July 29, 2010

July 30, 2010

Ngày 26 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Kate Hudson, người nữ diễn viên trẻ tuổi, con gái của Goldie Hawn đã được tuần san People chọn để đưa vào danh sách những người đẹp nhất trong mấy năm liên tiếp. Xem hình cô trong báo và nhìn thấy cô vài lần trên màn ảnh truyền hình, tôi không thấy phải phản đối sự lựa chọn của tờ People. Rất đồng ý là khác.

Nhưng rồi đọc tiếp tờ People, tôi lại được biết thêm một chi tiết khác về cô: Kate Hudson thỉnh thoảng quên đánh răng.

Vậy mà cô vẫn đẹp. Tuy thế, có thể tôi chưa được nhìn thấy cô trong những lần cô quên làm công việc mà nha sĩ của cô vẫn nhắc nhở cô, đó là quên đánh răng.

Tưởng tượng cô vừa ở tiệm ăn đi ra, cô gặp bạn, cô cười với bạn. Kate Hudson có nụ cười giống mẹ cô, Goldie Hawn, hết sức. Hai người khi cười, bao nhiêu răng bầy ra hết, không thiếu một chiếc nào, cho dù là răng hàm hay răng cửa, răng nanh. Người cẩn thận có thể đếm đầy đủ. Nhưng đó là những nụ cười đẹp, những nụ cười thoải mái không một nỗ lực kìm giữ lại. Trông hai mẹ con cô cười, ngày đang u ám cũng rực rỡ nắng huy hoàng.

Thế vậy khi quên không đánh răng thì sao? Chắc cũng phải miếng rau dính vào kẽ răng, miếng thịt kẹp ở chân răng chứ. Ðẹp thì đẹp, tài tử thì tài tử, quên đánh răng thì cũng như người... thường thôi.

Khi ấy có còn đẹp không?

Lúc còn nhỏ, chúng tôi được mẹ chúng tôi dặn dò kỹ lắm: trước khi ra đường bao giờ cũng phải đánh răng cho sạch rồi mới được đi. Các bà mẹ Mỹ thì nhắc con gái phải mặc đồ lót sạch và mới kẻo lỡ bị tai nạn, vào nhà thương người ta cười cho. Mẹ chúng tôi chỉ nhắc chúng tôi đánh răng. Cái bàn chải nhỏ luôn luôn trong túi và một tuýp kem đánh răng là dấu tích của những dặn dò mấy chục năm trước.

Kate Hudson thỉnh thoảng quên, nhưng chúng tôi thì không.

Khi có miếng rau xanh dính ở răng thì cô có còn ở trong danh sách 50 người đẹp nhất của báo People nữa không? Có thể vẫn còn, nhưng khi có miếng rau thì trông cũng nản lắm. Phải nhờ người nói khéo với cô để cô đi đánh răng, hay đừng cười hết cỡ nữa.

Nhưng làm sao nói với cô? Nói để cho cô... ngượng chín người đi hay sao? Hay cứ để vậy mà coi.

Một lần đã lâu, tôi gặp một phụ nữ không phải là Kate Hudson. Tôi biết Kate Hudson, nàng không phải là Kate Hudson, theo kiểu nói của một thượng nghị sĩ chọc quê ông Dan Quayle tại cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên phó tổng thống (I knew John Kennedy, you are not John Kennedy).

Không là Kate Hudson, nàng lại còn rất hung hãn trong lúc nói chuyện văn chương với vài ba người bạn của tôi. Nàng "giảng" cho chúng tôi về các khuynh hướng văn học mới ở Tây phương. Chúng tôi tự nhiên bị nàng coi là học trò ngồi nghe nàng giảng. Ðúng lúc nàng đang nói về Romain Gary, về Nathalie Sarraute, về Alain Robbe-Grillet và Michel Butor... thì tôi thấy miếng rau xanh ỡ kẽ răng nàng.

Trông nàng lúc ấy nản lắm. Ðể nguyên nhan sắc cũng đã không nhiều. Lại thêm cái trò hung hãn lên lớp mọi người, coi thiên hạ như cỏ rác hết. Nên miếng rau xanh lại càng làm cho phong cảnh hết sức nản chí bầu cua. Hai người bạn của tôi có thể biết nhưng vẫn ngồi nghe chăm chú. Còn tôi thì đau khổ vì miếng rau xanh đó vô cùng. Nàng thì vẫn thuyết giảng cho chúng tôi về văn chương. Ngó đồng hồ, tôi thấy cần phải về, không thể ngồi nghe nàng dậy học miễn phí nữa. Tôi đưa tay lên miệng, chỉ vào răng mình. Nàng ngưng nói, mắt nhìn dò hỏi. Tôi thấy không thể không nói cho nàng biết về miếng rau xanh, nên đem hết can đảm nói cho nàng biết chi tiết không hề dính dáng gì đến những chuyện văn chương nàng đang thuyết cho chúng tôi nghe. Nàng thò tay kéo miếng rau ra khỏi kẽ răng rồi... ực một cái.

Chuyện văn chương kết thúc ngay sau đó, và cả ba chúng tôi cùng ra về.

Không biết Kate Hudson lúc có miếng rau xanh thì như thế nào? Có thuyết về văn chương Mỹ, về Jack Kerouac, về Allen Ginsberg... cho tôi nghe không?

Ðừng có mà dại dột!


Ngày 27 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Chuyện đổi giống cho một vài chữ trong các bài hát ("em" thành "anh", "anh" thành "em" ) thực ra không phải chỉ thấy một số ca sĩ làm cho những ca khúc của chúng ta, mà luôn cả các bài hát của Mỹ cũng thấy có những trường hợp tương tự.

Nhưng có khi cũng phải đổi thật. Một giọng nữ, thí dụ khi hát bài Mộng Dưới Hoa mà cứ "... chưa gặp EM, tôi vẫn nghĩ rằng..." thì kỳ quá. Nhưng đổi "em" thành "anh" thì lại càng kỳ cục hơn: " chưa gặp ANH, tôi vẫn nghĩ rằng..." bởi vì sau đó "em" sẽ nghĩ gì? Nghĩ rằng " có một... ông béo... đẹp như trăng..." ư?

Không được một chút nào hết.

Mà để nguyên thì cũng không được. Các giọng nữ nên tránh bài hát này vì sửa, thay giống cho người trong lời ca đã không được mà không thay giống thì lại càng ghê rợn hơn.

Bài Jamaica Farewell từ bao nhiêu năm nay tôi vẫn chỉ nghe qua giọng của Harry Belafonte. Tôi chưa nghe một giọng nam nào khác hát bài này. Giọng nữ thì lại càng không nghe bao giờ.

Bài hát viết bằng điệu calypso kể chuyện một người đàn ông trên một chiếc tầu buồm đi lang bạt kỳ hồ, đến Jamaica, một đảo quốc ở ngoài khơi biển Trung Mỹ thì tầu ghé lại. Chàng quen một phụ nữ ở đó nhưng ít ngày sau, tầu chàng lại rời bến, chàng phải bỏ lại người em bé bỏng -- my little girl -- ở Kingston, Jamaica. Chàng đi mà biết còn lâu lắm mới trở lại Kingston nên chàng nhớ nàng điên cuồng, trái tim trĩu nặng, đầu ngoảnh lại ngó tìm nàng, không dứt ra mà đi được:

... but I'm sad to say I'm on my way
won't be back for many a day
my heart is down, my head is turning around
I had to leave my little girl in Kingston town.
..

Mấy hôm trước tôi tìm được một đĩa CD của Patti Page với nhiều bài tôi rất thích, trong đó lại có cả bài Jamaica Farewell. Tôi vội vàng về nhà nghe thử, tò mò coi giọng nữ sẽ hát bài này như thế nào, coi Patti Page bỏ lại... cái gì ở Kingston, bỏ lại người em bé bỏng (my little girl) hay người anh to béo (my big fat boy)... coi Patti Page có đổi giống cho kẻ bị bỏ lại ở Kingston không.

Nếu Patti Page bỏ lại "my little girl" như lời ca nguyên thuỷ thì kỳ chết. Phụ nữ sao mà kỳ vậy chứ!

Vì nếu để nguyên người em bé bỏng -- my little girl -- thì Patti Page như... vậy ư? Thế thì tại sao mấy chục năm nay giọng hát này hát những bài tình ca (nam nữ) hay thế? Nào I Went To Your Wedding, nào Tennessee Waltz, nào Changing Partners, nào How Much Is That Doggie In The Window?...Toàn là những tình ca đôi lứa, về tình yêu của đàn ông, đàn bà.

Chắc Patti Page không như vậy. Nhưng nếu "my little girl" là một đứa bé hai ba tuổi, thì bộ Patti Page là mẹ của em bé hay sao? Mẹ gì lại ham chơi thế? Leo lên tầu là đi mất đất luôn vậy? Ði không biết bao giờ mới trở lại đón con. Mẹ sao mà tồi thế?

Nhưng mọi phỏng đoán của tôi đều sai bét. Patti Page đổi giống cho... đứa ở lại Kingston để thành "my little boy".

Nhưng như vậy thì lại càng kỳ hơn. Patti Page tự nhiên biến thành một nữ du khách sồn sồn, ghé lại Jamaica là kiếm ngay được một cậu gigolo để yêu cuồng sống vội vài ba ngày, rồi lại lên tầu đi chỗ khác, kiếm một toy boy khác vui chơi tiếp.

Ý nghĩa của bài Jamaica Farewell hát bằng giọng nữ phải là như thế, cho dù có đổi giống hay không đổi giống cho nhân vật trong lời ca của bài hát thì cũng vậy.

Tốt hơn là né luôn, không hát nữa mới được. Ðổi làm sao cũng không thể nghe lọt tai.

Không thể có những người đàn ông kỳ lạ như thế này được:

"Anh" tôi ưa đứng / Nhìn trời xanh xanh / Mang theo đôi mắt / Buồn vương giấc mơ...

Hay: Tôi có người "anh" nhỏ / Xanh xanh đôi hàng mi / Môi hồng (?) vừa đương độ / Chưa biết sầu biệt ly...

Hay: Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người "anh" tóc (?) dài...

Phụ nữ nên tránh những ca khúc như thế. Họ có thể lấy ca vát của đàn ông đeo thì được. Nhưng hát những bài hát của giọng nam thì không được.

Phụ nữ nào dám hát câu hát này của Lam Phương: "Nhiều đêm chăn gối bên người không quen biết..."

Ðố đấy


Ngày 28 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Nếu có người không lái được xe nữa mà cũng không có bất cứ một cơ hội nào để ngồi vào tay lái xe mà cứ nằng nặc đòi người khác bỏ tiền ra mua cho cái xe rồi đậu nó trong ga ra để có cái thẻ chủ quyền chứng tỏ mình có xe để... ngắm chơi thì bạn nghĩ làm sao.

Ở Boston có một người như thế. Chàng năm nay 53 tuổi, tên cũ là Robert Kosilek, nay là Michelle sau khi được toà chấp thuận cho đổi tên. Lý do chàng xin đổi tên là vì chàng nói chàng là một người đàn bà bị "nhốt" trong cơ thể của một người đàn ông. Chàng phải trở thành đàn bà. Ðổi xong tên, việc trở thành đàn bà của "nàng" vẫn chưa hoàn tất vì cái nhà tù giam người đàn bà của "nàng" ở trong vẫn còn nguyên. Nghĩa là "nàng" vẫn còn nguyên nhưng thiết bị mà các bà mụ oái oăm nặn cho "nàng". "Nàng" vẫn là một người đàn ông đầy đủ các bộ phận.

"Nàng" đòi chính phủ của tiểu bang Massachusetts phải trả tiền để "nàng" giải phẫu cho thành một người đàn bà hoàn toàn, không thừa, không thiếu khúc nào. Tiểu bang không chịu, "nàng" kiện tiểu bang, nại Tu Chính Án số 8 nói rằng tiểu bang đã trừng phạt "nàng" một cách tàn bạo và khác thường (cruel and unusual punishment).

Có chuyện trừng phạt tàn bạo và khác thường ở đây là vì "nàng" đang bị tù về tội giết vợ. "Nàng" bị tù chung thân và sẽ không bao giờ được khoan hồng. "Nàng" sẽ ở tù cho đến lúc được chuyển qua nhà quàn. Ðó không là chuyện "nàng" phản đối và coi là những trừng phạt tàn bạo và khác thường. Tàn bạo và khác thường là tiểu bang không cho "nàng" giải phẫu đổi giống bằng tiền của tiểu bang.

Nhưng trường hợp của chàng / nàng thì làm đàn ông hay làm đàn bà cũng có gì khác nhau đâu. Làm đàn ông tiếp như con Tạo trớ trêu đã chơi khăm chàng thì cũng bốn bức vách cho đến khi chết. Mà làm đàn bà thì cũng bốn bức vách cho đến lúc chết. Làm đàn ông thì chàng cũng không còn có thể nay chị nọ, mai chị kia, đi ăn, đi chơi, đi nhẩy đầm, gieo rắc khắp bốn phương như cái châm ngôn của nhà xuất bản Larousse -- Je sème à tous vents -- được. Có sửa sang, cắt đây, nhíu đó, mở chỗ này, bơm chỗ kia để thành một chị thì chị cũng có làm được gì cho bõ những ngày cơ cực. Cách gì có thể Victoria's Secrets diện vào, nước hoa thơm lừng để nay "date" cậu này, mai "date" cậu nọ, mốt làm khốn khổ thân đời một thằng cha khác, tuần tới là làm tan nát đời hoa một chàng kia.

Thế thì sửa làm gì cho tốn tiền tốn bạc của Massachusetts? Chính phủ tiểu bang không chịu là phải lắm. Mua cái xe thì phải chạy. Không chạy được, không được cho đi đâu thì mua xe về làm gì?

Cũng thế, Michelle Kosilek có sửa hết trong ngoài thì cũng có làm được gì. Mà nếu kỹ thuật tân kỳ có sửa được hoàn toàn rồi, thì ở tuổi ngũ tuần đó, cơn đại hoạ menopause nhào xuống, phủ chụp lên đời nàng rồi thì... sửa làm gì nữa cho tốn tiền vô ích?

Thế nên cách hay nhất, đỡ tốn kém nhất, lại không còn bị kiện là trừng phạt tàn bạo và bất thường là chính phủ Massachusetts xuống Virginia kiếm Lorena Bobbitt, người phụ nữ có đường dao tuyệt vời từng một lần vung ánh thép, chính xác và hữu hiệu hơn Kinh Kha trong Tâm Sự Kẻ Sang Tần của Vũ Hoàng Chương: "Một nhát dao bay nghìn thuở đẹp..."

Mời Lorena Bobbitt lên Boston, rồi "chín tầng gươm báu trao tay" đẩy vào phòng cho Lorena vung gươm sau mấy năm không được dùng tới đường gươm ác liệt ấy là xong ngay. Quăng cho một ít bông băng là xong chứ gì.

Hết bị lôi Tu Chính Án số 8 ra kiện cáo lôi thôi, mà hai ba phía đều vui vẻ cả.

Phía chính phủ và dân chúng tiểu bang thì không phải tốn tiền.

Phía Lorena thì có dịp ôn lại đường đao.

Còn Michelle Kosilek thì không còn than là... thừa thãi gì nữa.


Ngày 29 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Mục Mantrack của tờ Playboy, tờ báo mà bạn đọc trung thành từ hơn 40 năm nay không bỏ sót số nào như có lần bạn khoe với tôi, là mục càng ngày càng cho thấy là nên bị dẹp bỏ vì nó quá vô duyên, ấm ớ và ngớ ngẩn.

Nó hoàn toàn không làm được bất cứ gì để giúp cho người đàn ông tay chơi của thế giới lịch lãm thêm ra được chút nào.

Thí dụ như lần người phụ trách mục này chỉ cách thắt cái nơ con bướm bằng những bức minh họa rất chi tiết chẳng hạn. Nhưng đã là playboy, đã là tay ăn chơi lịch lãm, đã là độc giả của tờ báo này mà còn phải học thắt cái nơ con bướm hay sao? Tay chơi gì mà nhà quê tận mạng vậy? Nếu không biết thắt nơ con bướm (nguyên đó đã là một chuyện quê cùng mình rồi) thì cũng không nên tự mình thắt lấy. Hãy để đôi bàn tay có những móng đỏ của người đang đứng phía trước kéo cái cổ xuống, choàng cái nơ quanh cổ áo, thắt nó lại trong lúc mùi nước hoa thoang thoảng lãng đãng xa gần mới phải. Tại sao phải tự mình thắt lấy? Tại sao đến bây giờ mà vẫn còn phải học để thắt cái nơ con bướm dễ ẹc đó?

Hay có lần khác, mục này còn dậy độc giả làm cách nào, bằng ba ngón, ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, tháo được cái khóa nịt vú. Ðức Khổng Tử nói rằng ân oán chỉ nên cởi chứ không nên buộc lại. Nịt vú cũng thế, không nên cài bao giờ. Nhưng nếu đã cài, thì cũng không việc gì đến người đàn ông phải thò ba ngón tay, loay hoay tháo cái khóa oan nghiệt đó ra. Việc ấy là của chủ cái... thiết bị (?) rắc rối đó. Người đàn ông lịch lãm, tay chơi (dẫu cho có chân tu) thì cũng không bao giờ nên động thủ trong những trường hợp như vậy.

Hay lần khác, mục này dậy cách cầm đũa sao cho thanh lịch, làm sao xếp cái va ly, làm sao gấp cái jacket mà không bị nhăn...

Toàn là những việc làm ấm ớ, vô bổ.

Nhưng những chỉ dẫn trong một số gần đây của tờ báo này mới thực là kỳ quái. Người phụ trách chỉ cách cho độc giả làm thế nào quấn cái khăn turban.

Ðọc kỹ những lời chỉ dẫn có 4 bức họa đi kèm, thì người ta thấy ngay kiểu turban được chỉ cách quấn không phải là kiểu của người Sikh để che kín toàn thể mái tóc được búi ngược lên đỉnh đầu; mà nó cũng không phải kiểu turban của mấy ông thầy tu Hồi giáo ở Iran như Ayatollah Khomeini, Rafsanjani... mà là kiểu turban của mấy cậu Taliban ở Afghanistan.

Cách quấn turban cũng không khó lắm: lấy một tấm vải chiều ngang chừng 45cm, chiều dài khoảng 9 mét... rồi quấn lên đầu mấy vòng, bỏ lòng thòng một khúc khoảng 60cm. Thế là xong.

Nhưng xong rồi thì làm gì với cái turban trông cứ như Mullah Mohammad Omar... thiếu bộ râu hai năm không cạo?

Ði ra phi trường, luồn lách, né tránh mấy cái máy dò kim khí ở cửa kiểm soát an ninh, kiếm cái tầu bay leo lên chơi? Hay thuê cái taxi chạy đến trước căn nhà số 1600 đại lộ Pennsylvania xớ rớ đứng chơi, chờ Michelle xuất hiện để bẹo má một cái? Hay dừng xe lại trên cầu Golden Gate ở San Francisco, lôi trong túi ra miếng giấy, hí hoáy viết vài chữ?

Toàn là những trò chơi dại dột!

Bộ muốn ăn đòn nhừ tử rồi bị đem quăng vào mấy cái chuồng ở trại X-Ray trong căn cứ Guantanamo, phát cho cái thảm nhỏ để mỗi ngày chổng đít cầu kinh 5 lần, không được cho ăn thịt quay, xá xíu mãn đời sao?

Hay là ra phố kiếm cái burka choàng lên đầu người em bé bỏng rủ ra phố ăn kebab thịt cừu cho cả xóm bịt mũi chơi?

Rõ thật là vô duyên. Trong khi ở nước Mỹ, cái turban quấn theo kiểu Pastun ở Afghanistan trên đầu lập tức tạo ra những cái nhìn nghi kị, ghê tởm, thù nghịch, có thể đưa tới bạo hành, thì tờ Playboy dậy cho các tay chơi làm sao quấn lên đầu cho đúng cách!

Chỉ có một cái khăn nên quấn trên đầu, đó là cái khăn trong một bài thơ của ông Thi Sĩ Trung Niên Bùi Giáng. Mà cái khăn này thì quấn quá dễ, chẳng cần ai chỉ cách.

Ông Bùi Giáng viết trong bài thơ của ông rằng một hôm thấy một cô gái lội qua con suối, quần áo, thân thể ướt nhẹp phải cởi quần áo ra phơi. Ông ngồi ngó, thấy không đành tâm, đang đội cái khăn trên đầu, ông tháo ra cho cô mượn để lau người cho khô. Chợt nhớ cái khăn quấn trên đầu để mỗi lần khấn vái tổ tiên, nhà thơ ân hận nghĩ đã xúc phạm đến tiền nhân. Thì may sao, tổ tiên ông dưới mồ thức dậy nói rằng cô gái cứ tự nhiên dùng khăn lau bất cứ chỗ nào cũng được.

Khăn như thế mới nên dậy để quấn chứ turban của Taliban quấn vào đầu làm gì cho ốm đòn, lại chẳng có ma nào mượn mà lau... bất cứ chỗ nào cũng được!


Ngày 30 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Tờ Orange County Register cho biết là tại nghị viện tiểu bang California đang có một dự luật chờ được biểu quyết, và nếu được thông qua, và được ký ban hành, thì nó sẽ đưa tới rất nhiều thay đổi trong cách lái xe của người dân ở đây.

Nguyên do là vì một độc giả hỏi tờ báo này rằng lái xe mà cho chó (hay mèo?) ngồi trên lòng có vi phạm luật giao thông không, thì nhà báo cho biết hiện nay thì không, nhưng dự luật đang nằm ở nghị viện có ghi những đề nghị cấm hẳn việc làm đó.

Mà không chỉ có thế, dự luật còn cấm thêm một số chuyện khác nữa. Thí dụ đánh móng tay, giũa móng tay, tô son môi, đánh phấn, chải tóc, ăn uống, nói chuyện điện thoại, nghe radio và tất cả các việc làm khác có thể làm chia trí người lái xe.

Chính sự đề cập đến những việc làm cho người lái xe không tập trung được sự chú ý là điều rất đáng nói ở đây.

Tưởng tượng đang chăm chú lái xe, tự nhiên có tiếng gọi giật giọng yêu cầu bình luận về một người nào đó trong buổi tiệc ở nhà người bạn hồi tối. Lập tức, tâm trí của người lái xe bị chia ra làm hai ngay. Một nửa phải tiếp tục làm việc bình thường để giúp người lái tuân thủ luật giao thông của tiểu bang: dùng đèn hiệu khi đổi hướng, không chạy quá tốc độ cho phép, ngưng tại bảng stop vân vân. Nửa kia phải nhớ lại người có mặt trong buổi tiệc là ai, rồi phải nghĩ ra tất cả những điều xấu xa về đương sự để trả lời cho xuôi tai và vui lòng người hỏi. Phải xoáy vào tuổi tác (già, rất cao niên, tăng thêm vài tuổi) của đương sự, kế đến là những chi tiết bất lợi khác như nhan sắc (không có gì, xấu là khác), thời trang (nhà quê nhà quáo, hở hang quá nhiều một cách không cần thiết), cách ăn nói (vô duyên, thiếu hiểu biết) và những chuyện khác chung quanh đương sự như giọng nói, cách đi đứng vân vân.

Nghĩ ra được bằng ấy điều thì còn đâu tâm trí mà lái xe cho an toàn được nữa. Dự luật cấm hẳn những việc có thể tạo chia trí cho người lái xe như vửa kể.

Nhưng những nỗ lực bình luận (bất lợi bằng những chi tiết xấu xa như trên) thì cũng chỉ thỉnh thoảng mới được đem ra sử dụng trong khi những việc được coi là có thể tạo chia trí cho người lái thì lại rất nhiều và lúc nào cũng có thể diễn ra trong xe: "Ối giời ơi! Suýt nữa bố (?) đụng phải cái Mẹc xơ đì của người ta nhá... Bố sang lên (?) phải đi... chậm lại... không, nhanh lên cho em coi con mụ nào lái chiếc BMW thế kia... Ối giời đất ơi... bố không thấy à? Con mụ X đấy thôi... sửa cho lắm vào... cái rốn bị kéo lên thành cằm có lỗ của Kirk Douglas rồi thấy chưa... Sao bố lái kỳ thế... sang lên giữa đi... Bố lái như thế là em bị máu nhồi cơ tim rồi ai lo (?) cho bố... Bố thấy cái Lếch Xịt trắng sau cái Tồ Dô Ta đỏ không... Em mê cái xe đó bố ạ... Bỏ mui ra, xõa tóc cho bay trong gió thì khối đàn ông trung niên chết đứ đừ vì nhan sắc vợ của bố đấy bố ạ... Ấy, bố đừng đi sát đít (xe) con mẹ đằng trước... Úi giùi ui... sao bố cứ đi theo nó hoài vậy? Quẹo tay mặt, đi đường khác đi...Em mặc cái bộ Xanh Dôn này được chứ hả bố... ai biết em mua xeo ở Xao Cốt Pờ La Da... Xanh Dôn mà lại mầu xanh rờn thế này khó kiếm lắm đấy nhá... Ô kìa, tại sao không vào cái ếch dít này? Ði quá rồi đó bố..."

Dự luật cấm hẳn những việc làm tạo chia trí như thế, và cảnh sát công lộ CHiP (California Highway Patrol) được lệnh chặn những xe như vậy và kẻ vi phạm (tức là người gây chia trí cho người lái) có thể bị còng tay, dán duct tape vào miệng cho hết nói nhảm, quăng ra ghế sau làm... back seat driver (người lái xe ngồi ghế sau) cho đúng nghĩa và giúp duy trì an toàn trên công lộ cho người lái.

Nhưng tại sao mãi đến nay mới có một dự luật như thế mà có rồi tại sao còn ngâm ở nghị viện chưa chịu thông qua, ban hành cho những người lái xe nhờ?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 85)

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 85 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Hôm nay, Thúy muốn anh chỉ cách ăn nói thế nào cho lễ phép. Thúy hiểu là FORMAL khác với POLITE. Thúy muốn được chỉ cách dùng POLITE chứ không cần FORMAL.

BBT

Cám ơn cô Thúy. Tôi cũng định đề cập tới vấn đề này từ lâu thì nay cô lại hỏi.

QA

Thưa anh, anh cho một thí dụ để QA hiểu sự khác biệt giữa FORMAL và POLITE.

BBT

FORMAL là mặc tuxedo, đeo nơ đen, nghiêng mình chào ,khụyu chân xuống một chút trước mặt nữ hoàng Anh, thưa gửi YOUR MAJESTY vân vân. POLITE là ngồi ăn, quay sang hỏi "Ông bà dùng món tôm hùm được không?" Hỏi "Ông bà "đớp" được chứ …" là không POLITE mà cũng không FORMAL chút nào cả. Lối ăn nói, ngôn từ như vậy là IMPOLITE, là RUDE.

LÃM THÚY

Thí dụ của anh với chữ "đớp" thì dĩ nhiên là IMPOLITE rồi. Nhưng trong Anh ngữ người ta dùng động từ gì cho câu nói lễ phép hơn. Thí dụ I WANT THIS, I WANT THAT thì nhất định là không POLITE rồi.

BBT

Tôi kể chuyện này để sau đó sẽ nói tiếp về cách nói sao cho POLITE. Chuyện kể có hai nhà ngoại giao Anh và Pháp ngồi cạnh nhau trong một bữa tiệc. Nhà ngoại giao Anh có vẻ dè bỉu, coi thường cách ăn nói của người Pháp, nói rằng cái lễ phép, ngoại giao, ngôn từ dùng nhiều uyển ngữ EUPHEMISM của người Pháp chẳng qua chỉ là một hơi gió thoảng, không làm được gì hết. Nhà ngoại giao Pháp đáp đúng là như thế, nhưng khi đem cái hơi gió đó bơm vào vỏ xe thì cái xe chạy êm hơn là chạy bằng những cái bánh xe gỗ.

Chuyện bơm không khí vào bánh xe là việc làm cho cái bánh xe mềm đi, xe đỡ sóc.

Tiếng Anh cũng thế, khi muốn nói cho lễ phép, người ta dùng những động từ có khả năng làm cho chuyện dịu đi, mềm đi. Đó là những động từ gọi là SOFTENED VERBS. Mấy câu cô Thúy nêu ra ở trên nghe không … mềm, không dịu chút nào.

Nhưng khổ một nỗi là khi mới học tiếng Anh, hay khi nói tiếng Anh ở một trình độ nào đó thì người ta, mặc dù không cố ý, vẫn trở thành IMPOLITE, thiếu lễ phép mà có khi không biết.

QA

QA nhớ là những bài vỡ lòng tiếng Anh thì chỉ dậy QA nói nhữngcâu như I WANT THIS, I WANT THAT như Thúy nêu ra ở trên mà thôi.

BBT

Đúng thế, nên câu hỏi WHAT DO YOU WANT? rất đúng văn phạm nhưng nghe đầy hăm dọa, hay ít ra thì cũng là không POLITE mấy. Tưởng tượng bước vào một cửa tiệm ở Mỹ, mà nghe câu WHAT DO YOU WANT? thì cũng sợ thật. Nếu không sợ thì cũng thấy rất là RUDE.

LÃM THÚY

Vậy phải nói thế nào thưa anh, khi muốn hỏi phía bên kia cần gì. Thí dụ như tại cửa hàng của Thúy chẳng hạn. Khách đến mà hỏi WHAT DO YOU WANT? thì sẽ khó thấy khách trở lại lần nữa.

BBT

Chúng ta dùng SOFTENED VERBS. Một trong những SOFTENED VERBS là động từ WOULD. Thay vì nói WHAT DO YOU WANT? chúng ta sẽ nói thế nào?

LÃM THÚY

Thúy có nghe cách dùng này rồi nhưng hôm nay mới biết WOULD là một SOFTENED VERB. Hình như nói thế này phải không thưa anh: WHAT WOULD YOU WANT?

BBT

Rất đúng. Nhưng thay vì WANT, dùng LIKE thì câu lại nhẹ thêm nữa: WHAT WOULD YOU LIKE?

WANT là muốn. LIKE là thích, ưa. Thay vì nói I WANT TO TALK TO HIM hay I LIKE TO TALK TO HIM thì QA sẽ nói thế nào cho POLITE , nhớ dùng SOFTENED VERB WOULD.

QA

I WOULD LIKE TO TALK TO HIM. Không dùng I WOULD WANT TO TALK TO HIM, vì như anh nói ở trên, LIKE nghe nhẹ hơn là WANT.

BBT

Cô Thúy đổi câu AFFIRMATIVE này thành câu INTERROGATIVE coi: HE WOULD LIKE TO MEET THE AUTHOR.

LÃM THÚY

WOULD HE LIKE TO MEET THE AUTHOR?

BBT

QA cho nghe hai câu hỏi với WOULD LIKE coi.

QA

WOULD YOU LIKE SUGAR IN YOUR COFFEE?

WOULD THEY LIKE TO STAY FOR DINNER?

BBT

Để trả lời cho câu hỏi WOULD YOU LIKE SUGAR IN YOUR COFFEE, câu trả lời có thể dùng một động từ khác hơn là LIKE để cho có vẻ hết lòng hơn. Đó là động từ TO LOVE. Thí dụ người đàn ông nói : WOULD YOU LIKE TO DANCE WITH ME? thì câu trả lời , nếu quả thực là muốn, là thích thì sẽ nói như thế nào?

LÃM THÚY

I WOULD LOVE TO , hay I WOULD LOVE TO TRY THE TANGO .

BBT

Động từ WOULD được dùng để hỏi về ý thích, ước muốn, ưa thích. I WOULD LIKE TO SIT BY THE FIRE WITH A GLASS OF COGNAC AND A GOOD BOOK WHEN IT SNOWS OUTSIDE.

QA

QA còn nghe người ta dùng COULD thay cho CAN trong khi chuyện hỏi là chuyện hiện tại. Tại sao vậy thưa anh? Thí dụ COULD I BORROW YOUR NEW CD FOR THE WEEK-END? Hôm nay chưa là cuối tuần. Tại sao lại dùng COULD I mà không dùng CAN I?

BBT

Cô QA hỏi một câu rất đúng lúc. Tôi đang định nói qua động từ COULD sau khi giảng về WOULD. Xin trả lời cô động từ COULD cũng là một SOFTENED VERB. Dùng CAN không POLITE bằng COULD. Thí dụ I CAN TELL YOU THAT YOU ARE MOST CORRECT thì không lịch sự bằng I COULD TELL YOU THAT YOU ARE MOST CORRECT. COULD nghĩa là có thể, khi dùng trong những trường hợp như vừa kể thì COULD không phải là PAST TENSE của CAN để nói về một khả năng trong quá khứ. Cô Thúy, khi nói SHE COULD READ AT THE AGE OF THREE thì COULD có phải là cách dùng lễ phép không?

LÃM THÚY

Không. Đó chỉ là để nói khi mới có 3 tuổi, cô ấy đã có thể đọc được sách báo. Nhưng khi nói COULD I USE YOUR COMPUTER TO CHECK MY E-MAIL? Thì đó là cách dùng POLITE.

QA

Từ nay, QA sẽ phải rất cẩn thận để khỏi mang tiếng là ăn nói thô lỗ, thiếu văn hóa, không lịch sự. COULD YOU HELP ME … COULD YOU DO ME A FAVOR…COULD YOU SAY THAT AGAIN… COULD YOU CLARIFY WHAT YOU JUST SAID…

LÃM THÚY

Bây giờ thì Thúy thấy WHAT DO YOU WANT nghe dễ sợ thật. Nhưng ngoài hai động từ WOULD và COULD, hai động từ được goi là SOFTENED VERBS dùng dể cho câu nói nhẹ nhàng hơn, còn cách nào để giúp cho cách ăn nói lễ phép hơn không thưa anh?

BBT

Như hai cô đã nói ở đầu giờ, tiếng Anh mới học thường nghe không lễ phép cho lắm. Đó là vì người mới học tiếng Anh chỉ dược dậy những điều sơ đẳng nhất, sao cho đúng văn phạm để diễn tả những ý tưởng bằng thứ tiếng Anh căn bản nhất. Nói cho đúng văn phạm cũng giúp cho câu nói lễ phép hơn. Thí dụ nói YOU HAVE TIME? YOU GO DRINK COFFEE? WANT COFFEE? thì không thể lịch sự như khi nói IF YOU HAVE SOME TIME, WE CAN GO TO A COFFEE SHOP.

Lịch sự hơn thì nói IF YOU ARE FREE, WE COULD GO OUT AND HAVE SOME COFFEE.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh nói tắt. Thay vì CAN’T , nói đầy đủ là CANNOT. Không dùng COULDN’T hay WOULDN’T mà dùng COULD NOT và WOULD NOT.

LÃM THÚY

Thúy có cậu con trai lớn có tài ăn nói, nói cái gì cũng được, nói con kiến trong lỗ bò ra. Trò nói ngọt của cậu rất đáng nể. Con gái Thúy hay nói anh nó COULD SWEET TALK EVERYBODY INTO DOING ANYTHING.

QA

SWEET TALK là nói ngọt phải không thưa anh? Thế thì có khác gì tiếng Việt đâu. Nhân Thúy dùng động từ SWEET TALK, QA muốn anh dậy cho một vài idiom với chữ SWEET. QA tin là những idioms này sẽ rất tiện dụng trong những lúc nói tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày.

BBT

Chắc hai cô phải biết TO HAVE A SWEET TOOTH là gì chứ?

LÃM THÚY

Là hảo ngọt , là ưa ngọt phải không anh? Cái răng đó thì Thúy có. Nhưng SWEET TOOTH có nghĩa như chữ "hảo ngọt" trong tiếng Việt không thưa anh?

BBT

Không. Nhưng SUGAR DADDY thì có nghĩa là ông già hảo ngọt, thích phụ nữ trẻ, quà cáp, tiền bạc để dụ những người phụ nữ này.

QA

QA bữa nọ đi ăn cơm Tầu thấy món SWEET AND SOUR thì đích thị đó là món xào chua ngọt phải không anh? Nhưng BITTER SWEET là khổ qua xào ngọt không biết có đúng không ?

BBT

SWEET AND SOUR PORK thì đúng là thịt heo xào chua ngọt. Nhưng BITTER SWEET thì có nghĩa khác. Thí dụ hai người yêu nhau khi còn trẻ, rồi phải xa nhau, mỗi người một nơi, sau những tan vỡ bất hạnh, cả hai đều đã già, đều đã tả tơi vì đời sống, gặp lại nhau… thì đó là một BITTER SWEET EXPERIENCE, kinh nghiệm vừa cay đắng, chua chát , vừa ngọt ngào hạnh phúc.

SWEET NOTHINGS là tựa một bài hát của Brenda Lee mà tôi rất thích hồi đầu những năm 60. SWEET NOTHINGS là những chuyện ấm ớ mà hai người yêu nhau nói với nhau … chắc hẳn hai lòng lơ đãng cả, vì chưng cùng nói chẳng cùng nghe như hai câu của Đinh Hùng. Đó là những điều chỉ có ý nghĩa giữa hai người. Người khác nghe thì thấy vô duyên lắm … ai ơi về ăn cơm đi … cơm ai thổi … ai thổi chứ còn ai nữa…Quận công Windsor tức là cựu hoàng Edward đệ Bát của nước Anh khi nói chuyện với cục cưng là Wallis Simpson cũng quay ra nói bằng cái giọng trẻ con như thế.

LÃM THÚY

SWEETHEART là cục cưng thì Thúy biết. Nhưng SWEETHEART DEAL là gì Thúy chịu thua.

BBT

SWEETHEART DEAL là một giao kèo, một khế ước, một dịch vụ làm ăn buôn bán mà một phe đưa ra những điều kiện nghe rất thuận lợi để phía bên kia dễ chấp thuận, thường là những điều kiện rất có lợi để về sau có thể trở thành không thuận lợi nữa. SWEETHEART DEAL cũng gần nghĩa với SUGAR COATED PILL như viên thuốc bọc đường để giúp người uống không thấy đắng nữa.

Thành ngữ này làm cho tôi nhớ đến một câu của Juliet nói trong kịch ROMEO AND JULIET của WILLIAM SHAKESPEARE, đó là câu A ROSE BY ANY OTHER NAME WOULD SMELL AS SWEET nghĩa là bông hồng, cho dù gọi nó bằng bất cứ một cái tên nào khác đi chăng nữa , thì nó vẫn thơm như thường. Còn một thành ngữ này cũng lý thú lắm. Nó gần giống như KISS vậy.

QA

Chữ này thì QA chịu thua. Nhất định nó không có nghĩa như QA nghĩ.

BBT

Đúng. KISS là viết tắt của KEEP IT SIMPLE, STUPID, nghĩa là nói nhiều nghe mệt quá, giản dị đi cho chúng tôi nhờ chứ. Cách nói kia là SHORT AND SWEET. Thí dụ thấy diễn giả nói dài dòng quá, nghe phát mệt thì chúng ta nhắc ông ấy: PLEASE KEEP IT SHORT AND SWEET.

LÃM THÚY

Thúy nghe câu này nữa: STOLEN FRUIT IS SWEETEST. Nhưng Thúy tin chắc câu này chỉ có nghĩa đen mà thôi. Chắc chắn nó phải có nghĩa bóng lý thú hơn là nghĩa đen nhiều.

BBT

Thế nếu nói thế này, chỉ hơi khác đi một chút, thì cô có thấy hay hơn câu kia không: STOLEN KISSES ARE ALWAYS SWEETER.

LÃM THÚY

À nói như câu anh vừa dẫn thì dễ hiểu hơn. Quả quít bóc vỏ bầy trên đĩa đưa lên chưa chắc ngon và ngọt hơn là đi ngang qua vườn nhà người khác, hái trộm một quả, lén bóc ăn thật nhanh thì bao giờ cũng thấy ngon hơn nhiều.

BBT

Cũng như đằng thẳng, công khai ra thì mùi son Lancôme, Estee Lauder, Elizabeth Arden cũng thường thôi. Nhưng lén ăn trộm được một cái hôn thì mùi son sẽ ngọt hơn rất nhiều. Đó là nghĩa đen. Nghĩa bóng là hái trộm được quả quít, bóc ra thấy ngon vô cùng, hệt như câu chuyện Thiền trong cuốn Thiền Cốt Thiền Nhục kể một người bị con cọp đuổi, chạy té xuống vực nhưng túm được cái rễ cây, cạnh cái rễ cây có một trái dâu, người ấy hái cho vào miệng trong lúc trên bờ vực thì con cọp còn đang rình, chiếc rễ cây đang bị con chuột gặm sắp đứt và dưới kia là vực sâu đá tai mèo lởm chởm. Trái dâu bỗng ngọt hơn tất cả những trái dâu khác trên dời. Cái gì nguy hiểm mà thưởng thức được thì vẫn ngon hơn những thứ có sẵn và dễ dàng trong đời.

QA

Bài học Anh ngữ thứ 85 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.

July 22, 2010

July 23, 2010

Ngày 19 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, tôi vẫn không thể làm cách nào nối kết hai nghề chuyên môn, mà theo lối suy nghĩ bình thường của tôi, không hề có bất cứ một thứ dính dấp liên hệ gần xa với nhau, đó là nghề dậy học và làm mắm, lại với nhau được.

Là người từng có lúc đứng trước bảng đen làm công việc dậy học, tôi thấy kinh nghiệm dậy học (của tôi) nhất định không giúp gì cho việc sản xuất các loại mắm.

Vậy mà vài ba đồng nghiệp của tôi lại làm đúng được công việc tưởng là không làm được đó: chuyển từ nghề giáo sang nghề làm mắm.

Trước năm 1975, là một nhà giáo phụ nữ mà nguyên cả tên lẫn họ tôi không biết hết, chỉ có một cái tên duy nhất in trên nhãn các chai mắm ruốc mà bà quảng cáo trên màn ảnh, trên các trang báo tôi còn nhớ cho đến nay: Bà Giáo Thảo.

Bà sản xuất và bán mắm ruốc rất thành công. Việc bà quảng cáo sâu rộng làm nhiều người tin như thế.

Khi thấy cái quảng cáo đầu tiên của bà, tôi thắc mắc ngay về liên hệ giữa nghề dậy học và nghề làm mắm ruốc. Thắc mắc hoài và không có được giải đáp nào thỏa đáng trong suốt nhiều năm ở Sài Gòn cho mãi đến nay, sau bao nhiêu con đường đã đi qua, bao nhiêu chuyện đã xẩy ra trong đời sống...

Bà có thể là một người giỏi về sư phạm: bà không chỉ là bà Thảo, mà bà được nhiều người biết đến, và gọi để thành quen miệng: bà giáo Thảo.

Nhưng tại sao đang đi dậy học thành công như thế, bà bỏ nghề cầm những viên phấn đứng trước tấm bảng đen để đi làm một việc hoàn toàn không dính líu gì đến sách vở, giáo dục, trường ốc? Tại sao bà không mở tiệm bán hoa, dậy nghệ thuật ikebana của Nhật chẳng hạn? Hay mở lớp dậy Tae Kwan Do, Judo... Dẫu sao thì công việc mới đó cũng thanh cảnh và liên hệ ít nhiều tới nghề dậy học hơn là đi làm mắm với những lu, những chum cùng vại, với muối, với tôm, với cá và với cái mùi không trường học, bút mực chút nào.

Nhưng bà trở thành một doanh gia thành công. Bao nhiêu năm rồi mà cứ nghĩ đến mắm ruốc, là tôi phải nghĩ ngay tới nhà giáo tên là Thảo.

Lối suy luận của tôi về nghề nghiệp rõ ràng là sai nặng. Vì nghề dậy học hình như thực sự có liên quan nhiều và mật thiết với nghề làm mắm. Tuần trước tại một ngôi chợ Việt Nam, tôi thấy có hai đồng nghiệp khác tiến vào nghề làm mắm và cũng rất thành công. Sản phẩm của hai bà được bán sang tới tận Hoa kỳ, qua bao nhiêu hàng rào quan thuế, rồi lại đạt được tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm do chính phủ Mỹ đặt ra, để được bầy trên những cái kệ của siêu thị.

Ðó là hai bà giáo Hiền và Khỏe. Bà giáo Hiền và bà giáo Khỏe đều đi theo con đường của bà giáo Thảo. Thế là trong đời, tôi biết được ba bà giáo (Thảo, Hiền và Khỏe) đi vào con đường sản xuất mắm ruốc, mắm nêm, mắm cá sặc... rất thành công.

Tại sao? Có phải vì cái nghề nghiệp cũ của các bà không? Tôi nghĩ là có.

Bất cứ một nghề nào khác mà chuyển sang làm mắm đều không được.

Thí dụ mắm ruốc thi sĩ A nghe không được chút nào mặc dù ông có thơ đăng baùo đàng hoàng.

Hay tàu hủ ki nhà văn X, chùm ruộc muối họa sĩ Z, tương bần phê bình gia Y, phở luật sư T... đều rất khó nghe.

Nhưng mắm ruốc bà giáo Thảo, mắm nêm bà giáo Hiền, mắm sặc bà giáo Khỏe... nghe hết sức duyên dáng và bảo đảm. Những chai mắm đều được những bàn tay nhà giáo săn sóc vẫn đảm bảo hơn do những bàn tay nghề nghiệp khác sản xuất.

Nhưng tại sao ở Việt Nam trước đây ít nhất cũng phải có ba tiệm may có tên là Adam? Ông Adam, như chúng ta đều biết, là người có rất ít kinh nghiệm về quần áo. Ông là người rất giản dị về cách phục sức: một cái lá nho là đủ. Hôm nào cần diện với cục cưng Eva, thì kiếm cái lá nho... to hơn. Mùa thu thì kiếm cái lá nho vàng, cuối thu thì vàng ửng một chút đỏ. Mùa hạ thì lá nho xanh. Muøa xuân thì phải hai ba cái lá mới. Mùa đông thì dăm ba cái lá khô quắt queo. Quanh đi quẩn lại có vài cái lá thì kinh nghiệm quần áo có được bao nhiêu mà phó mặc chuyện quần áo cho ông!

Thế nên mắm của các bà giáo Thảo hay Hiền, hay Khỏe đều ngon nhất là vậy.


Ngày 20 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Bạn có thể tin hay không tin những kết quả của các cuộc thăm dò, nhưng có thể không cùng những lý do (tin hay không tin) của các chính trị gia, đó là chỉ tin khi những cuộc thăm dò có lợi cho họ tại phòng phiếu. Khi nào nghe không thuận tai thì không tin.

Thăm dò bao giờ cũng đưa ra kết quả là những con số thống kê. Mà thống kê, statistics, như nhiều người vẫn nói, chỉ là một trong những điều không đáng tin trên đời này, đó là lies, more lies and statistics, nói dối, lại nói dối, và thống kê.

Môùi ñaây, trong chương trình của Jay Leno, khán giả được nghe Jay nói về kết quả của một cuộc thăm dò mới liên quan đến phụ nữ. Jay Leno không cho biết cuộc thăm dò này do tổ chức nào thực hiện và phương pháp thăm dò được dùng là phương pháp gì, đáng tin cậy đến mức độ nào. Nhưng theo kết quả cuộc thăm dò này, thì 13% phụ nữ khi nói câu "Em yêu anh" với người đàn ông, họ chỉ nhắm đi tới một liên hệ tình dục với người đàn ông ấy, trong khi 87% còn lại, khi họ nói câu "Em yêu anh" thì đó chỉ là để trừ khử, tống khứ những người đàn ông ấy đi mà thôi.

Kết quả cuộc thăm dò này đã làm nhiều người đàn ông Mỹ mất ngủ mấy đêm vừa qua.

Thế ra từ bao nhiêu năm nay, những người đàn ông (Mỹ) tội nghiệp này vẫn bị lừa vì những lời âu yếm đó. Những câu nói như thế chỉ là cốt để đem lại niềm vui cho những người thốt ra câu nói đó mà thôi.

Và những người đàn ông (Mỹ) khi nghe vậy thì liền sẵn sàng lội suối, leo đồi, vượt núi, băng rừng, giết khủng long, quyết đấu bằng gươm với những người đàn ông khác... vì các nàng.Trong khi các nàng thì chỉ cần có một... cái.

Tội nghiệp biết là bao nhiêu!

Nhưng thảm hơn, là theo thống kê, 87% những phụ nữ còn lại, khi nói ba tiếng "Em yêu anh", I love you trong tiếng Anh, chỉ là để yêu cầu các chàng đi chỗ khác chơi cho các nàng rảnh nợ.

Ðã có bao nhiêu người đàn ông không hiểu thực tâm, toan tính đích thực của những người nói câu đó?

Nghe xong, các chàng tiếp tục ở lì lại với các nàng mới khổ. Trong khi đáng lẽ phải lồm cồm bò dậy chạy bay ra cửa đón xe về nhà với má mới đúng ý của các nàng. Và cũng bởi không biết ý các nàng, nên Nick Casanova mới phải bỏ nguyên một chương trong cuốn The Machiavellian's Guide To Womanizing chỉ cách cho các Don Juan làm sao để các nàng rời khỏi nhà của các chàng (Getting Her Out of Your Apartment, trang 88). Cuốn sách dành nguyên một chương để dậy người đọc những câu nói dối vô duyên đại khái "Anh phải đi đón con pitbull ở phòng mạch thú y, em đi cùng không... Bọn Mafia đang định giết anh, anh phải đóng cửa lại... Anh nói thực với em: anh nửa nọ nửa kia em ạ...Chết rồi... vợ (bạn gái) của anh sắp về đến rồi... Anh vừa được thả từ bệnh viện tâm thần sáng nay..." Hay ngồi dậy nặn trứng cá, xỉa răng, móc lỗ mũi, ngoáy tai lôi ra ngửi vân vân.

Nhưng rồi nhiều khi làm đầy đủ những chuyện vừa kể, các nàng lại cảm động cứ ở lại thì làm sao?

Tại sao không biết chờ nàng nói câu "Em yêu anh" I love you so much I see my mommy!(*), xong, nàng đứng dậy ra về như 87% phụ nữ trong cuộc thăm dò có dễ dàng hơn không nào?

Nhưng có tin được cuộc thăm dò này không?

Cái khó vẫn là làm thế nào biết được câu đó là của 13% hay 87%. Vì của phía nào thì cũng khốn khổ cả.

(*) Câu này vẫn chưa có cách nào dịch sang Việt ngữ.


Ngày 21 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Ðọc tờ Los Angeles Times số caùch ñaây hai, ba thaùng, tôi mới thấy được sự may mắn của mình. Tờ báo này dành nguyên một bài editorial để nói về nagging, một thói quen của người Mỹ mà có thể người Việt chúng ta không có, không làm bao giờ.

Tôi nghĩ chúng ta không có thói quen đó là vì trong tiếng Việt không có một chữ nào tương đương với danh từ nagging này.

Tự điển của Nguyễn Ðình Hòa dịch nagging là mè nheo, là nói mãi làm khó chịu. Tự điển Nguyễn Văn Tạo dịch là cằn nhằn, kiếm chuyện cãi cọ, giằn vặt.

Như thế, các nhà làm tự điển phải dùng bao nhiêu chữ mới diễn được gần đúng nghĩa của chữ nagging trong Anh ngữ.

Như vậy, người Việt không nag nhau bao giờ. Và vì không nag nhau nên mới không có chữ để gọi việc làm đó. Trong khi tiếng Anh thì có, chỉ cần có một chữ thôi, một chữ nag là đủ để nói hết về cái thói quen đó của họ.

Cả hai nhà làm tự điển Anh Việt đề cập đến ở trên nay không còn nữa nhưng tôi biết hai ông đều là những người hạnh phúc, cả đời không bị các bà nag bao giờ nên những định nghĩa của các ông về nag đều thiếu sót, chưa diễn được đầy đủ ý nghĩa của chữ nag trong Anh ngữ.

Bài editorial của tờ Los Angeles Times mở đầu nguyên văn như thế này: "Did you see that new study on nagging? Did you? Huh? Huh? Did you see it? Did you read it? Did you really read it? If you didn't read the nagging study, you should, you know. You will, won't you?"

Như vậy là nag. Những câu hỏi cứ xoáy vào một chuyện nhiều khi mức độ quan trọng của chuyện đó không có là bao nhiêu, một bên thì muốn tạm quên đi, một bên thì tiếp tục kéo nó ra, nhất định biến thành chuyện lớn, và tiếp tục nhay, cắn mãi không thôi.

Thí dụ buổi sáng, cái ô vẫn còn nằm trong góc nhà. Chưa ai cầm lấy nó đi ra cửa. Chưa ai cầm mang ra cửa thì không thể có chuyện mang nó đi làm. Chưa mang nó ra sở thì chưa thể có chuyện để quên nó ở sở, làm mất nó. Chưa mất nó thì chưa thể có chuyện phải mua cái ô khác. Chưa mua cái ô khác thì chưa thể có chuyện phí tiền, gây thâm hụt cho ngân sách gia đình. Chưa thâm hụt ngân sách gia đình thì không thể đưa đến chuyện thiếu tiền không mua được cái nhẫn hột soàn chẳng hạn...

Nhưng người đàn ông đang cạo râu trong buồng tắm sửa soạn đi làm, chưa kịp lau sạch những chỗ xà phòng cạo râu dính trên mặt là có thể được nghe câu này: "Ông đừng có để quên cái ô ở sở nhá... mang đi thì nhớ mang về... chứ rồi lại bỏ lại ở sở, có đứa tham nó lấy mất thì không có cái mà dùng... cái ô tốt thế mà làm mất thì uổng, lúc cần lại phải mua... tiền ở đâu mà lắm thế... Cứ thế thì bảo làm sao không hết tiền cho được. Mua cái gì dùng vào người thì mấy cũng không tiếc, cứ làm mất của thì tiếc đổ máu mắt ra... Vậy mà hôm nọ tôi muốn mua cái nhẫn thì gạt phắt đi... Có của thì lại không biết giữ... Rõ chán!"

Cả đoạn trên có thể nhắc đi nhác lại ngày này qua ngày khác, mỗi sáng, mỗi tối... Ðó là nag. Mè nheo, cằn nhằn, giằn vặt chưa thể dễ sợ bằng nag. Nag làm cho người nghe hết sức khổ tâm. Mỗi câu là một cái đinh tổ bố đóng vào lương tâm của người nghe. Chưa đỡ, chưa gạt được cái đinh này thì đã một cái khác phóng tới. Những vòng tròn trên mặt hồ cứ xô đến bờ lại dội trở lại hoài hoài, mãi mãi không thôi. Những tiếng vọng đập vào vách núi lại vang trở lại, xoáy vào tai người nghe tưởng như không bao giờ dứt.

Nag tạo ra những chấn thương tâm lý khủng khiếp, có thể làm cho người nghe phát điên lên được. Nhưng rất may, người Việt không nag bao giờ cho nên trong ngôn ngữ của chúng ta không có từ ngữ nào để chỉ việc làm đó.

Chúng ta hạnh phúc biết là chừng nào mà không biết. Nag thì không bao giờ bị, chỉ thỉnh thoảng được cẩn thận nhắc khéo về một số chuyện mà người nhắc sợ chúng ta vì tuổi già đang xộc tới, sơ ý, quên đi đấy thôi.

Thí dụ nửa đêm nhắc đậu lại cái xe trong gara cho ngay ngắn, treo cái màn cửa lên, cắt cỏ ngoài sân sau, mang thùng rác ra trước cửa, tỉa bụi hồng bên cửa sổ, thay nhớt máy cái xe, sửa cái ống nước trong nhà tắm vân vân chứ có nag.. niếc gì đâu.

Chuyện mất ô chưa hề xẩy ra cho ai ngoài ông Tú Xương vậy mà những người đàn ông khác vẫn bị nhắc về chuyện cái ô... chưa mất mới khổ đời chứ.


Ngày 22 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Cậu Phước, đứa nhỏ mười một tuổi trong Số Ðỏ của Vũ Trọng Phụng, là con cầu tự của bà Phó Ðoan.

Ðọc (lén) Vũ Trọng Phụng từ những năm còn rất bé, đầu óc của tôi không tưởng tượng ra được nhân vật này ra sao, mãi đến mười mấy, hai chục năm trước, khi xem cuốn phim Số Ðỏ làm ở Hà Nội, nhờ đạo diễn tìm được một đứa bé đóng vai cậu Phước, tôi mới thấy đứa con cầu tự của bà Phó Ðoan dễ sợ như thế nào.

Tôi chưa bao giờ thấy một đứa bé nào ở ngoài đời khủng khiếp như cậu nhỏ này. Nó xấu xa, thô tục và dễ ghét đến nỗi tôi nghĩ chắc nhân vật cậu Phước trong truyện mà Vũ Trọng Phụng có trong đầu của ông khi ông ngồi viết cuốn Số Ðỏ cũng chỉ kinh khủng đến như thế là cùng. Về tuổi tác, khuôn mặt của nó vẫn còn là một đứa bé, nhưng nét tục tĩu, đáng ghét mà Vũ Trọng Phụng cực tả trong truyện của ông thì không thể tìm thấy được ở bất cứ đâu khác.

Mười một tuổi mà vẫn cứ cởi truồng nồng nỗng (chữ của Vũ Ngọc Phan/ Nhà Văn Hiện Ðại trang 584) đòi mấy chị người giúp việc làm ngựa cho "cậu nhong nhong cơ!"

Con cầu tự vậy thì cầu làm gì cho khổ?

Nhưng hôm nay, tình cờ đọc được trong Việt Nam Tự Ðiển của hai ông Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ một thành ngữ khiến tôi thấy có thể không phải lúc nào con cầu tự cũng là đứa con xứng đáng, đáp ứng lại đúng với lời cầu xin của cha mẹ.

Con cầu tự là con của những cặp vợ chồng hiếm muộn sinh ra sau khi cầu xin ở những chùa chiền, những đền miếu, như sự tin tưởng của nhiều người. Và biết đâu những cặp vợ chồng này không biết cách cầu xin, khấn vái cho đúng cách, nên đứa con sinh ra không tốt đẹp như niềm mơ ước của họ.

Hay cũng có thể, vì khiêm tốn, không dám xin tối đa để được thánh thần cho sinh quí tử, nên hai vợ chồng phải rước về một thứ nghịch tử như cậu Phước trong Số Ðỏ? Các vị thần nhiều khi cũng oái oăm tinh nghịch, như ông Cuội ở đầu làng Ngang mà Nguyễn Khuyến có nhắc: đàn bà qua đền ông Cuội vén quần lên để lộ "cái gì trắng trắng như con cúi", ông Cuội thích quá, bèn cho dân làng đẻ ra toàn Cuội con, nói dối... như Cuội.

Không biết bà Phó Ðoan khi đến chùa, miếu cầu xin, đã cầu như thế nào mà thánh thần chơi ác bà như thế. Tôi nghi có thể bà đã cầu bằng một câu mà hai nhà làm tự điển họ Lê đã ghi ở cuối trang 1375 trong bộ tự điển của hai ông.

Câu đó như thế này, nguyên văn:"Nhờ ông bà té cứt té đái cho tôi được đứa con trai."

Các ông Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ ghi rằng đó là "tiếng vái van, cầu khẩn cho được lợi".

Thú thật với bạn, tôi chưa nghe câu "vái van, cầu khẩn" đó bao giờ. Nhưng chắc là phải có. Hai nhà làm tự điển họ Lê không làm tự điển theo những nguyên tắc chọn chữ và sắp xếp của các nhà làm tự điển mà chúng ta đã quen. Hai ông chỉ làm công việc sưu tầm và ghi chép tất cả những chữ và tiếng tìm được.

Chỉ tiếc hai ông không cho biết thêm câu "vái van, cầu khẩn" đó được dâng lên trong thứ đền như thế nào, thờ thần gì, ở địa phương nào.

Câu "vái van, cầu khẩn" đó rõ ràng là những lời cầu xin hết sức tội nghiệp. Tình cảnh hiếm muộn tuyệt vọng đã đẩy họ tới một thái độ sẵn sàng chấp nhận bất cứ gì được thần thánh ban cho họ. Họ không cầu để được sinh quí tử, thông minh, giỏi giang, bút nghiên, văn học. Họ chỉ xin một đứa con trai, lại cẩn thận không đòi thần thánh phải mất công cố nặn ra được một đứa tử tế, cho cái gì cũng được, với mức độ cố gắng tối thiểu từ phiá các vị thần. Cứ "té cứt, té đái" ra là được rồi.

Thế là mấy ông thần chơi ác, cầu gì cho nấy.

Và cậu Phước về với bà Phó Ðoan là như vậy. Chắc phải vậy.


Ngày 23 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Theo một cuộc nghiên cứu của một đại học(*), trung bình mỗi ngày, một người đàn ông, từ sáng đến tối, nói khoảng 2000 chữ. Trong khi đó, một phụ nữ trung bình, cũng chỉ từ sáng đến tối, nói chừng 5000 chữ.

Như vậy là có những chênh lệch thấy rõ trong số lượng tín hiệu của hai đài phát thanh.

Vài chục ngàn năm trước, khi người đàn ông bình thường và khỏe mạnh buổi tối trở về hang đá sau một ngày rượt theo, bắt hụt mấy con nai, cầm cái chầy vồ quăng vào góc, ngồi xuống bên ngọn lửa cháy bập bùng nổ lách tách, mắt ngó đăm đăm vào đống than hồng, thỉnh thoảng gãi sồn sột, gục gặc vài tiếng trong khi má sấp nhỏ ngồi khâu mấy miếng da thú bên cạnh nói huyên thuyên về con mụ ở hang bên cạnh mới có khúc xương của chồng tặng để đeo vào mũi cho tăng nhan sắc thì người đàn ông tiền sử, không nói năng chi hết. Nhưng ông cũng không hề tỉnh bơ người đàn bà như nàng có thể nghĩ. Người đàn ông đó chỉ mắc cái tội ít nói mà thôi. Lúc đó, số chữ mà ông ta nói ra không phải là 2000, có thể chỉ là 200 vì ngôn ngữ loài người chưa phát triển để có nhiều chữ cho chàng nói. Tán nàng, nhiều lắm chỉ đại khái mấy câu như: "Mày coi ngon như miếng thịt bò rừng bê bết máu", là cùng. Nhưng nàng hoàn toàn vui vẻ với bằng ấy chữ ít oi của chàng.

Nhưng bây giờ, về đến nhà, sau khi quăng cái ca vát lên ghế, gieo mình xuống chiếc ghế Lazyboy, tay cầm cái hộp viễn khiển truyền hình bấm hết đài Fox, lại CNN, qua MSNBC... để theo dõi tin tức coi Osama bin Laden nay "... duyên ghé về đâu..." thì người đàn ông của thế kỷ 21 lập tức bị đổ cho cái tội kinh khủng là không còn "quan tâm, lưu ý gì đến con gái già này nữa"...

Mẹ cháu không hề hiểu rằng bố cháu lúc về đến nhà thì đã hết chữ để nói sau khi dùng hết 2000 chữ ở ngoài đường (để chửi mấy đứa lái xe khốn nạn, đổi lane không thèm ra hiệu, cắt ngang trước đầu xe bố cháu), ở sở để nói phải quấy với các xếp trai cũng như xếp gái (vừa xí trai, vừa xí gái, lại dốt nát, lười biếng, trốn việc, thù vặt, nhỏ nhen, bần tiện,) các đồng nghiệp (ăn nói nhăng nhít, ngớ ngẩn, cười khục khặc như đười ươi Borneo, lâu lâu bơm nước hoa gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống của cả sở, nhan sắc làm bạt vía cả những người đàn ông hết ham sống và liều lĩnh nhất) thì làm sao còn chữ đâu để mà nói với mẹ cháu nữa.

Trong khi đó thì mẹ cháu cũng đâu có ăn nói kiểu như:

... Nói đi em, lời tự tình thánh thót
Hẹn ngàn năm trong một phút êm đềm
Lời tự tình, em hãy nói đi em
Lời tình tự cũng là lời bỡ ngỡ.
..

Mà ông Ðinh Hùng đã viết một cách sai bét như trong Ðường Vào Tình Sử.

Luôn luôn là cảnh mẹ cháu dùng chân đá cho cái ghế một cú, tay chống vào mạng sườn, hất hàm: "I want to talk! Are you listening to me? Anh nghe tôi nói gì không?... Anh không thể là người Việt trầm lặng với tôi như thế. Bộ anh tưởng anh là Graham Greene hay sao? Tôi đã chán cái silent treatment của anh lắm rồi. Tôi muốn được đối xử như một người. Anh nghe chưa? Anh mở miệng ra nói chuyện với tôi coi. Tôi nói phải có người trả lời hiểu không? Bộ anh lại quay ra đóng vai bức tường Bá Linh sao? Tôi không muốn nói chuyện với bức tường anh hiểu không? Anh làm ơn cho tôi biết tại sao mấy hôm nay điện thoại reo, tôi nhấc máy lên thì con đĩ đầu bên kia bỏ máy xuống? Nó là con nào? Nó không trả lời nhưng tôi thừa biết nó là con đĩ. Tôi không ngu như nó và anh nghĩ đâu....Bla bla bla bla bla bla bla ( chữ thứ 4998) bla bla ( chữ thứ 5000)...

Im lặng được trả lại cho làng xóm. Mai nói tiếp. Người đàn ông vươn vai đứng dậy ngó người đàn bà và nói: "Anh yêu..." (đến đây, chưa hết câu, còn thiếu cái túc từ "em" nữa thì đó cũng là chữ thứ 2000, chữ cuối cùng trong ngày, không thể nói thêm được nữa. Hú vía).

Cả hai đều đã hết chữ nói với nhau. Ðúng hệt như cuộc nghiên cứu cho thấy.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 84)

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 84 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, hôm nay, Thúy muốn anh nói về động từ MAY. Động từ này tưởng là dễ nhưng Thúy thấy cũng rắc rối lắm. MAY I rồi lại I MAY không biết đâu mà lần được.

BBT

Tôi nghĩ có gì là rắc rối đâu. Mê ai thì cô phải biết. Mà ai mê thì cô cũng phải biết chứ.

Thôi để tôi nói lại. MAY là một động từ DEFECTIVE. DEFECTIVE VERB là động từ khiếm khuyết. MAY không phải là động từ DEFECTIVE duy nhất.

QA

CAN cũng là một động từ khiếm khuyết phải không thưa anh. Cũng như MUST vậy.

BBT

Cô nói đúng. Nhưng DEFECTIVE là gì? Khiếm khuyết là thiếu, là không đủ. DEFECTIVE VERB không có nguyên mẫu: không có TO MAY; không có quá khứ phân từ (PAST PARTICIPLE); không có hiện tại phân từ (PRESENT PARTICIPLE) và cũng không có thì tương lai (FUTURE TENSE).

LÃM THÚY

Nhưng nó có PAST TENSE là MIGHT.

BBT

Nó là một nửa đàn ông vì nó có tương lai. Nửa kia nó là đàn bà, vì nó có quá khứ, như một câu tôi đọc được trong Reader’s Digest: A MAN MUST HAVE A BRIGHT FUTURE. A WOMAN MUST HAVE A CLEAN PAST.

Nói vậy cho dễ nhớ.

QA

QA thấy có khi nó có nghĩa như CAN có phải không ?

BBT

Đúng. Nhưng trước tiên, nó có nghĩa là được phép. Thí dụ THE BOY MAY STAY UP UNTIL 9. Hai cô thấy MAY không có "S" ở cuối. Động từ này khi ở trong thể hỏi (QUESTION), nó được dùng để xin phép. MAY I OPEN THE WINDOW?

Nhưng khi trả lời, đồng ý hay không đồng ý, chấp thuận hay không, cho phép hay không, người ta dùng động từ CAN hay CANNOT chứ ít khi dùng MAY hay MAY NOT.

QA

Hỏi MAY I USE THE CAR ? Đáp là YES YOU MAY hay NO YOU MAY NOT thì có sao đâu thưa anh?

BBT

Nhiều người thấy là dùng MAY hay MAY NOT nghe giống … nữ hoàng Anh quá. Vì thế nên chúng ta có thể trả lời YES YOU CAN USE THE CAR hay NO YOU CAN’T USE THE CAR để nghe đỡ giống người trên nói với kẻ dưới. Và đó là trường hợp MAY có thể thay thế bằng CAN.

LÃM THÚY

Nhưng khi hỏi thì đâu có gì giống nữ hoàng Anh phải không thầy? Thúy thấy MAY I USE THE CAR nghe nhẹ hơn, lịch sự hơn, xuống nước hơn, năn nỉ hơn… xin phép như thế dễ được phép hơn là CAN đúng không QA?

QA

QA cũng thấy vậy đó. Hỏi tôi có được phép dùng cái xe không thì nghe xuống nước hơn là tôi có thể dùng cái xe không. QA xin phép thì dùng MAY thay vì CAN. Dùng MAY dễ được gật đầu hơn, có khi lại còn được đưa mấy chục đổ xăng nữa.

BBT

Tôi không ngờ trong đời sống cũng có những lý do khác nữa để không phải lúc nào cũng đem văn phạm ra để dùng cho đúng. Nhưng như QA hỏi ở đầu gờ, CAN có thể thay cho MAY và MAY có thể thay cho CAN khi xin phép và cho phép.

Nghĩa thứ hai của MAY là có thể nhưng không chắc lắm (POSSIBLY nhưng không CERTAINLY). Hai cô thử dùng MAY trong một hai trường hợp có thể, nhưng không chắc coi.

LÃM THÚY

HE MAY BE AT HOME TOMORROW. IT MAY RAIN THIS WEEK-END. THEY MAY COME HOME EARLY.

QA

SHE MAY BE RIGHT ABOUT THE ECONOMY. WE MAY ARRIVE BEFORE MIDNIGHT. I MAY BE LATE FOR THE DENTIST APPOINTMENT.

BBT

Hai cô nên chú ý tới cách dùng này. MAY HE TAKE THIS BOOOK HOME? Là câu hỏi để xin phép làm một việc gì đó.

Đặt động từ MAY trước SUBJECT, chúng ta có câu nghi vấn, câu hỏi.

Nhưng trong trường hợp này, thì lại không phải là câu hỏi: MAY HE COME HOME SAFELY. Đây là bàng thái cách (SUBJUNCTIVE MOOD) dùng để diễn tả một điều ước, một lời cầu xin, một lời nguyện để cho một việc gì đó xẩy ra. MAY HE COME HOME SAFELY là mong sao, cầu sao cho anh ấy trở về bình yên.

QA

QA nghe thấy cách dùng này ở nhà thờ rồi: MAY PEACE BE WITH YOU! nghĩa là cầu mong hòa bình ở với bạn. Con gái út QA cứ nói MAY SHE BE ACCEPTED BY AN IVY LEAGUE SCHOOL, cầu xin cho chị nó được vào một đại học hàng đầu.

LÃM THÚY

Thúy nhớ bài WHITE CHRISTMAS có hai câu toàn là những lời chúc, dùng MAY hệt như cách anh vừa nói:

MAY YOUR DAYS BE MERRY AND BRIGHT AND MAY YOUR CHRISTMASES BE WHITE .

BBT

Cám ơn hai cô. Bây giờ chúng ta nói qua thể phủ định của MAY. Phủ định, NEGATIVE của MAY là MAY NOT. Bây giờ ít còn có người dùng MAYN’T. Đây là cách dùng cổ, xưa rồi.

QA

Thưa anh, MAYBE viết liền thành một chữ và MAY BE có giống nhau không?

BBT

MAYBE là một trạng từ, một ADVERB.

MAYBE viết liền nghĩa là có thể, có lẽ. MAYBE YOU ARE RIGHT. Thúy dùng thử MAYBE với vai trò trạng từ coi.

LÃM THÚY

MAYBE IT WILL RAIN TONIGHT.

MAYBE HE IS AT HOME.

MAYBE SHE WILL BAKE A CAKE.

QA

MAYBE SHE WANTS TO MAJOR IN PSYCHOLOGY.

MAYBE I DIDN’T MAIL THE LETTER LAST WEEK.

MAYBE SHE LEFT HER CELLPHONE IN THE CAR.

BBT

MAY BE viết rời là động từ MAY và động từ (TO) BE như trong trường hợp HE MAY BE LATE. I MAY BE WRONG. YOU MAY BE CORRECT. WE MAY BE IN FOR A SURPRISE. THEY MAY BE OUT OF TOWN. MAY BE là có thể.

LÃM THÚY

Thúy biết MIGHT là PAST TENSE của MIGHT. Nhưng cách dùng của MIGHT cũng lạ lắm. Thí dụ Thúy có nghe câu này: HE MIGHT COME TOMORROW. Tại sao MIGHT là PAST TENSE lại dùng cho một chuyện trong tương lai?

BBT

Cô hỏi một câu rất hay. HE MAY COME HERE TOMORROW có thể hiểu hai nghĩa. Thứ nhất là anh ấy ĐƯỢC PHÉP đến đây vào ngày mai. Thứ hai là anh ấy CÓ THỂ đến đây vào ngày mai. Chuyện ấy là 50/50 FIFTY FIFTY. Anh ấy có thể đến và cũng có thể không.

Nhưng nếu nói HE MIGHT COME HERE TOMORROW thì cơ hội anh ấy đến được coi là ít, khoảng dưới 50%. QA cho nghe một thí dụ với MIGHT coi.

QA

MY DAUGHTER MIGHT BE HOME THIS WEEK BECAUSE THE FINALS ARE COMING SOON.

LÃM THÚY

I DON’T KNOW WHAT MIGHT HAPPEN NEXT YEAR.

Thưa anh, Thúy còn hay nghe thế này nữa: MAYBE AND MAYBE NOT. Anh cho biết dùng thế nào cho đúng.

BBT

Hai cô biết chuyện "Tái ông thất mã" trong Cổ Học Tinh Hoa chứ? Truyện kể trong một làng nọ, có ông già họ Tái bị mất con ngựa. Hàng xóm đến thăm hỏi, chia buồn. Ông đáp buồn ư? MAYBE SO, AND MAYBE NOT. Vài hôm, con ngựa quen đường cũ, tìm được lối trở về nhà, dẫn theo một con ngựa khác. Hàng xóm tới mừng ông. Ông nói mừng ư? MAYBE SO, AND MAYBE NOT. Sau đó, con trai ông lấy con ngựa mới ra cưỡi, bị ngựa hất té gẫy chân… buồn ư? MAYBE SO, MAYBE NOT. Năm sau, quan đến làng bắt lính, con ông gẫy chân được miễn dịch… mừng ư? MAYBE SO, MAYBE NOT.

QA

Tuần này, QA nhận được thư của ông Nguyễn Chí Thành ở Chicago hỏi về mấy thành ngữ với chữ HAIR là tóc. Xin nhờ anh nói về những idiom do danh từ HAIR mà ra.

BBT

Idiom với HAIR cũng có khá nhiều. PART THE HAIR là rẽ ngôi. HITLER PARTED HIS HAIR TO THE RIGHT. HOW DO YOU PART YOUR HAIR? THE BARBER ASKED ME WHERE I WANTED TO PART MY HAIR.

LÃM THÚY

Tiếng Anh có nói "trong đường tơ kẽ tóc" không thưa anh?

BBT

Có. BY A HAIR. THE BULLET MISSED HIM BY A HAIR nghĩa là ông ta đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. BY A HAIR nghĩa là suýt nữa, chút xíu nữa. Cô Lãm Thúy có một thí dụ nào với BY A HAIR không?

LÃM THÚY

WHEN WE LEFT SAIGON, I MADE IT ONTO THE BOAT IN A HAIR.

QA

SHE MISSED GETTING ON THE BOAT IN A HAIR được không thầy?

BBT

Đúng, nghĩa là hôm vượt biên, cô Thúy suýt nữa thì lỡ chuyến tầu. Chỉ còn một ly nữa thì cô Thúy không lên được tầu.

Hai cô chắc thế nào cũng có ngày chải cái đầu cách nào cũng không vừa ý. Hôm thì nó không chịu nằm xuống. Hôm thì mấy sợi cứ xòa xuống, kéo sao cũng không lên. Người ta gọi đó là A BAD HAIR DAY. Nhưng thực ra, A BAD HAIR DAY chỉ có nghĩa là một ngày toàn những chuyện bực mình, không nhất thiết phải do mấy sợi tóc gây ra. IT WAS A BAD HAIR DAY FOR ME: I GOT A PARKING TICKET, THEN I LOST MY CELL PHONE, THEN I HAD A FLAT TIRE.

LÃM THÚY

Thầy vừa nói mấy sợi tóc làm Thúy nghĩ đến câu "chẻ sợi tóc ra làm tư" trong tiếng Việt. Người Mỹ có nói như thế không?

BBT

Có, khi người ta muốn nói là đem nhũng chuyện nhỏ nhít ra để mà tranh cãi. TO SPLIT HAIRS là chẻ sợi tóc ra. Thường thì đó không phải là một cách hành xử hay và tốt đẹp. Nhưng các cô đọc ông Võ Phiến thì thấy chuyện chẻ sợi tóc của ông là một cái tài ít người có được. Chẻ được như ông là tuyệt.

QA

MISTER VÕ PHIẾN HAS A SPECIAL TALENT. HE CAN SPLIT HAIRS INTO TENS OF TIMES.

LÃM THÚY

MEN DO NOT LIKE TO SPLIT HAIRS. BUT WOMEN DO.

BBT

Cám ơn cô Thúy đã tự thú nhận điều đó.

QA

AND MISTER BUI , IN HIS BOOKS "LETTERS TO MY FRIEND", LIKES TO DO IT TOO.

BBT

Hai cô biết thành ngữ "sợi mành treo chuông" hay "chuông treo chỉ mành" trong tiếng Việt chứ? Tiếng Anh cũng có một thành ngữ rất gần hai câu của chúng ta: HANG BY A HAIR hay HANG BY A THREAD. IN MARCH, THE MILITARY SITUATION IN ĐÀ NẴNG WAS HANGING BY A HAIR.

LÃM THÚY

Tiếng Anh có nói "dựng tóc gáy" không thưa thầy. Chắc phải có, vì khi sợ, ai cũng thấy như thể tóc dựng đứng hết lên, như bờ sông Dịch, cảnh Kinh Kha sang Tần, ai cũng sợ dựng tóc gáy lên phải không QA?

BBT

Có. Thí dụ tối Halloween đi xem nhà ma chẳng hạn. Dựng tóc gáy là HAIR RAISING. ENTERING THE HAUNTED HOUSE IS A HAIR RAISING EXPERIENCE.

Còn GRAY HAIR là cách nói bóng lao tâm khổ trí đến độ bạc đầu. HE IS GETTING A LOT OF GRAY HAIR OVER (hay FROM) HIS THREE GIRLS.

Nhiều người khi bực mình thì cứ tóc mà giật, mà dứt. QA nghĩ tiếng Việt sẽ dịch câu này như thế nào: HE IS PULLING HIS HAIR OUT AS THE RENT IS DUE SOON.

QA

QA nghĩ TO PULL HIS HAIR OUT là ông ấy "vò đầu bứt tai" trong tiếng Việt đúng không?

BBT

Đúng. HE IS PULLING HIS HAIR OUT AS THE RENT IS DUE SOON nghĩa là ông ấy vò đầu bứt tai vì sắp đến hạn trả tiền nhà. Còn một idiom nữa cũng lý thú nhưng không dính dáng gì đến tóc cả. TO BE IN THE CROSS HAIRS. Thúy đoán thử coi.

LÃM THÚY

TO BE IN THE CROSS HAIRS là ở giữa những sợi tóc. Là sống đời con chí sao?

QA

Là xe tơ kết tóc chăng, thưa thầy?

BBT

Không. Hai cô đúng là không biết bắn súng. Súng bắn sẻ thường có gắn một cái ống nhắm. Nhìn qua cái ống nhắm, hai cô sẽ thấy một hình chữ thập do hai đường kẻ ngang và dọc họp lại ở giữa của vòng tròn . Khi mục tiêu xuất hiện ở giữa chữ thập, trông giống như hai sợi tóc vắt ngang nhau, thì bóp cò là đi đời Osama Bin Laden. ONCE HE WAS IN THE CROSS HAIR BUT HE DISAPPEARED IN THE MOUNTAINS.

QA

Bài học Anh ngữ thứ 84 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.