March 26, 2015

March 27, 2015

NHỮNG CON RUỒI ĐỎ VÔ THỪA NHẬN

Khi Vương ông gặp nạn, buổi sáng trong căn nhà của ông bỗng đầy một bọn nách thước tay đao, đầu trâu mặt ngựa, những tên sai nha mà Nguyễn Du gọi là đám “ruồi xanh” vo ve kéo đến giở đủ mọi trò khốn nạn ra với cái gia đình tự nhiên mắc phải ách giữa đường khởi đầu cho những oan khiên kéo dài suốt mười lăm năm cho người con gái tài sắc họ Vương.
Những con ruồi xanh mà tác giả truyện Kiều dùng để tả bọn nặc nô chắc là những con ruồi trâu hay những con nhặng có lẽ chúng làm phiền người ta nhiều hơn là gây ra được những thảm họa kinh hoàng như những thứ ôn hoàng dịch lệ khác. Nhưng phiền nhiễu thì chúng có tạo ra rất nhiều thật.
Bọn ruồi bọ ấy hôm 14 tháng 3 vừa qua lại thấy xuất hiện ở khu tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội tại một buổi dâng hương đặt vòng hoa tưởng niệm 64 binh sĩ hải quân bị Tầu Cộng thảm sát ở Gạc Ma năm 1988. Khi những người tham dự lễ tưởng niệm tiến lên đặt những bó hoa trên những bậc thang dẫn lên tượng đài Lý Thái Tổ thì bọn ruồi nhặng ào tới đứng len vào giữa những người đặt vòng hoa và tượng đài vị vua khai sáng ra nhà Lý. Những con nhặng này trương ra những lá cờ búa liềm che lấp hẳn pho tượng vua Lý và những vòng tay cung kính niệm hương cho các chiến sĩ hải quân anh hùng bỗng nhiên trở thành hành động cung kính dành cho lá cờ búa liềm. Những con ruồi này mặc trên người những chiếc áo đỏ với ngôi sao vàng  rất mới. Những lá cờ búa liềm cũng rất mới được ủi phẳng phiu rõ ràng là được mang theo sẵn sàng cho trò phá thối của chúng.
Bọn ruồi toàn là những đứa còn rất trẻ, khoảng ngoài hai mươi, một vài đứa mặt mũi cũng sáng sủa. Những đứa khác thì có cái nét hung ác lạ lùng. Người ta gọi bọn chúng là những dư luận viên, những danh từ  có thể mang những ý nghĩa tốt đẹp thực ra chỉ được  dùng để  gọi cái thứ côn quang mà nhà cầm quyền dùng để đàn áp, khống chế những tiếng nói chống lại chính phủ. Thí dụ tên du côn bịt miệng cha Lý tại tòa án năm nào. Hay bọn mất dậy ném phân và rác rưởi vào nhà Trần Khải Thanh Thủy, văng tục vào mặt thân nhân blogger Điếu Cày trước pháp đình Sài Gòn…
Những con ruồi tại vườn hoa Lý Thái Tổ là những thành phần mất dậy như thế đó. Đặc biệt có một đứa  bản mặt nhâng nháo đầy vẻ thách thức như sẵn sàng kiếm chuyện với những người đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ bỏ mình ở Gạc Ma. Tên thanh niên này có khuôn mặt cực kỳ lưu manh của một tên điểm chỉ. Nó không làm gì hết ngoại trừ việc  bầy ra một nét khiêu khích thấy rõ và người ta nghĩ ngay là những người trong toán dâng hương nếu có bất cứ hành động mạnh nào là nó  bạo động ngay.
Nếu bọn ruồi này tìm cách phá những người tổ chức tưởng niệm vụ Hoàng Sa thì người ta có thể hiểu. Bọn Cộng Sản từ suốt mấy chục năm nay vẫn cấm nhắc đến Hòang Sa  và những hy sinh của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng chúng cũng lại không muốn nhắc đến những cái chết ở Gạc Ma vì sợ làm phiền lòng  các đồng chí ở phuơng Bắc, ấy là chưa nói đên  cái lệnh khốn nạn của bọn lãnh đạo (qua Lê Đức Anh, bộ trưởng quốc phòng lúc ấy) không cho phép binh sĩ nổ súng vào tầu Trung Quốc để tự vệ và bảo vệ tổ quốc.
Bọn côn quang rõ ràng là người của nhà nước đưa tới phá thối. Ai là người dám lăng mạ những người chiến đấu và hy sinh vì tổ quốc. Cũng không có người Việt Nam nào đầu óc bình thường lại chống lại việc tưởng niệm các chiến sĩ bỏ mình vì nước dẫu cho đó là những người lính Việt Nam Cộng Hòa, nói chi đến các chiến binh của  nhà nước Cộng Sản  Việt Nam.
Sau khi vụ này diễn ra và hình ảnh được thu lại rồi truyền đi trên mạng, bọn cầm quyền liền phải họp báo nói rằng những thành phần kéo đến vườn hoa Lý Thái Tổ không phải là người của nhà nước mà do dân chúng tự phát.
Thế là bọn ruồi đỏ trở thành một lũ con hoang vô thừa nhận. Rõ khổ. Làm công việc nhà nước ra lệnh rốt cuộc lại bị chính nhà nước phủ nhận để thành con hoang đẻ rơi đẻ rớt đầu đường xó chợ. Nhưng nhà nước phủi tay như vậy cũng không được. Đáng lẽ phải them vài ba câu tuyên bố để chạy cái tội làm tay sai cho Tập sếnh sáng nữa chứ. Ít nhất thì cũng phải một hai câu ghi nhận những hy sinh của 64 binh sĩ (Việt Nam Cộng Sản) chết tức tưởi ở Gạc Ma năm 1988 chứ!
Hay là lại sợ bị bọn thái thú mới bợp tai đá đít chết cha mấy con luôn?       

March 19, 2015

March 20, 2015

TỘI NGHIỆP TIẾNG NGA

Một đôi lần xem  lướt qua mấy chương trình thi hát ở trong nước phát sóng trên một  đài truyền hình ở đây, ngoài cảm tưởng khó chịu khi nghe các giám khảo “rặn” mãi mới ra được vài ba câu rỗng tuếch để phê bình các giọng hát dự thi, tôi cũng thấy được một điều lâu nay không để ý. Mà cũng có thể nhiều người khác cũng đã  thấy điều ấy. Đó là vài thí sinh dự thi đã đem những ca khúc bằng tiếng Anh ra trình bầy. Cả rock lẫn hip hop, luôn cả rap nữa. Các ca khúc này có thể do chính các thí sinh hay do các nhạc sĩ trong nước sáng tác, cũng có vài bài hát nổi tiếng của ngoại quốc.

Nhạc Mỹ, nhạc Anh được  trình bầy thoải mái. Vài giọng hát trong nước ra hải ngoại cũng hát được rất hay các ca khúc của Carpenters, của ABBA…

Nhưng  hoàn toàn không thấy bất cứ một bài hát nào xuất xứ từ  đất nước của ông Putin cả. Ra nước ngoài không hát những thứ nhạc ấy là chuyện dễ hiểu. Nhưng ở trong nước  hình như cũng không thấy ca sĩ nào hát những bản nhạc Nga.

Có thể giải thích chuyện không thấy một bản nhạc Nga nào được đem trình diễn mà chỉ có nhạc Anh và Mỹ được hát lên là vì những thứ nhạc này trẻ trung hơn, gần với tuổi trẻ hơn. Có thể đúng và có thể không vì chắc chắn tuổi trẻ ở Nga cũng phải có nhạc của họ chứ. Thế thì tại sao? Hay vì tiếng Nga không hay bằng tiếng Anh? Không hẳn là như thế. Nước Nga cũng có một nền văn học rất đẹp. Các tác phẩm văn chương nổi tiếng của   Nga được đọc ở khắp nơi trên thế giới. Tolstoy, Dostovsky… vân vân.

Thế thì tại sao tiếng Nga lại bị chê như thế? Trong hơn nửa thế kỷ qua, quốc gia tạo được nhiều ảnh hưởng nhất tại Việt Nam về đủ mọi lãnh vực chắc chắn phải là nước Nga. Nhưng  ngày nay, có được bao nhiêu người nói và viết thông thạo tiếng Nga? Nhất định là không nhiều lắm. Ngoại trừ một số rất ít được cho học hành tử tế để làm công việc nghiên cứu và dịch thuật, ở Việt Nam có rất ít người nói giỏi tiếng Nga. Đó là những thành phần lớn tuổi và có học. Không thể kể những thành phần đi lao động làm phu phen, buôn lậu, bán chợ trời ở Nga hiện nay.

Tuổi trẻ đổ xô đi học các ngoại ngữ khác hơn là tiếng Nga. Luôn cả những thứ tiếng khác như tiếng Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp … ngôn ngữ của những nước từng một thời than thiết và gần gũi với Việt Nam cũng không còn có được nhiều người học. Con số người tìm học tiếng Anh là con số đông đảo nhất. Rồi sau đó đến tiếng Hoa, tiếng Nhật và luôn cả tiếng Hàn vì những lý do thực dụng như kiếm việc, xuất khẩu lao động. Dĩ nhiên vẫn còn người học tiếng Nga nhưng đó là con số thảm hại khi nghĩ tới ảnh hưởng của Nga ngữ đáng lẽ ra phải rất đáng kể với hơn nửa thế kỷ trợ giúp và dẫn dắt nước Cộng sản Việt Nam.

Tôi nghĩ thành phần trẻ Việt Nam đến với tiếng Anh  bằng một sự yêu mến đời sống và văn hoá của các nước nói tiếng Anh như Hoa kỳ, Úc, Canada…

Sách học tiếng Anh  cũng vui và thiết thực hơn. Chắc chắn sẽ không có những câu tiếng Anh kiểu như người ta đọc thấy trong một cuốn sách dậy tiếng Anh của Bắc Triều Tiên như câu: “Let us drive the US imperialists out and unite our fatherland under the glorious leadership of our beloved Great Leader” (chúng ta hãy cùng đuổi bọn đế quốc Mỹ ra khỏi tổ quốc dưới sự lãnh đạo quang vinh của lãnh tụ vĩ đại kính yêu).

Lại cũng không thấy có một người Việt nào lấy một cái tên Nga nào đặt cho mình hay cho con mình. Trong khi có người đặt cho con tên tài tử Đại Hàn, hay tên một cầu thủ bóng tròn là Rê Nan Đô như một bài báo trong nước vừa cho biết khi bàn về vấn đề tên tuổi của người Việt, những tên nào nên tránh hay không cho phép đặt. Tôi chưa thấy một người Việt nào mang tên Ivan, Micha, Natasha, hay Boris...

Thế thì chuyện tiếng Nga không được ưa chuộng sau mấy chục năm hai nước gần gũi nhau chỉ có thể là vì cái chế độ đem ảnh hưởng tới Việt Nam là cái chế độ quá đáng ghét mà thôi. Ghét nó rồi ghét lây sang tiếng Nga luôn.

Nghĩ cũng tội nghiệp cho tiếng Nga, một ngôn ngữ chắc cũng đẹp lắm chứ có xấu đâu.


Còn anh Ba X tiếng Tây không biết, tiếng Anh cũng không và tiếng Nga thì mù tịt chỉ là vì vừa dốt vừa thất học mà thôi. Chích đít trong rừng thì như vậy đó.

March 12, 2015

March 12, 2015

 CƯỚP CÓ VĂN HÓA

Thỉnh thoảng đọc báo trong nước người ta lại "choáng" người vì những thứ chữ nghĩa mới của tiếng Việt.
Sau những vụ cướp phá để giành nhau cái kiệu hoa tre, cái mâm trầu cau và một vài món bầy trên bàn thờ tại lễ hội làng Gióng hôm đầu năm, người ta lại được nghe một vài chữ mới trong tiếng Việt. Lễ hội làng Gióng diễn ra mỗi đầu năm (ngày 6, 7, 8 Tết) để kỷ niệm Phù Đổng Thiên Vương, cậu bé năm tuổi nghe tin giặc Ân tràn sang đánh phá nước Việt đã vươn vai đứng dậy, xin vua cấp cho một con ngựa sắt để đánh giặc. Người anh hùng làng Phù Đổng nhẩy thoắt lên yên con ngựa sắt, mang gươm vua ban đi đánh ngoại xâm. Khi kiếm gẫy, ngài nhổ những bụi tre mọc bên đường lên để đánh giặc tiếp. Đọan sử thật đẹp nghe tưởng như huyền thoại hoang đường. Nhưng nhìn những bức ảnh chụp tại nơi tổ chức lễ hội thì những người hoài nghi nhất về cánh đánh giặc của cậu bé lên 5 trước đó không biết đi, không biết nói cũng phải tin là người làng Gióng chắc đã dùng thân của những cây tre đánh bại giặc Ân là chuyện thật.

Hình ảnh phản cảm trong tục cướp lộc hoa tre tại hội Gióng (Ảnh: Q.Đô)

Trong những hình ảnh chụp ở lễ hội, một số thanh niên đã cầm những thanh tre lớn giao chiến rất hung tợn để cướp lộc đầu năm. Khi chuyện xô xát được báo chí tường thuật kèm theo hình ảnh và video thì những người có trách nhiệm tổ chức lễ hội liền tuyên bố là không hề có chuyện cướp lộc, đanh nhau bằng gậy gộc. Trái lại, những người trong ban tổ chức khẳng định là lễ hội đã diễn ra một cách tốt đẹp, trong không khí trật tự nhất từ trước tới nay. Như thế, những ảnh chụp, những đoạn video là láo toét hết.
Và ông Nguyễn Văn Thiệu đã sai bét.
Ông nói đừng tin những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm. Suốt mấy chục năm nay, ai cũng nói rằng câu ông Thiệu nói là đúng phóc, không ai có thể bẻ bai ông được chỗ nào. Nhưng chuyện lễ hội làng Gióng cho thấy tổng thống Thiệu nói sai.
Nhìn những bức ảnh chụp và những đoạn video thu tại làng Gióng rồi sau đó nghe những lời tuyên bố của ban tổ chức thì người ta thấy ngay câu nói của ông Thiệu sai nặng. Hình ảnh và video cho thấy toàn những cảnh bạo động hung hãn của đám thanh niên vô lại đánh nhau để giành giật vài ba món đồ cúng. Trong khi ban tổ chức thì nhất định nói là không có hỗn chiến, trái lại, lễ hội đã diễn ra một cách êm thắm, tốt đẹp.
Như vậy cần phải sửa câu nói của tổng thống lại một chút để thành đừng tin những gì camera thu được mà hãy nghe kỹ những gì mấy anh răng đen mã tấu nói.
Nhưng mấy anh này vừa nhất định rằng lễ hội diễn ra êm thắm, không hề xẩy ra chuyện đánh nhau, cướp lộc, giành giật mấy món đồ cúng thì phó chủ tịch huyện Sóc Sơn tên là Lê Hữu Mạnh tự nhiên phát ngôn rằng chuyện đánh nhau, cướp lộc là chuyện thường, muốn có lộc thì phải cướp.
Ô hay vừa có người khẳng định là không xẩy ra chuyện ăn cướp lộc thì anh Lê Hữu Mạnh lại nói là có đánh nhau, có ăn cướp và đó cũng chỉ là chuyện bình thường. Ăn cướp bây giờ được coi là bình thường ư? Mà như vậy là có chuyện ăn cướp và đánh nhau ở lễ hội. Người nói không, người nói có. Thế thì biết tin ai đây?
Đang thắc mắc khôn nguôi như vậy thì có thêm một anh khác nhẩy vào cuộc. Phan Đăng Long, phó trưởng ban tuyên giáo thuộc thành ủy đảng Cộng Sản Hà Nội nhận là có diễn ra chuyện cướp lộc và có xô xát nhưng vụ cướp ở hội Gióng là “cướp có văn hóa”.
Như vậy là “cướp có văn hóa” thì không còn là cướp nữa. Cảnh giành giật, phang nhau bằng gậy tre vỡ đầu sứt trán để cướp chiếc kiệu tre, mâm trầu cau, vài ba món lộc xuân, những cái bánh Tết ở hội làng Gióng là văn hóa đấy. Cứ dán cho cái nhãn văn hóa là xấu cũng thành đẹp ngay.
Vồ câu thơ của Lý Bạch nhận là của mình đem cho gái như anh chàng Vũ Khiêu hôm Tết, rồi lại còn cười nham nhở đứng chụp hình kỷ niệm với gái cũng là thuổng, chôm, vồ, đạo thơ có … văn hóa đấy chứ.
Thảo nào được gọi là học giả nghiên cứu các vấn đề văn hoá, lại còn được phong anh hùng lao động nữa chứ.
Đấy văn hoá là như vậy đó. Phía ấy là cướp có văn hóa thì đây đạo thơ cũng có văn hóa chứ có thua đứa nào đâu !

NHỮNG CHIẾC KHĂN QUÀNG ĐỎ

Tuần qua, trong internet người ta được xem hai trận kịch chiến miễn phí không phải trả tiền mới được coi như một số trận (pay per view) trên các đài truyền hình Mỹ. Cả hai trận đều là võ tự do đánh tới bến luôn phối hợp cả Thai boxing, boxing và wrestling… Có gọi những trận đó là Ultimate Fighting, những trận quyết đấu, thì cũng đúng. Nhưng khác những trận của Ultimate Fighting Federation, hai trận trong internet không phải là hai trận song đấu giữa hai võ sĩ, mà là hai trận đấu hội đồng, một chọi ba, bốn tới bẩy người. Một trận ở Hà Tĩnh và một trận ở Trà Vinh. Các đấu thủ thuộc hạng tuổi 15 hay 16.
Thẳng tay đánh bạn dã man tại Trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh. 

Trận ở Hà Tĩnh thì có lột quần áo. Trận ở Trà Vinh có gây đổ máu. Và cũng như một vài trận  Ultimate Fighting ở Mỹ, trận ở Trà Vinh có dùng ghế đánh đối thủ.
Trận Hà Tĩnh diễn ra ở ngoài đường. Trận Trà Vinh diễn ra trong lớp. Cả hai trận đều được thu hình bằng điện thoại cầm tay và sau đó được đưa lên facebook. Hai phe đều là các thiếu nữ. Riêng trận Trà Vinh còn có một đấu thủ nam nhẩy vào trợ chiến.
Khác các trận Ultimate Fighting của Mỹ, các trận quyết đấu Việt Nam thêm trò vừa đánh vừa chửi bằng những câu tục tĩu nhất. Tất cả đều là giọng nữ. Đó là những câu kê ra những món ăn khó kiếm để mời bên kia ăn. Một số hành động tình dục với cha mẹ, ông bà, tổ tiên của hai phía cũng được mô tả kỹ lưỡng. Vì thế những trận thư hùng cũng thêm phần hào hứng.
Hai phía đều quần áo giầy dép rất kiểu cọ. Nhớ lại những cô bạn thời còn đi học hay những người học trò những năm dậy học, các võ sĩ ngày nay tối tân hơn nhiều. Luôn cả những món đồ lót cũng hết sức tối tân như người ta đã nhìn thấy trong những trận quyết đấu được thu bằng video trước đây.
Trận diễn ra tại trường Lý Tự Trọng ở Trà Vinh dữ dằn hơn trận ở Hà Tĩnh. Võ sĩ bị đánh hội đồng bị thương tích khá nặng phải nghỉ học và không muốn trở lại trường nữa. Chính quyền địa phương đã phải vào cuộc để điều tra thêm và … để đấy như bao nhiêu vụ trước đây.
Con số những trận kịch chiến giữa các học sinh đang gây lo ngại cho rất nhiều người. Những trận đụng độ của các học sinh ở trường không chỉ là những trận chửi bới tục tằn mà nay luôn luôn là những vụ bạo động sử dụng cả các loại hung khí, mà cũng không chỉ diễn ra giữa các nam học sinh. Thường lại là các nữ sinh.
Trong trận thư hùng ở Trà Vinh, tất cả hai bên tham chiến đều đeo ở cổ những chiếc khăn quàng đỏ. Những chiếc khăn này là biểu tượng và đồng phục của đội viên Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh. Các học sinh được thu nhận vào thiếu niên tiền phong luôn luôn phải đeo những chiếc khăn quàng đỏ này khi còn theo học cấp 1 và cấp 2.
Tôi rất không thích những chiếc khăn này. Cứ trông thấy nó ở trên cổ của các học sinh này là tôi bị dị ứng và chỉ muốn quăng chúng đi. Rất nhiều lần tôi tưởng tượng nếu còn ở Việt Nam, mấy đứa con, rồi mấy đứa cháu đi học, đến trường đeo trên cổ những chiếc khăn đỏ như vậy thì tôi sẽ làm gì!
Nhưng hôm nay, xem lại đoạn video thấy mấy nữ sinh quàng khăn đỏ kịch chiến ngay trong lớp, tung ra những đòn rất hiểm: giật tóc đối thủ, dùng ghế nhựa thẳng tay quật lên đầu bạn, tay đấm, chân đạp thì tôi lại yêu những chiếc khăn quàng đỏ đó vô cùng.
Muốn được thu nhận vào đoàn chắc chắn phải có những điều kiện. Thí dụ phải thề trung thành với đảng Cộng Sản Việt Nam, phải kính yêu bác Hồ, phải học tập để chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng gương đạo đức của bác Hồ, phải là cháu ngoan của bác…

Các nữ sinh đánh nhau dã man như trong các video clip đều là những thành phần hội đủ các điều kiện kể trên mới được cho quàng khăn đỏ đấy chứ. Vừa đánh vừa chửi tục tĩu mới xứng đáng là thiếu niên tiền phong, cháu ngoan của bác. Kinh khiếp hơn nữa là những tiếng reo hò cổ vũ cho trận đánh. Không một nỗ lực nào để can ngăn vụ hành hung. Mấy đứa đứng ngoài thì lôi điện thoại cầm tay ra thu hình đưa lên facebook. Học sinh ngày nay đã trở thành một lũ mất dậy như thế rồi sao?

March 5, 2015

March 6, 2015

 HỌC GIẢ HỌC GIẾC

Mấy hôm đầu năm, ở trong nước, không ít người đã ồn hẳn lên về mấy bức ảnh chụp một người đàn ông có tuổi ôm hôn một phụ nữ trẻ khi cô cùng với gia đình đến thăm người đàn ông này tại nhà riêng của ông ta nhân dịp Tết.


Người đàn ông ấy mới đây đã qua được sinh nhật thứ 100, và được gọi là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Ông cũng đã từng nắm giữ một vài chức vụ khá quan trọng khác. Chuyện thăm viếng một người như ông của một phụ nữ trẻ là một việc làm đẹp, nhất là khi cô còn rất trẻ, lại có một cuộc sống sôi động rất ít liên quan đến văn hóa: cô là một hoa hậu mới đăng quang của Việt Nam.

Chuyện trở nên ồn ào khi nhiều ý kiến cho rằng việc ông ta ôm hôn người phụ nữ trẻ đến thăm ông là một việc không nên làm, vì việc đó không thích hợp với phong tục và tập quán của người Việt, nhất là ở cái tuổi của ông. Ông có thể cầm lấy tay cô gái, nói vài ba câu cám ơn, mừng tuổi cô là đủ. Không cần phải ôm lấy cô để hôn lên má như trong ảnh.

Đâu phải cứ thấy Hồ Chí Minh hôn môi mấy cháu nhi đồng rồi chàng cũng thừa thắng xông lên ôm hôn hoa hậu cho bõ những ngày cơ cực đâu.

Nhưng thực ra chuyện ôm hôn người phụ nữ trẻ đến chúc tết mình cũng chỉ là một chuyện có thể bỏ qua được. Cháu ra đến ngoài cửa, lấy khăn chùi mạnh mấy cái thì hết cái hôn ấy ngay chứ gì. Xong một chuyện.

Chuyện thứ hai là học giả tặng cho cô hoa hậu một đôi câu đối (?) do chính chàng viết tay trên giấy đỏ để cả hai cùng ký tên vào cho … tình.

Trí như bạch tuyết tâm như ngọc
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung

Hai câu rõ ràng là bằng chữ Hán nhưng chàng viết bằng chữ quốc ngữ với cách viết để người đọc sẽ nghĩ đó là hai câu đối. Nhưng hai câu chàng tặng cô hoa hậu không phải là hai câu đối vì chúng hoàn toàn không đối nhau: TRÍ không thể đối với VÂN. BẠCH TUYẾT không đối với Y THƯỜNG. TÂM là tiếng bằng không thể đối với HOA cùng là tiếng bằng. NGỌC không thể đối với DUNG vì ý không đối.

Câu trên nghĩa là đầu óc (cô hoa hậu) thì trong trắng như tuyết, quả tim thì như ngọc. Câu dưới là thấy mây thì nghĩ là xiêm áo và nhìn hoa thì ngỡ là dung nhan của nàng.

Nhưng câu “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” không phải là sáng tác của chàng. Chàng vồ của Lý Bạch (*). Đó là câu đầu của bài Thanh Bình Điệu gồm 3 đoạn mà Lý Bạch viết theo đơn đặt hàng của Đường Minh Hoàng để phổ thành ca khúc hát lên khi Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi thưởng hoa trong cung.
Chàng, giáo sư học giả Vũ Khiêu, thấy hay quá bèn chôm luôn viết cho thành hai câu tặng người đẹp. Nham nhở hết chỗ nói.

Nếu không biết tặng cô gái trẻ cái gì thì cứ đem cả bài Thanh Bình Điệu ra đọc cho cháu nghe, rồi cà kê giảng cho cháu, khen cháu như Lý Bạch ca Dương Quí Phi cũng đã là đủ. Nhưng chàng sốt ruột quá, không biết thơ phú để làm vài câu tặng hoa hậu, bèn lôi ngay thơ Lý Bạch ra chép cạnh câu “Trí như bạch tuyết tâm như ngọc” (không biết chàng mượn của ai) cho thành hai câu viết lằng nhằng giả bộ như thư pháp cho cháu phục lăn chiêng. Chàng viết láo lếu thế nào khiến cho chữ NHƯ đọc như chữ NGƯI.

Rồi chàng ký tên ở dưới và bảo cháu hoa hậu cùng ký tên ngay cạnh. Không hề có cái hoa thị kèm theo vài ba chữ chú thích nói mượn tạm một câu của Lý Bạch.

Thối không để đâu cho hết thối.

Không biết chàng học hành ấm ớ như thế nào nhưng khoe là tốt nghiệp (?) tú tài ở Hải Phòng rồi lên Hà Nội làm cu ly trong nhà thương của Pháp năm 1935. Ai cũng biết hồi ấy mà có cái bằng tú tài thì không ai đi làm lao công trong bệnh viện bao giờ. Chỉ có thứ phét lác thiếu "cơ sở" mới khai bố láo như thế. Rồi chàng theo cách mạng, lên rừng làm giáo sư và học giả nên mới có thứ chữ nghĩa chôm chỉa đem lòe cháu hoa hậu như khi cháu đến thăm chàng.

Chuyện thuổng thơ văn người khác thì chàng đã làm vài ba lần trước rồi chứ chuyện chôm thơ Lý Bạch nhận là của mình không phải là lần đầu. Người ta kể rằng chàng đã vồ hai câu trong đình làng An Trì thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng có từ đầu thế kỷ thứ XIX:

Vạn cổ càn khôn hưng tái tạo
Cửu vân nhật nguyệt ánh trùng quang

Và đem nguyên văn hai câu ấy về dâng (!) lên nhà thờ tổ họ Vũ của chàng ở Mộ Trạch, Hải Dương. Chàng nhận là của chàng cho … tiện.

Chao ôi, một giáo sư, học giả mà làm ăn như vậy hay sao. Có đạo thơ thì cũng nên chịu khó kiếm bài thơ nào ít ai biết trong mấy ngàn bài thơ Đường chứ sao lại ăn cắp ngay một câu con nít cũng biết là của Lý Bạch mà tặng hoa hậu bao giờ.

Thật là ngu hết chỗ nói. Hay là học giả ở Việt Nam thì phải như thế đấy!

Đó là chưa kể chuyện chàng từng đề nghị dùng hoa mào gà để làm biểu tượng cho nước Việt Nam. Rất may là cái đề nghị ngớ ngẩn đó của chàng đã không được hưởng ứng.

Sao lại có cái thứ học giả ngu xuẩn đến như vậy chứ !

(*)
Thanh Bình Điệu

I
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng

II
Nhất chi hồng điểm lộ ngưng hương
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường
Tá vấn Hán cung thùy đắc tự?
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang

III
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoa
Trường đắc quân vương đới tiếu khan
Giải thích xuân phong vô hạn hận
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can
 
Ngô Tất Tố dịch:

I
Thoáng bóng mây hoa nhớ bóng hồng
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong
Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy
Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông

II
Hương đông móc đượm một cành hồng
Non Giáp mây mưa những cực lòng
Ướm hỏi Hán cung ai mảng tượng?
Điểm tô nàng Yến tốn bao công

III

Sắc nước hương trời khéo sánh đôi
Quân vương nhìn ngắm những tươi cười
Sầu xuân man mác tan đầu gió
Cửa bắc đình Trầm đứng lả lơi