February 20, 2016

February 19, 2016

CÁM ƠN ÔNG GIÁO NGUYỄN DUY KHÁNH
Chắc cơ hội để cho tôi gặp ông sẽ chẳng bao giờ có. Thôi thì cứ nói đôi ba lời cám ơn gửi tới ông, dù biết những lời cám ơn đó cũng khó (hay nói thẳng ra) sẽ chẳng bao giờ đến được tới ông. Nhưng ông cũng hiểu là có những việc chúng ta làm mà chính chúng ta chẳng cần biết phía bên kia có tiếp nhận được hay không, nhưng chúng ta vẫn làm. Chỉ vì chúng ta thấy cần phải làm. Thế thôi.
Xin cảm ơn và rất cảm phục ông đã làm một công việc đẹp vô cùng trong mấy lớp học ông phụ trách.
Ông giáo Nguyễn Duy Khánh năm nay 35 tuổi, là giáo sư của một trường ở An Thới huyện Phú Quốc. Ông dậy môn (Việt) văn đã từ hơn một chục năm nay. Hôm 17 tháng 2 vừa qua, trước khi giảng bài thường lệ, ông hỏi các học sinh trong lớp rằng trong tháng 2, có một ngày quan trọng nào trong lịch sử Việt Nam đáng ghi nhớ không, thì tất cả các học sinh của ông đều trả lời là không biết. Cũng có mấy học sinh khác nói rằng tháng 2 có ngày Valentine, ngày lễ tình yêu, ngày một số quốc gia Tây phương dùng làm để tôn vinh tình yêu của nam nữ.
Thôi thì cũng hiểu là tuổi trẻ mới lớn muốn có một dịp để vui với nhau trong một đời sống chẳng có được bao nhiêu ngày vui (ta đi qua nửa đời không có một ngày vui: Trịnh Công Sơn. Nhưng ông thấy rất đau khi tất cả các học sinh của ông đều không biết ngày 17 tháng 2 năm 1979 là ngày đã diễn ra một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng vô cùng tàn khốc ở vùng địa đầu của Việt Nam, nơi tiếp giáp với Trung quốc. Trong ngày 17 tháng 2 năm 1979 đó, đã bùng nổ một loạt những trận đánh khốc liệt của quân đội Trung quốc nhắm vào, không phải một, mà là nhiều thành phố của Việt Nam. Những loạt tấn công này kéo dài trong một thời gian tương đối ngắn, khoảng một tháng, nhưng sau đó vẫn còn những trận giao tranh lẻ tẻ giữa hai bên trong suốt 10 năm kế tiếp. Con số thương vong lên đến hai ba chục ngàn người. Đích xác là bao nhiêu đến nay cả hai bên đều không đưa ra những con số rõ ràng. Nhưng phải là một con số rất lớn, rất đáng kể.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã ém nhẹm mọi chuyện, không hề nhắc tới cuộc chiến này trong rất nhiều năm. Bằng cớ là các học sinh trong lớp của ông giáo Nguyễn Duy Khánh, những em ở những lớp tương đối là khá lớn (lớp 9 và lớp 10) đều chưa một lần nghe nói về cuộc chiến ấy. Trong cuốn sách lịch sử dùng để dậy các em, cuộc chiến đẫm máu đó được đề cập tới chỉ vỏn vẹn có 11 (mười một) dòng. Việc các em không biết gì về cuộc chiến ấy hoàn toàn không phải lỗi của các em, và cũng không phải lỗi của các thầy cô dậy các em. Với 11 dòng vùi lấp trong những trang sách của một chương trình bề bộn ấy, các em không biết về cuộc chiến khủng khiếp đó là một điều dễ hiểu.
Các binh sĩ Trung quốc, mà theo chính những tài liệu của họ, được lệnh là giết hết những người Việt Nam mà họ gặp trên lãnh thổ Việt Nam. Và các binh sĩ này đã làm đúng các chỉ thị đó. Mục tiêu tàn sát ấy không phải chỉ là các binh sĩ Việt Nam, mà còn là những thường dân tại các khu vực Trung quốc tấn công. Giải phóng quân Trung quốc không chỉ bắn giết những người lính và các thường dân Việt nam các vùng này, mà bọn chúng còn thực hiện những hành vi vô cùng thâm độc khác. Chúng hãm hiếp tất cả các phụ nữ mà chúng gặp. Hãm hiếp xong, lính Trung quốc còn đâm chém giết các phụ nữ Việt, cắt vú, mổ bụng, phanh thây các nạn nhân rồi quăng xuống những giếng nước trước khi đổ thuốc độc xuống các nguồn nước này và rút đi. Một tấm bảng nhếch nhác viết tay được  dựng lên để ghi nhớ những hành động tàn ác ấy nay đã bị cây cỏ dại mọc lên che kín.
Những cảnh thương tâm và dã man ấy đã được nhà cầm quyền Việt Nam tìm đủ mọi cách để lấp liếm che dấu, xóa hết khiến cho hơn một thế hệ người Việt không hề biết tới những hành vi bạo ngược của bọn xâm lăng Trung quốc.
Các học sinh trong các lớp học ông giáo Nguyễn Duy Khánh phụ trách đã không biết gì về cuộc chiến tàn bạo ấy. Cho đến khi ông giáo Khánh giảng cho các em, sau khi đã nhìn trước nhìn sau, sợ bị các biện pháp kỷ luật vì dám nói ra những chi tiết cấm kỵ liên quan đến cuộc chiến biên giới Việt Trung đó.
Những hy sinh của những người lính, những cái chết oan khiên tức tưởi của những người dân vùng địa đầu hoàn toàn bị chối bỏ trong suốt gần bốn chục năm nay, và nếu không có ông giáo Khánh thì lại một số học sinh ở Phú Quốc cũng chỉ biết có ngày Valentine trong tháng 2.
Ông giáo Khánh là một người can đảm. Một người yêu nước can đảm. Ở Việt Nam ngày nay yêu nước cũng phải can đảm. Phải can đảm mới dám yêu nước. Ông đã phải ngó trước, ngó sau mới dám kể cho các học sinh của ông về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Ngay việc tưởng niệm những người đã khuất đó cũng bị ngăn cấm, cũng bị phá hoại thì việc làm của ông giáo Khánh cần phải được ghi nhớ và cảm tạ.

Có một chi tiết khác cũng nên nhắc ở đây. Đó là sau khi nghe thầy Khánh kể về cuộc chiến ấy, các học sinh của thầy đã khóc và đứng lên cúi đầu mặc niệm những người chết trong cuộc chiến năm 1979. Những bức hình chụp cho thấy các học sinh của thầy Khánh không có em nào đeo trên cổ những chiếc khăn quàng đỏ.

February 13, 2016

February 12, 2016

MỐI TÌNH ĐẦU

Nếu trở lại được Sài Gòn (mà chắc tôi sẽ không bao giờ làm được) tôi sẽ đăng trên báo mẩu nhắn tin nhắn như thế này:
"Tìm chiếc mobylette mới đi được có hơn một năm, mất tại sân trường Chu Văn An năm 1962. Sẵn sàng chuộc lại bất cứ tình trạng nào. Cam đoan không làm khó dễ. Xin liên lạc tại địa chỉ sau đây..."
Đăng thì đăng vậy chứ hy vọng tìm lại nó chắc không có được bao nhiêu. Tính từ đó đến nay là đã 54 năm. Bình thường chiều dài thời gian ấy nhất định là dài hơn đời sống của một chiếc xe mobylette. Trong tình trạng lý tưởng nó cũng không thể sống lâu được như thế, huống chi đã bao nhiêu chuyện vật đổi sao dời thì làm thế nào còn nó được nữa. Tôi có nó từ mùa hè năm đệ tam, sau khi đỗ (vớt) trung học phổ thông vì quá dốt toán (từng oanh liệt rớt hai lần vì bị zéro điểm toán). Khi bảng vàng (?) ghi tên rõ ràng ở nha khảo thí, tôi được ông bố dẫn đi mua nó ở đường Minh Mạng như một phần thưởng vì đã có được cái bằng mà sau đó tôi cũng chẳng buồn mang về nhà.
Tôi nhớ được ông bố tôi dẫn đi mua nó ở một tiệm bán xe nằm trên đường Minh Mạng. Thời ấy mua xong là có thể chạy liền, chẳng cần đăng bộ hay phải thi bằng lái gì hết. Xe cũng không cần bảng số, cứ tự do phơi phới lôi ra chạy "rodage" cho máy...quen. Mỗi tuần được phát 5 đồng đổ xăng để đi học (thì ít). Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Đi chơi nhiều, hết xăng thì vặn một cái nút gần pédale trái là... đạp như xe đạp để đến trường. Trò này cũng được lôi ra dùng để tiết kiệm xăng phòng khi cần đến để đi chơi.
Có nó được hai ngày thì người bạn ngồi cạnh mang tới tận nhà kìm búa lắp vào cái porte bagage một cái yên bọc trên cái yên simili cũ. Hỏi chàng sao lại tử tế như thế thì chàng đáp một cách rất ngon lành rằng để chở chàng... đi chơi cho êm. Sau đó, mỗi ngày đi học, chàng đều gửi xe đạp của chàng ở gần nhà tôi để ngồi trên cái yên simili chàng tặng (?) tôi, và chúng tôi đi học.
Trong ba tháng hè kế tiếp, tôi dùng nó để đi học tiếng Anh với Frances Nolting, con của đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Thời ấy Sài Gòn còn an ninh lắm. Nhà nàng ở trên đường Hiền Vương, ra vào dễ dàng, cho tới khi ông Nolting bị ám sát hụt thì chuyện học tiếng Anh của tôi với Frances mới chấm dứt. Cái mobylette ấy cũng vài ba lần chở cô Mỹ ấy trên yên sau chứ bộ. Hơn nửa thế kỷ rồi không biết bà già Frances có còn nhớ cái lưng của người trai đất Việt ngày ấy không. Và cái yên simili chắc cũng đã quên mấy cái váy đầm của con gái cụ sứ rồi.
Trở lại trường, phần thưởng cho cái bằng trung học phổ thông đã cho hai chàng tuổi trẻ những buổi trốn học huy hoàng nhất. Trò trốn học bắt đầu từ năm đệ tứ, qua đến năm đệ nhị thì những tên học trò học dốt nhất cũng trốn học thành... thần. Những giờ toán, lý hóa gần như thầy trò không bao giờ biết mặt nhau. Hai người trai thế hệ (?) có mặt trong thư viện, bên xe bò khô, bò bía, tiệm sách Khai Trí, Phúc Thành, Việt Bằng, Xuân Thu, hay bên kia cổng mấy trường nữ trung học nhiều hơn.
Nhớ mấy câu của Đinh Hùng:
Ôi khoái lạc những giờ trốn học
Những bình minh xuân đẹp, những chiều thu
Bao cảnh nước mây đằm thắm hẹn hò
Khi biếng gặp nhớ nhung pha mầu áo...
 
Năm học đệ nhị qua đi một cách dễ dàng. Cái mobylette đưa chúng tôi đi nhiều nơi khác kỳ thú nữa. Các rạp chiếu bóng thường trực Vĩnh Lợi, Nguyễn Huệ, Casino Đa Kao... Những lúc trong một ngôi chùa ở Thủ Đức, những chiều ngồi trên bến sông Sài Gòn nhìn qua Thủ Thiêm:
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Trời không xanh, không tím, không hồng
Những ống khói tầu mệt lả...
(Thanh Tâm Tuyền)
Từ chỗ chúng tôi ngồi nhìn ra sông Sài Gòn là những chiến hạm của hải quân, mùi dầu, mùi nắng chiều, những cây dừa nước quằn quại bên kia sông. Chúng tôi không biết phải làm gì trong những ngày trước mặt. Hai câu thơ không biết của ai cứ trở đi trở lại mãi trong đầu:
Tôi chẳng chờ ai, chẳng đợi ai
Buồn hoang phong kín tuổi đôi mươi...
Hai câu cũng chẳng hay ho gì, nghe hơi rẻ tiền là đằng khác. Sau mùa hè, chúng tôi trở lại với năm cuối của trung học. Cái mobylette vẫn tiếp tục là phương tiện trốn học của chúng tôi.
...Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng, tuổi trẻ tóc bay
Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ...
(Đinh Hùng)
Thỉnh thoảng những tiếng đông của chiến tranh đã bắt đầu vọng về. Kỳ thi tú tài I đã khiến một vài người bạn trong lớp rời khỏi trường. Chúng tôi trở lại trường cho năm cuối của trung học. Đang vui với cái tú... đơn vừa cầm trong tay được hai ba tháng thì nó bỏ tôi. Tôi cẩn thận khóa nó bằng hai cái khóa vậy mà sau khi học được hai giờ đầu định trốn đi ngồi cà phê Brodard thì không thấy nó. Nghĩ một người bạn nào nghịch phá dời nó đi chỗ khác, tôi đi kiếm nó ở khắp khu nhà xe cũng không thấy. Thôi cũng như ông Tú Xương bị mất ô ở nhà cô đầu vậy:
...Sợ rồi rầy gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình...
Thế là lại trở về với chiếc xe đạp vậy. Cho đến sau kỳ thi tú tài 2 và sau đó tôi rời Việt Nam đi du học.
Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới nó. Không biết nó trôi giạt về đâu. Nó "sống" như thế nào. Nó bị / được bán cho ai. Chủ mới của nó đối xử với nó ra sao. Nó có được một đời sống tử tế không. Cái yên sau có được đỡ lấy một sự dịu dàng thân mến không. Hay nó trải qua những ngày tháng nhọc nhằn của một kiếp xe lôi...
Còn người mở được hai cái khóa lấy nó đi thì ông ta còn lấy đi niềm vui, lẽ sống của bao nhiêu người nữa. Chắc ông cũng không cách nào nhớ nổi cái mobylette của tôi. Tôi không giận ông nữa. Mong ông qua cơn túng thiếu chứ không dính vào những chuyện khác.
Tôi mất cái xe thì cũng mất vào tay của một người Việt chứ có đi đâu như một người đã nói trong một truyện cổ tôi đọc đã lâu vậy.

Chuộc được nó tôi cũng chẳng biết sẽ làm gì với nó cả. Cũng hệt như tìm lại được mối tình đầu ấy mà. Nhiều lắm là nhìn nhau mà... lệ ứa là cùng. Có nói cũng không cùng mà thôi... 

February 6, 2016

February 5, 2016

 CẤM CẢ NHỮNG ƯỚC AO

BÌNH THƯỜNG NHẤT

Mới đây, tin từ trong nước cho biết một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của Phạm Đình Chương, bài Ly Rượu Mừng, ca khúc không thể thiếu trong dịp xuân về, từng được hát lên từ hơn một nửa thế kỷ nay ở trong nước cũng như ở ngoài nước, cuối cùng đã được "cho phép" cất lên ở trong nước.
Tức là trong 40 năm qua, bài hát này chỉ được hát một cách lén lút ở Việt Nam.
Phạm Đình Chương sáng tác bản nhạc này năm 1955 chứ không phải năm 1952 như một số chi tiết trong nước đã cho biết về ca khúc này. Người ta không muốn cho ca khúc này được viết ra dưới chế độ miền Nam.
Nhưng phần ca từ của bản nhạc cho thấy nó không thể ra đời trước năm 1954.
Chuyện cấm không cho một tác phẩm nghệ thuật được phổ biến là chuyện không hiếm trên thế giới. Lý do có thể là vì nó không phù hợp hay đi ngược lại đường lối, lập trường chính trị của một chế độ hay một chính phủ nào đó. Hay cũng có thể tác giả là người phía "bên kia". Trong trường hợp này, phải nói là miền Nam cởi mở hơn miến Bắc rất nhiều. Các ca khúc của các tác giả ở lại miền Bắc đều được trình bầy tự do ở miền Nam. Các tác phẩm của Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Văn Cao... đều được phổ biến ở miền Nam trong khi chúng lại bị cấm ở miền Bắc. Trong khi đó, ngay cả những tác giả thiên về phía bên kia tác phẩm của họ cũng không hề bị ngăn cấm. Trịnh Công Sơn là một. Phạm Trọng Cầu, Miên Đức Thắng... là những trường hợp khác.
Một lý do khác để cấm phổ biến những tác phẩm nghệ thuật là nội dung, ca từ không phù hợp với khung cảnh, tình hình, cục diện. Miền Nam, về phương diện này cũng cởi mở và dễ dàng hơn miền Bắc.
Bài Ly Rượu Mừng bị cấm hát lên từ 40 năm nay ở trong nước vì nó rơi vào cả hai trường hợp để phải cấm. Nhưng chuyện cấm nó, tuy không có ghi trong một văn bản rõ ràng nào, là một quyết định thậm vô lý.
Tạm bỏ qua chuyện chính trị như Phạm Đình Chương viết bản nhạc này ở Sài Gòn, không ở Hà Nội. Hay Phạm Đình Chương đã cùng gia đình vượt biên đi tìm tự do. Nghe lại các tác phẩm của ông, người ta bao giờ cũng thấy những ao ước, những cơn mơ tốt đẹp, những hy vọng tươi đẹp cho một ngày mai, cho một tương lai hạnh phúc chan hòa, cho con người. Cho dù đó là Hò Leo Núi, Nhạc Tuổi Xanh, Xóm Đêm...
Trở lại với phần ca từ của Ly Rượu Mừng.
Bản nhạc được viết với nhịp 3/4, nhịp valse vui tươi trẻ trung đã trở thành một ca khúc được cất lên trong suốt nhiều năm ở miền Nam. Nó là những ngợi ca cho một đời sống tươi đẹp, những ao ước cho một tương lai ngời sáng.
Nhưng đó lại là những điều nhà cầm quyền không muốn.
Hãy nghe lại những ước muốn ấy!
Chỉ là những lời chúc cho anh nông phu, người thương gia lợi tức, người công dân ấm no. Có gì sai quấy trong ước vọng ấy?
Hay lời chúc gửi tới người mẹ già mắt vương lệ nhòa trông chờ người con đi chiến đấu xa nhà? Chỉ là lời chúc cho bà mẹ sớm gặp lại người con yêu quí.
Hay lời chúc người nghệ sĩ làm đẹp cho đời sống của chúng ta?
Hay lời chúc tốt đẹp nhất cho một quê hương hòa bình?
Toàn những lời chúc tốt đẹp, những giấc mơ, những ao ước rất bình thường nhưng đều bị coi là những đe dọa cho chế độ nên cần phải cấm tiệt.
Cấm cả những giấc mơ thì khốn nạn hết sức, Mà cũng không cách gì cấm nổi! Bài hát của Phạm Đình Chương chỉ đưa ra những mơ ước hiền lành giản dị cho một đất nước thanh bình tốt đẹp đầm ấm, nó vẫn được cất lên cho một dân tộc hạnh phúc, thương yêu nhau. Vậy mà những hát vọng ấy cũng không được hát lên. Vì lẽ những ước ao khát vọng ấy không nhắc đến cái đảng tàn độc vẫn còn đầy đọa đất nước và một người mà bàn tay của nó đẫm máu của người Việt chúng ta, bóp chết tất cả những mơ ước hiền lành và tội nghiệp nhưng lại vô cùng tươi đẹp của dân tộc trong gần một thế kỷ nay.

Ly Rượu Mừng sẽ sống mãi trong lòng và trên môi của người Việt.