Ngày 26 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
Mấy năm trước, Linda K. Ross, một luật sư ở California đã đệ đơn kiện GTE Directories Sales Corp., đòi bồi thường 100 ngàn Mỹ kim vì công ty này, khi ấn hành cuốn niên giám điện thoại phổ biến trong vùng Fullerton, California, đã xếp tên của nàng, Ross, ở ngay dưới chữ Reptiles, quảng cáo của một tiệm bán rắn, rùa, cắc ké, kỳ đà...
Trong đơn kiện nộp tại tòa Orange County ở Santa Ana, người luật sư ở Fullerton cho biết vì tên của nàng bị GTE Directories Sales Corp. xếp ở dưới danh mục Reptiles, nàng đã bị đem lên báo chí, truyền thanh, truyền hình diễu cợt, cùng với những cú điện thoại gọi đến tận nhà, người gọi không lên tiếng, chỉ có tiếng phì phì như rắn phun.
Reptiles là tiếng để gọi chung loài bò sát. Linda K. Ross bực bội là vì nàng bị coi là đồng loại, là giống tương cận với những sinh vật bò sát, trong số này, loài rắn là giống bị ghét, sợ nhất vì nọc độc của nó. Mà nghề của nàng, nghề luật sư ở nước Mỹ thường bị coi là có những người miệng lưỡi còn độc địa hơn nọc độc của loài rắn. Linda K. Ross cảm thấy bị lăng mạ qua việc làm của công ty ấn hành cuốn niên giám điện thoại.
Công ty GTE có phạm phải một lỗi lầm thật, nhưng đó là một lỗi lầm không ác ý, không cố ý với chủ đích độc ác ở trong. Thay vì xếp tên Ross ở những trang quảng cáo dành cho các văn phòng luật, thì tên của nàng, cũng bắt đầu bằng chữ R, Ross, đã bị xếp cùng trang quảng cáo của tiệm bán rắn, kỳ nhông, cắc ké, rùa vân vân. Lầm lẫn này của công ty GTE quả là có gây ra nhiều phiền muộn cho Linda. Và cũng vì nàng là một luật sư, nên những trò diễu cợt phát sinh từ việc tên nàng nằm ở dưới chữ reptiles lại càng trở thành độc địa, cay độc thêm.
Nhưng thử tưởng tượng Linda không phải là luật sư, mà tên vẫn bị xếp dưới chữ reptiles thì sự chế diễu đó có xẩy ra không?
Tôi nghĩ có thể Linda bị diễu mà cũng có thể không.
Nếu Linda có thước tấc 36-24-36, thì chuyện chế diễu có thể không xẩy ra. Nhưng nếu nàng có kích thước của một bình nguyên phẳng lì, thì chuyện nàng bị xếp vào loài tương cận của những sinh vật bò sát, máu lạnh lại mang một ý nghĩa khác. Thượng Ðế rất khéo tay và cẩn thận. Ngài muốn giúp những giống bò sát di chuyển dễ dàng, không vướng víu, nên Ngài không cho chúng có vú như một số sinh vật khác, những sinh vật khi di chuyển, bụng và ngực không ở sát mặt đất.
Khi Linda bị xếp cạnh loài bò sát, thì sự sắp xếp đó có thể có một ý nghĩa hết sức độc ác: nàng bị xếp cùng loại với những sinh vật bò sát vì nàng không có vú. Nhưng nếu Linda có vú thì nàng nhất định phải kiện GTE về tội vu khống.
Nhưng GTE cũng có thể kiện ngược lại, tố cáo Linda Ross vu khống.
Những vụ kiện mạ lỵ, vu khống là những vụ rất khó thắng. Nhưng cũng có thể GTE sẽ chẳng sao nếu trưng được ra bằng cớ cho thấy Linda Ross vu khống trong khi GTE thì không hề vu khống bao giờ. Mà nếu Linda Ross bị tòa coi là vu khống, thì chuyện tên nàng xuất hiện dưới chữ reptiles cũng có sao đâu.
Làm luật sư lâu lâu cũng phải biết vu khống chứ. Ðã là luật sư, lại còn... rất vu khống thì tên tuổi bị xếp dưới rắn rết là đúng rồi. Kiện cáo làm gì cho chuyện vu khống của mình càng có nhiều người biết?
Ngày 27 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
Ðã có lần, chín ông bà Tối Cao Pháp Viện đã thảo luận suốt ngày mà vẫn chưa đi được tới quyết định là nên hay không nên rút lại câu mà cảnh sát Mỹ có nhiệm vụ phải đọc lên trước khi đặt câu hỏi cho bất cứ một người nào mà cảnh sát chặn lại ngoài đường hay bắt giữ đem về bót.
Gọi nó là những lời cảnh cáo cũng được, mà gọi nó là những nhắc nhở về quyền của người bị cảnh sát chặn lại cũng được. Nó là Miranda Rights. Nó nhắc cho những người gặp rắc rối với luật pháp, và với nhân viên công lực rằng họ có quyền giữ im lặng, họ có quyền có luật sư ở bên cạnh và nếu không có khả năng thuê luật sư, nhà chức trách sẽ chỉ định luật sư cho họ, và những lời họ khai với cảnh sát sẽ có thể được đem dùng ở tòa để kết án họ sau này.
Những người muốn dẹp việc buộc cảnh sát đọc cho các nghi can nghe Miranda Rights thì nói rằng các thành phần phạm pháp được che chở quá đáng, các thành phần này có thể lợi dụng những kẽ hở để thoát. Những người muốn giữ lại thì cho rằng Miranda Rights bảo vệ cho những người vô tội, bị hàm oan, đồng thời đảm bảo nước Mỹ không trở thành một nước cảnh sát trị, một điều mà ai cũng sợ.
Việc bắt cảnh sát đọc Miranda Rights cho các nghi can nghe có thể bị dẹp mà cũng có thể không. Nhiều nước trên thế giới không có luật này mà dân chủ, nhân quyền vẫn được tôn trọng, nên chuyện Miranda Rights có được đem ra đọc hay không thực ra không quan trọng bao nhiêu. Hầu hết mọi trường hợp những kẻ phạm tội vẫn bị trừng phạt và người vô tội thì không việc gì phải lo. Ðó là đối với cảnh sát hay nhân viên công lực ở ngoài đường.
Nhưng cũng có những trường hợp những lời khai tự nguyện sau đó bị đem ra dùng để kết tội, hay đương sự không có quyền giữ im lặng và khi bị tra hỏi không được có luật sư bên cạnh, thì tại sao không thấy Tối Cao Pháp Viện nhấc một ngón tay lên để bênh vực, can thiệp cho họ bao giờ?
Những lời khai, những lời tự thú, những câu chuyện kể trong những lúc vô tình nhất, từ những thuở hồng hoang xa lắc, từ thời tiền sử,( tức là trước khi có con Ðường Vào Tình Sử của Ðinh Hùng), vẫn có thể bị lôi ra để kết án, để gây khó dễ, độc ác và dễ sợ còn hơn cảnh sát và công tố viện, thì chưa thấy một nỗ lực nào được đưa ra để bảo vệ những trường hợp đáng thương đó.
Thí dụ trong một lúc đương sự đang vui, thì được / bị hỏi là hồi đi Úc du học, có bao giờ đi nhẩy đầm không chẳng hạn. Ðương sự có thể hồn nhiên trả lời là có, nghĩ rằng ai chẳng đi nhẩy đầm, thì sau đó, vài năm, năm năm, mười năm, thế nào cũng có bữa chuyện nhẩy đầm với mấy con... Kangaroo và Koala ở Úc bị lôi ra để nhiếc móc, xỉa sói. "Ối chao ơi, hồi ấy tôi ở nhà, có người chặn tôi ở cửa trường, đưa "phong thư tình ngây dại," tôi nhất định không nhận vì tôi nghĩ đến anh ở bên ấy một mình vò võ đi về khu học xá, ai ngờ anh đi nhẩy đầm tối ngày với chúng nó... lại còn nhẩy xì lô đi bộ nữa chứ đâu có thèm paso doble hay bossa nova, bebop cho nó xa xa hộ tôi một chút... Thôi, anh đi ra ngoài phòng khách mà ngủ đi... Bỏ cái tay dơ dáy ôm mấy con đầm Úc béo ú ra, đừng có đụng vào tôi nữa...Ối giời ơi, thảo nào cứ ư ử than thở thôi em xanh mắt bồ câu / vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau (thơ Cung Trầm Tưởng)... Sao không đi hầu hạ chúng nó ngay kiếp này đi cho tôi bình yên..."
Mà giữ im lặng cũng không được. Cái tội khinh bỉ, coi thường, nhục mạ thẩm phán (contempt of court) được quàng ngay vào cổ. Mà mở miệng nói thì thế nào cũng hố. Mà hố thì chỉ có chết đứ đừ.
Rồi thêm kiểu hỏi cung đúng theo lối hỏi tù ở những gulag mà Solzhenitsyn đã tả: dựng cổ dậy hỏi vào lúc ba giờ sáng, khi bộ máy tự vệ mỏi mệt nhất, dễ nhận tội bị đổ lên đầu nhiều nhất thì kiếm đâu ra luật sư để ngồi cạnh cố vấn trả lời?
Các thứ lời khai, các chi tiết moi móc được ở tất cả mọi nơi, từ bạn bè thân quen đến sơ giao đều được ghi chép đầy đủ vào những bộ nhớ mấy trăm megabyte, lúc nào cũng có thể lôi ngay ra được để buộc tội thì các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện ở đâu không ra cứu những người này?
Có cần phải bắt những người hỏi cung đó đọc cho nạn nhân nghe mấy câu tương tự như Miranda Rights không? Có cần nhắc cho các nạn nhân này biết rằng họ được quyền giữ im lặng, tất cả những gì nói ra đều có thể bị đem ra buộc cho đủ mọi thứ tội sau này, rằng đương sự có quyền được có luật sư ngồi cạnh, nếu không có tiền thuê luật sư thì ráng chịu không?
Tôi nghĩ là có. Chứ mấy cái lời khai với cảnh sát, ra tòa, có luật sư giỏi vẫn thoát như OJ Simpson. Chỉ những nạn nhân của những vụ hỏi cung ở nhà mới tan xác mà thôi.
Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện lúc chúng tôi cần thì chẳng thấy ma nào hết. Chán thế đấy...
Ngày 28 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
Bộ trưởng tư pháp Hoa kỳ, bà Janet Reno, sau buổi gặp gỡ Juan Miguel Gonzalez, người đàn ông từ Cuba sang Mỹ để giàn xếp đưa con trai Elian Gonzalez, cậu bé 6 tuổi thoát chết trong chuyến đi tìm tự do với mẹ, trở về Cuba, có nói rằng Juan Miguel là một người cha rất thương con, bằng cớ là Juan Miguel biết Elian đi giầy số mấy.
Bà Reno từ đầu vẫn chủ trương đưa Elian trở về Cuba, nên có nói thêm một câu tốt đẹp cho Juan Miguel thì cũng chỉ là để việc trao Elian cho Juan Miguel dễ nuốt hơn. Trong khi thực ra, nếu Juan Miguel là người cha tốt, thì Juan Miguel sẽ phải để cho Elian ở lại sống ở cái quốc gia mà mẹ của nó đã mất mạng để đưa nó đến.
Chuyện ngã ngũ, Elian phải trở về Cuba.
Nhưng điều bà Reno nói về Juan Miguel rằng Juan Miguel biết giầy của con đi số mấy vẫn tiếp tục làm cho rất nhiều người khốn khổ.
Thí dụ những người đàn ông có thể được nghe mấy câu tương tự như câu bà Reno dùng để đánh giá người cha tốt hay xấu chẳng hạn.
"Anh nói anh yêu tui, mà anh biết tui đi giầy số mấy hôn?" Nhiều người sẽ chết ngay ở câu này. Không trả lời được thì cái tội tệ bạc, không ngó ngàng gì đến vợ sẽ bị quàng lên cổ, hết lối thoát.
Mà nếu trả lời đúng được câu đầu dễ ợt này, thì câu số hai chắc chắn sẽ còn khó thoát hơn nữa.
"Anh biết... của tui số mấy hôn? 32, 34 hay 36? Mà A, B hay C, hay D nào?"
Không trả lời được câu này, tội to hơn khi không trả lời được câu hỏi về giầy số mấy rất nhiều. Tiếng trách móc sẽ lớn hơn, lời than phiền sẽ nặng hơn... "Anh không lý gì đến tui hết. Sống với nhau bằng ấy năm, bao nhiêu lần... mà anh vẫn không biết tui mặc số mấy, "cup" gì thì anh có thương yêu tui bao giờ đâu... Có hỏi anh rằng tui mặc của hãng nào chắc anh cũng không biết thôi... Ừ thế của tôi là Playtex, Olga, Warner's, Bali, Vanity Fair, Delicates, Victoria's Secret, Cacique, hay Lou... nào? Anh không biết à? Vậy thì anh coi tui là gì của anh chứ? Là sex object của anh chắc... Sao anh rành mấy cái khóa thế? Khóa trước, khóa sau anh mở cái một, không chờ tui... mở hộ cho nó tình tứ gì hết... Nhưng hỏi số mấy thì không biết... Sao mà tui khổ thế này hở Trời cao, đất dầy ơi! Cái gì, anh nói 36 D hả... thôi chết rồi, tui đâu có... thô tục như thế bao giờ? Hay là của con đĩ chó nào, của con mèo mả gà đồng nào? Anh với nó... bao nhiêu lâu rồi mà tui không biết? Phải rồi, tự nhiên sao Victoria's Secret lại cứ gửi catalogue về nhà cho anh? Anh mua cho con đĩ chó bao nhiêu cái 36 D rồi? Nói tui nghe coi... Ðừng có giả bộ đọc báo nữa... Ra tui hỏi đây... Là người cha tốt thì phải biết giầy con đi số mấy như bộ trưởng tư pháp Janet Reno đã nói đấy... Còn chồng tốt, lương phu thì phải biết tui mặc nịt vú số mấy chứ... Tại sao anh ăn ở bạc bẽo với tui như thế? Tui thì biết anh mặc sơ mi cổ 16 rưỡi, tay 32, quần thì bụng 36, inseam 29, giầy 9 rưỡi... mà anh nỡ lòng nào không biết tui mặc nịt vú số mấy... Anh đi hỏi bà Reno coi như vậy có là chồng tốt hay không? Ối Trời đất ơi..."
Nhưng may mắn cho những người đàn ông này, vì đúng vào lúc này, thì nước Mỹ cũng đang ở trong tuần lễ gọi là National Bra Fit Week, tuần lễ kêu gọi phụ nữ đi thử lại nịt vú để mặc cho đúng số, khỏi nhỏ quá, khỏi lớn quá cỡ thợ mộc. Và nhờ đó, một số người sẽ thoát hiểm.
Từ mấy hôm nay, mở tờ báo nào ra cũng thấy những quảng cáo nịt vú. Và theo các chuyên gia có giấy chứng nhận thị thực đàng hoàng (Certified Fitting Consultants) mà các department stores như Lords and Taylors, May Robinson, Macy's thuê để giúp các phụ nữ tìm được những chiếc nịt vú vừa vặn thì hầu hết (80%) phụ nữ không mặc đúng số -- wrong size.
Những người đàn ông bị hạch hỏi cứ để cho những câu mè nheo đến đoạn tạm nghỉ, thì nhẹ nhàng đẩy cái quảng cáo với con số thống kê 80% mà các chuyên gia này cho biết (rằng phụ nữ không mặc nịt vú đúng số) là thoát.
Hey... 80% các đương sự tự tay chọn nịt vú cho chính mình còn chọn sai bét, thì chúng tôi làm sao đúng cho được mà đòi chúng tôi phải biết?
Nhưng cách hay nhất là tối nay, về mở tủ áo ra coi lại vài ba cái cho chắc ăn, lẩm nhẩm cho thuộc cả size (số) lẫn cup (chữ) để khi bị hỏi còn có thể trả lời bằng giọng rất bình thản cho mẹ cháu vui. Mà mình thì toàn thây.
Ngày 29 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
Cuốn Ðằng Sau Dinh Ðộc Lập in lần thứ hai của Nguyễn Duy Xi do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ở Hà Nội ấn hành là một cuốn sách chứa đựng rất nhiều điều không đúng. Thí dụ rất nhiều tên người và ngôn từ, cách ăn nói trong những đối thoại của họ chẳng hạn.
Nó được xếp vào loại tiểu thuyết như chính nhà xuất bản và tác giả đã ghi rõ ở bìa trước. Ðọc ở trong, người ta thấy không có thư mục, hay những ghi chú về tài liệu tham khảo, nên nó phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng, mặc dù các nhân vật của cuốn sách đều có những cái tên (nhiều khi viết sai) của những người có thật ngoài đời, của giai đoạn lịch sử vừa qua.
Người đọc cũng có những thắc mắc như khi đọc cuốn sách viết về Watergate của Bernstein và Woodward, ở đoạn Henry Kissinger rủ ông Nixon quì xuống đọc kinh trong một căn phòng ở tòa Bạch Ốc. Lúc ấy chỉ có hai người: ông Nixon và Kissinger. Ai trong hai người này kể chuyện đó cho Bernstein và Woodward? Ông Nixon thì không, Henry Kissinger lại càng không nữa. Vậy Bernstein và Woodward lấy đâu ra những chi tiết mà họ viết xuống trong cuốn sách của họ?
Những thắc mắc như thế được thấy đầy trong cuốn sách của Nguyễn Duy Xi. Người viết có được bao nhiêu tiếp xúc với những người có tên trong sách? Có thể nói chắc là không một người nào hết. Một số đã chết, hay không sống ở Việt Nam, mà nếu có sống ở Việt Nam, cũng không thể có chuyện những người này ngồi xuống nói lại ngọn ngành cho Nguyễn Duy Xi viết cuốn tiểu thuyết Ðằng Sau Dinh Ðộc Lập.
Nhưng những chi tiết như thế không đáng kể và thắc mắc nữa, khi chính những người làm cuốn sách cũng đã nhận đó là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Tuy thế, có một chữ ở trang 167 làm người đọc không nhịn được cười. Ðó là chữ "thôi".
"Thôi" được dùng trong một cách người ta chỉ thấy ở trong ngôn từ của miền Bắc trước năm 1975. Sau năm 1975, chữ "thôi" và cách dùng ở miền Bắc mới xuống miền Nam và làm khó chịu những người nghe không ít.
Cách dùng ấy không thấy ghi trong Việt Nam Tự Ðiển của hội Khai Trí Tiến Ðức cũng như Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Việt Nam Tân Tự Ðiển của Thanh Nghị.
Nhưng trong Từ Ðiển Tiếng Việt của trung tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ Hà Nội, Việt Nam, ấn bản 1992, ở trang 934 thì có ghi cách dùng đó và còn thêm cả vài ba thí dụ về cách dùng.
"Thôi", theo sách vừa dẫn, là trạng từ, "từ biểu thị ý nhấn mạnh sự miễn cưỡng đồng ý hoặc chấp nhận điều được nói đến vì người nói thấy cũng khó có ý kiến gì thêm được nữa."
Thực ra, thì lối dùng này đã có từ lâu, chẳng riêng gì miền Bắc. Nhưng khi dùng nó, sự chấp nhận chỉ là bắt buộc, không có gì tự ý, hài lòng hay mãn nguyện. Thí dụ nói "cuốn sách cũng được thôi," nghĩa là không được lắm, hay nói "cuốn sách cũng tạm thôi," thì cuốn sách không hay lắm. Ý nghĩa luôn luôn mang nét phủ định, chối bỏ, không chấp nhận, miền cưỡng. Nhưng cách dùng chữ "thôi" mang từ miền Bắc vào sau năm 1975 thì lại là cách dùng rất khác.
Nó được dùng với tĩnh từ "tốt", một cách dùng có thể nói là không hề có trước đây, ít nhất cũng là trong những năm trước 1954 ở miền Bắc.
Nhưng sau năm 1975, người ta bắt đầu nghe "cũng tốt thôi" rất nhiều từ những người miền Bắc vào.
Ðã tốt rồi, tại sao phải thêm "thôi" ở cuối để cho cái tốt đó trở thành không tốt nữa, một cái gọi là tốt nhưng lại không hoàn toàn tốt, nhưng vẫn phải chấp nhận, coi là tốt, vui vẻ tiếp thu? Hay là cái tốt ấy không tốt nhưng không được phản đối vì phản đối thì có chuyện ngay?
Thí dụ trong đoạn đối thoại: "Ðồng chí được đảng chọn đi chiến trường miền Nam". Ðồng chí liền trả lời: "Cũng tốt thôi."
Như thế là chúng tôi không muốn, chúng tôi cóc muốn vác AK đi dép râu đội nón cối cho xấu trai chúng tôi đi, để làm bia đỡ đạn cho con các cậu Lê Duẩn Lê Diếc, Ðỗ Mười Ðỗ Miếc... Nhưng ấn vào tay chúng tôi thì chúng tôi phải nhận. Cãi là chúng tôi nát thây, tan xác. Phải cố mà vui với điều ấy. Nhưng không vui thật lòng nên chúng tôi tống thêm chữ "thôi" vào cuối câu cho bõ ghét.
Do đó mà "cũng tốt thôi." Nghe khó chịu vô cùng. Vậy mà không phải vậy.
Kiểu nói đó nhất định tôi không bao giờ nghe trong mấy chục năm sống ở miền Nam.
Nhưng ở trang 167 của cuốn Ðằng Sau Dinh Ðộc Lập, tác giả Nguyễn Duy Xi cho ông Tư Mắt Kiếng tức là thủ tướng Trần Thiện Khiêm phang một câu xanh rờn khi nghe vợ (Ðinh Thùy Yến) cho biết sắp đi ủy lạo gia đình binh sĩ ở miền tây bằng phi cơ riêng: "Ô-kê thôi!"
Sao lại "Ô-kê thôi!" ông Tư Mắt Kiếng mà ăn nói kiểu ấy bao giờ?
Bịa đặt, phét lác thì cũng vừa phải thôi. Chi tiết nhỏ như thế cũng viết láo viết lếu thì làm sao mà... "ô kê" được.
Chỉ "ô-kê thôi" thôi. Sách viết như vậy mà cũng tái bản được thì lạ thật. Hay là một lũ ngu dốt đọc nhau chăng?
Cũng tốt... thôi?
Ngày 30 tháng 10 năm 2009
Bạn ta,
Tuy là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu -- European Union -- từ năm 1973 và chỉ thua Ðức về con số đại biểu trong Nghị Viện Âu Châu, nước Anh không bao giờ hoàn toàn hài lòng về tư cách hội viên của mình trong tổ chức này.
Anh không muốn bị buộc phải thay thế đồng Bảng của họ bằng đồng Euro để thống nhất về mặt tiền tệ với các nước trong lục địa; những tranh chấp về thịt bò của Anh trong vụ bò điên với các nước hội viên khác chỉ là hai trong số những bất đồng giữa Anh với Liên Hiệp Âu Châu.
Và những bất đồng đó, hầu như người ta có thể đọc thấy rất thường trên báo chí Anh, nền báo chí mà Liên Hiệp Âu Châu mô tả là chuyên bóp méo sự thật, và những bài viết về đường lối của Liên Hiệp Âu Châu trên các trang báo Anh là những thứ bài vở đầy thành kiến và sai lạc (.. a digest of bias and error ) chỉ toàn đưa ra những chuyện không tốt đẹp và bất lợi cho Liên Hiệp Âu Châu.
Thí dụ khi viết về những giới chức có trách nhiệm áp dụng các biện pháp an toàn chung cho Âu châu, báo Anh so sánh những người này với những thành phần cộng tác với Ðức Quốc Xã -- Nazi collaborators. Viết như thế thì quả là có thành kiến và sai lạc thật, đúng như nhận xét của Liên Hiệp Âu Châu trong một phúc trình mới đây.
Nhưng báo chí của Anh cũng nổi tiếng là rất ái quốc sô vanh, cứ của Anh là đúng, là hay, là tốt, là đẹp. Cái mặc cảm cường quốc, lúc nào cũng muốn làm đàn anh thiên hạ nay vẫn còn. Anh vẫn bám lấy ghế của mình trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mặc dầu kể từ sau thế chiến, nhiều nước đã qua mặt nước Anh về nhiều phương diện để xứng đáng hơn Anh, và luôn cả Pháp, để trở thành hội viên chính thức và thường trực của Hội Ðồng Bảo An, như Ðức, như Nhật Bản, hay luôn cả Ấn độ, Á Căn Ðình...
Cái mặc cảm tự tôn, cái thái độ ái quốc sô vanh của Anh còn được thấy qua một bài báo viết về việc tiêu chuẩn hóa cỡ của những bao cao su ngừa thai -- condom size standardization-- mà nhiều nước Âu châu đang kêu gọi.
Việc tiêu chuẩn hóa có khi là việc cần thiết. Thí dụ các lực lượng trong Liên Minh Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương có thể được trang bị nhiều kiểu súng khác nhau, nhưng dùng chung một thứ đạn. Việc này sẽ giúp công tác tiếp tế đạn dược ngoài chiến trường giản dị đi rất nhiều. Các nước trong liên minh Varsovie của Cộng Sản trước đây cũng đã làm như thế.
Nhưng có thể Anh cũng đúng khi phản đối việc tiêu chuẩn hóa cỡ của bao cao su ngừa thai.Tại sao phải tiêu chuẩn hóa? Ðạn thì tiêu chuẩn hóa vì nòng súng có thể chế tạo cùng cỡ. Nhưng đây không phải là trường hợp võ khí dùng ngoài chiến trường để binh sĩ Hòa Lan hết đạn, sẽ có thể dùng đạn tiếp tế cho các binh sĩ Pháp hay Anh chẳng hạn. Làm thế được là vì súng Anh, Pháp hay Hòa Lan có thể khác về khả năng tác xạ, tốc độ bắn, nhưng nòng súng thì cùng một cỡ để có thể dùng cùng một cỡ đạn.
Ðề nghị tiêu chuẩn hóa bao cao su ngừa thai không rơi vào trường hợp như vừa kể. Các bao cao su ngừa thai thường được chế tạo bằng những chất có khả năng đàn hồi, co giãn được. Con người ta sinh ra đời, đa số bình đẳng với nhau. Ngoại trừ một số rơi vào trường hợp ngoại lệ. Những trường hợp ngoại lệ đó không nhiều, vậy thì tại sao phải tạo rắc rối cho đời sống vốn đã nhiêu khê như hiện nay. Từ bao nhiêu năm nay, có bao nhiêu người phàn nàn mà nay phải đòi thay đổi.
Báo chí Anh rõ ràng không ưa đề nghị này, đề nghị mà người ta tin là do Ðức đưa ra. Một tờ báo người ta đọc được ở Anh, đã chạy hàng tít lớn này: BIG HANS, SMALL WILLI.
Hans là tên khá thường thấy tại Ðức. Willi là tiếng lóng gọi cái xúc xích, nguyên thủy trong tiếng Ðức là wiener, vẫn kẹp trong miếng bánh mì để thành món hotdog. Nghĩ là chưa đủ, tờ báo Anh này còn đăng một bức hình chụp một chiếc thước kẻ được lồng trong một cái bao cao su ngừa thai, và cái bao, khi mở hết, chỉ tới được ngấn 15cm5, tức là gần được 5 inches.
Người Anh rõ ràng là khinh bỉ cái cỡ bao cao su của người Ðức. Họ phản đối việc tiêu chuẩn hóa vì sợ sẽ gặp khó khăn với những bao cao su có cái cỡ tiêu chuẩn quá nhỏ của lục địa. Họ muốn cứ tiếp tục sản xuất những bao cao su với những cỡ khác nhau.
Chẳng gì sản phẩm này cũng do một công dân Anh, một sĩ quan cấp tá trong quân lực Anh sáng chế hồi thế kỷ thứ 17, được người Pháp gọi xỏ lá là capote anglaise để nước Anh phải đáp lễ lại bằng cách đổ sang cho Pháp: French letter. Người Anh không muốn tiêu chuẩn hóa chúng. Và do đó, trong tương lai, có thể nước Anh sẽ không tuân theo tiêu chuẩn chung của Liên Hiệp Âu Châu để cứ tiếp tục sản xuất những cỡ khác nhau, với cỡ lớn nhất được đặt cho cái tên là British size, trong khi những cỡ khác được gọi chung là European Union size.
Có thể nhờ đó, số du khách đến Anh để xem... Big Ben (?) sẽ tăng lên chăng?
Nhưng người Anh có thể chưa nghe cái quảng cáo của một hãng thuốc lá Mỹ quảng cáo cho những điếu thuốc King Size của họ. Ðó là câu: It is not what you make it long but it is how long you make it.
Câu này thì tôi thua, không dịch được. Nhưng đọc lên thì thấy yên tâm vô cùng.
ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Bài số 52)
Bản chuyển tả do Nhã Lan thực hiện. Bài học số 52 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2009.
QUỲNH ANH:
Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
NHÃ LAN
Hôm nay, Nhã Lan xin chuyển tới anh câu hỏi về RELATIVE CLAUSES của một khán giả, cô Nguyên Ngọc ở Tampa, Florida. Nhưng trước hết, Nhã Lan xin anh giải thích thế nào là CLAUSE, Nhã Lan học đã lâu và đã quên hết mất rồi.
BBT
Cô hỏi về CLAUSE, nhưng nếu muốn hiểu CLAUSE thì phải biết qua về mấy thứ khác cuNũg đôi chút liên quan đến CLAUSE nữa.
Trước hết là PHRASE. PHRASE là một nhóm chữ, tự chúng không thể đứng một mình để có ý nghĩa đầy đủ. Thí dụ A NEW, RED CAR, hay AT THE END OF THE ROAD, hay TO PULL OUT OF IRAQ, hay FULL OF JOY, hay VERY EXPENSIVE…
Tất cả những nhóm chữ kể trên đã đầy đủ ý nghĩa chưa, đọc chúng lên, và nghe chúng, chúng ta đã biết rõ ý nghĩa của chúng là gì chưa cô QA?
QA
QA thấy là chúng không rõ nghĩa, không đầy đủ ý nghĩa, người nghe thấy còn thiếu điều gì đó, thưa thầy.
BBT
Ðúng lắm. Không thể là "Em xinh em đứng một mình cũng xinh" được. Phải đứng đầu đình, phải mọc bờ ao mới coi được.
Ðó là PHRASE. PHRASE KHÔNG CÓ MỘT ÐỘNG TỪ ÐÃ CHIA, TỨC LÀ KHÔNG CÓ MỘT FINITE VERB.
Bây giờ nói qua CLAUSE. Thí dụ khi tôi nói: THAT MR. OBAMA SPENT A FEW YEARS IN INDONESIA hay WHO CAME TO SEE YOU YESTERDAY, hay WHICH SHE LENT ME LAST WEEK. Ðây là những CLAUSE. Cô Nhã Lan thấy chúng như thế nào?
NHÃ LAN
Nhã Lan thấy những câu ấy nó làm sao ấy. Nghe thiêu thiếu cái gì đó.
QA
QA thấy chưa hiểu rõ, chưa thấy được đầy đủ nghĩa.
BBT
Khác với PHRASE, chúng có động từ FINITE VERB không, chúng có động từ đã chia chưa? Nhã Lan?
NHÃ LAN
Có. Ðộng từ FINITE thì có, có cả chủ từ (SUBJECT) nhưng ý nghĩa thì không đầy đủ. Cũng không thể đứng một mình được.
BBT
Như vậy, hai cô đã thấy được những đặc điểm của CLAUSE. Ðó là một nhóm chữ, có động từ FINITE nhưng ý nghĩa thì vẫn chưa đủ, không thể đứng một mình, không thể độc lập được. Chúng là MỆNH ÐỀ PHỤ, phải đi với MỆNH ÐỀ CHÍNH mới có nghĩa.
Mệnh đề chính có thể đứng một mình được. Nhưng mệnh đề phụ thì không.
QA cho nghe một câu có đủ ý nghĩa, đứng một mình, nhất kiếm trấn ải, giang hồ một cõi coi.
QA
I KNOW MR HOÀNG. QA nghĩ nói vậy đủ rồi. Ai cũng hiểu rõ điều QA muốn nói. Muốn thêm thắt vào cũng được. Mà không thì cũng chẳng sao.
BBT
Ðồng ý hoàn toàn. Nhã Lan cho một thí dụ coi.
NHÃ LAN
I LOVE THE BOOK. Ðủ ý nghĩa chưa thầy?
BBT
Rất đầy đủ. Một mệnh đề nữa nhé: I READ IT FROM A MAGAZINE. Cũng đủ nghĩa rồi. Thực ra để cho chúng đứng một mình cũng không sao. Nhưng các cô có thấy chúng hơi hơi kỳ kỳ không? Ýù nghĩa thì có đấy, nhưng nghe vẫn thấy làm sao…
NHÃ LAN
Nhã Lan thấy như căn nhà trơ trọi, không có đồ đạc bên trong, như miếng thịt luộc không có mắm tôm chua vậy.
BBT
Rất đồng ý với cô Nhã Lan. Cô làm tôi nhớ đến câu tiếng Tây bồi mà chúng tôi hay nói đùa với nhau thời còn đi học. L’HOMME SANS AMOUR COMME LE CANH CUA SANS CÀ CHUA. Bây giờ tôi cho mấy mệnh đề ấy đứng chung với mấy mệnh đề phụ xem như thế nào.
I READ IT FROM A MAGAZINE THAT MR OBAMA SPENT A FEW YEARS IN INDONESIA.
Nghe đầy đủ ý nghĩa chưa cô QA?
QA
QA thấy đủ rồi. Tách ra làm hai, mệnh đề chính nghe cũng được rồi. Mệnh đề phụ thì ý nghĩa chưa đủ. QA ghép thử mệnh đề QA đưa ra hồi nẫy: I KNOW MR HOÀNG vào với mệnh đề phụ của anh ở trên nhá: WHO CAME TO SEE YOU YESTERDAY. Ðể cho hai mệnh đề đó đứng cạnh nhau sẽ là I KNOW MR HOÀNG WHO CAME TO SEE YOU YESTERDAY. Bây giờ thì ý nghĩa rõ hơn, đầy đủ hơn.
BBT
Cám ơn cô QA. Còn cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
I LOVE THE BOOK là mệnh đề chính. Nhã Lan sẽ ghép, sẽ cho đứng chung với mệnh đề phụ WHICH SHE LENT ME LAST WEEK để thành I LOVE THE BOOK WHICH YOU LENT ME LAST WEEK.
BBT
Những gì hai cô vừa đọc, văn phạm gọi là SENTENCES, là những câu, là những nhóm chữ có động từ đã chia (FINITE VERBS), có đầy đủ ý nghĩa, ném ra chỗ nào cũng đứng được, cũng sống được, cũng đầy đủ ý nghĩa. Bây giờ nếu tôi có một cái cây, thì một chùm lá tương đương với PHRASE hay CLAUSE, hay SENTENCE? Cô QA?
QA
Một chùm lá thì không sống một mình được. QA nghĩ là PHRASE.
BBT
Ðúng. Thế một cái nhánh, có lá, có hoa thì tương đương với gì?
NHÃ LAN
Nhã Lan nghĩ là CLAUSE. Những cái nhánh thì không đứng một mình mà sống được. Như vậy, cái thân có rễ thì nó sống, nhưng không có lá, không có cành thì chẳng có gì hấp dẫn, chẳng có gì đẹp cả, đó mới chỉ là một INDEPENDENT CLAUSE, một mệnh đề độc lập. Có thân, có rễ thì mới là cái cây, thì mới sống được.
BBT
Ðúng rồi. Có lá, có cành, có thân có rễ là một cái cây đứng một mình vừa xinh vừa đẹp. Văn phạm gọi nó là một COMPLEX SENTENCE, một câu phức tạp. Trong khi câu giản dị SIMPLE SENTENCE thì như thế này: I SPEAK ENGLISH. Ðầy đủ, khỏi thêm gì cũng vẫn rõ nghĩa. QA cho một câu giản dị coi.
QA
WE HAD A BEAUTIFUL HOUSE IN SAIGON.
NHÃ LAN
I HAVE A DAUGHTER IN COLLEGE.
BBT
Bây giờ hai cô nghe câu này: WE HAD A HOUSE IN SAIGON AND WE HAD A VILLA IN DALAT.
Hai cô thấy đây là một câu thế nào?
NHÃ LAN
Nhã Lan thấy cắt ra làm hai vẫn có nghĩa như thường. WE HAD A HOUSE IN SAIGON. Và WE HAD A VILLA IN DALAT.
BBT
Ðúng. Còn cô QA: I HAVE A DAUGHTER IN COLLEGE AND I HAVE A YOUNGER DAUGHTER IN HIGH SCHOOL.
QA
QA cũng thấy là cắt ra làm hai, hai câu đều có ý nghĩa.
BBT
Những câu vừa kể trên không phải là COMPLEX SENTENCES, mà chúng giống như hai cái cây riêng rẽ, trồng chung trong một cái bồn, hay trong một khu vườn mà chúng ta lấy rào quây lại. Chúng là COMPOUND SENTENCES.
Bây giờ, hai cô hiểu PHRASE, CLAUSE và SENTENCE rồi tôi mới chuyển sang để nói về RELATIVE SENTENCES.
Thí dụ chúng ta có hai câu này: I MET AN OLD FRIEND. THIS OLD FRIEND JUST CAME FROM VIETNAM. Hai cô sẽ thấy là hai câu nghe thì OK nhưng chỉ có một ông bạn mà cứ phải nhắc lại ông bạn già này tới hai lần. Nhắc nhiều nghe không hay mà còn làm cho ông ấy mệt. Vì thế, chúng ta cho một ông nghỉ, đứng ra ngoài cho khỏe cái thân già. Cô QA bỏ ông bạn già của tôi ra ngoài coi.
QA
I MET AN OLD FRIEND JUST CAME FROM VIETNAM.
BBT
Câu này không đúng văn phạm. Một câu đầy đủ thì phải có chủ từ, động từ. Không có chủ từ thì câu sai văn phạm.
I MET AN OLD FRIEND. Chủ từ là I, động từ là MET, túc từ là AN OLD FRIEND. Kế đến JUST CAME là vừa đến, đó là động từ. Ðộng từ này thiếu gì cô Nhã Lan?
NHÃ LAN
Thưa thầy thiếu CHỦ TỪ, thiếu SUBJECT.
QA
Thưa anh, QA tưởng chủ từ là AN OLD FRIEND đó.
BBT
Cô không nên bắt ông bạn già của tôi làm quá nhiều việc. Ông ấy là túc từ cho động từ MET rồi, nỡ lòng nào cô bắt ông ấy làm thêm việc chủ từ cho động từ CAME. Có trả overtime cho ông ấy cũng không được. Luật lao động thì đúng nhưng luật văn phạm thì không đúng.
QA
Vậy anh nói phải dùng chữ gì ở đây để vừa thay thế, đại diện cho danh từ AN OLD MAN, vừa làm CHỦ TỪ (SUBJECT) cho CAME?
BBT
Ðây, chúng ta có quí nhân phò trợ, đó là LIÊN ÐẠI DANH TỪ RELATIVE PRONOUN WHO. Chúng ta dùng nó để thay, để đại diện cho túc từ (OBJECT) OLD MAN đồng thời lại làm chủ từ cho động từ CAME. Cho cô QA cơ hội nói lại cho đúng đấy.
QA
I MET AN OLD FRIEND WHO JUST CAME FROM VIETNAM.
BBT
Rất đúng. WHO là đại danh tự thay cho người và làm chủ từ, trong câu trên, WHO thay cho OLD FRIEND và làm chủ từ cho CAME. Cô Nhã Lan nối hai câu này làm một coi: WE HAVE TO WAIT FOR OUR FRIEND. OUR FRIEND ALWAYS COMES LATE.
NHÃ LAN
WE HAVE TO WAIT FOR OUR FRIEND WHO ALWAYS COMES LATE FOR EVERYTHING.
BBT
THERE IS A MASS FOR PRESIDENT DIEM. PRESIDENT DIEM WAS KILLED IN 1963.
QA
THERE IS A MASS FOR PRESIDENT DIEM WHO WAS KILLED IN 1963.
BBT
NGUYỄN DU WROTE A LONG STORY ABOUT A YOUNG WOMAN. THIS WOMAN HAD TO SELL HERSELF TO SAVE HER FAMILY.
NHÃ LAN
NGUYỄN DU WROTE A LONG STORY ABOUT A YOUNG WOMAN WHO HAD TO SELL HERSELF TO SAVE HER FAMILY.
BBT
Cám ơn hai cô. Nhưng những thí dụ vừa rồi là những trường hợp dùng LIÊN ÐẠI DANH TỪ LÀM CHỦ TỪ WHO.
Có những trường hợp như thế này nữa: I CAME TO VISIT MY HIGH SCHOOL TEACHER OF MANY YEARS AGO. I LOVE THIS TEACHER VERY MUCH. Nếu nối hai câu này lại với nhau, cô Nhã Lan nghĩ chúng ta có thể dùng WHO để thay cho cô giáo ở câu trước và luôn cho cả cô giáo ở câu sau được không?
NHÃ LAN
Ðược. Ðể Nhã Lan thử nối hai câu lại với nhau nhé: I CAME TO VISIT MY HIGH SCHOOL TEACHER OF MANY YEARS AGO WHO I LOVE VERY MUCH.
QA
QA nghĩ là không được, vì trong câu sau, cô giáo là TÚC TỪ của động từ LOVE. Không thể dùng WHO (OBJECT) được, vì anh nói WHO chỉ có thể đóng vai CHỦ TỪ (SUBJECT) mà thôi. QA nhớ TÚC TỪ LIÊN ÐẠI DANH TỪ là WHOM. Phải bỏ WHO đi, thay bằng WHOM mới đúng.
BBT
Cám ơn cô QA. Tôi sẽ phải khen cô với các con của cô mới được. Nhã Lan sửa lại coi.
NHÃ LAN
I CAME TO SEE MY HIGH SCHOOL TEACHER OF MANY YEARS AGO WHOM I LOVE VERY MUCH.
BBT
Ðúng. Hai cô nghe hai câu này nhé: I SUPPORT SENATOR McCAIN. I VOTED FOR SENATOR McCAIN LAST YEAR. Cô Nhã Lan nối hai câu này làm một và giải thích tại sao cô nối như thế.
NHÃ LAN
I SUPPORT SENATOR McCAIN WHOM I VOTED FOR LAST YEAR.
Nhã Lan dùng WHOM vì SENATOR McCAIN là OBJECT, túc từ trong mệnh đề thứ nhì. OBJECT của Liên Ðại Danh Từ thay thế cho người là WHOM, không thể là WHO được.
BBT
Cám ơn cô Nhã Lan. Cô nối hai câu này làm một coi: I FINALLY TALKED TO MS THÁI THANH. I ADMIRE MS THÁI THANH A LOT. Cô sẽ dùng WHO hay WHOM?
QA
QA nhớ câu này của một cô giáo ngày xưa dậy QA ở Sài gòn, đó là nếu đại danh từ trong câu sau là HE hay SHE thì dùng WHO. Nếu đại danh từ trong câu sau là HIM hay HER thì dùng WHOM. WHO dùng làm chủ từ (SUBJECT). WHOM dùng làm túc từ (OBJECT)
I FINALLY TALKED TO MS THÁI THANH. I ADMIRE MS THÁI THANH A LOT hay I ADMIRE HER A LOT cũng vậy, cùng nghĩa. Vậy thì QA sẽ dùng WHOM để thành I FINALLY TALKED TO MS THÁI THANH WHOM I ADMIRE A LOT.
BBT
Cám ơn cô. Bây giờ chúng ta ôn lại WHO và WHOM. Tôi sẽ đọc hai câu lên, rồi hai cô nối chúng lại với nhau, dùng RELATIVE PRONOUNS WHO hay là WHOM.
IT WAS THE ANNIVERSARY OF THE DEATH OF PRESIDENT THIEU. HE DIED IN 2001.
NHÃ LAN
IT WAS THE ANNIVERSARY OF THE DEATH OF PRESIDENT THIEU WHO DIED IN 2001 IN BOSTON.
BBT
HERE IS MISTER VÕ PHIẾN. YOU TALKED ABOUT HIM ALL THE TIME.
QA
HERE IS MISTER VÕ PHIẾN, THE AUTHOR OF THE BOOK WHOM YOU TALKED ABOUT ALL THE TIME.
BBT
Ðúng. Hai cô có Tylenol không?
NHÃ LAN
Có đây, cả hai học trò đều đang cần đây. Uûa sao thầy cũng cần nữa sao?
BBT
Nhức đầu quá. WHO với lại chả WHOM. Chắc phải vài ba kỳ nữa tôi mới dám trở lại với RELATIVE SENTENCES, RELATIVE CLAUSES và RELATIVE PRONOUNS. Còn mệt hơn làm rể Chương Ðài nữa.
Công anh làm rể Chương Ðài
Một mình ăn hết mười hai vại cà
Giếng đâu thì dắt anh ra
Kẻo mà anh chết với vại cà nhà em…
Ðâu, thuốc nhức đầu đâu…
Thuốc đâu xin hãy đưa nhanh
Kẻo tôi chết với bài văn phạm này
QA
Thôi, hai học trò tha cho thầy để sẽ trở lại vào tuần tới. Chuyện chưa hết đâu thưa thầy. Còn những trường hợp khác nữa. Còn WHOSE, THAT, WHICH nữa chứ thầy. Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.