April 24, 2015

April 24, 20156

YOU CAN’T GO HOME AGAIN

You Can’t Go Home Again là tác phẩm của Thomas Wolfe xuất bản sau khi ông qua đời năm 1940. Cuốn sách tôi đọc đã lâu lắm, có đến ngoài năm chục năm, vì thế nay tôi đã gần như quên hết, không nhớ nổi  được cả vài ba chi tiết chính của nó và cũng không muốn tìm đọc lại nó. Nhưng cái tựa của nó thì tôi không thể quên được mặc dù nó không liên quan gì tới cái lý do làm cho tôi nhớ nó mãi.
You Can’t Go Home Again, bạn sẽ không bao giờ trở lại căn nhà cũ của bạn được nữa. Tôi cũng vậy. Cái tựa như một nhắc nhớ mãi như hai câu Kiều mà  ông cụ tôi đọc cho  tôi khi gặp lại tôi cuối năm 1975 ở Canada:
…thôi con còn nói chi con
sống nhờ đất khách, chết chôn quê người…
Tôi không trở lại căn nhà cũ ở cái ngõ nhỏ rất hiền lành ở gần Ngã Sáu Sài Gòn từ hơn 40 năm nay. Và chắc cũng chẳng bao giờ về lại cái thành phố đó nữa. Cứ mỗi lần nhớ đến nó, là bài tứ tuyệt của Hạ Tri Chương lại trở về lẩn quẩn mãi:
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai
(Hồi Hương Ngẫu Thư)
Ông thi sĩ đời Đường đi biệt xứ từ khi còn trẻ, đến lúc già mới trở về. Nơi làng cũ, tiếng nói vẫn như xưa không có gì thay đổi, chỉ có mớ tóc mai là đã thay mầu. Lũ trẻ trông thấy ta mà không biết ta là ai nên chúng nó cười và hỏi ông khách từ đâu tới vậy…
Căn nhà ấy chắc có về đứng lại trước cửa tôi cũng không thể nhận ra được nữa. Bức ảnh một người bạn  mới chụp trong chuyến về Việt Nam năm ngoái cho thấy như thế. Tôi chỉ  nhận ra được cái cửa sắt sơn bong lỗ chỗ. Gốc bông giấy không còn nữa. Những người ở trong nhà dọn vào từ bao giờ  và là những người như thế nào tôi sẽ không bao giờ biết mà cũng không muốn tìm hiểu. Không biết trên cái cầu thang lên gác có còn dấu tích của hai đứa con ngày xưa không, cái bể nước bên cạnh, phòng ngủ trên lầu của chúng, phòng làm việc những cái tủ sách của tôi… Nơi lũ con đã sống những năm thơ ấu tuyệt vời của chúng. Thế mà đã hơn 40 năm…
Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi:”lâu không gặp”
Đáp khẽ : “đi xa mới trở về”
Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư
Tóc mai giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê hương cũ nghe không khác
Mà vẫn lạ tai câu trẻ thơ
 
Ô hay tiền bối Hạ Tri Chương
Tiền bối ra đi thuở thịnh Đường
Mà thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy sao thơ cũng não lòng
Tôi cũng như ông đời biệt xứ
Trẻ ra đi, già vẫn tha hương
Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn
(2014)
Hơn 40 năm vẫn nghĩ về một chuyến trở về nhưng chuyến trở về ấy chắc sẽ không bao giờ có… Tối hôm qua vừa đổ một trận mưa…Lại nhớ những mùa mưa cũ:

Đêm nay mưa xuống Sài Gòn
Giọt giăng lối cũ, giọt buồn xuống  tôi
Áo xưa nhạt mộng lâu rồi
Theo con nước cũ đã trôi xuống nguồn
Người đi bước có ngại ngùng
Chiều ơi đã mất theo từng đốt tay
Con đường mất những hàng cây
Bước chân xóa nốt thơ ngây ngày nào
Trở về không một âm hao
Mùi hương cũ đã mất vào hư không…

April 17, 2015

April 17, 2015


LẠI CỔ TÍCH CHO CÁC CHÁU NGOAN

Các cháu ngoan của bác Hồ kính yêu ở trong nước còn đang thích thú với truyện Thạch Sanh và chi tiết được mẹ cởi quần nhường cho trước khi chết thì lại được đặt vào tay một cuốn truyện cổ tích khác không kém phần hấp dẫn.

Cuốn sách do nhà xuất bản Hải Phòng ấn hành hồi năm ngoái (2014) chắc chắn đã tới tay nhiều độc giả. Trong cuốn cổ tích này có một truyện rất đáng đọc với tựa đề “Thỏ trắng và Hổ xám”.Những truyện về hổ không hiếm trong cổ tích Việt Nam và thường là những lần hổ thua nặng, hết thua trâu lại đến thua bác thợ cầy, rồi lại thua cả cóc một cách thảm hại.

Trong truyện “Thỏ trắng và Hổ xám”, hổ cũng thua thỏ. Hổ tìm đủ mọi cách để biến thỏ thành bữa ăn nhưng chuyện đó không dễ. Thỏ nhẩy lên cây, rồi lại lừa để hổ leo xuống, xong việc lại leo lên cây và dụ cho hổ làm theo lời thỏ để bị thỏ chơi cho một đòn nặng và thoát thân.


Những chi tiết như vừa kể thì cũng chẳng có gì đáng nói. Hổ còn bị những đòn hiểm độc hơn nhiều. Do đó không hề có chuyện độc giả phản đối vì những cảnh tàn ác có thể tạo những ý tưởng không tốt, độc ác, thiếu đạo đức không hợp với tâm hồn thơ ngây, trong sáng của các độc giả tí hon.

Truyện “Thỏ trắng và Hổ xám” bị nhiều ý kiến nói rằng một số chữ nghĩa trong truyện có thể được coi là quá tục tĩu với trẻ nhỏ. Mà thực là như thế. Những chữ đó thô tục đã đành mà lại không cần thiết cho truyện.

Thí dụ truyện kể rằng hổ trong lúc bực bội thỏ đã văng ra một câu chửi rất dân gian liên quan đến mẹ của thỏ. Gần đó là chi tiết thỏ tìm cách lừa hổ, nói với hổ là thỏ phải đi đại tiện nhưng lại dùng một chữ rất ngay tình và không mầu mè riêu cua gì để nói về chuyện bài tiết ấy. Thế rồi người kể truyện kể tiếp rằng thỏ dụ hổ tỏ thiện chí là sẽ không vồ thỏ ăn thịt bằng cách nằm ngửa giơ bốn chân lên trời thì thỏ mới từ trên cây leo xuống. Và khi hổ làm đúng lời thỏ, thì lập tức thỏ nhẩy xuống và … “bắt cọp” ngay tại chỗ. Hổ bị … “bắt cọp” đau quá phải hứa không vồ thỏ nữa.

Dĩ nhiên võ “bắt cọp” được viết xuống ngay tình chứ không hề được bóng gió như trong thơ văn của Hồ Xuân Hương, Trạng Quỳnh … làm gì cho các em khó hiểu.

Như thế, trong có một truyện cổ tích, các độc giả nhỏ tuổi đã đọc được một câu chửi, một động từ nói về một hoạt động của cơ thể mà trong tiếng Việt có ít nhất cả hơn một chục từ ngữ khác nhau để chỉ. Độc giả còn được chỉ mách cho một ngón đòn khá độc để vô hiệu hóa ngay đối thủ. Chỉ trong có một truyện, các em học được ngay ba điều.

Nhưng những điều ấy có cần thiết không, có cần để làm cho câu chuyện lý thú hơn không? Chắc là không.

Không có những chi tiết về câu chửi, về hoạt động bài tiết, về “bắt cọp”, những truyện hổ và cóc thi nhẩy xa, truyện hổ bị lừa ăn no đòn của người thợ cầy… thì những truyện cổ tích vừa kể vẫn hấp dẫn như thường. Truyện thỏ và hổ nếu bỏ bớt mấy chi tiết dùng thứ ngôn từ mất dậy như trong cuốn truyện cổ tích cũng vẫn làm vui được trẻ nhỏ, không cần lối viết như thế.

Có điều không biết kiểu viết sách như thế là phản ảnh của cái xã hội độc địa vô giáo dục hiện nay hay đó là thứ sách vở để dậy dỗ rồi sản xuất ra cái thứ tuổi trẻ mất dậy ở Việt Nam bây giờ.

Sau những ý kiến phản đối, cục xuất bản đã phải ra lệnh ngưng cuốn truyện cổ tích do nhà xuất bản Hải Phòng in ấn. Nhưng chắc chắn cuốn sách cũng đã đến tay một số cháu ngoan của bác, cái thứ con nít được mẹ dậy những câu chửi chồng (dẫu là để đùa giỡn * )  học thêm được những “nghề nghiệp hay”.

(*) internet: bé gái 4 tuổi với clip chửi chồng
https://www.youtube.com/watch?v=3mrquD8dg4U

April 9, 2015

April 10, 2015

CỔ TÍCH THẠCH SANH

Một cuốn truyện cổ tích Việt Nam dành cho thiếu nhi do nhà xuất bản Kim Đồng tái bản vừa được lệnh tạm ngừng phát hành vì nội dung cần phải thẩm định và điều chỉnh lại.
Cuốn sách này được in lại hồi tháng 10 năm 2014 nhưng mãi đến ngày 21 tháng 3 năm nay mới có quyết định tạm ngừng phát hành. Như vậy, cuốn sách sau một lần in và phát hành rộng rãi đến nỗi phải tái bản và đến sau lần in lại này người ta mới thấy nội dung có những điểm cần thẩm định và điều chỉnh lại. Mà cũng chỉ tạm ngưng phát hành chứ không bị thu hồi hay cấm phổ biến nên nếu thiếu nhi quàng khăn đỏ muốn đọc những đoạn cần thẩm định và điều chỉnh lại thì vẫn có thể mua về đọc chơi cho đỡ buồn.
Nội dung cần phải được thẩm định và điều chỉnh lại chắc là không hợp với các độc giả thiếu nhi. Báo Dân Trí cho biết nhiều độc giả đã phàn nàn về một số chi tiết trong truyện Thạch Sanh, nêu ra những điều không thích hợp với các thiếu nhi.
Truyện Thạch Sanh kể rằng Thạch Sanh và mẹ sống với nhau trong một hoàn cảnh rất cùng quẫn phải trông nhờ vào sự giúp đỡ của xóm làng. Họ nghèo đến độ người mẹ và cậu con trai chỉ có một cái quần duy nhất. Một hôm, mẹ Thạch Sanh biết là mình yếu sức sắp chết nên gọi Thạch Sanh đến bên giường, cởi chiếc quần đang mặc trên người đưa cho Thạch Sanh trao cho con và nói rằng Thạch Sanh đã lớn, cởi truồng người ta cười cho, giữ lấy cái quần mà mặc. Nói xong mẹ Thạch Sanh cho con chiếc quần. Nhưng Thạch Sanh không nỡ để cho mẹ chết trần truồng nên chỉ xé lấy một chiếc ống quần để che thân thể cho mình, chiếc ống quần kia Thạch Sanh dùng để bó xác mẹ đem chôn. Ở một đoạn khác, là cảnh Thạch Sanh đánh nhau với trăn tinh. Sau một ngày một đêm giao tranh, Thạch Sanh giết được trăn tinh bằng một nhát búa đánh trúng đầu khiến trăn tinh vỡ đầu phọt óc ra chết tươi.
Đó có thể là những chi tiết đưa tới quyết định cần phải thẩm định và điều chỉnh Thạch Sanh.
Bây giờ hãy xem lại mấy điều mà cục Xuất Bản ở Hà Nội muốn nhà xuất bản Kim Đồng thẩm định và điều chỉnh truyện Thạch Sanh. Những chi tiết về truyện cổ tích Thạch Sanh đều ghi rằng Thạch Sanh mồ côi cha mẹ lúc 7 tuổi, hay 15 tuổi theo vài bản khảo dị. Có lẽ 15 thì hợp lý hơn vì ở tuổi đó thì Thạch Sanh mới có thể sống một mình được sau khi mẹ chết. Thêm nữa là ở tuổi 15 thì mẹ Thạch Sanh mới bảo Thạch Sanh đã lớn không nên cởi truồng kẻo làng xóm cười cho. Chứ nếu chỉ 7 tuổi thì chưa đủ lớn để sợ làng xóm chê cười nhất là trong một cái xóm nghèo mà ai cũng rách rưới như mẹ con Thạch Sanh.
Nhưng để cho Thạch Sanh 15 tuổi mà cứ cởi truồng trước mặt mẹ thì không nên chút nào, nhất là trong cái khung cảnh cổ xưa của ngôi làng của hai mẹ con Thạch Sanh. Ở tuổi ấy, Thạch Sanh phải đủ lớn để biết tránh cảnh thân thể lõa lồ đi ra ngoài đường, và ở nhà với mẹ thì cũng lại càng phải tránh. Sigmund Freud chỉ kể lại kinh nghiệm một lần nhìn thấy mẹ lõa thể để nói rằng ở một tuổi nào đó, người con trai bắt đầu có những ý tưởng dục vọng khi nhìn người mẹ không mặc quần áo để giải thích mặc cảm Oedipe mà ông dùng trong phân tâm học của ông mà cũng bị chống và chỉ trích đưa tới việc Jung và Adler bất đồng nặng với ông.
Chử Đồng Tử là chuyện khác. Cha con họ Chử không có xóm giềng và cả hai đều là đàn ông với nhau cả nhưng mẹ con Thạch Sanh thì khác. Chi tiết hai mẹ con khỏa thân trước mặt nhau có thể lờ mờ gợi ý cho những tình cảm không trong sạch. Nhưng những ý kiến đọc được trên những tờ báo trong nước thì lại không thấy đưa ra những nhận xét như trên. Trong khi đó, người ta nói tới cảnh Thạch Sanh búa vỡ đầu của trăn tinh và cho rằng hình ảnh hung bạo đó không thích hợp với tâm hồn của trẻ thơ.
Trong hai điều nêu trên thì chi tiết mẹ Thạch Sanh cởi quần cho con là chi tiết nên bỏ. Các truyện Thạch Sanh đọc hay nghe được trước đây đều không có chi tiết mẹ Thạch Sanh cởi quần cho con trai. Không có chi tiết đó, truyện Thạch Sanh vẫn là một câu truyện lý thú rất được yêu thích của nhiều thế hệ tuổi thơ.
Tại sao phải thêm cái chi tiết không cần thiết, thừa thãi đó?
 Còn chuyện chém trăn tinh phọt óc thì có gì là bạo động tạo ảnh hưởng tiêu cực với tuổi thơ? Chém trăn tinh thì nhằm nhò gì! Muốn xem bạo động thì tới Bắc Ninh xem chém lợn, đi Đồ Sơn coi chọi trâu, tới trường coi nam nữ học sinh quàng khăn đỏ cháu ngoan bác Hồ tung chưởng, xé quần áo đánh ghen với nhau… hà cớ phải đọc cuốn truyện cổ tích của nhà xuất bản Kim Đồng.

April 2, 2015

April 3, 2015

VĂN HÓA CHÉM LỢN

Mahatma Gandhi (thánh Cam Địa) của Ấn Độ có lần nói một câu nguyên văn như thế này: “The greatness of a nation and its moral progress can be judged by the way its animals are treated.” Mức độ vĩ đại và những tiến bộ về đạo đức của một nước có thể nhìn thấy qua cách đối xử mà (người dân) của quốc gia ấy dành cho thú vật.
Người Ấn thờ nhiều giống thú và cách đối xử mà họ dành cho những con vật này quả là rất nhân đạo nhưng cũng có thể nói là nhiều khi quá đáng đến mức độ khó hiểu nếu không muốn nói là không thể hiểu được. Người Ấn thờ bò, thờ khỉ, thờ chuột… những con thú này được đối xử có khi còn tử tế hơn cả cách đối xử mà người Ấn đối xử với nhau như những người dân ở Mumbay đã nói lên tại một cuộc biểu tình mới đây khi chính phủ của bang cấm giết bò, cấm ăn thịt bò, cấm bán thịt bò trong khi những vụ hiếp dâm phụ nữ cùng với những vụ đốt cô dâu vì các cô không đem về những khoản hồi môn như đã hứa trước khi về nhà chồng càng ngày càng gia tăng.
Như vậy, mặc dù người Ấn (nói chung) có đối xử với (một số) thú vật nhân đạo thật, nhưng sự tử tế và nhân đạo đó cũng chưa tới được mức độ mà thánh Cam Địa muốn thấy. Người Ấn để bò đi nghênh ngang ngoài đường, cho những bấy khỉ khủng bố những ngôi chợ, mặc tình cướp phá, gây kinh hoàng cho những người bán hàng nghèo khổ mà không ai dám làm gì chúng, hay cung phụng đồ ăn thức uống cho những con chuột được nuôi béo mẫm trong những ngôi đền mặc dù chuột tạo ra rất nhiều thiệt hại cho mùa màng của người nông dân Ấn.
Rõ ràng là nếu xét theo câu nói của Gandhi thì nước Ấn chưa thể được coi là một quốc gia vĩ đại, và những tiến bộ về đạo đức của Ấn cũng chưa được coi là cao lắm. Nhưng ít ra thì người Ấn cũng đã có được một người nói một câu về cách đối xử với loài vật đáng để chúng ta suy gẫm.
Bây giờ mùa xuân đã qua, Tết đã hết vì thế tưởng cũng nên nói đôi ba điều về chuyện chém lợn ở Bắc Ninh. Khoảng thời gian trước tết năm nay, chuyện này được đem ra nói khá ồn ào nhân có một văn thư của một tổ chức bảo vệ thú vật quốc tế. Tổ chức này đề nghị dẹp hẳn chuyện lôi mấy con lợn ra giữa sân đình rồi dùng dao chém những con thú này làm đôi trong tiếng kêu thét kinh hoàng của những con vật trước khi chết, máu me ộc ra nhuộm đỏ một khúc sân. Cảnh giết mấy con lợn này quả là kinh khiếp. Máu me tung toé thật dễ sợ. Nhưng kinh hoàng hơn là cảnh những người đứng xem. Dân làng đông đảo đã đành. Còn có cả những người tới từ các nơi khác đến xem. Trong đó có cả những đứa trẻ mới lên năm, lên bẩy tuổi. Khi những con lợn này còn đang giẫy chết, máu còn đang phun ra thì một số người, cả những người bế trên tay những đứa bé lăn xả vào, cầm những tờ giấy bạc quệt vào những vệt máu lợn để mang về nhà lấy may.
Lễ hội chém lợn năm nay vẫn được tổ chức như mọi năm. Bất chấp những ý kiến muốn dẹp hẳn trò vui máu me đó. Những ý kiến muốn duy trì trò chơi đẫm máu đó nói rằng trò chém lợn là một nét văn hóa cổ truyền của người Việt cần phải được giữ lại. Ở Việt Nam, bây giờ cái gì cũng trở thành văn hóa cả. Ăn uống cũng là văn hóa. Từ chức cũng là văn hóa. Chém lợn cũng là văn hóa. Ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình còn có một ngôi làng văn hóa có cái tên không ai dám đọc to lên. Thế thì chém lợn là văn hóa cần được giữ lại là phải.


Nhưng xã hội, thế giới tiến bộ thì cũng có những thứ không còn thích hợp với đời sống con người hôm nay nữa thì cũng phải đào thải chúng đi chứ! Cứ nhân danh văn hoá để giữ chúng lại làm sao được?
Như chuyện ăn thịt người chẳng hạn. Trước đây, chắc chắn chúng ta đã từng ăn thịt người ở một thời điểm nào đó. Nhưng rồi con người tiến bộ, văn minh, chúng ta bỏ cái … văn hóa ăn thịt người đi chứ còn có ai ngày nay ở Việt Nam nhìn nhau nuốt nước miếng một cách thèm thuồng nữa đâu?

Vậy thì văn hoá, truyền thống, thói quen vẫn có thể dẹp bỏ được đấy chứ. Thế thì có nên … chém lợn cho có văn hóa nữa hay không? Hay chỉ vì miếng thịt lợn được chia mà nhất định giữ lại cái trò chém lợn kinh hãi này để đổ tiếng xấu cho cả tỉnh Bắc Ninh văn học của quan họ, của bao nhiêu khoa bảng chỉ vì vài ba anh già đầu óc đặt sệt những thứ cặn bã dơ bẩn nhất của một đất nước đã có một thời rất mực đẹp tươi kỳ vĩ?