March 26, 2016

March 25, 2016

TIÊN HỌC CÁI... CỦ GÌ?

Trong thời buổi này mà còn lôi "Nhị Thập Tứ Hiếu" của Lý Văn Phức ra để dậy và bắt các học sinh phải học và làm theo thì nhất định là không còn thích hợp nữa. Ấy là chưa nói tới một số những tấm gương đẹp ấy còn có thể bị hiểu là những trường hợp bạo hành, ngược đãi, gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ là khác. Một số chuyện thì thấy có vẻ hề hơn là gương đạo đức. Như chuyện ông lão Lai nhẩy múa cho cha mẹ giải trí chẳng hạn. Thêm nữa, có cha mẹ nào nỡ để con ngồi cho muỗi cắn để muỗi tha cho cha mẹ, hay để cho con nằm trên băng đá để bắt cá cho mình ăn? Vậy thì đọc "Nhị Thập Tứ Hiếu" để giải trí, đọc cho biết là đúng nhất.
Nhưng "Gia Huấn Ca" của Nguyễn Trãi thì vẫn có thể đem ra dậy cho tuổi trẻ và đáng để cho tuổi trẻ noi theo. Phần lớn những điều dậy của Nguyễn Trãi dành cho nam cũng như nữ vẫn còn nguyên giá trị như khi Nguyễn Trãi đặt bút viết xuống hồi thế kỷ XV. Đó là những lời giáo huấn, răn dậy cho con trai, con gái lúc còn ở nhà với cha mẹ cho đến lúc trưởng thành, có vợ, có chồng, có con cái, những cách cư xử với vợ, với chồng, với các con... Những bài gia huấn viết bằng song thất lục bát ấy ngày nay vẫn có thể là những bài học hay và tốt đẹp cho tuổi trẻ.
Ở các lớp bậc tiểu học, ít nhất là trong những năm 1950 của tôi, trong số những bài học ở trường, có bài đức dục. Chúng tôi được dậy cách cư xử với anh em, bạn bè trong lớp, bổn phận đối với cha mẹ, ông bà ở nhà, thầy cô giáo ở trường, gặp người lớn phải thưa gửi, cung kính, thấy đám ma ngoài đường phải đứng lại, im lặng cúi đầu...
Ngày nay ở các trường học trong nước không dậy những điều như thế nữa. Nghe cách ăn nói xem cách cư xử, hành động của những thành phần được đặt cho một cái tên (khá mới đối với những người không ở Việt Nam đã lâu) là "trẻ trâu" hay "sửu nhi" thì người ta tin chắc là như thế.
Nhiều vụ xung đột có đánh nhau dữ dội xẩy ra trong lớp, ngoài sân, cổng trường hay trên đường đi học. Những vụ như thế thường diễn ra giữa các thanh thiếu niên tuổi trạc từ 11, 12 tới 15, 17. Đa số đều ăn mặc sạch sẽ, một số còn thắt khăn quàng đỏ, giầy dép cũng rất kiểu cọ. Nhưng bọn chúng đánh nhau cũng rất dữ dội. Đấm, đạp, đá vào mặt, vào bụng, vào lưng, lên gối, túm, giật tóc, dùng giầy dép quật vào mặt, vào đầu... Những đòn hay nhất của Thai boxing đều được đem ra dùng rất hào hứng và ngoạn mục.
Không chỉ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mà thường chúng rất thích đánh hội đồng, có khi hai ba đứa đánh một, có khi là năm hay bẩy đứa đánh một như cảnh tố khổ thời cải cách ruộng đất, vừa đánh vừa chửi, dùng những thứ ngôn từ tục tĩu nhất, những câu chửi mà thường chỉ phát ra từ miệng của những người đàn ông hay lũ nam sinh vô giáo dục để xúc phạm tối đa mẹ của đối phương.
Mới đây có hai video clip (mà nhiều người trong nước gọi là "líp" hay "cơ líp") thu cảnh hai trận giao chiến giữa hai toán nữ sinh của hai trường trung học ở Huế là trường Trần Phú và Bùi Thị Xuân. Tất cả đều là nữ sinh võ nghệ cao cường và ra toàn những đòn ác liệt nhất. Phải nói thêm một chi tiết nữa ở đây, đó là tuy hai trận đấu đều diễn ra ở Huế, nhưng nghe kỹ những câu chửi thề thì người ta thấy ngay không phải là giọng của sông Hương và núi Ngự, mà là giọng tục tĩu và thô bỉ nhất của miền Bắc. Chao ôi, cái giọng Bắc của tôi sau khi bị làm xấu đi vì bị pha với những giọng của vài ba miền khác thì nay lại được đưa tới những vùng khác của đất nước với những nét thô tục, khốn nạn và mất dậy nhất.
Vì những nét rất dã man của cả hai vụ đánh nhau nên những báo trong nước đều tường thuật kỹ và các giới chức giáo dục cũng vào cuộc để có biện pháp kỷ luật. Nhưng đáng ghi nhận nhất ở đây là những nhận xét của cô hiệu trưởng Phạm thị Ngọc Tâm trường Bùi Thị Xuân về vụ các học sinh của trường đánh nhau. Sau vài lời như để trốn trách nhiệm cho trường như đại khái chuyện đánh nhau diễn ra ở ngoài khuôn viên của trường và sau giờ học, cô hiệu trưởng còn đưa ra thêm nhận định nguyên văn như thế này: "Đây là tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì các em không bao giờ năng động được."
Như thế, theo lời của cô hiệu trưởng, người có nhiệm vụ dậy dỗ các em, thì các em cần phải đánh nhau đều đều. Càng đánh nhau nhiều thì càng tốt. Không đánh nhau là không tốt. Các em đang tuổi lớn. Phải đánh nhau mới phát triển được, mới năng động được, mới trở thành những người khá trong xã hội được, mới nên người, mới hữu ích cho mai sau được.
Thì ra vậy. Nhưng các em không chỉ đánh nhau thôi, mà ngay cả thầy cô nếu lạng quạng, các em cũng ra tay, ngay ở trong lớp, trên bục giảng như một video clip thu được cách đây không lâu tại trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định. Một giáo sư trẻ tên là Trần Anh Tuấn 23 tuổi dậy môn hóa học đã nặng tay với một nam sinh bằng mấy cái tát. Lập tức, một nam sinh khác liền chạy lên bục và tấn công ông giáo sư trẻ đó bằng mấy đòn rất nặng. Nội vụ diễn ra ở ngay trong lớp trước tấm bảng xanh và dưới một khẩu hiệu nhắc nhở các học sinh bằng hàng chữ lớn mà video clip cũng ghi lại được rất rõ: "HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH".
"Nhị Thập Tứ Hiếu" của Lý Văn Phức và luôn cả "Gia Huấn Ca" của Nguyễn Trãi là... cút xéo, là đi chỗ khác chơi cho được việc.
Đạo đức của Hồ Chí Minh mới đáng học tập và làm theo ở trong lớp cũng như ngoài đời! Bác đã dậy, cô đã bảo mà!

Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay! Tiên phải học lấy tất cả những trò mất dậy và khốn nạn nhất. Còn hậu học cái... củ gì thì có gì quan trọng đâu.

March 19, 2016

March 18, 2016

 MỘT ĐÒN NHU ĐẠO
Một buổi tối sau một ngày làm việc với rất nhiều "sì trét" như lối nói nghe thấy rất nhiều ở trong nước ngày nay, tôi đi ăn ở một tiệm ăn quen. Tiệm lúc ấy đang đông khách, tôi và người bạn được đưa tới ngồi ở một bàn gần góc tiệm. Nhưng vừa kéo ghế ngồi xuống thì tôi đã thấy ngay là không ổn, bữa tối có nhiều phần sẽ không yên lành. Cách bàn của chúng tôi một bàn khác có 5 hay 7 khách người lớn và thêm vào đó là 3 thiếu niên. Những thiếu niên này chừng 8 hay 9 tuổi, rất ồn ào. Chuyện ồn ào là chuyện rất thường trong các tiệm ăn mà những thành phần gây ồn ào lại không phải là các thiếu niên như trong tiệm ăn tối hôm ấy. Thường là những người lớn. Không hiểu những người này tại sao không biết điều chỉnh cái volume to nhỏ của họ như trong các máy khuyếch âm. Lúc nào những cái ampli ấy cũng được mở to hết cỡ như những chương trình tiếp vận cải lương hồi trước hào phóng cho cả xóm nghe. Trong những lần được nghe chuyện miễn phí như thế, nhiều người trong chúng ta thường chỉ biết cố gắng chịu đựng cho qua cơn... cơ cực, ăn cho nhanh rồi về nhà đau khổ tiếp. Quyền của chúng ta, quyền được bình an cho xong bữa ăn như ông Trời cũng tránh không ra đòn trong lúc đang dùng bữa.
Ông Trời đã nương tay với chúng ta biết bao nhiêu lần trong khi nhiều, rất nhiều, người khác chung quanh chúng ta thì lại không nhẹ nhàng với chúng ta bao giờ cả.
Người lớn nhiều người như vậy đó. Còn 3 đứa trẻ trong tiệm ăn hôm ấy cũng không một chút nhẹ tay với đám khách chút nào. Ba đứa gồm 2 trai và một gái, không phải chỉ to tiếng cười đùa la thét, mà còn nhẩy lên nhẩy xuống, coi góc tiệm như chỗ chơi đùa của chúng. Tôi quay sang ngó những người lớn ngồi ở bàn. Chắc họ cũng thấy khuôn mặt khó chịu của tôi mà tôi phải tập luyện nhiều năm mới có được. Tôi nhìn họ. Họ nhìn tôi. Như thế là có "eye contact", không có ai né ai hết. Lũ trẻ vẫn tự nhiên đùa nghịch như ở nhà của chúng. Chúng tôi đọc menu và gọi mấy món cho bữa tối. Lũ trẻ thì vẫn "business as usual", vẫn bình thản ồn ào. Tôi nghĩ chắc những người lớn dùng bữa cũng sắp xong nên cố chịu đựng thêm ít phút nữa, cả bàn sẽ ra về, và "bình an dưới thế" sẽ đến với "người thiện tâm".
Nhưng khi nhà hàng đem thức ăn đến bàn chúng tôi thì "bình an dưới thế" vẫn chưa chịu đến. Chúng tôi bắt đầu ăn. Tiếng la hét, tiếng cười nói rất lớn vẫn làm xao động cả một góc tiệm ăn. Tôi và người bạn muốn nói với nhau vài ba chuyện mà cũng không được. Tiếng ba đứa bé vẫn ào ào lấn sang, át giọng chúng tôi. Chúng vẫn nhẩy lên nhẩy xuống như đang ở nhà hay đang ở sân chơi. Ngồi chịu đựng thêm một lúc thì tôi thấy sự chịu đựng của tôi cũng chỉ có hạn. Tôi quyết định phải làm một cài gì thay vì "suffer in silence" như các nhà quí phái Ăng Lê, để "carry on", đau đớn chịu đựng để và chịu trận một cách theo kiểu các "British gentlemen". Tôi muốn cứu vãn bữa ăn tối của chúng tôi, không thể ngồi tiếp để "keep calm and have a cup of tea" như tôi đã học được của người Anh mấy chục năm trước. Tôi không thể có một "cuppa" để chịu đau khổ (suffer in silence) trong im lặng được. Sức người có hạn.
Tôi đứng dậy, bước tới bàn của mấy thiếu niên nọ, và nói (hơi lớn một chút): "Hey kids! Be quiet will you?"
Lũ trẻ im ngay. Cả một góc tiệm không còn một tiếng động nào. Tôi trở lại bàn và tiếp tục bữa tối.
"Bình an dưới thế" đã đến với "người thiện tâm (?)". Khoảng ít phút sau, tôi thấy những người khách ở bàn đó ra về. Tôi biết cả bàn đi ngang qua bàn chúng tôi. Tự nhiên tôi tưởng tượng những người ấy có thể ghé lại bàn của chúng tôi và... cho tôi một trận. Có thể lắm chứ. Họ có thể rất bực bội về chuyện tôi to tiếng với mấy đứa nhỏ. Họ thấy bị xúc phạm khi tôi lớn tiếng la mắng, dậy dỗ con của họ, việc mà họ nghĩ chỉ có họ mới có quyền làm. Họ đi qua bàn chúng tôi ngồi, ra quầy trả tiền. Tôi nghĩ như thế là xong chuyện. Không có gì rắc rối như tôi đã nghĩ. Như thế là xong một bữa tối. Tôi nói lên được sự bực bội của tôi. Gia đình của mấy đứa bé bị tôi... cho một trận đáng đời. Tưởng như thế là hết chuyện.
Nhưng bỗng một người đàn ông tuổi trạc ngoài bốn mươi tiến đến bàn chúng tôi. Ông chào tôi, gọi tôi bằng "chú", xin lỗi về chuyện ồn ào của mấy đứa nhỏ làm phiền tôi trong bữa ăn. Tôi cầm tay, vỗ vai ông nói với ông là không có chi. Tôi xin lỗi đã  (hơi) lớn tiếng với lũ nhỏ trước mặt ông. Tôi nghĩ đáng lẽ ông đã gây sự với tôi, cự nự việc tôi la mắng các con của ông. Nếu thế, chắc chắn tôi đã phải đôi ba lời phải quấy với ông. Nhưng việc đó bỗng trở thành không cần thiết. Tôi thấy hơi ngượng trước mấy câu nói của ông. Chúng tôi ngồi ăn tiếp mặc dù tôi bắt đầu thấy tiếc về sự to tiếng của tôi. Đúng lúc ấy thì một người đàn ông khác, cũng từ cái bàn ấy đến bàn của chúng tôi và cũng nói đôi ba lời giống hệt như người đàn ông trước đó. Và tôi cũng đứng dậy, nói với ông là tôi tiếc là đã (hơi) lớn tiếng với mấy đứa nhỏ.
Tôi ngồi xuống tiếp tục bữa tối, lòng nhẹ nhàng hẳn. Những người trong cái bàn ấy đi về. Những bực bội tan biến hết. Bữa tối bình yên trở lại cho "người thiện tâm".
Ít phút sau, ông chủ nhà hàng lại bàn chúng tôi và cho biết những người khách đó đã "mời" chúng tôi và đã trả tiền cho bữa tối của chúng tôi!
Tôi thấy nghẹn ở cổ. Những lời xin lỗi của hai người đàn ông ấy đã quá đủ, đã làm cho người đàn ông đáng tuổi cha chú của hai ông ân hận biết bao nhiêu về cái thái độ to tiếng đó. Hai ông không cần phải giáng thêm một đòn khác mà người đàn ông này không cách chi đỡ được.
Trong nhu đạo, tôi là người ra đòn. Đối phương đã không trả đòn, chỉ né nên đòn của tôi chỉ đánh vào thinh không. Một bàn tay làm sao vỗ thành tiếng.
Quê cùng mình và xấu hổ hết sức. Tôi không hỏi để biết tên hai ông để cám ơn hai ông. Nhu đạo là nhu thắng cương. Tôi ra đòn, hai ông dùng nhu khiến tôi thua liểng xiểng nhớ đời. Bài học thật khủng khiếp.

Thì ra vẫn còn nhiều người tử tế chung quanh chúng ta.

March 12, 2016

March 11, 2016

"NGƯỜI XƯA" của TRẦN ĐÌNH KHẢI

Đó là cuốn sách tôi chưa bao giờ có dịp cầm lên. Nó ra đời năm 1956. Mãi 60 năm sau tôi mới có nó trong tay.
Chỉ cần nhìn qua tấm bìa, tôi cũng biết ngay là nó do nhà xuất bản Tự Do (nhật báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền) ấn hành. Nó cùng có một cách trình bầy với hai mầu vàng và cam như những cuốn "Hoàng Lê Nhất Thống Chí", "Liêu Trai Chí Dị", "Trước Vành Móng Ngựa"... (cũng do Cơ Sở Báo Chí và Xuất Bản Tự Do cho ra đời) hồi những năm 50 và 60. Cuốn sách nhan đề "Người Xưa" của Trần Đình Khải, giải thưởng Văn Chương 1957.
Vậy tại sao chỉ mới gần đây tôi mới thấy nó? Lý do là khi nó ra đời thì tôi còn quá nhỏ, và khi lớn thêm vài ba tuổi thì nó đã tuyệt bản.
Theo chỗ tôi biết, hiện nay ở Mỹ chắc chỉ có hai cuốn: một của gia đình tác giả và một cuốn khác gia đình tác giả mới mua được qua craig list cách đây không lâu.
Gia đình tác giả giữ được một cuốn thì cũng dễ hiểu. Bỏ nước ra đi, người ta có thể bỏ lại nhiều thứ trong lúc hốt hoảng, nhưng cuốn sách của người cha viết, món quà còn để lại cho con cháu, thì không thể bỏ lại. Cuốn mua lại được qua craig list thì thân thế của nó chắc ly kì hơn nhiều. Biết đâu nó lại chẳng từ trong tủ sách của một sinh viên du học được gia đình từ Việt Nam gửi sang cho đọc trong những năm xa nhà như chính tôi cũng đã nhận được những cuốn sách như thế hồi đó. Những cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Nhật Tiến... mà tôi có hồi ấy và nay lưu lạc đi những đâu, qua tay những ai, đang nằm trong một tủ sách nào, tôi không thể tưởng tượng, hay nhớ ra nổi.
Cuốn "Người Xưa" của Trần Đình Khải chắc cũng có một cuộc đời truân chuyên không kém. Người cuối cùng có nó quyết định không giữ nó nữa. Nhưng thay vì để cho nó giã từ thế giới này ở một hố rác, một cái landfill nào đó đang càng ngày càng đầy và càng khó kiếm, ông (hay bà) quyết định đem bán trên craig list. Việc đem bán nó trên craig list là một việc làm rất đáng quí. Quăng nó đi thì dễ quá. Nhưng đem bán nó, ông/bà đã cho cuốn sách đó một đời sống mới.
Trần Đình Khải, cụ Khải, là một nhà giáo. Tôi nghĩ cụ là một người rất cô đơn. Cụ làm một công việc rất một mình. Như Nguyễn Đình Chiểu "trước đèn đọc truyện Tây Minh". Chắc chắn khi cụ ngồi viết cuốn "Người Xưa", cụ không có ai để tâm sự. Những người con của cụ còn quá nhỏ. Người bạn đời thì còn bận tay bao nhiêu là chuyện khác trong đời sống hàng ngày. Bên đèn một bóng, tác giả viết cho những người khác thì đúng hơn.
Khi viết cuốn "Người Xưa" chắc cụ ngẫm nghĩ nhiều về câu của Khổng Tử trong sách Luận Ngữ : "Ôn cố nhi tri tân".
Nhắc lại chuyện cũ để biết những chuyện mới. Chuyện cũ không phải là những chuyện không còn giá trị nữa, chỉ đáng quăng đi, bỏ đi, mà trái lại vẫn còn nguyên giá trị tuy đã cũ, nhưng những chuyện đó vẫn còn có thể cho chúng ta những bài học quí giá về kinh nghiệm, về cách ứng xử của người xưa mà trong rất nhiều trường hợp, người viết, cụ Khải, muốn truyền lại những chuyện ấy lại cho các thế hệ không còn có được khả năng đọc trực tiếp từ nguyên bản, đó là chưa nói những chuyện ấy lại rải rác trong rất nhiều cổ thư mà không bao nhiêu người may mắn có được trong tay.
Tác giả chắc chắn phải là người đã hiếm hoi khó kiếm được (những người thông thạo chữ Hán) khi bắt đầu sự nghiệp tác thuật của cụ. Đó là đầu thập niên 40 khi cụ cho xuất bản ba tác phẩm "Những Người Đi Ngược Dòng" (1941), "Lã Thị Xuân Thu" (1942), "Phương Pháp Học Chữ Hán" (1943). Tất cả nay đã đều tuyệt bản.
Cuốn "Người Xưa" là một tác phẩm gồm một số được xếp vào loại bình dịch. Người viết đem những câu truyện cổ của Trung Hoa ra dịch sang Việt ngữ rồi bàn thêm cho những câu truyện ấy. Một số bài khác là những bài khảo luận. Ngoại trừ một bài đưa ra một cái nhìn, một cách phê phán mới về một nhân vật trong Kiều của Nguyễn Du, còn tất cả những bài mà tác giả Trần Đình Khải đều lấy từ những túi khôn của Trung Hoa.
Tác giả sưu tầm một số truyện của Tư Mã Thiên, Chiến Quốc Sách, Tả Khâu Văn, Đông Lai Bác Nghị tả truyện...
Tất cả đều được chú thích khá rõ. Phần bình luận gần như tất cả đều là của Trần Đình Khải. Thêm vào đó là vài ba bài bình luận của Đông Lai Tiên Sinh cũng được dịch và chú thích kỹ.
Trong Thiên 7, thiên "Thuật Nhi" của "Luận Ngữ", Khổng Tử nói với học trò rằng ngài chỉ làm công việc kể lại những điều đạo lý mà ngài nghe được rồi truyền lại cho các môn sinh chứ ngài thì không sáng tác ra điều gì cả (thuật nhi bất tác). Những điều mà ngài dậy cho học trò, theo ngài, đều là những điều người xưa để lại. Câu nói của ngài vừa đúng như thuyết chính danh mà ngài xướng xuất, lại vừa khiêm tốn. Thế nên chắc cũng sẽ có người không hoàn toàn đồng ý với hai chữ "tác giả" mà tôi (có một chút ngại ngần) đặt trước tên của cụ Khải. Rõ ràng là cụ không sáng tác. Cụ chỉ đem những truyện cũ dịch từ nguyên bản sang tiếng Việt và đưa thêm vào những lời bình của cụ. Đó là những đóng góp của cụ. Nhưng chính vì những đóng góp đó, phần bình chú của cụ, mà tôi thấy không cần phải ngại ngần khi coi cụ là tác giả của cuốn "Người Xưa" mà tôi đang có trong tay.
Cuốn sách mở ra, đưa người đọc vào những không gian tưởng như đã hoàn toàn biến mất và không bao giờ còn nữa, thứ không gian như khi đọc "Vang Bóng Một Thời" của Nguyễn Tuân, khi đọc "Cổ Học Tinh Hoa" của Nguyễn Văn Ngọc, khi đọc "Thuật Xử Thế Của Người Đời Xưa" của Nguyễn Duy Cần...
Mỗi truyện là mỗi kinh nghiệm của người xưa được tác giả kéo lại gần hơn cho người đọc. Những cách ứng xử đang càng ngày càng ít gặp trong thế giới đang trải qua những đổi thay đầy những biến động của ngày nay. Những cách ứng xử ấy có thể không còn thích hợp cho thế giới hiện đại nữa nhưng chúng lại mở ra cho thấy các vấn đề của xã hội và lịch sử, đạo đức và triết lý được người xưa giải quyết như thế nào. Ôn lại chuyện cũ cũng là cách để biết những chuyện mới. Những chuyện trong "Cổ Học Tinh Hoa" cũng đi kèm những lời bình nhưng không chi tiết bằng những lời bình của "Người Xưa". Phần bình dịch có 20 bài; phần khảo luận có 4 bài. Phần lời bình có một vài trường hợp còn dài hơn cả chính truyện vì thế, lời bình đào được sâu hơn so với phần bình của "Cổ Học Tinh Hoa". Đây là một cuốn sách nên đọc một cách từ từ cho đủ thời gian ngấm như lời khuyên của Nguyễn Hiến Lê khi đọc những loại sách như cuốn "Người Xưa".
Tôi nghĩ cuốn sách tuyệt bản này cần phải được in lại để những điều tác giả viết xuống truyền đạt lại cho hậu thế không còn ngủ yên trong những trang giấy cũ đang sắp sửa mục nát theo thời gian.
"Di tử kim mãn doanh bất như giáo nhất kinh": để lại cho con một thùng đầy vàng không bằng dậy cho con một cuốn sách.
Xin mạn phép sửa một chữ để thành "di tử kim mãn doanh bất như "trứ" nhất kinh" nghĩa là để lại cho con một thùng vàng không bằng viết một cuốn sách để lại cho con.

Mong cuốn sách của cụ sớm được gia đình cho in lại ở nước Mỹ. 

March 8, 2016

March 4, 2016

LẠI TIẾNG VIỆT Ở HẢI NGOẠI

Tờ Herald Sun, một nhật báo ở Melbourne, trong số phát hành đề ngày 22 tháng 2 vừa qua cho biết trên các chuyến xe điện chạy giữa các trạm Victoria Gardens và St Kilda tức là trên tuyến 12, và tuyến 109 chạy giữa ga Box Hill và Port Melbourne, kể từ tuần trước, tiếng Việt đã được dùng trong các thông báo gắn trên các toa xe. Tuyến đường này chạy ngang qua khu Abbotsford, một khu có đông đảo người Việt sinh sống mà theo một tài liệu, thì cứ 10 người dân sinh sống ở đó thì có 1 người Việt. Đây là một tỉ số rất lớn.
Phải như bản tin này được đọc thấy trên báo trước năm 1975 khi chúng tôi còn đang du học ở Úc, Tân Tây Lan thèm nói, thèm đọc tiếng Việt, thèm nghe tiếng Việt, thèm gặp người Việt, thuở xa quê hương nhớ mẹ hiền... thì chúng tôi đã mừng vui biết là bao. Nhưng hôm nay, đọc bản tin này tôi giật bắn mình lên, vừa hoảng hốt, vừa lo sợ. Tôi nghĩ đến những tấm bảng viết bằng tiếng Việt ở Thái, ở Đài Loan, Hàn quốc, ở Nhật... với nội dung mang đầy nét nhục mạ người Việt. Nhẹ thì nhắc khi ăn buffet đừng lấy quá nhiều, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, đừng xả rác, khạc nhổ, nặng thì cảnh cáo máy thu hình chống trộm cắp đang hoạt động, tội ăn cắp sẽ bị nghiêm trị. Nặng hơn nữa thì nói thẳng người Việt hay ăn cắp trong siêu thị như tại một cửa tiệm ở Đài Loan. Tất cả đều được viết bằng tiếng Việt, bằng thứ chữ (quốc ngữ) do cố Alexandre de Rhodes góp công sáng chế và được các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà... nâng niu gìn giữ.
Chao ơi là thảm thương cho cái tiếng Việt, "chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà đều phải học, miệng thì đọc, tai thì nghe..." Cái tiếng Việt mà các cảnh sát viên Nhật ở thị trấn Yoshikawa và Saitama phải phái người sang tận Việt Nam để học, nhưng không phải là để đọc và thưởng thức văn chương của Đoàn thị Điểm, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Vịnh, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng... mà là để thông dịch trong những cuộc điều tra những vụ trộm cắp mà những người Việt chiếm đa số những vụ phạm pháp ở Nhật hiện nay. Theo báo chí, trong số  1197 vụ trộm cắp ở Nhật trong năm qua thì có 814 là do người Việt phạm phải, tức là 68%.
Hỡi ơi, hình ảnh tốt đẹp mà các cụ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Cường Để... trong phong trào Đông du trước đây, rồi mấy thế hệ du học sinh Việt Nam tạo được trong lòng người dân Nhật trong những năm 50, 60 và 70 đã trở nên tồi tệ như vậy rồi sao?
Tôi hốt hoảng và lo sợ, nghĩ là những tấm bảng trên những toa xe điện ở Melbourne nội dung cũng như những tấm bảng ở Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan... thì đau biết là bao nhiêu.
Tưởng tượng trên những toa xe điện, xe bus ấy xuất hiện những tấm bảng song ngữ Anh Việt nhắc nhở các hành khách một số chuyện mà người ta không thấy ở một ngôn ngữ nào khác thì chúng ta thấy thế nào? Không bằng tiếng Tây Ban Nha, không bằng tiếng Hàn, không bằng tiếng Nhật, không bằng tiếng Hoa... tất cả đều là những tiếng được rất nhiều người sử dụng. 
Đó là những câu tiếng Việt như thế nào?
Những câu hỏi thăm đường tôi viết cho mẹ tôi hồi năm 1976 trong những tấm flashcards để mỗi khi ra đường ở Canada khỏi phải nói tiếng Anh bằng phương pháp... Trần Ra Hiệu?
Hay là những tấm bảng nội dung làm tởn hồn cả những người lăn lộn khắp ngang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn năm xưa?
Thí dụ đừng xả rác, đừng khạc nhổ, đừng phóng uế, đừng nói to, đừng nói chuyện về Việt Nam kiếm mối đem bạch phiến trở lại Úc kiếm tí tiền du lịch, buôn bán ma túy để đầu độc thanh niên Úc trả ơn cho quốc gia này đã cưu mang những người đến Úc tị nạn... biết bao nhiêu điều có thể viết trên những tấm bảng gắn trên những tấm biển gắn trên những toa xe điện và xe bus ở Melbourne.
Ở khu town house tôi ở có một tấm bảng viết bằng tiếng Việt cảnh cáo đừng đem những chiếc shopping carts vào trong khu. Đọc những dòng chữ Viêt đó là thấy máu sôi lên. Tại sao không là những dòng chữ viết bằng tiếng Tây Ban Nha mà phải bằng "tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi "?
Tôi chưa đọc được những tấm bảng trên những toa xe điện ở Melbourne nhưng vẫn mong nội dung của nó chỉ là để chỉ đường, lên xuống các ga, ấm ớ như mấy câu tôi viết cho mẹ tôi ở Toronto hồi mấy chục năm trước.
Chứ nếu không thì,,, đau lòng cò con lắm!

CHẾT / QUA ĐỜI / QUÁ VÃNG / MẤT...

Tối thứ tư (2/3/2016) rạng ngày thứ năm khoảng gần 2 giờ sáng tôi còn thức, đang ngồi một mình với một chai Châteauneuf du Pape, không biết làm gì, bèn mở e-mail ra, thì đọc được lời nhắn của một người bạn vỏn vẹn mấy chữ : "NNBích chết rồi, trên chuyến bay đi Manila."
Chỉ có thế. Phải đợi tới hôm sau tôi mới có được những chi tiết khác về sự ra đi của Bích.
Tôi hơi ngạc nhiên nghĩ tại sao người nhắn lại cộc lốc thế. Một cái tin về một người mà cả hai chúng tôi đều rất thân và yêu mến, mà chỉ mấy chữ như vậy thôi sao. Ít ra thì cũng vài ba chi tiết khác cho cái tin khủng khiếp và quá đột ngột ấy nhẹ đi phần nào chứ. Chẳng hạn cũng phải cho biết nguyên do làm Bích qua đời, bên cạnh có ai không, sự ra đi có yên lành, thanh thản, nhẹ nhàng không... Nhưng thực ra, điều làm cho tôi "sốc" nhiều hơn hết, là chữ "chết" trong cái tin nhắn. Tôi nghĩ chữ "chết" nặng quá, vô tình quá, lạnh nhạt, dữ dội quá. Tại sao lại không là một chữ khác? Không là những chữ dành cho vua chúa ngày trước như "thăng hà" hay "băng hà" đã đành. Nhưng thiếu gì những cách nói, những chữ khác hơn là chữ "chết" để có thể dùng cho sự ra đi của một người mà chúng tôi rất thân như Nguyễn Ngọc Bích, một người chúng tôi yêu quí từ gần nửa thế kỷ nay?
Tại sao không là "mãn phần", "ra đi", "quá vãng"...và hàng chục chữ khác để nói về chuyện Bích không còn ở với chúng tôi nữa. Nhưng khi tôi thử dùng những chữ ấy thay thế cho chữ "chết" trong câu nhắn qua e-mail của bạn tôi để thông báo về chuyện Bích không còn ở với chúng tôi nữa thì tôi thấy... "không được" như cách nói của Mai Thảo khi ông còn sống.
Đúng vậy, không thể dùng những chữ nghĩa lạnh tanh đó để nói về sự vắng mặt rồi sẽ là mãi mãi của Nguyễn Ngọc Bích.
Người đàn ông luôn luôn với với một nụ cười, một ánh mắt lạc quan suốt bằng ấy năm mà tôi biết ông, từ năm 1972 cho đến nay, ở Sài Gòn rồi qua Virginia, và cuối cùng trong những năm một người ở Virginia, một người ở California... lúc nào cũng nhiệt tình, trẻ trung, vui vẻ như hồi còn ở Princeton, Columbia, Georgetown, George Mason... nơi chàng đi học trong những năm 50, 60, 70.
Nói Nguyễn Ngọc Bích "quá vãng"... "mãn phần "... nghe không ổn chút nào. Nghe không... thân tình chút nào. Ai lại nói Bích "quá vãng" trên máy bay. Cũng không ai nói Bích "qua đời" trên chuyến bay đi Manila. Nghe không được. Đó là những sự ra đi hình như không nhanh chóng. Sự từ giã không nhanh chóng và thanh thản, nhẹ nhàng như sự ra đi của Bích, bạn tôi.
Lẩm nhẩm đọc lại e-mail của người bạn trong internet bỗng nhiên tôi thấy chính bạn tôi mới đúng khi dùng chữ "chết" trong thông báo về Bích. Lời nhắn ngắn ngủi và hơi cộc lốc của chàng mới hay nhất và đúng nhất, đúng với tâm trạng của chúng tôi trước sự ra đi vĩnh viễn của Bích.
Phải thân lắm, phải gần gũi lắm mới dùng chữ ấy.
Nguyên Sa, một người không thiếu gì chữ nghĩa, trong một bài thơ viết nhân đám tang của một người bạn mà tôi nghĩ là rất thân của ông, Nguyễn Duy Diễn, đã mở đầu như thế này :
Diễn đã chết, Diễn đã chết
Chúng tôi nhẩy múa hò reo...

(Đám tang Nguyễn Duy Diễn)
Vậy thì lạnh nhạt, vô tình... ở chỗ nào? Phải thân tình, gần gũi... lắm đấy chứ!
Bỗng tôi chợt nhớ chính tôi cũng đã có vài ba lần chữ nghĩa như thế. Có một vài lần tôi hỏi ông chú tôi về ông bà nội của tôi, hai bà cô, hai ông chú của tôi, những người không còn ở với chúng tôi nữa, tôi luôn luôn dùng chữ "mất". Thí dụ "ông mất hồi ấy chú mấy tuổi?"... Tôi không dùng những chữ như "qua đời", "thất lộc", "quá vãng"... những chữ nghe sách vở, không gần gũi, thân mật, gia đình chút nào. Chữ tôi dùng trong những câu hỏi là chữ "mất", nghe có sự kính trọng ở trong, nhưng thân tình và gần gũi thì không có. Những người ấy đều đã ra đi từ lâu, tôi không biết gì về "họ" cả. Vẫn có những xa cách mà tôi thì không làm sao cho gần gũi hơn được.
Nhưng khi ông bà cụ của tôi qua đời, thì khi ngồi nhớ lại, tôi thấy sau những xúc động ban đầu, tôi đã nói về cái chết của hai ngưòi một cách rất bình thản và tự nhiên. Không phải chữ nghĩa cao siêu, văn học nghệ thuật, sách vở... gì hết.
Này đây là Đinh Hùng:
Khi anh chết các em về đây nhé...
Vậy thì cứ thoải mái nói Nguyễn Ngọc Bích đã chết. Nhưng lòng thương mến dành cho người bạn này thì to lớn vô cùng,
Bích đã chết. Bích ơi là Bích!

Tôi nhớ và tiếc bạn.