December 27, 2015

December 27, 2015

RESOLUTION (29/12/2015)

Một câu hỏi người ta hay hỏi nhau là cái gì ở Mỹ có đời sống ngắn nhất. Câu trả lời nhiều người đưa ra và cũng nhiều người đồng ý là các toa xe điện mới và sạch sẽ của hệ thống xe điện ngầm ở New York. Các toa xe điện mới này có một đời sống rất ngắn: chỉ sau vài tiếng đồng hồ sau khi ra khỏi nhà máy và được đem sử dụng là chúng được phủ đầy kín ngay bằng những graffiti nhảm nhí cùng với những nét vẽ rùng rợn của các nghệ sĩ đường phố của thành phố New York, thành phố không bao giờ đi ngủ này.
Thế còn cái gì có những đời sống dài hơn những toa xe điện này một chút, một chút xíu thôi? Tôi chắc đông đảo sẽ trả lời rằng đó là những điều tâm nguyện, những quyết tâm mà người Mỹ viết xuống mỗi cuối năm. Thực ra thì chẳng riêng gì người Mỹ làm công việc này, mà gần như ai cũng làm. Thí dụ sáng  sớm mai thức dậy, chính chúng ta cũng tự hứa với mình là sẽ làm cho xong một số việc cần làm trong ngày. Những lời tự hứa ấy đôi khi chúng ta làm được và cũng có những lần không thực hiện được đầy đủ. Làm được thì tốt, không làm được thì, theo tôi, cũng... chẳng sao cả.
Trong những ngày cuối năm sắp bước qua năm mới, rất nhiều người chúng ta sẽ ngồi xuống viết những điều tâm nguyện, quyết làm cho bằng được trong năm mới. Có thể là diet để xuống một ít cân, lo cho sức khoẻ nhiều hơn, bỏ thuốc lá, chừa rượu, bớt cà cái thẻ mua chịu, ít đi shopping... Nhưng chỉ vài ba ngày, có khi mấy tuần sau, hay dăm ba tháng sau là đâu lại vào đó: vẫn hút mỗi ngày một bao thuốc, uống một sâu bia, trông thấy cái treadmill là như bò thấy nhà táng...
Như Kiều đã có lần thú nhận với Kim Trọng về tiếng đàn của mình"...rằng quen mất nết đi rồi..." nên có viết xuống những điều tâm nguyện, những cam kết với chính mình thì rồi cũng chẳng đi đến đâu. Viết xuống những điều tự hứa với mình thì vẫn viết nhưng có làm được đúng những cam kết ấy hay không thì lại là chuyện khác. Nên năm nay tôi cũng vẫn lại cam kết tâm nguyện rằng:
Mỗi ngày sẽ chỉ uống một chai nước cốt nho lên men, thứ nước mầu đỏ thẫm tục gọi là Cabernet Sauvignon, hay Pinot Noir... mà khi ánh sáng chiếu qua cái ly đựng nó thì hết sức đẹp.
Không để ý tới những người không làm được gì cho mình nhưng lại luôn luôn có ý kiến về những việc mình làm.
Tử tế với chính mình.
Không bỏ quên bất cứ một niềm vui nào cho dẫu niềm vui thỉnh thoảng cũng bỏ quên chúng ta.
Tin rằng Khổng Tử không phải lúc nào cũng đúng.
Thời biểu làm việc mỗi ngày là thứ cần phải theo cho thật đúng, lâu lâu phải quên nó đi.
Không làm nô lệ cho cái đồng hồ nữa.
Cà phê là thứ không thể đếm được nên không đếm những ly cà phê uống trong ngày.
Thịt đỏ không làm chết người nên phải tử tế với nó. Nên yêu và thỉnh thoảng nên thưởng thức những cái tatar steak máu chẩy ròng ròng.
Đời sống quá ngắn không nên uống vang dở và rẻ tiền.
Không cho dù chỉ một tràng pháo tay mỗi khi emcee năn nỉ, khẩn khoản xin.
Mỗi sáng đọc báo đều hy vọng trang cáo phó có tên của mấy tên chóp bu ở Hà Nội.
Tin là con ranh con Nguyễn Thanh Phượng đẻ đứa con sắp tới sẽ là quái thai.
Cầu mong những đứa như Nguyễn Phú Trọng, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh... sớm ra đi cho đỡ bẩn quả đất này.
Xin cho Michelle Obama xinh một chút xíu.
Mong cặp giò Hillary Clinton được thon thả để nàng khỏi phải mặc pant suit vì nhiều người trông sốt ruột lắm rồi.
Tin những điều đọc thấy trong face book đều là sự thật.
Không ghét cay ghét đắng hai chữ "chia sẻ" hay "sẻ chia" nữa mặc dù vẫn không dùng chúng.
Nghĩ là Nguyễn Thanh Phượng càng béo càng đẹp giống con mẹ nó.
Tin là Nguyễn Tấn Dũng quả thật có bằng cử nhân Luật mặc dù không biết nó học ở đâu và hồi nào.
Cố gắng cười theo khi mấy emcee pha trò vô duyên chưa nói đã cười.
Cố chải mái tóc cho giống tóc của Donald Trump.
...
Cầu mong ơn trên giúp làm được những điều tâm nguyện viết ở trên. Nếu không làm được thì cũng... chẳng sao cả.

December 18, 2015

December 18, 2015

 BẤT THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI GIÀ
"User friendly" là những từ ngữ xuất hiện cách đây không lâu lắm. Hai chữ đó có nghĩa là dễ sử dụng, là ai cũng dùng được, không khúc mắc đòi hỏi những hiểu biết nhiều về kỹ thuật, nhất là các loại máy tính, hay các thứ sản phẩm sử dụng kỹ thuật cao. Các sản phẩm được xếp vào loại "user friendly" là chúng "thân thiện" với người dùng thay vì làm khó người dùng. Trong rất nhiều trường hợp, người dùng càng trẻ, thì các sản phẩm hi-tech này càng thân thiện thì phải. Không tin cứ nhìn lũ con cháu nhỏ trong nhà là thấy liền. Những bàn tay nhỏ thoăn thoắt lúc mổ, lúc gạt trên mặt những chiếc iPad, những chiếc iPhone, hay những bàn phím máy điện toán cũng phải đồng ý. Tuổi trẻ được ưu đãi rất nhiều, trong khi những thành phần cao tuổi thì đọc bao nhiêu lời chỉ dẫn rốt cuộc vẫn lại phải chịu thua chờ hỏi mấy đứa cháu nội ngoại.
Mới đây tôi còn nhận ra thêm một điều nữa, đó là có rất nhiều thứ không thân thiện với người cao niên chứ chẳng phải chỉ những cái máy điện toán, những cái iPhone hay iPad. Ngay cả những thứ không kỹ thuật cao chút nào cũng làm khó những người già.
Không còn là tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu nữa. Hai con số chỉ tuổi tác không nhất thiết phải là con số đảo ngược của 17 để thành 71 mới đụng đầu phải những khó khăn do những sản phẩm đó gây ra.
Mấy tuần trước, ngồi nói chuyện với một người bạn tôi mới biết chuyện của chàng cũng không khác gì chuyện của tôi: bỗng nhiên không nhớ đích xác từ bao giờ, hai bàn tay trở nên vụng về, lúng túng kỳ lạ như việc cài mấy cái nút áo cũng khó khăn, lính quýnh, luôn cả việc cởi những cái nút áo ấy cũng trở thành không dễ dàng như mấy năm trước nữa. Rồi tới chuyện buộc dây giày cũng làm khổ cái thân già này. Tôi chợt nhớ những đôi giầy dùng những miếng velcro để khỏi phải buộc giây mà vài năm trước tôi nghĩ là xấu không để đâu cho hết xấu. Bây giờ thì tôi thấy nó đẹp biết bao. Những đôi moccasin cũng không tiện như thế.
Tôi nghĩ nước Mỹ đang bỏ quên những người già nêu không nói nặng ra là người già đang bị đối xử không tốt lắm, hay nói phũ một chút là thế giới đang tuyên chiến với người già.
Thí dụ những lọ thuốc tôi phải uống hàng ngày chẳng hạn.Tất cả đều có những cái nắp "child proof" để tránh trẻ con tưởng là kẹo mở ra... ăn chơi. Mục đích thì hay lắm, đúng lắm. Nhưng một ông già ở một mình, không có con hay cháu nhỏ để phải cẩn thận thì tại sao phải làm khó cái thân già với đôi bàn tay không còn bẻ gẫy được sừng trâu nữa. Ai đời mỗi khi lấy thuốc về là phải lôi kìm búa ra hì hục mãi mới mở được mấy chai thuốc. Phải dặn cô dược sĩ mấy lần cô mới nhớ mấy đứa con đã lớn cả còn lũ cháu thì lâu lâu mới gặp, xin cô đoái thương đôi bàn tay của một người già lẩy bẩy ở một mình mà tha cho, không dùng hững cái nắp child proof nữa.
Nhưng đã hết đâu. Ngay cả những cái gói kẹo, những cái bao plastic bọc cái bóng đèn, cái kìm, cái bàn chải đánh răng, cái cắt móng tay, cái dao cạo râu... cũng được bọc lại một cách rất... kiên cố. Nhiều khi phải dùng kìm, kéo... cắt mãi mới lôi ra được. Trẻ con có đứa nào... ăn những thứ đó không? Chắc là không. Những cái bọc plastic quá chắc chắn đó chỉ làm cho chi phí gia tăng và làm khổ những người già. Và ngay cả chai nước cam mua ở Starbucks đem vào sở mỗi sáng cũng không mở được đành để ngó chơi cho đỡ buồn trên bàn chờ người mở hộ.
Tuy thế, những khó khăn đó cũng lại có những niềm vui nhỏ. Một đồng nghiệp thấy cảnh loay hoay không cài được cái nút cổ áo để thắt cái ca vát thì ghé lại cài cho. Mùi nước hoa, son phấn sao mà quyến rũ là thế!
Và sáng nay, một người bạn thương tình ghé qua, cho một cái mở chai bằng điện.Tuy mở chai rượu không kêu cái bốp một cái nhưng đỡ khổ hơn là loay hoay với cái tire bouchon từ mấy năm nay.

Già bỗng nhiên lại chân yếu tay mềm trở lại thế có khổ không...

December 12, 2015

December 11, 2015

TRẺ TRÂU

Danh từ "trẻ trâu" xuất hiện ở Việt Nam cách đây không lâu. Hai chữ này được dùng để mô tả những thiếu niên hư hỏng, ăn nói vô giáo dục, thô tục, mở miệng là chửi thề bằng những ngôn từ hết sức dơ bẩn, độc ác và tục tĩu, sẵn sàng tung chưởng giao chiến dữ dội ở bất cứ mọi nơi, trong lớp, ngoài đường. Những thành phần này xuất hiện rất nhiều ngay sau khi miền Nam đổi chủ với những đợt bộ đội, cán bộ cùng gia đình và đám dân từ miền Bắc kéo vào. Chúng gây kinh hoàng trong các lớp học ở miền Nam, cả tiểu học lẫn trung học. Không chỉ những thành phần nhỏ tuổi, mà luôn cả các sinh viên đại học, kể cả các giáo sinh sư phạm ở Hà Nội cũng ăn nói cùng một loại ngôn ngữ như thế. Chính báo chí trong nước, từ những năm 70 kể cả tờ Nhân Dân cũng lớn tiếng phàn nàn nhiều lần.

Mới đây còn xuất hiện hai chữ "sửu nhi" để gọi bọn trẻ trâu này cho có tí hơi hướm Tầu mặc dù người Tầu không hề có cách gọi này bao giờ.

Danh từ trẻ trâu được cho vào tiếng Việt chắc là để thay cho hai chữ cao bồi đã được du nhập vào tiếng Việt từ những năm 1950 ở Hà Nội, rồi cao bồi lô canh nghĩa là cao bồi nội địa chứ không phải là những anh chăn bò trong các phim kể chuyện miền viễn tây nước Mỹ. Thực ra những thứ gọi là cao bồi lô canh hồi đó cũng không mất dậy và khốn nạn như bọn trẻ trâu hiện nay. Nhiều lắm thì cũng kiếm cái áo sơ mi ca rô mặc vào, tay khuỳnh khuỳnh ăn nói hơi du côn một chút là cùng.

Trẻ trâu thì dữ dằn hơn nhiều. Bọn này thường tuổi tác khoảng 9 hay 10 tuổi cho đến 14 hay 15, bé thì không còn bé nữa, mà lớn thì cũng chưa lớn hẳn. Nhưng mức độ mất dậy thì đúng là không đợi tuổi. Gọi chung chúng là "trẻ trâu" vì chúng bị coi là những đứa trẻ thất học hư đốn, mất dậy như bọn chăn trâu chăn bò vậy. Thế là chú bé mục đồng của bài tập đọc trong bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư mà ai cũng yêu quí bỗng nhiên bị làm bẩn đi rất nhiều vì hai chữ trẻ trâu ngày nay ở trong nước.

Với sự phổ biến ngày càng rộng rãi của những chiếc điện thoại di động, hình ảnh, ngôn từ của chúng được đưa đi khắp nơi chỉ trong tích tắc. Vào internet, đánh những chữ "trẻ trâu đánh nhau" là người ta có thể xem hàng mấy chục video clip thu lại cảnh chửi bới, đánh nhau kinh hoàng của chúng.


Những vụ đánh nhau như thế diễn ra gần như ở khắp nơi, không chỉ ở vài ba vùng nam hay bắc. Chỉ cần nghe những câu chửi bới của chúng là có thể biết chúng là người vùng nào ngay. Chúng dùng những đòn độc để đánh nhau: túm tóc, đá đạp vào mặt, vào bụng, nhắm những chỗ hiểm, ghì đầu xuống, lên gối... Trong những vụ bạo hành đó, người ta thấy đa số các bên là giữa các trẻ gái, ăn mặc sạch sẽ rất thời trang và gần như luôn luôn có cảnh xé quần áo của nhau giữa những tiếng cổ võ của đám đông đứng chung quanh. Đặc biệt là những đám đông đó rất ít khi can thiệp, ngăn cản những vụ bạo động đó, trái lại chỉ đứng xem, cổ võ, xúi đánh những đòn mạnh hơn, tụt quần áo của nhau và dùng điện thoại thu hình để bỏ lên face book phổ biến rộng rãi. Ngay giữa Hà Nội, một ngôi trường đã phải dựng bảng yết thị nói rõ là các học sinh không được cởi quần áo của nhau. Điều này cho thấy những vụ xé quần áo của nhau rất thường xẩy ra. Trong những vụ đánh nhau như thế, thành phần đứng xem phần lớn bao giờ cũng là các nam sinh và rất ít khi bước vào can ngăn. Các trẻ gái này vừa đánh vừa chửi những câu thông thường tưởng chỉ từ mồm miệng của những người đàn ông tục tĩu xúc phạm mẹ của nhau.

Nguyên do đưa tới những vụ bạo động ấy nhiều khi chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ ở trong lớp, ở cửa trường. Và cũng còn cả những vụ tranh giành bạn trai của nhau. Những vụ đánh ghen như thế diễn ra giữa những trẻ gái chỉ mới 11 hay 12 tuổi. Rất nhiều vụ đánh nhau diễn ra với sự tham gia của ba bốn trẻ ở một bên nhắm vào một đối tượng hệt như cảnh đấu tố giữa sân làng...

Xem những video clip đó người ta không thể không thắc mắc chúng là những thành phần như thế nào. Nhìn quần áo, giầy dép của chúng, người ta thấy chúng là những đứa thuộc gia đình không đến nỗi túng thiếu. Có cả những thứ hàng hiệu trên người của chúng. Một số còn đeo ở cổ những chiếc khăn quàng đỏ. Biết đâu gia đình của chúng lại chẳng được coi là "gia đình văn hoá" có gắn bảng ghi rõ ngoài cửa. Chúng có thể là những "cháu ngoan bác Hồ" giao chiến ngay trong lớp, dùng bàn ghế đánh nhau trong khi trên tường treo những tấm bảng kêu gọi chúng "học tốt theo gương đạo đức của Hồ Chí Minh"...

Những đứa trẻ trâu ấy vài ba năm nữa chúng sẽ thành niên và sẽ hội nhập vào xã hội của người lớn. Lúc đó chúng sẽ là những người như thế nào?

Lại nhớ một câu trong Kiều:


Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh...