March 29, 2012

March 30, 2012

Ngày 26 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Tuần trước, một nhật báo ở đây có viết một bài khá dài về một số sinh vật và thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có một vài giống cây, một giống cóc, một giống chim và một loài chuột . Tất cả đều có thời sống đông đảo ở khắp California. Chính phủ tiểu bang muốn giúp những sinh vật này thoát cảnh những con chim hồng, chim lạc của Việt Nam, mà con cháu của những con chim này ngày nay chỉ được nghe nói lơ mơ về tổ tiên của mình, lắm lúc nhớ cội nguồn, muốn xem lại hình ảnh hai giống chim này, là lại phải vật cái trống đồng ra coi những hình khắc trên mặt trống.

Nhà cầm quyền tiểu bang không cho xây vài con đường, hạn chế khai thác tài nguyên ở một số vùng để cho những giống cây, những giống côn trùng, cá, thú rừng có cơ hội cuối cùng sống tiếp, may ra vài ba năm, một chục năm sau, chúng mọc được thêm, sinh đẻ nhiều ra, thì người ta lại được phép săn bắn như loài bò rừng hiện nay hay loài gấu ở miền đông.

Nhưng không thấy bài báo đả động gì đến một thành phần tôi nghĩ cũng đang càng ngày càng hiếm thấy, đã lâu không còn gặp, sợ là đang trên đường tuyệt chủng hay bị đe doạ tuyệt chủng.

Có một thời, những thứ này đông đảo lắm. Thực ra phải nói rõ hơn, là những "người" như thế nhiều lắm. Nhưng càng ngày càng ít gặp. Lúc đầu thì thưa thớt. Bây giờ thì kiếm đỏ mắt cũng không ra.

Hay là lại biến thành trường hợp của "Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ" mất rồi?

Đó là những người đàn ông và những ngươi đàn bà phi thường, không hèn, không bao giờ sống những cuộc đời nhàm chán, vô vị, tẻ nhạt, thí dụ như … tôi chẳng hạn. Tôi không dám lôi những người khác vào hàng ngũ này vì chưa xin được phép, chưa có sự đồng ý của họ.

Những người này được thơ văn, cũng như nhạc nhắc đến rất nhiều. Họ rất khác những con người tôi vẫn gặp hàng ngày, và dĩ nhiên là cũng khác tôi rất nhiều, những người mà ai trong chúng ta nhìn quanh cũng thấy, với cuộc sống không có bất cứ gì đáng để nói, đáng để ghi lại thành nhạc, thành thơ.

Sáng tờ mờ đã bị cái đồng hồ báo thức khủng bố nhất định không cho tiếp tục mưu cầu hạnh phúc với cái giường như hiến pháp của Hoa kỳ đã bảo đảm và ghi rõ. Ra khỏi giường, mắt nhắm mắt mở ra cửa nhặt tờ báo vào, pha ly cà phê, vặn cái TV lên xem hôm nay mấy cái mặt chó ở Hà Nội đã chết chưa, các đứa trong bộ chính trị dấu ở nhà bao nhiêu tiền, để mấy em vợ bé, đào nhí ở đâu, và bao giờ đi theo các ông Kác Mác , Lê Nin như có một người đàn ông từng viết cái di chúc nham nhở để lại cho hậu thế soi chung (?). Rồi sửa soạn đi làm để đối mặt với mấy anh chị chủ hắc ám vừa dữ vừa xấu, trưa chạy ra đầu đường gặp ông đầu bếp McDonalds nửa tiếng rồi trở lại sở, đau khổ đến lúc về thì lại ngồi trong dòng xe kẹt cứng trên xa lộ 405, rồi ghé những chỗ chuyên môn cơm đường cháo chợ trước khi về nhà làm tiếp một số việc, sau đó đi ngủ để sửa soạn sống tiếp một ngày mai nhàm chán hơn.

Trong lúc ấy , những người kia thì thơ văn, âm nhạc cho thấy suốt bẩy ngày, họ không thèm làm bất cứ một chuyện gì khác hơn là "tôi chờ người đến với yêu đương".

Cả tuần họ cứ rã rượi ra chờ cho đến thứ bẩy để làm một số chuyện mà nhiều người với cái thời biểu làm việc kể sơ sài ở trên không bao giờ làm được.

Chẳng hạn như:

Chiều thứ bẩy mưa rơi
Ai bảo anh lại tới
Ai bảo anh xin lỗi
Ai bảo anh nhiều lời
Cho mắt em lệ rơi
...

Người phụ nữ ấy suốt tất cả bẩy ngày, như lời bài hát, không làm gì cả, chỉ đắm trong bể ái ân của chàng. Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bẩy, chủ nhật. Bẩy ngày nàng không làm gì hết, chỉ chờ chàng tới. Nàng để ý biết chàng thích mầu nào thì mặc cho chàng cái áo mầu ấy. Chàng cũng vậy, không thấy nói đi làm, đi học hay đi lính đánh Việt Cộng gì hết, cứ ngày nào cũng chờ chờ đến giờ là xẹt tới nhà nàng, bất kể sáng trưa chiều tối.

Trời ơi, tại sao lại có những nguời sống được những cuộc đời huy hoàng, oai hùng, lãng mạn và đẹp như thế?

Những người đàn ông thì "năm năm lại muốn làm khăn gói" để đi giang hồ. Đi giang hồ đến gần Tết thì kiếm cái gác trọ nào vào ở tạm vài hôm để " rũ áo phong sương trên gác trọ / lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang". Vài hôm sau , lại lêu bêu ra bến sống cho em bé điên cuồng vì hình ảnh "người ấy bên sông đứng ngóng đò".

Tại sao ngày xưa người ta sống oai như vậy ?

Nhớ bài The Way We Were của Barbra Streisand có câu: "Có thể nào đời sống thời ấy bình dị như thế/ Hay thời gian đã viết lại mọi thứ?"

Tại sao những người oai hùng đó không bao giờ phải khổ vì mấy cái bills như chúng ta ngày nay. Cứ áo phong sương , chiều thứ bẩy lại thăm, em bé mặc áo xanh, mầu chàng thích...

Chao ôi là sướng, mà sao chúng ta khổ như thế này hở Trời?

Nhưng áo phong sương trên gác trọ với cô bạn cứ rã rượi lãng mạn cuối mùa thì chúng ta có chịu sống như thế không? Có phải vì vậy mà các chàng và các nàng tuyệt chủng rồi không?


Ngày 27 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Câu đầu tiên của bài học Anh ngữ thường thì phải là câu How are you ?

Cho dù đó là bộ đĩa Linguaphone hay Assimil hay bộ sách Anglais vivant, bộ English For Today, bộ Life With The Taylors hay bộ Direct Method mà chúng ta ai học tiếng Anh cũng phải học qua.

Và câu kế tiếp, gần như bao giờ cũng là I am fine, thank you, and you?

Ông, bà, cô khoẻ không? Dạ thưa tôi khỏe, còn ông, bà cô thì thế nào?

Để trả lời cho câu hỏi, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa một lời chào đó, ở những lớp học tiếng Anh, chúng ta được dậy trả lời là thưa ông, bà, cô tôi khoẻ.

Vậy là đủ.

Chưa thấy một lớp tiếng Anh là sinh ngữ thứ hai nào dậy chúng ta phải dài dòng rằng thưa ông, tôi khỏe lắm ông ạ…áp huyết , cholesterole đo tuần trước rất tốt, đường ở mức bình thường. Ngủ thì tôi vào giường thẳng cẳng một giấc đến tận sáng hôm sau, 7 giờ sáng mới thức. Ăn hai lát bánh mì nướng, cầm hai quả tạ 10 pounds đi tới đi lui, chạy treadmill 15 phút rồi vặn truyền hình xem tin tức, tắm một cái rồi sửa soạn đi làm, mang theo tờ báo vào sở đọc. Buổi trưa xuống cafeteria ăn cái sandwich, chiều về ăn uống rồi đọc báo, xem TV đi ngủ. Cứ như là cảnh trong Vang Bóng Một Thời ấy thôi, cũng …

Dạ bán tam bôi tửu
Bình minh sổ trản trà
Nhất nhật y như thử
Lương y bất đáo gia…

Nửa đêm ba ly đỏ
Sáng ra một bình trà
Mỗi ngày được như thế
Thầy thuốc chẳng đến nhà...

Có thể chúng ta không được dậy ở lớp vỡ lòng tiếng Anh đầu cua tai nheo như vậy là vì tiếng Anh của chúng ta chưa đủ, nên mới chỉ ngập ngừng I am fine. And you?

Nhưng cũng có thể chúng ta nói như thế là vì lôi những thứ đầu cua tai nheo ra, nói thật về bệnh trạng của chúng ta ra là điều không nên chăng?

Tưởng tượng vừa mới đưa ra câu chào How are you? thì phía bên kia như vừa mở được cái nút, là ào ra như thế này :

Thưa ông , chẳng nói dấu gì ông, tôi thấy trong người mấy hôm nay nó làm sao ấy. Sáng hôm qua, đi cầu tôi thấy phân không được vàng như những ngày thường, nó lại nổi lên chút váng, mầu thì hơi đen ông ạ. Chẳng hiểu như thế là thế nào . Lại còn thêm vào đó là cứ đi tiểu nhiều lần trong đêm ông ạ. Mà dòng nước thì lại không được mạnh như thời còn trai trẻ. Sáng dậy chân tay cứ bã ra ấy thôi, phải nằm cả nửa tiếng mới thấy đỡ mệt ông ạ. Thế là chẳng thấy sống vui sống khỏe chút nào. Ăn thì hai bát là nhiều lắm. Có khi hai ba ngày không bài tiết được thưa ông. Cố thế nào cũng không ra được bao nhiêu. Ông thấy tôi khổ không? Còn ông thì sao, bệnh trĩ của ông đi đến đâu rồi? Ông có tính lần này nhờ cắt, đốt, cột không? Chứ để nguyên như vậy, trông ông đi đứng tôi ái ngại lắm…

Tưởng tượng cứ vừa tay bắt mặt mừng chìa tay ra How are you? một cái thì được nghe đủ bằng ấy thứ thì rồi ai mà còn dám hỏi với lại han nữa.

Thế nên câu How are you? hình như chỉ để hỏi cho có lệ thôi thì phải. Cũng như câu how are you doing? vậy.

Không lẽ lại phải trả lời I am not doing hay sao?

Hay nghe hỏi how do you do? rồi trả lời I don’t do chăng?
Người ta vẫn nói rằng người đại vô duyên là người khi chúng ta nói how are you ? thì liền ngồi xuống cho chúng ta biết đủ mọi thứ đầu cua tai nheo trên đời này. A bore is someone when asked how are you, would tell us how he is.

Sáng hôm qua, vừa bước vào sở thì bị quăng ngay câu How are you ? vào mặt.

Tôi trả lời là chán lắm. Nhìn thấy cái mặt người trong gương ngó ra là không muốn ra khỏi nhà rồi.

Thì liền bị người hỏi câu đó nói rằng thưa ông, tôi không muốn nghe phúc trình sức khỏe của ông. Tôi hỏi cho có lệ đấy thôi. Sao ông không trả lời I am fine. Thank you. And you? như những người vừa học xong lớp English As A Second Language mà ông phải nhiều lời như the?

À thì ra đó chỉ là một câu chào cho có lệ. Thế mà cứ tưởng người hỏi quan tâm về mình lắm.

Vậy thì xin kết thúc bài này bằng câu của ông Bùi Giáng:

Dạ thưa phố Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.

Hay nếu không thì :

Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa

không biết có được không...

Mấy câu dẫn ở trên thực ra là những câu khai bệnh nghe được trên làn sóng điện giữa một bữa chiều. Bữa ăn bèn bị dẹp và chạy vội ra dầu đường kiếm ông McDonald vậy.


Ngày 28 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Cung điền trạch của tôi có Địa Không, Địa Kiếp ở sát bên cạnh. Tử vi nói như thế là số không có hàng xóm tốt, lúc nào cũng có gian phi rình mò ở gần nhà. Có một lối luận đoán còn nói là có quân trộm cướp ở ngay nhà hàng xóm. Chuyện trộm cướp cạnh nhà thì chưa thấy nhưng nhìn lại những hàng xóm láng giềng tôi có từ khi ra đời thì chưa thấy có ai là người tốt. Ở trong nước cũng như ở Mỹ.

Ở Sài Gòn láng giềng của tôi cũng là người hết sức khó chịu. Ở Mỹ, hồi còn ở miền đông, láng giềng của tôi cũng không phải là người tử tế lắm.

Tôi mất láng giềng đều là vì những con chó của láng giềng. Tục ngữ Việt Nam có câu chó dữ mất láng giềng . Tôi không nuôi chó, mà mất láng giềng vì con chó của láng giềng.

Ông láng giềng ở Sài Gòn thì thả con chó ở ngay sát cửa nhà tôi. Nó sủa bất kể sáng trưa chiều tối, tôi mất ngủ nhiều đêm cũng vì nó. Mỗi lần tôi về nhà, nó xộc ra, hầm hè rất khó chịu. Một lần than phiền với ông, ông văng tục ra nên không dám đụng tới chủ chó và chó nữa vì hôm ấy không còn phân biệt được đâu là chủ và đâu là chó nữa. Từ đó cho đến ngày đi khỏi Việt Nam.

Ông láng giềng ở miền đông cũng có một con chó, một con Saint Bernard to gần bằng con bò con. Con chó đặc biệt thích cái vườn sau nhà tôi, nên hôm nào nó cũng chạy qua để lại một đống kỷ niệm. Vì nó là chó lớn nên kỷ niệm nó để lại cũng lớn. Than phiền với ông, ông chỉ nhún vai nên thấy chuyện than phiền không nên nữa. Tôi bán nhà đi nơi khác. Cũng vì không phân biệt được đâu là chủ, đâu là chó.

Người Mỹ nói không chọn được láng giềng, nhưng tôi nghĩ là có thể né được láng giềng. Đi thật xa khỏi hai ông là hết chuyện. Nhưng nếu không muốn đi xa, thì cũng có thể làm một vài chuyện khác.

Thí dụ hồi ở Sài Gòn, thì tôi có thể ra chợ chó đường Hàm Nghi kiếm nuôi một chị chó thật đẹp và thật sexy, lúc nào cũng nưóc hoa thơm lừng, giọng sủa thì quí phái thanh tao, đi ra đi vào ngúc ngoắc cái đuôi trông rất gợi tình, nhưng giữ chặt trong nhà không cho ra ngoài để anh chó bên cạnh không lại được gần chị chó của tôi đến độ tức điên lên thành chó dại cắn ông chủ nhà vài cái chơi.

Ở miền đông thì có thể dựng lên một hàng rào, không cho cho Saint Bernard chạy sang vườn làm bậy nữa, để nó cứ sủa bậy tưng bừng , vãi phân đầy đất trong khi chủ nhà bên này bắt chước đôi câu đối của cụ Tú Hải Văn trong Vang Bóng Một Thời gọi hề đồng pha nước trước hiên mai mà không thú vị sao?

Sướng nhất là làm như thế hai ông hàng xóm vẫn không làm gì được. Thế là cứ ở nguyên căn nhà cũ, không cần phải bực bội về hai ông hàng xóm nữa.

Nhưng bây giờ, nghĩ lại, có thể tôi bị rắc rối.

Ông hàng xóm ỏ Sài Gòn có thể đòi tôi phải mở cửa cho con chó của ông vào nhà tôi để gặp chị chó xinh đẹp cuả tôi. Ông sẽ nhất định chống việc chia uyên rẽ thuý, ngăn cản không cho con chó đực lỗ mãng và vô giáo dục của ông vào dê chị chó xinh đẹp và duyên dáng của tôi. Ông sẽ coi việc tôi làm là vi phạm quyền của con chó nhà ông.

Điều ông đòi hỏi có vẻ rất vô lý, nhưng ông cứ nhất định đòi như thế thì tôi sẽ phải làm gì? Nhất định là tôi sẽ tiếp tục khóa cửa, không cho chó của ông vào nhà. Ông muốn làm gì thì làm. Nhà của tôi, tôi khóa cửa đấy, tôi không cho chó của ông vào đấy, rồi làm gì tôi? Tôi nghĩ tôi sẽ oai hùng nói lớn lên như thế. Chắc chắn ông sẽ không làm gì tôi được. Cửa của tôi, tôi khóa.

Chuyện dựng cái hàng rào lên cũng có thể bị ông hàng xóm vô lý nhẩy đùng đùng lên đòi tôi phải dẹp hàng rào đi vì hàng rào không cho con chó của ông tự do chạy sang vườn nhà tôi làm bậy nữa. Ông sẽ hét ầm lèn cho mọi người biết là ông chống tôi, và việc tôi làm là trái phép.

Tôi nghĩ ông làm việc đó chỉ là vì ông dốt mà thôi. Có dốt thì mới ăn nói hồ đồ như vậy. Ông chống tôi thì ông làm gì được tôi? Tôi sẽ nói thẳng cho ông ta biết là ông ăn nói tầm bậy tầm bạ. Ông không thể chống việc tôi dựng cái hàng rào lên để bảo vệ tài sản cuả tôi.

Nhưng nghĩ lại thì tôi lại tin là không bao giờ có chuyện như thế, vì cả hai ông hàng xóm tuy có khó chịu thật, nhưng không điên khùng. Bệnh dại chỉ có ở hai con chó các ông nuôi mà thôi.

Tôi nghĩ ra mấy điều này khi đọc những tin tức liên quan đến cuộc bầu cử mấy tháng trước tại Mexico. Một bài báo phân tích cuộc bầu cử của người hàng xóm phía nam của nước Mỹ nêu ra một chi tiết hết sức quái lạ.

Tất cả các ứng cử viên tổng đều có những sáng kiến rất khác nhau về các vấn đề kinh tế, tội ác, nạn nghèo khó ở Mexico. Các ông các bà đều nói những chuyện không có được bao nhiêu thực tế và phần lớn đều là những chuyện bất khả thi, làm không cách nào được. Nhưng trong lãnh vực ngoại giao, tất cả đều nói giống nhau, đó là khẳng định bộ luật về di trú cần phải được tu chính, sửa đổi.

Điều quái đản là ở chỗ bộ luật di trú cần tu chính và thay đổi đó không phải là bộ luật di trú của Mexico, mà là bộ luật di trú của Hoa kỳ. Tất cả đều lên tiếng chống lại việc chính phủ Mỹ đưa binh sĩ tới biên giói phía nam và chống luôn cả việc xây một hàng rào dọc theo biên giới Hoa kỳ và Mexico. Họ nói là sẽ quyết tâm bảo vệ những người di dân lậu gốc Mexico ở Hoa kỳ.

Vậy thì đâu là nguyên tắc không can thiệp vào tình hình nội bộ của các nước khác trong các sinh hoạt ngoại giao mà tất cả các nước trên thế giới đều tôn trọng? Các ông có quyền gì để chống cái hàng rào, phản đối việc đưa binh sĩ ra biên giới và có ý kiến về bộ luật di trú của nước Mỹ?

Đang mùa nóng, thành ra các ông nói năng cũng không tỉnh táo cho lắm. Lúc khác thì nước Mỹ phải nói thẳng vói các ông rằng các ông ăn nói kiểu gì mà ngu quá như thế?

Hay là tử vi nước Mỹ, cung điền trạch cũng có Địa Không , Địa Kiếp vây hai bên?


Ngày 29 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Hồi trước năm 1975, có một bài hát không biết tại sao lại được rất nhiều người thích nghe ở các phòng trà Sài Gòn. Bài hát ấy cũng làm nên tên tuổi của người hát nó mặc dù nó không có bất cứ một lý do gì để được hát lên ở Việt Nam.

Phải chi nó là bài J’ai deux amours của thời ông cụ tôi, một bài hát về Paris thì cũng tạm được đi. Hay bài I Left My Heart In San Francisco thì cũng hay.

Bề gì người nghe cũng đôi chút dính dáng tới Paris hay đã nghe qua về San Francisco...

Nhưng nó lại là một bài hát tiếng Pháp, để nói về Mexico. Giá bằng tiếng Tây Ban Nha thì cũng còn hiểu được.

Một bài hát về Mexico hát bằng tiếng Pháp cho người Việt Nam nghe.

Bài hát có những câu như thế này: Người ta đã ngợi ca những phụ nữ Paris, những cái mũi rất xinh và những cái nón họ đội. Người ta cũng ca ngợi những cô đầm Tây Ban Nha ở Madrid đi xem đấu bò ở đấu trường. Người ta cũng ca ngợi những phụ nữ Bắc Âu và bầu máu nóng của họ... Thế nhưng đến Mexico, thì người ta quên hết, người ta điên lên dưới ánh nắng nhiệt đới...

Khi nghe bản nhạc này, tôi tường tượng ra cảnh những ngày hội, những fiesta, các senorita nhẩy vũ điệu Mexican Hat Dance có tiếng kèn đồng, tiếng violon, tiếng ghi ta thùng, tiếng castanets trong một cái đĩa của người bạn.

Thế rồi lại có lúc nghĩ giá được sống ở Paris chắc phải vui lắm...

Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một vùng sương trắng
Là áo sương mù hay áo em... .

Tội ông Nguyên Sa hết sức. Đọc thơ ông là lại muốn xuôi xuống dòng Montparnasse, ngược lên dòng Sacré Coeur như một đoạn của Vũ Hoàng Chuong.

Rốt cuộc hơn ba mươi mấy năm, tôi kẹt cứng ở nước Mỹ. Chuyện đến sống ở Paris phải bỏ, luôn cả Luân Đôn, cái thành phố mà nhà làm tự điển Samuel Johnson nói là khi chán Luân Đôn thì cũng là khi người ta chán đời luôn.

Lại cũng không thể trở lại Wellington, sống trong căn nhà trên đồi ngó xuống vịnh biển, buổi chiều những chiếc thuyền buồm trở về bến mà tôi đã ngồi ngắm không biết bao nhiêu lần...

Rồi những buổi chiều buồn bã ngồi nhìn nắng chiều ở phi trường Tân Sơn Nhất và mấy câu thơ của Thanh Tâm Tuyền:

Chiều trên phi trường, anh bỗng nhớ em
Nhớ chuyến đi xa đầy hẹn ước
Đây mùa xuân không đến
Đám cỏ hèn mọc trên diện tích xi măng khô
...

Những chuyến đi , những thành phố không bao giờ tới sống được, như ước mơ thời tuổi trẻ muốn đến Huế để sống, uống nước ở Huế, hít thở cái không khí ấy để xem tại sao người dân ở đấy lại như thế, tâm hồn lại như vậy...

Nhưng thôi, những chuyến đi không làm được nữa. Chọn ở đây để sống nốt đời. Mặc dù có những lúc chán đời không thể tả. Thua xa những con chim én ở San Juan, Capistrano, mùa thu bay đi Argentina tránh rét, mùa xuân lại về cái tu viện mái đỏ ở California.

Nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ mang những mơ ước đó ra nữa.

Nơi tôi sống, chán như thế dấy, nhưng nếu bỏ đi, thì tội cho biết bao nhiêu người đang tìm đủ mọi cách để tới.

Tôi nhìn ra điều đó, khi đọc cuốn sách viết về chuyến đi của một thanh niên ở một quốc gia trung Mỹ trong cố gắng tìm lại người cha đã mấy năm không gặp đang sống tại Hoa kỳ. Chuyến đi thập tử nhất sinh bao nhiêu nguy hiểm dọc đường. Mà không phải chỉ có một mình cậu liều mạng tìm cách đi tới nước Mỹ. Mà còn hàng trăm, hàng ngàn người ở cái xứ mà bài hát bằng tiếng Pháp nghe mấy chục năm trước cũng tìm mọi cách để đi sang Mỹ, sống ở cái thành phố mà đã nhiều lần tôi rất chán nó.

Nhìn những người, cũng là người cả, làm đủ mọi cách để đến đây, sống cuộc sống cũng không huy hoàng bao nhiêu. Chẳng hề có cảnh ngồi cà phê boulevard ở Paris, cũng không có chuyện đi xem kịch ở Soho, Luân Đôn, cũng không có căn flat trên Kilburn Parade ở Wellington hay căn nhà bên cạnh bờ sông Avon đầy hoa daffodils ở Christchurch, mà chỉ là một cuộc sống lam lũ khổ cực, sống trong phập phồng lo sợ.

Vậy mà họ vẫn tiếp tục tìm đến cái thành phố tôi đã có lúc chán ghét hết sức này.

Mấy hôm nay, sau khi đọc xong câu chuyện của người thanh niên tìm mọi cách tới nước Mỹ, tôi mới lại càng thấy ra được cái hạnh phúc đã có trong tay từ bao nhiêu lâu nay mà cứ bỏ quên không ngó lại.

Bài cuối của ca khúc ngợi ca nước Mexico là câu như thế này: Et tu sera toujours le paradis des coeurs et de l’amour...

Mexico ơi, người sẽ mãi mãi là thiên đường của những trái tim và của những cuộc tình…

Không, chắc không phải như thế nên người ta mới bỏ bầu trời nhiệt đới đó để liều mạng sang đây sống.

Thế nên có ai hỏi là thiên đường đấy, có đi Mexico sống không, thì chắc chắn phải có một cái nhún vai, và một câu trả lời hết sức thích hợp:

No way José !


Ngày 30 tháng 3 năm 2012

Bạn ta,

Tội nghiệp ông Tú Xương. Ông mà còn sống thì ông đã không phải thốt ra mấy câu than vãn nghe hết sức bi thảm như ông đã viết để cực tả cảnh quần áo của ông và mấy người con…một đàn rách rưới con như bố…

Bây giờ, rách rưới là mốt đấy thưa ông Tú.

Ngày xưa, thời của ông cũng như khoảng vài chục năm trước, thời của chúng tôi, quần áo lúc nào cũng phải tươm tất sạch sẽ, ủi thẳng nếp.

Ngày ấy, ở đại học của chúng tôi, vào phòng ăn phải có jacket, ca vát. Thiếu những thứ ấy thì không được vào.

Áo quần lúc nào cũng phải đẹp. Cái áo sơ mi sờn cổ thì phải vứt đi kiếm cái khác. Rách rưới là không được, là như cha con ông Tú, là bầy ra cảnh bần hàn ngay.

Quần áo có miếng vá là không mặc ra ngoài đường. Đôi bít tất thò mấy ngón chân ra là tối kỵ.

Thế rồi cuối thập niên 50 qua đầu những năm 60, mốt Zazou tràn đi từ Âu châu đi khắp nơi, tiếp nối bằng thời trang của Hippy, quần áo càng ngày càng mất đi nét sạch sẽ tươm tất.

Dần dần, quần áo của tuổi trẻ càng ngày càng quái dị.

Rách càng đẹp, nhầu nhẹt càng hay.

Ban The Beatles trong mấy năm đầu khi vừa nổi tiếng, quần áo rất đẹp. Nhưng rồi những kiểu quần áo đẹp đó bị dẹp để thay bằng những thứ quần áo kỳ lạ.

Đến ban The Rolling Stones thì quần áo không còn tươm tất như trước nữa. Mick Jagger thì áo thun, quần jeans nhẩy đùng đùng, lăn lộn trên sân khấu, Keith Richards chỉ áo maillot, quần jeans rách, đầu quấn cái khăn, điếu thuốc lá trễ trên môi, xấu trai và trông độc ác như một con quỉ.

Nhìn ban The Rolling Stones ở trên sân khấu thì người ta không biết ban nhạc kiếm rất nhiều tiền này có bao giờ phải mua quần áo hay không.

Lối ăn mặc như vậy bây giờ đi đâu cũng thấy.

Những lần vào mấy cái mall ở đây, tôi không hiểu tại sao người ta vẫn đi mua quần áo, vì những quần áo họ mặc thì dường như không cần phải vào Macy’s Bloomingdale, Saks 5Th Avenue mới kiếm ra.

Áo thun, quần jeans rách đã trở thành quần áo thời trang của những phụ nữ tay xách, nách mang từ những cửa hiệu quần áo đắt tiền bước ra.

Họ mua quần áo để mặc vào lúc nào, trong khi đi mua sắm ngày chủ nhật, tất cả đều mặc những thứ quần áo như vừa chạy thoát trận bão Katrina, không thì cũng như sống sót trở về sau thiên tai sóng thần ở Đông Nam Á .

Tiếng Pháp có động từ endimancher là mặc quần áo ngày chủ nhật, là mang trên người những quần áo đẹp nhất, là lên khung cho ngày chủ nhật.

Nhưng ngày nay, động từ này không còn đúng nữa, không còn mang nghĩa mặc quần áo đẹp cho ngày chủ nhật nữa.

Rồi ra, động từ endimancher sẽ mang nghĩa là quần áo dơ dáy, rách rưới để mặc trong ngày chủ nhật.

Không còn quần áo đẹp như Gregory Peck, như Sean Connery, như Humphrey Bogart, như Fred Astaire, như Maurice Chevalier nữa .

Tại một party mới đây, tôi gặp một phụ nữ trẻ với chiếc quần jeans rách bươm ở hai đầu gối và chiếc áo sơ mi mà có vo viên, nhét vào góc kẹt như trò lười biếng hồi tõi còn ở trong học xá của tôi cũng không thể nhầu nhẹt như thế.

Tưởng điện bị mất vì mưa bão hay cái bàn ủi nhà cô bị hỏng. Những nét nhăn nhúm, nhầu nhẹt của chiếc áo thì rõ ràng không do vo viên lại, nhét dưới nệm giường mà có được như thế.

Chắc chắn phải là thời trang mới.

Tôi tiếc công lao của những năm trước, sáng sáng phải lôi cái sơ mi trong đống quần áo đã giặt ra, dẫu cho chỉ để ủi cái cổ và ngực áo, khu vực mà chiếc jacket không che được để tươm tất ra đường.

Bây giờ thì quần jeans rách đầu gối, áo sơ mi nhầu nát như da mặt của Brigitte Bardot trong bức hình mới nhất của cô.

Tôi đã phí không biết bao nhiêu thì giờ để ra đường không làm hoảng hốt người qua lại.

Và đầu tóc thì tại sao phải mỗi sáng nửa chai keo để giữ những sợi tóc khỏi vùng lên cách mạng.

Bây giờ, mái tóc phải làm thế nào như chủ của nó vừa bị lôi ra khỏi giường mà không cho đánh răng, rửa mặt, chải cái đầu, rẽ đường ngôi cho thẳng trước khi đẩy ra đường .

Tóc phải chổng ngược, dựng đứng, càng rối càng tốt. Và đến nay, tôi vẫn chưa thấy được điều gì gọi là đẹp trong những cái quần hai ba người có thể mặc chung mà vẫn không thấy chật, những cái đũng ở ngang đầu gối, những cái áo thun dài gần tới mắt cá chân, cái mũ len đội che kín tai, vừa đi vừa nhún nhẩy, hai tay xỉa xỉa như Snoopy Dogg trong những lúc xấu trai và thô bỉ nhất.

Hình như mọi nỗ lực đều chỉ để làm cho người ta xấu đi, bẩn đi. Thí dụ phải kiếm cho được cái sơ mi nào, bỏ ra ngoài chiếc quần jeans rộng, khoác ra ngoài chiếc jacket quá khổ, tóc tai, râu ria phải mang những nét nham nhở nhất rồi mới ra đường.

Càng ngày càng thấy ông Mai Thảo nói đúng …thế giới có triệu điều không hiểu…