March 31, 2021

Chữ Nghĩa Chúng Ta - Bùi Baỏ Trúc 2007

 1-6-2007


Lời Toà Soạn: Một độc giả, ông Phạm Thanh Phong ở Orange, đặt ra hơn hai mươi thắc mắc trong một bức thư dài nên người phụ trách sẽ dành nguyên trang báo tuần này để phúc đáp.

Phản ảnh hay phản ánh?

Theo tự điển Lê Văn Ðức thì phản ảnh và phản ánh là một. Hai chữ này trong tự điển của Hà Nội thì có nghĩa khác nhau, nhưng cách giải thích của cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt do Trung Tâm Từ Ðiển và Ngôn Ngữ Hà Nội xuất bản lại cho thấy hai chữ không khác nhau bao nhiêu.

Từ Ðiển Ðào Duy Anh chỉ ghi chữ phản ánh và giải thích là ánh sáng chiếu lại. Cụ Ðào ghi thêm tiếng Pháp là reflet.

Phản ảnh được dùng ở miền Nam nhiều hơn, và chỉ sau năm 1975 chữ phản ánh mới thấy xuất hiện nhiều hơn.

Trong những thí dụ này thì hai chữ rất khác nhau:

Mặt nước đêm phản ánh (không thể là ẢNH) hàng đèn chạy dọc theo bờ biển.

Hành động của ông ta là phản ảnh (không thể là ÁNH) một thái độ kỳ thị.

Mặc khải hay mạc khải?

Mặc khải. Mạc không có nghĩa là im lặng, tịch lặng.

Tuy nhiên khi nghĩa là mực thì có khi đọc là thuỷ mạc hay thuỷ mặc cũng được. Nhưng mặc thì có nghĩa là mực, mạc không có nghĩa là mực.

Tích cực là tốt. Tiêu cực là không tốt.

Positive là tích cực, là dương cực, là dương tính.

Negative là tiêu cực, là âm cực, là âm tính.

Nhưng thử HIV mà kết quả positive là không tốt! Phải negative mới tốt, nghĩa là không bị nhiễm HIV.

Sáp nhập, không phải là sát nhập.

Từ điển Ðào Duy Anh không có chữ sáp. Nhưng từ điển Nguyễn Văn Khôn thì ghi sáp nhập, không tự điển nào ghi sát nhập.

Sáp nghĩa là nhập vào với nhau, cắm vào, đâm vào.

Tấu khúc là một khúc nhạc không có lời. Tấu là đánh đàn, hòa nhạc.

Ca khúc là bản nhạc có lời.

Marathon là cuộc thi chạy băng đồng, việt dã (việt là vượt; dã là đồng quê).

Marathon nguyên là một cánh đồng ở phía bắc Athens (Nhã Ðiển, kinh đô của Hy Lạp) nơi diễn ra một trận thư hùng giữa quân Hy Lạp và quân Ba Tư vào năm 490 trước công nguyên. Tin quân Ba Tư phá thành Eretria được một người tên là Pheidippides đem từ Athens đi Sparta bằng cách chạy một mạch qua một đoạn đường dài khoảng 42 km. Chạy đến Sparta thì Pheidippides ngã ra chết. Cuộc thi chạy bộ đường trường được đặt tên là Marathon để ghi nhớ chuyên chạy bộ của Pheidippides.

Gần đây, bất cứ một hoạt động nào kéo dài đều được gắn cho nửa sau cuả chữ Marathon để thành Telethon, Toyatathon...

Ðiền giả (Ðào Duy Anh viết là dả) là là thời gian học trò được nghỉ ở nhà để giúp việc nông.

Ðiền giả cũng có nghĩa là người làm nghề nông.

Ðiền dã là vùng thôn quê, đồng ruộng.

Ðái công chuộc tội là những chữ pha Hán Việt. Chính ra phải là đái công thục tội.

Thục là chuộc.

Ðái là dâng lên.

Ðái công là dâng công, thục tội là chuộc những sai lầm.

Cũng nói là đái tội lập công nghĩa là lập công để chuộc lỗi

Không nói đoái công chuộc tội.

Ngã ngũ (dấu hỏi) không phải ngả ngũ.

Ngã ngũ là đã nghiêng, ngả (dấu hỏi) hẳn về một phía nào.

Trương Tử Phòng là tên tự của Trương Lương người nước Hàn đời Chiến Quốc. Sau khi Tần diệt Hàn, ông bán nhà cửa, sản nghiệp đi chu du thiên hạ để tìm cách phục thù. Ông từng ám sát hụt Tần Thuỷ Hoàng, cải tên bỏ trốn, nhờ Hoàng Thạch Công chỉ dậy binh pháp. Ông giúp Hán Cao Tổ diệt Hạng Võ rồi từ quan về ở ẩn.

Nói CHUYỆN, câu CHUYỆN, nhưng TRUYỆN ngắn, cốt TRUYỆN.

Nếu chỉ nói, không viết xuống thì là CHUYỆN. Khi viết xuống là TRUYỆN.

Ði họp hội nghị là PHÓ hội. Phó nghĩa là đi đến.

Chín MUỒI hay chín MÙI?

MUỒI nghĩa là chín nục. Mẹ già như chuối chín muồi trên cây (Cadao)

Lâm bồn, chữ Hán, nghĩa là đàn bà trong lúc sinh đẻ.

Lâm là tới, là đến. Bồn là cái chậu, cái bồn. Ðàn bà ngày xưa ở bên Tầu lúc sinh nở thường ngồi trong một cái chậu lớn.

Thượng / Kinh

Thượng là vùng cao, vùng thượng du. Người Thượng là người sống trên vùng cao nguyên.

Kinh là thành phố lớn, thủ đô. Người Kinh là người sống trong thành phố, kinh đô ở phía dưới.

Tửu lâu hay tửu lầu?

Lâu là chữ Hán. Lầu là tiếng Nôm. Tửu lâu thì đúng hơn. Nhưng người Việt cũng gọi là tửu lầu.

Huyễn mơ hay huyền mơ?

Huyễn mộng mới đúng. Mơ là chữ Nôm.

Chữ sáng trong sáng hội nghĩa là thành lập, lập ra.

Lố bịch, không phải nố bịch. Lố là quá, không hợp thời không hợp cảnh.

Hồ Quảng là một hình thức cải lương dùng những bài bản Quảng Ðông rồi đặt lời tiếng Việt như trên sân khấu các ban Phụng Hảo, Ðồng Ấu Minh Tơ. Các kịch bản đều gốc từ tuồng Tầu nên (theo nhà biên khảo Trần Văn Khải trong cuốn Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam) không bành trướng được vì thiếu nét dân tộc.

Thâm căn cố đế nghĩa là rễ sâu, cuống bền. Nghĩa bóng là thế lực quá lớn, không thể nào lay chuyển được.

Cũng có khi nói là thâm căn cố bản.

2-2-2007


Trả lời bà Tôn Nữ Hoàng Hoa hoanghoatonnu@yahoo.com

Bài thơ Những Con Ðường Hà Nội của Tạ Tỵ tôi cũng có được đọc từ hồi ở Sài Gòn. Bài thơ này được in lại trong cuốn tuyển tập thơ của Tổng Hội Sinh Viên Paris năm 1977.

Bài thơ Nhớ Sài Gòn của Phạm Nguyên Lương (PNL) có 50 câu thì có tới 11 câu phảng phất giống một số câu trong bài thơ 30 câu của Tạ Tỵ (TT):

PNL: Hôm nay về ngự trị giữa hồn tôi (câu 1)

TT: Ðêm nay về ngự trị giữa hồn tôi (câu 25)

PNL: Hôm nay về với chứa chan kỷ niệm (câu 2)

TT: Ðêm nay về với năm cửa ô nghẹn lối (câu 26)

PNL: Bao thương nhớ và bao nhiêu đắm đuối (câu 3)

TT: Bao thương mến và bao nhiêu bối rối (câu 7 )

PNL: Tuổi hoa niên bay nhẩy khắp phố phường (câu 8)

TT: Tuổi hoa niên từng hát khúc yêu đời

 nhẩy múa khắp nẻo đường Hà Nội (câu 5/6)

PNL: Tà áo ai rực rỡ buổi hoàng hôn (câu 11)

TT: Tà áo ai còn đẹp buổi hoàng hôn (câu 20)

PNL: Em ơi em có nhớ thuở nào hay (câu 26)

TT: Em ơi em có biết thuở nào khuây (câu 12)

PNL: Nhớ thương em qua những cánh mai gầy (câu 27)

TT: Nhớ thương anh qua những cánh đêm gầy (câu 13)

PNL: Mầu khuôn mặt nõn nường trong giấc ngủ (câu 28)

TT: Mầu gương mặt hãi hùng tan giấc ngủ (câu 14)

PNL: Mùa hoa nở ôi những con đường cũ (câu 29)

TT: Ôi Hà Nội, ôi những con đường cũ (câu 15)

PNL: Những đôi mắt nhìn nhau mà xa cách (câu 36)

TT: Những đôi mắt nhìn nhau mà xa cách (câu 18)

Cám ơn bà đã cho đọc lại hai bài thơ này. Tại sao chúng giống nhau thì chỉ tác giả PNL biết.

Trả lời ông Nguyễn Tiến, San Bernardino

EVERYONE / EVERYBODY đúng như ông nói, là số ít nên động từ phải là ngôi thứ BA số ít. Every là mỗi một. Each cũng đi trước danh từ số ít. Tuy nhiên each people hay khi each đi trước những danh từ tập hợp thì động từ theo sau phải là số nhiều.

BOLLYWOOD

Bollywood là tên gọi trung tâm sản xuất điện ảnh của Ấn độ. Bollywood là tiếng ghép của Bombay và Hollywood, thủ đô điện ảnh của Mỹ. Bombay là tên cũ của Mumbai, một thành phố lớn, đông dân nhất ở tây Ấn độ, thủ phủ của bang Maharashtra.

Giới làm điện ảnh Ấn độ có vẻ không vui với tên này vì cho rằng tên Bollywood làm cho người nghe nghĩ là điện ảnh Ấn độ là một nhánh nhỏ của Hollywood trong khi điện ảnh Ấn sản xuất nhiều phim ảnh hơn Hollywood rất nhiều.

Phim ảnh của Ấn cũng đã có thời đến tận Sài Gòn với những phim đầy đủ các món gọi chung là phim tình cảm xã hội, ca vũ nhạc Ấn Ðộ. Rạp chiếu những phim này trước năm 1975 là rạp Long Phụng ở đường Gia Long Sài Gòn.

Một trong những cuốn phim này là Sữa Rừng Thay Sữa Mẹ mà chúng tôi không có dịp xem qua.

Chữ Bollywood đã được đưa vào tự điển Oxford English Dictionary.

NAIL SALON

Ðây là một đoạn video của Anjelah Johnson, một kịch sĩ hài hước kể lại chuyến đi làm móng tay của cô. Cô diễu từ tấm bảng của tiệm, Beautiful Nail, không dùng nails số nhiều khiến cô tưởng tiệm chỉ nhận làm một cái móng, đến giọng tiếng Anh của Mỹ Linh, người làm nail có tên Mỹ là Tammy, cách gợi chuyện, hỏi những câu rất riêng tư về khách, mời khách làm thêm vài ba món khác, rồi bào chữa cho những lỗi lầm của mình, hay quay sang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt...

Tammy nói tiếng Anh với những âm cuối không đọc hết (lai thay vì like; nai thay vì nice; he thay vì have...), cuối câu lên giọng như hát. Ðây là giọng tiếng Anh Phnom Penh thì đúng hơn, nhưng lại bị đổ cho là tiếng Anh Việt Nam.

Mời quí vị đánh vào Yahoo search: anjelah johnson nail salon và mở Google Video để xem chúng ta dưới mắt người khác như thế nào.


Comedy Time - 4 min - 8-Dec-2006 - small full starsmall full starsmall full starsmall full starsmall half star   (4066 ratings)
Comedy Time Latino: Anjelah Johnson talks about a recent visit to a Nail Salon.

http://video.google.ca/videoplay?docid=8126430922330991484

PHUKET

Trên đường Beach về hướng Huntington Beach có một tiệm Thái tên là Phuket nấu nướng rất ngon. Phuket là tên một thị trấn ở miền nam Thái Lan cách đây hơn hai năm vừa bị sóng thần làm thiệt hại nặng.

Chủ tiệm chắc cũng biết là cái tên tiệm của mình, Phuket, đọc lên thì những người nói tiếng Anh nghe kỳ cục lắm nên ở cửa, trên tấm bảng hiệu, ngoài tên tiệm là Phuket, người ta còn đọc được thêm một hàng chữ tiếng Anh ở dưới nguyên văn:

Say it Phuket, don’t ask me why

Câu tiếng Anh mang một ý nghĩa trấn an những người nói tiếng Anh rằng tên tiệm bằng tiếng Thái, đừng hỏi tại sao, cứ đọc lên thật to, không phải ké né gì hết. Ðó là tiếng Thái, nhất định không phải là một câu văng tục, chửi thề.

Ði ăn xong ở tiệm Phuket, sau này có lỡ lời bị lườm, bị trách là ăn nói thô lỗ, tục tĩu thì có thể chữa ngay lại là: "Ồ, định rủ cưng (?) đi ăn cơm Thái ấy mà."

Tiện quá là tiện.

Lại nhớ chuyện người đàn ông mắc bận không thể đưa cha vợ đi vài chỗ, nhẹ nhàng nói "Con kẹt" để bị ông nhạc cự lại là "Mày không đưa tao đi được thì nói tử tế, sao lại nói... con kẹt (?) với tao?"

Chàng rể nói giọng Bắc kỳ thì nhất định không... kẹt như thế với ông già vợ.

2-3-2007


HAI CON VỢ

Ðây là nguyên văn những chữ trên một tấm biểu ngữ đọc được tại một tỉnh nhỏ ở Việt Nam:

GIA ÐÌNH HAI CON VỢ
CHỒNG SỐNG HẠNH PHÚC

Người đọc hàng chữ trên tưởng đây là một công thức mới cho đời sống hạnh phúc của người dân Việt.

Nhưng hình như không phải. Người viết không chịu lựa chỗ mà xuống hàng nên mới làm nhiều người dân tưởng bở. Ðáng lý phải là:

GIA ÐÌNH HAI CON
VỢ CHỒNG SỐNG HẠNH PHÚC

Hú vía!

MÂM NGŨ QUẢ

Hôm trước Tết, trong một lần nói chuyện trên làn sóng điện của đài Little Saigon, chúng tôi có nói về mâm cúng tân niên và kể ra bốn thứ trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài.

Một thính giả có đề nghị thêm một thứ trái cây nữa cho thành mâm ngũ quả: trái táo, mà người Việt miền Nam gọi là trái bom hay trái bơm (?).

Cầu bom vừa đủ xài thì chắc là lời cầu xin của quân đội Mỹ tại Iraq.

Nhưng cầu bơm (?) vừa đủ xài thì không biết là lời cầu xin của ai. Hay là vừa cầu vừa quá bộ tới thẩm mỹ viện?

Trả lời ông Nguyễn Huy Tú, Pasadena

Những chữ ông hỏi là cách phiên âm ngu dốt ở trong nước. Học địa lý bằng những kiểu phiên âm như thế thì đứng cạnh cái bảng chỉ Richmond không thể biết đó là thủ phủ Richmond của Virginia mà họ phiên âm thành Ritmơn, Viêcginia.

Hai chữ kia mà ông ghi trong thư cũng kỳ quái và ngu dốt không kém: Vinipêch (Winnipeg thủ phủ của tỉnh bang Manitoba, Canada); Vixcônxin là phiên âm của Wisconsin.

Cả hai đều bắt đầu bằng "W" tại sao lại phiên âm thành "V"?

Chưa hết, ông sẽ thấy Dublin được phiên âm thành ÐUBLIN và Hudson thành HƠTXƠN trong khi âm "U" phải đọc là "Ă" mới đúng.

Câu Je dis tu à tous ceux que j’aime (trong bài Barbara của Prévert) không thể dịch sang tiếng Anh một cách chính xác được vì đại danh từ ngôi thứ hai trong tiếng Anh, ít nhiều cũng là "YOU" hết.

I say "you" (tu) to all I love.

Trong tiếng Pháp mới có hai đại danh từ "TU"  "VOUS". Thân nhau hay coi thường, khinh bỉ nhau lắm mới "tutoyer" (mày tao chi tớ).

Câu dịch sang tiếng Anh ở trên hoàn toàn vô nghĩa lý. Nếu cần, phải mở ngoặc ghi chú thêm bên cạnh chữ "TU": "tu: form of address used with people one is on familiar terms with").

Ta bà hay sa bà là phiên âm chữ saha của Phạn văn. Có khi còn đọc là ta bà ha / sa bà ha.

Ta bà hay sa hà thế giới nghĩa là ba cõi thượng giới, trung giới và hạ giới, nơi mà các nhà tu phải học để nhẫn và nhịn các điều khổ não trong đời sống.

Ta bà còn có nghĩa là dông dài, đây đó, không mục phiêu nào cố định. Như khi nói đi ta bà thế giới nghĩa là đi lang thang, vô định, khắp nơi.

Trả lời cô Ngọc Sương Trần, Tampa, Florida

Tại sao nói mẹ tròn, con vuông?

Vuông tròn nghĩa là trọn vẹn và hoàn toàn.

Trăm năm tính cuộc vuông tròn là câu của Thúc Sinh nói với Kiều, ý muốn tính chuyện hôn nhân lâu dài với Kiều.

Ngày xưa người ta tin trời hình tròn, đất hình vuông. Do đó vuông tròn nghĩa là toàn thể, đầy đủ, hoàn toàn.

Mẹ tròn, con vuông là ý nói chuyện sinh đẻ tốt lành, mẹ con khoẻ mạnh. Nếu mẹ thực sự tròn mà con thực sự vuông thì việc sinh đẻ sẽ rất khó.

Người xưa nói có ba điều bất hiếu, đó là những gì?

"Người xưa" đây là Mạnh Tử. Ông Mạnh nói rằng "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" nghĩa là trong đời có ba điều bất hiếu, nhưng lớn nhất là không có con nối giõi.

Ba điều bất hiếu là thứ nhất, hùa theo cha mẹ, không biết can ngăn để cha mẹ vướng vào những chuyện bất nghĩa; thứ hai là nhà nghèo, cha mẹ già yếu mà không chịu ra làm quan để có bổng lộc nuôi cha mẹ; và thứ ba là không có con cái để cúng giỗ tổ tiên.

HIGH MAINTENACE BITCH

Bitch nguyên nghĩa là con chó cái. Nhưng danh từ này càng ngày càng trở thành chữ cấm kỵ sau khi nó có nghĩa mới là người đàn bà xấu xa, độc ác, ích kỷ, gian xảo, lang chạ, dâm đãng...

Một cửa tiệm chuyển bán các sản phẩm đắt tiền cho chó ở Seattle có tên là High Maintenace Bitch đã khiến cho nhiều phụ nữ khó chịu vì nghĩa đôi của chữ này.

High maintenance là chữ để chỉ bất cứ một thứ gì đắt tiền để bảo trì hay cung phụng. Xe Ferrari là high maintenance car. Paris Hilton là cô bạn gái đắt tiền, quần áo, nước hoa, kính mát, ví, xe, nữ trang đều rất tốn kém.

Thêm chữ bitch vào đằng sau, tự nhiên các phụ nữ đều nổi cơn thịnh nộ.

Nhất là những người đàn bà... đắt tiền.

Một thứ gel để tắm gội cho chó thì có tên là GEL-OUS-BITCH đọc lên thì không khác gì jealous bitch.

Ðộng lòng là phải.

BIMBO

Monica Lewinsky, cô sinh viên tập việc tại tòa Bạch Ốc từng gây điêu đúng cho ông Clinton thường bị gọi là "bimbo".

Bimbo gốc từ danh từ tiếng Ý bambino hay bambina là em bé, baby.

Bimbo sau đó có thêm những nghĩa khác như gái điếm, đàn bà ngu ngốc, rẻ tiền, dâm đãng, thất học, thô tục.

BIGWIG

Bigwig nghĩa là một nhân vật quan trọng, cùng nghĩa với big shot.

Các quan tòa tại tòa án Anh từ thế kỷ thứ 18 đều đội những bộ tóc giả (wig). Luật sư đội tóc giả ngắn. Chánh án đội tóc giả dài hơn, tới vai. Từ đó, bigwig có nghĩa là người quan trọng, chức vụ, đẳng cấp cao.

VẪN LẠI MĂNG CỤT

Trái măng cụt đã chiếm khá nhiều chỗ của trang Chữ Nghĩa Chúng Ta với thắc mắc của độc giả Tiên Bùi thì nay lại có một độc giả hỏi ở Bangkok có đại học tên là đại học Mongkut tức là đại học Măng Cụt?

Xin thưa là không, đó là đại học King Mongkut mang tên quốc vương Mongkut tức là vua Rama IV, ông vua thuê bà giáo Anna Leonowens dậy tiếng Anh cho các hoàng tử và công chúa để rồi thành chuyện phim The King And I mà hoàng gia Thái rất ghét vì coi cốt truyện đầy những nét xuyên tạc lịch sử Thái.

Trả lời một thính giả ở Westminster, California

Nhạc là phía vợ. Nhạc phụ hay nhạc trượng là cha vợ. Nhạc mẫu là mẹ vợ. Nhạc gia là gia đình nhà vợ.

Công là cha chồng.

Tuy nhiên công cô lại là cha mẹ vợ do hai chữ công là ông gia,  là bà gia (Hán Việt Từ Ðiển Ðào Duy Anh trang 118)

Nhưng tại sao phải dùng chữ Hán trong nhũng trường hợp này để nghe ngây ngô như phim bộ chuyển âm tiếng Việt? Tại sao không thưa ba, thưa má, mà phải thưa nhạc phụ, thưa nhạc mẫu, thưa công công... mời công công đi... ngủ?

Ðồng ý với ông hai câu:

Ðất Phần Lan giá buốt tuyết băng, ta tạo lấy mai vàng, lạnh mà vẫn ấm
Trời Cali nóng lạnh nắng gió, nguời bầy ra đào đỏ, ồn sao cũng vui

không phải là hai câu đối vì câu trên và câu dưới đã không đối về ý, mà về bằng trắc thì cũng không chỉnh.

Thí dụ giá (t) buốt (t) tuyết (t) băng (b) không thể được đối bằng nóng (t) lạnh (t) nắng (t) gió (t)

3-8-2007


Trả lời một độc giả ở Houston, Texas

Ca ve, cũng có khi gọi là ca nhe, là danh từ mượn của tiếng Pháp, cavalière.

Cavalier / cavalière có nhiều nghĩa: võ sĩ, người kỵ mã, công tử.

Cavalier cũng còn có nghĩa là một người đàn ông khiêu vũ với một phụ nữ.

Cavalière là một phụ nữ khiêu vũ với một người đàn ông. Danh từ này du nhập qua Việt Nam và được Việt hóa thành ca ve để chỉ người phụ nữ làm việc tại vũ trường được khách trả tiền để khiêu vũ với khách.

Tiếng Anh có chữ taxi dancer, hay taxi girl để chỉ người phụ nữ làm công việc đó. Gọi là taxi girl hay taxi dancer vì người phụ nữ này cũng được thuê mướn để khiêu vũ như người ta thuê taxi vậy.

Trả lời ông Chính Nguyễn, Oregon

Tương đương với câu As you live in a glass house, do not throw stones là trước mặt ông sư đừng chửi thằng trọc đầu. Một câu khác là vuốt mặt nể mũi.

Câu sống bên kèn trống chết không trống kèn tương đương với câu hàng săng chết bó chiếu. Hàng săng là tiệm bán quan tài.

Câu sống trên đời ăn miếng giồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không còn một câu khác cũng bắt đầu như thế: sống ăn miếng giồi chó, chết được bó vàng tâm. Hai câu không đồng nghĩa với nhau. Câu thứ hai nói về những biệt đãi trên đời, chết đi cũng vẫn được biệt đãi, chôn trong áo quan bằng gỗ vàng tâm.

Vàng tâm là gỗ quí:

Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm

Nghĩa là tưởng là tốt đẹp, đến gần mới thấy thực ra là không. Cây núc nác gỗ mềm, không dùng làm gì được.

Câu thứ nhất phao câu thứ nhì đầu cánh không đúng. Ðáng lý phải là thứ nhất phao câu, thứ nhì bầu cánh.

Ðầu cánh gà thì không có thịt làm sao gọi là ngon?

Phải là bầu cánh. Bầu cánh là chỗ nách của con gà, nơi cánh gà nối vào với thân. Bầu cánh mới nhiều thịt, mới ngon.

Trả lời bà Ninh lieu.ninh@IngramMicro.com

Câu con (họ) nhà tôm lộn (đội) cứt lên đầu là để nói một tình trạng lộn xộn, không tôn ti trật tự.

Thực ra đây là một sai lầm về giống tôm. Cứt tôm không ở trên đầu. Câu này được dùng để chê trách một hoàn cảnh như bà nói: chú để râu trước cả ông.

Trả lời một độc giả tại Houston

Bumpkin / Pumpkin

Bumpkin là một người ngu đần, một nông dân thất học. Bumpkin là tiếng Hà Lan, boomkin, nghĩa là cái cây nhỏ, người nông dân thất học chỉ có trí thông minh của một cái cây nhỏ.

Pumpkin là quả bí đỏ. Pumkin cũng là tiếng gọi yêu một đứa bé.

My better half nghĩa là người phối ngẫu của tôi. Thường thì là những chữ người chồng gọi người vợ. Theo nhũng người Thanh giáo thì con người được cấu tạo bởi hai phần, thể xác và linh hồn. Linh hồn được coi là nửa tốt đẹp hơn, quan trọng hơn. Thế kỷ thứ 16, một nhà văn Anh là Sir Philip Sidney là người đầu tiên dùng những chữ này để chỉ người vợ hay người chồng trong một cuộc hôn nhân. Ðến thế kỷ thứ 18 thì cách gọi này phổ thông hơn. Ngày nay ít ai dùng ngoại trừ trong những lúc đùa giỡn.

Câu lưu có hai nghĩa: bắt giam tạm thời ; có việc cần phải ở lại, không thể về ngay được.

Trả lời cô Chu Nguyên Anh, Fairfax, Virginia

Cậu hay cữu là chữ Hán có nhiều nghĩa khác nhau.

Cậu / cữu là anh hay em của mẹ.

Cậu / cữu cũng là cha chồng.

Cậu / cữu cô là cậu và cô, anh em trai, chị em gái của mẹ.

Cậu / cữu cô cũng là cha chồng và mẹ chồng.

Cậu / cữu mẫu là mợ, vợ của cậu, em dâu của mẹ.

Cậu / cữu phụ là anh hay em tai của mẹ.

Quốc cậu / cữu là cha chồng.

Ðại cậu / cữu là anh lớn của mẹ.

"Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung..." là câu đầu của bài Mộng Chiều Xuân, tác giả là nhạc sĩ Ngọc Bích đã từ trần ngày 15 tháng 10 năm 2001. Ông sinh trưởng ở Hà Nội (1925).

Bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống là do ông viết nhạc và Thanh Nam viết lời. Hai ông ký tên là Chính Nghĩa và Quang Minh.

Một vài ca khúc tiêu biểu của ông là Trở Về Bến Mơ, Khúc Nhạc Chiều Mơ, Mộng Chiều Xuân, Giấc Mơ Ngàn...

Ca sĩ Ngọc Bích không viết những nhạc phẩm này.

4-5-2007


Ông Nguyễn Minh, Pasadena, California

Ðồng ý với ông là hai chữ ấy dùng không đúng lắm.

Lác đác dùng để nói về mưa thì đúng hơn. Mưa lác đác là mưa không lâu, không đều, không kéo dài, là mưa ào xuống rồi ngưng và không trên một diện tích rộng lớn.

Rải rác có thể dùng cho cả mây và mưa. Mây có thể rải rác và mưa cũng có thể rải rác. Nhưng ít khi nói mây lác đác.

Lá cũng có thể lác đác rụng, không ào ào đổ lộc rung cây như trong cảnh Ðạm Tiên hiện về hôm ba chị em Kiều đi Thanh Minh.

Anh hùng đoán giữa trần ai mới già

Từ Hải khen Kiều là người có mắt khi nhìn ra được Từ Hải là người anh hùng giữa chốn trần ai gió bụi, khi còn hàn vi. Làm đươc việc đó là người già dặn. Trước đó, Kiều nói rằng nàng tin Từ Hải là người có tài, làm được việc lớn như Ðường Cao Tổ.

Ðông Quách tiên sinh, nghĩa đen là tiên sinh nhà ở ngoài thành phía đông. Nghĩa bóng là một người không có thực tài mà chỉ dựa vào những người chung quanh. Nhân vật này, theo Hàn Phi tử, là một nhân vật có thật. Tề Tuyên vương (ông vua tương truyền là rất... dê của nước Tề) là người thích nghe thổi sáo. Khi nghe, ông chỉ thích nghe một lúc ba trăm người cùng thổi. Ðông quách tiên sinh cũng ngồi cùng thổi sáo chung với những người kia, nhưng thực ra ông này hoàn toàn không biết thổi sáo, chỉ giả bộ để kiếm ăn. Khi Tề Tuyên vương mất, vua mới lên là Mẫn vương thì lại chỉ thích nghe từng người thổi một. Ðông Quách tiên sinh thấy không ổn bèn trốn mất. Từ đó, danh từ Ðông Quách tiên sinh được dùng để chỉ những người vô tài, kiếm ăn nhờ dựa vào những người khác

MADAM

Tuần qua, báo chí có nhắc đến một phụ nữ với một danh sách trên mười ngàn tên tuổi của các thân chủ sử dụng dịch vụ mãi dâm ở thủ đô Washington.

Người phụ nữ này được báo chí gọi là The Washington Madam.

Madam có ba nghĩa tất cả. Madam là chữ dùng xưng hô tôn kính dành cho một phụ nữ.

Nghĩa thứ hai là một phụ nữ chủ gia đình.

Nghĩa thứ ba là chủ động điếm.

Ông Adam gặp bà Eva ở vuờn địa đàng chắc phải tự giới thiệu: " MADAM I’M ADAM" Ông còn cả thẹn nên lính quýnh nói như thế. Câu nói quýnh quáng của ông có thể đọc ngược hay xuôi thì cũng vẫn là MADAM I’M ADAM. Tinh quái như thế nên bà Eva mới chịu ngay chàng là vậy.

MADAME là cách xưng hô, gọi một phụ nữ mà người Anh bắt chước của người Pháp. Madame cũng là chữ để xưng hô với một phụ nữ có tước vị đặc biệt là không phải người Anh:

Madame Secretary of State Madeline Albright

H.B.N.

Là ba chữ viết tắt của những chữ cấm kỵ mà một trong ba chữ kể trên, khi đem dùng, đã khiến Don Imus, người phụ trách một chương trình talk show mất việc.

Don Imus gọi các đấu thủ bóng rổ của đại học Rutgers là "nappy-headed hos".

Nappy là bù xù. Nappy headed là người đầu tóc bù xù, khác thường, kỳ dị.

Ho là từ chữ whore mà ra. Whore đọc thành ra ho, nghĩa là gái điếm.

Danh từ này được dùng rất nhiều trong nhạc hip hop, và cũng được các thành phần trẻ da đen dùng để gọi phụ nữ.

Họ tự xưng và gọi những thanh niên, đàn ông da đen khác là motherfuckers.

B. là viết tắt của chữ bitch. Bitch nguyên nghĩa là con chó cái. Trong nhạc hip hopbitch là phụ nữ, là đàn bà.

N. là viết tắt của chữ nigger. Nigger là tiếng thoái hóa từ negro, nghĩa là người da đen. Nigger hay niggra cũng chỉ thấy trong nhạc hip hop. Thế nhưng những chữ này, người da đen dùng với nhau thì được, người da trắng dùng là không được.

Ðiều tra viên cảnh sát Los Angeles Mark Furman trong vụ xử O.J. Simpson chỉ vì có dùng danh từ nigger một lần mà bị coi là kỳ thị và không được cho làm chứng tại tòa nữa.

Hiện nay, đang có một số ý kiến đòi phải làm sạch ngôn ngữ của những bản nhạc hip hop.

Gọi nhau như thế thì khó nghe thật.

Trả lời bà Thủy Trần Annandale, Virginia

Sau "chút" là gì?

Xin dẫn một truyện xưa để trả lời bà:

Một cậu bé thấy cha làm quan mà chỉ lo lấy lợi riêng nên một hôm hỏi cha rằng con của con là gì, cha đáp là cháu. Lại hỏi cháu cuả cháu là gì, cha đáp là chút. Cậu hỏi tiếp chút của chút là gì thì người cha, Ðiền Văn, trả lời con là Ðiền Anh rằng ông không biết. Người con mới nhắc cha rằng trong khi cha làm quan, không lo cho dân, để cho dân đói khổ mà lại lo cho những đứa không biết gọi là gì.

Câu truyện này cho thấy sau chút thì không còn chữ để gọi nữa, vì ai còn sống để biết những đứa con cuả chút mà đặt tên. Tuy nhiên chúng tôi cũng có nghe con của chút là chít; con của chít là chụt; con của chụt là chịt.

Không biết có đúng không.

Thôi thì cứ gọi là cháu 5 đời, 6 đời, 7 đời, 8 đời chắc là đúng hơn.

BUỒN ƠI CHÀO MI

Buồn Ơi Chào Mi không phải là của người viết bản nhạc bà đã nghe, mà là tựa đề cuốn tiểu thuyết Bonjour Tristesse của Francoise Sagan do Nguyễn Vỹ dịch. Cuốn sách này cũng được một dịch giả khác, Lê Huy Oanh, chuyển sang Việt ngữ, với tựa đề Buồn Ơi, Xin Chào.

Tựa Buồn Ơi, Chào Mi được nhắc tới nhiều hơn vì nghe nó... thơ hơn chăng?

Francoise Sagan là bút hiệu. Tên thật của bà là Francoise Quoirez. Sagan không phải là họ của chồng, mà là tên của một nhân vật trong tiểu thuyết của Marcel Proust, cuốn À La Recherche Du Temps Perdu (đi tìm thời gian đã mất). Tên này bà đã dùng ngay khi in tác phẩm đầu tay, cuốn Bonjour Tristesse. Francoise Sagan sinh năm 1935, qua đời năm 2004 hưởng thọ 69 tuổi.

Bà Tâm (?) Los Angeles, California

Chúng tôi không biết chắc mấy người Mễ đó nói gì với bà, nhưng dựạ trên cách phiên âm của bà (don du me et shield,) thì có thể đó là một câu tiếng Anh mà chúng tôi đoán là "don’t do that shit to me" nghĩa là đừng có giở trò thối ra với tôi chăng?

Nếu người Mễ đó nói bằng giọng nhẹ nhàng lịch sự thì chắc không phải.

6-4-2007


PHI VỤ?

Phi là bay. Vụ là việc, công việc.

Phi vụ hay phi xuất là một chuyến cất cánh của máy bay để đi công tác như oanh tạc, chiến đấu, chuyên chở...

Trong suốt chiều dài chiến tranh Việt Nam, danh từ phi vụ hay phi xuất chỉ được hiểu theo nghĩa như trên. Phi vụ hay phi xuất trong tiếng Anh cũng như tiếng Pháp là sortie.

Nhưng mới đây, nhật báo N.V. trong số đề ngày 2 tháng 4 có viết về một "phi vụ bán dâm bé gái 7 tuổi".

Tự điển tiếng Việt của Hà Nội có một giải thích khác cho danh từ "phi vụ". Ðó là tiếng lóng để chỉ những việc làm phi pháp: phi pháp vụ.

Tại sao không viết là một vụ bán dâm, mà phải là một phi vụ bán dâm?

Không sợ làm buồn các phi công hay sao?

Cũng trong bài báo vừa kể, người viết còn viết nguyên văn: "người mẹ này đã cho phép một người đàn ông làm tình với đứa con của bà..."

Việc làm của ngươi đàn ông với bé gái 7 tuổi nhất định không là một hành động của tình yêu. Không thể dùng động từ "làm tình" được.

Làm tình là tiếng dịch từ động từ tiếng Pháp, faire l’amour, tiếng Anh là to make love.

Hành động của người đàn ông trong bản tin là have sex, là rape, là cưỡng dâm, là hiếp dâm. Không hề có tình yêu trong hành động phạm pháp này.

Trả lời độc giả Phan Thuận (?) thphan@ti.com

Phan Trần là một tác phẩm văn nôm không rõ tác giả là ai. Truyện dựa trên một tích có từ đời Tống bên Tầu, khoảng năm 1126 đến năm 1147.

Truyện kể lại cuộc tình đầy trắc trở của Phan sinh và Trần Kiều Liên. Hai gia đình cho đôi trẻ đính ước với nhau từ lúc cả hai chưa ra đời, trải qua những năm loạn lạc, phân ly, cuối cùng lại xum họp được với nhau.

Chính vì đoạn Phan sinh bị lạc mất Kiều Liên, Phan sinh đau đớn ốm tương tư, suýt nữa thì huỷ mình nên mới có câu: "Ðàn ông chớ kể Phan Trần..."

Thời trước (?) xã hội cho rằng đàn ông mà như vậy thì tệ quá, không xứng đáng làm nam nhi.

Câu sau: "Ðàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều " là vì trong truyện Kiều, nhân vật Kiều cũng quá lãng mạn, tự do đi thăm Kim Trọng, rồi lại cắt tóc thề nguyền, vượt quyền cha mẹ.

Câu thứ hai thêm Thuý Vân vào là để vần với chữ thứ sáu của câu trên chứ Thuý Vân thì ngoan ngoãn, bảo gì làm nấy, thấy Thuý Kiều lãng mạn một chút đã nực cười.

Ngày nay, Phan sinh và Kiều đều quá hiền lành nên cô cứ đọc Phan Trần và Kiều cũng không sao cả.

Còn hai câu khác liên quan đến Kiều, nhưng không mang ý nghĩa những lời răn dậy thì như sau:

Ðàn ông biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn Hảo, xem nôm Thuý Kiều

Như vậy là lịch lãm lắm. Ngày nay lịch lãm là phải làm những chuyện khác, chẳng hạn như:

Làm trai thì đọc Playboy
Chạy xế Lếch Xịt, sống đời... độc thân (?)

LOVE, SERENDIPITY, FAMILY

Theo một cuộc thăm dò mới đây thì có ba danh từ trong Anh ngữ được người Anh yêu nhất, hay dùng nhất, đó là love (tình yêu), serendipity (may mắn), và family (gia đình).

Ðiều này hơi lạ. Hai danh từ love và family thì thường quá. Nhưng serendipity?

Serendipity có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là khả năng khám phá ra những điều thú vị một cách tình cờ.

Nghĩa thứ hai là may mắn.

Thí dụ: The serendipity of getting the first job she applies for: sự may mắn xin được việc làm dầu tiên mà cô nộp đơn xin (Tự điển Webster).

Thế thì những chữ như marvelous, wonderful, absolutely... mà nếu lấy đi, hoàng gia Anh sẽ ú ớ không nói được ra câu thì bỏ vào danh sách nào?

Trả lời ông Trần Văn Hiến, Dallas, Texas

Duyên hương lửa, hay hương hỏa nhân duyên là duyên vợ chồng đã có với nhau từ kiếp trước:

Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào 
(Cung Oán Ngâm Khúc)

Nhưng hương hỏa cũng lại còn có nghĩa là hương đèn dùng trong việc thờ cúng:

Lễ xong hương hỏa gia đường
Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay
 (Kiều)

Ba sinh là ba kiếp sống luân hồi, những duyên nợ của một con người trong đời sống:

Ba sinh đã phỉ mười nguyền (mọi điều nguyện ước: Ðào Duy Anh / Tự Ðiển Truyện Kiều)

Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy

Ba Sinh Hương Lửa là một tác phẩm của Doãn Quốc Sĩ.

Ðạo Chích là tên một tên trộm nổi tiếng, em của Liễu Hạ Huệ (một người nổi tiếng là đạo hạnh).

Ðạo Chích người nước Lỗ thời Xuân Thu, dưới tay có cả ngàn thuộc hạ.

Giang Thanh là vợ có cưới của Mao Trạch Ðông. Giang Thanh tên thật là Lý Vân Hạc, con vợ bé của một địa chủ họ Lý tại Sơn Ðông, sinh năm 1914. Thời trẻ đóng kịch lấy hiệu là Lam Bình (trái táo xanh). Gia nhập đệ Bát lộ quân Tây An đổi tên là Giang Thanh, lấy lý do Thanh cũng là mầu lam (Lam Bình), nhưng đậm hơn. Giang là nước sông. Giang Thanh là nước sông xanh, hy vọng sẽ...vùng lên.

Giang Thanh có với Mao Trạch Ðông một con gái tên là Lý Na.

Trả lời cụ Nguyễn Bình, Scarborough, Ontario, Canada

Down Under là tên không chính thức của nước Úc vì vị trí của Úc ở nam bán cầu. Nhưng chính người Úc thì lại ít khi dùng danh xưng này. Nhiều người coi danh từ này thiếu sự tôn trọng dành cho một quốc gia. Có thể là vì chữ này đôi khi được dùng để hiểu (double entendre) là bộ phận của người đàn ông như trong câu: "I’m huge Down Under" của một kịch sĩ hài hước.

Chữ Aussie được dùng nhiều hơn là Down Under.

Zeeland là tên một tỉnh của Hà Lan. Tên của tỉnh này viết theo Anh ngữ là Zealand.

New Zealand là tên một quốc gia ở nam Thái Bình Dương, nằm ở phía đông nước Úc.

Aotearoa là tên người Maori gọi lãnh thổ này của họ trước khi người Anh đến lập nghiệp. Aotearoa có nghĩa là miền đất của những đám mây trắng dài, The Land of the Long White Cloud.

Thiên thời, đất lợi lại người hòa là một câu thơ của Phan Thanh Giản bầy ra tâm trạng tuyệt vọng của ông trước tình hình đất nước.

Thiên thời (vận trời) địa lợi (thế đất) nhân hòa (lòng người) là ba yếu tố thành công. Có tất cả thì sẽ thành công trong các hoạt động chính trị, lịch sử.

Nhưng Mạnh Tử cũng lại nói "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa" Vậy thì có được nhân hòa là có được hết chăng?

6-7-2007


Trả lời Vy, Orange County, California

Thông gia là hai gia đình có con trai con gái lấy nhau.

Thông là chữ Hán, nghĩa là hai bên hòa hợp nhau.

Sui gia, cũng viết là xui gia, suôi gia hay xuôi gia (Tự điển Lê Văn Ðức ghi cả hai cách viết).

Sui gia cũng cùng nghĩa với thông gia. Sui là tiếng Nôm.

Sui được nghe thấy ở miền Nam nhiều hơn.

Sui gái là cha mẹ vợ của con trai mình.

Sui trai là cha mẹ chồng của con gái mình.

Anh sui, chị sui, anh sui trai, chị sui trai, anh sui gái, chị sui gái là những tiếng thường nghe thấy ở miền Nam nhiều hơn ở miền Bắc.

Ví dầu kết chẳng đặng đôi
Ngày sau ta sẽ làm sui một nhà
 (Ca dao)

Trả lời bà Nguyễn thị Nghiên, Sydney, New South Wales, Australia

Phiêu bạc chứ không phải là phiêu bạt.

Phiêu là trôi, không dùng một mình mà phải đi với những chữ khác như phiêu bạc, phiêu linh, phiêu lưu, phiêu tán. Bạc là cái hồ, là con thuyền. Phiêu bạc là trôi dạt.

Nhưng bạt thiệp chứ không phải là bặt thiệp.

Bạt là đi bộ qua đồng cỏ. Thiệp là lội qua nước. Bạt thiệp là gian lao, nhọc nhằn, lặn lội khó nhọc.

Nhưng hai chữ bạt thiệp thường bị dùng sai nghĩa để thành tĩnh từ mô tả một người lịch sự, ăn nói khôn ngoan, dễ nghe.

Khi đó, người ta viết là bặt thiệp.

Chữ bặt nghĩa cổ của nó lại là đẹp. Tự điển Khai Trí Tiến Ðức ghi đó là tiếng đường Trong và thí dụ: Chị nhà anh ấy trông bặt lắm.

Tờ để là tờ giấy của người chồng viết xuống để bỏ vợ. Không biết tờ giấy này có giá trị như thế nào, nhưng đó là tiếng miền Nam.

Tờ để còn có khi gọi là tờ phân ly, hay ly tờ.

Tự điển Lê Văn Ðức ghi một thí dụ rất coi thường phụ nữ: Làm tờ để cho nó kiếm chồng làm ăn.

Bây giờ không ai dám nói một câu như thế nữa.

Ðể còn một nghĩa nữa là chống lại, phản đối.

Ðể kháng là chống lại, không phải là đề (dấu huyền) kháng như rất nhiều người vẫn dùng sai.

Ðể chế là phản đối, chống lại, không mua, không dùng, không hợp tác, không giao thiệp.

Hai tiếng này thường bị đọc sai thành tẩy chay.

Trả lời độc giả Nguyễn Ðình Hải, Santa Ana, California

Chắc ông không đùa giỡn. Nếu ông không đùa thì xin trả lời ông.

Thổi chim là bắn chim bằng ống xì đồng. Lấy một chiếc ống dài dùng hơi trong miệng đẩy mũi tên đi. Tiếng Anh gọi là blow dart.

Nghĩa thứ hai của thổi chim là hút thuốc phiện. Cũng còn gọi là bắn khỉ, đong thoóc (hai chữ "O"). Xin xem trang 1587 tự điển Lê Văn Ðức.

PROSTITUTE

Theo một bản tin của Reuters thì hiện nay, tại nước Anh đang có một cuộc vận động để bỏ hẳn danh từ prostitute ra khỏi các bộ luật của nước Anh, vì danh từ này mang theo quá nhiều hình ảnh xấu xa, xúc phạm danh dự của người phụ nữ.

Bộ Tư Pháp Anh đề cập tới những người này là những phụ nữ bán dâm trên căn bản thường xuyên từ hai lần trở lên mỗi tháng, không gọi họ là prostitute nữa.

Bộ Tư Pháp Anh cho biết danh từ prostitute đã được dùng trong các bộ luật của nước Anh từ năm 1824. Thế giới đã đổi thay, danh từ này không còn thích hợp nữa và cần phải bỏ hẳn.

MR. CONDOM

Ở Thái Lan, ông Mechai Viravaidya đã được mệnh danh là Condom King, vua áo mưa, vì ông đã hết lòng vận động để đàn ông Thái có đi ăn tiệm bên ngoài thì nhớ dùng áo mưa để tránh bệnh AIDS. Ông đem vấn đề mặc áo mưa ra nói tại Ngân Hàng Thế Giới và còn đặt tên cho nhà hàng ăn của gia đình ông cái tên là Bắp Cải và Áo Mưa (Cabbages and Condoms).

Nay Ấn độ cũng đang muốn kiếm một người hăng say trong công việc vận động cho những cái áo mưa. và nói rõ là đang tìm một Mr. Condom.

Những cái tên nghe ghê rợn như vậy thực ra đã có người mang nó từ lâu.

Ông Henry Cabot Lodge được cử làm đại sứ Hoa kỳ vào lúc tình hình Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông vừa ngồi ở chức vụ đại sứ tại Sài Gòn không lâu thì xẩy ra cuộc đảo chính lật tổng thống Diệm.

Dân Sài Gòn thấy cái tên đệm của ông, Cabot, gần giống như danh từ capote (là cái áo mưa ) của tiếng Pháp nên lập tức, những cái áo mưa được gọi là đại sứ, chức vụ của ông Lodge. Từ đó, câu "xài ông đại sứ" có nghĩa là dùng áo mưa. Rất nhiều người Việt sống hiền lành và không theo dõi tình hình chính trị Việt Nam hồi đầu thập niên 60 không biết lai lịch của chữ này.

Một nhà văn người Mỹ, tác giả của cuốn tiểu thuyết ngắn Breakfast At Tiffany’s (từng được dựng thành phim do Audrey Hepburn đóng vai chính) tên thật là Truman Streckfus Persons. Nhưng khi viết văn, ông lại lấy tên là Truman Capote, tên do người cha dượng đặt cho ông.

Thế là dính dáng tới cái áo mưa, đã có ông đại sứ Lodge với tên đệm được đọc sai đi một chút. Và nhà văn Truman Capote.

7-9-2007


Trả lời ông Nguyên Thạch, Garden Grove, California

Nái là chữ dùng để chỉ giống cái của một số loài thú

Heo nái, lợn nái, bò nái, trâu nái...

Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng (Tục ngữ)

Nái sề là lợn đã đẻ nhiều lần. Chữ này còn được dùng để chỉ (một cách miệt thị) người đàn bà đã qua nhiều lần sinh nở:

Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Nái sề sồng sộc nó thì theo sau
 (Tục ngữ?)

Dù chàng năm thiếp bẩy thê
Cũng không bỏ được nái sề này đâu
 (Tục ngữ) 

Những biểu ngữ treo ở Hà Nội sau khi Nhật đảo chính Pháp (Vietnam to the Vietnamese) bị xuyên tạc thành Việt Nam to thế Việt Nam mẹ sề.

Sồn sồn nghĩa là không già hẳn mà cũng không còn trẻ. Khi mô tả nồi cơm thì cơm sồn sồn nghĩa là cơm nửa chín nửa sống.

Người sồn sồn là khoảng ngoài bốn mươi. Hai chữ sồn sồn thường được dùng để mô tả các bà nhiều hơn.

Jacques Prévert ra đời năm 1900 tại Neuilly-sur-Seine, qua đời ngày 11 tháng 4 năm 1977 tại Omonville-la-Petite.

Ông lớn lên tại Paris, ghét đi học từ lúc còn bé. Ông thích đi xem hát với cha, và đọc sách với mẹ. Xong bậc tiểu học, ông thôi học và không trở lại trường nữa. Năm 18 tuổi ông bị động viên và được đưa sang Cận Ðông. Ông làm thơ theo khuynh hướng siêu thực nhưng không ở hẳn với một trường phái văn học nào.

Ông nổi tiếng sau đệ nhị thế chiến với những bài thơ viết về đời sống ở thủ đô Pháp. Một số thơ của ông được phổ nhạc và được nhiều giọng hát thu thanh như Yves Montand, Édith Piaf, Joan Baez... Ðược biết đến nhiều nhất phải là bài Les Feuilles Mortes do Joseph Kosma viết phần nhạc. Ông sinh hoạt nhiều với các nhà làm phim hậu chiến và viết một số truyện phim.

Các tập thơ nổi tiếng của ông là Paroles, Histoires, Spectacle, La Pluie et le beau Temps...

Các thi sĩ Việt Nam có thời sống ở Pháp đều rất thích và bị ảnh hưởng nhiều của Prévert như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn và Cung Trầm Tưởng.

Một độc giả ở Orange County không cho biết tên:

Phù đồ là tháp nhiều tầng để thờ Phật:

Dù xây chín đợt (cấp) phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người 
(Ca dao)

Du thủ du thực: du thủ là không nghề nghiệp; du thực là ăn chơi không làm gì cả. Du thủ du thực là những người không nghề nghiệp chỉ ăn chơi rông dài. Du côn cùng nghĩa với du đãng.

Du nịnh và xu nịnh đều có nghĩa. Du là nịnh. Du nịnh là nịnh hót để kiếm lợi.

Xu là ngả, nghiêng về. Xu mị, xu nịnh, xu phụ đều có nghĩa là nịnh bợ, nghiêng về phía nào đó để kiếm lợi.

Xếp hay sếp

Sếp viết với chữ “S” là chủ, do danh từ chef của tiếng Pháp (tiếng Anh là chief) nghĩa là chủ, cấp chỉ huy.

Chef de cuisine gọi tắt là chef là đầu bếp chính (chief cook).

Sous chef là đầu bếp phụ.

Chef cao cấp, giỏi hơn, quan trọng hơn là chief cook. Chef cần có tài sáng chế ra những món ăn mới.

Trả lời cô Ngọc Thiện

Chương Ðài / Trang Ðài

Có hai địa danh cùng mang tên Chương Ðài (Zhang Tai / Chang T’ai).

Chương Ðài là tên một cung điện ở Trường An tỉnh Thiểm Tây xây từ đời Tấn. Chương Ðài về sau được dùng như một danh từ chung (không viết hoa) để chỉ những nơi vua quan ở, những nơi giầu sang quyền quí.

Người chốn chương đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn
(Cảnh Chiều Hôm / Bà Huyện Thanh Quan)

Chương Ðài còn là tên một con đường ở Trường An, nơi có một kỹ nữ trẻ và rất đẹp mà Hàn Hủ yêu quí. Phải lúc loạn lạc, hai người thất lạc nhau. Tan giặc, Hàn Hủ trở lại Trường An để kiếm Liễu thị nhưng Liễu thị đã bị tướng giặc Phiên cướp đem đi. Hàn Hủ gửi đến nhà Liễu thị bài thơ ngắn:

Chương Ðài liễu Chương Ðài liễu
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ
...

Giã ưng phan chiết tha nhân thủ?

(Liễu Chương Ðài ngày trước xanh xanh nay còn không hay đã bị kẻ khác bẻ mất rồi).

Người nhà Liễu thị chuyển bức thư của Hàn Hủ cho Liễu thị. Liễu thị trả lời:

Dương liễu chi phương phi tiết
Khả hận niên niên tặng ly biệt
Nhất diệp tùy phong hốt báo thu
Túng sử quân lai khải kham chiết

(Cành dương liễu đang độ tươi tốt/ Ðáng giận năm năm phải tặng ly biệt / Một chiếc lá theo gió báo thu sang / Cho dù chàng có trở lại thì làm sao có thể bẻ được nữa). Về sau nhờ mưu của Hốt Tuấn mà Liễu thị và Hàn Hủ lại đoàn tụ với nhau.

Kiều bị bán vào thanh lâu, ngồi nhớ nhà, nhớ Kim Trọng thấy hoàn cảnh, thân phận mình cũng như Liễu thị ở Chương Ðài:

Khi về hỏi liễu Chương Ðài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay

(Kiều)

Trang đài hay đài trang là chỗ người đàn bà ngồi trang điểm:

Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình

(Kiều)

Ca dao mới có câu:

Giỏi thay đồng chí Sít-ta
Lin-đa hở rốn hóa ra Trang Ðài (?).
 

Nhân tiện xin nói thêm về hai chữ hàn ôn trong bài Cảnh Chiều Hôm của Bà Huyện Thanh Quan. 

Hàn là lạnh. Ôn là ấm. Hàn ôn, chuyện hàn ôn, nỗi hàn ôn. Hàn ôn cũng có nghĩa như hàn huyên (ấm) là những thăm hỏi khi gặp nhau 

Trả lời ông LNK, Irvine, California:

Ðèo Mụ Già thuộc lãnh thổ Bắc Việt nằm trên Trường Sơn, cách Ðồng Hới 90 km về hướng tây bắc trên độ cao 418 mét giữa đường từ Tân Áp Việt Nam đi Muang Khammouan (tức là Thakhek). Ðèo Mụ Già là một trong ba vị trí khởi đi những con đường tiếp tế cho Cộng sản ở miền Nam và là một vị trí bị không quân Mỹ oanh tạc rất dữ dội trong những năm 67, 68 và 69.

8-6-2007


SÔNG HUẾ?

Trong cuộc thi kiến thức địa lý toàn quốc (National Geographic Bee) mới đây do Hội Ðịa Dư Quốc Gia (National Geographic Society) tổ chức dành cho các học sinh từ lớp 8 trở lên tại khắp nước Mỹ, một nữ sinh tên là Caitlin Snaring đã thắng giải nhất khi em trả lời một câu hỏi liên quan đến Việt Nam.

Câu hỏi đó nguyên văn như sau:

A city that is divided by a river of the same name was the imperial capital of Vietnam for more than a century. Name this city, which is still an important cultural center.

Ban giám khảo muốn thí sinh cho biết tên thành phố có một con sông mang cùng tên chẩy qua, từng một thời là đế đô của Việt Nam trong hơn một thế kỷ, thành phố hiện vẫn còn là một trung tâm văn hóa quan trọng.

Thí sinh Caitlin Snaring đáp: Huế.

Nếu không có đoạn "... divided by a river of the same name..." thì câu hỏi và câu trả lời đều không có gì phải nói thêm ở đây.

Nhưng câu hỏi lại nói là Huế do một con sông chia ra làm đôi (như Nhã Ca viết trong bài Tiếng Chuông Thiên Mụ: Tôi lớn lên bên này sông Hương / Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ...) mang cùng tên với Huế thì National Geographic Society đã lầm.

Không có con sông nào tên là sông Huế ở Việt Nam. Con sông chảy qua thành phố Huế là sông Hương. Không có ai gọi nó là sông Huế cả.

Một số người Việt đã viết thư cho National Geographic Bee để nói lại cho đúng, Huế không phải là tên gọi con sông chảy qua thành phố Huế, thì Dan Malessa, một giới chức của hội trả lời bằng thư có đoạn nguyên văn: The Hue River is an acceptable name for the river that runs through the city of Hue.

Câu này nghĩa là tên Huế được chấp nhận để gọi con sông chảy qua thành phố Huế.

Ðiều này sai. Chưa bao giờ, trước đây cũng như bây giờ con sông này mang tên là sông Huế. Trong các sách địa lý của Việt Nam, các bản đồ của người Pháp cũng như của Việt Nam đều không hề ghi tên sông Huế.

Dan Malessa viết thêm "Highly credible sources that corroborate this statement are the Columbia Gazetteer, Encyclopedia Britannica, Chambers World Gazetter, Macmillan World Gazetteer, and the U.S. Board on Geographic Names." để nó rằng tên sông Huế cũng được những tổ chức rất đáng tin khác chứng thực và kể tên những cơ sở đó ra.

Sau đó, ông ta còn viết thêm: While we acknowledge that Huong River is commonly used as well, Hue River is also used. Ông nhìn nhận là tên sông Hương thường được dùng nhưng tên sông Huế cũng được sử dụng.

Ðây là một thái độ ngoan cố không phục thiện.

Hãy thử tra bách khoa Britannica xem bộ bách khoa mà Dan Malessa nêu ở trên dể xem bộ sách này nói gì. Ðây là nguyên văn : "Hue is traversed by the broad, shallow Huong River (Hue River, or Perfume River).

Bách khoa Britannica có nhắc đến "Huế River ", nhưng đặt trong ngoặc đơn cùng với tên tiếng Anh "Perfume River". Và như vậy, tên thông dụng hơn, được dùng nhiều hơn, chính thức hơn là sông Hương, chứ không là Huế River hay Perfume River.

Tại sao không chấp nhận sai lầm mà phải cố cãi chầy cãi cối nói rằng tên Hương giang cũng (as well) đưọc nhiều người dùng (commonly used) nhưng tên sông Huế cũng được dùng như thế?

Tại sao không hỏi bất cứ một người Việt Nam nào đang sống ở Mỹ, hay những người đang sống ở cố đô Huế xem có ai từng nghe tên con sông Huế không, mà phải dẫn những sách này, bách khoa nọ để nhận lấy phần phải về mình trong khi đó lại là cái sai nặng?

Người ta có thể tin chắc Dan Malessa chưa tới Huế lần nào. Nếu đến Huế, hỏi thăm đi ra sông Huế xem Dan Malessa được chỉ đi đâu. May ra như thế thì sẽ nhìn ra cái sai của mình.

Có nghe ông Bùi Giáng trong thơ của ông chưa:

Dạ thưa phố Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương...

Ðó, sông Huế ở đâu nào!

Trả lời bà Lá Ngọc, Westminster, California

Ðinh Hùng sinh năm 1920, là em út. Trên ông có anh lớn là Ðinh Lân. Sau đó là bốn người chị: Loan, Yến, Hồng và Oanh.

Năm 1931 Tuyết Hồng tự trầm ở hồ Trúc Bạch khi mới 18 tuổi. Cùng năm đó, thân sinh của họ Ðinh cũng qua đời. Rồi năm 1934, chị lớn nhất của ông là Loan cũng thất lộc.

Vũ Hoàng Chương, anh rể của Ðinh Hùng (bà Vũ Hoàng Chương là Oanh, chị sát Ðinh Hùng) cho biết Tuyết Hồng "hờn giận tình duyên nên quyết mượn làn nước trong xanh rũ sạch nợ trần thế".

Tuyết Hồng Lệ Sử không phải là Tuyết Hồng, chị của Ðinh Hùng.

ÐÓI KHÁT CÔNG LÝ

Giám mục Gerald Barnes thuộc giáo phận San Bernardino, tại một buổi nói chuyện ở quận Orange về vấn đề di dân, đã đứng cạnh một biểu ngữ có nội dung ủng hộ những người di dân bất hợp pháp viết bằng ba ngôn ngữ Anh, Tây Ban Nha và Việt Nam.

Mấy chữ bằng tiếng Việt dịch từ những chữ tiếng Anh (HUNGER FOR JUSTICE) nghe rất kinh khủng: ÐÓI KHÁT CÔNG LÝ.

Ðồng ý "hunger" là đói. Nhưng dịch như vậy thì kỳ quá. Không người Việt nào nói như vậy.

Tại sao phải nô lệ vào tiếng Anh như thế?
Tại sao không dịch là Chúng tôi khát khao công lý, hay Chúng tôi đòi hỏi công lý?

Dịch như thế có xa rời ý nghĩa của câu tiếng Anh chút nào đâu?

Cứ dịch như vậy thì câu đầu của bài Unchained Melody (Oh, my love, my darling, I’ve hungered for your touch... ) phải dịch là Ôi, ngươi tình ơi, người yêu ơi, anh đói khái cái rờ của em hay sao?

Trả lời ông Trần Hoành, Irvine, California

Câu "Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi"

đã được nhiều người đối nhưng vẫn không chỉnh lắm, một trong những câu đối lại là:

"Anh Giải Phóng phỏng dái kêu giải phóng".

9-2-2007


PHÚNG ÐIẾU

Phúng là lễ vật đi viếng người chết, tài vật dùng để giúp việc tang có thể là tiền hay hiện vật

Ðiếu là thăm hỏi, an ủy, chia buồn với gia đình có người chết hay gặp điều bất hạnh.

Ðiếu khách là người đi thăm hỏi gia đình có tang.

Ðiếu tang là đi thăm hỏi nhà người có tang. Ðiếu văn là bài nói truớc quan tài người chết, kể công đức và nói lên lòng tiếc thương người quá vãng.

Như thế, phúng và điếu là hai việc khác nhau. Nhiều gia đình không muốn nhận những trợ giúp vật chất của bạn bè trong dịp tang ma. Các gia đình này không nhận phúng.

Nhưng nói là miễn phúng điếu thì có nghĩa là mang quả đến không nhận mà đến thăm cũng không được. Có lẽ tang gia không cấm cản việc thăm viếng. Như vậy, nói miễn phúng điếu có thể không đúng.

UỶ / ỦI

Uỷ mới đúng. Không có chữ ủi.

An ủy chứ không là an ủi.

Comfort women là những phụ nữ Trung Hoa, Triều Tiên bị quân Nhật bắt đưa đi các trại lính ở Ðông Nam Á để phục vụ sinh lý cho lính Nhật hồi đệ nhị thế chiến. Danh từ comfort women được dịch từ uỷ an phụ.

Uỷ lạo chứ không phải ủi lạo (lạo là lấy lời mà an uỷ).

CHÚA HAY KHỔNG TỬ... VIẾT?

Một ca sĩ trong nước mới đây vừa ồn lên về vụ hát một bản nhạc tục tĩu đã xuất hiện trong một cuộn video và trong đó, cô cho Chúa nói một câu của Khổng Tử và nói thêm đó là một câu mà cô rất thích. Cô không dẫn câu đó bằng chữ Hán, nhưng người xem thì đều biết đó là câu Khổng tử trả lời Trọng Cung (tức là Nhiễm Ung) khi Ung hỏi ngài về đức nhân.

Khổng Tử nói nguyên văn như thế này: Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế. Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân, Tại bang vô oán, tại gia vô oán.

Nghe xong, Trọng Cung nói rằng con tuy không sáng sủa đầu óc lắm nhưng cũng xin nghe theo thầy chỉ dậy.

Câu nói của Không Tử là một phát biểu chính trị. Ngài nói rằng ra khỏi cửa thì phải nghiêm trang như gặp khách quí; sai khiến dân thì phải thận trọng như trong một cuộc lễ lớn. Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Trong nưóc không ai oán mình, trong nhà cũng không ai oán mình.

Ðó là cách xử sự của một người trên, là đức nhân, là sự kính cẩn và thận trọng nghĩ tới dân.

Cả đoạn hỏi đáp này là ở Thiên XII Nhan Uyên trong sách Luận Ngữ.

TRAO ÐỔI TRONG TIỆM HỚT TÓC

- Thưa bác cần chi?

- Tôi muốn cắt tóc.

- Bác muốn cắt dài hay cắt ngắn?

- Cắt ngắn.

- Dạ cháu thấy cắt dài đẹp hơn.

- Thôi được cắt dài cũng được.

- Cháu đang mắc công chuyện không cắt cho bác được. Ðể cô kia cắt cho bác được không. Cháu thích cắt bác.

- Ai cắt cũng được.

- Jenny ơi, cắt bác được không? Jenny chuyên cắt dài đó bác.

Jenny:

- Ðâu phải... em thì cắt dài cắt ngắn đều được hết. Bác muốn cắt dài tới đâu? Ngang đây hè... cắt dài chút nữa được không... Sao bác lại muốn ngắn như vậy... Con thích bác cắt dài hơn một chút...

- Xong rồi hả cô?

- Dạ cắt dài vậy đủ chưa?

- Ðủ rồi.

- Ðủ rồi há bác... Cháu không lộn chứ bác?

- Không... không lộn đâu...

Toàn thể đoạn đối thoại đều diễn ra bằng giọng miền Bắc.

9-3-2007


Trả lời ông Thành Văn Nguyễn, Sprigfield, Virginia

Mệ là tiếng để gọi một phụ nữ đứng tuổi. Cũng có khi gọi là mụ. Ở miền Bắc, chữ mụ không có ý tôn trọng mà còn có thể hiểu là có ngụ ý khinh miệt ở trong.

Ở miền Trung, chữ mụ không mang ý khinh miệt.

Mệ cũng là chữ dùng để gọi những người đàn ông trong hoàng tộc. Gọi như thế là để lừa ma quỉ khỏi bắt đi cũng như tục đặt tên cho con cái những cái tên tục tĩu để ma quỉ tha không bắt đi, không tật bệnh mà chết sớm.

"Con cá đối nằm trên cối đá " là vế xuất của hai câu đối sử dụng những tiếng nói lái. Nguyên mấy câu như sau:

Con cá đối nằm trên cối đá
Mèo đuôi cụt
 nằm mút đuôi kèo
Anh mà đối đặng, dầu khó nghèo em cũng theo

Người nam đối lại:

Con mỏ kiến đậu trên miếng cỏ
Con vàng lông đáp giữa vồng lang
Nay anh đối đặng, xin nàng theo anh

Cũng còn có mấy câu khác tương tự:

Vế ra:

Con cá đối nằm trên cối đá

Vế đối:

Cái cò lửa đứng trước cửa lò

Vế ra:

Mài kéo cắt đuôi mèo cái

Vế đối:

Lòn cưa cứa cổ lừa con

Câu ông đố:

Lỗ vàng, lỗ bạc, lỗ em
Hỏi anh ba lỗ, anh thèm lỗ mô?

Ðã được cụ Vĩnh Tr. giúp trả lời như sau:

Anh xem vô ba lỗ cũng vững vàng
Hai lỗ làm giầu làm có, một lỗ để nối đàng tử tôn
.

Trả lời cô Vân Hồng, Michigan

Bài Les Feuilles Mortes khi được viết lời Anh, người ta bỏ bớt một đoạn đầu. Chỉ bài nguyên thủy với phần nhạc của Joseph Kosma mới có những câu sau:

Oh! Je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps là la vie était plus belle
Et le soleil plus brulant qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramasssent à la pelle
Tu vois, je n’ai pas oublié
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Les souvenirs et les regrets aussi
Et le vent du Nord les emporte dans la nuit froide de l’oubli
Tu vois, je n’ai pas oublié la chanson que tu me chantais
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Les souvenirs te les regrets aussi
Mais mon amour silencieux et fidèle
Sourit toujours et remercie la vie
Je t’aimais tant, tu étais si jolie
Comment veux tu que je t’oublie?
En ce temps là, la vie était plus belle
Et le soleil plus brulant qu’aujourd’hui
Tu étais ma plus douce amie
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
toujours je l’entendrais...

Sau đó mới là đoạn mà cô viết trong thư. Các giọng hát như Yves Montand, Dalida, Edith Piaf... đều hát đúng nguyên bản.

ÐỜI ÐỜI NHỚ ÔNG

Tuần trước, mồng 5 tháng 3 là đúng 54 năm Stalin qua đời. Tố Hữu có làm một bài thơ để khóc Stalin. Bài thơ này về sau không còn tìm thấy trong các sách thơ của Tố Hữu nữa. Nhiều người chỉ thuộc một vài câu. Xin chép lại ở đây để thấy thái độ nô dịch tồi tệ của người từng cầm đầu sinh hoạt văn học ở Hà Nội:

Ðời Ðời Nhớ Ông

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Xít Ta Lin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Xít Ta Lin! Xít Ta Lin!
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin!
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao
Làng trên, xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã... làm sao mất rồi!
Ông Xít Ta Lin ơi! Ông Xít Ta Lin ơi!
Hỡi ơi Ông mất! Ðất trời có không!
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Yêu con, yêu nước, yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có Người mới có ít nhiều vui tươi
Ngày xưa đói rách tơi bời
Có Người mới có được nồi cơm no
Ngày xưa cùm kẹp dày vò
Có Người mới có tự do tháng ngày
Ngày mai dân có ruộng cầy
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai
Ơn này nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác một vai ơn Người
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé, trọn đời nhớ Ông
Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng, yêu nươc, yêu chồng, yêu con
Ông dù đã khuất không còn
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường
Trên đường quê sáng tinh sương
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng
Ngàn tay trắng những khăn tang
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.

10-8-2007


Trả lời ông Phạm Quang Tích

Canh là một phần năm của đêm. Ðêm có năm canh.

Ðêm năm canh yên giấc ngáy khò khò
Ðời thái bình cửa thường bỏ ngỏ (Nguyễn Công Trứ / Hàn Nho Phong Vị Phú)

Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm
Bước sang cái trống canh năm
Trình anh dậy học còn nằm làm chi (Ca dao)

Canh tư chưa nằm, canh năm đã dậy

Canh một là giờ Tuất 7 giờ đến 9 giờ tối

Canh hai là giờ Hợi từ 9 giờ đến 11 giờ

Canh ba là giờ Tý, từ 11 giờ đến 1 giờ

Canh tư là giờ Sửu 1 giờ đến 3 giờ

Canh năm là giờ Dần 3 giờ đến 5 giờ

Trả lời độc giả Trần

Ông hỏi sự tích và ý nghĩa của "cầu sương điếm cỏ" chắc ông muốn nói "cầu sương điếm nguyệt."

Những chữ này được tìm thấy trong câu 2030 của Truyện Kiều:

Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giầy cầu sương

Nguyễn Du mượn mấy chữ trên từ hai câu:

Kê thanh mao điếm nguyệt
Nhân tích bản kiều sương

Kê (gà) thanh (tiếng) mao (cỏ) điếm (quán) nguyệt (trăng)

Nhân (người) tích (vết) bản (ván) kiều (cầu ) sương (sương)

Cảnh tiếng gà gáy ở cái quán cỏ dưới trăng, dấu chân người trên chiếc cầu gỗ đọng sương là cảnh u tịch, cô đơn khi Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư.

Nói cầu sương điếm cỏ hay cầu sương điếm nguyệt đều là một ý.

Trả lời bà V.P.M (Orlando, Florida)

Ðiêu thiền là các trang sức gắn trên mũ của các quan.

Ðiêu là một loại chuột lông dùng làm giải mũ. Thiền là con ve. Con điêu có bộ lông đen, không lòe loẹt mang ý nghĩa khiêm cung; con ve là giống côn trùng biết biến đổi thích hợp với thời tiết.

Ðiêu Thuyền là tên hiệu của Vương Doãn, vợ của Lã Bố.

Thưa rằng ai: Lã Phụng Tiên
Phong toan đem thói Ðiêu Thuyền trêu ngươi (Lục Vân Tiên)

Ðồng ý với bà hai chữ hỗ trợ bị rất nhiều người dùng sai. Hỗ là lẫn nhau. Trợ là giúp.

Hỗ trợ là giúp đỡ lẫn nhau. Khi hai bên, nên này giúp bên kia, bên kia giúp bên này thì đó là hỗ trợ.

Khi chỉ có một bên giúp bên kia vì bên kia không đủ sức hay khả năng thì không thể nói là hỗ trợ được. Dùng trợ giúp thì đúng hơn.

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Ðồng Khởi vùng lên mất Tự Do

Theo nhiều người, là của Vũ Hoàng Chương.

Ông viết hai câu này sau khi đường Công Lý bị đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự Do bị đổi thành đường Ðồng Khởi.

Nam Kỳ Khởi Nghĩa là biến cố năm 1940. Chiến dịch Ðồng Khởi đưa tới việc thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam năm 1959.

Một trong những bài thơ cuối cùng của ông là bài Vịnh Tranh Gà Lợn viết sau ngày Sài Gòn thất thủ mấy tháng. Bài thơ bầy ra tâm sự hoang mang, chán nản trong không khí nghi kỵ đầy những tai họa bất hạnh:

Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh

Vách có tai là từ câu tai vách, mạch rừng. Thơ có họa là từ câu thi trung hữu họa, nhưng họa trong câu của Vũ Hoàng Chương là tai họa.

Lòng ai đỏ mắt ai xanh là ai bạn ai thù không biết được.

Vũ Hoàng Chương sinh năm 1916, qua đời tại Sài Gòn ngày 6 tháng 9 năm 1976 sau khi được Cộng sản thả về nhà.

11-5-2007


SHOW OFF / SHOW UP

Hai động từ này rất thường nghe thấy. Có thể người dùng chúng phát âm không rõ, và cũng có thể người dùng nó coi hai là... một. Thực ra, đây là hai động từ rất khác nhau, không thể dùng lẫn lộn được.

To show off, khi là tự động tự (intransitive verb) thì nó nghĩa là giựt le:

Stop showing off!: Thôi đừng có giựt le nữa!

Khi là tha động tự (transitive verb), nó có nghĩa là khoe:

She showed off her grandchildren: Bà ấy khoe mấy đứa cháu.

To show up là xuất hiện, ra mặt, tới...

He showed up at the wedding dead drunk: Nó tới dám cưới say không biết trời trăng mây nước gì.

Trả lời ông Phạm Hữu Duật, Garden Grove, California

"The past is not dead it is not even past " là câu William Faulkner viết trong Requiem for a Nun (1951). Quá khứ không chết, quá khứ cũng không phải là quá khứ nữa. Faulkner viết rất nhiều về những ám ảnh trong các tác phẩm của ông. Những ám ảnh đó là miền nam nước Mỹ, cái di sản nô lệ, sự kỳ thị và những điều bí mật mà người ta muốn che dấu đi, như những quá khứ không bao giờ rời bỏ ông, mà cứ ở mãi với ông.

Câu "Those who ignore history are doomed to repeat it" là của George Santanyana: những ai coi thường lịch sử, không lý gì tới lịch sử thì sẽ phải lập lại lịch sử.

Trả lời cô Trâm Lê (nttle54@hotmail.com)

Trong một số báo trước, chúng tôi có giải thích những tiếng chào Hello và Hi là từ câu chào how do you do mà ra. Câu này nói nhanh và tắt thành howdy, rồi từ howdy thành hello và thành hi.

Cô nói với các bạn có thể tìm được cách giải thích này trong Random House Webster’s College Dictionary ấn bản 1991 trang 651, hay Webster’s Encyclopedic Unabridged Dictionary of the English Language ấn bản năm 1996, trang 928.

Ông Jimmy Hồ Nguyễn, Irvine, California

Cà rá là cái nhẫn. Do chữ carat / karat mà ra.

Karaoke chúng tôi đã giải thích một lần trước, là do hai tiếng Nhật và Anh ghép lại mà tạo ra. Kara, tiếng Nhật, là không. Oke là từ danh từ tiếng Anh, orchestra, nghĩa là ban nhạc. Karaoke là hệ thống nhạc để hát mà không cần ban nhạc.

Trong tiếng Nhật có nhiều trường hợp vay mượn, rồi Nhật hóa cách đọc như trường hợp pokemo là pocket monster.

GIẤC HOÈ / GIẤC HOÈ AN / GIẤC NAM KHA

Cả ba đều cùng một nghĩa: công danh phú quý chỉ là hư ảo, đời ngưòi ngắn ngủi như giấc mộng.

Truyện kể phía nam nhà của Thuần Vu Phần có một cây hoè, nơi họ Thuần hay ngồi uống rượu. Một lần say rượu lăn xuống ngủ, Thuần mộng thấy hai sứ giả đến mời đi thăm nước Hoè An. Tới Hoè An, Thuần Vu Phần được vua gả công chúa cho rồi phong cho làm thái thú ở quận Nam Kha. Thuần Vu Phần trở nên giầu có, đang vui thì tỉnh mộng, lần đến gốc cây hoè thì chỉ thấy một tổ kiến rất lớn. Thì ra Hoè An quốc là cái tổ kiến. Còn Nam Kha là cái cảnh cây ở phía nam.

Tiếng sen sẽ động giấc Hoè
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần (Kiều)

Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không (Cung Oán Ngâm Khúc)

Cụ Vương Hồng Sển có lần viết rằng người Việt miền Nam đọc tích này lên thì thấy kỳ quá, cái gì mà lại giấc Hoè!

Chữ này ở miền Nam không ai đặt cho con cái. Nhưng ở miền Bắc thì không kiêng cữ chi hết.

Cụ Vân Hạc Lê Văn Hoè, là tác giả một cuốn chú giải Kiều rất công phu.

Miền Bắc còn có cụ Ngô Thúc Ðịch nghe tên cũng không sao cả.

GIẤC NỒI KÊ / GIẤC HOÀNG LƯƠNG

Các thành ngữ này được dùng để nói cuộc đời người ngắn ngủi, xong giấc chiêm bao, nồi kê (hoàng lương) vẫn chưa chín. Lư Sinh là một người học trò nghèo ở trọ tại Hàm Ðan. Một hôm được một đạo sĩ cho chiếc gối dặn đem về gối đầu mà ngủ vì Lư Sinh than nghèo kể khổ dữ quá. Lư Sinh mang về nhà trọ, chủ nhà đang nấu một nồi kê. Sinh nằm ngủ, mơ thấy thi đỗ lấy vợ đẹp, công danh phú quí con cái đầy nhà. Tỉnh dậy, Lư Sinh thấy nồi kê của chủ nhà vẫn chưa chín. Lư Sinh tự hỏi việc đời cũng như mộng đó sao thì đạo sĩ nói đúng là như thế. Giấc hoàng lương, giấc nồi kê hay giấc Hàm Ðan đều là một:

Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai
Cửa nhà đâu mất lâu đài nào đây (Kiều)

BIMBO

Danh từ bimbo có nghĩa là một phụ nữ có nhan sắc nhưng không có đầu óc, một người đầu óc rỗng tuếch. Mấy cô bạn của ông Clinton thường bị gọi bằng danh từ này. Bà Clinton gọi Gennifer Flowers, bồ của chồng là bimbo.

Bimbo được dùng trong ý nghĩa khinh miệt dành cho người bị gọi bằng danh từ này. Bimbo là chữ mượn của tiếng Ý nghĩa là em bé.

Danh từ giống đực của bimbo là bimboy.

Người đàn ông (thường là trẻ tuổi) được trả tiền để phục vụ người đàn bà là toyboy, một thứ đồ chơi của phụ nữ chỉ dùng trong việc phục vụ xác thịt.

CÁ KÈO

Tất cả các tự điển Việt ngữ mà chúng tôi có đều né con cá kèo này mặc dù danh từ này rất thường được nghe thấy. Cuối tuần qua, một người bạn cho ăn món cá kèo kho, một món ăn, theo chủ nhà, là món của người nghèo. Giầu có thì đã ăn cá bống. Một người bạn khác trong bàn có đưa ra giải thích thành ngữ hạng cá kèo là hạng, vé, chỗ ngồi xem hát của những khán giả ít tiền, phải mua vé hạng rẻ nhất, ngồi xa và ngồi trên cao, không gần sân khấu.

Xin quí vị cao minh chỉ giáo.


13-4-2007


NGUYÊN SA

Gửi chị Trịnh Thúy Nga, nhân giỗ anh Lan, tháng Tư...

Năm 1956, cánh cửa thơ Việt Nam, những cánh cửa rất khó mở, có một người đập mạnh mấy tiếng và không chờ người ở trong ra mở, đã ném vào một bài thơ đầy giọng tinh nghịch, sỗ sàng với những câu như thế này:

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Ðể anh giận sao chả là nước biển
...

Ðang từ tiền chiến "em đẹp bàn tay ngón ngón thon", đang Ðinh Hùng "mắt xanh lả bóng dừa hoang dại", đang Quang Dũng "em đi áo mỏng buông hờn tủi", đang cổ điển Ðông Hồ, đang điển tích "Kiều Thu hề tố em ơi, nghiêng chân rốn bể mà coi lửa bùng" Vũ Hoàng Chương, đang Huy Cận "em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây" thì người ta dẫn con chó ốm, con mèo ngái ngủ, con cá ươn vào đòi nhập cuộc chơi.

Cái vé vào cửa kỳ lạ đó vẫn đẩy được cánh cửa khép kín của thơ Việt Nam cho người thanh niên trẻ ấy bước vào. Mặc dầu đi với chàng là tả ngạn sông Seine, là vườn Lục Xâm Bảo mùa xuân, là những quán cà phê lề đường, là những hơi thở của Jacques Prévert, của Guillaume Apollinaire... Chàng đưa cho người đọc những hình ảnh thơ không giống bất cứ một thứ ước lệ nào trước đó, được chàng in kèm theo với tấm thiệp báo hỷ, và trong sự ngỡ ngàng chưa dứt ấy, chàng đưa ra chiếc áo treo đã lâu trong tủ không còn được lấy ra mặc thường nữa và bảo hãy mặc lại nó:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông
Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng....

Lời thần chú của chàng vừa đọc dứt, cái nắng của Sài Gòn không bao giờ còn như xưa nữa. Bởi vì bài thơ của chàng. Bởi vì tà áo lụa Hà Ðông chàng lôi ra bắt mọi người mặc lại, bởi vì mầu trắng của lụa chàng vừa làm cho đẹp hơn những thứ gấm đắt tiền nhất đã đổi hẳn cái nắng tàn bạo đổ lửa xuống lưng của Sài Gòn thành một thứ nắng lãng mạn với tà áo lụa Hà Ðông nàng đem ra mặc lại....

Cách đi vào thơ của Nguyên Sa là như thế, là nét tinh nghịch không bao giờ biến mất của ông, là cách lãng mạn nhất, là chữ nghĩa lồng lộng tình cảm, là lấp lánh trăng sao, là buổi sáng tươi tắn bình minh, là buổi tối mưa đêm dìu dặt...

Nguyên Sa đem ngay được cái mới của đôi mắt nhìn từ sân trường Sorbonne, của dòng sông Apollinaire nói đến rất nhiều, của những góc đường Prévert đã đứng nhìn ra dưới trận mưa hạnh phúc.

Nhưng như ông đã viết trong một bài thơ gửi Paris khi rời thành phố này trở về Việt Nam: "... bởi giòng máu không thể chẩy ngoài huyết quản..." Nguyên Sa quay trở lại làm người thơ Việt Nam. Ông đập những lớp bụi cũ đã bám lâu ngày trên những chữ ít người làm thơ dám dùng vì sợ sáo, sợ cũ, vì sợ thiếu nét sáng tạo. Và cho chúng những đời sống mới...

Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn...

hay:

Vẫn biết lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen...

hay:

Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo Nghê Thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn phương trời chỉ có em...

Ông chỉ cho người đọc tìm thấy thơ ở mọi nơi, mọi chỗ...

Này là áo vàng, này là gió lạnh lúc đêm khuya, này là bờ sông nước lở, này là những ngón tay tô son, này là tà áo mầu hoa cúc...

... Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa mầu áo tím...

Thơ của ông được đón nhận lập tức. Một thế hệ mới không còn phải nhờ thơ tiền chiến nói hộ nỗi lòng của họ nữa. Họ có Nguyên Sa giúp tỏ tình với sân trường, với "thơ học trò anh chất lại thành non / với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt." Cái tuổi 13 ngô nghê vụng về nhất của những năm mới lớn được ông tô bằng chất son phấn trong sạch và tươi đẹp nhất:

Trời hôm ấy mười lăm hay muời tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn, ngoan nhé đừng ngờ
Tôi phải dỗ như là tôi đã lớn...

Cái gì thơ ông ghé vào cũng trở thành mới, cũng trở thành lãng mạn. Bài Tám Phố Sài Gòn là một:

Sài Gòn cười đôi môi rất tròn
Vòng cung màu đỏ, nét thu cong
Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng
Hay đã đưa dần sang nhớ mong

Sài Gòn gối đầu trên cánh tay
Những năm mười sáu mắt nhìn mây
Chiếc tay tròn ánh trăng mười bốn
Tiếng nhạc đang về dang cánh tay

Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
Thứ bẩy Sài Gòn đi Bonard
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ

Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng
Vành môi nghiêng xuống cánh phân vân
Lưng trời không có bầy chim én
Thành phố đi về cũng đã xuân

Nguyên Sa vào cửa bằng thơ tự do. Trong những năm gần đây, ông có làm nhiều thơ bẩy chữ. Nhưng nhiều hơn cả là lục bát. Ông gặp lại lối thơ này, đem cái tinh nghịch và ngôn từ rất lãng mạn của ông vào, và viết thành những bài lục bát rất mới. Nhưng ông thủy chung vẫn là với thơ tự do.

Thơ tự do của ông mở ra cho ông cánh cửa thơ Việt Nam, đặt ông vào chỗ ngồi xứng đáng nhất, cạnh những nhà thơ lớn nhất của Việt Nam.

Nhưng chỗ ông thích nhất, chắc phải là trên môi của những cặp tình nhân. Và đó là chỗ thơ ông sẽ ở lại lâu nhất, chừng nào còn có những cặp tình nhân Việt Nam. Và nắng ở cái thành phố có mầu áo đó cũng sẽ mãi mãi là "nắng Sài Gòn". Không thể gọi bằng cách nào khác được.

13-7-2007


Trả lời Ông Trần Vinh Phúc, California

1

Castle in the air cũng cùng nghĩa với thành ngữ castle in Spain (Chateaux en Espagne). Khi nói to build a castle in the air / Spain là muốn nói về những việc không tưởng.

Câu ông hỏi (Castles in the air are all right until we try to move in them) thực ra là có một mệnh đề được thêm vào sau thành ngữ castles in the air để cho nó một nghĩa khác.

Cũng như trong trường hợp của câu love is blind; marriage opens the eyes.

Nhắc ông một câu trong bài Tạ Từ của Tô Vũ: "... lầu xây trong không, sóng gió rót chia ly..."

Lầu xây trong không là ý của thành ngữ castle in the air / chateau dans l’air vậy.

2

Tempus Fugit là tiếng La Tinh. Tempus là thì giờ. Fugit là chạy trốn, bỏ chạy. Thời giờ ra đi không trở lại. Hai chữ này thường thấy trên mặt của đồng hồ như để nhắc chúng ta về thời giờ ngựa chạy tên bay, thời gian như vó câu qua cửa.

3

Trân tráo hay trâng tráo.

Tự điển Khai Trí Tiến Ðức trang 596 ghi là TRÂN và định nghĩa: "nói về bộ mặt trơ trơ không biết thẹn, biết sợ."

Ngay ở dưới, tự điển này có ghi thêm trân trân là trơ trơ.

Tự điển Lể Văn Ðức trang 1663 có tĩnh từ TRÂNG TRÁO và định nghĩa là dơ dáng, trơ trơ, không biết xấu hổ.

Như vậy viết là trân trân, tráo tráo; trâng trâng, tráo tráo; trân tráo, trâng tráo đều được cả.

4

Calendar rhythm cũng còn gọi là calendar rhythm method hay Knaus-Ogino Method là phương pháp ngừa thai dựa trên ngày rụng trứng, một phương pháp gây rất nhiều ắc-xi-đăng, hiện nay ít người còn dùng.

Ông hỏi calendar rythm là lịch nào thì thưa không có cuốn lịch nào gọi là calendar rythm cả. Có một cuốn lịch tôi thấy ở trong bếp nhà người bạn. Trong bốn ô của tháng, tôi thấy bốn chấm đen rất to. Hỏi thì đươc giải thích chấm trong tiếng Anh là period.

Xin cám ơn ông nhưng không dám nhận những lời khen tặng của ông. Những điều biết được đều ở trong tự điển cả. Một người thường xuyên chán đời thì chỉ có vài chục cuốn tự điển làm vui thôi, thưa ông.

Khổng tử hình như có nói đùa với các môn sinh rằng: "Bất sỉ vấn... tự điển". Tự điển lúc nào cũng ân cần, không bao giờ chê chúng ta dốt, lại hỏi đâu biết đó.

THE N WORD

Tuần qua, tại một vài nghĩa trang ở Hoa kỳ đã diễn ra những đám tang khá kỳ lạ. Quan tài hạ xuống huyệt nhưng không có cái xác nào bên trong. Trong quan tài chỉ có một chữ "N".

Người ta đem đào sâu, chôn chặt chữ này, hy vọng nó không bị đào lên đem ra dùng nữa.

Chữ "N" là viết tắt của chữ nigger nghĩa là người da den, do từ chữ negro mà ra. Nigger là cách đọc bình dân, vô học, mang đầy nét khinh bỉ, nhục mà và kỳ thị. Chữ này được dùng một cách thoải mái trong cuốn Huckleberry Finn của Mark Twain. Nhưng thời đó đã qua. Ngày nay, chữ này là chữ cấm kỵ. Một cảnh sát viên của Los Angeles, trong vụ xử OJ Simpson chỉ vì đã có lần dùng chữ này mà không được cho khai chứng tại tòa nữa. Ngày nay, muốn nhắc tới chữ ấy, người ta nói tắt. Chỉ có các ca nhạc sĩ da đen hát nhạc Rap, và người da đen nói với nhau là dám dùng nó.

Tuy vậy, chính người Mỹ da đen cũng thấy là không nên dùng chữ này nữa vì nó mang ý nghĩa lăng mạ, xúc phạm danh dự của người da đen nên đã có một phong trào tìm cách dẹp bỏ những chữ này.

Cùng với chữ nigger, một số người da đen còn gọi nhau, và tự xưng là HO (từ chữ whore nghĩa là con đĩ), là motherfucker...

Ðó là những chữ đang bị dẹp nhưng có dẹp được hay không thì không nói chắc được.

VICTIM / ASSAILANT / RAPE

Trong phiên toà xử một vụ hiếp dâm ở Nebraska, chánh án của toà đã chấp thuận lời yêu cầu của luật sư cãi cho nghi can và cấm sử dụng các danh từ victim nghĩa là nạn nhân; assailant là kẻ tấn công, hung thủ; rape là cưỡng dâm.

Lý do, theo luật sư cãi cho nghi can, là những chữ này mang tính cách kích động và sẽ không thể giúp duy trì không khí vô tư và công bằng của toà.

Không dùng những chữ này thì làm sao lấy lời khai? Phải ra hiệu bằng tay hay sao?

SUY THÍNH GIÁC / KHÓ KHĂN PHÁT NGÔN

Trong một tài liệu quảng cáo của CalOptima, người ta đọc được câu này: Thành viên suy thính giác hoặc có khó khăn phát ngôn có thể gọi đường dây TDD tại số 1-714-246-8496

Thật là tội nghiệp cho tiếng Việt. Ngây nga ngây ngô.

Ðồng ý là không nên viết rằng "những ai nghễnh ngãng tai (điếc) hay nói năng không được" vì viết như thế không thuận tai, không lịch sự, lại có tính cách nhục mạ đối với những người tai mắt không còn tinh tường, giọng nói không còn mạnh và dễ nghe nữa. Nhưng tại sao phải viết là suy thính giác  khó khăn phát ngôn mà không viết là quí vị nào nghe không rõ hay nói không rõ xin gọi điện thoại số...

Có bao giờ chúng ta nói "Hôm nay tôi bị khản cổ, thấy khó khăn phát ngôn quá." "Mẹ ơi, mẹ phát ngôn to lên một chút, con bị suy thính giác mẹ ạ!"

Trời đất ơi, tiếng Việt bệnh nặng đến như thế rồi hay sao?

LẠI MỘT THIÊN TÀI DỊCH THUẬT KHÁC

Trong một tờ quảng cáo bán nhà, người ta đọc được mấy chữ này:

Giá nhà từ giữa $400,000

Tại sao không viết: Giá từ 450 ngàn trở lên.

Tại sao phải nô lệ phần tiếng Anh đến như thế?

Mid $400,000s thì là từ 450 ngàn trở lên chứ từ giữa $400,000 nghe kỳ quá đi.

Tiếp theo, cũng trong tờ quảng cáo bán nhà này:

Cho đến bốn phòng ngủ. Cho đến bốn phòng tắm.

Tại sao không viết nhà có tới 4 phòng ngủ, 4 phòng tắm?

14-9-2007


Ðộc giả Giáp Thân, Westminster, California

Thủ tiết là việc làm của phụ nữ góa chồng ở vậy không tái giá. Tiết phụ là người đàn bà chồng chết giữ tiết không lấy chồng khác.

Người xưa nói thủ tiết thờ chồng chứ không nói thủ tiết thờ vợ vì người đàn ông không có vấn đề trinh tiết. Các ông thì tha hồ. Chuyện thờ chồng là quan niệm của xã hội cũ. Bây giờ không còn bao nhiêu người theo nữa.

Auberge là cái quán trọ, quán ăn bên đường quê. Chữ này đã làm khốn khổ nhiều thí sinh thi Trung Học Phổ Thông năm 1959 như ông nhắc trong thư. Nhiều người cứ tả quả cà tím vì lầm auberge là aubergine.

Ðộc giả Trùm Sò, Fountain Valley

Lệ Chi viên (vườn vải) thuộc tỉnh Hà Bắc nay chỉ còn là một bãi sông. Xưa kia là một khu đất rộng chừng bốn mẫu thuộc hai thôn Thi Xá và Hữu Ai. Ở đó có một ly cung, một cung điện của vua xây ở xa kinh đô dùng làm nơi nghỉ của vua khi vua đi tuần du.

Chính tại Lệ Chi viên, vua Lê Thái Tôn nghỉ lại và qua đời. Người thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn thị Lộ giữ chức lễ nghi học sĩ trong triều bị đổ cho tội giết vua. Nguyễn Trãi bị liên lụy, bị phạt tru di tam tộc. Mãi đến đời Lê Thánh Tôn (1460-1497) Nguyễn Trãi mới được giải oan.

Ông Nguyễn Ðình Hoa, Houston, Texas

Câu "lê rụng lý sinh" không phải là trái lê rụng, cây mận ra quả mà là một thành ngữ lịch sử: Lê rụng, Lý sinh.

Câu này ghi tóm lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam. Lê là nhà tiền Lê chấm dứt với Lê Long Ðĩnh tức là Lê Ngọa Triều, năm 1009. Sau nhà Lê là nhà Lý do Lý Công Uẩn sáng lập, kéo dài được 215 năm từ 1010 đến 1225.

Ông Nguyễn Học, Hà Nội (ngao@vnn.vn)

Cám ơn ông đã cho biết những chi tiết chính xác về đèo Mụ Giạ mà chúng tôi đã ghi lầm là đèo Mụ Già.

Có nhiều sai sót như thế về địa lý Việt Nam rơi rớt lại từ những cuốn sách thời Pháp.

Ðảo Cát Bà được cả một thế hệ học sinh dùng sách giáo khoa của Pháp viết lầm là đảo Cái Bà. Mỹ Thọ thay vì Mỹ Tho, và Mụ Già thay vị Mụ Giạ.

Mụ Già nghe có vẻ hợp lý hơn vì chữ Mụ ở phía trước. Nay xin nói lại cho đúng, đèo Mụ Giạ.

Ông cũng cho biết những con số chính xác về đèo Mụ Giạ.

Mụ Giạ cách Ðồng Hới 130 km đường chim bay chứ không phải 90 km. Ðèo Mụ Giạ cách Ðồng Hới 230 km đường bộ. Ðộ cao nhất của Mụ Giạ là 1245 mét và thấp nhất là 922 mét chứ không phải là 418 mét.

Các chi tiết chúng tôi dùng là từ hồi ký của một phi công Mỹ từng bay nhiều phi vụ ở Ðồng Hới và Mụ Giạ. Các chi tiết này ông Nguyễn Học cho biết là không đúng. Ông có gửi kèm một bản đồ cho thấy rõ vị trí của đèo Mụ Giạ.

Xin đa tạ.

15-6-2007


LẠP XƯỜNG / NẠP XƯỜNG

Trả lời ông Ng.

Tất cả các tự điển chúng tôi có đều ghi là "lạp". Không có sách nào ghi là "nạp".

Có nơi ghi là lạp xường, có nơi ghi là xưởng. Thực ra phải ghi là lạp trường (ruột) mới đúng.

Lạp xường hay lạp xưởng là cách chúng ta ghi lại theo cách phát âm của người Quảng Ðông.

Trả lời ông Nguyễn Thiệu Khôi, San Diego

Mã đáo thành công hay mã đáo công thành đều có nghĩa, tuỳ theo trường hợp khi dùng.

Mã đáo thành công nghĩa là thành công tức thì. Lời chúc thành công trong công việc.

Mã đáo công thành là lời chúc thắng trận trở về. Công thành là đánh lấy thành. Công thành lược địa là đánh thành, chiếm đất.

Công thành cũng có nghĩa là xong việc như khi nói công thành danh toại nghĩa là việc đã làm xong, công danh đã toại nguyện, tiếng khen đã thỏa.

Nhất tướng công thành vạn cốt khô chứ ít ai nói nhất tướng thành công vạn cốt khô nghĩa là một ông tướng làm nên sự nghiệp, đánh chiếm được thành của địch thì binh lính đã chết cả vạn người (đống xương vô định đã cao bằng đầu / Kiều) nghĩa là chiến tranh gây thảm họa tang tóc.

Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy nghĩa là một lời chót đã nói ra, dẫu xe bốn ngựa khó mà đuổi theo.

Tứ mã là xe bốn ngựa. Tứ là xe bốn ngựa viết bên trái là chữ , bên phải là chữ tứ.

Chữ  được cho đứng bên cạnh để cho câu đỡ cụt.

Nguyên chữ tứ đã là xe bốn ngựa rồi. Thí dụ tứ bất cập thiệt nghĩa là xe bốn ngựa không bằng cái lưỡi.

Tứ mã như thế không có nghĩa là ngựa của tỉnh Tứ Xuyên.

Cụ Nguyễn Ngọc Truyền, Houston, Texas

Si Ren Bang là Tứ Nhân Bang, nhóm bốn người bị buộc tội phản cách mạng gây ra cái chết của hàng triệu người vì những việc làm của họ trong mười năm Trung quốc trải qua cuộc Cách Mạng Văn Hóa do Mao Trạch Ðông đề xuất. Cuộc Cách Mạng Văn Hoá (Wen Hua Da Ge Ming / Văn Hoá Ðại Cách Mạng) là thâm ý của Mao Trạch Ðông nhắm loại các đối thủ như Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shao Qi), Ðặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping). May mắn thoát hiểm có Chu Ân Lai (Zhou En Lai), Dương Thượng Côn (Yang Shang Kun), Bạc Nhất Ba (Bo Yi Bo). Nhóm bốn người này gồm vợ của Mao Trạch Ðông là Giang Thanh (Jiang Qing) cùng với Trương Xuân Kiều (Zhang Chun Qiao), Vương Hồng Văn (Wang Hong Wen) và Diệu Văn Nguyên (Yao Wen Yuan). Tất cả bị bắt và bị bỏ tù sau khi Mao Trạch Ðông qua đời. Cả bốn người nay đều đã chết.

Danh xưng chính thức của chức vụ đứng đầu nội các ở Trung quốc không phải là thủ tướng mà là Quốc Vụ Viện Tổng Lý.

Bạn của cụ tự xung là Chung Vô Diệm không có nghĩa ông đã giải phẫu để thành phụ nữ. Chúng tôi nghĩ có thể ông nói lái tên của Chung Ly Xuân, người phụ nữ ở ấp Vô Diệm nước Tề để nói ông là người có một bộ phận nay đã vô dụng.

Câu tương đương trong Anh ngữ với câu "Gần chùa gọi Bụt bằng anh" có thể là familiarity breeds contempt thực ra nghĩa là quen lắm hóa nhờn / lờn (mặt).

Trả lời cụ Tr. V. Sâm

Sở dĩ chúng tôi không dẫn câu chúng ta cũng thường nghe (... gái nào là gái chẳng hay ghen chồng...) vì hai chữ "ghen chồng" có hơi khiên cưỡng.

Chúng ta nói ông ấy hay ghen, hay bà ấy hay ghen chứ chúng ta không nói ông ấy hay ghen vợ hay bà ấy hay ghen chồng.

Chúng ta nói ông ấy, bà ấy ghen tuông dữ lắm khi muốn nói ông ấy ghen khi vợ quan hệ với người khác hay bà ấy ghen khi ông chồng có mèo.

Rằng tôi (Hoạn Thư) chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình 
(Kiều)

Về hai chữ tiền chiến thì thưa cụ, không hề có một cuộc họp hay một quyết định của một thẩm quyền nào để đưa ra hai chữ này. Việc sử dụng hai chữ tiền chiến là để tạo ra một cách phân chia những tác phẩm, tác giả trước và sau khi xẩy ra cuộc chiến Việt Pháp. Cách phân chia này chỉ thấy sau năm 1954, năm cuộc chiến Ðông Dương, cũng gọi là chiến tranh Việt Pháp, chấm dứt.

Có những tác giả như Văn Cao gần như không viết gì thêm sau năm 1946 trong lãnh vực âm nhạc. Ông là một nhạc sĩ tiền chiến. Không còn gì để tranh cãi nữa.

Nhưng cũng có các tác giả tiền chiến như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... vẫn có tác phẩm sau năm 1946. Nhưng các ca khúc các ông viết sau năm 1946 thì không thể gọi là nhạc tiền chiến được. Chúng tôi không hiểu những chữ "trước tiền chiến" mà cụ nhắc trong một bài viết nọ.

Ðã tiền chiến (trước cuộc chiến) thì trước tiền chiến là gì nữa.

Giai đoạn sau năm 1946 ở Việt Nam có rất nhiều tác phẩm văn học nhưng không thể gọi là tiền chiến (trước cuộc chiến tranh Quốc Cộng) được vì hai chữ tiền chiến đã được dùng để nói về giai đoạn trước chiến tranh Việt Pháp.

Võ Phiến không tìm ra danh từ để gọi giai đoạn sau năm 1954 (năm kết thúc cuộc chiến Việt Pháp) và năm 1975 (năm kết thúc cuộc chiến Quốc Cộng) nên ông gọi nó là thời kỳ 1954-1975.

Khó có thể định rõ được ngày giờ cuộc chiến tranh Quốc Cộng khởi sự vào lúc nào, nhưng có thể tạo coi như nó bắt đầu khoảng năm 1960 là sớm nhất hay 1965 là muộn nhất.

Nhưng không thể gọi giai đoạn này là tiền chiến được vì danh từ "tiền chiến" đã được dùng cho giai đoạn trước năm 1945 rồi.

Trả lời Ông / Bà Phan Hồng Vân 8802@yahoo.com

Bài thơ ông / bà nhớ bốn câu đầu là bài thứ hai của Tôn Thọ Tường viết để giải bầy tâm sự của ông, tâm sự của một người ra hợp tác với tân trào, với người Pháp. Vì ra giúp người Pháp, Tôn Thọ Tường bị nhiều sĩ phu miền Nam như Nguyễn Ðình Chiểu, Huỳnh Mẫn Ðạt và Phan Văn Trị khinh bỉ.

Bài thứ nhất nhan đề Tôn Phu Nhân Qui Thục, bài thứ hai là bài Từ Thứ Qui Tào nguyên văn như sau:

Thảo đâu dám sánh kẻ cầy voi
Muối xát lòng ai nấy mặn mòi
Giúp Hán còn nhiều rường cột cả
Về Tào chi xá một cây còi
Mảng nghe tin mẹ khôn nâng chén
Ngùi tưởng ơn vua biếng dở roi
Ðã trót khôn Lưu cam dại Ngụy
Thân này xin gác ngoại vòng thoi

Bài thơ thác lời của Từ Thứ khi quay sang với Tào. Tác giả không dám sánh sự hiếu thảo của mình với vua Thuấn (người dùng voi cầy ruộng nuôi cha mẹ), nỗi đau đớn (bị chê trách về việc ra làm quan với Tây) của mình chỉ riêng mình biết. Việc ở lại giúp Hán (tức là tổ quốc An Nam) vẫn còn nhiều người giỏi nên một mình thân nhỏ mọn (cây còi) có như Từ Thứ theo Tào thì cũng đáng chi. Ra đi nhớ mẹ mà lòng buồn không nâng được chén rượu, cảm cái ơn của vua nên bịn rịn không quất ngựa lên đường được. Nay đã trót theo Lưu Bị thì phải giả dại mà ở với Tào Tháo nên xin là kẻ hèn kém nhỏ mọn đứng ngoài cuộc, không đáng chi những phẩm bình của dư luận.

Ðôi lời cám ơn:

Xin cám ơn cụ Võ Văn Dật đã gửi cho cuốn Lịch Sử Ðà Nẵng (1306-1975). Cuốn sách viết rất công phu về một thành phố không có được bao nhiêu tài liệu viết về nó.

Lịch Sử Ðà Nẵng là một cuốn sách biên khảo theo đúng nghĩa của sách biên khảo. Người đọc đã học hỏi được rất nhiều về Ðà Nẵng, ngay từ cái tên Hiện Cảng ít ai biết của thành phố quan trọng này.

Hậu sinh xin đa tạ cụ Võ và trông ngày trông đêm để có được cuốn Từ Ðiển Nhà Nguyễn cụ sắp xuất bản.

16-2-2007


PHẨM GIÁ CỦA XE HƠI?

Trên đường Bolsa có một tấm bảng quảng cáo cho một loại xe hơi Nhật. Người viết quảng cáo muốn nói về sự bền bỉ, những điều tốt đẹp của loại xe này nên đã dùng chữ "phẩm giá" của xe.

Phẩm giá thực ra có nghĩa là giá trị do nhân cách cao quí mà ra, là giá trị riêng của người. Thí dụ phẩm giá con người. Tiếng Anh là dignity.

Trong khi đó, cái làm nên giá trị của con người hay đồ vật thì là phẩm chất. Tiếng Anh là quality.

Cái xe hơi thì không thể có phẩm giá được.

Chỉ có người mới có phẩm giá.

Trả lời cô Tiên Bùi, Toronto, Ontario

Trái mangostan hay mangoustan (tiếng Pháp) tiếng Anh là mangosteen là quả măng cụt. Tên của loại cây này gốc từ tiếng Mã Lai.

Người Trung Hoa gọi nó là trái giáng châu, không phải trái sơn trúc.

Cây dandelion nguyên tên tiếng Pháp là dent(s)-de-lion, răng sư tử vì hình dạng của lá cây. Tên chữ Hán là bồ công anh. Tiếng Việt gọi là rau diếp trời.

Trả lời Bà Thu Mai Nguyễn, Alexandria, Virginia

"My luve is like a red, red rose " là câu đầu của bài thơ A Red, Red Rose của Robert Burns, một thi sĩ của văn học Anh gốc Tô Cách Lan.

Ðây là mấy câu đầu:

Oh my luve is like a red, red rose
That’s newly sprung in June
Oh my luve is like the melodie
That’s sweetly play’d in tune

Người yêu tôi giống như một bông hồng, một bông hồng
vừa mọc lên trong tháng Sáu
Người yêu tôi giống như một điệu nhạc
được tấu lên ngọt ngàio trong những nốt nhạc.

Luve hay luv là cách viết xưa của tiếng Anh thời Robert Burns. Nhà thơ này cũng là tác giả của bài Auld Lang Syne (Old Long Since) tức là bài "Ò e Rô Be đánh đu, Tặc Zăng nhẩy dù, Zô Rô bắn súng..."

Có sự khác biệt giữa hai chữ "love"  "lover".

Love là người yêu, người tình, tình nhân. Love có thể đã hay chưa có những liên hệ trên giường. Nhưng lover thì đã có.

Trong tiểu thuyết Lady Chatterley’s Lover của D. H. Lawrence, thì Constance Clifford đã có liên hệ xác thịt với người đàn ông không phải là chồng.

Trả lòi Cụ Phan Nguyên, Garden Grove, California

Phu nhân là chữ để gọi vợ của người có địa vị cao trong xã hội như vợ của các vua chư hầu. Vợ của các quan từ nhất phẩm trở lên (nhất phẩm mệnh phụ).

Thái phu nhân là chữ để gọi thân mẫu của người đang đối thoại với mình.

Phu quân là tiếng vợ gọi chồng trong các gia đình quyền quí ngày xưa. Vì thế, cụ nói rất đúng, dòng phụ đề dưới bức ảnh trên báo N.V. dùng danh từ "phu nhân" là không đúng. Các bà trong hình không phải là những người trong định nghĩa của tự điển Ðào Duy Anh.

Trả lời bà Lê Kim

Bà trách cứ việc các bản tin cuả đài Little Saigon gọi ứng cử viên Janet Nguyễn là "bà" trong khi gọi Ana Nicol (sic) là "cô" và dậy dỗ các xướng ngôn viên cùng với ban tin tức của đài Little Saigon Radio là phải dùng tiếng Việt cho đúng.

Bà yêu cầu chúng tôi giải thích về "thiên kiến không tốt" đối với Anna Nicole Smith và việc "dùng một danh từ quá đáng " với Anna Nicole Smith..

Vậy thì xin trả lời.

Bà nói rằng bản tin của đài gọi Janet Nguyễn là "bà" trong khi, theo thư của bà, Janet Nguyễn là một phụ nữ trẻ và còn độc thân.

Bà lầm. Janet Nguyễn có thể trẻ, nhưng đã có gia đình. Do đó, gọi người phụ nữ này là "bà" thì không có gì sai.

Xin nói qua trường hợp của ngoại trưởng Hoa kỳ Condoleeza Rice.

Ngoại trưởng Mỹ vẫn còn độc thân. Nhưng người ta gọi Condoleeza Rice là "bà" không phải vì tình trạng gia đình mà là vì chức vụ của bà.

Gọi là cô (Miss) Rice thì nghe không được. Ngoại trưởng Condoleeza Rice được gọi là Madame Secretary, hệt như cách báo chí đã gọi bà Madeleine Albright, ngoại trưởng của nội các Clinton trước đây. Cách hay nhất là Tiến Sĩ Condoleeza Rice

Ðó là trường hợp một phụ nữ trẻ chưa có gia đình, nhưng vẫn được gọi là "bà" vì chức vụ.

Qua chuyện Anna Nicole Smith. Chúng tôi biết cô đã có chồng, có con, nhưng gọi là "cô". Gọi Anna Nicole Smith là "cô" thì hoàn toàn không vì bất cứ một thiên kiến nào hết.

Anna Nicole Smith là một nghệ sĩ, một kiểu mẫu, một diễn viên điện ảnh.

Những nghệ sĩ thì thường thích được gọi bằng "cô" thay vì "bà".

Trong các bản tin tiếng Anh, người ta không gọi là Mrs Anna Nicole Smith vì Smith là tên cô dùng trong nghề nghiệp và Smith là họ của người chồng đầu tiên. Nếu gọi là Mrs thì phải gọi là Mrs Stern vì cô có làm đám cưới với luật sư Stern.

Báo chí Mỹ bao giờ cũng gọi người phụ nữ này là Anna Nicole Smith, không Miss, Ms hay Mrs gì hết.

Các nghệ sĩ Việt Nam cũng không muốn bị gọi là "bà".

Bao giờ cũng là Cô Kiều Chinh, Cô Thái Thanh, Cô Bích Thuận, Cô Phùng Há, Cô Bẩy Nam...

Mấy tuần trước, chúng tôi có gọi Kiều Chinh và Thái Thanh bằng Cụ Kiều Chinh và Cụ Thái Thanh thì liền bị hai "cô" phản đối ngay.

Người Mỹ cũng có khi lúc gọi Miss, lúc gọi Mrs chứ không phải là cứ phụ nữ có chồng thì phải là Mrs.

Có thể bà chưa xem phim Driving Miss Daisy, cuốn phim thực hiện năm 1989 do Morgan Freeman và Jessica Tandy đóng vai chính kể chuyện một phụ nữ Do Thái lớn tuổi và người tài xế riêng của bà. Vai của Jessica Tandy là vai một phụ nữ lớn tuổi, có con, và hẳn là đã có chồng. Bà được gọi là Miss Daisy như tựa đề của cuốn phim. Chắc không vì một vì một thiên kiến gì. Ðây là một lối xưng hô của nhiều người Mỹ ở miền nam.

Bà có nhắc việc sử dụng những chữ Miss, Ms và Mrs. Nhưng chữ Ms thực ra vẫn chưa được tất cả mọi phụ nũ chấp thuận. Một số phản đối vì chữ này liên hệ tới phong trào phụ nữ giải phóng. Nếu bà đọc Ann Landers thì chắc đã thấy chuyện này được đề cập vài ba lần.

Miss là cô. Mrs là bà. Ms là kết hợp của cả hai, nửa là Miss, nửa là Mrs. Nhưng tiếng Việt thì phải làm sao? Giữa Cô và Bà là Cà hay sao?

Về phía đàn ông, có gia đình hay không thì vẫn chỉ là Mister. Cách gọi Master không còn nghe thấy nhiều nữa.

Ðến tội nghiệp cho diễn viên Alan Bates, người đóng một vai trong phim Zorba The Greek chung vói Anthony Quinn khi còn trẻ mà bị gọi là cậu thì chàng phải buồn lắm.

Mister Bates thì được.

Nhưng Master Bates thì nghe hơi kỳ.

Nếu cần nói thêm thì ở nước Anh, khi một người được nữ hoàng phong chức hiệp sĩ, và được gọi là "Sir" thì cách gọi tên cũng đổi.

Thí dụ ca sĩ Paul McCartney trước đây, nếu gọi một cách bình thường thì phải là Mr McCartney, không bao giờ là Mr Paul. Nhưng sau khi được phong hiệp sĩ thì phải gọi là Sir Paul, không bao giờ là Sir McCartney.

Nhưng nếu tên first name là Comcise mà được phong hiệp sĩ thì cũng khó chịu lắm vì suốt ngày cứ bị gọi là Sir Comcise. Ðau lắm.

16-3-2007


Trả lời cụ Mạc Văn Ruyên

Mấy câu cụ nghe là của Khổng Tử trong sách Luận Ngữ, ở thiên II, chương 4, nguyên văn và đầy đủ như sau:

Tử viết: Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư (có bản chép là vu) học; tam thập nhi lập; tứ thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri thiên mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất dụ củ.

Khổng tử nói khi ta mười lăm, ta quyết để chí vào chuyện học; năm ta ba mươi tuổi, ta biết tự lập; năm bốn mươi tuổi, ta không còn nghi hoặc nữa, đã hiểu được ba đức nhân, nghĩa và lễ; năm năm mươi tuổi, ta biết được mệnh trời, nghĩa là biết việc nào sức mình làm được, việc nào không; năm sáu mươi tuổi ta biết theo mệnh trời; năm bẩy mươi tuổi theo lòng muốn mà không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý.

Câu thất thập cổ lai hy mà cụ dẫn có nghĩa là bẩy mươi tuổi thì từ trước tới nay hiếm thấy. Ðó là thời trước, khi tuổi thọ con người không được như ngày nay. Bây giờ, chuyện ngoài bẩy mươi là chuyện thường.

Trả lời Ông Nguyễn Bá, Falls Church, Virginia

Chữ cát lũy trong câu "hầu hạ đã cam phần cát lũy" (Trần Tế Xương) nghĩa bóng là phận lẽ mọn. Cát là dây sắn, lũy là cây leo, bò trên mặt đất.

Mặn tình cát lũy nhạt tình tao khang (Kiều)

Cát đằng là cây sắn và cây bìm bìm, hai thứ cây nhờ giàn, hay cây lớn để dựa vào mà leo lên. Nghĩa bóng cũng là vợ lẽ.

Tuyết sương che chở cho thân cát đằng (Kiều)

Cát đằng cũng có nghĩa như đằng la :

Trước hàm sư tử gửi người đằng la (Kiều)

Gửi Áng Mây Hàng là tên một nhạc phẩm của Vũ Thành.

Mây Hàng là mây trắng bay trên núi Thu Hàng :

Lòng còn gửi áng mây Hàng (Kiều)

Mây Hàng cũng là mây trắng trong truyện Ðịch Nhân Kiệt đi làm quan xa một hôm lên núi Thái Hàng nhìn thấy mây trắng bay ở xa, nói với những người đứng bên rằng "Ngô thân xá kỳ hạ ", nghĩa là cha mẹ ta ở dưới đám mây đó. Ðịch Nhân Kiệt đứng hồi lâu chờ đám mây bay đi mới rời bước.

Bạch vân thiên tải không du du (Thôi Hiệu)

Nghìn năm mây trắng trên trời còn bay (Tản Ðà dịch)

Mây Tần là mây trên núi Tần Lĩnh, chỉ lòng nhớ quê hương:

Lòng quê theo ngọn mây Tần xa xa (Kiều)

Nhưng mây Hàng hay mây Tần thì cũng đều là tình cảm nhớ quê hương cả.

Khố đỏ ở một chỗ khác, không phải là một loại lính thời Pháp thuộc. Khố đỏ mà ông hỏi là từ thành ngữ xích (đỏ) khóa (khố) đệ tử lại có nghĩa là con nhà quan. Có khi gọi là phường khố lụa như trong một bài thơ của Trần Tế Xương.

Quỷ khốc, thần sầu cũng đúng mà quỷ khốc, thần kinh cũng đúng. Thành ngữ này được dùng để mô tả một chuyện gì ghê gớm lắm khiến quỷ cũng phải khóc, thần cũng phải buồn rầu, kinh hãi.

Cô Nguyễn Thụy Mai An, Long Beach, California

Cogito ergo tim sum là gì?

Không có câu nào như thế cả. Chỉ có câu Cogito, ergo sum, tiếng La Tinh nghĩa là tôi tư duy, do đó, tôi hiện hữu. Câu này là của René Descartes, một triết gia Pháp (1596-1650).

Nguyên văn câu của Descartes viết trong cuốn Discours De La Méthode Pour bien conduire sa raison, et chercher la vérité dans les sciences (Phương Pháp Luận) là: Je pense, donc je suis.

Cogito ergo tim sum là câu xuyên tạc để đùa chơi, thêm chữ "TIM" và để đi với chữ "SUM" ở cuối để thành tim sum, tỉm sắm (điểm tâm)

Câu La Tinh Cogito, ergo sum này còn đi đôi với một câu khác: Dubito, ergo cogito, ergo sum nghĩa là tôi hoài nghi, do đó, tôi tư duy, do đó, tôi hiện hữu.

"Qu’ils mangent de la brioche", để cho chúng nó ăn bánh, là câu mà nhiều người nói là của Marie Antoinette, câu nói đầy ngạo mạn, kênh kiệu làm người dân Pháp đang sống lầm than có được lý do để nổi dậy lật đổ vương quyền của vua Louis XVI.

Thực ra, câu này đã xuất hiện trong cuốn Confessions của Jean-Jacques Rousseu viết khoảng năm 1767 tức là trước khi Marie Antoinette từ Áo tới nước Pháp và trở thành hoàng hậu Pháp vào tuổi 14.

Câu nói này bằng tiếng Anh, "Let them eat cakes!", hiện vẫn thỉnh thoảng được đem ra dùng để minh họa cho thái độ bất cần, không thèm quan tâm, để ý đến những khổ đau của người dân cùng khổ của giới cầm quyền.

Iron curtain không phải là những chữ do Winston Churchill nghĩ ra mà ông chỉ đem dùng và làm cho danh từ này được phổ biến khắp thế giới. Churchill dùng chữ này đúng 61 năm trước, hôm mồng 5 tháng 3 năm 1946 tại đại học Fulton, tiểu bang Misssouri. Churchill báo động là sau khi thế chiến chấm dứt thì một bức màn sắt đã bủa chụp xuống từ Bắc Âu (Stettin, thuộc vùng biển Baltic) xuống phía nam là Trieste.

Bài diễn văn của Churchill sau đó được đặt cho tên là bài diễn văn bức màn sắt (The Iron Curtain address).

Danh từ Iron Curtain đã xuất hiện từ rất lâu, ở Pháp, ở Ðức, ở Anh.

Sau khi danh từ bức màn sắt được phổ biến khắp nơi, người ta cũng đặt thêm cho vài bức màn khác.

Bamboo Curtain là bức màn tre ngăn cách Hoa lục với thế giới bên ngoài.

Sand Curtain là bức màn cát giữa Israel và khối Ả Rập. Cobweb Curtain là bức màn nhện giữa báo chí và hoàng gia Anh

TIẾNG ANH XÂM LĂNG TIẾNG PHÁP

Người Pháp vẫn tự hào ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ đẹp, phong phú và lịch sự nhất thế giới. Nhưng tiếng Pháp đang bị tiếng Anh xâm lấn càng ngày càng nhiều. Trong mười năm qua, tiếng Anh đã xâm nhập vào tiếng Pháp còn nhiều hơn trong cả thế kỷ trước.

Một giới chức trong bộ ngoại giao Pháp đã nhận là tiếng Pháp đã mượn rất nhiều tiếng Anh để dùng trong ngôn ngữ hàng ngày. Và những tiếng Anh này được dùng thẳng với cách phát âm của tiếng Anh mà không được cho Pháp hóa đi chút nào. Thí dụ những chữ như standing ovation hay stock options... Giới chức này cho biết mỗi tháng, 18 uỷ ban về ngôn ngữ cuả chính phủ đều đưa ra một danh sách các tiếng mới có thể sử dụng trong lãnh vực công để biến tiếng Pháp thành một ngôn ngữ phong phú có thể diễn tả được tất cả những ý tưởng mới của thế giới. Giới chức này nói rằng tuy thế, người Pháp không nên lo ngại vì trong thế kỷ thứ 16, tiếng Pháp cũng vay mượn rất nhiều từ tiếng Ý nhưng sau đó, những chữ nào không hay thì người Pháp loại bỏ và chỉ giữ lại những chữ có thể hội nhập vào tiếng Pháp.

17-8-2007


Trả lời ông Long Nguyễn Sacramento, California

Ba nhe không phải là ca nhe mặc dù cả hai đều mượn của tiếng Pháp.

Ba nhe là do danh từ pannier là cái thúng. Porteur de panniers là người làm nghề bưng bốc, khuân vác ở bến tầu, bến xe.

Ðể kiếm sống, những người này phải tranh giành, chửi bới to tiếng, đánh nhau để lấy mối. Ba nhe là người làm những công việc không hiền lành và tử tế bao nhiêu. Ba nhe đồng nghĩa với đá cá lăn dưa.

Ngày xưa tại các bến sông ở miền Bắc có những người phu khuân vác còn gọi là phu đểu cũng chơi trò giành giật, đánh nhau để giành mối tương tự như ba nhe ở miền Nam.

Một thành phần khác chuyên khiêng cáng cho những nhà giầu đi chơi hay giúp chuyển khách từ thuyền lên bến có tên là phu cáng. Những thành phần này cũng có lối hành xử kiểu như phu đểu. Vì hai loại người này, Việt ngữ có tiếng đểu cáng là ghép từ hai chữ (phu) đểu và (phu) cáng mà ra.

Ca nhe cũng là ca ve, là gái nhẩy, mượn từ danh từ cavalière trong tiếng Pháp.

Bằng không có hai cách hiểu.

Nếu là chữ Hán thì bằng không nghĩa là bỗng không, không có căn cứ. Thí dụ bằng không kiết soạn là bỗng không, không có gì, không dựa trên căn cứ gì mà tạo thành.

Bằng không theo lối nói của người Việt là nếu không.

Cầm bằng là nếu như, xem như, coi như.

Ba que là một trò chơi có tính lừa bịp.

Xỏ lá cũng là một trò chơi bịp bợm dùng một chiếc lá cuộn lại và một thanh tre hay một cái đũa chọc vào, trúng lỗ thì ăn, ra ngoài thì thua. Thường thì nhà cái bao giờ cũng thắng.

Ba que xỏ lá nghĩa là những thành phần lừa bịp, đểu cáng.

Xỏ lá là chữ dịch thoát ý từ một câu thơ chữ Hán "Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp" nghĩa là những giọt mưa tầm thường và nhỏ nhưng mưa mãi thì cũng xuyên thủng được những cái lá như trong câu thơ của Nguyễn Khuyến mắng Chu Mạnh Trinh:

... Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá...

Họa mi là vẽ lông mày.

Ðối kính họa mi là trước gương vẽ lông mày như trong một vế của hai câu đối đáp giữa Ðoàn Thị Ðiểm và người anh tên là Luân.

Họa mi là một giống chim.

Lại trả lời ông Trần:

Cầu sương điếm cỏ không dùng với ý nghĩa như ông nói. Những chữ này chỉ để nói về cảnh bi thảm cô đơn và lạnh lẽo của Kiều khi bỏ trốn khỏi nhà Hoạn Thư.

Không thể dùng những chữ này để nhục mạ, khinh miệt những người HO như có người gợi ý. Có thể hai chữ sương và điếm khiến thành ngữ này bị hiểu theo chiều hướng đó chăng.

Cụ Nguyễn Trực, Glendale, California

Sơn hào hải vị nghĩa là thịt núi vị biển, những món ngon và quí trên rừng và dưới biển.

Nhất ẩm nhất trác sự giai tiền định là từ một câu trong sách Mạnh Tử thường được dẫn không đầy đủ.

Ðầy đủ của câu này là nhất ẩm nhất trác sự giai tiền định, vạn sự phận di định, phù sinh không tự mang nghĩa là một bữa ăn một bữa uống cũng đã được định từ trước, muôn việc đều đã được định cả, chỉ có sự sống trôi nổi như bèo làm nên nỗi băn khoăn mà thôi.

Chữ cuối cùng (TÌNH) trong câu thứ 83 của Cung Oán Ngâm Khúc thường bị đọc sai thành BÌNH:

Giấc Nam Kha khéo bất BÌNH
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không

Bất BÌNH là không bằng lòng.

Bất TÌNH là không có tình ý, vô tình.

Phải là bất TÌNH mới đúng.

Cụ Nguyễn Hiến Lê đã qua đời năm 1984 sau khi sống với Cộng sản gần mười năm. Cụ nhận là có cảm tình với Việt Minh nhưng ngay sau ngày 30 tháng 4, cụ nhận là quá ngây thơ như đã viết trong tập hồi ký do nhà xuất bản Văn Nghệ in tại Hoa kỳ. Trong tập hồi ký này, cụ đã nghiêm khắc nhận xét về chế độ Cộng sản sau năm năm sống với Cộng sản.

Ðây là một tác phẩm rất đáng đọc.

Ðính Chính

Trong số báo trước, chữ nghĩa của người phụ trách mục này đã để lại những sai lầm tai hại vào lúc ba giờ sáng, khi đầu óc thiếu minh mẫn, mắt mũi không mở ra được. Nay xin nói lại cho đúng:

Ðiêu Thuyền là con nuôi của Vương Doãn.

Jeunesse chứ không phải là jeunaisse.

Xin cám ơn Ngọc ở New York, chị Ðỗ Khắc Nhuận và ông Trần Chương và xin lỗi quí độc giả.

18-5-2007


LỦI

Một bản tin của nhật báo N.V. số ra ngày 14 tháng 5 ở trang 1 đã dùng chũ "lủi" để viết về một tai nạn xe hơi: Xe hơi lủi vào trạm xe buýt.

Chữ "lủi" hoàn toàn sai trong trường hợp này.

Lủi không có nghĩa đâm vào, lao vào, đụng vào.

Lủi có nghĩa là trốn tránh, lánh, né, không để bị nhìn thấy: Lủi như cuốc.

Lủi đi kèm với thủi có nghĩa là đơn lẻ, một mình, lẻ loi.

Lũi (dấu ngã) không có trong tiếng Việt.

Lụi là đâm, xiên: thịt bò lụi là thịt bò xiên và nướng trên lửa.

Lụi cho một dao là đâm cho một dao.

Thay vì dùng chữ lủi, có lẽ dùng động từ ủi thì đúng hơn.

Trả lời Nguyễn Viết Khôi, Houston, Texas

Ðậu tú tài một lần là tú đơn.

Hai lần là tú kép.

Ba lần là tú mền.

Bốn lần là tú đụp.

Năm lần là tú chũi.

Sau lần thứ năm mà không đỗ cử nhân thì về đuổi gà cho vợ nên không có chữ để gọi nữa.

Mexico phiên âm là Mặc Tây Kha cũng đọc là Mặc Tây Ca.

Houston là Hưu Sĩ Ðốn

Cambodge / Cambodia / Kampuchea là Giản Bộ Trại. Thủ đô là Kim Biên (Phnom Penh)

Vatican là Phạn Ðế Phong Thành (city) Quốc (state)

Zhou có thể là Trụ, cũng có thể là Châu, Chu. Phải biết chữ viết như thế nào mới biết chắc được.

Họ Nguyễn viết theo pinin là Ruan, viết the Wade là Juan.

Visitateur cũng là visiteur nhưng ít dùng hơn.

Trả lời ông Thiện Trần, Garden Grove, California:

Zion là một thành trì kiên cố ở Jerusalem bị vua David đánh chiếm và dựng lên một ngôi đền tượng trưng cho quốc gia của người Do Thái. Zionism là phong trào chính trị đòi tái lập quốc gia cho người Do Thái ở lãnh thổ Palestine, vùng "đất hứa" trong Kinh Thánh với thủ đô là Jerusalem, thành phố của Zion.

SNAFU nghĩa là một lỗi lầm, tai nạn gây ra bởi những hành động, việc làm vụng về, ngớ ngẩn, ngu xuẩn. Cũng có nghĩa là một kế hoạch, một chương trình, một hành động, một ý kiến phức tạp một cách không cần thiết:

The snafu in San Francisco was caused by an overturned tanker nghĩa là tai nạn mới đây làm nghẽn xa lộ chạy vào San Francisco là do một xe bồn bị lật và bốc cháy gây ra.

Snafu trong ngôn ngữ của quân đội là chữ viết tắt của Situation Normal All Fucked Up. Thí dụ khi binh sĩ Mỹ chặn bắt được Al Zarqawi rồi lại thả ra hai lần, đó là trường hợp snafu.

Ba hoa là từ động từ bavarder của tiếng Pháp mà ra.

Ba hoa được thêm hai chữ chích choè vào cuối cho có thêm vần điệu.

Ba hoa là nói rất nhiều, ý nghĩa chẳng bao nhiêu. Mon coeur bavarde trong một bài hát của Dalida mà chúng tôi không nhớ rõ là tên thì lại có nghĩa là con tim em tỉ tê, trò truyện.

Ðồng ý với ông là thủ tướng Abe của Nhật mới đây tại Washington đã dùng sai chữ khi đề cập tới các phụ nữ Cao Ly bị bắt phục vụ sinh lý cho các binh sĩ Nhật ở Ðông Nam Á. Ông Abe dùng chữ prostitute là sai. Prostitute là phụ nữ bán dâm. Những phụ nữ Cao Ly, Trung quốc, Philippines bị lính Nhật bắt đưa tới các trại binh của Nhật là nô lệ tình dục (sex slave).

Người Nhật gọi các phụ nữ này là uỷ an phụ (comfort women): ianfu. Tiếng Cao ly là chongshindae. Tiếng Tagalog (Philippines) là lila.

Trả lời ông Lữ Ðức Lập, Los Angeles

Truyện Kiều của Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm.

Chữ Nôm dựa trên chữ Hán nên cần phải biết chữ Hán mới đọc được chữ Nôm.

Chữ quốc ngữ là do các cố đạo Tây phương dùng mẫu tự La Tinh để viết xuống.

Câu "Bất tri tam bách dư niên hậu / thiên hạ hà nhân khấp Tố Như " không ở trong truyện Kiều.

Ðề nghị ông đọc cuốn Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du, luận án Tiến Sĩ của Linh Mục Vũ Ðình Trác. Các thắc mắc của ông sẽ được giải đáp đầy đủ.

Cũng đề nghị ông đọc cuốn Chữ Nôm của Ðào Duy Anh; Văn Phạm và Ngôn Ngữ Việt Nam của Tú Ðinh và Võ Cao; Tìm Tòi và Suy Nghĩ của Thu Tứ là những cuốn sách rất lý thú đồng thời có thể trả lời những thắc mắc khác của ông.

20-4-2007


Bà Ngọc Thủy

Shangri –La trong một câu của bài Bernardine do Pat Boone hát, là thiên đường tưởng tượng trên trái đất, thường là một nơi xa xôi, khó mà đến được. Chữ này xuất hiện trong cuốn The Lost Horizon xuất bản năm 1933 của James Hilton. Trong tác phẩm này, Shangri-La là Tây Tạng.

Tây Trúc là tên cũ của nước Ấn Ðộ.

ÐA ÐA

Chúng tôi chưa thấy con đa đa bao giờ. Con chim này không phải là con gia gia vì thực ra cũng không có con chim nào là con gia gia cả. Con gia gia là sản phẩm tưởng tượng của bà Huyện Thanh Quan khi phải kiếm một con chim đối lại với con cuốc cuốc ở câu trên:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Con chim cuốc thì có. Tên nó, cuốc, là do tiếng kêu của nó. Người Trung Hoa gọi nó là con đỗ quyên, hóa thân của Thục Ðế, ông vua bị mất nước kêu than đến đổ máu mắt ra mà chết (Khúc đâu êm ái xuân tình / Ấy hồn Thục Ðế hay mình đỗ quyên – Kiều)

Con đa đa còn có tên là con giá cô. Tên tiếng Pháp của nó là perdrix và tên tiếng Anh là partridge. Học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết con chim này còn có một cái tên khác, con bồ côi, vì tiếng kêu của nó nghe y như: "père, frère, mère tout est perdu," nghĩa là cha, anh, mẹ... mất hết cả rồi.

Ở miền bắc, vẫn theo Nguyễn Hiến Lê, loài chim này lại kêu nghe giống như "chè xôi chuối... thịt".

Chim ta nghe hấp dẫn hơn chim Tây là như thế.

Cụ Thiện Nguyễn, Santa Ana, California

Mấy tiếng "à há" và "ớ ơ " mà cụ hỏi có thể là uh huh (à há) và uh uh (ớ ơ) viết theo tiếng Anh.

"Uh huh" là để diễn tả sự đồng ý, tán thành.

"Uh uh" là không chịu, không tán thành.

Song hay Sung?

Cả hai đều là Tống cả. Song là cách viết theo lối Pin Yin. Sung là cách viết theo lối Wade-Giles. Ở Hoa lục người ta dùng lối Pin Yin, Ðài Loan dùng lối Wade-Giles.

Sun Zhong Shan và Song Qing Ling là Tôn Trung Sơn, tức là Tôn Văn, cũng là Tôn Dật Tiên và Tống Khánh Linh.

Tống Khánh Linh là một trong ba người con gái của Tống Giáo Nhân (Song Jiao Ren).

Cô lớn nhất là Tống Ái Linh (Song Ai Ling), kế đến Tống Khánh Linh (Song Qing Ling) và người thứ ba là Tống Mỹ Linh (Song Mei Ling).

Tống Ái Linh lấy Khổng Tường Hy (Kong Xiang Xi), một nhà tư bản rất giầu có ở Trung quốc trước khi Cộng Sản chiếm Hoa lục.

Tống Khánh Linh là vợ của Tôn Dật Tiên.

Tống Mỹ Linh là phu nhân tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch (Jiang Jie Shi).

Shu Shi / Su Shih cụ hỏi, nếu là tên người thì là Tô Thức, tức là Tô Ðông Pha, một trong những tên tuổi vĩ đại nhất của văn học Trung quốc. Sushi là tiếng Nhật, đọc theo âm Hán Việt là món thọ ti, một món ăn của người Nhật.

Ông Trần Mậu, Pasadena California

Ðồng ý với ông là hào nháng hay hào nhoáng không thể coi là một từ ngữ để khen ngợi hay thán phục như trong cái quảng cáo đó. Hào nháng / nhoáng là cái đẹp, vẻ rực rỡ bên ngoài.

Hài văn trong câu 143 của Kiều là đôi giầy thêu (hài văn lần bước dậm xanh)

Hài văn cũng có nghĩa là văn chương hài hước, văn vui, văn có điệu diễu cợt.

Hài hòa hay hòa hài không phải là chữ mới của Việt Cộng như trong thư ông viết. Hai chữ này có thể tìm thấy trong tự điển Hán Việt Ðào Duy Anh (trang 367), cuốn tự điển có từ trước khi có Việt Cộng, mà cụ Ðào còn đóng mở ngoặc chữ harmonie bên cạnh. Hòa hài cũng đọc thấy trong tự điển Lê Văn Ðức (trang 616)

Ðộc giả Châu Nguyễn (Chau.Nguyen@nashville.gov)

Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay co

Ðây là những câu thâu tóm các đặc tính của hai tỉnh miền Trung. Sự chính xác không ai dám bảo đảm.

Theo một thẩm quyền về miền Trung, nhạc sĩ Song Nguyễn, thì "co" là đôi co, chứ không phải là quanh co hay kéo co.

Ông còn bổ túc thêm hai câu:

Bình Ðịnh hay lo
Thừa Thiên ních (ăn) hết

Xin chú thích một chi tiết nhỏ ở đây: ông Song Nguyễn là người Thừa Thiên.

Bà Lê Ánh Nguyệt, San Francisco

Bà nói đúng, truyện ngắn Nhà Mẹ Lê là của Thạch Lam chứ không phải là của Khái Hưng.

Khái Hưng nghiêng về tình cảm và phong tục hơn. Thạch Lam cũng tình cảm nhưng nghiêng về tâm lý xã hội. Ông viết về cảnh tăm tối, khốn khó rất tinh tế, như trong Cô Hàng Xén. Truyện ngắn Nhà Mẹ Lê nằm trong mạch văn của Cô Hàng Xén được trích từ tập truyện ngắn Gió Ðầu Mùa xuất bản năm 1937 ở Hà Nội.

20-7-2007


VỀ MỘT BỨC THƯ ÐỘC GIẢ

Mục Chữ Nghĩa Chúng Ta thỉnh thoảng vẫn nhận được những thư góp ý của độc giả. Phần lớn là của những người hiểu biết muốn thêm thắt một vài ý kiến, sửa chữa một vài lầm lẫn mà chúng tôi đã nhận và đã công khai bầy tỏ lòng biết ơn trên trang báo này. Tuần qua, một bức thư ký tên là Vân Anh dài 6 trang giấy viết tay được gửi cho chúng tôi mà chúng tôi thấy là phải có đôi ba lời với người viết nó.

Trong số báo Việt Tide 310, chúng tôi có trả lời một độc giả về danh xưng của một quốc gia đông bắc Á châu và viết rằng tên Triều Tiên được miền Bắc dùng trong khi miền Nam dùng tên Hàn quốc.

Ðộc giả Vân Anh giải thích cho chúng tôi rằng những chữ Triều Tiên hay Hàn quốc đều do "người Việt mình dùng chứ không phải là do người North Korea, hay South Korea dùng, có nghĩa do người Việt mình "chế" ra."

Ðộc giả Vân Anh sai nặng. Không biết ông dựa vào những tài liệu hay sách vở nào mà lại quả quyết như thế.

Xin nhắc ông, bách khoa từ điển Webster’s New World Encyclopedia ở trang 464 có ghi rõ danh xưng của miền Bắc vĩ tuyến 38 là Chosun Minch-chui Inmin Konghwa-guk (Triều Tiên Dân Chủ Nhân Dân Cộng Hòa Quốc).

Bên cạnh, ở cột bên tay phải là Daehan Minguk (Ðại Hàn Dân Quốc).

Chịu khó vào các trang web của Nam và Bắc Triều Tiên cũng sẽ thấy ghi rõ như trên. Bách khoa tự điển Brittanica cũng ghi đầy đủ phiên âm quốc danh của hai nước này. Nói rằng người Việt chế ra hai danh xưng này là nói sai. Ông đọc những chi tiết này ở đâu, xin cho biết, đừng ăn nói bậy bạ như thế.

Ông còn nói rằng chi tiết Marco Polo mang về Ý tên Cauli mà chúng tôi viết trong phần trả lời là sai lầm "tùm lum" và đổ cho chúng tôi là đã "bầy đặt, vẽ vời quá buồn cười"

Ông chịu khó tự soi sáng bằng cách tìm chi tiết này trong cuốn Summa Oriental của Tome Pires sẽ thấy tên Cauli và Gores đều do Maroc Polo mang về Ý.

Ông Vân Anh quả quyết chi tiết đó là do chúng tôi bịa đặt ra chẳng khác gì "chuyện hoang đường, cổ tích, tiếu lâm."

Ông còn cho rằng tên Bình Nhưỡng mà chúng tôi dùng trong phần trả lời là "được vu vơ phiên chuyển từ chữ Pyong Yang"

Thưa ông, Bình Nhưỡng là tên chữ Hán do chính người Cao Ly viết để gọi Pyong Yang / Ping Yang như ông có thể tìm thấy ở trang 1952 Pháp Việt Tự Ðiển của Ðào Duy Anh

Nhân tiện nhắc ông: Bản (dấu hỏi) Môn Ðiếm, chứ không phải là Bàn (dấu huyền như ông sai lầm) là tên đọc theo âm Hán Việt của cái làng gần biên giới Nam Bắc nơi diễn ra những cuộc họp đình chiến giữa Liên Hiệp Quốc và Bắc Triều Tiên.

Ông lại còn khẳng định rằng chi tiết ba dân tộc sống ở bán dảo Cao Ly có tên gọi chung là Tam Hàn (Sam Han) mà chúng tôi viết trong Việt Tide số 310 là "tào lao, buồn cười... vẽ vời tầm bậy tầm bạ."

Ông không biết thì đừng nói láo.

Người Triều Tiên gọi thời đại này là Samguk Sagi (Tam Quốc Sử Ký) với ba nước Mahan, Jinhan và Byeonhan, ba nước Hàn. Bịa đặt và tầm bậy ở chỗ nào?

Rồi ông nêu ra một số tên quốc gia rồi nói rằng chúng không có nghĩa lý gì. Chúng tôi đồng ý như thế. Nhiều địa danh không có nghĩa gì hết. Nhưng thỉnh thoảng cũng có.
New Zealand chẳng hạn. Zealand, chính ra là Zeeland, tên một thành phố ở Hà Lan.

York là tên một thành phố ở Anh quốc. Người di dân muốn giữ lại một chút quê hương trên vùng đất mới nên đặt tên cho nơi đến lập nghiệp là New Zealand, New York, New Hampshire, New Saigon...

Ông nêu danh xưng Sri Lanka và nói là được phiên âm thành Tích Lan. Ông mới là tầm bậy và nhảm nhí.

Tích Lan là phiên âm từ Ceylon chứ không phải từ Sri Lanka

Sri Lanka không phiên âm thành Tích Lan.

Lanka là tên một ngọn núi ở Ceylon (Tích Lan, tên cũ dùng trước năm 1972) nơi Ðức Phật đã hiện ra để thuyết pháp. Ông nên đọc Thiền Uyển Tập Anh chú giải của giáo sư Như Hạnh Nguyễn Tự Cường trước khi ăn nói hàm hồ nhảm nhí như thế.
Ông cũng cho là những tên nước như A Phú Hãn, Nam Dương, Hy Lạp... đều là do "ai đó phiên chuyển một cách vu vơ."

Nói để ông biết là người Hoa tiếp xúc với các nước Tây phương trước Việt Nam khá lâu. Trong những giao tiếp ấy, họ cần phải ghi xuống các nhân danh, địa danh cho sử sách. Nhưng vì chữ viết của người Hoa không dùng chữ La Mã nên không thể viết tên của các quốc gia như France, England, Italia... họ phải chọn những tiếng Hoa gần nhất với tên này để ghi xuống.

Người Việt đọc những chữ này khác đi một chút nên thành Pháp Lang Sa, Anh quốc, Ý Ðại Lợi chứ không phải là "ai đó ngày xưa đã phiên chuyển có tính cách vu vơ" như ông đã quyết đoán một cách sai lầm nặng. Ngay bây giờ người Hoa cũng vẫn còn làm như thế. Nhưng khi phát âm theo tiếng Hoa thì những tên này rất gần với tên nguyên thuỷ. Thí dụ người Hoa đọc hai chữ mà họ phiên âm từ tên của tổng thống Bush thì rất gần với tên của ông, nhưng khi người Việt đọc hai chữ mà người Hoa phiên âm thì tên ông Bush sẽ thành Bố Thập.

Ngày nay, chúng ta không làm như thế nữa vì nay, sự giao tiếp của người Việt với thế giới đã rộng hơn và hệ thống chữ viết của chúng ta cho phép viết thẳng tên của tổng thống Bush như cách viết trong tiếng Anh.

Ông nói rằng ông muốn tôi phải nghe những lời khuyên của ông.

Tôi không thể làm như vậy được. Cần nghe hay học thì cũng phải tìm người giỏi, tìm sách tử tế.

Nghe một người như ông thì tôi không làm.

Tôi nghĩ các bách khoa tự điển, các sách biên khảo, các cụ Ðào Duy Anh, giáo sư Như Hạnh là những người rất xứng đáng để học hỏi.

Còn cái thứ như ông thì không bao giờ.

Trả lời ông Bùi Ngọc Viện, Long Beach, California

DIỄN BINH / DIỄU BINH

Cả hai đều có nghĩa như nhau. Diễn là phô bầy, phân giải. Diễn binh là một cuộc trình diễn, phô trương lực lượng quân sự.

Diễu là chạy, di chuyển, đi vòng vòng, chung quanh. Diễu binh hay diễu quân là cuộc thao diễn của quân lính.

VAFFANCULO

Toà án tối cao nước Ý vừa đưa ra phán quyết liên quan đến chữ vaffanculo, một tiếng chửi thề rất thường nghe thấy tại Ý.

Vaffanculo là tiếng chửi tương đương với YUCK FOU (đã nói lái) của tiếng Anh và tiếng Mỹ.

Tối cao pháp viện Ý nói rằng vaffanculo là tiếng được dùng quá thường nên nó đã mất đi rất nhiều ý nghĩa tục tĩu của nó và do đó, nó không còn bị coi là tiếng tục nữa.

2-11-2007


Cụ Nguyễn Văn X. Houston, Texas

Chúng tôi đoán nhân vật trong mấy câu thơ đố mà cụ gửi cho đọc là nhà thơ Tương Phố:

1 Chẳng có đỗ cũng thành tương
2 Cũng mang ra khắp phố phường
3 Thu về nước mắt dâng dâng
4 Có chồng rồi lại mất chồng như chơi
5 Gió mưa sông núi sụt sùi
6 Thế nhân quên cả giọng cười Xuân Hương

Câu 1 có chữ đỗ là họ của nhà thơ (Ðỗ thị Ðàm) tương là từ bút hiệu (Tương Phố). Câu 2 có chữ phố cũng trong bút hiệu. Câu 3 có chữ thu là từ tên của tập thơ Giọt Lệ Thu tập thơ khóc chồng của Tương Phố. Câu 4 nói về hoàn cảnh góa bụa của bà. Câu 5 có những chữ gió, mưa, sông là từ tên tập thơ Mưa Gió Sông Tương. Câu 6 nhắc Hồ Xuân Hương thơ có nụ cười trong khi thơ của Tương Phố toàn nước mắt.

Tương Phố có di cư vào Nam, sống một số năm ở Nha Trang. Em gái của Tương Phố là Song Khê nữ sĩ (người gửi rau sắng chùa Hương cho Tản Ðà) trước đây ở Virginia.

Nếu đúng, cụ nợ một bữa (thật to) ở Houston khi nào chúng tôi xuống Texas.

Ông Trần Tiến Duy, Torrence, California

Bài ca dao miền Nam này không xuất xứ từ Gò Vấp, (một quận châu thành của tỉnh Gia Ðịnh gồm 8 xã) mà có thể ở bất cứ một nơi nào khác, vẽ ra hình ảnh của một thời hoàng kim, thịnh trị nhưng khó mà có thật:

Sớm mai đi chợ Gò Vấp
Mua một xấp vải
Ðem về
Con Hai nó cắt
Con Ba nó may
Con Tư nó đột
Con Năm nó viền
Con Sáu đơm nút
Con Bẩy vắt khuy
Anh bước cẳng ra đi
Con Tám níu, con Chín trì
Mười ơi! Sao em để vậy còn gì áo anh?

Khi chúng tôi lớn khôn thì không còn cảnh này nữa.

Câu "Chồng ăn chả vợ ăn nem" thực ra còn có một câu đi sau nữa: "Ðứa ở có thèm mua thịt mà ăn"

Câu thứ hai chỉ được thêm vào cho có vần (nem / thèm), có điệu chứ không mang ý nghĩa chi cả.

Ông không sống ở Sài Gòn nên không biết Gò Vấp. Một lúc nào đó, người ta sẽ phải xin lỗi Gò Vấp vì trong suốt nhiều năm, địa danh này cùng với Chuồng Chó, Ngã Ba Chú Ía luôn luôn gợi ra những thứ không đẹp chút nào về Gò Vấp.

Ðầu đường xó chợ cũng đồng nghĩa với đầu đường cuối chợ và cuối chợ đầu đường. Câu này chúng ta không mượn của chữ Hán.

Những tưởng đầu đường thương xó chợ
Ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau
 (Bùi Giáng)

Ông Nguyễn Văn Phu, San Diego, California

Ðồng tính bất phu không hề có nghĩa chống lại các cuộc hôn nhân đồng tính (same sex marriage), một vấn đề đang được nói đến nhiều tại nước Mỹ.

Tính là họ (family name). Ðồng tính là người cùng họ; bất hôn là không được lấy nhau.

Hôn nhân đồng tính thực ra vẫn xẩy ra, như thời nhà Trần trong sử Việt Nam để tránh ngai vàng không vào tay người khác.

Những cuộc hôn nhân này thường bị cấm vì nếu liên hệ quá gần thì là loạn luân (incest). Những cặp vợ chồng gần gũi về huyết thống còn đưa tới những trường hợp in-breeding như trong một số triều vua Pháp, sản xuất ra những người trì độn về tâm trí.

Ở West Virginia, tại một số vùng, những trường hợp như thế khá nhiều. Phim Deliverance có cho thấy những sinh hoạt đó.

Andy Williams vẫn còn sinh hoạt âm nhạc. Claudine Longet, người hát bài Love Is Blue, vợ cũ của Andy Williams là người Pháp.

Goncourt là giải thưởng văn học cao quí nhất của Pháp được trao mỗi năm cho tác phẩm văn xuôi hay nhất trong năm. Giải mang tên hai người sáng lập là Edmond de Goncourt và Jules de Goncourt.

Trong số các nhà văn từng được giải Goncourt có Marcel Proust, Simmone de Beauvoir, Marguerite Duras và Romain Gary (hai lần).

Giải năm 2006 được trao cho một nhà văn Mỹ lần đầu tiên: Johnathan Littell, cuốn Les Bienveillantes.

21-9-2007


Trả lời độc giả dấu tên

Ðồng One Cent hay One Penny do Benjamin Franklin đề nghị cho tất cả mọi tiểu bang Hoa kỳ dùng để thay những đồng tiền của Anh sau khi Hoa kỳ độc lập. Trước đó, mỗi tiểu bang có một loại tiền riêng. Khi Hoa kỳ trở thành một quốc gia độc lập với 13 tiểu bang thì người ta thấy là phải thống nhất tiền tệ lại.

Hoa kỳ đã đúc và cho lưu hành khoảng trên 300 tỉ đồng penny với 11 mẫu khác nhau.

Ðồng penny đầu tiên có khắc nổi đầu một người da đỏ. Những đồng penny có hình tổng thống Lincoln mới bắt đầu lưu hành từ năm 1903. Mặt bên kia là hình đền kỷ niệm Abraham Lincoln ở Washington DC.

Ðồng penny được đúc bằng một hợp kim mầu nâu đỏ nên mới có thành ngữ not a red cent, nghĩa là không một xu teng. Thành ngữ not a penny to one’s name nghĩa là không một xu dính túi, gia tài không có một cắc:

... Not a shirt on my back, not a penny to my name
Lord I’m five hundred miles away from home
... (Ca khúc 500 Miles của Peter Paul and Mary)

Ông Phạm Thành Quang, Lubbock, Texas

Onomatopée (tiếng Anh là onomatopoeia), nghĩ (bắt chước) thanh (tiếng) từ, tiếng bắt chước tiếng động của thiên nhiên, tiếng kêu của súc vật, chim chóc... Tuy nhiên, lỗ tai của các giống người khác nhau nghe cùng một âm thanh nhưng lại ghi nhận rất khác nhau.

Người Việt nói hắt sì thì người Anh nói hatchoo, người Ðức: Hat-chee; người Ý: ekchee; người Nhật: Hakshon; người Hy Lạp: ap tsou...

Người Việt bắt chước mèo kêu meo meo, người Anh: mew, miao...

Người Việt chậc lưỡi, người Mỹ: tsk... tsk...

Mảng cầu hay mãng cầu?

Tự điển Lê Văn Ðức ghi là mảng (dấu hỏi).

Mãng (dấu ngã) là con trăn. Mãng xà là con trăn lớn. Mãng bào là áo thêu hình con trăn của quan. Long bào là áo thêu rồng của vua.

Phì phà chẩy là cách phát âm tiếng Quảng Ðông của danh từ tỳ bà tử nghĩa là người phụ nữ đánh đàn (tì bà), ca hát trong các tửu điếm, trà đình.

Pì pế hán, theo Bình Nguyên Lộc, lại là tì bà hành, không hiểu tại sao pế hán, âm Quảng Ðông hai tiếng trắc, lại là bà hành, hai tiếng bằng trong cách phát âm Việt Hán.

May mà không đọc thành bị bà hành. Bà hành thì chắc khổ lắm

Sương Nguyệt Anh là tên hiệu. Tên thật là Nguyễn thị Ngọc Khuê sinh năm 1863, là con gái thứ năm của cụ Nguyễn Ðình Chiểu, tác giả Lục Vân Tiên.

Cụ Nguyễn Ðình Chiểu qua đời năm 1888. Bà Khuê chưa lập gia đình mặc dù có nhiều người mai mối. Bà thành hôn với một ông phó tổng góa vợ sinh được một con gái tên là Vinh. Bà Vinh lấy ông Mai Lương Ngọc sinh con gái là Mai Huyền Hoa. Bà Mai Huyền Hoa về sau trở thành bà Phan văn Hùm.

Bà Khuê góa chồng khi con gái mới 2 tuổi. Bà phải từ Mỹ Tho lên Sài Gòn kiếm ăn bằng nghề dậy học và viết báo.

Ðược vài năm, bà bị đau mắt phải về sống tại Mỹ Chánh Hòa với người em trai là ông Nguyễn Ðình Chiêm. Bà qua đời năm 1921 hưởng thọ 56 tuổi.

SLUT

Thành phố Seattle vừa hoàn tất một đường xe điện hoạt động tại khu Cascade có tên là South Lake Union Trolley.

Nhưng để nguyên tên thì dài quá, thành phố viết tắt lại là SLUT.

Kẹt một điều SLUT lại là một danh từ không mấy đẹp lắm. Slut nghĩa là người phụ nữ bán dâm, là người làm đĩ.

Lập tức, một tiệm cà phê trong vùng bầy bán ngay những chiếc T-shirt có in lời kêu gọi dân chúng dùng dịch vụ xe điện này để tiết kiệm xăng nhớt, giảm bớt ô nhiễm cho thành phố.

Hàng chữ in trên những chiếc áo T-shirt này nguyên văn như sau: Ride the SLUT. 100 chiếc đầu tiên đã bán hết ngay. Tiệm đang đặt mua thêm 100 chiếc khác.

Ride the SLUT là gì thì chúng tôi không thể dịch ra Việt ngữ ở đây.

BHHoang@technip.com

Phiêu bạt hay phiêu bạc?

Phiêu là trôi. Bạc là chỗ thuyền đậu. Phong Kiều Dạ Bạc là tựa bài thơ của Trương Kế, đêm neo thuyền ở bến Phong Kiều.

Bạt có hai nghĩa: rút lên, nhổ lên và nhẩy qua. Cũng có nghĩa là đoạn viết ở sau cuốn sách.

Bạt hỗ (dấu ngã) là con cá lớn nhẩy qua được cái đăng. Nghĩa bóng là cương ngạnh, ngạo mạn. Ðồng chí cách mạng của Phan Bội Châu phải là Tăng Bạt Hỗ (dấu ngã), không thể là Hổ (dấu hỏi).

Các tự điển Lê Văn Ðức (trang 1159), Khai Trí Tiến Ðức (trang 439) và Ðào Duy Anh (trang 120) đều ghi là phiêu bạc (chữ C)

All is fair in love and war không có câu nào tương đương trong tiếng Việt. Câu này nghĩa là trong chiến tranh cũng như trong tình trường, mọi đòn, mọi biện pháp, mọi chiến thuật, mọi chiến lược đều... OK hết.

Phí phạm (chữ M) do phí nghĩa là dùng nhiều quá, hao tốn. Phạm là lấn đến, lấn tới.

Phạn nghĩa là cơm, ăn cơm, là hành vi thanh tịnh của đạo Phật.

Phạn hàm là tục bỏ gạo vào miệng người chết trước khi liệm.

Cẩn tắc vô ưu nghĩa là cẩn thận để khỏi phải lo về sau.

Áy náy là không yên tâm vì không làm được một điều nào đó như ý muốn.

Áy là không đành lòng. Áy áy hay áy náy đều cùng một nghĩa. Áy náy là tiếng Nôm, không thể đi chung với cẩn tắc được.

Cẩn tắc vô áy náy là lối nói đùa từ câu cẩn tắc vô ưu mà ra.

22-6-2007


Một độc giả ở Orange:

Ông hỏi nhiều quá, xin trả lời làm hai kỳ.

Ðại Hàn không có nghĩa là nước quá lạnh. Hàn là tên ba dân tộc sống ở bán đảo Cao Ly, gọi chung là Samhan là Tam Hàn.

Triều cũng đọc là triêu, nghĩa là buổi sáng. Tiên là sáng sủa đẹp đẽ. Triều Tiên hay Triêu Tiên vì thế còn có nghĩa là miền đất của buổi sáng đẹp: Land of the Morning Calm

Triều Tiên là cách đọc Việt Hán của tên Chosun. Korea là tên viết trong Anh ngữ, Corée là cách viết theo lối Pháp của Cao Ly.

Tên Triều Tiên được miền bắc dùng. Hàn quốc là tên miền nam dùng.

Marco Polo mang về Ý tên Cauli, gốc từ Cao Ly trong chữ Hán. Từ Cauli, sang tiếng Anh thành Korea / Corea

Công hàm ngoại giao tiếng Anh là diplomatic note, là văn thư ngoại giao chính thức giũa hai chính phủ. Các văn phòng luật sư không thể thiết lập công hàm ngoại giao. Giấy mà các văn phòng này có thể lập là giấy chứng nhận độc thân để các ông già Việt Nam về nước lấy vợ.

Linh cữu (dấu ngã) không phải dấu hỏi. Lẩu (dấu hỏi) không phải dấu ngã.

Lâm bồn là tới (lâm) cái chậu (bồn). Ðàn bà Trung quốc ngày xưa khi sinh con thì ngồi vào trong một cái chậu lớn.

Bàng quan

Bàng là ngoài. Quan là nhìn. Bàng quan là người đứng ngoài ngó vào, không dính líu gì vào chuyện đang xẩy ra.

Bàng quang là cái bong bóng đựng nước tiểu trong cơ thể.

Năm châu: Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc (Ðại Dương châu). Cũng có khi nói là sáu châu: Á, Âu, Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Ðại Dương châu.

Ngày xưa, khi hiểu biết về địa lý còn hạn hẹp, người ta tin là chung quanh đất là biển nên khi nói cả nước, cả thế giới, người ta dùng chữ tứ hải như trong câu tứ hải giai huynh đệ.

Ngũ đại dương là Thái Bình dương, Ðại Tây Dương, Ấn độ dương, Bắc Băng dương, Nam Băng dương.

Người Âu thì lại tính thành bẩy với Bắc Ðại Tây dương, Nam Ðại Tây dương, Bắc Thái Bình dương, Nam Thái Bình dương, Ấn Ðộ dương, Nam băng dương và Bắc băng dương.

Cáo phóCáo là báo, là thông báo cho biết.

Phó là tin có người chết. Cáo phó hay cáo tang là thông báo về cái chết.

Giầu nứt đố đổ vách là do chữ đố là đoạn tre hay nứa đóng ở vách. Giầu đến nỗi của cải chứa trong nhà làm đổ vách, làm nứt tường là giầu lắm.

Cũng có khi nói là giầu nứt đấu đổ vách. Ðấu là dụng cụ để đong, để đo lường. Giầu đến độ vàng bạc đem đong làm nứt cả cái đấu ra thì cũng là giầu lắm. Không có điển gì hết.

Bà Ngọc Nguyên, Temple City, California hỏi sự khác biệt giữa triêu mộ và chiêu mộ; tam toạng và tam tạng.

Triêu là buổi sáng. Mộ là buổi tối. Triêu mộ là buổi sáng và buổi tối. Tiếng chuông triêu mộ là tiếng chuông gióng lên vào buổi sáng và buổi tối.

Chiêu là mời, là gọi đến. Mộ là tuyển, chọn. Chiêu mộ là tuyển chọn người, lính, nhân tài.

Tam toạng là cẩu thả, thiếu cẩn trọng.

Tam Tạng là ba pho sách lớn của Phật giáo là kinh tạng, luật tạng và luận tạng.

Tất nghiệp?

Có thể nói là tất nghiệp. Tất nghĩa là hết, là xong. Lễ tất, tất niên.

Tốt nghiệp cũng là học xong một bậc học.

Trả lời cụ Nguyễn Hải, San Gabriel, California

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý

Ðồng Khởi vùng lên mất Tự Do

Chắc cụ không ở Sài Gòn nên không biết sau năm 1975, đường Công Lý bị đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự Do bị đổi tên thành đường Ðồng Khởi.

Nam Kỳ Khởi Nghĩa là tên gọi cuộc nổi dậy do Cộng Sản chủ động năm 1940. Ðồng Khởi là chiến dịch năm 1959 của Cộng sản.

Tình cờ, việc đem áp đặt những cái tên mới cũng diễn ra vào lúc công lý và tự do của miền Nam bị mất đi. Hai câu này nhiều người cho là của Vũ Hoàng Chương. Nếu không phải của Vũ Hoàng Chương thì cũng không biết ai thâm được đến như thế.

Trăm năm bia đá thì mòn
Bia hơi cũng hết, chỉ còn bia ôm

Hai câu này không phải của Vũ Hoàng Chương. Thời của nhà thơ họ Vũ ở Sài Gòn chưa có bia ôm. Họ Vũ cũng không thích bia ôm. Ông thích nàng tiên nâu hơn:

Ghé gần đây, gần nữa cặp môi nâu
Rồi ta sẽ dìu em trên cánh khói

Ðào là tên một họ Khai Trí Tiến Ðức viết: Xưa có nguời đàn bà họ Ðào bắt đầu sinh ra nghề hát nên về sau, những người làm nghề ca hát được gọi là ả đào hay cô đào. Cô đầu là tiếng đọc trại ra từ danh từ cô đào.

Thân mẫu của Ðào Duy Từ làm nghề ca hát nên ông không được cho đi thi. Bà là căn nguyên của những chữ ả đào, cô đào chăng?

Ðào giá là bỏ chồng đi lấy chồng khác.

Tái giá là chồng chết đi lấy chồng khác. Tục huyền là vợ chết đi lấy vợ khác như cây đàn đứt dây (huyền) nối lại (tục) dây khác... để đánh tiếp.

FRENEMIES?

Tờ Foreign Affairs số tháng 7 và tháng 8 năm 2007 ở trang 77 có một bức hình chụp nữ dân biểu Nancy Pelosi và tổng thống Bush khi hai người xuất hiện cạnh nhau ở Williamsburg, Virginia hồi tháng 2 năm 2007.

Câu chú giải ở dưới bức hình có chữ "Frenemies". Frenemies là chữ không có trong các tự điển tiếng Anh, mà là sáng tạo của hai tác giả bài báo (Charles A. Kupchan và Peter L. Trubowitz).

Danh từ mới này mô tả đầy đủ liên hệ giữa ông Bush và bà Pelosi: vừa bạn (friend) vừa đối thủ (enemy).

23-2-2007


Trả lời cô Tiên Bùi, Toronto, Ontario, Canada

Cám ơn cô gửi cho xem bức hình chụp tại phố Tầu Spadina với hình chụp trái măng cụt và hai chữ Hán "sơn trúc", tên gọi khác của trái măng cụt.

Các tự điển của tôi chỉ ghi giáng châu là tên gọi quả măng cụt.

Nhưng tra một cuốn tự điển khác của Trung quốc thì quả thật trái măng cụt còn có tên là sơn trúc.

Không ngờ đảo ngược bút hiệu của thân sinh chúng tôi, Trúc Sơn, ký khi viết cho tờ Ngay Nay, và đồng thời cũng là tên của hai anh em chúng tôi lại là trái măng cụt.

Cám ơn cô lần nữa.

Chuyện một vật, một thứ trái cây, hoa cỏ, chim muông có nhiều tên gọi khác nhau là chuyện thuờng, nhất là tiếng Trung Hoa, vì những người nói tiếng Hoa đi khắp nơi trên thế giới để sinh sống là chuyện không thể tránh đưọc.

Trong tiếng Việt cũng nhiều trường hợp như thế. Trái boòng boong miền Nam gọi khác miền Bắc. Ở miền Bắc, nó là trái dâu da đất.

Trái roi tiếng Bắc thì miền Nam gọi là trái mận, miền Trung gọi là trái đào. Mới chỉ ba miền của một nước mà đã khác nhau như thế huống chi Hoa ngữ, thứ tiếng được người Hoa đem đi khắp năm châu.

Trả lời một thính giả ở Houston:

Ðây là một cố gắng dịch hai câu "Bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn":

The pumpkin asks the gourd to pity the pumpkin, saying though we are of different species but we all share the same pergola.

Chúng tôi không dám coi đó là một bản dịch, dù cho là tạm tạm. Phải nói là dở mới đúng.

Hai câu lục bát qua tiếng Việt quá hay, không thể dịch sang một ngôn ngữ khác được, như Robert Frost đã có lần nói: những gì không dịch được thì là thơ vậy.

Hai câu bắt nguồn từ ý niệm văn hóa, lịch sử Việt Nam, ý niệm đồng bào, ý niệm tấm nhiễu đỏ phủ trên cái giá gương... Tất cả không có trong các văn hóa khác nên hai câu khi được chuyển sang Anh ngữ thì cũng chỉ là nỗ lực phiên dịch từng chữ một, không hề chuyên chở được ý nghĩa đằng sau của câu ca dao.

CHINGLISH

Chinglish là tiếng Anh Tầu (Chinese English), một nỗ lực chuyển dịch những câu, những chữ từ tiếng Hoa sang Anh ngữ không mấy thành công. Nhà cầm quyền Hoa lục đang cố gắng sửa chữa lại những sai sót đó ở ngoài đường, trên những bảng hiệu, ở tên các cơ quan và ở những nơi khác như trong thực đơn để sửa soạn đón các du khách tới thăm Hoa lục trong kỳ thế vận hội mùa hè năm 2008.

Thực ra, chúng ta cũng đã vài ba lần dùng một câu Chinglish mà không biết, đó là câu "Long time no see" nghĩa là lâu quá không gặp. Câu này là thứ tiếng Anh bồi xuất phát từ đông Á, và cũng có thể là từ những người Hoa được đưa sang làm việc tại Hoa kỳ hồi thế kỷ thứ 19 và 20 ở miền tây nước Mỹ.

Long time no see là những chữ được dịch thẳng từ Hoa ngữ, nghĩa là lâu ngày không gặp.

Ngày nay, gặp nhau người Mỹ cũng nói "Long time no see" và những chữ này đã thành một câu chào hỏi giữa bạn bè, không chính thức. Gặp ông Hồ Cẩm Ðào hay ông Trần Thủy Biển thì ông Bush không thể dùng câu này vì lẽ cursing one’s father is not as bad as distording one’s dialect, nghĩa là chửi cha không bằng pha tiếng, theo lối dịch tầm bậy của người viết bài này.

Ở Bắc Kinh vẫn còn tấm bảng viết bằng chữ lớn bên ngoài bệnh viện đường ruột nguyên văn: anus hospital (bệnh viện hậu môn).

Một nhà cầu công cộng với tấm bảng: Pubic Toilet trong khi đáng lẽ phải là Public Toilet (nhà cầu công cộng). Pubic (thiếu chữ "L" giữa hai chữ "P" và "U" nên thành cái mu.

Tại một bệnh viện khác, có bảng chỉ dẫn để tới phòng Cunt Examination, thay vì một chữ kín đáo hơn là phòng khám âm đạo.

Xin mời quí vị vào xem tại địa chỉ http://www.pocopico.com/china/chnglish2.php nơi trang 2 để khỏi nghĩ người viết bịa đặt mấy chữ vừa dẫn.

Tại một công viên, người ta đọc thấy câu "Tiny grass has a life, sincere concern shows under your feet" trong khi chỉ cần viết giản dị là please keep off the grass, xin đừng đi trên cỏ.

Tại một nhà hàng, trong thực đơn người ta đọc thấy món "Silver crap in poached soup" thực ra thì phải viết là CARP nghĩa là cá chép thay vì CRAP là rận. Ðó là món cháo cá.

Món "Husband and wife lung" không biết tại sao lại là món tim và bao tử. Trong khi một món với cái tên là Hexogen Germs (chính ra phải là HEXAGON nghĩa là lục giác), mầm lục giác, thực ra chỉ là món nấm. Món "Cowboy Bone" thực ra là món sườn bò...

Một nhà hàng khác có treo ngoài cửa tấm thực đơn có lẽ để khách đọc xong thì bỏ chạy một mạch về nhà thà nhịn đói còn hơn bước vào để thưởng thức các món như the soil bean burns the beef (bò nướng đậu?); slip away the chicken slice; black mushrooms rape; chicken silk noodles; the water boils the beef; the temple explodes the chicken cube...

Sau đây là một số câu Chinglish đọc thấy ở ngoài đường rất cần được sửa lại:

To take notice safe: The slippery are very crafty nghĩa là coi chừng, đường trơn rất nguy hiểm.

Rain or snow day. Bridge slow driving nghĩa là khi có mưa hay có tuyết, lái cẩn thận khi qua cầu. Deformed toilet là nhà cầu cho người khuyết tật.

Disable elevator là thang máy dành cho người tàn tật.

We can’t stand the sight of matress fragrant grass nghĩa là đừng đứng trên cỏ.

Convenient là mì ăn liền.

No entry peace time là lối ra khẩn cấp.

Fuck food là thực phẩm khô.

Do not throw urine around là cẩn thận khi dùng cầu tiểu, đừng để nước tiểu bắn tung toé.

No noising là xin giữ im lặng.

Engine room is serious place nghĩa là cẩn thận, phòng máy.

Những đặc điểm khác của Chinglish là dùng mạo tự xác định phứa phựa: The China is bigger than the Vietnam.

Dùng động từ chưa chia (infinite verb) lung tung: I must to eat now.

Dùng trạng từ very để bổ nghĩa cho động từ: I very like Chinese food.

Dùng quá khứ phân từ thay vì hiện tại phân từ: I am very interesting thay vì I am very interested.

23-3-2007


Trả lời cô M. Nguyễn

Cám ơn thư của cô và cám ơn cô đã nghĩ đến tôi để nhờ làm việc đó. Những cái tên cô chọn cho cháu đều rất đẹp, tên nào cũng hay cả. Mong cháu sẽ giữ mãi cái tên của mẹ đặt cho.

Anh là tên của hoa, gọi chung. Anh cũng là những tinh tuý, tốt đẹp nhất. Anh cũng là tên một giống chim, một loài hoa.

Thi (đề nghị cô dùng "i" ngắn thay vì "y" để người Mỹ khỏi đọc sai tên của cháu.) Thi có nghĩa là thơ, là Kinh Thi, là tên một loài cỏ.

Nguyên là sự bắt đầu, khởi đầu. Ðặt cho cháu những tên ghép như cô viết trong thư là cho cháu những khởi đầu cuả thế giới của thơ, của hoa, của chim, của những tinh tuý tốt đẹp nhất.

Cô Minh Hiển, Houston

Một người bạn của tôi ở đây cũng nêu ra chi tiết này khi nghe ca sĩ H.N. hát bài Nhìn Những Mùa Thu Ði của Trịnh Công Sơn.

H.N. hát chuyện chúng mình ngày xưa, anh ghi bằng CHIỀU thu vắng, đến thu này thì mộng nhạt phai.

Trong khi chính ra phải là anh ghi bằng NHIỀU thu vắng thì câu sau, đến thu này thì mộng nhạt phai mới có ý nghĩa. Chuyện được ghi bằng NHIỀU mùa thu rồi đến bây giờ mộng mới nhạt phai.

Chuyện hát sai lời là điều đáng tiếc vì nó làm hỏng chủ ý của tác giả. Ðáng tiếc hơn nữa là H.N. đã có một thời rất gần gũi với Trịnh Công Sơn.

How do you do? Không phải là một câu thăm hỏi nên không cần phải trả lời khỏe hay không khỏe. Câu trả lời cho câu How do you do? lại cũng là How do you do?

Câu này nói nhanh thành How d’you do? Rồi thành How d’y do? rồi thành Hi!

Cuốn sách cô hỏi là của Jean Cocteau, tựa tiếng Pháp là Journal d’un Inconnu. Cuốn của André Maurois là Lettres à L’Inconnue. Một cuốn là nhật ký của một người đàn ông không ai biết. Tác phẩm của Maurois là những bức thư cho một phụ nữ không quen. Khác nhau ở chữ "E" ở cuối chữ inconnu và inconnue.

Ông J. Harper, Anchorage, Alaska

Thượng lục hạ bát là tên của một thể thơ Việt, câu trên (thượng) có sáu tiếng và câu dưới (hạ) có tám tiếng. Trong lối nói hàng ngày, thể thơ này được gọi là thơ lục bát. Thơ lục bát là của người Việt Nam, người Trung Hoa không có thơ lục bát. Loại thơ này dễ làm nhưng làm cho hay thì rất khó. Lục bát không hay thì dễ thành vè. Ông có thể đọc thêm cuốn Nghệ Thuật Thơ Việt Nam của Nguyễn Hưng Quốc, trong đó, nhà phê bình này có viết về cái hay và cái dở của thơ lục bát. Ông sẽ rất thích lục bát của Cung Trầm Tưởng.

Trong hai câu ca dao:

Em về anh gửi buồng cau
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầ
y

Danh từ buồng có nghĩa là một chùm khi dùng với một vài loại trái cây như buồng cau, buồng chuối chứ không có nghĩa là căn phòng. Buồng tiếng Anh (của ông) là bunch. Thí dụ a bunch of bananas hay a bunch of areca nuts.

Buồng cũng được dùng với những danh từ như phổi, gan, trứng.

Thanh thiên bạch nhật nghĩa là trời xanh, mặt trời trắng. Một nghĩa là giữa ban ngày ban mặt.

Thanh thiên bạch nhật còn là tên gọi lá cờ của Trung Hoa Dân Quốc, nền xanh mặt trời trắng, lá cờ thay thế cho cờ ngũ sắc có từ năm 1911. Nguyên những chữ mô tả lá cờ này là thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng vì nền của lá cờ, phần chính của lá cờ mầu đỏ.

24-8-2007


Trả lời cô Phạm Tố Uyển, Texas

Thạch Sùng hay Thạch Thùng?

Thạch Sùng đúng. Thạch Thùng là sai. Trong chữ Hán không có chữ "thùng". Sở dĩ có sự lầm lẫm này là vì ở miền bắc Việt Nam có một số vùng phát âm lẫn lộn "th" thành "s/x" và "s/x" thành "th". Vì thế mới có câu hỏi cho chắc ăn: Cái thúng bắn thì thòm hay là cái súng đựng sóc? (Cái súng bắn xì xòm hay là cái thúng đựng thóc).

Lạc xon là các vật cũ hư, không đáng giá đem bán rẻ, như bán garage sale, do tiếng Pháp: à la solde mà ra.

Châu Cầu không phải là tên người, nhân vật mà Nguyễn Khuyến nhắc trong bài Nước Lụt Hỏi Thăm Bạn:

Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu
Lụt lội năm nay bác ở đâu
...

Châu Cầu là tên làng thuộc huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam, nơi người bạn đậu cử nhân đồng khoa với Nguyễn Khuyến cư ngụ. Bác Châu Cầu là tên gọi thân mật của cụ Bùi Văn Quế từng giữ chức tuần phủ trước khi về hưu. Cụ Bùi Châu Cầu là thân sinh ra học giả Bùi Kỷ (cử nhân năm 1909, phó bảng năm 1910) và là nội tổ của cựu đại sứ Bùi Diễm.

Ðầu Ngô mình Sở là thành ngữ mượn của Trung Hoa: Ngô đầu Sở vĩ, nghĩa là chuyện đầu đuôi không dính vào nhau, đầu một đằng, đuôi một nẻo. Nguyên là vì vùng Dự Chương phía trên thì thuộc nước Ngô, phía dưới thuộc nước Sở.

Trả lời cụ Nguyễn Văn Ðông, Santa Ana

Tùy bút và truyện ngắn rất gần nhau. Tùy bút là một thể truyện ngắn không có truyện. Nhưng tùy bút Một Ngày Ðể Tùy Nghi của Võ Phiến mang dáng dấp của một truyện ngắn nhiều hơn. Trong khi bài Những Ðám Khói cũng của Võ Phiến thì phải là tùy bút, không thể là truyện ngắn. Mời cụ đọc những tùy bút trong Võ Phiến Tuyển Tập sẽ thấy gần hết những tùy bút của tác giả Võ Phiến có thể coi là truyện ngắn.

Tạp ghi gần với Sổ Tay. Sổ Tay mang nhiều nét thời sự hơn.

Tạp Ghi gần với Phiếm Luận nhưng Sổ Tay thì không.

Thành thực là chữ Hán. Thành thật là Hán Việt. Ðào Duy Anh giải thích thành thực là chân thành, không gian trá, không dả (sic) mạo. Cụ Ðào còn cẩn thận ghi thêm tiếng Pháp là sincère, véritable.

Chúng tôi nghĩ hai chữ này dùng trong các trường hợp cụ nêu ra trong thư cũng chẳng sao. Như trong tiếng Anh người ta vẫn nói: I sincerely thank / apologize / congratulate / express my condolence...

Chuyện dùng hay không dùng dấu nối có khi cần, có khi không. Chúng tôi nghĩ là dùng cũng được mà không dùng cũng chẳng sao. Duy có trong hai trường hợp sau đây thì cái dấu nối có thể làm cho nghĩa của câu khác đi:

Chúng tôi quây-quần ngồi ăn cơm. Quây-quần có dấu nối như trong Việt Nam Tự Ðiển của Khai Trí Tiến Ðức trang 456 là xum họp.

Chúng tôi quây quần ngồi ăn cơm. Quây quần không có dấu nối là cảnh ăn cơm không được thanh tao lắm. Phải ngồi giữa những chiếc quần treo phấp phới để cán bộ khỏi để ý bữa ăn có những gì chăng.

Thường thì khi hai tiếng luôn luôn đi kèm với nhau, chúng ta cho nó cái dấu nối vào. Hay trong những trường hợp chữ đó không thể đứng một mình được, luôn luôn phải đi kèm một chữ khác mới có nghĩa thì chúng ta dùng dấu nối. Thí dụ chữ "hảo" không bao giờ đứng một mình mà luôn luôn phải đi với một tiếng đằng sau thì chúng ta dùng dấu nối: hảo-hán; hảo-hạng; hảo-tâm... Các từ ngữ mượn của Hoa ngữ cũng nên có dấu nối.

Cơ chế

Cơ là máy móc. Chế là phép định ra, làm ra, đặt ra

Cơ chế tiếng Anh là institution. Thí dụ democratic institutions for Iraq là các cơ chế dân chủ cho Iraq như quốc hội, tối cao pháp viện...

Những trường hợp dùng sai như cụ nêu lên chúng tôi rất đồng ý.

Không thể là dùi đục chấm nước mắm cáy vì không ai ăn cái dùi đục bao giờ, vì thế không thể có chuyện mang nó chấm nước mắm cáy.

Nhưng trường hợp ma vật ông vải và xa vật ống vải đều đưa ra hình ảnh lật đật cả.

Trường hợp của câu dán bùa l... mèo thì nếu nói là dán bùa luồn kèo đều có thể được. Cái đầu hồi, nơi hai mái nhà giáp chụm vào nhau thành một hình tam giác cũng còn có tên là cái l... mèo.

Cả hai, l... mèo và kèo nhà đều là nơi dán bùa.

Hình thức truyền miệng đã đưa tới những sai lầm, xa rời hẳn chính bản như một số bài ca dao của chúng ta.

Trả lời cô Thúy Vinh, Amarillo, Texas

Lâm Tuyền là tác giả ca khúc Hình Ảnh Một Buổi Chiều viết chung với Hoàng Vĩnh Lộc (Dạ Chung).

Cả hai đều đã qua đời sau năm 1975 ở Việt Nam.

Lê Trạch Lựu tác giả ca khúc Em Tôi có một thời sống tại Paris. Lâu nay chúng tôi không có tin tức. Lần cuối cùng nói chuyện được với ông là khoảng cuối thập niên 80.

TRƯỚC VÀ SAU

Ðây là đoạn đối thoại ở nhà cô dâu giữa cô dâu và chú rể trong ngày cưới:

Chàng: Chao ôi ngày anh mong đợi bao nhiêu lâu nay đã tới.

Nàng: Em phải đi khỏi căn nhà này từ hôm nay.

Chàng: Không, em đừng bao giờ nghĩ tới điều đó.

Nàng: Anh có yêu em không?

Chàng: Tất nhiên.

Nàng: Anh có phản bội em không?

Chàng: Không. Mà sao em lại nghĩ như thế?

Nàng: Anh sẽ hôn em chứ?

Chàng: Bắt buộc.

Nàng: Anh sẽ đánh em chứ?

Chàng: Không bao giờ.

Nàng: Em có thể tin anh được không?

Muốn nghe đoạn đối thoại giữa hai người mười năm sau thì đọc từ dòng cuối ngược lên trên.

25-5-2007


Trả lời ông Thiện Hồ, Laguna Beach, California

Mấy câu vè ông chép trong thư có thể đã xuất hiện khoảng những năm cuối của thập niên 30 và dầu thập niên 40.

Vè vẻ vè ve
Nghe vè một áo
bận áo la mua
Ði giầy cao gót
Xách bóp tơ phơi...

Ông viết trong thư là áo "la mua". Thực ra là áo Lemur. Gọi là áo Lemur vì người vẽ kiểu chiếc áo dài là họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Hoạ sĩ lấy tên hiệu là Lemur vì tên của ông, Nguyễn Cát Tường, khi ký trong tranh đăng báo có người đọc lầm là "Cái Tường". Ông liền Tây hóa "Cái Tường" thành Lemur vì trong tiếng Pháp, cái tường là le mur.

Bóp tơ phơi hay bóp tầm phơi là portefeuille, cái ví, thường là ví đàn ông.

Câu ông dẫn là câu chúng ta thường nghe:

Ớt nào là ớt chẳng cay
Gái nào lại chẳng hay ghen chồng

Câu thứ hai không có ý nghĩa. Thực ra, hai câu đó phải là:

Ớt nào là ớt chả cay
Gái nào có chồng lại chẳng hay ghen

Cay ở câu 6 vần với hay ở câu 8. Lối hiệp vần lục bát này hiếm thấy nhưng có thỉnh thoảng được dùng.

Hai câu khác cùng nghĩa là:

Vôi nào là vôi chẳng nồng
Gái nào là gái có chồng chẳng ghen

Ðây là bài ca dao ông hỏi:

Vốn xưa anh ở trên trời
Ðứt dây rơi xuống làm người thế gian
Khi xưa anh làm nghề hàn
Là nghề truyền kiếp tổ đàng nhà ta

Anh hàn nồi bẩy nồi ba
Bắt cô mười tám đem ra cũng hàn
Cô này to lỗ tốn than
Ðồng đâu mà đổ cho dàn lỗ ni

Hết đồng thì pha thêm chì
Anh hàn chín tháng cô thì có thai
Cô về sinh đứa con trai
Lớn lên giống bố thấy ai cũng hàn

Trả lời thính giả gọi vào đài không nêu tên:

Lục phủ là sáu cơ quan của thân thể con người, đó là vị (dạ dầy), đảm (mật), tam tiêu (gồm thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu), bàng quang (bọng đái), đại trường (ruột già), tiểu trường (ruột non).

Ngũ tạng là năm bộ phận trong ngực, từ bụng trở lên. Ðó là tâm (tim), can (gan), tì (lá lách), phế (phổi), thận ( bầu dục)

Trả lời Hô Lun, China Town, Los Angeles

Hai câu bà / ông nêu trong thư chỉ có một câu đúng: Vừa ăn cướp vừa la làng.

Câu vừa đánh trống vừa la làng không có ý nghĩa gì cả.

Tuy nhiên, câu thường nghe thấy hơn cả là vừa đánh trống vừa ăn cướp.

Vừa đánh trống vừa ăn cướp là vừa làm một việc gian xảo, sai quấy, bất hợp pháp (ăn cướp) lại vừa đánh trống gọi làng xã tới để đổ cho người khác như trong sinh hoạt xưa kia trong làng.

La làng là gọi người trong làng, gọi các chức sắc trong làng tới giúp đỡ hay phân xử.

Trả lời cô Hạnh Phan, Santa Ana, California

Ðinh Hùng qua đời cách đây gần 40 năm, ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại Sài Gòn.

Ông ra đời năm 1920 ở Trung Phụng bên cạnh tòa Khâm Thiên Giám cũ ngoại ô Hà Nội. Gia đình chính quán tại làng Phượng Dực tỉnh Hà Ðông.

Ông là con út có một anh lớn là Ðinh Lân, sau đó là bốn chị gái, trong số các chị, có một người kế ông là Thục Oanh về sau trở thành bà Vũ Hoàng Chương.

Thân phụ của Ðinh Hùng làm việc tại lãnh sự quán Pháp ở Manila từ năm 1918 và mang thai Ðinh Hùng ở đó.

Thuở nhỏ ông học trường Sinh Từ, rồi trung học Bảo Hộ tức là trường Bưởi, đậu tú tài nhưng không học đại học. Ông làm thơ và viết truyện từ sau khi rời trường.

Ông qua đời vì bệnh ung thư tại bệnh viện Bình Dân đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn.

Cô nói đúng, tôi rất "mê" Ðinh Hùng.

27-7-2007


Trả lời ông Hoàng ở Garden Grove

Người Hồi trong truyện của Kim Dung là từ chữ Uygurs, chữ Hán là Hồi Ngột, một dân tộc gồm khoảng 13 triệu người sống ở khu Tân Cương Tự Trị, cũng còn có tên là Eastern Turkistan. Người Hồi Ngột cũng sống ở Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Mông Cổ, Uzbekistan và Hồ Nam.

Một số cũng có mặt tại Toronto và Vancouver, Canada.

Trước đây, các sách địa lý ở Việt Nam gọi Pakistan là Hồi quốc gồm Ðông Hồi và Tây Hồi.

Ðạo Hồi, đúng ra phải gọi là Islam.

Islamic Republic of Iran là Cộng Hoà Hồi Giáo Iran hay Cộng Hòa Islam Iran chứ không thể là Hồi quốc Iran vì có thể gây ngộ nhận với những người quen dùng danh từ Hồi quốc để chỉ Pakistan.

ASK MARILYN

Mục Ask Marilyn tuần qua có trả lời câu đố của một độc giả tên là Phil Luke ở Palm Desert, California. Ông độc giả đố Marilyn trong số những con vật bear (gấu), beaver (hải ly), bull (bò), clam (hến), dog (chó), eel (lươn), fox (chồn), mouse (chuột), mule (la), owl (cú), ox (bò), peacock (công), pigeon (bồ câu), skunk (chồn hôi) thì con nào không thuộc danh sách.

Marilyn trả lời con vật đứng ngoài danh sách, khác hẳn mấy con thú kia là con chim bồ câu, vì trong Anh ngữ không có một câu ví von nào có dùng con bồ câu.

Tất cả những con thú kia đều xuất hiện trong nhiều cách nói ví von của người Anh.

Thí dụ hungry as a bear (đói như gấu); busy as a beaver (bận rộn như hải ly); strong as a bull (khỏe như bò); happy as a clam (vui như hến); sick as a dog (ốm như chó); slippery as an eel (trơn như lươn); sly as a fox (quỷ quyệt như chồn); quiet as a mouse (im lặng như chuột); stubborn as a mule (bướng như la); wise as an owl (khôn như cú); clumsy as an ox (vụng về như bò); proud as a peacock (kiêu hãnh như con công); drunk as a skunk ( say như chồn hôi).

Mỗi dân tộc nhìn những con vật một cách khác. Cách nhìn khác đó biểu lộ qua những lối ví von. Con cú ở Việt Nam bị coi là hôi; bướng thì như lừa; khỏe như voi; hỗn như gấu; ngu như bò...

Trả lời ông Nguyễn Tiến Ðĩnh, Westminster, California

Chúng tôi đã hỏi ít nhất hai linh mục Thiên Chúa giáo thì đều được cả hai trả lời rằng những chữ dùng trong một số tin buồn đăng trên báo chúng ta thường đọc thấy là sai, không nên dùng. Các vị này không biết ai là người viết cái cáo phó đầu tiên đem đăng báo, rồi sau được rất nhiều người bắt chước mà không suy nghĩ gì về chữ nghĩa dùng trong cái cáo phó ấy.

Hai vị linh mục này nói rằng những chữ đó có thể coi là những xúc phạm tới Chúa Ki Tô.

Hai ngài nói rằng không thể viết "đau đớn báo tin" khi người thân "được Chúa gọi về". Ðược Chúa gọi về là một ân sủng, một tin vui thì tại sao lại đau đớn báo cái tin đó. Chúa đâu có muốn con Chúa đau khổ vì việc làm của Chúa như thế. Vậy thì cứ "đau đớn báo tin" nhưng đừng viết ngay sau đó là "được Chúa gọi về". Ðau đớn thì cứ đau đớn, nhưng nên viết là người thân "từ trần", "qua đời ".

Nếu muốn viết "được Chúa gọi về" thì ở trên nên viết "Trong niềm tin vào sự phục sinh, chúng tôi báo tin...".

Cuối cáo phó nên viết "Toàn gia đồng kính báo".

Khấp báo là vừa khóc vừa báo tin.

ORBITUARY

Chữ này không có nghĩa gì hết. Bỏ chữ "R" giữa hai chữ "O" và "B", obituary mới là cáo phó. Cáo là thông báo. Phó là tin người chết. Cáo phó là (giấy) báo tang (faire part de décès).

Obituary gốc La tinh là obitus nghĩa là chết.

Obituaire là tiếng Pháp, trông gần giống như obituary của tiếng Anh, nhưng lại nghĩa là nơi quàn người chết.

ORBIT có chữ "R" là quĩ đạo. Chữ ORBITUARY mà ông đọc thấy trong một nhật báo và có cắt gửi kèm trong thư không có nghĩa gì hết.

Các báo Mỹ cũng có trang cáo phó nhưng obituary của người Mỹ thường là một thông báo về người quá cố kèm theo một tiểu sử ngắn.

Ðoạn cuối thường cho biết gia đình còn lại bao nhiêu người, vợ, con, cháu: He is survived by his wife, three sons and six grandchildren. Có thể kể tên và ghi địa chỉ cuả những người còn sống.

Bà Kim Lang, Na Uy

Nôm, Nam, Nồm

Nôm là tiếng... Nôm, không phải chữ Hán. Thí dụ văn Nôm. Nôm là do chữ Nam nói trại ra.

Nôm là Nam. Văn chương chữ Nôm là thơ văn viết bằng tiếng Việt, bằng quốc âm, bằng chữ Nôm.

Nôm na nghĩa là quê mùa, mộc mạc, trái với văn chương sử dụng điển tích hay chữ Hán.

Thí dụ tái phối trí lực lượng, nôm na là rút lui.

Nôm na là cha mách qué (mách qué nghĩa là thô tục) nghĩa là lời nôm na cũng không khác gì những lời nói thô tục, không văn hoa.

Rắm là nôm na mách qué. Trung tiện là văn hoa bóng bẩy.

Nồm là từ tiếng "nam" mà ra. Nhưng nồm lại là hướng đông nam.

May được nồm nam cơn gió thổi
Ðàn ta, ta gẩy khúc Nam nghe
 (Nguyễn Khuyến)

Lạy trời cho cả gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn thẳng buồm về nam
 (ca dao)

Gió nồm là gió nồm nam
Trách người quân tử ăn tham không mời
 (ca dao)

Lạy trời cho cả gió nồm
Cho kẹo tôi chẩy cho mồm tôi xơi
 (ca dao)

Gió nồm là gió nồm nôm
Trách người quân tử có mồm không ăn
 (ca dao)

Nôm còn có nghĩa là chịu nhận con gái chửa hoang làm vợ, cưới con gái chửa hoang để che đậy giùm cái xấu của người theo tự điển Lê Văn Ðức và tự điển Khai Trí Tiến Ðức.

DANH LAM THẮNG CẢNH

Lam là chùa Phật. Già lam là tiếng Phạn nghĩa là chùa Phật. Già lam thường được nói ngắn lại là lamDanh lam thắng tích hay danh lam thắng cảnh nghĩa là chùa nổi tiếng, phong cảnh đẹp.

Quảng cáo của một hãng du lịch nói là có chuyến đi Jerusalem thăm danh lam thắng cảnh thì không đúng. Ở thành phố này có thể có giáo đường Thiên Chúa giáo và Hồi giáo chứ không có một ngôi chùa Phật nào.

Lăng Già (Lanka) là tên một ngọn núi ở Sri Lanka (Tích Lan).

Lăng Già cũng là tên một bộ kinh Phật của Ðại Thừa.

28-9-2007


Trả lời độc giả dấu tên

CHẦU BÀ / TRẦU BÀ

Chầu bà là bà lớn, vợ quan to (chàng nên quan cả, thiếp nên chầu bà).

Chầu bà cũng còn có nghĩa là có mặt, trình diện, đợi lệnh hầu hạ vợ.

Trầu bà là cây vạn niên thanh

Khả tri, bất khả ngữ hay bất khả thuyết nghĩa là biết như không nói được.

Khả khẩu, khả lạc (Ke Kou Ke Le) là dịch âm Coca Cola. Khả (có thể) khẩu (miệng) khả (có thể) lạc (thích thú ) là thức uống đem lại lạc thú.

Bách Sự Khả Lạc (Bai Shi Ke Le) là dịch âm Pepsi Cola, nghĩa là trăm sự lạc thú.

Tương đương với hai câu Củi mục bà để trong rương / Ai mà đụng đến, trầm hương của bà là Chổi cùn cắp nách khăng khăng / Hễ ai hỏi tới thì văng nghìn vàng.

Ông Nguyễn Mạnh, Nashville, Tennessee.

WIFE BEATER

Danh từ này có mấy nghĩa khác nhau. Dĩ nhiên nghĩa đầu tiên là một người đàn ông đánh vợ.

Wife beater còn có nghĩa là cái áo maillot, cái áo thun ba lỗ, không có tay như những chiếc T-shirt.

Tại sao lại gọi nó là wife beater? Nó có cái tên kỳ lạ này là vì thông thường, mấy người đàn ông vũ phu hay đánh vợ thường là những thứ cổ cầy vai bừa, quần áo lúc nào cũng phải phô bắp thịt ra. Loại áo thun ba lỗ là loại áo các chàng thích mặc nhất. Ở Mỹ, những cái áo này thường mầu trắng. Ở Úc là mầu xanh nước biển.

Wife beater còn là cái tên mà các tay nhậu dùng để gọi bia Stella Artois, một loại bia của Anh. Ở Úc, bia King Brown cũng được gọi là wife beater.

Bia mạnh hơn wife beater thì có tên là house wrecker.

House wrecker ở một chỗ khác lại có nghĩa là người (đàn ông cũng như đàn bà) đi phá gia cang người khác.

Tại sao lb lại là pound?

Pound là một cân Anh, viết tắt là lb.

Nguyên ngữ của lb là libra, tiếng La Tinh có nghĩa là cái cân. Libra trong tử vi Tây phương là cái cân, tuổi Thiên Xứng. Thiên Xứng là cái cân trời, tên một chòm sao trông giống như cái cân.

Libra pondo tiếng La Tinh là một cân (Anh). Libra pondo viết tắt là lb.

LL. B. là viết tắt của văn bằng cử nhân luật : Legum Baccalaureus / Bachelor of Laws.

THE PRESIDENT’S ENGLISH

Ở nước Anh, tiếng Anh của nữ hoàng (the Queen’s English) hay tiếng Anh của Anh hoàng (the King’s English) là thứ tiếng Anh được coi là hay nhất, chính xác nhất, chuẩn nhất để làm kiểu mẫu cho văn viết cũng như văn nói. Danh từ the King’s English được dùng lần đầu dưới triều Anh hoàng James đệ Nhất.

Nhưng thực ra, tiếng Anh của Nữ Hoàng Anh cũng không hay lắm. Tiếng Anh của cựu hoàng Edward VIII thì còn tệ hại không để đâu cho hết. Cứ đọc những bức thư ông viết cho bà Wallis Simpson hay nghe hai người thì thấy hệt như hai đứa con nít nói chuyện với nhau.

Ở nước Mỹ, tiếng Anh của tổng thống Hoa kỳ, trong một vài trường hợp, không thể coi là tiếng Anh hay nhất, chuẩn nhất được.

Ông Clinton nói rất hay nhưng giọng thì lại miền nam, nhà quê. Ông Carter thì nhà quê đặc. Ông Quayle, phó tổng thống của ông Bush cha đã bị hố một trận nhớ đời khi ông bắt lỗi một học sinh ở Trenton, nói là em viết sai chữ "potato" trong khi em viết đúng. Chính ông Quayle mới viết sai khi đòi thêm chữ "e" vào cuối.

Tổng thống Bush cha thì nói không bao giờ thành cú. Ðương kim tổng thống Bush tuy có MBA ở Harvard nhưng ăn nói cũng câu cú hết sức lung tung. Mới đây, ông còn sai lầm tệ hại khi dùng childrens (có S) thay vì children khi nói rằng "As yesterday’s positive report card shows, childrens do learn when standards are high ." (Như phúc trình cho biết, các trẻ em thực sự sẽ học được khi nhà trường đặt ra những tiêu chuẩn cao ).

Trong lần tranh cử nhiệm kỳ đầu, ông đặt một câu hỏi, nguyên văn "Is our children learning?" thay vì phải nói "Are our children learning?"

Có bộ trưởng Giáo Dục tên là Margaret Spellings (spelling là đánh vần) đi kèm mà vẫn đánh vần sai thì lạ thật.

Cụ Nguyễn Hiển, Anaheim, California

Danh từ phu nhân dùng như vậy không đúng, như cụ đã nói trong thư.

Phu nhân là vợ của một người có quan tước. Nói phu nhân ông Ðại Sứ chứ không nói phu nhân ông gác dan.

Ngày xưa, vợ các vua chư hầu là phu nhân.

Nhà Thanh cũng như triều Nguyễn cùng có một hệ thống phong tước cho vợ các quan văn cũng như võ :

Nhất phẩm, nhị phẩm là phu nhân.

Tam phẩm là thục nhân.

Tứ phẩm là cung nhân.

Ngũ phẩm là nghi nhân.

Lục phẩm là an nhân.

Thất phẩm là nhũ nhân.

Ðồng ý với cụ chữ "vị" không cần thiết mà lại phong kiến, kỳ thị.

Thí dụ : Tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hơn 190 vị quốc trưởng đã có mặt. Bỏ chữ "vị" nghe vẫn ... được.

Trong một quảng cáo, người ta còn nghe thấy câu này : Chúng tôi là 3 vị bác sĩ ...

Không những không cần thiết mà còn tự tôn quá đáng.

Ông Tony Huỳnh Văn, Mississauga, Ontario, Canada

Nhạc sĩ Trịnh Hưng tác giả bài Lối Về Xóm Nhỏ sống tại Pháp. Nhạc sĩ Hỳnh Anh ở San Francisco. Nhạc sĩ Thông Ðạt ở Úc. Nhạc sĩ Ưng Lang ở quận Cam. Nhạc sĩ Vũ Thành đã qua đời. Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu ở Pháp.

Myanmar là tên mới của Burma / Birmanie, thủ đô là Naypidaw. Thành phố lớn nhất là Rangoon, nay viết là Yangon, đọc theo lối Hán Việt cũ là Ngưỡng Quang.

Năm 1989, Hội Ðồng Tái Lập Luật Pháp và Trật Tự, tức là chính phủ quân nhân Miến đổi tên Burma, Miến Ðiện, thành Myanmar

Tên chính thức là Union of Myanmar. Tên này đã được Liên Hiệp Quốc công nhận nhưng Hoa kỳ và Anh, vì lý do chính trị, không muốn công nhận chính phủ quân nhân, thì vẫn dùng tên cũ là Burma.

29-6-2007


Trả lời tiếp độc giả ở Orange:

Thể thao gia / Thể tháo gia?

Tự điển Lê Văn Ðức ghi cả hai. Các tự điển khác như Khai Trí Tiến Ðức, Tự Ðiển Tiếng Việt của Hà Nội chỉ ghi là thể thao.

Gia là nhà. Giả là người.

Trong tiếng Nhật, người ta gặp chữ giả nhiều hơn là trong chữ Hán.

Ka là gia trong tiếng Nhật như shika là sử gia, risoka là lý tưởng gia, rironka là lý luận gia...

Sha là giả như gogakusha là ngữ học giả; kagakusha là hóa học giả; bungakusha là văn học giả; rigakusha là lý học giả...

Trong danh từ thông tấn xã, chữ xã có nghĩa là một nhóm người từ hai trở lên. Thông tấn xã không có nghĩa là một cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ hay một tổ chức nào. Thông tấn xã chỉ có nghĩa là một tổ chức thu thập tin tức, phổ biến tin tức.

UPI, AP, AFP... đều là các hãng tin, tức là thông tấn xã.

Làm sao phân biệt được chữ Hán và chữ Nôm?

Câu trả lời giản dị nhất là nếu trông giống chữ Hán mà người Hoa không đọc được thì đó là chữ Nôm.

Phải biết chữ Hán mới học chữ Nôm được.

Không ai học thẳng chữ Nôm bao giờ vì chữ Nôm phải mượn chữ Hán để viết bằng cách phối hợp âm và nghĩa. Ông có thể đọc thêm cuốn Từ Chữ Hán Ðến Chữ Nôm của Lê Nguyên Lưu do nhà xuất bản Thuận Hóa in ở Việt Nam.

Trả lời ông Phan Vịnh, Red Banks, New Jersey

Preposition là giới từ, tiếng mô tả liên hệ giữa các chữ trong một câu như before, after, behind, upon, about, with, by, against...

Một số nhà văn phạm không muốn dùng giới từ ở cuối câu, nên một ý kiến đã khẳng định rằng a preposition is not a good word to end a sentence with!

Nhưng chính câu này lại tận cùng bằng một giới từ.

Thực ra, thì đặt giới từ ở cuối câu cũng chẳng sao. Ý nghĩa của câu có thể mạnh hơn trong trường hợp như hai câu sau đây:

Tell me whom you are working with.

Tell me with whom you are working.

Trong văn nói, những trường hợp đặt giới từ ở cuối câu lại dễ nghe hơn:

What is that all about?

I have no idea what you are after.

This is the man you can rely on.

Câu "A preposition is not a good word to end a sentence with" là của Winston Churchill.

Lưỡng long triều nguyệt không phải lưỡng long chầu nguyệt. Triều là chữ Hán. Chầu là tiếng Việt. Hán thì Hán hết. Không thể ba chữ là Hán, chen một chữ Việt vào được.

Lương thượng quân tử nghĩa là quân tử trên xà nhà. Lương là cái xà nhà. Truyện kể Trần Thực đang nằm ngủ thì biết có kẻ trộm vào nhà đang rình trên xà nhà. Ông làm như không biết, thắp dèn lên gọi con cháu dậy và nói rằng phải sống cho lương thiện, đừng như người đang nằm trên xà nhà. Tên trộm biết là ông nói hắn, bèn leo xuống xin chịu tội.

Vô tràng công tử là người không có ruột, là con cua.

Thường đảm ngọa tân là nếm mật nằm gai. Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Ðại Cáo: Thống tâm tật thú giả thùy thập dư niên, thường đảm ngọa tân giả cái phi nhất nhật (Ðau lòng nhức óc, chốc đà hơn mười năm trời; nếm mật nằm gai, há đâu chỉ có một hai ngày) nên đời sau, khi nói về Bình Ðịnh Vương Lê Lợi đều nói tới mười năm nằm gai nếm mật.

Bình Ngô Ðại Cáo có ít nhất ba hay bốn bản dịch nôm nhưng hay nhất vẫn là bản dịch của Bùi Kỷ và Ðái Ðức Tuấn.

Trả lời bà Thanh Nghi, Garden Grove

Hồng ở miền nam đọc là hường vì kiêng tên vua Tự Ðức (Hồng Nhậm)

Cũng vì thế, nhậm đọc là nhiệmnhậm chức thành nhiệm chức.

Oriana Fallaci đã phỏng vấn cả tổng thống Thiệu lẫn tướng Võ Nguyên Giáp. Oriana Fallaci phỏng vấn được ông Thiệu là nhờ sự can thiệp của ông Hoàng Ðức Nhã. Oriana Fallaci có lối phỏng vấn rất độc ác và không sợ bất cứ ai như lần bà phỏng vấn Ayatollah Khomeini. Bà đã phỏng vấn gần như không thiếu một danh nhân nào trên thế giới. Fallaci qua đời năm 2006 tại Ý, hưởng thọ 77 tuổi.

30-3-2007


HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ KARAOKE

Bài thơ Vịnh Cái Quạt của Hồ Xuân Hương được đem phổ thành nhạc đã bị xuyên tạc một cách tệ hại để rồi đem hát một cách hết sức thô tục. Nhưng khi nó được chép lại để hát karaoke thì mức độ xuyên tạc đã vượt quá tất cả mọi sự tưởng tượng.

Bài thơ ấy nguyên văn như thế này:

Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự bao giờ
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi vắng gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã chán chưa

Người chép lại bài hát có thể chưa đọc bản chính của bài thơ này nên đã chép sai không ít. Sai một cách ngu xuẩn và thất học. Bỏ qua những tiếng láy, tiếng đệm cũng bị viết sai để anh í ơi thành anh ấy ơi... và nhiều nữa. Hãy xem những sai lầm của những chữ ghi chép lại bài thơ của Hồ Xuân Hương dựa theo giọng hát uốn éo quá đáng của một ca sĩ:

Một LỔ sâu sâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng CỬ bao giờ
CHẲNG ra ba GỐC RA còn thiếu
Khép lại hai bên thịt vẫn THƯA
MẤT
 mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc XA MƠ
NĂNG
 niu ướm hỏi người trong CHƯƠNG
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa

Trong một bài thơ có 56 chữ mà chép láo mất 11 chữ thì quá đáng.

Người phổ nhạc thêm thắt vào vài câu, trong đó có câu ca sĩ hát là "chúa khoái vua mê một cái này" được chép thành "chúa PHÁI VÔ mê một cái này".

Trả lời ông Nguyễn Thế, Los Angeles

Bản tin về cái chết của con trai Mao Trạch Ðông trong tờ L.A. Times ghi tên vợ con của Mao Trạch Ðông bằng pinyin. Sau đây là cách đọc những tên ấy bằng lối Hán Việt:

Yang Kaihui: Dương Khai Huệ vợ thứ hai của Mao bị tỉnh trưởng Hồ Nam xử tử ngày 14 tháng 11 năm 1930. Dương Khai Huệ có với Mao Trạch Ðông ba con trai:

Mao An Ying: Mao Ngạn Anh tên khai sinh là Mao Viễn Nhân (sinh ngày 24 tháng 10 năm1922, tử trận ở Cao Ly ngày 25 tháng 11 năm 1950)

Mao An Qing: Mao Ngạn Thanh tên thật là Mao Viễn Nghĩa sinh năm 1923, chết ngày 23 tháng 3 năm 2007 tại Bắc kinh.

Mao An Lung: Mao Ngạn Long tên thật là Mao Viễn Trí (mất tích hồi mới 4 tuổi ở Thượng Hải)

Con thứ tư của Mao Trạch Ðông với Hạ Tử Trân (He Zi Zhen) là con gái, sinh năm 1929 ở Phúc Kiến, chỉ sống được 3 tháng.

Con thứ năm là con trai tên là Mao Ngạn Hồng (Mao An Hong) sinh năm 1933 mất tích năm 1934 trong khi chạy loạn.

Con thứ sáu là con trai sinh năm 1933 chết ngay khi sinh ra.

Con thứ bẩy là gái sinh năm 1934 thất lạc khi mới ra đời.

Con gái thứ tám là Lý Mẫn (Li Min) sinh năm 1936.

Con thứ chín là con trai sinh năm 1937 tại Mạc Tư Khoa chỉ sống được 10 tháng.

Tổng cộng, Hạ Tử Trân có với Mao Trạch Ðông sáu con, ba trai, ba gái.

Con thứ mười, Lý Nạp (Li Na) là con gái, mẹ là Giang Thanh sinh năm 1940 tại Diên An.

Hiện nay chỉ còn hai người con gái là Lý Mẫn (con gái của Hạ Tử Trân) và Lý Nạp là còn sống.

Mao Trạch Ðông có một cháu nội duy nhất tên là Mao Tân Vũ (Mao Jin Wu) sinh ngày 17 tháng 1 năm 1970.

Những tên ông hỏi chúng tôi chỉ mới tìm được Malraux là Mã Nhĩ La; Dulles là Ðỗ Lặc Tư; Camus là Gia Mậu; Maurois là Mạc Lạc Á; Da Vinci là Ðạt Phân Kỳ; Churchill là Khâu Cát Nhĩ; Elizabeth II là Y Lệ Sa Bạch Nhị Thế; Presley là Phổ Lý Tư Lai; Hemingway là Hải Minh Uy; Yasunari Kawabata là Xuyên Ðoan Khang Thành, Yukio Mishima là Tam Ðảo Do Kỷ Phu...

Mấy tên kia xin khất lại.

Trả lời ông Thiện Căn, Orange, CA

Phiêu bạc chứ không phải là phiêu bạt.

Phiêu là nổi trên mặt nước. Bạc là cái thuyền, cái hồ. Phiêu bạc là trôi nổi, nay đây mai đó như con thuyền trên sông nước.

Xưng thần không có nghĩa là tự xưng mình là thần, là thánh, tự cao tự đại. Xưng thần là chịu nhận làm bề tôi, là nước nhỏ, chịu thần phục (chịu phục tòng làm tôi) nước lớn.

Gloria Steinem là người nói nhiều câu rất hay, trong đó có một câu phụ nữ rất thích: A woman without a man is like a fish without a bicycle.

Câu này không biết Steinem nói hay viết ở đâu và bao giờ nhưng người ta vẫn nói đó là của Steinem. Có khi câu đó được chép là A woman needs a man is like a fish needs a bicycle.

Một câu khác của Steinem: If men could menstruate... then, menstruation would become an enviable, boast-worthy, masculine. Nếu đàn ông có kinh nguyệt thì chuyện hành kinh của họ sẽ trở thành một chuyện họ lôi ra khoe khoang tối ngày.

Truyện ngắn nhất mà tôi đã đọc? Ðây chăng:

Oh, John, let’s not park here.
Oh, John, let’s not park.
Oh, John, let’s not.
Oh, John, let’s.
Oh, John.
Oh!

31-8-2007


Trả lời bà Nguyễn T. Vy, Santa Ana, California

Danh từ cá gỗ hay cá rô cây (cá rô bằng gỗ) là những chữ một thời được một số người ở miền Nam dùng để gọi người miền Bắc từ khoảng 1946 trở về trước.

Thực ra, gọi như vậy là không đúng. Cách gọi này xuất xứ từ một câu chuyện cười chế  mấy ông đồ xứ Nghệ thì đúng hơn. Chuyện kể là mấy thầy khóa  lều chõng đi thi ở các trường thi Hà Nội, Nam Ðịnh, đường xa, tiền bạc không nhiều phải tìm cách tiết kiệm tối đa cho những ngày đi đường. Họ mang theo những con cá làm bằng gỗ để mỗi bữa, gọi một nồi cơm, mua chút nước mắm rồi chấm con cá vào nước mắm, mút một cái rồi và cơm ăn cho xong bữa. Con cá sau đó lại được cất đi để dùng về sau. Tích cá gỗ, cá rô cây được dùng để chế nhạo cái tính hà tiện, so đo về chuyện tiền bạc. Bắc kỳ bị oan trong vụ này. Bắc kỳ không hề ăn cá rô cây.

Bây giờ huề cả, vì Bắc kỳ bịa chuyện nói xấu Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa thì bị Nam kỳ chọc lại. Ngày nay, không ai bực về những chuyện đó nữa, và cũng không ai lôi chuyện đó ra để chế nhạo Bắc kỳ nữa. Hai câu lục bát “tuyệt tác” không đúng cách hiệp vần vẫn thường được ném vào mấy đứa nhỏ di cư năm 1954 là:

Bắc kỳ ăn cá rô cây
Ông Trời quả báo hàm răng đen sồi

Xoài thanh / xoài thanh ca / xoài Thanh Ca?

Ðây là tên gọi  giống xoài nổi tiếng là ngon tên khoa học là Mangifera Indica. Nguyên tên gọi là xoài Thanh Ca nhưng được đổi thành xoài thanh vì dân chúng ở Hốc Môn kiêng húy Ðốc Phủ Trần Tử Ca.

Trả lời BH Hoàng

Tào lao nghĩa là chuyện không đâu vào đâu. Xịt bộp là hai tiếng đệm đi kèm không có nghĩa gì.

Ngã ngũ cả hai đều dấu ngã.

Ngã (dấu ngã) trong ngã năm, ngã bẩy có nghĩa là ngõ, là nơi có đường rẽ.

Ngả (dấu hỏi) là lối đi: ngả đường, ngả nào...

Ngả (dấu hỏi) là nghiêng về, nhưng chưa ngã (dấu ngã) xuống hẳn: gió chiều nào ngả theo chiều đó.

Trong nhóm chữ tam cá nguyệt thì chữ cá nghĩa là một, từng cái một.

Tam (ba) cá (một) nguyệt (tháng) nghĩa là mỗi ba tháng, ba tháng một. Tam cá nguyệt là quí, tiếng  Anh là quarter.

Lục cá nguyệt là mỗi sáu tháng một.

Trả lời một độc giả không nói tên:

Wednesday child là chữ từ một bài đồng dao có bẩy câu, mỗi câu là một ngày trong tuần, nói về tính tình của đứa bé sinh ra trong ngày đó:

Monday’s child is fair of face
Tuesday’s child is full of grace
Wednesday’s child is full of woe
Thursday’s child has far to go
Friday’s child is loving and giving
Saturday’s child works hard for a living
But the child who is born on Sunday
Is bonny and blithe and good and gay (*).

(*) gay ở đây không có nghĩa là đồng tính luyến ái mà chỉ có nghĩa là vui vẻ.

Thái tử Charles khi mới gặp Diana đã mô tả người phụ nữ này là “gay”.

Thủ đô Pháp cũng được gọi là “gay” như “Gay Paree” trong ca khúc Around The World của Nat King Cole (... It might have been in county down, or in New York, in Gay Paree, or even London Town...)

Chiếc máy bay B-29 dùng để thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima mang tên là Enola Gay, tên của thân mẫu viên phi công.

Gay ngày nay được dùng với nghĩa là đồng tính luyến ái. Gay là tĩnh từ. Chữ này cũng có thể được dùng để chỉ đồng tính luyến ái nữ và luôn cả những người bisexual.

Trả lời ông Hùng ở Los Angeles

Nhiều máy bay của lục quân Mỹ được đặt cho những tên da đỏ, chính thức là từ năm 1969. Thí dụ Iroquois (UH-1), Chickasaw (UH-19), Choctow (UH-34), Mojave (CH-37), Chinook (CH-47)...

Phi cơ Nga được NATO đặt cho những tên để dùng trong NATO.

Thí dụ các chiến đấu cơ được đặt tên bắt đầu bằng chữ F (fighter): Farmer là MiG-19; Fresco là MiG-17; Fishbed là MiG-21. Oanh tạc cơ bắt đầu bằng chữ B (bomber): Bear là Tu-142; Backfire là Tu-22.... Trực thăng bắt đầu bằng chữ H (helicopter): Hind là Mi-24...

Ông hỏi khó người giữ mục này nhưng cũng xin trả lời. Cây mù u có tên khác là dầu u. Ngoài ra cũng còn một tên khác dùng trong danh từ thuốc Bắc là hồ tòng lệ.

Cây mù u chỉ mọc ở miền Nam. Cây này có xuất hiện trong hai câu ca dao mà chúng tôi đọc được ở trang 388 của cuốn Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan. Xin dẫn ra ở đây và không giải thích:

Mù u ba lá mù u

Vợ chồng cãi lộn, con cu giải hòa

Cụ Thông ở Westminster

Chúng tôi có nghe bản tin cụ nhắc. Chữ ấy dùng sai.

Ðàn ông chết vợ lấy vợ khác là tục huyền, nghĩa là nối lại (tục) dây đàn (huyền) đã đứt.

Ðàn bà chồng chết lấy chồng khác là tái giá. Giá là con gái đi lấy chồng.

Chữ giá viết bằng chữ nữ bên trái, chữ gia bên phải cũng còn có nghĩa là đem điều ác trút cho người khác như giá họa, giá oán.

Lâm Ngữ Ðường (Lin Yu Tang hay Lin Yu T’ang) cũng còn có tên khác là Lâm Ngọc Ðường, người Phúc Kiến, tốt nghiệp các đại học danh tiếng như Harvard (ngôn ngữ); đại học Leipzig của Ðức môn triết học. Ông ra đời năm 1895, mất năm 1976 tại Hương Cảng.

Ông không tả khuynh như Quách Mạt Nhược và Lỗ Tấn, không hữu khuynh như Hồ Thích, cũng không trung lập như Mao Thuẫn. Ông rất độc lập cùng lập trường với Chu Tác Nhân.

Ông viết cả bằng Hoa văn lẫn Anh ngữ. Một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là cuốn The Importance of Living (Nhân Sinh Ðích Nghệ Thuật)  viết năm 1937

Cuốn sách tuy cũ nhưng đọc vẫn thấy hay và rất gần gũi với chúng ta. Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, Một Quan Niệm Về Sống Ðẹp, là bản dịch không ai có thể qua mặt được.

5-10-2007


Trả lời ông Thế, độc giả ở Garden Grove, California

Tiếng Anh cũng có thể nói lái được, nhưng không nhiều và dễ dàng như trong những ngôn ngữ đơn âm, tiêu biểu là tiếng Việt.

Nói lái tiếng Anh là spoonerism. Danh từ này, spoonerism, gốc từ tên của William Archibald Spooner (1844-1930) một giáo sư tại đại học New College, Oxford, Anh quốc. Ông hay nói lầm, đổi những chữ đầu của hai ba tiếng để thành ra những nghĩa khác, nhiều khi làm bực bội người nghe cũng như các sinh viên không ít.

Ngày 22 tháng 7 được chọn làm ngày nói lái.

Ðây là vài trường hợp nói lái :

Happy Jewish New Year/ Happy Newish Jew Year

Cupid Stunt / Stupid C...

Mission Failed / Fission Mailed

Cunning Stunts / Stunning C...

Tổng thống Bush cũng nhìn nhận ông hay ăn nói lọng cọng, merds wixed / mixed words.

Katherine McPhee là ca sĩ mới nổi sau khi dự thi chương trình American Idol. Tên McPhee của cô mà nói lái thì hay lắm.

Mời ông nói lái đoạn này:

Sầu đăng có mịt cây mốt ngáy đền quá cỏ lền treo xuổng bé giưởng lên đề cối ông nụng dáo lây rả bô xòm háng thẩy ngứi đện cháy miêng xín vao ằn đung bạu cang lều.(*)

Trả lời bà Nguyễn B. Thủy / Medical Long Term Care

Ðây là tiếng Việt cho hai đoạn của bài This Land Is Your Land mà bà nhờ dịch (phỏng / phóng) để có thể hát:

Từ đồng xanh mênh mông

Tiếp đến núi bao la

Từ Califonia

Ðến bình nguyên cát trắng

New York đêm sao sa

Huy hoàng Hollywood

Nước Mỹ là của anh với tôi

 

(This land is your land

This land is my land

From California

To the New Yorlk island

From the red wood forests

To the Gulf Stream waters

This land was made for you and me)

 

Ðường đi ôi thênh thang

Với trời cao gió mát

Ta ngó lên không trung

Mây bạc bay lãng đãng

Và nhìn chung quanh ta

Lũng vàng ôi bát ngát

Nước Mỹ là của anh với tôi

 

(As I went walking

That ribbon of higway

I saw above me

That endless skyway

I saw below me

That golden valley

This land was made for you and me)

Ðây chỉ là dịch tạm. Thiên tài dịch lời nhạc để hát là Phan Nhật Nam:

Sky today blue blue

Winds in branch kissing the robe

 

Trời hôm nay xanh xanh

Gió trên cành mơn man tà áo

( Lam Phương)

 

Oh what you see by tonight

Flags fly, hundred flags fly

 

Anh đã thấy gì trong đêm nay

Cờ bay trăm ngọn cờ bay

(Trịnh Công Sơn)

Flags fly, hundred flags fly nghe có tiếng gió thổi những lá cờ bay phần phật. Giỏi là ở đó.

Không ai dám qua mặt Phan Nhật Nam trong lãnh vực dịch này.

-----

(*) Ðằng sau có một cây mít đến ngày có quả trèo lên bẻ xuống để lên giường cúng ông nội lấy dao bổ ra hàng xóm ngửi thấy chạy đến xin miếng ăn vào đau bụng kêu làng.

7-12-2007


Ông Nguyễn Anh Cang, San Jose, California

Bác sĩ là học vị đại học cao nhất.

Y sĩ là người học y khoa, tốt nghiệp văn bằng bác sĩ.

Thạc sĩ cao hơn tiến sĩ nhưng ở dưới bác sĩ.

Người Nhật gọi bằng Bachelor là học sĩ; Master là tu sĩ và Ph. D. là bác sĩ.

J.D. là Juris Doctor tương đương với LL.B, cử nhân Luật. Vì cách dịch này, đã xẩy ra một vụ đụng độ trên báo chí ở miền đông khoảng hai chục năm trước, người đòi phải dịch là tiến si luật, người dịch là cử nhân luật.

Chia sẻ/xẻ

Theo Việt Nam Tự Ðiển của Khai Trí Tiến Ðức thì chia sẻ và chia xẻ đều đúng

Sẻ là san ra, chia ra: nhường cơm sẻ áo (trang 488).

Xẻ là bổ dọc ra: xẻ tà áo (trang 651)

Sử dụng đúng. Không thấy tự điển ghi xử dụng.

Một trong những nghĩa của xử là ở.

Xử nữ là người con gái còn ở nhà với cha mẹ. Trái với xử là xuất, nghĩa là ra ngoài.

Xử sĩ là người sĩ ở nhà không ra làm quan.

Ông Nguyễn Thành Ý, Westminster, California

M.I.L.F. có nghĩa là gì?

Câu trả lời tùy thuộc vào sự kiện ông thấy những chữ này ở đâu.

Trong các bản tin thời sự, M.I.L.F. là viết tắt tên phong trào ly khai ở Philippines với chủ trương thành lập một quốc gia Hồi giáo ở đảo Mindanao: Moro Islamic Liberation Front, Mặt Trận Giải Phóng Moro. Phong trào này vẫn còn đang hoạt động tại khu vực phía nam đảo Mindanao.

M.I.L.F. trong phim American Pie có nghĩa tục. Một nhân vật trong phim nói: "Dude, that chick is a MILF". M.I.L.F. là những chữ viết tắt của Mother I ‘d like to f…, nghĩa là một phụ nữ đẹp và sexy.

MILF ngày nay là tên gọi chung các địa chỉ porno trong Internet.

Da lợn /da heo?

Chỉ có bánh da lợn, không có bánh da heo mặc dù thứ bánh này chỉ thấy ở miền nam. Thường thì miền Nam không dùng chữ lợn. Lợn là tiếng Bắc.

Tại sao gọi là bánh da lợn? Bánh mầu xanh, không phải là mầu da con heo, con lợn, nhưng vì bánh có mấy lớp trông như thịt ba chỉ nên gọi là bánh da lợn.

Sáu tấm là cái áo quan. Một lối gọi khác là bốn dài, hai ngắn. Cũng còn có danh từ sơ mi gỗ.

Tại sao lại có danh từ này? Sơ mi gỗ là do chữ áo quan mà ra. Từ áo, chuyển qua sơ mi. Sơ mi bằng gỗ thì là cái quan tài.

Cái quan luận định nghĩa là đợi đến lúc đóng (cái) nắp áo quan lại rồi hãy bàn hay hay dở.

Ông Trần Quân, Orlando, Florida

Bài Qui Khứ Lai Từ không phải của Nguyễn Khuyến mà là của Ðào Tiềm.

Ðào Tiềm tự là Ðào Uyên Minh, người đời Tấn. Ông có thời làm quan tại Bành Trạch nhưng sau có gần ba tháng thì cáo quan về ở ẩn.

Qui Khứ Lai Từ là một bài phú nổi tiếng của ông. Ðọc bài phú này người ta hiểu tại sao ông bỏ việc ở Bành Trạch.

Nguyễn Khuyến cũng có tâm sự như Ðào Tiềm khi về vườn Bùi sống nốt những năm cuối. Trong bài hát nói Trở Về Vườn Cũ, Nguyễn Khuyến có nhắc tới Bành Trạch (Bành Trạch cầm xoang ngâm trước ghế / Ôn Công rượu nhạt chuốc chiều xuân). Có thể vì thế, ông nghĩ Qui Khứ Lai Từ là của Nguyễn Khuyến. Qui Khứ Lai Từ nghĩa là bài ca về vườn. Từ nghĩa này, tiếng Việt có thành ngữ về vườn, rồi về vườn đuổi gà cho vợ.

Bài Qui Khứ Lai Từ có bản dịch tiếng Việt bằng song thất lục bát của Từ Long rất hay. Ông có thể đọc Một Quan Niệm Sống Ðẹp Nguyễn Hiến Lê dịch The Importance of Living của Lâm Ngữ Ðường để biết thêm về Ðào Tiềm và triết lý sống của ông.

L’Étranger là tác phẩm của Albert Camus, một nhà văn Pháp sinh năm 1913 tại Algérie, tử nạn xe hơi năm 1960. Ông là một khuôn mặt rất lớn không thể tóm lược trong một vài dòng của trang báo này. Cuốn L’Étranger (1942) đã được Tuấn Minh dịch sang tiếng Việt (Người Xa Lạ) hồi năm 1970 ở Sài Gòn. Cuốn này có hai bản dịch Anh ngữ (The Stranger và The Outsider).

Pied noir là tên gọi những người Pháp ra đời, lớn lên và sống tại Algérie. Như vậy, Camus cũng là một pied noir.

Camus được trao giải Nobel Văn Chương năm 1957.

9-11-2007


Ông Dũng, Garden Grove, California

Mục này đã đề cập tới những chữ ông hỏi một hai lần nhưng những chữ đó vẫn được tiếp tục dùng. Mà những người dùng chúng một cách sai lầm lại là những người có ăn có học.

Hai chữ hôn phu và hôn thê không thể đứng như thế được. Chúng luôn luôn phải có chữ vị đi trước. Vị là chưa.

Vị hôn phu (fiancé) là chồng chưa cưới, là người đàn ông mới chỉ hứa hôn mà chưa phải là chồng vì chưa lập giá thú.

Vị hôn thê (fiancée) là người vợ chưa cưới, người phụ nữ mới hứa hôn, mới có dự tính lập hôn thú với người đàn ông để trở thành vợ người đàn ông ấy.

Những quảng cáo viết "nhận làm giấy tờ hồ sơ hôn thê" là sai.

Yi Guo Liang Zhi đọc theo âm Hán Việt là Nhất Quốc Lưỡng Chế, là chủ trương của Bắc kinh dành cho Hương Cảng một qui chế không phải là Cộng sản (hai chế độ) trong khi Hương Cảng, sau khi Bắc kinh tiếp nhận lại từ tay chính phủ Anh đã trở thành lãnh thổ của Trung quốc (nhất quốc).

Mấy chữ Hán ông thấy trong tờ báo của United Airlines là tên của phi trường ở gần thủ đô Washington, Ðỗ Lặc Tư, tức là phi trường Dulles (Virginia) không phải là Dallas.

Pin jin hay pin yin (phanh âm, nhiều người đọc là phiên âm) là cách viết chữ Hán dựa theo âm bằng mẫu tự La Tinh. Lối viết này có từ năm 1958 và được Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chính thức chấp thuận để dùng từ năm 1979.

Ở Ðài Loan vẫn dùng lối viết gọi là Wade Giles do Sir Thomas Francis Wade (1818-1895) và Herbert Giles (1845-1935) đặt ra.

Jiang Jie Shi là phanh âm.

Chiang Chieh Shih là Wade Giles.

Ðọc theo lối Việt là Tưởng Giới Thạch.

Wannabe hay wannabee là người muốn trở thành một người khác (ca sĩ, diễn viên) thường là người đã thành công và thường là những cố gắng tuyệt vọng.

Thí dụ a Bill Clinton wannabe là người muốn bắt chước để trở thành ông Clinton.

Chữ này do to want to be mà ra. He is a Clinton wannabe trong cách nói khác phải là He is a person who wants to be President Clinton.

Wanna là want to.

Gonna là going to. Thí dụ: I am gonna see him là I am going to see him.

Cô Lưu Bích Thủy, Houston, Texas

Chín bỏ làm mười nghĩa là tuy mới có 9, nhưng cũng vẫn xin được coi là đủ 10. Nghĩa bóng là xin được đối xử một cách rộng lượng, quảng đại. Câu này được dùng khi xin lỗi, xin được bỏ qua tuy vẫn còn những thiếu sót và sơ xuất.

Những chữ khắc ở mé bên phải trong bức tranh Hứng Dừa là chữ Nôm. Chúng tôi tìm mãi mới được một cụ dấu tên chỉ cho cách đọc:

Khen ai khéo dựng nên dừa
Ðấy trèo đây hứng cho vừa một đôi

Kính nhi viễn chi là câu nói của Khổng Tử. Câu này nghĩa là kính nể nhưng chỉ nên đứng ở xa, không nên lại gần. Khổng tử nói là với quỉ thần thì phải có thái độ như vậy. Không xúc phạm, phải kính trọng nhưng cứ ở xa thôi.

Câu Khổng Tử nói nguyên là: kính quỉ thần nhi viễn chi.

Ông Hùng Xuân Nguyễn, Toronto, Canada

Romain Gary tự tử năm 1980 vì quá đau khổ sau khi vợ cũ của ông là diễn viên người Mỹ Jean Seberg tự tử năm 1979. Hai người là vợ chồng từ năm 1962 đến năm 1970, có với nhau một con trai tên là Alexandre Diego Gary.

Romain Gary gốc Do Thái tên thật là Roman Kacew là một tiểu thuyết gia, một đạo diễn điện ảnh, một phi công thời đệ nhị thế chiến và một nhà ngoại giao Pháp. Ông ra đời năm 1914 tại Vilnius, Lithuania, một trong ba quốc gia ở ven biển Baltic. Gia đình ông, dọn đi Varshava, Ba Lan năm 1914. Năm 14 tuổi ông theo mẹ di cư sang Pháp. Ông học luật ở Aix-en-Provence rồi ở Paris. Ông gia nhập không quân Pháp và trốn sang Anh để gia nhập lực lượng của tướng De Gaulle. Ông đã bay 25 phi vụ chiến đấu tại Âu châu và Bắc Phi và được thưởng nhiều huân chương cao quí.

Sau chiến tranh, ông làm ngoại giao và năm 1945 xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên. Ông viết rất nhiều, hơn ba chục tiểu thuyết, hồi ký, dùng ít nhất là ba bút hiệu khác nhau.

Năm 1956 ông là lãnh sự Pháp tại Los Angeles. Ông là người duy nhất được giải thưởng Goncourt hai lần.,

Vợ đầu tiên của ông là một nhà văn Anh, Lesley Blanch. Hai người lấy nhau năm 1944 và ly dị năm 1961.

Siêu sinh tịnh độ

Siêu: vượt, thoát đi; sinh: sống; tịnh độ: cõi Phật. Siêu sinh hay siêu thăng tịnh độ là thoát được vòng luân hồi để đến được cõi Phật, nơi cực lạc thế giới. Chỉ những người tu hành đắc đạo mới làm được việc này.

12-10-2007


Trả lời cụ Trần Ðạt Hiển, Orange County, California

Danh từ karaoke  chúng tôi đã đề cập trong một số báo trước. Nay xin nhắc lại: Kara tiếng Nhật là không;  oke là nói tắt chữ orchestra nghĩa là ban nhạc. Karaoke là một hệ thống  âm nhạc để hát mà không cần phải có ban nhạc.

Paparazzi là tiếng Ý, số nhiều của paparazzo.

Paparazzi là các nhiếp ảnh gia, các tay chuyên săn hình, chụp hình các nhân vật tên tuổi, các ca sĩ, tài tử.

Chữ này được nhiều người biết đến và sử dụng từ sau cuốn phim La Dolce Vita (La douceur de vivre) của Federico Fellini, trong đó, có một nhân vật  tên là Paparazzo làm nghề chụp ảnh. Paparazzo thực ra trong tiếng Ý nghĩa là con muỗi. Hồi còn đi học, Fellini có một người bạn biệt danh là Muỗi (paparazzo) vì cậu bé này ăn nói rất nhanh, lúc nào cũng xục xạo như một con muỗi. Ông dùng cái biệt danh đó để đặt cho một nhân vật trong phim.

Thư rác là danh từ để dịch chữ junk mailJunk là rác rến, vật phế thải vô giá trị. Junk mail là thư từ, giấy quảng cáo gửi tới hộp thư của chúng ta. Spam là junk mail gửi tới địa chỉ của chúng ta trong internet.

Giác thư là các văn thư ngoại giao của các quốc gia gửi cho nhau.

Trả lời ông Trầm Mỹ (trammy1942@yahoo.com)

Làm tình là chữ có từ lâu, nguyên thủy nghĩa là hứa hẹn, giao ước sẽ lấy nhau như định nghĩa của tự điển Lê Văn Ðức.

Chỉ gần đây hai chữ này mới được dùng dể dịch động từ  to make love của  tiếng Anh.

Trong khi đó, làm tình làm tội thì lại có nghĩa là đầy ải, gây khó khăn, hành hạ, ngược đãi.

La raison fait des philosophes, la gloire fait des héros, la seule vertu fait des sages là câu của Luc de Clapiers, marquis de Vauvenargues (1715-1747). Câu này có thể tạm dịch là lý trí làm nên triết gia, vinh quang tạo ra anh hùng, chỉ có đạo đức mói làm thành những bậc hiền giả.

Vài ba câu nói nổi tiếng khác của ông là:

Những điều chúng ta biết rõ nhất là nhưng điều chúng ta chưa được dậy bao giờ.

Những người lười biếng bao giờ cũng kiếm ra việc để làm.

Nghệ thuật làm vui lòng người khác là nghệ thuật lừa dối.

Ðể làm được việc lớn, ngươi ta phải sống như không bao giờ chết.

Trả lời ông Diệp Văn Nguyên, Houston, Texas

Bernard Fall  mất tại Việt Nam trong một cuộc hành quân với một đơn vị thủy quân lục chiến Hoa kỳ năm 1967. Ông đang đọc vào một máy thu thanh về chuyến hành quân thì đạp phải mìn, chết ngay tại chỗ. Câu cuối cùng của ông là “... it smells bad, could be an amb(ush)” Chưa nói hết chữ phục kích thì ông chết.

Bernard Fall sống tại Mỹ nhiều năm nhưng không bao giờ nhập tịch Hoa kỳ.

Ông ra đời tại Áo năm 1926 nhưng gia đình di cư sang Pháp khi Áo bị Ðức chiếm, sáp nhập vào Ðức. Cha ông theo kháng chiến Pháp chống Ðức và bị Ðức hành quyết hồi đệ nhị thế chiến. Mẹ bị trục xuất về Ðức rồi bặt tin luôn. Ông gia nhập kháng chiến Pháp và sau đại chiến, gia nhập quân đội Pháp đến năm 1946, giải ngũ đi học đại học tại Paris và Munich. Năm 1950 ông được học bổng đi Mỹ học chính trị và sử ở đại học Maryland và Syracuse. Năm 1953 ông đi Việt Nam để viết về chiến tranh Việt Nam. Ông tiên đoán Pháp sẽ bại trận ở Việt Nam và cho rằng Hoa kỳ cũng có trách nhiệm trong việc này. Năm 1955 ông trở lại Hoa kỳ lấy bằng tiến sĩ tại đại học Syracuse.

Bernard Fall ủng hộ cuộc chiến của Hoa kỳ tại Việt Nam nhưng năm 1964, ông tiên đoán Hoa kỳ sẽ bại trận.

Cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là  cuốn Street Without Joy xuất bản năm 1961 viết về cuộc chiến tranh Dông Dương lần thứ nhất. Cuốn cuối cùng của ông là Last Reflections on a War xuất bản năm 1967 sau khi ông qua đời.

14-12-2007


Ông T. Nguyen threethanh@hotmail.com

Quí nghĩa là sang trọng, tiếng dùng để nói tôn người khác lên, thường là ngôi thứ hai, đang đối thoại, trước mặt ngôi thứ nhất.

Quí canh (tuổi tác) quí chức, quí đệ, quí huynh quí địa, quí hữu, quí hương, quí khách, quí quán, quí quốc, quí danh, quí nương, quí nhân, quí vị...

Cách dùng thứ hai như ông đề nghị thì đúng và hợp lý hơn là cách trước.

Cụ Vũ Ngọc Quang San Jose (xtus@yahoo.com)

Xin trả lời thay Ðinh Quang Anh Thái và kính gửi cụ lời ca của bài J’ai deux amours mà cụ muốn tìm. Tác giả bài hát này là Joséphine Baker. Ðây là bài hát trên môi của thế hệ ông bà cụ chúng tôi:

On dit qu’au delà des mers
Là-bas sous le ciel clair
Il existe une cité
Au séjour enchanté
Et sous les grands arbres noirs
Chaque soir
Vers elle s’en va tout mon espoir

J’ai deux amours
Mon pays et Paris
Par eux toujours
Mon coeur est ravi
Manhattan est belle
Mais à quoi bon le nier
Ce qui m’ensorcelle
C’est Paris, c’est Paris tout entier
...
Le voir un jour
C’est mon rêve joli
J’ai deux amours
Mon pays et Paris

Ông Nguyễn X. T. West Covina

Chúng tôi cũng có nghe nhưng không biết thơ của ông DTL có thực sự được dậy tại các đại học mà ông nói hay không. Xin ông viết thư hỏi thẳng các đại học ông ghi trong thư. Các đại học này sẽ trả lời ngay vì các học trình dều có ghi rõ các tài liệu được giảng dậy.

Ở Mỹ được cái muốn nói gì, xưng là gì cũng được. Như trường hợp của một người viết rất nhiều sách, tự xưng là tiến sĩ, lại nói là có giấy phép dậy học mãn đời ở California trong khi không biết viết cái thư mục và chú thích cho đúng cách. Hiện không thấy sách của ông được nói tới nữa.

INTERCOURSE

Chữ này thì ai cũng biết, xin không dịch ra ở đây. Nhưng nếu muốn nói rõ hơn thì thêm sexual ở trước để thành sexual intercourse, phân biệt với social intercourse là những giao tiếp, tiếp xúc xã hội.

The Village of Intercourse, PA

Visitor Info · Local Info · Amish · Attractions · Dining · Shopping · Lodging · Events · Coupons · Site Map · Home

Intercourse còn là tên của một thị trấn ở tiểu bang Pennsylvania. Muốn đi tới thị trấn Paradise, cũng ở Pennsylvania, người ta phải đi qua thị trấn Intercourse.

Zip Code của thị trấn Intercouse là 17534, area code điện thoại là 717.Thị trấn này nằm giữa hai thị trấn mang tên là Blue Ball và Paradise.

Blue Ball cũng là một tên kỳ cục. Nó là tình trạng khó chịu khi người ta không đi tới (?) được thị trấn Intercourse. Ði qua được Intercourse thì tới Paradise (thiên đàng)!

Vào trang nhà của thị trấn này, người ta sẽ thấy Intercourse có nhiều thứ, nào là Intercourse deals, Intercouse attractions, Intercourse restaurants, Intercourse maps, Intercourse discount, Intercourse vacation, Intercourse packages...

Thoạt đầu, thị trấn này mang tên là Entercourse do những hội đạo Amish và Mennonite thành lập.

MỒNG / MÙNG?

Cả hai đều được dùng trước những ngày từ 1 đến 10 mỗi tháng. Nhưng mồng có vẻ được dùng nhiều hơn nên đã thấy xuất hiện trong câu đố:

Ba chục mà ở một lồng
Một chục có mồng, hai chục thì không

Nếu là mùng thì không thể dùng trong câu đó này được. Câu đố hàm ý cái lồng có ba chục con gà, chỉ có một chục con có mồng (mào), hai chục con kia thì không.

Thay mồng bằng mùng thì không còn ý nghĩa nữa.

16-11-2007


THIẾT QUÂN LUẬT

Thiết là đặt ra. Thiết quân luật là áp dụng quân luật (martial laws).

Trong mấy ngày qua người ta nghe nhiều những chữ này nhưng gần như tất cả các bản tin của các báo Việt ngữ đều dùng không đúng.

Có thể nói: Chính phủ Pakistan thiết quân luật để đề phòng khủng bố lợi dụng thời cơ.

Nhưng không thể nói: Chính phủ Pakistan ban hành thiết quân luật.

Chữ thiết là thừa vì đã có động từ ban hành. Do đó chỉ cần viết: Chính phủ Pakistan ban hành quân luật.

Có thể người viết các bản tin này nghĩ thiết là sắt, thiết quân luật là quân luật sắt, rất nghiêm minh?

Ông Thái Nguyễn (tnguyen47@yahoo.com)

HẠ TẦNG / HẠ TẰNG CƠ SỞ

Tằng là chữ Hán. Tầng là tiếng Việt.

Hạ tằng cơ sở là nền móng ở phía dưới (infrastructures)

Giường kia treo những hững hờ

Là một câu trong bài Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê lấy điển Trần Phồn tiếp bạn thân là Từ Trĩ mới hạ cái giường xuống. Không có Từ Trĩ thì Trần Phồn không tiếp ai, treo giường lên cao. Hạ tháp là hạ giường xuống để tiếp khách. Nguyễn Khuyến nói là không có Dương Khuê thì không còn bạn hiền để tiếp nữa.

Sa chân bước xuống ruộng dưa
Dẫu ngay cho chết cũng ngờ rằng gian

Là hai câu lấy ý của câu qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chính quan (qua ruộng dưa thì đừng sửa giầy, đi dưới cây mận thì đừng sửa mũ) nghĩa là tránh làm những chuyện khả nghi.

Tai vách mạch rừng/ dừng

Ðúng ra phải là dừng. Dừng nghĩa là cái nan để đan thành cái vách. Cũng đọc là dứng.

Dứt dây động dừng. Cũng có người nói là dứt dây động rừng và giải thích là dứt dây, như dây mây hay những thứ dây leo khác có thể làm động cả rừng cây. Nhưng đúng ra phải là dứt dây động dừng. Các tự điển Tín Ðức Thư Xã, Trần Văn Kiệm đều giải thích như trên.

Câu ông hỏi "Hiếu khách với đẳng cấp thế giới dành cho các minh tinh" có thể được dịch từ Anh ngữ mà chúng tôi đoán là world class hospitality reserved for film stars.

Có thể ông thấy câu tiếng Anh dễ hiểu hơn chăng?

Ông Hậu Trần, Garden Grove, California

Chiết tự và nói lái có khác nhau không?

Chiết tự là sắp xếp lại vị trí những chữ để thành những tiếng khác. Thí dụ tên của nhà văn Khái Hưng là (Trần) Khánh Giư. Ðem Khánh Giư sắp xếp lại, không thêm, không bỏ đi một chữ nào để thành Khái Hưng là phép chiết tự.

Nói lái là thay đổi vị trí của những chữ đầu để thành những tiếng mới: (Nguyễn) Thứ Lễ thành Thế Lữ.

Sau đây là một vài chữ dùng chiết tự để thành những tiếng mới.

GEORGE BUSH: HE BUGS GORE (Ông Bush ấy làm ông Gore rất bực mình vì ông thắng ông Gore ở Florida rất khít khao)

ELECTION RESULTS (kết quả bầu cử): LIES – LET’S RECOUNT (láo, xạo – đếm lại coi)

MOTHER-IN-LAW: WOMAN HITLER (người mẹ vợ này chắc bị ghét nhiều lắm)

DESPERATION (tuyệt vọng): A ROPE ENDS IT (sợi dây thừng chấm dứt mọi chuyện)

ASTRONOMER (nhà thiên văn học): MOON STARER (người ngắm sao)

DORMITORY (phòng trong lưu học xá sinh viên): DIRTY ROOM (căn phòng dơ dáy)

La Quán Trung

Tiểu sử rất mù mờ, sinh khoảng 1330, chết khoảng 1400 tức là cuối đời Nguyên, đầu nhà Minh. Tên họ và nơi sinh cũng không chắc chắn, có sách nói ông là người Sơn Ðông, sách nói Sơn Tây, sách nói Hàng Châu, Giang Tây. Ông sáng tác nhiều nhưng phần lớn bị thất lạc. Nổi tiếng nhất là Tam Quốc Thông Tục Diễn Nghĩa. Một giả thuyết của Vương Kỳ thì cho rằng ông là tác giả Thủy Hử, chứ không phải là Thi Nại Am.

Vòng vo Tam Quốc là lối ăn nói, lý luận dài dòng, loanh quanh, không mạch lạc, không rõ đầu đuôi, như truyện Tam Quốc.

Cubism là lập thể họa phái như Picasso, Braque...

Fauvism là dã thú họa phái như Matisse

Impressionism là ấn tượng họa phái như Renoir, Monet

19-10-2007


CAO CẤP

Việc viết quảng cáo là một nghệ thuật đòi hỏi người viết phải có một khả năng viết và sử dụng ngôn ngữ một cách chính xác, có khả năng thuyết phục.

Nhưng một số người dịch các quảng cáo của Mỹ sang tiếng Việt, rất tiếc, không có được những khả năng và đòi hỏi ghi ở trên.

Mới đây, một quảng cáo đọc được trong một nhật báo Việt ngữ ở đây có viết một câu như thế này:

Món heo quay của em chưa bao giờ cao cấp đến như vậy.

Tại sao phải viết là "cao cấp" mà không là ngon, khoái khẩu...?

Cao cấp là bậc trên.

Món heo quay mà cao cấp thì cũng có thể nói trông em cao cấp quá, hay sáng nay em pha cho anh ly cà phê thật cao cấp, hay ối giời ơi, tối hôm qua cái vụ ấy cao cấp dễ sợ...

Không, chúng ta không nói như thế bao giờ cả.

Ông Trần Hữu Lý Hamilton, Ontario, Canada

Ông nói là ông thấy xốn con mắt mỗi khi đọc nhũng chữ li hôn, lí do, kỉ niệm, kĩ thuật... trong một tờ báo nọ trong khi đáng lý chúng phải được viết là ly hôn, lý do, kỷ niệm, kỹ thuật...

Xin nói ngay rằng ông không phải là người duy nhất thấy như thế.

Nhưng cũng không có một qui luật rõ ràng nào về "Y" và "I".

Có những trường hợp như ông nói, chúng ta chấp nhận, là vì chúng ta gặp nhũng cách viết này từ lúc mới đi học, rồi chúng tiếp tục ở trong đầu chúng ta, và chúng ta không chấp nhận những cách viết khác. Ðó là vì thói quen.

Nhưng cũng có những trường hợp cả hai cách viết đều được chấp nhận.

Quý và Quí (tên người) là một.

Ly và li thì khác nhau. Sai một li, đi một dặm; li vàng; li; li bì (ly bỳ trông rất kỳ / kì ). Nhưng quẻ ly, ly biệt, ly gia, ly hương...

Có trường hợp chỉ có thể có một cách viết: giặt gỵa.

Có những trường hợp cả Y và I đều xuất hiện nhưng đọc và ý nghĩa khác nhau: đai / đay; dui/ duy...

Nguiễn Ngu Í là cách viết riêng của nhà văn Nguyễn Hữu Ngư, cũng như Trần Thy Nhã Ca, mà không Trần Thị Nhã Ca...

Chuyện còn dài lắm, thưa ông Lí... Xin lỗi, thưa ông Lý.

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Pasadena, California

Hai câu tả cảnh Huế là:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Chùa Thiên Mụ nằm ở Kim Long, nhìn sang bên kia sông Hương là làng Long Thọ.

Cũng có mấy câu khác gần giống như thế, nhưng cảnh lại là ở Hà Nội như ông dẫn trong thư:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ

Trấn Võ là đền Quan Thánh ở cạnh hồ Tây. Yên Thái là tên khác của làng Bưởi. Làng Bưởi ngày xưa có nghề làm giấy nên nhịp chày Yên Thái là tiếng chày giã bột giấy. Tây hồ là hồ Tây, xưa còn có tên là Dâm Ðàm hay Ðoài hồ.

Như vậy phải chăng có hai làng Thọ Xương, và cả hai làng đều có tiếng gà gáy vọng sang?

Canh gà là món canh nấu bằng thịt gà (?) của một ông dân biểu Việt Nam sang Mỹ nấu cho Mỹ ăn và gọi là "Tho Xuong chicken soup". Rất tiếc chúng tôi không nhớ tên của ông dân biểu này.

Hồ Tây nằm cạnh hồ Trúc Bạch nhưng trước đây, hồi thế kỷ 17, hai hồ này là một. Con đường chạy giữa hai hồ này là đường Cổ Ngư.

Ðường Cổ Ngư thực ra tên là Cố Ngự. Cố là vững bền; ngự là ngăn, chống là giữ vững. Năm 1620, dân chúng ở gần hai hồ này đắp lên một con đê chắn cá gọi là đê Cố Ngự.

Ngày nay, con đường này mang tên là đường Thanh Niên.

Bánh tôm thì là bánh tôm Cổ Ngư. Không có bánh tôm Cố Ngự.

Ðã đọc sai thì cho... ăn sai luôn.

Yên Phụ là tên một làng ở Hà Nội, nơi có một con đê ngăn nước sông Hồng. Làng này cũng có tên là Yên Hoa.

Yên hoa là khói và hoa, là người kỹ nữ. Xóm yên hoa (không viết hoa, danh từ chung) là xóm kỹ nữ, xóm điếm.

Cụ Nguyễn Bảy, Garden Grove, California

Ðồng ý với cụ lối nói ấy chẳng hay ho gì, mà lại không cần thiết.

Tại sao phải nói em bé 5 ngày tuổi mà không nói em bé (mới sinh) được 5 ngày?

Cũng thế, chúng ta vẫn nói em bé được ba tháng; cậu nhỏ lên bẩy; ông Ba 52... là đủ.

Ðâu cần nói em bé ba tháng tuổi; căn nhà 18 năm tuổi; chiếc xe 6 năm tuổi...

Bác Bẩy, thính giả đài Little Saigon Radio

Bài "Ò e rô be đánh đu" không phải của Việt Nam. Bài hát này gốc Tô Cách Lan nguyên là một bài thơ của Robert Burns viết hồi thế kỷ 18. Ngày nay, bài hát này được hát lên trong đêm giao thừa Tây để nói về hy vọng, tình bạn...

Tên của bài hát này là Auld Lang Syne, viết theo tiếng Anh mới là Old Long Since, ngày xa xưa ấy.

Bài ca này được dùng trong phim Waterloo Bridge do Robert Taylor đóng chung với Vivian Leigh. Phiên bản tiếng Pháp của phim này là La valse dans l’ombre, trong phim, bài ca này, Valser dans l’ombre, được hát bằng tiếng Pháp:

Valser dans l’ombre entre tes bras,
Tourner, tourner sans bruit.
Bercer ton ombre sur mes pas,
Valser dans la nuit

Ne plus compter le temps
Ne plus savoir ce qui m’attend
Ne croire en un rêve éperdu
Transporté dans l’inconnu.

Blottir dans l’ombre de ton coeur,
Mon coeur et mon désir.
Cueillir dans l’ombre de bonheur
D’un jour prêt à fleurir.

Sentir ton coeur troublé
Contre mon coeur abandonné.
Frémir comme un oiseau brisé
Au vertige d’un baiser

21-12-2007


Cụ Lê Văn Lâm, Fountain Valley, California

Kính gửi cụ lời của bài hát cụ hỏi, bài Tant qu’il y aura des étoiles của Hornez-Vendresse / Scotto, do Tino Rossi hát năm 1936:

On est des clochards on n’a pas d’abri
On vit dans les rues sans fin
On a l’ventre vide et le coeur meurtri
Et l’on crève de froid et de faim
Mais nous avons nos richesses malgré tout
Le vent du soir le printemps si doux
Tout ca c’est à nous.

Tant qu’il y aura des étoiles
Sous la voute des cieux
Y’aura dans la nuit sans voile
Du bonheur pour les gueux
Nous les gars sans fortune
Nous avons nos trésors
Seul un rayon de lune
Vaut le plus beau décor
Ici à la belle étoile
On s’ra toujours heureux
Tant qu’il y aura des étoiles
Sous la voute des cieux

Y’a pas de tapis en dessous des ponts
Ni de ciel de lit en soie
Mais il y a de l’air je vous en réponds
Et puis l’on s’y trouve chez soi
On est bercé pau la chanson du vent
On n’a pas chaud mais on fait pourtant
Des rêves enivrants

Xin cụ thông cảm, chương trình điện toán của chúng tôi không có dấu cédille cho chữ "c" và không đánh được dấu mũ cho chữ voute. Mấy bài hát kia xin khất đến các số báo sau.

Bài thơ cụ hỏi chúng tôi không biết. Có đi tìm và hỏi nhưng chưa được.

Ông Nguyễn Vị, Denver Colorado

Bài ông hỏi:

Vốn ở lâm tuyền đã bấy nay
Khi ra, dễ khiến thế gian say
Lung linh chính trực, mười phân thẳng
Dạ vẫn hư linh một tiết ngay
Ðộng sóng, tuôn mây khi chán miệng
Nghiêng trời lệnh đất, thuở buông tay
Dưới từ giã lục, trên đền đỏ
Ai chẳng quen hơi mến nết này

Hiện không ai biết tác giả tên là gì. Bài thơ tả cái xe điếu làm bằng trúc. Hai câu thực có những chữ được tổng thống Diệm dùng để tả cây trúc, biểu tượng của đệ nhất cộng hòa: tiết trực tâm hư. Hai câu luận cũng cho thấy hình ảnh cái xe điếu: thủy hỏa tương giao sôi sùng sục, cảnh nước ở trong điếu, lửa từ đóm. Nghiêng trời lệch đất là cảnh say thuốc lào. Giã lục là thứ dân; nền đỏ là chốn cao sang.

Hai câu Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng /xếp tàn y lại để dành hơi không phải của vua Dực Tôn, mà là của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều vua mượn tạm. Hai câu của Nguyễn Gia Thiều là đập mảnh gương ra tìm lấy bóng / xếp manh áo lại để dành hơi. Trần Danh Án dịch ra chữ Hán: Ðả phá lăng hoa tầm cựu ảnh / Trùng phong sam (khâm) tử hộ dư hương.

Liễu đứng ngồi trong câu thứ tư của bài Khóc Thị Bằng của Dực Tông lấy từ điển tam miên là ba giấc ngủ của một cây liễu trong vườn của vua Hán. Cây liễu này theo điển tích mỗi ngày ngủ ba lần, rồi lại dậy ba lần. Hình ảnh đó được dùng để nói về nỗi nhớ người cung phi của nhà vua: ngó ra ngõ, nhìn xuống sân chỉ thấy cây liễu dáng như người cung phi khi đứng, lúc ngồi.

Bác sĩ Nguyễn Ðức Tùng Falls Church, Virginia

Bác sĩ nên coi chừng mấy cô trình dược viên và những cái business cards của các cô nếu các cô nhất định giải thích MBA là Married But Available. Bà nhà biết được thì khổ bác sĩ.

Những cấp bằng khác cũng có thể đọc để mang những nghĩa rùng rợn không kém:

BA: Bachelor and Available

MA: Married but Available

Ph. D: Pushing Hard for a Divorce

Chỉ có bằng BS và MS là an toàn cho bác sĩ:

BS: Bull Shit

MS: More bull Shit

Ph. D: Piling Higher and Deeper

PEE PARK

Trong một bức hình của thông tấn xâ AFP, hai công dân Trung quốc đang thoải mái đứng cạnh một tấm bảng. Tươi cười thoải mái là phải. Có nguyên một cái công viên để làm chuyện phóng uế thì làm sao không vui cho được: PEE PARK.

Nếu muốn thu tiền đậu xe thì nhớ viết cho đúng là FEE PARK. Viết sai thành PEE thì tiền không thu được, chỉ có khai mùi nước đái thì khách Thế Vận Hội nào chịu nổi.

Trong đoạn tin của AFP , ở Trung quốc còn có những tấm bảng nguyên văn: PUBIC TOILET.

PUBIC là cái âm phụ, là cái gò đống ngổn ngang kéo lên (?) ở khu vực chiến lược phụ nữ. Ðàn bà ở Hoa lục kỳ cục quá là kỳ cục. Ai đời cái ấy (?) , cái âm phụ (pubic) cũng có nhà tiêu riêng nữa sao?
Muốn nói nhà tiêu công cộng thì phải thêm chữ "L" (?) vào mới được: PUBLIC. Thiếu "L" là phiền lắm.

Mấy năm trước, tấm bảng đồng gắn trên cổng tòa lãnh sự của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Miến Ðiện do người phụ trách mục Traveller’s Tales của tờ Far Eastern Economic Review chụp được cho thấy hàng chữ này được khắc ở trên: PEOPLE’S REPUBIC OF CHINA.

Lại thiếu chữ "L" để thành REPUBIC. Nhưng REPUBIC thì hơi vô lý. Tại sao lại phải có "RE" là lại, tái, lần nữa cho cái âm phụ này? Bộ một lần (?) chưa đủ sao?

Thiếu "L" là thành REPUBIC ngay.

Muốn thành Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thì phải có "L".

23-11-2007


Trả lời ông Nguyễn Tử Hạnh, Tampa, Florida

Bóp là danh từ mượn của tiếng Pháp. Nó còn được gọi là cái bóp tầm phơi, từ danh từ portefeuille của tiếng Pháp.

Danh từ "bóp da" mà ông hỏi trong thư là cái... ấy. Ðây là danh từ nghe thấy ở miền nam, không có ở miền bắc. Bóp ở miền bắc là ví.

Cái "bóp da" cùng nghĩa với cái "bằng cấp da":

Một cái bằng cấp da bằng ba cái bằng cấp giấy.

Nhưng các đại học ở Mỹ lại dùng da cừu (sheep skin) để viết tên sinh viên tốt nghiệp nên danh từ sheep skin trong tiếng Anh cũng có nghĩa là tấm văn bằng. Nhưng không nên gọi nó là bằng cấp da mặc dù nó là da thật.

Kẻ là tiếng cổ nghĩa là làng như trong Kẻ Sặt, Kẻ Noi, Kẻ Mơ...

Kẻ Chợ là tên cũ gọi Hà Nội.

Lệ Chi Viên là tên trang trại của Nguyễn Trãi, nơi vua Lê ghé lại và qua đời khiến Nguyễn Trãi bị oan mang tội giết vua.

Người Hoa tin rằng trái vải là tượng trưng cho phúc lợi, phát tài vì chữ "lệ" đọc lên nghe gần với chữ "lợi", trong khi quả lê thì kiêng vì lê đọc lên nghe gần với chữ "ly" như trong "ly biệt".

Ðào chữ Hán là quả đào, quả của cây đào, hoa mầu đỏ nở vào dịp tết:

Ðào hoa y cựu tiếu đông phong (hoa đào năm ngoái còn cười gió đông) thơ Thôi Hộ.

Trong tiếng Việt, đào là tiếng miền trung để gọi quả roi ở miền bắc và trái mận ở trong nam.

Cụ Trần Tuyển, Garden Grove, California

Bà Banh hay bà Ðanh?

Bà Banh tên là Ðặng Tần Anh người tỉnh Hà Tây là một phụ nữ dâm đãng nổi tiếng. Sau khi chết, dân làng tạc một pho tượng khỏa thân, nói là tượng của bà Banh. Bên cạnh pho tượng gỗ này có để một cái que bằng gỗ để dân làng hay khách đi qua cầm lên, thọc vào bộ phận kín của tượng để lấy hên.

Bà Ðanh là tên một phụ nữ lập lên ngôi chùa ở ngoại ô Hà Nội, làng Thụy Khuê. Chùa có từ thời nhà Lê. Ðầu thế kỷ 20, người Pháp xây một ngôi trường ở đây, có thể là trường Bưởi. Chùa bà Ðanh phải di chuyển đến Phúc Lâm, số người đến lễ chùa vắng đi rất nhiều nên có câu tục ngữ " Vắng như chùa bà Ðanh".

Những nhân vật khác mà cụ nêu tên như cô Ba Tí, cô Tư Hồng, bà Lang Trọc, bà Ðiểm, bà Hom... đều là những nhân vật có thật.

Bà Bầu không có công trạng gì hết ngoài việc mở cái quán dưới gốc một cây da. Ở Chợ Lớn có đường Da Bà Bầu gần sân vận động Cộng Hòa cắt ngang qua đường Triệu Ðà, Nguyễn Lâm và Nguyễn Kim. Ðường Da Bà Bầu nay là đường Nhựt Tảo, tên khúc sông Nguyễn Trung Trực đốt cháy một chiến hạm của Pháp.

Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn thị Hinh. Tên này không thường được nhắc tới, mà thường chỉ nhắc là bà Huyện Thanh Quan vì phu quân làm tri huyện ở Thanh Quan. Bà quê ở phường Nghi Tàm huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội. Chồng bà, ông tri huyện Thanh Quan tên là Lưu Nguyên Ôn, người làng Nguyệt Áng huyện Thanh Trì tỉnh Hà Ðông. Ông huyện qua đời năm 43 tuổi. Bà ở vậy nuôi con. Vua Minh Mạng vời bà vào cung làm cung trung giáo tập để dậy học cho các cung phi và công chúa. Bà để lại không nhiều thơ nhưng tất cả đều có giọng riêng, không thể lẫn vào của ai khác. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cho rằng thơ Thanh Quan hay nhất là hai câu cuối. Hai câu này luôn luôn trải ra một nỗi bâng khuâng, buồn nhưng lại rất thanh cao.

Cô Hoàng Thiên Kim, Santa Ana, California

Kì đà cản mũi có hai lối giải thích.

Kì đà là khúc ngã ba của sông nước chẩy siết làm tầu thuyền rất khó di chuyển.

Cách giải thích thứ hai là những người đi thuyền tin là thuyền đang đi mà một con kỳ đà lăn ra trước mũi thuyền là điềm không hay.

Kì đà cản mũi được dùng với nghĩa là ngăn cản việc làm hay dự tính của người khác một cách cố ý.

26-10-2007


Cô Thúy Hoa, Falls Church, Virginia

Tiêu tao là gì?

Tiêu có nhiều nghĩa, ở đây là vắng vẻ, tịch mịch. Tao là buồn bã.

Tiêu tao là buồn thảm:

Sá chi những bậc tiêu tao

Dột lòng mình cũng nao nao lòng người (Kiều)

Tao nhân là người văn chương, văn học. Nguyên chữ này gốc từ bài Ly Tao, một bài văn của Khuất Nguyên. Văn học cổ điển Trung quốc có một thể văn gọi là Tao. Từ đó, tao nhân nghĩa là ngừời văn học. Tao nhân thường đi với mặc khách. Mặc là mực. Mặc khách là người chữõ nghĩa, văn học.

Tiêu nhân không liên quan gì đến tao nhân. Tiêu ở đây là tối, đêm. Tiêu nhân là người đi đêm, kẻ trộm, cũng có nghĩa là tiểu nhân.

Tiêu tâm là lòng cây chuối. Cây chuối khi chặt ngọn vẫn sống, vẫn trổ bông, ra quả. Nghĩa bóng là lòng ác của người tiểu tâm khó mà trừ được.

Tại sao không gọi là hoa mà gọi là huê hay bông? Các chữ này có giống nhau không?

Hoa là chữ Hán. Bông là chữ Nôm. Gọi là bông hay huê thay vì hoa là để kiêng tên bà Hồ thị Hoa, vợ của vua Minh Mạng.

Thọ Xương hay Thọ Cương?

Ðộc giả Minh Ngọc ở New York cho biết Thọ Cương mới đúng. Thọ Xương là làng ở ngoại ô Hà Nội. Thọ Cương là một ngôi làng ở Huế. Thọ Cương bị đọc lầm thành Thọ Xương.

Nhưng theo giáo sư Bửu Biền trong cuốn Câu Hò Tiếng Hát Xứ Huế thì là Thọ Xương như chính cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị cũng có dẫn:

Gió đưa cành trúc là đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Thuyền về xuôi mái sông Hương
Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay
(trang 84)

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Calgary, Canada

Nam Phương Hoàng Hậu tên là Marie Thérèse Nguyễn Hữu thị Lan sinh tại Gò Công ngày 14 tháng 12 năm 1914 thuộc một gia đình giầu có. Bà còn có tên là Mariette khi theo học tại trường Couvent des Oiseaux ở Neilly-Sur-Seine từ năm 12 tuổi.

Bà đính hôn với vua Bảo Ðại ngày 9 tháng 3 năm 1934 ở Ðà Lạt và lễ thành hôn cử hành ngày 20 tháng 3 năm 1934 tại Huế.

Bà có với vua Bảo Ðại 5 con là Hoàng Tử Bảo Long (1936-2007); Công Chúa Phương Mai (1937); Công Chúa Phương Liên (1938); Công Chúa Phương Dung (1942) và Hoàng Tử Bảo Thắng (1943).

Nam Phương Hoàng Hậu sang Pháp sống với các con từ năm 1947 tại Chateau Thorens ở ngoại ô Cannes. Bà và vua Bảo Ðại ly thân năm 1955.

Nam Phương Hoàng Hậu qua đời ngày 16 tháng 9 năm 1963 vì bệnh tim tại Domaine de la Perche ở làng Chabrignac, Corrèze và được an táng tại nghĩa trang của làng.

Vua Bảo Ðại qua đời ngày30 tháng 7 năm 1997. Ngoài Nam Phương Hoàng Hậu, vua Bảo Ðại còn có 4 người vợ khác, trong đó có một phụ nữ người Pháp tên là Monique Baudot ở với ông cho đến lúc chết. Ông phong cho bà làm Thái Phương Hoàng Hậu. Bà Monique Baudot còn có tên là Vĩnh Thụy, tên của chính vua Bảo Ðại.

Ba người kia trong đó có một người là một phụ nữ trong hoàng tộc sinh cho ông một công chúa tên là Phương Thảo. Ông cưới bà Bùi Mộng Ðiệp năm 1955 có với ông hai con là Công Chúa Phương Minh (1949) và Hoàng Tử Bảo Ân (1953). Một phụ nữ người Hoa tên là Hoàng ông cưới năm 1946 không có con.

Ông cũng liên hệ vói một vũ nữ tên là Lý Lệ Hằng ở Hà Nội.

Cụ Chu Viễn, Garden Grove, California

Bài thơ tiếng Pháp cụ gửi cho đọc là bài Tặng Biệt của Ðỗ Mục:

Poème D’Adieu

Une grande passion ressemble à l’indifférence:
Devant la coupe muette, nul sourire ne vient aux lèvres.
C’est la bougie qui brule les affres de l’adieu:
Jusqu’au point du jour, pour nous, elle verse des larmes.

Chúng tôi tìm được hai bản dịch tiếng Anh xin gửi cụ để thấy bài thơ được hiểu không cùng một lối:

Love assumes the color of unlove
But at a farewell feast our smiles fail
Even the wax candle feels our sorrow
And at night sheds tears in honor of our separation

(Robert Payne)

How can a deep love seem deep love
How can it smile, at a farewell feast?
Even the candle, feeling our sadness
Weeps, as we do, all night long

(Witter Bynner)

Ðây là nguyên văn chữ Hán:

Tặng Biệt (kỳ nhị)

Ða tình khước tự tổng vô tình
Duy giác tôn tiền tiếu bất thành
Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt
Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh

Nghĩa tiếng Việt là đa tình mà lại như là vô tình; chỉ biết ngồi trước ly rượu không sao cười được; ngọn nến vì có lòng nên vẫn còn tiếc thương cho cuộc ly biệt đã thay người để nhỏ lệ cho đến lúc trời sáng.

Chúng tôi xin dịch thử sang lục bát:

Ða tình lại tựa vô tình
Nâng ly, mà vẫn lặng thinh chẳng cười
Nến kia nhỏ lệ thay người
Lòng còn sót đến lúc trời rạng đông

28-12-2007


Cụ Nguyễn Văn Sâm, Westminster, California

Ðồng ý hoàn toàn với cụ không thể là "út nữ " hay "út nam" vì "nữ" và "nam" là tiếng Hán trong khi "út" là tiếng Việt. Nôm Hán không thể đề huề như thế được. Tại sao không gọi là thứ nữ hay thứ nam, hoặc con gái út, con trai út?

Chuyện đề huề Hán Nôm xẩy ra đã nhiều. Nên thuần nhất là hơn. Hán thì Hán cả, Nôm thì Nôm hết.

Chia vui là những chữ không nên dùng. Niềm vui của hai họ trong dịp cưới xin thì tại sao lại san sẻ lấy bớt đi của gia đình tân lang và tân giai nhân? Phải góp vui, phải chung vui phải chúc mừng cho hai họ chứ.

Chỉ nên chia sẻ nếu đó là nỗi buồn. Chia buồn, góp vui.

Nhưng thưa cụ những thói quen đó khó đổi. Cũng như nhiều người vẫn nói xấu Chúa, đổ tội ác cho Chúa khi đăng báo "đau đớn báo tin" người thân trong gia đình "được (?) Chúa gọi về".

Không. Chúa không bao giờ ác như thế. Việc Chúa làm (gọi về) không nên đón nhận bằng những " đau" cùng " đớn".

Nhưng nhũng cáo phó trên báo vẫn tiếp tục viết như thế. Còn xúc phạm Chúa như thế cho đến bao giờ nữa?

Hai chữ "chia sẻ" là những chữ bị lạm dụng quá nhiều trong mấy năm qua. Có lẽ nay là lúc chúng ta cho hai chữ này nghỉ xả hơi vài năm chăng?

Một ông bán xe được một xướng ngôn viên yêu cầu "chia sẻ" những xe đang đậu tại hãng. Ông liền "chia sẻ" mười mấy cái Toyota, Honda. Chia sẻ như thế là nghĩa lý gì?

Một xướng ngôn viên khác thì cám ơn quí thính giả đã "chia sẻ" mấy tin buồn với cô. Ô hay, chúng tôi đang bắt đầu ngày mới, mong có được một ngày tử tế. Tại sao bắt chúng tôi "chia sẻ" những tin buồn của các gia đình chúng tôi không hề quen hay biết. Cáo phó là do chữ cáo nghĩa là báo cho biết; phó là tin về cái tang. Cáo phó là thông báo về sự ra đi của một người. Tại sao bắt người nghe "chia sẻ" cái tin không vui đó? Thông báo cho chúng tôi biết là đủ rồi. Nếu là quen biết với tang gia, chúng tôi sẽ đến để chia sẻ nỗi buồn đó với tang quyến. Nhưng nếu chúng tôi không quen biết thì tại sao lại mời chúng tôi "chia sẻ".

Mấy câu cụ hỏi thì xin trả lời chúng tôi cũng không biết tên tác giả:

Bất ẩm Thạch Hãn thủy
Bất thực Lương Quán kê
Bất giao Nguyệt Biều hữu
Bất thú Dạ Lê thê

Nhưng không làm những điều ấy thì không biết tác giả còn gì để vui sống trong đời này nữa. Cụ cho biết mấy câu trên đọc được từ những năm đầu của thập niên 50. Lúc ấy, người phụ trách mục này chưa biết thưởng thức mấy món ở quanh xứ Huế.

Cảm ơn cụ rất nhiều.

Nữ độc giả An Thau (?) Los Angeles

Tham quan có thể hiểu là đi thăm viếng, quan sát, đồng thời cũng có nghĩa là quan ăn hối lộ như cô viết trong thư.

Tham quan là quan lại tham nhũng. Cũng có khi nói là quan tham, lại nhũng.

Oan nghiệp và oan nghiệt là một. Cả hai đều nghĩa là oan trái và ác nghiệp.

Nghiệt là cái mầm làm ác, cái nguyên nhân làm ác. Nghiệt và nghiệp cùng nghĩa với nhau nên nghiệp chướng cũng còn có thể nói là nghiệt chướng.

Oan gia là người thù hằn. Tự điển Ðào Duy Anh ghi thêm tiếng Pháp là ennemi. Oan gia cũng có nghĩa là nhà bị những oan trái lâu đời.

Tuổi oan là tuổi của những người ra đời vào gần cuối năm cũ, bước sang năm mới đã bị tính là 2 tuổi trong khi chưa được một năm.

Oan ương hay uyên ương cùng là một.

Oan cầm là con chim bị oan uổng, tức là con chim Tinh Vệ. Tinh vệ, theo cổ tích Trung Hoa, là con gái vua Viêm Ðế chết đuối ngoài biển, hóa thành một giống chim nhỏ cứ tha đá ở núi Tây về lấp biển Ðông cho hả giận. Thành ngữ Tinh Vệ hàm (ngậm) thạch (đá) là do điển này mà ra.

Nhưng oan ương / uyên ương lại là tên của một giống chim khác: chim mái là ương, chim trống là oan. Giống chim này luôn luôn ở cạnh nhau, sống suốt đời với nhau. Vì thế, uyên ương thường được dùng để chỉ một cặp trai gái quấn quýt không rời nhau (trước khi ra toà), là cảnh vợ chồng thương nhau. Uyên ương thực ra chỉ là một giống vịt trời. Thiên nga cũng là giống chim một vợ một chồng.

Một điển khác thì lại nói oan ương là một giống ốc nhỏ. Một con là oan, con kia là ương. Bỏ hai con vào cái đĩa. Vắt chanh vào thì con oan kiếm con ương là dính vào nhau (cho chết chùm luôn).

Cả hai đều là những truyền thuyết, không có được bao nhiêu sự thật.

Dính như sam thì con nào lúc ấy (?) chẳng đeo, chẳng dính với nhau. Cứ gì phải là sam mới dính, mới đeo.

Khẩu nghiệp là chữ của nhà Phật là tội về lời nói ác độc do chữ khẩu là miệng và nghiệp là duyên kiếp sẵn từ trước.

Cám ơn đã hỏi những câu lý thú.

Ông Khoa Trần, Arlington, Virginia

Annus Horribilis là những chữ xuất hiện trong một diễn văn của nữ hoàng Anh Elizabeth đệ Nhị đọc năm 1992 nhân kỷ niệm 40 năm nữ hoàng lên ngôi. Trong bài này, có một câu nữ hoàng dùng để mô tả những khó khăn và đau đầu của hoàng gia nước Anh trong năm 1992: Năm 1992 không phải là năm tôi có thể vui mừng nhìn lại. Theo lời của một trong những nhà báo nhiều thiện cảm (với hoàng gia) thì năm qua là một năm kinh khủng (1992 is not a year on which I shall look back with undiluted pleasure. In the words of my more sympathetic correspondents, it has turned out to be an Annus Horribilis.)

Năm 1992 là năm hoàng tử Andrew và vợ là Sarah ly thân. Một số hình ảnh chụp Sara với bạn trai được phổ biến trên báo. Năm 1992, công chúa Anne ly dị chồng là Mark Phillips. Cũng trong năm 1992, cuộc hôn nhân giữa thái tử Charles và công nương Diana gặp rắc rối. Một cuộn băng thu tiếng Diana nói chuyện với bạn trai được phổ biến.

Lâu đài Windsor bị cháy, nữ hoàng phải trả thuế lần đầu tiên.

Annus trong tiếng La Tinh là năm. Horriblis nghĩa là ghê rợn, kinh khủng.

Ông nhớ viết Annus có 2 chữ "n". Viết với một chữ "n" trong thư của ông thì không phải là lời của nữ hoàng.

Chúng tôi đã hơn một lần nói về câu "xin quí vị một tràng pháo tay". Ðây là một câu nhục mạ khán thính giả và luôn cả ca sĩ vừa trình bầy bài hát.

Nhục mạ khán giả vì người xin một tràng pháo tay như muốn nói rằng các ông, các bà không biết thưởng thức nghệ thuật gì hết. Bài hát hay như vậy mà cứ ngồi đực ra hay sao? Vỗ tay đi chứ.

Nhục mạ nghệ sĩ trình diễn vì như thể muốn nói rằng các anh các chị hát dở quá, tôi phải xin quí khán giả cho một tràng pháo tay đấy nhá.

Nhục mạ cô dâu chú rể, hai họ vì phải xin một tràng pháo tay chứ để nguyên thì đừng có hòng được vỗ tay.

Nhưng đây là một câu nói quen miệng khó bỏ.

Tại sao không vỗ tay trước, mọi người sẽ vò tay theo ngay, không cần phải xin xỏ cho ai hết.

SỮA / SỬA - NỮ / NỬ

Ở Little Saigon có một tiệm sửa quần áo. Trên hai tấm bảng, một tấm viết là SỮA (dấu ngã) một tấm viết là SỬA (dấu hỏi). Một tấm viết NỬ (dấu hỏi), một tấm viết là NỮ (dấu ngã).

Ðúng là NỔI BUỒNG CHẮN TÃ.

30-11-2007


Trả lời ông Nguyễn Tử Hạnh, Tampa, Florida

Bóp là danh từ mượn của tiếng Pháp. Nó còn được gọi là cái bóp tầm phơi, từ danh từ portefeuille của tiếng Pháp.

Danh từ "bóp da" mà ông hỏi trong thư là cái... ấy. Ðây là danh từ nghe thấy ở miền nam, không có ở miền bắc. Bóp ở miền bắc là ví.

Cái "bóp da" cùng nghĩa với cái "bằng cấp da":

Một cái bằng cấp da bằng ba cái bằng cấp giấy.

Nhưng các đại học ở Mỹ lại dùng da cừu (sheep skin) để viết tên sinh viên tốt nghiệp nên danh từ sheep skin trong tiếng Anh cũng có nghĩa là tấm văn bằng. Nhưng không nên gọi nó là bằng cấp da mặc dù nó là da thật.

Kẻ là tiếng cổ nghĩa là làng như trong Kẻ Sặt, Kẻ Noi, Kẻ Mơ...

Kẻ Chợ là tên cũ gọi Hà Nội.

Lệ Chi Viên là tên trang trại của Nguyễn Trãi, nơi vua Lê ghé lại và qua đời khiến Nguyễn Trãi bị oan mang tội giết vua.

Người Hoa tin rằng trái vải là tượng trưng cho phúc lợi, phát tài vì chữ "lệ" đọc lên nghe gần với chữ "lợi", trong khi quả lê thì kiêng vì lê đọc lên nghe gần với chữ "ly" như trong "ly biệt".

Ðào chữ Hán là quả đào, quả của cây đào, hoa mầu đỏ nở vào dịp tết:

Ðào hoa y cựu tiếu đông phong (hoa đào năm ngoái còn cười gió đông) thơ Thôi Hộ.

Trong tiếng Việt, đào là tiếng miền trung để gọi quả roi ở miền bắc và trái mận ở trong nam.

Cụ Trần Tuyển, Garden Grove, California

Bà Banh hay bà Ðanh?

Bà Banh tên là Ðặng Tần Anh người tỉnh Hà Tây là một phụ nữ dâm đãng nổi tiếng. Sau khi chết, dân làng tạc một pho tượng khỏa thân, nói là tượng của bà Banh. Bên cạnh pho tượng gỗ này có để một cái que bằng gỗ để dân làng hay khách đi qua cầm lên, thọc vào bộ phận kín của tượng để lấy hên.

Bà Ðanh là tên một phụ nữ lập lên ngôi chùa ở ngoại ô Hà Nội, làng Thụy Khuê. Chùa có từ thời nhà Lê. Ðầu thế kỷ 20, người Pháp xây một ngôi trường ở đây, có thể là trường Bưởi. Chùa bà Ðanh phải di chuyển đến Phúc Lâm, số người đến lễ chùa vắng đi rất nhiều nên có câu tục ngữ " Vắng như chùa bà Ðanh".

Những nhân vật khác mà cụ nêu tên như cô Ba Tí, cô Tư Hồng, bà Lang Trọc, bà Ðiểm, bà Hom... đều là những nhân vật có thật.

Bà Bầu không có công trạng gì hết ngoài việc mở cái quán dưới gốc một cây da. Ở Chợ Lớn có đường Da Bà Bầu gần sân vận động Cộng Hòa cắt ngang qua đường Triệu Ðà, Nguyễn Lâm và Nguyễn Kim. Ðường Da Bà Bầu nay là đường Nhựt Tảo, tên khúc sông Nguyễn Trung Trực đốt cháy một chiến hạm của Pháp.

Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn thị Hinh. Tên này không thường được nhắc tới, mà thường chỉ nhắc là bà Huyện Thanh Quan vì phu quân làm tri huyện ở Thanh Quan. Bà quê ở phường Nghi Tàm huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội. Chồng bà, ông tri huyện Thanh Quan tên là Lưu Nguyên Ôn, người làng Nguyệt Áng huyện Thanh Trì tỉnh Hà Ðông. Ông huyện qua đời năm 43 tuổi. Bà ở vậy nuôi con. Vua Minh Mạng vời bà vào cung làm cung trung giáo tập để dậy học cho các cung phi và công chúa. Bà để lại không nhiều thơ nhưng tất cả đều có giọng riêng, không thể lẫn vào của ai khác. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc cho rằng thơ Thanh Quan hay nhất là hai câu cuối. Hai câu này luôn luôn trải ra một nỗi bâng khuâng, buồn nhưng lại rất thanh cao.

Cô Hoàng Thiên Kim, Santa Ana, California

Kì đà cản mũi có hai lối giải thích.

Kì đà là khúc ngã ba của sông nước chẩy siết làm tầu thuyền rất khó di chuyển.

Cách giải thích thứ hai là những người đi thuyền tin là thuyền đang đi mà một con kỳ đà lăn ra trước mũi thuyền là điềm không hay.

Kì đà cản mũi được dùng với nghĩa là ngăn cản việc làm hay dự tính của người khác một cách cố ý.