October 31, 2015

October 30, 2015

TỰ HÀO

Bút Tre , thiên tài thi ca của nước ta hồi tháng 4 năm 1961, một hôm không biết làm gì cho vui, ra sân đứng nhìn lên trời tự nhiên thấy vui quá liền chạy vào nhà lấy giấy bút viết ngay hai câu thơ lục bát mà có thể không người nào có chút máu thi ca trong huyết quản mà không biết:
Chúng ta sung sướng tự hào
Có Ga-ga-rỉn bay vào vu tru ( *)
Thế là thành tích của phi hành gia Liên Xô Yuri Gargarin đi ngay vào thi ca của nước Việt.
Nước ta thì sau đó, như vừa tìm được mấy chữ mới, đem ra dùng lia lịa bất kể những điều mà nước ta có thật sự xứng đáng để tự hào hay không thì cũng vẫn cứ la hoảng lên là rất tự hào.
Tự hào là tình cảm kiêu hãnh, sung sướng, hưng phấn về chính mình, về khả năng, về những điều thành đạt mà mình làm được vượt trội lên trên, hơn hẳn những người khác. Yuri Gargarin là một phi công Liên Xô, thành tích của chàng là ngồi trong một phi thuyền gắn trên đầu của một hỏa tiễn Vostok 1 phóng lên thượng tầng khí quyển rồi đáp xuống trái đất an toàn. Kể ra thành tích ấy có đáng nể thật. Gargarin được tặng không biết bao nhiêu là huân chương cao quí. Tin tức loan ra khắp nơi về chuyến bay vào vũ trụ của chàng. Mỹ thua to quả này. Nước ta thì lúc đó không ưa Mỹ, thấy Mỹ thua Liên Xô thì sướng chết đi được. Liên Xô là đàn anh, mà đàn anh thì cũng như người nhà. Người nhà đạt được thành tích lớn như thế thì mình vui là phải. Thế là bất kể cậu Yuri Gargarin có coi Việt Nam là người nhà của cậu hay không, và có bao giờ cậu thoáng qua trong đầu ở cái nước Việt Nam xa xôi ấy có những người chỉ lăm lăm đợi đi một đường lưỡi, liếm cho đôi gầy của chàng được thêm bóng hay không, thì kết cuộc chàng vẫn được nhà nhà thơ Bút Tre viết hai câu lục bát ca ngợi chàng, coi chuyến đi của chàng là một thành tích làm cho cả cái đám dân bần cùng nước Việt chết lên chết xuống đang không biết tìm đâu được một chút tự hào nào cho bớt đói.
Và bất kể luật bằng trắc của thơ lục bát, ông Bút Tre cứ tự tiện chỗ nào cần vần bằng thì quăng vần bằng vào, chỗ nào cần vần trắc thì ông phang vần trắc vào, các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng ông cứ dùng một cách rất tùy nghi. Và Gargarin được viết thành Ga-ga-rỉn… vũ trụ thành vu tru là thế.
Niềm tự hào của dân tộc cứ thế phăng phăng mà đi, thừa thắng xông lên lia lịa. Trước ngày 2 tháng 9 vừa qua, báo chí trong nước ta cứ nhắng lên mà tự hào về đủ mọi chuyện, tô hồng chuốt lục cho chính mình làm nhân dân ai cũng tưởng thật.
Không còn Gagarỉn để tự hào nữa thì phải moi móc ra những chuyện khác để mà tự hào với nhau vậy. Thế là tự hào loạn lên. Tự hào về người Việt, về tiếng Việt, về bác Hồ, về thành tích chống Mỹ cứu nước, về quân đội nhân dân anh hùng, về đại tướng Phùng Quang Thanh, mặt mũi giống lợn ỉ nhất, ăn nói ngu nhất, về Ba Ếch không học luật ngày nào vẫn có bằng cử nhân luật hệt như áo dài Thiết Lập không có eo cắt vẫn có eo, tà búp, bâu tươi, về thành tích tham nhũng không thua gì Zimbabwe, về chuyện con cái bọn to đầu được đưa vào những chức vụ cao, không như bọn con cái của Thiệu, Kỳ, Nhu Diệm chẳng đứa nào được bố nhét vào những nơi đầy mưa móc, tiền bạc ê hề vân vân…
Đang sung sướng đến độ chết được thì có người dí ngay vào tay một bài báo trong nước một bản tin cho biết chỉ trong có 6 tháng đầu của năm 2015 đã có 1,515 phụ nữ Việt Nam bị nhà cầm quyền Singapore từ chối không cho nhập cảnh mặc dù tất cả đều có giấy tờ hợp lệ. Nhiều người bị thẩm vấn gay gắt trước khi không cho nhập cảnh. Nhà cầm quyền Singapore không cho biết những lý do không cho vào đảo quốc của họ. Nhưng nếu thông minh một chút thì người ta biết ngay lý do đó và lý do mà Singapore từ khước không cho những phụ nữ này vào Chiêu Nam Đảo tức là Singapore là sợ các phụ nữ này đem thân thể của họ bán cho những người đàn ông Singapore. Chao ôi là tự hào!
Người bạn độc ác của tôi còn đưa cho tôi xem hình chụp những bức ảnh chụp mấy tấm biểu ngữ viết bằng tiếng Việt cảnh báo các công dân Việt Nam không nên trộm cắp bằng tiếng Việt tại các cơ sở thương mại ở Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Hàn quốc …
Bạn tôi chua chát nói rằng tiếng Việt được dùng trong những trường hợp như thế thì có đáng tự hào, kiêu hãnh không…
Tôi nhớ cụ Phạm Quỳnh và tình yêu cụ dành cho tiếng Việt rồi nối kết sự tồn tại của tiếng Việt vào với sự tồn vong của nước Việt và bài thơ của Nguyễn Đức Quỳnh trong nhóm Đàm Trường Viễn Kiến mà đau sót cho tiếng Việt, “tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi” mà muốn … khóc chứ chẳng tự hào cái quái gì cả.
May quá, cái ngày 2 tháng 9 đã qua rồi. Mong đừng có một ngày như thế nữa!

 (*) yêu cầu các thầy cò thông thái của các báo sử dụng bài này đừng sửa sang gì câu này vì nếu sửa thì chắc chắn sẽ có mấy con lợn què chay lông nhông ngoài đường ngay!

October 22, 2015

October 23, 2015

 QUÊN
Theo Sigmund Freud, cha đẻ của môn phân tâm học, quên là một việc làm cần thiết. Không quên, cứ nhớ đủ thứ thì sẽ đến một lúc, trí nhớ đầy kín, không còn nhồi nhét thêm được nữa, những chuyện cần được giữ lại cứ bỏ chúng ta mà ra đi thì cũng rất khốn khổ. Nhưng có những chuyện cần phải quên đi trong khi có những chuyện cần phải nhớ. Do đó, chuyện nhớ hay quên cũng cần phải chọn lựa. Trí nhớ, do đó, có khả năng lọc lựa, chuyện cần thì giữ lại, chuyện không cần nhớ thì quên đi. Selective memory là những hồi ức có tuyển chọn. Chuyện này rất cần thiết, Trí nhớ chọn ra những gì đáng nhớ thì giữ lại, những gì không đáng và không cần giữ lại thì gửi gió cho mây ngàn bay. Chứ cứ ôm hết để nhớ hoài thì mệt quá.
Gần đây, cái tính hay quên có vẻ càng ngày càng thấy ở khá nhiều người Việt. Thay vì quên có thể giúp cho người ta đổ bớt những rác rến cho những bộ nhớ của những cuộn não như Freud nói, thì có những trường hợp quên cũng gây vất vả không ít cho những người mắc chứng hay quên.
Có những chuyện quên gây rắc rối cho người hay quên như vụ mới đây, một phi công lái máy bay chở khách của hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vào một cửa tiệm có thể là một department store ở Nhật và mua một số hàng hóa rồi quýnh quáng làm sao bỗng bệnh quên vùng lên và chàng quên trả tiền cho những món chàng mua. Chàng cứ tự nhiên như người Hà Nội đi thẳng ra cửa. An ninh của tiệm chạy theo túm lấy công dân Việt Nam đãng trí quên trả tiền này thì chàng khai là đang bận suy nghĩ về bác Hồ kính mến nên không nhớ trả tiền khi ra về cho mấy món chàng bỏ quên trong các túi áo và túi quần. Thế là chàng bị giữ lại, không cho ra phi trường lái máy bay về Việt Nam nữa. Vụ này xẩy ra hôm 8 tháng 10 năm 2015. Không biết chuyện này được giải quyết xong chưa mặc dù có sự can thiệp của sứ quán.
Như vậy là người Nhật hay làm khó những người đãng trí. Người Nhật không hay quên như người phi công nọ. Người Nhật có vẻ ghen ghét những người có tính hay quên. Thấy những người hay quên, đầu óc thư thái vì quên đi được nhiều chuyện thì đâm ra ghen ghét rồi… phạt người ta.
Chuyện người phi công hay quên nọ là chuyện rất thường và càng ngày những vụ quên này càng xẩy ra nhiều hơn. Theo cảnh sát Nhật, con số người Việt mua hàng quên trả tiền tại các cửa hàng, siêu thị chiếm hơn 40% những vụ quên trả tiển của những người nước ngoài. Nhiều nơi phải trưng bảng cảnh cáo viết bằng tiếng Việt để cảnh cáo nhưữg vụ mua hang mà quên trả tiền của người Việt mà người Nhật gọi là ăn cắp.
Một đằng gọi là quên trả tiền, là nóng tính cầm nhầm, là nhấc tiệm (chắc dịch từ chữ shoplifting), là vồ, là thuổng, là xoáy, là bàn tay nhám, là … trong khi phía Nhật thì gọi đó là ăn cắp và phạt đến nơi đến chốn.
Nhưng chẳng phải chỉ có Nhật mới ngôn ngữ bất đồng (?) như thế mà ở cả các nước như Thái, Hàn quốc, Đài Loan … cũng gọi những vụ quên trả tiền đó là ăn cắp rồi bắt giữ và phạt nhiều người Việt chỉ vì họ vừa đi mua sắm vừa mải suy nghĩ làm sao phục vụ đảng đắc lực hơn, kính yêu bác Hồ nhiều hơn… nên quên cha nó việc trả tiền rồi bị người ta làm khó.
Chứ mấy cái vụ quên trả tiền như vậy có đáng gì. Kìa như cô Vũ Kiều Trinh một khuôn mặt rất nổi tiếng của truyền hình trong nước đã quên trả tiền khi đi mua sắm ở Thụy Điển và Anh lại còn được sứ quán can thiệp nói là cô bị bệnh tâm thần, về nước, vì gốc lớn, vẫn lên đài truyên hình nói chuyện văn hóa dân tộc cho đài VTV. Hay là một cặp quên trả tiền mấy căp kính đắt tiền ở Thụy Sĩ rồi cũng có sao đâu. Ngoài ra còn nhiều tiếp viên hàng không cũng hay mua sắm rồi quên trả tiên ở Nhật đó thôi.
Vì đã xẩy ra quá nhiều vụ mua hàng quên trả tiền nên các sứ quán của nước ta phải yêu cầu cảnh sát ở các nước từng xẩy ra nhiều vụ người Việt đi mua sắm rồi quên trả tiền viết lại những tấm bảng cảnh cáo bằng những câu khác hơn là những cảnh cáo không nên ăn cắp để thành những lời cảnh cáo nên nhớ trả tiền, hay đừng quên trả tiền.

Hai chữ “ăn cắp” thì nặng quá. Ăn cắp thì chỉ có những thằng to đẩu ở Hà Nội chứ quên trả tiền khi đi mua sắm ở siêu thị thì có gì đâu mà làm lớn chuyện như vậy. Cứ bắt giữ, phạt thật nặng rồi đuổi về nước là đủ rồi.

October 10, 2015

October 9, 2015


NỢ MỘT LỜI XIN LỖI

Tính tới nay, bốn mươi năm đã qua. Gần một nửa thế kỷ, thời gian đủ dài để nhìn lại những sai sót, những lầm lẫn, những chuyện không hay đã xẩy ra để tránh lập lại, và ít nhất là nhận lỗi, để đưa ra một lời xin lỗi. Mặc dù lời xin lỗi đó có muộn màng, có quá muộn màng đi chăng nữa. Tôi rất thích cách nói này của tiếng Anh: tôi nợ anh một lời xin lỗi, I owe you an apology. Khi mắc hay thiếu nợ thì phải trả, không có chuyện bỏ qua được.

Ngay sau khi những chiếc T-54 chạy vào thành phố Sài Gòn, ủi sập một cánh cổng và cầy nát thảm cỏ của dinh Độc Lập (một cách không cần thiết), thì cái việc không hay đó cũng bắt đầu.

Trong cuốn Giải Phóng (1976) củaTiziano Terzani, một nhà báo người Ý, viết về ngày 30 tháng Tư năm 1975, có một bức ảnh đen trắng chụp một nữ du kích đứng tại góc đường Tự Do và Lê Lợi, có thể là trong ngày đầu tiên khi quân đội miền Bắc tiến vào kiểm soát thủ đô miền Nam. Người nữ du kích mặc quần áo đen, khăn rằn, mặt mũi vẩu viu, vẫn chưa hoàn hồn, vẻ kinh ngạc còn nguyên trong ánh mắt. Cảnh Sài Gòn đã tạo ra nét hoảng hốt đó.

Người Sài Gòn sau những kinh hoàng đầu tiên, đã kéo nhau ra đường tung hô những thay đổi, ngây thơ tưởng như làm như thế, họ sẽ được những bánh sắt xe tăng đối xử tử tế, nhẹ nhàng hơn. Những hình ảnh chụp cảnh đốt sách báo ở ngoài đường, hay cảnh tham dự cuộc diễn hành của quân “giải phóng” người ta thấy nhiều phụ nữ mặc những chiếc áo dài đẹp để mừng “đoàn quân chiến thắng”.

Nhưng chỉ vài ba ngày sau đó, cái ngây thơ đó đã bị dội cho những chậu nước lạnh buốt và tàn nhẫn. Nói là tàn nhẫn thì cũng vẫn còn là nhẹ. Phe chiến thắng quay lại đưa ra những đối xử tàn bạo ngay sau đó. Những kiểu ăn mặc của người Sài Gòn bị chiếu cố lập tức. Ở đầu đường, góc phố, các thanh niên bị chặn lại, những mái tóc bị những nhát kéo nham nhở làm cho ngắn đi, những chiếc quần ống hơi chật bị cắt cho rộng ra để có thể lọt một cái chai. Thời trang cách mạng, bưng biền không chấp nhận kiểu ăn mặc như thế. 

Những chiếc quần jean biến mất vào trong những góc tủ quần áo hay chạy ra chợ trời cùng với những kiểu quần áo “đồi trụy” tàn dư của Mỹ Ngụy phản động.

Về phía phụ nữ thì những chiếc áo dài cũng ngừng xuất hiện. 

Những chiếc không hoa lá, mầu mè sặc sỡ thì với mấy nhát kéo để làm cho mất đi những nét thời trang bay bướm của những ngày trước khi bưng biền tiến vào. Hai chục năm Hà Nội nhem nhuốc áo cánh, quần vải thô không thể chốc lát điều chỉnh để có lại được cảm quan nghệ thuật trong lãnh vực ăn mặc. Cách ăn mặc của phụ nữ Sài Gòn chắc chắn làm cho những người như cô nữ du kích vừa từ bưng vào thành phố không vui.

Thế nên phải dẹp cái thứ thời trang không thích hợp với lối ăn mặc của cách mạng. Kiểu ăn mặc đó là kiểu đồi trụy. Cái đẹp cách mạng không có lối ăn mặc như thế.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những chiếc áo dài mini của tuổi trẻ Sài Gòn, những kiểu áo đẹp thầm kín chững chạc hơn, vai raglan, không eo cũng biến mất…

Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
Cánh tay tà áo sát vòng eo…
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ
…(Nguyên Sa)

Nhưng rồi cũng không lâu sau đó, những chiếc áo dài đồi trụy thấy dần dần xuất hiện trở lại. Chúng được mua ở chợ trời của những người chủ của chúng để giải quyết những cơn túng quẫn của trận phá sản kinh tế diễn ra ở miền Nam. Những chiếc áo ấy được đem ra Bắc, được đem ướm vào những hình hài thô kệch, và bỗng biến những nét thô kệch ấy giảm đi ít nhiều. Những chiếc áo đó được đem ra mặc, và từ từ xuất hiện nhiều hơn khi người ta thấy chúng giúp làm bớt đi những nét quê kệch của người mặc. Chúng được dùng làm kiểu mẫu để đo may và cắt những chiếc áo mới.

Những chiếc áo dài từ đó dần dần không còn bị coi là đồi trụy nữa. Cán bộ nhà nước quay sang mặc chúng trong các dịp lễ lạc, tiếp tân và vợ của các lãnh tụ cũng diện chúng trong những chuyến xuất ngoại với chồng. Hết vợ Trương Tấn Sang lại đến vợ Ba Ếch… mụ nào cũng lôi những chiếc áo may theo kiểu áo dài của thời đồi trụy Mỹ Ngụy, nhưng không thấy một con khỉ đột nào đòi cắt hai vạt trước sau như hồi năm 1975 nữa. Những cuộc trình diễn thời trang ở trong nước cũng đem trình diễn toàn những chiếc áo dài từng có lúc bị coi là đồi trụy và thiếu cách mạng tính, không tượng trưng cho nét đẹp bưng biền, giải phóng…

Bọn ngợm từng xúc phạm, mạ lị, bôi bẩn những chiếc áo dài phải xin lỗi những chiếc áo dài mới phải.

Nhưng có lẽ cũng chẳng cần tới lời xin lỗi của một bọn quen trò nhổ rôì lại liếm nữa. Cứ lôi những chiếc áo dài đồi trụy ra mặc cũng đã là tự chúng nó chửi cha chúng nó lên rồi.


Những chiếc áo dài đều biết điều đó!

October 8, 2015

October 2, 2015

NHỚ MỘT NGƯỜI TINH QUÁI

Hồi còn đi học, tôi có mấy cái hộp giầy bằng các tông để trên nóc tủ sách, mỗi lần nhận được thư từ gia đình, bạn bè… đọc xong tôi đều bỏ vào đó. Những bức thư cứ đều đặn tới và tất cả được giữ lại trong những cái hộp giầy ấy. Một hôm tôi viết vài chữ trên chiếc hộp đựng thư để phân biệt chúng với những hộp đựng các thứ giấy tờ khác. Tự nhiên không hiểu tại sao tôi lại viết xuống hai chữ “thư nhà” trên những cái hộp giầy đựng những lá thư của gia đình và bạn bè từ Việt Nam gửi sang. Đáng lẽ tôi đã có thể viết “thư gia đình” hay “thư Việt Nam”. Nhưng không biết tại sao tôi lại viết thành “thư nhà”. Nghe “thư nhà” tôi thấy nó thân tình hơn, gần gũi hơn là những chữ kia. Những bức thư nhận được từ nhà, từ những người bạn ở cái thành phố thân quen đó.

Một thời gian sau, tôi không nhớ là bao nhiêu lâu, kể từ lúc tôi đặt tên cho mấy cái hộp giầy đựng những thư từ của gia đình và bạn bè, thì một người bạn gửi cho qua đường bưu điện một cuốn sách của Võ Phiến có tên là Thư Nhà vừa được xuất bản. Đó là năm 1962.

Những bức thư mang dấu bưu điện Việt Nam hồi đó, đến bây giờ, sau nửa thế kỷ, tôi vẫn còn giữ và vẫn gọi chung chúng là “thư nhà”, cái tên Võ Phiến đặt cho cuốn sách của ông và tôi vô tình chọn để gọi chung những lá thư nhận được từ quê nhà.

Những gần gũi với tác giả của Mưa Cuối Năm, Nửa Đêm Trăng Sáng … cũng bắt đầu từ đó. Bạn tôi gửi cho tôi gần như tất cả những tác phẩm của Võ Phiến xuất bản ở Việt Nam. Phải nói ngay là những cuốn sách đó đã ảnh hưởng không ít tới đầu óc, cảm quan của một thanh niên mười chín hai mươi vừa rời trung học. Tôi đọc ông với một thái độ hệt như người đọc kinh thánh, nhưng không như người bị bịt mắt dẫn đi. Đó là suốt những năm đầu của thập niên 60. Rồi sau đó tôi về nước, và trong công việc hàng ngày, khi có dịp tôi vẫn đọc ông, mãi cho đến năm 1975.

Ra khỏi Việt Nam, trong số sách vở tôi đem theo được, là mấy cuốn sách của Đinh Hùng, Mai Thảo, Nhật Tiến và của ông. Vậy là tôi lại mang được ông, những thứ tưởng là không còn bao giờ còn ở được với mình nữa.

Những đẩy đưa của cuộc sống mới đưa tôi tới một công việc với một đài phát thanh ở Washington, và sau vài tháng, một hôm tôi thấy trong số sách tôi mang đến đài, có một cuốn Tùy Bút của ông. Tôi đề nghị với người phụ trách chương trình Việt ngữ của đài phát thanh Tiếng nói Hoa kỳ để thực hiện mục Điểm Sách cho đài, một mục nhắm gìn giữ và phổ biến di sản văn học cho những cộng đồng người Việt ở những nơi ngoài Việt Nam. Và cuốn sách đầu tiên được đem giới thiệu cho những người đọc còn ở Việt Nam sau việc đốt cho bằng hết những sách vở thời Việt Nam Cộng Hòa là cuốn Tùy Bút 1 của Võ Phiến. Liền ngay sau khi cuốn sách này được gửi tới thính giả ở Việt Nam thì tác giả liên lạc với tôi và cho biết một người trong gia đình ở Việt Nam đã cho ông biết điều đó qua một bức thư gửi từ Việt Nam qua. Một người khác liên lạc với chúng tôi là một người có rất nhiều công trong việc gìn giữ nền văn học Việt Nam sau chiến dịch “phần thư khanh nho” ở trong nước, đó là ông Võ Thắng Tiết, người đàn ông hiền lành mà chúng tôi gọi tên một cách thân mật là anh Năm, người đã xuất bản toàn bộ tác phẩm của Võ Phiến ở hải ngoại, và nhờ đó, những tác phẩm của Võ Phiến đã tới được với người Việt ở nước ngoài .

Sau những bài viết về Võ Phiến được phát thanh về Việt Nam, chúng tôi mới quen ông, nhưng phải tới khi ông về hưu và dọn về ở tại Santa Ana tôi mới có dịp gặp ông, và theo mô tả của Nguyễn Xuân Hoàng, Võ Phiến là một ông già rất tinh quái. Và càng đọc, càng nhớ lại những tác phẩm của ông thì càng thấy đó là những mô tả rất đúng về ông. Nhất là trong những tùy bút của ông. Ông chẻ những sợi tóc không phải làm tư, mà thành 16, 18. Một cọng giá ông tìm thấy trong một tô hủ tiếu ở Gia Nghĩa, cái bóng đèn hột vịt, tiếng rao hàng buổi trưa, ly cà phê ở một tiệm nước tỉnh lẻ, sợi khói quằn quại từ một cánh đồng … đọc lên mà ứa nước mắt nhớ về quê hương cũ.

Võ Phiến cho người đọc nhiều thứ lắm, như một ngày để tùy nghi, giọt mưa bên một hàng hiên, những cánh chim én chao đi trên trời, ly trà tầu trong một tiệm mì, tiếng một con chó hực lên trong đêm tối, dấu bùn trên bắp chân của một người đàn ông, vài ba câu đối thoại dấm dẳn… Gấp lại những chi tiết ấy, càng thấy yêu ông hơn…   .   

Cách đây khoảng mấy năm, bà Võ Phiến gọi tôi, nói qua điện thoại rằng “ông già” , hai chữ bà vẫn dùng để gọi ông, rằng ông muốn gặp tôi. Tôi vừa dọn sang sống tại miền Tây, đồ đạc còn ngổn ngang trong phòng. Tôi thấy bộ đồ trà mua ở New York chưa bao giờ dùng. Tôi mang biếu ông cùng với một gói trà Long Tỉnh. May mà tôi làm việc đó, vì trong chuyến viếng thăm ông hôm đó, ông cho tôi một cái gói nhỏ rất đẹp. Mở ra, là một chiếc hộp đựng cây bút có khắc tên của ông. Ông nói là ông muốn cho tôi. Tôi nghĩ ngay đến chuyện một kiếm sĩ lên núi tầm sư học đạo và sau khi thọ giáo, người kiếm sĩ được vị thầy trao tặng một thanh gươm làm kỷ niệm. Cây bút vẫn còn đây và nó sẽ còn được giữ mãi.

Sang sống ở miền Tây tôi có nhiều dịp gần ông trong những bữa ăn với sự có mặt của Trúc Chi Tôn Thất Kỳ, Ngự Thuyết, Phạm Phú Minh…Những thân tình với ông càng ngày càng sâu đậm thêm. Bà Viễn Phố liên lạc với tôi nhiều lần khi có vài ba chuyện không vui. Chính vì thế tôi thấy mình được coi là thân tình. Cám ơn chị Võ Phiến. Hôm nay tôi chỉ xin được nói lên vài ba chuyện ít nhiều có dính dáng tới những thân tình ấy.

Hôm trước tự nhiên có hai câu này hiện ra trong óc, cũng chưa phải là những câu đối, xin đọc lên ở đây, gọi là để tiễn chân ông già tinh quái nhân dịp ông ra đi:

Võ Phiến vẫn mãi gần bên Viễn Phố
Thế Nhơn luôn còn ở với người đời

Chào anh Võ Phiến…

Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan

Xin được nhỏ những giọt nước mắt chân tình nhất như của Nguyễn Khuyến với Dương Khuê, như đã với Mai Thảo, Trần Hồng Châu, Trần Bích Lan, Thanh Tâm Tuyền … như đã khóc trong ngày qua đời của hai người thân yêu nhất trong đời tôi.

Vĩnh biệt ông già tinh quái của tôi.


 Bùi Bảo Trúc