May 28, 2015

May 29, 2015

 THẰNG (ĐỨA) DẠI LÀM HẠI THẰNG (ĐỨA) KHÔN
Câu nhận định trên không biết có từ bao giờ và ai là tác giả của nó. Không ai biết, nhưng chắc phải lâu lắm. Mà cũng không ai dại gì mà nhận là tác giả của câu nhận định rất đúng nhưng lại rất thiếu những nét nhẹ nhàng, dễ nghe hay nể nang tối thiểu: cả hai bên đều bị đề cập tới bằng những chữ, nếu không bằng “thằng”, thì cũng bằng “đứa”, bất kể một phía bề gì cũng tử tế hơn, tốt đẹp hơn: phía “khôn”.
Những trường hợp “thằng (đứa) dại làm hại thằng (đứa) khôn” thì rất nhiều, Tháng trước, lại đã xẩy ra một trường hợp (rất có thể) những người rất đáng thương bị những đứa khùng điên ngộ dại làm hại đời.
Việt Nam sau 40 năm “giải phóng và thống nhất” và bất kể những thứ thống kê ngu xuẩn nói đó là một nơi thiên đàng của hạnh phúc, rất đáng để sống , hơn cả mấy nước Bắc Âu, Canada và Mỹ, ngưới dân vẫn muốn bỏ đi khỏi cái thiên đường ấy. Một số vẫn còn xuống thuyền đi tìm một miền đất hạnh phúc mới. Nhiều người muốn tới Úc để làm lại cuộc đời.
Tất cả đều bị chặn ở ngoài khơi, không cho đổ bộ lên xứ của kangaroo, của koala, của boomerang và bị trả lại Việt Nam. Gần đây, chính phủ Úc đã bắt giữ 46 người Việt khi những người này tìm cách tới Úc. Tất cả đều bị giữ kín trên một chiến hạm của hải quân Hoàng Gia Úc đậu ngoài khơi từ ngày 20 tháng 3. Các nhân viên di trú Úc đã lên tầu để phỏng vấn những người Việt này, tất cả đều xin cho được tị nạn và ở lại Úc. Cuộc phỏng vấn 46 người kéo dài (mỗi người) khoảng 40 phút đến 2 tiếng đồng hồ, và đại diện chính phủ Úc đã bác yêu cầu xin tị nạn của tất cả. Những người này hôm 18 tháng 4 đã được đưa trở về Vũng Tầu.
Cơ Quan Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã bầy tỏ quan tâm và lo ngại về việc những người này được phỏng vấn ở ngoài biển, đồng thời cũng nêu thắc mắc quyết định bác yêu cầu xin tị nạn có được công bằng hay không. Bộ trưởng Di Trú Michael Pezzullo tuyên bố tại thượng viện Úc rằng thời gian (tối thiểu) 40 phút để phỏng vấn là đủ, không quá ngắn và hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng thực ra, 40 phút có đủ không?
Trừ đi những câu chào hỏi thông thường, những lời khai về tên tuổi, nơi sinh quán, ngày lên đường, bị chặn bắt hôm nào vân vân mà tất cả đều phải mất đi một nửa (thời gian) cho việc thông dịch, thì thời lượng dành cho những câu trả lời về lý do phải bỏ nước ra đi chắc chắn không còn được bao nhiêu. Cho nên khó mà có thể nói là những cuộc phỏng vấn đã diễn ra một cách thuận lợi cho các thuyền nhân người Việt. Đó là chưa nói tới chi tiết tâm lý không mấy bình tĩnh, lo sợ ảnh hưởng rất nhiều tới những câu trả lời của những người được phỏng vấn.
Bị bác đơn xin tị nạn ở Úc là chuyện dễ hiểu. Đại diện của chính phủ Úc rõ ràng là đã có sẵn những câu trả lời, những quyết định về yêu cầu xin tị nạn của 46 người Việt hồi tháng trước.
Không cho người cha hay người mẹ tị nạn thì cũng phải bác luôn yêu cầu xin tị nạn của những đứa con còn rất nhỏ. Thế là tất cả được đưa trở lại Việt Nam.
Những câu trả lời có sẵn của các nhân viên di trú và quyết định của bộ di trú Úc có thể đã bị ảnh hưởng của những “đứa dại” đã đến Úc trước đó. Thí dụ được cho vào Úc tị nạn thì chẳng bao lâu sau đó những “đứa dại” đó lại đâm đầu đi Việt Nam soành soạch. Có những “đứa dại” năm nào cũng về Việt Nam để bầy tỏ lòng thù ghét Cộng Sản … chơi. Việc làm đó làm mất hẳn ý nghĩa của hành động đi tìm tự do, bỏ trốn chế độ Cộng Sản. Bác yêu cầu tị nạn là phải.
Mà đó cũng mới chỉ là một chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn thì lại là những nguy hiểm cho nước Úc của một số những “đứa dại” khác. Gọi chúng là những ‘đứa dại” hay những “thằng dại” có thể cũng không đúng lắm. Chúng nó không dại chút nào. Chúng rất khốn nạn. Chúng nó đã làm phiền nước Úc rất nhiều. Nói rằng chúng làm phiền là còn quá nhẹ. Việc làm bất lương của chúng thực ra đã tạo ra những nguy hiểm đe dọa đời sống của quốc gia này không ít.
Năm 1995, một tài liệu của thượng viện Úc đã đem vấn đề phạm pháp của những người Việt ở Úc ra thảo luận và coi đây là một đe dọa nghiêm trọng cho an ninh nước Úc. Các băng đảng người Việt như đảng T5 đã tiến vào các hoạt động trong các lãnh vực tội ác như ma túy, cờ bạc, cướp bóc, tống tiền … nhắm vào cộng đồng người Việt và cả các cộng đồng Úc. Cảnh sát Úc cho hay các nhóm tội phạm Việt Nam võ trang võ khí nặng đang mở rộng địa bàn hoạt động tại Nam Úc, Tây Úc, New South Wales, Queensland, Victoria, tại Brisbane, Melbourne, Sydney… Nội trong hai năm 1992 và 1994 đã có 1,360 người Việt bị bắt trong các vụ mua bán heroine ở Úc. Một số tìm cách chuyển lậu bạch phiến từ Việt Nam sang Úc để đầu độc người Úc. Một số bị bắt trên đường trở lại Úc, một số bị bắt ở Việt Nam và chắc chắn một số đã trót lọt trở lại Úc. Những thành phần này thuộc đủ mọi loại, luôn cả những phụ nữ còn rất trẻ, một phụ nữ ngoài 70 cũng dính; một người dấu heroine trong chỗ kín thì thiệt mạng trước ngày trở lại Úc khi những bao nylon bị vỡ trong cửa mình…
Kể không sao hết được những hoạt động phạm pháp của chúng. Chỉ cần gõ mấy chữ “Vietnamese criminals in Australia” là thấy ngay rất nhiều bài viết của các báo chí tài liệu của Úc viết về việc làm của bọn lưu manh, vô ơn bạc nghĩa này để đền đáp lại sự tử tế của nước Úc khi mở cửa cho chúng vào “tị nạn”.
Làm thế nào có thể trách nước Úc đuổi những người Việt Nam về nước hồi tháng trước.
Lòng trắc ẩn (compassion) cũng còn có khi mỏi mệt nữa là!

Chỉ tội nghiệp cho những người quả thực lương thiện muốn tị nạn tại Úc.

May 21, 2015

May 22, 2015

 EM LỚP SÁU



hocsinh saigon

Tôi tìm thấy bức ảnh ấy trong Internet nhưng không biết ai là người chụp nó. Cố gắng mãi tôi cũng không biết cô học sinh nhỏ ấy học trường nào mặc dù ở cổ áo dài trắng của cô có gắn huy hiệu trường. Tôi chắc đó phải là một trường nữ nào đó: tất cả các bạn của cô đều mặc đồng phục trắng, và tuổi khoảng 11 hay 12 là cùng.
Cô học sinh trong ảnh là một cô gái nhỏ ưa nhìn. Cô có mái tóc ngắn uốn quăn, không một nỗ lực làm dáng hay chải chuốt nào. Cô đeo ở tai một cặp tòn ten, miệng cười chúm chím. Cô có cái nét tươi tắn hơn tất cả những người bạn cùng lớp trong ảnh. Ở tuổi đó, chắc cô đang học lớp đầu trung học, có thể là lớp Sáu. Có một điều lạ trong bức ảnh đó: cô có nét mặt rất miền Nam. Hỏi cái nét miền Nam đó là nét gì thì quả thực tôi không biết trả lời làm sao. Nhưng nhìn cô học sinh nhỏ ấy, tôi nghĩ ngay cô là một cô bé miền Nam. Hồn nhiên, hiền lành, đằm thắm. Cô cười, hai mắt cũng cười theo.
Tự  nhiên khi xếp những chi tiết tưởng tượng đó lại gần nhau, tôi nhớ ngay đến một bài thơ đăng trong tờ Bách Khoa mà một người quen mua được ở Việt Nam khoảng hơn hai chục năm trước và cho lại tôi. Bài thơ ấy nguyên được tìm thấy trong tờ báo xuân năm 1975  của trường trung học Bùi Thị Xuân. Tác giả là một người tên Trần Bích Tiên, chắc là một nữ sinh Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Bài thơ nhan đề  là “Nói Với Em Lớp Sáu”.
Bài thơ viết bằng  7 chữ có 9 đoạn 4 câu, tổng cộng 36 câu kể lại cuộc gặp gỡ  tình  cờ buổi chiều ngoài phố. Cô học sinh lớp  Sáu tung tăng chạy trước, tác giả Trần Bích Tiên đi sau. Tác giả nhìn cô rồi nhớ lại  tuổi thơ trong lửa đạn của mình. Cha mẹ đã khuất, nhà cửa tan nát vì binh lửa, và người từng rót  vào hồn tác giả những lời hạnh phúc ngày nào cũng không còn nữa. Tác giả muốn người bạn nhỏ mới quen cứ hồn nhiên, vô tư đuổi hoa bắt bướm như trong buổi chiều hai người quen nhau vì chính tác giả đã đánh mất cái thời hoa niên đẹp đẽ đó.
Câu cuối cùng “Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên” cũng làm nhớ một câu trong một ca khúc của Lê Trạch Lựu: “Đường đời anh muốn em còn mơ”.
Bức ảnh ít nhất phải được chụp từ hơn 40 năm. Cô học trò nhỏ đó ngày nay phải ở tuổi ngoài 50. Cô đang ở đâu nơi quê hương mù mịt đó? Cô có còn ở cái thành phố nơi cô đi học và lớn lên không? Đời sống của cô như thế nào? Cô có làm được như lời căn dặn của câu cuối trong bài thơ không? Và cả Trần Bích Tiên nữa. Cô có còn làm thơ nữa không? Thơ cô làm còn buồn như bài thơ cô viết cho báo xuân năm nào?
Này em lớp sáu này em nhỏ
Gặp em rồi không quen em đâu
Chiều nay hai đứa về qua phố
Rất tự nhiên mà mình quen nhau
Em chạy tung tăng không mắc cở
Chị thì bước bước chậm theo sau
Tuổi mười hai chị xa vời quá
Chị gọi em chờ, em chạy mau
Này em lớp sáu này em nhỏ
Em hãy dừng chân một chút lâu
Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ
Tóc em thơm ngát mùi hương cau
Hương cau vườn chị xa như tuổi
Ba má chị nằm dưới mộ sâu
Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa
Chị đi về hai buổi âm u
Gặp em ngoài phố mình như bạn
Thời mộng trong bàn tay nắm nhau
Chị ngắt cho em hoa cúc nhỏ
Em cười cái miệng mới xinh sao
Ngày xưa chị cũng như em chứ
Cũng rất ngây thơ rất ngọt ngào
Chị nhớ mỗi chiều tan học sớm
Bạn bè đuổi bướm thật xôn xao
Những con bướm lượn trên bờ cỏ
Chị cũng như em chạy đuổi mau
Bây giờ bướm biệt trên đường phố
Em đuổi sương mù chơi chiêm bao
Này em lớp sáu này em nhỏ
Gặp em rồi muôn thuở không quên
Trời ơi câu đó ngày hôm trước
Ai rót vào hồn chị hỡi em?
Sách trên tay chị nghe chừng nặng
Sao cặp em đây vẫn nhẹ tênh?
Thôi nhé em về con phố dưới
Giữ hoài cho chị tuổi Hoa Niên

Cầu mong cho những cô học sinh nhỏ trong bức hình, cô học sinh lớp Sáu trong bài thơ của Trần Bích Tiên và  luôn cả Trần Bích Tiên   nữa bình an, giữ mãi được tuổi Hoa Niên cho dù bất cứ ở đâu trong thế giới này.

May 15, 2015

May 15, 2015

CÀNG NÓI CÀNG …DỐT

Hồi học tiểu học ở Hà Nội tôi có một người bạn ngồi cạnh bị cụ giáo dậy chúng tôi ở lớp Nhì ghét thậm tệ. Trong suốt mấy tháng đầu của niên học, người hàng xóm của tôi bị ăn bao nhiêu là roi mây, cho đến khi  bạn tôi bỏ hẳn cái thói quen thay tất cả “ph” bằng “f”, thói quen không biết chàng học ở đâu, có thể là chàng mang từ hậu phương về Ha Nội không chừng. Tôi chắc chàng học của bác Hồ của chàng, vì bác là người đã nghĩ ra cái lối viết mà thầy giáo  của chúng tôi rất ghét đó.

Nhiều năm sau, trong bản di chúc anh già này viết  để lại cho đàn em  với ghi chú “tuyệt đối bí mật”, ai cũng đọc thấy tận mắt lối viết ấy.

Ngay ở đầu, là  hai hàng  chữ “ Việt nam zân chủ cộng hoà độc lập, tự zo, hạnh fúc”, rồi trong suốt 7 trang di chúc viết tay đó, là những lối viết quái đản gọi là cải cách đó.

Cách viết đó hình như về sau cũng không có được bao nhiêu người bắt chước làm theo. Người ta  không thấy (mấy) ai dùng “f” thay cho “ph”, dùng “k” thay cho “c”. Nhưng mới đây, lối viết ngớ ngẩn đó lại được thấy trong một tấm bằng do một trường bách khoa cấp cho các học viên tốt nghiệp. Trong tấm bằng này, trường đã ghi môn học của học viên là”Major in Farmacy Technician”.

Có tới hai lỗi trong hang chữ vừa dẫn ở trên.

Thứ nhất là danh từ “Pharmacy” bị viết sai  là  “Farmacy” với “f”. Không thể thay “Ph” bằng “f” được. Tiếng Anh cũng không được, mà tiếng Pháp cũng không được. Khi cái lỗi này được báo chí nêu ra, thì một anh cóc nhái của trường giải thích rằng đó là  cách viết tắt nên không có gì là sai cả.

Nói vậy là nói láo, là dốt mà là cãi chầy cãi cối. Nếu viết tắt (abbreviate hay shorten)  thì Pharmacy phải viết là “Pharm.” Không bao giờ là “Farmacy”  cả. 

Lỗi thứ hai là chữ “technician”. “Technician” là chuyên viên kỹ thuật, là kỹ thuật viên. Môn học là “technology”.”Technician” là người nghiên cứu hay theo học môn “technology”. Không thể có môn học “technician” bao giờ.

Những sai sót như thế không phải là ít. Trên một số văn bằng cấp cho các sinh viên người ta thấy rất nhiều những lỗi rất sơ đẳng như vậy. Cả những chữ giản dị như tên tháng ghi “July” thành “Yuly”; “Hiệu Trưởng” ghi là “Hệu Trưởng””; “Information” thành “Infomation” (thiếu chữ “r”; “very” thành “verry” thừa chữ “r”…
Thí dụ văn bằng Bachelor of Engineer do trường Đại Học Kiến Trúc cấp chẳng hạn. Không bao giờ có thứ bằng cấp này cả. Nếu đó là bằng kỹ sư thì phải ghi là Bachelor of ENGINEERING. Không bao giờ là Bachelor of ENGINEER . Danh từ ENGINEERING là môn (học) kỹ sư trong khi ENGINEER là (người) kỹ sư. Học thì học môn ENGINEERING. Không ai học ENGINEER cả.

Những sai sót như thế là những sai sót không thể chấp nhận được khi nó xuất hiện trên những văn kiện  của những cơ sở cao cấp trong lãnh vực giáo dục. Các sinh viên, học viên tốt nghiệp của các trường đó khi xuất trình các văn bằng do các cơ sở cấp phát  chắc chắn sẽ gặp phải những thái độ nghi ngờ về khả năng của họ, và cơ hội được tuyển dụng chắc chắn cũng giảm đi không ít.  Một cơ sở giáo dục cao cấp mà để lại những sai sót ngu xuẩn  như thế thì trình độ của những người được các cơ sở đó đào tạo như thế nào thì người ta không cần phải tìm hiểu lâu la gì cũng biết.

Vậy thì cách hay nhất là đừng xuất trình những thứ bằng cấp như thế làm gì. Cứ khai phứa phựa là có bằng nọ bằng kia là đủ. Như trường hợp của tên y tá chích đít nọ rồi cũng làm tới chức thủ tướng mà không ai biết nó học ở đâu mà vẫn nhận là có bằng cử nhân luật vậy.


Đúng là “nói láo mà chơi, nghe láo chơi” như câu thơ của Bồ Tùng Linh vậy.

May 8, 2015

May 8, 2015

ĂNG LÊ … CÁI BÚA

Nước ta vẫn tiếp tục gây căm thù bằng cách nối dài và bịa đặt những chuyện phét lác trong nỗ lực dựng lên những thứ huyền thoại chống Mỹ cứu nước. Loại thành tích tưởng tượng như thế không hiếm ở Việt Nam ngày nay, nhất là vào lúc mà thành tích chống Mỹ cứu nước có vẻ đang mờ nhạt đi một cách đáng kể nhân kỷ niệm 40 năm thất thủ miền Nam.
Một tờ báo trong nước lôi ra đăng bức hình chụp không biết từ bao giờ một cái búa bầy trong viện bảo tàng với  mấy hàng chữ nguyên văn: BÚA. ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN THẮNG , HUYỆN ĐỘI PHÓ HUYỆN MỎ CÀY (BẾN TRE) DÙNG BỔ CHẾT 10 TÊN ÁC ÔN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC.
Ở dưới là 2 dòng tiếng Anh dịch hàng chú thích tiếng Việt ở trên như sau:
HAMMER. WITH THIS, CAMARADE NGUYEN VAN THANG, DEPUTY CHIEF OF MO CAY MILITARY DISTRIS, BEN TRE PROVINCE, KILLED TO DEATTS  A TOTAL OF 10 LOCAL TYRANTS.
Chuyện đồng chí Nguyễn Văn Thắng có thực sự búa chết 10 tên “ác ôn” hay không thì không thể có cách nào kiểm chứng để biết thực hư. Nhưng cần gì chi tiết đúng hay sai cho mệt, cứ dựng đứng lên rồi  nhắc đi nhắc lại một hồi là thành “sự thực” như chuyện Lê Văn Tám, một anh hùng tí hon, sản phẩm hòan toàn bịa đặt của Trần Huy Liệu mà sử gia Phan Huy Lê được chính Trần Huy Liệu nhờ cải chính, hay chuyện 16 tấn vàng và tổng thống Thiệu, cũng do chính Việt Cộng Văn Tiến Dũng ngang nhiên viết  trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân dựng lên để vu cáo ông Thiệu chẳng hạn.
Chi tiết đáng nói hơn ở đây là mức độ dốt nát của  viện bảo tàng   Quân Đội Việt Nam. Trong có hai hàng chữ tiếng Anh, người ta tìm được 3 lỗi chính tả, và 1 lỗi về cách dùng chữ.
CAMARADE là tiếng Pháp, không phải là tiếng Anh. Danh từ đồng chí trong tiếng Anh là COMRADE.
DISTRIS là sai chính tả. Phải viết là DISTRICT mới đúng.
DEATTS không có trong tiếng Anh. Phải viết là DEATH. Nhóm chữ KILLED TO DEATTS là sai hoàn toàn. Đã KILLED thì phải chết, nói KILLED TO DEATTS  là không đúng. Vì thế, dẫu cho có sửa DEATTS thành DEATHS để viết KILLED TO DEATHS thì cũng vẫn sai.  Viết  BEATEN TO DEATH thì mới đúng. Có 10 người bị đánh chết thì vẫn là 10 PEOPLE WERE BEATEN TO DEATH, không bao giờ là DEATHS, cho dù  có sửa lại chữ DEATHS cho đúng chính tả.
Thông thường thì nếu nó lú thì chú nó khôn. Nhưng ở cái viện bảo tàng Quân Đội Việt Nam ấy hình như không có một thằng chú nào hết, hay nếu có thì cũng dốt hệt như mấy đứa cháu lú đó thì phải.  Chắc cũng đã phải có nhiều “lượt người” đến coi cái búa bầy trong lồng kính, đọc mấy dòng chữ ngu xuẩn đó rồi chứ. Nhưng không thấy ma nào nhận ra những cái lỗi tày đình đó để đóng cửa lại dậy nhau cho đỡ dốt.
Thế nên cái dốt vẫn chính ình nằm đó, trơ gan cùng tuế nguyệt, không ai biết từ bao nhiêu năm nay, cho đến khi cái búa và thành tích tưởng tượng của quân đội được đưa lên báo với những lỗi chính tả và cách dùng chữ tầm bậy như người đọc ai cũng thấy.
Khổ thân tiếng Anh thật. Chống Mỹ thì cứ chống, nhưng đừng vì chống Mỹ mà chống luôn cả tiếng của người Mỹ rồi coi văn phạm, chính tả của tiếng người ta như đồ bỏ được.
Chịu khó học để khỏi bị cười thối mũi ra chứ.
Ấy là chưa nói tới chuyện đồng chí Nguyễn Văn Thắng muốn trở thành người oanh liệt hơn ít nhất hai người khác trong lịch sử cho oai.
Người thứ nhất mà đồng chí Thắng muốn qua mặt là Trình Giảo Kim. Ông này đánh 3 búa đầu thì còn khá. Nhát thứ tư trở đi thì dở ẹc. Đồng chí Thắng búa 10 nhát, nhát nào cũng chết Ngụy “ác ôn” hết trơn. Thế là hơn đứt Lỗ Quốc Công đời Đường.
Người thứ hai mà đồng chí Thắng muốn qua mặt là Sáu Búa. Gọi là Sáu vì anh này đứng thứ sáu trong bộ Chính Trị và là người chủ trương giết người bằng búa cho đỡ tốn đạn. Anh còn có một biệt danh khác là Sáu Tú Bà  vì trong những năm nắm Trung Ương Cục Miền Nam, anh luôn luôn kiếm gái đem ra Bắc để dâng cho bọn trong bộ Chính Trị, luôn cả Hồ Chí Minh và Lê Duẩn để bắt chẹt. Anh ta còn một biệt hiệu khác là Sáu Hèn vì thái độ quỵ luỵ Trung Quốc trong vụ Thành Đô năm 1990.
Anh Sáu Búa này là Lê Đức Thọ. Đồng chí Thắng khoe là dùng búa tới 10 quả mà quả nào cũng giết được Ngụy ác ôn. Nhưng may cho đồng chí Thắng vì Sáu Búa  đã chết từ năm 1990. Sáu Búa mà còn sống thì không bao giờ có thể có Mười Búa được.
Nói chi tới mấy câu tiếng Anh dốt nát như người ta đọc thấy trong bảo tàng Quân Đội. May ra nhờ thế mà khỏi lòi ra chuyện dốt nát của cả lũ nhà chúng nó.

May 1, 2015

May 1st, 2015

LẠI KHỐN KHỔ CHO THƠ LỤC BÁT
Ông Cao Bá Quát khổ cho đến lúc bị tru di tam tộc về tội đi theo giặc châu chấu. Ông bị xử trảm nhưng chết mà vẫn ấm ức. Nỗi ấm ức ấy ông mang xuống tận tuyền đài. Ông ấm ức về những khổ đau ông phải chịu cho cái mũi vô duyên của ông. Ông chết mà cái mũi vẫn còn vô duyên. Tuy thế, nếu ông có còn sống thì cũng chưa có cách nào chữa được cái mũi cho nó đỡ vô duyên hộ ông.
Ngày nay, chuyện sửa mũi là chuyện quá thường. Người Đại Hàn ở dưới vĩ tuyến 38 không còn ai có mũi thật nữa. Từ tổng thống Phác Cận Huệ cho  tới mấy anh chị nông dân Hàn quốc, ai cũng sửa mũi, one size fits all, nam nữ dùng chung  như những cái mũi người ta gặp mỗi ngày ở Little Saigon California vậy. Mũi ai cũng cao, thanh tú cả. Mũi kiểu gì sửa cũng được hết. Nhưng mũi vô duyên thì chưa sửa được. Cao Bá Quát mà còn ở với chúng ta chắc chắn sẽ chết vì cái mũi vô duyên ấy chứ chẳng cần tới đường đao của đao phủ thủ.
Ngán thay cái mũi vô duyên
Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An
(Cao Bá Quát)
Họ Cao phải bịt mũi mỗi khi bị cho nghe thơ của thi xã (một thứ thi văn đoàn) do các ông Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương cầm đầu, và đưa ra câu ví von đặt cạnh thơ của các ông bên cạnh con thuyền chở nước mắm của Nghệ An. Cao Bá Quát bị mấy nhà thơ trong triều ghét cay ghét đắng cũng vì thế. Bây giờ những cái mũi vô duyên vẫn chưa một phòng thẩm mỹ nào sửa được và vì thế những cái mũi vô duyên đó vẫn làm khổ biết bao nhiêu người.
Hôm qua (28 tháng 4 năm 2015) trên tờ  báo điện tử Vietnamnet ở trong nước có một bài báo viết về một thứ thối khắm không thua gì,  hay cũng có thể còn khủng khiếp hơn là con thuyền Nghệ An từng gây khốn khó cho cái mũi Cao Bá Quát tận tới lúc cuối đời.
Bài báo viết  về một anh thiếu tướng tên là Lê Phi Long, người được (chính anh) mô tả là một tướng tài cầm đầu một cánh quân bắt được mấy ông tướng “Ngụy”  mà anh đích thân khai thác trước khi đưa ra Bắc. Rồi anh nói phét tiếp rằng đi đến đâu lính của anh ta cũng được đón tiếp niềm nở, được tiếp tế xăng nhớt, thực phẩm, nhiều người dân còn xin đi theo bộ đội nam tiến. Chắc anh quên không kể là dân chúng nhiều người đi theo nhưng lạc đường đi tuốt sang Mỹ rồi ở luôn bên Mỹ thỉnh thoảng gửi tiền về giúp nước chơi!
Bố khỉ! Nói phét thì cũng vừa vừa thôi, còn cho những đỉnh cao phét chứ sao lại phét hết cỡ hết đường không cho ai phét nữa hay sao?
Nói phét về chiến công hiển hách xong, anh chưa hoàn toàn thỏa mãn. Anh muốn được biết tới là người văn võ song toàn mới bằng lòng. Thế là anh rút ra một bài thơ anh nói là anh viết từ chiến trường gửi về cho vợ anh ở quê nhà. Có thể anh thấy Hữu Loan có bài Mầu Tím Hoa Sim cả nước ai cũng khen hay nên anh tức khí làm một bài thơ cũng cảnh đám cưới sơ sài không cỗ bàn chỉ có trầu cau, nước trà xanh và thuốc lào, rồi cũng như Hữu Loan, anh phải lên đường ra mặt trận  vân vân. Nên anh làm bài thơ có mấy câu lục bát sau đây để tặng vợ: 
… Nhớ vùng Việt Bắc xa XA
Nhớ em anh biết nơi NAO mà TÌM
Tìm em trong cảnh sương SA
Hay trong giấc mộng con CHIM én về…
Nguyên văn bài thơ cóc nhái này được đăng trên tờ Vietnamnet trong chiều hướng làm khổ mấy cái mũi vô duyên chơi. Anh mải mê nói phét đến nỗi không học được cách làm lục bát mà ngay cả những cô thợ cấy những anh thợ cầy cũng từ dưới đồng vọng lên được bao nhiêu ca dao lục bát cho dân tộc.
XA thì không thể vần với NAO. TÌM không vần với SA. SA không bao giờ vần với CHIM  được.
May mà đã khuất bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Chứ như bà còn đâu đây thì thế nào bà lại chẳng mắng cho mấy câu:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dậy làm thơ…

Nhưng đã chắc gì bà dậy được thứ dốt mà lại phét lác như thế!