October 11, 2012

October 12, 2012


Ngày 8 tháng 10 năm 2012

Bạn ta,
Nhà Văn Võ Phiến
Tuần tới, tôi sẽ đến thăm một người tôi rất quí mến từ nửa thế kỷ nay mặc dù nếu nói trước, ông sẽ nại cớ này hay cớ khác không muốn tôi đến thăm vì ngại tôi mất thì giờ của cái thời biểu rất bận rộn của tôi. Nhưng tôi sẽ vẫn đến, vì những lần trước, lần nào tôi đến, ông cũng vẫn tiếp tôi, giữ tôi lại ăn trưa với ông bà.
Tôi yêu ông ngay từ khi được gia đình từ Sài Gòn gửi cho tập truyện ngắn của ông và tôi đã dùng ngay tên tập truyện ấy để gọi cái hộp đựng những bức thư của ông bố tôi viết cho tôi trong những năm đi học xa: "Thư Nhà".
Cái tên ấy là tựa một tác phẩm của ông, cuốn sách đầu tiên giúp tôi "làm quen" với ông.
Sau bao nhiêu năm đọc ông (một cách religiously) mãi đến khi sang Mỹ tôi mới gặp ông. Trong chiếc va ly khi rời Việt Nam đi làm việc ở một nhiệm sở ngoại quốc, là mấy cuốn sách của ông mà tôi nhặt vội trong tủ sách ở nhà buổi chiều hôm ra phi trường…
Ra đi ngó trước ngó sau
Quơ … ông Võ Phiến còn mau lên đường...
Thế rồi trong cái tủ sách với vài ba cuốn sách ở căn nhà tại Toronto sau đó, vẫn lại là những cuốn sách của ông mà tôi mang theo, cùng với mấy cuốn khác (cũng của ông) mà tôi lấy lén từ thùng sách của chú em mang từ Nhật qua. Tôi đọc đi đọc lại những cuốn sách ấy trong suốt những năm sống xa Việt Nam. Có thể nói không có một người nào lại có thể đem lại cho tôi được nhiều hạnh phúc sung sướng như ông, qua những tác phẩm của ông, trên những trang giấy của những cuốn sách tôi có của ông.
Những cuốn sách ấy, có mấy cuốn bị mất đến hai, ba lần. Nói bị mất tới hai ba lần là vì mất cuốn sách nào (của ông), tôi kiếm mua ngay cuốn khác. Có lần tôi than than thở là kiếm không ra, thì tác giả nghe được, gửi cho ngay cuốn khác. Ông đã phải làm công việc đó ít nhất là hai lần.
Nguyên do là vì những người bạn nghe tôi nói về ly cà phê sữa ông viết trong một tùy bút, hay con chim én theo ông về Sài Gòn trong một chuyến đi, chiếc bóng đèn hột vịt ngoài cửa một phòng mạch, những cái hạt bọt trà, những sợi khói quằn quại, u hoài bốc lên từ những cánh đồng ở miền Tây mà người ta đốt sau mùa gặt … thì liền vào ngay tủ sách của tôi, kiếm cuốn Tùy Bút Võ Phiến , nói là mượn mang về đọc, nhưng sau đó nhất định không trả lại sau khi đọc thấy tấm bảng trên tủ sách của tôi với hàng chữ "Voler les livres ce n’est pas voler" của Voltaire để nại lý do ăn trộm sách không phải là ăn trộm để không mang trả sách lại nữa.
Tôi có đến thăm ông mấy lần, và lần nào cũng là lần đáng nhớ. Đáng nhớ nhất là một lần khi ông gọi rủ lại nhà chơi, tôi mang theo bộ đồ trà mua ở phố Tầu New York mấy chục năm trước mà tôi rất thích để biếu ông. Tôi thích bộ đồ trà ấy đến độ chỉ thỉnh thoảng cầm lên ngắm những cái chén tống, chén chuyên, những cái sniffer để ngửi, hay cầm cái muỗng tre để múc trà khô lên mà không dám pha trà vào để uống. Tôi mang biếu ông vì biết ông thích trà 403 và thấy trong tủ phòng khách có một chiếc ấm trà mà ông rất thích: chiếc ấm của Nguyễn Tuân.
May mà tôi mang bộ ấm chén lại nhà biếu ông lần đó. Nếu lần sau đến thăm mới mang theo thì lại hóa ra để đổi chác với ông hay sao? Mất cả sự quí hóa đi! Vì trong lần tôi đến viếng thăm đó, ông không hề biết có quà của tôi, ông đã ngồi chờ ở phòng khách với một món quà ông cho tôi ông đã để sẵn trên bàn. Ông cho tôi cái bút. Đó không phải là một cái bút mới mua, mà là một cái bút bi đã dùng rồi, có khắc tên của ông trên thân bút: Võ Phiến. Nhưng điều ông nói khi cho tôi cái bút mới lại là đáng quí. Ông nói là ông không dùng nó nữa nên ông quyết định cho tôi vì ông nghĩ nó nên ở tiếp với tôi. Đã từ lâu, tôi không viết bằng bút, ngoại trừ những lần trả bill viết check. Chuyện viết lách của tôi hoàn toàn được làm bằng computer. Ông cũng thế. Nhưng tôi quí cái bút ấy vô cùng, vì nó là quà của một nhà văn lớn cho lại tôi, một người cũng sống bằng chuyện viết lách (như ông, nếu tôi liều lĩnh khoe như thế.)
Cuối tuần tới, ngày 20 tháng 10, là sinh nhật thứ 87 của ông. Tôi sẽ đến chúc sinh nhật ông và mong ông còn ở với chúng ta nhiều năm nữa. Chỉ cần nghĩ rằng đi trên con đường số 5 ở Santa Ana, quẹo vào một khu cư xá, gõ cái cửa là gặp được ông cũng đã là hạnh phúc rồi.
Chợt nhớ một câu thơ "cải tiến" của Bà Huyện Thanh Quan : Gác bút, ông già (như bà vẫn gọi ông như thế) về viễn phố (có lẽ phải viết hoa ở đây?)…
Chúc ông sinh nhật vui vẻ.

Ngày 9 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Tôi tin là nhiều người về Việt Nam chắc chắn sẽ đi kiếm để ăn thử một món "đặc sản" của Hà Nội mà chính người Hà Nội đã nói tới như trong một bài luận văn của một học sinh Hà Nội.
Tôi rất khó chịu về hai chữ "đặc sản" này. Có thể là vì cái gốc Hán tự của nó. Bao nhiêu năm tôi đã quen với những chữ của Vũ Bằng , "Miếng Ngon Hà Nội", nên nghe hai chữ "đặc sản" thì không thấy hấp dẫn, không thấy ngon ngay được như khi đọc hai ông Vũ Bằng, Thạch Lam viết về bánh cuốn Thanh Trì, phở, bún ốc, bún riêu, xôi ngô, xôi xéo...
Mới đây, tôi còn được biết là ngay người dân Hà Nội sống ở thành phố đó, khi được nghe về món "đặc sản" ấy và đi tìm thì không thấy ở đâu bán cả. Người Hà Nội còn kiếm không ra, nói chi đến các Việt kiều về nước ghé thăm Hà Nội.
Nguyên là tuần qua, đọc một tờ báo trong nước, tôi mới biết được nỗi "bức xúc" của một người đàn ông Hà Nội khi ông được con gái, một học sinh đang học lớp 7 ở trường Lomonoxop muốn ông dẫn cho đi ăn món "đặc sản" ấy. Ông chưa nghe nói về món đó bao giờ nên hỏi con là nghe ai nói về nó. Con gái ông liền cho ông xem cuốn vở làm bài ở trường và nói rằng em đã viết lại những điều cô giáo giảng trong lớp và còn được cô giáo cho điểm tốt. Ông đọc bài viết của con và thấy cô giáo không sửa một chữ nào. Điều đó chứng tỏ cô đã đọc bài viết, đồng ý với các chi tiết trong bài và cho điểm cao (8 điểm) với lời phê "Có ý thức làm bài. Song cần rèn chữ viết, diễn đạt nhiều hơn."
Con gái ông cho biết chính cô giáo đã cho biết ở hồ Tây có món "đặc sản" đó và em muốn được bố dẫn đi ăn cho biết.
Cô giáo của em nói với em và các bạn cùng lớp về "món" canh gà ở Thọ Xương, một khu ở gần Hồ Tây khi giảng về mấy câu:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái , mặt gương Tây Hồ
Trong bài luận, em học trò lớp 7 viết "Tiếng chuông Trấn Vũ là nét đẹp tôn trọng thờ kính tổ tiên và canh gà Thọ Xương là món canh gà ở Hồ Tây, món ăn nổi tiếng của Hà Nội."
Cô giáo của em, cô Hà Thị Thu Thủy, nếu không phải là người sinh trưởng ở Hà Nội thì cũng phải là người sống ở Hà Nội. Mà nếu cô không là người Hà Nội hay sống ở Hà Nội thì cô cũng phải biết "canh gà Thọ Xương" là tiếng gà gáy vào lúc trời sáng từ làng Thọ Xương vọng lại. Cô là một người tốt nghiệp ban Ngữ Văn trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, có bằng thạc sĩ văn chương và được coi là giáo viên giỏi . Cô đã xin nghỉ không dậy ở trường Lomonoxop nữa.
Chao ôi, bằng thạc sĩ mà còn như thế thì bọn bằng giả hay không có bằng thì còn dốt đến đâu nữa. Mà đó là mấy câu ca dao về Hà Nội nơi sinh sống của cô. Lỡ mà đó lại là mấy câu dị bản:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Thì cô sẽ giảng cho các em như thế nào đây?
Có thể cô sẽ giảng "la đà" là những con la (lừa lai ngựa) cùng với những con lạc đà bị cái gậy tre quất cho mấy roi. Thiên mụ là mụ đàn bà ở trên trời, là vợ ông Trời, còn canh gà là món canh xương gà ở các tiệm Tầu để thành :
Roi tre vun vút vung ra
Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng
Vợ Trời giáng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà Tầu
Như giáo sư Vũ Quốc Thúc đã viết đùa trong cuốn hồi ký của ông.
Dốt như thế thì nói thế nào được nữa?
Cô giáo Thu Thủy sau khi rời trường Lomonoxop nên nhân dịp này mở một tiệm ăn ở làng Thọ Xương hay ở phố Hàng Gà Hà Nội, bán một vài món nấu bằng thịt gà như canh gà, miến gà, cháo gà, phở gà... lấy tên là Đặc Sản Gà Thọ Xương chắc sẽ kiếm được khá.
Tiệm sẽ bán cho những ai hiểu canh gà Thọ Xương là ... canh gà Thọ Xương. Tiệm của cô còn có thể chứng minh cho mọi người thấy là quả thực có món canh gà Thọ Xương thật chứ cô không hề giảng sai cho các học sinh.
Tại sao lại không làm như thế!

Ngày 10 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Jessica Stilwell ở Calgary, một thành phố cách Toronto không bao xa đã làm một công việc mà rồi đây, chắc chắn sẽ có nhiều người khác làm theo.
Người phụ nữ này làm việc cho bộ xã hội, có chồng, ba con gái gồm 2 sinh đôi 10 tuổi và lớn nhất 12 tuổi.
Ngoài công việc toàn thời gian ở sở xã hội, Jessica Stilwell còn có một công việc toàn thời gian khác 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, 365 ngày một năm. Đó là việc làm mẹ full-time cho ba cô con gái. Việc làm đó không có ngày nghỉ thường niên, không nghỉ phép, không nghỉ bệnh bao giờ.
Trong khi đó, ba cô con gái không bao giờ nhấc một ngón tay nào lên để thu dọn phòng của chúng. Quần áo thay ra quăng trên sàn nhà. Sách vở ném bừa bãi. Chén bát ăn xong xếp đầy trên mặt bếp, trong wash basin ngập ngụa, nhà cửa thì không bao giờ thèm nay giúp cái máy hút bụi hay thu xếp lại cho gọn gàng. Cả ba hình như đều nghĩ cha mẹ chúng đương nhiên phải làm những việc đó.
Hôm 1 tháng 10, sau một ngày quần quật ở sở, rồi về nhà nấu nướng cho các con, lái xe cho các con đi thư viện, đi chợ, Jessica ngồi xuống ghế vào lúc 11 giờ đêm. Nhìn quanh, cô thấy căn nhà bừa bộn kinh hoàng trong khi cái đống bát nháo đó không hề do cô tạo ra hay do chồng cô để lại. Hôm ấy Don, chồng cô phải đi khỏi nhà vài bữa vì công việc. Cô quyết định không làm gì nữa, để mặc cho mọi thứ trong nhà bừa bộn như thế coi ra sao. Cô không nói gì với các con, chỉ lẳng lặng không làm gì hết. Không thu dọn, không giặt giũ, mặc cho quần áo quăng đâu ở nguyên đó. Bát chén cũng không rửa để một đống trong sink. Sữa lên men chua trong tô cereal cũng mặc kệ . Qua ngày thứ ba, một trong hai cô con gái 10 tuổi bật khóc và nhắc mẹ dọn dẹp. Jessica liền dẫn con đi khắp các phòng ốc trong nhà, chỉ cho thấy những cái đống bừa bộn, rác rến không hề là do cô hay cha chúng tạo nên. Sau 6 ngày, các con của cô đã phải tự động dọn dẹp nhà cửa mà cô không phải lên tiếng. Cô coi đó là một lời xin lỗi.
Jessica nói là sau đó, các con của cô thông cảm với cô hơn và biết nhận ra những việc làm của cha và của mẹ.
Tôi nhớ một bài tập đọc của năm học lớp nhì tiểu học. Bài tập đọc kể chuyện một đứa bé bị mẹ sai làm một vài việc. Làm xong, nó đưa cho mẹ một tấm giấy ghi lại những việc nó làm và đòi mẹ trả tiền công. Người mẹ lấy tiền trả cho nó. Sáng hôm sau, thức dậy, nó thấy một miếng giấy trên bàn ăn sáng, trong đó người mẹ ghi những việc bà đã làm cho nó đại khái như thế này:
Mang nặng đẻ đau: không tính.
Nuôi dưỡng suốt mấy năm trời: không tính.
Nấu ăn ba bữa mỗi ngày: không tính.
Săn sóc trong khi đau ốm: không tính.
Bênh vực an ủi khi bị bố phạt: không tính.
Dậy dỗ mọi chuyện ở nhà: không tính.
Tổng cộng: không tính.
Đứa bé đọc xong thì òa khóc và xin lỗi người mẹ, hứa không bao giờ còn dám kể công nữa.
Không biết đến bao giờ những người đàn ông sẽ làm được những việc tương tự sau khi nghe những câu như thế này: "Thôi, tôi đã quá chán cái đời sống này quá rồi. Anh có làm được gì cho tôi trong cái nhà này đâu. Con cái thì tôi mang nặng đẻ đau. Chúng nó mọc răng, cảm cúm cũng tôi. Đưa chúng nó đi chích ngừa cũng tôi. Dẫn chúng nó đi xin học cũng tôi. Dậy chúng nó bản cửu chương cũng tôi. Cơm nước cũng tôi lo cho cả mấy bố con anh. Nhà cửa dọn dẹp cũng tôi. Anh đẩy hộ cái máy hút bụi là may lắm. Giặt giũ cũng tôi. Cái xe thì anh giúp đổ xăng là nhiều. Rác rến một tuần hai lần anh bỏ ra trước nhà chứ mấy. Thỉnh thoảng nổi hứng anh bóp chân cho tôi vài phút rồi sau đó đòi quà (?) chứ tử tế lắm sao? Ối giời ơi, ra đường trông thấy tơ người / về nhà trông thấy tằm tôi, tôi buồn... Sao mà con khổ thế này cha mẹ ơi? Biết vậy thì tôi đã nghe mấy con bạn để thực thi chính sách chồng con là cái nợ nần/ chi bằng ở vậy nuôi thân béo tròn... Cũng vì anh mà tôi vóc hạc mình mai thế này anh có biết không…..."
Thế thì ăn nói thế nào?
Thôi em...mai anh đưa em ra Phước Lộc Thọ kiếm cái nhẫn cà rá để phòng thân, thấy con chó chạy đến gần rút cục hột soàn ra ném cho nó vỡ đầu chơi chịu không?
Vậy đã đủ chưa đây?

Ngày 11 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Tội nghiệp ông Rick Scott, thống đốc tiểu bang Florida. Chuyện vừa xẩy ra cho ông đúng là tình thì ngay trong khi lý thì gian hết sức.
Tại một cuộc họp với các cố vấn của ông để thảo luận về bệnh sưng màng óc mà tiểu bang Florida vừa ghi nhận một số trường hợp, ông đã phổ biến một số điện thoại để người dân có thể gọi vào tìm hiểu thêm về căn bệnh này cũng như các biện pháp chữa trị.
Đó là một số điện thoại miễn phí. Số điện thoại này được chính thống đốc Scott loan báo trên một đường dây điện thoại nóng.
Mới đây, bệnh sưng màng óc đã phát ra tại một số tiểu bang, trong đó có cả Florida. Đãù có gần 140 trường hợp nhiễm bệnh với 12 trường hợp tử vong, trong đó có 1 người ở Florida.
Lập tức nhiều người đã gọi tới số điện thoại mà thống đốc Scott phổ biến. Và sau mấy tiếng chuông reo, một giọng phụ nữ trả lời trong máy, hào hển, thều thào, và sexy kinh khủng rằng :" Hello boys. Thank you for calling me on my anniversary…!" Rồi sau đó là những câu thì thào khác nghe phấn khởi (?) vô cùng. Nàng hỏi chàng đôi ba câu, rồi bầy cho chàng đủ thứ trò chơi với nàng qua điện thoại. Nhiều người gọi tới, nghe nàng hỏi dăm ba câu thì cứ thế mà … đàm đạo về đủ mọi thứ chuyện, "nói hết cho lòng thỏa mối vương", tất cả những điều thầm kín muốn nói từ bao lâu nay …để cuối tháng, cái bill điện thoại gửi về nhà nhẩy lên vài ba trăm như chơi.
Cái số điện thoại ấy dĩ nhiên không cung cấp được bất cứ một chi tiết, hiểu biết, tin tức gì về bệnh sưng màng óc đang đe dọa tiểu bang Florida. Thay vào đó, cái giọng sexy hổn hển đó hỏi những người gọi đến những chuyện rất riêng tư của các chàng, rồi nói ra những đề nghị vui vẻ với các chàng mà nàng sáng chế (?) ra. Số điện thoại mà thống đốc Rick Scott phổ biến cho người dân lại là một số điện thoại để nói và nghe những chuyện người lớn, những chuyện phòng the kín đáo nhất mà nhiều người đàn ông cô đơn và bệnh hoạn gọi đến để giải tỏa những ẩn ức.
Những số điện thoại ấy, với area code nhiều nhất thường là 877 hay 888. Chúng thường được quảng cáo trên những trang báo dành riêng cho đàn ông với những hình ảnh các phụ nữ trẻ và rất đẹp quần áo không bao nhiêu. Coi hình, ai cũng muốn gọi lại tâm tình. Nhưng cách đây không lâu, một chương trình của hệ thống truyền hình ABC cho thấy các phụ nữ giọng sexy trong điện thoại đó thực ra ở ngoài đời lại chỉ là mấy chị béo sưng, béo xỉa, ăn welfare từ vài ba đời, sống trong những căn mobile home rách nát hay ở những xứ xa lắc ngoài khơi biển Ca-ri-bê chứ không hề là những người em sầu mộng của muôn đời bao giờ. Chỉ có cái bill điện thoại là có thật.
Thống đốc Rick Scott đã cho lầm số. Số thật chỉ khác con số ông cho lầm có một con số. Thế nào chẳng có người thắc mắc tại sao lại lầm như thế, hay là ông thống đốc cũng đã dùng cái số ấy vài ba lần rồi ? Nhưng chắc không phải. Nếu ông cho một con số hoàn toàn khác với con số 866-523-9339 thì ông cãi thế nào được. Nhưng con số ông cho chỉ khác con số thật có một số mà thôi nên ông đúng là tình ngay thật.
Hú vía.
Thực ra cũng đã từng xẩy ra một chuyện mà tòa Bạch Ốc đã bị nhiều người nghi oan. Đó là cái website whitehouse.com. Nhiều người truy cập cái website này thì được xem nhiều thứ hình ảnh vui đáo để. Whitehouse.com không hề dính líu gì tới tòa Bạch Ốc. Chủ của website này đã cố tình làm như thế để có được những người dùng computer ghé vào trang nhà của họ. Tòa Bạch Ồc biết chuyện đó nhưng không thể làm gì, không thể buộc họ phải dẹp cái website đó đi vì cái Tu Chính Án số Một còn nằm chình ình ở đây.
Nhưng nhờ để nguyên như thế nên nhiều người lại có được một cách bào chữa nghe rất lọt tai.
Định vào tòa Bạch Ốc thì mấy con khỉ đó ưỡn ẹo nhảy xổ ra chứ ai thèm đi kiếm mấy con heo đó.

Ngày 12 tháng 10 năm 2012
Bạn ta,
Cách đây hai hôm, Malala Yousufzai 14 tuổi, người Pakistan vừa bị bắn trọng thương vào mặt và cổ trong khi đang ngồi trên xe chở học sinh trên đường từ trường về nhà sau buổi học tại thung lũng Swat ở phía bắc Pakistan.
Phe Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm, nói rằng Malala bị bắn vì đã kêu gọi giáo dục cho các phụ nữ. Điều này, theo những người Taliban là việc đi ngược lại với Muslim và chống lại phe Taliban, một tổ chức Hồi giáo võ trang ở Afghanistan và Pakistan. Taliban cho rằng hành động cổ vũ cho việc giáo dục phụ nữ là một hành động thân Tây phương và cần phải trừ khử.
Cách đây 3 năm, Malala Yousufzai, ngay từ khi mới 11 tuổi đã công khai tranh đấu đòi phụ nữ phải được hưởng một nền giáo dục như phái nam ở Pakistan, và như phụ nữ ở các nơi khác trên thế giới. Taliban đã mấy lần hăm là sẽ giết cho bằng được cô thiếu nữ này.
Cách đây hai hôm, Taliban đã suýt nữa làm được việc đó. Malala bị bắn nhưng không chết. Hai người bạn của cô cũng bị thương trong vụ này.
Báo chí nói rằng một người đàn ông của phe Taliban mang súng đã đến tận trường của Malala, tìm gặp cô và nổ súng bắn cô và hai người bạn trong khi các nữ sinh này đang ngồi trên xe chở học sinh để về nhà.
Malala là một thiếu nữ phi thường. Từ năm 2009, khi mới 11 tuổi, cô đã viết một blog thường xuyên cho đài BBC, nói lên lập trường tranh đấu của cô: đòi hỏi giáo dục cho phụ nữ. Cô bị hăm dọa nhiều lần và đã phải bỏ nhà đi trốn trong đêm tối nhiều lần khi những toán võ trang của Talibann đi tìm cô để giết. Mới đây cô còn quyên góp tiền để lập một quĩ giáo dục cho các thiếu nữ ở thung lũng Swat, một khu bộ tộc có nhiều ảnh hưởng của Taliban. Cô được chính phủ Pakistan trao tặng huân chương cao quí nhất về những việc làm đó. Chính phủ cũng đề nghị đưa người tới hộ vệ cô nhưng cô từ chối.
Bill Cosby
Cũng hai hôm trước, tôi đọc được bài viết của Bill Cosby, một kịch sĩ hài hước của Mỹ. Ông viết xuống một số điều nhân sinh nhật thứ 83 của ông. Đó là những suy nghĩ của ông về những điều ông nhìn thấy chung quanh, trong đó có một đoạn như sau:
Năm nay tôi đã 83 tuổi. Tôi có nhiều điều buồn muốn nói ra ở đây.
Tôi đã quá chán vì cứ phải nghe người ta nói mãi vào tai bao nhiêu lần rằng Islam là một tôn giáo của hòa bình trong khi mỗi ngày phải đọc cả chục bản tin nói về chuyện những người đàn ông Muslim giết chị mình, em mình, vợ mình, con gái mình để bảo vệ danh dự cho gia đình, hay những tin tức về người Muslim nổi loạn xuống đường đốt phá lung tung chỉ vì đôi ba chuyện làm cho họ không vui, hay các bản tin về những người Muslim giết những người Thiên Chúa giáo hay Do Thái giáo chỉ vì những người này là những người không theo đạo Muslim, hay những vụ người Muslim đốt các trường học của các nữ sinh hay ném đá đến chết các thiếu nữ nạn nhân của những vụ hiếp dâm và đổ cho họ tội ngoại tình. Tôi cũng đã quá chán phải nghe hoài về những vụ người Muslim cắt bỏ nhũng phần bộ phận sinh dục của phụ nữ chỉ vì kinh Koran và luật Sharia nói là phải làm như thế.
Tôi cũng đã quá chán cứ phải nghe giảng dậy rằng vì tôn trọng các nền văn hóa khác, chúng ta phải để cho Ả Rập Sauđi và các quốc gia Ả Rập khác dùng tiền mà họ có được qua việc bán xăng nhớt cho chúng ta vào việc tài trợ cho các trường madrassa để các trường này dậy và truyền bá tư tưởng thù ghét ở Úc, Tân Tây Lan, Anh, Canada và Hoa kỳ trong khi không ai được tài trợ cho các giáo đường, nhà thờ hay các trường học ở Ả Rập Sauđi hay các nước Ả Rập vẫn rao giảng yêu thương và khoan nhượng… ...
Vừa đọc xong đoạn văn trên thì tôi nghe tin Malala bị bắn.
Thế nên tôi cũng thấy chán hệt như Bill Cosby.
Tôi không sao không hình dung ra trong trí cảnh người anh hùng Taliban này, đầu quấn khăn, quần áo nhếch nhác vác khẩu AK (Ôi sao mà tôi ghét cái khẩu súng này thế hở Trời!) vào ngôi trường nhỏ của cô, hỏi người này người kia làm sao kiếm đươc Malala. Kiếm được cô bé này, người anh hùng Taliban lên đạn, lạnh lùng bóp cò bắn người thiếu nữ bé nhỏ, trong tay không một tấc sắt.
Hèn đến thế là cùng.
Bỗng tôi nhớ tới Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên, Mẹ Nấm, Trần Khải Thanh Thủy... tất cả đều cũng chẳng có khẩu súng, con dao nào trong tay cả mà sao cũng có bao nhiêu đứa rất sợ họ, tìm đủ mọi cách để diệt họ.
Nhưng cũng như Falala, không một ai sợ bầy chó hèn hạ đó cả.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 154)
IMPERSONAL PRONOUN
IF / WHETHER
Bản chuyển tả do QA thực hiện. Bài học số 154 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 12 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, trong tiếng Việt, cháu có thể nói "mưa rồi" hay "tuyết xuống dầy quá", hay "lạnh dữ dội"… Những câu như thế cháu không thấy có chủ từ, trong tiếng Anh có nói như thế được không?
QA
Thưa anh, trước khi anh trả lời Trúc Giang, QA xin nói QA nghĩ có thể khi nói như thế, người ta định nói "trời mưa" hay "trời tuyết," mà như vậy thì câu đã có chủ từ là "trời" rồi có phải không?
BBT
Đúng vậy, nhưng khi nói "khó lắm đấy" thì làm gì có chủ từ? Trong những câu như hai cô vừa nói, thì chủ từ (trong tiếng Việt) được hiểu ngầm. Thực ra, những câu đó có chủ từ chỉ trống. Trong tiếng Anh, đó là IMPERSONAL PRONOUN. Nó là đại danh từ không thay thế, không đại diện cho một danh từ nào đi trước nó cả. Đó là đại danh từ IT. Người Anh nói IT SNOWS; IT IS HOT; IT IS HARD... Cùng một đại danh từ IT, có khi nó là IMPERSONAL PRONOUN như trong những câu trên, nhưng nó cũng có thể là đại danh từ thường như I, YOU, HE, SHE, WE, THEY… khi nó đại diện cho một danh từ đi trước nó.
Thí dụ khi nói THIS TABLE IS VERY OLD. IT IS AT LEAST 50 YEAR OLD. Đại danh từ IT trong câu trên KHÔNG phải là IMPERSONAL PRONOUN vì nó có đại diện, nó có thay mặt, có thay thế cho một danh từ ở câu trước, danh từ TABLE.
TRÚC GIANG
Vậy thì thưa chú, người ta có hay dùng IMPERSONAL PRONOUN không, khi mà nó KHÔNG đại diện cho một danh từ nào cả?
BBT
Trái lại là khác, các cô chắc đã phải thấy nhiều trường hợp như thế, nghĩa là nhiều trường hợp người ta dùng IMPERSONAL PRONOUN. Thực ra, những câu dùng IMPERSONAL PRONOUN lại là những câu chúng ta rất hay gặp, rất hay dùng. Chúng giúp chúng ta rất nhiều. Thí dụ cách đặt câu như thế này: IT IS + ADJECTIVE chẳng hạn như IT IS CORRECT; IT IS RIGHT...
QA cho nghe 4 thí dụ với IT IS và ADJECTIVE coi.
QA
IT IS DIFFICULT
IT IS EASY
IT IS IMPOSSIBLE
IT IS POSSIBLE
BBT
Thế còn Trúc Giang?
TRÚC GIANG
IT IS EXPENSIVE
IT IS TERRIBLE
IT IS BAD
IT IS WONDERFUL
BBT
Bây giờ hai cô thử thêm vào cuối những câu thí dụ của hai cô một động từ nguyên mẫu với TO coi.
QA
IT IS DIFFICULT TO LEARN A NEW LANGUAGE
IT IS EASY TO COOK RICE
IT IS IMPOSSIBLE TO UNDERSTAND HIM
IT IS POSSIBLE TO FLY TO THE MOON
TRÚC GIANG
IT IS EXPENSIVE TO LIVE IN TOKYO
IT IS TERRIBLE TO SEE BLOOD
IT IS BAD TO TELL A LIE
IT IS WONDERFUL TO RETIRE IN HAWAII
BBT
Cám ơn hai cô. Thực ra người ta có thể bắt đầu câu bằng TO+VERB và sau đó tới IS+ADJECTIVE cũng được. Ý nghĩa không thay đổi. Nhưng dùng IT IS + ADJECTIVE ở phía trước thì câu mạnh hơn. Trúc Giang đảo ngược những thí dụ của QA và sau đó, QA đảo ngược mấy câu của Trúc Giang coi.
TRÚC GIANG
TO LEARN A NEW LANGUAGE IS DIFFICULT
TO COOK RICE IS EASY
TO UNDERSTAND HIM IS IMPOSSIBLE
TO FLY TO THE MOON IS POSSIBLE
QA
TO LIVE IN TOKYO IS EXPENSIVE
TO SEE BLOOD IS TERRIBLE
TO TELL A LIE IS BAD
TO RETIRE IN HAWAII IS WONDERFUL
BBT
Cám ơn hai cô. Bây giờ chúng ta đổi những câu trên thành thể nghi vấn tức là biến chúng thành câu hỏi. QA thử trước đi.
QA
IS IT EXPENSIVE TO LIVE IN TOKYO?
IS IT TERRIBLE TO SEE BLOOD?
IS IT BAD TO TELL A LIE?
IS IT WONDERFUL TO RETIRE IN HAWAII?
TRÚC GIANG
IS IT DIFFICULT TO LEARN A NEW LANGUAGE?
IS IT EASY TO COOK RICE?
IS IT IMPOSSIBLE TO UNDERSTAND HIM?
IS IT POSSIBLE TO FLY TO THE MOON?
BBT
Bây giờ chúng ta thử đổi những câu khác thành câu phủ định coi. QA bắt đầu trước.
QA
IT IS NOT EASY TO GET A JOB.
IT IS NOT NICE TO USE SWEARING WORDS.
IT IS NOT CHEAP TO EAT IN A JAPANESE SUSHI BAR.
IT IS NOT LATE TO GO BACK TO COLLEGE.
TRÚC GIANG
IT IS NOT EASY TO CARE FOR TWO DOGS.
IT IS NOT WISE TO TRY MARIJUANA.
IT IS NOT GOOD TO GO TO LAS VEGAS EVERY WEEK.
IT IS NOT SAFE TO TEXT AND DRIVE.
BBT
Những câu các cô vừa làm đều là nói chung chung thôi. IT IS NOT SAFE TO TEXT AND DRIVE thì nghĩa là tất cả mọi người nếu vừa lái xe vừa TEXT, vừa gửi message cho nhau thì đều rất nguy hiểm. Nhưng nếu muốn nói cho rõ hơn thí dụ như với Andrew mà vừa lái vừa text thì rất nguy hiểm, QA sẽ nói thế nào?
QA
IT IS NOT SAFE FOR ANDREW TO TEXT AND DRIVE.
BBT
Đúng rồi, chúng ta dùng FOR theo sau là tên người hay một đại danh từ đều được cả. Trúc Giang cho nghe mấy thí dụ khác coi.
TRÚC GIANG
IT IS GOOD FOR HIM TO EAT A LOT OF VEGETABLE.
IT IS LATE FOR ME TO GO HOME NOW.
IT IS BAD FOR HER TO TAKE IN TOO MUCH SUGAR AND SALT.
IT IS POSSIBLE FOR HIM TO WALK TO SAN DIEGO.
BBT
Đến lượt QA cho nghe mấy thí dụ của cô.
QA
IT IS EASY FOR US TO PROMISE THINGS BUT IT IS DIFFICULT FOR US TO KEEP OUR WORDS.
IT IS IMPOSSIBLE FOR THEM TO GO BACK TO VIETNAM.
IT IS NOT EASY FOR HIM TO KEEP THE HOUSE.
IT IS NICE FOR HER TO CALL THEM ON THE PHONE.
TRÚC GIANG
Thưa chú thỉnh thoảng cháu phải đứng trước một sự lựa chọn, hay nói lên một điều không chắc chắn cho lắm, một điều có thể xẩy ra hoặc thế này hay thế kia thì cháu phải nói thế nào trong tiếng Anh?
QA
Vâng, thưa anh thí dụ như khi QA lưỡng lự không biết phải làm việc này hay việc kia thì phải dùng cách đặt câu ra sao?
BBT
Có hai cách nhưng trước hết chúng ta sẽ nói tới cách dùng với chữ IF. Chữ IF này không hề đưa ra một điều kiện nào như cách dùng IF trong những câu điều kiện cách tức là CONDITIONAL SENTENCES. Như thế này là điều kiện cách: IF IT RAINS, WE WILL STAY INSIDE. Điều kiện là IT RAINS, là trời mưa. Hậu quả, hay sự lựa chọn là WE STAY INSIDE.
Bây giờ, chúng ta sẽ nói về những câu IF trước những lựa chọn, những chuyện có thể xẩy ra như thế này hay thế kia mà chúng ta phải đối mặt rất thường trong đời sống.
Thí dụ khi chúng ta nói câu này: tôi không biết (liệu) anh ấy có nhà (hay) không. Thì như hai cô thấy câu này không hề đặt ra một điều kiện nào hết. Chúng ta sẽ nói thế này: I DO NOT KNOW IF HE IS AT HOME (OR NOT). Chúng ta thêm OR NOT vào cuối cũng được mà nếu không thêm vào thì cũng chẳng sao.
Mệnh đề chính là I DO NOT KNOW. Mệnh đề phụ là IF HE IS AT HOME (OR NOT). Nhưng không phải mệnh đề chính lúc nào cũng thế. Mệnh đề chính có thể là tôi muốn biết; tôi muốn tìm hiểu; tôi muốn biết chắc; tôi muốn nghe…
Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với tôi muốn biết và tôi muốn tìm hiểu coi.
TRÚC GIANG
I WANT TO KNOW IF THE MAIL HAS ARRIVED (OR NOT).
I WANT TO FIND OUT IF HE IS AN AMERICAN (OR NOT).
BBT
Còn QA?
QA
I WANT TO BE SURE IF THE CAR WILL RUN (OR NOT).
I WANT TO HEAR IF SHE IS OKAY WITH HER NEW JOB (OR NOT).
BBT
Dĩ nhiên chúng ta cũng có thể dùng những câu trên trong thể phủ định. Trúc Giang và QA biến các thí dụ của hai cô thành phủ định với những chủ từ khác coi.
TRÚC GIANG
WE DON’T WANT TO KNOW IF THE MAIL HAS ARRIVED (OR NOT).
THEY DON’T WANT TO FIND OUT IF HE IS AN AMERICAN (OR NOT).
QA
SHE DOESN’T WANT TO BE SURE IF THE CAR WILL RUN (OR NOT).
HE DOESN’T WANT TO HEAR IF SHE IS OKAY WITH HER NEW JOB (OR NOT).
BBT
Bây giờ chúng ta sẽ đổi các thí dụ trên thành câu hỏi.
TRÚC GIANG
DO THEY WANT TO KNOW IF THE MAIL HAS ARRIVED (OR NOT)?
DOES SHE WANT TO FIND OUT IF HE IS AN AMERICAN (OR NOT)?
QA
DO THEY WANT TO BE SURE IF THE CAR WILL RUN (OR NOT)?
DO WE WANT TO HEAR IF SHE IS OKAY WITH HER NEW JOB (OR NOT)?
BBT
Thay vì IF, chúng ta có thể dùng WHETHER, ý nghĩa cũng không thay đổi gì. Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với WHETHER thay vì IF coi.
TRÚC GIANG
HE DOESN’T SAY WHETHER HE IS STAYING (OR NOT)
WE CANNOT SAY WHETHER WE WILL BUY THIS HOUSE (OR NOT)
QA
SHE IS NOT SURE WHETHER SHE WILL GO HOME NEXT WEEK (OR NOT).
WE WANT TO FIND OUT WHETHER THEY KNOW THE WHOLE STORY (OR NOT)
BBT
Cám ơn Trúc Giang và QA.
QUỲNH ANH
Thưa quí vi, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.