấp cho các tiệm thịt chó hồi gần đây đã trở thành rất khó khăn. Các cẩu tặc đã phải đi tới nhiều vùng quê để bắt trộm chó vì chó càng ngày càng hiếm. Một vài cẩu tặc đã bị dân địa phương vây đánh đến chết. Lý do khan hiếm chó không đủ cung cấp cho các tiệm thịt chó là rất nhiều chó đã được kết nạp vào đảng cha nó rồi. Mà bọn chó này rất … chó với nhau: chúng không ăn thịt đồng loại. Đến gọi nhau chúng cũng phải kiêng tên hèm tên tục, phải gọi trại ra thành "đồng chó X" khi nói về một con chó ăn cứt như máy tại cuộc đại hội của chúng mới đây.
Bây giờ đến lượt rắn hổ mang được thu mua, chở lậu qua Thái, rồi Lào để vào Việt Nam. Nhưng phe buôn lậu rắn làm như thế có thể là hơi muộn vì số rắn độc nhập lậu vào Việt Nam bây giờ không còn đắt hàng như trước. Rắn không cần phải đưa lậu vào Việt Nam nữa. Loài bò sát này được đưa vào Việt Nam công khai, không bị làm khó dễ gì hết. Trong khi 600 con hổ mang ở Thái Lan bị cho vào những chiếc túi quăng lên thùng xe vận tải khiến một số đã chết trước khi tới trạm kiểm soát ở Pranbury. Thêm vào đó, không phải rắn nào cũng có thể đưa vào Việt Nam được. Rắn hổ mang bành, rắn kính gốc Malaysia, gốc Ấn độ như trong truyện ngắn Rikki-Tikki-Tavi của Rudyard Kipling là không được. Rắn mà bị túm lại trong những túi vải là không được. Chở trên xe vận tải quá cảnh ở Thái cũng không được.
Việc nhập cảng rắn cũng phải đúng thủ tục. Rắn phải được di chuyển trên lưng người mới được. Nói rõ ra là phải được cõng một cách trân trọng trên lưng mới được. Cõng chúng vào Việt Nam cũng cần có được thỏa thuận chính thức của nhà nước chứ không thể khơi khơi chất lên xe vận tải mang vào là xong. Cõng vào rồi thả ra cũng phải có chỗ mới được. Trên cao nguyên miền Trung tại hai tỉnh Dak Nong và Lâm Đồng nơi có những mỏ bô-xít là những chỗ đặc biệt thích hợp cho việc thả những con rắn này. Đó là chưa kể tới một số vùng miền bắc, vùng biển Cam Ranh, Vũng Rô, cùng với những khu xây cất gọi là đại phố cho chúng nó ở.
Cõng vào rồi thả chúng ra cho chúng rượt cắn bầy gà khốn khổ ở những chỗ vừa kể trên mới được. Con gà nào phản đối … đi bộ xuống đường biểu tình chống lại những con rắn này thì nhà nước đánh cho chết. Không chết thì cũng đến tận nơi bắt đem đi biệt tích trong khi cố nghĩ ra cái tội nào thật nặng để đổ cho những con gà tội nghiệp đó. Như con gà con Nguyễn Phương Uyên chẳng hạn.
Càng nghĩ càng muốn văng tục ra với tổ sư cha nhà bọn chó.
Cha tiên nhân bố chúng mày, bọn chó đẻ cõng rắn cắn gà nhà phè phỡn trong cái nhà xí gọi là bộ chính trị ở Hà Nội nhá.

Ngày 14 tháng 1 năm 2012
Bạn ta,
Một buổi tối đã lâu, ít nhất cũng khoảng gần 30 năm trước, tôi đi kiếm nhà một người bạn mới dọn đến Virginia thì lạc đường, chạy xe vào một công trường xây cất. Đêm ấy đầu mùa thu, trời rất mát.
Trận mưa buổi chiều còn đọng nước trong những vết bánh xe vận tải cầy nát một vùng. Trăng phản chiếu trong một vũng nước mưa hơi xao động trong cơn gió.
Đúng lúc tôi định quay xe chạy ra thì tiếng một con ễnh ương đâu đó dưới những khoảng tối của những chiếc xe ủi đất đậu trong bãi vọng tới. Từ từ, đều đều, kiên nhẫn, vang lên một lúc rồi im bặt.
Tôi nhớ cơn mưa vừa tạnh lúc buổi chiều, cơn mưa làm ngập khu xây cất, lúc ấy tôi đang còn ở nhà, mở cửa bước ra thì những giọt mưa phơi phới bay vào.
Cảnh tượng cơn mưa chiều và những vũng nước trong công trường xây cất đều hiện ra trong cùng một ngày tôi đọc được trong một tờ báo cũ bài thơ của Giang Hữu Tuyên.
Đó là lần đầu tiên tôi đọc thơ của Tuyên.
Những giọt mưa rơi trong buổi chiều, mùi đất ẩm xông lên từ trước nhà, tiếng con ễnh ương lẻ loi kêu thảm thiết dưới ánh trăng.
Trước nhà tôi, đám lá phong vàng rực rỡ rơi xuống phủ hết bãi cỏ. Những ngọn cỏ ướt oằn mình xuống vì những giọt nước mưa. Nhớ mùi mưa trên mái tóc của một chiều. Chiều của bầu trời nhiệt đới. Chiều trên bến nước đục ngầu phù sa, những cây dừa bên kia sông, những tầu lá loáng bạc, mùi gió sông, những chiếc thuyền tròng trành…
Tôi thấy mình trở về Việt Nam lúc nào không hay. Tôi vẫn thỉnh thoảng làm được một chuyến đi trở về miền đất bỏ lại.
Một cái địa danh lâu không nghe, nhớ lại là thấy quặn trong lòng. Tưởng lại mùi nắng, mùi mưa trong cái không gian vẫn còn chưa bỏ đi hẳn khỏi trí nhớ…
Chiều hôm ấy tôi đọc được bài thơ này của Giang Hữu Tuyên:
Lá vàng rụng hết đêm qua
Chiều xô cửa ngó mông ra mưa buồn
Mưa đằm ngọn cỏ đan sương
Mưa nghiêng kỷ niệm, mưa luồn tóc bay
Hồn bình nguyên rộng trên tay
Căng đầy nỗi nhớ sông dài phù sa…
Nói đây là một bài thơ hay tuyệt thì chưa phải.
Nhưng phải nói đó là một bài thơ hay. Hình ảnh giản dị. Cơn mưa ở Arlington, cũng là thị trấn tôi đang sống hồi ấy. Có gì đâu, thì cũng lá rụng, cỏ đẫm nước, gió ào ào.
Những câu lục bát tạo ra những bất ngờ đến bàng hoàng. Mưa làm sao "nghiêng" được kỷ niệm? Mưa làm sao "đằm" những ngọn cỏ? Những ngọn cỏ làm sao "đan" những giọt mưa như sương? Mưa làm sao "luồn" trong tóc? Tay sao "giữ" được bình nguyên?
Bài lục bát đọc buổi chiều trở thành một ám ảnh suốt cả ngày hôm đó, cho đến tận lúc tối khi tôi lái xe đi lạc vào khu xây cất có tiếng kêu của con ễnh ương đơn lẻ.
Mãi mấy năm sau tác giả bài thơ "Mưa Arlington, nhớ mưa quê nhà" và tôi mới gặp nhau.
Tôi rất thích bài lục bát ấy của Tuyên. Người làm thơ bỗng biến mất. Bài thơ trở thành của người đọc. Người đọc tiến vào làm công việc mở cái cửa ngó ra trận mưa. Mái tóc ướt sũng những giọt mưa bỗng trở thành mái tóc rất thân quen. Con sông đỏ quạch thành nơi hò hẹn, nỗi nhớ trở thành sự thật, trên tay là bát ngát bình nguyên của kỷ niệm.
Chữ nghĩa của Giang Hữu Tuyên đầy miền Nam ở trong. Đây là mồng tơi tím, đây là cánh đồng tháng chạp, đây là những cụm bèo, đọt rau, là lá trầu, là vườn mía, hàng tre, lạch nước, bờ kinh…
Ơi miền Nam , ơi quê nhà
Dưới ao sen nở, mẹ già vo cơm…
Tuyên chết ngày 14 tháng 11 năm 2004.
Mới đó mà nay đã 8 năm …

Ngày 15 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Mùa mua sắm quà cáp lại trở về với nước Mỹ. Để sửa soạn cho những tiệc tùng của ngày Thanksgiving năm nay, tôi nghĩ không có một món quà nào có lý hơn là những chiếc quần lót Under-Ease, sáng chế của một người đàn ông đầy sáng kiến ở thị trấn Pueblo thuộc tiểu bang Colorado.
Buck Weimer nói với tờ Denver Post rằng từ lâu ông vẫn mơ làm sao chế ra một sản phẩm để cứu vãn cuộc hôn nhân của ông nhân sau chuyến vợ chồng ông đi dự một bữa tiệc Thanksgiving hồi mấy năm trước.
Cuối cùng thì ông làm được việc đó. Ông chế ra được một sản phẩm mới, đó là một chiếc quần lót được may hơi chật một chút, bó sát lấy phần dưới của người mặc. Vật liệu dùng để may nó rất kín, không để cho không khí vào ra dễ dàng như những thứ vải thông thoáng người ta vẫn dùng để may quần áo lót. Ở phía sau của chiếc quần có gắn một bộ phận lọc bằng than giống như đầu lọc ở những điếu thuốc lá. Lớp than này có thể lọc được các chất bẩn như trong các máy lọc nước. Ở thuốc lá, lớp than ở đầu lọc có thể lọc bớt đi thán khí và nicotine trước khi khói thuốc lá được hút vào phổi. Bộ phận lọc bằng than này ở những chiếc quần lót có thể lọc và làm giảm thiểu cái mùi ghê rợn thoát ra từ ruột già của người mặc để làn hơi thoát ra ngoài bớt đi rất nhiều cái mùi không văn minh lắm có thể tạo oan uổng cho những con chó đang ngồi một cách vô tội ở bên cạnh. Nó cũng giúp cho người ta đỡ phải thình lình đứng dậy khỏi bàn tiệc để ra ngoài nói là hút điếu thuốc trong khi trời đất đang lạnh buốt cuối năm.
Bữa đó, sau khi dự tiệc Thanksgiving ở nhà bạn về, Buck và vợ lên giường đi ngủ thì vợ chàng bị vài xáo trộn của hệ thống tiêu hóa đã tung ra một quả bom ngạt nghe rền vang khắp nhà như một trái bom nguyên tử. Buck nằm bên cạnh, nước mắt chứa chan, thương cho mình rồi … lạnh lùng riêng.
Chàng không thể vùng dậy chạy ra phòng khách tị nạn chính trị vì làm như thế thì bất lịch sự với vợ biết là bao nhiêu. Vợ chồng thì phải chịu nhau, phải thương yêu nhau chứ, phải ở bên cạnh nhau bất cứ lúc nào chứ. Không lẽ chỉ vì một cái trung tiện đã vùng lên bỏ chạy thục mạng, vừa chạy vừa chửi thề để mà né, mà tránh làn hơi thiên phú đó.
Thế là sau mấy năm nghiên cứu, Buck đã trình sáng kiến của mình và nhận được cái bằng sáng chế và sản xuất những chiếc quần Under-Ease để đóng góp phần nào cho công việc gìn giữ hạnh phúc cho gia đình. Thêm vào đó, sản phẩm của chàng cũng giúp đối xử tử tế hơn, không vu oan giá họa cho những con chó vô tội nữa, vì bề gì chúng cũng là bạn tốt nhất của chúng ta.
Từ này, câu "the dog did it" có thể sẽ không được lôi ra để nói xấu mấy con chó nữa. Người ta sẽ không phải than thở hộ cho những con chó nữa như hai câu ca dao này:
Con chó mà biết nói năng
Đứa thả trung tiện hết đường đổ oan
Cuối năm nay, quà Thanksgiving, Christmas, New Year có lý nhất chắc chắn phải là những chiếc quần lót Under-Ease vậy!
Nhưng có thể những thành phần nâng bi chuyên nghiệp, nịnh xếp khen trung tiện của xếp là thơm sẽ rất khổ. Là fart-catcher mà không ngửi, phát hiện rồi vồ được cái nào để nịnh xếp thì làm sao sống?
Nhất là bọn mê, ghiền những cái rắm … "lạ" ở Việt Nam bây giờ.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 155)
SOME COMMON MISTAKES AGAIN
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 155 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, tuần này QA xin hỏi anh trước mấy chữ mà QA nghĩ chắc là QA dùng không đúng, xin anh sửa cho. Đó là hai chữ BORED và BORING. Cách đây không lâu, QA nói với con gái rằng QA thấy rất là BORING. QA bị sửa ngay là nói như vậy là sai, phải nói là BORED mới đúng. Như vậy, BORED và BORING rất khác nhau hay sao?
BBT
Đúng vậy, rất khác.
TRÚC GIANG
Cháu mấy lần nói sai chữ INTERESTED và INTERESTING thì bị hai đứa con gái lớn sửa ngay lập tức. Tại vì hai con "trứng" ở nhà hồi này nó có vẻ khôn hơn con "rận" rồi.
BBT
Vậy thì tôi sẽ nói luôn về những thắc mắc của cả hai cô…
QA
Và của khá nhiều người khác nữa…
BBT
Đúng thế, đó là trường hợp của những cặp BORED / BORING; INTERESTED / INTERESTING; IRRITATED/ IRRITATING; CONFUSED / CONFUSING… Trước hết, hãy nói về BORED và BORING. Hai chữ này là ADJECTIVE gốc ở động từ TO BORE nghĩa là làm cho buồn chán. Thí dụ nói ông ta làm cho tôi chán đến chết được thì người ta nói HE BORES ME TO DEATH.
BORED là PAST PARTICIPLE dùng như một ADJECTIVE và BORING là PRESENT PARTICIPLE cũng được dùng như một ADJECTIVE.
Vì cả hai đều là ADJECTIVE có gốc ở động từ TO BORE nên người ta hay lẫn lộn chúng và dùng không đúng. BORED đi cùng với động từ TO BE, thì TO BE BORED có nghĩa thụ động, PASSIVE nghĩa là chủ từ của câu KHÔNG làm gì hết mà bị túc từ OBJECT thường được hiểu ngầm gây ra. Thí dụ I AM BORED nghĩa là tôi đang buồn, chán lắm… có thể vì câu chuyện anh ấy nói, cuốn sách tôi đang đọc, cuộn phim tôi xem… hay cũng vì tôi không có việc gì làm cho qua thời giờ. Nhưng TO BE BORING thì chủ từ lại làm công việc gây buồn chán cho người khác. Chính chủ từ làm công việc đó nên câu có nghĩa ACTIVE. Thí dụ HE IS BORING: HE TALKS ABOUT HIMSELF ALL THE TIME.
Tôi hỏi Trúc Giang nhé… khi nói cuốn sách chán lắm thì nói thế nào?
TRÚC GIANG
Cháu sẽ nói THE BOOK IS BORING.
BBT
Còn QA, cô nói câu này bằng tiếng Anh như thế nào: DICK vô duyên lắm, nghe anh ta nói chuyện chán chịu không nổi. Tôi chán anh ấy hết sức.
QA
DICK IS VERY BORING. I AM SO BORED WHEN I LISTEN TO HIM.
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ mỗi cô cho nghe 4 câu với BORED và BORING coi.
TRÚC GIANG
CHEMISTRY IS BORING. THE TEACHER BORED EVERYBODY.
THE STORY IS BORING. HE IS SO BORED HE YAWNED EVERY 2 MINUTES.
QA
BOTH CANDIDATES BORED ALL OF US. LISTENING TO THEM IS SO BORING.
I WAS BORED BY HIS STORY. WHAT HE SAID WAS BORING.
BBT
INTERESTED dùng với TO BE như TO BE INTERESTED nghĩa là quan tâm, lưu ý, thích, muốn biết về. Trong khi INTERESTING nghĩa là lý thú, gây sự tò mò, làm cho người ta thích thú, ưa thích. Tôi có yêu tôi cách mấy thì cũng không thể nói I AM INTERESTING được. Tại sao vậy Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Thưa chú bởi vì nói I AM INTERESTING thì có nghĩa tự khen mình, tự cho mình là người lý thú lắm. Nhưng nói THE BOOK hay THE FILM, hay MISTER SMITH IS INTERESTING thì được phải không thưa chú?
BBT
Đúng vậy. Còn QA dùng INTERESTED trong ba thí dụ coi.
QA
WE ARE INTERESTED IN THE BEACH HOUSE nghĩa là chúng tôi thích, muốn biết thêm về căn nhà ở gần biển. MY SON IS INTERESTED IN A COMPUTER JOB là con QA rất thích một công việc trong lãnh vưc điện toán. SHE IS NOT INTERESTED IN HIM AT ALL nghĩa là cô ấy không mấy quan tâm về anh ta.
BBT
TO IRRITATE là làm cho ai bực mình, làm cho ai phát cáu, chọc tức ai đó. TO BE IRRITATED là bị làm cho bực bội, bị người hay một chuyện, một việc gì đó làm cho cáu giận, bực mình. IRRATATING là gây khó chịu, làm bực mình. Thí dụ ngồi cạnh một người hay rung đùi, hay nghiến răng, ăn uống kêu chóp chép thì Trúc Giang dùng IRRITATED hat IRRITATING nào?
TRÚC GIANG
I AM VERY IRRITATED BY HIS SHAKING HIS LEGS AND HIS TEETH GRINDING.
BBT
Thế QA nói thế nào về chuyện ông ta ăn to nói lớn? Về chuyện ông ta mở miệng là nói YOU KNOW?
QA
THE WAY HE MAKES NOISES WHEN HE EATS IS VERY IRRITATING.
HIS USE OF "YOU KNOW" IS IRRITATING.
BBT
Bây giờ qua tới CONFUSED và CONFUSING. Hai tĩnh từ này gốc gác từ động từ TO CONFUSE nghĩa là làm lẫn lộn, gây rắc rối, tạo lộn xộn, gây hiểu lầm. TO BE CONFUSED là bị hiểu sai, hiểu lầm, bị làm cho lẫn lộn, rắc rối. Thí dụ có nhiều đứa trẻ ở nhà nói tiếng Việt với bố mẹ, nói tiếng Tây Ban Nha với baby sitter, nói tiếng Anh ở trường thì QA nói HE IS CONFUSED hay HE IS CONFUSING?
QA
THE CHILD IS CONFUSED.
BBT
Tôi lẫn lộn không biết tiếng Bồ Đào Nha được nói ở Peru hay Brazil thì Trúc Giang nói thế nào?
TRÚC GIANG
I AM CONFUSED BETWEEN PERU AND BRAZIL.
BBT
Trong khi đó, CONFUSING là làm cho rối rắm, khó hiểu, dễ tạo hiểu lầm. Thí dụ nói tấm bản đồ này rất khó xem vì nó làm rối mắt thì QA nói thế nào?
QA
THE MAP IS VERY CONFUSING.
BBT
Tôi hy vọng hai cô không còn CONFUSED hay CONFUSING nữa…
TRÚC GIANG
I HOPE YOU ARE NOT CONFUSED ANY MORE.
BBT
QA còn INTERESTED hay INTERESTING những điểm văn phạm nào nữa?
QA
WE ARE STILL INTERESTED IN LOTS OF OTHER THINGS.
Thưa anh, thí dụ như chữ "I" lúc nào đọc là "AI", lúc nào đọc là "EE" chẳng hạn. Trong Anh ngữ có những qui luật nào về chuyện này không?
BBT
Tôi nghĩ là không có một qui luật bất biến nào về cách đọc một số chữ trong tiếng Anh. Trường hợp của chữ "I" là một thí dụ. Tuy nhiên, chúng ta có thể ghi nhớ những điều này để giúp chúng ta đọc đúng một số chữ "I".
Chữ "I", như hai cô cũng đã biết, có hai cách đọc, một là "EE", cách thứ hai là "AI". Nhưng khi nào đọc "I" và khi nào đọc "EE".
Nếu sau "I" là 1, 2 hay 3 PHỤ ÂM tức là 1,2 hay 3 CONSONANTS thì chúng ta đọc là "EE" . Thí dụ HIT, SHIP, BIT, QUIT, FIT, SMITH, WITCH, RICH, SWITCH, TRICK…
Nếu sau "I" chúng ta có 1 PHỤ ÂM rồi tiếp sau là một NGUYÊN ÂM thì chúng ta đọc là "AI" . Thí dụ TIME, MILE, SMILE, WHITE, WRITE, WHILE, CHIME, WINE, SWINE, BRINE, CRIME, DINE, FINE…
TRÚC GIANG
Thưa chú, có ngoại lệ không?
BBT
Có chứ. Thí dụ động từ "leo trèo" trong tiếng Anh là gì Trúc Giang?
TRÚC GIANG
TO CLIMB đọc là "AI" trong khi chân hay tay, LIMB thì lại đọc là "EE".
BBT
Một ngoại lệ nữa nhé: CHRIST đọc là "AI" như trong JESUS CHRIST. Nhưng CHRISTINE thì lại đọc là "EE".
Thế nhưng CHRISTCHURCH, tên một thành phố ở Tân Tây Lan thì lại đọc là "AI". CHRISTINE đọc là "I" nhưng CLEMENTINE như tên của bà Winston Churchill thì lại đọc là "AI".
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu còn một câu hỏi nữa. Đó là làm sao dùng SO và SUCH cho đúng?
BBT
SO và SUCH thường được dùng để làm cho ý nghĩa của những tiếng đi sau chúng, thường là tĩnh từ ADJECTIVE mạnh hơn.
Thí dụ IT IS HOT thì không mạnh bằng IT IS SO HOT.
Sau SO chúng ta dùng một ADJECTIVE. QA và Trúc Giang mỗi cô cho nghe 3 thí dụ với SO coi.
QA
THE BOY NEXTDOOR IS SO TALL.
THE STREETS OF SAIGON ARE SO CROWDED AND SO NOISY NOW.
THE BOOK IS SO INTERESTING.
TRÚC GIANG
THE US ECONOMIC PROBLEMS ARE SO SERIOUS.
GAS WAS SO EXPENSIVE LAST MONTH.
THE WEATHER IN NEW YORK IS SO BAD NOW.
BBT
Trong khi đó, sau SUCH, chúng ta phải có một danh từ đi theo thí dụ IT WAS SUCH A BLOODY BATTLE. BATTLE là NOUN. Bỏ BLOODY đi, chúng ta phải dùng SO và ADJECTIVE như IT WAS SO BLOODY.
QA cho nghe 2 câu với SO và SUCH như thí dụ vừa ở trên coi: IT WAS SO BLOODY. IT WAS SUCH A BLOODY BATTLE.
QA
YESTERDAY WAS SO COLD. YESTERDAY WAS SUCH A COLD DAY.
THE CAR WAS SO EXPENSIVE. IT WAS SUCH AN EXPENSIVE CAR.
TRÚC GIANG
THE HOUSING MARKET WAS SO BAD. LAST YEAR WAS SUCH A BAD YEAR FOR HOUSING MARKET.
THE ELECTION WAS SO BORING. IT WAS SUCH A BORING ELECTION.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

November 8, 2012

November 9, 2012

Ngày 5 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Mỗi ngày, trên đường đi làm, gần như sáng nào tôi cũng bị đèn đỏ ở góc đường X. và Y. Và trong lúc ngừng xe để chờ đèn xanh, tôi lại thấy tấm bảng quảng cáo của một văn phòng dịch vụ dựng ở lối ra vào bãi đậu xe của khu thương mại.
Đọc những chữ trên tấm bảng quảng cáo đó, tôi không thể không nhớ tới câu You can do all your shoppings under one roof của Harrods, một department store rất nổi tiếng ở Luân Đôn thuộc khu Knightsbridge, với cam đoan là Harrods có thể giúp mua sắm được tất cả những thứ cần thiết mà thân chủ không cần phải dời chân đi tới bất cứ một nơi nào khác. Muốn có từ cái máy bay tới con ngựa vằn tức là từ A (airplane) tới Z (zebra) đều có thể mua được tại Harrods.
Không biết đã có ai mua tầu bay và ngựa vằn ở Harrods chưa, nhưng nghe quảng cáo như vậy cũng thấy yên bụng mặc dầu Harrods chắc chắn không có sẵn máy bay và ngựa vằn ở trong tiệm để khách có thể vào xem ngay tại chỗ. Nhưng nếu khách muốn, hay cần mua, Harrods sẽ đi mua hộ, mang về giao tận tay cho khách. Loại khách cần mua mấy thứ đó chắc phải là mấy ông hoàng Ả Rập, tiền petrodollar không bao giờ thiếu.
Ở quận Cam, không có được mấy ai tiêu toàn tiền petrodollar nên không cần một cửa hàng bách hóa với vài ngàn món hàng như Harrods. Thôi thì dùng tạm mấy dịch vụ của văn phòng nọ chắc cũng đủ.
Đọc mấy hàng chữ quảng cáo tôi nghĩ các thân chủ cần những dịch vụ do văn phòng cung cấp cũng không phải đi xa lắm. Đến với văn phòng, thì cần dịch vụ nào cũng có. Dùng một hay cả ba dịch vụ đều có thể nhờ văn phòng lo hết, không phải đi đâu nữa. Tiện lợi vô cùng. Thời gạo châu, xăng … quế, không phải lết mấy nơi mới xong việc thì tiện biết chừng nào.
Tấm bảng quảng cáo ghi thế này: LI DỊ, BẢO LÃNH, PHÁ SẢN. Cả ba dịch vụ văn phòng đều lo được hết. Xong dịch vụ số 1, qua dịch vụ số 2, sau cái số 2, cần cái số 3 văn phòng làm được cả.
Ở với đệ nhất phu nhân không được nữa, kéo nhau đến nhờ chấm dứt bằng một quả li dị. Văn phòng nhận ngay. Giá cả cũng nhẹ nhàng (?) cho đồng hương. Nếu thân chủ mới sang, lợi tức chưa mấy khả quan có thể được bớt. Nếu là cựu quân, cán, chính (?) như cách xếp hạng các thành phần đồng hương ở đây thì lại được đặc biệt hơn. Là HO, cựu tù nhân chính trị còn có thể được hưởng giá đặc biệt hơn nữa.
Sau khi li dị xong, về Việt Nam ăn mừng đời sống tự do phơi phới, và nếu gặp được đối tượng mới không coi mình như cái giẻ rách (như dưới thời đệ nhất phu nhân) mà muốn mang về Mỹ vui hưởng tuổi già thì văn phòng lại giúp ngay. Liền sửa hai câu thơ của Hoàng Cầm thành: …biết không còn trẻ như năm cũ, vẫn đón em về sống với anh… Trở lại văn phòng để nhờ tiếp qua giai doạn 2: bảo lãnh. Văn phòng cũng sẽ lại giúp ngay, giấy tờ từ A đến Z, từ tầu bay tới … ngựa (?) vằn lập tức. Không phải đi đâu xa hết. Cứ đến văn phòng trở lại là xong ngay.
Bảo lãnh xong, đưa nàng về dinh thì chắc cũng không lâu lắm là lại phải trở lại văn phòng lần nữa: khai cái phá sản chơi. Văn phòng cũng sẽ giúp ngay. Thế là ba cái dịch vụ chạy đi chạy lại, chạy tới chạy lui cũng chỉ cần có một văn phòng. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Sau khi dùng hết cả ba dịch vụ, thì lại xin đi lại từ đầu: li dị cái nữa không biết chừng. Thôi thì lại trở lại làm cái số 1 lần nữa. Rồi lại cái số 2 và cái số 3 thì không biết có còn làm được nữa hay không.
Hay chốn dừng chân cuối cùng, là cái nhà quàn ở trên đường Bolsa… cho hết chuyện rắc rối.

Ngày 6 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Không biết đến bao giờ thì công ty Tamatoys của Nhật sẽ đưa sản phẩm của họ sang Mỹ để bán, và những ai sẽ là người tiêu thụ sản phẩm của họ.
Tôi chưa dùng thử sản phẩm mới nhất của Tamatoys, mà mới chỉ được một người bạn gửi cho xem cái mẫu quảng cáo của công ty này. Quảng cáo viết toàn bằng chữ Nhật mà tôi thì một chữ romanji hay kanji bẻ đôi cũng phải đi hỏi người khác. Tôi đã phải làm đúng công việc ấy để xem trong khi nước Mỹ ngủ thì người Nhật đã làm gì để đánh nước Mỹ như tựa của một cuốn sách While America Sleeps viết về kế hoạch đánh nước Mỹ bằng võ khí kinh tế của Nhật.
nuoc-hoa-mui-hau-mon-hoi-chan-va-nuoc-tieu_1
Một người bạn biết tiếng Nhật đọc hộ những dòng chữ của cái quảng cáo ấy và cho tôi biết sản phẩm đó là một thứ nước hoa (không biết có thể gọi là nước hoa được không nữa) có mùi cái …cửa sau của người ta. Công ty Tamatoys quả quyết sản phẩm của họ không có mùi chất thải, mà chỉ có mùi của cái cửa sau.
Thế nghĩa là gì? Tôi vẫn nghĩ hai thứ cùng một mùi chứ sao lại không phải là mùi này (?) mà chỉ là mùi kia. Khi chất thải đi qua cái cửa sau thì làm cách nào nó không để lại mùi của nó ở cái cửa sau? Như thế thì làm sao có thể nói nó không có mùi chất thải mà chỉ có mùi cửa sau?
Thì cứ cho là như vậy đi, nhưng tại sao lại phải bỏ tiền ra để mua nó về? Và mua nó về để làm gì? Để thưởng thức?
Thực ra thì chuyện chúng ta dùng nước hoa, hay cologne, hay after shave thì là cho chính chúng ta trước đã. Một chút ở cằm sau khi cạo râu buổi sáng, một chút dính trên tay, vào xe lái đi làm, thỉnh thoảng đưa tay lên sửa lại cái kính, gãi cái mũi, vuốt lại mấy sợi tóc xõa xuống trán là lại thấy, hôm thì Old Spice, hôm thì Brute, hôm thì Jaguar, hôm thì Eau Sauvage… cũng thích lắm chứ.
Nhưng xịt một chút mùi cửa sau lên trán, lên cằm, xoa một chút vào tay trước khi đi làm thì… tại sao lại làm thế?
Có thương mình cách mấy đi chăng nữa thì cũng không làm như vậy bao giờ. Ngay cả khi tin tưởng hoàn toàn vào chân lý của câu tục ngữ "Cứt ai vừa mũi người ấy" cũng không bao giờ!
Câu ấy thực ra không dùng để chỉ cái chất thải đó. Ai lại quệt chút chất thải ấy vào mũi rồi đi làm bao giờ! Mà có quệt một chút để đỡ nhớ thì cũng không ai làm cả. Câu "Cứt ai vừa mũi người ấy" thực ra nghĩa là những chuyện xấu xa, không tốt đẹp của mình thì cứ một mình mình chịu, đừng bắt người khác chịu hay chấp nhận. Không nên bắt người khác phải khổ vì những chuyện … thối tha ấy.
Nhưng biết đâu rồi đây, xã hội chấp nhận những thứ mùi đó thì nó sẽ không còn đáng ghét như bây giờ nữa. Thí dụ mùi (hôi) nách chẳng hạn. Xã hội bảo chúng ta rằng đó là cái mùi không hay ho gì nên chúng ta phải tìm đủ mọi cách để dẹp nó đi, che nó lại trong khi nó chẳng có gì đáng ghét hết. Có khi còn hấp dẫn nữa là khác. Đó là mùi các động vật đực và cái dùng để tìm nhau trong việc mưu cầu hạnh phúc. Trẻ con không có mùi ấy, chỉ khi chúng trưởng thành về mặt tình dục (sexually mature), chúng mới có mùi (hôi) nách. George Clooney là người rất mê cái mùi đó như một hai cô bạn gái cũ của chàng đã nói với báo chí. Lịch sự như George Clooney mà vẫn thích huống chi những người khác.
Cho nên khi Tamatoys tung sản phẩm của họ sang đây, và nước Mỹ nhào ra mua các chai nước mùi cửa sau thì biết đâu lại có những mùi khác nhau nữa. Thí dụ mùi của người vừa thưởng thức vài cái taco, mùi pizza, mùi hamburger, mùi sushi, mùi bánh mì thịt kẹp đồ chua, mùi phở, mùi bún chả Hà Nội thì… đã kể gì.
Nhưng tôi nghĩ nó sẽ giúp rất nhiều cho những người cần làm vui lòng các xếp lớn, để sửa soạn chiến trường cho hành động brown nose của họ là hay nhất. Trò nâng bi sẽ bị qua mặt ngay tức khắc. Brown nosing sẽ dễ hơn nhiều.
Khi cái mùi đó được bán sang nước Mỹ thì ở những nơi làm việc sẽ tưng bừng lên ngay ấy chứ.

Ngày 7 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Canada là nước đầu tiên ở Bắc Mỹ nhập cảng và tiêu thụ các sản phẩm làm tại Hoa lục. Ngay từ năm 1975, năm đầu tiên sang sống tại Canada, tôi đã thấy hàng hóa của Trung quốc bán đầy tại những cửa tiệm bán các sản phẩm bình dân ở Ontario.
Tại Scarborough, một thị trấn nhỏ nằm sát bên Toronto có một tiệm bán gần như toàn các hàng nhập cảng từ Trung quốc. Tôi đã mua ở đó một chiếc quần jean của công ty may mặc Kim Mã có thêu hình một con ngựa. Vậy là Mao sếnh sáng cũng lo cúc cung phục vụ đế quốc lắm đấy chứ. Chống đế quốc nhưng không chống những đồng tiền có in hình nữ hoàng Anh bao giờ.
Không chống những đồng tiền ấy nên sẵn sàng sản xuất những món hàng o bế những cái đít của đế quốc như những cái quần jean, thứ sản phẩm tượng trưng cho văn minh văn hóa đế quốc mà Mao rất ghét đó. Nhưng nếu không sản xuất những thứ ấy thì mang những cái quần kaki rộng thùng thình như những cái baggy pants đồng chí Giang Thanh mặc bán sang Bắc Mỹ thì cho chó mua về mặc hay sao?
Từ đó tới nay, đã bao nhiêu chuyện đổi thay. Hoa lục không chỉ mang quần jean bán sang Mỹ, sang Canada mà đất nước và đàn em của Mao còn bán ra ngoài nhiều thứ khác để phục vụ đế quốc hết mình nữa. Không chỉ phục vụ đế quốc, mà còn phục vụ luôn các đàn em của Mao nữa.
Có điều là bán hàng sang Mỹ và các nước khác thì bị kiểm soát kỹ hơn. Những sản phẩm có thể gây tai hại cho người tiêu thụ thì không được. Những cái lốp xe làm bằng nguyên liệu pha các loại hóa chất độc hại là bị cấm ngay như ở Mỹ cách đây hai năm. Những món đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung quốc dùng các loại sơn pha nhiều chất chì cũng bị thu hồi, cấm bán. Luôn cả những tấm drywall phát mùi hôi như trứng thối, làm hư hại tường vách, nhà cửa ở Florida, Texas, Louisiana …vì có chứa sulfur và các loại hóa chất độc cũng đã làm phát sinh các vụ kiện ở các tiểu bang vừa kể.
Hoa kỳ và một số quốc gia Âu châu đã bắt đầu sợ các sản phẩm của Trung quốc.
Nhưng tại Việt Nam thì trái cây ướp hóa chất gây ung thư, quần áo tẩm các chất độc, thịt cá có thể gây bệnh và rất nhiều sản phẩm nguy hiểm khác vẫn tiếp tục được đưa sang tiêu thụ mà nhà nước không hề có bất cứ một biện pháp phòng ngừa nào để bảo vệ cho sức khỏe của người dân.
Trong mấy ngày qua, người ta còn tìm thấy những vật lạ trong các nịt vú sản xuất tại Trung quốc được bán đầy ở Việt Nam. Độn trong những chiếc nịt vú này là những túi hóa chất và những viên nhỏ gây ngứa ngáy khó chịu cho các phụ nữ dùng chúng. Hiện nay, người ta không biết đó là những chất gì, và hậu quả của việc tiếp xúc với chúng lâu dài sẽ ra sao.
Nhà chức trách vẫn chưa có nỗ lực tìm hiểu, xác định các chất liệu tìm thấy trong các sản phẩm này mà cũng không có biện pháp nào để ngăn chặn việc nhập cảng và tiêu thụ các loại nịt vú này.
Hai ba ngày hôm nay mới chỉ thấy các công an viên đến các cửa hàng trong chợ Đồng Xuân lục tung các thùng chứa các nịt vú lôi ra kiểm soát, dùng dao kéo cắt những chiếc nịt vú này ra để tìm những thứ được may độn vào trong. Các đồng chí công an nhân dân đã tìm thấy những túi hóa chất và những viên mầu trắng được may trong những chiếc nịt vú này và đưa ra nhận xét mà báo điện tử Tin Tức thuật lại rằng "sờ qua là biết ngay".
Khổ quá, sờ mà không biết thì còn làm gì nữa mới biết? Biết rồi thì làm gì, đó mới là điều đáng nói chứ!
Mà có cần phải cắt ra từng chiếc để … kiểm tra không? Tại sao không đem hủy tất cả những sản phẩm làm tại Trung quốc để không cho chúng đến tay người tiêu thụ, các phụ nữ Việt Nam?
Có phải tại vì những cái vú của mấy con ranh con như Nguyễn Thanh Phượng, Tô Linh Hương , của con cái, nái sề của các đồng chí trong bộ chính trị, trong chính phủ thì được … gói, bọc, bao, nhồi nhét trong những cái nịt vú cao cấp được làm tại các nước tư bản văn minh không?
Còn những đứa khác thì kệ xác chúng nó.

Ngày 8 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Chuyện tẩy chay hay kêu gọi không sử dụng những cái nịt vú độc hại sản xuất tại Trung quốc đang được bán đầy đường, hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam có thể tạo ra những nguy hiểm nghiêm trọng hơn cả việc sử dụng chúng.
Hôm nay, tôi đề cập tới loại sản phẩm này mặc kệ những ý kiến nói rằng sao viết lách lại đưa chuyện những cái nịt vú ra làm gì như vài ba ý kiến tôi đọc được trên báo của một cây bút ấm ớ nọ.
Những cái nịt vú đang gây rắc rối cho người tiêu thụ ở Việt Nam nên rất cần phải đem ra nói. Không chỉ những chiếc nịt vú mà còn biết bao nhiêu loại sản phẩm độc hại khác cũng đang được đưa vào Việt Nam để tiêu thụ. Một số quốc gia Âu châu đã phải đi tới quyết định không mua sản phẩm của Trung quốc vì lý do an toàn. Nhưng khi các sản phẩm này không bán được sang các nước vừa kể, thì các nhà sản xuất Trung quốc có ngay một thị trường sẵn sàng tiêu thụ các loại hàng đó. Thị trường đó là Việt Nam. Các sản phẩm này được đưa sang bán ở Việt Nam vừa gây thiệt hại rất nhiều cho kinh tế, kỹ nghệ sản xuất của Việt Nam vừa tạo ra những nguy hiểm không nhỏ cho sức khỏe của người tiêu thụ, cho đó là quần áo, máy móc, hay các loại thực phẩm và các hóa chất nguy hiểm để chế tạo ra các loại thực phẩm, sản xuất các loại rau trái nhập vào Việt Nam.
Rau trái được tẩm các hóa chất để giữ được lâu, hay để có mầu sắc tươi đẹp. Thịt cá có thể được ướp các chất hóa học để giữ cho mầu sắc tươi đẹp, tẩy những mùi hôi thối để dễ bán cho người tiêu thụ. Những nguy hại cho sức khỏe của người dùng chưa được khám phá ra hết nhưng có thể nói là những đe dọa cho người tiêu thụ nhất định sẽ rất lớn về lâu về dài.
Nhưng chính quyền thì không làm gì để bảo vệ người tiêu thụ, tức là người dân Việt Nam.
Lê Khả Phiêu khoe với báo chí là nó dùng nguyên cái sân thượng ở tư gia để trồng rau, khỏi phải ăn những thứ rau bón bằng phân hóa học, tưới bằng nước bẩn. Như thế thì cần quái gì phải thắc mắc về chuyện an toàn thực phẩm của người dân. Những đồ dùng khác thì có bao giờ thèm dùng hàng của Trung quốc đâu mà sợ nguy hại tới sức khỏe.
Sống chết mặc bay là như vậy.
Nhưng khi có người lên tiếng kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Trung quốc thì nhà nước cho công an bắt nhốt ngay.
Cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên vừa làm công việc đó thì bị bắt đưa đi biệt tích cả hơn một tuần sau mới cho gia đình biết là cô bị bắt đưa đi Long An.
Nhưng nhà cầm quyền không nhận là cô Phương Uyên dám cả gan động đến mồ mả của tiền nhân bọn chó dại. Chả nhẽ lại nói thẳng là bắt cô vì cô chống hàng hóa Trung quốc. Thế nên nhà nước đổ cho cô tội tuyên truyền chống phá nhà nước, tức là đụng tới hai cái còng số 8, hay là nói rõ hơn là điều 88 trong bộ luật hình sự.
Cái đứa khép cô Uyên vào cái tội này là một đứa cực kỳ ngu xuẩn. Cô Uyên đụng tới hàng hóa sản phẩm của Trung quốc liên bị thằng ngu này đổ cho cô tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Như vậy, sản phẩm của Trung quốc là nhà nước hay sao?
Nô dịch thì cũng khéo một chút chứ sao mà ngu quá như vậy.
Hay đó là cách khép tội của cái thứ học luật trong rừng như đồng chí X (tức là Nguyễn Tấn Dũng mà Trương Tấn Sang đã bóng gió gọi trại ra sau cuộc đại hội đảng mới đây).
Mẹ kiếp toàn là một bọn hèn trong khi quay lại thì xúm vào bắt nạt một cô sinh viên 20 tuổi chỉ vì cô đụng tới những món hàng độc hại xuất xứ từ Trung quốc.
Hãy nghe thử tam đoạn luận này:
Nguyễn Phương Uyên chống những sản phẩm của Trung quốc.
Nguyễn Phương Uyên bị ghép tội chống nhà nước.
Vậy nhà nước là sản phẩm của Trung quốc.
Thì ra là vậy. Bố khỉ.

Ngày 9 tháng 11 năm 2012
Bạn ta,
Một người đàn ông ở miền bắc Trung quốc vừa kiện vợ ra tòa đòi bồi thường 120 ngàn Mỹ kim vì một lý do có thể làm cho nhiều phụ nữ lo ngại.
Người đàn ông tên là Phương Kiệm có với người phụ nữ này một đứa con, và theo ông, đứa con gái của hai người xấu không thể nào chịu nổi. Phương Kiệm nghi đứa bé không phải là của mình, mà là của một người đàn ông khác nên mới xấu đến như thế. Ông ta nói là ông không xấu, mà vợ ông cũng không xấu nên đứa bé nhất định phải giống bố nó, tức là người đàn ông mà vợ ông đã có những quan hệ ngoài luồng, như cách nói ở Việt Nam bây giờ.
Người vợ một mực kêu oan nhưng Phương Kiệm vẫn không tin. Cuối cùng người đàn bà phải thú nhận đứa bé giống mẹ nên mới xấu đau xấu đớn như thế chứ nó không hề giống một người đàn ông nào khác. Người vợ nhận với người chồng rằng trước khi quen Phương Kiệm, cô đã đi sửa sắc đẹp để có một khuôn mặt mới. Nhờ khuôn mặt mới ấy, cô mới quen Phương Kiệm và được Phương Kiệm cầu hôn.
kien-vo-ra-toa-vi-qua-xau_1
Vụ đại tu nhan sắc đó đã tốn của cô một số tiền rất lớn, khoảng 100 ngàn đô la Mỹ nhưng cũng biến cô thành một phụ nữ không còn xấu tàn xấu tệ như trước nữa. Nghe lời thú nhận của vợ, Phương Kiệm tức giận vô cùng vì cho là mình đã bị vợ đánh lừa để kết hôn trong khi cô là người rất xấu gái.
Phương Kiệm nộp đơn ly dị vợ và đòi được bồi thường 120 ngàn đô la. Tòa chấp thuận và hai người chấm dứt liên hệ vợ chồng. Phương Kiệm được đền 120 ngàn đô la.
Nhiều người viết trên mạng ủng hộ Phương Kiệm. Và đó là điều vô lý.
Phương Kiệm nhận là đã gặp và yêu người phụ nữ ấy vì thấy cô xinh đẹp nhưng không hề biết rằng trước khi đi sửa sắc đẹp, cô là người rất xấu. Phương Kiệm nói rằng anh ta bị lừa vì vợ anh không nói cho anh biết rằng cô đã nhờ dao kéo để có khuôn mặt như thế. Người đàn ông nói là vợ anh đáng lẽ phải nói cho anh ta biết chuyện đó. Không cho anh ta biết tức là không tôn trọng anh. Hôn nhân không thể tiếp tục khi giữa hai người không có sự tôn trọng nhau.
Người đàn ông này mới là vớ vẩn. Tại sao tòa lại bênh anh ta và bắt người phụ nữ phải trả cho anh ta 120 ngàn đô la?
Nếu người phụ nữ ấy đang xinh đẹp, con lợn đang lành, đem chữa thành con lợn cà nhắc thì đòi bồi thường là đúng. Nhưng chữa để con lợn cà nhắc đi lại ngon lành thì bồi thường cái nỗi gì?
Hay đang là 34-B đi bơm hút căng kéo thành 32-A thì còn có lý để thưa kiện chứ nhờ phẫu thuật để có được cái vital statistics 36-24-36 thì tại sao kiện? Tại sao lại bắt người đàn bà ấy phải thú nhận là đã nhờ mấy cục silicone mới … được như vậy? Tại sao không chấp nhận thực tế sau khi tái thiết mà lại cứ nhất định đòi giữ nguyên trạng? Mà tại sao lại thích cái nguyên trạng ấy? Việc chỉnh trang đô thị cũng đem lại những điều tốt đẹp chứ!
Bộ khùng hay sao mà cứ đau khổ vì nỗi đang 32-A biến thành 34-B? Nếu phải đau khổ thì phải là tại sao đã mất công nhờ dao kéo, đường kim mũi chỉ sao không đi tối đa thành 36-D để mấy tên đàn ông khác điên cuồng lên cho bõ ghét.
Không ai trong tình trạng đầu óc bình thường lại đau khổ vì vợ không chịu "giữ thơm quê mẹ", khi không đi đại tu để cải thiện tình trạng sous … under development để trở thành ra tình trạng phát triển!
Nếu có những thứ đầu óc bệnh hoạn như vậy thì có thể nhiều phụ nữ sẽ có lý do để lo ngại vì những anh chồng nhất định đòi giữ nguyên cái hình … khi đau của mình !