April 25, 2012

April 27, 2012


Ngày 22 tháng 4 năm 2012

Bạn ta,
Bạn có thấy là ở Mỹ, càng ngày càng nhiều chó, mèo được đặt cho những cái tên thường trước đây chỉ dành cho người không?
Những Max, Belle, Ginger, Walter, Sam càng ngày càng thấy nhiều hơn ở chó và mèo. Nhưng cũng không phải là chỉ có chó và mèo mới được đặt cho những cái tên người như vậy, mà luôn cả những đồ vật -- những thứ không thể gọi thì "dạ" hay "vâng" rồi chạy lại -- cũng được đặt cho những cái tên rất người. Robert Kincaid trong The Bridges Of Madison County của Robert James Waller đặt cho cái pick-up của chàng một cái tên rất không có vẻ pick-up chút nào khiến cho khi đọc cuốn sách này lần đầu, độc giả lơ đãng có thể không hiểu tại sao chàng lại mua cái máy mới gắn cho... ông bạn của chàng để ông bạn chạy cho khỏe nữa.
Những chuyện như thế, khi chưa quen thì thấy kỳ cục, quen rồi thì thấy cũng không sao cả, có khi còn thấy có lý nữa là khác.
Thí dụ cái tên Sue mà người ta đặt cho khủng long Tyrannosaurus Rex đang được trưng bầy tại viện bảo tàng lịch sử thiên nhiên Field ở Chicago chẳng hạn.
Đó là một cái tên thật ngắn, thật gọn và thật dễ nhớ đối với những người trí nhớ đang dần dần bỏ đi như tôi. Không cần phải La Tinh dài dòng văn tự, Tyrannosaurus Rex, mà cũng chẳng còn cần phải viết tắt cho ngắn lại là T-Rex nữa. Cứ Sue là đủ.
Tôi thích cái tên Sue này từ vài chục năm nay, từ hồi còn đi học, khi căn nhà tôi ở trọ chỉ cách nhà nàng có một cái giậu holly ( tức là cây ô rô) xanh rờn. Sáng sáng Susan House ngồi xe bố chở đi học thì đúng là Mán: Xu hào (Sue House) rủng rỉnh Mán ngồi xe... như ông Tú Vị Xuyên cũng đã có lần "gặp" nàng.
Bạn phải đồng ý là người đầu tiên đến với chúng ta bằng một cái tên nào đó, thì từ đó trở đi về sau, những người khác không thể mang cái tên ấy mà không gợi lại cho chúng ta người đầu tiên (mang cái tên mà chúng ta đã quen) đó. Không một ai được quyền có cái tên đó nữa, nếu không là Sue ở trường Princess Margaret của tôi. Nói chi đến một chị (?) nhan sắc nản chí bầu cua như Sue ở Chicago.
Sue... mới này sống cách đây 65 triệu năm trước, cao 4 mét, dài 13 mét, đo từ đầu mũi đến đuôi. Răng của Sue to bằng cái chân người, khi đói, nàng gặp thứ nhỏ nhắn như bạn, thì chỉ một miếng, có khi còn không bõ dính răng. Và nàng được đặt cho cái tên Sue, cái tên tóc rất vàng, và chân rất dài, thích nhẩy Bossa Nova mà tôi quen hồi ấy. Ngó nàng thì thấy không giống Sue của tôi bao nhiêu. Giận hết sức.
Có điều kỳ cục là Sue mới -- Tyrannosaurus Rex -- mang cái tên rất đàn bà ấy nhưng cho đến nay, các khoa học gia, các nhà cổ sinh vật học vẫn chưa biết khủng long Sue là khủng long đàn bà hay đàn ông nữa mặc dầu bộ xương đào được ở North Dakota là bộ xương hóa thạch đầy đủ và toàn vẹn nhất từ trước tới nay. Tại nơi đào được bộ xương, người ta không thấy có những bịch silicone nên không thể nói chắc đó là một khủng long đàn bà, từng ra vào các thẩm mỹ viện của các madam mỗi năm vài ba lần để căng (da mặt) kéo (da bụng), bơm (vú) hút (mỡ). Cũng không thấy có những thùng bia lăn lóc bên cạnh để biết đó là khủng long đàn ông. Loài đẻ trứng không cần những cái xương chậu nở nên khủng long nam nữ đều... coi chung như tử vi trên các báo. Càng khó cho việc xác định phái tính của khủng long T-Rex.
Sue Hendrickson
Thế thì tại sao lại... Sue? Người ta giải thích rằng khủng long được đặt cho cái tên đó là vì người tìm ra bộ xương là Sue Hendrickson. Cho Sue nọ (Sue Hendrickson) tìm thấy Sue kia (Tyrannosaurus Rex) là hợp lý. Nhưng chưa biết khủng long là đàn bà hay đàn ông, tại sao lại dùng tên phụ nữ đặt cho nó? Tại sao không là Sam, để nếu là đàn ông, thì là Samuel, là đàn bà, là Samantha có... hàng hai mà lại còn an toàn hơn không?
Hay là dựa trên tính tình của loài khủng long Tyrannosaurus Rex, nói chung, là hung dữ, ác, độc, ăn sống nuốt tươi không tha cái gì hết, nói nhiều, cãi chầy cãi cối, nấu hủ tiếu thường cũng thành hủ tiếu "dai", nấu rau muống cũng thành rau "đay", chiên khoai cũng thành khoai "nghiền" mà đi đến kết luận là phải đặt cho bộ xương một cái tên đàn bà?
Cái đó, chỉ có toán khoa học gia đào bới được bộ xương hóa thạch của khủng long Tyrannosaurus Rex mới nói được. Nhã Ca, trong một truyện dài viết sau năm 1975 cũng nhận mình là khủng long.
Không biết tại sao nữa. Cũng không biết tại sao nhiều phụ nữ bị gọi lén là khủng long. Hay đổi qua, gọi tất cả các khủng long móng đỏ, nước hoa thơm lừng là... Sue hết cho tiện?

Ngày 23 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Sau gần bốn mươi năm sống ở nước Mỹ, tôi mới biết thêm được một thứ mà tất cả những người đàn ông may mắn (?) khác đều đã biết từ lâu.
Tôi không biết Saran Wrap là cái gì hết, cho đến chiều nay, ghé chợ làm công việc nội trợ cho cuối tuần, tình cờ thấy nó trên một cái giá bầy các sản phẩm dùng trong nhà bếp.
Tôi không biết Saran Wrap là nó.
Wrap mà tôi biết trước đây là cái sarong mà Heddy Lamarr đã cho khán giả màn ảnh Mỹ làm quen trong một cuốn phim về nam Thái Bình Dương hồi những năm 1940. Cũng có khi nó được gọi là wrap-around mà ngày nay, nhiều phụ nữ thỉnh thoảng vẫn còn mặc nó. Tôi không có điều gì để phản đối chuyện đó hết. Nó tạo ra những ẩn hiện không lường được những khi người mặc nó bước đi, gió thổi, lên cầu thang hay leo lên những chiếc SUV cao nghều nghệu như chiếc Honda Passport của tôi. Trí tưởng tượng những lúc đó được kích thích tối đa, một thứ tập luyện cho đầu óc khỏi ù lỳ, lười biếng, nhất là với những người tuổi tác như tôi.
Phụ nữ Indonesia, Malaysia, Miên, Miến Điện... và luôn cả đàn ông ở Tonga, Samoa, Fiji cũng mặc nó.
Thế rồi Marabel Morgan, một tiểu thuyết gia Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, có đưa ra một đề nghị để giữ hạnh phúc cho các gia đình Mỹ: sáng đưa chồng ra cửa đi làm, chiều đón khi chàng ở sở về, người phụ nữ nên quấn quanh người bằng cái (?) Saran Wrap.
Tôi thấy nhà văn này rất có lý. Thay vì đầu bù tóc rối, cái áo ngủ nhầu nhẹt, đôi sleepers lẹp xẹp, vừa đi vừa ngáp trông như cái đường hầm Lincoln vào thành phố New York, để tiễn chàng ra cửa, người phụ nữ đi một đường sarong như Heddy Lamarr thì được quá đi chứ. Lại cho thêm tí nhạc Hạ Uy Di uốn éo như sóng biển mà không được sao? Chuyện này phải đưa thêm vào những phút vui trong đời của Kim Thánh Thán mới đúng. Kể cho ông nghe, thế nào nhà phê bình văn học Trung quốc của thế kỷ 17 thế nào chẳng hét ầm lên rằng, "Chẳng cũng khoái sao!"
Chao ơi, tại sao hạnh phúc toàn là những điều chỉ xẩy ra cho những người khác, như người bạn ngồi cạnh tôi vẫn than thở? Tại sao Thượng Đế lại bất công như thế, trong khi mỗi ngày, biết bao nhiêu người đàn ông trở về nhà, mở cửa bước vào chỉ thấy một đống giấy đòi tiền và thư từ nhảm nhí mời mua cái này cái nọ, chẳng thấy sarong ra đón gì hết trơn hết trọi.
Tôi mang niềm ấm ức như thế suốt mấy ngày vừa qua, thắc mắc không biết những chiếc sarong do Saran sản xuất, hay kiểu của Saran vẽ như thế nào, Victoria's Secret có bán không, và trông ra sao, có giống Heddy Lamarr không, có in hoa dâm bụt, hoa đại, hoa phượng như những cái sarong ở nam Thái Bình Dương không, hay làm bằng vải batik như ở Indonesia.
Và chiều nay, ở siêu thị, tôi thấy nó. Trông nó không có vẻ gì là để... mặc lên người hết. Lúc ấy, đứng cạnh tôi là một phụ nữ. Đem hết can đảm còn lại, tôi hỏi bà về cách dùng của nó. Tôi được giảng giải ngọn ngành, nhưng trong những công dụng của nó, tôi không thấy cách dùng mà Marabel Morgan đề nghị. Người phụ nữ kia, sau khi giải thích cho một người đàn ông Á châu ngớ ngẩn, đã bỏ đi nên tôi không thể hỏi tiếp là Saran Wrap... đi ra cửa đưa đón chồng như thế nào.
Đứng lại trong chợ, tôi đọc những câu chỉ dẫn cách dùng thì cũng không thấy đề cập đến cách dùng mà Marabel Morgan gợi ý.
Người ta dùng Saran Wrap để gói những thứ cần giữ trong freezer. Đó là cách dùng ghi ngoài vỏ hộp. Thế thì tại sao lại dùng nó như một cái sarong?
Chẳng hiểu được. Hay là tại vậy, nhiều người đàn ông ở Mỹ hay than thở rằng người phụ nữ ở nhà lạnh như một con cá chết -- cold like a dead fish?
Hay quấn cái sarong Saran Wrap cũng không có gì là hạnh phúc?

Ngày 24 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Bill Robert ở Madison, Wisconsin là một người khôn khủng khiếp. Ông già 89 tuổi này vừa tổ chức cho chính ông một đám tang rất trọng thể.
Ông đi đầu, theo sau là quan tài có sáu người khiêng, sáu người bạn rất thân của ông, lại còn kèn trống không thiếu thứ gì.
Nhưng ý kiến tổ chức tang lễ cho mình thực ra không phải là của ông, mà là của Ginny O'Brien, một ca sĩ hát nhạc Jazz, bạn ông. Năm ngoái, khi được mời tới hát tại tang lễ của một người yêu nhạc Jazz, Ginny O'Brien nói với Bill Robert rằng thật là uổng vì người chết nằm đó, mà không nghe được những bản nhạc yêu mến lúc sinh thời. Bill Robert liền nẩy ra ý kiến cho ông được ngửi hoa phúng viếng chính mình. Chứ chờ đến lúc chết, nằm trong quan tài, làm sao ngửi được hoa bạn bè đến viếng. Ấy là chưa nói đến những lời lẽ tốt đẹp mà có thể suốt đời không bao giờ có hạnh phúc là được nghe của bạn bè nói về mình.
Ông mời khoảng vài trăm người tới dự đám tang của ông và nói rằng sau này, khi ông chết thật thì bạn bè khỏi phải phân ưu, phúng viếng gì nữa. Ông quả là người rất biết điều.
Thế là bạn bè kéo đến gặp ông, chúc ông chết vui vẻ, lên đường không vướng mắc. Nhạc Jazz được trình tấu suốt buổi, trong khi bạn bè, thân nhân lên lần lượt đến bên quan tài nói về ông, ca ngợi ông, kể ra toàn những điều hay và tốt về ông, cố tình bỏ đi những chi tiết không đẹp lắm. Ông nghe mà lịm người đi vì sung sướng. Có những điều tốt đẹp ông không hề làm, bạn bè thân quyến cứ đổ hết cho ông, ông nhận luôn, như ông đã chết thật và đang nằm trong quan tài vậy. Vả lại, bạn bè nói tốt thì mình cứ im mà nghe chứ cãi lại hay cải chính, người ta nói mình không chết thì sao tiện. Người ta mang hoa đến chất quanh quan tài của ông. Ông đến trước những vòng hoa phúng ông, cúi xuống ngửi đi ngửi lại. Cả những người không mấy ưa ông, cũng nói toàn những điều tốt về ông. Ông không phản đối gì hết. Ông ở lại cho đến lúc người khách cuối cùng ra về.
Ông thật là khôn. Mấy ai làm được như ông: ngửi được hoa phúng viếng, nghe được bao nhiêu điều tốt đẹp về mình, đến nỗi không nhận ra mình là người được nhắc, được đề cập trong những bài điếu văn bạn bè đọc trước quan tài mình nữa. Khác hẳn những người chết khác, không được nghe, nhìn, ngửi thấy những điều đẹp đẽ ấy. Những tiếc thương của vợ, con, gia đình cũng không được biết. Tiếc biết là chừng nào.
Đến như Đinh Hùng, trong một lúc để cho trí tưởng tượng bay bổng lên những chỗ cao nhất, thì cũng chỉ nghĩ khi nằm dưới mồ, mấy người em bé bỏng, những Sầu Hoài Thương Nữ, những Em Buồn Cố Kết, những Em Duyên Số, những Em Đau Thương... đứng xõa tóc, tay cầm hoa là cùng, dẫu cho vẫn còn "vị chút tình lưu luyến với nhau xưa..." Lúc ấy, họ Đinh đã ở dưới huyệt, các em có "về một buổi / ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi... ngậm ngùi in khóe mắt..." thì cũng là quá muộn. Phải còn đi đứng, bắt tay, bẹo má các em trong đám tang của mình mới được chứ. Cho nên ông già Bill Robert này vẫn là người khôn ngoan hơn cả.
Khi kể chuyện này cho một người bạn ở đây nghe, ông bạn của tôi nhún vai, có vẻ không phục ông già Bill Robert chút nào. Ông để tôi nói thêm về sáng kiến của ông già Bill Robert một lúc, mới chép miệng nói rằng tôi đúng là người chưa đi xem ra mắt sách, ra mắt thơ bao giờ.
Ông già Bill Robert, bạn tôi nói, đâu có làm được điều gì mới lạ. Ngửi hoa phúng viếng thì thiếu gì người đã làm rồi, mà lại còn trước ông từ rất lâu nữa chứ...

Ngày 25 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Cuốn Đằng Sau Dinh Độc Lập in lần thứ hai của Nguyễn Duy Xi do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ở Hà Nội ấn hành là một cuốn sách chứa đựng rất nhiều điều không đúng. Thí dụ rất nhiều tên người và ngôn từ, cách ăn nói trong những đối thoại của họ chẳng hạn.
Nó được xếp vào loại tiểu thuyết như chính nhà xuất bản và tác giả đã ghi rõ ở bìa trước. Đọc ở trong, người ta thấy không có thư mục, hay những ghi chú về tài liệu tham khảo, nên nó phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng, mặc dù các nhân vật của cuốn sách đều có những cái tên (nhiều khi viết sai) của những người có thật ngoài đời, của giai đoạn lịch sử vừa qua.
Người đọc cũng có những thắc mắc như khi đọc cuốn sách viết về Watergate của Bernstein và Woodward, ở đoạn Henry Kissinger rủ ông Nixon quì xuống đọc kinh trong một căn phòng ở tòa Bạch Ốc. Lúc ấy chỉ có hai người: ông Nixon và Kissinger. Ai trong hai người này kể chuyện đó cho Bernstein và Woodward? Ông Nixon thì không, Henry Kissinger lại càng không nữa. Vậy Bernstein và Woodward lấy đâu ra những chi tiết mà họ viết xuống trong cuốn sách của họ?
Những thắc mắc như thế được thấy đầy trong cuốn sách của Nguyễn Duy Xi. Người viết có được bao nhiêu tiếp xúc với những người có tên trong sách? Có thể nói chắc là không một người nào hết. Một số đã chết, hay không sống ở Việt Nam, mà nếu có sống ở Việt Nam, cũng không thể có chuyện những người này ngồi xuống nói lại ngọn ngành cho Nguyễn Duy Xi viết cuốn tiểu thuyết Đằng Sau Dinh Độc Lập.
Nhưng những chi tiết như thế không đáng kể và thắc mắc nữa, khi chính những người làm cuốn sách cũng đã nhận đó là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Tuy thế, có một chữ ở trang 167 làm người đọc không nhịn được cười. Đó là chữ "thôi".
"Thôi" được dùng trong một cách người ta chỉ thấy ở trong ngôn từ của miền Bắc trước năm 1975. Sau năm 1975, chữ "thôi" và cách dùng ở miền Bắc mới xuống miền Nam và làm khó chịu những người nghe không ít.
Cách dùng ấy không thấy ghi trong Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức cũng như Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị.
Nhưng trong Từ Điển Tiếng Việt của trung tâm Từ Điển Ngôn Ngữ Hà Nội, Việt Nam, ấn bản 1992, ở trang 934 thì có ghi cách dùng đó và còn thêm cả vài ba thí dụ về cách dùng.
"Thôi", theo sách vừa dẫn, là trạng từ, "từ biểu thị ý nhấn mạnh sự miễn cưỡng đồng ý hoặc chấp nhận điều được nói đến vì người nói thấy cũng khó có ý kiến gì thêm được nữa."
Thực ra, thì lối dùng này đã có từ lâu, chẳng riêng gì miền Bắc. Nhưng khi dùng nó, sự chấp nhận chỉ là bắt buộc, không có gì tự ý, hài lòng hay mãn nguyện. Thí dụ nói "cuốn sách cũng được thôi," nghĩa là không được lắm, hay nói "cuốn sách cũng tạm thôi," thì cuốn sách không hay lắm. Ý nghĩa luôn luôn mang nét phủ định, chối bỏ, không chấp nhận, miễn cưỡng. Nhưng cách dùng chữ "thôi" mang từ miền Bắc vào sau năm 1975 thì lại là cách dùng rất khác.
Nó được dùng với tĩnh từ "tốt", một cách dùng có thể nói là không hề có trước đây, ít nhất cũng là trong những năm trước 1954 ở miền Bắc.
Nhưng sau năm 1975, người ta bắt đầu nghe "cũng tốt thôi" rất nhiều từ những người miền Bắc vào.
Đã tốt rồi, tại sao phải thêm "thôi" ở cuối để cho cái tốt đó trở thành không tốt nữa, một cái gọi là tốt nhưng lại không hoàn toàn tốt, nhưng vẫn phải chấp nhận, coi là tốt, vui vẻ tiếp thu? Hay là cái tốt ấy không tốt nhưng không được phản đối vì phản đối thì có chuyện ngay?
Thí dụ trong đoạn đối thoại: "Đồng chí được đảng chọn đi chiến trường miền Nam". Đồng chí liền trả lời: "Cũng tốt thôi."
Như thế là chúng tôi không muốn, chúng tôi cóc muốn vác AK đi dép râu đội nón cối cho xấu trai chúng tôi đi, để làm bia đỡ đạn cho con các cậu Lê Duẩn Lê Diếc, Đỗ Mười Đỗ Miếc... Nhưng ấn vào tay chúng tôi thì chúng tôi phải nhận. Cãi là chúng tôi nát thây, tan xác. Phải cố mà vui với điều ấy. Nhưng không vui thật lòng nên chúng tôi tống thêm chữ "thôi" vào cuối câu cho bõ ghét.
Do đó mà "cũng tốt thôi." Nghe khó chịu vô cùng. Vậy mà không phải vậy.
Kiểu nói đó nhất định tôi không bao giờ nghe trong mấy chục năm sống ở miền Nam.
Nhưng ở trang 167 của cuốn Đằng Sau Dinh Độc Lập, tác giả Nguyễn Duy Xi cho ông Tư Mắt Kiếng tức là thủ tướng Trần Thiện Khiêm phang một câu xanh rờn khi nghe vợ (Đinh Thùy Yến) cho biết sắp đi ủy lạo gia đình binh sĩ ở miền tây bằng phi cơ riêng: "Ô-kê thôi!"
Sao lại "Ô-kê thôi!" ông Tư Mắt Kiếng mà ăn nói kiểu ấy bao giờ?
Bịa đặt, phét lác thì cũng vừa phải thôi. Chi tiết nhỏ như thế cũng viết láo viết lếu thì làm sao mà... "ô kê" được.
Chỉ "ô-kê thôâi" thôi. Sách viết như vậy mà cũng tái bản được thì lạ thật. Hay là một lũ ngu dốt đọc nhau chăng?
Cũng tốt... thôi?

Ngày 26 tháng 4 năm 2012
Bạn ta,
Tờ Time trong một số cách đây đã lâu có bài của Richard Stengel viết về cuốn You're Too Kind: A Brief History of Flattery của chính ông trong hình thức của một bài essay, một bài đọc rất thú vị.
Flattery là chữ người Anh mượn của người Pháp: flatterie, do động từ flatter nghĩa là vuốt ve, làm vui thích, nịnh hót, bợ đỡ, xưng tụng. André Maurois trong cuốn Lettres à L'Inconnue thì gọi đó là cách làm đẹp lòng người (lá thư số 32). Ở cuối lá thư, Maurois nói thẳng: làm đẹp lòng người là một cái đức.
Bernard Shaw, kịch tác gia người Anh thì nói rằng đàn bà đợi lời tán tụng của đàn ông cũng như con nhện đợi con ruồi vậy. Mà nhện thì rất thích ruồi.
Người ta ai cũng thích được vuốt ve bằng lời nói, tán tụng, nịnh bợ, xưng tụng, nhưng Stengel cho rằng chúng ta ngày nay đã làm mất cái nghệ thuật làm đẹp lòng người, biến nó thành những câu nói rẻ tiền, thiếu hẳn công hiệu. Ngôn ngữ chúng ta dùng trong khi làm công việc xưng tụng, vuốt ve đó đã mỏi mệt, đã quá cũ, đã trở thành giả dối vì thiếu rất nhiều chất sáng tạo. Trong khi người ta thì lại rất cần những câu như vậy. Jean Jacques Rousseau có lần viết rằng con người dã man, sơ khai thì chỉ sống với mình trong khi con người sinh vật của xã hội thì chỉ biết sống với những ý kiến của người khác.
Khen ngợi, xưng tụng cũng là một cách rất hữu hiệu để dậy dỗ, như Robert Smith Surtees, một tiểu thuyết gia người Anh đã viết: nhiều người được tán tụng rồi sống đạo hạnh hơn là số người bị buộc phải từ bỏ tội lỗi của mình bằng những biện pháp mạnh. Điều này thấy rõ nhất trong lúc dậy trẻ.
Richard Stengel trong cuốn sách của ông, có đưa ra một số những gợi ý mà độc giả có thể đem dùng để tán cho thành công. Một số đề nghị nghe được, nhưng đề nghị thứ hai của ông có thể sẽ không thành công mặc dù ông cho rằng cách này là viên đạn bằng bạc trong kỹ thuật tán tỉnh, nghĩa là hay lắm: Praise the beautiful for their intelligence, and the intelligent for their beauty. Hãy ca ngợi những người đàn bà đẹp về trí thông minh của họ, và ca ngợi những người đàn bà thông minh về vẻ đẹp của họ.
Sai bét. Phụ nữ chỉ thích được khen đẹp. Đã đẹp thì càng muốn được khen đẹp. Lỡ không đẹp cũng thích được khen đẹp. Càng không đẹp, càng muốn được khen là đẹp. Nếu cần phải cầm dao kề cổ dọa giết để được khen đẹp thì cũng vẫn phải làm như thường.
Tưởng tượng đứng trước Cindy Crawford, cứ tán tụng nét thông minh của nàng thì sẽ không đi đến đâu hết. Được mời ngồi lên chiếc Rolls Royce, cứ xuýt xoa khen cái … radio thì khó có thể được mời đi Rolls Royce một lần nữa trong tương lai. Khen kiểu ấy thì có khác gì sau bữa ăn mà gia chủ mất nguyên một buổi để nấu, chỉ tằng hắng khen nước mắm và ớt ngon không? Hay là khen cái khung của bức sơn dầu rất đẹp cho họa sĩ... vui lòng?
Kiểu khen ngợi, xưng tụng đó nếu không vụng về thì phải gọi là đểu.
Khen người đẹp về đầu óc của nàng là không thèm ngó gì đến nàng. Một người mất hai tiếng đồng hồ để sơn bộ móng tay sau khi đã đánh, rồi chùi đi hai ba mầu, thay gần một chục chiếc áo, chải hai kiểu đầu khác nhau rồi mới quyết định được một kiểu để đi chơi, và người kia đến bấm chuông, nàng ra cửa để nhận được một câu đại khái là "... úi giời sao mà thông minh quá vầy nè!" thì cái cửa phải đóng cái rầm trở lại vào mặt tức khắc.
Hay một người vừa thi xong bài trắc nghiệm thương số thông minh (I.Q.) với số điểm trên 120 mà được khen là đẹp não nùng thì cũng hoàn toàn không được.
Kiểu khen ớt cay, nước mắm pha khéo, bia... ngon thì tương lai thấy rõ nhất là tiếp tục mì gói và TV dinner đến chết mà thôi.
Phải khôn hơn một chút chứ. Thí dụ ăn xong, phải khen lấy khen để đòn chả lụa... sao mà khéo đi chợ thế... tôi mua thì chẳng bao giờ ngon được thế này đâu... giỏi quá hà... con dao cắt miếng chả trông cũng quí phái làm sao...ối giời ơi, cái bình nước mắm sao mà xinh quá đi thôi...mì gói bạn nấu cũng ngon hơn mấy cha đàn ông bạn độc thân nhà nghề của tôi nữa đấy...
Khen hay nịnh mà như đề nghị của Richard Stengel thì sẽ không đi đến đâu ngoài cái cửa ra đường hết. Khen đường kim, mũi kéo của thẩm mỹ viện còn dễ nghe hơn là khen nàng thông minh, học nhanh, giỏi đại số và hình học nhất trường chẳng hạn.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 139)
TO SUPPOSE / PRETTY /AWFULLY / TERRIBLY
Bản ghi chép lại do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 139 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2012.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
TRÚC GIANG
Thưa chú, tuần qua, chương trình nhận được thư của ông Đinh Quốc Hoa ở Florida nhờ chú giảng về một động từ mà mỗi lúc gặp nó là ông lại thấy nó được dùng một cách khác hoàn toàn với cách dùng và cách hiểu cũ mà ông biết. Đó là động từ TO SUPPOSE. Cháu cũng thấy như ông Quốc Hoa vậy nhờ chú nói về động từ này trong bài học hôm nay.
BBT
Động từ TO SUPPOSE chắc hai cô đã nghe rồi, nghe nhiều lần là đằng khác, nhưng tôi sẽ vẫn nói lại ở đây.
TO SUPPOSE mà chúng ta thường nghe thì cũng có nghĩa hệt như TO THINK. Thí dụ khi nói I THINK HE IS HOME NOW thì cũng hệt như khi nói I SUPPOSE HE IS HOME NOW. Câu WE DON’T THINK MISTER OBAMA WILL LOSE THIS TIME thì ý nghĩa cũng hệt như nếu chúng ta nói WE DON’T SUPPOSE MISTER OBAMA WILL LOSE HIS YEAR.
Còn Trúc Giang… DO YOU SUPPOSE GAS PRICE WILL GO DOWN A LOT MORE?
TRÚC GIANG
I DON’T SUPPOSE SO. I DON’T THINK SO AT ALL.
BBT
QA, DO YOU THINK THE WAR WILL BREAK OUT BETWEEN NORTH AND SOUTH KOREA?
QA
I SUPPOSE NOT. I DO NOT SUPPOSE SO.
BBT
Cám ơn hai cô. Động từ TO SUPPOSE cũng còn nghĩa là giả thiết, giả sử, giả định. Trong ý nghĩa này, động từ TO SUPPOSE luôn luôn được dùng ở IMPERATIVE MOOD. Thí dụ SUPPOSE OUR FRIEND CANNOT COME nghĩa là (Anh hãy) TƯỞNG TƯỢNG, GIẢ SỬ, GIẢ ĐỊNH NHƯ BẠN CHÚNG TA KHÔNG ĐẾN ĐƯỢC. Chúng ta KHÔNG nói YOU SUPPOSE OUR FRIEND CANNOT COME mà chỉ cần nói SUPPOSE, nghĩa là không cần phải nói rõ chủ từ YOU hay WE trong IMPERATIVE MOOD…QA cho nghe hai thí dụ của cô coi.
QA
SUPPOSE IT RAINS THIS WEEK-END.
SUPPOSE WE ARE IN LONDON NOW.
Thưa anh, nói như hai thí dụ vừa rồi thì có khác gì khi QA nói IMAGINE IT RAINS THIS WEEK-END và IMAGINE WE ARE IN LONDON NOW không?
BBT
Những câu thí dụ của QA vừa đưa ra thì giống hệt nhau. Động từ TO SUPPOSE trong hai thí dụ của QA có nghĩa không khác gì động từ TO IMAGINE nghĩa là tưởng tượng, hãy tưởng tượng... Còn Trúc Giang, cho nghe thí dụ của cô coi.
TRÚC GIANG
SUPPOSE WE ORDER SOME PIZZA AND WATCH THE SHOW AT HOME TONIGHT.
SUPPOSE I CALL HIM AND YOU TALK TO HIM ON THE PHONE.
BBT
Hai thí dụ của Trúc Giang cũng có nghĩa là THÍ DỤ CHÚNG TA MUA PIZZA VỀ NHÀ ĂN… THÍ DỤ TÔI GỌI ÔNG ẤY ĐỂ ANH NÓI CHUYỆN VỚI ÔNG ẤY QUA ĐIỆN THOẠI… Động từ TO SUPPOSE cũng có thể dùng trong những câu ĐIỀU KIỆN CÁCH, tức là CONDITIONAL SENTENCES nếu theo sau SUPPOSE là nhưÕng câu giả thiết, đưa ra những điều kiện. Trong trường hợp đó, TO SUPPOSE cũng đồng nghĩa với IF để bắt đầu những mệnh đề giả thiết, giả định, hay để đưa ra những điều kiện. Thí dụ SUPPOSE IT SNOWED NOW… SUPPOSE I WERE IN PARIS … SUPPOSE HE WERE 20 YEARS YOUNGER … thì ý nghĩa cũng hệt như khi chúng ta nói IF IT SNOWED NOW… IF I WERE IN PARIS… IF HE WERE 20 YEARS YOUNGER.
Bây giờ, hai cô cho nghe mấy thí dụ SUPPOSE cùng nghĩa với IF coi. Trúc Giang…
TRÚC GIANG
SUPPOSE I WERE YOU…IF I WERE YOU.
SUPPOSE WE COULD LIVE OUR LIVES AGAIN… IF WE COULD LIVE OUR LIVES AGAIN…
QA
SUPPOSE I DID NOT HAVE THE CAR TODAY… IF I DID NOT HAVE THE CAR TODAY.
SUPPOSE WE DID NOT KNOW THEM… IF WE DID NOT KNOW THEM.
BBT
Động từ TO SUPPOSE còn có một cách dùng khác nữa khi nó ở dạng TO BE SUPPOSED TO + MAIN VERB. Với TO BE SUPPOSED TO + MAIN VERB, chúng ta thường chỉ dùng nó ở hai thì SIMPLE PRESENT và SIMPLE PAST TENSE mà thôi. Thí dụ HE IS SUPPOSED TO BE IN WASHINGTON. THEY WERE SUPPOSED TO RETURN THE BOOK TO THE LIBRARY LAST WEEK.
Trong những thí dụ vừa kể, thì hành động được diễn tả bằng động từ chính (MAIN VERB) KHÔNG XẨY RA. Nghĩa là HE IS NOT IN WASHINGTON và THEY DID NOT RETURN THE BOOK. Người nghe (NGẦM) hiểu ngay là hành động hay việc đã được giàn xếp, thỏa thuận, định trước đều đã KHÔNG diễn ra.
QA hiểu câu này như thế nào… HANOI WAS SUPPOSED TO RESPECT THE PARIS AGREEMENT…
QA
Câu ấy có thể hiểu là Hà nội đáng lẽ đã phải tôn trọng Hiệp Định Paris . BUT HANOI DID NOT RESPECT THE PARIS AGREEMENT
BBT
Đúng rồi. Còn Trúc Giang… THE VIET CONG WAS SUPPOSED TO OBSERVE THE TET CEASE-FIRE.
TRÚC GIANG
BUT THEY DID NOT OBSERVE THE CEASE-FIRE. THEY VIOLATED IT AND ATTACKED US EVERYWHERE.
BBT
QA và TRÚC GIANG cho nghe mỗi cô hai thí dụ với TO BE SUPPOSED TO coi.
QA
AMERICA WAS SUPPOSED TO HELP THE REPUBLIC OF VIETNAM IN 1975.
HE IS SUPPOSED TO CHANGE THE OIL FOR THE CAR AVERY 3000 MILES.
TRÚC GIANG
MY KIDS ARE SUPPOSED TO BE IN BED BY 9 PM EVERY NIGHT.
MY HUSBAND IS SUPPOSED TO COOK FOR US ON SUNDAYS.
BBT
TO BE SUPPOSED TO còn được dùng trong những trường hợp của những đòi hỏi hay bổn phận. Thí dụ HE IS SUPPOSED TO PAY THE TRAFFIC TICKET. CITIZENS ARE SUPPOSED TO REPORT FOR MILITARY SERVICE. QA cho nghe một đòi hỏi hay bổn phận với TO BE SUPPOSED coi.
QA
WE ARE SUPPOSED TO HELP OUR PARENTS.
TRÚC GIANG
PEOPLE ARE SUPPOSED TO PAY TAXES.
BBT
Kế tiếp, TO BE SUPPOSED TO cũng còn được dùng để nói tới những trường hợp cấm kỵ, không được phép. Thí dụ: WE ARE NOT SUPPOSED TO SMOKE IN RESTAURANTS. Còn QA?
QA
TEACHERS ARE NOT SUPPOSED TO HIT STUDENTS.
WE ARE NOT SUPPOSED TO DRINK AND DRIVE.
TRÚC GIANG
CHILDREN ARE NOT SUPPOSED TO STAY UP LATE.
STUDENTS ARE NOT SUPPOSED TO USE CELL PHONES IN CLASS.
BBT
Trường hợp thứ ba là dùng TO BE SUPPOSED TO để nói về những điều người ta tin chắc, hay kỳ vọng, hay những chuyện đã được đồng ý hoặc đã được chấp nhận. Thí dụ HE IS SUPPOSED TO BE OUR FRIEND, hay A TEACHER IS SUPPOSED TO KNOW ALL THE ANSWERS. Còn QA và Trúc Giang thì có những điều tin tưởng hay kỳ vọng gì có thể dùng với TO BE SUPPOSED TO?
QA
THE ELECTION IS SUPPOSED TO BE FREE.
THE NEW CAR IS SUPPOSED TO RUN WELL.
TRÚC GIANG
THE NEWSPAPER ARTICLE IS SUPPOSED TO BE CORRECT AND FAIR.
THE ECONOMY IS SUPPOSED TO BE STRONG AGAIN.
BBT
Tôi nghĩ nói về động từ TO SUPPOSE như vậy là đủ rồi.
QA
Bây giờ đến lượt QA thắc mắc. Mới đây, QA có ngồi nghe mấy đứa cháu nói chuyện với nhau thì thấy một đứa nói gì mà QA nghe không rõ lắm, hình như có hai chữ PRETTY BAD thì phải. Tại sao hai chữ này lại đi với nhau và như vậy là nghĩa làm sao thưa anh? Không lẽ PRETTY BAD là xấu đẹp tùy người đối diện?
BBT
Đây là cách dùng cô nghe kỹ sẽ thấy thường lắm. Chúng ta trong tiếng Việt cũng nói hệt như vậy. Thí dụ chúng ta nói "Cô ấy coi đẹp ác" hay "Cô ấy hiền ác". Hiền mà lại hiền ác… đẹp mà lại đẹp ác. Nghe thì vô lý nhưng chúng ta nói vậy đó. PRETTY khi là tĩnh từ thì nó nghĩa là xinh, đẹp. Nhưng PRETTY cũng còn là trạng từ (ADVERB). Khi PRETTY là trạng từ, nó có thể phụ nghĩa, gia tăng ý nghĩa cho các tĩnh từ (ADJECTIVE). Khi đó, PRETTY có nghĩa là khá, kha khá…
Thí dụ I AM PRETTY SURE THAT HE IS IN HIS FIFTIES nghĩa là tôi khá tin rằng ông ấy đã ngũ tuần.
HER HEALTH IS PRETTY BAD nghĩa là sức khỏe của cô ấy khá tệ.
TRÚC GIANG
Cháu cũng có nghe người ta nói THE WEATHER IN THE EAST IS PRETTY AWFUL chắc nghĩa là thời tiết ở miền đông khá xấu.
BBT
Đúng vậy. Vì Trúc Giang nhắc chữ AWFUL nên tôi nhớ chữ này cũng được dùng một cách kỳ lạ không kém. Thực ra là AWFULLY thì đúng hơn. Tĩnh từ AWFUL là xấu, tồi tệ, là kinh khủng. Nhưng người ta cũng lại nói HE IS AWFULLY NICE. AWFULLY là kinh khủng, là nhiều lắm. AWFULLY NICE, AWFULLY GOOD, AWFULLY FANTASTIC, AWFULLY WONDERFUL… HE IS AWFULLY NICE là ông ấy tử tế kinh khủng. IT IS AWFULLY NICE OF YOU TO HELP US… Ông thật là tốt kinh khủng đã giúp chúng tôi.
Còn một chữ nữa cũng được dùng một cách kỳ lạ không kém, đó là TERRIBLY. Trạng từ này có nghĩa là kinh khủng. Thí dụ HE TREATS HER TERRIBLY nghĩa là ông ấy đối xử với bà ấy một cách tồi tệ, một cách kinh khủng. Nhưng khi TERRIBLY được cho đi với một tĩnh từ, thì TERRIBLY, cũng giống như AWFULLY, PRETTY, là chữ giúp tăng thêm ý nghĩa của tĩnh từ đi theo sau. TERRIBLY, AWFULLY, PRETTY là những INTENSIFIERS.
Chúng ta có thể nói THE BOOK IS TERRIBLY GOOD. I AM TERRIBLY SORRY.
TRÚC GIANG
I CAN SAY THAT THE LESSON TO DAY IS TERRIBLY INTERESTING. DON’T YOU THINK, CHỊ QUỲNH ANH?
QUỲNH ANH
YES SURE. I AM PRETTY SURE OF THAT. THE LESSON TODAY IS TERRIBLY USEFUL AND INTERESTING. WE ENJOY IT AWFULLY MUCH. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây thì xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.