September 3, 2009

September 4, 2009

HTML clipboard

Ngày 1 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Một vài ông tòa đầu óc đầy sáng tạo đã nghĩ ra những cách trừng phạt kỳ lạ để phạt những người mắc những cái tội không đáng bị nhốt trong tù. Boy George, một ca sĩ Anh, vì hành hung người, thì bị một ông tòa bắt phải hốt rác suốt một tháng tại một ga xe điện ngầm ở New York. Một người say rượu lái xe thì bị bắt phải mang tấm bảng I AM A NO GOOD DRUNK! nghĩa là tôi là một người say sưa vô tích sự, đứng ở góc đường suốt mấy ngày.

Và mới đây, ở Tysons Corner thuộc tiểu bang Virginia, một người đàn ông bị bắt quả tang đi ăn vụng không chùi mép đã được vợ cho hưởng biện pháp giảm khinh nhưng phải làm một việc đúng theo ý nàng.

Chàng tên là William Taylor, nhà ở Centreville. Chàng bị vợ bắt quả tang đang ăn vụng. Tiếng Việt thì phải nói là chàng bị bắt quả tang trai trên gái dưới. Tiếng Mỹ của chàng thì phải nói là "being caught with his pants down". Không thể là "being caught red handedly". Bị bắt khi quần còn chưa kịp kéo lên thì chỉ có chết.

William bị vợ bắt phải đứng ở khu Tysons Corner, đeo trên ngực một tấm bảng lớn có hàng chữ "I CHEATED AND THIS IS MY PUNISHMENT", tôi đã gian dối, lừa gạt vợ tôi và đây là hình phạt của tôi.

Chàng phải đứng ngoài đường với tấm bảng như thế không biết trong những giờ nào trong ngày, trong những ngày thường trong tuần hay trong mấy ngày cuối tuần, và trong bao nhiêu ngày.

So với những hình phạt khác thì William Taylor quả là được vợ dành cho một hình phạt dễ dãi. Ðã có những trường hợp những người chồng bị những hình phạt kinh khủng hơn. Một nhát dao bay nghìn thuở đẹp chẳng hạn. Cắt lìa, ném vào moulinex, ấn nút cho máy xay nát để hết đường … cho đứa khác dùng chung. Không thì cũng rạch cho một chữ A (Adulterer/ adulteress) lên trán như Hester Prynne trong The Scarlet Letter của Nathaniel Hawthorne.

William Taylor bị bắt đeo bảng đứng ngoài đường ở đâu thì sợ chứ ở Tysons Corner thì có gì đáng nói. Tysons Corner ở cách quốc hội Mỹ không bao xa theo đường chim bay. Chắc chàng bị bắt đứng ở Leesburg Pike. Chỗ ấy thì xe cộ qua lại có đông đảo. Ở chỗ khác thì cũng lêu lêu mắc cở thật chứ ở Tysons Corner thì thế gian thường tình. Từ tòa Bạch Ốc chạy sang quốc hội, hạ viện lẫn thượng viện, từ tổng thống đến các dân biểu nghị sĩ thiếu gì người làm giống chàng. Tổng thống thì Kennedy, Clinton… Các nhà làm luật cũng không ít người. Có người thì … ngay trên bậc đá trước tiền đình, người thì nhẩy xuống hồ nước trước đền kỷ niệm Thomas Jeferson, người thì lao cả xe xuống một vũng biển làm chết người em bé bỏng… Mấy ông thống đốc cũng không vừa. Ông New York, ông New Jersey, ông South Carolina…

Nếu những bà vợ cứ chơi trò bắt đứng ngoài đường đeo bảng thì sẽ không kiếm đâu ra những tấm bảng như thế để mà đeo nữa. Nhiều khi ông này hết giờ thì phải tháo tấm bảng ở cổ trao cho một … đồng nghiệp đeo tiếp. Cùng một trò ăn vụng cả nên hàng chữ "I CHEATED AND THIS IS MY PUNISHMENT" ai dùng cũng được.

Nhưng có thể một số tội nhân lại dùng ngay hình phạt đứng đường này để quảng cáo cho mình.

Khi đứng đầu đường, chỉ cần mặc quần áo cho đẹp, nước hoa cho thơm lừng là được. Dưới dòng chữ, nhớ viết cái số điện thoại thật rõ. Người ta sẽ thấy là trong số xe cộ chạy qua sẽ có một số chạy chậm lại, hí hoáy viết cái số điện thoại của phạm nhân xuống để còn có lúc cần đến.

Một người đàn ông suốt đời chỉ cơm nhà quà vợ khi có ai mời ăn bún … chả thì còn phân vân không biết có nên nhận không. Chứ cái thứ đã vào sinh ra tử, đã lên thác xuống ghềnh, đã năm bẩy lá gan, lá ở cùng vợ, lá toan cùng người rồi thì dễ quá mà. Mấy con ngựa cứ đường cũ mà đi, ngoắc tay là chạy đến … hí vang ầm.

Cho nên biện pháp trừng phạt bắt treo bảng ở cổ có lẽ không nên. Các salespersons phải đi tìm những leads mới. Thì khi thấy leads đứng đầy đường cũng đỡ mất công cho các thành phần muốn kiếm cái nem ăn chơi lắm đấy chứ.


Ngày 2 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Henry Kissinger, theo Seymour M. Hersh trong cuốn The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House (New York: Summit Books, 1983), mỗi lần chán đời, ưu sầu, là chàng ăn. Và khi chàng ăn, thì chàng mập và xấu trai kinh khủng.

Khi chàng thèm ăn, thì chàng có thể làm bất cứ gì để có ăn. Vận mạng của Ðài Loan được định đoạt trong bản thông cáo chung Thượng Hải, mà để có văn kiện này, thì hình như nhà cầm quyền Hoa lục chỉ mất có một con vịt quay Bắc Kinh. Ðiều này, chính Henry Kissinger nói ra. Chàng nói rằng với một con vịt quay Bắc Kinh ngon, muốn gì chàng cũng ký.

Hồi ấy chắc chưa có thuốc Prozac nên lịch sử và chính trị Ðông Á mới có chủ trương "lưỡng quốc nhất chế" lôi thôi cho đến bây giờ, để Hoa lục dựa vào đó làm vất vả Ðài Loan từ đó đến nay.

Kissinger khi trong óc thiếu seratonin thì buồn bã, ưu sầu, ăn uống bậy bạ, gây tai hại cho tình hình thế giới như thế. Những người không phải là ngoại trưởng Mỹ thì phản ứng khác hẳn.

Chúng tôi đi shop. Chúng tôi shop cho đến khi chúng tôi té gục -- shop till you drop-- như nhiều người ở Mỹ đã cho thấy.

Ðây là một thứ bệnh, danh từ y khoa gọi là oniomania, do một nhà tâm lý học người Ðức nhận diện cách đây gần một thế kỷ. Ở Mỹ, theo Hội Tâm Lý Học Hoa kỳ (The American Psychological Association), có khoảng mười lăm triệu người bị hội chứng này. Những người mắc bệnh này thường tạo kẹt xe kinh khủng ở gần các khu buôn bán. Họ làm cho việc tìm được một chỗ đậu xe ở các mall là một cực hình trần ai khoai củ. Bệnh nhân ra khỏi nhà từ sáng sớm, thường là trước giờ mở cửa của các cửa tiệm. Cửa mở, họ xông vào, credit card trong tay, đúng lời căn dặn trong những quảng cáo của American Express là không bao giờ ra khỏi nhà mà không mang theo. Họ khuân một đống đồ ra quầy trả tiền, rồi quăng cái thẻ mua chịu ra, cà cho nát, cho mỏng teng, cho rách...

Ở mười lăm triệu người, thì bệnh đã phát. Trong khi đó, khoảng bốn chục triệu người Mỹ thì còn đang trên đường phát bệnh. Trong những con số này, khoảng 90% là phụ nữ. Ðặc biệt là theo tài liệu của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, rất ít đàn ông mắc thứ bệnh quái ác này.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, họ là những người mắc chứng mua sắm không thể kiểm soát được, compulsive shoppers. Mua sắm trở thành việc làm họ không còn làm chủ được nữa. Mua sắm quay trở lại kiểm soát mọi suy nghĩ của họ.

Những cái tủ áo đầy nghẹt trong nhà, vài trăm đôi giầy trong garage (nếu ở dinh Malacanang thì con số có thể lên đến 6 ngàn đôi), bàn phấn khoảng gần một trăm đôi bông tai để phục vụ hai cái tai, ví tay vài chục cái, thắt lưng mấy chục cái, găng tay ba chục đôi... Rất nhiều thứ chưa được giải phóng ra khỏi những gói giấy ở tiệm mang về.

Vậy nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi shop tiếp. Phải quay trở lại mall, quơ thêm vài ba đống nữa thì chúng tôi mới thấy nhẹ người đi chút ít.

Nhưng tiền đồ của thế giới sắp khá. Bệnh mua sắm có thể chữa được bằng thuốc. Ðại học Stanford ở California đang thí nghiệm một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân sau khi uống thuốc, và thuốc ngấm, thì cho dù là đã ra đến cửa với một kế hoạch mua sắm chi tiết, qui mô, cũng sẽ quay vòng trở lại, thay quần áo, ở nhà làm một người Mỹ bình thường và khỏe mạnh. Thuốc giúp gia tăng seratonin trong óc, và khi lượng seratonin tăng lên tới mức bình thường, thì chúng tôi bình thường trở lại. Không đi mua sắm bậy bạ nữa, ăn nói hợp lý hơn, không lô gích một chiều nữa, không gây sự không lý do nữa, không nạt nộ người chung quanh nữa, không đòi về nhà má nữa vân vân.

Thí nghiệm của trường Stanford không biết đến bao giờ mới có kết quả, nhưng giới doanh thương Mỹ đang tìm cách chặn không để cho loại thuốc này được bầy bán trước Thanksgiving và Giáng Sinh, thời gian mua sắm kinh hoàng nhất ở Hoa kỳ. Các bệnh nhân khỏi bệnh thì làm sao kinh tế Hoa kỳ khá đây?

Nhưng biết đâu, chuyện chữa bệnh mua sắm chỉ là mục tiêu phụ, còn mục tiêu chính là chữa bệnh ăn nói chàm ràm thì sao? Mà như thế thì trước hay sau Thanksgiving và Giáng Sinh có gì quan trọng lắm đâu?

Hay là cứ vào bếp lục cơm nguội ăn như Kissinger cũng đã chết ai chưa.


Ngày 3 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Khi dọn đến địa chỉ hiện nay, tôi tìm được ở ngăn tủ trong phòng ngủ bức tượng nhỏ tạc hình một người ngồi sau chiếc bàn làm việc bừa bộn giấy tờ, sách vở chầt đống nghều nghễu cao hơn đầu người, và ở chân bàn, là hàng chữ neatness is the sure sign of a sick mind.

Tôi thích nó ngay, vì cái bàn của ông ta không khác gì bàn làm việc của tôi.

Ngay từ trước khi có bức tượng --mà tôi không cách gì trả lại chủ nhân nó-- tôi vẫn thấy chuyện gọn gàng, thứ tự, ngăn nắp có điều gì không... ổn. Nghĩa là cái bàn làm việc không bao giờ nên gọn gàng, ngăn nắp. Nó phải bừa bộn như của tôi thì trông nó mới có đời sống, có bàn tay người. Một cái bàn ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng thì nó như cái bàn của một nhà hành chánh, một ông đốc phủ sứ, mỗi ngày có nhân viên vào thu dọn, phủi bụi. Cái bàn sạch sẽ nhưng chủ nó chỉ là một... đốc phủ sứ.

Hàng chữ ở chân bàn -- neatness is the sure sign of a sick mind -- nói đúng được điều tôi vẫn mơ hồ nghĩ trong đầu từ lâu mà không xếp lại thành một câu: sự gọn gàng, thứ tự, sạch sẽ, ngăn nắp là dấu hiệu rõ ràng của một đầu óc bệnh hoạn.

Nhờ nó, tôi có được cách giải thích rất thuyết phục cho tình trạng bừa bộn nơi cái bàn làm việc của tôi. Sạch sẽ, gọn gàng là bệnh hoạn. Bừa bộn, không thứ tự, không ngăn nắp là một đầu óc bình thường và khỏe mạnh.

Tại sao phải ngăn nắp và thứ tự trong khi bừa bộn và mất trật tự vẫn làm được việc? Và cái bàn làm việc của tôi trong phòng ngủ tiếp tục bừa bộn, không thứ tự, không gọn gàng gì hết. Mẹ tôi sang thăm, nói là trông ngứa mắt quá, tôi đề nghị vài giọt thuốc nhỏ mắt cho đỡ ngứa, nhưng xin tha cho cái bàn của tôi.

Hôm nay, đọc được một khám phá của Home & Garden Television, tôi lại càng thấy không nên gọn gàng, ngăn nắp và thứ tự chút nào.

Một cuộc thăm dò do Home & Garden Television thực hiện cho thấy là có một số người tìm thấy được sự thỏa mãn qua việc giữ gìn nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, thứ tự, nhiều hơn là làm tình (... get more satisfaction from keeping their homes neat and attractive than they do from sex.)

Biết được chi tiết này, tôi lại thắc mắc không biết người ở căn nhà này trước khi tôi dọn vào là người như thế nào, có giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng không, hay cũng bừa bộn như tôi để phải khuân bức tượng nhỏ với câu nhận định tương quan giữa sự ngăn nắp, gọn gàng và sức khỏe tâm lý về nhà bầy chơi?

Tôi biết người ở căn nhà này trước tôi là một phụ nữ nhờ cái tên trên phong bì những bức thư tiếp tục tới nằm trong hộp thư của tôi sau khi tôi dọn đến cả mấy tháng trời.

Nàng có nhiều phần không phải là người gọn gàng ngăn nắp nên mới có bức tượng nhỏ đó. Nàng không thích thu dọn nhà cửa sạch sẽ, như vậy nàng tìm thấy sự thỏa mãn ở đâu?

Nàng có giống như người đàn ông Á châu sống bừa bãi thiếu ngăn nắp tìm thấy sự thỏa mãn trong sự biếng lười như Bạch Ngọc Thiềm trong cái thư trai ông gọi là Dong Am, cái am biếng nhác, hay nàng thấy được thỏa mãn nơi cái thú... khác?

Một bức hí họa trong tờ Newsweek đã lâu vẽ một người đàn bà quần áo trên người rất ít trong khi người đàn ông, tay cầm thùng nước, tay kia vác cái chổi, mặt mũi tươi vui đi... dọn nhà, quét tước, lau chùi phòng ốc. Người đàn ông có vẻ như không nhìn thấy người phụ nữ rất sexy đứng bên cạnh vì chàng đã tìm thấy lạc thú trong việc giữ cho nhà cửa sạch sẽ gọn gàng như kết quả cuộc thăm dò của Home & Garden Television chăng?

Ðúng hay không đúng thì khó biết được, vì sự bừa bộn của tôi chỉ là dấu hiệu của một đầu óc không... bệnh hoạn.

Nhưng có thể vì kết quả cuộc thăm dò này, nhiều người đàn ông sẽ không bị bắt dọn dẹp nhà cửa nữa không chừng!


Ngày 4 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Abby, như chúng ta đã đồng ý nhiều lần, nên về hưu, gác bút, log off cái computer của nàng, cất nó xuống basement, và nghỉ viết mục trả lời các thắc mắc của độc giả mà nàng đã phụ trách quá lâu trên các báo Mỹ.

Nhưng nàng vẫn cứ tiếp tục viết, và càng tiếp tục viết, nàng càng cho thấy là nên qui ẩn cho rồi. Nên, từ rất lâu mới đúng.

Mới đây, Abby góp ý với một độc giả muốn có câu trả lời cho những gợi ý, những thúc giục, những lời khuyên là nên đẻ thêm một hai đứa con nữa trong khi chiếc đồng hồ nội bộ (?) của người độc giả này đang hối hả chạy những vòng cuối trước khi sợi dây thiều lăn đùng ra khiến cái đồng hồ chết ngắc.

Cái internal clock -- đồng hồ nội bộ-- ở cái tuổi ngũ tuần của nàng, hoặc đã ngưng chạy, hay vẫn còn đang chạy, nhưng bằng những nhịp cực kỳ rối loạn, làm những đêm mùa đông bỗng như hừng hực lửa của nắng hè, những đổi thay của tâm tính, những cáu bẳn vô lý hơn mọi vô lý thường ngày, mức estrogene càng ngày càng xuống thấp... mà lại còn bị nhắc thêm vài câu hối thúc như vậy thì người nghe khó chịu là phải.

Chẳng lẽ lại hét lên câu hăm dọa mà tôi mới đọc được trên cản sau chiếc xe đậu gần sở: My estrogene is low and I have a gun -- này, estrogene của tôi đang xuống thấp và tôi có súng trong tay đấy nhé.

Với những đề nghị như thế, không thể chỉ nói không phải việc của ông / bà. Câu này thường quá, những góp ý sẽ còn trở lại nữa. Câu trả lời như thế nghe như những che dấu không cần thiết. Người nghe nhất định sẽ nghĩ ra trong đầu những lý do khác ghê rợn hơn nhiều.

Cũng không nên nói rằng mấy quả grade A còn lại trong hộp... trứng đã thối hết như một phụ nữ tôi quen vẫn nói. Không được. Ai lại vạch... trứng cho người xem như thế.

Abby trả lời người độc giả nọ rằng cứ nói là xưởng của chúng tôi đóng cửa thế là xong. Our factory is closed. Xưởng đóng cửa, tiệm đóng cửa, phẹc mê bu tích, không sản xuất nữa. Chấm dứt.

Abby tưởng trả lời như vậy là xong. Như trường hợp xưởng đóng cửa trong lúc khó khăn kinh tế, sản xuất đình lại tại các xí nghiệp quốc doanh không lời lãi cuối cùng phải dẹp như ở các nước Cộng sản cũ để cắt bỏ những gánh nặng đè lên các quốc gia này. Trong những trường hợp đó, đóng cửa là chấm dứt, là không còn một hoạt động nào khác nữa. Là công nhân thất nghiệp dài cổ, là chủ nghĩa Cộng sản với hệ thống kinh tế do trung ương thiết kế phá sản thê thảm là đúng.

Nhưng thực ra, không phải xường máy nào, sau khi đóng cửa cũng buồn bã, chán nản như thế. Một số nhà máy, khi đóng cửa, phải bồi thường cho nhân viên bị cho nghỉ việc. Nhiều khi công nhân được những món tiền đáng kể. Do đó, cửa nhà máy có thể đóng, nhưng đó không phải là chấm dứt mọi chuyện. Người công nhân có tiền, có thể vui chơi tiếp (?) hay đi kiếm một xưởng máy mới (?) còn tiếp tục thu dụng họ. Nên trả lời như Abby có thể là không đúng.

Tôi đọc câu trả lời của nàng xong, thì ấm ức ghê lắm. Trả lời thiếu sót như vậy mà cũng đòi trả lời, giải đáp thắc mắc, gỡ rối tơ lòng cho người khác. Nhưng tôi cũng không biết phải thêm vào câu trả lời của nàng những gì để cho hợp lý hơn.

Thì sáng hôm qua, một độc giả ở Lansing, Michigan viết cho Abby với một đề nghị nhỏ để thêm vào câu trả lời của Abby. Người độc giả này, mà tôi tin chắc là một phụ nữ, đề nghị Abby thêm vào câu này: But the playground is still open.

Xưởng máy tuy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, vì không thể sản xuất được nữa, vì không có nhu cầu sản xuất nữa, vì khó khăn kinh tế hay vì những nguyên do khác, nhưng sân chơi, sân giải trí của xưởng máy thì vẫn tiếp tục mở cửa cho các công nhân của xưởng máy bị đóng cửa vào chơi như thường.

À, như thế mới được. Xưởng máy đóng cửa, nhưng tại sao phải đóng cửa một tiện nghi (?) mà các công nhân trước kia vẫn được phép sử dụng?

Phải mở cửa chứ. Xưởng máy của Abby có thể đã đóng cửa, và sân chơi của cái xưởng đó có thể cũng đã dẹp luôn, những cái cầu tuột (?) những cái đu, những bồn cát để xúc cát (?) chơi có thể đã đóng như trường hợp xưởng của Abby, nhưng những sân chơi ở các xưởng máy khác vẫn tiếp tục mở thì sao?

Ồ, trả lời như Abby là sai sót thấy rõ. Khi không cho đóng cửa sân chơi luôn mà cũng gỡ rối tơ lòng độc giả thì sao được!


Ngày 5 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Cách đây khá lâu, tờ Time có đăng một bài essay, trong đó, tác giả tưởng tượng vài ngàn năm nữa, tại một nơi khai quật phế tích, các nhà khảo cổ học đào được một cổ vật làm bằng plastic hình thuẫn, hình trái soan, như một chữ O lớn trong đống gạch vụn của những căn nhà bị động đất làm sập và bị chôn dưới nhiều lớp địa tầng.

Không biết công dụng đích thực của cổ vật hình thuẫn này, sau nhiều ngày bàn thảo, tranh luận, các nhà khảo cổ tin rằng đó là một chiếc khung mà những người sống cách đó vài ngàn năm -- chúng ta -- dùng để treo những bức hình trên tường trong nhà. Các nhà khảo cổ học có thể không biết đó chỉ là chiếc bàn cầu trong nhà tắm của thế kỷ thứ hai mươi. Kiểu cầu tiêu đó không còn được dùng nữa, được thay thế bằng kiểu tối tân hơn, và sau vài ngàn năm, mọi dấu tích của loại cầu cũ biến mất, các nhà khảo cổ không biết nên đã đoán mò nó là cái khung ảnh.

Một bản tin của Tân Hoa xã tuần trước nói rằng một cổ vật tìm được trong một ngôi mộ của một hoàng đế đời nhà Tây Hán cách đây hai mươi hai thế kỷ là cái cầu tiêu giật nước đầu tiên của nhân loại, do người Trung Hoa sáng chế, trước cái cầu tiêu mà người ta vẫn tin là do Thomas Crapper, một người thợ ống nước người Anh phát minh khoảng năm 1865.

Lại là một đóng góp khác cho văn minh loài người của Trung quốc. Thế giới cần phải biết ơn giống người tài giỏi ở Á châu này. Hơn một tỉ dân Trung quốc lại có thêm một lý do khác để kiêu hãnh.

Bản tin của Tân Hoa Xã nói rằng chiếc cầu tiêu này được làm bằng những phiến đá lớn tới gần hai mét, có bệ ngồi và nước chẩy ở dưới. Toàn bộ cầu tiêu này được đặt trong một lâu đài xây ngầm dưới mặt đất để cho vị hoàng đế Tây Hán có chỗ để bài tiết sau khi qua đời.

Nếu đúng là như thế thì văn minh của đời Tây Hán đã đạt được mức rất cao. Loại cầu tiêu giật nước đòi hỏi một số kỹ thuật để chuyển một lượng nước vào bồn cầu, đẩy cái đống mà cơ thể thải ra qua bộ phận gọi là con thỏ, một khúc ống hình chữ S nằm ngang để sau khi bị tống đi, chất phế thải không quay trở lại bồn nữa. Nhiều người không tin là hơn hai mươi hai thế kỷ trước, nhân loại nói chung, chẳng riêng gì người Trung Hoa, đã có được kỹ thuật đó. Vậy thì có thể nó không là cái cầu tiêu mà là một đồ vật khác được các nhà khảo cổ Trung Hoa đoán mò nó là cái cầu tiêu như người ta đã đoán cái bệ cầu là cái khung hình của thế kỷ hai mươi chăng?

Ðã chắc gì đó là cái cầu tiêu giật nước, mà không là cái bàn ăn sáng của ông hoàng đế Tây Hán?

Biết đâu bản tin của Tân Hoa Xã lại chẳng nằm trong âm mưu của Trung quốc muốn mỗi lần tống chất phế thải ở trong người ra, chúng ta phải nghĩ tới nước Trung Hoa, dân tộc Trung Hoa và cám ơn họ, nhờ họ mà công việc bài tiết trở thành lý thú hơn, văn minh hơn cái thú vui vẫn được coi là thứ nhì, thứ ba trong đời sống này (thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng hay thứ nhất là đỗ thám hoa, thứ nhì phò mã, thứ ba ỉa đồng).

Nhưng nghĩ thêm một chút, tôi thấy có gì không ổn trong sự đề quyết của các nhà khảo cổ Trung quốc và bản tin Tân Hoa xã khi nói rằng người Trung quốc đã đóng góp cho văn minh nhân loại cái cầu tiêu tối tân nói trong bản tin. Ðó là tại sao nước Trung Hoa và người dân Trung Hoa lại quay về với kiểu ngồi chồm hổm và tiếp tục với kiểu ngồi đó cho đến tận ngày nay? Tại sao lại tiến bộ giật lùi như thế? Bảo rằng kiểu cầu tiêu đó chỉ dành cho các vua chúa, thì tại sao đời nhà Thanh, trong những sách vở, không thấy nói gì về những chiếc cầu tiêu giật nước đó, và Phổ Nghi, ông vua cuối cùng của nhà Thanh cũng vẫn phải dùng cái bô?

Mấy năm trước, khi bị chính phủ Mỹ tố cáo đánh cắp kỹ thuật phi đạn của Hoa kỳ để dùng trong các phi đạn đạn đạo, Bắc kinh la lối ầm lên rằng Trung quốc dùng kỹ thuật của họ, không hề vay mượn, sao chép, bắt chước, đánh cắp kỹ thuật của các nước khác bao giờ.

Có phải trong chiều hướng chùi miệng đó, mà cái cầu tiêu giật nước nay lại do ngươi dân Trung quốc sáng chế từ đời Tây Hán không?

Sau đây, còn phát minh nào nữa của người Trung quốc? Cái áo mưa chăng? Thế tại sao bây giờ lại... hơn một tỉ người?

Bùi Bảo Trúc


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 46)

Bản chuyển tả do Nhã Lan thực hiện. Bài học số 46 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

NHÃ LAN

Ðây là câu hỏi của Nhã Lan. Hồi vỡ lòng tiếng Anh ở trường Gia Long, Nhã Lan được cô giáo dậy dùng SHALL cho ngôi thứ nhất số ít là "I" và cho ngôi thứ nhất số nhiều, chúng ta, là "WE". Nhã Lan cứ đinh ninh như vậy. Nhưng sống ở Mỹ hơn hai chục năm nay, Nhã Lan thấy động từ SHALL gần như đã biến mất hẳn. Lâu lắm Nhã Lan không nghe ai nói I SHALL và WE SHALL nữa. Không biết Nhã Lan nói vậy có đúng hay không?

BBT

Cô nói đúng một phần. Ðúng là cô ít khi nghe nói I SHALL và YOU WILL, HE WILL, SHE WILL, THEY WILL. Vì trong khi nói, người ta tỉnh lược, nói tắt đi thì làm thế nào cô nghe được SHALL và WILL nữa.

Chúng ta chỉ nghe I’LL, YOU’LL, HE’LL

Nhưng SHALL và WILL chưa hẳn là đã biến mất.

Thí dụ nói I’LL BE IN WASHINGTON NEXT WEEK thì cô không biết đó à SHALL hay WILL .

Nhưng khi đổi thành câu hỏi, thì SHALL lại hiện ra: SHALL I BE IN WASHINGTON NEXT WEEK? Và trong thể phủ định thì SHALL cũng hiện ra: I SHALL NOT BE hay I SHAN’T BE IN WASHINGTON NEXT WEEK.

SHALL NOT nói tắt hành SHAN’T và WILL NOT nói tắt thành WON’T.

QA

Vậy chúng ta có còn phân biệt SHALL và WILL nữa không? QA thấy SHALL rất ít được dùng. Người Mỹ không phân biệt SHALL và WILL trong thể xác định, trong khi nói với nhau hàng ngày có phải không thưa anh?

BBT

Cũng đúng. Ngày nay, nhiều người không còn phân biệt SHALL và WILL nữa. Người ta dùng WILL cho tất cả các ngôi.

Trước đây, khi dùng cho ngôi thứ HAI và thứ BA , thì SHALL có nghĩa là một hăm dọa, một mệnh lệnh, một lời hứa hẹn.

Thí dụ YOU SHALL BE FINED BY THE POLICE. Ðây là hăm dọa hay mệnh lệnh, hay hứa hẹn cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

YOU SHALL BE FINED BY THE POLICE là hăm dọa rõ ràng. Thưa anh, như thế này có phải là một mệnh lệnh không: YOU SHALL BE HERE AT EIGHT O’CLOCK.

BBT

Câu này, mà do cô Nhã Lan nói thì đúng là một mệnh lệnh. Còn QA, cô cho nghe một lời hứa hẹn coi.

QA

YOU SHALL HEAR FROM US BY FRIDAY.

BBT

Như vậy, SHALL và WILL vẫn còn được dùng đấy chứ có đào ngũ chạy đi chỗ nào đâu. Bây giờ, nhân nói về SHALL và WILL, tôi muốn nói qua về SHOULD và WOULD.

NHÃ LAN

Có phải SHOULD là PAST TENSE của SHALL và WOULD là PAST TENSE của WILL hay không?

BBT

Ðúng vậy, nhưng ý nghĩa và cách dùng của chúng rất khác.

SHOULD không hẳn là tương lai trong quá khứ và WOULD cũng không hẳn là tương lai trong quá khứ. Chúng ta sẽ thảo luận về tương lai trong quá khứ vào một dịp khác. Hôm nay, hãy nói về SHOULD khi đề cập tới một bổn phận, một điều nên làm, một bó buộc, một trách nhiệm.

SHOULD không mạnh bằng MUST.

Thí dụ chuyện giúp một người già qua đường thì hai cô dùng SHOULD hay MUST?

QA

WE SHOULD HELP THE OLD MAN CROSSING THE STREET.

NHÃ LAN

Nhưng Nhã Lan nghĩ MUST phải dùng trong trường hợp này: CHILDREN MUST HELP THEIR ELDERLY PARENTS.

BBT

Nghĩa là MUST MUST BE USED IN THIS PARTICULAR SITUATION phải không Nhã Lan?

NHÃ LAN

Ông thầy lại chơi chữ rồi. Vâng, MUST MUST BE USED.

BBT

Bây giờ để nói qua WOULD. Trong khi nói chuyện hàng ngày, chúng ta nên dùng WOULD để cho lời nói lễ phép, nhẹ nhàng đi. Thí dụ thay vì nói DO YOU WANT COFFEE? Thì chúng ta dùng WOULD để nói WOULD YOU LIKE COFFEE? WOULD YOU WANT COFFEE? Thay vì nói TURN ON THE TV, chúng ta nói WOULD YOU PLEASE TURN ON THE TV?

QA

QA biết WILL còn có nghĩa là di chúc nữa. LIVING WILL là sinh thời chúc thư, bản chúc thư làm khi còn sống. Nhưng thưa anh, câu này nghĩa là gì? WHERE THERE IS A WILL, THERE IS A WAY. Tại sao lại nói có di chúc thì có … đường?

BBT

WILL có mấy nghĩa khác nhau. WILL là di chúc. Nhưng WILL cũng có nghĩa là ý chí, điều mong muốn, ước ao. Trong câu tục ngữ cô vừa hỏi, chữ WILL không có nghĩa là di chúc, mà là ý chí. Ở đâu có ý chí thì ở đó sẽ có một con đường để đi tới điều ước muốn, điều mong muốn, thực hiện giấc mơ của mình. WHERE THERE IS A WILL, THERE IS A WAY là có chí thì nên. Hữu chí cánh thành.

Vì thế, GOOD WILL là thiện chí. TO SHOW GOOD WILL là để bầy tỏ thiện chí. Cô Nhã Lan cho một thí dụ coi.

NHÃ LAN

Ðể Nhã Lan làm nhà báo nhé: TO SHOW GOOD WILL, NORTH KOREA RELEASED TWO AMERICAN JOURNALISTS để tỏ thiện chí, Bắc Triều Tiên thả hai nhà báo Mỹ.

BBT

STRONG WILL là gì Quỳnh Anh? STRONG thì cô biết rồi, là khỏe. WILL là ý chí.

QA

STRONG WILL là cứng rắn về mặt đầu óc, là ý chí mạnh. MY SON IS A BOY WITH VERY STRONG WILL. WHAT HE WANTS HE WILL GET IT, HE WILL DO IT, HE WILL HAVE IT. Con trai QA là một đứa rất mạnh về ý chí. Nó muốn gì thì nó sẽ làm đủ mọi cách để có, để đạt được, để làm được.

BBT

Còn thành ngữ này nữa: TO BE WILLING TO nghĩa là sẵn lòng. TO BE UNWILLING TO là không sẵn lòng. Cô Nhã Lan cho nghe một câu với TO BE WILLING TO coi.

NHÃ LAN

I AM WILLING TO WORK ON SUNDAY BUT I AM NOT WILLING TO (I AM UNWILLING TO) WORK ON CHRISTMAS DAY.

BBT

Cô QA cho nghe hai ba câu hỏi dùng TO BE WILLING TO.

QA

YOU WANT A DOG, BUT ARE YOU WILLING TO CARE FOR HIM?

ARE THEY WILLING TO PAY TWO THOUSAND DOLLARS FOR THE APARTMENT?

IS SHE WILLING TO LOSE 10 POUNDS?

BBT

Các cô có biết là có một động từ TO WILL không?

NHÃ LAN

Không. Nhã Lan chỉ biết WILL là một trợ động tự, một AUXILIARY VERB mà thôi. Và WILL thì không bao giờ có TO ở trước cũng như CAN, MAY, MIGHT, SHOULD, COULD… Nhưng bộ có động từ TO WILL sao anh?

BBT

Có. TO WILL là để di chúc lại cho một người nào đó. Thí dụ HE WILLED THE HOUSE TO HIS DOG.

Cũng có vài ba chữ khác chắc các cô cũng đã nghe.

Thí dụ AGAINST THE WILL là trái ý, là ngược lại ý muốn. HE HAD TO STUDY LAW AGAINST HIS WILL là gì QA?

QA

AGAINST HIS WILL là nược lại ý muốn, là miễn cưỡng. Như vậy, HE HAD TO STUDY LAW AGAINST HIS WILL là anh ấy phải học luật trong khi anh ấy không muốn chút nào. Chắc anh ấy bị cha mẹ bắt học luật.

BBT

AT WILL thì lại khác hẳn. AT WILL là muốn làm gì tùy thích. THE BOY IS SPOILED ROTTEN: HE DOES EVERYTHING AT WILL là đứa bé được nuông chiều quá sức, tha hồ muốn làm gì tùy thích.

Nói vậy đã đã đủ về WILL chưa? Tôi nghĩ là chưa. Chúng ta sẽ trở lại nói về WILL trong một dịp khác, GOD WILLING

QA

GOD WILLING là gì thưa anh?

BBT

GOD WILLING là nếu Trời, nếu Thượng Ðế cho phép.

NHÃ LAN

Vâng, GOD WILLING, Nhã Lan muốn nhờ anh giảng cho câu này, câu Nhã Lan nghe rất nhiều lần, hiểu thì có hiểu, nhưng không rõ lắm. Ðó là câu TOO GOOD TO BE TRUE. Tại sao lại TOO GOOD TO BE TRUE? Quá tốt để là sự thật. Như thế là thế nào?

BBT

Thì là như thế. Cô hiểu như vậy là đúng rồi. Thí dụ có người đề nghị bán cho cô một căn nhà ba phòng ngủ, ba phòng tắm, có bể bơi, laiï tặng thêm chiếc Acura mới chạy có 10 ngàn dặm đậu sẵn trong garage ở gần bờ biển, với giá 20 ngàn đô la tiền mặt, ngày mai dọn vào ở liền…

QA

Vậy thì chuyện đó đúng là TOO GOOD TO BE TRUE, chuyện quá tốt đẹp làm sao mà có được, không cách gì có thể là chuyện thật được. Phải không thưa anh?

BBT

Ðúng lắm. Không biết hai cô có nhìn ra chi tiết này không? Ðó là câu ấy không hề có chữ NOT ở trong , vậy mà vẫn có nghĩa phủ định. Lẽ ra phải nói đầy đủ thế này: IT IS TOO GOOD. IT CANNOT BE TRUE. Chuyện ấy quá tốt. Chuyện ấy không thể là chuyện thật được. Nhưng bằng cấu trúc IT IS TOO và theo sau là một động từ INFINITIVE, động từ nguyên mẫu có TO ở trước, chúng ta có ngay một câu với ý nghĩa phủ định.

NHÃ LAN

Nhã Lan có gặp những câu như vậy rồi. Hôm nọ Nhã Lan đi chơi con. Khoảng 4 giờ, Nhã Lan muốn về, thì bị con gạt đi: IT IS TOO EARLY TO GO HOME MOMMY! Ðó là cấu trúc anh vừa nói phải không? Cũng IT IS TOO theo sau là một TĨNH TỪ (ADJECTIVE), và tiếp theo là một động từ chưa chia (INFINITIVE) đó.

BBT

Ðúng rồi. Cô QA cho nghe hai câu với lối đặt câu đó coi.

QA

IT IS TOO COLD TO GO FOR A SWIM

IT IS TOO LATE TO TRADE IN MY CLUNKER

BBT

Như vậy, cô có đi bơi không?

QA

IT IS TOO COLD TO GO FOR A SWIM là trời quá lạnh, để đi bơi tức là không đi bơi được.

IT IS TOO LATE TO TRADE IN MY CLUNKER là đã quá muộn để đổi cái xe cũ lấy cái xe mới nghĩa là QA không đổi được cái clunker của mình.

BBT

Thế còn cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

THE PRICE OF THE HOUSE IS TOO LOW TO BE TRUE nghĩa là cái nhà 20 ngàn đô la còn kèm theo cái Acura thì giá quá thấp không thể là sự thật được.

MY CAR IS TOO OLD TO MAKE A TRIP TO SAN FRANCISCO là cái xe của Nhã Lan quá cũ để lái một chuyến đi San Francisco.

BBT

Như vậy, hai cô đã hiểu cách đặt câu TOO và TO. Bây giờ, cũng cùng kiểu đặt câu như thế, tôi sẽ làm cho ý nghĩa ngược lại, nghĩa là chuyện có thể xẩy ra, có thể làm được, có thể có được, không như mấy câu hai cô vừa đặt ở trên.

IT IS NOT TOO LATE TO GO BACK TO COLLEGE. Theo cô QA thì chuyện đi học đại học có còn làm được không?

QA

QA nghĩ là chuyện đi học đại học vẫn có thể làm được vì chưa quá muộn. QA biết có một cụ bà 88 tuổi vừa tốt nghiệp cử nhân ở đại học Michigan hồi cách đây mấy tháng.

QA có thể nói thế này không: IT IS NOT TOO YOUNG TO LEARN TO PLAY THE PIANO. QA biết Mozart chơi dương cầm từ khi 3 tuổi.

BBT

Ðúng. Như vậy, IT IS TOO, thì nghĩa là không. IT IS NOT TOO nghĩa là có xẩy ra.

IT IS TOO HOT TO WORK IN THE GARDEN. BUT IT IS NOT TOO HOT TO SIT DOWN AND HAVE A COLD BEER. Hai câu này đúng hay sai?

QA

Câu sau đúng. Trời nóng uống bia là hợp lý. Nhưng trời nóng thì vẫn phải cắt cỏ cho cái vườn dễ coi một chút. Trời nóng không làm vườn là không hợp lý. Nhưng về mặt văn phạm, về cách đặt câu thì rất đúng phải không ông thầy?

BBT

IT IS TOO EARLY TO SAY IRAQ IS A SUCCESS nghĩa là gì cô QA, người đọc tin tức cho đài truyền hình Hồn Việt?

QA

Câu đó , IT IS TOO EARLY TO SAY IRAQ IS A SUCCESS là hiện vẫn còn quá sớm nên không thể nói Iraq là một thành công của Mỹ.

NHÃ LAN

Thế còn ông thầy có thấy quá muộn để làm một chuyện gì không?

BBT

Có chứ. IT IS TOO LATE TO LEARN TO COOK. Thêm các đại danh từ FOR ME, FOR YOU, FOR HIM, FOR HER, FOR US, FOR THEM chúng ta đổi ngay ý nghĩa của câu.

IT IS TOO LATE FOR ME TO LEARN TO COOK là quá muộn ÐỂ TÔI hoọ nấu bếp. IT IS TOO LATE FOR US TO GO ON WITH THE LESSON là gì cô QA?

QA

IT IS TOO LATE FOR US TO GO ON WITH THE LESSON nghĩa là đã quá muộn để chúng ta tiếp tục bài học hôm nay. Vì thế nên QA xin thưa quí vị khán giả, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Nguyễn Hòa Hiếu, Santa Ana, California

Câu ông hỏi "When they call the roll in the Senate, the Senators do not know whether to answer "Present" or "Not guilty"", (Khi Thượng Viện điểm danh, các thượng nghị sĩ không biết phải trả lời là "Có mặt" hay "Không có tội") không phải là câu để nói về cố thượng nghị sĩ Ted Kennedy. Thời ấy, chưa có thượng nghị sĩ Kennedy. Câu nói ông hỏi là của Theodore Roosevelt.

Chuyện tình giữa Robert Kennedy và chị dâu, Jacqueline Kennedy, là chuyện có thật. Ở Washington, người ta đã nói về liên hệ này từ nhiều năm. Ðã có cả một cuốn sách ghi lại chuyện này của tác giả C. David Heymann nhan đề Bobby and Jackie: A Love Story. Ông có thể mua qua Amazon.com.

Uncle Sam là nhân vật tưởng tượng tượng trưng cho nước Mỹ. John Bull tượng trưng cho nước Anh. Người đặt ra tên John Bull là một nhà văn trào phúng người Tô Cách Lan tên là John Arbuthnot trong cuốn sách xuất bản năm 1712 nhan đề The History of John Bull. Bull là con bò vì người Anh thích ăn thịt bò. Ông đặt cho người Pháp tên Lewis Baboon, người Hà Lan là Nicholas Frog. Baboon và Frog là tên hai con vật, như John Bull nhưng không có một giải thích nào tại sao lại gọi người Pháp là con vượn và gười Hà Lan là con ếch.

Joe Miller là danh từ để gọi một truyện khôi hài cũ và nhạt không chọc được cho ai cười.

Lycée nguyên là danh từ gọi các trường trung học (37 trường tất cả) do Napoléon đệ Nhất thành lập năm 1808 để thay thế cho các trường collèges royaux bị phế bỏ sau cuộc cách mạng 1789. Về sau, lycée là tiếng để gọi các trường trung học. Lycée là danh từ mượn của tiếng Hy Lạp, lyceum.

Cụ Nguyễn Am, Fountain Valley, California

Cây huyên cũng còn có tên là hiên, hay kim châm. Cây này cũng còn có tên là vong ưu thảo, vì người ta tin là ăn hoa của nó, hoa kim châm, có thể giải được những ưu phiền. Cây huyên tượng trưng cho người mẹ (nhà huyên, huyên đường) . Người Trung hoa thời xưa thường trồng nó ở nơi người mẹ ở. Huyên già là cha mẹ có tuổi.

Tương tư thảo là thuốc lào.

Ông Trần Tấn Thuật, San Jose, California

Dao chữ Hán là đao. Nhưng trong tiếng Việt, đao to hơn dao.

Tóc mây một món dao vàng chia đôi: cắt tóc thì dùng dao (nhỏ).

Người nách thước, kẻ tay đao là cảnh sai nha vào nhà Kiều làm khó gia đình Vương ông. Cầm đao, dao to mới dọa được gia đình Kiều.

Dao to búa lớn, không nói đao to búa lớndao to đã là đao rồi.

Oán thân bất oán sơ nghĩa là giận, trách người thân chứ không giận, không oán người sơ, người không thân. Người thân mà làm diều xấc, ác, không tốt với mình thì đáng giận hơn là người không quen biết, thân thiết bao nhiêu.

Tiết trực tâm hưmotto của đệ nhất cộng hòa. Tiết là đốt (của cây trúc); trực là thẳng; tâm là lòng; là trống, rỗng. Tiết trực tâm hư là những chữ mô tả cây trúc: đốt thẳng, không bẻ cong được, tâm, lòng không có gì. Nghĩa bóng là người quân tử, lưng không cong, lòng không sân hận oán thù.

Thiên thời bất như địa lợi
Ðịa lợi bất như nhân hòa

Thiên thời (hợp với trời), địa lợi (địa thế thuận lợi) và nhân hòa thuận với lòng người) là ba yếu tố đem lại thành công trong các lãnh vực chính trị, quân sư, xã hội. Nhưng được lòng dân là yếu tố quan trọng nhất.

Phan Thanh Giản trong một bài thơ tóm lược những việc làm của ông và thời vận của đất nước cũng viết:

Trời thời, đất lợi, lại người hòa
Há để ngồi coi phải nói ra
Lăm trả ơn vua đền nợ nước
Ðành cam gánh nặng ruổi đường xa
Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ
Vượt biển trèo non cám phận già
Cũng tưởng một lời an bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba

(Tuyệt Cốc)

Ngư thủy tương phùng là cá gặp nước. Câu này nguyên là lời của Lưu Bị nói khi được Khổng Minh (Gia Cát Lượng) nhận lời theo giúp. Nguyên văn: "Cô đắc Khổng Minh do ngư chi đắc thủy" nghĩa là ta được Khổng Minh thì cũng như cá gặp nước.

Trúc lâm thất hiền là: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Nguyễn Hàm, Sơn Ðào, Hướng Tú, Vương Nhung, Lưu Linh. Ðây là bẩy người đời nhà Tấn tính tình phóng khoáng, giỏi văn thơ rủ nhau vào rừng trúc uống rượu, ngâm thơ, gẩy đàn, đánh cờ với nhau.

(Lục Vân) Tiên rằng ông quán chớ cười
Ðây là nhớ lại bẩy ngươi trúc lâm (Nguyễn Ðình Chiểu).

Bà Nguyễn thị Hội, Houston, Texas

Băng nhân là người làm mai, làm mối. Nhưng tại sao lại gọi là băng nhân?

Theo Tấn Thư, Lệnh Hồ Sách nằm mơ thấy đứng trên một tảng nước đá (băng) nói chuyện với một người ở dưới tảng băng. Người trên nói với người ở dưới là nói chuyện âm dương, tức là chuyện hôn nhân. Hai người nói chuyện để làm mối cho người này lấy người khác nên từ đó mới có chữ băng nhân. Cũng có khi gọi là nhà băng (nhà băng đưa mối rước vào lầu trang/ Kiều câu 630)