November 26, 2015

November 26, 2015

CÁM ƠN CÁI CỐI CÁI CHẦY

Trong cuốn The Importance of Living của Lâm Ngữ Đường (Nguyễn Hiến Lê dịch là Một Quan Niệm Sống Đẹp) có một chương đề cập tới Kim Thánh Thán, một nhà phê bình và cũng là một nhà văn nổi tiếng sống trong thế kỷ 17 dưới triều nhà Thanh. Lâm Ngữ Đường kể là trong một chiều mưa khi ngồi với một người bạn trong một ngôi miếu cổ, Kim Thánh Thán đã ghi lại những chuyện trải qua trong đời sống mà ông cho là đã đem lại cho ông những niềm vui lớn nhất trong đời. Ông kể lại được tất cả 33 điều. Đọc những điều đem lại lạc thú cho Kim Thánh Thán người ta thấy đó không phải là những gì vĩ đại cho lắm mà hầu hết chỉ là những chuyện khá tầm thường, như một cơn mưa ào đổ xuống giữa trưa hè, đống tuyết ngoài sân, mầu đỏ của ruột trái dưa hấu, xóa nợ cho một người quen, con mèo thình lình xuất hiện khiến lũ chuột phá phách phải bỏ chạy… Những chuyện đó đều kết thúc bằng một câu hô thán: “Chẳng cũng khoái ư!”
Đọc hết những điều đó, những điều mà Kim Thán Thán cho là đem lại sướng khoái cho ông, thì người ta có cảm tưởng là ông kể chúng ra như một cách cảm ơn chúng. Ông cảm ơn những điều đã đem lại cho ông những niềm vui trong đời sống. Những điều ấy sau đó được ghi chung trong bài phê bình Tây Sương Ký rất nổi tiếng của ông. Những điều ghi xuống trong lúc ngồi trong miếu nhìn mưa rơi đó được coi là một bài tản văn hay nhất cổ kim của văn học Trung quốc.
Vậy thì ngay cả những chuyện tầm thường cũng vẫn có thể là những thứ đáng để được cảm ơn trong đời sống chứ chẳng cần phải là những điều gì cao siêu khó làm, khó thấy trong đời sống.
Tự nhiên tôi nhớ mấy câu tội nghiệp này, chắc là của một cô gái nghèo ở một vùng quê nào đó:
Cảm ơn cái cối, cái chầy
Đêm đêm giã gạo có mày, có tao
Cảm ơn cái cọc cầu ao
Nửa đêm vo gạo có tao, có mày…
Người phụ nữ trẻ đầu tắt mặt tối lo công việc nhà cho chủ quần quật vẫn tìm được an ủi nơi những đồ vật vô tri gần gũi chung quanh: cái cối, cái chầy giã gạo, cái cầu ao … Cô đơn và tội nghiệp biết chừng nào. Có lẽ vì thế mà cô cảm ơn chúng.
Ngày lễ Tạ Ơn năm nay tôi cũng thấy phải cảm ơn nhiều thứ ngoài những điều vẫn tâm nguyện cảm ơn mỗi đầu ngày khi thức dậy với ngày mới chứ chẳng cần phải đợi cho đến Thanksgiving…
Thí dụ cha mẹ, gia đình chị, em, con cháu … cả những người đã ra đi, bạn bè, nước Mỹ đem cho đời sống bình an, những ân tình của bạn bè suốt chiều dài đời sống, những năm tháng đã sống trên đời này, quá khứ, tuổi thơ kỷ niệm, những cuốn sách đã đọc, những bài thơ, những bản nhạc nghe rồi vẫn còn ở lại trong trí, mùi nước hoa, mùi mái tóc, mùi cà phê buổi sáng, mùi đất khi những giọt mưa vừa rơi xuống… Bằng ấy điều phải cảm ơn mỗi lúc thoáng qua trí nhớ. Nhưng cũng còn biết bao nhiêu điều, biết bao nhiêu thứ chưa kể ra vì trí nhớ cũng có lúc mỏi mệt không tìm lục thấy.
Chẳng hạn như cái mở chai tire bouchon đang nằm trước mặt. Thiếu nó thì làm sao … giải quyết cái chai đỏ tối khuya hôm nay. Nó không là cái cối giã gạo, cái chầy, cái cọc cầu ao nhưng không có thì khổ. Hai ba giờ sang đi mua ở đâu? Hay cái hộp viễn khiển remote control giữa lúc bệnh lười vùng lên không muốn đứng dậy đổi đài khác để khỏi phải xem những đoạn pha trò vô duyên hay … lại đổi đài để tránh một cuốn phim Tầu cho đầu óc khỏi bị nhiễm độc. Hay là cái ly chân dài rót đầy Pinot Noir, Cabernet Sauvignon… bị (?) ánh sáng đèn chiếu hắt qua. Hay một bản nhạc có giọng ca thân thiết một thời. Rồi cũng phải cảm ơn cuốn sách cũ đọc từ mấy chục năm trước vừa tìm lại được và mở lướt qua vài trang là bao nhiêu thứ lũ lượt kéo trở lại, lôi theo cả những cơn mưa trong cái thành phố chưa trở lại từ gần nửa thế kỷ nay. Hay đôi mắt mà Đinh Hùng thấy “có thơ mùa hạ / má phấn hồng lên bóng phượng hoa”. Nhiều khi chỉ là một câu hát lạc lõng trong đầu cứ trở lại hoài trên môi…”Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung…”. Hay cũng cần cảm ơn một chuyện tử tế bất ngờ đến nào đó, như tô mì Quảng treo tòn ten ở cửa trong lúc không có nhà giữa lúc đang phân vân không biết làm sao đối phó với cái ông dạ dầy khó tính đang thức giấc. Hay những giấc mơ gặp lại dăm ba người, ngửi lại được mùi hơi thở thơm của những đứa con và luôn cả mùi khai của chiếc giường trong căn nhà cũ ở Sài Gòn. Những buổi sáng chủ nhật chở chúng đi chơi, nét hân hoan trên mặt chúng, những âm thanh của thành phố không còn trở lại được nữa. Lại cũng phải cảm ơn “mảnh tàn y” còn giữ lại được như như chiếc áo thị Bằng còn gây quyến luyến cho nhà vua sau sự ra đi vĩnh viễn. Thôi cũng phải cảm ơn cái iPhone: không có nó làm sao sống.
Vậy nên hôm nay, ngày Thanksgiving, phải cảm ơn thêm những thứ vừa kể ở trên, sợ rằng vài ba năm nữa, trí nhớ bỏ đi thì làm sao nhớ lại được mà … Thanksgiving chúng.
Cảm ơn tất cả. Cảm ơn đời sống (coi vậy mà) rất đáng sống này.

November 22, 2015

November 20, 2015

 CUỘC THẢM SÁT KINH HỒN MỖI CUỐI NĂM
Năm nào cũng thế, người Mỹ, từ nhiều năm nay, đều thẳng tay thực hiện hai cuộc tàn sát bi thảm làm thiệt mạng cả mấy chục triệu sinh linh mà không hề có một tổ chức nhân đạo nào trên thế giới lên tiếng để buộc phải chấm dứt việc làm vô nhân đạo, vô ích mang đầy tính diệt chủng đó.

Trong khi đó, lễ hội chém lợn ở Tiên Du, Bắc Ninh, hay hội chọi trâu ở một số nơi tại Việt Nam thì bị nhiều tiếng nói chỉ trích kịch liệt. Còn những vụ thảm sát ở nước Mỹ thì gần như không tạo được bất cứ một sự quan tâm nào. Lễ chém lợn có tàn bạo thật, nhưng cũng chỉ hóa kiếp cho vài ba con lợn. Còn hội chọi trâu thì hai ba chục ‘ông’ trâu được nuôi cả năm, được vỗ cho béo rồi bị xúi bẩy để húc nhau một trận tanh bành mua vui cho cả mấy ngàn người xem. Những con trâu không hề thù oán nhau, không tranh chấp đồng cỏ của nhau mà cũng chẳng vì tranh nhau “ân huệ” của vài ba chị trâu nái, hay ganh ghét nhau về vẻ đẹp trai của mình, đã bị người ta bầy chuyện cho đâm nhau trí mạng rồi cuối cùng, được hay thua, cả hai đều bị phanh thây xẻ thịt bán cho khán giả ngay tại cửa vào đấu trường. Năm nào cũng diễn ra những cảnh chọi trâu kinh hoàng như thế.

Nhiều tổ chức bảo vệ thú vật trên thế giới đã lên tiếng yêu cầu chấm dứt trò giải trí dã man đó nhưng chưa có kết quả. Dẫu vậy thì cũng đã có tiếng nói chống lại. Nhưng những cuộc tàn sát hết sức vô nhân đạo ở Mỹ thì vẫn được để cho diễn ra một cách bình thường như không hề có gì xẩy ra cả. Hai cuộc thảm sát ở Mỹ đều nhắm vào loài gà tây, một sinh vật thuộc giống chim đã được thuần hóa để nuôi làm thực phẩm cho người. Nhưng nếu giết chúng để ăn thì cũng không đáng nói như khắp nơi trên thế giới người ta giết trâu, bò, lợn, cừu, dê, gà, vịt… Nhưng giết để mừng một dịp lễ hội hè nào đó thì người Mỹ cứ nhắm vào loài gà tây mà tàn sát thì tội quá.

Giết hơn 60 triệu con gà tây thì phải gọi là thảm sát ở mức diệt chủng nếu chuyện chém giết đó diễn ra ngoài thiên nhiên. Nguyên nhân đưa tới những bất hạnh này của loài gà tây là khi những người di dân Thanh Giáo từ Anh sang lập nghiệp ở tân thế giới trong thời gian đầu đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Đói khát, bệnh tật đã cướp đi mạng sống của một số người trong mùa đông đầu tiên. Qua mùa xuân, những di dân này đã được những người da đỏ sống trong vùng giúp đỡ, chỉ cách trồng bắp và vài thứ rau trái khác. Người da đỏ cũng bầy cho các di dân săn hươu nai trong rừng và những con chim thuộc bộ gà thuộc chi Meleagris họ hàng xa với loài trĩ. 

Những di dân Thanh giáo nhờ những lòng tốt và những giúp đỡ của người da đỏ đã thoát được những khó khăn trong miền đất mới. Sau vụ mùa đầu tiên thành công, những người di dân cảm tạ Thượng Đế bằng một bữa tiệc mời cả những người da đỏ ân nhân đến dự. Trên bàn tiệc ngoài rau trái, còn có gà tây từng đã cứu đám di dân này qua cơn đói khát.

Thế là thay vì mời vài ba con gà tây đến dự tiệc để cám ơn chúng, ít ra thì cũng phải mời chúng vài ba thùng bắp. Nếu chúng ăn không hêt thì cũng cho chúng “to go” mang về nhà ăn tiếp. Nhưng các ông bà di dân Thanh Giáo biến món thịt của những con gà ân nghĩa ấy thành một món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc của lễ Tạ Ơn mỗi năm.

Và đó là khởi đầu cho cuộc thảm sát hàng năm những con gà tây. Dân số nước Mỹ càng tăng thì số gà tây bị thảm sát mỗi năm cũng tăng theo. Không có một dấu hiệu nào cho thấy số gà tây bị thảm sát mỗi năm sẽ giảm đi.

Trong khi đó, loài chim này bị đối xử không được tử tế cho lắm. Người Mỹ coi chúng là giống vật đần độn. Gọi ai là “turkey” thì đó là cách nói người ấy rất thiếu thông minh. Loài chim này sau đó được thuần hóa, được nuôi ở nhà, hay qui mô hơn là trong các trại. Chúng được nuôi chỉ để cung câp thịt cho người. Chúng ra đời trong một cái chuồng lớn và lớn lên ở trong đó cho đến khi đủ một sức nặng nào đó thì bị lôi ra thảm sát.

Vừa nở ra, chúng bị cắt ngay một khúc mỏ để khỏi mổ nhau. Do đó, việc ăn uống của chúng trở nên khó khăn không ít. Kế đến, chúng bị chích, bắt uống đủ mọi loại thuốc để ngừa bệnh tật và kích thích cho chóng lớn. Chúng không một lần được hưởng cái thú đi bộ như những con gà nuôi theo kiểu Việt Nam để khi vào nồi phở giúp cho tô phở ngon hơn. Chúng được cho ăn để mập nặng đến độ đôi chân của chúng cũng không đỡ nổi cái thân mình quá nặng của chúng nữa. Chúng chỉ nằm một chỗ, cố gắng lắm cũng chỉ đủ sức lết ra chỗ ăn hay uống nước. Những con gà tây nuôi trong trại để lấy thịt đã mất hẳn khả năng bay như tổ tiên của chúng. Chúng chỉ là những cục thịt chờ ngày lên bàn tiệc Thanksgiving hay Giáng Sinh. Có phải vì thế mà tiếng kêu của chúng nghe hết sức tội nghiệp hay không. Cùng là gà nhưng tiếng gáy của những con gà trống Việt Nam nghe oai biêt là bao nhiêu. Ngay tiêng quang quác của những chị gà mái cũng rộn ràng một góc sân. Gà tây thì chỉ những con trống mới biết kêu nhưng tiếng kêu của chúng nghe như tiếng của một con vật bị bóp cổ : nghẹn ngào và bi thảm.

Tội nghiệp những con gà tây hết sức.

Tôi đã quyết định không đụng vào bất cứ một con gà tây nào từ cả hơn hai chục năm nay tức là kể từ khi hiểu được những khốn khổ về cuộc đời của những con gà tây đáng thương này. Chẳng gì ông bà ta ngày xưa cũng đã nói rằng:

Dù xây chín đợt phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một … gà

Thôi hay là đợi cho đến khi “leo lên nóc tủ ngắm gà (ta) khỏa thân” cũng vui chán ! Bây giờ thì tha cho những con gà tây.

November 14, 2015

November 13, 2015

POUR TOI MON AMOUR

Trong tập Paroles xuất bản năm 1945, Jacques Prévert có một bài thơ nhan đề Pour Toi Mon Amour mà tôi rất thích, thích ngay từ lần đầu tiên đọc nó. Bài thơ vỏn vẹn chỉ có 17 dòng nguyên văn như thế này:
       
Je suis allé au marché des oiseaux
Et j’ai acheté des oiseaux
Pour toi
Mon amour
Je suis allé au marché aux fleurs
Et j’ai acheté des fleurs
Pour toi
Mon amour
Et je suis allée au marché à la ferraille
Et j’ai acheté des chaines
De lourdes chaines
Pour toi
Mon amour
Et je suis allé au marché aux esclaves
Et je t’ai cherchée
Mais je ne t’ai pas trouvée
Mon amour


Đại khái chàng thi sĩ nhà quê đi chợ chim, mua mấy con chim cho người yêu bé bỏng, rồi lại ghé chợ hoa mua mấy bông hoa cho nàng, vòng qua chợ chợ sắt mua mấy sợi xích (chắc để xích nàng lại không cho đi lăng quăng nữa) rồi chàng đến chợ nô lệ tìm nàng mà chẳng thấy nàng đâu.

Chàng mua đủ thứ quà cho nàng, nào chim, hoa bướm lãng mạn (cùng mình) luôn cả mấy sợi xích để giữ nàng…Nhưng khi chàng muốn nàng là nô lệ của riêng chàng thì nàng biến mất, kiếm không cách nào ra. Tỏ tình như vậy là khéo lắm: có chim chóc, hoa bướm… lại đòi giữ nàng lại bằng xích nặng chình chịch nhưng vẫn để cho nàng thở, tự do phơi phới. Mượn thơ của ông Tây Prévert để tán như thế thì cách gì nàng thoát được.

Bèn chép vào giấy bắt chước ông Tú Xương, “dán ngay lên cột, hỏi (nàng) rằng dốt hay hay” (thực ra là lén kẹp vào cuốn sách đưa nàng). Nhưng nàng đọc không hiểu câu cuối, suốt mấy hôm cứ lẵng nhẵng đi theo thắc mắc mãi nên chàng chán quá. Có câu hay nhất trong bài thơ mà không chịu hiểu (hay cũng có thể là cố tình không hiểu) để bắt chàng tán thêm cho bõ ghét nên … cho nàng đi luôn. Thời ấy của chàng thì làm quái gì còn chợ nô lệ nữa mà bắt chàng dẫn ra chợ để cắt nghĩa lôi thôi.

Có mấy cái chợ như ở Annapolis, Baltimore hồi nước Mỹ còn cho mua bán nô lệ thì đã bị dẹp từ hồi trước nội chiến Nam Bắc hơn một trăm năm trước. Hồi ấy, những người da đen chở từ Phi châu sang được bầy bán như nông súc cho người mua tha hồ lựa chọn. Nhưng lúc đọc được bài thơ của Prévert thì không còn những cái chợ như thế nữa. Thế là dẹp luôn mối tình ấm ớ thời thơ dại (dột).
Kể ra thời còn trò mua bán nô lệ cũng vui chứ. Người mua tha hồ sờ nắn bắp thịt, lựa chọn những người đàn ông coi có khỏe mạnh không, có thích hợp với công việc đồng áng trong các đồn điền không, còn lao động được bao nhiêu năm nữa vân vân. Người mua cũng được dịp xem xét kỹ các phụ nữ coi có đủ sức làm việc nhà và có còn đẻ thêm vài ba nô lệ con nữa không. Những cảnh khủng khiếp như vậy không còn nữa. Kiếm cái chợ còn không ra thì làm sao tìm được nàng nữa. Ít nhất cũng là thời ông Tây Prévert khi viết bài thơ ấy. Và vì thế, người yêu bài Pour Toi Mon Amour cũng được mối tình(?) đầu (lâu) buông tha.

Nhưng nay những cái chợ nô lệ ấy muốn kiếm thì cũng chẳng khó khăn gì. Hàng hóa được bầy bán công khai ở Malaysia, rao bán trên báo ở Hoa lục (bảo đảm nếu bỏ trốn sẽ được đền ngay, không thích có thể trả lại hay hoàn lại tiền) hoặc cũng có thể mua tận gốc ở thành phố Hồ Chí Minh (xưa kia gọi là Sài Gòn, nay bị tha hóa nên bị thay bằng tên mới). Cũng có cảnh các hàng nữ được bóc trần cho khách tha hồ chọn. Và để theo kịp với tiến bộ của thời đại “a còng: @”, hàng còn được rao bán trên mạng với giá không cao lắm là 1,500 đô la Mỹ. Cơ sở bán nô lệ còn cho biết ở Vân Nam hiện có 98 nô lệ sẵn sàng để vô thùng gửi đi khắp toàn quốc. Hàng là phụ nữ Việt, được gọi ngụy trang là cô dâu trẻ và đẹp. Cái quảng cáo lăng mạ phụ nữ Việt Nam đó được đọc thấy trên một tờ báo ở Trung quốc cách đây mấy hôm.

Như vậy, muốn tìm mua nô lệ là mua được ngay khỏi phải mât công đi kiếm ngoài chợ, kiếm không ra về nhà làm bài thơ bằng tiếng Tây cho bõ ghét.

Có điều khốn nạn là lời ra bán nô lệ đầy nét xúc phạm danh dự và nhân phẩm của phụ nữ Việt đã không có được một phản ứng nào của sứ quán Việt Nam. Ít ra thì cũng phải đòi dẹp cái quảng cáo chó đẻ đó, đòi cái cơ sở buôn người đó phải xin lỗi chứ im thin thít như những con sò mà nhà ngoại giao Lê Văn Bàng năm xưa khom lưng mò ở New Jersey thì không được chút nào.

November 8, 2015

November 7, 2015

… ĐAU TAY

Ông Tản Đà, trong tập Khối Tình Con (1913) và Tản Đà Văn Tập, có hai bài thơ thất ngôn bát cú chỉ khác nhau có 4 câu đầu còn 4 câu sau thì giống hệt. Hai bài có hai cái tựa khác nhau nhưng đều nói về chuyện một ông thầy đồ nham nhở bị một phụ nữ tặng cho bàn tay thích đi lang thang của ông một gậy đau gần chết.
Hành động ưa phiêu lưu của ông được mô tả rất rõ trong tựa của bài thơ in trong tập Khối Tình Con: “Bóp Vú Đau Tay”. Bài thơ ấy nguyên văn như sau:
Hàng xứ đồn lên lắm chuyện hay
Con người như thế hóa non tay 
Gớm cho cô bé nhiều gan tệ
Chết nỗi làng chơi phải miếng cay
Hùm đã biết tay sao cứ mó?
Chim chưa vỡ bọng dễ mà bay
Từ đây buộc chỉ chừa thôi nhé
Đừng có chơi dao liệu có ngày
Có lẽ cái tựa “Bóp Vú Đau Tay” vào thời ấy (1913) nghe sỗ sàng quá nên Tản Đà sau đó đổi lại là “Thầy Đồ Ve Gái Phải Đánh Đau Tay” và viết lại 4 câu đầu của bài thơ thành:
Em mới nghe đồn lắm sự hay
Đồn rằng bác mới phải đau tay
Gớm ghê cô bé già gan tệ
Lẩy bẩy thầy nho mắc miếng cay
Còn 4 câu sau thì giống hệt 4 câu của bài trước. Đọc cả hai bài thì thấy người bị đánh đau tay là một ông thầy đồ chắc đã có tuổi (lẩy bẩy) bề ngoài đạo mạo chữ nghĩa thánh hiền một bụng, nhưng lúc vắng người thì thầy ma mãnh hơn bất cứ ai, những trò nhí nhắt (mà Nguyễn Khuyến kể trong bài Lựu : … ông già ông khác người ta / những cái nhí nhắt ông ma bằng mười) thầy chẳng hề thua người nào. Cho đến khi thầy bị người phụ nữ (mà thầy nham nhở) cho bàn tay của thầy một đòn đau nhớ đời. Chuyện được truyền miệng khắp Hà thành, đến tai Tản Đà nên bị ông già núi Tản sông Đà cho một bài thơ lên báo. Chắc ông thầy đồ cũng là chỗ quen biết, lại là vai vế đàn anh của Tản Đà nên Tản Đà mới xưng “em” và gọi ông thầy đồ bằng “bác”.
Thực ra chuyện nham nhở, cho bàn tay lang thang một chút thì cũng thế gian thường tình, nhưng chuyện mới xẩy ra gần đây tại Hàn quốc thì lại là chuyện không nhỏ chút nào.
Một tờ báo ở Bucheon, một thị trấn gần thủ đô Hán Thành, tuần trước cho biết một cán bộ lãnh đạo công an Việt Nam đã bị cảnh sát Hàn quốc bắt về tội có hành vi sàm sỡ với một phụ nữ lảm việc cho một khách sạn nơi người này đang tạm lưu trú. Người đàn ông này đã có những hành vi nham nhở với người phụ nữ 21 tuổi trong thang máy, bị cự tuyệt, chàng ra khỏi thang máy chạy về phòng làm như không có gì xẩy ra. Nhưng máy thu hình đặt trong thang máy đã thu được tất cả nội vụ. Người phụ nữ ngay sau đó đã trình báo với cảnh sát nên người công an mất nết này đã bị bắt giữ ngay sau đó. Chàng chối bay chối biến làm như còn ở Việt Nam không bằng. Nhưng camera trong thang máy thì không ăn gian nói dối như công an cảnh sát Việt Nam. Hình ảnh camera thu lại rất rõ hành vi mất dậy của viên công an cao cấp này. Được biết chàng được cử đi Hàn quốc để tham dự một khóa tu nghiệp trau dồi "nghiệp vụ". Vậy là mới sang đất nước người ta được 5 ngày, chàng đã giở trò khốn nạn ngay với một phụ nữ Hàn quốc. Báo chí ở Bucheon không nêu đích danh chàng mà chỉ cho biết tên tắt của chàng là A. năm nay 51 tuổi, Chưa biết cảnh sát Hàn quốc sẽ giải quyết vụ này ra sao. Có thể chàng sẽ tống xuất về nước và sẽ đựợc thăng thưởng vì không ăn cắp trong siêu thị như nhiều người Việt khác ở Hàn quốc và Nhật không chừng!
Khốn nạn hết chỗ nói!
Trong khi đó, báo chí trong nước hồi tuần trước loan tin hồi tháng 5 năm nay, ông Ban Ki Moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đến thăm nhà thờ họ Phan Huy ở Sài Sơn nhận là có liên hệ họ tộc với dòng Phan Huy ở Việt Nam. Ông Ban Ki Moon đã viết trong sổ lưu niệm của nhà thờ tên Việt Nam của ông là Phan Cơ Văn và hứa sẽ hành sử sao không hổ danh dòng họ Phan Huy của ông.
Đặt hai chuyện bên nhau mà thấy buồn. Một người trở về đem vinh dự cho dòng họ Phan. Một thằng khốn nạn làm nhục nhã người Việt vì một cái bóp vú người phụ nữ Hàn quốc.
Chỉ vì chủ nghĩa Cộng Sản khốn nạn ở Hà Nội.