CƯỚP CÓ VĂN HÓA
Thỉnh thoảng đọc báo trong nước người ta lại "choáng" người vì những thứ chữ
nghĩa mới của tiếng Việt.
Sau những vụ cướp phá để giành nhau cái kiệu hoa tre, cái mâm trầu cau và một
vài món bầy trên bàn thờ tại lễ hội làng Gióng hôm đầu năm, người ta lại được
nghe một vài chữ mới trong tiếng Việt. Lễ hội làng Gióng diễn ra mỗi đầu năm (ngày
6, 7, 8 Tết) để kỷ niệm Phù Đổng Thiên Vương, cậu bé năm tuổi nghe tin giặc Ân
tràn sang đánh phá nước Việt đã vươn vai đứng dậy, xin vua cấp cho một con ngựa
sắt để đánh giặc. Người anh hùng làng Phù Đổng nhẩy thoắt lên yên con ngựa sắt,
mang gươm vua ban đi đánh ngoại xâm. Khi kiếm gẫy, ngài nhổ những bụi tre mọc
bên đường lên để đánh giặc tiếp. Đọan sử thật đẹp nghe tưởng như huyền thoại
hoang đường. Nhưng nhìn những bức ảnh chụp tại nơi tổ chức lễ hội thì những
người hoài nghi nhất về cánh đánh giặc của cậu bé lên 5 trước đó không biết đi,
không biết nói cũng phải tin là người làng Gióng chắc đã dùng thân của những cây
tre đánh bại giặc Ân là chuyện thật.
Trong những hình ảnh chụp ở lễ hội, một số thanh niên đã cầm những thanh tre lớn
giao chiến rất hung tợn để cướp lộc đầu năm. Khi chuyện xô xát được báo chí
tường thuật kèm theo hình ảnh và video thì những người có trách nhiệm tổ chức lễ
hội liền tuyên bố là không hề có chuyện cướp lộc, đanh nhau bằng gậy gộc. Trái
lại, những người trong ban tổ chức khẳng định là lễ hội đã diễn ra một cách tốt
đẹp, trong không khí trật tự nhất từ trước tới nay. Như thế, những ảnh chụp,
những đoạn video là láo toét hết.
Và ông Nguyễn Văn Thiệu đã sai bét.
Ông nói đừng tin những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm.
Suốt mấy chục năm nay, ai cũng nói rằng câu ông Thiệu nói là đúng phóc, không ai
có thể bẻ bai ông được chỗ nào. Nhưng chuyện lễ hội làng Gióng cho thấy tổng
thống Thiệu nói sai.
Nhìn những bức ảnh chụp và những đoạn video thu tại làng Gióng rồi sau đó nghe
những lời tuyên bố của ban tổ chức thì người ta thấy ngay câu nói của ông Thiệu
sai nặng. Hình ảnh và video cho thấy toàn những cảnh bạo động hung hãn của đám
thanh niên vô lại đánh nhau để giành giật vài ba món đồ cúng. Trong khi ban tổ
chức thì nhất định nói là không có hỗn chiến, trái lại, lễ hội đã diễn ra một
cách êm thắm, tốt đẹp.
Như vậy cần phải sửa câu nói của tổng thống lại một chút để thành
đừng tin những gì camera thu được
mà hãy nghe kỹ những gì mấy anh răng đen mã tấu nói.
Nhưng mấy anh này vừa nhất định rằng lễ hội diễn ra êm thắm, không hề xẩy ra
chuyện đánh nhau, cướp lộc, giành giật mấy món đồ cúng thì phó chủ tịch huyện
Sóc Sơn tên là Lê Hữu Mạnh tự nhiên phát ngôn rằng chuyện đánh nhau, cướp lộc là
chuyện thường, muốn có lộc thì phải cướp.
Ô hay vừa có người khẳng định là không xẩy ra chuyện ăn cướp lộc thì anh Lê Hữu
Mạnh lại nói là có đánh nhau, có ăn cướp và đó cũng chỉ là chuyện bình thường.
Ăn cướp bây giờ được coi là bình thường ư? Mà như vậy là có chuyện ăn cướp và
đánh nhau ở lễ hội. Người nói không, người nói có. Thế thì biết tin ai đây?
Đang thắc mắc khôn nguôi như vậy thì có thêm một anh khác nhẩy vào cuộc. Phan
Đăng Long, phó trưởng ban tuyên giáo thuộc thành ủy đảng Cộng Sản Hà Nội nhận là
có diễn ra chuyện cướp lộc và có xô xát nhưng vụ cướp ở hội Gióng là “cướp có
văn hóa”.
Như vậy là “cướp có văn hóa” thì không còn là cướp nữa. Cảnh giành giật, phang
nhau bằng gậy tre vỡ đầu sứt trán để cướp chiếc kiệu tre, mâm trầu cau, vài ba
món lộc xuân, những cái bánh Tết ở hội làng Gióng là văn hóa đấy. Cứ dán cho cái
nhãn văn hóa là xấu cũng thành đẹp ngay.
Vồ câu thơ của Lý Bạch nhận là của mình đem cho gái như anh chàng Vũ Khiêu hôm
Tết, rồi lại còn cười nham nhở đứng chụp hình kỷ niệm với gái cũng là thuổng,
chôm, vồ, đạo thơ có … văn hóa đấy chứ.
Thảo nào được gọi là học giả nghiên cứu các vấn đề văn hoá, lại còn được phong
anh hùng lao động nữa chứ.
Đấy văn hoá là như vậy đó. Phía ấy là cướp có văn hóa thì đây đạo thơ cũng có
văn hóa chứ có thua đứa nào đâu !
NHỮNG CHIẾC KHĂN QUÀNG ĐỎ
Tuần qua, trong internet người ta được xem hai trận kịch chiến miễn phí
không phải trả tiền mới được coi như một số trận (pay per view) trên các đài
truyền hình Mỹ. Cả hai trận đều là võ tự do đánh tới bến luôn phối hợp cả Thai
boxing, boxing và wrestling… Có gọi những trận đó là Ultimate Fighting, những
trận quyết đấu, thì cũng đúng. Nhưng khác những trận của Ultimate Fighting
Federation, hai trận trong internet không phải là hai trận song đấu giữa
hai võ sĩ, mà là hai trận đấu hội đồng, một chọi ba, bốn tới bẩy người. Một trận
ở Hà Tĩnh và một trận ở Trà Vinh. Các đấu thủ thuộc hạng tuổi 15 hay 16.
Thẳng tay đánh bạn dã man tại Trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà
Vinh.
Trận ở Hà Tĩnh thì có lột quần áo. Trận ở Trà Vinh có gây đổ máu. Và cũng như
một vài trận Ultimate Fighting ở Mỹ, trận ở Trà Vinh có dùng ghế đánh đối thủ.
Trận Hà Tĩnh diễn ra ở ngoài đường. Trận Trà Vinh diễn ra trong lớp. Cả hai trận
đều được thu hình bằng điện thoại cầm tay và sau đó được đưa lên facebook. Hai
phe đều là các thiếu nữ. Riêng trận Trà Vinh còn có một đấu thủ nam nhẩy vào trợ
chiến.
Khác các trận Ultimate Fighting của Mỹ, các trận quyết đấu Việt Nam thêm trò vừa
đánh vừa chửi bằng những câu tục tĩu nhất. Tất cả đều là giọng nữ. Đó là những
câu kê ra những món ăn khó kiếm để mời bên kia ăn. Một số hành động tình dục với
cha mẹ, ông bà, tổ tiên của hai phía cũng được mô tả kỹ lưỡng. Vì thế những trận
thư hùng cũng thêm phần hào hứng.
Hai phía đều quần áo giầy dép rất kiểu cọ. Nhớ lại những cô bạn thời còn đi học
hay những người học trò những năm dậy học, các võ sĩ ngày nay tối tân hơn nhiều.
Luôn cả những món đồ lót cũng hết sức tối tân như người ta đã nhìn thấy trong
những trận quyết đấu được thu bằng video trước đây.
Trận diễn ra tại trường Lý Tự Trọng ở Trà Vinh dữ dằn hơn trận ở Hà Tĩnh. Võ sĩ
bị đánh hội đồng bị thương tích khá nặng phải nghỉ học và không muốn trở lại
trường nữa. Chính quyền địa phương đã phải vào cuộc để điều tra thêm và … để đấy
như bao nhiêu vụ trước đây.
Con số những trận kịch chiến giữa các học sinh đang gây lo ngại cho rất nhiều
người. Những trận đụng độ của các học sinh ở trường không chỉ là những trận chửi
bới tục tằn mà nay luôn luôn là những vụ bạo động sử dụng cả các loại hung khí,
mà cũng không chỉ diễn ra giữa các nam học sinh. Thường lại là các nữ sinh.
Trong trận thư hùng ở Trà Vinh, tất cả hai bên tham chiến đều đeo ở cổ những
chiếc khăn quàng đỏ. Những chiếc khăn này là biểu tượng và đồng phục của đội
viên Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh. Các học sinh được thu nhận vào thiếu
niên tiền phong luôn luôn phải đeo những chiếc khăn quàng đỏ này khi còn theo
học cấp 1 và cấp 2.
Tôi rất không thích những chiếc khăn này. Cứ trông thấy nó ở trên cổ của các học
sinh này là tôi bị dị ứng và chỉ muốn quăng chúng đi. Rất nhiều lần tôi tưởng
tượng nếu còn ở Việt Nam, mấy đứa con, rồi mấy đứa cháu đi học, đến trường đeo
trên cổ những chiếc khăn đỏ như vậy thì tôi sẽ làm gì!
Nhưng hôm nay, xem lại đoạn video thấy mấy nữ sinh quàng khăn đỏ kịch chiến ngay
trong lớp, tung ra những đòn rất hiểm: giật tóc đối thủ, dùng ghế nhựa thẳng tay
quật lên đầu bạn, tay đấm, chân đạp thì tôi lại yêu những chiếc khăn quàng đỏ đó
vô cùng.
Muốn được thu nhận vào đoàn chắc chắn phải có những điều kiện. Thí dụ phải thề
trung thành với đảng Cộng Sản Việt Nam, phải kính yêu bác Hồ, phải học tập để
chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng gương đạo đức của bác Hồ, phải là cháu ngoan
của bác…
Các nữ sinh đánh nhau dã man như trong các video clip đều là những thành phần
hội đủ các điều kiện kể trên mới được cho quàng khăn đỏ đấy chứ. Vừa đánh vừa
chửi tục tĩu mới xứng đáng là thiếu niên tiền phong, cháu ngoan của bác. Kinh
khiếp hơn nữa là những tiếng reo hò cổ vũ cho trận đánh. Không một nỗ lực nào để
can ngăn vụ hành hung. Mấy đứa đứng ngoài thì lôi điện thoại cầm tay ra thu hình
đưa lên facebook. Học sinh ngày nay đã trở thành một lũ mất dậy như thế
rồi sao?