September 26, 2013

September 27, 2013

Ngày 23 tháng 9 năm 2013

Bạn ta,

Mới chỉ gần cuối tháng 9 mà hôm nay tôi đã nhận được bức thư của một người quen báo cáo những chuyện đã xẩy ra trong năm của gia đình ông.

Đó là một cái newsletter, một cái tin thư mà người Mỹ hay viết cho nhau mỗi cuối năm, một bức thư nam nữ xem chung, trúng ai nấy chịu.

Thực ra thì có những bức tin thư như thế đôi khi đọc cũng thấy rất lý thú. Nhất là từ những người bạn thân không có dịp thường xuyên gặp nhau. Người nhận được thông báo về những chuyện của nhau, của những quen biết chung … người còn, người mất, nhất là trong những ngày tháng mà ai cũng nghĩ là cuối đời này.

Nhưng cũng có những bức newsletter làm cho người nhận khó chịu không ít. Người nhận nhiều khi coi đó là những bức thư … gây sự. Khi không, tự nhiên, tự địa bị ấn vào tay một bức thư đọc xong chỉ thấy tức ứa gan, áp huyết vụt leo thang, đọc xong chỉ muốn cầm dao đi nói phải quấy một phen.

Ai đời đang "mơ giấc mộng dài" chỉ mong "đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh, tôi đang nhìn thấy mầu xanh" thì thực tế đùng đùng nhét vào tay tôi cái newsletter toàn giọng gây sự.

Mở đầu là sức khỏe của đôi trẻ. Không cao đường, không cao áp huyết, không cao cholesterole, lại chẳng cao mỡ gì hết, cứ sức khỏe toàn hảo như Schwarzernegger , bắp thịt đâu ra đó, vợ trên lầu, cô giúp việc ở dưới, ban phát đồng đều, hai nàng đều sinh con trai cách nhau có một tuần … nghe vậy thì làm sao chịu nổi. Qua chuyện mấy đứa con thì cứ như là cảnh xúc xắc xúc xẻ ở Việt Nam mấy chục năm trước… những con như tranh, những con như tốt học thì toàn kiếm mấy trường Ivy Leagues mà học, chưa ra trường đã có vài ba công ty đến tận nơi trải chiếu hoa, khớp con ngựa ô đưa về dinh, lương sơ khởi vài ba trăm ngàn, nhà xe nhộn nhịp … nằm giường Tầu đắp thêm nệm gấm, trên ô tô dưới thì ca nô, trên đầu lại xịt dầu thơm, dầu thơm thì làm sao tôi sống được với biết bao nhiêu là căm hờn, ghen tức điên người lên được?

Rồi lại còn kể là vừa đi xong một cái cruise Địa Trung Hải về, đang lo hành lý để đi ngược lên Alaska một chuyến cho bõ những ngày cơ cực. Đọc chưa hết câu thì lại được cho biết cả hai mắc cái bệnh thích đi cruise nên nay về hưu, cứ phải loay hoay không biết sẽ đi đâu sau chuyến đi Alaska này…
Tôi nghĩ là phải trả lời họ. Người ta viết thư cho mình không lẽ không thư đi thư lại cho toại lòng nhau.
Viết rằng xin mừng anh chị. Tôi không có gì để nói cả, vì nói ra, anh chị lại buồn. Tôi vẫn neo đơn như vậy, vẫn như ông Mai Thảo:

Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy

Tôi nay đã về hưu, tiền bạc nói ra thì chán lắm, không cruise gì hết, vẫn cơm đường cháo chợ, may mắn chỉ chưa "gạo chợ, nước sông, cơm đình, ngủ quán" lêu bêu đời táng gia chi cẩu. Anh chị em, con cái kiến giả nhất phận, không dám lết cái thân già đến làm phiền ai cả… cám ơn anh chị đã nghĩ tới cái thân già nơi đất khách này. Nhớ lời Vương Ông nói với Kiều "thôi con còn nói chi con / sống nhờ đất khách chết chôn quê người" nên không dám nói gì, chỉ sợ ông bà nghe lại nghĩ là tôi xỏ xiên, là điều tôi không bao giờ dám làm. Xin mượn giấy bút gửi lời chúc ông bà năm mới tốt lành. Chỉ xin ông bà đừng gửi cho tôi những e-mail như thế này nữa để tôi lại phải delete đi thì phí quá.

Xin ông bà tha tôi và xóa tên tôi khỏi những cái e-mail độc ác mà ông bà định gửi cho tôi. Cám ơn ông bà rất nhiều. Lời yêu cầu của một người già khố khổ xin được ông bà tôn trọng.

Viết như vậy nhưng vẫn không dám liều lĩnh tin là bạn tôi sẻ tha cho tôi trong những năm tới.
Khổ ơi là khổ!

Ngày 24 tháng 9 năm 2013

Bạn ta,

Chúng ta rất bất công với những đôi mắt ấy.

Chúng không quá đáng để bị gọi là hiếng, là lác hay là lé. Chúng chỉ hơi hơi lé một chút thôi.
Chúng chưa hẳn thành đôi mắt của một vị danh sĩ nọ để bị nói xỏ xiên thành "thiên hạ đổ dồn hai mắt lại, trung thần chỉ có một ngươi thôi"…

Lé một chút là lé kim, hay lé mại. Chỉ hơi hơi một chút thôi. Những đôi mắt như thế chữa không khó. Đeo một cặp kính đặc biệt có thể chữa được chúng sau một vài tháng. Hai lòng đen của mắt sẽ cùng hướng về một phía. Nhưng như vậy thì cũng chỉ thường thôi. Đa số chúng ta nếu không muốn nói là hầu hết chúng ta đều có những đôi mắt như thế.

Tôi có quen một đôi mắt lé một chút thôi. Người ấy có đôi mắt lé kim. Phải nói lé kim có cái đẹp lạ lùng.

Khi đôi mắt đó nhìn bạn, nó có một nét hiền lành, ngây thơ đến tội nghiệp lạ lùng. Những đôi mắt lé kim chỉ cần nhìn thẳng vào mắt người đối thoại là thấy có một sự dò hỏi, muốn được nghe thêm, hiểu thêm những điều phía bên kia nói, mà không cần phải đặt thành câu hỏi.

Một buổi chiều ngồi trên một ghềnh đá ở một bờ biển tại một quốc gia thuộc nam Thái Bình Dương, tôi mới nhìn thấy chúng. Trước đó, tôi không bao giờ nhìn thẳng vào chúng. Buổi chiều còn một chút nắng. Một chút gió để nhẹ bay những sợi tóc. Tôi không bao giờ nhìn thẳng vào đôi mắt ấy. Chúng tôi còn rất mới, với nhau. Và khi tôi nhìn thẳng vào chúng, có lẽ chủ của chúng hơi mắc cở nên bèn lôi một câu của St Exupery ra nói với tôi: Aimer ce n’est pas se regarder l’un l’autre, c’est regarder ensemble dans la même direction… yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng.

Tôi cười. Người bạn hỏi có phải là tôi cười đôi mắt lé kim của nàng không. Không. Không bao giờ tôi dám làm thế. Tôi rất yêu chúng, và tôi yêu người bạn ấy cũng là vì chúng. Buổi chiều thổn thức trong mầu tím của đầu mùa thu nam bán cầu trước ngày chúng tôi đi học lại. Người bạn trở lại một đại học khác.

Mấy năm sau chúng tôi không còn với nhau nữa. Mais la vie sépare ceux qui s’aiment tout doucement sans faire de bruit… nhưng cuộc đời chia cắt những cặp yêu nhau mà không gây thành bất cứ một tiếng động nào…

Rồi chúng tôi về lại Sài Gòn. Ở cùng một thành phố. Cùng làm việc cho chính phủ nhưng vẫn đầu sông Tương, cuối sông Tương. Thỉnh thoảng thấy nhau trên một hai con đường Sài Gòn. Nhưng cả hai đều tránh nhau…

Đã rất lâu tôi không thấy những đôi mắt lé kim ấy. Ở Mỹ, người ta chữa chúng , không còn bao nhiêu người có chúng nữa.

Họ sai lầm biết là bao nhiêu. Chữa chúng rồi, làm sao có những đôi mắt lé kim để mà nhìn nữa.
Cũng như người ta nhổ những chiếc răng khểnh đi, kẹp chúng lại, niềng chúng lại. Hàm răng có thể thẳng lại, nhưng nét tinh nghich, láu lỉnh của nụ cười có chiếc răng khểnh cũng mất luôn.

Buổi chiều trênh ghềnh đá, đôi mắt lé kim ở lại mãi. Đã gần nửa thế kỷ. Đôi mắt với nụ cười, những sợi tóc ngắn lòa xòa trong làn gió biển nhẹ của buổi chiều. Mấy câu của Đinh Hùng:

Tôi nghe em nói bằng im lặng
Bằng dáng nghiêng nghiêng động nét mày
Bằng cả mênh mang chiều lắng đọng
Nụ cười em gửi gió thu bay…

Đôi mắt lé kim ấy đã vĩnh viễn khép lại. Không bao giờ mở ra nữa.

Tôi trở thành một người đàn ông góa bụa. Vì tôi đã vĩnh viễn mất đôi mắt lé kim đó.

Vậy mà đã gần một chục năm

Ngày 27 tháng 9 năm 2013

Bạn ta,

Trong tâm lý học có một danh từ để chỉ chuyện ấy: masochism. Danh từ này được các tự điển dịch là khổ dục tính. Đây là tính thích được hành hạ trong các sinh hoạt luyến ái. Cái tính này, nếu ai không mắc phải thì rất khó mà giải thích cho hiểu được. Người mắc bệnh này, mà nó là một thứ bệnh thật, chỉ có thể đạt được thỏa mãn nếu bị, thực ra là được, đối tác hành hạ bằng sinh lý cũng như tâm lý. Một cách dịch khác của danh từ masochism là chứng khổ dâm.

Về mặt sinh lý, là những trận đòn như đòn thù. Người bị đòn vẫn lăn tới, làm đủ mọi chuyện để mời gọi bạo lực, để được thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Về mặt tâm lý thì là những câu chửi mắng thậm từ vuốt mặt không kịp. Phía nhận những trận đòn, những lời lẽ lăng mạ tàn độc thì lại rất vui vẻ đón nhận chúng. Đòn càng đau, lời lẽ càng cay độc thì phía nhận càng sung sướng, càng muốn nhận được thêm những trận đòn thù và những lời chửi bới đó.

Hồi ở Hà Nội, nhà tôi ở cạnh một cặp vợ chồng nọ. Người chồng làm đội xếp tức là cảnh sát, tối nào cũng đập vợ một trận tàn bạo. Chiếc xe đạp dura của chàng, chàng để lên giường. Vợ thì bắt nằm dưới đất. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn lo cơm nước, giặt giũ quần áo cho ông đội xếp, để tối về ăn một trận đòn tơi tả rồi mới đi ngủ, hôm sau lại ăn đòn tiếp.

Đầu óc của một đứa bé lên mười lúc ấy đã nghĩ người phụ nữ ấy phải trốn đi, hay nếu không, thì cũng phải chém tên đàn ông ấy vài nhát dao bửa củi rồi muốn tới đâu thì tới mới phải. Nhưng cho đến ngày gia đình chúng tôi di cư thì người phụ nữ ấy vẫn mỗi tối chịu một trận đòn của người đàn ông ác độc đó. Có thể họ ở với nhau suốt đời, đến khi đầu bạc, răng long, tay chân yếu xìu không đánh được vợ may ra mới thôi.

Hình như người Hà Nội rất thích bị cái bệnh này thì phải.

bun-chui-ha-noi-622b.jpgQuán Bún chửi Ngô Sỹ Liên, Hà Nội.

Thí dụ buổi sáng đói bụng đi kiếm tô phở thì phải đến số nhà 49 phố Bát Đàn gọi một tô, rồi giả vờ xin quả ớt hay thêm một chút nước dùng để được chủ tiệm cho ngay một trận. Có khi dựng cái xe ở trước cửa tiệm mà không đúng ý chủ tiệm là cũng bị chửi thẳng vào mặt, đuổi đi chỗ khác mà ăn.

Không thích ăn phở thì chạy đến cái quán của con mẹ tên là Thảo ở phố Ngô Sĩ Liên gọi một tô bún để mà nghe mắng cho bõ những ngày cơ cực.

Không được chửi bới đến nơi đến chốn thì đến quán của một người đàn bà tên là Mỹ ở số 7 phố Nhà Thờ và số 47A Lý Quốc Sư mà nghe chủ tiệm quát nạt.

Phở chửi, bún mắng, cháo quát, ốc lắm mồm ở phố Hồ Đắc Di… tiệm nào thức ấy tha hồ vừa nghe vừa vục mặt vào tô cháo, bát phở, đĩa ốc mà đớp.

Phải dùng chữ đớp, không thể dùng chữ ăn được. Ai mà lại ăn uống như thế được.

Phải ưa được chửi, thích được mắng, hạnh phúc khi bị quát tháo , thèm được lăng mạ đến điều thẳng vào mặt mới chịu được.

Và sau các món đầy những chửi và bới ông, đào cha như vừa kể ở trên thì việc phải đến là những cái chợ lúc nào cũng đầy những lời lẽ âm thanh tục tĩu ném vào mặt người đi chợ. Ở Hà Nội đi chợ mà trả giá trước khi mua, hay chỉ đứng xem không thôi cũng có thể bị chửi đầy tai. Các ngôi chợ như Đồng Xuân, chợ Ngã Tu Sở, chợ Mơ đều nổi tiếng với những câu chửi đầy sáng tạo.

Thí dụ một người trả giá một đôi giầy hơi thấp thì bị cho một câu như thế này: Mẹ cha mày, đồ con chó, không có tiền mà cũng đòi mua áo này quần nọ. Mày tưởng bà nhặt được rồi đem cho mày à? Hay mày quen ngủ với trai được chúng nó cho cái quần cái áo rồi quen cái thói đi ăn xin ăn nhặt ấy rồi. Cút xéo ngay cho khỏi bẩn mắt bà…

Nhưng người ta vẫn kéo nhau đến những cái chợ, những cái quán ấy để nghe chửi bới, mà nhớ lại cái thời bao cấp độc lập tự do hạnh phúc ấy.

Hay là như một câu hát nọ: "Lâu rồi, đời người cũng quen…"

Còn đâu hai câu ca dao ngày trước:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Hay hai câu này cũng đã biến thể để thành
Không thơm cũng thể hoa nhài
Không chửi tục sao là người Thăng Long

Mấy chục năm lũ chó lên ngồi bàn độc đã biến cái đất Thăng Long thanh lịch thành ra một nơi khốn khổ khốn nạn như vậy rồi hay sao?

September 19, 2013

September 20, 2013

Ngày 16 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Không biết nó đã sinh con chưa. Tôi chỉ biết cách đây mấy tháng có tin nó đã rời một chức vụ đang nắm, một chức vụ khá quan trọng để đi đẻ.
Chuyện nó đẻ đái xong chưa hay chưa xong, có mẹ tròn con vuông không, có đẻ ngược, đẻ xuôi, tay chân có thừa thiếu ngón nào không, có hậu môn, vài ba thứ phía dưới thừa thiếu ra sao tôi không biết mà cũng không cần biết.
Nhưng có một chuyện tôi có thể đánh cá với bất cứ ai, và tôi tin chắc là tôi sẽ thắng lớn.
Đó là con nòng nọc ấy sẽ được đẻ ra ở một nơi ngoài Việt Nam. Có cho ăn kẹo nó cũng không dám vác bụng tới mấy cái bệnh viện thổ tả, quá tải, nơi người bệnh nằm lăn lóc ngoài hành lang, vài ba người chia nhau cái giường, lại còn bị "cò" bệnh viện làm khó, y sĩ vòi tiền rồi mới đưa ra những tờ khám bệnh "nhân bản" … nam nữ dùng chung. Chắc chắn chẳng bao giờ nó dẫn xác đến những chỗ ấy.
Có thể nó sẽ đi Mỹ, không Mỹ thì cũng Thái Lan, Nhật, Đại Hàn hay Nga, Trung quốc không biết chừng để đẻ con nòng nọc, nhưng nhất định là không bao giờ chui vào cái xưởng đẻ nào đó ở Việt Nam.
Chuyện phải là như thế.
Điều thứ hai là nó đẻ xong, nòng nọc con sẽ mang quốc tịch Mỹ là cái chắc.
Còn lâu mới có chuyện quốc tịch Việt Nam, quốc tịch của cái nước mà thằng ếch, ông ngoại của nó đang làm cho tan hoang, bòn rút cho đến tận xương tủy. Nhất định là không tình nghĩa gì với cái đất nước Việt Nam khốn khó đó.
Nó sẽ làm giống như con trai của Nikita Krushchev bỏ Liên Xô sang Mỹ sống, nhập tịch Hoa Kỳ, bỏ luôn cái gia tài của người cha, tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô để lại.
Con nòng nọc con đó cũng sẽ làm như Svetlana Alliluyeva, con gái của cha già Stalin bỏ Liên Xô sang Mỹ sống và chết ở nước Mỹ với quốc tịch Mỹ vì quá ghê tởm cái di sản của Stalin để lại.
Con nòng nọc con đó chắc chắn cũng sẽ chẳng dại dột gì ở lại cái đất nước mà ông ngoại nó, thằng Ba Ếch đã bán chác đi đủ thứ cho ngoại bang. Nòng nọc quốc tịch Mỹ thì sẽ đi Mỹ để sống chứ dại gì ở Việt Nam ăn rau bẩn, đớp thịt thối ướp hóa chất, uống nước ô nhiễm, đi học lội sông mỗi ngày, sách vở tầm bậy tầm bạ mua của Tầu về dịch láo, dịch lếu, lớn một chút tự phong có bằng cử nhân luật học ở rừng về, lận lưng thêm lia chia vài cái bằng giả mua kí lô rồi ra đứng đường kiếm không ra việc hay sao? Rồi nộp đơn xin đi lao động nước ngoài để làm tôi làm mọi cho đủ các giống dân khác hay sao? Hay làm ma cô, ma cạo bán phụ nữ sang các ổ điếm bên Tầu chăng?
Không đời nào. Phải đi Mỹ sống với đống tiền của Ba Ếch chuyển ra chứ. Lớn lên nếu bọn ếch nhái còn ồm ộp ở Hà Nội may ra còn có cơ hội được đưa vào chỗ này chỗ nọ, tiếp tục ngồi lên đầu lên cổ người dân khốn khổ. Ít ra thì cũng lại lên nắm vài ba cái chức vụ được trao một cách vô lý như con nhái mẹ nó chứ.
Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ diễn ra. Cơn mưa sắp đi qua, bọn ếch nhái, nòng nọc sẽ lăn ra chết hết, không thể nào còn sống tiếp để làm khổ dân tộc này nữa.
Nhân đạo lắm thì cầu cho nó đứng chiên hamburger McDonalds. Dù sao, cũng là kinh doanh của con ếch nọ để lại.
Không thèm chúc ác cho bọn ếch nhái nòng nọc ấy làm gì.
Cứ để nguyên, hết cơn mưa là ếch nhái ễnh ương, cóc kiếc, nòng nọc nòng niếc rồi cũng biến mất hết mà thôi. Không còn lâu nữa đâu!

Ngày 17 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Hôm nay tôi vào internet tìm một bài viết về cà phê pha theo kiểu Việt Nam để gửi cho một người bạn Úc giới thiệu cho ông cách uống cà phê phin của người Việt thì … đụng ngay phải một đống hình ảnh, khoảng mấy trăm cái là ít, rồi mê mải xem những tấm ảnh đó, tôi suýt nữa quên luôn cả việc gửi tài liệu về cà phê cho ông bạn Úc.
Tôi không biết có nên gửi những bức ảnh đó cho ông để ông biết người Việt uống cà phê như thế nào không. Nhưng nghĩ lại rồi thôi.
Những cô hàng cà phê trong đống ảnh trong internet trông không giống Cô Hàng Cà Phê của Canh Thân chút nào cả. Các cô cũng "… hồn xuân phơi phới… cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi …" như đoạn đầu của bài hát. Còn tất cả các chi tiết khác thì đều khác hẳn, khác rất nhiều, khác xa cô hàng cà phê mà Canh Thân viết trong bản nhạc rất nổi tiếng của ông.
Chắc tại tiệm của các cô không ở chợ Dầu, một địa điểm đâu đó ở Bắc Việt. Thời gian tiệm xuất hiện chắc cũng phải khoảng năm 49 hay 50 gì đó. Bài hát của Canh Thân tôi đã nghe từ những ngày còn bé ở Hà Nội hơn nửa thế kỷ. Thời gian làm cho những cô hàng cà phê bây giờ không giống cô hàng cà phê trong bản nhạc nữa.
Các cô hàng cà phê trong internet thì ở California hết. San Jose và luôn ở quận Cam. Đặc biệt vì khí hậu nóng bức của California nên các cô ăn mặc cũng có khác.
Thôi tả như vậy cũng đã đủ rồi, không cần phải nói thêm nữa. Tờ Orange County Register cách đây khoảng 2 năm cũng có một bài viết khá dài kèm theo một số ảnh chụp tại mấy quán cà phê ở quận Cam. Cảnh sát cũng đã đến thăm và khuyên các cô chỉ nên bán cà phê thôi, không nên bán thêm những thứ khác. Nhưng hình như chuyện bầy hàng bầy họ thì các cô vẫn thấy làm.
Đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, nhưng nhiều khi cũng cứ phô ra gần hết, bất kể.
Nghĩ thương bao nhiêu người bỏ nước ra đi để tìm cho mình đời sống tự do, xây dựng cho gia đình một đời sống tốt đẹp hơn là tiếp tục lầm than ở lại trong nước. Rất nhiều người đã không đến được bờ bến. Rất nhiều người đã chết trên biển dữ, chềt vì hải tặc, chết trong rừng Căm Bốt, người sống thì mòn mỏi mấy năm, có khi cả chục năm ở những trại tị nan, có người bị từ chối thẳng tay, không một nước nào nhận.
Trong khi ấy thì lại có những người quăng đi tất cả mọi cơ hội cho những đời sống tử tế hơn để "đem bẹo hình hài ra bán" như mấy chữ cực tả của Bình Nguyên Lộc.
Muốn có ngay những thỏi son, những hộp phấn, cái đồng hồ đắt tiền, mấy món nữ trang lóng lánh, chiếc xe đẹp, muốn có liền lập tức cơ.
Ép mình mấy năm ở trường thì lại không chịu. Muốn mì ăn liền, fast food có ngay, instant coffee pha uống liền thì ngó quanh quẩn thấy có gì bán được thì lôi ra dùng ngay. Thấy những món không đạt tiêu chuẩn hấp dẫn thì nhờ dao kéo, đường kim mũi chỉ là đem bán được liền.
Cũng may những cô hàng cà phê đó không nhiều lắm. Mấy đứa con, mấy đứa cháu, những đứa con bạn bè… dại quá, chỉ biết chúi đầu vào chuyện học.
Người Mỹ có một câu nói rất hay: It takes all kinds of people to make up the world.
Đúng thế. Thôi thì phải có người thế này, người thế kia chứ. Làm sao tất cả mọi người đều vùi đầu vào đống sách, ra trường công này việc nọ được!
Phải có người … bán cà phê chứ!
Nhìn kỹ đống hình không thấy ai quen là đủ mừng chết được rồi. Không làm cô hàng cà phê mà lại theo đoàn vũ này đoàn vũ nọ, đầu tóc xanh đỏ đứng đầu đường xó chợ thì cũng không khá được.
Hạnh phúc nhiều khi chỉ là chuyện bất hạnh không xẩy ra cho mình mà thôi.

Ngày 19 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Có một dạo, cách đây cũng đã rất lâu rồi, tôi hay đến mấy quán cà phê trên đường Tự Do để ăn sáng trước khi đi làm.
Có ba quán cà phê , một ở góc Lê Thánh Tôn với Tự Do, quán La Pagode, một ở quán Givral ở góc Lê Lợi, Tự Do và một ở quán Brodard tại góc Nguyễn Thiệp, Tự Do. Trong những buổi sáng, mùi những chiếc croissant, mùi những ly cà phê, đã có lúc, làm tôi nghĩ, cũng tới sáu hay bẩy năm, là những thứ không thể không có trong đời sống..
Thực ra, croissant và cà phê của ba quán này không phải là ngon nhất Sài gòn, nhưng cái không khí của chúng, những người hay đến ngồi ở đó đã trở thành những thứ làm nên cái thói quen ngồi quán của những khách thường xuyên tới quán.
Ở đó người ta mua được những tờ báo mới nhất, những tờ báo ngoại quốc chưa bị kiểm duyệt từ những chú bé bán báo, hay của cái kiosk ngay ở cửa La Pagode.
Cũng ở đó, là nơi gặp những người bạn thỉnh thoảng lắm mới ghé về thành phố. Như hai y sĩ thủy quân lục chiến nằm nghe pháo dội liên hồi suốt mấy tháng ở căn cứ Carrol trở về quán với tóc tai như những người tiền sử. Hay Phan Nhật Nam mới trở về từ chiến trường An Lộc. Hay một cái tin cáo phó trên một trang báo mới của một hai người bạn cũ không bao giờ trở lại nữa.
Nguyễn Xuân Hoàng có viết một truyện ngắn mà tôi nghĩ chắc phải lấy khung cảnh của La Pagode mà đọc lên thì lại thấy như bài thơ Dejeuner Du Matin của Prevert.
Hắn rót cà phê vào trong ly
Hắn đổ sữa vào trong ly cà phê
Hắn bỏ đường vào ly cà phê sữa
Bằng chiếc muỗng nhỏ
Hắn quấy ly cà phê
Rồi hắn uống ly cà phê
Và bỏ ly cà phê xuống bàn
Không nói với tôi câu nào
Hắn đốt một điếu thuốc
Hắn thở những sợi khói tròn
Hắn gạt tàn thuốc
Vào cái gạt tàn
Không nói gì và cũng không ngó tôi
Hắn đứng dậy,
Đội chiếc mũ lên đầu
Hắn khoác chiếc áo mưa lên người
Vì trời đang mưa
Hắn ra đi
Dưới trời mưa
Không một lời nào
Cũng chẳng ngó tôi
Tôi lấy tay
ôm lấy đầu
Và khóc…
Mấy thứ ấy, nay không còn tìm thấy nữa. Như người đàn ông trong bài thơ của Prevert.
Gần 40 năm tôi không trở lại những nơi chốn ấy. La Pagode đóng cửa trước, rồi đến Brodard và mới đây, Givral, sau vài cố gắng làm hồi sinh không thành công, đã đóng cửa luôn. Những thời gian qua đi trong những cái quán cà phê đó tưởng như chẳng có gì quan trọng nhưng bây giờ những cái quán ấy không còn nữa. Tự nhiên nghe thấm thía một đoạn trong You Can’t Go Home Again của Thomas Wolfe: … Bạn không thể trở lại với gia đình, với căn nhà thời tuổi trẻ, với ngôi nhà của những giấc mơ vinh quang và danh vọng … không thể về với những nơi chốn của cái đất nước ấy, trở về ngôi nhà của những hình thái xưa cũ, của những chuyện tưởng như mãi mãi không bao giờ đổi thay, nhưng lúc nào cũng thay đổi, về với nơi chốn cũ , nơi căn nhà xưa để trốn đi khỏi thời gian và hoài niệm…
Nhớ Nguyễn Xuân Hoàng và truyện ngắn về cái buổi tối và người phụ nữ hình như ở La Pagode ấy vô cùng.
Bây giờ không còn nữa. Không bao giờ về lại được những thứ ấy nữa.
Et moi, j’ai pris
Ma tête dans ma main
Et j’ai pleuré…

Ngày 20 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Theo một bản tin của báo trong nước, ở huyện Hiệp Hòa thuộc tỉnh Bắc Giang vừa xẩy ra một chuyện khá kỳ lạ.
Hai người đàn ông trộm chó đã bị dân xã Danh Thắng vây đánh khiến một người chết, một bị thương nặng. Tang vật là một con chó cân nặng khoảng 10kg. Một chiếc xe gắn máy và một bộ phận kích điện để giết chó cũng được tìm thấy tại hiện trường. Hai nguời đàn ông tuổi trên dưới bốn mươi đều là dân tỉnh Bắc Giang. Chiếc xe gắn máy bị đốt cháy tiêu. Công an cảnh sát đã truy tố 7 người dân trong làng về tội hành hung trí mạng.
Chuyện đi trộm chó bị hành hung trí mạng đã xẩy ra nhiều lần, ở nhiều nơi nên chuyện giết người này không phải là chuyện kỳ lạ đáng nói ở đây. Điều đáng nói là dân làng, ngay sau đó, đã viết và gửi một lá đơn đến cho bộ chỉ huy công an tỉnh Bắc Giang nói rằng không phải chỉ có 7 người nhúng tay vào vụ hành hung gây thiệt mạng và làm trọng thương những người trộm chó.
Thông thường thì những nghi can phải tìm đủ mọi cách để chạy tội. Nghi can trước tiên phải không nhận tội, phải nhờ luật sư can thiệp trước tòa án dẫu cho có phạm tội mười mươi đi chăng nữa. Nhưng trong vụ công an truy tố 7 người dân thuộc xã Danh Thắng này, thì khoảng hơn 800 dân làng đã ký tên trong đơn nhận tội.
Và chi tiết đó là điều kỳ lạ ở đây. Hơn 800 người đồng ký tên vào đơn nhận họ chính là các hung thủ giết người.
Không lẽ hơn 800 người dân tỉnh Bắc Giang có tên trong lá đơn là những người bỗng nhiên thành thật, can đảm đứng lên nhận tội giết người hay sao?
Có gan ăn cướp, có gan chịu đòn là vậy ư?
Người ta ngờ là không hẳn là như thế.
Lên tận đồn công an phanh áo, đấm vào ngực nhận tội giết một người trộm chó, không cần thủ tục xét xử của tòa án có thể là vì những lý do khác.
Khinh thường luật pháp là một. Những vụ trộm chó bán cho các tiệm thịt chó càng ngày càng diễn ra nhiều hơn. Các biện pháp trừng phạt những người trộm chó đều bị coi là quá nhẹ. Các biện pháp quá nhẹ nhàng và lỏng lẻo đó chỉ khuyến khích chuyện trộm chó càng ngày càng gia tăng và những người trộm chó càng lộng hành nhiều hơn.
Người dân đòi nhà cầm quyền phải có biện pháp đầy đủ để ngăn chặn tệ nạn này.
Nhưng không được thì người dân xắn tay áo, tự mình hành xử luật pháp, áp dụng các biện pháp mà họ cho là đích đáng. Nhiều người trộm chó đã bị hành hung dữ dội, nhiều người đã chết.
Luật pháp không bảo vệ tài sản và mạng sống của người dân thì người dân ra tay vậy. Ra tay coi nhà cầm quyền có những biện pháp gì để thay đổi, cải thiện tình hình hay không.
Khi các phạm nhân, nghi can không thèm chối tội nữa mà công khai đứng ra nhận tội, ngay cả những người không có tội cũng nhận tội để coi nhà cầm quyền làm được gì thì điều đó cho thấy người dân không còn tin vào luật pháp nữa, và không còn sợ nhà cầm quyền nữa.
Những điều đó mới là điều đáng nói.
Nhân đây cũng nói qua hai ba điều khác.
Một số những viên kim cương xuất xứ từ một vài nơi ở Phi châu bị gọi là kim cương máu vì chúng được khai thác, đem bán đi, lấy tiền mua võ khí và tài trợ cho các tổ chức võ trang giết nhau như ở Congo, Sierra Leone, Liberia…
Những viên kim cương xuất xứ ở những nơi khác không có nội chiến thì phải có kèm theo những giấy chứng nhận không phải là kim cương máu. Người mua sẽ có được sự yên trí rằng cục đá trên bàn tay của mình không được tắm bằng máu của các nạn nhân chiến tranh. Đeo kim cương máu trên tay thì sang trọng, quí phái ở đâu?

Những đĩa thịt chó trên bàn nhậu ở Việt Nam chắc chắn đều đầy máu me của những người trộm chó đã chết, hay sắp bị đánh chết thì thử hỏi ngon lành nỗi gì nữa?

September 12, 2013

September 13, 2013

Ngày 9 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Theo một cuộc thăm dò mới đây của Liên Hiệp Quốc, thì Việt Nam được xếp hạng thứ 63 trong danh sách các nước hạnh phúc nhất thế giới.
Nước đứng đầu bảng là Đan Mạch, theo sau là mấy nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Sĩ, Hà Lan và Thụy Điển. Tột cùng ở dưới danh sách là các nước Rwanda, Burundi, cộng hòa Trung Phi, Benin và Togo, tất cả đều ở Phi châu.
Nhưng theo những cuộc thăm dò khác thì thứ tự của những nước đầu bảng lại rất khác nhau. Thí dụ theo một cuộc thăm dò thì Úc đứng đầu trong khi theo một cuộc thăm dò khác thì Úc bị đẩy xuống hạng 10. Chỉ các nước cuối bảng thì cuộc thăm dò nào cũng cho thấy toàn là những nước Phi châu.
Hoa kỳ được xếp hạng 17 trong danh sách 156 quốc gia này, trong khi nước Anh được xếp hạng 22, sau các nước Ả Rập có dầu hỏa.
Việc xếp hạng dựa trên lợi tức, tuổi thọ, công việc, tình hình an ninh, tự do, tệ nạn tham nhũng và mức độ hài lòng của người dân về đời sống của họ.
Nếu dựa trên những tiêu chuẩn đó, thì Rwanda, Zimbabwe, Mozambique, Ethiopia, Somalia… đứng cuối bảng là đúng, không oan uổng gì. Các nước như Canada, Uùc, Tân Tây Lan, Thụy sĩ, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Canada… ở đầu bảng là phải.
Nhưng một thống kê khác thì lại xếp Mexico chỉ đứng sau Hoa kỳ một chút, và cao hơn Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha. Đồng ý là ba quốc gia Âu châu này đang gặp những khó khăn kinh tế, nhưng Mexico được xếp hạng cao hơn các nước này thì không hợp lý một chút nào.
Thế nên đọc các danh sách xếp hạng các nước về mức độ hạnh phúc của người dân cũng nên thận trọng một chút. Không thể hoàn toàn tin vào những cách xếp hạng đó.
Thí dụ Việt Nam mà được xếp hạng 63, dưới Thái Lan, Singapore , trên Indonesia và luôn cả nước Nga, và Trung quốc, các quốc gia được xếp hạng 70 đến 90.
Kể ra thì cũng nhục nhã cho các nước này. Là đàn anh của Việt Nam mà để cho chú em Việt Nam đứng ở vị thế cao hơn thì buồn thật.
Thế nên Việt Nam mấy hôm nay rất kiêu hãnh về chuyện đó: hơn hẳn hai đàn anh về mức độ hạnh phúc thì đúng là độc lập tự do hạnh phúc rồi còn gì nữa!
Nước ta lại được một phen sung sướng tự hào còn hơn là khi có anh Ga Ga Rỉn đi vào không trung nữa ấy chứ.
Hạnh phúc là cái chắc khi mà mở những tờ báo trong nước ra, hôm nào cũng có ít nhất một chục cái tin về những vụ bạo hành tội ác đâm chém, giết người, cưỡng hiếp, hành dâm với trẻ em, bán bạn gái vào các ổ điếm ở Trung quốc, phụ nữ tha hồ tự do khỏa thân bầy hàng để bán mình làm nô lệ cho những người đàn ông Cao Ly, Đài Loan. Ngày trước, thời Mỹ Ngụy làm sao có được những tự do như thế! Đất nước, thì theo chính một giới chức cao cấp của chính phủ, bọn tham nhũng đớp tất cả mọi thứ, không chừa bất cứ một thứ gì. Trong khi người ta sẵn sàng xây những cầu tiêu bạc tỉ để chấm mút với nhau thì lại để mặc cho các em học sinh ngày ngày phải bơi qua sông, vượt sóng dữ để đi học vì không có được một cây cầu. Hạnh phúc là lên tiếng đòi hỏi một chút tự do thì bị bọn côn đồ nhà nước kéo đến đánh đập thẳng tay, bịt miệng một nhà tu ngay tại tòa án, đạp vào mặt người chỉ vì dám lên tiếng phản đối ngoại bang cướp nước, tống giam bất cứ ai dám nói về tự do, về toàn vẹn lãnh thổ, chỉ cần mặc cái áo có in bản đồ Việt Nam có Trường Sa và Hoàng Sa là bị bỏ tù lập tức, mấy chục năm độc lập tự do mà vẫn có người xuống thuyền trốn đi tới các nước lân cận tìm chút tự do, các sinh viên thanh niên động đến hai chữ chủ quyền đất nước thì liền bị bỏ tù, hành hạ dã man, tham nhũng đầy đường , đĩ điếm nhiều như chưa bao giờ thấy, người dân được khuyến khích đi làm tôi mọi, đầy tớ cho các nước khác.
Như vậy mà là hạnh phúc cái nỗi gì?

Ngày 10 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Nhìn thấy những bức hình của cô một lần là không ai có thể quên được cô. Đó là những bức ảnh chụp năm 2008 khi cô được đưa sang Mỹ để các y sĩ cắt bỏ cái bướu nặng khoảng 7 kg chiếm hết 2/3 khuôn mặt của cô.
Đào Thị Lài sinh năm 1993 , là con thứ 6 trong số 7 anh chị em thuộc một gia đình nông dân nghèo ở Huế. Năm 3 tuổi, lưỡi cô xuất hiện một cục u nhỏ, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cục u đó lớn rất nhanh và đến năm 15 tuổi thì cục u đó đã lấn gần hết khuôn mặt của cô làm cho việc ăn uống, nói năng cô đều gần như không làm được. Gia đình cô đã cố gắng rất nhiều nhưng mọi nỗ lực đều không giúp được gì. Tài chính kiệt quệ và các bệnh viện trong nước đều bó tay. Nếu để nguyên, Lài chắc chắn sẽ không sống được bao nhiêu lâu nữa.
Tình trạng sức khỏe của cô được một tổ chức ở Mỹ, tổ chức International Kids Fund chuyên giúp các trẻ em bất hạnh ở các quốc gia nghèo biết đến và đưa sang bệnh viện Jackson Memorial ở Miami để được các y sĩ ở đây giải phẫu.
Trước đó, mẹ cô kể Lài không còn muốn sống nữa, chỉ muốn chết cho khỏe thân. Lời nói đó từ một thiếu nữ 15 tuổi nghe thật vô cùng bi thảm. Tuổi thơ của Lài gần như không có. Lài không dám đi ra ngoài, không đi học, không có một ngày vui.
Thượng đế nhiều khi cũng có lúc quá độc ác là vậy.
Ngày 29 tháng 4 năm 2008, các y sĩ thuộc bệnh viện Jackson Memorial, sau một ca mổ kéo dài 14 tiếng đồng hồ, đã cắt bỏ được hết khối u đó, và khi tỉnh dậy, Lài đã nói được câu cám ơn bằng tiếng Anh với các y sĩ và y tá thực hiện cuộc giải phẫu.
Lài sau đó đã trở về Việt Nam với gia đình.
Từ đó, tôi không nghe thêm được tin tức gì về cô. Bây giờ Lài phải 20 tuổi. Tôi không biết cô đã lành lặn trở lại chưa? Khuôn mặt cô như thế nào? Cô còn đau đớn, khốn khổ vì khuôn mặt biến dạng dị hình đó nữa không?
Tôi không biết trước khi khối u đó xuất hiện trên mặt cô, thì Lài trông như thế nào? Năm 3 tuổi, trước khi cục u xuất hiện, chắc cô phải là một đứa bé "cute" lắm. Đôi mắt của cô làm tôi nghĩ như thế. Bức ảnh chụp khi mới tới Mỹ, cô đưa tay chào những người ra đón cô làm tôi tin vậy mặc dù khối u quá lớn như đã làm hỏng hoàn tòan khuôn mặt của cô. Cô về nhà ở thôn An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên từ đó. Đời sống của cô sau đó ra sao?
Tuần qua, tôi được xem hai bức ảnh mới của cô. Không còn thấy dấu tích của khối u từng làm khổ cô nữa. Trông cô trẻ hơn tuổi 20 của cô. Đôi lông mày không cần phải xâm. Cái mũi thanh tú không cần phải sửa. Đôi môi quả tim không cần phải bơm. Phải nói những bức ảnh mới cho thấy cô là một thiếu nữ xinh xắn. Cô đã đi học được mấy năm, và nay đã có nghề may và làm nón lá. Cô định sang năm sẽ mở một tiệm may để giúp đỡ gia đình. Và cô đã có một người bạn trai .
Những bức ảnh chụp năm 2008 làm người xem buồn cho cô bao nhiêu thì những bức ảnh mới nhất đã làm cho người ta mừng cho cô bấy nhiêu.
Và nếu có một người nào xứng đáng để cảm thấy mình hạnh phúc trên đời này sau những bất hạnh tai ương đổ xuống đầu thì tôi nghĩ người ấy phải là Đào Thị Lài.
Hội IKF và các y sĩ ở Miami là những người xứng đáng để nhận những lời cám ơn chân thành nhất. Và không ai là không mừng cho Lài, người thiếu nữ đã qua 12 năm khốn khổ, đau đớn nhất của đời sống.
Đời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời.
Mừng có thể khóc được. Lâu lắm mới có được một cái tin vui như thế.

Ngày 11 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Hôm nay vào internet, tình cờ tôi đọc được một bài viết về chiếc Renault 4CV, chiếc xe hiền lành mà người Sài Gòn không ai là không biết nó.
Bài viết về nó viết khá kỹ với những chi tiết về lịch sử, sự ra đời của nó, người vẽ kiểu nó, nó có bao nhiêu anh chị em trong chiều dài sản xuất từ năm 1947 đến năm 1961. Nó cũng được sản xuất tại Nhật, ở Anh, Úc, Ái Nhĩ Lan, Tây Ban Nha, Ý…
Nó xuất hiện ở gần như khắp thế giới với hơn một triệu chiếc, nhưng bài viết không hề nhắc tới Sài Gòn, nơi nó là hình ảnh rất thân quen trên những con đường của thành phố này.
Nó đến Việt Nam để làm taxi từ trước năm 1954, phương tiện di chuyển mà phe Bắc Kỳ di cư chỉ thấy khi vào Sài Gòn. Tôi nhớ một chiếc xe của ông bố người bạn ở gần nhà là một trong những chiếc cuối cùng được nhập cảng vào Việt Nam trước khi hãng Renault ngưng sản xuất nó.
Theo lệnh của chính phủ Ngô Đình Diệm, nó được sơn hai mầu xanh và vàng nhạt, và mầu sơn đó được giữ cho đến tận năm 1975.
Một số được sơn lại để làm xe nhà nhưng trông chúng thì vẫn là những chiếc Renault 4CV chạy taxi, như một chiếc của một ông thầy dậy chúng tôi ở trung học. Phía mũi trước của nó có gắn mấy thanh nhôm làm như cũng có cái radiateur để làm mát máy trong khi máy của nó đặt ở phía sau. Nó có bốn cửa rất thích hợp để làm taxi.
Nó chạy mãi, chạy hoài, luôn cả trong những năm nó đã già, bộ phận rời không còn được nhập cảng vào Việt Nam để chữa bệnh cho nó. Không có thì chế lấy, đúc lấy ở Chợ Lớn, gắn vào chạy tiếp. Không có máy lạnh thì mở cái sunroof ra, treo chiếc khăn lông vào để hứng lấy gió. Máy có nóng thì mở nắp máy ở phía sau ra, gài cái lon guigoz và để lấy thêm gió vào. Sàn xe rỉ sét nhìn thấy cả mặt đường ở dưới thì đã sao. Cửa sổ kính không quay lên hay quay xuống được thì cũng vẫn … chạy được. Những cái taximètre còn chạy tốt, chẳng bệnh hoạn gì nhưng vẫn bị nhét một chiếc khăn mặt hay một tờ báo vào đó rồi … mặc cả và điều chỉnh giá để hợp với mức lạm phát của đồng tiền. Có một lúc, khá nhiều những người lái nó hình như có vấn đề về thị giác nên rất ít khi thấy những người khách là đồng bào Việt. Những người Mỹ dễ đón chúng hơn.
Nhưng chúng vẫn chạy, đâu cũng tới, khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định … Giọng Trần Văn Trạch kể chuyện từ ngày chiến tranh gieo tàn phá nhưng Sài Gòn vẫn như ngày thái bình, nếu muốn là lại có "taxi phóng ngay vào trong Chợ Lớn".
Năm đi thi tiểu học, tôi đã cùng hai người bạn được nhà cho tiền lộ phí đi thi, ba đứa gọi nguyên một chiếc để chạy lên trường Tôn Thọ Tường, còn được ông tài chúc mấy cháu đậu cao … chừng nào làm lớn đừng quên bác.
Nó cũng đã chở chị tôi bế chú em út đi bệnh viện nhi đồng và lính quýnh thế nào, chú em lăn ra ngoài xe ngay trên đường Sư Vạn Hạnh.
Những chiếc taxi Renault ấy đã chứng kiến chúng tôi lớn lên, rồi đi học xa, rồi lại trở về nước. Nó cũng đã chở người bạn gái đầu tiên của tôi và tôi đi trên những con đường đẹp nhất Sài Gòn hồi ấy. Nó vẫn chạy tiếp ở Sài Gòn cho đến tận năm 1975.
Tìm xem lại những bức ảnh chụp đường phố Sài Gòn bao giờ cũng thấy nó. Lúc thì ở gần nhà thờ Đức Bà, lúc ở bùng binh Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Không thể lẫn được nó vào những chiếc traction, những chiếc Peugeout, những chiếc xe Mỹ, xe nhà binh ở trên đường.
Vậy mà bài viết trong internet nỡ lòng nào bỏ sót nó, không nhắc nó, cho dù là một đoạn ngắn.

Nên bài viết này là để đem lại công bình cho nó, những chiếc Renault 4CV đáng yêu của những người Sài Gòn.

September 6, 2013

September 6, 2013

Ngày 2 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Các học sinh trong nước đã trở lại trường để bắt đầu một niên học mới.
Các em trở lại trường thì chắc phải vui lắm. Niềm vui cũng giống như niềm vui của những học sinh vài ba thế hệ trước, như của bạn, của tôi. Ở đâu, lúc nào thì ai ai trong chúng ta cũng có một ngày tựu trường như của những ngày cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều, những đám mây bàng bạc của Thanh Tịnh, hay con đường băng ngang qua vườn Lục Xâm Bảo của Anatole France, hay ở cửa trường với cậu bé An Di của De Amicis tác giả của cuốn sách mà chúng ta ai cũng yêu, cuốn Tâm Hồn Cao Thượng.
Nhưng rất nhiều cha mẹ nhân dịp tựu trường năm nay thì lại rất "bức xúc."
Hai chữ "bức xúc " này tôi dùng một cách vô cùng thích thú. Đây là lần đầu tiên tôi dùng hai chữ này trong suốt hơn ba chục năm viết lách của tôi. Bởi lẽ không dùng nó thì tôi cũng chẳng biết dùng những chữ gì nữa. Đó là tâm trạng của các phụ huynh học sinh trường tiểu học Văn Bình, huyện Thường Tín ở gần Hà Nội.
Dân chúng ở cái xã nghèo này phần lớn làm nghề nông vất vả lắm mới lo được cuộc sống và chuyện học hành của con cái. Tựu trường năm nay, trường bắt các em phải mua đồng phục để đi học. Những bộ đồng phục này tốn khoảng 500 ngàn đồng, tương đương với một tạ thóc. Tưởng tượng một gia đình có hai đứa con. Mua hai bộ cho con đi học, gia đình các em sẽ mất 2 tạ gạo, khoảng 1 triệu đồng.
Nhưng nếu cần một bộ khác để thay đổi thì cứ nhân đôi lên là gia đình đó phải chi ngay 2 triệu đồng, tức là 4 tạ gạo.
Đồng phục của nam sinh gồm sơ mi trắng, quần dài, veste đồng mầu. Thay vì cravatte thì là một chiếc nơ con bướm bằng vải carreau như loại vải may những cái kilt của đàn ông Tô Cách Lan.
Đồng phục cho các em gái gồm sơ mi trắng, váy ngắn và jacket cùng mầu với đồng phục của nam sinh. Các em gái cũng đeo nơ ở cổ.
Phải nói đây là những bộ đồng phục đẹp. Thời tiểu học của tôi ở Hà Nội trước năm 1954 làm gì có được những bộ đồng phục kiểu cọ như thế.
Nhưng những bộ đồng phục ấy tạo ra những bức xúc khác chứ không hề giản dị như có người sẽ nghĩ.
Thí dụ tan học, các em nhiều khi phải giúp cha mẹ dẫn trâu cho chúng đi ăn cỏ, chiều đến tắm cho chúng rồi mới đưa về chuồng. Hay cũng có khi phải giúp mò vài con cua, bắt vài con ốc để "cải thiện" bữa cơm chiều. Đồng phục đẹp như thế mà ngồi trên lưng trâu, lội xuống cái ao, đuổi giúp bầy vịt về chuồng thì đồng quê ta đẹp biết chừng nào. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh làm sao viết ra được cảnh đồng quê đẹp được như thế!
Nhưng nếu không cẩn thận, các em mặc nguyên đồng phục leo lên mình trâu để thấy ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ… thì làm sao giữ được cho bộ đồng phục sạch sẽ để ngày mai mặc lại đi học?
Phải có bộ thứ hai thay đổi mới được. Bộ kia phải đem giặt. Đem ra sông, xuống ao giặt rồi phơi ở hàng rào vậy. Xà phòng kiếm ở đâu trong cái xã nghèo đó?
"Bức xúc" là phải!
Tại sao phải bầy ra trò đồng phục như thế? Xem phim Hàn quốc thì cứ việc xem, nhưng không cần phải nhắm mắt nhắm mũi chạy theo phim Hàn quốc như thế.
Có ăn chia với hãng may mặc nào thì cũng phải cố gắng cho hợp lý một chút chứ. Những bộ đồng phục kiểu Hàn quốc như thế sẽ tươm tất được mấy ngày trước khi dính bùn lem luốc, nhếch nhác cho các em thêm tủi thân về trò ăn chia của trường rồi làm khổ cha mẹ các em?
Có lẽ điều tốt đẹp duy nhất của những bộ đồng phục này là các em không đeo ở cổ cái khăn quàng đỏ, những cái khăn cứ mỗi lần trông thấy là tôi lại nổi máu "bức xúc" lên.
Tin cuối cùng cho biết cái đề nghị ngu xuẩn ấy đã bị dẹp vì phụ huynh không cách gì xoay nổi tiền để mua sắm cho các em.

Ngày 4 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Nhân chuyện đồng phục của học sinh, người ta đọc được trên facebook một đoạn của một học sinh viết về bộ đồng phục không kịp lấy về cho kịp ngày khai trường.
Đây không phải chỉ là "con cưỡng cha mẹ, trăm đường con hư" như hai câu ca dao về những con cá không chịu ăn muối. Con cá này không chỉ cưỡng là cãi, là không nghe lời, mà là chửi cả cha lẫn mẹ tàn tệ không để đâu cho hết. Chỉ vì cha mẹ của nó không lấy bộ đồng phục may ở tiệm về cho nó mặc đi học.
Tất cả những chữ tục tĩu nhất để chửi bới đều được đem ra dùng không thiếu một chữ nào. Người cha và người mẹ được nhắc đến bằng đại danh từ "chúng mày". Ngôi thứ nhất xưng là "tao", rồi lại "ông". Câu cuối đưa ra một lời hăm dọa là mấy năm nữa khi đủ lớn thì cả hai đứa sẽ biết tay.
Cảnh đấu tố ở sân đình, người cha và người mẹ bị trói nằm cong queo dưới đất. Đứa con trai, cũng có thể là đứa con gái mặt mũi hung ác vung tay lên xỉa xói vào mặt hai người già, mắng nhiếc rằng chuyện sinh ra chúng thì cũng là kết quả của hai người sung sướng với nhau chứ công lao gì. Đằng sau là cảnh tòa án nhân dân, chiếc cờ búa liềm, ba bức ảnh Hồ, Mao và Sít ta lin…
Trong facebook ngày nay, những ngôn từ chửi bới còn hung hãn hơn, còn đểu giả hơn, còn khốn nạn hơn sau mấy chục năm trui luyện trong cái xã hội chó má ấy nhiều.
Vào internet, đánh thử mấy chữ "con chửi cha mẹ" là sẽ được đọc cả mấy chục những trang facebook chửi cha mắng mẹ. Một đứa xin tiền mua điện thoại không được liền lên facebook chửi cả cha lẫn mẹ, đứa khác gọi mẹ là "con điếm", một trang khác thì cha mẹ bị gọi là "hai con chó", một đứa khác nói là nuôi nó có 18 năm thì đừng nghĩ là nó sẽ nuôi lại sau này. Đứa này nói rõ đừng có trông chờ gì thằng con vàng con bạc có hiếu như kiểu con nợ…Một cặp vợ chồng dẹp bỏ tấm poster in hình ca sĩ, quăng đi vài đĩa nhạc thì bị con gái gọi là "thằng chó, thằng khốn nạn " và dọa gọi bạn đến nhà thanh toán. Một đứa ở Sơn Tây chửi mẹ hết sức dã man vì xin tiền mua quần áo mẹ không cho, gọi mẹ là con đĩ mê trai, sửa sắc đẹp lung tung mà vẫn không coi ra gì…
Nhà kia lỗi đạo con khinh bố
Chị nọ chanh chua vợ chửi chồng
Cảnh ông Tú Xương chứng kiến hồi ấy mà thấm tháp gì so với facebook ngày nay.
Có điều là ngày xưa, chuyện con cái hỗn với cha mẹ thì cũng có, nhưng ít hơn ngày nay nhiều. Những cảnh như thế cũng ít khi thấy diễn ra công khai. Nhưng ngày nay thì khác. Với facebookinternet thì những chuyện đó được phát tán ra rất nhanh và rất rộng rãi. Điều đáng ngai hơn là con số những người tán thành, "like" những vụ chửi cha mắng mẹ như thế lại rất nhiều, nhiều hơn ý kiến phản đối. Và hầu hết những chủ trang facebook đó lại là những thành phần rất trẻ, gần như tất cả đều dưới 20 tuổi.
Như vậy thì không thể là tàn dư Mỹ ngụy, sản phẩm của xã hội bị vu là đồi trụy trước kia nhá.
Tất cả đều là các cháu ngoan của bác Hồ, đã học tập theo gương bác và làm đúng như đạo đức của Hồ Chí Minh.
Bây giờ không chơi trò đấu tố nữa thì chúng nó có facebook cho cả nước đọc cho sướng.
Ở miền Nam có câu này bây giờ nghe lại thấy hay vô cùng. Thấy con hư, người cha hay người mẹ nói rằng nếu biết đẻ ra thứ con như thế thì thà đẻ ra quả trứng luộc lên ăn còn hơn.
Nhưng đẻ ra quả trứng ung, trứng thối thì làm sao ăn?
Thì chúng nó nở ra, lớn lên viết facebook chửi cha chửi mẹ lên nghe cho sướng chứ còn làm gì nữa?

Ngày 6 tháng 9 năm 2013
Bạn ta,
Lớp 10 ở Việt Nam ngày nay, nếu tôi hiểu đúng, là lớp tương đương với lớp đệ Tam thời tôi học ở trung học.
Năm đệ Tam, chúng tôi vừa xong Trung Học Phổ Thông, tức là bằng Brevet của chương trình Pháp. Năm học ấy được coi là năm nhàn nhã nhất của chúng tôi, sau kỳ thi Trung Học Phổ Thông và trước năm thi Tú Tài I.
Chúng tôi bắt đầu chương trình đệ nhị cấp, và được chọn Anh hay Pháp văn làm sinh ngữ chính. Chương trình Việt văn chúng tôi học lại Chinh Phụ Ngâm, còn truyện Kiều được đưa sang chương trình lớp đệ Nhị. Chúng tôi học Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Tản Đà… Trong khi đó, Tự Lực Văn Đoàn được dành cho lớp đệ Nhị để thi Tú Tài I.
Nói hơi dài dòng như thế để nhớ lại là khi chúng tôi ở lớp 10 của chương trình ngày nay, chúng tôi đã viết thông thạo tiếng Việt. Về mặt chính tả Việt ngữ, chúng tôi không còn phải học nữa. Vài ba khó khăn về chính tả, chúng tôi đã xong từ khi học lớp Nhì, trước khi thi bằng Tiểu Học để vào năm thứ nhất của trung học.
Những chữ khó như nguệch ngoạc, khuếch khoác, công kênh, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, huých nhau, huỳnh huỵch, khệnh khạng vân vân chúng tôi đã được dậy để viết chính xác khi còn ở lớp Nhì bậc tiểu học. Tức là 6 năm trước khi lên lớp đệ Tam hay lớp 10 bây giờ ở Việt Nam.
Tuần trước, trong internet, tôi đọc được lá thư của một học sinh lớp 10 gửi cho cô giáo và ông hiệu trưởng của trường em đang học để xin nghỉ học.
Đọc xong lá thư thì tôi không thể hiểu nổi trình độ của một học sinh lớp 10 ngày nay đã xuống cấp tệ hại đến như thế nào nữa. Đồng ý người học sinh này thú nhận là em học không được vì hay nghịch ngợm trong lớp, không theo kịp các bạn, học hành còn rất yếu, thường xuyên bị thầy cô phải nhắc nhở cố gắng hơn nữa đến độ em thấy không xứng đáng ngồi tiếp trong lớp và phải quyết định xin nghỉ luôn. Em không phải là một học sinh tiêu biểu của nhà trường hiện nay. Nhưng ít nhất, trong 10 năm ở trường, em phải học được một đôi điều chứ. Căn bản thôi cũng phải có.
Nhưng em học sinh này đã không cho vào đầu được một vài điều cho dù căn bản nhất . Đọc bức thư em xin nghỉ học là thấy ngay điều đó.
Em viết ở đầu thư cũng đầy đủ tên nước cùng với mấy chữ vô nghĩa lý luôn luôn phải có, không thể nào thiếu được: độc lập, tự do, hạnh phúc. Có điều em viết sai chính tả ngay ở những chữ quan trọng nhất. Đó là chữ NGĨA trong tên nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chữ "tự do" cũng bị viết sai thành "Tự GIO".
Trong bức thư vỏn vẹn có 12 dòng, thì em đã viết sai chính tả đến 22 lần. Em lẫn lộn L với N: "này" viết thành "LÀY", "nên" thành "LÊN", những chữ viết với "NGH" đều thiếu chữ "H" như "NGỈ ", như "NGỊCH"…"trường" viết thành "CHƯỜNG", "hiệu trưởng" viết thành "hiệu CHƯỞNG" , "trong lúc" viết thành "CHONG lúc", "học sinh" viết thành "học XINH", "phụ huynh" viết thành "phụ HUNH", "sa sút" viết thành "XA XÚT".
Những chữ rất thường gặp và rất căn bản đều bị viết sai chính tả. Em học được những gì trong 10 năm ở trường? Tiếng Việt em viết còn sai thì những thứ khác trình độ em được bao nhiêu?
Người ta phải thắc mắc tại sao em học hành như thế mà vẫn được cho lên lớp, lên tới tận lớp 10 và chính em nhìn ra rằng em học hành kém cỏi khiến cả lớp không vươn lên được đến nỗi em phải xin thôi học.
Em học sinh này không học được bao nhiêu thứ ở trường nhưng chắc em học được một thứ khác quan trọng hơn ở nhà em. Em học được tính tự trọng và danh dự, những thứ em không hề được dậy ở trường. Vì tự trọng và danh dự, em thấy em không xứng đáng để ngồi tiếp ở trong lớp nữa. Em xin nghỉ học.
Nhưng nghỉ học rồi em làm gì?
Có thể đến lúc cần, em đi mua vài ba cái bằng cũng được. Hay nếu không mua, em cứ nhận đại là có bằng cử nhân luật như cậu Nguyễn Tấn Dũng thì rồi cũng xong.
Tôi nhớ một câu trong Kiều của Nguyễn Du:
"Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh"

Sự thực thì ngay bây giờ cũng đã kinh lắm rồi!