July 28, 2011

July 29, 2011

Ngày 25 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Nhớ ít ngày trước khi có những cuộc di tản đưa một số người Việt ra khỏi nước, có nhiều người nói là đi sang Mỹ chỉ làm bồi bếp, rửa chén cho Mỹ. Rồi sau những chuyến di tản đó, lại cũng có người trong chính phủ Hà Nội gọi những người Việt di tản năm 1975 là bọn đĩ điếm.

Chuyện đi tới một quốc gia rất nhiều xa lạ và một xã hội mới thì những việc làm không xứng ý lắm vẫn phải nhận là chuyện thường. Những kinh nghiệm làm việc có từ trước thì thường không thể đem ra dùng ở cái quê hương mới của những người Việt bỏ nước ra đi.

Thế nên chuyện làm bồi bếp thì cũng có chứ không phải là không.

Thí dụ muốn xin vào làm trong tiệm ăn McDonalds chẳng hạn. Ai cũng phải đi từ dưới lên trên. Phải biết cọ rửa cái nhà cầu, cái bếp, cái lò chiên trước khi leo lên được những công việc khác. Nhờ thế mà những người làm việc cho công ty McDonalds đều biết rõ tất cả mọi công việc trong tiệm.

Nhưng rồi khi kinh nghiệm đã có, tiếng Anh nói khá hơn, thì không ai chịu đứng nguyên một chỗ.

Nước Mỹ được cái là không cầm chân bất cứ ai. Chỉ có chính mình cầm chân mình thì có. Câu mà người Mỹ hay nói để khuyến khích mọi người đi lên, nuôi dưỡng và thực hiện những giấc mơ của mình là "the sky is the limit", nghĩa là trời cao là hạn chế của chúng ta, tức là không có gì là hạn chế cả.

Thỉnh thoảng đi ăn cưới ở đây, tôi nhìn thấy một cảnh mà ba mươi năm trước thì không thể nào tưởng tượng ra được.

Tại những đám cưới sang trọng, đắt tiền, tổ chức ở những khách sạn hạng sang ở California cũng như ở miền đông Hoa kỳ thì bao giờ cũng có cảnh người ngồi dự tiệc là người Việt, bạn hữu, gia đình cô dâu, chú rể. Và những người phục vụ thì gần như bao giờ cũng là mắt xanh, tóc vàng, có khi là những người Mỹ gốc Phi châu, hay những người nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhìn cảnh ấy, rồi nghĩ lại thì lại thấy các vai trò được đổi ngược hoàn toàn. Khi mới sang Mỹ, đặt được chiếc va ly, gói hành lý xuống đất, là phải vội vàng đi kiếm việc. Mà việc bưng các đĩa thức ăn ra phòng tiệc là những việc người di tản mới sang không với được tới. Phải có tiếng Anh, phải biết cách đi đứng, bưng những cái khay, mở nút những chai rượu. Mới đến thì chỉ được làm trong bếp là nhiều.

Nhưng nhìn những chiếc áo đắt tiền, kim cương sáng lóng lánh tại bàn tiệc thì làm sao tưởng tượng những người ấy trong những chuyến đi tới nước Mỹ trước đây, chỉ có cái va ly rất khiêm tốn hay một cái túi ni lông là nhiều.

Những tin tức tiếp tục làm xao động nước Mỹ là tin về những người di dân bất hợp pháp, những người nhập cảnh lậu vào nước Mỹ.

Không có giấy tờ làm việc hợp lệ, họ phải làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền. Và một trong những việc dễ kiếm nhất, là việc bồi bếp ở các tiệm ăn.

Và có một hiện tượng càng ngày càng thấy tại các tiệm ăn của người Việt Nam ở miền đông cũng như miền tây, đó là những người làm việc trong bếp, rửa chén, dọn bàn, thì rất nhiều là những người gốc Trung và Nam Mỹ.

Lý do là vì lương trả cho họ không cao lắm. Họ không đem chuyện của tiệm ra nói cho tiệm khác biết. Và họ cũng không biết mở ngay bên cạnh một tiệm khác để cạnh tranh với tiệm của chủ.

Những người này, một số tuy chưa biết hỏi bằng tiếng Việt khách dùng món gì trong thực đơn, nhưng nếu khách hỏi xin quả ớt, miếng chanh, cái ly đá thì họ làm được, mà còn làm nhanh nữa.

Một người đàn ông Mexico làm việc cho tiệm ăn gần nhà tôi, khi được khen là đẹp trai còn biết cám ơn và nói "không dám" hệt như một người đàn ông Bắc kỳ khách sáo.

Một người gốc Honduras làm việc cho một tiệm phở ở Virginia thì sau mấy năm, nhớ nhà, quyết định trở về nước và nhờ ông chủ tiệm chỉ bí quyết nấu phở. Ông ta về nước, mở một tiệm phở rất nhiều khách vì khi về nước, ông không quên mang theo một phụ nữ Việt Nam làm chung trong bếp của tiệm phở. Hai người trở thành chủ nhân một tiệm phở duy nhất ở Honduras.

Nhưng không phải người di dân lậu nào cũng làm những việc như thế. Hầu hết không có nghề chuyên môn, học hành lại ít, tiếng Anh không nói được nên việc đòi hỏi sức mạnh là việc họ làm nhiều nhất.

Nhìn những người thoáng cũng biết là Trung hay Nam Mỹ đứng chờ người thuê mướn làm công việc chân tay thấy tội nghiệp hết sức. Họ sống gần cộng đồng người Việt, ăn uống theo kiểu người Việt. Mấy tiệm bán bánh mì thịt nổi tiếng ở Little Saigon lúc nào cũng có những người khách như thế. Ở tiệm bán các món nấu sẵn, họ chỉ trỏ một lúc cũng mua được những món ăn chiều, đủ cả cá kho, canh cải, canh bí, canh mướp đắng, thịt kho trứng hệt như những người đàn ông Việt Nam dở chuyện nấu nướng thấy rất nhiều ở California.

Tội nghiệp, họ cũng kiếm sống hệt như những người di tản Việt Nam vậy.

Trong khi người Việt kim tuyến hột soàn lóng lánh thì những người Trung và Nam Mỹ ở trong những khu gần Little Saigon thì vẫn vất vả không biết đến bao giờ mới hết.


Ngày 26 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Tuần trước, một nhật báo ở đây có viết một bài khá dài về một số sinh vật và thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có một vài giống cây, một giống cóc, một giống chim và một loài chuột . Tất cả đều có thời sống đông đảo ở khắp California. Chính phủ tiểu bang muốn giúp những sinh vật này thoát cảnh những con chim hồng, chim lạc của Việt Nam, mà con cháu của những con chim này ngày nay chỉ được nghe nói lơ mơ về tổ tiên của mình, lắm lúc nhớ cội nguồn, muốn xem lại hình ảnh hai giống chim này, là lại phải vật cái trống đồng ra coi những hình khắc trên mặt trống.

Nhà cầm quyền tiểu bang không cho xây vài con đường, hạn chế khai thác tài nguyên ở một số vùng để cho những giống cây, những giống côn trùng, cá, thú rừng có cơ hội cuối cùng sống tiếp, may ra vài ba năm, một chục năm sau, chúng mọc được thêm, sinh đẻ nhiều ra, thì người ta lại được phép săn bắn, đẵn đẽo như loài bò rừng hiện nay hay loài gấu ở miền đông.

Nhưng không thấy bài báo đả động gì đến một thành phần tôi nghĩ cũng đang càng ngày càng hiếm thấy, đã lâu không còn gặp, sợ là đang trên đường tuyệt chủng hay bị đe doạ tuyệt chủng.

Có một thời, những thứ này đông đảo lắm. Thực ra phải nói rõ hơn, là những người như thế nhiều lắm. Nhưng càng ngày càng ít gặp. Lúc đầu thì thưa thớt. Bây giờ thì kiếm mỏi mắt cũng không ra.

Hay là lại biến thành trường hợp của "Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ" mất rồi?

Đó là những người đàn ông và những ngươi đàn bà phi thường , không sống những cuộc đời nhàm chán, vô vị, tẻ nhạt… thí dụ như tôi chẳng hạn. Tôi không dám lôi những ngươi khác vào hàng ngũ của mình vì chưa xin được phép, chưa có sự đồng ý.

Những người này trong thơ, văn, nhạc nhắc đến rất nhiều. Họ rất khác những con người tôi vẫn gặp hàng ngày, và khác tôi thì lại rất, rất nhiều.

Đó là những người ai trong chúng ta nhìn quanh cũng thấy, với cuộc sống không có bất cứ gì đáng để nói, đáng để ghi lại thành nhạc, thành thơ.

Sáng tờ mờ đã bị cái đồng hồ báo thức khủng bố nhất định không cho tiếp tục mưu cầu hạnh phúc với cái giường như hiến pháp của Hoa kỳ đã bảo đảm và ghi rõ. Ra khỏi giường, mắt nhắm mắt mở ra cửa nhặt tờ báo vào, pha ly cà phê, vặn cái TV lên xem hôm nay mấy tên khốn nạn ở Bắc kinh, ở Bắc Bộ phủ đã chết chưa, các ngài trong bộ chính trị dấu ở nhà bao nhiêu tiền, để mấy em vợ bé, đào nhí ở đâu và bao giờ đi theo các ông Kác Mác , Lê Nin như có một người đàn ông từng viết di chúc để lại. Rồi sửa soạn đi làm để đối mặt với một anh chủ hắc ám vừa dữ vừa xấu trai, trưa chạy ra đầu đường gặp ông đầu bếp McDonalds nửa tiếng rồi trở lại sở, đau khổ đến lúc về thì lại ngồi trong dòng xe kẹt cứng trên xa lộ 405, về nhà, ghé những chỗ chuyên môn cơm đường cháo chợ trước khi về nhà làm tiếp một số việc rồi đi ngủ để sửa soạn sống tiếp một ngày mai nhàm chán hơn.

Vậy mà những người thơ văn, âm nhạc ghi lại suốt bẩy ngày không làm bất cứ một chuyện gì khác là "tôi chờ người đến với yêu đương".

Bẩy ngày cứ rã rượi ra chờ cho đến thứ bẩy để làm một số chuyện nhiều người với cái thời biểu làm việc kể sơ sài ở trên không bao giờ làm được.

Bài hát có mấy câu đại khái về một người phụ nữ cả bẩy ngày, không làm bất cứ gì hết, chỉ đắm trong bể ái ân của chàng. Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bẩy, chủ nhật. Bẩy ngày nàng chỉ chờ chàng tới. Nàng để ý biết chàng thích mầu nào thì mặc cho chàng cái áo mầu ấy.Chàng cũng vậy, không thấy nói đi làm, đi học hay đi lính đánh Việt Cộng gì hết, cứ ngày nào cũng chờ chờ đến giờ là xẹt tới nhà nàng, bất kể sáng trưa chiều tối.

Trời ơi, tại sao lại có những người sống được những cuộc đời huy hoàng, oai hùng, lãng mạn và đẹp như thế.

Những người đàn ông thì "năm năm lại muốn làm khăn gói" để đi giang hồ. Đi giang hồ đến gần Tết thì kiếm cái gác trọ nào vào ở tạm vài hôm để " Rũ áo phong sương trên gác trọ / Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang". Vài hôm sau , lại lêu bêu ra bến sống cho em bé điên cuồng vì hình ảnh "Người ấy bên sông đứng ngóng đò".

Tại sao ngày xưa người ta sống oai như vậy ?

Nhớ bài The Way We Were của Barbra Streisand có câu: Có thể nào đời sống thời ấy bình dị như thế/ Hay thời gian dã viết lại mọi thứ?

Tại sao những người oai hùng đó không bao giờ phải khổ vì mấy cái bill như chúng ta ngày nay. Cứ áo phong sương , chiều thứ bẩy lại thăm, em bé mặc áo xanh, mầu chàng thích...

Chao ôi là sướng, mà sao chúng ta khổ như thế này hở Trời?

Nhưng áo phong sương trên gác trọ với cô bạn cứ rã rượi lãng mạn cuối muà thì chúng ta có chịu sống như thế không? Có phải vì vậy mà các chàng và các nàng tuyệt chủng rồi không?


Ngày 27 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Ai có gọi tôi là cực đoan thì tôi xin chịu. Tôi biết tôi bị cái bệnh không chữa được mà hai câu ca dao này nói rất đúng:

Yêu ai yêu cả đường đi
Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng

Đã ghét thì mặt đất có cái vết chân của người không ưa cũng ghét.

Ghét như đào đất đổ đi là như vậy.

Đó là dưới đất. Trên trời thì đội trời chung là không được.

Bất cộng đái thiên, không đội trời chung có thể hiểu theo hai cách. Cách mà chúng ta thường hiểu là hai người có những mối thù ghê gớm lắm đến độ phải giải quyết bằng cách một trong hai phải chết, phải ra đi như trong các truyện kiếm hiệp. Nhưng câu này cũng có thể hiểu được là hai bên không ưa nhau, nên đội chung một bầu trời, thở chung một thứ không khí, đạp chung một mặt đất là khó chịu, là không vui, là bực bội nhất định phải bỏ đi một nơi khác.

Hiểu theo cách thứ hai không quá sắt máu, không đòi phải giết phía bên kia. Nhưng ở gần, ở chung một bầu trời, một lãnh thổ, là chịu không được.

Alec Baldwin, một diễn viên điện ảnh Hollywood là người không ưa ông Bush. Trong lần ông Bush tranh cử nhiệm kỳ 2, Alec Baldwin có nói rằng nếu ông Bush tái đắc cử, người diễn viên này sẽ dọn đi nước khác để sống, chừng nào ông Bush không còn ở trong tòa Bạch Ốc nữa , Alec mới về.

Nhưng Alec vẫn không đi đâu cả, Alec vẫn đội trời chung với người mà chàng ghét.

Tuy thế, bề gì nước Mỹ cũng vẫn là đất nước của Alec. Có bực bội ông Bush rồi nói như vậy cũng chẳng sao. Nếu có không lánh đi một nơi khác như đã quả quyết mà tiếp tục ở lại Mỹ thì cũng chẳng có gì đáng nói.

Một số người khác cũng ghét ông Bush, ghét cả nước Mỹ như Rosie O’Donnell hay Michael Moore thì vẫn ở lại Mỹ. Cả hai nhìn đâu cũng thấy những xấu xa của nước Mỹ. Đến độ gần như đồng ý với loạt khủng bố 911. Nhưng họ là người Mỹ, họ ghét nước Mỹ . Tuy thế nước Mỹ là đất nước của họ. Họ có quyền ở lại. Tôi không có quyền chỉ trích họ về việc họ ghét nước Mỹ.

Tôi chỉ không hiểu thái độ của một số người mà một cuộc thăm dò mới đây cho thấy.

Những người này không như trường hợp của Rosie O’Donnell hay Michael Moore, hay Alec Baldwin , những người ra đời ở nước Mỹ, xứ sở của cha ông họ đã vài ba đời. Không ưa, thì nước Mỹ vẫn là quốc gia của họ. Họ không thể đi nơi khác được.

Nhưng có những người đến sống tại nước Mỹ, rồi quay ra ghét cay ghét đắng quốc gia này mới lạ.

Họ ghét tất cả mọi thứ, từ tôn giáo của nuớc Mỹ, ghét qua tiếng Mỹ, ghét cả người Mỹ.

Nhưng họ lại đòi đủ mọi thứ ở nước Mỹ. Đòi trường đại học phải dành cho chỗ riêng để quì đọc kinh mỗi ngày 5 lần. Không cho thì kiện. Đòi được che mặt chụp hình lấy bằng lái xe. Đòi được đội khăn trùm đầu để đi học. Không được thì hét nhắng lên là bị kỳ thị.

Một số mua võ khí, đi Afghanistan, Pakistan học khủng bố, âm mưu phá chỗ này, tấn công chỗ kia.

Có thể tôi suy nghĩ giản dị hơn. Đó là nếu đã ghét nước Mỹ, xã hội và con người Mỹ như thế thì tại sao không trở về những nơi cho đọc kinh mỗi ngày 5 lần, trùm khăn kín mít để khỏi khổ sở như đang sống ở cái vùng đất của bọn ngoại đạo, bọn infidel này?

Tôi thì không bao giờ trở lại cái đất có công an bịt miệng linh mục, hay không ưa ai thì bắt giam người ấy, đem phụ nữ bán ra nước ngoài, đẩy người dân đi làm mọi cho các nước.

Nhưng những người ghét Mỹ thậm tệ mà tôi vừa nhắc tới ở trên thì nếu muốn, có thể về nước của họ để sống cho tha hồ thoải mái.

Tiếp tục sống ở cái nước mà mình thù ghét, đi làm, đóng thuế để cái chính phủ này dùng tiền thuế mình đóng để mua súng đạn giết anh em của mình thì coi sao tiện?

Về nước, khóa các giếng dầu lại, không chơi với bọn ngoại đạo, ra sa mạc dựng lều da dê lên sống, thỉnh thoảng mời nhau cụng ly dầu hỏa uống chơi cho lịch sự.

Tưởng tượng một người sang nhà hàng xóm, thấy chủ nhà vặn máy lạnh cho chạy tối đa, lạnh quá liền đòi chủ nhà phải tắt máy lạnh đi cho mình khỏi lạnh thì còn việc nào vô lý bằng? Không thích lạnh thì về nhà mở máy nóng, can cớ chi sang nhà người ta rồi bắt người ta ngưng chạy máy lạnh cho mình khỏi bị lạnh?

Nhưng đó lại là những điều vô lý mà nước Mỹ đang phải gánh chịu mà phần nào được nhìn thấy qua kết quả của một cuộc thăm dò những người Hồi giáo đang sống tại Hoa kỳ.

Đa số cho thấy một thái độ rất không ưa nước Mỹ. Không ưa đến độ tin chắc là vụ 911 là do chính Hoa kỳ tạo ra, đến độ không tin là những người cướp máy bay lao xuống Trung Tâm Mậu Dịch Thế giới là người Ả Rập, và khẳng định nước Mỹ là nguồn gốc của tất cả mọi tội ác xấu xa nhất của thế giới.

Tội nghiệp, tại sao phải tiếp tục sống ở cái xứ đáng ghét như vậy?


Ngày 28 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Là người ngoại đạo, nhưng tôi cũng tin, như một câu thơ của Kiên Giang, "có Chúa ngự trên Trời".

Vì thế, thỉmh thoảng đi ngoài đường, thấy những tấm bảng trước mấy nhà thở ở đây với hàng chữ "Jesus Loves You" nghĩa là chúa Giê Su yêu bạn, tôi cũng tin là như thế.

Tin mặc dù tôi chưa gặp ngài bao giờ, và ngài chắc không biết tôi. Tôi tin vì tôi nghĩ đấng giáo chủ đạo Ki Tô cũng hiền lành, tử tế, tốt bụng, thương yêu loài người cũng như giáo chủ của Phật giáo.

Ngài chưa gặp tôi và có thể sẽ không bao giờ gặp tôi. Nhưng ngài thương tôi thì chắc có. Không đi nhà thờ, nhưng cũng có được ít nhiều thiện tâm nên cũng đáng được ngài yêu lắm.

Đó là ý của một linh mục mà tôi rất yêu quí.

Chuyện Chúa thương tôi , như vậy, nhất định là có.

Cũng như đức Phật, đức Chúa cũng mang trái tim vô lượng, yêu thương tất cả muôn loài. Phật cũng chưa gặp tôi, mà chắc cũng khó gặp, nhưng Phật chắc là có yêu tôi.

Nhưng tôi nghĩ chuyện yêu thương của hai vị giáo chủ này cũng phải có hạn chế chứ không phải là ai hai ngài cũng yêu hết.

Chắc chắn phải có vài ba người mà Chúa và Phật không yêu. Hai ngài không ghét những người này.

Khác với hai ngài, chúng ta thì chỉ cố không ghét thôi cũng đã là một việc vô cùng khó rồi. Còn yêu thì nhất định là không. Phải ghét mới được.

Chúa và Phật , những quả tim độ lượng không thể ghét ai. Hai vị giáo chủ này, nhiều lắm thì cũng chỉ không thương những thứ đó mà thôi.

Tại Sydney, một thành phố ở miền đông nước Úc, một nhà thờ có trưng một tấm bảng ở phía trước với hàng chữ nguyên văn : "Jesus Loves Osama". Chúa yêu Osama.

Chỉ có những người lạc trên hoang đảo mười năm không đọc báo, không xem truyền hình, không có điện thoại cầm tay mới không biết Osama là ai mặc dù Osama cũng là một cái tên nhiều người cũng có trong thế giói Ả Rập và Hồi giáo.

Không thể là Osama Ali hay Osama Abu Tariq, hay Osama Hassan, mà nhất định là Osama Bin Laden, tên ác quỉ vừa bị biệt kích Mỹ giết cách đây không lâu.

Chúa có thể yêu tất cả nhân loại , nhưng chắc ngài khó có thể yêu được con quỉ này.

Người đàn ông Ả Rập Sauđi mặt mũi hung hiểm, bao giờ cũng xuất hiện với một khẩu AK trong tay, đã cười lớn, vui mừng khi nghe tin hai tòa cao ốc ở New York bị đàn em lao máy bay vào làm chết hơn ba ngàn người mà lại được Chúa yêu hay sao?

Chúa không thể làm công việc đó được.

Chỉ có bọn cuồng tín ở những đền Hồi giáo ở Luân Đôn, ở Somalia, ở Gaza, ở Peshawar ... mới nhẩy lên đùng đùng tung hô chiến thắng, ôm lấy những tấm ảnh chụp con ác quỉ mà hôn, mà hết lời xưng tụng.

Tấm bảng ghi hàng chữ Jesus Loves Osama được thấy trên tường của nhà thờ Saint Clements ờ Marickville, một khu ngoại ô phía tây của Sydney.

Phía dưới hàng chữ nay là một câu trích từ chương Mathiêu : Hãy yêu thương kẻ thù của các người và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các người.

Có thể khi nói điều này, Chúa chưa gặp phải một tên cực kỳ khốn nạn như Osama. Thế giới của Chúa, tuy thế cũng vẫn còn hiền lành hơn là thế giới của chúng ta ngày nay.

Kẻ thù thời ấy có độc ác cũng không thể so sánh được với con ác quỉ của thế giới chúng ta đang sống. Nó chỉ sống để nghĩ cách nào giết được những người mà nó coi là ngoại đạo. Bằng bất cứ cách nào mà nó làm được. Cho đó là đầu độc hàng loạt, tung bom bẩn để phát tán phóng xạ, cướp máy bay lao vào các nơi đông dân, đặt bom trên tầu , sử dụng võ khí sinh học và hóa học tạo càng nhiều thương vong thiệt hại càng tốt. Không dám trực diện thì đánh lén, dùng đủ mọi thủ đoạn hèn nhát và hiểm độc để giết người. Các bạo chúa La Mã chém giết các tín đồ Ki Tô trong lịch sử cũng chưa thể bén gót chân của Osama Bin Laden.

Mấy ông thầy tu của nhà thờ Saint Clements ở ngoại ô Sydney nghĩ gì?

Các ông trương cái bảng Jesus Loves Osama , nghĩ là chúng ta phải tha thứ, phải yêu thương kẻ thù như lời Chúa dậy. Nhưng bảo rằng Chúa yêu Osama Bin Laden thì có khác gì xúc phạm Chúa không?
Nói rằng Chúa yêu một con ác quỉ như vậy trong khi nó tiếp tục những âm mưu tàn độc nhất không hề một mảy may ân hận hối lỗi về việc làm của nó thì làm gì có được.

Tại sao lại đổ cho Chúa là Chúa yêu Osama Bin Laden, con quỉ độc ác, hung hiểm nhất của thế giới ngày nay?

Nhớ thời còn bé, chúng tôi ghét ai thì nói thế này: Lạy Trời, lạy Phật cho nó chết đi.

Dĩ nhiên Phật và Trời thì không độ trì cho lời cầu nguyện ấy. Nhưng chúng tôi vẫn nói cho hả giận. Chứ chẳng bao giờ nói rằng Trời Phật thương yêu cái đồ khốn nạn đó.

Mấy ông thầy tu ở Sydney đã sai nặng. Tôi nhất định không tin là Chúa yêu nó.


Ngày 28 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Cách đây không lâu, nhà chức trách Bắc kinh ra lệnh cấm những quảng cáo trên truyền hình và truyền thanh trong giờ ăn nếu nội dung những quảng cáo ấy làm cho bữa ăn của khán và thính giả bị mất ngon đi.

Thoạt nghe, nhiều người đã nghĩ ngay rằng đó lại là một trường hợp nhà cầm quyền Cộng sản thò bàn tay lông lá vào đời sống của người dân để can thiệp một cách không cần thiết, vi phạm tự do của người dân Hoa lục vốn đã không có được bao nhiêu quyền tự do.

Nhưng đọc bản tin của tờ Văn Hối báo thì người ta thấy lệnh cấm chỉ áp dụng cho quảng cáo các loại thuốc chữa những bệnh của một số bộ phận cơ thể mà chúng ta thường tránh nói ra trong những lúc ăn uống.

Những cấm đoán đó, nghĩ lại một chút, có thể là có lý.

Ngay như chuyện uống trà, cuốn Trà Sớ, cuốn sách bàn về nghệ thuật uống trà, cũng nói là nên tránh dùng trà đồng thô lỗ, hay người ở gái tính nết cáu bẳn hay gắt gỏng, những thứ có thể làm hỏng tuần trà.

Trà đồng, đứa bé để sai vặt trong khi pha trà như đốt lò, châm nước, lau bình và chén trà... mà thô lỗ, thì bình trà cũng mất ngon. Người ở gái (?) hay gắt gỏng cũng có thể làm hỏng không khí của tuần trà.

Uống ly trà còn như thế, ăn bữa cơm mà nghe những thứ thô lỗ cục cằn làm sao nuốt cho được. Nói chi đến những chuyện kinh hồn khác. Chiều đến, ngồi xuống bữa ăn, đã nghe vài ba thính giả gọi vào đài khai bệnh huyết trắng, ngứa âm đạo, cửa mình có mùi kèm theo tiếng cười hê hê của người trả lời thắc mắc thì làm sao sống.

Nhưng khi gặp những chuyện như vậy thì chỉ cần thò tay tắt cái radio đi là có thể ... ăn tiếp, hay đặt cái CD Four Seasons của Vivaldi lên nghe mùa xuân trở lại cũng có thể lấy lại được bình yên cho đầu óc, điều rất cần.

Nhưng có những chuyện khác, không thể dùng cái remote control để đổi đài, hay cho im tiếng đi được thì làm sao?

Sáng thứ sáu tuần trước, tôi ghé quán ăn gần nhà để ăn sáng, đọc tờ báo trước khi đi làm.

Ly cà phê vừa được đem ra thì tôi được nghe đọc hồ sơ bệnh lý của hai người bệnh. Hai ông khách ngồi bàn bên cạnh có những bộ phận phát thanh rất tốt, volume được văn lên mức tối đa. Hai ông đều là những người hào phóng, rộng rãi và cởi mở. Cả hai đều muốn cho những người ngồi cách ông trong bán kính ba mét nghe đầy đủ và miễn phí những chi tiết về bệnh của hai ông và cách chữa trị cùng với những loại thuốc mà hai ông dùng. Hai ông hình như muốn tranh nhau hơn thua về bệnh của mình, ông này muốn khoe bệnh của ông nặng hơn ông kia. Và ông kia cũng không chịu thua về mức độ nghiêm trọng của mình. Thôi thì các chi tiết về đờm giãi, phân, nước tiểu, nôn mửa mật xanh mật vàng , chó được cho ăn chè cũng phải chê đưa đơn đi tố cáo và kiện tại hội Bảo Vệ Thú Vật.

Tôi cố hết sức để không cho những âm thanh mà Phan Nhật Nam dùng tựa cuốn sách của William Faulkner mô tả là Âm Thanh Và Cuồng Nộ, The Sound And The Fury ấy lọt vào đầu. Nhưng không được. Hai ông cho biết đi những bệnh viện nào, các y sĩ nói gì về bệnh, thuốc men điều trị ra sao với đầy đủ chi tiết ngọn ngành. Nếu người nghe có cùng những bệnh trạng như của hai ông chắc chắn không phải trải qua những giai đoạn chẩn đoán, thí nghiệm như hai ông, chỉ cần ghi lại tên thuốc, kiếm cho ra các loại thuốc ấy là có thể tự chữa được để lại ra tiệm ăn mách thuốc cho những người bệnh khác.

Tô bánh canh lõng bõng nước, những sợi bánh canh bắt đầu trông giống những con vi trùng ngúc ngoắc, ngọ nguậy, miếng giò heo còn nguyên hai ba sợi lông, ngày thường thì hấp dẫn lắm, bỗng trở tành tảng thịt mỡ của một trong hai ông đang bệnh đến kỳ mãn tính...

Làm sao ăn tiếp được bữa sáng đáng lý ra phải bình yên để bắt đầu một ngày mới?

Hai ông không hề cảnh cáo những người chung quanh như các đài truyền hình ở Mỹ. Trước khi phát đoạn phim phóng sự chiến trường với vài ba cái xác bị bom nổ làm nát mặt ở Afgganistan, ở Iraq, các đài truyền hình đều cẩn thận cảnh cáo người yếu bóng vía nên cẩn thận vì nét hiện thực của bản tin để cẩn thận vặn đi đài khác.

Nhưng hai ông khách, sau khi đã ăn xong bữa, quay ra nói chuyện bệnh tật của hai ông mà không hề lý gì tới những người ngồi quanh, những người không hề có bất cứ một quan tâm hay quyền lợi (?) gì về bệnh của hai ông.

Tôi phải làm gì? Đứng dậy, sang bàn hai ông, chào, bắt tay hai ông và mừng hai ông qua cơn bạo bệnh, ở lại với thế giới đầy nhiễu nhương này?
Hay cho hai ông tô bánh canh chưa đụng đũa vào lên đầu hai ông để mừng ngày hạnh ngộ?

Cả hai việc đều không làm được. Bữa ăn sáng cũng không thể cứu vãn được nữa.

Trả tiền đứng dậy, đi làm. Ấm ức suốt trên đường lái xe đến sở.

Nhưng vẫn mừng cho hai ông. Mong hai ông nói cho chán để không bao giờ làm phiền người khác nữa. Chúc hai ông mạnh khỏe, và không bị bệnh làm phiền như người khác bị bệnh của hai ông làm phiền mất luôn bữa sáng.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


lophocanhngu
Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc

(Bài số 107)

BOTH/ EITHER … OR /NEITHER … NOR

Bản chuyển tả do QA thực hiện. Bài học số 107 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

TRÚC GIANG

Thưa chú, có một khán giả muốn chú cho biết là nói như thế này có đúng không: TRYING TO CATCH FISH WITH TWO HANDS.

BBT

Đúng chứ sao lại không? Nhưng tôi nghĩ đây là câu được dịch từ một câu nói của tiếng Việt qua. Mà như thế thì có một điều tôi muốn nói thêm, đó là trong tiếng Việt, câu "bắt cá hai tay" có nghĩa hơi khác với câu "bắt cá bằng hai tay". Bắt cá bằng hai tay có thể hiểu là con cá quá lớn, quá nặng, phải dùng cả hai tay mới bắt được, mới lôi nó lên bờ hay lên thuyền được. Nhưng "bắt cá hai tay" thì ai cũng hiểu là dùng cả hai tay để tìm cách bắt một lúc hai hay ba con cá, lỡ vuột mất con này thì còn có thể bắt được con khác.

QA

Như vậy, QA hiểu là phụ nữ phải đề phòng, coi chừng những người đàn ông bắt cá hai tay. Nhưng những người bắt cá "bằng" hai tay thì không có gì đáng sợ cả đúng không thầy?

BBT

Cám ơn cô QA. Tôi cũng nghĩ như thế. Bắt cá hai tay là tìm cách bắt một lúc hai con cá, là quen và hẹn hò với hai phụ nữ cùng một lúc, và với ai cũng hứa hẹn đủ điều để lỡ không được người này thì đã có sẵn người kia làm cái bánh xe "sơ cua" sẵn trong thùng xe rồi.

TRÚC GIANG

Vậy thì thưa chú, muốn dịch "bắt cá hai tay" như trường hợp chú vừa nói sang tiếng Anh thì phải dịch như thế nào?

BBT

Tôi đề nghị "TRYING TO CATCH 2 FISHES WITH BOTH HANDS".

QA

Thưa anh, BOTH là gì, và dùng nó như thế nào?

BBT

BOTH là tĩnh tự (ADJECTIVE) nghĩa là cả hai, dùng cho hai người, hai vật, hai việc làm, hai sự kiện. Thí dụ BOTH BROTHERS, BOTH CARS, BOTH RESEARCHES, BOTH REVOLUTIONS. Theo sau BOTH luôn luôn là danh từ số nhiều và được hiểu là HAI.

Khi nói TRYING TO CATCH 2 FISHES WITH BOTH HANDS chúng ta hiểu ngay là hai tay cùng làm công việc bắt cá một lúc, không phải là bắt xong một con bằng tay phải, sau đó một lúc mới dùng tay trái để bắt nốt con kia.

BOTH cũng còn là đại danh tự (PRONOUN) như khi nói BOTH OF US ARE FROM VIRGINIA. WHO IS FROM VIRGINIA? BOTH.

BOTH OF YOU SPEAK VIETNAMESE WITH SOUTHERN ACCENT. WHO SPEAKS VIETNAMESE WITH SOUTHERN ACCENT? BOTH.

BOTH cũng còn là CONJUNCTION, liên tự để nối hai chữ lại với nhau . Thí dụ WE ARE BOTH READY AND WILLING TO GO NOW.

QA

Thưa anh, đó là khi nói tới CẢ HAI. Nhưng khi nói MỘT TRONG HAI, hoặc cái này hay cái kia, hoặc người này hay người kia thì nói thế nào?

TRÚC GIANG

Vâng, thưa chú, nếu cháu nói rằng ở nhà, cháu nói với các con bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh thì cháu nói là I SPEAK BOTH VIETNAMESE AND ENGLISH TO MY CHILDREN. Nhưng khi cháu muốn nói rằng ông, bà có thể nói với chúng hoặc bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt thì phải nói thế nào?

BBT

Chúng ta dùng EITHER … OR nghĩa là hoặc cái này hoặc cái kia. Trúc Giang nói thử coi…

TRÚC GIANG

YOU CAN SPEAK TO THEM EITHER IN SPANISH OR IN ENGLISH BUT NOT IN SPANGLISH.

BBT

Đúng rồi. QA muốn nói gì đây?

QA

Thưa anh, QA cũng nghe người ta phát âm EITHER…OR hơi khác một chút, đó là "AI" thay vì "I" là thế nào?

BBT

Cám ơn cô QA. Đó là cách phát âm của người Anh, Úc, Tân Tây Lan… QA cho nghe một hai thí dụ với EITHER … OR coi.

QA

HE CAN BE EITHER IN ITALY OR GERMANY BY NOW BUT HE CANNOT BE IN BOTH ITALY AND GERMANY AT THE SAME TIME.

MAKE YOUR CHOICE… YOU CAN MAJOR IN PSYCHOLOGY OR FRENCH BUT YOU CAN ALSO MAJOR IN BOTH (PSYCHOLOGY AND FRENCH).

BBT

Bây giờ chúng ta nói về phủ định của EITHER … OR . EITHER …OR là hoặc cái này hoặc cái kia . Khi nói không cái này cũng không cả cái kia thì chúng ta thêm chữ "N" vào trước EITHER … OR để thành…

TRÚC GIANG

NEITHER… NOR. Cháu biết là động từ đi trước NEITHER … NOR là động từ trong thể AFFIRMATIVE phải không thưa chú?

BBT

Đúng rồi. Vậy thì Trúc Giang cho nghe thí dụ của cô đi.

TRÚC GIANG

I LIKE NEITHER CATS NOR DOGS.

BBT

Đáng lẽ ra, chúng ta đã phải nói như thế nào đây QA?

QA

Nếu không dùng NEITHER…NOR, QA sẽ phải nói hơi dài dòng một chút: I DON’T LIKE CATS. I DON’T LIKE DOGS. Chúng ta dùng NEITHER … NOR để nối hai câu lại với nhau như thí dụ của Trúc Giang vậy.

BBT

Trúc Giang hiểu câu này như thế nào? NEITHER A BORROWER NOR A LENDER BE…

TRÚC GIANG

Cháu hiểu là đừng nên là người đi vay mà cũng đừng nên là người cho vay. Nhưng sao câu này nghe trúc trắc quá vậy thưa chú?

BBT

Vì nó là tiếng Anh cổ trong một đoạn kịch của Shakespeare… NEITHER A BORROWER NOR A LENDER BE/ FOR LOAN OFT LOSES BOTH ITSELF AND A FRIEND… nghĩa là đừng đi vay mà cũng đừng cho ai vay tiền vì món nợ thường cũng biến mất như người bạn ( mà chúng ta cho vay hay vay của người ấy). Đó là lời khuyên của Polonius gửi con là Laertes trong kịch Hamlet.

QA

Vậy là Trúc Giang và QA cũng có một câu của Shakespeare để khoe với bạn bè rồi.

BBT

Nhân nói về BOTH, EITHER…OR và NEITHER … NOR, tôi cũng muốn nói về cách vuốt đuôi sao cho đúng.

QA

Thưa anh, như thế nào là vuốt đuôi? Trong tiếng Việt có phải là khi nói "Tôi cũng vậy" không? QA cũng nghe và dùng nó nhiều lắm.

TRÚC GIANG

ME TOO!

BBT

Đúng lắm. Nhưng không phải lúc nào cũng ME TOO được đâu, thưa hai cô. ME TOO được dùng khi chúng ta đồng ý, làm, hay suy nghĩ như điều người kia vừa nói. Thí dụ có người nói I LIKE SUSHI, và nếu tôi cũng thích sushi, thì chỉ cần nói ME TOO là đủ. Nhưng nếu cô ấy cũng thích sushi thì không thể nói HER TOO được. Cũng không thể nói HIM TOO, WE TOO, THEY TOO, YOU TOO được.

QA

QA thấy hình như phải nói là SHE DOES TOO, hay SO DOES SHE; HE DOES TOO hay SO DOES HE; WE DO TOO hay SO DO WE; THEY DO TOO hay SO DO THEY; YOU DO TOO hay SO DO YOU phải không thưa anh?

BBT

Đúng rồi. Bây giờ QA thử vuốt đuôi mấy câu này coi.

HE WENT TO HARVARD.

THEY CAN READ AND WRITE JAPANESE .

WE WILL VISIT WASHINGTON IN THE FALL.

YOU ARE LATE FOR THE MOVIE.

QA

HE WENT TO HARVARD, SO DID MY COUSIN hay MY COUSIN DID TOO.

THEY CAN READ AND WRITE JAPANESE, SO CAN HE hay HE CAN TOO.

WE WILL VISIT WASHINGTON IN THE FALL, SO WILL TOM AND BOBBY hay TOM AND BOBBY WILL TOO.

YOU ARE LATE FOR THE MOVIE, SO AM I hay I AM TOO.

BBT

Đó là vuốt đuôi những câu xác định. Những câu phủ định (NEGATIVE) không thể vuốt như vậy được.

TRÚC GIANG

Nhưng cháu vẫn nghe người ta nói I DON’T LIKE HOT WEATHER và người kia nói theo là ME TOO. Như vậy là không đúng phải không thưa chú?

BBT

Không đúng. Phải là NEITHER DO I hay NOR DO I mới đúng. Trúc Giang vuốt đuôi mấy câu này coi:

THEY DO NOT SPEAK RUSSIAN.

WE CANNOT BUY THAT EXPENSIVE HOUSE.

HE WILL NOT GO TO WORK ON MONDAY.

SHE IS NOT HAPPY WITH HER JOB.

TRÚC GIANG

THEY DO NOT SPEAK RUSSIAN, NEITHER DO I hay NOR DO I.

WE CANNOT BUY THAT EXPENSIVE HOUSE, NEITHER CAN THEY hay NOR CAN THEY.

HE WILL NOT GO TO WORK ON MONDAY, NEITHER WILL WE hay NOR WILL WE.

SHE IS NOT HAPPY WITH HER JOB, NEITHER IS HE hay NOR IS HE.

BBT

Bây giờ còn bạ đâu cũng ME TOO nữa không? Nếu bạ đâu cũng ME TOO thì lại giống như mấy ông chính trị gia vận động tranh cử, thấy người kia đưa ra một ý kiến hấp dẫn thì mình cũng bám vào cái đuôi đó, không có được một sáng kiến nào mới mẻ cả thì người ta gọi đó là chủ trương, lập trường METOOISM, chủ trương tôi cũng vậy. Dĩ nhiên bị mô tả là một chính trị gia như thế thì tệ quá.

Nhân đây tôi cũng muốn nói về chữ ISM. Chữ này là một tiếp vĩ ngữ ( chữ nối vào sau) có nghĩa là chủ thuyết, chủ nghĩa, phong trào, tôn giáo.

Thí dụ TAOISM là đạo Lão, BUDDHISM là Phật giáo, ROMANTICISM là chủ nghĩa lãng mạn, COMMUNISM là chủ nghĩa Cộng Sản, CATHOLICISM là đạo Thiên Chúa, ATHEISM là chủ nghĩa vô thần, LIBERALISM là chủ nghĩa cấp tiến, CUBISM là họa phái lập thể, IMPRESSIONISM là họa phái ấn tượng vân vân.

QA

Bây giờ, QA muốn anh cho nghe một số idioms với hai chữ UP và DOWN có được không?

BBT

Được, nhưng sẽ không có thì giờ nói hết được tất cả các idioms vói UP và DOWN . Chỉ một số thôi. UP là lên. DOWN là xuống.

Hai cô hiểu UP và DOWN trong hai thí dụ này là gì nào: MEN CAN MARRY DOWN BUT WOMEN ALWAYS WANT TO MARRY UP.

TRÚC GIANG

MEN CAN MARRY DOWN nghĩa là đàn ông lấy vợ thấp hơn mình cũng được nhưng WOMEN ALWAYS WANT TO MARRY UP tức là đàn bà thì bao giờ cũng muốn lấy chồng giỏi hơn mình đúng không chú?

BBT

Rất đúng. QA hiểu câu này như thế nào? THEY HAD MANY UPS AND DOWNS DURING THE PAST TEN YEARS.

QA

UPS AND DOWNS là những lúc lên lúc xuống trong đời sống. Họ đã qua nhiều thăng trầm trong mười năm qua.

BBT

Trúc Giang hiểu LOOK UP là gì và LOOK DOWN là gì?

TRÚC GIANG

Cháu hiểu TO LOOK UP là ngưỡng mộ, là nhìn lên, ngó lên để noi gương, là kính phục ai đó. Thí dụ MANY AFRICAN AMERICANS LOOK UP TO MISTER OBAMA AFTER THE 2008 ELECTION.

Còn LOOK DOWN thì nghĩa là coi thường, khinh bỉ. HE LOOKS DOWN ALL NEW COMERS WHO DO NOT SPEAK GOOD ENGLISH.

BBT

MAKE UP có hai nghĩa. Một là bù lại cho . Thí dụ STUDENTS HAVE TO MAKE UP FOR THE SNOW DAYS . Nghĩa thứ nhì là trang điểm cho đẹp như khi nói SHE TAKES ONLY A FEW MINUTES TO MAKE UP FOR THE EVENING.

Nhưng TO MAKE DOWN là gì đây QA?

QA

Cô Kiều Chinh là một người đẹp. Nhưng khi đóng vai người mẹ dẫn bầy con đi tị nạn trong một cuốn phim mười mấy năm trước, cô đã phải MAKE DOWN nghĩa là vẽ mặt làm cho xấu đi. Nhưng thưa anh, DRESS DOWN có phải là trái nghĩa của DRESS UP không?

BBT

Đúng rồi, ở một số sở của người Mỹ, thứ Sáu là ngày DRESS DOWN, bỏ ca vát ở nhà, mặc quần jeans. DRESS UP là diện cho đẹp, lên khung. Trúc Giang cho một câu với DRESS UP và DRESS DOWN coi.

TRÚC GIANG

HE ALWAYS DRESSES UP EVEN ON FRIDAY WHEN EVERYBODY DRESSES DOWN.

BBT

Cám ơn Trúc Giang và QA.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

July 21, 2011

July 22, 2011

Ngày 18 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Bây giờ đã gần hết tháng 7. Gửi bạn đọc mấy bài thơ viết trong tháng 7 của mấy năm trước về một người đã ra đi.

CỦA X

Chưa cuối năm mà đã nhớ người
Người xa vẫn tít tắp bên trời
Tìm, đây chỉ thấy mây và gió
Một nén tâm hương cháy đỏ ngời

Hình như gió còn mang mùi tóc
Thao thức mầu chiều ở cuối sông
Sớm mai người lẫn trong câu hát
Tóc giống như sông, rối mịt mùng

Ở khúc quanh, chỗ cuối con đường
Là nơi vô tận, nhớ vô cùng
Đèn xanh vừa bật, người đi mất
Là đã đầu sông với cuối sông

Người một nơi, người vẫn một nơi
Sáng ra, nhớ đã ở trên vai
Thấy gì nơi những con đường cũ
Một nhói tim vào những sớm mai

Người mới vừa đây, tỏ vết giầy
Hương còn trên áo, ấm trên tay
Biệt nhau một chuyến theo Từ Thức
Hồn gửi hồn sau một bóng mây

Môi còn để hồng trên nụ xuân
Gió đi rồi, nên vẫn đau thầm
Mỗi chân tóc mọc lên hoài cảm
Buổi sáng tìm nhau lạc dấu chân

Thềm vẫn còn thơm áo Bích Câu
Vẫn nước phân vân dưới dạ cầu
Và trăng từ mấy trăm năm trước
Vẫn mãi mầu xanh của lúc đầu

Trở lại vườn nghe gió lặng thinh
Cỏ còn buồn nên không muốn xanh
Tìm người chỉ thấy mây và khói
Một cánh chim chao động dưới cành

THƠ THÁNG 7

Mai về kiếm một chiếc xe đạp
Cho em ngồi ở phía đằng sau
Anh chở em về căn nhà cũ
Hái cho em trái trứng cá đầu mùa

Rồi anh lại đạp chiếc xe đạp
Chở em về thăm lại lớp học xưa
Tìm thử trên mặt bàn năm ấy
Những cái tên, nay chữ đã mờ

Anh sẽ đi tìm cô giáo cũ
Xin lại được cho làm học trò ngoan
Ngây thơ, trong sạch, không gian dối
Như cuốn vở xưa dòng chữ hiền lành

Nhờ cô giảng lại bài toán cũ
Có hai động tử đuổi nhau hoài
Làm sao tìm cho ra đáp số
Để bắt kịp nhau ở cuối đời

Ngồi xuống đây chơi ô ăn quan
Lần này, anh lại vẫn nhường em
Vẫn cho em thắng như hồi bé
Cho quên thua thiệt mấy mươi năm

Nơi cửa sổ mở ra sân trường
Một con chim đậu, ngó vào trong
Con chim của những ngày thơ ấu
Nghiêng mỏ như vừa gặp bạn quen

Này chim còn nhớ không, chú nhỏ
Bàn tay mực tím đã trở về
Trong trí từ bao năm vẫn giữ
Mãi những mùa hè rộn tiếng ve

Anh sẽ lại lấy chiếc xe đạp
Chở em đi suốt một buổi trưa
Cứ ngồi nghiêng thế cho mái tóc
Và nắng thơm đầy vai chúng ta

Ghé xe bò khô ở gốc cây
Gọi ra một đĩa, ớt thật cay
Đổ thêm vào đó nguyên chai dấm
Đời đã chua, còn sợ gì cay

Anh sẽ đưa cho em lá thư
Viết cho em từ đã rất lâu
Dấu vào trong vở, mang về đọc
Cùng bài tính đố giải chưa ra

Hãy đi với anh về Ngã Sáu
Dựng chiếc xe lên một vỉa hè
Gọi trái dừa giữa trưa rất nắng
Uống tuổi thơ ngây, nhớ bạn bè

Anh sẽ đi kiếm chiếc xe đạp
Để chở em trên mấy khúc đường
Hỏi thăm trở lại thời thơ ấu
Một đoạn đời xưa vẫn mãi thơm

……


Ngày 19 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Trong lúc gần như tất cả các loài sâu bọ, côn trùng, chim muông khác trên thế giới này đều được hưởng những sự đối đãi tử tế của con người, thì loài ve vẫn tiếp tục bị để cho hiểu lầm và bị đối xử không tử tế gì.

Nhiều quốc gia có những bộ luật khe khắt cấm săn bắt nhiều loại chim muông, côn trùng và cá để tránh cho những sinh vật này khỏi biến mất, chung số phận với những con khủng long cùng nhiều giống thú khác.

Ngay từ mấy ngàn năm trước, một người đàn ông tên là Nô-ê đã cứu được bao nhiêu giống thú bằng cách đưa mỗi giống một cặp lên chiếc tầu do ông đóng để cứu chúng khỏi trận hồng thủy.

Nhưng chiếc tầu của ông No-ê không đưa một cặp ve lên tầu vì lúc xẩy ra cơn hồng thuỷ thì bầy ve sầu chưa đến chu kỳ ngoi lên mặt đất. Nhờ vậy mà chúng thoát chứ ông Nô-ê tử tế gì với chúng.

Và năm nay, những con ve cháu chắt nội ngoại của bầy ve mùa hè năm 1975 đã ngoi lên mặt đất, không hề hay biết gì về biến động làm lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm ở Sài gòn cách đây 36 năm. Chúng vẫn hồn nhiên kêu vang vang ở một số vùng tại Bắc Mỹ. Chúng không biết nên cũng không phản đối hay chống lại lối đối xử cũng như những hiểu lầm mà loài người dành cho chúng.

Thời ông La Fontaine thì có thể nói rằng những hiểu biết về sinh vật học chưa được đầy đủ và cặn kẽ lắm nên mới có những sơ sót về một số thú vật, chim chóc mà ông dùng trong các bài ngụ ngôn của ông, nhưng đó là thế kỷ thứ 17.

Hơn hai trăm năm qua, khoa học đã tiến bộ nhiều, nhưng vẫn không có một nỗ lực nào minh oan cho những con ve sầu. Chúng tiếp tục bị đổ cho cái tội lười biếng, chỉ ca với hát suốt mùa hè.

Chuyện ca hát không có gì xấu cả. Những phát triển trong lãnh vực kỹ thuật của các hệ thống karaoke cho thấy chuyện hát là chuyện vui hết sức. Không chỉ một mùa hè, mà suốt bốn mùa, người ta đều có thể hát karaoke.

Như vậy, hát không có gì là xấu.

Hát suốt mùa hè mà La Fontaine đổ cho con ve sầu là sai. Nó chỉ sống có đúng một tháng.

Đó là sai lầm thứ hai của La Fontaine.

La Cigale, ayant chanté tout l’été là sai.

Ve sầu kêu không để làm điếc tai hàng xóm hay tra tấn người khác như các giọng karaoke. Mà chúng chỉ hát để gọi những con cái đến vui chơi và nối tiếp công việc truyền sinh mà thượng đế trao cho chúng.

Loài người làm rất nhiều chuyện kinh hoàng hơn nữa để làm công việc giống loài ve làm trong ba chục ngày thì không bị phiền trách gì. Làm thơ, soạn nhạc, ăn diện để hấp dẫn, rù quyến phía bên kia thì được coi là lãng mạn, là "rô măng tịt" (?). Loài ve sầu chỉ râm ran lên trong một tháng thì bị coi là làm phiền chúng ta.

La Fontaine nói tiếp là đến khi gió mùa đông thổi tới, ve sầu sang nhà hàng xóm là một con kiến để vay dăm ba hạt qua ngày, hẹn trước tháng 8 sẽ trả cả vốn lẫn lời.

Đây cũng lại là một sai lầm khác. Những con ve không bao giờ đi qua nhà kiến để vay dăm ba hạt như nguyên văn "quelque grain" của La Fontaine . Giản dị là loài ve chỉ hút nhựa cây và ăn chút sương sớm. Loài ve không làm hại bất cứ một cái gì trên thế giới này.

Nhưng La Fontaine đã sai , thì lại còn được Nguyễn Văn Vĩnh hùa theo để nhục mạ những con ve tội nghiệp này. La Fontaine vẽ cảnh ve khúm núm , khóc nức nở vì đói tại nhà kiến rồi năn nỉ kiến cho vay ít thực phẩm để sống qua ngày. Kiến không cho vay, còn quay lại hỏi xỏ rằng ve làm gì trong những tháng hè. Ve xuống nước, và Nguyễn Văn Vĩnh còn bắt ve quị lụy hơn bằng tiếng thưa ở đầu câu trả lời:

Thưa tôi hát ...

Kiến đểu giả nói móc lại ve rằng "Xưa chú hát / Nay thử múa coi chơi!"

Khoa học ngày nay cho thấy ve sầu không bao giờ làm những chuyện mất nhân cách như La Fontaine đã viết trong cuốn Ngụ Ngôn số 1 ngay bài đầu của ông.

Loài ve sống tội nghiệp, không làm hại bất cứ một thứ cây cỏ, thú vật, côn trùng nào.

Những con bọ ngựa thì vồ, bắt các giống sâu bọ khác để ăn. Con cái thì sau cơn yêu dấu, giơ càng chém đầu con bạn trai vừa giúp vui mình rồi ăn luôn chàng ngấu nghiến.

Những con cào cào, châu chấu thì có thể gây thảm hoạ cho cả triệu người vẫn được ông Bùi Giáng bênh chằm chặp:

Sầu riêng châu chấu năm xưa
Em về với ruộng cầy bừa đã xong
Em về rắc cỏ vào trong
Vui về với hội trổ đồng đồng xanh
Sầu riêng gác bỏ sau ghềnh
Năm xưa châu chấu mang tên chuồn chuồn

Nhưng ve sầu, không làm gì nên tội thì bị nói xấu tàn tệ như thế.

Chẳng riêng gì ông La Fontaine , mà người Việt cũng chẳng tử tế gì với loài ve sầu.

Chuyện không tử tế thì gọi là lời ong tiếng ve.

Nhưng cái hại nhất là mấy ông bố Việt Nam cứ đem bài ngụ ngôn của La Fontaine ra để mà mắng nhiếc những đứa bé chỉ hơi ham chơi một chút như người viết bài này, và như tất cả những chú nhỏ thời ấy. Rồi đề cao con kiến rất bần tiện và ích kỷ, độc ác là những đứa bé nhà bên cạnh để đay nghiến những con ve.

Trong khi những con ve thì dễ thưong vô cùng.


Ngày 20 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Tôi là người có đôi mắt hí. Tôi không ngại ngùng, xấu hổ hay mắc cở khi nhận điều đó.

Bài hát mấy năm trước của Marc Lavoine do Phạm Quỳnh Anh hát và được rất nhiều người Việt coi là của mình cũng nhắc đến những đôi mắt hí đó: "... le trait de mes yeux bridés..."

Thế rồi :"Đôi con mắt ấy chứ mà lim dim" trong một bài dân ca miền Bắc cũng là để nhắc đến những đôi mắt ấy. Đa tình con mắt Phú Yên chắc phải có chút hí ở trong.

Thì mắt hí đấy, vẫn đẹp và vẫn đa tình, duyên dáng có sao đâu.

Nói mấy chuyện này ra chỉ vì mấy tuần qua, trong một phụ trương của tờ Orange County Register có một bài viết về sushi, kèm theo bài báo này, là một bức tranh minh hoạ cho món sushi. Bức minh họa vẽ một đầu bếp sushi người Nhật đang vung tay dao làm sushi trong bếp.

Điều đáng nói ở đây là khuôn mặt của người đầu bếp Nhật được họa sĩ phóng đại thêm những nét đặc biệt của người Á châu, mà tôi thấy dân tộc Việt Nam cũng có chung một số nét.

Đó là đôi mắt. Họa sĩ vẽ đôi mắt của người đàn ông Nhật là hai cái khe hẹp và nhỏ xếch ngược lên, phía dưới là cái mũi trông như cái mõm lợn và cái miệng nguệch ra trông thật xấu.

Người Nhật với người Việt Nam, người Trung Hoa, Đại Hàn có chung một số nét trên mặt, tuy mỗi dân tộc cũng có một vài nét riêng. Nhìn chung thì các giống dân này vẫn có nhiều nét giống nhau. Bởi thế, Chung Tử Di và Củng Lợi vẫn được chọn để đóng các vai phụ nữ Nhật. Những chuyện như thế có nhiều, vì các dân tộc này có những nét khá giống nhau.

Nhưng cũng vì thế, đụng tới người Nhật, thì tôi cũng động lòng. Bức tranh minh hoạ cho bài báo vẽ một người Nhật, nhưng tất cả những nét hí họa đó cũng đụng chạm tới người Việt Nam.

Hễ người Á châu thì phải răng hô, mắt hí, mũi tẹt. Toàn những nét mà người da trắng coi là xấu xa cả.

Những chuyện đó vẫn còn được làm cho đến tận ngày hôm nay vì các dân tộc Á châu hiền quá. Người Á châu không muốn gây rắc rối. Nhịn hết.

Cứ thử đụng phải những giống dân khác coi. Ít thấy có một sự nhịn là chín sự lành lắm.

Chỉ có mấy bức biếm họa một người đội cái khăn trên đầu mà làm ầm ĩ cho đến hôm nay vẫn còn xuống đường cào đầu ăn vạ.

Trong khi đó, có nước Á châu với đa số dân theo đạo Phật nào như Thái, Miến, Sri Lanka ... làm ầm ỹ vụ hai pho tượng Phật ở Bamiyan thuộc Afghanistan bị bọn chó dại Taliban phá tan không?

Nhớ hồi đệ nhị thế chiến, vừa xẩy ra trận Trân Châu cảng, lập tức tất cả những người Nhật và Mỹ gốc Nhật, cho dù là nhất thế nisei , hay nhị thế sansei, cũng đều bị đưa vào các trại tập trung và bị giữ ở đó trong suốt những năm đệ nhị thế chiến mặc dù trong số dân gốc Nhật và Nhật ở Mỹ không có một trường hợp nào có thể gọi là phản bội nước Mỹ. Các trại tập trung, mãi đến khi chấm dứt thế chiến mới được dẹp, và những người Mỹ gốc Nhật phải đợi đến thập niên 80 mới được xin lỗi và bồi thường.

Người da đen ở Mỹ sau bao nhiêu năm bị kỳ thị, đối xử tồi tệ, cuối cùng cũng được một sự nể nang nào đó. Không còn thấy những bức hí hoạ vẽ đôi môi dầy để diễu người da đen nữa.

Cách đây không lâu, một số dân biểu da đen ở Mỹ đã làm ầm ỹ chuyện người Nhật chơi những con búp bê da đen mà họ cho là có những nét hài hước hóa những đặc tính của người da đen khiến hãng sản xuất đồ chơi ở Nhật phải xin lỗi.

Nhưng vẽ những đôi mắt hí thì vẫn còn thấy được làm để diễu người Á châu.

Chúng ta nhận là mắt hí thì được. Nhưng đem những đôi mắt hí đó ra để diễu chúng ta thì không được.

Tuy vậy, khi nhìn kỹ bức minh họa của tờ Orange County Register thì người ta lại thấy họa sĩ vẽ bức tranh ấy mang một cái tên rất Trung Hoa: Nan Ning.

Thế thì phản đối ai, chống ai bây giờ? Để cho chính một người Á châu vẽ hí họa về người Á châu thì huề vốn, cũng hệt như tờ Playboy có những bức hí hoạ ký tên Buck Brown tha hồ diễu da đen, da trắng vì Buck Brown là người da đen.

Nhưng hãy tưởng tượng vào thế kỷ thứ 14, 15 các dân tộc Á châu đóng tầu vượt biển đi gieo rắc văn minh học thuật đến khắp nơi, đem tiêu chuẩn về đẹp đi khắp thế giới thì bây giờ có dám chế những đôi mắt hí của chúng tôi nữa hay không?

Mắt hí mà vẽ được máy chụp hình Nikon, xe Toyota, điện thoại Sam Sung, làm chả giò, nấu phở dùng qua một lần mê đến già thì mắt hí cũng được lắm đấy chứ.

Diễu vậy nhưng cứ phục lăn chiêng ra là được rồi.

Mắt hí tốt lắm. Lại còn đẹp nữa.


Ngày 21 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Nếu tò mỏ một chút, mở những trang rao vặt trong các báo Mỹ, người ta thấy một điều ít ngưòi có cuộc sống bình thường ngoài đời có thể tưởng tượng ra được.

Trong tờ Los Angeles Time xuất bản tại Los Angeles, California ngày nào trung bình cũng có từ 2 đến 4 lời rao tìm bạn.

Chuyện tìm bạn thì không có gì lạ, nhưng lời rao của những người đang ở một nơi mà chuyện đi lại rất khó khăn mới là chi tiết đáng lưu ý.

Mấy tháng trước, trong internet, có người đăng một đoạn tìm bạn, khai rõ rằng ông là một người đàn ông bình thường khỏe mạnh, không tứ đổ tường, đời sống gương mẫu, giờ giấc bao giờ cũng đúng, đúng giờ làm việc, giờ ăn, giờ ngủ rất điều độ Ông cho biết đã làm như thế được từ ba, bốn năm nay. Ai muốn quen với ông thì viết thư về điạ chỉ một nhà tù, khu các tù nhân thọ án chung thân.

Đọc lời rao, người ta nghĩ đó là chuyện đùa. Trên đời làm sao kiếm được một người đàn ông có những hành động gương mẫu, điều độ và lành mạnh như thế, ngoại trừ ở nhà tù.

Nhưng những lời rao tìm bạn thư tín đọc thấy trên tờ Los Angeles Time thì lại không đùa chút nào. Gần như tất cả những người rao đều là đàn ông.

Tất cả đều nói rõ tuổi tác, tầm vóc, mầu da, và không dấu diếm gì chi tiết là đang ở tù. Sau đó , những người này cho biết còn phải ở tù thêm bao nhiêu lâu nữa. Cuối cùng là một lời hứa sẽ gặp khi ra tù để tính chuyện lâu dài.

Người bình thường thì ai nghĩ là có người viết thư làm quen với những người như thế. Riêng chuyện người ấy đang vòng lao lý mà chưa đủ làm nản lòng hay sao?

Nhưng ngươi ta cũng thấy là ở Mỹ, gần như ai cũng có vợ chồng, bạn trai, bạn gái và những thứ liên hệ khác.

Thế thì trong những cuộc hôn nhân hay tác hợp đó chắc chắn phải có những cựu tù nhân.

Vậy thì chắc chắn những người tù, khi mãn hạn, trở lại đời sống bên ngoài vẫn có thể làm lại cuộc đời. Người Mỹ rất công bình trong chuyện này. Ai phạm tội thì đi tù. Trả nợ xong xã hội thì lại được sống cuộc đời bình thường và xã hội, luật pháp bảo đảm chuyện đó.

Thế nên nhũng người tù vẫn muốn kiếm bạn, và những người bên ngoài vẫn đi tìm bạn ở trong tù.

Và đó là lý do xuất hiện của những mối tình trong tù.

Nhưng ai là những người đi kiếm bạn trong tù?

Đa số là các phụ nữ. Bộ họ không sợ những người có một quá khứ kinh khủng như vậy hay sao?

Chắc là phải có. Nhưng ước muốn có một người thuộc về mình và một ngưòi để mình thuộc về thường lớn hơn nhũng nỗi sợ kia.

Ngay cả những người tù chung thân và không có cơ hội bước ra khỏi khám đường cho đến lúc mãn đời, vẫn có nhũng người muốn làm quen, muốn trở thành một người bạn trai hay một người bạn gái của người tù đó.

Cách đây mấy năm, Scott Peterson, 1 người đàn ông trẻ tuổi ở San Francisco bị phạt chung thân về tội giết vợ và con trai trong bụng của vợ.

Ngay sau khi có án, người tù này nhận được cả mấy chục thư làm quen , và xin thành hôn với anh.

Luật lệ ở Mỹ không cấm những hôn nhân như thế. Và một số không ít người đã lập những hôn thú như thế.

Những người tù này sẽ không bao giờ ra khỏi được ngoài cửa của khám đường.

Thế thì tại sao lại lập hôn thú với một người như vậy?

Các chuyên gia tâm lý nói trằng cả hai đều rất cô đơn. Một người thì sẽ phải sống hết đời trong nhà tù, không có cơ hội được trả tự do. Một đằng có thể có một hai vấn đề tâm lý. Người ấy muốn kiểm soát hoàn toàn người phối ngẫu. Nhưng việc này không phải lúc nào cũng làm được với những người đàn ông bình thường sống ngoài xã hội.

Nhưng với những người tù với những bản án dài lâu thì việc kiểm soát giờ giấc, nơi chốn đi lại là một việc có thể làm gần như 100%.

Một số phụ nữ sẵn sàng làm đám cưới với những người đàn ông như vậy để có được cảm tưởng thuộc về ai đó, để thư từ, liên lạc điện thoại bất cứ lúc nào cũng được và không phải gặp những trường hợp phải nổi ghen lên bao giờ.

Một số những người đản ông này đã được thả, và đứng đợi họ ngoài cửa khám đường, là những người bạn thư tín trong những tháng năm ở trong tù.

Có những cuộc hôn nhân thành công và cũng có những chuyện đi tới đổ vỡ. Nhưng ngay cả những cặp vợ chồng bình thường, không có bên nào vào tù ra khám mà cũng vẫn gặp chyện đổ vỡ thì đổ vỡ trong những cặp hôn nhân với một người từng ở tù thì có gì lạ.

Và vì thế, càng ngày người ta càng thấy nhiều cuộc hôn nhân như thế.


Ngày 22 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Trong văn học Việt Nam có một người đàn ông rất tội nghiệp. Người đàn ông ấy xuất hiện một cách mờ nhạt trong mấy bài thơ mà có thể nói là không một ai trong chúng ta lại không biết, không từng nghe, không từng đọc, không từng thỉnh thoảng lôi ra ngâm nga. Hay ít ra thì cũng phải biết, phải thuộc vài ba câu, mặc dù có thể sau khi bước qua một tuổi nào đó, chúng ta không đọc những bài thơ ấy nữa. Có nhắc lại thì cũng thấy ngượng là tại sao cũng đã có lúc mình từng đọc chúng.

Người đàn ông được nhắc tới trong những bài thơ ấy thật là đáng thương. Không biết khi những bài thơ đề cập đến ông, ông chừng bao nhiêu tuổi, mặt mũi quần áo ông ra sao. Nhưng những nét anh hùng, đẹp đẽ cần thiết của những người đàn ông thì ông chắc không có. Ông là người bị mô tả là lạt lẽo.

Những nét hào hoa ông không có. Ông có thể là một người thuộc một gia đình giầu có, đời sống thoải mái. Thoải mái đủ để cho ông không cần phải kiếm sống vất vả. Ông cũng không cần phải bắt vợ đi làm, đóng góp cho ngân quĩ gia đình. Vợ ông cứ ở nhà, chắc thỉnh thoảng đẻ cho ông đứa con trong khi đầu óc nàng được dùng hoàn toàn cho việc nghĩ tới một người đàn ông khác. Hào hoa, lịch lãm, anh hùng và giang hồ.

Không biết người đàn ông kia, nhân vật được nhắc đến trong những bài thơ của vợ ông là "người ấy" là một người như thế nào, nghề ngỗng ra sao, chỉ thấy chàng đứng ngóng đò để đi đâu đó. Không thể là đi kháng chiến, vì thời của những bài thơ ấy, chưa có phong trào thanh niên bỏ thành đi kháng chiến như mấy ông chú họ của tôi. Chàng đứng bên sông đứng ngóng đò trong buổi chiều thu nàng mô tả là nắng phớt mờ.

Hai người đàn ông, như bức hình đen trắng , đầy tương phản. Người đàn ông không phải là chồng của nàng thì hết sức oai phong, lãng mạn. Người đàn ông chồng của nàng không biết tại sao khi đọc trong thơ, tôi lại thấy ông ta giống nhân vật Thân trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Buồn nản, có hơi nhỏ nhen, không một nét hào hùng nào. Ái ân thì lạt lẽo. Lạt lẽo đến độ vợ cứ phải đau khổ đi bên cạnh cuộc đời, qua bao nhiêu là mùa thu chết đi, trong tim vẫn dấu hình bóng người đàn ông đứng ngóng đò.

Những bài thơ của người đàn bà , có nhiều người lại tin đó là của một người đàn ông, ký tên tắt từng có thời làm ướt bao nhiêu là những chiếc khăn mùi xoa. Nếu hãng Kleennex hồi ấy vào được thị trường Việt Nam thì không biết đã phát tài đến như thế nào chỉ vì những bài thơ của TTKH.

Tội nghiệp người đàn ông ấy vô cùng. Không một người đàn ông nào đọc những bài thơ TTKH lại nghĩ mình là ngươi đàn ông đáng thương và đáng tội nghiệp đó . Bao giờ những độc giả nam cũng thấy mình là người đàn ông vuốt tóc người phụ nữ, rồi lại mỉm cười với nàng khi nàng vui và nhắc nàng rằng những nụ hoa trắng mà nàng vít xuống trông giống như những quả tim vỡ và sợ tình của hai người cũng vỡ tan như những nụ hoa mà nhiều người đọc thuộc lòng những bài thơ ấy cũng chưa chắc nhìn thấy nó ngoài đời.

Còn người đàn ông chồng của nàng thì chỉ lướt đi vài ba lần, không lần nào tạo được những ấn tượng tốt đẹp lắm. Chàng có vợ. Vợ chàng sống bên cạnh nhưng lòng nàng hướng về một nơi khác. Chàng có thể không biết. Chàng có thể biết. Biết mà không làm gì thì lại càng dở. Nàng đan cho cái áo, đan xong lại tháo ra đan lại cho hết thì giờ nhưng mỗi mũi kim là lại nhớ đến chàng kia. Chàng kia thì cứ thế mà đi biền biệt.

Bốn bài thơ được đọc nhiều vì chúng đáp đúng được những khát khao của người đọc. Những người phụ nữ trong nhũng cuộc hôn nhân không hạnh phúc thì cố tìm trong số những người quen cũ, lôi ra cho đóng vai người đàn ông rũ áo phong sương trên gác trọ. Những người đàn ông đọc TTKH thì tưởng mình là người đàn ông sang sông đứng ngóng đò. Oai hùng biết mấy. Cứ ra đi dưới trời dông bão cho con người phụ bạc kia đau khổ chơi.

Nhưng không một ai thấy mình là người đàn ông bị vợ nói là ái ân lạt lẽo đó. Không ai nhận mình là người đàn ông đó.

Nhưng không có những người đàn ông lạt lẽo đó thì lấy đâu ra những chuyện tình lâm ly bi đát đó để cho những người đàn ông trở thành những người hùng tóc lộng gió, phong sương đi trong chiều mưa không biết về đâu mặc cho nàng đau khổ tiếp cứ như đoạn cuối của Bridges At Madison County khi Robert Kincaid do Clint Eastwood đóng cửa của chiếc xe cũ dưới cơn mưa tầm tã.

Những bài thơ lãng mạn hơi rẻ tiền đó vẫn tiếp tục sống. Sống qua những bài thơ rên rỉ đau khổ sáng nay tôi nghe trong một tiệm ăn.

Mới sáng ra, muốn bắt đầu ngày một cách tử tế thì chủ tiệm kèm tô phở bằng mấy bài hát khổ đau không biết để đâu cho hết.

Tại sao các nhạc sĩ viết những ca khúc ấy không hiểu rằng muốn lấy chồng, nàng phải qua bao nhiêu giai đoạn mới có cái nhẫn trong tay. Phải yêu người đàn ông kia đến một mức nào đó. Người đàn ông kia phải tốt, phải tử tế như thế nào nàng mới chịu lấy làm chồng. Tại sao cứ nhất định cho rằng nàng sai lầm khi theo thằng chả về rồi viết những bài hát làm hỏng cha nó buổi sáng của tôi như vậy? Lỡ người đàn ông ấy là chính mình thì bản nhạc sẽ như thế nào?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


lophocanhngu
Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc

(Bài số 106)

QUESTION TAGS

Bản chuyển tả do QA thực hiện. Bài học số 106 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2010.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Nhưng trước hết, Lãm Thúy có câu hỏi có phải không?

BBT

Tôi chưa biết câu hỏi của cô Thúy là câu hỏi gì, nhưng câu của QA vừa nói là một đề tài thú vị có thể dùng làm bài học cho hôm nay, có phải không?

LÃM THÚY

Thưa đúng, vì đó chính là điều Thúy muốn nhờ anh giảng thêm. QA chắc cũng đồng ý như vậy, có phải không?

BBT

Ô hay, sao cứ có phải không hoài vậy? Hai cô có biết những điều hai cô vừa nói sẽ được dùng làm bài học hôm nay không? Trong tiếng Anh, những chữ có phải không được gọi là QUESTION TAG. QUESTION TAG là cái đuôi đi theo sau một câu phát biểu (DECLARATIVE STATEMENT). Câu phát biểu đó có thể là một câu xác định (AFFIRMATIVE) thí dụ PRINCE WILLIAM IS THE FIRST BORN CHILD OF CHARLES AND DIANA. Hay nó cũng có thể là một câu phủ đinh (NEGATIVE) thí dụ MISTER OBAMA WAS NOT BORN IN KENYA. QUESTION TAG đi theo sau sẽ là một câu hỏi phủ định (NEGATIVE QUESTION) nếu câu phát biểu là câu xác định. Và QUESTION TAG đi sau câu phát biểu phủ định sẽ là một câu hỏi thường.

LÃM THÚY

Thưa anh, anh dùng QUESTION TAG nhưng Thúy cung thấy có người dùng TAG QUESTION. Tại sao vậy?

QA

QA biết. Ông thầy mình nói tiếng Anh, BRITISH ENGLISH. Cô giáo dậy QA ESL nói rằng các nhà văn phạm Anh dùng QUESTION TAG. Trong khi các nhà văn phạm Mỹ thì lại gọi đó là TAG QUESTION, có phải không thầy?

BBT

Đúng vậy. May quá, tuần trước chúng ta vừa nói về NEGATIVE QUESTION thì nay chúng ta lại cần đến chính nó.

Ở trên tôi vừa dùng thí dụ bằng một câu AFFIRMATIVE DECLARATION STATEMENT. PRINCE WILLIAM IS THE FIRST BORN. Thúy gắn cho cái đuôi QUESTION TAG coi.

LÃM THÚY

QUESTION TAG của câu DECLARATION trong thể AFFIRMATIVE phải là NEGATIVE QUESTION. Vậy thì Thúy phải nói IS HE NOT? Hay ISN’T HE?

PRINCE WILLIAM IS THE FIRST BORN, ISN’T HE?

BBT

Đúng rồi. Bây giờ, tôi đưa ra mấy câu AFFIRMATIVE DECLARATION thì hai có cho cái đuôi QUESTION TAG vào cuối nhé. THE PEOPLE GO TO THE POLLS IN NOVEMBER…

QA

THE PEOPLE GO TO THE POLLS IN NOVEMBER, DON’T THEY?

BBT

YOU SPEAK VIETNAMESE AT HOME TO THE KIDS…

LÃM THÚY

YOU SPEAK VIETNAMESE AT HOME TO THE KIDS, DON’T YOU?

BBT

QA cho ba thí dụ dùng các động tự CAN, WILL, SHOULD coi.

QA

SHE CAN TYPE 60 WORDS PER MINUTE, CAN’T SHE?

WE WILL STAYCATION THIS YEAR, WON’T WE?

SHE SHOULD CUT DOWN HER SPENDING, SHOULDN’T SHE?

BBT

Còn Thúy, cho nghe ba câu với BOUGHT, WENT và STUDIED coi. Để ý BOUGHT, WENT và STUDIED là quá khứ (PAST TENSE) nên QUESTION TAG phải là gì nào?

LÃM THÚY

Phải là DIDN’T I, YOU, SHE, HE, WE, THEY? Thí dụ THEY BOUGHT A NEW HOUSE LAST MONTH, DIDN’T THEY?

HE WENT HOME HALF AN HOUR AGO, DIDN’T HE?

SHE STUDIED ECONOMICS AT COLLEGE, DIDN’T SHE?

BBT

Đúng rồi. Bây giờ qua nhũng câu DECLARATIVE phủ định. QUESTION TAG phải như thế nào đây QA?

QA

Thưa anh có phải nếu DECLARATIVE xác định , QUESTION TAG phải là NEGATIVE QUESTION nên nếu DECLARATIVE là phủ định thì QUESTION TAG phải là câu hỏi thường không? Vậy thì QA nói thế này có đúng không?

THE HOUSE IS NOT TOO OLD, IS IT?

HE COULD NOT SPEAK ENGLISH AT ALL WHEN HE FIRST CAME HERE, COULD HE?

WE SHOULD NOT TALK LOUDLY AT THE MOVIE, SHOULD WE?

BBT

Đúng lắm. Thúy cho nghe ba câu với SERVE IN THE ARMY, EAT DOG MEAT, LIKE CHINESE FOOD coi.

LÃM THÚY

HE DID NOT SERVE IN THE ARMY, DID HE?

JAPANESE DO NOT EAT DOG MEAT, DO THEY?

YOU DO NOT LIKE CHINESE FOOD, DO YOU?

BBT

Dễ quá phải không hai cô… QUESTION TAG IS EASY, ISN’ IT? IT IS NOT DIFFICULT, IS IT?

Nhưng có một điều hai cô nên nhớ là cách trả lời những câu tiếng Anh này có khác với cách trả lời của người Việt khi nói tiếng Việt. Nếu cứ dịch sang tiếng Anh thì chắc chắn sẽ sai.

Thí dụ tôi hỏi Thúy THIS BOOK IS NOT GOOD, IS IT?

Thúy đồng ý với nhận định của tôi, tức là Thúy đồng ý cuốn sách đó không hay thì cô trả lời thế nào?

LÃM THÚY

Vâng, cuốn sách đó không hay. YES, THE BOOK IS NOT GOOD.

BBT

Như vậy là Thúy trả lời theo cách của người Việt. Vâng tức là đồng ý. Đồng ý cuốn sách đó không hay. Nhưng người Mỹ thì trả lời khác. Họ sẽ nói rằng KHÔNG, cuốn sach đó không hay. NO, THE BOOK IS NOT GOOD.

Nếu cô thấy cuốn sách đó hay thì cô phải nói thế nào?

LÃM THÚY

YES, THE BOOK IS GOOD.

QA

Đây là trường hợp QA vẫn chưa quen nên cứ bị các con sửa hoài. Bây giờ QA mới biết mình nói sai.

BBT

Thực ra, cô không sai. Cô rất đúng với cách trả lời của người Việt. YES, THE BOOK IS NOT GOOD nghĩa là thưa đúng, cuốn sách không hay hệt như ông / bà đã nghĩ. Nhưng chúng ta nói tiếng Anh nên chúng ta nhường cho họ đúng thay vì nhất định nhận chúng ta mới nói đúng.

Tiếng Pháp thì dễ hơn, không cần phải thay đổi nhiều như tiếng Anh. Trong tiếng Pháp, chỉ cần nói N’EST CE PAS? là đủ. Không cần biết câu DECLARATIVE là xác định hay phủ định, quá khứ, hiện tại hay tương lai. Vậy là đã tạm đủ về QUESTION TAG hay TAG QUESTION. Cô QA hình như có thắc mắc phải không? YOU HAVE ANOTHER QUESTION, DON’T YOU?

QA

Thưa vâng, QA muốn thầy nói về HAD RATHER và WOULD RATHER. QA thỉnh thoảng nghe thấy nhưng không biết dùng nó ra sao. Nó có giống như HAD BETTER không?

BBT

Không một chút nào. HAD BETTER là nên thì hơn, là một lời khuyên, một khuyến cáo. Thí dụ WE HAD BETTER RETIRE OUR CREDIT CARDS. HAD BETTER mạnh hơn SHOULD.

HAD RATHER và WOULD RATHER cùng nghĩa như nhau tuy một số người cho rằng WOULD RATHER lịch sự hơn HAD RATHER. Hai cô nghe câu này bao giờ chưa? I WOULD RATHER BE A DEMON OF MY COUNTRY THAN BE A KING IN YOURS.

LÃM THÚY

Tôi thà làm ma của nước tôi còn hơn là làm vua nước của bạn.

QA

QA nghĩ Quận Công Bảo Nghĩa Trần Bình Trọng, chồng của công chúa Thụy Bảo, khi nói câu đó thì chắc chắn không bằng giọng lễ phép như Lãm Thúy vừa nói nên mới bị quân Nguyên chém đầu tại chỗ khi mới 26 tuổi. Phải mạnh hơn nhiều. Thưa anh, I WOULD RATHER như thế có giống như I PREFER không?

BBT

Ý nghĩa rất giống nhau. I PREFER nghĩa là thích hơn. HAD RATHER nghĩa là thà rằng.

LÃM THÚY

Thưa anh, thể hỏi (QUESTION) của I HAD RATHER GO TO EUROPE FOR VACATION THAN TO CHINA là gì?

BBT

Cô đưa động từ HAD lên đầu theo sau là chủ từ là xong. Cô thử đổi lấy xem sao.

LÃM THÚY

HAD I RATHER GO TO EUROPE?

HAD WE RATHER VOTE FOR MISTER OBAMA AGAIN?

Nhưng thưa anh, tự nhiên khi đổi thành thể hỏi, HAD RATHER lại nghe như SHOULD là làm sao?

BBT

Đúng vậy. HAD RATHER bây giờ nghe lại như SHOULD, nghĩa là nên. Nhưng HAD RATHER thực ra nghĩa là THÀ RẰNG… HƠN LÀ. Như khi nói tôi thà ở nhà còn hơn đi xem cuốn phim quá dở đó. Dùng SHOULD không có nghĩa như thế. SHOULD chỉ có nghĩa là nên mà thôi. QA cho nghe hai ba thí dụ với HAD RATHER coi.

QA

WE HAD RATHER KEEP THIS HOUSE THAN BUY A BIGGER ONE.

THEY HAD RATHER SEND THEIR SON TO CANADA TO STUDY THAN TO FRANCE.

HE HAD RATHER STAY SINGLE THAN MARRY IN HASTE.

BBT

Bây giờ đổi những câu trên thành phủ định nghĩa là thà rằng không làm những chuyện đó thì Thúy đổi thế nào?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ chỉ cần đặt NOT ngay sau RATHER là được phải không chị QA? Thí dụ WE HAD RATHER NOT KEEP THIS HOUSE. THEY HAD RATHER NOT SEND THEIR SON TO CANADA. HE HAD RATHER NOT STAY SINGLE. Và một lần nữa, ý nghĩa của các câu này lại giống như SHOULD NOT phải không thưa anh?

BBT

Đúng thế. Đố cô QA câu này nghĩa là gì: I HAD RATHER BE THE HEAD OF A CHICKEN THAN BE THE TAIL OF A BUFFALO.

QA

Thà làm đầu gà còn hơn làm đuôi trâu.

BBT

Còn Thúy hiểu câu này thế nào: SHE HAD RATHER BE THE NUMBER ONE OF A LOW LEVEL OFFICIAL THAN BE THE NUMBER TWO OF A HIGH RANKING OFFICIAL?

LÃM THÚY

Câu này Thúy cũng đã nghe: thà làm bà lớn của ông bé còn hơn làm bà bé của ông lớn. Nhưng Thúy thì lại nghĩ là I HAD RATHER BE NONE OF THE ABOVE. NO THANK YOU VERY MUCH.

BBT

Đúng là một người khôn ngoan và sáng suốt.

Cám ơn hai cô.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

July 14, 2011

July 15, 2011

Ngày 11 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Sáng Chủ Nhật, chú nhỏ giao báo giao thiếu một tờ, thay vì cả hai tờ Los Angeles Times và Orange County Register, chú chỉ quăng vào cổng sau nhà tôi có một tờ Orange County Register.

Thế nên khi đi ăn sáng, tiện đường tôi ghé vào tiệm 7-Eleven đầu đường mua tờ LA Times. Người đàn ông, nếu không là người Pakistan, thì cũng là người Ấn độ hay Bangladesh, trông vẫn còn phờ phạc sau một đêm không ngủ đứng ở quầy. Tôi đưa tờ giấy hai chục, ông mở két lấy tiền trả lại.

Ông lấy mãi không được mấy tờ một đồng, cuối cùng, ông liền lấy nguyên xấp giấy một đồng trong hộc, đếm lấy mấy đồng.

Và chuyện đếm mấy tờ giấy một đồng là chi tiết cứ trở lại mãi trong đầu tôi mấy hôm nay. Ông thè lưỡi, đưa ngón tay trỏ vào, thấm một chút nước bọt rồi mới nhặt ra mấy đồng một đồng. Cứ mỗi tờ, ông lại đưa ngón tay trỏ vào miệng, thấm chút nước bọt. Tất cả ba lần. Hai tờ giấy mười đồng và năm đồng ông đã lấy từ trước nên không phải thấm nước bọt vào ngón tay trỏ.

Nhưng rồi ông cầm tất cả, xỉa ra từng tờ một, năm lần tất cả, năm lần ông đều thấm chút nước bọt vào ngón tay, rồi mới đếm tiền trả lại cho tôi.

Tôi nhìn ông lấy tiền, đếm trả lại cho tôi mà phát rùng mình. Không lẽ bỏ luôn mười mấy đồng để "tip" cho ông. Gia đình tôi không có ai làm chủ một cái giếng dầu hỏa nào thì làm sao có tiền ăn chơi như các vua và hoảng tử Ả Rập, tiêu toàn petro-dollar, mà cũng không ở trong gia đình các công tử Nam kỳ cụ Vương Hồng Sể kể lại là lấy tiền đốt lên để tìm mấy đồng tiền lẻ rơi dưới đất.

Không thể để "tip" mười mấy đồng cho ông, tôi giơ hai tay đỡ lấy, cuộn lại, cho hết vào túi quần, cầm tờ báo bước ra xa.

Bước ra xe, vừa đi vừa nhớ lại cái lưỡi đỏ của ông, những giọt nước bọt nằm trên cái lưỡi đỏ ấy được ngón tay của ông chấm vào, rồi đưa vào những tờ giấy bạc bằng một cử chỉ như chà, như miết, như lau ngón tay vào những tờ giấy bạc, và bây giờ, chúng đang nằm trong cái túi quần cuả tôi.

Có thể một lúc sau, những hạt nước bọt nhỏ ấy sẽ khô đi, sẽ bay ra ngoài túi quần, nhập vào với không khí ô nhiễm của miền nam tiểu bang California này, rồi cũng gửi gió cho mây ngàn bay, theo cánh hạc đi đi mãi, trắng một mầu mây vạn vạn đời như trong thơ Thôi Hiệu.

Nhưng tại sao tôi phải giữ những tờ giấy dính nước bọt của người đàn ông già Ấn độ, Pakistan, Bangladesh đó trong túi áo? Tại sao tôi phải thò hai tay đỡ lấy chúng, rồi bỏ hết vào túi để vào xe ngồi nghĩ lại mà kinh.

Tại sao tôi không phản đối ngay tại chỗ, bảo ông là "khoan khoan đừng có liếm tay / vi trùng dính lại biết ngày nào ra". Chắc không được. Không thể vi phạm nhân quyền ông như thế. Không thể kỳ thị như vậy.

Nên phải ngấm ngầm đau khổ vậy.

Trong những trường hợp thông thưòng, chắc chắn tôi không thể xin ông miết cho một ít nước bọt vào tay, thế mà hôm chủ nhật tôi để cho nước bọt của ông theo vào tận trong túi quần mang đi chơi khắp nơi.

Những con vi trùng gì đấy của ông thế là bám vào trong quần của tôi. Tôi phải làm gì với chúng?

Cái lưỡi đỏ và những giọt nưóc bọt của ông cứ lởn vởn trong đầu tôi mãi cho đến lúc ăn sáng xong, về nhà mở tờ báo ra đọc.

Và tôi chợt nhớ đến một cách nói của người Việt Nam. Đồng tiền nhơ bẩn.

Thôi đúng rồi, đồng tiền dơ bẩn, nhơ bẩn. Mấy tờ giấy bạc ấy chứ còn đâu nữa.

Nhớ một lần dẫn người bạn mới từ Việt Nam sang đi xem thoát y vũ ở thủ đô Washington. Khách xem vũ đến đoạn trình diễn cuối của các vũ nữ đều thưởng tiền cho các cô bằng cách gài những đồng bạc vào mảnh vải cuối cùng còn ở trên người của các cô, mà khu vực ấy thì lại không ở phía trên, chắc để cho khách cài tiền vào cho dễ. Bạn tôi, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ra về cứ chê tiền bạc bên Mỹ không sạch sẽ bao nhiêu ngay từ cái hôm đầu tiên đến Mỹ ấy.

Tôi chợt nhớ một hai lần quăng quần áo vào máy giặt, lúc bốc sang máy sấy thì tìm được mấy đồng bạc để quên trong túi áo, túi quần còn dính vào thành máy giặt. Lấy ra, mầu sắc vẫn còn nguyên, phơi lên nắp máy sấy, chiều về đã khô, sẵn sàng để đem đi uống cà phê Satrbucks.

Bèn mang cả chiếc quần mặc hồi sáng với nguyên mấy đồng bạc trong túi ném hết vào máy giặt cùng với một đống quần áo khác.

Thế là yên trí, hết bị cái lưỡi đỏ của người đàn ông trong tiệm 7-Eleven làm đau đầu.

Nhưng như thế mới chỉ giải quyết xong có chuyện mấy đồng bạc sáng chủ nhật ở tiệm 7-Eleven. Trong khi ở Los Angeles có mấy trăm cái hộp đêm có vũ khỏa thân, mà lại còn khỏa thân bạo hơn ở Washington DC hồi mấy chục năm trước và những cách thưởng tiền của khách cũng bạo hơn thì phải làm sao? Làm sao biết những đồng tiền đưọc trao vào tay của chúng ta, tối hôm trước nó từ mấy cái hộp đêm vũ sexy theo các cô về nhà ?

Lúc ấy phải làm sao?

Cứ phải "rửa tiền" mỗi ngày hay sao? Mà rửa tiền, money laundering, cho sạch thì tại sao lại có luật cấm và nghiêm phạt?


Ngày 12 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Bài Mama From The Train, một ca khúc của Irving Gordon tôi nghe đã lâu lắm, lúc đầu không hiểu bài hát định nói gì, nhất là mấy câu nguyên văn như thế này:

Throw mama from the train, a kiss, a kiss
Wave mama from the train goodbye
throw mama from the train, a kiss, a kiss
And don’t cry my baby don’t cry...

Cứ hiểu đằng thẳng ra, thì ai chẳng nghĩ là ném mẹ từ trên xe lửa xuống. Có ai nỡ làm thế. Nhưng nghe kỹ, thì là hãy gửi cho mẹ một chiếc hôn gió từ trên xe lửa, hãy vẫy tay chào mẹ từ trên xe lửa, hãy gửi cho mẹ chiếc hôn gió, thôi đừng khóc nữa...

Bài hát cảm động của một người mất mẹ, nhớ lại người mẹ hiền lành, quê mùa, nói thứ tiếng Anh bồi giọng Hà Lan ở Pennsylvania đứng trên thềm ga xe lửa tiễn con, còn dặn con đi vui vẻ đừng khóc.

Tác giả Irving Gordon viết những câu đầu của bài hát đã cố ý dùng thứ tiếng Anh không đúng văn phạm, câu cú lộn xộn của những nguời di dân Hà Lan lập nghiệp ở đông bắc Hoa kỳ gọi là Pennsylvania Dutch.

Tôi chợt nhớ lại bài hát ấy khi đi ăn với người bạn ở một tiệm ăn tối hôm qua.

Ngồi gần bàn chúng tôi là một gia đình mà chúng tôi không thể không thấy, vì khoảng cách giữa hai bàn không bao nhiêu và những người ngồi ở bàn lại ở ngay chỗ chúng tôi ngó ra. Gia đình có bốn người, cụ ông và cụ bà khoảng bẩy chục, người con trai có vợ là một cô đầm Mỹ đi cùng.

Hai cụ trông buồn bã và lạc lõng hết sức. Nhất là cụ ông, cứ ngó lên trần nhà, không nói gì, cả với cụ bà ngồi bên cạnh. Và cụ bà thì cũng buồn bã và lạc lõng không kém. Cụ không ngó cụ ông, và cũng như cụ ông, cụ cũng tránh né không nhìn nguời con trai và người phụ nữ mà chúng tôi đoán là con dâu Mỹ của cụ.

Cặp vợ chồng ngoài bốn mươi này trông cũng lạc lõng và buồn hết sức. Họ nói với nhau rất nhỏ, và hình như cũng không nói gì nhiều với nhau.

Chúng tôi tin chắc vấn đề của gia đình ngồi bàn bên cạnh là ngôn ngữ.

Có thể hai cụ không nói được tiếng Anh. Cô con dâu Mỹ không nói được tiếng Việt. Hai vợ chồng chỉ nói với nhau bằng tiếng Anh.

Họ không nói với nhau nhiều, có thể là họ sợ nói với nhau bằng tiếng Anh, thì hai cụ bị gạt ra ngoài câu chuyện. Mà người đàn ông nếu nói với cha mẹ bằng tiếng Việt thì lại gạt vợ ra ngoài.

Hai cụ không nói được tiếng Anh,chỉ nói tiếng Việt thì lại sợ làm như thế là gạt cô con dâu ra ngoài.

Hai vợ chồng người con nói rất nhỏ với nhau. Ông bà cụ im lặng ngồi cạnh, không ngó nhau, cũng không nhìn vợ chồng người con. Cụ ông nhìn trần nhà, cụ bà ngó đi một chỗ khác.

Bữa ăn tối im lặng một cách ngột ngạt. Sự im lặng mà nghe lại thấy toàn những tiếng động inh tai nhức óc.

Bữa ăn tối đáng lẽ đã diễn ra một cách vui vẻ, thì bốn người ngồi đó như nhũng người đang phải gánh chịu những cực hình kinh khủng nhất.

Cũng không trách được ai trong cảnh tượng như thế.

Người con trai có thể chỉ mới đây mới đón được cha mẹ từ Việt Nam qua. Hai cụ sang đến Mỹ thì một số chuyện đã xẩy ra. Mà chuyện đã xẩy ra đó thì hai cụ không thể làm gì để can thiệp được. Và cũng không nên can thiệp vào những chuyện như thế.

Không ai có thể sống hộ đời sống của người khác. Con của các cụ có đời sống riêng. Các cụ không thể can thiệp được nữa. Mà cho dù là có thể can thiệp được thì liệu sự can thiệp đó có làm cho mọi chuyện tốt đẹp hơn không, hay lại càng làm cho chuyện khó khăn thêm?

Hai cụ có thể trước đây ở Việt Nam đã có một đời sống rất khác. Cụ ông có thể lầu lầu tiếng Pháp, cụ bà có thể tiếng Việt giọng sông Cửu long hết sức quyến rũ.

Sang Mỹ, hai cụ phút chốc trở thành những người câm và điếc. Người con trai hai cụ gửi gấm cho người quen giúp vượt biên sang Mỹ, được cho đi học tử tế, kiếm được công việc xứng đáng, và đời sống đưa đẩy đến một đời sống mà cha mẹ không nghĩ tới. Người con trai đưa được cha mẹ sang Mỹ, tưởng làm vui lòng cha mẹ lúc tuổi già cuối đời.

Nhưng bữa tối tại nhà hàng hôm qua hình như không được như cả hai phía vẫn mong muốn. Người con trai không có lỗi gì. Người con dâu thì lại càng không một sai lầm nào.

Hai cụ cũng không có điều chi sai lầm. Chỉ tại ngôn ngữ bất đồng.

Người con trai đến nước Mỹ khi còn rất nhỏ, tiếng Việt lúc ấy chưa có được bao nhiêu, và nay thì có thể đã quên gần hết. Vài câu chào hỏi xong thì không còn gì để nói nữa. Tiếng Việt đã cạn gần hết. Còn hai cụ, những bài học tiếng Anh thời còn đi học nay cũng đã quên không còn để lại được bao nhiêu. Không lẽ cứ Anglais Vivant 6ème Bleu đây là ông Brown, ông Brown là một người đàn ông, đây là Jock, Jock là một con chó, Jock là một con vật, Jock không phải là người.

Thôi thì đành im vậy, nói ra con dâu nó cười chết.

Nhưng thưa cụ, tại sao cụ lại nghĩ thế. Ít nhất cụ cũng có cuốn 6ème Bleu lót lòng. Cụ cứ nói đi. Chắp mãi thì cũng thành câu: cá thì ngon, cám ơn con, cám ơn Jessica, mẹ yêu các con, cám ơn Jessica đã yêu con trai của bố...

Dễ mà thưa các cụ. Cứ nói đại đi, đừng sợ ai cười. Cô con dâu Mỹ nếu có nói được vài ba câu như thế các cụ có cười không? Các cụ chắc chắn sẽ yêu cô con dâu với hai ba câu tiếng Việt ấy chứ?

Không ai cười các cụ đâu. Cười hở mười cái răng, thưa hai cụ.


Ngày 13 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Mấy hôm trước, tại một buổi tụ họp, một thanh niên hỏi tôi rằng tại sao ở ngoài Việt Nam đã lâu như thế mà tôi vẫn nói được tiếng Việt.

Người thanh niên này mới từ Việt Nam sang sống ở Mỹ. Không hiểu tại sao anh lại nghĩ là tôi có thể quên tiếng Việt. Tôi nói với anh rằng tôi ở Bắc Mỹ hơn ba chục năm, nhưng có ở thêm hai chục năm nữa, thì tôi vẫn nói tiếng Việt như ngày hôm nay.

Có thể quên một vài chữ, nhưng đến độ quên hẳn, không còn nói được tiếng Việt thì nhất định không. Anh nói với tôi là tại sao lại có những người tuổi tác cũng như tôi, hay ít hơn tôi vài ba tuổi, mà về nước thăm nhà, không còn nói được tiếng Việt lưu loát nữa, cứ phải nghĩ bằng tiếng Anh rồi dịch sang tiếng Việt.

Tôi trả lời là tôi không biết những trường hợp đó. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn nghĩ bằng tiếng Việt, và dịch sang tiếng Anh nên tiếng Anh của tôi rất là tầm bậy tầm bạ.

Giọng tiếng Việt cuả tôi. Cái giọng đó vừa mới có được 6 hay 7 năm là đã bỏ miền Bắc. Nhưng các dấu hỏi ngã có bao giờ sai đâu, và vẫn tiếp tục nói sai bất chấp X hay S, CH hay TR như hồi còn ở phố Sinh Từ Hà Nội.

Duy có điều là tiếng Việt cuả tôi có bị Mỹ hóa đi đôi chút. Thụ động cách (passive voice) được đem dùng nhiều hơn. Thí dụ như câu nói vừa rồi. Người nói tiếng Việt thuần tuý thì mấy ai nói như thế. Phải nói là tôi dùng thụ động cách nhiều hơn mới đúng là Việt thuần tuý.

Nhưng tôi vẫn cho rầng tôi còn nói tiếng Việt.

Tiếng Việt từ lúc còn ngọng ríu ngọng rắt đến nay vẫn còn nguyên. Làm sao mà quên được nó. Cái tiếng nói đã vào trong máu, đã nằm một đống ở vô thức, tiềm thức, ý thức làm sao đem nó đi chỗ khác được.

Tiếng Việt của những bài tập làm văn ở tiểu học, những giờ tập đọc của các thầy giáo, cô giáo dậy cho, rồi lại học ở sân trường bao nhiêu điều quí báu từ những người bạn cùng tuổi, những câu chửi thề tục tĩu, những câu dùng để cãi nhau, những bài hát được đặt cho những lời ca mới mang về nhà hát bị đòn nhớ đời thì làm sao quên?

Làm sao quên khi được những xao xuyến khi đọc được câu Chinh Phụ Ngâm … ngập ngừng lá rụng cành trâm / nửa đêm nghe dậy tiếng cầm xôn xao...

Ý nghĩa thì không biết thế nào, nhưng đó là hai câu làm bâng khuâng suốt một buổi sáng ngồi trong lớp đệ ngũ trung học.

Làm thế nào quên được bản dịch bài viết về Kiều của Chu Mạnh Trinh bằng giọng văn dịch của Đoàn Quì: Ta vốn nòi tình thương người đồng điệu… Làm sao quên được câu nhún mình bi thảm của Hoạn Thư rằng tôi chút phận đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Tôi không nghĩ tôi có thể quên cái tiếng nói chuyên chở bằng ấy thứ.

Cho dù có lạc lên hoang đảo không có ai trò chuyện thì vẫn nói chuyện với mình. Suy nghĩ lớn lên bằng tiếng nói. Như thế thì làm sao quên đưọc.

Không lẽ Robinson trên hoang đảo quay ra nói bằng tiếng của con két hay tiếng của anh chàng Friday, như nhân vật của Daniel Defoe.

Tôi rời Việt Nam lần đầu là năm 18 tuổi. Ở tuổi đó, tiếng nói của một người đã phát triển đầy đủ. Tiếng nói có được sau đó là thứ tiếng phụ. Có quên thì quên thứ tiếng học sau. Em tôi học cao học đại học Nhật sang Canada sống nay đã quên gần hết tiếng Nhật. Tiếng Nhật chỉ còn sót lại vừa đủ để gọi mấy món trong tiệm sushi.

Nhưng tiếng Việt thì không thể quên được.

Có thể những em sang Mỹ quá sớm, đi học trường Mỹ, không có cơ hội nói tiếng Việt thì chuyện không nói được tiếng Việt có thể hiểu được. Tiếng Việt mang theo ở Việt Nam năm 7 hay 8 hay 10 tuổi thì không thể giống như tiếng Việt của một thanh niên đã học xong trung học Việt Nam. Những năm 13, 15, 17 là những năm tiếng Việt đi những bước phức tạp nhất. Các em không ở trường Việt để cho tiếng Việt phát triển thì đã bị nhận chìm vào đời sống Mỹ. Chuyện quên tiếng Việt có thể hiểu được.

Nhưng đã ở với tiếng Việt hai chục, ba chục, bốn chục năm thì không thể quên được. Có thể nói không hay. Nhưng quên đến độ không nói được nữa thì rất khó.

Nói rằng quên tiếng Việt sau một số năm sống ở Mỹ chỉ là một cách khoe ngầm là đã trở thành Mỹ rặt thì có.


Ngày 14 tháng 7 năm 2011

Bạn ta,

Trong Fatal Attraction, cuốn phim kể chuyện một người đàn ông (do Michael Douglas đóng), đang vui vẻ hạnh phúc với vợ con thì dính vào một liên hệ với một phụ nữ (do Glenn Close đóng).

Nội vụ đổ bể, Anne Archer, người vợ biết chuyện liền lập tức thẳng tay đuổi người chồng ra khỏi nhà. Nhìn cảnh Michael Douglas quơ vội mấy món quần áo cho vào trong cái va li nhỏ, đi ra ngủ ở hotel, và mặc dù đó chỉ là cảnh trong phim, lúc ấy tôi vẫn cảm thấy bực vô cùng. Đồng ý là người chồng có lỗi. Nhưng thấy chàng bị vợ đuổi tôi vẫn thấy hết sức bất công. Nhà thì là nhà của chung hai người, vừa sa ngã một cái là người đàn ông bị vợ đuổi ngay ra khỏi nhà.

Tuy thế, chuyện quần áo ra đầu đường có thể là một việc làm nên làm lắm chứ không phải là không.

Mà đó là hai người mới chỉ cãi nhau một trận. Chưa tìm luật sư làm cái đơn li dị, giấy tờ cũng chưa nằm ngoài tòa. Vậy thì tại sao lại không thể vườn ta, ta trồng, bếp ta, ta làm, nhà ta, ta ở … cứ như business as usual, mọi việc bình thường như chưa có sứt, có mẻ miếng nào cả?

Nhưng nghĩ lại thì tôi lại tin là nên rời khỏi nhà càng sớm càng tốt. Nhất là sau bản tin trên tờ Orange Register cách đây hai ba ngày về một người đàn ông nấn ná ở lại căn nhà của hai người trong khi cơm đã không còn lành, canh đã không còn ngọt và cả hai đang tiến hành thủ tục li dị tại tòa.

Hiện chưa rõ nguyên nhân nào đưa tới việc người đàn bà ở Garden Grove đã phải hạ một chiêu khủng khiếp như thế. Theo tin của báo Register thì chiều tối hôm 11 tháng 7, người đàn bà nấu bữa tối cho người đàn ông. Cảnh sát chưa biết những gì được bỏ vào những món ăn tối nhưng sau khi ăn xong, người đàn ông lên giường ngủ mê mệt. Ông ta bị người đàn bà dùng dây trói vào giường rồi đánh thức dậy, và lấy một con dao dài 10 inches cắt đứt lìa bộ phận chiến lược của ông ta, ném vào cái máy xay rác trong bếp và bật nút cho máy chạy. Người phụ nữ này sau đó gọi 911 xin cấp cứu cho nạn nhân, và khi cảnh sát tới nơi, bà nói rằng người đàn ông rất đáng bị hình phạt đó.

Người đàn ông 60 tuổi đang phải nằm bệnh viện, tình trạng không đến nỗi nguy hiểm tới tính mạng. Người đàn bà 48 tuổi đã ra tòa sáng hôm qua, tòa định tiền thế chân là 1 triệu đô la.

He deserves it! Đó là nguyên văn lời của bà nói với cảnh sát khi cảnh sát tới nhà của hai người.

Chắc ông ta phải phạm một cái lỗi gì to lắm. Thường phải là lỗi về tình ái thì mới làm cho người đàn bà giận đến như thế. Nhưng hai người đang tiến hành việc li dị thì còn tiếc, còn ghen tuông cái nỗi gì nữa?

Liệu có khôn ngoan không nhỉ, khi hướng lòng mình về một người đã rũ áo ra đi? Câu thơ của Tagore trong cuốn The Gardener vẫn còn đó. Chân đã bước đi, tà áo đã bị giật đứt, thì sao không để cho nó đi cho khuất mắt? Có đứa nào dại dột hứng lấy nó thì cứ im lặng cho đứa ngu dại kia ráng mà chịu. Thương tiếc, bực bội mà làm gì để giận mất khôn rồi tù tội. Chi bằng cứ để cho nó ra đi với đứa khác… cho đáng đời cả hai đứa?

Không chỉ he deserves it, mà là they deserve each other có phải là vui hơn không.

Nhưng việc làm của người phụ nữ này lại là việc đã có nhiều người làm trong quá khứ. Ở Manassas, Virginia, cũng đã xẩy ra một vụ tương tự, nhưng người đàn ông gươm gẫy lại lành nhờ tìm thấy được bộ phận bị cắt ném ra đường mặc dù kiến đã bắt đầu bò đến định khuân đi. Ở Việt Nam, Thái Lan trong mấy năm gần đây cũng đã xẩy ra những vụ tương tự.

Tại sao? Phải chăng vì cái kiến trúc do sự vụng về của ông Tạo nên người phụ nữ, gần như tất cả các hung thủ đều là phụ nữ, mỗi khi điên tiết lên thì đều đi một đường đao để trừng phạt những người đàn ông bằng cùng một biện pháp đó.

Bản tin báo Register cho biết người ta đã móc ra được những mảnh vụn của bộ phận bị máy xay rác cắt nát đem đến bệnh viện nhưng dường như các y sĩ đã không thể kim chỉ cứu vãn được.

Nhưng chàng tuổi tác đã ngoài 60, nên nếu có may vá lại được thì cũng chỉ còn dùng nó vào việc bài tiết. Chức năng khác của nó nhiều phần đã bỏ chủ ra đi từ mấy năm trước như căn phần của đa số những người đàn ông khác.

Vì thế, người đàn bà đã làm một công việc vô ích. Có ai lại dại dột nổi lửa đốt một chiếc xe hư máy, hết thuốc chữa đã nằm ụ từ mấy năm nay bao giờ?

Chi bằng nhổ cho một bãi nước miếng, nhún vai bất cần, bỏ đi kiếm một chàng trẻ tuổi khác, dẫn diệu qua mặt nó mỗi ngày cho nó tức điên lên, để rồi nhồi máu cơ tim mà chết có phải vui hơn không?

Chuyện này xẩy ra có thể sẽ đưa tới việc các chuyên viên địa ốc sẽ phải kèm thêm chi tiết về căn nhà là những chiếc máy xay rác (garbage disposal) đã được tháo gỡ, hay đã được phá cho hỏng thì mới có thể bán được chúng, giúp phục hồi nền kinh tế Hoa kỳ chăng?

Còn những người đàn ông khôn hồn sẽ phải nằm sấp mỗi khi đi ngủ. Hồn ai nấy giữ. Gươm ai nấy … đeo. Kiếm ai nấy … đấu. Dao ai nấy … cắt.

Thế giới sẽ hòa bình hơn chăng?


Ngày 15 tháng 7 năm 2010

Bạn ta,

Tựa cuốn sách của Eugene Burdick và William Lederer The Ugly American thực ra phải hiểu là Người Mỹ Xấu Chơi thay vì là Người Mỹ Xấu Xí, vì cái xấu của đại sứ White, nhân vật chính trong cuốn sách là những trò chơi xấu về mặt chính trị mà thôi. Vai đại sứ White trong cuốn phim dựng từ cuốn sách do Marlon Brando đóng trong lúc Marlon Brando trong thời đẹp nhất của chàng. Ông không thể là người Mỹ xấu xí được. Ông cũng là một nhà ngoại giao lịch sự từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói.

Nhưng cuốn sách của Bá Dương viết về đồng bào của ông mà dịch giả Nguyễn Hồi Thủ dịch là nguời Trung quốc xấu xí thì quá đúng. Cả về cử chỉ, hành động đến cách suy nghĩ.

Một vài người đọc cuốn sách này, mà nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến có nhắc lại trong bài điểm cuốn sách của bà, thì cho rằng nếu không có những chữ người Trung Quốc, thì chúng ta đã soi thấy hình ảnh của chính chúng ta trong những trang sách của ông Bá Dương.

Nhiều lúc người đọc bản dịch của ông Nguyễn Hồi Thủ nghĩ rằng chính ông Nguyễn Hồi Thủ đã viết cuốn sách ấy để nói cạnh nói khoé người Việt.

Nhưng thực ra, ông Bá Dương nói về các đồng bào của ông thôi. Những trùng hợp với vài chuyện ngoài đời của chúng ta chỉ là ngẫu nhiên ngoài sự cố ý của người viết.

Một buổi sáng tôi đi ăn sáng với người bạn về, đang đi trên đưòng Brookhurst, đến khúc gần ngã tư Bolsa, thì tôi thấy chiếc xe chạy trước xe tôi nhận còi inh ỏi. Xe ở Mỹ ít khi dùng đến còi ngoại trừ những trường hợp rất hãn hũu. Khi xe tôi chạy thêm được một khúc thì tôi hiểu tại sao hai thanh niên da trắng ở xe trước phải dùng tới còi xe của họ.

Trên lề đường phía ta phải, một người đàn ông Á châu cao niên đang đứng quay mặt vào bức tường ngang hông một khu mobile homes. Ông phải là người lớn tuổi vì mái tóc đã bạc, quần áo tươm tất, đầu đội mũ. Dưới chân ông, một dòng nước ngoằn ngoèo đang chẩy lan ra đường đi.

Người đàn ông, bất chấp tiếng còi xe của hai thanh niên lái chiếc xe mui trần, vẫn tiếp tục đáp ứng thôi thúc của thiên nhiên. Ông bình thản, không quay lại, dòng nước tiếp tục ngoằn ngoèo dưới chân trên mặt đường xi măng. Đoàn xe lúc ấy dừng lại vì kẹt đèn đỏ ở phía trước nên rất nhiều xe trông thấy ông làm công việc ấy. Nguời đàn ông khoan thai làm xong việc, kéo cái zipper lên, rồi quay ra đi tiếp về phía đường Bolsa làm như không có gì xẩy ra. Ông đi chậm rãi. Từ đó đến ngã tư chỉ một quãng ngắn. Và ở ngã tư Brookhurst Bolsa, có nhiều cửa tiệm của người Việt. Phải chi ông chịu khó đi tới một chút, vào bất cứ tiệm ăn nào cũng có thể làm công việc ấy một cách kín đáo. Nhưng không, ông đang đi, thấy mót đái, ông đứng lại, hồn nhiên vạch quần đái ngay tại chỗ. Xin lỗi thính giả, người đàn ông già này đái, đái bậy, đái đường chứ không tiểu tiện gì hết. Ông ta không xứng đáng đưọc dùng những chữ thanh tao và lịch sự hơn. Ông ta đứng đái như những sinh vật vẫn hồn nhiên làm ướt những cái cột đèn, những cái gốc cây giữa ban ngày, ban mặt, ngay nơi nhĩ mục quan chiêm, ai cũng có thể thấy được hành động thiếu giáo dục, bất lịch sự đó của ông.

Thế rồi ông ta đi tiếp. Không biết sau đó, trong buổi sáng hôm thứ bẩy, ông có bắt tay bạn bè, xoa đầu mấy đứa bé bất hạnh nào không.

Nếu lúc ông đứng đái là buổi tối, đèn đường không có ở khúc đường ấy thì mức độ bỉ ổi của ông cũng không lớn bao nhiêu, vì cũng không ai biết. Nhưng ông đã làm công việc đứng đái bậy như những con vật để bao nhiêu người, trong đó có cả những người không phải là người Việt ở một khu trong thành phố mà ai cũng biết rằng đa số dân ở đó là người Việt.

Tồi bại không thể nói sao cho hết được.

Chưa hoàn hồn về người đàn ông già đái bậy này thì buổi tối, tại một buổi nghe nhạc, tôi lại có dịp thấy một nguòi đàn ông già xấu xí khác.

Chương trình nhạc vừa bắt đầu thì ở hàng ghế D vọng lên một nửa cuộc điện đàm. Cứ vài giây để bên kia nói, người đàn ông này lại trả lời, thăm hỏi mọi người phía bên kia đầu dây bằng một giọng khá lớn. Những người ngồi trước, sau ông hai hàng ghế có thể nghe thấy ông rất rõ. Phải chi mà cuộc diện đàm để giải quyết chuyện ngưng bắn ở Trung Đông giữa Palestine và Israel hay gỡ cho nước Mỹ ra khỏi thế kẹt hiện nay thì cũng được đi. Nhưng nửa đoạn đối thoại của ông chỉ là mấy câu trao đổi tầm bậy tầm bạ, tào lao xịt bộp. Thế mà ông vẫn cứ tiếp tục cuộc đối thoại trong khi những người dự buổi trình diễn nhạc đang rất khó chịu, trong đó cũng có cả vài ba người Mỹ.

Không xấu người ăn tục mà xấu người bẻ đũa. Câu tục ngữ Việt Nam mang một chút ý nghĩa là nên nhẹ nhàng với những người tham ăn tục uống vì phản ứng mạnh quá, bẻ đũa quăng xuống mâm có thể lại bị coi là xấu hơn người ăn tục.

Nhưng người ta phải làm gì với nhũng người đàn ông Việt Nam xấu xa đó? Có nên dừng xe lại, cho ông ta một bài học ngắn về văn minh, văn hóa, lịch sự, công dân giáo dục không? Và với người đàn ông nói điện thoại lớn trong rạp hát thì có cần mắng cho ông ta mấy câu cho ông ta im cái mồm lại chăng?

Đó cũng là những người Việt xấu xí vậy. Đồng bào của ông Bá Dương không độc quyền những chuyện đó.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 105)

NEGATIVE QUESTIONS

Bản chuyển tả do QA thực hiện. Bài học số 105 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 9 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại. Trước khi bài học hôm nay bắt đầu, QA thấy Trúc Giang đã có sẵn câu hỏi để hỏi ông thầy rồi. Mời Trúc Giang.

TRÚC GIANG

Thưa chú, trong những bài học Anh ngữ đầu tiên ở lớp ESL, English as a Second Language, các thầy, cô giáo đều dậy rằng SOME được dùng trong những câu xác định, AFFIRMATIVE, và ANY được dùng trong những câu phủ định, NEGATIVE và nghi vấn, INTERROGATIVE. Nhưng rồi cháu cũng lại thấy có những trường hợp SOME được dùng trong cả những câu hỏi nữa. Dùng như thế có đúng không thưa chú?

BBT

Dùng như thế cũng đúng. Trong những bài học đầu tiên, thì Trúc Giang được dậy là dùng SOME trong những câu xác định thí dụ WE MEET SOME VERY NICE PEOPLE IN BANGKOK. Trong câu hỏi, chung ta phải dùng ANY như khi nói DID YOU MAKE ANY FRIENDS IN WASHINGTON D.C.?

QA

Không biết QA nói thế này có đúng không: đó là khi hỏi DID YOU MAKE ANY FRIENDS IN WASHINGTON D.C.?, người hỏi không hề biết người kia có làm quen được người bạn nào mới nào hay không. Có thể có và cũng có thể không. Người hỏi không biết người kia có quen thêm bạn bè mới hay không. Phải vậy không thưa anh?

BBT

Đúng lắm. Nhưng hai cô cũng biết là có khi chúng ta hỏi mà thực ra trong đầu chúng ta đã nghĩ là người kia tính tình cởi mở, thân thiện thì chắc thế nào cũng quen thêm được những người bạn mới. Vì thế, trong câu hỏi của người hỏi đã có nhiều phần nghĩ là người ấy có thêm vài ba người bạn mới. Trong trường hợp đó, chúng ta dùng SOME thay vì ANY để thành DID YOU MAKE SOME NEW FRIENDS ?

TRÚC GIANG

Cháu vừa đi Mexico về thì bạn cháu hỏi ngay : DID YOU TRY SOME LOBSTERS IN ROSARITO? bây giờ cháu mới hiểu là cô ấy chưa hỏi là đã nghĩ cháu có thử món tôm hùm ở đó rồi.

BBT

Đúng vậy. QA sẽ hỏi người bạn vừa đi Hán Thành về để cho thấy là cô cũng đã đi Đại Hàn rồi?

QA

QA sẽ hỏi DID YOU BUY SOME GINSENG AND SOME SILK AT DONGDAEMUN MARKET? Hỏi như thế là vì QA biết cô bạn này hay đi shop lắm, tới Hán Thành, thế nào cô cũng phải ghé khu Đông Đại Môn để mua sâm và lụa để làm quà cho cụ ông và cụ bà. Nếu không biết gì về tính thích mua sắm của cô thì QA sẽ hỏi DID YOU BUY ANY GINSENG OR ANY SILK?

BBT

Chúng ta cũng dùng SOME thay vì ANY trong những câu hỏi có ý nghĩa mời mọc và muốn phía được mời nhận lời mời, hay trong lời đề nghị, gợi ý của chúng ta. Thí dụ đây là một lời mời trong hình thức của câu hỏi: WOULD YOU LIKE SOME COFFEE? Hay trong một đề nghị: DO YOU WANT SOME SUGAR OR SOME MILK WITH YOUR COFFEE?

QA

Thưa anh, những chữ ghép từ SOME và ANY cũng được dùng như mấy ngoại lệ như anh vừa nói chứ? Những chữ như SOMEBODY, ANYBODY, SOMEWHERE, ANYWHERE, SOMETHING, ANYTHING …

BBT

Đúng vậy. Trúc Giang có thấy sự khác biệt giữa hai câu này không? DID YOU SEE SOMEBODY YOU KNOW AT THE PARTY? và DID YOU SEE ANYBODY YOU KNOW AT THE PARTY?

TRÚC GIANG

Cháu hiểu câu DID YOU SEE SOMEBODY YOU KNOW AT THE PARTY? là ông có gặp ai quen ở party không. Khi hỏi câu này, cháu đã nghĩ chắc là có vì ông ấy quen biết rất nhiều nên thế nào ông ấy cũng gặp vài ba người quen. Nhưng câu DID YOU SEE ANYBODY? thì cháu không biết gì về cách giao thiệp của ông ấy, cháu không biết ông ấy là người quảng giao hay là người ít bạn. Có thể có và cũng có thể là không.

BBT

Cám ơn Trúc Giang. Trúc Giang hiểu rất đúng. QA cho hai thí dụ với SOMETHING và ANYTHING cùng với lời giải thích coi cô đã hiểu rõ cách dùng của chúng hay chưa.

QA

DID SHE HEAR SOMETHING FROM HIM? QA dùng SOMETHING vì QA biết ông ấy, QA biết ông ấy có cảm tình với cô ấy nên chắc thế nào ông ấy cũng liên lạc với cô ấy. Nhưng khi hỏi DID SHE HEAR ANYTHING FROM HIM? thì đó là khi QA không biết gì về ông ấy, không biết ông ấy nghĩ sao về cô ấy, ông ấy có thể liên lạc mà cũng có thể là không liên lạc với cô ấy.

BBT

Đúng rồi. Bây giờ nói qua ANY. Trúc Giang nói hồi nẫy rằng SOME dùng cho những câu AFFIRMATIVE và ANY dùng cho những câu NEGATIVE và INTERROGATIVE. Nhưng như hai cô đã thấy: không phải bao giờ cũng dùng SOME trong câu AFFIRMATIVE mà SOME có thể xuất hiện trong nhũng câu hỏi nữa. Cũng thế, ANY không phải chỉ được dùng trong thể hỏi tức là QUESTION FORM hay INTERROGATIVE MOOD, và thể chối, thể phủ định tức là NEGATIVE. Các cô sẽ thấy là ANY cũng có thể dùng trong các câu AFFIRMATIVE khi nó mang nghĩa là BẤT CỨ. Thường thì nó đi kèm với BODY, THING, WHERE, TIME để thành ANYBODY, ANYTHING, ANYWHERE, ANYTIME … QA thử dùng cách dùng này trong thí dụ với ANYBODY và ANYTHING coi.

QA

IN SAN FRANCISCO, YOU CAN ASK ANYBODY HOW TO GET TO THE GOLDEN GATE BRIDGE tức là hỏi bất cứ ai ở Cựu Kim Sơn cũng được hướng dẫn đường đi tới cầu Kim Môn.

WE CAN BUY ANYTHING AT HARRODS DEPARTMENT STORE IN LONDON, ANYTHING FROM AN AIRPLANE TO A ZEBRA. Ở tiệm Harrods, Luân Đôn, chúng ta có thể mua bất cứ cái gì cũng có ngay, cho dù đó là một chiếc máy bay hay một con ngựa vằn, tức là FROM A TO Z.

BBT

Bây giờ đến lượt Trúc Giang với ANYWHERE và ANYTIME.

TRÚC GIANG

IN LONDON, PEOPLE CAN GO ANYWHERE BY TUBE là ở Luân Đôn, người ta có thể đi bất cứ nơi nào trong thành phố bằng xe điện ngầm.

WITH ATM MACHINES, WE CAN WITHDRAW MONEY ANYTIME nghĩa là với máy ATM (AUTOMATIC TELLER MACHINE) chúng ta có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào.

QA

Thưa anh, QA nhớ ban The Beatles có một ca khúc tựa là ANYTIME AT ALL. Vậy AT ALL nghĩa là gì?

BBT

AT ALL trong trường hợp này chỉ giúp cho ý nghĩa của câu nói mạnh hơn, hay làm cho ý nghĩa được nhấn mạnh thêm mà thôi. Bài hát ngay câu đầu là ANYTIME AT ALL, ANYTIME AT ALL, ANYTIME AT ALL, ALL YOU ‘VE GOTTA DO IS CALL AND I’LL BE THERE… nghĩa là bất cứ lúc nào, bất cứ lúc nào, bất cứ lúc nào, em chỉ cần gọi là anh đến ngay… Trong tiếng Việt, AT ALL có thể là tương đương với HẾT TRƠN, HẾT TRỌI… Bất cứ lúc nào hết trơn hết trọi vậy đó… em chỉ cần gọi một tiếng là anh trình diện ngay.

TRÚC GIANG

Cám ơn chú. Cháu còn có một thắc mắc khác nữa. Thưa chú, thế nào là câu hỏi phủ định? Làm thế nào để đặt những câu hỏi đó và dùng nó như thế nào?

BBT

Câu hỏi phủ định là câu chúng ta hỏi khi chúng ta đã có câu trả lời trong đầu rồi, và câu trả lời đó khoảng 70% là KHÔNG. Thí dụ đến nhà ông ấy, tôi bấm chuông nửa … tiếng đồng hồ không thấy ông ấy ra, xe của ông ấy lại không đậu trong garage. Thấy con ông ấy ra mở cửa, thì theo Trúc Giang, tôi sẽ hỏi IS HE HOME? hay ISN’T HE HOME?

TRÚC GIANG

Cháu sẽ hỏi ISN’T HE HOME? vì cháu đã nghĩ trong đầu là ông ấy không có nhà rồi.

BBT

QA biết cách đặt câu hỏi phủ định chưa nào?

QA

QA nghĩ là cứ thêm NOT vào câu hỏi thường thì chúng ta sẽ có câu hỏi phủ định ngay phải không, thưa anh?

BBT

Đúng vậy, nhưng cô cho nghe một vài thí dụ coi.

QA

DOES HE KNOW MISTER McKENZIE? Thêm NOT vào sau DOES để thành DOESN’T HE KNOW MISTER McKENZIE?

CAN SHE NAME THE FIRST AMERICAN PRESIDENT? Câu hỏi phủ định là CAN’T SHE NAME THE FIRST AMERICAN PRESIDENT?

ARE THEY AMERICANS BY BIRTH? AREN’T THEY AMERICANS BY BIRTH?

WILL YOU COME WITH US? WON’T YOU COME WITH US?

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

HAS SHE LEFT FOR THE AIRPORT? HASN’T SHE LEFT FOR THE AIRPORT?

MUST HE RETURN THE LIBRARY BOOK TODAY? MUSTN’T HE RETURN THE LIBRARY BOOK TODAY?

Cháu nhớ một câu trong bài THE END OF THE WORLD như thế này: DON’T THEY KNOW IT’S THE END OF THE WORLD CAUSE YOU DON’T LOVE ME ANYMORE? Đó cũng là câu NEGATIVE QUESTION phải không thưa chú?

BBT

Có một điều nữa tôi muốn hai cô biết, đó là trường hợp của câu hỏi dùng động tự TO BE với ngôi thứ nhất là "I". Thí dụ câu này: AM I LATE? Khi đổi thành một câu hỏi phủ định thì người ta nói AM I NOT LATE? Nhưng nghe nó cổ lỗ quá. Ít ai còn dùng nó. Thay vào đó, người ta nghe thế này nhiều hơn: AIN’T I LATE?

AIN’T thường bị coi là sai, không chỉnh về mặt văn phạm, nghe thất học, đầu đường xó chợ quá. Nhưng thực ra, AIN’T nguyên thủy là viết tắt của AM NOT. Về sau, AIN’T cũng được dùng để thay cho ISN’T và AREN’T, nhất là trong ngôn từ của thanh thiếu niên Anh cũng như Mỹ.

Chúng ta cũng nghe thấy người ta dùng AREN’T I. Hình thức này cũng được chấp nhận, được coi là đúng thí dụ khi chúng ta nói AIN’T I LATE? Hay AREN’T I LATE?

Đúng ra, phải nói là AMN’T mới đúng. Nhưng ngày nay, ít ai dùng AMN’T nên chúng ta nghe AIN’T nhiều hơn và thường hơn.

Như vậy đã tạm đủ về NEGATIVE QUESTIONS chưa Trúc Giang?

TRÚC GIANG

YES SIR! AND ISN’T IT TIME UP FOR THE LESSON TODAY?

BBT

Cám ơn Trúc Giang, và đó cũng là một câu NEGATIVE QUESTION để chấm dứt bài học hôm nay.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.