December 28, 2011

December 30, 2011

Ngày 26 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

"Diamonds are a girl's best friend" thực ra không phải là câu nói của Liz Taylor như tôi vẫn nghĩ từ trước đến nay.

Câu này là tựa đề của một ca khúc, nhạc của Jule Styne, lời của Leo Robin viết năm 1949, nhưng không hiểu vì sao, nhiều người cứ nghĩ là của Liz Taylor. Có thể là vì cô đào này có nhiều kim cương chăng? Mỗi lần lấy chồng, cả thẩy tám lần, nếu tôi đếm đúng, tay cô đều đeo một cục đá mới to tổ bố, nên cô trở thành bạn thân của kim cương và kim cương trở thành bạn chí thiết của cô? Rồi một loại nước hoa mà cô quảng cáo hai mươi mấy năm trước , White Diamond, lại càng làm cho tên của cô đi sát với kim cương hơn.

Nhưng ngày nay, kim cương không chỉ là bạn của phụ nữ như tên của bài hát nữa, mà là bạn của nhiều thứ rất kỳ lạ. Thí dụ của Foday Sankoh, của Charles Taylor chẳng hạn. Mà Foday Sankoh hay Charles Taylor thì không thể là phụ nữ được. Foday Sankoh là người cầm đầu Mặt Trận Cách Mạng Thống Nhất (Revolutionary United Front), lực lượng phiến loạn ở Sierra Leone, một quốc gia ở tây Phi châu. Còn Charles Taylor là tổng thống của Liberia cũng ở tây Phi châu. Hai ông này không đeo nhiều kim cương, nhưng kim cương vẫn là bạn thiết của hai ông. Kim cương đã giúp những người như hai ông tiến hành những cuộc nội chiến chém giết khủng khiếp nhất trong lịch sử Phi châu.

Mới đây, người ta khám phá ra rằng chính kim cương đã gây ra bao nhiêu khổ nạn cho những người dân bất hạnh của Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia. Các nước này đều có những mỏ kim cương với sản lượng rất lớn. Và chính nhờ lợi tức thu được qua dịch vụ xuất cảng kim cương ra ngoài, mà các nước này mới có tiền mua võ khí để tiến hành những cuộc nội chiến kinh hoàng như thế. Những khẩu AK, những chiến xa T-54, những hỏa tiễn 122mm, những phản lực cơ MiG trong tay các lực lượng quân sự của các nước này đều được mua bằng tiền bán kim cương. Những viên kim cương ở các quốc gia Phi châu này không chỉ là kim cương, mà là "conflict diamonds", những cục kim cương giúp tài trợ cho các phong trào nổi dậy, phiến loạn ở Sierra Leone, Congo, Liberia và Angola. Ở Sierra Leone, thường dân bị đuổi ra khỏi những nơi có mỏ kim cương, quân của Foday Sankoh khủng bố, chặt tay những ai dám chống lại lệnh đi khỏi các khu này. Và mới đây, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã bị quân của Foday Sankoh tấn công khi định tiến vào khu vực có mỏ kim cương. Các chi tiết này cho thấy kim cương là bạn thiết của các ông này như thế nào. Các ông không đeo chúng.

Chỉ có các phụ nữ như Liz Taylor mới lóng lánh hột soàn trên tay, như những hứa hẹn của những cuộc hôn nhân lâu dài.

Tại cuộc họp của các nhà sản xuất và buôn bán kim cương nhóm tại Antwerp, Bỉ, mới đây, các phái đoàn tham dự hội nghị đã quyết định phải chặn đứng việc buôn bán những cục "conflict diamonds" này vì nó dính quá nhiều máu của những người dân Phi châu khốn khổ. Nhưng rất nhiều kim cương "conflict" này đã lọt được ra ngoài. Số lượng kim cương này không phải là nhỏ khi nhìn vào số võ khí mà các nước Phi châu này có trong tay để theo đuổi những cuộc chiến khủng khiếp từ mấy năm nay.

Những cục đá rực rỡ trên tay những người phụ nữ mà chúng ta gặp trong những đám cưới, những đám tiệc sang trọng ở đây, có rất nhiều cục, nhìn kỹ còn thấy những vết máu của người Phi châu khốn khổ khốn nạn ấy. Có những cục đã từng nằm trong hậu môn của những người phu mỏ Nam Phi khi những người phu này lén đánh cắp chúng để mang ra ngoài sau những buổi làm trong những mỏ kim cương như hình chụp trong một số báo National Geographic.

Những viên kim cương ấy có khi nằm trên những chiếc vương miện, những chiếc tiara, diadème... ngự trên những mái tóc, có khi trên những chiếc nhẫn ở những ngón tay...

Nghĩ như thế rồi liệu chúng ta có còn muốn đeo những viên kim cương này nữa không? Những người đàn ông nên nhắc những người đàn bà khi đứng trước những cửa hàng bán kim cương về những vết máu của những người dân Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia, Burkina Faso... Làm như thế, may ra những người phụ nữ nhân đức, biết thương người này (?) sẽ chạy sang K-Mart mua đại cái nhẫn rẻ tiền đeo tạm để máu của những người dân Phi châu không bám vào tay của họ nữa, và có khi nhờ đó, mà máu người Phi châu sẽ bớt đổ chăng.

Hay lúc đó, lại nổi cơn... khát máu người dân Phi châu vô tội, lôi câu để đời của Zsa Zsa Gabor (*), sửa đi một chút để nói rằng "tôi chưa ghét một người đàn ông nào tới mức để từ chối cục kim cương của chàng", và đòi cho bằng được cục kim cương dư sức ném vỡ đầu con chó để mấy con mụ khác tức điên lên chơi?

_________________

(*) Câu nguyên văn của Zsa Zsa Gabor là "I never hated a man enough to give him diamonds back" đọc được trong tờ Observer số đề ngày 25 tháng 8 năm 1957.


Ngày 27 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Henry Kissinger, theo Seymour M. Hersh trong cuốn The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House (New York: Summit Books, 1983), mỗi lần chán đời, ưu sầu, là chàng ăn. Và khi chàng ăn, thì chàng mập và xấu trai kinh khủng.

Khi chàng thèm ăn, thì chàng có thể làm bất cứ gì để có ăn. Vận mạng của Đài Loan được định đoạt trong bản thông cáo chung Thượng Hải, mà để có văn kiện này, thì hình như nhà cầm quyền Hoa lục chỉ mất có một con vịt quay Bắc Kinh. Ðiều này, chính Henry Kissinger nói ra. Chàng nói rằng với một con vịt quay Bắc Kinh ngon, muốn gì chàng cũng ký.

Hồi ấy chắc chưa có thuốc Prozac nên lịch sử và chính trị Đông Á mới có chủ trương "lưỡng quốc nhất chế" lôi thôi cho đến bây giờ, để Hoa lục dựa vào đó làm vất vả Đài Loan từ đó đến nay.

Kissinger khi trong óc thiếu seratonin thì buồn bã, ưu sầu, ăn uống bậy bạ, gây tai hại cho tình hình thế giới như thế. Những người không phải là ngoại trưởng Mỹ thì phản ứng khác hẳn.

Chúng tôi đi shop. Chúng tôi shop cho đến khi chúng tôi té gục -- shop till you drop-- như nhiều người ở Mỹ đã cho thấy.

Đây là một thứ bệnh, danh từ y khoa gọi là oniomania, do một nhà tâm lý học người Đức nhận diện cách đây gần một thế kỷ. Ở Mỹ, theo Hội Tâm Lý Học Hoa kỳ (The American Psychological Association), có khoảng mười lăm triệu người bị hội chứng này. Những người mắc bệnh này thường tạo kẹt xe kinh khủng ở gần các khu buôn bán. Họ làm cho việc tìm được một chỗ đậu xe ở các mall là một cực hình trần ai khoai củ. Bệnh nhân ra khỏi nhà từ sáng sớm, thường là trước giờ mở cửa của các cửa tiệm. Cửa mở, họ xông vào, credit card trong tay, đúng lời căn dặn trong những quảng cáo của American Express là không bao giờ ra khỏi nhà mà không mang theo. Họ khuân một đống đồ ra quầy trả tiền, rồi quăng cái thẻ mua chịu ra, cà cho nát, cho mỏng teng, cho rách...

Ở mười lăm triệu người, thì bệnh đã phát. Trong khi đó, khoảng bốn chục triệu người Mỹ thì còn đang trên đường phát bệnh. Trong những con số này, khoảng 90% là phụ nữ. Đặc biệt là theo tài liệu của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, rất ít đàn ông mắc thứ bệnh quái ác này.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, họ là những người mắc chứng mua sắm không thể kiểm soát được, compulsive shoppers. Mua sắm trở thành việc làm họ không còn làm chủ được nữa. Mua sắm quay trở lại kiểm soát mọi suy nghĩ của họ.

Những cái tủ áo đầy nghẹt trong nhà, vài trăm đôi giầy trong garage (nếu ở dinh Malacanang thì con số có thể lên đến 6 ngàn đôi), bàn phấn khoảng gần một trăm đôi bông tai để phục vụ hai cái tai, ví tay vài chục cái, thắt lưng mấy chục cái, găng tay ba chục đôi... Rất nhiều thứ chưa được giải phóng ra khỏi những gói giấy ở tiệm mang về.

Vậy nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi shop tiếp. Phải quay trở lại mall, quơ thêm vài ba đống nữa thì chúng tôi mới thấy nhẹ người đi chút ít.

Nhưng tiền đồ của thế giới sắp khá. Bệnh mua sắm có thể chữa được bằng thuốc. Đại học Stanford ở California đang thí nghiệm một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân sau khi uống thuốc, và thuốc ngấm, thì cho dù là đã ra đến cửa với một kế hoạch mua sắm chi tiết, qui mô, cũng sẽ quay vòng trở lại, thay quần áo, ở nhà làm một người Mỹ bình thường và khỏe mạnh. Thuốc giúp gia tăng seratonin trong óc, và khi lượng seratonin tăng lên tới mức bình thường, thì chúng tôi bình thường trở lại. Không đi mua sắm bậy bạ nữa, ăn nói hợp lý hơn, không lô gích một chiều nữa, không gây sự không lý do nữa, không nạt nộ người chung quanh nữa, không đòi về nhà má (?) nữa vân vân.

Thí nghiệm của trường Stanford không biết đến bao giờ mới có kết quả, nhưng giới doanh thương Mỹ đang tìm cách chặn không để cho loại thuốc này được bầy bán trước Thanksgiving và Giáng Sinh, thời gian mua sắm kinh hoàng nhất ở Hoa kỳ. Các bệnh nhân khỏi bệnh thì làm sao kinh tế Hoa kỳ khá đây?

Nhưng biết đâu, chuyện chữa bệnh mua sắm chỉ là mục tiêu phụ, còn mục tiêu chính là chữa bệnh ăn nói càm ràm thì sao? Mà như thế thì trước hay sau Thanksgiving và Giáng Sinh có gì quan trọng lắm đâu?

Hay là cứ vào bếp lục cơm nguội ăn như Kissinger cũng đã chết ai chưa.


Ngày 28 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Abby, như chúng ta đã đồng ý nhiều lần, nên về hưu, gác bút, log off cái computer của nàng, cất nó xuống basement, và nghỉ viết mục trả lời các thắc mắc của độc giả mà nàng đã phụ trách quá lâu trên các báo Mỹ.

Nhưng nàng vẫn cứ tiếp tục viết, và càng tiếp tục viết, nàng càng cho thấy là nên qui ẩn cho rồi. Nên, từ rất lâu mới đúng.

Mới đây, Abby góp ý với một độc giả muốn có câu trả lời cho những gợi ý, những thúc giục, những lời khuyên là nên đẻ thêm một hai đứa con nữa trong khi chiếc đồng hồ nội bộ (?) của người độc giả này đang hối hả chạy những vòng cuối trước khi sợi dây thiều lăn đùng ra khiến cái đồng hồ chết ngắc.

Cái internal clock -- đồng hồ nội bộ-- ở cái tuổi của chúng ta, hoặc đã ngưng chạy, hay vẫn còn đang chạy, nhưng bằng những nhịp cực kỳ rối loạn, làm những đêm mùa đông bỗng như hừng hực lửa của nắng hè (?), những đổi thay của tâm tính, những cáu bẳn vô lý hơn mọi vô lý thường ngày, mức estrogene càng ngày càng xuống thấp... mà lại còn bị nhắc thêm vài câu hối thúc như vậy thì người nghe khó chịu là phải.

Chẳng lẽ lại hét lên câu hăm dọa mà tôi mới đọc được trên cản sau chiếc xe đậu gần sở: My estrogene is low and I have a gun -- này, estrogene của tôi đang xuống thấp và tôi có súng trong tay đấy nhé.

Với những đề nghị như thế, không thể chỉ nói không phải việc của ông / bà. Câu này thường quá, những góp ý sẽ còn trở lại nữa. Câu trả lời như thế nghe như những che dấu không cần thiết. Người nghe nhất định sẽ nghĩ ra trong đầu những lý do khác ghê rợn hơn nhiều.

Cũng không thể hăm dọa, răn đe mà không kèm theo những hành động đi kèm, thí dụ nói rằng nếu muốn, tôi có thể đẻ thêm một chục đứa nữa (bằng cách sinh mười chẳng hạn, cho kịp vòng quay cuối của chiếc kim đồng hồ nội bộ) trong khi không cách nào làm được nữa.

Lại cũng không nên nói rằng mấy quả grade A còn lại trong hộp... trứng đã thối hết như một phụ nữ tôi quen vẫn nói. Không được. Ai lại vạch... trứng cho người xem như thế.

Abby trả lời người độc giả nọ rằng cứ nói là xưởng của chúng tôi đóng cửa thế là xong. Our factory is closed. Xưởng đóng cửa, tiệm đóng cửa, phẹc mê bu tích, không sản xuất nữa. Chấm dứt.

Abby tưởng trả lời như vậy là xong. Như trường hợp xưởng đóng cửa trong lúc khó khăn kinh tế, sản xuất đình lại tại các xí nghiệp quốc doanh không lời lãi cuối cùng phải dẹp như ở các nước Cộng sản cũ để cắt bỏ những gánh nặng đè lên các quốc gia này. Trong những trường hợp đó, đóng cửa là chấm dứt, là không còn một hoạt động nào khác nữa. Là công nhân thất nghiệp dài cổ, là chủ nghĩa Cộng sản với hệ thống kinh tế do trung ương thiết kế phá sản thê thảm là đúng.

Nhưng thực ra, không phải xường máy nào, sau khi đóng cửa cũng buồn bã, chán nản như thế. Một số nhà máy, khi đóng cửa, phải bồi thường cho nhân viên bị cho nghỉ việc. Nhiều khi công nhân được những món tiền đáng kể. Do đó, cửa nhà máy có thể đóng, nhưng đó không phải là chấm dứt mọi chuyện. Người công nhân có tiền, có thể vui chơi tiếp (?) hay đi kiếm một xưởng máy mới (?) còn tiếp tục thu dụng họ. Nên trả lời như Abby có thể là không đúng.

Tôi đọc câu trả lời của nàng xong, thì ấm ức ghê lắm. Trả lời thiếu sót như vậy mà cũng đòi trả lời, giải đáp thắc mắc, gỡ rối tơ lòng cho người khác. Nhưng tôi cũng không biết phải thêm vào câu trả lời của nàng những gì để cho hợp lý hơn.

Thì hôm trước, một độc giả ở Lansing, Michigan viết cho Abby với một đề nghị nhỏ để thêm vào câu trả lời của Abby. Người độc giả này, mà tôi tin chắc là một phụ nữ, đề nghị Abby thêm vào câu này: But the playground is still open.

Xưởng máy tuy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, vì không thể sản xuất được nữa, vì không có nhu cầu sản xuất nữa, vì khó khăn kinh tế hay vì những nguyên do khác, nhưng sân chơi, sân giải trí của xưởng máy thì vẫn tiếp tục mở cửa (?) cho các công nhân của xưởng máy bị đóng cửa vào chơi như thường.

À, như thế mới được. Xưởng máy đóng cửa, nhưng tại sao phải đóng cửa một tiện nghi (?) mà các công nhân trước kia vẫn được phép sử dụng?

Phải mở cửa chứ. Xưởng máy của Abby có thể đã đóng cửa, và sân chơi của cái xưởng đó có thể cũng đã dẹp luôn, những cái cầu tuột (?) những cái đu, những bồn cát để xúc cát (?) chơi có thể đã đóng như trường hợp xưởng của Abby, nhưng những sân chơi ở các xưởng máy khác vẫn tiếp tục mở thì sao?

Ồ, trả lời như Abby là sai sót thấy rõ. Khi không cho đóng cửa sân chơi luôn mà cũng gỡ rối tơ lòng độc giả thì sao được!


Ngày 29 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Nếu tò mỏ một chút, mở những trang rao vặt trong các báo Mỹ, người ta thấy một điều ít người có cuộc sống bình thường ngoài đời có thể tưởng tượng ra được.

Trong tờ Los Angeles Time xuất bản tại Los Angeles , California ngày nào trung bình cũng có từ 2 đến 4 lời rao tìm bạn.

Chuyện tìm bạn thì không có gì lạ, nhưng lời rao của những người đang ở một nơi mà chuyện đi lại rất khó khăn mói là chi tiết đáng lưu ý.

Mấy tháng trước, trong internet, có người đăng một đoạn tìm bạn, khai rõ rằng ông là một người đàn ông bình thường khỏe mạnh, không tứ đổ tường, đời sống gương mẫu, giờ giấc bao giờ cũng đúng, đúng giờ làm việc, giờ ăn, giờ ngủ rất điều độ. Ông cho biết đã làm như thế được từ ba, bốn năm nay. Ai muốn quen với ông thì viết thư về điạ chỉ một nhà tù, khu các tù nhân thọ án chung thân.

Đọc lời rao, ngưòi ta nghĩ đó là chuyện đùa. Trên đời làm sao kiếm được một người đàn ông có những hành động gương mẫu, điều độ và lành mạnh như thế, ngoại trừ ở nhà tù.

Nhưng những lời rao tìm bạn thư tín đọc thấy trên tiờ Los Angeles Time thì lại không đùa chút nào. Gần như tất cả những người rao đều là đàn ông.

Tất cả đều nói rõ tuổi tác, tầm vóc, mầu da, và không dấu diếm gì chi tiết là đang ở tù. Sau đó , những người này cho biết còn phải ở tù thêm bao nhiêu lâu nữa. Cuối cùng là một lời hứa sẽ gặp khi ra tù để tính chuyện lâu dài.

Người bình thường thì ai lại nghĩ là có người viết thư làm quen với những người như thế. Riêng chuyện người ấy đang vòng lao lý mà chưa đủ làm nản lòng hay sao?

Nhưng người ta cũng thấy là ở Mỹ, gần như ai cũng có vợ chồng, bạn trai, bạn gái và những thứ liên hệ khác.

Thế thì trong những cuộc hôn nhân hay tác hợp đó chắc chắn phải có những cựu tù nhân.

Vậy thì chắc chắn những người tù, khi mãn hạn, trở lại đời sống bên ngoài vẫn có thể làm lại cuộc đời. Người Mỹ rất công bình trong chuyện này. Ai phạm tội thì đi tù. Trả nợ xong xã hội thì lại được cho trở lại sống cuộc đời bình thường và xâ hội, luật pháp bảo đảm chuyện đó.

Thế nên những người tù vẫn muốn kiếm bạn, và những người bên ngoài vẫn đi tìm bạn ở trong tù.

Và đó là lý do xuất hiện của những mối tình trong tù.

Nhưng ai là những người đi kiếm bạn trong tù?

Đa số là các phụ nữ. Bộ họ không sợ những người có một quá khú kinh khủng như vậy hay sao?

Chắc là phải có. Nhưng uớc muốn có một nguời thuộc về mình và một người để mình thuộc về thường lớn hơn những nỗi sợ kia.

Ngay cả những người tù chung thân và không có cơ hội bước ra khỏi khám đường cho đến lúc mãn đời, vẫn có những nguời muốn làm quen, muốn trở thành một người bạn trai hay một người bạn gái của người tù đó.

Cách đây mấy năm, Scott Peterson, 1 người đàn ông trẻ tuổi ở San Francisco bị phạt chung thân về tội giết vợ và con trai trong bụng của vợ.

Ngay sau khi có án, người tù này nhận được cả mấy chục thư làm quen , và xin thành hôn.

Luật lệ ở Mỹ KHÔNG cấm những cuộc hôn nhân như thế. Và một số không ít người đã lập những hôn thú như thế.

Những người tù này sẽ không bao giờ ra khỏi được ngoài cửa của khám đường.

Thế thì tại sao lại lập hôn thú với những người như vậy?

Các chuyên gia tâm lý nói rằng cả hai đều rất cô đơn. Một ngưòi thì sẽ phải sống hết đòi trong nhà tù, không có cơ hội được trả tự do. Một đằng có thể có một hai vấn đề tâm lý. Người ấy muốn kiểm soát hoàn toàn nguời phối ngẫu. Nhưng việc này không phải lúc nào cũng làm được với nhưng người đàn ông bình thường sống ở ngòai xã hội.

Nhưng với những người tù với những bản án dài lâu thì việc kiểm soát, giờ giấc , nơi chốn đi lại là một việc có thể làm được gần như 100%.

Một số phụ nữ sẵn sàng làm đám cưới với những ngưòi đàn ông như vậy để có được cảm tưởng thuộc về ai đó, để thư từ, liên lạc điện thoại bất cứ lúc nào cũng được và không phải gặp những trường hợp phải nổi ghen dùng đùng lên bao giờ.

Một số những người đàn ông này đã được thả, và đứng đợi họ ngoài cửa khám đường, là những người bạn thư tín trong những tháng năm ở trong tù.

Có những cuộc hôn nhân thành công và cũng có những chuyện đi tới đổ vỡ. Nhưng ngay cả những cặp vợ chồng bình thường, không có bên nào vào tù ra khám mà cũng vẫn gặp chyện đổ vỡ thì đổ vỡ trong những cặp hôn nhân với một người từng ở tù thì có gì lạ.

Và vì thế, càng ngày người ta càng thấy nhiều cuộc hôn nhân với người phối ngẫu đang thọ án là như thế.


Ngày 30 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Tối hôm qua, khi đi tìm một bài báo trong tờ Harper's số phát hành cách đây mấy tháng, tình cờ tôi đọc được quảng cáo của một tổ chức bảo vệ cây rừng thật là tuyệt.

Nửa trên của trang quảng cáo là bức hình chụp một khu rừng cây với những thân cổ thụ xanh mướt, và phía dưới là câu hỏi liệu những cây mọc đã vài trăm năm ấy, ngày mai có bị biến thành giấy đi cầu không.

Mỗi ngày, theo tổ chức bảo vệ cây rừng, hàng ngàn mẫu rừng đang bị phá trụi, từ British Colombia ở Gia Nã Đại, đến Amazon ở Nam Mỹ, sang California và Alaska ở Hoa kỳ, luôn cả Siberie thuộc Nga và Malaysia để biến thành bột giấy, hay gỗ để đóng đồ đạc.

Nhưng quảng cáo nhấn mạnh nhất vào sự kiện cây rừng bị đem nghiền nát, làm bột chế giấy đi cầu. Người viết rất khéo khi nhấn mạnh vào chi tiết này, làm cho việc đốn cây trở thành vô lý, phải ngăn chặn cho bằng được.

Thực ra thì cây rừng còn được dùng vào nhiều việc khác nữa rất cần thiết cho đời sống. Sản phẩm gỗ không thể thiếu trong thế giới con người mặc dù rất nhiều vật liệu khác không chế biến từ cây rừng cũng đang được dùng như plastic, và các kim khí chẳng hạn.

Những thứ chế biến hay lấy từ cây rừng cũng không phải là không cần thiết cho đời sống. Rất cần thiết là khác. Nên việc khai thác cây rừng không phải luôn luôn là điều có thể tránh được. Người ta vẫn trồng rừng để thay thế cho những khu bị phá. Chỉ có thể nói là diện tích rừng mới trồng để thay cho diện tích bị phá không đủ mà thôi.

Giấy đi cầu đưa ra hình ảnh một sản phẩm nghe qua rất tầm thường tưởng là không cần thiết cho đời sống nhưng thực ra thì ngược lại. Những cuộn giấy tròn mà chúng ta không bao giờ đặt lên một ưu tiên cao trong những thứ cần có trong nhà, thực ra, lại rất cần, không có không được. Cứ thử tưởng tượng không có nó, làm sao chúng ta sống nổi.

Ngay cách treo chúng trong buồng tắm, theo một số chuyên gia về luật gia đình, cũng có thể là nguyên nhân đi tới chuyện vợ chồng bỏ nhau. Người muốn treo cho những tờ giấy nằm sát tường, người muốn treo để nó nằm phía bên kia, không ép vào tường. Những bất đồng giữa hai bên từ chuyện treo cuộn giấy đã đưa tới bao nhiêu tan vỡ tại tòa.

Không có chúng làm sao có thể sống được. Dùng giấy báo thì mực in có thể để lại những mầu sắc không cần thiết, ngoài ra, đường ống có thể bị nghẹt, làm hỏng hệ thống thoát nước.

Những cuộn giấy đi cầu, do đó, không phải là những sản phẩm không cần thiết, chỉ làm phí bột giấy, làm cho cây rừng bị đốn xuống một cách vô ích.

Giấy dùng vào những việc khác thì có thể đừng được, chứ giấy đi cầu thì không.

Thí dụ những tờ giấy gói quà chẳng hạn. Những tờ giấy này, bất kể được in lên những hình vẽ, mầu sắc đẹp đến đâu đi chăng nữa, cũng chỉ để bị xé một cách thô bạo trong những tiệc sinh nhật, trong những ngày sau hôm Giáng Sinh hay năm mới. Không bao giờ chúng được dùng lại, hay có được một đời sống lâu dài hơn.

Hay những tấm thiệp vô bổ của Hallmark để thương mại hóa những ngày sinh nhật, những dịp lễ lạc mà người ta bầy ra để bắt chúng ta tiêu tiền một cách phi lý.

Tại sao tổ chức bảo vệ cây rừng lại cứ nhắm vào giấy đi cầu để vận động thế giới đừng đốn cây, phá rừng trong khi những cuộn giấy đi cầu hết sức cần thiết cho thế giới chúng ta đang sống?

Tại sao không dùng một sản phẩm khác, và sửa câu viết trong quảng cáo thành: Có nên biến những cây cổ thụ này thành những tập thơ của các mầm non thi ca vừa tổ chức ra mắt tuần qua hay không?

Viết như thế, chắc chắn sự hưởng ứng sẽ rất đáng kể. Cây rừng sẽ thoát những lưỡi cưa, rừng sẽ được tha cho sống. Và để nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc khỏi phải than thở trong mấy trang đầu của cuốn "Thơ, v.v...và v.v..." ( Văn Nghệ xuất bản năm 1996) rằng ông đã mua phải hàng trăm tập thơ dở. Ông có vẻ rất không vui về chuyện đó.

Nếu có tiếc thì nên tiếc là giấy, chế từ bột gỗ của cây rừng, được dùng để in những tập thơ dở như thế. Chứ còn dùng bột gỗ để làm những cuộn giấy đi cầu thì hoàn toàn hợp lý và rất nên làm. Không có giấy đi cầu thì vất vả ngay.

Không có những tập thơ dở mà Nguyễn Hưng Quốc mua phải, thì thế giới vẫn hạnh phúc như thường. Thiếu những cuộn giấy đi cầu thì không hạnh phúc chút nào.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 125)

THE FUTURE IS HERE

Bản chuyển tả do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 125 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại. Thưa anh, QA biết là Trúc Giang sau mấy tuần vắng mặt hôm nay trở lại lớp với ít nhất hai câu hỏi để gửi ông thầy. Mời Trúc Giang.

TRÚC GIANG

Thưa chú, hôm cháu từ bệnh viện về nhà, ông bác sĩ nói với cháu, nguyên văn, rằng : I SEE YOU AND THE BABY NEXT MONTH. Thưa chú, ông ấy là người Mỹ nói thì chắc là đúng, không thể sai văn phạm được, nhưng cháu vẫn thắc mắc tại sao ông không nói I WILL SEE YOU AND THE BABY NEXT MONTH mà lại nói là I SEE YOU NEXT MONTH? Câu I SEE YOU là PRESENT TENSE, là thì hiện tại, tại sao ông lại dùng cho một việc làm sẽ diễn ra trong tương lai?

BBT

Trúc Giang và QA nên hiểu là KHÔNG hề có MỘT THÌ TƯƠNG LAI, MỘT FUTURE TENSE duy nhất trong tiếng Anh. Người ta có thể diễn tả những chuyện trong tương lai bằng 3 cách khác nhau ngoài cách dùng WILL và SHALL của thì SIMPLE FUTURE. Một trong những cách đó là dùng thì hiện tại, PRESENT TENSE để nói về những chuyện sẽ xẩy ra, sẽ diễn ra trong tương lai. Đó là khi chuyện đó, việc đó, hành động đó gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong một tương lai gần. Tương lai đó không phải một, hai năm nữa, vài chục năm sau này, mà một thời điểm gần hơn như một tiếng đồng hồ, hai, ba ngày, vài ba tuần.

QA

Thưa anh, ngoài việc những hành động đó sẽ diễn ra trong tương lai gần, còn một chi tiết đặc biệt nào khác nữa không?

BBT

Cô QA hỏi một câu rất đúng lúc vì tôi đang định nói thêm chi tiết đó. Người ta dùng PRESENT TENSE để nói về một việc sẽ diễn ra trong một tương lai gần, IN THE NEAR FUTURE, khi chuyện đó đã được sắp đặt để diễn ra, đã được giàn xếp và có nhiều phần chắc chắn sẽ diễn ra, sẽ không có những đối thay nào, có thể do luật lệ qui định, do những điều kiện, những đòi hỏi buộc nó phải diễn ra. Trúc Giang sẽ phải trở lại bệnh viện trong tháng tới vì ông bác sĩ muốn cân đo cho cháu bé, theo dõi sức khỏe của mẹ, và bệnh viện đã định ngày trở lại để tái khám theo lịch làm việc của bác sĩ.

QA

Như vậy không thế nói IT RAINS HARD ON THE 19th OF NEXT MONTH vì tiên đoán thời tiết vẫn có thể sai như thường phải không thưa anh? Nhưng nói tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2013 chẳng hạn thì được chứ?

BBT

Đúng vậy, vì ngày đó đã được qui định bởi Tu Chính Án số 20 của hiến pháp Mỹ, và không gì có thể thay đổi được ngày đó. Trúc Giang sẽ nói bằng tiếng Anh như thế nào?

TRÚC GIANG

THE NEXT OATH TAKING CEREMONY IS ON JANUARY THE 20TH OF 2013.

BBT

QA cho nghe hai thí dụ dùng PRESENT TENSE để nói về những chuyện chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai coi.

QA

MY SON GRADUATES NEXT YEAR WITH A BACHELOR DEGREE.

MISTER OBAMA LEAVES OFFICE MAYBE AFTER 2 TERMS.

BBT

Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với PRESENT TENSE diễn tả hai việc trong tương lai coi.

TRÚC GIANG

MY FIRST CHILD STARTS THE GATE PROGRAM IN THE FALL.

I RETURN TO WORK AFTER 2 MORE MONTHS.

BBT

Cách thứ 2 để nói về những chuyện trong tương lai mà không dùng WILL và SHALL là dùng PRESENT CONTINUOUS tức là thì HIỆN TẠI LIÊN TIẾN. Thì PRESENT CONTINUOUS này chúng ta đã biết là được dùng để nói về những việc đang diễn ra vào lúc chúng ta nói chuyện. Thí dụ WE ARE SITTING IN THE STUDIO RIGHT NOW. THE CAMERA MAN IS SHOOTING A NEW TV PROGRAM.

Nhưng chúng ta cũng có thể dùng PRESENT CONTINUOUS TENSE để nói về một dự tính, một chủ ý, một việc mà chúng ta đã thu xếp để làm ở một thời điểm nào đó trong tương lai, và thường là tương lai gần. QA thử dùng PRESENT CONTINUOUS để nói về một việc mà cô có dự tính, có dự định làm trong một tương lai rất gần coi.

QA

I AM BAKING A BIRTHDAY CAKE FOR MY DAUGHTER THIS EVENING.

WE ARE HAVING A BIRTHDAY PARTY FOR HER TOMORROW.

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

I AM CHANGING THE OIL FOR THE CAR THIS WEEKEND

WE ARE REMODELLING THE KITCHEN NEXT MONTH.

BBT

Chúng ta nhớ nói rõ thời điểm tương lai, một mốc thời gian trong tương lai như NEXT MONTH, TOMORROW, THIS EVENING…để khỏi bị hiểu làm là việc đó đang diễn ra vào lúc chúng ta nói.

Bây giờ qua cách thứ 3 để nói về những chuyện trong tương lai gần mà không dùng WILL và SHALL. Trong cách này, chúng ta dùng TO BE GOING TO, theo sau là một động từ nguyên mẫu INFINITIVE.

Chúng ta dùng cách này khi chúng ta đã có quyết định là sẽ làm chuyện đó vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Thí dụ khi tôi nói I AM GOING TO CUT THE GRASS THIS SATURDAY, thì tôi đã quyết định là làm sạch cái sân vào thứ Bẩy này. Tôi đã mua thêm bao plastic để hốt cỏ và lá khô. Tôi đã xem xét lại cái máy xén cỏ không dùng từ cả năm nay trong garage. Tôi đã hứa là sẽ xắn tay áo lên để dọn cái vườn… Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với cách dùng này coi.

TRÚC GIANG

I AM GOING TO TAKE THE KIDS TO CANADA IN APRIL.

WE ARE GOING TO GET A BIGGER HOUSE THIS SUMMER.

BBT

Còn QA?

QA

MY DAUGHTER IS GOING TO TRANSFER TO USC NEXT QUARTER.

SHE IS GOING TO GET A PART-TIME JOB IN THE SUMMER.

BBT

Đặc biệt cách thứ 3 này với TO BE GOING TO, chúng ta KHÔNG bao giờ dùng với động từ TO GO. Thí dụ chúng ta không bao giờ nói HE IS GOING TO GO TO ITALY. Chúng ta bỏ hẳn TO GO để thành HE IS GOING TO ITALY là đủ.

QA

Đó là câu hỏi số 1 của Trúc Giang. Câu số 2 là gì, hỏi luôn đi Trúc Giang.

TRÚC GIANG

Thưa chú, mấy ngày lễ lạc đã qua, gặp nhau là chúc nhau đủ thứ, và cũng vì thế, cháu thấy cháu không hiểu rõ lắm về động từ TO WISH . Nhờ chú nói lại về động từ này, làm sao dùng nó cho đúng. Cháu biết là chú đã một lần nói về nó.

BBT

Động từ TO WISH có hai cách dùng. TO WISH là chúc, là mong ước người đối thoại có được những chuyện tốt đẹp. Cách dùng này rất giản dị. Chúng ta dùng một danh từ ngay sau TO WISH là được. Thí dụ chúc ai, mong ai có được một năm mới tốt lành, sức khoẻ dồi dào, một đời sống hạnh phúc, một tương lai thoải mái… Chắc Trúc Giang đã biết dùng TO WISH trong những câu như thế. Cho nghe thử vài lời chúc coi.

TRÚC GIANG

I WISH HIM A LONG AND HAPPY LIFE . WE WISH OUR PARENTS THE BEST OF LUCK FOR THE COMING NEW YEAR.

QA

MY CHILDREN WISH THEIR GRAND MOTHER GOOD HEALTH ALL THROUGH THE YEAR. THEY ALSO WISH THEIR GRAND FATHER A LUCKY NEW YEAR.

BBT

Cách dùng thứ hai của động từ TO WISH có hơi rắc rối một chút nhưng cũng không khó lắm. Chúng ta dùng TO WISH khi chúng ta ước ao tình hình khác với thực tế mà chúng ta đang đối mặt. Thí dụ trời đang mưa, chúng ta ước trời khô ráo. Một người thân của chúng ta không có mặt ở đây vào lúc mọi người đang dự party quá vui, chúng ta ước gì người ấy có mặt ở đây. Tình hình kinh tế đang khó khăn, chúng ta ước ao tình hình sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn. Những điều ước đó đều không phải là thực tế chúng ta đang có trước mặt hay trong tầm tay. Trong những trường hợp như thế, động từ đi theo sau TO WISH (present tense) luôn luôn được cho lùi lại một thì, một TENSE để thành past tense. Thí dụ nói I WISH (present tense) HE IS (present tense) HERE thì không đúngIS là thì hiện tại. I WISH (present tense) HE WAS (past tense) HERE mới đúng. Cũng thế, nói WE WISH (present tense) THE ECONOMY IS (present tense) BETTER có đúng không QA?

QA

Không đúng, phải nói là WE WISH (present tense) THE ECONOMY WAS (past tense) BETTER. QA có cô bạn bao giờ cũng đến muộn. Những lúc chờ cô ấy , I WISH (present tense) SHE CAME (past tense) EARLY. I WISH (present tense) SHE ARRIVED (past tense) ON TIME.

BBT

Còn Trúc Giang?

TRÚC GIANG

I WISH (present tense) MY HUSBAND COULD (past tense) COOK.

MY GIRLS WISH (present tense) THEY HAD (past tense) A BABY BROTHER.

BBT

QA sửa lại hai câu này cho đúng coi: I WISH IT IS RAINING NOW.

WE WISH THEY ARE SITTING RIGHT HERE AT THIS TABLE.

QA

QA thấy dùng PRESENT CONTINUOUS là không đúng. Phải là PAST CONTINUOS mới được. I WISH IT WAS RAINING (past continuous) NOW.

WE WISH THEY WERE SITTING (past continuous) RIGHT HERE AT THIS TABLE.

BBT

Nhớ là sau WISH, thực tế không như chuyện đang xẩy ra trước mặt chúng ta. Ước gì trời mưa ào lúc này thì thực tế trời không đang mưa. Ước gì họ ngồi ngay ở bàn này thì họ hiện không có mặt ở đây.

Thí dụ tôi định tuần tới đi Canada nhưng nay lại có cái đám cưới rất quan trọng ở đây thì Trúc Giang sẽ nói thế nào?

TRÚC GIANG

I AM GOING TO CANADA NEXT WEEK BUT NOW I WISH I WAS NOT GOING .

BBT

QA cho một thí dụ tương tự coi.

QA

AT 40, HE STILL LIVES AT HOME WITH HIS MOTHER. WE WISH HE HAD HIS OWN APARTMENT.

BBT

Đó là những chuyện đang xẩy ra. Ông ta 40 tuổi rồi mà còn ở với mẹ. Tôi định đi Canada vào tuần tới. Chúng ta dùng WISH với PAST TENSE. Nhưng khi thực tế là những chuyện đã xẩy ra hay không xẩy ra trong quá khứ thì sau WISH chúng ta dùng động từ ở thì PAST PERFECT. Thì PAST PERFECT được tạo thành bằng quá khứ (PAST TENSE) của HAVE là HAD và theo sau là quá khứ phân từ của động từ chính tức là PAST PARTICIPLE. Bạn tôi có cơ hội để đi khỏi Việt Nam năm 1975 nhưng ông không đi nên phải đi tù hơn 10 năm. Nghe chuyện của ông xong, tôi phải nói thế nào đây Trúc Giang?

TRÚC GIANG

I WISH HE HAD LEFT VIETNAM IN 1975. HAD LEFT là PAST PERFECT của động từ chính là động từ TO LEAVE, LEFT, LEFT.

BBT

QA cho một thí dụ với WISH và PAST PERFECT coi.

QA

Hồi sang Mỹ, QA đi làm ngay thay vì đi học nên I WISH I HAD ENROLLED IN COLLEGE AND (I HAD) TAKEN A FEW COURSES IN COLLEGE. I WISH I HAD STUDIED NURSING.

BBT

Có một điều này nữa về TO WISH tôi muốn nói ở đây. Hồi nẫy chúng ta dùng những thí dụ với TO WISH và động từ TO BE theo sau như WE WISH HE WAS HERE hay I WISH I WAS ON TIME. Thực ra, nói như vậy không đúng. Đáng lẽ phải là HE WEREI WERE thay vì HE WAS và I WAS mới đúng. Đáng lý chúng ta phải dùng SUBJUNCTIVE MOOD tức là bàng thái cách. Động từ TO BE ở SUBJUNCTIVE MOOD bao giờ cũng là WERE cho tất cả các ngôi cho dù đó là ngôi thứ nhất, thứ hai hay thứ ba, để thành I WERE, YOU WERE, HE WERE, SHE WERE, IT WERE, WE WERE, THEY WERE. Nhưng ngày nay, càng ngày người ta càng bỏ cách dùng bàng thái cách này đi để dùng PAST TENSE của TO BE cho tiện. Cách dùng này không đúng trong văn viết, nhưng trong văn nói, trong khi nói thì càng ngày càng có nhiều người dùng và chấp nhận. I WISH I WAS… HE WAS, SHE WAS vân vân.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

December 22, 2011

December 23, 2011

Ngày 19 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Kim Chính Nhật đã chết cách đây mấy hôm. Nhưng nhà nước không loan báo ngay, có thể còn phải lo thu xếp một vài chuyện nội bộ có tính cách cấp bách hơn. Thí dụ như chôn cất phải diễn ra vào ngày nào, có mời khách ngoại quốc không? Ướp hay không ướp, có cho Kim Chính Nam tạm nghỉ đánh bài cào ở Macao về Bình Nhưỡng để dự tang bố không, có cho Kim Chính Triết xuất hiện cùng với bạn trai của thằng cu (?) này không, Kim Chính Ân phải làm sao cho xuống vài ba kí cho mọi người đỡ lầm tưởng là con heo quay vân vân.

Và chuyện dân chúng khóc lóc phải tổ chức như thế nào cho vẻ vang nhà nước. Dân chúng sẽ được lệnh khóc ra sao, nước mắt nước mũi, đờm giãi có được cho chẩy thả cửa không, bọn cá sấu khốn khổ ở sở thú có sản xuất đủ nước mắt để cho đám đảng viên cốt cán quệt lên mắt cho mắt đẫm lệ để ống kính truyền hình thu được hình không…

Chao ơi là bao nhiêu việc phải làm.

Ở khắp nơi, dân chúng được lệnh tụ tập, hàng ngũ chỉnh tề, có lệnh mới được khóc, phải vật vã khôn nguôi đúng theo kiểu nhà nước đặt ra. Không được rít lên đùng đùng rằng "thương cha, thương mẹ thương chồng, thương mình thương một, thương ông thương mười" như một anh nhà thơ vô duyên nọ đã thơ thẩn hồi Stalin chết. Thêm nữa, như vậy là còn ít dẫu cho khóc một người đàn ông lạ hoắc như Stalin cũng đã là thối nhất thế giới rồi. Phải đau đớn hơn nhiều nữa.

Nhưng thực ra, người dân Bắc Triều Tiên có thật lòng đau, khổ, khóc lóc rền rĩ, nhớ thương lãnh tụ kính yêu Kim Chính Nhật của họ sau hơn nửa thế kỷ bị bắt sống như những con vật khốn khổ nhất thế gian này hay không?

Một người bạn Cao Ly của tôi nguyên là người đào thoát từ miền bắc sang Mỹ tìm tự do có cho biết về chuyện khóc lóc ở Bình Nhưỡng rất chi tiết. Ông nói rằng nếu ông bị điều động ra một quảng trường ở Bình Nhưỡng để khóc than trời sầu đất thảm, tiếc thương đồng chí Kim Chính Nhật, ông sẽ dùng tiếng Việt mà ông học của tôi để khóc như thế này:

Tổ cha mày thằng chó đẻ cu ly Cao Ly, thằng lùn mã tử đi giầy cao gót, tóc đánh rối, mắt đeo kính mát to tổ chảng, tại sao đến bây giờ mày mới chịu đi theo thằng bố mày cho chúng ông nhờ?

Mày có biết cha con nhà mày đã làm khổ dân tộc Cao Ly biết là chừng nào không? Rồi bây giờ mày còn truyền ngôi bạo chúa của bố con mày lại cho thằng nhãi con Kim Chính Ân để nối tiếp cái sự nghiệp khốn nạn từ thằng Kim Nhật Thành truyền xuống? Cả lò nhà mày toàn sống bằng những điều gian dối, bịa đặt tô vẽ ra nào là mày ra đời không ở Siberia, nơi bố mày trốn Nhật chạy sang lánh nạn, mà trên núi Paektu, nào là cầu vồng hiện ra khi mày ra đời, chim chóc bay lượn trên đỉnh núi báo hiệu kỳ nhân giáng thế, rồi hôm qua, bọn báo chí bồi bút lại kể là có một con hạc bay tới cạnh tượng của mày mà khóc nức nở vì tiếc thương mày.

Mẹ kiếp thử nhìn lại xem bố con mày làm được những gì cho cái vùng lãnh thổ phía bắc của vĩ tuyến 38 từ năm 1945 cho đến nay? Bố con nhà mày làm được gì ngoài một cuộc chiến chết cả triệu người , đất nước tan hoang mà có lấy được miền Nam đâu. Thêm những vụ khủng bố đánh bom lặt vặt ở Miến Điện, trên một chuyến bay của hàng không miền Nam, dùng thủy lôi đánh đắm một chiến hạm miền Nam rồi chối lại quệt mõm chối bay chối biến. Chính sách Tự Chủ của bố mày đặt ra có đem lại tự chủ cho xứ sở không, hay chỉ biến miền Bắc thành một thứ cùi hủi cả thế giới xa lánh? Đất nước cằn cỗi, dân chúng chết đói gần 2 triệu, người Cao Ly miền Bắc càng ngày càng cằn đi như người ta đã thấy hồi Thế Vận Hội Hán Thành 1988.

Trong khi đó, cha con nhà mày toàn lôi những trò lục sở ra dùng với thế giới để càng ngày càng bị cả thế giới khinh ghét.

Để có được sự nể trọng, không cần phải có vài ba quả bom nguyên tử trong khi dân chúng tiếp tục bị để cho đói khát, mọi thứ quyền căn bản đều bị bóp nghẹt, cả trăm ngàn tù chính trị bị giam cầm, tra tấn dã man trong khi bọn cai ngục được đối xử đặc biệt tử tế để hành hạ ngời dân cho bố con nhà mày nhập cảng mỗi năm cả mấy trăm ngàn đô la cognac, caviar, tôm hùm , gái tóc vàng từ Bắc Âu đem sang tận nơi cho chúng mày hưởng với nhau. Thằng lùn chết nhát sợ đủ mọi thứ, lên cái máy bay cũng không dám trong khi lại đòi dược đối xử như người lớn. Đòi phải được tay đôi ngang hàng với những lãnh tụ thế giới. Nhưng mấy quả bom nguyên tử có được trong tay vẫn chưa làm được việc đó. Như vụ bắt hai nhà báo Mỹ đưa ra tòa phạt tù để lại phải thả ra sau khi được một nhân vật không còn cầm quyền ở Mỹ sang gặp và đón về.

Nhục nào còn hơn những chuyện như thế.

Cho nên phải có cái đám tang để đời, nghe được tiếng khóc rống lên của những người dân khốn khổ được lệnh phải khóc than, hay nghe một hai câu thơ thối tha như hai câu của bồi bút Lưu Trọng Lư sau khi bán linh hồn cho bọn hồ cáo:

Tay dong tay thét nổ mặt trời
Lời cất vọng tung cao Kim Chủ Tịch…

Cha tiên sư bố nhà mày, bố tiên sư con mẹ mày, cả lò cả ổ nhà mày nhá…

Đó, khóc lóc, ít nhất phải như vậy đó.


Ngày 20 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Cuốn sách vừa phát hành tại Anh quốc của David Weeks và Jamie James, nhan đề Secrets of the Superyoung, bí mật của những người trẻ lâu, có thể sẽ khiến các ma đam chủ thẩm mỹ viện phải đổi nghề, hay nếu tiếp tục, thì các thẩm mỹ viện sẽ chỉ còn thứ khách hàng cơm đường cháo chợ, hằng đêm không biết làm gì hơn là nằm ngó trân trân lên chiếc trần nhà đầy mạng nhện.

Bản tin của Reuters gửi đi từ Luân Đôn về quyển sách này cho biết là những phương pháp căng kéo bơm hút, những loại kem dưỡng da, xóa vết nhăn sẽ không còn được dùng nữa trong nỗ lực tuyệt vọng để níu kéo thêm chút thanh tân khi "Tuổi hoa niên úa dần mỗi năm, ngày xuân len lén bỏ đi, những đóa hoa ẻo lả chết vô ích "Youth wanes year after year; the spring days are fugitive; the frail flowers die for nothing / bài 46, The Gardener của Tagore)

Tất cả các kỹ thuật cũ vừa tốn kém vừa mang lại không bao nhiêu kết quả, ấy là chưa nói đến việc làm cho bạn bè thân quen không cách nào nhận ra với những cái mũi mới bằng plastic... nam nữ dùng chung, mắt hai mí, cằm chẻ một kiểu tạo sinh rập khuôn của những bàn tay giải phẫu thiếu sáng tạo.

Theo David Weeks, một nhà tâm lý học, và Jamie James, một khoa học gia, thì cách hay nhất để trẻ thêm được bẩy tuổi, quăng đi những đường rãnh quái ác mỗi ngày mỗi rõ thêm, sâu thêm, những cái chân quạ nhất định không chịu... bước ra khỏi khóe mắt, những buổi sáng buồn khi soi gương thấy những sợi tóc mai đã đổi mầu là chịu khó mỗi ngày yêu bố cháu một cái bằng tất cả sự hăng hái có được (vigourous regular sex).

Theo hai tác giả của cuốn sách, thì sinh hoạt đó giúp làm giảm những chất mỡ, đồng thời làm cho não tiết ra endomorphins, một chất giúp giảm đau và đánh tan những lo âu phiền não. Hai ông đã đi đến kết luận như vừa kể sau khi nghiên cứu trường hợp của 95 người có bề ngoài trẻ hơn tuổi thật trong căn cước rất nhiều. Tất cả đều cho biết sex là yếu tố lớn nhất đem lại nét trẻ trung của họ.

Bởi thế nên không cần phải kem dưỡng da như Melanie Griffith mới có thể thách đố thời gian mà chúng ta thỉnh thoảng thấy trong những quảng cáo trên màn ảnh truyền hình. Cứ cơm nhà, quà... cũng ở nhà là trẻ ra tới bẩy tuổi ngay tức thì.

Cuốn sách của David Weeks và Jamie James còn đưa tới những chuyện khác nữa. Thí dụ tối tối, mẹ cháu có thể cầm viên aspirine đứng trước mặt bố cháu nuốt cái ực, rồi nói lớn: "Cho nhức đầu đi chơi chỗ khác nhá..." Hay cũng có khi vuốt mái tóc điểm sương của bố cháu rồi âu yếm: "Bố già quá rồi... thôi để em làm cho bố trẻ đi bẩy tuổi nghe..."

Thế là lại làm ma đam chủ thẩm mỹ viện cho cả bố cháu lẫn mẹ cháu cho cả hai thành... đôi trẻ trở lại. Nhưng cứ giúp bố cháu trẻ lại như thế thì cũng mệt quá. Thế nào chẳng xẩy ra chuyện những cuốn sách quái ác đó bị đem đốt ngay từ khi được chở từ Anh sang nước Mỹ, trước khi chúng được đưa tới các tiệm sách để giúp những người đàn ông khốn khổ ở nước Mỹ tiếp tục già cho đỡ... mệt.

Ai cần bỏ đi bẩy năm trên mặt để mất đi bẩy năm ở những chỗ khác?


Ngày 21 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Tôi nghĩ ông Tú Xương, tay chơi của làng Vị Xuyên tỉnh Nam Định, nếu còn sống chắc ông sẽ thích cái sản phẩm này lắm.

Ông có ở xa xôi đến đâu, thế nào tôi cũng phải gửi cho ông, như người phụ nữ gửi rau sắng chùa Hương đến tận nhà cho ông Tản Đà để ông già núi Tản khỏi phải lặn lội lên tận chùa Hương, hay ngồi ở nhà mà than "con đò ngại tốn, con đường ngại xa" vậy.

"Hoa hoa công tử ", hay là Playboy theo cách dịch của mấy ông bạn đồng văn của chúng ta, "giầy giôn anh diện, ô Tây anh cầm " là người xứng đáng để nhận món quà lịch lãm và hào hoa này hơn ai hết.

Chàng là tay chơi, mà lại thích chơi cho lịch, cho đài các thì phải có nó.

Nó đây là cái áo mưa của Prada.

Người tử tế như bạn, nghe nói cái áo mưa của Prada, chắc đã nghĩ ngay đến một cái trench coat mầu kaki nhạt, hai hàng nút phía trước, ngực cài chéo, cầu vai, thắt lưng. Nhưng bạn lầm to.

Prada tung ra loại áo mưa này để chỉ dùng một lần rồi bỏ chứ không phải như cái trench coat có cái nhãn London Fog mà bạn mặc đi mặc lại mấy mùa thu vừa qua. Nó là thứ cần thiết còn hơn là cái ô mà ông Tú bị mất rồi chỉ lo "rầy gió mai mưa, lấy gì đi sớm về khuya với tình".

Không có nó thì phiền lắm, phiền hơn là cái ô ông mất ở nhà cô đầu nhiều. Nhất là vào thời đại hiện nay. Không có nó thì ông còn vất vả hơn là đã có lần ông từng đau khổ thú nhận:

Thua bạc ra đi với mẹ nhà
Bệnh gì không bệnh, bệnh tim la
...

Ông Tú cần những chiếc áo mưa, không phải bất cứ áo mưa gì cũng được, "hoa hoa công tử " thì phải áo mưa Prada.

Làm sao một người đã khăn nhiễu tím, ô lục soạn, bít tất tơ, giầy Gia Định bóng... mà lại chịu dùng mấy thứ áo mưa nhà quê của những hãng latex vô danh tiểu tốt được.

Phải là áo mưa Prada. Tay chơi mà. Áo mưa cũng phải có tên hiệu nổi tiếng, do các nhà vẽ kiểu thời trang sản xuất thì mới được.

Chẳng lẽ nàng mặc toàn St. John, Versace, Dior... còn chàng thì Hugo Boss, nếu không cũng là Ralph Lauren, hay hạng bét ra cũng là Banana Republic mà đến lúc ấy lại móc túi lấy ra cái của Sheik, hay Trojan, Lifestyles, Prime, Magnum, Gold Circle Coins... thì nhà quê nhà mùa quá. Có thể vì cái áo mưa cù lần, không có tên tuổi nổi tiếng, bị đuổi về nhà nhìn trần nhà thì còn gì chán bằng.

Và do đó, Prada đưa ra sản phẩm của họ.

Tưởng tượng với cái sản phẩm của Prada ấy, những tiếng suýt soa sẽ nghe thấy lớn hơn. Có thể còn có cả tiếng huýt sáo cùng với vài ba tràng pháo tay (mà không cần phải nhờ em-xi khẩn khoản nài nỉ xin quí vị một tràng pháo tay cho các nghệ sĩ (?) trình diễn) đầy ngưỡng mộ và thán phục thì còn gì vui hơn. Tự ái được vuốt ve tối đa. Ego được cho lên tầu bay, bay vòng quanh thế giới vài ba vòng. Cái tên Prada , như thế, có thể cứu nguy được cho những tự ái bầm dập bao nhiêu lâu nay.

Prada nhất định sẽ thành công với sản phẩm mới này.

Nhưng không phải là những chiếc áo mưa Prada này không gây rắc rối cho người tiêu thụ.

Thí dụ nhìn thấy cái nhãn hiệu Prada, biết đâu chẳng có người đề nghị đừng dùng, phí của, xin mang về làm kỷ niệm thì sao? Vất vả đấy.

Hay cũng có khi đương sự không ưa Prada, cho dù là ví tay, hay quần jeans, mà đòi của Versace hay Diane Von Furstenberg, Gucci... mới chịu thì biết làm sao giải quyết đây?

Giữa đêm đông Bắc Mỹ đang đổ chụp xuống thì khổ quá đấy. Mà không có thì cứ nghĩ đến cái nạn của ông Tú là lại sợ điên người lên mất thôi.


Ngày 22 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Cách đây ít lâu, một độc giả của mục Ann Landers có kể một lối để dành tiền đi du lịch khá lý thú.

Vợ chồng ông, theo thư ông viết cho Ann Landers, cứ mỗi lần yêu nhau, ông lại bỏ một Mỹ kim vào con heo đất ở đầu giường. Ông không nói hai người làm như thế (bỏ heo đất để dành) trong bao nhiêu lâu, mà chỉ cho biết vợ chồng ông đủ tiền để thực hiện một chuyến du lịch Hawaii, lại còn có vài trăm cầm theo để tiêu trong chuyến đi.

Một chuyến đi Hawaii, rẻ nhất cho mỗi người cũng phải $1,500.00, gồm vé máy bay đi Maui, và sáu đêm ở khách sạn Sheraton như phụ trang du lịch tuần này cho biết. Cứ cho là cầm theo $500.00 để tiêu vặt thì chuyến đi sẽ tốn khoảng $3,500.00 cho cả hai người.

Nếu cứ 4 ngày, ông lại để dành được một đô la thì một năm ông để được $91.00.

Cứ 4 ngày một đô la bởi lẽ không thể có chuyện ngày nào cũng để dành được một đồng. Lý do là vì có khi ông ốm, bà đau, thỉnh thoảng bà lại bắt chước Nam Hàn, Bắc Hàn ngưng bắn vài hôm, có khi giận nhau, không chiến đấu được. Lúc trẻ tuổi có thể khác, khi nhiều tuổi khoảng cách có thể dài hơn giữa những lần ra trận. Và muốn để dành được số tiền $3,500.00 ông bà phải mất 38 năm.

Bức thư của người độc giả này xuất hiện trên báo đã làm cho rất nhiều người ghen tức. Ghen tức vì không làm được như cặp vợ chồng hạnh phúc đó.

Trước hết, phải có 38 năm. Cộng trừ nhân chia nhiều... nơi để được 38 năm là không được.

Những lần lẻ tẻ đó, mỗi lần may ra mời nhau được một cái vé xe điện và tô phở là nhiều. Không có cách gì để dành được $3,500.00 để mà đi Hawaii.

Cũng có khi ghen tức vì có ở với nhau 38 năm thật đấy, nhưng sức vóc cũng có thể không đủ để có nổi $3,500.00 đi du lịch. Có khi cố gắng lắm cũng chỉ may ra mời nhau nổi một chầu bò bía là cùng. Thảm lắm.

Nhiều người tin là tác giả bức thư chỉ muốn chọc quê các độc giả khác. Nếu chủ tâm của ông là như thế, thì ông đã thành công rực rỡ. Suốt mấy năm nay, tôi hậm hực về thành tích của ông vô cùng.

Tôi không tin chuyện đó là chuyện thật.

Thì hôm tuần trước, một độc giả khác viết cho Ann Landers một bức thư cũng dùng lối để dành đó, và sau 50 năm ở với nhau, ông đã có thể mời bà đi ăn tối ở một tiệm ăn rất sang, cơm Tây rượu chát, bạch lạp lung linh, vĩ cầm nỉ non... Và tháng giêng năm 2012, ông sẽ mua vé đưa bà đi chơi vòng quanh thế giới. Tất cả đều bằng tiền bỏ heo đất để dành ở đầu giường.

Nhưng có khác với tác giả bức thư đầu một chút. Đó là tác giả bức thư đầu tiên chỉ có một con heo đất ở đầu giường. Đập con heo đất, ông đủ tiền đưa bà đi Hawaii, tiết lộ làm nhiều người vẫn còn ấm ức vì bị thua đậm.

Tác giả bức thư thứ hai cho biết ông và bà có hai con heo đất ở đầu giường.

Mỗi lần hai ông bà yêu nhau, ông bỏ một đồng vào con heo đất số 1. Và mỗi lần bà... nhức đầu, bà "hổng chiệu đâu", hay bà giận ông, hay bà chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh với ông, ông cũng bỏ một đồng vào con heo đất số 2.

Ông cho biết trong bức thư gửi Ann Landers rằng bằng những đồng tiền để dành đó, ông đã có quà kỷ niệm cho bà nhân ngày kỷ niệm kim hôn ( 50 năm ).

Ông cho biết bữa ăn tối rất lãng mạn đó được trả bằng tiền để dành của con heo đất số 1.

Và chuyến đi vòng quanh thế giới được trả bằng tiền lấy từ con heo số 2.

Bạn có bao giờ ăn ở một tiệm ăn đắt tiền như thế không? Có thể nào tiền ăn to hơn tiền một chuyến đi vòng quanh thế giới không?

Hay là tổn phí cho chuyến đi du lịch vẫn lớn hơn bữa ăn tối.

Nếu vậy thì không ai thèm ghen tức với ông già viết lá thư thứ hai cả.

Tôi cũng thấy đỡ tủi nhiều lắm.


Ngày 23 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Tuần qua, trong phụ trang quảng cáo địa ốc của tờ Washington Post, tôi đọc được một lời rao bán đất nghĩa trang rất lý thú.

Người rao bán chắc chắn phải là một người đàn ông tuy ông không nêu rõ tên mà chỉ cho biết số điện thoại. Và người đọc cũng tin rằng ông là người chồng trong một cuộc hôn nhân nửa đường đứt gánh. Ông muốn bán lô đất mà hai người mua chung khi bà còn sống.

Lời rao nguyên văn như thế này: Well kept cemetery lot for sale. Person occupying other half is very nice and beautiful, not the nagging, jealous type. All gentlemen over 65 are welcome to inquire with reasonable offers. Please call...

Miếng đất ông muốn bán không phải chỉ là một miếng đất bình thường như những miếng đất khác. Nó là một nửa của lô đất gồm hai miếng mà ông và bà đã mua với dự tính hai người sẽ ở cạnh nhau lúc sống cũng như lúc đã sang bên kia thế giới. Nhưng một nửa lô đất nay đã có người nằm, người chưa dùng đến nó muốn bán. Người rao bán không nêu lý do như chúng ta thỉnh thoảng đọc thấy trong những lời rao bán xe, bán nhà như đi xa, xuất ngoại vân vân. Chi tiết duy nhất về miếng đất như được gìn giữ, chăm sóc cẩn thận được ghi ngay trên đầu, để có thể hiểu là có trồng hoa, cỏ được cắt tỉa cẩn thận.

Nhưng chi tiết đó không phải là chi tiết đáng để ý nhất. Chính những chi tiết về người đang nằm ở nửa kia mới đáng nói.

Người đăng lời rao cho biết người đang nằm dưới đất là người đẹp và hiền, không phải là thứ hay mè nheo, ghen bậy, ghen bạ. Ông cho biết thêm một chi tiết khác về tuổi tác của người nằm dưới khi mời các ông trên 65 gọi điện thoại nếu muốn mua đất.

Đây là một người chồng tuyệt vời. Bà ra đi trước, ông làm đúng lời hứa của những cặp yêu nhau: Anh hứa là sẽ chôn em nếu không được thì em chôn anh. Ông sống với bà đến lúc bà đi. Như thế là ông đã chôn bà. Nghe thì rùng rợn nhưng nghĩ lại, những cặp vợ chồng nên đưa ra một lời hứa như thế. Phải hứa như thế mới nói được sự hết lòng với hôn nhân. Hứa yêu nhau đến lúc đầu bạc răng long là chưa đủ. Vẫn có thể tới lúc đầu bạc, răng long, một trong hai bỏ đi theo mái tóc bạc và hàm răng long khác thì sao? Phải đem chôn mới chắc ăn.

Ông chôn bà, lại sửa sang phần mộ cho đẹp, trồng hoa, lập bia cho bà. Còn chuyện xuống ngay với bà thì có thể ông chưa sẵn sàng. Có thể thỉnh thoảng ông mơ thấy bà hiện về, bà nhắc ông mau xuống với bà, bà cô đơn, không có người đấm lưng, kể truyện tiếu lâm, pha cà phê cho bà uống buổi sáng, bóp chân cho bà... Ông nghe nhiều lần mà không làm được gì để chiều bà ngay, nên ông đăng báo tìm người chịu xuống sớm hơn với bà. Để đề nghị thêm hấp dẫn, ông cho biết bà rất hiền và đẹp, không mè nheo, ghen lồng lộn.

Thế nào miếng đất ông rao bán cũng sẽ bán được rất nhanh. Có thể ông chưa sẵn sàng để xuống ngay với bà, nhưng thiếu gì người ở nước Mỹ thỉnh thoảng lại phát điên hét toáng lên rằng thà chết còn sướng hơn là sống với những mè nheo sáng trưa chiều tối đó. Và đó là những người sẵn sàng mua miếng đất mà ông đang kiếm người để bán. Đó có thể là những người không biết học đâu được câu nói lưu danh muôn thuở của Trần Bình Trọng, để thỉnh thoảng lại sửa đi một chút rồi gầm lên đưa ra so sánh giữa chuyện làm quỉ dưới âm còn hơn làm người đàn ông khốn khổ trên dương thế.

Tôi tin là số người điện thoại hỏi ông sẽ rất đông đảo. Nhất là những người biết là mấy năm trước, cái "ngăn kéo" bên cạnh cái " ngăn kéo"... đựng Marilyn Monroe ở một nghĩa trang tại Hollywood đã có người mua, Hugh M. Hefner, chủ bút tờ Playboy mua đứt.

Sau này, khi ông chủ miếng đất muốn thăm bà thì cũng dễ. Chỉ sợ lúc ấy, lại bị một cụ bà trông lạ hoắc kéo tay lôi phắt đi không cho đến gần cái nghĩa trang ở gần thủ đô mà thôi. Nhưng đã chắc gì cụ nằm dưới lại muốn cụ ông ghé thăm sau bao nhiêu lần nước đã chẩy qua cầu... ào ào?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 124)

SO / VERY/ TOO

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 124 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thúy có mấy câu hỏi của cả thính giả lẫn của Thúy nhờ anh giải thích cho rõ hơn. Đó là hai trạng từ (ADVERB) SO và VERY. Thúy đã gặp chúng nhiều lần nhưng vẫn sợ dùng không đúng, vậy thì hôm nay xin nhờ anh giảng lại kỹ hơn.

BBT

Thực ra cách dùng của hai trạng từ này không khó khăn gì. Có những lúc chúng gần như giống hệt nhau. Đó là khi hai trạng từ SO và VERY cùng có nghĩa là "rất". SO và VERY được dùng để làm cho nghĩa của tĩnh từ (ADJECTIVE) đi theo chúng trở nên mạnh hơn. Hai cô cũng còn nhớ rằng trạng từ ngoài việc đi cùng với động từ để làm rõ nghĩa của động từ, chúng còn được dùng để thêm nghĩa cho tĩnh từ. Trong câu HE WALKS FAST thì trạng từ FAST cho chúng ta biết thêm về động từ WALKS. Anh ấy đi như thế nào? Anh ấy đi FAST, đi nhanh. Trạng từ FAST cho thêm nghĩa cho động từ WALKS. Trong câu IT IS HOT nghĩa là trời nóng. Nóng, HOT, là tĩnh từ. Muốn cho tĩnh từ mạnh hơn, rõ nghĩa hơn, chúng ta dùng trạng từ như IT IS EXTREMELY HOT. IT IS VERY HOT. IT IS SOMEWHAT HOT. Các trạng từ EXTREMELY, VERY và SOMEWHAT cho chúng ta biết thêm về tĩnh từ HOT. Trời nóng nhưng nóng thế nào? Cực nóng, rất nóng hay hơi hơi nóng? Đó là việc của các trạng từ EXTREMELY, VERY và SOMEWHAT.

Trở lại với SO và VERY, trong thí dụ THE WEATHER IS SO HOT thì SO HOT cũng giống như khi chúng ta nói THE WEATHER IS VERY HOT. HOT là tĩnh từ (ADJECTIVE). SO và VERY là trạng từ giúp làm cho tĩnh từ HOT mạnh hơn. Hai cô thử bỏ SO và VERY đi thì chuyện nóng nực không quá quắt lắm ngay. THE WEATHER IS HOT.

QA

Thưa anh, anh nói hai trạng từ SO và VERY này "gần như" giống hệt nhau. Như thế, chúng có giống nhau hoàn toàn không?

BBT

Các sách văn phạm nói chúng PRETTY MUCH MEAN THE SAME THING, nghĩa là SO và VERY gần như có cùng một nghĩa. Chúng gần giống nhau thôi. Hai câu THE WEATHER IS SO HOT và THE WEATHER IS VERY HOT đều có nghĩa là thời tiết rất nóng. Nhưng SO hơi khác VERY một chút. VERY nghĩa là "rất". SO cũng có nghĩa là "rất". Nhưng SO còn có nghĩa là "quá" nữa. Quá nóng thì khác với rất nóng. Khi chúng ta nói quá nóng, người nghe còn chờ thêm một vài chi tiết gì đó đi theo sau nữa chứ chuyện trời nóng không hẳn là chỉ ngừng ở chỗ đó. Thí dụ trời quá nóng (SO HOT) nên tôi phải tắm nước lạnh. Trời quá nóng (SO HOT) nên chúng tôi phải mở hết cửa sổ vào ban đêm. Trời quá nóng (SO HOT) nên mọi người kéo nhau ra biển. Trong khi nếu nghe nói trời rất nóng, THE WEATHER IS VERY HOT, thì người nghe không chờ đợi để nghe thêm gì khi câu nói chấm dứt.

LÃM THÚY

Thế thì thưa anh, TOO có khác SO không? Thúy hiểu TOO là "quá". Mà anh lại vừa nói SO cũng có nghĩa là "quá". Vậy TOO và SO đều cùng một nghĩa là "quá" hay sao?

BBT

TOO cũng là trạng từ (ADVERB) như SO, nhưng hơi khác SO một chút.

Tôi vừa nói THE WEATHER IS SO HOT là trời nóng quá. Người nghe chờ đợi tôi nói thêm một điều gì đó vì nghĩ rằng chuyện nóng đó còn đưa tới một số những chuyện khác nữa như phải đi tắm, phải mở cửa sổ, phải đi ra biển… Tuy vậy, không nói gì thêm thì cũng được. Nhưng TOO thì khác. TOO có nghĩa là quá, hơn hẳn, vượt quá. Và thường là chúng ta phải nói thêm một vài chi tiết để minh họa, làm rõ nghĩa, giải thích về tình trạng được mô tả là vượt trội, là quá mức đó. Không có những chi tiết đi sau, câu nói của chúng ta trở nên thiếu thiếu điều gì, khiến người nghe phải lắng tai chờ đợi, câu nói nghe chưa đầy đủ, tới độ có thể nói là hơi què cụt một chút.

Thí dụ tôi nói THE NEWS WAS TOO HORRIBLE rồi ngừng ở đó thì người nghe chắc chắn chờ nghe thêm một hai chi tiết khác. Đến khi nói thêm chi tiết HE WAS SPEECHLESS thì người nghe mới thôi, mới thấy là câu phát biểu về tin tức xấu ở trên là đầy đủ.

QA cho nghe hai thí dụ với TOO coi.

QA

HE SNOW STORM WAS TOO BAD, ALL FLIGHTS WERE CANCELLED.

THE ASKING PRICE OF THE HOUSE WAS TOO HIGH, THEY DECIDED NOT TO BUY IT.

BBT

Còn Lãm Thúy?

LÃM THÚY

THE U.S. ECONOMY IS TOO TERRIBLE, MANY IMMIGRANTS HAVE TO GO HOME.

MY SON IS TOO BUSY WITH HIS STUDIES, HE HAS NO TIME FOR THE GYM.

BBT

Người ta cũng dùng SO trong một cách đặt câu với 2 mệnh đề, một mệnh đề chính và một mệnh đề phụ. Mệnh đề chính đưa ra một nhận định, một phát biểu. Mệnh đề phụ nói về hậu quả của điều mệnh đề chính nêu ra. Mệnh đề phụ bắt đầu bằng THAT như trong thí dụ này:

IT WAS SO HOT THAT I HAD TO TURN ON THE AIR CONDITIONER.

Mệnh đề chính là IT WAS SO HOT. Mệnh đề phụ là THAT I HAD TO TURN ON THE AC. Việc phải vặn máy lạnh lên là hậu quả của tình trạng nóng bức mà mệnh đề chính nêu ra. Thúy cho nghe hai thí dụ với cách đặt câu này coi.

LÃM THÚY

THE ROOM WAS SO DARK THAT WE COULD NOT SEE ANYTHING.

HE WAS SO WEAK THAT WE HAD TO HELP HIM TO STAND UP.

BBT

Cô QA?

QA

COFFEE IS SO EXPENSIVE THAT HE STOPPED GOING TO STARBUCKS.

EVERYTHING IS SO COSTLY THAT MANY PEOPLE MUST CUT DOWN THEIR CHRISTMAS SHOPPING.

BBT

Trong những câu mà hai cô vừa đưa ra ở trên, chúng ta có thể thay SO bằng TOO mà ý nghĩa không khác nhau gì mấy. Nhưng SO và TOO còn có những cách dùng khá đặc biệt khiến ý nghĩa của chúng trở nên rất khác nhau.

Trước hết là cách đặt câu với SO…THAT. Trong tiếng Việt là QUÁ … ĐẾN NỖI. Đó là những câu hai cô vừa đưa ra ở trên. Trong mệnh đề bắt đầu bằng THAT nghĩa là mệnh đề "đến nỗi", chúng ta có thể đưa ra những ý tưởng hoặc phủ định hoặc xác định đều được.

Thí dụ IT WAS SO HOT THAT WE MOVED INDOORS. WE MOVED INDOORS là xác định. Trong câu sau đây thì mệnh đề phụ là phủ định: IT WAS SO HOT THAT BIRDS DID NOT SING.

LÃM THÚY

Đến đây thì Thúy nhớ là với TOO, cũng có cách đặt câu "quá … đến nỗi". Nhưng cách đặt câu "quá … đến nỗi" với TOO thì lại rất khác nếu không nói là ngược lại hẳn với cách đặt câu "quá … đến nỗi " với SO … THAT. Điều đó có đúng không thưa anh?

BBT

Rất đúng. Nhưng cách đặt câu đó dùng TOO … TO chứ không dùng TOO …THAT. Chúng ta dùng trạng từ TOO với một tĩnh từ và TO với một động từ chưa chia, một INFINITIVE.

QA

QA nhớ là lối đặt câu này luôn luôn mang ỹ nghĩa phủ định mà không cần phải dùng động từ phủ định.

BBT

Đúng vậy cô QA. Hai cô nghe câu này nhé : IT IS TOO HOT. WE CANNOT WORK IN THE SUN. Trời quá nóng. Chúng tôi không thể làm việc ngoài trời được. Người ta phải dùng tới HAI câu. Nhưng nếu dùng cách đặêt câu TOO…TO thì chúng ta chỉ cần nói: IT IS TOO HOT TO WORK IN THE SUN. Thúy cho nghe hai thí dụ với TOO…TO coi.

LÃM THÚY

IT WAS TOO LATE TO GO TO THE MOVIE.

HE WAS TOO OLD TO RUN IN A MARATHON.

BBT

Còn QA?

QA

THE TASK IS TOO DIFFICULT TO FINISH IN ONE DAY.

THE CAR IS TOO BIG TO FIT IN THE GARAGE.

LÃM THÚY

Nhưng thưa anh, khi nói IT WAS TOO LATE TO GO TO THE MOVIE và THE TASK IS TOO DIFFICULT TO FINISH IN ONE DAY, người nghe không biết ai là người không đi coi movie được vì trời đã quá khuya; cũng vậy, người ta không biết ai là người không thể hoàn tất công việc khó khăn đó trong một ngày như trong câu của QA. Làm thế nào nói rõ ra được điều đó, nghĩa là làm sao nói để người nghe biết ngay ai là người đi movie và hoàn tất công việc khó khăn đó.

BBT

Chúng ta dùng giới từ FOR và sau đó là một túc từ đại danh từ (OBJECT PRONOUN như ME, YOU, HIM, HER, US, THEM) hay một danh từ riêng như tên người hay một danh từ chung. Thí dụ IT WAS TOO LATE FOR US hay FOR RICHARD, hay FOR THE YOUNG BOY rồi tới TO GO TO THE MOVIE. Để xem cô QA đã hiểu rõ cách dùng này chưa nào.

QA

IT IS TOO SOON FOR ME TO SAY WHO IS THE NEXT PRESIDENT OF THE USA.

THE GARAGE IS TOO SMALL FOR ME TO PARK MY NEW CAR.

BBT

Thế còn cô Thúy?

LÃM THÚY

I THINK IT IS TOO EARLY FOR MY SON TO HAVE A SERIOUS GIRL FRIEND.

IT IS NEVER TOO LATE FOR US TO LEARN A NEW LANGUAGE.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

December 15, 2011

December 16, 2011

Ngày 12 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Tại một tiệc cưới cách đây hai ba tháng gì đó, chúng tôi được nghe bài "Thoi Tơ", bài hát một thân hữu của chú rể hát tặng cho tân lang và tân giai nhân, vẽ ra cảnh sống hạnh phúc mà ít người trong chúng ta có được.

Hai người trong bài hát không có những âu lo về trời gió, trời mưa, những ngại ngần, những tiếc nuối về mùa hè, mùa đông...

Đó là một cuộc sống tuyệt đẹp mà lời ca của Đức Quỳnh bầy ra cho một kết hợp lứa đôi may mắn.

Chàng thì chữ nghĩa đầy người, thơ phú rất giỏi, chữ tốt văn hay. Nàng thì có giọng hát để hát lên những lời thơ của chàng, rồi lại cứ như là Chức Nữ, con Trời, ngồi quay tơ, dệt lụa; dệt xong là chàng may áo cho cả hai người bằng đôi tay thoăn thoắt (...xong rồi ông (?) thợ khéo tay / chiếc áo thời trang đã cắt... ) như trong thơ Vũ Hoàng Chương. Thế rồi nếu thiếu tơ, nàng xe thêm... Chỉ tiếc khi hát, chữ "xe" lên hơi cao để nghe thành "xé" nên hơi kỳ một chút.

Bài hát là một ca khúc rất thích hợp cho một tiệc cưới. Nó là một ước mơ hạnh phúc, một lời chúc tốt lành cho cặp vợ chồng, nếu chúng ta không quá khó khăn và câu nệ vào vài đoạn lời ca của bài hát.

Nhưng người bạn ngồi chung bàn tối hôm ấy cứ nhất định nói rằng ông không thể là người đàn ông hạnh phúc trong bài ca. Ông không muốn hạnh phúc như thế. Hỏi mãi thì ông nói rằng cho ông việc khác thì ông làm ngay nhưng nếu cứ bắt ông cái thước vắt trên cổ, cái kéo trong tay, lấy ni tấc rồi cắt, rồi may, rồi đơm khuy, làm khuyết... thì ông không chịu. Ông thấy nó không đàn ông lắm. Ông thấy nó không oai. Ông thấy nó làm sao ấy. Đàn ông làm việc gì khác chứ không may áo cho mình và cho vợ. Ông có thể đổ rác, hút bụi, ngay cả chùi bếp hay buồng tắm, nhưng nhất định là không cắt may được. Đề nghị ông làm bếp cho nàng sau khi nàng mổ cá, đánh vẩy, ướp nước mắm, ông chỉ cần chiên nó lên, ông cũng không chịu. Đề nghị ông xào cho đĩa rau muống tỏi, hay làm đĩa trứng bắc, ông cũng không chịu nốt. Ông khẳng định là ông không nấu bếp, rằng cái bếp trong căn apartment ông đang ở là nơi sạch sẽ, gọn gàng nhất trong nhà, nơi ông chỉ... luộc (?) nước bằng microwave để pha ly cà phê instant mỗi buổi sáng.

Nhẩm lại lời của bài hát thì tôi thấy ông có lý. Đo đo, cắt cắt thì không được. Phải không thuộc ni tấc, không biết cả "kích tùng bao rộng, vạt bao dài" như Đông Hồ Lâm Tấn Phác trong bài Mua Áo của tập Cô Gái Xuân mới là ngon. Chứ nàng hỏi kích thước, cứ nói tuồn tuột sao cũng có ngày mạng vong vì nói tầm bậy tầm bạ, bị nghi là kích thước của con đĩ chó nào khác thì chỉ có chết. Không thể cắt đo quần áo cho hai người, cho mình lẫn cho nàng được.

Vậy mà những tiệc cưới hồi gần đây, người ta rất hay được nghe bài hát này, thay cho một bài hát khác cũng có cảnh "gom mây trời anh may áo cưới..." của những đám cưới trước đây. Như vậy thì có khá gì hơn. Bài nào chàng cũng phải lo may quần áo cho nàng. Kỳ chết.

Cuối cùng, chúng tôi hỏi ông có thể làm được những gì để khỏi mang tiếng là một người đàn ông vô tích sự, thì ông không nghĩ ra được một việc gì có thể làm được để thay thế cho công việc đo, cắt, may quần áo cho vợ, để không có eo, cắt vẫn có eo, để tà búp(?), bâu tươi(?)... cho nàng diện.

Không trách ông vẫn ế sưng, ế chẩy không ma nào chịu rước đi. Chúng tôi ít nhất cũng biết đơm cái khuy áo, lên cái gấu quần để đi nhẩy đầm từ hồi còn đi học.

Nhưng có lẽ ông nói đúng, may quần áo cho vợ thì kỳ quá. Thế thì tại sao cứ hát bài Thoi Tơ hoài vậy?


Ngày 13 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Có lẽ ít người được như Nguyễn Khuyến, lúc gần bẩy chục, ngồi xuống làm một bài thơ dặn dò con cháu không thiếu một điều gì để làm đúng theo khi qua đời. Từ đồ khâm liệm (chớ nề xấu tốt, kín chân tay đầu gót thì thôi) đến cỗ bàn, văn tế (đừng có viết văn mà đọc, trướng đối đừng gấm vóc làm chi) phúng viếng (chớ thu, chẳng qua nợ để cho người sống, chết đi rồi còn ngóng vào đâu) nhưng lại đòi rước cờ biển vua ban, thuê thợ kèn thổi hai bên, mỗi bên dăm thằng, chôn xong rưới cho một ít rượu hoa, bia đề giản dị (rằng: Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu.)

Dặn dò, trối trăng như vậy là quá kỹ, không như bao nhiêu người khác chết không kịp trối, trong khi có biết bao nhiêu điều cần phải nói lại với người sống mà không nói kịp.

Chúc thư thì lại thường dính đến chuyện tiền bạc, tài sản, pháp lý nhiều hơn. Ai lại viết chúc thư nói như lời cà chớn của bài Lời Người Ra Đi của Trần Hoàn, người nhạc sĩ vỏn vẹn sáng tác được có hai ba bài, nhưng lại được trao cho trách nhiệm trông coi văn hóa nước ta bao giờ. Kiểu "đừng có cúng, đừng làm gà, mà có cúng, đừng mời thầy, đừng mời ai cả em ơi..." Nghe bần tiện thấy rõ.

Những dặn dò như vậy nay đã có thể làm được dễ dàng bằng dịch vụ của một công ty nhỏ mới ra đời ở California, công ty Final Thoughts. Công ty này nhận lưu giữ những lời dặn dò, những ý tưởng cuối cùng (final thoughts), và khi người viết qua đời, những điều dặn dò này sẽ được gửi đi bằng e-mail cho những địa chỉ đã được cung cấp từ trước. Đến nay, đã có trên mười ngàn người sử dụng dịch vụ e-mail này của Final Thoughts, mà đa số là những thành phần dưới bốn mươi tuổi.

Đây là một chi tiết đáng nói, vì xã hội Mỹ là một xã hội không chịu chấp nhận cái chết. Già thì không muốn cũng phải chấp nhận. Nhưng trẻ thì thường hay nghĩ rằng không thể nào có chuyện chết. Vậy thì tại sao đa số lại là những thành phần chưa đến bốn mươi như bài báo trong tờ LA Times cho biết? Hay cái chết vẫn được nghĩ tới, nay mới lộ ra khi những người này sử dụng dịch vụ của Final Thoughts? Mà khi những người chưa già lắm này ghi lại những dặn dò, trăng trối thì họ viết những gì? Chắc chắn không dặn dò kiểu hỏa thiêu đem tro ném xuống chân cầu Madison County như Robert Kincaid và Francesca Johnson trong tiểu thuyết dựng thành phim của Robert James Waller.

Có thể là những điều khác, như: "... Em cấm anh không được cho con mẹ T. đến nhà quàn. Em ghét cái mặt nó không chịu được. Nó mà dẫn xác đến, em trợn mắt lè lưỡi ra là nó đứng tim, nó chết ngay tại chỗ cho coi. Đám tang xong thì anh phải bán nhà đi khỏi cái xóm mình đang ở. Em không muốn anh tiếp tục sống cạnh nhà con mẹ B. nữa. Em thấy nó gian lắm. Nó thấy em đi qua là nó nhổ nước miếng xuống đất rồi quay ngoắt vào nhà, mà nó thấy anh thì nó cười ngỏn ngoẻn nhe răng ngựa ra trong khi em thì có làm gì nó đâu. Sau ba năm, anh muốn lấy ai thì lấy, em không cấm, nhưng anh không được lấy con mẹ N., con mẹ L., con mẹ C. Anh mà lấy một trong mấy con mẹ này thì em hiện hồn về em bóp cổ anh, em xé xác mấy con voi dầy ngựa xé này ra chứ đừng có mà trêu ngươi em. Quần áo của em, anh đem cho Salvation Army, cấm không được cho mấy con chằng ăn trăn quấn ấy đụng tới. Nữ trang thì đeo hết cho em rồi hãy chôn. Cái hộp bích qui em cất trong garage, dưới mấy thùng bột giặt, bọc bằng bao plastic thì mang đốt đi cho em. Cấm anh không được mở ra coi. Anh mà không nghe lời em, đêm em hiện về em lấy dây điện em xiết cổ anh. Trong ấy chỉ có đống hình và thư của mấy con đĩ bạn anh thôi. Không cần phải xem nữa. Ảnh chúng nó bị vẽ râu và chọc mắt rồi thì xem làm gì nữa. Luôn cả quyển sổ điện thoại mà anh tưởng mất, đi kiếm cả tháng không ra hồi đó nữa. Chúng nó ở trong đó hết. Hơn nữa, mấy con đĩ ngựa ấy cũng đâu còn ở những số điện thoại cũ nữa mà kiếm. Bây giờ em đã ra đi, anh muốn làm gì với những đứa khác thì làm, em không biết thì không sao, nhưng cấm anh không được lạng quạng trở lại với mấy con đĩ ngựa kia. Em nghĩ tới chúng nó mà vẫn còn lộn ruột. Có đứa dám gọi em là sư tử trong thư viết cho anh mà em bắt được. Chúng nó hỗn như thế sao chịu được. Anh phải nghe lời em: chủ nhật phải ra thăm mộ em, đi một mình, không được hẹn hò đứa nào trong ngày hôm ấy. Có đi chơi với con nào thì cấm không được đeo mấy cái ca vát em mua cho, mấy cái sơ mi, giầy, jacket em chọn cho anh hồi em còn sống. Em thiêng lắm, nói cho anh biết trước. Đừng có chọc em cho em điên tiết lên, nghe chửa..."

Tưởng tượng người còn sống mà nhận được những cái e-mail như thế thì sống làm gì cho mệt.


Ngày 14 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Thomas Vinciguerra, một cây viết của tờ The American Spectator, có những câu trả lời thật tuyệt cho câu hỏi mà ông ta thỉnh thoảng bị hỏi.

Câu hỏi mà ông ta rất ghét là câu ông có vợ chưa, đã lập gia đình chưa. Càng gần đây, ông càng bị hỏi thường hơn, bất cứ lúc nào trong ngày, câu hỏi đó cũng có thể nhẩy ra, từ những người quen cũng như những người không quen hay không quen lắm.

Vinciguerra trả lời như thế này: "I am happy."

Có người sẽ coi đó là một câu trả lời lãng xẹt. Câu đó không hề là câu trả lời cho câu hỏi "Are you married?" bao giờ, ít ra thì cũng là theo những cuốn sách học tiếng Anh là sinh ngữ hai của chúng ta.

Bị hỏi có vợ chưa, mà trả lời là tôi sung sướng, vui vẻ, hạnh phúc lắm, thì câu trả lời đó quả là có lạ kỳ và lãng xẹt thật. Ông có vợ chưa? Dạ tôi vui lắm, hạnh phúc vô cùng...

Như vậy là có hay không? Vui vẻ hạnh phúc vì nhờ có một người đàn bà đằm thắm, dịu dàng ở bên cạnh? Hay vui vẻ hạnh phúc vì không có một người đàn bà đằm thắm, dịu dàng ở bên cạnh hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, bẩy ngày một tuần, mỗi tháng ba mươi ngày, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, từ sáng đến tối, từ trưa tới chiều, ngày nghỉ liên bang cũng như ngày nghỉ tiểu bang, sinh nhật Martin Luther King cũng vui, sinh nhật Robert E. Lee, sinh nhật tổng thống, nữ hoàng Anh, kỷ niệm Mao Trạch Đông chết... ngày nào cũng vui luôn.

Nghe trả lời như vậy, tôi nghĩ mãi mà không biết là ông có vợ hay không nữa.

Mãi đến khi đọc câu trả lời thứ hai của ông thì tôi mới biết rõ về tình trạng gia đình của ông. Hỏi ông có vợ chưa, ông đáp "Not, since breakfast", rằng thưa chưa, kể từ lúc ăn sáng đến bây giờ thì chưa. Như thế là ông chưa có vợ, và như thế cũng có nghĩa là từ nay đến chiều, tình trạng đó có thể đổi khác. Bàn tay ông có thể có người đến xin, và có thể được ông đem cho luôn, hào phóng thì quăng hết cả cái cánh tay và tất vả những gì còn bám vào cái cánh tay đó luôn về phía người xin.

Thomas Vinciguerra khai tiếp rằng ông là một bachelor, và cẩn thận ghi chú thêm ngay rằng ông không thích dùng chữ single để nói về tình trạng gia đình của ông từ bữa sáng tới lúc cung khai.

Như vậy, bachelorsingle không là một như chúng ta vẫn hiểu hay sao?

Single, theo Vinciguerra, là một mình, là không có một cái khế ước nào ràng buộc. Vậy thôi. Trong khi muốn có cái khế ước ấy lắm.

Nhưng bachelor thì khác. Bachelor không thích có cái khế ước đó. Bachelor là một tay bon vivant, sống hết mình. Hugh Hefner, người đàn ông làm tờ báo có cái đầu con thỏ ngoài bìa, niềm mơ ước thầm kín và gian ác của nhiều người đàn ông, là bachelor. James Bond 007, người lái chiếc Aston Martin DVB hai chỗ ngồi, khẩu Beretta hay Walther PPK 9 mm trong cái bao đeo dưới nách, ly Martini trong tay, quần áo của Brioni, giầy của Church Luân Đôn, lúc nào cũng một, hai chị não nùng bên cạnh... là bachelor.

bachelor thì khó, nhưng là single thì dễ, cái giấy chứng nhận cũng rẻ rề. Tại một văn phòng luật sư nọ, làm một tấm giấy chứng nhận là single, giá chỉ có $250. Ngày xưa, có lúc thứ này rẻ hơn nhiều:

... ba đồng một chục đàn ông
chị bỏ vào lồng, chị xách đi chơi
đi qua vũng lội đánh rơi
nó bò lom ngổm mỗi nơi một thằng...

Mà đó không phải là chỉ cái giấy. Chắc tại vậy nên Thomas Vinciguerra mới nhắng lên nhận là bachelor chăng?

Mấy câu trả lời của Vinciguerra coi vậy mà có lý hết sức. Từ sáng tới giờ, tôi cũng vui vẻ vậy.


Ngày 15 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Sáng nay, tờ New York Times, nơi trang A18, có đăng một đoạn tin ngắn mà tôi tin là sẽ có những ảnh hưởng khủng khiếp trong những ngày sắp tới.

Tôi không biết gì về cách chọn tin và xếp tin của tờ báo này nên không thể nói, dẫu cho là đoán mò, để đưa ra một giải thích tại sao đoạn tin 11 dòng này của thông tấn xã Reuters bị "chôn" vào tận trang 18 mà không ở những trang khác để độc giả dễ thấy hơn.

Và người chọn, đưa bản tin này vào tận trang 18 là đàn ông hay đàn bà. Chi tiết này có thể rất quan trọng.

Bạn còn nhớ những cái bơm có thời báo chí quảng cáo ầm ỹ ở Sài Gòn chứ? Những cái bơm được tung ra vào lúc con chim bồ câu hòa bình Việt nam đang đau nặng tưởng chết hồi đó. Nhưng rồi hình như những chiếc bơm này cũng không có được bao nhiêu công hiệu, và con chim bồ câu (cũng có khi còn được gọi là chim cu) hòa bình của chúng ta lăn ra chết sau đó một thời gian ngắn.

Những chiếc bơm (chim bồ câu?) này tưởng chỉ được đem bán ở Việt Nam, quốc gia thời đó đang khao khát hòa bình thì nay, đọc bản tin của Reuters, người ta mới biết thêm rằng ở nước Mỹ, những chiếc bơm này cũng được bán cho người tiêu thụ mà tôi tin là phe phản chiến lúc ấy đang rất cần để hà hơi tiếp sức cho biểu tượng cho hòa bình (?) của họ.

Không biết nó được bán ở nước Mỹ từ bao giờ, nhưng nay thì một dụng cụ "tương nhiệm" của nó bắt đầu được đem bán cho phụ nữ. Theo bản tin Reuters, Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm của chính phủ liên bang( F. D. A) đã quyết định cho phép bán cho người tiêu thụ một dụng cụ giúp gia tăng khoái cảm cho phụ nữ.

Như vậy, sau khi cho phép bán Viagra, loại thuốc giúp cho những người đàn ông lấy lại được danh dự và tự tín, thì chính phủ Mỹ đã quay sang lo cho phụ nữ, giúp các phụ nữ Mỹ mưu cầu hạnh phúc như Hiến Pháp đã qui định. Sản phẩm này không dùng để uống vì rõ ràng là rất khó mà có thể nuốt một sản phẩm to như thế. Do một công ty ở Minnesota sản xuất, sản phẩm được đặt cho cái tên là Eros Device.

Nghe tên là biết nó dùng làm gì rồi. Eros là thần ái tình, con của Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp. Không lẽ Eros, thần ái tình lại chịu giúp... sơn cái nhà bếp của những người mua nó!

Eros Device là một cái bơm gồm một bộ phận như cái bát (?) nhỏ, mềm gắn vào một máy hút. Máy hút chạy bằng điện sẽ giúp lôi, kéo máu vào khu vực chiến lược quan trọng nhất của phụ nữ để giúp gia tăng khoái cảm của người dùng.

Như vậy, phụ nữ cũng có thể mưu cầu hạnh phúc hệt như đàn ông. Không còn có chuyện thoái thác nhức đầu nữa. Mức tiêu thụ (giả cũng như thật) của Aspirine sẽ đi xuống. Những người đàn ông đau khổ sẽ không còn tối tối phải mang viên Aspirine vào giường cho những người đàn bà nữa. Aspirine vừa hại bao tử, vừa chỉ... hết nhức đầu thôi. Không hề gia tăng được hạnh phúc, khoái cảm cho phía bên kia gì hết. Nhưng cái bơm, cái Eros Device giá $395.00, sẽ làm được công việc mà những viên Aspirine ấy không làm được.

Các ông chồng sẽ mừng hay sẽ hoảng sợ cùng cực khi những bà vợ kéo lê cái máy bơm vào buồng tắm, cắm điện cho chạy rẹt rẹt, hồi sau mở cửa, tươi rói bước ra... đòi nợ? Đáp lại bằng cách nào? Quăng hết đống thuốc Viagra các nàng mua cho? Bị bắt uống thì đẩy xuống dưới lưỡi rồi lén phun ra, gạt vào gầm giường? Than bị nhức đầu ? Sẽ khó thoát lắm.

Cựu thượng nghị sĩ Bob Dole, khi nhận quảng cáo cho Viagra đã mang lại rất nhiều danh dự và uy tín cũng như sự nể trọng cho những viên thuốc này. Người ta nghĩ bà Elizabeth Dole có thể được mời để quảng cáo cho Eros Device, nhưng bà Dole trông có vẻ không cần cái Eros Device nên dùng bà để quảng cáo coi bộ không nhiều khả năng... thuyết phục lắm.

Bà bộ trưởng nội an Janet Napolitano trông có vẻ cần hơn, có lý hơn.

Dầu sao thì niềm lo lắng của nhiều người đàn ông đã trở thành sự thật.

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh là thế.


Ngày 16 tháng 12 năm 2011

Bạn ta,

Sau những vụ khủng bố bằng chất nổ trên máy bay, mà vụ chiếc Boeing 747 của Pan Am bị phá nổ trên không phận Lockerbee, Tô Cách Lan trước đây là vụ khủng khiếp nhất, mỗi lần gửi hành lý ở phi trường để lên máy bay, hành khách lại bị hỏi một câu nghe thì rất ngớ ngẩn, nhưng nghĩ lại, cũng rất cần thiết

Đó là câu ông / bà có đích thân làm va ly cho ông / bà không, và sau khi làm va ly, có ai mở va ly của ông/ bà ra không, hành lý của ông bà luôn luôn ở bên cạnh với ông bà chứ?

Thì chúng tôi làm lấy chứ còn ai làm hộ cho nữa. Có phải là thái tử Charles của nước Anh đâu mà có quân hầu, đầy tớ làm va ly. Dăm ba món quần áo lót, mấy cái ca vát, vài cái sơ mi, mấy cái quần, bàn chải đánh răng, bít tất, dao cạo râu, lược, hai đôi giầy, eau de cologne, máy xấy tóc... quăng hết vào va ly, leo lên trên ngồi, ấn xuống là xong, lấy ai làm hộ va ly bây giờ? Cũng có ai ngồi cạnh để mà nói là vật bất ly thân để mà bị hỏi nghe muốn điên lên như vậy...

Hành khách lúc đầu còn lắng tai nghe kỹ rồi mới trả lời, nhưng sau khi nghe quen, người ta không còn chờ để bị hỏi hết câu nữa, mà trả lời ngay lập tức, trước khi nhân viên hãng máy bay hỏi xong. Vâng, chính tôi làm va ly, không ai đến gần cái va ly của tôi, cũng không có ai nhờ tôi mang theo gì hết...

Nhưng hỏi vậy cũng phải. Lỡ có người cho vào va ly cái đồng hồ với hai sợi dây điện gắn vào một nắm nhựa dẻo thì cũng phiền. Hay nếu không, vài ba gói bột trắng mà không phải xà phòng bột, mà là sản phẩm của Colombia thì nhất định là khổ đời chủ va ly ngay.

Những câu trả lời ở phi trường như ở trên là được, là đúng cách, là an toàn nếu thực sự chủ va ly làm lấy va ly, không cho ai đứng gần, cũng không mang hộ ai cái gì trong va ly.

Nhưng có khi những câu trả lời cho các câu hỏi trên có thể không an toàn chút nào cho hành khách.

Cách đây đã lâu, Cindy Crawford xuất hiện trong chương trình Tonight Show của Jay Leno, và cùng với Jay Leno chơi một ván strip poker, trò chơi mà ai thua thì phải cởi một món trên người bỏ lên bàn. Cindy bị thua lần thứ nhì, phải bước ra sau ghế, quăng lên bàn của Jay Leno cái quần lót. Jay Leno xin để mang về nhà. Cindy Crawford không chịu, nhưng tiết lộ một chi tiết mà những người hay đi máy bay từ nay sẽ phải rất cẩn thận.

Người nữ kiểu mẫu này nói rằng đã xẩy ra một số trường hợp, các công nhân chuyên việc chất và rỡ hành lý của hành khách mở những chiếc va ly của hành khách gửi trên máy bay, lấy vài món ở trong, rồi đem bỏ vào va ly của những người khác. Thường thì không phải là bom, súng, chất nổ plastic hay bạch phiến, mà là những món quần áo.

Tưởng tượng người phụ nữ, sau chuyến đi, về tới nhà, mở va ly ra lấy quần áo ra treo vào tủ, thì một cái nịt vú, hay một cái quần lót phụ nữ lạ hoắc rơi ra. Vậy thì không có gì đáng nói cả. Chồng nàng có trông thấy thì cũng khó mà biết được, mà nếu thấy, thì cũng đâu có việc gì. Mang lộn của một người bạn về nhà thì đã sao.

Nhưng nếu là một chiếc quần lót kiểu jockey của đàn ông thì sao? Người đàn ông, chồng của nàng sẽ cầm lên, xem con số ở cạp quần, lắc đầu nói: "Wrong size...", không phải cỡ của chàng, rồi ngồi xuống thản nhiên đọc báo tiếp, hay vui vẻ cười, mời vợ đi ăn cơm Thái cho nàng vui một chút?

Người phụ nữ có thể sẽ có cách thoát hiểm như nàng vẫn luôn luôn thoát hiểm trong những trường hợp khó khăn như vậy. Nhưng nếu người đi xa về nhà là người đàn ông, và vật rơi ra từ va ly của ông là một món của phụ nữ thì liệu ông ta có toàn thây không?

Đó là lúc phải phải xét lại câu trả lời mà ông ta vẫn quen đưa ra tại phi trường. Không thể nói chính tôi làm va ly, không có ai đứng cạnh, cũng không ai nhờ mang theo cái gì hết.

Trả lời như vậy thì chỉ có chết.

Đích thân làm va ly mà tại sao lại có cái quần lót này? Không ai đứng gần cái va ly mà cũng có cái quần lót này là vì sao? Không ai nhờ mang theo món gì mà cái quần lót nằm trong va ly thì đúng là mang nó về là một hành động có dự mưu. Để làm gì? Để ghi nhớ những ngày vui qua mau chăng? Nó là ai? Thành thật khai báo cái coi. Đứa nào mà lại mặc của Cacique, 100% cotton, size S/5, lại còn kiểu Bikini Hi-Cut thế này? Ối giời ơi, lại còn đăng ten, lại còn cái hoa hồng tết ở trước nữa có chết không cơ chứ lị...

Những câu hỏi kế tiếp chắc chắn sẽ khiến cho chủ chiếc va ly ước gì được khủng bố Hezbollah chiếu cố còn có cơ hội chết vinh hơn sống nhục như thế.

Không biết tiết lộ của Cindy Crawford có giúp làm cho tình hình đỡ hơn cho những người đàn ông khốn khổ này hay không. Nhưng trò chơi của các nhân viên phụ trách hành lý của các hãng máy bay chắc chắn thế nào cũng đã khiến cho một số người chết oan, và số nạn nhân nhất định phải nhiều hơn số người chết vì khủng bố ở Lockerbee là vậy. Tại sao lại cứ phải va ly mà không... "quần áo cứ thế cắp nách" cho an toàn như các chiến sĩ hải quân?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 123)

PASSIVE VOICE AGAIN!

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 123 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, trong các bài học Anh ngữ của Hồn Việt TV, anh có giảng về PASSIVE VOICE ít nhất là một lần rồi nhưng Thúy vẫn muốn anh nói thêm về cách nói này trong tiếng Anh. Thúy nghĩ có một số trường hợp không thể đổi từ ACTIVE sang PASSIVE VOICE có đúng không?

QA

Và thưa anh, anh cho biết tại sao người Anh lại hay dùng PASSIVE VOICE trong khi tiếng Việt rất ít khi dùng cách nói này?

BBT

Thực ra thì chúng ta cũng dùng PASSIVE VOICE trong tiếng Việt. Chúng ta chỉ ít dùng nó thôi chứ không phải là không bao giờ dùng. Vì thế nên khi nghe PASSIVE VOICE, tức là Thụ Động Cách trong tiếng Việt, chúng ta thấy không xuôi tai lắm và cách viết đó bị coi là hành văn kiểu Tây, kiểu Mỹ hay nhẹ ra thì cũng bị chê là nghe Tây quá, Mỹ quá, không … Việt Nam chút nào. Tôi chắc hai cô cũng đã đọc thấy những quảng cáo như thế này trên báo chí Việt ngữ ở đây: NHÀ BÁN BỞI CHỦ… BỞI CHỦ là BY OWNER, là không qua agent hay salesman hay broker.

Chúng ta không bao giờ nói như thế này: EM THÌ ĐƯỢC YÊU NHIỀU LẮM BỞI ANH.

QA hỏi tại sao lại dùng PASSIVE VOICE thì câu trả lời là khi chủ của động từ không phải là chi tiết quan trọng cần phải nói ra, hay cũng có khi chủ của động từ ấy là người chúng ta không biết. Thí dụ QUYỂN SÁCH ĐƯỢC ĐỌC RẤT NHIỀU. QA cho biết tại sao người ta lại nói như thế…

QA

Tại vì chủ của việc đọc cuốn sách đó không phải là chi tiết cần nói ra, mà cũng có thể vì chúng ta không có cách nào biết tên tuổi đầy đủ của những người đọc cuốn sách đó.

BBT

Thế còn khi nói CHIẾC XE BỊ ĐÁNH CẮP thì tạo sao lại nói như thế? Thúy cho biết lý do coi.

LÃM THÚY

Vì chúng ta không biết ai là người lấy cắp chiếc xe và cũng có thể biết nhưng không cần thiết phải nói ra.

BBT

Ôn lại PASSIVE VOICE một chút. Chúng ta tạo thành PASSIVE VOICE như thế nào đây, QA?

QA

Chúng ta dùng động từ TO BE+PAST PARTICIPLE của động từ chính. Thí dụ MISTER OBAMA PULLS THE TROOPS OUT OF IRAQ là ACTIVE VOICE, là HOẠT ĐỘNG CÁCH, là khi chủ từ (SUBJECT) của câu là chủ của việc làm, là người làm công việc, là chủ từ của động từ PULLS trong câu. Chủ từ MISTER OBAMA, động từ là PULLS THE TROOPS. Ông Obama là người làm công việc rút binh sĩ Hoa kỳ ra khỏi Iraq.

Khi đổi câu này thành PASSIVE VOICE, người ta nói thế này: THE TROOPS ARE PULLED OUT OF IRAQ BY MISTER OBAMA.

BBT

Cô Thúy cho nghe một câu ACTIVE VOICE rồi sau đó đổi thành PASSIVE VOICE coi.

LÃM THÚY

ALL TV NETWORKS CARRY HIS ADDRESS là ACTIVE VOICE. HIS ADDRESS IS CARRIED BY ALL TV NETWORKS.

BBT

Đó là PASSIVE VOICE trong thì HIỆN TẠI (PRESENT TENSE) QA đổi hai câu trên thành QUÁ KHỨ coi.

QA

THE TROOPS WERE PULLED OUT OF IRAQ BY MISTER OBAMA.

HIS ADDRESS WAS CARRIED BY ALL TV NETWORKS.

BBT

Thúy đổi hai câu trên thành TƯƠNG LAI (FUTURE) thì sẽ nói như thế nào?

LÃM THÚY

THE TROOPS WILL BE PULLED OUT OF IRAQ BY MISTER OBAMA.

HIS ADDRESS WILL BE CARRIED BY ALL TV NETWORKS.

BBT

QA đổi hai câu đó thành PRESENT PERFECT coi.

QA

THE TROOPS HAVE BEEN PULLED OUT OF IRAQ BY MISTER OBAMA.

HIS ADDRESS HAS BEEN CARRIED BY ALL TV NETWORKS.

BBT

Như vậy, hai cô đã biết khá rõ về cách dùng và tạo thành PASSIVE VOICE rồi. Dĩ nhiên còn những thì khác nữa. Nhớ là dùng TO BE với PAST PARTICIPLE của động từ chính là được. Với các thì khác thì cứ đổi TO BE thành PAST, FUTURE, PERFECT, CONTINUOUS là được.

Bây giờ tôi hỏi hai cô câu này: hầu hết các động từ đều có thể dùng với PASSIVE VOICE có đúng không?

QA

Thưa anh đúng vậy. Có một số không thể dùng trong PASSIVE VOICE được. QA thấy như câu này thì làm sao đổi thành PASSIVE VOICE được: SHE WALKS hay HE SNORES…

BBT

Cô Thúy biết tại sao không?

LÃM THÚY

Có phải tại vì cả hai câu không có túc từ OBJECT không thưa anh?

BBT

Đúng rồi. Khi động từ có túc từ trực tiếp (DIRECT OBJECT) đi theo ngay đằng sau thì chúng ta mới có thể đổi câu đó qua PASSIVE VOICE được.

LÃM THÚY

Những động từ không có túc từ hay không cần phải có túc từ mà vẫn đầy đủ ý nghĩa thì tiếng Anh gọi là gì Thúy quên mất .

BBT

Tiếng Anh gọi các động từ này INTRANSITIVE VERBS, tức là TỰ ĐỘNG TỪ trong tiếng Việt. INTRANSITIVE VERBS không cần túc từ, không có túc từ đi theo sau. Thí dụ các động từ này là INTRANSITIVE VERBS: TO RUN, TO WONDER, TO DIE… Cô Thúy cho hai thí dụ về INTRANSITIVE VERB coi.

LÃM THÚY

Thúy nghĩ hai động từ TO TRAVEL, TO SLEEP là INTRANSITIVE VERBS đúng không thưa anh? Thúy có thể nói I LIKE TO TRAVEL thì câu Thúy nói đã đầy đủ ý nghĩa, không cần thêm túc từ theo sau nữa. Hay khi nói BE QUIET! PEOPLE ARE SLEEPING…

BBT

Trong khi đó, các động từ cần phải có túc từ, tức là bao giờ cũng phải có túc từ đi theo sau mới có ý nghĩa đầy đủ là TRANSITIVE VERBS. QA thấy các động từ TO GIVE, TO EAT, TO WEAR, TO PUSH … có đặc điểm gì?

QA

QA thấy chúng cần phải có túc từ đi sau mới có ý nghĩa. TO GIVE là cho, nhưng cho cái gì. TO EAT là ăn nhưng phải nói là ăn gì mới được. TO WEAR là mặc, phải nói rõ là mặc cái gì và TO PUSH là đẩy, chúng ta phải nói rõ là đẩy cái gì.

BBT

QA thử cho thêm túc từ vào các động từ TRANSITIVE này coi.

QA

HE GAVE MONEY TO THE LIBRARY.

THEY ALWAYS EAT DINNER AT HOME.

SHE WEARS JEANS TO WORK.

WE PUSH THE CAR TO START IT.

BBT

Nhưng cũng có các động từ vừa là TRANSITIVE hay THA ĐỘNG TỪ, tức là cần túc từ, lại vừa là INTRANSITIVE là TỰ ĐỘNG TỰ, không cần túc từ như động từ TO COOK chẳng hạn. Thí dụ I DO NOT COOK thì đó là INTRANSITIVE. MY MOTHER COOKED DINNER FOR ALL OF US EVERY WEEK-END thì đây lại là TRANSITIVE VERB.

Sở dĩ tôi lan man nói qua TRANSITIVE và INTRANSITIVE là vì chỉ có các động từ TRANSITIVE tức là THA DỘNG TỪ mới có thể dùng trong PASSIVE VOICE. Lý do là vì các động từ này phải có túc từ đi theo sau. Các túc từ này trở thành chủ từ trong PASSIVE VOICE. Không có túc từ thì làm sao trao nhiệm vụ chủ từ cho nó trong câu PASSIVE VOICE?

Trong câu ACTIVE VOICE sau đây, JEFF BUYS A BOOK thì JEFF là chủ từ (SUBJECT), BUYS là động từ (VERB) và A BOOK là túc từ (OBJECT). Chuyển câu này thành PASSIVE VOICE thì chúng ta đem túc từ A BOOK lên làm chủ từ (SUBJECT), và đưa JEFF xuống làm túc từ (OBJECT). Thúy làm thử coi.

LÃM THÚY

A BOOK IS BOUGHT BY JEFF.

BBT

Đúng rồi. Hai cô thấy là câu ACTIVE phải có túc từ thì mới chuyển thành PASSIVE VOICE được.

Vậy thì câu HE SLEEPS có đổi thành PASSIVE VOICE được không?

LÃM THÚY

Không được vì TO SLEEP không cần, không có túc từ thì lấy đâu làm chủ từ cho câu PASSIVE. Như thế, chỉ có những câu có TRANSITIVE VERBS, tức là chỉ những câu có túc từ thì mới có thể đổi ra thành PASSIVE VOICE được, phải không thưa anh?

BBT

Đúng vậy.

QA

Và do đó, các động từ INTRANSITIVE thì không thể dùng trong PASSIVE VOICE có đúng không thưa anh?

BBT

Đúng như thế.

LÃM THÚY

Xin anh kể sơ ra mấy động từ không thể dùng trong PASSIVE VOICE cho học trò của anh nhớ khỏi quên, khỏi nói sai.

BBT

Đây là vài động từ hai cô có thể gặp: TO OCCUR là xẩy ra, diễn ra. TO HAPPEN cũng là xẩy ra. TO ARISE là nổi lên, phát sinh ra. TO EXIST là hiện hữu, là có mặt. QA thử đặt hai câu thí dụ với TO OCCUR và TO HAPPEN coi.

QA

ECONOMIC PROBLEMS OCCUR EVERYWHERE IN THE WORLD.

THE 911 TERROR ATTACKS HAPPENED IN 2001.

BBT

Thúy cho nghe thử hai câu với TO ARISE và TO EXIST coi.

LÃM THÚY

POLITICAL UNRESTS AROSE IN ALGERỊA MOROCCO, LYBIA, EGYPT AND SYRIA.

FAMINE STILL EXISTS IN MANY PARTS OF AFRICA.

BBT

Động từ TO LACK là một trường hợp đặc biệt. Nó là TRANSITIVE VERB, tức là nó phải có OBJECT nhưng nó lại không thể dùng trong PASSIVE VOICE được. Thí dụ NORTH KOREA LACKS FOODS AND ENERGY. OBJECTS của LACKS là FOODS , ENERGY nhưng không thể nói FOODS AND ENERGY ARE LACKED BY NORTH KOREA được. Chúng ta chỉ có thể nói FOODS AND ENERGY ARE LACKING IN NORTH KOREA.

LÃM THÚY

Thúy thấy một điều rất đáng nói ở đây về PASSIVE VOICE, đó là trong tiếng Việt, khi chuyện xẩy ra đem lại hạnh phúc, mang lại niềm vui thì chúng ta nói ĐƯỢC và khi chuyện đem lại bất hạnh, khổ đau thì chúng ta nói BỊ.

BBT

Đúng thế. Nhưng tôi vẫn đọc thấy những bản cáo phó viết rằng "… đau đớn báo tin ông/ bà đã ĐƯỢC Chúa gọi về…" Viết như vậy e không ổn. Có lẽ nên viết là "chúng tôi trân trọng thông báo cùng thân bằng quyến thuộc ông/ bà đã ĐƯỢC Chúa gọi về." "Được Chúa gọi về" phải là một ân sủng, hạnh phúc thì tại sao lại đau đớn báo cái tin đó? Không lẽ Chúa lại gây đớn đau, bất hạnh cho gia đình có người ra đi? Gần đây, ở trong nước chúng ta nghe có nhiều người dùng chữ BỊ như thế này: CÔ ẤY HƠI BỊ ĐẸP. Hy vọng đây chỉ là lối nói lập dị, sau một lúc sẽ biến đi chứ không ai đầu óc bình thường lại ăn nói như vậy cả.

LÃM THÚY

Ở đầu giờ, anh nhắc tới chữ SALESMAN, Thúy nhận thấy là gần như tất cả những người Việt Nam Thúy gặp ở dưới phố đều nói là SALEMAN, nhất định không phát âm chữ S. Tại sao kỳ vậy?

BBT

Tôi không biết. Những danh từ tôi kể ra sau đây cũng rơi vào trường hợp đó, tức là không đọc chứ S lên trong khi chữ S phải đọc lên, không thể bỏ được, đó là những chữ SPORTSCAR, DRAFTSMAN. Trong khi có những chữ viết có S nhưng không bao giờ đọc nhưng nhiều người vẫn đọc đầy đủ các âm S lên, đó là các danh từ ISLAND, VISCOUNT, VISCOUNTESSS, ISLE, ISLET, AISLE. Ở Luân Đôn có một khu tên là GROSVERNOR SQUARE, nơi có sứ quán Hoa kỳ, chúng ta cũng không đọc chữ S, nhưng đây là tên riêng nên có cách đọc riêng.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.


LAN MAN CHUYỆN NĂM THÌN


Bùi Bảo Trúc

Thoắt một cái, năm con rồng đã lộn trở lại. Rồng lộn nghĩa là năm con rồng quay trở lại, người viết nói như thế cho rõ, hy vọng người đọc khỏi hiểu lầm ra chuyện rộng với hẹp. Khi nói chuyện rồng lộn nên cẩn thận, kẻo líu lưỡi lại thì không còn rồng lộn nữa mà biến ngay thành … lồng rộn chứ không phải … rộng hẹp như một số độc giả sắp quả quyết (?).

Năm rồng trong thập nhị chi là năm Thìn. Một âm nữa của Thìn là Thần. Thìn là chi thứ 5 trong 12 chi. Năm Thìn đi với các can Giáp, Bính, Mậu, Canh và Nhâm, tức là chỉ những can vừa kể thì mới có năm Thìn. Các can Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quí không bao giờ đi với Thìn.

Giờ Thìn là từ 7 giờ đến 9 giờ sáng. Như vậy, rồng là con vật thích dậy sớm. Nhưng dậy sớm để làm gì? Rồng bất quá chỉ lảng vảng ngoài khơi, thỉnh thoảng lên cơn khát thì hút nước biển lên uống chơi cho bõ những ngày cơ cực.

Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa là cách xem thiên văn của người xưa, trước khi có truyền hình. Bây giờ, mỗi sáng ngồi nhà chỉ cần vặn TV lên là biết nắng mưa ngay khiến rồng thất nghiệp phải kéo nhau đi xin tiền trợ cấp unemployment làm khổ chính phủ.

Rồng ở biển nhiều hơn. Long vương là vua biển, vua thủy. Long cung là điện của vua. Rồng ít khi ở ao hồ. Kẹt lắm mà phải ở tạm ao thì cũng khổ vô cùng:

Rồng thiêng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình.

Nhưng cũng có khi rồng phải lội ao tù như lúc anh hùng sa cơ thất thế phải ép mình trong cảnh kìm hãm:

Rồng lội ao tù tôm cũng giỡn
Hổ xuống đồng bằng chó vuốt đuôi.

Thảnh thơi thì rồng leo lên nóc nhà, rủ thêm một con nữa chầu cái mặt trăng cho đỡ buồn để thành cảnh lưỡng long chầu nguyệt.

Rồng là sản phẩm tưởng tượng ở cả Âu lẫn Á. Theo trí tưởng tượng của người ta, rồng là con vật có mình dài, thân có vẩy như rắn, có 4 chân, móng sắc và nhọn.

Đông phương coi rồng là dương. Đối với rồng là phượng hoàng, tượng trưng cho âm. Nhưng rồng lại đi với phượng để cho có dương có âm mới tốt. Long phượng hòa minh là thế.

Rồng ở đông phương luôn luôn tượng trưng cho may mắn, tốt đẹp trong khi rồng tây phương thì lại tượng trưng cho những điều xấu và dữ, không lành.

Rồng Trung Hoa, Việt Nam, Cao Ly và Nhật cũng tượng trưng cho sức mạnh. Tại Trung Hoa, Cao Ly và Việt Nam, rồng còn là biểu tượng của vua. Đời nhà Chu, rồng 5 móng là thiên tử. Rồng 4 móng tượng trưng cho giai cấp quí tộc trong khi rồng 3 móng thì lại là biểu tượng của các quan lại, giới đại phu. Móng rồng có mùi thơm, không biết rồng đi lạng quạng ở đâu, móng rụng rơi rớt trên những bụi cây, có mùi hơi hắc nhưng lại dễ chịu.

Rồng Việt Nam rất khác với rồng Trung hoa. Rồng Việt Nam có xuất xứ từ giống cá sấu. Thời xưa, người Việt tôn con cá sấu lên làm con giao long rồi tô điểm thêm cho con giao long nhiều chi tiết tưởng tượng khác như người ta đã thấy từ thời Văn Lang, Âu Lạc để thành con rồng. Con giao long của người Việt có thể cũng đã là cảm hứng cho người Trung Hoa tạo ra con rồng của họ. Rồi khi Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ, con rồng của Trung Hoa lại quay trở lại với văn minh, văn hóa Việt Nam, và con rồng Việt Nam trở thành giống con rồng Trung quốc hơn.

Rồng Việt Nam thân uốn lượn thành 12 đường cong tượng trưng cho 12 tháng. Rồng Việt Nam không có sừng. Hàm của rồng có râu, cổ có bờm. Mũi rồng Việt Nam gọi là mào lửa, rất khác với mũi rồng Trung quốc. Rồng Việt Nam ngậm một viên ngọc lớn trong khi rồng Trung quốc, Nhật Bản và Cao Ly thì quặp một viên ngọc bằng chân trước. Những đặc tính của rồng Việt Nam đã bị nhà Minh, khi đô hộ Việt Nam, tìm mọi cách để tiêu diệt.

Rồng Việt Nam và Trung quốc đều có vẩy trên thân, tất cả đếm được 117 vẩy. Trong số này, 81 vẩy là dương và 36 vẩy là âm. Người Trung Hoa cho rằng rồng có tất cả các đặc tính của 11 con giáp như râu của chuột, mặt và đầu có sừng như trâu, móng vuốt và răng của cọp, bụng của thỏ, thân mình của rắn, chân như chân ngựa, râu của loài dê, trí khôn của loài khỉ, mào của gà, tai của chó và mõm của lợn.

Khi vẽ rồng hay tạc tượng, người ta cẩn thận không để rồng cúi xuống mà bao giờ cũng ngẩng đầu cao, ngó lên trời.

Đối lại với đầu rồng là đít vịt, theo ông Tú Vị Xuyên:

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng…

Chính rồng Việt Nam cũng khác nhau tùy theo thời đại mà rồng xuất hiện như rồng thời Lý thì thể hiện sự nhẹ nhàng, rồng thời Trần thì khỏe mạnh, thân hình to lớn vì dưới thời Trần, người Việt đã phải ba lần chiến tranh với quân Nguyên.

Rồng Việt Nam và Trung Hoa không có cánh nhưng bay được. Trong khi rồng Tây phương được mô tả là một giống bò sát có vẩy, đuôi dài, miệng phun ra lửa, có cánh. Đầu những con rồng Tây phương có đặc tính là nếu bị chặt thì liền mọc ngay ra đầu khác. Rồng Tây phương trong các truyện cổ thường được trao cho công việc canh giữ kho báu, lâu đài hay người đẹp.

RONG TRUNG HOARONG VIETNAM

Rồng Trung Hoa và Rồng Việt Nam

RONG TAY PHUONGRONG NHA MAC

Rồng Tây Phương và Rồng Nhà Mạc

Rồng Tây phương có tính xấu là hay bắt nạt phụ nữ khiến các tay hiệp sĩ (dragon slayer) có việc làm là đi kiếm rồng để giết, lấy lòng các nàng mà dụ các nàng theo mình.

Đã có lúc thế giới có nhiều giống rồng kinh khủng lắm nhưng những con khủng long này đã tuyệt giống từ lâu, trước khi có loài người. Tuy nhiên, nếu khủng long không chết vì những tảng vẫn thạch khổng lồ rơi xuống trái đất làm bụi bay mù trời, ánh nắng không chiếu được xuống khiến trái đất bị một trận lạnh khủng khiếp thì con người cũng săn và giết khủng long để ăn thịt cho đến tuyệt giống. Ngày nay, chỉ còn dấu tích của những con rồng kinh khủng này nơi những bộ xương hóa thạch của chúng.

Rồng Kodomo

Ở một hòn đảo thuộc Indonesia, đảo Komodo, có một loài kì đà khổng lồ được đặt tên là rồng Komodo (Varanus komodoensis). Những con kì đà này có thể dài tới 3 mét được cho sống tự do trên đảo vì nguy cơ tuyệt giống. Kì đà Komodo rất khỏe, có thể tấn công heo rừng, hươu nai và luôn cả trâu bò trên đảo. Chúng phục kích tấn công bằng cách cắn những con thú này và sau đó đợi khoảng một hay hai ngày cho các vi trùng trong nước dãi của chúng làm cho những con mồi chết vì nhiễm trùng trước khi tìm đến ăn thịt. Hiện còn khoảng năm hay sáu ngàn con rồng kì đà Komodo sống trên mấy hòn đảo thuộc trung bộ Indonesia.

Puff, The Magic Dragon

Rồng phun lửa ở Việt Nam gọi là Hỏa Long, tên Mỹ là Puff, The Magic Dragon, thực ra là những chiếc AC-130 hay AC-47 Spooky được gắn 3 đại liên gartling 7.62mm bắn được 18,000 ngàn viên mỗi phút, đại bác 150mm đặc biệt để chống biển người.

Rồng Việt Nam có sừng, mắt trắng đục gọi là long nhãn. Long nhãn ăn được, bóc ra phơi khô làm chè nhãn nhục ăn ngon chịu hết nổi.

Mắt rồng tức là long nhãn cũng có thể dùng để dụ phụ nữ:

Cô kia cắt cỏ bên sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây
Sang đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu này : "Có lấy anh không…"

Long nhãn thấy nhiều ở Hưng Yên. Long An nghe tưởng như longan, là long nhãn mượn của người Hoa cho du nhập vào tiếng Anh. Có điều tỉnh Long An lại không có nhãn.

Ở Hải Dương vẫn còn mấy con rồng mầu vàng chuyên làm bánh đậu xanh, mở tiệm lấy tên là Bảo Hiên Rồng Vàng. Bánh đậu xanh mà có ấm trà ngon thì ăn hết biết luôn.

Long Beach là bờ biển rồng nhưng không thấy rồng đâu, chỉ thấy đầm mặc bikini đi ngồn ngộn trên bờ trông rất sốt ruột. Long Beach chắc mượn từ tên Long Hải của Việt Nam. Long Hải ở gần Long Điền, một quận của Phước Tuy. Long Hồ là một doanh trại của Nguyễn Cư Trinh đóng tại làng Tầm Bào của Thủy Chân Lạp mà Nặc Tôn dâng cho chúa Nguyễn năm 1757 nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Long Hưng là nơi có lăng tẩm của các vua nhà Trần thuộc phủ Tiên Hưng tỉnh Thái Bình. Tỉnh Long Khánh thì nguyên là một phần của tỉnh Biên Hòa trước năm 1957. Long Mỹ là một quận của tỉnh Phong Dinh sau nhập với các quận khác của Kiên Giang để thành tỉnh Chương Thiện. Long Thành là một quận của tỉnh Biên Hòa. Ai sinh ra ở đây thì nổ (?) dữ lắm vì Long Thành có một kho đạn rất lớn.

Nhiều vị vua Việt Nam cũng lấy hiệu là Long như Long Khánh nguyên là niên hiệu của vua Trần Duệ Tông (1374-1377). Long Chương Thiên Tự là hiệu của vua Lý Thánh Tông (1066-1067). Long Đức là hiệu của vua Lê Thuần Tông (1732-1733). Long Phủ là hiệu của vua Lý Nhân Tông (1101-1109). Long Thụy Thái Bình là hiệu của vua Lý Thánh Tông (1054-1072).

Long Nữ là vợ của Kinh Dương Vương, mẹ của Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân, má chồng của Âu Cơ, bà nội của một trăm cái trứng mà Âu Cơ đẻ ra.

Long Nhương Tướng Quân là chức quan của Nguyễn Huệ do Nguyễn Nhạc phong cho vào năm 1778.

Râu rồng, long tu, làm từ lông mũi của phụ nữ như chính chồng của nàng đã khen lấy khen để:

Lỗ mũi em tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho..
.

Cổ Rồng nằm ở tỉnh Thái Bình trong khi Hàm Rồng lại nằm ở Thanh Hóa. Tại đây có một cây cầu, cầu Hàm Rồng, bắc ngang qua sông Mã giữa hai hòn núi là núi Rồng và núi Ngọc.

Xương rồng đem chôn xuống đất biến thành cây ở sa mạc, nhánh có gai, không cần nước vẫn sống được, người Mễ dùng để nấu vài ba món mà người viết chưa được ăn thử bao giờ nên không biết ngon dở ra sao.

Long diên hương là nước dãi của rồng thực ra là óc cá voi, một vị thuốc bắc . Long đờm thảo là một loại cỏ sống lâu năm khí lạnh, vị đắng. Long não là một loại cây to, lá giòn, cuống dài, có tuyến nhỏ ở đáy gân, mùi thơm, hoa vàng có ba đài, ba cánh, chín tiểu nhị toàn cây có chất chương não tức là camphre. Long não được dùng để giữ cho váy ngắn, váy dài, quần áo lót khỏi bị gián cắn. Long tu thái là một thứ rong biển. Sữa rồng chúa (?) uống vào thân thể sẽ mọc nhiều vẩy nên không thấy đóng hộp bán cho người thích mọc vẩy mua về uống chơi.

Buổi tối rồng đi ngủ trên giường đàng hoàng nhưng hay bị mấy ông cậy là vua, xô rồng xuống đất, lấy chỗ ngủ rồi gọi đó là long sàng.

Chuyện đẩy rồng xuống đất được nghe thấy như trong bài xúc xắc xúc xẻ mà trẻ con hay hát trong đêm giao thừa cuối năm ở Việt Nam ngày xưa:

Bước lên giường cao
Có đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp
Có đôi rồng chầu…

Mấy ông vua thật quái ác, nhận cái mặt mình là mặt rồng mặc dù cái mặt rồng thì cũng chẳng đẹp đẽ gì. Mặt rồng là long nhan, tức là mặt vua. Cái áo mặc trong các dịp lễ lạc vua cũng gọi là long bào hay long cổn. Đi lạng quạng, không vững hay số vất vả cũng đổ cho rồng là long đong.

Khi nhà vua vui vẻ, mặt rồng hớn hở như lúc tìm thêm được vài em cung nữ đem về nhốt trong long lâu phụng các thì người ta mô tả là long nhan đại duyệt nghĩa là mặt rồng vui vẻ lắm. Trái với lúc hớn hở như vậy là những lúc mình rồng ể mình, long thể bất an, có thể long ngự thượng tân, cưỡi rồng lên trời tức là vua chết.

Ngay các thứ đồ vật khác vua chỉ đụng tay vào cũng thành … rồng cả. Như long án là cái bàn viết của vua. Long châu là thuyền rồng của vua. Long giálimousine của vua. Mũi cao là long chuẩn hay long tị.

Rồng được coi là loài đứng đầu trong tứ linh: long, ly, qui, phụng. Trong số 4 con này, chỉ có con rùa, qui, là có thật. Ba con kia toàn là sản phẩm của tưởng tượng. Vậy mà rồng lại là con phách lối nhất. Rồng chịu lết đến nhà tôm chắc để nhờ vả chuyện gì, vậy mà vẫn làm oai, ra cái điều ta đây là vật linh thiêng, cao quí phải hạ mình đến nhà tôm, long hà. Nhưng cũng tùy từng thứ tôm chứ rồng đến nhà tôm hùm thì rồng mất giá ngay. Tôm hùm là món đắt giá, rồng nào sánh kịp. Đã ăn thử sushi làm bằng lobster chưa mà làm phách hão!

Thìn, ngoài tên của năm con rồng, còn có nghĩa là thuần nết, đằm thắm, giống tính tình của Kiều Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, như trong câu "Nguyệt Nga khi ấy càng thìn nết na". Cũng từ đó mới có những chữ như thìn tính, thìn nết, thìn ý, thìn từ. Trong tiếng Anh, người đàn bà bị gọi là Dragon Lady thì dữ dằn lắm, không hiền như Nguyệt Nga bao giờ. Imelda Marcos là một. Bà Ngô Đình Nhu cũng bị báo Mỹ gọi là Dragon Lady.

Nhưng dragon fly thì lại hiền khô, cả đời chẳng bao giờ hại được ai. Nó là con chuồn chuồn chứ chẳng bao giờ là con ruồi rồng cả. Duy có một con ruồi rồng dragon fly khác thì lại rất dữ tợn: đó là những chiếc A-37 của không quân Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Những chiếc A-37 còn có tên là Dragon Fly mang được 1,230 kg bom đạn, 1 khẩu gartling bắn được 3 ngàn viên đạn 7.62 mỗi phút.

Nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa thì phải kể Phủ Đầu Rồng là tên các nhà báo đặt cho dinh Độc Lập thời đệ nhị cộng hòa, nơi tổng thống Thiệu làm việc. Phủ phó tổng thống có lúc được đặt ở dinh Gia Long. Trường Gia Long trên đường Phan Thanh Giản thì không có gia đình rồng nào ở cả, chỉ có tiên nữ đến học khiến nhiều cậu Petrus Ký tốn rất nhiều xăng nhớt chạy solex mobylette lượn qua lượn lại.

Dinh Độc Lập ở Sài Gòn chắc không xây trên long mạch nên cả hai nền cộng hòa đều mệnh yểu. Long mạch là chỗ đất tốt, nơi có rồng ở. Lý Công Uẩn tìm được long mạch nên chỉ 9 tháng sau khi lên ngôi (năm 1010) đã quyết định dọn thủ đô từ Hoa Lư đi Đại La vì đây là vùng đất địa lý có long bàn hổ cứ, nhất là sau khi nhà vua nằm mơ thấy rồng ở đó bay lên. Đại La được đổi tên thành Thăng Long. Rồng bay lên thì ở Hà Nội. Rồng hạ xuống thì lổn ngổn thành những hòn núi nhỏ ngoài biển ngày nay mang tên là Hạ Long. Long Biên là tên cũ của thành Thăng Long.

BOI TINH ANNAM 1
Bội Tinh Annam 1

BOI TINH 2

Bội Tin Annam 2

BOI TINH 3

Bội Tin Annam 3

BOI TINH 4

Bội Tin Annam 4

BOI TINH 5

Bội Tin Annam 5

Hồi Pháp thuộc, triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Cảnh Tông, niên hiệu Đồng Khánh, đã thiết lập Đại Nam Long Tinh Viện và đặt ra 5 loại huân chương gọi chung là Nam Việt Long bội tinh, hay Nam Long bội tinh mà tiếng Pháp gọi là L’Ordre du Dragon d’Annam hay L’Ordre du Dragon Vert. Còn L’Ordre du Double Dragon thì tiếng Việt gọi là Lưỡng Long bội tinh. Đây là cơ chế phong thưởng kim khánh cho triều thần nhà Nguyễn và người Pháp tại Việt Nam.

Các huân chương này tương đương với Bắc Đẩu bội tinh. Có 5 cấp mô phỏng theo huân chương của người Pháp với ruy băng , mề đay chữ triện , mầu sắc khác nhau để phân biệt. Bốn chữ triện ghi Đồng Khánh Hoàng Đế bất kể đó là huân chương do vua Khải Định hay Bảo Đại ban. Các huân chương này không còn được trao tặng sau năm 1950 khi Việt Nam được độc lập. Sau năm 1955, quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế nên Đại Nam Long Tinh Viện cũng không còn nữa

Rồng bay, phượng múa là nét chữ bay bướm như chữ của chàng thư sinh trong chuyến đi chùa Hương với cô bé 15 tuổi, nét chữ chàng viết trong bài thơ liên hoàn mà "thầy tấm tắc khen hay, chữ đẹp như rồng bay." Rồng bay phượng múa là long phi phượng vũ.

Nếu nét chữ phóng khoáng, khỏe mạnh thì cách mô tả không phải là long phi phượng vũ mà là long khiêu, hổ ngọa, tức là rồng nhẩy, hổ nằm.

Rồng đẻ trứng nhưng không thấy nói rồng ấp trứng như thế nào ngoại trừ trong một câu của bài xúc xắc xúc xẻ như đã dẫn ở trên. Có thể rồng đẩy cho tiên lo chuyện đẻ đái nên rồng lấy tiên, thì tiên lo việc đẻ. Tiên đẻ ra một bọc trăm trứng "grade A". Trứng sau 7 ngày nở ra một trăm con, năm chục theo cha xuống biển, năm chục theo mẹ lên núi để thành thuyết long phụ, tiên mẫu, cha rồng, mẹ tiên tức là chuyện Lạc Long Quân lấy bà tiên Âu Cơ đẻ ra dân Việt Nam. Đến gần đây vẫn còn nhiều người bỏ mẹ Âu Cơ xuống núi, theo cha Lạc Long ra biển để thành boat people đi tị nạn. Nhờ có dòng giống tốt đẹp như thế, cha rồng, mẹ tiên, long sinh long, phượng sinh phượng, trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu nên người Việt Nam mới nam thanh nữ tú như ngày nay, người nào cũng lộ ra vẻ đẹp, gặp toàn những điều may mắn như trong câu nói của người xưa long phụng trình cát hay long chương, phụng tư là đẹp như rồng, như phượng.

Long hành hổ bộ là dáng đi oai vệ như rồng, như hổ. Dáng đi này là dáng đi của con rồng nhỏ họ Lý như cảnh chàng đi trong Mãnh Long Quá Giang hay Tinh Võ Môn. Lý Tiểu Long chết lảng xẹt năm 1974 đến nay vẫn còn nhiều người thương tiếc.

Bruce Lee - Lý Tiểu Long

Phóng long nhập hải là thả rồng ra biển cũng cùng nghĩa như câu thả hổ về rừng, đúng là cảnh long vân gặp hội như rồng gặp mây hay long vân khánh hội.

Trong tiếng Anh có một idiom với danh từ dragon, đó là to chase the dragon nghĩa là phi bạch phiến. Trong tiếng lóng của người Mỹ, dragon có nghĩa là bộ phận của người đàn ông. Từ đó, có thành ngữ to drain the dragon là tháo nước cho rồng tức là đi tiểu.

Peter Paul và Mary

Một bài ca rất nổi tiếng do ban Peter Paul và Mary thu thanh được trẻ em thuộc lòng lại chính là một bài hát viết về chuyện hút sách:

Puff the magic dragon, lived by the sea
And frolicked in the autumn mist in a land called Honah Lee. Little Jackie paper…

Puff là hít vào, thở ra phì phò. Lived by the sea không phải là sống gần biển mà là sống vì C, viết tắt của cocaine. Honah Lee là thiên đường, như chữ Shangri La. Paper là giấy vấn cần sa…

Lan man chuyện con rồng xin kết ở đây để cho có rồng có phượng, cho đoạn kết tốt đẹp. Nói thêm sẽ bắt qua chuyện rắn, chuyện của năm Tỵ để bị hiểu lầm là long đầu, xà vĩ, đầu rồng, đuôi rắn thì không đẹp chút nào.