April 25, 2012

April 27, 2012


Ngày 22 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,
Bạn có thấy là ở Mỹ, càng ngày càng nhiều chó, mèo được đặt cho những cái tên thường trước đây chỉ dành cho người không?
Những Max, Belle, Ginger, Walter, Sam càng ngày càng thấy nhiều hơn ở chó và mèo. Nhưng cũng không phải là chỉ có chó và mèo mới được đặt cho những cái tên người như vậy, mà luôn cả những đồ vật -- những thứ không thể gọi thì "dạ" hay "vâng" rồi chạy lại -- cũng được đặt cho những cái tên rất người. Robert Kincaid trong The Bridges Of Madison County của Robert James Waller đặt cho cái pick-up của chàng một cái tên rất không có vẻ pick-up chút nào khiến cho khi đọc cuốn sách này lần đầu, độc giả lơ đãng có thể không hiểu tại sao chàng lại mua cái máy mới gắn cho... ông bạn của chàng để ông bạn chạy cho khỏe nữa.
Những chuyện như thế, khi chưa quen thì thấy kỳ cục, quen rồi thì thấy cũng không sao cả, có khi còn thấy có lý nữa là khác.
Thí dụ cái tên Sue mà người ta đặt cho khủng long Tyrannosaurus Rex đang được trưng bầy tại viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Field ở Chicago chẳng hạn.
Đó là một cái tên thật ngắn, thật gọn và thật dễ nhớ đối với những người trí nhớ đang dần dần bỏ đi như tôi. Không cần phải La Tinh dài dòng văn tự, Tyrannosaurus Rex, mà cũng chẳng còn cần phải viết tắt cho ngắn lại là T-Rex nữa. Cứ Sue là đủ.
Tôi thích cái tên Sue này từ vài chục năm nay, từ hồi còn đi học, khi căn nhà tôi ở trọ chỉ cách nhà nàng có một cái giậu holly ( tức là cây ô rô) xanh rờn. Sáng sáng Susan House ngồi xe bố chở đi học thì đúng là Mán: Xu hào (Sue House) rủng rỉnh Mán ngồi xe... như ông Tú Vị Xuyên cũng đã có lần "gặp" nàng.
Bạn phải đồng ý là người đầu tiên đến với chúng ta bằng một cái tên nào đó, thì từ đó trở đi về sau, những người khác không thể mang cái tên ấy mà không gợi lại cho chúng ta người đầu tiên (mang cái tên mà chúng ta đã quen) đó. Không một ai được quyền có cái tên đó nữa, nếu không là Sue ở trường Princess Margaret của tôi. Nói chi đến một chị (?) nhan sắc nản chí bầu cua như Sue ở Chicago.
Sue... mới này sống cách đây 65 triệu năm trước, cao 4 mét, dài 13 mét, đo từ đầu mũi đến đuôi. Răng của Sue to bằng cái chân người, khi đói, nàng gặp thứ nhỏ nhắn như bạn, thì chỉ một miếng, có khi còn không bõ dính răng. Và nàng được đặt cho cái tên Sue, cái tên tóc rất vàng, và chân rất dài, thích nhẩy Bossa Nova mà tôi quen hồi ấy. Ngó nàng thì thấy không giống Sue của tôi bao nhiêu. Giận hết sức.
Có điều kỳ cục là Sue mới -- Tyrannosaurus Rex -- mang cái tên rất đàn bà ấy nhưng cho đến nay, các khoa học gia, các nhà cổ sinh vật học vẫn chưa biết khủng long Sue là khủng long đàn bà hay đàn ông nữa mặc dầu bộ xương đào được ở North Dakota là bộ xương hóa thạch đầy đủ và toàn vẹn nhất từ trước tới nay. Tại nơi đào được bộ xương, người ta không thấy có những bịch silicone nên không thể nói chắc đó là một khủng long đàn bà, từng ra vào các thẩm mỹ viện của các madam mỗi năm vài ba lần để căng (da mặt) kéo (da bụng), bơm (vú) hút (mỡ). Cũng không thấy có những thùng bia lăn lóc bên cạnh để biết đó là khủng long đàn ông. Loài đẻ trứng không cần những cái xương chậu nở nên khủng long nam nữ đều... coi chung như tử vi trên các báo. Càng khó cho việc xác định phái tính của khủng long T-Rex.
Sue Hendrickson
Thế thì tại sao lại... Sue? Người ta giải thích rằng khủng long được đặt cho cái tên đó là vì người tìm ra bộ xương là Sue Hendrickson. Cho Sue nọ (Sue Hendrickson) tìm thấy Sue kia (Tyrannosaurus Rex) là hợp lý. Nhưng chưa biết khủng long là đàn bà hay đàn ông, tại sao lại dùng tên phụ nữ đặt cho nó? Tại sao không là Sam, để nếu là đàn ông, thì là Samuel, là đàn bà, là Samantha có... hàng hai mà lại còn an toàn hơn không?
Hay là dựa trên tính tình của loài khủng long Tyrannosaurus Rex, nói chung, là hung dữ, ác, độc, ăn sống nuốt tươi không tha cái gì hết, nói nhiều, cãi chầy cãi cối, nấu hủ tiếu thường cũng thành hủ tiếu "dai", nấu rau muống cũng thành rau "đay", chiên khoai cũng thành khoai "nghiền" mà đi đến kết luận là phải đặt cho bộ xương một cái tên đàn bà?
Cái đó, chỉ có toán khoa học gia đào bới được bộ xương hóa thạch của khủng long Tyrannosaurus Rex mới nói được. Nhã Ca, trong một truyện dài viết sau năm 1975 cũng nhận mình là khủng long.
Không biết tại sao nữa. Cũng không biết tại sao nhiều phụ nữ bị gọi lén là khủng long. Hay đổi qua, gọi tất cả các khủng long móng đỏ, nước hoa thơm lừng là... Sue hết cho tiện?

Ngày 23 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Sau gần bốn mươi năm sống ở nước Mỹ, tôi mới biết thêm được một thứ mà tất cả những người đàn ông may mắn (?) khác đều đã biết từ lâu.
Tôi không biết Saran Wrap là cái gì hết, cho đến chiều nay, ghé chợ làm công việc nội trợ cho cuối tuần, tình cờ thấy nó trên một cái giá bầy các sản phẩm dùng trong nhà bếp.
Tôi không biết Saran Wrap là nó.
Wrap mà tôi biết trước đây là cái sarong mà Heddy Lamarr đã cho khán giả màn ảnh Mỹ làm quen trong một cuốn phim về nam Thái Bình Dương hồi những năm 1940. Cũng có khi nó được gọi là wrap-around mà ngày nay, nhiều phụ nữ thỉnh thoảng vẫn còn mặc nó. Tôi không có điều gì để phản đối chuyện đó hết. Nó tạo ra những ẩn hiện không lường được những khi người mặc nó bước đi, gió thổi, lên cầu thang hay leo lên những chiếc SUV cao nghều nghệu như chiếc Honda Passport của tôi. Trí tưởng tượng những lúc đó được kích thích tối đa, một thứ tập luyện cho đầu óc khỏi ù lỳ, lười biếng, nhất là với những người tuổi tác như tôi.
Phụ nữ Indonesia, Malaysia, Miên, Miến Điện... và luôn cả đàn ông ở Tonga, Samoa, Fiji cũng mặc nó.
Thế rồi Marabel Morgan, một tiểu thuyết gia Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, có đưa ra một đề nghị để giữ hạnh phúc cho các gia đình Mỹ: sáng đưa chồng ra cửa đi làm, chiều đón khi chàng ở sở về, người phụ nữ nên quấn quanh người bằng cái (?) Saran Wrap.
Tôi thấy nhà văn này rất có lý. Thay vì đầu bù tóc rối, cái áo ngủ nhầu nhẹt, đôi sleepers lẹp xẹp, vừa đi vừa ngáp trông như cái đường hầm Lincoln vào thành phố New York, để tiễn chàng ra cửa, người phụ nữ đi một đường sarong như Heddy Lamarr thì được quá đi chứ. Lại cho thêm tí nhạc Hạ Uy Di uốn éo như sóng biển mà không được sao? Chuyện này phải đưa thêm vào những phút vui trong đời của Kim Thánh Thán mới đúng. Kể cho ông nghe, thế nào nhà phê bình văn học Trung quốc của thế kỷ 17 thế nào chẳng hét ầm lên rằng, "Chẳng cũng khoái sao!"
Chao ơi, tại sao hạnh phúc toàn là những điều chỉ xẩy ra cho những người khác, như người bạn ngồi cạnh tôi vẫn than thở? Tại sao Thượng Đế lại bất công như thế, trong khi mỗi ngày, biết bao nhiêu người đàn ông trở về nhà, mở cửa bước vào chỉ thấy một đống giấy đòi tiền và thư từ nhảm nhí mời mua cái này cái nọ, chẳng thấy sarong ra đón gì hết trơn hết trọi.
Tôi mang niềm ấm ức như thế suốt mấy ngày vừa qua, thắc mắc không biết những chiếc sarong do Saran sản xuất, hay kiểu của Saran vẽ như thế nào, Victoria's Secret có bán không, và trông ra sao, có giống Heddy Lamarr không, có in hoa dâm bụt, hoa đại, hoa phượng như những cái sarong ở nam Thái Bình Dương không, hay làm bằng vải batik như ở Indonesia.
Và chiều nay, ở siêu thị, tôi thấy nó. Trông nó không có vẻ gì là để... mặc lên người hết. Lúc ấy, đứng cạnh tôi là một phụ nữ. Đem hết can đảm còn lại, tôi hỏi bà về cách dùng của nó. Tôi được giảng giải ngọn ngành, nhưng trong những công dụng của nó, tôi không thấy cách dùng mà Marabel Morgan đề nghị. Người phụ nữ kia, sau khi giải thích cho một người đàn ông Á châu ngớ ngẩn, đã bỏ đi nên tôi không thể hỏi tiếp là Saran Wrap... đi ra cửa đưa đón chồng như thế nào.
Đứng lại trong chợ, tôi đọc những câu chỉ dẫn cách dùng thì cũng không thấy đề cập đến cách dùng mà Marabel Morgan gợi ý.
Người ta dùng Saran Wrap để gói những thứ cần giữ trong freezer. Đó là cách dùng ghi ngoài vỏ hộp. Thế thì tại sao lại dùng nó như một cái sarong?
Chẳng hiểu được. Hay là tại vậy, nhiều người đàn ông ở Mỹ hay than thở rằng người phụ nữ ở nhà lạnh như một con cá chết -- cold like a dead fish?
Hay quấn cái sarong Saran Wrap cũng không có gì là hạnh phúc?

Ngày 24 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Bill Robert ở Madison, Wisconsin là một người khôn khủng khiếp. Ông già 89 tuổi này vừa tổ chức cho chính ông một đám tang rất trọng thể.
Ông đi đầu, theo sau là quan tài có sáu người khiêng, sáu người bạn rất thân của ông, lại còn kèn trống không thiếu thứ gì.
Nhưng ý kiến tổ chức tang lễ cho mình thực ra không phải là của ông, mà là của Ginny O'Brien, một ca sĩ hát nhạc Jazz, bạn ông. Năm ngoái, khi được mời tới hát tại tang lễ của một người yêu nhạc Jazz, Ginny O'Brien nói với Bill Robert rằng thật là uổng vì người chết nằm đó, mà không nghe được những bản nhạc yêu mến lúc sinh thời. Bill Robert liền nẩy ra ý kiến cho ông được ngửi hoa phúng viếng chính mình. Chứ chờ đến lúc chết, nằm trong quan tài, làm sao ngửi được hoa bạn bè đến viếng. Ấy là chưa nói đến những lời lẽ tốt đẹp mà có thể suốt đời không bao giờ có hạnh phúc là được nghe của bạn bè nói về mình.
Ông mời khoảng vài trăm người tới dự đám tang của ông và nói rằng sau này, khi ông chết thật thì bạn bè khỏi phải phân ưu, phúng viếng gì nữa. Ông quả là người rất biết điều.
Thế là bạn bè kéo đến gặp ông, chúc ông chết vui vẻ, lên đường không vướng mắc. Nhạc Jazz được trình tấu suốt buổi, trong khi bạn bè, thân nhân lên lần lượt đến bên quan tài nói về ông, ca ngợi ông, kể ra toàn những điều hay và tốt về ông, cố tình bỏ đi những chi tiết không đẹp lắm. Ông nghe mà lịm người đi vì sung sướng. Có những điều tốt đẹp ông không hề làm, bạn bè thân quyến cứ đổ hết cho ông, ông nhận luôn, như ông đã chết thật và đang nằm trong quan tài vậy. Vả lại, bạn bè nói tốt thì mình cứ im mà nghe chứ cãi lại hay cải chính, người ta nói mình không chết thì sao tiện. Người ta mang hoa đến chất quanh quan tài của ông. Ông đến trước những vòng hoa phúng ông, cúi xuống ngửi đi ngửi lại. Cả những người không mấy ưa ông, cũng nói toàn những điều tốt về ông. Ông không phản đối gì hết. Ông ở lại cho đến lúc người khách cuối cùng ra về.
Ông thật là khôn. Mấy ai làm được như ông: ngửi được hoa phúng viếng, nghe được bao nhiêu điều tốt đẹp về mình, đến nỗi không nhận ra mình là người được nhắc, được đề cập trong những bài điếu văn bạn bè đọc trước quan tài mình nữa. Khác hẳn những người chết khác, không được nghe, nhìn, ngửi thấy những điều đẹp đẽ ấy. Những tiếc thương của vợ, con, gia đình cũng không được biết. Tiếc biết là chừng nào.
Đến như Đinh Hùng, trong một lúc để cho trí tưởng tượng bay bổng lên những chỗ cao nhất, thì cũng chỉ nghĩ khi nằm dưới mồ, mấy người em bé bỏng, những Sầu Hoài Thương Nữ, những Em Buồn Cố Kết, những Em Duyên Số, những Em Đau Thương... đứng xõa tóc, tay cầm hoa là cùng, dẫu cho vẫn còn "vị chút tình lưu luyến với nhau xưa..." Lúc ấy, họ Đinh đã ở dưới huyệt, các em có "về một buổi / ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi... ngậm ngùi in khóe mắt..." thì cũng là quá muộn. Phải còn đi đứng, bắt tay, bẹo má các em trong đám tang của mình mới được chứ. Cho nên ông già Bill Robert này vẫn là người khôn ngoan hơn cả.
Khi kể chuyện này cho một người bạn ở đây nghe, ông bạn của tôi nhún vai, có vẻ không phục ông già Bill Robert chút nào. Ông để tôi nói thêm về sáng kiến của ông già Bill Robert một lúc, mới chép miệng nói rằng tôi đúng là người chưa đi xem ra mắt sách, ra mắt thơ bao giờ.
Ông già Bill Robert, bạn tôi nói, đâu có làm được điều gì mới lạ. Ngửi hoa phúng viếng thì thiếu gì người đã làm rồi, mà lại còn trước ông từ rất lâu nữa chứ...

Ngày 25 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Cuốn Đằng Sau Dinh Độc Lập in lần thứ hai của Nguyễn Duy Xi do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ở Hà Nội ấn hành là một cuốn sách chứa đựng rất nhiều điều không đúng. Thí dụ rất nhiều tên người và ngôn từ, cách ăn nói trong những đối thoại của họ chẳng hạn.
Nó được xếp vào loại tiểu thuyết như chính nhà xuất bản và tác giả đã ghi rõ ở bìa trước. Đọc ở trong, người ta thấy không có thư mục, hay những ghi chú về tài liệu tham khảo, nên nó phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng, mặc dù các nhân vật của cuốn sách đều có những cái tên (nhiều khi viết sai) của những người có thật ngoài đời, của giai đoạn lịch sử vừa qua.
Người đọc cũng có những thắc mắc như khi đọc cuốn sách viết về Watergate của Bernstein và Woodward, ở đoạn Henry Kissinger rủ ông Nixon quì xuống đọc kinh trong một căn phòng ở tòa Bạch Ốc. Lúc ấy chỉ có hai người: ông Nixon và Kissinger. Ai trong hai người này kể chuyện đó cho Bernstein và Woodward? Ông Nixon thì không, Henry Kissinger lại càng không nữa. Vậy Bernstein và Woodward lấy đâu ra những chi tiết mà họ viết xuống trong cuốn sách của họ?
Những thắc mắc như thế được thấy đầy trong cuốn sách của Nguyễn Duy Xi. Người viết có được bao nhiêu tiếp xúc với những người có tên trong sách? Có thể nói chắc là không một người nào hết. Một số đã chết, hay không sống ở Việt Nam, mà nếu có sống ở Việt Nam, cũng không thể có chuyện những người này ngồi xuống nói lại ngọn ngành cho Nguyễn Duy Xi viết cuốn tiểu thuyết Đằng Sau Dinh Độc Lập.
Nhưng những chi tiết như thế không đáng kể và thắc mắc nữa, khi chính những người làm cuốn sách cũng đã nhận đó là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Tuy thế, có một chữ ở trang 167 làm người đọc không nhịn được cười. Đó là chữ "thôi".
"Thôi" được dùng trong một cách người ta chỉ thấy ở trong ngôn từ của miền Bắc trước năm 1975. Sau năm 1975, chữ "thôi" và cách dùng ở miền Bắc mới xuống miền Nam và làm khó chịu những người nghe không ít.
Cách dùng ấy không thấy ghi trong Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức cũng như Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị.
Nhưng trong Từ Điển Tiếng Việt của trung tâm Từ Điển Ngôn Ngữ Hà Nội, Việt Nam, ấn bản 1992, ở trang 934 thì có ghi cách dùng đó và còn thêm cả vài ba thí dụ về cách dùng.
"Thôi", theo sách vừa dẫn, là trạng từ, "từ biểu thị ý nhấn mạnh sự miễn cưỡng đồng ý hoặc chấp nhận điều được nói đến vì người nói thấy cũng khó có ý kiến gì thêm được nữa."
Thực ra, thì lối dùng này đã có từ lâu, chẳng riêng gì miền Bắc. Nhưng khi dùng nó, sự chấp nhận chỉ là bắt buộc, không có gì tự ý, hài lòng hay mãn nguyện. Thí dụ nói "cuốn sách cũng được thôi," nghĩa là không được lắm, hay nói "cuốn sách cũng tạm thôi," thì cuốn sách không hay lắm. Ý nghĩa luôn luôn mang nét phủ định, chối bỏ, không chấp nhận, miễn cưỡng. Nhưng cách dùng chữ "thôi" mang từ miền Bắc vào sau năm 1975 thì lại là cách dùng rất khác.
Nó được dùng với tĩnh từ "tốt", một cách dùng có thể nói là không hề có trước đây, ít nhất cũng là trong những năm trước 1954 ở miền Bắc.
Nhưng sau năm 1975, người ta bắt đầu nghe "cũng tốt thôi" rất nhiều từ những người miền Bắc vào.
Đã tốt rồi, tại sao phải thêm "thôi" ở cuối để cho cái tốt đó trở thành không tốt nữa, một cái gọi là tốt nhưng lại không hoàn toàn tốt, nhưng vẫn phải chấp nhận, coi là tốt, vui vẻ tiếp thu? Hay là cái tốt ấy không tốt nhưng không được phản đối vì phản đối thì có chuyện ngay?
Thí dụ trong đoạn đối thoại: "Đồng chí được đảng chọn đi chiến trường miền Nam". Đồng chí liền trả lời: "Cũng tốt thôi."
Như thế là chúng tôi không muốn, chúng tôi cóc muốn vác AK đi dép râu đội nón cối cho xấu trai chúng tôi đi, để làm bia đỡ đạn cho con các cậu Lê Duẩn Lê Diếc, Đỗ Mười Đỗ Miếc... Nhưng ấn vào tay chúng tôi thì chúng tôi phải nhận. Cãi là chúng tôi nát thây, tan xác. Phải cố mà vui với điều ấy. Nhưng không vui thật lòng nên chúng tôi tống thêm chữ "thôi" vào cuối câu cho bõ ghét.
Do đó mà "cũng tốt thôi." Nghe khó chịu vô cùng. Vậy mà không phải vậy.
Kiểu nói đó nhất định tôi không bao giờ nghe trong mấy chục năm sống ở miền Nam.
Nhưng ở trang 167 của cuốn Đằng Sau Dinh Độc Lập, tác giả Nguyễn Duy Xi cho ông Tư Mắt Kiếng tức là thủ tướng Trần Thiện Khiêm phang một câu xanh rờn khi nghe vợ (Đinh Thùy Yến) cho biết sắp đi ủy lạo gia đình binh sĩ ở miền tây bằng phi cơ riêng: "Ô-kê thôi!"
Sao lại "Ô-kê thôi!" ông Tư Mắt Kiếng mà ăn nói kiểu ấy bao giờ?
Bịa đặt, phét lác thì cũng vừa phải thôi. Chi tiết nhỏ như thế cũng viết láo viết lếu thì làm sao mà... "ô kê" được.
Chỉ "ô-kê thôâi" thôi. Sách viết như vậy mà cũng tái bản được thì lạ thật. Hay là một lũ ngu dốt đọc nhau chăng?
Cũng tốt... thôi?

Ngày 26 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Tờ Time trong một số cách đây đã lâu có bài của Richard Stengel viết về cuốn You're Too Kind: A Brief History of Flattery của chính ông trong hình thức của một bài essay, một bài đọc rất thú vị.
Flattery là chữ người Anh mượn của người Pháp: flatterie, do động từ flatter nghĩa là vuốt ve, làm vui thích, nịnh hót, bợ đỡ, xưng tụng. André Maurois trong cuốn Lettres à L'Inconnue thì gọi đó là cách làm đẹp lòng người (lá thư số 32). Ở cuối lá thư, Maurois nói thẳng: làm đẹp lòng người là một cái đức.
Bernard Shaw, kịch tác gia người Anh thì nói rằng đàn bà đợi lời tán tụng của đàn ông cũng như con nhện đợi con ruồi vậy. Mà nhện thì rất thích ruồi.
Người ta ai cũng thích được vuốt ve bằng lời nói, tán tụng, nịnh bợ, xưng tụng, nhưng Stengel cho rằng chúng ta ngày nay đã làm mất cái nghệ thuật làm đẹp lòng người, biến nó thành những câu nói rẻ tiền, thiếu hẳn công hiệu. Ngôn ngữ chúng ta dùng trong khi làm công việc xưng tụng, vuốt ve đó đã mỏi mệt, đã quá cũ, đã trở thành giả dối vì thiếu rất nhiều chất sáng tạo. Trong khi người ta thì lại rất cần những câu như vậy. Jean Jacques Rousseau có lần viết rằng con người dã man, sơ khai thì chỉ sống với mình trong khi con người sinh vật của xã hội thì chỉ biết sống với những ý kiến của người khác.
Khen ngợi, xưng tụng cũng là một cách rất hữu hiệu để dậy dỗ, như Robert Smith Surtees, một tiểu thuyết gia người Anh đã viết: nhiều người được tán tụng rồi sống đạo hạnh hơn là số người bị buộc phải từ bỏ tội lỗi của mình bằng những biện pháp mạnh. Điều này thấy rõ nhất trong lúc dậy trẻ.
Richard Stengel trong cuốn sách của ông, có đưa ra một số những gợi ý mà độc giả có thể đem dùng để tán cho thành công. Một số đề nghị nghe được, nhưng đề nghị thứ hai của ông có thể sẽ không thành công mặc dù ông cho rằng cách này là viên đạn bằng bạc trong kỹ thuật tán tỉnh, nghĩa là hay lắm: Praise the beautiful for their intelligence, and the intelligent for their beauty. Hãy ca ngợi những người đàn bà đẹp về trí thông minh của họ, và ca ngợi những người đàn bà thông minh về vẻ đẹp của họ.
Sai bét. Phụ nữ chỉ thích được khen đẹp. Đã đẹp thì càng muốn được khen đẹp. Lỡ không đẹp cũng thích được khen đẹp. Càng không đẹp, càng muốn được khen là đẹp. Nếu cần phải cầm dao kề cổ dọa giết để được khen đẹp thì cũng vẫn phải làm như thường.
Tưởng tượng đứng trước Cindy Crawford, cứ tán tụng nét thông minh của nàng thì sẽ không đi đến đâu hết. Được mời ngồi lên chiếc Rolls Royce, cứ xuýt xoa khen cái … radio thì khó có thể được mời đi Rolls Royce một lần nữa trong tương lai. Khen kiểu ấy thì có khác gì sau bữa ăn mà gia chủ mất nguyên một buổi để nấu, chỉ tằng hắng khen nước mắm và ớt ngon không? Hay là khen cái khung của bức sơn dầu rất đẹp cho họa sĩ... vui lòng?
Kiểu khen ngợi, xưng tụng đó nếu không vụng về thì phải gọi là đểu.
Khen người đẹp về đầu óc của nàng là không thèm ngó gì đến nàng. Một người mất hai tiếng đồng hồ để sơn bộ móng tay sau khi đã đánh, rồi chùi đi hai ba mầu, thay gần một chục chiếc áo, chải hai kiểu đầu khác nhau rồi mới quyết định được một kiểu để đi chơi, và người kia đến bấm chuông, nàng ra cửa để nhận được một câu đại khái là "... úi giời sao mà thông minh quá vầy nè!" thì cái cửa phải đóng cái rầm trở lại vào mặt tức khắc.
Hay một người vừa thi xong bài trắc nghiệm thương số thông minh (I.Q.) với số điểm trên 120 mà được khen là đẹp não nùng thì cũng hoàn toàn không được.
Kiểu khen ớt cay, nước mắm pha khéo, bia... ngon thì tương lai thấy rõ nhất là tiếp tục mì gói và TV dinner đến chết mà thôi.
Phải khôn hơn một chút chứ. Thí dụ ăn xong, phải khen lấy khen để đòn chả lụa... sao mà khéo đi chợ thế... tôi mua thì chẳng bao giờ ngon được thế này đâu... giỏi quá hà... con dao cắt miếng chả trông cũng quí phái làm sao...ối giời ơi, cái bình nước mắm sao mà xinh quá đi thôi...mì gói bạn nấu cũng ngon hơn mấy cha đàn ông bạn độc thân nhà nghề của tôi nữa đấy...
Khen hay nịnh mà như đề nghị của Richard Stengel thì sẽ không đi đến đâu ngoài cái cửa ra đường hết. Khen đường kim, mũi kéo của thẩm mỹ viện còn dễ nghe hơn là khen nàng thông minh, học nhanh, giỏi đại số và hình học nhất trường chẳng hạn.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 139)
TO SUPPOSE / PRETTY /AWFULLY / TERRIBLY
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 139 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, tuần qua, chương trình nhận được thư của ông Đinh Quốc Hoa ở Florida nhờ chú giảng về một động từ mà mỗi lúc gặp nó là ông lại thấy nó được dùng một cách khác hoàn toàn với cách dùng và cách hiểu cũ mà ông biết. Đó là động từ TO SUPPOSE. Cháu cũng thấy như ông Quốc Hoa vậy nhờ chú nói về động từ này trong bài học hôm nay.
BBT
Động từ TO SUPPOSE chắc hai cô đã nghe rồi, nghe nhiều lần là đằng khác, nhưng tôi sẽ vẫn nói lại ở đây.
TO SUPPOSE mà chúng ta thường nghe thì cũng có nghĩa hệt như TO THINK. Thí dụ khi nói I THINK HE IS HOME NOW thì cũng hệt như khi nói I SUPPOSE HE IS HOME NOW. Câu WE DON’T THINK MISTER OBAMA WILL LOSE THIS TIME thì ý nghĩa cũng hệt như nếu chúng ta nói WE DON’T SUPPOSE MISTER OBAMA WILL LOSE HIS YEAR.
Còn Trúc Giang… DO YOU SUPPOSE GAS PRICE WILL GO DOWN A LOT MORE?
TRÚC GIANG
I DON’T SUPPOSE SO. I DON’T THINK SO AT ALL.
BBT
QA, DO YOU THINK THE WAR WILL BREAK OUT BETWEEN NORTH AND SOUTH KOREA?
QA
I SUPPOSE NOT. I DO NOT SUPPOSE SO.
BBT
Cám ơn hai cô. Động từ TO SUPPOSE cũng còn nghĩa là giả thiết, giả sử, giả định. Trong ý nghĩa này, động từ TO SUPPOSE luôn luôn được dùng ở IMPERATIVE MOOD. Thí dụ SUPPOSE OUR FRIEND CANNOT COME nghĩa là (Anh hãy) TƯỞNG TƯỢNG, GIẢ SỬ, GIẢ ĐỊNH NHƯ BẠN CHÚNG TA KHÔNG ĐẾN ĐƯỢC. Chúng ta KHÔNG nói YOU SUPPOSE OUR FRIEND CANNOT COME mà chỉ cần nói SUPPOSE, nghĩa là không cần phải nói rõ chủ từ YOU hay WE trong IMPERATIVE MOOD…QA cho nghe hai thí dụ của cô coi.
QA
SUPPOSE IT RAINS THIS WEEK-END.
SUPPOSE WE ARE IN LONDON NOW.
Thưa anh, nói như hai thí dụ vừa rồi thì có khác gì khi QA nói IMAGINE IT RAINS THIS WEEK-END và IMAGINE WE ARE IN LONDON NOW không?
BBT
Những câu thí dụ của QA vừa đưa ra thì giống hệt nhau. Động từ TO SUPPOSE trong hai thí dụ của QA có nghĩa không khác gì động từ TO IMAGINE nghĩa là tưởng tượng, hãy tưởng tượng... Còn Trúc Giang, cho nghe thí dụ của cô coi.
TRÚC GIANG
SUPPOSE WE ORDER SOME PIZZA AND WATCH THE SHOW AT HOME TONIGHT.
SUPPOSE I CALL HIM AND YOU TALK TO HIM ON THE PHONE.
BBT
Hai thí dụ của Trúc Giang cũng có nghĩa là THÍ DỤ CHÚNG TA MUA PIZZA VỀ NHÀ ĂN… THÍ DỤ TÔI GỌI ÔNG ẤY ĐỂ ANH NÓI CHUYỆN VỚI ÔNG ẤY QUA ĐIỆN THOẠI… Động từ TO SUPPOSE cũng có thể dùng trong những câu ĐIỀU KIỆN CÁCH, tức là CONDITIONAL SENTENCES nếu theo sau SUPPOSE là nhưÕng câu giả thiết, đưa ra những điều kiện. Trong trường hợp đó, TO SUPPOSE cũng đồng nghĩa với IF để bắt đầu những mệnh đề giả thiết, giả định, hay để đưa ra những điều kiện. Thí dụ SUPPOSE IT SNOWED NOW… SUPPOSE I WERE IN PARIS … SUPPOSE HE WERE 20 YEARS YOUNGER … thì ý nghĩa cũng hệt như khi chúng ta nói IF IT SNOWED NOW… IF I WERE IN PARIS… IF HE WERE 20 YEARS YOUNGER.
Bây giờ, hai cô cho nghe mấy thí dụ SUPPOSE cùng nghĩa với IF coi. Trúc Giang…
TRÚC GIANG
SUPPOSE I WERE YOU…IF I WERE YOU.
SUPPOSE WE COULD LIVE OUR LIVES AGAIN… IF WE COULD LIVE OUR LIVES AGAIN…
QA
SUPPOSE I DID NOT HAVE THE CAR TODAY… IF I DID NOT HAVE THE CAR TODAY.
SUPPOSE WE DID NOT KNOW THEM… IF WE DID NOT KNOW THEM.
BBT
Động từ TO SUPPOSE còn có một cách dùng khác nữa khi nó ở dạng TO BE SUPPOSED TO + MAIN VERB. Với TO BE SUPPOSED TO + MAIN VERB, chúng ta thường chỉ dùng nó ở hai thì SIMPLE PRESENT và SIMPLE PAST TENSE mà thôi. Thí dụ HE IS SUPPOSED TO BE IN WASHINGTON. THEY WERE SUPPOSED TO RETURN THE BOOK TO THE LIBRARY LAST WEEK.
Trong những thí dụ vừa kể, thì hành động được diễn tả bằng động từ chính (MAIN VERB) KHÔNG XẨY RA. Nghĩa là HE IS NOT IN WASHINGTON và THEY DID NOT RETURN THE BOOK. Người nghe (NGẦM) hiểu ngay là hành động hay việc đã được giàn xếp, thỏa thuận, định trước đều đã KHÔNG diễn ra.
QA hiểu câu này như thế nào… HANOI WAS SUPPOSED TO RESPECT THE PARIS AGREEMENT…
QA
Câu ấy có thể hiểu là Hà nội đáng lẽ đã phải tôn trọng Hiệp Định Paris . BUT HANOI DID NOT RESPECT THE PARIS AGREEMENT
BBT
Đúng rồi. Còn Trúc Giang… THE VIET CONG WAS SUPPOSED TO OBSERVE THE TET CEASE-FIRE.
TRÚC GIANG
BUT THEY DID NOT OBSERVE THE CEASE-FIRE. THEY VIOLATED IT AND ATTACKED US EVERYWHERE.
BBT
QA và TRÚC GIANG cho nghe mỗi cô hai thí dụ với TO BE SUPPOSED TO coi.
QA
AMERICA WAS SUPPOSED TO HELP THE REPUBLIC OF VIETNAM IN 1975.
HE IS SUPPOSED TO CHANGE THE OIL FOR THE CAR AVERY 3000 MILES.
TRÚC GIANG
MY KIDS ARE SUPPOSED TO BE IN BED BY 9 PM EVERY NIGHT.
MY HUSBAND IS SUPPOSED TO COOK FOR US ON SUNDAYS.
BBT
TO BE SUPPOSED TO còn được dùng trong những trường hợp của những đòi hỏi hay bổn phận. Thí dụ HE IS SUPPOSED TO PAY THE TRAFFIC TICKET. CITIZENS ARE SUPPOSED TO REPORT FOR MILITARY SERVICE. QA cho nghe một đòi hỏi hay bổn phận với TO BE SUPPOSED coi.
QA
WE ARE SUPPOSED TO HELP OUR PARENTS.
TRÚC GIANG
PEOPLE ARE SUPPOSED TO PAY TAXES.
BBT
Kế tiếp, TO BE SUPPOSED TO cũng còn được dùng để nói tới những trường hợp cấm kỵ, không được phép. Thí dụ: WE ARE NOT SUPPOSED TO SMOKE IN RESTAURANTS. Còn QA?
QA
TEACHERS ARE NOT SUPPOSED TO HIT STUDENTS.
WE ARE NOT SUPPOSED TO DRINK AND DRIVE.
TRÚC GIANG
CHILDREN ARE NOT SUPPOSED TO STAY UP LATE.
STUDENTS ARE NOT SUPPOSED TO USE CELL PHONES IN CLASS.
BBT
Trường hợp thứ ba là dùng TO BE SUPPOSED TO để nói về những điều người ta tin chắc, hay kỳ vọng, hay những chuyện đã được đồng ý hoặc đã được chấp nhận. Thí dụ HE IS SUPPOSED TO BE OUR FRIEND, hay A TEACHER IS SUPPOSED TO KNOW ALL THE ANSWERS. Còn QA và Trúc Giang thì có những điều tin tưởng hay kỳ vọng gì có thể dùng với TO BE SUPPOSED TO?
QA
THE ELECTION IS SUPPOSED TO BE FREE.
THE NEW CAR IS SUPPOSED TO RUN WELL.
TRÚC GIANG
THE NEWSPAPER ARTICLE IS SUPPOSED TO BE CORRECT AND FAIR.
THE ECONOMY IS SUPPOSED TO BE STRONG AGAIN.
BBT
Tôi nghĩ nói về động từ TO SUPPOSE như vậy là đủ rồi.
QA
Bây giờ đến lượt QA thắc mắc. Mới đây, QA có ngồi nghe mấy đứa cháu nói chuyện với nhau thì thấy một đứa nói gì mà QA nghe không rõ lắm, hình như có hai chữ PRETTY BAD thì phải. Tại sao hai chữ này lại đi với nhau và như vậy là nghĩa làm sao thưa anh? Không lẽ PRETTY BAD là xấu đẹp tùy người đối diện?
BBT
Đây là cách dùng cô nghe kỹ sẽ thấy thường lắm. Chúng ta trong tiếng Việt cũng nói hệt như vậy. Thí dụ chúng ta nói "Cô ấy coi đẹp ác" hay "Cô ấy hiền ác". Hiền mà lại hiền ác… đẹp mà lại đẹp ác. Nghe thì vô lý nhưng chúng ta nói vậy đó. PRETTY khi là tĩnh từ thì nó nghĩa là xinh, đẹp. Nhưng PRETTY cũng còn là trạng từ (ADVERB). Khi PRETTY là trạng từ, nó có thể phụ nghĩa, gia tăng ý nghĩa cho các tĩnh từ (ADJECTIVE). Khi đó, PRETTY có nghĩa là khá, kha khá…
Thí dụ I AM PRETTY SURE THAT HE IS IN HIS FIFTIES nghĩa là tôi khá tin rằng ông ấy đã ngũ tuần.
HER HEALTH IS PRETTY BAD nghĩa là sức khỏe của cô ấy khá tệ.
TRÚC GIANG
Cháu cũng có nghe người ta nói THE WEATHER IN THE EAST IS PRETTY AWFUL chắc nghĩa là thời tiết ở miền đông khá xấu.
BBT
Đúng vậy. Vì Trúc Giang nhắc chữ AWFUL nên tôi nhớ chữ này cũng được dùng một cách kỳ lạ không kém. Thực ra là AWFULLY thì đúng hơn. Tĩnh từ AWFUL là xấu, tồi tệ, là kinh khủng. Nhưng người ta cũng lại nói HE IS AWFULLY NICE. AWFULLY là kinh khủng, là nhiều lắm. AWFULLY NICE, AWFULLY GOOD, AWFULLY FANTASTIC, AWFULLY WONDERFUL… HE IS AWFULLY NICE là ông ấy tử tế kinh khủng. IT IS AWFULLY NICE OF YOU TO HELP US… Ông thật là tốt kinh khủng đã giúp chúng tôi.
Còn một chữ nữa cũng được dùng một cách kỳ lạ không kém, đó là TERRIBLY. Trạng từ này có nghĩa là kinh khủng. Thí dụ HE TREATS HER TERRIBLY nghĩa là ông ấy đối xử với bà ấy một cách tồi tệ, một cách kinh khủng. Nhưng khi TERRIBLY được cho đi với một tĩnh từ, thì TERRIBLY, cũng giống như AWFULLY, PRETTY, là chữ giúp tăng thêm ý nghĩa của tĩnh từ đi theo sau. TERRIBLY, AWFULLY, PRETTY là những INTENSIFIERS.
Chúng ta có thể nói THE BOOK IS TERRIBLY GOOD. I AM TERRIBLY SORRY.
TRÚC GIANG
I CAN SAY THAT THE LESSON TO DAY IS TERRIBLY INTERESTING. DON’T YOU THINK, CHỊ QUỲNH ANH?
QUỲNH ANH
YES SURE. I AM PRETTY SURE OF THAT. THE LESSON TODAY IS TERRIBLY USEFUL AND INTERESTING. WE ENJOY IT AWFULLY MUCH. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.  

April 18, 2012

April 20, 2012

Ngày 16 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Linus, cậu nhỏ em của Lucy Van Pelt, bạn thân của Charlie Brown là một nhân vật trong loạt truyện bằng tranh Peanuts của Charles M. Schulz.

Linus yêu cô giáo, cô Othmar, của chú vô cùng.

Linus có lần nói rằng chú không bao giờ nói rằng chú tôn thờ cô Othmar, chú chỉ nói rằng chú yêu cái chỗ đất mà cô đi bộ và đặt chân lên. I’ve never said I worship her. I just said I’m very fond of the ground on which she walks!

Kể nói như vậy là yêu quá đi mất rồi. Chắc Linus học được của một câu người Việt hay nói: "Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng." Yêu thì con đường người ấy đặt chân lên cũng yêu. Ghét mà thấy "nó" đi trên đoạn đường ấy thì lấy cuốc, lấy xẻng đào lên, đổ đi ra chỗ khác để khỏi bẩn chân. "Ghét như đào đất đổ đi" là như vậy.

Nhưng yêu con đường có dấu chân người đặt xuống thì chắc đã nhiều người làm. Chẳng phải chỉ riêng có Linus biết làm việc đó. Con đường có vết chân người yêu dấu đặt lên thì hình như cỏ xanh hơn, hoa thơm hơn như nhiều người đã quả quyết.

Bất kể trên con đường ấy, đã vài ba chục con chó để lại dấu tích trong những chuyến đi lăng quăng của chúng. Thế nên yêu thì yêu vậy thôi chứ cái thảm cỏ đầy kỷ niệm của lũ chó mất dậy để lại như những con đường của thủ đô Paris thì có can đảm lắm cũng không dám lăn xuống cỏ mà ngâm nga "…ta thèm một chút hương man dại / và ngủ như loài muông thú kia…" như mấy câu nghe rất dại dột của ông Đinh Hùng đã viết trong Đường Vào Tình Sử.

Mấy con chó mất dậy đã ghé lại thì cho dù bước chân của người yêu bé bỏng có đi vài ba lần đi qua thì cũng đành im lặng thở dài mà tạm quên đi thôi.

Vậy nên có cậu thi sĩ ngớ ngẩn nào nhờ làm giùm một việc là cúi xuống hôn hộ cậu cái khúc đường ấy thì nên xắn tay áo lên chửi cho cậu một trận nhớ đời mới phải:

"…Hôn giùm anh nền đá lát công trường
Nơi yêu dấu Lê Nin từng dạo bước
…"

Nền đá lát ở Matxcơva đã bao nhiêu mùa mưa nắng, đã bao nhiêu bãi cứt chó nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, rồi lại mấy em phu lục lộ béo quay, béo xưng béo xỉa trông nhan sắc cứ như em Nina Khruschev quơ những nhát chổi lên rồi mà còn nham nhở nhờ cúi xuống hôn một cái thì thối biết là chừng nào.

Phải chửi cho cái nhà anh thối tha ấy một trận là ít, nếu không thì phải bóp cổ cho cái đứa bệnh hoạn kia lè lưỡi ra mới phải.

Tỉnh táo thì phải như vậy. Nhưng rất có thể, đã có nhiều đứa cúi xuống hôn những viên đá lát ở một cái công trường nào đó nơi cậu Liên Xô lạ hoắc nọ từng lê gót giầy ở trên. Trò ngu xuẩn tương tự đó mới đây đã được thấy ở Hà Nội. Một số thanh niên Hà thành đã quì xuống, hít lấy hít để cái ghế mà Bi Rain, một ca sĩ Nam Hàn đã ngồi lên trong một chuyến trình diễn ở Hà Nội hôm tháng 3 vừa qua.

Tôi lục tìm hết trí nhớ thì chưa hề thấy cảnh đó ở Việt Nam trước năm 1975 bao giờ. Thế hệ của ông cụ tôi thì có thích Tino Rossi, Maurice Chevalier … thật. Nhưng các cụ bầy tỏ lòng hâm mộ một cách thầm lặng chứ đâu có bao giờ làm chuyện mất nhân phẩm như thế. Thế hệ của chúng ta, có người yêu James Dean, Elvis Presley, Beatles cũng thế. Ngồi nghe những ban nhạc, những giọng ca này trình diễn vẫn bằng những cách rất nghiêm túc. Lũ con tôi lớn lên ở Mỹ cũng không đứa nào nghe nhạc mà lăn lộn như … Mỹ.

Thế thì tại sao lại có cảnh hôn hít cái ghế mà một người đàn ông Đại Hàn vừa đặt đít lên?

Hay đó là cách hành xử của những người đã quen với cái lối bầy tỏ sự tôn thờ, sùng thượng mà họ đã thường nhìn thấy những người lớn của họ đã làm? Thương xót thì phải gấp mười lần lòng yêu mến dành cho cha mẹ. Tiếc nhớ thì phải "…đau đòi đoạn, ngất đòi cơn…" như người dân Bắc Triều Tiên khóc Kim Nhật Thành, rồi Kim Chính Nhật. Khóc không to thì chỉ có chết đòn.

Trong cái lối bầy tỏ xúc động thối tha như thế thì cúi xuống hôn cái ghế còn nóng hôi hổi hơi … đít của Bi Rain là chuyện có thể hiểu được.

Cha chú của chúng nó ôm đít của mấy anh Liên Xô, Trung Cộng thế nào, thì nay, chúng làm như thế chứ có gì lạ đâu.

Nhưng đợi xem mấy con chó dại ở Hà Nội chết đi thì bọn dòi bọ khóc lóc ra sao.


Ngày 17 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Mấy hôm trước tình cờ vào đọc tờ Tuổi Trẻ trong internet, tôi thấy được một chuyện khá ngạc nhiên, đó là đến bây giờ, tờ báo này vẫn còn một mục gọi là "Theo Gương Bác" với những bài viết như được rặn ra để nói về những điều Bác dậy, nào là thái độ của Bác trước cái xấu; tìm hiểu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; Bác Hồ, niềm tin tất thắng; Việt Bắc nhớ Bác Hồ; Tình Bác sáng đời ta; Đêm nghe tiếng đò đưa nhớ Bác; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người; 30 năm đi tìm Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh cái tên gợi lên bao nhiêu nỗi xao xuyến, xúc động; cuộc vận động tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh khí của một học thuyết; bốn chữ "thật" trong Di Chúc Bác Hồ vân vân.

Liếc sơ qua tựa của những thứ bài vở như vừa kể trên, tôi không hiểu có được bao nhiêu người thật sự tin vào những điều được viết xuống trong mục "Theo Gương Bác", và có ai đọc những thứ ấy xong rồi mang về nhà bảo con cháu đọc và nghiền ngẫm thật kỹ những thứ bài vở như vậy không. Hay là liếc xong rồi đem vào nhà cầu vừa chửi thề vừa chùi đít lia lịa.

Nhưng những thứ bài vở như vậy vẫn được viết xuống, không phải chỉ ở riêng tờ Tuổi Trẻ, mà còn ở cả những tờ báo khác, bên cạnh những tin tức, những bài báo với nội dung, tinh thần chửi cha chửi mẹ cái gọi là những tấm gương của Bác.

Ngay trên tờ Tuổi Trẻ số mới nhất đề ngày 19 tháng 4, người ta đọc thấy những thứ tin như nữ sinh bị đánh hội đồng, đường dây gái gọi từ web sex, tuyển sinh chui, bán bằng giả… những số báo trước thì đăng tin ông già 70 rủ rê em bé đến mang thai, giáo viên dụ học sinh làm chuyện người lớn, cách ăn chơi của thiếu gia ở Việt Nam, rượu, bạch phiến, lừa đảo, buôn bán trẻ em phụ nữ ra nước ngoài, Tầu và Nam Hàn vào tận trong nước để mua phụ nữ Việt Nam, tệ nạn bán dâm bùng nổ khắp nước, công an đánh chết người, biểu tình đòi chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa bị bắt bỏ tù, đại gia mua xe Rolls Royce, máy bay riêng, quịt nợ hàng tỉ trốn ra nước ngoài…

Như thế thì mấy chục năm có những lời dậy dỗ của Bác, lũ con cháu của Bác chẳng hấp thụ được cái cứt gì, không áp dụng được phần nào những điều gọi là của Bác dậy. Trái lại, bọn cháu ngoan của Bác chỉ là một bọn mất dậy, hư đốn, vô giáo dục đến cùng cực đang làm tan hoang cái đất nước như chưa bao giờ thấy trong lịch sử.

Nhưng nếu những chuyện lũ con cháu của Bác đang làm là áp dụng đúng những tấm gương Bác để lại để xuất sắc trong những trò lừa đảo, gian ác, dâm đãng vồ vợ đồng chí, chơi chán rồi đem thủ tiêu, con rơi, con rớt mấy đứa … thì chúng chính là con cháu của Bác rồi còn chi. Học đường là chỗ dậy các trò gian dối, để nữ sinh được dẫn vào đường dâm loạn, để giáo viên dụ dỗ cưỡng bức học sinh, để học sinh hành hung bạn bè, thầy cô giáo, quay video gian dâm với nhau rồi đưa lên internet như báo chí trong nước đã nói rất rõ.

Hay như thế mới là những bài học Bác dậy cho lũ cháu của Bác? Vậy thì báo chí trong nước vẫn tiếp tục những bài báo vớ vẩn về gương Bác để lại là đúng rồi còn chi nữa.


Ngày 18 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Trí nhớ của tôi về những quả trứng ngày nay hết sức mơ hồ sau những hăm dọa về những cái hại mà trứng mang lại. Tôi đã quên hẳn chúng đến độ ngày nay tôi không còn nhớ jumbo là bao lớn, nhỏ là chừng nào, và large ra sao nữa. Tất cả chỉ vì những khám phá về cholesterol, những gì cholesterol có thể gây ra cho tim mạch con người, mà trứng thì lại rất nhiều cái chất quái ác ấy.

Thế là đang mỗi ngày hai quả sunny side up, medium done với mấy miếng thịt xấy, hai miếng bánh mì nướng có phết bơ và mứt vỏ cam, một tách trà Earl Gray với một chút sữa như những ngày còn ở cái lưu học xá thời đi học, tôi phải vĩnh biệt những quả trứng, không bao giờ trở lại với chúng nữa.

Chính vì đã quên hẳn chúng trong suốt bao nhiêu năm, mà mới đây tôi phải đi tìm mấy quả trứng trong siêu thị để giúp trí nhớ.

Tất cả cũng chỉ vì một câu nhận định của Quentin Letts viết trên tờ London's Mail về nghệ thuật diễn xuất của Jerry Hall, vợ cũ của Mick Jagger, ca sĩ chính trong ban The Rolling Stones.

Jerry Hall mới đây đã xuất hiện trong một vở kịch ở Luân Đôn, vở The Graduate. Trên sân khấu, Jerry Hall thủ vai bà Robinson, vai đầu tiên trong sự nghiệp kịch nghệ của nàng, và trong một cảnh với ánh sáng lờ mờ, người nữ kiểu mẫu này đã cởi hết quần áo cho nghệ thuật sân khấu.

Quentin Letts là cây bút phê bình nghệ thuật của tờ London's Mail. Nhận định về đoạn diễn xuất của Jerry Hall, Quentin Letts viết rằng chàng chỉ trông thấy hai quả trứng chiên trong ánh đèn lờ mờ của sân khấu -- Two fried eggs in the gloaming, that's what I saw.

Là người không bao giờ biết nấu bếp, nhưng tôi cũng biết phân biệt ba kiểu trứng trong các bữa sáng: luộc, chiên hay (trứng) bắc. Luộc thì để nguyên vỏ. Chiên hay bắc thì phải đập vỏ. Chiên thì cứ quăng vào chảo. Trứng bắc thì hơi khác một chút là phải đánh lên. Chiên thì... xẹp lép. Luộc thì còn giống... chữ "O": O tròn như quả trứng gà... Khỏa thân mà được/bị mô tả là hai cái trứng bắc thì không được chút nào. Nhưng trứng chiên thì cũng chán lắm. Mà đó lại là Jerry Hall khi khỏa thân dưới mắt của Quentin Letts trong tờ London's Mail. Nghĩ mãi mà tôi vẫn không thể tưởng tượng ra được Jerry Hall và hai quả trứng chiên trong ánh sáng lờ mờ trên một sân khấu ở Luân Đôn là như thế nào nữa.

Jerry Hall, nữ kiểu mẫu đắt giá của những năm 70 mà nay... vậy sao, mà nay là hai quả trứng chiên ốp la ư? Tôi đã trông thấy những quả trứng chiên của những bữa sáng trước đây. Theo hình ảnh mà tôi còn ghi lại được trong óc thì Jerry Hall không thể là hai quả trứng chiên. Mà hai quả trứng chiên thì cũng nhất định không là Jerry Hall được. Hay là trứng chiên trong mấy chục năm qua đã có những thay đổi mà tôi không biết. Mà cũng có thể là Jerry Hall sau khi ở với Mick Jagger rồi thì cũng đổi khác, để trông giống như hai quả trứng chiên?

Tôi muốn xem hai quả trứng chiên để có một hình ảnh rõ hơn về Jerry Hall, nhưng nhớ lời thề không để cho cholesterol đến gần mình nên lại thôi.

Chẳng lẽ đùng đùng kiếm cái vé đi Luân Đôn, tìm đến khu Mayfair, kiếm cái vé coi vở kịch The Graduate chỉ để xem hai quả trứng chiên? Như vậy chắc không được. Hay vào siêu thị, khuân một tá trứng về, học chiên trứng rồi chiên thử xem Jerry Hall ra sao?

Nhưng ở quầy trả tiền, trong lúc chờ đến lượt trả tiền, tôi thấy có tờ People trên giá báo bên cạnh. Và mở tờ People ở phía trên của góc phải, là bức hình chụp Jerry Hall trong một cảnh diễn tập của vở kịch The Graduate.

Và theo những khu vực mà bức ảnh cho thấy về Jerry Hall, thì nhất định hai quả trứng chiên đó không giống như những quả trứng chiên mà tôi vẫn thấy trong những bữa ăn sáng trước đây.

Nhưng nếu Quentin Letts vẫn quả quyết đó là những quả trứng chiên, thì... mẹ của những quả trứng ấy chắc không thể là những con gà thường được.

Chúng phải là đà điểu Phi châu, vì ngay như đà điểu Úc (emu) cũng không thể đẻ ra những quả trứng như thế được.

Nhờ bức ảnh của tờ People, lại có thêm một điều khác tôi biết về Quentin Letts, đó là chuyện bếp nước chàng còn dở hơn tôi rất nhiều: chàng không biết phân biệt trứng chiên và trứng luộc. Bởi lẽ nhìn bức hình Jerry Hall trong tờ People thì nhất định không thể là trứng đà điểu chiên được. Luộc thì may ra.

Viết phê bình sao mà dở thế!


Ngày 19 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Sáng nay, đọc một bản tin của tờ Los Angeles Times xong, tôi không biết sẽ phải nghĩ gì nữa.

Theo tờ báo này, thì cứ ba thì có một, cứ ba mươi thì có mười, cứ chín chục thì có ba chục. Đó là những con số rất lớn, những tỉ lệ hết sức đáng kể.

Còn nhớ mấy năm trước, thống kê cảnh sát cho biết là cứ hai mươi lăm chiếc xe chạy ngang trong buổi tối thứ sáu ở xa lộ vòng đai thủ đô, thì có một chiếc do người say rượu lái, tôi đã nghĩ là quá nhiều. Nhưng so với con số của tờ Los Angeles Times đưa ra sáng nay thì con số của cảnh sát thủ đô Mỹ thua rất xa.

Theo tờ báo này, thì con số người lái xe say rượu ít hơn con số người không rửa tay sau khi dùng buồng tắm rất nhiều. Và đó là một con số đáng sợ.

Ba người bước ra từ phòng rửa tay, có một người không rửa tay. Gọi là phòng rửa tay cho lịch sự, chứ thực ra, phải gọi là nhà cầu, nhà tiêu, nhà tiểu mới đúng.

Và dĩ nhiên là những người vào đó không chỉ để rửa tay. Để rửa tay mà không rửa tay thì còn gì để nói? Họ vào để làm những việc khác hơn là để rửa tay, và vì làm những việc khác đó nên mới cần phải rửa tay. Cần rửa tay, mà không rửa tay mới ghê!

Tờ Los Angeles Times nói rằng con số đó là con số tính chung cả đàn ông cũng như đàn bà. Và phụ nữ, vẫn theo tờ báo ấy, ở dơ không thua gì đàn ông. Nghĩa là cả hai phía đều một trong ba người, không rửa tay gì hết.

Đọc xong bản tin của tờ báo, tôi nhớ lại những kinh nghiệm ở ngoài những phòng rửa tay mà tôi đã trải qua không phải là một, mà nhiều lần. (Những) người ấy từ trong bước ra, tay vẫn khô queo, đưa tay lên "vuốt tóc tôi / thở dài trong lúc thấy tôi vui".

Bây giờ thì tôi có thể hiểu tại sao những tình cảm lại trái ngược, tương phản nhau như thế. Bên thì buồn, bên thì vui. Thì ra phía bên kia thở dài thương hại cho người đàn ông dại dột, khù khờ, ngây thơ, không biết gì hết, được vuốt tóc thì mừng quá đỗi, vui ra mặt trong khi không hề biết phía bên kia thuộc thành phần một phần ba, mười phần ba chục, ba chục phần chín mươi.

Biết đâu trong số những người tôi quen, lại chẳng có một số thuộc thành phần ấy. Và người đàn ông hiền lành, không đa nghi, hồn nhiên, không hề biết những người nước hoa thơm lừng đó lại chính là những người chủ trương bảo tồn nguồn nước cho thế giới, không phung phí nước cho việc rửa tay?

Vậy mà, chao ôi, chúng tôi đã nắm tay nhau đi trong hạnh phúc ngập tràn, ở Wellington, ở Sydney, ở Sài Gòn, ở Hán Thành, ở Tokyo, ở Hương Cảng, ở Paris, ở Luân Đôn, ở Madrid, ở Roma, ở Hoa Thịnh Đốn, ở Nữu Ước, ở Toronto, ở Montreal, ở Los Angeles, ở San Jose, ở San Diego...

Không những chỉ nắm tay nhau, mà còn "kỷ niệm thơm từ năm ngón tay/ trăng lên từng nét gợn đôi mày", còn "ngón tay phơ phất mùi hoang thảo / lượn nét mây vờn sợi tóc mai", còn "mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu"...như trong Đinh Hùng nữa mới là phiền chứ.

Làm tất cả bằng ấy chuyện với những bàn tay hà tiện nước. Sao đời của tôi lại khổ đến chừng ấy được? Bây giờ phải làm gì đây? Làm thế nào để "tấm son gột rửa bao giờ cho phai"?

Cứ tưởng tượng ra những chuyện đã diễn ra mà kinh, mà khiếp cho mình.

Tại sao tờ Los Angeles Times lại làm công việc tàn ác như thế? Có cần phải khơi lại những thương tích đã lành từ bao nhiêu lâu nay bằng những nhát dao đâm nát ra như thế không? Tại sao người đàn ông đang mơ giấc mộng dài, lại phải lay cho chàng dậy một cách phũ phàng như thế? Tại sao không để cho "ngón tay não nuột tàn nhung bướm / gỡ cánh hoa phai lả mái đầu"?

Hay tại sao không chịu rửa tay kỹ cho chúng tôi nhờ một chút?


Ngày 20 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Lĩnh, thứ hàng tơ mặt bóng đã có một thời được quí lắm: không phải ai cũng có thể váy lĩnh mặc chơi cho mát được.

Người đã khó kiếm cái váy lĩnh huống chi mấy con chó. Bởi thế, khi nói "chó có váy lĩnh" thì đó là chuyện chắc phải khó lắm, phải hoang đường lắm, ít khi, nếu không nói là không thể, xẩy ra được.

Trong những năm thơ ấu, đó là một trong những câu tôi thù ghét nhất. Bị nói câu đó vào mặt là bị ném cho một đảm bảo chắc chắn một chuyện gì không thể có được, không thể xẩy ra được. Cho đó là khả năng là một việc gì, hay một ao ước.

"Như thế thì đến chó cũng có váy lĩnh." Chỉ một câu đó, mọi ước muốn, toan tính lập tức tan tành.

Nhưng chuyện chó có váy lĩnh để mặc ngày nay không còn là điều khó xẩy ra được nữa. Chó không những đã có áo lông đắt hơn váy lĩnh rất nhiều lần, mà còn có được nhiều thứ khác hơn nữa chúng ta khó có thể tưởng tượng ra được để cập nhật hóa câu tục ngữ đã cũ.

Ngày nay, chó đã có thể có kim cương để đeo, được chủ cho hưởng gia tài, đánh bạt con cái của người viết di chúc để trở thành thừa kế duy nhất như đã nhiều lần xẩy ra. Chúng còn có thể nước hoa thơm lừng làm đau lòng biết bao nhiêu người nữa là khác.

Từ năm mươi năm trước, năm đầu ở đại học, từ khi được tặng chai eau de Cologne Old Spice đến nay, lúc nào tôi cũng có một chai trong buồng tắm, tuy thỉnh thoảng cũng thay đổi bằng Brut, Aqua di Giò, Eau Sauvage, Clinique... Old Spice không gắt như Clinique, không ngọt như Eau Sauvage, không ngựa như Aqua di Giò của Giorgio Armani. Old Spice không bám quá lâu ở người dùng cũng như ở những người không dùng nó (?). Nhưng nó theo tôi lâu nhất là vì cái giá rất thoải mái của nó. Cái giá thoải mái đó khiến lúc nào cũng có hai, ba chai trong nhà, trong ngăn kéo bàn giấy ở sở.

Thế mà nay, chó cũng không thèm có nữa mới đau lòng những người dùng Old Spice từ bao nhiêu năm nay.

Chó đã có eau de Cologne riêng của chúng. Chai eau de Cologne 100ml của chó được bán với giá gần ba chục Mỹ kim là một sự nhạo báng độc ác với những người đàn ông dùng Old Spice.

Oh My Dog! là tên của eau de Cologne chó. Tôi thấy nó sáng hôm qua trong chương trình Good Morning America. Buổi sáng bỗng không còn đẹp nữa. Bước vào cái buồng tắm, ngó chai Old Spice Limited Edition mà tủi thân không sao nói hết được.

Old Spice, đến chó cũng không thèm dùng thứ eau de Cologne rẻ tiền như thế. Mặt mũi như thế mà... eau de Cologne còn rẻ hơn eau de Cologne của chó. Những câu như thế làm sao không vang vang trong hai tai suốt cả buổi sáng cho được.

Tưởng tượng cảnh sau khi làm ướt cái cột đèn, cậu chó chạy về nhà, lôi chai Oh My Dog! ra, xịt vài cái vào những vị trí chiến lược trên dưới, rồi ưỡn ẹo chạy ra đường kiếm mấy chị trong khu phố, tiếng huýt sáo bỗng vang lừng nổi lên, hòa lẫn với những tiếng sủa ủng oẳng từ bốn phương tám hướng vọng đến thì còn gì có thể tạo nhiều đau đớn, lăng mạ hơn được nữa?

Những Old Spice, Aqua di Giò, Clinique... đã bao giờ làm được những điều đó chưa? Chắc chắn là chưa.

Vào lúc váy lĩnh trở nên lỗi thời, mất đi những thái độ trọng vọng, và loài chó cũng có thể có được dễ dàng, thì váy lĩnh được thay thế bằng eau de Cologne, niềm vui cuối cùng của những người đàn ông trong buồng tắm những buổi sáng, sau khi những chiếc dao cạo lướt trên da mặt, cũng bị xâm phạm và lấy đi vĩnh viễn.

Cái mặt như thế mà dùng thứ eau de Cologne rẻ tiền hơn là Cologne của chó.

Chán cho chính mình thì không thể có sự chán nản nào lớn hơn và bi thảm hơn được nữa.

April 16, 2012

April 13, 2012

Ngày 8 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Câu tục ngữ "mẹ gà con vịt" vẽ ra một liên hệ rất bất bình thường nhưng không phải là không có.

Konrad Lorenz, một nhà tâm lý học loài vật đã nghiên cứu rất nhiều hiện tượng này nơi loài ngỗng, vịt và thiên nga và thấy là những loài chim này, ngay sau khi đục được cái vỏ trứng để ra ngoài, thì bất cứ một sinh vật nào chúng thấy ở cạnh chúng, chúng đều coi là mẹ ngay. Konrad Lorenz là người đầu tiên đặt cho hiện tượng này cái tên imprinting, và những khám phá của ông về imprinting đã được khoa học nhìn nhận. Hình ảnh ông đi trước, một bầy vịt, ngỗng đi sau đã được tạp chí LIFE dùng để thâu tóm công trình nghiên cứu của ông khi ông qua đời năm 1989.

Những con vịt, ngỗng này coi Konrad Lorenz là mẹ của chúng. Chúng đi theo ông mỗi sáng để được cho ăn, được dẫn ra hồ bơi lội.

Mới đây, ở North Carolina người ta thấy một liên hệ khá kỳ lạ của một con thiên nga không giống như những trường hợp mà Konrad Lorenz đã nghiên cứu. Liên hệ đó không phải là giữa mẹ và con như những trường hợp imprinting thường thấy. Một con hắc thiên nga với bộ lông đen tuyền và cái mỏ mầu đỏ, giống thiên nga chỉ thấy ở Úc, bỗng nhiên xuất hiện ở thị trấn Palm City thuộc tiểu bang North Carolina.

Tại sao nó tới đó, nó đi những đâu mà lại lạc tới Bắc Mỹ, cách xa nơi nó ra đời cả trên mười ngàn dặm? Nhưng dù có được những câu trả lời cho những câu hỏi đó thì người ta vẫn còn một thắc mắc khác về nó. Đó là liên hệ của nó và cái máy hors-bord gắn trên một chiếc thuyền nhỏ.

Con hắc thiên nga này quấn quít bên cạnh cái máy hors-bord ở một bến tầu tại Palm City suốt mấy tuần lễ từ khi nó lạc tới North Carolina. Nhưng liên hệ đó không phải là một liên hệ mẹ con.

Con hắc thiên nga ra đời cũng phải vài năm ở Úc trước khi nó giang hồ đến Mỹ. Vì thế cái máy tầu không thể là mẹ nó như trong hiện tượng imprinting. Cái máy hors-bord không ở cạnh khi nó nở từ trong trứng ra. Cái máy tầu cũng không dẫn nó đi ăn hay ra hồ tập bơi, tập bay như những con thiên nga mẹ, hay như nhà khoa học Konrad Lorenz. Và nhất là nó không hành động giống như một con thiên nga với mẹ. Nó rượt đuổi người chủ chiếc thuyền máy mỗi lần ông ra bến, đưa thuyền xuống nước. Hành động của nó có tất cả những nét của một người phụ nữ ghen.

Người ta tin chắc rằng con hắc thiên nga này đang yêu chiếc máy hors-bord. Chiếc máy tầu là tình nhân của nó. Ai đụng đến cái máy tầu là nó đuổi đánh.

Loài thiên nga trắng cũng như đen nổi tiếng là chung tình. Trống và mái ở với nhau suốt đời. Khi một con chết, con còn lại buồn đau trong một thời gian rất lâu. Robert Kincaid trong The Bridges of Madison County của Robert James Waller cũng nhắc tới chi tiết thủy chung này của một con thiên nga trong bức thư gửi Francesca Johnson.

Loài thiên nga Úc ưa sống hợp quần thành bầy hai, ba trăm con. Con hắc thiên nga ở Palm City xa nhà, xa bầy, tìm được đối tượng để yêu thì đối tượng chỉ cứ lù lù một cục thép cù lần, khét lẹt mùi xăng. Câu chuyện tình của nó được viết thành tin đăng trên báo địa phương, và làm cảm động Stan và Faith Chiras. Hai người xin phép đưa nó về trang trại với cái hồ nước khá rộng của họ để cho nó có bạn với bốn con hắc thiên nga khác và khoảng mười con ngỗng trời mà hai người đã nuôi từ lâu để con thiên nga lãng mạn này có bạn, đỡ đơn lẻ, phải tìm tình yêu nơi cái hors-bord.

Nó có hạnh phúc không, nó có tìm được tình yêu ở cái hồ nước trong trại của vợ chồng Stan và Faith Chiras không, những chi tiết đó không được báo chí cho biết. Nhưng chắc nó phải nhớ cái máy hors-bord lắm, nếu tính thủy chung có thật nơi loài thiên nga.

Nó sẽ nhớ cái máy tầu lúc nào cũng dịu dàng, không bao giờ to tiếng với nó, không bao giờ mè nheo, đay nghiến, nói dai, nói giang ca, nói chàm ràm, nói bậy, nói bạ, nói dấm, nói dẳn, nói ngoa, nói ngoắt, nói 629 kiểu mà nhà làm tự điển Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ đã ghi từ trang 973 đến 985 của cuốn Việt Nam Tự Điển hai ông hợp soạn.

Cái máy hors-bord mà tiếng Pháp, theo cuốn Petit Larousse tôi có, nơi trang 519 của ấn bản 1962, được xếp vào loại danh từ giống đực (nom masculin invariable).

Nên chắc gì đưa con hắc thiên nga tới trại của Stan và Faith Chiras lại là điều tốt đẹp cho nó. Biết đâu nó chỉ yêu cái máy hors-bord hiền lành và ít gây phiền nhiễu cho nó như ở bến tầu Palm City?


Ngày 9 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Henry Kissinger, theo Seymour M. Hersh trong cuốn The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House (New York: Summit Books, 1983), mỗi lần chán đời, ưu sầu, là chàng ăn. Và khi chàng ăn, thì chàng mập và xấu trai kinh khủng.

Khi chàng thèm ăn, thì chàng có thể làm bất cứ gì để có ăn. Vận mạng của Đài Loan được định đoạt trong bản thông cáo chung Thượng Hải, mà để có văn kiện này, thì hình như nhà cầm quyền Hoa lục chỉ mất có một con vịt quay Bắc Kinh. Điều này, chính Henry Kissinger nói ra. Chàng nói rằng với một con vịt quay Bắc Kinh ngon, muốn gì chàng cũng ký.

Hồi ấy chắc chưa có thuốc Prozac nên lịch sử và chính trị Ðông Á mới có chủ trương "lưỡng quốc nhất chế" lôi thôi cho đến bây giờ, để Hoa lục dựa vào đó làm vất vả Đài Loan từ đó đến nay.

Kissinger khi trong óc thiếu seratonin thì buồn bã, ưu sầu, ăn uống bậy bạ, gây tai hại cho tình hình thế giới như thế. Những người không phải là ngoại trưởng Mỹ thì phản ứng khác hẳn.

Chúng tôi đi shop. Chúng tôi shop cho đến khi chúng tôi té gục -- shop till you drop-- như nhiều người ở Mỹ đã cho thấy.

Đây là một thứ bệnh, danh từ y khoa gọi là oniomania, do một nhà tâm lý học người Đức nhận diện cách đây gần một thế kỷ. Ở Mỹ, theo Hội Tâm Lý Học Hoa kỳ (The American Psychological Association), có khoảng mười lăm triệu người bị hội chứng này. Những người mắc bệnh này thường tạo kẹt xe kinh khủng ở gần các khu buôn bán. Họ làm cho việc tìm được một chỗ đậu xe ở các mall là một cực hình trần ai khoai củ. Bệnh nhân ra khỏi nhà từ sáng sớm, thường là trước giờ mở cửa của các cửa tiệm. Cửa mở, họ xông vào, credit card trong tay, đúng lời căn dặn trong những quảng cáo của American Express là không bao giờ ra khỏi nhà mà không mang theo – don’t leave home without it. Họ khuân một đống đồ ra quầy trả tiền, rồi quăng cái thẻ mua chịu ra, cà cho nát, cho mỏng teng, cho rách...

Ở mười lăm triệu người, thì bệnh đã phát. Trong khi đó, khoảng bốn chục triệu người Mỹ thì còn đang trên đường phát bệnh. Trong những con số này, khoảng 90% là phụ nữ. Đặc biệt là theo tài liệu của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, rất ít đàn ông mắc thứ bệnh quái ác này.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, họ là những người mắc chứng mua sắm không thể kiểm soát được, compulsive shoppers. Mua sắm trở thành việc làm họ không còn làm chủ được nữa. Mua sắm quay trở lại kiểm soát mọi suy nghĩ của họ.

Những cái tủ áo đầy nghẹt trong nhà, vài trăm đôi giầy trong garage (nếu ở dinh Malacanang thì con số có thể lên đến 6 ngàn đôi), bàn phấn khoảng gần một trăm đôi bông tai để phục vụ hai cái tai, ví tay vài chục cái, thắt lưng mấy chục cái, găng tay ba chục đôi... Rất nhiều thứ chưa được giải phóng ra khỏi những gói giấy ở tiệm mang về.

Vậy nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi shop tiếp. Phải quay trở lại mall, quơ thêm vài ba đống nữa thì chúng tôi mới thấy nhẹ người đi chút ít.

Nhưng tiền đồ của thế giới sắp khá. Bệnh mua sắm có thể chữa được bằng thuốc. Đại học Stanford ở California đang thí nghiệm một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân sau khi uống thuốc, và thuốc ngấm, thì cho dù là đã ra đến cửa với một kế hoạch mua sắm chi tiết, qui mô, cũng sẽ quay vòng trở lại, thay quần áo, ở nhà làm một người Mỹ bình thường và khỏe mạnh. Thuốc giúp gia tăng seratonin trong óc, và khi lượng seratonin tăng lên tới mức bình thường, thì chúng tôi bình thường trở lại. Không đi mua sắm bậy bạ nữa, ăn nói hợp lý hơn, không lô gích một chiều nữa, không gây sự không lý do nữa, không nạt nộ người chung quanh nữa, không đòi về nhà má nữa vân vân.

Thí nghiệm của trường Stanford không biết đến bao giờ mới có kết quả, nhưng giới doanh thương Mỹ đang tìm cách chặn không để cho loại thuốc này được bầy bán trước Thanksgiving và Giáng Sinh, thời gian mua sắm kinh hoàng nhất ở Hoa kỳ. Các bệnh nhân khỏi bệnh thì làm sao kinh tế Hoa kỳ khá đây?

Nhưng biết đâu, chuyện chữa bệnh mua sắm chỉ là mục tiêu phụ, còn mục tiêu chính là chữa bệnh ăn nói chàm ràm thì sao? Mà như thế thì trước hay sau Thanksgiving và Giáng Sinh có gì quan trọng lắm đâu?

Hay là cứ vào bếp lục cơm nguội ăn như Kissinger cũng đã chết ai chưa.


Ngày 10 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Khi dọn đến địa chỉ hiện nay, tôi tìm được ở ngăn tủ trong phòng ngủ bức tượng nhỏ tạc hình một người ngồi sau chiếc bàn làm việc bừa bộn giấy tờ, sách vở chất đống nghều nghễu cao hơn đầu người, và ở chân bàn, là hàng chữ neatness is the sure sign of a sick mind.

Tôi thích nó ngay, vì cái bàn của ông ta không khác gì bàn làm việc của tôi.

Ngay từ trước khi có bức tượng --mà tôi không cách gì trả lại chủ nhân nó-- tôi vẫn thấy chuyện gọn gàng, thứ tự, ngăn nắp có điều gì không... ổn. Nghĩa là cái bàn làm việc không bao giờ nên gọn gàng, ngăn nắp. Nó phải bừa bộn như của tôi thì trông nó mới có đời sống, có bàn tay người. Một cái bàn ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng thì nó như cái bàn của một nhà hành chánh, một ông đốc phủ sứ, mỗi ngày có nhân viên vào thu dọn, phủi bụi. Cái bàn sạch sẽ nhưng chủ nó chỉ là một... đốc phủ sứ.

Hàng chữ ở chân bàn -- neatness is the sure sign of a sick mind -- nói đúng được điều tôi vẫn mơ hồ nghĩ trong đầu từ lâu mà không xếp lại thành một câu: sự gọn gàng, thứ tự, sạch sẽ, ngăn nắp là dấu hiệu rõ ràng của một đầu óc bệnh hoạn.

Nhờ nó, tôi có được cách giải thích rất thuyết phục cho tình trạng bừa bộn nơi cái bàn làm việc của tôi. Sạch sẽ, gọn gàng là bệnh hoạn. Bừa bộn, không thứ tự, không ngăn nắp là một đầu óc bình thường và khỏe mạnh.

Tại sao phải ngăn nắp và thứ tự trong khi bừa bộn và mất trật tự vẫn làm được việc? Và cái bàn làm việc của tôi trong phòng ngủ tiếp tục bừa bộn, không thứ tự, không gọn gàng gì hết. Mẹ tôi sang thăm, nói là trông ngứa mắt quá, tôi đề nghị vài giọt thuốc nhỏ mắt cho đỡ ngứa, nhưng xin tha cho cái bàn của tôi.

Hôm nay, đọc được một khám phá của Home & Garden Television, tôi lại càng thấy không nên gọn gàng, ngăn nắp và thứ tự chút nào.

Một cuộc thăm dò do Home & Garden Television thực hiện cho thấy là có một số người tìm thấy được sự thỏa mãn qua việc giữ gìn nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, thứ tự, nhiều hơn là làm tình (... get more satisfaction from keeping their homes neat and attractive than they do from sex.)

Biết được chi tiết này, tôi lại thắc mắc không biết người ở căn nhà này trước khi tôi dọn vào là người như thế nào, có giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng không, hay cũng bừa bộn như tôi để phải khuân bức tượng nhỏ với câu nhận định tương quan giữa sự ngăn nắp, gọn gàng và sức khỏe tâm lý về nhà bầy chơi?

Tôi biết người ở căn nhà này trước tôi là một phụ nữ nhờ cái tên trên phong bì những bức thư tiếp tục tới nằm trong hộp thư của tôi sau khi tôi dọn đến cả mấy tháng trời.

Nàng có nhiều phần không phải là người gọn gàng ngăn nắp nên mới có bức tượng nhỏ đó. Nàng không thích thu dọn nhà cửa sạch sẽ, như vậy nàng tìm thấy sự thỏa mãn ở đâu?

Nàng có giống như người đàn ông Á châu cao niên sống bừa bãi thiếu ngăn nắp tìm thấy sự thỏa mãn trong sự biếng lười như Bạch Ngọc Thiềm trong cái thư trai ông gọi là Dong Am, cái am biếng nhác, hay nàng thấy được thỏa mãn nơi cái thú... khác?

Bức biếm họa trong tờ báo đi kèm bài viết vẽ một người đàn bà quần áo trên người rất ít trong khi người đàn ông, tay cầm thùng nước, tay kia vác cái chổi, mặt mũi tươi vui đi... dọn nhà, quét tước, lau chùi phòng ốc. Người đàn ông có vẻ như không nhìn thấy người phụ nữ rất sexy đứng bên cạnh vì chàng đã tìm thấy lạc thú trong việc giữ cho nhà cửa sạch sẽ gọn gàng như kết quả cuộc thăm dò của Home & Garden Television chăng?

Đúng hay không đúng thì khó biết được, vì sự bừa bộn của tôi chỉ là dấu hiệu của một đầu óc không... bệnh hoạn.

Nhưng có thể vì kết quả cuộc thăm dò này, nhiều người đàn ông sẽ không bị bắt dọn dẹp nhà cửa nữa không chừng!


Ngày 11 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Abby, như chúng ta đã đồng ý nhiều lần, nên về hưu, gác bút, log off cái computer của nàng, cất nó xuống basement, và nghỉ viết mục trả lời các thắc mắc của độc giả mà nàng đã phụ trách quá lâu trên các báo Mỹ.

Nhưng nàng vẫn cứ tiếp tục viết, và càng tiếp tục viết, nàng càng cho thấy là nên qui ẩn cho rồi. Nên, từ rất lâu mới đúng.

Mới đây, Abby góp ý với một độc giả muốn có câu trả lời cho những gợi ý, những thúc giục, những lời khuyên là nên đẻ thêm một hai đứa con nữa trong khi chiếc đồng hồ nội bộ (?) của người độc giả này đang hối hả chạy những vòng cuối trước khi sợi dây thiều lăn đùng ra khiến cái đồng hồ chết ngắc.

Cái internal clock -- đồng hồ nội bộ-- ở cái tuổi của chúng ta, hoặc đã ngưng chạy, hay vẫn còn đang chạy, nhưng bằng những nhịp cực kỳ rối loạn, làm những đêm mùa đông bỗng như hừng hực lửa của nắng hè, những đổi thay của tâm tính, những cáu bẳn vô lý hơn mọi vô lý thường ngày, mức estrogene càng ngày càng xuống thấp... mà lại còn bị nhắc thêm vài câu hối thúc như vậy thì người nghe khó chịu là phải.

Chẳng lẽ lại hét lên câu hăm dọa mà tôi mới đọc được trên cản sau chiếc xe đậu gần sở: My estrogene is low and I have a gun -- này, estrogene của tôi đang xuống thấp và tôi có súng trong tay đấy nhé.

Với những đề nghị như thế, không thể chỉ nói không phải việc của ông / bà. Câu này thường quá, những góp ý sẽ còn trở lại nữa. Câu trả lời như thế nghe như những che dấu không cần thiết. Người nghe nhất định sẽ nghĩ ra trong đầu những lý do khác ghê rợn hơn nhiều.

Cũng không thể hăm dọa, răn đe mà không kèm theo những hành động đi kèm, thí dụ nói rằng nếu muốn, tôi có thể đẻ thêm một chục đứa nữa (bằng cách sinh mười chẳng hạn, cho kịp vòng quay cuối của chiếc kim đồng hồ nội bộ) trong khi không cách nào làm được nữa.

Lại cũng không nên nói rằng mấy quả grade A còn lại trong hộp... trứng đã thối hết như một phụ nữ tôi quen vẫn nói. Không được. Ai lại vạch... trứng cho người xem như thế.

Abby trả lời người độc giả nọ rằng cứ nói là xưởng của chúng tôi đóng cửa thế là xong. Our factory is closed. Xưởng đóng cửa, tiệm đóng cửa, phẹc mê bu tích, không sản xuất nữa. Chấm dứt.

Abby tưởng trả lời như vậy là xong. Như trường hợp xưởng đóng cửa trong lúc khó khăn kinh tế, sản xuất đình lại tại các xí nghiệp quốc doanh không lời lãi cuối cùng phải dẹp như ở các nước Cộng sản cũ để cắt bỏ những gánh nặng đè lên các quốc gia này. Trong những trường hợp đó, đóng cửa là chấm dứt, là không còn một hoạt động nào khác nữa. Là công nhân thất nghiệp dài cổ, là chủ nghĩa Cộng sản với hệ thống kinh tế do trung ương thiết kế phá sản thê thảm là đúng.

Nhưng thực ra, không phải xường máy nào, sau khi đóng cửa cũng buồn bã, chán nản như thế. Một số nhà máy, khi đóng cửa, phải bồi thường cho nhân viên bị cho nghỉ việc. Nhiều khi công nhân được những món tiền đáng kể. Do đó, cửa nhà máy có thể đóng, nhưng đó không phải là chấm dứt mọi chuyện. Người công nhân có tiền, có thể vui chơi tiếp (?) hay đi kiếm một xưởng máy mới (?) còn tiếp tục thu dụng họ. Nên trả lời như Abby có thể là không đúng.

Tôi đọc câu trả lời của nàng xong, thì ấm ức ghê lắm. Trả lời thiếu sót như vậy mà cũng đòi trả lời, giải đáp thắc mắc, gỡ rối tơ lòng cho người khác. Nhưng tôi cũng không biết phải thêm vào câu trả lời của nàng những gì để cho hợp lý hơn.

Thì sáng hôm qua, một độc giả ở Lansing, Michigan viết cho Abby với một đề nghị nhỏ để thêm vào câu trả lời của Abby. Người độc giả này, mà tôi tin chắc là một phụ nữ, đề nghị Abby thêm vào câu này: But the playground is still open.

Xưởng máy tuy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, vì không thể sản xuất được nữa, vì không có nhu cầu sản xuất nữa, vì khó khăn kinh tế hay vì những nguyên do khác, nhưng sân chơi, sân giải trí của xưởng máy thì vẫn tiếp tục mở cửa cho các công nhân của xưởng máy bị đóng cửa vào chơi như thường.

À, như thế mới được. Xưởng máy đóng cửa, nhưng tại sao phải đóng cửa một tiện nghi (?) mà các công nhân trước kia vẫn được phép sử dụng?

Phải mở cửa chứ. Xưởng máy của Abby có thể đã đóng cửa, và sân chơi của cái xưởng đó có thể cũng đã dẹp luôn, những cái cầu tuột (?) những cái đu, những bồn cát để xúc cát (?) chơi có thể đã đóng như trường hợp xưởng của Abby, nhưng những sân chơi ở các xưởng máy khác vẫn tiếp tục mở thì sao?

Ồ, trả lời như Abby là sai sót thấy rõ. Khi không cho đóng cửa sân chơi luôn mà cũng gỡ rối tơ lòng độc giả thì sao được!


Ngày 12 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Benjamin Franklin, một trong những cha đẻ của nước Mỹ, trong những lúc không giúp soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa kỳ, thì hình như ông chỉ có một trò chơi ưa thích, đó là thả diều trong những khi trời nổi dông bão để đến nỗi suýt bị sét đánh, và thì giờ còn lại, có vẻ như ông chỉ dùng để nghĩ ra những câu nói làm khổ đời không biết bao nhiêu đứa bé trong những năm thơ ấu ngắn ngủi của chúng.

Thí dụ những câu như đi ngủ sớm, dậy sớm sẽ làm cho người ta vừa giầu có vừa khôn ngoan (Early to bed and early to rise makes a man rich and wise), hay việc hôm nay đừng để đến ngày mai (Never put off until tomorrow what you can do today)... Ông không bao giờ đồng ý với những chuyện vô cùng thích thú đó của bọn trẻ con. Ông toàn nói những điều ngược lại với những chuyện đem lại quá nhiều niềm vui của chúng.

Ông cụ tôi là người thuộc rất nhiều câu dậy đời quái ác đó của ông, và thường xuyên đem ra cho chúng tôi nghe. Tôi ghét cay ghét đắng ông già Franklin là vậy. Ông già này suýt bị sét đánh chết trong một buổi chơi diều và nhờ đó, chế ra cái thu lôi tiên để lại cho đời, không hề biết rằng thói quen để việc hôm nay đến ngày hôm sau, cái tính hay diên kỳ, trì hoãn, lần lữa, triển hoãn, để lại đến ngày khác mà ông khuyên nên bỏ, cũng có cái khía cạnh tốt đẹp của nó, đó là chúng ta luôn luôn có vài ba việc để làm trong ngày mai. Không bao giờ có chuyện ngày mai không biết phải làm gì.

Nên con số những người hay để việc hôm nay đến ngày mai có vẻ khá đông.

Khi còn sống, một lần sang thăm tôi, mẹ tôi để quên trong tủ áo phòng tôi chiếc khăn quàng lụa, không biết quà của ai trong mấy chị em chúng tôi biếu cụ. Tôi định gửi lại cho cụ, nhưng rồi cái tính mà Benjamin Franklin ghét lại nổi lên đùng đùng trong người, và chiếc khăn treo trong tủ áo vẫn tiếp tục được treo ở chỗ cũ đó.

Ít lâu sau, thì tôi quên luôn là trong tủ áo còn có cái khăn quàng của mẹ tôi. Khi dọn nhà, xếp quần áo vào thùng, tôi thấy nó, định gửi đi, nhưng những việc lặt vặt khác lại thình lình hiện ra sau chuyến dọn nhà, đẩy chuyện gửi cái khăn quàng sang Gia Nã Đại xuống một ưu tiên dưới, vả lại, mẹ tôi nhất định còn có vài chiếc khăn khác.

Rồi một buổi sáng đi làm, tôi cần chiếc áo lạnh. Mở tủ áo, thì tôi thấy từ chiếc mắc áo treo chiếc áo lạnh, rơi ra chiếc khăn quàng mầu nâu có in những chiếc lá vàng, chiếc khăn quàng mẹ tôi để quên ở nhà tôi.

Hơn một năm, mà mùi nước hoa mẹ tôi dùng vẫn còn mơ hồ thoang thoảng trong những thớ lụa. Cái mùi mẹ tôi dùng đã bao nhiêu lâu nay, mùi Coco Chanel, vẫn còn nguyên một cách kỳ lạ. Chiếc khăn lúc vắt trên vai, lúc trùm mái tóc, mùi mẹ tôi, mùi tay, mùi tóc... tìm kỹ chắc cũng còn nguyên trong đó.

Tôi nghĩ những cái mùi mà mấy chị em chúng tôi đã biết, đã quen từ mấy chục năm nay vẫn còn trong những sợi tơ dệt chiếc khăn quàng lụa đó.

Mới vừa hôm nào...

Bây giờ thì tôi không cần phải gửi cái khăn ấy đi đâu nữa. Và lương tâm cũng không còn cắn về cái tội trì hoãn, không gửi lại cho mẹ tôi cái khăn quàng ngay nữa.

Trái lại, chuyện trì hoãn, lần lữa khiến tôi không gửi ngay chiếc khăn cho mẹ tôi lại hóa ra hay, một việc rất đáng làm, hay nói đúng ra, là rất đáng trì hoãn, rất đáng để không làm.

Chứ mau mắn, không để việc hôm nay đến ngày mai mà làm ngay, gửi lại cho cụ chiếc khăn thì làm sao bây giờ tôi có một kỷ niệm rất đẹp của mẹ tôi ở với tôi. Gửi rồi phải... tranh giành với mấy chị em tôi sau khi mẹ tôi mất hồi ấy hay sao?

Ông già Benjamin Franklin lần nữa, lại sai lầm nặng.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 138)

NEGATIVE QUESTIONS

Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 138 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

Ngay từ những bài học đầu tiên, tất cả nhưÕng ai học Anh ngữ cũng đều đã được dậy về thể nghi vấn, tức là INTERROGATIVE MOOD, hay QUESTION FORM, và tôi tin là hai cô đều đã biết cách đặt câu hỏi trong tiếng Anh. Với các động từ TO BE, SHALL, WILL, CAN, MUST, COULD, WOULD, SHOULD, MAY vân vân thì cách dùng chúng để đặt câu hỏi rất dễ. Trúc Giang còn nhớ không?

TRÚC GIANG

Cháu nhớ là chúng ta đưa các động từ này lên đầu, cho đứng trước chủ từ, theo sau là động từ chính thì thành câu hỏi ngay phải không thưa chú?

BBT

Thì Trúc Giang đặt thử ngay vài câu hỏi coi.

TRÚC GIANG

ARE YOU GOING TO EUROPE THIS YEAR?

CAN WE STOP AT THE NEXT GAS STATION?

WILL THEY COME TO THE MEETING?

BBT

Còn QA?

QA

SHOULD HE HELP THEM?

MAY WE JOIN YOU FOR DINNER?

MUST I RETURN THE BOOK TODAY?

BBT

Đúng rồi. Bây giờ qua những động từ khác. Chúng ta biến những câu xác định thành câu hỏi như thế nào đây QA?

QA

Chúng ta dùng động từ TO DO ở PAST, hay PRESENT TENSE thưa anh. Thí dụ HE LIVES IN TEXAS đổi sang thể hỏi sẽ thành DOES HE LIVE IN TEXAS? THEY WENT TO MEXICO FOR VACATION thành DID THEY GO TO MEXICO FOR VACATION?

BBT

Đó là thể hỏi, là những câu hỏi mà thường thì chúng ta có thể không biết câu trả lời sẽ như thế nào. Thí dụ câu trả lời cho câu hỏi DOES HE SPEAK SPANISH? có thể là CÓ, ông ta biết nói tiếng Tây Ban Nha và cũng có thể là KHÔNG, ông ấy không biết nói tiếng Tây Ban Nha.

Nhưng cũng có những câu hỏi mà chúng ta đã lại biết phần nào câu trả lời, và câu trả lời RẤT CÓ THỂ là KHÔNG. Trong trường hợp đó, thì chúng ta dùng những câu hỏi ở một dạng khác, ở dạng phủ định: NEGATIVE QUESTIONS, tức là câu hỏi phủ định.

Trong tiếng Việt cũng có cách hỏi như thế, sử dụng câu hỏi phủ định. Khi chúng ta hỏi ÔNG ẤY CÓ LÁI XE KHÔNG? thì câu trả lời có thể là CÓ và cũng có thể là KHÔNG. Nhưng khi hỏi bằng câu hỏi phủ định, NEGATIVE QUESTION như ÔNG ẤY KHÔNG LÁI XE HAY SAO? thì trong đầu người hỏi có thể đã có sẵn câu trả lời rồi, và câu trả lời có nhiều phần là KHÔNG.

Trúc Giang biết cách đặt câu hỏi phủ định, NEGATIVE QUESTIONS không? Nếu biết thì đổi câu hỏi DOES HE DRIVE? thành câu hỏi NEGATIVE coi.

TRÚC GIANG

Để đổi một câu hỏi thường thành câu hỏi phủ định NEGATIVE, cháu chỉ cần thêm NOT vào câu hỏi thường để thành DOES HE NOT DRIVE? phải không thưa chú?

BBT

Đúng lắm. Nhưng nghe câu hỏi vừa rồi, người ta có cảm tưởng như Trúc Giang đang nói chuyện với nữ hoàng Anh trong điện Buckingham hơn là nghe Trúc Giang nói chuyện ở Little Saigon với bạn bè. Lý do là vì câu hỏi DOES HE NOT DRIVE? nghe kiểu cách quá, hình thức quá, nghi thức quá, nghe không có nét tự nhiên như trong những đối thoại hàng ngày. Nghĩa là một đằng FORMAL, một đằng INFORMAL. Bạn bè với nhau thì INFORMAL. Trái với INFORMAL là FORMAL, như khi nói chuyện với … nữ hoàng Anh chẳng hạn.

QA

Vậy thì thưa anh, làm sao để hỏi một cách INFORMAL?

BBT

Trong INFORMAL SPEECH, tức là trong cách nói thông thường hàng ngày, không kiểu cách, không điệu bộ thì chúng ta nói tắt lại. Thay vì DOES HE NOT DRIVE? thì chúng ta nói tắt DOES NOT lại để thành gì nào QA?

QA

DOES NOT khi nói tắt sẽ thành DOESN’T. Như vậy, phải nói là DOESN’T HE DRIVE phải không thưa thầy?

BBT

Đúng thế. Cũng vậy, DO NOT thành DON’T; CANNOT thành CAN’T; WILL NOT thành WON’T; SHALL NOT thành SHAN’T; MUST NOT thành MUSTN’T vân vân. Trúc Giang cho nghe mấy thí dụ với SHOULD, DID và HAVE trong NEGATIVE QUESTIONS coi.

TRÚC GIANG

SHOULD HE NOT BUY THAT HOUSE IN SAN DIEGO? SHOULDN’T HE BUY THAT HOUSE IN SAN DIEGO?

DID SHE NOT ANSWER THE PHONE? DIDN’T SHE ANSWER THE PHONE?

HAVE THEY NOT HAD THEIR DINNER? HAVEN’T THEY HAD THEIR DINNER?

BBT

QA cho nghe thí dụ về NEGATIVE QUESTIONS của cô với WILL NOT, SHALL NOT, MUST NOT coi.

QA

WILL HE NOT BE IN LONDON FOR THE OLYMPICS? WON’T HE BE IN LONDON FOR THE OLYMPICS?

SHALL WE NOT TALK TO HIM AGAIN? SHAN’T WE TALK TO HIM AGAIN?

MUST I NOT INVITE HIM TO THE PARTY? MUSTN’T I INVITE HIM TO THE PARTY?

BBT

Nhưng những câu hỏi NEGATIVE cũng còn được dùng trong một số những trường hợp khác nữa. Thí dụ chúng ta có thể dùng câu hỏi phủ định vì muốn được phía bên kia xác định lại một chuyện mà chúng ta đã biết, đã tin là như vậy rồi. Thí dụ khi hỏi DIDN’T I MEET YOU BEFORE IN SAIGON? thì tôi đã nghi là có gặp anh đâu đó ở Sài Gòn trước năm 1975 rồi.

TRÚC GIANG cho nghe thí dụ của cô, khi hỏi mà trong đầu cô đã tin là chuyện đó đã xẩy ra rồi coi.

TRÚC GIANG

DIDN’T WE TALK ABOUT IT LAST NIGHT AT DINNER? nghĩa là cháu tin là đã nói về vụ đó lúc ăn tối hôm qua rồi mà nay người kia lại đem ra nói trở lại.

QA

DIDN’T HE PAY FOR THE TICKET LAST MONTH? là bộ nó không trả cái giấy phạt hồi tháng trước rồi hay sao?

BBT

Chúng ta cũng dùng NEGATIVE QUESTION khi muốn nói ra ý kiến của mình một cách lịch sự, nhẹ nhàng hơn một chút, thí dụ WOULDN’T IT BE NICE TO INVITE HIM TO DINNER TONIGHT? Nói như vậy, đề nghị của chúng ta dễ nghe hơn, nó chỉ là một gợi ý, không hề là một mệnh lệnh hay đề nghị có chút áp lực ở trong. Trúc Giang và QA mỗi cô cho nghe một thí dụ tương tự coi.

TRÚC GIANG

COULDN’T WE GO TO THE MOVIE THEN TO THE RESTAURANT?

QA

SHAN’T WE RENT A MOVIE AND STAY HOME TO WATCH IT?

BBT

Cũng lại có khi chúng ta dùng những câu NEGATIVE QUESTIONS để bầy tỏ một sự ngạc nhiên về một chuyện chưa xẩy ra như chúng ta chờ đợi thí dụ HASN’T HE RETIRED FROM THE TEACHING JOB? là bộ ông ấy chưa về hưu hay sao?

Trúc Giang thì có gì làm cho cô ngạc nhiên vì chưa xẩy ra, kể cho nghe coi.

TRÚC GIANG

HAVEN’T THEY HAD ANY CHILDREN?

QA

HASN’T HE GONE BACK TO VIETNAM TO LIVE?

BBT

NEGATIVE QUESTIONS còn được dùng để đưa ra những lời yêu cầu, những đề nghị, và luôn cả nhưÕng lời phàn nàn bằng cách mở đầu những câu hỏi phủ định với WON’T YOU…? WOULDN’T YOU…? hay WHY DON’T YOU …? Trúc Giang và QA cho nghe thí dụ của hai cô coi.

TRÚC GIANG

WON’T YOU KEEP YOUR VOICE DOWN A LITTLE BIT?

QA

WOULDN’T YOU TURN OFF YOUR CELL PHONE NOW?

BBT

Tôi luôn luôn có những đề nghị này mà chưa bao giờ nói ra được…WHY DON’T YOU GO AND FLY A KITE? Hay WHY DON’T YOU GO AND JUMP INTO THE RIVER? Hay WHY DON’T YOU JUST GET LOST?

TRÚC GIANG

Thưa chú, ở đoạn trên, có một thí dụ dùng ARE YOU NOT GOING, chúng ta nói tắt lại thành AREN’T YOU GOING … Viết tắt và nói tắt IS NOT thành ISN’T và ARE NOT thành AREN’T thì cháu biết rồi. Nhưng khi TO BE ở ngôi thứ nhất thí dụ AM I NOT thì viết tắt và nói tắt như thế nào?

BBT

Cám ơn Trúc Giang hỏi câu này. Thí dụ AM I NOT HERE TODAY, khi nói tắt hay viết tắt sẽ là AIN’T I

QA

Nhưng thưa anh, QA nhớ có lần anh nói rằng AIN’T không phải là chữ nên dùng vì nó không được chấp nhận là thứ tiếng Anh tử tế, có học và đúng văn phạm. Anh còn nói rằng nó thường được dùng bởi các thành phần ít học, thất học. Vậy tại sao hôm nay anh lại dậy khác với điều anh vẫn nói trước đây?

BBT

Cô nói đúng. AIN’T vẫn bị coi là không chỉnh, không đúng về mặt văn phạm, là thứ ngôn ngữ đầu đường xó chợ, thường chỉ được nghe thấy trong thứ tiếng Anh thất học, hay BLACK ENGLISH. Các nhà văn phạm thường tránh dùng AIN’T, nhưng gần đây, đã có khuynh hướng chấp nhận nó trong ngôn ngữ thường đàm (COLLOQUIAL ENGLISH) cùng với AREN’T dùng cho tất cả các ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba.

Trong khi đó, chính thức, viết tắt của AM NOT là AMN’T. Chữ này hơi khó đọc và cũng ít khi được dùng. Phiên âm quốc tế của nó là aement. Thế nên chúng ta cứ dùng AIN’T I thay vì AM I NOT hay ARE’NT I nghe … khó chịu quá.

Sau đây là một câu mà chúng ta rất thường nghe trong khi nói chuyện với người Anh và người Mỹ chắc các cô cũng đã có lần gặp: IF IT AIN’T BROKE, DON’T FIX IT nghĩa là đừng có lợn lành chữa thành lợn què.

Hay câu này nữa: YOU AIN’T HEARD NOTHING YET nghĩa là còn nữa, chưa hết đâu.

QUỲNH ANH

Vâng, thưa quí vị, những câu chuyện liên quan đến tiếng Anh của chương trình vẫn còn nhiều, chưa hết đâu, nhưng chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

April 5, 2012

April 6, 2012

Ngày 2 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Tuy đứng cùng một phe với Mussolini trong những năm đệ nhị thế chiến, nhưng không bao giờ Hitler dành cho Mussolini và nước Ý của ông trùm Phát Xít này một chút nể trọng nào.

Nước Ý của Mussolini, theo Hitler, có quyển sách mỏng nhất thế giới trong đó ghi tên các anh hùng, dũng tướng, trong khi quyển sách dầy nhất thế giới, lại là cuốn sách ghi những chuyện tình ái của người Ý, đàn ông cũng như đàn bà. Theo Hitler, mấy cậu người Ý chỉ giỏi chuyện trai gái, đến lúc ra trận thì dở ẹc, dở nhất thế giới.

Nhưng Hitler thực ra cũng không ngoa ngôn quá lắm khi nói như thế. Người Ý quả là có huê tình, có phong nguyệt thật. Bé nứt mắt ra mà đã giỏi thì như Romeo và Juliet. Già mà vẫn đại phong tình thì như Giovanni Giacomo Casanova De Seingalt.

Trò phong tình của người Ý còn lan sang cả những thứ trên người của họ: thời trang, quần áo, xe hơi... Tất cả những thứ cần thiết để phục vụ đời sống tình ái, người Ý đều giỏi. Các studio nổi tiếng nhất thế giới về vẽ kiểu quần áo, ca vát, đồng hồ, xe thể thao đều ở nước Ý. Các hãng Ford và Volkswagen đều đã phải nhờ studio Ghia của Ý vẽ kiểu xe Mustang và Karman chẳng hạn.

Thế thì người Ý chắc phải giỏi trò tán nhau lắm. Không thế mà bao nhiêu phụ nữ Mỹ phải lũ lượt đi sang Ý cho đàn ông Ý cấu đít ở ngoài đường, trên xe bus, xe điện... cho bõ những ngày cơ cực.

Nhưng có thể nào nước Ý ngày nay đang trên đà đi xuống sau những lúc hưng thịnh nhất về tình ái đó chăng? Có thể nào trò huê tình của người Ý cũng cùng một số phận tàn phai, sụp đổ tan tành như đế quốc La Mã sau khi đã lên đến tột đỉnh của văn minh không?

Người ta có thể nghĩ vậy khi biết là ở La Mã hiện nay, rất nhiều đàn ông đang phải ghi tên, đóng tiền đi học những lớp dậy tán tỉnh, quyến rũ, rù quyến phụ nữ. Học phí cho một khóa hai ngày là gần hai trăm đô la Mỹ và trường dậy đã có khá nhiều học viên đủ mọi loại tuổi, từ 19 đến 60 tuổi, nhưng hầu hết là hạng tuổi ba mươi, bốn mươi.

Các học viên được dậy những gì. Lớp sẽ do các giảng viên như thế nào, giờ thực tập các học viên sẽ phải làm gì, có bài tập làm ở nhà (homework) không, và bài tập đó là gì thì bản tin của Reuters không nói rõ.

Mà đó lại là những điều nhiều người muốn biết, nhưng không biết hỏi ai, chẳng lẽ ném ra hai trăm Mỹ kim để thỏa mãn tính tò mò. Nhưng bản tin có thể làm cho nhiều người cảm thấy tự tin hơn. Giỏi có tiếng như người Ý mà cũng còn phải đi học huống chi mình. Có bị ngúng nguẩy, xí, nguýt cho một cái thật dài, rồi bỏ đi thì cũng chẳng sao. Tắt đèn làm lại cho đến khi một tay túm được tóc, tay kia vác cái chầy vồ, kéo về hang đá là xong.

Seduction, là môn dậy của các lớp học này. Seduction không chỉ là tán tỉnh (court), mà còn tiến xa hơn thế nữa. Tán tỉnh là mới đứng ở bờ suối, chờ con hươu đến uống nước để bắn và trong khi chờ đợi, thì thả lời ong bướm, khen chị rằng chị có đôi chân ít lông, tóc dính mỡ lợn trông đẹp ác, cái mũi đeo cục xương xuyên giữa hai lỗ mũi trông sexy chết được. Trò này đã có từ thời đồ đá, khi tổ tiên chúng ta vừa rời những cái ổ trên cây bước xuống đồng bằng săn bắn, kéo nhau vào hang đá để ở. Mấy chục ngàn năm trước là như thế.

Bây giờ có hơi khác một chút.

Cái chầy vồ không còn lúc nào cũng vác theo nữa. Và thay vì túm tóc kéo về, thì mời leo lên cái xe. Thay vì quăng về phía góc hang đá nàng đang ngồi miếng thịt hươu còn rỏ máu vừa cắt bằng cục đá lửa có cạnh sắc, thì trước mặt là miếng filet mignon, hai ly đỏ, tiếng vĩ cầm nỉ non bài Fascination...

Chắc mấy lớp học ở La Mã dậy cũng bài bản như vậy là cùng. Carlo Della Torre, một trong những giảng viên của lớp học này nói rằng seduction dựa trên khung cảnh khoảng 60%, dựa trên đương sự làm công việc tán tỉnh quyến rũ khoảng 30% và đối tượng chỉ 10%. Như vậy, khung cảnh quan trọng nhất. Không thể giữa trưa nắng lôi nàng vào quán hủ tiếu, gọi bình trà Hai Con Cua, đánh vật với cái dầu cháo quẩy vừa dai vừa nhạt thếch rồi, cầm tay nàng mà tỏ tình được. Ít ra cũng phải cái quán ngó xuống biển đêm lấp lánh bạc, tiếng sóng vỗ trong kè đá, thoảng chút gió lùa qua những chiếc cửa kính ở bờ biển La Jolla hay gần cầu Kim Môn ở Cựu Kim Sơn...

Còn 30% kia thì phải sạch sẽ một chút, đừng có hà tiện nước hai ba tuần mới tắm một lần, tóc tai như mấy anh Cro Magnon trong hang mới bò ra.

Còn 10% kia thì cứ là Cindy Crawford, là Sharon Stone, là Củng Lợi là được.

Ôi nếu như thế thì cớ gì phải sang tận nước Ý, chi hai trăm đô la mà làm gì? Cứ làm đúng vài ba điều ở trên là đứa nào cũng chết. Hay tại đàn bà Ý hồi này quá khó chịu nên mới cần phải một khóa học như thế? Hay là những cú cấu đít của đàn ông Ý không còn ăn khách nữa?


Ngày 3 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Phụ nữ Mỹ, thực ra, chưa hoàn toàn được giải phóng mặc dù trong phong trào giải phóng, phụ nữ Mỹ có đi những bước đầu thật.

Họ kéo nhau xuống đường hồi thập niên 60 ở New York, ở San Francisco tháo nịt vú chất thành núi (?) rồi nổi lửa đốt, một hành động hoàn toàn có tính cách tượng trưng, nói là để dẹp những gò bó (?) mà đàn ông bắt họ đeo. Không phụ nữ nước nào làm nổi chuyện đó.

Nhưng rồi sau đó, ở Mỹ, các hãng sản xuất quần áo lót, trong đó có cả những cái nịt vú, đã phát triển rất mạnh với những số bán hàng năm làm tủi hổ những con số trong những bản ngân sách của một số quốc gia trên thế giới. Những tờ báo như The Washington Post, New York Times, Los Angeles Times hầu như hàng ngày đều có những quảng cáo bán các thứ gò bó (?) đó. Như thế, việc tháo bỏ những gò bó (?) đó chỉ được làm để trình diễn trong khi sự thực, phụ nữ giaœi phóng vẫn lén mua những gò bó (?) đó về mặc cho bõ những ngày cơ cực.

Và vì thế, nhiều việc làm đáng lẽ phải như thế kia, thì vẫn thế... nọ.

Thí dụ việc trả tiền khi đi chơi với những người đàn ông chẳng hạn. Tưởng là huề nhau thì ai ăn nấy chi, không có trò đối xử với nhau như những ngày trước khi giải phóng, "chúng tôi" không muốn bị đối xử khác, cứ coi "chúng tôi" ngang với quí vị, không cần phải nhường chỗ cho "chúng tôi" trên xe điện, cũng không cần phải mở cửa, nép sang một bên, nhường cho "chúng tôi" đi trước. "Chúng tôi" thừa sức để làm những việc đó một mình.

Nhưng "chúng tôi", theo một cuộc thăm dò mới đây, vẫn muốn phía bên kia trả tiền khi đi chơi với "chúng tôi", và nếu phía bên kia không chịu chi thì "chúng tôi" không chơi với nữa.

Tất cả các phụ nữ trả lời cuộc thăm dò của Sara Fitzgerald thuộc sáng hội Heritage ở thủ đô đều nói rằng người đàn ông nên trả cho buổi đi chơi đầu tiên, nếu người đàn ông mời người đàn bà đi chơi.

Chỉ trong trường hợp cuộc đi chơi đó là một thảm họa, thì chi phí mới nên cưa làm hai, mỗi người một nửa.

Nhưng nếu người phụ nữ là người lên tiếng mời người đàn ông đi chơi thì sao? Chuyện này càng ngày càng thấy diễn ra thường hơn. Thay vì trâu đi tìm cọc, thì cọc vùng dậy, nhắng lên đi tìm trâu vậy. Cứ ở yên một chỗ, không chịu đi bước đầu, đưa sáng kiến, trâu bỏ đi mất, rồi ngồi đó mà tiếc hùi hụi hay sao? Nhưng rủ trâu đi chơi thì cọc trả tiền hay trâu trả tiền?

Cuộc thăm dò cho thấy là trâu vẫn nên / phải trả tiền, nếu không thì chia đôi, mỗi bên một nửa.

Như vậy, thì hà tất phải đem ra tranh luận. Cứ phía các ông làm cử chỉ đẹp, thò tay ra sau đít, lấy cái bóp ra, cà cho chết cái miếng plastic đi cho rồi.

Ngay cả trong những trường hợp hai người trở thành một cặp, nghĩa là đi chơi với nhau trong một thời gian dài, thì vẫn phụ nữ là người quyết định chàng hay nàng chi tiền. Đa số những người trả lời cuộc thăm dò nói là phụ nữ không nên đề nghị trả tiền, mà chỉ nên chấp nhận một cách nhã nhặn, từ bi, nhân từ, độ lượng, khoan dung (graciously, theo từ điển Anh Việt Nguyễn Đình Hòa trang 103) để cho người đàn ông trả tiền. Và đa số phụ nữ cũng đề nghị để trả đấy, nhưng nếu người đàn ông nhét cái bóp trở lại vào túi, chấp nhận một cách nhã nhặn, từ bi, nhân từ, độ lượng, khoan dung (graciously, theo từ điển Nguyễn Đình Hòa trang 103) để cho nàng trả, thì chuyến đi chơi đó có thể là chuyến chót của hai người, và người đàn ông có thể trở thành chủ nhân ông của hãng... kẹo dưới mắt nàng từ đó.

Còn thế nào là thảm họa trong một chuyến đi chơi để cái bill được cưa làm hai mỗi người một nửa?

Thảm họa có thể là trong khi hai người đang ngồi ăn, thì một miếng rau xanh quái ác từ đĩa salad bám vào răng cửa của nàng giữa lúc nàng đang trợn mắt, trề môi xa xả chỉ trích những người bạn gái cũ của chàng mặc dù chàng không còn bất cứ một dính líu gì tới họ nữa chẳng hạn. Bữa ăn tối bị hỏng. Chai Goldwater Estate Marlborough Roseland năm 1997 khá đắt tiền của Tân Tây Lan bỗng trở thành chua lét. Chàng bèn cứ để mặc cho miếng rau nằm nguyên ở đó, không thèm kín đáo ra hiệu cho nàng lấy nó đi nữa để cười một mình trong bụng. Đó là thảm họa.

Nhưng tại sao lại bắt nàng trả một nửa cái bill trong khi miếng rau xanh dính ở răng nàng đã đem lại cho chàng nhiều sướng khoái đến như thế? Chàng phải trả chứ. Và vì thế, trường hợp nào thì chàng cũng lãnh hết.

Vì thế mà phụ nữ ở nước Mỹ vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn là như vậy.


Ngày 4 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Trong một số Playboy, tôi đọc được một câu có thể dùng để phá tan tất cả các bức tường băng bất kể bề dầy ở mức độ nào, hữu hiệu còn hơn cả những chiến lược mà Tây phương đã dùng để kéo sập bức tường Berlin, chấm dứt giai đoạn chiến tranh lạnh.

Nhân vật chính trong truyện ngắn, tôi nhớ hình như là của John Updike, có một cách làm quen, bắt chuyện lần nào cũng thành công, mà lần nào chàng cũng chỉ dùng có câu: "You smell so good... what is it?"

Giản dị hết sức. Nửa đầu khen một cái đã. Nửa sau bắt đương sự phải trả lời, để sau đó, đẩy đưa câu chuyện. Mà thường thì đương sự trả lời ngay. Lý do là vì vừa được khen, đang còn sung sướng chết ngất, bị hỏi thêm một câu về cái nguyên do làm phát sinh ra lời khen đó thì phải trả lời chứ:" Cô/ bà thơm lắm... mùi gì vậy? "

Câu trả lời là cái tên của loại nước hoa. Aria, hay Contradiction, hay Allure... Rồi sau đó, là những chuyện khác nữa cứ từ tốn kéo ra. Lần nào nhân vật trong truyện ngắn đó của Updike cũng thành công rực rỡ. Các ông Khruschev, Brezhnev... có sống dậy cũng không thể làm hồi sinh được chiến tranh lạnh nữa.

Nhưng bây giờ, có thể lối khai mở đó sẽ không còn thành công nữa.

Khen thơm phức thì được. Nhưng hỏi mùi gì thì chưa chắc đã được trả lời. Nếu đó là thứ nước hoa không bán ở ngoài tiệm, nếu đó là thứ nước hoa được pha chế riêng cho người đang xức nó. Người bị hỏi có thể sẽ quay lại quăng ra mấy câu hỏi liên tiếp: "Tại sao muốn biết? Biết làm gì? Muốn mua hả? Mua cho ai? Không nói được."

Cuộc đối thoại chấm dứt. Nhân vật của John Updike sẽ cứng họng, chịu thua không sao cứu vãn được tình hình.

Và nếu người có mùi nước hoa kỳ lạ đó muốn chia xẻ cái mùi được đặc biệt pha chế riêng cho nàng, nàng sẽ phải viết xuống giấy, ký tên cho phép như một tác giả bảo vệ tác quyền của mình, thì người kia mới mua được. Những chi tiết quái đản này tôi vừa được biết khi đọc được trong Internet một bài viết về những loại nước hoa được pha chế riêng đang được nhiều khách hàng chiếu cố.

Xức một mùi nước hoa mà được nhận ra cũng có thể sung sướng lắm chứ. Như trong phim Scent Of A Woman, đoạn Al Pacino trong vai đại tá khiếm thị Frank Slade ngửi và nhận ra, nói đúng tên của mùi nước hoa người phụ nữ trẻ. Nhưng trong một sở làm, ba bốn chị một hôm cùng rú lên vì thấy mấy chị kia cũng dùng một thứ nước hoa mua ở Nordstrom như mình thì không có gì vui hết. Và đó là lý do phải đi kiếm một mùi đặc biệt không ai có cho khỏi tức cái...mình.

Các phụ nữ có vẻ rất đồng ý với chuyện này, và công việc làm ăn của Sarah Horowitz, pha chế những mùi nước hoa theo yêu cầu của khách hàng, có chiều hướng đi lên. Nhưng với những cái giá khá cao, khoảng gần $300 cho mỗi 1/4 ounce perfume oil, người ta chưa thấy được cái ngày ai cũng một mùi riêng như tiên đoán của Internet.

Những người đàn ông có hai ba nơi để tặng nước hoa sẽ gặp vất vả. Mỗi nơi một mùi riêng có thể gây đủ mọi thứ phiền nhiễu cho các chàng. Không thể gửi hai ba nơi đó cùng một mùi, mùi Dona Karan trong cái chai rất kiểu cọ chẳng hạn. Hai ba cái nơi ấy sẽ đòi mỗi nơi một mùi thì phiền lắm. Làm sao hết cái mùi vừa chia tay ý thức hệ ở ga xe điện ngầm trước khi đến gặp cái mùi thứ nhì? Mà phụ nữ mũi tốt hơn đàn ông rất nhiều, đã tốt lại còn được chống đỡ bằng những miếng plastic thì phân biệt mùi chắc phải giỏi hơn. Lập tức chàng sẽ bị quay như ông Clinton bị hạch về Monica. Không thể cứ vung ngón tay, chối bay chối biến như ông Clinton được.

Vậy thì phải làm gì để thoát hiểm?

Vạn ứng Nhị Thiên dầu. Chai dầu Nhị Thiên Đường chứ còn gì nữa. Vừa đánh át được cái mùi kia, vừa gây được thương cảm cho một người vừa trúng phải cơn gió độc, như bài học tôi học được của một trong những cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam, đại sứ P.Đ.L. lúc sinh thời mà tôi rất yêu quí.

Nhưng chai dầu này có thể sẽ bị dẹp, như Nga đang tìm cách để ngăn không cho Hoa kỳ thiết lập một hệ thống phòng thủ chống phi đạn vậy. Lúc ấy, quần áo sực nức mùi phở lại là an toàn nhất...


Ngày 5 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Có một động từ trong tiếng Anh để chỉ một việc chúng ta ai cũng ít nhất một lần đã làm trong đời, nhiều thì không sao đếm cho xuể, vài trăm, vài ngàn lần... vậy mà nếu có ai nhờ chúng ta dịch sang tiếng Việt, thì chúng ta sẽ lập tức gặp khó khăn ngay.

Chúng ta có thể sẽ phải diễn ra bằng nhiều chữ, chứ không thể có ngay trong tiếng Việt một chữ ngắn gọn, tương đương cho động từ to date của tiếng Anh.

Chỉ với một chữ như thế, to date, trong tiếng Việt, chúng ta sẽ phải nói là hẹn hò đi chơi với ai, hẹn ai, hẹn gặp, hẹn đi chơi với một người, thường là khác phái... như những cuốn tự điển Anh Việt mà tôi vẫn dùng.

Đó -- to date -- là một sinh hoạt của những cuộc sống bình thường mà xã hội nào cũng có, thời nào cũng có. Kiều "date" Kim Trọng, chờ Vương ông, Vương bà đi chơi, chạy tót sang đánh đàn cho cậu nghe. Cao Bá Quát cũng có "date" vài ba cô nên mới viết:

"…giai nhân nan tái đắc,
trót yêu hoa nên dan díu với tình
..."

Có "dan díu" là có "date". Nhưng nói rằng họ Cao hẹn đi chơi với cô nào thì nghe kỳ quá. Cứ "date" là hiểu ngay.

"Date" là đi chơi, đi xi nê, đi ăn, đi nhẩy đầm, đi uống cà phê với một người với những toan tính dài lâu hay ngắn hạn, với những toan tính gian ác hay cũng có khi rất hiền lành.

Laura Zigman, một nhà văn phụ nữ ở thủ đô Mỹ vừa cho in một cuốn tiểu thuyết về những phụ nữ độc thân, trong đó, cô mô tả cái khung cảnh rất không thuận tiện và không dễ dàng cho các phụ nữ ở miền đông nước Mỹ.

Cuốn tiểu thuyết của cô có cái tựa rất lạ kỳ. Tôi chưa tìm được nó để đọc nên không biết tại sao nó mang cái tựa đề khủng khiếp như thế. Tác giả có cần phải đặt cho nó cái tựa như vậy không?

Cái tựa của nó là "Dating Big Bird."

Cả ba chữ đều dễ hiểu cả, đều trong phạm vi của những từ vựng học được ngay từ mấy bài đầu của bộ Anglais Vivant mà chúng ta vỡ lòng tiếng Anh trong năm đầu của bậc trung học.

Đọc nó lên thì chưa thấy gì. Nhưng cứ thử lẩm nhẩm dịch nó sang tiếng Việt mà coi. Kỳ cục không thể tả được. Cái tựa như thế thì làm sao mà dịch được. Mà không dùng những chữ mà chúng ta đã biết để dịch thì phải dùng chữ gì đây?

Dịch là "Hẹn Hò Đi Chơi Với Chim To" chăng?

Không được ư? Không ổn ư? Thế thì dịch là gì? "Hẹn Hò Đi Chơi Với Đại Điểu" được không? Không được. Nghe vẫn kỳ kỳ thế nào ấy. Nửa phân, nửa cỏ, nửa quê, nửa tỉnh, nửa nôm na mách qué, nửa chữ nghĩa đao to búa lớn.

Nhưng chắc chắn chuyện đi chơi, hò hẹn này không thể xẩy ra giữa một phụ nữ và một con đà điểu Phi châu, một con Emu ở Úc, con Moa ở Tân Tây Lan nay đã tuyệt chủng, mặc dù đó là những con chim to thật(?) hay gọi chúng là những con chim thật to (?) thì đều đúng cả. Cũng không thể là hò hẹn đi chơi với Big Bird, một nhân(?) vật trong chương trình Sesame Street có bộ lông vàng chóe. Người ai lại đi chơi với chim... giả bao giờ.

Vậy thì "Big Bird," trong tựa đề là chim lớn, thực ra là gì?

Chắc phải là một người đàn ông. Đó là tên gọi thân mật của ông ta? Là đặc điểm của ông ta? Là một hành động nhìn nhận và nói lên sự khác thường của ông? Là một lời khen ngợi? Là một lời cảnh cáo?

Bạn thấy cái tựa sách ghê chưa? Bằng ấy thắc mắc cứ quay cuồng trong đầu tôi từ mấy hôm nay, từ khi cuốn sách được đề cập phớt qua trong tờ Washington Times cách đây khoảng năm hay sáu ngày. Tôi phải tìm đọc nó trong cuối tuần này. Hy vọng tìm được trong các tiệm sách lớn ở đây, vì nơi tôi ở không phải là Stockport, một thị trấn ở tây bắc nước Anh, nơi danh từ "bird" bị cấm dùng để chỉ bất cứ một cái gì khác hơn là các giống có lông vũ, có cánh, hai chân, biết bơi hay biết bay .

Tôi hy vọng tác giả Laura Zigman không nói về những con chim này. Nhưng như vậy thì ghê quá. Mới đọc qua cái tựa đã mặc cảm tự ti cùng mình rồi, đọc xong, thấy càng thua kém thì làm sao sống nổi với đời?


Ngày 6 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,

Theo đoạn tin ngắn tôi vừa đọc được trong một tờ báo mấy tháng trước, thì phụ nữ Mỹ sắp có thêm được một sản phẩm mới để giúp họ làm đẹp, trong khi những người đàn ông ở Mỹ cũng sẽ bớt khó chịu khi thấy vợ lại tiêu thêm một số tiền nữa để mua thêm mỹ phẩm chất đầy một góc nhà, biến cái góc thành một cái tiệm chạp phô.

Một công ty mỹ phẩm của Hòa Lan vừa phát triển được một cách trồng một loại rong đặc biệt để dùng trong việc chế tạo son môi, kem bôi mặt và dưỡng da. Loại rong này rất đắt tiền và rất được ưa chuộng, nhưng trước đây rất khó trồng, và số lượng sản xuất không đủ cung cấp cho các công ty sản xuất mỹ phẩm.

Nhưng ngày nay, người ta có thể gây giống và trồng nó rất dễ dàng sau khi các khoa học gia tìm được một môi trường mới để trồng chúng. Phí tổn trồng cũng rất rẻ. Theo những tiết lộ của bản tin, thì loại rong này rất hợp với cứt lợn ướt (nguyên văn: moist pig shit).

Như vậy, một sản phẩm tưởng phải tìm đủ mọi cách để tiêu đi, tránh tạo ô nhiễm cho đất đai, và các nguồn nước uống thì nay lại được trao cho một công dụng khác.

Cứt lợn không còn bị khinh miệt, dè bỉu nữa, mà trái lại còn có hy vọng tìm lại được danh dự và giá trị là đằng khác.

Rong sẽ được sản xuất trong những đống cứt lợn ướt, cung cấp cho các hãng sản xuất mỹ phẩm để được chế tạo thành mỹ phẩm như son môi, kem bôi mặt, dưỡng da...

Những thứ sản phẩm này sẽ được bán đi khắp thế giới, sang Mỹ, sang Anh, sang Pháp. Các phụ nữ sẽ mua về dùng. Những cặp môi của các phụ nữ dùng các sản phẩm này sẽ khêu gợi hơn, da mặt sẽ mịn màng hơn, cơ thể sẽ đẹp hơn. Tất cả đều nhờ những đống cứt lợn ướt ở Hà Lan hay ở một nước nào đó ở Âu châu. Những cây rong mọc lên từ những đống cứt lợn ướt ấy, sẽ được dùng để tô lên môi, bôi lên mặt, đắp trên tay, trên bụng, trên đùi của phụ nữ.

Và như thế, để làm đẹp, người ta sẽ làm bất cứ gì, kể cả việc đưa lên mặt những sản phẩm lấy từ những đống cứt lợn ướt. Các phụ nữ Phi châu bôi phân lạc đà lên mặt, phụ nữ Ấn bôi phân bò, và bây giờ, các mỹ phẩm xuất phát từ những đống cứt lợn được bôi lên mặt phụ nữ Tây phương.

Rồi đây làm thế nào kiếm được "môi em như mật đắng" mà Thanh Tâm Tuyền nhắc trong Dạ Tâm Khúc, hay "hy vọng thơm như má chớm đào" nơi người tình của Đinh Hùng? Hay đã tới lúc người ta phải nhắc như Hoàng Anh Tuấn: "Có đi ngang xin em đừng đánh phấn"? Làm thế nào tìm được "Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ" hay "Em đi mắt có thơ mùa hạ / má phấn hồng in bóng phượng hoa" mà Đinh Hùng cứ nói mãi trong Đường Vào Tình Sử? Thay vào đó, chỉ còn "nhớ hồn thảo mộc lẫn mùi hương", son phấn, kem bôi mặt còn ghê rợn hơn những tảng mỡ heo được quết lên mặt của các phụ nữ Tân Ghi Nê.

Lúc ấy, Trần Dạ Từ sẽ sai bét: "Lần đầu ta ghé môi hôn / Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang..." Sẽ không có ve sầu kêu hết hồn gì hết, mà sẽ là heo con, lợn con ré lên bên tai, đòi lại đống cứt lợn ướt của chúng.

Hay tại như thế mà Nguyên Sa phải năn nỉ, "van nàng lau hết mùi son phấn / đừng để làm phai hương rượu trong"?

Tại sao người ta độc ác đến như thế? Những cái bong bóng lãng mạn cuối cùng nay bị những đống cứt lợn ướt làm nổ bung.

Nhưng biết đâu cũng có những người đàn ông rất vui vẻ khi thấy những cái nửa tốt lành hơn -- better half / better halves -- mua các sản phẩm chế tạo bằng rong mọc lên từ những đống cứt lợn ướt về bôi lên mặt. Những việc mà những người đàn ông này ao ước làm được từ lâu nay, thì chính những người đàn bà ấy tự tay làm cho họ. Hay các chàng cũng có thể mua vài lọ kem, mấy thỏi son về tặng nàng bôi cho mát mặt và kín đáo cười sung sướng?

Chẳng cũng khoái ư?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 137)

TO WONDER: A USEFUL VERB

Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 137 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Thưa anh, tuần qua chương trình nhận được thư của một cụ cao niên ở Houston, Texas, cụ Nguyễn Tố, nhờ anh giải thích cách dùng của động từ TO WONDER, động từ mà cụ cho là rất hữu ích vì nó được dùng trong rất nhiều trường hợp.

BBT

Cụ nói rất đúng nên toàn bài hôm nay chúng ta sẽ chỉ nói về động từ này mà thôi. Chúng ta biết do động từ TO WONDER chúng ta có danh từ WONDER. Danh từ này có ba, bốn nghĩa khác nhau. Trước hết WONDER nghĩa là một điều kỳ lạ, gây kinh ngạc, tạo ngạc nhiên hay nể phục cho mọi người. Thí dụ LÊ QUÍ ĐÔN WAS A WONDER nghĩa là cậu bé họ Lê là một con người tuyệt vời, cậu đã tạo ra rất nhiều ngạc nhiên, nể phục nơi mọi người, về tài năng, thành tích, mức độ thông minh vân vân… Truyện kể Lê Quí Đôn lúc mới 6 tuổi, theo cha đến nhà ông lý trưởng chơi và chỉ liếc mắt đọc qua quyển sổ thuế một lần là thuộc hết tên của những người dân làng nên khi nhà ông lý bị cháy, Lê Quí Đôn đã có thể nhớ và viết lại nguyên văn, đầy đủ cuốn sổ thuế của làng.

WONDER cũng có nghĩa là kỳ quan như kim tự tháp của Ai Cập, vịnh Hạ Long của Việt Nam. Thí dụ THE SEVEN WONDERS OF THE WORLD là 7 kỳ quan của thế giới. Một nghĩa nữa của danh từ WONDER là một hiện tượng, một hành động, một biến cố tạo kinh ngạc cho mọi người như chiến thắng của vua Quang Trung trong lịch sử Việt, hay khi chúng ta nói PENICILLIN IS A WONDER DRUG, thuốc trụ sinh Penicillin là một thần dược.

NO WONDER trong câu NO WONDER HE IS LATE cũng có nghĩa như I AM NOT SURPRISED THAT HE IS LATE, hay IT IS NO WONDER HE IS LATE. Thúy cho nghe hai thí dụ dùng NO WONDER coi.

LÃM THÚY

SHE WORKS AT 2 JOBS. NO WONDER SHE IS ALWAYS TIRED hay IT IS NO WONDER SHE IS ALWAYS TIRED.

HIS CAR BROKE DOWN. NO WONDER HE COULD NOT COME hay IT WAS NO WONDER HE COULD NOT COME.

BBT

Còn Quỳnh Anh?

QA

THEY STAYED UP VERY LATE LAST NIGHT. (IT WAS) NO WONDER THEY COULD NOT GET UP EARLY.

THE BOY WENT OUT WITH NO WARM CLOTHES ON. (IT WAS) NO WONDER HE CAUGHT A VERY BAD COLD.

BBT

NO WONDER nói tiếng Việt như thế nào Lãm Thúy?

LÃM THÚY

Thúy nghĩ NO WONDER trong tiếng Việt là CHẲNG TRÁCH, THẢO NÀO, HÈN GÌ …

BBT

Cám ơn cô. Gần giống như NO WONDER là SMALL WONDER. Cách nói ấy ý nghĩa cũng giống như khi nói I AM NOT VERY SURPRISED, tôi không mấy ngạc nhiên, hệt như khi chúng ta nói thế này: THEY HAD SOME MONEY FROM A RICH UNCLE. SMALL WONDER THEY BOUGHT A VERY BIG HOUSE hay I AM NOT VERY SURPRISED THEY BOUGHT A VERY BIG HOUSE.

Hai cô cho nghe mỗi cô một câu với SMALL WONDER coi.

QA

HE STUDIED VERY HARD. SMALL WONDER HE PASSED THE EXAM WITH FLYING COLORS nghĩa là đậu với điểm A hay Bình, Ưu như ở Việt Nam thời trước.

LÃM THÚY

SMALL WONDER THEY HATED COMMUNISM SO MUCH: THE FATHER SPENT YEARS IN A HANOI PRISON.

BBT

Bây giờ chúng ta sẽ nói về động từ TO WONDER. Động từ này cũng có vài ba nghĩa khác nhau. TO WONDER nghĩa là kinh ngạc, ngạc nhiên. Thí dụ PEOPLE OFTEN WONDER AT THE ECONOMY OF JAPAN nghĩa là người ta thường ngạc nhiên về nền kinh tế của Nhật.

QA

QA có thể nói như thế này: I AWAYS WONDER AT THE NEW I-PHONE.

LÃM THÚY

Còn Thúy thì thấy là PEOPLE WONDER AT THE LIVES OF HOLLYWOOD STARS.

BBT

Đây là một cách dùng khác nữa của TO WONDER. Trong trường hợp này, theo sau TO WONDER bao giờ cũng là một mệnh đề bắt đầu bằng IF. Thí dụ I WONDER IF IT IS GOING TO RAIN TONIGHT. Khi nói như thế, người ta không mấy tin là trời sẽ mưa tối nay. I WONDER IF cũng cùng nghĩa với I DOUBT IF nghĩa là tôi nghi, tôi không chắc, tôi không tin… Thúy và QA mỗi cô cho nghe một thí dụ với rất nhiều nghi ngờ ở trong coi.

LÃM THÚY

WE ALL WONDER IF THE WAR WILL BREAK OUT BETWEEN CHINA AND VIETNAM nghĩa là chúng tôi đều không mấy tin là chiến tranh sẽ xẩy ra giữa Bắc Kinh và Việt Nam.

QA

THEY WONDER IF MRS CLINTON WILL STAY HOME DOING NOTHING là người ta không tin bà Clinton sẽ ở nhà không làm gì cả sau khi rời bộ ngoại giao.

BBT

TO WONDER cũng được dùng để đưa ra những đề nghị, những yêu cầu, những gợi ý. Thí dụ I WONDER IF YOU CAN HELP ME / SHOW ME HOW TO GET TO THE POST OFFICE / EXPLAIN THIS LESSON AGAIN…

Câu I WONDER IF cũng có thể hiểu là tôi không biết (I DON’T KNOW) như khi chúng ta nói: I WONDER IF HE IS AT HOME NOW nghĩa là tôi không biết liệu ông ấy có nhà hay không. QA và Thúy cho nghe mỗi cô hai thí dụ với cách dùng như vừa kể coi.

QA

WE WONDER IF THE ECONOMY IS GETTING BETTER hay WE DON’T KNOW IF THE ECONOMY IS GETTING BETTER SOON.

LÃM THÚY

THEY WONDER IF THE FISH IN THE GULF OF MEXICO IS NOW SAFE FOR EATING hay THEY DON’T KNOW IF THE FISH IS SAFE FOR EATING. Thưa anh, Thúy có thể thay DON’T KNOW bằng WANT TO KNOW được không?

BBT

Cũng được. Nhưng dùng DON’T KNOW thì hơn vì trong WONDER IF đã có hàm nghĩa là nghi ngờ, tức là đã có nhiều phần không tin ở trong rồi. WANT TO KNOW chỉ mới là muốn biết mà thôi.

Sau đây là một lối đặt câu khác với động từ TO WONDER. Và bây giờ TO WONDER mới có nghĩa là TO WANT TO KNOW.

Trong cách đặt câu này, theo sau động từ TO WONDER là 5 QUESTION WORDS, gọi tắt là 5Ws, đó là WHAT, WHEN, WHERE, WHO, WHY và HOW (HOW bắt đầu bằng H). Thí dụ I WONDER WHAT / WHEN / WHERE / WHO / WHY / HOW

QA thử đặt một câu với I WONDER WHAT… coi.

QA

I WONDER WHAT IS HIS NAME?

BBT

Cám ơn cô. Tôi biết gần như chắc chắn cô sẽ nói như thế. Nhưng nói như thế là không đúng. Thứ nhất, cuối câu KHÔNG có dấu hỏi (?) tức là KHÔNG CÓ QUESTION MARK.

Thứ hai, mệnh đề theo sau động từ WONDER KHÔNG PHẢI LÀ CÂU HỎI, NOT A QUESTION. Do đó, chúng ta KHÔNG nói WHAT IS HIS NAME? mà phải nói WHAT HIS NAME IS. QA nói lại coi.

QA

I WONDER WHAT HIS NAME IS.

BBT

Lãm Thúy cho nghe thí dụ với TO WONDER WHEN / WHERE / WHO, nhớ đừng dùng dấu hỏi QUESTION MARK ở cuối và các mệnh đề sau WHEN, WHERE và WHO KHÔNG PHẢI Ở THỂ HỎI (INTERROGATIVE).

LÃM THÚY

I WONDER WHEN HIS PLANE WILL LAND.

I WONDER WHERE MISTER OBAMA WAS BORN.

I WONDER WHO WILL BE THE NEXT PRESIDENT AFTER MISTER OBAMA.

BBT

Đúng rồi. Còn QA cho nghe các thí dụ với WHY và HOW coi. Cũng vẫn phải nhớ không có dấu hỏi (?) ở cuối câu và mệnh đề theo sau TO WONDER KHÔNG PHẢI là thể hỏi (INTERROGATIVE).

QA

I WONDER WHY SHE IS ALWAYS LATE FOR CLASS.

I WONDER HOW HE GETS THE JOB SO EASILY.

BBT

Liên quan đến danh từ WONDER, chúng ta biết là có một tĩnh từ, một ADJECTIVE từ danh từ đó. Tĩnh từ này được tạo thành bằng cách nối cho nó cái đuôi, cái tiếp vĩ ngữ FUL để WONDER thành WONDERFUL nghĩa là tuyệt vời, là EXTREMELY GOOD, là VERY GOOD. Cho nghe một câu với WONDERFUL coi Lãm Thúy.

LÃM THÚY

MY CHILDREN THINK I AM A WONDERFUL COOK BECAUSE THEY NEVER DO THE COOKING.

QA

THE WEATHER OF CALIFORNIA IS WONDERFUL, EVEN IN WINTER.

BBT

Chúng ta có thể biến một số tĩnh từ thành ADVERBS tức là trạng từ bằng cách thêm tiếp vĩ ngữ LY vào cuối thí dụ SLOW thành SLOWLY, FAIR thành FAIRLY, WEAK thành WEAKLY… Vậy WONDERFUL thêm cái đuôi LY thì thành gì nào?

QA

Thành WONDERFULLY nghĩa là EXTREMELY WELL. Thí dụ Thúy có thể nói CURRY GOES WONDERFULLY WELL WITH TARO nghĩa là cà ri rất ngon nếu nấu chung với khoai sọ. Nói vậy được không thầy?

BBT

Thí dụ của QA vừa đúng về mặt văn phạm, lại vừa ngon nữa. Còn Thúy cho nghe thí dụ của cô coi?

LÃM THÚY

MY NIECE DID WONDERFULLY IN HER FIRST YEAR AT COLLEGE.

BBT

YOU TWO ARE WONDERFUL STUDENTS. YOU DID WONDERFULLY IN THE CLASS. NO WONDER TIME GOES SO FAST. THANK YOU.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.