July 26, 2012

July 27, 2012


Ngày 23 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Mae West, cô đào vamp của điện ảnh Mỹ trong những năm 30, 40 đã để lại cho đời mấy chục câu nói hay tuyệt, những câu ỡm ờ, hai ba nghĩa làm bao nhiêu người đàn ông sướng gần chết, đồng thời cũng còn nói lên được nét hấp dẫn rất lồ lộ của chính cô.
Một trong những câu nói ấy của cô nguyên văn như thế này: "Is that a gun in your pocket, or are you just happy to see me?" Cô nói câu này trong phim She Done Him Wrong mà cô đóng chung với Cary Grant.
Cô trông thấy chàng và thắc mắc có phải chàng để khẩu súng trong túi quần, hay đó chỉ vì chàng quá mừng (?) khi trông thấy cô.
Cô nghĩ mình phải hấp dẫn lắm nên gặp cô là chàng đã mừng gần chết, cũng có thể là chàng có khẩu súng để trong túi quần thật. Nhưng có thế nào thì chàng trông cũng rất oai và hấp dẫn.
Tuy vậy, không phải ai cũng có đôi mắt tinh như cô và cũng không phải ai cũng hấp dẫn như chàng. Vì thế mới thành chuyện ở phi trường San Francisco hôm 19 tháng 7 vừa qua.
Jonah Falcon 41 tuổi, là một diễn viên và cũng là một nhà văn sống tại New York. Hôm ấy chàng từ San Francisco bay về New York. Tại cửa an ninh lên máy bay, nhân viên của TSA, cơ quan an ninh vận tải liên bang, chàng bị hỏi là chàng có để gì trong túi quần trái không mà sao chàng lại … phồng lên quá cỡ thợ mộc như thế. Chàng trả lời là không. Nhân viên an ninh lại hỏi chàng có cái bướu gì ở đùi trái không, chàng cũng trả lời không.
Bản tin không cho biết đó là một nam nhân viên hay là một nữ nhân viên. Nhưng có điều gần như chắc đó là một nam nhân viên. Có thể vì thế cho nên chàng mới bị hỏi đi hỏi lại tới hai lần về cái phồng phồng (?) trong quần. Phải chi người nhân viên an ninh đó là Mae West, thì nàng chỉ cần nháy mắt một cái, hỏi chàng có để súng trong túi quần không hay đó chỉ là vì chàng quá vui khi thấy nàng. Hỏi và không cần trả lời, chàng sẽ được Mae West cho đi luôn.
Nhân viên an ninh phi trường chắc không đọc tờ Rolling Stones bao giờ, vì trong một bài báo viết về chàng mang tựa đề "Mr. Big", người đọc được biết chàng là người có kích cỡ "khác thường" từ khi mới 10 tuổi, theo chính tiết lộ của má chàng.
Mới 10 tuổi mà đã khác (?) thường như thế, thì nay, 41 tuổi, chắc chàng phải là Mr. Bigger (?) mới đúng. Và chính vì thế nên chàng bị căn vặn lên căn vặn xuống ở phi trường San Francisco hồi tuần trước khi đi qua cửa an ninh. Chàng sau đó đã phải nói thật với nhân viên an ninh về "thiết bị" của chàng, nhưng cũng có than phiền một chút vì trước đó, chàng đã phải đi qua máy chụp quang tuyến toàn thân, hình hiện lên màn ảnh không thiếu một món gì. Vậy mà chàng vẫn bị hỏi mới phiền. Nhưng cũng phải thông cảm các biện pháp an ninh vì khủng bố có thể chế tạo bom bằng một loại plastic không hiện lên trên máy quang tuyến.
Chàng nói thật với nhân viên rằng cái phồng phồng ấy là đồ đạc (?) của chàng. Nhân viên an ninh xin phép để khám bằng tay, nhưng lại không dám đặt hẳn tay lên "nó", mà chỉ xoa nhẹ chung quanh. Nhưng chỉ xoa nhẹ chung quanh thì làm sao biết được thật giả. Người ta vẫn nghi chàng mang bom trong người nên dùng một loại bột rắc lên ống quần trái của chàng coi có phải là chất nổ hay không. Mãi mấy phút sau chàng mới được lên máy bay.
Jonah Falcon cho biết chuyện như vậy đã xẩy ra vài ba lần nên chàng đã quen. Lên máy bay, chàng tweet cho bạn bè, và nhờ đó, chuyện ở phi trường San Francisco mới được nhiều người biết.
Nhưng nhân viên an ninh ở phi trường đáng lẽ ra đã có thể làm một việc khác giản dị và chắc ăn hơn. Đó là cho chàng nuốt một viên Viagra rồi bảo chàng ngồi chờ. Nếu nửa tiếng sau, yêu cầu chàng đứng dậy, bước đi vài bước mà thấy chàng nhấc chân trái (?) lên một cách khó khăn thì để cho chàng lên máy bay. Nếu chỉ có tóc (?) chàng dựng ngược lên như Kinh Kha ở bến sông Dịch thì lột quần áo chàng ra, nhất định sẽ thấy khẩu súng hay chất nổ dấu trong túi quần.
Rất nhiều người đàn ông khi nghe chuyện của chàng thì không còn những ao ước thầm kín như trước đây nữa. Nhất là khi báo chí như tờ Huffington Post tiết lộ rằng chàng thất nghiệp đã vài năm nay, và từ hơn 15 năm nay, chàng không có được một liên hệ "chất lượng" với bất cứ một phụ nữ nào cả.
Như vậy, có kích cỡ như chàng thì cũng có khác gì những người đàn ông khác trên thế giới này đâu. Đã thất nghiệp dài (?) người ra lại còn bị phiền nhiễu bao nhiễu lần ở phi trường như vậy thì 13 inches 5 mà làm gì?
Cứ có nhiêu xài nhiêu là được rồi.

Ngày 24 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Tối hôm qua tôi đi ăn với một người bạn. Ngồi vào bàn thì tôi thấy phía sau lưng người bạn tôi, quay lại phía tôi, là một phụ nữ mà tôi đoán là còn khá trẻ. Mái tóc nâu nhạt của cô được cột cao. Cô mặc một chiếc áo hở lưng, hai sợi spaghetti vắt ngang qua vai.
Tôi không thể không nhìn cô, vì ở chả vai phải của cô, là hai hàng chữ xâm mầu xanh đậm. Bằng tất cả mọi nỗ lực kín đáo, tôi tìm cách cố đọc những chữ ấy. Nhưng một sợi dây của chiếc áo lót cô mặc lại che đi mất mấy chữ. Mà những chữ khác thì những con mắt già của tôi không nhìn thấy rõ mấy.
Tôi cố nhưng vẫn không sao đọc được. Chẳng lẽ đứng dậy, ghé sát mắt vào lưng cô để đọc.
Tôi không dám tính tới chuyện đó, vì nói thật, tôi vẫn nghĩ những người xâm mình nói chung thường không hiền. Chỉ sợ đang nheo mắt để đọc, người ấy quay lại ném ra vài câu nạt nộ thì vô duyên biết là bao. Những chữ xâm trên lưng của cô là những chữ Việt rất đẹp. Người xâm phải là người khéo tay, chuyên nghiệp, không phải là những bàn tay tầm thường và vụng về xâm những cái sọ người, con dao găm, quả tim rướm máu… mà tôi đã thấy rất nhiều. Tôi đã từng đọc được những hàng chữ xâm rất dữ dằn, nói trắng ra là rất tục tĩu. Người dám xâm những chữ ấy lên người thì nên dè chừng là vừa.
Ngồi cùng bàn với cô là hai người thanh niên cao lớn, những cánh tay đầy bắp thịt cuồn cuộn. Nên việc lại gần hơn để đọc những chữ ấy lại càng không nên. Nhưng không đọc được thì không được.
Curiosity can kill the cat. Câu tục ngữ tiếng Anh khuyên không nên có những tò mò vô ích và nguy hiểm.
Tuy thế, tôi vẫn cứ thắc mắc những chữ ấy là gì. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu không đọc được thì ấm ức biết là bao. Xa nhà, ở Mỹ, thấy hàng chữ Việt mà sao lại không tìm cách để đọc. Vài ba phút nữa, cô ăn xong sẽ ra về, biết làm thế nào gặp lại để đọc. Cơ hội có thể sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Cô xâm những chữ ấy trên lưng. Cô lại mặc cái áo hở lưng. Thế thì rõ ràng là cô muốn người ta đọc những chữ xâm trên lưng.
Đường đời vạn nẻo biết cô sẽ về đâu. Thế thì phải đọc cho bằng được.
Tôi đứng lên, bước qua bàn cô, chào cô và hai người thanh niên ngồi cùng bàn với cô. Tôi xin lỗi cô và nói là tôi tò mò muốn biết những chữ cô xâm trên lưng là gì.
Cô còn trẻ, khoảng gần ba mươi là cùng, mặt mũi hiền lành, giọng miền Bắc. Tôi nói thêm là nếu ghé sát cô mà đọc thì sỗ sàng và bất lịch sự quá nên nhờ cô đọc cho nghe. Cô vui vẻ làm ngay.
Nhưng trí nhớ của tôi càng ngày càng tệ, hôm nay tôi cố gắng nhiều lắm mà không sao nhớ lại được nguyên văn hai câu bẩy chữ đó. Lờ mờ tôi chỉ nhớ đại khái đó là hai câu (có đối) bầy tỏ lòng thương tiếc người cha đã mất.
Tôi buột miệng hỏi thêm đó có phải là cha cô không. Cô gật đầu. Tôi chia buồn với cô. Cô cho biết chuyện xẩy ra cũng hơn một năm rồi. Tôi cám ơn cô và trở lại bàn.
Hai câu thơ nói lên những tiếc thương rất lớn của một người mất cha. Ở tuổi của cô mà còn có người đau đớn về sự mất mát đó thì hơi hiếm. Nhất là ở cái nơi mà cô đã sống. Đọc những tờ báo trong nước, tôi thấy rõ điều đó. Những chuyện như lừa đảo, cướp bọc, giết người … thì nghe thường hơn. Vậy mà vẫn có thứ tình cảm tử tế tốt đẹp như thế ở một số người. Lại ở một phụ nữ còn trẻ, phục sức tối tân như cô.
Tôi tưởng tượng ra cảnh đám tang xong, cô buồn bã đến một tiệm xâm mình nào đó ở Hà Nội, nhờ xâm cho cô hai câu thơ ấy lên vai…
…trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
rọi suốt trăm năm một cõi đi về
Suốt trăm năm, nỗi nhớ thương người cha đã mất đã được xâm lên vai, để cô gánh lấy mãi mãi.
Tại sao tôi không biết hai câu thơ ấy? Nếu biết, chắc tôi phải nhờ xâm lên vai hai câu đó hồi mười mấy năm trước?
Xa quê hương, nhớ mẹ hiền. Hay, nhưng thường quá rồi. Mà lại chỉ về người mẹ. Không có câu nào về người cha. Tôi đã đọc được câu ấy trên tay của mấy chú bé đánh giầy ở nhà hàng Thanh Thế từ lâu rồi. Hai câu thơ bẩy chữ của cô mới hay.
Gặp cô và được đọc cho nghe hai câu thơ ấy tôi bỗng tin là không phải người nào xâm mình cũng dễ sợ cả. Tôi vẫn không biết hai câu thơ ấy của ai. Cô mang đến nhờ người xâm hay chúng có sẵn trong tiệm xâm mình? Nhưng dù cho thế nào đi chăng nữa, thì việc cô đi xâm chúng trên lưng để mang theo nỗi nhớ thương người cha đã ra đi phải nói là đẹp quá. Cha của cô nay đang ở đâu đó chắc hẳn phải vui lắm. Nỗi nhớ thường trực trên vai của con gái. Nỗi nhớ luôn luôn ở đó, đi theo cô khắp nơi. Cái bướu của người gù cũng thế, bóng nắng đổ xuống đường luôn luôn là nhắc nhớ về người đã ra đi.
Tôi mong người chết vẫn có thể nhìn thấy những điều như thế và đọc được những chữ đó.

Ngày 25 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Như thế, bạn tôi đã thoát.
Chàng nói với tôi bằng giọng rất vui mừng rằng chàng đã thoát.
Thoát cái thiệp faire-part mà nhiều người bạn khác của chàng đã nhận được từ mấy tháng qua, rồi lại được nhắc nhở ân cần, kỹ lưỡng vài ba lần là "phải đi nhá!" từ phía người gửi. Chàng nói là khá nhiều người trong số này không hiểu tại sao họ nhận được, vì họ không quen biết bao nhiêu với người gửi.
Chúng tôi gọi đó, những cái faire-part, là những cái giấy phạt. Tưởng tượng nhận được một cái faire-part như thế, còn cẩn thận được ghi thêm "and friend" (và bạn), thì cho dù là đang độc thân, cũng phải một tấm check gửi đi với ba hàng số bắt đầu bằng con số 2 hay số 3, hay số 4, tùy theo mức độ thân sơ, là khổ thân rồi.
Mà đó chỉ là một cái faire-part. Nhận 2 cái, hay 3, hay 4 cái trong một tháng thì chịu sao thấu.
Nhất là chúng lại từ những quen biết không sâu đậm lắm. Chuyến đi Âu châu dự tính cho mùa thu có thể phải hủy. Hay những món quà sinh nhật cho lũ cháu nội ngoại cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Vì thế, nghe nói có người sắp lên xe hoa (lần thứ …mấy), lại ở cái tuổi ngũ thập, lục thập… là phát nóng lạnh. Thân thiết không bao nhiêu, cái faire-part như là một cách gây quĩ giống như các chính khách mùa tranh cử. Cứ mỗi lần nghe hăm dọa như thế, là tôi lại nín thở, chờ cho qua cơn hoạn nạn.
Nhưng nếu là chỗ thân tình mà không được mời thì chắc phải giận. Mình như thế này (?) mà bạn mình tìm được niềm vui lại nỡ lòng nào quên phắt mình đi. Tôi đã phải khiếu nại ít nhất là hai lần trong mấy năm qua.
Nhưng khi mức độ thân tình không được bao nhiêu, chiều dài của sự quen biết cũng không nhiều lắm mà nhận được cái faire-part thì đúng là "bị mời". Bạn tôi thoát, mừng là phải. Chàng nên gửi cái thiệp "Thank You", cám ơn đã cho chàng lọt sổ.
Chàng đầu đuôi cho tôi nghe về người gửi, nói là tấm thiệp mời (nếu chàng nhận được), là một sự phiền hà tạo ra cho chàng.
Chàng không thân đương sự. Chàng cũng không quen biết những khách mời của đương sự. Bị ấn vào một cái bàn toàn những nhân vật lạ hoắc, có khi lại là những người chàng rất sợ thì làm sao … sống? Chàng sẽ rất phiền là như thế. Đó có thể là dịp vui của đương sự. Nhưng chàng thì không dính dáng gì tới chuyện vui của đương sự. Tại sao làm khổ chàng? Đã có chung với nhau cái địa chỉ từ mấy năm, nay lại còn vấn danh, nạp thái… mà làm chi? Đi nát cái ngõ ra rồi còn … chạm ngõ nữa sao? Thế rồi đã vài phen chửi nhau như chửi chó, gọi nhau bằng đủ mọi thứ tên, nay còn vấn danh cái gì nữa!
Nghe chàng nói, tôi hiểu niềm vui của chàng.
"Let me not to the marriage of true minds…" William Shakespeare đã viết câu đầu của bài Sonnet 116 như thế. Không bao giờ nên xen vào giữa hai kẻ yêu nhau, can thiệp vào dự tính hôn nhân của họ. Bài thơ 14 câu là một tuyên ngôn về tình yêu của nhà thơ ở Stratford-on-Avon. Chúng ta không nên có ý kiến về những cuộc hôn nhân như thế. Tôi đọc cho chàng nghe câu thơ đó. Nhưng chàng vẫn tiếp tục coi cái faire-part, nếu chàng nhận được, là một sự can thiệp vào hạnh phúc của chàng.
Tôi an ủi chàng, nhắc lại chuyện chàng được tha trong danh sách những người mời. Vậy mà chàng vẫn ấm ức. Chàng lại quay ra tiếc chàng không bị mời. Vì nếu bị mời, chàng sẽ gửi một tấm thiệp với hàng chữ "It is a dirty job, but somebody has to do it!". Chuyện chẳng hay ho gì, thối là đằng khác, nhưng vẫn sẽ phải có người làm chuyện đó chứ!
Tôi nhắc chàng đã có Mike Rowe của chương trình Dirty Jobs của Discovery Channel.
Nói mãi chàng mới yên.

Ngày 26 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Một ý kiến của một kinh tế gia thuộc đại học Dokkyo vừa được cho thả nổi tại Nhật và lập tức, nhiều người tin là trong giai đoạn khó khăn kinh tế hiện nay của Nhật, ý kiến của giáo sư Takuro Morinaga không phải là dở.
Rất có thể một nhà làm luật nào đó sẽ dùng nó làm nền để soạn ra một dự luật trình quốc hội, và biết đâu nó sẽ được thông qua, trở thành luật thì một số người sẽ khốn khổ vì nó.
Những kodanshi, tức là những hiếu tử nam, những người đàn ông đẹp trai, những kyoshyia, kinh sư ốc, những người đàn ông giỏi tán gái sẽ vất vả.
Giáo sư Morinaga chia đàn ông Nhật ra làm 4 nhóm: nhóm đẹp trai, nhóm trung bình, nhóm tương đối xấu trai và nhóm xấu trai. Ông chia nhóm như vậy và đưa ra những đề nghị để đánh thuế các nhóm này.
Thành phần đẹp trai sẽ bị đánh thuế rất nặng. Họ sẽ phải đóng thuế ở mức gấp đôi hiện nay. Thành phần tương đối xấu trai sẽ được giảm 10% thuế mà họ đang phải đóng và những người cực kỳ xấu trai sẽ được giảm thuế 20%.
Thành phần hiếu tử nam kodanshi sẽ đóng thuế khoảng 80% lợi tức của họ. Nhưng nếu tính thêm cả thuế địa phương thì số tiền họ phải đóng cho sở thuế sẽ là 90% lợi tức.
Mục tiêu của các đề nghị đó của giáo sư Morinaga là gia tăng lợi tức cho chính phủ đồng thời giúp giảm bớt con số đàn ông độc thân hiện nay ở Nhật. Theo những thống kê mới nhất thì đàn ông Nhật trong hạng tuổi từ 30 đến 35 vẫn còn khoảng 50% độc thân. Lý do là kinh tế Nhật đang rất khó khăn. Trong khoảng thời gian 10 năm qua, lợi tức của những thành phần này đã giảm đi rất nhiều, từ trung bình 47 ngàn đô la xuống còn 28 ngàn.
Trong khi đó, phụ nữ Nhật chỉ muốn có chồng với mức lương cao. Nếu cứ tiếp tục tình trạng như hiện nay, thì chỉ có đàn ông đẹp trai kiếm được vợ. Xấu trai thì rất khó kiếm được vợ. Mà dân số nước Nhật thì đang càng ngày càng giảm vì nhiều người đàn ông không có vợ mà không có vợ thì làm sao có con. Dân số Nhật đang tăng ở mức âm và trong tương lai, nước Nhật sẽ không còn người làm việc nữa. Nhật sẽ phải nhập cảng người từ các nước khác vào Nhật để làm việc. Tương lai kinh tế sẽ rất đen tối. Nhưng hiện nay, người ta vẫn chưa tìm được cách nào để khuyến khích phụ nữ Nhật chịu đẻ con, chịu đẻ thêm con.
Vậy thì chỉ có cách khuyến khích những thành phần chưa có vợ chịu khó kiếm vợ và các phụ nữ thì chịu lấy chồng, chịu lấy cả những thành phần không đẹp trai lắm. Những người không đẹp trai nếu được giảm thêm thuế, thì lợi tức của họ sẽ tăng và nhờ đó mà kiếm được vợ.
Nhưng làm thế nào xếp hạng những người đàn ông Nhật? Theo đề nghị của giáo sư Morinaga, chính phủ sẽ thiết lập một hội đồng để phân hạng mức độ đẹp trai và xấu trai của đàn ông. Lúc ấy người ta sẽ không thể nói là xấu đẹp tùy người đối diện nữa. Xấu đẹp sẽ do hội đồng quyết định và dựa vào mức độ đẹp hay xấu trai họ sẽ bị đánh thuế nhiều hay ít.
Nếu thế, đàn ông Nhật sẽ bị đàn ông của các nước khác qua mặt hết vì các chàng sẽ không chịu chăm sóc nhan sắc của họ nữa. Cứ đầu bù tóc rối, cứ xấu trai tàn tệ để bớt thuế.
Vậy thì còn ai dám nói là mình đẹp trai nữa?
Đẹp trai để mà bị đóng thuế nặng, mất nhà mất cửa, thành rojo seikatsusha tức là lộ thượng sinh hoạt giả, ra đầu đường xó chợ mà sống hay sao?
Lúc ấy thì có ma mới chịu khớp con ngựa (là ngựa) ô rồi đưa chàng về dinh chăng…

Ngày 27 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Đã gần 60 năm tôi chưa trở lại căn nhà ấy. Đúng ra là 58 năm từ buổi tối gia đình chúng tôi leo len một chiếc xe vận tải nhà binh Pháp từ trong thành phố Hà Nội ra phi trưòng Gia Lâm đáp chiếc Dakota của hãng hàng không Côte D’Azur bay vào Sài Gòn.
Căn nhà cũ vẫn còn mãi trong trí nhớ. Căn nhà hai tầng ở đường Sinh Từ, đi vài bước thì tới chùa Bà Ngô mà tôi được cho biết ngày xưa chính là làng Bích Câu nơi xẩy ra câu chuyện gặp gỡ giữa chàng thư sinh Tú Uyên và người con gái đi thăm chùa nhân dịp xuân về.
Chua Ba Ngo1.JPG
Chùa Bà Ngô
Đi xuống một đoạn nữa, là phố Văn Miếu, băng ngang qua đường, là Quốc Tử Giám, nơi tôi đã nhiều lần trốn nhà vào bắt chuồn chuồn, leo lên Khuê Văn Các hay chơi đi trốn đi tìm sau những con rùa đội bia tiến sĩ.
Ngược lại, là ngôi trường tôi đã học bốn năm, trưòng Lý Thường Kiệt, ngôi trường ba tầng ăn thông sang phố hàng Đẫy, cạnh cái ngõ bà Lang Trọc. Đi một quãng nữa là đến phố Cửa Nam, bắt vào phố Hàng Bông Thợ Ruộm, ở góc phố là nơi tôi học những bản đàn đầu tiên của một người nhạc sĩ trẻ và rất hiền, và trong lớp ấy, tôi đã được nghe một ngưòi con gái khoảng 15 hay 16 mà tôi cho là đẹp đến lịm người, hát bài Tình Thắm của Vũ Nhân tôi còn nhớ đến tận bây giờ "... Tôi nhớ một chiều xa xôi chớm thu, em đến thăm tôi một chiều khi nắng vàng, cỏ cây dường như khoe sắc thắm, nghiêng nghiêng đón gót ngưòi đi, yêu đương dâng sóng tình mến..."
Rạp Kinh Đô cũng ở gần đó, nơi tôi đã xem Cuốn Theo Chiều Gió, Ivanhoe, Les Chevaliers De La Table Ronde... Không bao xa là phố Huế , quay ngược trở lại là phố Hoà Mã, nơi tôi được cho học vẽ với một hoạ sĩ nổi tiếng thời ấy.
Căn nhà của gia đình tôi không lớn, hai tầng, có cái sân thượng phía sau, cái bể nước cạnh chân cầu thang. Phòng ngủ của chúng tôi ở trên gác, nơi tôi đã lén đọc Cổ Học Tinh Hoa, Đông Chu Liệt Quốc, Tâm Hồn Cao Thượng, Thằng Người Gỗ, Đoạn Tuyệt, Hồn Bướm Mơ Tiên, Nửa Chừng Xuân khi chưa được mười tuổi.
Chúng tôi sống mấy năm ở căn nhà ấy, mấy mùa đông, mùa xuân mùa hạ. Những con ve sầu cuối cùng tôi bắt được, nay cháu chắt ba bốn đời của nó đã trở lại, đã ngoi lên những cái gốc cây ở vườn hoa Canh Nông nếu chúng đúng giờ, cứ 17 năm trở lại, ngoi lên mặt đất một lần.
Có thể chúng tôi vẫn ở lại căn nhà đó nếu mấy tháng trước người chú ruột không tử trận ở Đại Đồng, Bùi Chu, thân thể bị chặt nát, và nếu không có những người bạn thình lình xuất hiện đến kiếm ông bố tôi, rủ ông ở lại Hà Nội bằng cái giọng hơi có vẻ hăm dọa, rồi một hai lần, lá cờ đỏ được treo lén trong Văn Miếu.
Một buổi sáng, tôi được cho đi chơi ở bờ Hồ với ông bố. Khi đứng uống nước ở trước tòa thị chính, thì máy phóng thanh đọc một bản tin mà tôi không nghe, chỉ nhớ bản tin vừa dứt thì ông bố tôi nói với tôi rằng ông sẽ phải đưa gia đình vào Sài Gòn.
Hà nội không thể ở lại được nữa.
Để tránh những con mắt nghi ngờ của những người bạn đến tận nhà rủ ở lại, mẹ tôi sưả soạn kín đáo cho chuyến đi, may cho chị em chúng tôi mỗi đứa một cái túi để đeo vào lưng. Căn nhà không bán cho ai, mà để lại cho gia đình mấy người em họ của ông bố tôi quyết định ở lại.
Căn nhà là sản nghiệp đầu tiên của bố tôi, một ông giáo còn trẻ tuổi mua được nhờ bán những cuốn sách giáo khoa do ông viết cho một hai nhà xuất bản ở Hà Nội.
Nếu ông tiếc của, tiếc căn nhà, thì nay, tôi chắc cũng không khác mấy người bạn học ở trường tiểu học Sinh Từ mà tôi đã liên lạc được sau những xa cách không phải là một hai đại dương, mà là hơn nửa thế kỷ. Họ đứng lại nguyên một chỗ, những người ông bố tôi gặp lại trong mấy chuyến về thăm Việt Nam và mô tả họ là những nông dân và thợ thuyền lao động, không nói thì không thể nhận ra.
Từ ngoài đường vào nhà là một cái ngõ nhỏ chung với một gia đình bên cạnh cũng là một ông giáo. Nơi đó ông bố tôi dựng cái xe đạp Terrot, cái yên sau ông đã chở mẹ tôi, lúc khác thì chúng tôi. Những buổi tối ông vừa đạp xe vừa nói chuyện với tôi cho tôi khỏi buồn ngủ. Cũng ở cái ngõ nhỏ đó, tôi và hai chú em đã đánh những trận thư hùng bằng hai thanh kiếm làm bằng tre sau những lần xem các phim IvanhoeHiệp Sĩ Bàn Tròn.
Cũng ở ngoài cửa, là nơi diễn ra những trận đáo, đáo lỗ, đáo bật tường, mùa nào thức ấy, mùa quay có quay, mùa bi có bi, mùa chọi nút bia có nút bia, mùa bắn nhau bằng đạn giấy, mùa thả diều có diều, mùa thả thuyền dưới cống có thuyền giấy để thả... Tôi xa căn nhà ấy đúng 58 năm.
Tôi chưa về thăm lại nó. Tôi cũng không nghĩ là sẽ về thăm được nó. Nhớ hai câu Kiều ông bố tôi đọc cho tôi khi tôi nói với ông là chắc không thể trở về được, như tựa cuốn truyện của Thomas Wolfe: You Can’t Go Home Again.
Hai câu Kiều đó là :
Thôi con còn nói chi con
Sống nhờ đất khách, chết chôn quê người
Thoắt mà đã hơn một nửa thế kỷ. Nghĩ lại thấy Hạ Tri Chương đời Đường vẫn còn hạnh phúc hơn trong bài Hồi Hưong Ngẫu Thư mà ông viết sau nửa thế kỷ xa nhà . Ông vẫn về được nhà.
Còn tôi thì mãi mãi là không.

July 19, 2012

July 20, 2012


Ngày 16 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Đoạn video xem được trong internet về chuyến đi mới đây của một nhóm người đến đảo Song Tử Tây, một hải đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cho thấy cảnh một sĩ quan hải quân Cộng Sản Việt Nam đứng giải thích cho những người trong chuyến đi về một cột mốc bằng xi măng dựng trên đảo.
Bằng giọng Bắc đặc sệt, người quân nhân này vừa chỉ vào tấm bia xi măng vừa nói rằng cột mốc là một bằng cớ quan trọng có thể dùng để trưng ra làm bằng cớ về chủ quyền của Việt Nam trên đảo. Anh ta chỉ vào tấm bia có từ ngày 22 tháng 8 năm 1956 do hải quân Việt Nam Cộng Hòa dựng lên nhân một chuyến đi thị sát nghiên cứu và thăm đảo. Tấm bia ghi rõ quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy của Việt Nam Cộng Hòa. Anh ta nói rằng tấm bia rất quan trọng vì nó chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên đảo. Anh nói thêm đó là bằng chứng lịch sử xác thực do hải quân của "chế độ cũ", tức là chế độ Ngô Đình Diệm dựng lên. Kế đó, anh nói thêm đó là tấm bia ghi rõ Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Rồi anh chỉ vào một chi tiết khác của tấm bia và nói đó là biểu tượng của "ngụy quân Sài Gòn và chính phủ Ngô Đình Diệm."
Mẹ kiếp, các con muốn dùng những thứ ấy trong những tranh chấp về lãnh thổ với Bắc Kinh thì trước hết, các con phải thay đổi ngay cái lối ăn nói mất dậy của các con. Tiếp tục gọi chính phủ ở miền nam vĩ tuyến thứ 17 là "ngụy quyền" thì các tài liệu, lập luận của các con liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa sẽ không có giá trị gì hết.
Các con coi Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy quyền", là "chính quyền lập ra để chống lại chính quyền hợp pháp của nhân dân chống xâm lược". Các con coi chỉ có các con mới là chính quyền hợp pháp (tức là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa của cả hai nền cộng hòa ở nam vĩ tuyến 17 là bất hợp pháp) thì tại sao các con lại lôi các tài liệu bằng chứng lịch sử của chính quyền "ngụy" ra để chống lại lập luận xâm lược của Tầu Đỏ bây giờ?
Các con phải bỏ ngay cái lối ăn nói mất dậy của cả lò nhà các con mỗi khi nói về các chính phủ ở nam vĩ tuyến 17 trước năm 1975 thì mới có thể trưng ra những bằng cớ hợp pháp về chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Làm như thế mới có được sức mạnh đoàn kết của toàn dân mà các con rất cần vào lúc này. Phải công khai nhìn nhận các nỗ lực và hy sinh của người dân và quân đội Việt Nam Cộng Hòa đối với toàn vùng lãnh thổ của đất nước. Ngày nào mà các con không chịu công nhận và ghi ơn những hy sinh của các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa ở Hoàng Sa trong trận hải chiến kéo dài từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, và tiếp tục cái lối ăn nói mất dậy gọi Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy", thì ngày đó các con sẽ vẫn chỉ là một bọn phản quốc, sẵn sàng cắt đất, dâng đảo ngoài khơi và sẵn sàng ăn cứt cho bọn Tầu Cộng.
Nên nhớ tấm bia của quân đội Việt Nam Cộng Hòa dựng lên ngày 22 tháng 8 năm 1965 không có nghĩa là chỉ từ ngày đó trở đi, chủ quyền của Việt Nam mới có trên đảo, mà còn cả trước đó nữa. Bắc Kinh không hề có bất cứ một chứng cớ nào có thể đưa ra về chủ quyền của chúng trên các đảo này.
Nhưng cái này khó hơn cho các con trong những tranh cãi về lãnh thổ với Bắc kinh. Tấm bia của Việt Nam Cộng Hòa dựng lên ngày 22 tháng 8 năm 1956 thì ngày 14 tháng 9 năm 1958, tức là sau ngày dựng tấm bia hai năm, thì thủ tướng của các con gửi cha nó một công hàm cho Chu Ân Lai nói rằng nhà nước của các con "ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 58 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung quốc". Cũng trong bức công hàm ô nhục đó, Phạm Văn Đồng còn viết thêm là sẽ "chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng quyết định của Bắc Kinh trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt bể".
Rành rành ra như thế rồi thì làm thế nào các con vô hiệu hóa được cái công hàm khốn nạn đó. Chính thủ tướng của các con đã ngu xuẩn và nhanh nhảu viết bức công hàm đó chỉ 10 ngày sau khi Bắc kinh tuyên bố láo lếu về chủ quyền của bọn chúng, và tình nguyện nhìn nhận, tôn trọng quyết định ngang ngược xâm lăng của bọn Tầu.
Đến nay, các con mới quýnh quáng không biết ăn làm sao, nói làm sao vì cái miệng mắc bố nó cái quai công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng.
Trong khi đó, sau 38 năm các con vẫn chưa dám nói về trận hải chiến ở Hoàng Sa và các hy sinh của hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Các con vẫn không dám gọi thẳng bọn Tầu khốn nạn là bọn xâm lược thì các con chống Tầu thế chó nào được.
Và các con vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói yêu nước khi người dân Việt lên tiếng về việc lãnh thổ của cha ông bị bọn chó Bắc kinh xâm chiếm thì các con sẽ không bao giờ có được hậu thuẫn và ủng hộ rất cần của toàn dân để chống lại Trung quốc.
Mẹ kiếp bay giờ đã thấy rõ đứa khốn nạn chó dại nào bán nước cầu vinh chưa?

Ngày 17 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Trong bài thơ tôi không nhớ rõ của ai, có một câu đại khái từ nay, chiếc bàn chải răng trong buồng tắm của anh sẽ không còn cô đơn đứng một mình trong chiếc ly thủy tinh nữa. Câu thơ đó tôi không thể nhớ đúng từng chữ một có nghĩa là từ ngày có em, anh hết một mình, cái bàn chải đánh răng (của anh) cũng có bạn, không còn phải bơ vơ bên cái lavabo trong cái toilet lạnh lẽo của nhà anh nữa.
Như vậy thì thích quá đi chứ. Và luôn cả đôi sleepers của anh cũng không còn phải nằm cô đơn ở chân giường nữa. Một đôi khác sẽ nằm bên cạnh chúng. Chỉ ban đêm, khi một trong hai đứa đi tiểu thì một đôi mới phải nằm một mình.
Câu "…nhà mình toàn ánh trăng thề…" như một ca khúc nọ, hay được sửa bậy thành "nhà mình toàn tiếng … chửi thề" thì cũng không khác nhau là mấy, nếu nhìn lại cái ly thủy tinh trong buồng tắm có hai cái bàn chải đánh răng của đôi ta. Từ nay chúng cũng như "đũa có đôi" rồi. Đáng lẽ phải vui lên chứ tại sao lại chửi thề?
Nhưng có thể phải chửi thề thật chứ không đùa đâu. Theo một cuộc nghiên cứu mới đây thì hai cái bàn chải đánh răng không nên để cho ở chung trong một cái ly thủy tinh. Nếu cần, nên để cho chúng cách nhau ít nhất vài phân nếu không muốn vi trùng, vi khuẩn từ cái bàn chải này nhẩy qua đoàn tụ gia đình với đám vi trùng vi khuẩn của cái bàn chải kia. Theo cuộc nghiên cứu này, thì những chiếc bàn chải đều chứa khoảng 10 triệu con vi trùng gây ra đủ các loại bệnh như cảm cúm, herpes, bệnh nướu răng, sâu răng và nhiều bệnh khác. Những vụn thức ăn (của tô bún mắm em ăn hồi chiều) còn bám ở những chiếc bàn chải sẽ giúp cho các loại vi trùng những môi trường tốt để sinh sôi nẩy nở. Thế là vi trùng của em nhảy sang làm bạn với vi trùng của anh để rồi tha hồ chui vào cơ thể của anh.
Như vậy mà không chửi thề làm sao được.
Còn thêm một chuyện khác. Đó là cái bồn cầu, dùng xong mà không đậy nắp lại thì các loại vi khuẩn, vi trùng sẽ theo nước từ bồn cầu bốc hơi bay lên, bạ đâu cũng bám vào, kể cả những chiếc bàn chải đánh răng để trong toilet. Như vậy, các vi khuẩn của em lại bay tới ngự trị trên chiếc bàn chải của anh, và anh dùng nó để đánh răng thì… của em sẽ nhanh nhẹn xâm nhập vào cơ thể của anh qua đường miệng.
Như vậy thì làm sao chịu được.
Chiếc bàn chải của anh có thể vui mừng khi có cái bàn chải của em ở cạnh nhưng nghĩ lại thì không nên chút nào.
Anh sẽ phải bắt chúng nó không được ở bên nhau nữa. Có thể em sẽ thắc mắc, sẽ hỏi anh rằng bộ anh không còn yêu em nữa hay sao mà lại rẽ thúy chia uyên hai cái bàn chải của đôi ta?
Thế nên anh sẽ phải giải thích ngay cho em về quyết định đó. Tình yêu của chúng ta vẫn còn, nhưng hai cái bàn chải nên tạm xa nhau thì anh mói tiếp tục sống bên em được.
Thành ra có thể phải làm như Mao Trạch Đông mà lại hay. Theo y sĩ riêng của Mao Trạch Đông thì Mao không bao giờ dùng bàn chải đánh răng. Răng của chàng lúc nào cũng như có một lớp bọc mầu xanh nhạt. Lý do là vì chàng chỉ dùng bã trà để chà răng như thói quen của những người nông dân ở quê chàng. Mao không đánh răng bao giờ vì chàng lý luận rằng con cọp có đánh răng đâu mà nó vẫn sống.
Chàng cũng không tắm như chúng ta tắm hàng ngày. Ở Trung Nam Hải, chàng nằm một đống trên giường để cho các em hộ lý lấy khăn lau cho …sạch.
Cục cưng Giang Thanh không được đánh răng chung với chàng trong toilet nên chán đời lập đảng với Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn hoành hành một thời.
Hay là cách hay nhất vẫn là để cho hai cái bàn chải đứng chung trong cái ly thủy tinh như cũ?
Và tiếp tục đánh răng với những thứ bốc hơi bay từ cái bồn cầu mà em vừa dùng xong?
Tại sao lại có cái bài báo ác độc này để cứ nghĩ tới nó là không muốn đánh răng nữa. Hay là kín đáo có một cái bàn chải khác, dùng xong thì cho vào microwave hấp cho chết mấy con vi trùng, vi khuẩn khốn nạn của em cho đỡ thắc mắc.
Yêu em anh muốn xài chung
Sợ con vi khuẩn (của em) nó lồng sang anh…

Ngày 18 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Ở Beaverton, một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Oregon, có một ngôi nhà đang được rao bán. Trước căn nhà có một tấm bảng hệt như những tấm bảng rao bán nhà của các nhân viên địa ốc dựng phía trước.
house2_uni
Nhưng đọc kỹ thì tấm bảng có hơi khác một chút. Mấy hàng chữ trên bảng nguyên văn như thế này: "Husband left us for a 22-year-old. House for sale by a scorned, slightly bitter, newly single owner".
Chủ nhà, một phụ nữ tên là Elle Zober cho biết người chồng bỏ cô và các con để đi theo một phụ nữ 22 tuổi. Chủ nhà cho biết thêm cô là một phụ nữ bị phụ rẫy, hơi chua chát cuộc đời một chút, và nay đang là một "newly single owner".
Có lẽ chưa bao giờ có một tấm bảng rao bán nhà lại mang một nội dung mới lạ như thế.
Cô nhận cô là người phụ nữ bị "scorned". Trong vở kịch nhan đề The Mourning Bride, nhà soạn kịch William Congreve của văn học Anh cũng đã đề cập tới người phụ nữ như thế trong câu: "Hell hath no fury like a woman scorned". Câu này nghĩa là không thể có một cơn giận dữ nào ghê gớm hơn là một người đàn bà bị phụ rẫy. Nhưng câu này cũng có nhiều người cho là của William Shakespeare. Tuy thế, quan trọng là chữ "scorned". Động từ to scorn trong tiếng Anh được tự điển định nghĩa là "to reject contemptuously"nghĩa là bị bỏ, bị bác bỏ một cách đầy khinh bỉ.
Là một phụ nữ bị ruồng bỏ, bị phụ rẫy, đáng lẽ cô có thể làm mạnh hơn như thế. Cô chỉ nêu chi tiết bị chồng bỏ để theo một phụ nữ trẻ tuổi hơn mà cô cũng chỉ thấy hơi chua chát cuộc đời một chút (slightly bitter) thì cô quả là hiền. Cô cho biết là có thảo luận với chồng cũ, và người đàn ông này đồng ý để cho cô viết mấy hàng chữ trên tấm bảng rao bán căn nhà. Cô nói rằng cô chỉ muốn tạo chú ý của người mua nhà mà thôi. Cô nói thêm rằng ông chồng cũ của cô còn đồng ý trả một nửa chi phí cho tấm bảng đó.
Tuy nhiên, một hàng chữ nhỏ ở tấm bảng có viết rõ: "Adulterers need not apply".
Dứt khoát là không bán cho những … đứa ngoại tình. Cô cho viết thêm như thế. Nhưng lập trường đó có thể không cần thiết. Những đứa ngoại tình có thể cũng không thích căn nhà đó. Có thể họ sợ súi quẩy nên sẽ không ưa căn nhà có cái huông … ăn vụng bị bắt gặp đó.
Một chi tiết khác của tấm bảng là mấy chữ "newly single owner". Những chữ này có thể hiểu theo hai cách. Nếu "single owner" là chủ duy nhất của căn nhà thì những chữ này có nghĩa là việc chia tài sản đã xong, người chồng cũ không còn dính dáng gì tới căn nhà nữa. Do đó, việc mua bán căn nhà và giấy tờ sẽ giản dị đi nhiều, vì không cần phải có chữ ký hay sự đồng ý của người chồng cũ nữa.
Nhưng nếu "single" được hiểu là độc thân thì "newly single owner" sẽ được hiểu là chủ nhà (owner) vừa mới (newly) trở lại với tình trạng độc thân (single).
Thế thì căn nhà có nhiều cơ hội sẽ bán được rất sớm. Người mua có thể đề nghị chủ cứ ở lại tiếp cũng được. Khỏi phải dọn nhà đi đâu cho tốn hơi tốn sức.
Hay tuyệt.
Cô nói rằng sao cũng được, còn hơn là để cho căn nhà bị "foreclosed"

Ngày 19 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Mấy năm trước, khi còn phải lái xe mỗi ngày đi Santa Monica làm việc, có vài ba lần tôi thấy một người đàn ông đứng xin tiền ở đoạn exit từ xa lộ số 10 vào đường Olympic tay cầm tấm bảng viết một dòng chữ khá đặc biệt.
Ở miền đông, nơi tôi đã sống nhiều năm, cũng như ở miền tây nay tôi đang sống, hay đúng ra là ở khắp nước Mỹ, những người xin tiền ở ngoài đường phố thường cầm và giơ cao những tấm bảng, nhiều khi chỉ là một tấm bìa giấy, viết mấy chữ đại khái "Will work for food!", hay "Homeless, please help!" để xin tiền. Cầm tấm bảng đỡ phải mỏi miệng nói. Người đi ngang động lòng trắc ẩn thì ngừng lại, cho vài ba đồng, nhiều khi cũng chẳng mấy tin vào những lời lẽ trên tấm bảng của những người ấy.
Người đàn ông đứng đường ở Santa Monic có thể cũng biết điều đó. Homeless sao lại quần áo sạch sẽ như thế, sẵn sàng làm việc sao lại đứng ở góc đường tháng này qua tháng khác, suốt mấy mùa đông lại đến hè…? Ai mà tin cho được.
Có thể người đàn ông ấy đọc được những suy nghĩ đó, nên chàng viết rất rõ trên tấm bảng chàng cầm trên tay và chìa cho những người lái xe dừng lại ở đèn đỏ những chữ : "Why lie? I need a beer!"
Tấm bảng nói thẳng: tại sao lại phải nói dối là đang homeless , đang ngủ đường ngủ chợ, xin giúp đỡ, hay sẵn sàng làm việc để đổi lấy thực thẩm trong khi lười chẩy xác ra, đứng góc đường xin tiền ngày này qua ngày khác? Chi bằng cứ nói thẳng: tôi cần tiền mua lon bia uống chơi có hơn không!
Hôm ấy khi tôi ngừng ở đèn đỏ thì chàng tiến lại gần xe tôi. Tôi bỏ 2 tờ 1 đồng vào tay chàng, và nói: "Have a Heineken on me!" Chàng cười và nói : "God bless…" Tôi đến sở vui hơn mọi ngày. Ít nhất tôi không cảm thấy bị lừa như những lần cho tiền trước đó.
Tại sao không nói thật ra như vậy có phải hơn không?
Tuần qua, đài truyền hình ở Ohio có tường thuật một phụ nữ với cách xin tiền còn hay hơn và thành thật hơn người đàn ông xin tiền uống bia ở Santa Monica nhiều.
Chrissy Lance là một phụ nữ 37 tuổi, không có chồng nhưng có 1 con nhỏ, nhà ở Rittman, Ohio. Cô là sinh viên đại học bán thời gian, và đi làm cũng bán thời gian, tiền kiếm được chi đủ sống và trả "bills" như cách nói của người Mỹ. Vì thế, cô quyết định đứng góc đường xin tiền cho một món chi tiêu mà cô rất cần. Đài truyền hình Fox chiếu cảnh cô mặc bikini đứng ở góc đường Manchester và Carnegie thuộc thị trấn Akron , tiểu bang Ohio nơi có nhiều xe cộ qua lại. Cô cầm một tấm bảng lớn với hàng chữ nói rõ cô không phải là người homeless không nhà. Cô chỉ cần tiền để cải thiện tình trạng của cơ thể, vòng số 1 của cô. Cô mặc bikini nên người ta có thể thấy là cô nói thật. Mấy chữ viết trên tấm bảng cô giơ cao là : "NOT HOMELESS! NEED BOOBS". Không phải là vô gia cư! Chỉ cần có vú (to) mà thôi.
BOOB JOB
Cô là người thành thật. Cô không dấu chuyện cô cần tiền để làm gì. Cô cho mọi người thấy ngay là cô nói thật. Nhìn cô, ai cũng phải thấy ngay là tình hình của cô quả thực rất cần cải thiện. Bộ bikini trên người nói thẳng ra điều đó. Cô nói rằng cô muốn có đủ tiền cho "em bé" (need money for her little ladies) của cô. Cô cần khoảng 5 ngàn đô la để biến các "em bé" (little ladies) thành những bà … lớn (full grown women).
Chrissy Lake đứng bên một chiếc Harley Davidson dựng ở mé đường. Xe cộ đi chậm lại, một số người cho cô tiền, cô bỏ trong một chiếc túi da. Một người đàn ông đứng cạnh cho biết ông là bạn, đứng đó để giữ an ninh cho cô. Trong hai tiếng đồng hồ, cô nhận được 46 đô la. Như thế, nếu muốn có được 5 ngàn đô la, cô sẽ phải đứng ngoài đường khoảng 220 giờ.
Sau khi chuyện của cô được đưa lên truyền hình và internet, cô được nhiều người từ nhiều quốc gia trên thế giới liên lạc để giúp cô. Nếu tôi lái xe đi ngang chỗ cô đứng, chắc tôi sẽ ngừng lại giúp cô như đã vui vẻ giúp người đàn ông ở Santa Monica. Cả hai đều là những người thành thật, đáng được giúp đỡ.
Có điều hiện nay cô là một người chung thủy, trước sau như một. Sợ là sau khi dao kéo đụng vào, cô sẽ không còn là người chung thủy nữa.
Lúc ấy cô sẽ có "ngực tấn công, mông phòng thủ" rồi thì trước (?) sau làm sao còn như một được nữa.
Lúc ấy sẽ "ngổn ngang gò đống (?) kéo lên", sẽ "thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay".
Những đồng tiền người ta tặng cô sẽ đi về đâu?

Ngày 20 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Trong một số Playboy, tôi đọc được một câu có thể dùng để phá tan tất cả các bức tường băng bất kể bề dầy ở mức độ nào, hữu hiệu còn hơn cả những chiến lược mà Tây phương đã dùng để kéo sập bức tường Berlin, chấm dứt giai đoạn chiến tranh lạnh hơn hai chục năm trước.
Nhân vật chính trong truyện ngắn, tôi nhớ hình như là của John Updike, có một cách làm quen, bắt chuyện lần nào cũng thành công, mà lần nào chàng cũng chỉ dùng có câu:" You smell so good... what is it? "
Giản dị hết sức. Nửa đầu khen một cái đã. Nửa sau bắt đương sự phải trả lời, để sau đó, đẩy đưa câu chuyện. Mà thường thì đương sự trả lời ngay. Lý do là vì vừa được khen, đang còn sung sướng chết ngất, bị hỏi thêm một câu về cái nguyên do làm phát sinh ra lời khen đó thì phải trả lời chứ: Cô/ bà thơm lắm... mùi gì vậy?
Câu trả lời là cái tên của loại nước hoa. Aria, hay Contradiction, hay Allure... Rồi sau đó, là những chuyện khác nữa cứ từ tốn kéo ra. Lần nào nhân vật trong truyện ngắn đó của Updike cũng thành công rực rỡ. Các ông Khruschev, Brezhnev... có sống dậy cũng không thể làm hồi sinh được chiến tranh lạnh nữa.
Nhưng bây giờ, có thể lối khai mở đó sẽ không còn thành công nữa.
Khen thơm phức thì được. Nhưng hỏi mùi gì thì chưa chắc đã được trả lời. Nếu đó là thứ nước hoa không bán ở ngoài tiệm, nếu đó là thứ nước hoa được pha chế riêng cho người đang xức nó. Người bị hỏi có thể sẽ quay lại quăng ra mấy câu hỏi liên tiếp: Tại sao muốn biết? Biết làm gì? Muốn mua hả? Mua cho ai? Không nói được.
Cuộc đối thoại chấm dứt. Nhân vật của John Updike sẽ cứng họng, chịu thua không sao cứu vãn được tình hình.
Và nếu người có mùi nước hoa kỳ lạ đó muốn chia xẻ cái mùi được đặc biệt pha chế riêng cho nàng, nàng sẽ phải viết xuống giấy, ký tên cho phép như một tác giả bảo vệ tác quyền của mình, thì người kia mới mua được. Những chi tiết quái đản này tôi vừa được biết khi đọc được trong Internet một bài viết về những loại nước hoa được pha chế riêng đang được nhiều khách hàng chiếu cố.
Xức một mùi nước hoa mà được nhận ra cũng có thể sung sướng lắm chứ. Như trong phim Scent Of A Woman, đoạn Al Pacino trong vai đại tá khiếm thị Frank Slade ngửi và nhận ra, nói đúng tên của mùi nước hoa người phụ nữ trẻ lần đầu tiên ông gặp trong quán ăn. Nhưng trong một sở làm, ba bốn chị một hôm cùng rú lên vì thấy mấy chị kia cũng dùng một thứ nước hoa mua ở Nordstrom như mình thì không có gì vui hết. Và đó là lý do phải đi kiếm một mùi đặc biệt không ai có cho khỏi tức cái...mình.
Các phụ nữ có vẻ rất đồng ý với chuyện này, và công việc làm ăn của Sarah Horowitz, pha chế những mùi nước hoa theo yêu cầu của khách hàng, có chiều hướng đi lên. Nhưng với những cái giá khá cao, khoảng gần $300 cho mỗi 1/4 ounce perfume oil, người ta chưa thấy được cái ngày ai cũng một mùi riêng như tiên đoán của Internet.
Những người đàn ông có hai ba nơi để tặng nước hoa sẽ gặp vất vả. Mỗi nơi một mùi riêng có thể gây đủ mọi thứ phiền nhiễu cho các chàng. Không thể gửi hai ba nơi đó cùng một mùi, mùi Dona Karan trong cái chai rất kiểu cọ chẳng hạn. Hai ba cái nơi ấy sẽ đòi mỗi nơi một mùi thì phiền lắm. Làm sao hết cái mùi vừa chia tay ý thức hệ ở ga xe điện ngầm khi đến gặp cái mùi thứ nhì? Mà phụ nữ mũi tốt hơn đàn ông rất nhiều, đã tốt lại còn được chống đỡ bằng những miếng plastic(?) thì phân biệt mùi chắc phải giỏi hơn. Vậy thì phải làm gì để thoát hiểm?
Vạn ứng Nhị Thiên dầu. Chai dầu Nhị Thiên Đường chứ còn gì nữa. Vừa đánh át được cái mùi kia, vừa gây được thương cảm cho một người vừa trúng phải cơn gió độc, như bài học tôi học được của một trong những cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam, đại sứ Phạm Đăng Lâm lúc sinh thời mà tôi rất yêu quí.
Nhưng chai dầu này có thể sẽ bị dẹp, như tổng thống Nga Vladimir tìm cách ngăn không cho Hoa kỳ thiết lập một hệ thống phòng thủ chống phi đạn vậy. Lúc ấy, quần áo sực nức mùi phở lại là an toàn nhất...

July 12, 2012

July 13, 2012


Ngày 8 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Tục ngữ ca dao Việt Nam có hai câu thật tàn ác với phụ nữ:
Trai ba mươi tuổi còn xoan
Gái ba mươi tuổi đã toan về già
Hai câu nay chắc phải xuất hiện từ hơn một, hai thế kỷ trước, khi xã hội Việt Nam còn rất trọng nam khinh nữ. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Có một con trai là kể như đã có con, có con gái, cả chục, thì cũng vẫn bị kể như không con. Nữ nhân ngoại tộc. Con trai mới đáng kể, để tiếp nối dòng họ, để nối dõi tông đường.
Thế rồi cứ đàn ông là phải hay, phải đẹp, và ngược lại, cái gì liên quan đến phụ nữ cũng đều bị coi là dở, là tệ.
Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu
Ngay đến tuổi tác, đàn ông bao nhiêu tuổi cũng không bị coi là già. Mà cứ phụ nữ thì, như hai câu ca dao dẫn ở trên, tuổi ba mươi đã bị coi là "sắp" già.
May mà còn được một chút nhẹ tay như chúng ta thấy ở chữ "toan". Toan là sắp sửa, là dự tính, là chưa hoàn toàn. Mới toan về già thôi trong khi các ông thì ba mươi vẫn còn "xoan".
Trong tiếng Việt chữ "xoan" có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là một giống cây có hoa mầu tím nhạt, trái nhỏ bằng đầu ngón tay cái, hình bầu dục. Người có khuôn mặt giống như loại trái cây này thì được coi là đẹp, mặt trái xoan. Chắc chữ "xoan" trong hai câu lục bát không có nghĩa như thế. Nghĩa thứ hai của "xoan" là mù như trong danh từ sẩm xoan là một thể hát sẩm của những người mù ở miền bắc Việt Nam.
Chữ "xoan" không còn một nghĩa nào khác theo các từ điển Việt ngữ vì thế, người ta tin rằng chữ này, chữ "xoan" là một biến thể gượng gạo của chữ "xuân" mà ra. Còn xuân là còn trẻ.
Còn xuân kén những trai tơ
Hết xuân ông lão cũng vơ làm chồng
Đang xuân là đang còn tuổi trẻ. Nhưng tại sao xuất hiện chữ "xoan" trong hai câu lục bát?
Lý do là vì âm vận. Để khỏi bị cưỡng vận với chữ "toan" ở câu tám, người ta đã phải đổi "xuân" thành "xoan".
Thế nên hai câu lục bát độc ác với phụ nữ mới thành "trai ba mươi tuổi còn xoan / gái ba mươi tuổi đã toan về già".
Chuyện này có thể đúng. Một hai thế kỷ trước, phụ nữ khổ lắm chứ không được như bây giờ. Các ông thì nằm khểnh, gọi là giùi mài kinh sử, chờ vua mở cuộc thi, mơ thi đỗ thành ông cống, ông nghè, để mặc cho vợ lo từ "A đến Z", như lối nói của ngày nay. Ở thôn quê thì các bà vợ lo chuyện đồng áng, tuy không phải đích thân ra ruộng lo việc cấy cầy thì cũng sáng tinh mơ phải dậy lo đâm bèo cho lợn, lo cơm nước cho thợ cầy, thợ cấy.
Cám ơn cái cối cái chầy
Đêm đêm giã gạo có mày, có tao
Cám ơn cái cọc bờ ao
Đêm đêm vo gạo có tao, có mày
Không tinh sương đã lọ mọ dậy lo đủ mọi thứ trong nhà, thì cũng lại phải "lặn lội thân cò nơi quãng vắng / eo xèo mặt nước buổi đò đông" như bà Tú Xương vất vả nuôi chồng"quanh năm buôn bán ở mom sông / nuôi đủ năm con với một chồng". Ông Tú thì lúc nào cũng "bít tất tơ, giầy Gia Định bóng" xuống phố hàng Thao đập ngón chầu, mấy ngón xuyên tâm, lạc nhạn ông đều xuất sắc.
Sống như vậy thì làm sao mấy ông đàn ông già cho được. Hết cao lâu, tửu điếm lại tỉnh bơ:
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Chuyện phó thác cho nàng nuôi con đã đành, lại đẩy cả mẹ cho nàng lo luôn để chàng rảnh rang đi chơi thì đúng là một anh đàn ông vô tích sự.
Đỗ đạt làm quan to như cụ nghè Tam Nguyên Yên Đổ mà cũng vẫn để cho cụ bà vất vả "… thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân chiêu…"
Các phụ nữ thời ấy già là phải. Lại không được các cụ ông cho đi sửa sắc đẹp, vào ra mỹ viện soành soạch thì lấy đâu ra mà trẻ, mà đẹp:
Trắng da là bởi phấn nhồi
Đen da là bởi em ngồi chợ trưa…
Chàng đi qua, ngó thấy nàng nước da trắng ngày xưa bây giờ đen đúa thì đổ vấy cho người đàn ông khác:
Khi xưa em trắng sao giờ em đen
Hay là lấy phải chồng hèn?
Chuyện đó chưa chắc. Vào tay anh mà cứ đẩy em ra ngồi chợ trưa thì cách nào em trắng được.
Nhưng phải nói cho ngay là ngày xưa, chúng ta già sớm lắm, không càng ngày càng trẻ như bây giờ.
Nguyễn Khuyến xưng là lão khi mới có ngoài năm mươi:
Ông chẳng hay ông tuổi đã già
Năm lăm, ông cũng lão đây mà…
Bây giờ thì làm gì có chuyện năm mươi bị coi là già. Một cuộc nghiên cứu mới đây nói là chúng ta trẻ hơn 20 tuổi so với mấy thế hệ trước. Mở báo ra đọc, thấy những lời rao của các tuổi sáu mươi mấy, bẩy mươi muốn kiếm bạn, mà còn đòi nếu hợp sẽ tiến xa hơn. Sáu mươi mấy, cả đàn ông cũng như đàn bà vẫn đi nhẩy đầm đều đều. Nhăn nheo một chút thì bơm hút căng kéo. Tóc bạc thì nhuộm đen nhánh. Tóc rụng thì đeo tóc giả. Thất thập không còn cổ lai hi nữa.
Nhưng đó là bề ngoài. Bề trong, bộ đồ lòng vẫn còn rất tốt so với các thế hệ trước nhờ ăn uống, thuốc men đầy đủ.
Nhưng khi đọc lại hai câu lục bát độc ác ở trên, tôi thấy có nhiều phần không phải nguyên thủy xuất xứ từ tiếng Việt, mà chúng ta chỉ dịch lại, đọc chơi cho các bà bực mình mà thôi. Nguyên văn là của Trung Hoa. Hai câu ấy như thế này:
Nam tử tam thập nhất chi hoa
Nữ tử tam thập lão nhân gia
Nghĩa tiếng Việt của hai câu này là đàn ông ba mươi tuổi là một cành hoa, đàn bà ba mươi tuổi là bà già. Hai câu này được một người đàn ông độc ác nào đó dịch sang thành lục bát và còn truyền tụng cho đến ngày nay.
Đã đến lúc phải cải chính, nói lại cho đúng.

Ngày 9 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Báo điện tử VN Express có một mục thường xuyên nhan đề "Muôn Kiểu Giao Thông Việt Nam" với những hình ảnh chụp được trên những con đường Việt Nam xe cộ nườm nượp chạy đủ kiểu. Có lẽ phải nói đó là những bức ảnh chụp đủ kiểu vi phạm giao thông của các loại xe di chuyển trên đường mới đúng.
Những kiểu vi phạm mà những người không ở Việt Nam khó có thể hình dung ra được của các loại xe hai bánh, ba bánh, bốn bánh… tất cả không hề biết tôn trọng luật lệ giao thông là gì.
Những xe hai bánh chở những số lượng hàng hóa không ai có thể nghĩ ra được. Có lẽ số hàng hóa chất lên những chiếc xe sức chở chỉ nổi hai người là tối đa. Người ta đã thấy nhũng chiếc xe này được chất lên những lượng hàng hóa không ai có thể tưởng tượng nổi.
Nhưng trong một xứ nghèo, người ta phải làm bất cứ gì để kiếm sống cái đã. Chở vài trăm kilô hàng đi bán thì ai còn ngồi tính xem chất hàng như vậy có an toàn hay không. Mà nếu không an toàn thì làm được gì?
Nhưng còn những chiếc xe không chở hàng mà chạy ẩu, bất kể luật lệ giao thông thì sao? Tuần trước, có mấy bài báo, không chỉ trên tờ Việt Nam Tin Nhanh, mà trên cả vài ba tờ báo khác cũng có đăng về một cảnh giao thông ở góc đường Trần Bình Trọng và Trần Nhân Tông ở Hà Nội. Ở giao lộ này, một trong hai con đường là đường một chiều. Nhưng video thu được trong buổi chiều ngày 2 tháng 7 thì cho thấy rất nhiều xe hai bánh gắn máy cứ "vô tư" chạy ngược chiều, trái hẳn với luật giao thông cho phép. Trời lúc ấy chưa tối hẳn, những vi phạm được thấy rất rõ. Những người lái xe đều quần áo tươm tất, không có vẻ là những người chở hàng liều lĩnh, bất kể luật giao thông chỉ cốt cho xong việc, mau chóng được việc để về nhà. Tại ngã tư này, đoạn video cho thấy một người ngoại quốc to lớn mà cảnh sát cho biết là một người đã sống ở Hà Nội khoảng năm năm. Người đàn ông này bước xuống đường và chặn những người đi ngược chiều lại, nhắc họ bằng tiếng Việt rằng họ vi phạm giao thông, chạy ngược chiều và yêu cầu quay đầu xe trở lại. Bị chặn, một số người đã làm theo lời yêu cầu của người đàn ông ngoại quốc nọ. Nhưng cũng có mấy trường hợp, người lái xe lách qua một bên để chạy ngược chiều tiếp. Có một hai người bị túm lấy yên xe thì rồ ga chạy thật nhanh để … tiếp tục vi phạm.
Đoạn video chỉ dài khoảng 4 phút mà đã thấy cả chục người lái xe vi phạm. Thử tưởng tượng đoạn video dài hơn thì còn thấy được bao nhiêu vụ vi phạm như vậy nữa? Mà đó là ở một góc đường đông người ngay giữa thủ đô Hà Nội. Nếu ở những khúc đường khác, ở những thành phố khác thì còn thế nào nữa.
Phải nói ngay là hồi xưa, ở Sài Gòn cũng có cảnh vi phạm giao thông. Nhưng những chuyện đó không ở một mức độ như người ta thấy trong đoạn video ở Hà Nội tuần trước. Ở ngã tư đèn xanh, đèn đỏ cũng có những chiếc xe không dừng lại ở vạch sơn trên đường. Một số lấn lên phía trước, dần dần chạy ra gần tới giữa ngã tư và chỉ chờ cho đèn lưu thông đổi sang mầu cam, là các chàng đã vội tống ga chạy tới, không chờ tới đèn xanh nữa.
Tuy thế, cũng không bao giờ có cảnh người ngoại quốc phải xuống đường hướng dẫn giao thông bao giờ.
Không biết người đàn ông Tây phương nọ nghĩ sao về trình độ dân trí của những người lái xe ở Hà Nội? Văn minh, văn hoá, công dân giáo dục ở đâu? Toàn một bọn thú vật nhông nhông đi ngoài đường hay sao? Không biết ngượng, không biết xấu hổ à?
Chán ơi là chán.
Nhưng đừng có tưởng ở đây không có những thứ ấy nhá. Cứ chạy xe ở khu Little Sai Gon mà coi. Cũng đổi lane lia lịa, chẳng ra hiệu bao giờ, lấn lên trước, mặt mũi sưng xỉa, táo bón như vừa bị chồng, vợ, bồ già bồ trẻ chửi mắng cho một trận ở nhà không bằng.
Tuần qua, tôi phải vào ngân hàng Bank Of America ở góc Bolsa và Magnolia. Xong việc, tôi mở cửa bước ra thì đúng lúc ấy có một người đàn ông và một người đàn ba bước tới cửa. Tôi giữ cửa, nép sang một bên cho hai người đi vào. Hai nhà quí tộc mặt lạnh lùng (trôi theo giòng nước mắt?) bước vào, không thèm nhìn người đàn ông già xấu trai này lấy một giây. Lạnh lùng, khó đăm đăm.
Tôi định gọi họ, nhắc họ làm rơi vài ba thứ mà lại thôi. Tôi đã định nói: "Excuse me sir, madam… I think you dropped all your civilization, your courtesy, your nicety, your gentleness, your culture … in the parking lot… Oh no… Maybe you don’t have any. Have a nice day!"
Khốn khổ cho …chúng nó. Làm chó gì có chút văn minh, tử tế, lịch sự nào mà … nói là đánh rơi ngoài chỗ đậu xe. Tôi chỉ muốn làm như ông Bá Dương, tác giả cuốn sách ông viết về những điều thô bỉ của người Hoa, các đồng bào của ông, mà buông tay ra, để mặc cho cái cửa đập vỡ cha nó hai cái mặt kém văn hóa đó đi cho rồi…

Ngày 10 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Người Anh có một câu tục ngữ đại khái dịch sang tiếng Việt là đã có được cái bánh rồi lại còn đòi được ăn luôn nó nữa. Nguyên văn câu tiếng Anh là "Have one’s cake and eat it too."
Câu này thoạt nghe có vẻ không ổn. Nhưng nếu hiểu là được ai cho cái bánh, tưởng là để cất đi, để dành dùng trong một dịp khác, nhưng lại đem ra ăn luôn, rồi còn muốn đem về nhà để dùng sau. Hiểu như thế thì câu tục ngữ rõ nghĩa hơn, nghe hợp lý hơn. Nghĩa bóng của nó là làm một lúc được cả hai việc đều có lợi cho bản thân mình trong khi những việc đó có thể bất lợi hay có hại cho người khác. Nên có một sự lựa chọn, và chỉ nên có một sự lựa chọn thì hơn. Làm cả hai việc thì bất công cho những người khác. Làm vậy thì ăn người quá đáng, khôn vặt quá sức, không nhường cho ai, không cho ai khôn cùng với mình cả.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có những câu nói tương tự. Ý nghĩa của những câu nói ấy đều là cái gì cũng muốn cả, không chịu hy sinh, bớt đi một thứ để có thứ kia, là không nên đòi có được cả mọi thứ cùng một lúc.
Người Pháp có câu "Vouloir le beurre et l’argent du beurre" nghĩa là vừa muốn có bơ (để ăn), lại còn muốn được cả tiền thu được qua việc bán chỗ bơ đó nữa.
Người Nga nói là không thể ngồi một lúc trên cả hai cái ghế. Người Nepal nói không thể một lúc có cả hai tay đầy những kẹo được…
Như vậy, trò khôn vặt, trò ăn người thì dân tộc nào cũng có cả.
Ngoại trưởng Hoa kỳ vừa sang thăm Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên bà tới Việt Nam. Vậy mà bà vẫn không hiểu gì về Việt Nam hết. Việt Nam không có một câu tục ngữ nào tương đương với câu "Have a cake and eat it too" của người Anh và người Mỹ. Vì thế, sau mấy lần họp với nhà cầm quyền Hà Nội, bà mới biết là Hà Nội muốn được ăn bánh, lại còn muốn có nguyên cả cái bánh mang về.
Tình hình ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam hồi gần đây đã khiến cho Hoa kỳ quay lại chú ý tới toàn vùng Đông Nam Á. Đồng minh cũ của Việt Nam là bọn Ba Tầu nay lộ ra bộ mặt thật rất khốn nạn khiến Hà Nội phải nghĩ tới việc đi tìm kẻ thù cũ là nước Mỹ. Hà Nội nghĩ rằng may ra nước Mỹ có thể giúp được mình trong lúc khó khăn này.
Bắc kinh đang gia tăng sức mạnh quân sự của họ trong vùng ở mức độ chóng mặt, đe dọa an ninh của tất cả các nước trong vùng biển Đông trong đó có cả Việt Nam, Philippines. Philippines quyết định gia tăng lực lượng hải và không quân, nhờ Mỹ giúp đỡ để tự vệ và đối phó với những đe dọa mới. Việt Nam cũng muốn được Hoa kỳ trợ giúp. Hà Nội muốn mua võ khí của Hoa kỳ và được Hoa kỳ huấn luyện, trang bị, yểm trợ. Nhưng theo luật, nước Mỹ không thể làm việc đó với các quốc gia với những thành tích nhân quyền tồi tệ, bóp nghẹt tự do của người dân, đàn áp các thành phần đối lập, bất đồng chính kiến. Thượng nghị sĩ John McCain đã có lần nói rõ như thế.
Mà Việt Nam thì đang làm tất cả những việc như vừa kể trên. Mọi ý kiến khác với ý kiến của nhà cầm quyền đều bị đàn áp dã man, tự do tôn giáo bị hạn chế, các lãnh tụ tôn giáo bị đối xử tàn tệ, công dân không được hưởng tất cả mọi hình thức tự do, nhân quyền tiếp tục bị chà đạp. Ngay cả việc các công dân đòi hỏi chủ quyền của đất nước, biểu tình phản đối những vi phạm lãnh thổ cũng bị ngăn cấm, đàn áp, xách nhiễu.
Ngoại trưởng Hoa kỳ nêu những điều này lên để nói thẳng là nếu Việt Nam không thay đổi thái độ và tiếp tục không tôn trọng quyền tự do của người dân thì Hoa kỳ sẽ không thể trợ giúp Việt Nam, thu hồi các hạn chế nhắm vào Việt Nam hiện nay. Bà Clinton nói thẳng với nhà cầm quyền Hà Nội rằng dân chủ và thịnh vượng phải đi song song, Hoa kỳ sẽ không thể thay đổi lập trường hiện nay đối với Việt Nam nếu Hà Nội tiếp tục bóp nghẹt các tiếng nói dân chủ, hạn chế quyền tự do của người dân. Hoa kỳ nói rõ là Việt Nam không thể được Hoa kỳ trợ giúp trong khi Hà Nội tiếp tục đường lối đàn áp và hạn chế tự do, dân chủ.
Nói tóm lại là Hà Nội sẽ không thể được cho ăn bánh trong khi không đưa ra bất cứ một thái độ tôn trọng cái bánh, đòi được mang cái bánh về nhà để ăn với nhau. Đã đến lúc Hà Nội cần phải cho thắy họ hiểu câu tục ngữ này của người Mỹ.

Ngày 11 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Khi dọn đến địa chỉ hiện nay, tôi tìm được ở ngăn tủ trong phòng ngủ bức tượng nhỏ tạc hình một người ngồi sau chiếc bàn làm việc bừa bộn giấy tờ, sách vở chầt đống nghều nghễu cao hơn đầu người, và ở chân bàn, là hàng chữ neatness is the sure sign of a sick mind.
Tôi thích nó ngay, vì cái bàn của ông ta không khác gì bàn làm việc của tôi.
Ngay từ trước khi có bức tượng --mà tôi không cách gì trả lại chủ nhân nó-- tôi vẫn thấy chuyện gọn gàng, thứ tự, ngăn nắp có điều gì không... ổn. Nghĩa là cái bàn làm việc không bao giờ nên gọn gàng, ngăn nắp. Nó phải bừa bộn như của tôi thì trông nó mới có đời sống, có bàn tay người. Một cái bàn ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng thì nó như cái bàn của một nhà hành chánh, một ông đốc phủ sứ, mỗi ngày có nhân viên vào thu dọn, phủi bụi. Cái bàn sạch sẽ nhưng chủ nó chỉ là một... đốc phủ sứ.
Hàng chữ ở chân bàn -- neatness is the sure sign of a sick mind -- nói đúng được điều tôi vẫn mơ hồ nghĩ trong đầu từ lâu mà không xếp lại thành một câu: sự gọn gàng, thứ tự, sạch sẽ, ngăn nắp là dấu hiệu rõ ràng của một đầu óc bệnh hoạn.
Nhờ nó, tôi có được cách giải thích rất thuyết phục cho tình trạng bừa bộn nơi cái bàn làm việc của tôi. Sạch sẽ, gọn gàng là bệnh hoạn. Bừa bộn, không thứ tự, không ngăn nắp là một đầu óc bình thường và khỏe mạnh.
Tại sao phải ngăn nắp và thứ tự trong khi bừa bộn và mất trật tự vẫn làm được việc? Và cái bàn làm việc của tôi trong phòng ngủ tiếp tục bừa bộn, không thứ tự, không gọn gàng gì hết. Mẹ tôi sang thăm, nói là trông ngứa mắt quá, tôi đề nghị vài giọt thuốc nhỏ mắt cho đỡ ngứa, nhưng xin tha cho cái bàn của tôi.
Hôm nay, đọc được một khám phá của Home & Garden Television, tôi lại càng thấy không nên gọn gàng, ngăn nắp và thứ tự chút nào.
Một cuộc thăm dò do Home & Garden Television thực hiện cho thấy là có một số người tìm thấy được sự thỏa mãn qua việc giữ gìn nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, thứ tự, nhiều hơn là làm tình (... get more satisfaction from keeping their homes neat and attractive than they do from sex.)
Câu này bạn có thể đọc ở trang 13 của tờ Newsweek số đề ngày 31 tháng 7, số mới nhất.
Biết được chi tiết này, tôi lại thắc mắc không biết người ở căn nhà này trước khi tôi dọn vào là người như thế nào, có giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng không, hay cũng bừa bộn như tôi để phải khuân bức tượng nhỏ với câu nhận định tương quan giữa sự ngăn nắp, gọn gàng và sức khỏe tâm lý về nhà bầy chơi?
Tôi biết người ở căn nhà này trước tôi là một phụ nữ nhờ cái tên trên phong bì những bức thư tiếp tục tới nằm trong hộp thư của tôi sau khi tôi dọn đến cả mấy tháng trời.
Nàng có nhiều phần không phải là người gọn gàng ngăn nắp nên mới có bức tượng nhỏ đó. Nàng không thích thu dọn nhà cửa sạch sẽ, như vậy nàng tìm thấy sự thỏa mãn ở đâu?
Nàng có giống như người đàn ông Á châu sống bừa bãi thiếu ngăn nắp tìm thấy sự thỏa mãn trong sự biếng lười như Bạch Ngọc Thiềm trong cái thư trai ông gọi là Dong Am, cái am biếng nhác, hay nàng thấy được thỏa mãn nơi cái thú... khác?
Bức vẽ trong tờ Newsweek đi kèm đoạn tin ngắn vẽ một người đàn bà quần áo trên người rất ít trong khi người đàn ông, tay cầm thùng nước, tay kia vác cái chổi, mặt mũi tươi vui đi... dọn nhà, quét tước, lau chùi phòng ốc. Người đàn ông có vẻ như không nhìn thấy người phụ nữ rất sexy đứng bên cạnh vì chàng đã tìm thấy lạc thú trong việc giữ cho nhà cửa sạch sẽ gọn gàng như kết quả cuộc thăm dò của Home & Garden Television chăng?
Đúng hay không đúng thì khó biết được, vì sự bừa bộn của tôi chỉ là dấu hiệu của một đầu óc không... bệnh hoạn.
Nhưng có thể vì kết quả cuộc thăm dò này, nhiều người đàn ông sẽ không bị bắt dọn dẹp nhà cửa nữa không chừng!

Ngày 12 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Mấy hôm trước, đọc một bản tin của tờ Los Angeles Times xong, tôi không biết sẽ phải nghĩ gì nữa.
Theo tờ báo này, thì cứ ba thì có một, cứ ba mươi thì có mười, cứ chín chục thì có ba chục. Đó là những con số rất lớn, những tỉ lệ hết sức đáng kể.
Còn nhớ mấy năm trước, thống kê cảnh sát cho biết là cứ hai mươi lăm chiếc xe chạy ngang trong buổi tối thứ sáu ở xa lộ vòng đai thủ đô, thì có một chiếc do người say rượu lái, tôi đã nghĩ là quá nhiều. Nhưng so với con số của tờ Los Angeles Times đưa ra thì con số của cảnh sát thủ đô Mỹ thua rất xa.
Theo tờ báo này, thì con số người lái xe say rượu ít hơn con số người không rửa tay sau khi dùng buồng tắm rất nhiều. Và đó là một con số đáng sợ.
Ba người bước ra từ phòng rửa tay, có một người không rửa tay. Gọi là phòng rửa tay cho lịch sự, chứ thực ra, phải gọi là nhà cầu, nhà tiêu, nhà tiểu mới đúng.
Và dĩ nhiên là những người vào đó không chỉ để rửa tay. Để rửa tay mà không rửa tay thì còn gì để nói? Họ vào để làm những việc khác hơn là để rửa tay, và vì làm những việc khác đó nên mới cần phải rửa tay. Cần rửa tay, mà không rửa tay mới ghê!
Tờ Los Angeles Times nói rằng con số đó là con số tính chung cả đàn ông cũng như đàn bà. Và phụ nữ, vẫn theo tờ báo ấy, ở dơ không thua gì đàn ông. Nghĩa là cả hai phía đều một trong ba người, không rửa tay gì hết.
Đọc xong bản tin của tờ báo, tôi nhớ lại những kinh nghiệm ở ngoài những phòng rửa tay mà tôi đã trải qua không phải là một, mà nhiều lần. (Những) người ấy từ trong bước ra, tay vẫn khô queo, đưa tay lên "vuốt tóc tôi / thở dài trong lúc thấy tôi vui".
Bây giờ thì tôi có thể hiểu tại sao những tình cảm lại trái ngược, tương phản nhau như thế. Bên thì buồn, bên thì vui. Thì ra phía bên kia thở dài thương hại cho người đàn ông dại dột, khù khờ, ngây thơ, không biết gì hết, được vuốt tóc thì mừng quá đỗi, vui ra mặt trong khi không hề biết phía bên kia thuộc thành phần một phần ba, mười phần ba chục, ba chục phần chín mươi.
Biết đâu trong số những người tôi quen, lại chẳng có một số thuộc thành phần ấy. Và người đàn ông hiền lành, không đa nghi, hồn nhiên, không hề biết những người nước hoa thơm lừng đó lại chính là những người chủ trương bảo tồn nguồn nước cho thế giới, không phung phí nước cho việc rửa tay?
Vậy mà, chao ôi, chúng tôi đã nắm tay nhau đi trong hạnh phúc ngập tràn, ở Wellington, ở Sydney, ở Sài Gòn, ở Hán Thanh, ở Tokyo, ở Hương Cảng, ở Paris, ở Luân Đôn, ở Madrid, ở Roma, ở Hoa Thịnh Đốn, ở Nữu Ước, ở Toronto, ở Montreal, ở Los Angeles, ở San Jose, ở San Diego...
Không những chỉ nắm tay nhau, mà còn "kỷ niệm thơm từ năm ngón tay/ trăng lên từng nét gợn đôi mày", còn "ngón tay phơ phất mùi hoang thảo / lượn nét mây vờn sợi tóc mai", còn "mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu"...như trong Đinh Hùng nữa mới là phiền chứ.
Làm tất cả bằng ấy chuyện với những bàn tay hà tiện nước. Sao đời của tôi lại khổ đến chừng ấy được? Bây giờ phải làm gì đây? Làm thế nào để "tấm son gột rửa bao giờ cho phai"?
Cứ tưởng tượng ra những chuyện đã diễn ra mà kinh, mà khiếp cho mình.
Tại sao tờ Los Angeles Times lại làm công việc tàn ác như thế? Có cần phải khơi lại những thương tích đã lành từ bao nhiêu lâu nay bằng những nhát dao đâm nát ra như thế không? Tại sao người đàn ông già đang mơ giấc mộng dài, lại phải lay cho chàng dậy một cách phũ phàng như thế? Tại sao không để cho "ngón tay não nuột tàn nhung bướm / gỡ cánh hoa phai lả mái đầu"?
Hay tại sao không chịu rửa tay kỹ cho chúng tôi nhờ một chút?

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 147)
CONDITIONAL SENTENCES (AGAIN !)
Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 147 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thưa anh, trong bài học hôm nay, Thúy xin anh trở lại lần nữa với CONDITIONAL SENTENCES , tức là ĐIỀU KIỆN CÁCH mà anh đã một hai lần giảng trong mấy lần trước, vì Thúy vẫn chưa thấy hoàn toàn hiểu rõ lắm về những câu này.
QA
Vâng thưa anh, QA thấy CONDITIONAL SENTENCES có lẽ là những câu khó nhất trong văn phạm tiếng Anh. Vậy nên QA đồng ý với Thúy là xin anh giảng lại lần nữa cách dùng CONDITIONAL.
BBT
CONDITIONAL SENTENCES với người Việt quả là có rắc rối thật. Lý do là vì chúng ta, những người nói tiếng Việt, không có cùng những ý niệm về điều kiện như người Anh. Chúng ta không phân biệt những trường hợp khác nhau của các điều kiện như trong tiếng Anh. Chúng ta đưa ra những điều kiện và sau đó, hiểu ngầm rằng nếu những điều kiện ấy trở thành sự thật thì hậu quả sẽ như thế nào. Chúng ta không đặt vấn đề những điều kiện đó có thể xẩy ra được hay không như trong Anh ngữ. Tuy nhiên, CONDITIONAL SENTENCES cũng không khó lắm đâu. Để hai cô coi sau đây.
LÃM THÚY
Như vậy, CONDITIONAL SENTENCES có hai phần, một nửa đưa, đặt ra điều kiện, hay nói đúng ra là giả thiết, giả sử và phần thứ hai nói lên kết quả nếu những giả thiết ở trên trở thành sự thật.
BBT
Thực ra, nói đúng thuật ngữ văn phạm thì một CONDITIONAL SENTENCE gồm có một mệnh đề chính và một mệnh đề phụ.
IF CLAUSE là mệnh đề phụ nêu ra một điều kiện hay giả thuyết, và một MAIN CLAUSE tức là mệnh đề chính nói về hậu quả của giả thuyết hay điều kiện của IF CLAUSE. MAIN CLAUSE có thể đi trước và cũng có thể đi sau IF CLAUSE . Thí dụ NẾU TRỜI MƯA, CHÚNG TA SẼ Ở NHÀ, hay CHÚNG TA SẼ Ở NHÀ NẾU TRỜI MƯA. Cả hai câu đều ý nghĩa giống nhau.
QA
Thưa anh, có thể nói là CLAUSE nào đi trước, đi đầu thì ý nghĩa của nó mạnh hơn không?
BBT
Đúng. Hệt như chúng ta nói trong tiếng Việt vậy. Ý nghĩa của cả hai đều giống nhau, không khác gì nhau hết. Chỉ có chi tiết Ở NHÀ hay TRỜI MƯA được làm cho mạnh hơn mà thôi.
LÃM THÚY
Thúy nhớ là trong tiếng Anh cũng có tới BA TRƯỜNG HỢP điều kiện hay giả thuyết khác nhau. Và đó là điểm rắc rối, khó hiểu, dễ lẫn lộn của những người học nói tiếng Anh như Thúy phải không thưa anh?
BBT
Thúy nói đúng. Trong Anh ngữ, có BA loại câu CONDITIONAL. Chúng ta sẽ lần lượt nói đến cả ba trường hợp.
Thứ nhất là những giả thuyết hay những điều kiện CÓ THỂ XẨY RA, CÓ THỂ TRỞ THÀNH SỰ THẬT và CÓ NHIỀU PHẦN SẼ XẨY RA, SẼ DIỄN RA TRONG LÚC NÀY HAY TRONG TƯƠNG LAI. Thí dụ khi tôi nói NẾU TÔI BẮT ĐƯỢC TRÙM BẠCH PHIẾN MEXICO thì theo Lãm Thúy, chuyện ấy có thể xẩy ra được không?
LÃM THÚY
Chắc không bao giờ xẩy ra được. Cũng như khi Thúy nói NẾU TÔI TRÚNG POWER BALL 200 TRIỆU vậy. Đó là chuyện NEVER IN MY LIFE… không bao giờ xẩy ra hết. Nhưng nếu Thúy nói NẾU TÔI KIẾM ĐƯỢC SỐ ĐIỆN THOẠI CỦA ÔNG ẤY, hay NẾU TÔI GẶP BÀ ẤY CUỐI TUẦN NÀY thì đó là những chuyện có thể xẩy ra, hay xẩy ra cũng không khó lắm.
QA
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có trước mặt bao nhiêu là giả thuyết, có những cái dễ xẩy ra như NẾU QA GHÉ SOUTH COAST PLAZA ĐỂ MUA SẮM hay NẾU QA CÓ THÌ GIỜ CUỐI THÁNG NÀY… Trong khi những điều kiện khác thì khó xẩy ra hơn như NẾU CON TRAI QA QUAY SANG HỌC LUẬT, hay NẾU CHIẾN TRANH XẨY RA TẠI BIỂN ĐÔNG chẳng hạn.
BBT
Cám ơn hai cô. Như vậy, hai cô đã hiểu thế nào là những giả thuyết dễ xẩy ra và những giả thuyết khó xẩy ra.
Với những điều kiện hay giả thuyết DỄ XẨY RA, CÓ THỂ XẨY RA hay CHẮC SẼ XẨY RA, chúng ta dùng PRESENT TENSE trong IF CLAUSE và trong MAIN CLAUSE, chúng ta dùng hoặc PRESENT TENSE hay FUTURE TENSE là được.
Lãm Thúy cho nghe hai thí dụ của cô coi.
LÃM THÚY
IF I FIND HIS PHONE NUMBER, I GIVE IT TO YOU.
IF I SEE HER THIS WEEK-END, I WILL REMIND YOU TO HER.
QA
IF I GO TO SOUTH COAST PLAZA, I WILL GET A NEW PAIR OF SHOES.
IF I HAVE SOME SPARE TIME THIS MONTH, I WILL DROP BY TO SEE THEM.
BBT
Có một chi tiết này hai cô cần nhớ ở đây, đó là nếu đảo ngược thứ tự của hai mệnh đề thì KHI VIẾT, chúng ta KHÔNG DÙNG COMMA, TỨC LÀ DẤU PHẨY ở giữa để tách hai mệnh đề ra khỏi nhau. Thí dụ I WILL DROP BY TO SEE THEM (KHÔNG COMMA) IF I HAVE SOME SPARE TIME. Nhưng nếu cho IF CLAUSE đi trước thì chúng ta phải có COMMA ở giữa hai mệnh đề: IF I HAVESOME SPARE TIME, I WILL DROP BY TO SEE THEM.
QA
Thưa anh, còn trong những IF CLAUSE với những điều kiện hay giả thuyết khó hay không thể xẩy ra được, thì chúng ta phải dùng thì gì, tức là TENSE gì?
BBT
Đây chính là điều làm cho CONDITIONAL SENTENCES rắc rối như hai cô đã nói. Trả lời cho câu hỏi của QA, chúng ta dùng PAST TENSE trong IF CLAUSE và trong MAIN CLAUSE, chúng ta dùng WOULD, COULD, SHOULD, MIGHT và INFINITIVE WITHOUT TO. Thí dụ IF I CAUGHT THE MEXICAN DRUG LORD, I COULD GET A 10 MILLION REWARD. Thúy cho nghe thí dụ của Thúy với các giả thuyết gần như không bao giờ xẩy ra hay rất khó có thể trở thành sự thật coi.
LÃM THÚY
IF I SAW INSIDE HIS HEAD, I WOULD KNOW WHAT TO DO.
IF CHINA ATTACKED VIETNAM, THERE WOULD BE A LARGER WAR.
QA
Đây là hai thí dụ của QA. IF MY SON CHANGED HIS MAJOR, HE COULD TAKE UP LAW.
IF WAR BROKE OUT, VIETNAM MIGHT LOSE SOME MORE LAND.
BBT
Có một chi tiết cần nhớ trong những câu CONDITIONAL này. Đó là chúng ta dùng WERE cùng với I, HE, SHE và IT chứ không dùng I WAS, HE WAS, SHE WAS và IT WAS. Bao giờ cũng dùng WERE cho tất cả các ngôi I WERE, YOU WERE, HE WERE, SHE WERE, IT WERE, WE WERE và THEY WERE. QA cho nghe hai câu với I WERE coi.
QA
IF I WERE 20 YEARS YOUNGER, I WOULD GO BACK TO COLLEGE.
IF I WERE IN LONDON NOW, I WOULD BE ABLE TO SEE THE OLYMPICS.
LÃM THÚY
Đây là thí dụ của Thúy: IF I WERE STILL IN VIETNAM, I WOULD NEVER LIVE IN HA NOI.
IF I WERE A MULTI MILLIONAIRE, I WOULD BUY A BEACH HOUSE IN CALIFORNIA.
BBT
Khi có những giả thuyết hay những điều kiện chắc chắn không bao giờ có thể xẩy ra được vì chúng là những giả thuyết trong quá khứ thì chúng ta dùng PAST PERFECT trong IF CLAUSE và WOULD, COULD, SHOULD, MIGHT + HAVE + PAST APRTICIPLE trong MAIN CLAUSE.
Thí dụ khi tôi nói NẾU TỔNG THỐNG DIỆM CÒN SỐNG thì QA thấy giả thuyết của tôi thế nào?
QA
Điều giả thuyết đó KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ XẨY RA ĐƯỢC , vì tổng thống Diệm đã bị ám sát chết năm 1963, tức là trong quá khứ, đó là chuyện chúng ta sẽ không thể làm bất cứ gì để thay đổi được.
LÃM THÚY
Thí dụ của Thúy về một giả thuyết không bao giờ có thể xẩy ra được là NẾU THÚY Ở LẠI SÀI GÒN. Chuyện đó không thể xẩy ra được vì Thúy đã rời Sài Gòn sang Mỹ từ mười mấy năm nay rồi.
BBT
Đây là thí dụ của tôi: IF THEY HAD BOUGHT THAT HOUSE IN 1999, THEY COULD HAVE SOLD IT FOR 5 MILLION DOLLARS. Còn thí dụ của QA và Lãm Thúy thì như thế nào?
QA
IF PRESIDENT DIEM HAD NOT DIED IN 1963, THE SITUATION OF VIETNAM COULD HAVE BEEN DIFFERENT.
IF SAI GON HAD NOT BEEN LOST, I MIGHT HAVE BECOME A SCHOOL TEACHER.
LÃM THÚY
IF THE ECONOMY HAD NOT BEEN BAD, I COULD HAVE OPENED ANOTHER SHOP.
IF I HAD STAYED A BIT LONGER, I COULD HAVE MET HIM.
BBT
Bây giờ, hai cô đã hiểu rõ hơn về CONDITIONAL SENTENCES, tôi chỉ cho hai cô thêm một điều nữa về các câu điều kiện này. Đó là chúng ta có thể bỏ hẳn IF đi và đưa ĐỘNG TỪ CHÍNH LÊN TRƯỚC CHỦ TỪ, ý nghĩa của câu sẽ không đổi thay, ý sẽ còn nguyên như cũ.
Thí dụ IF I WERE YOUGER, I WOULD JOIN THE ARMY, bỏ IF đi, đưa động từ chính lên trên chủ từ thì Thúy sẽ nói thế nào?
LÃM THÚY
WERE I YOUNGER, I WOULD JOIN THE ARMY.
BBT
Đúng rồi. QA đổi thử câu này coi, bỏ IF ở đầu đi. IF PRESIDENT DIEM HAD NOT DIED IN 1963…
QA
HAD PRESIDENT DIEM NOT DIED IN 1963, THE SITUATION OF VIET NAM WOULD HAVE BEEN DIFFERENT.
IF SAIGON HAD NOT BEEN LOST thành HAD SAIGON NOT BEEN LOST, I MIGHT HAVE BECOME A SCHOOL TEACHER.
LÃM THÚY
IF THE ECONOMY HAD NOT BEEN BAD thành HAD THE ECONOMY NOT BEEN BAD và IF I HAD STAYED A BIT LONGER thành HAD I STAYED A BIT LONGER…
BBT
Còn một chút xíu này nữa về CONDITIONAL SENTENCES hai cô cũng nên biết. Đó là trong một số trường hợp, chúng ta có thể thay IF bằng IN CASE hay IN THE EVENT…nghĩa là TRONG TRƯỜNG HỢP.
Thí dụ IF YOU NEED MONEY, YOU CAN GO TO ANY ATM. Bỏ IF đi, chúng ta thay bằng IN CASE hay IN THE EVENT nghĩa là TRONG TRƯỜNG HỢP để thành IN CASE YOU NEED MONEY hay IN THE EVENT YOU NEED MONEY.
QA cho nghe hai câu với cách đặt câu tôi vừa đề nghị coi.
QA
IF YOU WRITE TO HIM, SEND MY REGARDS thành IN CASE hay IN THE EVENT YOU WRITE TO HIM, SEND MY REGARDS.
IF WE GO TO ROME, WE MUST DO LIKE THE ROMANS DO thành IN CASE hay IN THE EVENT WE GO TO ROME, WE MUST DO LIKE THE ROMANS DO.
LÃM THÚY
IF MY BOSS CALLS, TELL HIM I AM SICK thành IN CASE hay IN THE EVENT MY BOSS CALLS, TELL HIM I AM SICK.
IF IT RAINS HARD, WE CAN CALL A TAXI thành IN CASE hay IN THE EVENT IT RAINS HARD, WE CAN CALL A TAXI.
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

July 3, 2012

July 2, 2012


Ngày 2 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Trong tiếng Anh, thành ngữ "kiss and tell" không nhất thiết phải là "tell all", kể hết về cái hôn, về những cái hôn với một người khác sau khi hai người đã chia tay … hoàng hôn.
"…bài hát cho anh giờ đã hát cho mọi người…" như lời của một bài hát nọ. Bài hát viết cho anh kể lại chuyện riêng tư kín đáo của chúng ta em đem hát lung tung cho người khác nghe thì … đểu thật.
Nhưng đó lại là chuyện đã xẩy ra ở chung quanh chúng ta, xẩy ra cho nhiều người. Bao nhiêu kín đáo riêng tư của anh và của em, em đem kể ra hết trơn hết trọi, em chê anh là đồng hồ hư, kim bao giờ cũng chỉ đúng 6 giờ rưỡi. Em công bố hết bí mật đời anh cho mọi người.
Chúng ta đã thấy sau khi những cuộc tình lớn chấm dứt là thế nào cũng có một bên lôi hết chuyện hai người ra nói. Rielle Hunter viết về chuyện vụng trộm của nàng với John Edward, nguyên ứng viên tổng thống Dân Chủ bốn năm trước. Nàng nói rằng nàng viết cuốn sách cho con gái để con gái biết vì đâu mà có nó. Nhưng con gái nàng với John Edward thì hiện nay còn quá nhỏ, chưa biết đọc. Mà có đọc được thì vài ba năm sau là lại quên hết thì viết ra làm gì nếu không phải là để được nhà xuất bản trả cho mẹ nó một món tiền. Tại sao không nói (cha nó) ra rằng viết kiếm ít tiền có phải là lương thiện không? Một đứa bé mới 4, 5 tuổi thì biết gì mà đọc.
Nhưng cũng có những trường hợp kiss and tell thật chứ không phải là kiểu hồi ký tell all thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy.
Clark Gable, ông vua không ngai của điện ảnh Mỹ, một người chỉ cần nhếch mép cười nhẹ một cái là bao nhiêu trái tim phụ nữ thế giới thổn thức ầm ầm. Bao nhiêu người đã từng mơ được hôn chàng một cái cho bõ những ngày cơ cực, để coi bộ ria con kiến của chàng cạ vào môi của mình sẽ như thế nào. Bởi vì thời ấy, chỉ có vài ba người phụ nữ làm được việc đó. Betty Grable, Vivian Leigh, Marilyn Monroe, Carole Lombard … và ít người khác ở Hollywood. Nhưng có một người, tôi không nhớ là ai, hình như là một ngôi sao điện ảnh Mỹ, có lần nói rằng Clark Gable bị halitosis nặng. Halitosis là bệnh thối mồm. Chàng có thể nheo mắt lại, tay kéo nàng về phía chàng, nụ cười làm hàng ria run lên nhè nhẹ… rồi chàng cắn lấy môi dưới của nàng, nhai ngấu nghiến, hơi thở dồn dập và … thối ơi là thối.
Thế là mất cha nó hứng. Miếng steak chàng ăn buổi chiều, mấy lát hành sống, vài ba tép tỏi cùng với mấy ly đỏ cùng ào ào xông lên. Môi chàng rời môi nàng, chàng nói nhẹ: I love you… và mùi hơi thở của chàng lại bỗng càng thối dữ dội.
Thế thì còn chó đâu là romantica với lại nửa mùa lãng mạn nữa. Nàng nín thở, hôn lại, nhưng vẫn nhớ đến cái mùi hơi thở của chàng. Thôi thì cố gắng chút nữa. Được trả mấy trăm đô la (thời 1940, 1950) chứ ít sao. Vài năm sau, nghĩ lại vẫn còn thấy tức. Người sao mà dễ sợ đến thế? Nó biết ở sân quay nó sẽ hôn mình, vậy mà nó không thèm đánh răng, xúc cái miệng trước khi hôn mình. Nó tưởng nó là vua không ngai thì mồm nó không thối hay sao? Thế là liền gọi tờ Photoplay đến nói hết về cái hôn mà bao nhiêu phụ nữ ước mơ lộ liễu cũng như thầm kín cho mọi người biết mà khỏi ham hố.
Đó là chuyện Clark Gable, chuyện nửa thế kỷ trước. Ngày nay, niềm mơ ước thầm kín và lộ liễu của nhiều người đàn ông là hôn được Angelina Jolie một cái. Một cái xong rồi muốn ra sao thì ra. Nhung chưa ai nói cho chúng ta biết hôn Angelina Jolie ra làm sao. Chao ôi, đôi môi ấy, mái tóc ấy, cặp mắt ấy… Bao nhiêu người đàn ông trên thế giới đã mơ ước làm được điều đó. Hôn Angelina Jolie một cái, đến được Paris một lần, rồi thì có chết cũng … đáng đời trai thế hệ (?).
Nhưng có thật là như thế không?
Hỏi Brad Pitt thì chàng không nói, hỏi Billy Bob Thornton cũng không cậy răng được. Nhưng mới đây, một diễn viên Tô Cách Lan James McAvoy, sau khi đóng vài ba cảnh hôn hít Angelina Jolie trong phim Wanted có cho biết ấn tượng (?) sau những cái hôn ấy với tờ In Touch Weekly. Và theo người đàn ông mà nhiều người nghĩ là may mắn này, thì hôn Angelina Jolie chán lắm. Chàng kể đó là những cái hôn lập cập, vụng về, mồ hôi mồ kê nhễ nhại và nói chung là không hay lắm. Nói thẳng ra là chán chết. It was awkward, sweaty and not very nice.
Thì ra là như vậy.
Nhận định của một người vừa hôn Angelina Jolie vài quả thì phải đúng chứ sai làm sao được?
Awkward là vụng về.
Sweaty là nhiều mồ hôi, rít rìn rịt, dính lép nhép.
Not very nice là không hay lắm đâu.
Thế thì có gì khá hơn những cái chúng ta đã biết đâu! Đó là chưa kể tới những cái hôn mà phía bên kia né với tránh vì chỉ sợ làm … hỏng tóc của em.
Mà cũng chưa kể tới chuyện có thể là nàng bị halitosis nữa ấy chứ.
Đôi môi sầu mộng ấy! Niềm mơ ước thầm kín và lộ liễu của nhiều người mà sao lại như thế?
Đôi môi bơm cả kilô botox bỗng thua cả miếng thịt bò Đại Hàn ở sân sau vườn nhiều thì ham hố làm gì cho mệt?

Ngày 3 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Tuần san People đã cho tôi biết thêm một điều rất lý thú mà tôi không hề biết trước đây.
Tôi vẫn tưởng danh từ bachelor trong tiếng Anh, là người đàn ông chưa bao giờ lập gia đình, như những định nghĩa của Ed Wynn (a man who never makes the same mistake once) một người không bao giờ phạm phải lỗi lầm một lần nào, hay Vô Danh (a man who never told his wife a lie...), là người không nói dối vợ bao giờ.
Nhưng nhờ đọc số People đặc biệt viết về 100 người đàn ông độc thân có giá nhất nước Mỹ, tôi mới biết được rằng bachelor là người đàn ông tự do, mặc dù đã từng vào... tù ra khám không biết bao nhiêu lần cũng mặc. Chỉ cần tự do là đủ điều kiện để được gọi là bachelor, như Milton Berle đã nói: Chỉ cho tôi coi người đàn ông làm những gì ông ta muốn, tôi sẽ chỉ cho bạn coi một người đàn ông độc thân (show me a man who does what he wants, and I'll show you a bachelor). Hay một người không hay cãi cũng vậy: Years ago, a man who refused to fight was called a coward. Now they call him a bachelor. Có ai để cãi đâu mà chẳng không hay cãi.
Thiếu gì những trường hợp "hết nạn ấy đến nạn này, xe hoa mấy lượt, xe cây vài lần". Chỉ thỉnh thoảng mới có được cậu chưa bao giờ biết nói dối vợ vì chưa bao giờ có vợ để thấy cần phải nói dối.
Như vậy, những người đàn ông "xe hoa mấy lượt, xe cây vài lần" ấy không hề bị coi là damaged goods -- hàng hóa bị hư hại -- mà trái lại, vẫn được coi là rất có giá. Bạn tôi, một giáo sư đại học ở vùng này có lần cũng nói rằng ở cái tuổi của bạn tôi, thì "xe hoa mấy lượt, xe cây vài lần" còn hơn là chưa một chuyến xe hoa nào. Bằng ấy tuổi mà vẫn chưa một chuyến xe hoa nào mới là có chi bất thường, bất ổn: nếu không là một confirmed bachelor (một cách để gọi một người đàn ông đồng tính luyến ái) thì cũng là thứ ma chê quỉ hờn, thứ có mà... chó nó lấy (như ông cụ bạn tôi vẫn nói).
Nếu "xe hoa mấy lượt, xe cây vài lần" mà vẫn được coi là bachelor thì lại đúng như bạn tôi, một tay khoa bảng đầy người, vẫn nói ở đây:
B.A. là Bachelor and Available, độc thân và... có thể dùng được.
M.A. là Married and Available, là có má sấp nhỏ nhưng vẫn... có thể dùng được.
Ph. D là Pushing Hard for a Divorce là đẩy mạnh để... ra tù.
Ra tù xong thì lại có bằng B.A. mấy hồi, bằng cấp nào chàng cũng có là vậy.

Ngày 4 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Bạn hỏi tôi làm gì trong ngày mồng 4 tháng 7, ngày Độc Lập của nước Mỹ.
Xin thưa tôi đi làm như thường. Tôi không đi pic nic hay barbecue ngoài công viên. Không nhắng lên làm những bài thơ kệch cỡm, giả trá thương cảm những George Washington, Thomas Jefferson, John Hancock... (dẫu cho ông Hancock có ký cái tên của ông to đến đâu chăng nữa trong bản tuyên ngôn độc lập để Anh hoàng George thấy cho rõ, theo lời ông ) kiểu thơ phú vô duyên như các nhà thơ của nước ta như họ đã từng viết bao nhiêu thứ thơ với thẩn về các ông Kim, Mao, Xít... vân vân.
Mà cũng không viết những câu đau đớn như Langston Hughes: "I, too, sing America..." vì bị bỏ ra ngoài...
Để việc đó cho những người Mỹ làm đủ rồi.
Nhưng tôi cũng mừng độc lập, cũng để ra vài ba phút mỗi ngày, chứ không phải chỉ riêng trong ngày mồng 4 tháng 7 mỗi năm, tưởng nhớ đến những người đã đem lại độc lập cho mình.
Những người ấy không có những tên tuổi lớn như mấy ông mà bạn cũng biết ở trên. Có khi để ý kiếm cũng không ra tên các ông. Thí dụ làm sao kiếm ra tên người nghĩ ra cái đĩa giấy chẳng hạn. Hay người nghĩ ra việc nấu sẵn những đĩa thức ăn, bỏ vào những chiếc khay rồi làm cho đông lạnh lại, người tiêu thụ chỉ cần cho vào lò vi ba chừng vài ba phút là có ngay bữa tối chẳng hạn. Hay cái mở đồ hộp, hay những gói mì ăn liền, hay các ông McDonald, đại tá (?) Sanders, Burger King... và rất nhiều người khác nữa, những người đã cho biết bao nhiêu người trên thế giới những cuộc sống độc lập và tự do, không phải sống đời kìm kẹp, nô lệ.
Những người đó đều đáng được ghi nhớ.
Sẽ có lúc người ta phải dựng tượng, xây đài tưởng niệm ghi nhớ công ơn của những thùng mì gói và người sáng chế ra chúng.
Người sáng chế ra chúng, món mì gói, không bao giờ có thể hiểu được là phát minh và sản phẩm của ông/bà đã giúp những người đàn ông bị mẹ làm cho hư đốn, thứ người "thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên" có được sự độc lập, sự tự tin về bữa tối, bữa trưa và bữa sáng, những ngày mưa gió bão bùng, những ngày tuyết ngập kín lối ra, những lúc mà nguy cơ xẩy ra đại chiến chỉ còn gang tấc, những biện pháp trừng phạt, chế tài kinh tế, cấm vận, bao vây, phong tỏa, những hăm dọa về nhà với má, không thèm nấu nướng gì cho con chuột (Do not cook, starve the rat -- khẩu hiệu của phụ nữ giải phóng hồi thập niên 60) được sống hùng, sống mạnh, đầu ngẩng cao lên, chân đi hăng hái, không còn lo sợ bị bắt bí, săng ta, black mail, gây khó dễ nữa.
Những hộp súp nấu theo kiểu Ý có viên thịt, có pasta, spaghetti hay ra gu kiểu Ái Nhĩ Lan, thịt bò hầm kiểu Anh... Những hộp TV Dinner với những lựa chọn có thể làm choáng ngợp những người đàn ông xách giỏ vào chợ, cuống quít trước giờ chợ đóng cửa. Muốn roast beefroast beef, muốn Salisbury Steak là có Salisbury Steak, muốn cơm chiên kiểu Creole, muốn gà chiên tẩm bột cũng có, muốn thịt băm bọc rau cải... muốn gì có nấy.
Những cứu tinh đó cũng rất cần phải được ngợi ca, phải được ghi nhớ là đã đem lại độc lập cho chúng ta chứ. Có nhất thiết phải là Washington, Adams, Paine, Franklin, Revere... đâu.
Những người ấy, tôi nhớ đến mỗi ngày mỗi lần đứng trước cái freezer trong nhà bếp. Không chỉ những bậc vĩ nhân ấy, mà luôn cả những người phát minh ra cái máy giặt, máy sấy, những thứ máy móc đóng góp không nhỏ cho đời sống độc lập, tự do và có thể là rất hạnh phúc (thật sự chứ không chỉ là những khẩu hiệu rỗng tuếch của nước ta) cho con người.
Và những người ấy mới xứng đáng nhất để ghi nhớ, để tường niệm, để nghĩ đến mỗi ngày sống trong độc lập, tự do.
Vậy thì mỗi ngày đều là ngày độc lập của những người đàn ông tự do.

Ngày 5 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Tôi nghĩ ông Tú Xương, tay chơi của làng Vị Xuyên tỉnh Nam Định, nếu còn sống chắc ông sẽ thích cái sản phẩm này lắm.
Ông có ở xa xôi đến đâu, thế nào tôi cũng phải gửi cho ông, như người phụ nữ gửi rau sắng chùa Hương đến tận nhà cho ông Tản Đà để ông già núi Tản khỏi phải lặn lội lên tận chùa Hương, hay ngồi ở nhà mà than "con đò ngại tốn, con đường ngại xa" vậy.
"Hoa hoa công tử ", hay là Playboy theo cách dịch của mấy ông bạn đồng văn của chúng ta, "giầy giôn anh diện, ô Tây anh cầm " là người xứng đáng để nhận món quà lịch lãm và hào hoa này hơn ai hết.
Chàng là tay chơi, mà lại thích chơi cho lịch, cho đài các thì phải có nó.
Nó đây là cái áo mưa của Prada.
Người tử tế như bạn, nghe nói cái áo mưa của Prada, chắc đã nghĩ ngay đến một cái trench coat mầu kaki nhạt, hai hàng nút phía trước, ngực cài chéo, cầu vai, thắt lưng như chiếc trench coat của bạn. Nhưng bạn lầm to.
Prada tung ra loại áo mưa này để chỉ dùng một lần rồi bỏ chứ không phải như cái trench coat có cái nhãn London Fog mà bạn mặc đi mặc lại mấy mùa thu vừa qua. Nó là thứ cần thiết còn hơn là cái ô mà ông Tú bị mất rồi chỉ lo "rầy gió mai mưa, lấy gì đi sớm về khuya với tình".
Không có nó thì phiền lắm, phiền hơn là cái ô ông mất ở nhà cô đầu nhiều. Nhất là vào thời đại hiện nay. Không có nó thì ông còn vất vả hơn là đã có lần ông từng đau khổ thú nhận:
Thua bạc ra đi với mẹ nhà
Bệnh gì không bệnh, bệnh tim la...
Ông Tú cần những chiếc áo mưa, không phải bất cứ áo mưa gì cũng được, "hoa hoa công tử " thì phải áo mưa Prada.
Làm sao một người đã khăn nhiễu tím, ô lục soạn, bít tất tơ, giầy Gia Định bóng... mà lại chịu dùng mấy thứ áo mưa nhà quê của những hãng latex vô danh tiểu tốt được.
Phải là áo mưa Prada. Tay chơi mà. Áo mưa cũng phải có tên hiệu nổi tiếng, do các nhà vẽ kiểu thời trang sản xuất thì mới được.
Chẳng lẽ nàng mặc toàn St. John, Versace, Dior... còn chàng thì Hugo Boss, nếu không cũng là Ralph Lauren, hay hạng bét ra cũng là Banana Republic mà đến lúc ấy lại móc túi lấy ra cái của Sheik, hay Trojan, Lifestyles, Prime, Magnum, Gold Circle Coins... thì nhà quê nhà mùa quá. Có thể vì cái áo mưa cù lần, không có tên tuổi nổi tiếng, bị đuổi về nhà nhìn trần nhà thì còn gì chán bằng.
Và do đó, Prada đưa ra sản phẩm của họ.
Tưởng tượng với cái sản phẩm của Prada ấy, những tiếng suýt soa sẽ nghe thấy lớn hơn. Có thể còn có cả tiếng huýt sáo cùng với vài ba tràng pháo tay (mà không cần phải nhờ em-xi khẩn khoản nài nỉ xin quí vị một tràng pháo tay cho các nghệ sĩ (?) trình diễn) đầy ngưỡng mộ và thán phục thì còn gì vui hơn. Tự ái được vuốt ve tối đa. Ego được cho lên tầu bay, bay vòng quanh thế giới vài ba vòng. Cái tên Prada , như thế, có thể cứu nguy được cho những tự ái bầm dập bao nhiêu lâu nay.
Prada nhất định sẽ thành công với sản phẩm mới này, như tờ TIME cũng phải lôi ra giới thiệu.
Nhưng không phải là những chiếc áo mưa Prada này không gây rắc rối cho người tiêu thụ.
Thí dụ nhìn thấy cái nhãn hiệu Prada, biết đâu chẳng có người đề nghị đừng dùng, phí của, xin mang về làm kỷ niệm thì sao? Vất vả đấy.
Hay cũng có khi đương sự không ưa Prada, cho dù là ví tay, hay quần jeans, mà đòi của Versace hay Diane Von Furstenberg, Gucci... mới chịu thì biết làm sao giải quyết đây?
Mà không có thì cứ nghĩ đến cái nạn của ông Tú là lại sợ điên người lên mất thôi.

Ngày 6 tháng 7 năm 2012
Bạn ta,
Trang quảng cáo trong tờ New Yorker số tuần này làm tôi thắc mắc cả một buổi.
Thực ra thì nó khá thành công khi tạo ngay được sự chú ý của người đọc. Nhưng nó làm, ít nhất, một số người không biết nó muốn nói gì, và muốn giúp bán cái gì.
Bức hình đen trắng chiếm 2/3 trang báo chụp ba người đàn ông cởi trần. Người phía bên trái trông có vẻ ít khi, nếu không nói là không cầm đến quả tạ hay bước chân vào phòng tập bao giờ. Nhưng chàng lại giống chúng ta nhất. Người đứng giữa có vẻ là người không ra khỏi phòng tập hay rời những quả tạ bao giờ. Nhìn đâu cũng thấy bắp thịt, thân hình chàng là một chữ "V" toàn hảo. Ngực nở, bụng sáu múi, bắp tay trên dưới nở đều. Người thứ ba ở phía bên phải của bức ảnh , có vẻ có tập, nhưng không quá đáng như người đứng giữa, và nhất định phải tập nhiều hơn người phía bên trái.
Không có vẻ ba người này làm kiểu mẫu bán quần tắm đàn ông vì những chiếc quần họ mặc trên người không được chụp cho rõ lắm. Vậy thì quảng cáo phải để mời mua một sản phẩm nào khác.
Ở dưới là chữ Variety, nghĩa là đa dạng, khác nhau, không đồng nhất, không cùng một thứ.
Dòng chữ ở cuối có thể lại càng làm người đọc thắc mắc nhiều hơn nữa: Being a girl just got better. Là phụ nữ càng ngày càng tiện hơn, tốt hơn, thích hơn, vui hơn vân vân. Muốn hiểu thế nào cũng được. Nhưng vì muốn hiểu thế nào cũng được nên người đọc lại càng thắc mắc hơn. Có phải là phụ nữ ngày nay không còn bị cha mẹ đặt đâu phải ngồi đấy, nên được tha hồ lựa chọn, rồi chỉ chỗ cho cha mẹ ngồi hay không?
Tại sao dưới chữ Variety lại có hàng chữ này: 3 sizes in 1 box? Ba cỡ trong một hộp là gì? Là trong hộp, có 3 cỡ đàn ông? Gầy ốm, bắp thịt trước đã và trung trung? Hộp gì mà lớn thế, đựng được cả ba người đàn ông trong hình? Ngày nay chuyện mua người vẫn còn diễn ra hay sao?
Không lẽ đàn ông bây giờ được đóng hộp, mỗi hộp ba người, muốn cỡ nào cũng có ngay? Nếu không thì quảng cáo này mời mua sản phẩm nào?
Nhưng nhìn kỹ, người ta sẽ thấy hình một chiếc hộp nhỏ có chữ Always. Tôi chợt nhớ những lần đi chợ, hình như tôi cũng đã nhìn thấy nó. Và dăm ba lần trong những đoạn quảng cáo trên màn ảnh truyền hình. Những đoạn quảng cáo đó luôn luôn trình bầy hình ảnh những người phụ nữ trẻ trung, vui tươi lúc thì chạy, lúc thì nhẩy, lúc thì khiêu vũ trong lúc sử dụng sản phẩm của công ty Always. Coi vài ba lần thì những người đàn ông ngây thơ nhất trên đời cũng phải hiểu. Hiểu rằng sản phẩm đó không (?) cần thiết (?) cho họ. Hiểu để khi đi chợ biết mà né sang những kệ khác kẻo lạng quạng nó đổ vào người thì quê không để đâu cho hết được.
Như thế, trang quảng cáo trên tờ New Yorker có chủ đích bán thứ sản phẩm ấy. Bên cạnh hình cái hộp mầu xanh và trắng, là hình vẽ ba cái sản phẩm ấy, với ba cỡ khác nhau, nhỏ, trung và lớn.
À thì ra vậy, mỗi hộp có ba cỡ cho các ngày khác nhau. Light, medium, heavy. Hạng nhẹ, hạng trung và hạng... nặng.
Nếu vậy thì cứ viết rõ là light, mediumheavy. Tại sao lại phải dùng hình ba người đàn ông để tượng trưng cho ba cỡ nhẹ, trung và nặng? Vừa khó hiểu vừa đụng chạm danh dự, tự ái của những người đàn ông. Quảng cáo như thế, thì thể nào những người tiêu thụ chẳng lẩm bẩm một mình trong buồng tắm:" Chà... bữa nay... nặng đây, lôi thằng cha bắp thịt ra xài... như vậy là vẫn còn năm thằng cha không tập tạ nhiều để cho mấy hôm... nhẹ... còn mấy thằng cha trung trung thì xài hết từ hôm qua mất rồi..."
Ăn nói kiểu đó thì chán cho chúng tôi biết là chừng nào. Tại sao không dùng ba bức hình, bức chụp cảnh mưa bụi, mưa rào và bão có phải là dễ hiểu mà lại không đụng chạm tới chúng tôi không nào.
Đau ở chỗ cỡ nào, có tập hay không tập, có bắp thịt hay không có bắp thịt thì cũng bị đem ra ví như cái băng vệ sinh mới là chán chứ!

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 146)
TO WISH
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 146 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, lần nữa cháu muốn chú nói thêm về động từ TO WISH. Vẫn còn một vài điều cháu chưa nắm vững về động từ này.
QA
QA cũng muốn hỏi anh thêm về động từ này. QA nghĩ có hai động từ TO WISH, một dễ và một khó.
BBT
Tôi hiểu cô QA muốn nói một dễ và một khó là thế nào rồi. Đúng. Có một động từ TO WISH không rắc rối lắm. Đó là khi TO WISH được dùng để đưa ra những lời chúc, những điều chúng ta mong muốn xẩy ra cho người khác, thường thì là những điều tốt đẹp.
Trong trường hợp này, chúng ta cho WISH một túc từ, một OBJECT. Chúng ta dùng một danh từ đi theo TO WISH. Thí dụ nói tôi chúc anh thành công thì nói thế nào đây Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Có phải là I WISH YOU SUCCESS không thưa chú?
BBT
Đúng rồi. TO WISH trong thí dụ của Trúc Giang có HAI túc từ, tức là HAI OBJECTS. YOU là OBJECT; SUCCESS cũng là OBJECT. Một OBJECT là trực tiếp, tức là DIRECT OBJECT. Và một OBJECT là gián tiếp túc từ, tiếng Anh gọi là INDIRECT OBJECT. Nhưng làm thế nào phân biệt DIRECT và INDIRECT OBJECT? Dễ thôi. Chúng ta đặt câu hỏi với động từ WISH, hỏi WISH CÁI GÌ? WISH WHAT? Trả lời câu hỏi đó, chúng ta có DIRECT OBJECT.
QA cho biết trong câu I WISH YOU SUCCESS thì DIRECT OBJECT là gì nào?
QA
Thưa anh, QA sẽ hỏi WISH WHAT? và trả lời cho câu hỏi CHÚC CÁI GÌ, đó là SUCCESS. Vậy thì DIRECT OBJECT của WISH là SUCCESS.
BBT
Thế thì OBJECT kia là INDIRECT. Nhưng chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi WISH CHO AI? WISH TO WHOM? Trả lời cho câu hỏi đó là INDIRECT OBJECT. Chúc cho ai? Trả lời là YOU. Do đó trong câu I WISH YOU SUCCESS thì YOU là INDIRECT OBJECT.
BBT
Dùng một thí dụ khác là I WROTE A LETTER TO HER thì Trúc Giang cho biết đâu là DIRECT và đâu là INDIRECT OBJECT/
TRÚC GIANG
A LETTER là DIRECT OBJECT. HER là INDIRECT OBJECT. Cháu đặt câu hỏi WROTE WHAT? thì cháu tìm ngay ra DIRECT OBJECT là LETTER. Cháu hỏi WROTE TO WHOM? thì tìm được HER là INDIRECT OBJECT.
BBT
Còn QA, cho biết DIRECT OBJECT và INDIRECT OBJECT của câu này: I BOUGHT A SWEATER FOR MY MOTHER. Cô sẽ thấy câu này cũng có thể sắp xếp lại như thế này: I BOUGHT MY MOTHER A SWEATER. Ý nghĩa của hai câu hoàn toàn không khác gì nhau.
QA
QA hỏi BOUGHT WHAT thì thấy ngay DIRECT OBJECT là SWEATER và BOUGHT FOR WHOM thì có ngay INDIRECT OBJECT là MY MOTHER.
BBT
Thôi, như vậy là tạm đủ về một động từ TO WISH. Muốn khỏi quên thì hát mấy câu này là nhớ ngay: WE WISH YOU A MERRY CHRISTMAS, WE WISH YOU A MERRY CHRITMAS AND A HAPPY NEW YEAR…
Còn nhiều dịp khác chúng ta cũng có thể dùng TO WISH, Trúc Giang kể thử ra nghe coi.
TRÚC GIANG
I WISH YOU A HAPPY BIRTHDAY, A HAPPY WEDDING ANNIVERSARY, A GOOD HOLIDAY, A SUCCESSFUL CAREER, A LONG LIFE…
BBT
Còn QA?
WE WISH THEM A NICE TRIP, A PROSPEROUS NEW YEAR, A LONG, HAPPY LIFE TOGETHER, A BON VOYAGE…
BBT
Bây giờ chúng ta sẽ nói về những trường hợp khác của động từ TO WISH. Chúng ta dùng động từ TO WISH khi chúng ta muốn tình hình khác đi, khác hẳn với hiện tình. Thí dụ tình hình địa ốc hiện không tốt lắm. THE REAL ESTATE MARKERT IS BAD. Chúng ta ước gì thị trường nhà cửa khá hơn. Muốn diễn tả ý đó, thì chúng ta dùng động từ chính đi sau động từ WISH lùi lại một TENSE.
Nói WE WISH THE REAL ESTATE MARKET IS BETTER có đúng không?
QA sẽ nói thế nào?
QA
QA sẽ giữ nguyên WISH ở PRESENT TENSE. Động từ theo sau WISH là IS. QA lùi IS là PRESENT TENSE lại một TENSE để thành WAS. Do đó, QA sẽ phải nói là WE WISH THE REAL ESTATE MARKET WAS BETTER.
BBT
Đúng rồi. Người làm chung sở với Trúc Giang là người bừa bộn, bàn giấy không gọn gàng thứ tự chút nào. Trúc Giang ước gì cô ấy gọn gàng hơn thì Trúc Giang sẽ nói thế nào?
TRÚC GIANG
MY CO-WORKER IS VERY MESSY. I WISH SHE WAS TIDIER.
BBT
Tôi sẽ đi Washington vào tuần tới nhưng không muốn đi chút nào. Tôi ước gì mình không đi Washinton vào tuần tới. QA nói thử bằng tiếng Anh coi.
QA
I AM GOING TO WASHINGTON NEXT WEEK. I WISH I WAS NOT GOING NEXT WEEK.
BBT
Trúc Giang đang đi nếm rượu ở Napa Valley. Cô viết 1 tấm Post Card cho bạn ở Orange County nói là ước gì có bạn ở Napa Valley đi nếm rượu cùng với cô thì viết thế nào?
TRÚC GIANG
I WISH YOU WERE HERE WITH US.
BBT
QA cho nghe ba câu thí dụ của cô coi.
QA
I DO NOT HAVE THE ANSWER TO YOUR QUESTION. I WISH I KNEW THE ANSWER.
THEY ARE ALWAYS LATE. WE WISH THEY ARRIVED ON TIME.
HE IS VERY SICK. WE WISH HE FELT BETTER NOW.
BBT
Nhớ là lùi lại một TENSE . Nếu WISH ở PRESENT TENSE thì động từ đi theo phải ở PAST TENSE hay PAST CONTINUOUS. Trúc Giang cho nghe thí dụ của cô coi.
TRÚC GIANG
I WISH I WAS A MILLIONAIRE.
HE WISHES HE HAD A WAND AND COULD CHANGE EVERYTHING.
SHE WISHES SHE WON THE LOTTERY.
BBT
Bây giờ chúng ta chuyển sang những chuyện đã xẩây ra trong quá khứ mà chúng ta ước là không xẩy ra.
QA có bao giờ gặp phải những trường hợp như thế không?
QA
Có thưa anh. Năm 1975, cả nhà QA không chịu đi cùng với anh QA ra bến tầu nên kẹt lại. WE STAYED IN OUR HOME IN SAIGON. Vậy thì nếu QA nói WE WISH gì đây thưa anh?
BBT
Trong trường hợp đó, QA sẽ không dùng PAST TENSE mà phải dùng PAST PERFECT để thành WE WISH WE HAD GONE TO THE AIRPORT WITH OUR BROTHER.
QA
Thưa anh, có cần nói WE WISHED tức là PAST TENSE không?
BBT
Không cần thiết. WE WISH (PRESENT TENSE) hay WE WISHED (PAST TENSE) đều được cả. Chỉ cần động từ chính phải ở PAST PERFECT là đủ. Trúc Giang cho nghe ba thí dụ với PAST PERFECT coi.
TRÚC GIANG
MY DAD WISHES / WISHED HE HAD VOTED FOR MISTER McCAIN.
MY HUSBAND WISHES HE HAD BOUGHT A BMW INSTEAD OF A LEXUS.
WE WISH WE HAD PURCHASED THE HOUSE IN 2004.
BBT
Còn QA?
QA
I WISH I HAD STUDIED NURSING WHEN I FIRST CAME TO THE US.
MY SON WISHED HE HAD MAJORED IN BUSINESS.
MY NEIGHBOR IN SAIGON WISHED HE HAD LEFT VIETNAM BEFORE APRIL 1975.
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu nhớ có lần nghe một người nói I WISH I WERE 10 YEARS YOUNGER. Nói vậy có đúng không? Cháu nghĩ I WAS chứ tại sao lại I WERE?
BBT
Trúc Giang hỏi câu rất hay. Đúng, người ta có thể nói I WERE sau động từ TO WISH thay vì I WAS. Thực ra I WISH I WERE mới đúng. Nhưng ngày nay, càng ngày người ta càng chuyển sang dùng I WISH I WAS nhiều hơn. Người ta dùng I WERE để muốn người nghe hiểu rõ trong thực tế, chuyện KHÔNG xẩy ra như thế. I WERE là bàng thái cách, SUBJUNCTIVE MOOD nhưng hai cô không biết cũng không sao. Nói I WISH I WERE hay I WISH I WAS đều đúng cả. Trước đây, theo các nhà văn phạm truyền thống thì I WAS là không đúng, có khi còn bị coi là thô tục nữa. Nhưng nay thì không còn ai nghĩ như vậy nữa.
QA
Còn câu này thỉnh thoảng cháu nghe hai đứa con lớn của cháu hay nói với nhau. Không biết đứa kia nói gì, một đứa liền trả lời mà cháu nghe rất rõ là YOU WISH! Thế thì YOU WISH! nghĩa là gì thưa chú?
BBT
YOU WISH! có nghĩa tương đương trong tiếng Việt là "Ham lắm!" cũng có thể là "Sức mấy!" Thí dụ cô sẽ nói gì nếu có ai nói với cô rằng người ấy sẽ cám ơn cô rất nhiều, sẽ pha cho cô ly cà phê nếu cô rửa cho ông ta cái xe, đổ đầy bình xăng rồi mang đến đậu trước cửa nhà ông ấy?
TRÚC GIANG
Chắc cháu sẽ phải nhún vai nói thật to vào tận mặt ông ấy rằng YOU WISH! đúng không thưa chú?
Thưa chú, cháu có mấy câu nữa muốn hỏi chú và nhờ chú giảng nghĩa cho ngay bây giờ không biết có được không?
BBT
YOU WISH!
QA
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.