November 28, 2013

November 29, 2013

Ngày 25 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Những cuốn sách của bộ sách nhan đề Đồng Dao Dành Cho Trẻ Em Mầm Non do công ty văn hóa Đinh Tị xuất bản và phát hành mới đây có một đời sống rất ngắn ngủi. Nó vừa được tung ra thị trường được một thời gian ngắn thì bị thu hồi và đem đi tiêu hủy ngay.
Bộ sách này gồm 6 cuốn tất cả đã được phát hành khắp Việt Nam thì nay bị thu hồi hết. Thế là các mầm non Việt Nam không được dịp vỡ lòng học lấy những ... nghề nghiệp hay. Một số ý kiến đã lên án nặng nề bộ sách này, nhưng tôi lại cho rằng chúng là bộ sách hay tuyệt, nhất là bài đồng dao có tên là Đồng Dao Chơi Vỗ Tay sẽ đề cập tới sau này.
Đồng dao là những bài hát dậy cho trẻ tập hát, tập nói, tập phát âm với những lời ca nhiều khi chẳng có ý nghĩa gì nhưng chúng vẫn được dậy cho trẻ để giúp chúng giải trí, lại có dịp để biết thêm vài ba chuyện nghe vui tai...Trong số những bài đồng dao này có những bài mà trẻ em Việt Nam đứa nào cũng biết, như:
Nu na nu nống
Cái cống nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Ngon thật là ngon
Nhà tôi nấu xôi
Nhà mụ nấu chè
Tè he cống rụt ...
Hay:
Chim khách là bác chim gi
Chim gi là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu bồ nông
Bồ nông là anh chim khách...
Mấy câu trên không đem lại một kiến thức nào cho trẻ, nhưng ít nhất chúng cũng biết được 4 tên của những giống chim. Chúng ta, ai cũng lớn lên với những bài đồng dao đó trong những năm thơ ấu. Một bài khác thì như thế này:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp...
Bình yên và hạnh phúc biết là bao nhiêu.
Trong cuốn 6 của bộ sách, nơi trang 8 có bài Đồng Dao Chơi Vỗ Tay nguyên văn như thế này:
Ở với ai?
Với bà
Bà gì?
Bà ngoại
Ngoại gì?
Ngoại xâm
Xâm gì?
Xâm lăng
Lăng gì?
Lăng Bác
Bác gì?
Bác Hồ
Hồ gì?
Hồ ao
Ao gì?
Ao cá
Cá gì?
Cá quả
Quả gì?
Quả đấm.
Bài đồng dao này cũng dậy trẻ được thêm những danh từ mới, luyện cho chúng khả năng liên tưởng, nối kết những danh từ khác nhau, giúp mở rộng kho từ vựng của chúng.
Nhiều ý kiến phản đối bài đồng dao này, nói rằng bài hát chỉ dậy cho trẻ những điều nhảm nhí, không bổ ích cho đầu óc non nớt của trẻ. Điều đó đúng. Nhưng cũng hệt như bài nu na nu nống, bài về những con chim... Cần gì ý nghĩa.
Các ý kiến ấy có thể không thích vì đem hình ảnh bà ngoại nối vào với ngoại xâm, rồi xâm lăng... toàn là những hình ảnh không dậy cho trẻ được một điều tốt đẹp nào về tình bà cháu, gia đình, lại còn làm cho bà ngoại xấu đi vô cùng.
Bài đồng dao này cũng dậy cho trẻ khả năng liên tưởng, và hành động liên tưởng này có thể cũng cho chúng ta thấy những gì bị nhận chìm xuống vào khu vực tiềm thức như một kỹ thuật dùng trong những bài test dò nói dối (polygraph) .
Điều mà người viết cuốn sách này có thể muốn che dấu là điều ông ta thực sự nghĩ về Hồ Chí Minh...
Hồ gì?
Hồ ao
Ao gì?
Ao cá
Cá gì?
Cá quả
Quả gì?
Quả đấm.
Chấm hết. Đang nhắc tới bác Hồ kính yêu, vặn vẹo vài ba câu, bác bị tặng cho quả đấm.
Chắc vì thế mà nhà cầm quyền mới bắt thu hồi bộ sách mang đi đốt. Đốt để các mầm non không lôi bác Hồ kính yêu ra tặng cho quả đấm.
Ai đời họ của bác bị hạ thấp xuống thành cái ao, lại là cái ao nuôi mấy con cá quả đấm thì bác đau quá. Thu hồi mang đốt đi chứ để không, trẻ em cả nước gọi bác là Hồ cá quả, hay Hồ một quả ... thì quê quá.
Chỉ được có một quả thì dở ẹc. Lý Tiểu Long được đặt cho biệt hiệu là Lý Tam Cước tức là Lý ba đá, mà bác được có một quả thì các chị Minh Khai, Nông Thị Xuân cười cho.
Thu hồi là phải. Bác dở quá.

Ngày 26 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Ai cũng phải nhận Heidi Agan giống Kate Middleton như hai giọt nước. Cũng mái tóc ấy, nụ cười ấy, cái cằm, cái đồng tiền ấy...
Heidi Agan và Kate Middleton
Duy chỉ có một chi tiết khiến hai người khác nhau là mầu mắt. Của Kate thì nâu. Của Heidi thì mầu xanh. Vì giống Kate nên Heidi đã được mời xuất hiện ở nhiều nơi và được trả thù lao đáng kể để có thể bỏ hẳn việc làm cũ để đóng vai Kate Middleton ở rất nhiều nơi, kể cả ở New York cách đây vài tháng. Không biết Heidi có tính mang cái bầu để cho giống Kate thêm nữa hay không.
Người có thể phân biệt Kate thật với Kate giả chắc chỉ có hoàng tử William. Kate chắc không phiền vì Heidi giống mình, Heidi cũng xinh đẹp và thực sự rất giống mình. Heidi được tiếp đón nồng nhiệt ở tất cả những nơi cô xuất hiện.
Ở Miên Dương thuộc tỉnh Tứ Xuyên có một phụ nữ với một khuôn mặt rất giống một nhân vật nổi tiếng khác. Có điều nhân vật rất nổi tiếng kia lại là một người đàn ông. Người đàn ông này lại không đẹp trai chút nào. Nhà văn Vũ Trọng Phụng mà còn sống chắc thế nào ông cũng hét lên là đã tìm được nhân vật chị Doãn của ông rồi. Vũ Trọng Phụng viết về nhân vật chị Doãn của ông như thế này: "Chị Doãn có vẻ đẹp của một người đàn ông không đẹp trai."
Người phụ nữ ở Tứ Xuyên tên là Chen Yan có một khuôn mặt không giống ai, mà lại giống hệt như Mao Trạch Đông từ những năm còn trẻ. Năm nay nàng 51 tuổi. Có thể nhan sắc cũng không còn bao nhiêu. Kỹ thuật bơm hút căng kéo chắc cũng chẳng thể cải thiện được tình hình, làm cho nàng giống ... sao Hàn được nên nàng chấp nhận chuyện mình càng ngày càng giống Mao Trạch Đông. Nàng không vùng vằng phản đối nữa mà đành chịu giống Mao Trạch Đông cho rồi. Thế là nàng cắt tóc cho ngắn đi, chải tóc ngược ra đằng sau, gắn thêm cái nốt ruồi dưới môi, đôi mắt nhìn xa vắng thế là biến thành cục cưng của Giang Thanh ngay.
Chen Yan bỏ việc cũ, việc bán hàng để đóng vai Mao Trạch Đông toàn thời gian. Báo chí cho biết nàng đang kiếm được khá tiền qua việc xuất hiện tại các cơ sở thương mại để quảng cáo cho các cơ sở ấy. Mỗi lần nàng đi ra đường là bao nhiêu người xúm lại xin chụp ảnh kỷ niệm với bác Mao giả.
Nhưng ở nhà thì chồng của nàng rất khó chịu về chuyện vợ mình giống Mao Trạch Đông.
Thôi mà ông Chen. Ông đừng buồn nữa. Cứ nghĩ như thế này nhé: có được bao nhiêu người ở Hoa lục làm được như ông? Ông cứ thử tối tối về bắt Mao Trạch Đông của ông phục vụ cho ông đủ mọi chuyện mà không đã đời hay sao?
Tưởng tượng bắt Mao Trạch Đông đi tắm, không được nằm trên giường tắm cạn, kỳ ghét như tiết lộ của Lý Chí Tuy trong cuốn sách viết về Mao. Hay bắt Mao Trạch Đông đánh răng cho bớt thối mồm cho chừa cái tật ở bẩn như nông dân, chỉ lau răng bằng bã chè xanh chẳng hạn. Hay bắt Mao Trạch Đông gãi lưng cho ông mà không đã đời sao?
Có điều lạ là cho tới nay, Mao Trạch Đông giả vẫn an toàn đi ra đường. Không thấy nói là Chen Yan bị dân chúng xúm vào đánh cho tan xác. Có thể người dân Trung quốc vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí như câu "Vô Mao bần chí tử" nên để cho Mao ... giả tung tăng tiếp tục mà không đập chết chăng?
Chứ ở Việt Nam mà có ai dại dột giống bác Hồ thì khổ đời ngay. Sẽ không có cách nào toàn thây được quá năm phút.
Nhưng cũng chẳng nên giống bác Hồ làm quái gì. Giống cái đẹp chứ giống cái xấu làm chó gì? May ra thì có một con mụ nhà văn nữ ngu xuẩn viết báo hít hà khen cái xác thối ở Ba Đình là đẹp trai hơn bác Mao là cùng .

Ngày 27 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, vào những ngày cuối đời trong khám Chí Hòa, đã ngán ngẩm ghi lại chuyện những con đường Sài Gòn bị đổi tên sau khi chính Sài Gòn cũng bị gọi bằng một cái tên khác bằng đôi câu đối:
Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do
Công lý và tự do bị dẹp và thay bằng những cái tên oan nghiệt mới. Làm thế nào lại có những điều tình cờ đau xót đến là như vậy! Nhà thơ họ Vũ là người nhìn ngay ra được cái mỉa mai tồi tệ ấy ở trong tù trước khi ông được cho về nhà để chết.
Sài Gòn bị ép đổi thay từ những cái tên đường đẹp bằng những cái tên ngây ngô, mọi rợ Nơ Trang Long, thị Sáu, thị Siếc, Khai khú... và bây giờ, bọn cầm quyền lại đưa ra những đổi thay thô bạo và ngu xuẩn khác.
Chúng vừa đưa ra một danh sách gồm 28 thứ cây không được phép trồng trên các đường phố Sài Gòn. Trong khi thành phố càng ngày càng bị lún xuống, đường phố sau mỗi cơn mưa biến thành sông không được giải quyết thì chúng ra lệnh cấm trồng 28 loại cây, trong đó có cây trứng cá, một thứ cây đẹp thì không nhưng nó cũng không làm mất vẻ mỹ quan của thành phố, lại cũng không gây nguy hại cho môi trường.
Cây trứng cá là một giống cây kỳ lạ mà không một đứa bé nào lớn lên ở Sài Gòn lại không biết nó.
Ở những con đường đẹp của Sài Gòn người ta không thấy nó. Nó không mọc ở những đường Hồng Thập Tự, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Tự Do... Người ta thấy nó ở những con đường hiền lành hơn, trong những khu gia cư như cư xá Nguyễn Tri Phương thì rất nhiều.
Trái cây trứng cá là thứ trái cây không một đứa bé nào không biết. Ngon lành thì cũng chẳng ngon lành gì nhưng đứa nào cũng thích. Có những đứa bé cầm những cái sào gắn một chiếc lồng nhỏ mỗi buổi trưa đi hái trái của những cây mọc bên đường cũng không ai thấy chuyện đó là phiền phải đuổi chúng đi. Hái được những trái chín, chúng cũng có thể bán được vài ba đồng.
Chính tôi cũng lớn lên cùng với cây trứng cá trước nhà. Cây không cao lắm, dễ trèo, trên cây có thể ngó ra nhìn thấy những chiếc xe chở học sinh đưa đón các học sinh của hai trường nữ trung học lớn ở Sài Gòn... cho đến khi trò leo cây ... vời trông áo tiểu thư được thay thế bằng những chuyến cùng người bạn trốn học trên chiếc mobylette chạy ngang những ngôi trường ấy.
Nó được đặt cho cái tên thật là đúng. Những cái hột nhỏ li ti của trái trứng cá quả là có giống những cái trứng cá thật. Trứng cá của cá cũng như những cái trứng cá của thời mới lớn bôi đầy trên chiếc gương trong buồng tắm.
Nay những cây trứng cá này cũng bị đem ra ... đấu tố, nói rằng loại cây này tạo rác rến cho thành phố, gây nguy hiểm cho trẻ em khi leo trèo chúng.
Căn nhà cũ nửa thế kỷ chưa về thăm lại, giờ đây tôi sợ khi trở về, trong một khung cảnh khác, thì cây trứng cá của những năm thơ ấu, của thời mói lớn sẽ không còn nữa.
Tuy không tưởng tượng ra cảnh "tay vít dây hoa trắng cạnh lòng" nhưng cũng sẽ nhớ nó vô cùng. Nhớ nó và giàn hoa giấy mọc ở hiên trước của căn nhà.
Tội nghiệp nó. Nó chưa bao giờ được đưa vào một bài thơ nào. Lãng mạn như ti gôn. Thơm như ngọc lan. Đẹp như cúc.

Thôi thì nhớ nó bằng mấy dòng viết vội hôm nay vậy.

November 26, 2013

November 22, 2013

Ngày 18 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Tôi không biết tấm banderolle này xuất hiện ở đâu, và vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn là phải ở trong nước.
Tấm biểu ngữ nền đỏ, chữ vàng như tất cả những tấm banderolle xấu đau xấu đớn của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Và những chữ trên đó rõ ràng là để tôn vinh Hồ Chí Minh: CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC DOANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI!
Đọc kỹ lại thì thấy là họ Hồ lại có một nghề khác nữa.
Chàng không là DANH nhân văn hóa thế giới như các đàn em của chàng đã vận động (và thất bại), UNESCO không bao giờ tôn vinh chàng là danh nhân văn hóa cả. Hà Nội chỉ tự tổ chức sinh nhật thứ 100 của chàng mà thôi rồi nói phét là UNESCO đứng ra làm.
Mới đây (ngày 14 tháng 11 năm 2013) một bản tin đăng trên trang web của nhà nước khẳng định Việt Nam có 2 danh nhân văn hóa thế giới là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du, không hề nhắc đến Hồ Chí Minh.
Điều dễ hiểu là chàng chỉ có hai "tác phẩm", một là cuốn sách ô nhục mà chính chàng viết để ca tụng chàng, ký tên là Trần Dân Tiên và một tập thơ chữ Hán nhan đề Ngục Trung Nhật Ký chàng chôm của một anh Tầu thì danh nhân văn hóa ở chỗ nào?
Nguyễn Du là người viết Truyện Kiều, còn Nguyễn Trãi là tác giả bản "kim cổ hùng văn" Bình Ngô Đại Cáo, "Gia Huấn Ca", một chiến lược gia văn võ song toàn mà đứa nào đưa chàng mon men đứng cạnh cũng sẽ bị lấy lá chuối lót tay quăng ra ngoài cửa. Hai ông Nguyễn Du và Nguyễn Trãi mới xứng đáng là danh nhân văn hóa thế giới.
Dứt khoát chàng không thể là danh nhân văn hóa thế giới được. Ngay cả một anh tây đen tham nhũng bê bối là anh Amadou Mahtar M’Bow ăn trúng bả Cộng Sản khi anh cầm đầu UNESCO cũng không chịu tôn vinh chàng là danh nhân văn hóa thế giới như ai cũng đã biết.
Nhưng nói chàng là DOANH nhân thì được. Doanh nhân là một anh lái buôn.
Như tấm banderolle viết rõ chình ình trên nền đỏ chữ vàng, chàng là DOANH nhân. DOANH là công việc buôn bán kiếm lời lãi. Doanh nhân là nhà buôn, là thương lái. Tấm banderolle khẳng định chàng là doanh nhân. Chàng làm nghề buôn bán. Chàng buôn cái gì? Chàng bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp lấy tiền. Chàng bán nước cho Tầu , ra lệnh cho đàn em Phạm Văn Đồng ký cái công hàm ô nhục công nhận những tuyên bố mà Chu Ân Lai đưa ra để lấn chiếm biển đảo của Việt Nam trong khi chàng còn sống sờ sờ ra đấy thì không phải là doanh nhân bán nước hay sao?
Tấm banderolle gọi chàng là doanh nhân do chính đàn em của chàng treo ngoài đường khẳng định chàng là một tên bán nước thì cãi thế chó nào được nữa.
Cho vào cái nhà ỉa công cộng cực kỳ xấu, xấu vào bậc nhất thế giới (public toilet) ở Ba Đình như một web site của Trung quốc cũng đúng rồi còn cãi gì nữa.

Ngày 20 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Đã lâu lắm, trước năm 1975, tôi đọc được mấy dòng quảng cáo của một tiệm may đăng trên báo ở Sài Gòn, mà đến nay tôi vẫn còn nhớ như chỉ mới ngày hôm qua. Tiệm may cho biết có thể cắt được những chiếc áo rất đẹp cho khách hàng bất kể vóc dáng của khách hàng có như thế nào đi chăng nữa.
Tiệm cho biết có thể may được những chiếc áo cho cả những người không có eo mà vẫn có được áo có eo: "không có eo cắt vẫn có eo", như những dòng quảng cáo đã nói rõ.
Như vậy thì giỏi thật. Ít nhất thì vòng số hai cũng phải...có thì áo, khi mặc vào, mới cho thấy cái eo chứ không có bột làm sao gột được nên hồ!
Tôi không có nhu cầu may áo dài nên không tìm hiểu thêm để biết điều chủ nhân quả quyết như thế có đúng hay không.
Nhưng bây giờ, tôi tin chắc chuyện ấy là chuyện thật.
Ở Việt Nam, những chuyện tưởng như không bao giờ có thể làm được thì vẫn xẩy ra như thường.
Ngày 20 tháng 11 là ngày nhà giáo Việt Nam. Trong ngày ấy, nhà nước tuyên dương những nhà giáo dậy giỏi, hết lòng vì học sinh, có công lớn với giáo dục Việt Nam. Đây là một việc làm có ý nghĩa, rất nên làm.
Tại Bình Phước hôm 15 tháng 11 có diễn ra buổi lễ trao bằng khen dậy giỏi toàn quốc và trong số những người được trao bằng khen có một người đàn ông tên là Nguyễn Ngọc Tỉnh, người giữ một chức vụ quan trọng của sở Giáo Dục và Đào Tạo của tỉnh Bình Phước. Báo Người Lao Động số ra ngày 17 tháng 11 cho biết buổi lễ diễn ra tại hội trường Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Phước.
Ngoài người đàn ông tên Tỉnh này, còn có 97 cá nhân khác cũng được vinh danh với bằng khen "Giáo viên dậy giỏi". Việc ghi nhận thành tích tốt đẹp của những người này là một việc làm xứng đáng, đúng như tinh thần "Tôn Sư Trọng Đạo". Nguyễn Ngọc Tỉnh được trao bằng khen, được mời lên sân khấu, được trao tận tay tấm bằng khen xanh xanh, đỏ đỏ... cho mấy nhỏ nó mừng như những lời chào hàng ở ngoài chợ.
Nhưng có một chi tiết làm cho nhiều người biết chuyện rất "bức xúc". Nhiều người rất ngạc nhiên về việc trao bằng khen cho Nguyễn Ngọc Tỉnh.
Bằng khen là để ghi nhận công việc xuất sắc của những người làm công việc giảng dậy, cầm cục phấn, đứng trên bục giảng để ... dậy học.
Nhưng người đàn ông tên Tỉnh này thì không có một ngày nào làm công việc cao quí của một nhà giáo.
Chàng là người biết kế toán, xin vào làm trong một trường cấp 3 rồi sau đó được chuyển về làm việc cho sở Giáo Dục và Đào Tạo làm cán bộ quản lý.
Như vậy chàng nào có dính dáng gì đến phấn trắng bảng đen hay làm công việc dậy dỗ các học sinh bao giờ.
Nhưng chàng vẫn được tuyên dương là một giáo viên dậy giỏi, mà lại là giáo viên dậy giỏi toàn quốc nữa chứ.
Và đó là cái giỏi của nền giáo dục trong nước.
Không dậy học vẫn được khen là nhà giáo xuất sắc, lại được bằng khen nữa, rồi lại còn được lên báo nữa chứ.
Không có eo vẫn cắt cho có eo được thì tại sao không một ngày nào đi dậy vẫn được coi là nhà giáo có gì lạ đâu.
Nhưng lại còn được tuyên dương là nhà giáo xuất sắc toàn quốc thì hơi quá. Tuy thế, nghĩ lại thì lại thấy chuyện ấy cũng thường, thấy xẩy ra khắp mọi nơi ở trong nước. Như cậu Ba Ếch tự nhiên xưng là có cử nhân luật ... rừng mà vẫn vênh váo cái mặt cực kỳ trâng tráo ấy, có bao giờ dám nói rõ học hành ở đâu không.
Trò đó thì thiếu gì đứa làm. Cứ xưng đại là giáo sư, bảo đàn em cung kính "thưa giáo sư" một hồi là thành... giáo sư ngay chứ gì!

Ngày 21 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Người ta có thể nói chắc rằng Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council) có những định nghiã và tiêu chuẩn rất kỳ lạ về nhân quyền.
Đây là một tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc với 47 quốc gia thành viên được trao phó trách nhiệm đẩy mạnh và bảo vệ nhân quyền của tất cả mọi người trên thế giới.
Hôm 12 tháng 11 vừa qua, Đại Hội Đồng LHQ đã bầu một hội đồng mới với nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 đến 2016. Một trong những quốc gia vừa được bầu vào hội đồng là Việt Nam. Ngoài ra cũng có Cuba, Trung quốc, Algerie, Nga, Ma rốc, Ả Rập Saudi...
Chính vì sự có mặt của các nước kể trên, các nước vừa được bầu vào hội đồng đã khiến cho người ta tin là UNHRC đã có những định nghĩa và tiêu chuẩn mới về nhân quyền. Việc bầu bán vào hội đồng được dựa trên những khu vực địa lý để bảo đảm có được sự đại diện của nhiều vùng khác nhau. Và đó là lý do tại sao các nước kể trên được bầu. Không lẽ chỉ bầu cho những nước thực sự tôn trọng, bảo vệ và phát huy nhân quyền.
Chuyện canh gác cái chuồng gà do đó đã được trao cho cả bọn chồn cáo chứ không chỉ giao cho những thành viên hết lòng vì quyền sống của con người.
Đã có lúc dưới thời tổng thống Bush, Hoa kỳ quyết định tẩy chay cơ quan này, nhưng khi ông Obama lên nắm quyền, thì Hoa kỳ trở lại với UNHRC. Nhưng các phân tích gia Hoa kỳ thì đều cho rằng UNHRC càng ngày càng mất đi tư cách và vai trò trong vấn đề nhân quyền. Nhất là từ sau khi các nước với thành tích nhân quyền tồi tệ cũng được đưa vào ngồi trong hội đồng.
UNHRC gồm rất nhiều thành viên thường xuyên vi phạm mọi quyền cơ bản người dân của họ. Và đây là lần đầu tiên Việt Nam được bầu vào hội đồng.
Việt Nam có nhiệm vụ tôn trọng những nghĩa vụ cùng với những cam kết về nhân quyền của người dân mà chính Hà Nội đã hứa.
Nhà cầm quyền Việt Nam chưa bao giờ làm công việc đó. Nay họ lại nói là sẽ thực hiện tốt những cam kết của một thành viên Hội Đồng Nhân Quyền và trong tư cách một hội viên của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng đó chỉ là một tuyên bố lấy lệ của Hà Nội trong khi Việt Nam không hề làm những gì họ nói.
Hà Nội vẫn chưa mở cửa cho Liên Hiệp Quốc điều tra những vụ vi phạm nhân quyền. Công an nhà nước vẫn chưa chấm dứt những hành vi tra tấn bạo động gây chết người trong khi bắt giữ họ, đi ngược lại công ước chống tra tấn mà Hà Nội vừa ký ngày 7 tháng 11. Việt Nam vẫn tiếp tục giam giữ những thành phần bất đồng chính kiến như các blogger, các sinh viên, các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền,bầy tỏ lòng yêu nước...
Và để làm một món quà gửi cho Liên Hiệp Quốc nhân dịp Hà Nội được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền, công an phường Thụy Khuê Hà Nội sáng thứ Ba 19 tháng 11 đã hành hung dã man, dùng những ngôn ngữ thậm từ độc ác và vô giáo dục với một nhóm dân oan bất kể tuổi tác, nam nữ, trong đó có hai em bé con luật sư Lê Thị Công Nhân và một em bé (Tài, 1 tuổi), con một phụ nữ tên là Nga. Bản tường trình của luật sư Lê Thị Công Nhân đã được gửi đi khắp nơi ở trong cũng như ngoẫi Việt Nam.
Đọc bức thư đó người ta sẽ thấy ngay việc làm tiếp tục của Hà Nội trong lãnh vực nhân quyền và tra tấn.
Liên Hiệp Quốc cần phải tiếp tục áp lực Việt Nam làm đúng những cam kết về nhân quyền nay Hà Nội đã được cho ngồi chính thức trong Hội Đồng Nhân Quyền.

Không thể cứ nói suông, hứa hão, dối trá như bọn chồn cáo vẫn làm từ bao nhiêu năm nay được nữa.

November 14, 2013

November 15, 2013

Ngày 11 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Đáng lý ra, tôi phải yêu những cái mũ liège lắm. Gọi nó là mũ liège vì nó được làm bằng liège, một thứ bấc, bọc bên ngoài bằng một lớp vải trắng, thỉnh thoảng phải dùng phấn nước đánh lên một lớp cho trắng.
Kiểu mũ ấy lại có lúc đi đôi rất hợp với chiếc áo dài trắng, quần trắng như trong mấy chiếc ảnh cũ của một người giáo sinh trường sư phạm Đông Dương ở Hà Nội mà tôi tìm thấy trong tập ảnh cũ của người đàn ông đầu tiên ở trong làng lên tận Hà Nội học để trở thành "chú giáo Bảo", ông bố của tôi.
Kiểu mũ mà còn có người gọi là mũ thuộc địa ấy rất thông dụng trong những năm 30, 40, 50 ở Việt Nam mà chính tôi cũng có một cái và bị ông bố bắt phải đội mỗi lần ra khỏi nhà, đi học.
Và cũng chính vì thế mà tôi bắt đầu ghét nó. Tôi chỉ đội nó từ nhà đến nhà người bạn ở đầu xóm, gửi nó lại và để đầu trần đi học. Không đội nó vì bị mấy người bạn chế là đồ nhà quê. Từ đó, tôi không bao giờ đội nó nữa, trong suốt những năm ở trung học.
Kiểu mũ ấy thực ra rất tốt. Nó làm mát đầu người đội dưới cái nắng của một xứ nhiệt đới. Nhưng nó quả thật là "nhà quê" như những người bạn tôi nói. Nó xuất xứ từ Ấn độ khi nước này còn là thuộc địa của người Anh. Nó nhanh chóng tiến sang những quốc gia thuộc địa khác thuộc vùng nhiệt đới và đến Việt Nam cùng với người Pháp hồi những năm 30, và nó nhập ngay vào cách ăn mặc của người Việt. Nhưng có một chi tiết hơi khác giữa những cái mũ liège ở miền Bắc và những chiếc ở miền Nam. Những chiếc mũ liège ở miền Nam dầy hơn, to hơn những chiếc ở miền Bắc, trông như cái của ông Albert Schweitzer đội khi làm việc và sống ở Phi châu.
Ngay sau khi di cư vào Sài Gòn, tôi được dẫn đi mua một cái trong một tiệm trên đường Lê Thánh Tôn và bắt đầu ghét nó liền từ đó.
Nhưng tôi chỉ thật sự ghét nó, ghét cay ghét đắng nó, ghét như đào đất đổ đi, ghét luôn cả tông chi họ hàng nhà nó, ghét đến độ thành dị ứng với nó, cứ trông thấy nó là phải nhìn đi chỗ khác… là khi nó xuất hiện với mầu cứt ngựa trên những con đường Sài gòn hôm 30 tháng 4 gần bốn chục năm trước.
Sau đó, thỉnh thoảng tôi lại thấy nó trong những bức ảnh chụp ở Hà Nội, trong một tiệm sửa mũ nón, trên đầu của những người dân thường, lố nhố trong những đám đông trong mấy ngày lễ, Tết nhất quanh bờ hồ, gần đền Hùng, lối vào chùa Hương… Cứ thoáng trông thấy nó là khó chịu hết sức. Tôi hiểu những người dân thường ấy cần cái mũ che mưa che nắng để đội lên đầu chứ cũng chẳng là bộ đội bộ điếc gì. Tiền bạc không có, lấy gì kiểu cọ thay vì cái mũ cối ấy.
Nhưng tôi vẫn ghét nó.
Tôi không biết đến đời kiếp nghiệp lai nào thời trang mới ghé lại, tiền bạc mới dễ dàng hơn để người ta dẹp hẳn nó đi, thay nó bằng những chiếc mũ khác.
Trong thời gian chờ đợi ngày ấy đến, thì tôi đành phải tiếp tục ghét nó vậy.
Ngoài ra, còn có một lý do khác để ghét nó, đó là nó làm cho người đội nó xấu trai đi rất nhiều.

Ngày 12 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Hồi học lơp đệ Tam, tương đương với lớp 10 ngày nay, chúng tôi được dậy một bài văn của Rabelais nhan đề Mouton de Panurge.
Panurge là bạn của Pantagruel, và là con của Gargantua. Trong một chuyến đi xa với Pantagruel, Panurge có chuyện cãi nhau với một nhà buôn tên là Dindenault vì bị Dindenault lừa bán cho một món hàng với giá cắt cổ. Để trả thù Dindenault, Panurge mua một con cừu của Dindenault rồi quăng con cừu vừa mua xuống biển. Con cừu này kêu ầm lên và tiếng kêu của nó lôi kéo luôn cả bầy cừu của Dindenault và luôn cả Dindenault nhẩy theo xuống biển và Dindenault cuối cùng chết đuối dưới biển.
Mouton de Panurge trở thành một danh từ để chỉ những người làm theo, bắt chước những người khác một cách mù quáng bất kể những hành động bắt chước đó hay dở ra sao cũng cứ làm như những con cừu nhẩy xuống biển vì thấy con cừu của Panurge bị ném xuống nước.
Mới đây, một em-xi trong nước vừa bị một trận "vỡ mặt" chỉ vì nhắm mắt nhắm mũi nói một câu vô cùng vô duyên, câu "xin quí vị một tràng pháo tay" để cho "các đồng bào miền Trung đang bị bão lũ".
Miền Trung bị bão Hải Yến kéo qua, tuy không bị nặng như ở Phi Luật Tân, nhưng trận thiên tai vẫn gây tàn phá, thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều vùng. Các nạn nhân đang khốn đốn với trận bão thì em-xi xin "một tràng pháo tay" cho đồng bào.
Câu "xin một tràng pháo tay" là một câu vô duyên khủng khiếp nhưng lại được lôi ra dùng nhiều nhất. Hình như làm em-xi là phải lận lưng câu này để lúc nào bí, không biết nói gì, thì lôi ra dùng ngay. Câu xin xỏ này là một câu được những em-xi bạ đâu dùng đó, một thứ thuốc đem dùng để trị bách bệnh, nhưng không chữa được bệnh nào cả.
Đó là một câu khinh thường, nhục mạ các nghệ sĩ trình diễn và luôn cả khán giả nữa.
Vỗ tay là việc làm tự ý của khán giả để bầy tỏ sự tán thưởng gửi cho người trình bầy một bản nhạc, một bản đàn, một vở kịch hay một bài nói chuyện của diễn giả. Thế thì tại sao phải "xin quí vị một tràng pháo tay" cho ca sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ, diễn giả? Vì những người ấy quá dở, dở đến nỗi phải xin cho họ một tràng pháo tay để an ủi họ hay sao?
Xin xỏ như vậy là nhục mạ những nghệ sĩ trình diễn, những kịch sĩ, diễn giả… cho rằng họ tệ, họ dở, hát hỏng, đàn địch, nói chuyện, diễn thuyết không ra gì đến độ phải xin cho họ tràng pháo tay.
Còn về phía khán giả thì nếu thấy hài lòng, thán phục thưởng thức khả năng trình diễn, diễn xuất, hùng biện của các nghệ sĩ, diễn giả thì khán giả tất nhiên sẽ tự động bầy tỏ sự tán thưởng đó, không cần phải được nhắc nhở, chỉ vẽ. Ông Tú Xương đi nghe hát ả đào có bao giờ được yêu cầu đánh một hồi trống chầu để tán thưởng giọng hát của ca nhi đâu? Đề nghị ông cho một vài tiếng trống chầu thì có mà chết với ông, ông cho vào thơ bêu riếu cho mà xấu cả mấy đời.
Thế thì xin một tràng pháo tay của khán giả có khác gì nói với khán giả rằng này, các ông không biết thưởng thức gì hết cả, thực bất tri kỳ vị, miếng ngon ăn vào mồm cũng không biết, ca nhi, nhạc sĩ ca hát như thế mà cứ như là đàn gẩy tai trâu cả… Vỗ tay lên chứ, sao cứ ngồi trơ mắt ra như thế kia?
Câu "xin quí vị một tràng pháo tay" không biết do một người vô ý thức nào nghĩ ra, thế là những con cừu của Panurge nhao nhao lên giọng bắt chước, bất kể hay dở thế nào cứ thế mà "xin quí vị một tràng pháo tay". Đang đứng đực mặt ra trên sân khấu, không biết nói gì… thế là em-xi "xin quí vị một tràng pháo tay" cho giọng hát, cho ban nhạc, cho chuyên viên ánh sáng, cho diễn giả…
Có lẽ những người xin làm em-xi, mà chuyện xin làm này là có thật, lúc vận động để được ban tổ chức cho lên sân khấu đều phải viết trong résumé xin việc rằng sẽ nói rất nhiều lần câu "xin quí vị một tràng pháo tay" và đã từng dùng câu này nhiều lần nên nay làm rất quen miệng thì phải.
Trong những trường hợp như thế thì "xin quí vị một tràng pháo tay" là rất nên, rất cần và rất đúng. Vì em-xi vô duyên và ăn nói dở ẹc như vậy thì cần cho một tràng pháo tay lắm đấy chứ.
Như cô em-xi ấm ớ ăn nói tầm bậy tầm bạ trong một chương trình nhạc ở Hà Nội mới đây bị chửi cho nát mặt vậy.

Ngày 13 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Đã lâu lắm tôi không nghe bài hát ấy nên lục lọi trí nhớ mãi mà trong đầu cũng chỉ còn được một hai câu: "Em chỉ yêu có anh binh nhì, dầu rằng đồng lương của anh thì rất ít, mà tài chiến đấu của anh thì không ai bằng…"
Tôi đã vào trong internet cũng không tìm thấy được những chi tiết khác như tên tác giả hay lời đầy đủ của bài hát. Không thấy một ca sĩ hải ngoại nào hát và thu thanh nó.
Trong các video ca nhạc có những bài nhạc gọi là nhạc lính thì cũng chỉ thấy mấy bài với giọng nam thì quân phục toàn của các đơn vị dữ dằn, dây biểu chương trên vai, ở cổ áo ít ra thì cũng hai ba hoa mai vàng… giọng nữ thì cứ như mười chín đôi mươi, áo dài đẹp ơi là đẹp. Chỉ phải tội chàng thì hơi béo, bụng phệ, tóc tai nhuộm rất kỹ, còn nàng thì cũng son phấn hơi nhiều, lông nheo giả chớp lia lịa …
Hình như chúng ta đã quên họ rồi. Trong những lễ lạc thì gần như bao giờ cũng thấy lon lá đầy người, chẳng thấy cái cánh gà nào trên tay áo. Chắc nhiều người thấy mình chỉ có cái cánh gà nên cũng không muốn phải đứng cạnh những bông hoa trên cổ áo nên lại càng không muốn xuất hiện.
Thế nên những chiếc cánh gà và bài ca về tình yêu với anh binh nhì không còn trông thấy, nghe thấy nữa. Trong khi chính những người lính ấy mới là những người đóng góp nhiều nhất, nằm xuống nhiều nhất để lại thân thể nhiều nhất trên chiến trường. Nhưng không ai nhắc về họ. Những ca khúc thì hết "phi đạo chạy dài, anh cất cánh bay lên…" rồi lại hoa biển, tuyết trắng, trùng dương nổi sóng lắc lư con tầu đi… Hoàn toàn không thấy những bước chân tội nghiệp bám theo xích M-113, đu leo lên những chiếc xe 10 bánh lao vun vút trên những con đường bụi lầm.
Hai hôm trước là Ngày Cựu Chiến Binh Mỹ. Cũng có lễ lạc, diễn hành… nhưng người ta không chỉ thấy các quan to súng dài. Bức tượng ở gần bức tường chữ V bằng đá đen là tượng ba người lính, một da trắng, một da đen và một Hispanic nét mặt mỏi mệt đều là những người lính không lon lá gì.
Bức tượng Thương Tiếc ở ngoài nghĩa trang quân đội Biên Hòa tạc một người lính, cây súng trên đùi cũng vẻ mặt mỏi mệt. Nhưng bức tượng ấy cũng đã bị kéo đổ bây giờ không biết đã bị quăng đi đâu.


Bỗng nhớ Nguyễn Bắc Sơn vô cùng…

…Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui

Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoăt đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn ta chắc sẽ thành mây bay
 
Linh hồn ta chắc sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mua dùm những nắm xương tàn…
Con đom đóm đã ở lại Thái An. Không còn ai nhắc đến nó nữa.

Ngày 14 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Bão Hải Yến được coi là trận bão lớn nhất từ trước đến nay đã thổi vào Phi Luật Tân. Hơn 10 triệu người dân của đảo quốc này đã bị những ảnh hưởng tàn khốc mà trận thiên tai này gây ra. Điều này có nghĩa là khoảng 10% dân số Phi là nạn nhân của bão.
Theo Liên Hiệp Quốc thì con số người chết có thể lên đến 10 ngàn người, và số những người mất nhà cửa, lâm cảnh màn trời chiếu đất là hơn 600 ngàn người. Thiệt hại về tài sản hiện chưa biết là bao nhiêu nhưng nhất định không phải là nhỏ. Theo một con số ước lượng của Đức thì thiệt hại có lên đến hơn 10 tỉ đô la. Là một quốc gia không giầu có gì cho cam, Phi đang rất cần thế giới trợ giúp cấp thời để cứu sống các nạn nhân.
Liên Hiệp Quốc ước đoán Phi cần tới cả mấy trăm triệu đô la để giúp các nạn nhân làm lại cuộc đời, và nhất là sống qua những khó khăn rất lớn hiện nay.
Anh quốc cho biết sẽ gửi khoảng 15 triệu đô la. Úc gửi gần 10 triệu. Nhật cũng gửi 10 triệu. Indonesia, một nước không dư giả gì hứa gửi 2 triệu. Đại Hàn gửi 5 triệu. Liên Âu gửi 4 triệu. Tân Tây Lan gửi 2 triệu 500 ngàn. Canada hứa giúp 5 triệu. Hoa kỳ sẽ gửi 20 triệu ngoài các nỗ lực cứu trợ khác.
Mấy con số vừa kể là những chi tiết mới nhất theo những hãng tin quốc tế. Có thể những khoản tiền này sẽ tăng thêm trong những ngày tới. Trong khi đó, chưa thấy một con số nào từ các nước Ả Rập và liên bang Nga.
Đặc biệt Trung quốc hứa sẽ chuyển MỘT TRĂM NGÀN đô la và MỘT TRĂM NGÀN khác qua Hồng Thập Tự Trung quốc. Tổng cộng là HAI TRĂM NGÀN đô la để trợ giúp cho Phi Luật Tân.
Trung quốc có một nền kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới và lúc nào cũng tuyên bố là láng giềng tốt của các nước trong vùng. Ai cũng biết giữa Trung quốc và Phi Luật Tân đang có những tranh chấp ở biển Đông. Trung quốc ngang nhiên lấn chiếm một số đảo của Phi và Việt Nam. Đáng lẽ vào lúc này, trong khi Phi đang tang gia bối rối, Bắc kinh xắn tay áo nhẩy vào trợ giúp, đóng góp cho nỗ lực cứu trợ thiên tai bằng tiền bạc và nhân lực thì hình ảnh của Trung quốc, một nước lớn lúc nào cũng chỉ hăm dọa các nước khác bằng võ lực sẽ bớt đi những điều xấu xa của một tên du côn chuyên cậy lớn bắt nạt người khác.
Trước nhu cầu cứu trợ hết sức lớn của Phi, số tiền HAI TRĂM NGÀN đô la bên cạnh những đóng góp nhiều gấp mấy chục lần như của Indonesia thì "anh lớn" hiện nguyên hình của một tên tham lam, ích kỷ khốn nạn chỉ biết đến mình, cậy khỏe bắt nạt yếu.
Trong khi đó, mở lại những trang báo cũ, cũng không lâu lắm, người ta thấy sau trận động đất ở Tứ Xuyên (12 tháng 5 năm 2008), thế giới đã xúm lại gửi tiền giúp Bắc kinh. Một nước như Lào cũng giúp 5 triệu 500 ngàn đô la như chính Tân Hoa Xã loan báo ngày 17 tháng 5 năm 2008. Nhật tặng gần 10 triệu, Đại Hàn 5 triệu.
Một nước nhiều xích mích với Trung quốc là Ấn độ gửi giúp 5 triệu.
Số tiền 200 ngàn đô la để giúp Phi sau trận bão khủng khiếp này là một sự lăng mạ, sỉ nhục khi để cạnh những trợ giúp của thế giới văn minh và tử tế dành cho Phi trong lúc khốn cùng. Số tiền 200 ngàn này đồng thời lại bầy ra hình ảnh của một tên du côn xấu xa cùng cực chỉ biết cậy lớn ăn hiếp các nước yếu.
Tinh thần của Khổng Tử đâu rồi? Những lời khuyên nhân ái và tử tế của cụ để mất rồi chăng?
Nhưng tại sao lại muốn xây một viện Khổng Tử ở Việt Nam và lại còn được bọn đười ươi ở Hà Nội đồng ý cho xây? Để dậy những trò lưu manh, bất lương, thiếu văn hóa thiếu đạo đức như người ta vừa thấy qua việc gửi 200 ngàn đô la cứu trợ cho Phi Luật Tân hay sao?
Tục ngữ Anh có câu "A friend in need is a friend indeed" gần giống như câu "nhà khó mới biết con có hiếu, nước loạn mới biết tôi trung". Và bây giờ, cháy nhà ra mặt chuột, sau trận bão thì lòi mặt một bọn chó dại lúc nào cũng chỉ vục mặt vào ăn, đớp, lợi dụng bạn bè, bắt nạt hàng xóm, ăn trộm ăn cướp. Chúng nó đang ở Bắc kinh ấy mà.

Cũng cần nhắc ở đây một chi tiết nhỏ là chính phủ Phi đã gửi giúp Trung quốc 450 ngàn đô la sau trận động đất ở Tứ Xuyên, tức là hơn gấp 2 lần số tiền Bắc Kinh gửi cứu trợ bão Hải Yến cho Phi.

November 7, 2013

November 8, 2013

Ngày 4 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Nếu không có những bức ảnh đi kèm với bài viết về chuyện đi học của các học sinh ở xã An Lương, Yên Bái thì khó có người tưởng tượng ra nổi cảnh các em học sinh nhỏ ở cái xã này mỗi ngày vẫn phải vượt một dòng suối nước chẩy xiết để tới trường trên một chiếc bè mong manh. Nhưng cảnh nguy hiểm tội nghiệp ấy vẫn còn đang diễn ra hàng ngày ở nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc.
Từ nhiều năm nay, người dân ở đây đã phải dùng những chiếc bè nhỏ để qua suối. Tuy thế, cảnh những em bé khoảng trên dưới mười tuổi phải đương đầu hàng ngày với những nguy hiểm trong gang tấc để đi học thì quả là kinh khủng không thể nào nói hết.
Ngay cả một thầy giáo của các em, theo bài báo, cũng từng suýt mất mạng trên dòng suối ấy. Bài báo viết bằng mấy câu văn chương vớ vẩn như thế này: "nuôi giấc mơ con chữ trên sợi thừng mỏng manh" . Tuy vậy, bài báo ấy đã nói được lên cảnh bi thảm của các em học sinh phải đối mặt mỗi ngày.
Con suối mà các em phải vượt qua để tới trường trong mùa nước lên có thể rộng tới cả trăm mét. Một cây cầu là một nhu cầu cần thiết cho đời sống của những người dân địa phương và của các em học sinh mỗi ngày sách vở đến trường. Nếu có một hôm nào, vài ba em phải quyết định bỏ học, hay phụ huynh không thể tiếp tục đẩy con em vào những cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, thì việc bỏ ngang chuyện học của các em là điều dễ hiểu.
"Con chữ" thì mặc "con chữ" chứ ngày nào cũng đối diện với cái chết thì cũng đến phải bỏ học. Không có cái cầu thì làm sao sang sông để còn tiếp tục yêu lấy thầy vì muốn hay chữ cho nổi.
Trong khi đó, thì người ta sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất lớn để xây một con đường không cần thiết bao nhiêu, vì rất ít xe di chuyển trên đoạn đường ấy. Con đường hệt như trong câu hát "Trường Sơn không một dấu chân người". Con đường ấy mỗi năm người ta phải chi khoảng 300 tỉ để bảo trì. Phí tổn xây nó cũng hết sức lớn nhưng nay, chỉ có rất ít xe cộ sử dụng và con đường cũng bị hư hỏng nhiều vì việc xây cất rất tồi tệ, tiền bạc dùng cho chi phí xây cất bị cắt xén nhiều.
Con đường vô tích sự mang tên đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt là đoạn chạy ngang qua tỉnh Quảng Bình. Nhiều tiếng nói tại quốc hội đã cùng nói lên chi tiết vừa kể và cho là việc xây cất con đường này là hoàn toàn lãng phí.
Chi ra một khoản tiền rất lớn rồi lại chi thêm tiền bảo trì để chỉ có rất ít xe cộ sử dụng cốt ý chỉ là làm cho … đẹp và để chấm mút bỏ túi, hệt như con đường chạy từ Hà Nội đi Điện Biên Phủ cũng chỉ để làm để mà ăn cắp với nhau. Bao nhiêu khách dùng nó để xem phong cảnh? Thế là lại một phí phạm khác.
Và dân chúng cũng như các em bé học sinh ở quanh xã An Lương tỉnh Yên Bái thì tiếp tục phải dùng cái bè mỏng manh để vượt qua dòng nước dữ chẩy xiết trong những ngày nước lớn.
Đường Hồ Chí Minh, không phải là đường mòn Hồ Chí Minh được xây cho "hoành tráng" thì hoàn toàn lãng phí cho vài ba chiếc xe chạy qua để có tiền chia nhau. Trong lúc lũ trẻ vẫn tiếp tục qua sông mỗi ngày vượt qua con nước dữ để đi học và bọn người vô trách nhiệm, vô lương tâm vẫn tiền bỏ túi, mặc cho những người dân khốn khó ở An Lương sống chết ra sao thì cũng mặc.

Ngày 7 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Trong một bài đọc được của trang China.org.cn viết về 10 kiến trúc xấu nhất thế giới, lăng Hồ Chí Minh đã bị xếp vào danh sách ấy. Nó bị coi là xấu vào hạng thứ 5 trên thế giới.
China.org.cn là một trang mạng của Trung quốc. Nếu không là trang mạng chính thức của chính phủ thì nhà cầm quyền đáng lý ra cũng phải lên tiếng phủ nhận hay ra lệnh dẹp bỏ bài viết đó, không cho nó tiếp tục được bầy ra trên mạng. Nhưng bài viết đó xuất hiện từ cả gần một năm nay (11 tháng 1 năm 2012) mà đến nay, người ta vẫn còn đọc được.
Bề gì thì hai nước Việt Nam và Trung quốc cũng là bạn của nhau, lại có cả mười mấy chữ vàng, rồi hai bên vẫn thỉnh thoảng nói về những keo sơn gắn bó thân tình. Một bài viết coi lăng lãnh tụ quá cố của Việt Nam bị mô tả là xấu vào hạng nhất thế giới thì không nên được để nguyên như thế.
Đó mới chỉ là việc coi cái lăng ở Ba Đình là cực kỳ xấu thôi. Coi nó xấu cực kỳ, xấu vào hạng nhất thế giới đã là xúc phạm tới tình cảm của nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa độc lập tự do hạnh phúc như Hà Nội chắc đã nghĩ. Nhưng bài viết không ngừng ở đó, không chỉ coi nó xấu vào hạng nhất thế giới.
"nhà ỉa công cộng"
Bài viết trên trang mạng China.org.ca còn viết thêm rằng có những quan sát viên độc ác hơn đã so sánh nó với một cái cầu tiêu công cộng khổng lồ xây theo kiểu kiến trúc La Hy (…crueler observers have compared it to a Greco-Roman giant public toilet).
Ai là "những quan sát viên độc ác hơn" mà đoạn phụ đề ở dưới bức ảnh chụp cái lăng Hồ Chí Minh đó? Chắc chắn đó chỉ là đứa viết những dòng chữ đi kèm bức hình chứ còn ai vào đây nữa. Người ta thừa biết là Bắc kinh kiểm soát rất kỹ các sinh hoạt trên internet và các bài viết của các trang mạng. Không thể có chuyện vài ba cây viết tự động viết ra, không có phép của nhà nước. Coi lăng Hồ Chí Minh là xấu đau xấu đớn đã là đểu cáng khủng khiếp rồi. Sau đó lại còn nói nó giống như một cái nhà cầu công cộng nữa thì còn gì đểu hơn được nữa? Mà câu trên khi dịch từ nguyên bản tiếng Anh đã được làm cho vệ sinh đi nhiều lắm rồi đấy. Chứ dịch đúng theo ngôn ngữ của những người Cộng sản Việt Nam thì phải dịch là cái lăng Hồ Chí Minh hệt như cái "nhà ỉa công cộng" kiểu kiến trúc La Hy thì mới đúng.
Thật là đểu giả vô cùng. Bạn bè, anh em, đồng chí, môi hỏ răng lạnh mà đối xử với nhau như thế đấy. Cái tòa nhà chứa cái xác khô của "chủ tịch kính mến vĩ đại" bị so sánh với cái nhà ỉa thì đểu không gì bằng.
Nhưng đó chẳng phải là lần đầu tiên một chuyện như thế diễn ra. Khi Lê Duẩn chết, tờ Nhân Dân Nhật Báo ở Bắc Kinh số ra ngày 10 tháng 7 năm 1986 có loan tin về cái chết đó nhưng đã dùng một cách chơi chữ để nói đểu Hà Nội. Tiêu đề của bản tin viết như thế này: "Việt Nam lãnh thủ nhân Lê Duẩn khứ thế." Khứ thế là lìa đời, là chết. Tại sao không dùng những chữ khác cũng có nghĩa là chết? Trong chữ Hán thì không thiếu gì những chữ như thế, mà phải kiếm hai chữ "khứ thế" ít nghe thấy.
Lý do tờ Nhân Dân dùng hai chữ "khứ thế" để nói Lê Duẩn chết có thể tìm thấy ngay ở trang 511 của cuốn Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn. Ngay đầu trang 511 ở cột bên tay phải người ta đọc được hai chữ này, đọc lên thì nghe giống nhau, chỉ khi viết xuống thì khác nhau mà thôi.
"Khứ thế" ngoài nghĩa là qua đời, chết, hai chữ đồng âm "khứ thế" còn có nghĩa (nguyên văn đọc được trong từ điển Nguyễn Văn Khôn trang 511 cột bên phải) là thiến dái.
Vậy thì sau khi viết trên báo cho người đọc hiểu Lê Duẩn bị thiến dái và nay so sánh lăng Hồ Chí Minh là cái nhà ỉa thì có gì là lạ đâu.
Trong khi đó, thì đàn em của bác không dám đụng tới sợi lông của Mao Trạch Đông mặc dù "mao" cũng có nghĩa là … lông vậy!
Mao đã chết. Vô mao mà vẫn còn sợ chuyện không có lông, chuyện "no hair" thì hèn hết chỗ nói.
Thế mà lúc nào cũng nói là yêu bác, kính bác để mỗi khi vào thăm lăng bác âm u, các chị cán bộ ngả MŨ ra chào làm cái quái gì.
Trong khi đó, thủ đô Hà Nội vừa chi 15 tỉ đồng để xây 14 nhà cầu rồi than thở tiếp là vẫn còn thiếu các tiện nghi vệ sinh này.
Đã có cái nhà ỉa hoành tráng như thế ở Ba Đình mà còn than là thiếu cái nỗi gì?

Ngày 8 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Có hai câu lục bát mà người ta cho là của Nguyễn Công Trứ viết trong đoạn mưỡu đầu của một bài hát nói:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch, cũng người Trường An
Nhiều người hiểu hai câu này mang ý nghĩa ngợi ca Hà Nội, tức là Thăng Long, nơi dân trí cao, con người lịch sự, chuyện cái ăn, cái mặc, cái gì cũng đẹp, cũng sang. Thực ra, Trường An không phải là Hà Nội, mà là kinh đô của Việt Nam thời Đinh Tiên Hoàng nên nếu nói hai câu lục bát kể trên là để chỉ người Hà Nội thì không đúng. Và rồi nếu là người Hà Nội, vốn đã được coi là thanh lịch, văn minh, văn hóa thì chắc cũng không đưa ra một câu đanh đá và ngạo mạn như thế.
Hà Nội thực ra đã có một thời được coi là thủ đô của ngàn năm văn vật như trong mấy câu này:
Chẳng thơm cũng thể hoa mai
Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh
Hay:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Chẳng thanh lịch cũng là người Thăng Long
Nhưng thanh và lịch của người Thượng Kinh (tức là Hà Nội), hay của người Thăng Long là một Hà Nội, một thăng Long nào khác chứ không là cái Thăng Long và Hà Nội của cháo chửi, bún mắng, phở quát, ốc lắm mồm, của học sinh nam nữ mở mồm là văng tục, chửi thề, giữa Hà Nội trường học phải viết trên bảng treo ở sân trường cấm đánh nhau, tụt quần áo của nhau như những điều người ta thấy và sợ Hà Nội của ngày nay.
Ăn Bắc, mặc Kinh đã có là người ta nhận định về Hà Nội và Huế như thế. Ăn thanh cảnh, nhỏ nhẹ lịch sự, cái bát, đôi đũa, những món ăn tỉ mỉ gói ghém rất nhiều cảnh sắc thú vị ở trong. Như món bún thang chẳng hạn. Nhưng tất cả những thứ ấy không còn nữa. Nghìn năm văn vật đất Thăng Long không bao giờ còn nữa.
Cảnh mới đây, rõ hơn là ngày 24 tháng 10, ở một nhà hàng ăn Nhật vừa khai trương trên đường Đoàn Trần Nghiệp đã cho thấy cái thanh, cái lịch đã tuyệt tích, không thể nào tìm thấy được nữa.
Tiệm sushi thông báo cho ăn miễn phí tưởng khoảng một hay hai trăm khách là cùng, nhưng bản tin của mấy tờ báo trong nước cũng như những bức ảnh đi kèm cho thấy con số người kéo đến dể ăn miễn phí đã lên đến cả ngàn người như chính các bài báo này cho biết. Con đường chạy ngang qua tiệm đông nghẹt người và xe, giao thông tắc nghẽn. Người ta chen lấn nhau tràn vào tiệm khiến nhân viên của tiệm không cách nào thỏa mãn được số khách quá đông như thế. Mời vào thử một miếng thì bưng cả khay mà chạy.
Cảnh như thế không phải là lần đầu tiên diễn ra. Trong một video clip khác thì tại một tiệm ăn theo kiểu buffet, khách vừa thấy nhà hàng đưa ra món mới thì nhào vào, dùng tay bốc lấy bốc để cho mình, bất kể những người khác. Mà đó là ăn có trả tiền chứ không phải là miễn phí. Trò vơ vét bất lịch sự như thế không chỉ diễn ra ở trong nước, và ở cả những nơi ngoài Việt Nam như một tấm bảng viết bằng tiếng Việt treo bên ngoài một tiệm ăn ở Bangkok. Tiệm Thái Lan này nói rõ ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, ăn không hết sẽ bị phạt. Khoản tiền phạt được ghi rõ là baht, tiền Thái. Tấm bảng viết bằng tiếng Việt thì rõ ràng là nhắm vào người Việt.
Có tiền mua vé đi chơi Thái Lan nhưng vẫn còn thô lỗ, bất lịch sự như vậy, đâu phải là những thành phần nghèo khổ, quê mùa, bần cố nông đâu để mà đổ cho đó là những người thiếu may mắn trong xã hội ngày nay.

Bọn vô học, thiếu văn hóa, là sản phẩm của cái xã hội đốn mạt của Cộng sản thì làm sao Tràng An, Thăng Long còn thanh lịch được nữa!