January 31, 2013

January 31, 2013


Ngày 28 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Tôi thấy từ khoảng vài năm trở lại đây, tôi hay được nhắc nhớ bằng câu "Life is too short", rồi theo sau là một vài gợi ý. Có khi là (đời sống quá ngắn) nên bỏ qua mọi chuyện, đừng quan tâm tới chuyện này hay chuyện nọ cho bớt bực mình, đời sống của mình thì cứ sống, đi một chuyến coi Phi châu như thế nào, leo núi Kilimanjaro coi có gặp Hemingway ngồi dưới lều săn sư tử hay không…
Tất cả đều hữu lý cả.
Nhưng hôm qua , vào internet, tôi lại thấy một gợi ý (cũng từ câu đời sống quá ngắn) khác hẳn mọi gợi ý khác mà tôi đã nghe từ bao lâu nay.
Gợi ý này đọc được trong quảng cáo cho một văn phòng luật ở Chicago của luật sư Corri Fetman.
Corri Fetman là một luật sư hành nghề từ hơn hai chục năm nay. Cô tốt nghiệp một trường luật danh tiếng, đại học DePaul. Trong nghề nghiệp, cô rất thành công. Cô chuyên về luật gia đình, về ly dị, cấp dưỡng, tài sản chung, con cái…
Tấm bảng quảng cáo của cô có câu đọc lên nghe đầy xúi giục nguyên văn "Life’s short. Get a divorce." Đời sống quá ngắn, hãy li dị một cái coi!
Chuyện xúi li dị thì văn phòng luật nào mà chẳng … xúi. Có lôi nhau đến nhờ thì luật sư mới có việc. Nhưng cái quảng cáo của Corri Fetman thì đưa ra một lý do khác cho việc chia tay: đời quá ngắn ngủi. Ở lại trong cuộc hôn nhân ấy mà làm gì. Đến văn phòng Corri Fetman giúp cho mà tung tăng trở lại.
Tuy thế, bức ảnh Corri Fetman đứng bên cạnh tấm bảng quảng cáo cho văn phòng luật của cô còn nói lên được biết bao nhiêu là điều khác.
Không phải là chân dung của một phụ nữ dữ dằn sẵn sàng dao búa nhào tới đâm chém phía bên kia, quyết đánh thuê vì thân chủ của mình như bạn có thể nghĩ. Mà ai chẳng nghĩ như thế. Ra tòa thì phải kiếm thứ nặc nô như thế mới chiếm được phần thắng về cho mình chứ. Có dại dột thì mới kiếm bà tiên hiền ra tòa bảo vệ cho mình.
Corri dùng ngay chính ảnh chụp của mình để quảng cáo cho văn phòng luật. Bức ảnh của Corri chỉ cần liếc nhìn qua cũng thấy tối sầm cả trời lẫn đất. Mời bạn xem để … tường.
Chao ôi Corri Fetman đem hết sức của nàng ra bảo vệ cho thân chủ như trong hình cho thấy thì làm sao mà thân chủ thua được. Tốt nghiệp luật khoa danh dự, từng có hình trong Playboy, viết một cột thường xuyên cho báo với tựa là Lawyer of Love … lại đại diện cho mình ra tòa đấu chưởng với luật sư của phía bên kia thì cách gì mà thua cho được.
Cứ ngồi ở dưới, xem nàng tung chưởng, tay cầm cuốn Playboy có hình của nàng cho đỡ nhớ thì còn gì vui vẻ hơn nữa!
Đời quá ngắn. Coi tấm hình quảng cáo chắc chắn (đời) phải … dài ra một chút chứ. Get a divorce qua văn phòng của Corri Fetman thì còn gì có thể hợp lý hơn được nữa!

Ngày 29 tháng 1 năm 2013
Bạn ta
Gần Toronto, ở Dundas, cách thị trấn Hamilton không bao xa, có một vườn thú thiên nhiên mà mấy chục năm trước tôi thỉnh thoảng vẫn chở hai đứa con đi chơi cho chúng xem sư tử, cọp, voi đi lểu nghểu bên đường. Chiếc Volkswagen Beetle con bọ của chúng tôi chỉ to hơn mấy con cọp một chút, nhưng chúng tôi không thấy sợ những con thú đó bao giờ.
Bây giờ nghĩ lại thì thấy sợ, nhất là khi đọc được mẩu tin tuần trước. Trong những chuyến đi như thế, chúng tôi chỉ cách bầy sư tử và cọp có một lớp kính của cửa xe. Mẩu tin nói là một cặp nam nữ lái xe đi chơi ở cái safari park này đã bị một con cọp nhẩy vào xe, định lôi cả hai ra ngoài thay cho bữa sáng.
Cả hai bị thương và được tòa án ra lệnh cho chủ vườn thú phải bồi thường cho người phụ nữ trẻ này 650 ngàn đô la. Lý do là những vết thương thành sẹo do con cọp gây ra cho cô đã khiến cô không thể đi làm được nữa.
Nội vụ sẽ dễ hiểu hơn nếu biết cô làm nghề vũ nữ thoát y. Mấy cái sẹo khiến cô không thể vũ thoát y được nữa.
Giám đốc vườn thú cho biết sẽ kháng án để xin giảm khoản tiền bồi thường.
Theo bản tin báo thì cô và người bạn đều ngồi trong xe, nhưng cửa kính xe thình lình hạ xuống, có thể vì cô hay bạn cô vô tình đụng phải một cái nút ở cửa xe. Con cọp thấy thịt tươi liền nhào tới, tìm cách kéo cô ra khỏi xe khiến cô bị móng của cọp cào gây thương tích nặng.
Ðọc bản tin, tôi tiếc sao mấy con cọp không kéo tôi ra, để vài cái sẹo có phải bây giờ cũng có tí tiền về hưu sớm, thì một người bạn nhắc tôi rằng cọp cũng chọn thịt thơm mới ăn chứ thịt bạc nhạc, bèo nhèo, dai nhách thì chó cũng không thèm ăn. Chúa sơn lâm phải ăn ngon, thịt phải thơm phức, bóc hết áo ngoài, vào đến Victoria's Secret, mãi mới tới mùi body lotion của Estée Lauder... thì mới ăn chứ. Thịt ướp eau de Cologne Old Spice rẻ tiền, xà bông Caress thì vồ làm gì cho nó phí... móng cọp đi.
Ai mà biết là cọp cũng kén cá, chọn canh như vậy.
Nhưng con cọp vồ khúc nào mà cô không còn làm việc thoát y vũ được nữa?
Mặt chăng? Thì đeo mặt nạ như The Phantom of the Opera thì thoát gì chả được.
Hay tay? Thì đeo găng tay vào, đeo găng dài đến nách cũng vẫn vũ thoát y được chứ.
Thế là bị vồ vào cổ chăng? Vồ vào cổ thì làm sao sống được.
Vào chân? Chắc không, chân còn cách cái cửa xe, làm sao cọp vồ chân được?
Hay chỗ để ngồi? Ðã có cái ghế che.
Thế thì đích thị là khúc … thượng viện.
Vậy thì không vũ khỏa thân được là đúng. Ðó cũng là khúc ngang tầm cái cửa xe đã xuống kính.
Thì ra cọp cũng giỏi đấy chứ. Vồ toàn chỗ ác hiểm không thôi nhá.
Tôi không nghĩ cọp lại suy nghĩ nhiều như thế. Cọp đói thì không ở đó mà nhắm nơi chốn hay bộ phận hay khu vực nào đáng và nên vồ bao giờ hết. Cứ da trắng thịt mềm như lối xem tướng gà của các cụ chúng ta là vồ thôi. May đâu vồ trúng đó.
Thế thì khu vực ấy phải là vùng dễ thấy nhất. Những người khác thì cọp chắc chỉ cào rách cái nệm xe là cùng. Nhưng nghề nghiệp của cô đòi hỏi một vài khu vực trên cơ thể phải dễ thấy (?) hơn những khu vực khác. Nếu tự nhiên mà không dễ thấy thì phải nhờ làm cho dễ thấy hơn thì mới tăng tiến nghề nghiệp được.
Chuyện người phụ nữ bị cọp vồ là một chuyện bất hạnh cho nạn nhân. Nhưng chính nhờ vụ này mà các dịch vụ làm đẹp của các thẩm mỹ viện sẽ khá hơn nhờ chi tiết của bản tin, theo đó, mấy con cọp ở rừng còn biết thích phụ nữ sửa sang huống chi là mấy con cọp nuôi ở nhà.
Chứ nếu không thì tại sao lại vồ đúng chỗ ấy, rồi để lại sẹo cho người ta không múa cởi truồng được?

Ngày 30 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Martha Lounel Lawrence, một phụ nữ ở Little Rock vừa bị mất việc làm mà không ai có thể bênh vực cho cô được.
Một chút tình cảm thương hại cho cô cũng không thể có được. Cô mất việc là đáng đời cô.
Cô làm việc trong Trung Tâm Thông Tin Tội Ác (Crime Information Center) của tiểu bang Arkansas và lợi dụng việc làm với trung tâm, cô lục kiếm các hồ sơ của các phạm nhân xem bạn trai của cô có hồ sơ của cảnh sát không. Mà không phải chỉ một lần. Trong khoảng thời gian chỉ trong có hơn một tháng, cô vào kho dữ kiện của hệ thống máy vi tính tiểu bang để kiếm xem người bạn trai của cô có phạm pháp không tới 6 lần.
Rốt cuộc bạn trai của cô thì không hề phạm pháp bao giờ, nhưng cô thì nay trở thành người phạm luật. Cô bị 13 tháng tù treo và bị phạt 200 đô la về tội mở các hồ sơ mật của tiểu bang để xem người bạn có làm chuyện gì bất hợp pháp không.
Bản tin của thông tấn xã Associated Press không cho biết cô có còn liên hệ với người bạn trai này nữa hay hai người đã chia tay.
Nếu chưa thì người bạn trai của cô muốn sống, muốn tốt, khôn hồn phải chấm dứt liên hệ ngay với người phụ nữ này.
Tào Tháo cũng không thể dễ sợ bằng cô. Trong hơn một tháng mà mở hồ sơ ra coi tới 6 lần thì quá đáng.
Nếu cô làm một lần, thấy người bạn không tì vết thì thôi ngay đi chắc đã không có ai biết việc cô làm. Ðáng lẽ sau đó, cô phải vui với sự quen biết đó, mừng là có được người bạn trai lương hảo. Nhưng không, cô phải xem lại thêm 5 lần nữa, coi thật sự người bạn có lương hảo không thì cô quả là người đa nghi quá đáng.
Hỏi một người về hạnh kiểm người đàn ông ấy cô chưa vừa lòng, phải hỏi thêm 5 người khác. Hỏi cho đến bao giờ có người nói với cô rằng thằng cha ấy có 26 cô bạn gái, 12 đứa con rơi, khai phá sản 5 lần, đã từng hút mỡ bụng 2 lần, có bơm môi, cắt bớt mỡ cho vú nhỏ đi, bằng lái xe bị tịch thu chưa có lại, ở dơ, ít tắm, một tuần mặc một bộ quần áo, nợ như chúa Chổm, ngồi buồn hay nhổ lông mũi, mê giọng hát Nguyễn Hưng và cái rốn của Linda Trang Ðài... nghĩa là toàn những chuyện không ra gì thì cô mới... nghĩ là đúng.
Không có một phụ nữ nào đáng sợ như cô.
Ðáng lý xem hồ sơ cảnh sát một lần, thấy không có gì, thì tiến tới. Sau đó có muốn biết gì thêm thì dùng kỹ thuật riêng của mình mà làm. Thiếu gì lúc mà cũng thiếu gì cách.
Thỉnh thoảng bắt nọn một trận. Không có thì cứ dựng lên, thề sống thề chết là có người nhìn thấy, không thể nói tên ra đưọc, chỉ biết là chuyện ấy có xẩy ra, thành thật khai báo ngay lập tức.
Thế nào cũng phải khai hết. Không có cũng phải khai cho xong chuyện. Thiếu gì những người vô tội, khi bị cảnh sát hỏi cung vẫn nhận tội để bị tử hình như nhiều trường hợp ở Mỹ. Cảnh sát mà còn làm được việc đó huống chi cô. Cảnh sát bề gì cũng còn ngại bị kiện về tội vi phạm nhân quyền, chứ cô thì việc gì phải sợ? Uỷ hội nhân quyền nào của Liên Hiệp Quốc có thẩm quyền ở nhà cô?
Cứ chơi trò silent treatment, không nói không rằng gì, bỏ cơm hai ngày (nhưng ăn ở sở), hỏi cũng không đáp, chỉ mênh mông xa vắng, chỉ nghiêm và buồn. Ðến một buổi khuya, khoảng 2 giờ sáng, bật đèn lên, ngồi dậy, giật tóc thằng chả gọi nó dậy để nói phải quấy. Nên khóc bù lu bù loa lên để phủ đầu nó trước. Sau đó, buộc cho nó tội lạnh nhạt với mình, rồi mới lôi các bằng cớ ra. Buộc tội ráo riết và gắt gao, không để một kẽ hở nào cho nó chối.
Lúc đang ngủ bị đánh thức dậy là lúc hệ thống phòng thủ bị bỏ ngỏ nhiều nhất và dễ bị tấn công nhất. Thế là đổ cho tội gì, gần như tất cả những nguời đàn ông đều nhận hết.
Kỹ thuật này, Trung Hoa Cộng Sản đã mô phỏng để lấy cung các tù binh Mỹ hồi chiến tranh Cao Ly và rất thành công. Ðã mô phỏng, làm cho nhẹ đi mà còn thành công như thế thì nếu áp dụng đầy đủ kỹ thuật lấy cung như ở trên thì không ai chạy thoát nổi.
Vậy thì việc gì mà phải mở hồ sơ cảnh sát ra coi để đến nỗi mất việc?
Nhưng kiếm ra được hồ sơ tội ác của chàng thì rồi làm gì?
Giữ lại dùng tiếp? Sao dại thế?
Bỏ cái một? Vậy thì xem hồ sơ làm gì cho mất công.
Bói ra ma, hỏi mấy bà bạn là ra rác ngay ấy mà.

Ngày 31 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Mấy năm trước, một bữa lại ăn ở nhà người bạn, tôi thấy gia chủ đeo một cái apron để làm bếp. Khi nàng quay lại, tôi đọc được hàng chữ: I Spent 4 Years In College For This?
Nàng có vẻ phân bua về chuyện phải đứng nấu nướng trong bếp, phí đi 4 năm miệt mài ở đại học.
Thực ra thì nàng nói đùa. “Giốp” chính của nàng là dậy học hẳn hoi. Ở nhà không nấu thì có dám một đời cơm đường cháo chợ thỉnh thoảng nhai phải hai ba đốt ngón tay còn nguyên móng mới sơn không thì nói?
Ðồng ý là dậy học thì cũng không vui lắm, nhưng việc đó còn sang chán. Hơn hẳn nghề bán miệng nuôi thân như phe làm radiotelevision chúng tôi.
Những khó khăn kinh tế cộng thêm một số việc đội nón đi ra ngoại quốc đã khiến cho một số người mất những việc cũ trong ngành kỹ thuật cao, và sau một thời gian dài không kiếm ra việc tương đương với việc cũ, đã phải chấp nhận làm những công việc không kỹ thuật cao chút nào.
Steve Relles nguyên là một thảo chương viên điện toán ở New York.
Bây giờ chàng sống bằng nghề hốt cứt chó.
Chàng kể cha mẹ gửi chàng đi học đại học, có bằng toán. Vậy mà bây giờ chàng hốt cứt chó.
Ðau đến thế là cùng.
Nhưng Steve kiếm cũng khá. Chàng có 100 thân chủ. Mỗi thân chủ trả cho chàng $10 một tuần để làm sạch sẽ những mảnh vườn sau nhà sau họ khi các cậu chó, mợ chó ra chạy ngúng ngoắng mỗi ngày và để lại chút kỷ niệm cho chàng.
Như vậy, Steve kiếm được mỗi tuần $1,000. Mỗi tháng chàng kiếm được $4,000. Và càng ngày chàng có thêm nhiều mối mới.
Lương thảo chương viên điện toán computer programmer có thể nhiều hơn, nhưng giờ giấc làm sao dễ dãi như khi đi hốt cứt chó?
Nước Mỹ có khoảng 63 triệu chó. Mỗi tuần mỗi con chó sản xuất 23 bãi (thống kê không cho biết tại sao lại 23 mà không phải 24). Nhờ như thế, công việc cho những người như chàng vẫn có đều đều.
Nghĩ lại thì chuyện hốt cứt chó cũng không phải là một việc dở. Chàng kiếm được tiền nuôi vợ và hai con. Như thế cũng là một việc làm danh giá.
Bất cứ công việc lương thiện nào mà nuôi nổi gia đình thì đều là việc làm danh giá.
Việc của Steve, theo chính Steve nói, tốt hơn việc cũ nhiều. Chàng có thể giờ giấc linh động, lại còn được đi ra ngoài, khỏi suốt ngày phải ngó cái ông mặt vuông (chữ của Võ Phiến) trên bàn làm việc.
Thực ra, việc làm hiện nay của Steve cũng không khác với việc cũ bao nhiêu.
Việc mới thì bề gì những con chó cũng không thể một tay cầm cái túi nylon, một tay cầm cái xẻng nhỏ, để mỗi lần dừng lại, cong lưng thở hào hển một lúc, rồi lại quay lại, đích thân hốt cái đống kỷ niệm nóng hổi đó lên mang bỏ thùng rác.
Chàng hốt cứt cho những con chó vì chúng không có tay chân như người.
Thôi thì hốt cho nó cũng được đi.
Trong khi ở nhiều sở làm, việc hốt cứt thì nhân viên vẫn phải làm thường xuyên trong khi tác giả của những cái đống đó thì cũng tay chân đủ cả nhưng không chịu hốt lấy. Anh nào cũng lấy cựu thủ tướng Singapore, ông Ngô Tác Ðống, làm cảm hứng.
Ông Ngô Tác Ðống (Ngô: tao ; Tác: làm; Ðống: đống) tao làm một đống không bao giờ chịu tự dọn dẹp mà bắt đàn em dọn thì thà đi hốt cứt chó còn đỡ tức mình hơn.
Vậy thì hốt cứt chó có gì là khổ? Hốt cứt chó sướng lắm chứ: tay cầm cái túi nylon, tay kia cái xẻng nhỏ...

Ngày 1 tháng 2 năm 2013
Bạn ta,
Trong một số truyện cổ của Trung Hoa, những vụ phụ nữ giả trai đi thi, đi đánh giặc, bị đổ oan là tác giả của một cái bầu... không phải là ít. Khái Hưng trong Tự Lực Văn Ðoàn cũng viết một truyện chúng ta ai cũng còn nhớ.
Nhưng những vụ trai giả gái thì không nhiều. Có phải vì trai giả gái khó hơn không? Có lẽ không đúng. Cứ sang Thái Lan một lần là biết ngay điều đó. Chỉ cần bơm chỗ này, cắt chỗ kia, là một người đàn ông có thể trở thành một phụ nữ đẹp não nùng đến khi biết là lầm thì thường quá muộn.
Mới đây, ở nước Nga có một vụ giả gái nhưng bị khám phá ra ngay. Một người đàn ông mặc giả gái để thi hộ cô em gái trong kỳ thi tốt nghiệp khoa báo chí của đại học Mạc Tư Khoa. Một giám thị nhanh mắt chặn lại hỏi vài ba câu và chàng bị đuổi ra khỏi phòng thi lập tức khi chuyện giả gái của chàng bị phanh phui.
Kỳ thi diễn ra vào buổi sáng nên không phải là trường hợp cái bóng lúc năm giờ, the five of clock shadow, khi những cọng râu bắt đầu nhào ra sau mấy tiếng đồng hồ bị cạo kỹ ở nhà, và làm cho cái cằm đen mờ mờ như chiều đã bắt đầu ngả sang tối.
Người này không bị khám phá vì cái bóng lúc năm giờ bởi lẽ ngày còn quá sớm.
Nhưng chàng bị nghi là có gì không bình thường ở hai chuyện.
Thứ nhất là chàng son phấn nhiều quá. Ở cái tuổi mà không cần nhiều hay không cần đến son phấn (... có đi qua xin em đừng đánh phấn...*) thì chàng quét vôi kỹ quá. Ði thi chứ có đi Bolsa đâu mà son phấn giàn trời như thế.
Vậy là chàng bị nghi ngay là có gì không bình thường. Nếu chỉ có son phấn như đào Hồ Quảng thì cũng chưa bị khám phá. Chuyện này, cứ ra Bolsa là thấy ngay. Không thể cứ thấy son phấn nhiều hơn mức bình thường là nghi ngay đàn ông giả đàn bà. Cứ kiểu suy nghĩ như thế thì nhất định sẽ có ngày mang đại họa vào thân. Lớ quớ hỏi thưa bà, bà có phải "ông" X, Y, Z không là không được. Có thể bị kiện nát người chứ không đùa.
Thứ hai là chàng mắc cái bệnh quá đà ở cả một khu vực khác nữa. Người đàn ông này mặc giả phụ nữ nên chàng nghĩ cứ nhấn mạnh vào khía cạnh phụ nữ, nhấn thật mạnh vào là được.
Thế là chàng độn phần hình nhi thượng lên quá sức, nghĩ làm như vậy, là một ân huệ cho cô em, cho giám khảo của cuộc thi tha hồ vung tay cho điểm một cách hào phóng.
Nhưng chính việc làm quá độ đó của chàng đã khiến cho nhân viên coi phòng thi thêm nghi ngờ. Không thể có một người đàn bà Nga nào như vậy được mặc dù các giới chức của nước ta hễ nhắc đến nước Nga là phải thêm tĩnh từ "vĩ đại" vào.
Kẹt một điều là nước Nga có thể vĩ đại ở những vùng khác chứ không vĩ đại ở thượng viện.
Thế là các giám thị ở cuộc thi lôi chàng ra ngoài, vặn hỏi vài câu, chàng ú ớ trả lời tầm bậy, và bị đuổi ra khỏi phòng thi.
Tin báo chí khen lấy khen để việc làm của chàng, nói rằng ít có người anh nào hết lòng với em như thế. Chàng đúng là một người anh tử tế nhất thế giới.
Nhưng người ta hy vọng là sau lần này, chàng học được bài học để không tiếp tục giúp đỡ người em gái của chàng như vậy nữa.
Báo chí nước Nga đã không phải là một nền báo chí hay ho gì, bây giờ sinh viên báo chí còn nhờ người khác thi hộ thì khi ra trường, làm báo sẽ như thế nào? Không thể nhờ thi hộ để ra trường, rồi sau khi ra trường, lại nhờ người viết bài, tường thuật, phỏng vấn hộ mình được.
Làm báo chứ có phải là chiến tranh ủy nhiệm, sai đàn em đánh đấm hộ mình như ở Việt Nam, ở Angola, ở Mozambique đâu.
Phải tập mà làm lấy đi chứ. Không thể nhờ anh làm hộ như vậy mãi được.
Bộ đến lúc lấy chồng rồi cũng nhờ anh lấy chồng hộ luôn hay sao?
(*) Thơ Hoàng Anh Tuấn

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 162)
SIMPLE PAST AND PRESENT PERFECT
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 162 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, hôm trước một độc giả nhờ cháu hỏi làm thế nào dùng cho đúng hai thì SIMPLE PAST và PRESENT PERFECT. Cháu cũng hay lẫn lộn hai thì (TENSES) này nên đó cũng lại là thắc mắc của cháu. Nhờ chú chỉ cho cháu khi nào dùng SIMPLE PAST và khi nào dùng PRESENT PERFECT.
QA
Vâng thưa anh, cả hai TENSES này lúc thì khác nhau, lúc thì giống nhau, QA cũng lẫn lộn hai thì này. QA nghĩ đây là hai thì khó dùng nhất trong tiếng Anh.
BBT
Thực ra thì không phải thế. Hơi rắc rối một chút thôi.
Trước hết, chúng ta hãy xét về thời gian mà những việc này xẩy ra, diễn ra. Một là thời gian đã chấm dứt, đã kết thúc. Và hai là thời gian vẫn chưa dứt, chưa chấm dứt hẳn. Khi việc xẩy ra trong một thời gian đã chấm dứt hoàn toàn, không còn kéo dài cho đến hôm nay, cho tới lúc này nữa, thì các việc xẩy ra trong thời gian đó phải được dùng với SIMPLE PAST TENSE. Nhưng thế nào là thời gian đã chấm dứt, đã kết thúc?
TRÚC GIANG
Thưa chú, thi dụ như ngày hôm qua, tuần trước, năm ngoái, tháng vừa rồi, thế kỷ trước…
QA
Tức là YESTERDAY, LAST WEEK, LAST YEAR, A MONTH AGO, LAST CENTURY…
BBT
Đúng thế. Trong những trường hợp đó, trong những thời gian như vừa kể, chúng ta cứ dùng SIMPLE PAST TENSE là đúng, không thể sai được. Thí dụ YESTERDAY, I MET HIM AT THE LIBRARY nghĩa là hôm qua, tôi gặp anh ấy ở thư viện. Ngày hôm qua đã qua rồi. Tôi gặp anh ấy ở thư viện. Bây giờ tôi không còn đứng ở thư viện nữa, anh ấy cũng đã về nhà. Ngày đã qua, hôm nay, tôi ở nhà, không đến thư viện, chuyện gặp anh ấy không còn diễn ra nữa. Cứ dùng SIMPLE PAST.
QA
QA có hai thí dụ anh coi có đúng không: LAST WEEK, WE WENT TO BIG BEAR. THEY MOVED TO HOUSTON LAST YEAR.
BBT
Đúng rồi. Còn Trúc Giang?
TRÚC GIANG
MY DAUGHTER GOT A NEW TOOTH LAST MONTH.
THE WAR IN VIETNAM ENDED LAST CENTURY.
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ chúng ta chuyển qua nói về những thời gian chưa hoàn toàn chấm dứt. Thí dụ THIS WEEK, THIS YEAR, THIS MONTH, TO DAY… Đó là những thời gian chưa hoàn toàn chấm dứt. Hôm nay vẫn còn là trong tuần, năm nay thì chưa hết, tháng này cũng chưa qua, hôm nay còn mấy tiếng đồng hồ nữa mới hết… Chúng ta dùng PRESENT PERFECT. Thì PRESENT PERFECT này được tạo thành như thế nào đây QA?
QA
Thưa anh, để có PRESENT PERFECT TENSE chúng ta dùng PRESENT TENSE của động từ TO HAVE và PAST PARTICIPLE của động từ chính (MAIN VERB). Thí dụ I HAVE WAITED FOR THEM SINCE YESTERDAY, nghĩa là thời gian mà tôi đợi họ vẫn chưa chấm dứt, họ chưa tới, tôi chưa về kể từ ngày hôm qua đến nay.
BBT
Còn Trúc Giang. Thí dụ của cô như thế nào?
TRÚC GIANG
SHE HAS STUDIED SPANISH SINCE LAST DECEMBER nghĩa là cô ấy học tiếng Tây Ban Nha từ tháng 12 năm ngoái, bây giờ cô ấy vẫn còn đang học tiếp. Thời gian học tiếng Tây Ban Nha của cô ấy vẫn chưa chấm dứt.
BBT
Đúng rồi. Hay nói cách khác, việc chúng ta bắt đầu trong quá khứ và cũng chấm dứt trong quá khứ. Bây giờ không còn làm việc đó nữa thì chúng ta dùng SIMPLE PAST. QA cho nghe một câu nói về một chuyện bắt đầu trong quá khứ và nay đã chấm dứt coi.
QA
WE LIVED IN SEATTLE WHEN WE FIRST CAME TO AMERICA nghĩa là bây giờ QA không còn ở Seattle nữa. Việc đến sống ở Seattle đã xẩy ra và đã chấm dứt trong quá khứ. Do đó QA phải dùng SIMPLE PAST.
TRÚC GIANG
MY YOUNGEST DAUGHTER USED DIAPERS FOR 6 MONTHS ONLY là con gái của cháu mặc tã trong có 6 tháng. Bây giờ thì nó đã bỏ tã rồi.
BBT
Trong trường hợp một việc bắt đầu trong quá khứ nhưng vẫn tiếp tục cho đến nay thì chúng ta dùng PRESENT PERFECT. QA cho nghe thí dụ của cô về một việc cô bắt đầu trong quá khứ nhưng vẫn còn làm cho đến tận hôm nay coi.
QA
I HAVE WORKED AS A RADIO AND TV ANNOUNCER SINCE 2001.
BBT
Còn Trúc Giang, việc gì là việc cô vẫn còn làm cho đến tận hôm nay?
TRÚC GIANG
I HAVE DRIVEN THE SAME CAR FOR 4 YEARS NOW. I AM STILL DRIVING IT. Nhưng thưa chú, những việc đã xong thì dùng SIMPE PAST, nhưng cũng có trường hợp việc xong hoàn toàn rồi mà cũng có thể dùng PRESENT PERFECT là sao? Thí dụ khi cháu nói I ATE BREAKFAST AT HOME và I HAVE EATEN BREAKFAST AT HOME, cả hai câu đều đúng. Nhưng tại sao lúc thì dùng SIMPLE PAST và tại sao lúc lại dùng PRESENT PERFECT?
BBT
Câu hỏi của Trúc Giang rất hay. Cả hai câu trên đều đúng. Cả hai việc ăn sáng đều đã xong. Cô đã ra khỏi nhà, đã rửa sạch chén bát, việc ăn sáng đã hoàn tất, đã xong hết. Cô dùng SIMPLE PAST cho việc ăn sáng đã xong hoàn toàn, và nay đã đói trở lại rồi. Nhưng khi nói I HAVE EATEN BREAKFAST AT HOME thì chuyện ăn sáng cũng đã xong rồi, và bây giờ, cô vẫn còn no, không ăn thêm được bất cứ gì nữa, nghĩa là ảnh hưởng của chuyện ăn sáng vẫn còn. QA, nếu nói tôi đã đọc quyển sách này rồi, bây giờ vẫn còn nhớ từng chi tiết một của cuốn truyện thì cô dùng TENSE gì?
QA
Thưa anh, QA dùng PRESENT PERFECT vì chuyện đọc quyển sách đã xong, nhưng cuốn sách vẫn còn ở trong đầu của QA nên QA dùng PRESENT PERFECT: I HAVE READ THIS BOOK. Nhưng nếu QA đã quên hết cốt truyện, quên luôn cả tên của các nhân vật thì QA sẽ nói I READ THIS BOOK, dùng SIMPLE PAST vì cuốn sách không còn lưu lại bất cứ gì trong đầu QA nữa, cũng như câu về chuyện ăn sáng. Nếu bữa sáng không còn lưu lại gì, bây giờ lại đói thì dùng SIMPE PAST như anh nói ở trên vậy.
BBT
Còn một điều này nữa về hai thì SIMPLE PAST và PRESENT PERFECT, đó là khi nói về những việc làm đã hoàn tất, đã xong hoàn toàn, không còn dính dáng gì tới ngày hôm nay nữa nhưng khi thì dùng SIMPLE PAST và khi thì dùng PRESENT PERFECT. Khi chúng ta nhớ rõ được ngày tháng khi chuyện ấy xẩy ra, khi nào chúng ta làm công việc đó, thì chúng ta dùng SIMPLE PAST. Nhưng khi chúng ta không nhớ được đích xác thời gian nào trong quá khứ khi làm công việc đó thì chúng ta dùng PRESENT PERFECT.
Đây là hai thí dụ. Các cô nghe kỹ nhé: tôi gặp ông ấy năm 1975 và tôi đã gặp ông ấy rồi thì phải nhưng không nhớ rõ năm nào. Trúc Giang nói bằng tiếng Anh coi.
TRÚC GIANG
I MET HIM IN 1975.
I HAVE MET HIM BEFORE BUT I DO NOT REMEMBER WHEN.
QA
WE HAVE SEEN THE FILM MANY YEARS AGO.
I JUST SAW THE FILM 2 WEEKS AGO. Thưa anh, nhân đây QA xin anh nói về UNTIL và BY. Đây là hai chữ mà QA hay lầm, không biết khi nào dùng UNTIL, khi nào dng BY.
BBT
UNTIL và BY đều là PREPOSITION OF TIME tiếng Việt gọi là giới từ thời gian. UNTIL có khi viết là TILL. Để cho dễ nhớ, TILL có hai chữ "L" vì trước đã bị cắt mất "UN". Hai chữ UNTIL và TILL đều cùng nghĩa với nhau. UNTIL thì FORMAL hơn. TILL không FORMAL như UNTILL. Nói cách khác, khi viết, người ta dùng UNTIL, khi nói, chúng ta nghe TILL nhiều hơn.
UNTIL hay TILL nghĩa là CHO TỚI, hay TỚI, hay TRƯỚC hay ĐÚNG VÀO một lúc nào, một thời điểm nào đó. Thí dụ I WAITED UNTIL (TILL) LATE AT NIGHT là tôi chờ cho mãi tới tận khuya. Hay WE LIVED IN THAT HOUSE UNTIL (TILL) 1990 là chúng tôi sống ỏ căn nhà đó tới năm 1990. Hay THEY KEPT THE BOOK UNTIL (TILL) LAST WEEK là ông ấy giữ cuốn sách cho tới tuần trước.
QA và Trúc Giang mỗi cô đặt hai câu với UNTIL (TILL) coi.
QA
MY SON WILL LIVE IN LOS ANGELES UNTIL (TILL) HE GRADUATES (2014).
THIS LESSON WILL CONTINUE UNTIL (TILL) 6 P.M.
TRÚC GIANG
VIETNAMESE TET WILL GO ON UNTIL (TILL) THE 12TH OF FEBRUARY.
WE WILL STAY AT THE PARTY UNTIL (TILL) MIDNIGHT.
BBT
UNTIL hay TILL nghĩa là CHO ĐẾN hay TRƯỚC, hay ĐÚNG VÀO một thời điểm nào đó. Còn BY nghĩa là VÀO LÚC, VÀO NGÀY, VÀO MỘT THỜI ĐIỂM NÀO ĐÓ. Thí dụ HE WILL BE HOME BY 8 TONIGHT. Hai cô đặt thử mấy câu với BY coi.
TRÚC GIANG
HE WILL GET THIS LETTER BY SATURDAY.
I WANT TO FINISH THIS JOB BY CLOSING TIME.
QA
DINNER IS READY BY 7 O’CLOCK.
MISTER OBAMA WILL GET BACK TO CHICAGO BY 2016.
TRÚC GIANG
Thưa chú, trước khi kết thúc bài hôm nay, chú giảng cho cháu hai cặp động từ này: TO FALL và TO FELL; TO FIND và TO FOUND.
BBT
Thực ra, hai cặp này rất khác nhau nhưng cũng có khi người ta lộn động từ này thành động từ kia. Trong Anh ngữ có khoảng 5 hay 7 cặp như thế. TO FALL là ngã, té, đổ. Đây là một động từ bất qui tắc (IRREGULAR). TO FALL, FELL (PAST TENSE), FALLEN (PAST PARTICIPLE).
TO FELL là động từ qui tắc (REGULAR VERB), FELLED, FELLED là chặt cây, đẵn cây, bắn hạ, bắn rơi. Vậy nếu nói chính phủ Nhật lại vừa đổ thì chúng ta dùng động từ FALL hay FELL?
QA
QA sẽ nói THE JAPANESE GOVERNMENT FELL LAST MONTH. Động từ TO FALL, FELL, FALLEN.
BBT
Ông tiều phu đẵn được một cây rất lớn. Trúc Giang nói thế nào?
TRÚC GIANG
THE WOOD CUTTER FELLED A HUGE TREE. Động từ cháu phải dùng là TO FELL, FELLED và FELLED.
BBT
Cặp kia là TO FIND, FOUND, FOUND và TO FOUND, FOUNDED, FOUNDED.
TO FIND là tìm thấy. TO FOUND là thành lập, sáng lập như sáng lập một cơ sở, một công ty, một trường học.
QA cho hai thí dụ với TO FIND và TO FOUND coi.
QA
CHRISTOPHER COLOMBUS WANTED TO FIND A NEW ROUTE TO INDIA BUT HE FOUND AMERICA INSTEAD.
PHAN BỘI CHÂU FOUNDED THE ĐÔNG DU MOVEMENT.
TRÚC GIANG
PRESIDENT DIỆM FOUNDED THE FIRST REPUBLIC.
I FOUND AN OLD FRIEND IN THE INTERNET.
QUỲNH ANH
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

January 24, 2013

January 25, 2013


Ngày 21 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Cách đây khoảng hai tuần, ở một thị trấn đông bắc Hoa kỳ, một phụ nữ gốc Việt đã bị hai tên cướp xông vào nhà nổ súng bắn thiệt mạng. Cuộc điều tra còn đang tiến hành, nhưng có điều chắc là bà bị trúng đạn của hai tên cướp, và cảnh sát cũng nhận nạn nhân bị cướp bắn chết. Vụ cướp được một tờ báo địa phương tường thuật khá rõ ràng. Hình của hai nghi can cũng được phổ biến trên báo và truyền hình địa phương.
Nhưng khoảng mấy ngày sau đó, trong một tờ báo Việt ngữ, người ta đọc được bản cáo phó của gia đình nạn nhân, trong đó có đoạn nguyên văn: "Chúng tôi đau đớn báo tin buồn cùng thân bằng cố hữu: con gái, vợ, chị, em, mẹ của chúng tôi: Maria Ph. đã được Chúa gọi về ngày…"
Bản tin cáo phó với lời lẽ viết như thế chúng ta vẫn thường hay đọc thấy trên báo, nhưng đặc biệt lần này tôi thấy rất không ổn. Thực ra, thường nó đã không ổn rồi. Không ổn ở đoạn viết gia đình "đau đớn" về chuyện người ra đi của người thân khi người đi "được Chúa gọi về."
Chuyện "được Chúa gọi về" là một ân sủng, một hạnh phúc lớn để cho người quá cố được hưởng nhan thánh Chúa, được sống đời đời trên nước Trời. Vì thế nên mới nói là "được Chúa gọi về". Nhưng đã là hạnh phúc, ân sủng thì tại sao lại nói là "đau đớn báo tin buồn"?
Chỉ khi những điều không hay, bất hạnh xẩy ra thì mới "đau đớn báo tin buồn" chứ !
Những thắc mắc này, tôi đã đem ra hỏi một vài linh mục và được các nhà tu này nói rằng lời lẽ trong những tin cáo phó đó là sai, tang gia không nên viết như thế. Nếu đem phân tích từng chữ thì không bao giờ nên viết như vậy.
Nhưng lần này, cái cáo phó của gia đình bà Maria Ph. lại càng làm cho người đọc thấy đặc biệt không ổn. Nếu không biết được nguyên do đưa tới cái chết của bà Maria Ph. thì tôi cũng đã thấy cái cáo phó đọc trên báo là bất ổn.
Đằng này chuyện bà Maria Ph. bị cướp giết đã quá rõ. Cảnh sát và báo địa phương đều cho biết là bà bị giết một cách vô cùng tàn bạo. Hai viên đạn của hung thủ đã phá nát khuôn mặt của nạn nhân. Vậy mà gia đinh người quá cố lại viết cáo phó trên tờ báo Việt ngữ rằng bà Maria Ph. "được" Chúa gọi về.
Tôi không nghĩ luật sư của hai nghi can sẽ nói trước tòa rằng bà Maria Ph. không hề bị thân chủ của ông giết. Vì chính gia đình nạn nhân đã viết rõ trên báo là Chúa gọi bà về chứ có nói là hai tên cướp giết bà đâu.
Tôi cũng không nghĩ gia đình nạn nhân khi ra trước tòa, sẽ khai như điều khẳng định ghi trong bản cáo phó đăng trên báo. Chắc chắn gia đình nạn nhân, những người chứng kiến sẽ chỉ mặt hai tên cướp và nói chính chúng giết thân nhân của họ.
Vậy thì tại sao lại (che chở cho hai tên cướp và) nói việc bà Maria Ph. ra đi là do Chúa tạo nên ? Tại sao lại đổ cho Chúa chuyện độc ác như vậy? Chúa yêu thương mọi người chứ có bao giờ có việc bà Maria Ph. đang sống hạnh phúc với gia đình, xum vầy cùng với cha mẹ, chồng, con, chị em mà Chúa lại gọi bà, khiến bà phải bỏ mọi người ra đi trong một hoàn cảnh đau đớn và tàn bạo gây ra đau thương cùng cực cho bao nhiêu người trong gia đình, bạn bè như thế? Mà nếu Chúa có gọi bà về thì chắc chắn không bao giờ Chúa để cho nạn nhân ra đi một cách tàn bạo và dã man như thế.
Tưởng tượng thánh Phê Rô đứng ở cửa, thấy bà Maria Ph. bước tới, ngài liền hỏi tại sao gia đình bà viết trên báo nói là Chúa gây ra chuyện đau buồn cho bà và gia đình bà thì bà phải giải thích như thế nào?
Có lẽ đã đến lúc nên bỏ cái lối viết bản tin cáo phó do một người nào đó vì quá xúc động nên đã viết xuống những lời lẽ không tỉnh táo đó, rồi những người đi sau cứ chép lại, dùng hoài, dùng hủy cho đến tận bây giờ với nguyên văn những lời lẽ vô nghĩa lý đó chăng?

Ngày 22 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Hôm qua, ghé tiệm sách Barnes and Noble, tôi mua được cuốn lịch có thể treo ở cạnh bàn làm việc ở sở mà không sợ bị đồng nghiệp kiện cho nát người vì có toan tính (?) sexually harass những người đến gần, tò mò trông thấy cuốn lịch của báo Sports Illustrated mà mỗi năm tôi vẫn có để xem ngày tháng cho rõ khỏi làm phiền đôi mắt đã quá già yếu của mình.
Thêm vào đó, cuốn lịch lại đang được bán đại hạ giá chỉ còn nửa giá. Treo nó ở sở lỡ con cháu có ghé vào cũng không đến nỗi băn khoăn về ông nội, ông ngoại của chúng, già mà không nên nết.
Cuốn lịch có 12 tờ cho 12 tháng, lại còn tặng thêm hai tháng cuối năm 2012 thì lại càng nên mua mặc dù bây giờ đã gần hết tháng 1 của năm 2013.
Cuốn lịch chỉ đặt ra có một câu hỏi cho suốt 12 tháng của năm 2013: WHO FARTED?
Câu hỏi này thường ít nghe thấy trong cái xã hội đã đạt được mức độ văn minh và lịch sự như hiện nay. Nhưng nó vẫn là thắc mắc, nếu có thể nói ra được trong thang máy, ở siêu thị, ngoài đường, tại những chỗ tụ họp đông người… chứ khi chỉ có hai ta, mà lại không có con chó đứng gần để đổ tội cho nó thì đâu cần phải hỏi với han là "WHO FARTED?"nữa.
Cách đây không lâu, trên mạng, người ta xem được một video clip trong đó, bà Hillary Clinton, lúc ấy còn đang vận động tranh cử, khi trả lời một cuộc phỏng vấn, đã làm một cái … rầm. Bà hơi biến sắc một chút nhưng sau đó, lấy lại được bình tĩnh ngay. Câu trả lời của bà sau đó nghe có vẻ không được tự nhiên lắm. Ngoài ra, trong internet cũng có nhiều video clip khác thu được quả tang những nhân vật nổi tiếng gây ô nhiễm (?) cho không khí và âm thanh. Người Mỹ coi chuyện đó là chuyện bình thường, chúng chỉ là những hoạt động, phản ứng của cơ thể, không như những tiếng ợ mà chúng ta có thể kiểm soát hay dằn lại được. Nhất là ở một cái tuổi nào đó khi chuyện kiểm soát một số việc làm của cơ thể không còn được hữu hiệu như trước, hay khi ăn phải những loại thực phẩm có chất sữa hay tinh bột nhiều chẳng hạn. Trong những trường hợp đó, chỉ cần một câu xin lỗi nhỏ là lại có thể nói tiếp câu chuyện.
Trong một trang của cuốn lịch, có một bức ảnh đen trắng chụp nữ hoàng Anh và vợ của thái tử Charles, Camilla Bowles, nữ công tước xứ Cornwall. Nữ hoàng đang ghé sát gần Camilla, còn Camilla thì tay che mũi như đang hỏi "Who farted?". Trong một bức hình khác trong internet là cảnh hoàng gia Anh đứng trên bao lơn của điện Buckingham, ở hàng trước, mọi người đều mặt mày nghiêm trọng, chỉ riêng hoàng tử Harry đứng ở hàng sau là đang cười, tay che miệng như đang hỏi "Who farted?"
Ở những tháng khác là cảnh hai đô vật đang đè nhau trên sàn, và cũng lại một trong hai người bật ra câu hỏi "Who farted?"…
Cuốn lịch ngoài việc cho biết ngày tháng cũng giúp thay đổi những suy nghĩ, ít nhất là của tôi, về chuyện thả cái trung tiện. Không cần phải "hé môi ra những thẹn thùng" mỗi khi có cảnh "hương thừa dường vẫn ra vào đâu đây" như Nguyễn Du đã phải kín đáo (?) trong hai câu Kiều nữa.
Vương giả, đẹp gái, lịch sự, quần áo đẹp… như những người trong cuốn lịch cũng có khi lỡ trôn (?) cái rầm huống chi những người thường, những phàm nhân như chúng ta. Tôi thấy người Mỹ phản ứng rất bình tĩnh với những cái trung tiện như trong một video clip thu được ở Times Square, New York. Họ không quạt mũi, nhẩy nhỏm lên bỏ chạy hay bực bội. Bề gì thì đó cũng chỉ là chút hơi thoát ra từ trong cơ thể của con người, phản ứng của thức ăn khi gặp các chất acid trong dạ dầy chứ có là bom hóa học của ông Saddam Hussein đâu mà phải đem quân đi Iraq đánh ông ấy cả một chục năm nay. Có xấu chăng chỉ là vì chúng ta cứ nghĩ tới nơi chúng thoát ra mà thôi. Chứ một chút hơi thiên phú như vậy có gì phải phản ứng quyết liệt như một số người vẫn làm.
Tiếng Anh có thành ngữ fart catcher tương đương với những chữ Việt, bọn nâng bi xếp. Như thế mới là xấu. Chứ trong những trường hợp khác có gì là xấu!
Nuôi chó trong nhà, chủ chó vẫn thưởng thức của chó đều đều có ai than phiền đâu?
WHO FARTED?

Ngày 23 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Có một lần, trong một ngôi chợ ở đây, tôi thoáng nghe một giọng phụ nữ vọng sang từ cách chỗ tôi đứng khoảng vài thước, một giọng nói tôi nghĩ thật là sang trọng và quí phái. Tuy không trông thấy người, nhưng tôi tin nàng phải sang trọng và quí phái vì điều nàng nói mà tôi nghe thấy.
Giọng nói của người phụ nữ nói rằng bà không bao giờ ăn cơm nấu bằng gạo bán "sale" khi có người gợi ý rằng chợ đang bán gạo hạ giá. Giọng nói quí phái ấy nói tiếp rằng bà không thể nào ăn được thức ăn Mỹ mặc dù đã sống ở quốc gia này mười mấy năm.
Tôi nghe rồi thấy mà thương cái thân của tôi: quăng cho cái gì cũng ăn. Cơm nấu bằng gạo gì cũng vui vẻ ăn, nhớ lời mẹ dậy hạt cơm là hạt ngọc, đổ cơm vào thùng rác thì sẽ có ngày chết vì đói. Đồ ăn Mỹ, Ăng Lê, Tây, Tầu, Thái, Nhật, Mễ… cứ có gì là ăn nấy. Bạn bè khen là dễ nuôi.
Thực ra thì cũng chẳng dễ nuôi gì, nhưng không có tài nấu nướng thì mới thành ra người như vậy. Không bao giờ dám kén cá chọn canh khi có người nấu cho mình, vì thế mà trở thành người dễ nuôi. Sự thực là ngồi xuống trước mâm cơm, cứ tưởng tượng cảnh vượt biên, thuyền lênh đênh cả chục ngày trên biển, được ném cho nắm cơm nấu bằng gạo "sale" thì có "sơi" ngay không, hay còn hỏi kỹ để biết là gạo "sale" hay không "sale" rồi mới "thời" cho? Chắc là không. Đớp ngay, như máy … sợ con ma đói đồng hội (?) đồng thuyền ngồi cạnh vồ lấy thì làm sao sống nhục hơn là chết vinh.
Lúc ấy, tầu Mỹ ném cho cái hamburger, hay cái hot dog thì có ăn không? Hay lại vẫn cứ đồ Mỹ là (cái mồm này) không ăn? Ăn ngay chứ mắc cở gì mà không ăn!
Sáng nay một tờ báo xuất bản ở Michigan cho biết một tiệm McDonalds ở Dearborne, một thị trấn có đa số dân là người Hồi giáo và Ả Rập đã phải bồi thường cho một nhóm người Hồi giáo Ả Rập 700 ngàn đô la vì đã bán món thịt gà không được giết đúng cách của người Hồi giáo. Đó là thịt gà không phải là thịt halal tức là thịt của gà "được" giết theo kiểu cắt cổ, không cắt cho chết, mà để cho con gà vẫn còn sống, cho máu chẩy hết ra ngoài trong khi người giết gà phải đọc câu kinh: "Nhân danh Allah, đấng tiên tri vĩ đại".
Sai sót của hai tiệm McDonalds ở Dearborn là bán thịt gà … thường, giết theo kiểu nhân đạo của Mỹ mà dám nói là thịt gà halal khiến khách hàng Ả Rập Hồi giáo ăn vào (rồi sau đó) thấy … không vui mặc dù vẫn thấy hết đói và ngon. Ăn đã đời xong, mới biết không phải gà halal nên … kiện.
Chuyện đã rồi. McDonalds nên đóng mẹ nó hai tiệm ở Dearborn. Công ty đã có hàng mấy chục ngàn tiệm ở trên khắp thế giới, cần gì hai tiệm ở Dearborn. Rồi sau đó, ở Dearborn, đứa nào giết gà, bò, dê cừu … mà cắt cổ cho chẩy hết máu mà không giết chết hẳn thì cứ luật Mỹ lôi ra dùng phạt cho các con về tội tàn ác với thú vật coi thế nào.
Mẹ kiếp lúc nộp đơn xin vào Mỹ thì có khó khăn đặt điều kiện này nọ không, hay cái chó gì cũng gật hết. Chao ơi, độc tài, khắt khe, luật lệ tàn ác lâu lâu cũng có lý lắm đấy chứ.
Cứ đói là đớp hết. Không thích thì về sa mạc, căng mấy cái lều da dê lên mà ở với nhau.
Thử đi trên thuyền vượt biên một chuyến coi có còn đòi thịt halal mới ăn không? Hay lạc trên hoang đảo, đói rã họng ra, được quăng cho con heo quay (thơm ơi là thơm) có tranh nhau ăn như điên như khùng không?

Ngày 24 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Người Mỹ hay nói rằng nếu bạn có thể chế được cái bẫy chuột hay hơn những cái bẫy chuột hiện nay, thì bạn sẽ giầu lớn. Ý nói hễ có sáng kiến, phát triển sáng kiến đó, được thị trường nhào đến ôm cứng, là có tiền.
Nhưng phải có sáng kiến. Sáng kiến có thể ở bất cứ đâu. Nhìn đâu cũng có thể thấy sáng kiến.
Một người ở Oklahoma City vừa có được một sáng kiến mà chúng ta đã bỏ lỡ mặc dù nó ở ngay trước mắt chúng ta.
Ðó là dậy cho mấy con mèo biết dùng cái bàn cầu cho chúng khỏi gửi mùi chua của chúng ở những cái góc kẹt trong nhà (*).
Nhà phát minh sáng chế đang tìm cách bán sản phẩm của ông có tên là CatSeat cho các gia đình có nuôi mèo. Những chiếc CatSeat này có thể gắn vào những chiếc bệ cầu thường ở trong nhà nên không cần phải gọi thợ ống nước tốn kém đáng kể.
Mua cái CatSeat về, gắn vào bệ cầu rồi thì đến đoạn huấn luyện cho mấy con mèo. Có sách chỉ dẫn rõ ràng, không cần phải lấy cọng rơm đo cái đuôi nó rồi quăng ra ngoài vườn (?) để nó biết chỗ mà đi, khỏi dấu dấu giếm giếm như mèo vẫn làm trước kia nữa.
Mèo sẽ được dậy để gõ cửa nhà cầu trước khi đẩy cửa vào. Nghe tiếng hát karaoke ở trong vọng ra thì không được nhăn mặt, phải kiên nhẫn đứng chờ cho đến lúc người bên trong đi ra mới được vào. Thấy người ra thì phải vỗ tay để khuyến khích cho giọng hát thính phòng.
Mèo phải biết là khi làm thủy lợi thì nhấc cái bệ lên, không thể dựa vào khả năng nhắm của mình để gây ướt át cho người khác. Dương Do Cơ bắn cung có giỏi, có "bách bộ xuyên tâm" cũng không thể cậy mình trăm phát trăm trúng được.
Trong trường hợp làm việc tiện lớn (?), thì hạ bàn cầu xuống, ngồi lên trên rồi mới lấy trang ô chữ của tờ báo buổi sáng ra chơi. Nếu bí thì cũng vẫn phải nhanh chóng đi ra, nhường nhà cầu cho người khác. Xong việc, đừng quên chuyện giấy tờ. Nhớ là thỉnh thoảng vẫn leo lên giường bà chủ để ngủ. Phải giữ vệ sinh cho nhau. Gối và chăn của bà chủ không thể thay những cuộn giấy trong buồng tắm được.
Mèo cũng phải nhớ giật nước cho tiêu hết dấu tích. Không nên tử thủ quá lâu trong buồng tắm. Có rửa mặt thì ra ngoài cũng làm được. Loài mèo rửa mặt không cần nước nên không cần giữ buồng tắm. Ðánh móng tay thì buổi tối lên giường, gác chân lên cổ ông chủ sơn càng đẹp.
Mèo cũng cần được dậy để khi hết giấy phải biết kiếm cuộn giấy khác treo vào, tránh tạo ra tình thế khó xử vì giấy tờ. Mèo phải biết treo cuộn giấy đúng cách, giấy phải nằm áp vào tường. Treo sai có thể đẩy chủ nhà đến cảnh phải ly dị nhau như một bài báo của The American Bar Association đã cho biết khoảng một chục năm trước.
Ðó là những việc mà nhà phát minh này sẽ chỉ cách cho chủ mèo dậy lại mèo khi dùng sản phẩm của ông.
Rắc rối quá.
Mèo Việt Nam nuôi dễ hơn nhiều. 
(*) Tục ngữ: Chua như cứt mãn; Dấu như mèo dấu cứt

Ngày 25 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Ðọc bản tin của tờ Naples Daily News về người đàn ông 61 tuổi tên là Floyd Schuler ở Ft Myers, Florida tôi chỉ mong cho ông ta thua kiện, thua đậm, thua rồi còn bị tòa phạt một đống tiền để chừa cái thói hay thưa kiện ấm ớ đi cho mọi người nhờ.
Nếu ông ta thắng kiện, chúng ta sẽ gặp không biết bao nhiêu là chuyện khó chịu trong đời sống vốn đã rất nhiêu khê và khó chịu này rồi.
Ông ta kiện US Airways đòi bồi thường mười lăm ngàn Mỹ kim vì hãng hàng không này không cảnh cáo ông ta cũng như các hành khách khác về những nguy hiểm do việc uống rượu trên các chuyến bay gây ra. Ông đệ đơn kiện vì sau khi uống khá nhiều rượu trên máy bay, ông xuống phi trường thì vấp ngã trong khi di chuyển trên thang cuốn.
Không cần phải nghe ông ta kể, người ta cũng biết rằng ngồi trên máy bay, chính ông đã ngoắc tiếp viên lại bên chỗ ông ngồi, móc túi lấy tiền mua rượu uống. Tất cả mọi hành động vừa kể, từ ngoắc tay gọi stewardess, đến lấy tiền trong túi, tới gọi rượu, cầm lên đưa vào miệng uống đều là những việc làm tự nguyện của một người có số tuổi lớn hơn gấp ba lần tuổi thành niên ở Mỹ. Ông không phải là một đứa bé lên bẩy hay lên tám để nói là trẻ người non dạ, cần phải được cảnh cáo về hậu quả của chuyện uống rượu. Mà chắc gì, khi mấy cô tiếp viên nói với ông về nguy cơ của rượu là ông bỏ tiền trở lại vào túi, lôi báo ra đọc tiếp đâu. Thế nào ông chẳng nhẩy dựng lên, la thét ầm ỹ đòi "tương tiến tửu".
Nhưng gọi rượu uống, chắc cũng phải trên một ly, ông xuống máy bay, vấp ngã, liền quay lại kiện US Airways là không cảnh cáo, không can ngăn ông đừng uống rượu, giải thích cho ông về nguy hiểm của rượu.
Nếu tòa đồng ý với đơn kiện của ông mà phạt US Airways, buộc công ty hàng không này bồi thường cho ông thì nước Mỹ sẽ không có đủ tòa án và luật sư để xử hàng triệu vụ kiện tương tự như vụ này.
Thí dụ những người đàn ông sẽ đệ đơn kiện những người đàn bà đòi bồi thường vì khi những người đàn ông này làm quen những người đàn bà, thì những người đàn bà này không cảnh cáo những người đàn ông về những nguy hiểm của việc mời những người đàn bà này đi chơi với họ.
Ðại khái phải cảnh cáo như thế này:"Nói cho ông biết, quen tui là mệt lắm đó à nha. Ông sẽ mời tôi đi chơi phải không? Ông sẽ nói với tui rằng nếu mọi người đều nhan sắc như tui thì các thẩm mỹ viện dẹp tiệm hết phải không? Ông khen mùi nước hoa của tui phải không? Ông khen cái cách tui hất mái tóc ra phía sau, kéo một lọn xuống, buông ra cho nó xõa xuống một bên mắt tui phải không? Ðến đây đã là nguy lắm rồi đấy nhá. Ông còn định đưa tui đi ăn nữa sao? Chết ông rồi. Tui nhận lời đi chơi với ông rồi ông có biết sao không? Sau vài ba lần như thế, ông sẽ xin bàn tay tui. Mà xin là tui cho đó à nghe. Rồi gì nữa hả? Rồi ông mang bàn tay tui và tất cả những thứ dính vào cái bàn tay đó của tui về nhà ông... rồi ông sẽ cong đít lên đi làm để làm chồng tui, rồi làm cha mấy đứa bé. Rồi một hôm tui chán ông, tui kêu luật sư đánh cho ông tanh bành xíu quách... Rồi ông xách va li về với má, ăn mì gói chan nước mắt, đêm đêm nằm nhìn trần nhà thở dài cho cả xóm nghe chung... Ông chịu không...? "
Ðó chỉ là một trong những trường hợp cảnh cáo về những nguy hiểm có thể xẩy đến cho những đương đơn vác chiếu ra tòa kiện đòi bồi thường.
Nhưng thực ra, nếu có đưa ra những lời cảnh cáo đó, thì liệu có giúp gì cho những người đàn ông vừa kể ở trên hay không?
Chắc là không.
Những câu cảnh cáo về nguy cơ của thuốc lá, tôi nhớ, là đã xuất hiện lần đầu tiên trên các bao thuốc từ năm 1962 đến nay. Nhưng những lời cảnh cáo đó, đầu tiên thì nhẹ, càng ngày càng nặng thêm như những dòng chữ trên các bao thuốc mà chúng ta thấy ngày nay, cũng đâu có làm cho người ta sợ mà không hút thuốc lá nữa.
Mà đó là thuốc lá không biết nói ngọt, không có giọng nói trong như tiếng suối, nụ cười làm rực rỡ ban mai, và mùi tóc mang gió sông vào buổi chiều, đôi mắt phản chiếu ánh sao, và bóng của nụ cười sẽ làm sáng những buổi bình minh... the shadow of your smile will light the dawn...
Thế thì kiện làm sao được...

January 17, 2013

January 18, 2013



Ngày 14 tháng 12 năm 2012
Bạn ta,
Mount Sterling là một thị trấn ở tiểu bang Iowa, nếu có thể gọi đó là một thị trấn, với khoảng 40 dân, nổi tiếng với những chuyện kể sau những chuyến đi săn và đi câu của họ. Mount Sterling cũng có một hội đồng hàng tỉnh và một ông thị trưởng. Năm ông đang đưa ra một dự luật, và nếu dự luật được thông qua, mà chắc chắn sẽ được thông qua, thì chẳng bao lâu, thị trấn sẽ không còn một người dân nào sống ở đó nữa.
Lý do là cả năm ông định thông qua và ban hành một dự luật coi nói dối là một tội có thể bị phạt tù. Năm ông cho biết là đã quá chán những thứ câu chuyện trong mùa săn và mùa câu của người dân trong tỉnh, những thứ chuyện mà người Mỹ vẫn nói là hệt như những chuyện tiền bầu cử của các ứng cử viên, toàn là những điều láo khoét, phét lác không có lấy được một nửa cà-ram sự thật ở trong.
Thế nên cả ông thị trưởng lẫn các ông trong hội đồng hàng tỉnh đề nghị một bộ luật bỏ tù những tay nói dối.
Khi dự luật được thông qua và ban hành, chắc không còn ma nào dám ở lại tỉnh nữa. Nếu người ta tiếp tục ở lại, chắc cả tỉnh sẽ mắc bệnh câm hết, không ai dám mở miệng ra nói với nhau điều gì nữa.
Chồng sẽ không dám nói gì với vợ, vợ không dám nói gì với chồng nữa.
Thí dụ ông chồng vừa mở miệng khen vợ đẹp, có duyên … thì lập tức cảnh sát có thể ập vào nhà còng tay tống vào tù chờ ngày ra tòa ngay.
Khen vợ trẻ, võ khí có khả năng hủy diệt qui mô của Iran cũng không bằng thân hình nguyên tử của vợ là có thể bị đi tù mút chỉ.
Vợ cũng không thể khen chồng là hay, là giỏi sau khi chồng uống một hai viên Viagra nữa. Thứ thuốc này không còn có thể gọi là thuốc chồng uống, vợ khen hay nữa. Khen thế là láo toét, tha hồ đi tù. Thế là không ai được nói những điều tử tế về nhau nữa. Cứ nói thật ra thì mới sống được.
Thành phố Mount Sterling sẽ trở thành một nơi dân chúng ăn nói thô tục với nhau, không còn văn minh lịch sự gì nữa. Muốn sống nhẹ nhàng với nhau, cử án tề mi, lúc nào cũng như Mạnh Quang đối với Lương Hồng đời Hán, lịch sự, văn học nghệ thuật với nhau là không được. Phải dùi đục chấm nước mắm cáy. Không có ống nhún làm gì nữa. Ðường xấu thì cứ để sóc cho tỉnh người ra. Không bọc đường cho dễ nuốt nữa.
Chồng xấu trai, ăn nói vô duyên, hôi nách, không văn học nghệ thuật, ợ to, ngáy lớn thì cứ nói thẳng ra. Nói ngược lại là vào tù ngay lập tức.
Mount Sterling sẽ là một thành phố chết. Không ai có thể ở đó được. Mà cũng không ai dám tổ chức ra mắt sách, ra mắt thơ ở đó nữa. Nếu còn dám lôi nhau lên đó ra mắt sách, thì tác giả và người giới thiệu có thể sẽ phải giết nhau nếu không muốn vào tù. Những câu ngợi khen văn tài của tác giả có thể làm cho tác giả phải đi sửa cho mũi nhỏ lại và nhà phê bình văn học ngồi tù đến chết.
Cũng thế, các giọng hát Karaoke ra cái CD sẽ chỉ tiếp tục làm khổ những cái tai chồng con và làm ô nhiễm không khí thành phố, không bao giờ dám lên Mount Sterling ra mắt để mang họa vào cho bạn bè và thân hữu được dụ đến buổi ra mắt và ép mua CD nữa.
Nhưng có thể thành phố này sẽ rất được các thẩm mỹ viện biết ơn và yêu quí.
Thí dụ các ông chồng thay vì nói: “Em đẹp quá à … đừng có sửa gì nhá… Giời cho sao thì xài vậy … mà giời cho đẹp quá rồi sửa làm chi… trái mệnh giời là giời ghét cho thì phiền lắm đấy…” các ông chồng sợ vào tù vì không nói thật, thế là cứ chiếu luật cấm nói dối ra mà nói rằng:” Này … trông sốt ruột lắm rồi đấy nhá… có biết đêm đêm thức giấc ngỡ ngàng … ngó sang bên cạnh tôi đã bao nhiêu lần phải rú lên vì hết hồn không? Sao không đi sửa đi cho hàng xóm cần sự yên lặng nghỉ ngơi? Ðến mấy ma-đam nhờ các ma-đam bơm, hút, căng, kéo toàn bộ lại coi … đời sống ngắn quá mà, cho tôi sống với mà … “
Vì thế, bộ luật mới của Mount Sterling thực ra cũng có những tốt đẹp của nó đấy chứ.
Ngày 15 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Giải Nobel là một phần thưởng cao quí cao quí mà người ta có thể nói một cách chắc chắn là không một ai không mơ ước có được vinh dự được trao tặng giải thưởng ấy. Cho dù đó là một kinh tế gia, một nhà hóa học, vật lý, một nhà văn, nhà thơ hay một nhân vật tranh đấu cho hòa bình của nhân loại.
Những tên tuổi từng được trao giải Nobel như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Marie Curie, Mẹ Teresa, Aung San Suu Kyi, Ernest Hemingway, Anatole France, Bernard Shaw, Rabindranath Tagore … và rất nhiều nữa đều đã làm cho giải Nobel càng thêm uy tín và cao quí.
Nhưng cũng có những trường hợp giải Nobel bị từ chối như các trường hợp Jean Paul Sartre, Boris Pasternak… Sartre không nhận giải vì cho rằng nhà văn không nên nhận những giải thưởng nếu những giải thưởng ấy có thể tạo ra những thành kiến đối với tác phẩm của mình. Pasternak thì bị nhà cầm quyền Liên Xô cấm nhận xuất ngoại để nhận giải thưởng.
Những trường hợp như thế không cho thấy sự can đảm của người từ chối giải. Sartre có lý của ông, nhưng đó không phải là một hành vi can đảm, chỉ là một việc làm có tính cách nổi loạn. Pasternak thì không dám đi Stockholm để nhận giải vì bị nhà cầm quyền hăm không cho trở về nước.
Mới đây, một "vinh dự", nếu đó được coi là một vinh dự ở một quốc gia Cộng sản độc tài, đã bị từ chối. Hành động từ chối ấy từ trước tới nay chưa bao giờ được ghi nhận. Mặc dù chưa có quyết định để trao giải hay vinh danh, trao huân chương… mà mới chỉ là một gợi ý.
Quốc gia Cộng sản đó là Việt Nam, nơi mà tất cả mọi giải thưởng, huân chương nhà nước ban tặng đều là những ao ước lớn nhất của mọi người, như một bằng chứng tốt đẹp về những việc làm được coi là có đóng góp quan trọng cho nhân dân và nhà nước. Có được bằng khen, huân chương, giải thưởng là những bảo đảm cho tên tuổi, nghề nghiệp và quyền lợi.
Nguyễn thị Bình, nguyên bộ trưởng ngoại giao của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vừa được trao huy hiệu đảng mới đây (hôm 3 tháng 1 năm 2013) đã sướng rên lên khi nhận được tấm huy hiệu đó, và cũng đã phải kèm theo mấy câu tuyên dương đảng nghe rất cô đầu.
Ít có ai dám từ chối một thứ "vinh dự" của nhà nước. Nhưng hồi cuối tháng 12 năm 2012 đã có một người làm công việc đó. Người ấy là một diễn viên điện ảnh, cô Kim Chi, người từng xuất hiện trong nhiều phim của điện ảnh Hà Nội. Khi được gợi ý là viết một bản báo cáo về thành thích nghề nghiệp để được Nguyễn Tấn Dũng khen thưởng, cô đã từ chối qua điện thoại, rồi sau đó, lại viết một bức thư gửi cho Hội Điện Ảnh Việt Nam để nói rõ lý do, tránh hiểu lầm. Nữ diễn viên Kim Chi viết trong thư đề ngày 28 tháng 12 năm 2012 rằng cô "không muốn trong nhà có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm".
Bức thư có chữ ký Nguyễn thị Kim Chi. Tiếp xúc với đài BBC, cô cũng xác nhận những điều cô viết trong thư và còn nói thêm là cô không muốn có lời khen của Nguyễn Tấn Dũng. Cô nói rằng mọi nơi trên thế giới đều phản đối một số việc làm của thủ tướng Việt Nam. Vì thế, cô không quí trọng người cầm đầu chính phủ hiện nay. Cô nhận là ở Việt Nam, ai nói "tiếng nói khác" với tiếng nói của chính phủ là có thể bị bắt, bị tù. Khi BBC hỏi cô có sợ khi đưa ra những lời tuyên bố như trên thì cô trả lời là không, dẫu cho "người ta có thể tạo ra những tai nạn" để giết cô.
Kim Chi xác nhận cô là một người Cộng Sản, từng đi chiến trường suốt 10 năm và từng thấy tận mắt bạn bè hy sinh nên bây giờ, cô coi mọi chuyện nhẹ như lông hồng.
Ở trong chăn mới biết chăn có rận. Cô Kim Chi đã la lớn về những con rận dưới lớp chăn cô đang đắp. Và đó là điều đáng nói. Cô hy sinh 10 năm của tuổi trẻ để trở về nhìn thấy một đất nước tan nát càng ngày càng nghèo khổ, tham nhũng, bất công, mỗi ngày gia tăng, cả nước mỗi ngày mỗi đi xuống dưới bàn tay của nhà cầm quyền nên không thể nhận lời khen của một thằng ăn cướp. Cô không muốn nhìn thấy cái chữ ký của nó ở trong nhà. Cô thấy bị xúc phạm nếu nhận lời khen của một tên cướp, một tên tội đồ mà cô gọi là "kẻ"(chứ không thèm dùng chữ "vị" như mấy đứa nhà quê ngu xuẩn viết báo, làm radio ở hải ngoại từng cung kính một tên hiệu trưởng hiếp dâm nữ sinh mà chúng gọi là "vị hiệu trưởng Sầm Đức Xương" rồi nhẩy đong đỏng lên như ngồi phải cọc khi có người nói khác).
Nhìn ra được những chuyện tàn mạt ở trong nước và không ngại ngần nói thẳng ra thái độ bất mãn và khinh bỉ người lãnh đạo như vậy thì người ta có thể tin chắc rằng không bao lâu nữa, cô Kim Chi sẽ không còn là một người Cộng Sản như cô vừa khẳng định mới đây nữa.
Ông Reagan có lần nói người Cộng Sản là người đọc hết các sách của Mác và Lê Nin, người chống lại Cộng Sản là người hiểu Mác và Lê Nin.
Cô Kim Chi cho thấy cô rất khác những cái thứ chạy về nước, hét ầm lên là mấy chục năm trước (ở Mỹ) là đi trong bóng tối, về nước mới mở mắt ra, được cấp cái chứng minh nhân dân là khoe nhặng lên. Trông chẳng ra làm sao cả.
Mong cô bình an.

Ngày 16 tháng 1 năm 2013
Bạn ta
Tôi hoàn toàn không hiểu mấy cái chiến hạm mang tên Thanh Đảo, Quảng Châu, Thâm Quyến và thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải của Trung Quốc tới Sài Gòn để làm gì.
Nhà cầm quyền lúc đầu không nói gì về sự có mặt của chúng tại bến cảng Sài Gòn, cho mãi đến sau khi báo chí viết về chúng, nhà nước mới nhận là chúng đang thả neo ở Sài Gòn để viếng thăm Việt Nam.
Thế thì đây là một chuyến viếng thăm. Viếng thăm thì phải có lời mời. Không bao giờ có chuyện những chiến hạm này cứ lừng lững tiến vào sông Sài Gòn, vượt qua những vùng biển của Việt Nam mà không có phép. Tới được bến Sài Gòn nhất định phải đi vào hải phận Việt Nam. Vậy thì chắc phải có lời mời các chiến hạm này mới tới được Việt Nam. Chuyện này, con nít cũng biết.
Nếu không được mời mà cứ chạy vào Sài Gòn thì chuyện ấy chỉ có thể xẩy ra được nếu Việt Nam không còn nhận chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của Việt Nam nữa, và các tầu chiến này là tầu của các thái thú mới không cần phép tắc gì hết. Và Việt Nam không còn thẩm quyền gì tại các vùng nước mà các tầu chiến này đi qua.
Chuyện ba Tầu mang ba … tầu lạ vào tận Sài Gòn là có lời mời của nhà nước. Mời đến thăm làm gì? Mục đích của chuyến viếng thăm là gì?
Thân hữu? Ngay sau vụ tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam gặp trở ngại muốn ghé vào Hoàng Sa để sửa chữa và tránh bão mới đây và bị hải quân Trung quốc đuổi ra khơi để chịu sóng lớn ngoài biển thì hành động đó (xua đuổi tầu ngư dân Việt Nam giữa cơn bão) không thể coi là hành động thân hữu được. Việc tầu hải giám của Trung quốc mới hai tuần trước cắt dây cáp của một tầu Việt Nam cũng không thể là một hành động thân hữu được. Nếu vì sơ ý mà xẩy ra chuyện đó thì tầu Trung quốc phải xin lỗi và bồi thường. Tầu hải giám Trung quốc không hề làm công việc thân hữu đó. Trung quốc vẫn lớn tiếng đe dọa các tầu của ngư dân Việt Nam hoạt động tại những vùing biển mà Trung quốc nhận bất hợp pháp là của họ và đã từng phá tầu của ngư dân, bắt ngư dân đòi tiền chuộc và nhiều lần còn gây thiệt mạng cho các ngư dân. Làm thế mà là thân hữu chăng?
Chuyến ghé Sài Gòn không hề thân hữu gì hết. Dân chúng Sài Gòn cũng không hề được thông báo hay tổ chức ra đón ba tầu chiến của ba Tầu. Hai hôm sau, ba tầu của ba Tầu mới cho dân chúng lên thăm tầu, nhưng nhìn hình ảnh thì thấy ngay chỉ là ba Tầu lên thăm ba tầu của ba Tầu mà thôi.
Và như vậy, nhà cầm quyền lại lần nữa tỏ ra rất hèn với Bắc kinh.
Sau những chuyện xẩy ra ở Hoàng Sa và các vùng biển khác của Việt Nam, nhà cầm quyền ít nhất phải có một thái độ khác. Đầu tiên là phải phản đối về mặt ngoại giao. Ngưng các chuyến thăm viếng của các giới chức Trung quốc chẳng hạn. Rút bớt nhân viên ngoại giao ở Bắc kinh về và đòi Trung quốc giảm bớt số nhân viên ngoại giao của họ ở Hà Nội. Thả ngay những người biểu tình chống Trung quốc và hàng hóa Trung quốc như một hành động dằn mặt … nhẹ.
Nhưng Hà Nội chọn biện pháp âm thầm cho ba tầu của ba Tầu vào thăm "thân hữu" Sài Gòn.
Mẹ kiếp năm rắn còn mấy tuần nữa mói đến mà rắn rít đã được bọn cu ly xe kéo đến cõng vào tận chuồng gà.
Business as usual. Vẫn hèn hạ nô dịch như mọi khi là thế.

Ngày 17 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Sở thuế ở đâu cũng dã man, tàn bạo, vô nhân đạo cả, nhưng có lẽ sở thuế ở Thụy Ðiển phải là sở thuế tồi tệ nhất thế giới ngày nay.
Một phụ nữ trẻ rất tội nghiệp vừa bị tòa thượng thẩm Stockholm về hùa với sở thuế, không cho cô được khấu trừ thuế khoản tiền 26 ngàn kronor, tương đương với 3 ngàn Mỹ kim, mà cô đã chi để tăng tiến nghề nghiệp trong hồ sơ khai thuế năm 1998.
Sau 3 năm trời tranh tụng, người phụ nữ 25 tuổi sống ở thủ đô Thụy Ðiển đã bị sở thuế hạ đo ván. Sở thuế và tuần trước, tòa thượng thẩm Stockholm không coi khoản tiền mà cô chi ra là khoản chi tiêu cho nghiệp vụ của cô -- business expense -- theo luật thuế của Thụy Ðiển.
Người phụ nữ dấu tên trong bản tin AP làm nghề vũ nữ thoát y. Khoản tiền cô chi ra nếu là phí tổn để mua xăng cho xe, chạy từ hộp đêm này sang hộp đêm khác mỗi tối, hay son phấn mà cô dùng để bôi mặt xuất hiện trên sân khấu, thì được trừ thuế mặc dù mọi người đều biết chắc rằng cô có thể dùng xe để đi trong những việc không dính tới nghề thoát y, hay son phấn cho đẹp những lúc khác, không đứng uốn éo, bẹo hình hài đem bán (chữ của Bình Nguyên Lộc) trên sân khấu.
Khoản chi tiêu cô xin trừ thuế đã được dùng cho một việc chỉ có những người mù và những nhân viên sở thuế và ông toà bất nhân ở Stockholm mới không coi là chi phí nghiệp vụ của cô.
Khoản tiền 26 ngàn kronor, một khoản tiền đáng kể với một phụ nữ như cô, được dùng để đặt hai bịch silicone vào người của cô. Cô cho biết nhờ hai bịch silicone này, cô gia tăng được lợi tức mà cô khai đầy đủ cho sở thuế, nên cô ghi khoản tiền này trong hồ sơ khai thuế để xin được khấu trừ.
Sở thuế không đồng ý.
Tôi hoàn toàn không hiểu được.
Nói thí dụ như một người đàn ông trung niên bèo nhèo như thế này thì ai bỏ tiền ra coi uốn éo trên sân khấu.
Nhưng nếu bỏ tiền ra bơm, hút, căng, kéo khắp các vùng chiến thuật thì đứng lên sân khấu chắc cũng có người coi chứ. Vậy thì những khoản tiền chi cho các madam chủ thẩm mỹ viện nhất định là những khoản chi cho nghiệp vụ chứ còn chạy vào đâu nữa.
Cô cho biết việc đặt hai bịch silicone vào người chỉ có một mục tiêu duy nhất là cho nghề nghiệp của cô. Vậy thì cô phải được cho khấu trừ thuế.
Nhưng tòa thượng thẩm ở Stockholm thì nhất định cho rằng cuộc giải phẫu đăït hai bịch silicone vào người không hề có tính cách thương mại mà hoàn toàn có tính cách riêng tư -- the surgery was not commercial, but private (*).
Luật sư của người phụ nữ trẻ nói rằng cô không hề được bất cứ một khoái lạc riêng tư nào từ cuộc giải phẫu này (...she derives absolutely no pleasure from the surgery privately...)
Tôi tin điều này. Tưởng tượng khoét hai cái lỗ ở ngực, ấn, nhồi hai bịch silicone vào trong, khâu lại, mấy tuần sau tháo chỉ ra, tốn tiền mua một loạt quần áo mới cho cả trong lẫn ngoài, vừa mở cửa đi tưng tưng ra đường thì bị ngay mấy trăm con mắt ghen tức tố cáo trước dư luận quốc nội, quốc ngoại rằng đồ giả đấy... cái mặt ấy làm sao lại được như vậy... không cân đối chút nào... té xuống làm sao đứng dậy... lưng bị còng xuống là phải... ô hay sao lại đi giầy chiếc đen chiếc trắng thế này... không nhìn thấy giầy dép nữa ư... có còn đánh computer được nữa không... bây giờ làm sao học đàn ghi ta đây... chẳng phải thò tay mở cửa nữa nhỉ...
Toàn là những phát biểu độc ác.
Rõ ràng là dịch vụ giải phẫu không hề cho cô bất cứ một khoái lạc riêng tư nào hết. Tất cả đều chỉ nhắm giúp cô tăng tiến được thêm trong lãnh vực nghề nghiệp. Nhờ đặt hai bịch silicone vào người, khi trình diễn trên sân khấu, những tiếng huýt sáo ở dưới nghe có nhiều hơn, có to hơn trước. Những đồng tiền giấy gài vào cái G-string của cô có vẻ nhiều hơn khiến cô phải mấy lần quay vào góc lôi ra ném vào cái hộp đựng tiền của cô.
Vậy mà không là business expense hay sao?
Trong khi những lúc riêng tư (?) thì câu duy nhất cô được nghe là... em làm sao vậy? Sao lạ quá hà... không như trước đây... không thật chút nào... nó làm sao ấy... vấn đề sao lại nổi cộm quá thế này?...
Còn cô thì cô chỉ thấy sợ nó lệch, nó chạy đi chỗ khác chơi mỗi nơi một bịch, nó vỡ, nó méo, nó thách đố sức hút của trái đất làm thuyết của ông Newton sai bét thì làm sao...
Tội nghiệp cô hết sức.
(*) Stripper Cannot Deduct Implants on Taxes / AP Stockholm, Sweden.

Ngày 18 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Tờ Thanh Niên, tờ báo điện tử của Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam tuần qua đã đăng một loạt 3 bài viết về Hoàng Sa với tựa chung là Mãi Mãi Hoàng Sa.
Bài đầu tiên có một bức ảnh đen trắng đi kèm. Bức ảnh không rõ lắm nhưng cũng đủ để người đọc thấy lá cờ treo trên một vọng gác là một lá cờ tam tài của Pháp. Bài thứ nhì cũng có một bức ảnh đen trắng chụp cảnh một toán người đang đào một cái giếng. Nhìn kỹ, thì người ta thấy đó cũng là một bức ảnh chụp đã rất lâu. Trong số những người lố nhố trong hình, có ít nhất hai người cao lớn, có phần chắc là hai người Pháp và bức ảnh phải được chụp trước năm 1954 khi người Pháp còn ở Việt Nam. Bài thứ ba có in kèm một bản đồ của Trung quốc vẽ năm 1909 để minh họa cho bài báo.
Cả ba bài đều không nói tới Hoàng Sa khi bị cưỡng chiếm là lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa, và việc bảo vệ Hoàng Sa là do hải quân Việt Nam Cộng Hòa đảm trách. Bài báo cũng không nhắc tới lực lượng chống lại hành động xâm lăng của Trung quốc là hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Bài báo lại cũng không nhắc đến cái công hàm bán nước khốn nạn mà Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 dâng mẹ nó các đảo ở biển Đông cho Bắc kinh.
Cả ba bài đều nói Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam bị Trung quốc chiếm. Người viết các bài báo này, Hữu Trà, là một người viết hết sức gian xảo. Trong tất cả các bài viết, Hữu Trà hoàn toàn không nhắc tới việc Hoàng Sa đã bị chiếm như thế nào và nỗ lực cũng như hy sinh của những người cầm súng bảo vệ quần đảo này. Tuy nhiên, có một số chuyện Hữu Trà tuy không dám hay cũng có thể là không muốn viết ra, thì người đọc vẫn thấy.
Trong một đoạn, bài báo cho biết một người dân Quảng Nam tên là Lê Lan đã trở lại Hoàng Sa hồi tháng 10 năm 1973. Nguyên văn: "Đầu năm 1974, Trung quốc đưa tầu chiến đến lấn chiếm đảo. Mặc dù chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ chiến đấu giữ đảo, vì đảo là chủ quyền của chúng ta, nhưng bọn chúng đông qúa cùng nhiều tầu chiến nên cuối cùng chúng cũng chiếm được Hoàng Sa… Tôi cùng 32 người khác bị đưa về tạm giam ở đảo Hải Nam 3 tháng… Sau đó, chúng đưa tôi về trại tù binh ở Quảng Châu khoảng 1 tháng rồi giao cho tổ chức Hồng Thập Tự Quốc Tế của Anh trao trả cho chính quyền Sài Gòn".
Rõ ràng là Hữu Trà né cái tên Việt Nam Cộng Hòa. Bài báo cũng không nói rõ những người có nhiệm vụ giữ đảo là các binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Hữu Trà cứ thế mơ hồ nói như chính Hà Nội đã đưa quân ra giữ Hoàng Sa để người đọc vô ý coi là thế.
Không hề dám nói khi xẩy ra trận Hoàng Sa, Hà Nội đã câm như hến một lũ. Và đến bây giờ cũng không có một thằng chó nào dám nhắc tới trận Hoàng Sa và những hy sinh bảo vệ biển và đảo của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Khổ thật, đã trót nói xấu, bọn Ngụy suốt mấy chục năm nay, chẳng lẽ nay lại nói là chính bọn Ngụy đã hy sinh, đã đổ máu, đã khẳng định chủ quyền, đã chết cho Hòang Sa, và không hề có một tên Ngụy nào dám hạ bút ký cái công hàm ô nhục "xác nhận" chủ quyền của Trung quốc tại các đảo ở ngoài khơi Việt Nam như thằng chó Phạm Văn Đồng.
Bọn chó im thin thít khi Trung quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa tháng 1 năm 1974, không dám mở miệng nói một lời nào.
Nhưng đau nhất cho chúng là người chỉ huy chiến hạm HQ-10 lại là một Ngụy quân đúng nghĩa nhất, mang cái tên là Ngụy Văn Thà, hải quân trung tá tuẫn tiết theo tầu cùng với các binh sĩ dưới quyền của ông.
Ngụy như thế chứ có bao giờ như bọn chó ở Bắc bộ phủ bao giờ.
Nhưng mà há miệng mặc mẹ nó cái quai khốn nạn rồi. Nói thế chó nào được.
Mẹ kiếp gian như Việt Cộng là thế.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 161)
INTRANSITIVE AND TRANSITIVE VERBS
SIX MOST CONFUSED VERBS
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 161 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 3 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, kỳ này chương trình nhận được thư của một khán giả hỏi về hai loại động từ mà cháu với chị QA chưa nghe nói bao giờ. Đó là THA ĐỘNG TỪ và TỰ ĐỘNG TỪ. Chị QA nói là quả thật chị chưa nghe thấy hai loại động từ này từ khi học tiếng Anh tới nay.
BBT
Trúc Giang nói đúng. Thực ra biết về chúng cũng được mà không biết cũng không sao. Bằng cớ là hai cô nói tiếng Anh đã lâu nay mà chưa bao giờ nghe về hai loại động từ này cũng vẫn … nói được đấy chứ có sao đâu. Nhưng cũng nên biết về chúng một chút. Trong tiếng Anh, chúng có tên là TRANSITIVE VERBS là THA ĐỘNG TỪ và INTRANSITIVE VERBS là TỰ ĐỘNG TỪ.
Thế nào là TRANSITIVE và thế nào là INTRANSITIVE?
TRANSITIVE VERBS là các động từ PHẢI CÓ túc từ trực tiếp (DIRECT OBJECTS) đi theo sau.
INTRANSITIVE là động từ KHÔNG cần túc từ (OBJECT) đi sau. Nó là TỰ ĐỘNG TỪ, nghĩa là tự nó đứng một mình vẫn đủ nghĩa như thường. Không cần phải có túc từ đi sau vẫn được.
Trong khi THA ĐỘNG TỪ tức là TRANSITIVE VERB thì phải có túc từ trực tiếp (DIRECT OBJECT) đi theo sau mới đầy đủ ý nghĩa.
Bây giờ tôi hỏi hai cô, khi tôi nói I SLEEP rồi chấm câu, FULL STOP, không nói thêm gì nữa ở đằng sau thì câu nói của tôi đã đủ nghĩa chưa, chỉ nói vỏn vẹn có I SLEEP thì hai cô đã hiểu tôi rõ ràng chưa?
Hai cô gật đầu, như vậy, khi nói I SLEEP là đủ, khỏi phải thêm gì đằng sau cũng đủ nghĩa rồi. Đó là TỰ ĐỘNG TỪ, là INTRANSITIVE VERB. QA và Trúc Giang cho tôi nghe mỗi cô 3 INTRANSITIVE VERBS coi.
TRÚC GIANG
Cháu nghĩ TO STAND, TO WALK, và TO SIT là INTRANSITIVE VERBS vì cả 3 động từ này không cần túc từ OBJECTS ở đằng sau.
QA
Còn đây là thí dụ của QA: TO REST, TO WORK, TO DANCE… tất cả đều không cần OBJECT tức là túc từ theo sau. QA có thể nói I REST, HE WORKS, THEY DANCE không cần túc từ theo sau mà vẫn đầy đủ ý nghĩa.
BBT
Đó là INTRANSITIVE VERBS. Trong khi đó, TRANSITIVE VERBS tức là THA ĐỘNG TỪ thì theo sau chúng phải có DIRECT OBJECTS thì ý nghĩa mới đầy đủ. Thí dụ tôi nói I LIKE và ngưng ngay ở đó, thì hai cô có hiểu tôi muốn nói gì chưa?
TRÚC GIANG
Thưa chú chưa. Chú nói I LIKE rồi ngưng lại thì chú thích cái gì, thích chuyện gì, thích người nào thì người nghe chưa biết. Động từ LIKE cần phải có OBJECT tức là phải túc từ đi theo sau. Nếu chú nói I LIKE COFFEE thì cháu hiểu ngay, vì COFFEE là túc từ của động từ TO LIKE, một động từ TRANSITIVE, một THA ĐỘNG TỪ.
QA
Như vậy, TO LIKE là TRANSITIVE VERB tức là THA ĐỘNG TỪ. Các động từ này đều cần phải có OBJECT đi theo sau.
BBT
Đúng vậy. Khi tra tự điển, các cô sẽ thấy động từ (TO) LIKE có chữ "v.t" đứng bên cạnh, đó là những chữ viết tắt của VERB TRANSITIVE. Còn động từ (TO) WALK thì có những chữ viết tắt gì đây Trúc Giang?
TRÚC GIANG
Có hai chữ "v.i" bên cạnh phải không chú, vì (TO) WALK là INTRANSITIVE. Chữ "i" là viết tắt của INTRANSITIVE trong khi chữ "t" là viết tắt của TRANSITIVE. Bây giờ thì cháu hiểu rồi.
BBT
Nhắc hai cô là có những động từ luôn luôn là TRANSITIVE VERBS nghĩa là phải có túc từ theo sau thí dụ như TO LIKE, TO MAKE, TO FIGHT…. Không có túc từ đi theo sau chúng thì câu nói không đủ nghĩa.
Có những động từ không bao giờ cần túc từ cả như động từ TO SLEEP, TO WORK, TO SIT, TO STAND… chẳng hạn.
Nhưng cũng có những động từ vừa là TRANSITIVE vừa là INTRANSITIVE. Thí dụ động từ TO COOK chẳng hạn. Chúng ta có thể dùng nó mà không cần túc từ đi theo sau. Thí dụ AT HOME, MY MOTHER IS ALWAYS COOKING. Không cần phải nói COOK cái gì, món gì mà câu vẫn đầy đủ ý nghĩa. Nhưng chúng ta cũng có thể nói I COOK BREAKFAST, túc từ là BREAKFAST. Như vậy, TO COOK vừa là TRANSITIVE vừa là INTRANSITIVE VERB.
QA
Thưa anh, khi nói, mà thấy câu mình nói chưa đủ nghĩa thì phải tìm cách làm cho nó đủ nghĩa, như thêm cho nó cái OBJECT chứ đâu có cần phải biết động từ đó là TRANSITIVE hay INTRANSITIVE…
BBT
QA nói như vậy cũng không đúng hẳn. Chúng ta nên biết một chi tiết căn bản về các động từ TRANSITIVE và INTRANSITIVE VERBS để có thể dùng chính xác 6 động từ sau đây. Trông chúng khá giống nhau nhưng thực ra thì rất khác nhau. Thí dụ TO RAISE và TO RISE; TO SET và TO SIT; TO LAY và TO LIE. Đây là những động từ mà chính nhiều người Mỹ cũng sai khi dùng chúng. Ba trong số 6 động từ kể trên là TRANSITIVE, phải có OBJECT đi theo sau. Ba động từ kia là INTRANSITIVE thì không cần OBJECT. Như vậy, biết phân biệt chúng cũng là điều cần đó chứ.
TRÚC GIANG
Xin chú giảng luôn về 6 động từ này, vì cháu cũng đã từng gặp chúng rồi.
BBT
Trước hết là cặp TO RAISE và TO RISE. TO RAISE là nuôi cho lớn như nuôi con, nuôi thú vật, gia súc, gà vịt… sau động từ này chúng ta phải có OBJECT. QA cho nghe một thí dụ với TO RAISE có OBJECT coi.
QA
THEY RAISE ALL THE CHILDREN BY WORKING VERY HARD ALL THEIR LIVES. Danh từ CHILDREN là túc từ, OBJECT của RAISE.
TRÚC GIANG
MY COUSIN RAISES SOME CHICKENS IN HIS BACKYARD.
BBT
TO RAISE là động từ qui tắc (REGULAR VERB). Quá khứ chỉ cần thêm "D" vào cuối để thành RAISED. RAISE còn dùng trong TO RAISE FUND là gây quĩ, TO RAISE A QUESTION là nêu ra, đặt một câu hỏi, TO RAISE THE GAS PRICE là tăng giá xăng. Còn TO RISE là thức dậy, mọc lên như mặt trăng, mặt trời … TO RISE là một THA ĐỘNG TỪ, INTRANSITIVE, không cần túc từ và là một IRREGULAR VERB. TO RISE, ROSE, RISEN. QA cho nghe hai câu với TO RAISE và TO RISE coi.
QA
PEOPLE IN OUR VILLAGE RAISE COWS AND BUFFALOES.
THEY MUST RISE VERY EARLY EVERY MORNING.
TRÚC GIANG
IT IS VERY EXPENSIVE TO RAISE A CHILD IN AMERICA.
THE SUN RISES IN THE EAST.
BBT
Sau đây là động từ TO SET và TO SIT. TO SET là động từ bất qui tắc: TO SET, SET, SET và là một động từ TRANSITIVE nên phải có OBJECT đi sau. TO SET là đặt, để như TO SET THE TABLE là bầy bàn, bầy chén bát lên bàn để sửa soạn ăn; TO SET AN EXAMPLE là làm gương, làm thí dụ. Trúc Giang đặt câu với TO SET AN EXAMPLE coi.
TRÚC GIANG
MY DAD SETS A GOOD EXAMPLE FOR ALL OF US.
QA
AT DINNER TIME, MY SON ALWAYS SETS THE TABLE NICELY.
BBT
Động từ TO SIT, SAT, SAT là ngồi xuống thì hai cô đều đã biết. Động từ này không cần OBJECT nên nó là một INTRANSITIVE VERB. Cặp đôi cuối cùng là TO LAY, LAID, LAID và TO LIE, LAY, LAIN. Đây mới là cặp gây rắc rồi nhiều nhất. TO LAY là đặt xuống TO LAY THE BRICKS là xây gạch. BRICKS là túc từ. Do đó, TO LAY là TRANSITIVE. Hai cô chắc biết BRICK LAYER là gì chứ? Là người … đặt gạch chăng? Đúng rồi, BRICK LAYER là thợ nề. Trúc Giang cho một thí dụ coi.
TRÚC GIANG
I LAID THE KEYS SOMEWHERE AND NOW I CANNOT FIND THEM.
BBT
Đúng. Vì thế chúng ta cũng có động từ TO MISLAY là làm mất, làm thất lạc không tìm thấy. PAST TENSE là MISLAID và PAST PARTICIPLE là MISLAID. Còn QA?
QA
HE NEVER LAYS HIS HAND ON THE CHILD.
BBT
Đúng rồi, ông ta không bao giờ đánh con một cái nào. Còn động từ TO LIE, LAY, LAIN là nằm xuống. Động từ này không cần túc từ. ON SUNDAY, I LIE IN BED UNTIL NOON. AS YOU LIE WITH THE DOGS, YOU WILL GET THE FLEAS nghĩa là nằm với chó thì thế nào cũng bị bọ chó bò sang người nghĩa là chơi với phường vô lại thì thế nào cũng lây cái tính xấu của chúng. Trúc Giang và QA mỗi cô làm một câu với TO LIE là nằm coi.
TRÚC GIANG
LAST NIGHT I COULD NOT SLEEP. I LAY AWAKE ALL NIGHT.
QA
THE MOTHER SINGS A LULLABY AS THE BABY LIES IN BED.
Nhưng thưa anh, còn một động từ TO LIE khác nữa phải không?
BBT
Đúng rồi, cám ơn cô. Suýt nữa tôi quên. TO LIE là nói dối. Đây là một TỰ ĐỘNG TỰ, một INTRANSITIVE VERB và là một động từ thường, REGULAR VERB. Quá khứ là LIED. Trong khi TO LIE nghĩa là nằm thì PAST TENSE và PAST PARTICIPLE là LAY, LAIN.
Người nói dối là LIAR. PRESENT PARTICIPLE của hai động từ TO LIE là nằm và nói dối viết là LYING. LYING có thể là đang nằm, hay đang nói dối, nói điều không thật .
Hồi đi học, một người bạn dậy tôi học hai động từ TO LAY, LAID, LAID và LIE, LAY LAIN bằng cách lẩm nhẩm thế này: LÂY, LẾT, LẾT (TO LAY, LAID, LAID) và LẠI, LẤY, LỀN (LIE, LAY, LAIN)… nhờ đó, đến nay vẫn chưa quên.
TRÚC GIANG
Cám ơn chú. Cứ bắt chước, đọc thần chú LÂY LẾT LẾT, LẠI LẤY LỀN là không bao giờ quên được.
QUỲNH ANH
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

January 9, 2013

January 11, 2013

Ngày 7 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Ông Trời trong khoảng thời gian vài ba năm trở lại đây có một trò chơi rất lạ: thỉnh thoảng ông mở sổ, kiếm lấy cái tên, rồi gọi một người bạn của tôi, bắt theo ông, và tính đến nay, đã có ít nhất năm người trong số bạn của tôi bị ông gọi.
Trong khi những người ấy không có lý do gì để bị gọi đi hết. Tất cả đều không hút thuốc, rượu thì có người uống, có người không, mà nếu có uống, thì cũng chỉ là mấy lon bia xúc miệng buổi sáng. Những người bị gọi lại toàn là những người cha tốt, những người chồng ngoan ngoãn, những công dân tài giỏi, văn học nghệ thuật cùng mình. Những Lộc, những Ðiểu, những Hiển... toàn là những người không nên bị gọi đi quá sớm như thế.
Tại những buổi tiễn đưa những người bạn này, có một câu tôi cứ được nghe nói mãi vào tai, câu "Trời kêu ai nấy dạ".
Ðây là một câu thậm vô lý. Làm như ông Trời muốn làm gì cũng được không bằng. Ông muốn gọi, ông phải có lý do. Không thể cứ lấy ngón tay di chuyển trên cuốn sổ, trúng cái tên nào là khum hai tay làm cái loa, gọi tên người ấy, thì người có tên dạ vang, tất tưởi chạy lên trình diện ông.
Chúng ta không thể để ông Trời muốn làm gì cũng được như từ trước đến nay nữa.
Những người nói câu "Trời kêu ai nấy dạ" đều nói với một giọng buông xuôi, sẵn sàng làm theo đúng cái mệnh lệnh vô lý ấy của ông Trời mà không bao giờ đặt vấn đề với ông. Ít nhất cũng phải hỏi lại ông là tại sao, đòi ông cho biết lý do, nếu không thì không thể cứ nhắm mắt tuân theo lệnh của ông được.
Những người bạn của tôi cũng lại là những người hiền lành quá sức. Hễ ông Trời gọi, là rối rít dạ ầm lên rồi theo ông. Bất kể những khổ đau của những người họ để lại.
Nên tôi thấy cần phải nói chuyện lại với ông Trời. Không thể cứ để mặc cho ông làm... Trời như thế được. Trời kêu mà không dạ thì Trời làm gì nào?
Chuyện không dạ Trời cũng không có gì khó cả.
Dễ nhất là gọi cho hãng điện thoại, yêu cầu không phổ biến số điện thoại của mình cho bất cứ ai. Không in tên và số điện thoại trong điện thoại niên giám cái đã. Như thế, ông Trời hết cách kiếm thấy trong những cuốn mà AT&T hay Sprint, hay gì gì đi nữa hàng năm vẫn gửi cho ông.
Không những không in trong niên giám, mà còn không phổ biến cho bất cứ ai. Trời có gọi 411 cũng không được tiết lộ.
Hết gọi. Mà không gọi được thì làm sao... dạ?
Nhưng nếu ông Trời tìm được số của chúng ta, thì chúng ta vẫn có hai, ba cách để... né ông Trời.
Cách thứ nhất là ai gọi đến,  ngó Caller ID , thấy số của Trời thì không... dạ gì hết. Cho nghe chuông reo đã đời, Trời chán quá, phải bỏ xuống, gọi... người khác.
Cách thứ hai là ai gọi đến, chờ cho lên tiếng mới trả lời. Nếu Trời gọi, Trời sẽ nghe máy nhắn nói rất tử tế: "Chúng tôi rất tiếc không thể trả lời quí vị, kể cả ông Trời vào lúc này, xin để lại lời nhắn, số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại ngay."
Chuyện gọi hay không gọi lại là tùy chúng ta. Trời để lại số thì đừng có gọi. Vài lần, Trời sẽ chán, không thèm gọi nữa. Hay nếu có ai nhấc máy lên thì nhờ nói lại là đi vắng, không có nhà, xin gọi lại sau...
Cách thứ ba là dùng dịch vụ trả lời. Với hai ba chục một tháng, dịch vụ này sẽ... dạ ông Trời hộ chúng ta.
Nếu không thì có thể cho Trời cái số beeper cho Trời gọi mệt nghỉ luôn. Hay cũng có thể cho Trời cái số của tên luật sư vừa cãi xong vụ li dị, cưa hết một nửa cuộc đời của bạn, lại không cho bạn thăm nom con cái chẳng hạn. Hay cái hãng vừa mới kéo cái xe của bạn hồi tuần trước. Hay vài ba anh chị xếp hắc ám, lông lá cho chúng nó... dạ bớt đi.
Như vậy, Trời thực sự cũng không phải là bất trị, bạn thấy không? Tiếc nhất mấy người bạn tôi trước đây không biết mà làm...

Ngày 8 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Tôi nghĩ ông Tú Xương, tay chơi của làng Vị Xuyên tỉnh Nam Ðịnh, nếu còn sống chắc ông sẽ thích cái sản phẩm này lắm.
Ông có ở xa xôi đến đâu, thế nào tôi cũng phải gửi cho ông, như người phụ nữ gửi rau sắng chùa Hương đến tận nhà cho ông Tản Ðà để ông già núi Tản khỏi phải lặn lội lên tận chùa Hương, hay ngồi ở nhà mà than "con đò ngại tốn, con đường ngại xa" vậy.
"Hoa hoa công tử ", hay là Playboy theo cách dịch của mấy ông bạn đồng văn của chúng ta, "giầy giôn anh diện, ô Tây anh cầm " là người xứng đáng để nhận món quà lịch lãm và hào hoa này hơn ai hết.
Chàng là tay chơi, mà lại thích chơi cho lịch, cho đài các thì phải có nó.
Nó đây là cái áo mưa của Prada.
Người tử tế như bạn, nghe nói cái áo mưa của Prada, chắc đã nghĩ ngay đến một cái trench coat mầu kaki nhạt, hai hàng nút phía trước, ngực cài chéo, cầu vai, thắt lưng như chiếc trench coat của bạn. Nhưng bạn lầm to.
Prada tung ra loại áo mưa này để chỉ dùng một lần rồi bỏ chứ không phải như cái trench coat có cái nhãn London Fog mà bạn mặc đi mặc lại mấy mùa thu vừa qua. Nó là thứ cần thiết còn hơn là cái ô mà ông Tú bị mất rồi chỉ lo "rầy gió mai mưa, lấy gì đi sớm về khuya với tình".
Không có nó thì phiền lắm, phiền hơn là cái ô ông mất ở nhà cô đầu nhiều. Nhất là vào thời đại hiện nay. Không có nó thì ông còn vất vả hơn là đã có lần ông từng đau khổ thú nhận:
Thua bạc ra đi với mẹ nhà
Bệnh gì không bệnh, bệnh tim la...

Ông Tú cần những chiếc áo mưa, không phải bất cứ áo mưa gì cũng được, "hoa hoa công tử " thì phải áo mưa Prada.
Làm sao một người đã khăn nhiễu tím, ô lục soạn, bít tất tơ, giầy Gia Ðịnh bóng... mà lại chịu dùng mấy thứ áo mưa nhà quê của những hãng latex vô danh tiểu tốt được.
Phải là áo mưa Prada. Tay chơi mà. Áo mưa cũng phải có tên hiệu nổi tiếng, do các nhà vẽ kiểu thời trang sản xuất thì mới được.
Chẳng lẽ nàng mặc toàn St. John, Versace, Dior... còn chàng thì Hugo Boss, nếu không cũng là Ralph Lauren, hay hạng bét ra cũng là Banana Republic mà đến lúc ấy lại móc túi lấy ra cái của Sheik, hay Trojan, Lifestyles, Prime, Magnum, Gold Circle Coins... thì nhà quê nhà mùa quá. Có thể vì cái áo mưa cù lần, không có tên tuổi nổi tiếng, bị đuổi về nhà nhìn trần nhà thì còn gì chán bằng.
Và do đó, Prada đưa ra sản phẩm của họ.
Tưởng tượng với cái sản phẩm của Prada ấy, những tiếng suýt soa sẽ nghe thấy lớn hơn. Có thể còn có cả tiếng huýt sáo cùng với vài ba tràng pháo tay (mà không cần phải nhờ em-xi khẩn khoản nài nỉ xin quí vị một tràng pháo tay cho các nghệ sĩ (?) trình diễn) đầy ngưỡng mộ và thán phục thì còn gì vui hơn. Tự ái được vuốt ve tối đa. Ego được cho lên tầu bay, bay vòng quanh thế giới vài ba vòng. Cái tên Prada , như thế, có thể cứu nguy được cho những tự ái bầm dập bao nhiêu lâu nay.
Nhưng không phải là những chiếc áo mưa Prada này không gây rắc rối cho người tiêu thụ.
Thí dụ nhìn thấy cái nhãn hiệu Prada, biết đâu chẳng có người đề nghị đừng dùng, phí của, xin mang về làm kỷ niệm thì sao? Vất vả đấy.
Hay cũng có khi đương sự không ưa Prada, cho dù là ví tay, hay quần jeans, mà đòi của Versace hay Diane Von Furstenberg, Gucci... mới chịu thì biết làm sao giải quyết đây?
Giữa đêm đông Bắc Mỹ đang đổ chụp xuống thì khổ quá đấy. Mà không có thì cứ nghe đến cái nạn của ông Tú là lại sợ điên người lên mất thôi.

Ngày 9 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Abby, như chúng ta đã đồng ý nhiều lần, nên về hưu, gác bút, log off cái computer của nàng, cất nó xuống basement, và nghỉ viết mục trả lời các thắc mắc của độc giả mà nàng đã phụ trách quá lâu trên các báo Mỹ.
Nhưng nàng vẫn cứ tiếp tục viết, và càng tiếp tục viết, nàng càng cho thấy là nên qui ẩn cho rồi. Nên, từ rất lâu mới đúng.
Mới đây, Abby góp ý với một độc giả muốn có câu trả lời cho những gợi ý, những thúc giục, những lời khuyên là nên đẻ thêm một hai đứa con nữa trong khi chiếc đồng hồ nội bộ (?) của người độc giả này đang hối hả chạy những vòng cuối trước khi sợi dây thiều lăn đùng ra khiến cái đồng hồ chết ngắc.
Cái internal clock -- đồng hồ nội bộ-- ở cái tuổi của chúng ta, hoặc đã ngưng chạy, hay vẫn còn đang chạy, nhưng bằng những nhịp cực kỳ rối loạn, làm những đêm mùa đông bỗng như hừng hực lửa của nắng hè, những đổi thay của tâm tính, những cáu bẳn vô lý hơn mọi vô lý thường ngày, mức estrogene càng ngày càng xuống thấp... mà lại còn bị nhắc thêm vài câu hối thúc như vậy thì người nghe khó chịu là phải.
Chẳng lẽ lại hét lên câu hăm dọa mà tôi mới đọc được trên cản sau chiếc xe đậu gần sở: My estrogene is low and I have a gun -- này, estrogene của tôi đang xuống thấp và tôi có súng trong tay đấy nhé.
Với những đề nghị như thế, không thể chỉ nói không phải việc của ông / bà. Câu này thường quá, những góp ý sẽ còn trở lại nữa. Câu trả lời như thế nghe như những che dấu không cần thiết. Người nghe nhất định sẽ nghĩ ra trong đầu những lý do khác ghê rợn hơn nhiều.
Cũng không thể hăm dọa, răn đe mà không kèm theo những hành động đi kèm, thí dụ nói rằng nếu muốn, tôi có thể đẻ thêm một chục đứa nữa (bằng cách sinh mười chẳng hạn, cho kịp vòng quay cuối của chiếc kim đồng hồ nội bộ) trong khi không cách nào làm được nữa.
Lại cũng không nên nói rằng mấy quả grade A còn lại trong hộp... trứng đã thối hết như một phụ nữ tôi quen vẫn nói. Không được. Ai lại vạch... trứng cho người xem như thế.
Abby trả lời người độc giả nọ rằng cứ nói là xưởng của chúng tôi đóng cửa thế là xong. Our factory is closed. Xưởng đóng cửa, tiệm đóng cửa, phẹc mê bu tích, không sản xuất nữa. Chấm dứt.
Abby tưởng trả lời như vậy là xong. Như trường hợp xưởng đóng cửa trong lúc khó khăn kinh tế, sản xuất đình lại tại các xí nghiệp quốc doanh không lời lãi cuối cùng phải dẹp như ở các nước Cộng sản cũ để cắt bỏ những gánh nặng đè lên các quốc gia này. Trong những trường hợp đó, đóng cửa là chấm dứt, là không còn một hoạt động nào khác nữa. Là công nhân thất nghiệp dài cổ, là chủ nghĩa Cộng sản với hệ thống kinh tế do trung ương thiết kế phá sản thê thảm là đúng.
Nhưng thực ra, không phải xường máy nào, sau khi đóng cửa cũng buồn bã, chán nản như thế. Một số nhà máy, khi đóng cửa, phải bồi thường cho nhân viên bị cho nghỉ việc. Nhiều khi công nhân được những món tiền đáng kể. Do đó, cửa nhà máy có thể đóng, nhưng đó không phải là chấm dứt mọi chuyện. Người công nhân có tiền, có thể vui chơi tiếp (?) hay đi kiếm một xưởng máy mới (?) còn tiếp tục thu dụng họ. Nên trả lời như Abby có thể là không đúng.
Tôi đọc câu trả lời của nàng xong, thì ấm ức ghê lắm. Trả lời thiếu sót như vậy mà cũng đòi trả lời, giải đáp thắc mắc, gỡ rối tơ lòng cho người khác. Nhưng tôi cũng không biết phải thêm vào câu trả lời của nàng những gì để cho hợp lý hơn.
Thì sáng hôm qua, một độc giả ở Lansing, Michigan viết cho Abby với một đề nghị nhỏ để thêm vào câu trả lời của Abby. Người độc giả này, mà tôi tin chắc là một phụ nữ, đề nghị Abby thêm vào câu này: But the playground is still open.
Xưởng máy tuy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, vì không thể sản xuất được nữa, vì không có nhu cầu sản xuất nữa, vì khó khăn kinh tế hay vì những nguyên do khác, nhưng sân chơi, sân giải trí của xưởng máy thì vẫn tiếp tục mở cửa cho các công nhân của xưởng máy bị đóng cửa vào chơi như thường.
À, như thế mới được. Xưởng máy đóng cửa, nhưng tại sao phải đóng cửa một tiện nghi (?) mà các công nhân trước kia vẫn được phép sử dụng?
Phải mở cửa chứ. Xưởng máy của Abby có thể đã đóng cửa, và sân chơi của cái xưởng đó có thể cũng đã dẹp luôn, những cái cầu tuột (?) những cái đu, những bồn cát để xúc cát (?) chơi có thể đã đóng như trường hợp xưởng của Abby, nhưng những sân chơi ở các xưởng máy khác vẫn tiếp tục mở thì sao?
Ồ, trả lời như Abby là sai sót thấy rõ. Khi không cho đóng cửa sân chơi luôn mà cũng gỡ rối tơ lòng độc giả thì sao được!

Ngày 10 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Jeannine Stein, fashion police của tờ Los Angeles Times hôm thứ sáu tuần trước có đăng bức thư của một độc giả không ký tên thật, nêu thắc mắc và than phiền tại sao quần áo phụ nữ không có nhiều túi như quần áo của đàn ông để phụ nữ cũng có thể, như đàn ông, bỏ bút và những thứ cần dùng khác, khỏi phải cầm trong tay, bận tay bận chân.
Fashion police Jeannine Stein là một tiếng nói thẩm quyền về thời trang, không hề bắt giữ, câu lưu những người vi phạm thời trang như chữ police có thể làm cho nhiều người nghĩ. Jeannine Stein cho biết là có thể các nhà họa kiểu quần áo sẽ không bao giờ cho quần áo phụ nữ nhiều túi như quần áo của đàn ông.
Mà quần áo của đàn ông thì nhiều túi thật. Nếu mặc một bộ suit ba mảnh (?) thì số túi có thể lên đến gần hai chục cái.
Sơ mi ít nhất có một túi. Quần dài bốn cái, có thể là năm nếu có thêm một chiếc túi đựng bật lửa hay chìa khóa. Áo gilet có bốn túi. Jacket ba túi ngoài, ba túi trong. Tổng cộng là mười sáu cái túi. Móc mệt nghỉ.
Người nữ độc giả viết thư cho Jeannine Stein ghen tức là phải.
Nhưng nếu Jeannine Stein nói đúng, nghĩa là thời trang sẽ không bao giờ để phụ nữ có nhiều túi như quần áo đàn ông, thì đó phải là tin mừng cho những người đàn ông.
Con số túi trong quần áo đàn ông là thành trì cuối cùng chưa bị phụ nữ xâm phạm (?) và nên được bảo vệ đến cùng. Lý do là trong khoảng ba chục năm trở lại đây, nhiều khu vực thời trang của đàn ông đã bị lấn chiếm tàn bạo. Những chiếc ca vát chẳng hạn. Phụ nữ cũng đã lôi ra đeo khi mặc sơ mi, cũng của đàn ông. Hay quần dài, có cả zipper ở phía trước mặc dù không biết dùng để làm gì. Những chiếc quần dài này cũng có túi trước, túi sau để người mặc cũng có thể tay trong túi đi tung tăng như những người đàn ông không biết làm gì với đôi tay trơ trẽn của mình. Quyền bỏ tay vào túi quần của đàn ông bị xâm phạm thô bạo vì những cái túi quần đó.
Trong khi váy của phụ nữ thì đàn ông không bao giờ lấn chiếm (?) hay vi phạm (?) ngoại trừ đàn ông Tô Cách Lan với những cái kilt, họ hàng rất xa của những "cái thúng mà thủng hai đầu" của phụ nữ.
Sự thực thì các nhà họa kiểu thời trang không may nhiều túi cho phụ nữ không phải vì họ không muốn phụ nữ lấn chiếm thêm nữa vào lãnh vực quần áo đàn ông, mà việc không may nhiều túi cho phụ nữ là vì lý do địa lý hình thể.
Thí dụ những cái túi áo sơ mi mà đàn ông vẫn dùng để đựng một trăm thứ chẳng hạn. Bút mấy cái, thẻ ra vào sở, vài ba thứ giấy không bỏ vào ví được. Những thứ ấy, khi cần, đều có thể lấy ra rất dễ dàng, không hề gây trở ngại lưu thông bao giờ. Nhưng tưởng tượng Demi Moore hay Julia Roberts, hay Sharon Stone tìm cách lấy những thứ họ đựng trong túi ra mà xem. Việc làm đó sẽ khó khăn hơn việc làm của những người đàn ông rất nhiều. Những cái túi của họ, không để gì ở trong cũng đã cộm, đã như nhồi nhét một triệu thứ. Bây giờ lại phải tìm cách lấy cái bút ra thì khổ đời những người qua lại biết là chừng nào.
Như vậy thì nhất quyết là không nên cho họ những cái túi áo như người độc giả muốn.
Thế còn túi quần?
Cũng không nên. Lý do như đã nói ở trên, là cảnh thọc tay trong túi quần, huýt sáo đi tung tăng là đặc quyền của đàn ông. Ðàn bà không có lý do gì để thọc tay trong túi quần hết.
Hơn nữa, có những lúc đàn ông phải để tay trong túi quần. Thí dụ như khi bị hỏi một câu tương tự như câu của Mae West: "Is that a gun in your pocket or is it because you are glad to see me?"
Bị hỏi như thế, lại không dấu súng trong người, không thọc tay vào túi quần, bỏ đi lập tức thì phải làm gì bây giờ? Ðàn ông phải có túi quần, đàn bà thì không là vì thế.
Không cần thì đòi túi làm gì?

Ngày 11 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Tối hôm qua, khi đi tìm một bài báo trong tờ Harper's số phát hành cách đây mấy tháng, tình cờ tôi đọc được quảng cáo của một tổ chức bảo vệ cây rừng thật là tuyệt.
Nửa trên của trang quảng cáo là bức hình chụp một khu rừng cây với những thân cổ thụ xanh mướt, và phía dưới là câu hỏi liệu những cây mọc đã vài trăm năm ấy, ngày mai có bị biến thành giấy đi cầu không.
Mỗi ngày, theo tổ chức bảo vệ cây rừng, hàng ngàn mẫu rừng đang bị phá trụi, từ British Colombia ở Gia Nã Ðại, đến Amazon ở Nam Mỹ, sang California và Alaska ở Hoa kỳ, luôn cả Siberie thuộc Nga và Malaysia để biến thành bột giấy, hay gỗ để đóng đồ đạc.
Nhưng quảng cáo nhấn mạnh nhất vào sự kiện cây rừng bị đem nghiền nát, làm bột chế giấy đi cầu. Người viết rất khéo khi nhấn mạnh vào chi tiết này, làm cho việc đốn cây trở thành vô lý, phải ngăn chặn cho bằng được.
Thực ra thì cây rừng còn được dùng vào nhiều việc khác nữa rất cần thiết cho đời sống. Sản phẩm gỗ không thể thiếu trong thế giới con người mặc dù rất nhiều vật liệu khác không chế biến từ cây rừng cũng đang được dùng như plastic, và các kim khí chẳng hạn.
Những thứ chế biến hay lấy từ cây rừng cũng không phải là không cần thiết cho đời sống. Rất cần thiết là khác. Nên việc khai thác cây rừng không phải luôn luôn là điều có thể tránh được. Người ta vẫn trồng rừng để thay thế cho những khu bị phá. Chỉ có thể nói là diện tích rừng mới trồng để thay cho diện tích bị phá không đủ mà thôi.
Giấy đi cầu đưa ra hình ảnh một sản phẩm nghe qua rất tầm thường tưởng là không cần thiết cho đời sống nhưng thực ra thì ngược lại. Những cuộn giấy tròn mà chúng ta không bao giờ đặt lên một ưu tiên cao trong những thứ cần có trong nhà, thực ra, lại rất cần, không có không được. Cứ thử tưởng tượng không có nó, làm sao chúng ta sống nổi.
Ngay cách treo chúng trong buồng tắm, theo một số chuyên gia về luật gia đình, cũng có thể là nguyên nhân đi tới chuyện vợ chồng bỏ nhau. Người muốn treo cho những tờ giấy nằm sát tường, người muốn treo để nó nằm phía bên kia, không ép vào tường. Những bất đồng giữa hai bên từ chuyện treo cuộn giấy đã đưa tới bao nhiêu tan vỡ tại tòa.
Không có chúng làm sao có thể sống được. Dùng giấy báo thì mực in có thể để lại những mầu sắc không cần thiết, ngoài ra, đường ống có thể bị nghẹt, làm hỏng hệ thống thoát nước.
Những cuộn giấy đi cầu, do đó, không phải là những sản phẩm không cần thiết, chỉ làm phí bột giấy, làm cho cây rừng bị đốn xuống một cách vô ích.
Giấy dùng vào những việc khác thì có thể đừng được, chứ giấy đi cầu thì không.
Thí dụ những tờ giấy gói quà chẳng hạn. Những tờ giấy này, bất kể được in lên những hình vẽ, mầu sắc đẹp đến đâu đi chăng nữa, cũng chỉ để bị xé một cách thô bạo trong những tiệc sinh nhật, trong những ngày sau hôm Giáng Sinh hay năm mới. Không bao giờ chúng được dùng lại, hay có được một đời sống lâu dài hơn.
Hay những tấm thiệp vô bổ của Hallmark để thương mại hóa những ngày sinh nhật, những dịp lễ lạc mà người ta bầy ra để bắt chúng ta tiêu tiền một cách phi lý.
Tại sao tổ chức bảo vệ cây rừng lại cứ nhắm vào giấy đi cầu để vận động thế giới đừng đốn cây, phá rừng trong khi những cuộn giấy đi cầu hết sức cần thiết cho thế giới chúng ta đang sống?
Tại sao không dùng một sản phẩm khác, và sửa câu viết trong quảng cáo thành: Có nên biến những cây cổ thụ này thành những tập thơ của các mầm non thi ca vừa tổ chức ra mắt tuần qua hay không?
Viết như thế, chắc chắn sự hưởng ứng sẽ rất đáng kể. Cây rừng sẽ thoát những lưỡi cưa, rừng sẽ được tha cho sống. Và để nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc khỏi phải than thở trong mấy trang đầu của cuốn "Thơ, v.v...và v.v..." ( Văn Nghệ xuất bản năm 1996) rằng ông đã mua phải hàng trăm tập thơ dở. Ông có vẻ rất không vui về chuyện đó.
Nếu có tiếc thì nên tiếc là giấy, chế từ bột gỗ của cây rừng, được dùng để in những tập thơ dở như thế. Chứ còn dùng bột gỗ để làm những cuộn giấy đi cầu thì hoàn toàn hợp lý và rất nên làm. Không có giấy đi cầu thì vất vả ngay.
Không có những tập thơ dở mà Nguyễn Hưng Quốc mua phải, thì thế giới vẫn hạnh phúc như thường. Thiếu những cuộn giấy đi cầu thì không hạnh phúc chút nào.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 160)
THE VERB "MAY"
ANOTHER USE OF "MUST"
Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 160 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 2 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thưa anh, Thúy muốn nhờ anh nói về động từ MAY. Thúy nhớ là anh chưa đề cập đến động từ này bao giờ phải không QA?
QA
Thúy nhớ đúng. QA ngồi trong lớp từ bài đầu đến nay nên có thể nói chắc là thầy chưa dậy động từ MAY bao giờ.
BBT
Thật vậy sao? Vậy thì hôm nay chúng ta sẽ nói về động từ này vậy. MAY là một động từ khiếm khuyết, tiếng Anh gọi là DEFECTIVE VERB. Khiếm khuyết nghĩa là thiếu. Động từ khiếm khuyết (DEFECTIVE VERB) là động từ thiếu, không có đầy đủ các thì (TENSES) như các động từ khác. Thí dụ một vài động từ không có thì quá khứ (PAST), không có thì tương lai (FUTURE TENSE) chẳng hạn. Chúng cũng không có các thì PERFECT và CONTINUOUS. Chúng không có INFINITIVE nghĩa là không có TO đứng ở trước, không có "S" ở ngôi thứ ba số ít (THIRD PERSON SINGULAR). Chúng ta không bao giờ thấy TO MUST, TO MAY, TO CAN, TO WILL vân vân.
Động từ MAY là một trợ động từ (AUXILIARY VERB) được dùng trước một động từ chính để phụ trợ cho động từ chính này. Thí dụ HE MAY WATCH TV AFTER 6 P.M.
Trong câu này, WATCH là động từ chính (MAIN VERB). MAY là trợ động từ, đóng vai phụ cho động từ chính. HE là ngôi thứ BA số ÍT nhưng MAY không có "S". Muốn đổi sang thể hỏi (QUESTION FORM), chúng ta đưa MAY lên phía trước của chủ từ để thành MAY HE WATCH TV? Muốn đổi thành câu phủ định (NEGATIVE), chúng ta thêm NOT ở ngay sau MAY thành MAY NOT. QA cho nghe một thí dụ với MAY trong cả ba thể AFFIRMATIVE (xác định) QUESTION (câu hỏi) và NEGATIVE (phủ định) coi.
QA
SHE MAY READ THE LETTER.
MAY SHE READ THE LETTER?
SHE MAY NOT READ THE LETTER.
LÃM THÚY
MY COUSIN MAY TRAVEL TO AMERICA NOW.
MAY MY COUSIN TRAVEL TO AMERICA NOW?
MY COUSIN MAY NOT TRAVEL TO AMERICA.
BBT
Chắc hai cô cũng đã biết chúng ta dùng MAY để nói được phép làm một chuyện gì đó. Đây là một câu tục ngữ của Anh : A CAT MAY LOOK AT A KING nghĩa là ngay cả những người thấp kém nhất cũng vẫn có thể làm được một số việc như con mèo vẫn được phép giương mắt ngó ông vua vậy. Tại đám cưới, sau khi làm lễ cho cô dâu và chú rể, linh mục hay mục sư chủ lễ tuyên bố: YOU MAY KISS THE BRIDE NOW tức là chú rể được phép hôn cô dâu.
Động từ MAY trong thể hỏi được dùng để xin phép làm một việc gì đó. Trong thể xác định là để cho phép và trong thể phủ định là để nói một việc nào đó không được phép làm. Thúy cho nghe thí dụ với MAY trong ba thể hỏi, thể xác định và phủ định coi.
LÃM THÚY
MAY I WITHDRAW ALL MY SAVINGS NOW?
YOU MAY WITHDRAW ALL YOUR SAVINGS AT THE END OF THE YEAR.
YOU MAY NOT WITHDRAW ALL YOUR SAVINGS NOW.
QA
MAY HE CHANGE HIS MAJOR (môn học chính ở đại học) AFTER ONE MONTH?
HE MAY CHANGE HIS MAJOR AFTER ONE WEEK.
HE MAY NOT CHANGE HIS MAJOR AFTER ONE MONTH.
BBT
Tuy nhiên nếu muốn, người ta có thể thay MAY bằng CAN trong những trường hợp xin phép. MAY I SIT DOWN? hay CAN I SIT DOWN? thì cả hai câu đều được dùng để xin phép, ý nghĩa không có gì khác nhau. Thực ra thì ngày nay, trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta thấy CAN được dùng nhiều hơn là MAY. Khi trả lời những câu xin phép như thế, nếu chấp thuận, đồng ý, hay cho phép, ít khi chúng ta dùng động từ MAY. Lý do là vì MAY nghe có vẻ … phách, có vẻ lối, có vẻ làm cao, trịch thượng quá. Thí dụ khi người ta xin phép MAY I SPEAK NOW? thì không mấy ai nói YES YOU MAY SPEAK NOW, ngoại trừ khi người trả lời là … nữ hoàng Anh chẳng hạn.
QA
Vậy thưa anh, không nói YOU MAY thì chúng ta nói thế nào?
BBT
Thì nên bằng một giọng vồn vã một chút và nói: YES OF COURSE! Hay OH, SURE… CERTAINLY. Còn nếu không thì NO, I DON’T THINK SO… NO, NOT NOW...
LÃM THÚY
Thế thưa anh, khi nói IT MAY RAIN TONIGHT thì có phải là ông Trời được phép mưa tối nay không?
BBT
Cám ơn cô hỏi câu này. Động từ MAY trong câu này lại không được dùng để xin phép, mà là để nói lên một việc có thể, có nhiều cơ hội, có nhiều triển vọng xẩy ra, A POSSIBILITY. Thí dụ HE MAY BE AT HOME NOW. Cô QA và cô Thúy cho nghe mỗi cô hai thí dụ tương tự, dùng MAY để nói về một POSSIBILITY coi.
QA
SHE MAY LIVE WITH HER SISTER.
YOU MAY BE RIGHT.
LÃM THÚY
THEY MAY KNOW THE ANSWER.
WE MAY LIKE HER LATER.
BBT
Và như thế, MAY được dùng với một động từ để nói là động từ đó có nhiều cơ hội trở thành sự thực.
QA
Thưa anh, ở trên anh nói là một số động từ khiếm khuyết KHÔNG có đầy đủ các TENSES. Như vậy nghĩa là có một hai động từ khiếm khuyết có PAST TENSE phải không? Thí dụ quá khứ của CAN là COULD, quá khứ của WILL là WOULD, của SHALL là SHOULD. Vậy động từ khiếm khuyết MAY có PAST TENSE không?
BBT
Quá khứ của MAY là MIGHT. Nhưng người ta KHÔNG dùng MIGHT để xin phép bao giờ. Giống như MAY, MIGHT thường được dùng để nói về một chuyện, một việc, một hành động có thể xẩy ra, một POSSIBILITY. Nhưng MIGHT có khác MAY một chút.
HE MAY BE AT THE OFFICE NOW.
HE MIGHT BE AT THE OFFICE NOW.
Hai cô thấy cả hai câu trên đều nói về chuyện có thể xẩy ra vào LÚC NÀY, trong HIỆN TẠI. MAY và MIGHT đều được dùng để nói về việc ông ta có thể đang có mặt tại văn phòng vào lúc này. Nhưng hai câu có khác nhau. MIGHT thì cơ hội ít hơn MAY. Khi nói MAY thì cơ hội có mặt của ông ta tại văn phòng vào lúc này là khoảng 60%. Nhưng MIGHT thì cơ hội chỉ có khoảng 40% mà thôi.
LÃM THÚY
Thế còn MAY BE dùng thế nào thưa anh?
BBT
Có hai trường hợp, các cô phải phân biệt kỹ để dùng cho đúng. MAYBE viết liền và MAY BE viết rời thành HAI CHỮ.
MAYBE viết liền là một ADVERB, một trạng từ có nghĩa là có thể, có lẽ. MAYBE đồng nghĩa với PERHAPS hay POSSIBLY. Vì thế, nếu không muốn dùng PERHAPS hay POSSIBLY thì chúng ta dùng MAYBE viết liền. Thí dụ nói ông có thể đúng, chúng ta nói PERHAPS YOU ARE RIGHT hay MAYBE YOU ARE RIGHT đều được. Trong bài hát ALWAYS ON MY MIND, Willie Nelson hát câu đầu MAYBE I DIDN’T LOVE YOU QUITE AS OFTEN AS I COULD HAVE. QA cho nghe một thí dụ với MAYBE viết liền coi.
QA
MAYBE SHE FORGETS TO MAIL THE LETTER.
MAYBE HE MISSED THE BUS.
LÃM THÚY
MAYBE THEY LEFT FOR THE AIRPORT ALREADY
MAYBE WE ARE WRONG ABOUT HIM.
BBT
Trong khi đó, MAY BE viết rời, là HAI động từ MAY và TO BE. Thí dụ HE MAY BE HOME THIS WEEK-END hay THEY MAY BE HERE TONIGHT.
QA
Thưa anh, QA muốn hỏi thêm một câu hỏi về chữ MUST trong trường hợp QA nghe mấy đứa con nói với nhau rằng IT’S A MUST. Thế thì A MUST là gì?
BBT
A MUST ở đây là một danh từ chứ không phải là một động từ khiếm khuyết nghĩa là phải, bắt buộc… như hai cô đã biết. MUST nghĩa là một chuyện cần thiết, một cái gì phải có, không có không được. Thí dụ nói muốn có thông hành Mỹ thì việc có quốc tịch Mỹ là điều bắt buộc. TO APPLY FOR A US PASSPORT, AMERICAN CITIZENSHIP IS A MUST.
Thế với QA thì điều gì là A MUST?
QA
QA nghĩ là muốn có công việc tốt thì A COLLEGE DEGREE IS A MUST. Luật ở Mỹ là muốn lái xe phải có bằng lái nên A DRIVING LICENCE IS A MUST IF WE WANT TO DRIVE IN AMERICA.
LÃM THÚY
Thúy vẫn nói với con trai là muốn được mẹ mua xe cho lái đi học thì ít nhất phải có cái bằng hai năm Associate Degree trước đã: AN AA DEGREE IS A MUST BEFORE I GET HIM A CAR. Còn nó thì lại nói ngược lại rằng A CAR IS A MUST BEFORE HE GETS AN AA DEGREE.
BBT
MUST cũng có khi được dùng như một tĩnh từ, đi sau là một danh từ. Thí dụ nói hai côø đến Washington DC thì tòa Bạch Ốc là nơi phải tới thăm thì chúng ta nói WHEN YOU ARE IN WASHINGTON DC, THE WHITE HOUSE IS A MUST SEE PLACE. Chúng ta cũng có thể bỏ PLACE đi để cho gọn thành THE WHITE HOUSE IS A MUST SEE.
Thúy và QA mỗi cô cho nghe hai thí dụ với A MUST… coi.
LÃM THÚY
THE TALE OF KIỀU IS A MUST READ (WORK BY NGUYỄN DU) FOR ALL STUDENTS OF VIETNAMESE LITERATURE.
I TELL MY AMERICAN FRIEND THAT BÚN CHẢ IS A MUST TRY (VIETNAMESE FOOD) IN LITTLE SAIGON.
QA
ENGLISH IS THE MUST HAVE (LANGUAGE SKILL) WHEN WE TRAVEL.
TO VISIT JAPAN, A VALID VISA IS A MUST HAVE (TRAVEL DOCUMENT) FOR EVERYBODY.
BBT
Cám ơn hai cô đã nhắc tôi mấy điều quan trọng, MANY IMPORTANT THINGS THAT I MUST HAVE.
QUỲNH ANH
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.