October 31, 2013

October 31, 2013

Ngày 28 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Cách đây không lâu, một bài toán đố được ra cho các học sinh làm với những chi tiết như thế này:
Bạn Võ Tiến Trung ở Quảng Nam mới 8 tuổi đã cùng cô chú đánh Mỹ, cứu nước. Một lần bạn Trung đã dùng lựu đạn diệt 7 tên Mỹ. Một lần khác, bạn ấy lại diệt 7 tên thám báo ác ôn và 3 tên Mỹ. Hỏi cả hai lần ấy, bạn Trung đã diệt tất cả bao nhiêu giặc Mỹ và ác ôn?
Bài toán đố rõ ràng là chỉ nhắm mục tiêu gây căm thù đế quốc và tôn vinh cậu bé anh hùng, dũng cảm (?) bất kể những chi tiết trong đề bài toán mang đầy tính chất bạo động bịa đặt không cần thiết để nhét vào đầu của học sinh . Bài toán như thế không phải là toán của lớp cao, mà có thể là của một lớp thấp nhất của bậc tiểu học. Chuyện làm bài tính cộng không phải là chủ đích của bài toán.
Ngày xưa, những đầu đề toán của chúng ta phải làm trong lớp thì rất khác. Lồng trong những đề toán cũng vẫn là những kiến thức, những hoàn cảnh, trường hợp có thể gặp ở ngoài đời và đọc kỹ vẫn thấy những nét đạo đức, văn hóa của xã hội.
Thí dụ đề toán ra rằng một bác nông dân cầy thửa ruộng rộng bao nhiêu đó trong một ngày, vậy phải mất bao nhiêu ngày, bác mới cầy xong tất cả mấy sào ruộng, mẫu ruộng của bác. Đầu bài toán đưa ra những hình ảnh thanh bình, đơn sơ, hiền lành, gần gũi của người Việt, của xã hội chúng ta sống hồi đó.
Nhưng bây giờ, sau khi cho trẻ làm những bài toán "rực lửa đấu tranh anh hùng" như vậy, người ta ra cho các học sinh còn rất nhỏ ở trong nước làm một bài toán đố như thế này:
Hiện nay Nam 4 tuổi. Tuổi bố gấp 4 lần tuổi Nam . Tuổi mẹ gấp 3 lần tuổi Nam. Hỏi: Bố bao nhiêu tuổi, Mẹ Nam bao nhiêu tuổi.
Để giải bài toán này, học sinh phải ở trình độ biết làm tính nhân và phải thuộc bản cửu chương. Có thể là các học sinh đang học năm thứ hai của bậc tiểu học.
Các em sẽ tìm ra ngay tuổi của bố Nam là 16 tuổi khi lấy tuổi của Nam (4) nhân với 4 để thành 16.
Mẹ Nam gấp 3 lần tuổi của Nam nên lấy 4 là tuổi của Nam nhân với 3 để thành 12.
Bố 16, mẹ 12, con 4 tuổi thì có ngu nhất và thất học nhất nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc như anh hoạn lợn Đỗ Mười, hay anh y tá chích đít Ba Ếch, anh Lê Đức Anh cặp rằng phu cạo mủ đồn điền cao su, anh bẻ ghi xe lửa Lê Duẩn thì cũng phải biết mẹ của Nam đẻ ra Nam khi mới 8 tuổi và bố của Nam lúc ấy mới 12 tuổi.
Đúng là bố lếu bố láo. Về phương diện y học, mới 8 tuổi thì ít có trường hợp làm mẹ được, và bố mới 12 đã bỏ các trò đánh bi đánh đáo để về nhà lo tăng gia sản xuất với cô vợ 8 tuổi.
Đẻ Nam lúc 8 tuổi thì mẹ của Nam phải dính cái bầu lúc khoảng 7 tuổi 3 tháng. Mẹ Nam về với bố Nam chắc khoảng mới 7 tuổi. Được ông bà nội ngoại dậy mấy bài ái tình bửu giám vài tháng sau là đã biệt kinh kỳ nếu đã có kinh kỳ. Tối tối ông bà nội ngoại chắc phải vào tận giường để chỉ cho con dâu, con rể làm sao có Nam cho ông bà nội ngoại bế, nuôi mau ăn chóng lớn đến năm lên 8 tuổi lên đường ném lựu đạn chết cả chục Mỹ Ngụy như bạn Võ Tiến Trung cũng 8 tuổi trong một bài toán đố khác.
Bài toán một cách gián tiếp dậy cho các em tục tảo hôn là trò nên theo. Các nhi đồng nên lấy nhau sớm sớm, vui lắm. Đừng thèm nghe những gì bác đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về kế hoạch hóa sinh sản mà cứ … vui chơi cho đỡ buồn, dẹp đại tướng khỏi các sách giáo khoa là đúng rồi còn gì nữa.

Ngày 29 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Theo tờ Dân Trí số ra tuần này, thì tình trạng sinh viên đại học bán dâm ở Việt Nam là một vấn đề xã hội đáng báo động.
Tờ báo này viết là chuyện đó trước đây vẫn là chuyện hiếm khi xẩy ra, thì nay, chuyện sinh viên đi khách, làm gái gọi đã trở thành chuyện bình thường.
Như vậy chuyện sinh viên sẵn sàng vào khách sạn, lên giường bán dâm là bình thường. Cần ít tiền, đem ngay của trời cho ra trao đổi là có tiền ngay. Giản dị và dễ hiểu như đi kiếm ly cà phê buổi sáng mà thôi. Bình thường là như thế đó.
Đem chuyện này ra nói thế nào chẳng có người vặn lại rằng bộ trước kia không có chuyện đó hay sao. Thực ra thì trước kia, trước năm 1975, cũng có vài ba lần báo chí đề cập đến những chuyện như thế trong một phóng sự về nhóm CTY (Cho Tình Yêu), nhưng những trò đó không vì tiền, mà cũng chỉ có dăm ba người với chi tiết là sinh viên hay học sinh thì cũng khả nghi lắm.
Nhưng nay, một tờ báo trong nước đã phải coi chuyện đó là chuyện đáng để báo động vì những trường hợp nữ sinh viên đi khách, làm gái gọi, bán dâm là chuyện xẩy ra quá thường. Những chuyện như thế xẩy ra nhiều đến nỗi báo Dân Trí dám nói lên mà không sợ bị đổ cho tội viết lách tiêu cực, bầy ra những điều xấu về xã hội chủ nghĩa.
Bài báo kể trường hợp của những nữ sinh viên học tại các đại học lớn ở Hà Nội và luôn cả ở các tỉnh khác. Một số lớn sinh năm 1994 hay 1995. Những người sinh năm 1990 đều bị coi là lớn tuổi. Họ là các sinh viên năm thứ nhất hay năm thứ hai thuộc các đại học mà báo Dân Trí gọi là danh tiếng ở Hà Nội. Facebook và U-tube, điện thoại di động, internet được sử dụng tối đa để liên lạc với các thân chủ. Trong những lời rao trên các mạng xã hội, các cô gái này nói thẳng giá cả, nơi hẹn như các quán karaoke, hay các nhà nghỉ, khách sạn.
Những lời nhắn để quảng cáo cho các dịch vụ mà họ cung cấp có thể làm khiếp vía ngay cả những thành phần dạn dầy kinh nghiệm trong các sinh hoạt đó.
Mới trong các tuổi trên dưới hai mươi, các nữ sinh viên này ăn nói sỗ sàng về giá cả, về cách chiều chuộng, thỏa mãn khách của họ mà nếu Tú Bà có sống lại chắc cũng phải giấy bút ghi chép lại để về dậy cho các đàn em trong cơ sở làm ăn của mụ.
Các nữ sinh viên của văn khoa, luật khoa đại học Sài Gòn trước đây không thể nào có thể làm những chuyện như thế được. Họ cù lần và ngây thơ không thể tưởng tượng được.
Thập thò cửa giảng đường cả mấy tháng trời cũng không dám lại gần các cô. Bạo lắm là đề nghị chép cours cho các chị là cùng. Ly soda, trái dừa ở công trường con rùa là nhiều lắm. Chẳng bù cho bây giờ ngoắc tay một cái là có thể quan hệ ngay trong nhà nghỉ nếu đúng giá, tiền trao, cháo múc như với một số các sinh viên đại học nổi tiếng ở Hà Nội.
Xã hội nào đã sản sinh ra cái thứ sinh viên đại học dễ sợ như thế? Đó là đạo đức mới của Việt Nam sao? Đạo đức ấy đã tạo ra tình trạng suy đồi đến mức phải báo động như báo Dân Trí đã viết hồi tuần trước hay sao?
Thế mà cứ hét nhắng lên là tàn dư đồi trụy mà Mỹ Ngụy để lại.

Ngày 30 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Ở một khu rừng thuộc công viên quốc gia Cát Tiên, thuộc Bảo Lộc, Bình Phước, người ta đọc được tấm cáo phó gắn trên một thân cây nguyên văn như sau:
CÁO PHÓ
Chúng tôi đau đớn báo tin cùng thân bằng quyến thuộc (nếu còn lẩn quất đâu đó trong rừng) là anh tê giác Java cuối cùng đã thiệt mạng cách đây ít lâu. Ngày giờ chính xác khi anh qua đời hiện không rõ vì khi tìm thấy anh, chúng tôi chỉ thấy một đống xương. Chiếc sừng của anh cũng bị cưa đứt mang đi không tìm thấy được.
Và như thế, anh đã rời chúng ta, nơi anh đã sống suốt hai mươi mấy năm cùng thân thuộc gia đình, hậu duệ của tổ tiên anh, những cụ tê giác từng đem mạng sống ra đổi lấy bình an cho đất nước Việt Nam trong những chuyến triều cống các triều vua phương Bắc cùng với những hạt trai mò được ở biển đông, các học trò đầu óc lỗi lạc, sách vở của người Việt trước tác… Chính vì những suy nghĩ ngu xuẩn của bọn Tầu cho rằng uống chất bột mài từ sừng tê giác có thể giúp chúng cải thiện sinh hoạt tình dục của chúng mà nhiều người tin theo, đi kiếm sừng tê nên đã đem thảm họa cho tổ tiên và anh tê giác ở rừng núi Việt Nam.
Trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, gia đình anh vẫn sống sót ở Cát Tiên mà nay, chinh chiến không còn nữa thì anh tê giác cuối cùng cũng không còn nữa.
Các bạn bè của anh như cọp và voi, luôn cả mấy anh sao la không biết còn sống tiếp được bao nhiêu lâu nữa.
Người ta đang rủ nhau sang Nam Phi để mua giấy phép săn tê giác cung cấp cho bọn ngu dốt tin là sừng tê trị được bá bệnh sau khi anh tê giác yêu mến của chúng tôi bị bắn hạ hồi tháng qua.
Chúng tôi xin chia buồn cùng tang quyến mặc dù chắc không còn được ai nữa. Cầu mong Chúa nhân từ đón nhận linh hồn anh tê giác về nhà Chúa. Xin Đức Phật từ bi mở cửa cho anh nhập niết bàn thoát ảnh trầm luân đau khổ của quê hương Việt Nam nơi giống tê giác của anh sống hiền lành suốt mấy ngàn năm nay.
Cầu mong đứa nào giết anh lấy sừng mài ra ăn uống với nhau sẽ mắc đủ mọi thứ nan y, quái chứng và nhất là liệt dương luôn hết thuốc chữa cho đáng đời nhà chúng nó.
Thành kính phân ưu.
Ký tên: Voi, trâu rừng, bò tót, cọp, beo, gấu, trăn, sao la, tê tê, cá sấu, khỉ, voọc, vượn, chim chóc, ễnh ương, cóc nhái, sếu, bạch hạc, cò, cáo, chồn…
Và đó cũng là tin chính thức về sự qua đời của con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam. Thân quyến anh còn một số sống ở Nepal, Ấn độ và Indonesia không về kịp để nhận xác của anh. Tội nghiệp anh phải sống ở cái miền đất khốn nạn này biết là bao nhiêu.

Ngày 1 tháng 11 năm 2013
Bạn ta,
Thông tấn xã Nga cho biết chiếc tầu ngầm đầu tiên mà Nga đóng cho Việt Nam sẽ được chuyển giao cho hải quân Việt Nam vào ngày 7 tháng 11 và sẽ về đến Việt Nam khoảng đầu năm tới.
Đây là một trong tổng số 6 chiếc tầu ngầm mà Nga sản xuất cho Việt Nam. Hiện nay hai chiếc đã đóng xong. Chiếc thứ hai đang còn được cho chạy thí nghiệm. Nhà cầm quyền Việt Nam không nói gì nhiều về những chiếc tầu ngầm mua của Nga trong khi đáng lý ra cũng phải nói qua về những món hàng mới mua này mới đúng.
Nhưng nói ra như thế sẽ làm phiền lòng ông chủ Bắc kinh thì sao? Dám mua tầu ngầm về để chống lại tầu chiến của Trung quốc à? Làm gì có chuyện đó. Tầu bè của … Tầu bắt nạt ngư dân Việt Nam, đâm hỏng bao nhiêu tầu đánh cá của người Việt, gây thiệt hại tính mạng cũng như tài sản của những người đánh cá Việt Nam khốn khổ suốt mấy năm nay thì hải quân Việt Nam (đã) có dám làm gì đâu. Tầu của Tầu treo cờ ngũ tinh rõ ràng nhà nước cũng đâu có dám nói rõ là tầu Tầu, phải nói là "tầu lạ" từ bao nhiêu lâu nay đó không thấy sao?
Không dám nói động tới những chiếc tầu Tầu đó thì chuyện tăng cường sức mạnh cho hải quân Việt Nam, dùng hải quân can thiệp, bênh vực cho những người đánh cá Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam làm gì có được!
Chiếc tầu ngầm đầu tiên được chuyển cho Việt Nam mang số HQ 182 được đặt tên là Hà Nội. Năm chiếc còn lại có tên là Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bà Rịa Vũng Tầu.
Và đó là những chi tiết đáng nói ra ở đây. Không cần phải nói nhiều về chiều dài, sức trọng tải, giãn nước, võ trang các thủy lôi và phi đạn nào. Chi tiết đáng nói là tên của các chiến hạm. Tất cả, kể luôn cả hai chiếc lớp Gepard 3.9 đã tiếp thu đều được đặt cho những cái tên không hề dính líu gì đến những chiến tích lẫy lừng của thủy quân Việt Nam trong những cuộc chiến chống lại quân xâm lược phương Bắc. Hà Nội Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa Bà Rịa không chứng kiến một trận đánh với quân nhà Hán, quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh nào hết. Hai ông vua Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng đều rất có công trong lịch sử nhưng cả hai, không ông nào đánh nhau với giặc Tầu một trận nào.
Đụng tới bọn Chệt xâm lược, dẫu cho là trong quá khứ, cũng làm mất lòng các thái thú thì sao?
Vậy nên có một cái tên rất thích hợp để đặt cho chiếc HQ 182 nhưng chính phủ ta không dám nhắc đến.
Đó là tên của một người gốc tỉnh Hải Dương, người đã hết lòng phò Trần Hưng Đạo, một người vô cùng dũng cảm giỏi nghề bơi lội, có thể lặn sâu dưới nước. Trong một trận đánh ở gần Vạn Kiếp, người cận vệ này của Trần Hưng Đạo đã lặn xuống nước, đục thuyền giặc Nguyên, đánh đắm nhiều chiếc, đóng góp đáng kể vào chiến công trên sông của lực lượng hải quân nhà Trần.
Người đó là ông Phạm Hữu Thể, một bộ tướng tài giỏi của Trần Hưng Đạo. Yết Kiêu, tên hiệu của ông, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, là tên của một loài chó săn mõm ngắn. Tên này do Hưng Đạo Vương đặt cho ông.
Nay dùng tên Yết Kiêu để đặt cho tầu ngầm là đúng nhất. Nhưng đặt tên chiến hạm bằng tên của một anh hùng chống giặc phương Bắc thì các quan thái thú động lòng, tức giận thì ăn nói thế nào đây?
Cho nên có tầu ngầm đặt cho cái tên còn sợ húy kỵ thì làm sao có chuyện đem tầu ra dùng để bảo vệ lãnh hải và người dân đánh cá khốn khổ được.
May là không mua cái tầu mục nát phế thải về … coi chơi rồi lấy tiền chia nhau như cái đống sắt vụn của Vinashin ấy chứ!


 

October 24, 2013

October 25, 2013

Ngày 21 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Chôn cất rất nhanh Võ Nguyên Giáp để còn dẹp chuyện treo cờ rủ, trước cả khi nghi thức tống táng hoàn tất ở Vũng Chùa, Quảng Bình cho kịp đón thái thú Tầu Lý Khắc Cường đến Hà Nội, tránh cho tên thái thú này khỏi phải đi ngang qua lá cờ đỏ sao vàng quắt queo treo ở trước lăng Hồ Chí Minh là một hành động khinh thường rất mực bọn Hà Nội dành cho tướng Giáp mà người ta ghi nhận liền ngay sau khi ông ta chết.
Thực ra, khi còn sống, ông cũng đã bị đối xử không ra gì rồi, chẳng cần phải đợi cho đến khi ông chết.
Chuyện bọn côn quang ở Hà Nội đối xử tồi tệ với ông được thấy rất rõ qua việc tên của ông không hề được nhắc đến trong tất cả những cuốn sách giáo khoa sử dùng ở tất cả các cấp tiểu và trung học ở Việt Nam. Những cuốn sách này có thể nói tới Điện Biên Phủ, và nói rất nhiều, nhưng tất cả đều né, không nhắc tên ông Giáp.
Phải nói ngay là trong chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Võ Nguyên Giáp là người có công đầu. Tên của ông gắn liền với trận đánh này, trận đánh đã đưa tới việc Pháp phải bỏ cuộc, và rút khỏi Việt Nam. Từ mấy chục năm nay, tất cả các sách báo của nước ngoài đều ghi rõ tên ông bên cạnh địa danh Điện Biên Phủ. Và hễ cứ nhắc đến Điện Biên Phủ là tên của ông phải xuất hiện. Không thể có Điện Biên Phủ mà không có ông. Luôn cả các đối thủ của ông trong lực lượng Pháp bị ông đánh bại cũng phải nhắc tên của ông. Vì tất cả đều chỉ nói lên sự thật.
Nhưng sách vở dùng để dậy học sinh Việt Nam ở các trường thì không nhắc đến tên tuổi của ông. Những tờ báo trong nước mấy ngày qua đã nêu lên chi tiết này người ta mới biết. Mà đó là chuyện cách đây cũng không bao xa. Nhiều người cầm súng chiến đấu dưới quyền chỉ huy của ông hiện vẫn còn sống. Vậy mà những cuốn sách giáo khoa sử lại cố tình không nhắc đến tên ông.
Những cuốn sách dùng để dậy môn sử ở Việt Nam chắc chắn không phải là do tư nhân viết để nói là người viết có thể có những điều không đồng ý với ông, không ưa ông. Những cuốn sách đó được viết ra chắc chắn phải có chỉ thị của bộ giáo dục, của những người cầm quyền ở Hà Nội. Công trạng của ông bị bọn cầm quyền xóa bỏ hoàn toàn. Tuổi trẻ Việt Nam không được cho biết về ông tướng làm nên công trạng, danh tiếng bằng chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong khi những chuyện bịa đặt, phét lác, dựng đứng như Lê Văn Tám, một anh hùng tí hon hoàn toàn không có thực, hay Nguyễn Văn Trỗi, Kim Đồng, Nơ Trang Long … thì được tung hô lên thật lớn . Tên tuổi của Võ Nguyên Giáp thì bị bỏ ra ngoài hoàn toàn.
Cách đối xử với một nhân vật trụ cột của Việt Nam cộng sản là như thế.
Chưa hết, căn nhà của ông ở số 30 phố Hoàng Diệu Hà Nội, nơi ông và gia đình đã sống trong suốt mấy chục năm có thể sẽ bị giải tỏa vì quốc hội Hà Nội đã có dự tính này. Một số người cho là nên biến căn nhà này thành bảo tàng viện Võ Nguyên Giáp nhưng giải pháp cuối cùng cho căn nhà này hiện vẫn chưa ngã ngũ.
Chuyện đối xử tồi tệ với nhau của bọn Cộng sản có gì là lạ. Bà Cát Hanh Long, một người từng che chở, giúp đỡ cho Hồ Chí Minh, Trường Chinh ... trong những năm đầu kháng chiến, từng hiến hơn 100 lạng vàng giúp cả bọn trong tuần lễ vàng cuối cùng vẫn bị lôi ra xử bắn vì những tội hoàn toàn bịa đặt bởi chính bàn tay Hồ Chí Minh.
Rồi chính Hồ Chí Minh cũng bị bọn Lê Duẩn đối xử không ra gì vào lúc cuối đời. Hồ Chí Minh có người em bé bỏng Nông thị Xuân cũng bị Trần Quốc Hoàn đến tận nhà ở 66 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm "dùng chung" rồi đem giết quăng xác ra đê Yên Phụ. Con trai của cô Xuân với Hồ Chí Minh thì lang bạt không biết về đâu.
Chúng đối xử với nhau như thế đấy.
Bây giờ chúng đang giả nhân giả nghĩa kiếm con đường nào đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp, phong cho ông ta làm nguyên soái thì những chuyện đó cũng chỉ là những trò trình diễn lấy lệ mà thôi.
Mấy hôm trước, quốc hội họp cũng không dành được một phút mặc niệm ông Giáp thì quả là chó má, tệ bạc với một người bề gì cũng có nhiều công với Cộng Sản Việt Nam.

Ngày 22 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Ðọc bản tin của tờ Naples Daily News về người đàn ông 61 tuổi tên là Floyd Schuler ở Ft Myers, Florida tôi chỉ mong cho ông ta thua kiện, thua đậm, thua nặng rồi còn bị tòa phạt một đống tiền để chừa cái thói hay thưa kiện ấm ớ đi cho mọi người nhờ.
Nếu ông ta thắng kiện, chúng ta sẽ gặp không biết bao nhiêu là chuyện khó chịu trong đời sống vốn đã rất nhiêu khê và khó chịu này rồi.
Ông ta kiện US Airways đòi bồi thường mười lăm ngàn Mỹ kim vì hãng hàng không này không cảnh cáo ông ta cũng như các hành khách khác về những nguy hiểm do việc uống rượu trên các chuyến bay gây ra. Ông đệ đơn kiện vì sau khi uống khá nhiều rượu trên máy bay, ông xuống phi trường thì vấp ngã trong khi di chuyển trên thang cuốn.
Không cần phải nghe ông ta kể, người ta cũng biết rằng ngồi trên máy bay, chính ông đã ngoắc tiếp viên lại bên chỗ ông ngồi, móc túi lấy tiền mua rượu uống. Tất cả mọi hành động vừa kể, từ ngoắc tay gọi stewardess, đến lấy tiền trong túi, tới gọi rượu, cầm lên đưa vào miệng uống đều là những việc làm tự nguyện của một người có số tuổi lớn hơn gấp ba lần tuổi thành niên ở Mỹ. Ông không phải là một đứa bé lên bẩy hay lên tám để nói là trẻ người non dạ, cần phải được cảnh cáo về hậu quả của chuyện uống rượu. Mà chắc gì, khi mấy cô tiếp viên nói với ông về nguy cơ của rượu là ông bỏ tiền trở lại vào túi, lôi báo ra đọc tiếp đâu. Thế nào ông chẳng nhẩy dựng lên, la thét ầm ỹ đòi "tương tiến tửu".
Nhưng gọi rượu uống, chắc cũng phải trên một ly, ông xuống máy bay, vấp ngã, liền quay lại kiện US Airways là không cảnh cáo, không can ngăn ông đừng uống rượu, giải thích cho ông về nguy hiểm của rượu.
Nếu tòa đồng ý với đơn kiện của ông mà phạt US Airways, buộc công ty hàng không này bồi thường cho ông thì nước Mỹ sẽ không có đủ tòa án và luật sư để xử hàng triệu vụ kiện tương tự như vụ này.
Thí dụ những người đàn ông sẽ đệ đơn kiện những người đàn bà đòi bồi thường vì khi những người đàn ông này làm quen những người đàn bà, thì những người đàn bà này không cảnh cáo những người đàn ông về những nguy hiểm của việc mời những người đàn bà này đi chơi với họ.
Ðại khái phải cảnh cáo như thế này: "Nói cho ông biết, quen tui là mệt lắm đó à nha. Ông sẽ mời tôi đi chơi phải không? Ông sẽ nói với tui rằng nếu mọi người đều nhan sắc như tui thì các thẩm mỹ viện dẹp tiệm hết phải không? Ông khen mùi nước hoa của tui phải không? Ông khen cái cách tui hất mái tóc ra phía sau, kéo một lọn xuống, buông ra cho nó xõa xuống một bên mắt tui phải không? Ðến đây đã là nguy lắm rồi đấy nhá. Ông còn định đưa tui đi ăn nữa sao? Chết ông rồi. Tui nhận lời đi chơi với ông rồi ông có biết sao không? Sau vài ba lần như thế, ông sẽ xin bàn tay tui. Mà xin là tui cho đó à nghe. Rồi gì nữa hả? Rồi ông mang bàn tay tui và tất cả những thứ dính vào cái bàn tay đó của tui về nhà ông... rồi ông sẽ cong đít lên đi làm để làm chồng tui, rồi làm cha mấy đứa bé. Rồi một hôm tui chán ông, tui kêu luật sư đánh cho ông tanh bành xí quách... Rồi ông xách va li về với má, ăn mì gói chan nước mắt, đêm đêm nằm nhìn trần nhà thở dài cho cả xóm nghe chung... Ông chịu không...? "
Ðó chỉ là một trong những trường hợp cảnh cáo về những nguy hiểm có thể xẩy đến cho những đương đơn vác chiếu ra tòa kiện đòi bồi thường.
Nhưng thực ra, nếu có đưa ra những lời cảnh cáo đó, thì liệu có giúp gì cho những người đàn ông vừa kể ở trên hay không?
Chắc là không.
Những câu cảnh cáo về nguy cơ của thuốc lá, tôi nhớ, là đã xuất hiện lần đầu tiên trên các bao thuốc từ năm 1962 đến nay. Nhưng những lời cảnh cáo đó, đầu tiên thì nhẹ, càng ngày càng nặng thêm như những dòng chữ trên các bao thuốc mà chúng ta thấy ngày nay, cũng đâu có làm cho người ta sợ mà không hút thuốc lá nữa.
Mà đó là thuốc lá không biết nói ngọt, không có giọng nói trong như tiếng suối, nụ cười làm rực rỡ ban mai, và mùi tóc mang gió sông vào buổi chiều, đôi mắt phản chiếu ánh sao, và bóng của nụ cười sẽ làm sáng những buổi bình minh... the shadow of your smile will light the dawn...
Thế thì kiện làm sao được...

Ngày 23 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ đẹp của thế giới. Đó là thứ tiếng mà Puskin, Gorky, Pasternak, Tolstoy… đã dùng để viết tác phẩm của họ.
Tiếng Nga sang Việt Nam trong những năm Cộng sản lên cầm quyền ở Việt Nam. Nhiều sinh viên Việt Nam được đưa sang Nga du học, hy vọng những người được Nga đào tạo sẽ giúp xây dựng một đất nước phát triển.
Sau biến cố tháng 4 năm 1975, tiếng Nga cũng được đưa vào dậy ở miền Nam. Một số người ở miền Nam cũng đã có lúc đua nhau đi học tiếng Nga. Lý do có nhiều phần là chính trị. Để tránh bị gây khó khăn, và cũng vì nghĩ là tiếng Nga có thể thay thế tiếng Anh và tiếng Pháp trong khung cảnh mới của đất nước. Đã có lúc, tất cả những sách vở bằng tiếng Anh đều bị đem ra thiêu hủy. Luôn cả bộ bách khoa Britanica của tôi cũng bị bọn vô học xông vào nhà đem đi đốt. Ông bà ngoại của các cháu phải thuê mấy chuyến ba gác mới giải quyết xong tủ sách "phản động " có những cuốn sách tiếng Anh và tiếng Pháp của tôi.
Lúc ấy, cứ tiếng Anh là phải dẹp. Bao nhiêu tự điển Websters, Random House, Chambers, Oxford … của tôi cũng bị ném hết vào ngọn lửa "phần thư".
Nhưng chỉ được vài năm, người ta thấy tiếng Nga không phải là ngôn ngữ đưa người sử dụng chúng đi được xa. Ở ngoài nước Nga, rất ít người nói được và sử dụng tiếng Nga. Trong khi với Anh ngữ, người ta đi đến đâu cũng dùng được. Khắp Bắc Mỹ đã đành, xuống nam bán cầu thì là Úc, Tân Tây Lan. Á châu thì Hương Cảng, Malaysia, Singapore, Philippines, Ấn độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện … đều có những số dân đáng kể sử dụng Anh ngữ. Qua đến Phi châu thì ngoài Nam Phi còn có các nước thuộc địa cũ của Anh, vòng qua Trung Đông thì cũng có nhiều nước nói được tiếng Anh. Còn Âu châu thì không cần nói vì ở đó, đi đến đâu cũng gặp người nói tiếng Anh.
Thêm vào đó, Anh ngữ là thứ tiếng của những người trẻ. Những ca khúc hát bằng tiếng Anh nghe vẫn hay hơn là hát bằng các thứ tiếng khác. Thí dụ ban Abba của Thụy Điển cũng chọn tiếng Anh để hát các ca khúc của họ. Các sản phẩm điện ảnh dùng tiếng Anh cũng nhiều hơn tất cả những phim ảnh dùng các ngôn ngữ khác.
Những chiếc quần jeans phải đi cùng với những chiếc T-shirt có vài ba chữ tiếng Anh mới là hợp thời trang. Ở cả những nơi những dòng chữ tiếng Anh mang đầy nét kỳ quái, người ta cũng thấy nó. Như tấm hình của một chú bé đứng giữa một ngôi chợ nghèo ở Rwanda mặc chiếc T-shirt cũng có hàng chữ Harvard University trong một số báo National Geographic. Cái tên đại học Harvard có thể hoàn toàn lạc lõng trên người của một chú bé không biết có được đến trường không, nhưng cứ có hàng chữ tiếng Anh là được.
Tuổi trẻ Việt Nam hình như cũng thấy chuyện đó. Sau khi đổ xô đi học tiếng Nga để làm vừa lòng những người Cộng sản, người ta thấy tiếng Nga không "fun" bằng tiếng Anh nên tiếng Nga bị bỏ dần dần. Và niên khóa năm nay, trường ngoại ngữ ở Hà Nội chỉ có hơn 20 sinh viên ghi tên học tiếng Nga trong khi số sinh viên học Anh ngữ nhiều hơn gấp 10 lần.
Những chữ như teen, stress, hot… xuất hiện rất thường trên báo chí hàng ngày. Vài ba đĩa hát nhạc Việt cũng phải đề hàng chữ "the best of" mới được. Một ca sĩ lấy luôn cách xưng hô của Mỹ để dùng trước tên của mình. Tự nhiên xưng là Mister Đàm chẳng hạn. Không thấy tiếng Nga được dùng trong những trường hợp vừa kể.
Thế là bao nhiêu đầu tư đổ vào chuyện học tiếng Nga là xuống lỗ chuột hết.
Càng nghĩ tôi lại càng cám ơn ông cụ tôi. Có một việc hơi có tính nhồi sọ mà tôi phải chịu, và bị bắt làm là học thuộc lòng cuốn Anglais Vivant Sixième Bleu và nghe bộ LinguaphoneAssimil tối ngày lại là chuyện rất có lý. Và cũng may thời trung học của tôi tiếng Nga chưa vào Việt Nam. Chứ hồi ấy mà dại dột học tiếng Nga thì bây giờ làm được cái gì!

Ngày 24 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Một nhà văn phụ nữ Hoa kỳ, bà Marie Corelli, có lần, khi trả lời câu hỏi của bạn bè tại sao bà không lập gia đình, đã nói rằng trong nhà, bà có nuôi một con chó lúc nào cũng gầm gừ, lảu nhảu, tính tình cáu bẳn, khó tính khó nết; một con vẹt chửi thề tục tĩu suốt ngày như một thủy thủ; và một con mèo hễ có việc là bỏ đi biệt, vài ba hôm sau mới về nhà.
Ba lý do bà nêu ra để không cần một người đàn ông rất đúng. Tại sao phải rước một của nợ về trong khi đã có đủ các trò mà của nợ vẫn làm, mà lại còn đóng xuất sắc nữa là đàng khác. Cũng càu nhàu, cũng ăn nói thô tục và có việc là bỏ đi mất.
Nếu người đàn ông bà đi kiếm chỉ làm đúng có ba chuyện kể trên thì bà không lấy chồng là phải.
Thế còn người đàn ông ở một mình nuôi con chó, con mèo, con vẹt có tìm được hạnh phúc không?
Ở Westbury-on-Trym, một thị trấn cách Luân Ðôn không bao xa, một ông chủ tiệm may có nuôi một con vẹt từ một chục năm nay. Con vẹt Baggio nhìn ông chủ làm việc mãi đến một hôm, vừa thấy ông chủ bỏ kim chỉ xuống nghỉ tay, nó nhẩy xuống khâu tiếp. Mà nó khâu rất khéo. Tài khâu vá của nó không thua ai, theo ông chủ tiệm may.Tuần tới, ông sẽ đem nó lên một chương trình truyền hình để thi tài với những con thú nuôi trong nhà khác(*).
Như vậy, có con vẹt vừa biết chửi thề, vừa biết khâu vá thì cuộc sống ắt phải hạnh phúc. Người thanh niên trong ca dao Việt Nam chỉ vì cái áo sứt chỉ đường tà, phải giả bộ quăng lên cành (?) hoa sen cho thất lạc rồi đổ cho "cô ấy" lấy mang về nhà làm tin, rồi lại khai tuồn tuột ra rằng áo sứt chỉ đã lâu, vợ thì chưa có, mẹ già chưa khâu nên nhờ "cô ấy" khâu cho cùng. Chàng cho biết chuyện khâu vá đó sẽ không miễn phí. Chàng hứa trả công khi nàng lấy chồng. Chàng khôn lắm, chàng trả công toàn bằng những thứ để cưới nàng về làm vợ...
Như vậy chuyện khâu vá cũng rất cần. Nhờ người khác khâu đến lúc trả công mệt lắm, như bài ca dao đã cho thấy. Chỉ vì vài đường kim mũi chỉ phải khuân ba mươi mấy, bốn chục ki lô có bàn tay khâu vá về nhà thì mệt quá. Chi bằng kiếm con vẹt, vừa biết nói tục, vừa biết khâu vá thì còn gì quí hơn:
Vẹt thì giữ việc trong nhà
Khi vào văng tục, khi ra thêu thùa
(ca dao Ăng lê)

Con vẹt thay được cả con chó lẫn người có đường kim mũi chỉ. Con mèo có thể dẹp, vì cái tính vô tích sự của nó. Có việc thì lỉnh đi chỗ khác. Không cần nuôi mèo. Thế thì chỉ cần một con vẹt là đủ.
Con vẹt rất vâng lời, dậy câu gì nói câu ấy. Không cãi lại bao giờ. Hỗn hào cứ mở cái freezer ra cho coi mấy con gà tây đông lạnh mua cho Thanksgiving bị chặt cổ, vặt lông sạch nhẵn làm gương là sợ ngay, không dám gây sự nữa.
Nhưng đọc tin Reuters mấy hôm trước, người ta thấy hình như chuyện đem con vẹt về để tiếp tục sống độc thân đã bị đẩy đi quá xa ở Zambia, một quốc gia Trung Phi. Tin cho biết một người đàn ông 50 tuổi ở Chongwe cách thủ đô Lusaka khoảng 30 km đã treo cổ tự tử sau khi bị vợ bắt gặp quả tang "lấy" một chị gà mái làm vợ. Người đàn ông này tức giận định giết vợ nhưng người vợ chạy thoát. Bị hàng xóm chế diễu, ông xấu hổ quá bèn treo cổ chết.
Ông không chịu đọc báo nên tưởng loài chim làm được những việc khác trong khi chúng chỉ biết chửi thề và khâu vá.
Con vẹt mang về thay cho người vợ chỉ nên nhờ chúng giúp lên cái gấu quần, đính lại cái khuy áo, khâu lại chỗ sứt chỉ đường tà để khỏi phải đem ra gài lên cành hoa sen để dính vào các thứ hệ lụy khác.
Bản tin Reuters cho biết sau khi xẩy ra biến cố đó, con gà đã bị "hạ sát" (The hen was slaughtered after the incident).
Không thấy nói rõ ai "hạ sát" con gà.
Dân làng hay bà vợ chắc là hay ghen lắm của người đàn ông Zambia? 

Ngày 25 thang 10 năm 2013
Bạn ta,
Tôi chưa có dịp nào đi Kansas City, tiểu bang Missouri, cho dù chỉ là ghé lại ở phi trường như những lần ghé các phi trường Fort Worth, O'Hare, hay St Louis... cũng chưa. Nhưng Kansas City chắc phải lý thú lắm nên nhạc Rock của Mỹ mới có nhiều bài viết về thành phố này như thế. The Beatles cũng thu thanh một bài Kansas City từ năm 1966.
Sự hấp dẫn của thành phố này là ở đâu?
Có phải ở chỗ nó cởi mở, dễ dãi, có ít luật lệ quái ác như Los Angeles, Washington D.C., New York không?
Ðọc báo, người ta biết là mãi đến tuần tới thành phố mới biểu quyết để thông qua dự luật phạt những người tiểu và đại tiện ở nơi công cộng. Như vậy, cho đến ngày mai, hai việc làm này có thể là những việc thô bỉ, đáng ghét và mất vệ sinh công cộng nhưng lại không là những việc làm bất hợp pháp ở Kansas City.
Hội đồng thành phố vừa trình một dự luật, nếu được thông qua và ban hành thành luật, sẽ biến hai việc tiểu và đại tiện thành tội có thể bị phạt tiền hay tù.
Hội đồng thành phố nói rằng hiện nay, chưa có luật mới, thì nhân viên công lực chỉ có thể truy tố người tiểu tiện hay đại tiện về tội công xúc tu sỉ. Tuy thế, việc truy tố vẫn rất khó vì phải chứng minh được rằng người làm việc đó có chủ đích công xúc tu sỉ.
Nhưng hội đồng lại nhấn mạnh rằng ngay cả khi luật mới được ban hành, thì thành phố cũng vẫn sẽ không phạt những người có nhu cầu khẩn cấp và đích thực về tiểu hay đại tiện -- genuine excretory emergency.
Ðây là một nét đáng quí của thành phố. Thành phố không phải chỉ cậy có luật là cứ nhắm mắt, nhắm mũi (?) biên phạt, không cứu xét bất cứ một cách giải thích nào cho những việc làm đó. Hội đồng thành phố còn nói rõ là có những trường hợp ngoại lệ nếu người ta không thể kiểm soát được các "chức năng" của cơ thể vì bệnh, nhiễm trùng hay tàn phế (...who are unable to control their bodily functions due to illness, infection or physical infirmity...)
Chỉ trừ trường hợp những người dùng ma túy hay uống rượu là không được hưởng các ngoại lệ.
Nhưng mới chỉ những ngoại lệ như thành phố nêu ra có thể vẫn chưa đủ. Người Việt Nam chúng tôi còn liệt kê ra những trường hợp khác mà những khả năng kiểm soát cơ thể của con người không làm được đúng ý muốn. Không tin thì cứ thử lôi cụ Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ ra mà hỏi. Các cụ sẽ không thèm trả lời, mà chỉ hất hàm ra hiệu mở cuốn Việt Nam Tự Ðiển của hai cụ ra các trang 1375, 1376, 1741, 1742 với những chữ liên quan đến "té" và "vãi" là thấy ngay.
Những trường hợp hai cụ ghi trong cuốn tự điển của hai cụ đều đáng được cho hưởng các ngoại lệ hay nếu không thì cũng nên được cho giảm khinh.
Ðó là những chuyện cầm lòng, nín không được.
Thế nhưng ít ra, những "vãi" cùng "té" mà hai cụ kể thì cũng còn đáng được tha. Chứ "té mồm, té miệng", vãi ra những câu ngu xuẩn ở Hà Nội hồi tháng trước thì có chùi mấy cuộn giấy tròn cũng không hết được.

 Phải nọc ra phết cho mấy roi vào đít thì may ra mới hết dở rắm dở cứt ra!

October 18, 2013

October 18, 2013

Ngày 14 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Theo chỗ tôi biết thì tổ chức Al Qaeda của Osama Bin Laden không hề làm bất cứ một điều gì tử tế, tốt đẹp cho cái gia đình ấy mặc dù tôi không biết họ, gia đình ấy, đã đến nước Mỹ như thế nào, trong trường hợp nào. Họ được cho đi Mỹ để tị nạn hay di dân thì đằng nào nước Mỹ cũng đã làm ơn cho họ. Cách nào thì nước Mỹ cũng đã mở bàn tay ra đón họ, cho họ vào nước Mỹ để làm lại cuộc đời.
Chưa thấy họ trả ơn nước Mỹ thế nào, thì cơ quan FBI cho biết một người trong gia đình ấy đã bỏ đi theo Al Qaeda âm mưu trợ giúp vật chất cho tổ chức khủng bố này.
A courtroom sketch of Sinh Vinh Ngo Nguyen, 24, also known as Hasan Abu Omar Ghannoum in U.S. District Court in Santa Ana where he pleaded not guilty to two federal charges linked to terrorism
Sinh Vinh Ngo Nguyen - Hasan Abou Omar Ghannoum
Người thanh niên 24 tuổi tên là Hasan Abou Omar Ghannoum, mà một bản tin của tờ Los Angeles Times nói là còn có một cái tên Việt Nam, nữa đã bị bắt tại một trạm xe bus ở Santa Ana thuộc tiểu bang California cách đây mấy hôm.
Anh nói tiếng Anh lưu loát, ra đời tại Mỹ, nhờ được cho đi học, ít ra thì cũng ở một trường trung học Mỹ.
Và vì ra đời tại Mỹ, anh là một công dân Mỹ, mang thông hành Mỹ, và đó cũng lại là một điều mà rất nhiều người muốn có (cái sổ thông hành do chính phủ Mỹ cấp).
Nhưng người thanh niên này lại khai xuống những điều không đúng sự thật khi xin sổ thông hành và vẫn theo FBI, để ra khỏi nước Mỹ trong âm mưu trợ giúp cho các nỗ lực khủng bố của Al Qaeda nhắm vào nước Mỹ và các quyền lợi của nước Mỹ ở hải ngoại. Chính phủ Mỹ nói rằng những việc làm của người thanh niên này ảnh hưởng tới các hoạt động của chính phủ Mỹ bằng những vụ phá hoại qui mô, ám sát và bắt cóc.
Chính phủ Mỹ đã chính thức truy tố đương sự về hai tội trợ giúp cho Al Qaeda và khai man để lấy thông hành.
Truyền thông Mỹ cho biết gia đình của người thanh niên gốc Việt này là tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhưng anh cải đạo để theo Muslim sau những lần lui tới một cơ sở của Hồi giáo và sau đó, đã đi Li Băng, nói là để tìm hiểu thêm về đạo Hồi. Nhưng anh cũng lại đã đi Syria và chính anh đã nhận là ở Syria, anh đã cầm súng và nổ súng tại đây, như gia đình anh nói lại, để bảo vệ cho các anh em của anh, chắc là những người Hồi giáo ở Syria.
Lảng xẹt.
Anh em của anh ta đâu có ở Syria. Bây giờ thì có lẽ chính những người anh em ruột của anh ở Santa Ana đang bị FBI làm phiền là do chính những việc làm của anh. Và những người dân của cái quốc gia từng mở rộng vòng tay ra ôm lấy gia đình của anh trong cơn khốn khó nhất thì bị anh phản lại, âm mưu làm hại họ.
Anh có điều gì bất mãn về những cách anh và gia đình bị nước Mỹ dành cho những đối xử không tốt thì cứ nói thẳng. Nước Mỹ không bao giờ cấm anh làm chuyện đó.
Nhưng hình như nước Mỹ đối xử với anh cũng không đến nỗi nào. Nước Mỹ cho anh đi học, lại cho anh công việc làm để nuôi thân. Anh làm tới security guard, có giấy phép mang súng, lại có cả gậy ma trắc nữa! Vậy mà anh lại quay ra chán ghét nước Mỹ và người dân của cái nước đã gia ân cho anh, cho gia đình anh rồi bỏ theo khủng bố để đánh Mỹ giúp Al Qaeda.
Thỉnh thoảng nghe tin một hai người gốc Việt bị khó khăn thì thái độ đầu tiên của nhiều người trong chúng ta là tỏ lòng tương ái, bênh vực cho những cái tên mang cái họ Việt Nam đó. Nhưng trường hợp của người thanh niên này thì sau khi biết việc làm của anh, người ta nghĩ là cứ để cho luật pháp Mỹ thẳng tay với Hasan Abou Omar Ghannoum. Chính phủ cứ xử anh tại tòa, và nếu anh có tội thì trả chi phí cho căn phòng nhỏ, lo ăn uống chu đáo mỗi ngày, rồi đóng cửa , khóa cho cẩn thận và quăng cái chìa khóa đi.
Và rồi quên hẳn anh ta đi là tốt nhất.

Ngày 15 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Slip of the tongue là chuyện xẩy ra cho tất cả chúng ta, chẳng chừa ra một ai. Hễ cứ mở miệng ra nói là rồi thế nào cũng có lúc lỡ mồm, lỡ miệng.
Trung bình cứ mỗi 1 ngàn chữ ở cửa miệng thoát ra thì khoảng 1 hay 2 lần chúng ta lỡ miệng. Mỗi ngày, một người sẽ lỡ miệng từ 7 đến 22 lần, theo một cuộc nghiên cứu tâm lý.
Lỡ miệng có khi là vì lưỡi bị líu, không theo kịp những âm khó nên phát âm sai, lộn âm nọ với âm kia. Cứ thử nói thật nhanh mấy chữ này là thế nào cũng mang họa: "một con rồng lộn, hai con lộn rồng". Cam đoan thế nào cũng nói … lộn.
Nhưng theo ông cha đẻ của môn phân tâm học thì những chữ, những điều mà người ta lỡ miệng chính là những thứ chúng ta tìm cách dìm chúng xuống, nhận chìm chúng vào khu vực tiềm thức, và trong những lúc ý thức sơ kỳ bất ý, không cẩn thận dấu chúng đi, chúng sẽ bật ra từ tiềm thức để ngoi lên vùng ý thức. Freud coi đó là những taboo về sex mà chúng ta tìm cách dồn ép chúng nhưng chúng vẫn tìm cách vùng thoát lên trên. Từ đó mói có danh từ Freudian slip, những câu buột miệng cho thấy những tư tưởng, những ý nghĩ, những ước muốn bị chôn xuống tiềm thức và vô thức.
Hôm 12 tháng 10 vừa qua, nhân ngày diễn ra tang lễ của tướng Võ Nguyên Giáp, một xướng ngôn viên của đài truyền hình HTV ở Sài Gòn đã nói rõ "on air" và được truyền đi trên làn sóng điện nguyên văn: "chúc quí vị và các bạn có một ngày quốc tang thật nhiều niềm vui."
Nhất ngôn ký xuất, bật ra câu ấy thì xe mấy ngựa cũng không đuổi kịp mà xóa đi được. Sau đó, một người trong đài đã phải xin lỗi lia lịa. Nhưng sự đã rồi.
Ngày quốc tang cho một danh tướng mà báo chí nhà nước cứ nhắng lên tranh nhau thổi ống đu đủ, trong lúc bọn giả nhân giả nghĩa về nhà kiếm lấy cái mặt nạ đưa đám đeo vào để tiễn đưa đại tướng thì đài truyền hình chúc "quí vị và các bạn có một ngày quốc tang nhiều niềm vui".
Hay chuyện nhiều niềm vui là có thật. Anh hai nổi tiếng là một ông tướng sát quân, anh chơi trò biển người sẵn sàng nướng cả triệu lính trong các chiến trường mà anh hai đi qua. Anh hai sẵn sàng đổi 10 người lính của anh để giết 1 người lính Mỹ. Anh nhận với Oriana Fallaci, một ký giả người Ý trong cuộc phỏng vấn năm 1969 rằng Hà Nội thiệt khoảng nửa triệu quân. Nhưng mới đây, chính Hà Nội lại thú nhận là đã tổn thất 1 triệu 100 ngàn và khoảng 300 ngàn bị coi là mất tích.
Đánh lấy được, bất kể tổn thất cao như thế nào cũng đánh thì đó có phải là tướng giỏi không? Câu trả lời đúng nhất là không. Nhưng việc nướng quân đó thì đúng như chủ trương của những người Cộng sản: cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
Khi hết còn hữu dụng, anh hai bị đẩy cho công tác kế hoạch chửa đẻ của phụ nữ anh hai vẫn phải nhận, chẳng dám nói năng gì, anh em bị trù giập cũng không dám mở miệng bênh cho một lời. Bọn độc ác tiếp tục tiến lên, chẳng coi anh hai ra cái gì. Bầy đặt quốc tang, nhưng chưa hạ huyệt chúng nó đã ra lệnh chấm dứt việc treo cờ rủ để đón thái thú Lý Khắc Cường. Cờ rủ được hạ xuống vào lúc 12 giờ ngày 13 tháng 10 trong khi tang lễ ở Vũng Chùa, Quảng Bình thì mãi tới 16 giờ mới xong.
Một văn thư của bộ Ngoại Giao đề nghị hạ cờ rủ trước 12 giờ 30 ngày 13 tháng 10 để đón Lý Khắc Cường.
Không có lưu luyến cái quái gì hết. Dẹp cho xong để còn đón thái thú.
Nếu quả tình thương tiếc đại tướng thì so không đề nghị Bắc Kinh hoãn chuyến đi của Lý Khắc Cường lại giữa lúc tang gia bối rối?
Như thế chúng nó nói cho có chuyện chứ thương xót gì Võ Nguyên Giáp. Dẹp đi một cái bóng mờ thì chúng nó phải vui chứ.
Thế nên mói có nhiều niềm vui trong ngày quốc tang. Nói thật chứ không có lỡ lời, lỡ miệng đâu.

Ngày 17 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Tôi mong những điều đọc thấy trong tờ nhật báo tiếng Việt ở đây là không có thật. Mẩu "nhắn tin" ấy xuất hiện hôm tuần trước, đúng hơn là một rao vặt, quảng cáo cho một tiệm massage trong vùng.
Rất nhiều những tiệm massage như thế cung cấp những dịch vụ không liên quan bao nhiêu tới đấm bóp, mà là những trò khác hơn là đấm bóp. Cứ đọc những rao vặt trong mục "nhắn tin" là hiểu ngay. Đại khái là đến đó, khách sẽ được phục vụ, chiều chuộng "tới bến" bởi các nhân viên "trẻ đẹp", Mễ, Mỹ trắng, Mỹ đen, Việt, Phi…tuổi từ 18 đến 20 vân vân.
Nhưng mẩu quảng cáo của một tiệm massage nọ có một chi tiết lần đầu tiên tôi đọc thấy. Tiệm cho biết có "4 em du học" trong số các nhân viên làm massage cho tiệm.
Tôi không muốn tin những chi tiết ấy là có thật. Tôi hy vọng có thể chi tiết mấy "em du học" chỉ là một trò quảng cáo để chiêu khách.
Du học sinh ai lại đi kiếm tiền bằng dịch vụ đấm bóp, dẫu cho đó là đấm bóp thực sự, đúng nghĩa của dịch vụ này.
Muốn làm massage thực sự phải học mới làm được. Có thể phải có giấy phép mới được phép hành nghề. Du học sinh làm sao có được cái giấy phép đó? Không lẽ cha mẹ nuôi ăn cho lớn gửi sang Mỹ để học làm massage hay sao!
Ở quận Cam khá nhiều những thành phần gọi là du sinh từ Việt Nam qua làm đủ mọi việc để kiếm tiền tại các cơ sở thương mại của người Việt. Nhưng chuyện "4 em du học xinh đẹp nhất vùng" lại còn được mô tả là "hot nhất" thì hơi lạ. Tiệm massage đó lại cung cấp dịch vụ mát sa trong "phòng đẹp và yên tĩnh" thì hơi bất bình thường.
Hay là chuyện đi du học ngày nay khác với chuyện đi du học ngày xưa khoảng vài ba ngàn dặm?
Hồi xưa, muốn đi học ở ngoại quốc thì phải có Tú Tài, và phải đậu hạng Bình Thứ trở lên thì đơn xin du học mới được xét. Nếu muốn được học bổng thì phải đậu Bình trở lên. Đó là học bổng của các nước ngoài và học bổng quốc gia. Du học tự túc bằng tiền của gia đình thì điều kiện dễ dàng hơn một chút.
Kế đến là việc lựa chọn môn học cũng phải theo đúng một số những điều kiện mà chính phủ đặt ra. Không thể xin đi học massage chẳng hạn.
Các du học sinh thời trước cũng rất khác so với ngày nay. Mùa hè, chúng tôi cũng có đi làm kiếm thêm tiền tiêu. Có thể là đưa thư cho bưu điện, bán hàng cho các department stores, bồi bàn, hái trái cây …
Nhưng không có ai trong số các bạn của chúng tôi hồi ấy đi làm massage cả.
Hay chuyện du học sinh làm massage là có thật?
Thế thì đau quá. Học xong trung học, lại phải trầy da tróc vẩy, chạy đôn chạy đáo, qua bao nhiêu cửa ải, nộp bao nhiêu thứ giấy tờ mới ra khỏi được Việt Nam để tới Mỹ làm cho những tiệm massage, dẫu cho là trong những "phòng đẹp và yên tĩnh". Và để phải cạnh tranh với những thợ trẻ đẹp, hot Mỹ, Mễ, Phi… thì thảm thật.
Tôi cầu mong những chi tiết như "du học sinh, trẻ đẹp, hot" chỉ là những trò lừa gạt những người khách dại dột tin là sẽ được những bàn tay chỉ biết cầm bút đi học, còn thơm mùi sách vở "chiều chuộng, phục vụ tới bến" cho "các anh sau ngày làm việc mệt mỏi cần thư giãn, đấm bóp, bảo đảm vui vẻ, phục vụ ân cần".
Những người bạn hồi còn đi học của tôi hồi ấy cù lần biết là bao nhiêu. Ai trong số những người bạn hồi ấy của tôi dám đi kiếm thêm tiền ở các tiệm massage? Có người học xong ở Marie Curie mà vẫn còn sợ ngồi xuống cái ghế trên xe bus vừa có người đàn ông ngồi xong là bị dính bầu thì còn cù lần nào hơn!
Nhưng mà cù lần như thế còn hơn là được mô tả là "hot và xinh đẹp nhất vùng", chữ nghĩa, nghề nghiệp vòng ngoài vòng trong đều thông thạo.
Việt Nam tiến bộ nhiều đến thế rồi hay sao?
Hay bọn con cháu của lũ cán bộ, công an khốn nạn thì rồi ra cũng giống cha mẹ chúng là cùng.

Ngày 18 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Phan Nhật Nam có một đời sống quá khổ.
Hai chữ quá khổ được hiểu theo nghĩa nào cũng được, cũng đúng. Mười bốn năm trong cái hỏa ngục kinh hoàng nhất thể kỷ trong lịch sử của Việt Nam, những năm gông trên cổ, cùm dưới chân trong cachot, trong connex, trong phòng biệt giam, thường xuyên bị hành hạ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Phan Nhật Nam đã sống như thế, nếu gọi đó là sống, trong tù Cộng Sản. Đó là những năm quá khổ cực, quá bất hạnh của một đời người. Ta đi qua nửa đời không có một ngày vui. Câu hát của Trịnh Công Sơn, một người suýt soát tuổi của Phan Nhật Nam vẫn còn đóng khung trong có một nửa của đời sống. Với Phan Nhật Nam thì gần hết cái đời sống đó. Cái đời sống đó của ông là một đời sống quá khổ.
Hiểu quá khổ là quá lớn, là vượt ra hẳn những khuôn khổ của đời sống khi nhìn lại 70 năm trên đời này của ông cũng đúng. Ông trải qua gần hết chiều dài ấy làm những việc mà nhiều người không làm được. Rời trường học, ông bước vào những ngôi trường khác với những bước đi ít người làm được, những ngôi trường khác đó đã vĩnh viễn bóp nặn, nhào quyện để tạo ra con người của ông cho đến tận ngày hôm nay. Mười bốn năm trong quân ngũ là một trong những ngôi trường khác đó. Trong ngôi trường ấy, đời sống của ông lại chuyển sang một hướng khác. Ông sống qua những năm chiến tranh khốc liệt nhất, gian khổ nhất của một người lính, những gian khổ mà nhiều người cùng tuổi với ông chỉ được nghe thấy. Đó là những năm mà người lính ấy sống, hít thở, ngủ, thức, suy nghĩ chỉ thuần có một chuyện: chiến tranh. Rồi những năm tù đầy, phát vãng tưởng như không có ngày bước chân được ra khỏi cái địa ngục giam ông suốt 14 năm.
Ít người trong chúng ta có một đời sống như đời sống của Phan Nhật Nam, người lính viết văn.
Pascal có viết rằng con người chỉ là một cây sậy, một thứ cây yếu nhất của thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ, biết tư duy. Phan Nhật Nam là một người lính, người mà theo chính ông vài ba lần nói với bạn bè, người lính tầm thường nhất, nhưng là một người lính viết văn.
Phan Nhật Nam cầm bút. Không chỉ làm công việc của một phóng viên chiến trường như ông đã làm trong một thời gian. Ông viết bằng những cái nhìn của một người lính đã tham dự những trận đánh ác liệt nhất nên những điều ông viết xuống chính xác hơn, bao quát hơn, chân thật hơn.
Nhưng một điều người đọc thấy được khá rõ trong những bút ký đó, là cái nhìn của một nhà văn, một cái nhìn nhân bản, tử tế của một người Việt yêu mến cái quê hương khốn khổ đó. Tôi nhớ mãi đoạn ông viết về một chuyến hành quân khi ông vào một căn nhà nhỏ, người phụ nữ trẻ kinh hoàng trong căn nhà rách nát, tồi tàn đó khi thấy ông, đã lặng lẽ tự động cởi chiếc áo trên người. Ông kịp thời ngăn hành động đó trước khi chiếc áo được tháo bỏ hẳn. Lúc ấy người phụ nữ trẻ mới hiểu ông không như người phụ nữ ấy đã nghĩ trước đó.
Đoạn văn ấy bầy ra một chuyện quá thương tâm và tội nghiệp. Tội nghiệp cho người phụ nữ trẻ ấy, cho chính ông, cho cái miền đất ông yêu và hết lòng bảo vệ.
Hơn bốn mươi năm từ khi tôi đọc bài bút ký ấy, nghĩ lại vẫn còn cảm động.
Phan Nhật Nam đã vừa đi, vừa viết trong suốt nhiều năm. Các tác phẩm của ông trước sau, cho đến bây giờ, đọc lên bao giờ cũng thấy con người lính của ông. Và trong những điều ông viết về cuộc chiến, lúc nào người ta cũng thấy con người nhà văn của ông.
Chuyện Dọc Đường không thể là cuốn sách ghi lại được tất cả những điều ông thấy, nghe, lượm lặt đươc trên con đường ấy, cũng không phải là quyển sách cuối cùng ông cho xuất bản như người chủ trương cơ sở xuất bản đã nói.
Càng đọc Phan Nhật Nam càng thấy một điều, đó là ông vẫn còn quá nhiều điều ông muốn nói. Ông còn quá nhiều thứ cất giữ trong cái bộ nhớ mà may mắn cho ông, cho chúng ta, vẫn còn nguyên những cuộn não chỉ ghi nhớ những thứ ấy, những thứ về những con đường, những nơi ông đã đi qua, những người mà ông đã tiếp xúc, những đời sống đã chạm nhẹ vào đời sống của ông.
Cuốn sách có thể đọc ở giữa, ở cuối, hay ở đầu, bắt đầu đọc ở bất cứ đoạn nào, trang nào cũng không thấy cần phải đọc theo thứ tự ghi ở mục lục. Bởi lẽ cái không khí của cuốn sách, của những câu chuyện dọc đường ấy ở đâu cũng thấy, cũng bàng bạc, lẩn quất ngay ở những nơi chốn tưởng như đã xa lắm rồi đời sống của người lính Phan Nhật Nam.
Cuốn sách vẽ ra một không gian giống như trong cuốn phim của Trương Nghệ Mưu, cuốn Cúc Đậu, về câu chuyện xẩy ra trong một lò nhuộm. Giữa cái không gian vây quanh bằng những mảng đen u tối , nhân vật chính chỉ thấy được mầu xanh khi ngó lên trời, cạnh những giải lụa mầu sắc bay phần phật trong gió.
Đọc một số chuyện trong cuốn Chuyện Dọc Đường người ta có cảm tưởng đang xem một cuốn phim đen trắng, trong một không gian lúc nào cũng thiếu ánh sáng, lúc nào cũng u uất ảm đạm.
Chuyện Những Người Đàn Bà Nơi Trại 5 Lam Sơn là một chuyện như thế.
Có thể nói chuyện này đã cực tả cái đời sống mà cứ nghĩ đến, là lại rùng mình, là lại cảm thấy may mắn những đời sống ấy không phải là đời sống của mình. Phan Nhật Nam đã chứng kiến, đã ghi lại trong câu chuyện ấy. Còn có một đời sống nào kinh khiếp được như thế? Một xã hội nào sản sinh ra những con người như thế? Còn những ai sống một kiếp đời dễ sợ, cay nghiệt như vậy? Những người phụ nữ trong chuyện hình như không bao giờ được sống những năm tháng bình thường, chứ chưa nói đến là đẹp đẽ như những thiếu nữ khác ở bất cứ một nơi nào trên thế giới. Đó là những con người đầy những thương tích mà đời sống đã để lại trên con người, trên thân thể, trong đầu óc, trong trái tim của họ. Cái xã hội tàn độc đó đã biến họ thành những con người độc ác, ngôn ngữ tồi tệ tục tĩu trong cái nhá nhem của trời đất nơi người tù Phan Nhật Nam và những người bạn tù của ông đã sống, đã chứng kiến. Đọc câu chuyện này, người ta thấy hình như Phan Nhật Nam có thể vẫn chưa viết ra được hết.
Người có gần hai chục tác phẩm mà vẫn có khi thấy chữ nghĩa bất lực, không nói lên được những điều muốn nói. Đó có thể là vì chữ nghĩa không đủ tàn ác, nhẫn tâm để nói ra được hết.
Một người bạn của tôi có lần nói rằng tại sao hạnh phúc chỉ đến với những người khác, ý muốn than thở một chút về cuộc đời của ông . Nhưng đọc xong chuyện Những Người Đàn Bà Nơi Trại 5 Lam Sơn, độc giả có thể sẽ nghĩ khác người bạn của tôi một chút, rằng tại sao những điều bất hạnh lại chỉ xảy ra cho những người khác?
Ý tưởng đó có thể thấy khi đọc cuốn sách của Phan Nhật Nam.
Như vừa giật mình tỉnh dậy sau một cơn mộng dữ.
Chuyện Dọc Đường là một cuốn sách rất nên đọc. Đọc để hiểu hơn những người đã sống chết, khổ đau trong cái quê hương nay đã quá xa, về cái đời sống chúng ta đã cùng sống một thời, về thân phận của những người mà có thể chúng ta không biết, hay chưa bao giờ gặp suốt bằng ấy năm trầm luân trong chinh chiến.

Bạn hãy đọc Phan Nhật Nam.

October 10, 2013

October 11, 2013

Ngày 7 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Ông Võ Nguyên Giáp đã chết. Ông là một người Việt Nam, một chiến lược gia, một quân nhân lỗi lạc, đã dâng hiến một đời cho tổ quốc.
Ông là một người yêu nước. Ông yêu nước Việt Nam của chúng ta. Điều đó không ai có thể chối cãi. Ông lãnh đạo những người Việt Nam yêu nước lên đường chống lại người Pháp , chống lại chính sách tàn độc nhắm vào đất nước Việt Nam. Ông đem tuổi trẻ của ông dâng hết cho tổ quốc, cũng như những thanh niên yêu nước lên đường chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng, cho độc lập của tổ quốc.
Gia đình tôi, những ông chú, những ông bác đã rời bỏ cuộc sống tương đối bình an, chiếc ghi ta Hạ Uy Di, vài ba mối tình lãng mạn ở Hà Nội thoát ly bỏ vợ con lên đường theo ông đi kháng chiến. Người còn người mất ở Hòa Bình, Nghĩa Lộ, Na Sản, Điện Biên…
Ông chọn lầm người để đi theo. Giá như ông đi theo Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu thì cục diện của Việt Nam đã đổi khác. Ông là một người yêu nước, một quân nhân chỉ biết cầm quân, chỉ biết mặt trận, chiến thuật, chiến lược và một tấm lòng yêu nước.
Ông không phải là một người Cộng Sản. Ông bị những người Cộng Sản lừa và chiếm đoạt lấy chiến công của ông.
Đời sống xô đẩy ông , cuốn ông vào những dòng xoáy của lịch sử biến ông thành một con người bị những thao tác chính trị lôi ông vào những đường đi ông không kiểm soát được.
Trận Điện Biên Phủ với bàn tay của Cộng sản Trung Hoa kéo ông lún sâu vào những thao tác của Cộng sản quốc tế ông không thể thoát ra được. Ông trở thành người hùng của Cộng Sản và không thoát ra được những vây tỏa đó. Không bao lâu, ông lại bị cuốn vào một cuộc chiến khác và lần nữa, ông cũng lại không thoát ra được trong khi những thành phần cốt cán khác nhẩy lên nắm giữ những vai trò quyết định khác.
Được xưng tụng hết mình, ông tin vào những lời xưng tụng ấy của những người cần tìm một người chiến thắng hai đế quốc lớn nhất của thế giới.
Nhưng những người Cộng Sản cũng thấy được cái lập trường quốc gia không Cộng sản của ông nên sau chiến tranh, ông được trao cho một công việc không liên quan gì đến sự nghiệp quân sự của ông. Ông được trao cho công việc kiểm soát việc sinh đẻ của phụ nữ. Từ một đại tướng cầm quân xuống làm công việc kiểm soát sinh đẻ là cách trả ơn cho một quân nhân với những chiến công lừng lẫy.
Trong mấy năm cuối đời, ông cũng vài ba lần lên tiếng về vụ bô xít, về giáo dục, về biển Đông nhưng những ý kiến của ông không bao giờ được một chút quan tâm nào.
Ông chết đi, bọn Hà Nội sẽ bầy vẽ đủ chuyện để làm ra vẻ tiếc thương ông lắm nhưng thực sự chúng chẳng quan tâm bao nhiêu tới ông. Ông đã chọn cho ông một chỗ yên nghỉ cuối cùng, xa khỏi Hà Nội để được yên thân ở một nơi xa xôi.
Điều đó đã cho thấy ông nghĩ sao về cuộc đời ông đã sống.

Ngày 8 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Người đàn ông ấy đến ở nhà tôi có một ngày hồi tôi còn ở Virginia khoảng 15 năm trước. Ông đến Virginia để ra mắt một cuốn sách cuả ông. Ông viết cuốn sách ấy sau khi đến Mỹ được ít lâu mặc dù trước đó, trước năm 1975, ông đã có cả gần một chục tác phẩm được xuất bản và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.
Một người bạn đến đón ông đi trước đến nơi ra mắt sách. Người bạn nhắc ông đeo ca vát cho tác giả có vẻ trân trọng hơn. Ông cho biết ông không có ca vát. Tôi đề nghị ông đeo tạm một chiếc trong tủ áo của tôi và mang ra cho ông. Ông cầm lấy nhưng nói không biết thắt ca vát.
Từ trái: Phan Nhật Nam, Tâm Vô Lệ, Tạ Đức Trí.
Nghe ông nói, tôi ngạc nhiên. Chuyện thắt lấy cho mình cái ca vát thì có gì là khó. Đàn ông ai mà không biết làm cái việc nhỏ đó. Ông giải thích là vì cả đời chẳng thắt nó bao giờ.
Tôi quen người đàn ông họ Phan ấy từ hồi những năm cuối thập niên 60 ở Sài Gòn. Tôi lục lạo trí nhớ một lúc thì nghĩ chắc ông nói thật. Phan Nhật Nam hơn tôi một tuổi, ra đời ở Huế. Ông học xong trung học cũng trước tôi một năm.
Nhưng ngay sau khi ra khỏi trường Phan Chu Trinh ở Đà Nẵng, năm 1961, ông vào trường võ bị Đà Lạt, khóa 18, và cho đến năm 1975, Nam không mặc xi-vin một ngày nào.
Mà như thế thì không đeo cái ca vát vào cổ một ngày nào, là chuyện thật.
Còn tôi, tôi được ông bố dậy cho thắt cái ca vát trước ngày rời Sài Gòn đi học xa. Và từ đó, cái ca vát gần như lúc nào cũng ở trên cổ. Trong suốt những năm đi học, rồi về nước dậy học, làm việc cho chính phủ, rồi lại sống mấy chục năm ở nước ngoài, lúc nào nó cũng ở trên cổ.
Trong khi bạn tôi, Phan Nhật Nam thì cứ hết treillis, lại áo trận mầu xanh, lại áo quần ngụy trang thì có lúc nào cần cái ca vát vô dụng, vô duyên, phù phiếm ở cổ đâu.
Mà Nam thì sống một cuộc đời hoàn toàn khác với tôi từ năm 1961 đến năm 1975, lúc thì binh phục của nhẩy dù, lúc thì của biệt động quân… nên ông chẳng khi nào có cái ca vát ở cổ.
Rồi những năm sau đó, từ năm 1975 đến năm 1989, tức là lại thêm 14 năm nữa, ông cũng lại không đeo trên cổ một chiếc ca vát nào bao giờ.
Ở tù, trong hầm cấm cố tử hình, trong các trại giam nghiệt ngã và tàn độc khác ở miền Bắc thì ở cổ chỉ có thể đeo cái gông, hai tay cái còng và hai chân cái cùm.
Đeo ca vát là chuyện không cần thiết với Nam. Từ năm 1990 cho đến năm 1993 là những năm ông bị quản chế ở Lái Thiêu sau khi ra tù. Trong những năm ấy, chuyện đeo cái ca vát cũng không cần thiết lắm.
Ông không biết thắt ca vát, lại cũng chẳng có lúc nào tự đi kiếm mua cho mình một chiếc để làm đẹp cho mình.
Trong lúc ấy, thì vẫn có những người tuổi tác như ông, lại lúc nào cũng đeo vào cổ cái mảnh vải phù phiếm vô dụng đó. Lại còn thắc mắc nên thắt cái nút kép Windsor hay cái nút đơn diplomat vân vân.
Tôi nghe ông nói là ông không biết thắt ca vát, mà cũng không có lấy cái ca vát, thì tôi chợt thấy ngượng và xấu hổ hết sức. Hôm ấy, nghe ông nói vậy, cái ca vát trên cổ của tôi bỗng vô vị, vô lý, vô dụng, vô tích sự, vô duyên, vô bổ, vô ích, vô lý, vô lối, vô nghĩa, vô vị…vô cùng.
Nguyên Sa có một bài thơ đọc một lần là nhớ mãi có mấy câu đầu như thế này:
Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
Bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai
Ta mới biết những thỏi sắt đó nặng như thế
Ta mới biết là trong cuộc đời dậy học, ta là thằng dốt nát
Trong mười mấy năm ta làm bao nhiêu tội lỗi
Trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết
Những thỏi sắt nặng như thế
Ta không nói cho vợ con đồng bào ta biết
Anh em ta và quê hương ta
Vác những thỏi sắt nặng như thế
Từ bao nhiêu năm nay…
Buổi chiều hôm ra mắt cuốn sách của ông, tôi giúp ông thắt cái ca vát. Và tôi xin lỗi Phan Nhật Nam.

Ngày 9 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Tôi ghét hai chữ "chia sẻ" hết sức. Tự nhiên khoảng hơn một chục năm nay, nó xuất hiện ào ào, đi đâu cũng đụng nó. Ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Bạ đâu cũng đọc được, cũng nghe thấy nó, như những thứ thuốc trị bá bệnh, tử vi nam nữ xem chung, kiểu những cái mũi plastic one size fits all, cứ lôi nó ra dùng đại đều được.
Cái gì cũng chia sẻ.
Đọc cái cáo phó trên đài phát thanh, người ta cũng xin mọi người chia sẻ. Ô hay, chuyện buồn là của tang gia, có chia sẻ là việc của các người trong gia đình, thân bằng cố hữu của người đã khuất. Thính giả là người ngoài sao lại bắt chia sẻ điều buồn đau ấy?
Người đọc cái quảng cáo bán xe, đọc nguyên cái list những chiếc xe đậu trong bãi sẵn sàng bán cho người mua cũng mời thính giả chia sẻ những cái xe đó.
Chia cái gì bây giờ?
Bất cứ cái gì cũng được. Một ca sĩ nói chuyện đi hát của mình cũng chia sẻ với độc giả đọc bài báo viết về cô. Kể chuyện đi hát thì cứ kể, tại sao lại chia sẻ? Người đọc bài báo sau khi được chia sẻ thì mang được gì về nhà?
Bị tai nạn, người bị thương được đưa vào bệnh viện cũng chia sẻ chuyện bị xe đụng. Sao không dùng một động từ khác, như thuật lại chẳng hạn.
Kêu gọi độc giả gửi cho tòa báo những bức ảnh chụp cảnh lá mùa thu thì phải nói là chia sẻ những bức ảnh đó trên báo. Nói về cảm tưởng của mình sau khi nghe tin về trận bão thì cũng chia sẻ. Chia sẻ cảm xúc, cái nhìn, lập trường thì cũng lôi hai chữ chia sẻ ra dùng. Tại sao không nói là bầy tỏ cảm xúc , nói lên cái nhìn, trình bầy quan điểm, lập trường của mình?
Mở một tò báo trong nước, trên có một trang báo tóm tắt các tin trong ngày, người ta cũng có thể gặp cả chục chữ chia sẻ dùng một cách văng mạng, hết người này, cơ quan này, đài này, báo nọ… cái gì cũng chia sẻ.
Bán và quảng cáo vài ba thứ mỹ phẩm, dược thảo hay nói về kinh nghiệm dùng chúng cũng chia sẻ.
Người ta dùng hai chữ chia sẻ như để lấp vào chỗ trống, khi không tìm ra được những chữ hợp lý, hợp nghĩa hơn. Cứ đem chia sẻ ra dùng phứa phựa. Đó là việc làm lười biếng, không chịu khó tìm trong óc những chữ thích hợp hơn. Việc đó cũng có thể là vì kho từ vựng tiếng Việt của họ quá nghèo nàn. Còn dăm ba chữ nhồi trong bụng, khéo khéo không rồi cũng lại rơi như ông Tú Vị Xuyên đã tự nhắc mình trước khi vào trường thi.
Tiếng Việt mang theo rơi rụng gần hết rồi chăng? Hay chỉ là lười biếng, nghèo nàn về ngôn ngữ?
Dùng chia sẻ một hồi chắc người ta cũng thấy hơi kỳ nên cũng đã có một chút nỗ lực thay đổi cho bớt nhàm chán, điệp ngữ. Thế là chia sẻ biến thành sẻ chia.
Sẻ chia là cái gì? Cắt ra, cưa thành những miếng nhỏ hơn là sẻ. Rồi quăng cho mọi người mỗi người một khúc?
Đảo lộn hai chữ chia sẻ thành sẻ chia hoàn toàn không giúp cải thiện tình hình một chút nào. Sẻ chia chỉ càng làm cho chữ nghĩa thêm phần kỳ lạ và quái đản. Cách dùng này đã thấy trong những trang báo trong nước từ ít lâu nay. Mà hễ trong nước dùng, là những con vẹt ở hải ngoại liền vồ lấy ngay, đem ra dùng lia chia ngay. Người ta nên chờ nghe những thứ chữ nghĩa vớ vẩn, ấm ớ đó từ trong nước lan ra như hai chữ chia sẻ đã tung hoàng từ mấy năm nay ở hải ngoại.
Vài ba điều vừa nói ở trên chỉ là những chia sẻ của người viết bài này gửi bạn.
Xin chia sẻ với tôi nhé. Nếu chán thì sẻ chia vậy. Nhưng nói cách nào, đảo lên, lộn xuống thì cũng vẫn là lời quê vậy. Chia sẻ nhé.

Ngày 10 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Sáng nay trời đã mát. Những ngày nóng bức của mùa hè cũng đã chấm dứt, như hai câu của Đinh Hùng:
Hôm nay có phải là thu?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về…
Và bài thơ của Prévert cũng trở lại trong buổi sáng:
Oh! Je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux ó nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle
Et le soleil plus brulânt qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Les souvenirs et les regrets aussi
Et le vent du nord les emporte
Dans la nuit froide de l’oubli
Tu vois, je n’ai pas oublié
La chanson que tu me chantais
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi, tu m’aimais et je t’aimais
Et nous vivions tous les deux ensemble
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement , sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis
Anh muốn em nhớ lại
Những ngày hạnh phúc khi chúng ta còn thân thiết
Lúc ấy, cuộc sống đẹp hơn bây giờ
Mặt trời cũng rực rỡ hơn hôm nay
Những chiếc lá chết được hốt đi bằng những chiếc xẻng
Em thấy đó, anh vẫn chưa quên
Những chiếc lá chết được hốt đi
Cùng với những kỷ niệm, với những hối tiếc
Và trận gió từ phương bắc đã cuốn đi tất cả
Trong đêm lạnh của quên lãng
Em thấy đó, anh vẫn chưa quên
Bài hát em đã hát cho anh
Bài hát giống hệt như chúng ta,
Em, em yêu anh, và anh yêu em
Chúng ta đã sống với nhau
Em yêu anh và anh yêu em
Nhưng cuộc đời chia cắt những cặp yêu nhau
Nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nào
Và nước biển xóa đi
Những dấu chân trên cát của những cặp tình nhân xa rời nhau…
 
Giọng Yves Montand gợi nhớ buổi tối gần bốn chục năm trước trong cái hộp đêm ở Rive Gauche. Prevert đã chết. Montand cũng không còn nữa. Mùa thu không bao giờ còn với tuổi trẻ một thời.

Ngày 11 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Ở một thời điểm khác, dưới một chế độ khác, trong một hoàn cảnh chính trị khác, Trần Khải Thanh Thủy có thể sẽ chỉ là một cô giáo hiền lành, yêu nghề, mến trẻ. Đời sống sẽ chỉ quanh quẩn trong gia đình, chồng con, những cuốn sách giáo khoa, những tập vở học sinh mang về nhà để chấm điểm của một cô giáo.
Nhưng Trần Khải Thanh Thủy đã trở thành một con người khác hẳn con người nhà giáo mà bà muốn trở thành khi khởi đi vào trường sư phạm và khi bà cầm lấy cây bút và bắt đầu viết văn.
Năm 1989 bà đã có sách xuất bản. Bà làm phóng viên cho báo Cựu Chiến Binh năm 1993 thì chỉ ít lâu sau, bà bị treo bút vì những bài viết làm mếch lòng chế độ. Bà quay sang viết cho các báo khác, cũng bằng cung cách viết từng khiến bà bị trừng phạt và cấm viết.
Thời gian sau, bà về nhà ngồi viết sách. Và vì những điều bà viết xuống, bà bị trù giập liên tiếp, không lúc nào ngừng nghỉ từ đó.
Vladimir Bukovsky, một nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng trong những năm 60 và 70 ở Liên Xô, từng vào tù ra khám, lao động khổ sai, nhiều lần bị nhốt trong bệnh viện tâm thần đã viết về hoạt động cầm bút của ông như thế này:
I myself create it
edit it
censor it
publish it
distribute it , and
get imprisoned for it
Tôi viết xuống
sửa sang lại
kiểm duyệt nó
xuất bản nó
phân phát nó và
bị tù vì chính nó
Đó là thứ văn chương ông theo đuổi, thứ văn chương có một cái tên riêng trong tiếng Nga, samizdat, thứ văn chương kỳ quái nhất thế giới, chỉ có ở Nga và các nuớc trong khối Sô Viết. Văn chương chui. Một hình thức văn chương của những người bất đồng chính kiến tự in lấy và phát hành kín đáo nhưng sâu rộng. Những người viết, đọc, tàng trữ, phân phối đều bị trừng phạt nặng nề. Alexander Solzhenytsin, Joseph Brosky, hai khôi nguyên Nobel Văn Chương và Vladimir Bukovsky và một số khác cuối cùng bị trục xuất khỏi nước Nga để lưu vong ở Anh và Mỹ. Một số được chuộc như Anatoli Sharansky để sang Israel sinh sống.
Joseph Brosky khi ra phi trường Mạc Tư Khoa đi lưu vong, chiếc máy chữ của ông bị tháo tung từng mảnh vì nghi mang theo tài liệu mật. Đó là món quà tiểu nhân cuối cùng của nhà cầm quyền Sô Viết tặng ông.
Những chuyện tương tự cũng thấy ở một nước đàn em hạng bét của Liên Xô là Việt Nam.
Một người phụ nữ chân yếu tay mềm đã bị hành hung, bỏ tù, ném phân và nước tiểu vào nhà, toàn những trò của bọn côn quang, đứa nách thước, đứa tay đao, đầu trâu mặt ngựa, vo ve ruồi nhặng ào ào kéo đến tận nhà hăm dọa, bạo hành không biết bao nhiêu lần mà kể.
Nhưng cũng như Phùng Quán:
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá
Trần Khải Thanh Thủy can đảm và cương quyết viết sự thật xuống giấy. Nhưng ở Việt Nam, chỉ nói lên sự thật cũng đã là bôi bác, nói xấu, phản động, chống đối nhà nước rồi. Bài học của người mẹ mà Phùng Quán viết trong bài thơ Lời Mẹ Dặn năm 1957 thấy còn nguyên như những chỉ nam cho cách sống, thái độ làm người của Trần Khải Thanh Thủy.
Không thể viết công khai và chân thật trong cái đất nước hung hiểm ấy thì bà viết bí mật. Không thể phổ biến nhưng gì bà viết xuống ở trong nước thì bà đưa ra nước ngoài. Và chính qua việc làm đó, người Việt ở ngoài Việt Nam bắt đầu được đọc những bài viết của bà từ năm 2000.
Ngay từ những bài viết đầu tiên gửi ra ngoài, người ta đã thấy ngay được lối viết của bà. Lạnh lùng nhưng lại có lúc hừng hực lửa, cay độc có lúc thô tục.
Kahlil Gibran trong bài thơ dài The Life Of Love có mấy câu này:
Feed the lamp with oil and let it not dim, and
Place it by you, so I can read with tears what
Your life with me has written upon your face…
Hãy châm dầu thêm cho đèn khỏi lụi và đặt chiếc đèn xuống bên cạnh em để anh có thể đọc qua những giọt lệ những gì đời sống với anh đã viết trên gương mặt của em…
Đời sống đã để lại trong tâm hồn của Trần Khải Thanh Thủy những vết hằn độc ác, và tâm hồn đáng lý ra chỉ biết những điều tốt đẹp nhất thì đã bị nhiễm độc bởi những thứ cứt đái mà bọn côn quang của chế độ đã đổ vào căn nhà của bà.
Bà viết rất thật về cái đống cứt đái đó bằng những ngôn từ sỗ sàng và thô tục vì nhà văn dù cho có muốn cách mấy đi chăng nữa cũng không thể hành văn một cách sạch sẽ, vệ sinh khi phải mô tả cái đống cứt đái đó.
Hai cuốn sách mà Trần Khải Thanh Thủy gửi tới quí vị hôm nay là những tiếng cười nghẹn uất của những người bị bóp cổ, đè hầu thô bạo.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy hôm Thứ Tư 28-8-2013
tại tòa soạn Việt Báo với bộ sách mới in.(Photo VB)
Phải là người sống trong cái đống cứt đái ấy mới viết được như thế. Viết được như thế thì phải trải qua những kinh nghiệm kinh hoàng như Trần Khải Thanh Thủy đã sống qua. Đó là những kinh nghiệm ghê khiếp, đen tối như những cảnh bi thảm mà Ngô Tất Tố, Nam Cao, và luôn cả Vũ Trọng Phụng đã cực tả hồi những năm 30, 40. Tưởng những thứ ấy đã biến đi hẳn trong xã hội ngày nay. Nhưng không, chúng vẫn rất còn, còn rất nhiều. Ngoài sự độc ác, dã man, những gì Trần Khải Thanh Thủy nhìn thấy và viết lại còn mang đặc tính đểu giả của những việc làm của bọn Cộng Sản, những thứ mà bọn chúng đem phủ chụp lên toàn nước Việt từ mấy chục năm nay.
Những điều đó, Trần Khải Thanh Thủy viết xuống mà không cần một nỗ lực tưởng tượng, hư cấu nào. Không cần khả năng sáng tạo. Những câu chuyện chúng ta đọc ở đây có thể đem lại những tiếng cười thích thú nhưng chính đó lại là những chuyện bầy ra những khổ đau mà các nhân vật phải sống qua trong đời sống thật của họ.
Đọc trong internet người ta thấy nguyên một loại chuyện cười Cộng Sản trong đó có những chuyện cười Sô Viết, chuyện cười Hoa lục, chuyện cười về các lãnh tụ Cộng Sản , chuyện cười chính trị Nga , về đời sống hàng ngay ở Nga, về thời đại hậu Cộng Sản, thời Vladimir Putin…
Và hôm nay, Trần Khải Thanh Thủy với hai tác phẩm viết về những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Giọt lệ và nụ cười, hai thứ tưởng như chẳng bao giờ ở gần nhau. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, nụ cười lại chính là một giọt lệ được hóa trang.
Hai tập chuyện cười của Trần Khải Thanh Thủy chính là những giọt lệ của đất nước chúng ta được hóa trang sơ sài.
Càng đọc càng đau.

 (Bộ sách 2 tập “Chết Ngoài Kế Hoạch: Chuyện Cười Xã Hội Chủ Nghĩa.”
Độc giả muốn tìm mua, có thể gửi ấn phí 20 Mỹ Kim cho 1 tập, tức là 40 Mỹ kim cho trọn bộ tập 1 và tập 2 về tác giả:
Trần Khải Thanh Thủy
8021 Betty Lou Dr.,Sacramento, CA 95828 Phone 916 - 248 - 3414. Email: honvongphu25@gmail.com)