October 1, 2009

October 2, 2009

Ngày 28 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Mãi mấy hôm trước, đọc tờ New York Times trang A-35, tôi mới biết ở nhà ga Grand Central Terminal, New York, hành khách có thể xin một tấm giấy để chứng nhận cho việc đi muộn hay về muộn của mình.

Tấm giấy không văn chương mầu mè, chỉ vỏn vẹn có 2 câu: "Chứng nhận chuyến tầu 904 theo thời biểu dự tính tới Grand Central Terminal vào lúc 6 giờ 34 phút chiều đã bị trễ 20 phút trong ngày ghi trên đầu thư. Chúng tôi xin lỗi về những bất tiện đã gây ra ." (This is to verify that train 904 due to arrive at Grand Central Terminal at 6:34 P.P. was delayed 20 minutes on above date. We regret any inconvenience.)

Tấm giấy nội dung như trên được phát cho bất cứ ai cần khi tầu bị trễ. Và theo tờ New York Times thì ngày nào cũng có người xin. Người thì mang ra sở, người thì mang về nhà tùy tiện, và bởi thế tấm giấy mới bắt đầu bằng câu bâng quơ, đầy giọng nói đổng, trúng ai nấy chịu: To Whom It May Concern.

Câu To Whom It May Concern – gửi cho người mà tấm giấy này có liên quan. Dính líu, liên hệ … nghe cứ như một câu trống không, như nói giữa đồng vắng, gửi vào thinh không. Nhưng vậy lại hóa ra tiện. Muốn đưa cho ai cũng được. Khỏi phải "… đắn đo không viết … viết đưa ai, ai biết mà đưa…" Ðỡ phải thành thật khai báo rằng mẹ cháu nó ác lắm, đi làm mà về muộn thì chỉ có ăn cơm nguội nằm nhà ngoài. Vậy nên người xin tấm giấy, cứ tùy nghi đưa vào chỗ nào cũng được, không cần phải lôi bản tin chiến sự (?) ra đọc, với đầy đủ số thương vong, thiệt hại của ta và địch, đồng thời li cho người ngoài ngắm nghía … cái lưng của mình.

Mang ra sở để quăng cho cậu chủ hay mợ chủ hắc ám biết là cậu / mợ đến sở còn muộn hơn cái xe điện tôi đi sáng nay nhiều, hay mang về nhà, đẩy, nhét qua kẹt cửa cho người đang đứng phục kích sau cửa đọc, trước khi tra chìa vào ổ khóa , bước vào, dịu dàng "Honey … I’m home!" hệt như cảnh nước Mỹ thuở thanh bình thịnh trị trong các bức họa của Norman Rockwell.

Vậy ra người Mỹ cũng khổ như thế đấy. Chứ nếu không thì tại sao lại phải giấy tờ hành chánh nhiêu khê đến thế?

Nhưng đã chắc gì những tấm giấy đó làm được công việc nó được trao phó? Thí dụ về muộn chỉ là một trong nhiều điều cũng rất cần được giải thích thì sao? Còn những chuyện khác mà người cầm giấy cũng cần phải khôn hồn thì phải trả lời cho lọt tai.

Thí dụ tại sao xe điện hôm nay có mùi nước hoa Versace chẳng hạn. Hay tại sao hôm nay về muộn mà lại không đói, lại ăn ít hẳn đi là thế nào? Hay duyên cớ gì, xe điện chạy lạng quạng muộn cả nửa tiếng, mà vẫn tươi tỉnh vui vẻ như là thích … xe điện chạy không đúng giờ lắm?

Những chi tiết vừa kể cũng rất cần được giài thích, cắt nghĩa cho hợp lý. Mà tờ giấy của nhà ga cấp thì vẫn còn để lại rất nhiều thắc mắc.

Tờ New York Times cho biết là ở Boston, Los Angeles và thủ đô nước Mỹ , các hành khách đi xe bị trễ có thể gọi điện thoại yêu cầu những tờ giấy chứng nhận đi muộn gửi thẳng về nhà.

Tại sao lại phải gửi về nhà thì chỉ có những người trong cuộc mới biết được.

Nếu những tấm giấy chứng nhận đi muộn đó chỉ có hai ba dòng như nhà ga Grand Central Terminal gửi về nhà, gửi bảo đảm, gửi cấp tốc, gửi overnight, gửi phát riêng, gửi gì gì đi chăng nữa thì cũng chẳng ăn thua gì hết.

Nếu chúng không kèm theo những lời giải thích khác nữa.

Muốn đầy đủ thì phải viết như thế này: "Thưa …. Chuyến xe điện đương sự đáp để về nhà chiều nay đã gặp trở ngại kỹ thuật trên đường ở cột cây số 23. Tổng cộng chuyến trở về chiều nay hết tất cả 142 phút. Mùi nước hoa lạ trên cổ áo của các hành khách là do một tai nạn ở trên xe khi tầu thình lình phải ngưng lại. Nhiều hành khách không đeo nịt an toàn nên đã té vào nhau. Và những mùi nước hoa, mùi eau de Cologne , mùi nước cạo râu .. đã di chuyển từ hành khách này sang hành khách khác . Và trong những lúc tầu bị xô đẩy như thế trước khi ngừng hẳn lại, những môi son cũng có thể vô tình quét phải cổ áo của một số hành khách. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền cho những hành khách phải giặt khô để tẩy các vết son này.

Nhiều hành khách đã tỏ ra rất thông cảm với những chuyện bất thường này và thái độ đó đã trở thành những nụ cười theo các vị này về đến tận nhà. Chúng tôi thành thật cám ơn các hành khách có thái độ luôn luôn lạc quan vui vẻ này. Trên xe lửa, trong lúc chờ lưu thông được tái lập, chúng tôi cũng đã mời các hành khách dùng bữa chiều nhẹ ở toa hàng ăn. Chúng tôi cám ơn các hành khách đã chiếu cố toa hàng ăn của chúng tôi.

Chúng tôi cũng xin lỗi về những bất tiện mà chuyến xe chiều nay có thể tạo ra cho quí vị. Kính chào quí vị."

Trình cái giấy này ra thì may ra mới thoát chết. Nhưng sáng ra đi làm, cổ đeo cá cà vạt xanh, chiều đeo cái đỏ thì công ty xe điện không thể can thiệp được. Kể cả việc đem chuyện Dương Bố trong Cổ Học Tinh Hoa ra ấn cho nó (?) đọc cũng không bảo đảm là thoát.

Hạnh phúc phải chăng là không bao giờ cần phải xin một cái giấy ấm ớ của ông xếp ga?


Ngày 29 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Trong một chương trình phát thanh ở đây hồi tuần trước, tôi nghe được một câu chuyện của một cặp vợ chồng già vừa kỷ niệm 80 năm chung sống . Chỉ riêng chiều dài của cuộc hôn nhân của hai người cũng đã là số năm tháng dài hơn chiều dài đời sống của rất nhiều người trên thế giới, nói chi đến tuổi thọ của hai cụ.

Cụ ông Edmund Sobieski được 103 tuổi. Cụ bà Genevieve thì đúng 100 tuổi. Hai cụ ở với nhau từ năm cụ ông 23 tuổi và cụ bà mới 20 tuổi. Sống được tới một thế kỷ đã là khó. Sống chung được với nhau 80 năm thì nhất định là hơn "cổ lai hy" rất nhiều.

Trong thế giới mà tuổi thọ trung bình là từ 35 đến 76 tuổi, dĩ nhiên nhà báo phải hỏi hai cụ bí quyết sống lâu và bí quyết sống chung. Những bí quyết để sống được hơn 100 năm thì không thấy đài phát thanh đề cập đến. Chắc chỉ là chuyện kiêng cái này, cữ cái nọ, dùng nhiều cái này, dùng ít cái kia, tập thể dục, thể thao, sống cho vệ sinh, xa lánh các thói xấu mà nhiều người trong chúng ta không lạ gì.

Nhưng nhà báo cũng lại ghi bí quyết sống chung hòa bình của hai cụ. Cụ ông tiết lộ rằng khi cụ bà bực bội, thì cụ ông không làm gì hết ngoài việc lôi cái "thinh" (?) ra làm, nghĩa là làm thinh, không nói năng gì.

"When the lady is upset. Be quiet."

Làm thinh là bí quyết giúp hai cụ ở được với nhau lâu dài. Nhưng bí quyết này không thể là bí quyết mà tất cả những người chồng đều có thể đem ra áp dụng để hy vọng bóc thêm được vài ba chục cuốn lịch khác với nhau như cuộc hôn nhân dài 80 năm của hai cụ Sobieski.

Làm thinh không phải luôn luôn đem lại những kết quả tốt đẹp đó. Biết bao nhiêu người Việt trầm lặng vì làm như cụ Edmund mà đời sống hôn nhân bị cắt ngắn, thình lình bị đẩy ra ngoài cuộc sống vợ chồng. Làm thinh nhiều khi rất là không được. Bên này làm thinh mà bên kia không làm thinh thì cuộc " đối thoại" có thể sẽ nghe như thế này:

"… Sao anh không nói gì? Anh lì hả? Anh không thèm nói chuyện với tôi hay sao? Tôi không xứng đáng để được anh trả lời nữa à? Tôi làm cái gì mà anh khinh bỉ tôi như thế? Anh nhất định thi gan với tôi à? Sao anh không mở miệng ra nói đi? Anh không biết nói à? Anh câm rồi sao? Anh không thể cư xử với tôi như thế. Tôi là một con người. Tôi xứng đáng được đối xử như một con người. Tôi xứng đáng để được trả lời khi hỏi, để được nói chuyện, để được thảo luận một cách bình đẳng . Tôi không phải là một cục đá. Anh không thể coi tôi là một cục đá. Anh không thể đối xử với tôi như một con chó. Con chó anh còn nói chuyện với nó. Vậy mà tôi không được anh đối xử ngang với một con vật nữa. Anh đối xử với tôi như thế mà được à? Anh cầm tinh con khỉ chứ anh cầm tinh con hến hồi nào mà anh không biết mở mồm ra? Anh đi đâu bây giờ? Anh không được đi đâu hết. Anh ngồi xuống đây nói chuyện với tôi. Tôi không muốn nói một mình, với cái tường, với cái bàn, với cái ghế. Anh phải trả lời tôi. Tôi không thể để cho anh giở trò im lặng như thế. Anh phải nói chuyện với tôi. Anh bầy trò Ăng lê "silent treatment" với tôi à? Tôi không Ăng lê, ăng liếc gì hết. Anh ăn nói giỏi lắm mà. Hay là tôi đụng tới con đĩ nào của anh? Anh coi nó là Trời à? Ðụng đến thì phạm húy hay sao? Anh đeo kính vào nói chuyện với tôi. Anh không được tháo kính ra để khỏi nhìn tôi nghe chưa? Anh không nghe, không nói, rồi lại còn không nhìn tôi nữa à? Anh coi tôi là điều xấu xa "evil" như cái tượng ba con khỉ "hear no evil, see no evil, say no evil" trên tủ sách của anh hả? Anh đừng có cười nhạt như thế. Có giỏi thì cười to lên coi. Anh vừa phải thôi nghe chưa! Anh đừng tưởng anh đánh bài lì, giờ trò lờ với tôi mà được. Ừ, thì tôi nói nhiều đấy. Sao ngày xưa anh viết thư cho tôi rằng anh chỉ muốn nghe giọng của tôi nói là anh ngủ mới yên? Anh đừng có giả bộ ngủ. Tôi nói thì không ai được ngủ cả biết không? À bây giờ tôi mới hiểu câu anh viết trong thư tán tỉnh tôi là như thế đó. Tôi đâu có biết là anh đã chán tôi từ lúc chưa lấy tôi. Tôi đâu biết là anh nghe giọng nói của tôi là anh chỉ muốn bỏ đi ngủ cho rồi. Anh độc ác như thế mà tôi không biết. Tôi cứ tưởng là anh yêu tôi, thích giọng nói của tôi, anh cần nghe tôi mỗi buổi tối. Tôi không ngờ đã bị anh lừa gạt trong suốt thời hoa niên. Tôi ở với anh như bát nước đầy. Tôi yêu thương anh, một lòng, một dạ với anh mà anh nỡ lòng nào đối xử với tôi như thế? À, anh còn tháo cái máy trợ thính ra từ bao giờ? Ô hay, anh còn tháo cả cục pin tôi mới mua hồi chiều từ lúc nào? Anh lắp cục pin tôi mới mua vào máy, đeo vào tai rồi ra đây nói chuyện tiếp với tôi. Anh nhất định không nói gì nữa với tôi hay sao? Anh có biết cái trò đó là "passive agressiveness" không? Tôi điên lên rồi anh biết không? Anh không muốn nói chuyện với tôi thì mai nói chuyện với luật sư của tôi nhá …"

Và như thế, không thể có 80 năm xây dựng lâu đài tình ái được. Cụ Edmund, cụ đừng xúi dại những người đàn ông Mỹ nữa chứ.


Ngày 30 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Nếu có một giải thưởng để tặng cho câu hay nhất trong năm, tôi nghĩ giải thưởng đó phải được trao cho câu viết trong bức thư mà người bạn tôi vừa nhận được. Ðó là bức thư mà người Mỹ gọi là "A Dear John letter", một bức tuyệt tình thư. Tác giả bức thư khó viết đó, như bạn cũng đã đoán được, là một phụ nữ.

Viết những bức thư như thế đòi hỏi rất nhiều công sức. Thí dụ phải viết thế nào để sau khi gửi đi rồi, nếu hai bên tình cờ gặp nhau ngoài phố, sẽ không cần ni này phải gọi cảnh sát bắt người kia, mà vẫn có thể chào hỏi nhau như những người văn minh nhất của thế giới. Do đó, nhưng bức thư như vậy nhất định không thể có những câu thẳng thắn và mạnh dạn như "you son-of-a-bitch, you good-for-nothing scum, get the hell out of my life …"

Phải nhẹ hơn, phải vuốt nhẹ một cái, rồi vuốt thêm một cái nữa, cái nữa. Phải giết một cách nhẹ nhàng.

Cho nên không thể viết những câu có hai mệnh đề kiểu như "Anh cái gì cũng được hết, chỉ phải mỗi tội …" Và liệt kê ra một trong bốn chục lý do như sau:

1. Anh ở dơ quá.

2. Anh không chịu dùng deodorant em mua cho anh bao giờ cả. Bộ anh muốn giết cái mũi mới sửa của em hay sao?

3. Anh nói phét giàn trời, chẳng nhường em nói gì hết.

4. Anh không được tổng thống Iran ái mộ.

5. Anh "lease" cái xe Lexus chứ nó có là của anh bao giờ đâu.

6. Anh làm thơ có nhiều câu … giống Vũ Hoàng Chương quá hà.

7. Anh bắt em trả nửa tiền hôm anh đưa em đi ăn ở McDonald’s để mừng sinh nhật em.

8. Anh không cho em gác chân.

9. Anh không khen em rằng khi ngủ, em nghiến răng trèo trẹo mà vẫn có duyên như thường.

10. Anh muốn cả nhà em phải gọi anh là nhà thơ.

11. Anh ngáy to hơn em.

12. Anh cứ bắt em khen anh nói tiếng Mỹ của anh hay hơn ông hàng xóm Mỹ.

13. Anh bắt em đi sửa mắt.

14. Anh ghen với Tuấn Vũ và Chế Linh.

15. Anh nhất định nghĩ rằng size của em là 34-C.

16. Anh không chịu rửa chân trước khi đi ngủ.

17. Anh không chịu đứng ra ngoài mỗi khi em nấu phở làm em không biết đâu là anh, đâu là cái thùng nước lèo cả.

18. Anh mê tiệm bún bò hơn là anh mê em.

19. Anh đòi xỏ lỗ tai để xài chung bông tai của em.

20. Anh lén xem bằng lái xe của em dể biết tuổi thật của em.

21. Anh cắt hết những quảng cáo sửa sắc đẹp quăng đi trước khi đem báo vào nhà.

22. Anh không cho em đi giầy cao gót khi đi chơi với anh.

23. Anh bắt em phải đọc thơ của anh.

24. Anh tô môi son dở hơn ca sĩ Tuấn Anh.

25. Anh dùng buồng tắm lâu quá.

26. Anh không bao giờ hạ bàn cầu xuống làm em bị … lạnh quá hà.

27. Anh nói trong mơ, gọi em là con cọp cái, khi em phản đối thì anh chữa thành con cọp … giấy.

28. Anh bắt em nghe hết cuộn băng anh hát.

29. Anh không nghe hết cuộn băng em hát.

30. Anh không tin trước đây em là hoa khôi trường Bàn Cờ.

31. Anh nói tuổi thật của em cho mấy con đĩ ngựa của anh biết.

32. Anh không biết nói dấu số cân của em trước mặt người lạ.

33. Anh nói em hiền như "ma soeur" rồi cười lăn xuống đất.

34. Anh hăm sẽ ra mắt tập thơ của anh.

35. Anh có cái đuôi ngựa dài hơn của em.

36. Anh lấy sợi dây thun của em để cột cái đuôi ngựa của anh.

37. Anh lén đi học bơi trước khi rủ em đi "cruise" ở Trung Mỹ.

38. Anh cho em ăn có một tô mì rồi đòi em phải viết báo khen tập thơ của anh.

39. Anh đổ tất cả các chai thuốc nhuộm tóc của em đi rồi thay nước lạnh vào.

40. Anh khoe anh là người hay nhường nhịn bằng cách nhường cho em mập hơn anh.

Tôi nghĩ tất cả những câu trên đều không thể dùng được là vì tôi đã là người nhận và đọc tất cả những lá thư đó. Tôi biết.

Câu đáng được giải thưởng không hề xuất hiện trong những bức thư tôi nhận được trong cuộc đời ái tình và sự nghiệp của tôi .

Nhưng người đàn ông tôi quen, không biết chàng tu ở đâu và tu từ kiếp nào mà chàng lại nhận được một câu hay như thế này: "Anh cái gì cũng được hết, chỉ mỗi tội anh trí thức quá à."

Trời đất, quà từ biệt mà cho nhau được một câu như thế thì làm sao hai người không tiếp tục là bạn của nhau cho được?

Tại sao đời tôi không bao giờ được nghe một câu như vậy?

Trong khi những người như Robert Redford thì lúc chia tay được câu "chỉ phải mỗi tội anh đẹp trai quá."

Hay Donald Trump … chỉ tại anh giầu quá.

Hay Nguyễn Xuân Hoàng … chỉ tại Người Ði Trên Mây nhiều quá.

Hay Nguyễn Mộng Giác … chỉ tại Ngựa Nản Chân Bon quá.


Ngày 1 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Hôm nay, cả hai hãng thông tấn AFP lẫn Reuters đều loan tin về một người đàn ông Ai Cập bị tòa bác đơn xin ly dị vợ.

Vậy mà trước đây, tôi cứ tưởng tại quốc gia Hồi giáo này, đàn ông luôn luôn được dành cho mọi sự dễ dãi khi muốn lấy vợ cũng như khi muốn ly dị vợ. Chẳng là theo luật Hồi giáo, người đàn ông chỉ cần nói ba lần câu "Tôi ly dị cô. Tôi ly dị cô. Tôi ly dị cô" là chấm dứt những rắc rối giữa hai người như tôi đọc được trong những tài liệu về Hồi giáo hay sao?

Nhưng có thể là theo luật Ai Cập, quốc gia Hồi giáo tương đối ít cuồng tín nhất, người phụ nữ được đối xử khác với lối đối xử kiểu trung cổ ở các nước Hồi giáo khác như Yemen, Afghanistan chăng?

Bản tin cho biết một toà án ở tỉnh Qena thuộc miền nam Ai Cập đã phán rằng người đàn ông này không được phép ly dị vợ với lý do mà ông ta nại ra trong đơn. Người đàn ông này đưa vợ ra tòa xin chấm dứt cuộc sống vợ chồng vì người đàn bà này chỉ có một vú. Người chồng nói rằng người phụ nữ mà ông cưới về làm vợ cách đây 20 tháng đã không cho ông biết về chi tiết bất thường này nơi cơ thể, và ông sợ rằng vợ ông sẽ không thể nuôi con được như những người đàn bà bình thường khác. Tòa bác đơn của ông, nói rằng vợ ông có sức khỏe tốt và tòa thấy là không có lý do gì bà không thể là một người vợ và một người mẹ tốt.

Trường hợp không thể là mẹ tốt, theo ca dao Việt Nam là phải thiếu cả hai, chứ nếu có một, thì vẫn có thể được, và vì thế, người đàn bà này, như phán quyết rất có lý của tòa án, vẫn có thể làm mẹ như những phụ nữ khác.

Có thể người chồng có những lý do khác để không muốn ở với người phụ nữ này.

Rất có thể ông có nghe nói về một bộ lạc phụ nữ tên là Amazon sống ở gần Hắc hải, mà theo thần thoại Hy Lạp, để bắn cung cho giỏi, tất cả những người phụ nữ này đều cắt bỏ vú bên phải của họ cho khỏi vướng dây cung, và vì thế, ông sợ người vợ một vú của ông có thể là một chiến sĩ Amazon tạm xếp cung tên lo chuyện chồng con nên ông muốn bước ra trước khi quá muộn chăng?

Ông lo xa hơi quá, vì giỏi như Penthesilea, nữ hoàng của bộ lạc Amazon vẫn bị Archilles giết trong trận đánh ở thành Troie cơ mà. Nỗi lo sợ của ông không có cơ sở.

Hay ông đã bị nghe một câu đay nghiến như câu mà ông hàng xóm cũ của tôi ở Sài Gòn bị vợ tặng cho chăng? Người đàn ông ở bên cạnh nhà tôi một hôm vui chơi với bạn bè, về nhà sau giờ giới nghiêm mà bà vợ ban hành, bà đổ cho ông gian díu với một phụ nữ khác và nói thẳng với ông rằng bà sẵn sàng để cho ông đi theo con đĩ ấy nếu nó có 3 "cái trên" và 2 "cái dưới" chứ nếu nó chỉ có 2 "cái trên" và 1 "cái dưới" thì nó có khác gì bà ở nhà đâu mà ông phải đi kiếm ở bên ngoài cho mất công.

Tôi nghe được câu phát biểu đầy chân lý đó, đến nay vẫn còn phục những câu nói của các phụ nữ miền Nam yêu quí, những câu nói vừa hợp lý vừa thẳng thắn.

Tưởng tượng người đàn bà Ai Cập này cũng nói một câu tương tự, nhưng trừ bớt đi một "cái trên", tức là 2 "cái trên" thì trách sao ông chồng chẳng đòi ra đi.

Hay ông thỉnh thoảng lại bị bà sai làm việc nọ việc kia rồi đâm ra chán cuộc sống với bà đến nỗi phải xin chấm dứt cuộc sống ấy? Ông đã thiệt thòi so với những người đàn ông khác, lại bị vợ lâu lâu vô tình đụng phải sự thiệt thòi đó, thí dụ sai, nhờ chồng làm vài ba việc trong nhà thì cứ sai, cứ nhờ, nhưng có cần phải nhắc ông về những thiệt thòi đó không? Chẳng hạn bắt đầu câu có cần phải nói "Anh rảnh (một) tay (?), tắt hộ em cái đèn, rồi rảnh (một) tay, anh đưa cho em tờ báo... rảnh (một) tay anh lấy cho em ly nước trên bàn ngủ, rồi rảnh (một) tay anh gãi lưng cho em đi..."

Có cần phải nhắc ông ta mãi về sự rảnh tay của ông không?

Ông tòa ở Qena khi bác đơn xin ly dị của người chồng có lẽ cũng nên nhắc người vợ mấy điều ở trên thì mới hy vọng hai người ở được với nhau lâu dài.


Ngày 2 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Tuy đứng cùng một phe với Mussolini trong những năm đệ nhị thế chiến, nhưng không bao giờ Hitler dành cho Mussolini và nước Ý của ông trùm Phát Xít này một chút nể trọng nào.

Nước Ý của Mussolini, theo Hitler, có quyển sách mỏng nhất thế giới trong đó ghi tên các anh hùng, dũng tướng, trong khi quyển sách dầy nhất thế giới, lại là cuốn sách ghi những chuyện tình ái của người Ý, đàn ông cũng như đàn bà. Theo Hitler, mấy cậu người Ý chỉ giỏi chuyện trai gái, đến lúc ra trận thì dở ẹc, dở nhất thế giới.

Nhưng Hitler thực ra cũng không ngoa ngôn quá lắm khi nói như thế. Người Ý quả là có huê tình, có phong nguyệt thật. Bé nứt mắt ra mà đã giỏi thì như Romeo và Juliet. Già mà vẫn đại phong tình thì như Giovanni Giacomo Casanova De Seingalt.

Trò phong tình của người Ý còn lan sang cả những thứ trên người của họ: thời trang, quần áo, xe hơi... Tất cả những thứ cần thiết để phục vụ đời sống tình ái, người Ý đều giỏi. Các studio nổi tiếng nhất thế giới về vẽ kiểu quần áo, ca vát, đồng hồ, xe thể thao đều ở nước Ý. Các hãng Ford và Volkswagen đều đã phải nhờ studio Ghia của Ý vẽ kiểu xe Mustang và Karman chẳng hạn.

Thế thì người Ý chắc phải giỏi trò tán nhau lắm. Không thế mà bao nhiêu phụ nữ Mỹ phải lũ lượt đi sang Ý cho đàn ông Ý cấu đít ở ngoài đường, trên xe bus, xe điện... cho bõ những ngày cơ cực.

Nhưng có thể nào nước Ý ngày nay đang trên đà đi xuống sau những lúc hưng thịnh nhất về tình ái đó chăng? Có thể nào trò huê tình của người Ý cũng cùng một số phận tàn phai, sụp đổ tan tành như đế quốc La Mã sau khi đã lên đến tột đỉnh của văn minh không?

Người ta có thể nghĩ vậy khi biết là ở La Mã hiện nay, rất nhiều đàn ông đang phải ghi tên, đóng tiền đi học những lớp dậy tán tỉnh, quyến rũ, rù quyến phụ nữ. Học phí cho một khóa hai ngày tương đương với gần hai trăm đô la Mỹ và trường dậy đã có khá nhiều học viên đủ mọi loại tuổi, từ 19 đến 60 tuổi, nhưng hầu hết là hạng tuổi ba mươi, bốn mươi.

Các học viên được dậy những gì thì bản tin tôi đọc được của Reuters không nói rõ. Lớp sẽ do các giảng viên như thế nào phụ trách, giờ thực tập các học viên sẽ phải làm gì, và có bài tập làm ở nhà (homework) không, và bài tập đó là gì?

Ðó là những điều nhiều người muốn biết, mà không biết hỏi ai, chẳng lẽ ném ra hai trăm Mỹ kim để thỏa mãn tính tò mò. Nhưng bản tin có thể làm cho nhiều người cảm thấy tự tin hơn. Giỏi có tiếng như người Ý mà cũng còn phải đi học huống chi mình. Có bị ngúng nguẩy, xí, nguýt cho một cái thật dài, rồi bỏ đi thì cũng chẳng sao. Tắt đèn làm lại cho đến khi một tay túm được tóc, tay kia vác cái chầy vồ, kéo về hang đá là xong.

Seduction, là môn dậy của các lớp học này. Seduction không chỉ là tán tỉnh (court), mà còn tiến xa hơn thế nữa. Tán tỉnh là mới đứng ở bờ suối, chờ con hươu đến uống nước để bắn và trong khi chờ đợi, thì thả lời ong bướm, khen chị rằng chị có đôi chân ít lông, tóc dính mỡ lợn trông đẹp ác, cái mũi đeo cục xương xuyên giữa hai lỗ mũi trông sexy chết được. Trò này đã có từ thời đồ đá khi tổ tiên chúng ta vừa rời những cái ổ trên cây bước xuống đồng bằng săn bắn, kéo nhau vào hang đá để ở. Mấy chục ngàn năm trước là như thế.

Bây giờ có hơi khác một chút.

Cái chầy vồ không còn lúc nào cũng vác theo nữa. Và thay vì túm tóc kéo về, thì mời leo lên cái Mercedes. Thay vì quăng về phía góc hang đá nàng đang ngồi miếng thịt hươu còn rỏ máu vừa cắt bằng cục đá lửa có cạnh sắc, thì trước mặt là miếng filet mignon, hai ly đỏ, tiếng vĩ cầm bài Fascination...

Chắc mấy lớp học ở La Mã dậy cũng bài bản như vậy là cùng. Carlo Della Torre, một trong những giảng viên của lớp học này nói rằng seduction dựa trên khung cảnh khoảng 60%, dựa trên đương sự làm công việc tán tỉnh quyến rũ khoảng 30% và đối tượng chỉ 10%. Như vậy, khung cảnh quan trọng nhất. Không thể giữa trưa nắng lôi nàng vào quán hủ tiếu, gọi bình trà "Hai Con Cua," đánh vật với cái dầu cháo quẩy vừa dai vừa nhạt thếch rồi, cầm tay nàng mà tỏ tình được. Ít ra cũng phải cái quán ngó xuống biển đêm lấp lánh bạc, tiếng sóng vỗ trong kè đá, thoảng chút gió lùa qua những chiếc cửa kính ở bờ biển La Jolla hay gần cầu Kim Môn ở Cựu Kim Sơn...

Còn 30% kia thì phải sạch sẽ một chút, đừng có hà tiện nước hai ba tuần mới tắm một lần, tóc tai như mấy anh Cro Magnon trong hang mới bò ra.

Còn 10% kia thì cứ là Cindy Crawford, là Sharon Stone, là Củng Lợi … là được.

Ôi nếu như thế thì cớ gì phải sang tận nước Ý, chi hai trăm đô la làm gì? Cứ làm đúng vài ba điều ở trên là đứa nào cũng chết. Hay tại đàn bà Ý hồi này quá khó chịu nên mới cần phải một khóa học như thế? Hay là những cú cấu đít của đàn ông Ý không còn ăn khách nữa?


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


CONDITIONAL SENTENCES
(Nhã Lan ghi lại)

QUỲNH ANH

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. NHÃ LAN, QUỲNH ANH, và Bùi Bảo Trúc xin kính chào quí vị.

Trong chương trình hôm nay, NL và QA sẽ vẫn đóng vai học viên để truy bài, khảo bài ông giáo Trúc và để hỏi vấn đáp ông thầy về những chuyện liên quan đến tiếng Anh. Nhã Lan và QA mời quí vị đặt câu hỏi với ông giáo và QA sẽ chuyển lại để cho ông giáo phải nặn óc trả lời, bù lại những lần ông khó khăn với học sinh như hồi ông còn đi dậy học ở Việt Nam.

Chương trình hôm nay sẽ đề cập tới một số vấn đề trong Anh ngữ , trong đó có một thắc mắc của Nhã Lan. Mời Nhã Lan.

NHÃ LAN

Trong suốt thời gian vận động bầu cử, NL đã nghe rất nhiều những câu tuyên bố của các ứng cử viên cũng như các thân hữu của họ tại hai cuộc đại hội toàn quốc của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Nhã Lan nghe biết bao nhiêu là giả thiết là nếu ông này thắng thì nước Mỹ sẽ như thế này, nếu liên danh kia đắc cử thì chuyện gì sẽ xẩy ra cho nước Mỹ vân vân. Toàn là những giả thiết cả. Nhã Lan nhớ tới những câu giả thiết trong tiếng Anh mà Nhã Lan học từ thời còn đi học, nhưng nay quên gần hết, thỉnh thoảng nói sai, hai cô con gái lại chữa tiếng Anh của mẹ. Hôm nay, nhờ thầy giáo giảng lại, giúp trí nhớ cho Nhã Lan để khỏi bị cảnh trứng khôn hơn vịt nữa.

QA

Thực ra, về tiếng Anh thì với những người như Nhã Lan và QA, trứng có khôn hơn vịt thật. Lũ con được đi học trường Mỹ từ bé nên trứng khôn và giỏi hơn vịt là đúng. QA cũng rất thắc mắc về những câu giả thiết trong tiếng Anh, muốn học để nói sao cho đúng thưa anh.

BBT

Thực ra, những câu giả thiết trong tiếng Anh cũng không khó gì. Giả thiết cách hay là SUBJUNCTIVE MOOD , hay những câu giả định, CONDITIONAL SENTENCES, trong tiếng Anh có HAI PHẦN tất cả.

Một phần là IF CLAUSE đưa ra một giả thiết, một điều không có thật, chưa xẩy ra, không bao giờ xẩy ra, hay đã xẩy ra nhưng không giống như sự tưởng tượng của chúng ta. Phần thứ HAI là chuyện sẽ xẩy ra, đã không xẩy ra, hay đã xẩy ra nếu giả thiết trở thành sự thật.

QA

Anh vừa nói những câu giả thiết trong Anh không khó khăn gì , nhưng mấy điều anh nói ra sau đó, QA thấy rắc rối quá.

NHÃ LAN

Ðúng rồi, anh nói lại, cho vài thí dụ xem QA và Nhã Lan có hiểu rõ hơn không.

BBT

Ðây, chuyện này có xẩy ra vào lúc này không?

NẾU BÂY GIỜ TRỜI MƯA.

QA

Bây giờ trời không mưa. Ðó là chuyện không xẩy ra vào lúc này.

BBT

Còn cô Nhã Lan, khi tôi nói NẾU TÔI ÐANG CÒN HAI MƯƠI TUỔI thì sao?

NHÃ LAN

Không thể có chuyện đó. Nhã Lan rất buồn phải nói với thầy Trúc rằng chuyện thầy Trúc 20 tuổi là một quá khứ rất xa rồi thưa anh, xa lắm lắm rồi. Hơn bốn mươi năm đã ra đi không trở lại kể từ khi anh 20 tuổi rồi mà.

BBT

Thế còn khi nói NẾU NĂM 1954 TÔI KHÔNG DI CƯ VÀO SÀI GÒN

QA

Anh đã di cư vào Sài Gòn. Như thế giả thiết đó KHÔNG ÐÚNG. QA có gặp anh ở Sài Gòn sau năm 1954 mà. QA nói đùa đó.

BBT

Thế khi nói NẾU TÔI Ở LẠI HÀ NỘI NĂM 1954. Cô Nhã Lan cho biết sự thực thì như thế nào.

NHÃ LAN

Sự thực là anh KHÔNG ở lại Hà Nội. Giả thiết đó cũng không đúng.

BBT

Bây giờ hai cô hiểu những trường hợp giả thiết đó chưa?

QA

QA hiểu rồi. Nhưng những thí dụ anh đưa ra, có chuyện có thể xẩy ra, cũng có chuyện không xẩy ra, không bao giờ xẩy ra, không bao giờ có thể là sự thực. Lại có những chuyện đã xẩy ra mất rồi, hay đã không xẩy ra như QA tưởng tượng. Không cách nào cứu vãn được nữa.

BBT

Như vậy, cô QA hiểu rõ vấn đề rồi. Cô Nhã Lan cũng hiểu rõ rồi chứ. Bây giờ chúng ta xét từng trường hợp một. Cô QA, khi nói NẾU MAI TRỜI NẮNG và NẾU MAI TRỜI CÓ TUYẾT thì cô thấy hai câu IF CLAUSE, tức là hai câu đưa ra những giả thiết ở trên có gì khác nhau không?

QA

QA thấy một chuyện có thể xẩy ra được. Một thì không bao giờ. Ở nam California thì ngày mai trời có thể nắng, chuyện nắng là chuyện có thể xẩy ra ở California , nhưng ở Little Saigon thì sẽ không bao giờ có tuyết.

BBT

Ðúng . Cô NL, cô cho hai thí dụ cho hai trường hợp như vậy đi.

NHÃ LAN

NẾU LÁT NỮA RẢNH. Ðây là chuyện có thể xẩy ra.

NẾU Nhã Lan TRÚNG ÐỘC ÐẮC. Chuyện này thì hy hữu quá. Cơ hội là 1 trong 20 triệu. Gần như không bao giờ xẩy ra.

QA

Nhưng tại sao trong tiếng Anh, những trường hợp như thế lại cần phải phân biệt ra. QA thấy trong tiếng Việt thì cứ nói NẾU TÔI RẢNH RỖI, TÔI SẼ ÐI SHOPPING. Hay NẾU TÔI LÀ ÐÀN ÔNG, TÔI SẼ ÐỂ RÂU. Mọi người đều hiểu QA không bao giờ là đàn ông nên chuyện để râu sẽ không thể xẩy ra được. Ai cũng thấy ngay điều đó. Tiếng Anh mệt quá.

BBT

Tiếng Anh phân biệt rõ hai trường hợp QA vừa nêu ra.

Một giả thiết có thể xẩy ra, có thể trở thành sự thật.

Trong trường hợp đó, cứ việc dùng THÌ HIỆN TẠI (PRESENT TENSE)

IF I HAVE TIME / IF YOU COME / IF HE BRINGS HIS FRIEND/ IF SHE LIKES COFFEE / IF WE COME LATE / IF THEY GO BY BUS

Và câu sau , câu nói là nếu những giả thiết ở trên thành sự thật, thì những gì sẽ xẩy ra, tức là hậu quả của điều kiện đưa ra trong câu IF, câu NẾU, câu đưa ra giả thiết, chúng ta dùng thì HIỆN TẠI hay TƯƠNG LAI (FUTURE TENSE) đều được.

QA

IF I HAVE TIME, I WILL COOK DINNER FOR YOU.

IF YOU COME, WE CAN GO FOR A PICNIC.

IF HE BRINGS HIS FRIEND, WE WILL CLEAN UP THE GARDEN.

BBT

Cám ơn cô QA. Còn cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

IF SHE LIKES COFFEE, WE CAN GO TO STARBUCKS.

IF WE COME LATE, SHE WILL NOT WAIT FOR US.

IF THEY GO BY BUS, IT WILL BE CHEAPER.

BBT

Như vậy , hai cô đều đã hiểu rõ nhữõng trường hợp có thể xẩy ra, có thể là sự thật, có thể diễn ra mà không khó khăn gì. Nhưng cũng có những trường hợp khó xẩy ra, hay không bao giờ xẩy ra.

Thí dụ:

IF I WERE YOUNGER / IF YOU KNEW THE ANSWER/ IF HE COULD READ TWO BOOKS A DAY / IF SHE SAID YES TO HIM / IF WE STAYED HOME TONIGHT / IF THEY WENT SKIING TODAY

QA

Tất cả đều là những chuyện khó hay không bao giờ xẩy ra vào lúc này. QA thấy rồi. QA nhớ hồi học văn phạm ở trung học, cô giáo gọi những trường hợp đó là UNREAL PRESENT. Quan trọng là chữ PRESENT. Ðó là những trường hợp KHÔNG ÐÚNG TRONG HIỆN TẠI.

NHÃ LAN

Những trường hợp ấy, chúng ta nghe thấy động từ dùng trong thì quá khứ là biết ngay đó là những chuyện KHÔNG THỂ XẨY RA VÀO LÚC NÀY. Nhã Lan lẫn lộn vì hai chữ UNREAL PRESENT, mà lại là những chuyện KHÔNG XẨY RA VÀO LÚC NÀY, TRONG HIỆN TẠI.

QA

Có điều phải nói ở đây là động từ TO BE LUÔN LUÔN LÀ WERE. KHÔNG BAO GIỜ LÀ WAS, cho dù I cũng là I WERE, HE cũng là HE WERE , và SHE cũng luôn luôn là SHE WERE.

BBT

Cám ơn cô QA, tôi vừa định nhắc chi tiết đó thì cô lại nói hộ rồi. Vì thế, IF I WERE A BILLIONAIRE.

NHÃ LAN

Nhã Lan biết mình sẽ không bao giờ là một tỉ phú nên không thể nói IF I AM A MILLIONAIRE phải không anh?

BBT

Ðúng thế.

QA

Hèn chi, QA bị mấy đứa con sửa lưng là ở những trường hợp vừa kể ở trên. Cũng không thể nói IF SHE IS MY SISTER. Và IF SHE WAS MY SISTER cũng không được. Phải nói IF SHE WERE MY SISTER hay IF MY SON WERE IN VIETNAM NOW, không thể nói IF MY SON IS hay IF MY SON WAS phải không anh? Bao giờ cũng phải nói IF MY SON WERE IN VIETNAM.

BBT

Như vậy, cả hai cô hình như đã hiểu UNREAL PRESENT. Thế thì đoạn sau chúng ta nói như thế nào?

NHÃ LAN

Trong phần thứ HAI của câu CONDITIONAL SENTENCE, chúng ta dùng COULD, SHOULD, WOULD và MIGHT với động từ chính nguyên mẫu, KHÔNG CÓ TO phải không thưa anh?

Thí dụ

IF I WERE YOUNGER, I WOULD GO BACK TO UNIVERSITY.

IF YOU KNEW THE ANSWER, YOU COULD HELP ME.

IF HE COULD READ 2 BOOKS A DAY, HE MIGHT FINISH THE THREE KINGDOMS (TAM QUỐC CHÍ) IN 3 DAYS.

BBT

Còn cô QA, cô còn thắc mắc gì nữa?

QA

QA thử nói như thế này có đúng không thầy giáo...

IF SHE SAID YES TO HIM, HE WOULD NOT GO TO SEATTLE TO STUDY.

IF WE STAYED HOME TONIGHT, WE COULD WATCH HỒN VIỆT TELEVISION.

IF THEY WENT SKIING TODAY, THEY MIGHT BE DISAPPOINTED.

BBT

Cám ơn hai cô. Bây giờ đến những trường hợp rắc rối hơn. Ðó là nhng giả thuyết trái hẳn với những gì đang xẩy ra, nghĩa là có đũa thần cũng không thay đổi được vì những chuyện đó đã xẩy ra mất rồi.

NẾU VUA QUANG TRUNG KHÔNG CHẾT TRẺ…

NẾU TỔNG THỐNG DIỆM KHÔNG BỊ ÐẢO CHÍNH…

NẾU KHÔNG CÓ VỤ 30 THÁNG TƯ…

NẾU BIN LADEN LÀ NGƯỜI TỬ TẾ…

Tiếng Anh gọi những trường hợp đó là UNREAL PAST, những chuyện KHÔNG CÓ THẬT TRONG QUÁ KHỨ.

NHÃ LAN

Vì tất cả đều không như thế, đều không là những điều đã xẩy ra trong quá khứ. Vua Quang Trung chết trẻ khi mới 40 tuổi, tổng thống Diệm thì đã bị đảo chính và tổng thống Diệm đã bị giết, vụ 30 tháng 4 đã xẩy ra, Bin Laden không tử tế, là một con ác quỉ. Trong những trường hợp như thế, những trường hợp UNREAL PAST, chúng ta nói thế nào trong câu IF thưa anh?

BBT

Chúng ta dùng IF và PAST PERFECT, tức là HAD và PAST PARTICIPLE của động từ chính. Cô QA nói bằng tiếng Anh mấy câu trên coi .

QA

IF EMPEROR QUANG TRUNG HAD NOT DIED YOUNG…

IF PRESIDENT DIEM HAD NOT BEEN ASSASSINATED…

IF SAIGON HAD NOT COLLAPSED

IF BIN LADEN HAD BEEN A KIND MUSLIM…

BBT

Phần sau, chúng ta dùng SHOULD HAVE hay COULD HAVE, WOULD HAVE, MIGHT HAVE và PAST PARTICIPLE của động từ chính.

Thí dụ

If Emperor Quang Trung HAD NOT DIED young, the map of Vietnam WOULD HAVE BEEN larger.

If President Diem HAD NOT BEEN ASSASSINATED, the histoy of Vietnam MIGHT HAVE TURNED OUT differently.

NHÃ LAN

Ðể Nhã Lan nói tiếp đoạn sau nhé:

If Saigon HAD NOT COLLAPSED, I COULD HAVE BECOME a pharmacist.

If Bin Laden HAD BEEN a kind Muslim, the Twin Towers in New York SHOULD HAVE BEEN still there.

BBT

Như vậy, hai cô hiểu CONDITIONAL SENTENCES chưa?

QA

Rồi. QA hôm nay về nhà không còn sợ bị con dậy dỗ về điều kiện cách nữa.

QA sẽ nói với mấy đứa còn ngồi xem TV rằng IF I WERE YOU, I SHOULD HIT THE BOOKS INSTEAD OF SITTING IN FRONT OF THE TELEVISION.

BBT

Nhưng nếu con QA nói thế này thì QA trả lời ra làm sao?

IF WE HAD HONVIET TELEVISION ...

Quỳnh Anh sẽ nói với con thế nào?

QA

Quỳnh Anh sẽ nói thế nào đây. Thôi hay là cho các con coi một chút vậy.

If we HAD Honviet TV , then you COULD WATCH TV for another fifteen minutes.

If you WATCHED Honviet TV, you COULD SEE me on the screen.

Ðó là những trường hợp UNREAL PRESENT, không có thật trong hiện tại, vì tuần tới QA mới dọn nhà, mới gắn DIRECT TV để xem Hồn ViệtTV trên băng tần 2078.

BBT

Cám ơn cô QA. Bây giờ, đến lượt cô Nhã Lan, cô cho nghe một hai thí dụ về UNREAL PAST để coi cô đã hiểu rõ và cặn kẽ về Conditional Sentences chưa.

NHÃ LAN

Nếu năm 1954 anh không di cư, nhưng thực ra thì anh đã di cư. Ðó là điều kiện. Chuyện ở lại Hà Nội sau năm 1954 là chuyện không xẩy ra cho anh trong quá khứ. Ðó là UNREAL PAST. Vậy thì phải nói là IF YOU HAD STAYED IN HANOI AND HAD NOT GONE TO SAIGON ... đúng không thưa anh?

BBT

Ðúng. Bây giờ cô cho nghe nốt đoạn sau xem sao.

NHÃ LAN

YOU WOULD HAVE GONE TO HUNGARY TO STUDY

YOU WOULD NOT HAVE BEEN SPEAKING ENGLISH.

YOU COULD HAVE BEEN A WORKER IN A FACTORY OUTSIDE HANOI.

BBT

Rất đúng.

IF I HAD STAYED IN HA NOI AND NOT GONE TO SAI GON, I MIGHT HAVE DIED SOMEWHERE IN TRUONG SON.

I COULD HAVE FERTILIZED THE RUBBER PLANTATION IN AN LOC.

I COULD NEVER HAVE MET YOU IN THE USA.

QA

Và QUYNH ANH COULD NEVER HAVE STUDIED AND WORKED WITH YOU IN LITTLE SAIGON RADIO AND HONVIET TELEVISON phải không thưa thầy?

NHÃ LAN

Và câu này là gì đây thưa anh:

IF HE HAD KNOWN THAT I HAD MARRIED

OH MY GOD, WOULD HE HAVE FELT SAD?

BBT

Nếu biết rằng tôi đã có vợ

Trời ơi người ấy có mừng không...

NHÃ LAN

Lần này thì thầy sai: Ðúng ra là nếu biết rằng tôi đã có chồng / Trời ơi người ấy có buồn không...

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.