March 28, 2021

Thư Gửi Bạn Ta 1998

Hoa Thịnh Ðốn ngày 3 tháng 3 năm 1998

Bạn ta,

Ông cụ tôi là một nhà giáo. Thời trước thì phải gọi ông là thầy đồ. Mà thầy đồ thì phải có sách, như một câu trong bài đồng dao chúng ta đều biết, chỉ tiếc là vừa mới "thầy đồ có sách" câu hát tiếp theo lại hạ xuống ngay thành "thợ ngạch có dao, thợ rào có búa..." để cho ông ăn trộm (thợ ngạch) đi ngay đằng sau thầy đồ, nghe không có vẻ gì là tôn trọng ông thầy đồ cả.

"Thầy đồ có sách..." nên ông cụ tôi có rất nhiều sách. Tủ sách ấy sau tháng 5 năm 1975 không biết đã đi về đâu.

Ðó là điều tôi cứ thắc mắc mãi trong suốt những năm ở đây. Thỉnh thoảng cần một hai quyển sách mà tôi biết là có trong số sách của ông cụ tôi, tôi vẫn hình dung ra được chúng nằm ở đâu trong những cái tủ sách ở căn nhà đường Nguyễn Văn Học, Gia Ðịnh.

Tôi lớn lên cùng với chúng nên tôi biết chúng rất rõ. Những buổi trưa ở Hà Nội, trên căn gác của gia đình, tôi đã lén đi gặp Kinh Kha, thái tử Ðan, Vọi và Hiền, Loan với Dũng, An Tiêm và Phạm Thái, Trương Quỳnh Như... cùng những thứ mà ông vẫn nói là chưa thích hợp với đầu óc non nớt (?) và trong sáng (?) của tuổi lên 8, lên 9 của tôi lúc ấy. Ông không bao giờ biết rằng cái đầu đó không bao giờ non nớt và trong sáng cả nên nó chỉ tìm đọc cái thứ sách ông cấm ngặt ở trong nhà mà thôi.

Những tủ sách từ căn nhà ở đường Sinh Từ Hà Nội theo chúng tôi vào Sài Gòn, rồi càng ngày càng lớn thêm mãi. Nguyên một bộ báo Ngày Nay từ thuở ông học trường Bưởi, còn ký cái tên của ông ghép chung với tên một người thiếu nữ về sau trở thành mẹ chúng tôi. Cũng còn cả bộ sách bách khoa Britanica bề thế xếp trong tủ kính, các bộ Văn, Bách Khoa, Sáng Dội Miền Nam, Sinh Lực, Mùa Lúa Mới đầy đủ đóng bìa, chữ mạ vàng ở lưng...

Sau khi ra ở riêng, tôi vẫn hay trở lại lục những tủ sách đó để... bổ sung cho tủ sách của tôi lúc ấy cũng đã khá lớn. Thí dụ những quyển sách khó kiếm của Tự Lực Văn Ðoàn, những cuốn tự điển hình như... không còn ai cần nữa. Tuy thế, tủ sách của ông cụ tôi vẫn còn rất nhiều sách đáng giá mà tôi chưa dọn về nhà được.

Ðược cái là khi dọn sách như vậy, lương tâm người dọn sách lúc nào cũng trong sáng. Ðể lại cho con một rương đầy vàng cũng không bằng dạy cho nó một cuốn sách. Một danh nhân Trung Hoa đã nói như thế. Chỉ mới dạy cho con một cuốn sách đã là điều rất đáng quí rồi. Ðể cho nó lấy bớt sách của mình đi mang về nhà nó thì còn gì hay hơn và cao đẹp hơn.

Tháng 4 năm 1975, từ bên ngoài Việt Nam, tôi liên lạc về Sài Gòn nhờ thủ tiêu hết sách vở để tránh liên lụy cho người nhà. Ông ngoại, bà ngoại các cháu phải thuê người đến chở đi hơn mười chuyến xe ba gác mới hết. Những quyển sách thời đi học, những chiếc lá thuộc bài của người bạn kẹp vào gáy sách, những ghi chép về những sự quen biết, vài ngày sinh nhật, dăm cái địa chỉ bằng mật mã mà bố các ông Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng, trùm công an ghê gớm nhất Việt Nam Cộng sản, cũng không đọc nổi. Tất cả đi về đâu tôi không tưởng tượng ra nổi. Ai lại gói xôi, gói thuốc Bắc, bọc con cá bằng những tờ giấy xé từ những cuốn sách tiếng Anh của tôi. Vì thế, hy vọng chúng có thêm được một đời sống khác, phục vụ cho xã hội Việt Nam kể như không có.

Nhưng tủ sách của ông cụ tôi. Sách báo Việt ngữ in bằng những thứ giấy thấm nước, hiền lành hơn, quen thuộc hơn, không tạo những chú ý không cần thiết cho những người mua những gói xôi, con cá... chắc chắn có cơ hội phục vụ các gánh hàng rong ở Sài Gòn nhiều hơn.

Tôi vẫn tin như thế. Cho đến tối hôm thứ Bảy tuần trước, ở một tiệm ăn, một người đàn ông trẻ lại bàn của tôi, tự giới thiệu và cho biết anh vừa đi Việt Nam một chuyến, mua được rất nhiều sách. Anh cho biết đã mua được một số sách mới và một số sách cũ xuất bản trước năm 1975. Anh cho biết ở Sài Gòn có người giữ được toàn bộ báo Bách Khoa từ số đầu cho đến số cuối. Anh đi tìm người muốn mua để giới thiệu. Nhưng đó không phải là chi tiết lý thú nhất trong câu chuyện của anh. Anh cho biết đã mua được ở vỉa hè chợ sách cũ hai tập báo Bách Khoa, mỗi tập mười cuốn đóng bìa da. Cái tên mạ chữ vàng trên gáy khiến anh nhớ đến tôi. Anh nghĩ hai tập báo Bách Khoa có thể liên hệ với tôi. Anh hỏi tôi có liên hệ với hai tập báo đó không. Tôi xác nhận là có. Chúng được lấy ra từ những tủ sách của ông cụ tôi.

Và như thế, những cuốn sách trong tủ sách của ông cụ tôi ở căn nhà đường Nguyễn Văn Học đã đi một chuyến đi vượt ra khỏi tất cả mọi khả năng tưởng tượng của tôi.

Từ Gia Ðịnh, nó đi đến đâu trước, rồi những chuyến chuyển dời sau đó như thế nào, nó qua bao nhiêu tay người trong hơn hai thập niên vừa qua, làm sao nó đến tay người bán sách cũ, những bạn bè của nó ở đâu, bao nhiêu cuốn đi ra Bắc, bao nhiêu cuốn dùng để gói xôi, bao nhiêu cuốn bỏ mình trong ngọn lửa "phần thư"?

Tôi sẽ đi gặp lại người thanh niên này, xin anh cho mua lại hai tập báo ấy. Tôi sẽ đem sang Canada cho ông cụ tôi khi sang thăm cụ vào tháng tới. Tôi biết khi cầm lại hai tập báo, mở ra đọc lại những trang báo cũ, cụ bỗng sẽ thấy chiếc cửa sổ trong căn nhà em tôi trở thành chiếc cửa sổ quay sang hướng nam của căn nhà cũ, nơi một cây cau trổ bông thơm ngát ngang với tầm chiếc cửa sổ... buổi chiều tiếng chuông chùa của ngôi cổ tự phía sau chầm chậm rót đầy thinh không như trong những buổi chiều ở Gia Ðịnh hơn hai mươi năm trước. Bàn tay của ông sẽ lại đặt được đúng vào góc trang giấy ông đã từng đặt lên khi còn trẻ và khỏe mạnh của một thời bình yên hạnh phúc.

Tôi nghĩ đó sẽ là món quà quí cho một người già đang đau nặng ở Toronto...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 31 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Monica Lewinsky, cô sinh viên tập việc tại tòa Bạch Ốc mấy năm trước và hiện đang là nguyên nhân gây đau đầu cho tổng thống Clinton trông càng ngày càng "được" ra, không biết bạn có thấy điều đó không?

Những lần xuất hiện mới đây, người phụ nữ trẻ này không còn mặc những cái sundress lụng thụng như lúc vừa bị Evelyn Lieberman, bí thư của Hillary sợ hậu họa nên phát vãng, đưa ra khỏi tòa Bạch Ốc sang bộ quốc phòng nữa . Cô cũng không còn đội cái beret đen như lúc đứng trong sân sau tòa Bạch Ốc cùng với đám đông và được ông Clinton tình cờ (?) nhận ra, đứng lại ôm một cái để được truyền hình phát đi phát lại mãi và làm trò cười bất tận cho Jay Leno và David Letterman nữa.

Cô lại cũng không còn mặc những bộ jumpsuit như những lần đi ra, đi vào cái apartment ở cao ốc Watergate với mẹ nữa, mà quay sang mặc những bộ tailleur mầu pastel nhạt rất thích hợp với những người hơi mập một chút và cũng hợp với trận nóng dữ dội của mùa hè năm nay ở thủ đô.

Tôi tin là chính các luật sư của cô đã cố vấn cho cô về chuyện ăn mặc này trong cố gắng đưa ra một hình ảnh khác cho cô, hình ảnh của một phụ nữ đàng hoàng, tử tế, ngây thơ và khờ dại, bị lôi kéo vào những chuyện rắc rối vì sự ngây thơ và khờ dại đó. Nhất là mấy hôm trước, khi cô líu ríu đi theo luật sư của cô, sau khi quyết định ra khai hết trước đại bồi thẩm đoàn giữa một rừng máy ảnh và máy quay phim đang chĩa vào. Monica đầu cúi xuống, đi nhanh, có ý tránh né chứ không còn đứng lại diễn xuất trước ống kính như những lần trước.

Những bộ quần áo của Monica quả có làm nên chuyện thật chứ không phải lúc nào cũng cứ nhất định khăng khăng quần áo không làm nên thầy tu như người Pháp vẫn nói. Nếu được cố vấn ngay từ lúc đầu bởi hai luật sư này thì Monica có thể đã đỡ đi được rất nhiều vất vả từ sớm.

Nhưng người trông... được như vậy mà lại là một phụ nữ ở dơ can không nổi.

Monica Lewinsky chỉ biết diện quần, diện áo chứ chuyện giặt quần, giặt áo thì hình như lười lắm, không chịu làm thường xuyên.

Ðâu phải chỉ có đói và rách thì mới cần sạch và thơm. Không đói và không rách, vừa no, lại vừa lành lặn như Monica Lewinsky cũng vẫn cần phải sạch và thơm như thường. Muốn cho sạch và thơm thì phải năng giặt quần áo.

Quần áo làm bằng cotton thì mặc một lần phải mang giặt ngay. Những thứ không giặt máy được thì được quyền mặc vài ba lần nhưng phải giữ thật sạch. Dính bẩn thì phải giặt ngay. Ông chồng cũ gốc thợ nề của Elizabeth Taylor, khi hai người bỏ nhau, đã đòi được vợ trợ cấp luôn cả khoản giặt khô cho quần áo của chàng, mỗi tuần gần một ngàn đồng! Ít nhất cũng phải ở sạch như vậy.

Nhưng Monica thì không. Cái áo mầu xanh nước biển mà cô mặc trong một buổi đi gặp tổng thống Clinton, tức là khoảng hơn hai năm nay, theo văn phòng công tố, vẫn chưa được giặt. Công tố viên Starr đòi cô phải xuất trình để chuyển sang cho Văn Phòng Ðiều Tra Liên Bang tìm xem ông Clinton có để lại chút dấu tích nào không.

Monica, khi nói chuyện với Linda Tripp và bị Linda Tripp lén thu lại bằng cassette, cho biết ông Clinton có để lại dấu tích và cô sẽ không giặt nó để giữ mãi làm kỷ niệm.

"Một đêm nằm tựa thuyền rồng, còn hơn một kiếp ở trong thuyền chài" mà.

Chiếc áo xanh nước biển đó sau buổi gặp gỡ, được treo trong tủ áo ở căn apartment Watergate. Sau đó, nó được gửi lên New York từ mấy tháng nay cùng với đống quần áo của Marcia Lewis, mẹ của Monica.

Văn Phòng Ðiều Tra Liên Bang sẽ đưa chiếc áo của Monica vào phòng thí nghiệm để tìm xem có dấu vết của ông Clinton không, và nếu có, thì câu khẳng định mà ông Clinton đưa ra tại một đại học cách đây mấy tháng, "I did not have sex with that woman..." cần phải xét lại. Ông Clinton sẽ phải cung cấp mẫu nước bọt, máu... để FBI thử nghiệm xem DNA (deoxyribonucleic acid) trong máu, nước bọt của ông Clinton có giống những dấu tích tìm thấy trên chiếc áo mầu xanh của Monica hay không. Ðiều ác độc của DNA là ngay cả trong trường hợp chiếc áo được giặt khô hay được giữ trong những điều kiện không lý tưởng, thì nhiều năm sau, dấu tích và các chi tiết đặc biệt của DNA cũng vẫn còn nguyên, chỉ ngoại trừ trường hợp chiếc áo được giặt bằng thuốc tẩy.

Nếu DNA của ông Clinton giống DNA trên chiếc áo của Monica, thì ông Clinton sẽ không thể nói tôi có... thử nhưng không hít (I tried but did not inhale) như khi ông trả lời câu hỏi có hút cần sa không. Monica và marijuana (cần sa) rất khác nhau. Có thể thử marijuana nhưng không hít cũng được. Nhưng thử Monica thì hít hay không hít vẫn... như nhau.

Ông cũng không thể nói tôi có... gõ cửa, nhưng không bước vào được.

Ông cũng không thể nói rằng... DNA thì giống, nhưng không phải của ông được.

Nhưng ông có thể nói rằng ông mượn cái áo của Monica mặc thử, đi lại vài vòng trong phòng bầu dục. Cứ nhận mình mắc chứng travesty thích mặc quần áo phụ nữ và vì mượn áo của Monica mặc chơi nên có để lại chút DNA. Cứ nhận như thế là thoát.

Mà lại còn giúp giải thích tại sao một người đàn ông ở một mình mà thỉnh thoảng vẫn được Victoria's Secret gửi cho những quyển catalogue quảng cáo quần áo lót phụ nữ về tận nhà.

Thì người đàn ông ấy chỉ mở ra xem chơi thôi chứ có là thân chủ, khách hàng mua sắm mấy cái thứ ấy cho... đứa nào đâu.

Không chịu giặt quần áo nhiều khi cũng làm phiền nhau thật đấy chứ. ở bẩn tuy sống lâu như tục ngữ vẫn nói, nhưng ở bẩn, không chịu giặt có thể làm khổ nhau nhiều lắm.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 31 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Miền đông nước Mỹ đang bị một trận lạnh kinh hồn, và trận lạnh này có thể sẽ kéo thêm vài ba ngày nữa. Tối hôm qua, ở chỗ đậu xe, tôi gặp một người quen lâu ngày không gặp. Chúng tôi chào nhau và chia tay nhau ngay. Trước khi đi, người phụ nữ còn ngoái cổ nói lại với tôi: "Lạnh quá, teo luôn..."

Lời bình luận về thời tiết không có gì đáng nói ngoại trừ một chữ mà tôi nghĩ, khi dùng nó, nàng đã lấn đất giành dân của đàn ông Việt Nam hơi nhiều.

Ðó là chữ "teo". Tôi rất kinh ngạc khi chữ này được dùng bởi một phụ nữ vì từ lâu tôi vẫn nghĩ nó được dành riêng trong số những ngữ vựng của đàn ông Việt Nam.

Khi là động từ, teo có nghĩa là thu nhỏ lại, bé lại. ở hình thức tĩnh tự, teo nghĩa là nhót lại, co rút lại, còn rất nhỏ, là teo nhỏ và nhăn nheo, như định nghĩa tìm được trong mấy cuốn tự điển tiếng Việt mà tôi có. Nó xuất hiện đã cả trăm năm nay là ít. Nó đã có trong thơ của cụ Tam Nguyên. Chiếc thuyền câu của Yên Ðổ trên chiếc ao thu lạnh lẽo, nước trong veo thì bé lắm: bé tẻo teo.

Nhưng khi nói "Lạnh quá, teo luôn..." thì chữ teo đã đi sang một lối khác hoàn toàn. Nó không là... chiếc thuyền câu của Nguyễn Khuyến nữa. Từ Nguyễn Khuyến ra đi, chữ teo đã có thêm những nghĩa khác, không còn như trong bài Thu Ðiếu.

Teo thì vẫn là nhỏ, là thu nhỏ lại, co rút lại, nhưng người dùng nó dần dần đưa thêm vào một nghĩa mới. Ðó là sự thay đổi về thể tích, về tầm cỡ, về mức độ nhỏ lớn của một khu vực trong cơ thể do những ảnh hưởng về thời tiết hay những trạng thái của tâm lý đưa tới. Những đổi thay đó, chỉ thấy có nơi những người đàn ông.

Cái túi da đựng dịch hoàn của cơ thể người đàn ông, khi trời nóng, hay khi cơ thể có nhiệt độ cao, sẽ đàn ra, nở rộng, thả cho dịch hoàn trùng xuống, cách ly khỏi cơ thể để không bị nhiệt độ cao của cơ thể truyền sang khiến cho dịch hoàn bị lây cái nóng. Khi trời lạnh, cái túi da này co lại, kéo dịch hoàn lên sát vào cơ thể để nhận thêm được thân nhiệt cho ấm. Lý do là để cho những gì dịch hoàn sản xuất ra khỏi bị nhiệt độ nóng, lạnh làm chết. Ðó là hệ thống điều hòa nhiệt độ xưa nhất của thế giới. Hệ thống này chỉ có nơi cơ thể người đàn ông. Những đổi thay đó đã được quan sát, ghi nhận và đã được viết trong Kama Sutra, cuốn sách chỉ nam về tình yêu của Ấn Ðộ có từ hồi thế kỷ thứ 8.

Khi cái túi da co lại vì nhiệt độ bên ngoài giảm đi, người ta có cái cảm tưởng (sai lầm) là thể tích của một phần của cơ thể đã thay đổi, thể tích giảm, nhỏ lại, teo lại. Do đó, mới phát sinh ra lối nói trời lạnh quá, teo... luôn.

Khi nói "teo luôn", như đã thấy, nhất định người ta không nói tới sự co rút, thu nhỏ lại của đôi tai, cái mũi, bàn tay, bàn chân, hàm răng... Tất cả các bộ phận vừa kể - mà nam, phụ, lão, ấu đều có - không thay đổi thể tích, ba chiều, tầm cỡ... khi nhiệt độ hạ giảm vào lúc thời tiết lạnh giá. Sự thay đổi chỉ nhận được thấy nơi một khu vực trong cơ thể đàn ông. ở phụ nữ, không hề có chuyện đó. Do đó, phụ nữ không thể nói, như người bạn tôi: "Lạnh quá, teo luôn..." được. Chỉ có đàn ông mới được quyền nói câu đó khi đi kèm với những nhận xét về thời tiết.

Hay về một trạng thái tâm lý. Bởi lẽ sự sợ hãi cũng đưa tới những thay đổi tương tự cho bộ phận cơ thể nói ở trên.

Như vậy, khi thời tiết giảm nhiệt độ, khi một điều gây khủng hoảng cùng cực đưa tới những đổi thay cho một vùng trong cơ thể, thì phụ nữ không thể dùng động từ và tĩnh tự "teo". Chữ này được dành riêng cho đàn ông.

Thế còn phụ nữ thì sao? Theo hai thí dụ ở trang 1377 Việt Nam Tự Ðiển của Lê văn Ðức và Lê Ngọc Trụ thì chữ này cũng có thể có trong ngữ vựng của phụ nữ. Nhưng tình trạng đưa tới việc phải dùng động từ và tĩnh từ "teo" thì không phải là thời tiết hay những điều kinh hoàng. Theo hai nhà làm tự điển họ Lê thì yếu tố thời gian, tuổi tác mới đem lại tình trạng "teo riết" như thí dụ ở trang 1377. Nhưng bộ phận bị "teo riết" ấy, thì những người đàn ông lại không có, nên khi đưa ra những nhận định về yếu tố thời gian và tuổi tác, thì chữ "teo" chỉ có phụ nữ có quyền và có thể dùng được.

Sở dĩ tôi lôi chuyện này ra nói với bạn vì làm sao tôi có thể chạy theo người bạn nọ, giải thích dài dòng như trên. Vừa dài dòng mất thì giờ, vừa đi vào những khu vực khó nói của vấn đề. Chẳng lẽ đặt ra những câu hỏi về cơ thể học với một người chỉ vô tình, vội vã hay ẩu tả, dùng đại một tiếng trong mớ ngữ vựng của chúng ta mà phải đôi co ở chỗ đậu xe. Mà không nói ra thì tức không thể chịu được. Quyền lợi, chủ quyền bị xâm phạm thấy rõ.

Nhưng trong cái thế giới mà giải phẫu có thể làm được rất nhiều chuyện, biết đâu người quen của tôi lại hoàn toàn có quyền để nói, "Lạnh quá, teo luôn..." mà không một ai trong chúng ta được phép thắc mắc?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 30 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Ngoại trưởng Mỹ, bà Madeleine Albright có ông cụ thân sinh thật là hiền. Cụ ông Korbel là một nhà ngoại giao Tiệp Khắc. Năm 1938, khi Ðức chiếm Tiệp Khắc, cụ đưa gia đình sang Anh lánh nạn. Hết chiến tranh, gia đình trở lại Tiệp Khắc, thì năm 1948, sau khi cộng sản đảo chính cướp chính quyền ở Prague, gia đình lại phải chạy sang Mỹ lánh nạn cộng sản.

So với ông cụ tôi, cụ ông Korbel hiền hơn nhiều. Những trò tôi bị nghiêm cấm thì Madeleine Jana Korbel được cho làm thả cửa mặc dù nàng hơn tôi đúng bẩy tuổi.

Trong những trò bị cấm ngặt, có trò đặt và hát những lời nhảm nhí cho các bài hát là trò chơi thích thú nhất của chúng tôi.

Một bài hát mới được đưa lên trình bầy ở đài phát thanh, nếu được coi là hay, âm điệu dễ nhớ, hay lời ca mang đầy những lời mời gọi để được xuyên tạc, bóp méo, thì chỉ cần vài ngày sau là có ngay lời ca mới, không chính thức dĩ nhiên, nhưng rất dân gian và được phổ biến nhanh hết sức. Và một trong những nơi để sáng tác, tiếp nhận, phổ biến là những cái sân trường tiểu học.

Bài Dư Âm của Nguyễn văn Tý được đặt cho một lời khác để thành một cuộc gặp gỡ không mấy thân thiện của một con mèo và một con chó. Lời ca ví "anh" và "em" như con chó và con mèo này đã đem lại cho người hát mấy cái roi mây quắn đít và một bài đạo đức nào là phải ăn nói cho tử tế, không được xuyên tạc công trình nghệ thuật của một nghệ sĩ. Ấy là chưa nói đến nội dung của câu hát cải biến hoàn toàn không thích hợp với tâm hồn trong sáng của một đứa bé 8 tuổi.

Nhưng những lời hát không chính thức ấy lại có sức hấp dẫn lạ kỳ. Những nét hấp dẫn ấy làm quên rất nhanh chóng trận đòn roi mây, và ngay hôm sau, đi học về là đứa nhỏ mê hát bậy có ngay một đoạn lời ca khác để hát trong lúc chơi thơ thẩn một mình.

Bài Gió Mùa Xuân Tới của Hoàng Trọng được đổi thành những thắc mắc về một vài thứ trong một món phục sức ngay trong dịp tết năm 1953.

Bài Hè Veà của Hùng Lân sau khi cho "chạy qua phố Hàng Bông", còn cho biết thêm là tuy nóng, nhưng người sành điệu vẫn cẩn thận mặc một món trang phục ở bên trong, không hề "săng sú, săng sì" như đầu thập niên 70 ở Sài Gòn bao giờ...

Nhưng ở Hà Nội hồi ấy, những lời ca nhảm chưa hay được như khi chúng tôi vào Sài Gòn. Quanh quẩn thì cũng chỉ có mấy bài như Ngày Veà của Hoàng Giác, Mộng Chiều Xuân của Ngọc Bích, Tan Tác của Tu Mi, Ai Về Sông Tương của Thông Ðạt...

ở Sài Gòn, chúng tôi hát Lời Người Ra Ði của Trần Hoàn với những lời dặn dò cẩn thận của một người... ra đi nhắn người ở lại sau khi "đưa anh tận cuối đồi" thì "đừng có cúng, đừng làm gà, đừng mời thầy, đừng mời ai cả... em ơi..." Rõ ràng là những gởi gấm của một người cẩn thận về chi tiêu, lại không mê tín bậy bạ.

Bài Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng Thi Thơ cũng được đặt lời mới, vẽ ra một con người chu đáo khác. Người phụ nữ đi trên cầu Bông té xuống sông ướt quần bằng nylon thì được mời vào, đợi cho quần khô rồi mới đưa về... Lời không chính thức của bài này hay hơn cảnh người đàn ông được cô bạn đến thăm trong một buổi chiều mưa mùa đông giá lạnh, rét mướt mà chỉ biết đưa nàng ra cửa, cho nàng về một mình trong gió lạnh. Như thế mà vẫn còn dám "ước mơ một chiều thiếu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về" để... ở lại với chàng. Chàng khôn lắm nhưng không khéo chút nào. Ít nhất cũng phải "... vô đây em, đợi quần khô, anh sẽ đưa em về..." chứ!

Một bài ca rất được ưa chuộng của Lam Phương được sửa đi để kể lại một cuộc hò hẹn của hai công dân cao niên mỗi chiều ở bờ sông. Cái hay của lời ca này là nó quá đẹp. hai người nói với nhau, đem tâm tình hiến dâng cho nhau, rồi trong cơn hạnh phúc, "ôm nhau té lộn xuống sinh..." Thật là tuyệt.

Lam Phương còn có mấy bài hát khác bị xuyên tạc trong đó có bài thì được viết lại lời để bắt bẻ một phụ nữ vô ý di chuyển trong đêm tối, đã "đụng tui... sao nói tui đui?" bài thì trả lời ngay cho thắc mắc nếu "mộng không thành thì sao" của bài hát. Giải pháp một chai thuốc chuột được đưa ra ngay lập tức.

Vào Tết Trung Thu thì chúng tôi tường trình "má đòi đi tu... ba ở nhà ba khóc lu bù..."

Những lời ca hay như thế mà không được hát lên thì tuổi trẻ làm sao đầy đủ được. Nên... tuổi trẻ vẫn lén lút hát và dậy nhau hát như kiểu phổ biến văn chương chui samizdat ở Liên Xô trước đây bất kể mọi biện pháp cấm đoán và trừng phạt nghiêm khắc...

Bà Albright chắc không bị cấm đoán như tôi nên bà hát lời nhảm nhí thoải mái. Không những chỉ hát một mình, bà còn hát trước đám đông. Không những chỉ trước đám đông trong nước, mà đi hội nghị, bà lôi ra hát thoải mái.

Năm ngoái tại cuộc họp của Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á, khi bị thủ tướng Mã Lai Á nói vài lời phiền trách Hoa Kỳ rằng Tây phương đã tạo ra cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Á châu, ngoại trưởng Mỹ hát to: "Don't cry for me ASEANIES..." theo đúng điệu của bài hát Madonna hát trong phim Evita "...Don't cry for me Argentina..."

Và năm nay, cũng tại hội nghị ASEAN nhóm ở Manila, bà Albright lại nắm tay ngoại trưởng Nga Yevgeny Primakov và ngoại trưởng Tân Tây Lan Donald McKinnon hát một đoạn lời ca nhảm dùng nhạc điệu của bài America:

America's nobody's enemy

So why do you practice hegemony,

I want to know what you think of me

Look in your file at the KGB.

Như vậy, con nhà tử tế, làm đến ngoại trưởng của nước Mỹ cũng hay hát những lời ca xuyên tạc vậy mà tôi bị cấm suốt bao nhiêu năm nay, mãi gần đây mới dám hát trong buồng tắm.

Còn câu hỏi không biết khi tác phẩm bị lôi ra đặt cho cái lời nhảm nhí như thế, tác giả của bài ca có giận không, có buồn không, tôi có hỏi nhạc sĩ Hoàng Trọng cách đây mấy năm. Ông cho biết ông không bực bội gì vì ông nghĩ rằng bài hát của mình phải được phổ biến nhiều lắm mới được chiếu cố như vậy. Và chính ông cũng hát cái lời nhảm nhí đó trong khi phụ trách một ban nhạc tại một hộp đêm ở Hà Nội, bài Gió Mùa Xuân Tới.

Thế mà hồi ấy tôi bị cấm hát, lại còn bị đòn nữa thì oan uổng biết chừng nào.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 3 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Với phụ nữ, cục kim cương là... cục bạn thân thiết nhất trên đời. Người phụ nữ nói câu nổi tiếng này là người có không phải một, mà rất nhiều... cục bạn thiết: Elizabeth Taylor. Cô là người có khoảng vài vốc kim cương là ít.

Thế còn với đàn ông thì sao? Bạn thân thiết nhất của người đàn ông là gì? Theo người Anh, đó là con chó. Người Anh gọi nó là bạn thân nhất của người đàn ông: man's best friend.

Ðiều đó lại càng đúng ở thủ đô nước Mỹ. ở đây, muốn có bạn thì đi kiếm một con chó về mà nuôi. Ông Truman, tổng thống thứ 33 của nước Mỹ là người nói câu đó. Và người làm đúng theo lời khuyên của ông Truman, là ông Clinton.

Trong những lúc cô đơn nhất, ông Clinton vẫn có con Labrador mầu chocolat làm bạn, con chó ông đặt cho một cái tên mà bây giờ nghĩ lại, càng thấy đúng: Buddy. Buddy trong tiếng Anh - nguyên là butty, xuất hiện trong Anh ngữ khoảng năm 1852 - có nghĩa là bạn.

Trong chuyến đi nghỉ mát hồi tháng trước tại Martha's Vineyard, ông Clinton là người cô đơn nhất. Những bức ảnh chụp được trong mấy ngày đầu, người ta không thấy Hillary và Chelsea đâu, chỉ có hai thầy trò Buddy đi dạo với nhau.

Nhìn những bức ảnh đó, người ta thấy những con chó thật xứng đáng được coi là bạn tốt nhất của người, như câu nói cửa miệng của người Anh. Trong lúc cả nước Mỹ bực bội, chê trách ông Clinton, thì con chó của ông vẫn ở bên cạnh ông. Trong những lúc đi dạo ngoài bãi biển, đôi ba lần ra phố, lúc nào cũng chỉ có ông Clinton và con chó Buddy. Tuyệt nhiên không thấy Hillary đâu hết.

Hay ông Clinton đã bị đuổi ra ngoài ngủ với chó rồi? Có thể đúng. Suốt mấy ngày, đi đâu cũng chỉ có ông với nó. Ông lên Martha's Vineyard đúng vào dịp sinh nhật của ông. Ông năm mươi mấy chứ có lên năm đâu mà bị cho nằm với chó như mấy câu tục ngữ chúng ta vẫn đau khổ suốt trong những năm từ một tuổi đến mười tuổi. Nhưng ông bị đuổi ra ngủ với chó thật. Thật cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Nghĩa đen thì những bức ảnh đã cho thấy rất rõ. Chỉ có chó và người bên nhau suốt mấy ngày đầu của chuyến đi nghỉ mát.

Nghĩa bóng thì cũng hoàn toàn đúng, vì trong tiếng Anh, to be in the doghouse có nghĩa là bị ghét bỏ, bị thất sủng.

Ông Clinton trong mấy ngày giữa tháng 8, sau khi lên truyền hình thú nhận là có lừa dối vợ, có liên hệ bất chính với Monica thì nhất định phải bị vợ thất sủng. Không tránh được. Bị đẩy ra ở với chó là đúng.

Thế là không còn lên năm nữa, ông Clinton vẫn bị bắt nằm với chó như thường.

Nhưng vắng mặt một cách đáng đặt câu hỏi là con mèo Socks. Con mèo nhị thể này ở đâu trong những ngày này? Thực ra sự vắng mặt của nó cũng không phải là chuyện lạ. Loài mèo, hễ nhà có chuyện là nó biến mất. Chỉ khi nào đói ăn thì lẻn về, giả bộ yêu thương chủ lắm bằng cách cạ cạ mấy cái vào chân. Ăn xong là trốn biệt, không cách nào tìm ra được.

Mà cũng có thể bà chủ nhà đuổi con mèo Socks vô tích sự này đi cho khuất mắt trong những hôm nhà có chuyện như thế. Hơn nữa có ghét chồng, thì đuổi ra ngủ với chó cũng được rồi. Ðuổi ra ngủ ở nhà mèo thì phiền lắm.

Thí dụ hét lớn bằng tiếng... Việt rằng: "Anh cút đi, đi ngủ với mèo đi... lại nhà mèo mà ngủ đi... đi với mèo đi cho tôi khỏi phải nhìn thấy cái bản mặt của anh nữa..." Hét như vậy rồi chàng cứ hiểu đúng như thế mà thi hành thì không được.

Ấy là quát tháo bằng tiếng Việt. Quay ra hét lên đùng đùng bằng tiếng Anh cũng lại không được nốt. Thí dụ chống tay vào cạnh sườn nói rằng: "You go to the cat house!" thì cũng lại hỏng bét.

Hỏng bét chẳng phải vì cái... nhà mèo nhỏ quá, chỉ vừa cho con Socks đi ra đi vào, mà vì cat house trong tiếng Anh, thứ tiếng mà ông và bà Clinton đều dùng để nói với nhau, là cái ổ điếm, là cái nhà chứa, là cái nhà thổ (a house of prostitution, Webster's New World Dictionary ấn bản 1976 trang 225)

Ðuổi đi cái... nhà mèo nào cũng không được cả.

Mà đuổi chồng ra chuồng chó ngủ cũng lại càng không được. Nếu hai chữ "chuồng chó" được viết hoa như một địa danh ở gần Sài Gòn trước kia. Nhưng khi nói, thì ai mà biết được là viết hoa hay không viết hoa.

Do đó, con mèo Socks bị đuổi đi vài bữa. Con Buddy được giữ lại, cho đi lên Martha's Vineyard để... nghỉ mát cùng với ông chủ của nó.

Lên năm mươi mấy mà vẫn bị cho nằm với chó là thế.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 30 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Gay Talese, tác giả của Honor Thy Father, My Neighbor's Wife và khoảng hơn một chục cuốn sách khác mới đây có nói một câu mà tôi nghĩ mãi không biết nếu có ai bắt dịch sang tiếng Việt thì phải dịch như thế nào.

Tháng tới, tại thủ đô Hoa Kỳ, hội những người Mỹ gốc Ý sẽ tổ chức một dạ tiệc để mừng những tên tuổi đã có những đóng góp cho đời sống của nước Mỹ. Trong số những tên tuổi đó, có Gay Talese. Nhà văn Mỹ gốc Ý này đang viết một cuốn hồi ký đề cập rất nhiều đến cái chất đàn ông và khía cạnh tình dục của đời sống. Ông sẽ được xếp ngồi cùng bàn với ông Clinton, khách danh dự của buổi dạ tiệc. Gay Talese nói với tờ Washington Post rằng tại bàn tiệc, ông sẽ quan sát ông Clinton rất kỹ vì lẽ ông Clinton có rất nhiều điểm mà cuốn hồi ký của ông cũng có nhắc tới. Rồi ông đưa ra cái nhận định mà tôi nghĩ mãi không sao dịch sang tiếng Việt được một cách suôi tai.

Chữ nghĩa của các nhà văn thường vẫn không giống chữ nghĩa của những người thường. Mà lại là nhà văn viết bằng tiếng Anh, cái thứ tiếng chúng ta ăn nhờ, ở đậu mấy chục năm nay mà vẫn bị nó coi là ngồi ngoài, thì những người như Gay Talese lại càng làm người đọc như tôi hết sức vất vả.

Tiếng Anh có cái cách tạo thành những chữ mới bằng những tiếp đầu ngữ, tiếp vĩ ngữ mà tiếng Việt của chúng ta không cách nào chạy theo kịp.

Gay Talese nói rằng ông Clinton là "the most penile president we have ever had."

Tôi hiểu tất cả những chữ trong câu nói của ông. Chỉ không biết dịch như thế nào sang tiếng Việt nghe cho thuận mà thôi.

Penile là tĩnh từ, do danh từ penis mà ra. Gay Talese nói ông Clinton là tổng thống penile nhất mà Hoa Kỳ đã có.

Tiếng Việt không có tĩnh từ tương đương với penile của tiếng Anh. Từ cái danh từ chúng ta có để chỉ bộ phận ấy của cơ thể, chúng ta không thể thêm một tiếp vĩ ngữ hay tiếp đầu ngữ vào để có được tĩnh từ để mô tả, hay nói là mang đặc tính hay thuộc về, hay liên quan đến... danh từ ấy như chữ penile của tiếng Anh.

Ông Clinton thích chuyện ấy. Ông đang vất vả vì những chuyện ấy. Chuyện ấy lôi, kéo đời sống của ông đi về những chiều hướng mà ông không sao kiểm soát được.

Cái người mà Gay Talese mô tả là penile ấy có thể là kiểu người mà tục ngữ Việt Nam cũng có nói:

Trâu lấy thừng mà dắt, người nắm ... mà lôi

Muốn cho con trâu đi đâu, về nhà, ra ruộng, xuống ao, ra ngoài đồng, thì cứ lấy sợi dây thừng buộc ở mũi nó mà kéo, nó sẽ ngoan ngoãn đi theo. Còn người ta, thì cầm, nắm cái ... tay (?) mà lôi là nó đi theo ngay.

Người đàn ông liều lĩnh, ham thích, để cho cái chuyện ấy nó quyết định mọi việc trong đời sống, chỉ nghe theo lời réo gọi của nó, chỉ vâng theo những đòi hỏi của nó, thì là người mà Gay Talese mô tả là penile. Ông Clinton là hàng siêu nên Gay Talese gọi là the most penile.

Nhưng dịch thế nào cho gọn bây giờ?

Ông Clinton là tổng thống ... nhất.

Nghe không được chút nào. Danh từ chỉ bộ phận ấy không thể đặt đại vào chỗ những dấu chấm để biến nó thành tĩnh từ như trong một số trường hợp của tiếng Anh được.

Trong tiếng Việt, đem cái tĩnh từ chế từ cái danh từ chỉ cái bộ phận ấy mà mô tả ông Clinton thì thất lễ vô cùng. Trong khi nói bằng Anh ngữ, cái tĩnh từ penile ấy nó chỉ là... penile. Không hề mang bất cứ một ý nghĩa tục tĩu nào.

Trong tiếng Việt thì khác.

Chắc tôi sẽ phải dịch là: "Ông Clinton là tổng thống... ấy nhất mà nước Mỹ đã có."

"Ấy" là chữ tuyệt vời. Cứ đặt nó vào đó là chúng ta tha hồ hiểu, thoải mái.

Chỉ tội cho ông Clinton. Cực ơi là cực suốt mấy tháng mùa hè năm nay. Từ bài nói chuyện hôm 17 tháng 8 đến vụ quốc hội hai tuần trước quyết định phổ biến nguyên văn phúc trình của ông Starr, rồi lại cuộn băng video.

Tất cả đều diễn ra trong hai cái tháng nóng kinh hồn ở miền đông bắc Hoa Kỳ. Hai tháng không một giọt mưa. Chỉ toàn là nắng.

Cực cho Ông Clinton vô cùng.

Ông bị nắng làm cho cực nhất nước Mỹ. Nhà văn Gay Talese chắc cũng đồng ý với điều đó.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 3 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Khi viết câu Kiều 1268 cụ Nguyễn nghĩ gì? Tại sao cụ đảo ngược hai chữ đã rất quen thuộc vào thời ấy, và bây giờ, hai chữ ấy cũng lại vẫn chỉ theo thứ tự của trước thời cụ viết truyện Kiều? Tại sao sau cụ không ai dùng chúng với cái thứ tự mà cụ đặt ra nữa?

"... Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng..."

Tôi không nghĩ cụ... dở đến độ bí vần quá, phải đảo ngược "hoàng hôn" thành "hôn hoàng" để vần với chữ cuối của câu dưới (lần lần thỏ bạc, ác vàng...)

Câu 1268 nằm trong một đoạn bi thảm nhất của Truyện Kiều. Ðó là đoạn sau lúc Kiều nghe lời Sở Khanh bỏ trốn và bị bắt đưa trở về thanh lâu, bị Tú Bà đánh đập tàn nhẫn, đành phải buông cuộc đời cho số kiếp tệ mạt. Trong cảnh sống nhục nhã đó, Kiều "vui gượng kẻo là", tâm hồn luôn nhớ về đời sống cũ, mối tình đầu, "chín chữ cao sâu", "sân hòe" , "nguyện ước ba sinh", "cành xuân" ở Chương Ðài...

Kiều sống vật vờ trong nỗi đau sót của thân phận lưu lạc, ngày nào cũng tệ mạt bướm ong, Tràng Khanh, Tống Ngọc, lá gió cành chim hệt như ngày nào. Buổi chiều tiếp nối sang buổi sáng, rồi lại buổi chiều nữa.

Thời gian buổi chiều là lúc nhớ nhà nhiều nhất. Buổi chiều, nắng vàng của lúc ngày sắp đi. Buổi chiều ngồi bên "song sa" một mình "vò võ phương trời". Quê hương ở một phương trời xa không thấy đâu dưới những tầng mây. Hoàng hôn. Mầu vàng của buổi chiều sắp tối. Hoàng hôn của hôm nay sắp đi thì hoàng hôn của ngày mai lại sắp tới. Hôm nay hoàng hôn. Ngày mai lại một hoàng hôn nữa. Sự tiếp nối vô vị và tẻ nhạt của những ngày tháng nhục nhã thể xác, đau đớn tâm hồn cứ kéo dài mãi không biết đến bao giờ mới dứt.

Cụ Nguyễn muốn nói lên bằng ấy thứ. Nhưng cụ phải gói tất cả vào một câu tám chữ đi theo sau câu sáu ở trên (song sa vò võ phương trời). Cụ đem được thời gian để ngồi nhớ nhà vào câu kế tiếp: buổi chiều. Cụ không dùng hai chữ "buổi chiều" mà dùng mầu vàng của chút nắng còn lại cuối ngày. Cụ dùng hai chữ "hoàng hôn". Cụ muốn nói tới nhiều buổi chiều khác giống hệt như thế sẽ còn tàn tạ bên song cửa mỗi lúc cuối ngày trong cuộc sống hết sức buồn nản và thê thảm của Kiều. Cụ muốn nói tới nhiều buổi hoàng hôn khác cũng sẽ đến, sẽ đi qua song cửa nơi Kiều ngồi mỗi buổi chiều sắp tối.

Làm thế nào để nói điều đó? Cụ chỉ còn đúng năm chữ của câu tám sau khi đã dùng hết ba chữ "Nay hoàng hôn." Cụ muốn nhắc lại những hoàng hôn sắp tới, sắp đi qua đời Kiều. Không thể viết "Nay hoàng hôn lại ngày mai hoàng hôn". Không thể hai lần "hoàng hôn" trong một câu. Vừa điệp ngữ vừa tầm thường.

Cụ Nguyễn chắc cũng phải loay hoay ỏ khúc này một lúc. Không thể nhắc lại "hoàng hôn" một lần nữa. Mà cũng không thể thay "hoàng hôn" bằng "buổi chiều""Buổi chiều" cùng nghĩa với "hoàng hôn" nhưng là chữ Nôm. Sự nhắc lại nhàm chán của những ngày tháng buồn nản của Kiều không thể diễn tả được nếu dùng hai chữ "buổi chiều" ở đây.

Thì bỗng nhiên, "hoàng hôn" được kéo ra, lật trở lại để thành "hôn hoàng". Tiếng Việt cuối thời Tây Sơn và đầu Nguyễn không ai nói như thế. Phóng túng lắm như Chiêu Hổ, như Phạm Thái cũng không dám làm mới ngôn ngữ như thế.

Tại sao lại không thể dùng lại hình ảnh của chiều vàng, cho đổi thay một chút ít, một chút ít nhưng vẫn còn nguyên là những buổi chiều nhàm chán, không có gì mới, không có gì thay đổi khi hoán chuyển vị trí của hai chữ "hoàng hôn"?

Và do đó, cụ Nguyễn đưa "hôn hoàng" vào để tiếp nối sau "hoàng hôn". Hoàng hôn của ngày hôm nay "Nay hoàng hôn..." chưa dứt, thì đã lại được tiếp nối ngay bằng một hoàng hôn của một ngày kế tiếp sau đó.

"... đã lại mai" là nói lên sự thúc bách, dồn dập, dắt díu đi liền sát của những buổi chiều. Và chỉ những buổi chiều, thời gian ngồi kiểm điểm lại những chuyện xẩy ra trong ngày, để lục lọi trí nhớ tìm lại những hình ảnh của cuộc đời cũ. cách diễn tả rất mới, không thường thấy trong cú pháp tiếng Việt của thời đó.

HOÀNG HÔN của hôm NAY chưa ra đi, thì HOÀNG HÔN của ngày MAI ÐÃ LẠI đến. Nói hay viết bằng văn xuôi thì phải như thế. Người làm thơ như cụ Nguyễn thì phải bỏ bớt một số chữ, chỉ giữ lại đúng tám chữ HOÀNG HÔN NAY HOÀNG HÔN MAI ÐÃ LẠI.

Cụ có thể viết ngắn lại thành NAY HOÀNG HÔN MAI ÐÃ LẠI HOÀNG HÔN. Như thế cũng đã là mới lắm.

Nhưng bởi cụ không giống những phàm nhân như bạn, như tôi, nên cụ tiến thêm một bước nữa: đảo ngược HOÀNG HÔN thành HÔN HOÀNG như chúng ta đã thấy.

Ðã thấy một câu không phải là thơ: "Nay hoàng hôn đã lại mai hoàng hôn." Và thấy câu kia là thơ: "Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng."

"Hôn hoàng" là thơ. "Hoàng hôn" thì không phải là thơ.

Nhưng chỉ thấy thôi mà không nhìn ra được cái đắn đo, băn khoăn, so tính của cụ Nguyễn cũng là thiếu sót đối với cụ. Nên thỉnh thoảng cũng phải lôi cái khó của cụ ra nói chơi cho cụ đỡ buồn, để cụ biết rằng chuyện đoạn trường của cụ khi viết những câu lục bát đó ít nhất cũng có vài ba đứa hậu sinh, tuy không khóc cụ, vì chưa đủ ba trăm năm, chưa "tam bách dư niên hậu," nhưng cũng cảm thông chút ít những khổ công của cụ.

Và tại như thế mới có lý để lôi câu 1268 của cụ ra nói với bạn ngày hôm nay.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 31 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Nếu cái mũi của Cleopatre ngắn hơn một chút thì mọi chuyện trên trái đất này đã thay đổi rất nhiều. Người ta hay lôi câu nói này của Pascal ra để giải thích cho những chuyện xẩy ra trong đời của chúng ta hay cho lịch sử của đất nước chúng ta, như André Maurois đã viết trong một lá thư gửi người phụ nữ không quen (Lettres à L'Inconnue.) Nhưng nhiều khi nó cũng chẳng hẳn là như thế. Cái mũi Cleopatre có dài hơn hay ngắn hơn, thì nàng vẫn bị rắn cắn chết, vẫn mê hai ba ông tướng La Mã, vẫn để lại một nước Ai Cập bên bờ sông Nile.

Cái mũi khoằm của Wellington, Thiết Quận Công (the Iron Duke), người cùng với tướng Blucher của Phổ đánh cho Napoleon một trận tan tác ở Waterloo có bớt khoằm thì chắc cục diện Âu châu ngày nay cũng đến thế này là cùng.

Cái mũi chẳng nhằm nhò gì như ngươì ta vẫn nghĩ. Nhưng nếu nó đổi khác đi một chút, dài hơn, ngắn hơn, nhọn hơn, khoằm hơn, huyếch hơn thì có thể trông nó đỡ xấu hơn, thế thôi.

Mà chuyện làm đẹp cho mình, là một việc làm rất thường ở Mỹ, như người ta sửa sang cho cái nhà cái cửa vậy. Cái nhà có vài điểm không đẹp mắt, chúng ta đem sửa ngay, vậy thì tại sao, khi không đồng ý với công trình của mấy bàn tay của các bà mụ nặn cái mũi, thì tại sao không đi sửa cho khỏi phải khổ đau như người phụ nữ bạn thân của Monica là Linda Tripp, đến nỗi phải ra trước truyền hình nghẹn ngào nói cho cả nước biết về chuyện vài ba đường nét trên khuôn mặt của nàng bị báo chí lôi ra đùa giỡn suốt mấy tháng trời?

Paul Anka bị Diana chê không phải vì tuổi nhỏ hơn như bài hát vẫn nói - I'm so young and you're so old / this, my darling I've been told... - mà là vì cái mũi của chàng quá to. Thành công với mấy bài hát, chàng đi sửa cái mũi cho nhỏ bớt lại. Lúc ấy Diana đã vác đàn sang thuyền khác, mặc Paul Anka hát một mình với cái mũi nhỏ hơn.

Chỉ có cái thứ hung hăng, tự cao tự đại như Barbra Streisand mới để nguyên một cái mũi xấu như thế để đi khắp nơi cả mấy chục năm nay.

Vậy nên khi Paula Corbin Jones nhờ dao kéo của một chuyên gia thẩm mỹ ở New York để chỉnh trang lại cái mũi của cô, tôi thấy không có gì phải nói ồn ào như báo chí ở đây. Phí tổn gần mười ngàn Mỹ kim được một người dấu tên thanh toán. Chi tiết đó lại càng khiến cho người ta không được quyền thắc mắc về cái mũi mới của Paula. Paula Jones, người phụ nữ kiện ông Clinton về tội sách nhiễu tình dục, không hề vét tiền trong trương mục tiết kiệm ra, bắt chồng con nhịn ăn, nhịn mặc để làm việc đó. Một người khác đứng ra trả cho cô phí tổn làm đẹp. Vậy thì tại sao lại không làm?

Paula đã có thể khoe cái mũi mới của cô với Barbara Walters của hệ thống truyền hình ABC từ hơn hai tuần trước.

Có điều Paula làm việc đó hơi muộn. Hay nói đúng hơn là vị mạnh thường quân quyết định giúp Paula hơi muộn. Sau khi cả thế giới khổ tâm về cái mũi của Paula Jones, và sau khi thế giới nghi ngờ con mắt thẩm mỹ của ông Clinton từ mấy năm nay khi phải nhìn người phụ nữ với cái mũi đó đứng trước báo chí, tố cáo ông Clinton sách nhiễu tình dục cô ở cái khách sạn tại Little Rock...

Ông Clinton lúc ấy đang là thống đốc của tiểu bang Arkansas chứ ông có đang kẹt trên hoang đảo sau chuyến đắm tầu mười mấy năm trước đâu, còn Paula cũng nào có phải là vừa lóp ngóp lội từ dưới biển lên đâu mà ông phải làm như thế? Mà dẫu cho ông có đắm tầu, ở một mình trên hoang đảo mười năm, trông thấy cái mũi ấy, hàm răng ấy, mái tóc ấy, đáng lẽ ông phải bơi ngay sang đảo bên cạnh, băng qua cái eo biển để qua một hòn đảo khác, nhường cho nàng hòn đảo ông đang ở, dẫu cho biển có đầy cá mập đói khát thì cũng vẫn cứ phải làm chứ. Tại sao phải liều lĩnh, dại dột và dễ tính quá như vậy?

Nhưng Paula Corbin Jones bây giờ đã có cái mũi mới, hàm răng mới và mái tóc mới, và trông nàng không còn giống những mô tả của James Carville, cố vấn của ông Clinton nữa. Nàng không còn cái vẻ mà James Carville gọi là "rác rến của khu nhà mobile homes" nữa. Nếu đợi đến bây giờ Paula Corbin Jones mới kiện ông Clinton thì đỡ cho ông Clinton biết mấy. Ông sẽ không bị coi là thiếu cảm quan nghệ thuật. Ít ra cũng có một nỗ lực lựa chọn, và Hillary cũng không thấy bị lăng mạ quá đáng.

Nếu bây giờ Paula mới kiện, thì ông Clinton, theo David Letterman của chương trình Late Show, lại đỡ khổ hơn nhiều. Ông sẽ có thể nói, và mọi người sẽ tin ông ngay, rằng ông thành thật không thể nhận ra được người đàn bà ấy nữa. Ông không hề biết nàng bao giờ...

Như vậy thì Pascal có lý hay sao? Nếu cái mũi của Paula ngắn hơn một chút, thì đời ông Clinton có thể đã có những đổi khác chăng?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 30 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Bài hát ấy tôi chỉ được nghe chừng vài ba lần ở Hà Nội, trong một lớp nhạc ở phố Cửa Nam, trên gác căn nhà ngó sang một góc của Hỏa Lò, phố Hàng Bông Thợ Nhuộm ở một bên.

Tôi tới học mỗi buổi chiều sau khi tan học ở trường Sinh Từ. Có lẽ nói là tôi "bị" cho học đàn thì đúng hơn. Những đầu ngón tay nhỏ phải lâu lắm mới quen được những sợi dây đàn bằng thép và cái cần đàn thì quá dài với cánh tay của một đứa bé mới học lớp ba tiểu học. Những sợi dây đàn ấy về mùa đông lại càng cứa mạnh hơn vào những đầu ngón tay của tôi.

Phần thưởng duy nhất trong những buổi học đàn hãi hùng đó, là khi một thiếu nữ đến lớp tập hát với người nhạc sĩ. Lúc ấy, bài học của tôi đã xong. Trong lúc ngồi chờ người nhà lại đón, tôi được nghe cô hát. Tôi không biết tên của cô. Tôi đoán cô chừng 17 hay 18 gì đó, và rất đẹp. Cô tập hát suốt mấy tuần một ca khúc mà sau đó, tôi ít khi được nghe lại. Nhưng đoạn đầu của bài hát vẫn có một chỗ trong trí nhớ. Suốt hơn 40 năm, 45 năm thì đúng hơn, bài hát ấy thỉnh thoảng lại trở về. Người thiếu nữ mà tôi nghĩ là rất xinh đẹp ấy, cái áo len mầu đỏ mặc ra ngoài chiếc áo dài, giọng hát xào xạc nhẹ như tiếng của một cơn gió, đôi guốc gỗ, bàn chân trắng gót đỏ khi leo lên những bậc thang lúc tôi ngồi ở cái ghế gần chuồng chuột bạch ở sát cửa vẫn còn là những hình ảnh rõ nét, đen trắng như một giấc mơ.

Buổi chiều về, sau lớp nhạc, tôi được dẫn đi ngang một con đường cỏ mọc, những bông hoa dại mầu tím, và mỗi lần như thế, tôi lại thấy đoạn đầu của bài hát vang lên như có người hát ngay bên cạnh:

Tôi nhớ một ngày xa xôi chớm thu

Em đến thăm tôi một chiều khi nắng tàn

Cỏ hoa dường như khoe sắc thắm

Nghiêng nghiêng đón gót người đi

Yêu đương dâng sóng tình mến...

Tôi chỉ nhớ được đúng đoạn lời ca đầu đó. Những năm sau, khi đã lớn, có nhiều lần tôi đi kiếm bài hát ấy, bài hát tôi không biết tựa và cũng không biết tên tác giả. Hát lên những câu tôi nhớ được và hỏi rất nhiều người mà vẫn không ai biết ca khúc viết về chuyến đi thăm của người phụ nữ và những hình ảnh cực kỳ lãng mạn, cực kỳ thơ đó. Cả những người biết và thuộc rất nhiều nhạc Việt Nam cũng không ai biết và thuộc được toàn bài.

Bài hát không được cái may như một ca khúc cũng nói về một chuyến đi thăm tương tự trong một chiều mưa của nhạc sĩ Tô Vũ. Bản nhạc này được hát và thu thanh rất nhiều lần. Ít có người không biết hay không từng được nghe bài của Tô Vũ trong khi lời ca của bài hát kia đẹp hơn, quí phái hơn bài Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa rất nhiều.

Trong bài hát đó, câu nhác đến những đóa hoa không buồn như một câu trong Thuở Ban Ðầu của Phạm Ðình Chương. Trong Thuở Ban Ðầu, những đóa hoa khép lại vì người không lại "... và lũ hoa thầm khép hương chờ mong..." ở bài Tình Thắm - tôi chỉ biết được tên bài hát và tên tác giả mới đây nhờ Quỳnh Giao - của Vũ Nhân, những bông hoa "khoe sắc thắm, nghiêng nghiêng đón gót người đi, yêu đương dâng sóng tình mến..."

Tôi nghĩ đôi chân đi đôi guốc trắng của người thiếu nữ tập hát ở lớp nhạc cũng được sự chào đón đó của những bông hoa tôi thấy trên đường về nhà mỗi buổi chiều.

Nếu gặp được tác giả bài hát, tôi nghĩ tôi sẽ phải cám ơn ông rất nhiều. cám ơn ông viết những lời ca cho bản nhạc khuấy động những tình cảm kỳ lạ của một đứa bé 8 tuổi, khiến lần đầu tiên nó thấy được một điều: cái sinh vật tập hát ở lớp nhạc không còn là một sinh vật nữa. Cô là một người đẹp vô cùng. Tôi không còn nhìn cô là một sinh vật như những tên bạn nghịch ngợm, những ngón tay không bao giờ không lem luốc mầu mực tím, những cái đầu gối không bao giờ lành lặn, những đôi chân lúc nào cũng bẩn trong cái lớp của ông thầy mặc áo ta mầu trắng quanh năm suốt tháng...

Nhờ bài hát đó, có một đứa bé hiểu được là trên đời, nó không chỉ yêu bố nó. mẹ nó, chị nó, em nó, mà còn có thể... thích một người lạ hoắc, không dính dáng gì đến nó cả.

Bài hát đó mới đây tôi được nghe lại bằng tiếng của Mai Hương trong đĩa CD mới nhất của cô: Vàng Phai Mấy Laù.

Nếu không có những quen biết ở ngoài đời, chắc chắn tôi đã phải nghĩ đó là giọng hát tôi đã nghe ở lớp nhạc phố Cửa Nam năm 1953. Người thiếu nữ tập hát bài Tình Thắm của Vũ Nhân, nếu có thực sự hát hay, thì có lẽ cũng chỉ như Mai Hương là cùng. Có thể không. Nhưng trong trí nhớ, giọng hát đó đã được tô thêm rất nhiều vàng, giát thêm rất nhiều ngọc, cẩn thêm rất nhiều kim cương.

Tôi thấy nó giống hệt giọng của Mai Hương.

Và chỉ một bài Tình Thắm cũng đủ là lý do để nghe mãi cái CD này.

Nếu không vì một bài hát khác. Như bài Tiếng Hát Biên Thùy của Hoàng Giác, như Một Buổi Chiều Mơ của Dzoãn Mẫn, như Ðẹp Giấc Mơ Hoa của Hoàng Trọng và Thanh Nam chẳng hạn.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 3 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Mấy năm trước, trong cột báo của nàng, Ann Landers viết đại khái là phụ nữ (Mỹ) muốn có nhiều túi hơn để khỏi thua kém đàn ông về số túi (?) trên người, và ngay sau khi bài báo đó xuất hiện, các nhà sản xuất quần áo, các nhà vẽ kiểu thời trang liền cho phụ nữ thêm ít nhất là bốn cái túi để bù đắp cho những ngày thiếu thốn.

Chúng ta phải nhận đàn ông quả là có nhiều túi thật. Áo sơ mi có từ một đến hai cái. Chiếc gilet mặc bên ngoài có bốn. Quần dài bốn cái, có thể thêm một túi đựng chìa khóa hay đồng hồ ở lưng quần. Jacket bên ngoài ba túi. Bên trong hai túi lớn và một túi nhỏ. Tổng cộng, khi mặc một bộ three piece suit, đầy đủ với cả quần dài, giletjacket, người đàn ông có tất cả mười bẩy cái túi. Tìm đủ mười bẩy cái túi để lấy tiền trả cho bữa ăn với mấy người bạn thì thường đã có người khác sốt ruột trả hộ từ lâu. Thật là thuận tiện cho nhiều chàng biết là chừng nào. Phụ nữ có thể cũng muốn làm được như thế nên rất cần túi.

Như thế, An Landers chính là người có trách nhiệm cho việc xuất hiện những cái túi trên ngực áo, và phía sau của những chiếc quần của phụ nữ Mỹ. Và ở nước Mỹ, có một số người không vui lắm về những cái túi áo và túi quần đó.

Nhờ đọc lá thư của người độc giả ở miền Trung Tây Hoa Kỳ tôi mới biết điều đó. Bà độc giả này viết rằng phụ nữ Mỹ muốn có thêm túi thật, nhưng không phải là ở trên ngực áo và sau quần. Nàng viết rằng phụ nữ đo được trên 36 inches ở hai khu vực mà các nhà may quần áo khâu những cái túi thì lại không cần những cái túi đó để lôi kéo sự chú ý của mọi người.

Tôi không đồng ý với người độc giả này. Thời trang phải giữ nguyên những cái túi xuất hiện từ mấy năm nay trên những chiếc áo, những chiếc quần của phụ nữ. Phải tranh đấu bao nhiêu lâu mới có được những cái túi đó, tại sao lại bỏ chúng đi?

Ðồng ý rằng những chiếc túi áo đó không có những công dụng thiết thực như những chiếc túi trên ngực áo của người đàn ông. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, hai cái túi làm được biết bao nhiêu là việc.

Thí dụ vào ngày trời nóng quá, không tiện mặc thêm một loại thiết bị ở trong, hay cũng có khi loại thiết bị đó không cần thiết vì nó không làm công việc nâng đỡ cho bấy cứ một (hai) bộ phận nào trên người, thì cứ bỏ nó ra. Nhưng tháo bỏ nó ra, thì lớp vải áo ẩn hiện vẫn tố cáo là không có thứ thiết bị đó. Có hai cái túi áo sơ mi là xong ngay. Nhờ thêm được một lớp vải nữa. Nếu thêm một lớp vải nữa mà vẫn chưa... che được mắt thánh (?) thì vài ba cái theœ mua chịu, mấy cái hóa đơn, hai ba tờ giấy bạc, chia đều ra cho cả hai túi là giải quyết được ngay lập tức. Vừa mát vừa kín đáo. Hai cái túi áo sơ mi cần phải được giữ lại.

Cũng có khi kích thước thiếu sự lý tưởng, thua xa cái thứ 36 inches mà người độc giả viết trong thư , thì hai cái túi áo lại là những thứ cần thiết. Vài ba cái khăn giấy Kleenex, cái mùi xoa, quyển sổ địa chỉ, quyển chi phiếu, chùm chìa khóa, cái laptop, cái bánh sơ cua, giàn stereo, mấy quyển tự điển, đôi giầy, cái tủ sách, cái máy xén cỏ... quăng những thứ đó vào túi là lập tức cải thiện được tình trạng thiếu phát triển của các quốc gia chưa mở mang. Như vậy, hai cái túi áo sơ mi cần phải được giữ lại bằng mọi giá.

Nếu những cái túi áo lại có thêm nắp túi có cài khuy thì lại càng tốt. Những cái khuy mầu đen hay mầu nâu, mầu đỏ, mầu hồng đính ở những vị trí chiến lược trên hai chiếc túi cũng là những nhắc nhở kyœ niệm của những nơi chốn một thời trước khi sức hút của trái dất thay đổi các vị trí. Nên giữ lại những cái túi có nắp và có đính khuy ở trên.

Nhưng người viết lá thư cũng nói được một điều hợp lý: A woman who measures more than 36 inches in either location does not need to draw attention to those areas.

Ðúng. Trên 36 inches thì không cần phải có những cái túi trên ngực để tạo chú ý tới những khu vực này. Nhưng lỡ sự chú ý đã được tạo ra rồi, thì hai cái túi áo sẽ giúp tạo một thái độ văn minh, có văn hóa và giáo dục cho những đôi mắt rực lửa chú ý đó. Sự chú ý đó có thể được ngụy trang bằng cái nhìn nơi cái bút Parker được gài, nơi bao thuốc lá, nơi mấy điếu xì gà, nơi cái áo để mặc khi trời mưa gió bão bùng được gấp sẵn gọn gàng bỏ ở trong... Nghĩa là điểm và diện không cùng một nơi. Người tạo được những sự chú ý đó vẫn thoải mái. Người đưa sự chú ý của mình ra ngoài vẫn tiếp tục là người văn minh, văn hóa và nghệ thuật.

Những cái túi nên được giữ lại, cho dù là chúng ở trên ngực áo sơ mi hay ở đằng sau của những chiếc quần. Thế giới ngày nay đã trở thành một nơi chốn bình đẳng hơn. Cho nên không thể cổ hủ như những xã hội cũ, nơi người đàn ông cưới người đàn bà về chỉ để được "sửa túi nâng khăn". Tại sao người đàn bà không được quyền có người "sửa túi nâng khăn" cho mình. Mà để có thể được "sửa túi nâng khăn" thì phải có túi mới sửa được chứ!

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 30 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Tiếng Việt chưa có chữ nào dịch chính xác được danh từ wine snob của tiếng Anh.

Không thể dịch wine snob là người sành rượu được, vì wine snob không thực sự sành rượu mà chỉ thích diễn xuất vai trò của một tay sành rượu để bịp những người không biết gì về rượu, và làm cho những người như bạn điên lên và có cảm tưởng nhỏ lại, bé lại vì những thiếu hiểu biết của mình về rượu bị phơi bầy ra một cách tàn bạo.

Mấy năm trước tôi đọc được một truyện ngắn hay tuyệt về loại người này mà nay đã quên mất tên tác giả và luôn cả tựa đề của truyện cũng không sao nhớ ra được. Nhưng những chi tiết của truyện ngắn này thì tôi còn nhớ khá rõ.

Truyện viết trong một bữa tiệc của một gia đình nọ, trong đám khách có cả một tay nổi tiếng là sành rượu được mời tới vì chủ nhà có một chai rượu ngon rất hiếm mà ông không tin là có người biết được tên và nơi sản xuất. Khách khứa toàn là những người thuộc giai cấp khá ở Luân Ðôn. Trước khi tiệc khai diễn, khách được mời đi thăm các phòng ốc trong nhà cùng với hầm rượu của gia chủ. Vào tiệc, người khách được mọi người coi là sành rượu ấy dĩ nhiên được chủ nhà mời uống ly đầu tiên và đồng thời cũng thách ông nói đúng được tên chai rượu. Người khách nhận lời thách thức của gia chủ, và biến nó thành một trò chơi đánh cuộc. Nếu nói đúng, ông ta đòi chủ nhà phải nhường ngôi nhà rất đẹp đang ở và gả cô con gái cho ông ta. Nhưng nếu nói sai, thì người khách mà chủ nhà coi là một wine snob không nên tiếp tục khoe khoang về tài nếm rượu của ông ta nữa.

Chủ nhà tin rằng chai rượu quí ông mua ở một hầm rượu ít người biết sẽ đưa tới việc ông khách wine snob phải bỏ trò bịp của ông ta đi. Còn ông khách thì tin chắc ông ta sẽ có nhà để ở, có vợ trẻ để chấm dứt cuộc sống độc thân của ông. Rồi bất chấp những phản đối của vợ và con gái về trò chơi điên dại và nguy hiểm đó, ông chủ nhà nhất định không rút lại lời thách đố ông đưa ra về chai rượu. Chai rượu được đưa ra từ một nơi cất dấu kín trong phòng đọc sách của chủ nhà ra, nhãn được che lại. Chủ nhà khui chai rượu. Một ly đỏ được rót ra, đưa cho ông khách. Ông khách sành rượu cầm lên, nhắp một chút, ngậm trong miệng, nhắm mắt lại, nuốt nhanh. Rồi lại làm như thế thêm vài ba lần. Mỗi lần ông ta đều ngưng lại để mô tả chất nước đỏ, về mùa nho, về nước trong vùng, về khí hậu của vùng đất sản xuất ra nó. Ông cứ loại bỏ dần các lâu đài trong vùng, và chủ nhà thì cũng đi từ trạng thái kiêu hãnh vì mua được chai rượu quí, sắp lật mặt nạ được một tên wine snob, sang trạng thái không mấy chắc rồi càng lúc càng bớt tự tin, đến độ lo sợ mất nhà, mất con gái cho tên wine snob. Cuối cùng, sau khi loại nốt những nhà sản xuất rượu trong vùng, người khách nói đúng được tên chai rượu và luôn cả năm sản xuất. Chủ nhà, theo đúng truyền thống gentleman Ăng Lê, giữ lời hứa trao lại căn nhà cùng với cô con gái trẻ và rất đẹp của ông cho người khách. Vợ con chủ nhà không dấu được xúc động và kinh ngạc, bật khóc.

Nhưng đúng vào lúc ông khách ra về, với lời hứa sẽ trở lại để nhận lãnh giải thưởng là căn nhà và cô con gái của chủ nhà, thì người giúp việc của gia đình chủ nhà bước ra, hỏi ai để quên cặp kính đọc sách. Ông khách nhận là của ông, đưa tay cầm lấy. Lúc ấy ông chủ nhà mới tò mò hỏi người giúp việc rằng tìm thấy cặp kính của ông khách ở đâu. Người hầu gái cho biết cô tìm thấy ở đằng sau tủ sách trong phòng đọc sách. Và đó cũng lại là nơi ông chủ nhà dấu chai rượu quí trước khi lấy ra, khui để thách ông khách. Tại sao cặp kính của ông khách sành rượu lại nằm ở nơi chủ nhà dấu chai rượu quí thì độc giả phải cố mà hiểu lấy.

Hồi cuối thế kỷ 19, một loại sâu tên là phylloxera đã tàn phá hầu hết các vườn nho tại Âu châu. Phylloxera, do đó là kẻ thù của các nhà sản xuất rượu. Nhưng cuối thế kỷ này, kẻ thù của họ không còn là loại sâu phylloxera nữa, mà là những con sâu đi hai chân có biệt tài khủng bố và tra tấn những người thỉnh thoảng uống vài ly ở bữa tiệc nhà người bạn.

Các nhà sản xuất rượu ghét bọn wine snob đã đành. Những người uống rượu cũng ghét. Các tay nếm rượu và viết về rượu chuyên nghiệp cũng ghét cái thứ này, mặc dầu chính họ cũng đã từng có phen bị coi là wine snob.

Hôm qua, ở tiệm sách, tôi hiểu tại sao cái bọn wine snob này đông đến là như thế. Cứ ở một bữa tiệc là thế nào cũng có cậu đứng lên tra tấn mọi người bằng kiến thức về rượu của các cậu, thứ kiến thức về máy xe hơi của tôi và của bạn, những người từng có thời mở cái nắp trước của chiếc Volkswagen con bọ (Beetle) kiếm mãi không thấy cái máy ở đâu. Các cậu nghiêng đầu, nheo mắt, chiếp chiếp môi, nhắm mắt lại, cố tìm những tĩnh từ để mô tả ly rượu, gật gù cái đầu, xổ một câu tiếng Tây ra để khen chai rượu rồi mới cho khách cùng bàn uống.

ở tiệm sách, tôi thấy bầy bán cuốn Wine For Dummies của Ed McCarthy và Mary Ewing-Mulligan. Cầm nó lên, tôi tưởng tượng thấy ngay những cậu wine snob ở các bàn tiệc mấy năm nay.

Bây giờ, mùa tiệc tùng sắp tới. Cuốn sách này lại góp phần làm khổ chúng ta.

Thế giới đang tìm cách dẫn độ cựu tướng Pinochet sang Tây Ban Nha để xử về tội tra tấn người. Thế thì tại sao không làm gì với những wine snob của chúng ta? Cuốn sách bán không quá hai chục sắp giúp tung ra thêm một đống wine snob khác cho thế giới. Sao chúng ta khổ thế này?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 30 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Trong số những thứ khó giữ cho lành lặn nhất, ngoài những bản nghị quyết của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là những bản quyết tâm - anh em họ rất gần với nghị quyết, vì cùng được gọi là resolution cả - mà người Mỹ mỗi cuối năm lại ngồi xuống hí hoáy viết ra cho năm sắp tới.

Những điều viết xuống trong các bản quyết tâm đầu năm này đều là những điều tốt đẹp trong ước muốn trở nên một người tử tế hơn, tốt hơn con người của năm cũ. Công việc đó không khác việc làm của ông Trình Tử, tức là ông Trình Y Xuyên đời nhà Tống bao nhiêu. Ông Trình Tử để hai cái lọ bên cạnh chỗ ngồi. Mỗi khi trong bụng nghĩ một điều gì thiện, thì ông bỏ một hạt đậu trắng vào lọ. Mỗi khi nghĩ một điều gì ác thì ông bỏ một hạt đậu đen vào cái lọ kia. Lúc đầu, lọ đựng đậu đen nhiều, lọ đậu trắng ít. Sau đậu trắng nhiều, đậu đen ít và cuối cùng, không còn một hạt đậu đen nào nữa. Tâm tính ông lúc đó trở nên toàn thiện. Ông Trình Tử trở thành một người hiền tiếng tăm còn đến tận bây giờ.

Ngày nay, làm như ông Trình Tử không còn cần nữa mà cũng không thể làm được. Thí dụ quyết tâm đai-ết để xuống 20 cân Anh nhưng buổi chiều đi ngang qua tiệm ăn, ngó thoáng thấy miếng steak filet mignon rồi... cầm lòng không đậu, ghé vào, gọi một cái medium - well, lôi mù tạt Grey Poupon ra, lôi sauce A-1 ra, khui một chai đỏ, rót một ly đặt lên bàn rồi tạm quên đi cái quyết tâm phi lý cố gắng xuống 20 pounds đó đi trong phút chốc, thì việc đó có gì sai quấy để mà lôi hai lọ đậu đen, đậu trắng ra mà làm phiền cái lương tâm vốn đã rất lôi thôi của mình? Tại sao lại phải khó tính với mình quá đáng như thế? Do đó, người Mỹ không bắt chước tấm gương ông Trình Tử làm gì. Họ viết resolution để dễ bề vi phạm mà không làm khổ cái lương tâm của họ.

Vì thế, có những điều ghi trong các resolution này bị vi phạm ngay ngày hôm sau, khi nét chữ chưa khô mực, khi những điều viết xuống trong máy điện toán chưa nằm ở trong hard disk được quá 24 tiếng đồng hồ. Nhưng vì không có các quan sát viên, không có lực lượng gìn giữ hòa bình can thiệp như trước những vi phạm các resolution của Liên Hiệp Quốc, nên chúng ta vi phạm mặc tình các resolution mà chúng ta viết ra.

Bạn tôn trọng được bao nhiêu điều trong resolution năm ngoái? Một nửa, một phần ba? Một phần tư? Không cái nào?

Tại sao bạn không viết xuống một điều duy nhất như tôi sắp làm cho năm tới?

Tôi sẽ ghi xuống lời khuyên của một người bán hàng nói với tôi từ mấy năm trước khi ghé mua một chiếc ca vát ở tiệm nơi cô làm việc. Cô lấy chiếc ca vát tôi thích đưa cho tôi xem, rồi lại lấy ra thêm hai cái khác trong tủ kính trông cũng rất đẹp cho tôi coi. Tôi đang phân vân không biết chọn cái nào, thì cô hỏi là tôi mua cho ai. Tôi đáp là cho tôi. Cô bảo tôi tại sao không mua cả ba cái: "You should be kind to yourself first!"

Tôi nghe lời cô. À mà tại sao lại không tử tế với chính mình? Tại sao không... cả ba chiếc ca vát trông rất được đó? Bộ mình không đáng để đeo... cả ba cái hay sao? Hôm đó tôi tốt với tôi không sao nói hết.

Ông cụ tôi cả đời chỉ lo đi làm chuyện tử tế cho người khác trong khi lại quên chính bản thân ông. Các con khôn lớn, không còn phải lo cho chúng tôi nữa, ông vẫn quần áo luộm thuộm như vừa từ trại tị nạn mới qua. Bao nhiêu thứ chúng tôi mua tặng, ông không bao giờ đem dùng. Hai chiếc bút Parker Sterling Silver 1975 thì ông để lại ở cái bàn giấy trong phòng làm việc ở Gia Ðịnh cho mấy anh cán bộ i-tờ-rít tiếp thu và dùng để viết hồ sơ trừng phạt sĩ quan công chức Ngụy. Chiếc cặp attaché bằng da rất đẹp mà em tôi biếu ông, ông cũng không dùng bao giờ, có lẽ đã được dùng để đựng hồ sơ hành hạ hòa thượng Quảng Ðộ. Cái máy cạo râu bằng điện cũng chúng tôi mua cho ông thì được dùng để o bế cái mặt xấu trai của một cậu Việt cộng nào đó... Ông không dùng chúng một ngày nào. Không ai chỉ cho ông là phải tử tế với chính mình trước đã. Ông tốt với mọi người trong khi không biết tốt với chính mình chút nào. Chúng tôi là con, làm được gì khi ông nhất định không làm theo lời chúng tôi nói? Ông sống một đời giản dị cho đến lúc qua đời.

Tôi sẽ viết trong resolution năm nay câu khuyên bảo của cô bán hàng nọ: Be kind to yourself! Be very kind to yourself! Be extremely kind to yourself!

Hãy tử tế với chính mình. Hãy hết sức tử tế với chính mình. Hãy vô cùng tử tế với chính mình.

Mà nếu tử tế với mình thì từ nay không phải sợ tô tái nạm gầu gân sách nữa. Không thèm sợ luôn cả filet mignon. Không sợ ly cà phê thứ hai của buổi sáng. Không hoãn chuyến đi thăm Kim Các Tự nữa. Không tự hành hạ mình bằng cách ngồi nghe tiếp giọng hát trong buồng tắm vọng ra nữa. Không đi xem ra mắt sách của văn chưng Khmer nữa. Không phân vân nên hay không đeo chiếc Nikon F-5 vào cổ nữa. Ðeo nó vào cổ. Ði lại một con đường cũ ở Wellington, ở Christchurch, ở Dunedin, ở Aukland, ở Palmerston North. Ðọc lại Võ Phiến. Ðọc lại Mai Thảo. Ðọc lại Nguyên Sa. Ðọc lại Nguyễn Khuyến. Ðọc lại Nguyễn Du. Trả lời những bức thư còn nợ mấy năm nay. Học Tango. Ði thăm mấy người em. Ôm cái cây sau nhà. Trồng thêm một cái cây cho nó có bạn. Cười xả láng. Lắng nghe cái... hồ Than Thở. Lái một chuyến xuyên nước Mỹ. Kiếm lại người bạn cũ. Thắng xe cho mấy con sóc qua đường. Thăm bầy vịt trước quốc hội mỗi ngày. Là người đầu tiên cười. Là người cuối ra đi. Sống mỗi ngày như ngày cuối cùng trong đời. Sống mỗi ngày như ngày đầu tiên trong đời. Thăm cái cân trong buồng tắm mỗi tuần. Làm mới một sự quen biết cũ. Làm một sự quen biết mới. Không thù ghét tuyết nữa. Không đếm những sợi tóc bạc nữa. Không nhớ những vết nhăn của người bạn. Quên tuổi của những người bạn. Nhớ sinh nhật của bạn. Hôn mấy đứa cháu. Cám ơn mấy đứa con. Cám ơn đứa con dâu. Thăm người thầy cũ. Không chửi thề khi không cần thiết. Thông cảm ông Clinton. Yêu và chúc lành kẻ thù của mình như lời dậy của đức Ðạt Lai Lạt Ma. Tiếp tục ghét Việt cộng như đức Khổng Tử dậy. Lắng nghe tất cả những lời nói phét và giả bộ tin là thật. Giả bộ rất ngu đần. Ðọc lại Tục Ngữ Phong Dao. Không sợ cái computer nữa. Yêu cái lap-top nhiều hơn. Học làm bếp. Tập thích chó khi chưa nấu. Nước đến lỗ mũi thì kiễng chân lên. Không tưởng tượng là phi công F-16 mỗi khi lái xe đi làm. Không tưởng tượng những người lái xe khác là phi công Iraq. Tin là tất cả mọi người đều hát hay. Tin là tất cả mọi người đều hay hát. Nhận là mình hát rất dở. Không làm phiền người khác bằng tiếng hát của mình. Cười cả những chuyện khôi hài nhạt nhất của bạn kể. Tin là các MC video ca nhạc đều có duyên chết được. Nhớ Trường Sa, Hoàng Sa và không uống bia Tsing Tao nữa. Vi phạm tất cả những điều viết trong resolution khi cần.

Bạn làm được câu đầu và câu cuối của cái resolution này, bạn là người sung sướng và hạnh phúc nhất trong năm.

Bùi Bảo Trúc


Hoa Thịnh Ðốn ngày 3 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Tôi chưa bao giờ nhận mình là một nhà văn. Bởi thế nên điều tôi sắp nói ra chỉ là một giả thuyết, nhưng là một giả thuyết có tới hai giai đoạn.

Giả thuyết được đưa ra trong một câu hỏi tôi đọc được trên tờ Times of London trong một số cách đây cũng tới hơn một tháng, khi chờ một chuyến bay, đứng đọc cọp báo ở phi trường Toronto.

Câu hỏi đó là bạn có chịu ngủ với ông Clinton không, nếu việc đó đảm bảo là cuốn tiểu thuyết của bạn sẽ bán chạy như điên, sẽ lên danh sách best sellers lập tức?

Thứ nhất, tôi không là một tiểu thuyết gia, cũng chưa định sẽ viết một cuốn tiểu thuyết nào.

Tôi, tiểu thuyết gia, nhà văn, là không đúng cái đã. Nhưng nếu tôi là tiểu thuyết gia, có một cuốn sách sắp bầy bán, thì nếu có được một đảm bảo là nó sẽ lên danh sách best sellers của The New York Times, tôi có chịu ngủ với tổng thống Hoa Kỳ không?

Lên danh sách best sellers là bước đầu để bản thảo được viết lại thành truyện phim cho Hollywood, là bước đầu để chấm dứt chuyện mua vé số mỗi tuần như tôi đã làm từ một chục năm nay, là đi đến đâu cũng có độc giả nhào đến vây chung quanh, xin chữ ký cho cuốn sách họ mua của tôi. Nghe được đấy chứ.

Nhưng không. Tôi sẽ không ngủ với ông Clinton. Tôi đã không ngủ với ông Clinton. Và nếu nói theo một lối nói đã mòn vẹt từ mấy chục năm nay, thì tôi đã đang và sẽ không ngủ với ông Clinton. Và đó là sự thật. Cả nước Mỹ có thể tin ông Clinton khi ông nói rằng ông không hề ngủ với tôi bao giờ. Cứ nói như thế ông Clinton vẫn không thể bị công tố viên Kenneth Starr làm khó như mấy hôm nay. Hoàn toàn không bao giờ có chuyện đó.

Vì ông Clinton chưa bao giờ vừa thấy tôi đã nhào tới tán tỉnh như ông đã làm vói nhiều người khác. Mà tôi thì cũng chưa bao giờ một mình với ông Clinton trong văn phòng Bầu Dục của tòa Bạch Ốc bao giờ. Thư ký riêng cũng như mật vụ bảo vệ yếu nhân đều sẽ khai chắc như thế.

Có lên danh sách best sellers ngay bây giờ cũng nhất định là không ngủ với ông.

Nhưng theo The Times of London, một nhà văn nọ, Dolly Kyle Browning - theo lối nói bây giờ, thì phải gọi là "nhà văn nữ" Dolly Kyle Browning - người từng có thời học cùng trường với ông Clinton ở Hot Springs, Arkansas, là một phụ nữ đang rất bực bội. Nàng nói rằng trong suốt ba mươi năm, kể từ ngày còn ở trung học, hai người đã có những liên hệ mà ông Clinton nói là ông không hề có với Monica Lewinsky, đó là liên hệ tình dục. Nàng nổi quạu vì ông Clinton dùng lại cái câu ông đã dùng với Gennifer Flowers, với Paula Corbin Lones, với Monica Lewinsky... câu "I did not have sex with that woman..."

Dolly Kyle Browning nói rằng ông Clinton phủ nhận không có liên hệ tình dục với nàng, và việc phủ nhận đó của ông Clinton là một sự lăng mạ, phỉ báng, làm mất danh dự của nàng, khiến cho cuốn tiểu thuyết nàng viết, ngụy trang sơ sài về những liên lạc nóng hổi giữa hai người sẽ không bán được nhiều, không thể trở thành best seller.

Tôi hoàn toàn thông cảm và ủng hộ nàng hết mình. Danh dự và uy tín nhà văn của Dolly Kyle Browning rõ ràng bị đe dọa. Nếu ông Clinton nói thật, và sự thật đúng là hai người không có liên hệ tình dục với nhau, thì Dolly Kyle Browning có thể bị buộc tội là bịa đặt, dựng đứng các chi tiết trong truyện. Và như thế là nàng... sáng tác thấy rõ.

Người ta sẽ nói rằng cuốn sách của nàng, cuốn Purposes Of The Heart không hề dựa trên sự thực, mà là sản phẩm của trí tưởng tượng

Thế thì nàng có khác gì những thứ như Leo Tolstoy, Gustave Flaubert, Charles Dickens, hay Honoré de Balzac... những thứ toàn bịa tạc ra mọi chuyện để viết chứ không hề viết lại đúng như sự thật bao giờ.

Như thế, chúng ta sẽ phải xét lại cái nhìn của chúng ta về văn chương. Thí dụ nếu sang nước Nga, lục tung các giấy tờ tòa án lại tìm ra chi tiết là Bá Tước Vronsky đã thề khai thật trước tòa rằng ông không hề có liên hệ tình ái gì với Anna Karenina thì sao? Hay nếu nhân vật Anna Karenina cũng không bao giờ có thật, mà chỉ là sản phẩm tưởng tượng của Tolstoy thì sao?

Hay nàng chinh phụ của Ðặng Trần Côn, Hiền của Khái Hưng, Loan của Nhất Linh, thị Nở của Nam Cao, Huệ của Nhật Tiến, Tư của Thanh Tâm Tuyền, Cu Lặc của Tô Hoài, Sơn Ca của Vũ Khắc Khoan, chị Ngần của Mai Thảo, Lầy của Nguyên Sa chẳng hạn... Các nhà văn này không viết sự thật, chỉ toàn bịa đặt ra hết cả sao?

Thế rồi khi Gustave Flaubert viết, "Madame Bovary, c'est moi" thì ông định nói gì? Ông định nói ông là một tên đàn ông thích mặc quần áo giả... đàn bà hay sao? hay ông là một tên nói láo nhà nghề?

Việc Dolly Kayle Browning bực bội ông Clinton (khi ông phủ nhận không ngủ với nàng) có thể khiến người ta nghĩ rằng việc ngủ với ông Clinton có thể giúp cho một tác phẩm văn chương bán chạy hơn là một bài phê bình đầy những lời tán tụng của tờ New York Times chẳng hạn. Nếu Dolly Kayle Browning đúng, thì sẽ có một đống nhà văn xếp hàng trước tòa Bạch Ốc xin gặp riêng ông Clinton chăng?

Theo Dolly Kyle Browning, tại cuộc họp mặt các cựu học sinh trường Hot Springs ở Arkansas năm 1994, ông Clinton rủ nàng lên Washington để nối lại những liên hệ cũ. Nhưng ông Clinton thì lại nói rằng tại cuộc họp mặt đó, Dolly nói với ông rằng nàng ân hận là đã không ngủ với ông khi hai người còn ở Arkansas. Nàng cho biết sẽ viết một cuốn tiểu thuyết nói là hai người có ngủ với nhau. Dolly cho biết nàng yêu ông từ lâu và cũng như Gennifer Flowers đem chuyện hai người bán cho báo lá cải, nàng cần tiền nên sẽ viết sách. Cuốn sách này đã được in, thì ông Clinton nói hai người không ngủ với nhau... Thì làm sao nàng bán được sách đây!

Như thế, ông Clinton thì nói Dolly viết tiểu thuyết.

Dolly thì nói nàng viết hồi ký.

Thế thì tại sao không đề ngoài bìa là "hồi ký tiểu thuyết" cho... tiện việc sổ sách?

Nhưng nàng nói là nàng có ngủ với ông Clinton thì tôi cũng thấy ngay là nàng sai bét. Ai lạy ngủ với ông Clinton bao giờ. Lúc ấy ai cũng thức cả đấy chứ.

Thì tại thức nên mới thành chuyện. Ngủ thì làm sao mà có chuyện rắc rối được.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 7 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Trong khi giá cả của hầu như tất cả mọi thứ thương phẩm, dịch vụ trên thế giới đều gia tăng, thì có một thứ, ít nhất là một thứ, không những giá cả không tăng, mà còn xuống một cách thảm hại là đằng khác.

Món danh chẳng hạn. Món này có lúc đắt ghê gớm, nhưng bây giờ thì lại rẻ mạt. Ngày xưa - không biết ở thời điểm nào - có lúc món danh này trị giá đến ba mươi ngàn đồng. Món tiền ba mươi ngàn đồng Vạn Lịch (thích bốn chữ vàng) hay ba mươi ngàn đồng Bảo Ðại thì cũng vẫn là những khoản tiền lớn hơn năm chục Mỹ kim của ngày hôm nay rất nhiều. Vậy mà với năm chục Mỹ kim ngày nay, người ta có thể mua được món hàng bán với giá ba chục ngàn trước kia dễ ợt.

Thuở ấy, muốn mua danh, người ta phải chi ba mươi ngàn đồng. Bán nó đi, thu về được ba đồng đã là may lắm. "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng," là câu tục ngữ ghi lại giá cả của món hàng này vào lúc ấy.

Ngày nay, muốn mua tí danh để thỏa mãn cái háo (?) trong người, những con người háo danh chỉ cần chi có năm mươi Mỹ kim là có ngay cái... danh "thi sĩ" cho mẹ cháu phục điên lên, quyết kiếp sau lại tìm cho được chàng để lấy, bỏ cho đứa khác lấy mất thi sĩ của đời mình tưởng không còn có gì phí uổng cho bằng.

Những chuyện như thế, chuyện mua cái danh rẻ rề, số người không biết bao nhiêu, ngoài chính những người mua chúng, bởi lẽ các đương sự, sau khi bỏ vài chục Mỹ kim ra, thì không muốn người khác biết cái danh rất rẻ đó của mình, nên dấu biệt như mèo dấu những thứ trong ruột chúng thải ra. Mãi cho đến tối thứ hai vừa qua, khi chương trình Prime Time của hệ thống truyền hình ABC lôi chuyện này ra nói cho cả nước biết, người ta mới vỡ lẽ là món danh bây giờ rẻ mạt.

National Library of Poetry năm nào cũng dụ những người thích danh bằng những bức thư gửi đến tận nhà, ân cần mời gửi thơ đến dự thi, hứa nếu được chọn, sẽ được in vào tuyển tập thơ cùng với các nhà thơ khác. Các nhà thơ mầm non cũng như mầm già mừng quá, tưởng tượng ra cảnh võng lộng nghênh ngang về hù mẹ cháu và mấy người bạn dễ tin, bèn lôi ra những đống cóc và nhái chứa trong mấy cái hũ nút ra, gởi cho National Library of Poetry, theo đúng lời yêu cầu của những lá thư viết hú họa nhận được trong đống junk mail. Chờ đợi ít ngày thì tất cả đều được hồi âm của National Library of Poetry loan báo thơ đã được chọn. Bức thư yêu cầu "nhà thơ" gửi cho năm chục đô-la để thanh toán phí tổn in thơ

Không một "nhà thơ" nào từ chối đề nghị tiền bạc đó. Không những thế, các "nhà thơ" này còn gởi tiền đặt mua thêm năm, bẩy cuốn khác, mỗi cuốn trị giá năm chục để tặng bạn bè và mấy em bé "thục nữ chỉ mê thơ" như trong thơ Ðinh Hùng cho các em mê chết bỏ luôn cả các "nhà thơ" cho bõ ghét. Chỉ chi ra có năm chục Mỹ kim mà thành "nhà thơ" thì làm sao mà từ chối cho được.

Vì thế mà trò bịp lấy tiền này năm nào cũng kiếm được tiền của những thứ háo danh điên cuồng đó. Các "nhà thơ" này sau khi có thơ in trong tuyển tập, liền long trọng thông báo cho bạn bè thân quen biết rằng các chàng đã trở thành nhà thơ Mỹ đàng hoàng để mức độ kinh miệt dành cho các chàng trước đó được cắt giảm đi đôi chút. Mà phải cắt giảm chứ. Ðừng có tưởng Ăng lê ở đây ấm ớ. Ăng lê này làm được cả thơ, lại được phong tước hiệu "thi sĩ quốc tế" chứ ít sao. Các "nhà thơ" này sau đó, có chàng còn mở tiệc mừng, mời bạn bè, họ hàng đến nhâm nhi cái danh vọng lớn các chàng vừa mang về. Các chàng còn gà cho vài ba nhà báo viết bài khen nhặng lên, so sánh các chàng với Octavio Paz, T. S. Eliot, e.e. cummings, Robert Frost... khiến mấy ông nhà thơ này lăn lộn không yên dưới mồ mãi. Tội nghiệp biết là chừng nào!

Chương trình Prime Time của ABC chắc cũng điên người vì các "nhà thơ" này nên đã phải gửi một phái viên đi làm một phóng sự về các nhà thơ này và để xem sự tuyển chọn thơ được thực hiện như thế nào

Phóng sự được chiếu tối hôm thứ hai mồng 6 tháng 7, trong đó, phái viên của đài tới một trường tiểu học nọ, nhờ các em học sinh lớp Hai, những em chưa bao giờ biết luật thơ, kỹ thuật thơ, phương pháp ẩn dụ, so sánh trong thơ, cách hiệp vần, cấu tứ... là gì, viết mỗi em một bài thơ. Phái viên giúp các em đánh máy lại, in ra bằng computer cho đẹp và gửi tới National Library of Poetry. Thế rồi đúng như phái viên của ABC đã đoán được từ trước: tất cả thơ của các nhà thơ nhi đồng này đều được... tuyển chọn để in trong tuyển tập. Tất cả đều được yêu cầu gửi cho National Library of Poetry số tiền năm chục Mỹ kim để có thể trở thành "nhà thơ" hệt như mấy cậu háo danh to đầu khác.

Chỉ khác là các em học sinh lớp Hai này, khi được thông báo thơ của các em được chọn để in và nhà xuất bản cần năm chục Mỹ kim của các em thì các em đều hét ầm lên "Give me a break!" trước ống kính thu hình của đài ABC.

Chứ các em không kiếm bộ smoking, đeo cái nơ đen, mở cái party ăn mừng được tặng cái danh "thi sĩ quốc tế" bao giờ.

Nói và viết tiếng Việt cả đời cũng làm gì có chuyện ai cũng có thể trở thành Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa... đâu. Thế thì tại sao lại nghĩ rằng Ăng lê học vài ba năm có thể làm thơ được bằng tiếng Mỹ?

Bao nhiêu triệu người Ấn mới có được một Rabindranath Tagore? Rõ khổ thân.

Hay đã đến lúc phải tăng cái giá... danh hão này lên chút xíu nữa cho kịp với tốc độ tăng giá của... nước mắm?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 7 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Mới đây, tuần báo Time có dành nguyên trang bìa sau để quảng cáo cho một loại sản phẩm, mà vừa thoáng đọc được, tôi đã tưởng tượng ra không biết bao nhiêu sản phẩm kỳ lạ khác.

Sản phẩm mà trang quảng cáo gửi đến người đọc thực ra chỉ là loại thuốc lá có tên là Virginia Slims. Nhưng điếu thuốc cuối cùng mà tôi hút, là đã gần ba mươi năm nay, đó là từ ngày đón cháu trai đầu lòng từ bảo sinh viện về nhà, nên cái tên thuốc Virginia Slims không tạo bất cứ một ý niệm nào trong đầu.

Bạn đọc thử coi: Virginia Slims. It's a woman thing.

Câu này, nếu hiểu một cách nôm na như tôi - ngay tình và không hề bóp méo - thì nó phải là mấy cái đồ (?) của phụ nữ ấy mà: It's a woman thing. Nguyên văn như vậy thì phải hiểu như thế nào nữa đây?

Nhưng mấy cái thứ của phụ nữ là những thứ gì? Ôi chao ôi, kể sao cho hết được các thứ thiết bị của các nàng, lại thêm chữ "slim" nữa mới là quái ác chứ. Hay "slim" là mỏng, là không dầy, như những thứ sản phẩm mà truyền hình vẫn chìa vào mặt khán giả chăng?

May quá, có hình bao thuốc bên cạnh. Virginia Slims là thuốc lá của phụ nữ. It's a woman thing. Không có hình bao thuốc, thì trí tưởng tượng có nghèo xơ xác như tôi cũng phải nghĩ ra hàng chục thứ sản phẩm kinh hoàng khác là ít.

ở nửa trên của trang quảng cáo, là hình chụp hai phụ nữ trẻ ngồi trên thùng của một chiếc xe thể thao mui trần. Hai người đang nói chuyện với nhau, nét mặt tươi cười, một người tay cầm điếu thuốc, người kia cầm trong tay bao Virginia Slims. Và dưới bức hình, là câu nguyên văn như thế này: The only time we really wish we were men is 100 miles from the nearest restroom.

Hai người, như bức hình cho thấy, có vẻ tương đắc lắm. Họ hài lòng với chính họ, với những gì họ có, với đời sống mà họ đang sống. Câu viết dưới bức hình lại càng khiến cho người đọc trang quảng cáo tin là họ không còn ao ước gì hơn nữa. Cái lần duy nhất mà họ thực sự ước ao họ là đàn ông, là khi họ ở cách cái nhà cầu gần nhất 100 dặm.

Nhưng cũng chính câu này làm tôi không hiểu được. Tôi hiểu là họ không muốn trở thành đàn ông. Ðiều này dễ hiểu. Họ còn trẻ, trông cũng đẹp, cái cửa nào họ muốn mở mà mở chẳng ra. Vậy thì ước ao trở thành đàn ông làm gì nữa. Nhưng họ lại nói là đã có lần họ ước ao trở thành đàn ông. Ðó là lần duy nhất. Và cái lần ấy cũng oái oăm lắm, là khi họ ở cách cái nhà cầu gần nhất 100 dặm.

Còn những lúc khác, họ không bao giờ muốn làm đàn ông hết.

Tại sao ở cách cái nhà cầu gần nhất 100 dặm thì họ lại đổi ý, muốn làm đàn ông?

Tôi không hiểu nổi. Ðể tìm cách hiểu cái "công án" kinh khiếp này, tôi moi móc trí nhớ để nghĩ lại coi có bao giờ ở cách cái nhà cầu gần nhất 100 dặm không, và trong trường hợp đó, nghĩa là trong khi ở xa nó 100 dặm, tôi có cảm thấy mình là một người đàn ông vui sướng, niềm ao ước thầm kín của hai người phụ nữ này hay không.

Tôi nhớ lại là tôi đã có một lần ở rất xa cái nhà cầu gần nhất thật. Nhưng không hẳn là 100 dặm như trường hợp mà hai người phụ nữ trong cái quảng cáo đưa ra.

Dịp ấy đến nay đã hơn ba mươi năm. Trong chuyến đi chơi xuống đảo phía nam của Tân Tây Lan, bạn tôi và tôi rủ nhau lên núi Cook ngắm lá vàng, và khi chiếc xe cà khổ của chúng tôi lết tới được gần cái khách sạn The Hermitage rất đẹp, đích đi tới của chúng tôi (cách khoảng 70 dặm) thì bạn tôi đòi ngừng xe lại. Tôi tưởng bạn tôi muốn chụp ảnh, vì chúng tôi đang di chuyển trên đoạn đường dọc theo một hồ nước nguyên là miệng núi lửa hết sức đẹp. Nhưng bạn tôi hình như lại chỉ muốn làm một chuyện khác. Tôi nghĩ mãi mới ra, bèn chạy xuống sát bờ hồ đứng nhìn cảnh hồ thu. Một lúc sau. chúng tôi lên xe đi tiếp. Bạn tôi nói sao mà cái xứ nhà quê đến là như thế, ai mà tiếp tục giữ được nước (?) thêm 70 dặm nữa. Bạn tôi đưa ra nhận định là làm đàn ông quả là hạnh phúc, đâu có vất vả như phụ nữ, muốn đóng góp tí nước với sông, hồ, ao, biển thì đàn ông chỉ chạy đến gần bờ nước là làm được ngay, dâu có vất vả như nàng. Rồi bạn tôi ước gì cứ vài chục dặm, bên đường lại có cái... lò nguyên tử cho mọi người có thể sống trong văn minh và văn hóa.

Nhưng nghĩ lại, thì bạn tôi ước ao có được cái lò nguyên tử gần hơn chứ có ao ước làm đàn ông bao giờ đâu.

Vì thực ra, tôi cũng chỉ ngắm cảnh hồ thu chứ có dám đóng góp chút nước nào cho cái hồ ở trên núi Cook ở nam Tân Tây Lan như bạn tôi đã đổ oan cho dâu. Chính bạn tôi mới là người sung sướng sau những đóng góp của nàng.

Ðã hơn ba mươi năm mà tại sao bây giờ còn có cái quảng cáo nói ra cái giọng khó chịu như thế?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 7 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Larry Flynt là một người làm báo không giống bất cứ một người làm báo nào khác ở Mỹ. Larry vừa là chủ nhiệm, vừa kiêm luôn chủ bút của tờ Hustler. Với sức học chưa hết trung học, Larry đọc bài, lựa bài cho báo theo tiêu chuẩn là gặp những chữ nào đọc không hiểu, thì chàng boœ đi, xóa ngay, rồi nhờ phụ tá thay thế bằng những chữ đồng nghĩa dễ hiểu hơn.

Báo của chàng nhờ đó mà dễ hiểu, dễ đọc hơn những tờ báo mà chàng cố hết sức cạnh tranh rất nhiều.

Tờ Playboy với những bài viết trình độ cao đã khiến cho nhiều độc giả phải đi tới quyết định chỉ xem hình (?) chứ không đọc các bài vở. Trong khi với tờ Hustler, độc giả chỉ đọc bài (?) mà không xem hình (?) mặc dù hình ảnh của tờ Hustler xem cũng dễ hiểu (?) hơn là hình ảnh của tờ Playboy.

Sau lần bị bắn trong vụ ám sát hụt. Larry Flynt phải ngồi xe lăn, dùng các loại thuốc chống đau nhiều đến độ quen thuốc, rồi nghiện luôn. Larry Flynt còn bị mất ngủ kinh niên sau khi vợ, Althea Flynt chết vì bệnh AIDS cách đây mấy năm.

Và hệt như những người mất ngủ khác, Larry Flynt cũng rất ghét những người không mất ngủ như chàng. Còn gì tức hơn là ngủ không được trong khi chung quanh các xưởng cưa hoạt động ầm ỹ, không lý gì đến chuyện mất ngủ đau khổ của mình. Những người mất ngủ, trong nỗi bực bội của họ, cũng muốn những người khác mất ngủ như mình cho công bằng, tự do, dân chủ và bác ái.

Và đó là việc mà Larry Flynt đang cố gắng làm cho được bằng cái quảng cáo nguyên một trang mà chàng trả tiền để đăng trên tờ Washington Post số phát hành hôm chủ nhật ngày 4 tháng 10 vừa qua. Larry Flynt tiêu 85 ngàn Mỹ kim để thuê tờ Post đăng trang quảng cáo với những dòng chữ làm mất ngủ rất nhiều người từ mấy hôm nay.

Ðoạn lời rao của Larry Flynt đại khái như thế này: bạn đã bao giờ có liên hệ ngoại tình với một đương kim dân biểu, một nghị sĩ hay một giới chức cao cấp nào trong chính phủ không? Nếu có, bạn có thể cung cấp bằng cớ của những liên lạc tình dục bất hợp pháp với những người này không? - Have you had an adulterous sexual encounter with a current member of the United States Congress or a high-ranking government official? Can you provide documentary evidence of illicit sexual relations with a congressman, senator or other prominent officeholder?

Larry Flynt hứa trả tới 1 triệu Mỹ kim cho những tiết lộ như thế nếu tờ Hustler dùng những tài liệu có thể kiểm chứng được do đương sự cung cấp.

Chỉ hai ngày sau, số điện thoại mà Larry đăng trên báo đã nhận được khoảng hơn 200 cú điện thoại của những người muốn cung cấp tài liệu để lấy 1 triệu. Mà đó là lời rao mới chỉ được đăng trên tờ báo phát hành ở trong vùng thủ đô. Những vùng khác mà tờ Washington Post không tới được thì chắc chắn còn nhiều cú điện thoại khác chưa biết để mà gọi.

Ít nhất là có vài ba trăm người mất ăn, mất ngủ ở thủ đô Mỹ. Những người mất ngủ này gồm dân biểu, nghị sĩ, các bộ trưởng, tối cao pháp viện, các chức vụ tổng giám đốc trở lên, các phụ tá bộ trưởng, thứ trưởng...

Larry Flynt đặt điều kiện là những liên hệ đó phải xẩy ra trước khi có quảng cáo của tờ Hustler để tránh trường hợp của một số quyết tâm đi kiếm 1 triệu Mỹ kim bằng cách bây giờ mới tấn công, đánh phá bừa bãi, hay trường hợp các đối thủ chính trị thuê người đi tạo scandal. Hạn liên lạc là từ nay cho đến ngày 1 tháng 5 năm 1999.

Món tiền 1 triệu Mỹ kim không phải là nhoœ. Và nói theo kiểu người Mỹ thì tiền nói - money speaks. Có thể không chỉ nói, mà là hát nữa - money sings - mới đúng.

Sự nguy hiểm là ở đó. Người em bé boœng có thể trước đây chỉ định tiếp tục "đi bên cạnh cuộc đời" và "vẫn hằng theo dõi bước anh đi" ở xa, đóng vai trò người đàn bà bị phụ rẫy, ruồng boœ như tiểu thuyết ba xu. Nhưng làm thế nào "say NO" với 1 triệu.

Và đó là nguyên nhân gây mất ngủ của nhiều người ở thủ đô nước Mỹ. Larry Flynt không ngủ được, thì các ngài đừng hòng tối tối leo lên giường là ngủ ngay như khúc gỗ được.

Phải trằn trọc, phải mất ngủ, phải khốn khổ, phải đi đi lại lại trong phòng như những con gà mái trong trại gà đến kỳ khai hoa nở nhụy, tục gọi là như "gà mắc đẻ" thì Larry mới vui.

Sáng hôm chủ nhật, vừa đọc xong trang quảng cáo của Larry Flynt, trong lúc lái xe đi ăn sáng, bật radio lên nghe, thì tôi bắt được đúng một đài chuyên phát nhạc đồng quê Mỹ đang phát một bài hát với giọng não nuột, buồn như khóc của Hank Williams, bài Your Cheating Heart:

Your cheating heart / Will make you weep / You cry and cry / And try to sleep / But sleep won't come / The whole night thru / Your cheating heart / Will tell on you / When tears come down / Like falling rain / You toss around / And call my name / You walk the floor / The way I do / Your cheating heart / Will tell on you...

Ðủ hết khóc than sầu khổ, đi tới đi lui gọi tên nàng, chờ giấc ngủ mà không ngủ được...

Không biết có ông dân biểu, nghị sĩ nào lúc ấy cũng nghe được bài hát này hay không.

Bỗng nhiên thấy không làm lớn cũng vui đấy chứ. "Ăn cơm với cáy thì ngáy o o / ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy". Thế là huề với Larry Flynt. Cả lũ mất ngủ hết cho bình đẳng cuộc đời.

Khổ không để đâu cho hết khổ được.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 7 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Liên Hiệp Quốc, tổ chức quốc tế ra đời sau đệ nhị thế chiến với mục đích duy trì hòa bình và an ninh của thế giới song song với công tác phát triển hợp tác quốc tế trong các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo đang trải qua những đổi thay để thích ứng với cục diện mới của cuối thế kỷ 20.

Mấy năm trước, Hoa Kỳ cùng với Anh, có lẽ không thích cái tên của ông tổng thư ký Boutros Boutros Ghali, đã lớn tiếng đòi thay đổi nhiều hơn nữa. Từ đó đến nay, tổ chức này đã có được một số đổi thay nhưng có thể là chưa đủ nên chính phủ Mỹ vẫn chưa chịu thanh toán hết những khoản tiền còn thiếu cho Liên Hiệp Quốc.

Nhưng thay đổi tới mức nào nữa mới đủ? Không ai biết được. Duy có điều ai cũng phải nhận là Liên Hiệp Quốc đã có thay đổi.

Người ta không đến Liên Hiệp Quốc chỉ để nói về hòa bình, về tài binh, về những tranh chấp lãnh thổ để nhờ phân giải, về nạn kỳ thị, về tai trời, ách nước để xin được giúp đỡ nữa. Người ta có thể dùng diễn đàn của Liên Hiệp Quốc để đề cập đến rất nhiều chuyện không dính líu gì đến mục tiêu hoạt động và thành lập của Liên Hiệp Quốc. Diễn đàn không còn chỉ là của những người như đức Ðạt Lai Lạt Ma, như Mẹ Teresa, như tổng thống Vaclav Havel, tổng thống Nelson Mendela... nữa.

Mới đây, Sharon Stone, nữ tài tử của phim Basic Instinct đóng chung với Micheal Douglas, cuốn phim đem lại cho cô tiếng tăm không ít cũng đã tới trụ sở của Liên Hiệp Quốc để đưa ra đôi lời phát biểu.

Nhưng tại sao lại không phải là Sharon Stone? Tại sao Sharon Stone không thể tới Liên Hiệp Quốc nói dăm ba câu sau khi một trong những Spice Girls vừa được cử làm đại sứ danh dự của Liên Hiệp Quốc?

Những bản tin mà tôi có trong tay thì lại không nói rõ Sharon Stone tuần trước được mời đến nói chuyện ở đâu, trước bộ phận nào của Liên Hiệp Quốc. Chẳng lẽ trước Hội Ðồng Bảo An? Hay trước Phủ Cao ủy Tị Nạn?

Nhưng các chi tiết đó có thể không cần thiết nên các bản tin không viết rõ. Ðiều mà cô đào điện ảnh này nói mới là đáng kể.

Sharon Stone nói rằng trong những gia đình có con cái trong hạng tuổi từ 13 đến 19, cha mẹ nên để 200 cái áo mưa ở trong cái hộp đặt tại nơi kín đáo để lũ con có thể lấy bỏ túi vài cái trước khi ra khỏi nhà mà không bị ai trông thấy để phải ngượng. Nhà nào không có thì chưa thể gọi là nhà với ý nghĩa đầy đủ của chữ nhà được - No home with teenagers is complete without a couple of hundred condoms sitting around. Parents should keep 200 condoms in a box somewhere everybody isn't all the time so teenagers could take them without embarassment...

Không biết đến bao giờ những khuyến cáo của Sharon Stone mới thấy được thực hiện. Tôi không nghĩ trong chiều dài còn lại đời sống của tôi, tôi sẽ được nhìn thấy những điều đó. Mà cũng không muốn nghĩ là nó sẽ xẩy ra nữa.

Cứ tưởng tượng ra là tôi đã hết cả hồn. mặc dầu lũ con không còn đứa nào trong hạng tuổi mà Sharon Stone đề cập trong lời phát biểu nữa.

Thí dụ cứ tưởng tượng cảnh một người cha đang ngồi đọc tờ báo, thì cậu con trai, hay cô con gái đi vòng xuống bếp, chỗ mà người cha biết chắc là có cái tủ (?) treo (?) 200 chiếc áo mưa, thò tay quơ một nắm rồi xẹt ngang qua mặt bố, rồi lấy xe đi vài ba ngày mới về thì... còn gì là cha nữa.

Mà nếu người cha quăng vội tờ báo, chạy theo, hỏi nó đi đâu, bao giờ về, nó chỉ cười cười, tung vài ba cái áo mưa lên không khí, chụp ngon lành bằng tay rồi đáp lại nhà bạn... học bài thì sao?

Hay người cha khi cần cái áo mưa, thò tay vào hộp thì không còn cái nào nữa trong khi lại lôi ra được một tờ giấy nguệch ngoạc vài chữ nói rằng hộp áo mưa đã hết, xin mua thêm để vào gấp thì sao? Thì sao khi vừa mới hai ba hôm trước vừa mới để vào đó đúng 200 cái như Sharon Stone đã đề nghị? Thì sao khi mà cha mẹ chúng có phung phí lắm, cả năm cũng không dùng hết được 200 cái áo mưa đó? Hậu sinh khả úy đến thế sao?

Nếu không thì cha mẹ phải làm gì khi vừa cơm nước buổi chiều xong, mấy đứa con trai, con gái trong nhà xếp hàng chờ đến lượt vào chỗ để cái hộp, bốc mỗi đứa vài ba cái trước khi xin phép bố me đi chơi... một lát, hứa sẽ về sớm, trước giờ giới nghiêm 10 giờ?

Sharon Stone đáng lẽ nên đưa ra một lời khuyên khác hơn một chút thì hay biết bao nhiêu. Những người đã xem phim Basic Instinct của cô không thể nào quên được cảnh Sharon Stone ngồi trong phòng hỏi cung của cảnh sát, khi cô ngồi trên ghế, châm điếu thuốc, thở một hơi khói rồi đổi thế ngồi, gác chân phải lên chân trái, và trong một phần mấy chục của một giây đồng hồ đó, khán giả được thấy Sharon Stone quên không đi qua cái hộp đựng quần lót quơ nhanh một cái mang theo trước khi xuống quận cảnh sát.

Sharon Stone đáng lẽ phải để trong nhà một cái hộp đựng 200 cái quần lót để mỗi khi đi ra đường, khỏi phải mất công đi tìm trong máy sấy, máy giặt, gầm giường, kẹt tủ, dưới ghế sofa, trong freezer, trong microwave oven, trong máy VCR, dưới chậu cây, trên chụp đèn bếp, trên cánh quạt trần phòng khách... mãi mới kiếm được chiếc quần lót mặc xuống phố.

Hay là cô lại lý luận kiểu của cô là đi nghe hòa nhạc tại sao lại bịt tai lại? À, nếu vậy thì thôi.

Nhưng chuyện ấy mà sao cũng lôi ra trước Liên Hiệp Quốc để nói như thế? Kỳ chết được.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 7 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Người đàn ông rất nhiều người vẫn nghĩ, ít ra là trong hơn bốn mươi năm nay, là hạnh phúc nhất, sung sướng nhất, thực ra là một người không hạnh phúc nhất mà cũng không sung sướng nhất.

Sở dĩ trong suốt mấy chục năm, điều đó cứ ở trong đầu của nhiều người là vì ông ta sống được giấc mơ của những người này. Ông ta ở một cái nhà lớn như một cái lâu đài. Ông ta có rất nhiều tiền. Công việc mà ông ta làm - nếu gọi đó là công việc - là thứ công việc chúng ta sẵn sàng bỏ ngay việc đang làm để xin thay thế ông ta bất cứ lúc nào. Ông ta đặt ra một lối sống, định cho lối sống ấy một triết lý, và thực hành ngay cái lối sống và cái triết lý sống ấy. Ông ta hút những cái píp đắt tiền nhất, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, dưới đất thì di chuyển bằng Rolls Royce, trên trời thì bay bằng chiếc DC-8 sơn đen, mỗi khi xuất hiện, trên tay lúc nào cũng một ly rượu, và... một người phụ nữ rất trẻ, rất đẹp, ước mơ điên loạn nhất của ít nhất năm triệu người đàn ông, những người tháng nào cũng mua tờ báo do ông sáng lập, mang về mở ra để chắp cho trí tưởng tượng những chiếc cánh bay bổng...

Những điều mà những người đàn ông này mơ ước và tưởng tượng, thì ông ta sống, ông ta có ở trong tay. Và những điều ông ta có ở trong tay thì nhiều khi còn tốt đẹp hơn cả những giấc mơ của rất nhiều người.

Hugh Marston Hefner là người đàn ông ấy. Vài tuần nữa, ông sẽ bẩy mươi hai tuổi.

Ông ta đã ở với những người đàn bà đẹp nhất: Cynthia Maddox, Mary Warren, Barbi Benton, Sondra Theodore, Shannon Tweed, Carrie Leigh và Kimberley Conrad.

Kimberley Conrad, khi trở thành người phụ nữ thứ hai cùng ông đứng trước vị mục sư cử hành lễ cưới, mới 25 tuổi. Ông thì 63. Ðó là năm 1989, sau khi co âđược chọn làm Playmate of the Year năm 1989 với kích thước 36-24-36, cao 5 feet 9, nặng 122 pounds.

Hugh Marston Hefner là xếp chúa của cái đế quốc Playboy ông dựng lên năm 1953. Ông đứng đầu cái đế quốc ấy, nhưng ông liên hệ với ai, không người nào thắc mắc, đòi ông ra khai lên khai xuống. Ông muốn làm gì cũng được. Những thứ tóc tai, mặt mũi như Paula Corbin Jones, Gennifer Flowers... và luôn cả Monica Lewinsky ông không bao giờ thèm rớ tới. Những thứ ông rớ tới, mà đó là một con số rất nhiều, đều là những Ferrari, Lamborghini chứ không bao giờ là Ford Pinto, Chevrolet Vega... cả.

Có lẽ nếu tiếp tục như thế, tôi sẽ ghen với ông đến phát điên lên mất. Nhưng mới đây, một vài chuyện xẩy ra cho ông khiến tôi không còn nghĩ ông là người sung sướng hạnh phúc nhất thế giới nữa. Tôi không còn ghen tức gì với ông nữa.

Người đàn ông 72 tuổi này mấy tháng trước đã bị Kimberley conrad Hefner 34 tuổi, người mà ông gọi là Playmate for a Lifetime, người bạn mãn đời, nộp đơn xin ly thân, nêu lý do là hai người có những sở thích hết sức khác nhau, và không có một nhân vật thứ ba nào liên hệ tới vụ này, cả về phía Hugh lẫn về phía Kimberley. Với nhiều người, lời lẽ trong đơn nghe cũng quen tai đấy chứ.

Cũng như các vị quốc trưởng hay tổng thống mãn đời ở thế giới thứ ba, không ông nào ở ngôi đến chết (Idi Amin Dada của Uganda, Mobutu Sese Seko của Zayre...) Playmate for a Lifetime, người bạn mãn đời cũng ra đi khi nhiệm kỳ chưa dứt.

À thì ra những người như ông và vợ ông cũng có những sở thích khác nhau, khác nhau đến độ không chịu nổi nhau nữa, phải dọn ra ngoài. Thế mà tôi cứ nghĩ chỉ những người mê muội, cả đời chỉ ưa những trò độc ác của luật sư mới không chịu được những người... thích chơi ô chữ chứ. Và chỉ có những người phụ nữ ấy mới mở mồm lập luận điên khùng như mấy thứ công chức sở xã hội nhà quê chứ. Kimberley cũng dở trò đười ươi đó ra với Hugh Hefner sao?

Kimberley Conrad Hefner nộp đơn ngày 20 tháng 1 năm 1998 để xin ly thân. nàng đã dọn ra khỏi cái Playboy Mansion ở Chicago tới một căn nhà khác.

Hugh Hefner, người từ hơn bốn mươi năm nay chỉ quanh quẩn trong nhà, nơi vừa để làm việc, vừa để sống và chơi thì nay đã phải mở cửa bước ra sống cuộc đời của một người đàn ông độc thân... như những độc giả tờ báo ông sáng lập. Hugh Hefner đã phải lần tới những bar rượu, những hộp đêm để tìm vui cố quên đi một số chuyện mà người ta tưởng chỉ có những người như những người Mỹ bình thường phải gánh.

Kimberley Conrad Hefner có dậy Marston và Cooper, hai đứa con trai của Hefner sống như những trẻ mất dậy nhất trong nhưng giao tiếp với Hugh Hefner không thì chưa biết. Và Kimberley Conrad Hefner có đâm chém Hugh Hefner nát người ra trước tòa không thì cũng chưa rõ.

Chỉ như thế, Hugh Hefner mới... thực sự bình đẳng với các độc giả trung thành của ông và giống như những người bình thường.

Mặc dù ông đã cẩn thận mua cai ngăn kéo bên cạnh ngăn kéo chứa xác của Marilyn Monroe để... đến lúc chết cũng vẫn đòi hơn chúng ta một chút.

Tại sao sự bất hạnh, không may của ông ta lại làm nhiều người thấy... bớt khổ thế này nhỉ?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 4 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Mới đây, chắc bạn cũng đã đọc trong mục Ann Landers về một cặp vợ chồng kỷ niệm "kim hôn" với chuyến đi Hawaii bằng tiền dành dụm trong suốt nửa thế kỷ.

Một chuyến đi kỷ niệm "chỉ hôn" 1 năm, "mộc hôn" 5 năm, "tích hôn" 10 năm, "thủy tinh hôn" 15 năm, "từ hôn" (vâng, đúng là "từ hôn" như trong Hán Việt Từ Ðiển của Ðào Duy Anh có ghi ở trang 428) 20 năm, "ngân hôn" 25 năm, "kim hôn" 50 năm, hay "kim cương thạch hôn" 60 năm đi chăng nữa thì cũng không có gì đáng nói nếu cách thức để dành để thực hiện chuyến đi đó giống như cách để dành tiền của bạn, của tôi.

Không như chúng ta, cặp vợ chồng này cứ mỗi lần yêu nhau thì lại bỏ một Mỹ kim vào cái hộp sắt đầu giường. Cứ như thế, đều đặn, không bao giờ quên như chúng ta bỏ tiền vào cột đồng hồ đậu xe, sau 50 năm họ đủ tiền đi một chuyến trăng mật thứ hai ở Hawaii. Chính cái cách để dành có một không hai đó đã giúp họ ở được với nhau hạnh phúc, mà lại có tiền đi du lịch. Ðộc giả phần đông, nếu không nói là tất cả, không làm được việc đó. Người thì đã quá muộn để mở trương mục tiết kiệm, người thì có mở, cố gắng cách mấy cũng không sao đủ tiền để đi Hawaii với vật giá leo thang khủng khiếp như hiện nay.

Tưởng phản ứng của người đọc chỉ là ngậm ngùi, như chúng ta, vì không sao có được nửa thế kỷ nữa để mà đi Hawaii theo kiểu để dành đó. Nhưng cũng có những phản ứng khác hẳn kiểu phản ứng hiền lành đó.

Một độc giả ở Canada, ông R. S. ở Burnaby, British Colombia viết cho Ann Landers rằng ông đọc xong bức thư kể về chuyến đi Hawaii đó thì quay sang bà vợ (ông cho biết hai người đã lấy nhau được 40 năm) và nói rằng nếu hai người cũng chịu khó bỏ ống như thế, thì bây giờ, hộp tiền để dành đã có được $85. Bà vợ không vui. Ông viết thư kể cho Ann Landers nghe.

Nếu đúng như chi tiết viết trong thư cuả ông độc giả, thì trong 40 năm đó, hai ông bà chỉ bỏ heo đất có 85 lần. Ông bà có trễ nải trong việc nuôi heo thật. Làm một con tính chia thật nhanh, chúng ta thấy ngay mỗi năm, ông bà nuôi heo có 2.125 lần. Cứ 2 lần thì dễ hiểu, nhưng 0.125 lần là như thế nào? Là đi tới cửa rồi bỏ đi, là "khóc ngoài biên ải" nên chỉ bỏ có $0.125, kiểu tính tiền của những cây xăng hay sao?

Bỏ tiền để dành nuôi heo đất như vậy là ít quá. Không đủ tiền đi Hawaii đã đành, bà vợ lại không vui nữa.

Ai là người không chịu nuôi lợn đất thường xuyên hơn? Tôi nghĩ đó là bà vợ. Bởi vì là bà vợ nên khi nghe ông nói là nếu chịu khó để dành, hai người có thể đã có được tới $85 bà mới buồn phiền. Bởi không phải là ông nên ông mới dám lôi chuyện đó ra đùa cợt, chứ nếu lỗi nơi ông thì ông đã lờ đi từ lâu rồi. Mắc cở lắm.

Nhưng vì nguyên do của sự trễ nải công việc nuôi lợn đất là ở bà vợ nên không có cách nào chữa được. Chứ nếu nguyên do đó là của ông chồng, thì tình thế có thể cải thiện nhanh chóng, dễ dàng.

Cứ kiếm viên thuốc mầu xanh của công ty dược phẩm Pfizer, những viên thuốc đang làm cả nước Mỹ phát sốt phát rét lên, mang về dỗ cho chàng uống, là chuyện khó khăn giải quyết được ngay.

Cứ một chút mặt trời trong ly nước lạnh (rất Françoise Sagan), một viên thuốc, và một câu dỗ dành là chuyến đi Hawaii tiến lại gần với tầm tay liền. Tối tối, mỗi khi nghĩ tới tiếng đàn ukulele, những vòng hoa, những cái váy cỏ, điệu hula, những ngọn đuốc bên bờ biển, bữa tiệc luau, tiếng sóng biển rào rạt... là lại vùng dậy kiếm viên thuốc. Và cứ mỗi lần dùng một viên thuốc, thì hộp tiền để dành lại thêm một đồng Mỹ kim với cái lưng mầu xanh, tấm giấy bạc mà những ngồi dân Mạc Tư Khoa kiếm mỏi mắt mấy ngày nay không ra.

Càng dùng nhiều những viên thuốc đó, thì hộp đựng tiền để dành, con heo đất của hai người lại càng đầy thêm. Và để tìm lại thời gian đã mất như Marcel Proust đã làm, hai người có thể gia tăng số viên thuốc dùng trong việc khuyến khích nỗ lực để dành lên thành nhiều lần để việc nuôi con heo đất được chăm chỉ hơn, bù lại cho 40 năm bê trễ để con lợn đói khát.

Chỉ kẹt một điều, là muốn để dành được một đồng, thì cặp vợ chồng này phải tiêu mười đồng, giá một viên Viagra hiện nay. Ðó là lối điều hành nền kinh tế của nước Nga từ gần mười năm nay, và lối điều hành đó đang làm nhức đầu ông Yeltsin, ông Chernomyrdin không biết bao nhiêu mà kể.

Ðể dành như vậy thì đời kiếp nghiệp lai nào mới đi được Hawaii?

Hay là cứ mỗi lần bghe nói "Tui nhức đầu quá... để mai đi... ra phòng khách ngủ đỡ nhé..." thì bỏ một đồng cho cái quả nhức đầu đó vào con heo đất. Biết đâu chừng hai ba năm là đủ tiền đi cả Hawaii, Tahiti, Bali không chừng.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 4 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Tập tài liệu do nhà báo Lê Văn Tiến tìm được trong Hồ Sơ Nguyễn Ái Quốc tại Trung Tâm Văn Khố Hải Ngoại ở Aix en Provence cho thấy một số điều rất lý thú về bác Hồ của chúng ta mà nhiều người không biết hay cũng có thể bị cố tình ém nhẹm đi không cho biết.

Tôi thích nhất lá thư bác viết từ New York đề ngày 15 tháng 12 năm 1912 gửi cho ông Tây Khâm Sứ Trung Kỳ ở Huế. Thư viết ở New York vì tầu Amiral Latouche Tréville mà lúc đó bác đang làm bồi ghé ở đó. Thư bác viết cho Khâm Sứ để xin việc cho cụ thân sinh, phó bảng Nguyễn Sanh Huy, lời lẽ rất lễ phép.

Chuyện bác viết thư xin việc cho cụ thân sinh là việc không cần phải dấu giếm, vậy mà bao nhiêu năm nay, có được bao nhiêu người ở Việt Nam biết chuyện này? Các đàn em của bác giấu như mèo giấu cứt. Mãi đến khi ông cụ Như Phong đi Tây mới kiếm ra tài liệu về người con chí hiếu Nguyễn Tất Thành xin việc cho bố làm với Tây thuộc địa độc ác, dã man vào hạng số một trên thế giới.

Bác viết thư mùi dễ sợ. Bác kể phải bỏ xứ đi làm xa như thế này: "Ayant quitté mon pays au mois de Juillet l'an dernier (1911) j'ai laissé là mon vieux père sans soutien..." Tháng 7 năm ngoái, rời Việt Nam, tôi đã để lại cha già không nơi nương tựa, không có ai giúp đỡ. Bằng cách hành văn tiếng Pháp tiểu học, bác kể khổ cho cụ thân sinh nào "mon vieux père", nào "sans soutien" nghe vừa thương tâm vừa sexy cóc chịu được.

Thế rồi ở phía dưới, cách vài dòng, bác hô thán ầm lên như thế này: "Oh! quelle brulante qu'est ma situation... Ôi! hoàn cảnh của tôi mới lửa đốt tâm can, nôn nóng ruột gan làm sao cơ chứ... sống xa cha mẹ, chỉ lâu lắm mới được tin tức, muốn giúp đỡ cha mẹ mà không được! ... vivant très loin de mes parents, n'ayant reçu que rarement de leur nouvelles, voulant les aider sans le pouvoir! Bác hô thán, chấm than lia chia cho thêm phần não nuột.

Rồi ngay câu dưới, bác làm người con chí hiếu xin việc cho bố bằng lời lẽ như sau: "Poussé par mon amour d'enfant, j'ose..." Thúc đẩy bởi tình con yêu cha, tôi dám ông Khâm Sứ cho cha tôi một việc làm để kiếm sống...

Việc bác viết thư xin việc cho bố là việc đáng đề cao, để lại tạo thêm được một huyền thoại về con người của bác. Bác vì nước, vì dân đã đành. Bác lại còn hiếu với bố thì nhất Bắc kỳ, nhì Ðông Dương rồi còn chi! Phải nói chứ! Phải cho các văn nô làm thơ như điên kể về người con chí hiếu chứ tại sao lại bỏ quên chi tiết đáng tiền này?

Hay là tại vì sợ bọn phá hoại ghét bác, bêu diếu rằng bác xin việc của Tây cho bố? Có thể lắm chứ ai đời con (tức là bác) thì đánh Pháp, thù Pháp nhưng lại xin cho bố đi làm cho Tây thì coi sao được? Trông khó chịu lắm, bất tiện lắm.

Ấy là chưa nói tới văn phong của bác trong thư. Bác cũng biết nịnh Tây thuộc địa như những người bác thù ghét vậy chứ có khác gì đâu. Ôi chao, nào là "J'ai l'honneur très respectuesement vous solliciter la faveur suivante..." (Tôi lấy làm vinh hạnh kính cẩn xin ngài một ân huệ như sau) rồi đến "J'ose même désirer vous prier de bien..." (Tôi dám cầu xin ngài ban cho...) rồi lại "Je vous prie, Monsieur le Résident Superieur, d'avoir pitié de moi..." (Tôi xin ngài hãy đoái thương tôi...)

Xin việc của thực dân Tây cho bố đã là khó coi rồi, lại còn nói thêm rằng xin được làm dưới sự ưu ái cao cả của quan Khâm Sứ nữa mới là chuế: "...sous votre haute bienveillance..." Nghĩa là bienveillance chưa đủ, phải thêm chữ haute là cao cả nữa mới nịnh đúng chỉ số. Chao ôi là bác!

Cuối thư bác còn chi thêm một câu ô nhục khác nữa: "En esperant que votre bonté ne refuserait la demande d'un enfant..." Trong niềm hy vọng là sự tư tâm của ngài không nỡ từ chối lời cầu xin của một đứa con... rồi mới ký tên là Paul Tatthanh.

Bác có tên Tây là Paul. Paul Tatthanh. Ông cụ đặt tên cho bác nghe cũng hay đáo để. Nhưng lên tầu Tây làm bồi, bác quăng bố nó xuống sông, bác nhặt ngay cái tên Tây lên cho chủ gọi cho dễ. Thư cho quan Khâm Sứ, bác ký là Paul cho đúng là con cưng của mẫu quốc.

Ừ cứ hỏi mấy cậu ở Hà Nội xem các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu... xem có cụ nào là Jean, là Robert không nào? Hay vẫn chỉ là Tây Hồ với Sào Nam để nhắc mãi cái cành Nam quay về đất Việt ở phương Nam mà con chim Việt đậu lại?

Bác vui dễ sợ, bác lấy tên là Paul xong rồi, bác còn khoe với bạn bè dưới tầu Tây rằng bác trông hung ác, mặt dơi tai chuột như vậy nhưng bác là người hiền lành nhất cabin. Bác khai tử luôn mấy cái tên Việt khác và bảo bạn bè gọi bác là Paul Lành cho được an ủi, lại như luôn luôn được nhắc nhở đến những ưu ái của người vợ trong những ngày xa quê hương nhớ vợ hiền như điên của bác.

Về sau, bác Tôn Ðức Thắng cũng nhận là Lành nữa mới khổ. Thế là bác Hồ khi tên là Paul cũng nhận là Lành, bác Tôn cũng khoe mình hiền... lành.

Ðến khổ cho đất nước chúng tôi.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 4 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Người Mỹ có những quan niệm khá kỳ lạ, ít nhất là theo cách nhìn của chúng ta, về một số những hoạt động của cơ thể con người.

Có những việc chúng ta thấy gớm thì người Mỹ coi là chuyện thường. Ngược lại, có những chuyện chúng ta thấy là thường, thì người Mỹ rất kinh khiếp.

Thí dụ sau khi thực phẩm được đưa vào dạ dầy, được nghiền bóp cho nát, được trộn thêm vào một vài loại cường toan, rồi kế đó, được đẩy xuống ruột non, cho ruột non lọc lấy những chất bổ đem đi nuôi cơ thể, phần bã được đưa qua ruột già rồi chờ được đẩy ra ngoài, và trong lúc đợi để được tống ra ngoài, một số phản ứng hóa học vẫn tiếp tục diễn ra và làm phát sinh ra một lượng hơi ở trong ruột già, lượng hơi này tìm cách thoát ra ngoài, và trước khi tan vào không khí, loại hơi này có mùi không được thơm tho cho lắm.

Việc loại hơi này thoát ra ngoài, có khi tự ý, cơ thể muốn chặn lại cũng không thể chặn lại được, và cũng có khi có chủ ý của cơ thể. Chúng ta coi việc để cho loại hơi này thoát ra là một việc không tốt đẹp, nếu không nói là đi ngược lại tất cả những nguyên tắc của một đời sống văn minh và lịch sự. Ðời sống văn hóa và những tiêu chuẩn xã hội của chúng ta không cho phép cơ thể muốn thoát những thứ hơi đó ra lúc nào tùy ý. Chúng ta tìm đủ mọi cách để tránh, đè nén chúng, không cho chúng tự ý thoát ra, bắt chúng phải chờ một lúc, một nơi chốn nào đó thuận tiện hơn. Cơ thể cũng tìm cách báo động trước bằng âm thanh để mọi người kịp di tản.

Chúng ta coi việc này cần phải tuyệt đối tránh. Nếu không thể tránh được, thì chúng ta ngượng lắm. Xin lỗi cả buổi cũng chưa chắc hết lỗi.

Nhưng người Mỹ thì không thấy như thế. Họ coi đó là một chức năng bình thường của cơ thể, hệt như khi chúng ta hắt hơi, nhẩy mũi. tại sao phải xin lỗi khi hắt hơi? Chúng ta muốn hắt hơi lắm đó hay sao? Không. Vậy thì tại sao phải xin lỗi? Ợ mấy cái vang lừng khu xóm cũng thế. Ai chặn được những cái ợ hay những cái nấc? Ðó là lý luận của người Mỹ. Họ có lý của họ. Họ làm, hay để cho những việc như thế xẩy ra, và coi đó là chuyện thường tình, không thắc mắc, không xin lỗi những người chung quanh gì hết.

Trong khi những việc mà chúng ta có thể coi là chuyện thường, không xấu, cũng không tốt, thì người Mỹ lại coi là rất xấu. Ðó là những việc mà cơ thể con người thừa sức để tránh, nghĩa là nó chỉ xẩy ra khi người ta muốn mà thôi. Người Mỹ coi đó là hành động do ý muốn của cơ thể, do đó, cơ thể có thể ngăn chặn được. Và nếu không chặn được thì... ghê quá, không thể tha thứ được.

Vụ kiện mới đây ở Florida là một thí dụ.

Một phụ nữ vừa bị một nam đồng nghiệp kiện ra tòa tại Orlando vì những cái ngáp của nàng. Chuyện ngáp thì chúng ta "cũng người ta thường tình". Ai mà không ngáp mỗi ngày vài ba cái. Nhưng người phụ nữ bị kiện có lối ngáp hơi khác. Chính cái hơi khác đó là lý do nàng bị lôi ra tòa.

Theo đơn kiện nộp ở tòa, những cái ngáp của người phụ nữ này đã làm cho người đồng nghiệp bị rối loạn tâm trí, bị lo âu hồi hộp, ảnh hưởng tới đời sống, tới việc làm và hạnh phúc gia đình của ông. Theo luật sư của người đàn ông bất hạnh này, thì người nữ đồng nghiệp ở sở ngồi rất gần ông, và trong một buổi, nàng ngáp rất nhiều lần.

Cách ngáp của nàng quả là có khác thường như những mô tả của chàng. Trước khi ngáp, bao giờ nàng cũng ú ớ kêu lên một hai tiếng, rồi trợn mắt lên, há miệng rất lớn, không một nỗ lực để che các bộ phận trong miệng như lưỡi, hàm cúa, rồi kêu lên, vừa kêu, vừa lắc lắc đầu khiến tiếng hít vào rồi thở ra rung lên từng chập, trong khi đó thì chớp mắt lia lịa, đoạn ngậm miệng lại, chép miệng hai ba lần rồi cái ngáp mới hoàn tất.

Cái ngáp của nàng có dài và có kỳ lạ thật. Trong đời, tôi đã được nhìn thấy nhiều kiểu ngáp khác nhau, nhưng chưa bao giờ có cái ngáp nào dễ sợ như của nàng. Mà đó là những cái ngáp rất ngắn và khoảng cách của những cái ngáp đó thường cũng khá dài. Tưởng tượng phải ngồi cạnh một người hay ngáp như thế suốt một ngày thì quả là khó sống.

Ðời sống của người đàn ông đau khổ đó nhất định là bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Hình ảnh về phụ nữ trong đầu ông bị làm cho xấu đi bởi người nữ đồng nghiệp hay ngáp đó. Những bài thơ lời lẽ chuốt lọc mà Ðinh Hùng bỏ nguyên cả đời ra để viết nhất định bị hỏng đi rất nhiều.

Thí dụ đang đọc "xót xa lá cỏ vương mùi tóc, tà áo bay về nhớ suốt đêm" chợt nhớ đến những cái ngáp trẹo quai hàm của nàng, câu thơ trở thành "... ngáp suốt đêm" thì còn gì là Ðinh Hùng nữa!

Người đàn ông kiện để đòi một khoản tiền bồi thường không nói rõ bao nhiêu. Ðơn kiện nói rằng những cái ngáp của nàng có thể tránh được, nhưng nàng đã không có một cố gắng nào để tránh. nàng tiếp tục ngáp và kêu lên ú ớ. Nên ông kiện.

Như vậy, ông khó chịu về cái ngáp của nàng hơn là những thứ mà chúng ta coi là rất khó chịu. Chao ôi, cái ngáp của nàng đáng sợ đến thế ư?

Ðọc bản tin về vụ kiện, tôi thấy mình quá dễ tính. Có bao giờ nghĩ phải kiện một đồng nghiệp nào đâu...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 4 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Tôi không có thói quen đánh cá, nhưng lần nay, tôi phải cá với bạn, ăn bao nhiêu cũng được, rằng những cuốn danh ngôn tự điển, kiểu như cuốn Dictionary of Quotations của nhà McMillan mà tôi thấy trong tủ sách của bạn, nhất định trong ấn bản sắp tới, sẽ phải có câu tuyên bố của ông Clinton hôm cuối tháng trước.

Gần như tất cả các tổng thống Mỹ, ông nào cũng có một câu để đời. Hễ nhắc đến các ông, là những câu nói để đời của các ông lại vang vọng lên. Ông Washington là câu "I cannot tell a lie." Ông Nixon thì "I am not a crook!" Ông Bush: "Read my lips... No new taxes!"... kể ra thì nhiều lắm.

Cho tới cuối tháng trước, tôi vẫn nghĩ câu để đời của ông Clinton là câu trả lời báo chí khi bị hỏi là trong những năm còn là sinh viên, có hút cần sa không, và ông trả lời ông có thử nhưng không hít... "I tried but I did not inhale." Câu đó tưởng đã là câu để đời, không còn một câu nào có thể hay hơn được nữa, và ai cũng tin chắc là những cuốn sách viết về ông sau này không thể bỏ câu đó ra ngoài được.

Tưởng tượng một sinh viên trẻ ở một đại học xa nhà (Oxford) trong thập niên 60, thập niên của Timothy Leary, ông giáo sư rất được đám Hippy ở Berkeley yêu mến khuyên là phải "drop out, turn on, get high", mà khi bị bạn bè rủ rê một điếu cần sa, thì người sinh viên trẻ tuổi đó lại chỉ thử một hơi, rồi thở ngay ra, lắc đầu bỏ đi, không bao giờ cầm điếu cần sa thứ hai vì sợ... mẹ mắng, thì bạn mới thấy câu nói của ông Clinton hay biết chừng nào.

Câu nói ấy của ông Clinton đã khiến người bạn tên là Cuội của chúng ta đỏ mặt, quyết định ở luôn trên mặt trăng không trở về trái đất nữa. Ông Cuội sợ gặp địch thủ nặng ký thì mất mặt bầu cua hết.

Tưởng câu trả lời về cần sa của ông Clinton đã là nhất, không còn câu nào có thể hay hơn được nữa, và trong những di sản của ông, không thể bỏ quên ra ngoài câu nói đó. Nhưng ai cũng lầm hết.

Hai tuần trước, tin cho hay Monica Lewinsky đã điều đình được với công tố viên Kenneth Starr là cô sẽ khai (?) trước đại bồi thẩm đoàn để được miễn tố. Ðây phải là tin không vui cho ông Clinton vì có rất nhiều điều ông không muốn Monica khai (?) ở tòa.

Trước cái tin đó, báo chí tự nhiên là muốn biết phản ứng của ông Clinton.

Người ta nghĩ chuyện Monica khai (?) ở tòa sẽ gây rất nhiều phiền nhiễu và khó khăn cho ông Clinton. Ông Clinton không thể vui khi nghe tin này.

Nhẹ thì cũng phải lầu bầu đồ mèo tha quạ mổ, con đĩ rạc đĩ dài, con quỉ béo, con cả vú to hông (cho không chẳng màng), con ngựa trời, con đĩ chó, con mỡ gầu, con thần đanh đỏ mỏ, con trôi sông lạc chợ, con mèo mả gà đồng, con ma trơi, con điếm thối, con mặt dầy, con béo trục béo tròn, con ăn vụng như chớp (đánh con cả ngày,) con dê cái, con bò sữa, con ngựa trời, con ma mút (mammoth?), con ma cà rồng hút máu, con no cơm béo mỡ, rửng mề, con cái ghẻ, con ma mập, con đười ươi móng đỏ, con chằn ăn, trăn quấn, con khủng long cụt đuôi, con thằn lằn rắn mối, con cắc ké kỳ nhông, con chấy, con rận, con rệp, con vi trùng, con ba chỉ nạ dòng, con năm cha ba mẹ, con chết đâm chết chém, con đầu đường xó chợ, con cù đinh thiên pháo, con ngựa bà... làm khổ tao, sao không giặt cái áo oan nghiệt đó đi cho tao nhờ còn giữ làm mắm hay sao? Sao không xóa mấy cái cassette để bây giờ làm khổ tao... Trời ơi là trời, sao mà ngu quá như thế? Sao mà béo lấp mỡ lấp mề vầy nè... Tao mà tum được thì tao bóp... cổ chết đứ đừ...

Nhẹ thì như thế, còn nặng ra thì chắc phải là những câu không thể viết xuống ở đây.

Ông Clinton nghe được tin đó thì không thể nào vui cho được. Ông không bao giờ có thể bảo thư ký Betty Currie gọi điện thoại cho Monica để ông nói chuyện, để mừng cho Monica.

Chắc chắn người thường như bạn phải nghĩ như vậy. Nhưng bạn lầm to. Cả nước Mỹ cũng lầm to. Tinh thần hiệp sĩ tưởng đã chết theo vua Arthur và các hiệp sĩ bàn tròn của ông từ thế kỷ thứ 6 thì nay người ta thấy vẫn còn sống ở thủ đô Nước Mỹ.

Khi trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của tổng thống Clinton trước tin về Monica, phát ngôn viên Mike McCurry nói rằng ông Clinton nói là ông rất mừng là mọi chuyện diễn ra tốt đẹp cho Monica: "He's pleased that things are working out for her."

Bạn tin nổi chuyện đó không?

Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp cho Monica - điều đình được với công tố viên Kenneth Starr, ra tòa khai hết, không bị truy tố nữa - thì phải không tốt đẹp cho ông Clinton.

Mọi chuyện không diễn ra tốt đẹp cho Monica - tức là điều đình không xong, vẫn phải ra khai, cả hai mẹ con đều có thể bị truy tố, đi tù vì tội cản trở luật pháp, khai man trước tòa - thì,,, vẫn không tốt đẹp cho ông Clinton. Nhưng ít nhất là ông đỡ tức một chút.

Ông chọn điều làm ông tức nhiều, vất vả nhiều, phiền phức nhiều... rồi ông mừng cho Monica. Bạn tin nổi không?

Vua Arthur có sống lại, cùng với tất cả các hiệp sĩ bàn tròn cũng không thể anh hùng mã thượng được như ông Clinton. Tôi cá với bạn câu nói này của ông Clinton sẽ được ghi vào tất cả những cuốn sách viết về ông, kể cả những cuốn từ điển danh ngôn như cuốn Dictionary of Quotations của bạn. bao nhiêu cũng chịu.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 9 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Hơn hai năm trước, Hallmark tung ra bán những tấm thiệp có viết sẵn vài câu, để người mua gửi đi, chia xe nỗi buồn đau của những con chó, những con mèo bất hạnh vừa bị những nhát dao mổ làm cho đời chúng không bao giờ bình thường nữa.

Loạt thiệp đó có số tiêu thụ rất đáng kể, mặc dù người ta không biết có bao nhiêu con chó, bao nhiêu con mèo đau khổ thực sự đọc được những dòng chữ an ủi trong thiệp. Cứ tưởng tượng trong lúc cái đau còn nhoi nhói, những vết khâu còn quá mới, chưa bắt đầu lành, con vật khốn khổ đang trốn tuốt trong góc nhà xe, nét kinh hoàng vẫn còn nguyên trên mặt, mà có người tìm đến tận nơi, quăng tấm thiệp mua ở tiệm xuống trước mặt, dẫu cho là thiệp chia buồn, thì ngay đến người cũng còn sợ chết khiếp nói chi đến con chó, con mèo vừa bị thiến.

We heard you have been fixed. We did not know you were broken... Chúng tôi nghe nói cậu vừa bị đem đi chỉnh trang. Chúng tôi đâu có biết cậu bị trục trặc bao giờ đâu... Câu an ủi cố làm ra hài hước đó có lẽ không nên để những con chó hay những con mèo đó đọc được thì tốt hơn. Khôi hài không đúng chỗ là vậy.

Nhưng Hallmark không ngừng ở đó. Hôm qua vào tiệm sách gần sở, thấy một mẫu thiệp mới của Hallmark. Tấm thiệp có hình vẽ một con chó đang đứng nhìn về một căn nhà ở phía xa nằm giữa những ngọn đồi, một làn khói bốc lên từ ống khói, cảnh thật bình yên. Họa sĩ vẽ rất khéo làm người xem thấy ngay là con chó có vẻ luyến tiếc căn nhà, căn nhà nó vừa rời bỏ. Bên trong là mấy câu chia buồn về sự ra đi của nó. Chó chết chưa hết chuyện. Nhưng Hallmark chắc chưa có cố vấn khá, chứ nếu có, thế nào chẳng in thêm câu cầu chúc hương linh nó được sớm tiêu diêu miền cực lạc, khỏi sa chân vào nồi rựa mận, chả chìa oan nghiệt...

Thiệp đầu tiên là để gửi cho nó khi nó bị đường dao tàn ác, thiệp thứ hai là để gửi cho chủ nó, khi nó giã từ cõi đời.

Tôi có cảm tưởng Hallmark cũng sẽ không ngừng ở tấm thiệp thứ hai này. Thành công này nhất định sẽ kéo tới những thành công khác. Vậy thì Hallmark sẽ còn vẽ ra những chuyện gì nữa?

Thì chắc là thiệp sinh nhật, thiệp ngày chó mẹ và ngày chó bố (để những S.O.B. tức là đồ chó đẻ - son of a bitch - mua gửi) thiệp mừng năm mới, thiệp báo hỷ...

Mà tại sao không? Phải có cái thiệp báo cho mọi người biết chuyện ngày lành tháng tốt của nó chứ. Cũng phải vài dòng chữ đại khái ông bà XYZ trân trọng báo tin lễ thành hôn của Fido và Belle vào ngày... tháng... năm... tại gốc cây bạch dương cạnh vòi nước cứu hỏa góc đường Oak và đường Elm street. Có thể thêm vài ba chi tiết như Fido đã tốt nghiệp trường vâng lời, từng đi quân dịch trong lực lượng quân khuyển, có chích ngừa bệnh dại đàng hoàng, tuy còn trẻ nhưng đã có được sự nghiệp đang lên trong ngành gác dan, còn Belle thì giòng dõi trâm anh thế phiệt, rặt giống Yellow Labrador mấy đời làm chó săn, cũng tốt nghiệp trường vâng lời, lại từng là chó cảnh sát chuyên lùng bạch phiến ở phi trường, chưa cắn bậy ai, chưa móc thùng rác bao giờ, không sủa dai từ nửa đêm sang suốt sáng, lầu bầu, lai nhải không lúc nào để cho Fido yên thân... Mối tình của đôi trẻ làm mềm lòng hai họ nên hai gia đình đành tác hợp cho chúng vân vân...

Mà nếu đã như vậy thì cũng phải có thiệp mừng đôi tân hôn trăm năm hạnh phúc, con cháu đầy đàn, đến đầu bạc răng long chứ. Rồi thiệp chúc lành bệnh, mau phục hồi sức khỏe, thiệp mừng vừa chấm dứt được xong những món nợ trả cho những con chó con, mừng ra khỏi được một liên hệ khủng khiếp, thiệp vừa thoát bị xe bắt chó vồ, thiệp mừng vừa được chuộc ra khỏi phú de, thiệp mừng vừa cắn gẫy cẳng con pit bull du côn ở đầu ngõ...

Chao ôi cứ thế là Hallmark có chuyện để làm, có sản phẩm mới tung ra đều đều, làm cho nước Mỹ càng ngày càng giầu mạnh. Những tấm thiệp như vậy sẽ bán chạy ào ào không thua gì tấm thiệp đầu tiên phân ưu cậu chó cậu mèo bị thiến.

Thế nên vào một lúc nào đó, bước chân vào tiệm bán các loại thiệp, thế nào chẳng có cảnh vài ba con chó kéo nhau vào mua thiệp gửi cho chủ sủa ủng oẳng loạn xạ lên vì không đồng ý được là mua cái nào vừa đẹp vừa rẻ để an ủi ông chủ vừa bị lôi đi làm vasectomy - tiểu giải phẫu cắt ống dẫn tinh - để trừ... hậu họa.

Nhìn kỹ lũ chó ấy mà lại thấy con Buddy của ông Clinton thì vui kể gì.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 9 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Cái vết đen đó không bao giờ được người ta đối xử một cách tử tế, cho dù nó xuất hiện ở bất cứ khu vực nào trên cơ thể con người cũng vậy.

Khi ở phía sau cổ, nó là dấu hiệu đương sự sẽ bị chết chém. Khi ở trên môi, khóe miệng, đó là tướng hay ăn vụng. Ðúng hay không thì chỉ các chuyên gia nhi đồng về tướng số ở các sân trường tiểu học mới có đầy đủ thẩm quyền để nói. Và chính vì những tiên tri như thế, biết bao nhiêu đứa bé đã phải về nhà xin với người lớn đánh, tẩy, xóa cái vết đó đi.

Những cái vết đó không bao giờ được dành cho một chút tốt đẹp nào. Người ta ca ngợi cái má lúm đồng tiền, cái cằm chẻ, cái răng khểnh, cái đuôi của con mắt... Tuyệt nhiên không thấy một câu ca dao nào nhắc tới nó.

Ðến cái tên gọi, nó cũng không có được cái tên tử tế, đẹp đẽ. Nó không biết bay, biết đậu, biết lăn vào những chỗ dơ bẩn bao giờ, vậy mà nó bị gọi bằng hai ba cái tên dính chặt với một loài sâu bọ đáng ghét vào bậc nhất trên đời: con ruồi. Người ta gọi nó là mụn ruồi, nốt ruồi, nút ruồi... chỉ tại nó có mầu đen, trông xa như một con ruồi. Lỡ mà nó đỏ, thì nó cũng vẫn không thoát được cái gốc ruồi của nó: nốt ruồi son.

Các nhà tướng số, thật sự cũng như giả mạo, đều có cả trăm, cả ngàn điều để tán về nó. Nó ở vị trí này thì tốt, ở vị trí khác thì không, ở chỗ nọ thì sung sướng cả đời, ở nơi khác, thì suốt đời vất vả, ở chỗ khác nữa, người có nó sẽ phải làm những nghề nghiệp không vinh dự chút nào. ở bàn tay, nó là đặc điểm của người sống bằng nghề hành khất, hay nếu không thì cũng một đời túng thiếu, vay mượn: "Nốt ruồi bàn tay ăn vay cả đời." Khi nó ở dưới con mắt của một phụ nữ, ở chỗ những giọt lệ có thể lan qua, nó là một đảm bảo sẽ gây ra mọi thứ khó khăn cho chuyến lên xe hoa của người phụ nữ, nó báo trước - theo các nhà tướng số và các chuyên viên tin nhảm - sự ra đi sớm của người chồng.

Nên người ta tìm đủ mọi cách để dẹp nó đi.

Trong một vài trường hợp, việc đánh nó đi, tẩy nó đi có thể cũng là một việc nên làm. Nhất là khi nó "gò đống kéo lên," nhô cao hẳn lên trên những vùng cần phải bằng phẳng của khuôn mặt người phụ nữ. Hay khi từ nó, mọc ra vài sợi lông dài, mà nhiều người không dám đụng tới vì sợ những may mắn của mình bị gián đoạn. Trên mặt của một người đàn ông, nó đã gây đủ mọi kinh hoàng, khiến người đi cạnh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị người chủ những sợi râu hên đó rút ra để hành hung người khác. Trên khuôn mặt của một phụ nữ, nó còn hãi hùng hơn. Kéo khuôn mặt đó lại gần, bỗng thấy "phất phơ... hồn của sợi lông / nghe trong phiêu bạt còn vương máu hồng" thì nhất định là cảnh ghê khiếp như trong hai câu thơ của Trần Dạ Từ: "Lần đầu ta ghé môi hôn / những con ve nhỏ hết hồn kêu vang..." chứ còn gì nữa...

Ðánh nó đi, tẩy nó đi, xóa nó đi là phải.

Nhưng cũng có một số người vì dăm ba lý do kỳ lạ vẫn nhất định giữ nó lại. Và thường là sau khi quyết định giữ nó lại, người ta thấy quyết định đó cũng đúng. Doris Day không tẩy những vết tàn nhang là một quyết định rất đúng. Cindy Crawford cũng có một quyết định rất đúng khi cô không đánh cái nốt ruồi trên khóe trái của miệng vào năm 12 tuổi như đề nghị của mẹ.

Và nhờ đó, ngày nay, người nữ kiểu mẫu mà tờ Playboy gọi là America's Premiere Supermodel mới có được một đặc điểm làm cho cô khác hẳn với những ngồi mẫu khác. Nhìn những hình bìa báo phụ nữ ở những quầy báo, ngồi ta thấy cái gọi là Cindy Crawford's look, cái vẻ của Cindy đã lan đi tới khá nhiều nữ kiểu mẫu khác. Muốn biết có phải là Cindy hay không, cứ đi tìm cái nốt ruồi trên khóe miệng trái. Có thì là Cindy, không thì... đừng mua tờ báo ấy.

Mà nếu có, thì mua ngay. Trường hợp tờ Playboy số tháng Mười là một. Trên các trang 124 đến 137, cái nốt ruồi đó xuất hiện tất cả 6 lần. Ðó là những lần thật rõ. Lờ mờ là 2 lần.

Ðây không phải là lần đầu tiên tờ Playboy chụp cái nốt ruồi đó. Lần đầu là 10 năm trước, trong số tháng Bẩy năm 1988. Hai số báo cách nhau 10 năm, nhưng cái nốt ruồi ở má bên trái, cao hơn khóe miệng khoảng 1 cm 50, vẫn như cũ. Cái nốt ruồi ấy của Cindy Crawford vẫn không mảy may thay đổi.

Cái nốt ruồi đó vẫn tiếp tục ở với Cindy Crawford, với nghề nghiệp của cô, với những buổi trình diễn thời trang, những lần làm kiểu mẫu cho các nhiếp ảnh gia, với Richard Gere, với Rande Gerber, với tấm poster trong rất nhiều căn nhà ở Mỹ. trong những giấc mơ của những người đàn ông bình thường và khỏe mạnh...

Ðó là cái nốt ruồi hết sức đẹp. Nó nói với những cái nốt ruồi không bị đánh đi rằng quyết định giữ lại là một quyết định đúng. Nó còn nói được lên sự bất công mà người ta vẫn dành cho những cái nốt ruồi và rằng thái độ bất công đó phải được chấm dứt.

Những cái nốt ruồi cần phải được quí trọng. Những bức hình có chụp cái nốt ruồi đó nên được xem đi xem lại nhiều lần. Có cắt giữ, đưa vào computer, dùng làm nền cho màn ảnh mỗi lần bật computer lên... cũng là những việc làm rất có lý để tôn vinh cái nốt ruồi mà lâu nay chúng ta vẫn bất công với nó.

Và đó là lý do tôi mua tờ Playboy số tháng 10 năm 1998.

Ðó cũng là lý do hay nhất để đưa ra cho những ai hạch hỏi về sự có mặt của tờ báo này dưới tấm đệm, ở gầm giường, sau lưng ghế sofa, đằng sau những cuốn sách xếp ngay ngắn trong cái tủ sách hiền lành của phòng đọc sách. Còn ngoài ra, bài vở cũng... thường thôi.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 9 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Du Tử Lê có một bài thơ viết khoảng năm 1975 hay 1976, bài Khi Tôi Chết Hãy Ðưa Tôi Ra Biển, trong đó, chàng nói đến một ước muốn hơi khác thường về nơi yên nghỉ vĩnh viễn của chàng, khi chàng không còn ở trong đời sống này nữa.

Bài Khi Tôi Chết Hãy Ðưa Tôi Ra Biển là một trong số những bài thơ được các dịch giả cho thêm những đời sống mới bằng Anh ngữ và được in trong phụ trang văn học của tờ New York Times nên nó được rất nhiều người biết, kể cả những người biết, kể cả những người không biết đọc tiếng Việt bao giờ.

Khi bài thơ Khi Tôi Chết Hãy Ðưa Tôi Ra Biển được viết vào khoảng thời gian chàng mới di tản sang Mỹ, năm 1975 hay 1976, khi mơ ước trở về Việt Nam còn là điều hầu như không thể nào trở thành sự thực được trong đời sống của nhiều người.

Nhà thơ yêu mến tiếng Việt và cho đến nay vẫn còn rất khinh ghét tiếng Anh, thứ ngôn ngữ chính thức của nước Mỹ, trong một lúc tưởng tượng ra cảnh khi phải vĩnh biệt cuộc sống, chàng thấy mình có thể bị đưa tới, cho nằm cạnh vài ba ông bà hàng xóm Mỹ ở một cái nghĩa trang lạ hoắc nào đó, thì chàng bỗng vô cùng hoảng sợ. Chàng không biết phải ăn nói với hàng xóm hai bên, trên dưới như thế nào. Lúc ấy làm sao tìm ra được những người bạn chưa quên hết tiếng Việt để đọc cho họ nghe những bài thơ chàng mới viết. Cứ tưởng tượng như thế là chàng thấy chàng không thể yên nghỉ được. Chàng không thể an giấc ngàn thu được. Chàng lo sợ, hốt hoảng cùng cực và liền viết bài thơ, xin với những người ở lại đừng đưa chàng ra nằm cạnh những người hàng xóm không biết tiếng Việt ở mấy cái nghĩa trang Mỹ:

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Ðời lưu vong không cả một ngôi mồ
Vùi đất lạ thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà...

Chàng năn nỉ xin đưa chàng ra biển, nghĩ rằng làm như thế, chàng không những sẽ không làm khó người ở lại, mà còn được trở về quê nhà trong một chuyến đi mát mẻ. Ðiều ước mơ của chàng trong bài thơ nhất định phải được nhiều người chia xẻ. Cứ xem số đồng hương của chàng sống ở California, một tiểu bang nằm sát biển, thì thấy ngay.

Nhưng mấy tuần trước, có một người mà tôi chắc là sau khi đọc bài thơ When I Die, Please Take Me To The Sea của chàng, đã viết thư hỏi một tờ báo Mỹ rằng sau khi chép bài thơ của Du Tử Lê vào cuối bức di chúc để năn nỉ thân nhân thực hiện niềm ước mơ đó, thì những người ở lại sẽ phải làm gì, và thủ tục đưa ông ta ra biển sẽ như thế nào.

Theo những câu trả lời của tòa báo, thì việc mà nhà thơ Việt Nam ước mơ không phải là dễ dàng và giản dị. Phải xin phép sở vệ sinh, phải xin phép chính quyền địa phương, phải đưa ra cách bờ biển bao nhiêu dặm, phải cột thêm những gì để giữ cho khỏi nổi lên trôi trở lại vào bờ vân vân, vân vân.

Ðọc xong phần giải đáp của tòa báo, tôi thấy rất có thể ông độc giả sẽ đổi ý. Ông không thể làm phiền những người ở lại như thế. Chuyện đưa ông ra biển không dễ như làm bài thơ tám chữ của người thi sĩ Việt Nam.

Tôi cũng nghĩ như thế. Hôm qua đọc báo tôi lại càng thấy không nên xuống biển. Tin cho biết ở Nam Phi, gần Johannesburg, các nhà cổ sinh vật học vừa tìm ra một bộ xương rất cổ, có thể hơn ba triệu sáu trăm ngàn năm, của một người anh (?) em họ xa của chúng ta, giống Australopithecus afarensis, từ lúc ông ta còn sống trên cây và đi thẳng bằng hai chân khi xuống đất. Bộ xương được tìm thấy trong một hang đá. Ông tới đó trong trường hợp nào thì các nhà khảo cổ và cổ sinh vật học đang tìm cách trả lời. Những câu trả lời sẽ soi chiếu rất nhiều cho những hiểu biết về nhân chủng sau này. Ông anh em họ xa của chúng ta tuy qua đời cả triệu năm trước mà vẫn để lại cho khoa học đời sau biết bao nhiêu dữ kiện hữu ích.

Chỉ nhờ ông không đòi đưa ra biển.

Nên tôi cũng mong rồi đây, ở một xó góc nào đó, tại Virginia, Pennsylvania, New York... vài trăm ngàn năm sau, một nhóm khảo cổ và nhân chủng học cũng sẽ tình cờ kiếm ra được trong hốc núi một bộ xương chưa mục của một người đàn ông, bên cạnh rải rác vài thứ đồ vật ấm ớ, thì nhóm sẽ tìm được đề tài nghiên cứu lý thú không ít.

Thí dụ hai vật tròn bằng thủy tinh dầy như hai cái đít chai Coca (nếu lúc ấy loài người còn uống Coca Cola) nằm trong đống bụi chắc chắn sẽ khiến cả toán đưa ra cả chục thuyết. Nào là người chết ngậm những vòng tròn này trong miệng để lấy hên, tránh bị... chằng lửa cắn, nào là những miếng thủy tinh là những món trang sức đeo ở lỗ tai để hấp dẫn mấy chị chằng lửa... hay cũng có thể người đàn ông này treo chúng trước cặp mắt để cho cặp mắt của chàng... nhỏ đi một chút. Chiếc computer laptop Compaq 486 vỡ vụn bên cạnh có thể được các sinh viên khảo cổ cho là hộp TV Dinner của một ông già không biết nấu bếp, khi đói, lấy ngón tay đập vào bàn phím cho đỡ... đói chẳng hạn. Hay cũng có thể là hộp chocolat để ăn dọc đường và bị hóa thạch nên cứng như... đá.

Còn cái xác của chàng thì bị moi móc đủ mọi chỗ để kết luận rằng chàng không thuộc một nhóm với những bộ xương tìm được ở California, nơi mà đa số xương đều có những miếng plastic ở hốc mũi và hai cái bịch silicone dính két quanh xương lồng ngực. Những mẩu xương tay đều bị tét ở đầu vì gõ quá nhiều lần vào những mặt cứng, có thể là cái hộp đựng TV dinner? Còn quả tim hóa thạch của chàng thì nhóm khảo cổ tin chắc là một cục phó mát Thụy Sĩ vì nhiều lỗ quá. Một tấm plastic có in hình người đàn ông như vừa vớt dưới sông lên và tấm thẻ có mấy chữ KBC không cho biết thêm gì về người nằm đó. Tô tái nạm gầu gân sách to go của chàng nằm lăn lóc ở bên đã biến thành một nắm bụi sẽ được gửi về bảo tàng viện Smithsonian nhờ các khoa học gia phân tích nhưng không sao biết được là gì vì lúc đó, các tiệm phở của bạn bè chàng đã đóng cửa từ vài trăm ngàn năm trước...

Chao ôi, cứ tưởng tượng ra những điều ấy, những đóng góp cho nhân loại mai sau như thế, là tôi lại thấy chẳng nên đưa ra biển chút nào hết. Cứ kiếm mấy cái hốc núi, mang theo tô tái nạm gầu gân sách hay một cái đùi để ngoài, không đi vớ của phở Nguyễn Huệ ở miền Tây hay phở Xe Lửa ở miền Ðông là vui rồi.

Không có ra biển ra hồ, ra sông gì hết. Không biết bơi ra biển để mà... chết à?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 9 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Hôm thứ bẩy, trong lúc ngồi nhìn những dấu hiệu ảm đạm của mùa đông đang lấp ló ở khu công viên phía dưới, thì người đưa thư quăng vào phòng của tôi một đống thư và báo.

Trong đống thư từ báo chí ấy, tôi thấy một tấm bưu thiếp với nét chữ không quen gửi cho một bà T. nào đó bị bưu điện giao lầm cho tôi. Tấm bưu thiếp một mặt có hình chụp chiếc du thuyền trắng trên mặt biển mầu xanh thẫm và trời cũng mầu xanh, nhạt hơn, không một vẩn mây.

Mặt bên kia, ở góc tấm bưu thiếp, là hàng chữ in sẵn Written At Sea, có ý nhắc khéo cho người cầm tấm bưu thiếp rằng những hàng chữ ở dưới đã được viết xuống trong khi người viết còn đang đâu đó trên mặt đại dương. Người viết nhất định không phải là một anh Vọi đánh cá rám nắng, rách rưới trên chiếc thuyền đánh cá ở một vùng biển nghèo nào đó nơi cái quê hương cũ tội nghiệp của chúng ta. Người viết, mà tấm bưu thiếp tiết lộ khá rõ, là một du khách đang ở trên chiếc du thuyền Sky Princess thuộc hệ thống du thuyền Princess Cruises. Người viết đang đi chơi, tìm nắng vàng, biển xanh và gió mát.

Bức thư đề ngày tháng của tuần lễ trước, mà thứ bẩy đã ở trên căn phòng tầng 15 của tôi trong cái cao ốc cạnh thủ đô nước Mỹ. Nó còn thơm mùi nắng biển Thái Bình, cùng chút vọng âm của cơn gió trong những cái vỏ ốc trên bãi cát... Khác hẳn mùa thu bi thảm nhìn thấy từ bao lơn của cái cao ốc nơi tôi đang sống.

Người viết mở đầu bằng một câu như thế này: "Hello T. tụi này mê đi cruise đến độ mùa xuân xuống Caribbean, hè Europe và giờ đang lênh đênh trên Pacific (Hongkong, Shanghai, Japan, Korea, Bejing: 14 days". Nhét vào đó bằng ấy chi tiết rồi người viết mới chịu chấm câu một cái cho xong câu chào hỏi.

Nhưng chuyện hỏi thăm nhau là phụ. Ðầu tấm bưu thiếp, sau chữ "Hello", cái salutation bắt buộc phải có ở đầu thư, ở đầu cuộc điện đàm, người bạn kia viết gì? Nàng - đọc cái tên ký ở dưới thì tôi biết người viết là một phụ nữ - xấn tới ngay: "tụi này mê đi cruise đến độ..."

Như vậy là nàng có chồng: nàng xưng vói bạn nàng là "tụi này" bằng một giọng đầy kiêu hãnh. Tôi cầu mong bạn của nàng, người nhận tấm bưu thiếp cũng có đôi, có cặp chứ đừng đơn lẻ mà tội nghiệp. Nàng kể rằng "mê đến độ..." - chính cái giọng đó, chính cái lối nói đó: "mê đến độ...", có thể khiến cho người nhận, người bạn bất hạnh đọc xong phải uất lên mà chết ngay được. Nàng và chồng nàng mê - MÊ chứ không chỉ là THÍCH - đi cruise... Diễn dịch: chúng tôi nhiều tiền lắm. Chúng tôi MÊ cái thứ mà mấy người cả đời đã đi nổi một quả chưa. Chúng tôi làm cái chuyện đó nhiều lắm. Chúng tôi MÊ mất rồi. Ðây nhé, MÊ đến độ mùa xuân xuống Caribbean, hè Europe và giờ đang lênh đênh trên Pacific..."

Ông già Nguyễn Bỉnh Khiêm ơi! Ông khoe với chúng tôi rằng: "...Thu ăn măng trúc, đông ăn giá / Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao..." Chúng tôi đọc ông đã điên lên vì ghen tức với ông, ghen cái thú chơi thanh nhàn xuân hạ thu đông bốn mùa giản dị của một Thiền sư là ông, thì nay, ông bị người phụ nữ này khinh bỉ qua mặt, bảo cho chúng tôi biết rằng mùa xuân nàng xuống biển Trung Mỹ, mùa hạ nàng đi Âu châu, mùa thu nàng di du thuyền ở Thái Bình Dương, ghé Hương Cảng, Thượng Hải, Nhật, Nam Hàn, Bắc Kinh (trong 14 ngày), và mùa đông thì nàng còn để đấy, chưa thèm nói cho chúng tôi điên lên vác dao đi chém dá cho đỡ tức... Có thể cái bưu thiếp sắp tới của nàng sẽ được viết trên sườn một ngọn núi tuyết ở Thụy Sĩ, ở Áo, ở Chamonix, miền nam nước Pháp chăng? Tội nghiệp cho nàng quá súc. Bốn mùa nàng đi cho đủ bốn, chẳng có lúc nào ở căn nhà, chắc phải to nhu cái lâu đài, quân hầu, đầy tớ dạ ran mỗi lần nàng cần đến chúng... Ba má nàng dâu, lũ con của nàng đâu. Tội nghiệp những người già nhớ con dõi theo chân trời đã mòn con mắt đăm đăm, cái sân Lai cách mấy nắng mưa nàng cũng không có thì giờ ghé đến, lũ con đang lớn cần bàn tay người mẹ, nàng bỏ đi Trung Mỹ, Âu châu, Thái Bình Dương mưu cầu hạnh phúc riêng trên những chuyến cruise của công ty du lịch Princess...

Tôi... MÊ những chữ "đang lênh đênh trên Pacific" của nàng biết là bao. Nó cho thấy sự buông thả, nhàn nhã, thoải mái, không một chút vội vàng, quần quật, đầu tắt mặt tối của chuyến đi. Nàng nằm thưỡn người trên chiếc ghế vải. Người chồng ở bên cạnh, trong tay một ly Martini, chiếc khăn voan bay nhè nhẹ trong gió, mùi nước hoa quyến rũ, mặt biển như tráng bạc...

Tại sao lại có được một người hạnh phúc lạ lùng đến như thế mà tôi thì khổ như thế này? Cứ ngày đi làm, tối về TV dinner hòa chung với... nước mắt. Làm sao sống được? Phật Chúa sao bất công quá như thế này?

Rồi nàng mới hỏi người bạn nhận tấm bưu thiếp của nàng: "Lâu quá sao không phone cho X. vậy?"

À thế ra là cũng có trách bạn là không liên lạc với nàng. Người viết làm như nhớ bạn lắm. Người bạn đã lâu ngày không chịu điện thoại thăm nàng, khiến nàng nhớ quá, phải chờ đến lúc đang đi du thuyền trên biển rộng mới nhớ tới bạn mà viết cho bạn vài dòng. Chắc chắn khi kiếm cái bút viết những dòng chữ quí phái đó, nàng đã tưởng tượng ra khuôn mặt đầy ghen tức của người bạn bất hạnh ở miền đông nước Mỹ... phải viết cho nó vài chữ trên cái bưu thiếp, mai ghé bến, quăng vào thùng thư, tuần tới nó nhận được, nó đọc cho nó điên lên chơi... Nên nàng đang lênh đênh trời biển ở Thái Bình Dương cũng phải nhín chút thì giờ ngồi xuống viết cho người bạn đau khổ ở lục địa trong mùa thu sầu thảm này về những chuyến đi mùa xuân, mùa hè, và nay là mùa thu của nàng. Bạn nàng, người nhận tấm bưu thiếp, chắc chắn không phải là tôi, đã lâu không điện thoại cho nàng là phải. Ðiện thoại viễn liên, mình trả tiền cho cú điện đàm ấy, rồi lại được nghe đầy tai về những chuyến đi xuống Trung Mỹ, đi xem phế tích ở Mễ Tây Cơ, đi câu cá ở ngoài khơi Bahama, đi lặn ở Puerto Rico... ư? Vừa phải trả tiền điện thoại, vừa được nghe đầy tai về những chuyến đi của "tụi này" hay sao? Người bạn của nàng tôi rất mong không là người quá dại dột.

Thế rồi ngay sau câu đó, người viết cho biết thêm: "Tụi này khá rỗi, hay là có dịp mình tổ chức du lịch chung..." Tôi hy vọng người nhận tấm bưu thiếp không quá ngu dại đến độ quăng công ăn việc làm của mình, đi đánh đu với hai con tinh "khá rỗi" đó.

"Tụi này khá rỗi..." Họ làm gì mà họ rỗi như thế? Họ ở điện Buckingham chăng? Họ là Quận Công Edinburgh? Họ là người đàn bà sinh ra thái tử Charles? Họ là người đàn bà trẻ li dị chồng có người bạn trai tên là Dodi có ông bố là chủ tiệm Harrods ở Luân Ðôn chăng? Họ không đi làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, kiểu những thứ bình dân như bạn, như tôi sao?

"Tụi này khá rỗi..." Họ làm gì mà mê cruise như thế? Mà nay đi Trung Mỹ, mai đã bước trên con đường băng ngang vườn Lục Xâm Bảo, ghé cái hầm rượu ở thung lũng sông Rhones, mốt đã ngồi trên cái gondola ở Venise nghe bài hát baccarole, tối lại ngồi bên quán cà phê ở Budapest ngó xuống mặt sông Danube...?

Gần cuối những dòng chữ ngắn ngủi đầy khoe khoang vô liêm sỉ, lố bịch, ngu xuẩn, vô học, thiếu tế nhị ấy, là cái số điện thoại mới của nàng với area code của vùng Montreal. Nàng cho người bạn số điện thoại mới để bạn nàng gọi sang, trả tiền long distance và nghe tiếp những khúc phiêu lưu ký vô duyên của nàng.

Tôi đem tấm bưu thiếp bỏ vào thùng thơ ở dưới, hy vọng người bạn của nàng không bao giờ nhận được tấm bưu thiếp đó, và nếu có nhận được, thì cũng tỉnh táo, khôn ngoan một chút mà không gọi điện thoại cho nàng để chỉ tốn vài chục bạc lại còn bị nghe toàn những thứ rác rưởi nhà quê đó của nàng, những thứ dốt nát, phách lối viết tên nước Nhật là JAPEN, rồi sửa lại là JAPAN, viết BEJING (thiếu chữ I) mà không biết sửa lại thành BEIJING theo lối pinin hay PEKING theo lối Wade.

Mê đi cruise như thế coi chừng có ngày được một cái cruise missile loại Tomahawk cho một cái rầm thì ngồi mà viết bưu thiếp về hù dọa bạn bè.

Tấm bưu thiếp, như bạn biết thối không thể tả được. Nhưng tôi vẫn cám ơn ông bưu điện Mỹ giao lầm nó vào nhà tôi nên tôi mới được một trận cười đã đời như thế. Hay là tại thối ta quá như vậy nên ông bưu điện Mỹ cho đi lạc một trận cho biết đời?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 2 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Ngôn ngữ không phải luôn luôn chỉ là những âm thanh phát ra từ miệng con người. Ra dấu (sign language) cũng là một hình thức ngôn ngữ. Nhưng body language, thứ ngôn ngữ mà người ta nói là đọc được qua những cách đi đứng, ngồi, nằm, những cử chỉ, cách gác chân, những cử động của đôi tay, của cơ thể... vẫn chưa hoàn toàn được công nhận vì ý nghĩa của những cử động chỉ có thể, và thường là mang những ý nghĩa rất khác nhau tùy theo những quy luật của xã hội và những ý nghĩa mà đời sống văn hóa đã đặt ra và chỉ định cho chúng.

Khoanh hai tay trước ngực, ở một số nước Á châu, có thể là một cử chỉ bầy tỏ lòng tôn kính, nhưng ở một vài nền văn hóa khác, khoanh hai tay trước ngực có thể là dấu hiệu thách thức hay tự vệ, không muốn người khác tiến lại gần hơn.

Cũng thế, sửa lại cái gọng kính trên sống mũi, nắn lại cái nút ca vát ở cổ áo không có nghĩa là người này "chịu" người kia. Hất mái tóc ra đằng sau, lấy tay vuốt lại mái tóc, ngửa cổ ra phía sau trong lúc cười có thể không có nghĩa là người kia "chịu" người này... Ðọc như thế là đọc sai và hậu quả có thể rất tàn khốc. Sửa lại cái gọng kính chỉ có nghĩa là phải đi thay cái gọng cũ bằng một cái mới, nắn lại cái nút ca vát chỉ có nghĩa là cái cổ đang ngứa, đổi cách gác chân chỉ có nghĩa là cái chân đang mỏi vân vân.

Nhưng nhìn những bức ảnh chụp ông Clinton tay dắt chó cùng vợ và con gái băng qua sân cỏ, tiến ra chiếc trực thăng Marine One để ra phi trường lấy máy bay đi Martha's Vineyard nghỉ mát hồi hai tuần trước, thì ai cũng phải tin body language, ngôn ngữ thân xác quả là có thể đưa ra được một số ý nghĩa, những ý nghĩa không thể, hay không tiện nói ra bằng khẩu âm.

Những bức ảnh của cả hai tờ Time và Newsweek, tuy không cho thấy những điều diễn tả trên khuôn mặt, người ta vẫn đọc được một số điều qua cái body language của bà Clinton. Ðó là cái tâm trạng bi thảm của một người sau khi những thứ quần áo dơ dáy nhất được đem ra phơi ngoài cửa cho tất cả mọi người thấy, tâm trạng của một người bị hạ nhục, bị phản bội, bị lừa, bị gạt, bị bịt mắt, bị che đậy, tâm trạng của một người mà lòng tin bị lợi dụng, khai thác, dầy xéo, bị ném vào những nơi chốn đáng ghê tởm nhất.

Từ phía sau nhìn tới, bức hình cho thấy bà Clinton ở phía bên trái, Chelsea, rồi mới tới ông Clinton và phía bên phải là con Buddy. Trong nhiều lần trước, thường là ông Clinton ở giữa, hai tay ôm vợ và con gái ở hai bên. Nhưng sau mấy tiếng đồng hồ cung khai trước đại bồi thẩm đoàn và công tố viên Kenneth Starr thì sự sắp xếp đó không thể xẩy ra được.

Chelsea vẫn tiếp tục đóng vai trò hòa giải nên được xếp vào vị trí giữa hai người. Khi cả ba bước từ bên trong tòa Bạch Ốc ra sân, ai là người đưa ra sắp xếp đó? Tôi tin là vào những lúc như thế, cả ba đều một cách vô thức tự tiến vào những vị trí đó. Bất cứ một cách xếp đặt nào khác cũng đều không tự nhiên một chút nào.

Bà Clinton mặc chiếc jacket xanh lá cây, quần den, đầu ngẩng lên một chút, và tuy cả ba người đều đang bước trên cỏ, tiến về phía chiếc trực thăng của thủy quân lục chiến, nhưng rõ ràng là hai người lớn đang được Chelsea kéo lại cho gần nhau hơn. Bà Clinton bước những bước hết sức thiểu não, mặt nhìn về phía trước nhưng vẫn có cái vẻ muốn gia tăng thêm khoảng cách với ông Clinton.

Nhìn những bức ảnh đó, ngay cả những người không mấy tin vào những phiên dịch các động tác của cơ thể, cũng phải tin là có một cái gọi là body language, ngôn ngữ thân xác. Trong những bức ảnh chụp gia đình ông Clinton trước khi lên đường đi nghỉ mát ở Martha's Vineyard, những điều muốn diễn tả, không bằng lời nói, đều có thể đọc thấy hết sức dễ dàng. Có lẽ body language có thật trong những trường hợp như thế.

Ðó là những trường hợp điều muốn nói không thể nói ra, không cần nói ra, không nên nói ra. Ðiều đó không trở thành những âm thanh do những sợi dây trong thanh quản, lưỡi, răng, hàm cúa, lưỡi gà và môi phát ra, và cũng không cần được chuyển qua một hệ thống khuếch âm stereo hi fi, nhưng những điều muốn nói ra vẫn rất to, rất lớn như qua những cặp loa 400 watts mở hết cỡ như sắp xé tung những woofer, những midrange, những tweeter của giàn loa

Body language trong những trường hợp như thế hữu hiệu hơn là ngôn ngữ thường phát ra bằng tiếng nói. Khả năng đâm chém, sát muối, chọc thêm cho vết thương rách ra... hữu hiệu hơn những hăm dọa về nhà với má, những đay nghiến, dằn vặt, những lăng mạ thậm từ, những quăng ném vài ba món đồ vật, những nhát kéo cắt nguyên tủ ca vát, những cái ống quần, những cái cổ áo, đâm thủng những cái lốp xe của... "thằng chả" rất nhiều. Và những "thằng chả" nhiều khi chỉ mong trở lại được với chiến tranh qui ước sử dụng các loại võ khí cổ điển cho được chết dễ dàng hơn là cái body language dễ sợ đó.

Bởi thế, cứ lôi body language ra dùng. Phía bên kia có biết vài ba thứ ngôn ngữ thứ hai (second language) có dậy ESL (English as a Second Language) cũng là thua hết. Cách trừng phạt hay nhất, nặng nhất đâu cần phải to tiếng, cứ đóng cho trọn vở Nghêu Sò Ốc Hến, không nói gì hết, cái kính đen được lôi ra, đeo lên là phía bên kia nhất định phát điên lên ngay tức khắc.

Sau đó mới từ từ nói chuyện phải quấy. Chỉ có từ chết ngắc tới trọng thương mà thôi.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 20 tháng 3 năm 1998

Bạn ta,

Trong chương thứ tư, chương Lý Nhân, tiết 20 của sách Luận Ngữ, cụ Khổng dạy rằng con cái có bổn phận phải biết tuổi của cha mẹ. Tuổi của cha mẹ, theo lời cụ, con cái không thể không biết. Phải biết để mà mừng và biết để còn lo. Mừng vì thấy cha mẹ đã thọ được như thế. Lo vì tuổi đã cao như vậy thì chắc chắn cha mẹ sắp phải ra đi.

Chuyện biết tuổi của hai cụ tôi thì dễ, có gì đâu khó. Cụ bà sinh vào năm có con số zero ở cuối, năm hiện tại có con số nào ở cuối thì cứ để nguyên, lấy con số hàng chục của năm nay trừ con số hàng chục năm sinh của cụ là ra ngay. Cụ ông hơn cụ bà ba tuổi, cộng thêm vào số tuổi của cụ bà là ra ngay tuổi cụ ông. Dễ không thể tưởng tượng được.

Như vậy, làm người con hiếu (biết tuổi của cha mẹ), trong trường hợp của tôi, cũng không có gì khó khăn lắm. Thêm vào đó hai chuyện mừng và lo, là làm được đúng lời cụ Khổng dạy trong Lý Nhân Ðệ Tứ của sách Luận Ngữ -- Khổng Tử viết: Phụ mẫu chi niên bất khả bất tri, nhất tắc dĩ hỉ, nhất tắc dĩ cụ. Các cụ khác không sinh vào những năm dễ nhớ như vậy thì con cái phải giỏi toán hơn (giỏi toán để còn làm tính nhẩm, tìm ra tuổi của các cụ) để trở thành những người con chí hiếu, theo lời cụ Khổng dạy.

Nhưng biết được tuổi của cha mẹ thì như chúng ta đã thấy, quá dễ.

Mới đây, tôi thấy có một vài chuyện biết được không dễ gì, nhưng biết thì cũng chẳng mừng, cũng chẳng lo gì thêm. Hay tại vì như thế mà cụ Khổng không thèm bắt mọi người phải biết? Nhưng chuyện đó cũng không hẳn là chuyện không nên biết. Có thể cũng cần phải biết lắm chứ không phải là không.

Hôm ấy là sáng hôm thứ hai, tôi vào bệnh viện sớm để thăm ông cụ tôi. Lúc vào đến phòng, thì y tá đang sửa soạn tắm và thay quần áo cho cụ. Tôi yêu cầu y tá để tôi làm việc đó, vì tôi biết ông cụ tôi không thích để người ngoài làm. Tuy đau yếu, ông vẫn là một người đàn ông còn nguyên cái tính độc lập, kiêu hãnh mà chúng tôi nhìn thấy từ bao nhiêu năm nay.

Và đó, lại là lần đầu tiên tôi làm cho ông công việc ông không muốn ai làm hộ cho ông hết. Việc này, người em sát tôi lại là người làm nhiều lần cho ông kể từ khi ông ngả bệnh.

Tôi lấy khăn lau người cho ông, rồi mặc quần áo mới cho ông. Lúc cho đôi chân của ông vào ống quần, tôi thấy ở dưới đùi trái của ông một cái nốt ruồi lớn, lớn bằng cái tẩy bút chì. Ðây là lần đầu tiên tôi thấy nó. Sống được hơn năm mươi năm tôi mới thấy nó. Chắc chắn nó phải ở đó từ rất lâu, có thể hơn năm mươi năm, sáu mươi, bảy mươi, tám mươi năm. Cũng có thể nó mới mọc lên từ ba bốn chục năm hay hai chục năm trở lại đây. Nhưng nhất định nó không chỉ mới có từ ngày hôm qua. Vậy mà tôi không bao giờ thấy nó trước khi chúng tôi đưa ông vào bệnh viện.

Trong khi ông lại biết rất rõ về chúng tôi. Ðứa nào có vết chàm xanh nhất, đậm nhất, lớn nhất, đứa nào một khoáy trên đầu, đứa nào hai khoáy, đứa nào khoáy trâu ở cổ, đứa nào tay có hoa, đứa nào không, đứa nào tay chữ nhất, đứa nào có ngón út cong ra ngoài... Ông bế ẵm tất cả sáu chị em chúng tôi, từng đứa một, không thiếu đứa nào.

Nhưng chúng tôi thì mãi tới gần đây mới làm được công việc đó với ông khi ông đau nặng.

Cái nốt ruồi ở dưới đùi ông, mãi tới nay tôi mới thấy. Bất công biết là chừng nào.

Thế mà tôi vẫn cứ nghĩ rằng tôi gần gũi ông cụ của tôi lắm.

Tôi biết rất nhiều chuyện về đủ mọi thứ, về đủ mọi nơi, về đủ mọi việc, về đủ mọi người. Vậy mà một chuyện nhỏ như thế của ông cụ tôi, tôi hoàn toàn không biết cho mãi đến tuần trước ở Toronto.

Buổi chiều hôm ấy, khi người em đến đón tôi về nhà, trên đường về, tôi hỏi em tôi có biết ông cụ có cái nốt ruồi ớn ở dưới đùi trái không, thì chú em tôi vẫn tiếp tục lái xe, thản nhiên đáp là có. Em tôi hỏi lại tôi rằng đến hôm đó tôi mới biết sao. Tôi thú nhận là đúng như thế. Chú em tôi cho biết, vẫn bằng một giọng bình thản, rằng chú đã thấy từ lâu, từ những lần tắm rửa cho ông cụ trong thời gian cụ bị mệt nặng mấy tháng trước. Trong cái giọng bình thản đó, dường như tôi vẫn thấy một cái gì có vẻ khoe khoang, kiêu kiêu, tự đắc ở trong. À, bây giờ anh mới biết là vì có bao giờ anh tắm cho cậu đâu... Tôi biết là vì tôi tắm cho ông cụ bao nhiêu lần rồi đấy chứ...

Tôi thấy mình thiếu sót quá nhiều: ngoài chuyện không ở chung với ông bà cụ, còn luôn cả việc mãi đến tuần trước, vào thăm ông cụ, tôi mới biết được cái mụn ruồi của cụ.

Thế mà tôi vẫn cứ tự bào chữa và trấn an mình rằng lời cụ Khổng dạy trong sách Luận Ngữ, tôi không hề thiếu sót.

Có bao giờ bạn vừa cám ơn, lại vừa ghét luôn cùng một người không? Thực ra nói ghét cũng không đúng hẳn, nhưng ghen thì đúng hơn. Trên chuyến xe về nhà chú em, tôi thấy cả hai thứ tình cảm đó của tôi hướng về chú sau khi nghe chú thản nhiên nói về cái nốt ruồi của ông cụ chúng tôi.

Nhưng cám ơn thì vẫn có vẻ nhiều hơn.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 20 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Ðơn kiện đầu tiên nhắm vào công ty dược phẩm Pfizer, công ty sản xuất thuốc Viagra, đã được nộp tại tòa án sơ thẩm của tiểu bang New York.

Người đứng kiện là một người đàn ông 63 tuổi tên Diego Padro. Ðơn kiện của ông nói rằng sau mấy ngày dùng Viagra - tổng cộng 4 viên do y sĩ kê toa sau khi khám tổng quát cho ông - hôm 26 tháng 5, nguyên đơn bị một cơn đau tim suýt nguy hiểm tới tính mạng. Ông cho biết khoảng hơn một ngày sau khi dùng viên Viagra cuối cùng, ông thấy có những triệu chứng như bị cúm trong suốt mấy ngày cuối tuần. Ði khám bệnh, ông được y sĩ cho biết ông đang bị một cơn đau tim. Nguyên đơn phải nằm bệnh viện tám ngày và hiện nay vẫn còn sợ có thể bị một cơn đau tim nữa, và trong cơn đau tim tới này, hy vọng qua khỏi của ông được kể như là rất ít.

Một người đàn ông 63 tuổi như ông chắc phải vào sinh, ra tử nhiều lần không hề hấn gì, bây giờ, vừa dùng mấy viên Viagra, liền bị ngay một cơn đau tim thì kiện công ty chế ra loại thuốc này là phải. Ông đòi bồi thường 85 triệu Mỹ kim. Làm sao ông đi tới được con số 85 triệu, mà không là 50 hay 100 triệu thì không ai biết được. Nhưng đã được dùng Viagra, rồi lại còn được bồi thường 85 triệu thì có lý lắm. ở những nước không bán Viagra, người ta còn sẵn sàng hy sinh nhiều thứ khác để sao có được một viên dùng cho bõ những ngày cơ cực mà không có, trong khi ông đã có tới bốn viên, vui vẻ hạnh phúc được suốt mấy ngày, rồi lại còn được kiện đòi bồi thường thì sung sướng nào bằng.

Nhưng thắng được Viagra coi bộ sẽ rất khó. Trước khi thuốc được tung ra thị trường Mỹ, Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm của chính phủ liên bang Mỹ, sau những thử nghiệm và nghiên cứu kỹ lưỡng, đã khẳng định rằng thuốc an toàn với mọi hạng tuổi. Pfizer cũng lại cảnh cáo khá rõ về những trường hợp không nên dùng Viagra nên trách nhiệm của Viagra khó mà có thể nối kết vào những viên thuốc Diego Padro mang về nhà uống trong mấy ngày trước lễ Chiến Sĩ Trận Vong Hoa Kỳ.

Hơn nữa, theo thống kê, khoảng hơn một triệu người ở Mỹ đã dùng loại thuốc này mà không thấy có ai chê nó, chỉ toàn những lời khen của những người phụ nữ bên cạnh họ, như bà Elizabeth Dole, giám đốc Hồng Thập Tự Hoa Kỳ, phu nhân cựu thượng nghị sĩ Dole, ứng cư viên tổng thống của đảng Cộng Hòa chẳng hạn. Tới nay, chỉ có 30 người chết khi dùng Viagra. Theo lối nhìn của thống kê, thì một triệu người dùng mà chỉ có 30 người chết, thì con số 30 này là một con số không đáng kể (negligible.)

Thực ra những cái chết như thế vẫn xẩy ra cho là có hay không có dùng thuốc Viagra. Trước khi có những viên thuốc mầu xanh này, vẫn đã có những cái chết mà thuật ngữ quân sự Mỹ có thể xếp vào những trường hợp KIA - Killed In Action. Tiếng Anh không có được những chữ đẹp như những người bạn đồng văn của chúng ta ở phương Bắc để tả những cái chết đó. Người ta gọi nó là cái chết hạnh phúc - happy death. Thua xa cảnh một danh tướng ngã vật xuống trong lúc đang trên lưng ngựa, tả xung, hữu đột, cảnh "mã cách lý thi" mà Mã Viện, một danh tướng đời Hậu Hán vẫn nói khi còn sống. Làm danh tướng thì phải chết trên lưng ngựa, rồi lấy ngay da con chiến mã bọc lấy thây. Ðẹp biết chừng nào những cái chết trên ngựa đó.

Trước khi Viagra được đem bán hồi tháng 3, đã có biết bao nhiêu những cái chết oai hùng như thế. Ðổ cho Viagra tội gây ra cái chết của 30 người trong số 1 triệu người dùng nó là bậy. Thí dụ Viagra bị coi là có trách nhiệm, và phải bồi thường cho nguyên đơn Diego Padro 85 triệu Mỹ kim thì sau đó, công ty này lại phải tăng giá thuốc lên để bù đắp cho số tiền bồi thường cho Diego Padro mà công ty phải móc túi ra trả, thì những người bị thiệt thòi sẽ là những người phải mua những viên thuốc Viagra trong tương lai với giá cao hơn giá hiện nay rất nhiều.

Như thế là không nên kiện hay sao? Vẫn phải kiện chứ. Nhưng kiện ai? Củ khoai không dính dáng gì trong vụ này, mà Diego Padro cũng không phải là con kiến.

Thế thì phải tìm ra một phía để kiện. Phía xúi giục, hối thúc Diego Padro, một ông già ngất ngư 63 tuổi kiếm cho bằng được bốn viên thuốc mang về nhà dùng chính là phía có thể lôi ra tòa kiện được. Vậy thì người phụ nữ, đối tượng mà Diego Padro đem dùng những viên Viagra nên bị kiện.

Nhưng kiện người đàn bà ấy để đòi bồi thường hay trừng phạt thì cũng tội cho nàng.

Luật Hồi giáo mà phe Taleban cho áp dụng ở A Phú Hãn, hay một vài nước ở Trung Ðông có thể bị coi là quá tàn ác, nhưng nghĩ lại thì những luật lệ ấy cũng có cái lý của nó. Tên kẻ trộm bị bắt thì lôi tay của y ra mà chặt. Y không dùng đôi chân để móc túi, vậy thì tại sao phải bỏ tù và phạt cả đôi chân của y. Cái cổ của y không lấy trộm của người khác thì tại sao lại lôi nó ra chặt? Y ăn trộm thì phạt cái tay. Chặt nó đi thì hết ăn trộm. Có kiện thì lôi cái tay ra mà kiện. Thời trước ở Trung quốc thì cắt lưỡi kẻ nói láo, chứ không chặt chân của kẻ phạm tội nói láo bao giờ.

Bây giờ quay trở lại vụ kiện của Diego Padro, người đàn ông này không nên kiện hãng Pfizer vì Pfizer không phải là mục tiêu, đó là không nói tới chuyện thắng được Pfizer không dễ gì. Ông nên kiếm đúng mục tiêu mà kiện. Và việc đó, chỉ ông biết, chỉ ông hay. Không ai có thể chỉ đích danh nơi nào ông cần phải kiện.

Tưởng tượng đơn kiện được tống đạt tới cho người phụ nữ đòi nàng bồi thường cho chàng 85 triệu thì một người phụ nữ bình thường sẽ phải thốt lên một câu như thế nào?

"Cám ơn ông..." Hay "Kiện cái con... lừa của tui đây nè" - Sue my ass... Hay "Kiện cái con..."

Nàng nói vậy lỡ chàng quay trở lại kiện chính một vùng cơ thể của chàng thì sao?

Thôi chứ... uống Viagra, vui vẻ rồi lại còn toàn thây thì kiện cái... gì bây giờ?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 2 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Hôm nay, bưu điện đã giao món quà bạn tặng tôi. Cám ơn bạn nhiều. Chỉ hiềm một nỗi tôi không biết có bao giờ phải dùng đến nó không.

Ðeo nó vào thì trông cũng được lắm. Mừng nhất là cái dây cột vẫn còn vừa để cột, lại còn thừa một đoạn khá dài. Thôi như vậy là tôi được biết cũng còn nhiều thùng nước lèo ở Mỹ to hơn cái thùng của mình.

Bỗng tôi nhớ tới lời một bài dân ca đã cũ của Mỹ, bài Careless Love, đại khái lần đầu khi chàng đi ngang (?) nhà, em còn thắt được cái dây. Bây giờ chàng không còn đi ngang (?) nữa, em thắt cái dây không được nữa.

Thế là Careless Love. Bất cẩn nên cái dây cột ngang bụng em mới... ngắn đi, cột không được nữa. Nghe mãi mà vẫn không biết tại sao lại không cột được dây. Hay giặt đi, cái dây nó co lại, không cột vừa nữa?

Thế mà tôi cột xong rồi mà vẫn còn thừa hẳn một đoạn.

Nhưng tôi thích nhất hàng chữ in ở phía trước: "I spent 4 years in college for this?..."

Cay đắng lắm, chua chát lắm. Mất 4 năm ở đại học để làm công việc này ư? Vừa khoe được với mọi người rằng mình có đi học đại học, có chữ, có nghĩa... nếu muốn, cũng chức này chức nọ. Thế mà bây giờ phải đứng trong bếp nấu tô mì gói. Khổ thế đấy.

Cai apron, tức là cái tạp-dề đeo để làm bếp không chỉ là cái tạp-dề không nữa. Nó cũng có một lời phát biểu. Có thể nghe đầy giọng phàn nàn, bực bõ mà cũng có thể là có cả chút hài hước ở trong.

Nhưng đeo nó vào người thì liệu có được đảm bảo là không "thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên" không?

Ðeo nó vào người liệu tôi có nấu được hai món xào, một món canh như nhiều người đàn ông Việt Nam vẫn đòi cho đủ không?

Tôi nghĩ là không. Ðọc thêm mấy cuốn sách dậy nấu nướng hay nghiên cứu thật kỹ mục dậy nấu vài món giản dị của mục Cheap Thrills Cuisine mà chú em tôi phụ trách cùng với anh chàng Bill Lombardo trên tờ Washington Post, phụ trang Food mỗi ngày thứ tư trong tuần, tôi vẫn thấy chưa khá hơn được chút nào.

Ðứng trong bếp một hồi, ngó mấy thứ nghe xúi dại mua về bầy trên bàn bếp rồi cũng lại tống hết vào bao rác, lôi mì gói ra nhậu vói bồ đào mỹ tửu chén dạ quang.

Khách khứa đến thì lại đổ cho "trẻ thời đi vắng, chợ thời xa" thôi ra đầu đường thăm ông McDonald cho khỏi phải tự bêu diếu với bạn bè.

Món quà của bạn có gửi theo một lời nhắn nhủ nào không?

Bạn muốn tôi học nấu nướng? Ông Mai Thảo hơn nửa thế kyœ không biết cái bếp là gì mà có sao đâu? Ông vẫn vui vẻ cho đến lúc chết. Bàn tay của ông chỉ dùng để bóc cái nắp thiếc ở cái cổ chai cognac và mở những chai rượu.

Tại sao phải làm bề bộn cái bếp, khu vực sạch sẽ nhất trong căn nhà tôi đang sống? Tại sao phải bắt những lon bia trong tủ lạnh nhường chỗ cho những miếng thịt, những con cá, mà chưa chắc nấu lên đã... dám liều lĩnh lôi ra bàn, ngồi xuống ăn?

Hay bạn nhắn nhủ đem cái tạp-dề cột vào một người khác?

Tìm đâu được người có bốn năm đại học chịu đeo nó rồi bước xuống bếp mà vẫn giữ nguyên được óc hài hước để cười với hàng chữ in trên cái tạp-dề bạn gửi cho trong lúc đứng nấu nướng xình xịch ở trong bếp?

Nhất định là không được. Như vậy thì chỉ có thể là treo cái tạp-dề trong bếp. rồi làm dáng cố tình để cho khách khứa đến nhà trông thấy để phục lăn phục lóc một người trong bếp là một nhà kinh tế học, phòng khách là một nhà ngoại giao và trong buồng ngủ thì là một cái xưởng cưa hoạt động suốt đêm.

Có điều nếu có nấu được vài món ở trong bếp thì cũng là nấu cho mình ăn chứ nấu cho ai đâu mà giọng đầy mè nheo, gây sự như thế.

Không biết nấu, luộc quả trứng còn làm cháy cái nồi thì cần gì phải phách lối bằng câu "I spent 4 years in college for this?..."?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 2 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Abigail Van Burren cách đây mấy ngày có đăng trong mục Dear Abby của nàng bức thư của một độc giả phụ nữ, trong đó, người viết cho biết tình cờ tìm được lọ thuốc Viagra của ông chồng và không biết phải làm gì với khám phá mới đó.

Người viết ký tên là Carol ở Missouri cho biết từ gần 1/4 thế kỷ, bà dã sống yên lành (?) trong một cuộc hôn nhân không đích thực mang đầy đủ ý nghĩa của một đời sống vợ chồng. Ngay sau khi hai người làm đám cưới, ông chồng bà nói rằng vì cả hai đều không tính có con cái với nhau, nên ông xin được miễn dịch vĩnh viễn. Ông nói ông không muốn đổ mồ hôi ở sa trường nữa, nguyên văn: "He said he did not like to get hot and sweaty."

Bà đồng ý cho ông giã từ vũ khí từ đó, tức là từ 25 năm nay.

Nhưng người viết kể tiếp rằng mấy hôm trước, bà tìm thấy một lọ Viagra và theo chỗ bà nhớ lại, thì ông nhà không hề xử dụng những viên thuốc đó để đem lại lợi ích cho bà bao giờ: "I know he is not using it for my benefit." Bà hỏi Abigail rằng bà có nên đối chất ông về lọ Viagra không... Bà rất lo lắng vì bà cứ nghĩ rằng chuyện đó đã chết trong suốt cuộc sống hôn nhân của hai người rồi.

Abigail trả lời rằng bà lo lắng là phải, vì lẽ chuyện đó coi bộ đã sống lại và ông chồng "nợ" bà một lời giải thích: "Your husband owes you an explanation."

Và đọc đoạn trả lời mách nước ở dưới bức thư của Abigail, người ta thấy nàng lại cố vấn nhảm thêm một lần nữa như đã từng khuyên bậy bao nhiêu lần trong mấy năm trở lại đây.

Chuyện trong túi người đàn ông có lọ Viagra có thể không mang bất cứ một ý nghĩa nào hết. Có thể là thấy những viên thuốc mầu xanh da trời quá đẹp, người đàn ông mua về bỏ trong túi chơi mà thôi. Hay biết đâu, ông có chủ đích bán lại để kiếm chút tiền lẻ bổ xung cho ngân quỹ gia đình của hai người như người đàn ông Nhật nọ bị bắt ở phi trường Los Angeles mấy tháng trước vì có mang trong va ly hơn mười ngàn viên Viagra với chủ đích mang về Nhật bản bán kiếm lời. Tại sao người đàn ông Nhật nọ thì bị đổ ngay cho cái tội buôn lậu thuốc Viagra mà người chồng thì lại không được cho hưởng cái lợi (?) của sự nghi ngờ - benefit of the doubt - như một cách nói của người Mỹ và được các dịch giả tài ba dịch sang tiếng Việt?

Chuyện trong túi có lọ Viagra hoàn toàn không có gì khác với cái bật lửa trong bếp của tôi. Cái bật lửa, hộp quẹt trong ngăn kéo không có nghĩa là người ở trong cái apartment đó biết hút thuốc. Vừa không hút thuốc mà cũng không nấu nướng. Không nấu nướng mà cũng không toan tính đốt nhà ai hết. Bộ không thể dùng cái bật lửa để đốt ngọn nến cho thơm nhà hay mỗi sáng một cây hương trên bàn thờ hay sao? Thấy cái bật lửa trong nhà mà đổ cho tội biết nấu ăn, toan tính đốt nhà và nghiện thuốc lá thì độc ác biết là chừng nào.

Cũng như cái bằng lái xe ở trong túi không thể được coi là bằng cớ cho thấy người trong bức ảnh có xe hơi, hay lái xe hơi mỗi ngày đi làm. Bằng lái xe có thể chỉ được dùng để ký check, để dùng thẻ mua chịu, để nhận bức thư bảo đảm.

Hay trong túi có cài cái bút không có nghĩa là nhà văn. Người cài nhiều bút trong túi áo ngực có thể là chủ tiệm phở chẳng hạn.

Như vậy, chuyện người đàn ông có lọ Viagra trong túi có thể không là điều gì đáng để lo ngại hết. Lọ Viagra phải đi kèm với mùi eau de Cologne mới, những cú điện thoại mà chàng không bốc lên, vài ba món quà mang đầy nét hối lộ hay đầy vẻ chuộc tội (?), cái ca vát mầu tươi hơn đống ca vát cũ, cách gọi vợ ở nhà (thí dụ gọi bằng cưng, lối gọi không bao giờ thấy dùng trước đó để đề phòng gọi lộn tên chẳng hạn) hay vài ba chuyến công tác ngắn hạn đi khỏi thành phố, ăn uống (ở nhà) tuy ít mà vẫn thấy phì ra như ăn... hai bữa, những biên lai thẻ mua chịu được dấu biến đi, cái bill điện thoại không còn thấy ở trong nhà nữa để khỏi thấy những cái số viễn liên khả nghi, đi ngủ thì tọng nguyên cái khăn vào miệng để nằm mơ khỏi ú ớ khỏi gọi tên dăm ba thứ hoa như Hồng, Cúc, Mai, Hạnh... làm như chủ nhân tiệm florist không bằng...

Chỉ trong những trường hợp như thế mới có thể tình nghi là người đàn ông có những toan tính không chính đạo.

Khi đó phải làm gì?

Không nên lo lắng như Abigail khuyên. Ðầu tiên là khóa cửa ra vào, chặn các cửa sổ lại. Cắt điện thoại cho "cạn dòng lá thắm, tuyệt đường chim xanh", rồi đi tắm một cái, xức một nửa lọ nước hoa Diva lên các địa điểm chiến lược, mang một ly nước và một viên Viagra lên đưa cho chàng... để vẫn là cơm bưng, nước rót. Ra lệnh cho chàng nuốt, chiêu hết bằng ly cối nước. Rồi đặt cái CD của Kenny G độc tấu saxophone vào máy, tắt bớt đèn đi, uốn éo, ượn ẹo trước mặt chàng chờ cho thuốc ngấm...

Ðúng một tiếng đồng hồ sau xem có còn viết thư than thở, nói xấu chồng với Abigail không nào.

Cố vấn ít nhất cũng phải như thế chứ.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 2 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

John Doctorow, một nhà văn Mỹ có lần viết rằng tất cả mọi tác phẩm văn chương đều có ít nhiều nét tự truyện ở trong.

Thoạt nghe thì hơi khó tin, nhưng nghĩ lại thì nhận định của nhà văn này cũng đúng chứ không phải là không. Con người của Ernest Miller Hemingway được tìm thấy ở trong mọi tác phẩm của ông: trong A Farewell To Arms, trong The Old Man And The Sea, trong The Sun Also Rises... đâu đâu cũng thấy bóng dáng Ernest: lúc trong quân y viện, lúc trên chiếc thuyền câu, lúc trong quán rượu, lúc trong đấu trường ở Tây Ban Nha. Sagan thì đầy trong Bonjour Tristesse, trong Un Certain Sourire...

Sung sướng biết bao nhiêu khi những người quen biết với tác giả nhận ra mình thấp thoáng trong những trang tiểu thuyết ấy, dẫu chỉ là những vai phụ. Nhưng có được bao nhiêu người thật ngoài đời được làm cho bất tử trong những cuốn sách của các tác giả danh tiếng ấy? Bao nhiêu người được như Ava Gardner, Gary Cooper khi Ernest phác bằng vài nét trong tiểu thuyết của chàng? Bao nhiêu người được làm cho sống mãi với đôi má hồng dưới những bông hoa đào của gió đông trong thơ của Thôi Hộ? Ai là "giai nhân nan tái đắc" của Cao Bá Quát? Ai là "tôi" và ai là "người ấy" trong thơ của TTKH? Ai là "người" trong Tống Biệt Hành của Thâm Tâm? Ai là những người may mắn và hạnh phúc đó?

Nhưng ngày nay, muốn lừng lững đi vào văn học - nếu tạm gọi, và gọi bừa tất cả các thứ sách vở, thơ thẩn, truyện ngắn truyện dài, kể cả cái thứ văn chương quái đản gọi là hồi ký tiểu thuyết là văn học - thì cũng chẳng khó khăn gì lắm. Chỉ cần một số tiền từ $50 đến $300 là người chi tiền có thể trở thành nhân vật chính trong một cuốn tiểu thuyết, muốn diễm tình cũng có, muốn phiêu lưu mạo hiểm, muốn làm anh hùng cứu dân độ thế, muốn hừng hực dục tình cũng có luôn.

Một nhà xuất bản (Swan Publication) sẵn sàng đưa người chi tiền vào các trang tiểu thuyết mà các ông, các bà này chọn. Hiện nhà xuất bản có sẵn năm truyện, ba truyện viết về khung cảnh đương đại, hai quyển được viết lồng trong khung cảnh lịch sử.

Thí dụ đây là một đoạn: "When HIS NAME's lips finally stopped upon hers, desire tumbled through HER NAME like a river tumbles through rapids..." Cuối cùng, khi đôi môi của (tên chàng) dừng lại trên môi nàng, thì đam mê ào ào chẩy cuốn qua (tên nàng) như một con sông đổ xuống lòng thác..."

Chàng viết cho nhà xuất bản tấm ngân phiếu và cung cấp vài ba cái tên để đặt vào những dòng văn chương tiền chế. Nhà xuất bản đánh những cái tên này vào máy điện toán và ra lệnh cho máy đi tìm những nơi đích đáng để điền vào. Chỉ vài ba phút, tất cả những cái tên của nhân vật chính đàn ông, xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan... xuống Man Khê bàn sự Phục Ba đều được đổi thành tên chàng hết ráo. Và nhân vật phụ nữ vừa xinh, vừa đẹp, vừa sexy, vừa không phải... sửa sang, tân trang gì hết thì mang tên của nàng. Tất cả những cảnh nghẹt thở, thở hào hển, thở nhễ nhại... đều có chàng và nàng. Nhà xuất bản bấm cái nút ra lệnh cho máy in hoạt động thì tất cả cuốn tiểu thuyết ba xu được in ra cái ào, chạy qua máy đóng, dán gáy, vô bìa và gửi cho người viết tấm chi phiếu.

Chàng nhận được, lôi ra đọc, tưởng tượng ra chàng và nó đang trong những đoạn yêu cuồng sống vội cho bõ những ngày cơ cực khi hết chạy, đến rượt theo tán nó rã họng mà nó không thèm ngó lại một chút.

Nếu chàng có một chục mối tình đầu thì cứ thuê in một chục cuốn trong đó, chỉ thay tên đổi họ cho nhân vật nữ là có ngay một chục tác phẩm văn học nghệ thuật với nhân vật chính vẫn là chàng vác gươm đi trừ gian diệt bạo, cứu người phụ nữ gặp họa giữa đường rồi cả hai xuống thuyền một chuyến đã đời, vòng vòng ngao du sơn thủy như Trần Khắc Chung đi Chiêm Thành cứu Huyền Trân sau khi Chế Mân chết.

Trong truyện, nếu muốn, chàng có thể yêu cầu nhà xuất bản viết về một mối tình cực kỳ lãng mạn, nhân vật chính là chàng, nhân vật nữ bên cạnh chàng thì hiền lành, dịu dàng, mắt không trợn ngược lên, đôi lông mày chổi xể không nhíu lại, tiếng nói không the thé rít qua kẽ răng đang nghiến kèn kẹt, ăn nói nhỏ nhẹ, duyên dáng, không "gẫy cây, gẫy cối" như trong đoạn Gia Huấn Ca mà Nguyễn Trãi thay lời người mẹ dậy con gái; không hủ tiếu dai, không canh rau đay, không khoai nghiền, không thịt băm... Chàng, vai chính, thì cứ như Gregory Peck vừa đẹp, vừa lịch sự, vừa tài giỏi trong vai Harry Street, còn các vai phụ nữ thì vai nào cũng như Susan Hayward, Ava Gardner, vừa đẹp, vừa đằm thắm...

In xong, rồi xếp ngay cuốn sách vào loại Khoa Học Giả Tưởng, hay Truyện Tưởng Tượng với trường phái Siêu Thực và đặt vào tủ sách giữa nhà cho đỡ tủi thân, đồng thời lại làm sáng lên lòng tin vào con người, vào tính Chân, Thiện và Mỹ.

Nhưng nếu các chàng có thể cho... xuất bản những cuốn tiểu thuyết như trên, thì tại sao các nàng lại không thể thuê máy điện toán viết những cuốn tiểu thuyết, trong đó, các nàng thì vẫn đẹp, vẫn sexy, vẫn ngon lành, trong khi những người đàn ông trong truyện thì được máy điện toán (?) mô tả như những người Neanderthal khọt khẹt như những con khỉ đột, thô lỗ, cục cằn, vô duyên, sống sượng, ngu dốt, cu ly, cu leo, tàn mạt, chỉ đáng làm đứa ăn, đứa ở cho các nàng?

Thể loại văn chương này mới thấy xuất hiện nhưng đã khiến cho các nhà văn thứ thiệt vô cùng hoảng hốt. Ðọc tiểu thuyết là một cách trốn thực tại, đi tìm một thế giới khác hơn thế giới đang sống. Nhưng khi mà chuyến đi trốn ấy có thể được giàn xếp với những niềm mơ ước thầm kín nhất của đời các chàng, như Cindy Crawford, như Tea Leoni, như Daryl Hannah... thì ai còn đi kiếm Cynthia như Harry Street trong The Snows of Kilimanjaro của Hemingway nữa?

Các nhà văn thứ thiệt sắp nguy rồi chăng?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 20 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Có lẽ chưa bao giờ và có thể cũng là sẽ không bao giờ có một cách nhục mạ những người đàn ông Mỹ ghê rợn hơn lời lẽ bức thư của một phụ nữ gửi cho Ann Landers mà tôi đọc được sáng nay.

Tác giả bức thư viết cho Ann Landers chỉ cốt để nói với một độc giả ở Vancouver, người mấy tháng trước viết cho Ann Landers than thở về tình trạng độc thân của mình, rằng phụ nữ ở một mình là những người sung sướng nhất thế giới. Tác giả cho biết ở nước Mỹ có hơn 4 triệu phụ nữ trên hạng tuổi 40 vẫn còn ở một mình. Họ sẽ sống lâu hơn, sống những đời sống vui vẻ hạnh phúc hơn vì không phải lo lắng cho con cái, chồng, và nhà chồng. ở một mình, họ có nhiều thì giờ, năng lực và tiền để thực sự sống cho họ.

Những điều đó đều đúng. Không ai chống hay phản đối, nhưng ở ngay phía dưới, tác giả quay sang... cho đàn ông một trận. Tác giả viết rằng người mẹ, trong suốt 20 năm, đã làm đủ mọi cách để dậy cho đứa con trai làm sao sống độc lập, tự lo lấy cho mình, nhưng ngay khi nó lấy vợ, thì nó lập tức quên hết tất cả những điều dậy dỗ đó và bắt đầu sống dựa vào một người khác, vợ nó. Tác giả bức thư cho rằng nuôi một con chó có lý hơn là lấy một người chồng. Con chó yêu người nuôi nó vô điều kiện, không hề đòi tình cảm của nó phải được đáp lại bao giờ. Và hơn nữa, sau khi con chó được dậy để sống trong nhà (housebroken), chủ nó sẽ không bao giờ phải cầm khăn đi chùi chung quanh cái cầu tiêu mỗi khi nó làm công việc bài tiết.

Ðọc câu này, có thiếu thông minh cách mấy đi nữa cũng phải hiểu rằng kẻ làm ướt, làm bẩn khu vực chung quanh cái cầu tiêu không phải là con chó. Nhất định tác giả muốn nói chỉ có những người đàn ông mới làm những việc tệ lậu đó.

Như vậy, người đàn ông dưới mắt của người viết, không bằng một con chó, một "con chó ỉa đường" như một cách nói trong tục ngữ Việt Nam. Nói như vậy nghĩa là người đàn ông, người chồng là cái thứ vô tích sự, vô trách nhiệm, không ra cái trò trống gì hết, không khá được.

Nếu đó chỉ là ý kiến của một phụ nữ chê những trái nho trên giàn cao là chua, là xanh, là không ngon, là không "xứng miệng người phong lưu" như Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine thì cũng chẳng sao. Nhưng ý kiến đó lại được Ann Landers phụ họa theo, cho rằng những người đàn ông chỉ biết đái bậy trong nhà tắm để cho vợ đi theo hầu. Ann Landers viết rằng tác giả có thể vừa bị ai tặng cho quả tim tan nát nên mới "ân đền trả oán, hận kẻ bạc tình, chim non xa tổ, xa quê hương nhớ mẹ hiền" như thế, nhưng Ann Landers kế đó lại quả quyết rằng hàng triệu phụ nữ góa chồng sẽ rất vui vẻ nếu ông chồng sống lại, hay tìm được một người chồng khác, để lại có nhu cầu đi lau chùi quanh cái cầu tiêu lần nữa.

Nghe thì có vẻ như Ann Landers cổ võ, bênh vực cho chuyện lập gia đình, cho chuyện có một người đàn ông bên cạnh lắm. Nhưng đọc lại mà coi, bạn sẽ thấy ngay Ann Landers cũng coi những ngồi đàn ông Mỹ chỉ là một bọn ăn hại, đái nát... có chuyện dùng cái nhà cầu cũng không nên thân để cho vợ phải chạy theo dọn dẹp.

Mà không phải Ann Landers nói là chỉ có dăm ba người đàn ông làm như thế. Trong câu trả lời, nàng viết nguyên văn thế này: "I assure you that millions of women whose husbands have died would be happy to mop around the commode again..."

Ðảm bảo như vậy là đảm bảo rằng ở Mỹ, có hàng triệu người đàn ông làm như thế, nên mới có hàng triệu (nhiều triệu: millions...) người đàn bà mất chồng sẽ vui vẻ để cầm cái khăn chạy theo lau cái nhà cầu cho những ông chồng (nhiều triệu) đái bậy đó.

Ann Landers viết báo đã mấy chục năm nay. Không thể nói là lỡ tay, không làm chủ được ngòi bút của mình. Vậy mà nàng vẫn có thể đảm bảo với người độc giả kia rằng tất cả những người chồng đã ra đi của nhiều triệu phụ nữ đó, đều là những người không làm chủ được tia nước của họ.

Bỏ qua tất cả nhũng tốt đẹp chắc chắn phải có của những người dàn ông này, Ann Landers chỉ nói đến chuyện đái bậy của họ. Trong khi đã chắc gì tất cả nhiều triệu người đàn ông Mỹ pháo kích dở như thế.

Mae West, một nữ tài tử Mỹ, có lần nói rằng đàn bà thua đàn ông vì không thể viết tên của mình trên tuyết. Câu này nghĩa là gì? Thưa nó nghĩa là chỉ có đàn ông (Mỹ) mới có thể làm chủ được tia nước của họ. Ðàn bà, theo Mae West, thì không.

Khi làm chủ được đường đi của tia nước thì không thể có chuyện tia nước đổi hướng loạn xạ được. Ngắm đâu trúng đó. Muốn viết vài ba chữ trên tuyết còn được (như Mae West nói) chứ việc pháo kích cho trúng cái bồn cầu thì nhằm nhò gì.

Vậy thì chỉ có những ai không thể làm chủ được tia nước, kiểm soát được đường bay của những tia nước đó, nghĩa là muốn viết dăm ba chữ trên tuyết cũng không viết được (như Mae West nói) thì mới có chuyện phải cầm cái khăn chạy theo lau cho sạch, cho khô mà thôi.

Nhưng đó lại là chuyện của đàn ông với đàn bà Mỹ thỉnh thoảng lôi nhau lên báo gây sự chơi cho đỡ buồn. Người viết không hề nhắm vào những người đàn ông không có quốc tịch Mỹ.

Thế là tôi lại càng thấy chuyện mình không là người Mỹ vẫn là một quyết định sáng suốt nhất mà tôi đã làm. Làm đàn ông Mỹ để bị nhục mạ như thế sao?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 20 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Với người không giỏi chuyện quà cáp thì thời gian từ nay cho đến cuối năm là những ngày khủng khiếp nhất.

Những quen biết của tôi đều là những người cái gì trên đời cũng đã có hết, mà lại còn có nhiều nữa là khác. Mà họ thì không phải là người như câu chuyện của một bà mẹ khuyên cô con gái khi cô hỏi phải cho người đàn ông đã có mọi thứ trên đời cái gì bằng câu trả lời: "Một chút khuyến khích, con ạ..." được.

Khuyến khích có thể đem ra tặng cho một số người, nhưng không phải ai cũng có thể đem tới đưa một chút khuyến khích vào tay được.

Việc quà cáp phải được nghĩ đến từ nửa năm trước. Danh sách phải được viết xuống. Sở thích là yếu tố được đưa lên đầu. Mức độ thân quen, sự sâu đậm của tình cảm phải được ghi rõ. Rồi đến những chi tiết về ngân sách. Sau cùng là kiếm những món quà đó ở đâu.

Ngoài thái tử Charles của nước Anh, không ai làm được tất cả những trò điên dại đó. Mà ngay như Charles, thì quà cho cục cưng Camilla Parker Bowles cũng chỉ là cái vòng có khắc hai chữ F và G, hai chữ viết tắt của cái gì, đến nay vẫn chưa ai biết rõ. Thái tử Charles còn dốt và thiếu sáng kiến về quà cáp như vậy thì chúng ta được quyền dốt và thiếu sáng kiến hơn nhiều. Nhưng những bận tâm về quà cáp thì vẫn mỗi năm quay trở lại làm khổ những người không phải là thái tử Charles.

Thì may quá, Victoria's Secret đã nghĩ tới những người trên đời cái gì cũng đã có để đưa ra một gợi ý về quà cáp. Chỉ hơi khó cho người tặng quà một chút ở cái giá của món quà đó: 5 triệu Mỹ kim.

Ðó là một chiếc nịt vú gắn kim cương và hồng ngọc mà theo tờ Philadelphia Inquirer, thì món quà sẽ được đặt trong một chiếc hộp bằng nhung và được giao tận nhà người nhận quà bằng một xe vận tải có bọc thép.

Nịt vú thì gắn kim cương với hồng ngọc. Xe vận tải thì bọc thép để đề phòng cướp bóc trộm đạo. Món quà cũng như cách cho, cách tặng đều rất có lý, nhưng tại sao lại 5 triệu Mỹ kim?

Shah Jehan xây cái lăng cẩm thạch Taj Mahal ở Agra, Uttar Pradesh cho vợ chắc phải chi nhiều hơn 5 triệu đô-la, nhưng cái lăng cẩm thạch xây từ thế kyœ thứ 17 đến nay vẫn còn cho mọi người đến chiêm ngưỡng.

Nhưng 5 triệu đô-la tiêu cho cái nịt vú Dream Angel, dẫu là được đo, cắt theo đúng kích thước đi chăng nữa, thì... mấy ai, bao nhiêu người được đến chiêm ngưỡng nó?

Tưởng tượng mang món quà mua 5 triệu Mỹ kim đem tặng, vài hôm sau người được tặng quà, để bầy tỏ sự cảm động, mức độ ưa thích, sự cảm kích trước món quà đắt tiền đó, nói với người tặng quà rằng món quà được nhiều người khen là rất đẹp, rất lóng lánh hột xoàn, rất rực rỡ kim cương, rất sáng trưng hồng ngọc, rất mượt mà sa tanh, rất thơm phức đô-la, hai sợi dây vàng thay thế cho hai sợi thép chạy vòng phía dưới như trong những sản phẩm của Olga, của Bali, của Lou, của Cacique thật là êm tay (?).

Thì người tặng quà phải nghĩ thế nào? Phải nói làm sao? Phải làm gì để phản ứng lại cái thông báo rằng quà tặng của mình được đem ra khoe cho mọi người chiêm ngưỡng?

Phải cười, phải vui, phải hãnh diện? Hay phải kiếm khẩu Magnum bắn đạn đầu rỗng đụng mục tiêu sẽ toét ra, để gia tăng mức độ tàn bạo của khả năng công phá?

Người mua quà phải vui khi người nhận quà đem món quà đi khoe cho mọi người thấy chứ. Ai lại mua tặng món quà, quà cáp cứ bị giấu đi, chẳng cho ai được thấy để mà ghen tức uất lên mà chết?

Ðây không phải là chiếc nịt vú đầu tiên có gắn kim cương. Năm 1996, Victoria's Secret quảng cáo bán chiếc Miracle Bra với giá 1 triệu Mỹ kim. Không ai mua, hiện nay chiếc Miracle Bra này được đem về bầy tại trụ sở chính của công ty. Chiếc năm ngoái, kiểu strapless không dây, không cần hai sợi spaghetti vắt ngang qua vai, cũng gắn kim cương được bầy bán với giá 3 triệu Mỹ kim thì nay bị tháo ra, kim cương được bán cho người mua không cần cái strapless.

Công ty Victoria's Secret cho biết sản phẩm của họ khó bán có lẽ vì chúng rất khó giặt. Không thể quăng vào cái máy giặt thường, chung với mấy cái quần Jeans, mấy cái áo cotton được. Cũng không thể vặn nút heavy duty cho giặt thật kỹ như đống quần áo lót khác. Phải đưa tới tiệm kim hoàn nhờ giặt và lau những viên kim cương, hồng ngọc.

Thế thì ai dám mua về mặc. Mà mặc vào thì ai dám tháo ra, cứ để thế mà chiêm ngưỡng kim cương chứ.

Nhưng có thể những người có 5 triệu Mỹ kim chưa tìm được người để tặng chăng? Xây cái nhà vàng, thì cũng phải cố kiếm cho được thuyền quyên về hú hí như một câu trong bài phú vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh thì mới nên xây chứ.

Chuyện mua cái Dream Angel Bra giá 5 triệu Mỹ kim cũng vậy. Chứ mua về mà chỉ dùng để phủ lên hai cái túi silicone thì chán chết. Silicone rất kÿ kim cương. Hay nói là kim cương kÿ silicone thì cũng thế mà thôi.

Nên cái thứ này khó bán lắm. Không mua năm nay, sang năm hỏi mua chắc vẫn còn.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 20 tháng 5 năm 1998

Bạn ta,

Tôi nghĩ ở trong đầu chúng ta, người nào cũng vẫn còn giữ lại những tiếng gọi của người mẹ. Tôi vẫn còn giữ được mấy câu như thế từ mấy chục năm nay. Nó nằm ở một cuộn não nào thì không biết được, nhưng chỉ một nỗ lực nhỏ để gợi đến nó, là nó lại vang vọng trở lại.

Nó vọng từ đầu ngõ của căn nhà đầu tiên tôi còn giữ lại được trong trí nhớ, từ cái cổng tiếng gọi của mẹ tôi lan trên bờ ruộng nhỏ ra tận con đường cái trải đá xanh, con đường liên tỉnh số 5, tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Buổi chiều tím sậm trên những hàng cây xa mà những bước chân của đứa bé lên 5, lên 6 chưa bao giờ nghĩ có thể tới được. Tiếng gọi bao giờ cũng đi kèm với cái tên của tôi ở đầu và cuối. Ở đầu để gây sự chú ý, và ở cuối là một nhắc nhở. Mẹ tôi cẩn thận nói thêm cái lý do để phải trở về gấp: bữa cơm chiều, đi tắm, cắt tóc, rửa chân, chơi với em... rồi bao giờ cũng thêm một câu hỏi: "...đi đâu mà đi biệt cùng căng thế này...?"

Nhưng đứa bé ấy vẫn chỉ nhởn nhơ, chầm chậm đi về vì buổi chiều đang quá hết sức đẹp. Những cây mạ non rung mình trong gió chiều, những con cò trắng bay bằng cái dáng thảnh thơi trên những vạt nắng cuối cùng của ngày... Nó tận hưởng buổi chiều quê, cơn gió nhẹ từ phía ao nhà bên cạnh, giậu găng, cây nhót ở một bên con đường nhỏ dẫn về nhà...

Cũng tiếng gọi ấy tôi lại nghe từ căn gác ở đường Sinh Từ, Hà Nội, cắt ngang những ván bi, những lúc trận đáo đang hào hứng nhất.

Lý do để phải trở về nhà ngay lúc đó cũng thường được đưa ra ngay trong câu gọi của mẹ tôi. Nó có thể là bữa cơm, là bài học thuộc lòng, là bản cửu chương sẽ bị bố khảo buổi tối, là bài luận viết chưa xong trong cuốn vở còn mở trên bàn, là mấy cái động từ bất qui tắc tiếng Pháp bố dặn phải chia cho xong trước khi xuống ngõ chơi... Tiếng gọi của mẹ tôi vang lên từ trên gác, qua những chiếc cửa sổ của tầng lầu trên để xuống cái ngõ nơi chúng tôi đang đứng.

Và những lúc đó, nó làm tôi hết sức khó chịu. Vừa tiếc trận đáo đang sắp ăn đến nơi, vừa ngượng với lũ bạn vì... lớn rồi mà còn bị mẹ gọi về đi tắm, đi ngủ...

Nhưng cũng trong một trận đáo dưới ngõ, sự khó chịu ấy được thay thế bằng một niềm hạnh phúc vô vô cùng lớn. Lần ấy tôi thấy rất sung sướng nghe mẹ gọi về khi một tên bạn nhỏ than thở bao giờ cũng chỉ bị bố gọi về nhà rửa chân đi ngủ vì mẹ nó chết sớm. Trước đó, ý niệm hạnh phúc được nghe mẹ gọi không bao giờ có trong tôi.

Tôi còn được mẹ gọi về ăn cơm trước khi đi ngủ. Tôi còn có mẹ.

Những tiếng gọi của mẹ tôi vẫn đang lên trong những buổi sáng dậy đi học, những buổi trưa hè, những buổi chiều mưa, những tối mùa thi... không bao giờ là những âm thanh bực tức, giận dữ. Tiếng gọi bao giờ cũng là một sự nhẫn nại, dịu dàng, chịu đựng. Và nó luôn luôn vang lên vào những lúc ván bi đang sắp "dinh tê," hay bàn cờ sắp có hy vọng thắng...

Tôi tưởng là chỉ có mình tôi nghe được điều kỳ diệu mê hoặc trong những tiếng gọi đó. Cho đến khi nghe bài Kỷ Niệm của Phạm Duy, thì tôi thấy tiếng gọi của người mẹ nào cũng có những điều kỳ diệu như thế ở trong. Bài hát ấy có một câu làm lần đầu tiên tôi nghe cũng thấy kinh ngạc: "...tôi mê trời mây tía / không nghe mẹ gọi về..."

Ðứa bé trong bài hát nói là không nghe mẹ gọi về nhưng nó vẫn cảm thấy được tiếng gọi đó giữa buổi chiều đầy mây, giữa tiếng nước dưới chân đê. Nó biết là có mẹ gọi.

Nhưng rồi đến một tuổi nào đó của nhưng đứa con, người mẹ không còn gọi chúng nữa. Có thể chúng không còn ở chung. Có thể chúng đã lớn. Có thể chúng khó chịu và nói thẳng điều đó ra. Lớn rồi mà còn bị mẹ gọi về nhà... rửa chân, đi tắm, đi đái, uống sữa, đi ngủ.

Và như thế, khoảng 40 năm nay, tôi không còn nghe những tiếng gọi của thời thơ ấu nữa. Nhưng những tiếng gọi ấy không bao giờ rời bỏ những chỗ tôi cất giữ nó, nơi những cuộn não, mà tôi mường tượng chắc phải ở khu cerebrum, chỗ cục u ở phía sau sọ.

Những tiếng gọi của mẹ tôi bây giờ không còn phải bay lượn qua những khoảng cách dài từ nhà ra đường nữa. Tôi không còn "...mê trời mây tía / không nghe mẹ gọi về" nữa. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nghe ở nhà mấy người em, người chị... Tiếng gọi nhỏ hơn, không còn là những nhắc nhở của vài chục năm trước. Ðọc hộ mợ cái này, làm hộ mợ cái kia, xuống nhà ăn cơm, mới sang đấy à, bao giờ lại về, vẫn khỏe chứ...

Hôm qua ngồi xem đoạn phim của đài Discovery, ở khúc con linh dương mẹ -- wildebeest -- trong bầy linh dương ở chân núi Kilimanjaro cất tiếng thảng thốt gọi con sau khi con linh dương nhỏ bị sư tử vồ, đang trở thành bữa ăn của mấy con sư tử, tôi bỗng nghe vọng ra tiếng gọi của mẹ tôi.

Tôi thấy những đứa con được mẹ gọi là một hạnh phúc. Và những người mẹ còn được gọi những đứa con cũng là một hạnh phúc.

Bởi vì cũng có những tiếng gọi những đứa con tôi được nghe ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa hơn hai chục năm trước.

Ðó là những tiếng gọi bi thảm vô cùng. Bi thảm hơn cả tiếng thảng thốt của con linh dương mẹ trong đoạn phim truyền hình.

Tiếng gọi kèm theo những lời kể lể mà tôi nghĩ không một dân tộc nào trên thế giới có cái lối kể như ở Việt Nam, của những bà mẹ tôi nghiệp như tôi được nghe ở Nghĩa Trang Quân Ðội.

Tôi cũng chợt thấy là chúng tôi rất hạnh phúc. Những tiếng gọi mẹ tôi còn nghe được ở nhà mãi đến tận ngày hôm nay không có những âm thanh thảng thốt đó.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 20 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Thế kỷ trước, những người lính Croat, khi quấn quanh cổ một cái khăn để phân biệt với các binh sĩ Áo và các binh sĩ Hung trong những cuộc viễn chinh khi nước họ, Croatia, bị sáp nhập vào đế quốc Áo Hung, đã không bao giờ có thể ngờ rằng những cái khăn đó còn mang chút dấu tích gốc gác xứ Croat của họ ở cái tên gọi - cravatte trong tiếng Pháp và cravat trong tiếng Anh - lại trở thành một món thời trang vô dụng, nhưng trong một vài trường hợp bắt buộc phải có của đàn ông, và bây giờ nó đang là một món trang phục có thể làm đau đầu một ông tổng thống của nước Mỹ.

Ông Clinton đang khổ vì cái ca vát Zegna, Monica Lewinsky tặng mà ông đã đeo mấy lần khi xuất hiện trước công chúng, một việc làm mà các công tố viên đang tìm hiểu xem có phải là để ngầm nhắn gửi vài ba điều đến Monica nhắm tạo ảnh hưởng nơi những lời khai của cô trước đại bồi thẩm đoàn hay không.

Oái oăm cho ông Clinton, người đàn ông thích ăn mặc đẹp nay lại đang bị những món trang phục làm khốn khổ. Mấy tuần trước, là cái áo xanh nước biển của Monica, rồi bây giờ là cái ca vát nàng cho. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên quần áo làm ông vất vả.

Cách đây mấy năm, khi tới gặp một số nam nữ học sinh và sinh viên ở Maryland, trước ống kính máy truyền hình, ông đã trả lời câu hỏi của một nữ sinh và cho biết rõ chi tiết về loại quần lót ông mặc: shorts, không phải jockey briefs. Ðó là thứ câu hỏi đáng lẽ phải gạt ngay đi, không trả lời mới phải. Không khẩu khí tổng thống chút nào. Như vậy khó mà có thể làm thơ hay được như vua Lê Thánh Tôn của chúng ta.

Nhưng tại sao phải đeo cái ca vát ấy cho đời khổ? Ông có phụ tá chọn quần chọn áo như thái tử Charles không? Nếu có thì cứ đổ phứa cho anh ta là xong. Thái tử Charles không bao giờ phải thò tay chọn lấy quần áo để mặc nên không ai bắt bẻ cái quần cái áo của chàng được. Nếu có, thì cũng chỉ là khen mà thôi. Phò mã mà còn được khen là tốt áo huống chi là thái thử.

Nếu có phụ tá mà vẫn gạt ra, chạy vào tủ quần áo lôi cho được cái ca vát của em bé cho thì đừng có kêu oan nữa.

Nhưng cũng có thể ông Clinton oan thật. Một bài báo trong tờ Washington Post hôm nay viết rằng đàn ông khác đàn bà ở chỗ họ có trí nhớ rất dở. Họ lại không lãng mạn như phụ nữ. Họ không nhớ được người cho cũng như quà tặng. Họ quên ngay, nên ông Clinton có thể đeo cái ca vát ấy mà không hề biết là của Monica tặng.

Làm thế nào nhớ được là cái Oleg Cassini là của X., cái Chritian Dior là của Y. mùa Giáng Sinh năm 1992, cái bằng len Tô Cách Lan là của Z. gửi từ Luân Ðôn sang, cái dính xì dầu là của A., cái Paloma Picasso là của B. mua ở New York...

Không, không ai nhớ hết bằng ấy chi tiết. Có bị Hillary hạch hỏi thì tại sao không trả lời là "Của em đấy... ngoài em ra thì còn đứa nào có được cái taste như thế... Bởi thế anh mới đeo đi đeo lại, đeo tái đeo hồi... Em cho anh mà em lại quên à... Thôi đúng rồi, em cho anh là cho đại thôi chứ em có đặt hết quả tim vào món quà em cho anh đâu... Quà của em anh mới quí như thế chứ..." Cam đoan nói xong Hillary sẽ hết giận, sai phụ tá ra đầu đường mua cho cái Big Mac với hai gói khoai chiên tặng Bill ngay.

Nhưng nghĩ lại thì người ta thấy tại sao phải... cởi ca vát cho nhau? Cứ hết nhẫn, đến nón, đến áo, cởi ra cho nhau lia chia, ra tòa Kenneth Starr hỏi, cứ đổ bừa cho ông gió quái ác lạng quạng thổi lúc đôi ta qua cầu là xong ngay. Bây giờ có gió Santa Ana, có gió El Nino, sắp có gió La Nina, sợ gì không thoát.

Tặng nhau cái ca vát là dại. Là phải lôi ra đeo. Rất dễ lộ. Treo trong tủ cũng vẫn có thể vất vả trước những câu hỏi đại khái như mua bao giờ, ở đâu, biên nhận đâu, tại sao lại chọn cái mầu đĩ này... Thế rồi lôi ra đeo thì lại phải lo làm sao thoát những con mắt của công tố viên. Phiền lắm.

Thay vì tặng chàng cái ca vát, thì chọn mấy thứ gần giống như những món mà câu ca dao Việt Nam xúi bẩy mà lại kín đáo hơn. Những thứ ấy cam đoan không cần đeo hay mặc khi đi ra ngoài, rất khó bị Kenneth Starr làm khó. Nhưng có được tặng những món ấy, thì ngay cả trong những lúc ở nhà cũng không nên đeo hay mặc vào. Kỳ chết. Cứ như câu ca dao "nhớ em hổng biết để đâu / để trong cái hộp lâu lâu lại dòm..."

"Thế không phải của em à? Anh tưởng của em nên mới không quăng đi đấy chứ... Thôi đúng rồi chắc hôm nọ đi giặt quần áo ở cái máy giặt công cộng, của ai để quên trong máy xấy lẫn vào ấy mà..."

Nhưng ở trong tòa Bạch Ốc mà lại nói là phải đi giặt quần áo ở cái laundromat đầu đường thì làm sao mà Kenneth Starr tin được.

Hillary còn không tin huống chi là Kenneth Starr...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 23 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Mấy tháng trước, hôm tới một ngôi chùa ở miền Tây để dự lễ cầu siêu cho ông cụ người bạn, trong khi chờ làm lễ, tôi tò mò đi xem những bức ảnh thờ bầy trong chùa. Tôi không nhận ra được một người nào quen trong những bức ảnh đó. Nhưng hình như bức ảnh nào cũng như kể ra được khá nhiều điều về cuộc đời của những người trong ảnh.

Có những bức ảnh rất đẹp, khi chụp, người trong ảnh chắc chẳng bao giờ nghĩ là có ngày những bức ảnh đó của mình lại được đem bầy ở một ngôi chùa, mà lại một ngôi chùa ở Bắc Mỹ. Những người trong ảnh thuộc đủ các lớp tuổi khác nhau. Người đẹp, người không đẹp, người quần áo oai vệ, người cái áo bà ba bên cây dừa, người vấn tóc trần đẹp như bức họa của Tô Ngọc Vân, người thì vừa như từ một bức chân dung của Thái Tuấn bước ra. Trong số những bức ảnh tôi thấy ở chùa hôm ấy, có hai bức cứ đi theo tôi mãi từ đó cho đến nay.

Một bức là ảnh mầu, chụp một thiếu tá trong không lực Việt Nam Cộng Hòa. Người quân nhân trong ảnh còn trẻ, mặc quân phục đại lễ, huân chương hai ba hàng trên ngực. Ông qua đời sau năm 1975 tại một trại cải tạo ở Bắc Việt. Mấy chi tiết đó được gia đình cẩn thận ghi dưới bức ảnh.

Bức kia là hình đen trắng chụp một người lính tôi không rõ quân hàm vì tôi không biết gì về lon lá. Người quá cố trong hình có một khuôn măt hốt hoảng. Chắc ông không quen chụp ảnh. Bức ảnh có thể là bức duy nhất trong đời ông. Hình chụp trong một tiệm ảnh, đằng sau có phông vẽ phong cảnh, có cành cây, có tháp Rùa ở xa. Ông đội mũ lưỡi trai có một huy hiệu tròn với ngôi sao ở trong. Tuy là ảnh đen trắng, nhưng tôi đoán ngôi sao chắc phải mầu vàng và cái nền chắc mầu đỏ. Bộ quân phục của ông không phải là của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một quân nhân miền Bắc. Theo hàng chữ ở dưới, ông tử trận ở Lào. Bức ảnh chắc phải là bức đẹp nhất của ông để lại cho gia đình.

Hai bức ảnh, một của ông thiếu tá không quân Việt Nam Cộng Hòa, một của một quân nhân miền Bắc, phục vụ trong hai quân đội đối nghịch nhau suốt mấy chục năm trời thì nay được đặt cạnh nhau trong một ngôi chùa ở California. Mãi đến lúc có ngôi chùa Phật ở nước Mỹ, và hai gia đình sang đến quốc gia thứ ba này, hai ông mới được ở bên cạnh nhau.

Ông quân nhân miền Bắc, nếu còn sống, tuổi tác chắc cũng phải trên dưới năm mươi. Ông thiếu tá phi công Việt Nam Cộng Hòa có thể hơn ông quân nhân miền Bắc một hay hai tuổi. Ông quân nhân miền Bắc tử trận ở Lào, trước năm 1975 nên ông không thể là người đã giết ông thiếu tá không quân miền Nam năm 1980. Và ông thiếu tá không quân, thì những quả bom dưới cánh của chiếc AD-6 hay chiếc F-5 hay chiếc A-37 của ông không thể gây ra cái chết ở mặt trận cho ông bộ đội miền Bắc vì phi cơ của ông không đánh bom ở Lào bao giờ.

Bây giờ, cả hai ông đều đã qua đời. Ông bộ đội khó có được nấm mồ tử tế ở dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Ông thiếu tá không quân Việt Nam Cộng Hòa cũng chỉ được vùi nông đâu đó ở một bìa rừng Bắc Việt gần bên trại cải tạo mà ông đã bỏ mình sau mấy năm học tập.

Gia đình ông thiếu tá không quân đã ở Mỹ. Gia đình ông bộ đội Bắc Việt cũng đang ở Mỹ.

ở một nơi khác, thí dụ như ở Việt Nam, ảnh thờ của hai ông chắc chẳng thể nào có dịp được đặt gần nhau như trong chùa Dược Sư ở California.

Nếu hai ông còn sống, thì cũng khó có thể có cảnh hai người đứng cạnh nhau ở Hà Nội hay Sài Gòn. Trước năm 1975 cũng không. Mà sau năm 1975 thì lại càng không thể có chuyện như thế xẩy ra được.

Gia đình của hai ông nhất định thỉnh thoảng cũng ghé chùa thắp hương cho hai ông. Những lần lên chùa như thế, hai gia đình chắc chắn phải nhìn thấy hai bức ảnh được đặt bên cạnh nhau. Hai bức ảnh được chùa đặt bên cạnh nhau một cách tình cờ hay có chút chủ đích ở trong? Làm sao mà biết được. Nhưng có điều khá chắc chắn là hai gia đình không xin để cho hai bức ảnh được xếp cạnh nhau.

Xin cho hai bức ảnh được đặt bên cạnh nhau ở chùa thì chắc là không. Nhưng gia đình ông thiếu tá không quân chắc cũng không đòi đưa bức ảnh thờ của ông ra một nơi khác, một hàng khác, xa bức ảnh đen trắng của ông lính Bắc Việt, một tên ác ôn côn đồ Cộng phỉ. Nên bức ảnh mới tiếp tục nằm cạnh bức ảnh thờ người bộ đội.

Và gia đình của người lính Bắc Việt chắc cũng không yêu cầu nhà chùa đưa bức ảnh của ông ra chỗ khác, không ở gần ảnh thờ một sĩ quan Ngụy từng mang rất nhiều nợ máu với nhân dân. Nên bức ảnh đen trắng vẫn tiếp tục ở bên cạnh bức ảnh mầu của người đàn ông mặc quân phục đeo một bông mai bạc trên vai.

Trước dẫy ảnh thờ không có bát hương nên có muốn thắp hai nén hương cho hai ông cũng không được. Nhưng nếu có bát hương, thì tôi chắc tôi đã làm như thế. Cũng như nếu có đi qua sông Gianh, thấy có cái mồ, có sẵn thẻ hương, bạn có thắp lên, gắn xuống mộ không? Chắc là có. Bạn đâu còn thắc mắc người nằm đó là phía họ Trịnh hay là phía Nguyễn nữa đâu.

Tôi cũng có một đứa em họ chết mất xác ở Trường Sơn. Cô tôi đến giờ vẫn còn đau. Cô tôi không bao giờ nói rằng em họ tôi đi Nam để đánh Mỹ cứu nước bao giờ. Cô tôi chỉ nói là thằng P. chết mất xác. Nói đến nó, cô tôi bao giờ cũng khóc. Cho đến tận hôm nay cũng vẫn vậy. Sau khi được tin nó chết, cô tôi quay ra nghiện rượu.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 23 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

ở San Diego của bạn, tôi biết ít nhất có một phụ nữ không vui vẻ lắm.

Người phụ nữ này mới đây có viết một bức thư cho Dear Abby, không để hỏi ý kiến, hay để xin nhờ cố vấn như những người khác. Người viết chỉ viết để kể tội của người chồng cũ.

Nguyên trước đây mấy tuần, có một độc giả viết cho Abby hỏi phải làm gì để giải quyết một vấn đề có thể ảnh hưởng không nhỏ đến liên hệ giữa chàng và cô bạn gái. Người đàn ông ở San Francisco này than phiền là không còn tiền để mời cô bạn gái đi ăn, đi nhẩy như trước nữa. Chàng không biết phải làm sao để khỏi mất cô bạn nếu không có được phương tiện tài chính để mời cô đi chơi.

Chắc chắn không thể... "cô trả cho cô, tôi trả... tôi, tình ái đôi ta có thế thôi" ... được. Chơi trò đãi nhau theo kiểu Hòa Lan - "Dutch treat" hay "go Dutch" - là không được. Chắc chắn phải anh đường anh, tôi đường tôi chứ không thể nào khác được.

Không biết Abby cố vấn cho chàng như thế nào. Abby có chỉ cách cho chàng dẫn nàng đi McDonald's, cầm theo lăm lăm mấy cái coupon trong tay, hay đi ăn mấy chỗ "all you can eat", một người trả, người chịu khó ngồi xem, thỉnh thoảng ké một miếng không. Hay nếu không thì đi kiếm chị nào rẻ tiền hơn mà hẹn hò, bằng không thì đi tìm việc khác nhiều tiền hơn mới có tiền đi chơi với đào, hay là... bỏ đào chạy lấy người như một ông bạn tôi quen ở đây dẫn em bé đi ăn phở còn lôi ra gói cơm nguội cho có vẻ dân tộc, bưng biền và cách mạng, rồi cuối cùng sức người cũng có hạn, chàng quay trở lại... chơi với cái trần nhà mỗi tối.

Người độc giả phụ nữ ở San Diego giúp ý kiến cho ông độc giả ở San Francisco rằng nếu không có tiền dẫn nàng đi ăn, đi sập xình như trước, thì cứ xin nàng cái bàn tay, nghĩa là cưới nàng quách là xong chuyện.

Bà độc giả này viết rằng cưới nhau xong, chàng sẽ không phải dẫn nàng đi ăn tiệm nữa. Thế là khỏi lo không có tiền đưa nàng đi ăn, đi chơi.

Bà cẩn thận viết thêm câu cuối: "That's what my ex-husband did." Chồng cũ của bà đã làm đúng hệt như thế. Nghĩa là cưới nhau xong rồi... thôi.

Bà rõ ràng không vui vẻ. Cuộc hôn nhân đi đến một đoạn kết ở nửa đường. Tôi hy vọng nguyên do đưa tới đoạn kết không phải là vì ông chồng bà ngưng những chuyến đi ăn đi nhẩy - wine and dance - với bà.

Nếu chỉ vì không cơm tây rượu chát, không dẫn nhau đi sập xình mà hai người bỏ nhau, mà bà bỏ ông hay ông bỏ bà thì đời sống này bi thảm quá.

Phải là những cái gì khác nữa chứ.

Nhưng lấy nhau để khỏi phải đưa nhau đi ăn, tốn tiền tốn bạc có lẽ không phải là ý kiến dở.

Cũng như cưới nhau quách để khỏi phải nói những lời dịu dàng với nhau, để chổi cùn, rế rách thả cửa lôi ra dùng; để khỏi phải đáp lại đôi ba lời tử tế... cũng là ý kiến không tệ.

Mà những chuyện như thế không phải là ít người làm. Hơn một nửa 280 triệu dân Mỹ đã nhiều lần nghe những câu đại khái như... thôi đi ông ơi, đừng có bầy trò mà con chúng nó cười cho... ông điên hay sao vậy... tại sao lại lôi trò cải lương, lãng mạn rẻ tiền và cuối mùa ra nói với tôi thế này... ô hay, ông làm sao thế? Ðã bảo là không có đi ăn ở cái tiệm ấy nữa mà, vừa đắt, vừa con mụ chủ có cái cục kim cương to tổ chảng cứ dí vào mắt tôi, mà cục của ông mua cho nhỏ xíu à... đi làm gì cho nó tủi... Mà tại sao hôm nay ông lại nổi cơn rủ tôi đi ăn thế này? Hay trên sở vừa có đứa nào tán, về nhà thấy tôi rồi mặc cảm tội lỗi ầm ầm nổi dậy, bèn rủ tôi đi, tặng tôi cái guilty gift đó hay sao? Này mà ông nói thật thật cho tôi nghe đi, ông đi chơi với con nào vậy? Con nào nó bỏ bùa cho ông thế này? À, bây giờ tôi biết rồi...Tôi biết tại sao ông đi sớm về muộn mấy hôm nay rồi... trực cái gì? Này, sao lại có mùi nước hoa lạ thế này? Tôi không có xài mùi Diva bao giờ cả nhá... Thảo nào đêm hôm kia, 2 giờ sáng có điện thoại reo, tôi bốc lên, nó không nói, chỉ thở hào hển rồi bỏ xuống... ám hiệu với nhau đó phải không? Nó là đứa nào? Ðừng có chối nữa... Tôi nhớ ra rồi, cái ca vát ông đeo hôm nay là của nó cho phải không? Ông không bao giờ có tiền mua ca vát hết... Hay ông lục bóp của tôi lấy tiền đi mua ca vát? Không thì đứa nào cho ông? Ối giời ơi, ca vát mầu đĩ thế này thì chỉ đồ ngựa mới mua cho kép thôi... Tôi không đi ăn, đi uống ở đâu cả, ông phải trả lời cho tôi biết không thì ông không yên với tôi đâu. Không... Không có Auberge, không có Rossignol, không có Chez Renée gì sốt cả... Ông đưa con đĩ ấy đi đi... Tôi không đi đâu hết. Ði là đi sau con đĩ... Ông dẫn nó đi trước, rồi bây giờ mới lôi tôi đi chứ quí báu gì... Tôi không có đi ăn thừa ở cái tiệm ông đã dẫn con đĩ đi... Tôi không đi đâu hết... Biết thế này thì tôi cho ông cái bàn tay của tôi làm gì cho nó khổ thế này hở giời cao đất dầy ơi... Sao tôi khổ thế này hả giời... Thương yêu nhau thì ăn mì gói cũng vui... Ông đối với tôi như vậy thì tôi đi làm gì nữa... Mai tôi viết thư gửi cho Dear Abby méc cho ông chừa cái tật đi nhá...

Có lẽ vì thế mà người độc giả ở San Diego mới có cái thư đăng trên báo ngày hôm nay chăng?

Thế thì ai dám hó hé mời đi ăn nữa...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 23 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Hôm nay, ở trang A-18, tờ Washington Star chạy một bức hí họa của S. Kelley do Copley News Service phân phối.

Bức hí họa vẽ một người đàn ông ngồi ở quầy, trước mặt là một ly rượu, bên trái của ông ta là một phụ nữ đang cầm một cái ly. Nơi chốn chắc chắn phải là một cái single bar, nơi những người đàn ông, đàn bà độc thân đến để gặp nhau, một xúc tác cho những cuộc gặp gỡ rất phổ thông ở nước Mỹ.

Trong những năm trước đây, khi nước Mỹ còn thơ ngây, đời sống còn hiền lành và trong sáng, sau mấy câu mở đầu đưa đẩy bằng chuyện dã cầu, bóng bầu dục, bóng rổ... người ta hỏi nhau khá thẳng thắn: "Your place or mine?" Về nhà ông hay nhà tôi, và cũng có thể là về nhà cô hay nhà tôi, tùy theo mức độ giải phóng của người phụ nữ. Nếu giải phóng nhiều thì câu hỏi do người phụ nữ đưa ra và nếu nàng còn bảo thủ một chút, thì người đàn ông phải đặt câu hỏi đó với nàng.

Bức hí họa, tuy không đề ngày tháng, người ta cũng có thể đoán được thời điểm của nó một cách chính xác. Nó phải xẩy ra sau tháng 10 năm 1998, tức là sau ngày quốc hội Hoa Kỳ quyết định mở cuộc điều tra để luận tội ông Clinton.

Câu hỏi người đàn ông đặt ra cho người phụ nữ ngồi ở quầy rượu là: "Cô nghĩ sao nếu cô đi với tôi về nhà và phạm vài ba điều không thể đem ra luận tội được?" - What do you say we go back to my place and commit some unimpeachable offenses...

Câu hỏi phản ảnh một thái độ thận trọng cần thiết sau khi người ta thấy là ông Clinton, một người quyền thế không thua ai dưới ánh mặt trời, vẫn có thể bị lôi ra làm khó dễ lên khó dễ xuống được.

Nhưng những điều không thể đem ra luận tội được là những điều gì?

Người đàn ông sẽ không tặng người phụ nữ mà ông ta rủ về nhà tập thơ Leaves of Grass của Walt Whitman. Cũng không thể tặng nàng cái kim cài áo, cái T-shirt ông ta mua ở Martha's Vineyard. Ông ta cũng không thể hút (?) với nàng một điếu xì gà. Ông không thể xin nàng số điện thoại để nửa đêm về sáng gọi cho nàng. Ông không thể hôn nàng. Nàng không thể hôn ông. Nàng không thể cho ông xem cái "thong" nàng mua của Victoria's Secret. nàng không thể tặng ông mấy cái ca vát. nàng không thể đăng một đoạn đối thoại trong kịch của Shakespeare để tặng ông trên báo nhân ngày lễ Valentine. Nàng không thể đội cái mũ... beret đen khi đi theo ông về nhà.

Những chuyện đó đều có thể đem ra luận tội. Không thể làm được. Cứ xem ông Clinton thì biết.

Sau ông Clinton, nước Mỹ sẽ không bao giờ còn như cũ nữa.

Nhưng những điều hai người có thể phạm mà không thể bị đem ra luận tội là những gì? Có khá nhiều chứ không phải là không có bao nhiêu. Thí dụ chơi nu na nu nống, cái cống nằm trong, cái ong nằm ngoài, củ khoai chấm mật, ngon thật là ngon, nhà tôi thổi sôi, nhà mụ nấu chè, tè he cống rụt... Hay có thể chơi chi chi chành chành, cái đanh nổ lửa... Nếu không thích thì có thể chơi nhẩy lò cò, chơi ô ăn quan, chơi đánh truyền, chơi oẳn tù tì, chơi tay trắng tay đen, chè đậu đen nấu đường, chơi năm mười, chơi bịt mắt bắt dê, chơi đi trốn đi tìm, chơi tạt lon, chơi tạt hình, chơi bi, chơi đáo, chơi đáo bật tường, chơi đánh quay, chơi ú tim, chơi cờ ca rô, chơi rồng rắn, chơi chạy duổi... Tất cả những trò chơi đó đều không là những thứ tội có thể bị đem ra luận tội trước quốc hội.

Như thế, hễ không thấy công tố viên Starr ghi trong tập phúc trình chuyển sang quốc hội để quốc hội dựa vào đó quyết định mở điều tra luận tội là có thể tha hồ phạm hay sao?

Hình như là thế. Nhưng nếu như vậy thì lời đề nghị của người đàn ông ở bar rượu cũng vẫn còn có thể lý thú lắm đấy chứ. Cứ dùng phép khử và loại, hễ cái gì có thể bị đem luận tội hay có ghi trong phúc trình của Kenneth Starr thì... tha. Còn những gì không thấy có ghi thì... tha hồ.

Vậy ông Clinton chưa làm những gì, thì người đàn ông và người phụ nữ trong bức hí họa cứ lôi việc đó ra mà làm là an toàn, không sợ ông thượng nghị sĩ hay ông dân biểu nào hết.

Chao ôi, như vậy thì làm được biết bao nhiêu chuyện. Có lý quá đi chứ.

Thế mà người ta cứ tưởng sau những rắc rối mà ông Starr tạo ra cho ông Clinton, đời sống ở nước Mỹ sẽ chán lắm. Ði đâu cũng thấy mấy ông Thanh Giáo lăm le bắt đeo cái chữ A đỏ lên áo như nhân vật trong The Scarlet Letter của Hawthorne để trừng phạt. Không ngờ ông Starr lại mở ra những con đường thênh thang đầy hoa thơm cỏ lạ khác.

Nói sau ông Clinton, nước Mỹ không còn như cũ nữa cũng đúng, mà nói sau ông Kenneth Starr, nước Mỹ không bao giờ còn như cũ nữa, hay nói sau Monica Lewinsky, Linda Tripp, nước Mỹ không bao giờ còn như cũ nữa cũng đúng luôn.

Nhưng điều đó nào có gì quan hệ với bạn hay với tôi? Chúng ta, cho dù là muốn cách mấy, cũng chẳng còn có thể nói được câu nói như trong bức hí họa được nữa.

Bởi vì chúng ta chẳng thể nào làm được điều gì có thể hay không thể bị đem ra luận tội được hết. Sức vóc, gân cốt đâu nữa.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 23 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Nếu được ông Saddam Hussein hỏi ý kiến để làm sao trả thù những trận oanh tạc mới đây của quân lực Mỹ thì tôi sẽ khuyên ông không nên chơi những trò chơi đã quá cũ, như tung ra một loạt khủng bố đánh bom, rải hơi độc nhắm vào nước Mỹ, vừa không đem lại kết quả mong muốn, vừa thiệt thân.

Thí dụ mười năm trước, tình báo của ông Muammar Qadaffy đặt chất nổ phá chiếc phản lực Pan Am ở Lockerbee, thì tới nay lệnh cấm vận nhắm vào Lybia vẫn còn tiếp tục được duy trì để gây khốn đốn mãi cho Lybia. Nước Syrie của ông Assad chỉ vì che chở cho các nhóm chủ trương bạo động ly khai của Tổ Chức Giải Phóng Palestine, nên vẫn bị coi là một quốc gia yểm trợ cho khủng bố và bị đối xử như là một thứ pariah không ai muốn đụng tay vào. Osama Bin Laden, sau hai vụ phá hoại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya, đang bị săn đuổi ráo riết như một con thú. Tất cả toàn dùng những trò vừa tốn tiền vừa tốn sức mà chỉ mang tiếng là... khủng bố.

Trong khi đó, không cần chơi những trò đặt chất nổ, ám sát, phá hoại, rải hơi độc... ông Saddam Hussein của Iraq có thể khủng bố nước Mỹ bằng những cách khác vừa dễ vừa hữu hiệu hơn nhiều.

Chỉ bằng những phí tốn rất nhỏ, lại không cần phải đưa người sang Mỹ, ông Saddam Hussein có thể tạo ra những trận động đất kinh hồn với mức độ kinh hoàng hết sức to lớn. Nước Mỹ có thể rung chuyển nặng trong một khoảng thời gian lâu dài vì những trận động đất này.

Việc đó đã có người làm và đã có kết quả. Larry Flynt, chủ bút tờ Hustler, một tờ báo dơ dáy nhất nước Mỹ hồi tháng 10 có trả tiền để đăng nguyên một trang quảng cáo trên tờ Washington Post, hứa trả một triệu Mỹ kim cho ai có thể cung cấp tin tức và bằng cớ cho thấy một dân biểu, nghị sĩ hay giới chức chính phủ phạm tội ngoại tình. Lập tức, khoảng hơn hai ngàn người đã liên lạc với luật sư của Larry Flynt để thực hiện giấc mơ triệu phú bằng cách Kiss and Tell, tiết lộ hết mọi chuyện cho tờ Hustler.

Nhiều ông, và luôn cả nhiều bà to đầu ở thủ đô Mỹ đã rét run lên từ tháng 10, tức là từ trước khi mùa đông chính thức ập tới. Từ Thượng Viện đến Hạ Viện, từ hành pháp đến tư pháp, nhiều ông bà điên lên vì không biết một vài lần không tuyệt đối trung thành với bố cháu, mẹ cháu có đứa nào biết không, có còn nhớ không, và nếu còn thì có ai gọi cái số điện thoại viễn liên miễn phí mà Larry Flynt cung cấp trên báo đó để tâm tình hiến dâng kiếm một triệu không. Các ông, các bà biết rằng ở Mỹ, cũng như ở tất cả các nơi khác, "money talks", cứ tung tiền ra là cậy được miệng cả những con hến.

Và chỉ một câu hỏi đó của Larry Flynt cũng đủ làm giấc ngủ của nhiều người không còn yên như trước nữa. Những bữa ăn không còn ngon miệng như trước nữa. Những người em bé bỏng, và luôn cả những ông anh bé bỏng bỗng trở lại trong những giấc mơ, biến những giấc mơ này thành những ác mộng khiến không còn ai dám "anh chờ em tới hẹn chiêm bao" nữa. Thế mà... đười ươi vẫn lù lù dẫn xác đến, ngón tay không lắc qua lắc lại để phủ nhận, mà chỉ thẳng về phía trước để cho câu nói thêm rõ nghĩa: "Chúng ta có một thời lạng quạng với nhau đấy nhé... Nhớ không?"

Những cảnh như thế khủng khiếp hơn vài cái xe chở chất nổ lao qua những hàng rào của các sở bộ, của quốc hội Hoa Kỳ rất nhiều.

Trong số hơn hai ngàn người gọi điện thoại đến, Larry Flynt cho biết, 48 người có vẻ đáng tin. Và trong số những tiết lộ của 48 người này, Larry Flynt có đủ tài liệu để gây vất vả cho 12 người.

Bây giờ chỉ còn 11 người, vì Bob Livingston, người nhiều cơ hội trở thành chủ tịch hạ viện nhất, vì những tiết lộ liên quan đến cuộc đời ái tình, đã tự ý chấm dứt sự nghiệp chính trị của chàng.

Larry Flynt cho biết tới nay mới chỉ chi ra có nửa triệu Mỹ kim.

Với nửa triệu Mỹ kim. 12 nhân vật chính trị Hoa Kỳ, những người không ít thì nhiều cũng dính líu tới quyết định đánh bom Iraq mới đây đang điên người lên.

Thế không gọi là khủng bố thì còn gọi là gì nữa.

Ác ở chỗ thứ khủng bố này có thể ra vào phi trường, bước qua máy dò kim loai, chất nổ dễ dàng, không hề còi hụ, không hề an ninh đè ra khám bao giờ. Khủng bố chỉ cần đăng lên cái quảng cáo, cầm cái ngân phiếu có nhiều hàng số, là Washington phát bệnh nặng ngay lập tức. Không một lượng chất nổ nào làm được như thế. Không một vụ bạo động nào làm được như thế.

Trong khi tốn kém và nguy hiểm cho kẻ khủng bố được coi là rất nhỏ. Mà kẻ thù của nước Mỹ thì không thiếu tiền và không ngại hy sinh mạng sống bao giờ.

Kiểu khủng bố này có thể là kiểu khó chống nhất hiện nay. Và vụ Bob Livingston không phải là vụ cuối cùng.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 23 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Mấy hôm trước, một người bạn ở đây hỏi tôi trong những ngày như hôm nay, loài gà tây và ông Clinton có gì giống nhau. Tôi nghĩ câu trả lời phải là hai bên giống nhau vì cả hai đều không có gì để phải tạ ơn hết.

Câu trả lời của tôi vậy mà lại đúng ý người hỏi. Loài gà tây thì lý do thời gian này là lúc chúng phải đứng trước một vụ thảm sát hết sức vô lý để giúp người Mỹ bầy tỏ sự biết ơn của họ với đời sống, những ân sủng mà họ nhận được trong năm. Những con gà tây phải đem cái chết ra để giúp những người Mỹ này tạ ơn đời sống của họ. Thế nên chúng hoàn toàn không có bất cứ một lý do nào để vui trong những ngày như hôm nay, nói chi đến chuyện phải tạ ơn. Do đó, tạ ơn không thể là một trong những việc cần làm của những con gà tây ở Bắc Mỹ trong dịp này.

Còn ông Clinton thì nhất định, theo lối suy nghĩ bình thường của bạn hay của tôi, ông cũng không có điều gì để phải tạ ơn hết. Tạ ơn để được tặng thêm một năm nữa như năm nay hay sao? Tạ ơn những cuộn băng cassette, những điều Monica khai trước tòa, tạ ơn ông Starr và tập phúc trình ông chuyển sang quốc hội, hay tạ ơn ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện... chăng? Tạ ơn xong để được chúc bằng năm bằng mười năm ngoái ư?

Nhưng chúng ta đều sai hết. Loài gà tây không có gì để tạ ơn thì điều đó đúng. Nhưng ông Clinton, theo một cuộc thăm dò mới đây, ông rất có lý do để tạ ơn cuộc đời. Ðài truyền hình Fox và công ty Opinion Dynamics vừa thực hiện một cuộc thăm dò 904 cử tri có ghi danh bầu cử với câu hỏi là theo ý bạn (người được thăm dò) thì tổng thống Clinton có gì để phải biết ơn thêm trong ngày lễ Tạ Ơn năm nay... What do you think President Clinton has to be more thankful for this Thanksgiving?

Chỉ có 12% trong số 904 người Mỹ nghĩ gần giống như bạn và như tôi, đó là ông Clinton không có gì để phải cám ơn trong dịp lễ Tạ Ơn. Số còn lại, 88% người được hỏi đã trả lời là có, ông Clinton vẫn có một đôi ba chuyện cần phải cám ơn. Trong số 88% này, 36% trả lời ông nên cám ơn vì vẫn còn công ăn việc làm. Những người này cho rằng sự kiện ông vẫn tiếp tục ngồi được ở chức vụ tổng thống là điều ông nên vui vẻ, ông nên coi đó là hạnh phúc. Hạnh phúc, vì như những người khác, sau những việc ông làm, chắc chắn ông đã phải ở nhà xin trợ cấp thất nghiệp.

Số còn lại, 52% cho rằng ông nên biết ơn vì ông vẫn còn vợ, Hillary vẫn còn ở với ông. Phải như người khác thì không những không được nằm giường Lèo, lại cũng không được cả nằm chuồng heo nữa, mà nhất định phải nằm chèo queo mới được. Nhưng nàng vẫn không bỏ ông, nàng vẫn làm đúng theo Tammy Waynette, người nữ ca sĩ nhạc đồng quê Mỹ, tác giả bài hát có lần Hillary đã dè bỉu chê là nhà quê nhà mùa, và nay thì Hillary ở lại, đứng bên ông Clinton, người đàn ông của đời nàng hệt như lời tựa đề của bài hát: Stand By Your Man.

Như vậy, ông Clinton có tới hai lý do để tạ ơn trong dịp lễ Tạ Ơn, không như bạn và tôi có thể đã nghĩ.

Nhưng có thật hai chuyện đó là những ân sủng ông được ban cho và cần phải cám ơn không? Ông tiếp tục ngồi lại ở chức vụ tổng thống, nhưng chuyện ngồi lại đó có cho ông chút hạnh phúc nào không? Ðồng ý là chuyện impeach, chuyện lôi ông ra luận tội có thể đang gặp khó khăn, và rất ít người tin là ông sẽ bị đưa lên thượng viện và bị cách chức vì không cách nào có được đủ 2/3 phiếu cần thiết để truất nhiệm ông, Nhưng ngồi lại để có ông công tố viên bám ở sau lưng thì tại sao chưa chịu hát bài Qui Khứ Lai Tưø của Ðào Uyên Minh cho rảnh nợ?

Vậy thì chắc gì ông Clinton đã cần phải cám ơn khi ngồi lại được ở căn phòng làm việc hình bầu dục?

Thế còn chuyện Hillary tiếp tục ở lại với ông? Với những bữa tối nàng dặn đầu bếp của tòa Bạch Ốc nấu liên tiếp hủ tiếu dai, canh rau đay, canh chua, thịt băm. khoai nghiền, thịt chà bông... thì liệu những bữa ăn, ngay cả trong trường hợp chan thêm bằng nước mắt có còn nuốt nổi nữa hay không? ở cái bàn ăn tối, tiếng dao nĩa lách cách nghe lạnh và nặng nề âm khí đến rợn người, tất cả chỉ chờ để được quăng, ném về phía người đàn ông ngồi ngó gầm mặt xuống ở đầu bàn, thì chuyện ở lại sẽ là một hạnh phúc cần phải đem ra tạ ơn ư? Làm thế nào tiếp tục sống được khi mà tiếng nói hàng ngày cũng bị kiểm duyệt, kiêng cữ, hạn chế tối đa. Ði nghỉ mát thì cấm đi Santa Monica, hút thuốc thì cấm xì gà, ăn thì cấm gọi pizza, mặc thì cấm mấy cái thong của Victoria's Secret... Ðời sống như thế có còn đáng để sống nữa hay không? Và có cần phải cám ơn một đời sống như thế không?

Tôi thì tin là không. Do đó, câu trả lời vẫn là loài gà tây và ông Clinton rất giống nhau trong ngày lễ Tạ Ơn năm nay. Bất kể thống kê hay thăm dò nói gì đi chăng nữa. Cả hai không có gì để phải tạ ơn hết. Nhất là ông Clinton với cái ghế tổng thống và Hillary ở bên cạnh.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 27 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Ở thủ đô nước Mỹ hiện có hơn 250 ngàn người đàn ông và đàn bà độc thân. Tính ra thì tỷ số người độc thân ở Hoa Thịnh Ðốn cao hơn mức trung bình toàn quốc là 12% . Ðó là con số của Văn Phòng Thống Kê Liên Bang đưa ra mới đây.

Và tôi... thỉnh thoảng mở hộp thư ra, cũng nhận được thư mời gia nhập các hội tìm bạn cho người độc thân. Trong số các văn phòng cung cấp dịch vụ này, Together Dating là tổ chức dai nhất. Mấy lần đổi nhà, lần nào cũng chỉ nội trong một, hai tuần đầu, là hộp thư của tôi đã nhận được thư mời làm hội viên của văn phòng tìm bạn Together Dating, với khoản lệ phí từ 1500 đến 5000 Mỹ kim. Bạn thừa biết với số tiền đó, tôi làm được những việc hay hơn là nộp cho Together Dating nhiều.

Cái hay nhất mà tôi thấy của Together Dating là tên của nó. Cưa ra làm ba khúc, cái tên ấy biến thành To Get Her. To Get Her nghĩa là để tóm được, để bắt được, để vồ được nàng. Hay tuyệt. Viết liền cả ba lại, thì nó thành Together, chữ phản nghĩa của apart, của alone, những chữ mô tả tình trạng của những người đàn ông, đàn bà độc thân, bạn bè thân thiết độc nhất có cái trần nhà... Nhưng trong số 250 ngàn người độc thân ở thủ đô, thì số phụ nữ độc thân là một đa số áp đảo. Các ông là một con số nhỏ, nhỏ một cách thảm hại. Sự chênh lệch đó kinh khủng đến độ tờ Newsweek có lần đã nói rằng cơ hội lấy được chồng của một phụ nữ trên 40 tuổi ở thủ đô Mỹ còn ít hơn cơ hội bị ông Thiên Lôi vác búa gõ đầu. Together Dating không mấy thành công vì Together là To Get Her, không là Togethim: To Get Him. phải To Get Him, nghĩa là phải bắt cho được chàng thì mới được.

Dĩ nhiên Together Dating không phải là văn phòng duy nhất cung cấp dịch vụ này. Hai văn phòng khác, tuy sinh sau đẻ muộn nhưng cũng đã bắt đầu thách thức được Together Dating. Một trong hai văn phòng này là Just Lunch hoạt động từ năm 1992.

Just Lunch có cái tên hết sức mời gọi. Văn phòng này đứng trung gian giàn xếp cho các thân chủ những cơ hội để ăn trưa với nhau. Just Lunch. Tại sao phải thêm chữ "Just" ở phía trước? Chính chữ "Just" đó mới hấp dẫn và mời gọi. Một thách thức cho cả hai. Just Lunch, hiểu theo đúng nghĩa, là chỉ có ăn trưa với nhau thôi đấy nhé. Còn sau đó thì (văn phòng) chúng tôi vô can...

Nhưng gợi ý mà chữ "Just" đưa ra thì hệt như một thách thức cho cả hai. Và chính sự thách thức đó đã đem lại thành công cho văn phòng này.

Chỉ ăn trưa thôi thì... chưa thể no được. Giờ giấc của một bữa trưa không đủ để "nói hết cho lòng thỏa mối vương" như một câu trong Ðường Vào Tình Sử của Ðinh Hùng. Chắc chắn là phải thêm một lần gặp gỡ nữa mới kể hết được đoạn một mình chàng bắn rơi hai phi cơ (?) MiG-21 của Lybia ở ngoài khơi Tripoli, hay năm nào cũng trúng giải Thi Sĩ Quốc Tế của National Library of Poetry, mỗi sáng cứ ngồi vào bàn là làm thơ lia chia, vài tuần in một tập cho cây rừng trụi luôn.

Vậy thì phải đi ăn tối với nhau mới được... Let's do dinner... Dưới ánh sáng của hai ngọn nến trắng, một bông hồng cuống dài đặt trên bàn, khăn bàn trắng tinh, chai đỏ của mùa nho 8, 9 năm trước, tiếng nhạc vĩ cầm tzigane của đôi nhạc sĩ gypsy Hung Gia Lợi ghé sát vào bàn chẳng hạn.

Chính gợi ý đó đã đưa tới một văn phòng khác có tên là Dinner at Eight, để... cơm tối một cái coi. Văn phòng này mới ra đời nhưng đã rất thành công. Bỏ luôn bữa trưa ấm ớ, dơ dở ương ương, nửa quê nửa tỉnh, nửa phân nửa có như dịch vụ của văn phòng Just Lunch cung cấp, Dinner at Eight đi ngay vào vấn đề. Bữa tối có lý hơn. Buổi trưa thì nói được gì? Nói chưa hết chuyện thì đã phải trở về sở ngồi ngắm mấy anh xếp hắc ám thì chán biết là chừng nào. Trong khi đó, buổi tối, sau bữa ăn còn bao nhiêu điều tốt đẹp chờ đợi.

Căn apartment của chàng, chai champagne trong thùng nước đá trên bàn phòng khách, giàn nhạc để sẵn một đĩa của Johnny Mathis bắt đầu ngay bằng bản Chances are... chances are your chances are awfully good...

Ðó là lý do tại sao hai văn phòng sinh sau đẻ muộn Just Lunch và Dinner at Eight rất thành công.

Nhưng tại sao lại không có một văn phòng khác để đánh bại luôn Together Dating lẫn Just Lunch và Dinner at Eight?

Tại sao bạn không giúp những người độc thân khốn khổ ở thủ đô nước Mỹ này bằng cách lập ra một văn phòng dịch vụ mai mối khác. Bạn nhớ là cái tên rất quan trọng. Just Lunch và Dinner at Eight thành công nhờ cái tên. Together Dating cũng vậy?

Văn phòng của bạn phải đánh bạt vía những văn phòng kia. Và nếu bạn tin lời quân sư miễn phí quạt... điện này, thì bạn chắc chắn sẽ làm được việc đó.

Tại sao không đặt tên là Breakfast In Bed?

Just Lunch và Dinner at Eight đưa ra những gợi ý hậu chiến. Trong khi Breakfast In Bed đưa ra những mời gọi... tiền chiến với lời hứa hẹn sáng sớm hôm sau sẽ là một tô phở gà đùi để ra ngoài, trứng non thơm phức do chính chủ nhà chạy ra đầu đường mua về còn bốc khói nghi ngút.

Ðùi để ra ngoài ở trên giường (In Bed) cho bữa sáng thì được lắm chứ. Ăn đứt Just Lunch và Dinner at Eight nhạt phèo. Ăn phí cả mồm đi, như bà ngoại tôi vẫn nói hồi cụ còn sống.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 27 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Dunlop, cái tên từng có thời cạnh tranh với những Michelin, Goodyear, Bridgestone... lại được nghe nhắc trong một bản tin truyền hình sáng nay. Thì ra công ty ấy vẫn còn, vẫn tiếp tục hoạt động, không hề chung số phận với loài khủng long như một số công ty khác trong khoảng hai, ba thập niên trở lại đây.

Công ty sản xuất vỏ ruột xe hơi này mới đây đã trúng thầu của ủy ban tổ chức Thế Vận Hội năm 2000 tại Sydney, Úc. Phải nói ngay ở đây là các lực sĩ tham dự Thế Vận Hội không cần được cung cấp vỏ ruột xe hơi, loại sản phẩm của Dunlop mà chúng ta vẫn biết. Nhưng nhờ vụ trúng thầu này, mà chúng ta được biết thêm một chi tiết khác về công ty Pacific Dunlop. Ðó là Dunlop không chỉ sản xuất lốp xe hơi. Dunlop còn có một sản phẩm khác cũng sử dụng cao su làm vật liệu sản xuất. Sản phẩm này là thứ mà Dunlop sẽ đảm nhận cung cấp cho các lực sĩ tham dự Thế Vận Hội năm 2000.

Các giới chức trong ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Sydney cho biết Dunlop sẽ độc quyền cung cấp áo mưa cho các lực sĩ trong 17 ngày, tức là suốt thời gian Thế Vận Hội diễn ra ở Sydney mặc dù thời điểm tổ chức các cuộc tranh tài thể thao không phải là đang mùa mưa của nước Úc.

Dunlop qua mặt tất cả các công ty sản xuất áo mưa chúng ta đã quen tên để lo cho phúc lợi của các lực sĩ. Người ta đặt câu hỏi tại sao một công ty trước đây chỉ chuyên sản xuất vỏ ruột xe hơi lại có thể đánh bạt các hãng áo mưa có bao nhiêu kinh nghiệm.

Thực ra, nếu công ty sản xuất mì ăn liền hiệu hai, ba con cua rang muối hay công ty Microsoft (?) trúng thầu thì thắc mắc đó rất hợp lý. Kinh nghiệm sản xuất những sợi mì thì không thể giúp cho việc vẽ kiểu, chế tạo, cải thiện phẩm chất của những cái áo mưa. Cũng vậy, Microsoft, công ty chuyên về nhu liệu, phần mềm (?) của máy điện toán thì không thể và cũng không nên quay sang sản xuất áo mưa bao giờ. Tưởng tượng những chiếc áo mưa lại có hiệu Microsoft thì ai dám mua. Vừa micro, lại vừa soft thì chán quá. Cầm lên đã nghe thấy sự nhục mạ, khinh bỉ ở cái tên rồi.

Dunlop chuyên sản xuất vỏ xe hơi. Chính điều đó làm người tiêu thụ tin tưởng vào sản phẩm của Dunlop hơn. Và đó là lý do tại sao ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Sydney quyết định chọn sản phẩm của công ty Dunlop.

Dunlop đã có được sự tín nhiệm của người tiêu thụ từ mấy chục năm nay. Khách hàng hài lòng với những sản phẩm của Dunlop. Nhất là sự bền bỉ của những cái vỏ radial, loại vỏ với những sợi thép đan bọc lấy cả chiều dọc lẫn chiều ngang của vỏ. Vỏ radial chạy tuyết cũng hay mà chạy đường ướt cũng giỏi. Vỏ radial là thứ vỏ chạy thời tiết nào cũng được: all weather tire. Một loại vỏ mới của Dunlop còn không sợ bị thủng bao giờ: bị đinh, vỏ sẽ tự động bít lại, xe vẫn có thể chạy ở vận tốc trên 50 dặm một giờ thêm 200 dặm nữa. Vỏ Dunlop còn nổi tiếng là rất bám đường, quanh cua, chạy đường đèo vô địch.

Công ty Dunlop đã đem những kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất vỏ xe hơi để chế tạo áo mưa cho các lực sĩ. Người thường thì áo mưa nào cũng xong. Nhưng các lực sĩ thì khác. Lực sĩ Thế Vận Hội thì lại càng khác nữa. Từ năm châu, bốn biển họ tới Sydney để nhắm những mục tiêu cao hơn, xa hơn, lâu hơn, dài hơn, nhanh hơn như châm ngôn của các vận động viên. Sản phẩm của Dunlop chắc chắn sẽ giúp các lực sĩ đạt được các mục tiêu đó để các thành tích cũ bị vượt quá, bị phá tan hết và các kỷ lục mới sẽ được thiết lập ở Sydney.

Tất cả đều nhờ sản phẩm của Dunlop. Những lốp xe cũng như những chiếc áo mưa của Dunlop sẽ không bao giờ khiến xe lăn chỏng gọng bốn vó lên trời bao giờ. Lắp vào là chạy mệt nghỉ. Không sợ đinh, không sợ thủng. An toàn biết là bao nhiêu. Xuân hạ thu đông, tứ thời bát tiết lúc nào cũng dùng được. Ðêm lạnh tuyết xuống đầy đường cũng dùng được. Trời mưa, đường ướt lại càng tốt. Càng ướt càng tốt. Ðường trơn trượt cũng không sợ. Càng trơn chạy càng hay.

Dunlop trúng thầu là phải.

y ban tổ chức Thế Vận Hội dự tính sẽ cung cấp cho mỗi vận động viên 51 cái áo mưa để dùng trong 17 ngày. Làm một con tính chia, người ta có ngay con số áo mưa cần cho mỗi lực sĩ mỗi ngày là 3 chiếc. Như vậy là đúng tiêu chuẩn "ngày 3" mà chúng ta vẫn thường nghe. Tuy vậy, tờ Daily Telegraph xuất bản tại Luan Ðôn thì vừa nghe con số này đã hoảng hốt hét toáng lên rằng 3 chiếc mỗi ngày là nhiều quá - three a day sounds too many.

Tự nhiên không khảo mà khai. Rõ chán cái tờ báo Ăng Lê này quá.

Mỗi ngày 3 mà đã hét tướng lên. Nếu nghe được toàn bộ tiêu chuẩn của chúng tôi để thêm vào 7 của ban đêm và vào ra không kể thì tờ báo này còn hốt hoảng biết là bao nhiêu nữa.

Không biết áo mưa của Dunlop có thể đem... đắp (retread) lại sau khi mòn như lốp xe không? Mà cũng không biết sau khi dùng, có làm phao để tập bơi như ruột Dunlop không?

Và khi mua 4 cái, có được tặng 1 cái làm... lốp sơ cua không... khi mà 4 cái dùng đã không hết, mang thêm cái thứ tư về nhà mà mang họa vào thân hay sao...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 27 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Câu tục ngữ "Khôn ba năm, dại một giờ" đã được cụ Ức Trai viết lại thật khéo thành hai câu trong song thất lục bát của cụ:

Ðem người trước lấy mình ngắm lại

Khôn ba năm đừng dại một giờ...

Nhưng cứ mỗi lần đọc lại mấy câu trên trong tập Gia Huấn Ca, là tôi lại nhớ đến thắc mắc khôn nguôi của bạn, rằng làm sao người ta lại có thể "dại" được đến... một giờ như thế. Theo bạn, "dại" lâu lắm là vài ba phút chứ không thể một giờ được. Vì khi đã kéo được tới một giờ, thì không thể gọi là "dại" được nữa. Lúc ấy sẽ chỉ toàn những lời khen, sẽ không có một tiếng chê nào. Không một tiếng chê thì làm sao gọi là "dại" được?

Bạn rất có lý, nhưng thắc mắc của bạn vẫn là làm sao... một giờ được. Tôi nghĩ là có thể một giờ được. Có thể còn hơn nữa, nếu chúng ta có thể tin những lời cảnh cáo mà FDA, cơ quan đặc trách thực phẩm và thuốc men của chính phủ liên bang Mỹ (The Food and Drug Administration) bắt công ty dược phẩm Pfizer phải dán lên các hộp thuốc Viagra, sản phẩm của công ty này, là đúng.

Sau khoảng 130 cái chết của những người dùng loại thuốc mà cả triệu người khắp thế giới đang cực kỳ tin tưởng này, chính phủ liên bang Mỹ thấy cần phải cảnh cáo về nguy hiểm mà loại thuốc này có thể đem laiï cho người dùng. Công ty dược phẩm Pfizer bị buộc phải cảnh cáo người dùng thuốc Viagra rằng loại thuốc này không nên được dùng cho những người bị bệnh tim, cao máu hay đang sử dụng những loại dược phẩm có chất nitrate vân vân.

Những chi tiết này, các y sĩ, khi kê toa Viagra đều đã giải thích khá rõ cho người dùng ngay từ trước khi có những khuyến cáo của chính phủ. Hơn 6 triệu toa thuốc đã được các y sĩ viết ra và khoảng 3 triệu người Mỹ đã dùng Viagra kể từ khi loại thuốc này được bán hồi tháng 4.

Con số 130 người chết là con số rất nhỏ so với con số 3 triệu người dùng Viagra tính từ tháng 4 đến nay. Bệnh tim mỗi ngày cũng làm thiệt mạng hàng trăm người Mỹ thì con số chết vì dùng Viagra là con số có thể bỏ qua được - negligible.

Vậy thì tại sao chính phủ liên bang lại nhẩy vào bắt Pfizer phải in những lời cảnh cáo bên ngoài các hộp thuốc Viagra? Chính phủ xen lấn quá nhiều vào đời sống người dân chăng? Chương trình cải cách hành chính, hạn chế những hoạt động can thiệp vào đời sống người dân Mỹ mà ông Gore hô hào đâu rồi?

Chuyện này chắc nên để cho các chính trị gia, cho các thành phần ngấm nghé những cái ghế dân biểu, nghị sĩ và tổng thống nói. Ðiều làm nhiều người để ý ở đây là cơ quan FDA cho biết đã nhận được nhiều thư than phiền là tình trạng "vùng lên" kéo dài quá lâu (mà thuốc Viagra giúp đạt được) đã khiến cho nhiều người dùng thuốc bị đau đớn. FDA cảnh cáo rằng khi tình trạng "vùng lên" kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, thì phải đưa tới y sĩ hay bệnh viện lập tức: "An erection that lasts longer than four hours requires prompt medical attention."

Như vậy, dưới 4 tiếng đồng hồ, tức là 3 tiếng 59 phút thì không cần phải đưa đi nhà thương hay thông báo cho y sĩ gì hết. Hay 3 tiếng rưỡi cũng không cần phải có biện pháp y khoa. Cứ ở nhà cũng được.

Và đó là chi tiết khiến tôi tin rằng đã trả lời được thắc mắc khôn nguôi của bạn: với sự trợ giúp quí báu của Viagra, người ta có thể "dại" không phải là một giờ như câu tục ngữ (khôn ba năm, dại một giờ) từng gây hiểu lầm tai hại cho nhiều người, trong đó có bạn, mà người ta còn có thể dại lâu hơn như thế nhiều gấp đôi, gấp ba hay gấp bốn lần.

Lâu hơn bốn giờ thì có thể là dại thật, nếu không nhờ xe cứu thương chở vào bệnh viện hay nhờ người bồng đến phòng mạch y sĩ như lời cảnh cáo của FDA trong bản tin Associated Press ngày 24 tháng 11 mà các báo đều có đăng.

Nhưng lời cảnh cáo in hay dán trên những hộp, những chai hay những vỉ thuốc Viagra đó có hữu hiệu và thành công trong mục tiêu ngăn chặn những cái chết lảng xẹt vì Viagra không?

Người ta sẽ không bao giờ biết được. Làm sao đảm bảo là tất cả những cái nhãn có in lời cảnh cáo đều được người dùng thuốc đọc kỹ và hiểu? Làm sao biết là trước khi đưa viên thuốc với ly nước cho người dùng, thì những bàn tay có móng sơn đỏ ấy lại không kín đáo tháo cái nhãn có lời cảnh cáo đó quăng vào sọt rác từ trước? Làm sao biết chắc rằng khi xe cứu thương đến trước cửa (do người dùng thuốc xuống bếp hay chui vào buồng tắm gọi lén), lại không có một người ra tận xe nói bằng giọng nữ rằng trong nhà không ai cần phải đi bệnh viện hay phòng mạch y sĩ hết trơn hết trọi?

Thuốc Viagra, nếu thực sự là nguy hiểm cho những người dùng nó, tôi nghĩ sẽ không có cách gì để có thể giảm thiểu được những nguy hiểm đó. Con số 130 người thiệt mạng chỉ là con số nhỏ. Ðể không, không dùng những viên thuốc mầu xanh này thì cũng vẫn có thể lên cơn đau tim rồi chết. Chi bằng "thà... vài tiếng huy hoàng rồi chợt tắt / còn hơn là sáu rưỡi mãi lâu nay".

Cho nên mấy lời hăm dọa cảnh cáo của FDA rồi cũng chẳng đi tới đâu. Ralph Nader từ bao nhiêu năm nay vẫn khẩn khoản nói với chúng ta rằng xe hơi là thứ sản phẩm không an toàn ở bất cứ vận tốc nào - unsafe at any speed - nhưng có được bao nhiêu người bỏ lái xe vì câu nói đó của chàng để đi bộ?

Bùi Bảo Trúc

Irvine ngày 27 tháng 5 năm 1998

Bạn ta,

Thi sĩ, loại người ai cũng cứ tưởng là hiền lành, chân đi không chạm đất, suốt ngày chỉ gió với mưa, sao với trăng, mây với khói, thực ra lại là những người độc tài và khát máu không thể tưởng tượng được.

Những điều họ đã viết xuống, họ không bao giờ muốn ai thay đổi đi, dù cho là một chữ. Có hay hơn thì cũng không chịu. Huống chi thường thì lại là dở đi.

Vua Tự Ðức cậy có quyền trong tay, đọc Kiều của Nguyễn Du, lâu lâu nhà vua lại tự đóng góp vài ba chữ, sửa Nguyễn Du cho hợp với tai của nhà vua, cho hay hơn, chắc nhà vua nghĩ vậy. Họ Nguyễn khổ tâm lắm, nhưng biết làm gì được. Cao Bá Quát chỉ mới vừa hạ nhục con thuyền Nghệ An bằng cách ví von cho nó ngang hàng với mấy câu thơ của các ông trong thi xã, đã vất vả cả đời, thì họ Nguyễn đành phải im, lôi bồ hòn ra ngậm cho đỡ buồn vậy. Cũng may mà người đời sau vẫn yêu quí Nguyễn Du, nên vẫn phân biệt Kiều bản kinh và bản phường cho họ Nguyễn. Bản có đóng góp của nhà vua thì để nhà vua đọc, bản của Nguyễn Du thì vẫn cố giữ nguyên.

Bây giờ, nếu còn sống, Nguyễn Du chắc phải lên tiếng phản đối nhà vua. Nhẹ thì cũng phải như Oscar Wilde, nói bóng gió rằng người làm thơ có thể chịu nổi, có thể sống sót, có thể toàn mạng sau tất cả mọi thảm họa trên đời, ngoại trừ cái lỗi typo của nhà in (A poet can survive anything except a misprint.)

Người làm thơ không tha thứ cho lỗi của ấn công thì làm sao tha những kẻ khác được. Mà lỗi ấn công thì chỉ là một lầm lẫn không hề có sự cố ý ở trong, những người không có bao nhiêu liên hệ với tác phẩm.

Mới đây, sau khi tác giả Áo Lụa Hà Ðông qua đời, một cây bút phê bình văn học có phát biểu đôi lời về ông, và khi dẫn một đoạn trong một bài thơ rất nhiều người biết của ông, người này đã phạm phải một cái lỗi không thể tha thứ được. Hình ảnh hay nhất của bài thơ bị xuyên tạc để trở nên xấu xa một cách thảm hại.

Bài thơ tác giả Áo Lụa Hà Ðông dùng để thay bức thiệp hồng, loan cái hỉ tín của ông luôn luôn tạo một nụ cười nơi những người đọc thì bị đổi đi một chữ, và lại đúng chữ hay nhất.

Hôm nay Nga buồn như con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình...

Bài thơ bắt đầu như thế. Chân dung người phụ nữ được vẽ bằng những nét đẹp nhất, táo bạo nhất, bứt đi khỏi tất cả mọi ước lệ và khuôn sáo cũ.

Trước ông, trong thơ Việt chưa ai dùng con chó để nói về mối tình của mình. Con chó khỏe mạnh cũng chưa bao giờ làm gợi nhớ hình ảnh người tình trong thơ. Nga trong thơ ông thì lại được vẽ bằng hình ảnh của một con chó không khỏe, con chó đang ốm. Nó không sủa nhặng xị, chạy xồ ra vồ lấy ông. Nó nằm thượt một chỗ, cái đuôi cũng không ngoắc nổi, mắt chỉ nhướng lên nhìn, rồi lại cụp xuống. Con chó ốm đòi được bế lên tay, ôm trong lòng, vuốt ve, gãi lưng, xoa bụng.

Chỉ một chữ "ốm" đi cùng, con chó trông tội nghiệp hẳn. Tả mối tình mà tả đến như thế thì không thể đẹp hơn được nữa.

Chữ "ốm" hay như thế, đáng lẽ phải được giữ bằng mọi cách, thì bị đổi thành "đói".

Hôm nay Nga buồn như một con chó đói (sic)...

Người phụ nữ bỗng mang một hình ảnh vô cùng dễ sợ -- a mean and hungry look -- vừa độc ác vừa đói khát, như một lối nói trong tiếng Anh.

Con chó đói thì phiền lắm. Nó không đòi được bế bồng, ôm trong lòng, vuốt ve. Bài thơ không hề đưa ra hình ảnh dễ sợ đó.

Tác giả đưa ra thêm một con mèo, không chỉ một con mèo, mà là một con mèo ngái ngủ, con mèo ngái ngủ trên tay tác giả. Rồi ông thêm vào một đôi mắt của con cá ươn, sắp se mình...

Tất cả những thứ đó đều bị cái đói của con chó làm hỏng hết.

Người phụ nữ trong bài thơ không mang nét dịu dàng, mềm mại nữa. Nàng vùng lên, nhào tới, táp, đớp, nhay, cắn, ngoạm, xé... rồi hết đay tới nghiến. Xác nào mà không tàn, thây nào mà không nát, xương nào mà không tan?

Không thể thay con chó ốm bằng bất cứ một con chó nào khác.

Một con chó khỏe mạnh, no nê, to béo cũng đã không được, dẫu cho chúng ta có thương cảm tình cảnh bệnh hoạn của nó cách mấy đi chăng nữa cũng thế. Cho nó nhịn đói lại càng không nên.

Cứ để nó ốm thì đẹp hơn biết bao nhiêu.

Cho nó đói thì không thể được. Chó đói dữ lắm. Hay là đối với một số người, dữ cũng chưa đáng sợ mấy, như người hàng xóm cũ của tôi khi ông cảnh cáo những người đến gần hàng rào nhà ông với tấm bảng viết hàng chữ: Never mind the dog! Beware of the owner! Ðừng sợ chó, coi chừng chủ nhà... Có điều ông đi vắng suốt ngày, chỉ có bà vợ ở nhà với con chó dữ không thể tả được. Không biết khi làm thơ tả vợ, ông sẽ viết thế nào? Hay lại phải nhờ đến nhà phê bình văn học nọ?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 27 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ ngay ở đầu đoạn thứ nhì đã có một sai lầm tệ hại.

Nhưng khi biết rằng bản văn đó được Thomas Jefferson viết trong có một đêm hồi ông mới ngoài 30 tuổi, thì người ta hiểu tại sao lại có sai sót đó. Người ta tin rằng yếu tố tuổi tác và thời giờ hạn hẹp dùng cho việc soạn thảo bản văn đều đóng góp vào sự sai sót của nó. Nguyên văn câu dầu của đoạn thứ nhì bản tuyên ngôn độc lập là như thế này: "We hold these truths to be self evident, that all men are created equal..." Chúng tôi coi những điều sau đây là sự thật hiển nhiên, đó là tất cả mọi người đàn ông đều được sinh ra đời bình đẳng...

Và kể từ khi được 13 tiểu bang nguyên thủy thông qua ngày 4 tháng 7 năm 1776, nước Mỹ cứ để nguyên câu này không tu chính hay sửa chữa gì. Bởi thế nên đàn ông va đàn bà ở nước Mỹ không bao giờ bình đẳng. Những người đàn ông thì ra đời, bình đẳng với nhau. Những người đàn bà cũng bình đẳng với nhau. Nhưng bên này không bình đẳng với bên kia.

Cho nên phụ nữ ở nước Mỹ lấn lướt đàn ông Mỹ trong rất nhiều lãnh vực mà đàn ông không cách gì đỡ được. Một phát minh mới vừa được bầy bán hôm giữa tháng 8 lại càng cho thấy là đàn ông Mỹ càng ngày càng bị quên lãng. Tờ Washington Post ở trang D-4 trong số đề ngày 19 tháng 8, nơi mục Style có cho biết tại một số cửa tiệm ở thủ đô, một sản phẩm mới đã bắt đầu được bán cho công chúng với giá $36. Sản phẩm mới này là cái Water Bra, cái nịt vú nước.

Vậy là mấy năm trước, phụ nữ được tặng món thời trang mới, cái Wonder Bra, thì năm nay, lại có thêm món khác để diện với đời. Trong cùng thời gian đó, những người đàn ông Mỹ không có thêm một món thời trang mới nào để nhí nhắng. Thua thấy rõ.

Theo tờ Washington Post, sản phẩm mới này có thể giúp các phụ nữ sử dụng nó cải thiện được tình trạng thiếu phát triển của mình mà không cần phải nộp đơn xin được Ngân Hàng Thế Giới hay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế trợ giúp như các quốc gia thiếu phát triển của thế giới. Cũng không cần phải dùng tới dịch vụ của các "ma đam" và dao kéo của các chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ, và cũng chẳng cần phải biến cơ thể của mình thành một vùng của San Jose, vùng Silicone Valley như trước kia nữa.

Sản phẩm mới - Water Bra - này, như tên của nó đã cho biết, là hai cái túi, cứ mở nắp, đổ nước vào là xong. Muốn phát triển nhiều thì đổ nhiều nước. Muốn phát triển trung bình thì vừa phải, muốn đang trên đà phát triển thì đổ ít nước.

Nhưng có thể người ta sẽ không ngừng ở đó. Óc sáng tạo và khả năng phát minh của người Mỹ không bao giờ chỉ mở tấm chỉ dẫn ra rồi cứ thấy nói sao làm vậy.

Thí dụ mùa hè nóng nực như năm nay, tai sao không quăng nó vào cái tủ lạnh để qua đêm, sáng hôm sau có hai cái túi nước đá đeo vào mát cả người? Mùa đông thì chỉ hai phút trong microwave oven là... ấm suốt buổi. Thế rồi thay vì ra đường cứ phải tay cầm chai nước suối như chúng tôi vẫn làm trong những ngày nóng nực của tháng 8 này, thì tại sao không gắn cái ống hút vào, thỉnh thoảng làm một hơi, xong lại dấu cái ống hút trong áo? Tiện vô cùng. Mà tại sao lại phải nước suối? Tại sao không Coca Cola? Tại sao không là nước cam? Tại sao không ghé Star Buck kiếm ly cà phê và khi bị hỏi là cà phê đen hay cà phê sữa thì cứ đáp cà phê... đen (?) là được rồi? Mà tại sao lại không đổ một bên Martel, một bên đổ Cognac như ông Nguyên Sa tả ông Mai Thảo: "... Bạn ngồi giữa hai ông tây / Ông kia tên Mạc, ông này tên Cô..." Hay khui một chai đỏ đổ vào để khỏi cảnh ông Mai Thảo ngồi buồn bã ở quầy rượu: " ...Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ / Và một bình đêm rót rất đầy..."

Chao ôi, biết bao nhiêu là công dụng mà cái sản phẩm mới này có thể đem laiï cho những người phụ nữ trong khi những người đàn ông của nước Mỹ vẫn tiếp tục lính quýnh với mấy chai nước suối, hay mấy chai mờ, chai đỏ, chai trắng, với cái ly cà phê Star Buck cồng kềnh, vướng tay hết sức.

Không biết đến bao giờ những người đàn ông giai phóng ở nước Mỹ này mới giám liều lĩnh mua thứ sản phẩm mới này về dùng?

Tại sao lại không thế, khi mà thứ sản phẩm này đã có những công dụng thiết thực như vừa kể, mà khi dùng nó, nó lại cho người dùng một cảm tưởng bình đẳng, không hề thua thiệt phụ nữ, thừa sức tu chính được những sai sót, khiếm khuyết của bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ.

Ấy là chưa nói đến chuyện những người đàn ông này sẽ không phải giải thích tại sao có cái Water Bra dấu trong cái hộc đựng giấy tờ, bít tất tay trong xe hơi của các chàng nữa.

Chỉ cần nói đó là thiết bị (?) uống cà phê của tui là phía bên kia hết hỏi ngay.

Công tố viên Kenneth Starr có lôi mấy đại bồi thẩm đoàn ra cũng không sợ.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 24 tháng 3 năm 1998

Bạn ta,

Tôi nghĩ không gì có thể thay đổi nhiều hơn là cách con cái gọi cha mẹ trong khoảng thời gian trên dưới nửa thế kỷ nay ở những gia đình mà tôi biết.

Gia đình tôi chẳng hạn. Thế hệ ông bà cụ tôi thì chưa thấy có "ba me." Lối gọi đó, "ba me," vào thời điểm ấy tối tân quá, tân thời quá, thành thị quá, Tây quá. Tôi chưa thấy ai thuộc thế hệ ông bà cụ tôi gọi các bậc sinh thành là "ba me" bao giờ cả. Hồi đó hầu như luôn luôn là "thầy mẹ" hay "thầy u" hay "thầy đẻ." Có khi không là "u" hay "đẻ" mà là "bầm" hay "bu." Lối gọi đó thấy ít đi trong những năm 40, 50 và về sau.

Thế hệ ông bà cụ tôi, nếu ở thành phố, và nếu có đi học, thì bắt đầu dạy cho con cái gọi là "ba, me," và với một số khá đông khác, gọi là "cậu, mợ."

"Cậu, mợ" tuy không Tây như "ba me" nhưng nghe đã có vẻ tối tân, không còn nhiều chất đồng ruộng nữa. "Cậu mợ" đã thấy đầy không khí Ngày Nay, Phong Hóa, trường Bưởi, trường Bảo Hộ, Hà Nội, Tự Lực Văn Ðoàn, thơ Vũ Hoàng Chương, Huy Cận, văn Khái Hưng, Nhất Linh, nhạc Tây thì Tino Rossi, Maurice Chevalier, tài tử Charles Boyer...

Thế hệ ra đời trong những năm 1940 hình như được cha mẹ dạy để dùng lối xưng hô này, cùng với "ba me" nhiều nhất. Những người bạn tiểu học của tôi thời đó, nếu bố là công chức, mẹ vấn tóc trần, ngôi lệch và áo dài Lemur, quần trắng, tân thời một chút, thì nếu không gọi "ba me," nhất định phải là "cậu mợ." Thời mới lớn của tôi, lối gọi "thầy u," "thầy đẻ" đã bắt đầu thấy ít đi. Hầu hết là những người lớn hơn tôi hẳn một thế hệ, 25 năm, mới gọi như thế. Ở trường học, phe gọi "thầy u" hay "thầy đẻ" bị coi là nhà quê, không thành thị và thiếu văn minh, thường là mấy cậu không ở Hà Nội, ông cụ bà cụ không biết nói tiếng Tây và không được dẫn đi ăn kem Bờ Hồ, xem ciné ở Cửa Nam... chúng tôi vẫn nghĩ như thế.

Ngay cả lối gọi "cậu mợ" của mấy chị em tôi, nhiều lúc chính tôi cũng thấy hơi... nhà quê, so với bọn gọi "ba me" ở trường. "Ba me" nghe Tây hơn "cậu mợ," chắc vì lối gọi đó nghe gần với tiếng Pháp hơn. Cha mẹ bọn gọi "ba me," tôi nghĩ, vẫn có cái gì sang hơn, giàu hơn, Tây hơn, văn minh hơn, tiến bộ hơn phe gọi "cậu mợ" chúng tôi.

Nhưng lối gọi "cậu mợ" của chúng tôi cũng bắt đầu bị dẹp khi thế hệ này lập gia đình, có con cái. Thập niên 60, 70 bắt đầu thấy xuất hiện trở lại lối gọi "bố mẹ," lối gọi trước đó bị chê là xưa cũ, cổ lỗ không kém gì "thầy u" hay "thầy đẻ" của thế hệ ông bà cụ tôi, thế hệ Luân Lý Giáo Khoa Thư mặc áo the, đội mũ liège trắng, đi guốc, học trường tỉnh, đỗ xéc ti phi ca, đỗ đít lôm, đỗ bắc, hát "J'ai deux amours"...

Rồi chính lối gọi "cậu mợ" lại bị chính cái thế hệ dùng nó đào thải. Tôi cho là nó có nguyên do tâm lý ở trong. Dạy con dùng lại lối gọi cha mẹ của mình (cậu mợ) người ta sợ nghe cũng có vẻ già đi, chậm tiến, thiếu nét hiện đại như thế hệ trước của mình. Lối gọi "bố mẹ" tuy cổ xưa, nhưng cái gì lâu không dùng, đem ra dùng lại, tự nhiên lại thấy mới.

Tôi nhìn thấy điều đó khi đưa đón đứa con trai đầu lòng đi học ở ngôi trường mẫu giáo hồi còn ở Sài Gòn. Trong lúc đợi nó ở trong lớp chạy ra, tôi nghe những đứa bạn nó thẩy đều gọi cha mẹ đến đón ở cổng trường là "bố mẹ." Thế hệ con tôi không gọi "cậu mợ" nữa. Gọi "ba me" cũng thấy ít đi. "Ba má" vẫn còn là số đông ở miền Nam. Nhưng phe "bố mẹ" vẫn là phe rất đáng kể.

Bây giờ, thế hệ gọi "bố mẹ" đã bắt đầu lấy vợ, lấy chồng, có con cái. Ở trong nước, không rõ chúng dạy con cái gọi chúng là gì, nhưng lũ con tôi, chắc chắn khó còn có đứa dạy con gọi chúng là "bố mẹ" nữa. Bọn cháu nội ngoại của chúng ta có nhiều phần sẽ gọi cha mẹ chúng là "mom," là "dad."

Và như thế, bốn thế hệ trong thế kỷ này mà chúng ta đang sống, mỗi thế hệ đã dùng một lối gọi riêng để gọi cha mẹ. Trong khi nhìn sang nước Mỹ, lối gọi cha mẹ của họ không hề có những đổi thay ghê gớm như của chúng ta trong một khoảng thời gian quá ngắn như thế.

Tại sao có hiện tượng này và ý nghĩa của nó như thế nào, rồi đây thế nào cũng có người trở lại tìm cách giải thích.

Mà đó là không nói đến những lối gọi không chính thức sau lưng các cụ như "ông via, bà via," "ông bô, bà bô," "ông già, bà già"...

Chúng tôi vẫn tiếp tục dùng những lối gọi được dạy cho dùng từ hơn nửa thế kỷ nay, phải chăng việc giữ nguyên cái lối gọi đó cũng cho chúng tôi cái cảm tưởng còn trẻ thơ, còn bé chăng.

Mấy chị em chúng tôi cho là việc được dùng những lối gọi đó trong hơn nửa thế kỷ là một trong những hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi. Nhưng bây giờ, chúng tôi đang sợ là hạnh phúc đó sắp sửa không còn nữa.

Và chúng tôi không bao giờ muốn điều đó xảy ra cả. Mấy hôm trước, trong bệnh viện, ông cụ tôi vẫn nhận ra tôi khi tôi gọi "cậu" và nắm chặt lấy tay tôi. Chúng tôi muốn được gọi ông như thế thêm nhiều năm nữa.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 24 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Có thể cái tên này - nói theo một thành ngữ trong tiếng Anh - không rung bất cứ một cái chuông nào với bạn, nhưng bạn chắc chắn phải biết mặt người đàn ông có cái tên ấy.

Người đàn ông ấy tên là Bẩy Lớp. Bạn chưa nghe cái tên ấy bao giờ, đúng như tôi đã nghĩ. Nhưng nếu tôi nói rằng Bẩy Lớp là tên của người đàn ông trong bức ảnh mà Eddie Adams chụp được trên đường Sư Vạn Hạnh ở Chợ Lớn trong trận Mậu Thân, thì bạn sẽ thấy ngay là cái tên đó đã có được một khuôn mặt. Khuôn mặt của ông ta lúc ấy bi thảm lắm. Nó sắp nhận một viên đạn từ khẩu Smith and Wesson nòng ngắn từ tay của thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, người chỉ huy trận đánh ở khu vực này.

Tướng Loan qua đời hồi tuần trước. Trong số những vòng hoa gửi đến viếng ông ở tang nghi quán, có một vòng hoa của Eddie Adams với hàng chữ "General, I am so, so sorry. There are tears in my eyes." Eddie Adams cũng viết trong tờ Time số đề ngày 27 tháng 7, ở trang 19 rằng bức ảnh ông chụp đã gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho đời ông Loan.

Phe phản chiến lợi dụng bức ảnh ấy tối đa, tô vẽ một hình ảnh không đẹp về việc tướng Loan bắn tù binh, đi ngược lại với công ước Geneve về tù binh. Họ không lý gì tới những gì đã xẩy ra trước đó tại đường Sư Vạn Hạnh cũng như những việc mà đặc công Bẩy Lớp đã làm trước khi bị các binh sĩ của tướng Loan bắt được. Viên đạn của tướng Loan còn đáng để bay ra khỏi chiếc nòng ngắn của khẩu Smith and Wesson hơn là những viên đạn của cảnh sát Mỹ bắn vào những tên cướp trên đường phố New York và Los Angeles rất nhiều. Los Angeles và New York thì làm sao so được với đường Sư Vạn Hạnh hôm ấy.

Những người chống chiến tranh Việt Nam là những người hết sức tàn ác. Họ tàn ác cả với những gia đình Mỹ có con tử trận ở Việt Nam như tờ Washington Post trong loạt bài đăng suốt ba ngày hồi tuần trước. Họ đã không nhẹ nhàng gì với tướng Loan.

Eddie Adams được trao giải Pulitzer năm 1969 về bức ảnh chụp tướng Loan đang kề khẩu nòng cụt vào sát màng tang của Bẩy Lớp trước khi lẩy cò. Eddie Adams nói răng trong bức ảnh, hai người đã chết cùng một lúc. Bẩy Lớp chết vì viên đạn của tướng Loan. Và tướng Loan thì vì bức ảnh của Eddie Adams. Eddie Adams ân hận mãi vì tấm ảnh đó, tấm ảnh mà Eddie nói là chỉ nói lên được một nửa sự thật. Nửa kia, đã bị bóp méo, xuyên tạc trong suốt bao nhiêu năm.

Tờ Washington Times, hôm sau ngày thiếu tướng Loan qua đời, có viết trên trang nhất một bài, dẫn lời của người chụp bức ảnh oan nghiệt đó, nói răng ông Loan phải được coi là một người anh hùng của nước Mỹ.

Còn Bẩy Lớp? Ông ta, ngoài đời thường, lúc không làm đặc công ở đường Sư Vạn Hạnh, lúc chưa bị bắt tại mặt trận và bị bắn tại chỗ như tấm ảnh ghi lại, chắc cũng phải có vợ con, anh em gia đình như những người khác chứ. Ông ta đã sống như thế nào, vợ con của ông ta ra sao, ở đâu bây giờ? Tôi cứ thắc mắc những điều ấy về ông ta, ngay cả lúc sang đến nước Mỹ cả mấy chục năm.

Cách đây mười năm, thắc mắc của tôi đã được giải tỏa. Mười năm trước, năm 1988, nhân kỷ niệm hai mươi năm xẩy ra trận Mậu Thân, một toán ký giả Nhật cũng có những thắc mắc tương tự về gia đình ông Bẩy Lớp. Toán ký giả truyền hình này xin phép vào Việt Nam để đi tìm vợ con đặc công Bẩy Lớp, mong đưa ra được nửa kia của câu chuyện trong bức ảnh của Eddie Adams.

Sau nhiều ngày dò hỏi, toán ký giả truyền hình Nhật mới tìm ra được nơi trú ngụ của vợ và các con của đặc công Bẩy Lớp. Người vợ và mấy người con của Bẩy Lớp lúc ấy đã lớn, đang sống ở một căn nhà lá tiêu điều giữa một cánh đồng ở vùng Phú Thọ Hòa. Toán truyền hình tìm đến tận nơi, ghi lại cảnh sinh hoạt trong gia đình người đặc công Bẩy Lớp, và có lẽ sau khi nhìn thấy tận mắt cảnh sống bi thảm của gia đình này, đã hỏi bà vợ của ông Bẩy Lớp rằng bà mong muốn gì trong tương lai thì người đàn bà ấy nói một câu mà ông Bẩy Lớp, nếu hồn ông còn đang lẩn quất đâu đó trong căn nhà lá tiêu điều ở Phú Thọ Hòa, không hiểu sẽ nghĩ gì.

Người đàn bà ấy nói với toán truyền hình Nhật rằng bà mong người Mỹ trở lại để các con của bà và ông Bẩy Lớp có thể kiếm được việc làm.

Ðó là năm 1988. hai mươi năm sau ngày người đặc công chống Mỹ cứu nước bỏ mình ở đường Sư Vạn Hạnh, thì chính vợ con của ông mong người Mỹ sớm trở lại để có được một đời sống khá hơn.

Ông Bẩy Lớp chết, ông làm hỏng đời của những đứa con ông. Ông và những người bạn của ông, vì những việc làm dại dột và ngu xuẩn của các ông, đã làm hỏng mọi cơ hội đáng lẽ đã rất tốt đẹp của cả một thế hệ. Vợ con ông "liệt sĩ" thật đến khổ vì việc làm của ông. Ông hy sinh chẳng được cái quái gì, chỉ đem lại thống khổ cho bao nhiêu người.

Còn cái lối đối xử của chính phủ ta dành cho gia đình "liệt sĩ" Bẩy Lớp thì lại làm người ta nháng lên một hy vọng. Việt Nam có thể sắp khá mặc dù tình trạng kinh tế của các nước chung quanh đang gặp khó khăn. Nước ta có thể xuất cảng ra nước ngoài rất nhiều nước chanh trong cơn nóng nực hiện nay để kiếm thêm tiền. Mấy cái vỏ chanh cũng đừng nên bỏ đi. Giữ lại để bán làm mứt trong dịp Tết cũng kiếm được khối tiền. Nước chanh vắt từ những cái vỏ ấy bán đã được tiền, bán thêm những cái vỏ, vừa kiếm được tiền, vừa đỡ phải mang tiếng là vắt chanh bỏ vỏ.

Vợ ông Bẩy Lớp là cái vỏ chanh to tổ bố của chính phủ ta chứ còn gì nữa.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 24 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

I'll Be Home For Christmas, ước mơ được trở về nhà với gia đình trong những ngày cuối năm là bài hát Giáng Sinh tôi thích ngay từ lúc được nghe nó lần đầu trong những năm vừa rời trường trung học, khởi sự một đời sống mới xa gia đình ở một nước khác.

Lời ca của bài hát này có thể cũng là những mơ ước của một con ếch trong bản tin hôm qua của UPI. Có điều khác là con ếch làm đúng được mơ ước của nó. Nó trở về được căn nhà cũ trước Giáng Sinh.

Con ếch mà bản tin UPI viết trong bản tin tên là Phil. Phil nặng khoảng 7 kilô, làm bằng xi măng, được dùng để trang trí cho vườn cỏ trước nhà của Gertrude và John Knight ở thị trấn Swansea, tiểu bang Massachusetts. Sau 9 tháng đi giang hồ, ếch Phil mấy hôm trước đã trở về nhà để kịp Giáng Sinh hệt như mơ ước của bài hát.

Theo bản tin của UPI, tháng 3 năm nay, Phil bỗng nhiên biến mất khỏi chỗ ngồi cũ sau khi để lại một miếng giấy nhỏ viết nguệch ngoạc vài chữ: "Sick of sitting on your front lawn. Had to go away. Love, Phil the frog".

Như thế, chẳng cần phải ngồi tuốt dưới đáy giếng ngó mãi cũng chỉ thấy ông Trời to bằng cái vung, mà ngồi ở sân cỏ trước cửa nhà mãi, Phil cũng thấy chán phải ra đi. Ra đi nhưng vẫn nhắn lại rằng rất yêu Gertrude và John.

Chủ của Phil quả quyết Phil không thể tự bỏ đi khỏi vườn cỏ trước nhà được. Ếch Phil chắc chắn đã bị bắt cóc, nhưng bắt cóc mà tại sao... ếch Phil lại bị đem đi biệt tích thì không biết. Những chi tiết này trong bản tin của UPI viết bằng tiếng Anh thì không thể hay được bằng khi tường thuật lại bằng tiếng Việt. Phil was frog-napped: Ếch bị bắt cóc. Văn chương báo chí như thế hay hơn văn chương bản tin của UPI nhiều.

Sau khi Phil biến mất, Gertrude và John tưởng không bao giờ còn được nghe tăm hơi gì của Phil nữa. Hai người chắc Phil đã được chủ mới cho ngồi ở một góc khu vườn nào khác để... trơ mắt ếch ra tiếp. Nhưng trong những ngày kế tiếp sau đó, họ nhận được khoảng vài chục bức thư và bưu thiếp gửi từ những nơi rất xa xôi về. Một bức kèm theo tấm ảnh chụp Phil ngồi với mấy em bé ở Nam Dương. Bức thư ngắn gửi từ Paris có vẻ vội vã hơn: "Gotta go!" sau khi nêu chi tiết đùi ếch chiên bơ là món nhiều người rất ưa thích tại Pháp. Một tấm bưu thiếp khác thì khoe đang xả hơi ở Hawaii, ước có cả ông bà chủ ở đó thì vui biết mấy: "Chillin'. Wish you were here!"

Gertrude và John Knight tuy nhớ ếch Phil nhưng cũng ao ước được đi một chuyến đi kỳ thú như thế. Vào lúc cả hai tuyệt vọng, nghĩ chẳng còn bao giờ thấy lại Phil nữa thì hôm 21 tháng 12 vừa qua, một chiếc limousine mầu trắng đã chạy tới và đậu lại trước cửa nhà, trả lại ếch Phil cùng với một bó hoa và một chai champagne để chủ của Phil mừng ngày tái ngộ với chú ếch ưa giang hồ.

Ðọc bản tin tôi không thể không nhớ tới một câu trong bài thơ Pháp đọc mấy chục năm trước: Hạnh phúc thay cho Ulysse đã đi được chuyến viễn hành kỳ thú ...Heureux comme Ulysse qui a fait un bon voyage... Phil không chỉ ngồi đó, cũng không chỉ nhẩy đi, như bài thơ tả con cóc trong hang, mà nó đi một chuyến chắc ít người làm được. Nó đi qua những nơi kể trong thư như thế nào chắc sẽ không ai biết. Nhưng chắc chắn chuyến đi phải khó quên.

Làm sao để đi được một chuyến như vậy?

ở đây cũng có một người đàn ông trung niên ngồi trơ mắt ếch bao nhiêu lâu nay mà có ma nào chịu bắt cóc đưa đi một chuyến đâu. Chàng cũng đã chán ngồi ở cái vườn cỏ trước nhà lắm rồi chứ có phải là không đâu. Mà cũng đâu có cần phải đi tới tận Nam Dương để phải xa xôi vất vả. Nếu có đến được Paris, thì cũng không bao giờ phải vội vã bỏ đi quá nhanh như thế... Chàng là người dễ tính, dễ chiều.

Và những bức thư chàng viết về nhất định sẽ dài hơn, lý thú hơn, tình cảm hơn mấy cái thứ thơ văn cóc nhái của ếch Phil nhiều.

Rồi chuyến đi dù có dài hơn, chàng cũng không đòi về ngay như Phil.

Ông Clinton, trong ngày như hôm nay thế nào mà chẳng có một ước mơ một chuyến đi như thế.

Nhưng có khác, thì sẽ chỉ là đoạn nhắn tin tìm người nhà đi lạc (?) trên báo với một hai câu cuối đại khái: "... Anh muốn gì em sẽ chiều ngay. Ai trông thấy người đàn ông này ở đâu xin mách giúp chúng tôi xin hậu tạ. Anh ở đâu về ngay, cam đoan không làm khó dễ. Sau ngày... sẽ không chịu trách nhiệm về các việc làm của ếch nữa..."

Thế mà ếch còn chịu trở về thì lạ thật. Giáng Sinh có thật hấp dẫn ếch như vậy không?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 24 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

La Rochefoucauld là người chán ghét, khinh bỉ thế giới loài người, thế giới mà ông cho là trong đó, ngay cả những tình cảm tốt đẹp nhất cũng chỉ là để phục vụ những quyền lợi hết sức riêng tư, cá nhân mà thôi.

Trong cuốn Maximes, ông viết một câu đại khái sự biết ơn, ở đa số con người, chỉ là một hy vọng rất mạnh mẽ, những bí mật, mong muốn có được những đặc ân, những ưu đãi lớn hơn. Ðiều đó có nghĩa là khi chúng ta cảm ơn cuộc đời hôm nay về hạnh phúc của chúng ta, về những ân sủng mưa móc chúng ta nhận được, về những niềm vui nhỏ của những ngày qua, thì chúng ta cũng lại kín đáo xin với ơn trên đừng có lấy chúng đi mà hãy cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta đã có.

Cảm ơn, tạ ơn nhưng vẫn không quên xin sỏ, nài nỉ để được cho thêm mới chịu.

Thực ra, La Rochefoucauld có hơi quá. Nghĩ lại, bạn sẽ thấy cuộc sống cũng có rất nhiều điều phải cám ơn. Cảm ơn hạnh phúc đã có, và lại càng phải cảm ơn nhiều hơn khi bất hạnh không xẩy tới nữa. Tôi bắt đầu nghĩ người Mỹ rất có lý khi để riêng ra một ngày để làm công việc đó, công việc mà đáng lý ra chúng ta phải làm mỗi ngày, đó là cảm ơn những hạnh phúc đang có cũng như những khổ đau chưa tới...

Thí dụ cảm ơn tiếng Việt. Cảm ơn Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân vẫn thỉnh thoảng về ghé thăm. Cảm ơn nhũng gì Nguyên Sa, Bùi Giáng và Mai Thảo đã để lại. Cảm ơn buổi chiều. Cảm ơn buổi sáng. Cảm ơn đêm khuya. Cảm ơn người trở lai. Cảm ơn sự ân cần. Cảm ơn sự tốt đẹp. Cảm ơn sợi tóc. Cảm ơn mùi hương. Cảm ơn bàn tay. Cảm ơn những ngày cuối với người cha. Cảm ơn chuyến đi thảnh thơi. Cảm ơn sự ra đi nhẹ nhàng. Cảm ơn đời sống. Cảm ơn cái chết. Cảm ơn cặp kính. Cảm ơn cái Camry hạng bét. Cảm ơn cái Big Mac. Cảm ơn tái nạm gầu gân sách. Cảm ơn sự trung thành. Cảm ơn những lá thư. Cảm ơn những cú điện thoại. Cảm ơn ngày hôm nay. Cảm ơn ngày hôm qua. Cảm ơn ngày mai. Cảm ơn cái dấu phẩy. Cảm ơn cái dấu chấm. Cảm ơn Ðông Hồ. Cảm ơn Vương Hồng Sển. Cảm ơn tiếng nói. Cảm ơn trí nhớ. Cảm ơn sự quên lãng. Cảm ơn tính nhớ dai. Cảm ơn mì gói. Cảm ơn cơm đường. Cảm ơn cháo chợ. Cảm ơn cái chìa khóa. Cảm ơn cái thang máy. Cảm ơn Bud. Cảm ơn Michelob. Cảm ơn Miller. Cảm ơn người Mẹ. Cảm ơn bài hát ru còn mãi. Cảm ơn sự dịu dàng. Cảm ơn người dưng khác họ. Cảm ơn giọng Bắc kỳ. Cảm ơn giọng Trung kỳ. Cảm ơn giọng Nam kỳ. Cảm ơn ly cà phê buổi sáng. Cảm ơn tờ báo. Cảm ơn cái ô chữ không khó quá. Cảm ơn cái bút. Cảm ơn cái nghiên. Cảm ơn anh đồ. Cảm ơn ngả nón trông đình. Cảm ơn ca dao. Cảm ơn tục ngữ. Cảm ơn tục ngữ rất... tục. Cảm ơn thỉnh thoảng biết chửi thề. Cảm ơn nói móc. Cảm ơn nói cạnh. Cảm ơn nói khóe. Cảm ơn nói xỏ xiên. Cảm ơn mói mát. Cảm ơn cái đèn. Cảm ơn cái lap top. Cảm ơn những cuốn tự điển. Cảm ơn nói lái. Cảm ơn Hồ Xuân Hương. Cảm ơn Võ Phiến. Cảm ơn Ðặng Trần Côn. Cảm ơn chữ nghĩa truyện Kiều. Cảm ơn nói phét. Cảm ơn ăn tục. Cảm ơn sự vu khống. Cảm ơn sự... không (?) vu khống. Cảm ơn sự ngộ nhận. Cảm ơn sự bịa đặt. Cảm ơn người thầy cũ. Cảm ơn những năm thơ ấu. Cảm ơn những năm tuổi trẻ. Cảm ơn những năm xồn xồn. Cảm ơn menopause. Cảm ơn không menopause. Cảm ơn mùa đông. Cảm ơn mùa xuân. Cảm ơn mùa hạ. Cảm ơn mùa thu. Cảm ơn thơ Ðường. Cảm ơn Tagore. Cảm ơn lục bát. Cảm ơn Du Tử Lê. Cảm ơn các xóm nhà lá. Cảm ơn qui tắc tam xuất. Cảm ơn cái bảng cửu chương. Cảm ơn các thứ phim trong các kỳ thi. Cảm ơn cái tẩy. Cảm ơn cái gọt bút chì. Cảm ơn cái ngòi bút lá tre. Cảm ơn những năm ở Việt Nam. Cảm ơn những năm không ở Việt Nam. Cảm ơn cái máy bay. Cảm ơn người bạn cũ. Cảm ơn những người em. Cảm ơn cái Mobylette. Cảm ơn cái Solex. Cảm ơn cái Lambretta 120. Cảm ơn cái Deux Chevaux rất lễ phép. Cảm ơn những viên thuốc cúm. Cảm ơn Salompas. Cảm ơn cục xà bông. Cảm ơn dao cạo. Cảm ơn cái lược. Cảm ơn cái gương. Cảm ơn lọ keo xịt tóc. Cảm ơn đôi găng tay. Cảm ơn sự ngớ ngẩn. Cảm ơn giọng hát trong buồng tắm không đi hát ở đám cưới. Cảm ơn sự vô duyên. Cảm ơn sự hồn nhiên. Cảm ơn những cuốn sách của Lê Bá Kông. Cảm ơn Thiều Chửu. Cảm ơn Nguyễn Văn Khôn. Cảm ơn Nguyễn Ðình Hòa. Cảm ơn Lê Văn Ðức. Cảm ơn Thái Thanh. Cảm ơn Phạm Ðình Chương. Cảm ơn Hội Trùng Dương. Cảm ơn Phạm Duy. Cảm ơn Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa. Cảm ơn Nat King Cole. Cảm ơn Patti Page. Cảm ơn người bỏ trái tim lại Cựu Kim Sơn. Cảm ơn cái nốt ruồi vẫn còn trên môi Cindy Crawford. Cảm ơn cái máy Fax. Cảm ơn cái modem. Cảm ơn những ngày trốn học. Cảm ơn mùa thi. Cảm ơn Ðinh Ngọc Mô. Cảm ơn Y Uyên Nguyễn Văn Uy. Cảm ơn Vũ Kiện. Cảm ơn Nguyễn Quốc Trụ đại úy pháo binh dù. Cảm ơn những người còn sống và những người đã chết.. Cảm ơn kỷ niệm đã để lại. Cảm ơn...

Và như bạn thấy đó, La Rochefoucauld cũng không hoàn toàn đúng như trong ngày hôm nay...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 24 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Masaomi Yamamoto rồi đây có nhiều hi vọng trở thành một người mà nhân loại sẽ phải ghi ơn mãi mãi. Mức độ của sự ghi ơn đó ít ra cũng phải như đối với Thomas Alva Edison, người để lại cho thế giới cái máy hát, cái bóng đèn, cái micro... hay Graham Bell với cái máy điện thoại nà chúng ta khó có thể tưởng tượng ra một đời sống không có chúng.

Masaomi Yamamoto là một nhà phát minh người Nhật. Phát minh mà ông nộp đơn xin cầu chứng số 5,790,033 ở Hoa Kỳ có thể sẽ giúp làm cho thế giới chúng ta đang sống trở thành một thế giới an toàn hơn, trong đó, những nguy cơ trở lại một giai đoạn chiến tranh lạnh có thể được loại bỏ hẳn, nhờ đó, năng lực của nhân loại sẽ được đem dùng vào những công trình hợp lý hơn, có lợi hơn cho con người.

Phát minh của nhà khoa học Nhật này nguyên thủy nhắm vào các em nhỏ. Chúng ta đều biết trẻ em, nhất là ở giai đoạn phát triển lúc ban đầu, hầu như không một em nào có thể chuyển đạt ý tưởng của chúng một cách rõ ràng và chính xác cho cha mẹ. Vì thế, chỉ với tiếng khóc của chúng, cha mẹ chúng sẽ phải tìm cách để hiểu thông điệp mà chúng muốn chuyển đi. Và việc đó không phải là một việc dễ làm. Tiếng khóc đó có nghĩa là chúng đói hay chúng mệt, hay chúng buồn ngủ, hay cái tã đã ướt? Câu trả lời thường không phải lúc nào cũng tìm được ngay, và cha mẹ chúng càng thêm lúng túng với tiếng khóc mỗi lúc mỗi lớn của những đứa con. Không phải chỉ những tiếng khóc của trẻ, mà luôn cả những tiếng kêu của chó, của mèo mà người nuôi chúng cũng thường không cách nào hiểu nổi.

Phát minh của Masaomi Yamamoto có thể "dịch" những âm thanh đó thành những điều chúng ta có thể hiểu được. Masaomi Yamamoto đã được Mỹ cấp bằng sáng chế cho phát minh của ông. Phát minh của Masaomi Yamamoto cũng có thể dùng để giúp bọn chó, mèo tạo được cảm thông với chủ của chúng.

Nhưng phát minh của Masaomi Yamamoto thực ra không phải là một sáng kiến hoàn toàn mới. sáng kiến của ông chỉ là đem sử dụng những sản phẩm đã có sẵn, đó là chiếc máy thu hình, cái microphone và một hệ thống máy điện toán. Cả ba sản phẩm này đều đã được phát minh từ khá lâu. Masaomi Yamamoto dùng các dụng cụ này để tạo một "tự điển" với những định nghĩa cho các cử chỉ và âm thanh mà trẻ sơ sinh cũng như chó mèo phát ra, giúp người lớn và chủ nuôi những con vật này hiểu được những điều chúng muốn diễn tả.

Máy thu hình và microphone sẽ ghi lại những diễn tả trên mặt, cùng với âm thanh phát ra. Sau đó, cả hai được máy điện toán phân tích và so sánh với những hình ảnh và âm thanh chứa trong kho dữ kiện (database). Những hình ảnh và âm thanh trong kho dữ kiện này đã được định những ý nghĩa sẵn từ trước. Khi tìm được những âm thanh và hình ảnh tương tự trong database, máy sẽ "dịch nghĩa" những tiếng khóc hay những tiếng kêu đang phát ra. Hàng chữ trên màn ảnh sẽ cho biết trẻ khóc vì tã ướt hay vì đói, vì lạnh, vì đau bụng... và người lớn sẽ có đáp ứng thích hợp.

Nhờ phát minh của Masaomi Yamamoto, người ta sẽ có thể hiểu ngay và hiểu chính xác các kiểu khóc, phụng phịu, giận lẫy, mặt mũi một đống, những nụ cười gằn, những cái nhún vai lạnh toát, những câu nói có khả năng hạ giảm hẳn nhiệt độ trong phòng đang giữa mùa hè nóng nực, những khởi đầu cho một tình trạng chiến tranh lạnh như hồi thập niên 50 và 60 giữa phe tư bản và cộng sản... để tùy nghi hành động, tháo gỡ ngòi nổ của một cuộc chiến tranh lạnh như Winston Churchill đã lên tiếng báo động tại đại học Fulton hôm 5 tháng 3 năm 1946 ở Missouri.

Bởi lẽ những kiểu khóc, những kiểu gạt tay ra, những kiểu trừng mắt lạnh lùng... ngắm trời mây đều có những ý nghĩa hoàn toàn khác. Ðọc không được những ý nghĩa đó, xe cứu hỏa chạy ào đến cũng không thể chữa được trận hỏa hoạn kinh hồn.

Với phát minh của Masaomi Yamamoto, nụ cười nhạt, tiếng khóc rấm rứt, tiếng xùy kèm theo cái nhún vai... được nạp (load) vào máy điện toán. Một mệnh lệnh được đưa ra để máy so sánh với những tiếng cười nhạt, tiếng khóc rấm rứt, tiếng xùy kèm theo cái nhún vai... đã được chứa sẵn trong kho dữ kiện để được phiên dịch ngay ra trên màn ảnh máy điện toán. Người ngồi trước máy điện toán có thể đọc phần phiên dịch và có đáp ứng tùy theo.

Những tiếng khóc rấm rứt có thể có nghĩa là sao ông về muộn thế? Ðứa nào gọi điện thoại hồi 2 giờ đêm hôm qua? Tại sao lại không đeo cái ca vát tui mua mà cứ đeo cái ca vát xấu òm kia cả tuần nay? Ông có nhớ hôm nay là ngày sinh nhật ai không? Ông có thấy cục hột soàn con X. đeo tối hôm qua không? Ông có thấy cục của tui nhỏ hơn của nó là nhường nào không mà ông cứ tiếp tục đóng vai người Việt hồn nhiên như thế? Tại sao ông phải nhường ghế cho con đĩ béo ấy? Nó có bộ ria mép ông thích lắm hay sao? Ông không nhẩy tango với nó thì ông chết à? Ông có còn coi tui ra cái cứt gì nữa đâu? Phải rồi, bây giờ tui có còn là cái gì của ông nữa đâu... tui đâu còn là "gái một con trông mòn con mắt" nữa... Thì ông chẳng nói rằng "gái... mười con muốn dắt đi chôn" đấy sao? Tui biết là ông chán tui lắm rồi mà... sáng sáng là ông chúi đầu vào cái ô chữ... hết ô chữ, thì ông vặn nghe nài "Kiếp Nào Có Yêu Nhau" từ mấy tuần nay, tui còn lạ gì nữa... Ông nói chuyện với bạn ông trong điện thoại, ông gọi ai là cái gối ôm, là con khủng long, là bà chằng lửa thì tui biết rồi ông ạ... Hôm qua tui đưa ông năm đồng ăn sáng sao tối về vẫn còn nguyên mà ông lại không kêu đói là thế nào... Ối giời đất ơi... "chồng con là cái nợ nần... chi bằng ở vậy nuôi thân béo tròn" cho rồi... Các con ơi, sao mà mẹ khổ thế này... Anh giết tui đi còn hơn anh có biết không... Anh đừng có lầm lầm lì lì như thế nữa... Anh có là ông tổng thống Thiệu không mà anh chơi trò lì ra với tui.

Phía bên kia cứ ngó cái màn ảnh máy điện toán là biết cách để phản ứng ngay.

Nhưng đó là trường hợp... đứa bé sau khi khóc rấm rứt không vùng dậy ôm cả cái monitor lẫn cái CPU quăng xuống đất cái rầm rồi lại còn nhẩy lên đạp con chuột cho... Of Mice And Men chết cả lũ với John Steinbeck... cho hết luôn Của Chuột Và Người.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 29 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Theo một số ý kiến, thì nếu những viên thuốc Viagra có được một điểm tốt đẹp, thì đó phải là sự kiện nó có thể cứu được loài hổ và tê giác thoát khỏi số phận của loài khủng long, của loài ma mút, của những con chim Hồng, chim Lạc... để không bị tuyệt chủng như các tổ chức bảo vệ thiên nhiên vẫn lo ngại từ nhiều năm nay.

Người Trung Hoa, với dân số ở riêng Hoa lục không thôi cũng đã là trên một tỉ hai trăm triệu, vậy mà họ vẫn tìm đủ mọi cách để cải thiện khả năng truyền sinh của họ bằng các sản phẩm lấy từ sừng của những con tê giác và các bộ phận cơ thể của những con cọp.

Bị săn bắt, loài tê giác Sumatra và Ấn độ chỉ còn vài chục con, trong khi loài hổ chỉ còn khoảng sáu ngàn con trên khắp thế giới. Và khi mà ở Hương Cảng, món súp nấu bằng bộ phận sinh dục của những con cọp được bán với giá $835 một tô, thì loài thú này khó thoát khỏi thân phận của anh em họ gần của nó là loài kiếm nha - sabertoothed tiger - đã tuyệt giống cách đây hơn sáu trăm ngàn năm vào thời đại Pleistocene.

Một viên Viagra giá có $10, hiệu nghiệm thấy rõ ngay sau khoảng một tiếng đồng hồ thì nhất định ăn đứt tô súp... cọp gần một ngàn bạc mà vài ba ngày sau chưa chắc đã phục hồi được nhân phẩm và danh dự cho người dùng nó. Chỉ với một trí thông minh bình thường người ta cũng phải quyết định quay ra với Viagra thay vì món súp hổ. Với quyết định đó, may ra loài hổ sẽ toàn mạng, vui vẻ hưởng tuổi già với con cháu hay "say mồi đứng uống ánh trăng tan" ở một xó rừng nào đó.

Chúng ta nói "mười voi không được bát nước sáo" thì một con cọp được mấy tô súp? Ấy là nói nguyên một con cọp. Khi chỉ lấy có một khúc của nó ra để nấu cháo, thì được mấy tô? Mà chia ra, băm vụn, cắt mỏng hay cắt thành lúc lắc (?) để nấu cháo thì liệu một cái chia cho hàng chục tô cháo, ăn một tô có bõ... dính răng chưa? Mà nó dính vào răng thì có... kỳ cục không?

Chi bằng dẹp món cháo cọp, cháo hổ $835 một tô, dùng số tiền $835 đó, chạy ra đầu đường mua Viagra về dùng ngay cho nóng có phải vui hơn nhiều không. Mười đồng một viên, đã không làm khổ con hổ, với $835 có thể mua được đến 83 viên rưỡi, tức là làm người hùng được tới 83 lần rưỡi, không vui hơn hay sao?

Nhằm nhò gì cái rưỡi đó. Cứ coi nó là một trong những lần... mắc cở trước đây thì cũng đã sao.

Bởi thế, người ta có thể tin là những viên thuốc Viagra không những chỉ cứu được những liên hệ, những cuộc hôn nhân, tự ái và danh dự của nhiều người đàn ông và niềm vui của nhiều phụ nữ, mà nó còn có thể cứu được cả loài hổ và loài tê giác nữa. Ấy là chưa nói đến loài hải cẩu, vì giống này chưa bị liệt vào danh sách các loài thú bị đe dọa mặc dầu chúng cũng bị đổ cho cái tính xấu lắm và vì cái tính gọi là xấu đó, chúng cũng bị làm phiền rất nhiều.

Loài hổ và tê giác phen này có thoát hiểm không thì chưa ai có thể biết chắc được, nhưng mới đây, tờ The Sunday Times phát hành tại Luân Ðôn cho biết một số nhà sinh vật học tin rằng những viên Viagra, sau khi cho thấy là mang lại hạnh phúc cho những người đàn ông, thì cũng có thể tạo được phép lạ cho những con thú (?) gặp khó khăn trong việc truyền giống.

Nhiều loài thú, khi bị bắt nhốt trong các sở thú, bất kể các cố gắng của loài người, vẫn nhất định không hợp tác, và các chương trình gây giống đều thất bại. Cặp gấu trúc ở thủ đô Mỹ là một. Loài cá voi nuôi trong những bể nước cũng nhất định chỉ coi nhau là...bạn. Ðiều đó cũng dễ hiểu, chuyện riêng tư của chúng mà trong vườn thú, lúc nào cũng có vài trăm cặp mắt ngó chừng thì con nào còn muốn... hợp tác nữa. Bây giờ, các nhà sinh vật học này tin rằng cứ quăng cho mấy anh vài viên Viagra là một tiếng đồng hồ sau, đất bằng nổi sóng ngay. Chuyện này chưa có ai làm, vì mười đồng một viên, phải lo cho người trước đã. ở đâu sẵn Viagra mà phí của giời quăng cho cá voi với lại gấu trúc như vậy được. Nhưng đó là một ý kiến hay. Xưa kia chúng tôi giúp các ông, các bà thì nay các ông các bà giúp lại chúng tôi chứ. Mấy con thú mà biết nói tiếng người thế nào cũng phải phát biểu như thế. Loài tê giác, loài cọp có thể không những không bị tuyệt giống, mà còn có thể sinh năm, đẻ bẩy vuông tròn từ nay nếu ý kiến của các nhà sinh vật học này được đem áp dụng.

Nhưng Pfizer, công ty dược phẩm sản xuất thuốc Viagra thì nghĩ khác, Ðại diện của công ty này, khi được hỏi về ý kiến dùng Viagra cho loài vật, đã nói thẳng rằng: "Viagra is for people - period" Viagra để dùng cho người - chấm hết. Không có "nhưng, cơ mà, rằng là..." gì hết.

Ðó có phải là cách đối xử tử tế với nhau không? Pfizer đối xử với những con thú từng có thời, trước khi có Viagra, giúp cho biết bao nhiêu người, như thế đấy!

Hay là Pfizer nhớ tới thời chúng làm đúng được chức năng của những viên Viagra này rồi ghen lồng, ghen lộn lên?

Hay là cứ nghĩ Viagra, công trình nghiên cứu bao nhiêu năm, vẫn không bằng tô cháo nấu bàng cái... ngón tay của con cọp rồi quay ra chơi xấu lại vói thú vật?

Cứu vật, vật trả ơn. Cứu người thì người quay ra nói như Pfizer hay sao?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 29 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Trong các loài vật sống trên mặt đất, voi là loài có trí nhớ tốt nhất. Kích thước của bộ óc có lẽ cũng giữ một phần nào. Nhưng nếu đúng là cứ óc lớn là phải nhớ dai thì trí nhớ của loài người thua xa loài cá voi, và loài voi cũng thua loài cá voi về trí nhớ.

Khả năng khêu gợi lại hoài niệm cũng đóng một vai trò lớn khác. Cá voi có óc rất lớn nhưng khả năng khơi lại trí nhớ thua xa chúng ta.

Freud thì nói rằng người ta nhớ là vì muốn nhớ. Vậy thì người ta quên cũng là vì muốn quên. Người đàn ông quên không biết để cái nhẫn cưới ở đâu trong ngày cử hành hôn lễ hay người đàn bà quên ngày kỷ niệm lễ thành hôn của hai vợ chồng thì nhất định hai cuộc hôn nhân này chắc chắn đã hay sắp sửa có khó khăn. Quên là vì không muốn nhớ. Không nhớ là vì muốn quên.

Con lừa nổi tiếng là lì lợm, bướng bỉnh, khó bảo. Loài thú này không bao giờ nổi tiếng là có trí nhớ tốt. Có trí nhớ tốt thì phải là con voi.

Như thế, chuyện ông Clinton có một trí nhớ không tốt là điều dễ hiểu. Nếu trí nhớ của ông tốt, ông đã là người của đảng Cộng Hòa, đảng có biểu tượng là con voi. Ông Nixon là người của đảng Cộng Hòa. Ông có trí nhớ rất tốt. Ông nhớ được mặt và tên của hơn mười ngàn người. Ông Clinton có trí nhớ rất dở, nên ông mới là người của đảng Dân Chủ, đảng của con lừa, vừa bướng vừa kém trí nhớ.

Hỏi ông nhiều chuyện, ngay cả những chuyện mới xẩy ra, ông không nhớ được.

Cuộn video thu hình buổi khai cung của ông trước đại bồi thẩm đoàn mà quốc hội vừa quyết định cho phổ biến hồi tuần trước dài khoảng 4 tiếng đồng hồ, trong đó, có rất nhiều câu hỏi của công tố viên cũng như của các bồi thẩm đã được trả lời bằng một câu đại khái là không nhớ.

Tờ Los Angeles Times đếm được 110 lần trí nhớ bỏ rơi ông. Trong bốn tiếng đồng hồ, ông nói ông quên 110 lần. Như thế là cứ trên hai phút, trí nhớ của ông lại phản bội ông một lần. Vậy là nhiều lắm. Cứ chờ cho phe công tố hỏi hết câu - khoảng trên dưới hai phút - là ông lại nói ông không nhớ, ông đã quên. Hỏi tiếp, ông lại quên tiếp. Hỏi nữa, ông quên nữa. Hỏi ít quên ít, hỏi nhiều quên nhiều, càng hỏi càng quên.

Nhưng được cái ông cũng lại là người có óc sáng tạo. Tưởng tượng câu hỏi nào cũng chỉ nhận được có một câu "I don't remember" thì chán quá.

Nên trong 110 lần trả lời, ông chỉ dùng câu này, câu "I don't remember" có 54 lần.

Khoảng gần một nửa còn lại, ông dùng:

"I don't recall" (15 lần)

"I didn't remember" (8 lần)

"I have no recollection" (4 lần)

"I just don't remember" (4 lần)

"I couldn't remember" (3 lần)

"I don't have any memory" (3 lần)

"I've tried to remember" (2 lần)

"I don't necessarily remember" (2 lần)

"I have no specific memory" (2 lần)

"I don't have an independent memory" (1 lần)

"I honestly don't remember" (2 lần)

"I certainly have no memory" (2 lần)

"My memory is not clear" (1 lần)

"I certainly don't remember" (1 lần)

"I may have been confused in my memory" (1 lần)

"I just don't recall" (1 lần)

"I don't have the memory that you assume that I should" (1 lần)

"I literally can't remember" (1 lần)

"I can't possibly remember" (1 lần)

"I honestly tried to remember" (1 lần)

Như vậy, về trí nhớ thì ông dở, nhưng về khả năng sáng tạo, thì ông rất giỏi. Ông có cái khả năng sử dụng ngôn ngữ của một nhà văn. Ông rất nhiều chữ nghĩa. Nói là quên, ông có trên hai chục cách nói. Người nghe là ông Kenneth Starr cũng đỡ thấy nhàm chán.

Nhưng chuyện ông hay quên nên được nhìn theo một lối khác. Người quên nhiều như thế có thể là dấu hiệu của những chuyện khác đáng quan tâm hơn. Thí dụ bệnh Alzheimer chẳng hạn. Ông vừa qua tuổi 50, mà tuổi này thì là tuổi bệnh Alzheimer hay bắt đầu đến thăm lắm.

Ông đã bị Alzheimer chưa? Hy vọng là chưa. Muốn biết bị hay không bị Alzheimer cũng dễ thôi.

Quên là chuyện thường, nhất là những chuyện nghĩ lại ngượng chín cả người thì cứ khai là quên đi cho rảnh nợ. Chúng ta cũng hay quên lắm, cứ gì chỉ ông Clinton. Ngày nào chẳng xẩy ra chuyện quên cái chìa khóa, quên cái đồng hồ không biết để đâu, quên mua đường, quên trả lời cái thư còn nợ của người bạn, quên không biết để điếu xì gà ở đâu, quên ai cho cái ca vát, quên đã cho đứa nào quyển thơ của Walt Whitman, quên đã để lại chút dấu tích (?) trên cái áo xanh là... mầu anh trót yêu... Những chuyện quên như vừa kể là thường, không phải là Alzheimer.

Nhưng nếu đứng trước Monica Lewinsky mà cứ thắc mắc mãi nó là ai, nó dùng làm gì, có ăn được không, cái nút này (?) ấn vào có làm cho phi đạn nguyên tử bay rào rào không... thì đúng là Alzheimer.

Ông Clinton thì nhất định không... đứng ngẩn người ra với những câu hỏi vừa kể. Nước Mỹ có thể thở dài nhẹ nhõm khi biết rằng tổng thống Hoa Kỳ chưa bị Alzheimer.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 29 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Cơ quan FAA (Federal Aviation Administration) của chính phủ liên bang Hoa Kỳ vừa cảnh cáo các phi công không nên dùng Viagra trước khi ngồi vào ghế lái. Tờ Dallas Morning News trích dẫn lời các giới chức thuộc FAA nói rằng phi công nên tránh dùng Viagra trong khoảng thời gian sáu tiếng đồng hồ trước khi lên máy bay, thời gian cần thiết để ảnh hưởng của thuốc tan hẳn. Theo một bài báo trong tờ Medical Bulletin, thuốc Viagra có thể gây trở ngại cho khả năng phân biệt giữa mầu xanh nước biển và xanh lá cây, hai mầu thường được dùng trong các đồng hồ của phòng lái và cũng là mầu đèn hướng dẫn máy bay trên phi đạo.

Lý do mà bài báo của tờ Medical Bulletin đưa ra có vẻ không vững. các phi công không phải là những người như bạn, như tôi, những người đưa mắt ngó vào phòng lái của những chiếc 747, hay DC-10 là cũng đủ hoa mắt muốn bất tỉnh. Với họ, những chiếc đồng hồ chỉ độ cao, vận tốc gió, đường chân trời giả, mức nhiên liệu, áp xuất, nhiệt độ... khoảng trên một trăm cái, là những quen thuộc còn hơn đường chỉ trong lòng bàn tay. Họ không phải mò kiếm từng cái đồng hồ như chúng ta. Họ nhìn chúng bằng vị trí, không bàng mầu xanh đỏ của những hàng chữ, những chiếc kim, những con số... Do đó, nói rằng không phân biệt được mầu xanh nước biển với mầu xanh lá cây là không đúng. ở dưới đất, những người lái xe bị chứng sắc manh vẫn nhìn được đèn lưu thông để đi hay ngừng, nhờ vị trí của đèn đỏ, đèn xanh và đèn vàng đã trở thành một qui ước được tất cả các nước trên thế giới thỏa thuận.

Việc khuyến cáo các phi công không nên dùng Viagra có thể vì những lý do khác không dính dáng gì tới chuyện đèn Sài Gòn ngọn đỏ ngọn xanh, ngọn tỏ ngọn lu gì hết.

Trong những lúc nói chuyện với những người cả đời không được ngồi vào cái cockpit của máy bay, các phi công thường hay ra câu đố rằng phi cơ khác phi công ở chỗ nào. Câu đố này chỉ là một cách khoe khoang của các phi công. Nhưng ngay cả những người cả đời ở dưới đất, không biết lái máy bay như chúng ta cũng biết ngay câu trả lời mà các chàng muốn được nghe, đó là phi cơ càng lên thì càng nhỏ, còn phi công trì trái lại. Chỉ có thế. Trả lời thật nhanh cho các chàng sướng và tự tin hơn. Nhưng đó là khi đứng dưới đất nhìn lên.

Chứ khi ngồi vào cái cockpit rồi thì càng lên, cái máy bay vẫn tiếp tục to. Còn phi công thì càng lên, thì lại cũng chỉ vẫn cứ thế, vẫn cứ... nhỏ xíu. Bởi vậy, để bù đắp, để dẹp bớt đi chút mặc cảm tự ti khi ngồi trong lòng những chiếc Boeing 747, những chiếc DC-10 to bằng mấy cái nhà, các phi công lái những chiếc máy bay này phải dùngViagra cho đỡ ấm ức. Người đứng dưới đất lúc ấy trông lên thì máy bay càng lên thì cả phi công lẫn máy bay đều nhỏ xíu. Thảm vô cùng. Quay ra nhờ sự giúp đỡ của Viagra cho đỡ mặc cảm tự ti lúc nào cũng đau khổ vì câu "thằng nhỏ, thằng lớn, hai thằng đều là thằng nhỏ cả".

Thực ra, với Viagra ngấm vào lục phủ ngũ tạng, sự lầm lẫn của các phi công không phải ở mấy cái đồng hồ xanh đỏ nhấp nháy. Bạn biết là trên một số máy bay, bộ phận điều khiển phi cơ để quẹo trái, phải, lên, xuống, là một cái cần, tiếng Pháp gọi là manche và tiếng Anh gọi là joystick. Vị trí của cái joystick này - ở nhiều kiểu máy bay, là giữa hai chân của phi công - rất dễ tạo lầm lẫn cho các phi công, nhất là sau khi có Viagra vào máu. Có lẽ vì sợ xẩy ra lầm lẫn như trong trường hợp phi công kéo cái joystick-KHÔNG-của-phi-cơ về phía mình mà tưởng là cái joystick-của-phi-cơ, phi cơ vẫn lao đầu xuống, bẻ cái joystick-KHÔNG-của-phi-cơ mà tưởng là cái joystick-của-phi-cơ sang bên trái, phi cơ vẫn lao thẳng về phía trước... nên FAA mới khuyến cáo các phi công tránh dùng Viagra trước khi lên máy bay. Nguy hiểm là ở đó. Chứ nguy hiểm không hề ở chỗ lầm mầu xanh nọ sang mầu xanh kia.

Nhưng câu hỏi của nhiều người là tại sao trước khi lên máy bay các phi công lại lôi Viagra ra uống? Viagra còn có một tác dụng nào khác hơn là mục tiêu nguyên thủy của nó (để chữa bệnh tim) và tác dụng phụ của nó mà chúng ta đã biết từ tháng 3 tới nay? Viagra, ngoài việc đem lại danh dự và tự tín cho nhiều người đàn ông đau khổ, nó còn làm được gì nữa? Phi cơ có nhờ Viagra mà cất cánh đúng giờ hơn không? Có thu ngắn được chiều dài cần thiết của phi đạo để cất cánh hay hạ cánh không? Có biến máy bay thường thành VTOL (Vertical Take Off and Landing) như những chiếc Jumpjet Harrier để cất cánh hay hạ cánh như máy bay trực thăng không? Phi cơ có bay cao hơn, vững hơn, có tiết kiệm được nhiên liệu không? Có... êm hơn không hay là tại chỉ thêm xóc lên đùng đùng mỗi lần bay vào những cái lỗ không khí (trou d'air) không? Và nhất là bất cứ lúc nào phi công muốn là bay được và khi bay thì có bay được... lâu hơn không?

Nếu không thì tại sao phải uống Viagra trước khi lên máy bay? Hay là tại các nữ tiếp viên hàng không? Tại lời mời của các nàng mà chúng ta vẫn tưởng tượng và hy vọng có ngày xẩy ra cho chúng ta thực ra lại có thật trong phòng lái: "Tea, coffee or... me?" FAA sợ các phi công không phân biệt được mầu sắc hay sợ các phi công sẽ để phi cơ bay tự động bằng bộ phận automatic pilot để rượt các nữ tiếp viên, và vì thế, cà phê của hành khách thì bị lơ là, để cho lạnh ngắt, bia thì nóng hổi và mấy cái taco rẻ tiền thì thiu chẩy ra?

Nếu muốn cà phê của hành khách khỏi nguội thì cấm hẳn các phi công dùng Viagra là phải. Mà đó là chưa nói tới chuyện khách ngồi ở cabin cứ điên lên vì ghen tức mỗi lúc nghe tiếng cười của tiếp viên và phi công có Viagra trong máu vọng ra từ phòng lái, át hẳn tiếng động cơ Pratt and Whitney.

Nhưng ngó lại nhan sắc của mấy chị tiếp viên trên những chuyến bay mới đây, thì có thể Viagra cũng là những thứ thực sự cần thiết cho các phi công chăng? Ông Ðặng Tiểu Bình mà còn sống lúc này, thế nào ông chẳng sửa lại câu ông hay nói (tối trời, mèo trắng cũng như mèo đen) để nói rằng cứ quất một viên Viagra vào thì... mọi thứ đều như nhau cả.

Như vậy thì đến phải cho phi công uống Viagra mất thôi.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 29 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Ðàn ông Mỹ là những người hiền hết sức. Tưởng tượng chỉ đổi đi vài ba chữ trong cái quảng cáo mà tôi thấy đăng đi đăng lại mấy tháng nay trên tờ Washington Post thì người ta không thể đoán được những chuyện gì có thể xẩy ra cho tờ báo này nữa.

Nhẹ thì chị em chúng tôi xuống đường kêu gọi 4-Không: không đọc, không mua, không nhắc, không đăng quảng cáo cho tờ Post. Nặng ra thì cả trăm xe cứu hỏa huy động từ Virginia, Maryland, Delaware cũng không cứu nổi tòa báo.

Mới đây nhất, trong số báo chủ nhật vừa qua, tôi lại trông thấy nó. Nó chiếm nguyên một trang. ở giữa trang là hình một con chó được đóng khung rất đẹp. Ngay dưới bức hình con chó, là dòng chữ này: Because your live-in boyfriend said, "me or the dog". Now you need a pet-friendly apartment.

Như thế là làm sao?

Thì bạn đọc lại, chầm chậm một chút là thấy ngay. Chỉ hai câu ngắn, chúng ta thấy bầy ra ngay một hoàn cảnh khá rõ: một cặp đang ở với nhau, nàng có con chó, nàng rất yêu con chó, người bạn trai đang sống chung với nàng thì không yêu chó. Có thể chàng bị dị ứng với lông chó. Có thể chàng không yêu mấy con bọ chó rất thân thiết với con chó. Có thể chàng không thích đắp chung cái chăn với con chó của nàng, mà con chó của nàng thì lại có một cái tật rất xấu, đó là cứ chờ chàng quay đi, là nó nhẩy lên giường của hai người, chui vào trong chăn nằm. Chàng mà quên tắm một bữa là bị nàng đuổi ra nằm phòng khách ngay, trong khi con chó vài ba tháng không tắm, không đánh răng rửa mặt, không vệ sinh cá nhân, không cuộn giấy tròn treo trong căn phòng nhỏ, không deodorant bao giờ, thì nó không hề bị đuổi ra phòng khách nằm bao giờ. Chàng rất yêu nàng, nhưng chàng không thể đem quả tim trao luôn cho cả con chó của nàng. Chàng cũng không muốn chia nàng với con chó. Nhưng chàng tưởng chàng ngon lắm. Bề gì cũng đi... hai chân như nàng, cũng văn học nghệ thuật, cũng làm cho nàng cười, làm cho nàng khóc, chàng lại còn làm cho nàng cảm thấy được là một người đàn bà đích thực. Nên khi chịu hết nổi cảnh sống chung hòa bình với con chó, chàng hạ một tối hậu thư với nàng: "Me or the dog". Em hãy có một quyết định, hãy làm một hành động lựa chọn: anh hay con chó.

Chàng tin là nàng sẽ hỏi thăm, kiếm một tay chuyên chả chìa và rựa mận, gọi tới, nhờ đem con chó đi để hôm sau, trong căn apartment của hai người sẽ vang lừng mùi hương nhục, thứ thịt ăn xong, hai ba ngày sau, moi kẽ răng ra vẫn còn thơm. Và hai người sẽ ăn đời ở kiếp với nhau, hạnh phúc bán sale không hết, con chó dễ ghét sẽ không còn lạng quạng trong đời chàng nữa.

Trong tất cả những điều chàng mơ ước vừa kể trên, có được một điều đúng: con chó dễ ghét sẽ không còn trong đời chàng. Nàng đi kiếm một cái apartment khác, cái thứ apartment chịu cho nàng nuôi chó để nàng và chó dọn tới, cho chàng ở lại một mình, không bị con chó phá quấy đời tư nữa.

Me or the dog. Hãy chọn đi, hãy chọn anh hay con chó của em. Có anh thì không có chó. Có chó thì không có anh. Nàng lập tức có ngay quyết định. Nàng làm một sự lựa chọn rất nhanh. Con chó được đưa lên ưu tiên hàng đầu. Ðời sống của nàng không thể không có con chó. Nhưng không có chàng thì đời nàng cũng chẳng sao hết. Nàng đi kiếm apartment mới để ở với con chó.

Câu tục ngữ Ăng lê "Love me, love my dog" chàng quên không đem ra áp dụng. Ðáng lẽ yêu nàng, chàng phải yêu luôn con chó của nàng, yêu cả đường đi của nàng, và ghét nàng thì hãy ghét cả tông chi họ hàng nhà nàng. Chàng đánh một trận đánh ngược lên đồi để định đẩy con chó ra khỏi vị trí chiến lược, trận đánh chàng nắm chắc phần thua nên chàng bị xù là phải.

Quảng cáo viết thật lạ. Thay vì viết "Pets and kids OK" như chúng ta đã đọc được bao nhiêu lần trong những quảng cáo cho thuê mướn nhà cửa, thì tờ Post đã viết cái quảng cáo như trên cho địa chỉ dịch vụ kiếm nhà trên Internet. Ðọc qua là thấy ra bao nhiêu chuyện, là thấy cách ứng xử trong đời sống có những lối bất ngờ như vậy.

Nhưng viết một cái quảng cáo cho dịch vụ kiếm nhà, kiếm apartment mà cũng phải bầy ra một thái độ ghê khiếp như thế sao? Giữa hai thứ, chọn lấy con chó, quăng người bạn ra đường ư?

Chuyện ngoài đời, trong cuộc sống thực của chúng ta có thể không phải lúc nào những lựa chọn cũng như vậy. Nhưng điều đọc thấy trong cái quảng cáo, nếu Freud đúng, cho thấy có rất nhiều sự sai lầm, không đúng, không tốt đẹp trong liên hệ giữa con người với nhau của người viết quảng cáo cũng như những người đọc cái quảng cáo đó mà không có thái độ.

Người viết quảng cáo có nhiều phần là một phụ nữ. Sự thù hận, khinh bỉ, ghét bỏ đàn ông của ngồi viết được thấy rất rõ. Người viết sẵn sàng từ bỏ, quăng đi một liên hệ với người (đàn ông) để giữ liên hệ với một con vật. Liên hệ người với người của nàng nhất định phải không tốt. Ðó là điều đáng tiếc, nếu không muốn nói là đáng lo ngại.

Nhưng nếu quảng cáo này được viết để cho người đàn ông lựa con chó thay vì lựa liên hệ với một phụ nữ thì sao? Thì sẽ xuống đường biểu tình, lăn xuống đất ăn vạ, giẫy lên đành đạch như đỉa phải vôi, hét ầm lên rằng quảng cáo sexist, độc ác, không thân thiện với phụ nữ....

Nếu không thì người viết phải là một nhà chính trị, đã quá chán ngán các sinh hoạt chính trị ở thủ đô nốc Mỹ, và phải quay lại với lời khuyên của tổng thống thứ 33 của nước Mỹ, ông Harry S. Truman. Ông Truman nói: "In Washington, if you need a friend, get a dog". ở thủ đô Mỹ, nếu cần bạn, thì kiếm con chó về mà nuôi.

Người viết đoạn quảng cáo không cần một người bạn, chỉ cần có bạn mà thôi. Mong sao nàng tim được con chó có nhiều nét người và người bạn có nhiều chất chó mà chơi.

Tôi thì rất thích chó. Nấu kiểu nào cũng được cả.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 22 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Từ bao nhiêu năm nay, tôi vẫn nghĩ, một cách sai lầm và nguy hiểm, rằng những câu hỏi mà vị mục sư hay linh mục chủ lễ đặt ra cho người đàn ông và người đàn bà trước khi tuyên bố hai người là vợ chồng, chỉ là những câu hỏi có tính cách hình thức, hỏi để cho có hỏi, và trả lời cũng để cho có trả lời mà thôi. Ai chẳng nghĩ rằng những câu trả lời cho những câu hỏi đó đã có từ lâu, từ rất lâu rồi chứ có khi nào cả hai đợi cho đến lúc dẫn nhau ra đứng trước bàn thờ mới nghĩ coi có hay không bao giờ đâu.

Phải "I do... I do... I do..." từ lúc người đàn ông hỏi xin cái bàn tay có những cái móng rất nhọn và rất sắc, với lớp sơn mầu rất đỏ ấy. Và người đàn bà cũng thế, từ lúc nhận lời tặng người đàn ông cái bàn tay có những cái móng rất nhọn và rất sắc, với lớp sơn mầu rất đỏ ấy của mình. Cả hai đều có sẵn những câu trả lời cho những câu hỏi như có thương yêu, bảo bọc, chăm sóc, vâng lời, trung thành, có bên này sợ bên kia như sợ cọp cái, bên kia chỉ coi bên này như cọp... giấy, trong những lúc giầu sang phú quý cũng như lúc nghèo khó, trong những lúc khỏe mạnh và luôn cả những lúc ốm đau sầu não... cho đến khi cái chết chia cắt chúng ta không?

Những câu trả lời cho những câu hỏi đó thường là "có". Nhưng trả lời "Có" rồi sau đó vẫn có những trường hợp vi phạm, những trường hợp nghĩ lại, những trường hợp không tôn trọng những lời hứa, những cam kết như thường. Bởi thế mới trở thành chuyện hỏi cho có lệ và trả lời cho có lệ.

Vậy mà vẫn có người coi những câu hỏi, những câu trả lời đó là nghiêm trọng lắm, không phải là chuyện đùa bao giờ.

Tôi tin ít nhất cũng có hai người như vậy, đó là cặp tân hôn trong bản tin của Associated Press mà tôi đọc được hôm qua.

Người đàn ông tên là Rafael Pittman. Người phụ nữ tên là Shelly. Thứ bẩy tuần trước, hôm 18 tháng 7, hai người ra nhà thờ ở Boston để làm đám cưới. Trong khi chờ cô dâu Shelly tới, chú rể Rafael hốt hoảng té xỉu ngay trước bàn thờ. Phái viên của thông tấn xã AP mô tả Rafael là hốt hoảng: "A jittery bridegroom..." Nhà báo nói thì phải đúng. Rafael hốt hoảng đến nỗi té xỉu.

Tại nhà thờ, trong lúc đứng chờ mục sư cử hành lễ cưới mà hốt hoảng thì nhất định không phải vì lo sợ tình hình kinh tế Á châu đang trong cơn khủng hoảng, đồng Yen của Nhật xuống giá, cuộc đình công của công nhân hãng General Motors có thể kéo dài thêm vài ba tuần nữa, ảnh hưởng tới nền kinh tế Hoa Kỳ, thiên tai sóng thần ở Tân Ghi Nê làm chết hơn ba ngàn người, lời khai trước tòa của các nhân viên trong toán bảo vệ yếu nhân sắp làm khổ thêm cho ông Clinton, trận nóng ghê hồn đang hoành hành ở gần khắp nước Mỹ...

Nhất định những chuyện đo, dẫu nghiêm trọng cách mấy, không thể làm cho Rafael hoảng hốt đến độ ngất xỉu.

Rafael đang lo những chuyện khác. Lo kiểu "đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh". Rafael lo những chuyện đang mai phục chờ chàng ở phía trước, ở ngay sau chuyến đi từ bàn thờ làm lễ cưới ra đến cửa trước của nhà thờ. Cuộc đời của chàng sẽ không bao giờ còn như trước nữa. Có lẽ đó mới là những điều khiến cho Rafael hoảng hốt.

Có thể chàng đang đứng đó, cặp nhẫn trong tay chú nhỏ ring bearer, người bạn phù rể ở cạnh, người nhạc sĩ phong cầm sửa soạn chơi bài Here Comes The Bride, ông mục sư đã mở sẵn cuốn thánh kinh đến đoạn dùng để đọc trong lễ cưới, họ hàng hai bên gia đình trong những bộ quần áo đẹp nhất ngồi đầy đủ trên những hàng ghế. Cô dâu Shelly có lẽ còn đang sửa lại chiếc vương miện lần cuối, kéo chiếc garter lên cao hơn trên đùi một chút...

Và chàng nghĩ đến những câu hỏi mà mục sư chủ lễ sắp hỏi chàng... "Do you Rafael Pittman promise to..." Rafael Pittman, cậu có hứa là sẽ thế này. thế kia với Shelly không... thì Rafael té xỉu.

Xe cứu thương được gọi đến. Chàng được vực ra xe. Shelly cũng vừa vặn đến. Shelly quyết không bỏ chàng... Câu hát trong bài hát cũ bỗng trở lại... "Do not forsake me oh my darling... On our wedding day... Wait... wait along..." Cưng ơi, đừng bỏ em một mình... trong ngày cưới của chúng ta... đợi chút... đợi chút... Et toi aussi, si tu m'abandonnes... chàng bỗng thành Gary Cooper, nàng bỗng thành Grace Kelly trong High Noon, cuốn phim cao bồi cổ điển.

Nàng nhẩy lên xe cứu thương. Mục sư Jason Sutton cũng nhào lên theo, tay cầm quyển thánh kinh. Xe chạy được một khúc thì Rafael tỉnh. Mục sư hỏi Rafael và Shelly những câu dùng để hỏi chú rể và cô dâu trong lễ thành hôn. Cả hai đưa ra những câu trả lời đúng như chờ đợi. Hai người đeo nhẫn cho nhau. Chú rể Rafael hôn cô dâu, rồi cho xe cứu thương quay trở lại nhà thờ. Cả hai lên xe limousine để chạy thẳng tới buổi tiếp tân cho kịp giờ.

Chưa gì hai người đã thực hiện xong lời cam kết sẽ yêu nhau trong lúc cả bệnh tật, đau yếu cũng như trong những lúc khỏe mạnh. Chàng đi theo nước, thiếp theo chàng. Chàng lên xe bông, thiếp lên theo đã đành. Chàng lên xe cứu thương, thiếp cũng đi theo, mời cả mục sư cầm quyển thánh kinh và cặp nhẫn lên theo. Chàng có mà chạy đằng trời.

Có lẽ thấy xỉu thì nàng gọi xe cứu thương. Lên xe cứu thương, nàng lên theo, không cách gì thoát nổi nên lên xe bông cho rồi chăng? Thôi thì chúng ta chúc "bình an dưới thế cho người thiện tâm" vậy chứ biết sao bây giờ.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 22 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Ông Clinton có thể đã làm nhiều chuyện mà Hillary không muốn ông làm như báo cáo của công tố viên Kenneth Starr đã cho biết. Nhưng có một chuyện Hillary cấm, ông đã nghe lời và không làm.

Người ta phải ghi nhận ông có nghe lời vợ. Và như thế, ông không phải là người chồng quá tồi như nhiều người đã nghĩ.

Hillary không chịu được khói thuốc lá. Ông Clinton bỏ thuốc ngay từ trước khi vào tòa Bạch Ốc. Ít ra thì ông cũng không hút trước mặt Hillary hay trong những lúc ở gần Hillary. Một lần, được tin vui quốc hội vừa thông qua một dự luật mà ông đã cố gắng nhiều lần đẩy cho qua mà không được, ông được ông Gore mời một điếu xì gà để mừng thắng lợi của hành pháp, ông đã phải mở cửa, bước ra ngoài balcon đứng hút với ông Gore. Như thế, lệnh cấm hút thuốc được áp dụng ở khắp nơi trong Bạch Cung đã được tôn trọng triệt để, mặc dù nếu hôm đó, ông có hút trong phòng Bầu Dục để mừng dự luật được quốc hội chấp thuận sau những nỗ lực vận động của ông, thì cũng chẳng sao.

Nhưng bây giờ người ta còn được biết trong những lúc không có mặt Hillary, ông cũng vẫn tôn trọng lệnh cấm hút thuốc. May mà ông đã nghe lời Hillary chứ nếu không, ông còn khổ thêm nữa với phe công tố.

Tập phúc trình của công tố viên Kenneth Starr cho biết ngày 31 tháng 3 năm 1996, Monica Lewinsky vào thăm ông ở văn phòng Bầu Dục, và ông đã lôi một điếu xì gà ra định hút, nhưng sau đó, ông quyết định là không hút nữa.

Nếu ông hút điếu xì gà đó, ông sẽ vất vả rất nhiều. Thứ nhất là hút nó, ông vi phạm lệnh cấm hút thuốc của Hillary. Thứ hai, nếu ông hút điếu xì gà đó, điếu xì gà làm tại La Havana, Cuba, ông lại còn vi phạm một lệnh quan trọng hơn: lệnh cấm nhập cảng, tiêu thụ các sản phẩm của một quốc gia đang bị các biện pháp chế tài về kinh tế mà Hoa Kỳ đã cho áp dụng từ hơn 30 năm nay, tức là kể từ ngày ông Castro lên cầm quyền ở Cuba.

Ðiếu xì gà ông lôi từ ngăn kéo bàn giấy, là một điếu xì gà Cuba. Một nguồn tin đọc được trong Internet đã cho biết như thế. Monica thích xi gà, và được Bayani Nelvis, người giúp việc của ông Clinton hứa lấy cho một điếu xì gà của tổng thống, và hôm 31 tháng 12 năm 1995, chính ông Clinton tặng cô một điếu xì gà. Chuyện tặng xì gà không hề vi phạm lệnh cấm của Hillary.

Ba tháng sau, trong một "liên hệ không chính đáng" khác tại phòng Bầu Dục, ông Clinton định hút một điếu xì gà thì nhớ lời Hillary. Hệt như lần ông thử cần sa trong lúc đi học ở Oxford, Anh quốc, ông chỉ hít chứ không hút điếu xì gà đó. I did not inhale - nguyên văn ông khai với các nhà báo hồi vận động tranh cử nhiệm kỳ đầu.

Lần này, ông còn cẩn thận hơn. Ông không châm điếu xì gà. Tờ TIME số đề ngày 21 tháng 9, trang 54 cho biết ông chỉ... châm điếu xì gà vào người của Monica rồi khen xì gà ngon lắm - It tastes good.

Như vậy, ông không "inhale" đã đành, ông lại còn không châm lửa đốt nữa.

Không "inhale" là ông không hút. Ai thắc mắc, ông sẽ giải thích rõ. Theo những định nghĩa thông thường thì ông không hút thật. Hút thì phải cắt đầu xì gà, bật lửa, ngậm vào miệng, châm cho cháy, hút vào miệng, ngậm khói, rồi thở ra.

Ðiếu xì gà không thể đem ra hút được. Ðộ khô của xì gà đã thay đổi. Ðộ ẩm (?) chắc chắn phải gia tăng. Việc đốt cho cháy một điếu xì gà sau khi bị làm cho ẩm hay ướt đi (?) là việc không làm được trong những điều kiện bình thường của ngày 31 tháng 3 năm 1996 trong văn phòng làm việc của tổng thống.

Monica Lewinsky đã làm cho độ khô (?) của điếu thuốc thay đổi. Không đốt cho cháy được thì xì gà không sản xuất ra khói. Không có khói thì không thể có... lửa hay là không có lửa thì không thể có khói cũng là một.

Xì gà không cháy thì không có chuyện hút xì gà được. Như vậy, ông không vi phạm lệnh cấm hút thuốc của Hillary.

Chính vì ông không vi phạm lệnh cấm của Hillary nên ông mới thoát tay ông Kenneth Starr.

Nếu điếu xì gà có tỏa ra khói, tức là ông đã hút, ông đã tiêu thụ một sản phẩm của Cuba, quốc gia cộng sản đang nằm trong danh sách Hoa Kỳ bị cấm buôn bán. Ông có thể bị rắc rối nặng. Nhờ lời khai của Monica ông không bị điều tra thêm một tội khác.

Nhưng nếu có châm cho điếu xì gà đó cháy lên được đi chăng nữa, thì ông vẫn có thể thoát bàn tay của ông Starr. Cứ khai rằng ông muốn xem mặt mũi ông Castro trông ra sao sau hơn 30 năm bị cấm vận kinh tế, ông đã... nhờ Monica giữ (?) hộ điếu xì gà để ông ngắm nhan sắc kẻ thù của nước Mỹ.

Ông Kenneth Starr không tin, cứ làm đúng theo cách ông Clinton là thấy ngay.

Trông giống đồng chí chủ tịch Castro không thể tả được. Có điều râu chủ tịch lúc này đã bạc đi nhiều là có hơi khác mà thôi.

Có khi ông lại được tiếng là ghét cộng sản, lăng mạ chủ tịch Castro kính yêu của khối anh ngớ ngẩn ở Việt Nam không chừng.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 22 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

ở nước Mỹ từ mấy chục năm nay, tôi nghĩ mình đã làm được nhiều thứ, vậy mà thỉnh thoảng vẫn thấy hình như có một vài chuyện chưa làm được. Tôi biết chắc như thế, vì cái cảm tưởng thiếu sót ấy thường xuyên ở trong đầu mình. Tôi không biết nó là cái gì, nhưng tôi vẫn tin còn một vài ba chuyện chưa làm được.

Vài ba chuyện chưa làm được ấy không phải là những chuyện khó mà nhiều người Mỹ khác cũng không làm được, chẳng hạn như bay một chuyến nữa lên không gian như thượng nghị sĩ John Glenn, hay làm một cuốn phim như Stephen Spielberg. Không, không phải những chuyện kinh khủng như thế. Vài ba chuyện nhỏ thôi, biết như thế mà vẫn không nghĩ vài ba cái chuyện nhỏ đó là chuyện gì.

Nhưng sáng nay thì tôi biết, sau khi đọc lá thư của Charlton Heston viết cho mục Dear Abby.

Cách đây mấy tuần, trong mục này, Abigail Van Buren có đăng bức thư của một phụ nữ than thở rằng chồng bà thỉnh thoảng lại ra trước cửa làm ướt cái sân cỏ một cái bất kể bao nhiêu lần nàng phản đối. Abby trả lời rằng trò chơi đó là dấu tích còn sót lại từ tổ tiên loài vật của chúng ta, khi những con thú đực tìm cách khẳng định chủ quyền lãnh thổ của chúng bằng cách làm ướt một cái gốc cây, một tảng đá, một bụi rậm để những con khác biết mà không vi phạm lãnh thổ cũng như các phi tần mỹ nữ của chúng. cách giải thích đầy nhục mạ đó đã được đông đảo độc giả hưởng ứng suốt hai hôm nay.

Nhưng bức thư của Charlton Heston, tài tử đóng vai chính trong các phim Ben Hur và The Ten Commandments, chủ tịch hội NRA (National Rifle Association) mới là điều làm tôi kinh ngạc.

Bức thư nói rằng việc người đàn ông ra trước nhà làm ướt cái sân cỏ có thể là không thích đáng (inappropriate), nhưng sự thật là tất cả mọi người đàn ông đều làm chuyện đó ở chỗ lộ thiên, ở ngoài... it may be (inappropriate), but the fact remains that all men pee outdoors...

Charlton Heston, người đóng vai Moses, nhân vật trong Cựu Ước, nhà tiên tri Hy Bá Lai, nhà làm luật rẽ biển Hồng Hải đưa người Do Thái ra khỏi Ai Cập tới miền đất hứa, lại cũng là người chuyên đái đường. Không phải len lén nhìn trước nhìn sau mới vội... một cái, rồi ai hỏi thì chối đây đẩy, mà là công khai nhìn nhận trên báo, rồi lại cho biết một bí mật tôi không hề biết từ mấy chục năm nay rằng người đàn ông ở Mỹ, ai cũng đái đường hết.

Vậy mà tôi cứ nghĩ là những người dân của cái quốc gia văn minh bậc nhất thiên hạ này không biết đến cái thú của những công dân có 4 ngàn năm văn hiến là chúng ta. Tôi tưởng chỉ có chúng ta mới làm công việc mang lại khoái lạc hạng tư ở ngoài đồng: "Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng", rồi lại "Thứ nhất là đỗ thám hoa, thứ nhì lấy vợ, thứ ba ỉa đồng" chứ ở cái quốc gia mà nhà nào cũng có từ một cái nhà cầu trở lên lại vẫn có người cạnh tranh với loài chó trong việc làm ướt những cái gốc cây và những vòi nước cứu hỏa hay sao. Nhưng thực là như vậy. Và điều này được một tài tử hàng đầu của điện ảnh Mỹ, một nhân vật bảo thủ hạng nặng của đảng Cộng Hòa nói ra thì làm sao mà không tin cho được.

Mà nghĩ lại, thì tại sao lại không, tại sao lại không mỗi ngày ra vườn sau làm ướt vườn một cái. Chỉ cần một cái một ngày thôi, nước Mỹ sẽ làm được những điều tốt đẹp không thể nói ra hết được, bạn biết là mỗi lần giật nước trong cầu, là hơn 2 gallon nước chẩy ra đường cống. Nếu 1 người mỗi ngày tiết kiệm được hơn 2 gallon nước, thì 1 năm, số lượng nước tiết kiệm sẽ là khoảng 1000 gallon. Nếu đàn ông ở nước Mỹ làm công việc đó, thì số nước tiết kiệm được mỗi năm là một con số hết sức lớn.

Trong khi đó, lượng nước mà những người này đổ xuống vườn, ngõ trước, sân sau sẽ giữ cho cây cỏ tươi tốt quanh năm. Ðó là một lối giải thích mà tôi nghe được ở đây. Mà cũng có lý vô cùng.

Ernest Hemingway, lúc sinh thời, khi còn sống ở Florida thường hay tới một quán rượu để gặp bạn bè. Tửu nhập tiểu xuất. Thỉnh thoảng tác giả của The Sun Also Rises lại chạy ra cái cây bên hông quán rượu... viết vài hàng. Cái cây đó nay vẫn còn. Chủ quán cẩn thận vây lại, đóng thêm cái bảng với hàng chữ "Papa peed here" cho du khách và độc giả ái mộ tới tìm lại dấu tích của Hemingway.

Ông Yeltsin hồi trước khi lên làm tổng thống Nga, trong một chuyến đi thăm Hoa Kỳ cũng làm ướt một khúc sân bay ở Washington.

Vậy mà hai ông vẫn là những người hết sức danh giá. Người thì Nobel Văn Chương, người thì làm tới tổng thống nước Nga. Vì thế nên đàn ông Mỹ có đái ngoài đường như Charlton Heston tiết lộ thì cũng có sao đâu.

Ðọc Charlton Heston rồi tôi mới biết niềm mơ ước thầm kín nhất của mình, điều mình vẫn chưa làm được từ khi sang Mỹ đến nay hóa ra người Mỹ làm đều đều mỗi ngày.

Nhưng mơ ước của tôi có hơi khác của việc mà Charlton Heston nói một chút. Tôi muốn thực hiện ở một chỗ khác, không ở ngoài đường, không trước nhà, sau vườn, nhưng mấy cái xổ số mua mãi chưa trúng nên vẫn chưa thực hiện được. Vẫn phải tới đó làm việc mỗi ngày đành chịu vậy.Œ

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 22 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Hôm nay, cho dẫu có vận động tối đa các nỗ lực để đánh trả đũa những người gửi quà đầy ác ý có dự mưu (nghĩa là gửi để quà đến vào phút chót cho phía nhận không trở tay kịp) thì những người nhận quà cũng không còn làm gì được nữa.

Luôn cả những gợi ý của một quảng cáo đọc thấy trên tờ New York Times số ra ngày hôm qua cũng không giúp gì được cho cố gắng trả đòn của phe nhận quà.

Quảng cáo viết những lời rất mời gọi: Hãy tặng món quà mà bạn cũng có thể mở ra được. Give the gift that you can open too!

Bức ảnh đi kèm không soi sáng thêm được chút nào cho độc giả về món quà. ảnh chụp một phụ nữ rất đẹp và mặc rất ít quần áo. Bên cạnh cô, trên mặt bàn, là chiếc hộp đã mở tung. Người đọc vẫn chưa biết sản phẩm được quảng cáo trong hình là gì. Mãi đến khi đọc đến tên của công ty sản xuất và bán thứ sản phẩm đó: Victoria's Secret, thì niềm thắc mắc mới được tiết lộ.

Ðó là những thứ quần áo (?) rất ít mà người phụ nữ trong ảnh có trên người. Hai món tất cả.

Nhưng tại sao lại nói là món quà mà người tặng cũng mở ra được?

Một trong những niềm vui lớn của việc được tặng quà là mở quà. Cho dù đó là quà sinh nhật, quà Giáng Sinh hay quà gì đi chăng nữa, thì mở quà vẫn là khúc thú vị nhất. Lúc đó, móng tay, răng thật, răng giả, dao, kéo, kim, xà beng... mọi thứ có trong tay đều được đem ra để mở quà. Ðôi tay run rẩy xé lớp giấy bao bên ngoài, tới cái hộp, mở được cái nắp, lôi món quà ra, rồi bằng tất cả mọi sự ngượng nghịu có thể có được trong người và bằng tất cả mọi khả năng diễn xuất giả dối còn sót lại, người nhận quà cầm lấy món quà, đưa cao ra phía trước cho mọi người xem, rồi nói... "Ồ... ông / bà / cô / anh / em... không cần phải làm vậy chứ. Ôi chao sao mà đẹp... quá như thế này! Trời ơi, mặc / đeo nó vào người thì lại đến khổ xe cứu thương phải chở những người ghen ghét lên cơn đau tim vào nhà thương cấp cứu mất thôi!" Trong khi thực ra thì đang phải cố dằn câu định nói xuống cho những âm thanh khỏi thoát ra qua kẽ răng: "Ðồ bần tiện, đồ keo nặng kẹo, đồ rẻ tiền, đồ mauvais gout, đầu óc thẩm mỹ để đâu không biết... sao mà ngu quá vậy nè... mua cái này bố ai mà chịu cho nổi... mặc / đeo vào để mà làm trò cười cho cả thế giới tự do hay sao..."

Như vậy chuyện cho quà, đưa cho người nhận rồi lại đích thân, tự tay mở gói quà ra là kỳ quá. Không nên chút nào.

Ai đời đưa quà xong, cứ tiếp tục làm người Việt hồn nhiên đứng ngay ở đó, mở quà hộ người nhận? Không được. Quà ai nấy mở chứ.

Thế thì cái quảng cáo này viết tầm bậy. Công ty Victoria's Secret tại sao lại tốn tiền cho mấy tên thợ viết quảng cáo cà chua, cà chớn như thế? Làm gì có chuyện tặng quà rồi còn chính người tặng mở quà giúp người nhận.

Tôi đem cái quảng cáo của tờ New York Times đi hỏi một người sành sỏi trong việc mua quà thì không được trả lời thẳng. Ðại khái không phải là đứng ngay đó mà mở quà hộ cho người được tặng quà, mà là sau khi người được tặng đã mở ra rồi, thì những lúc khác sau đó mới đến lúc người tặng quà được mời mở quà.

À thì ra thế. Nghĩa là mua cho đứa cháu cái đầu máy xe lửa thì sau đó, khi đến chơi nhà nó, bác nó sẽ được nó mời... mở cái đầu máy xe lửa ra chăng? Mở ra để làm gì? Tháo mấy cục pin ra chơi? Tháo mấy cái bánh xe ra, gắn vào cái toa đằng sau?

Thẩm quyền về quà cáp không thèm trả lời nữa. Chỉ đẩy cái quảng cáo trên tờ New York Times lại và nói rằng cố tìm may ra sẽ thấy... cục pin gắn trong sản phẩm của Victoria's Secret!

Thế rồi trong khi tôi vẫn chưa được giải đáp những thắc mác liên quan đến gợi ý về quà cáp của Victoria's Secret thì tối hôm qua, trong chương trình Entertainment Tonight, Victoria's Secret lại đưa ra một mách nước mới về quà cáp để trả lời cho thắc mắc về khuôn khổ, tầm cỡ của những món quà mua của Victoria's Secret.

Theo một người mẫu của Victoria's Secret thì chuyện đó dễ... ợt. Lại chơi nhà người định cho quà, chờ khi bất kỳ xuất ý, đương sự xuống bếp, vào buồng tắm, ra phòng khách... thì nhanh nhẹn mở cái ngăn kéo lôi ra một cái, ngó nhanh vào cái quai đằng sau lưng sẽ thấy ngay hai con số, một cái gạch nối và một chữ từ A đến D. Hai con số nên từ 32 đến 36 là được rồi. Ghi nhớ lấy trong đầu những con số và cái chữ đó, hóa trang cho khác cái mặt ngày thường, rồi chạy nhanh ra tiệm Victoria's Secret, ngó trước ngó sau, nói khẽ và nhanh với người bán hàng mấy cái số đó là xong...

Còn nếu bị hỏi thêm những chi tiết như push up hay strapless, hay paddedunpaddedlacy hay plain, Wonderbra hay gì gì nữa thì cứ gật đầu, rồi trả tiền, chạy nhanh ra cửa mà đi gửi cho còn kịp Giáng Sinh.

Nhưng hôm nay, có làm được như vậy, món quà cũng không sao tới được trước ngày Giáng Sinh để còn đích thân... mở quà như cái quảng cáo đã viết.

Thế là đứa cháu con chú em lại không có được cái xe lửa bác cho để chơi trong kỳ Giáng Sinh rồi.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 25 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Có lẽ ám ảnh lớn nhất của chúng ta trong những ngày như hôm nay, là những món quà tặng không thể không có được cho Giáng Sinh, cho năm mới. Và cho dù cố gắng bằng mọi cách để không nghĩ tới, chúng ta cũng vẫn bị đẩy vào tận mắt, ấn vào tận tai chuyện quà cáp. Chỉ thiếu điều chúng ta bị cầm tay lôi đến những cửa tiệm buôn, bị bắt quăng cái thẻ mua chịu xuống, cà cho mỏng lét ra thì lương tâm may ra mới hết bị cào cấu, giấc ngủ mới yên... cho đến khi những cái giấy đòi tiền của các ngân hàng gửi đến vào đầu năm mới.

Nhưng dẫu sao thì những món quà ấy vẫn còn hiền lành hết sức khi đặt chúng bên cạnh "món quà" - nguyên văn: the gift - trong một vụ kiện mới đây ở Albuquerque, tiểu bang New Mexico giữa một người đàn ông và một người đàn bà từng có thời là những người yêu nhau tưởng như không còn ai có thể yêu hơn được trong đời sống này. Ðặt chúng bên cạnh rồi thì bạn sẽ thấy có phải cà nát thêm vài ba cái thẻ mua chịu nữa bạn vẫn thấy còn rất nhẹ nhàng, thoải mái hơn là bị bắt phải tặng "món quà" trong vụ kiện ở New Mexico.

Vì "món quà" tặng đó, chữ của Kellie Smith, Peter Wallis đưa Kellie Smith, người bạn gái của chàng ra tòa sau khi chuyện tình lãng mạn của hai người không đi tới đoạn kết êm thắm như cả hai từng mong muốn.

Một đứa bé ra đời, kết quả của những ngày tháng hai người yêu nhau. Nhưng Peter Wallis không bao giờ có dự tính đóng vai trò một người cha. Chàng nói rõ vói Kellie từ lúc khởi đầu là phải làm tất cả những gì có thể làm được để tránh cho chàng vai trò đó, nhưng Kellie vẫn cho ra đời một đứa con gái có liên hệ huyết thống với Peter Wallis.

Peter Wallis kiện Kellie Smith ra tòa vì Kellie đã bắt chàng đóng vai trò chàng không hề muốn và không hề dự tính, đi ngược lại ý muốn của chàng, buộc cho Kellie tội cố tình thủ đắc và lạm dụng tinh dịch của chàng - intentionally acquiring and misusing his semen...

Peter Wallis nói rằng Kellie Smith hứa dùng thuốc ngừa thai nhưng sau đó lại ngưng mà không thông báo cho chàng biết. Kellie Smith thì nói rằng cái bầu của nàng là một rủi ro không hề được dự tính trước. Trong đơn nạp ở tòa, Kellie Smith nói rằng nàng không hề ăn trộm tinh dịch của Peter, cho dù là nàng có muốn đi chăng nữa, và Peter đã từ bỏ mọi quyền sở hữu số tinh dịch đó khi chàng chuyển lượng tinh dịch đó sang phía nhận trong một hành động giao hợp tự ý - ... (Peter Wallis) surrendered any right of possession to his semen when he transferred it during voluntary sexual intercourse. The semen should be considered a "gift".

Chuyện như của Peter và Kellie ngày nào chẳng diễn ra nhưng nhờ Peter và Kellie, những hành động thường tình đó bỗng được đem ra xét lại dưới những cái nhìn hoàn toàn mới và bằng những ngôn từ rất lạ tai.

Thí dụ người phụ nữ trẻ ở Albuquerque gọi việc người đàn ông và người đàn bà yêu nhau là chuyển giao (transferred) tinh dịch trong một hành động tự ý. Và khi việc chuyển giao được hoàn tất, thì mọi quyền sở hữu của người đàn ông đều chấm dứt. Theo lối lập luận này thì người đàn ông từ bỏ quyền sở hữu lượng tinh dịch đó ngay sau khi hành động chuyển giao được thực hiện xong. Như thế, phía bên kia của hành động chuyển giao, tức là phía nhận, kể từ đó, được trao luôn tất cả các quyền liên quan đến số tinh dịch được chuyển sang. Phía nhận tùy ý dùng nó vào bất cứ việc gì mà phía nhận muốn. Thí dụ giữ nó lại để cho nó có những cơ hội gặp gỡ những quả trứng vừa rụng, hay mang cất giữ nó trong một phòng thí nghiệm, một tinh tử khố (sperm bank) để sau này có lúc cần dùng thì có. Và khi dùng nó, thì sở hữu chủ cũ, tức là người đàn ông không có bất cứ một tiếng nói, một quyền quyết định nào về số tinh dịch đã chuyển sang phía bên kia nữa.

Kellie Smith xin tòa coi lượng tinh dịch mà Peter Wallis chuyển qua cho nàng là một "món quà tặng", nguyên văn: "The semen should be considered a "gift".

Peter Wallis không đồng ý với lập luận của phía nhận là Kellie Smith nên nhất định kiện Kellie ra tòa đòi bồi thường, vì tinh dịch của Peter Wallis đã được đem dùng vào những mục tiêu không có phép và không có sự ưng thuận của Peter Wallis. Thêm vào đó, Kellie còn nhờ tòa án bắt Peter Wallis phải trả tiền cấp dưỡng cho đứa bé cho đến năm 18 tuổi.

Bạn phải nhìn nhận rằng Peter Wallis bị Kellie bắt bí hơi nhiều. Peter là một người có trách nhiệm chứ không phải là không. Chàng không muốn đóng vai người cha mà vẫn bị đẩy vào cái thế ấy, rồi bị trừng phạt bằng những tấm ngân phiếu nuôi con vì việc làm đơn phương của Kellie. Nội vụ chưa kết thúc ở đây vì tòa chưa xử xong nhưng vụ kiện đã tạo những tiếng vang đáng kể.

ảnh hưởng của vụ kiện này sẽ hết sức lớn. Nhất là nó nổ ra vào lúc này, thời gian ai cũng lo mua sắm, quà cáp. Bởi lẽ để nguyên, nghe chuyện quà cáp đã đủ làm nhiều người đàn ông ngã bệnh. Bây giờ, Kellie Smith lại khoác thêm cho chữ "quà" - "gift" - một ý nghĩa mới nữa thì ai chịu nổi.

Trong đêm khuya tự nhiên nghe tiếng đòi "quà""Này lâu quá chưa thấy quà cáp gì đấy nhé! Có chuyển ít quà sang đây hay không thì bảo? Ðừng có khất lần tới Giáng Sinh nhé... bây giờ mới có lẽ Tạ Ơn, còn bao giờ mới Giáng Sinh đây hở? Lại còn định khất tới sinh nhật nữa hay sao? Không có được đâu nhá..." Lúc ấy, quờ quạng kiếm cái ví, quăng ra cái thẻ mua chịu, lại thấy bị ném trả lại thì khổ biết là chừng nào!

Như thế, quà cáp như hồi trước chưa chắc đã nguy hiểm như từ nay về sau.

Hoa Thịnh Ðốn ngày 25 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Vũ Kiện, bạn chúng ta vừa qua đời tuần trước.

Tôi ngồi cạnh Kiện suốt 4 năm ở đệ nhất cấp trường Chu Văn An, thoạt đầu là ở dẫy nhà tôn, rồi sau, là khu chuồng dê ở cạnh sân vận động của trường Pretus Ký. Cùng với Du Tử Lê, làm thơ rất hay từ khi còn nhỏ. ảnh hưởng của cụ ông, nhà văn Tam Lang Vũ Ðình Chí, chúng tôi tin là thế, con nhà tông mà. Hồi đó, nhà Kiện ở gần trường, khu về sau bị phá đi để xây trường đại học sư phạm, nên mấy năm chỉ đi bộ đi học.

Kiện học giỏi, hết trung học, Kiện đi Gia Nã Ðại học đại học. Những người khác thì đi Mỹ, đi Pháp, đi Úc, đi Tân Tây Lan... và đi lính.

Nếu không có những đổi thay, có lẽ bạn chúng ta bây giờ đã là những bộ trưởng tư pháp, ngoại giao, quốc phòng, tướng hai, ba, bốn sao... là thường. Cũng có những người đã chết. Y Uyên Nguyễn Văn Uy chẳng hạn. Ðinh Ngọc Mô. Ðại úy pháo binh dù Nguyễn Quốc Trụ... và nhiều người khác tôi không biết.

Tôi gặp lại Kiện ở Sài Gòn, dự đám cưới của chàng ở hội kÿ mã đường Lê Văn Duyệt. Sau năm 1975, là vài lần Ottawa, ở Toronto, ở Montreal, ở Washington, hỏi thăm qua quéo rồi ai đi đường nấy. Bạn tôi và đời sống của chàng làm tôi nhớ hai câu trong bài tứ tuyệt của Vương Xương Linh: "Lạc dương thân hữu như tương vấn / nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ."

Tháng 10 năm ngoái, ở buổi ra mắt cuốn sách của Du Tử Lê, trong bóng tối ở cuối phòng, chúng tôi vẫn nhận ra nhau ngay. Nói với nhau vài câu, hơi gở một chút, khi cả hai đều đọc một câu của cụ Tam Nguyên Yên Ðổ khóc cụ nghè Vân Ðình Dương Khuê: "...mừng rằng bác vẫn tinh thần như xưa..."

Chúng tôi không bao giờ quên tuổi thơ, những năm đi học, những trò chơi nghịch ngợm của nhau. Tôi vẫn còn nhớ đôi mắt (cận thị nặng), nụ cười (tinh quái), dáng đi (phục phịch), nét chữ (rất đẹp) trong những cuốn vở của bạn tôi hồi đi học.

Bây giờ Kiện Củ Khoai (biệt hiệu tôi đặt cho Kiện, vừa gần gũi tục ngữ ca dao, lại vừa giống chàng hồi nhỏ) không còn nữa.

Tối hôm qua, tôi nhớ Kiện, bạn tôi:

Ới Kiện ơi là Kiện ơi!
Năm ngoái vừa đây mới gặp ngươi
Ðùa nhau: tiêu đã nhiều hơn muối
May, vẫn còn nguyên đó nụ cười
 

Nhớ xưa ngươi muốn theo Từ Thức
Bên rèm chờ mãi một mùi hương (*)
Xe mây giờ đón ngươi đi thực
Bỏ lại bài thơ viết nửa chừng
 

Hết Mô, rồi Trụ, nay tới ngươi
Bỏ đi biền biệt chẳng âm hồi
Mấy chục năm nay, giờ đếm lại
Bạn cũ con đâu được mấy người
 

Một lũ sinh những năm bốn mươi
Sao ông ác thế hở ông Trời?
Chiến chinh cứ nhắm riêng bọn chúng
Thoát ở quê nhà, nay cũng rơi

Cũng như Yên Ðổ với Dương Khuê
Ngươi đã cùng ta một tuổi thơ
Giường dẫu không treo, rượu không uống
Nhưng giờ thơ viết, biết ai đưa?

Mười mấy năm trời không thấy nhau
Hỏi thăm. tóc đã bạc đôi đầu
Mừng ngươi bằng ấy năm còn giữ
Ðược phiến băng tâm ở ngọc hồ
 

Lại sắp một mùa thu Quebec
Biết ngươi giờ mãi khuất bên trời
Muốn đi một chuyến xem mầu lá
Nhưng biết tìm đâu được dấu người?

Câu có dấu hoa thị là bài thơ Kiện viết khi học đệ lục B2 (1957) về giấc mơ của Từ Thức, tôi chỉ còn nhớ được một câu.

Nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ giọng nói của người bạn (nhỏ) hồi bốn mươi năm trước của tôi. Nhớ kinh khủng.

Kiện tuổi Giáp Thân, sinh năm 1944 ở Hà Nội, mất ngày 20 tháng 8 năm 1998 ở Quebec. Báo cho bạn biết.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 21 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Liên Hiệp Âu Châu đang bận rất nhiều công việc. Kế hoạch hợp nhất Âu châu để trở thành một đơn vị kinh tế trong cố gắng đối phó với Mỹ châu và Á châu những năm sắp tới hiện là bận tâm hàng đầu của liên hiệp. Ðồng Euro, đơn vị tiền tệ chung của Âu châu sắp được đem lưu hành để thay thế cho những đồng tiền của Pháp, của Ðức, của Ý... Sau đó sẽ không con đồng Franc, đồng Mark, đồng Lira... nữa.

Nhiều tiêu chuẩn khác cũng sẽ được đặt ra để giúp thống nhất các nước Âu châu thành một khối chặt chẽ hơn, hợp nhất hơn, hữu hiệu hơn. Thí dụ chocolat phải có bao nhiêu phần trăm cocoa, phó mát phải có những chất liệu gì ở trong, kích thước của nhà tiêu và nhà tiểu công cộng v.v... Người Thụy Sĩ sẽ không phải nhăn mặt khi nếm chocolat hay phó mát của Tây Ban Nha, của Anh và người du khách Ðức sẽ không ngỡ ngàng khi vào trong cái nhà cầu ở vùng Provence chẳng hạn...

Và mới đây, tại Evian-Les-Bains, một thị trấn nghỉ mát ở chân núi Alpes thuộc nước Pháp, người ta đã đem chiếc áo mưa ra thảo luận để đi tới những tiêu chuẩn về kích thước chung cho nó.

Bạn có thể yên trí không cần thắc mắc, đem đổi hay quăng đi chiếc áo mưa London Fog kiểu trench coat, double-breasted, khuy bằng da rất đẹp và đắt tiền, mặc vào trông không khác gì thanh tra Clouseau trong The Pink Panther mà bạn mua ở Harrods trong chuyến đi Luân Ðôn năm ngoái. Liên Hiệp Âu Châu sẽ không đòi bạn phải xuống gấu cho dài ra, hay nới cái lưng cho rộng thêm. Bạn nhất định không phải lo những chuyện đó. Cứ mùa thu này lôi nó ra mặc, đội thêm cái mũ bằng tweed, tay cầm cái tẩu Dunhill bằng gỗ thạch thảo... thì mấy thứ như Robert Redford đều phải dọn nhà đi chỗ khác hết. ở lại mà ghen tức với nhan sắc của bạn đến chết hay sao?

Liên Hiệp Âu Châu không thắc mắc về cái áo mưa London Fog đó. Áo của bạn cỡ Large hay Extra Large, hay Medium, hay Small hay Extra Small thì Âu châu cũng kệ bạn.

Các chuyên gia ở Evian-Les-Bains sau khi họp với nhau đã đưa ra quyết định theo đó, kích thước của những chiếc áo mưa sản xuất tại Âu châu phải phản ảnh được sự đổi thay về kích thước của các công dân phái nam của Âu châu trong ba mươi năm qua, nghĩa là phải thay đổi.

Tờ Brussels Eurocrats ấn hành tại thủ đô Bỉ đã cho biết như thế trong một số báo mới đây. Theo tờ báo này, khuyến nghị kể trên được đưa ra bởi ủy Ban Tiêu Chuẩn Âu Châu - European Committee on Standards. ủy Ban nói rằng các hãng sản xuất áo mưa nên điều chỉnh lại để sản xuất những chiếc áo mưa đúng với tiêu chuẩn mới của Âu châu. Những thứ đang được bầy bán tại Âu châu không còn đúng với tiêu chuẩn mới này nữa. Chiều dài của những chiếc áo mưa này là 16 cm, tức là 6.4 inches. ủy Ban Tiêu Chuẩn coi là ngắn. Theo tài liệu của ủy Ban, kích thước mới phải là 17 cm chiều dài (tức 6.8 inches) và 5.6 cm đường kính (2.3 inches) thì mới đúng với tiêu chuẩn của Âu châu.

Người ta có thể nghĩ Âu châu đã làm chuyện này trong nỗ lực đòi lại vai trò lãnh đạo của Âu châu trước hai cuộc thế chiến. Âu châu sau trận đệ nhất và đệ nhị thế chiến đã sa sút thảm hại. Gần đây, khi chiến tranh lạnh cáo chung, Âu châu càng bi thảm hơn. Nước Anh mà còn dám tự nhận là cường quốc ư? Luôn cả Pháp nữa. Hai nước này vẫn được cho tiếp tục giữ chức hội viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong khi Ấn Ðộ và Nhật thì không được quy chế hội viên thường trực là điều thậm vô lý. Rồi Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ... Các nước này mà hơn những quốc gia ở Mỹ châu La Tinh sao?

Việc làm của Liên Hiệp Âu Châu rất có thể là do từ mặc cảm tự ti mà ra. Biết là thua về nhiều lãnh vực khác, Âu châu bèn quay sang một chuyện kín đáo hơn, rồi tuyên bố Âu châu... hùng mạnh hơn các nước khác trên thế giới, cho nhân loại sợ cho bõ ghét.

Nhưng chỉ làm vài con tính người ta cũng thấy ngay là Âu châu nói... phét. Hoàn toàn không có chuyện... Âu châu đã gia tăng được chiều dài lên 1 cm trong ba mươi năm nay.

Bây giờ nếu chúng ta tạm công nhận là có chuyện đó, là Âu châu có gia tăng được 1 cm trong ba thập niên, tức là từ năm 1968 đến nay, thì năm 1968, chiều dài của Âu châu là 16 cm. Ba mươi năm trước đó, chiều dài là 15 cm... Cứ như thế, tính lùi lại, thì vào năm 1488, năm mà Lê Thánh Tông đang trị vì, một trong những giai đoạn hưng thịnh vào bậc nhất của lịch sử Việt Nam, thì Âu châu có chiều dài là một con số zero tổ bố. Và khi Kha Luân Bố tìm ra được Mỹ châu, thì chiều dài ở Âu châu cũng chỉ là một con số không. Qua tới khi người Âu mon men sang Việt Nam, thì các ông Tây thời đó mới chỉ 9 hay 10 cm là cùng.

Thế rồi nếu Âu châu giữ được đà tăng trưởng này, cứ mỗi ba mươi năm lên tăng thêm được 1 cm, thì đến năm 4488, ở Âu châu sẽ có giống người... lúc nào cũng "ba chân (?), bốn cẳng"" hay sao? Thế thì cái áo mưa lúc ấy sẽ cồng kềnh lắm. Ông già Darwin chết đã lâu chứ giả sử ông còn ở với chúng ta thì cách gì ông sống nổi sau khi nghe thuyết tiến hóa của ông được Liên Hiệp Âu Châu đem ra diễu chơi như thế này.

Tiến hóa gì mà nhanh thế hở mấy ông trong Liên Hiệp Âu Châu?

Hay là ủy Ban Tiêu Chuẩn Âu Châu đã lấy ý kiến của các phụ nữ Âu châu trước khi đưa ra khuyến cáo đó? Hay là Âu châu gồm toàn những cường quốc thứ thiệt cả?

Nhưng tôi vẫn thấy câu slogan quảng cáo của một hãng thuốc lá Mỹ dùng để quảng cáo cho thuốc King Size của họ là câu hay nhất và an ủi được nhiều người nhất: It's not how long you make it. It's how you make it long.

Chẳng sợ ông Âu châu nào hết. Cứ cái trench coat London Fog mua năm ngoái lôi ra mặc là đẹp chán... vẫn vừa như thường. One size fits all. Thơ... Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng Anh đấy!

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 21 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Tôi thấy nó lần đầu tiên trong những trang báo National Geographic, trong những bài báo viết về những người da đỏ ở vùng Amazon, Nam Mỹ, những người Dayak ở Borneo, những người Papua ở Tân Ghi Nê. Tôi thấy nó không hấp dẫn lắm.

Nó, kiểu phục sức đó, tôi nghĩ, chắc làm người ta ngứa ngáy không ít. Tưởng tượng ra cũng dã thấy rồi. Có điều không hẹn mà gặp, những dân tộc ở những vùng xa xôi, cách nhau cả mấy đại dương, chắc chắn chẳng thể nào có được bất cứ một giao tiếp nào để mà nói là học của nhau, vậy mà các nhà vẽ kiểu thời trang của họ đều đưa ra được một kiểu trang phục khá giống nhau. Ðó là "nó".

Món trang phục này dùng để che phần hạ thể. Phía trước thì dùng một diện tích vải hay vỏ cây, lá cây, da thú rất khiêm tốn, chỉ vừa đủ để che kín khu vực cần che. Một sợi dây cột quanh vòng bụng để miếng vải, vỏ cây hay da thú đó khỏi bị sức hút của trái đất kéo xuống. Một sọi dây khác được cho chạy vòng xuống phía dưới, ra phía sau rồi ngược lên trên để cột vào sợi dây ngang bụng. Hai khối thịt dùng để đỡ lấy cơ thể khi ngồi xuống, tức là hai cái mông đít, thì được để nguyên, không che lại như các chuyên gia thời trang ở các nơi khác vẫn đề nghị.

Món phục sức đó có cái tên là "thong". Từ rừng già Amazon Nam Mỹ, rừng nhiệt đới ở Borneo, Sarawak, Tân Ghi Nê, những cái "thong" này được các nhà vẽ kiểu thời trang Tây phương mô phỏng và cho nó xuất hiện càng ngày càng nhiều ở các bãi biển như St Tropez, Nice, Tahiti... khiến nhiệt độ ở các bãi biển này lúc nào cũng ở mức độ sôi sục.

Tại sao người ta mặc nó thì tôi không biết, vì không biết đi đâu mà hỏi cả, mà nếu có chỗ để hỏi thì cũng không dám hỏi. Những câu hỏi như thế trong cái thời đại của những vụ kiện sách nhiễu tình dục như ngày nay thì tốt hơn hết cứ để nguyên mà ấm ức trong lòng vậy.

Một cách giải thích cho rằng người ta mặc những cái "thong" này khi phần trang phục ở dưới dùng những thứ hàng mỏng. Nếu dùng những đồ lót thông thường thì ở chỗ để ngồi sẽ hằn lên mỗi bên... một lằn (?), xấu lắm. Chính những cái lằn này đã khiến cho những con người lâu ngày sống trong rừng vừa vào tới Sài Gòn hồi năm 1975 đã phải hô hoán lên rằng "Ðít phụ nữ Ngụy có... gân!"

Ðể dẹp bỏ những cái gân đó, người ta có thể bỏ những món đồ lót cũ để mặc những cái "thong". Một sợi dây ở giữa chạy ngược lên ngang hông sẽ lẩn vào phần nối của hai mông quần hay váy.

Hết thấy.

Nhưng thực ra dụng ý có đích thực là để cho hết thấy không? Chắc không.

Cuốn catalogue mùa thu năm nay mà không biết vì lý do gì, công ty Victoria's Secret ở Ohio gửi đến cho tôi mới đây đã cho tôi lần đầu tiên thấy những cái "thong". Không phải thứ tôi vẫn thấy trong những trang báo National Geographic. Trông cũng được lắm.

Tôi thật là đại cù lần. Mãi bây giờ mới thấy nó trong một hình thức văn minh, tối tân và thời trang hơn.

Tất cả đều nhờ tập phúc trình của ông Starr chuyển cho quốc hội mới đây. Nhờ đọc nó, tôi mới biết cái "thong" đã vào được cả tòa Bạch Ốc.

Phúc trình của công tố viên Starr cho biết Monica Lewinsky, cô tập việc ở tòa Bạch Ốc đã... ra mắt ông Clinton bằng một kiểu ra mắt hết sức kỳ lạ. Hôm đầu tiên cô gặp tổng thống Mỹ, cô tiến ra phía trước, nhìn trước nhìn sau không thấy ai, cô quay lưng về phía ông, hơi cúi người xuống một chút, kéo ngược cái áo lên, cho ông thấy cái "thong" của cô, mà sau đó, cô tiết lộ là của Victoria's Secret.

Nước Mỹ quả là nước dân chủ. ở những nước quân chủ như Việt Nam chúng ta trước kia, thì cô nhất định không còn cơ hội dùng (?) điếu xì gà, hay mặc chiếc áo xanh nước biển trở lại thăm vua để mà dính DNA vào áo tùm lum, tèm lem ra được nữa.

Nước Anh quân chủ cũng đã có câu "A cat can look at the king" từ lâu lắm. Nhưng người Anh yêu chó, mèo nên con mèo có ngước mắt ngó vua nước Anh thì cũng chẳng sao. Nhưng không thể dân chủ đến độ mời nguyên thủ quốc gia xem cái "thong" của mình bao giờ.

Thế mà Monica Lewinsky chẳng sao hết. Lại còn được ông Clinton "liên hệ không chính đáng" cả chục lần sau đó.

Tại sao vậy? Các chuyên gia bình luận chính trị đều chịu thua không sao giải thích được. Nhưng chuyện có gì khó hiểu đâu. Monica Lewinsky kéo cái áo lên là để khoe cái gì? Nhất định không phải là cái "thong" của Victoria's Secret.

Monica chỉ muốn khoe cái chỗ để ngồi của cô. Chỗ để ngồi tiếng Anh là "ass". Danh từ này, trong Anglais Vivant 6ème Bleue mà chúng ta học vỡ lòng hồi mấy chục năm trước, lại cũng có nghĩa là con lừa.

Biểu tượng của đảng Dân Chủ là con lừa. Vạch áo cho người xem... lừa, là cách thông báo với nhau rằng tui cũng là người của đảng Dân Chủ như ông đấy mà thôi.

Vậy chứ còn gì nữa.

Nhưng nếu ông tổng thống là người đảng Cộng Hòa thì nhận họ hàng như thế nào?

Biểu tượng của đảng Cộng Hòa là con voi. Mà con vỏi, con voi, cái... vòi đi trước.

Diễn tả con voi khó lắm đấy nhá. làm sao có cái vòi để... ra mắt đây?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 21 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Người Mỹ đã dẹp Cindy Crawford, dẹp Elizabeth Hurley, dẹp luôn cả Carmen Electra, Cameron Diaz, Sandra Bullock, Nicole Kidman... họ đã dẹp bỏ hết các tên tuổi vừa kể, những tên tuổi mới chỉ một năm trước vẫn còn là những niềm mơ ước thầm kín cũng như công khai, lộ liễu, nham nhở và trắng trợn của rất nhiều người, để chọn một người mà cũng chỉ mới một năm trước đây, chỉ vừa nghe nói đến tên ai cũng rùng mình, khiếp đảm như bị khủng long T-Rex đuổi trong những cơn ác mộng hãi hùng nhất mơ thấy mình đi lạc vào công viên Jurassic.

Trong một cuộc thăm do của nhật báo USA TODAY, Cindy Crawford được bầu là niềm mơ ước lớn nhất của người Mỹ cách đây khoảng 2 năm. Cindy là người mà hơn 70% người Mỹ muốn mời đi ăn tối; hơn 80% ao ước được đắm tầu và cùng giạt lên một đảo hoang; hơn 60% muốn kéo tay vào nhà thờ, nhờ linh mục hỏi "Chịu không, chịu không..." để trả lời: "I do, I do, I do very much indeed..."

Người Mỹ cũng dẹp luôn cả Christina Applegate, Julia Roberts, Lea Thompson... để quay sang một người khác từ trước tới nay chưa bao giờ nhận được nhiều phiếu trong những cuộc thăm dò như thế.

Hillary Rodham Clinton, bà Clinton, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ là sự lựa chọn của rất nhiều người đàn ông Mỹ theo kết quả của một cuộc thăm dò mới nhất. Tôi nghe được tin này qua Jay Leno trong chương trình Tonight Show tối hôm thứ hai vừa qua.

Cuộc thăm dò cho biết 67% đàn ông Mỹ muốn có Hillary làm vợ - would love to have Hillary Clinton as a wife - như câu hỏi mà cuộc thăm dò đặt ra. câu đó cũng có thể hiểu là họ muốn có một người vợ như Hillary, hay muốn lấy Hillary làm vợ... hiểu như thế nào thì đại khái ý nghĩa cũng chẳng khác nhau là mấy.

Nhưng 67% là nhiều lắm. Tưởng tượng bắt 100 người đàn ông xếp hàng, Hillary vừa đi ngang, 67 người chạy theo. Con 33 người đứng chơ vơ để chia cho những người đàn bà khác. cao Chu Thần chỉ nhận có trong tay 2 bồ chữ trong 4 bồ của thiên hạ, 1 bồ cho Cao Bá Ðạt và Nguyễn văn Siêu, 1 bồ phân phát cho các kẻ học khác. Nói như vậy đã là ngông lắm, đã là phách lắm rồi, nhưng đó là họ Cao tự nói về mình. Và trong những trường hợp như vậy, tính chất chủ quan là điều không thể tránh được. Nhưng ý kiến cề Hillary mà cuộc thăm dò ghi nhận là của những người khác, không phải là của ông Clinton, của Chelsea, của Socks, của Buddy hay của Hillary. Kết quả cuộc thăm dò, do đó, quả là có nhiều nét khả tín hơn là câu nói của Cao Bá Quát. Hillary một tay nắm được nhiều đàn ông hơn là số bồ chữ mà Cao Chu Thần có trong tay.

Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, một năm trời, Cindy Crawford đã bị Hillary truất ngôi cái ào như vậy?

Về sắc diện, Hillary không phải là thứ ma chê quỉ hờn, thứ mà những người chồng thường đưa ra để làm yên lòng những bà vợ hay ghen với các đồng nghiệp của chồng. Hillary trông được hơn các đệ nhất phu nhân tiền nhiệm nhiều. Nhưng không thể hơn được Cindy Crawford, không thể hơn Christina Applegate, Nicole Kidman, Tea Leoni... được. Thua từ chân cẳng thua đi. Thua từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong.

Nhưng Hillary hơn tất cả các thứ như Cindy, Sandra, Christina... về đầu óc. Hillary là một phụ nữ thông minh, ăn nói rất giỏi, từng được coi là một trong số 100 luật sư giỏi nhất nước Mỹ. Nhưng điều này không phải là điều làm cho Hillary trở thành người phụ nữ 67% đàn ông Mỹ chọn lựa. Ðàn ông, như André Maurois có lần viết trong cuốn Lettres à L'Inconnue, sẽ không tha thứ bất cứ một người đàn bà nào thông minh hơn họ. Ðàn ông thích đàn bà ngu hơn họ. ngu nhiều yêu nhiều. Ngu ít yêu ít. Càng ngu càng yêu... càng yêu càng ngu. Vì thế, khả năng trí tuệ của Hillary không phải là yếu tố để giúp nàng truất ngôi của Cindy Crawford.

Cần cái bằng Ph. D. thì bỏ tiền ra mua về treo chơi như nhiều người đã làm, vừa khiến bạn bè phục lăn, vừa không bị cái bằng Ph. D. ấy cãi nẩy mảnh, dồn cứng họng, cái miệng trở thành nơi trưng bầy, kê các thứ tủ đứng của nàng.

Vậy thì nhan sắc không phải là yếu tố quyết định lựa chọn Hillary. Khả năng trí tuệ cũng không. Thế thì tại sao 67% người Mỹ bỏ Cindy Crawford và những thứ chân cẳng, đồ đạc khác để quay sang với Hillary với chân cẳng như thế, với khả năng chửi thề mà tờ US News And World Report đã có lần đề cập, với những cú ném chân đèn, chai lọ, gạt tàn thuốc lá bách phát bách trúng của nàng, hữu hiệu gấp mười lần ngón "ném bút chì" mà Nguyễn Tuân đã viết trong Vang Bóng Một Thời?

Sự thay đổi của những lựa chọn đó có từ lúc nào?

Cuộc thăm dò, theo những hiểu biết của tôi, chỉ mới được thực hiện hồi gần đây, nói đúng ra, chỉ mới hai tuần trước. Tức là sau khi những tài liệu ghi chép về cuộc điều tra của công tố viên độc lập được phổ biến cho công chúng Mỹ cùng với cuộn băng video thu lại nguyên buổi khai cung của ông Clinton trước đại bồi thẩm đoàn hôm 17 tháng 8.

Bất cứ một người vợ nào, nhiều khi chưa cần phải đọc được những lời khai của chồng mình như những lời khai của ông Clinton, bất cứ một người đàn bà nào chưa cần phải xem xong cuốn video thu cảnh chồng mình kể lại những chuyện ông ta làm vói một phụ nữ khác thì cũng đã có thể đạp cổ ngay người chồng ra khỏi cửa sau khi tặng nó một đường dao bàng con dao cùn nhất để cơ thể nó không còn toàn vẹn với đầy đủ các bộ phận trên người như lúc cha sinh mẹ đẻ, cắt thịt nó ra thành trăm, thành ngàn mảnh quăng cho chó ngao ăn, gọi luật sư đến, nhờ đánh nó tan nát đời hoa, cấm ngặt con cái đến gần nó, vồ hết lương của nó cho nó thân tàn ma dại đến chết...

Nhưng Hillary đã không làm bất cứ một điều nào trong danh sách cần phải làm - Thing To Do - mà phụ nữ nào cũng có trong ví tay. Hillary tuyên bố tha hết cho chàng, tiếp tục đứng bên cạnh chàng...

Thì phải chọn ngay chứ. 67% vẫn còn ít đấy. Ðã nhiều gì đâu... Chọn như vậy là có lý lắm.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 21 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Tội nghiệp ông Clinton: cuối tuần qua, hạ viện Mỹ đã biểu quyết đồng ý luận tội ông và nay, nội vụ sắp được chuyển lên thượng viện để xét xử. Nhưng ngay cả những người không ưa ông nhất cũng không nghĩ là ông sẽ bị mất chức tổng thống vì những lá phiếu ở thương viện.

Phe Cộng Hòa chưa chắc đã có được tất cả 55 phiếu vì rất có thể sẽ có hai hay ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa xé rào biểu quyết theo phe Dân Chủ. Trong khi đó. phe Cộng Hòa cũng rất khó mà thuyết phục được mười mấy thượng nghị sĩ Dân Chủ bầu theo đảng Cộng Hòa.

Do đó, ông Clinton sẽ thoát không phải về Arkansas đuổi gà cho đệ nhất phu nhân, nhưng chắc chắn ông sẽ bị một biện pháp trừng phạt nhẹ hơn. Người ta, trong đó có hai cựu tổng thống, các ông Gerald Ford và Jimmy Carter, đang nói nhiều đến biện pháp khiển trách ông.

Biện pháp khiển trách, ngoài việc bắt ông phải nhận lỗi, ông còn bị, lên lớp, dậy dỗ đôi ba điều, thêm vào đó, ông phải chịu một số hình phạt khác nữa.

Ông sẽ được cho ngồi nguyên ở chức vụ tổng thống nhưng sẽ phải chịu những hình phạt sau đây:

- Tiếp tục ở với mẹ cháu.

- Ngồi coi Jay Leno và David Letterman mỗi tối, kể lại tất cả những đoạn hài hước nhắm vào ông.

- Thu nhận một cô tập việc mới thay cho Monica Lewinsky nhưng lần này, là Lorena Bobbit, cây đao xuất sắc của Manassas, Virginia, người từng nổi tiếng với "một nhát dao bay nghìn thuở đẹp" mấy năm trước khiến chồng cô, John Wayne Bobbit, không bao giờ còn là một người đàn ông lành lặn nữa.

- Lạc lên hoang đảo với Whoopy Goldberg trong một tháng.

- Cách một đêm phải vác chăn mền đi ngủ chung với công tố viên Kenneth Starr một đêm.

- Mát xa bụng cho ông Saddam Hussein.

- Dẫn Katherine Mansfield đi ăn tối trong một năm.

- ở chung phòng mỗi đêm với Cindy Crawford trong khi hai tay bị còng ra phía sau.

- Cho ông Yasser Arafat gối đầu tay và hát ru ông ta ngủ.

- Treo hình của bộ trưởng tư pháp Janet Reno trên bàn làm việc.

- Tới thăm ông Idi Amin Dada, cựu tổng thống mãn đời của Uganda trong khi ông ta bị bỏ đói đã vài ba ngày.

- Nghe ông Giang Trạch Dân hát Karaoke bài Love Me Tender trong hai ngày.

- Ăn cơm do một người đàn ông chỉ biết ăn TV dinner từ mười năm nay đích thân nấu.

- Múa bụng cho Osama Bin Laden, nghi can đặt chất nổ phá hai sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya coi.

- Coi Roseanne múa bụng.

- Cho vô địch Sumo Nhật Bản gác chân khi ngủ.

- Uống 5 viên Viagra trước khi họp với ông Fidel Castro.

- Ði dự ra mắt sách tại các cộng đồng Lèo.

- Nghe các danh ca Karaoke tại các tiệc cưới của cộng đồng tị nạn Miên.

- Dậy môn đạo đức tại đại học Stanford nơi Chelsea đang theo học.

- Xếp hàng chờ vào thăm lăng "Bác" ở Hà Nội mỗi ngày trong một tháng.

- Không được vào thăm lăng "Bác" ở... tòa Bạch Ốc hai ngày.

- Cạ râu với chị Nguyễn thị Ðịnh một tuần lễ.

- Ðược các nhà thơ trong cộng đồng tị nạn Lèo, Miên tặng thơ.

- Ôm chân Hillary mỗi tối.

- Ðược các nhà thơ trong cộng đồng Lèo mời giới thiệu thơ Lèo.

- Làm MC cho các video ca nhạc của Lèo.

- Ngồi nhậu với ông Boris Yeltsin.

- Tán Camilla Bowles Parker của thái tử Charles.

- Cho Mike Tyson nói thầm vào tai.

- Vào Playboy Mansion của Hugh Heffner mà bỏ quên lọ Viagra trong ví của Hillary.

- Không được ăn Big Mac trong một năm.

- Giải phẫu cho giống James Carville.

- Giải phẫu cho giống Buddy.

- Gặp Paula Corbin Jones trước khi sửa mũi và còn đeo niềng răng trong những giấc mơ buổi tối.

- Nghe Gennifer Flowers hát.

- Cạ mũi với Barbra Streisand.

- Gội đầu và xấy tóc cho Linda Tripp.

- Ðem tất cả những điếu xì gà đã tặng cho Monica quăng vào bếp, không được... hút.

- Chia động từ to be.

- Chép tất cả các định nghĩa của chữ "IS"

- Chép phạt một ngàn lần câu: "Tôi có lạng quạng với Monica".

- Không được tới gần thị trấn Santa Monica ở California.

- Phải cho Chelsea tập việc tại tòa Bạch Ốc sau khi mãn nhiệm kỳ.

Tôi cam đoan với bạn là ông Clinton sẽ xin từ chức ngay để khỏi phải bị khiển trách như thế.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 21 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Trong chuyến đi Toronto mới đây, tôi lén chú em mang về được mấy cuốn sách trong tủ sách ông cụ tôi để lại. Lòng yêu sách (dù là sách của người khác) không bao giờ là cái tội cả. Hơn nữa, mấy cuốn sách đó, tôi tin chắc em tôi không đọc. Sách vở bị bắt nằm im trên giá thì tội cho chúng biết là chừng nào.

Nên chúng phải về theo tôi. Tủ sách của tôi cũng có rất nhiều sách của người khác như thế. Không phải tất cả đều đến với những cái tủ sách nhà tôi cùng một cách như mấy cuốn sách của ông cụ tôi ở Toronto. Tôi mua chúng ở thư viện, ở những tiệm sách cũ hay chợ trời.

Và chính những cuốn sách đó, ngoài nội dung đọc được trong những trang sách, mỗi cuốn lại con chở theo những câu chuyện riêng về chúng nữa. Và chỉ có những cuốn sách cũ mới có những câu chuyện đó.

Ðó là những chi tiết do những người chủ cũ để lại. Nó là những cái tên người, những nơi họ đã đi tới, đã ở, đã sống, những chuyến đi của họ, những đời sống mà tôi chỉ lờ mờ đoán ra.

Tôi rất thích cuốn thi tuyển Ái Nhĩ Lan với lời đề tặng "To Millie, Thanks for Everything, Love Rosemary. July 1991." Cứ mỗi lần cầm nó lên. Tôi lại tự hỏi Millie là ai, Rosemary liên hệ với Millie như thế nào? Rosemary chịu ơn những gì ở Millie để phải lặn lội ra tiệm sách mua quyển thơ tặng, rồi còn phải nhắc lại sự chịu ơn với Millie? Và Millie là người ra sao mà quyển sách của Rosemary ra nằm ở thư viện Arlington rồi được bán với cái giá đầy nhục mạ là 25 xu Mỹ?

Khoảng đầu năm nay, tôi nhặt được cuốn tiểu thuyết của Ernest Hemingway ở phòng đổ rác, món quà Giáng Sinh của một người con tặng người cha với Hàng chữ "To Dad with love, Johnathan. Christmas 1997." Như thế, người cha giữ quyển sách của Hemingway vỏn vẹn có vài ngày thì nó qua tay tôi. Ông bố chắc phải ở trong cao ốc cùng với tôi. Ông là người như thế nào mà rẻ rúng tình cảm của con đến thế? Hai người có chuyện không vui trong dịp Giáng Sinh và năm mới? Người cha phải là một người đàn ông vô tình với những tặng phẩm tình cảm lắm mới nhanh chóng quăng cuốn sách của con vừa tặng hồi Giáng Sinh vào thùng rác? Tôi cứ mong ông là một ông già mắt mũi không còn tinh tường, quăng lầm món quà của con đi. Biết đâu trong building của tôi đang có một ông cụ loay hoay đi tìm cuốn A Farewell To Arms, quà tặng của người con yêu quí.

Tủ sách của tôi còn có cuốn truyện ngắn của Katherine Mansfield với hàng chữ đề tặng của một người tên là Nicholas gì đó: "With Memories of Your Visit to Sydney, Summer 1981." Người đàn ông (?) đến thăm Sydney không biết tên là gì. Nhưng hẳn ông phải là người lơ đễnh. Người tặng muốn ông giữ lại những kỷ niệm của chuyến viếng thăm Sydney, nhưng ông thì chẳng giữ lại làm gì. Sydney với cây cầu như cái mắc áo, nhà hát ở hải cảng trông lúc thì như những cánh buồm, lúc thì như những cánh bướm, cái quán cà phê ở King's Cross một người bạn ngồi với tôi vài ba chục năm trước... Bây giờ kỷ niệm của chuyến đi Úc của ông sang ở với tôi.

Một cuốn sách khác tôi mua được ở chợ trời là cuốn tự thuật tiểu sử của William Saroyan. Ðó cũng lại là một món quà Giáng Sinh nữa. Cuốn sách của một người cháu tặng cho bà nội hay bà ngoại hồi Giáng Sinh năm 1966: "Dear Grandma: Have a very Merry Christmas. This book is your Christmas and Birthday present." Món quà được tặng theo kiểu lấy giỗ làm chạp, gộp cả Giáng Sinh lẫn sinh nhật của cụ làm một rồi tặng cụ cuốn sách cho đỡ tốn. Tôi mong sinh nhật của cụ ở gần Giáng Sinh để khỏi nghĩ cháu cụ rẻ tiền và hà tiện đến như vậy. Nhưng tại sao nó ra nằm ở chợ trời? Cụ đã qua đời? Cháu cụ đến thu xếp dọn dẹp căn phòng cuối cùng của cụ, và nổi máu hà tiện nên lôi ra chợ trời và bây giờ nó ở đây với tôi?

Mới đây tôi mua được cuốn A Month Of Sundays của John Updike, ấn bản đầu tiên in năm 1975. ở trang đầu, ngay phía bên phải là mấy hàng chữ cứng cỏi của một người đàn ông tên là Paul Richardson ở Bayview, Illinois. Cuốn sách kể chuyện một tu sĩ phạm lỗi bị bắt phải viết về mối tình của ông với người đánh phong cầm ở nhà thờ. Nhưng điều đáng nói nhất về cuốn sách là những ghi chú của ông ở bên lề của những trang sách. Những chữ khó, những câu ngoại ngữ đều được gạch dưới, thích nghĩa ngoài lề. Ông là người đọc uyên bác vì chỉ khi nào đụng những chữ rất khó ông mới phải đứng dậy đi hỏi tự điển. Kudu: African antilope; Lugubrious: mournful; Uccello: Florentine master; The Peripatetics: Aristotle...

Tôi tưởng tượng ra Paul Richardson ngồi đâu đó trên chiếc ghế với cuốn A Month Of Sundays trong tay, cạnh đó là cuốn tự điển, cái bút chì, lâu lâu ngừng lại hí hoáy viết...

Nhưng được hơn nửa cuốn sách thì không thấy những hàng ghi chú nữa. Ông có đọc hết cuốn sách đó không? Ông hiểu hết những chữ khó ở nửa sau cuốn sách? Hay bực bội về văn chương của Updike, ông quăng cuốn sách đi và không bao giờ đụng tới nó nữa? Hay ông đã...

Tôi muốn gọi Bayview, Illinois hỏi thăm Paul Richardson. Mới có hơn hai mươi năm, có thể ông còn ở đó. Tôi muốn hỏi để biết thêm vài chuyện về ông và cuốn sách của Updike mà tôi rất thích, xem ông có thích nó như tôi không.

Nhưng tôi thấy không nên. Lỡ ông không còn nữa thì sao? Chuyện sẽ bớt hay đi.

Cũng như tủ sách của tôi, một ngày nào đó, chúng sẽ ra phơi mình ở chợ trời - nếu có chợ trời bán sách Việt Nam.

Và nếu có một cú điện thoại tương tự như cú điện thoại tôi định gọi cho Paul Richardson, thì khi nghe câu nói lạnh tanh của hãng điện thoại cho biết điện thoại đã bị cắt, người gọi chắc nản lắm.

Mà những cuốn sách tôi mang được từ Sài Gòn sang thì chở theo nhiều chuyện lắm... Nhưng nếu điện thoại chưa bị cắt thì kể có còn ai nghe nữa không?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 26 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Bạn hỏi tôi ghét ai nhất, tôi có thể nói ngay là tôi ghét các nhà làm tự điển nhất. Nhất là nhũng người viết những cuốn tự điển tôi có ở bàn làm việc và phải mỗi ngày gặp các vị này.

Thực ra nói ghét thì không đúng hẳn. Tôi cũng yêu họ lắm chứ. Tôi biết ơn các vị này rất nhiều vì những giúp đỡ của họ. Nhưng nhiều lúc thì cũng ghét họ không để đâu cho hết.

Bạn tưởng tượng cần đi gặp một người quen, sau khi lần mò mãi với tấm bản đồ, qua bao nhiêu con đường, rẽ phải, quẹo trái, trời thì tối, số nhà khó nhìn, tìm được đến nhà người bạn, gõ cái cửa hay bấm cái chuông thì được nghe, hay đọc một lời nhắn lại là người bạn đang ở một địa chỉ khác, cách đó vài con đường, đi tới đó mà gặp.

Bạn bực bội, quay ra xe, lại bắt đầu chuyến đi tìm một địa chỉ khác sau khi đã lặn lội đường xá xa xôi mất bao nhiêu thì giờ, chỉ để được biết là người bạn không có nhà. Nhưng ít ra, người bạn ấy không thể có mặt cùng một lúc ở hai địa chỉ. Chuyến đi tìm địa chỉ mới tuy gây bực bội nhưng người bạn không thể làm gì khác. Song nếu người bạn có thể có mặt ở cả hai nơi cùng một lúc nhưng vẫn bắt chúng ta tới địa chỉ kia mới cho gặp thì bực bội là phải. Ghét chàng cũng là có lý.

Và đó là trường hợp của những người soạn tự điển và việc làm rất khó chịu của họ. Chúng ta tới với các ông trong những lúc cần đến sự giúp đỡ của các ông nhất. Mà thường là những lúc "lửa tắt cơm sôi", những lúc cấp bách cần đến sự giúp đỡ càng nhanh càng tốt, thì các ông bước ra, bảo chúng ta đến một chỗ khác các ông sẽ giúp. Chúng ta lại phải chạy đôn chạy đáo đến một địa chỉ khác trong khi các ông có thể giúp chúng ta ngay lập tức, tại cái chỗ chúng ta vừa tìm đến sau khi mất bao nhiêu công sức đó.

Bạn tra một chữ, dò lần theo thứ tự ABC mãi mới kiếm ra được chữ ấy thì được cho biết đi kiếm một chữ khác vì chữ bạn vừa tìm được có nghĩa cùng với chữ kia, ở một trang khác.

Trò chơi này, ngay từ năm 1931, các cụ trong Hội Khai Trí Tiến Ðức khi soạn bộ Việt Nam Tự Ðiển đã bắt đầu biết chơi. Thí dụ ở trang 318 và 319, các cụ cho những người cần sự giúp đỡ của các cụ về vài cái định nghĩa chạy đôn đáo bao nhiêu chỗ khác nhau rồi cuối cùng các cụ mới chịu giúp.

Thí dụ bạn tìm được chữ "lờ lợ" thì các cụ không định nghĩa cho ngay mà bắt đi tìm chữ "lợ lợ" mới giúp. Ngay dưới đó, là chữ "lơi lả" thì các cụ chỉ cho đi kiếm chữ "lả lơi". Chữ "lỡi" thì phải đi kiếm chữ "lễ". Rồi "lơm" thì các cụ bảo xem "đơm". "Lờm lợm" đồng nghĩa vói "lợm lợm". "Lơn" thì phải kiếm "lan". "Lờn" phải tra "nhờn". "Lờn lợt" thì đi kiếm "lợt lợt" mà hỏi. "Lởn vởn" được cho biết là đồng nghĩa với "lảng vảng". "Lợp xợp" được cho biết là cùng nghĩa với "lớp xớp". "Lợt" đồng nghĩa với "nhợt" mà coi.

Những chữ ở cùng một vần, khác nhau cái dấu nặng hay dấu huyền thì còn dễ. Những chữ khác cả cách đánh vần của mẫu tự đầu thì mất thì giờ hơn. Người tra phải lật sang một vần khác mới được các cụ giúp chỉ bảo cho.

Tại sao các cụ không định nghĩa "lởn vởn" rồi cho biết là đồng nghĩa với "lảng vảng" và định nghĩa "lảng vảng" rồi ghi thêm là cùng nghĩa vói "lởn vởn"? Các cụ có biết cảnh đi tìm nhà, đến được căn nhà người bạn thì bị chỉ cho đi tìm ở một căn nhà khác khổ sở và bực bội đến chừng nào không? Trong đời các cụ, thế nào các cụ chẳng đã có lần gặp cảnh đó. tại sao các cụ không hiểu là trò chơi của các cụ trong cuốn tự điển cũng độc ác hệt như trò đi kiếm nhà, đến nơi phải đi thêm một chỗ khác nữa? Người bị các cụ làm khổ nghi là các cụ, khi làm công việc đó, các cụ chỉ muốn gây khó dễ cho bọn hậu sinh cần đến sự giúp đỡ của các cụ. À chúng mày cần chúng tao thì chúng tao "đì" - xem chữ "làm khó" - cho chúng mày biết tay chúng tao... Các cụ chỉ lừa lừa có được dịp là các cụ bảo chúng ta đi chỗ khác chơi ngay lập tức, các cụ thật là ác.

Cụ Thiều Chửu cũng không tốt với bọn hậu sinh tìm sự giúp đỡ của cụ. Trong cuốn Hán Việt Tự Ðiển của cụ, cụ cũng thỉnh thoảng bắt bọn tra tự điển của cụ đi tới cái địa chỉ khác. Sau khi tìm ra bộ, đếm được số nét, kiếm được đúng cái chữ ấy, thì cụ quăng cho một chữ khác khoảng vài chục nét cho mà đi tìm để mở mang đầu óc. Thí dụ kiếm được chữ "dịch" ở trang 589 thì cụ bảo đi kiếm chữ khác; kiếm được chữ "hưu" ở trang 642 thì cụ chỉ đi kiếm chữ khác, chữ "ngan" ở trang 643 thì cụ cho biết chữ ấy cũng giống như một chữ khác; chữ "tráng" được cụ chỉ cho là như chữ... cố mà kiếm lấy.

Cụ Thiều Chửu và tất cả các cụ trong Hội Khai Trí Tiến Ðức chắc không còn cụ nào còn sống cho đến ngày nay. Chứ các cụ mà còn sống, lại sang đây, chui vào học một lớp English As A Second Language, đụng phải đúng giáo sư là bạn thì vui biết chừng nào.

Thí dụ các cụ hỏi "negativity" là gì, thì bạn cứ xin các cụ kiếm "negativeness" là ra ngay. hay "nurserymaid" thì chịu khó đi kiếm "nursemaid""pleat" là "plait""residua" là số nhiều của "residuum" ...

Cứ vậy cho đi tìm cái địa chỉ mới mệt nghỉ luôn, cho chừa cái tật làm tự điển mà còn nghĩ cách làm khổ bọn thỉnh thoảng có việc nhờ đến các cụ.

Nói chơi vậy chứ tôi yêu các cụ vô cùng. Không có tự điển làm sao sống nổi bây giờ...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 26 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Tối hôm qua tôi nói chuyện với một người quen ở xa bằng điện thoại. Nói xong một lúc sau, tôi vẫn thấy còn vang vang trong tai một câu nói của ông, câu nói thực ra cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, một câu có thể trong đời, tôi đã từng nghe hàng trăm, hàng vài trăm lần. Nhưng hôm qua, câu nói của ông cứ dội đi, dội lại mãi ở trong tai không thôi.

Ông kể là ông có đi học một thứ nhạc khí nào đó, nhân lúc ông đang nói với tôi về âm nhạc, và vừa mới đề cập qua về thứ nhạc khí mà ông nói là ông biết sử dụng, ông nói thêm một câu nữa để đảm bảo cho điều ông vừa nói: "...Không tin, cứ đi hỏi mà coi..."

Và chính cái câu cuối đó cứ vang vọng lại mãi. Chúng tôi tiếp tục nói chuyện với nhau thêm vài phút nữa. Nhưng sau câu nói đầy thách đố người nghe cũng như đầy nỗ lực đảm bảo cho sự thành thực của người nói, tôi không còn đầu óc để theo dõi được đoạn đối thoại kế tiếp nữa. Chuyện nhạt dần, chúng tôi chào nhau, bỏ máy xuống.

Ông bảo tôi là nếu không tin ông có học và sử dụng được hồ cầm, thì tôi có thể đi hỏi.

Nhưng tại sao ông lại nghĩ ngay rằng tôi không tin ông? Ông có thể chơi hồ cầm hay hoặc dở, ông có thể không biết cái hồ cầm là cái gì hoặc giả ông có đi học để sử dụng nó với ai, hay không đi học mà vẫn biết chơi loại nhạc cụ này, vì ông có năng khiếu đặc biệt cộng thêm cái tai nhạc (musical ear) thì tôi cũng hoàn toàn không thắc mắc.

Nhưng nếu tôi muốn biết thực sự ông đã có học hay không hề học loại nhạc khí này, thì tôi phải làm gì? Ông đề nghị tôi đi hỏi. Nhưng tôi sẽ đi hỏi ở đâu? ở trường quốc gia âm nhạc Sài Gòn, ở Conservatoire de Paris, ở nhạc viện hoàng gia Anh, ở trường nhạc Mạc Tư Khoa?

Tại sao ông lại làm khó tôi như thế? Muốn biết chuyện ông có học hồ cầm hay không, tôi sẽ phải đi tới một trong những chỗ như thế. Ông không có bất cứ một bằng cớ nào để chứng minh rằng ông nói thật, thí dụ như một buổi trình diễn, một cái bằng tốt nghiệp. Ông bắt tôi phải đi hỏi để tìm ra sự thật về câu nói của ông.

Mà đi đâu để hỏi thì cũng đều khó cả. Tưởng tượng lặn lội sang tận âm nhạc viện Paris, gõ bao nhiêu cửa mới đến được văn phòng của nhạc sĩ trưởng ban hồ cầm, rồi còn phải đem hết kiến thức tiếng Tây còm cõi của mình ra để hỏi người nhạc sĩ già đó rằng có phải ông bạn tôi trước đây đã có lúc học hồ cầm với trường nhạc Paris hay không... Và tưởng tượng người nhạc sĩ già kia phải đứng dậy, phủi đống bụi bám đầy trên tủ hồ sơ, kiếm mãi mới ra tên của ông, kế đó, quay ra xác nhận với tôi rằng ông bạn tôi quả có học ở âm nhạc viện quốc gia Pháp.

Thì sao? Ừ, thì sao? Thì tôi có thể tin người bạn tôi đã nói thật khi ông nói ông học chơi hồ cầm. Tình bạn của chúng tôi không có bất cứ gì thay đổi. Bạn tôi vẫn thỉnh thoảng gọi điện thoại cho tôi để nói chuyện trên trời, dưới đất.

Nhưng nếu người nhạc sĩ già ở âm nhạc viện Paris không tìm ra tên của ông trong số những nhạc sinh của trường, rồi lắc đầu, nhún vai nói với tôi rằng bạn tôi là người nói phét, trông cái hồ cầm nhiều khi lại ngỡ là cái hamburger, hay cái lược chải đầu thì sao? Mất bao nhiêu công, tốn cả ngàn bạc để chỉ tìm ra sự kiện bạn mình là người nói phét giàn trời thì khổ biết là chừng nào. Tôi sẽ đi về với một hiểu biết mới về bạn mình, và nợ cái thẻ mua chịu thêm hơn một ngàn Mỹ kim.

Thế thì chán quá.

Nhưng có thể cũng chưa chán bằng việc tôi sẽ chán tôi vô cùng vì những việc làm đó.

Tôi phải là một người tâm trí không bình thường lắm mới vừa nghe ông nói xong là tất tả chạy đi xin chiếu khán nhập cảnh nước Pháp, xin phép sở nghỉ vài bữa, mua vé máy bay, rút một ít tiền từ trương mục tiết kiệm để vội vàng sang thủ đô Paris phối kiểm điều ông nói.

Một người như vậy trông chắc tội nghiệp lắm. Hỏi và biết rằng bạn mình nói đúng đã là nực cười. Ði vài ngàn dặm để được thông báo rằng bạn mình nói phét thì lại càng bi đát hơn. Biết được điều đó, chạy về nói với bạn mình rằng tôi biết ông nói phét, tôi vừa đi hỏi ở âm nhạc viện Paris về, thì chắc chắn ông bạn kia sẽ được một trận cười có thể chết được.

Thế rồi lỡ ông ta quay lại nói rằng ai bảo ngu, tốn tiền, tốn thời giờ là đáng đời lắm.

Mà ngu thật, và cũng đáng đời thật: người ta nói như thế là chạy đôn chạy đáo đi hỏi ngay.

Nhưng tại sao người ta lại nói những câu như thế, những câu tưởng là sau khi rời khỏi bậc tiểu học, ngồi ta phải bỏ lại ngay ở cái bàn đầy vết mực tím đó chứ tại sao đã quá cái tuổi tri thiên mệnh rồi mà vẫn còn lôi nó ra dùng?

Bạn tôi, tuy thế cũng không phải là người duy nhất biết thề thốt như vậy. Một người khác, sau khi cho biết nhà của bà là một căn nhà mới, cái gì cũng mới hết, bà nói thêm rằng: "Ông lại nhà tôi, thấy cái gì cũ cứ đánh tôi..."

Câu của bà là một câu đầy nét mời gọi bạo lực. Vì lẽ muốn hành hung thì cũng dễ thôi. Thiếu gì đồ... cũ ở nhà.

Nhưng mấy câu thề thốt như vậy, nghĩ cho cùng, cũng lại là những câu hay tuyệt. Hay vì những người dùng chúng vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, cái tuổi chúng ta đánh mất đã từ lâu lắm.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 28 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Thấm thoát sang năm, năm 1999, Barbie, niềm mơ ước thầm kín của đời tôi và mục tiêu ganh ghét của rất nhiều phụ nữ về kích thước 42-20-40, những kích thước có người đã nói là không ai có thể có được trên đời này - the impossible vital statistics - sẽ bước vào tuổi tứ tuần.

Ai mà tưởng tượng ra được Barbie 40 tuổi? Tôi thì không. Với tôi, nàng vẫn tre trung như cũ, như suốt bốn thập niên qua, như khi tôi thấy nàng hồi tuần trước ở một tiệm đồ chơi khi vào mua mấy lọ sơn cho cái máy bay nhỏ đang lắp.

Nàng vẫn hệt như lần xuất hiện đầu tiên trong bức hình chụp tại Toy Fair năm 1959. Lần ấy, Barbie mặc đồng phục tiếp viên phi hành, nhưng vẫn cho thấy đôi chân Angie Dickinson với những kích thước 42-20-40 không ai có thể có được.

Barbie là người luôn luôn làm mới được mình, thỉnh thoảng lột xác để trở thành một Barbie mới. Năm 1974, Barbie trở thành phi hành gia không gian, năm 1992, Barbie ra tranh cư tổng thống và năm 1997, nàng ngồi xe lăn... Ðấy là không kể tới những lần Barbie làm nha sĩ như trong phòng răng của cô em tôi, làm y tá, làm một party-girl lái Corvette mầu hồng, lúc lại áo dạ hội kim tuyến sáng lóng lánh...

Nhưng bây giờ, Barbie sắp tứ tuần, cái tuổi ghê khiếp từng kéo biết bao nhiêu phụ nữ xuống trạng thái ưu sầu, Barbie không thể chỉ thay bộ quần áo kiểu mới, là lại tiếp tục trở về tuổi của năm 1959, để tiếp tục làm Drew Barrymore, Mira Sorvino... được nữa. Barbie vẫn có thể làm mới lại mình để thành một phụ nữ bốn mươi tuổi mà không cần phải sáng sáng viên Prozac chống depression.

Isabella Rosellini, con gái của Ingrid Bergman, vừa qua tuổi bốn mươi thì Lancôme cũng chấm dứt hợp đồng quảng cáo của cô, nhưng người phụ nữ rất đẹp này cho thấy vẫn còn đời sống sau tuổi bốn mươi bằng cách tung ra một loạt mỹ phẩm dùng cho tuổi của nàng.

Thế thì tại sao lại phải chống cái tuổi bốn mươi ấy? Không chống mà cũng không thách thức như Melanie Griffith trong cái quảng cáo nọ... Defy it...

Không thách thức, cứ chấp nhận như Isabella Rosellini.

Mattel, công ty sản xuất búp bê Barbie không thể tiếp tục để Barbie ở mãi cái tuổi cách đây bốn mươi năm như nhiều phụ nữ ngoài đời vẫn cố làm một cách tuyệt vọng.

Hãy cho Barbie đeo kính hai tròng, hay kính nửa tròng trễ xuống trên sống mũi. Martha Stewart cũng đeo kính nửa tròng đấy. Có sao đâu. Tại sao phải nheo mắt, rồi than thở cái tay ngắn quá, đưa ra hết chiều dài vẫn không đọc thấy gì cả. Làm tay dài ra thì lại giống đười ươi mất. Ðeo cái kính lão vào coi có đọc được không nào.

Hãy tung ra một Barbie mới để ấn nhẹ vào bụng, thì mặt đỏ lên, những giọt mồ hôi lấm tấm hiện ra trên trán, trên thái dương trong lúc nhiệt độ trong nhà thì mát lạnh. Barbie bốn mươi tuổi thì chuyện này thường lắm.

Cũng có thể tung ra một Barbie với một hàng ria nhạt ở môi trên và hai má từ thái dương kéo xuống. Các hormone hoạt động lộn xộn thì phải vậy. Matell nên kèm cho Barbie này cái nhíp và những thứ cần để làm facial chẳng hạn.

Quần áo cho Barbie mới cũng nên có cái tay áo rộng một chút. Ở tuổi bốn mươi mấy, những cơ ba đầu (triceps) ở cánh tay trên bắt đầu chùng xuống, gió thổi có thể bay phấp phới, nên che lại bằng tay áo rộng. Chớ mặc áo sát nách. Chiều dài của váy cũng nên cho chùng xuống. các tĩnh mạch ở bắp chân giãn ra, nổi lên, chạy vòng vèo nên được che lại. Ðừng cho mặc mini tớn tác làm phiền hàng xóm cần sự yên tĩnh nghỉ ngơi. Rất không nên.

Cũng nên có một Barbie của cơn khủng hoảng giữa đời (midlife crisis) với những cơn khó cười vô cớ, giận hờn vô lý.

Kiếm cho Barbie một anh kép trẻ. Ðã đến lúc quăng Ken đi là vừa. Hay để cho Ken đi với Bob, anh chàng đồng tính luyến ái cho vui đời. Một Barbie menopause mãn kinh, hồi xuân tha hồ bắng nhắng.

Như vậy, năm 1999 sẽ có thể là một năm hết sức tốt lành cho tuổi bốn mươi của Barbie.

Tôi vẫn yêu Barbie như lần đầu tiên thấy Barbie trong bộ đồng phục mầu xanh nước biển bốn mươi năm trước.

Không biết hai mươi, ba mươi năm nữa Barbie có chịu vào nursing home với người đàn ông già Á châu này không? Hay nàng vẫn tiếp tục là một con búp bê ngựa giàn trời đất của bây giờ?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 28 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Ông Clinton mấy tuần trước đã tự nhận ông là một chuyên viên về xin lỗi, sau khi ông phải đi khắp nơi để nói rằng ông ân hận về những việc làm mà ông nói là không chính đáng trong những giao tiếp với Monica Lewinsky, rồi lại chối phăng gây tốn kém và kéo dài cuộc điều tra một cách không cần thiết và làm cho công việc mà người dân Mỹ trao phó cho ông cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nghe ông nói như thế, những người tội lỗi đầy người đã nghĩ ngay đến việc khuyến khích ông Clinton mở một văn phòng dịch vụ chuyên đi xin lỗi hộ cho những người khác, như kiểu mấy chuyên viên khóc mướn, đòi nợ thuê ở xã hội xưa kia của chúng ta ở Việt Nam, để có dip hay nếu cần, nhờ ông đi xin lỗi hộ.

Thí dụ ông có thể được chính phủ Nhật thuê đi khắp Ðông Nam Á xin lỗi về những việc làm không tử tế lắm của quân đội Thiên Hoàng hồi những năm trước và trong thời đệ nhị thế chiến, mà cho đến nay, Ðông Kinh vẫn chưa chịu nhận lỗi. Hay ông cũng có thể nhận lãnh công việc đi xin lỗi hộ những người da trắng ở Nam Phi trong những năm Nam Phi còn sống dưới chế độ phân chủng - apartheid - về những điều mà người da trắng đã gây ra cho người da đen chẳng hạn...

Cơ hội kiếm tiền của ông không phải là ít.

Nhưng dường như nhiều người ở Mỹ vẫn chưa hài lòng với những lần xin lỗi của ông, nói rằng ông chưa hết lòng trong những lần xin lỗi đó. Họ cho rằng ông chưa nói hết ra sự ân hận, nếu có thực, của ông. Người ta đòi ông phải nhiệt tình thêm nữa.

Hôm nay, một nghiên cứu sinh của đại học Harvard có dề nghị một bức thư mà ông Clinton có thể viết để gửi đi, thay thế cho những lần lên truyền hình, diễn xuất cảnh xin lỗi nay nước Mỹ đã quá quen, quen còn hơn cảnh ông đưa ngón tay, mặt nghiêm trọng nói là ông không hề có liên hệ tình dục với người đàn bà ấy, Monica Lewinsky - I did not have sexual relations with that woman - mà các chương trình của Jay Leno và David Letterman gần như tối nào cũng lôi ra chiếu lại.

Paul de Sa viết một bức thư với những đoạn để trống cho độc giả, những người còn đôi chút hậm hực với ông Clinton, cho rằng ông chưa xin lỗi đủ, có thể điền khuyết cho hợp nghĩa và hợp với những điều mình muốn nghe mà chưa thấy ông Clinton nói ra trong những lần xin lỗi vừa qua.

Ðọc bức thư của Paul de Sa, người đọc tùy nghi chọn lấy một trong hai hay ba đề nghị mà Paul de Sa đặt trong ngoặc.

Bức thư dùng tiêu đề tòa Bạch Ốc nguyên văn như thế này:

Thưa (Ông / Bà / em (?) Hillary)

Tôi viết lá thư này để đích thân xin lỗi về những (điều đau đớn / điều nhục nhã / điều sướng khoái) diễn ra trong tám tháng qua đã gây ra cho (Ông / Bà / em (?) Hillary).

Tôi muốn là người (đầu tiên / cuối cùng) nhìn nhận rằng liên hệ của tôi với cô (Gennifer Flowers / Paula Corbin Jones / Monica Lewinsky) là không chính đáng. Thực ra, mặc dầu những việc làm đó (rất đã đời / hợp pháp về mặt kỹ thuật) nhưng tôi vẫn coi đó là một thất bại của cá nhân tôi, vì nó, (tôi / cái tính khó bỏ của tôi / truyền thông, báo chí) phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, và tôi hứa (không bao giờ / thỉnh thoảng / thường xuyên) tái phạm.

Tôi biết rằng những (những lời khai không đúng / những câu tuyên bố công khai / sự im lặng) của tôi về nội vụ có thể đã tạo ra một ấn tượng sai lầm mà tôi rất lấy làm tiếc. Nhưng nay là lúc phải tha thứ. Sự thực tôi đã tha thứ cho tôi, và hy vọng là (quý vị / Quốc Hội / công tố viên Starr) sẽ làm theo điều tôi đã làm mà tha thứ cho tôi. Chúng ta cần phải trở về với (đời sống bình thường của nước Mỹ / những vụ oanh tạc các nước nhỏ / quyên góp, gây quĩ cho đảng) và để chuyện này yên nghỉ giữa tôi, và những người tôi yêu mến nhất đó là (gia đình tôi / những chuyên viên thăm dò dư luận quần chúng) và (Thượng Ðế / luật sư) của chúng ta. Xin quý vị yên tâm là tôi sẵn sàng làm (bất cứ chuyện gì / mọi chuyện, trừ việc từ chức) để tìm lại đời sống riêng tư của tôi cho (chính tôi / tập hồi ký tôi sẽ viết).

Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong khi phải đối phó với những vấn đề rất riêng tư này, một công việc chiếm gần hết thì giờ của tôi, nhưng việc đó không hề ảnh hưởng tới khả năng thi hành các trách nhiệm công, các nhiệm vụ của chức vụ tổng thống của tôi. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cám ơn trước các quý vị đã gửi (lời cầu nguyện / đóng góp tài chính cho quỹ biện hộ cho tôi / tiền bản quyền ứng trước cho cuốn hồi ký tôi định viết) trong lúc quốc gia đang có những nhu cầu cấp thiết này.

Thành thật (thách đố / ân hận)

William J. Clinton (tổng thống Hoa Kỳ / tổng thống Mỹ từ năm 1992 đến năm 1998)

Ðó là bức thư đề nghị của Paul de Sa mà tôi đoc được trên tờ New York Times hôm nay.

Nhưng một lá thư xin lỗi không thể viết theo kiểu one size fits all như những cái mũi plastic của các chuyên viên thẩm mỹ đặt lên tất cả mọi khuôn mặt hết sức (để nguyên đã) khả ái của các phụ nữ bất kể nó có hợp hay không.

Mỗi cái mặt cần một cái mũi khác, cũng như mỗi người, mỗi trường hợp cần một lời xin lỗi khác.

Không thể xin lỗi theo kiểu sửa sắc đẹp như vậy được.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 28 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Khi một chuyện tình chấm dứt, bất kể nhỏ hay lớn, rất ít khi có được một đoạn kết nhẹ nhàng.

Có nhẹ nhàng mấy đi nữa, thì cũng phải như tựa đề một bài thơ của Du Tử Lê: "Em khoan thai trả áo quần lại tôi." Nhẹ nhàng là ở hai chữ "khoan thai". Nhưng "khoan thai" thì cũng vẫn có nghĩa là một đống quần áo được đem lại để trước một địa chỉ nào đó. Không nhẹ nhàng thì đống quần áo được gửi cho một chiếc xe rác, một trung tâm tái chế biến (recycling) hay một văn phòng từ thiện. Nặng hơn thì những cái quần chỉ còn một ống, những cái áo chỉ còn một tay, những chiếc ca vát chỉ còn một nửa.

Những món khác như sách vở, giấy tờ thì cũng được cho đi ra nằm ở một hố rác ngoại ô. Hình người trong những bức ảnh biến thành những con quỉ cụt đầu. Căn nhà được khử trùng sạch sẽ, thảm được giặt, cái cây trồng trước cửa bị đào lên. Tất cả mọi dấu tích bị bôi, tẩy, xóa sạch. Rơi rớt lại dẫu chỉ một chút cũng làm bẩn cuộc đời của phía bên này.

Thường thì là như thế.

Nhưng cũng có khi không vậy. Ðời sống bao giờ cũng có một số ngoại lệ. Ðó là trường hợp những gì phía bên kia để lại đều được giữ hết. Không thiếu một món gì. Những bức họa, những mảnh giấy nguệch ngoạc, chiếc hộp quẹt, tờ thực đơn trên đó có vài nét vẽ. Luôn cả một miếng giấy có dính chút máu của người kia cũng vẫn được giữ lại trong suốt hơn một nửa thế kỷ, từ khi người bỏ ra đi.

Có một người đàn bà đã làm như thế, đã trở thành một ngoại lệ. Người phụ nữ hiếm hoi này tên là Dora Maar, vừa qua đời cách đây 3 tháng ở Paris hưởng thọ 89 tuổi.

Hồi còn trẻ chắc bà phải là người đẹp lắm, nhất là trong khoảng những năm từ giữa đến cuối thập niên 30. Nhưng nếu chỉ biết bà qua những bức chân dung ghi lại trên khung vải - 7 bức tất cả - bàng nét cọ của người họa sĩ tình nhân của bà thì ít người nghĩ bà là người đẹp.

Thí dụ như bức chân dung được đặt tên là Người Phụ Nữ Khóc vẽ năm 1937 chẳng hạn. Ðôi mắt của Dora được vẽ thành những giọt nước mắt với những chiếc kim nhọn đâm xuyên qua. Chi tiết của bức phác thảo chân dung này sau đó được đưa vào họa phẩm Guernica với hai mầu đen và trắng mà họa sĩ dùng để bầy tỏ sự phẫn nộ của ông khi máy bay oanh tạc của Ðức oanh tạc ngôi làng cổ ở phía bắc Tây Ban Nha.

Bức chân dung mang tên Dora Maar Với Những Móng Tay Xanh cũng không khá hơn bao nhiêu. Người phụ nữ trong tranh tựa cằm trên những ngón tay sơn mầu xanh lá cây, tóc bện kết ép sát một bên mặt.

Dora Maar sống với Pablo Ruiz Picasso không tới 10 năm, từ khi bà sắp bước sang tuổi 30, năm 1936, năm mà hội họa của Picasso đã từ bỏ những thời kỳ xanh, thời kỳ hồng để bước vào lập thể. Mấy năm sau, Picasso gặp Françoise Gilot, một phụ nữ trẻ hơn Dora, và ra khỏi cuộc đời của Dora. Từ đó, Dora cắt đứt hầu như tất cả mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, ít khi bước ra khỏi căn apartment ở Rue de Savoie, không bao giờ ở với một người đàn ông nào nữa.

Những thứ Picasso để lại được giữ nguyên, cho đến lúc Dora qua đời và mới đây, được đem bán đấu giá. Dora không có ai thân thuộc thừa kế. Chính phủ Pháp tìm mãi mới ra được 2 người liên hệ xa xôi với Dora. Số tiền thu được tương đương với gần 70 triệu Mỹ kim sẽ được dùng để trả thuế, còn lại, được chuyển cho hai người liên hệ họ tộc với Dora.

Như vậy, Dora Maar giữ lại những kỷ niệm của người đàn ông tệ bạc đó chẳng phải là nghĩ sẽ có ngày chàng nổi tiếng, không còn sống lây lứt bên tả ngạn sông Seine, bánh mì nước lã qua ngày, họa phẩm của chàng có giá, nàng thỉnh thoảng đem ra bán một bức cho bõ ghét. Dora Maar giữ lại những kỷ niệm của mối tình (dẫu tệ bạc) cho đến khi chết cũng vẫn không rời. Luôn cả một mảnh giấy với một vết nâu đậm và hàng chữ "Sang de Picasso". Chút máu của chàng. Dora chỉ rời chúng sau khi rời cuộc đời bi thảm của bà.

Những người như Dora Maar làm người ta tin vào những sự tốt đẹp nhất của đời sống. Ðời sống vẫn còn những người như Dora Maar. Có những người như Dora Maar, đời sống này không có thể chỉ toàn những điều xấu xa, tàn tệ.

Nhưng biết để mà biết thôi. Chỉ những người đàn ông dại dột mới đem chuyện này ra kể ở nhà. Bởi lẽ kể xong, thì sẽ được nghe ngay một câu nói đại khái "...ừ, thì tôi tồi tệ hơn Dora Maar đấy... Nhưng ông có là Picasso bao giờ đâu. Cứ thử làm Picasso đi, xem đây có là Dora Maar không nào..."

Nhưng vì phía bên kia không là Dora Maar thì bên này làm thế nào là Picasso, là Hemingway, là Steinbeck, là Faulkner cho được...

Chuyện ấy mà xẩy ra thì không thể có chuyện "em khoan thai trả áo quần lại tôi" được. Ðã có ông luật sư hung ác đứng cạnh em từ lúc nào rồi ấy chứ.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 28 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Khoảng hai mươi năm trước, tại mấy lớp tiếng Anh tôi phụ trách, tôi đã làm vài ba việc mà nay nghĩ lại, tôi ân hận vô cùng. Ân hận là vì những việc làm đó, các học viên trong các lớp tiếng Anh của tôi có thể sẽ gặp khó khăn với pháp luật, nếu họ đem những điều học được ra dùng trong một chuyến đi tới quận Arenac của tiểu bang Michigan chẳng hạn.

Tôi nhớ một hôm trong một cái siêu thị ở đây, tại quầy trả tiền, tôi thấy một đồng bào của tôi, không biết làm gì trước đó, đang bị một người đàn ông Mỹ văng đủ các thứ tục tĩu vào mặt. Người đàn ông tị nạn này cứ tươi cười mà "Thank you! Thank you!" rối rít. Hôm sau, cũng là ngày cuối khóa học, tôi quyết định phân phát cho học viên của tất cả các lớp tôi dậy 5 trang Xerox gồm toàn những tiếng chửi thề tục tĩu nhất trong tiếng Anh lấy từ cuốn ESL Resource Book. Tôi sợ rằng những người đàn ông đàn bà tử tế mà ngôn ngữ chính không phải là tiếng Anh lại phải cám ơn những người như ông Mỹ nọ trong chợ mà không biết trả lại cho đầy đủ những thứ vừa được ông ta ném về phía mình.

Những trang Xerox đó là bài học cuối cùng linh động nhất, lý thú nhất của khóa học. Ai cũng mong có ngày đem những điều học được ra dùng với đời. Nghĩ lại, tôi không mong như vậy chút nào.

Vì ở tiểu bang Michigan, chỉ cần dùng chưa hết những chữ trong 5 trang Xerox tôi phát cho họ, mà một người đang bị đưa ra tòa và có thể bị tới 90 ngày tù và $100 tiền phạt.

Timothy Boomer 24 tuổi ở Roseville, Michigan, trong một chuyến bơi thuyền tại quận Arenac, đã bị cảnh sát biên cái giấy đòi phải ra hầu tòa vì văng ra vài câu chửi thề tục tĩu. Mà khi văng chúng ra, Timothy Boomer cũng không có chủ đích gửi chúng tới ai hết. Chàng không mời bất cứ ai ăn một thứ của ngon vật lạ nào, không cầu mong cho ai gặp phải những điều bất hạnh nào, cũng không đòi có những sinh hoạt tình dục với ai, hay với thân sinh, thân mẫu của bất cứ ai hết...

Nguyên trước đó, Timothy đang bơi chiếc ca-nô của chàng trên sông Rifle thì bị sóng làm lật. Timothy bị quăng xuống sông. Trong lúc tìm cách ngoi lên ca-nô trở lại, Timothy nổi quạu, văng ra vài câu chửi thề. Timothy không tiết lộ những câu đó là câu gì, nhưng tôi nghĩ trong trường hợp đó, nếu phải văng ra vài ba câu, chắc phải là những câu xúc phạm tới thân mẫu của cái ca-nô, cái thuyền gỗ. Quạu nhiều hơn thì xúc phạm thêm thân mẫu của dòng sông, thân mẫu của cái bơi chèo, của sóng, của nước sông lạnh, của chỗ nước xoáy...

Chuyện nổi quạu của Timothy hoàn toàn có lý và có thể hiểu được. Vì không có một bàn tay người nào gây ra thảm họa cho chàng, nên không một gia đình người nào gần đó bị xúc phạm. Tức cái ca-nô thì phải... lôi má của cái ca-nô ra chứ.

Nhưng một bộ luật có từ 101 năm nay tại tiểu bang Michigan có ghi rõ là không được chửi thề, văng tục ra trước phụ nữ và trẻ em. Và không may cho Timothy là lúc chàng văng ra những câu bực bội kia, thì gần đó, có một số phụ nữ và trẻ em. Ba cảnh sát viên đứng trên bờ gọi Timothy lại, đưa cho cái giấy đòi ra hầu tòa, và ngày 25 tháng giêng tới đây, Timothy sẽ phải ra tòa lần thứ hai.

Luật sư của Timothy Boomer cho biết sẽ xin tòa miễn tố vì Timothy chỉ sử dụng quyền tự do ngôn luận được Tu Chính Án số Một của hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ. Nhưng các công tố viên ở Arenac thì nhất quyết cho rằng những gì Timothy thốt ra trên sông Rifle không phải là "ngôn ngữ" vì nó không là sự bầy tỏ của một ý kiến hay một tư tưởng (not speech because it was not an expression of an idea or thought) do đó, không thể nại tự do ngôn luận ra ở đây.

Thực ra, Timothy bị đưa ra tòa vì văng những thứ không đẹp ra trước mặt phụ nữ và trẻ em. Bộ luật ban hành hơn một thế kỷ trước có mục đích bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhưng đó là phụ nữ, trẻ em của một trăm năm trước, khi hai nhóm này không biết chửi thề, nói năng còn tử tế, văn học nghệ thuật rất nhiều. Ăn nói như vậy thì cần được bảo vệ là phải.

Nhưng thế giới từ đó đã tiến rất nhiều, những điều trước đây chỉ có đàn ông dám làm thì nay, phụ nữ và trẻ em làm còn giỏi hơn rất nhiều. Phụ nữ (Mỹ) ngày nay chửi thề, văng tục và nói tục hay vô cùng. Thỉnh thoảng lái xe ngoài đường, trông thấy ngón tay giữa của người phụ nữ lái xe phía trước giơ lên là những người đàn ông lái xe đi sau mừng chết ngất được.

Luật sư của Timothy lập luận rằng những điều người thanh niên 24 tuổi này hét lên trên sông không phải là những điều tục tĩu. Trong thời đại của MTV, của những chương trình talk show của James Springer, của Howard Stern, và luôn cả tập phúc trình của công tố viên Kenneth Starr... thì mấy câu mà Timothy thốt lên đã nhằm nhò gì.

Nhưng công tố viên thì nhất định truy tố Timothy Boomer. nói rằng những tiếng la thét của Timothy cách 1/4 dặm vẫn còn nghe rõ mồn một.

Thế thì tại sao lại không phạt Timothy về tội làm ồn? Mấy câu giận giữ ném vào cái ca-nô thì đã ăn thua gì so với những điều chúng tôi thỉnh thoảng được nghe? Mà về sự to tiếng thì chưa chắc Timothy đã hơn những tiếng nói mà chúng tôi quen biết.

Ðúng là mất thì giờ vô ích.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 28 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Tôi không biết nấu bếp. Cả đời tôi chưa bao giờ nấu nổi một bữa, hay dám nấu lấy một bữa, dù cho là một bữa hết sức giản dị cho chính mình, vì tôi nghĩ trong đời sống này, dẫu có thế nào thì ít nhất chúng ta cũng vẫn phải tử tế với mình một chút. Ðem tài nấu nướng ấy ra đối đãi với mình là vi phạm nhân quyền thấy rõ.

Nhưng mới đây, tôi tin rằng nhất định tôi vẫn còn giỏi bếp nước hơn một số người.

Hôm ấy, cùng mấy người bạn khác, chúng tôi ngồi nghe một đĩa CD của các nghệ sĩ trong nước sản xuất. Một trong những bài trong đĩa hát mà chúng tôi rất thích, là bài hát ru của miền Bắc. Bài hát ru này gồm vài ba khúc ca dao quen thuộc được trộn lẫn với nhau. Giọng nữ là của T.H. Cô ngâm rất hay, nhưng có một đoạn, sau khi nghe đi nghe lại mấy lần, tôi quả quyết hoặc cô ngâm sai, hoặc nếu cô ngâm không sai, thì cô hoàn toàn không biết nấu bếp.

Bài hát ru có một đoạn tôi tin là bạn đã nghe vài lần trong đời:

Con cò mà đi ăn đêm
Ðậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con

Trong đĩa CD đó, T.H. ngâm là:

Cái cò mà đi ăn đêm
Ðậu phải cành mềm 
nhào cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi 
vào
Ông nỡ
 lòng nào ông hãy 
xào măng
Có 
xào thì xào nước trong
Chớ 
xào nước đục đau lòng cò con...

Những chữ gạch dưới là dị bản của những câu chúng ta nghe trong những năm thơ ấu. Những khác biệt không quan trọng lắm như bạn cũng đồng ý với tôi. "Con cò" hay "cái cò" thì cũng thế. "Lộn cổ" hay "nhào cổ" thì cũng cùng là một hành động. "Vớt tôi vào" hay "vớt tôi nao" và "tôi có lòng nào" hay "ông có lòng nào" thì giải thích sao cũng vẫn có thể nghe được. Nhưng món XÁO mà chúng ta vẫn được nghe mà bị đổi thành XÀO trong bản ngâm của đĩa CD thì không được. Và đó chính là chi tiết khiến tôi nghĩ là vẫn còn có người dở bếp nước hơn tôi.

Không thể là XÀO được. Phải là XÁO. XÀO là không biết nấu bếp.

Con cò bị bắt và nó biết số phận của nó ngay sau khi lộn cổ xuống ao. Nó biết nó sắp bị hóa kiếp. Nhưng nó vẫn cố gắng năn nỉ, hy vọng được tha để về vói lũ con nhỏ mà nó phải đi kiếm ăn ban đêm về nuôi. Nó nói với người bắt nó rằng nó "có lòng nào", nghĩa là nó có ăn ở không tốt đẹp, không tử tế, thì người hãy giết nó. Nhưng nó hiểu nó "có lòng nào" thật. Ðó là bộ... đồ lòng của nó. Nó sẽ không trở về được với bầy con nữa. Nhưng nó vẫn đưa ra một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, là xin được chết cho trong sạch. Nó xin được nấu bằng nước trong. Người ta ngờ lời của bài ca dao, bài hát ru này là của một nhà nho tiết tháo muốn giữ tấm lòng trong sạch mãi của mình đến lúc chết để khỏi phải ra với nhà Nguyễn như Nguyễn Du, hay với nhà cầm quyền thuộc địa Pháp sau đó. Con cò xin được nấu bằng nước trong cho sự hóa kiếp của nó được sạch sẽ, thơm tho. Nhưng dùng nước trong để nấu thì không thể là món xào được. Xào là dùng chảo và mỡ như Việt Nam Tự Ðiển Khai Trí Tiến Ðức và Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ đã ghi. Xào không dùng nước. Nhưng xáo thì có dùng nước. Xáo là nấu thịt lẫn với các thứ rau (Khai Trí Tiến Ðức) rồi chế nước vào, để lửa riu riu (Lê Văn Ðức).

Trong món xáo, nước là thứ phải có. Không có nước thì không thành xáo được. "Mười voi không được bát nước xáo." Câu này cho thấy phần chính, phần quan trọng nhất trong món xáo không thể không có là nước. "Nói lời lại nuốt lấy lời / Một lưng bát xáo, mười voi chẳng đầy" là một lối diễn tả khác của câu "mười voi không được bát nước xáo."

Do đó, con cò xin được "xáo" bằng nước trong chứ không xin được "xào" bao giờ.

Cô T.H. trong đĩa CD nhất định chưa biết "xáo" là gì, và "xào" là gì nên mới ru nhu thế. Chịu khó vào bếp hay đi ăn tiệm nhiều thì phải biết. Như vậy, trên đời vẫn còn có những nhà ngoại giao trong bếp, nhà kinh tế học trong phòng ngủ, trong khi đáng lẽ phải là nhà kinh tế học trong bếp, nhà ngoại giao trong phòng khách, còn cái giống người gì trong phòng ngủ như những ước ao của những người đàn ông mà tôi không thể nhớ hết. Tại là nhà ngoại giao trong nhà bếp như thế nên mới... "xào" nước trong có phải không?

Thế thì bếp nước có hơn gì chuyên viên TV dinner này đâu!

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 1 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Như vậy là bất kể những khó khăn kinh tế, tài chính của Á châu, của nước Nga, những giảm sút kinh hoàng của chỉ số trung bình Dow Jones ở thị trường chứng khoán bất kể chuyện Bắc Hàn phóng thử phi đạn Taepodong-1 với tầm hoạt động xa hơn mọi loại phi đạn trước đây của Bình Nhưỡng, người Mỹ vẫn có những ưu tư khác cấp bách hơn rất nhiều.

Thí dụ như hôm nay, mục Dear Abby có đăng bức thư của một độc giả hỏi ý kiến để làm sao đeo cái thắt lưng cho đúng cách. Ông độc giả viết lá thư cho biết ông là người có học, luôn luôn mặc quần áo chững chạc để đi làm, và khi đeo cái dây lưng, thì ông bao giờ cũng đeo nó xuôi theo chiều kim đồng hồ, cái khóa hướng về phía trái, và phần đuôi của dây lưng hướng về bên phải. Ông tưởng ông ăn mặc như vậy là đúng kiểu lắm. Nhưng mới đây, ông lại nghe ông cụ ở nhà nói rằng đeo như vậy là không phải, phải đeo ngược lại mới đúng cách. Ông liền viết thư hỏi Abigail Van Buren, và Abby, sau khi đi hỏi mấy tiệm quần áo, thì trả lời rằng đeo dây lưng theo kiểu của ông cụ nói mới đúng.

Như thế thì tôi cũng đeo sai kiểu từ mấy chục năm nay. Hôm nay, đọc Dear Abby biết được điều đó, thì đã muộn quá mất rồi. Tôi đã làm bao nhiêu người bực bội, bất bình chỉ vì cách đeo cái dây lưng của tôi. Sự khinh bỉ mà tôi chắc là có trong ánh mắt của bao nhiêu người thân quen, tôi đã không nhìn ra, để tiếp tục sống hồn nhiên suốt mấy chục năm nay.

Tôi phải làm gì bây giờ để chuộc lại những lầm lẫn, những sai sót đó trong đời sống này của tôi?

Suy nghĩ về ý kiến của ông cụ, tôi thấy đeo thắt lưng theo kiểu ông cụ nói có thể có lý, có thể đúng cách hơn là lối đeo xuôi chiều kim đồng hồ tôi vẫn làm từ lâu nay. Tại sao ư?

Tôi có nghe một cách giải thích có thể dùng để nói tại sao phải đeo dây lưng ngược chiều kim đồng hồ.

Tom Jones, vai chính trong cuốn phim dựa trên một cuốn tiểu thuyết của Henry Fielding (1707 - 1754) là một nhân vật rất đa tình và lắm đào. Tom Jones nói rằng nút áo của đàn ông bao giờ cũng nằm bên phải, còn khuyết thì ở bên trái, để khi cần tháo chạy, thì tay trái của chàng có thể đè lên thân áo bên phải, để cài lại hàng nút áo, trong khi tay phải được rảnh để rút gươm mở đường máu mà thoát thân, khỏi bỏ xác nơi phạm trường nếu chồng nàng là người có đường kiếm tuyệt luân nhưng lại là người đi về không bao giờ đúng giờ đúng giấc cả. Phim có một đoạn như thế thật. Tom Jones thoát hiểm nhờ tay kiếm, tay cài, đúng như lời chàng nói.

Nhưng chuyện gây ra nguy hiểm cho Tom Jones thì lại không chỉ giới hạn ở hàng nút áo, mà còn lan xuống cả cái dây lưng của chàng nữa. Nếu đeo theo chiều kim đồng hồ thì quả là không tiện thật, nếu người thắt nó thuận tay phải. Tay phải là tay phải vung lên những đường kiếm chống đỡ đường gươm của phía bên kia. Chỉ còn tay trái được rảnh rang, và nếu cài thắt lưng đeo theo chiều kim đồng hồ thì việc cài lại sẽ rất khó. Trong khi đó, nếu đeo ngược chiều kim đồng hồ, thì chỉ cần bốn ngón nắm lấy cái đuôi, kéo về phía bên trái, ngón tay cái đẩy cái đinh móc vào là xong ngay. Và tay kia thì vẫn những đường gươm tráng sĩ vung lên loảng xoảng để mở đường thoát thân.

Ðó có thể là lý do để đeo những cái thắt lưng theo kiểu ông cụ nói không? Nếu đúng như vậy, thì người độc giả viết thư có thể cũng không thông minh lắm. Cụ ông chẳng lẽ phải nói ra hẳn. Nói một nửa chàng chưa hiểu nên phải vấn kế Abigail Van Buren để cho hôm nay phải lên báo, tiết lộ bí mật cho bao nhiêu người biết.

Nếu sau này, những người đàn bà cương quyết bắt các ông chồng phải đeo thắt lưng theo lối đeo không đúng kiểu của tôi, thì nhất định là tội vạ của người đàn ông này hết.

Nhưng điều đó lại cho thấy thêm một điều, là những người đeo thắt lưng không đúng kiểu từ bao lâu nay, tuy là những người phạm phải những sai lầm không thể tha thứ được về thời trang, về cách ăn mặc, thì lại là những người đàn ông hết sức tử tế. Ðó là những người đàn ông không bao giờ đi ngang về tắt, không bao giờ ăn vụng, cơm đường cháo chợ, quà cáp lung tung. Họ không bao giờ cần phải tay súng tay... cài hay tay gươm tay cài như cái thứ Tom Jones trong tiểu thuyết của Fielding.

Nhưng họ có thể là những người thuận tay trái thì sao? Như ông Clinton chẳng hạn. Thỉnh thoảng trông cái tay trái hí hoáy ký ban hành dăm ba cái sắc luật thì ai mà chẳng nghĩ là ông ta đeo cái dây lưng xuôi chiều kim đồng hồ.

Ðến khổ vì cái kim đồng hồ thôi.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 1 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

ở nhà, trong số mấy anh chị em, khi còn bé, tôi bị đòn nhiều nhất.

Bị đòn là vì hay nghịch tinh là nguyên do chính. Nhưng bị đòn nhiều là vì có tội thì nhận, bị đòn không khóc, nên mang thêm tội là không sợ đòn, tội lì, bị cho thêm vài roi bonus.

Hồi ấy nhân loại sống còn giản dị lắm. Phạm lỗi, bố biết là bị trừng phạt ngay. Bằng cớ rành rành: cái lọ sứ vỡ vì chạy đuổi với mấy đứa em, lấy trộm xe gắn máy của bố đụng vỡ đèn, tháo tung cái đồng hồ ra xem có gì ở trong mà cứ kêu tích tắc hoài... Không cãi bao giờ.

Câu hỏi khi ông cụ về nhà là đứa nào làm vỡ cái lọ sứ, đứa nào làm hỏng xe của cậu, đứa nào tháo tung cái đồng hồ ra chơi... Thủ phạm ra nộp mạng, leo lên giường nằm xuống, sẵn sàng chờ những cái roi mây, những cái đũa cả, những cái thước kẻ quất xuống đít. Thụ hình xong thì đứng dậy đi nghĩ chuyện nghịch tiếp.

Nhưng nếu bây giờ đương sự phạm những lỗi tầy trời như thế, thì cách hành xử phải khác.

Thí dụ ông bố hỏi đứa nào lấy trộm xe chạy ra đường đụng cái cột đèn hỏng xe của bố, thì câu trả lời sẽ không giản dị như ba, bốn chục năm trước nữa.

Phải chối cái đã. Không bao giờ nhận tội ngay. Sau đó, các bằng cớ được trưng ra để kết tội. Thí dụ các em còn bé quá, người chị thì không tinh nghịch như thế và cái xe thì không thể tự nó mở khóa, nổ máy, chạy vài vòng bùng binh rồi đâm cái rầm vào cột đèn bao giờ. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, vẫn phải tìm cách đưa ra những giải thích để tránh né.

Lúc ấy, có thể nghi can mới nói rằng thưa bố, con đã trả lời bố một cách trung thực, và chính xác về mặt pháp luật, nhưng con vẫn phải nhận hoàn toàn trách nhiệm về hành động của con. Con nhìn nhận là trong lần hỏi cung đầu tiên, con chỉ không tự ý cung cấp thêm những chi tiết khác mà thôi. Và có thể vì vậy, bố cho là con có tội. Thưa bố, quả thật con có làm cho cái đèn của chiếc xe gắn máy Sach của bố bị vỡ. Việc đó là một việc làm sai quấy. Con coi đó là một hành động thiếu phán đoán và một thất bại về phần cá nhân con, mà chỉ một mình con phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Con biết rằng câu trả lời con đưa ra đã tạo một ấn tượng sai lầm. Con đã làm cho bố tin vào một điều không đúng. Con rất ân hận về điều đó. Con chỉ có thể nói rằng khi làm như vậy, con đã bị hướng dẫn, thôi thúc bởi nhiều yếu tố, thứ nhất là do ước muốn bảo vệ con khỏi phải đối đầu với những chuyện bẽ mặt gây ra bởi hành động của con. Con cũng rất muốn tránh cho mợ khỏi những xúc động không cần thiết.

Ðiều con làm, chỉ là mở khóa cổ của chiếc xe gắn máy, dắt nó ra ngoài cửa, dựng nó lên bàng chân chống, leo lên, đạp mạnh bàn đạp mấy vòng, máy nổ, con hạ chân chống xuống, ngồi lên, sang số một, rồi qua số hai, kế đến số ba, lái chạy ra phía bùng binh gần chợ. Xe chạy được ba vòng trước sự thán phục của bọn trẻ gần nhà. Gió thổi bên tai nghe vù vù, sướng không thể tả được, khác hẳn với những lúc oằn người đạp cái xe đạp cũ. Chỉ xoay nhẹ tay ga một chút, là chiếc xe vọt lên, nhận cái còi, là tiếng còi êm ái phát ra, không như cái chuông xe đạp nghe như xe bán cà rem nhà quê vẫn chạy qua cửa mỗi ngày. Ðã đời không thể nào nói hết được.

Con đang lái như thế thì một chiếc taxi Dauphine chạy từ phía đường Nguyễn Lâm đâm nhào ra, con sợ chiếc xe rất đẹp và rất mới của bố bị chiếc taxi đâm vào nên con né, lái vào lề đường, thì chiếc cột đèn lù lù hiện ra. Con đạp thắng, chiếc xe còn trớn lết tới, cái đèn trước không né được cái cột điện quái ác, và nó bị vỡ.

Như thế, con đã nói thật là con không làm vỡ cái đèn xe của bố. Cái đèn không né được cái cột điện, và cái cột điện cũng không chịu tránh cái đèn xe, nên cái chụp bằng kính che chiếc đèn trước bị vỡ vụn. Như thế, bố cũng thấy quả là con không làm vỡ cái đèn xe của bố. Bây giờ, con xin bố đừng ngó vào cái đèn xe vỡ nữa, bỏ nó sang một bên, tha thứ cho con, để cho con trở lại với đời sống hàng ngày mà bố đã trao cho con. Con muốn trở lại với việc học bài để sửa soạn cho kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt sắp tới. Con đang phải học lại những bài địa lý về Âu châu, tập vẽ những bản đồ Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Ba Lan, Ðức... trong sách của cụ Tăng Xuân An. Con cũng phải ôn lại những bài vật lý, những công tthức hóa học rất khó nhớ, những động từ bất qui tắc ở cuối cuốn Anglais Vivant, nhũng động từ trong quyển 8000 Verbes mà con chắc chắn sẽ bị hỏi trong kỳ thi sắp tới. Con cũng muốn được quay trở về với những tình cảm gia đình rất tốt đẹp của bố con chúng ta...

Tôi tin là nói xong thì ông cụ có thể sẽ lôi ra luận tội hay cũng có thể sẽ cho phổ biến đoạn lời khai có thu băng video cho các em biết để chúng nó cười vỡ bụng một phen.

Nhung tôi thì bây giờ lớn tuổi hơn cả ông Clinton. Ông cụ thì không còn nữa. Cụ có còn, thì nghe xong những đoạn chạy tội như thế chắc phải vác roi quất cho một trận nhừ tử nhớ đời, đuổi đi bán báo, đánh giầy như đã nhiều lần tôi bị hăm dọa.

Ðồng thời có lẽ ông cụ chẳng cần phải đọc cái phúc trình của Kenneth Starr mà cũng vẫn hiểu đúng những lời khai của ông Clinton, chẳng cần phải nhờ tới tôi thông dịch nữa.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 1 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Năm nay kiểu thư này đến với tôi có sớm hơn những năm trước. Ðó là những lá thư viết chung gửi cho tất cả những người nào không may mắn có tên trong quyển sổ địa chỉ của người viết, mà chủ đích chỉ là để vi phạm nhân quyền, quyền làm người, quyền được sống trong tự do, nhân phẩm và hạnh phúc, và nhất là để nhục mạ người nhận.

Loại thư này năm nào tôi cũng nhận được cả chục lá. Lúc đầu thì ít, càng về sau này thì những thứ thư từ như thế càng nhiều thêm khi chúng ta học hỏi và bắt chước thêm được những cái không ra gì của người Mỹ. Người ta tin rằng có cả triệu người làm công việc viết những lá thư khủng bố người đọc như vậy. Và bất kể những cố gắng của những người như Ann Landers hay Abby trên báo từ nhiều năm nay, loại thư tôi rất sợ này vẫn tiếp tục được gửi đi trong khoảng thời gian cuối năm này, như những bản tổng kết thành tích của đệ nhất, đệ nhị cộng hòa trước đây, những thứ mà ngoài người viết không ai có can đảm để đọc.

Mà đọc xong thì mặc cảm tự ti đầy mình, có tắm đi tắm lại cũng vẫn không hết được nét tự ti.

Ðọc thứ thư từ như thế, càng tới gần đoạn cuối, tôi càng thấy mình nhỏ lại, như con sâu, như cái kiến trước những hào quang rực rỡ của những đời sống tóm tắt trong mấy trang thư mà tác giả đem ra để chà đạp lên danh dự, để tra tấn, và để ngược đãi người đọc,

Có điều đau cho người nhận là đọc xong thì tất cả đều tức uất lên, máu nghẹn trong tim, mình mẩy đau đớn đến độ không thể bình tĩnh ngồi xuống viết vài ba dòng trả lời người viết được. Và chính vì như thế, cơ hội năm tới nhận thêm được những lá thư tương tự lại càng gia tăng. Và niềm uất hận không những không thuyên giảm mà trái lại, còn có cơ nặng hơn nữa.

Làm sao có thể nói được với những người viết để xin họ hãy tỏ ra một chút thương người, thương một người bạn nợ như chúa Chổm, người bạn có thể trở thành homeless bất cứ lúc nào, với cái trương mục trong ngân hàng không bao giờ có quá được ba hàng số, mà con số đầu cũng không bao giờ ở những số 7 hay 8 hay 9 được quá lâu, để đừng viết trong thư gửi cho hắn về những chuyến đi của họ, hết Ðịa Trung Hải, lại biển Trung Mỹ, hết leo Vạn Lý Trường Thành, lại viếng Kim Các Tự hay lầu Bạch Hạc ở Nhật, thăm lâu đài Dok So ở Hán Thành, hết ngắm phế tích ở Ai Cập, trượt tuyết ở Thụy Sĩ, ôm hôn Kangaroo ở Canberra, lại cạ mũi mấy chị Maori ở Waitangi, nhẩy hula ở Hạ Uy Di...?

Làm sao nói được cho họ biết rằng những bức ảnh chụp người đàn bà chân cẳng như những cái cột đình và người đàn ông để những bộ ria hệt như những nhan sắc chạy đầy đường ở mấy khu phố nghèo ở Tijuana không bao giờ nằm lại quá lâu trên bàn viết của người nhận để sang năm khỏi gửi với lời đề tặng âu yếm ở phía sau nữa?

Làm thế nào dể họ tha không bắt người nhận đang ở cái condo hạng bét trên lầu thứ 15 phải nghe về căn nhà mới mua, mà chỉ riêng cái vườn Nhật Bản phía sau, làm lại cũng tốn kém hơn năm chục ngàn Mỹ kim? Làm thế nào để họ thôi không bắt người nhận thư nghe về chuyến đi shopping ở Tiffany's mua cho "bà xã" cái nhẫn hột soàn ném có thể vỡ đầu con pitbull hay ỉa bậy của hàng xóm trong khi người nhận thì một nửa cục hột soàn cũng không có, và cũng chưa bao giờ lết được vào tới bên trong tiệm Tiffany's ở New York bao giờ?

Làm thế nào tránh khỏi phải đọc về chiếc Jaguar chàng mới mua cho nàng để ghi nhớ 30 năm chung sống, trong khi người nhận thư vẫn phải tiếp tục đi cái Camry hạng bét và 10 năm nội chiến cũng chưa có được, nói chi 30 năm chung sống hạnh phúc mà mua tặng cái Jaguar cho... con mụ?

Làm thế nào để khỏi tự ti mặc cảm đầy mình khi phải nghe về những giải thưởng âm nhạc mà các cháu nhận được hết của đại học này đến viện âm nhạc kia khi lũ con thì mù tịt âm nhạc và học ở những trường rất thường, chẳng Ivy League nào hết, không Harvard, không Yale, không Cornell, cũng không Princeton... bao giờ.

Tại sao không là một trang thư ngắn viết tay thông báo về sức khỏe của những người trong gia đình và đôi ba điều lợi ích đã làm được trong năm qua.

ở cái tuổi này, bạn bè đã có người góa vợ, góa chồng, đã có những chia tay đau lòng, đã có những vĩnh biệt người thân, đã có những buổi sáng khốn khổ vì tê thấp, đã có những buổi tối nghe tuổi tác lấn vào trong lục phủ ngũ tạng, đã có những người bạn đang nằm chờ chết, đã có những người vừa ra đi. mà tại sao vẫn còn có những kiểu thư từ như thế?

Không hiểu được.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 13 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Từ nay, nhiều người đàn ông Mỹ có thể sẽ hết đau khổ vì phải trả tiền cho các bà vợ đi ủi phẳng những vết nhăn trên trán, trên má, ở khóe mắt, nơi những con quạ quái ác sau khi từ cái tổ trên đầu leo xuống, đậu lại, bay đi rồi mà vẫn để lại những vết chân rất rõ nét ở đuôi mắt khiến mỗi lần các nàng cười hay nhăn mặt, những cái vết chân ấy lại càng đậm sâu và... dài lâu thêm nữa. Những người đàn ông Mỹ này, rất có thể từ nay, sẽ tìm đủ mọi cách để thuyết phục vợ đi ủi mặt bằng một kỹ thuật đang rất thịnh hành hiện nay cho các chàng nhờ là đằng khác.

Kỹ thuật đang rất en vogue này dùng botulinum toxin A, tức là Botox, chích vào những đường cầy trên những khuôn mặt chữ điền ấy để xóa đi những đường rãnh xâu hoắm được cầy để sửa soạn cho vụ trồng cấy mùa đông (?), biến chúng thành bãi cát mịn của buổi sáng tinh mơ chưa ai lái xe tăng M-1 chạy lên, cào nát và làm hỏng nguyên một ngày của các chàng. Kỹ thuật này được coi là gọn gàng hơn kỹ thuật căng da mặt bằng cách giải phẫu, hay lột da mặt bằng hóa chất. Chích Botox cũng không đau gì, chỉ để lại những vết như muỗi đốt nhưng sau khi những vết này biến đi (khoang vài ba phút sau) và chất Botox ngấm vào bắp thịt trong bốn, năm ngày, thì những vết nhăn cũng biến mất. Botox là một độc chất khủng khiếp nhất thế giới có thể dùng để chế tạo võ khí hóa học, nhưng một chút thì không sao.Với mười lăm hay sáu chục đơn vị thì Botox chưa vật nổi ai. Phải ba ngàn đơn vị mới có thể tạo nguy hiểm cho tính mạng. Công dụng của Botox là làm những vết nhăn biến đi, và những bắp thịt ở những vết nhăn đó bị tê liệt hẳn.

Câu hỏi được các chuyên viên thẩm mỹ đặt ra cho các thân chủ trước khi chích Botox là thân chủ có chịu đánh đổi khả năng diễn tả bằng nét mặt để lấy một làn da không vết nhăn không. Và câu trả lời luôn luôn là một cái gật đầu. Ai thèm thắc mắc cái chuyện nhỏ đó làm gì.

Sau cái gật đầu đó, Botox được đem chích vào những đường cầy, những cái chân quạ trên mặt. Những bắp thịt trước kia, với khả năng co kéo, là thủ phạm tạo ra những đường cầy trên trán, những cái chân quạ ơ khóe mắt, thì nay bị Botox làm cho tê liệt luôn. Không co kéo được nữa thì làm sao tạo ra những vết nhăn được. Giản dị có thế mà mãi đến năm 1989 mới có người nghĩ ra. Và nội trong năm qua, theo Hội Giải Phẫu Thẩm Mỹ Hoa Kỳ, đã có hơn sáu mươi lăm ngàn vụ chích Botox để xóa vết nhăn ở nước Mỹ.

Những bắp thịt ở trán, ở khóe mắt bị Botox làm cho tê liệt cũng là lý do những người đàn ông vui vẻ trả tiền cho vợ đi chích Botox.

Những cái bắp thịt trên trán khi co lại, thì cặp lông mày được kéo lại gần nhau hơn, đuôi của lông mày được đẩy cho cao hơn, lên phía chân tóc, những đường rãnh sâu hiện ra trên trán. Chích Botox vào thì các bắp thịt này không hoạt động được nữa. Cặp lông mày không bị kéo lại gần, đuôi không bị đẩy lên cao nữa, những vết nhăn không xuất hiện. Năm bẩy tuổi được lấy đi khỏi khuôn mặt. Tuổi trẻ quay trở lại lập tức.

Vui biết là chừng nào. Nếu tháo luôn được cục pin trong cái máy trợ thính thì lại không còn nghe thấy những mè nheo đi cùng với những cái nhíu mày, nhăn nhó, khó khăn đó nữa. Những người đàn ông Mỹ sẽ vô cùng hạnh phúc, khỏi phải ôm chiếc ghi ta nghêu ngao bắt chước cao bồi Roy Roger mơ có được căn nhà ở trại - Home On The Range, nơi thảng hoặc lắm mới phải nghe vài ba câu nản chí bầu cua và bầu trời thì không mây đen phủ rợp bao giờ ...Where seldom is heard a discouraging word... and the skies are not cloudy all day...

Thử tưởng tượng không bao giờ một cái nhíu mày, một cái cau mày, một cái nhăn nhó, mấy củ gừng không được quăng vào chuồng khỉ nữa thì đời sống này còn gì hạnh phúc cho bằng.

Ngay cả nhướng cặp lông mày lên để quết eye shadow cũng không làm được nữa thì làm sao mà kéo cho chúng sát lại nhau để lườm một cái cho phía bên kia tởn hồn được nữa. Những người phụ nữ này sẽ không thể thỉnh thoảng lầm tưởng mình là Clint Eastwood để gây kinh hoàng cho những người đàn ông khốn khổ đứng quanh nữa. Thế rồi danh dự của những quả táo tầu, những chiếc bánh bao, những chiếc mền sẽ được phục hồi . Không ai lẫn lộn chúng với những khuôn mặt nhăn nhó, khó đăm đăm, quạu quọ nữa. Chúng sẽ trở lại với đời sống bình yên cũ.

Tất cả đều nhờ độc chất botulinum toxin A, tức là Botox. Càng nghĩ, càng thấy các khoa học gia Mỹ giỏi. Dùng ngay Batox để trị những cái mặt nhăn nhó thì không phải là lấy độc trị độc hay sao?

Không nên cau có, quạu quọ, nhăn nhó, khó khăn chút nào hết.

Ngoại trừ khi là Kim Trọng ngồi nghe em bé lén ông cụ sang đánh đàn cho nghe thì được. Không thì họ Nguyễn phải đổi nguyên đoạn này, uổng vô cùng:

...Khi tựa gối, khi cúi đầu

Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày...

Khúc này mà không diễn xuất như thế, lần tới năn nỉ cách mấy nó cũng không thèm lôi "tiện kỹ" ra cho mà... coi đâu.

Kim Trọng nhăn thì được. Ðứa khác mà nhăn thì cứ Botox chích cho là chừa hết.

May cho những người đàn ông Mỹ biết là chừng nào.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 13 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Tuần trước sở thú Philadelphia đã làm được một việc rất đáng kể, đó là phục hồi giá trị đích thực cho những đống cứt bò.

Cứt bò không nên là những thứ đáng bị đối xử rẻ rúng như nhiều người vẫn làm, và cứt bò cũng không nên tiếp tục là thứ sản phẩm tạo những kinh hoàng cho tuổi thơ của nhiều đứa trẻ khi bị anh hay chị nó (như trường hợp của tôi) đẩy vào cái vòng luẩn quẩn hoài hoài không thoát ra được: no ăn cứt bò cho đói, đói ăn cứt thầy bói cho no, no ăn cứt bò cho đói, đói ăn cứt thầy bói cho no... khiến phải khóc suốt một buổi chiều.

Cứt bò không phải là B.S.

B.S. là Bachelor of Science, là cử nhân khoa học. B.S. không là bull shit. Mà nếu có là bull shit thì nó cũng có giá lắm chứ không phải là thứ vô giá trị như người Mỹ vẫn thường nói trước đây: "he is full of bull" hay "he is full of bull shit..."

Sở thú Philadelphia, ngoài hàng trăm loại thú như các sở thú danh tiếng khác, còn có 2 hà mã, 3 tê giác, ba hươu cao cổ, 4 ngưa vằn, 5 lạc đà, 2 voi... tất cả đều là các động vật ăn rau cỏ, lá cây.

Những gì cho vào mồm miệng của chúng thì cũng sẽ phải đi ra. Rau cỏ, lá cây vào một phía thì lại tìm cách đi ra ở phía kia. Những con vật này mỗi ngày tiêu thụ một số rau cỏ, lá cây rất lớn. Và lượng phế thải chúng tống ra ngoài cũng rất đáng kể. Cứ trông những cái xác của chúng thì biết ngay. Chúng to lớn thì phải ăn nhiều. Mà ăn lắm thì đẩy ra ngoài cũng phải nhiều. Vì đẩy ra ngoài nhiều nên việc làm sạch những cái chuồng của những con thú này là một việc không nhỏ. Các nhân viên đặc trách việc của ông Hitchcock (hít cốt) khổ vô cùng. Theo voi ở Việt Nam thì được hít bã mía. Theo voi Mỹ thì cả ngày chỉ hít cốt (?) mệt nghỉ.

Nhưng ban quản trị sở thú Philadelphia là những người rất giỏi. Sau khi quan sát thấy những đống cứt voi, cứt lạc đà, cứt ngựa vằn mọc lên những hạt mầm chỉ sau có một thời gian rất ngắn, ngắn hơn thời gain cần thiết để những hạt mọc ra mầm nếu được chôn xuống đất, thì ban quản trị thấy là tại sao không dùng những đống cứt này để ươm hạt, để bón cây. Các chuyên viên hít cốt được lệnh hốt... kít cho vào bao, cân đong cho đúng lượng và đem bán cho khách viếng sở thú.

Mỗi bao cứt voi, lạc đà, ngựa vằn, hươu cao cổ, tê giác, hà mã được bán với giá $2.95. Sản phẩm mới này của sở thú Philadelphia được chiếu cố tận tình. Tính trung bình, và rất dè dặt, mỗi con thú này sản xuất ra 30 cân Anh mỗi ngày, thì cuối ngày, sở thú hốt được gần 400 pounds đủ các loại cứt. Bỏ vào bao, cân đo chính xác, sở thú có thể thu được hơn một ngàn Mỹ kim mỗi ngày. Một năm, sở thú kiếm được gần 400 ngàn Mỹ kim dễ ợt nhờ bán thứ sản phẩm mới bầy bán đó.

Cứt voi, lạc đà, ngựa vằn, tê giác thì cũng có khác gì cứt bò? Cũng ăn cỏ, ăn rau, ăn lá cây thì chất thải ra phải giống nhau chứ. Nếu đã yêu quí những thứ cứt kia thì tại sao lại rẻ rúng, khinh bỉ cứt bò?

Thái độ sai lầm đó chỉ có nơi những người Mỹ chứ ở những nơi khác thì không hề có. Cứt lạc đà được các dân tộc Phi châu như Ethiopie, Somalie, Ai Cập, Sudan, Maroc, Algerie... dùng để đốt như than, để trét vách nhà, tường nhà giữ được nhiệt trong trời lạnh và cách được nhiệt khi trời nóng. Cứt bò ở Ấn Ðộ còn được quí trọng hơn thế nữa...

Và bây giờ, cuối cùng, sở thú Philadelphia tìm ra được giá trị kinh tế tài chính của nó. Cứt voi, cứt hà mã bán ra tiền thì cứt bò không thể tiếp tục bị khinh bỉ, hạ giá như trước nữa.

Các chính trị gia là những người sản xuất ra nhiều cứt bò nhất. Cứt bò đem lại cho các chính khách này những thứ mà tiền cũng khó mà mua được. Ðó là những lá phiếu. Mùa bầu cử vừa qua, số cứt bò còn thừa lại, không dùng đến là một lượng rất lớn. Nhưng cuộc bầu cử vừa qua cho thấy là cứt bò vẫn còn bị rẻ rúng rất nhiều. Những đống cứt bò mà các ứng cử viên Cộng Hòa cũng như Dân Chủ, những Bob Dornan, những D'Amato để lại hiện vẫn chưa được giải quyết xong, thì sở thú Philadelphia loan báo bầy bán cứt của những con voi, tê giác, hà mã, ngựa vằn... và cho biết sự chiếu cố được ghi nhận là rất nồng nhiệt.

Tin mới được phổ biến vài ba ngày nay nên rất có thể khi được loan truyền rộng rãi, những đống cứt bò của các ứng cử viên không may mắn trong loạt bầu cử vừa qua sẽ được dọn dẹp đi rất chóng.

Phải dọn dẹp lẹ chứ nếu không, loạt bầu cử năm 2000 không còn bao xa nữa. Lúc đó, lại thêm biết bao nhiêu là cứt bò nữa, không có người giải quyết hết cái đống hiện nay thì làm thế nào người dân Mỹ tiếp nhận thêm những đống cứt bò sắp tới của các ứng cử viên?

Cứt voi, cứt lừa thì cũng chẳng khác gì cứt bò cả. Có điều bây giờ mấy thứ ấy bán ra tiền mới là kỳ lạ.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 13 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Tôi là người uống rượu dở nhất thế giới. Buổi tối lại càng không dám uống, sợ mặt trời mọc làm phiền những người đang cần sự yên lặng của mặt trăng để nghỉ ngơi.

Nhưng vậy cũng hay, khỏi dở trò tra tấn bạn bè bằng câu chuyện về các chateaux ở vài ba cái thung lũng miền trung nước Pháp đọc lóm được đâu đó trước khi cầm cái chân (?) vịt khui cái nút chai đỏ, chai trắng làm điên tiết những người tự trọng ngồi ở bàn.

Bởi thế nên cái quảng cáo của chai Tequila trong tờ Esquire không tạo được bao nhiêu chú ý mặc dù tôi đã mở qua trang báo này mấy lần sau khi nhận được nó hồi tuần trước. Nhưng sáng nay tôi tò mò đọc cái quảng cáo đó vì tôi thấy chai Tequila Sauza Conmemorativo ở góc trang báo hoàn toàn không dính dáng gì đến cái nắp bàn cầu chiếm gần hết trang báo.

Bức hình chụp cái nắp plastic trắng rất quen thuộc có ở tất cả những căn nhà ở nước Mỹ. Nó liên hệ gì với chai rượu rất đẹp ở góc? Cái bàn cầu và chai Tequila tại sao lại đi với nhau? Ly Tequila uống khi ngồi trên cái nắp plastic đó sẽ ngon hơn chăng? Tôi không nghĩ như thế vì lẽ ly cà phê, tờ báo, trang ô chữ, cái điện thoại cầm tay trong lúc ngồi trên cái nắp plastic trắng mỗi sáng thì ly cà phê không hề ngon hơn, tờ báo không hấp dẫn hơn, cái ô chữ không dễ giải hơn và cái điện thoại cầm tay cũng không hề nghe rõ hơn chút nào hết như tôi buổi sáng nào cũng đã thấy.

Thế thì tại sao lại để cái bàn cầu choán gần hết trang quảng cáo, và chai Tequila Sauza Conmemorativo được đặt ở góc? Hay là chạy đi kiếm chai Tequila, rót một ly, leo lên ngồi trên cái nắp bàn cầu plastic nhâm nhi xem có thành Miguel de Cervantes, và xem tiếng Tây Ban Nha có khá hơn chút nào không.

Nhưng rồi đọc hàng chữ chạy ngang qua cái bàn cầu thì tôi hiểu. Hãng sản xuất rượu chỉ muốn nói rằng đời sống của chúng ta đã quá thô bạo rồi, nên ly Tequila không nên thô bạo như thế, nó phải dịu, không thể thô bạo như cuộc đời. Life is harsh. Your Tequila shouldn't be.

Nhưng cuộc đời thi bạo như thế nào?

Câu trả lời nằm ngay ở hàng chữ in chạy ngang cái bàn cầu hình bầu dục bằng plastic trắng. Ðại ý của câu quảng cáo là nhờ tái chế biến, cái này (cái bàn cầu) có thể trở lại để thành cá bàn chải đánh răng cho bạn - Thanks to recycling, this could come back as your toothbrush.

Thế này thì thô bạo thật. Giáng Sinh năm ngoái, trong số vài ba tấm thiệp ít oi mà tôi nhận được, có một tấm làm tôi nghĩ là đời mà như tôi biết là đã rất thô bạo, nhưng biến cái bàn cầu trở thành cái bàn chải đánh răng thì quả là có thô bạo. Tấm thiệp với những lời chúc viết rất khéo, người đọc sướng lịm người, chân bỗng như không chạm vào đất nữa, mà như đang bước trên chín từng mây... Nhưng ngay ở phía sau, là một hàng chữ cho biết miếng bìa dùng để in tấm thiệp là một sản phẩm đã được tái chế biến.

Nghĩa là tiền kiếp của nó cũng đã là những miếng giấy, những miếng bìa. Qua nhà máy tái chế biến, nó đầu thai trở lại làm tấm bìa thêm một lần nữa. Nó chưa ra khỏi được luân hồi. Nó chưa thoát. Nó trở lại thế giới ba tà của chúng sinh trầm luân này.

Như vậy, kiếp trước nó đã từng có một đời sống, hay nhiều đời sống? Nó được dùng để gói hoa? Nó là cuốn vở học trò? Nó là tờ báo, là cuốn sách, là miếng giấy bọc chiếc Big Mac, là cuộn giấy tròn trong nhà cầu, là cuốn lịch, là những lá thư, là cái bill điện thoại...?

Tất cả những thứ đó được lọc lựa, soạn từ những núi giấy phế thải đem về nhà máy, nghiền nát, pha chế với nhiều thứ hóa chất, chế lại thành tấm bìa dùng để in tấm thiệp Giáng Sinh. Tấm thiệp còn thơm ngát mùi mực, mùi bàn tay người viết thoang thoảng chút nước hoa... có những xuất xứ kỳ lạ như vậy sao?

Chỗ nào là di tích của tờ báo cũ, đâu là giấy gói cái Big Mac, và đâu là cuốn vở học trò?

Tiếp tục nghĩ thì ông Ðinh Hùng nhất định phải sửa lại vài ba câu trong tập Ðường Vào Tình Sử:

...em ướp hương vào những giấy thơ
tôi hôn lên chữ một đôi tờ
nghĩ rằng em gửi hồn thơm đấy
là bởi lòng kia đã ước mơ...

Ai còn dám hôn lên chữ một đôi tờ nữa, khi mà biết xuất xứ của những tờ thư của em? Ðời như vậy thì quả là thô bạo.

Nhưng đó mới chỉ là tấm thiệp Giáng Sinh. Yêu lắm cũng chẳng ai cho vào mồm nhai cho thỏa lòng mong nhớ.

Nhưng cái bàn chải đánh răng với cái xuất xứ, với cái đời trước, cái tiền kiếp ghê rợn đó ư? Sao đời thô bạo đến thế?

Ai còn dám mua mấy cái bàn chải đánh răng đó về dùng nữa? Dùng để mà vài ba ngày lại phải tới nha sĩ nhờ bleach cho trắng hay sao? tại đánh bằng cái bàn chải ấy thì cách gì mà răng không... vàng được?

Uống Tequila Sauza Conmemorativo có hết không? Hết thì phải uống Tequila thật ấy chứ không đùa được.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 17 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Bức thư của người độc giả phụ nữ viết từ Gia Nã Ðại về cuộc sống nhạt nhẽo không tình yêu chăn gối mà Ann Landers cho in lại trên cột báo của nàng đã có rất nhiều vang vọng.

Nhiều độc giả hưởng ứng viết thư kể lại những kinh nghiệm sống tương tự . Một số tỏ ra thương cảm cho người phụ nữ ở Gia Nã Ðại. Một số thì nói rằng không có gì thì càng vui chứ sao.

Hôm nay, mục Ann Landers đăng bức thư của một người phụ nữ ở Huntington, New York kể lại cuộc sống với người chồng, với hai mươi năm chịu đựng tẻ nhạt không có gì đáng ghi nhớ. Sáu năm trước, ông chồng nàng qua đời. Nàng không tiếc gì cuộc sống chung đó, cuộc sống mà nàng cố gắng chịu đựng và không có gì vui vẻ, tuy nàng rất thương yêu ông chồng. Nay nàng muốn kiếm một người để sống chung hòa bình thực sự, như những phác họa của Nikita Khrushchev trong bài diễn văn đọc hôm 6 tháng 1 năm 1961 trước đại hội đảng.

Nàng cho biết trong khi chờ đợi, nàng đã nuôi được một con chó. Con chó cho nàng hơi ấm trong những đêm lạnh mà lại không đòi hỏi gì hết. Tuy thế, nàng vẫn cần một người đàn ông để làm bạn, để trò chuyện trong những buổi tối, để khoác tay cùng đi đến chỗ này, chỗ nọ, để vòng tay sang ôm lấy mỗi lúc thấy cần.

Con chó nàng nuôi thì ngoài chuyện cho được chút hơi ấm, không thể hàn huyên trong đêm tối, khoác tay ra đường, hay ôm một cái cho đỡ khổ đời. Con chó cũng không thể đi với nàng tới dự cái đám cưới. Hơn nữa bọn chó nhẩy đầm dở vô cùng - It is difficult to have a dog escort you to a wedding. They make lousy dancers...

Như vậy, nàng muốn kiếm một người đàn ông với những cái tính của con chó hay kiếm một con chó với những đặc điểm của một người đàn ông? Coi bộ nàng chưa dứt khoát nên tìm vẫn chưa ra. Nàng đòi người đàn ông phải giống con chó của nàng - cho nàng hơi ấm trong đêm đông, không đòi hỏi vớ vẩn - nhưng lại biết đi đám cưới, đi nhẩy đầm với nàng.

Việc kiếm một người đàn ông như vậy không phải là khó như nàng nghĩ.

Nhưng rồi sau khi kiếm được một người đàn ông để có thể đi cùng với nàng tới các đám cưới và khiêu vũ với nàng ở những buổi dạ vũ để thay thế cho con chó mà nàng lại vẫn thấy thiếu thốn thì sao?

Thí dụ nàng thấy người đàn ông ấy tuy đi đám cưới với nàng không làm cho nàng phải mắc cở, tuy tango, bebop đều được cả, nhưng lại không vẫy đuôi mỗi lần trông thấy nàng, không chịu đứng chờ ngoài cưa sủa nhắng lên khi nàng từ sở về nhà, không chịu ăn đồ ăn của Alpo, không chịu chơi frisbee với nàng ở công viên, không chịu chạy đi nhặt quả bóng, khúc cây nàng ném ra, không chịu yêu quý mấy cái cột đèn, mấy cái vòi nước cứu hỏa, không chịu để cho nàng đưa tới phòng mạch thú y cho thú y sĩ cắt, đốt, cột cho nàng yên tâm... thì sao?

Thì đành trở lại với con chó chăng? Chịu khó quần áo cho nó, đóng tiền cho nó học một khóa học nhẩy đầm là xong ngay. Thiếu gì mấy con chó ăn mặc còn tối tân, váy lĩnh lượt là, nước hoa thơm phức, hơn đứt mấy cậu đàn ông cù lần ở bẩn, lười tắm, không thích rửa tay, ăn tham, chỉ thích nói phét. Thiếu gì mấy con chó nhẩy... fox trot hay hơn mấy cậu đàn ông nước đến chân mới nhẩy(?) như bạn của bạn.

Hay nàng có hàng xóm là người Việt Nam, có ông cụ nhà bên cạnh nói chuyện giống ông cụ thân sinh ra người bạn tôi với câu nói mà chúng tôi được nghe suốt thời thơ ấu: "Cái ngữ chúng mày thì chó nó lấy!"

Có thể nào nàng nghe câu nói đó hơi nhiều rồi nhập tâm, cứ lăm lăm đi tìm mấy con chó biết đi đám cưới và biết nhẩy đầm như Fred Astaire?

Nhưng làm thế nào khi nghe saxophone thổi bài The Shadow Of Your Smile con chó đang nhẩy slow với nàng biết nhắc cho nàng cái bóng của nụ cười ấy sẽ thắp sáng những bình minh như một câu trong bài hát?

Chó thì nói thế chó nào được những câu... vớ vẩn như vậy!

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 17 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Trong số những giai thoại còn truyền tụng về Albert Einstein, có câu chuyện mà người ta hay nhắc để nói về cái tính đãng trí của ông. Người ta kể nhà bác học này một hôm phải tự tay luộc lấy con trứng để ăn sáng, vào lúc đầu óc còn đang mải mê nghĩ về một hai định luật vật lý nào đó. Vì thế, thay vì bỏ quả trứng vào nồi nước để luộc và ngó vào cái đồng hồ để xem bao giờ trứng chín, thì Einstein bỏ cái đồng hồ vào nồi nước và tay cầm quả trứng ngó chăm chăm vào đó để xem giờ.

Nhưng mức độ đãng trí của cha đẻ thuyết tương đối vẫn còn thua Phạm Ngũ Lão rất nhiều. Người thanh niên làng Phù ủng của chúng ta trong khi ngồi đan giỏ bên lề đường, óc bận nghĩ chuyện quân binh, không nghe thấy tiếng lính hầu Hưng Ðạo Vương hò hét dẹp đường, vẫn ngồi yên, không đứng dậy nhường đường cho đoàn voi ngựa nên bị giáo đâm vào đùi mà vẫn không biết.

Nhờ đãng trí, Einstein đẻ ra thuyết tương đối, còn Phạm Ngũ Lão thì được Hưng Ðạo Trần Quốc Tuấn thu dụng, trở thành tướng giỏi đánh quân Nguyên mấy trận nát cả mông lẫn cổ.

Thực ra nói rằng những người này đãng trí thì không đúng. Họ chỉ dồn hết chú ý vào một chuyện và quên hẳn những chuyện khác. Ðó là khả năng tập trung tư tưởng. Phải tập nhiều lắm mới làm được. Nhưng thực ra, tập trung tư tưởng có thể không khó bằng chia tư tưởng ra làm nhiều khu vực. Bởi lẽ cùng một lúc làm được hai ba chuyện khác nhau không phải là dễ.

Nhưng nếu làm được thì nhất định phải là thiên tài. Thí dụ vừa ăn cơm, vừa chơi ô chữ, lại còn nghe mè nheo về một chục thứ chuyện khác, đến nỗi cơm dọn ra, rồi lại thu đi mà vẫn không biết. Phía bên kia vừa khóc, vừa kể mà phía bên này vẫn không hay biết gì. Cả hai đều là thiên tài.

Vừa đánh răng vừa huýt sáo không là thiên tài. Chỉ cần có một bộ răng giả, có thể tháo ra, đeo vào được là xong ngay. Nhưng vừa ăn chuối vừa thổi kèn harmonica thì là thiên tài.

Ông Clinton cũng là thiên tài. Ðọc tập phúc trình của công tố viên Kenneth Starr thì ai cũng phải thấy điều đó. Chi tiết ấy được Monica khai với ông Starr nên thế giới tự do mới biết có một nhà lãnh đạo tài giỏi như vậy.

Hôm ấy là ngày 17 tháng 11 năm 1995, Monica Lewinsky tới gặp ông Clinton trong khoảng thời gian từ 9 giờ 38 phút đến 10 giờ 39 phút tối. Và một "liên hệ không thích đáng" (inappropriate relationship, như chữ của chính ông Clinton dùng) đã diễn ra giữa ông Clinton và Monica. Các chi tiết về những gì xẩy ra trong buổi tối này có thể đọc thấy được ở những chú thích từ số 177 đến 184 của tập phúc trình mà văn phòng công tố viên chuyển cho quốc hội ngày 9 tháng 9 năm 1998.

Theo đoạn phúc trình này, thì trong lúc đang "liên hệ không thích đáng" này diễn ra, thì chuông điện thoại reo. Thư ký của ông Clinton cho biết ông có điện thoại. Ông Clinton nhấc máy trả lời. Và Monica nghe được tên của người gọi, dân biểu H. L. Callahan. Ông Clinton vừa tiếp tục "liên hệ không thích đáng" với Monica, vừa điện đàm với dân biểu Callahan, theo chú thích 181.

Như vậy, ông Clinton cũng đã làm được hai việc cùng một lúc, đó là với Monica và dân biểu Callahan.

Mà Monica với harmonica thì cũng chỉ có khác nhau một chút đỉnh, đó là ba chữ đầu "HAR" còn khúc dưới (?) thì cùng là... MONICA cả.

Ông Clinton đúng là người mà cả hai nền cộng hòa của chúng ta đều muốn chúng ta làm được cùng một lúc: vui xuân nhưng không quên việc nước, vui xuân không quên chống cộng, vui xuân không quên chiến sĩ...

Ông Clinton vui với Monica nhưng vẫn không sao nhãng chuyện liên bang. Dân biểu Callahan gọi, ông vẫn trả lời được như thường. Phải người khác thì đã ú ớ nói không nên lời. Ông vừa... với Monica vừa lo chuyện nước.

Không rõ ông Callahan nói những gì với ông Clinton, nhưng chắc phải là chuyện hệ trọng, chứ không thì sao phải gọi vào lúc tối như thế.

Ông Callahan không ở trong tiểu ban ngoại giao, cũng không trong tiểu ban quân vụ hay tài chính, thuế vụ chứ nếu ông ở trong các tiểu ban này thì cuộc điện đàm chắc phải lý thú lắm.

Tưởng tượng ông bàn với ông Clinton về ngoại giao, về chuyện có "đại sứ" mới chưa, "đại sứ" mới có tốt không, rồi hai người bàn nhau về việc mở cửa (?) các thị trường ở Nhật, ở Ðại Hàn, ở Hoa lục... Hay nếu ông Callahan là dân biểu thuộc ủy ban quân vụ thì hai người đã có thể nói về phi đạn cruise Tomahawk vừa được dùng để tấn công Sudan và Afghanistan, về ảnh hưởng của việc Do Thái rút hay không rút (?) khỏi vùng tây ngạn sông Jordan...

Công tư vẹn cả đôi bề. Chuyện đất nước, chuyện thế giới đều được giải quyết ngay tại chỗ trong lúc vẫn "liên hệ không thích đáng" với Monica.

Như thế mới giỏi chứ luộc cái đồng hồ và tay thì cầm quả trứng thì... chán quá.

Chỉ không biết ông Callahan nghĩ sao về việc ông Clinton trả lời điện thoại của ông trong lúc đang "liên hệ không thích đáng" với Monica. Ðọc xong phúc trình của công tố viên Starr ông có thấy giọng ông Clinton, hơi thở của ông Clinton qua điện thoại có gì khác ngày thường không?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 10 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Mùa hè ở thủ đô nước Mỹ, tuy không bị con cuốc xúi bẩy gọi tới, nhưng cũng đã có những ngày nóng kinh khủng, "nóng nung người, nóng nóng ghê" như cảnh Bùi trong thơ Yên Ðổ.

Thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm bạn bè, hỏi thăm công việc của họ, bạn có thể được nghe những câu trả lời dấm dẳn và ấm ớ như "chẳng bận gì cả... không, không bận gì hết... nào có bận gì đâu... hoàn toàn không bận gì cả" Nghe trả lời như thế, làm sao trí tưởng tượng của bạn lại chẳng cuống cuồng bay bổng lên tận chín tầng mây khói.

Thời tiết nóng có thể làm đầu óc, khả năng diễn dịch nắm bắt ý nghĩa của ngôn ngữ hoạt động chậm lại. Người nghe mãi một lúc sau mới hiểu câu trả lời "không bận gì cả" chỉ có nghĩa là không mắc công việc, không túi bụi mặt mày... nghĩa là đang rảnh rang, có muốn mời đi ăn trưa ở Sans Souci, ở Au Pied Cochon, ở Fruits De Mer... thì cứ việc mời thử coi có nhận lời không.

Thoạt đầu nghe hết cả hồn. ở sở mà không bận gì hết thì sở gì mà thích thế. Dress code như thế nào mà ăn... bận như thế.

Nhưng những người không bận gì - nếu không là mười hai... tờ của quyển lịch Playboy - thì nên... bận có lẽ hơn. Tuy vậy, có thể nhiều người không nghĩ như thế.

Mươì tám tháng trước thì Gwen Jacob ở thị trấn Guelph, Ontario, Canada đòi được quyền không bận gì khi xuống phố cho mát trong một ngày mùa hạ, rồi sau đó, ở Cambridge, Hamilton, Ottawa và Sault Ste. Marie thuộc Canada, một số phụ nữ khác cũng đòi được không bận gì khi ra đường. Và mới hôm qua, hội đồng thành phố Berkeley, California quyết định hành động không bận gì khi đi ra đường thì cũng chỉ là một cái tội ngang như đi qua đường trong khi đèn đỏ như ông Mai Thảo đã làm mấy trăm lần trên khúc đường Bolsa mặc dù ông thì lúc nào cũng bận nhiều thứ: làm báo, làm thơ, viết truyện ngắn truyện dài, đi nhậu với bạn bè, chờ các ông DTL và KT đến cho quá giang đi nhà in và có khi ở California, ông còn bận... cả áo len nữa.

Bây giờ, ở Berkeley, ra đường không bận gì chỉ lãnh cái giấy phạt 100 đô la. Rẻ chán. Nên phe không bận gì trong mùa hè năm nay chắc chắn sẽ làm loạn nước Mỹ không chừng. Lúc ấy, những câu trả lời "không bận gì... chẳng bận gì sốt cả... hoàn toàn không bận gì hết" có thể hiểu bằng cả hai cách, cách nào cũng đúng. Người nghe sẽ tùy những lượng định của mình để mường tượng ra người nói câu "không bận gì" rồi thả cho con chim tưởng tượng tha hồ mọc những đôi cánh giang dài bay lên vạn dậm để thấy phía bên kia đang ngồi giũa móng tay ở bàn giấy, nghĩa là rảnh rỗi, hay cũng có thể là không... bận gì hết, nhưng đang làm việc túi bụi chẳng hạn.

Không bận gì chắc phải có những giải thích của nó chứ bận nhiều thứ như chúng ta thì chán lắm.

Những thành phần không bận gì, hay bận ít thường có những cái tủ treo quần áo rất rộng, thừa rất nhiều chỗ. Họ không tốn tiền trả cho những Lord and Taylor, Nordstrom, Bloomingdale,,, trong những chuyến mua sắm quần áo. Họ không mất nhiều thì giờ để bận quần áo. Từ buồng tắm, họ có thể lên đường ngay. Ði du lịch thì không mất thì giờ gởi hành lý rồi lại phải chờ lấy hành lý như chúng ta. Họ không làm nô lệ cho bất cứ một nhà vẽ kiểu thời trang nào hết. Oleg Cassini, Calvin Klein hay Versace thì cũng chẳng tạo xúc động bao giờ. Anh hùng lớn nhất cua họ là hai cha con ông Chử Ðồng Tử. Chuyện tình lãng mạn nhất của họ là đoạn công chúa Tiên Dung quây màn tắm trên bãi cát, đang kỳ cọ, hát ầm ỹ, dội nước cái ào thì chàng... từ từ hiện ra từng khúc một. Thay vì hét lên vì sợ hãi, Tiên Dung xin bàn tay của Chử Ðồng Tư đem về cung, bắt bận... quần áo, rồi ra lệnh cho mọi người phải khen phò mã tốt áo. Những người bận ít này lại cũng chẳng bao giờ phải lo chuyện giặt quần, giặt áo. Ngồi ăn họ không bao giờ sợ catsup văng lên áo. Có văng vào... đâu thì chỉ một tờ giấy chùi nhanh đi là lại... mới như cũ. Họ có thể dửng dưng khi đi qua tiệm giặt khô, không bao giờ thắc mắc cái bàn ủi, không bao giờ than mất cái bít tất trong máy giặt, không bao giờ phải đau khổ không biết lựa chọn mặc boxers hay briefs như ông Clinton. Họ không phải đắn đo về size: Large, Small, Medium. Extra Large bao giờ. Một cỡ là vừa họ hết.

Nhưng cũng có vài ba cái bất tiện của chuyện không bận gì của họ. Thí dụ bỏ ví, tiền lẻ và chìa khóa ở đâu. Thế mùa đông đến thì làm sao... ra cửa cào tuyết. Chẳng lẽ lại phải... bận vậy?

Chuyện không bận gì có thể là đùa giỡn với một số, nhưng với một người ở Suffolk, Virginia thì không. Robert Gallup coi chuyện không bận gì là một cách thực thi Tu Chính Aùn thứ nhất. Người đàn ông này hành xử quyền tự do ngôn luận của ông ta bằng cách nhân lúc không bận gì, chạy ra đứng ở sân trước nhà. Bị bắt lần thứ ba, và bị đưa ra tòa, chàng nói chàng có đứng trước sân cào cỏ, hốt lá thật, nhưng chàng không hề có ý phô bầy cho ai xem cái gì hết. Chàng chỉ muốn dùng quyền tự do ăn nói của chàng mà thôi. Có lẽ chàng nói đúng. Ðứng trước vườn nhà trong bộ áo sinh nhật, chàng cũng muốn nói lên một cái gì đó chứ. Ðâu phải cứ nói ra tiếng mới là... nói đâu. Nhẩy múa cũng là cách diễn tả đấy chứ. Mà diễn tả là nói chứ còn gì nữa. Ra hiệu cũng là nói đó. Giơ ngón tay cái lên, hay giơ ngón tay giữa đều có ý nghĩa cả. Có âm thanh nào được phát ra đâu.

Nhưng tòa án ở Chesapeake hôm 17 tháng 2, sau khi nhìn chàng kỹ, không thấy được điều chàng muốn nói, nên phạt chàng năm trăm Mỹ kim, sau đó, lại treo cái án đó, bảo chàng đem tiền đi mua ít quần áo.

Có lẽ bận một chút cũng hay.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 17 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Mấy năm trước, Andy Rooney, trong chương trình 60 Minutes của hệ thống CBS, có đưa ra đề nghị tại sao nước Mỹ không quay trở về chế dộ quân chủ để đỡ cho người dân cứ mỗi 4 năm lại phải bầu một ông tổng thống mới, vừa đỡ phiền nhiễu, bớt tốn kém, vừa tránh cho nhiều người khỏi bị con bọ chính trị - political bug - cắn nát người, chạy đôn chạy đáo vận động để được dọn vào căn nhà số 1600 đại lộ Pennsylvania ở thủ đô nước Mỹ sống tạm bợ 4 năm, hết giao kèo lại phải dọn đi chỗ khác?

Ý kiến đó thực ra không phải là dở. Có thể còn hay nữa là khác. Và mấy hôm nay, nhìn ông Clinton, những vất vả, những đau đầu của ông, thì tôi lại thấy không những ý kiến của Andy Rooney không viển vông, mà còn rất có lý, và nhiều cơ hội có thể xẩy ra nữa không chừng. Ðó là lúc ở nước Mỹ không còn ai muốn làm tổng thống nữa hay cũng có thể không còn tìm đâu ra được một ông tổng thống cho nước Mỹ nữa cũng vậy.

Nhìn ông Clinton trong bức hình mà tờ New York Times đăng lại trên trang nhất ngày hôm qua thì người ta tưởng không còn gì có thể thảm bằng. Hình chụp ông ngồi trong xe chạy từ phi trường về tòa Bạch Ốc sau khi vừa từ Trung Ðông trở về. Ðó là hình ảnh của một người đàn ông đau buồn đến tuyệt vọng đến cùng cực. Chuyến đi Do Thái và vùng bờ phía tây của sông Jordan là một chuyến đi hoàn toàn thất bại, và chờ ông ở thủ đô, là cuộc tranh luận để biểu quyết luận tội ông. Khuôn mặt của ông nhắc nhở mọi người đến mùa đông nghiệt ngã đang đổ chụp xuống Bắc Mỹ: cái mền mà mọi người không thể không có trong thời tiết lạnh. Nếu khuôn mặt ông trong bức ảnh của tờ New York Times trông không giống cái mền thì không biết cái mền phải giống như thế nào nữa.

Tôi tin là lúc ấy ông đang nghĩ tới những thời gain yên bình nhất của đời sống trước đó. Và hai nhiệm kỳ ở tòa Bạch Ốc không phải là thời gian đó. Chắc chắn đó là lúc ông không thích làm tổng thống chút nào.

Nhiều người khác cũng nghĩ như ông. Và nếu cứ tiếp tục như thế này, chức vụ tổng thống Hoa Kỳ sẽ không còn ai muốn đụng tới nữa. Chức vụ đó có thể sẽ không còn ai đủ điều kiện để đảm nhận, nếu những điều kiện đó là những gì người ta nghe thấy ở quốc hội mấy hôm nay.

Ðể làm tổng thống Mỹ, ứng viên không còn cần phải là một nhà chính trị tài giỏi, một tay hùng biện, một gương can đảm tại nghị trường, một đầu óc kinh bang tế thế như trước đây nữa. Những tiêu chuẩn và điều kiện khác có thể sẽ được đặt ra cho việc tuyển người đưa vào ngồi ở tòa Bạch Ốc.

Thí dụ một cái quảng cáo sẽ được gửi đăng trên các báo ở Hoa Kỳ như thế này:

CẦN NGƯỜI

Cần tìm một người lương hảo, trong sạch, không có bất cứ một cái tội nào trên đầu để đảm nhiệm chức vụ tổng thống Mỹ.

Ứng viên phải hiểu là sẽ bị điều tra lý lịch rất kỹ, và mọi tì vết dù nhỏ, dù xưa cũ cũng sẽ bị lôi ra hết. Tòa Bạch Ốc, nơi làm việc, và luôn cả các nơi khác trong khuôn viên dinh tổng thống cũng sẽ bị theo dõi thường xuyên bằng máy móc điện tử. Người thân trong gia đình, bạn bè, luật sư, ban tham mưu và các nhân viên bảo vệ an ninh cũng sẽ thường xuyên bị phỏng vấn, sưu tra, cung khai hữu thệ để đảm bảo ứng viên không có bất cứ một hành động sai trái nào. Ứng viên hội đủ điều kiện xin gửi phiếu lý lịch tiểu sử cho ủy Ban Bài Trừ Tội Lỗi của quốc hội Hoa Kỳ để cứu xét.

... Và quốc hội có thể ngồi cho đến khuya để chờ đơn xin làm tổng thống, nếu có người dại dột đưa đơn.

Tôi bỗng nhớ lại một bức hí họa trenâ một tờ báo nọ. Bức họa vẽ một chú nhỏ đang ngồi ăn trưa trên một chiếc ghế trong một sân trường tiểu học. Cạnh chú là một cô nhỏ cùng tuổi. Chú đang ngồi. Cô bé thì đang đứng. Cô bé chắc chắn đã hỏi chú nhỏ một câu nào trước đó nhưng bức hí họa không cho biết. Lời phụ đề ở dưới đại khái như thế này: "Không được... mày không ngồi đây với tao được... Tao định ra tranh cử tổng thống sau này..."

Bức hí họa xem tưởng như chuyện tưởng tượng nhưng càng theo dõi những cuộc tranh luận tại quốc hội Mỹ mấy ngày hôm nay, người ta càng thấy cẩn thận như chú nhỏ là đúng.

Nếu chú muốn làm tổng thống Mỹ trong tương lai.

Rồi đây, những người không dám tuyên bố ra tranh chức tổng thống Hoa Kỳ sẽ được hiểu ngay là các ông các bà có dấu vài ba mối tình cũ đâu đó.

Chỉ có những người như bạn, khi tuyên bố không ra tranh cử thì không ai được quyền nghi ngờ rằng bạn có dấu vài bộ xương khô trong tủ bao giờ.

Lý do rất dễ hiểu: hiến pháp Mỹ không cho những người không ra đời tại nước Mỹ làm tổng thống. Vậy thôi.

Chứ chẳng phải là đã có thời bạn ngồi cạnh cô bạn nhỏ ăn trưa ở cái trường tiểu học nào đó ở Việt Nam và dụ cô cho bạn ăn thử miếng... bánh bò của cô đâu. Yên trí.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 17 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Như vậy, tôi không phải là người duy nhất ở nước Mỹ khó chịu về cách xưng hô đó, lối xưng hô unisex như những tiệm hớt tóc vẫn viết ngoài cửa, như những trang tử vi nam nữ xem (?) chung của mấy ông thầy tử vi lười biếng...

Tôi vẫn cứ nghĩ cái danh từ đó là giống đực, như trong bài A Guy Is A Guy của Doris Day, hay My Guy của ban The Supremes...

"Guy" trong những bài hát này, khi nghe lại mới dây, tôi vẫn thấy là giống đực chứ có nam nữ dùng chung bao giờ đâu. Nếu "guy" là một danh từ lưỡng tính thì tại sao vở nhạc kịch của Broadway hồi những năm 50 phải mang cái tựa dài là "Guy And Dolls"? Cứ "Guys" không thôi cũng đã đủ rồi, sao còn phải thêm "Dolls" nữa?

Nhưng danh từ "guy" hình như đang trải qua một giai đoạn đổi giống. Ðang từ giống đực, "guy" biến thành giống cái mà không cần bất cứ một cuộc giải phẫu nào. Mấy năm trở lại đây, "guy" đã được dùng để chỉ một người đàn ông, hay một người đàn bà đều được cả. Chẳng phải vì phụ nữ giải phóng mà nó đi qua đoạn đường ấy. Phụ nữ giải phóng chỉ làm phát sinh ra những chữ quái đản như chairperson thay vì chairman, hay đổi manhole (cái lỗ người ta chui xuống để sửa chữa cống, rãnh...) thành personhole vì không đổi thành womanhole được...

Ngày nay "guy" nam, phụ, lão, ấu đều dùng được. Cha, mẹ nói với các con, trai cũng như gái, dùng "you guys". Con cái nói với cha mẹ, ông bà nội ngoại, chú bác, cô dì... đều "guys" hết.

Nhưng nếu nó chỉ trở thành unisex, nam nữ dùng chung không thôi thì cũng không có gì đáng phải nói ra ở đây. Ðiều đáng nói ở đây là chữ này đã được dùng một cách quá thân mật khi sự thân mật chưa được cho phép. Chưa được cho phép thân mật mà đã thân mật thì nó là hỗn, là xược.

Có lần ở một tiệm ăn, tôi và người bạn bị một cô waitress chừng mười mấy tuổi gọi là "you guys". Bạn tôi nhất định không ngồi ở đó nữa, lý do là vì "nó" còn nhỏ hơn con út của bạn tôi mà nó dám hỗn, gọi hai người đáng tuổi bố là "you guys" thì không được. Phải chi nó không là Mỹ thì còn tha vì tiếng Anh dẫu gì cũng không phải là tiếng cha sinh mẹ đẻ...

Chúng tôi đi ăn ở chỗ khác. Tôi thì nghĩ cô waitress gọi thế là để... khen chúng tôi trẻ. Bạn tôi hứ cho mấy cái và đổ thêm cho cô waitress cái tội kỳ thị hai người đàn ông trung niên Á châu chứ gặp Mỹ "nó" sức mấy dám "you guys".

Cuối tuần qua, nhờ đọc bức thư của một độc giả ở Chicago viết cho Ann Landers tôi mới biết rằng cô waitress bị bạn tôi đổ oan cho là kỳ thị. Người viết lá thư cho Ann Landers cho biết bà cùng mấy người bạn phụ nữ cũng bị "you guys" trong một tiệm ăn. Không phải chỉ một lần, mà là ba lần. Lần đầu bà và các bạn được chào "Hi, guys". Lần thứ nhì, mấy "guys" này được hỏi có uống gì không. Rồi cuối bữa, các "guys" còn được hỏi thêm là có ăn tráng miệng gì không...

Mấy "guys" Mỹ này tức quá bèn nhờ một "guy" viết thư lên báo, gửi cho Ann Landers than phiền, và hỏi việc gọi mọi người là "you guys" có thiếu nghiêm túc và xúc phạm người khác không. Ann Landers trả lời là có thiếu nghiêm túc và có xúc phạm thật.

À thì ra ngoài bạn tôi và tôi - tôi vẫn nghĩ chúng tôi ăn nhờ ở đậu tiếng Anh, mắc mớ gì phải tức điên lên về mấy cái chữ vặt đó - cũng có cả những người ăn ở với tiếng Anh cả đời cũng bực bội. Chúng tôi có tức thì cũng là sự bực tức hợp lý và hợp (ngữ) pháp. Và bạn tôi cũng không phải là người quá quắt khi lôi tôi đi khỏi tiệm ăn để lội mưa tới một tiệm khác.

Nhưng cái sai lầm, cái lỗi đó có thể chỉ có một phần ở phía bên gọi "you guys" mà thôi. Có cho thì người ta mới dám gọi. Không cho thì làm sao "you guys" được?

Cạnh nhà tôi có một phụ nữ trẻ người Việt, tuổi tác còn nhỏ hơn con bạn. Cô luôn luôn gọi ông già đáng tuổi ông nội của cô ở bên kia đường, không bằng "mister", mà bao giờ cũng bằng Tom. Không phải Thomas, mà là Tom.

May là tôi không để cô làm quen và cô cũng không biết tên tục của tôi.

Chứ nếu cô gọi tôi bằng cái tên ông cụ tôi vẫn gọi tôi, thản nhiên như cô gọi ông già bên kia đường, thì không biết cái cổ của cô bây giờ như thế nào...

Con cái nhà ai mà lạ thế. Cũng lại may là cháu trai của tôi có nơi có chỗ tử tế rồi.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 17 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Tôi có người bạn ở xa, thỉnh thoảng, vì lười viết thư, tôi điện thoại hỏi thăm chàng, nhưng cũng ít khi gặp được con ngựa vía này mặc dầu mỗi lần gọi chàng ở nhà, bao giờ tôi cũng chờ đến tối, khoảng thời gian tôi nghĩ chàng có nhà.

Mỗi lần gọi, chuông điện thoại reo chừng hai lần là có người trả lời, và người trả lời luôn luôn là cậu con trai lớn của chàng. Mười lần như một, cuộc điện đàm chỉ có những câu như thế này: "Có bố cháu ở nhà không?" "No." "Có biết bố đi đâu không?" "Uh uh." "Có biết bố bao giờ về không?" "Uh uh." "Bố có về nhà tối nay không?" "Dunno." "Bố có đi với mẹ không?" "Uh uh." Click... eeeeeeeee...

Con trai bạn tôi thật là người tốt, biết khách gọi viễn liên nên rất vắn tắt để cho cái bill điện thoại không làm cho bạn của bố phải ngất xỉu.

Nhưng tôi vẫn ước gì cậu con trai của bạn tôi dùng thêm được những chữ khác hơn là "No... uh uh... dunno... uh uh..."

Ðể nói "không biết," người ta có khá nhiều cách diễn tả. Không chỉ "uh uh" rồi nhún vai từ đầu đến cuối cuộc điện đàm. Trong tiếng Việt, thứ tiếng quen thuộc của tôi thì như thế. Hay là tiếng Anh nghèo hơn tiếng của chúng ta. Tôi cứ đinh ninh như vậy, cho đến gần đây, khi được biết là tiếng Anh, nếu giỏi như ông Clinton, để nói "không biết", có cả vài chục cách khác nhau. Thế mà báo chí vẫn gọi ông Reagan là The Great Communicator, tay thuyết khách đại tài. Tôi nghĩ ông Clinton mới thực sự xứng đáng với lối tôn xưng đó.

Ngày 17 tháng 1, trong khi ra khai trước luật sư của Paula Corbin Jones, người phụ nữ đưa ông ra tòa về tội sách nhiễu tình dục, ông Clinton đã nói "không biết" bằng 54 cách khác nhau.

Phải chi mà người trả lời những cú điện thoại thăm hỏi của tôi biết lấy 1/10 những câu ông Clinton dùng, thì đời tôi đã hạnh phúc hơn biết là bao nhiêu. Chỉ "No... uh uh... dunno... uh uh..." để đáp những câu thăm hỏi của tôi về cha cậu bao giờ cũng khiến tôi nghĩ người bạn tôi đang có nhà, không muốn trả lời điện thoại của tôi nên dặn con trả lời cho xong chuyện. Nếu không, thì phía bên kia chẳng lý gì đến những quan tâm của tôi về người bạn, không hề mảy may đưa ra một cố gắng tìm hiểu bạn tôi ở đâu, đi đâu, mấy giờ về...

Những cảm tưởng như thế làm sao không khiến cho tôi khỏi chán đời cho được.

Nhưng nếu người trả lời là ông Clinton thì đời tôi đã vui biết là bao. Hỏi câu gì ông không biết, không nhớ, không hay - mà những trường hợp ông không biết, không nhớ, không hay thì nhiều lắm - ông trả lời không bằng một câu "I don't know" một cách cho xong chuyện. Ông không biết không nhớ, không hay tới 267 lần.

Nhưng không phải là 267 lần ông đưa ra chỉ độc nhất có một câu "I don't know". Ông dùng 54 câu khác nhau:

Tôi không nhớ (I don't remember) 71 lần.

Tôi không biết (I don't know) 62 lần

Tôi không chắc (I am not sure) 17 lần.

Tôi không rõ (I have no idea) 10 lần.

Tôi không tin vậy (I don't believe so) 9 lần.

Tôi không nhớ lại được (I don't recall) 8 lần.

Tôi không nghĩ thế (I don't think so) 8 lần

Tôi không nhớ rõ (I don't have any specific recollection) 6 lần.

Tôi không nhớ lại được (I have no recollection) 4 lần.

Theo chỗ tôi biết thì không (Not to my knowledge) 4 lần.

Tôi không nhớ (I just don't remember) 4 lần.

Tôi không tin (I don't believe) 4 lần.

Tôi không nhớ chắc (I have no specific recollection) 3 lần.

Tôi có thể đã (I might have) 3 lần.

Tôi không nhớ được điều đó (I don't have any recollection of that) 2 lần.

Tôi không nhớ rõ (I don't have a specific memory) 2 lần.

Tôi không nhớ điều đó (I don't have any memory of that) 2 lần.

Tôi không thể nói (I just can't say) 2 lần.

Tôi không trực tiếp biết điều đó (I have no direct knowledge of that) 2 lần.

Tôi không có một ý niệm nào (I don't have any idea) 2 lần.

Theo chỗ tôi nhớ thì không (Not that I recall) 2 lần.

Tôi không tin là đã làm điều đó (I don't believe I did) 2 lần.

Tôi không nhớ (I can't remember) 2 lần.

Tôi không thể nói (I can't say) 2 lần.

Tôi không nhớ đã làm như thế (I do not remember doing so) 2 lần.

Không phải là điều tôi nhớ (Not that I remember) 2 lần.

Tôi không ý thức được điều đó (I'm not aware) 1 lần.

Tôi thành thật không biết (I honestly don't know) 1 lần.

Tôi không tin là đã làm như thế (I don't believe that I did) 1 lần.

Tôi khá tin chắc rằng (I'm fairly sure) 1 lần.

Tôi không nhớ như thế kia (I have no other recollection) 1 lần.

Tôi không dám chắc (I'm not positive) 1 lần.

Tôi chắc chắn không nghĩ như thế (I certainly don't think so) 1 lần.

Tôi quả thực không nhớ (I don't really remember) 1 lần.

Tôi không có cách gì nhớ được chuyện đó (I would have no way of remembering that) 1 lần.

Ðó là điều tôi tin đã xẩy ra (That's what I believe happened) 1 lần.

Theo chỗ tôi biết thì không (To my knowledge, no) 1 lần.

Theo chỗ tôi biết rõ nhất thì (To the best of my knowledge) 1 lần.

Thực sự tôi không nhớ (I honestly don't recall) 1 lần.

Thành thực tôi không nhớ (I honestly don't remember) 1 lần.

Ðó là tất cả những gì tôi biết (That's all I know) 1 lần.

Ðó là tất cả những gì tôi biết về chuyện đó (That's all I know about that) 1 lần.

Tôi không chắc (I'm just not sure) 1 lần.

Tôi không nhớ (Nothing that I remember) 1 lần.

Tôi không biết (I simply don't know) 1 lần.

Tôi không biết (I would have no idea) 1 lần.

Tôi không biết gì về chuyện đó (I don't know anything about that) 1 lần.

Tôi không trực tiếp biết điều đó (I don't have any direct knowledge of that) 1 lần.

Tôi không biết (I just don't know) 1 lần.

Tôi quả tình không biết (I really don't know) 1 lần.

Tôi không phủ nhận là tôi đã làm điều đó, nhưng tôi không nhớ gì hết (I can't deny that I did, I just have no memory of that at all) 1 lần.

Tôi mong nếu cậu con trai của bạn tôi không biết bạn tôi đi đâu vào buổi tối khi tôi gọi cho chàng, thì cậu cũng chịu khó học những cách khác nhau để nói cậu không biết cho bạn của cha cậu đỡ chán đòi một chút.

Và luôn cả bạn của tôi nữa, chàng cũng nên biết 54 cách khác nhau để trả lời khi lò dò về nhà sau nửa đêm và bị hỏi là tại sao bạn ở xa gọi lại không có nhà.

Có thể nhờ những câu trả lời đầy sáng tạo của tổng thống Clinton chàng sẽ thoát nạn không chừng.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 14 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Vụ Paul Shimkonis kiện nhà hàng Diamond Dolls ở quận Pinellas, tiểu bang Florida đòi bồi thường mười lăm ngàn Mỹ kim về những thương tích gây ra cho nguyên đơn khi một nữ vũ công thoát y của nhà hàng, Tawny Peaks, nhẩy lên người nguyên đơn và đập bộ ngực mà Paul mô tả trong đơn kiện là cứng như hai cục gạch xi măng (two cement blocks) lên đầu chàng, đã được xử xong.

Chánh án ngồi xử là cựu thị trưởng New York, ông Ed Koch. Ông tòa Koch sau khi nghe luật sư hai bên trình bầy, đã ra lệnh cho Josephine Longobardi, một lục sự của tòa, đưa nữ vũ công Tawny Peaks vào phòng khám xem "võ khí" của cô vũ công này có cứng như nguyên đơn khai trước tòa không. Nữ lục sự Longobardi sau khi khám xong, cho tòa biết là chúng (bộ ngực của Tawny Peaks) cân nặng khoảng bốn cân Anh, với hai mươi phần trăm là silicone, và không cứng như hai cục gạch xi măng như luật sư và nguyên đơn nói.

Chánh án Koch tuyên bố ông tin rằng Tawny Peaks có thể đã quật bộ ngực của cô lên đầu Paul Shimkonis trong xuất trình diễn hồi tháng 9 năm 1996 nhưng không nghĩ là Paul Shimkonis bị thương tích vì màn trình diễn của Tawny Peaks. Ông tòa Koch tuyên bố tha bổng chủ nhà hàng Diamond Dolls. Phiên xử sẽ được chiếu trên truyền hình trong chương trình People's Court vào tuần lễ đầu tiên của tháng 9.

Như vậy, đúng như tôi đã nói trong thư trước, hy vọng thắng của Paul Shimkonis rất ít nếu Paul chỉ kiện đòi bồi thường vì những thương tích do hai cục gạch xi măng của Tawny Peaks gây ra. Paul đáng lẽ nên kiện nhà hàng Diamond Dolls vì quyền hiến định của Paul bị vi phạm: Paul bị Tawny Peaks hạn chế tự do ăn nói khi hai cục gạch đó "lấp" bộ phận dùng để hành xử quyền tự do ngôn luận của Paul.

Nhưng Paul phải kháng án. Không cần phải nại dân quyền (civil rights) ghi trong Tu Chính Án Thứ Nhất của chàng bị vi phạm. Chỉ cần dựa trên phán quyết của chánh án Koch là đủ.

Chính ông tòa Koch cũng nhận là Tawny Peaks có thể đã đập hai cục gạch xi măng vào đầu Paul. Nhưng ông không tin là việc đó có thể gây thương tích cho Paul.

Làm sao ông biết... bia đá không đau?

Theo nữ lục sự Josephine Longobardi, hai cục gạch của Tawny Peaks không phải là những cục gạch thông thường. Mỗi cục nặng tới hai pounds. Hai cục là bốn pounds. Chỉ có hai chục phần trăm là bằng silicone. Phần còn lại là bằng vật liệu tự nhiên theo nguyên văn lời khai của lục sự: they weighed about two pounds each and were twenty percent silicone and the rest natural.

Hai khối vật liệu đặc như vậy được thình lình quật mạnh vào đầu của một người đang ngồi thì nhất định phải gây thương tích. Ông tòa Koch nói không là ông nói tầm bậy.

Những cái túi silicone dùng để cho vào ngực phụ nữ mà thỉnh thoảng chúng ta thấy trong các bản tin truyền hình không phải là nho. Chúng lớn gần bằng những cái bát ăn cơm. Mà chúng cũng chỉ là khoảng hai mươi phần trăm của cục gạch. Tưởng tượng cục gạch lớn gấp 5 lần những cái bịch silicone đó đập mạnh vào đầu của Paul thì chịu sao nổi. Ðó là mới một cục. Tưởng tượng hai cục quật vào đầu Paul thì sẽ ra sao?

Những cú đấm cua Joe Frazer, của Muhamad Ali, của Sonny Liston, của Leon Spink, của Floyd Paterson... thì có trúng, cũng chỉ một quả một. Ðây là hai quả cùng một lúc. Bốn cân Anh vừa chất liệu thiên nhiên vừa silicone thì nhất định phải có thương tích. Ông tòa Koch hỏi Paul tại sao mấy tháng sau mới đi bác sĩ và phim chiếu điện không cho thấy thương tích. Ông Koch đúng là chưa bị quật gạch lên đầu bao giờ. Paul cho biết chàng xấu hổ quá , không dám đi bác sĩ ngay. Khi thấy bớt xấu hổ, chàng đi bác sĩ, chụp quang tuyến thì thương tích đã biến mất.

Xấu hổ là phải. Bị hành hung đến có thương tích bằng hai cục gạch xi măng, ấy là chưa kể đến chuyện bị hai cục gạch xi măng "lấp" miệng, ú ớ nói không ra lời, mà còn dám đi bác sĩ xin khám đã là giỏi lắm rồi.

Nhưng chắc ông tòa độc thân Ed Koch chưa bị ai đấm bằng gạch xi măng bao giờ nên ông không biết cái đau và bởi thế mới xử ức cho Paul Shimkonis như thế. Paul phải kháng án, xuất trình tất cả mọi chứng cứ bất khả cự tuyệt, đòi diễn lại nội vụ, không thể để cho chuyện bị chìm xuồng được. Nếu không, người ta có lý để sợ rằng sẽ có nhiều phụ nữ bắt chước để dùng thế đòn hiểm độc này trong những vụ bạo hành trong gia đình mà không sợ bị trừng phạt.

Còn Paul Shimkonis thì nếu không được bồi thường như đơn đòi, thì it nhất cũng được hành hung lại một lần nữa cho... đáng đời.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 14 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Nhân vật chính trong Nhục Bồ Ðoàn, tiểu thuyết của Lý Ngư, cuốn sách được coi là đệ nhất phong lưu tiểu thuyết của văn học Trung Hoa, cuối cùng nhận ra một điều là tất cả mọi việc xẩy ra trong đời chàng, những hệ lụy với không biết bao nhiêu là phụ nữ, những chuyện không có gì tốt đẹp, trái lại chỉ đem lại đủ mọi thứ bất hạnh cho chàng và những người chung quanh, đều do một bộ phận trên người của chàng gây ra.

Chàng đem cắt nó, rồi đi tu.

Việc làm của nhân vật chính này là một hành động dứt khoát, nhưng có phần quá quyết liệt. Tuy nhiên làm như vậy có đúng không?

Những việc chàng làm, do những suy nghĩ, những mệnh lệnh phát xuất từ cái đầu mà tại sao lại trừng phạt một bộ phận ở quá xa cái đầu như thế? Ai mà chẳng nghĩ như vậy, nếu không có óc sai khiến, thì làm gì có hành động.

Nhưng lối nhìn của nhân vật trong Nhục Bồ Ðoàn hiện đang càng ngày càng được nhiều người đồng ý. Tại một số tiểu bang ở Mỹ, những can phạm bị tòa phạt về những tội liên quan tới tình dục có thể được hưởng những bản án nhẹ và được trả tự do sớm nếu họ đồng ý dẹp bỏ loại võ khí mà họ đã dùng để bạo động. Việc dẹp bỏ võ khí của các can phạm này có thể thực hiện dưới hình thức cắt bỏ dịch hoàn, gọi nôm na là thiến.

Khẩu súng không có đạn thì không thể gây bạo động được. Hỏa tiễn không mang đầu đạn hay đầu đạn không mang ngòi nổ thì mục tiêu của các hiệp ước tài giảm võ khí chiến lược SALT-1 và SALT-2 (Strategic Arms Limitation Treaty) đã đạt được.

Thế mới biết nhà văn Lý Ngư giỏi. Ngay từ thế kỷ thứ 15, khi cuốn Nhục Bồ Ðoàn của ông được viết xuống, ông đã đưa ra được ý kiến giúp các thương thuyết gia võ khí ngày nay dùng để thảo luận tại bàn hội nghị.

Trường hợp của nhân vật chính trong Nhục Bồ Ðoàn được nhắc đến trong một thành ngữ của tiếng Việt miền Nam. Miền Bắc không có được một thành ngữ nào mầu sắc như thế.

Một nhân vật trong một chuyện ngắn tôi đọc đã lâu nay quên mất tựa của truyện cũng như tên của tác giả, kể lại chuyện xuống xóm của một hậu thân ông Tú Xương. Hậu duệ ông Tú đến thăm... em một chiều mưa. Hậu duệ bị ướt như một con chuột lột. Hậu duệ vừa mở cửa bước vào thì người phụ nữ chủ động cười phá lên và hét lớn: "Thằng nhỏ làm tội thằng lớn..."

Thằng lớn là đương sự. Thằng nhỏ là người bạn thân thiết của đương sự.

Khi những thôi thúc cấp bách của người bạn thân buộc đương sự phải lội mưa để chiều theo những thôi thúc đó thì thằng lớn khổ. Vì thế mới là thằng nhỏ làm tội thằng lớn.

Không biết câu nói đó thực sự là của người phụ nữ chủ động hay là một câu nói đầy sáng tạo của tác giả, nhưng đó là một câu nói chứa đựng không biết bao nhiêu sự thực ở trong.

Khi thằng lớn không hành xử dựa trên những suy nghĩ của cái đầu, khi bộ óc không được đem ra dùng để dẫn dắt những hành động của mình thì đã là không được rồi. Không dùng cái đầu để nghĩ mà lại để cho một bộ phận khác lèo lái hành động của mình thì nhất định gặp rắc rối.

Vụ rắc rối mà Monica Lewinsky tạo ra cho ông Clinton còn đang nóng hổi trên mặt báo mấy hôm nay lại càng cho thấy câu nói đùa trong chiều mưa với một ông khách của người phụ nữ chủ động là một câu nói hay tuyệt.

Ông Clinton là tổng thống nước Mỹ, một nước vừa lớn, vừa giầu, vừa mạnh. Có nói ông là người có quyền nhất thế giới thì cũng không sai bao nhiêu. Ông chỉ oai kém có ông Trời mà thôi.

Ông nhất định phải là một người lớn. Một vĩ nhân. Ông to lắm. Ông lớn lắm.

Vậy mà ông vẫn bị làm khổ.

Giá ông bị ông Boris Yeltsin làm khổ thì cũng được đi. Hay nếu ông bị Giang Trạch Dân làm khổ thì cũng vẫn còn được. Vì lẽ cả hai ông này đều là những người lãnh đạo các nước lớn. Hai ông lãnh tụ, một ông nước Nga, một ông nước Tầu, ắt phải là những người lớn. Ông Clinton là người lớn mà bị người lớn làm khổ thì không sao. Chứ để cho cái thằng nhỏ nó lôi đi, nó xúi làm bậy thì chán quá. Nó trông thấy Monica là nó quýnh quáng, nó nhẩy dựng lên, nó bắt ông phải gọi em bé vào phòng... Bầu Dục, rồi vào bếp, vào cả nhà cầu, vào sau tủ áo, vào hành lang để có những "liên hệ không chính đáng" (inappropriate relationship) với nó nên ông mới ra nông nỗi này, nên ông mới vất vả xin lỗi lên xin lỗi xuống mấy hôm nay mà chưa được mấy ai tha cho. Hết mea culpa...rồi lại mea maxima culpa... lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, lỗi tại tôi tầy đình, lỗi tại tôi hết trơn hết trọi...

Thế thì đúng là thằng nhỏ làm tội thằng lớn rồi còn chi nữa.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 14 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Những điều xẩy ra cho pho tượng bằng sáp rất giống ông Clinton mượn của bảo tàng viện Madame Tussaud đang được trưng bầy tại phòng triển lãm các hình nộm ở Sydney thủ phủ của tiểu bang New South Wales, nước Úc, có thể là một bài học hữu ích cho đệ nhất phu nhân nước Mỹ, tuy là bài học được ghi nhận có hơi muộn một chút.

Theo bản tin của thông tấn xã Associated Press được tờ Time số mới nhất đề ngày 21 tháng 12 đăng lại ở trang 17 thì tại phòng trưng bầy ở Sydney, pho tượng này đã gây khó khăn cho ban tổ chức không ít. Ðó là cái fermeture quần của pho tượng không chịu đóng lại, khiến cứ vài ba tiếng đồng hồ, các nhân viên an ninh canh gác phòng triển lãm lại được lệnh tới kiểm soát và nếu thấy mở, thì phải kéo lên trở lại để tránh bối rối cho ban tổ chức.

Những hình nộm của bảo tàng viện Madame Tussaud đều rất giống người thật. Madame Tussaud, một phụ nữ Thụy Sĩ qua đời đã từ lâu (1760-1850), nhưng nghệ thuật làm hình nộm mà bà đi tiên phong vẫn còn được tiếp nối và phòng triển lãm mang tên bà ở Luân Ðôn là một nơi du khách không thể bỏ qua. Gần như tất cả những tên tuổi lớn trên thế giới đều có hình tượng ở đó. Mọi kỹ thuật mới đều được sử dụng một cách tinh vi: từ mầu mắt, tới những sợi tóc, hàm răng, quần áo, mũ nón đều được thực hiện hết sức chính xác.

Tượng sáp của ông Clinton được bảo tàng viện Madame Tussaud cho mượn để mang sang Úc trưng bầy, và không hiểu vì sao, chỉ có cái fermature quần của pho tượng này mới gây khó khăn cho ban tổ chức. Hễ kéo lên, vài ba tiếng đồng hồ sau, nó lại được kéo xuống, mở ra, "con ruồi" mở toác hoác.

Không thể giải thích bằng cách nói rằng tháng 12 là mùa đông ở bắc bán cầu nhưng lại đang là mùa hè của Úc nên cái fermature được cho ở vị trí mở... cho mát.

Và bức tượng sáp thì không thể tự thò tay kéo cái khóa fermature xuống được nên chẳng lẽ lại nói là... ma làm! Nhưng tôi có thể nói ngay rằng ma ở nước Úc không quái đản như thế. Mấy lần ghé Sydney hồi hơn ba chục năm trước đã cho tôi biết chắc điều đó.

Vậy thì tại sao cứ kéo lên, vài tiếng đồng hồ sau nó lại ở vị trí mở. Tưởng tượng khi thấy "con ruồi" (?) của ông Clinton mở, các nhân viên an ninh lại phải lễ phép nói với pho tượng rằng: "Mr. President, your fly is open..." - Thưa tổng thống, "con ruồi" của ông thì mở - rồi mới kéo lên thì khổ quá.

Ban tổ chức cuộc triển lãm ra lệnh canh gác bức tượng rất kỹ nhưng không bắt được ai là người kéo cái fermature quần ông Clinton xuống. Cuối cùng, phòng trưng bầy quyết định phải lấy kim chỉ khâu... "con ruồi" của ông Clinton lại.

Sau khi khâu lại bằng chỉ vài ba mũi, cái fermature quần của hình nộm tổng thống Clinton không còn thấy mở ra nữa.

Các nhân viên an ninh có thể lo chuyện khác, không còn phải theo dõi "con ruồi" của bức tượng có mở không nữa.

Chuyện cái fermature không chịu ở nguyên vị trí đóng đã được giải quyết một cách nhanh chóng bằng một việc làm rất giản dị. Chỉ một cây kim và một sợi chỉ, cái fermature được giữ nguyên ở vị trí đóng. Cách giải quyết đó chẳng phải chỉ ban tổ chức cuộc triển lãm mới làm được. Ban tổ chức làm được thì ai cũng có thể làm được, nếu biết chút nữ công, gia chánh...

Việc lôi mũi kim sợi chỉ ra một chút vẫn có thể được ghi nhớ mãi. Có khi được đưa vào thơ, rồi lại được soạn thành cả nhạc nữa:

...nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học, chiều lành khóm tre...

Em chỉ "khíu" cho anh một chút, anh nhớ em như điên.

Nhưng bà Clinton thì không thích nội trợ. Khi đi vận động tranh cử lần đầu với ông, bà đã nói rõ bà không thể ở nhà làm bánh cookie mời hàng xóm sang chơi, tán gẫu như mấy bà già nhà quê miền nam nước Mỹ được. Bà học luật nên bà phải đi làm luật sư.

Chứ nếu bà nghe lời khuyên của mẹ:

...gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa...

nghĩa là luôn luôn có mũi kim sợi chỉ trong tay, bà đã giúp được ông rất nhiều rồi không?

Thí dụ trước khi ông đi ra đường, cứ gọi ông lại, lôi kim chỉ ra, "khíu"... cái tình lại là tha hồ "trưa ngoan lớp học, chiều lành khóm tre" như trong Ðêm, Nhớ Trăng Sài Gòn của Du Tử Lê ngay ấy chứ!

"Khíu" cho mấy cái là ngoan, là lành ngay. Chính tại không "khíu" nên mới vất vả điên người như bây giờ. Cứ sáng "khíu" bằng chỉ mầu đỏ, chiều thấy chỉ mầu xanh là nhất định có đứa khác "khíu" lại sau khi... mở ra với nó. Tra khảo ngay. Biết điều thành thật khai báo, không thành thật khai báo, "cắt mạng" cho chết đứ đừ. Vài ba lần từ khi còn ở Little Rock, Arkansas thì làm gì còn xẩy ra những Monica với lại Kathleen nữa...

Bạn đừng nói là tôi đùa. Tục ngữ Anh Mỹ cũng có câu "a stitch in time saves nine" - "khíu" một mũi vào đúng lúc thì sẽ khỏi phải "khíu" chín mũi sau này.

Cứ "khíu" lại là hay nhất. Nếu biết "khíu" từ trước có phải bây giờ thảnh thơi đi vào lịch sử bằng cửa chính, khỏi phải vất vả vì mấy cái footnote, mấy cái chú thích về Monica Lewinsky đầy oan trái không nào!

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 14 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Trong cuốn Nam Nhân Ðích Nhất Bán Thị Nữ Nhân của Trương Hiền Lượng, một nhân vật nữ, Hoàng Hương Cửu, có nói với người chồng trước khi ông ta bỏ đi đại khái rằng: "...thôi bây giờ anh bỏ tôi anh đi theo bọn xét lại phản động, bọn Lưu Thiếu Kỳ, bọn theo Nga, bọn tư bản... thì tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài việc chúc anh bình an mà thôi..."

Tuyệt nhiên không nhẩy đong đỏng lên văng ra những lời lăng mạ thậm từ về những con ngựa trời, những con đĩ chó phá tan hạnh phúc của hai vợ chồng... tui. Ðọc đoạn đối thoại kỳ lạ đó tôi nghĩ làm thế nào có trên đời những câu nói đầy nét chính trị trong một hoàn cảnh thuần tình cảm như thế được. Nước Trung Hoa là một nước cộng sản thật, nhưng trong chuyện tình cảm mà Lưu Thiếu Kỳ, phe xét lại, tư bản cũng chen được chân vào ư? Nước Trung Hoa dưới thời bác Mao đã đổi thay đến như thế chăng? Ðó là nước Trung Hoa của Lý Thương Ẩn, của Vương Bột, của Lưu Trường Khanh, của Vi Ứng Vật, của những câu thơ Ðường xanh mầu áo tư mã sao?

Người ta không còn phản ứng bình thường nữa à? Ít ra thì cũng phải lôi vài ba con khuyển kỹ, mã kỹ (đĩ chó, đĩ ngựa) ra mà chửi cho chúng nó mục mả lên chứ. Tại sao lại cho thằng chả đi theo Lưu Thiếu kỳ cho hành động của nó đầy nét chính trị như thế?

Nhưng mới đây tôi lại được nghe một câu khá gần gũi với câu của nhân vật phụ nữ Hoàng Hương Cửu trong tiểu thuyết của Trương Hiền Lượng.

Bà Clinton không biết có bao giờ cầm trong tay cuốn sách của Trương Hiền Lượng không, mà khi đọc thấy đoạn trích thuật một câu nói mới đây của bà, tôi tưởng hệt như đang đọc đoạn đối thoại của các nhân vật trong tiểu thuyết họ Trương.

Tuần trước, đệ nhất phu nhân Mỹ, khi được một nhà báo hỏi về cuộc điều tra không biết đến bao giờ mới kết thúc của công tố viên Kenneth Starr nhắm vào chồng bà, có nói rằng bà tin rằng tất cả những khó khăn rắc rối hiện nay đang đổ xuống đầu ông Clinton chỉ là một âm mưu của phe hữu - a right wing conspiracy.

Như thế, theo bà, những chuyện đau đầu của tổng thống Clinton hoàn toàn là sản phẩm của những thao tác chính trị, và phe đứng sau những thao tác này là phe hữu. Hai ông bà vì những khuynh hướng chính trị đối nghịch với phe hữu, nên phe hữu dựng lên những chuyện không hay về ông Clinton để phá tan mọi thành quả của ông, bôi bẩn những sự tốt đẹp về ông. Nói như bà Clinton, thì phải hiểu ngay rằng những vụ Paula Corbin Jones, Gennifer Flowers, Monica Lewinsky... đều đều là sản phẩm của phe hữu. Ngay cả chiếc áo xanh nước biển của Monica cũng là do phe hữu tạo ra. Cái vết trên áo cũng của phe hữu...

Nghe xong câu nói của đệ nhất phu nhân, ai cũng thấy bà là người tuyệt vời. Những hình ảnh không mấy tốt đẹp mà báo chí tô vẽ lên về bà trước đây đều sai lạc hết. Bà là người hết lòng vì chồng, cảm thông và hiểu những khó khăn của chồng, nhìn xuyên qua được tất cả những đòn hiểm ác, những âm mưu độc địa của phe thù ghét ông. Bà không hề ném cái chân đèn, quyển thánh kinh vào ông Clinton... Những vết sước trên mặt ông không do móng tay của bà tạo ra... Bà không bao giờ gọi ông là son of a bitch (đồ chó đẻ) như tờ US News and World Report đã nói. Những điều không tốt đẹp về bà biết đâu lại chẳng cũng nằm trong âm mưu của phe hữu nhắm vào phu nhân của tổng thống.

Và câu nói của bà về âm mưu của phe hữu đã giải thích được những thắc mắc của tôi từ bao nhiêu lâu nay. Ðó là tại sao với những Paula, Gennifer, Monica... bà Clinton vẫn đứng bên ông, tươi cười, vẫn vẫy tay chào đám đông khi đi bên tổng thống Clinton. Những suy nghĩ thông thường của tôi luôn luôn phác ra cảnh hai người đi hai trực thăng khác nhau, hai cặp mắt phải không bao giờ gặp nhau, người vợ phải giữ một nét mặt trang nghiêm, lạnh lùng, môi phải mím lại, phải dấu cặp mắt sau cặp kính đen, một khoảng cách văn minh phải được duy trì trong những lúc xuất hiện bên cạnh người chồng.

Và nếu người chồng có bất cứ một nỗ lực nào để tiến lại gần, để cầm lấy tay, thì một cái giọng lạnh toát như nước đá qua kẽ răng của hai hàm răng nghiến chặt vào nhau: "Leave my mommy (?) alone... take your bloody hands off me... don't touch me with that hand of yours... you s.o.b..." Kệ mẹ tôi, đừng đụng bàn tay máu me vào người tui... đừng đụng vào tôi với cái bàn tay ấy... đồ con trai của chó...

Ðó nhất định không phải là cách phản ứng trong thế giới ngày nay. Phản ứng phải như bà Clinton. Bao nhiêu âm mưu độc địa của phe hữu bị bẻ gẫy hết bằng câu nói của đệ nhất phu nhân.

Ôi giào ôi, chuyện ông bà kể cho tôi nghe chỉ là âm mưu của bọn hữu khuynh ấy mà.

Thế là im hết.

Mà nào phải chỉ có bọn hữu khuynh mà thôi đâu.

Ai nói trông thấy thằng chả đi với một đứa da trắng thịt mềm thơm phức ở khu Bolsa thì chắc chắn phải là âm mưu thâm độc của bọn Phát Xít định chia rẽ chúng ta. Nếu không thì cũng phải là đòn độc của Klu Klux Klan, của tân Nazi, của cộng sản đệ tam, của cộng sản đệ tứ, của bọn Zionist chủ trương lập quốc Do Thái, của Tổ Chức Giải Phóng Palestine, của Minh Ước Liên Phòng Bắc Ðại Tây Dương, của Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á, của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, của Ngân Hàng Thế Giới, của bọn Triad Tam Ðiểm Hội Hương Cảng, của Mafia, của tàn dư phân chủng apartheid Nam Phi, của UNITA Jonas Savimbi, của Taleban A Phú Hãn, của Khmer Ðỏ, của Saddam Hussein, của mấy cậu ayatollah ở Iran... chứ làm sao mà thật cho được.

Bằng ấy thế lực nó phá hạnh phúc của chúng ta thì phải sáng suốt như Hillary Clinton mới đáng mặt phụ nữ thông minh chứ. bạ cái gì cũng tin ngay là hỏng hết...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 10 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Những người như bạn, loại người đi máy bay như đi vào nhà tắm (nghĩa là nhiều lắm) lại sắp sửa có thêm nhiều lựa chọn khác để kéo dài thêm những giây phút bâng khuâng lúc đứng trước quầy vé ở phi trường trước khi tiến ra cửa để lên máy bay.

Bạn nhớ mấy chục năm trước, ở quầy vé, bạn luôn luôn bị hỏi muốn ngồi ở khu hút thuốc hay không hút thuốc. Bây giờ không còn câu hỏi đó nữa. Trò tra tấn, ngược đãi, vi phạm nhân quyền của chúng ta đã chấm dứt với lệnh cấm hút thuốc trên máy bay.

Nhưng có thể bạn sẽ bị hỏi muốn ngồi ở chỗ có đậu phụng hay không có đậu phụng - Peanuts hay No Peanuts - , chẳng phải vì sau khi ông Jimmy Carter, ông trại chủ đậu phụng trở thành tổng thống dở nhất lịch sử nước Mỹ mà các hãng máy bay đưa ra một trò xếp chỗ mới đầy kỳ thị như thế.

Lý do là vì mới đây, để giúp các hành khách máy bay bị dị ứng với đậu phụng (lạc) trong khi sử dụng phương tiện hàng không, bộ Giao Thông Hoa Kỳ đề nghị 10 công ty hàng không lớn nhất ở nước Mỹ đưa ra những biện pháp đặc biệt để giúp các hành khách này khỏi bi đậu phụng hành. Tờ Wall Street Journal số đề ngày 2 tháng 9 cho biết bộ Giao Thông muốn các phi cơ chở khách của các hãng hàng không dành ra một số ghế không có đậu phụng Peanut-Free Zone, hệt như những hàng ghế có ghi Non Smoking hay Smoke-Free Zone dành cho những người không hút thuốc.

Dị ứng với đậu phụng có thể làm cho người ta gãi, phát ra những tiếng kêu khọt khẹt, nhẩy từ hàng ghế nọ sang hàng ghế kia, bám vào cái giá xếp hành lý trên đầu hành khách để đánh đu với nhau, và lông lá bỗng mọc ra đầy người. Những trường hợp dị ứng như thế nên được giúp để chặn đứng bằng mọi cách.

Trong tương lai rất gần, những người đi mây về gió nhiều như bạn sẽ còn có thêm một lựa chọn nữa về chỗ ngồi. Bây giờ, sự lựa chọn Smoking hay Non Smoking không còn nữa thì lại có Peanuts hay Peanut-Free Zone.

Nhưng tại sao không biến tất cả những hàng ghế trên máy bay thành Peanut-Free hết?

Ðậu phụng là thứ snack rẻ tiền nhất mà các hãng máy bay đua nhau dùng trên những đường bay quốc nội. Mà nào phải là món quà ngon lành gì cho cam. Nếu là thứ được rang với mật ong (honey roasted) thì cũng tạm được đi. Nhưng các tiếp viên trên các chuyến bay của American Airlines, United... thường chỉ quăng cho hành khách ngồi hạng bét mỗi người một gói chừng 20 hột để nguyên cả vỏ, rang qua quéo với muối, rồi biến mất làm như sợ các hành khách ăn xong gói đậu phụng rang sẽ biến thành khỉ hết không bằng.

Chuyện đậu phụng gây dị ứng chắc là có. Ðậu phụng là một loại hạt như các loại hạt tương cận khác như đậu, hột mít... có chứa nhiều tinh bột. Những thứ hạt này, khi được trộn chung với các loại acid trong dạ dầy để giúp tiêu hóa đi, sẽ tạo ra nhiều hơi. Lượng hơi trong dạ dầy được đưa qua ruột non, rồi ruột già và cuối cùng sẽ tìm cách thoát tình trạng tù hãm trong khúc cuối của trực tràng để ra ngoài. Chính những lúc hơi thoát ra ngoài làm phiền rất nhiều người ngồi quanh trong phi cơ. Ngửi phải thứ hơi này, như vài ba lần đã xẩy ra cho tôi, trong khi không được trang bị một chiếc dù trên lưng và cửa phi cơ thì lại quá xa, thì có thể điên lên được.

Do đó, những người thích ăn đậu phụng của tiếp viên phát cho nên được cho ngồi với nhau để nếu có dị ứng thì cũng là dị ứng với nhau và thưởng thức với nhau.

Nhưng nếu đã quan tâm với những người bị dị ứng với đậu phụng thì tại sao lại không quan tâm tới những thứ dị ứng khác mà các hành khách di chuyển bằng máy bay vẫn khổ sở với những thứ dị ứng đó? Bộ Giao Thông nên nhân dịp này bắt các hãng máy bay phải thiết lập thêm những khu vực khác nữa cho những hành khách tội nghiệp bị dị ứng với đủ mọi thứ.

Thí dụ phải đặt ra những hàng ghế không cho những hành khách có - Long Leg Free Zone - chân dài quá khổ ngồi chẳng hạn. Những người này làm cho việc đi ra đi vào của các hành khách ngồi phía trong, gần cửa kính rất khó khăn.

Cũng nên dành riêng một số ghế cho những hành khách không có bàng quang để khỏi bị các hành khách có bàng quang làm phiền vì nhiều chuyến đi thăm nhà cầu của họ. Cứ gọi là Bladder Free Zone, khu của những người uống nước ít và không có bọng đái là chúng tôi vui rồi.

Thế rồi cũng rất cần dành một số ghế không cho những hành khách quá khổ ngồi để những người tầm vóc khiêm tốn khỏi sợ bị những tảng mỡ chẩy qua lấn sang ghế của mình. Cứ dùng hộp cereal được xếp hạng Fat Free đặt lên những chiếc ghế đó là đủ.

Các tiếp viên phi hành có thể chuyển những cái khay đựng những chiếc cặp quần áo bằng gỗ để các hành khách sợ những mùi nước hoa rẻ tiền cặp vào mũi để khỏi bị những mùi nước hoa này làm phiền.

Nhưng làm thế nào để cấm được những cái nách trong những chuyến bay mùa hè sau khi chủ của chúng vừa ăn xong vài tảng thịt cừu và các thứ gia vị của xứ Trầm Hương. Làm thế nào để tránh được những cái nách phơi ngồn ngộn ra bởi những chiếc sari quấn hờ hững trên người?

Ðó mới là nhũng thứ nên cấm, chứ nhằm nhò gì mấy chục hột đậu phụng mà nhiều khi không có cũng không được.

Thí dụ trong món chả cá thìa là mà lại thấy lù lù cái bảng Peanut Free Zone thì thà... ăn cơm tôi nấu cho bằn microwave còn ngon hơn.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 19 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Mấy hôm sang chơi miền tây của bạn, ngày nào tôi cũng đọc tất cả những tờ báo mà tôi tìm được, và dĩ nhiên, phải có tờ báo hàng đầu của California, tờ L.A. Times.

Ðúng hôm tôi sang, thì tờ nhật báo này có một phụ trang về sức khỏe. Ngay ở trang 1 của phụ trang S số đề ngày 12 tháng 10, là cột báo của Kristl Buluran, một phụ nữ mà mới nhìn qua, tôi nghĩ ngay là nếu không có chút máu Nhật thì cũng phải chút máu La Tinh trong người. Mắt đen, tóc đen, và đúng theo lối đọc báo của bạn: coi hình tác giả, trông có được rồi mới đọc, tôi cũng coi xong hình của nàng thì quyết định đọc cột báo của nàng ngay.

Không thấy nói lãnh vực chuyên môn của tác giả là gì nhưng vì cột báo của nàng xuất hiện trong phụ trang sức khỏe, tôi nghĩ nàng phải là người có dính dáng tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Bài báo viết về ung thư dịch hoàn, testicular cancer, thứ bệnh ảnh hưởng nhiều nhất nơi phái nam, tuổi từ 15 đến 34. Tác giả viết khá rõ về loại ung thư này, rồi chuyển qua câu hỏi làm thế nào để tìm ra bệnh. Ðiểm tốt đẹp của bài báo phải được ghi nhận ngay, đó là cách tìm ra bệnh mà người viết chỉ dẫn cặn kẽ.

Nhưng từ đoạn này trở đi, người viết liền chê lên chê xuống những người đàn ông sau khi nói rằng khác với đàn bà, đàn ông không biết tự khám lấy để có thể tự tìm ra được những dấu hiệu đầu tiên của loại bệnh giết người đó.

ở một đoạn, người viết, Kristl Buluran, một phụ nữ trông rất được đó, đã viết chi tiết ngọn ngành cách mà những người đàn ông phải làm để tự khám dịch hoàn của mình xem có bị ung thư dịch hoàn không.

Tác giả viết rõ phải đứng trước gương làm sao. phải xem có cục u nào trong những cái túi (?) mình không, phải dùng hai tay - slowly examine each testicle with both hands, rolling it gently between the thumbs and fingers, feeling for lumps or swellings... từ từ khám mỗi dịch hoàn, lấy ngón tay cái và những ngón tay khác nhẹ nhàng lăn lên lăn xuống để tìm những cục u hay nhũng vết sưng...

Thôi có người khác chỉ vẽ cẩn thận như vậy cũng được đi, nhưng tác giả sau đó viết rằng chỉ có thế mà những người đàn ông cũng không chịu làm, không chịu tự đứng trước gương, khám xét mình cẩn thận để mà tự cứu lấy mình. Người viết quay lại nói rằng trong khi đó, các phụ nữ lại là những người rất quan tâm tới sức khỏe của họ, luôn luôn để ý, tự khám lấy mình chứ không như những người đàn ông mà chắc tác giả coi là vô tích sự lắm.

Chuyện khám lấy những khu vực rất kín đáo như vậy của những người đàn ông, những con người luôn luôn tỏ ra khiêm tốn về chính mình đó bị lôi ra bầy trên mặt báo với những lời dậy dỗ và chê bai của tác giả là điều đáng nói.

Tác giả chỉ dậy chúng tôi như vậy có kỹ quá không? Tại sao phải ra đứng trước gương - stand in front of a mirror - làm gì? Soi cái gì ở trước tấm gương đó? Cần phải đứng thẳng, hay đứng nghiêng? Có phải chải đầu trước khi ra đứng trước gương không? Có cần phải uốn éo một chút trước gương không?

Ô hay khám cái dịch hoàn chứ làm gì mà phải ra trước tấm gương, chiếm độc quyền cái buồng tắm, gây phiền nhiễu, trở ngại một cách không cần thiết cho những người khác?

Chuyện tự khám lấy cái khu vực ấy trong cơ thể là quan tâm chính những người đàn ông. Họ không thích tự khám cho họ, họ muốn chết thì mặc kệ họ. Tại sao phải quan tâm đến độ quá đáng như thế? Nó muốn chết thì cho nó chết. Mắc mớ gì lôi chuyện khám hai cái dịch hoàn đó lên trang nhất mà nói?

Tôi không thể hiểu được.

Không thể hiểu nhiều nhất là ở đoạn quay lại chê những người đàn ông ấy, nói rằng những người ấy, khi hỏi chuyện đá banh thì giỏi lắm, thông thạo lắm, nhưng khi hỏi về mấy cái trái dịch hoàn đó thì mù tịt, chẳng biết gì hết, chờ cho đến khi nó sưng to bằng quả banh rồi mới đi bệnh viện...

Chuyện chỉ dẫn cho các phụ nữ làm công việc tự khám lấy cơ thể của mình đã được làm nhiều lần, bởi các y sĩ nam cũng như nữ. Nhưng chưa bao giờ có một bài báo nào của một nam y sĩ chê bai các phụ nữ không biết tự khám lấy một vài bộ phận trên cơ thể của mình như bài báo của Kristl Buluran.

Ðọc đoạn văn của nàng viết, rồi lại đưa mắt nhìn lên bức ảnh của nàng ở đầu cột báo, ít người giữ được bình tĩnh. Trong hình, Kristl Buluran đang nghiêng đầu cười rất tươi. Nụ cười đó làm người đọc hết sức khó chịu. Sau khi viết ràng đàn ông không biết khám dịch hoàn của mình, chỉ cách ra đứng trước gương, lấy tay tự khám lấy... người viết cười tươi rói như thế đấy.

Nàng có quyền lợi gì ở việc tự khám lấy ấy? Tại sao phải quan tâm quá đáng như thế? Tại sao không để chúng tôi yên với ung thư dịch hoàn? Chuyện ấy là chuyện của chúng tôi với các y sĩ và hãng bảo hiểm. Người phụ nữ xinh đẹp, tác giả của bài báo bỗng thấy quyền lợi của nàng ở khu vực đó từ lúc nào?

Mặc kệ chúng tôi chứ! Phụ nữ viết báo gì mà lạ thế?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 19 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Tại một bữa ăn ở nhà người bạn cách đây mấy hôm, tôi được nghe câu chuyện, mà nếu bỏ qua nét hai hước của nó, chúng ta nhất định cũng có thể nhìn ra một vài điều đáng suy nghĩ.

Chuyện kể một phụ nữ có việc phải đi vắng nhà vài ba hôm, nhưng chuyến đi của nàng thình lình bị cắt ngắn, có thể vì cuộc khủng hoảng tại Iraq mới đây không chừng. Nàng vì thế, đã trở về nhà không kịp báo trước cho chồng. Vừa mở cửa bước vào nhà thì nàng thấy người chồng đang ở trên giường với một phụ nữ không phải là nàng. Người vợ sửng sốt và tức giận hết sức, đùng đùng định tông cửa bỏ đi, tính chạy ngay đến văn phòng luật sư để chấm dứt với người chồng tệ bạc ấy. Nhưng trước khi nàng mở được cửa bước ra, thì người đàn ông chồng nàng yêu cầu nàng đứng lại để ông phân giải đôi điều. Người phụ nữ đồng ý.

Và người chồng nói nguyên văn như thế này: "Thưa em... chiều hôm qua, trong khi đang lái xe về nhà, thì anh trông thấy cô ấy đứng bên đường, hình dạng bi thảm, quần áo tả tơi trông chán đời lắm. Ðộng lòng trắc ẩn, anh cho cô ấy lên xe, chở về nhà. Cô ấy có vẻ như đã vài ba ngày chưa được ăn uống gì, nên anh đem miếng thịt bò mua mấy hôm trước để trong tủ lạnh mà em không lấy ra nấu, làm cho cô ấy miếng steak. Ăn xong, anh thấy cô ấy đi đôi dép đứt quai nên anh cho cô ấy đôi giầy mà em quăng ở trong ga ra vì em nói không còn hợp thời trang nữa. Thế rồi cái áo len anh mua tặng em hôm sinh nhật, em chê mầu không hợp với em, em không bao giờ mặc, treo mãi trong tủ từ đó đến nay, không xỏ tay dù chỉ một lần, nên anh cho cô ấy. Còn cái quần cô ấy đang mặc cũng rách gần hết, mà anh thấy em có cái quần rất đẹp nhưng em không bao giờ mặc, chê là không đúng mốt nữa, nên anh cho cô ấy... Cô ấy chào anh, đi về, anh đưa cô ấy ra cửa, cô ấy cám ơn và quay lại hỏi anh rằng ở nhà còn có món gì em không thèm dùng nữa... thì em mở cửa bước vào. Chuyện chỉ có vậy thôi mà em..."

Tôi thấy chuyện này không ổn, vì đàn ông, những người bị mẹ làm hư từ lúc bé, ít ai biết làm miếng steak cho chính mình chứ đừng nói cho một người lạ, nên chuyện mở tủ lạnh, lấy miếng thịt bò chiên lên cho khách là không có rồi. Do đó, chuyện ấy hoàn toàn là sản phẩm của những đầu óc hay tưởng tượng.

Thay đổi vài chi tiết, đổi nhân vật đàn ông thành dàn bà, đàn bà thành đàn ông thì nghe sẽ có lý hơn.

Thí dụ người phụ nữ nói thế này: "Anh ơi, hôm qua đi làm về, đang lái xe thì thằng cha đẹp trai, quần áo thơm phức này chạy từ lề đường ra đụng phải xe của em... Nó ngã xuống đường, trông tội lắm... Em thấy nó không chết, nên bảo nó lên xe, chở nó về nhà. Có miếng steak mua mấy hôm trước, anh không chịu ăn, cứ mì gói ăn liền mãi, rồi còn than thở là ăn mì gói cho đỡ tốn tiền, nên em lôi ra quăng lên chảo, lật qua lật lại chỉ mấy cái mà nó vồ lấy, ăn ngấu nghiến. Nó ăn ngon lành xong, em thấy cái jacket của nó bị rách ở chỗ khuỷu tay, em thấy anh có cái jacket trông đĩ ngựa hết sức, em không muốn anh mặc nên em cho nó. Cái ca vát của nó cũng bị dính nhớt, nên em cho nó cái ca vát mà con thư ký ngựa của anh cho anh mà anh hình như ghét cay ghét đắng không bao giờ chịu đeo trước mặt em, nên em cho thằng cha đẹp trai đó luôn... Ðôi giầy Bally của anh mua năm trăm bạc em không muốn anh đi vì nó làm cho anh lùn đi, em bỏ trong tủ, em cho nó để nó lùn thêm cho chết luôn cái thằng cha đẹp trai đó cho bõ ghét... Thế rồi em đưa nó ra cửa. Thằng cha tham lam tệ: nó đứng ở cửa hỏi em còn gì anh không dùng nữa, thì em nhớ tới cái áo mưa London Fog mua ở Luân Ðôn mấy năm trước anh không mặc lần nào, định đưa cho nó thì nó nói nó không thích cái trench coat London Fog... Nó bỗng trông thấy hộp xì gà em mua cho anh mà anh lại bỏ thuốc rồi nên... đúng lúc đó thì anh bước vào dấy mà... Có gì đâu... Thế ông Clinton ra sao? Có toàn thây với mấy ông Cộng Hòa ở Hạ Viện không? Người như vậy mà vẫn được vợ tha thứ. Bà Hillary đúng là đáng làm gương cho cả nước Mỹ soi chung. Ðàn ông cũng như đàn bà anh nhỉ..."

Có lẽ như vậy có lý hơn.

Nhưng như vậy là họ định cho cái giường đi hay sao?

Chứ tại sao hai người đàn ông, đàn bà trong hai chuyện đều lên nằm thử cả?

Chuyện này, cả hai bản, sẽ được kể đi kể lại ở trước nhà rất nhiều lần. Nhưng nó có cứu được người kể hay không thì tôi không biết.

Mà cũng không dám nghĩ tới nữa. Ðường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 19 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Trong khúc quảng cáo trên vô tuyến truyền hình tôi xem được tối hôm qua, là cảnh một thiếu nữ đứng trước tủ treo quần áo, ngó hồi lâu vào trong, rồi quay ra hét to lên với mẹ rằng cô không có gì để mặc cả.

Tôi tin cô nói thật.

Cái tủ của cô treo đầy quần áo. Ðúng. Nhưng cô không có gì để mặc. Hay cô không có gì mặc được cả. Nói cách nào cũng đúng cả.

Cô cũng như người đàn ông có trên một trăm chiếc ca vát nhưng vẫn không có cái nào đeo được cả. Thực ra, trường hợp người đàn ông này thì không đúng lắm. Nếu cứ mỗi ngày lôi một chiếc ra đeo thì hơn ba tháng mới quay trở lại cái số một. Và lúc ấy thì người... thưởng thức cái ca vát của mình đã quên cái ca vát đeo cách đó ba con trăng rồi. Hét lên rằng không có cái ca vát nào để đi ra đường là... hét tầm bậy.

Nhưng không ai làm công việc tuần tự đeo tất cả đống ca vát trong tủ như vậy cả. Chiều nay, bạn về nhà mở cái tủ áo ra, nhất định bạn sẽ thấy có những cái ca vát đã rất lâu bạn không đeo. Tại sao bạn không cho chúng có dịp ra ngoài với nắng gió một chút? Tại sao tiếp tục treo nó trong tủ?

Bạn lắc đầu? Tại sao? Tại vì bạn không thích. Tại vì nó không hợp với những chiếc sơ mi đang mặc. Tại vì nó to bản quá... trông như cái yếm giãi, thôi đợi khi nào thời trang trở lại sẽ lôi nó ra. Bạn rất có lý.

Nhưng lại có những chiếc ca vát bạn đeo cũng phải năm, sáu lần trong hai tháng qua có đúng không? Tại sao? Tại vì bạn thích nó, và tại vì nó hợp với những chiếc sơ mi và những chiếc jacket của bạn. Chuyện chỉ giản dị như vậy thôi. Chưa chắc lý do đã là vì nó là quà tặng của một người. Quà tặng của một người vài ba năm mới đi mua một cái ca vát thì không thể là chiếc ca vát đẹp được. Có quí, có trọng, có thương người ấy cách mấy đi chăng nữa thì cũng không thể lôi ra đeo tối ngày sáng đêm được. Kỳ lắm.

Ai đội mũ lệch xấu mặt người ấy. Thế thì ai đeo cái ca vát chọn dở thì cũng vậy chứ.

Thôi thì sửa câu tục ngữ ấy lại thành... ai đeo ca vát dở thì xấu cổ người ấy vậy. Bà cụ của bạn hay bà cụ của tôi thì nhất định không phải là những ngồi biết chọn ca vát cho chúng ta. Chắc chắn như thế. Có yêu quí các cụ cách mấy đi nữa thì ca vát các cụ chọn vẫn là dở. Ðeo cho các cụ vui chút xíu khi các cụ đến thăm là nhiều. Bắt đeo ra đường cho mấy con ngựa nó coi thì xin các cụ tha cho vậy.

Bởi thế, đeo mãi một cái ca vát có thể chỉ là nó hợp với những cái sơ mi, những cái jacket, với cái cổ gài khuy, với cái cổ tròn, với cái cổ nhọn, với cái cổ vuông... chứ cũng chẳng vì lý do gì khác.

Tờ Time mấy năm trước có chụp được những bức ảnh ngoại trưởng Warren Christopher, người tiền nhiệm của bà Madeleine Albright đeo độc nhất có một chiếc ca vát trong mấy lần xuất hiện liên tiếp, hết ở Âu châu, lại Hoa Kỳ, rồi Á châu. Bây giờ thì tôi hiểu. Làm ngoại trưởng thì không thể chỉ có độc nhất co một chiếc ca vát. Ông có nhiều nhưng lúc ấy ông đang thích chiếc ca vát ấy. Có vậy thôi mà sao tờ Time cũng đem ra đùa giỡn khiến mặt mũi ông đã buồn bã trông như quả táo Tầu khô lại càng buồn bã hơn như quả táo Tầu quắt.

Sáng nay, tờ New York Times cho biết công tố viên Kennrth Starr, trong cuộc hỏi cung hôm thứ hai, đã hỏi tại sao ông Clinton lại đeo chiếc ca vát Zegna nền vàng với những motif xanh nước biển tại một buổi lễ ở sân sau tòa Bạch Ốc hôm mồng 6 tháng 8. Có phải đó là dấu hiệu ông gửi đến cho Monica Lewinsky trước khi Monica ra khai trước đại bồi thẩm đoàn hay không, và có phải tín hiệu đó là em với anh, chúng ta cùng đối đầu với thế giới thô bạo của Kenneth Starr, một thông điệp liên đới - solidarity - như chữ của của các công tố viên không?

Chiếc ca vát Zegna giá khoảng hơn một trăm Mỹ kim là một trong sáu chiếc mà Monica tặng ông Clinton. Một người bạn của Monica nói với các nhà báo rằng khi tặng những chiếc ca vát đó, Monica có nói rằng vì hai người không còn gặp nhau mỗi ngày được nữa, nên khi Monica trông thấy ông Clinton đeo cái ca vát cô tặng ông, cô sẽ thấy là cô vẫn còn ở gần trái tim ông (... when I see you wearing this tie, I'll know that I am close to your heart...)

Chao ôi, nghe câu đó xong thì một Kenneth Starr chứ mười Kenneth Starr chúng tôi cũng vẫn đeo như thường cho bõ những ngày cơ cực. Nhất là những cái ca vát Zegna thì không có cái nào dở cả.

Nhưng đeo rồi thì vất vả vô cùng.

Nàng hay gươm có... vỏ rồi
Nàng yêu còn tặng một đôi vỏ... vàng...

Ông Trương Tịch tác giả bài Tiết Phụ Ngâm nếu có sống lại thì cũng phải làm một bài thơ, dở ra thì cũng phải bắt đầu bằng hai câu lục bát ở trên.

Nhưng... thanh gươm đã có vỏ lại không mang hai cái vỏ nàng tặng trả lại nàng, dẫu là - ... song lệ thùy - trong khi mắt lệ chứa chan, mà đem ra đeo liên tiếp mấy ngày: khi lên đường đi công du Hoa lục, rồi lại khi từ Hoa lục trở về và sau đó mấy ngày ở Atlanta nên gươm mới vất vả. tại sao không cơm tòa Bạch Ốc, ca vát (?) vợ có phải đỡ khổ cái thân già không nào?

Chiều nay, ở Martha's Vineyard, người nào ra bờ biển thế nào cũng vớt được vài ba cái ca vát Zegna nổi lều bều giữa đám rong rêu. Tội chưa, không đeo nữa thì đưa đây có người đeo hộ chứ quăng xuống sông, xuống biển làm gì cho phí của giời?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 12 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Cuốn sách mới của Anthony Holden do nhà Random House xuất bản và bán với giá $24.95 viết về thái tử Charles nước Anh đã không đưa ra được bao nhiêu chi tiết mới về cuộc đời của chàng mà chúng ta không biết, ngoại trừ một nhận định của tác giả, theo đó, cái chết của Diana thực ra đã là một điều may cho Charles: Charles không còn phải cạnh tranh với vợ cũ nữa, nhờ đó, Charles có được nguyên những cái spotlight mà chàng muốn.

Thứ bẩy này, ông hoàng nước Anh sẽ được đúng 50 tuổi. Người đàn ông có đủ các thứ trên đời, nếu không kể chút hạnh phúc gia đình, theo một tiết lộ của cuốn sách, là một người kỳ cục. Chàng không học được bài học của nữ hoàng Victoria (1819-1901) nên mới có lối hành xử kỳ lạ như cuốn sách tiết lộ.

Victoria, người phụ nữ mặt mũi bí xị, lúc nào cũng khó đăm đăm, không thì lại nhăn nhăn nhó nhó, mà chúng ta thấy ở những bức tượng trong nhiều công viên nước Anh cũng như thuộc địa cũ của nước Anh thực ra cũng có chồng con hẳn hoi. Chồng nàng là Albert (Albert of Saxe-Coburg Gotha 1819-1861), ở vườn Kensington có cái đài kỷ niệm nàng xây cho chàng mà bạn đã có lần ghé thăm mấy năm trước.

Nàng hình như không có bao nhiêu lúc vui trong đời. Trong số những thứ nàng để lại cho nước Anh, có một câu nàng hay nói, nghe khó chịu hết sức: "I am not amused." Tui không vui. Tui quạu. Tui bực cái mình ghê lắm...

Thỉnh thoảng, nàng và chồng cũng cãi nhau kịch liệt. Nàng cậy là cháu vua George đệ III, nữ hoàng của Great Britain và Ireland (1837-1901), rồi về sau lại còn là nữ hoàng của Ấn Ðộ nữa, nên nàng lối vô cùng. Mỗi lần cãi nhau, nàng lại hỉnh mặt lên, cầm cái quạt phất phất mấy cái, rồi nói: "I am not amused". Tui không vui. Albert biết cãi cũng vô ích nên bỏ đi. Một bữa hai người cãi nhau, Albert về phòng đóng cửa lại. Victoria đến khuya cần người gãi lưng (?) liền qua phòng kiếm Albert, thì cửa phòng đã khóa chặt. Victoria gõ cửa. Albert vọng ra hỏi ai thì Victoria đáp: "The Queen!" Albert không mở cửa. Victoria gõ thêm 3 lần, mỗi lần đều bị hỏi là ai và mỗi lần nàng đều trả lời là "It is the Queen". Albert lại càng không mở cửa. Cuối cùng, nàng đổi câu trả lời "It is the Queen" thành: "It is I, honey..." thì cái cửa phòng mở ra. Nhờ thế mà hai người rồi cũng con đàn cháu đống.

Victoria hồi ấy oai biết chừng nào. Ðó là những năm mà mặt trời không bao giờ lặn ở các lãnh thổ thuộc đế quốc Anh. Thế nhưng nàng oai là ỏ chỗ khác, ở Úc, ở Tân Tây Lan, ở Nam Phi, ở Gia Nã Ðại, ở Hương Cảng... chứ nàng oai ở cửa phòng Albert thì không được. Albert không mở cửa cho nữ hoàng Anh. Có mở thì mở cho cục cưng Victoria Alexandrina chứ nữ hoàng Anh thì chịu khó tìm cái que gãi lưng mà gãi lấy. Victoria Alexandrina đợi hồi lâu ngoài cửa thì hiểu điều đó. Ðổi cách xưng hô. Không phách lối, xấc sược nữa thì Albert mở cửa cho vào. "It is I, honey..."

Ôi, cụ Tản Ðà có lần gói mọi chuyện vào một câu: "Con Trời lấy chú chăn trâu cũng phiền..." Chức Nữ lấy Ngưu Lang là thành vợ cậu chăn trâu ngay. ở đấy mà xưng công chúa với nó. Nó không gãi lưng cho là buồn chết được.

Charles, theo tiết lộ của Anthony Holden, trong những lúc âu yếm nhất với những người bạn gái của chàng, chàng vẫn bắt những người bạn này gọi chàng là "Sir".

Vô duyên không thể tả được.

Ðến lúc đó, cũng vẫn không quên cái cứng quèo quẹo của hoàng gia Anh đi được chút nào. Người oai phong, chức tước đầy mình như chàng, lúc nào cũng lịch sự, lễ nghi như thế không biết lúc tắm có chịu tháo cái... ca-vát ra không, hay là cứ để nguyên com-lê, ca-vát, cổ cồn, giầy wing-tip rồi xát xà bông ra bên ngoài cho lịch sự?

Nếu không để nguyên com-lê, ca-vát, cổ cồn, giầy wing-tip nhẩy vào bồn tắm thì tại sao không bỏ những "Your Royal Highness" với lại "Sir" ở dưới chân... giường?

Cứ tưởng tượng cảnh Charles đi chơi với đào, nghe hai cô cậu nói chuyện vói nhau, nàng gọi chàng là "Ngài", xưng là "Thiếp" là đã đủ thấy chán không thể tả được rồi. Lúc ấy đâu có cần gọi là "cụ lớn" như một cảnh trong đêm được cực tả bởi Ngô Tất Tố nữa. Ðèn đã tắt mà vẫn còn phong kiến quá thì còn gì vui nữa. Lúc ấy, "cụ lớn" tha hết, không bắt gọi là "cụ lớn" nữa mới là chịu chơi. Chứ ai đời "trong âu yếm" không chịu "có điều lả lơi" thì chán ơi là chán. Bộ chàng không biết câu tục ngữ mà nước Anh mượn của một nước Á châu: "When the light is out, a tile covered roof is XÊM XÊM a thatched house" ư? Ðèn tắt rồi, nhà nào cũng vậy thôi chứ. "Sir" hay "Mister", hay "Mình ui" thì cũng như nhau. Nhiều khi "Sir" thua xa "Mình ui" thì sao!

Chức tước mà làm gì trong những lúc ấy nữa. hay Charles bắt chước những cái Cáo Phó, trong đó gia đình báo cái tin không mấy vui nhưng một hai người trong tang gia vẫn phải choảng thêm mấy cái bằng sắc, chức tước Tiến Sĩ, Bác Sĩ, Kỹ Sư, Luật Sư, Giáo Sư ở trước tên của mình cho buồn lòng những người anh, người chị, người em không được may mắn đi học để có mấy cái bằng khoe chơi vào lúc có người thân qua đời?

Thế thì Charles cũng thế thôi ư? Thái tử Anh sao lại dở thế? Ði chơi với đào chứ có đăng Cáo Phó đâu mà chức tước linh tinh vậy?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 12 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Mục RSVP do Letitia Baldrige phụ trách xuất hiện mỗi tuần một lần, được rất nhiều báo ở Hoa Kỳ đăng lại, trong đó, người viết trả lời và cố vấn các độc giả về đủ mọi vấn đề, về đủ mọi lãnh vực, đưa ra đủ mọi giải pháp cho đủ mọi thắc mắc. Nhưng vì bao biện quá nhiều lãnh thổ như thế, thỉnh thoảng Letitia Baldrige cũng lảng xẹt.

Thí dụ như hôm nay chẳng hạn.

Một độc giả viết cho RSVP nói rằng một nữ đồng nghiệp của bà/cô/ông có một thứ mùi khủng khiếp làm cả sở kinh hoàng. Ai ai cũng khổ vì cái mùi (body odor) từ cơ thể của nữ đồng nghiệp này phát ra, nhưng không một người nào có đủ can đảm để hành động. Người viết xin được cố vấn phải làm gì vì cả sở đã hết chịu nổi.

Letitia Baldrige đề nghị người độc giả viết thư nhờ phòng nhân viên nói hộ, nếu không thì cũng có thể nhờ một cấp chỉ huy làm công việc đó. Khi thảo luận với đương sự, nên có sẵn một vài thứ deodorants để làm quà cho nàng.

Như vậy là tầm bậy.

Trước hết phải tìm hiểu người viết lá thư ấy là đàn ông hay đàn bà, tương quan giữa người viết với đương sự như thế nào, nhan sắc của người viết (nếu người viết thư là phụ nữ) so sánh với nhan sắc của đương sự ra sao, có yếu tố ghen ghét, hận thù ở trong không... vân vân.

Chỉ sau khi có được những chi tiết như thế thì mới trả lời được. Chưa chi đã trả lời ngay là chỉ có hố. Letitia Baldrige hố nặng.

Ngoại trừ trường hợp lá gan không sản xuất được enzyme FMO3, enzyme có khả năng vô hiệu hóa protein có tên là trimethylamine ở một số người, mà Shakespeare mô tả trong kịch The Tempest là một thứ mùi rất xưa như mùi cá (a very ancient and fish-like smell) thì cái mùi tự nhiên của người đồng nghiệp không cách gì có thể dễ sợ như thế, nếu nó (người đồng nghiệp) không đẹp hơn, không mặc quần áo đắt tiền hơn, không trẻ hơn, không có kép ngon lành hơn người viết thư.

Những thứ mùi của cơ thể thực ra là những mùi thơm nhất, đáng quí nhất, nhưng chúng ta đã bị xã hội và các hãng sản xuất nước hoa tuyên truyền, làm cho chúng ta tin đó là những mùi cần phải dẹp đi, đánh át đi, ngụy trang đi đằng sau những thứ son phấn, nước hoa, aftershave, deodorant...

Ðó là những cái mùi hết sức hấp dẫn mà tổ tiên của chúng ta không bao giờ ghê sợ, trái lại, còn yêu thích ghê gớm là đằng khác. Những cái mùi đó chỉ xuất hiện khi người ta bắt đầu trưởng thành về mặt tính dục. Trẻ nhỏ không hề có những mùi đó. ở các loài vật hạ đẳng, những thứ mùi đó chỉ xuất hiện vào một mùa nào đó để chuyện tìm nhau cho dễ. Hết mùa yêu nhau, mùi đó lại biến mất. Nhưng loài người, thì những mùi đó còn mãi.

Nó là cái mùi mà một ông vua Việt Nam mong giữ lại được trong chiếc áo cũ của người cung phi yêu dấu đã ra đi. Nó là mùi của nàng, của "O Bằng", không bao giờ là mùi hương nhu, mùi bồ kết hết. Muốn có mùi hương nhu hay mùi bồ kếp thì ra ngồi ở gốc cây hương nhu, cây bồ kếp cho nó mát chứ gấp cái áo cũ của nàng lại làm quái gì cho nó chật cả hoàng cung.

Trước khi biết được những chi tiết quan trọng về nàng, Letitia Baldrige đã cố vấn sắc đẹp ngay, nào là nói cho khéo, nào là mang theo quà vài chai deodorant cho nàng xức cho bõ những ngày cơ cực...

Letitia Baldrige có thể chưa bao giờ ngồi cạnh một đồng nghiệp lâu lâu cao hứng không biết làm gì, tung ra một quả võ khí hóa học tục gọi là nước hoa, cho các đồng nghiệp được dùng ké nước hoa miễn phí mấy tiếng đồng hồ để về nhà lại khổ vì những lời cật vấn về nguồn gốc của cái mùi nước hoa ghê rợn đó nên mới đề nghị tặng quà cho nàng vài thứ deodorant. Letitia Baldrige cũng có thể chưa bao giờ phải ngồi trong một căn phòng kín với một diện tích chỉ hơn cái xe bus một chút với những mùi nước hoa khác nhau hòa trộn cùng với những tinh thể mỡ, dầu ăn bay từ mấy món xào nấu ở nhà quện vào những thớ vải trên áo vài ba đồng nghiệp.

Trong những trường hợp như thế, thì hãy nghĩ tới những biện pháp can thiệp, dẫu cho tế nhị và ngoại giao cách mấy đi chăng nữa, thì chuyện mất lòng nhất định vẫn xẩy ra như thường. Chúng ta sống trong một xã hội với trình độ văn minh rất cao. Vì lẽ đó, bệnh hơi thở hôi là bệnh rất khó chữa. Khó chữa vì không biết mà chữa. Không biết vì không ai nỡ nói thật với ngồi có hơi thở làm héo vườn hoa hồng, làm chết cá ao anh mỗi khi đi qua.

Cách hay nhất là không nói gì hết, Biện pháp phòng chống là đi ra tiệm Army Surplus bán quần áo nhà binh thặng dư kiếm mua lấy cái mặt nạ hơi độc đem vào sở, khi nào chai-nước-hoa-biết-đi xẹt ngang qua, thì lôi ra đeo vào, vừa đeo vừa giải thích là vui sống nhưng không quên ông Saddam Hussein và kho võ khí hóa học của ông, nay Bắc Hàn lại sẵn sàng bán cho ông các phi đạn Rodong (Lao Ðộng) tầm xa kiểu mới nhất, nên cẩn tắc một chút có lẽ... cũng không thừa.

Chẳng lẽ lại hét lên rằng nước hoa... ai vừa mũi người ấy thì kỳ quá.

Phải chi nó là mùi Guerlain hay Donna Karan thì cũng được đi.

Nếu không, cứ để tự nhiên có phải là nhân quyền của đồng nghiệp không bị vi phạm không nào.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 15 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Tuần này, nhà cầm quyền Hà Nội đã quyết định không cho sản xuất và đăng bộ lưu hành thêm xe xích lô mới ở Hà Nội nữa. Như vậy, trong vài năm nữa, những chiếc xích lô sẽ biến mất hoàn toàn ở Việt Nam. Có thể rồi đây sẽ chỉ còn một vài chiếc đậu ở những nơi du khách lui tới như những chiếc xe kéo đậu cạnh những khách sạn đắt tiền ở Hương Cảng hồi thập niên 60. Du khách có thể trả vài đô la Hương Cảng, ngồi lên xe, người phu nhấc hai càng xe lên để chụp tấm ảnh ky niệm.

Nó xuất hiện ơ Việt Nam năm nào tôi không rõ, nhưng chắc chắn phải trước năm 1942. Tam Lang khi viết phóng sự "Tôi Kéo Xe" năm 1932 thì chưa có nó. Ông thấy nó ơ Thượng Hải và tả lại trong tập phóng sự (trang 100), hy vọng có ngày nó xuất hiện ở Việt Nam để khỏi còn cảnh người kéo người mà Phạm Duy Tốn cũng đã tả lại rất cảm động trong một truyện ngắn.

Mười năm sau khi Tam Lang Vũ Ðình Chí viết "Tôi Kéo Xe", năm 1942, Vũ Ngọc Phan khi đề cập đến tập phóng sự này trong Nhà Văn Hiện Ðại (trang 564) cho biết nó đã xuất hiện ở Việt Nam rồi. Nó là những chiếc xe xích lô. Vậy thì những chiếc xe xích lô đầu tiên phai lăn bánh ở Việt Nam trước năm 1942, năm ra đời của bộ Nhà Văn Hiện Ðại.

Phương tiện di chuyển mới này, thứ xe mà Tam Lang gọi là xe "người đạp người", thứ xe không hạ thấp nhân phẩm của người làm nghề chạy xe như xe kéo, đã nhanh chóng trở thành một phần của đời sống trên những con đường ở các thành phố lớn của Việt Nam.

Trong những hình ảnh tôi còn nhớ lại được của những năm thơ ấu, thì tôi không còn thấy những chiếc xe tay nữa. Những chiếc xích lô đã thay thế chúng được vài năm. Ông Tam Lang nói đúng, những chiếc xích lô không còn làm cho người đạp nó mất nhân phẩm như những chiếc xe tay trước đó.

Và loại xe mới này cũng cho người đi nó một cái vẻ ung dung, nhàn nhã mà chỉ những người ngồi xích lô mới có được. Trong một số báo National Geographic Magazine cũ, có hình chụp một phụ nữ ngồi xích lô mà tôi nghĩ là rất đẹp. Bức ảnh chụp khoảng đầu thập niên 50, trong lúc cô đang ngồi xe chạy trên đường Charner, khi trên mặt tiền của Tòa Ðô Chính chưa có treo tấm hình lớn của Tổng Thống Diệm. Người phụ nữ trẻ để tóc và mặc áo "kiểu Sè Goòng" có kiểu ngồi rất đẹp, rất phong nhã, nhàn hạ. Cái vẻ đó về sau, tôi lại được thấy ở kịch tác gia Vũ Khắc Khoan và Mai Thảo. Cả hai ông đều thích đi xích lô. Những người đạp xe quen người đi xe, đến đón tận nhà, rồi lại đưa về tận nhà. Ông Mai Thảo buổi sáng được đón tận nhà đưa ra tòa báo, khuya lại được đưa về tận nhà riêng... Họ Vũ trên con đường Duy Tân rợp bóng cây những buổi trưa, Mai Thảo trên đường Võ Tánh về nhà những tối khuya từ một quán rượu nào trở về.

Nhưng tôi, cả đời chỉ đi chừng năm cuốc xích lô là cùng. Lý do thì cũng vẫn lại là ông cụ tôi cả. Ông coi chuyện ngồi xích lô là bất nhẫn, khi để cho một người khác lấy sức gò lưng ra đạp cho mình ngồi không ở phía trước. Và càng to béo thì mức độ bất nhẫn càng lớn thêm. Mà từ khi lớn khôn, thì tôi chưa thấy ông xích lô nào cao lớn hơn mình. Ngồi xích lô mà cứ bị mấy câu như thế cào cấu lương tâm thì làm sao có được vẻ thanh nhàn của hai ông kịch tác gia và tiểu thuyết gia tôi kể ở trên được.

Nhưng tôi cũng còn nhớ được mấy chuyến xích lô trong những lần xe hỏng, đợi taxi không sao kiếm được mà đã gần đến giờ dậy học.

Chắc tôi sẽ nhớ những chiếc xích lô này lắm. ở cái ghế sau, đã có lần tôi thấy một người học trò cũ, chạy xe buổi tối để kiếm tiền nuôi các em và đi học. Ðó cũng là cuốc xích lô tôi không bao giờ quên. Gần tới nhà, chúng tôi ghé vào một quán ăn và sau khi hai người ăn xong, tôi trả cho người học trò cũ tất cả số tiền tôi có trong túi. Tôi cũng nhớ chuyến xe dưới trận mưa nặng hạt đi với người bạn...

Và cũng ở chiếc ghế sau của người lái, sau năm 1975, tôi được cho biết là có những người tốt đẹp, tài giỏi hơn tôi rất nhiều cũng đã leo lên ngồi để kiếm sống.

Không, nó không bao giờ là thứ phương tiện di chuyển bị rẻ rúng ca. Tôi sẽ còn nhớ nó trong nhiều năm nữa.

Chiếc xích lô sẽ sống mãi trong bức ký họa của Bé Ký treo trong nhà tôi với những cái bánh xe như nhẩy lên khoi mặt đường và người đạp xe vẻ mặt như đang có điều gì vui thú lắm. Bức vẽ bằng mực đen mà cô cho tôi cách đây hơn ba mươi năm vẫn còn ở với tôi sau bao nhiêu lần dọn nhà, bao nhiêu cuộc dâu biển. Có một dạo, con trai lớn của tôi cứ mỗi lần ngó bức tranh ấy, lại lăn ra ăn vạ đòi đi xích lô...

Và nó cũng sẽ mãi ở trong câu chuyện của mẹ tôi, thỉnh thoảng đem ra kể lại về toan tính của người em út lúc mới bốn, năm tuổi. Em tôi lúc ấy chỉ mong lớn lên để làm nghề đạp xích lô, vừa được đi đây đó, vừa kiếm được nhiều tiền, chiều tối làm thêm nghề mài dao thì tiền bạc chắc phải rung rỉnh. Người đàn ông có căn nhà rất to, lại có cái tầu trước nhà để xe của chàng ở Toronto không hiểu hôm nay có biết cái phương tiện làm ra tiền mà chàng ao ước có được trong những năm thơ ấu đang được sửa soạn để cho biến mất hay không?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 15 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

"Biếu" trong tiếng Việt là một động từ kỳ cục.

Trong một câu chủ động, người ta có thể dùng nhân vật đại danh tự ngôi thứ nhất để làm chủ từ cho nó. Nhưng ngôi thứ nhất thường ít khi được dùng để làm túc từ cho động từ "biếu". Nguyên do cũng chỉ là cái tính khiêm tốn, nhún nhường của chúng ta.

Biếu nghĩa là cho, là tặng. Nhưng ở trong hành động cho đó, đã có hàm nghĩa cung kính của người dưới dành cho người trên. Cái thế ở dưới thấp đó có thể là thật, mà cũng có thể là do thái độ nhún nhường, khiêm cung, tự hạ mình xuống. Thay vì dùng động tự "cho", thì chúng ta dùng động từ "biếu". Ông hay bà thì có thể "cho" quà các cháu. Các cháu có quà cáp ông hay bà thì phải nói là "biếu" ông hay "biếu" bà.

Nhưng nhận quà rồi, người trên nhiều khi cũng khiêm tốn, nhún xuống một chút để nói về món quà và việc làm của người dưới, và nói là được "cho" quà, chứ ít khi đề cập đến việc tặng quà đó là được "biếu" quà.

Ấy là cao hơn, là trưởng thượng thật sự. Thật sự rồi mà cũng vẫn nhún xuống một chút. Ít ai nói "Tôi được ông ấy biếu cái này hay cái nọ." Nói thế nghe kỳ chết được, mặc dầu vai vế có thể là cao hơn người "biếu" quà.

"Tặng" nghe lịch sự hơn, ở giữa "cho" và "biếu". Người trên "cho" quà người dưới hay người dưới "biếu" quà người trên. Thay "cho" và "biếu" bằng "tặng" đều được cả. Người trên thì lịch sự với người dưới. Người dưới thì vẫn có sự cung kính đối với người trên.

Trong tờ Thế Kỷ 21 mới đây, có người viết "...con gái tôi gửi biếu tôi một cuốn sách..."

Cha có thể viết "...con gái tôi cho tôi một cuốn sách..." nghe vẫn được như thường. Không những được, mà còn xuôi tai hơn. Ðây là người cha nói về việc làm của con. Ông dùng động từ "cho" chứ không phải là con ông dùng. Con ông dùng động từ "biếu", chứ không "cho" cha cuốn sách. ở đây không ai thất lễ với ai cả. Nhưng người nhận quà không dùng động từ "biếu" thì nghe nhẹ hơn, dịu dàng hơn, đáng yêu hơn, mặc dù dùng "biếu" thì cũng không hề trịch thượng với... con gái chút nào.

Rabindranath Tagore có một tập thơ nhỏ gồm 30 bài thơ ngắn viết bằng tiếng Bengali do chính ông dịch sang tiếng Anh. Tập thơ ông đặt tên cho là Lover's Gift.

Cứ thử dịch cái tựa này thành... "Quà Biếu Của Người Tình" mà xem. Còn gì là lãng mạn và tình tứ nữa! "Tặng Vật Của Tình Nhân" nghe... có lý hơn. Và cũng đáng nhận hơn. Nghe "Quà Biếu Của Người Tình" thì hãi quá.

Bài 27 trong tập thơ này là một bài tôi rất thích. Hôm qua đem đọc lại, cứ tưởng tượng hai anh chị... biếu quà cho nhau. Anh được quà xong thì cám ơn em... biếu anh quà. Em được anh cho quà thì cũng cám ơn anh... biếu cho em món quà thì nghe không được chút nào hết...

I filled my tray with whatever I had, and gave it to you. What shall I bring to your feet tomorrow, I wonder? I am like the tree that, at the end of the flowering summer, gazes at the sky with its lifted branches bare of their blossoms.

But in all my past offerings is there not a single flower made fadeless by the eternity of tears?

Will you remember it and thank me with your eyes when I stand before you with empty hands at the leave-taking of my summer days?

Em chất đầy khay bằng tất cả những gì có được và dâng lên anh. Ngày mai, em tự hỏi, em biết sẽ đem được những gì đến chân anh? Em như ngọn cây, vào cuối thời gian đơm hoa của mùa hạ, vươn nhìn lên trời với những cành trơ không một nụ.

Nhưng trong những tặng vật gửi đến anh của một thời quá khứ, đã chẳng có một bông hoa được sự vĩnh cửu của những giọt lệ làm cho muôn đời tươi thắm?

Liệu anh có nhớ đến bông hoa đó, và cám ơn em bằng mắt anh khi em đứng trước anh với đôi bàn tay không vào lúc chia tay mùa hạ?

...

Anh nhận quà xong, liền chạy nhắng lên khoe nhặng xị đầu làng cuối xóm là em vừa "biếu" quà cho anh xong thì lần sau đừng hòng có quà nữa.

Tagore mà nói tiếng Việt cũng nên cẩn thận một chút. Ðừng cứ tưởng mình Nobel Văn Chương năm 1913 rồi cứ khoe được "biếu" quà mà là dùng sai be bét tiếng Việt của chúng tôi đấy.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 15 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Hồi 4 tuổi, phải mất hai, ba lần tôi mới hết bị lừa bằng một trò chơi của người bạn nhỏ hàng xóm hơn tôi chừng 3 hay 4 tuổi gì đó.

Trò chơi đó như thế này: người bạn hàng xóm ngồi xuống bên cạnh, và đưa một ngón tay chỉ lên trời. Ðứa nhỏ 4 tuổi nhìn theo. Lập tức một bàn tay khác lợi dụng lúc sơ kỳ bất ý đó, vòng ra phía sau, búng một cái thật đau vào tai của đứa bé 4 tuổi và nói lớn: "Trên trời có cái... tái bung! Ha! Ha! Ha!". Ðứa nhỏ 4 tuổi bị búng tai đến lần thứ ba thì một cái guốc của nó được đập lên đầu người bạn hàng xóm. Từ đó đến nay nó không còn bị lừa nữa.

Nhưng mấy chục năm sau, đứa bé, nay đã thành một người đàn ông trung niên, mới đây đọc được trên một tờ báo Mỹ một trò đùa khá giống trò chơi thời thơ ấu của nó. Chỉ khác cái tai không còn bị búng, và cũng không kèm theo một tràng cười chế nhạo nữa.

Câu "Trên trời có cái tái bung" được thay thế bằng câu: "Look, an alien spaceship!" Coi kìa trên trời có cái phi thuyền của người hành tinh khác... và người nói câu đó, theo Jeannine Stein của trang Style, nhật báo Los Angeles Times trang D-2 ngày 15 tháng 12, thừa khi mọi người ngó lên trời, dùng tay sửa lại cái dây soutien cứng đầu thỉnh thoảng lại tuột xuống khỏi vai.

Jeannine Stein là người phụ trách mục Fashion Police, mục cố vấn về thời trang cho các độc giả báo L.A. Times. Một nữ độc giả viết thư hỏi Jeannine làm thế nào giải quyết trò khó dậy của hai sợi dây soutien vì cô đã quá chán công việc thỉnh thoảng lại phải thò tay luồn vào trong áo để kéo chúng lên. Jeannine Stein cố vấn rằng để tránh những đôi mắt nhìn của người chung quanh, các phụ nữ nên hét thật lớn: "Look, an alien spaceship!" để kéo sự chú ý của mọi người... lên trời. Và trong lúc đó, cứ thoải mái thò tay vào trong áo, sửa lại sợi dây quái ác đó. Sửa xong rồi, có thể mọi người vẫn tiếp tục ngó dáo dác lên trời hỏi nhau đâu, đâu, phi thuyền đâu... thì mặc kệ xác mọi người.

Tôi nghĩ đó là một trò chơi độc ác có thể còn độc ác hơn là trò chơi của người bạn hàng xóm rất nhiều. Cái "tái bung" chỉ là cái búng tai, nhưng trò đánh lừa để những người khác ngước lên trời tìm kiếm cái phi thuyền của những người hành tinh khác cho mình thoải mái sửa lại sợi dây soutien tuột khỏi vai thì ác quá.

Báo mới ra sáng nay nên chưa thấy phản ứng của độc giả về trò chơi độc ác này.

Rất nhiều chuyện có thể xẩy ra khi đám đông ngẩng mặt nhìn lên trời. Ðoàn xe có thể trờ tới, chuyến xe điện tiến vào ga, đèn xanh bật lên cho phép qua đường... trong khi đám đông vẫn tiếp tục dõi mắt tìm chiếc phi thuyền của người Hỏa tinh đáp xuống cứu ông Clinton khỏi những lá phiếu độc ác của hạ viện chẳng hạn. Và như thế, tai nạn có thể xẩy ra, sẽ có thể có người chết chỉ vì sợi dây soutien trên vai của một người phụ nữ nào đó tuột xuống khỏi vai.

Sau khi xúi người phụ nữ kia đánh lừa những người chung quanh bằng cái phi thuyền, Jeannine Stein mới mách nước để người độc giả tìm mua vài ba phát minh của kỹ nghệ may mặc để chống lại sự tuột rơi của những sợi dây soutien.

Tại sao phải mất công mua món thiết bị giá bán $17 bán qua Internet mà không đưa ra những sáng kiến khác. Thí dụ như cắt quách hai sợi dây, quăng vào sọt rác là hết tuột? Thí dụ nhờ người bạn đi cùng kéo lên hộ có phải đỡ phải đánh lừa những người chung quanh không nào? Hay tại sao không lấy băng keo dán vào vai? Tại sao không dùng một sợi chỉ cột chúng lại với nhau. ở bên ngoài, ai mà thấy sợi chỉ?

Tại sao phải lợi dụng lòng tin, sự tín nhiệm của loài người, một trong những thứ mà thế giới đang muốn phục hồi lại nhất, để kéo hai sợi dây soutien lên vai trở lại?

Tại sao không hắng giọng một cái để cảnh cáo tất cả mọi người, báo trước là sẽ lấy tay sửa lại hai sợi dây nham nhở đó, rồi cứ tự nhiên như chúng ta sửa cái nút ca vát, sửa cái khuy manchette, sửa sợi dây giầy tuột ra, sửa lại cái khóa thắt lưng bị lệch sang một bên? Tại sao phải biến một việc làm hết sức giản dị và không hề mang một chủ đích khiêu khích nào thành một việc khó khăn, nhiêu khê như thế?

Không hiểu được.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 11 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Cái giá mà Trung quốc phải trả cho những phát triển kinh tế của họ trong mười mấy năm qua là tình trạng ô nhiễm khủng khiếp ở khắp Hoa lục. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm các nguồn nước, ô nhiễm từ thành thị đến thôn quê. Trung quốc đang chờ đợi một thảm họa môi sinh khi đập Tam Cốc, đập nước lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử được xây xong. Tất cả đều là những khó khăn làm điên đầu các nhà môi sinh học.

Ðóng góp vào tình trạng ô nhiễm không khí do khói xe, khói than của các nhà máy, là một loại ô nhiễm khác hoàn toàn không dính dáng gì đến những phó sản các ngành kỹ nghệ của Trung quốc.

Loại ô nhiễm này, muốn dẹp thực ra không khó lắm. Dẹp nó, Trung quốc cũng không thiệt hại gì như khi phải đóng cửa những nhà máy chạy bằng than đá. Võ khí chống lại với loại ô nhiễm này có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi mà cũng không đắt đỏ bao nhiêu. Ðó là cái bàn chải đánh răng.

Người dân Hoa lục nên mỗi người sắm lấy một cái. Nói đúng ra là một nửa dân Hoa lục mỗi người phải chạy ngay ra tiệm mua mỗi người một cái bàn chải đánh răng thì loại ô nhiễm này sẽ hết ngay.

Một nửa dân Hoa lục là 600 triệu người, nếu con số lấy từ Internet ra là đúng. Dân Hoa lục hiện nay là 1 tỉ 200 triệu người. Một nửa là 600 triệu.

Mua về rồi, 600 triệu người dân Trung quốc cứ ngồi xuống đánh răng cho thật kỹ là hết một hình thức ô nhiễm không khí ngay. Loại ô nhiễm này danh từ khoa học là halitosis, nôm na là thối mồm.

Tờ Tân Dân Văn Báo ở Bắc Kinh cho biết khoảng 600 triệu dân Trung quốc không biết đánh răng là gì. Bản tin được tờ Playboy số tháng 10 trích lại ở trang 16 dưới tựa đề hơi đùa giỡn một chút là Hunan Halitosis, bệnh thối mồm Hồ Nam.

Loại ô nhiễm này, như bạn cũng đồng ý, không do các nhà máy tạo ra. Người ta có thể tin rằng ở Hoa lục vẫn còn 600 triệu người ái mộ Mao chủ tịch hết mình. Và vì lòng ái mộ đó, họ răm rắp làm theo lời của họ Mao, bắt chước họ Mao không chừa bất cứ một việc gì. Trong số những việc làm mà nửa dân số Hoa lục làm theo họ Mao là không đánh răng.

Trong cuốn sách viết về đời tư của họ Mao, y sĩ riêng của cố lãnh tụ Trung quốc, bác sĩ Lý Chí Tuy cho biết Mao Trạch Ðông không bao giờ đánh răng. Mỗi sáng, Mao chủ tịch chỉ pha một bình trà, rồi lấy bã trà chùi răng. Lâu ngày, mầu xanh của lá trà dính két vào răng khiến răng của chàng không trắng, không nâu, không đen, mà là mờ mờ một mầu xanh. Giá như một thi sĩ nhà nước nào nổi máu thi ca lên, thế nào chẳng viết: "Nha đạm tựa xuân sơn..." Trò vệ sinh này là của các nông dân vùng quê của họ Mao. Chàng ra đi làm cách mạng bao nhiêu năm, vui với chủ nghĩa cộng sản nhưng vẫn không quên những trò cũ của quê hương.

Khi bác sĩ Lý Chí Tuy khuyên nhà cách mạng đánh răng cho sạch sẽ, để đọc kinh điển Mác Xít cho đỡ thối, thì họ Mao nói rằng loài cọp không bao giờ đánh răng, có con cọp nào chết không.

Kiến thức y khoa của bác sĩ họ Lý thua liền. Từ đó, họ Mao làm con cọp không đánh răng để đối lại với Chỉ Lão Hổ, con cọp già bằng giấy, tức là nước Mỹ.

Và cũng từ đó, người dân của họ Mao cũng giã từ cái bàn chải đánh răng. Tờ Tân Dân Văn Báo chắc muốn khoe rằng tư tưởng Mao Trạch Ðông vẫn rực rỡ một phương Ðông nên lôi cái thống kê đó ra khoe thế giới.

Tưởng tượng 600 triệu các ông, các bà con Trời đứng xếp hàng, diễn lại mấy câu thơ Nguyên Sa: "... hay là em gói mây trong áo, rồi thổi cho làn áo trắng bay..." thì mặc mấy cái áo lụa Hà Ðông cũng không thoát chết cho được.

Làn hơi của 600 triệu cái miệng không đánh răng với vài chục tỉ bacteria nhất định sẽ thổi được những làn hơi mới cho cách mạng.

Sự kiện 600 triệu người không đánh răng còn trở nên trầm trọng hơn vì thiếu vắng hẳn một món ăn trong thực đơn của người dân Trung quốc. Hoa lục từ nhiều năm nay vắng hẳn bóng của những con chó. Chó ăn mất nhiều thực phẩm nên bị họ Mao hạ lệnh giết hết. Sau đợt giết chó đó, hơi thở người dân Hoa lục có thơm lên được vài ngày nhờ thịt chó mà người Trung Hoa gọi là "hương nhục", loại thịt ăn ba ngày không xỉa răng móc ra vẫn còn thơm.

Nhưng ba ngày đó đã qua từ lâu, các công dân của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc lâu nay không được bồi dưỡng miếng thịt chó nào, mà lại không đánh răng bao giờ nên tình trạng ô nhiễm lên cao là phải.

Muốn chặn đứng nạn ô nhiễm không khí này, chỉ cần cái bàn chải đánh răng. Tuy... ăn bàn chải đánh răng không ngon bằng thịt chó, nhưng chắc chắn là mồm miệng đỡ thối hơn. Lúc ấy, ăn nói đỡ quàng xiên như những thứ Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Ðường Gia Toàn, Chu Bang Tạo... Thêm nữa, đánh răng tử tế, răng lợi sẽ đỡ xấu trai như mấy thứ đàn em kiểu Phạm văn Ðồng nhiều.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 11 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Tôi phải thú nhận với bạn là trong một khoảng thời gian suốt mấy chục năm, tôi không biết "bò lúc lắc" là cái gì hết.

Nó ở trong những cái menu thỉnh thoảng tôi đọc thấy từ hồi còn ở Việt Nam cho đến gần đây ở nước Mỹ, nhưng vì cái tính không thích phiêu lưu trong chuyện ăn uống của tôi, nên tôi chưa bao giờ dám gọi thử để xem "bò lúc lắc" là thế nào, chỉ sợ ăn xong, ra về không đi đứng ngay ngắn được, mà lại phải... bò về nhà thì khổ quá.

Tôi lại càng không dám hỏi những người bạn đi cùng, sợ lộ ra thiếu hiểu biết của mình về chuyện ăn uống, như cô thiếu nữ trong bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp sợ không dám đi mau "số gian nan không giầu", nên món "bò lúc lắc" vẫn là niềm bí ẩn khôn nguôi của tôi. Mãi đến hồi cách đây vài năm, được cho ăn một bữa có món "bò lúc lắc", tôi mới biết nó chỉ là món steak cắt nhỏ thành những miếng vuông, như những con súc sắc (tiếng miền Bắc) hay lúc lắc (tiếng miền Nam). Niềm thắc mắc có từ bao năm bỗng được giải tỏa chỉ sau bữa ăn đó.

Vậy mà trong suốt bao nhiêu năm, chữ "bò" đã bị hiểu là một động tự, và "lúc lắc" là trạng tự, phụ nghĩa, mô tả cách... bò.

Từ sau khi biết nó là món thịt bò chiên thái vuông sáu mặt như những con súc sắc, những con thò lò, thì món "bò lúc lắc" không còn tạo kinh khiếp cho người đọc cái menu nữa.

Mới đây, trong buổi tối đi ăn với một người Mỹ ở một tiệm ăn Việt Nam, tôi bị ông ta chìa cái menu viết bằng tiếng Anh, và hỏi "shaky beef" là gì.

Tôi ngẩn người, không biết nó là gì trong tất cả các món ăn Việt Nam mà tôi đã ăn thử trong mấy chục năm. Tôi chịu thua. Thịt bò (beef) làm sao lại có thể run rẩy, không chắc chắn, lung lay, dễ dao động, không vững chãi, hay chao đảo... như nghĩa của tĩnh tự shaky?

Làm sao thịt bò lại chao đảo được. Thịt bò chứ có phải là lập trường bao giờ mà chao đảo, lung lay rồi được đặt cho cái tên là "shaky beef" để gây khổ thân cho một người đàn ông Việt Nam trung niên trong một bữa tối với ông bạn Mỹ như thế này?

Tôi chịu thua, đành phải đứng dậy, bước vào quầy hỏi xem cái menu bằng tiếng Việt xem có soi sáng được chút nào không. Trong bản tiếng Anh, nó là món số 16. Trong menu bằng tiếng Việt, món số 16 là "bò lúc lắc".

À thì ra là như vậy. "Shaky beef" là "bò lúc lắc". Như thế thì người làm công việc phiên dịch cái menu của tiệm ăn sang tiếng Anh cho đến gần đây, cũng hệt như tôi, nghĩa là ông/bà ấy cũng nghĩ "lúc lắc" là những chữ phụ nghĩa cho "bò". Ông/bà, tuy thế, vẫn còn sáng suốt hơn tôi khi biết chữ "bò" là danh tự, một loại thịt chứ không hề là động tự như tôi đã sai lầm.

Nhưng cũng như tôi, ông/bà không biết "lúc lắc" là con súc sắc, con thò lò, mà nghĩ "lúc lắc" là rung, là lấy tay lay nhẹ...

Mà "rung" hay "lay nhẹ", theo tự điển Việt Anh, là to shake. Tĩnh tự là shaky. Quá khứ phân tự của to shake có thể dùng làm tĩnh tự là shaken. Vậy thì tại sao lại... không là "shaky beef"? Tôi giải thích lòng vòng cho người bạn, và cuối cùng, nói với ông rằng "shaky beef" là "bò lúc lắc", là "diced steak", là steak cắt nhỏ thành những miếng vuông như con súc sắc, như con lúc lắc, như con thò lò.

Người bạn của tôi cười và nói ông muốn thử món "shaky beef". Ông gọi nó là "shaky beef", chứ không là "diced steak" như tôi đã đề nghị. Và như thế, tiếng Anh của tôi, dựa trên những qui luật về văn phạm để tạo thành một danh từ kép mà tôi đã học được từ khi còn học ở trung học (past participle + noun), đem quá khứ phân từ của động tự, đặt trước danh tự mà nó phụ nghĩa để dùng nó như một tĩnh tự, đã bị dẹp và "shaky beef" được chọn để gọi món ăn cho bữa tối của chúng tôi.

Mấy hôm sau đó, vào một tiệm ăn Việt Nam khác, tôi lại nhìn thấy "shaky beef" trong tấm menu. Tôi tin là các tiệm ăn này đã mượn của nhau chữ "shaky beef" này. Khởi đầu phải có một thiên tài phiên dịch nào đó nghĩ ra chữ "shaky beef". Nó có thể không đúng. Ai lại cho "bò chao đảo" đồng nghĩa với "bò lúc lắc" bao giờ. Nhưng sau khi người bạn Mỹ của tôi quyết định dùng nó "shaky beef" thay vì "diced beef" như đề nghị của tôi, thì tại sao lại không? Cứ gọi một hồi, quen đi là nó... bớt sai liền.

Nhưng đã gọi là "bò lúc lắc" thì tại sao lại không được quyền gọi là "bò thò lò" nhỉ.

"Bò thò lò" nghe đầy nhạc tính, lại gợi hình, gợi cảm và sexy hơn "bò lúc lắc" nhiều.

Người Mỹ gọi "shaky beef", nhà hàng đưa ra "bò lúc lắc" thì nhà hàng không được quyền nói là không biết "bò thò lò" hay "bò chao đảo", "bò run rẩy", "bò cầy sấy" để từ chối khách hàng người Việt được.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 11 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Bức hình chụp cảnh sinh hoạt trong Service Station, một thẩm mỹ viện ở Chelsea, New York in trên trang 1, phụ trang 9 của tờ New York Times số chủ nhật 9 tháng 9 vừa qua có thể tạo lo ngại cho một số người.

Hình chụp một thân chủ của thẩm mỹ viện nằm ngả trên ghế, đang được săn sóc bởi một chuyên viên móng tay, một chuyên viên móng chân và một chuyên viên về da mặt. Những vết chai ở bàn chân của khách đang được mài cho nhẵn và mỏng đi. Móng tay đang được cắt và sơn lại. Da mặt được bôi một lớp kem mầu xanh và đang được một bàn tay dùng bàn chải điện xoa lên cho kem ngấm sâu vào da. Tất cả đều chỉ là những dịch vụ rất thông thường của bất cứ một thẩm mỹ viện nào ở nước Mỹ.

Ðiều có thể gây lo ngại cho một số người nằm ở chi tiết phái tính của người khách đang được săn sóc sắc đẹp. Người khách của thẩm mỹ viện Service Station trong hình chụp là một người đàn ông.

Người đàn ông trong bài báo sử dụng các dịch vụ của Service Station không hề muốn che dấu việc ông đang làm. Ông để cho phái viên của tờ New York Times chụp ảnh, phỏng vấn. Ông cho biết tên thật của ông. Ông không chối bai bải là không dùng kem dưỡng da Shishedo mỗi buổi tối như một người bạn của tôi ở đây vẫn làm một cách bí mật.

Ðiều lo ngại là con số những người như ông ta đang càng ngày càng nhiều hơn ở Mỹ. Những người này đang đòi lại quyền làm đẹp mà họ cho đàn bà mượn để dùng tạm lâu nay. Bây giờ họ đòi lấy lại.

Ðiều này có thể làm cho nhiều người ngạc nhiên. Tại sao lại có chuyện đòi lại?

Ngạc nhiên cũng phải, vì chúng ta đang sống trong một thế giới đã quen với những số bán khủng khiếp của kỹ nghệ sản xuất mỹ phẩm và các dịch vụ làm đẹp cho phụ nữ, bên cạnh những con số rất khiêm tốn những sản phẩm dành cho đàn ông. Nhưng thực ra, thì chi tiết này cũng đã bắt đầu thay đổi. Không tin cứ thử vào những tiệm bán nước hoa và các sản phẩm làm đẹp thì thấy ngay. Tờ New York Times cho biết là tại Sephora, một siêu thị mỹ phẩm ở SoHo, số lượng các loại nước hoa, phấn và kem dùng cho đàn ông đã gia tăng đáng kể, không còn bị đẩy vào một góc nhỏ như tại những tiệm như Cosmetic Center nữa. Các sản phẩm này chiếm những diện tích đáng kể trong siêu thị mỹ phẩm Saphora. Trên những trang của những tờ báo đông đảo độc giả đàn ông như Vanity Fair, GQ... tháng nào cũng thấy có những mỹ phẩm mới dành cho đàn ông. Gucci Envy, một loại nước hoa mới cho đàn ông ở trang 224 Vanity Fair số tháng 9 là một.

Ðàn ông, theo cái nhìn của Desmond Morris, tác giả cuốn The Naked Ape, cuốn sách nhìn con người qua mắt của một nhà sinh vật học, chứ không phải phụ nữ, mới là phía được quyền làm đẹp.

Quyền được đẹp và làm đẹp đã được Thượng Ðế ban cho những con thú đực, mà đàn ông là một trong những con đực đó. Ðiều này có thể thấy rất rõ nơi những con gà trống, những con sư tử đực, những con công đực, những con trĩ đực... Tất cả những con thú đực ấy đều có những bề ngoài đẹp hơn, oai hùng hơn là những con cái. Chi tiết này đã được Thượng Ðế sắp đặt trước khi ném chúng xuống địa cầu. Trong khi những con gà mái, những con công mái, những con sư tử cái thì về mặt nhan sắc thua xa những con đực. Tất cả đều được Thượng Ðế cho cái vẻ lam lũ, sớn sác, đầu bù, tóc rối.

Nhưng không biết từ lúc nào, nửa phần nhân loại bắt đầu nhân nhượng với nửa phần bên kia, và tạm chuyển cho họ cái quyền làm đẹp, mà sau đó họ tiếp tục giữ lấy hơi lâu, cho mãi đến cuối thế kỷ 20 vẫn chưa chịu trả lại. Những điều nhìn thấy tại các thẩm mỹ viện trong những năm cuối của thập niên 90 đã làm người ta nghĩ phải chăng những người đàn ông đang sửa soạn đòi lại quyền làm đẹp mà họ cho phía bên kia mượn lâu nay.

Có thể ở Mỹ, cái thế hệ Baby Boomers, thế hệ ra đời sau đệ nhị thế chiến, thế hệ nhiều tiền với cuộc sống dễ chịu hơn thế hệ cha chú bắt đầu bước vào tuổi 50 và giật mình nhìn lại nhan sắc của họ, thế hệ được cưng chiều, đươc tập cho hư đốn bằng tiện nghi của đời sống sang giầu của nước Mỹ sau đệ nhị thế chiến, bắt đầu hốt hoảng lo níu kéo lại chút tuổi xuân, chạy đôn chạy đáo đi hút mỡ, cắt mí mắt cho mắt đỡ sụp xuống, giảm bớt đi một diện tích da trên mặt để bù cho khả năng đàn hồi của da bị giảm đi, làm đầy những vết gấp trên trán, trên má, ở hai bên khóe mắt, cắt, giũa, sơn những chiếc móng tay, móng chân...

Cũng có thể là vì phụ nữ Mỹ trong hơn ba mươi năm trở lai đây, đã tiến ra bên ngoài gia đình, đã trở thành độc lập hơn về tài chính. Và khi độc lập được về tài chính, thì họ cũng có được những lựa chọn khác hơn là tiếp tục ở lại với những cái bụng bia, với những chiếc cằm râu ria lởm chởm, những bộ da mặt không khác gì giấy nhám đánh bóng đồ gỗ, hơi thở không thua gì hơi thở của loài ngựa... nên các chàng hoảng hốt lo đi làm đẹp trước khi nhận được cái giấy của luật sư yêu cầu duy trì hai trú sở hôn nhân riêng rẽ.

Nhưng khi các chàng quay ra làm đẹp thì cũng phiền lắm. Thí dụ quyền giữ cái buồng tắm một tiếng đồng hồ buổi sáng sẽ không còn của riêng ai nữa. Ðứa nào dậy sớm sẽ dùng trước, dậy muộn ráng quét vôi, quệt mascara, bôi eye shadows, dánh son trong bếp... Chuyện làm lại cái mũi, chẻ cái cằm, đục cái đồng tiền không còn độc quyền của ai nữa...

Lúc ấy, trong cơn âu yếm, có kéo chàng lại thì nên cẩn thận và nhẹ tay một chút, kẻo đụng cái mũi nó chạy lệch sang... tai, giống những chân dung của Picasso thì khổ vô cùng.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 10 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Trong số những thứ mà thập niên 90 sẽ chuyển giao lại cho thiên niên kỷ mới, chắc chắn phải có từ ngữ "safe sex" bởi lẽ trong suốt những năm 90, tất cả các nỗ lực của thế giới nhắm phát minh ra loại thuốc chữa bệnh AIDS vẫn chưa đem lại kết quả. Và vì chưa thể chữa được, nên cách hay nhất để đối phó với căn bệnh giết người này, là phòng ngừa, là áp dụng những biện pháp an toàn để cơ thể không bị nhiễm vi khuẩn HIV gây bệnh AIDS.

Do đó, có từ ngữ "safe sex". "Safe sex" là sex an toàn, là áp dụng những biện pháp ngừa lây nhiễm. Thí dụ không nên viết cuốn tùy bút "Bất Cứ Khi Nào, Bất Cứ Nơi Nào" như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Phải cẩn thận. Cũng không nên với "Bất Cứ Ai" như tựa đề cuốn tùy bút mà ông toan tính viết. Dễ nhất là như câu thơ bị xuyên tạc của Nguyên Sa: "Trời không mưa, anh vẫn mặc áo mưa..."

Áo mưa là thứ không thể thiếu khi rời nhà hệt như tấm thẻ mua chịu American Express. Phải luôn luôn ghi nhớ câu quảng cáo của Karl Marden: "Don't leave home without it!"

Mấy tuần trước, chương trình Tonight Show của hệ thống truyền hình NBC lại đưa ra một định nghĩa hơi khác của "safe sex". Theo Jay Leno trong đoạn độc thoại mở đầu, thì "safe sex", với tổng thống Clinton, là khi Hillary không có nhà. Hillary không có nhà thì không... bắt được tại trận, thì không đĩa bay, không cái chân đèn phóng tới, không tru tréo méo giật vang lừng khu công viên Lafayette, vọng lên tận điện Capitol... thì là an toàn. Như vậy, nói cách khác thì "safe sex" là khi... mẹ cháu không có nhà hay sao? Ðâu phải thế! Ai mà lại dại dột làm vậy... ở nhà bao giờ.

Nhưng chúng ta đều biết rằng đó không phải là "safe sex" theo định nghĩa đúng nhất. Chờ mẹ cháu, chờ Hillary vắng nhà thì không bị đòn thật, nhưng vi khuẩn HIV sẽ không tha. Bằng cớ là ngay cả khi chờ Hillary đi vắng hay không có mặt, những chuyến phiêu lưu tình dục của ông Clinton vẫn không an toàn chút nào và ông đang điên đầu vì những trò phiêu lưu đó. Ông vẫn bị lôi ra quốc hội, vẫn bị điều tra để luận tội như chúng ta đã thấy suốt mấy hôm nay.

Cái áo mưa vẫn là khí giới tốt nhất để chống bệnh AIDS. Muốn có "safe sex" thì phải có cái áo mưa. Ông Clinton có thể cũng nghĩ như thế, như những gợi ý của bức hí họa chính trị của Michael Ramirez trên trang A-17 của tờ Los Angeles Times số đề ngày 10 tháng 12.

Bức hí họa vẽ một người đàn ông mà nhìn qua, khó có người nghĩ đó không phải là ông Clinton. Cái mũi ấy, mái tóc ấy, cái cằm ấy nhất định phải là ông. tay trái người đàn ông này cầm một cái bao dẹp, mà chỉ có những người đàn ông anh hùng và thành thật nhất thiên hạ mới nói với vợ rằng chưa bao giờ thấy nó trên đời vì cả đời chàng chỉ cơm nhà, quà mẹ cháu. Ðó là một sản phẩm làm bằng cao su mà mấy chục năm trước nó đã được gọi bằng cái tên rất lạ kỳ: "túi phong lưu" cái tên thoạt mới nghe qua đã tưởng cái túi gió trăng đề huề trên lưng Kim Trọng, theo sau lại có một vài thằng cỏn con...

Người đàn ông trong bức hí họa nói: "Don't worry. I have protection..." Ðừng lo. Tôi đã có thứ để phòng ngừa rồi...

Và cái thứ để phòng ngừa của ông, là cái túi phong lưu, là cái bao cao su, là cái áo mưa, là ông đại sứ, là cái người Pháp không ưa người Anh gọi là capote Anglaise, là cái mà người Anh không ưa người Pháp gọi là French letter...

Cái thứ để phòng ngừa của ông Clinton, để giúp ông có "safe sex" không mang tên của các hãng sản xuất thông thường như Lifestyle, Prime, Magnum, Gold Circke Coins... mà mang hàng chữ DEMOCRATS.

Ông Clinton tin rằng những cái áo mưa mang nhãn hiệu sản xuất DEMOCRATS sẽ giúp ông an toàn ở quốc hội. Những cái... áo mưa như Maxine Waters, Rich Boucher, Robert Wexler, Thomas Barrett... của hãng DEMOCRATS mấy ngày qua đã lăn ra giữa đường liều mình cứu ông Clinton khỏi bị luận tội và truất nhiệm.

Nghe các ông bà dân biểu của đảng Dân Chủ (tức hãng chế tạo áo mưa DEMOCRATS mà ông Clinton dùng để chống bị luận tội) thì người ta thấy quả là ông Clinton được bảo vệ để có "safe sex" thật.

Bị coi là cái để "che đầu quân tử lúc sa mưa" thì chán quá. Không được như cái quạt trong nguyên ý bài thơ của Hồ Xuân Hương, mà là cái túi cao su thì nản biết là chừng nào. Nhưng nghĩa bóng thì nó là thế.

Chao ôi, học hành cho lắm vào, vận động cho giỏi vào, đắc cử vào tới quốc hội liên bang rồi nhẩy ra làm cái bao cao su cho ông Clinton để che... cho ông Clinton thì đáng buồn thật.

Không biết các ông các bà này có biết thân phận của mấy cái áo mưa không? Xong việc là len lén tháo ra, quăng xuống gầm giường ngay, chờ sáng mai ném vào cầu tiêu giật nước cho trôi hết vết tích.

Michael Ramirez đúng là sỏ lá kềnh. Ðộc ác vào hạng nhất chứ không thứ nhì được.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 10 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Cuối tuần qua, ở mục Personal Plus của tờ Washington Post, tôi đọc được một lời rao tìm bạn mà tôi nghĩ là không ai có thể viết hay hơn được. Tôi tin chắc người phụ nữ đăng đoạn lời rao đó sẽ nhận được vài ba chục lá thư xin làm quen là ít.

Ngắn, gọn, không mầu mè, đi thẳng vào vấn đề, đọc xong thì hiểu ngay, không khoe khoang nào là nhà văn nữ, là từng viết diễn văn cho tòa Bạch Ốc, là thông minh, là tài chính ổn định... như mấy đoạn lời rao bên cạnh.

Nàng viết như thế này: "The woman you should have married. ISO of warmhearted, bright DWM, 50-60..."

Nàng không tự nhận là giống người mẫu của Victoria's Secret, không bomb shell, sexy... Nàng chỉ nhận nàng là người phụ nữ mà bạn đáng lẽ đã phải lấy làm vợ. Nàng kiếm một người đàn ông thông minh, tính tình đôn hậu, da trắng, đã chấm dứt những liên hệ pháp lý của một đời sống hôn nhân trước. Nói để bạn biết ngay ở đây: điều kiện DWM (Divorced White Male) không có bạn ở trong.

The woman you should have married... Người đàn ông nào mà chẳng có những lúc thầm kín nghĩ về một, hai người phụ nữ như thế.

Những người phụ nữ như vừa mới bước ra khỏi thơ của Ðinh Hùng, của Nguyên Sa, vẫn còn "gói mây trong áo", vẫn còn "để nắng thu vàng giữa lối đi", vẫn còn "gió mùa thu cuốn bao dư vị", vẫn còn thấy "từ biệt hoàng hôn trong mắt em / tôi đi tìm những phố không đèn", vẫn còn "... dầm mưa lén bước về / áo trùng hơi thở, mặt sầu che..."

Ðáng lẽ. Phải chi. Giá mà. Lý ra. Nếu... thì bây giờ mình như thế nào, trong lúc không có mặt của người... nữ chủ nhiệm đều sẽ nói như thế.

Người đăng lời rao dùng should have và quá khứ phân từ của động từ to marry để nói về một chuyện đã không xẩy ra nhưng đáng lẽ đã phải xẩy ra. Không dùng might have, would have, hay could have, mà should have cho mạnh. Might have là lẽ ra đã có thể... Không có chuyện có thể ở đây. Would have hay could have là lẽ ra đã... Chưa đủ mạnh. Should have married... đáng lẽ đã phải cưới làm vợ. Mạnh hơn nhiều. Chuyện cưới nàng làm vợ đã có biết bao nhiêu là lý do rất vững đi kèm. Nhưng chuyện đó đã không xẩy ra. Thời cuộc? Số mệnh? Ðời sống?

Ðáng lý ra đã phải cưới làm vợ. The woman you should have married... Có người chỉ đưa ra được có một cái tên. Có người danh sách dài hơn trong cái danh sách ấy.

Ðó là những ai? Là cái má lúm đồng tiền? Là đôi mắt giết người, là cái cằm chẻ, là cái răng khểnh, là cái lưng mặc áo dài rất đẹp, là cái kiểu ngồi Solex, là mùa thi năm tú tài 2 năm 1962, là căn nhà trọ ở Kilburn Parade, là mùa đông ở Christchurch, New Zealand, là cái bếp ở căn apartment bên cạnh đại học Victoria, là quán cà phê ở lối lên cable car, là bài thơ Ðường đọc ở thư viện Pasadena, là cái croissant cùng ăn trong bãi đậu xe?

Người rao trên báo là người ấy? Là cái địa chỉ ở San Diego, là cái số điện thoại ở Arcadia? Làm thế nào được. Làm sao là tất cả những người ấy.

Lời rao trên báo của nàng thoạt dầu đọc lên thì nghe thật hay, nhưng đọc lại, và duyệt qua lại những sự quen biết cũ, cập nhật hóa chúng lên một chút, kéo cho chúng thêm hai mươi, ba mươi năm nữa, đặt chúng vào những khung cảnh mới, nhuộm cho chúng chút "mầu thời gian", đừng can thiệp vào sự kéo tới của mấy chục năm trên mái tóc, ở những khóe mắt, khóe miệng, có thể người ta thấy lời rao của nàng đã mất đi rất nhiều appétit.

Thí dụ đó là người khuyên đừng gặp lại để thấy ba cái áo dài cũ... chập lại mặc cũng không vừa nữa? Là người cảnh cáo rằng nay là gái 5 con muốn... lôi phắt đi chôn chứ không còn mòn con mắt nữa? Là người đàn bà nhận không ra ở phi trường O'Hare cách đây mấy năm? Là người mà ông chồng (đương kim) than thở rằng vì nàng mà ông đã tàn một đời trai từ hơn hai chục năm nay?

Henri Millon de Montherlant, một tiểu thuyết gia Pháp (1896-1972) có lần viết rằng khi bạn đến tuổi 50, nhìn lại những người phụ nữ quen biết trong đời, thì bạn bỗng thấy họ cũng thường thôi, chẳng có gì đáng để nhớ cả.

Bây giờ, cái tuổi 50 đó lại được cộng thêm 4 năm nữa thì hỏi bạn rằng sự tầm thường đó nó còn kinh khiếp như thế nào nữa.

Cho nên lời rao của nàng có thể rất hấp dẫn với một số người, nhưng có thể không đối với những người khác. Ít nhất là không, đối vói Montherlant và những người đọc ông ta.

Ðôi tình nhân trẻ dưới trăng thề thốt với nhau rằng không lấy được nhau thì họ chết. Ðịnh mệnh độc ác không cho họ lấy nhau. Họ giữ đúng lời nguyền, nửa thế kỷ sau, họ qua đời, người nọ trước người kia khoảng vài năm.

Không biết có bao giờ họ nghĩ tới nhau được như đoạn lời rao kia không?

Nhưng hãy tưởng tượng lời rao đó là của một người đàn ông thì tôi sợ sự tốt đẹp không bao giờ có được ở trong đầu của người đọc được quá vài ba phút. Cứ tưởng tượng chàng tuổi tác ngoài nửa thế kỷ, mái tóc muối đang thắng tiêu, cặp mắt kính dầy như hai cái đít chai coca, cái bụng bia hai ba người ôm không xuể, ăn nói vô duyên, gàn dở, vô tích sự vào hạng nhất thế giới.

Ðẩy người đàn ông này ra với người đàn bà mà đáng lẽ ra chàng đã phải cưới làm vợ... Biết đâu họ chẳng hợp nhau như... cái cắm điện và cái outlet trên tường?

Mà như vậy thì đoạn lời rao vẫn là có lý nặng chứ có sai gì đâu... Những cái vung méo vẫn tìm được những cái nồi méo chứ. Giờ này làm gì còn vung tròn với nồi tròn nữa.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 16 tháng 3 năm 1998

Bạn ta,

Trong một tiểu luận về phân tâm học, Sigmund Freud viết về một kinh nghiệm của ông thời còn bé khi ông nhìn mẹ thay áo, và nhắc đến cái mùi của người mẹ mà ông nói là theo ông mãi suốt bao nhiêu năm trong đời.

Nguyên Hồng trong Những Ngày Thơ Ấu cũng viết về cái mùi quần áo của người mẹ khi ông được ngồi cạnh mẹ trong chuyến xe tay...

Ðiều Freud đề cập đến mang nhiều chất erotic ở trong. Ông muốn dẫn mọi người tin theo vào mặc cảm mà ông đặt tên cho là mặc cảm Oedipus, theo đó, con trai thường yêu mẹ và ghen với cha như nhân vật Oedipus trong thần thoại Hy Lạp. Nguyên Hồng cảm động hơn, nhưng cả hai đều nói đến cái mùi của người mẹ.

Cái mùi đó có ở tất cả các sinh vật giống cái. Nhờ nó mà những con thú nhỏ không lạc mất mẹ trong một đàn thú đông đảo. Những con thú đực cũng có mùi, nhưng không mạnh như những con thú cái. Lý do có thể là trách nhiệm nuôi những con nhỏ không ở những con đực. Và vì thế, nhiều người tưởng là những con thú đực không có mùi, và ở sinh vật thượng đẳng, những người đàn ông, những người cha không có cái mùi nào hấp dẫn hết.

Nhưng từ lâu tôi vẫn nghĩ là có. Cái mùi hấp dẫn những đứa con có cả ở nơi những người cha. Tôi biết điều này rất kỹ. Nó cũng theo tôi suốt đời, như cái mùi Sigmund Freud kể trong bài viết của ông.

Ông thân sinh ra tôi có cái mùi đó. Hồi ở ngôi làng nhỏ vùng đồng chua nước mặn Bắc Việt, cái mùi xà phòng Thượng Hải Chi Dạ, mùi mồ hôi, mùi tóc ở ngoài nắng là những cái mùi đầu tiên tôi nhớ của ông. Cái mùi đó thường đi kèm với những lần khi ông cạ những sợi râu vào má của tôi, khi ông còn bế được tôi lên...

Cái mùi đó của ông rất giống mùi Bien Être mà tôi thấy sau này. Ông dùng nó trong rất nhiều năm nên tôi vẫn cứ coi nó là mùi của ông trong những thời gian ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn. Tôi không biết nó là mùi gì, nhưng nó dính vào bất cứ những gì ông đụng tay vào. Nó ở tay lái chiếc xe đạp Terrot của ông ở Hà Nội, cái quai chiếc cặp sách dạy học của ông, những cái mùi xoa, những chiếc ca vát treo trong tủ áo, cái bút ông dùng để chấm bài học sinh, cái ngăn kéo bàn làm việc đựng đinh ghim, bút mực, giấy tờ của ông mà thỉnh thoảng tôi vẫn lén lục ra coi trộm trong những lúc ông vắng nhà. Nó là cái mùi phảng phất từ lưng áo của ông trong những lần ông chở tôi đi chơi bằng xe đạp ở Hà Nội. Nó ở trong vành những chiếc mũ liège, những chiếc mũ dạ, những cặp kính, những cái bao kính, những đôi găng tay, những chiếc khăn quàng của ông. Nó cũng ở trên volant của những chiếc xe hơi hồi ở Sài Gòn. Ngay chiếc máy chụp ảnh có bàn tay, có da mặt đụng vào, là tất cả đều mang cái mùi rất đặc biệt của ông, của loại cologne ông dùng. Nhắm mắt tôi vẫn có thể mường tượng ra cái mùi đó. Ngay cả những khi đau yếu, mùi dầu gió cũng không làm mất đi cái mùi của ông. Tôi không biết một người đàn ông nào lại có cái mùi đặc biệt như ông.

Lớn lên thỉnh thoảng có những lúc ông bắt tay tôi, ra về một lúc lâu, tay tôi vẫn còn mùi tay của ông.

Cuối tuần trước, tôi đi thăm ông. Ðúng hôm tôi sang, chúng tôi phải đưa ông vào bệnh viện. Sau bao nhiêu năm, tôi mới lại được gần ông như hồi còn bé. Hình như sau năm lên 5 hay lên 6, chúng ta bắt đầu ít gần bố đi và dần dần, những tiếp xúc càng ngày càng ít đi. Ðàn ông Việt Nam không biết ôm cha mẹ, làm như thể hành động đó làm mất đi chất đàn ông của họ. Nhất là khi có những ông bố rất nghiêm như ông cụ tôi. Chúng ta không ôm nhau, hôn nhau như người Ả Rập, như người Âu Mỹ. Cụ Khổng dạy chúng ta phải sợ bố, sợ mãi rồi không lại gần mấy ông "nghiêm đường" nữa.

Tôi lại thấy cái mùi đã lâu không gặp lúc bế ông ra khỏi giường, thay quần áo cho ông, giúp ông làm công việc vệ sinh, cho ông ăn, uống, xoa người, bóp chân, bóp tay cho ông. Tôi vuốt tóc, chải râu cho ông, những việc tôi tưởng không bao giờ làm được với một ông cụ mà tôi vừa yêu vừa sợ như thế. Tôi cố tìm một hai ý tưởng ngộ nghĩnh mà không sao cười được... Hồi xưa cậu bế con, bây giờ con bế cậu. Hồi xưa cậu vuốt tóc, chải đầu cho con, thì bây giờ con... vuốt râu, chải đầu cho cậu. Hồi xưa cậu tắm cho con, bây giờ con tắm cho cậu, bắt cậu mặc quần áo tử tế mới cho ăn cơm, bắt rửa chân mới cho lên giường đi ngủ, bao giờ con cho cậu về cậu mới được về...

Tôi gặp lại, bắt lại được cái mùi của ông cụ tôi. Tôi thấy tôi bé lại, tôi lại ôm được ông như ông ôm tôi hồi còn bé.

Nhưng tại sao phải đợi khi phải đưa ông vào bệnh viện, khi ông nằm trên giường ở khu cấp cứu, tôi mới làm được việc đó? Tại sao tôi không làm những việc đó khi chúng tôi còn khỏe mạnh?

Cuối tuần qua, tôi không chạy sang thăm ông thì tôi ân hận biết chừng nào. Làm sao tôi sẽ tha thứ cho tôi được...

Tôi không bao giờ quên cái mùi của ông bố tôi. Mà ấy là khứu giác của tôi hơn một năm nay đã tệ đi rất nhiều. Tôi muốn được ở mãi bên cái mùi đó.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 16 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Cái laptop Toshiba của tôi đã bỏ tôi sau khi ở với tôi được hơn bốn năm.

Nó chết vì ba lần không biết buồn chuyện gì, nó nhẩy xuống đất trước khi tôi giang tay ra đỡ kịp, và cũng vì sau mấy chục chuyến đi, do cái bệnh lười biếng, ngại phải đi qua cửa ải xét chất nổ, không muốn phải bật nó lên cho nhân viên an ninh kiểm soát, và biết là mang nó lên máy bay cũng không làm việc được, tôi cho nó đi chung với đống quần áo trong chiếc va ly để bị tung, quăng, ném, quật biết bao nhiêu lần lên xuống ở các phi trường, hết ở miền đông rồi lại qua miền tây nước Mỹ. Cuối cùng, nó bệnh nặng, lại không ở trong HMO, không có medicare, medicaid chi cả nên tôi đành để nó chết vậy.

Hôm qua tôi đã mang một cái mới về nhà. Không ghê gớm gì lắm, chỉ là cái Compaq Armada 200 MHZ, với đĩa cứng 3.2 GB, 20 X CD-ROM, 32 MB RAM và modem 56K. Tôi chọn cái laptop Compaq Armada này vì cũng như cái Toshiba cũ, tôi không phải kéo theo một cái hộp biến điện, chỉ cần một sợi dây là đủ, tha hồ chơi với nó ở trong phòng ngủ, phòng khách, dưới bếp, trong phòng ăn, và luôn cả trong buồng tắm nữa.

Tôi không bao giờ thắc mắc về phái tính của nó, về chi tiết nó là đàn ông hay đàn bà, chỉ biết là ôm nó trong lòng... thì thích lắm. Thì nó là cái laptop chứ có phải là desktop đâu mà chẳng ôm nó trong lòng. Nó là cái computer,,, ôm, như bia ôm, cơm tấm bì sườn chả ôm, xe ôm mà chúng ta đã rất yêu mến từ bao nhiêu năm nay.

Cho tới trưa nay, khi ngồi nói chuyện về nó, bà bạn Mỹ của tôi nói với tôi rằng tôi không nên nói về nó bằng đại danh từ "it", đại danh từ chỉ những thứ trung tính, không đàn ông, cũng không đàn bà. Cái laptop của tôi là... đàn ông.

Bà bạn tôi nói rằng nó là đàn ông vì, lý do thứ nhất, nó có rất nhiều dữ kiện (data) nhưng nó lúc nào cũng như là chẳng biết gì hết. Nó là đàn ông vì nó không biết tự nó làm lấy công việc. Lúc nào cũng chờ có người sai bảo, chỉ dậy mới biết đường mà làm.

Thứ hai, nó là đàn ông vì đáng lẽ nó phải giúp người ta giải quyết các vấn đề, các khó khăn, thì chính nó lại là vấn đề của rất nhiều người. Cho đến nay, rất nhiều người chỉ cần nghĩ tới nó là sợ.

Thứ ba, nó là đàn ông vì vừa mới khuân nó về nhà, là người ta thấy ngay là nếu chịu khó chờ thêm một chút, người ta có thể tìm được một... người đàn ông khác khá hơn nó nhiều, vừa mạnh hơn, vừa nhanh hơn mà lại không đắt hơn bao nhiêu.

Thứ tư, nó là đàn ông vì muốn có được sự chú ý của nó, người ta phải bật cái nút (?) để cho nó... turn on.

Và thứ năm, nó là đàn ông vì chỉ cần cho điện mạnh hơn một chút (power surge) là nó suội lơ, nằm ngay đơ luôn.

Tôi thấy bà bạn Mỹ của tôi nói có phần đúng. Nhưng có phần thù ghét đàn ông thấy rõ. Lại nữa, nếu bạn tôi nói đúng, và nếu đúng cái laptop là một tên đàn ông thì hóa ra mấy năm nay, ngày nào tôi cũng ôm... một người đàn ông hay sao? Thế thì chán chết, mà lại còn kỳ cục nữa. Ðổ cho tôi gì thì cũng được nhưng đổ cho tôi ôm cái... ông Toshiba Satellite thì oan cho tôi biết chừng nào.

Hay là tôi đem trả cái Compaq Armada, lôi một cái destop mới về, vừa rẻ hơn, lại vừa không phải ôm nó rồi mang tiếng, mang tai với mọi người?

Không. Tôi thấy ôm cái Toshiba trước đây, rồi bây giờ, cái Compaq có lý hơn. Ðêm đến, vào giường nó cũng có thể vào theo. Buổi chiều ơ balcon nó cũng ra ngồi được với tôi. Ði đến đầu ghềnh, cuối bãi, nó cũng đi theo được.

Tôi thấy nó... đàn bà hết sức. Nó không đàn ông chút nào cả.

Ðây nhé, nó là đàn bà vì nó có cái lô gich không ai hiểu nổi, ngoại trừ... ông Trời. Cái ngôn ngữ nó dùng để nói với những cái computer khác, thì không một ai hiểu được. Tôi đã khốn khổ mười mấy năm trước với cái JCL - job control language - của nó, và đến bây giờ tôi cũng vẫn không hiểu được nó. Thỉnh thoảng nó nói với tôi câu này:"Bad command or file name" thì có phải là hệt như cái câu: "Nếu anh không biết tại sao tôi giận anh thì anh tìm ra mà hiểu chứ còn tôi thì nhất định không nói cho anh biết đâu. Thôi, tôi đi về nhà mẹ tôi đây. Anh mặc xác tôi. Anh kệ thây tôi. Tôi đi, tôi chết đâu thì mặc tôi. Anh có cần, có thiết tha gì đâu... Bad command or file name". Những cái lỗi nhỏ xíu của bạn, nó đều giữ lại hết, cho tất cả vào bộ nhớ (long term memory), để sau này lôi ra bắt bẻ bạn, không thiếu một cái dấu chấm, một cái dấu phẩy, một cái slash (/) rồi ngúng nguẩy không thèm nói chuyện với bạn nữa. Nóù làm như nó là thơ của ông Du Tư Lê không bằng. Thế rồi sau khi bưng nó về nhà, bạn tha hồ tốn tiền cho nó, hết nay mua cái này, mai mua cái kia, không bao giờ ngưng.

Nhưng tôi lại yêu nó hết sức.

"Cám ơn máy điện toán... ôm
Những khi... lạch cạch sớm hôm có mày
Cám ơn cái laptop này
Những khi hứng đến, có mày có tao..."

Mà hứng của tôi đến thì bất tử lắm, lúc hứng đến mà không có nó, không lôi nó ra, để nó lên đùi, ôm vào lòng, mơ nó ra, ấn cái nút, turn on, ngón tay đẩy cục track ball hay cái pointing device cho con chớp (cursor) chạy điên cuồng... thì phiền lắm.

Nhất là những người tối đến cứ về nhìn cái trần nhà như người viết lá thư này cho bạn.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 16 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Tôi đã cố mà không sao tìm được tờ Newsweek có lần tôi đề cập đến trong một bức thư viết cho bạn đã lâu, tờ báo có bài viết của một phụ nữ bầy tỏ những lo ngại về đám người Việt Nam sang Mỹ tị nạn năm 1975.

Tôi chỉ nhớ bài báo đó xuất hiện sau đợt tị nạn đầu tiên được đưa vào lục địa Hoa kỳ. Trong bài báo, người viết lo không biết những người Việt Nam này có bao giờ thấy cái xe hơi chưa, có biết Michelangelo Buonarroti là ai không, có biết dùng cái máy giặt không... Tác giả lo ngại rồi đây, những người này làm sao thích ứng được với đời sống ở quốc gia văn minh nhất thế giới này.

Toàn là những ưu tư, những quan tâm... tầm bậy hết.

Người viết chắc về sau ngượng lắm, nên không thấy viết thêm một bài báo dốt nát nào đại để như thế nữa. Lúc mới đọc, tôi tức điên lên. Bị coi là lạc hậu, chậm tiến ai mà không bực. Nhưng rồi tôi thấy người viết, vì những lo ngại ấm ớ thiếu chứng cớ như thế mới chính là phía lạc hậu, chậm tiến nên thôi không đi tìm nàng để nói chuyện phải quấy nữa.

Nhưng cái thứ ngu như nàng hình như không phải là ít ở nước Mỹ. Nhà cửa tử tế không chịu ở, cứ nhẩy xuống đáy cái giếng rồi ngó lên nên coi ai cũng... bằng vung hết.

Mới đây, tôi mua một cái điện thoại do GE sản xuất, có bộ nhớ, có máy trả lời để thay cho cái cũ. Gắn dùng được mấy hôm, cuối tuần dọn dẹp nhà cửa, đem rác đi vứt thì tôi mới thấy tờ giấy chỉ dẫn cách dùng rơi xuống nằm trong góc bếp. Tôi nhặt lên, định bỏ vào bao rác quăng đi, thì lại tò mò mở ra đọc xem tờ giấy viết những gì.

Và tôi thấy hình như nàng được mời làm việc cho công ty GE, nếu không thì GE cũng đã kiếm được một người khá giống nàng để viết tấm giấy chỉ dẫn cách dùng cái điện thoại mà GE sản xuất.

Tờ giấy chỉ dẫn cách dùng điện thoại còn ghê khiếp hơn cả bài báo trên tờ Newsweek về mặt lăng mạ trí thông minh của khách hàng. Những chỉ dẫn đó, nếu được tìm thấy trong những chiếc điện thoại bán sang Uganda, Rwanda, Congo Kinshasa... thì cũng đã là quá quắt, nhưng đây là trong hộp đựng chiếc điện thoại bán trong thị trường nội địa Hoa kỳ thì quả tình tôi không hiểu được tại sao GE phải viết những dòng chữ ấy, trong khi con số máy điện thoại ở nước Mỹ là con số nhiều nhất thế giới.

Ðây là nguyên văn những lời chỉ dẫn đó:

To Make a call: (1) Pick up handset (2) Wait for dial tone (3) Dial telephone number (4) When finished, hang up the handset.

ToReceive a Call: (1) When telephone rings, pick up handset and talk. (2) When finished, hang up the handset.

Công ty GE coi người tiêu thụ, khách hàng của công ty là những người như thế nào? Là mấy con Orang Utang vừa được đưa từ rừng Borneo về sở thú? Là những người từ một hành tinh khác lạ xuống đây?

Nếu không thì tại sao lại chỉ cách gọi điện thoại là muốn gọi thì phải nhấc máy lên, đợi cho có tín hiệu, quay số và khi nói xong thì đặt máy xuống? Tại sao phải dậy là khi nghe chuông reo, nhấc máy lên, nói xong thì bỏ máy xuống?

ở nước Mỹ có bao nhiêu người khi nghe chuông điện thoại reo, chỉ ngồi ngẩn người ra mà thưởng thức tiếng chuông reo? Có bao nhiêu người khi kết thúc cuộc điện đàm thì bỏ máy nghe vào freezer ngày mai lôi ra... ăn tiếp? Có bao nhiêu người muốn gọi điện thoại thì chạy vào nhà xịt nước hoa lên đầu?

Ðọc tờ chỉ dẫn, tôi thấy có hai trường hợp có thể xẩy ra.

Trường hợp thứ nhất là ở nước Mỹ có nhiều người ngu dốt không thua gì tác giả bài báo trên tờ Newsweek, cái thứ người cầm tinh con ếch, tưởng ai cũng ngu giống mình.

Trường hợp thứ hai là ở nước Mỹ có nhiều người ngu hệt như là hãng GE đã nghĩ, và vì GE đã nghĩ như thế nên mới chỉ thị cho nhà máy sản xuất điện thoại viết ra những dòng chỉ dẫn ngu xuẩn như trong tờ giấy đó.

Biết đâu đang có nỗ lực soạn nguyên một cuốn sách để dậy cách gọi điện thoại để thêm vào những bộ sách kiểu như The Complete Idiot's Guide to... hay The Dummy's Guide to... mà chúng ta đã thấy xuất hiện rất nhiều, nhất là trong các tủ sách chuyên về máy điện toán.

Hay là nước Mỹ nhiều người ngu thật?

Trong đó có cả tôi nữa. Phone Sex là gì bạn biết không mà tôi đọc thấy rất nhiều lần trong báo cáo của ông Starr về ông Clinton? Muốn gọi Phone Sex thì phải làm sao đây? Có cần cầm máy lên, đợi tín hiệu, quay số và gặp má của Monica Lewinsky thì cúp ngay không? Hay là không biết gọi nên ông Starr mới làm toáng lên như thế?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 16 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Thỉnh thoảng có việc phải ghé chợ bán thực phẩm Việt Nam tôi lại bị một phen hết hồn vì tiếng Việt in trên nhãn của một vài món hàng bán ở chợ.

Không phải nó "mỗi ngày mỗi héo" như Lê Tất Ðiều hoảng sợ cách đây hai mươi năm, mà nó bị xuyên tạc, bêu diếu không tiếc tay và bị làm bẩn đi rất nhiều bởi đầu tiên là mấy ông Thái Lan, và nay đến mấy ông Ðài Loan.

Những câu tiếng Việt in trên những hộp bánh LU sản xuất tại Pháp và bán sang Việt Nam mấy chục năm trước (... bánh LU đem tặng thầy / Chừ tớ làm quan lớn / Con thầy trả gấp hai...) tuy ngô nghê nhưng vẫn không đến nỗi nào. Thứ tiếng Việt đó dẫu sao cũng là của những người tôi tin là có ăn có học sống ở Pháp.

Nhưng tiếng Việt đọc thấy trên những sản phẩm của Thái Lan từ nhiều năm nay thì khủng khiếp hơn tiếng Việt của bánh LU rất nhiều. Các doanh nhân Thái, chủ của các cơ sở sản xuất thực phẩm xuất cảng sang những nơi có các cộng đồng người Việt cũng biết đi kiếm những người biết tiếng Việt ở Thái xin vài ba chữ để in trên những thùng, bao, gói, nhãn bên ngoài các sản phẩm của họ. Họ tin là làm mấy dòng chữ Việt đó sẽ tạo ngay được sự thân thiết, quen biết của người tiêu thụ Việt Nam. Và những người mà các ông Thái Lan này nhờ xin vài ba chữ tiếng Việt thì không phải ai cũng tiếng Việt tinh thông như bạn. Ðó là thứ tiếng Việt còn sót, còn rơi rớt lại ở nơi những người đã sống vài ba chục năm ở Thái.

Vì thế chúng ta mới phải ăn các thứ "MẤM" của các ông Thái Lan từ mấy chục năm nay, hết "MẤM CÁ SẶC", lại tới "MẤM CÁ LÓC", rồi đến "MẤM RUỐT". Có mấy cái dấu mà cũng đánh sai bét be. Cũng may là chúng ta dễ tính chứ nếu cứ lôi thuyết "chính danh" của cụ Khổng ra bắt bẻ, viết không đúng tiếng Việt, không ăn thì cũng phiền cho các nhà sản xuất thực phẩm của xứ Thái không ít.

Những con cá sặt, những con cá lóc, và luôn cả những con ruốc, khi được đem chế thành "MẤM" thì chúng cũng bị hóa kiếp luôn để thành "SẶC", thành "LỐC" và thành "RUỐT". Khổ cho chúng biết là bao nhiêu. Chết mà cũng không yên thân, tên tuổi bị đổi hết, làm sao chúng siêu thoát, bước ra khỏi được luân hồi.

Cuối tuần qua, tiếng Việt của bạn và tôi lại bị lôi ra đùa nghịch bởi mấy ông Ðài Loan. ở quầy trả tiền của một chợ nọ, tôi thấy lần đầu tiên trong đời, một món mà nghĩ mãi mới có thể hiểu là có thể... ăn được. Nghĩ ra được là nhờ dòng chữ tiếng Anh ở trên. Nhờ mấy chữ tiếng Anh, tôi biết nó là món mực khô. Nhưng nếu chỉ đọc mấy chữ tiếng Việt thì đành chịu. Có kê súng vào đầu cũng không dám ăn.

Sản phẩm gói trong bao giấy kính có tên tiếng Anh là Prepared Cuttlefish. Món sản phẩm này, như vậy là có thể ăn được. Với một lon Budweiser thì không có gì để phải phản đối.

Nhưng sang tiếng Việt, nó là "Sửa Soạn Con Cá Mực". Nó là cái gì thế này? Thưa nó là Prepared Cuttlefish được dịch sang tiếng Việt, có lẽ bằng một cuốn tự điển Anh Việt nào đó do mấy nhà xuất bản ở Ðài Loan in lậu của các soạn giả người Việt. Thế rồi ông chủ hãng sản xuất khô mực một hôm lôi ra, tra chữ Prepared Cuttlefish, và cứ thấy tự điển viết làm sao thì ông... vẽ lại như thế.

Vậy thì Prepared Banana là "Sửa Soạn Cái Chuối Chiên" chăng?

Nhà phiên dịch này có bao giờ tưởng tượng ra thảm họa trong một gia đình Việt Nam ở hải ngoại khi hai vợ chồng sắp đi chơi, ông chồng thấy đợi lâu quá, quyết định kiếm một lon Budweiser rồi quay vào trong nhà hỏi bà vợ: "Em có "Sửa Soạn Con Cá Mực" hay "Sửa Soạn Cái Chuối Chiên" thì mang ra đây cho anh..." và nghĩ chuyện gì sẽ xẩy ra cho người đàn ông Việt Nam khốn khổ ấy không? Ông có biết những gì có thể bị quăng vào người đàn ông tội nghiệp đó không? Ðược hai ba cái của Victoria's Secret là may lắm. Sợ không được ấy chứ.

Nguy hiểm không thể tả được.

Nhưng chuyện bêu diếu thực ra cũng chẳng xẩy ra riêng cho tiếng Việt của bạn và của tôi. Tiếng Anh cũng không tránh được thảm cảnh đó.

Tờ Los Angeles Times tuần trước, trong mục Only In L.A. không biết đào đâu ra được cái nhãn của một sản phẩm với hàng chữ nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh mà tôi chưa tìm ra được để ăn thử coi có... bịnh không. Nửa tiếng Việt của nhãn thì viết đúng: "Bún". Ðọc qua tới phần tiếng Anh, thì chắc phải là người can đảm lắm, với một hệ thống miễn nhiễm còn tốt lắm mới dám đụng vào, vì trong tiếng Anh, món "Bún" này được ghi là "Sick Rice".

Thiếu có một chữ "T" mà STICK RICE thành SICK RICE, bệnh hoạn liền đến. Có phải vậy không mà người ta vẫn nói không có vitamin T là có thể... chết được.

SICK RICE thì chết thật chứ không đùa đâu.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 18 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Luật pháp Mỹ hầu như luôn luôn thiên vị phụ nữ trong những tranh tụng tại tòa về vấn đề con cái khi cuộc hôn nhân chấm dứt. Tình trạng này tuy nay đã được cải thiện đôi chút, nghĩa là đã có thêm nhiều người đàn ông được tòa cho giữ con, nhưng hầu như chỉ những khi người mẹ làm những công việc thiếu đạo đức hay nếu những đứa con ở với người mẹ, an toàn đời sống của chúng bị đe dọa thì người mẹ mới bị tòa không cho giữ con.

Nhưng tòa án không phải chỉ thiên vị phụ nữ trong những trường hợp tranh tụng liên quan đến con cái, mà luôn cả trong các trường hợp khác hơn là con cái, tòa cũng vẫn thiên vị phụ nữ, và người đàn ông thường là phía bị thiệt.

Thí dụ trong những tranh chấp đòi quyền giữ những con chó khi cuộc hôn nhân chấm dứt, các tòa án ở Mỹ cũng vẫn nhẹ nhàng hơn với phụ nữ. Theo một con số thống kê (Playboy số tháng 10, trang 16) thì cứ 100 vụ tranh chấp giữa các cặp có nuôi chó, thì tòa giao cho phụ nữ giữ con chó của hai người tới 81 vụ.

Chỉ có 19% những người đàn ông được tòa cho giữ chó.

Chuyện cho ai giữ chó không ngừng ở quyết định cho con chó theo người vợ hay người chồng về nhà. Chuyện cho giữ chó còn kéo theo nhiều chuyện khác.

Thí dụ quyền thăm viếng, trách nhiệm cấp dưỡng những con chó.

Quyền thăm viếng có thể bị hạn chế nếu phía được giữ nêu lý do phía bên kia bạo hành con chó, không cho nó làm ướt cột đèn, gây ô nhiễm cho sân cỏ chẳng hạn. Nếu phía bên kia có vài ba biện pháp đối với mấy con chó mất dậy, vô giáo dục... bằng cách xích lại, nhốt vào chuồng chó, khóa mõm, gửi đi học ở trường dậy vâng lời, hét vào tai chúng tên một loại cây giống như cây bạc hà, hình như là cây húng, để khủng bố tinh thần chúng, thì phía bên được giữ chó có thể nại những chuyện đó ra để xin tòa không cho người đàn ông đến thăm mấy con chó đẻ đó nữa.

Thế rồi thỉnh thoảng, phía được giữ chó lại lôi phía bên kia ra tòa đòi tăng tiền cấp dưỡng để đuổi kịp những gia tăng của các loại thực phẩm chó. Những cách hành hạ phía không được giữ chó nhiều hay ít tùy thuộc thêm vào tài sáng tạo của các luật sư của người vợ.

Những người đàn ông ở nước Mỹ khổ vô cùng.

Ðó là chuyện chó.

Tại tòa, nếu người đàn bà Mỹ được tòa thiên vị trong những tranh chấp liên quan đến con chó, thì những tranh chấp liên quan đến những con mèo cũng vậy. 81% phụ nữ ly dị chồng được giữ chó thì chắc chắn cũng phải bằng ấy phần trăm được giữ mèo.

Người đàn ông Mỹ phải nuôi chó của vợ thế nào thì cũng sẽ phải nuôi mèo của vợ như thế. Người vợ không những được nuôi mèo, có mèo mà người đàn ông lại còn phải cấp dưỡng cho mèo của người vợ cũ. Không có chuyện bình đẳng trong những vụ tranh tụng dính dáng tới những con vật nuôi trong nhà. Phụ nữ gần như bao giờ cũng thắng tại tòa án.

Và nếu nói đến những con vật nuôi trong nhà thì ngoài chó và mèo, còn cả những con chim nữa. Trường hợp tranh tụng về những con chim thì cũng không khác những vụ tranh tụng liên quan đến mèo và chó bao nhiêu.

Chắc chắn đa số phụ nữ Mỹ tại những phiên tòa ly dị sẽ lại được tòa cho giữ những con chim mà trước đó người vợ và người chồng đã cùng nuôi.

Rồi những người đàn bà được giữ chim cũng sẽ lại đưa ra những đòi hỏi và những điều kiện tương tự như những người được giữ chó hay giữ mèo vậy. Cũng những vấn đề của chuyện thăm viếng, cấp dưỡng vân vân.

Phía không được giữ chim phải trả tiền cho phía được giữ chim. Nhiều người đàn ông Mỹ ở tuổi ngoài bốn mươi, năm mươi sau những năm với biết bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống hôn nhân, một ngày bừng mắt dậy, thì mất con mất cái, mất nhà, mất cửa, mất chó, mất mèo, mất chim... khổ không nói sao cho hết.

Trong khi đó, phụ nữ Mỹ vẫn tiếp tục đòi bình đẳng với đàn ông. Chưa bình đẳng thì đã như hôm nay, đến lúc bình đẳng rồi thì còn như thế nào nữa.

Ðọc cái thống kê của tờ Playboy ai cũng phải sợ phát sốt phát rét lên là thế.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 10 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Có thể rồi đây, những câu giải thích của người đàn ông cho những vết son dính trên cổ, những mùi nước hoa không quen bám ở tóc, những sợi tóc lạ vương trên vai áo, những địa chỉ ghi trên những miếng giấy tìm thấy trong đống quần áo bỏ giặt, những lần chuông điện thoại reo, nhấc lên không thấy tiếng trả lời, những số điện thoại viễn liên của những thành phố ở hai ba tiểu bang khác, những cái biên lai thẻ mua chịu trả cho một tiệm hoa, một tiệm ăn, một khách sạn người vợ chưa một lần ghé đến sẽ không còn rắc rối, vòng vo, khó tin, đần độn, dại dột như hiện nay nữa.

Người chồng có thể chỉ cần nói: "Em ơi, sẽ có một ngày, rất có thể anh sẽ trở thành tổng thống Mỹ đấy..."

Chỉ cần nói như vậy là xong hết. Không cần phải kể lể dài dòng là đang đi ngoài đường, đang nhớ tới em và con ở nhà, thì một con mụ vô duyên, lạ hoắc, dơ dáng dại hình, không chịu ngó đường, ngó xá gì hết... chơn đến nỗi té cái rầm vào người anh, dính cả son trên cổ, rụng cả tóc vào vai, bám cả nước hoa vào tóc, rơi cả cái địa chỉ vào trong túi... Chỉ cần nói: "Em tin anh đi, rồi đây có ngày em sẽ thành đệ nhất phu nhân đấy... Lúc ấy em tha hồ mà giống Annette Benning như trong The American President, còn anh thì đẹp không thua gì Michael Douglas..." Chỉ cần nói như thế là không ai còn thắc mắc, cật vấn, vặn vẹo gì thêm, sẽ không phải kiếm thêm dăm ba cái giaiœ thích khác để mà "parce que" nữa.

Tất cả những câu giải thích đó đều trở thành không cần thiết nếu thuyết của Lee Sigelman, một giáo sư dậy môn chính trị học ở đại học George Washington thủ đô Hoa Kỳ, đưa ra mới đây được coi là đúng. Thuyết của Sigelman là đa số những người chồng không trung thành với vợ sẽ trở thành những tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Giáo sư Sigelman đã đi tới kết luận vừa kể sau khi phân tích, nghiên cứu thành tích làm việc của những người được đưa vào ngồi ở tòa Bạch Ốc từ khi có nước Mỹ đến nay. Ông thấy là những ông tổng thống Mỹ hay đi ngang về tắt nhất là những người thành công hơn những ông tổng thống suốt đời chỉ biết có một đệ nhất phu nhân. Giáo sư Sigelman quả quyết rằng những tổng thống Mỹ thành công nhất là những người có những sinh hoạt ở bên ngoài chiếc giường vợ chồng nhiều nhất - the most successful presidents are indeed those who are sexually active outside the marital bed.

Ngoài ra, theo giáo sư Sigelman, thì các cử tri cũng ngầm muốn các tổng thống Mỹ đi ăn tiệm thay vì cứ "cơm nhà, quà đệ nhất phu nhân" hoài. Ông viết như thế trong một luận văn nhan đề Presidents, Extramarital Sex and the Public: Testing A Rational Theory do đại học George Washington ấn hành mới đây.

Dùng những đánh giá về thành tích làm việc của các tổng thống trong lịch sử Mỹ của một số sử gia trong thập niên vừa qua, giáo sư Sigelman đưa các dữ kiện vào máy điện toán để so sánh mức độ thành công của các tổng thống Mỹ có đi hoang và những tổng thống Mỹ chân chỉ hạt bột.

Kết quả của những so sánh này cho thấy các ông Franklin Delano Roosevelt, Lyndon Baines Johnson và John Fitzgerald Kennedy là những tổng thống giỏi ở cả hai mặt trận. Cả ba ông đều lung tung ghê gớm nhưng cũng lại là những tổng thống rất thành công trong lịch sử Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, giáo sư Sigelman không thể giải thích tại sao ông Warren Harding lại không thành công trong chức vụ tổng thống trong khi thành tích "ngoại giao" của ông thì không một ông tổng thống nào địch nổi.

Ngược lai, ông Abraham Lincoln, người được các sử gia coi là tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ thì lại chỉ có biết cơm do bà Mary Todd nấu và quà của bà Mary Todd tặng.

Ông Warren Harding thì tùm lum mà vẫn không là tổng thống giỏi. Ông Abraham Lincoln thì hiền lành, cơm nhà quà vợ nhưng vẫn là một vĩ nhân lịch sử Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ông Lincoln lúc nào cũng có cái vẻ ưu tư, sầu não. Ông sầu não từ lâu lắm chứ chẳng phải vì những âu lo do cuộc nội chiến Nam Bắc gây ra. Ông không có bức hình nào cười cả. Lúc nào cũng như sẵn sàng đi đưa đám vậy, hay là tổng thống vĩ đại thì phải... buồn?

Thuyết của ông Sigelman không đúng trong hai trường hợp này. hay tại vì bất cứ chuyện gì đi tới cực đoan thì không còn đúng nữa. Lạng quạng vừa thôi thì thành tổng thống giỏi. Lạng quạng quá như Warren Harding thì lại dở ẹc. Hiền vừa vừa thôi thì thành tổng thống tồi. Hiền quá thì lại thành ông Lincoln: vĩ đại nhưng mà buồn phiền.

Hay là cứ không cho có tham vọng làm tổng thống là xong ngay. lại cơm nồi National, quà tại gia vậy?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 18 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Ông Saddam Hussein thực ra không phải là người đáng ghét nhất thế giới như bạn nghĩ.

Ông ấy không làm phiền bạn bao giờ. Ông ấy không cào cấu lương tâm của bất cứ một người nào. Ông ấy cũng không gây khó khăn cho nhiều người hết năm này qua năm nọ, mãi mãi không thôi. Ông ấy thích có mấy thứ hơi Sarin, Anthrax... bơm vào đầu phi đạn, đạn trọng pháo, trong những thùng gắn trên cánh máy bay thì kệ ông ấy chứ. Ông ấy mua lén kỹ thuật để làm vài ba quả bom nguyên tử thì đã sao? Các ông Atal Behari Vajpayee của Ấn Ðộ và Nawarz Sharif của Pakistan đã có mỗi ông vài quả thì tại sao lại cấm cản ông ấy cho mất vui? Ông ấy cần dầu hỏa của Kuwait thì vẽ lại cái bản đồ, cho Kuwait nằm vào bên trong biên giới của Iraq thì đã sao? Ông ấy xây nhiều dinh tổng thống để ở cho thoải mái thì có chết ai đâu? Tại sao đại sứ Butler làm khó ông như vậy? Ông Saddam Hussein là một người vô hại. Rồi vài năm nữa, ông cũng sẽ thành một ông già bệnh hoạn như ông Assad của Syrie ngồi chờ đi gặp Ayatollah Khomeini của Iran chứ có ở Baghdad mãi bao giờ đâu.

Người đáng ghét nhất là một người đàn ông không mặc quân phục, bụng phệ để ria, đội béret ở Baghdad, mà là một người đàn ông già, râu tóc bạc trắng, bụng phệ, mặc một bộ quần áo đỏ tên là Nicolas và hàng chục biệt hiệu khác như Weinachtsmann, Ðông Chí Lão Nhân, Père Noel, là Papai Noel, là Baba Noel, là ông già Noel... mỗi năm mỗi xuất hiện làm khổ không biết bao nhiêu người.

Ông ta có cái cười hết sức dễ ghét: "Hố! Hố! Hố!" Những âm thanh đó cùng với tiếng loảng xoảng của những cái tràng nhạc trên cổ bầy tuần lộc là những mũi dao nhọn thọc vào lương tâm của chúng ta như nhắc nhở món quà cho người này, tấm thiệp cho người nọ chưa mua, chưa gửi. Càng đến những ngày như hôm nay, tiếng cười của ông càng thêm nét cấp bách. Nó cào, nó cấu, nó cắn chúng ta, nó không để cho chúng ta yên một phút nào. Cho đến khi chúng ta chịu thua nó, vùng dậy, chạy đến một cái shopping mall nào đó, cuống cuồng mua lấy những thứ mà có tới 75% cơ hội bị quăng đi không thương tiếc, nằm hiu quạnh như những hồn ma của các Giáng Sinh trước.

Ông là biểu tộng cho tất cả những gì xấu xa nhất của thế giới chúng ta đang sống.

Cái bụng quá khổ, khuôn mặt đỏ lấc của những người mập phì, áp huyết cao... ăn cho đẫy bất kể những khuyến cáo về dinh dưỡng của các chuyên gia. Một hình ảnh như thế sẽ hết sức tai hại cho trẻ em, những đứa háo hức chờ sự trở lại của ông bất kể những đau đầu của cha mẹ chúng.

Ngoài cái gương xấu về sức khỏe đó, ông già này còn làm ô nhiễm tâm hồn tuổi thơ bằng việc làm đầy tính hối lộ, tham nhũng của ông. Ðứa bé nào được báo cáo là ngoan thì được ông cho vài món quà. Ðứa bé nào không ngoan thì không được quà như lời bài hát... "You'd better watch out... You'd better watch out... Santa Claus is coming to town... You'd had better be good... You'd better not cry... Santa Claus is coming to town..." Ông khuyến khích trẻ theo dõi, báo cáo lẫn nhau như bọn cháu ngoan "bác" Hồ để được thưởng. Ông không dậy cho chúng bài học thẳng thắn.

Còn những món quà của ông thì chính là mồ hôi nước mắt của những người công nhân tí hon mà ông thẳng tay bóc lột không trả cho một cắc lương tối thiểu, ngược lại tất cả những điều khoản về nhân quyền, về luật chống bóc lột sức lao động của trẻ em mà người ta nghĩ chỉ xẩy ra ở các nước nghèo ở Nam Á Châu trong khi ông được các nhà buôn yểm trợ hết mình để kiếm tiền bằng cách móc túi những người cha, những người mẹ nợ nần đã chồng chất.

Ông di chuyển bằng chiếc xe do tám con tuần lộc kéo suốt đêm. Con Rudolph mũi đỏ vì bị cảm cúm vẫn bị buộc phải kéo xe cho ông. Hội bảo vệ thú vật ở đâu sao không truy tố ông về tội ngược đãi những con tuần lộc này?

Nhưng tệ hơn hết là ông vẫn dối gạt các em bé của thế giới tin rằng ông có thật trên đời này.

Ðã có thiếu gì những đứa bé tin là người có thể lấy vợ cóc, người vợ hiền có thể xé quả thị bước ra nấu cơm nước cho nó... vỡ mộng khi đụng phải thực tế của những bà chằng lửa cùng hung cực ác, nói những câu móc mắt moi mề, đánh cho tơi tả, thương tích đầy mình... rồi nay lại thêm những đứa khác tin vào ông già đầy những nét xấu xa này thì thế giới sẽ ra sao?

Tại sao lại bắn hơn ba trăm phi đạn cruise Tomahawk vào những mục tiêu không đáng bắn như thế?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 18 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Nhiều người vẫn thắc mắc tại sao ông Saddam Hussein, lãnh tụ Iraq, người làm cho Tây phương khó chịu rất nhiều, lại có thể tiếp tục ngồi ở chức vụ cầm quyền ở Baghdad lâu như thế, lâu đến độ có lúc người ta tin rằng rất có thể ông sẽ còn ngồi được lâu hơn cả ông Bush, người đánh quân Iraq văng ra khỏi Kuwait, và hai nhiệm kỳ ông Clinton, người hăm đánh ông mấy lần mà vẫn chưa đánh được.

Tại sao một người gây đủ mọi thứ tai họa cho người dân Iraq, phung phí tiền bạc vào những trò chơi điên dại như các chương trình sản xuất võ khí sinh học, hóa học và nguyên tử, trong lúc dân chúng khổ đau, đói khát triền miên từ bao nhiêu năm nay, hết chiến tranh với Iran, rồi lại với Kuwait và Hoa Kỳ mà vẫn không có một nỗ lực nào ở bên trong để chấm dứt sự nghiệp độc tài của ông?

Những cuộc biểu tình ủng hộ ông và đả đảo Mỹ vẫn có đông đảo người tham dự. Ông vẫn được coi là anh hùng ở trong nước mặc dù ông bị Hoa Kỳ bẻ tay mấy lần bắt nhượng bộ lên nhượng bộ xuống và lệnh phong tỏa kinh tế mà Liên Hiệp Quốc cho áp dụng nhắm vào Iraq sau khi Iraq đưa quân xâm lăng Kuwait vẫn còn được duy trì, không cho Iraq buôn bán với thế giới bên ngoài, gây rất nhiều khó khăn cho người dân Iraq từ năm 1991 đến nay. Nhưng có lẽ người ta bắt đầu hiểu tại sao ông Saddam Hussein vẫn có được một sự ủng hộ khá lớn ở bên trong Iraq.

Chính phủ Anh hôm qua tố cáo ông Hussein tìm cách dùng những khoản tiền đáng lẽ dành cho các mục tiêu nhân đạo như mua thực phẩm, thuốc men... để mua các loại hàng xa xỉ nhắm mua chuộc sự ủng hộ của một thành phần dân chúng Iraq trong khi rất nhiều trẻ em ở quốc gia này vẫn tiếp tục chết vì thiếu ăn, thiếu thuốc.

Tuy nhiên, khi được một nhân vật trong nội các Anh liệt kê những thứ hàng xa xỉ mà ông Saddam Hussein muốn được Liên Hiệp Quốc cho phép mua thì người ta thấy ông rất lo lắng cho người dân Iraq, nhất là phụ nữ Iraq, những người mà Hồi giáo, quốc giáo của Iraq buộc mỗi khi ra đường phải mặc những cái chador, che kín mít từ đầu đến chân. Ông lo chuyện làm đẹp cho họ.

Một giới chức cao cấp của bộ ngoại giao Anh, ông Tony Lloyd, cho biết ông Saddam Hussein xin được dùng tiền (thu được qua dịch vụ bán dầu mà Liên Hiệp Quốc cho phép mỗi sáu tháng) để nhập cảng silicone cho các phụ nữ Iraq.

Như vậy để giúp những người đàn ông Iraq khỏi buồn chán khi ngó đâu cũng thấy xa mạc, ngó đâu cũng là cát phẳng phiu đến rợn người, ông Saddam Hussein xin nhập cảng silicone về để tạo những thung lũng silicone (Slilicone Valley) như ở San Jose cho phong cảnh khác đi một chút.

Chính phủ Anh cho biết Liên Hiệp Quốc không chấp thuận yêu cầu của ông Saddam Hussein vì silicone, ngoài việc thay đổi một chút phong cảnh cho người dân Iraq, loại sản phẩm này không phục vụ những mục tiêu nhân đạo mà Liên Hiệp Quốc đề ra.

Liên Hiệp Quốc rất có lý khi từ khước đơn yêu cầu của ông Hussein. Việc xin mua silicone chỉ đưa tới những đổi thay giả tạo (?), không có thực chất (?) cho những thiếu thốn (?) của Iraq trong khi số tiền đó có thể được dùng để mua thực phẩm hay thuốc men cho trẻ em và phụ nữ Iraq.

Thêm nữa, cho Iraq nhập cảng silicone tuy có làm vui cho một số người nhưng lại tạo thêm những khổ nạn khác cho người dân Iraq. Những thung lũng silicone trong tương lai sẽ chạy lung tung, sẽ vỡ, sẽ chẩy ra ngoài bọc, sẽ làm ung thư những nơi nó tiếp xúc.

Nhưng tại sao phải tống vào trong người những bịch silicone ấy? Tại sao phải sơn căn nhà, thay cái cửa sổ, trồng hoa cho leo lên tường rồi lấy vải đen che... kín mít lại? Tại sao phải làm shampoo máy xe trong khi lúc nào máy xe cũng có cái nắp đậy? Tại sao phải mua cho được cái bánh vẽ hoa rất đẹp ở trên rồi mang về nhà ăn trong một buổi tối bị cúp điện?

Mặc những cái chador kín mít như thế thì hai chứ một chục bịch silicone cũng có tạo được phong cảnh mới đâu? Mà phong cảnh có mới thì cũng có phải là phong cảnh thật đâu? ở dưới vẫn là hai bịch silicone vô tri vô giác đấy chứ có là cái gì thật đâu mà... cảm động? Rồi cho hai bịch silicone vào, phong cảnh ở đâu cũng one size fits all, một cỡ mấy cũng vừa thì chán để đâu cho hết chán? Sao không khuyến khích dân chúng Iraq có nhiêu xài nhiêu, để tiền mua hỏa tiễn Rodong của Bắc Hàn, phi đạn Silkworm của Trung quốc về bắn chơi không sướng hơn hay sao...

Rõ là dốt.

Mà nếu vẫn còn muốn silicone thì sao không xin chiếu khán sang California có phải là khỏi xin phép Liên Hiệp Quốc cho ế người ra không nào. Gì chứ cho vài bịch silicone vào người thì ai cần giấy phép của Liên Hiệp Quốc. Muốn xin mấy bịch các ma đam làm ngay, sáng vô, chiều về ra bãi biển được liền chứ.

Dốt đặc.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 18 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Không chỉ một mình ông Clinton, người trong cuộc, ở ngay chính giữa con mắt của trận bão, mới muốn mọi chuyện khó khăn của ông sớm chấm dứt để trở lại với đời sống bình thường, mà tất cả nước Mỹ, hình như ai ai cũng đều muốn được như thế cả.

Nhưng cái mà tất cả muốn trở về đó, cái mà họ gọi là normal life, cái đời sống bình thường đó, họ có thể trở lại, hay tìm lại được không? Người ta tin là không. Không thể qua một đêm, thức dậy, mọi chuyện lại bình thường như cũ được. Những tháng ngày rắc rối của ông Clinton rồi đây sẽ trở thành những cái mốc thời gian để xác định cho thời điểm của những chuyện khác. Thí dụ người ta sẽ nói "trước hay sau vụ ra khai trước đại bồi thẩm đoàn" chẳng hạn. Cái mốc đó sẽ quan trọng như D-Day, VJ-Day của đệ nhị thế chiến, như tiền hay hậu Colombus khi nói về lịch sử Mỹ châu La Tinh.

Lý do vì sau những chuyện xẩy ra cho ông Clinton, không còn chuyện gì là bình thường trên đời này nữa. Nhất là trong những liên hệ của người nam và người nữ.

Tờ Washington Times ở trang A-2 của số ra ngày hôm nay có một bức hí họa của Steiner. Bức họa không có gì đặc biệt, trong đó, Steiner vẽ một người đàn ông và một người đàn bà đang ở trên giường. Những bức vẽ như thế đã có nhiều người vẽ trên nhiều tạp chí khác nhau. Nhưng cái khác của những bức hí họa đó, là những điều các nhân vật nói với nhau.

Hai người trong bức hí họa đang nằm dưới tấm drap giường, thảnh thơi, thoải mái, nhưng rõ ràng là giữa hai người vừa xẩy ra một chuyện gì đó. Người đàn bà khoành tay sau gáy nói với người đàn ông rằng chuyện đó có phải là sex hay không thì còn tùy vào cách định nghĩa của ông về sex - whether that was sex or not depends on your definition of sex.

Trước khi ông Clinton gặp rắc rối, và trước khi luật sư phía bên kia cũng như luật sư của ông Clinton và luôn cả chính ông Clinton đưa ra những định nghĩa về các liên hệ tính dục, thì chuyện vừa xẩy ra chắc chắn đã được coi là sex. Nhưng sau khi đọc những định nghĩa của các luật sư về các liên hệ tính dục, thì hai người trong bức hí họa cũng không biết đã, hay chưa xẩy ra một hành động tính dục. Phải xét lại các định nghĩa. Tùy theo định nghĩa, có thể hai người đã yêu nhau, và cũng có thể là chưa yêu nhau. Cứ đọc những định nghĩa của các luật sư , tùy chi tiết ở phía nào, thì có thể là đã có. mà cũng có thể là đã không.

Như thế đời sống làm sao mà bình thường cho được. Nàng nói chưa... Chàng nói rồi... Nàng nói theo định nghĩa của ông Clinton thì chưa, nên chàng còn thiếu nàng, phải trả, phải thanh toán cho đủ. Chàng nói theo định nghĩa của luật sư bên kia thì chuyện đã xẩy ra, chàng không còn nợ nần gì nàng cả. Sổ sách tháng này đã xong, đã khóa. Quota của tháng này đã vượt qua, không những chỉ đủ mà còn thừa. Chờ bóc sang tờ lịch mới sẽ thảo luận trở lại. Nàng đòi thanh toán chỗ còn thiếu với lời lãi.

Bức hí họa dĩ nhiên đã phóng đại những thực tế nhưng sự thật không hẳn là không có ở trong. Rất may trường hợp như trong bức hí họa không thể có ở ngoài đời. Chuyện ấy có xẩy ra hay không xẩy ra thì nhất định hai bên phải biết, phải đồng ý. Không phải chỗ nào cũng là tòa án, cũng có đại bồi thẩm đoàn, cũng có công tố viên độc lập Kenneth Starr... để phải ăn nói kiểu luật sư như thế.

Nhưng những nét bình thường của đời sống trước kia không còn nữa.

Thí dụ như chuyện một người đàn ông mời một người đàn bà đi chơi chẳng hạn. Chuyện chàng mua cho nàng cuốn sách, nàng mua cho chàng cái ca vát sẽ không còn giản dị như trước nữa. Biên lai phải giữ lấy, mua ở đâu, ngày nào phải nhớ. Không ưa nó cũng đừng vất đi hay gửi má đem lên New York mà có thể làm cho má vất vả lây và mang tội ngăn cản công lý. Và đi chơi với nhau về thì cũng nhớ mà quăng những cái quần cái áo ấy vào máy giặt, bấm nút heavy duty, heavy soil, dùng gấp đôi lượng xà phòng, xấy cho khô queo lại rồi hãy đem ra treo vào tủ áo.

Tuy nhiên, những đổi thay cho cuộc sống bình thường ấy không phải là chỉ toàn những điều không hay, mà có thể còn có những điểm hay nữa.

Tưởng tượng trước đây, một vết son mờ nhạt trên cái cổ áo, một sợi tóc vướng trên vai áo, một thoảng mùi nước hoa lạ ở cái khăn quàng cũng đủ để bị đạp ra đường làm bạn với chó ở công viên, sống đời vô gia cư vài ngày cho biết mùi đời. Nhưng ngày nay, những chuyện ghê rợn hơn những thứ kể trên cũng chưa đủ yếu tố để buộc tội, vì dựa trên những tiêu chuẩn về ngoại tình mà ông Clinton đưa ra sau khi đã đọc rất kỹ thánh kinh (theo ông nói) những chuyện ghê rợn đó chẳng có gì là ghê rợn cả.

Lúc ấy không những chỉ xấu đẹp tùy người đối diện, mà có tội hay không có tội cũng lại còn tùy vào định nghĩa của ông Clinton hay của luật sư phía bên kia,

Ai bảo ông Clinton không lo cho an nguy, phúc lợi của người dân? Ông vẫn được quá nửa dân chúng ủng hộ và sẵn sàng tha thứ là vậy.

Ông Clinton, tôi nghĩ ông cũng là tổng thống giỏi đấy chứ.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 5 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Tại loạt điều trần ở quốc hội tuần trước để biện minh cho những khoản chi tiêu gia tăng trong lãnh vực quốc phòng, các giới chức cao cấp của Ngũ Giác Ðài đã vẽ ra một hình ảnh không mấy tốt đẹp của quân lực Hoa Kỳ như tinh thần chiến đấu không cao lắm, võ khí cần được cải tiến, đạn dược, bộ phận rời của máy bay thiếu ở mức thê thảm, lương quân nhân phải được gia tăng để theo kịp lương lậu trong lãnh vực tư thì mới giữ được các binh sĩ tại ngũ.

Cuối cùng thì thượng viện cũng chuyển cho hành pháp ngân sách quốc phòng tài khóa mới lên tới 270 tỉ Mỹ kim.

Với những gia tăng, mặc dù có khiêm tốn của tài khóa 1999, quân lực Mỹ không còn được quyền sìu ển như năm qua nữa. Ông Saddam Hussein của Iraq sẽ phải cẩn thận hơn. Và ông Slobodan Milosevic của Nam Tư cũng thế. Lạng quạng có thể ăn vài chục quả Tomahawk như chơi. Chúng tôi có đạn rồi. Chúng tôi bắn là các ông đồ tể Baghdad và Kosovo vất vả ngay.

Không quân Mỹ không còn phải làm thịt các phi cơ trừ bị để lấy bộ phận rời nữa. Tầu chiến được ra khơi đều đều và nhất là súng của binh sĩ Mỹ sẽ có được thêm đạn, không cần phải vừa bắn vừa đếm đạn và... run như trước nữa. Bắn ra là địch quân chỉ có từ chết tới trọng thương.

Súng lớn có đạn súng lớn. Súng nhỏ có đạn súng nhỏ. M-70, M-72, M-14, M-15, M-16, bích kích pháo 61 mm, 81 mm... đại bác 155 mm đại pháo tự hành 175 mm... súng nào cũng sẽ được tiếp tế thêm nhiều đạn bắn thoải mái.

Súng thật thì dùng đạn thật. Không thèm chơi đạn giả, đạn mã tử nữa. Từ nay, bộ quốc phòng của ông William Cohen không còn thiếu đạn.

Trong ngân sách gia tăng để chi thêm cho bộ quốc phòng, bộ cũng bỏ ra khoảng 50 triệu Mỹ kim tiêu trong năm 1999 để mua Viagra cho các binh sĩ còn đang tại ngũ cũng như các quân nhân hồi hưu. Như thế, trong năm tới, ngoài các loại súng, đạn, phi cơ, tầu chiến, phi đạn, hỏa tiễn... bộ quốc phòng Hoa Kỳ cũng sẽ phân phát cho các quân nhân Mỹ 5 triệu viên Viagra nếu giá mỗi viên Viagra vẫn còn được bán với giá $10 một viên.

Số tiền $50 triệu này nằm trong ngân sách tài khóa mới mà quốc hội vừa chấp thuận. Nếu không chi cho 5 triệu viên Viagra, số tiền này đủ để mua được 2 phi cơ phản lực chiến đấu kiểu Jump Jet Harrier (loại cất cánh thẳng mà quân Anh đã dùng rất hữu hiệu trong cuộc chiến ở đảo Falkland hơn 10 năm trước) cho thủy quân lục chiến hay 45 phi đạn cruise Tomahawk, loại dùng để tấn công các mục tiêu quân khủng bố ở A Phú Hãn và Sudan mới đây.

Chi tiết này được hãng tin Cox News Service phổ biến và được đọc thấy trên trang 3 của tờ Washington Star số đề ngày 2 tháng 10.

Bài báo cho biết bộ quốc phòng Mỹ đã phải xin thêm ngân khoản để mua Viagra vì rất nhiều binh sĩ thuộc các quân binh chủng của quân lực Mỹ đã yêu cầu được cung cấp loại thuốc này trong năm qua. Bộ ước chừng nếu thỏa mãn tất cả các yêu cầu này, thì chi phí dành cho việc mua Viagra sẽ lên đến hơn 100 triệu Mỹ kim. Ngân khoản $50 triệu, do đó, đã là một cắt giảm đáng kể - cắt từ $100 triệu - trong ngân sách quốc phòng Mỹ.

Như thế thì còn ai có thể nói là nước Mỹ không giảm bớt kinh phí quốc phòng?

Nhưng không phải ai trong quân lực Mỹ cũng xin được cấp phát Viagra. Chỉ những trường hợp có sự đồng ý của y sĩ, các binh sĩ mới được cấp phát thuốc và bộ cũng hạn chế mỗi người chỉ được cấp 6 viên là tối đa. Các y sĩ phải đưa ra những lý do đủ tính chất thuyết phục là các quân nhân ấy cần Viagra mới có thể chiến đấu (?) được thì các bệnh xá mới phát Viagra. Ðược cấp phát rồi, các quân nhân này cũng phải tuân thủ các qui luật của quân đội Mỹ. Các qui luật này nói rõ rằng những viên Viagra nếu bị mất, bị ăn cắp hay bị hủy sẽ không được thay thế.

Như thế, Viagra, loại thuốc được phổ biến hồi tháng 3 năm nay đã chính thức được đưa vào ngân sách của bộ quốc phòng Mỹ. Viagra rất cần cho các nỗ lực quốc phòng của chú Sam.

Không có Viagra, khả năng tác chiến của quân lực Hoa Kỳ sẽ suy giảm. Nhiệm vụ mà quân đội được hiến pháp trao phó sẽ không thể chu toàn. Bởi thế, ngân khoản 50 triệu Mỹ kim mới được kèm vào ngân sách quốc phòng tài khóa 1999.

Nhưng tại sao bộ quốc phòng Mỹ không áp dụng những luật lệ về Viagra cho cả các loại đạn dùng ở chiến trường? Làm như thế, khả năng tác chiến của binh sĩ Mỹ sẽ gia tăng lên rất nhiều. Trong chuyện này, quân đội Việt Nam, quân đội của cái thời còn bắn súng do ông Cao Thắng chế tạo cũng có thể dậy cho quân lực Mỹ một bài học về tiết kiệm và hữu hiệu.

Hồi ấy, đạn cấp cho binh sĩ rất bị hạn chế. Bởi thế mới có câu tục ngữ: "Bắn súng không nên phải đền đạn." Bắn không trúng, bắn tầm bậy tầm bạ, bắn sớm quá, không chờ mục tiêu xuất hiện ở đầu ruồi, bắn vào mục tiêu phụ... người bắn phải đền đạn. Cứ bắt đền đạn là bắn phải cẩn thận hơn. Bắn cẩn thận thì không phí đạn, thì địch quân trúng nhiều đạn hơn. Thì quân ta phải thắng.

Chỉ sợ mấy ông tướng sợ chuyện "bắn súng không nên phải đền đạn" được đem áp dụng cho cả mấy viên Viagra thì các chàng khổ to. Già rồi, súng đạn hư hết, làm sao đền nổi đạn như mấy ông lính Việt Nam hồi xưa?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 5 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Những trận cháy rừng ở Borneo hồi năm ngoái, ngoài việc tàn phá môi sinh ở mức độ khủng khiếp, làm chết nhiều thú vật đang bị nguy cơ tuyệt chủng, còn tạo ô nhiễm không khí cho một vùng rất rộng từ Borneo sang Singapore, và Malaysia trong suốt nhiều tháng.

Nhưng trong cái họa, người ta đã thấy ra được sáng kiến của những người dân sống ở Malaysia, những tấm gương sáng cho các nước tiến bộ nhất thế giới về khả năng thích ứng, sự tằn tiện, tận dụng tài nguyên, không chỉ biết phí phạm, tiêu dùng như không còn có ngày mai.

Những đám khói bốc lên từ Borneo bay sang các vùng lân cận đã khiến các sứ quán ngoại quốc ở Singapore phải di tản nhân viên, dân chúng Malaysia và Singapore phải đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. ảnh hưởng của không khí ô nhiễm mà dân chúng ở hai nước này hít phải sẽ còn lại rất lâu trong cơ thể con người.

Ðể giảm bớt ảnh hưởng của khói độc, người dân Singapore và Malaysia phải đeo những miếng vải bịt miệng và mũi. Nhưng không phải ai cũng có sẵn những chiếc khẩu trang như các nhân viên làm việc trong phòng mổ hay bông, gạc, vải... làm lấy những chiếc khẩu trang để đeo. Malaysia không phải là một quốc gia giầu có, xã hội Malaysia còn lâu, hay cũng có thể là không bao giờ, mới trở thành một nền văn minh disposable để quăng đi bất cứ những gì sau khi dùng vài ba lần như những chiếc dao cạo, những chiếc bật lửa... Người dân Malaysia phải tận dụng những gì họ có, và những gì họ có, thì cũng lại không nhiều lắm.

Nhu cầu là mẹ đẻ của sáng tạo và phát minh, như người Anh vẫn nói - necessity is the mother of all inventions. Nhu cầu ở Malaysia đẻ ra những chiếc khẩu trang đầy nét sáng tạo. Công trạng là của hai công chức chính phủ Malaysia. Hai ông đã tìm ra được những công dụng mới cho những thứ có thể bị quăng đi không thương tiếc.

Hai ông công chức không rõ danh tính này đang làm việc tại bộ nội vụ Malaysia ở Kuala Lumpur. Biết là không phải ai trong số hơn 1 triệu 200 ngàn dân Kuala Lumpur cũng có đủ tiền để mua những chiếc khẩu trang che miệng và mũi khi ra đường, nên hai ông đề nghị dùng những chiếc nịt vú cũ để chế biến thành những cái khẩu trang. Theo tờ The Straight Times, mỗi chiếc nịt vú cũ, thay vì đem quăng đi, có thể làm được hai chiếc khẩu trang. Chỉ cần lấy kéo cắt đôi, giữ lại những sợi dây là có thể ra phố an toàn, sức khỏe được bảo vệ lập tức. Ngoài ra, nếu giữ lại những nhãn hiệu, thì những người đeo những cái khẩu trang này lại còn được nhìn bằng những đôi mắt đầy thán phục của thế giới thời trang nữa. Những Olga, Bali, Wonder, Cacique, Victoria's Secrets, Lou... bay phơ phất trong gió nhiệt đới còn gì đẹp hơn.

Sáng kiến của hai ông được sự hưởng ứng sâu rộng của dân chúng, và theo tờ Playboy số tháng 12, trang 19, thì những cái khẩu trang cải biến này bền hơn và tiện hơn là khẩu trang thật. Người dân Malaysia cũng chịu khó đeo chúng nhiều hơn thứ may sẵn mua được ở các tiệm buôn.

Chuyện bền hơn và tiện hơn thì chắc chắn là đúng, vì vật liệu dùng để sản xuất nhất định tốt hơn, đắt tiền hơn loại vải thường. Lại còn có sợi dây thép chạy luồn qua nữa thì nhất định phải bền hơn. Những cái móc cũng tiện hơn là sợi dây cột túm lại phía sau gáy như của những thứ khẩu trang bán sẵn.

Nhưng sự phổ biến sâu rộng của loại khẩu trang biến chế này mới là điều đáng nói.

Những người đàn ông Malaysia trước đây đã phải tìm đủ mọi cách để dấu, để cất những chiếc khẩu trang chưa biến chế, vẫn còn hai mảnh dính vào nhau ở những nơi hết sức bí hiểm thì nay không còn phải dấu những chiếc khẩu trang chưa biến chế đó ở ngăn hộc trên xe hơi, ở dưới yên xe scooter, trong kẹt của tủ sách, ở đáy thùng gạo, dưới chậu cây nữa. Những người đàn ông này có thể công khai để chúng trong cặp đi làm, giữa những trang của quyển tự điển, trong túi jacket... mà không sợ bị ném cho vài cái thắc mắc về con ngựa này, con chó kia.

Có hỏi, thì chỉ cần nhún vai trả lời, bằng một giọng lạnh lùng, rằng không biết đến bao giờ những đám khói độc ở Borneo mới tan hẳn, ra đường cứ phải đeo cái khẩu trang mệt quá... Khói càng ngày càng độc nên phải để nguyên, không cắt, gấp đôi lại... chẻ tre bện nứa cho dầy... chăng ngang sông Mỹ có ngày gặp em... cho dầy để tránh thán khí ấy mà...

Cứ nói vậy là hết hỏi, hết thắc mắc khiếu nại.

Mà cũng không ai rít lên đùng đùng rằng... của tui 32-A, sao cái này lại 34-B? Của đứa nào đây?

Ai mà thắc mắc về mấy con số của những cái khẩu trang như thế làm gì nữa.

Hai ông công chức Malaysia xứng đáng để được trao giải Nobel Hòa Bình năm tới về những đóng góp của ông cho hòa bình nhân loại.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 5 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Tôi tin là bất cứ chuyện gì cũng có thể xẩy ra ở nước Mỹ, quốc gia với hơn 260 triệu người này.

Thí dụ chuyện những hài nhi sơ sinh bị bảo sinh viện trao lầm cho mẹ như trường hợp của hai em bé Callie và Rebecca mà báo chí, truyền hình, truyền thanh đang ồn ào mấy hôm nay. Nhìn những chiếc vòng plastic ghi tên người mẹ đeo ở cổ tay, cổ chân của những đứa bé, những chiếc vòng được gắn ngay khi chúng vừa lọt lòng mẹ, thì người ta phải nghĩ là chuyện con người này về nhà với người kia làm sao có thể xẩy ra được. Vậy mà chuyện như thế vẫn xẩy ra, và không phải chỉ một lần.

Gần hai mươi năm trước, cũng có một vụ tương tự ở Florida mà báo chí đã nói đến rất nhiều. Vụ mới đây, nếu không vì tình cờ Paula Johnson biết được rằng Callie không phải là con đeœ của cô, thì Rebecca cũng sẽ không bao giờ biết em bị trao lầm cho Tamara Whitney Rogers hồi tháng 7 năm 1995. Hai em sẽ lớn lên và sẽ không bao giờ biết được mẹ thật của mình. Và Paula cũng như Tamara, nay đã chết, cũng không bao giờ biết là mình nuôi con người khác. Hai người đàn bà này (nếu Tamara không qua đời vì một tai nạn xe hơi hồi tháng trước) sẽ thương yêu Callie và Rebecca, sẽ nuôi dậy chúng, bảo bọc chúng, cho chúng ăn học, gúp chúng có gia đình riêng, bế ẵm con cái của chúng như chúng là con thật và như mình là mẹ thật của chúng.

Nhất định phải có những trường hợp như thế, trường hợp những người mẹ và những đứa bé không bao giờ biết mình đã trở về từ nhà hộ sinh với đứa con không phải của mình, với người mẹ không đeœ ra mình.

Hai gia đình của Callie và Rebecca đều không muốn làm bất cứ gì để tạo thêm những xúc động tâm lý cho hai đứa bé vào lúc chúng còn quá nhỏ. Có thể Callie và Rebecca sẽ tiếp tục ở với gia đình hiện nay, hai gia đình mà các em đã biết, đã quen từ lúc lọt lòng đến nay.

Nếu đã xẩy ra những trường hợp các hài nhi bị trao lầm cho mẹ, và những người mẹ này không hề hay biết rằng mình nuôi con người khác, thì cũng có thể xẩy ra những trường hợp khác phát sinh từ những lầm lẫn của các bảo sinh viện.

Ðó là thế nào chẳng có những trường hợp người chồng đưa vợ vào bệnh viện để sinh con, và mấy hôm sau, khi đến đón vợ và con, thì bị nhà bảo sinh trao lầm một người phụ nữ khác.

Nếu đã có những người mẹ bị trao lầm con vẫn mang về nhà nuôi mà không hay biết gì, thì người đàn ông bị (hay được) nhà bảo sinh trao lầm một người đàn bà khác bảo đem về nhà săn sóc, nuôi nấng, vâng lời, sợ như sợ cọp cái... vì đó là vợ của mình thì cũng đâu có gì kỳ lạ. Chuyện đó nhất định phải xẩy ra, phải đã xẩy ra.

Không ai sẽ đem người phụ nữ bị trao lầm đó ra thử DNA để xác định liên hệ với người chồng. Dấu tích di truyền chỉ xuất hiện giữa mẹ và con, hay cha và con. Không thể thử DNA để biết người phụ nữ đó là vợ hay không là vợ của người đàn ông.

Do đó, người đàn ông tiếp tục ở với người đàn bà mà nhà bảo sinh trao lầm, và không mảy may thắc mắc gì hết. Nhà bảo sinh trao lại thị chắc phải đúng. Cái vòng plastic ghi tên mà nàng đeo ở tay có tên của nàng, thì chính là nàng rồi còn thắc mắc chi nữa.

Người đàn bà vẫn tính tình kỳ quái như xưa, vẫn thỉnh thoảng chờ đến 2 giờ sáng mới dựng cổ ông chồng dậy để "nghe tui nói chuyện này, tui phải nói ra không thì tui điên lên mất"; vẫn bắt đổi chiếc ca vát mầu tươi lấy một chiếc mầu đậm vì cái kia trông đĩ quá; vẫn thù ghét một hai cái tên thường được dùng để đặt cho phụ nữ vì nghe thấy nó là... lộn cả ruột, chỉ muốn móc mắt, moi mề mấy đứa có những cái tên đó cho hả dạ; vẫn lâu lâu khóc ầm lên rằng từ ngày "lấy tui về, anh chẳng mua cho tui cái quần cái áo nào, đến lúc phải ra ngoài với anh, tui không có cái gì để mặc sốt cả"; vẫn lâu lâu ré lên rằng "anh chẳng thương yêu gì tui hết... mắc mớ gì anh khai tuổi thật của tui ra cho mấy con bạn của tui?"; vẫn sáng sáng chiếm cái buồng tắm cả tiếng đồng hồ, vẫn thay tới cái áo thứ tư mới ra được cửa; thỉnh thoảng ngồi lên xe của ông chồng vẫn ngó trước ngó sau xem có gì khác lạ không, rồi thắc mắc có cái kẹp tóc lạ nào rơi trên đệm không, tấm che nắng tại sao lại được kéo xuống trong khi thằng chả đi làm có một mình, tại sao y lại nghe đi nghe lại bài "Tưởng Rằng Ðã Quên" của TCS, tại sao hôm qua lại về nhà sớm hơn, tại sao đôi giầy mình để ở trong bếp được cất vào tủ hôm chủ nhật tuần trước khi mình đi California, tại sao tự nhiên đòi ăn bún bò Huế...

Như thế thì làm sao mà biết được rằng mình bị tráo một người đàn bà khác?

Còn những người phụ nữ bị trao cho những người đàn ông không phải là chồng mình thì cũng lại... chẳng thấy gì lạ cả. Vẫn cái xưởng cưa ồn ào suốt đêm, vẫn cái bụng làm bối rối các tiệm phở, không biết đâu là thùng nước lèo, đâu là bụng của khách, vẫn cái con người lười thôi thây, trây xác ấy, vẫn tối tối tranh luận với mình như Hamlet: "Rửa chân hay không rửa chân, đó mới là câu hỏi..."

Nên những người đàn bà ấy cũng chẳng hề thắc mắc gì, cứ chịu khó nghe tiếng ngáy, tiếng cười vô duyên, tiếng lon bia rơi vào thùng rác và tiếng ợ làm bạt vía hàng xóm mỗi chiều, mùi mồ hôi dầu và cái cằm lởm chởm râu chưa cạo...

Mà nếu biết là bị tráo thì có cần phải mang trả lại không? Lâu rồi thì cũng quen hết, như trường hợp của hai em bé Callie và Rebecca vậy. Lúc đi vào bảo sinh viện thì với Whoopy Goldberg, lúc về thì với Cindy Crawford thì cũng có gì khác nhau đâu...

Mọi đổi thay chỉ tạo thêm những thiệt hại tâm lý không cần thiết mà thôi. Cứ giữ Cindy Crawford cũng được...

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 6 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Trong tất cả những ngày lễ ở nước Mỹ mà chúng ta đã quen từ hơn hai mươi năm nay, tôi vẫn thấy, ngoài những những ngày lễ tôn giáo, chỉ có hai ngày, tuy đã bị thương mại hóa đi rất nhiều, để bán hoa, bán thiệp, để những tiệm ăn, những công ty điện thoại viễn liên, những nhà sản xuất ca vát... thu được thêm tiền, nhưng vẫn còn giữ được những nét tốt đẹp nguyên thủy của chúng, là ngày Mother's Day và ngày Father's Day.

Ngày Father's Day năm nay là ngày đầu tiên tôi không còn ông cụ để gọi điện thoại, để gởi một tấm thiệp như vài ba lần trước đây khi tôi không đích thân sang thăm ông được. Vì thế nên năm nay, ngày lễ này đi qua đã được cả hơn hai tuần mà tôi vẫn thấy như nó chưa đến. Vẫn thấy thiếu một tấm thiệp chưa được gưœi đi, vẫn còn một cú điện thoại chưa gọi được. Ông cụ tôi không còn nữa. Nhưng tôi đồng ý với người em kế, khi em tôi nói rằng từ khi ông cụ mất, em tôi coi tất cả mọi ngày đều là Father's Day cho... tiện.

Nhưng cũng không phải vì vậy, mà hôm nay tôi trở lại để nói về cái ngày đó. Có một lý do khác nữa. Mà lý do này thì chỉ có bưu điện Mỹ mới giải thích được. Hôm nay, tôi nhận được tấm thiệp Father's Day gưœi cho tôi với nhật ấn từ giữa tháng sáu. Có đi bộ, có cầm tinh con ốc sên thì bưu điện Mỹ cũng chỉ đi chậm như thế mà thôi.

Từ California nó ghé qua những đâu, nó la cà, làm những gì dọc đường mà hôm nay nó mới đến đây? Ðáng lẽ tôi đã phải nhận được nó từ ba tuần trước mới phải. Nhưng nó vẫn làm tôi vui không thể nào nói hết.

Tấm thiệp này không giống như những tấm khác mà tôi đã nhận được trong những lần trước đây, cũng trong những dịp như thế này. Nó không mang những nét chữ kiểu cursive học được ở những trường tiểu học Mỹ mà tôi đã rất quen của mấy đứa con. Nhưng nhìn những chữ viết ngoài phong bì, không cần phải đọc tên người gưœi, tôi nhận ra người viết ngay. Ðó là nét chữ của một người cẩn thận, chừng mực, thông minh, nhân ái và ngay thẳng... như kiến thức rất nưœa mùa của tôi về tự dạng, về bút tự học được của mấy ông bạn nhãi con thời trung học đã cho biết. Thực ra, tôi đã nhìn thấy những nét chữ này trong một lần trước, cách đây gần hai tháng, khi những nét chữ này báo tin đăng khoa của người viết, nhưng đây là lần đầu tiên nó ở trên tấm thiệp Father's Day gưœi cho tôi. Tôi nghĩ từ nay chắc tôi sẽ còn nhận được những tấm thiệp như thế. Người gưœi nó là bạn của con trai tôi. Tôi có lý do để tin là tấm thiệp này không phải là tấm thiệp cuối cùng tôi nhận được của người gưœi. Người gưœi thiệp và con trai tôi sẽ có những liên hệ chính thức trong vài tháng nữa.

Tôi yêu người gưœi tấm thiệp này vô cùng. Nó là người dưng, nó khác họ của con trai tôi. Nó ở đâu đó tại Việt Nam khi con tôi cũng ở đâu đó tại Việt Nam? Có bao giờ nó ghé chơi ở cái công viên tôi dẫn con đến chơi không? Nó có bao giờ đi ngang qua con đường con tôi và tôi đi qua không? Nó có lần nào đi qua Ngã Sáu Sài Gòn? Chúng nó có lần nào trông thấy nhau ở cái thành phố ấy? Tên của nó ở trang nào trong quyển sổ của Vi Cố, ông già ngồi dưới trăng? Nguyệt Hạ Lão Nhân, ông già này tìm được tên của nó và con trai tôi từ lúc nào để bảo chúng nó phải gặp nhau? Tình cờ nào đã đem chúng tới ở miền tây nước Mỹ? Làm sao chúng tìm ra nhau giữa cái đám đông kinh khủng đó để rồi biết nhau, quyết định đi hết con đường trước mắt với nhau?

Tôi sẽ không bao giờ biết được những điều đó. Nhưng tôi biết được rằng những tình cờ, hay nói một cách khác, cơ duyên ấy đã tạo sinh ra những cơ duyên khác, những liên hệ mới mà tấm thiệp là một mắt xích trong sợi dây.

Tấm thiệp rất bình thường, bức vẽ ở ngoài cũng giản dị, một con vịt trời bơi đơn lẻ ở một góc hồ, những cây sậy đổ bóng xuống mặt nước bị những khua động làm tan đi. ở trang trong, nó viết cho tôi khoảng mười dòng, vẫn cái nét chữ tròn, đầy đặn, nắn nót như từ một trang vở tập viết, mà nếu không biết thì chẳng ai nghĩ là của một người bằng này cấp nọ.

Thế mà nó dậy cho tôi được biết bao nhiêu điều. Tôi sẽ không bao giờ phải mất công, khi thỉnh thoảng cần gưœi, đi tìm sao cho được những tấm thiệp viết sẵn, văn học nghệ thuật rổn rang hay những tấm thiệp thật đắt tiền cho xứng với người nhận.

Không, không ai cần một tấm thiệp như thế. Cứ con vịt trời đơn lẻ, những cây sậy đổ xuống mặt nước, nhưng ở trong vài ba dòng chữ viết tay là người nhận sung sướng không thể nói sao cho hết được.

Năm nay, tôi không gưœi được một tấm thiệp, nhưng tôi lại nhận thêm được một tấm thiệp khác, của nó gưœi cho. Có vơi đi chút buồn nào không? Có chứ. Tấm thiệp của nó gởi cho tôi, dầu là đến rất muộn.

Chưa bao giờ câu tục ngữ "Better late than never" lại đúng như thế. Muộn bao giờ mà chẳng hơn không. Ăng lê hay Việt Nam thì cũng như nhau cả. Cứ đến là được rồi.

Hạnh phúc nhiều khi cũng rẻ thôi chứ có đắt đo gì đâu.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 6 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Scarlett Thomas là một phụ nữ 28 tuổi, hiện làm waitress cho một tiệm ăn, tiệm Champs Sports Bar and Grill ở Oak Brook Terrace, tiểu bang Illinois.

Về Scarlett Thomas, tôi chỉ biết vỏn vẹn có thế. Tôi không hề biết mặt, mà cũng không biết gì hơn về đời sống của cô. Cô là người hiền lành hay dữ tợn; cô có một đời sống phẳng lặng hay giông bão; tình trạng gia cảnh của cô ra sao, tôi hoàn toàn không biết. Nhưng qua một câu nói của cô, tôi đoán chừng nếu cô có sống ở Peru vào thời người da đỏ Inca vẫn còn cai trị vùng đất này, trước khi vó ngựa của đế quốc Tây Ban Nha đạp nát Nam Mỹ, thì cô vẫn có thể thoát khỏi bị bộ lạc của cô, bộ lạc Quechuan giết dể tế thần, đưa lên tuốt đỉnh núi, bỏ trong cái chum như một xác ướp khô queo mới được tìm ra cách đây ba, bốn năm. Lý do là người Quechuan chỉ dùng trinh nữ để tế thần.

Scarlett Thomas không thể bị giết đem tế thần.

Nhưng sau khi có những lời khai của tổng thống Clinton, thì tôi không bảo đảm là cô thoát bàn tay của các ông thầy pháp Quechuan. Chính cô dã nói như thế sau khi xem đoạn video thu lại cảnh ông Clinton ra khai cung trước đại bồi thẩm đoàn và đọc những đoạn ông khai với các luật sư của Paula Corbin Jones...

Scarlett Thomas nói rằng sau khi nghe ông Clinton định nghĩa xong về tình dục, thì cô tin chắc rằng cô đích thực là một trinh nữ - By the time he finished defining sex, I think I'll learn that I'm actually a virgin.

Câu này được tờ Newsweek đăng lại trong số đề ngày 5 tháng 10 ở Trang 27, và Jay Leno cũng mô phỏng theo câu nói của Scarlett Thomas để khoe trong chương trình Tonight Show của chàng rằng nghe tổng thống Clinton nói về những liên hệ tình dục - sexual relations - xong thì chàng, dựa trên những định nghĩa của ông Clinton, về mặt kỹ thuật, chàng vẫn còn trinh.

Chao ôi! Nếu những định nghĩa này được đưa ra từ trước, thì Scarlett Thomas có thể bị giết tế thần ở một ngọn núi nào đó nay thuộc Peru. Các ông pháp sư Quechuan cứ lôi định nghĩa của ông Clinton ra, là Scarlett Thomas hoàn toàn thích hợp để bị đem giết.

Ðồng thời, nếu người đàn bà sắc diện "nhờn nhợt mầu da" dáng bộ không biết ăn uống những gì mà "to lớn đẫy đà làm sao" như được cực tả trong truyện Kiều sẽ chẳng phải bực bõ với họ Mã về cái việc "nước trước bẻ hoa" của nó. Và rồi người đàn bà chủ cái thanh lâu đó cũng chẳng phải mất công kiếm "nước vỏ lựu, máu mào gà" dể mà "chiêu tập" lại Kiều cho trở lại nguyên trạng (... lại là còn nguyên...)

Cứ lôi những đoạn lời khai của ông Clinton cho khách muốn mua Kiều đọc, là bán được Kiều với giá cao như chưa hề bị "con ong" của Mã Giám Sinh "tỏ đường đi lối về" bao giờ. Vì theo những định nghĩa về sex của ông Clinton, nếu Scarlett Thomas và Jay Leno vẫn còn có thể hiên ngang tuyên bố với cả nước Mỹ, trên báo, rồi lại trên truyền hình, thì tại sao người con gái bất hạnh họ Vương kia lại không được coi là còn... "gin"?

Tưởng tượng khách kiếm mua Thúy Kiều, và hỏi thăm về tình trạng của nàng để định giá, thì Tú Bà chạy ra, dí vào tay khách tập phúc trình của công tố viên Kenneth Starr với những đoạn gạch xanh, gạch đỏ cho khách đọc. Ðọc xong, khách đồng ý ngay với giá mà Tú Bà đưa ra. Không mặc cả gì hết. Theo những định nghĩa trong sách, thì Kiều chưa gặp mấy con ong của họ Mã bao giờ. Chưa gặp thì giá phải cao cho Tú Bà chứ.

Như thế, có tiện lợi hơn là cứ phải chạy bay chạy biến đi kiếm vài quả lựu, mấy cái mào gà về để mà "mượn mầu chiêu tập lại là còn nguyên" không nào? Mà làm thế, Tú Bà cứ lôi cuốn phúc trình của ông Starr ra dùng mãi dùng hoài cho đến rách nát ra, cho đến lúc Kiều theo Thúc Sinh, thêm hoa cho khu vườn của chàng, lênh đênh tiếp mấy lần thanh lâu cho đến lúc về với Kim Trọng, vẫn cầm theo cuốn phúc trình là lại "duyên cầm sắt" sang "duyên cầm kỳ" đều đều ngay. Thúy Kiều như thế là cả đời xử nữ. Tiếc ơi là tiếc.

Người ta tự hỏi có phải vì những định nghĩa đó của ông Clinton mà ông vẫn tiếp tục được lòng các phụ nữ giải phóng không? Cái lối nhìn của ông đem lại biết bao nhiêu là an ủi cho phụ nữ như Scarlett Thomas đã thấy và nói lên cho mấy triệu độc giả của tờ Newsweek biết. Phụ nữ yêu ông là phải.

Ông hay hơn tác giả cuốn The Story Of O. nhiều. Nội dung cuốn sách tôi không còn nhớ sau hai mươi mấy năm, nhưng ở trang đầu, người viết có đưa ra một định nghĩa, mà vừa đọc xong, tôi thấy là lý thú lắm. Ðịnh nghĩa cho một xử nữ, theo nhân vật O., là "a virgin is a woman who makes love to her lover for the first time."

Những lần khác không yêu là không tính, không kể. Lúc ấy, định nghĩa của O. hay biết bao. Nhưng bây giờ định nghĩa ấy thua xa của ông Clinton.

Bởi vì theo định nghĩa của ông Clinton, thì chúng ta, bạn và tôi, đều còn... nguyên cả!

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 6 tháng 11 năm 1998

Bạn ta,

Domonique Moceanu, nữ vận động viên thể dục vô địch Thế Vận Hội Atlanta 1996 vừa làm một việc mà người ta tin là sẽ còn được nhắc trong nhiều năm sắp tới. Vụ này sẽ trở thành một án lệ và chắc chắn sẽ được nại ra tại nhiều vụ kiện trong tương lai.

Hôm 27 tháng 10, Dominique đã được một tòa án tại Houston, Texas tuyên bố là một phụ nữ thành niên mặc dù còn tới 11 tháng nữa Dominique mới được đủ 18 tuổi, tuổi thành niên tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ.

Trước đó, Dominique đưa cha mẹ, Dumitru và Camelia Moceanu, ra tòa để xin tòa cho cắt đứt mọi liên hệ và cho cô được hưởng đầy đủ các quyền của một phụ nữ thành niên về mặt pháp lý. Nguyên do đưa tới việc này là Dominique cho rằng những khoản tiền do cô kiếm được từ năm 10 tuổi đến nay đã bị cha mẹ đầu tư, sử dụng vào những vụ làm ăn thua lỗ. Cô muốn trực tiếp nắm lấy, kiểm soát tiền bạc của mình. Dumitru và Camelia Moceanu, cha và mẹ của Dominique quyết định không tranh tụng nên tòa tuyên bố Dominique là một phụ nữ thành niên, không còn chịu sự giám hộ của cha mẹ, chấm dứt liên hệ với Dumitru và Camelia Moceanu, đồng thời cấm cả hai người tiếp xúc với Dominique trong mọi hình thức.

Những vụ đưa cha mẹ ra tòa, xin cắt đứt mọi liên hệ gia đình giữa cha mẹ và con cái đã xẩy ra vài ba lần tại Hoa Kỳ. Nhưng được tòa tuyên bố là thành niên trong khi chưa tới 18 tuổi thì vẫn còn hiếm. Vụ Dominique là vụ đầu tiên và nhất định sẽ không phải là vụ duy nhất.

Một số phụ nữ bỗng tìm thêm ra được những trò chơi mới ở tòa án. Tòa án không còn chỉ là nơi dùng trong những câu đầy hăm dọa như "I'll see you in court" - tôi sẽ gặp ông tại tòa - câu nói làm thất điên bát đảo bao nhiêu người chồng ở nước Mỹ trước khi các nàng đi cùng vói luật sư ra tòa để khởi đầu một cuộc đâm chém tàn bạo còn hơn Shylock trong kịch The Merchant of Venice của Shakespeare.

Tòa án, sau vụ kiện của Dominique Moceanu, còn có thể dùng làm những việc khác nữa vui hơn nhiều. Nếu Dominique nhờ tòa án mà trở thành một phụ nữ thành niên khi còn dưới tuổi thành niên gần một năm, thì tại sao các phụ nữ khác lại không thể xin cất đi một ít tuổi? Dominique dưới tuổi xin miễn 11 tháng, một chuyện rất khó, đòi hỏi biết bao nhiêu trách nhiệm mà tòa còn có thể cho ngay, thì tại sao tòa lại không chịu đồng ý cưa bớt một số tuổi để các phụ nữ này hội đủ điều kiện thành đào... nhí?

Phải được chứ. Kiếm ông luật sư, ra tòa xin cưa bớt hai mươi tuổi cho nó sexy. Lý do? Trong tủ quần áo còn nhiều mini-jupe quá. Quăng đi thì tiếc, mặc vào thì... quê. Bèn xin tòa rộng lòng tha thứ, lấy hộ bớt đi ba chục năm để lôi mini-jupe ra tớn tác cho chúng nó tức điên lên.

Ông tòa thấy cưa bớt của nàng ba thập kỷ cũng không làm cho ai phải khai bankruptcy, thế giới vẫn tiếp tục có ông Kim Jong Il ở Bắc Hàn vừa béo, vừa lùn, vừa xấu trai, vừa ma cà chớp, vừa mất dậy, vừa du côn, và nét vô duyên của nàng vẫn còn nguyên, nên thế nào cũng sẽ thuận, tuyên bố nàng mới chỉ mười chín đôi mươi cho nàng sướng.

Có cái án của tòa, trẻ hẳn đi ba mươi tuổi, nàng có thể mini-jupe tung tăng cho bõ những ngày cơ cực, tha hồ tự nhận là đào nhí, nàng có thể thừa thối xông lên, ra tòa cái nữa, xin tòa cho cái án lệnh xác nhận nàng là người ăn nói có duyên tận mạng thế nào mà ông tòa chẳng chiều mà cho ngay.

Thế là lận lưng hai cái án của tòa, đời nàng mãn nguyện, vừa trẻ, vừa duyên dáng cho nàng đỡ hốt hoảng, bình tĩnh lại đón thiên niên kỷ mới.

Ôi, như vậy, tòa án chẳng đã làm được bao nhiêu điều tốt đẹp hay sao? Vừa cho nàng vui vẻ sung sướng, vừa giúp cho những người đàn ông đau khổ bên cạnh nàng được dăm ba điều an ủi, đỡ phải hết khủng hoảng này qua khủng hoảng kia theo nàng muốn đứt thở.

Vụ Dominique Moceanu đưa cha mẹ ra tòa như thế, vẫn có những điểm tích cực ở trong chứ không chỉ toàn những điều gây hốt hoảng cho chúng ta. Dominique đằng nào thì cũng sẽ 18 tuổi vào năm tới. Chờ hay không chờ thì cũng thế. Có cái án của tòa thì cũng vẫn chưa đứng trên trái đất này được 18 năm.

Nhưng những cái án lệnh tưởng tượng của tôi ở trên thì nếu có xin được, thì tứ thập hay ngũ thập cũng vẫn còn nguyên ở đó: cái tay đau buổi sáng, cái đầu gối bắt đầu lỏng, những sợi tóc thi nhau bỏ mầu đen, nhuộm cách mấy những cái chân trắng vài ba hôm lại đẩy ra, sức hút của trái đất kéo nhiều thứ xuống mãi. mọi nỗ lực để kéo lên, lôi lên đều vô ích, cơ thể càng ngày càng nhiều vết dao, vết kéo, vết căng, vết cột... và cái tội ăn nói vô duyên thì chẳng thể nào hết được.

Thế nên Dominique Moceanu chỉ làm được có một chuyện, đó là bỏ được cha mẹ, những người vẫn tiếp tục những ràng buộc với cô không một con dao nào cắt đứt cho được.

Dẫu cho tốn bao nhiêu tiền cho luật sư thì cũng thế thôi.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 6 tháng 8 năm 1998

Bạn ta,

Ao ước biến thành một thực thể khác chắc phải là trò giải trí khá tuyệt vọng của nhiều người.

Uy Viễn tướng công học hành, thi cử hiển đạt, có đào non thua vài chục tuổi, có "thuyền quyên một gánh giữa đồng" cùng bài hát "ứ hự", lên làm quan to, rồi lại xuống làm lính... ai cũng tưởng như vậy là ngài sống một cuộc đời đã đầy đủ, nhưng không, ngài vẫn muốn thành cây thông trong kiếp sau để đưa ra một câu thách đố với đời: "ai mà chịu rét thì trèo với thông." Ông Tản Ðà than thở kiếp sau không thèm làm người nữa, ông muốn "làm con chim nhạn tung trời mà bay."

Không biết hai nhà thơ họ Nguyễn này bây giờ ở đâu. Cây thông nào là Nguyễn Công Trứ và con nhạn nào là Nguyễn Khắc Hiếu? Cây thông đứng trên đầu non bên "vách đá cheo leo" có bao giờ được con nhạn ghé ngang chưa...

Người ước làm cây thông, người ước thành con nhạn, làm sao biết được hai ông già này thực hiện được hay không thực hiện được điều mong ước đó.

Thế rồi luôn cả bạn, chẳng đã có một lần bạn muốn thành một người khác rồi sao? Thí dụ thành một người đàn bà, thành Sharon Stone hay Demi Moore... xem nó ra làm sao một lần như bạn có nói. Cũng như tôi, nhiều lần đã toan muốn thành thái tử Charles cho rồi nhưng sau khi nhìn lại Camilla Parker Bowles thì đành thôi, tạm bỏ ý tưởng điên cuồng và dại dột đó.

Làm Sharon Stone hay Demi Moore thì hơi khó hơn là làm thái tử Charles như ước mơ thầm kín của đời tôi. Trường hợp của bạn thì lại càng khó. Bạn thiếu hẳn những "tài sản" cần có để trở thành hai cô đào này. Thế mà có người đã làm... gần được. Mà lại có tiền nữa mới là đáng nói. Ðọc tờ Maxim số mới nhất, tôi được biết Brian Zembic, một người đàn ông 37 tuổi ở Las Vegas là một tay cờ bạc gạo, vừa làm được chuyện là có những món tài sản cần có để làm Demi Moore và Sharon Stone. Brian nhận đánh cá với mấy người bạn để lấy 100 ngàn Mỹ kim. Ðiều kiện là chàng phải chịu cho hai cái túi silicone vào ngực, và để nguyên như thế trong một năm.

Cuộc giải phẫu để đặt hai túi silicone diễn ra hồi tháng 10 năm 1996. Ðến tháng 10 năm 1997 là đúng một năm. Brian nhận đủ 100 ngàn Mỹ kim, nhưng thay vì giải phẫu tháo hai bịch silicone ra để trở lại đời sống bình thường trước đây, thì Brian cứ để nguyên như vậy cho đến nay, tức là quá hạn mà những người bạn của chàng đòi hỏi được gần một năm.

Khi được hỏi tại sao nhận đủ tiền rồi mà vẫn giữ nguyên hai bịch silicone trong người cho nó nặng, thì Brian trả lời rằng muốn để nguyên như vậy thêm một thời gian nữa để cảm thông với các phụ nữ. Rồi Brian nói thêm rằng sau khi cho hai cái túi silicone vào người, thì Brian thấy được đời sống của người phụ nữ như thế nào, và những người đàn ông là những con heo ra làm sao: "... Having breasts gives you insight into what life is like for woman. You start to see what pigs men are..."

Brian Zembic tưởng nói như thế là sẽ chiếm được cảm tình của phụ nữ, sắp được phụ nữ năm châu bốn biển tôn vinh lên thành anh hùng của phụ nữ đến nơi.

Nhưng chàng lầm to. Có hai cái bịch silicone đó đâu đã thành phụ nữ ngay được như chàng nghĩ. Mà nếu có thành phụ nữ thì cũng là thứ phụ nữ xuất hiện thường xuyên trong những cơn ác mộng kinh khủng nhất của đời chúng ta: một... "chị đàn bà" râu ria lởm chởm, lông lá đầy người, chân cẳng như đười ươi mà lại có hai cái vú. Trong những cơn ác mộng ấy, bao giờ tôi cũng mơ thấy mình đắm tầu lên hoang đảo hơn hai mươi năm, rồi một ngày, "chị đàn bà" này lóp ngóp bò lên bãi cát sau khi tầu của nàng cũng đắm như tầu của tôi, đi về phía tôi, nơi tôi đang sống bình yên, hạnh phúc từ hơn hai thập niên.

Thì tôi phải làm gì? Lập tức tôi mơ thấy mình nhào xuống biển, bơi qua cái eo đầy cá mập đói ăn từ lâu, để cố hết sức bơi sang đảo bên cạnh tị nạn chính... chị "đàn bà" đó.

Làm như vậy để bị coi là... heo chăng? Vậy thì đành chịu vậy. Tôi làm được gì khác (?) với "chị"?

Les deux poches de silicone ne font pas la femme. Pascal đã nói như thế. Hai cái túi silicone không làm thành phụ nữ.

Không biết Brian Zembic đã bị những người đàn ông chung quanh làm gì để quay sang coi tất cả đàn ông đều là heo hết? Họ làm gì với người "đàn ba"ø dễ sợ đó? Họ có bơi qua eo biển đầy cá mập chưa ăn sáng từ mấy hôm như tôi không? Hay là tại vì bơi nên thành heo?

Trong khi đó, một người đàn bà để một bộ râu rất đẹp như người đàn bà làm cho tiệm Roy Rogers tôi vẫn trung thành ghé lại trong những buổi trưa từ mười mấy năm nay có là đàn ông chưa? Tại sao nàng không chịu cạo phứt đi cho tôi và các khách hàng của nàng đỡ sợ, đỡ nơm nớp lúc nào cũng chỉ lo nàng kéo vào hôn một cái, hay rứt vài sợi râu ra quất cho nát mặt...

Hay nàng có bộ râu như thế để thông cảm cho những người đàn ông như Brian quyết định giữ lại hai bịch silicone vậy?

Chúng tôi cần hai bịch silicone của Brian cũng nhu các phụ nữ cần bộ râu của người phụ nữ ngồi ở quầy Roy Rogers vậy.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 8 tháng 7 năm 1998

Bạn ta,

Cuối cùng, tôi là người thua cuộc: tôi nói chắc chắn với mấy người bạn ở đây rằng hai tờ Newsweek và Time sẽ không đụng tới cái tin đó.

Nhưng tôi đã sai lầm: tờ Newsweek số đề ngày 13 tháng 7 ơ trang 19, trong mục Perspectives có đề cập đến vụ Paul Shimkonis ở Clearwater, Florida kiện tiệm rượu Diamond Dolls đòi bồi thường về những thương tích mà nguyên đơn nói là đã bị một nhân viên của tiệm gây ra cho chàng hồi hai năm trước.

Nhân viên làm việc cho nhà hàng tên là Tawny Peaks, một vũ nữ thoát y mà tờ Newsweek tả là với những đường nét cân xứng của thân hình rất độ lượng - generously proportioned. Thương tích mà Paul Shimkonis khai bị để lại trên người là sau lần gặp gỡ với Tawny Peaks ở quán rượu Diamond Dolls.

Paul khai trong đơn kiện rằng chàng thấy như bị hai cục gạch làm bằng xi măng đập trúng đầu. Chàng thấy mắt hoa, đom đóm bay tứ tung và từ đó tới nay, chàng không còn là mộtù người bình thường nữa - It was like two cement blocks hit me. I saw stars. I've never been right since.

Tôi đánh cá với mấy người bạn rằng những tờ báo chính trị như hai tờ Newsweek và Time sẽ không bao giờ đề cập đến những tin tức đại loại như thế. Nhưng tôi lầm. Bản tin cua hãng tin Reuters cho biết thêm những chi tiết khác rất kỳ lạ về vụ kiện này.

Paul Shimkonis đòi nhà hàng Diamond Dolls bồi thường 15 ngàn đô-la. Theo đơn kiện, hôm 27 tháng 9 năm 1996, Paul và một vài người bạn kéo tới quán để vui chơi lần cuối trước khi Paul lên xe hoa. Tại cái bachelor party đó, Paul là thượng khách nên các vũ nữ đã yêu cầu chàng ngồi xuống một chiếc ghế thấp ở sát sân khấu, ngả đầu ra phía sau, và nhắm mắt lại. Trong đơn, Paul cho biết nữ vũ công thoát y Tawny Peaks đến trước chỗ chàng đang ngồi để trình diễn phần của cô. Thế rồi không hề cảnh cáo gì trước mà cũng không hề có sự đồng ý của Paul người nữ vũ công này nhẩy lên người của Paul, đập hai cái vú hết sức lớn vào mặt của Paul, khiến đầu Paul bị đẩy ngược ra phía sau thật mạnh làm cổ chàng bị sái luôn. Ðơn kiện viết tiếp rằng Paul bị thương tích ở đầu, cổ, vì những thương tích đó, Paul bị mất khả năng làm việc và hưởng hạnh phúc. Paul đòi được bồi thường 15 ngàn Mỹ kim.

Bị hai cục gạch xi măng đập vào đầu thì kiện là đúng, và đòi bồi thường 15 ngàn vẫn còn ít.

Tôi không đồng ý với những ý kiến cho là thay vì đi kiện, đáng lẽ Paul phải thưởng cho Tawny mới phải. Tôi không nghĩ vậy. Tôi cũng không đồng ý với quản lý cua tiệm khi ông ta nói rằng ông nghĩ Paul phải thích mới đúng. Tôi nghĩ Paul phải kiện, và đòi nhà hàng bồi thường nhiều hơn mới đúng.

Nếu hai cục gạch xi măng mà Tawny Peaks dùng để đập vào đầu Paul lại có nhồi silicone, thì Paul có thể kiện công ty Dow Corning, công ty chế tạo những cái bịch silicone để làm... nhân cho những cục gạch xi măng này đòi bồi thường đáng kể. Công ty này vừa đồng ý bồi thường cho phụ nữ những món tiền lớn, hơn hai tỉ hai trăm triệu Mỹ kim, nếu những bịch silicone do công ty Dow Corning sản xuất gây khó khăn cho các phụ nữ này. Trong trường hợp của Tawny Peaks thì rõ ràng silicone có tạo khó khăn thật. Gây thương tích cho người khác mà không là tạo khó khăn hay sao?

Paul cũng có thể kiện Tawny Peaks về tội vi phạm dân quyền của Paul. Nếu trong lúc Tawny Peaks nhẩy lên người của Paul mà miệng của Paul bị "lấp", cho dù là chỉ trong vài giây đồng hồ, thì dân quyền của Paul vẫn có thể coi là đã bị vi phạm. Hiến pháp Mỹ đã bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho tất cả mọi người dân sống ở nước Mỹ. Ðiều này được ghi rõ trong Tu Chính Án thứ Nhất. Tawny Peaks "lấp" miệng Paul là vi phạm quyền tự do ngôn luận của Paul, hành xử quyền tự do ngôn luận được ghi rõ trong Hiến Pháp Mỹ. Chỉ riêng tội này, Tawny có thể phải làm nghề vũ khỏa thân cả đời cũng chưa trả nổi tiền bồi thường cho Paul.

Phải chi mà Tawny Peaks không quật hai cục gạch xi măng lên đầu Paul thì biết đâu, Tawny lại có thể kiện Paul đòi bồi thường không biết chừng. Ấy là chưa nói đến chuyện Tawny Peaks có thể... đánh Paul gẫy tay mà Paul không dám kiện như ông Tản Ðà có viết thành một bài thơ tìm thấy trong cuốn Tản Ðà Vận Văn trang 110 nhan đề "Bóp Vú Ðau Tay" để đùa một cậu học trò ghẹo gái bị gái đánh đau tay:

Hàng xứ đồn lên lắm chuyện hay
Con người như thế hóa non tay
Gớm cho cô bé già gan tệ
Chết nỗi làng chơi phải miếng cay
Hùm đã biết hang sao cứ mó?
Chim chưa vỡ bọng dễ mà bay
Từ đây buộc chỉ thôi chừa nhé
Ðừng dám chơi dao lại có ngà.

Paul không làm gì cả mà lại đau đầu mới khổ đời trai chứ... Kiện là phải. Cho nó chừa cái trò cả... xi măng (?) lấp miệng em đi.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 8 tháng 9 năm 1998

Bạn ta,

Consumer's Report, tờ báo chuyên viết về các sản phẩm tiêu thụ ở nước Mỹ hay đặt một câu hỏi để thăm dò mức độ ưa chuộng người tiêu thụ dành cho các loại sản phẩm mà tờ báo viết trong các bài tường trình.

Câu hỏi đó là bạn, người tiêu thụ, có muốn mua lại sản phẩm này lần nữa không - would you buy this product again? Trong nhiều năm, câu trả lời "CÓ" đã được dành cho những chiếc Volkswagen Beetle trước khi những chiếc VW này bị xe Nhật đánh gục.

Trả lời "CÓ" là sản phẩm đó đã tạo được sự ưa chuộng và trung thành của người dùng. Không một quảng cáo nào có thể hữu hiệu hơn là những câu trả lời "CÓ" của tờ Consumer's Report.

Hôm thượng thọ bát tuần của một cụ ông tôi biết ở đây, các con cụ cũng đặt câu hỏi tương tự như câu hỏi của tờ Consumer's Report, rằng kiếp sau có muốn là con của cụ nữa không, thì tất cả đều trả lời "CÓ". Cụ nghe được câu ấy được hai năm thì ra đi. Tôi nghĩ là cụ ra đi nhưng rất vui, vui còn hơn hãng Volkswagen đọc những phúc trình của Consumer's Report hồi ấy.

Tuần trước, tờ New York Times loan tin một cặp vợ chồng nhiều tiền ở Texas sẵn sàng chi một số tiền rất lớn cho đại học Texas A&M University nhờ tạo sinh rập khuôn (clone) con chó yêu quí của họ, để họ lại có được một con chó giống hệt như con Missy hiện nay của họ.

Con Missy, một con chó thuộc giống chăn cừu gốc ở Tô Cách Lan, năm nay 12 tuổi đã ở với cặp vợ chồng này từ khi mới được 4 tháng. Missy được chủ yêu thương đến độ muốn nhờ phòng thí nghiệm của đại học tạo một con chó y như hệt Missy để nuôi tiếp. Như vậy, Missy cũng được lòng ưa chuộng và trung thành (?) của hai vợ chồng, như các độc giả trả lời cuộc thăm dò của tờ Consumer's Report về các sản phẩm tiêu thụ. Nếu cặp vợ chồng này được hỏi là lần tới có nuôi một con Missy nữa không, thì câu trả lời, như mọi người đều đã biết, là "CÓ".

Tạo sinh rập khuôn là kỹ thuật mới của khoa sinh vật học để sản xuất ra những sinh vật như được đúc từ khuôn của một kiểu mẫu với tất cả mọi đặc tính của sinh vật mẫu. Các khoa học gia đã clone được cừu, bò, mèo và bây giờ có thể sắp có một con collie rập khuôn hệt như Missy để cặp vợ chồng này sẽ có được một Missy mới hệt như Missy cũ để nuôi khi Missy không còn ở với họ nữa.

Missy chắc phải là một con chó phi thường mới tạo được lòng yêu mến và sự trung thành của cặp vợ chồng này. Lòng yêu mến và sự trung thành đó đã khiến họ sẵn sàng chi 2 triệu 300 ngàn Mỹ kim để có được một... ấn bản mới của Missy.

Trong 12 năm ở với vợ chồng này, từ khi được họ xin từ một văn phòng bảo vệ thú vật, Missy đã làm cho chủ vui lắm. Missy hẳn là một con chó toàn hảo đến độ chủ không muốn thay đổi bất cứ một chi tiết gì của Missy, mà chỉ muốn một con chó giống hệt như Missy.

Nhưng còn cặp vợ chồng chủ của Missy, người vợ có làm cho người chồng vui như Missy đã làm cho ông ta vui không? Người chồng có làm cho người vợ sung sướng như Missy đã đem lại niềm vui cho bà không? Hai người có yêu nhau như yêu con chó, yêu nhau ở mức độ muốn trở lại trần thế sống lại với nhau không? Không thấy chi tiết này trong bản tin của tờ New York Times. Không thấy hai vợ chồng này đề nghị clone chính mình để trở lại sống với nhau, hay ít ra thì cũng để sống với Missy phó bản.

Hay là họ không được như hai câu thơ của Ðinh Hùng:

Anh vẫn còn yêu em kiếp sau

Vầng trăng về núi sẽ quay đầu...

Yêu thế mới kinh khiếp. Kiếp này yêu nhau chưa tởn, còn hăm qua kiếp sau yêu tiếp. Nhưng ngoài bài thơ của Ðinh Hùng, chưa thấy có ai dám đặt cọc yêu thêm một kiếp nữa.

Nhưng tại sao lại đi clone con chó?

Con Missy thì làm được gì ngoài chuyện không biết cãi, không biết cọ, không biết nói xéo, chửi đổng, không biết giận, không cắn càn, không biết nói dai, không biết mè nheo, không biết cho ăn canh rau đay, không xào mướp đắng, không thịt bò nghiền, không làm quả chanh, không là quả ớt hiểm, không cằn nhằn, không sủa bậy, không hạch, không sách, không mỗi ngày tặng cho một bao tải... than, không bắt dọn nhà đến bên hồ Than Thở, không lục bóp, không kiểm duyệt thư như Cộng sản, không ác và dữ như Việt cộng, không giùi đục chấm nước mắm cáy...?

Không làm có mấy điều như vậy mà cũng đã được yêu thương đến độ phải clone tốn cả triệu Mỹ kim ư?

Thế không sợ nó... liếm mặt cho à?

Tốn tiền như vậy sao không clone Cindy Crawford có... hay hơn Missy không nào?

Hay chỉ dám mua tờ Playboy số mới nhất về coi Cindy để vừa coi vừa... thở dài? Rõ chán.

Bạn có ý kiến gì thì mở web site này ra: www.missyplicity.com.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 8 tháng 10 năm 1998

Bạn ta,

Sau khi xuất hiện ở cuối hai câu thơ của Nguyễn Khuyến, và có thể trong một lần khác với Hồ Xuân Hương, nó biệt tích luôn. Dường như không ai còn thấy nó ở trong một bài thơ nào khác. Nó là chữ "teo" trong "chiếc thuyền câu bé tẻo teo", trong "ngõ trúc quanh co khách vắng teo" ở hai bài thơ Nôm của cụ Nguyễn.

Lý do có thể là dùng nó rất khó mà hay hơn được mấy lần chúng ta đã thấy như ở trên. Bài Thu Ðiếu của Nguyễn Khuyến nhờ chữ "teo" mà hay hơn rất nhiều. Chiếc thuyền không chỉ nhỏ, chỉ bé, mà "bé tẻo teo". Nghĩa là bé lắm. Chiếc thuyền trên mặt nước ao mùa thu se lạnh, như nhỏ thêm, như bé thêm nữa khiến nỗi cô đơn của người ngồi trên thuyền cũng tăng theo. "Vắng teo" cũng thế. Là vắng lắm. Cái ngõ chỉ xào xạc những chiếc lá trúc rơi rụng trên đất, không một tiếng chân người. Vừa vắng, lại vừa lặng. Ðó là "vắng teo". Không ai dám dùng lại nó nếu không thể dùng hay hơn là Nguyễn Khuyến.

Từ đó, chữ "teo" này đã được mặc cho những cái nghĩa rất mới và đi trên bao nhiêu con đường khác. Vậy mà nó bị các nhà làm tự điển đối xử rất bất công. Tự điển của Lê văn Ðức in năm 1970 có khá nhiều tiếng mới, cũng chỉ ghi những nghĩa nguyên thủy của nó như ở trang 1377.

"Teo" được định nghĩa là nhót lại, co rút lại, còn rất nhỏ khi là tĩnh từ. Khi là động từ, chữ này được nhà làm tự điển ghi là càng ngày càng nhỏ lại. Cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt in năm 1996 của Hà Nội (trang 872) cũng không khá hơn, chỉ toàn những nghĩa cũ của chữ "teo".

Cả hai cuốn đều không định nghĩa động từ "teo" là sợ, là hãi, là rét, là ngán, là nhát... như những nghĩa mới mà chúng ta đặt thêm cho nó trong những năm 60 ở Việt Nam. Sau một đời sống năm năm, mười năm, nó xứng đáng được ghi vào tự điển. Vậy mà nó vẫn bị bỏ ở ngoài mặc dù nó là một chữ rất hay, dùng ở đâu và lúc nào cũng được.

"Teo" mang nghĩa mới này khi nó được dùng làm động từ. Nó không hề làm cho chủ từ nhỏ đi, bé lại. Thí dụ khi nói "tôi teo quá" chẳng hạn.

Kích thước vật lý của tôi vẫn là 5 feet 9, nặng 180 cân Anh. Nói xong câu "tôi teo quá", chiều cao và trọng lượng của tôi vẫn không có gì thay đổi. Nỗ lực nhịn ăn cho xuống bớt vài chục cân Anh vẫn tiếp tục được duy trì và vẫn tiếp tục không đem lại kết quả.

"Teo" ở đây là sợ. Nhưng tại sao nó lại có cái nghĩa mới như thế?

Tôi nghĩ là nó được dựa trên một đổi thay về kích thước mà không phải lúc nào cũng thấy được, hay cũng có thể nói là không phải lúc nào cũng cho người khác thấy được.

Và đúng lúc đó, thì chữ "teo" hiện ra. Chỉ có nó mới nói được hết nỗi hoảng sợ kinh hồn mà người ta đang phải đối đầu. "Teo" quá là sợ quá, là hãi hùng quá, là kinh hoàng quá.

Khi sợ, khi bị khủng bố, khi bị đe dọa gây nguy hại cho đời sống, cho cơ thể, thì nỗi hoảng sợ đó lập tức đưa tới những đổi thay vật lý. Sự bình tĩnh mất đi, ảnh hưởng tới tiếng nói. Cơ thể co quắp lại. các bộ phận cơ thể nếu có thể giảm bớt được diện tích, thể tích, thì sẽ nhỏ đi.

Ruột gan teo tóp lại đã đành, cả một số bộ phận khác cũng teo nhỏ lại. Những đổi thay đó không do đầu óc sai khiến, mà la những phản ứng mà cơ thể không điều khiển được. Mồ hôi toát ra, bay hơi, cơ thể hạ giảm nhiệt độ, thân nhiệt xuống thấp hơn. Lập tức một bộ phận được kéo sát lên cho nằm sát hơn vào cơ thể để nhận lấy nhiệt độ của cơ thể giữ cho khỏi bị lạnh. Bên cạnh nó, một bộ phận khác cũng thay đổi kích thước, không còn hùng mạnh như trước nữa.

Teo. Teo lại. Sợ teo người (?) luôn. Teo quá.

Thí dụ như ông Clinton mấy hôm nay chẳng hạn. ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện vừa biểu quyết đồng ý mở cuộc điều tra luận tội ông. Ông teo lắm.

Các dân biểu, nghị sĩ, các giới chức cao cấp trong chính phủ cũng đang teo lắm. Lỡ mấy người em bé bỏng muốn trở thành triệu phú một cái chơi, chạy ra điện thoại gọi cho ông chủ báo Hustler kể lể đầu đuôi chuyện ăn vụng của các ông là các ông chỉ có từ chết tới trọng thương.

Thủ đô nước Mỹ bây giờ kỳ lắm. Ra đường toàn gặp mấy người... teo không à. Chán lắm.

Nhưng tiếng Anh hình như chưa có động từ tương tự như "teo" của chúng ta. Hay chúng ta tặng họ một động từ, món quà nhỏ chúng ta, chút đóng góp cho cái ngôn ngữ cưu mang chúng ta từ vài chục năm nay, như to kowtow là khấu đầu của người Trung Hoa; như bungalow là căn nhà gỗ của người Ấn Ðộ; như dinkum của người thổ dân Úc... Thí dụ to kell chẳng hạn. To kell là... teo thì nghe cũng được đấy chứ.

Còn "teo" thì là gì nếu xin được cụ Lê Văn Ðức cho thêm vào từ điển của cụ?

Tại sao không đề nghị một định nghĩa cho nó? Chẳng hạn "teo" là... cheo tim có được không nhỉ? Có điều ông Clinton thì có thể teo chứ bà Clinton thì không thể nói là... teo được. Phụ nữ oai kinh khủng, họ không teo bao giờ hết. Ðàn ông sợ họ là phải.

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 8 tháng 12 năm 1998

Bạn ta,

Tuần qua, Eve Ensler đã đưa vở kịch một người diễn của cô từ New York xuống diễn tại hí viện Studio Theater ở Washington. Từ mấy tháng trước, sau khi đọc bài giới thiệu trên tờ Newsweek, tôi đã định đi kiếm cái vé đi xem vở kịch của cô, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy đó không phải chuyện của mình nên lại thôi.

Vở kịch - nếu gọi đó là một vở kịch - hay những sketch ngắn của Eve Ensler dài khoảng 90 phút, là những quan điểm về một bộ phận của phụ nữ được đề cập tới trong vở kịch bằng rất nhiều cái tên khác nhau, nhưng nhiều nhất, là cách nói đầy giọng kiêng cữ: "down there" - dưới ấy - làm những người có thời ở Úc hay Tân Tây Lan như tôi hết cả hồn vì "down there" và Down Under, tên gọi thân mật và chung cho hai nước của Ðại Dương châu này, thoáng nghe đâu có khác nhau là bao nhiêu.

Vở kịch mà Eve Ensler viết được cô đặt cho cái tên nghe cũng khủng khiếp không kém: The Vagina Monologues - Ðộc Thoại Của... Cái Ấy, thôi thì hãy cứ tạm dịch như thế đã.

Thế thì "cái ấy" cũng biết nói hay sao? Nó biết nói thì phiền vô cùng. Bạn nhớ mấy ông thầy địa lý, phong thủy sợ hòn đất biết nói như thế nào thì cũng sẽ có nhiều người sợ khả năng bầy tỏ tư tưởng của "cái ấy" như vậy: Hòn đất mà biết nói năng / Thì thầy địa lý cái răng không còn... Thầy địa lý tán nhảm về những long mạch, về những khu đất đắc địa, về hướng nhà, về thế đất... mà hòn đất biết nói, và nói lớn lên được ý kiến của nó về những luận đoán của thầy địa lý thì thầy chỉ có chết. Chết vì nói láo như thế thì làm thế nào kiếm được tiền của thân chủ nữa!

Cũng vậy, bộ phận kia mà biết nói, biết kể chuyện, biết phê phán, biết thẩm định thì nhiều người trên thế giới sẽ phiền lám. Những trò nói dóc, nói khoác, nói phét khoe khoang thành tích của các chàng sẽ phải dẹp hết. Nhiều chàng sẽ không còn dám huyênh hoang nói về những việc làm mà các chàng gọi là... thi ân của các chàng lắm.

Nhưng như Eve Ensler nói ngay ở đầu, hệt như vùng tam giác Bermuda (vùng biển ở ngoài khơi Trung Mỹ nơi rất nhiều tầu biển và máy bay mất tích một cách bí mật), chưa có ai tường trình từ... dưới đó (down there) hết - Like the Bermuda Triangle, nobody ever reports back from down there.

Rất may, chưa có ai tường trình từ dưới đó không phải là ai xuống đó (?) đều mất tích, đều đắm, đều rớt không để lại một dấu tích nào như tầu biển và máy bay mà là vì dưới đó nó không biết nói. Vậy thôi.

Không biết nói thì làm sao có... độc thoại được, như tên của vở kịch đã gợi ý?

Thực ra, Eve Ensler viết vở kịch độc thoại của cô dựa trên những cuộc phỏng vấn các phụ nữ thuộc đủ mọi chủng tộc, đủ mọi tuổi tác. Những điều đó được đúc kết thành một độc thoại đầy những nét hài hước kiểu Rabelais. Cái ấy được tác giả nhân cách hóa, cho nói thả giàn. Tuy John Updike và Philip Roth, hai tác giả nổi tiếng của văn chương hiện đại Hoa Kỳ đều đã có viết về "cái ấy", nhưng đó vẫn chỉ là những cái nhìn của đàn ông. Eve Ensler có thể thô nhưng không tục.

Cho đến nay thì chúng ta đều biết rằng The Vagina Monologues chỉ là sản phẩm sáng tạo của Eve Ensler chứ sự thực thì không bao giờ có thể có được những đoạn độc thoại như thế. Ðộc thoại đòi hỏi một ngôn ngữ, mà qua bao nhiêu giai đoạn tiến hóa, bộ óc của người phát triển thêm, nặng hơn, to hơn, khả năng trừu tượng hóa gia tăng nhưng "cái ấy" thì vẫn không thể nói được.

Ðó là một điều hết sức đáng mừng, vì nếu nó nói được thì phiền vô cùng.

Nó sẽ báo cáo đầy đủ về những cuộc gặp gỡ của nó. Nó sẽ bình phẩm, cho điểm, xếp hạng những gặp gỡ của nó. Nó sẽ khuyến cáo nên hay không nên gặp gỡ người này với người khác.

Ðó là những điều đáng ngại. Nhưng nếu nó biết nói, thì cũng là điều hay. Nó có thể nhỏ to nói chuyện với chủ nó. Chủ nó có thể sẽ bớt cô đơn, và vì thế sẽ bớt làm phiền những người chung quanh đi nhiều. Có điều có thể phiền cho chủ nó nếu nó không biết giữ mồm giữ miệng, bạ ai hỏi cũng cung khai ra đầy đủ hết những chuyến gặp gỡ của nó.

Nhưng nó không nói được là đúng nhất. Vì nếu nó nói được, thì những người đàn ông sẽ thiệt thòi vô cùng vì kiến trúc của cơ thể đàn ông không cho cái bộ phận ấy có khả năng ngôn ngữ. Lúc ấy, chỉ một phía biết nói thì phía bên kia nghe nhiều quá chịu sao thấu.

Ấy vậy mà đôi khi biết nói cũng lại là hay. Thí dụ trong vụ rắc rối của ông Clinton hiện nay, các luật sư của tòa Bạch Ốc cứ dẫn Monica ra làm nhân chứng để khai trước tòa. Công tố viên Starr nhất định là phải tin "cái ấy" của Monica. Monica có thể đổ đủ các thứ tội cho ông Clinton. Nhưng nó thì không biết nói dối. Nó sẽ khai là trong bằng ấy tháng Monica làm việc ở tòa Bạch Ốc, nó chỉ tiếp xúc một lần với điếu xì gà chứ chưa bao giờ gặp (?) ông Clinton cả. Như thế thì Cộng Hòa có đông gấp mười Dân Chủ ở Hạ Viện và Thượng Viện Mỹ thì ông Clinton vẫn cứ yên trí ngồi cho hết nhiệm kỳ. Lại nữa ông Clinton cũng có thể dẫn nó về tòa Bạch Ốc cho nó nói thẳng với Hillary rằng không hề có chuyện gì xẩy ra là yên cửa yên nhà ngay.

À mà vẫn yên cửa yên nhà đấy chứ. Hay là của Monica biết nói?

Bùi Bảo Trúc

Hoa Thịnh Ðốn ngày 8 tháng 6 năm 1998

Bạn ta,

Cho tới khi một ông tòa ở New Brunswick đưa ra định nghĩa của những chữ "fuck off" khi tuyên xử một vụ kiện mới đây, tôi vẫn tưởng nghĩa của chúng là như thế kia, nghĩa là như lối hiểu rất chân phương của tôi từ mấy chục năm nay, như từ khi kiếm ra cái chữ bắt đầu bằng chữ "f" -- the F word -- trong tự điển cơ chứ.

Nhưng nhờ ông tòa ở New Brunswick, tôi học được thêm một nghĩa mới của mấy chữ này. Vừa vui vì lĩnh hội thêm được một hai điều mới, đồng thời lại biết được rằng chẳng phải chỉ có mình dở , mà ngay cả những người nói tiếng Anh cả đời cũng không biết cái định nghĩa mà ông tòa nói ra ở tòa.

Theo một tờ báo ở St. John, một thị trấn ở New Brunswick, Violet Legere, một phụ nữ trong một lúc bựïc bội ở sở , mất bình tĩnh và không dằn được tức giận, có đề nghị với một đồng nghiệp làm một chuyện khác thay vì cứ tiếp tục ở bên cạnh, làm phiền cho cô mãi. Cô nói, "Fuck off."

Người đồng nghiệp đem nội vụ đi thưa cấp trên. Cấp trên coi đề nghị (?) của Violet Legere là đề nghị không thể chấp nhận được, và cho cô nghỉ việc.

Violet đưa ban giám đốc YMCA-YMCA ra tòa đòi được cho làm việc trở lại và bồi thường cho những thiệt hại mà cô phải chịu, tổng cộng là 15 tuần lương.

Tờ báo không cho biết những chi tiết về đồng nghiệp của cô và những người trong ban giám đốc từng quyết định sa thải cô, cũng như về chính cô, ngoài chi tiết cô có cái tên rất đẹp: Violet.

Trước khi nghe ông tòa giải thích ý nghĩa của điều cô nói, tôi lại nghĩ đó là một đề nghị rất không nên bỏ qua, nếu người đưa đề nghị là một người khác phái, và nếu nhan sắc của người nói câu đó không ở mưcù có thể làm nản lòng cả Robinson Crusoe sau nhiều năm lạc trên hoang đảo, giai trí chỉ có con vẹt và cậu Sáu -- Friday, anh của chị Năm.

Tôi tưởng tượng nếu được một người khác phái, như Violet, văng cho câu "fuck off" vào tận mặt, thì tôi chắc chắn sẽ cười rất tươi và đáp lại bằng tất cả sưÏ vui mừng hớn hở rằng, "Please... please... please do it... do it now... do it right here... do it with for all your worth... do it like there is no tomorrow..." chứ ai lại đi thưa, đi cớ, đòi đuổi cho bằng được người đồng nghiệp đã nói câu đó. Nhưng cho đến nay, chờ đợi bao nhiêu lâu, chưa một ai buồn nói với tôi câu nói, dẫu cho có pha nét tức giận ở trong. Càng nghĩ tôi càng chán cho mình, cho sự thiếu may mắn của mình. Chưa một lần tôi được là đối tượng của câu nói tức giận đó. Và tôi càng tin như người bạn tôi vẫn nói: hạnh phúc luôn luôn chỉ đến với những người không phải là mình. Thí dụ như câu bực bội "Fuck you" chẳng hạn.

Nhưng ban giám đốc nhất định cho Violet nghỉ việc chỉ vì câu nói đó của nàng.

Violet Legere kiện tất cả ra tòa vì những người đó đều hiểu sai ý nghĩa câu nói của nàng.

Ông tòa sau khi nghe các nhân chứng, đã đồng ý Violet bị ban giám đốc hiểu sai. Theo ông, câu nói trong lúc tức giận của Violet không hề mang bất cứ một ý nghĩa tục tĩu nào ở trong như ban giám đốc và đồng nghiệp của nàng đã hiểu. Ông nói rằng sự thật, "fuck off" chỉ có nghĩa là "để cho tôi yên", một cách khác, cách mà ông tòa nói là mạnh hơn và ý nghĩa hơn (more forceful and more intense way) để nói leave me alone mà thôi. Và vì Violet chỉ định nói có như thế, mà bị sa thải thì quyết định của ban giám đốc hoàn toàn sai lầm, Violet phải được cho trở lại công việc cũ và sở của Violet phải trả cho Violet tiền lương của 15 tuần lễ.

Như thế, "fuck off", theo ông tòa, chỉ có nghĩa là đừng làm phiền tôi nữa. Vậy thì có gì tục tĩu và cũng có gì thích thú đâu!

Nhưng tại sao nghe "leave me alone" vẫn không thích bằng "fuck off"? Tại sao nghe "don't fuck with me" vẫn hay hơn "don't mess with me" khi muốn nói đừng giỡn mặt tôi? Và tại sao "don't fuck around" nghe hấp dẫn hơn "don't fool around" trong khi ý nghĩa thì giống hệt nhau?

Có phải những chữ bắt đầu bằng âm "f" nghe hấp dẫn hơn không?

Chỉ mới nghe qua đã thấy "lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng" rồi.

Bùi Bảo Trúc