March 30, 2021

Những Bài Tạp Ghi viết năm 2007 của Bùi Bảo Trúc

 23-2-2007


NHỮNG LỜI CHÚC

Ðến hôm nay, chúng ta đã nghe được gần hết những lời chúc của mấy ngày Tết.

Không biết có bao nhiêu những lời chúc này được đưa ra với sự thành thật ở trong. Có thật là chúng ta thực tình mong muốn những lời chúc đó trở thành sự thực cho những người mà chúng ta gửi những lời chúc đó không?

Nói điều này ra, có thể sẽ có vị nói rằng tại sao lại khó khăn với một truyền thống tốt đẹp của ngày Tết như thế? Tại sao lại chọc thủng những cái bong bóng tốt đẹp đó.

Nhưng nếu quí vị không mấy cảm động khi nhận được những tấm thiệp tiền chế của các công ty sản xuất thiệp bán đầy ở ngoài tiệm, thì chắc quí vị cũng không mấy thực sự vui mừng khi được chúc bằng những câu chúc đã mòn nhẵn, đã mỏi mệt vì bị đem ra dùng quá nhiều lần. Tại sao không cho chúng nó nghỉ một chút?

Những hãng sản xuất thiệp bỏ ra rất nhiều tiền để thuê những thợ viết ngồi nghĩ ra những câu lãng mạn nhất, tình tứ nhất, khôi hài nhất để đem bán cho những người không đủ sáng tạo mua về gửi cho nhau. Kiểu như ông nhà giầu Aristotle Oanassis tặng Maria Callas và Jacqueline Bouvier Kennedy mỗi người một cái vòng kim cương khắc những chữ giống hệt nhau. Tiền của thì nhiều, nhưng sáng tạo thì không có được bao nhiêu. Cả hai người đàn bà này đều rất ghét hai cái vòng đeo tay đó, chỉ có vài cục kim cương gắn trên vòng là đáng kể.

Những tấm thiệp như thế chỉ nên đứng xem cọp ở các tiệm bán thiệp để lúc nào rảnh rỗi kể cho bạn bè cười chơi là nhiều.

Những tấm thiệp quí nhất chắc phải là những tấm thiệp viết nguệch ngoạc, chữ viết tay nghiêng ngả, chính tả sai be bét gắn trên cửa tủ lạnh chứ không bao giờ là những tấm thiệp in rất đẹp mua ở tiệm của những hãng sản xuất thiệp danh tiếng như Hallmark.

Những tấm thiệp của lớp mẫu giáo, của lớp 1, lớp 2 mà tác giả cầm trong tay, chạy như bay vào ấn vào tay chúng ta mới là những tấm thiệp quí nhất, đẹp nhất, ý nghĩa nhất.

Nêu những chi tiết này ra đây, tôi chỉ muốn nói rằng những tấm thiệp của lũ con, của lũ cháu chúng ta mới đáng kể nhất, đẹp nhất, hay nhất chứ không bao giờ là nhũng tấm thiệp tiền chế của Hallmark bán đầy tiệm.

Những tấm thiệp đi kèm với cái bá cổ, với cái hôn ướt nhẹp được gắn ngay lên cửa tủ lạnh, mà người Mỹ đã đặt cho chúng một cái tên: refrigerator arts, nghệ thuật trên cửa tủ lạnh, và vài tháng sau được cất đi để vài ba chục năm sau sẽ là những món quà quí giá nhất gửi lại cho các tác giả.

Thế thì tại sao chúng ta vẫn tiếp tục chúc nhau bằng những câu chúc tiền chế, những câu chúc mà một trăm năm trước, ông Tú Xương đã quá chán vì ý nghĩa không có được bao nhiêu của chúng.

Thôi không phải nhắc lại những câu làm ông Tú chán ngán, những câu chúc trăm tuổi, sang giầu, con cái đầy nhà nữa.

Nhưng có thực người ta mong nhau có được phúc như đông hải, thọ tỉ nam san không?

Tại sao phải vay mượn mấy câu của một ông Ba Tầu nào đó để chúc nhau, đem những ví von của mấy ông Tầu chúc nhau làm chi? Nam hải là của mấy ông Tầu, Nam san cũng của mấy ông chứ của chúng ta hồi nào?

Sống đến một trăm tuổi có thực sự là một điều chúng ta muốn không, khi mà giá trị cuả đời sống đã không còn nữa, muốn đi vài bước cũng không còn làm nổi, lạch cạch cái xe lăn, thẫn thờ trong một khu nhà đầy mùi khai của nước tiểu, mùi chất sát trùng cọ rửa nhà tắm, cuối tuần chờ ngóng những chuyến viếng thăm càng ngày càng thưa của những đứa con, đứa cháu?

Có thật chúng ta muốn người được chúc, có thể là con, là cháu chúng ta, đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái không?

Chúc như thế thì tội nghiệp chúng biết là bao nhiêu. Tay bồng tay mang, đầu tắt mặt tối, sữa tã liên miên không lúc nào có được vài ba phút để nhìn thấy nhau như khi vừa mới gặp nhau vài ba năm trước ở đại học?

Chúc chúng nó như vậy là hơi ác đấy chứ không phải là không. Hay chúc những người tuổi hạc đã cao thọ được trăm tuổi. Thọ như vậy để làm gì, để thành một con số thống kê như mấy cụ già vừa được trao chức vô địch sống lâu trong lúc ngũ quan đã bỏ đi, giây, ống chằng chịt trên giường với cái thiệp mừng tuổi thọ của ông Bush gửi cho mà cũng không biết để cầm lên mà đọc nữa.

Thế thì tại sao phải đưa ra những lời chúc thậm vô nghĩa lý đó?

Chúng ta vẫn có thể chúc nhau những điều tốt dẹp trong mấy ngày tết bằng những tấm lòng thành thật nhất, không vay mượn vài ba câu chúc vô nghĩa lý toàn sáo ngữ.

Thí dụ bằng câu chúc khỏe mạnh và vui vẻ của cuối bài viết này chẳng hạn.

23-3-2007


Hôm nay là ngày 17 tháng 3

Và như thế, tôi đã thoát được ngày 17 tháng 3 một lần nữa. Sáng nay, khi ra đến sở thì mọi chuyện bình thường trở lại vì ngày 17 tháng 3 đã qua. Mấy năm trước, khi còn làm ở một sở nọ, mỗi năm cứ đến ngày 17 tháng 3, đến sở là tôi lại bị cô thư ký hỏi Where is your green?

Mầu xanh của ông đâu rồi?

À thì ra đó là ngày St Patrick, ngày thánh bổn mạng của Ái Nhĩ Lan, ngày ai cũng phải có một chút xanh rờn trên người. Cô hỏi tôi là vì thấy không có chút xanh rờn nào.

Tôi thì không có điều gì chống báng lại ông thánh này cả. Thánh nhân là người hiền. Ông không cùng một tôn giáo với tôi nhưng hễ cứ là thánh là chơi được. Ông thánh Patrick còn làm được một việc rất tốt đẹp cho những người hay đi cắm trại, một việc làm mà mấy chục năm nay tôi không làm được nữa. Ông đuổi hết rắn ra khỏi Ái Nhĩ Lan. Và Ái Nhĩ Lan, cũng hệt như Tân Tây Lan, là hai nơi đi cắm trại, ngủ bờ ngủ bụi không sợ bị mấy cậu hổ mang, cạp nong, mai gầm, liu điu nửa đêm cần chỗ ấm chui vào lều nằm chung trong cái túi ngủ. Cả hai nước chắc đều có sự can thiệp của thánh Patrick.

Ông thánh Patrick như vậy là người tốt. Chỉ cần biết một chuyện đó của ông cũng đã thấy là như thế. Nhưng câu Where is your green thì nghe không thích.

Ngày 17 tháng 3 là ngày St Patrick, thánh bổn mạng của Ái Nhĩ Lan. Mọi người, theo cô thư ký, cũng như theo nhiều người khác, trong ngày hôm đó, phải mang một cái gì trên người mầu xanh lá cây, mầu của nước Ái Nhĩ Lan.

Cho dù người đó không phải là người Ái Nhĩ Lan. Cô thư ký cũng kỳ, trông cô không có dấu tích gì của Ái Nhĩ Lan cả. Mầu da của cô thì nhất định không bao giờ dính dáng tới Ái nhĩ Lan cả. Và tôi thì cũng không. Cô muốn mặc cái áo xanh, cái quần xanh lẹt thì cô cứ việc, nhưng tại sao cô lại nghĩ tôi cũng phải chút xanh lẹt trên người mới được.

Thế ngày Song Thất của Ngô tổng thống, ngày giỗ tổ Hùng Vương của chúng tôi, ngày quốc hận của người di tản tôi có đòi cô phải đội khăn vành dây, khăn hoàng hậu, áo gấm đỏ bao giờ đâu. Ấy là chưa nói tới chuyện chắc chắn là cô có mặc đủ thứ ấy cũng không thể nào đẹp hơn ông Bush ở hội nghị Hà Nội mới đây được.

Hôm thứ Sáu tuần trước, hai học sinh nhỏ tại một trường tiểu học ở quận Cam đã tới trường bằng những bộ quần áo xanh và luôn cả mái tóc cũng được xịt cho một thứ mầu cho xanh lẹt. Nhà trưòng yêu cầu các em hoặc gội đầu cho sạch thì được vào lớp, nếu không thì mang mái tóc xanh về nhà. Một em chịu gội đầu. Em kia mang mái tóc về nhà.

Lớp học là để học, không phải để đùa giỡn. Mái tóc xanh lẹt như thế sẽ làm cho việc chuyên chú vào lời giảng bài của thầy cô khó cho các em khác. Ban giám đốc trường ra lệnh như vậy là đúng.

Mẹ cuả em bé bị trường gửi về nhà than phiền với báo chí là nhà trường vi phạm tự do của em.

Nhưng tự do của em không thể gây khó khăn cho tự do học hành của các em khác.

Nói chuyện này là để nghe chơi rồi bỏ. Người viết chỉ nói về những vô lý khác.

Thí dụ xong một trận bóng, ra sở thế nào cũng bị hỏi hôm qua muốn đội nào thắng. Nói sai tên đội bóng là cứ như bị đoạn giao đến nơi.

Ở Canada, thắc mắc về Bobby Orr là bị coi như là một người tiền sử hay từ một hành tinh nào khác vừa lạc xuống.

Ở đây mà không mê Lakers thì không thể tha thứ được. Cái cản xe đã nhắc: Lakers Rule, nghĩa là đội Lakers trị vì, là vua. Ở Washington thì trên cản xe hơi phải dán cái sticker với câu hỏi là sáng đến giờ đã ôm hôn một cầu thủ của đội banh Redskin chưa... Ở Dallas thì phải coi đội Cowboys như thần, như thánh mới được.

Cầu thủ Koby Bryant của ban Lakers bị một phụ nữ kiện về tội xúc phạm tình dục thì liền có ngay một người gọi điện thoại hăm giết người phụ nữ này. Nhưng Koby Brayant không tù tội gì thì chính người ái mộ điên khùng này lại bị bắt truy tố ra tòa và bị phạt không nhẹ.

Nhưng hôm nay, ngày St Patrick đã qua, đến sở không có ai có cái gì xanh trên người, lại cũng không bị hỏi câu Where is your green? mà không vui hay sao?

Nhớ một lần bị hỏi câu này mười mấy năm trước: Where is your green? tôi liền trả lời là có nhưng không thể cho coi được. Người hỏi chắc chắn nghĩ câu trả lời là một câu không thanh tao, mặt mũi đã một đống, hầm hầm ngó sang toé lửa.

Cho đến khi người đàn ông Á châu rút cái ví ra, chìa cho nàng coi cái green card, cái thẻ xanh, người hỏi mới tạm hết thắc mắc.

Nhưng cái nhìn ném về phía người đàn ông Á châu thì vẫn rất là không thân thiện chút nào.

Bộ cái thẻ xanh không mầu xanh hay sao?

CHUYẾN ÐI NAM MỸ CŨA ÔNG BUSH

Tổng thống Bush là một con vịt què. Trong ngôn ngữ chính trị ở Mỹ, ông là con vịt què. Con vịt què thì đi đứng khó khăn, bơi cũng không nên thân. Ông ngồi ghế tổng thống gần hết hai nhiệm kỳ. Hiến pháp không cho ông ra thêm một nhiệm kỳ nữa. Chung quanh đã hơn một chục người toan tính việc thay ông. Cuộc chiến tại Iraq làm ông bị nhiều người Mỹ không ưa. Cứ một trăm người chỉ còn khoảng ba chục người ủng hộ ông. Ông chán quá, bèn làm như các tiền nhiệm của ông là đi ra nước ngoài, may ra còn được nghe vài ba lời tử tế.

Bụt chùa nhà không thiêng. Nên ông đi một vòng mấy nước ở Mỹ châu La Tinh. Ông cũng lựa những nước tương đối còn tử tế với nước Mỹ để đi, tránh xa Venezuela của ông Chavez, một thứ đá cá lăn dưa cực kỳ mất dậy từng bất chấp mọi nghi thức ngoại giao tối thiểu lên diễn đàn Liên Hiệp Quốc gọi ông là ác quỉ, hay Nicaragua của anh Mác xít cuối mùa Daniel Ortega vẫn còn căm thù nước Mỹ vì phong trào Sandino của chàng bị quân Contra của Mỹ đánh cho tan tác hồi thập niên 80 vân vân.

Mặc dầu vậy, chuyến đi của ông cũng không thành công bao nhiêu, chẳng phải vì ông là một chính trị gia tồi tệ hay chính sách về Iraq cuả ông đụng chạm tới các xứ này.

Sự đón tiếp họ dành cho ông không được đẹp lắm.

Nhưng nhờ chuyến đi Nam Mỹ của ông mà người ta biết được thêm một số chuyện về nước Mỹ mà từ lâu nay nhiều người không biết.

Nhờ có chuyến đi Mexico và mấy nước gần đó như Colombia, Guatemala người ta mới biết nước Mỹ là một quốc gia Phật giáo, và người dân Mỹ, ai cũng là bồ tát cả. Bồ tát là những bậc tu hành chỉ thấp hơn đức Phật một chút.

Ðó là điều mà mấy nước Nam Mỹ ông đi qua đã nghĩ về nước Mỹ.

Trước khi ông ghé thăm Mexico mấy ngày thì chính phủ Mexico của tổng thống Felipe Calderon đã cho áp dụng những biện pháp rất cứng rắn tại khu vực biên giới phía nam của Mexico. Lệnh của chính phủ Mexico là nghiêm phạt những người vượt biên giới từ các nước ở phía nam vào Mexico. Những ai bị bắt đều bị giam, bị phạt nặng và tống xuất về nước của họ, bất kể đó là người El Salvador, Nicaragua, Honduras, Colombia hay Guatemala. Những luật lệ nghiêm ngặt đó đã có từ lâu, và cảnh sát cũng như lực lượng biên phòng của Mễ không hề nương tay chút nào. Chính phủ Mễ phải quyết liệt như vậy để bảo vệ công ăn việc làm của các công dân Mễ. Những người nhập cảnh lậu vào lãnh thổ Mễ đe doạ các công dân Mễ nên chính phủ phải rất quyết liệt.

Khi ông Bush tới Mexico vào cuối chuyến công du, tổng thống Mexico Felipe Calderon khi đón ông Bush, đã nói thẳng với tổng thống Mỹ điều mà ông đã nói lâu nay, từ khi tranh cử tổng thống năm ngoái rằng ông quyết liệt chống lại việc nước Mỹ xây bức tường dài 700 dặm dọc theo biên giới hai nước. Ông Calderon ví bức tường mà ông Bush cho xây lên dọc biên giới là bức tường Bá Linh. Ông nói sẽ không để cho Hoa kỳ làm việc đó. Ngoại trưởng Mexico cũng có lần nói rằng sẽ làm tất cả những gì làm được để không cho nước Mỹ xây bức tường đó.

Như thế có phải chính phủ Mễ coi nước Mỹ là một nước Phật giáo, và người Mỹ toàn là các bậc bồ tát không nào.

Nước Mỹ có là nước theo Phật giáo thì lãnh thổ Mỹ mới là đất chùa, ai muốn ra, muốn vào, muốn lén ở lại, muốn ăn oen phe, muốn được săn sóc y tế miễn phí cũng được chứ.

Thì đã bảo là chùa mà. Ðâu cũng chùa thì nước Mỹ không phải là nước Phật giáo thì là gì nữa.

Tổng thống Calderon nói với tổng thống Bush rằng nước Mỹ vẫn chưa làm đầy đủ để giúp giải quyết tình trạng túng thiếu, nghèo khó của Mexico. Ông Felipe Calderon muốn Hoa kỳ phải có những biện pháp cải tổ các bộ luật di trú để cho người dân Mexico sang làm việc ở Mỹ, dẹp bỏ những hạn chế về di dân và chấm dứt những biện pháp gây khó khăn cho người di dân Mexico, tạo thêm cơ hội cho những người này.

Những đòi hỏi của ông làm người ta nghĩ ngay đến hai câu tục ngữ này:

Con không chê cha mẹ khó
Chó không chê chủ nhà nghèo

Con cái thì nhà cha mẹ có túng thiếu đến đâu thì cũng phải ở nhà với cha mẹ để tìm cách giúp cho gia đình thoát khỏi cơn túng thiếu chứ. Con cái gì mà thấy nhà bên cạnh khá giả là chạy tót sang đòi được làm con nuôi của Angelina Jolie, quay lưng lại với cha mẹ.

Con chó nuôi trong nhà cũng không làm như thế cho dù chó hàng xóm được ăn thịt bò lúc lắc (?).

Tại sao ông Calderon không làm mọi cách để phát triển đất nước, để người dân ở lại sống chết với quê hương, khỏi phải chạy sang Mỹ trốn chui trốn nhủi làm những việc chẳng vẻ vang dân tộc, rạng rỡ giống nòi gì cho bọn Gringo, tức là bọn Mỹ mà người dân Mễ vẫn gọi một cách khinh bỉ.

Ông chủ trương biên giới bỏ ngỏ, nhưng chỉ biên giới Mễ và Hoa kỳ trong khi biên giới phía nam của Mexico thì các ông giữ như cái mộ thân mẫu của các ông, ai vượt qua, các ông bắt nhốt lập tức.

Như vậy mà không phải là của người bồ tát, của mình lạt buộc hay sao?

Có cái thứ hàng xóm như thế thì khổ biết là chừng nào.

Nói chuyện này ra thế nào cũng có người bực mình nói rằng mắc mớ gì mà bất thân thiện với những người Mễ như thế. Xin thưa rằng không ai chống di dân cả. Nhưng tiền thuế tôi đóng phải chi cho những nguời coi thường luật pháp Mỹ thì tôi không thích, thế thôi.

24-8-2007


HUỲNH MAI

Bản tin với những chi tiết về cái chết của người phụ nữ trẻ tuổi đã làm hỏng nguyên một ngày của tôi.

Tôi không quen biết người con gái hai mươi tuổi sinh tại Kiên Giang ấy nên nếu không có bản tin về cái chết của cô, thì chắc tôi không bao giờ biết được tên cô mà nhắc ở đây.

Phải một chuyện rất não lòng như thế tôi mới biết tên cô thì đau quá.

Cô qua đời, ở một nơi ngoài Việt Nam. Cô sẽ được đưa về Việt Nam, trở lại với ruộng đồng, cây cỏ, sông lạch mà cô đã từ giã rồi không ngờ lại vĩnh biệt tất cả, mãi mãi.

Huỳnh Mai chết rất tội nghiệp. Nhưng tội nghiệp hơn là những người còn sống. Cha cô, mẹ cô, anh, chị hay em của cô. Nghĩ tới cái chết oan khuất của cô, người dưng nước lã cũng mủi lòng, cũng phải đau đớn cho cô.

Bề gì thì Thúy Kiều, người con gái làm một việc gần giống như cô, sau mười lăm năm luân lạc, cũng còn về được nhà, đoàn tụ với cha mẹ, em trai em gái và người tình đầu tiên.

Huỳnh Mai thì không.

Huỳnh Mai, theo một chi tiết của bản tin về cô, cô nhận đi Nam Hàn lấy chồng và được trả 400 đô la.

Kiều được trả nhiều hơn:

Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm

Bốn trăm lượng vàng. Giá của Kiều. Cha mẹ Huỳnh Mai được chia 200 đô la. Nửa kia, 200 đô la, người trung gian giữ.

Kiều được bốn trăm lượng vàng. Huỳnh Mai được trả có 400 đô la, lại còn bị lấy đi một nửa.

Huỳnh Mai mới hai mươi tuổi.

Làm sao mà sao lại có thể có người khổ như thế. Mới hai mươi đã phải bán mình đi giúp nhà. Bọn trung gian dối gạt cha mẹ cô và cô, hứa hẹn toàn những thứ tốt đẹp nên cha mẹ cô mới để cho cô đi, hy vọng con gái sẽ có được đời sống khá hơn qua những hình ảnh về nước Ðại Hàn mà bọn môi giới nhất định đã cho gia đình cô xem để thuyết phục mọi người. Kiều bị đưa đến một động điếm. Huỳnh Mai được hứa đi Ðại Hàn làm vợ một người hơn cô khá nhiều tuổi.

Ai cũng tưởng Huỳnh Mai khá hơn Kiều.

Vì hoàn cảnh gia đình, Huỳnh Mai lên đường. Cảnh lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm chắc đã lại thấy trong một căn nhà nào đó ở Kiên Giang.

Nhưng ngay từ khi tới Ðại Hàn, Huỳnh Mai đã phải đụng mặt với những sự thật ghê khiếp. Người đàn ông cưới cô, hay đúng hơn là mua cô về không hề là người chồng mà cô tưởng tượng. Người đàn ông này thất nghiệp, đời sống cơ cực cũng chẳng hơn gì gia đình cô ở Kiên Giang. Ông ta lập tức biến cô thành một thứ nô lệ để phục vụ cho những đòi hỏi của ông ta. Trái ý ông ta là Huỳnh Mai bị đánh đập thẳng tay. Cô muốn ra ngoài phố cũng không được. Cô muốn học để nói tiếng Ðại Hàn cũng không được. Cô muốn đi làm cũng không được. Cô buồn quá, muốn về nước thăm nhà, thì bị đánh tới chết.

Cô bị gẫy 18 khúc xương sườn vì bị một cái xác to lớn nhẩy lên đạp vào thân xác bé bỏng của cô.

Thịt da ai cũng là người
Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau

Tú bà đánh đập Kiều nhưng vẫn tính chuyện còn dùng được Kiều cho động điếm của mụ.

Người đàn ông Ðại Hàn kia thì không. Ông ta đánh Huỳnh Mai đến chết. Lại còn nhẩy lên đạp cho gẫy 18 khúc xương sườn của Huỳnh Mai rồi bỏ trốn.

Nghe tin về cô Mai, tôi không thù ghét những người Ðại Hàn. Nước nào cũng có người xấu, người tốt. Không phải tất cả các phụ nữ lấy chồng Ðại Hàn đều gặp cảnh như Huỳnh Mai.

Tôi chỉ thắc mắc các nhân viên ngoại giao của Việt Nam ở Hán Thành đã làm những gì sau khi có tin về cái chết của cô Huỳnh Mai.

Tin về cái chết của cô là do một đài truyền hình Ðại Hàn loan báo. Sứ quán, sau khi có tin về cô Huỳnh Mai, một công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam bị đánh đến chết, đã không làm bất cứ gì ngoài việc tuyên bố là không biết gì về cái chết của cô Huỳnh Mai.

Cho đến hôm nay, tin vẫn không cho biết thêm là sứ quán đã làm gì.

Ít ra thì cũng phải liên lạc với cảnh sát, yêu cầu điều tra về cái chết của cô và đòi chính phủ Hán Thành phải trừng phạt kẻ sát nhân.

Nhưng đòi hỏi như vậy có thể là quá đáng, quá sức của sứ quán chăng.

Những quảng cáo rao bán phụ nữ Việt Nam bằng những chi tiết thô tục, trắng trợn đầy nét nhục mạ phụ nữ Việt vẫn nhan nhản trên đường phố Hán Thành. Sứ quán không hề lên tiếng về những quảng cáo xúc phạm phụ nữ và dân tộc Việt đó. Phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục được đem bán sang Ðại Hàn, sang Trung quốc, sang Campuchea, sang Thái Lan, sang Singapore.

Hàng ngàn Huỳnh Mai khác vẫn tiếp tục được đem bán với sự đồng ý của nhà nước mặc dù Huỳnh Mai không phải là phụ nữ Việt Nam duy nhất gặp phải một căn phần bi thảm như thế.

Tại sao nhà nước không có những luật lệ để kiểm soát và ngăn chặn những vụ buôn bán người đó. Và tại sao nhà nước cũng không cảnh báo người dân trong nước để những Huỳnh Mai khác biết mà đề phòng?

Tại sao chưa truy nã trừng phạt những bọn môi giới khốn nạn đã bán Huỳnh Mai bằng giá quá rẻ để làm gương cho những bọn táng tận lương tâm khác?

Và tệ hại hơn nữa là tại sao đất nước sau mấy chục năm không còn chinh chiến nữa mà vẫn tiếp tục thảm thương như vậy để đến nỗi dân chúng vẫn phải liều mạng bỏ nước ra đi với bất cứ giá nào.

Như hai trăm đô la chẳng hạn.

HEAVEN CAN WAIT

Có một cuốn phim chiếu đã lâu tôi định đi xem, rồi lại thôi khi nghe loáng thoáng phim kể về một cầu thủ bóng bầu dục gì đó, môn thể thao mà tôi không biết một chút gì, cũng chưa ngồi xem hết một trận bóng nào và cũng không định tìm hiểu cho bết về môn thể thao đó.

Tôi không xem phim Heaven Can Wait nhưng lại rất thích cái tựa của nó. Không biết cái tựa Heaven Can Wait định nói lên điều gì và liên hệ như thế nào với người cầu thủ quarterback đó. Tôi chỉ thích cái tựa của nó: Heaven Can Wait: thiên đường có thể đợi.

Thiên đường là nơi ai trong chúng ta chẳng muốn sau này đi thẳng lên ngay. Ấy thế mà thiên đường cũng có thể đợi được thì hay biết chừng nào. Chuyện cần thiết và cấp bách như lên thiên đường, kiếm một chỗ để ở lại quan trọng như thế mà còn đợi được thì tất cả mọi chuyện khác đều có thể đợi được. Không việc gì mà cứ phải nhắng lên. Ðâu vẫn còn có đó.

Thỉnh thoảng tôi lại lôi cái tựa cuốn phim đó ra để bào chữa cho vài ba chuyện chậm trễ của mình. Heaven Can Wait. Thiên đường mà còn đợi đó được, huống chi là những chuyện tẹp nhẹp khác.

Hay nói theo kiểu một người bạn của tôi thì có chậm một chút, có phải đợi thêm một chút cũng có chết ông Tây bà đầm nào đâu.

Và vì không sợ sự từ giã cuộc đời của bất cứ một ông tây hay bà đầm nào, nên nhiều lần tôi cũng cho một số chuyện phải đợi.

Tôi mua dài hạn mấy tờ báo cùng một lúc nên hễ tờ này hết hạn thì những tờ khác cũng hết hạn theo. Cuối tuần này những tờ báo đó hết hạn cùng một lúc và nếu còn muốn tiếp tục đọc US News and World Report, Time, Newsweek, National Geographic, Vanity Fair và luôn cả tờ Playboy, thì tôi phải gửi chi phiếu gia hạn.

Mỗi lần mua chỉ thêm một năm thôi. Ở tuổi này, cứ mua từng năm một cho chắc ăn cái đã.

Sáng nay, vừa ký xong sáu tấm ngân phiếu để gia hạn mua báo, thì một bài viết trên một nhật báo Việt ngữ ở đây lại làm cho cái tựa phim ấy trở lại.

Bài báo viết về một cụ bà ở một thị trấn nhỏ ở Việt Nam, Bà Ba Bán Bắp, ngoài 80 tuổi đang phải nuôi năm đứa cháu ngoại, không có cha, mẹ lại mới chết. Năm anh em chúng, đứa lớn 18 tuổi, đứa nhỏ hơn mười tuổi vất vả lắm mới kiếm được bữa ăn. Nhưng tất cả đều cố gắng đi học. Mấy hôm nay, việc kiếm sống gặp khó khăn hơn, cả bọn ngồi ăn cơm với một tô canh toàn quốc.

Không biết cái tên ấy nghĩa lý ra làm sao nhưng chắc không thể là một tô canh tử tế cho năm cái cơ thể đang sức lớn và một cụ bà trên 80 tuổi.

Tôi nghĩ đến số tiền mua báo của sáu tấm ngân phiếu vừa ký.

Thôi, Heaven Can Wait, thiên đường còn chờ được huống chi mấy tờ báo vớ vẩn đó.

Có trả chậm, có gửi chậm một tuần thì những tờ báo này vẫn còn có thể chờ được. Cùng lắm là tòa báo tống thêm mấy cái thư nhắc người độc giả này rằng sao chưa trả tiền báo là cùng chứ gì.

Nhưng năm đứa trẻ ở sông Hậu này thì không chờ được. Chúng sắp đi học trở lại, chúng cần bữa ăn vào ngày mai. Chúng cần cái bút, tập giấy. Mẹ chúng chết, gia đình nợ mười bốn triệu trả tiền nhà thương.

Vậy thì tiền báo chờ thêm một tuần cũng chẳng sao.

Bữa nhậu dự tính với vài người bạn cũng có thể đợi qua tuần khác. Cái máy CD trong xe hỏng định thay cái khác thì hãy cứ bắt nó chờ đã.

Heaven Can Wait. Nhưng tình cảnh của năm đứa trẻ Việt Nam ở sông Hậu thì không.

Hai tuần trước tôi đi một đám cưới ở San Jose, quầy rượu ở ngoài cửa phòng tiệc bán mỗi chai Heineken 6 đồng và hai người đàn ông đứng ở bar dễ ghét vô cùng. Con dao vừa chặt xuống với cái giá 6 đô la mỗi chai bia mang vào cho mấy người bạn thì hai cái mặt ấy lại có vẻ chờ tí tiền tip.

Hôm nay, sau khi đọc bài báo, nghĩ lại mấy chai Heineken đó, tôi lại càng giận mình tại sao tip tới 6 đồng cho hai người đàn ông ở bar rượu.

Chỉ vì nghĩ tới năm đứa bé. Tự nhiên thấy giá 6 đồng một chai Heineken là vô lý, chuyện tip 6 đồng bạc là thậm vô lý.

Với 6 đồng bạc ấy, mấy đứa bé cũng ăn được bữa sáng.

Nên tiền mua báo thì hãy cứ chờ đó, tuần tới gửi đi gia hạn cũng còn kịp chán.

Thay vào đó, tôi gửi người bạn có cách liên lạc về Việt Nam gửi cho mấy đứa bé một ít tiền, tương đương với hơn mấy chục chai Heineken trong bữa nhậu cuối tuần.

Tôi mong chúng không trách tôi là đã cho chúng nó quà bằng tiền uống bia của mình và mấy người bạn.

Không, không phải vậy. Các bạn nhậu của tôi sẽ rất vui vẻ khi bỏ bữa nhậu để giúp các cháu chút ít.

Mọi chuyện khác, kể cả thiên đường cũng đều đợi được. Mấy đứa bé tội nghiệp đó thì không.

25-5-2007


BIẾT ƠN NƯỚC MỸ

Vụ diễn viên Richard Gere bị một toà án ở Ấn độ ký trát bắt giữ và đe doạ sẽ đưa ra toà phạt nặng vì người đàn ông này dám ôm hôn một nữ diễn viên Ấn độ kể như đã đưọc giải quyết xong. Toà quyết định tạm không thi hành lệnh bắt giữ Richard Gere vào lúc này.

Nhưng đọc bản tin về Richard Gere và mới đây, và về một hai đại học Mỹ, sau khi bị các sinh viên Muslim áp lực, đã phải để cho các sinh viên Hồi giáo những chỗ riêng để đọc kinh, hay như sáng qua, pho tượng ở lối vào hải cảng Copenhagen bị choàng cho cái hijab đã khiến tôi nghĩ nhiều về nước Mỹ.

Nghĩ và cám ơn nước Mỹ. Không như vài ba ý kiến gọi vào một chương trình phát thanh cuối tuần qua để nói là không việc gì phải cám ơn, không việc gì phải tri ân nước Mỹ này hết.

Ở các nước khác, ai dám làm những việc như các sinh viên Muslim anh hùng (?), hay như người nào đó đem cái hijab choàng lên pho tượng nữ nhân ngư ở Ðan Mạch vì hình ảnh đó không hợp với Hồi giáo?

Một hai ý kiến cũng nói rằng các cộng đồng khác không tri ân, không cám ơn nước Mỹ thì mắc mớ gì cộng đồng Việt Nam phải cám ơn nước Mỹ.

Những cộng đồng khác có thể không cần cám ơn nước Mỹ, nhưng tôi nghĩ tôi phải cám ơn nước Mỹ rất nhiều.

Ðã có đôi lúc tưởng tượng không ở nước Mỹ chắc tôi sẽ nhớ nó vô cùng. Tôi sống quá nửa đời người ở nước Mỹ. Nếu phải bỏ nước Mỹ đi tới một nước khác, tôi sẽ nhớ ly cà phê nhạt thếch ở 7-Eleven, mùi khoai tây chiên, nhớ người không quen biết gì giữ cho tôi cái cửa để khỏi đập vào mặt tôi, hay hai người Mỹ sống bên cạnh nhà sáng nào cũng giơ tay chào hỏi vài ba câu. Ðó là những thứ rất tầm thường ở nước Mỹ mà tôi sẽ nhớ, sẽ biết ơn vì sẽ không tìm đâu thấy những thứ ấy.

Tôi rất biết ơn nước Mỹ, mặc dù một thính giả gọi vào đài phát thanh nói rằng ông phải đi làm mới có được đời sống hiện nay. Chuyện đi làm thì ai cũng phải đi làm. Nhưng nước Mỹ cũng cho mấy đứa con tôi cơ hội để đi học, và tìm được những công việc tử tế mà nhiều bạn bè tôi nói là khó có được ở Âu châu, chứ chưa nói đến các nước khác. Tôi nghĩ nhiều người Việt ở nước Mỹ cũng đồng ý như thế. Biết ơn cái nước đã giang rộng tay đón lấy chúng ta trong lúc tối tăm và tuyệt vọng nhất. Nước Nhật, cùng da vàng máu đỏ với chúng ta đã nhận bao nhiêu người Việt nam tị nạn?

Mà cũng đừng nói nước Mỹ chỉ mở cửa cho bọn đĩ điếm vào như một ý kiến nọ.

Dẫu cho điều đó có đúng đi chăng nữa thì có phải những người không làm những công việc cao quí là không xứng đáng được cứu thoát hay chăng? Nhưng nếu quả thật người Mỹ đã đón những phụ nữ không may mắn cuả Việt Nam thì việc đó chẳng phải là một việc làm đáng ca ngợi hay sao?

Nước Mỹ có kỳ thị, và vẫn còn kỳ thị. Nhưng ít ra, họ cũng nhìn nhận bằng cấp của lũ con chúng ta. Bao nhiêu nước làm được như nước Mỹ?

Trong khi chính chúng ta kỳ thị còn hơn nước Mỹ này rất nhiều, và chúng ta cũng chẳng bao giờ thèm che dấu điều ấy.

Tưởng tượng chúng ta đối xử với một người Thái, hay Lào, hay Miên tị nạn đến sống tại Việt Nam xem chúng ta có đối xử được như cách người Mỹ đã đối với chúng ta hay không?

Thử sang Phi châu coi họ đối xử với người nước ngoài như thế nào.

Uganda, Sierra Leone và mấy nước Phi châu khác vừa độc lập là đuổi ngay những giống dân khác như Ấn độ, Pakistan ra khỏi nước của họ. Người da trắng đang phải bỏ Zimbabwe và Nam Phi vì những lối đối xử tương tự của các quốc gia Phi châu này.

Tôi nghĩ những ý kiến phản đối việc biết ơn nước Mỹ chắc đã không hiện ra trong đầu của những người này khi họ đến lập hồ sơ xin đi Mỹ vì lý do này hay lý do khác. Chắc những người như vậy không nói thẳng vào mặt các nhân viên di trú và các nhà ngoại giao Mỹ khi đến xin cấp chiếu khán đi Mỹ những ý kiến tôi vừa được nghe trên làn sóng điện.

Tôi có thể tin chắc rằng những người như ông thính giả nọ đã không nói với các đại diện ở nước Mỹ rằng "Này các ông, tôi đi Mỹ là các ông mời tôi, năn nỉ tôi mãi tôi mới chịu đi đấy chứ để nguyên thì tôi không thèm đi tới cái nước của các ông đâu. Tôi sang Mỹ, thì cũng phải đi làm mới có tiền sống chứ các ông tử tế gì với chúng tôi. Nhà tôi có là do mồ hôi nước mắt của tôi, cái xe cũng thế. Mấy đứa con thì học mửa mật ra mới có cái bằng để mà đi làm chứ có ai gọi chúng lại cho chúng cái bằng mà đi làm đâu. Không có cám ơn, tri ân gì hết. Ðây là cái thông hành, đóng cho cái dấu vào coi.

Ơn nghĩa cái gì nước Mỹ nhà các ông.

Tôi đâu có phải như cái thứ lênh đênh trên biển vài ba tuần, bị hết tầu nọ đến tầu kia trông thấy lắc đầu bỏ đi, hay như những người ăn chờ ở chực trong các trại tị nạn bị hết nước này đến nước kia không cho đi định cư rồi cuối cùng nước Mỹ các ông cho vào mà phải cám ơn, phải tri ân. Mà những người ấy thì ăn oen phe vài tháng, là phải đi làm ngay chứ nước Mỹ các ông có nuôi họ luôn đâu.

Nói các ông nghe rõ rồi đóng cho cái chiếu khán vào sổ thông hành cuả tôi đi. Chần chờ cái gì nữa hở..."

Không, chắc không bao giờ có cảnh kỳ quái như thế.

Dẫu cho trí tưởng tượng của chúng ta có phong phú bao nhiêu đi chăng nữa.

YÊU VÀ GHÉT

Ai có gọi tôi là cực đoan thì tôi xin chịu. Tôi biết tôi bị cái bệnh không chữa được mà hai câu ca dao này nói rất đúng:

Yêu ai yêu cả đường đi
Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng

Ðã ghét thì mặt đất có cái vết chân của người không ưa cũng ghét.

Ghét như đào đất đổ đi là như vậy.

Ðó là dưới đất. Trên trời thì đội trời chung là không được.

Bất cộng đái thiên, không đội trời chung có thể hiểu theo hai cách. Cách mà chúng ta thường hiểu là hai người có những mối thù ghê gớm lắm dến độ phải giải quyết bằng cách một trong hai phải chết, phải ra đi như trong các truyện kiếm hiệp. Nhưng câu này cũng có thể hiểu được là hai bên không ưa nhau, nên đội chung một bầu trời, thở chung một thứ không khí, đạp chung một mặt đất là khó chịu, là không vui, là bực bội nhất định phải bỏ đi một nơi khác.

Hiểu theo cách thứ hai không quá sắt máu, không đòi phải giết phía bên kia. Nhưng ở gần, ở chung một bầu trời, một lãnh thổ, là chịu không được.

Alec Baldwin, một diễn viên điện ảnh Hollywood là người không ưa ông Bush. Trong lần ông Bush tranh cử nhiệm kỳ 2, Alec Baldwin có nói rằng nếu ông Bush tái đắc cử, người diễn viên này sẽ dọn đi nước khác để sống, chừng nào ông Bush không còn ở trong tòa Bạch Ốc nữa, Alec mới về.

Nhưng Alec vẫn không đi đâu cả, Alec vẫn đội trời chung với người mà chàng ghét.

Tuy thế, bề gì nước Mỹ cũng vẫn là đất nước của Alec. Có bực bội ông Bush rồi nói như vậy cũng chẳng sao. Nếu có không lánh đi một nơi khác như đã nói mà tiếp tục ở lại Mỹ thì cũng chẳng hề chi.

Một số người khác cũng ghét ông Bush, ghét cả nước Mỹ như Rosie O’Donnell hay Michael Moore thì vẫn ở lại Mỹ. Cả hai nhìn đâu cũng thấy những xấu xa của nước Mỹ. Ðến độ gần như đồng ý với loạt khủng bố 911. Nhưng họ là người Mỹ, họ ghét nước Mỹ. Tuy thế nước Mỹ là đất nước của họ. Họ có quyền ở lại. Tôi không có quyền chỉ trích họ về việc họ ghét nước Mỹ.

Tôi chỉ không hiểu thái độ của một số người mà một cuộc thăm dò mới đây cho thấy.

Những người này không như trường hợp của Rosie O’Donnell hay Michael Moore, hay Alec Baldwin, những người ra đời ở nước Mỹ, xứ sở của cha ông họ đã vài ba đời. Không ưa, thì nước Mỹ vẫn là quốc gia của họ. Họ không thể đi nơi khác được.

Nhưng có những người đến sống tại nước Mỹ, rồi quay ra ghét cay ghét đắng quốc gia này mới lạ.

Họ ghét tất cả mọi thứ, từ tôn giáo của nước Mỹ, ghét qua tiếng Mỹ, ghét cả người Mỹ.

Nhưng họ lại đòi hỏi đủ mọi thứ ở nước Mỹ. Ðòi trường đại học phải dành cho chỗ riêng để họ quì đọc kinh mỗi ngày 5 lần. Không cho thì kiện. Ðòi được che mặt chụp hình lấy bằng lái xe. Ðòi được đội khăn trùm đầu để đi học. Không được thì hét nhắng lên là bị kỳ thị.

Một số mua võ khí, đi Afghanistan, Pakistan học khủng bố, âm mưu phá chỗ này, tấn công chỗ kia.

Có thể tôi suy nghĩ giản dị hơn. Ðó là nếu đã ghét nước Mỹ, xã hội và con người Mỹ như thế thì tại sao không trở về những nơi cho đọc kinh mỗi ngày 5 lần, trùm khăn kín mít để khỏi khổ sở như đang sống ở cái vùng đất của bọn ngoại đạo, bọn infidel này?

Tôi thì không bao giờ trở lại cái đất có công an bịt miệng linh mục, hay không ưa ai thì bắt giam người ấy, đem phụ nữ bán ra nước ngoài, đẩy người dân đi làm tôi mọi cho các nước.

Nhưng những người ghét Mỹ thậm tệ mà tôi vừa nhắc tới ở trên thì nếu muốn, họ có thể về nước của họ để sống cho tha hồ thoải mái.

Tiếp tục sống ở cái nước mà mình thù ghét, đi làm, đóng thuế để cái chính phủ này dùng tiền thuế mình đóng mua súng đạn giết anh em của mình thì coi sao tiện?

Về nước, khóa các giếng dầu lại, không chơi với bọn ngoại đạo, ra sa mạc dựng lều da dê lên sống, thỉnh thoảng mời nhau cụng ly dầu hỏa uống chơi cho lịch sự.

Tưởng tượng một người sang nhà hàng xóm, thấy chủ nhà vặn máy lạnh, lạnh quá liền đòi chủ nhà phải tắt máy lạnh đi cho mình khỏi lạnh thì còn việc nào vô lý bằng? Không thích lạnh thì về nhà mở máy nóng, can cớ chi sang nhà người ta rồi bắt người ta ngưng chạy máy lạnh cho mình khỏi bị lạnh?

Nhưng đó lại là những điều vô lý mà nước Mỹ đang phải gánh chịu mà phần nào được nhìn thấy qua kết quả của một cuộc thăm dò những người Hồi giáo đang sống tại Hoa kỳ.

Ða số cho thấy một thái độ rất không ưa nước Mỹ. Không ưa đến độ tin là vụ 911 là do chính Hoa kỳ tạo ra, hay đến độ không tin là những người cướp máy bay lao xuống Trung Tâm Mậu Dịch Thế giới là người Ả Rập, và tin chắc nước Mỹ là nguồn gốc của tất cả mọi tội ác xấu xa nhất của thế giới.

Tội nghiệp, tại sao phải tiếp tục sống ở cái xứ đáng ghét như vậy.

VỤ NỔ SÚNG TẠI VIRGINIA TECH

Trưa thứ Hai, khi nghe tin về vụ nổ súng tại trường Virginia Tech, một đại học ở miền đông Hoa kỳ, thì những phản ứng rất giống nhau đã được thấy ở mấy người bạn cuả tôi ở đây.

Ðầu tiên, khi danh tính của hung thủ chưa được rõ lắm, các bản tin của truyền thanh và truyền hình đều chỉ nói rằng thủ phạm là một thanh niên Á châu.

Và ngay lập tức, tôi mong đây không phải là một người Việt. Người bạn làm trong chương trình Hoa ngữ thì nói một câu tương tự, hy vọng đó không phải là một người Hoa.

Tại sao vậy?

Thì ra chúng tôi đều ngại nếu là một người Việt, thì cả cộng đồng Việt Nam có thể bị nhìn bằng những con mắt không thân thiện. Và nếu là người Hoa, thì những người Hoa khác lại lo cho hình ảnh của người Hoa đã không mấy tốt đẹp sẽ lại càng xấu thêm đi nữa.

Sẽ có những người Mỹ bực mình nói là tại sao lại để cho những thành phần gây rối như thế vào Mỹ để gây thảm kịch cho nước Mỹ. Rồi dăm ba vụ bạo động sẽ xẩy ra. Như những người Pakistan ở phía bắc Luân Ðôn đã phải gánh chịu sau vụ đánh bom tại trạm xe điện ngầm cách đây hai năm.

Hay như những người gốc Trung Ðông đã gặp sau loạt khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Nhẹ thì vài cục đá ném vào nhà, nặng là mấy chai bom xăng quăng vào các cửa tiệm.

Không nhiều, nhưng có, đã có. Chừng nào chúng ta còn tình cảm, còn để cho tình cảm lôi kéo đi thì những chuyện như thế cũng là dễ hiểu.

Ấy là ngày nay, nước Mỹ đã đổi thay rất nhiều. Ngay sau trận Trân Châu Càng, tất cả người Mỹ gốc Nhật sinh sống tại miền tây Hoa kỳ lập tức bị đưa đến những trại tập trung và bị giữ ở trong các trại này cho đến khi đệ nhị thế chiến kết thúc.

Sau khi xẩy ra loạt khủng bố 11 tháng 9, những người bề ngoài, mặt mũi, cách ăn mặc trông có nét Ả Rập, Trung Ðông, Hồi giáo liền bị nhìn bằng con mắt khác. Ði máy bay thì bị xét lâu hơn. Ðiệu bộ có vẻ khả nghi hơn. Bị nhìn bằng những con mắt thiếu thiện cảm hơn.

Trong những chuyến đi ra ngoài nước Mỹ, những khuôn mặt Ðông Á châu không bị nhìn bằng thái độ nghi ngờ. Việc xét thẻ thông hành cũng có nhanh hơn là khi xét những thông hành Trung Ðông, hay khi cách ăn mặc có vẻ Ả Rập Hồi giáo một chút.

Ðến lúc trưa, thì các bản tin nói rằng hung thủ là một người Trung Hoa.

Nhưng sang ngày hôm sau, thì hung thủ đã có tên, và đã có được mấy bức ảnh. Ðọc cái tên thì thấy không thể là người Việt được.

Và lúc ấy là lúc cộng đồng Hàn quốc lo ngại.

Những tờ báo và các đài phát thanh, truyền hình tiếng Triều Tiên ở đây bắt đầu cho thấy có một không khí hốt hoảng khi chi tiết về hung thủ Cho Seung-Hui đuợc công bố. Một số sinh viên gốc Triều Tiên tại đại học Virginia Tech cũng nói lên điều đó.

Nhưng có thể sẽ không xẩy ra những chuyện đáng tiếc cho cộng đồng Triều Tiên ở Mỹ. Chuyện kỳ thị bị cấm từ lâu. Và những hành động được gọi chung là những tội ác phát sinh từ thù hận đều bị nghiêm trị.

Nhưng đó là về khía cạnh pháp lý.

Về các khía cạnh khác, người ta cũng không tin là sẽ có những phản ứng không tốt nhắm vào những người gốc Triều Tiên sau vụ này.

Chính phủ Nam Triều Tiên đã làm một công việc rất đúng. Ðó là tổng thống Nam Tiều Tiên gửi lời phân ưu ngay tới các gia đình nạn nhân.

Việc làm đó không phải là một lời nhận tội, mà là một hành động từ chuyện con dại, cái mang. Ở Hán Thành cũng có những buổi canh thức, cầu siêu, chia buồn, để tang các nạn nhân. Các cộng đồng Mỹ gốc Triều Tiên ở Mỹ cũng tổ chức thắp nến tưởng niệm các nạn nhân. Một biểu ngữ ở HánThành viết một câu nguyên văn "Chúng tôi xin lỗi, chúng tôi xấu hổ về việc làm của Cho Seung-Hui."

Dĩ nhiên cũng vẫn sẽ còn những người bực bội, bất mãn và phẫn nộ về việc 32 người, toàn những thành phần ưu tú của nước Mỹ bị bắn chết một cách vô lý và tàn bạo.

Nhưng sự kiện Cho Seung-Hui rõ ràng là một trường hợp tâm bệnh, và hành động của người thanh niên này không hề có bất cứ một động cơ chính trị hay sắc tộc nào cùng với thái độ rất nhanh chóng bầy tỏ buồn đau và quan tâm của chính phủ Nam Triều Tiên cũng sẽ giúp để làm giảm đi những hành động đáng tiếc.

Mấy năm trước, một người Việt sống ở quận Cam cũng mang súng vào một bệnh viện, bắn chết mấy nhân viên làm việc trong đó. Người này bị mang xử ở tòa, bị phạt nặng.

Nhưng nay, không ai còn nhớ đến chuyện của người này nữa. Cũng không có bất cứ một hành động trả thù nào được ghi nhận.

Con số 32 người bị giết có lớn thật, Nhưng nước Mỹ cũng đã đổi khác rất nhiều. Mấy chục năm trước, hồi thập niên 1920, chỉ cần ngó một phụ nữ da trắng như một thanh niên 15 tuổi ở Missouri cũng đủ để bị đem đi treo cổ.

Bây giờ, nước Mỹ đã rất khác.

CŨNG LẠI MỘT CHUYỆN LÀM PHIỀN KHÁC

Nguyễn Hữu Ðang là một người từng có rất nhiều công với Việt Minh. Nhưng vì dính líu trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm nên vào cuối cuộc đời, ông sống rất tội.

Ông tự đào một cái hố và định là khi nghĩ là sắp chết, ông sẽ tự lết ra, nằm xuống cái hố đó để khỏi làm phiền những người khác. Cũng có thể là ông biết không có ai lo cho ông nên ông tự lo lấy. Nhưng rõ ràng là ông không muốn làm phiền ai về chuyện ra đi của ông.

Nhưng cũng có người thì lại muốn sự ra đi của mình sẽ tạo ra một số phiền nhiễu cho người khác.

Cách đây mấy năm, có một người đàn ông leo lên thành cây cầu Wilson bắc ngang sông Potomac ở Virgina và hăm là sẽ nhẩy xuống sông. Ông cẩn thận gọi cảnh sát đến để xem ông làm chuyện ấy. Cảnh sát tới nơi, chặn xe cộ lại để tìm cách cứu ông, không cho ông nhẩy xuống sông. Xe cộ trên cầu, cả hai chiều, đều bị chặn lại. Cảnh kẹt xe khủng kiếp kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ từ Virginia sang tận Maryland. Xe cộ nối đuôi nhau cả chục dặm đúng vào giờ tan sở. Bao nhiêu người không chạy tới mà cũng không đi lui được. Những người phải về đón con cái, lo cho gia đình đều phải ngồi trong xe chờ cảnh sát giải quyết vụ người đàn ông nọ hăm nhẩy xuống sông.

Người đàn ông này có thể có lý do riêng để muốn kết thúc đời sống của ông. Nhưng ông đem chuyện riêng ấy ra làm phiền cả chục ngàn người trong buổi chiều hôm đó.

Trong số những chi tiết đọc được trên báo, là mấy người lái xe bị chặn ở gần nơi người đàn ông này đứng để doạ nhẩy xuống sông. Trong lúc cảnh sát tìm cách khuyên lơn ông, dỗ dành ông để ông bỏ ý tưởng trầm mình mà ông vẫn chưa chịu, thì những người lái xe này, nói rất lớn, để vừa cho người đàn ông nghe thấy: Jump! Jump! Please jump!

Nhẩy đi! Nhẩy đi, làm ơn nhẩy xuống sông đi.

Thế là trong khi cảnh sát dỗ dành khuyên đừng nhẩy, thì mấy người đàn ông xúi ông ta nhẩy xuống sông.

Cuối cùng thì người đàn ông đó không nhẩy xuống sông, để cho cảnh sát chở đi, có thể tới một bệnh viện để khám và lượng định trình trạng tâm lý.

Một số người đọc bản tin có vẻ không đồng ý với những lời hô hào, xúi giục người đàn ông trên cầu nhẩy xuống sông, nói rằng cảnh sát đã cứu được một đời sống, đời sống nào cũng quí giá.

Ðồng ý là đời sống nào cũng quí giá. Nhưng người đàn ông trên cầu đã muốn kết thúc nó thì tại sao không để cho ông ta làm điều ông ta muốn và không gây phiền nhiễu cho cả mấy chục ngàn người lái xe bị kẹt trên cầu.

Chuyện nhẩy từ trên cầu xuống nước tự trầm thì đã xẩy ra bao nhiêu lần, nhưng có bao nhiêu người muốn làm phiền người khác như người đàn ông nọ.

Từ trên cầu Kim Môn bắc ngang qua vịnh Cựu Kim Sơn đã có hơn một ngàn người làm công việc ấy. Không ai có thể cản được họ nếu họ muốn làm. Tất cả đều đã toại nguyện mà không làm phiền bất cứ ai như người đàn ông đứng trên cầu Wilson ở Virginia.

Người hăm nhẩy xuống sông Potomac quả là đã làm phiền quá nhiều người.

Ông Nguyễn Hũu Ðang không tự kết liễu đời ông, nhưng cũng không muốn làm phiền người khác.

Tuần trước, có một người cũng không muốn sống nữa. Ông đổ xăng vào người rồi vào một văn phòng của chính phủ tại Long Beach, châm lửa tự thiêu. Người ta đã cứu được ông. Ngọn lửa chắc không lớn lắm nên ông chỉ bị phỏng khoảng 20%.

Ông rõ ràng là muốn làm phiền người khác. Cảnh sát hiện chưa biết tại sao ông muốn tự thiêu. Ông có điều gì bực bội nhà chức trách Long Beach, cảnh sát không biết. Nhưng tại sao ông lại vào một công ốc để tự thiêu?

Ngọn lửa có thể gây hỏa hoạn, tòa nhà có thể cháy tiêu, có thể có những người khác bị thương vì ngọn lửa.

Chuyện ông không muốn sống thì chúng ta không thể làm gì được. Nhưng vào trong một văn phòng rồi tự châm lửa đốt thì không nên. Ông làm phiền rất nhiều người vì việc làm đó. Xe cứu hỏa phải chạy tới, xe cứu thương phải chở ông đi cấp cứu. Tòa nhà cũng có thể bị hư hại ít nhiều. Một số người không dính líu gì tới chuyện ông chán sống cũng bị phiền.

Nhưng cái họ của ông có thể còn gây ra những phiền nhiễu khác. Ở những nơi khác của nước Mỹ thì có thể không nhiều người biết, nhưng ở nam California, hơn ba chục năm có những cộng đồng người Việt ở đây, thì cái họ Nguyễn của ông, rất nhiều người biết là cái họ của rất nhiều người Việt nam.

Vừa mới xẩy ra vụ Cho Seung-Hui vác súng bắn 32 người ở Virginia, nước Mỹ còn đang xao động vì việc làm của một người Á châu, thì lại một người Á châu khác gây phiền nhiễu cho một số người ở Long Beach.

Lần này, không phải là họ Kim, Park hay Lee, mà là họ Nguyễn, cái họ mà đọc qua là biết ngay một cái họ Việt Nam.

Phiền và phải nói ra là vì thế. Chứ ông muốn làm gì với đời ông thì tôi không có ý kiến. Chỉ cần đừng làm phiền người khác là được.

27-7-2007


CẮT TÓC

Nếu không có những tiết lộ chung quanh ứng cử viên John Edwards của đảng Dân Chủ, thì nhiều người sẽ không có cách gì biết được là ở nước Mỹ có những nơi cắt tóc như thế. Cựu thượng nghị sĩ John Edwards cắt một cái là phải chi một khoản tiền tương đương với trợ cấp của chính phủ dành cho một phụ nữ có con nhỏ.

Bốn trăm đô la.

Ông là một luật sư thành công, đã thắng một vụ kiện rất lớn và tiền luật sư phí của ông mang về là trên một trăm triệu đô la.

Ông mới có thể trả nổi những lần cắt tóc như thế. Mỗi tháng, để giữ cái vẻ trẻ trung và đẹp trai ấy, ông phải cắt tóc hai lần. Mới đây, theo tiết lộ của chính người cắt tóc cho ông, phí tổn thực sự là trên một ngàn đồng vì người này phải đi máy bay tới tận nhà ông để cắt tóc.

Nói theo kiểu mấy bà già miền Nam thì tóc gì mà mắc quá vậy, bộ tóc vàng hay tóc bạc hay sao chớ...

Nhưng bà già miền Nam nói vẫn còn sai. Tóc bạc cắt đâu có tốn tiền nhiều như thế. Tóc bạc lại còn kèm thêm một ít tiêu để cố níu kéo tuổi xuân cũng chỉ mười đồng hay mười lăm đồng là nhiều.

Chuyện cắt tóc thì ai mà chẳng phải qua. Từ lần đầu tiên ở Hà Nội bị bố dẫn ra bắt ngồi vào cái ghế bên gốc cây treo một tấm gương, cái tông đơ cũ vừa cắt vừa dứt, cái thùng đồ nghề có dán bức vẽ mấy con gấu hình như của một hãng sản xuất kéo và tông đơ nào đó ở bên Pháp cho đến những tiệm hớt tóc ở quận Cam, tôi đã ngồi xuống để cắt tóc cả hơn một ngàn lần. Hơn ngàn lần qua tay của những ông phó húi, tiếng miền Bắc, và của những ông thầy hù, tiếng miền Nam...

Từ những năm 60, 70, phụ nữ cũng cắt tóc đàn ông. Ở Sài Gòn, tôi thường đến nhờ một cô gần nhà cắt tóc vì một lý do duy nhất là người phụ nữ này không nói chuyện chính trị với tôi.

Sau lần bị một ông thợ cắt tóc vừa cắt, vừa ca ngợi ông Hồ khiến tôi run người lên vì tức nhưng không dám làm gì, vì chàng đang cầm một cái kéo, tôi không bao giờ cắt tóc ở đó nữa để khỏi phải nghe chuyện chính trị của ông.

Cho đến năm mười lăm tuổi, tôi chỉ được để một kiểu tóc. Kiểu tóc đó có khi gọi là kiểu ca rê làm cho cái đầu vuông lại. Cũng gọi là kiểu móng lừa, như cái móng con lừa dựng ngược lên. Cũng có khi gọi là kiểu tiền văn minh, hậu sư cụ như lũ bạn tai ngược hồi ấy vẫn nói.

Cứ cắt sát chung quanh, để lại một chút trên đầu, tắm xong, không cần lau khô, tóc vẫn dựng ngược lên, hai cái khoáy rõ mồn một, tha hồ cho bạn chọc một khoáy sống lâu, hai khoáy chóng chết.

Những tiên đoán về hậu vận đó đến nay đều đã sai hết. Năm Giáp Thân đã trở lại đưọc một lần. Không thể nói hai khoáy chóng chết được.

Tuổi mười sáu, sau bức thư tình gửi đi, tuy bị ném lại một cách khinh bỉ, nhưng vẫn là lý do để chàng thanh niên thế hệ (?) đổi kiểu tóc.

Thế là lúc thì muốn thành Pat Boone, lúc thì lại muốn sao cho giống Elvis Presley, lúc lại muốn như tổng thống Kennedy, rồi lại Marlon Brando... Nhưng rốt cuộc thì chàng cũng hiểu là không thể giống người nào cả. Những sợi tóc dài ra cần được bắt nằm xuống. Vậy nên phải có lọ brilliantine đầu tiên. Ðược cái là ruồi không dám đến gần, vì nói theo lũ bạn thì vô phúc ruồi đậu phải, trượt chân sẽ té chết hết.

Như vậy là vừa cải thiện được diện mạo, vừa đóng góp vào nỗ lực diệt trừ ruồi muỗi.

Tại những tiệm hớt tóc, tôi lại còn được đọc những tờ báo bị ông bố ở nhà cấm đọc. Tôi đọc được những lời rao kỳ lạ như yêu mầu trắng, thích mầu tím, xấu đẹp tùy người đối diện trong những trang tìm bạn thư tín dính đầy phấn và những vụn tóc của thập phương rơi xuống. Cũng ở những tiệm hớt tóc ấy, tôi được làm quen với một thứ mùi kỳ lạ không biết là mùi gì, chỉ biết ai cũng gọi đó là mùi nước hoa thợ cạo. Nó rất kỳ lạ, ngửi qua là biết lập tức. Nó có một công dụng duy nhất là bắt người bị nó bám lên đầu, lên cổ áo phải về nhà tắm rửa ngay để dấu chuyện vừa đi hớt tóc về.

Năm học thi tú tài 2, một người bạn rủ tôi cạo trọc để khỏi kéo nhau đi bát phố, ở nhà học hành tử tế. Nhưng cạo xong thì lại ân hận ngay lập tức. Làm sao đi Vĩnh Lợi xem những phim mới của Eddie Constantine, của Brigitte Bardot, của Maria Schell, của Simonne Signoret... với cái dầu trọc vào lúc kiểu đầu trọc chưa thịnh hành như ngày nay? Thế là cái mũ nồi đội vào, và hai tháng sau, đã lại có đường ngôi trở lại. Không cần ở nhà với cái đầu trọc vẫn đỗ được tú tài khiến mấy ông chú thắc mắc tại sao chó lại ăn nhiều ruồi trong mỗi mùa thi như thế.

Mới đây, một tờ báo có viết một bài về một người cắt tóc đắt tiền như người vẫn cắt cho cựu thượng nghị sĩ Edwards. Tiền cắt một mái tóc do đôi tay của ông cũng là từ 4 đến 500 đô la. Nhuộm thì thêm 100 đô la. Tỉa là từ 1 đến 200 đô la.

Ông không nhận là barber, mà là hairstylist.

Nhưng trông tóc của thượng nghị sĩ John Edwards thì cũng không khác gì những mái tóc của các tiệm cắt tóc khác.

Không biết cắt mái tóc 400 đô la, tối về có dám nằm xuống để ngủ không, hay phải ngủ ngồi, hai tay ôm lấy đầu cho dáng điệu... suy tư nhiều hơn?

Ôi chao, tại sao phải chi nhiều như thế! Không nghe cụ Phan Khôi than thở hồi mấy chục năm trước ư?

Mối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra...

Có điều là ông Edwards chi tới 400 đô la đã chắc gì được người o bế mái tóc của ông hỏi ông mấy câu nghe rợn người rằng em thích cắt ông... em ưa cắt ông dài, cắt ngắn chán lắm.

Nghe hỏi câu đó thì bốn trăm đô la cũng thua. Nhất là lại bằng giọng miền Trung nước Mỹ (?).


28-9-2007


EM ÐÃ HOANG ÐƯỜNG TỪ CỔ ÐẠI

Năm mươi ba năm trước, một thiếu nữ 15 tuổi vừa từ giã tuổi thơ, vừa mới có những chiếc áo dài đầu tiên, mái tóc gợn một chút sóng như mặt nước Hồ Gươm những ngày thu, một chút son môi, và vừa mới bắt đầu làm người lớn chưa được bao lâu, đã phải làm một cuộc chia tay với rất nhiều nước mắt, bỏ lại Hà Nội, nơi cô ra đời và sống những năm thơ ấu, giã từ và vĩnh biệt người cha để đáp một chuyến máy bay đi Nam .

Cũng thời gian ấy, một người đàn ông trẻ, chưa tới tuổi ba mươi vừa hoàn tất những truyện ngắn đầu tay, ngồi xuống viết thêm một truyện ngắn khác để in vào tập truyện đánh dấu chuyến đi xa ấy. Truyện ngắn kể những băn khoăn, những suy nghĩ quẩn quanh của đêm cuối ở thành phố Hà Nội. Ông đặt cho truyện ngắn đó một cái tựa đọc lên đã thấy đẹp: Ðêm Giã Từ Hà Nội. Rồi ông dùng ngay cái tựa Ðêm Giã Từ Hà Nội, để đặt tên cho tập truyện ngắn đầu tay xuất bản ở Sài Gòn.

Trong chuyến di cư năm 1954, những người ở Hà Nội bỏ thành phố này ra đi đều có những tâm trạng loay hoay, hồi hộp, lo sợ, hoang mang như cô thiếu nữ và những băn khoăn có phần chín chắn hơn, cùng rất nhiều suy nghĩ về chuyến đi tới một nơi chốn chưa bao giờ mường tượng ra được của người đàn ông.

Tất cả đều có một đêm giã từ Hà Nội.

Người đàn ông ấy trở thành một nhà văn nổi tiếng ở miền Nam, sống suốt một đời với sách vở, văn chương. Người đàn ông ấy là Mai Thảo.

Và người thiếu nữ ấy, ở Sài Gòn, cũng trở thành một tên tuổi, một khuôn mặt rất nhiều người biết trong những năm kế tiếp. Ðó là Kiều Chinh.

Họ cùng khởi đi từ Hà Nội, cùng sinh hoạt với văn học và nghệ thuật ở Sài Gòn.

Hai người đi hai con đường khác nhau, nhưng thỉnh thoảng họ gặp nhau. Hai người có hai cuộc sống rất không giống nhau. Người đàn ông sống suốt một đời không gia đình cho đến lúc chết, chỉ có bạn bè và văn chương. Người phụ nữ có gia đình, con cái và điện ảnh.

Rồi nhiều năm sau đó, họ gặp lại ở một nơi cách xa Hà Nội, và cách xa Sài Gòn nhiều ngàn cây số.

Hoàn cảnh hoàn toàn đổi khác.

Ði chơi với Mai Thảo nhiều, bạn bè đều biết người ông yêu ai. Nhiều người biết điều đó. Chúng tôi tôn trọng cả hai. Không người nào nói ra, nhắc tới, xác nhận hay kể về chuyện của họ.

Như một câu thơ của Thanh Tâm Tuyền :

…Không ai biết chúng ta yêu nhau

Hai người vẫn có những đời sống đi song song với nhau. Hai con đường sắt không bao giờ gặp nhau.

Mai Thảo có một tập thơ trong những năm cuối của đời sống, tập Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền.

Trong đó có một bài thơ mà người đọc thấy hệt như đoạn viết ngắn về tập thơ của ông in trên bìa sau của cuốn thơ : "Thơ, với ông trọn đời như một tình yêu thầm kín, tới cuối đời mới chịu phơi bầy ra ánh sáng."

Mai Thảo viết văn xuôi, nhưng người ta vẫn thấy ẩn hiện những bài thơ. Ông sống một đời sống rất một mình, nhưng đằng sau, người ta vẫn thấy hình ảnh một mối tình. Kín đáo, bí mật và lặng lẽ.

Bài Em Ðã Hoang Ðường Từ Cổ Ðại càng đọc, người ta càng thấy người phụ nữ ông yêu hiện ra rõ nét hơn.

Tôi tin ông viết bài thơ ấy cho một người mà tôi nghĩ là tôi có thể đoán được.

Nhưng mấy lần hỏi ông viết bài thơ ấy cho ai, ông đều lảng sang chuyện khác.

Ông không trả lời, không xác nhận bài thơ ấy viết cho ai, nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đoán khá đúng.

Có một khoảng cách tuổi tác giữa ông và người ông nhắc đến trong bài thơ, một khoảng cách mười mấy tuổi :

Em đủ mười phương từ tuổi nhỏ
Ngần ấy phương anh tới tuổi già
Tuổi ư? Hồn vẫn đầy trăm gió
Thổi suốt đêm ngày cõi biếc ta

Ngày rời Hà Nội, Mai Thảo đã gần ba mươi. Người phụ nữ ấy cùng tuổi với cô gái đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp.

Ông gặp cô trong một hoàn cảnh muộn màng. Những con đường đều không dẫn được hai người đi tới nơi mà họ muốn tới. Con đường toàn những ngã rẽ để chỉ tới những khúc không lối ra khác :

Con đường thẳng tắp con đường cụt
Ðã vậy từ xưa cái nghĩa đường
Phải triệu khúc quanh nghìn ngã rẽ
Mới là tâm cảnh đến mười phương

Và sau những khúc quanh và những ngã rẽ, họ gặp nhau. Lúc ấy, nhìn lại, người làm bài thơ nhìn ra được rõ hai người. Cái căn phần không mấy tử tế đẩy họ lại gần nhau mà vẫn rất nhiều xa cách :

Em đã hoang đường từ cổ đại
Anh cũng thần tiên tự xuống đời
Ðôi ta một lứa đôi tài tử
Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi

Ở khúc cuối của con đường, tìm lại được nhau thì đúng như tựa của một cuốn sách ông viết, mượn từ một câu thơ Ðinh Hùng : Cũng đủ lãng quên đời.

Hạnh phúc là ở đó. Ông thấy được hạnh phúc trong lòng của hai người. Họ không bao giờ gần hơn lại. Nhưng họ cũng không thể xa nhau thêm. Cái bất hạnh của một xa cách vĩnh viễn thì lại chính là hạnh phúc của chuyện không mất nhau  :

Ðừng khóc dẫu mưa là nước mắt
Ðừng đau dẫu đá cũng đau buồn
Tâm em là Bụt, tâm anh Phật
Trên mỗi tâm ngời một nhánh hương

Ðó là bài thơ Mai Thảo viết cho Kiều Chinh.

Lúc hạ huyệt người đàn ông ấy, tôi hỏi Kiều Chinh có phải bài Em Ðã Hoang Ðường Từ Cổ Ðại Mai Thảo viết cho cô không, và trước khi những nắm đất cuối cùng được ném xuống, cô đã gật đầu.

Tôi thấy có những giọt nước trên mắt.

ÐÔI LỜI VỀ VÀI CD NHẠC VIỆT

Người phụ trách chương trình Nhạc Chủ Ðề của đài Little Sài Gòn Radio ở nam California, cô Quỳnh Anh vừa qua một cơn ác mộng. Thực ra đó không phải là lần đầu tiên cô bị ác mộng. Và cô Quỳnh Anh cũng không phải là người duy nhất bị những cơn ác mộng như vậy.

Những người khác có thể chỉ khó chịu, khó chịu không ít, nhưng ác mộng thì chưa chắc. Ngoại trừ nếu đó là người cùng làm công việc của cô Quỳnh Anh trong một đài phát thanh .

Cơn ác mộng đó là do một hai cơ sở sản xuất CD nhạc Việt mang lại.

Tối thứ Ba, trong chương trình Nhạc Chủ Ðề hàng tuần trên làn sóng điện của đài Little Sài Gòn, cô Quỳnh Anh đã bị một tai nạn không nhỏ.

Có gọi đó là râu ông nọ cắm cằm bà kia thì cũng không sai mấy.

Cô giới thiệu một ca khúc và cho máy phát ca khúc cô giới thiệu. Nhưng thay vì bài Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương do Hồng Nhung hát, thì thính giả được cho nghe bài Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong với giọng hát của một ca sĩ khác. Cô không thể cứu vãn được, nên phải giới thiệu một bài hát khác, bài Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành thì máy phát ra bài Hướng Về Hà Nội với giọng Mai Hương.

Trong cùng một chương trình, cô Quỳnh Anh phạm phải hai lỗi lầm lớn.

Nhưng thực ra, lỗi không hoàn toàn ở cô Quỳnh Anh, mà là do những sai sót của các nhà sản xuất CD nhạc. Ngoài bìa ghi rõ bài đầu tiên là Hướng Về Hà Nội của Hồng Nhưng, thì trong đĩa, là bài Giọt Mưa Thu. Ngoài bìa ghi bài số ba là Giọt Mưa Thu thì lại là bài Dư Âm. Và cứ như thế, bìa của CD ghi một đằng, đĩa một nẻo. Cô Quỳnh Anh cứ theo thứ tự các bản nhạc ghi ngoài bìa và giới thiệu nên tai nạn đã xẩy ra.

Chưa hết. Trong CD thứ nhì mà cô dùng, ca khúc thứ 8 đáng lẽ phải là Giấc Mơ Hồi Hương thì lại là Hướng Về Hà Nội. Thế nên liên tiếp, cô Quỳnh Anh giới thiệu một đằng thì máy phát một nẻo.

Thính giả theo dõi chương trình của cô chắc chắn đã phiền cô không ít. Chỉ vì cô tin vào những chi tiết về nội dung đĩa CD mà công ty sản xuất ghi ngoài bìa nên cô gặp nạn.

Với những người nghe nhạc ở nhà, không làm công việc giới thiệu nhạc cho thinh giả nghe trên đài phát thanh, thì những sai sót như vậy có thể chỉ làm người nghe nhạc khó chịu. Ðặt cái đĩa CD vào máy, định nghe một bài thì phải nghe một bài khác. Thôi thì mất công tìm một lúc thế nào cũng ra. Không ai phiền trách cả. Bực mình thì nhất định là có.

Bực mình, khó chịu nhưng không bị thính giả gọi điện thoại vào phiền trách nói là làm việc tắc trách, cẩu thả, thiếu chuyên môn nghề nghiệp.

Nhưng thực ra, cô không có lỗi nặng như thế. Chính các nhà sản xuất những CD mới là đáng trách. Cẩu thả, tắc trách nhất định về phía các nhà sản xuất này nhiều hơn.

Không phải chỉ có một hai CD như vừa kể ở trên, mà những chuyện như vậy được thấy ở mấy CD khác nữa.

Thí dụ một CD ghi 5 hay 6 bài hát ở mặt A, và 5 hay 6 bài ở mặt B. Nhưng CD thì làm gì có mặt A và B. Nhà sản xuất đã dùng lại danh sách những ca khúc của một cuộn băng cassette cho bìa CD mà không buồn sửa lại cho đúng thứ tự mới của CD. Làm việc như thế mà không phải là cẩu thả thì nhất định là khinh mạn thính giả và người tiêu thụ.

Một CD nhạc khác do một ca sĩ rất tên tuổi cũng phạm phải những lầm lẫn tai hại. Không ai nghi ngờ giọng hát này là người để lại những lầm lẫn đó. Cô là người hát rất hay những ca khúc khó hát đó. Cô cũng là người quen biết và rất thân tình với tác giả các ca khúc đó. Cô nhất định không là người để lại nhũng sai sót tầy đình như vậy. Nhất định những lỗi lầm đó phải là của một hai nhân viên làm việc cho hãng sản xuất cuốn CD. CD nhạc này khi được thu vào Ipod thì những sai sót đó mới hiện ra.

Có 3 bài hát của Vũ Thành là Thầm Ước Một Chiều, Nhặt Cánh Sao Rơi và Gió Thoảng Hương Duyên thì tên của các ca khúc này hiện ra trong Ipod đều ghi là của Vũ Thành An.

Người phụ trách công việc đánh máy tên của những bài hát này chắc chắn chưa bao giờ nghe tên nhạc sĩ Vũ Thành. Cả đời có thể chỉ nghe nhạc của Vũ Thành An, thế là đánh luôn tên Vũ Thành thành Vũ Thành An. Người này chắc cũng đánh máy bìa cho một CD khác nên đã ghi rõ ngay ngoài bìa nhạc phẩm Giấc Mơ Hồi Hương là của Vũ Thành An.

Cũng trong CD Gió Thoảnh Hương Duyên với giọng hát Kim Tước, ca khúc Tiếng Thời Gian được đánh thành Tieng Tho Gian.

Trong một CD khác, ca khúc Biển Nhớ được ghi là Bin Nh, Nhìn Nhng Mua Thu Di, Nang Thy Tinh, Tiễn Ðưa thành Tien Da. Toàn nhũng lỗi chính tả tồi tệ.

Như thế là vừa cẩu thả, lại vừa thiếu những kiến thức về nhạc Việt.

Sự cẩu thả và thiếu kiến thức đó đã gây thảm họa cho cô Quỳnh Anh và làm bực mình những người nghe nhạc không ít.

Vậy thì xin nhắc các nhà sản xuất CD nhạc, nên cẩn thận trong công việc thì hơn. Hãy cố gắng cho thấy không tắc trách và ít nhất cũng có chút ít kiến thức về nhạc Việt.

29-6-2007


THƯ GỬI NGUYỄN MINH TRIẾT

Ông Triết,

Trước tiên ông thấy câu chào hỏi của tôi không có những chữ "kính mến" như ông đã được nghe nhiều lần.

Ðối với ông, tôi không có kính, và không có mến gì hết. Thực ra thì những chữ chào hỏi kính mến chúng tôi chỉ nghe từ sau năm 1975 khi chúng được đem từ miền Bắc vào. Chúng tôi biết những chữ ấy chỉ được dùng cho có lệ mà thôi chứ người dân miền Bắc chẳng hề kính và cũng chẳng hề mến gì những người nhận những bức thư họ gửi cả.

Nếu có được một chút kính và một chút mến, thì ở trong nước, những người như Hoà Thượng Quảng Ðộ sẽ vẫn lo chuyện kinh kệ, cha Nguyễn Văn Lý tiếp tục công việc chăn chiên, bác sĩ Nguyễn Ðan Quế vẫn làm việc ở bệnh viện, luật sư Lê thị Công Nhân đang tiếp tục công việc của bà tại tòa án và ông Hà Sĩ Phu không phải từ bỏ công việc của một nhà khoa học.

Nếu có được một chút kính và một chút mến nao, thì người Việt Nam sống ở hải ngoại sẽ cờ xí rợp trời đón ông.

Nhưng như ông đã thấy, trong nước thì bao nhiêu người chống cái chính phủ không do bất cứ ai bầu lên và ở ngoài nước thì người Việt đón ông bằng những cuộc biểu tình ở New York, ở Washington rồi hôm nay và ngày mai ở California.

Ông có thể được gặp các nhà làm luật Hoa kỳ, luôn cả tổng thống Hoa kỳ, nhưng thử hỏi ông có được bao nhiêu sự tử tế trong những lần gặp gỡ đó?

Ðâu là 21 phát đại bác đón chào tại vườn hồng? Ðâu là diễn văn đọc trước lưỡng viện quốc hội? Ðâu là quốc yến trong tòa Bạch Ốc? Ðâu là cảnh ông được cho ở dinh quốc khách Blair House?

Ông đi vào tòa Bạch Ốc bằng cửa sau. Ðó không phải là lối ra vào của những thượng khách.

Bên ngoài thì một rừng cờ, những lá cờ mà ông thù ghét cùng với những biểu ngữ nội dung không một chút cảm tình với phái đoàn của ông.

Những bức hình chụp linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng mà đoàn biểu tình trương cao không thể là những hình ảnh tốt đẹp làm cho người Việt xa xứ sở kiêu hãnh về quê hương của mình.

Ông lớn lên chỉ biết những trò bịp bợm rẻ tiền nên ông tưởng ở đâu cũng có trò bịp bợm ấy. Ông sang Mỹ đã được mấy ngày. Ông đã thấy một số chuyện mà ông chưa bao giờ thấy trong đời.

Không hề có những người đứng hai bên đường cầm những lá cờ một cách ngượng nghịu như những buổi đón tiếp đầy trình diễn của người dân Hà Nội, cảnh những người đàn ông tay cầm hoa quơ đi quơ lại trong những cuộc biểu tình có đơn đặt hàng của nhà nước để đi diễn hành ngoài đường.

Ðừng để bọn báo chí tào lao xịt bộp đi cùng với ông viết những bài báo kể rằng người Việt xa xứ đã xuống đường đón tiếp ông trong không khí đầy tình tự quê hương, đầy lưu luyến dân tộc như những thợ viết vẫn viết một cách vô duyên và trâng tráo.

Ông đã thấy thả hai người ra khỏi tù trước khi ông sang Mỹ chỉ là việc lấy những miếng vải thưa ra để che đậy những điều xấu xa nhất mà các ông đang làm ở trong nước. Việc ấy không lừa được ai hết.

Ông cứ tưởng đi đến đâu, chủ tịch nhà nước cũng được đón tiếp bằng những trò rẻ tiền mà ông vẫn thấy trong nước, nào là tặng lẵng hoa, nào tiệc chiêu đãi.

Ông gặp các nhà làm luật Mỹ và thấy đó. Những chuyện ông không muốn nghe đều được đem ra nói để cho ông ú ớ luôn.

Phép xã giao thông thường thì khi tiếp khách, chủ nhà không bao giờ móc những chuyện con gái chửa hoang, con trai trộm cắp của khách ra để nói. Các nhà làm luật Hoa kỳ cũng như các nhân vật khác trong chính giới kể cả tổng thống Bush đều cho thấy họ chẳng nể nang lịch sự gì với ông bằng cách dồn cho ông bao nhiêu câu hỏi để ông lại phải lôi đống chầy cối ra cãi và đem giọng cù nhầy ra để nói.

Ông nói nhà nước chỉ giữ những người phạm pháp. Thế thì tại sao lại giam lỏng hòa thượng Quảng Ðộ, tại sao quản thúc bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, tại sao bỏ tù linh mục Lý và hàng ngàn người khác chỉ vì những người ấy không đồng ý với đường lối tồi tệ của nhà nước.

Hôm nay và ngày mai, ông có mặt ở California. Hãy chịu khó bước xuống phố Bolsa, thăm dân cho biết sự tình để xem người Việt Nam đối với cái mặt nham nhở và đống chầy cối ông mang theo để cãi nhảm nhí như thế nào.

Tôi chắc ông không dám vác mặt xuống khu Little Saigon. Sao không xuống thăm núm ruột ngoài quê hương một chút?

Ông Triết,

Tôi biết chuyến đi của ông, ngoài một số thương ước với các doanh nhân Hoa kỳ, những người rất vì tiền và sẵn sàng làm bất cứ gì để có tiền, ông nhục lắm. Nhục ở chỗ phải ngồi trong xe limousine kín mít chạy qua những con đường giữa những hàng cờ Việt Nam Cộng Hòa.

Ðừng có vu khống nói là chúng tôi đi đón tiếp ông. Hiểu chưa? Trong một xã hội tự do và dân chủ không có những trò nham nhở như vậy.

LẠI THƯ GỬI NGUYỄN MINH TRIẾT

Ông Triết,

Bức thư này cũng không mở đầu bằng hai chữ kính mến mà ông rất muốn được nghe.

Không kính và không mến gì hết.

Nhất là sau chuyến ghé thăm miền nam California của ông mới đây. Ði gì mà như một con chuột, lỉnh lỉnh đi, né đủ mọi thứ, đến lá cờ cũng không dám treo trên xe thì vinh dự cái nỗi gì để mà kính mến.

Ðúng là không kèn, không trống.

Ở Washington, đón tiếp thì ít ra, cũng phải có ban quân nhạc cử quốc thiều hai nước ở vườn hồng tòa Bạch Ốc như những cuộc viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia khác chứ.

Ðón tiếp mà không kèn trống như thế coi sao tiện. Quốc thể để đâu mất rồi? Bề gì thì cũng là nước có quan hệ ngoại giao với Hoa kỳ.

Lẽ ra, nếu ông và bè lũ của ông là những lãnh tụ xứng đáng, thì chúng tôi đã phản đối tòa Bạch Ốc về cách đối xử không đúng nghi thức ngoại giao dành cho đại diện của nước Việt Nam. Nhưng chúng tôi sẽ chỉ phản đối nếu chính phủ Bush dành cho ông một sự đối xử tử tế. Ông không xứng đáng được đối xử tử tế như các nhà lãnh đạo khác. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với cách đón tiếp mà ông Bush dành cho ông.

Nhưng ông nên coi chuyện bị đối xử mà tòa Bạch Ốc dành cho ông là một điều may mắn.

Tưởng tượng được đón tiếp tử tế, trong lúc chào cờ, vừa tới đoạn "Ðoàn quân Việt Nam đi..." thì ngoài hàng rào, phía công viên Lafayette cất lên tiếng hát "Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng.... " của đoàn biểu tình thì đau cho ông biết là bao nhiêu.

Rồi đứng chào cờ với tổng thống Bush, thế nào máy thu hình của các hãng thông tấn cũng như của chính nhà nước mang theo chẳng thu được toàn những quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa đứng cách không bao xa thì coi sao tiện?

Ông làm tôi nhớ đến hai câu trong một bài thơ của Mai Thảo, một nhà văn từng có thời bị các ông truy bắt khi còn ở Việt Nam:

Sớm ra đi sớm hoa không biết
Ðêm trở về đêm cành không hay
...

Buồn biết chừng nào. Cảnh đó là cảnh cô đơn của ông Mai Thảo.

Nhưng cảnh ông sớm ra đi không con chó nào biết. Ðêm trở về cũng chẳng có con chó nào hay trong mấy ngày ở nước Mỹ thì nhục quá ông ạ. Bây giờ ông đã về đến nhà. Quà cáp cho các con cháu chẳng có gì. Ðịnh đi K-Mart mua một ít thì lại không ra được đến đường.

Tôi biết ông còn đang vuốt cái má vì mấy cái tát của người Việt dành cho ông trong hai ngày cuối tuần qua. Ông sẽ lôi bộ ngoại giao ra xài xể về chuyến đi mất mặt bầu cua này. Những báo cáo tốt đẹp về tình hình Việt kiều ở Mỹ hóa ra toàn là láo toét cả. Chương trình ghé thăm mấy cái núm ruột ngoài vạn dặm cũng không thực hiện được. Thay vào đó, là những cuộc biểu tình ở miền đông sang đến tận miền tây bám sát theo ông.

Các nhân viên sứ quán toàn gửi những báo cáo láo về khiến ông tưởng chuyến đi Hoa kỳ sẽ tốt đẹp, ông sẽ được đón tiếp rầm rộ, đồng bào đứng đầy đường phất cờ chào đón chủ tịch nước ta. Tất cả đều là những chuyện khoa học giả tưởng.

Ông cũng không được tới thăm các cơ sở của những người mà ông tiếp trong cái khách sạn ở cách Little Saigon khá xa. Những người khách của ông cũng phải len lén tới gặp ông như những chuyến hẹn hò của bọn bất lương thì chuyến đi thăm và tiếp xúc cũng chẳng vẻ vang gì. Ông nên xét lại để coi những đồng chí nào đã độc địa đẩy ông đi Mỹ lần này để nếm mùi nhục nhã, để bị đối xử như một thứ khách hạng bét của tòa Bạch Ốc. Làm quái gì có được cảnh hai người bước vào phòng tiếp tân đèn nến sáng trưng, Laura Bush áo dạ hội lấp lánh kim cương cùng bước vào dự dạ tiệc. Làm quái gì có cảnh toán lính danh dự cầm cờ hai nước đứng nghiêm chỉnh...

Chỉ có cảnh sát kỵ mã, cảnh sát đi xe mô tô, cảnh sát đi xe hơi ở cái thị trấn gần biển ở nam California được tăng cường vì sợ những người biểu tình đón ông nổi giận kéo ông ra khỏi xe đánh cho một trận thì nước Mỹ ăn nói thế nào với các khách ngoại quốc khác của Hoa kỳ.

Một lực lượng cảnh sát hùng hậu như vậy không thể là phản ảnh của thái độ kính mến của chúng tôi dành cho ông.

Chao ôi, đón khách gì mà cảnh sát cứ nơm nớp sợ khách bị đánh là làm sao?
Cũng may cho ông, mùa cà chua đang bị để cho chín thối ngoài ruộng của các trại miền nam California vì không có ngưòi hái nên mua được cà chua đem đi ném cũng khó.

Lại cũng may cho ông, người Việt Nam sống ở Mỹ không có thói quen nhẩy tới đưa tay bịt miệng ông, cho dù ghét ông cách nào đi chăng nữa. Chúng tôi không hèn hạ, mọi rợ và vô lương tâm, kém phần mã thượng như trong những bức hình được phóng lớn và trương lên cao tại các cuộc biểu tình cho hàng vạn người thấy, cảnh chụp một linh mục tay bị còng, miệng bị một con đười ươi bịt lại không cho nói.

Ông Triết,

Vài lời nói với ông về chuyến đi Mỹ. Nay ông đã về đến nhà rồi. Ðừng nghĩ đến chuyện trở lại nữa. Ghét đứa nào thì cứ xúi nó đi Mỹ một chuyến cho nó tởn hồn.

30-3-2007


Vương Gia Hiếu

Có lẽ ở một thời nào đó, câu chuyện của người đàn ông này sẽ được ghi lại như nhiều câu chuyện khác trong Cổ Học Tinh Hoa.

Bằng giọng văn cổ, chuyện của ông có thể được kể như thế này:

Ở phía đông của Cát Long Pha (Kuala Lumpur) thủ phủ của Mã Lai Tây Á khoảng gần cuối thế kỷ 20, nhiều người ở một lân quốc, vì muốn thoát cảnh hà chính, đã lên đường chạy trốn. Không may, rất nhiều người trong số đó đã không đến được những vùng đất lành để sống. Biển dữ, thời tiết khắc nghiệt, bão táp phong ba, lại thêm những nguy hiểm khác dọc đường, hàng vạn, hàng chục vạn người đã chết trên đường đi.

Lớp làm mồi cho cá, lớp vùi sâu dưới biển, một số trôi giạt tấp vào những bờ biển của Mã Lai Tây Á. Một số lên được bờ thì cũng lại qua đời vì bệnh tật, kiệt sức, già yếu.

Những người chết được vùi lấp sơ sài trên những bờ đất lạ. Vài năm sau, những người còn sống được đưa đến những nơi khác, để lại đằng sau, trên những vùng đất tạm trú, mồ mả của những người bất hạnh.

Ít ai trở lại được những nơi ấy. Thỏ lặn ác tà, cảnh những nấm mồ không ai săn sóc thật bi thảm.

Ở gần những khu này, có một người đàn ông tên là Vương Gia Hiếu. Cảm thương số phận bạc mạng của người chết, xác vùi trong những nấm mồ không ai coi sóc, cỏ mọc lan tràn, bia mộ xiêu đổ, họ Vương quyết làm một công việc không ai thèm làm. Vương đi tới những nơi chôn cất, ghi lại tên tuổi khắc trên những tấm bia đá, những mảnh gỗ chữ đã mờ nhạt, xiêu vẹo sắp tàn tạ với thời gian, gió cát, nắng mưa vùi giập. Vương vẽ lại, và ghi dấu tích những ngôi mộ của người xấu số. Không chỉ có thế, Thanh Minh trong tiết tháng Ba, Vương rủ một số người đi tới những ngôi mộ vô chủ này thắp lên mấy nén hương, đọc lên vài ba lời khấn nguyện.

Công việc làm thật vô bổ. Ít người biết được việc làm của Vương Gia Hiếu. Vương cũng chẳng cần được đền đáp hay một lời cám ơn. Thân nhân của những người quá cố ít người biết được việc làm của Vương. Vương cũng chẳng nhận được một khoản tiền bù đắp cho việc làm.

Có đem ví việc làm của Vương với việc của Ngu Công dời núi thì cũng không có gì là sai. Công việc của Vương cũng quá sức lớn. Ngu Công đã già, khi bắt đầu việc dời núi khai thông đường xá cho mọi người, thì đã 90 tuổi. Vài năm sau, trước khi chết, Ngu Công dặn con cháu tiếp tục công việc dời hai quả núi mà ông đã bắt đầu.

Vuơng Gia Hiếu cũng thế. Năm ngoái, trước khi chết, Vương cũng dặn vợ là phải tiếp tục việc làm của ông, đó là săn sóc những ngôi mộ hoang ở những nghĩa địa gần nhà hệt như câu truyện Ngu Công Dời Núi của Liệt Tử.

Chuyến đi thăm những ngôi mộ thuyền nhân ở Ðông Nam Á của Ðinh Quang Anh Thái đã cho biết câu chuyện của Vương Gia Hiếu. Ngưòi đàn ông Malaysia này tự trao cho mình công việc mà ông làm âm thầm từ nhiều năm nay. Mãi gần đây, ông mới nhận được một vài trợ giúp của người Việt sống ở các nước ngoài, những người từng có thời ở các trại tị nạn, và những người có thân nhân chôn cất ở các nghĩa địa kế bên.

Những tài liệu mà ông Vưong Gia Hiếu thu góp đã được in thành một cuốn sách nhỏ, cuốn chỉ nam hướng dẫn các nghĩa địa của các thuyền nhân Việt Nam ở phía đông Malaysia. Cuốn sách nhỏ do ông viết dựa trên những nghiên cứu, tìm tòi của chính ông. Một danh sách những người chết với tên tuổi, ngày và nơi chôn cất, số thuyền được kèm trong cuốn sách.

Ông Vương năm 1979 đã lần đầu tiên chứng kiến cảnh một con tầu tị nạn, và trước mắt, ông thấy cảnh 137 người trên thuyền chết đuối trước khi vào được bờ. Cảnh đó đã làm ông cảm động và quyết định phải làm một cái gì cho những người chết.

Mấy ai trong chúng ta làm được một công việc như thế?

Người đàn ông Mã Lai Á này không họ hàng ruột thịt, không bàn bè thân quyến gì với những người chết. Ông làm công việc cực nhọc đó chỉ vì muốn thấy những ngưòi chết không bị bỏ quên, chốn yên nghỉ cuối cùng có được nén hương.

Một nguời không cùng máu huyết, không cùng nước mà còn làm đưọc những việc đó, việc quét đi những mặt bia, đốt một nén hương, nhổ hộ mấy cọng cỏ.

Trong khi những đứa chó má, súc vật, khốn nạn, táng tận lương tâm, hèn hạ, bẩn thỉu mấy năm trước đã bằng đủ mọi cách vận động để phá cho bằng được mấy tấm bia cám ơn những người như ông Vương, cám ơn miền đất đã cưu mang những người Việt Nam trong những lúc khốn khó nhất.

Càng nghĩ đến việc làm tử tế của ông Vương thì lại càng thấy phải văng tục ra với bọn ác quỉ chó má khốn nạn.

Lại sắp đến tiết Thanh Minh. Năm nay ông Hiếu không còn nữa, nhưng bà Hiếu cho biết sẽ tiếp tục việc ông làm.

Cám ơn ông bà Vương Gia Hiếu. Cám ơn trái tim, tấm lòng độ lượng, bác ái nhân từ của ông dành cho những đồng loại khốn khổ đã có lúc thở chung với ông chút khí trời tử tế, uống vài giọt nước rơi từ bầu trời mà ông cùng đội.

TRỊNH CÔNG SƠN

Ðã mấy chục năm rồi, nhưng tôi vẫn nghe đi nghe lại những bài hát ấy.

Ðó là những bài hát không thể tách rời ra khỏi một khoảng đời sống của tôi, và có thể, của nhiều ngưòi khác nữa.

Bốn mươi năm trước.

Ðó là khoảng thời gian của những ngày sống trong cái thành phố có những con đường trong một câu hát người nhạc sĩ này viết, có những hàng cây lá xanh gần với nhau. Thành phố có những con đường, những cơn mưa thì thầm dưới đôi chân ngà. Không chỉ là những bàn chân, mà phải là những bàn chân ngà, và những bàn tay phải là những ngón sương mù, và mái tóc dài đêm thần thoại.

Ðó là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời. Thời gian của hoa vàng, của những giọt sương thu, yêu em thật thà.

Những lời ca giản dị của một bài hát ông viết trong giai đoạn sáng tác sớm nhất, giản dị đến độ tầm thường cứ ở mãi với tôi qua biết bao nhiêu năm. Chiều tím loang vỉa hè đưa em về nắng vương nhè nhẹ anh ghi bằng nhiều thu vắng...

Ông viết về những người phụ nữ hệt như những người phụ nữ chúng ta đã yêu. Toàn những ân cần, thiết tha. Hình ảnh của những người phụ nữ trong những bài hát ấy bao giờ cũng là những hình ảnh đẹp nhất, trân trọng nhất.

Những bài hát ấy đã làm đẹp cho bao nhiêu buổi sáng, bao nhiêu buổi chiều của chúng ta, một thời...

Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
...

Chỉ một sợi tóc bay, rơi xuống mặt hồ, chỉ một sợi tóc bay trong buổi chiều cũng làm cho gió mừng rỡ. Và trên cái vai mềm ấy, mây ngủ lại, không bay đi nữa.

Cái không gian và thời gian đó vẫn còn sống lại mỗi lần nghe những bài hát cũ mấy chục năm.

Nhưng không chỉ có thế. Những bài hát của người nhạc sĩ ấy cũng là những cái dấu ghi lại một thời gian buồn thảm và bi đát nhất của một thế hệ.

Cái dấu ghi lại một vết thương có lẽ không bao giờ lành, hay ít nhất cũng là trong đời sống của những người đã sống qua nó. Cuộc chiến Việt Nam, mối ám ảnh thường trực của chúng ta thời ấy. Chiến tranh trong tin pháo kích buổi sáng. Chiến tranh trong những quả đạn bắn vào trường tiểu học Cai Lậy buổi giữa trưa. Chiến tranh buổi chiều trong những trang báo đầy tin cáo phó. Chiến tranh trong những buổi tối giới nghiêm, hỏa châu vàng vọt. Chiến tranh trong tin người bạn tử trận. Chiến tranh trong những buổi chiều mưa trên xa lộ nhìn những chiếc xe nhà binh chạy ngược về phía Biên Hoà trên thùng sau của những chiếc GMC, chiếc quan tài phủ quốc kỳ, những người đàn bà, khăn trắng bay phần phật trong cơn mưa chiều sắp đổ xuống. Chiến tranh len cả vào những mối tình, vào cách chúng ta yêu nhau. Tình yêu là trái phá, là con tim mù loà, là cánh chim mỏi mệt, là chim bỏ đường bay như nỗi chết.

Những bản nhạc đó là của Trịnh Công Sơn. Ông qua đời cách đây 6 năm. Hôm nay, là tròn 6 năm ông không còn ở trên mặt đất này.

Nhưng ông vẫn tiếp tục được nghe kể lể. Tâm sự của ông vẫn tiếp tục được bầy ra.

Chúng nhắc lại cho chúng ta một thời, một thời đã có lúc hết sức đẹp của chúng ta, đẹp như chiếc khăn mới thêu.

Nhớ lại những điều ấy, nhớ lại hạnh phúc, khổ đau, chua sót, bất hạnh, đớn đau là mỗi lần nghe lại những ca khúc ông viết.

Hôm qua, nghe lại những bài hát cũ, giọng hát mơ hồ, tiếng dàn thùng như vẫn còn trong những buổi tối ở cái sân trường cũ...

31-8-2007


KHỔ THÂN LÀM VIỆC NGHĨA

Chuyện năm đứa bé mồ côi sống với bà ngoại đã già trong một hoàn cảnh bi đát ở Cần Thơ mà hai tờ báo và một đài phát thanh ở đây đề cập tới đã làm động lòng rất nhiều người.

Năm đứa không có cha, mẹ bệnh nặng vào nhà thương chữa không hết, rồi cũng qua đời,  còn để lại cho bà ngoại  và bọn chúng món nợ bệnh viện phí khá nặng. Món nợ này đã có lúc khiến bà ngoại của chúng nghĩ tới chuyện phải bán căn nhà đang ở để trả nợ, thì nay đã được một nhóm thanh niên ở Westminster gửi tiền về giúp thanh thỏa hết để mấy đứa bé khỏi bị mất nhà. Nhiều vị hảo tâm khác, mà chính họ cũng không ở trong những hoàn cảnh tài chính khả quan bao nhiêu vẫn sốt sắng gửi tiền về giúp năm chị em  tiếp tục ăn học. Báo Người Việt cho biết hai cụ lớn tuổi được trợ cấp xã hội đã mang  những khoản tiền nhỏ dành dụm gửi hết cho chúng.

Bức ảnh mới nhất  cho thấy năm đứa ngồi ăn cơm quanh một chiếc mâm có vỏn vẹn hai tô thức ăn nhỏ. Cả năm đứa bé mặt mũi sáng như gương Tầu, ba chị em gái, hai anh em trai quần áo sạch sẽ giản dị, mắt sáng, những nụ cười rất đẹp trên môi, tất cả đều có nhưng nét lương hảo, hiền hậu.

Nhìn bữa cơm của chúng mà tội nghiệp. Những người gửi tiền giúp cho năm chị em chúng trông thấy những khuôn mặt tươi tắn, mừng rỡ đó nhất định đã phải thấy việc mình làm là rất đúng. Người chị lớn, Thúy Anh, đã cám ơn những người tận tình giúp chúng mà không muốn nêu tên tuổi. Cả năm chị em hứa sẽ học hành tử tế để khỏi phụ lòng của các ân nhân mà  chúng không bao giờ biết mặt.

Tôi biết những người giúp những đứa bé ở Cần Thơ vui lắm.

Quí vị đã cho chúng thấy lại được một chút hạnh phúc tuổi thơ mà chính quí vị cũng đã có lần ước gì có được.

Ðó là đoạn  cổ tích nghe trong lòng ông bà nội, ông bà ngoại, khi nhân vật bất hạnh, có thể là Tấm, có thể là một đứa bé mồ côi, có thể là anh lực điền chất phác vừa bị lừa một mẻ đang ngồi khóc thì Bụt hiện lên và hỏi tại sao khóc.

Chúng ta ai mà đã chẳng có lần chờ một câu hỏi như thế.

Nhưng Bụt thì chưa bao giờ hiện ra cho chúng ta.

Những người cầm những đồng tiền nhờ gửi giúp năm đứa bé chính là những người cho mấy đứa bé  kia một khoảnh khắc thấy được Bụt hiện ra.

Chúng cám ơn những người giúp chúng nhưng tôi nghĩ chính những người vừa giúp chúng phải cám ơn chúng mới đúng.

Cám ơn chúng vì nhìn thấy chúng vui vẻ, mặt mũi tươi tắn như trong hình chụp bên bũa cơm với bà ngoại, quẳng đi được một gánh lo về căn nhà, về những bữa cơm sắp tới, về những cuốn vở cho ngày tựu trường, về những cái bút để đến lớp.

Nhìn chúng, những người giúp chúng vui biết là chừng nào.

Chúng sẽ không phải lo đi kiếm việc ở hãng cá ba sa để lại  bị quịt mấy tuần lương như Thúy Anh đã bị. Chúng sẽ được đi học. Trong những khuôn mặt sáng rỡ trong hình có thể sẽ có đứa trở thành một cô giáo trong hai năm nữa. Con chị cõng con em để thành những người Việt lương hảo lo cho bà ngoại nếu bà ngoại còn sống.

Chính chúng đã cho những người giúp đỡ chúng những hạnh phúc rất lớn vì hạnh  phúc và niềm vui đã làm cho những người khác vui.

Sáng hôm qua, một người quen nói với tôi rằng chuyện như năm đứa bé ấy mà đã đi đến đâu, còn bao nhiêu đứa trẻ khác khổ hơn chúng nữa chứ. Ông nói rằng việc giúp những đứa bé ấy chưa chắc đã cần như giúp những đứa  khác. Mà  trường hợp như thế thì ở Việt Nam có cả vài trăm ngàn.

Thì chúng tôi cũng biết điều đó. Nhưng trông thấy chuyện gì trước mắt thì hãy cứ làm đi đã. Chờ giúp hết  sao mà  được.

Nhớ khi Mặc Tử từ nước Lỗ sang nước Tề ghé thăm người bạn cũ, người bạn thấy Mặc Tử đi làm việc nghĩa  thì nói rằng thiên hạ còn ai nghĩ tới việc nghĩa nữa đâu mà Mặc Tử phải lo làm nghĩa, sao không thôi đi có hơn không.

Mặc Tử nói rằng có người kia có mười đứa con, một đứa đi cầy, chín đứa  ngồi ăn không thì đứa đi cầy phải cầy nhiều lên chứ. Tại sao? Tại vì đứa ăn không ngồi rồi thì nhiều, đứa đi cầy thì ít. Biết thiên hạ không ai làm việc nghĩa thì phải khuyên người ta làm việc nghĩa thêm chứ hà cớ gì lại ngăn Mặc Tử như vậy.

Người bạn ở tiệm phở nói về mấy trăm ngàn đứa trẻ khổ sở ở Việt Nam sau đó đã không đưa ra một đề nghị nào khác, chỉ nói rằng gửi vài ba chục, mấy trăm bạc thì cũng là muối bỏ biển, vô ích.

Một người khác thì nói là sẽ cho nhân viên phòng mạch gửi check đến giúp nhưng muốn biết là có được trừ thuế không.

Sách Mặc Tử không ghi hai câu chuyện trên.

NHẨY ÐẦM

Bài Ði Với Tôi của  Canh Thân có một câu cứ thỉnh thoảng lại trở lại với tôi như một lời an ủi, khuyến khích. Ðó là câu “Có ai hát hay như tôi, tuy không có dài hơi…”

Ðúng, tôi không có một giọng hát. Hơi không dài, lên không được, xuống thấp lại càng không. Giọng như thế là quá dở. Không bao giờ nên to gan lớn mật nghĩ đến một sự nghiệp ca hát.

Nhưng cũng  không ai cấm một giọng hát dở như thế hát cho mình nghe. Trong buồng tắm, trong xe, trong đêm vắng, tự nhiên một câu hát trở về. Tại sao không hát lên nếu không làm rộn những người khác?

Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi, đừng e ngại…”

Chính Trịnh Công Son cũng xúi nhũng giọng hát như thế cất lên như câu ông viết trong tập nhạc Những Bài Ca Không Năm Tháng.

Mấy tuần trước, tôi đi ăn với vài ba người bạn trong một quán ăn có nhạc để nhẩy đầm.

Và ngồi nhìn mấy cặp khiêu vũ ở piste, mấy câu trên lại lóe lên trong đầu.

Ðó là những  cặp mà ngày trước ở Sài Gòn,  khó  có thể trông thấy ở piste. Tất cả đều đã lớn tuổi.

Tango, Boston, Valse … bài nào cũng có những cặp ấy. Luôn cả vài bản Bebop, Twist  Rock cũng thấy họ nhẩy. Cũng dishwasher, kiểu cọ, sì tin, sì tẩy, vòng tay qua đầu, cũng giật Bebop.

Trong tiệm hôm ấy cũng có hai cặp trẻ hơn, khoảng dưới bốn mươi. Hai người đàn ông đều thẳng lưng, những chiếc sơ mi lụa tay thụng để quên hai ba cái khuy ngực không thèm cài. Những chiếc quần chẽn, lưng  quần cao như những tay đấu bò Tây Ban Nha, những đôi giầy mũi nhọn, gót cao cho người đi chúng như cái vẻ như lúc nào cũng nhướng lên, lưng thẳng tắp.

Họ nhẩy khéo, bàn tay trái đưa lên hờ hững để người phụ nữ đặt nhẹ lên. Họ không nắm tay nhau như những cặp có tuổi ở trên.

Hai cặp trẻ tuổi này mỗi khi bắt đầu một bài bao giờ cũng đứng im, đếm cho đúng nhịp mới vào. Họ không nhìn nhau bao giờ. Hai  người đàn ông mắt lúc nào cũng nhìn thẳng, ngó  qua bên kia sàn nhẩy. Hình như cả hai đều chỉ lắng nghe tiếng nhạc để đi cho đúng bước.

Họ có vẻ là những người dậy nhẩy đầm ở một lớp nhẩy nào đó. Nếu không thì cũng phải là vừa tốt nghiệp một lớp khiêu vũ. Chắc phải hạng danh dự với lời khen của hội đồng giám khảo là ít.

Lối nhẩy của họ làm cho những người khách trong tiệm thấy như họ chỉ muốn biểu diễn. Họ nhẩy mà hoàn toàn không thích thú gì trong chuyện nhẩy đầm. Họ cũng chẳng lý gì tới người phụ nữ đang nhẩy cùng. Cả hai, khi nhẩy, đều không nhìn những người phụ nữ. Họ như bị nhạc thôi miên. Mặt không hề biểu lộ một tình cảm nào.

Cứ thế, hết bài này sang bài kia, họ đi những bước không có trong những bài căn bản nên chạy hết góc này lại sang góc bên kia của piste, và tuy có cố gắng nhưng vẫn không tránh khỏi đụng vào những cặp kia.

Trò của họ tôi thấy đã nhiều trong  những lần đi nghe nhạc có khiêu vũ.

Tôi nghĩ là họ muốn chiếm độc quyền sàn nhẩy. Chẳng phải vì sàn nhẩy quá nhỏ mà  là có thể họ muốn đẩy những người khác về chỗ ngồi và để sàn nhẩy lại cho họ. Trong cách nhẩy của họ người ta thấy như họ muốn nói rằng các ông các bà nhẩy dở lắm, về chỗ ngồi đi, để lại sàn nhẩy chúng tôi nhẩy cho mà xem. Nhẩy valse thì phải double steps như thế này chứ rề rề quay như vậy mà gọi là valse hay sao? Bebop phải tung quăng ném quật tàn bạo như chúng tôi chứ quều quào thế kia thì còn gì là Bebop của Rive Gauche, của Saint Germain Des Prés nữa…

Mà tại một vài nơi, khi có những người như thế ra sàn nhẩy,  là nhiều người đang nhẩy  bỏ về bàn ngồi. Và như vậy, có thể những người biểu diễn nhẩy đó nghĩ chắc những người trở về bàn ngồi đều thán phục họ, đều được thưởng thức nhũng màn khiêu vũ miễn phí.

Nhưng cũng có vài ba cặp nhẩy tiếp.

Nhẩy tiếp mới đúng.

Ai cho các ông quyền cho rằng các ông nhẩy hay là không ai khác nên nhẩy nữa? Ai cho các ông quyền chiếm cái piste để các ông biểu diễn chơi cho thỏa mãn … thú tính? Ai cho ông quyền nghĩ là chúng tôi nhẩy không giống các ông là nhẩy dở và cần phải ra khỏi piste  nhường chỗ cho các ông biểu diễn.

Các ông có thể nghĩ là sau những màn biểu diễn ấy, sẽ có nhiều người đi  tìm các y sĩ giải phẫu mắt để chữa cho những đôi mắt đổ dồn lại với nhau.

Nhưng các ông lầm to. Chẳng ai lé mắt cả. Nhiều người cũng thấy ra điều đó. Ðó là những cặp vẫn tiếp tục dìu nhau ngoài piste. Các ông nhẩy hay thì mặc nhẩy hay chứ.

Có ai nhẩy hay như tôi, tuy không có … dài chân?

Ông Canh Thân cải tiến chắc chắn đã phải sửa lại bài hát như thế.

Xin hoan hô những cặp nhẩy đầm đó. Tại sao phải né những người mới học xong một hai khóa khiêu vũ. Cứ việc có nhiêu xài nhiêu. Mấy điệu học lóm ngày xưa cứ lôi ra nhẩy tiếp, có chết ai không?

Bài nào cũng ra nhẩy. Tại sao lại sợ bắt trật nhịp? Bắt đúng nhịp thì ông Bush vẫn khốn khổ, Iraq vẫn tan tành, địa cầu vẫn gia tăng nhiệt độ.

Tối nay cứ vui cái đã. Mấy cặp kia có lẩm bẩm đếm nhịp để đi cho đúng bước thì kệ họ.

Cứ làm sao vui là được rồi.

5-10-2007


MỘT NGÀY KHÔNG CÓ ÐIỆN THOẠI CẦM TAY

Hồi mới sang Mỹ, khoảng năm 75 hay 76 gì đó, tôi còn nhớ trên truyền hình Mỹ thời ấy, Karl Malden hay xuất hiện trong một quảng cáo cho American Express. Ông tài tử này sau khi nói qua về những lợi ích của tấm thẻ mua chịu, đã nói bằng giọng đầy ân cần rằng đừng bao giờ ra khỏi nhà mà không mang theo tấm thẻ của American Express.

Tôi không có tấm thẻ ấy nên nhất định không làm theo lời khuyên của Karl Malden. Và tôi vẫn sống chẳng sao cả. Tại sao phải lệ thuộc vào một tấm thẻ plastic như vậy. Không có nó thì làm sao có thể nói "Don’t leave home without it" được.

Không có nó có chết ai đâu

Tôi làm ngược lại lời nhắn nhủ của Karl Malden và cho rằng trên đời này, không có cái gì có thể và có quyền làm cho mình lệ thuộc quá đáng vào như thế.

Diogène, ông già Hy Lạp sống đời giản dị, vứt bỏ mọi thứ của cải ràng buộc trên đời, chỉ mang theo có cái ca uống nước. Một bữa ông trông thấy một chú bé dùng hai tay vốc nước lên uống. Ông liền quăng luôn cái ca uống nước cho rảnh nợ.

Diogène vẫn sống và trở thành một nhà hiền triết của Hy Lạp.

Tôi chưa làm được như Diogène nhưng vẫn nghĩ có một số vật không còn cần thiết nữa, nhất định không bao giờ để cho mấy thứ ấy biến mình làm nô lệ cho chúng.

Nhưng cách đây hai hôm, tôi bị một thứ hành cho một trận gần chết. Tôi đi ra khỏi nhà, chạy được nửa đường, khoảng gần 60 dặm thì mới nhớ ra là để quên cái điện thoại cầm tay ở nhà.

Tôi thực sự hốt hoảng. Tôi sẽ câm, mù và điếc trong suốt cả ngày hôm ấy.

Không có cái điện thoại trong người, tôi hoàn toàn bị cắt rời ra khỏi thế giới văn minh.

Không thể ghé lại dùng điện thoại công cộng như trước đây nữa.

Không thể làm như vậy được vì bao nhiêu số điện thoại nằm trong máy hết. Một danh sách điện thoại khác thì nằm trong máy điện toán ở nhà. Có kiếm được cái điện thoại công cộng cũng không gọi được cho bất cứ một người nào. Trí nhớ cùn nhụt và tồi tệ của tôi không còn nhớ nổi một cái số điện thoại nào nữa. Số của mấy chú em, của mấy đứa con, mấy người bạn đều được ghi nhớ trong bộ nhớ của cái điện thoại cầm tay. Nó nằm trên mặt bàn bếp buổi sáng. Tôi đóng cửa, ra xe, lái đi hơn một tiếng đồng hồ thì mới biết là để quên nó ở nhà.

Tôi bắt đầu lo và hốt hoảng.

Lỡ có ai gọi. Lỡ có một cú điện thoại quan trọng thì làm sao? Lỡ có người rủ đi ăn buổi tối. Làm sao trả lời?

Hay có chuyện gì quan trọng hơn cần phải giải quyết ngay thì làm sao?

Ngày xưa không có điện thoại thì không sao. Nhưng ngày nay, thiếu nó làm sao sống?

Ngay cả ngày xưa, có nó thì đã giải quyết được biết bao nhiêu là chuyện.

Kim Trọng đi hộ tang, Kiều gặp khó khăn, gọi một cái là xong ngay, làm gì có chuyện lêu bêu 15 năm luân lạc đứt ruột?

Nguyễn Khuyến hỏi thăm bác Châu Cầu thì bấm vài cái nút là biết ngay mấy ổ lợn con rầy lớn bé , vài gian nếp cái ngập nông sâu… Có tung tăng chiếc lá rượu lưng bầu cũng vẫn có thể gọi ngay cho ông bạn già ở Hà Nam. Bao nhiêu chuyện khó khăn khác cũng có thể giải quyết cái một.

Tôi có cái điện thoại cầm tay đầu tiên cách đây hơn mười năm. Ðời sống của tôi đã đổi thay theo với nó trong suốt bằng ấy năm. Nay không có nó, tôi thực sự hoảng hốt.

Biết chuyện này, thế nào cũng có người bạn sẽ đay nghiến tôi rằng chỉ khi nào nó dính vào người thì mới không sơ ý để quên như vậy.

Mười mấy năm qua, tôi sống không một ngày nào không có nó. Nó đã thay đổi hẳn nhiều chuyện trong đời sống hàng ngày của tôi. Với cái điện thoại cầm tay, tôi không thể nói là không có nhà nên không trả lời điện thoại được nữa. Cũng không thể nhăn nhó với người gọi là đừng gọi tới "đây" nữa. "Ðây" là đâu? "Ðây" không chỉ còn là trong sở, ở nhà người bạn, ở tiệm ăn được nữa. Gọi ở đâu cũng đến "đây" cả. Cũng không thể nói là đang bận trong buồng tắm không trả lời được . Chỉ khi nào thực sự đang tắm, đang đứng dưới vòi nước thì mới nói được như thế. Chứ làm bất cứ việc gì khác (?) trong buồng tắm đều trả lời được hết. Thế nên, điện thoại của bạn bè, hay ngay cả với người trên gọi tới, cũng vẫn có thể trả lời trong tất cả mọi tình huống. Chẳng cần phải đốt hương trầm lên, ngả cái giường treo xuống mới tiếp chuyện bạn bè như Nguyễn Khuyến đối với Dương Khuê, giường kia treo những hững hờ.

Nhưng với cái điện thoai cầm tay, tôi cũng dã thoát được bao nhiêu lần phải ngồi cạnh một hai con người vô duyên. Giả vờ mở cái máy ra, hét vào trong rằng "ừ … ừ… moa đang kẹt một chút, sẽ cố đến ngay…" rồi cúp máy là thế nào cũng được giục giã, hối thúc đi ngay, đi nhanh lên và sau đó, từ từ đứng dậy với bao nhiêu là tiếc nuối (giả bộ) để thoát hiểm. Hay cũng có khi chuông reo, cứ để cho chuông reo, không trả lời, có bị hỏi là ai thế thì xua tay đáp rằng vài ba chuyện vớ vẩn ở sở, không cần trả lời là lại được cho bao nhiêu là điểm tốt.

Vậy mà tôi bỏ quên nó ở nhà. Suốt một ngày hôm ấy, tôi buồn chán vô cùng. Xong việc, lái xe về nhà ngay, tới nhà đã là chiều tối. Vồ lấy cái điện thoại, mở ra xem những ai gọi thì chỉ được có một lời nhắn duy nhất là cái áo nhờ sửa đã xong, có thể đến tiệm lấy bất cứ lúc nào.

Chỉ có thế thôi sao? Vậy mà cũng phải nhắn vào máy. Không thấy người bạn nào rủ đi ăn, đi nhậu. Cũng không có một cú điện thoại hỏi dăm ba câu vớ vẩn. Thế giới đã quên người đàn ông già và xấu trai này rồi hay sao?

CHÀO NGỌC ÂN

Năm lên sáu ở Hà Nội, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với cái máy thu thanh, cái radio Philips trên bàn viết của chú tôi. Mấy lần chờ chú tôi đi vắng, tôi leo lên bàn, xoay cái máy lại, dí mắt nhìn vào qua những cái lỗ thông hơi ở lưng máy xem các cô Thanh Hằng, Mộc Lan , các anh Thanh Hiếu, Ngọc Bảo làm sao chui được vào trong máy của chú tôi mà hát ca suốt ngày hay như thế.

Nhưng tôi chỉ thấy mấy cái bóng đèn, những sợi dây điện và mùi khét của nhựa, của dây điện. Không thấy các anh, các chị ấy đâu hết.

Lớn lên thì biết không ai chui được vào những cái máy nữa.

Nhưng những người làm trong các đài phát thanh vẫn là những người kỳ bí với tôi. Họ là những người ít ai biết mặt, tuy giọng nói thì rất quen. Ðó là những người làm cho các đài phát thanh Hà Nội, Sài Gòn, các đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, đài BBC.

Họ là những người như thế nào, ăn ngủ, thức giấc, làm việc làm sao. Chúng ta ăn nói hàng ngày còn có khi lỡ mồm lỡ miệng, nói sai, nói ngọng, nói vấp, lỡ lời … vậy mà làm thế nào những người trong các đài phát thanh lại không bị những lỗi lầm như thế.

Nhưng rồi tôi biết những người làm phát thanh cũng chẳng khác gì người thường. Họ cũng đọc sai, đọc vấp, đọc lộn, phát âm sai tên người, tên đất. Thính giả gọi vào than phiền, sửa lưng rất nhiều.

Tôi có cơ hội làm việc chung với xướng ngôn viên Ngọc Ân của đài Little Saigon một vài lần và gặp cô nhiều lần ở đài.

Phải nói ngay cô Ngọc Ân là một xướng ngôn viên tài giỏi. Cô là người có giọng tốt. Giọng Bắc rõ ràng, phát âm rất đúng, không lai bất cứ một thứ giọng địa phương nào khác. Ðó là tiếng Việt. Tiếng Anh và tiếng Pháp của cô cũng giỏi để đọc tên các địa danh, các nhân danh chính xác trong các bản tin, điều rất cần thiết cho công việc xướng ngôn viên.

Tôi đã nghe cô thông dịch Anh Việt trong hai buổi ra mắt sách và phải nhận là cô dịch rất giỏi.

Cô có một giọng cười ở trong tiếng nói. Mỗi lần cô cười, người nghe biết ngay mặc dù cố gắng lắm thì cũng chỉ thấy có cái radio trong xe hay trong bếp.

Cô giỏi hơn nhiều ngươi làm radio khác. Thí dụ ngay cả những người làm việc cho các đài phát thnah quốc tế lớn như đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Tôi biết vì tôi đã làm việc cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ hơn hai chục năm nên biết điều đó. Chúng tôi, những người làm cho đài Tiếng Nói Hoa kỳ, bỏ bản tin đánh máy có dấu rõ ràng ra, chúng tôi chỉ biết nhìn những cái micro, nói không nên lời. Các xướng ngôn viên của các đài thương mại Việt Nam thì khác. Họ có thể làm đầy cái mà thuật ngữ phát thanh gọi là dead air hay temps mort đó bằng cách nói tiếp rất trơn tru, lưu loát. Cô Ngọc Ân làm việc đó một cách dễ dàng.

Nhưng không chỉ có thế. Cô còn là người giới thiệu và chọn nhạc rất hay. Giới thiệu một bản nhạc phải có kiến thức về nhạc, phải biết về bài hát, về tác giả, về giọng hát, về điều mà bản nhạc chuyên chở, thông điệp mà người viết bản nhạc gửi gấm, và chọn bản nhạc cho thích hợp với không khí của chương trình phát thanh. Cô Ngọc Ân chọn nhạc Pháp, nhạc Mỹ và nhạc Việt đều đúng như những đòi hỏi vừa kể.

Nói điều này ra thì có thể bị coi là kỳ thị phụ nữ, coi trọng đàn ông, miệt thị đàn bà. Nhưng phải nói ngay là rất ít phụ nữ sáng dậy chạy ngay ra cửa trước, nhặt tờ báo đem vào nhà, lật ra đọc nhanh xem hôm nay, biểu tình ở Miến Ðiện tới đâu, tổng thống Bush nói gì về những biện pháp chế tài nhắm vào Iran, bà Benazir Bhutto sắp về Pakistan tranh cử tổng thống chưa, thủ tướng Gordon Brown lên cầm quyền được 100 ngày nước Anh đã có được bao nhiêu thay đổi…

Thông thường thì phụ nữ, đa số không có những quan tâm đó. Có thể vì công việc trong nhà, con cái, bếp nước đã đủ đầy đầu rồi, còn đâu thì giờ mà thắc mắc những chuyện ấy.

Nhưng Ngọc Ân , trong những chương trình in tức, cho thấy cô có nhiều kiến thức ngọn ngành về tình hình thế giới và Hoa kỳ. Chuyện ở quốc hội, chuyện tranh cử, chuyện giải Oscar, chuyện bóng tròn, chuyện football mà cô đề cập tới trong chương trình Chào Bình Minh và các chương trình khác cho thấy điều đó. Lúc nào cô cũng từ tốn, nhỏ nhẹ và hiểu biết. Cô có giọng nói vui tươi. Cô là người hiền lành trong cách giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp.

Ngọc Ân đã quyết định nghỉ luôn, không làm cho đài Little Saigon Radio nữa.

Việc cô thôi làm xướng ngôn viên cho đài là một mất mát không những cho đài mà còn cho rất nhiều thính giả đã yêu cô.

Tìm được người thay thế cô sẽ không dễ.

Thực ra thì chẳng thể nào thay được một người như thế.

Như một câu nói mà nhiều người Mỹ hay nói: You will be missed. Cô sẽ được nhiều người nhớ.

7-12-2007


GÓI

Trong những việc người ta làm vào dịp cuối năm, việc dùng giấy gói những món quà là việc làm vô bổ và vô lý nhất.

Nhưng đó lại là việc người ta mất rất nhiều công sức, thì giờ và tiền bạc để làm. Tiền bạc để mua giấy gói. Không chỉ là giấy gói không thôi, mà còn là giấy có in hình, mầu sắc cho đẹp. Phải tránh dùng cùng một loại giấy để gói những món khác nhau. Phải tránh dùng những mầu giống nhau để sao cho món quà nổi bật hẳn lên khi đặt nằm dưới gốc cây Giáng Sinh hay trong đống quà ở trên bàn, góc nhà trong những tiệc tùng, sinh nhật, kỷ niệm.

Nhưng những món quà Giáng Sinh mới là những món người ta mất nhiều thì giờ và công của để gói chúng nhất.

Những người lo xa thì ngay sau ngày Giáng Sinh đã đi mua giấy gói quà để dùng cho Giáng Sinh năm tới. Tại sao lại phải làm khổ mình đến thế. Giáng Sinh vừa mới qua, rác rến chưa thu hết, giấy gói quà còn vương vãi trong nhà, cây thông chưa quăng ra ngoài đường cho xe rác lấy đi, đã lo tới việc gói quà cho năm tới trtng khi quà cáp thì chưa mua.

Tại sao phải mua khi ở các tiệm bách hóa, tại tầng dưới, bao giờ cũng có người chuyên làm công việc gói quà cho khách. Trả thêm ít tiền, chọn cho được loại giấy có in hình đẹp nhất mới nhờ người gói. Gói thế nào để những miếng băng keo không lộ ra ngoài. Rồi lại cột lại bằng những sợi dây mầu, tết thành một cái nơ, và kế đó làm cho sợi dây cột cuốn xoăn lại cho đẹp. Một tấm thiệp đi kèm, viết vài ba chữ, ký cái tên vào rồi mới mang về nhà.

Tất cả bằng ấy việc mới có được món quà gói đẹp như thế để mang về, đặt dưới chân cây Giáng Sinh.

Ðể làm gì mà phải mất nhiều công như thế? Tưởng tượng buổi sáng, mọi người mở quà. Những công sức để gói cho món quà được đẹp như thế được đối xử như thế nào?

Tôi chưa bao giờ thấy người nhận quà, mở quà trong buổi sáng lại cẩn thận gỡ cho lớp giấy gói bên ngoài khỏi bị rách bằng cách gỡ nhẹ, bóc cẩn thận những miếng băng keo. Nhưng gỡ thế nào được khi mà những miếng băng keo đó được làm để dính chặt vào giấy. Chuyện rách chắc chắn không thể tránh được.

Nhưng cũng không thấy ai mở cái gói giấy từ từ, gượng nhẹ để khỏi phụ lòng người mua quà kiếm mãi mới được thứ giấy đẹp.

Bao giờ cũng là xé toạc ra, xé thật nhanh để xem món quà tặng là cái gì. Thế là lớp giấy gói bị xé nát, gạt ngay sang một bên nếu không bị vo cho nát để ném sang một bên.

Công trình khó nhọc được đối xử như thế đấy. Món quà được lấy từ cái hộp, cầm lên nụ cười rạng rỡ, nhẩy tới ôm cổ người cho quà, tặng cho một cái hôn ướt nhẹp.

Người nhận quà không hề nghĩ tới cái giấy gói mà người mua quà đã cẩn thận và mất công mãi mới chọn được, lại nhờ người gói là cho đẹp như thế.

Rồi sau đó là những gói quà khác, xé lớp giấy gói thật nhanh, quăng sang một bên. Tử tế lắm là gỡ lấy tấm thiệp nhỏ có ghi tên người cho, hai ba chữ như Merry Christmas, Happy New Year là cùng.

Ðống quà mở xong, những tờ giấy gói trông hết sức bi thảm bị vò nát quăng vào góc nhà.

Chưa bao giờ tôi thấy có người gấp những tờ giấy gói quà lại để kèm theo một chút ngậm ngùi hối tiếc cho những tờ giấy gói quà mất bao nhiêu công trình mới tìm được.

Tôi đã qua không biết bao nhiêu cảnh như thế, và lần nào, cách gỡ những gói quà, mở những cái hộp ở trong đều là như thế.

Cách đối xử dành cho những tờ giấy gói quà đều như thế cả. Không hề có chuyện hai tay run run tháo lớp giấy bên ngoài, gỡ nhẹ chúng ra, mắt ngó người cho quà cảm động nói không nên lời. Chao ôi, sao mà mất công thế này, đi kiếm được quà cho tôi chắc mất công lắm nhỉ. Mua rồi lai còn gói cẩn thận nữa chứ. Tội nghiệp không nào. Khéo tay ra phết đấy nhá. Làm sao dấu được miếng băng keo này vào trong? Giỏi nhỉ. Còn cái nơ này nữa. Thắt đẹp quá bỏ đi thì phí biết là bao nhiêu. Thôi, để cất vào ngăn kéo lâu lâu nhớ lôi ra coi nhá. Ðổ vật tư nhân ấy mà, trông thấy vật thì lại nhớ người ấy mà. Cám ơn ông cho quà nhá... Ông mất công quá thế này... Của một đồng công một nén đấy ông ạ...

Không bao giờ tôi được nghe những câu nói như thế cho mát cái ruột. Bao giờ cũng là xé cái rẹt, vo viên quăng xuống góc nhà.

Có khi lại giẫy nẩy lên rằng thôi mua làm gì cho tốn tiền, mợ có đi đâu mà nước hoa nước hoét. Cái khăn này đẹp quá, mợ không quàng đâu. Thôi sang năm đừng có quà cáp gì nữa nhá...

Nhưng tôi biết, có giấy gói hay không có giấy gói, gói đẹp hay không đẹp thì cũng không cần. Bao giờ cũng lấp lánh vài ba giọt lệ.

Gần mười năm rồi không còn thấy những cái tay xé quà đó nữa.

ÐỐI THOẠI KHÔNG LỜI

Hệ thống xe điện ngầm ở Luân Ðôn vừa cho một giọng nói mà các hành khách đã quen thuộc từ lâu nay nghỉ việc vĩnh viễn. Giọng nói này là của một phụ nữ. Công việc của bà là loan báo tên của ga mà đoàn xe sắp đậu lại để hành khách biết mà xuống. Nhưng thay vì chỉ nói tên của ga, thỉnh thoảng bà còn đùa giỡn với hành khách một hai câu. Xe điện ngầm ở thủ đô Washington cũng có một giọng nói như thế. Ông nói tiếng Anh giọng bình dân, kéo dài ra một chút, giọng lại có chút đờm ở cổ họng nghe không khác gì giọng của Louis Armstrong, một nhạc sĩ nhạc Jazz của Mỹ. Ông cũng hay hài hước cho đám hành khách đi làm buổi sáng mặt mũi khó đăm đăm vì chán ngán công việc ở sở nhếch miệng cười một nụ cho buổi sáng đỡ thảm đạm, thê lương. Hành khách có vẻ rất thích những câu hài hước đó ở Luân Ðôn cũng như ở Washington.

Nhưng mấy tuần trước, giọng người phụ nữ ở Luân Ðôn bị cho nghỉ luôn vì bà nói đùa mấy câu trong đó, có một câu đại khái là này mấy người khách Mỹ ngồi cuối xe kia, nói to quá đấy nhá, nói nhỏ bớt lại một chút được không.

Bà không bị đuổi vì câu đó, nhưng câu đó là một trong những câu đưa tới chuyện bà bị cho nghỉ việc.

Mấy tuần trước, ở thủ đô Santiago của Chi Lê, tại hội nghị của các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez đã dùng những lời lẽ rất khiếm nhã để lăng mạ đương kim và cựu thủ tướng Tây Ban Nha. Quốc vương Tây Ban Nha Juan Carlos ngồi gần đó, bực quá liền nói thẳng vào mặt ông Chavez rằng sao ông không chịu câm cái mồm lại.

Ông Chavez về nhà, bực bội lắm, đòi kiện Tây Ban Nha vì quốc vương Juan Carlos đã bảo ông câm mồm lại.

Cả hai chuyện đều không nên. Người phụ nữ ở Luân Ðôn đùa, nhưng cũng đụng chạm những người Mỹ có tật nói to. Vua Tây Ban Nha nghe những lời thô bỉ của ông Hugo Chavez mà nói ông ta phải câm mồm lại thì cũng không nên.

Không xấu người ăn tục mà xấu người bẻ đũa. Kẻ tham ăn, ngồi trong bàn tiệc cứ chọn miếng to mà gắp thì mọi người đều thấy cái tính xấu của anh ta. Nhưng bực bội, cầm đôi đũa bẻ làm đôi, quăng xuống mâm thì người đàn ông tham ăn tục uống bỗng bớt xấu đi, mà người xấu lại là người bẻ đôi đũa quăng xuống mâm tiệc.

Tuần qua, nhạc sĩ Lê Văn Khoa ra mắt CD nhạc không lời của ông trước một cử tọa đông đảo. Chương trình được kèm theo phần trình tấu của một ban nhạc thính phòng và hai ba tiếng hát. Các diễn giả giới thiệu đĩa nhạc đã sửa soạn kỹ lưỡng bài nói chuyện đi vào từng chi tiết nhỏ, minh họa bằng những đoạn nhạc trong đĩa CD Memories của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Cuối cùng, nhạc sĩ họ Lê lên nói về đĩa CD và việc làm của ông.

Kể lại những chi tiết đó là để ghi nhận những việc làm cẩn thận, tâm huyết của các diễn giả cũng như của tác giả tại buổi ra mắt.

Ông Lê Văn Khoa viết nhạc không lời. Ông chỉ dùng nhạc mà không dùng lời như loại nhạc chúng ta thường nghe.

Nhưng có thể vẫn còn có những người đến dự buổi ra mắt CD nhạc không lời của Lê Văn Khoa không hoàn toàn thích loại nhạc không lời đó. Với họ, phải có lời mới được.

Những người này đã cho thấy sở thích của họ. Ðó là phải có lời. Nhạc phải có lời. Ðối thoại phải có lời. Ðến xem ra mắt đĩa CD cũng phải có lời.

Một hai người trong số cử tọa đã nhất định làm như thế.

Ngoài mấy cú điện thoại reo lên trong buổi nói chuyện khiến chủ của điện thoại phải bước ra khỏi phòng hay cố gắng nói thật nhỏ hẹn gọi lại, rồi quay lên ngượng ngùng nhìn chung quanh, thì ở cuối phòng vẫn vọng lên, đều đều, rề rề một giọng nói. Hình như đó là một cuộc đối thoại trực tiếp, không phải là một cuộc điện đàm. Giọng nói vẫn vọng lên phía trước. Ông Lê Văn Khoa nói thì cứ nói, ở dưới, cuộc đối thoại vẫn tiếp tục. Ông Lê Văn Khoa kể về chuyến đi Ukraine, về ban nhạc đại hòa tấu ở thủ đô Kiev, cuộc đối thoại ở cuối phòng vẫn tiếp tục. Ông Lê Văn Khoa trích dẫn sách báo về đĩa CD của ông thì cũng mặc, giọng nói ở cuối phòng vẫn vọng lên rõ mồn một.

Không ai có thể hiểu tại sao đã mất công đến dự buổi giới thiệu CD, rồi lại quay sang nói chuyện để gây phiền nhiễu cho các diễn giả, cho những người ngồi quanh như vậy.

Ðó không phải là lần duy nhất xẩy ra phá hoại như thế. Tại các buổi ra mắt sách, trình diễn nhạc tổ chức ở đây, bao giờ cũng có những trò khủng bố phá hoại như vậy. Những tiếng nói ở ngoài cửa, ở ngoài sân, ở cuối phòng, ở giữa phòng lần nào cũng thấy có. Nào phải không nói là địa cầu sẽ tăng nhiệt độ nhanh hơn, ông Putin hết làm trò độc tài, ông nhà quê Hugo Chavez thôi không muốn làm tổng thống mãn đời, ông Mahmoud Amahdinejad chịu cạo râu, bớt ăn nói quàng xiên, ông Kim Chính Nhật cao thêm được năm phân khỏi phải đi giầy cao gót, Cecilia trở về điện Elysée sống với ông Nicolas Sarkozy, Nguyễn Minh Triết đỡ nhà quê, nông dân, thất học và mất dậy đâu...

Những lúc ấy thì lại không cách nào kiếm đâu được quốc vương Juan Carlos của Tây Ban Nha để nhờ ông nói một câu bằng tiếng Tây Ban Nha như ông đã nói vào mặt ông Hugo Chavez tại hội nghị cho mọi người nhờ.

Por qué no te callas?

9-11-2007


MỘT NGƯỜI ÐÀN ÔNG VIỆT DỄ SỢ

Việc những bản tin báo chí, truyền thanh và truyền hình ở Mỹ không nêu ra các chi tiết về mầu da hay nguồn gốc của những thành phần phạm pháp là điều không phải tự nhiên mà có.

Những chi tiết như thế dễ tạo ra nhũng thái độ kỳ thị nhắm vào mầu da và nguồn gốc của tội phạm và ảnh hưởng lây sang cả những người cùng mầu da và quốc tịch, nguồn gốc với người phạm tội, nhất là khi đó là những tội ác quá khủng khiếp.

Phải bao nhiêu năm tranh đấu mới có được điều đó.

Không được tiết lộ những chi tiết về mầu da hay nguồn gốc mà chỉ được phổ biến những chi tiết như tên tuổi của các thành phần này, thì phải là người tinh lắm mới biết được những thành phần này gốc gác như thế nào.

Những người không có những hiểu biết về những cái tên ấy thì khó mà biết được.

Những cái họ Kim, Park, Lee thì có nhiều phần là Triều Tiên. Họ Wong, Wu, Tan thì chắc phải là người gốc Hoa. Với nhiều người Mỹ, họ Nguyễn của Việt Nam đã trở thành quen thuộc, nên chỉ ngó qua cái họ đó là biết ngay gốc gác.

Cách đây mấy năm, một người đàn ông phạm tội giết người bị tòa xử tử hình thì báo Orange County Register đề cập đến chuyện gia đình của hung thủ đã trốn khỏi Việt Nam trong trường hợp nào, nên độc giả biết ngay đương sự là người Việt. Cái họ của hung thủ không phải họ Nguyễn nên chính nhờ chi tiết ấy mà người đọc biết ngay được đương sự là người Việt.

Tờ Orange County Register hôm thứ ba mồng 6 tháng 11 có đăng bài tường thuật một vụ giết người kèm theo hình một người đàn ông Á châu và tên họ của đương sự ở dưới. Vì đương sự không phải họ Nguyễn nên chắc không có bao nhiêu độc giả người Mỹ biết đó là một di dân gốc Việt.

Mặc dù tờ báo không đánh dấu rõ ràng, nhưng các độc giả Việt nhìn qua cái tên ấy cũng biết ngay đó là họ Trần.

Ðương sự, theo tin của tòa án và của hai tờ nhật báo Orange County Register và Los Angeles Times, đã cùng Noel Jesse Plata, đến nhà một gia đình di dân gốc Triều Tiên với âm mưu đánh cướp. Gia chủ không có nhà, chỉ có cô con gái Linda Park 18 tuổi ở nhà. Hai hung thủ đã tra tấn Linda, dùng dao cắt cổ để buộc cô phải chỉ chỗ dấu tiền. Các hung thủ chỉ lấy được 700 đô la tiền mặt và một số nữ trang. Nhưng để khỏi lộ tung tích, cả hai trói Linda Park lại, rồi dùng dây điện xiết cổ nạn nhân đến chết và quăng xác nạn nhân trong phòng khách.

Cha nạn nhân về nhà thì thấy con gái nằm chết trong một vũng máu. Ðó là hôm mồng 9 tháng 11 năm 1995, đúng 12 năm trước.

Và tuần này, tòa đã kết án hai hung thủ. Cả hai đều bị bồi thẩm đoàn đề nghị tử hình thay vì tù chung thân. Tờ Orange County Register viết là cả hai không một mảy may xúc động khi bồi thẩm đoàn xin tòa phạt tử hình.

Hung thủ họ Trần trong bức hình, dưới mắt nhìn của các độc giả Mỹ, chỉ là một người Á châu. Ít người biết đó là một người Việt.

Ðó là một khuôn mặt dễ sợ. Ðương sự đang mím môi, và đúng như bài báo đã viết, không một xúc động trên mặt. Nhìn bức hình, người ta thấy ngay đương sự không có cái nét hiền lành, lương hảo.

Tôi chỉ dám nói điều này sau khi bồi thẩm đoàn tuyên bố đương sự có tội và đề nghị án tử hình. Ðương sự quả là một sinh vật độc ác. Khuôn mặt vẫn còn nguyên cái nét hung ác đó.

Bẩy trăm bạc chia đôi và một số nữ trang mang bán đắt, bán rẻ đầu đường cuối ngõ không biết cả hai được mấy trăm bạc.

Chỉ có mấy trăm ấy thôi mà làm một gia đình di dân Triều Tiên khốn khổ suốt bằng ấy năm, khiến người cha có lúc định giết cả nhà rồi tự sát để gia đình khỏi phải sống trong nỗi đau mất người thân một cách khủng khiếp như thế.

Nhưng cũng có thể vẫn có những độc giả không phải là người Việt biết đương sự là một thanh niên gốc Việt.

Chỉ mong những người ấy không vì một tên sát nhân gớm ghiếc ấy mà quay sang nghĩ xấu, thù ghét cái cộng đồng Việt Nam này. Và cũng mong là cộng đồng Triều Tiên đủ sáng suốt để không vì một nữ sinh viên bị Ronald Trí Trần giết một cách dã man như thế để mất đi những cảm tình có từ lâu nay với cộng đồng Việt Nam.

Cũng như vài ba phụ nữ Việt Nam bị bán sang Nam Triều Tiên rồi bị hành hạ, bị giết thảm không hề làm cho người Việt Nam ghét người Ðại Hàn.

Ronald Trí Trần sẽ khó có được một giọt nước mắt khi án tử hình được thi hành.

Nhất là khi nghĩ bao nhiêu người đã chết trên đường đi tìm tự do trong khi người tới được bến bờ tự do thì lại làm một hành động khủng khiếp và đáng tởm lợm như Ronald Trí Trần.

Không phải cái chết của bất cứ một người Việt Nam nào cũng đáng để phải nhỏ nước mắt.

CÔ MỄ CỦA TÔI

Gần đây, những lập luận bênh và chống những người di dân lậu càng ngày càng được nghe thấy nhiều hơn.

Những người chống thì nói rằng những người nhập cảnh lậu vào nước Mỹ lấy đi công ăn việc làm của nhiều người Mỹ.

Những người bênh vực cho người di dân tới Mỹ, đa số là không có giấy tờ, thì nói rằng những người di dân này chỉ làm những công việc mà người Mỹ, Mỹ thật cũng như Mỹ giấy không thèm làm.

Ðó là những việc gì?

Ở Thụy Sĩ mấy năm trước, chính phủ muốn đuổi những người di dân về nước nhưng thấy không ai làm đường, quét rác, móc cống nên lại phải thôi. Ở Pháp, cứ thấy phu phen đứng đường, hốt phân chó, làm những việc khổ cực, dơ dáy là y như rằng đó không là mấy ông Marocain thì cũng là Algérien, Sénégalais, Ả Rập vân vân.

Mấy người bạn ở Canada vừa gặp tuần trước than khổ, vợ chồng cứ phải è cổ ra lau dọn nhà cửa, chẳng bù cho các nhà quí tộc Việt Nam ở California lúc nào cũng có Mễ hầu.

Lúc ấy tôi mới nhìn lại chung quanh, và thấy những người bạn này nói rất có lý.

Không phải chỉ có những việc oằn lưng xuống ở các nông trại, cắt cỏ, cưa cây, xây cất, mà còn luôn cả nhiều việc khác Mỹ thật cũng như Mỹ giấy đều không chịu làm.

Quăng cái bao rác ra thùng rác ở sân sau cũng ngại. Cái buồng tắm xà phòng két lại ở chung quanh tường, cái bếp vương vãi vụn bánh mì, ly cà phê mắt nhắm mắt mở buổi sáng thỉnh thoảng làm đổ xuống sàn cũng không chịu lau đi. Thế là cứ một tháng, căn nhà lại ngập ngụa lên, và lại phải đi kiếm ba cô Lupez, Maria và Julia về giúp một tay.

Ba cô bạn gái của tôi hễ thấy quá 4 tuần lễ không thấy gọi là thế nào cũng gọi cho senor Bui hỏi nhà cửa ra làm sao, có cần các nàng lại giúp không.

Thế là sáng thứ bẩy, ba nàng lái một chiếc Highlander trắng, mới còn hơn hai cái xe của người đàn ông già xấu trai ở khu nhà sau đường Bolsa, đến tận nơi, tay chổi, tay thùng xà bông, 409, windex, máy hút bụi bấm chuông vào giúp chủ nhà lười biếng, chân tay bắt đầu rũ liệt mỗi buổi sáng, cố gắng lắm là sáng sáng vứt túi rác vào thùng sau nhà, tưới mấy cái gốc cây, vừa tưới và nghĩ đến chú cuội để cẩn thận không cho cây bay lên mặt trăng đã là cố gắng nhiều lắm.

Ba cô bạn gái to béo, lại có lờ mờ mấy bộ ria nhờ ăn nhiều tacos  tamales bắt tay ngay vào làm việc. Cái mặt bếp, những cái lò gas, cái máy nướng bánh mì, nhưng cái vòi nước, cái bồn rửa chén bát, cái cửa sổ bếp được tấn công trước. Hai cô kia tấn công hai cái nhà tắm, một cái được dùng vài ba lần mỗi ngày, một cái thỉnh thoảng khách ghé qua nên không cần bao nhiêu công sức. Mấy cái cửa kính chủ nhà không thể lau cho sạch vì để nguyên như vậy cũng chẳng sao mà lại khỏi phải vươn vai lên đau lưng gần chết. Mấy cái bàn, mấy cái ghế trong phòng khách, cái phòng ngủ ngổn ngang quần áo được thu cho gọn lại, máy hút bụi chạy ầm ầm trong khoảng nửa tiếng thì căn nhà trông đã khác trước rất nhiều. Không còn trở lại mái nhà xưa nữa mà là trở lại căn nhà sạch thơm phức.

Ba cô Mễ gọi chủ nhà hỏi còn cái vườn thì tính sao? Trận gió Santa Ana rụng lá hồng hàng xóm bay sang, năm hồ hết, hờ hững ai xui thiếp phụ chàng, vàng bay mấy lá thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông. Thế lại ra hiệu giúp làm sạch cái cảnh của ông Tàn Ðà. Ba cô quét lá, ngắt mấy cái hoa quỳnh nở rồi héo quắt cho sạch. Cứ sớm ra đi sớm hoa không biết / đêm trở về khuya không ai hay hệt như ông Mai Thảo.

Khoảng 15 phút là xong hết, lại còn cuộn giúp cái vòi nước bao giờ cũng quăng cho nằm ngoằn ngoèo như một con rắn bất trị.

Tất cả có sáu chục bạc. Cả ba nàng đều vui vẻ, cám ơn gracias mucho mucho rồi ra về. Chủ nhà tiếp tục lười biếng và ở dơ nhờ có ba cô bạn gái người Mễ.

Không cần biết em là ai, như một ca khúc của Diệu Hương. Cũng không cần biết em có... giấy tờ không. Nhưng cứ lại mỗi tháng một lần cho căn nhà sạch là được. Em là ai, từ đâu đến thì cũng có sao đâu.

Mấy cái việc nhờ mấy em làm thì không một con ma nào ở Santa Ana chịu làm. Nhất là Halloween đã qua, mà vẫn chẳng có ma nào chịu làm giúp cả.

12-10-2007


NHẠC ÐÁM CƯỚI

Cổ tích Việt Nam có một câu chuyện về một anh chàng ngốc tuy ngốc nhưng lại hết lòng thương vợ. Vợ ốm nghén, anh hỏi vợ muốn ăn gì. Hỏi mãi vợ chán quá, nói đại ăn cái con tù lì. Anh mang tiền đi mua tù lì cho vợ ăn. Anh tìm không ra con tù lì, toàn gặp những chuyện xui xẻo. Anh đi qua đám rước dâu thì nghe vợ dặn hễ có đám tang thì phải đến chia buồn, kêu mấy tiếng ô hô, anh nhớ lời vợ kêu lên ô hô, ô hô, ô hô ba tiếng. Anh bị đám rước dâu đánh cho một trận  đáng đời. Kể lại cho vợ nghe, vợ dặn thấy đám cưới thì phải tìm  trầu cau mang đến mừng, và nói mừng anh chị tốt đôi chứ đừng kêu ô hô. Chẳng ngờ hôm sau đi mua tù lì, anh thấy một đám cháy, anh vội đi kiếm cơi trầu mang đến rồi hét lớn “mừng anh chị tốt đôi.”

Những người lo chữa cháy nghe anh nói tốt đôi, lại tưởng anh nói là tôi đốt, liền xúm nhau lại đánh cho một trận gần chết.

Anh chàng ngốc này chỉ biết nghe vợ, chẳng biết phân biệt đám tang với đám cưới, đám cháy với đám rước dâu nên cứ thế mà ăn đòn.

Tưởng anh ngốc này đã biến mất từ đời tám hoánh nào ai ngờ người như anh vẫn còn thỉnh thoảng gặp ở đây.

Có điều ngày nay ngu dốt như thế thì không bị đánh vỡ đầu mà còn được trả tiền là khác.

Tôi vừa đi dự một dám cưới của gia đình cô em họ. Ðám cưới diễn ra tốt đẹp mặc dù gia đình nhà gái cẩn thận xin lỗi trước về những sơ xuất không thể tránh được. Xin nói ngay, mọi chuyện không có điều gì cô phải xin lỗi. Tốt đẹp từ đầu đến cuối.

Nhưng trong tiệc cưới thì lại xuất hiện nhân vật cổ tích như vừa bước ra khỏi câu chuyện cụ Nguyễn Văn Ngọc kể trong cuốn Truyện Cổ Nước Nam.

Ban nhạc giúp vui giới thiệu một ca sĩ của ban nhạc lên hát  mừng cặp tân hôn.

Bài thứ nhất mà anh ta hát đã làm ngạc nhiên quan khách không ít. Tuy thế,  không ai nói gì. Tiệc đang vui. Khách đang ăn. Cô dâu chú rể đi thăm các bàn, nói chuyện với khách. Nhưng bài hát để mừng cặp tân hôn thì là một bài hát hết sức nhảm nhí. Nếu nó được hát ở một chỗ khác thì cũng có thể tạm tha được. Nhưng tại một dám cưới thì không nên chút nào. Không được chút nào.

Bài hát có những câu như làm sao tay anh lạnh, làm sao anh run, làm sao thế này thế kia…

Xong bài hát đầu tiên, tưởng anh ta cho nghe một bài hát khác hợp tình hợp cảnh hơn.

Ít ra thì cũng phải   Thoi Tơ của Ðức Quỳnh với  anh lo gì trời gió, em lo gì trời mưa, anh lo gì mùa hè… cùng những  ước mơ tốt đẹp cho đời sống đôi lứa

Hay Yêu và Mơ của Văn Phụng … Anh yêu lúc em đan, anh yêu nhất đôi tay mềm… yêu em tình ngất ngây …

Nếu không thì cũng Lâu Ðài Tình Ái, hơi rẻ tiền một chút nhưng cũng là anh sẽ vì em làm thơ tình ái

Chứ sao lại Thu Hát Cho Người, toàn những biệt ly, đứt đoạn như lời của bài hát?

Anh vẫn say sưa hát trên bục. Mắt nhắm tịt lại thả hồn trong lời ca của bài hát vớ vẩn hoàn toàn không thích hợp cho một ngày vui như thế.

Là người quen thân với gia đình cô dâu và rất yêu quí cô dâu, tôi không thể tiếp tục để cho anh chàng này vẽ ra những cảnh không đẹp cho cặp tân hôn. Tôi phải đi gặp người giới thiệu chương trình nhạc yêu cầu đuổi anh ta xuống, không cho hát tiếp nữa

Sau hai bài hát nhảm nhí đó, anh phải rời sân khấu.

Có bị cho là khó tính thì cũng chịu. Gia đình cô dâu là chỗ quen thân từ khi mẹ cô dâu còn bé. Tôi nghĩ ít nhất cũng phải … khó tính một chút như thế để chấm dứt trò ca hát nhảm nhí xui xẻo của anh ca sĩ.

Anh ca sĩ có thể không là người ngốc như nhân vật trong truyện Tù Lì Tám Tiền, nhưng anh ta hoàn toàn không hiểu lời ca của hai bản nhạc. Nếu hiểu ý nghĩa của những ca từ này, anh đã không dám hát hai bài nhảm nhí đó  tại đám cưới. Hay nghiệp cầm ca của anh chỉ có hai bài để lúc nào cũng lôi ra hát. Ca hát không thể như mũi plastic sửa ở Việt Nam One Size Fits All hay các tiệm cắt tóc unisex, đàn ông cũng tiếp, đàn bà cũng okay, hay tử vi nam nữ xem chung được.

Phải biết bài hát nào trình bầy trong dịp nào.

Nếu không hát được nhạc Việt, thì thiếu gì nhạc Mỹ, nhạc Pháp. Tại sao không là Hawaiian Wedding Song của Andy Williams? Tại sao không hân hoan như Just To Say I Love You của Stevie Wonder? Tại sao không thể là La Vie En Rose,   Oui Devant Dieu? Tại sao không là Parlez Moi D’Amour của Dalida?

Tội nghiệp cô dâu và chú rể hết sức. Mong cặp tân hôn này may mắn, hạnh phúc như lời chúc của khách tham dự đám cưới.

Một hai bài hát vớ vẩn ngu xuẩn đó không thể làm hỏng tiệc cưới của cháu được.

LÁ CỜ MỸ

Ca khúc có thể coi là hay nhất trong những năm chiến tranh Việt Nam là bài hát viết về Quảng Trị sau ngày những người lính thủy quân lục chiến dựng lại lá cờ Việt Nam trên thành phố tan nát này.

Bài hát ấy đến nay nghe lại vẫn còn thấy nghẹn ở cổ.

Lá cờ xét cho cùng, chỉ là một mảnh vải. Nhưng tại sao nó lại có thể tạo ra những xúc động ghê gớm như thế.

Mấy ngày sau khi Sài Gòn thất thủ, báo chí cho biết các chiến hạm Việt Nam khi tiến  vào vịnh Subic ở Philippines đã được lệnh phải hạ quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa theo lệnh của chính phủ Philippines. Cứ nghĩ vừa mới còn là bạn bè đồng minh với nhau, nay bỗng quay ra hạ cái lệnh ấy thì chán thật. Nhưng đó là nước chủ nhà, lại nại quốc tế công pháp ra thì đành chịu.

Người Việt sống ở ngoài Việt Nam bỗng thành vô tổ quốc, apatrie,  như chữ ghi trong giấy tờ lúc mới tới các quốc gia thứ ba, khi chưa là công dân của các quê hương mới, mà cũng lại  không còn là công dân của Việt Nam Cộng Hòa nữa. Nhưng những lá cờ Việt Nam thì vẫn còn mãi trong lòng của người Việt có liêm sỉ và tự trọng.

Vì thế, nhiều người không về Việt Nam cũng chỉ vì không muốn đi dưới một lá cờ khác. Nguyên Sa của Áo Lụa Hà Ðông một lần có nói rằng ông không muốn làm một du khách đi du lịch trên chính quê hương của ông.

Tuần qua, tại Reno thuộc tiểu bang Nevada có xẩy ra một câu chuyện liên quan đến lá cờ, xin kể lại ở đây.

Một quán rượu có một cột cờ trước cửa, trên cột cờ ấy có treo hai lá cờ, một lá quốc kỳ Mexico và một là cờ Mỹ.

Lá cờ Mexico được treo ở trên cao. Lá cờ Mỹ treo ở dưới.

Ở một số tiểu bang có  luật nói rõ cờ Mỹ phải được treo ở nơi cao nhất nếu được treo ở  cùng một cột cờ. Nếu hai lá cờ được treo ở hai cột khác nhau thì cả hai phải cùng một kích thước. Lá cờ của quốc gia kia không thể to hơn cờ Mỹ. Thoạt nghe thì ai mà chẳng thấy những luật lệ như thế có hơi cao ngạo, kiêu căng, phách lối, tự tôn. Nhưng nghĩ lại thì phải đồng ý.

Ðến sống tại Hoa kỳ thì cũng phải biết ai là chủ, ai là khách.

Treo hai lá cờ lên, yêu nước mình hơn nước Mỹ thì cũng được đi. Nhưng không thể công khai chuyện đó bằng cách treo lá cờ Mỹ ở dưới, treo lá cờ Mễ lên trên cao như người chủ tiệm rượu ở Reno đã làm.

Một người Mỹ tên là Jim Broussard, một cựu quân nhân Hoa kỳ thấy vậy, ngứa mắt, đem một con dao găm, loại dao của quân đội Mỹ phát cho quân đội, trở lại cột cờ, kéo lá cờ Mexico xuống, cắt bỏ ném xuống đất và lấy lá cờ Mỹ mang đi.

Chủ  tiệm nói rằng ông ta không biết  là phải treo lá cờ Mỹ ở vị trí cao nhất. Ông  treo lá cờ Mễ lên cao để vận động sự ủng hộ của cộng đồng Mexico ở Reno cho tiệm của  ông. Cộng đồng Mexico hăm dọa là sẽ tẩy chay các cơ sở làm ăn, các dịch vụ của người Mỹ tại Reno.

Thôi mà người anh em di dân không có giấy. Năm ngoái, người anh em xuống đường biểu tình đòi quyền cho những người di dân lậu, người anh em lôi cờ Mexico xuống đường, thế là tự nhiên người anh em làm mất hết chính nghĩa đấu tranh mặc dù cái gọi là chính nghĩa ấy cũng không có bao nhiêu. Sau cuộc biểu tình vác cờ Mexico xuống đường đó, chắc có người khuyên bảo, nên người anh em mấy lần biểu tình sau đó chỉ còn le ngoe vài cái cờ xanh trắng của Mexico.

Treo cái cờ Mexico trên cột cờ, vác cờ Mexico xuống đường, người anh em làm khó chịu rất nhiều  người khác.

Chúng tôi vượt bao nhiêu khổ ải đến đây, chúng tôi chỉ muốn chào cái cờ sao sọc mà thôi. Các thứ cờ khác, người anh em cứ treo riêng, đừng bắt chúng tôi đi dưới những lá cờ đó. Chúng tôi không muốn phải đi dưới những lá cờ Mexico ở nước Mỹ.

Thử hỏi có  ai được làm điều đó ở Mexico không? Hay ở Nga, hay ở bất cứ một nước nào khác.

Treo cái cờ Mễ một cách sấc sược, không lý gì tới chủ nhà, không tỏ ra một chút tôn trọng nào cho cái biểu tượng của quốc gia đã cưu mang người anh em rồi la toáng lên rằng quyền tự do bầy tỏ tư tưởng của người anh em bị vi phạm thì không được.

Người anh em còn hăm là sẽ kiện Jim Broussard ra tòa về tội làm hư hại tài sản của người anh em.

Mong người anh em thua kiện trong vụ này.

Tưởng tượng chuyện ấy xẩy ra tại một nước khác thì không biết người anh em có còn tiệm rượu, và có còn toàn thây để mà đi kiện nữa hay không.

Chán người anh em quá.

14-12-2007


SỰ CẦN THIẾT CỦA GIÁNG SINH

Một tác giả viết sách nhi đồng, Dr Seuss, có một cuốn sách rất được các em bé ở Mỹ mê thích trong dịp Giáng Sinh. Cuốn sách nhan đề How The Grinch Stole Christmas kể chuyện một sinh vật tưởng tượng, The Grinch, vì tâm địa nhỏ nhen, bực bội khi thấy mọi người cử hành Giáng Sinh vui vẻ đã tìm cách phá niềm vui ấy bằng cách lấy đi những gói đồ chơi, những vật trang hoàng cho Giáng Sinh để ngăn không cho Giáng Sinh tới với thành phố Whoville. Nhưng Giáng Sinh vẫn đến với thành phố, mọi người vẫn vui vẻ cử hành Giáng Sinh và The Grinch nhìn ra được một điều là Giáng Sinh không phải chỉ là dịp quà cáp, mà là không khí, là tâm tình, là hạnh phúc không ai có thể dập tắt hay phá tan đi được. The Grinch ân hận, mang trả lại tất cả những thứ mà nó lấy trộm và được dân thành phố mở vòng tay đón nó.

Charles Dickens, một nhà văn của văn học Anh quốc cũng có một nhân vật gần giống như The Grinch. Người đàn ông già khó tính trong truyện A Christmas Carol, ông Ebenezer Scrooge là người không yêu ai, trẻ con cũng như người lớn. Ông ta còn ghét cay, ghét đắng Giáng Sinh chỉ vì Giáng Sinh đem lại niềm vui cho mọi người. Ông ta không muốn ai vui vẻ hạnh phúc. Ông tỏ ra rất khó chịu trước cảnh mọi người chung quanh cử hành Giáng Sinh bằng mấy tiếng bầy ra tất cả những hậm hực, bực bội của ông: "Bah humbug!"

Gần tương đương vói Bah Humbug trong tiếng Việt là Tầm bậy tầm bạ, tào lao.

Ông già Scrooge phản đối Giáng Sinh, coi những lễ lạc, quà cáp, những câu chúc mừng Giáng Sinh là những trò giả dối, không thật, toàn là lừa bịp.

Tên của ông, Scrooge, đã trở thành một tĩnh từ để chỉ cái tính khó chịu, bần tiện, keo kiệt, ích kỷ.

Tưởng những người như Ebeneze Scrooge đã biến mất trong thế giói ngày nay, và The Grinch cũng chỉ nằm trong những trang sách của Dr Seuss. Nhưng họ vẫn còn đâu đây sống chung quanh chúng ta.

Họ tìm cách lấy đi niềm vui, hạnh phúc mà Giáng Sinh mang lại trong mùa tiết lạnh buốt của cuối năm.

Năm ngoái, một ông giáo sĩ Do Thái đòi phải dẹp cây Giáng Sinh tại phi trường Seattle nếu không trưng thêm hình tượng của các tôn giáo khác. Nhà chức trách sợ bị kiện liền tháo gỡ cây Giáng Sinh xuống. Vài ngày sau, ông giáo sĩ này bị nhiều người chỉ trích nên đã yêu cầu phi trường Seattle dựng lại cây Giáng Sinh và hứa sẽ không kiện tụng gì nữa. Cuối cùng cây Giáng Sinh được bầy trở lại ở phi trường. Cũng những dịp này, chắc chắn sẽ có những tiếng nói than phiền và phản đối không cho trưng bầy cảnh hang đá tại những nơi công cộng vì như thế là cổ võ cho một tôn giáo.

Là một người không theo đạo Thiên Chúa tôi thấy những đòi hỏi, phản đối đó không khác gì việc của The Grinch và cái khó tính đáng hét của ông già Scrooge.

Trưng cảnh hang đá thì đã sao. Trời đêm tháng 12 lạnh lẽo đi ngang qua một góc phố thấy cảnh hang đá bao giờ tôi cũng thấy lòng vui và ấm lại. Tại sao phải đòi dẹp cây thông đèn đuốc sáng trưng cho góc phi trường vui lên một chút?

Tôi nhớ mấy câu đầu của một bài thơ trong tập Mấy Vần Tươi Sáng của Trần Trung Phương đọc từ năm còn rất nhỏ:

Ðêm qua có đức cha già
Trên Trời lén xuống ban quà trẻ con...

Câu ấy theo tôi bao nhiêu năm, cứ mỗi Giáng Sinh, quà cáp cho lũ con cháu là hai câu ấy lại trỏ về, trở về để thấy không quà cáp cho chúng thì không thể được.

Lớn lên một chút, là tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên nhận được, tấm thiệp vẽ chiếc xe trượt tuyết, ông thánh Nicholas, cảnh tuyết trắng, những chấm kim tuyến lấp lánh, và hàng chữ nắn nót viết với câu chúc rất ngô nghê mà đẹp tuyệt vời.

Những năm đi học xa, Giáng Sinh bao giờ cũng là nhưng kỷ niệm tuyệt đẹp.

Và một đêm tuyết lạnh ở một thành phố đông bắc Hoa kỳ, mấy câu thơ Ðinh Hùng lại trở về:

Khi mắt em rung bóng giáo đường
Mùa đông và mái tóc tha hương
Anh đi trong gió và anh nguyện
Tìm những hồn đau lạc biển sương.

Anh đợi em về đêm Giáng Sinh
Nghe hồi chuông vọng thấu tâm linh
Mùi hương thoảng gót chân hoài niệm
Thương nhớ từ đâu bỗng hiện hình

Ðêm xuống mênh mang bóng giáo đường
Linh hồn thập tự cũng tha hương
Nơi đâu tuyết phủ nhòa biên giới
Rung động ngàn sao nhũng tiếng chuông
...

Không ai có thể làm hỏng những Giáng Sinh như thế.

KHÔNG NẤU ĂN

Một thính giả phụ nữ, trong một bức thư gửi đến đài, đã than phiền không được đối xử đồng đều với đàn ông. Ðiều này tôi nghe đã nhiều. Có khi có lý và cũng có khi vô lý.

Nhưng lần này, tôi thấy điều than phiền ấy rất có lý.

Người nữ thính giả này nói rằng khi đi ăn ở tiệm, các phụ nữ bị nhìn bằng những con mất rất không thân thiện. Những con mắt ấy như muốn nói rằng đàn bà con gái gì mà không chịu nấu nướng, không biết nấu nướng để phải đi ăn tiệm. Hay chồng con đâu mà lại đi ăn tiệm như vậy.Thái độ không thân thiện ấy thực ra đã thấy ở trong những câu ca dao có hàng trăm năm trước:

...Thấy hàng chả chó lại lê chân vào
Chả này bà bán làm sao
Năm đồng một đĩa lẽ nào không mua...

Ăn quà đã xấu, lại ăn chả chó thì không văn học nghệ thuật chút nào. Khó khăn và nghiêm khắc là như thế.

Một ông chồng khác dễ dãi hơn với vợ:

... Ði chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu, chồng bảo về nhà đỡ cơm...

Nhưng người ngoài thì không thiện cảm như thế. Cứ thấy những người phụ nữ ghé tiệm ăn, mở cái menu ra đọc, kêu một hai món là bị nhìn bằng những con mắt bất thân thiện ngay.

Trong khi những người đàn ông vào tiệm ăn thì lúc nào cũng được nhìn bằng những con mắt đầy thiện cảm và thương hại: Chao ôi, sao mà khổ thế... tại sao lại ra nông nỗi này... không có ai nấu cho ăn hay sao? Tội quá đi chứ... đã kiếm được con mụ nào nấu cho chưa?

Nhũng thái độ như thế đều không được. Những người đàn ông Việt Nam thuở bé thì bị mẹ làm hư: Thôi lên trên nhà đi... đàn ông đàn ang gì mà chui xuống bếp thế này... con gái nó cười cho. Lớn lên thì bị vợ làm hỏng.

Tuy thế, chuyện nấu nướng không phải bao giờ cũng làm được.

Ngay cả các bà, các cô. Và cả những người nấu giỏi, hay thích nấu cũng thế.

Mở những trang quảng cáo, rao vặt ở đây là biết ngay. Ở những địa chỉ cho thuê phòng, đọc lướt qua là thấy những trở ngại khiến cho việc nấu bếp ở nhà không phải là dễ làm.

Rất nhiều chủ nhà có một hai phòng trống muốn cho thuê nhưng lại đặt ra điều kiện là không được nấu nướng.

Chủ nhà có thể có cái lý của họ. Họ không thích những món ăn nhiều mùi được nấu trong bếp của họ. Thí dụ món mắm chưng, nồi mắm và rau, hay khúc cá kho chẳng hạn. Thế là không cho nấu.

Hay cái tủ lạnh bị chiếm mất một diện tích quí giá còn đâu chỗ để rau trái của chủ nhà? Thế là cũng không cho nấu.

Nấu thì phải có nồi niêu xoong chảo, bát đũa, xà bông rửa chén, khăn lau chén. Mệt quá. Thế là không cho nấu nướng gì hết.

Vậy thì làm sao lo cho cái dạ dầy? Thế là phải đi ăn tiệm. Ăn tiệm mấy món được quảng cáo nói là như mẹ nấu ở nhà thì có lý quá đi chứ. Thế là đi ăn tiệm. Nhưng chẳng lẽ ngày nào cũng đi ăn tiệm. Thôi thì mua mang về vậy. Nhưng mang về đâu? Mang ra xe, quay kính lên, vừa ngồi ăn vừa vặn radio nghe mục hỏi thuốc khai đủ các thứ bệnh kinh khủng cũng ngon chán.

Nếu sợ thì lại kiếm mấy cái tiệm ăn vậy.

Nhưng tưởng ghé tiệm ăn mà đã yên thân sao? Ngoài những cái nhìn xoi mói mà người nữ thính giả kể trong thư, còn có cả những câu của cô chủ tiệm như: Sao ăn nhiều đồ mỡ thế này? Ăn ít mỡ đi ông già. Hôm nay lại ăn hủ tiếu gà cá à? Sao không ăn bún suông đi... suông ngon lắm đó... Sao giờ này lại uống bia? Ðừng uống bia nữa, cà phê đen đá không đường nhá...

Nghe xong bằng ấy thứ mà không là bữa cơm chiều chan nước mắt hay sao?

Thế thì mì gói, mì ly vậy. Mở miếng giấy đậy cái ly mì, đổ nước vào cho ngập đến miệng, bỏ vào microwave, ba phút lấy ra, đổ xì dầu, ketchup, mù tạc, nước mắm, tiêu, ớt vào, chan cho ít nước mắt, ăn cho xong bữa. Cái ly bằng plastic thì buông ngón tay ra, cho nó rơi vào giỏ rác để sáng mai mang ra cửa lén bỏ chung vào thùng rác của chủ nhà. Thế là xong nợ.

Chiều còn sớm thì ghé cái quán rượu, giả bộ làm ông Mai Thảo:

Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người kia hỏi uống chi đây
Uống ư một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình không rót rất đầy

Thế là lại nhớ món gà kho gừng của người bạn. Món mướp xào lòng gà, món canh sườn nấu vói rau cải, món cá trê kho củ cải, món canh bóng những ngày tết của người mẹ.

Vậy thì đàn ông đi ăn tiệm có sướng hơn đàn bà chút nào đâu.

16-11-2007


VỀ MỘT CÁI TÊN

Những cái tên người có một điều rất lạ, đó là nó có thể làm cho người ta ghét tất cả những người mang cái tên ấy. Và nó cũng có thể làm cho người ta yêu tất cả những người mang cái tên ấy. Nó có thể là ám ảnh theo người ta đến hết một cuộc đời.

Tôi ghét những người mang cái tên X. Tôi cố gắng tìm hiểu tại sao tôi lại ghét cái tên ấy, thì mãi mới hiểu là người đầu tiên mang cái tên X. ấy là người tôi có những kinh nghiệm không đẹp lắm. Tôi gặp người có cái tên X. ấy từ khi ở tiểu học. Người bạn cùng lớp này bắt tôi phải cho xem bài làm, nếu không thì lôi tên ông bố tôi ra réo trong những giờ ra chơi. Mãi khi ông bố tôi đổi về dậy ở trường chúng tôi học, tôi trở thành giai cấp mới, giai cấp con thầy mới thoát được trò tra tấn độc ác của người bạn nhỏ mặc dù sau này, biết tên bố mình có bị réo gọi cả ngàn lần trong những giờ ra chơi ở sân trường thì cũng chẳng sao cả. Nhưng từ đó, tôi ghét mãi cái tên X. của người học sinh này. Ngay đến bây giờ, cái tên của người bạn nhỏ ở tiểu học vẫn không là cái tên tôi thích lắm.

Nhưng những cái tên khác, có người mang nó tốt, có người không, thì chuyện ưa hay không ưa cũng là chuyện thường. Có khi ưa, có khi không ưa, tùy người.

Nhưng cũng có một cái tên làm tôi ưa ngay tất cả những người mang nó. Ðó là cái tên tôi cứ tưởng là chỉ mới đây nó mới xuất hiện, như tên của những người làm nghề ca hát mà chúng ta đã nghe nhắc nhiều. Một số người cha, một số người mẹ dùng chúng để đặt cho con của họ. Nghe cái tên đọc lên là có thể đoán ra người cha và người mẹ có những sở thích âm nhạc như thế nào.

Nhưng rồi ở Sài Gòn hồi ấy, người ta đem cả những cái tên ấy để đặt cho những con ngựa đua ở trường đua Phú Thọ. Lập tức, những cái tên ấy trở thành hết đẹp đi ngay. Những cái tên như Bạch Tuyết, Thanh Thúy, Lệ Thanh... đều thấy xuất hiện trong tờ báo Tuyệt Phích viết về đua ngựa mỗi sáng thứ Bẩy mà những người bạn đem tới quán cà phê La Pagode bàn trước khi đi trường đua.

Cái tên mà tôi thích và theo tôi suốt bao nhiêu năm nay thực ra ý nghĩa của nó trong chữ Hán không có gì đẹp lắm. Nó không phải là tên hoa, tên cỏ, tên cây, tên của những giống chim đẹp.

Theo từ điển Ðào Duy Anh, nó có ba nghĩa tất cả. Một có nghĩa là một chức quan. Nghĩa thứ hai là cái hang sâu, và thứ ba là hãm giết người ta.

Tất cả đều không mang những ý nghĩa và hình ảnh đẹp như nhiều tên khác mà tôi biết.

Không là Mai, là Ngọc, là Ðào, là Khuê, là tên một vì sao, là vẻ đẹp, là Nhung, là gấm, là lụa, là một loài chim, là Loan, là Yến, là Oanh...

Nhưng tôi thích cái tên ấy từ khi nghe lần đầu.

Nó đứng một mình thì cũng thường thôi. Ðàn ông cũng được đặt cho cái tên này. Một nhân vật không tử tế gì trong truyện Kiều, về sau tên của anh chàng biến thành một tĩnh từ để chỉ những ngươi đàn ông không tốt với phụ nữ.

Nhưng cái tên ấy lại đẹp khi nó là tên phụ nữ.

Vũ Hoàng Chương gọi người mà ông yêu quí bằng cái tên ấy, như thể ông lên ngôi, và gọi người phụ nữ ông yêu quí. Trong một bài thơ của ông, người ta đọc thấy cái tên đó được dùng như một đại danh từ:

Sương khuya phủ kín ngọc liên thành
Phượng nở đêm nào cặp má khanh

Hai câu này bị một nhà phê bình văn học coi là không hay. Nhưng vì một sự quen biết hồi ấy, thời còn đi học ở một nơi ngoài Việt Nam, hai câu của Vũ Hoàng Chương cứ nằm mãi trong trí nhớ của tôi cho mãi đến tận hôm nay.

Cái tên ấy thực ra không tiện cho người mang nó lắm. Bạn bè ngoại quốc không đọc được, người mang cái tên ấy phải Anh hóa, phải Anglicize thành một cái tên gần gần như thế, cũng bắt đầu bằng chữ K.

Chuyện quen biết ấy không đi đến đâu, nhưng cái tên ấy được giữ lại đặt cho đứa con gái.

Từ đó, tôi thấy càng ngày càng gặp nhiều người mang cái tên ấy. Không hiểu có phải khi nghe nó, tôi nhớ ngay hay không, nhưng tính lại, tôi có thể kể ra khoảng hơn hai chục người có cái tên ấy.

Con trai quen một người, lập gia đình với một người khác. Cả ai đều mang cái tên ấy.

Cái tên ấy lại có thể ghép cho đứng chung và đi rất hợp với những Thúy, Ngọc, Mai, Bảo, Thụy, Thùy, Mỹ, Cẩm, Diễm, Kim, Loan, Vân, Phương, Tú... đến nỗi có lúc tôi có cảm tưởng đi đâu cũng gặp người mang cái tên ấy, lúc nào cũng bị bao vây bởi cái tên ấy. Tuần trước, trong có một trang báo, tin vui và in mừng đều thấy cả hai tên xuất hiện.

Bài viết này định viết từ lâu, hôm nay nhân mới có hai đứa cháu được cha mẹ chúng lấy tên của bà ngoại, của các bác, và của chính mẹ của chúng đặt cho chúng cái tên ấy nên tôi lại thêm hai lý do để viết về cái tên theo tôi đã gần nửa thế kỷ nay.

Những cái tên Việt Nam khác thì vẫn yêu, nhưng cái tên này, tôi yêu nó vì ít nhất cũng có vài ba chục lý do.

Mà đến bây giờ mới dám nói ra.

LẠI CON SỐ 3

Tôi không hiểu tại sao người ta lại ghét cay ghét đắng con số 3 như thế.

Mỗi lần đi dự dám cưới, và mỗi khi được yêu cầu đứng lại chụp ảnh với tân lang và tân giai nhân, là y như rằng có ngay ở đó một người đứng sẵn chỉ chờ những người đi một mình sắp được ông thợ chụp ảnh đưa lên chụp là chạy vội vào đứng chung cho thành bốn. Chụp ba người thì không tốt. Ba người sui lắm. Người ta nói như vậy từ bao nhiêu năm nay thì không ai biết rõ, nhưng chắc chắn phải là từ sau khi những cái máy ảnh được du nhập vào Việt Nam, vì người Pháp phát minh ra máy chụp ảnh, người Anh, người Mỹ và gần như tất cả các giống dân khác trên thế giới đều không kiêng cữ gì đối với con số 3 khi đứng chụp hình chung bao giờ.

Nếu nói chụp 3 người phải kiêng vì chụp ba đã có lần 3 ông bị ông Tú Xương ném cho một bài thất ngôn tứ tuyệt đầy giọng xỏ lá:

Cử Thăng, Huấn Mỹ, Tú Tây Hồ
Ba bác chung nhau một cái đồ
Mới biết Trời cho chung họp mặt
Thôi đừng chê nhỏ lại cười to

Ông Tú cho 3 ông chung một "cái đồ," tức là bức ảnh chụp 3 người. Xỏ xiên như thế đấy.

Hay tại như vậy mà chụp hình 3 người bị người Việt ghét, sợ là chụp xong, in ra, lại bị nói là 3 người chung nhau một cái đồ. Thế thì kiêng là phải. Và kiêng như vậy thì có lý hơn.

Nhưng ông Tú Xương thực ra là người ghét bất cứ cái gì có con số 3 chứ chẳng cứ ba người chụp chung một tấm ảnh. Kìa như 3 cái lăng nhăng chúng quấy ông Tú. Ông ghét lắm nên ông cố chừa bớt 2 cái cho bằng được để chỉ giữ lấy một cái cho nó tiếp tục quấy ông cho đỡ buồn.

Thế rồi ông ghét lây sang cả canh 3 cũng chỉ vì con số 3 đó:

Nằm nghe tiếng trống, trống canh ba
Vừa mới chiêm bao chợt tỉnh ra
Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả
Tội gì mà thức một mình ta

Và rồi người đứng hạng thứ 3 cũng bị ông ghét:

Hai đứa tranh nhau cái thủ khoa
Ðứa khoe văn hoạt, đứa văn già
Năm nay đỗ rặt phường hay chữ
Kìa bác Lê Tuyên cũng thứ ba

Cứ 3 là ông Tú ghét. Vậy thì con số 3 bị ghét đã từ khá lâu. Nhưng tôi vẫn thấy kiêng chụp 3 người là vô lý.

Tại sao lại nghĩ chụp 3 là thế nào cũng có người chết? Làm như chụp hai người, hay bốn người, 5 hay 6, 7 người là không có ai chết.

Nếu có đúng 3 người chụp chung thế nào cũng có người chết thì thoát được lần đó nhưng cuối cùng, cả ba đều ra đi hết chứ có bao giờ kiêng là sống được mãi đâu.

Bộ muốn đi là đi cả 3 cho đồng đều khỏi người đi trước, khỏi đi sau hay sao?
Nhưng nếu người thứ 3 là một cụ có tuổi, rồi cũng muốn đi cùng lúc với cụ hay sao?
Thế nên chúng ta có lẽ chẳng nên kiêng cữ con số 3 nữa mà làm gì. Cứ chụp 3 người thoải mái.

Ðưa thêm một người vào chụp chung cho đủ bốn mà người thứ tư trông qua cũng đủ chán đời hết luôn cả một ngày thì đưa vào làm gì cho hỏng luôn bức ảnh. Thế nên mỗi lần đi đám cưới, chỉ khi nào né không được thì tôi mới chụp 4 người. Vì có phải lúc nào cũng có cô Kiều Chinh đi cùng để kéo vào làm 4 đâu.

Nhưng cũng có khi không kiêng được. Thí dụ vợ chồng có một đứa con như chính sách sinh đẻ ở Hoa lục rồi cứ kiêng chụp hình ba người thì gia đình không có cái ảnh nào để lưu truyền cho hậu thế xem chung hay sao? Kiêng cữ như thế mà muốn có hình chung gia đình thì phải đẻ thêm đứa nữa cho thành 4 để nhà nước phạt hay đưa thêm một ông hay một bà nữa về cho đủ 4?

Và như vậy cũng tội nghiệp cho gia đình coi sóc cho cái bếp của chúng ta. Kiêng 3 người thì phải cho một ông Táo ra đi hay đưa thêm một bà nữa hay một ông nữa vào cho thành bốn chăng?

Thế nên có lẽ chúng ta không nên kiêng cữ làm gì cho đời sống vô lý.

Cứ 3 cũng chẳng sao.

Miễn là đừng có cái con số ba từ hơn một tuần nay là được. Ba đô la mấy chục xu một ga lông thì đáng ghét vô cùng. Tại sao không xuống trở lại con số hai dễ thương có được không.

Nếu phải lên, không lên không được vì không lên thì các ông Ả Rập phải ra sa mạc căng lều da dê sống, không còn tiền mua Rolls Royce mạ vàng hay mua cái A-380 bốn máy của Airbus vừa đem bán chở được hơn 500 hành khách về đậu chơi mà phải lên thì cứ lên con số 3 là được rồi.

Lên con số 4 hay số 5 thì coi sao tiện.

Nếu cứ ở số 3 thì từ nay chúng tôi không kiêng con số 3 nữa. Chúng tôi sẽ chụp 3 người thoải mái, cũng như xăng 3 đô la 1 ga lông là được rồi. Khỏi kiếm thêm một người thành bốn, khỏi tăng thêm thành 4 đô la 1 ga lông là được rồi.

19-10-2007


QUYỀN RIÊNG TƯ

Quyền riêng tư là quyền được bảo vệ rất kỹ ở Hoa kỳ. Không ai được quyền hỏi số an sinh xã hội của chúng ta mà không có lý do. Và chúng ta cũng không phải cho bất cứ ai biết số an sinh xã hội của chúng ta nếu chúng ta không muốn. Mà đó chỉ mới là số an sinh xã hội. Những chi tiết khác của chúng ta mà chúng ta muốn bảo vệ thì chính phủ, nếu muốn biết, cũng phải có phép của tòa.

Nhưng quyền riêng tư không phải lúc nào cũng được tôn trọng. Và cũng không phải cái gì cũng cần phải được bảo vệ, để nại quyền riêng tư ra để từ chối không chịu tiết lộ.

Nhất là trong thời chiến như bây giờ. Chính phủ nghe lén điện thoại của một số người, đọc thư của những người này, xem thư điện tử trong máy điện toán của một số người khác.

Chúng ta không dính líu gì tới khủng bố thì xin mời chính phủ nghe lén, đọc lén điện thoại, thư từ nếu đó là chuyện cần để tránh cho nước Mỹ một thảm họa khác như vụ 911.

Những người bình thường thì những cú điện thoại thăm hỏi nhau trong nhà, hay bạn bè, rủ nhau đi ăn đi uống, trao đổi tin tức về người này hay người kia thì nếu cần, chính phủ cứ việc nghe lén, đọc lén. Không có gì cần giấu thì lo sợ gì mà không để cho chính phủ giải trí một chút.

Vài ba câu chuyện tầm phào, ngồi lê đôi mách thì làm lợi gì được cho Al Qaeda hay Taliban, hay một tổ chức khủng bố nào. Có đặt máy thu hình ở các bãi đậu xe, thương xá thì nhiều lắm cũng sẽ chỉ thấy một người đàn ông vừa già vừa xấu trai lễ mễ bưng các thứ mua được ra xe chứ có gì hấp dẫn để mà thu hình. Giấy đòi tiền điện thoại thì ghi mấy cú điện thoại viễn liên gọi cho vài ba người bạn, mấy người em ở xa vì cái tính xấu chỉ thích nhận thư mà không thích viết thư, vậy thì theo dõi làm gì cho mệt xác, lại tốn tiền thuế liên bang.

Chính phủ cứ làm việc chính phủ. Chán thì thôi, đừng gửi giấy phạt vì tội ăn nói vô duyên và không chịu nói chuyện khủng bố là được.

Thế nên tôi không phản đối việc chính phủ nghe lén chút nào. Xin cứ việc, xin cứ tự nhiên.

Tuy thế, tôi rất đồng ý với việc bảo vệ quyền riêng tư. Nhưng nhiều người Mỹ cũng đi quá trớn về chuyện bảo vệ quyền riêng tư. Cha mẹ cũng phải tôn trọng quyền riêng tư của con cái. Và đôi khi, chuyện tôn trọng quyền riêng tư quá đáng ấy cũng có thể gây ra phiền nhiễu.

Nhiều gia đình, con cái nhỏ, còn ở chung với cha mẹ, cha mẹ cũng không tự tiện mở cửa vào phòng của con. Mà đó là những đứa con mười một, mười hai tuổi. Con cái vào phòng, đóng cửa lại, cha mẹ phải gõ cửa nếu cần gặp con. Mấy lần trên báo trong mục tâm tình với độc giả, đã có những bức thư của một hai người cha hay người mẹ đọc nhật ký của con, kháïm phá ra vài ba chuyện động trời mà cũng không dám nói với con vì sợ bị con biết là đã đọc lén nhật ký.

Như vậy là quá đáng. Mặc dầu đó cũng là một thái độ cần thiết, tôn trọng quyền riêng tư của con.

Những sự quá đà đó có khi đem tới thảm họa cho con cái và cho cả chính mình.

Vụ hai học sinh đem súng vào trường trung học Colombine ở Colorado là một thí dụ. Mãi sau khi xẩy ra vụ thảm sát, hai hung thủ tự kết liễu đời mình, cha mẹ của hai hung thủ mới biết con trai mình đã chứa trong nhà bao nhiêu là súng đạn, chất nổ, viết bao nhiêu trang e-mail trong computer kể rõ những âm mưu giết người. Nếu cha mẹ để mắt một chút tới con cái, không quá tôn trọng tự do và quyền riêng tư của chúng, thì vụ Colombine chưa chắc đã xẩy ra.

Tuần này, một học sinh 14 tuổi đã bắt tại Pennsylvania về tội âm mưu thực hiện một vụ nổ súng tại trường như vụ ở Colombine. Cảnh sát tịch thu tại nhà học sinh này hơn ba chục khẩu súng hơi, dao kiếm, lựu đạn, một khẩu tiểu liên và một súng tay nòng 9 ly.

Người mẹ cũng lại nói với cảnh sát rằng bà không biết gì về những thứ súng đạn ấy ở trong nhà. Bà cũng không hề biết con mình âm mưu rủ thêm bạn để đem súng đến trường bắn loạn như ở Colorado.

Tại sao lại không biết trong phòng của đứa con chứa bằng ấy thứ võ khí. Số súng, hơn ba chục khẩu được tìm thấy ở trong phòng mà mẹ không biết là chuyện khó có thể tin nổi.

Thì cũng phải có lúc vào phòng con dọn dẹp, lấy cái quần, cái áo cả con đi giặt, làm sao mẹ không thấy ba chục khẩu súng? Tại sao không thấy dao, kiếm, lựu đạn của con để trong phòng.

Nếu thực tình người mẹ này không biết thì bà không thể là một người mẹ tốt. Người mẹ tốt thì không thể không nhìn thấy những thứ ấy. Chỉ khi bỏ bê con cái mới có thể xẩy ra chuyện như thế.

Nếu nói rằng tôn trọng quyền riêng tư của con thì cũng không được. Mang bằng ấy thứ súng về nhà mà mẹ không hỏi lấy một câu, không thắc mắc tại sao con mình lại quá mê súng, lựu đạn, dao kiếm như thế. Phải là một thiếu niên bất bình thường thì mới mê võ khí một cách quá đáng như vậy. Tại sao không thấy được nét bất bình thường đó? Rồi lại còn mua cho con một khẩu tiểu liên cách đây không lâu nữa.

Sự tôn trọng quyền riêng tư như thế là một việc làm rất đáng sợ.

VICENTE FOX

Mexico là một ca khúc của Francis Lopez viết năm 1951 để ngợi ca quốc gia ở phía nam biên giới Hoa kỳ. Lời Pháp của bản nhạc do Raymond Vincy viết và Luis Mariano đã trình bầy rất thành công ca khúc này. Một thời người ta cũng nghe bài Mexico này được hát lên tại Việt Nam.

Bài hát mở đầu đại khái là thế giới đã hết lời ca ngợi cái mũi đẹp của cô đầm Paris, ca ngợi những cô đầm Madrid Tây Ban Nha đi xem đấu bò, những phụ nữ Bắc Âu với bầu máu nóng, nhưng dưới ánh mặt trời của Mexico, ai cũng phát điên lên trong tiếng nhạc nhiệt đới vân vân.

Có lẽ điên thật.

Nghe cựu tổng thống Mexico, ông Vicente Fox trả lời báo chí Mỹ khi ông đi Mỹ rao bán cuốn sách ông mới viết, cuốn Resolution of Hope giá 25 đô la thì ai cũng phải thấy thấy là ở Mexico người ta thực sự đã hóa dại.

Ông Vicente Fox mà còn như thế thì còn ai tỉnh táo ở cái xứ Mexico này nữa.

Trong khi trả lời cuộc phỏng vấn của Bill O’Reilly, cựu tổng thống Fox của Mexico đã tỏ ra là một người nếu không biết đối thoại thì cũng là một người điên.

Ông ta không trả lời bất cứ một câu hỏi nào của Bill O’Reilly mà chỉ hết đỡ, đến gạt, rồi phủ nhận, và bác bỏ những điều rõ ràng được chống đỡ bằng những con số, những dữ kiện không chỉ của chính phủ Mỹ mà còn của các tổ chức quốc tế khác về Mexico, và những vấn đề mà Mexico đang tạo ra cho nước Mỹ.

Ông Fox đổ hết lỗi sang cho Mỹ, từ vấn đề di dân bất hợp pháp cho đến vấn đề buôn lậu chuyển ma túy vào nước Mỹ. Ông gọi việc Hoa kỳ muốn dựng một bức tường dọc theo biên giới Hoa kỳ và Mexico là một việc làm kỳ thị chủng tộc.

Hỏi ông Fox về số học sinh Mexico bỏ không học hết trung học thì ông nói rằng 94% học sinh Mexico tốt nghiệp trung học trong khi con số của Unesco là 60% học sinh ở Mexico bỏ học. Ông cũng bác bỏ con số Hoa kỳ đưa ra là hơn 20 triệu người di dân lậu đang sống ở Hoa kỳ, chỉ nhận là vài triệu. Ông không trả lời những câu hỏi về việc làm bất hợp pháp của những người này, chỉ nói rằng họ được thuê làm việc ở Mỹ. Ông đổ cho các doanh nhân Mỹ thuê mướn những người này khi bị hỏi là tại sao không tìm cách ngăn chặn người dân Mexico bỏ trốn, vượt biên giới nhập cảnh bất hợp pháp vào nước Mỹ. Ông cũng không trả lời câu hỏi về việc chính phủ Mexico, khi ông còn ngồi ở chức vụ tổng thống, đã in các tài liệu chỉ dẫn cho những người muốn trốn sang Mỹ, đi đâu để khỏi bị bắt, đến đâu thì dễ tìm việc. Ông chỉ nhắc đi nhắc lại mấy lần câu vì nền kinh tế Hoa kỳ cần họ nên những người Mexico này sang Hoa kỳ. Ông cố tình bỏ đi chi tiết là họ nhập cảnh bất hợp háp. Khi Bill O’Reilly nhắc cho ông rằng những người này vi phạm luật pháp Hoa kỳ, thì ông đáp gọn "They work here". Họ làm việc ở Mỹ. Ðây mà là câu trả lời của một người tỉnh táo, không điên rồ ư?

Khi hỏi tại sao ông khi còn làm tổng thống không tìm cách ngăn chặn những người này, ông nói là ông có làm.

Vậy thì ông Fox phải là một ông tổng thống bất lực nhất thế giới. Ông giữ chức tổng thống 6 năm. Ông hứa cải thiện đời sống cho người dân Mexico khi mới lên cầm quyền. Nhưng người dân Mexico vẫn tiếp tục bỏ xứ ra đi vì 18% dân Mexico mỗi ngày chỉ có chưa đầy 2 đô la để sống như chính ông cũng nhìn nhận với Bill O’Reilly. Ông chỉ nhìn nhận có 300 ngàn người dân xứ ông mỗi năm nhập cảnh lậu vào nước Mỹ. Nhưng rồi ông lại bào chữa ngay cho việc đó: vì nước Mỹ cần họ.

Lập luận như thế thì có khác gì nói rằng tên trộm xe lấy được cái xe vì chủ xe không khóa của, vì chủ xe để xe ngoài cửa không đậu vào garage?

Ông phải biết là cái xe có đậu ở đâu, có để sẵn chìa khóa trong xe, máy có đang chạy sẵn mà người khác không phải là chủ xe nhẩy vào lái đi thì cũng vẫn là ăn trộm xe.

Nhà cầm quyền Mexico trong khi đòi Hoa kỳ phải mở cửa biên giới cho người dân Mexico tự do sang Mỹ sinh sống và làm việc thì quân đội Mexico được đưa tới biên giới phía nam giáp ranh với Guatemala để chặn không cho người nước ngoài tiến vào Mexico. Ông phủ nhận chi tiết này thẳng tay trong khi đó là báo cáo của tổ chức Human Rights Watch.

Ông gọi việc Hoa kỳ xây bức tường dọc biên giới là việc tự cô lập, và kỳ thị.

Trong khi theo ông, người Mexico sang Hoa kỳ làm việc là vì các công ty Hoa kỳ mướn họ. Thế thôi. Ông hỏi ngược lại tại sao Hoa kỳ để cho những người Á châu vào Mỹ. Ông lờ chuyện những người Á châu này, trong đó có cả người Việt đều phải có giấy tờ cư trú hợp lệ mới được vào Mỹ.

Ông Vicente Fox, ông còn thua cái đầu gối. Cái đầu gối nó không biết nói láo. Ông tệ hơn cả cái chầy và cái cối. Ông cãi láo còn hơn hai thứ này nhiều. Ông làm sai nghĩa của một thành ngữ tiếng Anh Sly as a fox, quỉ quyệt như một con chồn.

Ông tên là Fox, nhưng chỉ là một anh hóa dại.

21-12-2007


IM LẶNG

Im lặng là không có âm thanh, không có tiếng động. Hoàn toàn im ắng. Không một lời nói, không một câu, một tiếng nói nào. Nhưng những âm thanh của im lặng nhiều khi nghe lại rất chát chúa. Chát chúa và ồn ào, ầm ỹ.

Người ta nghe được những âm thanh ầm ỹ này trong những lúc im lặng như thế đã nhiều lần.

Tháng 1 năm 1974, người ta đã nghe thấy những âm thanh im lặng khó hiểu ấy là một.

Và mới đây, lại một thứ im lặng chát chúa ấy đã nghe được ở Hà Nội.

Tháng 1 năm 1974 là thời điểm diễn ra trận hải chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và hải quân Trung quốc.

Phía hải quân Việt Nam Cộng Hòa có 4 chiến hạm Trần Bình Trọng, Lý Thường Kiệt, Trần Khánh Dư và Nhật Tảo.

Phiá Trung quốc có 4 chiến hạm, hai chiếc là trục lôi hạm và 2 tầu săn tiềm thủy đĩnh trang bị phi đạn địa địa, lại còn được tăng cường thêm 2 tầu diệt tiềm thủy đĩnh khác và hai tầu lưới ở đảo Hải Nam. Một số Mig-19 và MiG-21 cũng được lệnh ứng chiến. Trận đánh kéo dài không bao lâu thì hải lực Việt Nam Cộng Hòa bị Trung quốc khống chế đánh đắm một chiến hạm và làm hư hại ba chiếc còn lại.

Hoàng Sa bị Trung quốc chiếm từ đó.

Vụ đánh chiếm Hoàng Sa đã tạo một sự im lặng chát chúa ở Hà Nội. Nhà cầm quyền Hà Nội đã câm miệng, không nói một tiếng nào. Cũng không hề đưa ra một lời phản đối nào, dẫu cho là yếu ớt.

Hà Nội không thể nói được gì vì bức công hàm của Phạm Văn Ðồng gủi Bắc kinh đăng trên báo Nhân Dân ngày 22 tháng 9 năm 1958 công nhận những quần đảo ở biển Ðông là của Trung quốc trái hẳn với lập trường của Việt Nam dưới hai thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa.

Hà Nội hoàn toàn im lặng về trận đánh cướp đất đai ở Hoàng Sa chỉ vì Trung quốc lúc ấy còn là thần sỉ chi bang với Bắc Việt. Và vì phe đánh lại Trung quốc lại là Việt Nam Cộng Hòa. Cho đến nay, mỗi khi nói về trường hợp Hoàng Sa và Trường Sa, nhà cầm quyền Hà Nội cũng không bao giờ nhắc đến những hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Sự im lặng ấy hệt như những húy kỵ Hà Nội phải tránh như trong những cuộc thi cử thời vua chúa trước đây các sĩ tử phải tránh phạm húy đụng tới tên vua và hoàng tộc.

Oái oăm là khu trục hạm Nhật Tảo HQ-10, chiếc tầu mang tên trận đánh của Nguyễn Trung Trực đốt tầu Espoerance của hải quân Pháp là chiến hạm duy nhất bị đánh chìm.

Cả ba chiến hạm mang tên các danh tướng Việt Nam chống lại những cuộc xâm lăng của Trung quốc dưới các triều Lý, đời Trần thì lại thoát nạn. Phải chăng đó cũng lại là lý do khác để Hà Nội tránh nói tới trận hải chiến ở Hoàng Sa? Cả ba chiến hạm của hải quân Việt Nam Cộng Hòa đều mang những cái tên mà Trung quốc chắc chắn không ưa gì.

Hà Nội bưng bít không hề nói đến trận hải chiến Hoàng Sa, vì nói đến trận hải chiến ấy thì làm sao tiếp tục bôi bẩn Việt Nam Cộng Hòa, gọi Việt Nam Cộng Hòa là chính quyền bán nước, nô lệ ngoại bang.

Bán nước và nô lệ ngoại bang thì không bao giờ hy sinh dũng cảm để bảo vệ tổ quốc như thế.

Phải câm cái mồm như bọn Bắc Bộ phủ.

Và mới đây, thái độ của chính phủ Hà Nội lại được lập lại lần nữa. Sau khi Trung quốc tuyên bố các quần đảo thuộc Việt Nam là lãnh thổ của Trung quốc, bộ ngoại giao Hà Nội cũng né không dám nói thẳng vào việc làm lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Hà Nội không dám đụng tới Trung quốc và tiếp tục né tránh, không nói gì về việc nhà cầm quyền Trung quốc tuyên bố các đảo của Việt Nam là lãnh thổ của họ. Hà Nội chỉ nói "hai phía đã trao đổi ý kiến về lãnh thổ , gia tăng đàm phán nhắm giải quyết thỏa đáng trong tinh thần láng giềng hữu nghị."

Trong khi đó, những lúc xẩy ra tranh chấp đất đai giữa Trung quốc và các nước khác, thì người ta luôn luôn nghe thấy tiếng nói của cả Bắc kinh lẫn Ðài Loan giống hệt nhau mặc dù hai bên ở trong thế đối nghịch của nhau. Ðiều đó cho thấy gì?

Sự lên tiếng đồng thời và đồng thanh đó cho thấy khi xẩy ra tranh chấp lãnh thổ, thì Cộng sản và Dân Quốc đều nói chung một thứ tiếng.

Không giống như những im lặng mà người ta nghe thấy hồi xẩy ra trận hải chiến Hoàng Sa, sự im lặng đồng lõa của nhà cầm quyền Hà Nội lúc ấy.

Phải đau đớn lắm dân tộc ta mới có câu tục ngữ cõng rắn cắn gà nhà. Những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống như vậy hóa ra vẫn còn chứ đâu có chết những cái chết nhục nhã như lịch sử đã ghi.

Khôn ngoan đá đáp người ngoài...

Khu trục hạm Nhật Tảo không là người ngoài bao giờ. Hạm trưởng Thiếu tá Ngụy Văn Thà người hy sinh với chiến hạm Nhật Tảo đúng là Ngụy trong những ý nghĩa tốt dẹp nhất, danh dự nhất của một người Việt Nam. Ðược làm ngụy như ông là một vinh dự.

Một ngày nào đó, người ta sẽ phải tạc tượng ông đứng nhìn ra biển Ðông. Và khi nào lấy lại được Hoàng Sa, chuỗi đảo này phải được đặt tên lại là quần đảo Ngụy Văn Thà.

DƯƠNG NGUYỆT ÁNH

Tôi là người thù dai. Thù dai có cái xấu và có cái tốt. Tôi nghĩ thù dai cũng có điểm tốt. Thù dai để không quên những chuyện xấu người khác làm cho mình. Không thù dai thì làm sao Nguyễn Trãi nằm gai nếm mật suốt mười năm để trả thù nhà, để đền nợ xã tắc, giang sơn?

Thù từ năm 1975 đến nay thì có dai thật.

Năm 1975, với đợt tị nạn đầu tiên đến Mỹ, tờ Newsweek đăng một bài viết của Shana Alexander về những người Việt được đưa sang Mỹ tị nạn. Người đàn bà này lo ngại là những người Việt Nam tị nạn chưa biết sử dụng cái máy giặt, cái máy sấy, không biết Michaelangelo là ai thì làm sao sống được ở Mỹ.

Ðó là những câu nhục mạ những người Việt quá nặng.

Nhưng chuyện không biết dùng cái máy giặt thì cũng dễ hiểu. Kìa như thái tử Naruhito của hoàng gia Nhật, mãi đến khi sang học tại Merton Colege ở Oxford, ông hoàng tử này mới biết dùng cái máy giặt để khoe nhắng lên. Vậy thì dùng cái máy giặt không phải là chuyện đáng kiêu hãnh. Không biết dùng cái máy giặt thì cũng không phải là điều xấu xa gì như bài báo ngu xuẩn của Shana Alexander đã úp mở.

Từ đó, năm nào, cứ đến tháng Tư là tôi lại nhớ đến bài báo của Shana Alexander, và cứ nghĩ đến những câu nhục mạ ấy là lại run người lên vì giận.

Nhưng người Pháp vẫn nói là trả thù cũng như thức ăn nguội, ăn lạnh mới ngon. Shana Alexander nghỉ viết từ lâu, không biết đang ở đâu để rảnh rang kiếm nàng, mời nàng đi đến thăm vài ba đại học Mỹ, ghé lại Little Saigon chơi cho bõ những ngày cơ cực và để cho nàng thấy tận mắt những người nàng khinh bỉ ấy đã sống như thế nào.

Ðó là cách trả thù vậy.

Nhưng chưa bao giờ tôi thấy hả dạ được như cuối tuần qua, khi nhận được tờ Newsweek, tờ báo 32 năm trước từng đăng bài báo của Shana Alexander, tôi đọc được bài viết của George Will trong mục The Last Word ở trang 84 số báo đề ngày 17 tháng 12 năm 2007. (http://www.newsweek.com/id/74457)

George Will dùng nguyên một trang để nói về đóng góp của một người Việt Nam, một phụ nữ Việt, một trong những người Việt lếch thếch kéo nhau sang Mỹ và bị Shaan Alexander đem ra nhục mạ trong bài báo.

Tôi có thể nói là chưa bao giờ tôi đọc được một bài báo viết về một người khác như George Will đã viết.

Nếu bài báo ấy do một cây bút Việt Nam viết thì người đọc cũng dễ dàng coi đó là chuyện hai con mèo khen nhau có những cái đuôi dài.

Nhưng bài viết này là của George Will một trong những cây bút bình luận chính trị bảo thủ, lỗi lạc nhất của báo chí Mỹ, thì nó là một bài báo giá trị. Mười lần Shana Alexander cũng không thể bác được điều đó.

Bài báo của George Will viết về Dương Nguyệt Ánh, mẹ đẻ ra một loại bom mói tên là Thermobaric. Chương trình nghiên cứu được hạn cho ba năm để hoàn thành, nhưng chỉ sau 67 ngày, bà Ánh đã thành công , chế ra được loại bom mới để dùng cho mặt trận Afghanistan. Loại bom mới này công hiệu hơn tất cả các loại bom khác của thế giới. Bom ném vào hang đá ở Afghanistan không công phá ngay như các loại bom cũ, mà sức nóng và sức nổ của bom ở lại lâu, tiến sâu vào các hang hốc khiến khả năng công phá và hủy diệt của bom hơn hẳn mọi loại võ khí khác.

Nước Mỹ đã phải cám ơn bà Dương Nguyệt Ánh về loại võ khi mới này. Tờ Washington Post mới đây có viết một bài khá dài về bà Anh nhân dịp bà được trao tặng một huy chương về những thành quả và đóng góp của bà cho nước Mỹ.

George Will kể lại cảnh bà tiến ra trước máy vi âm, không đọc một bài viết sẵn, mà ứng khẩu trước một cử tọa rất đông đảo smoking, nơ đen trang trọng. Bà Dương Nguyệt Ánh nói rằng 32 năm trước, bà tới nước Mỹ với tư cách một người tị nạn, hai bàn tay trắng và một túi hành trang đầy những ước mơ tan nát.

Nhưng nước Mỹ, với bà, là một thiên đàng, không phải vì vẻ đẹp và tài nguyên phong phú, mà vì người dân Mỹ vị tha, rộng lượng đã giúp gia đình của bà khi mới tới Nước Mỹ và giúp hàn gắn những thương tích trong tâm hồn, đem lại lòng tin vào con người và cảm hứng cho công việc của bà. Bà muốn tặng lại danh dự của tấm huân chương bà nhận được cho 58 ngàn người Mỹ đã tử trận tại Việt Nam và hơn 260 ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để cho những người như bà có được cơ hội sống trong tự do. Bà xin Thượng đế ban phúc cho những người sẵn sàng chết cho tự do, và nhất là những người sẵn sàng chết cho tự do của những người khác. Bà cám ơn nước Mỹ.

George Will kết bài viết của ông bằng mấy câu này:

Cám ơn Dương Nguyệt Ánh. Xin cô hiểu là cô đã trả món nợ mà cô nói cô nợ của nước Mỹ, cô đã hoàn trả đầy đủ, không thiếu một chút nào. Cô đã trả hết món nợ đó, và luôn cả tiền lời nữa.

Tiền lời, là đóng góp rất lớn của Dương Nguyệt Ánh cho tự do và an ninh của nước Mỹ, quốc gia đã mở cửa đón gia đình của bà.

Shana Alexander ở đâu, có đọc bài báo này chưa?

23-11-2007


CON GÀ TÂY

Năm nay, tôi quyết định sẽ không đụng vào, cho dù chỉ là một miếng, thịt của những con gà tây.

Không phải vì thịt của nó vô duyên, nhạt thếch, mà vì nhiều lý do khác.

Từ nay cho đến khi không còn ở trên đời sống này nữa, tôi thề là sẽ không bao giờ đụng tới nó, bằng ngón tay, bằng nĩa, bằng đũa, bằng que hay bất cứ một vật gì để đưa những miếng thịt gà tây vào miệng nữa.

Tội nghiệp những con gà tây hết sức.

Mấy trăm năm trước, không biết ma đưa lối quỉ đưa đường làm sao mà tổ tiên của chúng lại lớ ngớ đi ngang một khu thuộc đông bắc Hoa kỳ gần một làng định cư của các ông bà Thanh giáo sang Mỹ lập nghiệp đúng vào lúc các ông bà này đang đói lòng, lại được mấy người da đỏ sống trong vùng chỉ cách vác súng hỏa mai nằm phục kích bắn cho mấy chục viên. Ðàn gà tây, một số thoát được thì bay tán loạn, một số thì gục xuống để bị mang về khu định cư, nấu lên cho các ông các bà ăn với nhau cho bõ những ngày cơ cực của mùa đông năm trước.

Từ đó, con gà tây được đưa lên bàn ăn của các ông các bà, và đến nay, mấy trăm năm sau, đã trở thành món không thể thiếu trong ngày lễ Thanksgiving, ngày người dân Mỹ bầy tỏ lòng biết ơn với Thượng Ðế đã giúp họ qua được mùa đông khắc nghiệt của bắc Mỹ và vùng lên giết người da đỏ, mở mang tiến sang miền tây, xây dựng lên quốc gia Hoa kỳ hùng mạnh ngày nay.

Ðáng lý ra, nếu phải cám ơn, tạ ơn, nếu phải Thanksgiving thì ngoài Thượng Ðế, người ta phải cám ơn cả những người da đỏ và những con gà tây mới phải.

Người da đỏ thì tử tế, không hỏi giấy ở mấy ông bà di dân boat people, thuyền nhân bất hợp lệ đi trên tầu Mayflower đổ bộ lên lục địa, rồi lại còn chỉ cách trồng cây, săn bắn, đánh cá kiếm ăn. Xong việc đám di dân này và hậu duệ của họ quay ra chiếm đất, giết thẳng tay những người da đỏ, rồi lại làm phim cao bồi cho John Wayne cưỡi ngựa, bắn trăm phát trăm trúng, cho da đỏ chết như rạ.

Trả lại cái ơn cứu tử là như thế đấy.

Còn những con gà tây hy sinh thân xác giúp cho các ông các bà di dân bất hợp lệ qua cơn đói lạnh thì sau đó, con cháu của chúng bị lôi lên bàn, quay, chiên, luộc mà ăn với nhau, thay vì lập đền thờ, chọn làm biểu tượng cho nước Mỹ như Benjamin Franklin đã đề nghị nhưng lại bị bác để thay thế bằng con đại bàng vừa ác vừa vô tích sự.

Bây giờ, cả nước Mỹ lo bảo vệ con đại bàng sói đầu (bald eagle) trong khi thẳng tay tàn sát những con gà tây từng làm ơn cứu tử những ông bà di dân bất hợp pháp Thanh giáo đổ bộ lên mỏm đá Plymouth đem đủ các thứ thảm họa cho bắc Mỹ dưới cái nhìn của người da đỏ Mỹ.

Con gà tây thật tội ngiệp.

Thịt nó không ngon chút nào. So với gà ta, thịt gà tây cho vào miệng thì không thể phân biệt đâu là những tờ Kleenex, đâu là thịt của nó. Nhạt thếch.

Chúng bị nuôi trong những trại gà, từ lúc trong trứng nở ra cho đến lúc hai cái chân không đỡ nổi cái xác nặng của chúng nữa thì chúng bị đem giết. Thế nên thịt thì vừa nhạt, vừa bở. Thua xa gà đi bộ.

Hai thứ ngon nhất nơi những con gà thì ở loài gà tây không ai thèm nhắc tới.

Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh. Phao câu thì to như cái chảo, không thua gì Jennifer Lopez. Nấu phở thì chiếm hết nguyên một tô phở làm sao ăn?

Còn đầu cánh thì chao ôi là mùi hôi nách. Thế nên không ai thèm nhắc tới mấy thứ ấy.

Còn cái ức thì chúng được gọi bằng danh từ hết sức lăng mạ loài thú có cánh này: vú. Gà tây cũng có vú, turkey breasts như mối ám ảnh của người Mỹ hơn nửa thế kỷ từ ngày có tờ Playboy đến nay.

Không ăn thịt chúng, người ta không sao cả. Cứ phở gà đi bộ trứng non, không lấy lòng, đùi bỏ ra ngoài hay tái nạm gầu gân sách là xong bữa như đã từ bao nhiêu năm nay.

Nhất định phải tha những con gà tây khốn khổ này. Không tha tượng trưng như tổng thống Mỹ mỗi năm mỗi làm ở sân tòa Bạch Ốc để lên hình trên báo, trên truyền hình, không phân biệt nổi đâu là tổng thống đâu là gà tây cho dù năm nay, ông đã biến thành một con vịt què trong năm cuối của nhiệm kỳ hai như báo chí bắt đầu gọi ông từ đầu năm tới.

Cách đây hai tuần, một học khu ở Seattle đã gửi thư cho các trường nói rằng Thanksgiving là dịp đau buồn tang tóc của người da đỏ nên tạ ơn thì cứ tạ ơn nhưng cũng nên nghĩ đến nỗi buồn của ngưởi da đỏ một chút.

Gà tây thì ít học, lại nổi tiếng là ngu, từng bị đem ra ví vói ông Carter ngu ngu ngơ ngơ mấy chục năm trước nên không có chữ nghĩa mà viết thư phản đối, chữ thì xấu như gà bới nên không có con nào ký tên vào thư phản đối để được nước Mỹ nói cho vài ba câu nhân nghĩa.

Thế nên là một người di dân đến Hoa kỳ, ân sủng cũng đã có được nhận từ nước Mỹ đã có hơn ba chục năm, hôm nay, người di dân hợp pháp, già và xấu trai này long trọng tuyên bố không thù oán gì loài gà tây, không ghét bỏ gì chúng và hứa là sẽ không bao giờ đưa chúng lên bàn ăn trong những ngày cuối tháng 11 nữa. Nhất định sẽ sống chung hòa bình với loài gà tây.

Xin Thượng Ðế đoái thương và bảo vệ loài gà tây.

THANKSGIVING 2007

Trong khoảng một chục năm, hồi mới sang Mỹ, tôi nghĩ tôi không có lý do gì để phải cử hành Thanksgiving cũng như những lễ lạc khác của nước Mỹ. Tôi đã có Âu Cơ và Lạc Long Quân rồi, tại sao phải thêm các ông Washington, Frankin, Jefferson... lên bàn thờ làm gì cho mệt. Tôi không đến Mỹ bằng thuyền, không đổ bộ lên một mỏm đá nào ở Massachusetts, không qua một mùa đông đói lạnh sang xuân được những người da đỏ chỉ cách trồng ngô khoai, bí đỏ, săn gà tây đem về ăn thì tại sao phải khuân con gà tây về nhà để nuốt những miếng thịt nhạt thếch, bở như khoai luộc quá chín đó và ăn Thanksgiving. Do đó, trong mấy năm, tôi không có Thanksgiving gì hết. Ai muốn Thanksgiving thì cứ việc. Tôi thì không. Nhất định là không.

Nhưng nghĩ lại một chút, thì cũng có nhiều điều để phải cám ơn. Không cám ơn các ông các bà da đỏ, cũng không cám ơn chiếc tầu buồm Mayflower nhưng vẫn có nhiều điều phải cám ơn. Cám ơn những chuyện xẩy ra, cám ơn cả những chuyện không xẩy ra. Cám ơn những thứ có trong tay, và cám ơn những thứ không ở trong tay. Cám ơn hạnh phúc và cám ơn cả những bất hạnh để nhìn ra được hạnh phúc. Cám ơn những thứ không có để hiểu những thứ đã có được trong đời sống.

Mấy hôm trước, tôi nhận được bức ảnh người bạn gửi cho qua internet chụp hình một đứa bé, chắc là ở Phi châu, đang đứng dưới bụng một con lạc đà, hứng lấy nước tiểu của con lạc đà để gội đầu hay để uống tôi không rõ.

Xem bức hình xong, nhớ đến mỗi buổi sáng vào buồng tắm, vặn nước, đứng dưới cái vòi nước ấm, mùi xà bông thơm, cái khăn tắm, bộ quần áo mới. Chuyện giản dị vẫn làm như thế mỗi buổi sáng mà biết bao nhiêu người trên thế giới không làm được, như cậu bé trong bức hình.

Chỉ một chuyện nhỏ đó tôi đã thấy mình hạnh phúc biết là chừng nào.

Cứ chỉ nghĩ như thế là phải cám ơn không ra đời tại Rwanda, Angola, Sierra Leone... Cám ơn không là người dân Darfour, Somalia. Cám ơn không là những người dân Bangladesh sau trận bão. Cám ơn mấy đứa con chưa bao giờ phải đứng dưới bụng con lạc đà như cậu bé Phi châu.

Cám ơn ly à phê buổi sáng. Cám ơn tờ báo quăng ngoài cửa. Cám ơn buổi tối không nghe tiếng đập cửa, không nghe tiếng quát tháo, không nghe tiếng súng lên đạn. Cám ơn cái trạm xăng, tuy đã hơn 3 đô la 1 ga lông nhưng vẫn còn mua được xăng. Cám ơn ly mì ăn liền. Cám ơn TV dinner, nhờ nó mà chẳng ai còn có thể dọa dẫm bắt nạt, hăm không nấu ăn cho nữa. Cám ơn cái TV. Cám ơn cái Ipod. Cám ơn những cái CD. Cám ơn Trần Tế Xương, Ðinh Hùng, Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương, Lý Thương Ẩn, Tản Ðà, Basho, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên... thỉnh thoảng nhớ lại vài câu đọc cho đỡ buồn. Cám ơn mấy đứa cháu. Cám ơn cái xe cứ vặn cái chìa khóa là chạy, chẳng làm khó nhau bao giờ. Cám ơn cái điện thoại cầm tay. Cám ơn cái đàn ghi ta, dây sai, phím lạc vẫn là bạn thân. Cám ơn cái computer. Cám ơn cái modem. Cám ơn trí nhớ vẫn còn dùng được. Cám ơn cô giáo cũ. Cám ơn những ông thầy cũ. Cám ơn những người bạn. Cám ơn cái tủ sách. Cám ơn những cuốn sách bao giờ cũng như những người bạn thân thiết. Cám ơn không phải là ông Bush. Cám ơn không phải là chồng của Hillary. Cám ơn không là con gà tây. Cám ơn những người tù lương tri ở Việt Nam. Cám ơn cha Lý. Cám ơn Hòa Thượng Quảng Ðộ. Cám ơn những người biểu tình ở Dana Point đã nói thẳng cho người đàn ông lén lén chạy xe bít bùng vào khách sạn rằng không hề có những người Việt tử tế nào vui mừng ra đón nó cả. Cám ơn nước mắm. Cám ơn xì dầu. Cám ơn cuộn giấy tròn trong buồng tắm. Cám ơn vài mảnh tàn y xếp lại để dành lấy hơi của ông cụ. Cám ơn cái khăn quàng bà cụ để quên nay mới có cái khăn để mà nhớ. Cám ơn cái gương, cám ơn cái lược. Cám ơn những sợi tóc đen. Cám ơn những sợi tóc bạc. Cám ơn buổi sáng còn thức dậy được. Cám ơn sợi tóc rớt trong phòng. Cám ơn người đến thăm chiều mưa. Cám ơn tuổi thơ không thể quên được. Cám ơn mối tình đầu nay đã chết. Cám ơn mối tình cuối. Cám ơn những mối tình cũ. Cám ơn những mối tình không cũ cũng không mới. Cám ơn những mối tình ở giữa. Cám ơn những bài hát ru của người mẹ. Cám ơn chuyện tiếu lâm. Cám ơn một giọng hát. Cám ơn những năm ở Việt Nam. Cám ơn những năm ở Sài Gòn. Cám ơn Sài Gòn. Cám ơn Nam kỳ. Cám ơn Trung kỳ, cám ơn Bắc kỳ. Cám ơn tiếng sông Hồng, cám ơn tiếng sông Hương, cám ơn tiếng sông Hậu. Cám ơn cái đồng hồ. Cám ơn cặp kính. Cám ơn những năm còn đi học. Cám ơn tự điển. Cám ơn Võ Phiến. Cám ơn Doãn Quốc Sỹ. Cám ơn Anglais Vivant. Cám ơn những người em. Cám ơn đôi chân. Cám ơn quả tim đầy lỗ (?) như phó mát Thụy Sĩ. Cám ơn vọng cổ. Cám ơn hò mái đầy. Cám ơn quan họ. Cám ơn những vô lý và hữu lý của đời sống. Cám ơn Rabindranath Tagore, Jacques Prévert, Ernest Hemingway, William Faulkner, Thomas Eliot, cám ơn André Maurois. Cám ơn âm nhạc. Cám ơn những bài hát cũ. Cám ơn Hoàng Trọng, Lâm Tuyền, Vũ Thành, Trịnh Công Sơn... Cám ơn cái ấm trà. Cám ơn Heineken. Cám ơn cái mở nút chai. Cám ơn Kim Tước, cám ơn Mai Hương. Cám ơn Merlot, Shiraz. Cám ơn cái F-5, cái D-70. Cám ơn truyện Kiều. Cám ơn tiếng cười. Cám ơn tiếng nói. Cám ơn Trời và cám ơn Ðất.

26-10-2007


ÐI XA VỀ NHÀ NÓI KHOÁC

Lê Lựu là một nhà văn ở trong nước. Ông là tác giả cuốn tiểu thuyết "Thời Xa Vắng", tôi chưa đọc và cũng không định tìm đọc.

Cách đây khoảng mười mấy, hai chục năm, ông có sang Mỹ một lần để dự một cuộc hội thảo với một số nhà văn Mỹ ở đông bắc Hoa kỳ. Tổ chức này gồm một số nhà văn Mỹ có lập trường chống chiến tranh Việt Nam. Họ mời một vài tác giả Việt Nam sang Mỹ để trao đổi với họ về cuộc chiến. Ông Lê Lựu được mời vì ông ở trong thành phần này. Ông có đóng góp được gì cho cuộc hội thảo thì không biết, nhưng xong cuộc hội thảo, ông được cho xuống chơi mấy ngày ở thủ đô Washington. Có thể ông được dẫn đi chơi vài ba chỗ. Về nước, ông thực hiện đúng một câu tục ngữ của người Việt Nam, câu "đi xa về nhà nói khoác".

Nói khoác là nói xạo, là nói không đúng sự thật, là nói phóng đại, là nói dóc, là nói phét, là nổ bậy nổ bạ. Ông về nước và nói với báo chí trong nước rằng ông được nhật báo Washington Post mời ở lại làm chủ bút, cấp nhà và cấp xe cho ông.

Không biết tại sao ông không nhận đề nghị của tờ Washington Post mà lại vác xác về nước.

Tờ Washington Post là một trong những nhật báo lớn và nhiều ảnh hưởng nhất ở Hoa kỳ, ngang ngửa với những tờ New York Times, Los Angeles Times, Chicago Tribune...

Ông Lê Lựu bỏ một cơ hội rất nhiều người ở bên Mỹ này ao ươc mà không làm được.

Tờ Washington Post đã từng khui vụ Watergate đưa tới việc tổng thống Nixon phải từ chức. Nói như vậy để thấy rằng tờ báo này không phải là thứ báo lá cải rẻ tiền như những tờ National Inquirer, tờ Star hay những thứ báo bầy bán ở đầu đường xó chợ viết toàn những thứ tin bậy bạ. Xin được việc làm với tờ Post không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các sinh viên tốt nghiệp đại học báo chí ở Hoa kỳ.

Ông Lê Lựu không tốt nghiệp báo chí ở Mỹ. Ông không nói được tiếng Anh. Lại càng không viết được tiếng Anh. Tiếng Pháp của ông, theo một tiết lộ, cũng không có được bao nhiêu, đọc chữ "brique" nghĩa là viên gạch thì đọc là "bờ rích que" chứ cũng không được thành "bờ rích cờ". Ngoại ngữcủa ông là như thế.

Vậy mà tờ Washington Post đề nghị ông ở lại Mỹ, mời cộng tác với tờ báo này, không trong tư cách một cây bút tầm thường bao nhiêu người Mỹ khác chỉ dám mơ ước, mà mời ông làm chủ biên, editor cho tờ báo.

Thế mà ông từ chối.

Thấy ông chưa chịu, tờ Washington Post lại năn nỉ tặng cái xe cho ông đi. Không biết là xe gì, nhưng ông lại vẫn nhất mực từ chối không thèm chiếc xe ấy.

Tờ Washington Post thấy ông vẫn chưa chịu, bèn tặng ông một căn nhà để ở. Ông cũng vẫn không chịu.

Ông về nước nói với các nhà báo Việt Nam như thế khiến trong số các nhà văn Việt Nam, có thể đã vài ba người lăn đùng xuống đất chết vì ghen với cái số tử vi quá tốt của ông, và tức vì quyết định quá ngu xuẩn của ông.

Ai đời được một tờø báo lớn nhất nước Mỹ mời làm chủ biên, cấp nhà, cấp xe mà lại vẫn gạt tất cả các thứ ấy để lên máy bay về nước.

Người ta vẫn không hiểu tại sao ông lại làm như thế. Mãi sau mới biết rằng ông phải về nước để nói phét. Vì nếu nhận công việc với tờ Washington Post, ở lại nước Mỹ thì nói phét cho ai nghe.

Có điều không biết tiếng Anh, Ăng lê một chữ bẻ đôi không biết, tiếng Tây thì như thế mà tờ báo uy ín và lớn nhất nước Mỹ phải hạ mình xuống nước mời làm việc với bao nhiêu quyền lợi mà vẫn không chịu thì có điên không.

Ông về nước, kể lại chuyện tờ Washington Post mời làm việc, cấp nhà, cấp xe cho báo chí nghe, và báo chí liền túm lấy nhữõng chi tiết ấy rồi tường thuật lia chia nên người ta mói biết ông oai như vậy.

Lại thêm Trần Ðăng Khoa, một anh thần đồng chuyên làm thơ ngợi ca bác Hồ viết nguyên một bài báo về một thành tích khác của Lê Lựu trong nhữõng ngày tham dự cuộc hội thảo ở Boston và hết lòng kính phục Lê Lựu qua một hành động của ông nhà văn này.

Lê Lựu nói và được Trần Ðăng Khoa thuật lại là trong một buổi họp, ông ta đã tháo giầy, tháo bít tất ra, rồi đưa bít tất và bàn chân lên mũi ngửi trước mặt các nhà văn Mỹ khác.

Trần Ðăng Khoa viết trong bài báo rằng đó là một cử chỉ "rất Lê Lựu", được các nhà văn Mỹ khác rất yêu và thán phục.

Ai cũng biết rằng ở Mỹ, không ai có những trò mất dậy, vô giáo dục, thiếu văn minh, bất lịch sụ như trò kéo chân lên ngửi mà ông Lê Lụu đã làm cả.

Người ta không nói gì thì quay ra tưởng là hành động ngửi chân của mình được thán phục. Không hề có chuyện đó. Thái độ lịch sự của chủ nhà không cho phép người ta nói bất cứ một câu gì trước hành động khiếm nhã đó.

Không lẽ lại đứng dậy hét lên rằng cái thằng mọi rợ kia, tại sao giữa bàn họp, nơi chốn văn học nghệ thuật như thế này mà mày hành động càn rỡ, mất dậy như thế? Có bỏ cái chân chó xuống không thì bảo. Ðồ mất dậy, vô giáo dục chứ nhà văn cái nỗi gì.

Nghe nói mới đây, ông Lê Lựu lại vừa được nhắc đến, không vì thành tích văn chương, mà là một trò lừa đảo bịp bợm gì đó ỏ Hải Phòng, bỏ túi cả tỉ đồng.

Thế nên lại càng thấy không cần phải tìm đọc "Thời Xa Vắng" của ông làm gì cho mất thì giờ cần thiết để dùng vào việc khác.

Thí dụ như việc cụ Trần Văn Hương vẫn làm trong những ngày nằm khám chẳng hạn.

DẬY CON NGƯỜI KHÁC

Tờ Newsweek tuần qua đã đến hộp thư của tôi vừa đúng lúc. Nếu nó không tới đúng ngày thì tôi cũng không biết phải làm gì trong một trường hợp không biết xử trí như thế nào mặc dù trường hợp như thếù đã xẩy ra mấy lần cho tôi.

Thứ Bẩy vừa qua tôi cùng một người bạn đến ăn sáng ở một tiệm ăn thì được cho thưởng thức một chương trình giúp vui miễn phí mặc dù chúng tôi không hề yêu cầu, mà vui thì cũng không được bao nhiêu.

Ở cách chỗ chúng tôi ngồi không bao xa, có một cặp vợ chồng trẻ và hai con nhỏ cũng vào tiệm ngồi ăn. Họ đến sau chúng tôi, và sau khi yên vị, chương trình giúp vui của gia đình này bắt đầu ngay lập tức. Hai đứa bé trai, một khoảng 4 tuổi, một khoảng 6 tuổi tìm được những món đồ chơi mới trong tiệm. Ðó là những chiếc đũa trong ống đũa trên bàn. Thực ra thì cha mẹ chúng lấy cho mỗi đứa một đôi đũa mặc dù chúng mang theo hai chiếc hamburger để ăn. Rõ ràng là hai đôi đũa không phải để chúng dùng trong việc ăn những chiếc hamburger mà chỉ được dùng như những món đồ chơi mới.

Cả hai liền đem ra dùng ngay. Chúng sử dụng những chiếc đũa như những chiếc dùi trống để gõ lên mặt bàn, mặt ghế của tiệm ăn. Rồi chúng làm kiếm sĩ dùng những chiếc đũa đấu kiếm với nhau. Một đứa làm rơi chiếc đũa xuống đất, người mẹ liền lấy ngay một chiếc đũa khác đưa cho con chơi tiếp. Màn đấu kiếm và đánh trống không âm thầm như người hiệp sĩ nghe gió kiếm mà được phụ họa bằng những tiếng la thét át hẳn mọi âm thanh khác trong tiệm.

Cha mẹ chúng vẫn nói chuyện với nhau, bình tĩnh như không hề nghe thấy những tiếng la thét và hai đứa bé cứ thế mà nhẩy lên đùng đùng, leo lên ghế, chạy vòng quanh tiệm.

Cha mẹ chúng không có bất cứ một phản ứng gì về các trò chơi của hai đứa con đang gây khó chịu cho chúng tôi.

Xin nói là tôi rất yêu trẻ con. Trước đây, là nhũng đứa con, và nay, là những đứa cháu.

Một câu tục ngữ không biết là của nước nào tôi đọc được trong một cuốn lịch của UNICEF, Quĩ Bảo Vệ Nhi Ðồng của Liên Hiệp Quốc hồi mấy chục năm trước nói là hãy coi chừng những người nào khó chịu vì tiếng cười của trẻ thơ.

Ðây không phải là tiếng cười. Mà là tiếng chạy huỳnh huỵch, tiếng đũa gõ cành cạch trên bàn, trên ghế của tiệm ăn, nơi bữa sáng của chúng tôi bỗng nhiên bị phá hỏng.

Tôi lại không đồng ý với một câu nghe thấy nhiều lần, câu children should be seen, not heard, câu nói đầy nhũng cấm cản tiếng nói, tiếng cười của trẻ.

Nhưng những âm thanh mà hai đứa bé tạo ra trong tiệm ăn thì không phải là tiếng cười nói của trẻ thơ. Ðó là những tiếng động làm phiền tất cả thực khách trong tiệm.

Cha mẹ của hai đứa bé vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau, rồi thản nhiên ngồi ăn trong khi hai con nhỏ tiếp tục gây phiền nhiễu cho nhũng người khác.

Ít nhất thì họ cũng phải nhắc các con bớt la thét ầm ỹ trong tiệm, không chạy đuổi nhau để có thể vấp té, đụng vào khách, vào nhân viên của tiệm làm đổ thức ăn. Nhưng không. Họ không làm gì hết, họ vẫn bình thản như không có gì xẩy ra.

Ðối vớùi họ, chuyện hai đứa con chạy đuổi nhau có thể là chuyện thường, không đáng nói.

Nhưng đó là ở nhà của họ.

Nhưng ở tiệm ăn, trò la thét, đuổi nhau như thế thì không được. Khách đến tiệm muốn có một bữa ăn tử tế, không thể bị làm phiền, không bị gây khó chịu.

Tôi muốn đứng dậy, kéo hai đứa bé lại bảo chúng phải ngưng trò chơi chúng đang chơi để khỏi làm phiền người khác.

Tôi muốn nói với chúng rằng này hai cháu, hai cháu mà không ngưng ngay trò rượt đuổi, la thét như thế, ông cho con ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con túm cổ các cháu đưa đi làm thịt ăn bây giờ. Có trở lại ghế ngồi tử tế hay không thì bảo.

Nhưng nếu ai đứa bé ấy tiếng Việt không nói được, mà tiếng Ăng lê tôi lại chịu thua thì có thể phải đến bàn bảo cho bố mẹ chúng rằng không biết dậy con, kỷ luật con cái thì rồi đây khổ thân đấy thôi. Các cháu có biết câu "bé không vin, cả gẫy ngành" nghĩa là gì không?

Có nhớ người phụ nữ hai tuần trước ở phi trường Phoenix không, cứ la thét nhẩy đong đỏng lên, đòi chạy lên máy bay trái lệnh cả nhân viên an ninh thì như thế đấy. Chết thiệt thân. Hay như chuyện người thanh niên nọ bị chặn ngoài đường, cãi lệnh cảnh sát, bị bắn cho một phát súng điện rồi chết.

Không có kỷ luật là không được. Hãy dậy cho con cái ngoan ngoãn, tử tế khi ra đường, trước khi quá muộn.

Nhưng tờ Newsweek số đề ngày22 tháng 10 có một bài viết của Kathleen Deveny ở trang 65 làm tôi nghĩ lại.

Ðọc xong bài báo thì tôi thấy là không được. Không thể làm bất cứ gì. Cố gắng ngồi ăn cho xong bữa sáng. Ăn cho nhanh rồi đứng dậy ra về. Nói gì cũng không được.

Kathleen Deveny kể về một kinh nghiệm cá nhân liên quan đến một đứa bé ăn nói rất mất dậy. Nhưng bà không có phản ứng gì. Bà có vẻ tiếc nhưng sau đó, trong bài viết, bà thấy không nói gì là đúng. Bà không thể giáo dục hay kỷ luật con của người khác.

Có thể bà sẽ gặp phản ứng của chính đứa bé. Cũng có thể cha mẹ của đứa bé có phản ứng lại với bà, và có nhiều phần là những phản ứng đó đều không tốt đẹp lắm.

Nên bà làm thinh.

Mấy chục năm trước, nghe tiếng chân của ông bố đi trên cầu thang từ nhà dưới lên là chúng tôi trở lại bàn mở sách ra chăm chì học hành ngay lập tức. Ngày ấy, không có câu gì nghe dễ sợ hơn là câu hăm dọa về mách bố.

Nhưng mách gì khi chính cha mẹ chúng ngồi lù lù ở đấy, không nói bất cứ gì để răn dậy con cái.

Lại còn lấy cho chúng cái đũa khác để chơi tiếp trò chơi làm phiền mọi người.

28-12-2007


ÐỐ KỴ

Tác giả cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, ông Bá Dương viết nguyên một cuốn sách để kể ra những cái xấu của các đồng bào của ông. Khi cuốn sách này được đem ra điểm trên một tờ báo Việt Nam, người điểm thú thật là đã có lúc tưởng người viết là một người Việt Nam, thác lời một người Trung Hoa để nói bóng gió chê trách người Việt.

Cây bút điểm sách mãi đến khi gặp người dịch cuốn sách từ Hoa ngữ sang tiếng Việt mới tin là cuốn sách viết về người Trung quốc chứ không về người Việt.

Trong cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí, ông Bá Dương kể ra một cái xấu của người Trung quốc. Đó là cái tính ác với nhau. Ác, xấu tính, ganh ghét nhau. Người (Hoa) này với người Hoa kia phải thù ghét nhau như nó giết bố mình. Ông Bá Dương đã nhận xét về những người Hoa sống ở Mỹ như thế.

Ở Toronto, Canada, người ta thấy người Hoa sang trước thì chê người Hoa sang sau. Người Hoa sang sau thì khinh bỉ người Hoa từ Việt Nam sang tị nạn. Một thời gian sau, người Hoa mới sang sau này phải quay sang chơi với những người Hoa đến từ Việt Nam như ở đường Dundas.

Nhưng một vài ý kiến đọc được trên internet về một người phụ nữ Việt chỉ làm toàn những điều tốt đẹp để được nước Mỹ mới đây phải công nhận và tưởng thưởng xứng đáng đã làm cho tôi nghĩ hình như ông Bá Dương viết cuốn sách Người Trung Quốc Xấu Xí về người Việt. Hay nếu không thì người Việt một số cũng rất giống những đồng bào của ông Bá Dương. Hoặc giả ông Nguyễn Hồi Thủ dịch cuốn sách đó là để đưa ra những nhắn nhủ cho người Việt. Người điểm cuốn sách, Phan thị Trọng Tuyến, có thể nghĩ đúng khi cho rằng cuốn Người Trung Quốc Xấu Xí là một cuốn sách viết về người Việt với những mặt rất xấu của người Việt.

Một người viết trong internet rằng bà Dương Nguyệt Ánh khoe khoan (sic) (khoang viết thiếu chữ "G") không đúng chỗ.

Viết có mấy chữ mà đã sai chính tả tệ hại như thế cũng mở mồm ra vu khống ăn nói bậy bạ nhảm nhí. Một ý kiến khác thì nói là bà Ánh chỉ được mấy tờ báo Việt ngữ ở California đề cao trong khi có tờ báo Mỹ nào nhắc tới đâu. Ý kiến này còn nói là bao nhiêu khoa học gia Ấn độ, Ðại Hàn, Trung quốc khác làm những việc phục vụ cho hòa bình mới đáng tôn vinh, chứ bà Ánh chế quả bom giết người thì việc gì phải đề cao.

Cả hai ý kiến đều vừa sai lầm vừa bầy ra một thái độ ganh ghét nhỏ nhen tệ lậu.

Bà Ánh được báo chí Mỹ nói đến trước. Bà không bao giờ tự đến liên lạc với những tờ báo Mỹ để nhờ viết về mình. Bà cũng không hề làm việc đó với các báo chí Việt ngữ.

Nói rằng bà Ánh là người mà người Mỹ không biết tới thì nên nhìn lại bạn bè Mỹ của mình là thứ như thế nào rồi hãy nói rằng người Mỹ không ai biết bà Ánh.

Trong giới khoa học, trong giới quân sự, bà Dương Nguyệt Ánh đã được công nhận từ lâu. Việc George Will viết nguyên một bài trên tờ Newsweek, một tờ báo lưu hành khắp thế giới cho thấy sự ngu xuẩn, hẹp hòi kiến thức, hiểu biết nông cạn của những ý kiến đọc được trong Topix là những thứ như thế nào.

Vừa thiếu hiểu biết, vừa ghen tị nhỏ nhen.

Một vài ý kiến khác thì nói là nếu bà Ánh chế được thuốc chữa ung thư hay làm một sản phẩm đóng góp cho hòa bình thì đáng để nói hơn. Ðúng.

Nhưng Dương Nguyệt Ánh khi cầm đầu toán nghiên cứu chế được loại bom mới dùng tạo chiến trường Afganisatan thì đó cũng là đóng góp rất lớn cho hòa bình, cho sự an ninh của cả những người viết mấy bức thư láo lếu trong internet. Không có đóng góp của bà Ánh, Al Qaeda còn thực hiện thêm được bao nhiêu vụ 911 thì khó mà nói được.

Những người như Dương Nguyệt Ánh đã giúp làm nhạt mờ đi những bản tin về mấy người Việt Nam ở tây bắc Hoa kỳ trồng cần sa trong nhà, vài ba băng đảng ở Little Saigon, mấy người Úc gốc Việt mang lậu ma túy vào Úc...

Chỉ có ngu xuẩn mới nghĩ là có thể dụ cho báo chí Mỹ viết ca tụng mình. Và cũng chỉ ngu lắm mới nghĩ là nước Mỹ không biết công nhận thiên tài.

Phải có xạ thì tự nhiên mới có hương được.

30-11-2007


TRẦN VĂN BÁ

Tôi phải nói ngay là tôi rất có tội. Tôi phải xin lỗi về cái tội ấy của tôi.

Tôi ăn nói lăng nhăng, viết lách đủ mọi thứ, chuyện trên trời dưới đất, thỉnh thoảng làm mấy bài thơ tình chẳng ra làm sao hết, tôi tưởng là tôi biết được chuyện này, chuyện nọ là hay lắm. Nhưng tôi chợt thấy tất cả những chuyện ấy chẳng ăn thua gì, chẳng làm được gì, chẳng đóng góp được cho bất cứ một việc tử tế nào hết.

Thí dụ tôi biết Paris Hilton mặc quần áo ra sao, có mấy người bạn trai, hư đốn như thế nào. Tôi biết ông Clinton có bao nhiêu lần đi ăn vụng, bà Clinton học ở đâu, làm gì dưới thời Nixon. Tôi biết vài ba điều về Cecilia Sarkozy, những chuyện bà làm trước và sau khi ông Nicolas Sarkozy đắc cử tổng thống Pháp. Tôi thuộc dăm ba bài thơ của Shakespeare, lõm bõm một vài câu Kiều, vài ba chục câu ca dao. Tôi tưởng trí nhớ như vậy là tốt lắm. Tôi biết tên vài ba thứ rượu vang, thuộc tên vài ba cái château bên Tây, khu thung lũng sông Rhone, cách cầm con dao, cái nĩa như thế nào. Tôi biết thắt vài ba cái nút ca vát, chọn lấy cái áo sơ mi nào cho đẹp để đi với cái jacket, và đôi giầy. Tôi biết lời ca của vài ba bản nhạc, âm ư theo mấy bản nhạc ngoại quốc, đọc được dăm ba chữ Hán, vài chục câu tiếng Anh mà tôi nghĩ là tôi giỏi lắm. Tôi biết George Clooney lên xe hoa mấy lần, đang bồ với ai, Tom Cruise đang đóng phim gì, kiếm bao nhiêu tiền mỗi năm vân vân.

Những kiến thức toàn đọc được ở những thứ báo lá cải bầy ở quầy trả tiền của các siêu thị.

Những điều tôi biết đó, nghĩ lại thì chẳng là cái gì hết. Trái đất vẫn xoay, mặt trời vẫn mọc ở phương Ðông.

Nếu hỏi tôi về người đàn ông thua tôi một tuổi, nhưng lại không sống được thêm 22 năm nữa để tới được tuổi của tôi bây giờ, thì tôi không biết.

Ông chết đi cách đây 22 năm. Trong 22 năm đó, tôi vẫn chẳng làm được gì. Vẫn chỉ những công việc tầm thường hàng ngày, nợ cơm, nợ áo, nợ đời sống, nợ con cái. Nợ nhiều thứ tào lao khác.

Ông thua tôi một tuổi, chết đúng năm 40 tuổi. Ông cũng không may mắn được sống cạnh người cha thêm ít năm nữa. Cha ông bị giết năm ông 21 tuổi, chết một cái chết còn rất nhiều mờ ám mà một số người cố tình úp mở nói như thể thủ phạm giết cha của ông là một nhân vật cầm quyền ở Sài Gòn. Ông nói thẳng là ông không tin điều đó. Ông đi Pháp học, tốt nghiệp cao học kinh tế năm 1971 và dậy tại đại học Nante. Nhưng ông không chỉ lo kiếm sống như tôi. Ông lao đầu vào các hoạt động sinh viên trong lúc vẫn đi học và đi làm.

Thế mà tôi biết về ông thì chẳng bao nhiêu.

Năm 1973 tôi có gặp ông khi ông về thăm Việt Nam. Ông có cái vẻ khắc khổ, nhưng lại có lối ăn nói đầy khả năng thuyết phục. Ông mải mê đi đến nhiều nơi nên chúng tôi gặp nhau chỉ thoáng qua. Ông trở lại Pháp với các sinh hoạt sinh viên của ông.

Thế rồi thoắt đi một thời gian, thời gian đầy những diễn biến trong nước, những đổi thay bi thảm lịch sử đổ xuống cho đất nước, tôi không nghĩ đến ông một lần nào. Cuộc sống ở bên này Ðại Tây Dương không đem những quen biết sơ giao đó lại gần nhau.

Một hôm, trong khi thực hiện một chương trình tin tức cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thì tôi thấy tên của ông. Bản tin không có dấu tiếng Việt khiến tôi không nhận ra ông. Một đồng nghiệp trong chương trình Hoa ngữ nhờ tôi giải nghĩa tên của ông, và tôi đã giải thích "Ba" là ba đào, là con sóng, là số 3.

Mãi đến khuya hôm ấy, những bản tin cập nhật mới cho biết một chi tiết khác, ông là con cố dân biểu Trần Văn Văn, thì tôi mới nhớ ra ông là Trần Văn Bá.

Như vậy là trong những năm tôi sống với những chuyện phù phiếm và vớ vẩn đó, người đàn ông thua tôi một tuổi đã lần mò về nước, mưu làm chuyện lớn cho dân tộc.

Người đàn ông ấy là Trần Văn Bá, ra đời năm 1945 tại Sa Ðéc, bị hành quyết năm 1985 ở Việt Nam trong lúc về quê hương mưu giải phóng đất nước.

Nguyễn Thái Học trước khi lên máy chém nói rằng những người mưu việc lớn nếu không thành công thì cũng thành nhân.

Trần Văn Bá đã thành nhân, đã thành một con người vĩ đại, một anh hùng của nước Việt,

Vậy mà tôi không biết được bao nhiêu về ông mà lại chỉ biết toàn nhũng chuyện tào lao xịt bộp.

Xin lỗi Bá.

MỘT CUỐN TỪ ÐIỂN

Sự ra đời của một cuốn sách bao giờ cũng là một niềm vui.

Tác giả như một người đàn bà mang nặng đẻ đau, nhiều khi trong một thời gian còn dài hơn 9 tháng 10 ngày nữa. Công việc của người viết có thể cô đơn hơn người đàn bà mang thai rất nhiều. Người viết không có một ai để tâm tình trong những lúc ngồi trước trang giấy hay như bây giờ, trước bàn phím của chiếc máy điện toán.

Sự ra đời của một cuốn từ điển còn là một niềm vui lớn hơn nhiều. Từ điển và tự điển ở với chúng ta lâu dài hơn. Những cuốn tự điển và từ điển mới nhất mà tôi có cũng đã ở trên mười năm. Những cuốn khác, được in lại, thì cũng là những ông già bẩy tám mươi tuổi. Nhưng những ông già này sẽ vẫn có thể ở lại giúp đỡ những ngươi cần sự giúp đỡ của các ông hàng trăm năm nữa.

Tôi rất yêu tự điển. Tủ sách của tôi có khoảng hơn sáu chục cuốn tự điển. Cuốn tự điển của Khai Trí Tiến Ðức đã tạo ra một lòng yêu mến đối với tự điển từ khi tôi gặp nó lần đầu tiên năm tám hay chín tuổi. Từ đó, giữa những cuốn tự điển và tôi có một liên hệ không bao giờ phai nhạt.

Vậy mà tôi không biết được bao nhiêu về những người làm tự điển. Cụ Thiều Chửu, tác giả cuốn Hán Việt Tự Ðiển có một bức chân dung ở đầu cuốn tự điển của cụ. Trông hình cụ và đọc lời nói đầu, người ta biết cụ là một nhà sư Phật giáo. Nhưng cụ sống như thế nào, chết ra sao không thấy có sách vở nào nói. Cụ đã phải mất năm sáu năm trời mới soạn xong, rồi lại thêm một năm bốn tháng mới in xong một phần bị khảo.

Cuốn tự điển của cụ đã theo tôi từ năm 1963 đến nay. Cụ thật tử tế, hỏi gì đáp nấy, bất kể đêm hôm khuya khoắt, cứ hỏi là cụ trả lời ngay. Các cụ Lê Văn Ðức, Ðào Duy Anh, Trần Trọng San, Nguyễn Ðình Hòa, Lê Bá Kông, Lê Bá Khanh... lúc nào cũng ân cần tận tụy.

Bây giờ, người Việt lại mới có thêm được một bộ từ điển khác, bộ Từ Ðiển Văn Học Việt Nam của linh mục Trần Văn Kiệm.

Từ điển và tự điển không phải là những cuốn sách để đọc từ đầu đến cuối như kiểu đọc những thứ sách vở khác. Nhưng nó được dùng đi dùng lại rất nhiều lần, khác với các ấn phẩm khác. Gần một ngàn bốn trăm trang in bằng chữ rất nhỏ của bộ từ điển này không để đọc một mạch.

Bộ từ điển của linh mục Kiệm không giống như những cuốn tự điển và từ điển đã có. Từ điển của linh mục Kiệm là một cuốn từ điển Hán Nôm kèm theo chữ Hán và chữ Nôm. những chữ Nôm đều được cho biết cách viết phối hợp từ chữ Hán. Phần chữ Hán có chua thêm cách đọc theo lối phanh âm sử dụng ở Hoa lục. Vì đây là một cuốn từ điển nên phần giải thích nghĩa của các chữ đầy đủ hơn tự điển. Và vì bộ sách là từ điển văn học nên những nhân danh, địa danh, tiểu sử, các chi tiết về địa lý lịch sử quan trọng cũng được ghi thêm. Bộ từ điển có được nhiều tiếng mới hơn các bộ tự điển đã có từ nhiều năm nay, nhất là những chữ Hán xuất hiện sau này, trong những năm gần đây.

Nhưng từ điển hay tự điển không bao giờ có thể là những công trình không có khiếm khuyết. Nhất định là phải có. Vấn đề là ít hay nhiều mà thôi.

Về hình thức, bộ sách dùng kỹ thuật dán gáy mà không đóng bằng chỉ. Sợ rằng vài ba năm, với những thay đổi về khí hậu, gáy sẽ bong ra như nhiều cuốn sách đã cho thấy. Những tự điển và từ điển ở với chúng ta lâu hơn nên cần được đóng bằng chỉ.

Trong nhiều trường hợp, phần chữ quốc ngữ sử dụng mẫu tự La Tinh bị cho đứng quá gần với những chữ Hán ở dòng trên khiến việc đọc có thể có trở ngại cho cả những chữ Hán ở trên và những chữ quốc ngữ ở dưới.

Cuốn sách cũng để lại một số lỗi typo tuy không nhiều lắm. Ở một vài trang, chương trình Việt ngữ của máy điện toán gặp trở ngại nên để lại những ô vuông thay vì những chữ Việt.

Về nội dung, linh mục Trần Văn Kiệm, khi giải thích một số từ ngữ, đã có những cái nhìn có thể nói là không cần thiết phải ghi vào bộ sách.

Các tự điển của Khai Trí Tiến Ðức, Ðào Duy Anh, Nguyễn Văn Khôn không cho thấy những điều đó.

Xin cử một hai thí dụ.

Linh mục Kiệm là người Thiên Chúa giáo. Ông có những điểm bất đồng với một vài chi tiết trong lịch sử Việt Nam cận đại vì những chi tiết đó có thể làm buồn lòng nhũng tín đồ Gia Tô ở Việt Nam. Nhưng gọi phong trào Cần Vương là "giặc" thì không nên. Hay ở một chỗ khác, linh mục Kiệm đã cho thấy rõ ông không ưa Văn Thân, gọi việc làm của Văn Thân là "làm loạn", chỉ vì Cần Vương và Văn Thân có những việc làm đụng chạm tới Thiên Chúa Giáo trong những năm đầu ở Việt Nam.

Một nhân vật ái quốc của lịch sử Việt Nam mà cả quốc gia lẫn cộng sản đều nhìn nhận là có công lớn với đất nước Việt thì bị linh mục Trần Văn Kiệm coi là một "phạm nhân có tội với nhân loại... đáng để đưa ra trước tòa án quốc tế". Nhân vật đó là Phan Ðình Phùng. Lý do là họ Phan đã đem quân đốt phá một làng Thiên Chúa giáo.

Nếu bỏ qua những chi tiết như thế, bộ từ điển của linh mục Trần Văn Kiệm là một công trình đáng ca ngợi.