January 24, 2013

January 25, 2013


Ngày 21 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Cách đây khoảng hai tuần, ở một thị trấn đông bắc Hoa kỳ, một phụ nữ gốc Việt đã bị hai tên cướp xông vào nhà nổ súng bắn thiệt mạng. Cuộc điều tra còn đang tiến hành, nhưng có điều chắc là bà bị trúng đạn của hai tên cướp, và cảnh sát cũng nhận nạn nhân bị cướp bắn chết. Vụ cướp được một tờ báo địa phương tường thuật khá rõ ràng. Hình của hai nghi can cũng được phổ biến trên báo và truyền hình địa phương.
Nhưng khoảng mấy ngày sau đó, trong một tờ báo Việt ngữ, người ta đọc được bản cáo phó của gia đình nạn nhân, trong đó có đoạn nguyên văn: "Chúng tôi đau đớn báo tin buồn cùng thân bằng cố hữu: con gái, vợ, chị, em, mẹ của chúng tôi: Maria Ph. đã được Chúa gọi về ngày…"
Bản tin cáo phó với lời lẽ viết như thế chúng ta vẫn thường hay đọc thấy trên báo, nhưng đặc biệt lần này tôi thấy rất không ổn. Thực ra, thường nó đã không ổn rồi. Không ổn ở đoạn viết gia đình "đau đớn" về chuyện người ra đi của người thân khi người đi "được Chúa gọi về."
Chuyện "được Chúa gọi về" là một ân sủng, một hạnh phúc lớn để cho người quá cố được hưởng nhan thánh Chúa, được sống đời đời trên nước Trời. Vì thế nên mới nói là "được Chúa gọi về". Nhưng đã là hạnh phúc, ân sủng thì tại sao lại nói là "đau đớn báo tin buồn"?
Chỉ khi những điều không hay, bất hạnh xẩy ra thì mới "đau đớn báo tin buồn" chứ !
Những thắc mắc này, tôi đã đem ra hỏi một vài linh mục và được các nhà tu này nói rằng lời lẽ trong những tin cáo phó đó là sai, tang gia không nên viết như thế. Nếu đem phân tích từng chữ thì không bao giờ nên viết như vậy.
Nhưng lần này, cái cáo phó của gia đình bà Maria Ph. lại càng làm cho người đọc thấy đặc biệt không ổn. Nếu không biết được nguyên do đưa tới cái chết của bà Maria Ph. thì tôi cũng đã thấy cái cáo phó đọc trên báo là bất ổn.
Đằng này chuyện bà Maria Ph. bị cướp giết đã quá rõ. Cảnh sát và báo địa phương đều cho biết là bà bị giết một cách vô cùng tàn bạo. Hai viên đạn của hung thủ đã phá nát khuôn mặt của nạn nhân. Vậy mà gia đinh người quá cố lại viết cáo phó trên tờ báo Việt ngữ rằng bà Maria Ph. "được" Chúa gọi về.
Tôi không nghĩ luật sư của hai nghi can sẽ nói trước tòa rằng bà Maria Ph. không hề bị thân chủ của ông giết. Vì chính gia đình nạn nhân đã viết rõ trên báo là Chúa gọi bà về chứ có nói là hai tên cướp giết bà đâu.
Tôi cũng không nghĩ gia đình nạn nhân khi ra trước tòa, sẽ khai như điều khẳng định ghi trong bản cáo phó đăng trên báo. Chắc chắn gia đình nạn nhân, những người chứng kiến sẽ chỉ mặt hai tên cướp và nói chính chúng giết thân nhân của họ.
Vậy thì tại sao lại (che chở cho hai tên cướp và) nói việc bà Maria Ph. ra đi là do Chúa tạo nên ? Tại sao lại đổ cho Chúa chuyện độc ác như vậy? Chúa yêu thương mọi người chứ có bao giờ có việc bà Maria Ph. đang sống hạnh phúc với gia đình, xum vầy cùng với cha mẹ, chồng, con, chị em mà Chúa lại gọi bà, khiến bà phải bỏ mọi người ra đi trong một hoàn cảnh đau đớn và tàn bạo gây ra đau thương cùng cực cho bao nhiêu người trong gia đình, bạn bè như thế? Mà nếu Chúa có gọi bà về thì chắc chắn không bao giờ Chúa để cho nạn nhân ra đi một cách tàn bạo và dã man như thế.
Tưởng tượng thánh Phê Rô đứng ở cửa, thấy bà Maria Ph. bước tới, ngài liền hỏi tại sao gia đình bà viết trên báo nói là Chúa gây ra chuyện đau buồn cho bà và gia đình bà thì bà phải giải thích như thế nào?
Có lẽ đã đến lúc nên bỏ cái lối viết bản tin cáo phó do một người nào đó vì quá xúc động nên đã viết xuống những lời lẽ không tỉnh táo đó, rồi những người đi sau cứ chép lại, dùng hoài, dùng hủy cho đến tận bây giờ với nguyên văn những lời lẽ vô nghĩa lý đó chăng?

Ngày 22 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Hôm qua, ghé tiệm sách Barnes and Noble, tôi mua được cuốn lịch có thể treo ở cạnh bàn làm việc ở sở mà không sợ bị đồng nghiệp kiện cho nát người vì có toan tính (?) sexually harass những người đến gần, tò mò trông thấy cuốn lịch của báo Sports Illustrated mà mỗi năm tôi vẫn có để xem ngày tháng cho rõ khỏi làm phiền đôi mắt đã quá già yếu của mình.
Thêm vào đó, cuốn lịch lại đang được bán đại hạ giá chỉ còn nửa giá. Treo nó ở sở lỡ con cháu có ghé vào cũng không đến nỗi băn khoăn về ông nội, ông ngoại của chúng, già mà không nên nết.
Cuốn lịch có 12 tờ cho 12 tháng, lại còn tặng thêm hai tháng cuối năm 2012 thì lại càng nên mua mặc dù bây giờ đã gần hết tháng 1 của năm 2013.
Cuốn lịch chỉ đặt ra có một câu hỏi cho suốt 12 tháng của năm 2013: WHO FARTED?
Câu hỏi này thường ít nghe thấy trong cái xã hội đã đạt được mức độ văn minh và lịch sự như hiện nay. Nhưng nó vẫn là thắc mắc, nếu có thể nói ra được trong thang máy, ở siêu thị, ngoài đường, tại những chỗ tụ họp đông người… chứ khi chỉ có hai ta, mà lại không có con chó đứng gần để đổ tội cho nó thì đâu cần phải hỏi với han là "WHO FARTED?"nữa.
Cách đây không lâu, trên mạng, người ta xem được một video clip trong đó, bà Hillary Clinton, lúc ấy còn đang vận động tranh cử, khi trả lời một cuộc phỏng vấn, đã làm một cái … rầm. Bà hơi biến sắc một chút nhưng sau đó, lấy lại được bình tĩnh ngay. Câu trả lời của bà sau đó nghe có vẻ không được tự nhiên lắm. Ngoài ra, trong internet cũng có nhiều video clip khác thu được quả tang những nhân vật nổi tiếng gây ô nhiễm (?) cho không khí và âm thanh. Người Mỹ coi chuyện đó là chuyện bình thường, chúng chỉ là những hoạt động, phản ứng của cơ thể, không như những tiếng ợ mà chúng ta có thể kiểm soát hay dằn lại được. Nhất là ở một cái tuổi nào đó khi chuyện kiểm soát một số việc làm của cơ thể không còn được hữu hiệu như trước, hay khi ăn phải những loại thực phẩm có chất sữa hay tinh bột nhiều chẳng hạn. Trong những trường hợp đó, chỉ cần một câu xin lỗi nhỏ là lại có thể nói tiếp câu chuyện.
Trong một trang của cuốn lịch, có một bức ảnh đen trắng chụp nữ hoàng Anh và vợ của thái tử Charles, Camilla Bowles, nữ công tước xứ Cornwall. Nữ hoàng đang ghé sát gần Camilla, còn Camilla thì tay che mũi như đang hỏi "Who farted?". Trong một bức hình khác trong internet là cảnh hoàng gia Anh đứng trên bao lơn của điện Buckingham, ở hàng trước, mọi người đều mặt mày nghiêm trọng, chỉ riêng hoàng tử Harry đứng ở hàng sau là đang cười, tay che miệng như đang hỏi "Who farted?"
Ở những tháng khác là cảnh hai đô vật đang đè nhau trên sàn, và cũng lại một trong hai người bật ra câu hỏi "Who farted?"…
Cuốn lịch ngoài việc cho biết ngày tháng cũng giúp thay đổi những suy nghĩ, ít nhất là của tôi, về chuyện thả cái trung tiện. Không cần phải "hé môi ra những thẹn thùng" mỗi khi có cảnh "hương thừa dường vẫn ra vào đâu đây" như Nguyễn Du đã phải kín đáo (?) trong hai câu Kiều nữa.
Vương giả, đẹp gái, lịch sự, quần áo đẹp… như những người trong cuốn lịch cũng có khi lỡ trôn (?) cái rầm huống chi những người thường, những phàm nhân như chúng ta. Tôi thấy người Mỹ phản ứng rất bình tĩnh với những cái trung tiện như trong một video clip thu được ở Times Square, New York. Họ không quạt mũi, nhẩy nhỏm lên bỏ chạy hay bực bội. Bề gì thì đó cũng chỉ là chút hơi thoát ra từ trong cơ thể của con người, phản ứng của thức ăn khi gặp các chất acid trong dạ dầy chứ có là bom hóa học của ông Saddam Hussein đâu mà phải đem quân đi Iraq đánh ông ấy cả một chục năm nay. Có xấu chăng chỉ là vì chúng ta cứ nghĩ tới nơi chúng thoát ra mà thôi. Chứ một chút hơi thiên phú như vậy có gì phải phản ứng quyết liệt như một số người vẫn làm.
Tiếng Anh có thành ngữ fart catcher tương đương với những chữ Việt, bọn nâng bi xếp. Như thế mới là xấu. Chứ trong những trường hợp khác có gì là xấu!
Nuôi chó trong nhà, chủ chó vẫn thưởng thức của chó đều đều có ai than phiền đâu?
WHO FARTED?

Ngày 23 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Có một lần, trong một ngôi chợ ở đây, tôi thoáng nghe một giọng phụ nữ vọng sang từ cách chỗ tôi đứng khoảng vài thước, một giọng nói tôi nghĩ thật là sang trọng và quí phái. Tuy không trông thấy người, nhưng tôi tin nàng phải sang trọng và quí phái vì điều nàng nói mà tôi nghe thấy.
Giọng nói của người phụ nữ nói rằng bà không bao giờ ăn cơm nấu bằng gạo bán "sale" khi có người gợi ý rằng chợ đang bán gạo hạ giá. Giọng nói quí phái ấy nói tiếp rằng bà không thể nào ăn được thức ăn Mỹ mặc dù đã sống ở quốc gia này mười mấy năm.
Tôi nghe rồi thấy mà thương cái thân của tôi: quăng cho cái gì cũng ăn. Cơm nấu bằng gạo gì cũng vui vẻ ăn, nhớ lời mẹ dậy hạt cơm là hạt ngọc, đổ cơm vào thùng rác thì sẽ có ngày chết vì đói. Đồ ăn Mỹ, Ăng Lê, Tây, Tầu, Thái, Nhật, Mễ… cứ có gì là ăn nấy. Bạn bè khen là dễ nuôi.
Thực ra thì cũng chẳng dễ nuôi gì, nhưng không có tài nấu nướng thì mới thành ra người như vậy. Không bao giờ dám kén cá chọn canh khi có người nấu cho mình, vì thế mà trở thành người dễ nuôi. Sự thực là ngồi xuống trước mâm cơm, cứ tưởng tượng cảnh vượt biên, thuyền lênh đênh cả chục ngày trên biển, được ném cho nắm cơm nấu bằng gạo "sale" thì có "sơi" ngay không, hay còn hỏi kỹ để biết là gạo "sale" hay không "sale" rồi mới "thời" cho? Chắc là không. Đớp ngay, như máy … sợ con ma đói đồng hội (?) đồng thuyền ngồi cạnh vồ lấy thì làm sao sống nhục hơn là chết vinh.
Lúc ấy, tầu Mỹ ném cho cái hamburger, hay cái hot dog thì có ăn không? Hay lại vẫn cứ đồ Mỹ là (cái mồm này) không ăn? Ăn ngay chứ mắc cở gì mà không ăn!
Sáng nay một tờ báo xuất bản ở Michigan cho biết một tiệm McDonalds ở Dearborne, một thị trấn có đa số dân là người Hồi giáo và Ả Rập đã phải bồi thường cho một nhóm người Hồi giáo Ả Rập 700 ngàn đô la vì đã bán món thịt gà không được giết đúng cách của người Hồi giáo. Đó là thịt gà không phải là thịt halal tức là thịt của gà "được" giết theo kiểu cắt cổ, không cắt cho chết, mà để cho con gà vẫn còn sống, cho máu chẩy hết ra ngoài trong khi người giết gà phải đọc câu kinh: "Nhân danh Allah, đấng tiên tri vĩ đại".
Sai sót của hai tiệm McDonalds ở Dearborn là bán thịt gà … thường, giết theo kiểu nhân đạo của Mỹ mà dám nói là thịt gà halal khiến khách hàng Ả Rập Hồi giáo ăn vào (rồi sau đó) thấy … không vui mặc dù vẫn thấy hết đói và ngon. Ăn đã đời xong, mới biết không phải gà halal nên … kiện.
Chuyện đã rồi. McDonalds nên đóng mẹ nó hai tiệm ở Dearborn. Công ty đã có hàng mấy chục ngàn tiệm ở trên khắp thế giới, cần gì hai tiệm ở Dearborn. Rồi sau đó, ở Dearborn, đứa nào giết gà, bò, dê cừu … mà cắt cổ cho chẩy hết máu mà không giết chết hẳn thì cứ luật Mỹ lôi ra dùng phạt cho các con về tội tàn ác với thú vật coi thế nào.
Mẹ kiếp lúc nộp đơn xin vào Mỹ thì có khó khăn đặt điều kiện này nọ không, hay cái chó gì cũng gật hết. Chao ơi, độc tài, khắt khe, luật lệ tàn ác lâu lâu cũng có lý lắm đấy chứ.
Cứ đói là đớp hết. Không thích thì về sa mạc, căng mấy cái lều da dê lên mà ở với nhau.
Thử đi trên thuyền vượt biên một chuyến coi có còn đòi thịt halal mới ăn không? Hay lạc trên hoang đảo, đói rã họng ra, được quăng cho con heo quay (thơm ơi là thơm) có tranh nhau ăn như điên như khùng không?

Ngày 24 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Người Mỹ hay nói rằng nếu bạn có thể chế được cái bẫy chuột hay hơn những cái bẫy chuột hiện nay, thì bạn sẽ giầu lớn. Ý nói hễ có sáng kiến, phát triển sáng kiến đó, được thị trường nhào đến ôm cứng, là có tiền.
Nhưng phải có sáng kiến. Sáng kiến có thể ở bất cứ đâu. Nhìn đâu cũng có thể thấy sáng kiến.
Một người ở Oklahoma City vừa có được một sáng kiến mà chúng ta đã bỏ lỡ mặc dù nó ở ngay trước mắt chúng ta.
Ðó là dậy cho mấy con mèo biết dùng cái bàn cầu cho chúng khỏi gửi mùi chua của chúng ở những cái góc kẹt trong nhà (*).
Nhà phát minh sáng chế đang tìm cách bán sản phẩm của ông có tên là CatSeat cho các gia đình có nuôi mèo. Những chiếc CatSeat này có thể gắn vào những chiếc bệ cầu thường ở trong nhà nên không cần phải gọi thợ ống nước tốn kém đáng kể.
Mua cái CatSeat về, gắn vào bệ cầu rồi thì đến đoạn huấn luyện cho mấy con mèo. Có sách chỉ dẫn rõ ràng, không cần phải lấy cọng rơm đo cái đuôi nó rồi quăng ra ngoài vườn (?) để nó biết chỗ mà đi, khỏi dấu dấu giếm giếm như mèo vẫn làm trước kia nữa.
Mèo sẽ được dậy để gõ cửa nhà cầu trước khi đẩy cửa vào. Nghe tiếng hát karaoke ở trong vọng ra thì không được nhăn mặt, phải kiên nhẫn đứng chờ cho đến lúc người bên trong đi ra mới được vào. Thấy người ra thì phải vỗ tay để khuyến khích cho giọng hát thính phòng.
Mèo phải biết là khi làm thủy lợi thì nhấc cái bệ lên, không thể dựa vào khả năng nhắm của mình để gây ướt át cho người khác. Dương Do Cơ bắn cung có giỏi, có "bách bộ xuyên tâm" cũng không thể cậy mình trăm phát trăm trúng được.
Trong trường hợp làm việc tiện lớn (?), thì hạ bàn cầu xuống, ngồi lên trên rồi mới lấy trang ô chữ của tờ báo buổi sáng ra chơi. Nếu bí thì cũng vẫn phải nhanh chóng đi ra, nhường nhà cầu cho người khác. Xong việc, đừng quên chuyện giấy tờ. Nhớ là thỉnh thoảng vẫn leo lên giường bà chủ để ngủ. Phải giữ vệ sinh cho nhau. Gối và chăn của bà chủ không thể thay những cuộn giấy trong buồng tắm được.
Mèo cũng phải nhớ giật nước cho tiêu hết dấu tích. Không nên tử thủ quá lâu trong buồng tắm. Có rửa mặt thì ra ngoài cũng làm được. Loài mèo rửa mặt không cần nước nên không cần giữ buồng tắm. Ðánh móng tay thì buổi tối lên giường, gác chân lên cổ ông chủ sơn càng đẹp.
Mèo cũng cần được dậy để khi hết giấy phải biết kiếm cuộn giấy khác treo vào, tránh tạo ra tình thế khó xử vì giấy tờ. Mèo phải biết treo cuộn giấy đúng cách, giấy phải nằm áp vào tường. Treo sai có thể đẩy chủ nhà đến cảnh phải ly dị nhau như một bài báo của The American Bar Association đã cho biết khoảng một chục năm trước.
Ðó là những việc mà nhà phát minh này sẽ chỉ cách cho chủ mèo dậy lại mèo khi dùng sản phẩm của ông.
Rắc rối quá.
Mèo Việt Nam nuôi dễ hơn nhiều. 
(*) Tục ngữ: Chua như cứt mãn; Dấu như mèo dấu cứt

Ngày 25 tháng 1 năm 2013
Bạn ta,
Ðọc bản tin của tờ Naples Daily News về người đàn ông 61 tuổi tên là Floyd Schuler ở Ft Myers, Florida tôi chỉ mong cho ông ta thua kiện, thua đậm, thua rồi còn bị tòa phạt một đống tiền để chừa cái thói hay thưa kiện ấm ớ đi cho mọi người nhờ.
Nếu ông ta thắng kiện, chúng ta sẽ gặp không biết bao nhiêu là chuyện khó chịu trong đời sống vốn đã rất nhiêu khê và khó chịu này rồi.
Ông ta kiện US Airways đòi bồi thường mười lăm ngàn Mỹ kim vì hãng hàng không này không cảnh cáo ông ta cũng như các hành khách khác về những nguy hiểm do việc uống rượu trên các chuyến bay gây ra. Ông đệ đơn kiện vì sau khi uống khá nhiều rượu trên máy bay, ông xuống phi trường thì vấp ngã trong khi di chuyển trên thang cuốn.
Không cần phải nghe ông ta kể, người ta cũng biết rằng ngồi trên máy bay, chính ông đã ngoắc tiếp viên lại bên chỗ ông ngồi, móc túi lấy tiền mua rượu uống. Tất cả mọi hành động vừa kể, từ ngoắc tay gọi stewardess, đến lấy tiền trong túi, tới gọi rượu, cầm lên đưa vào miệng uống đều là những việc làm tự nguyện của một người có số tuổi lớn hơn gấp ba lần tuổi thành niên ở Mỹ. Ông không phải là một đứa bé lên bẩy hay lên tám để nói là trẻ người non dạ, cần phải được cảnh cáo về hậu quả của chuyện uống rượu. Mà chắc gì, khi mấy cô tiếp viên nói với ông về nguy cơ của rượu là ông bỏ tiền trở lại vào túi, lôi báo ra đọc tiếp đâu. Thế nào ông chẳng nhẩy dựng lên, la thét ầm ỹ đòi "tương tiến tửu".
Nhưng gọi rượu uống, chắc cũng phải trên một ly, ông xuống máy bay, vấp ngã, liền quay lại kiện US Airways là không cảnh cáo, không can ngăn ông đừng uống rượu, giải thích cho ông về nguy hiểm của rượu.
Nếu tòa đồng ý với đơn kiện của ông mà phạt US Airways, buộc công ty hàng không này bồi thường cho ông thì nước Mỹ sẽ không có đủ tòa án và luật sư để xử hàng triệu vụ kiện tương tự như vụ này.
Thí dụ những người đàn ông sẽ đệ đơn kiện những người đàn bà đòi bồi thường vì khi những người đàn ông này làm quen những người đàn bà, thì những người đàn bà này không cảnh cáo những người đàn ông về những nguy hiểm của việc mời những người đàn bà này đi chơi với họ.
Ðại khái phải cảnh cáo như thế này:"Nói cho ông biết, quen tui là mệt lắm đó à nha. Ông sẽ mời tôi đi chơi phải không? Ông sẽ nói với tui rằng nếu mọi người đều nhan sắc như tui thì các thẩm mỹ viện dẹp tiệm hết phải không? Ông khen mùi nước hoa của tui phải không? Ông khen cái cách tui hất mái tóc ra phía sau, kéo một lọn xuống, buông ra cho nó xõa xuống một bên mắt tui phải không? Ðến đây đã là nguy lắm rồi đấy nhá. Ông còn định đưa tui đi ăn nữa sao? Chết ông rồi. Tui nhận lời đi chơi với ông rồi ông có biết sao không? Sau vài ba lần như thế, ông sẽ xin bàn tay tui. Mà xin là tui cho đó à nghe. Rồi gì nữa hả? Rồi ông mang bàn tay tui và tất cả những thứ dính vào cái bàn tay đó của tui về nhà ông... rồi ông sẽ cong đít lên đi làm để làm chồng tui, rồi làm cha mấy đứa bé. Rồi một hôm tui chán ông, tui kêu luật sư đánh cho ông tanh bành xíu quách... Rồi ông xách va li về với má, ăn mì gói chan nước mắt, đêm đêm nằm nhìn trần nhà thở dài cho cả xóm nghe chung... Ông chịu không...? "
Ðó chỉ là một trong những trường hợp cảnh cáo về những nguy hiểm có thể xẩy đến cho những đương đơn vác chiếu ra tòa kiện đòi bồi thường.
Nhưng thực ra, nếu có đưa ra những lời cảnh cáo đó, thì liệu có giúp gì cho những người đàn ông vừa kể ở trên hay không?
Chắc là không.
Những câu cảnh cáo về nguy cơ của thuốc lá, tôi nhớ, là đã xuất hiện lần đầu tiên trên các bao thuốc từ năm 1962 đến nay. Nhưng những lời cảnh cáo đó, đầu tiên thì nhẹ, càng ngày càng nặng thêm như những dòng chữ trên các bao thuốc mà chúng ta thấy ngày nay, cũng đâu có làm cho người ta sợ mà không hút thuốc lá nữa.
Mà đó là thuốc lá không biết nói ngọt, không có giọng nói trong như tiếng suối, nụ cười làm rực rỡ ban mai, và mùi tóc mang gió sông vào buổi chiều, đôi mắt phản chiếu ánh sao, và bóng của nụ cười sẽ làm sáng những buổi bình minh... the shadow of your smile will light the dawn...
Thế thì kiện làm sao được...