Ngày 21 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Chôn cất rất nhanh Võ Nguyên Giáp để còn dẹp chuyện treo cờ rủ, trước cả khi nghi thức tống táng hoàn tất ở Vũng Chùa, Quảng Bình cho kịp đón thái thú Tầu Lý Khắc Cường đến Hà Nội, tránh cho tên thái thú này khỏi phải đi ngang qua lá cờ đỏ sao vàng quắt queo treo ở trước lăng Hồ Chí Minh là một hành động khinh thường rất mực bọn Hà Nội dành cho tướng Giáp mà người ta ghi nhận liền ngay sau khi ông ta chết.
Thực ra, khi còn sống, ông cũng đã bị đối xử không ra gì rồi, chẳng cần phải đợi cho đến khi ông chết.
Chuyện bọn côn quang ở Hà Nội đối xử tồi tệ với ông được thấy rất rõ qua việc tên của ông không hề được nhắc đến trong tất cả những cuốn sách giáo khoa sử dùng ở tất cả các cấp tiểu và trung học ở Việt Nam. Những cuốn sách này có thể nói tới Điện Biên Phủ, và nói rất nhiều, nhưng tất cả đều né, không nhắc tên ông Giáp.
Phải nói ngay là trong chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Võ Nguyên Giáp là người có công đầu. Tên của ông gắn liền với trận đánh này, trận đánh đã đưa tới việc Pháp phải bỏ cuộc, và rút khỏi Việt Nam. Từ mấy chục năm nay, tất cả các sách báo của nước ngoài đều ghi rõ tên ông bên cạnh địa danh Điện Biên Phủ. Và hễ cứ nhắc đến Điện Biên Phủ là tên của ông phải xuất hiện. Không thể có Điện Biên Phủ mà không có ông. Luôn cả các đối thủ của ông trong lực lượng Pháp bị ông đánh bại cũng phải nhắc tên của ông. Vì tất cả đều chỉ nói lên sự thật.
Nhưng sách vở dùng để dậy học sinh Việt Nam ở các trường thì không nhắc đến tên tuổi của ông. Những tờ báo trong nước mấy ngày qua đã nêu lên chi tiết này người ta mới biết. Mà đó là chuyện cách đây cũng không bao xa. Nhiều người cầm súng chiến đấu dưới quyền chỉ huy của ông hiện vẫn còn sống. Vậy mà những cuốn sách giáo khoa sử lại cố tình không nhắc đến tên ông.
Những cuốn sách dùng để dậy môn sử ở Việt Nam chắc chắn không phải là do tư nhân viết để nói là người viết có thể có những điều không đồng ý với ông, không ưa ông. Những cuốn sách đó được viết ra chắc chắn phải có chỉ thị của bộ giáo dục, của những người cầm quyền ở Hà Nội. Công trạng của ông bị bọn cầm quyền xóa bỏ hoàn toàn. Tuổi trẻ Việt Nam không được cho biết về ông tướng làm nên công trạng, danh tiếng bằng chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong khi những chuyện bịa đặt, phét lác, dựng đứng như Lê Văn Tám, một anh hùng tí hon hoàn toàn không có thực, hay Nguyễn Văn Trỗi, Kim Đồng, Nơ Trang Long … thì được tung hô lên thật lớn . Tên tuổi của Võ Nguyên Giáp thì bị bỏ ra ngoài hoàn toàn.
Cách đối xử với một nhân vật trụ cột của Việt Nam cộng sản là như thế.
Chưa hết, căn nhà của ông ở số 30 phố Hoàng Diệu Hà Nội, nơi ông và gia đình đã sống trong suốt mấy chục năm có thể sẽ bị giải tỏa vì quốc hội Hà Nội đã có dự tính này. Một số người cho là nên biến căn nhà này thành bảo tàng viện Võ Nguyên Giáp nhưng giải pháp cuối cùng cho căn nhà này hiện vẫn chưa ngã ngũ.
Chuyện đối xử tồi tệ với nhau của bọn Cộng sản có gì là lạ. Bà Cát Hanh Long, một người từng che chở, giúp đỡ cho Hồ Chí Minh, Trường Chinh ... trong những năm đầu kháng chiến, từng hiến hơn 100 lạng vàng giúp cả bọn trong tuần lễ vàng cuối cùng vẫn bị lôi ra xử bắn vì những tội hoàn toàn bịa đặt bởi chính bàn tay Hồ Chí Minh.
Rồi chính Hồ Chí Minh cũng bị bọn Lê Duẩn đối xử không ra gì vào lúc cuối đời. Hồ Chí Minh có người em bé bỏng Nông thị Xuân cũng bị Trần Quốc Hoàn đến tận nhà ở 66 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm "dùng chung" rồi đem giết quăng xác ra đê Yên Phụ. Con trai của cô Xuân với Hồ Chí Minh thì lang bạt không biết về đâu.
Chúng đối xử với nhau như thế đấy.
Bây giờ chúng đang giả nhân giả nghĩa kiếm con đường nào đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp, phong cho ông ta làm nguyên soái thì những chuyện đó cũng chỉ là những trò trình diễn lấy lệ mà thôi.
Mấy hôm trước, quốc hội họp cũng không dành được một phút mặc niệm ông Giáp thì quả là chó má, tệ bạc với một người bề gì cũng có nhiều công với Cộng Sản Việt Nam.
Ngày 22 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Ðọc bản tin của tờ Naples Daily News về người đàn ông 61 tuổi tên là
Floyd Schuler ở Ft Myers, Florida tôi chỉ mong cho ông ta thua kiện, thua đậm,
thua nặng rồi còn bị tòa phạt một đống tiền để chừa cái thói hay thưa kiện ấm ớ
đi cho mọi người nhờ.Nếu ông ta thắng kiện, chúng ta sẽ gặp không biết bao nhiêu là chuyện khó chịu trong đời sống vốn đã rất nhiêu khê và khó chịu này rồi.
Ông ta kiện US Airways đòi bồi thường mười lăm ngàn Mỹ kim vì hãng hàng không này không cảnh cáo ông ta cũng như các hành khách khác về những nguy hiểm do việc uống rượu trên các chuyến bay gây ra. Ông đệ đơn kiện vì sau khi uống khá nhiều rượu trên máy bay, ông xuống phi trường thì vấp ngã trong khi di chuyển trên thang cuốn.
Không cần phải nghe ông ta kể, người ta cũng biết rằng ngồi trên máy bay, chính ông đã ngoắc tiếp viên lại bên chỗ ông ngồi, móc túi lấy tiền mua rượu uống. Tất cả mọi hành động vừa kể, từ ngoắc tay gọi stewardess, đến lấy tiền trong túi, tới gọi rượu, cầm lên đưa vào miệng uống đều là những việc làm tự nguyện của một người có số tuổi lớn hơn gấp ba lần tuổi thành niên ở Mỹ. Ông không phải là một đứa bé lên bẩy hay lên tám để nói là trẻ người non dạ, cần phải được cảnh cáo về hậu quả của chuyện uống rượu. Mà chắc gì, khi mấy cô tiếp viên nói với ông về nguy cơ của rượu là ông bỏ tiền trở lại vào túi, lôi báo ra đọc tiếp đâu. Thế nào ông chẳng nhẩy dựng lên, la thét ầm ỹ đòi "tương tiến tửu".
Nhưng gọi rượu uống, chắc cũng phải trên một ly, ông xuống máy bay, vấp ngã, liền quay lại kiện US Airways là không cảnh cáo, không can ngăn ông đừng uống rượu, giải thích cho ông về nguy hiểm của rượu.
Nếu tòa đồng ý với đơn kiện của ông mà phạt US Airways, buộc công ty hàng không này bồi thường cho ông thì nước Mỹ sẽ không có đủ tòa án và luật sư để xử hàng triệu vụ kiện tương tự như vụ này.
Thí dụ những người đàn ông sẽ đệ đơn kiện những người đàn bà đòi bồi thường vì khi những người đàn ông này làm quen những người đàn bà, thì những người đàn bà này không cảnh cáo những người đàn ông về những nguy hiểm của việc mời những người đàn bà này đi chơi với họ.
Ðại khái phải cảnh cáo như thế này: "Nói cho ông biết, quen tui là mệt lắm đó à nha. Ông sẽ mời tôi đi chơi phải không? Ông sẽ nói với tui rằng nếu mọi người đều nhan sắc như tui thì các thẩm mỹ viện dẹp tiệm hết phải không? Ông khen mùi nước hoa của tui phải không? Ông khen cái cách tui hất mái tóc ra phía sau, kéo một lọn xuống, buông ra cho nó xõa xuống một bên mắt tui phải không? Ðến đây đã là nguy lắm rồi đấy nhá. Ông còn định đưa tui đi ăn nữa sao? Chết ông rồi. Tui nhận lời đi chơi với ông rồi ông có biết sao không? Sau vài ba lần như thế, ông sẽ xin bàn tay tui. Mà xin là tui cho đó à nghe. Rồi gì nữa hả? Rồi ông mang bàn tay tui và tất cả những thứ dính vào cái bàn tay đó của tui về nhà ông... rồi ông sẽ cong đít lên đi làm để làm chồng tui, rồi làm cha mấy đứa bé. Rồi một hôm tui chán ông, tui kêu luật sư đánh cho ông tanh bành xí quách... Rồi ông xách va li về với má, ăn mì gói chan nước mắt, đêm đêm nằm nhìn trần nhà thở dài cho cả xóm nghe chung... Ông chịu không...? "
Ðó chỉ là một trong những trường hợp cảnh cáo về những nguy hiểm có thể xẩy đến cho những đương đơn vác chiếu ra tòa kiện đòi bồi thường.
Nhưng thực ra, nếu có đưa ra những lời cảnh cáo đó, thì liệu có giúp gì cho những người đàn ông vừa kể ở trên hay không?
Chắc là không.
Những câu cảnh cáo về nguy cơ của thuốc lá, tôi nhớ, là đã xuất hiện lần đầu tiên trên các bao thuốc từ năm 1962 đến nay. Nhưng những lời cảnh cáo đó, đầu tiên thì nhẹ, càng ngày càng nặng thêm như những dòng chữ trên các bao thuốc mà chúng ta thấy ngày nay, cũng đâu có làm cho người ta sợ mà không hút thuốc lá nữa.
Mà đó là thuốc lá không biết nói ngọt, không có giọng nói trong như tiếng suối, nụ cười làm rực rỡ ban mai, và mùi tóc mang gió sông vào buổi chiều, đôi mắt phản chiếu ánh sao, và bóng của nụ cười sẽ làm sáng những buổi bình minh... the shadow of your smile will light the dawn...
Thế thì kiện làm sao được...
Ngày 23 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ đẹp của thế giới. Đó là thứ tiếng mà Puskin, Gorky, Pasternak, Tolstoy… đã dùng để viết tác phẩm của họ.
Tiếng Nga sang Việt Nam trong những năm Cộng sản lên cầm quyền ở Việt Nam. Nhiều sinh viên Việt Nam được đưa sang Nga du học, hy vọng những người được Nga đào tạo sẽ giúp xây dựng một đất nước phát triển.
Sau biến cố tháng 4 năm 1975, tiếng Nga cũng được đưa vào dậy ở miền Nam. Một số người ở miền Nam cũng đã có lúc đua nhau đi học tiếng Nga. Lý do có nhiều phần là chính trị. Để tránh bị gây khó khăn, và cũng vì nghĩ là tiếng Nga có thể thay thế tiếng Anh và tiếng Pháp trong khung cảnh mới của đất nước. Đã có lúc, tất cả những sách vở bằng tiếng Anh đều bị đem ra thiêu hủy. Luôn cả bộ bách khoa Britanica của tôi cũng bị bọn vô học xông vào nhà đem đi đốt. Ông bà ngoại của các cháu phải thuê mấy chuyến ba gác mới giải quyết xong tủ sách "phản động " có những cuốn sách tiếng Anh và tiếng Pháp của tôi.
Lúc ấy, cứ tiếng Anh là phải dẹp. Bao nhiêu tự điển Websters, Random House, Chambers, Oxford … của tôi cũng bị ném hết vào ngọn lửa "phần thư".
Nhưng chỉ được vài năm, người ta thấy tiếng Nga không phải là ngôn ngữ đưa người sử dụng chúng đi được xa. Ở ngoài nước Nga, rất ít người nói được và sử dụng tiếng Nga. Trong khi với Anh ngữ, người ta đi đến đâu cũng dùng được. Khắp Bắc Mỹ đã đành, xuống nam bán cầu thì là
Úc, Tân Tây Lan. Á châu thì Hương Cảng, Malaysia, Singapore, Philippines, Ấn độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện … đều có những số dân đáng kể sử dụng Anh ngữ. Qua đến Phi châu thì ngoài Nam Phi còn có các nước thuộc địa cũ của Anh, vòng qua Trung Đông thì cũng có nhiều nước nói được tiếng Anh. Còn
Âu châu thì không cần nói vì ở đó, đi đến đâu cũng gặp người nói tiếng Anh.
Thêm vào đó, Anh ngữ là thứ tiếng của những người trẻ. Những ca khúc hát bằng tiếng Anh nghe vẫn hay hơn là hát bằng các thứ tiếng khác. Thí dụ ban Abba của Thụy Điển cũng chọn tiếng Anh để hát các ca khúc của họ. Các sản phẩm điện ảnh dùng tiếng Anh cũng nhiều hơn tất cả những phim ảnh dùng các ngôn ngữ khác.
Những chiếc quần jeans phải đi cùng với những chiếc T-shirt có vài ba chữ tiếng Anh mới là hợp thời trang. Ở cả những nơi những dòng chữ tiếng Anh mang đầy nét kỳ quái, người ta cũng thấy nó. Như tấm hình của một chú bé đứng giữa một ngôi chợ nghèo ở Rwanda mặc chiếc T-shirt cũng có hàng chữ Harvard University trong một số báo National Geographic. Cái tên đại học Harvard có thể hoàn toàn lạc lõng trên người của một chú bé không biết có được đến trường không, nhưng cứ có hàng chữ tiếng Anh là được.
Tuổi trẻ Việt Nam hình như cũng thấy chuyện đó. Sau khi đổ xô đi học tiếng Nga để làm vừa lòng những người Cộng sản, người ta thấy tiếng Nga không "fun" bằng tiếng Anh nên tiếng Nga bị bỏ dần dần. Và niên khóa năm nay, trường ngoại ngữ ở Hà Nội chỉ có hơn 20 sinh viên ghi tên học tiếng Nga trong khi số sinh viên học Anh ngữ nhiều hơn gấp 10 lần.
Những chữ như teen, stress, hot… xuất hiện rất thường trên báo chí hàng ngày. Vài ba đĩa hát nhạc Việt cũng phải đề hàng chữ "the best of" mới được. Một ca sĩ lấy luôn cách xưng hô của Mỹ để dùng trước tên của mình. Tự nhiên xưng là Mister Đàm chẳng hạn. Không thấy tiếng Nga được dùng trong những trường hợp vừa kể.
Thế là bao nhiêu đầu tư đổ vào chuyện học tiếng Nga là xuống lỗ chuột hết.
Càng nghĩ tôi lại càng cám ơn ông cụ tôi. Có một việc hơi có tính nhồi sọ mà tôi phải chịu, và bị bắt làm là học thuộc lòng cuốn Anglais Vivant Sixième Bleu và nghe bộ Linguaphone và Assimil tối ngày lại là chuyện rất có lý. Và cũng may thời trung học của tôi tiếng Nga chưa vào Việt Nam. Chứ hồi ấy mà dại dột học tiếng Nga thì bây giờ làm được cái gì!
Ngày 24 tháng 10 năm 2013
Bạn ta,
Một nhà văn phụ nữ Hoa kỳ, bà Marie Corelli, có lần, khi trả lời câu hỏi của bạn
bè tại sao bà không lập gia đình, đã nói rằng trong nhà, bà có nuôi một con chó
lúc nào cũng gầm gừ, lảu nhảu, tính tình cáu bẳn, khó tính khó nết; một con vẹt
chửi thề tục tĩu suốt ngày như một thủy thủ; và một con mèo hễ có việc là bỏ đi
biệt, vài ba hôm sau mới về nhà.Ba lý do bà nêu ra để không cần một người đàn ông rất đúng. Tại sao phải rước một của nợ về trong khi đã có đủ các trò mà của nợ vẫn làm, mà lại còn đóng xuất sắc nữa là đàng khác. Cũng càu nhàu, cũng ăn nói thô tục và có việc là bỏ đi mất.
Nếu người đàn ông bà đi kiếm chỉ làm đúng có ba chuyện kể trên thì bà không lấy chồng là phải.
Thế còn người đàn ông ở một mình nuôi con chó, con mèo, con vẹt có tìm được hạnh phúc không?
Ở Westbury-on-Trym, một thị trấn cách Luân Ðôn không bao xa, một ông chủ tiệm may có nuôi một con vẹt từ một chục năm nay. Con vẹt Baggio nhìn ông chủ làm việc mãi đến một hôm, vừa thấy ông chủ bỏ kim chỉ xuống nghỉ tay, nó nhẩy xuống khâu tiếp. Mà nó khâu rất khéo. Tài khâu vá của nó không thua ai, theo ông chủ tiệm may.Tuần tới, ông sẽ đem nó lên một chương trình truyền hình để thi tài với những con thú nuôi trong nhà khác(*).
Như vậy, có con vẹt vừa biết chửi thề, vừa biết khâu vá thì cuộc sống ắt phải hạnh phúc. Người thanh niên trong ca dao Việt Nam chỉ vì cái áo sứt chỉ đường tà, phải giả bộ quăng lên cành (?) hoa sen cho thất lạc rồi đổ cho "cô ấy" lấy mang về nhà làm tin, rồi lại khai tuồn tuột ra rằng áo sứt chỉ đã lâu, vợ thì chưa có, mẹ già chưa khâu nên nhờ "cô ấy" khâu cho cùng. Chàng cho biết chuyện khâu vá đó sẽ không miễn phí. Chàng hứa trả công khi nàng lấy chồng. Chàng khôn lắm, chàng trả công toàn bằng những thứ để cưới nàng về làm vợ...
Như vậy chuyện khâu vá cũng rất cần. Nhờ người khác khâu đến lúc trả công mệt lắm, như bài ca dao đã cho thấy. Chỉ vì vài đường kim mũi chỉ phải khuân ba mươi mấy, bốn chục ki lô có bàn tay khâu vá về nhà thì mệt quá. Chi bằng kiếm con vẹt, vừa biết nói tục, vừa biết khâu vá thì còn gì quí hơn:
Vẹt thì giữ việc trong nhà
Khi vào văng tục, khi ra thêu thùa
(ca dao Ăng lê)
Con vẹt thay được cả con chó lẫn người có đường kim mũi chỉ. Con mèo có thể dẹp, vì cái tính vô tích sự của nó. Có việc thì lỉnh đi chỗ khác. Không cần nuôi mèo. Thế thì chỉ cần một con vẹt là đủ.
Con vẹt rất vâng lời, dậy câu gì nói câu ấy. Không cãi lại bao giờ. Hỗn hào cứ mở cái freezer ra cho coi mấy con gà tây đông lạnh mua cho Thanksgiving bị chặt cổ, vặt lông sạch nhẵn làm gương là sợ ngay, không dám gây sự nữa.
Nhưng đọc tin Reuters mấy hôm trước, người ta thấy hình như chuyện đem con vẹt về để tiếp tục sống độc thân đã bị đẩy đi quá xa ở Zambia, một quốc gia Trung Phi. Tin cho biết một người đàn ông 50 tuổi ở Chongwe cách thủ đô Lusaka khoảng 30 km đã treo cổ tự tử sau khi bị vợ bắt gặp quả tang "lấy" một chị gà mái làm vợ. Người đàn ông này tức giận định giết vợ nhưng người vợ chạy thoát. Bị hàng xóm chế diễu, ông xấu hổ quá bèn treo cổ chết.
Ông không chịu đọc báo nên tưởng loài chim làm được những việc khác trong khi chúng chỉ biết chửi thề và khâu vá.
Con vẹt mang về thay cho người vợ chỉ nên nhờ chúng giúp lên cái gấu quần, đính lại cái khuy áo, khâu lại chỗ sứt chỉ đường tà để khỏi phải đem ra gài lên cành hoa sen để dính vào các thứ hệ lụy khác.
Bản tin Reuters cho biết sau khi xẩy ra biến cố đó, con gà đã bị "hạ sát" (The hen was slaughtered after the incident).
Không thấy nói rõ ai "hạ sát" con gà.
Dân làng hay bà vợ chắc là hay ghen lắm của người đàn ông Zambia?
Ngày 25 thang 10 năm 2013
Bạn ta,
Tôi
chưa có dịp nào đi Kansas City, tiểu bang Missouri, cho dù chỉ là ghé lại ở phi
trường như những lần ghé các phi trường Fort Worth, O'Hare, hay St Louis... cũng
chưa. Nhưng Kansas City chắc phải lý thú lắm nên nhạc Rock của Mỹ mới có nhiều
bài viết về thành phố này như thế. The Beatles cũng thu thanh một bài Kansas
City từ năm 1966.
Sự hấp dẫn của thành phố này là ở đâu?Có phải ở chỗ nó cởi mở, dễ dãi, có ít luật lệ quái ác như Los Angeles, Washington D.C., New York không?
Ðọc báo, người ta biết là mãi đến tuần tới thành phố mới biểu quyết để thông qua dự luật phạt những người tiểu và đại tiện ở nơi công cộng. Như vậy, cho đến ngày mai, hai việc làm này có thể là những việc thô bỉ, đáng ghét và mất vệ sinh công cộng nhưng lại không là những việc làm bất hợp pháp ở Kansas City.
Hội đồng thành phố vừa trình một dự luật, nếu được thông qua và ban hành thành luật, sẽ biến hai việc tiểu và đại tiện thành tội có thể bị phạt tiền hay tù.
Hội đồng thành phố nói rằng hiện nay, chưa có luật mới, thì nhân viên công lực chỉ có thể truy tố người tiểu tiện hay đại tiện về tội công xúc tu sỉ. Tuy thế, việc truy tố vẫn rất khó vì phải chứng minh được rằng người làm việc đó có chủ đích công xúc tu sỉ.
Nhưng hội đồng lại nhấn mạnh rằng ngay cả khi luật mới được ban hành, thì thành phố cũng vẫn sẽ không phạt những người có nhu cầu khẩn cấp và đích thực về tiểu hay đại tiện -- genuine excretory emergency.
Ðây là một nét đáng quí của thành phố. Thành phố không phải chỉ cậy có luật là cứ nhắm mắt, nhắm mũi (?) biên phạt, không cứu xét bất cứ một cách giải thích nào cho những việc làm đó. Hội đồng thành phố còn nói rõ là có những trường hợp ngoại lệ nếu người ta không thể kiểm soát được các "chức năng" của cơ thể vì bệnh, nhiễm trùng hay tàn phế (...who are unable to control their bodily functions due to illness, infection or physical infirmity...)
Chỉ trừ trường hợp những người dùng ma túy hay uống rượu là không được hưởng các ngoại lệ.
Nhưng mới chỉ những ngoại lệ như thành phố nêu ra có thể vẫn chưa đủ. Người Việt Nam chúng tôi còn liệt kê ra những trường hợp khác mà những khả năng kiểm soát cơ thể của con người không làm được đúng ý muốn. Không tin thì cứ thử lôi cụ Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ ra mà hỏi. Các cụ sẽ không thèm trả lời, mà chỉ hất hàm ra hiệu mở cuốn Việt Nam Tự Ðiển của hai cụ ra các trang 1375, 1376, 1741, 1742 với những chữ liên quan đến "té" và "vãi" là thấy ngay.
Những trường hợp hai cụ ghi trong cuốn tự điển của hai cụ đều đáng được cho hưởng các ngoại lệ hay nếu không thì cũng nên được cho giảm khinh.
Ðó là những chuyện cầm lòng, nín không được.
Thế nhưng ít ra, những "vãi" cùng "té" mà hai cụ kể thì cũng còn đáng được tha. Chứ "té mồm, té miệng", vãi ra những câu ngu xuẩn ở Hà Nội hồi tháng trước thì có chùi mấy cuộn giấy tròn cũng không hết được.
Phải nọc ra phết cho mấy roi vào đít thì may ra mới hết dở rắm dở cứt ra!