August 29, 2013

August 30, 2013

Ngày 28 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Một tờ báo trong nước, tờ Kiến Thức trong số đề ngày 27 tháng 8 cho biết theo thống kê của Cục Kiểm Tra Văn Bản Qui Phạm Pháp Luật thì trong thời gian 10 năm qua, từ năm 2003 đến 2013, có khoảng 50 ngàn văn bản sai trái đã được "xử lý" ở các mức độ khác nhau.
Nói cách khác, đã có 50 ngàn thứ luật lệ, qui định bị dẹp bỏ vì bị coi là bố lếu bố láo, bị dân chúng phản đối, thẳng tay đòi thu hồi, vô hiệu hóa.
50 ngàn là một con số không nhỏ. Chia đều cho 10 năm thì mỗi năm có khoảng 5 ngàn , và như vậy thì mỗi ngày có hơn 13 văn bản luật pháp hay qui định bị dẹp bỏ, không còn được áp dụng nữa sau khi ban hành.
Luật lệ gì mà quái đản như vậy! Nay ban hành, mai thu hồi, dân chúng ai biết đâu mà lần. Thiếu gì cảnh công an cảnh sát đem những thứ luật nhảm nhí đó ra làm khó người dân để ngay sau đó lại phải hủy những biện pháp vừa được áp dụng để tạo khó khăn cho đời sống người dân.
Mới đây nhất, hai bộ trong chính phủ lại lôi một đề nghị từng bị dẹp cách đây không lâu ra để thảo luận trở lại. Chuyện thảo luận chưa đi đến đâu thì tin tức lộ ra ngoài, tin thì nói đó là ý kiến của bộ Y Tế, tin thì nói đó là việc của bộ Giao Thông Vận Tải, thế là đồng đổ bóng, bóng đổ đồng bên nọ chối, bên kia né, không bên nào nhận là đã đưa ra đề nghị quái đản về chuyện lái xe gắn máy. Đại khái theo những đề nghị này thì muốn được cấp bằng lái xe gắn máy 50cc, thì ứng viên phải cao hơn 1m45, nặng hơn 40 kg , và ngực phải đo được hơn 72cm.
Thực ra, năm 2008, bộ Y Tế đã đưa ra Quyết Định số 33 với những điều kiện như vừa kể nhưng sau đó, văn bản này đã bị thu hồi thì nay lại được lôi ra thảo luận.
Theo những giải thích của bộ Y Tế thì những đòi hỏi đó được đưa ra để bảo đảm là người sử dụng các loại xe này có đủ sức khỏe để điều khiển xe. Người sử dụng phải có tay chân đủ sức để bóp embrayage, điều khiển tay gas, chân phải đủ sức để sang số và đạp thắng. Nếu không đủ sức để sử dụng các bộ phận kể trên của xe thì có thể dễ gây tai nạn. Điều đó có thể đúng. Nhưng đưa thêm qui định về vòng ngực thì có thể là vô lý. Vòng ngực 72 cm không hề bảo đảm cho sức mạnh của bàn tay và cánh tay.
Những chiếc velo solex máy đặt ở phía trước không bao giờ đòi hỏi người sử dụng nó phải có bộ ngực đo được bao nhiêu centimét mà có bao giờ loại xe này gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng đâu.
Rõ ràng việc đề ra những quy định này chỉ là việc làm của một bọn vô công rồi nghề, bịa ra những chuyện ngu xuẩn vớ vẩn cho có chuyện để làm rồi sau đó lại thu hồi nhũng thứ luật lệ quái đản đó mà thôi.
Muốn lo cho sức khỏe của người dân, muốn tránh những thảm họa cho người tiêu thụ thì sao không ngăn chặn thịt thối tuồn vào thành phố, rau tươi tưới bằng các hóa chất độc hại, trái cây tẩm thuốc độc cho chóng chín?
Cấm ngực nhỏ lái xe 50cc, lại còn cấm luôn cả những người bị bệnh da liễu, vẩy nến, vẩy cá, nấm … thì còn ai được cấp bằng lái để ra đường cho các anh cảnh sát giao thông chặn lại làm tiền chôm chĩa với nhau rồi ra luật cấm chụp hình quay phim các anh cảnh sát giao thông đòi hối lộ kiếm kế sinh nhai cho được?
Chao ôi, luật với lai chẳng lệ trong cái đất nước tệ lậu ngày nay nữa?
Tưởng tượng đang lái xe lại bị các anh cảnh sát giao thông liêm chính vẫy lại hỏi đủ các thứ giấy tờ rồi lại rút cái thước ra đo bộ ngực omega của tôi, kế đến lại đòi cái … đồng hồ giữ làm kỷ niệm thì nói năng thế nào với mẹ cháu ở nhà đây!

Ngày 29 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Tại Cần Thơ đang có một cuộc triển lãm mà giấy mời ghi rõ là để ghi nhớ ngày kỷ niệm 68 năm diễn ra cuộc cách mạng tháng Tám và đồng thời cũng là ngày quốc khánh 2 tháng 9 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Cuộc triển lãm còn kéo dài cho đến hết ngày 15 tháng 12 với hàng trăm cổ vật tìm thấy được trong một con tầu đắm ở ngoài khơi Cà Mau, những bình cổ, chén bát bằng sứ nhiều món còn nguyên vẹn sau bao nhiêu năm nằm dưới đáy biển. Con tầu chở những sản phẩm gốm của thời Ung Chính nhà Thanh đang trên đường đi Âu châu thì đắm ở Cà Mau. Các hiện vật này, khoảng hơn 130 ngàn món, được tìm thấy hồi năm 1998 và tuần này được đem tới trưng bầy ở Cần Thơ.
Nguyên việc đem những cổ vật tìm thấy ở Cà Mau trưng bày tại Cần Thơ cũng đã là không thích hợp rồi. Phải là những thứ xuất xứ ở Cần Thơ trong giai đoạn lịch sử ấy, và phải là những thứ có dính dáng đến cuộc cách mạng tháng Tám và ngày 2 tháng 9 chứ.
Mấy món chai lọ, bình bát, tô chén vớt được ở vùng biển ngoài khơi Cà Mau thì liên quan gì đến cách mạng, và đến thành phố Cần Thơ ?
Mà đó lại là những món sản xuất tại Trung quốc thời nhà Thanh đang trên đường đem bán sang Âu châu.
Giải thích như thế nào về sự có mặt của mấy món đồ sứ đó trong phòng triển lãm về cuộc cách mạng tháng Tám và ngày 2 tháng 9?
Việc đưa những món cổ vật này ra trưng bầy trong phòng triển lãm là một việc làm hoàn toàn sai trái. Những cái chén bát cổ đó không có bất cứ một lý do nào để được đem ra bầy tại cuộc triển lãm kỷ niệm hai biến cố của nước Việt Nam.
Nhưng nguy hiểm hơn là việc đem trưng bầy những món cổ vật ấy chắc chắn sẽ khiến cho người xem coi chúng có những liên hệ với lịch sử Việt và ngày quốc khánh của Việt Nam.
Chúng là những cổ vật xuất xứ từ Trung quốc, lại cũng chẳng ra đời hay xuất hiện, hay được tìm thấy trong thời điểm diễn ra cuộc cách mạng tháng Tám hay nhân ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Việc có mặt của những món cổ vật của nhà Thanh chỉ có thể hợp lý nếu Việt Nam là một phần của nước Tầu. Nhưng không phải là như thế. Vậy thì sao lại đem bầy những cái tô cái chén đó tại phòng triển lãm cách mạng tháng Tám và quốc khánh Việt Nam?
Việc đem những món đồ gốm của đời nhà Thanh chỉ có thể là một việc làm tự coi quốc khánh Việt Nam, cách mạng tháng Tám là những sinh hoạt của Tầu, của nước Tầu.
Vào lúc đang diễn ra những chuyện không hay giữa Việt Nam và Tầu, và trong khi bọn thực dân xâm lăng mới đang tìm mọi cách khiêu khích, bắt nạt, lấn át, lộ rõ tham vọng xâm lấn đất đai của Việt Nam thì bọn ngu xuẩn dốt nát tổ chức cuộc triển lãm đầu Ngô mình Sở với những món cổ vật tầm bậy tầm bạ vớt từ một chiếc tầu buôn Trung quốc trên đường đi Âu châu.
Giá như chiếc tầu ấy đem bán những thứ trên tầu để lấy tiền giúp cách mạng Việt Nam thì cũng tạm hiểu được đi.
Nhưng đem những thứ vớ vẩn như vậy trưng bầy nhân kỷ niệm cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2 tháng 9 thì ngu khong để đâu cho hết ngu là vậy.
Khách đến thăm tha hồ được thấy tận mắt nước ta và nước Tầu chỉ là một. Bằng cớ rõ ràng, không chối vào đâu được rồi nhé.
Thảo nào ông Điếu Cầy chỉ cần phản đối bọn Tầu cướp đất, cướp biển là bị đem đi giam mút chỉ.
Bọn ngu xuẩn ở Cần Thơ, như vậy, chỉ kỷ niệm cuộc cách mạng tháng Tám và ngày quốc khánh của bọn Cộng sản chúng nó chứ không bao giờ là của nước Việt Nam cả.

Ngày 30 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Một tờ báo tiếng Anh ở Hán Thành, tờ Korea Times vừa tiết lộ một chuyện khá lý thú. Và nếu trò này được nhiều người bắt chước làm theo thì có thể số người chống đối sẽ không phải là con số nhiều lắm.
Trong những năm gần đây, bất cứ cái gì từ Hàn quốc tung ra đều được hưởng ứng rất kỹ. Phim ảnh, ca nhạc, thời trang Hàn quốc được đông đảo người Việt ở trong nước hết sức ưa chuộng. Vài ba ngôi sao Hàn quốc đến thăm Việt Nam đều được đón tiếp rất nồng nhiệt. Một tài tử điện ảnh nọ, theo tờ Tuổi Trẻ, trong một chuyến đi Hà Nội cách đây mấy tháng, khi vừa rời khỏi chiếc ghế ngồi tại một buổi gặp gỡ các cuồng "fan" thì lập tức cả chục người nhào đến ôm lấy cái ghế hít lấy hít để.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lúc được ái mộ nhất cũng không được dành cho những cái hít hà như thế.
Người ta bắt chước tất cả mọi thứ xuất xứ từ Đại Hàn. Có nhiều thứ bắt chước cũng đúng. Đại Hàn trong có vài chục năm đã phát triển vượt bực về nhiều mặt, và nay đã trở thành một cường quốc đáng nể về kinh tế cũng như quân sự tại vùng đông bắc Á. Bắt chước để tiến lên như Đại Hàn thì tại sao lại không?
Tờ Korea Times cách đây mấy hôm cho biết phụ nữ, và luôn cả một số đàn ông Đại Hàn đã đua nhau kéo đến các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ để nhờ các chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ giúp tạo cho họ những nụ cười và để cho những nụ cười luôn luôn đậu ở trên môi. Một đường cắt ở khóe miệng, hai ba mũi khâu là có ngay một nụ cười trên môi. Khuôn mặt sáng hẳn ra.
Trò giải phẫu này được thực hiện rất thành công đã đem lại những nét khả ái cho nhiều phụ nữ trẻ, và luôn cả rất nhiều người đàn ông.
Thế là sau những dịch vụ gọt hàm, độn cằm, cắt mí, làm cho đôi mắt biết cười, nay đến những nụ cười được tạo ra cho những khuôn mặt bí xị lúc nào cũng như ngủ chưa đã mắt, lúc nào cũng như thiếu ngủ trở thành dễ coi hơn, ở nhà cũng như lúc ra đường.
Hy vọng sẽ nhiều người Việt Nam đổ xô đi nhờ dao kéo để "em về điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười" như trong hai câu thơ của Thái Can.
Những khuôn mặt hình sự thường trực nhăn nhó khó khăn có thể sẽ dần biến đi trên những khuôn mặt quê hương (?) "đi qua nửa đời không có một ngày vui" (TCS) sẽ sáng lên một chút.
Không phải là chỉ ở trong nước, mà luôn cả ở những nơi ở ngoài nước cũng vậy. Nhất là ở nam California nơi rất đông người Việt đang sống vui vẻ hạnh phúc. Nhưng nhiều người lại rất … hình sự khi ra đường.
Hình như những người này đã tâm nguyện với mình là ra đường phải khó đăm đăm mới đúng điệu, mới hợp thời trang thì phải.
Tôi đã gặp không ít những nhan sắc ấy.
Vào ngân hàng, đẩy cái cửa , giữ lấy cánh cửa chờ người phía sau, nhưng người "đi qua đời tôi" vẫn cứ nghiêm và buồn. Tự nhiên tôi được quí nhân ấy tìm ngay cho công việc giữ cửa cho các ngài.
Lái xe đi trên đường, nhường cho xe của quí nhân đi từ parking lot tiến ra, lại một khuôn mặt không vui khác.
Đang xếp hàng chờ đến lượt mình thỉnh thoảng cũng thấy một người Việt hồn nhiên tiến vào, cắt ngang chen lên phía trước. Đi chợ, đi ăn trả tiền cũng gặp nhiều đồng hương như thế. Có thể cấu trúc của những cái mặt khiến cho những người có những khuôn mặt ấy giống như những người anh em họ xa của chúng ta khi vừa ăn một củ gừng to tổ chảng chăng?
Nhưng nay, các dao kéo Đại Hàn sẽ có thể giải quyết những trường hợp ấy để quăng đi vĩnh viễn những củ gừng cho biến luôn những nét hình sự đó cho rất nhiều người được nhờ.
Cuốn phim dựa trên một tác phẩm của Francoise Sagan, Un Certain Sourire có một câu hát rất hay: nụ cười nào đó ấy sẽ ám ảnh mãi trong tâm tưởng của bạn hoài hoài.

Có thể vì nó vừa được sửa bằng dao kéo rồi chăng?

August 22, 2013

August 23, 2013

Ngày 19 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Trung quốc đã trở thành một quốc gia của đồ giả, toàn là đồ giả.
Giả tất cả mọi thứ. Từ tháp Eiffel của thủ đô Paris đến nguyên một khu thuộc thành phố Venise của Ý đến một đô thị của Thụy Sĩ đều có phiên bản giả ở Trung quốc. Giả nguyên những thứ ấy được thì những cái ví Vuitton, đồng hồ Rolex, quần áo với những cái nhãn nổi tiếng, nước hoa, rượu đắt tiền …tại sao lại không làm giả luôn?
Hàng giả bán ra ngoại quốc đã đành, và rất nhiều. Thỉnh thoảng lại có những vụ tiêu hủy các hàng giả nhập từ Trung quốc bằng cách đem đốt, hay dùng xe ủi lô cán cho nát. Lúc thì ở Úc, lúc ở Singapore, lúc thì ở New York, Los Angeles…
Nhưng hàng giả còn được tiêu thụ rất nhiệt tình ở ngay nước Tầu. Không sáng chế được thì làm giả. Không có tiền nghiên cứu để chế tạo sản phẩm mới thì làm giả. Lợi dụng những tên tuổi nổi tiếng để lừa, bịp kiếm tiền thì làm giả.
Có khi cũng chẳng phải là làm giả vì những lý do kể trên, mà làm giả vì thích làm giả mà thôi.
Thí dụ như một thứ giả khá mới lạ mà báo chí Mỹ cũng nói như chuyện xẩy ra tại một vườn thú ở tỉnh Hà Nam .
Tờ Bắc Kinh Thanh Niên tuần qua cho biết vườn thú bán vé cho khách đến thăm để xem một con sư tử, được chụp hình với nó ở ngoài chuồng, với con sư tử ở sau những chấn song. Khách đến thăm thì tin ngay đó là một con sư tử Phi châu như tấm bảng bên ngoài chuồng có viết rõ bằng chữ Hán.
Ai cũng thích thú được thấy gần con sư tử đó. Cho đến lúc không biết vì lý do gì, con sư tử bỗng kêu ầm lên. Tiếng kêu không phải là tiếng gầm của sư tử, mà là tiếng sủa gâu gâu gần với tiếng chó hơn. Đến lúc nhìn kỹ lại thì đó không phải là sư tử, mà là một con chó. Một con chó ngao Tây Tạng (Tibetan Mastiff).
Giá vé xem sư tử là 15 nhân dân tệ, tương đương với $2.45. Sau đó, giám đốc vườn thú mới nói với báo chí rằng vườn thú có một con sư tử Phi châu thật, nhưng dịp đó, nó được cho một vườn thú khác mượn vài ngày để giúp làm vài ba con sư tử con với cho vườn thú kia. Ngoài ra, ở vườn thú cũng còn vài ba con đội lốt những con thú khác, như một con cáo được nhốt trong chuồng của một con báo, hai con trăn được nhốt vào chuồng rắn.
Chỉ vì cái tính hay làm đồ giả đã ngấm vào trong máu từ lâu, nên bỏ cái tính ấy không dễ, và do đó, mới có chuyện chó giả sư tử, chồn giả báo, như bao nhiêu thứ giả khác ở Hoa lục.
Và vì thế, 16 chữ vàng mà Giang Trạch Dân đề ra với Lê Khả Phiêu năm 1999, và sau đó, lại khẳng định với Nông Đức Mạnh năm 2000, coi đó là phương châm chỉ đạo cho những phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tầu chỉ là những điều giả dối. Cứ đọc lại 16 cái chữ vàng ấy thì sẽ thấy ngay chúng chỉ là vàng giả:
Trường kỳ ổn định (ổn định lâu dài)
Diện hướng vị lai (hướng tới tương lai)
Mục lân hữu hảo (hữu nghị láng giềng)
Toàn diện hợp tác (hợp tác toàn diện)
Ổn định lâu dài không thể là những hành vi gây rối, đe dọa các nước khác. Hướng tới tương lai chỉ chọn những hướng có lợi cho mình. Mục lân hữu hảo thì phải không bắt nạt nước khác, chiếm đất, chiếm biển của người ta. Toàn diện hợp tác không thể là đem tầu thuyền húc tầu cá của nước bạn, cắt giây cáp của láng giềng.
Ở một số nước, việc mua và dùng hàng giả cũng bị những biện pháp trừng phạt như đối với những gười bán hàng giả, tiêu thụ, phân phối hàng giả.
Trong khi đó 16 chữ vàng giả ấy của Bắc kinh đưa ra thì có ngay những thứ vồ lấy đem về ăn một cách ngon lành nên đất nước mới tan nát ra như ngày hôm nay.
Còn bọn làm hàng giả thì là bọn cứ mở miệng ra là "chi hồ giả dã", những hư từ chẳng có ý nghĩa quái gì nên việc làm giả tất cả mọi thứ cũng là dễ hiểu.

Ngày 20 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Thông tấn xã AP cho biết tháng trước, Nguyễn Tấn Dũng đã ký một sắc lệnh miễn học phí cho các sinh viên ghi tên học chương trình 4 năm đại học nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bản tin AP nói là trong mấy năm qua, không còn bao nhiêu sinh viên chịu học chương trình này nữa vì bằng cấp về Mác Lê nin và Hồ Chí Minh rất khó kiếm việc. Chủ của các cơ sở thương mại, các công ty trong nước cũng như ngoại quốc đều không muốn tuyển những ứng viên có loại bằng cấp chuyên môn như thế. Điều này không phải là lập luận của những thành phần chống báng nói xấu nhà cầm quyền Hà Nội đang sống ở nước ngoài như một vài người sẽ nói, mà chuyện đó lại là từ miệng của Phạm Tấn Hà, người cầm đầu phòng tuyển sinh và huấn luyện thuộc đại học khoa học xã hội và nhân văn Hồ Chí Minh, với tên tuổi được nêu rõ ràng trong bản tin AP.
Theo Phạm Tấn Hà thì các sinh viên lý luận là những cấp bằng trong các lãnh vực du lịch, bang giao quốc tế, Anh ngữ… sẽ dễ kiếm được việc làm và lương bổng cũng khá hơn.
Tưởng tượng một công ty điện toán tuyển nhân viên thì chỉ có điên mới thu nhận những người có văn bằng cử nhân về Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào làm việc cho công ty. Với những kiến thức về những thứ đã hoàn toàn phá sản ở ngay tất cả các nước Cộng sản trước đây, thì những ứng viên với thứ bằng cấp như vậy sẽ đóng góp được gì cho công ty? Công ty sẽ cần những người có chuyên môn về điện toán, nói được tiếng Anh để làm việc chung với người ngoại quốc đến làm việc ở Việt Nam chẳng hạn. Chứ lôi cái thứ kiến thức vớ vẩn cơ sở đặt trên những gian dối, lừa bịp chính trị, hoàn toàn nhảm nhí trong lãnh vực kinh tế thì ai dám tuyển vào làm?
Ngay cả những thành phần có bằng cấp trong nhiều lãnh vực khác cũng còn rất khó mới kiếm được việc làm liên quan đến chương trình học. Rất nhiều phải làm những công việc hoàn toàn không dính dáng gì tới sở học của mình thì lận lưng cái bằng cử nhân dở hơi kia sẽ làm được gì.
Được miễn cho mỗi năm khoản học phí tương đương với 200 đô la, nhân lên 4 lần là 800 đô la đối với một sinh viên có thể là lớn. Nhưng khoản đầu tư thời gian 4 năm đại học cho cái bằng cử nhân giấy lộn ấy thì có bõ công không? Cầm trong tay mảnh giấy ấy thì làm được gì, dọa chó chưa chắc chó đã thèm sợ.
Học để mà về nhà bị bố mắng như mắng chó nào là ngu và điên, nào là lấy cái bằng ấy về rồi thì cạp đất ra mà ăn hay sao!
Đó là chưa kể vác cái bằng ấy đi xin việc thì chỉ tổ bị những cơ sở ấy mắng cho là làm mất thì giờ của họ, mất công người phỏng vấn phải chỉ lối ra cho cái thứ lẩn thẩn ấy đi về mà thôi.
Còn cái bằng ấy, nếu có gửi lại thì cũng không được hạnh phúc làm cái "tầu bay giấy ngập ngừng bay ra cửa" như một câu thơ của Hoàng Anh Tuấn. Nó sẽ bị quăng thẳng tay vào thùng rác ngay lập tức chứ chẳng được một chút ngập ngừng hay phân vân gì hết.
Tấm bằng ấy, nghĩ lại, cũng không làm được cái việc dọn dẹp sạch sẽ cho cơ thể sau chuyến đi bài tiết.
Những cuộn giấy tròn White Clouds hay Cottonelle làm được việc hơn nhiều.
Của rẻ là của ôi. Nhưng ôi còn có thể dùng được chứ bằng cấp về Mác Lê nin Hồ Chí Minh thì dùng được vào việc gì bây giờ?
Không còn có thể nói hồng hơn chuyên được nữa.

Ngày 22 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Một bài báo của tờ Việt Nam Express cách đây vài hôm đã viết về vụ mấy nữ sinh khoảng 15, 16 tuổi của một trường trung học phổ thông ở tỉnh Phú Thọ đánh nhau gây thương tích khá nặng cho nhau và nhân đó, đã đưa ra mấy con số rất đáng ngại.
Bài báo nói rằng hôm nay, nếu vào Google, đi tìm tài liệu về "nữ sinh đánh hội đồng", thì sẽ được khoảng gần 3 triệu kết quả ngay trong vòng 40 giây, và nếu tìm những video clip thu cảnh học sinh đánh nhau, người ta sẽ tìm thấy khoảng 44 ngàn video clips.
Vụ hành hung mới diễn ra hôm 16 tháng 8 thì ngay trong ngày hôm ấy, một video clip được đưa lên facebook cá nhân để mọi người xem cho … biết. Nguyên do đưa tới việc đánh nhau có thể chỉ là vì những câu như "con kia xinh quá, đánh nó!", hay "con kia xấu quá, đánh nó!", hay "con kia dám cướp người yêu của bà à, đánh nó!" Lệnh truyền ra thì lập tức xô xát xẩy ra. Nạn nhân bị 5 nữ sinh đấm vào mặt, đạp ngã xuống đường, trong khi bị chửi bới bằng những ngôn từ hết sức tục tĩu. Nạn nhân dùng dao nhọn đâm trả, gây thương tích trầm trọng cho ba em. Những em bị thương đã phải đi bệnh viện, trong đó có 1 em bị đâm rách mắt, 2 em kia bị thương ở bụng và ở tay.
Điểm làm cho người đọc kinh ngạc là thái độ của các học sinh khác đứng xem trận đánh nhau mà không một ai ra tay can thiệp, lại còn cổ võ cho hai bên đánh tiếp để dùng điện thoại di động thu lấy hình đưa lên facebook.
Bài báo có kèm theo hai bức hình mầu khá rõ. Tôi xem kỹ cả hai bức mà không sao tìm được Ngọ của tôi đâu hết. Ngọ mặc áo dài, tay ôm tập vở, bờ vai nhỏ, tóc dài tà áo vờn bay…
Chỉ thấy những con ác quỉ mặc quần jeans, áo bông đang lao vào đấm đá một đứa đang nằm còng queo dưới đất. Trong bức ảnh thứ hai, là một đứa mặt đầy máu đang được dìu đi. Chung quanh là một đám đông lố nhố dừng xe lại đứng xem một cách bình thản.
Vì thế, cũng không kịp trao vội vàng chùm hoa mới nở, để Ngọ ép vào cuối vở…
Ngọ của tôi không còn nữa.
Thay vào đó là những đứa nhỏ hơn Ngọ vài ba tuổi, mặt mũi hung tợn, luôn miệng chửi bới thô tục.
Phạm Thiên Thư vẽ lại hình ảnh của Ngọ, của những Ngọ của chúng ta ở những cổng trường ngày nọ. Chiếc mobylette tắt máy, đạp lẽo đẽo đi sau. Cơn gió gửi lại mùi tóc thơm mùi nắng, những chiếc lá me rụng như mưa xuống đường đi. Mấy câu thơ của Nguyên Sa bỗng trở lại. Buổi tối đi học một mình, cột đèn theo gót bóng lung linh , mặt trăng theo ánh đèn trăng sáng , đôi mắt trông vời theo ánh trăng …
Một ngày rất đẹp phải kết thúc như thế. Ngày ấy đã mất vĩnh viễn. Tại sao vậy? Tôi tin chắc là Ngọ, và những Ngọ khác của chúng ta không bao giờ phải làm cái công việc mà tờ Tuổi Trẻ nói là học tập theo gương Hồ Chí Minh như những đứa học sinh vô cùng mất dậy trong những bản tin ngày nào cũng vài ba vụ đánh nhau, chửi nhau hung tợn và tục tĩu đầy trên những tờ báo trong nước.
Những bài công dân giáo dục, đức dục không còn nằm trong chương trình học của các trường Việt Nam nữa. Những gương sáng cho mấy thế hệ toàn là những thứ mẫu mực tồi bại của một xã hội băng hoại thì lấy đâu ra những hình ảnh tuổi trẻ tử tế cho được.
Từ năm 1954 ở bắc vĩ tuyến và sau năm 1975, những thứ tệ lậu như vậy lan xuống cả miền nam thì đừng có nói những thứ ấy là tàn dư Mỹ Ngụy nhá.

Hôm nay đường này, cây cao hàng gầy, đi quanh tìm hoài, ai mang bụi đỏ đi rồi.

August 15, 2013

August 16, 2013

Ngày 12 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Tôi không thích chữ "đặc sản", vì danh từ này, từ nhiều năm nay, đã bị đem ra dùng một cách hết sức bừa bãi ở trong nước cũng như ở những nơi ngoài Việt Nam.
Thí dụ mấy tiệm ăn ở Mỹ thì không thể dùng hai chữ "đặc sản" với những món trong thực đơn của tiệm. Món bánh tôm với khoai mua ở chợ Mỹ, tôm từ Louisiana, rau thơm của Florida chở lên thì làm sao có thể gọi đó là đặc sản Hà Nội được?
Phải là sản phẩm đặc biệt của một vùng nào đó mà những nơi khác không có thì mới có thể gọi là đặc sản. Cam Bố Hạ, nhãn Hưng Yên, cá rô Đầm Sét, bưởi Đoan Hùng, mận Đà Lạt… Ở Mỹ thì lobster của Maine, clam chowder của San Francisco… thì mới là đặc sản.
Tuần qua, một tờ báo trong nước có đăng một bài viết về một chuyện xẩy ra cho một người đàn ông ở Sài Gòn. Ông cho biết ông là người Hà Nội nhưng đã đi Sài Gòn nhiều chuyến. Những chuyến đi Sài Gòn đó đều tạo những cảm tưởng khó quên về thành phố này. Trong chuyến đi gần đây nhất, ông đã gặp một chuyện diễn ra ở ngay trên một con đường của thành phố miền nam khiến ông suy nghĩ mãi. Ông kể hôm ấy, đang đi ngoài đường thì ông thấy một thiếu nữ đi trước ông làm rơi một vật gì đó. Ông gọi cô và nhắc cô nhặt lên. Cô thiếu nữ tuổi khoảng 15 hay 16 tuổi nhặt món đồ cô làm rơi, và sau đó, cô khoanh tay cúi đầu nói với ông "Cám ơn chú" rồi mới đi. Nghe câu cám ơn của cô, ông sững sờ, ngạc nhiên hết sức. Việc ông giúp cô chỉ là chuyện nhỏ, có vậy thôi, thế mà cô đã lễ phép khoanh tay, cúi đầu, cám ơn ông. Ông cho biết hành động của cô gái làm ông vô cùng kinh ngạc. Ông không quen với hành động ấy. Ông không thường gặp chuyện như thế đã lâu. Một hành động không đáng gì từ phía ông đã khiến ông nhận được một câu cám ơn, một hành động khoanh tay, cúi đầu lễ phép của cô gái Sài Gòn. Ông tưởng nhiều lắm, một ánh mắt biết ơn từ phía cô gái nhìn ông cũng đã là tử tế lắm rồi. Nhưng ông nhận được từ cô một câu cám ơn. Lời cám ơn từ một thiếu nữ trẻ trên một con đường ở Sài Gòn. Ông chợt nhớ tới lối ăn nói mất dậy đầy những tiếng chửi thề tục tĩu mà ông đã nghe rất quen ở Hà Nội giữa đám học sinh với nhau. Mấy tháng trước, một bản tuyên ngôn của một nữ sinh đưa ra những lời lăng mạ thậm tệ nhắm vào một cô giáo sau khi nữ sinh này bị kỷ luật ở trường. Đoạn video được đưa lên internet và nhận được rất nhiều phản hồi mà gần hết là những ý kiến tán đồng hành động vô lễ và vô giáo dục ấy. Những hình ảnh nữ sinh đánh nhau ngay ở trong lớp, xé quần áo của nhau, chửi bới thô tục được bạn bè thu lại bằng điện thoại di động và đưa lên mạng, luôn cả một video clip của một nữ học sinh chửi bới cha mẹ vì bị gia đình cấm đoán vài ba chuyện cũng được chiếu cố và hưởng ứng tận tình trong internet.
Những chuyện như vừa kể ông chứng kiến rất thường ở Hà Nội, chốn ngàn năm văn vật trước kia. Báo chí trong nước đã nhiều lần than phiền về chuyện chửi thề, văng tục của các học sinh và sinh viên, trong đó có rất nhiều là nữ sinh viên đại học.
Những bài đức dục của các trường học năm xưa, của vài ba thế hệ trước không còn được đem dậy trong chương trình học ngày nay nữa. Nhưng còn phụ huynh ở nhà bộ không còn dậy dỗ con cái những điều tối thiểu trong cách đối xử hàng ngày nữa hay sao?
Những đứa bé được dậy để dò xét, báo cáo mọi hành động, lời ăn, tiếng nói của cha mẹ cho các anh cán bộ thì phải mất dậy và vô giáo dục như thế chứ. Chúng lớn lên thành người lớn thì con cái của chúng phải như vậy.
Tác giả bài viết nghe được câu cám ơn, nhận được cái cúi đầu khoanh tay của một cô gái nhỏ miền nam liền kết luận rằng đó chính là đặc sản của Sài Gòn vậy.
Chưa bao giờ tôi thấy hai chữ "đặc sản" được dùng một cách chính xác và hợp lý như thế.

Ngày 13 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Suýt nữa thì tôi đã bỏ qua không đọc bài báo trên tờ báo điện tử Vietnam Express số đề ngày 12 tháng 8.
Bài viết nhan đề "Hành động lạ của cặp teen Việt khiến tôi xấu hổ".
Đọc cái tựa, tôi đã nghĩ ngay tới những chuyện đại khái như người ta tranh nhau hôn vào cái ghế một ngôi sao Hàn vừa ngồi xuống, hay cô hoa hậu này "lộ hàng" ở đâu, học sinh nọ bán bạn gái vào một ổ điếm bên Tầu ra sao, hay tuổi trẻ thủ đô ăn nói thô tục như thế nào chẳng hạn.
Thực ra đó là ý kiến do một độc giả gửi tới, viết về một bài trên facebook mà người độc giả coi đó là một bất ngờ khá lạ lùng đối với người Việt Nam.
Bài viết trên facebook kể lại chuyện xẩy ra ở một góc đường Hà Nội, một hành động mà người viết kể lại là lạ lùng đến mức khó hiểu. Nhưng người viết cũng đã cẩn thận nói rõ rằng chuyện đó chỉ khó hiểu đối với người ở Hà Nội mà thôi.
Bài viết kể là một cặp nam nữ chở nhau đi chơi giữa một cơn mưa đã tạt vào bên lề đường chỗ gần nơi ông đang trú mưa. Người thanh niên dừng xe lại và bỏ cái ly cà phê đã uống hết vào thùng rác rồi lên xe đi.
Tôi đọc tiếp nhưng không thấy một chi tiết nào khác mà tôi nghĩ là điều gây ngạc nhiên cho ông. Tôi không thấy một điều nào lạ lùng đến khó hiểu trong bài viết trong facebook.
Đọc tiếp xuống dưới thì tôi mới biết điều tạo sự lạ lùng khó hiểu cho ông chính là việc hai người ngừng xe lại giữa lúc trời còn đang mưa để vứt cái ly plastic đựng cà phê đã uống xong vào thùng rác.
Ông thấy lạ lùng vì người Hà Nội ít khi làm như thế. Ngay như chính ông, ông cũng đã từng vứt rác ra ngoài đường phố một cách bình thản và tự nhiên … như người Hà Nội. Ông viết thêm rằng làm xong những việc đó, người ta, nguyên văn, "thoải mái và vênh váo bước đi cứ như là vừa làm xong một việc gì đáng tự hào vậy."
Ông còn thấy đó là một việc rất khó hiểu . Ông ngạc nhiên vì ý thức vệ sinh công cộng của hai người trẻ dù là trong lúc trời đang mưa bão như hôm ấy.
Chao ôi, chỉ có việc ngừng xe lại bên đường vứt cái ly cà phê không vào thùng rác mà cũng là chuyện lạ lùng đến mức khó hiểu thì Hà Nội thanh lịch, văn hóa, văn hiến không còn nữa sao?
Ngay ở cuối bài viết lại còn có thêm một bài viết khác, cũng do độc giả gửi tới có cái tựa đề nguyên văn: "Xả rác, sự hồn nhiên độc ác." Ông độc giả này nhận thấy ai cũng xả rác với một thái độ thản nhiên và bình thường, cho dù đó là già trẻ, trai gái, trí thức hay không trí thức . Thái độ hồn nhiên đó, theo người viết, là một sự hồn nhiên độc ác.
Ông tìm cách giải thích sự hồn nhiên độc ác trong tất cả các khía cạnh của đời sống trong nước đưa tới những hành vi thiếu văn hóa như tiểu tiện, chửi thề giữa nơi công cộng.
Thay đổi chỉ có thể có được nếu người ta được sống một đời sống tin vào tương lai tử tế, tin vào những nét đẹp của cuộc đời, không chỉ tranh cướp, đàn áp, hành xử vô đạo đức của bọn lãnh đạo, không lý gì tới con đường trước mặt của một dân tộc.
Những chi tiết đọc được làm tôi rất lo ngại. Lo ngại là cặp nam nữ đó có thể bị công an, cảnh sát lưu thông chặn ở một góc đường nào đó vì hành động giữ vệ sinh của họ. Dưới mắt của công an và cảnh sát, họ không thể là người thủ đô được. Họ phải là những người ở nơi khác đến. Họ âm mưu cái gì? Xét giấy coi cái xe đó có phải là xe có giấy tờ chính chủ không? Hãy tạm giữ họ lại để tìm hiểu đã.
Mấy chục năm trước, điệp viên Nguyễn Chí Bình được miền Nam gửi ra Bắc, nhưng khi ông vào thành phố thì ông liền bị bắt vì ông đã gọi hai tô phở để ăn. Chỉ có là người của Mỹ Diệm thì mới ăn tới hai tô phở. Mới đây, một Việt kiều về nước có mượn giấy tờ của người nhà trong nước để mua vé du lịch cho rẻ, nhưng chỉ vì mở mồm nói hai chữ cám ơn, là lập tức bị xét giấy, lòi ra việc dùng giấy tờ của người khác liền.
Do in Rome as Romans do. Đi xứ Lào ăn mắm ngóe. Về Việt Nam mà lịch sự cám ơn, xin lỗi, bỏ rác vào thùng rác, ngôn từ lễ phép đều là những chuyện lạ lùng và khó hiểu với người Hà Nội là thế.
Bởi vì thô lỗ, hồn nhiên độc ác là đặc sản của Hà Nội.

Ngày 14 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Bình thường thì mỗi khi nghe thấy ai khen, hay nói vài ba điều tốt đẹp về người Việt, thì chúng ta, không nhiều thì ít, ai cũng đều vui vẻ, hãnh diện, tự hào ….
Thí dụ thỉnh thoảng đọc báo thấy những người Việt có được sự nể trọng ở những nơi như Úc, Canada, Pháp hay Mỹ … dù không quen biết, nhưng thấy người sang còn bắt quàng lấy làm họ ngay huống chi lại là người quen kẻ thuộc, ít ra thì cũng từ cái bọc trăm trứng nở ra thì tại sao không vui cho được.
Ngay cả những lời khen về món chả giò, hay món bánh mì kẹp thịt, ly cà phê phin sữa của người Việt cũng đem lại một niềm vui không nhỏ. Và luôn cả những nhận xét kèm theo những lời ca ngợi tà áo dài trên tờ Cosmopolitan cũng tạo ra một sự hãnh diện cho chúng ta.
Nhưng cũng có những trường hợp nghe thấy "đồng hương" được tiếng là "tốt" thì lại thấy không thể nào vui được.
Một bài báo Tầu, tờ Thời Báo Hoàn Cầu mới đây trong một bài viết có nói là đàn ông Tầu nhiều người muốn tìm vợ ở Việt Nam vì phụ nữ Việt Nam có nhiều đức tính tốt và chi phí để lấy vợ Việt Nam không nhiều như chi phí lấy vợ Trung quốc.
Hai chi tiết đề cập trong bài báo, nếu nhìn bằng mắt của những người đàn ông Tầu muốn tìm vợ để lấy, là những điều tốt đẹp về phụ nữ Việt .
Người tiêu thụ ở đâu cũng sẽ thấy như thế. Đi mua hàng thi kiếm thứ vừa rẻ vừa tốt. Xe Đại Hàn bảo đảm 100 ngàn dặm hay 10 năm, không đắt như xe Đức chẳng hạn, thì nên mua. Đó là những điểm tốt đẹp về xe do Đại Hàn sản xuất. Người Đại Hàn nhất định là phải sung sướng đọc thấy những điều nói về sản phẩm của nước họ.
Nhưng bài viết của tờ Thời Báo Hoàn Cầu thì không làm cho người Việt thấy được một chút tự hào hay kiêu hãnh nào hết.
Phụ nữ Việt lấy chồng Tầu, hay bị bán cho đàn ông Tầu, bị bắt cóc đưa sang Tầu hầu hết lấy phải toàn những thứ Tầu đui què mẻ sứt, già hóp, cu li cu leo, nông dân mù chữ nào có được bao nhiêu thứ ra hồn người ngợm, mà chồng chiếc cái nỗi gì. Phần lớn phụ nữ Việt lấy chồng Tầu bị đưa tới những vùng quê nghèo khổ, bắt đầu ngay một cuộc sống nô lệ ban ngày ngoài đồng ruộng, tối về làm nô lệ tình dục nhiều khi cho cả mấy anh em chồng. Không có được mấy người tìm được hạnh phúc trong những hôn nhân như thế.
Bài báo nói phụ nữ Việt có nhiều tính tốt là sự cam phận chịu đựng cuộc sống nô lệ lầm than không dám hé môi vì ngôn ngữ bất đồng, vì đòn vọt, bạo hành.
Nhưng chi tiết quan trọng hơn là phí tổn để lấy vợ Việt Nam. Trung bình, làm đám cưới với một phụ nữ Trung quốc cao gấp hơn 3 lần chi phí cho việc mua một phụ nữ Việt Nam. Gọi là mua thì đúng hơn là cưới. Vợ Tầu tốn khoảng 16 ngàn đô la. Vợ Việt khoảng hơn 5 ngàn tính cả chi phí máy bay đi về, tiền trả cho bọn môi giới, một món nhỏ cho gia đình cô dâu Việt. Có những trường hợp thử nhưng không vừa ý thì được hoàn tiền. Money back guaranteed như mua cái áo, đôi giầy ở Mỹ.
Bài báo của tờ Thời Báo Hoàn Cầu như vậy, chỉ để quảng cáo cho những trung tâm mai mối hôn nhân. Hàng (Việt Nam ) rẻ lại tốt, mại vô, mại vô.
Nhưng trong khi đó, chính bài báo đó lại là những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm các phụ nữ Việt.
Tờ báo Tầu chỉ là một lời chào hàng của bọn ma cô buôn người.
Có những quảng cáo trên báo Tầu huỵch toẹt nói thẳng là chỉ tốn ít tiền là lấy được vợ Việt Nam , không hài lòng vì bất cứ lý do nào cũng sẽ được hoàn lại tiền hay đổi một người khác cho đến khi các "chú rể" hoàn toàn thỏa mãn mới thôi. Phụ nữ Việt tiếp tục bị đem bán , đem ra trình diễn cho khách hàng như những con vật tại những chợ mua bán gia súc.
Và cái nhà nước để cho những thứ ma cô ma cạo như thế tung hoành ngang dọc, mua bán phụ nữ Việt một cách hoàn toàn tự do, mặc cho nhân phẩm, danh dự của dân tộc bị xúc phạm như vậy thì cũng là ma cô, ma cạo vậy.

Ngày 15 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Tôi không biết những chi tiết về xuất sứ của cái bản đồ Mỹ này. Tôi không biết nó do cơ sở nào in, và nó được in từ bao giờ, nhưng mầu sắc của nó thì cho thấy nó được in cách đây không lâu.
Những ghi chú về tên thành phố, tiểu bang, sông ngòi, núi biển … rõ ràng là đã được đánh bằng máy computer, sử dụng chữ Việt có những chữ chỉ có trong tiếng Việt như chữ "Đ", chữ "Ơ", chữ "Â", chữ "Ă"… vân vân. Như vậy, nó phải ra đời trong những năm gần đây, từ khi có máy computer đánh được chữ Việt.
Nó không thể được in tại miền nam trước năm 1975. Cách viết những địa danh hồi ấy không như cách viết trong tấm bản đồ này. Các địa danh của tấm bản đồ này không được viết như cách viết của các sách atlas hay bản đồ của Mỹ hay của Pháp. Thí dụ "Lát Ve gat" thay vì Las Vegas chẳng hạn.
Mục đích của việc phiên âm sang tiếng Việt là để những người không biết tiếng Anh hay tiếng Pháp cũng có thể đọc được. Những chữ phiên âm đó trông rất kỳ cục nếu không nói là khó chịu. Ở một giai đoạn hay thời điểm nào đó thì việc phiên âm có thể là cần thiết và hữu ích, đó là khi những cánh cửa ra ngoài chưa mở ra rộng rãi, số người Việt biết ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp còn ít. Nhưng nay, những người muốn biết về nước Mỹ, biết đi kiếm cái bản đồ để xem thì chắc cũng có thể đọc được những cái tên viết bằng Anh hay Pháp ngữ.
Trong những trường hợp những địa danh viết bằng chữ Ả Rập hay chữ Cyrillic của Nga, hoặc tiếng Thái, Miên , Ấn độ hay chữ Hán, Nhật, Triều Tiên vân vân thì cũng nên dùng cách viết dùng mẫu tự La Tinh đã được phổ biến rộng rãi của tiếng Anh và tiếng Pháp. Thế giới ngày càng mở rộng cửa, người Việt cũng có được nhiều cơ hội tiến ra bên ngoài. Việc phiên âm như người ta thấy trong tấm bản đồ sẽ chỉ tạo ra những rắc rối cho những người dùng nó. Tưởng tượng đứng ở một phi trường Mỹ mà hỏi thăm chuyến bay đi "HƠ XTƠN" thì Mỹ nào hiểu để mà chỉ đường đi Houston?
Cách viết như thế khiến không ai ngoài bọn dốt nát vẽ cái bản đồ đó đọc được mà chỉ đường. Đó là chưa nói đến việc phiên âm sai bét những địa danh trong tấm bản đồ.
Chỉ cần nhìn sơ qua cũng tìm ra rất nhiều những sai lầm ngu xuẩn như thế.
Thí dụ không bao giờ có thành phố nào viết và đọc là KEN GIƠ RI mà chỉ có Calgary ở Canada . Cũng không có thành phố Canada nào là RÊ GI NA, chỉ có REGINA đọc là RÊ GIAI NA. Làm sao tìm được SASKATOON với XA XCA TUN?
Cách phiên âm đã sai lại còn không thống nhất. Tại sao lúc thì dùng F, lúc thì dùng PH như FI LA ĐEN FI A, nhưng lại viết CA LI PHOOC NI A?
Albuquerque không bao giờ đọc là AN BU CƠ CƠ. Port Arthur không ai đọc là POT ATXƠ. Cincinnati thì không thể là XI XỈN NƠ TI. Hay St Paul được viết là XÂN PÂU. Ai mà biết ĐI TRÔI chỉ là Detroit, hay BÔ XTƠN chỉ là Boston, và TẮC XÂN chỉ là cách phát âm ngu dốt của TUCSON, MINƠ KI chỉ là Milwaukee. Là DULTH, XÂN LU IT XƠ
Còn một chi tiết nữa là tiếng Việt không có nhị trùng âm (diphthong) nhưng tấm bản đồ vẫn chế ra cách viết nhị trùng âm rất thoải mái và ngu xuẩn như XA CRA MEN TÔ hay CLI VƠ LEN…
Nói tóm lại, tấm bản đồ Hoa kỳ chỉ bầy ra những sự ngu dốt của những người in nó.


Đến bây giờ mà còn ngu dốt như thế sao?

August 8, 2013

August 9, 2013

Ngày 5 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ mới đây của Trương Tấn Sang, người ta đã được nghe mấy câu tuyên bố của Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao Hà Nội về một hai chuyện liên quan đến nước Mỹ.
Nghe mấy câu tuyên bố của người đàn ông này, người ta đã phải nhìn kỹ lại xem y có phải là người không, hay chỉ là một con ếch vừa mới trèo được lên được miệng giếng, oàng oạng vài ba câu bậy ba rồi lại nhẩy xuống đáy giếng, tiếp tục làm một con ếch "tỉnh để chi oa."
Trả lời một cuộc phỏng vấn của đài BBC, Nguyễn Thanh Sơn nói rằng so sánh dân chủ ở Mỹ với dân chủ ở Việt Nam thì chưa biết ở đâu hơn ở đâu. Ý nói chưa chắc Mỹ dân chủ hơn Việt Nam. Cũng có thể hiểu là Việt Nam hơn Mỹ về mặt dân chủ.
Tại sao không dám nói thẳng ra rằng Việt Nam dân chủ hơn Mỹ? Tại sao phải nói vòng vo như vậy?
Nghe Nguyễn Thanh Sơn, người ta nhớ ngay đến mẩu chuyện có từ thời còn chiến tranh lạnh. Chuyện kể rằng hai binh sĩ Mỹ và Nga gặp nhau ở Bá Linh. Anh lính Mỹ khoe ở Mỹ, người dân có thể chỉ trích, phê bình, gọi đích danh tổng thống Mỹ ra đả kích, mà không hề bị bất cứ một khó khăn nào. Ý nói ở Mỹ, người dân rất tự do, muốn phê bình, chỉ trích tổng thống Mỹ cũng không thể bị bắt đem đi giữa đêm, tống vào một cái goulag, một trại tù nào như ở Liên Xô. Anh lính Nga liền nói với anh lính Mỹ rằng như vậy mà nhằm nhò gì, vì ở Nga, anh có thể đến trước điện Kremlin chửi bới, lăng mạ thậm từ, dùng những lời lẽ nặng nề nhất, nhắm vào tổng thống Mỹ mà anh cũng không hề gặp bất cứ một khó khăn gì.
Nguyễn Thanh Sơn lôi dân chủ của Mỹ và của Việt Nam ra so sánh. Úp mở nói rằng Mỹ thua Việt Nam về dân chủ. Ở Việt Nam, tha hồ chửi Mỹ không ai đụng tới một sợi lông, có thua gì người dân Mỹ đâu.
Tôi không biết người đàn ông này học hành ra sao, ở đâu, hiểu biết về các vấn đề quốc tế như thế nào để đến nỗi đầu óc như một con ếch ngó quanh quẩn lên đầu chỉ thấy trời xanh nhỏ như cái vung để cứ thế mà coi trời không to hơn cái vung nên mới đưa ra câu nói thậm ngu như thế.
Việc so sánh anh ta làm cũng không nên thân. Làm thế nào so sánh khi hai sự kiện, hai vật không cùng chung với nhau một số điều được? Có thể so sánh quả cam với quả quít hay quả bưởi. Nhưng không thể so sánh quả cam với cục gạch chẳng hạn.
Nước Mỹ là một quốc gia dân chủ. Việt Nam là nước không có dân chủ . Vì thế, không thể so sánh Việt Nam với Mỹ.
Nước Mỹ có hơn 200 năm dân chủ, với một chính thể xây dựng trên lý tưởng dân chủ với các cơ chế dân chủ và một quá trình kinh nghiệm sinh hoạt dân chủ lâu đời nhất thế giới. Đây là một điều gần như toàn thể thế giới đều nhìn nhận, ngoại trừ một vài thành phần thiếu hiểu biết và ngoan cố như cái thứ Nguyễn Thanh Sơn mới dám lộng ngôn, mới dám nói nước Mỹ không dân chủ bằng Việt Nam.
Trong suốt những năm Cộng Sản nắm quyền ở Việt Nam, người dân Việt Nam chưa được một ngày sống với tự do và dân chủ. Năm 1954, chưa cần biết Việt Minh lên nắm quyền sẽ ra sao, hơn 1 triệu người đã phải bỏ ngay miền Bắc di cư vào Nam. Rồi năm 1975, lại cả triệu người khác đã bỏ phiếu bằng đôi chân, chạy thật nhanh trước khi Cộng Sản tiến vào các thành phố miền Nam.
Và bây giờ, sau mấy chục năm không còn Mỹ Ngụy, người dân Việt có dân chủ tự do hay không?
Mới đây chuyện vượt biển đi tìm tự do dân chủ lại sống dậy. Trong nước, nhà cầm quyền tiếp tục chà đạp lên những quyền căn bản nhất của người dân: những vụ cưỡng chiếm đất đai đã làm phát sinh ra những phong trào chống đối mới của người dân. Đất nước bị đem bán đứng, dâng nộp cho Bắc kinh, dân chúng chỉ cần nhắc đến tên Hoàng Sa, Trường Sa là có thể bị bắt, tống giam và đổ cho những tội khác. Cách đối sử với Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Điếu Cầy, Mẹ Nấm, Nguyễn Hoàng Vi, Hòa Thượng Quảng Độ, Linh Mục Lý … mà là dân chủ hay sao? Con cái của các cán bộ gộc được trao cho những chức vụ quyền hành phi lý, cả một xã hội băng hoại đang lao xuống vực thẳm, đạo đức suy kiệt đến mức đáng sợ, người dân thà bán mình đi làm tôi mọi ở nước ngoài còn hơn là tiếp tục sống trong nước.
Vậy mà là dân chủ hơn nước Mỹ sao?
Hơn Lào, Campuchea còn không được, nói chi đến Mỹ. Mở miệng ra mà toàn ăn nói lếu láo, ngu xuẩn như vậy thì mở mồm ra làm gì!
Ngu thì cũng ngu vừa vừa cho mấy đứa khác còn được ngu chứ độc quyền ngu như vậy thì đúng là hết thuốc chữa.
Có dám trở lại quận Cam tranh luận công khai về chuyện dân chủ ở Việt Nam và Mỹ không, hay lại vẫn cứ ngồi đáy giếng mà ngó lên, thỉnh thoảng đưa ra vài ba câu khắm thối như thế?

Ngày 8 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Tờ Pháp Luật ở trong nước vừa đăng một bản tin rất kỳ lạ: một thanh niên ở tỉnh Quảng Nam, sau một chầu ăn nhậu với bạn bè, đã xông vào một cư xá, định hiếp dâm một cô giáo, nhưng bị cô giáo chống cự dữ dội nên đương sự không thực hiện được ý định, lại còn bị một đòn rất đau của cô giáo.
Bản tin cho biết đêm hôm 29 tháng 1 năm 2012, đương sự đến cư xá của trường tiểu học Thôn , gọi nạn nhân ra nói chuyện, nhưng không được nên đã dùng đá ném vỡ cửa kính phòng của cô và khi cô chạy ra ngoài, đương sự lôi cô trở vào phòng, ôm lấy đòi "quan hệ", nói theo ngôn ngữ của báo chí trong nước. Nạn nhân chống cự quyết liệt, cuối cùng nạn nhân đã phản đòn làm cho đương sự đau đến độ ngất xỉu tại chỗ.
Đương sự sau đó bị bắt giữ, bị truy tố ra tòa và bị tòa phạt 3 năm tù. Đương sự kháng cáo, xin được giảm án và tòa sau khi xét lại hồ sơ , đã giảm bản án 3 năm tù xuống còn 2 năm.
Chuyện tòa xét lại và giảm án không phải là chuyện lạ. Đã có nhiều vụ kháng án thành công, bản án được giảm đáng kể, có khi còn được tha bổng. Quyết định giảm án có thể vì nhiều lý do. Thí dụ đương sự không có tiền án, trước khi phạm tội, đương sự là một công dân gương mẫu, có công ăn việc làm, có tỏ ra ăn năn hối lỗi vân vân.
Nhưng những lý do mà tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định giảm án cho đương sự thì có một lý do không thuộc những lý do vừa nêu ở trên. Theo tin của tờ Luật Pháp số đề ngày 6 tháng 8 thì đương sự đã bồi thường cho nạn nhân một số tiền. Việc này là lý do có thể hiểu được cho quyết định giảm án của đương sự. Khoản tiền bồi thường không thấy nói là bao nhiêu, nhưng vì hành vi hiếp dâm chưa thực hiện được nên có thể không lớn lắm. Khoản tiền đó có thể coi như khoản tiền phạt mà chính đương sự đã tự nguyện đóng trước.
Nhưng lý do thứ hai mà tòa đã dựa vào để giảm án cho Hoàng Thanh Sơn 26 tuổi ở xã Trà Nú, huyện Bắc Trà Mi tỉnh Quảng Nam là vì gia đình của Sơn "có công với cách mạng".
Không thấy tờ Luật Pháp nói rõ công đó là công gì. Nhưng chuyện có công với cách mạng thường có thể được nại ra để làm một số chuyện khác hơn là xin giảm hình phạt cho một phạm nhân nhúng tay vào một âm mưu như hiếp dâm phụ nữ chẳng hạn.
Thí dụ những sai sót trong công việc, vô ý gây thiệt hại tài sản người dân, liên can đến một tai nạn vì bất cẩn… Hay trong trường hợp muốn được dành cho những ưu tiên trong các kỳ thi, trong việc xin tuyển dụng làm công chức, xin cấp học bổng hay xin được trợ giúp trong công việc, thăng thưởng vân vân.
Tất cả những chuyện như vừa kể nếu muốn được đối xử đặc biệt bằng cách nại ra những công ơn đối với cách mạng, với việc chống Mỹ cứu nước bịa đặt hay không bịa đặt thì cũng là chuyện hiểu được.
Nhưng trong trường hợp Hoàng Thanh Sơn dùng võ lực định khống chế một cô giáo đòi được thỏa mãn tình dục mà tòa tuyên bố vì gia đình của đương sự có công với cách mang để quyết định giảm án cho y thì nghe không ổn chút nào.
Gia đình có công với cách mạng chứ Hoàng Thanh Sơn thì có công gì?
Mà nếu như chính Hoàng Thanh Sơn có công với cách mạng thì cũng không thể lôi cái công ấy ra để giảm án cho Sơn được.
Không lẽ tòa nói rằng Hoàng Thanh Sơn có công với cách mạng nên chuyện định hiếp dâm người của Sơn cũng nên được hưởng các biện pháp trừng phạt nhẹ tay hay sao? Tòa sẽ nói vì Sơn đã anh dũng chống Mỹ nên có nài ép, khống chế một phụ nữ thì cũng nên bỏ qua cho Sơn hay sao? Bộ cứ có công với cách mạng là tòa án sẵn sàng giảm án cho tội âm mưu hiếp dâm người hay sao?
Cách mạng gì mà kỳ quá vậy?
Có thể vì thế, mà những kẻ nói là có gia đình nhiều công với cách mạng nên con cái được đưa vào những chức vụ mà tài đức không hề có như người ta đang thấy ở Việt Nam hay chăng?
Như vậy , công với cách mạng là cái giấy phép để làm càn, để phạm pháp hay sao?

Ngày 9 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Nó hiền lắm. Chưa bao giờ tôi nghe nói nó làm một công việc độc ác nào trong suốt bao nhiêu năm tôi biết nó.
Lần đầu tiên tôi thấy nó là trong một quảng cáo chiếu trên màn ảnh của một rạp ciné ở Hà Nội. Quảng cáo nói là chỉ cần đổ cho nó một bình xăng, là nó có thể chạy được 100km. Như vậy là chỉ một bình xăng, nó đủ sức đưa tôi đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm người bạn nhỏ ở phố Trại Cau. Tôi đã nghĩ ra ngay điều mơ ước đó.
Nhưng chuyện đi thăm người bạn không bao giờ làm được, vì hồi ấy, cái xe đạp của mình còn chưa có, nói gì đến một chiếc vélosolex. Mãi gần một chục năm sau tôi mới lại gần được nó. Nó là phần thưởng đậu Trung Học Phổ Thông của chị tôi. Vài ba lần, tôi đã lén lấy nó chạy vài vòng quanh cư xá qua cửa nhà một cô bạn nhỏ học trường Trưng Vương. Nhưng nói là thích nó thì chắc là không.
Tôi không bao giờ muốn có nó: nó chạy chậm quá, trông lại phụ nữ quá. Rốt cuộc tôi phải đi cái mobylette sau khi có tên trên bảng kết quả kỳ thi Trung Học Phổ Thông. Mấy tháng sau, chiếc mobylette bị lấy cắp mất ngay ở trường, và tôi lại lóc cóc cái xe đạp cũ cho đến khi học xong trung học.
Hồi ấy, nó không bao giờ có trong mơ ước thầm kín cũng như không thầm kín lắm của tôi.
Nhưng yêu nó thì tôi có. Nó đến Việt Nam khoảng giữa những năm 1950 và nó nhập ngay vào đời sống ở Việt Nam một cách dễ dàng.
Nó là một loại xe không an toàn chút nào. Máy đặt ở đằng trước nên rất khó lái. Những người sử dụng nó gần như tất cả đều là phụ nữ, những nữ sinh áo dài của mấy trường nữ trung học. Nó trở thành hình ảnh quen thuộc ngay với họ như trong mấy câu thơ của Nguyên Sa:
…Sài gòn phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen huyền nhung rất nhung…
Một quảng cáo của xe Honda viết rằng "You meet the nicest people on a Honda". Nhưng có nói những người đi solex là những người dễ mến nhất thì cũng không sai vào đâu.
Người ta không dùng nó để chạy đua, chèn ép những người đi xe khác. Những vụ cướp giật ở ngoài đường không bao giờ người ta dùng đến nó. Nó bao giờ cũng hiền lành, dịu dàng trên đường phố Sài Gòn trong suốt bao nhiêu năm. Nó hợp một cách kỳ lạ với những người phụ nữ Việt sử dụng nó.



Tuần qua đến nhà một người bạn, tôi thấy mấy bức ảnh chụp nó. Người phụ nữ trong hình là con gái của người bạn. Không biết tại sao trong chuyến về Sài gòn, cô lại chụp một loạt hình với nó. Cô mặc một chiếc áo dài để chụp với nó. Những bức ảnh đen trắng đó lập tức kéo tôi lại thời gian của hơn một nửa thế kỷ trước. Tà áo trắng con đường có cây cao, một chiếc cổng sắt cũ kỹ, cô con gái người bạn bỗng thành người học sinh của cái trường trung học nọ khi tôi cũng còn là một học sinh chưa bước qua ngưỡng cửa đại học.
Cô không biết khoảng thời gian đó, khoảng thời gian có thể cha mẹ cô cũng còn rất nhỏ. Nhưng cô đã tạo lại được cái thời gian và không gian đó.
Hôm nay, vào internet, tôi được biết là sau mấy năm nó không được sản xuất ở Pháp, nay nó lại được tiếp tục được làm tại Pháp. Những chiếc solex 4800 có một vài thay đổi so với những chiếc chúng ta gặp ở Việt Nam trước đây, nhưng nó vẫn là những chiếc solex của những năm đẹp nhất của đời sống chúng ta một thời.
Tôi nghĩ ai cũng có trong đầu một chiếc solex. Có thể luôn cả chiếc áo dài ở yên sau, những sợi tóc thơm mùi nắng phả từ phía sau lên.


Còn thơm mãi đến tận ngày hôm nay.

August 1, 2013

August 2, 2013

Ngày 29 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Chuyện Trương Tấn Sang đi Washington là chuyện không được mấy người Việt sống ở Hoa kỳ dành cho bao nhiêu quan tâm. Người ta biết rằng phía Hà Nội đã vận động để Hoa kỳ mời Sang thăm Washington ngay sau chuyến đi Tầu của Sang hồi tháng 6. Ý của Hà Nội là muốn nói rằng chúng tôi chơi cả với Mỹ đấy nhé. Chúng tôi đi Tầu rồi thì bây giờ đi Mỹ cho huề.
Chuyến đi của Trương Tấn Sang không có được bất cứ một sự đón tiếp nào nên hồn. Phái đoàn Sang vào bằng cửa sau của tòa Bạch Ốc, không dám dừng lại ngoài cửa chụp ảnh vì ngại máy chụp ảnh thu cả những lá cờ của những người Việt đứng đón ở bên kia đường.
Không có được một lá cờ đỏ sao vàng nào ở đó. Chỉ toàn những biểu ngữ đòi đuổi anh ta về nước. Không biết báo chí trong nước có viết láo rằng Sang được đông đảo người Việt ở thủ đô Hoa kỳ chào mừng nồng nhiệt và ưu ái như lối tường thuật bịa đặt cố hữu của mấy thứ báo nhà nước hay không.
Sự đón tiếp của Hoa kỳ dành cho Trương Tấn Sang cũng hoàn toàn không có gì đáng nói, không như cách đón tiếp long trọng mà Washington dành cho các lãnh tụ ngoại quốc khác khi đến thăm nước Mỹ.
Thí dụ như Sang đến thì đến bằng phi trường quân sự Andrew Air Force Base ở ngoại ô Washington. Không lễ đón tiếp, không đại bác bắn mừng. Không giới chức cao cấp tương nhiệm nào ra đón. Dọc đường đi vào thủ đô không một đám đông nào đứng chào. Khác hẳn những cuộc viếng thăm Washington của những quốc khách khác. Đa số đều được mời đến đọc diễn văn ở quốc hội như Thí dụ tổng thống Philippines, bà Corazon Aquino, tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel, bà Aung San Suu Kyi dẫu cho bà Suu Kyi không phải là nhân vật cầm quyền của Miến Điện.
Chuyến đi đã không tạo được bất cứ một ấn tượng nào.
Chỉ thấy một nét nham nhở và cực kỳ vô duyên láo toét của Trương Tấn Sang là khi anh ta tuyên bố lếu láo vài ba câu liên quan đến người Việt ở Hoa kỳ.
Anh ta lên tiếng cảm ơn nước Mỹ đã giúp đỡ, cưu mang những người Việt để giúp những người Việt ở Mỹ có được đời sống tốt đẹp hơn, đạt được những thành công tiến bộ về mọi mặt.
Lời nói ấy làm như tình nghĩa, quan tâm đặc biệt tới những người Việt đang sinh sống tại Mỹ lắm. Nhưng câu nói trơ trẽn ấy lừa được những ai?
Làm cứ như những người Việt ở Mỹ là những người bè lũ của Sang gửi qua đây và được Hoa kỳ thay thế cho bọn cầm quyền Hà Nội giúp đỡ, nay Sang phải thay mặt những người ấy cám ơn chính phủ Mỹ không bằng. Trong khi chính những kẻ mặt trơ trán bóng đồng bọn với Trương Tấn Sang là cái nguyên do khiến hơn 1 triệu người Việt Nam phải liều mình chạy trốn và một số lớn đã bỏ mình ngoài biển.
Nay Trương Tấn Sang lại thay mặt cho những người Việt để cảm ơn nước Mỹ đã trợ giúp cho họ.
Chuyện cảm ơn nước Mỹ chúng tôi đã làm rồi, không cần tới Tư Sang.
Đáng lý ra, Tư Sang phải cám ơn nước Mỹ về những chuyện khác. Thí dụ cám ơn nước Mỹ đã cứu những thuyền nhân bỏ trốn chính phủ của hắn, vừa thấy đồng bọn của hắn là đã phải liều chết bỏ ra biển, chạy cho xa cái chế độ hung hiểm giết người đó. Tư Sang phải cám ơn những người Việt từng bị bọn côn đồ buộc phải bỏ đi, nay lại quay lại tiền bạc gửi về giúp cho thân nhân không may còn kẹt lại và rốt cuộc chỉ nuôi cho béo bọn côn quang ở Hà Nội.
Mất công đến được nước Mỹ, cũng chỉ bố lếu bố láo vài ba câu mà chắc ông Obama cũng chẳng quan tâm bao nhiêu. Phái đoàn của Sang không dám quá bộ ra mấy khu Việt Nam ở quanh thủ đô Mỹ để thăm những người Việt Nam ở đó, chụp vài ba tấm ảnh đem về khoe nhắng lên là được đồng bào tiếp đón trọng thể.
Bởi lẽ chỉ có điên dại mới nghĩ tới chuyện đó.
Đi thì lén, đến thì lút, về thì lủi. Hòn đá ném xuống mặt hồ kêu tõm một cái, mặt nước khép lại, không một gợn sóng .
Đi như thế thì đi làm chi?
Ông Obama thì là con vịt què, ông ấy cũng chẳng làm được cái quái gì.
Chuyến đi chẳng mang được cái giải rút nào về mà cũng đi!

Ngày 30 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Bao nhiêu năm nay, tôi cứ nghe nói Hồ Chí Minh thông thạo dăm bẩy thứ tiếng nhưng không biết mức độ thông thạo các ngôn ngữ ấy của chàng ở mức độ nào.
Tiếng Hoa thì có mấy chữ Hán gửi cho chị vợ Tầu là Tăng Tuyết Minh. Tiếng Pháp có bức thư chàng gửi xin việc cho cha thì có thể coi là chỉnh. Lý do là vì chàng ở Trung quốc hơi lâu, lại là người Việt sống dưới thời Pháp thuộc nên hai thứ tiếng ấy chàng có thể được coi là thông thạo.
Nhưng tiếng Anh của chàng thì phải xét lại.
Đó là vì mới đây tôi có được đọc một bức thư chàng gửi cho tổng thống Mỹ Harry S. Truman mà Trương Tấn Sang đem ra khoe với ông Obama để nhắc ông Obama rằng trước đây Hồ Chí Minh cũng muốn nhờ vả nước Mỹ chứ không phải lúc nào cũng chống Mỹ.
Bức thư không đề rõ tên người nhận là ông Truman nhưng vì thư đề ngày 28 tháng 2 năm 1946 thì rõ ràng ông Truman lúc ấy là tổng thống Hoa kỳ thay ông Roosevelt qua đời tháng 4 năm 1945.
Bức ảnh chụp lại văn kiện này ghi ở đầu là telegram nhưng lại được viết như một lá thư thường, phía dưới còn có chữ ký của Hồ Chí Minh.
Đọc qua bức thư, người ta thấy ngay ở dòng thứ 6, và dòng thứ 8, thay vì là dấu chấm câu, thì lại là chữ "STOP" như cách viết trong telegram.
Thôi thì bỏ qua chi tiết đó cái đã.
Nhưng nếu là một bức thư chính thức của chàng gửi cho ông Truman, tổng thống Hoa kỳ, thì thư phải có lời chào hỏi, xưng hô cho đúng cách. Phải là "Your Excellency" chứ không bao giờ là "you" như trong thư từ thông thường. Cuối thư cũng không kết với một lời chào kèm theo một lời chúc.
Ngoài ra, hình như chàng còn không biết dùng mạo từ cho đúng văn phạm nữa. Không thể viết "On behalf of Vietnam government and people…" Phải là "On behalf of THE Vietnam government and THE people of Vietnam". Ở dòng số 6, người viết cũng lại không dùng mạo từ "THE" trước những chữ "French population and troops".
Rồi ở dòng thứ 4, đáng lẽ phải viết là "in THE course of THE conversations between THE Vietnam government and THE French representatives …" thì 4 mạo từ xác định hoàn toàn vắng mặt. Dòng thứ 8 thì viết sai chính tả chữ "military" thành "milltary". Dòng thứ 9 thì cũng biết viết "the American people" thì tại sao lại không biết dùng mạo từ "THE" ở trước "Vietnam people" ở trên?
Thế là bức thư vỏn vẹn có 11 dòng đã để lại mấy cái lỗi dốt nát như thế thì giỏi tiếng Anh ở chỗ nào?
Nếu nói bức thư đó là do phụ tá viết thì tại sao chàng ký tên ở dưới, tức là đã đọc, lại không nhìn thấy những cái lỗi chình ình đó để mà sửa?
Theo nhật ấn ở góc phải của bức thư thì Washington nhận được hôm 11 tháng 3. Như vậy là thư được gửi qua bưu điện, đề ngày 28 tháng 2, chứ không phải là telegram. Phóng ảnh còn cho thấy cả chữ ký tay của chàng thì làm sao lại gọi là telegram?
Thôi thì rửa chén, dọn dẹp cái bếp của khách sạn Drayton Court ở West Ealing, rồi sau đó ở khách sạn Carlton ở Haymarket thì tiếng Anh lượm được ở dưới bếp phải ở cỡ đó chứ sao.
Nhưng tại bọn đàn em cứ nhắng lên khoe là chàng thông thạo cả tiếng Anh nữa nên mới kể ra chơi ở đây nghe chơi cho biết.

Ngày 31 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Trong lần gặp gỡ Trương Tấn Sang ở tòa Bạch Ốc hôm 25 tháng 7, ông Obama nói rằng Hồ Chí Minh đã lấy được cảm hứng từ bản tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ của Thomas Jefferson.
Ông Obama lập tức bị một số nhà bình luận Mỹ chê là không hiểu biết gì về Hồ Chí Minh khi đưa ra sự so sánh Hồ Chí Minh, một kẻ giết người không gớm tay, với Thomas Jefferson, một quốc phụ của nước Mỹ, người đặt để ra những nguyên tắc bình đẳng và tự do cho Hoa kỳ. Bài xã luận đăng trên trang 1 số đề ngày 29 tháng 7 của tờ Investor’s Business Daily qua dòng tựa đã viết thẳng rằng tư cách của ông Obama đã xuống tới một mức thấp hơn nữa khi ông nối kết Thomas Jefferson vào với Hồ Chí Minh. Câu đầu của bài xã luận nói rằng ít có một sự so sánh nào lại có thể đáng tởm hơn là sự so sánh Hồ Chí Minh với Thomas Jefferson của ông Obama.
Chắc ông Obama muốn nhắc tới đoạn mở đầu của bản tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chí Minh đọc ở quảng trường Ba Đình, câu ấy nguyên văn như thế này: "Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc." Mấy câu này được dịch thẳng từng chữ từ bản tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ do Thomas Jefferson viết. Chính Hồ Chí Minh cũng xác nhận là đã lấy từ bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ.
Bản văn này, họ Hồ chỉ nhớ được lõm bõm từ những ngày theo một tầu buôn tới Mỹ từ trước đệ nhất thế chiến. Hồ Chí Minh cố nhớ lại nhưng không được nên phải nhờ đến trí nhớ của James Patti, một nhân viên tình báo OSS, tiền thân của CIA mà Hoa kỳ gửi tới Việt Nam để hợp tác với Việt Minh trong nỗ lực chống lại quân Nhật ở Đông Dương.
Và chính James Patti đã đề nghị Hồ Chi Minh dùng ý của Thomas Jefferson để mở đầu cho bản tuyên ngôn mà Hồ Chí Minh đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Không chỉ ở đoạn mở đầu mà luôn cả ở đoạn cuối bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh cũng lấy một câu khác của Thomas Jefferson và diễn sang tiếng Việt thành: "nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập" . Câu của Jefferson là "…these united colonies are, and of right ought to be, free and independent states".
Như vậy, ông Obama đúng một phần: Hồ Chí Minh có lấy ý của Thomas Jefferson để viết bản tuyên ngôn độc lập đọc ở quảng trường Ba Đình.
Nhưng nói là Hồ Chí Minh lấy cảm hứng từ Thomas Jefferson thì không đúng. Lấy cảm hứng là dựa theo ý, noi theo gương của một người, một tư tưởng, một ý kiến để làm theo người ấy, dựa vào tư tưởng ấy để hành động. Theo cách hiểu của câu lấy cảm hứng thì phải là như thế. Thomas Jefferson là người thực hiện và hành xử đúng những điều ông viết xuống trong bản tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ, đó là hết lòng tranh đấu, tôn trọng lý tưởng tự do, quyền bình đẳng của con người, các tự do ngôn luận, tôn giáo, báo chí. Nước Mỹ đã được xây dựng và phát triển theo đúng những nguyên tắc mà Thomas Jefferson viết xuống trong bản tuyên ngôn độc lập trong khi đó, Hồ Chí Minh chỉ chép lại những câu của Thomas Jefferson để lừa bịp cả một dân tộc dùng những lời hay ý đẹp của Jefferson, rồi quay ra tàn sát thẳng tay những người chống lại con đường Cộng sản mà họ Hồ du nhập vào Việt Nam và những tác hại của việc đó vẫn còn tiếp tục diễn ra ở Việt Nam cho mãi đến tận ngày hôm nay.

Nói Hồ Chí Minh lấy cảm hứng từ Thomas Jefferson để làm những việc như thế là một việc lăng mạ và bôi bẩn tác giả của bản tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ vậy.