Ngày 28 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Một tờ báo trong nước, tờ Kiến Thức trong số đề ngày 27 tháng 8 cho biết theo thống kê của Cục Kiểm Tra Văn Bản Qui Phạm Pháp Luật thì trong thời gian 10 năm qua, từ năm 2003 đến 2013, có khoảng 50 ngàn văn bản sai trái đã được "xử lý" ở các mức độ khác nhau.
Nói cách khác, đã có 50 ngàn thứ luật lệ, qui định bị dẹp bỏ vì bị coi là bố lếu bố láo, bị dân chúng phản đối, thẳng tay đòi thu hồi, vô hiệu hóa.
50 ngàn là một con số không nhỏ. Chia đều cho 10 năm thì mỗi năm có khoảng 5 ngàn , và như vậy thì mỗi ngày có hơn 13 văn bản luật pháp hay qui định bị dẹp bỏ, không còn được áp dụng nữa sau khi ban hành.
Luật lệ gì mà quái đản như vậy! Nay ban hành, mai thu hồi, dân chúng ai biết đâu mà lần. Thiếu gì cảnh công an cảnh sát đem những thứ luật nhảm nhí đó ra làm khó người dân để ngay sau đó lại phải hủy những biện pháp vừa được áp dụng để tạo khó khăn cho đời sống người dân.
Mới đây nhất, hai bộ trong chính phủ lại lôi một đề nghị từng bị dẹp cách đây không lâu ra để thảo luận trở lại. Chuyện thảo luận chưa đi đến đâu thì tin tức lộ ra ngoài, tin thì nói đó là ý kiến của bộ Y Tế, tin thì nói đó là việc của bộ Giao Thông Vận Tải, thế là đồng đổ bóng, bóng đổ đồng bên nọ chối, bên kia né, không bên nào nhận là đã đưa ra đề nghị quái đản về chuyện lái xe gắn máy. Đại khái theo những đề nghị này thì muốn được cấp bằng lái xe gắn máy 50cc, thì ứng viên phải cao hơn 1m45, nặng hơn 40 kg , và ngực phải đo được hơn 72cm.
Thực ra, năm 2008, bộ Y Tế đã đưa ra Quyết Định số 33 với những điều kiện như vừa kể nhưng sau đó, văn bản này đã bị thu hồi thì nay lại được lôi ra thảo luận.
Theo những giải thích của bộ Y Tế thì những đòi hỏi đó được đưa ra để bảo đảm là người sử dụng các loại xe này có đủ sức khỏe để điều khiển xe. Người sử dụng phải có tay chân đủ sức để bóp
embrayage, điều khiển tay gas, chân phải đủ sức để sang số và đạp thắng. Nếu không đủ sức để sử dụng các bộ phận kể trên của xe thì có thể dễ gây tai nạn. Điều đó có thể đúng. Nhưng đưa thêm qui định về vòng ngực thì có thể là vô lý. Vòng ngực 72 cm không hề bảo đảm cho sức mạnh của bàn tay và cánh tay.
Những chiếc velo solex máy đặt ở phía trước không bao giờ đòi hỏi người sử dụng nó phải có bộ ngực đo được bao nhiêu centimét mà có bao giờ loại xe này gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng đâu.
Rõ ràng việc đề ra những quy định này chỉ là việc làm của một bọn vô công rồi nghề, bịa ra những chuyện ngu xuẩn vớ vẩn cho có chuyện để làm rồi sau đó lại thu hồi nhũng thứ luật lệ quái đản đó mà thôi.
Muốn lo cho sức khỏe của người dân, muốn tránh những thảm họa cho người tiêu thụ thì sao không ngăn chặn thịt thối tuồn vào thành phố, rau tươi tưới bằng các hóa chất độc hại, trái cây tẩm thuốc độc cho chóng chín?
Cấm ngực nhỏ lái xe 50cc, lại còn cấm luôn cả những người bị bệnh da liễu, vẩy nến, vẩy cá, nấm … thì còn ai được cấp bằng lái để ra đường cho các anh cảnh sát giao thông chặn lại làm tiền chôm chĩa với nhau rồi ra luật cấm chụp hình quay phim các anh cảnh sát giao thông đòi hối lộ kiếm kế sinh nhai cho được?
Chao ôi, luật với lai chẳng lệ trong cái đất nước tệ lậu ngày nay nữa?
Tưởng tượng đang lái xe lại bị các anh cảnh sát giao thông liêm chính vẫy lại hỏi đủ các thứ giấy tờ rồi lại rút cái thước ra đo bộ ngực omega của tôi, kế đến lại đòi cái … đồng hồ giữ làm kỷ niệm thì nói năng thế nào với mẹ cháu ở nhà đây!
Ngày 29 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Tại Cần Thơ đang có một cuộc triển lãm mà giấy mời ghi rõ là để ghi nhớ ngày kỷ niệm 68 năm diễn ra cuộc cách mạng tháng Tám và đồng thời cũng là ngày quốc khánh 2 tháng 9 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Cuộc triển lãm còn kéo dài cho đến hết ngày 15 tháng 12 với hàng trăm cổ vật tìm thấy được trong một con tầu đắm ở ngoài khơi Cà Mau, những bình cổ, chén bát bằng sứ nhiều món còn nguyên vẹn sau bao nhiêu năm nằm dưới đáy biển. Con tầu chở những sản phẩm gốm của thời Ung Chính nhà Thanh đang trên đường đi
Âu châu thì đắm ở Cà Mau. Các hiện vật này, khoảng hơn 130 ngàn món, được tìm thấy hồi năm 1998 và tuần này được đem tới trưng bầy ở Cần Thơ.
Nguyên việc đem những cổ vật tìm thấy ở Cà Mau trưng bày tại Cần Thơ cũng đã là không thích hợp rồi. Phải là những thứ xuất xứ ở Cần Thơ trong giai đoạn lịch sử ấy, và phải là những thứ có dính dáng đến cuộc cách mạng tháng Tám và ngày 2 tháng 9 chứ.
Mấy món chai lọ, bình bát, tô chén vớt được ở vùng biển ngoài khơi Cà Mau thì liên quan gì đến cách mạng, và đến thành phố Cần Thơ ?
Mà đó lại là những món sản xuất tại Trung quốc thời nhà Thanh đang trên đường đem bán sang
Âu châu.
Giải thích như thế nào về sự có mặt của mấy món đồ sứ đó trong phòng triển lãm về cuộc cách mạng tháng Tám và ngày 2 tháng 9?
Việc đưa những món cổ vật này ra trưng bầy trong phòng triển lãm là một việc làm hoàn toàn sai trái. Những cái chén bát cổ đó không có bất cứ một lý do nào để được đem ra bầy tại cuộc triển lãm kỷ niệm hai biến cố của nước Việt Nam.
Nhưng nguy hiểm hơn là việc đem trưng bầy những món cổ vật ấy chắc chắn sẽ khiến cho người xem coi chúng có những liên hệ với lịch sử Việt và ngày quốc khánh của Việt Nam.
Chúng là những cổ vật xuất xứ từ Trung quốc, lại cũng chẳng ra đời hay xuất hiện, hay được tìm thấy trong thời điểm diễn ra cuộc cách mạng tháng Tám hay nhân ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Việc có mặt của những món cổ vật của nhà Thanh chỉ có thể hợp lý nếu Việt Nam là một phần của nước Tầu. Nhưng không phải là như thế. Vậy thì sao lại đem bầy những cái tô cái chén đó tại phòng triển lãm cách mạng tháng Tám và quốc khánh Việt Nam?
Việc đem những món đồ gốm của đời nhà Thanh chỉ có thể là một việc làm tự coi quốc khánh Việt Nam, cách mạng tháng Tám là những sinh hoạt của Tầu, của nước Tầu.
Vào lúc đang diễn ra những chuyện không hay giữa Việt Nam và Tầu, và trong khi bọn thực dân xâm lăng mới đang tìm mọi cách khiêu khích, bắt nạt, lấn át, lộ rõ tham vọng xâm lấn đất đai của Việt Nam thì bọn ngu xuẩn dốt nát tổ chức cuộc triển lãm đầu Ngô mình Sở với những món cổ vật tầm bậy tầm bạ vớt từ một chiếc tầu buôn Trung quốc trên đường đi
Âu châu.
Giá như chiếc tầu ấy đem bán những thứ trên tầu để lấy tiền giúp cách mạng Việt Nam thì cũng tạm hiểu được đi.
Nhưng đem những thứ vớ vẩn như vậy trưng bầy nhân kỷ niệm cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2 tháng 9 thì ngu khong để đâu cho hết ngu là vậy.
Khách đến thăm tha hồ được thấy tận mắt nước ta và nước Tầu chỉ là một. Bằng cớ rõ ràng, không chối vào đâu được rồi nhé.
Thảo nào ông Điếu Cầy chỉ cần phản đối bọn Tầu cướp đất, cướp biển là bị đem đi giam mút chỉ.
Bọn ngu xuẩn ở Cần Thơ, như vậy, chỉ kỷ niệm cuộc cách mạng tháng Tám và ngày quốc khánh của bọn Cộng sản chúng nó chứ không bao giờ là của nước Việt Nam cả.
Ngày 30 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Một tờ báo tiếng Anh ở Hán Thành, tờ Korea Times vừa tiết lộ một chuyện khá lý thú. Và nếu trò này được nhiều người bắt chước làm theo thì có thể số người chống đối sẽ không phải là con số nhiều lắm.
Trong những năm gần đây, bất cứ cái gì từ Hàn quốc tung ra đều được hưởng ứng rất kỹ. Phim ảnh, ca nhạc, thời trang Hàn quốc được đông đảo người Việt ở trong nước hết sức ưa chuộng. Vài ba ngôi sao Hàn quốc đến thăm Việt Nam đều được đón tiếp rất nồng nhiệt. Một tài tử điện ảnh nọ, theo tờ Tuổi Trẻ, trong một chuyến đi Hà Nội cách đây mấy tháng, khi vừa rời khỏi chiếc ghế ngồi tại một buổi gặp gỡ các cuồng "fan" thì lập tức cả chục người nhào đến ôm lấy cái ghế hít lấy hít để.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lúc được ái mộ nhất cũng không được dành cho những cái hít hà như thế.
Người ta bắt chước tất cả mọi thứ xuất xứ từ Đại Hàn. Có nhiều thứ bắt chước cũng đúng. Đại Hàn trong có vài chục năm đã phát triển vượt bực về nhiều mặt, và nay đã trở thành một cường quốc đáng nể về kinh tế cũng như quân sự tại vùng đông bắc Á. Bắt chước để tiến lên như Đại Hàn thì tại sao lại không?
Tờ Korea Times cách đây mấy hôm cho biết phụ nữ, và luôn cả một số đàn ông Đại Hàn đã đua nhau kéo đến các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ để nhờ các chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ giúp tạo cho họ những nụ cười và để cho những nụ cười luôn luôn đậu ở trên môi. Một đường cắt ở khóe miệng, hai ba mũi khâu là có ngay một nụ cười trên môi. Khuôn mặt sáng hẳn ra.
Trò giải phẫu này được thực hiện rất thành công đã đem lại những nét khả ái cho nhiều phụ nữ trẻ, và luôn cả rất nhiều người đàn ông.
Thế là sau những dịch vụ gọt hàm, độn cằm, cắt mí, làm cho đôi mắt biết cười, nay đến những nụ cười được tạo ra cho những khuôn mặt bí xị lúc nào cũng như ngủ chưa đã mắt, lúc nào cũng như thiếu ngủ trở thành dễ coi hơn, ở nhà cũng như lúc ra đường.
Hy vọng sẽ nhiều người Việt Nam đổ xô đi nhờ dao kéo để "em về điểm phấn tô son lại, ngạo với nhân gian một nụ cười" như trong hai câu thơ của Thái Can.
Những khuôn mặt hình sự thường trực nhăn nhó khó khăn có thể sẽ dần biến đi trên những khuôn mặt quê hương (?)
"đi qua nửa đời không có một ngày vui" (TCS) sẽ sáng lên một chút.
Không phải là chỉ ở trong nước, mà luôn cả ở những nơi ở ngoài nước cũng vậy. Nhất là ở nam California nơi rất đông người Việt đang sống vui vẻ hạnh phúc. Nhưng nhiều người lại rất … hình sự khi ra đường.
Hình như những người này đã tâm nguyện với mình là ra đường phải khó đăm đăm mới đúng điệu, mới hợp thời trang thì phải.
Tôi đã gặp không ít những nhan sắc ấy.
Vào ngân hàng, đẩy cái cửa , giữ lấy cánh cửa chờ người phía sau, nhưng người
"đi qua đời tôi" vẫn cứ nghiêm và buồn. Tự nhiên tôi được quí nhân ấy tìm ngay cho công việc giữ cửa cho các ngài.
Lái xe đi trên đường, nhường cho xe của quí nhân đi từ
parking lot tiến ra, lại một khuôn mặt không vui khác.
Đang xếp hàng chờ đến lượt mình thỉnh thoảng cũng thấy một người Việt hồn nhiên tiến vào, cắt ngang chen lên phía trước. Đi chợ, đi ăn trả tiền cũng gặp nhiều đồng hương như thế. Có thể cấu trúc của những cái mặt khiến cho những người có những khuôn mặt ấy giống như những người anh em họ xa của chúng ta khi vừa ăn một củ gừng to tổ chảng chăng?
Nhưng nay, các dao kéo Đại Hàn sẽ có thể giải quyết những trường hợp ấy để quăng đi vĩnh viễn những củ gừng cho biến luôn những nét hình sự đó cho rất nhiều người được nhờ.
Cuốn phim dựa trên một tác phẩm của Francoise Sagan,
Un Certain Sourire có một câu hát rất hay: nụ cười nào đó ấy sẽ ám ảnh mãi trong tâm tưởng của bạn hoài hoài.
Có thể vì nó vừa được sửa bằng dao kéo rồi chăng?