October 18, 2013

October 18, 2013

Ngày 14 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Theo chỗ tôi biết thì tổ chức Al Qaeda của Osama Bin Laden không hề làm bất cứ một điều gì tử tế, tốt đẹp cho cái gia đình ấy mặc dù tôi không biết họ, gia đình ấy, đã đến nước Mỹ như thế nào, trong trường hợp nào. Họ được cho đi Mỹ để tị nạn hay di dân thì đằng nào nước Mỹ cũng đã làm ơn cho họ. Cách nào thì nước Mỹ cũng đã mở bàn tay ra đón họ, cho họ vào nước Mỹ để làm lại cuộc đời.
Chưa thấy họ trả ơn nước Mỹ thế nào, thì cơ quan FBI cho biết một người trong gia đình ấy đã bỏ đi theo Al Qaeda âm mưu trợ giúp vật chất cho tổ chức khủng bố này.
A courtroom sketch of Sinh Vinh Ngo Nguyen, 24, also known as Hasan Abu Omar Ghannoum in U.S. District Court in Santa Ana where he pleaded not guilty to two federal charges linked to terrorism
Sinh Vinh Ngo Nguyen - Hasan Abou Omar Ghannoum
Người thanh niên 24 tuổi tên là Hasan Abou Omar Ghannoum, mà một bản tin của tờ Los Angeles Times nói là còn có một cái tên Việt Nam, nữa đã bị bắt tại một trạm xe bus ở Santa Ana thuộc tiểu bang California cách đây mấy hôm.
Anh nói tiếng Anh lưu loát, ra đời tại Mỹ, nhờ được cho đi học, ít ra thì cũng ở một trường trung học Mỹ.
Và vì ra đời tại Mỹ, anh là một công dân Mỹ, mang thông hành Mỹ, và đó cũng lại là một điều mà rất nhiều người muốn có (cái sổ thông hành do chính phủ Mỹ cấp).
Nhưng người thanh niên này lại khai xuống những điều không đúng sự thật khi xin sổ thông hành và vẫn theo FBI, để ra khỏi nước Mỹ trong âm mưu trợ giúp cho các nỗ lực khủng bố của Al Qaeda nhắm vào nước Mỹ và các quyền lợi của nước Mỹ ở hải ngoại. Chính phủ Mỹ nói rằng những việc làm của người thanh niên này ảnh hưởng tới các hoạt động của chính phủ Mỹ bằng những vụ phá hoại qui mô, ám sát và bắt cóc.
Chính phủ Mỹ đã chính thức truy tố đương sự về hai tội trợ giúp cho Al Qaeda và khai man để lấy thông hành.
Truyền thông Mỹ cho biết gia đình của người thanh niên gốc Việt này là tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhưng anh cải đạo để theo Muslim sau những lần lui tới một cơ sở của Hồi giáo và sau đó, đã đi Li Băng, nói là để tìm hiểu thêm về đạo Hồi. Nhưng anh cũng lại đã đi Syria và chính anh đã nhận là ở Syria, anh đã cầm súng và nổ súng tại đây, như gia đình anh nói lại, để bảo vệ cho các anh em của anh, chắc là những người Hồi giáo ở Syria.
Lảng xẹt.
Anh em của anh ta đâu có ở Syria. Bây giờ thì có lẽ chính những người anh em ruột của anh ở Santa Ana đang bị FBI làm phiền là do chính những việc làm của anh. Và những người dân của cái quốc gia từng mở rộng vòng tay ra ôm lấy gia đình của anh trong cơn khốn khó nhất thì bị anh phản lại, âm mưu làm hại họ.
Anh có điều gì bất mãn về những cách anh và gia đình bị nước Mỹ dành cho những đối xử không tốt thì cứ nói thẳng. Nước Mỹ không bao giờ cấm anh làm chuyện đó.
Nhưng hình như nước Mỹ đối xử với anh cũng không đến nỗi nào. Nước Mỹ cho anh đi học, lại cho anh công việc làm để nuôi thân. Anh làm tới security guard, có giấy phép mang súng, lại có cả gậy ma trắc nữa! Vậy mà anh lại quay ra chán ghét nước Mỹ và người dân của cái nước đã gia ân cho anh, cho gia đình anh rồi bỏ theo khủng bố để đánh Mỹ giúp Al Qaeda.
Thỉnh thoảng nghe tin một hai người gốc Việt bị khó khăn thì thái độ đầu tiên của nhiều người trong chúng ta là tỏ lòng tương ái, bênh vực cho những cái tên mang cái họ Việt Nam đó. Nhưng trường hợp của người thanh niên này thì sau khi biết việc làm của anh, người ta nghĩ là cứ để cho luật pháp Mỹ thẳng tay với Hasan Abou Omar Ghannoum. Chính phủ cứ xử anh tại tòa, và nếu anh có tội thì trả chi phí cho căn phòng nhỏ, lo ăn uống chu đáo mỗi ngày, rồi đóng cửa , khóa cho cẩn thận và quăng cái chìa khóa đi.
Và rồi quên hẳn anh ta đi là tốt nhất.

Ngày 15 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Slip of the tongue là chuyện xẩy ra cho tất cả chúng ta, chẳng chừa ra một ai. Hễ cứ mở miệng ra nói là rồi thế nào cũng có lúc lỡ mồm, lỡ miệng.
Trung bình cứ mỗi 1 ngàn chữ ở cửa miệng thoát ra thì khoảng 1 hay 2 lần chúng ta lỡ miệng. Mỗi ngày, một người sẽ lỡ miệng từ 7 đến 22 lần, theo một cuộc nghiên cứu tâm lý.
Lỡ miệng có khi là vì lưỡi bị líu, không theo kịp những âm khó nên phát âm sai, lộn âm nọ với âm kia. Cứ thử nói thật nhanh mấy chữ này là thế nào cũng mang họa: "một con rồng lộn, hai con lộn rồng". Cam đoan thế nào cũng nói … lộn.
Nhưng theo ông cha đẻ của môn phân tâm học thì những chữ, những điều mà người ta lỡ miệng chính là những thứ chúng ta tìm cách dìm chúng xuống, nhận chìm chúng vào khu vực tiềm thức, và trong những lúc ý thức sơ kỳ bất ý, không cẩn thận dấu chúng đi, chúng sẽ bật ra từ tiềm thức để ngoi lên vùng ý thức. Freud coi đó là những taboo về sex mà chúng ta tìm cách dồn ép chúng nhưng chúng vẫn tìm cách vùng thoát lên trên. Từ đó mói có danh từ Freudian slip, những câu buột miệng cho thấy những tư tưởng, những ý nghĩ, những ước muốn bị chôn xuống tiềm thức và vô thức.
Hôm 12 tháng 10 vừa qua, nhân ngày diễn ra tang lễ của tướng Võ Nguyên Giáp, một xướng ngôn viên của đài truyền hình HTV ở Sài Gòn đã nói rõ "on air" và được truyền đi trên làn sóng điện nguyên văn: "chúc quí vị và các bạn có một ngày quốc tang thật nhiều niềm vui."
Nhất ngôn ký xuất, bật ra câu ấy thì xe mấy ngựa cũng không đuổi kịp mà xóa đi được. Sau đó, một người trong đài đã phải xin lỗi lia lịa. Nhưng sự đã rồi.
Ngày quốc tang cho một danh tướng mà báo chí nhà nước cứ nhắng lên tranh nhau thổi ống đu đủ, trong lúc bọn giả nhân giả nghĩa về nhà kiếm lấy cái mặt nạ đưa đám đeo vào để tiễn đưa đại tướng thì đài truyền hình chúc "quí vị và các bạn có một ngày quốc tang nhiều niềm vui".
Hay chuyện nhiều niềm vui là có thật. Anh hai nổi tiếng là một ông tướng sát quân, anh chơi trò biển người sẵn sàng nướng cả triệu lính trong các chiến trường mà anh hai đi qua. Anh hai sẵn sàng đổi 10 người lính của anh để giết 1 người lính Mỹ. Anh nhận với Oriana Fallaci, một ký giả người Ý trong cuộc phỏng vấn năm 1969 rằng Hà Nội thiệt khoảng nửa triệu quân. Nhưng mới đây, chính Hà Nội lại thú nhận là đã tổn thất 1 triệu 100 ngàn và khoảng 300 ngàn bị coi là mất tích.
Đánh lấy được, bất kể tổn thất cao như thế nào cũng đánh thì đó có phải là tướng giỏi không? Câu trả lời đúng nhất là không. Nhưng việc nướng quân đó thì đúng như chủ trương của những người Cộng sản: cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
Khi hết còn hữu dụng, anh hai bị đẩy cho công tác kế hoạch chửa đẻ của phụ nữ anh hai vẫn phải nhận, chẳng dám nói năng gì, anh em bị trù giập cũng không dám mở miệng bênh cho một lời. Bọn độc ác tiếp tục tiến lên, chẳng coi anh hai ra cái gì. Bầy đặt quốc tang, nhưng chưa hạ huyệt chúng nó đã ra lệnh chấm dứt việc treo cờ rủ để đón thái thú Lý Khắc Cường. Cờ rủ được hạ xuống vào lúc 12 giờ ngày 13 tháng 10 trong khi tang lễ ở Vũng Chùa, Quảng Bình thì mãi tới 16 giờ mới xong.
Một văn thư của bộ Ngoại Giao đề nghị hạ cờ rủ trước 12 giờ 30 ngày 13 tháng 10 để đón Lý Khắc Cường.
Không có lưu luyến cái quái gì hết. Dẹp cho xong để còn đón thái thú.
Nếu quả tình thương tiếc đại tướng thì so không đề nghị Bắc Kinh hoãn chuyến đi của Lý Khắc Cường lại giữa lúc tang gia bối rối?
Như thế chúng nó nói cho có chuyện chứ thương xót gì Võ Nguyên Giáp. Dẹp đi một cái bóng mờ thì chúng nó phải vui chứ.
Thế nên mói có nhiều niềm vui trong ngày quốc tang. Nói thật chứ không có lỡ lời, lỡ miệng đâu.

Ngày 17 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Tôi mong những điều đọc thấy trong tờ nhật báo tiếng Việt ở đây là không có thật. Mẩu "nhắn tin" ấy xuất hiện hôm tuần trước, đúng hơn là một rao vặt, quảng cáo cho một tiệm massage trong vùng.
Rất nhiều những tiệm massage như thế cung cấp những dịch vụ không liên quan bao nhiêu tới đấm bóp, mà là những trò khác hơn là đấm bóp. Cứ đọc những rao vặt trong mục "nhắn tin" là hiểu ngay. Đại khái là đến đó, khách sẽ được phục vụ, chiều chuộng "tới bến" bởi các nhân viên "trẻ đẹp", Mễ, Mỹ trắng, Mỹ đen, Việt, Phi…tuổi từ 18 đến 20 vân vân.
Nhưng mẩu quảng cáo của một tiệm massage nọ có một chi tiết lần đầu tiên tôi đọc thấy. Tiệm cho biết có "4 em du học" trong số các nhân viên làm massage cho tiệm.
Tôi không muốn tin những chi tiết ấy là có thật. Tôi hy vọng có thể chi tiết mấy "em du học" chỉ là một trò quảng cáo để chiêu khách.
Du học sinh ai lại đi kiếm tiền bằng dịch vụ đấm bóp, dẫu cho đó là đấm bóp thực sự, đúng nghĩa của dịch vụ này.
Muốn làm massage thực sự phải học mới làm được. Có thể phải có giấy phép mới được phép hành nghề. Du học sinh làm sao có được cái giấy phép đó? Không lẽ cha mẹ nuôi ăn cho lớn gửi sang Mỹ để học làm massage hay sao!
Ở quận Cam khá nhiều những thành phần gọi là du sinh từ Việt Nam qua làm đủ mọi việc để kiếm tiền tại các cơ sở thương mại của người Việt. Nhưng chuyện "4 em du học xinh đẹp nhất vùng" lại còn được mô tả là "hot nhất" thì hơi lạ. Tiệm massage đó lại cung cấp dịch vụ mát sa trong "phòng đẹp và yên tĩnh" thì hơi bất bình thường.
Hay là chuyện đi du học ngày nay khác với chuyện đi du học ngày xưa khoảng vài ba ngàn dặm?
Hồi xưa, muốn đi học ở ngoại quốc thì phải có Tú Tài, và phải đậu hạng Bình Thứ trở lên thì đơn xin du học mới được xét. Nếu muốn được học bổng thì phải đậu Bình trở lên. Đó là học bổng của các nước ngoài và học bổng quốc gia. Du học tự túc bằng tiền của gia đình thì điều kiện dễ dàng hơn một chút.
Kế đến là việc lựa chọn môn học cũng phải theo đúng một số những điều kiện mà chính phủ đặt ra. Không thể xin đi học massage chẳng hạn.
Các du học sinh thời trước cũng rất khác so với ngày nay. Mùa hè, chúng tôi cũng có đi làm kiếm thêm tiền tiêu. Có thể là đưa thư cho bưu điện, bán hàng cho các department stores, bồi bàn, hái trái cây …
Nhưng không có ai trong số các bạn của chúng tôi hồi ấy đi làm massage cả.
Hay chuyện du học sinh làm massage là có thật?
Thế thì đau quá. Học xong trung học, lại phải trầy da tróc vẩy, chạy đôn chạy đáo, qua bao nhiêu cửa ải, nộp bao nhiêu thứ giấy tờ mới ra khỏi được Việt Nam để tới Mỹ làm cho những tiệm massage, dẫu cho là trong những "phòng đẹp và yên tĩnh". Và để phải cạnh tranh với những thợ trẻ đẹp, hot Mỹ, Mễ, Phi… thì thảm thật.
Tôi cầu mong những chi tiết như "du học sinh, trẻ đẹp, hot" chỉ là những trò lừa gạt những người khách dại dột tin là sẽ được những bàn tay chỉ biết cầm bút đi học, còn thơm mùi sách vở "chiều chuộng, phục vụ tới bến" cho "các anh sau ngày làm việc mệt mỏi cần thư giãn, đấm bóp, bảo đảm vui vẻ, phục vụ ân cần".
Những người bạn hồi còn đi học của tôi hồi ấy cù lần biết là bao nhiêu. Ai trong số những người bạn hồi ấy của tôi dám đi kiếm thêm tiền ở các tiệm massage? Có người học xong ở Marie Curie mà vẫn còn sợ ngồi xuống cái ghế trên xe bus vừa có người đàn ông ngồi xong là bị dính bầu thì còn cù lần nào hơn!
Nhưng mà cù lần như thế còn hơn là được mô tả là "hot và xinh đẹp nhất vùng", chữ nghĩa, nghề nghiệp vòng ngoài vòng trong đều thông thạo.
Việt Nam tiến bộ nhiều đến thế rồi hay sao?
Hay bọn con cháu của lũ cán bộ, công an khốn nạn thì rồi ra cũng giống cha mẹ chúng là cùng.

Ngày 18 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Phan Nhật Nam có một đời sống quá khổ.
Hai chữ quá khổ được hiểu theo nghĩa nào cũng được, cũng đúng. Mười bốn năm trong cái hỏa ngục kinh hoàng nhất thể kỷ trong lịch sử của Việt Nam, những năm gông trên cổ, cùm dưới chân trong cachot, trong connex, trong phòng biệt giam, thường xuyên bị hành hạ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Phan Nhật Nam đã sống như thế, nếu gọi đó là sống, trong tù Cộng Sản. Đó là những năm quá khổ cực, quá bất hạnh của một đời người. Ta đi qua nửa đời không có một ngày vui. Câu hát của Trịnh Công Sơn, một người suýt soát tuổi của Phan Nhật Nam vẫn còn đóng khung trong có một nửa của đời sống. Với Phan Nhật Nam thì gần hết cái đời sống đó. Cái đời sống đó của ông là một đời sống quá khổ.
Hiểu quá khổ là quá lớn, là vượt ra hẳn những khuôn khổ của đời sống khi nhìn lại 70 năm trên đời này của ông cũng đúng. Ông trải qua gần hết chiều dài ấy làm những việc mà nhiều người không làm được. Rời trường học, ông bước vào những ngôi trường khác với những bước đi ít người làm được, những ngôi trường khác đó đã vĩnh viễn bóp nặn, nhào quyện để tạo ra con người của ông cho đến tận ngày hôm nay. Mười bốn năm trong quân ngũ là một trong những ngôi trường khác đó. Trong ngôi trường ấy, đời sống của ông lại chuyển sang một hướng khác. Ông sống qua những năm chiến tranh khốc liệt nhất, gian khổ nhất của một người lính, những gian khổ mà nhiều người cùng tuổi với ông chỉ được nghe thấy. Đó là những năm mà người lính ấy sống, hít thở, ngủ, thức, suy nghĩ chỉ thuần có một chuyện: chiến tranh. Rồi những năm tù đầy, phát vãng tưởng như không có ngày bước chân được ra khỏi cái địa ngục giam ông suốt 14 năm.
Ít người trong chúng ta có một đời sống như đời sống của Phan Nhật Nam, người lính viết văn.
Pascal có viết rằng con người chỉ là một cây sậy, một thứ cây yếu nhất của thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ, biết tư duy. Phan Nhật Nam là một người lính, người mà theo chính ông vài ba lần nói với bạn bè, người lính tầm thường nhất, nhưng là một người lính viết văn.
Phan Nhật Nam cầm bút. Không chỉ làm công việc của một phóng viên chiến trường như ông đã làm trong một thời gian. Ông viết bằng những cái nhìn của một người lính đã tham dự những trận đánh ác liệt nhất nên những điều ông viết xuống chính xác hơn, bao quát hơn, chân thật hơn.
Nhưng một điều người đọc thấy được khá rõ trong những bút ký đó, là cái nhìn của một nhà văn, một cái nhìn nhân bản, tử tế của một người Việt yêu mến cái quê hương khốn khổ đó. Tôi nhớ mãi đoạn ông viết về một chuyến hành quân khi ông vào một căn nhà nhỏ, người phụ nữ trẻ kinh hoàng trong căn nhà rách nát, tồi tàn đó khi thấy ông, đã lặng lẽ tự động cởi chiếc áo trên người. Ông kịp thời ngăn hành động đó trước khi chiếc áo được tháo bỏ hẳn. Lúc ấy người phụ nữ trẻ mới hiểu ông không như người phụ nữ ấy đã nghĩ trước đó.
Đoạn văn ấy bầy ra một chuyện quá thương tâm và tội nghiệp. Tội nghiệp cho người phụ nữ trẻ ấy, cho chính ông, cho cái miền đất ông yêu và hết lòng bảo vệ.
Hơn bốn mươi năm từ khi tôi đọc bài bút ký ấy, nghĩ lại vẫn còn cảm động.
Phan Nhật Nam đã vừa đi, vừa viết trong suốt nhiều năm. Các tác phẩm của ông trước sau, cho đến bây giờ, đọc lên bao giờ cũng thấy con người lính của ông. Và trong những điều ông viết về cuộc chiến, lúc nào người ta cũng thấy con người nhà văn của ông.
Chuyện Dọc Đường không thể là cuốn sách ghi lại được tất cả những điều ông thấy, nghe, lượm lặt đươc trên con đường ấy, cũng không phải là quyển sách cuối cùng ông cho xuất bản như người chủ trương cơ sở xuất bản đã nói.
Càng đọc Phan Nhật Nam càng thấy một điều, đó là ông vẫn còn quá nhiều điều ông muốn nói. Ông còn quá nhiều thứ cất giữ trong cái bộ nhớ mà may mắn cho ông, cho chúng ta, vẫn còn nguyên những cuộn não chỉ ghi nhớ những thứ ấy, những thứ về những con đường, những nơi ông đã đi qua, những người mà ông đã tiếp xúc, những đời sống đã chạm nhẹ vào đời sống của ông.
Cuốn sách có thể đọc ở giữa, ở cuối, hay ở đầu, bắt đầu đọc ở bất cứ đoạn nào, trang nào cũng không thấy cần phải đọc theo thứ tự ghi ở mục lục. Bởi lẽ cái không khí của cuốn sách, của những câu chuyện dọc đường ấy ở đâu cũng thấy, cũng bàng bạc, lẩn quất ngay ở những nơi chốn tưởng như đã xa lắm rồi đời sống của người lính Phan Nhật Nam.
Cuốn sách vẽ ra một không gian giống như trong cuốn phim của Trương Nghệ Mưu, cuốn Cúc Đậu, về câu chuyện xẩy ra trong một lò nhuộm. Giữa cái không gian vây quanh bằng những mảng đen u tối , nhân vật chính chỉ thấy được mầu xanh khi ngó lên trời, cạnh những giải lụa mầu sắc bay phần phật trong gió.
Đọc một số chuyện trong cuốn Chuyện Dọc Đường người ta có cảm tưởng đang xem một cuốn phim đen trắng, trong một không gian lúc nào cũng thiếu ánh sáng, lúc nào cũng u uất ảm đạm.
Chuyện Những Người Đàn Bà Nơi Trại 5 Lam Sơn là một chuyện như thế.
Có thể nói chuyện này đã cực tả cái đời sống mà cứ nghĩ đến, là lại rùng mình, là lại cảm thấy may mắn những đời sống ấy không phải là đời sống của mình. Phan Nhật Nam đã chứng kiến, đã ghi lại trong câu chuyện ấy. Còn có một đời sống nào kinh khiếp được như thế? Một xã hội nào sản sinh ra những con người như thế? Còn những ai sống một kiếp đời dễ sợ, cay nghiệt như vậy? Những người phụ nữ trong chuyện hình như không bao giờ được sống những năm tháng bình thường, chứ chưa nói đến là đẹp đẽ như những thiếu nữ khác ở bất cứ một nơi nào trên thế giới. Đó là những con người đầy những thương tích mà đời sống đã để lại trên con người, trên thân thể, trong đầu óc, trong trái tim của họ. Cái xã hội tàn độc đó đã biến họ thành những con người độc ác, ngôn ngữ tồi tệ tục tĩu trong cái nhá nhem của trời đất nơi người tù Phan Nhật Nam và những người bạn tù của ông đã sống, đã chứng kiến. Đọc câu chuyện này, người ta thấy hình như Phan Nhật Nam có thể vẫn chưa viết ra được hết.
Người có gần hai chục tác phẩm mà vẫn có khi thấy chữ nghĩa bất lực, không nói lên được những điều muốn nói. Đó có thể là vì chữ nghĩa không đủ tàn ác, nhẫn tâm để nói ra được hết.
Một người bạn của tôi có lần nói rằng tại sao hạnh phúc chỉ đến với những người khác, ý muốn than thở một chút về cuộc đời của ông . Nhưng đọc xong chuyện Những Người Đàn Bà Nơi Trại 5 Lam Sơn, độc giả có thể sẽ nghĩ khác người bạn của tôi một chút, rằng tại sao những điều bất hạnh lại chỉ xảy ra cho những người khác?
Ý tưởng đó có thể thấy khi đọc cuốn sách của Phan Nhật Nam.
Như vừa giật mình tỉnh dậy sau một cơn mộng dữ.
Chuyện Dọc Đường là một cuốn sách rất nên đọc. Đọc để hiểu hơn những người đã sống chết, khổ đau trong cái quê hương nay đã quá xa, về cái đời sống chúng ta đã cùng sống một thời, về thân phận của những người mà có thể chúng ta không biết, hay chưa bao giờ gặp suốt bằng ấy năm trầm luân trong chinh chiến.

Bạn hãy đọc Phan Nhật Nam.