June 25, 2014

June 27, 2014

QUẢ ĐẠI PHÁO CUỐI CÙNG

Ông là một cựu quân nhân thuộc pháo binh biệt động quân (liên đoàn 9) quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong bức hình chụp gia đình còn giữ, ông mặc một chiếc jacket da mầu nâu, không phải là quân phục biệt động quân nên không rõ ông cấp bậc ra sao. Nhưng theo bản cáo phó, thì ông là một hạ sĩ quan pháo binh. Ông ra đời tại Huế năm 1942. Như vậy, khi ra đi, ông đã qua được cái tuổi cổ lai hy được một năm.
Ông quyết định cho sự ra đi ấy sau khi dặn dò bà ngoại của mấy đứa cháu coi chừng mấy đứa cháu còn bé. Ông nói với bà câu cuối rằng "Tôi đi nghe."
Rồi ông đi sáng thứ sáu 20 tháng 6. Ông cầm theo một chiếc thùng nhựa mầu đỏ đựng mấy lít xăng. Ông đến trước một bức tường ở lối vào khu chúng cư Silver Lake, tự tưới xăng lên người rồi châm lửa. Lúc ấy là đúng 11 giờ 15 sáng. Hai người Mỹ tình cờ đi qua trông thấy đã chạy lại tìm cách dập tắt ngọn lửa đang bốc cháy dữ dội. Ông nói bằng tiếng Anh với họ: "I want to die. Let me die". Hai người dùng nước đổ lên người ông và dùng một tấm vải cố dập ngọn lửa. Nhưng ông đã bị phỏng rất nặng. Trực thăng đưa ông vào bệnh viện Tampa, ba ngày sau thì ông qua đời lúc 6 giờ sáng thứ hai 23 tháng 6.
Một tấm bìa có bút tự của ông nguyên văn "Hai Yang 981 phải rời khỏi VN hải phận. Anh hùng tử, chí hùng nào tử." Ông ký tên ở dưới: Thu Hoàng.
Hai Yang 981 là dàn khoan Hải Dương số 981 mà Bắc kinh đã ngang ngược kéo tới vùng biển của Việt Nam hôm 1 tháng 5. Ông Hoàng Thu đã đi như lời cuối ông dặn dò bà ngoại các cháu.
Câu từ biệt mà ông đã nói nhiều lần với bà khi còn là người lính pháo binh biệt động quân trước những chuyến hành quân thời còn trẻ, thì lần này, sáng thứ sáu 20 tháng 6, lại là lời chào vĩnh biệt ông gửi bà.
Ông biết ông không làm gì hơn được trong vụ dàn khoan Hải Dương.
Người lính già ấy không còn khẩu 150 ly, hay khẩu 155 ly, hay khẩu 175 ly mà ông đã từng có thời vào sinh ra tử với chúng ngoài chiến trường. Ông đã phải giã từ những cỗ đại pháo yêu quí ấy từ tháng 5 năm 1975. Ông đem gia đình chạy từ Huế vào Sài Gòn, rồi bị đưa đi kinh tế mới ở Đồng Xoài, một địa danh mà những năm trong quân ngũ cũng đã có lần ông đi qua. Nguời lính già ấy đã phải làm tất cả những gì có thể làm được bằng sức chân tay để sống, cho tới năm 2008, tức là 33 năm sau ông mới đến nước Mỹ để bắt đầu một đời sống mới. Ông và bà đến sống với gia đình con gái ở Tampa, Florida.
Nhưng không một ngày nào ông không nghĩ tới miền Nam mà ông đã phải bỏ đi vì không thể tiếp tục ở lại trên chính đất nước của mình nữa. Ông rời đất nước nhưng đất nước vẫn là đất nước, vẫn là quê hương của ông. Đất nước ấy không thể để mất vào tay bọn giặc phương Bắc suốt mấy ngàn năm qua không một lúc nào ngưng dòm ngó đất nước Việt Nam.
Ông không còn trong tay những khẩu đại pháo của những năm chinh chiến nữa. Ông cũng không còn có thể có mặt trên chiếc HQ 10 bên dàn đại pháo để bắn đi những quả đạn cuối cùng trước khi cùng ở lại tầu chết cùng với thiếu tá Ngụy Văn Thà và các chiến sĩ hải quân khác hôm 17 tháng 1 năm 1975.
Người lính già Hoàng Thu đã chết ở Florida. Nhưng thực ra, ông đã chết ở Hoàng Sa cùng với những người lính hải quân trên hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10.
Tuy thế, ông lại không chết trong lòng của những người Việt.
Ông đã bắn được quả đạn cuối cùng từ khẩu đại pháo mà ông vẫn có bên mình từ khi nó im tiếng sau tháng 4 năm 1975. Quả đạn đại pháo đã bắn trực xạ vào bọn cướp biển Bắc kinh.
Cái dàn khoan Hải Dương 981 vẫn còn ở nguyên chỗ cũ. Lại mới có thêm một cái khác đang được kéo vào vùng biển Việt Nam. Có thể hai cái khác cũng sắp được đưa tới gần đó. Việc ông làm không ngăn được những chuyện ngang ngược bất hợp pháp của bọn hải tặc phương Bắc. Ông cũng biết rất rõ điều đó. Nhưng không phải vì thế mà ông không chọn lấy cho ông cách ra đi như ông đã làm. Việc ông làm có thể là nhỏ, nhỏ vì không đuổi được nhưng chiếc tầu của cướp biển, nhưng không vì việc đó nhỏ mà không làm cũng như không phải thấy việc ác nhỏ mà không tránh.
Quả đạn được bắn đi làm bùng lên ngọn lửa được xác thân của ông làm cháy lên rừng rực.


Vĩnh biệt ông. Ông đã ra đi như một người lính anh dũng bảo vệ quê hương Việt Nam.

June 19, 2014

June 20, 2014

BẠN BÈ CÁI CON ... CỦ GÌ ?

Cuối tháng 5 đầu tháng 6, tại Diễn Đàn Shangri-La ở Singapore, đại diện Hoa kỳ, bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel, đã lên tiếng cáo buộc Bắc kinh là phía đã tạo ra những bất ổn hiện nay tại biển Đông bằng việc đưa một giàn khoan (Hải Dương 981) tới vùng biển sát cạnh Việt Nam đồng thời hăm dọa cả Philippines và Việt Nam khi hai nước này phản đối Trung quốc về những hoạt động trái phép trong các vùng lãnh hải của hai nước.
Trước đó, đại diện Nhật, thủ tướng Shinzo Abe cũng nói rõ là Nhật sẽ yểm trợ cho các quốc gia trong khối ASEAN khi các nước này tìm cách bảo đảm an ninh trên biển và trên không, duy trì tự do di chuyển của tầu bè và máy bay của quốc tế trong vùng này. Cả hai tiếng nói vừa kể đều nêu đích danh Trung quốc là phía đang tạo sóng gió cho toàn vùng đông Á.
Ngay sau đó, phái đoàn Việt Nam đã lên phát biểu với Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng và khẳng định trước các phái đoàn tham dự diễn đàn Shangri-La rằng bang giao giữa Việt Nam và Trung quốc, theo nguyên văn, "vẫn đang phát triển tốt đẹp" ngoại trừ vấn đề tranh chấp tại biển đông, đôi khi cũng có những lúc "va chạm căng thẳng." Phùng Quang Thanh nói tiếp rằng ngay cả các thành viên trong "cùng một gia đình cũng còn có những mâu thuẫn huống chi là giữa các nước như Trung quốc và Việt Nam." Phùng Quang Thanh gọi Trung quốc là "nước bạn láng giềng".
Nhưng lời ăn tiếng nói của Phùng Quang Thanh hoàn toàn đi ngược lại với phát biểu của hai đại diện của Nhật và Mỹ, hai nước đang rất quan tâm và lo ngại về tình hình biển Đông và đang có những kề hoạch nhắm đối phó với các hoạt động đi ngược lại công pháp quốc tế của Trung quốc. Theo bộ trưởng quốc phòng của Việt Nam, quốc gia đang trực tiếp phải đương đầu với Trung quốc, thì những việc làm của Trung quốc không đáng quan ngại, bang giao giữa Việt Nam và Trung quốc vẫn đang phát triển tốt đẹp, hai nước vẫn là hai nước "bạn láng giềng".
Đáng lẽ Phùng Quang Thanh phải đưa ra trước diễn đàn những định nghĩa mới của danh từ "bạn" mà ông ta dùng để gọi Trung quốc. Chắc chắn người đàn ông này đã có những cách hiểu chữ "bạn" rất khác với lối hiểu thông thường của mọi người.
Bạn đích thực thì không đối xử với nhau như thế. Bạn thì không hơi một chút là nạt nộ đòi dậy cho Việt Nam một trận nữa. Bạn thì không ầm ầm kéo tầu chiến đến uy hiếp, lao vào tầu của bạn, húc tầu của bạn, gây hư hại, làm đắm tầu của bạn, bắt ngư dân của bạn đòi tiền chuộc như bọn cướp biển. Đã là bạn thì cũng không ném chai lọ, rác rến vào tầu đánh cá của bạn, dùng vòi rồng xịt nước vào tầu của bạn. Bạn thì không điều động máy bay chiến đấu tới hải phận của bạn để uy hiếp tinh thần bạn, không ăn nói xấc xược, hỗn hào, trịch thượng, hăm dọa bạn. Bạn thì cũng không bao giờ ngang nhiên kéo cái giàn khoan đến ngay trong vùng lãnh hải của bạn để khoan dầu một cách bất chấp pháp luật, xem thường chủ quyền lãnh hải của bạn. Bạn của nhau thì không vu vạ đặt chuyện đổ cho tầu thuyền của bạn lao vào tầu của mình, khiêu khích áp đảo tầu của mình một cách ngoa ngoắt như trò cào đầu ăn vạ của bọn côn quang không xứng đáng với tư cách của một nước lớn.
Bạn mà như thế sao?
Một nguời đeo lon đại tướng, lại giữ chức bộ trưởng quốc phòng, còn có thời ngồi ở Bộ Chính Trị mà ăn nói ngu như lợn là thế nào? Hay cách hành xử như bọn Tầu ngang ngược mới là bạn của cái nước Việt Nam khốn khổ ngày nay.
Người Anh có một câu tục ngữ truyền tụng đã từ lâu: With friends like these, who needs enemies. Với những bạn bè như thế thì ai còn cần phải có kẻ thù nữa.
Càng nghĩ càng thấy đúng.
Bạn bè gì mà lại khốn nạn như thế. Ngay vào lúc Phùng Quang Thanh lên diễn đàn nói những câu nhăng nhít đó ở Singapore, thì Trung quốc lại điều thêm tầu chiến tới khu đặt giàn khoan và tin cho hay lại thêm một chiếc tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tầu của Ba Tầu đụng chìm.
Tin tức mới nhất cho biết Trung quốc lại đang kéo một giàn khoan thứ hai, chiếc Nan Hai Jiu Hao (Nam Hải số 9) ngay sau chuyến đến Hà Nội của Dương Khiết Trì để gặp bọn đầu sỏ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Bình Minh gọi là để thảo luận về những tranh chấp ở biển Đông.
Đó, thương thuyết để kéo thêm cái giàn khoan thứ hai tới biển Việt Nam. Và cũng để chứng tỏ tình bạn thắm thiết giữa hai nước mà Phùng Quang Thanh vừa khoe nhắng lên ở Singapore.
Rốt cuộc là chỉ có người dân là không bán nước như mấy gánh nước ở Sài Gòn mang tặng không cho người qua lại. Nhưng chính việc không bán nước của họ đã suýt đưa họ vào vòng tù tội như những cảnh vừa được ghi nhận ở Sài Gòn.
Vì chỉ có bọn bán nước thật mới được tự do độc quyền hành nghề mà thôi.

Cứ nghĩ tới bọn mặt chó là lại muốn văng tục ra.

June 12, 2014

June 13, 2014

KHÔNG NÓI TỤC KHÔNG CHỬI BẬY
Chuyện ăn nói tục tĩu, hành vi thô lỗ của các cán bộ và công chức nhà nước đã trở thành một "đặc sản" của bọn Việt Cộng từ nhiều năm nay. Không ăn nói mất dậy không phải là cán bộ và công chức nhà nước.
Mấy năm trước, năm 2007 Nguyễn Tấn Dũng đã phải đưa ra khuyến cáo về chuyện này, cấm sử dụng những thứ ngôn ngữ bưng biền cách mạng trong các giao tiếp với người dân. Chính Hồ Chí Minh cũng đã phải đề cập tới tệ nạn này khi nói rằng cán bộ, công chức phải là công bộc, là đầy tớ phục vụ nhân dân, phải lễ độ với dân chúng. Nhưng rõ ràng là điều ngược lại mới là thực tế mà người dân phải đối mặt.
Một cuộc điều tra mới đây cho thấy 88% dân Hà Nội cho rằng cán bộ lãnh đạo có những hành vi "ứng xử" không phù hợp. Nói rõ hơn là cán bộ công chức luôn luôn có lối ăn nói hành xử rất mất dậy trong những giao tiếp với người dân.
Mà đó là ở thủ đô, và đó cũng lại là những nhận định của người dân đối với các thành phần cán bộ lãnh đạo. Ở những cấp dưới và ở những nơi khác ngoài thủ đô thì tệ nạn này còn khiếp đảm đến mức độ nào nữa thì khỏi cần phải nói ra, ai cũng biết.
Và đây là một vụ.
Chuyện xẩy ra ngay tại tòa án ở Sài Gòn hồi cuối tháng 9 năm 2012, hôm xử ba bloggers được đài BBC tường thuật lại. Bà Dương thị Tân, vợ cũ của ông Điếu Cầy cho biết khi thấy bà và con trai mặc áo có hàng chữ "Tự Do Cho Những Người Yêu Nước", thì một sĩ quan công an thuộc phường 6, quận 3 đã đòi bẻ cổ bà và bình luận về hàng chữ trên áo của bà bằng câu nguyên văn: "Tự do cái con cặc".
Người đàn ông này mang lon trung tá tên là Vũ Văn Hiển, chỉ huy phó công an phường. Như vậy, Vũ Văn Hiển là một cán bộ cao cấp, không phải là thứ tép riu đứng đường thổi còi xin tiền mãi lộ. Chuyện anh ta công khai đòi bẻ cổ một công dân vô tội là chuyện không thể chấp nhận được. Trong một đất nước độc lập, tự do và hạnh phúc thì không ai được phép hăm dọa tính mạng của người dân như thế. Đòi bẻ cổ một người phụ nữ không hề đe dọa chế độ như vậy là không được, là đi ngược lại tinh thần ý nghĩa của mấy chữ ở đâu cũng thấy nhắc. May ra trên mấy tờ giấy chùi đít là không thấy ghi mặc dù có ghi thì cái đít chắc cũng hạnh phúc hơn được một chút.
Kế đó là câu chửi bố câu nói của bác Hồ. Bác nói rằng không gì quí hơn là độc lập và tự do. Thế nhưng độc lập thì không có. Tập Cận Bình nắm cả nước trong tay nó rồi chỉ còn hy vọng còn chút tự do cho đúng với lời bác dậy, thì trung tá công an Vũ Văn Hiển đem cái món đó dìm xuống ngang hàng với cái bộ phận ở dưới thắt lưng của nó: "Tự do cái con cặc".
Trung tá Hiển đưa tự do vào vị trí cái háng của y. Hay vì vậy mà bọn Hán gian đã nhốt cái tự do vào cái háng của chúng. Hán này háng nọ, háng nọ ngó Hán kia, nhìn một hồi hoa (?) mắt thì tự do thành ra cái con cặc hay sao!
Chắc là vậy nên sau vụ này, nhà nước không thấy cho áp dụng một biện pháp trừng phạt nào nhắm vào tên trung tá này hết. Từ đó đến nay.
Chưa hết.
Một người khác cũng hay văng tục và chửi thề thuộc hàng cao thủ là Phan Văn Khải, nguyên là thủ tướng trước cả Nguyễn Tấn Dũng. Khải có biệt danh là Khải Đờ Mờ vì hễ mở mồm ra là lại nhắc tên viết tắt của Đỗ Mười. Phan Văn Khải, theo Lê Nhân, một người cùng lớp, cùng tuổi với Khải trong lớp học về chính trị Mác xít do ông Hoàng Minh Chính phụ trách, là một người mở miệng ra là phải chửi thề như thể không chửi thề thì không ăn nói nên lời được. Theo Lê Nhân, có lúc Khải tưởng như đã bỏ được cái trò chửi thề văng Đê Em đó nên đã được nhà trường cấp cho một bằng khen vì đã làm sạch được cái mồm, bỏ được thói đem thân mẫu ra làm chuyện mây mưa. Nhưng sau đó, chứng nào vẫn tật ấy. Lê Nhân kể là tại một buổi lễ khai mạc khóa chính trị Mác Lê cao cấp, Khải được giao trách nhiệm hô chào cờ cho quan khách tham dự buổi lễ. Trong số khách có măt, có cả Sáu Búa Lê Đức Thọ. Khải có thể xúc động quá nên trước chân dung của Mác, Lê Nin, Stalin, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông, nên Phan Văn Khải đã dõng dạc, bằng giọng Củ Chi Nam Bộ hô lớn, nguyên văn : "Đù má nghiêm! Chào cờ, chào!"
Sau đó cũng không thấy Khải bị bất cứ một biện pháp chế tài hay kỷ luật nào.
Hay là cứ nhìn thấy cái cờ đó, phải chào nó thì Khải lại ba chân bốn cẳng chạy về nhà để mây mưa với thân mẫu của mình và thân mẫu của hết cả bọn trong bộ chính trị nên đảng và chính phủ cũng không làm gì chàng cả, mà lại còn thăng chức nữa đấy chứ.
Vậy thì sức mấy mà cán bộ, công chức nhà nước ăn nói tử tế cho được.

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

ENGLISH ON THE MENUS
Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học được phát trên Hồn Việt Television.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thưa anh, bữa nọ Thúy dẫn các con đi ăn ở một tiệm Việt Nam ở Westminster. Đọc tấm thực đơn của tiệm, cả ba đứa con của Thúy đều cười lăn lộn vì những cái tên viết bằng tiếng Anh của các món ăn. Chúng không thể hiểu những chữ tiếng Anh đó trong menu là những món gì. Thúy giải thích cho chúng bằng tiếng Việt thì chúng hiểu ngay. Thầy có gặp những tấm thực đơn như thế bao giờ chưa?
BÙI BẢO TRÚC
Có. Nhiều lần là khác. Tính tôi tò mò nên đến các tiệm ăn thì đọc hết cái menu mặc dù chỉ gọi có một món mà thôi. Cô cho biết món gì mà dễ sợ thế?
LÃM THÚY
Thưa thầy đó là món SHAKY BEEF. Chị Quỳnh Anh đã thử món này bao giờ chưa?
QUỲNH ANH
Không biết đó có phải là món bò lúc lắc không Thúy? Ông thầy gọi món này bao giờ chưa? Và thưa anh, tại sao lại có cái tên ấy?
BBT
Tôi nghĩ cái tên này xuất hiện đã lâu lắm. Tôi thấy nó ở một tiệm ăn ở miền đông từ mười mấy năm trước. Tại sao lại có cái tên ấy? Tôi nghĩ người dịch tấm menu ấy tra tự điển Việt Anh , tìm chữ "lúc lắc" hay chữ "lắc", thấy động từ TO SHAKE, SHOOK, SHAKEN là lắc như TO SHAKE HANDS là bắt tay, rồi cạnh đó là tĩnh từ SHAKY nghĩa là run rẩy, lúc lắc, không vững, không chắc và dùng SHAKY đặt đằng trước chữ BEEF là thịt bò để thành SHAKY BEEF.
Trong khi lúc lắc tiếng Việt là cục xí ngầu, quân súc sắc, tiếng Anh là DIE, số ít và DICE là số nhiều. Động từ TO DICE là đổ súc sắc, đổ xí ngầu, hay thái hột lựu, thái thành những viên hình vuông như những quân súc sắc. Từ đó, chúng ta có DICED STEAK coi bộ hợp lý hơn là SHAKY BEFF. Nhưng sau khi nó xuất hiện trong những cái menu khắp miền đông qua tới miền tây nước Mỹ, quán này chép lại menu của quán kia, thì người Mỹ cũng chịu thua, đành phải gọi nó là SHAKY BEEF và nay, vào internet, cứ tìm SHAKY BEEF là có ngay món VIETNAMESE BEEF DISH, lại còn được chỉ luôn cách để làm món này nữa.
LÃM THÚY
Thúy giảng cho mấy con rằng đó chỉ là món BÒ LÚC LẮC thì chúng hiểu ngay là món mẹ chúng cũng từng lâu lâu trổ tài nấu nướng ở nhà. Dịch như thế, thực khách Mỹ như mấy đứa Mỹ con, con của Thúy chịu thua không thể hiểu được thì dịch làm gì cho mất công?
QUỲNH ANH
Thưa anh, Quỳnh Anh còn thấy trong thực đơn của một tiệm ở Garden Grove món FILET MIGNONNE. Đặc biệt trên chữ "N" còn có dấu "~" cho giống tiếng Tây Ban Nha nữa.
BBT
MIGNONNE không phải là tiếng Tây Ban Nha, mà là tiếng Pháp. Chủ nhân nhanh nhẩu đoảng thật thà hư nên cho thêm dấu "~" trên chữ "N" giữa chữ "G" và chữ "O" nên mới thành chuyện. Đúng ra phải viết là MIGNON mới đúng. MIGNONNE là xinh xắn, là CUTE trong tiếng Anh, là tiếng gọi nghĩa là cục cưng xinh xắn của … tui ơi như trong bài thơ của Pierre de Ronsard, một nhà thơ Pháp sống thời thế kỷ XVI nhan đề Gửi Cassandre, A CASSANDRE với hai câu đầu là: MIGNONNE, ALLONS VOIR SI LA ROSE/ QUI CE MATIN AVOIT DESCLOSE… Em cưng ơi, hãy ra đây cùng xem bông hồng sáng nay vừa nở…
Vậy thì khi vào tiệm ăn, nên gọi FILET MIGNON thay vì FILET MIGNONNE, rắc Maggie, sauce A-ONE và quệt mù tạc vào ăn cho cơ thể tích lũy thêm một ít cholesterol… cho đủ bộ.
LÃM THÚY
Cô bạn của Thúy một bữa cho xem một tấm thực đơn mà cô xin được ở một tiệm ăn vùng San Francisco có món NAKED SAVORY RICE BALLS, Thúy đọc mà cứ rụng rời chân tay ra. Đố thầy biết món ấy là món gì.
BBT
Tôi đoán thôi nhé. NAKED là khỏa thân, là trần truồng, là không mặc quần áo. Tôi ngạc nhiên tại sao trong tiệm ăn lại có món đòi thực khách phải khỏa thân mới ăn được. Nhưng tôi đoán đó phải là một món có chữ "trần" thì mới có tĩnh tự NAKED đi trước. Có phải "bánh ít trần" không?
LÃM THÚY
Thưa đúng.
BBT
Trong một tấm thực đơn khác tôi thấy là người dịch tên các món của tiệm sang tiếng Anh thì năm ba lần cứ đụng món hủ tiếu là lại dùng chữ "ALIMENTARY" trong khi chữ này chỉ có nghĩa là ruột, thực phẩm, hay liên quan đến thực phẩm, tiêu hóa vân vân. Tôi nghĩ mãi về chữ này mà vẫn không tìm ra được một cách giải thích nào thỏa đáng cho việc dịch món hủ tiếu là ALIMENTARY. Phải chi còn cụ Vương Hồng Sển chắc phải lặn lội đi tìm cụ để xin hỏi cụ, may ra cụ cười một trận đã đời xong rồi mới giảng nghĩa được. Thí dụ SHRIMP ALIMENTARY nhà hàng dịch từ những chữ hủ tiếu tôm cá, hay PORK ALIMENTARY là hủ tiếu xá xíu. Tất cả các chữ hủ tiếu đều được dịch thành ALIMENTARY. Hay là người dịch đụng chữ hủ tiếu, đọc lầm là HỦ TIÊU, rồi nghĩ TIÊU là tiêu hóa nên dùng ALIMENTARY? Nhưng vẫn chưa ly kỳ bằng, cũng vẫn trong tấm thực đơn ấy, hễ cứ món nào có huyết ở trong thì bao giờ cũng được dịch là BLOOD CELL nghĩa là tế bào máu. Người Mỹ đọc tên món này lên, biết còn ai dám ăn nữa hay không?
QÙYNH ANH
Bữa nọ, có người gửi cho Quỳnh Anh qua e-mail bản chụp tấm thực đơn của một nhà hàng ở Việt Nam làm mấy đứa con của Quỳnh Anh được một trận cười nghiêng ngửa không biết thầy có được đọc tấm menu Anh Việt đó hay không?
BBT
Có, đó là thực đơn song ngữ của một nhà hàng ở Quảng Trị tên là Phúc Quang nằm trên đường Hùng Vương nối dài. Người yếu bóng vía không nên đọc tấm thực đơn này. Tôi nghĩ đầu óc phải méo mó lắm và hài hước lắm may ra mới lơ mơ hiểu được những chữ này.
Thí dụ món DÊ HẤP XẢ ỚT được dịch là INTERESTING SOCIAL GOAT. Tại sao lại có SOCIAL nghĩa là thuộc về xã hội trong món này? Tôi chắc vì chữ XẢ, mà người dịch tưởng là do chữ "XẢ" … HỘI nên lôi chữ SOCIAL vào đứng bên con dê cho vui. Nhưng còn INTERESTING nghĩa là hay, lý thú tại sao lại đứng đó? Chắc vì INTERESTING còn có nghĩa là "hấp dẫn" nên món DÊ (GOAT) HẤP (INTERESTING) XẢ (SOCIAL) mới được dịch như thế. Món DÊ TÁI CHANH được dịch là FINANCES GOAT chắc người dịch mắt mũi lờ mờ đọc TÁI CHANH thành TÀI CHÁNH nên phang chữ FINANCES là tài chánh vào cho tiện. NGỌC DƯƠNG TIỀM THUỐC BẮC được dịch thành NGOC DUONG POTENTIAL MEDICINE. Tiềm được người dịch hiểu là tiềm năng, tiềm tàng nên dùng chữ POTENTIAL để dịch. Món GÀ ÁC được dịch là CHICKEN EVIL vì EVIL nghĩa là độc ác. Còn món GÀ ÁC TIỀM THUỐC BẮC dịch sang tiếng Anh … Quảng Trị thành CHICKEN POTENTIAL BAD MEDICINE vì BAD cũng có nghĩa là độc ác, xấu xa… Ai dám liều mạng và gan cùng mình để ăn món có BAD MEDICINE này?
Món CÁ LÓC UM MĂNG được dịch thành PERSONAL UM CEMENT vì người dịch hiểu "CÁ" là cá nhân nên dịch là PERSONAL. UM thì người dịch chịu thua bèn để nguyên. MĂNG, theo người dịch, là từ danh từ xi măng mà ra (?) nên dịch là CEMENT. Món cá này ăn chắc rụng răng, trẹo quai hàm mất thôi.
Nhưng hay nhất là món DƯA BAO TỬ CHẤM MUỐI. Mời cô Quỳnh Anh đọc tấm menu mà cô có xem nó là món gì trong tiếng Anh Quảng Trị đây…
QUỲNH ANH
Quỳnh Anh thấy ghi là MELON STOMACH DOT SALT. Quỳnh Anh hiểu MELON là dưa. STOMACH là bao tử. SALT là muối nhưng DOT là gì, tại sao lại đứng đó?
LÃM THÚY
Thúy hiểu. Trong các địa chỉ ở internet, người ta thường viết ở cuối là YAHOO.COM, chúng ta quen đọc là YAHOO DOT COM. Trong nước người ta đọc là YAHOO CHẤM COM. Có phải vì thế mà CHẤM MUỐI thành DOT SALT không thầy?
BBT
Chịu cô Thúy. Cô giỏi quá. Tôi nghĩ bạc đầu mà không ra đấy. Tức cười nhất là món DỒI TRƯỜNG CHẤM RUỐC được dịch là INSTITUTION DOT RUOC trong khi INSTITUTION là cơ chế, qui chế, cơ sở, trường học, học viện. Thì ra người dịch dùng nghĩa nhà trường của danh từ INSTITUTION, để dịch chữ TRƯỜNG trong DỒI TRƯỜNG nên mới ra cơ sự.
QÙYNH ANH
Thưa anh, tiếng Anh dẫu sao cũng là tiếng người ta, có sai thì cũng thông cảm được. Nhưng tại sao những cơ sở này không nhờ những khách người Mỹ đến ăn ở tiệm giúp sửa chữa lại những chữ tiếng Anh mà cứ để nguyên những sai sót đó? Ở Quảng Trị cũng thiếu gì du khách ghé ngang để thăm Khe Sanh, sao không nhờ họ đọc hộ cái menu tiếng Anh rồi nhờ sửa ?
BBT
Thưa cô, người được nhờ hay thuê dịch đời nào nhận là mình sai sót. Cơ bút thần thánh đã giáng xuống thì cứ để nguyên đó cho … tôi! Không có sửa sang gì hết. Tiếng Anh đã thế, tiếng Pháp cũng thê thảm không kém. Ở quận Cam có một nhà hàng mà tôi nghĩ chủ nhân muốn đặt cho nó cái tên Tây cho … sang, nhưng lại viết sai, viết thừa một chữ để thành BISTROT. Trong tiếng Pháp, BISTRO không có chữ "T" ở cuối.
Cũng liên quan đến tiếng Pháp, một nhà "truyền thông" nọ đọc cái quảng cáo trên đài phát thanh đã đọc tên của một thứ bánh là PA-TÊ CHAU có thể vì chưa bao giờ được thưởng thức món PATÉ CHAUD chăng. Một người khác thì đọc FILET MIGNON thành phi lê MI NHON.
LÃM THÚY
Tiếng Việt lưu lạc sang Mỹ cũng chung số phận. Thúy đọc được vài ba món viết bằng tiếng Việt mà cứ sững người ra. Thí dụ món BÒ NƯỚNG và BÒ NƯỚNG LÁ LỐP, đáng lẽ là BÒ NƯỚNG VỈ và BÒ NƯỚNG LÁ LỐT mới đúng. Món cù lao thì đọc thành món LẪU với dấu ngã (~) trong khi các tự điển tiếng Việt đều viết với dấu hỏi.
QÙYNH ANH
Quỳnh Anh còn thấy có một tiệm quảng cáo bằng chữ lớn ngoài cưử tiệm món THỊT BÒ NHÚN GIẤM. Món này chắc mềm và êm lắm nhờ có gắn bộ... NHÚN của xe hơi chăng?
BBT
Mấy năm trước, tờ Far Eastern Economic Review trong mục Travellers’ Tales có đăng một bức ảnh của một độc giả chụp tấm bảng hiệu của một một tiệm ăn ở Việt Nam tên là MỸ DUNG. Bức ảnh cho thấy nguyên cả ba chữ MY DUNG RESTAURANT. Chắc các độc giả Anh và Mỹ lấy làm lạ lắm không biết tiệm bán những món ăn gì mà lại mang cái tên kỳ lạ đó. DUNG là … phân thú vật. MY DUNG là … của tôi, chủ tiệm.
QA
Thưa anh, đâu phải là chỉ ở Việt Nam mới có cái tên như thế. QA biết là ngay ở California, ở phía bắc Los Angeles cũng có một tiệm ăn tên là MỸ DUNG. Khổ một nỗi là người Mỹ mấy ai đọc được chữ MỸ, phát âm đầy đủ cả dấu ngã (~) nên rủ nhau đi ăn ở MY DUNG thì ai mà dám.
BBT
Ở Virginia trước đây có tiệm ăn này không biết có còn không... tiệm có tên Việt là BÍCH CHI. Nhưng BÍCH CHI người Mỹ đọc lên thì ai còn dám vào ăn nữa...Cứ nghĩ bà chủ quán tên sao người vậy thì sợ lắm. BITCHY là tính tình đanh ác, độc địa, đành hanh như ...con chó cái thì đi tiệm ăn khác là hơn.
LÃM THÚY
Trước đây ở gần khu Phước Lộc Thọ còn có một tấm bảng quảng cáo cho một phòng mạch y sĩ viết có bốn chữ thì sai mất ba, thay vì BÁC SĨ NHÃN KHOA thì viết thành BẤC SỈ NHẨN KHOA. Một cơ sở chủ nhân là người có học mà còn treo tấm bảng đầy lỗi chính tả Việt Nam như thế thì trách gì những tấm menu viết bằng thứ tiếng Anh như vậy.
QUỲNH ANH

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới.

June 5, 2014

June 6, 2014

ĐẶC SẢN MỚI CỦA HẢI DƯƠNG
Đọc những tin tức liên quan đến một món đặc sản mới của tỉnh Hải Dương, chắc chắn không ít người đã phải nghĩ ngay là cách đối xử nó được dành cho không được công bình lắm so với các thứ trước đây vẫn được coi là những sản phẩm đặc biệt của cái thành phố nhỏ này. Nó được đối xử đặc biệt hơn các món đặc sản đã có từ lâu nay của Hải Dương.
Thành phố Hải Dương mà tôi có trong tri nhớ không phải là một thành phố lớn lắm. Nhớ lại một lần tôi đi ngang thành phố này (trong khi được cột cẩn thận vào cái porte bagage của chiếc xe đạp ông bố tôi đạp) thì Hải Dương lúc ấy không có được bao nhiêu điều tôi giữ lại trong trí nhớ. Mấy con đường nhỏ, vài ba tiệm buôn lèo tèo khách. Nó không được bằng Nam Định hay Hưng Yên... mà tôi cũng đã có dịp đi ngang qua (trên porte bagage của chiếc xe đạp Terrot mà ông bố tôi còng lưng đạp).
Đó là trước năm 1954.
Ở miền Nam sau chuyến di cư, thỉnh thoảng lắm tôi cũng nghe nhắc đến tên Hải Dương. Một thứ của Hải Dương được người di cư mang theo vào miền Nam là bánh đậu xanh cùng với một hai thứ bánh mứt khác đã giúp tên của Hải Dương được nhắc đến để ngay cả những người không từng biết nó, hay chỉ biết lơ mơ về nó (như tôi) cũng vẫn còn được nghe về Hải Dương.
Rồi mấy thứ sản phẩm nguyên gốc Hải Dương gần đây được mang bán sang cả ở Mỹ. Bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh cốm sản xuất ở Hải Dương có thể mua dễ dàng ở các chợ của người Việt, chẳng bù đã từng có lúc được làm quà một hộp bánh đậu xanh nhỏ bằng hai ngón tay cũng quí vô cùng. Phải pha ngay một bình trà Thái Nguyên để ... ngồi xuống với nó. Thiếu điều phải đi kiếm nước mưa cho ấm trà để tỏ lòng yêu quí bánh đậu xanh Hải Dương.
Nói thế để cho thấy đặc sản của Hải Dương được yêu quí như thế nào.
Nhưng khoảng vài ba tháng nay, một thứ khác của Hải Dương cũng bỗng được nhắc đến um xùm trên báo chí. Không rõ món đặc sản này có đích thực xuất xứ ở Hải Dương hay không, hay lại cũng chỉ là một sản phẩm sản xuất ở một nơi khác rồi được khoác cho cái nhãn Hải Dương.
Món đặc sản mới này của Hải Dương được xuất cảng từ Hoa kỳ ngược lại về Hải Dương. Nó được dán nhãn hàng hóa sản phẩm của nước Mỹ (trên giấy tờ). Sản phẩm này được đưa trở lại Hải Dương và được coi ngay là đặc sản của Hải Dương.
Đặc biệt nó không được phân phối (?) bằng các phương tiện vận chuyển bình thường khác, mà gần như bao giờ nó cũng được chuyên chở bằng taxi. Nó được chở bằng taxi đi tới gần như tất cả mọi nơi. Từ Hải Dương đi Hà Nội, từ Sài Gòn đi lên cao nguyên Trung phần, từ Hà Nội đi Nghệ An... đi đâu đặc sản Hải Dương cũng dùng taxi. Và vì thế, một số chuyện rắc rối liên quan đến đặc sản Hải Dương bị đưa lên báo cũng là do từ những chuyến di chuyển bằng taxi. Có mấy trường hợp, không rõ đích xác là bao nhiêu, nhưng phải trên hai hay ba hay bốn vụ, tài xế taxi được thuê lái xe chở đặc sản Hải Dương đã nói với báo chí là bị đặc sản Hải Dương lợi dụng tối đa sức lao động sau những chuyến đi đường trường với đặc sản. Các nạn nhân nói với vài ba tờ báo là đặc sản Hải Dương bắt họ phải ngủ chung giường và phải ... lái (?) rất nhiều lần. Có nạn nhân nói là bị bắt lái (?) tới hơn hai chục lần sau khi được đặc sản Hải Dương đổ cho đầy bình xăng super. Sức tài xế taxi có hạn, xe chạy mà không được châm thêm nhớt (?) máy thì ... lột dên, thân tàn ma dại chứ còn gì mà về với các mẹ cháu. Có các nạn nhân chịu không nổi đã phải bỏ đặc sản chạy lấy người. Một ông taxi khác vì không chịu ... lái tiếp đã bị đặc sản đập vỡ kính xe phải gọi công an cứu. Một tài xế khác thì chở đặc sản tới khách sạn thì bị đặc sản bắt đi tắm cho mát, tắm xong, đặc sản đã đứng ngờ ngờ bóc sẵn giấy gói (?) đứng ở cửa phòng tắm đòi ... lái. Bác tài sợ quá thì bị đặc sản tố cáo là đòi ... lái đặc sản. Những chuyện như thế đã được đưa lên báo cả chục lần. Đặc sản thì nói là không có chuyện đặc sản đòi lái, mà chính các bác tài đòi lái mà đặc sản không chịu.
Chuyện um xùm ở Hải Dương, đặc sản bay về Mỹ rồi lại trở qua Việt Nam, vào Sài Gòn lại gây ra chuyện mới. Và mới đây nhất, đặc sản đã đưa một bác tài trong tình trạng hôn mê, không một mảnh vải che thân vào một bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu.
Sau những chuyện như thế, người ta vẫn không thấy nhà cầm quyền Việt Nam có bất cứ một biện pháp nào với đặc sản Hải Dương. Tội bắt tài xế lái (?) xe ngược lại ý muốn là tội ... cưỡng lái. Nhưng đặc sản Hải Dương vẫn không bị một khó dễ nào về mặt luật pháp.
Thử tưởng tượng một "đặc sản đực" từ Mỹ về Việt Nam mà cứ hết lái chỗ nay, lại lái chỗ nọ, gặp ai lái nấy, dù có hay không có sự đồng ý của phía bên kia thì chắc chắn bị còng tay đuổi về Mỹ cho vợ con xử. Đằng này thì không thế. Đặc sản Hải Dương vẫn ra vào Việt Nam thong thả, chán thì lại về Mỹ thơ thới hân hoan. Vài ba tuần, ngứa ngáy trong người thì đặc sản lại về Việt Nam kiếm cái taxi bắt tài xế lái vài quả chơi cho vui mà không ai làm gì đương sự hết.
Như thế, cách đối xử dành cho đặc sản Hải Dương có nhiều sự bất công là vậy.
Nhưng ít ra, đặc sản Hải Dương cũng làm được một việc tốt. Đó là dằn mặt những thứ "đặc sản đực" từ Mỹ về Việt Nam: đừng có tưởng chỉ mấy ông làm được chuyện về Việt Nam lái lia chia, mà đặc sản Hải Dương cũng thừa sức làm được những chuyện đó, trả thù được cho rất nhiều phụ nữ, cho mấy cha đàn ông ở Việt Nam phải bỏ chạy mất quần luôn.


Coi vậy, đặc sản bánh đậu xanh Hải Dương ngon và hiền hơn cái thứ đặc sản mới của Hải Dương này rất nhiều.