August 18, 2011

August 19, 2011

Ngày 16 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông Đà cũng còn có tên là sông Bờ hay Đài Giang.

Bắt nguồn từ Vân Nam, sau khi chẩy hơn 400 kilômét trong lãnh thổ Trung quốc, sông Đà nhập vào sông Hồng ở Phú Thọ. Người Pháp gọi con sông nước đen này là Rivière Noire. Sông Đà cung cấp một lượng nước rất lớn, khoảng 31% cho sông Hồng.

Vì lượng nước rất lớn mà nó đóng góp cho sông Hồng nên tên của con sông này đã xuất hiện trong một câu ca dao mới và nay được nghe khá nhiều. Hai câu lục bát dùng tên con sông này ở câu 6 để đưa ra một cách ví von nói lên nét vĩ đại kiểu như công cha như núi Thái Sơn.

Câu ví đó là "tiền vô như nước sông Đà". Nước sông Đà đủ sức vận chuyển 8 cái "tuộc bin" sản xuất điện cho Hòa Bình và nay người ta lại đang xây thêm một đập nước nữa ở Sơn La thì lượng nước chẩy từ sông Đà vào sông Hồng Hà phải kinh khủng lắm.

"Tiền vô như nước sông Đà" thì chắc chắn là giầu sang tột bực.

Tiền kiếm được là như thế. Còn tiền tiêu ra thì sao? Tiền ra mà như sông Hồng Hà thì chắc chắn là không thể giầu được.

Sửa đi một chút câu Sắp Kèo Rượu tức là bài Tương Tiến Tửu của Lý Bạch thì thành:

Quân bất kiến Hồng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi

Người chẳng thấy nước sông Hồng từ trên trời đổ xuống, chẩy tuôn ra bể không bao giờ trở lại. Tiền ra mà như nước sông Hồng thì chỉ có mà xin khai phá sản mất thôi.

Thế nên tiền ra không thể như nước sông Hồng được.

Phải thế này mới giầu:

Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin.

Thật là cảnh giầu lắm tiền nhiều bạc. Tiền chỉ có vào, không chịu ra bao nhiêu. Vào như nước sông Đà 31% nước cung cấp cho sông Hồng. Tiền ra thì như cà phê phin.

Đây là hai câu chắc phải xuất hiện sau năm 1975 và phải ở miền nam. Trước năm 1975, người miền nam ít hiểu biết về địa dư miền bắc. Sông Đà là một con sông miền Bắc. Có thể đến sau năm 1975, sông Đà mới được nghe nói tới nhiều hơn ở miền Nam. Chữ "vô" trong câu 6 cũng cho thấy nó ở miền Nam.

Câu ca dao này xuất xứ ở miền Nam. Không thể từ miền Bắc được.

Lý do khác nữa là ở câu 8 . Câu 8 là "Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin".

"Cà phê phin" chứ không phải là "cái nồi ngồi trên cái cốc".

Như vậy rõ ràng là hai câu xuất xứ từ miền nam. Đây là hai câu có tính cách hài hước hơn là dùng để chúc nhau.

Nhưng mấy năm trở lại đây, trong những ngày Tết, càng ngày người ta càng đem nó ra dùng để thay cho những lời chúc đã cũ, đã thành sáo ngữ, nghe chúc mà cứ văng vẳng mấy đoạn thơ của ông Tú Xương khi ông phát cáu vì những lời chúc sống lâu giầu bền, con cái đầy nhà, tiền bạc gà ăn cũng không hết.

Người ta bèn chúc nhau tiền vô như nước sông Đà/ tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin .

Người chúc thì khỏi phải nhắc lại mấy câu chúc đã cũ mà ông Tú Vị Xuyên rất ghét. Người nghe thì cũng vui vì cái nét hài hước ở trong.

Mấy ai tin là sang năm mới, tiền bạc sẽ dễ dàng như thế. Không thể nào có chuyện tiền chạy vào như nước con sông lớn ở miền Bắc.

Và cũng không ai tin là sau khi tiền vào nhu nước sông Đà mà tiền ra thì lại vài ba giọt như cà phê chẩy qua phin.

Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin thì sốt ruột làm sao chịu nổi. Phải uống espresso kiểu Ý hay cà phê instant, cà phê bột pha uống được ngay. Mà đó chỉ là một vấn đề nhỏ của việc tiền ra như cà phê phin mà thôi. Tiêu tiền mà như thế thì làm cách nào kinh tế phát triển cho được. Vì thế, nếu đúng như hai câu chúc về tiền bạc ví von như sông Đà và cà phê phin này thì kinh tế sẽ chết. Tiền giữ trong nhà sẽ có thể làm cho những người ngồi trên đống bạc đó chẳng sung sướng gì.

Nhưng không ai trong chúng ta phản đối cả, vì ai cũng biết hai câu lục bát đó chỉ để đùa chơi . Ai lại ghim lấy hai câu lục bát ấy để chờ cuối năm đến nhà người chúc bắt đền là chẳng thấy giọt nước nào chẩy vào nhà cả. Lấy đâu ra nước sông Đà chẩy xối xả vào.

Hai câu lục bát tiền vô như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin là nhũng câu nói cho vui giữa những người bạn. Nghe rồi bỏ ngoài tai, không hơi đâu mà nín thở chờ cho chuyện đó xẩy ra bao giờ.

Chớ có dại mà tin vào những điều ấy.


Ngày 17 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Có kiêng có lành. Chúng ta vẫn nói thế. Người Việt có thể là dân tộc hay kiêng và kiêng nhiều thứ nhất thế giới.

Ngày xưa thì kiêng tên vua. Vì có Nguyễn Hoàng nên đọc Hoàng thành Huỳnh, vì có hoàng tử Cảnh nên đọc Cảnh thành Kiểng, rồi Phúc thành Phước vân vân. Không kiêng, đi thi làm bài viết những chữ phải kiêng thì bị đánh trượt lập tức. Ông Trần Tế Xương phạm trường qui cũng hơn một lần, chỉ vì không biết kiêng.

Trong làng, trong xóm thì phải kiêng tên các cụ kỳ mục lớn tuổi. Mấy cái tên đẹp các cụ đặt cho nhau hết, chỉ còn mấy cái tên xấu chưa có ai đặt thì mang ra dùng. Kiêng thế nên cứ chia nhau mấy cái tên xấu xí. Lỡ đặt cho con cháu cái tên đẹp, thình lình có một cụ xuất hiện có cái tên ấy, thế là gia đình đứa bé phải thêm cho nó một cái dấu, sắc, huyền, hỏi, ngã hay nặng cho cái tên của nó không giống tên của cụ . Oan uổng hết sức.

Ngưòi Việt sáng ra đã kiêng. Bước chân ra khỏi nhà thì kiêng gặp gái. Gặp đàn bà, con gái là phải quay lại nhà ngay, lấy cái bao thẻ hương đốt vứt ra cửa cho nó tan cái vía xấu đi rồi mới lại bước ra cửa để đi học, đi thi, đi mua sắm, đi mua họ, chơi hụi. Cứ gặp đàn bà con gái nữ nhi là xấu, phải kiêng.

Nhưng cứ kiêng như thế cũng phiền. Thập thò mở cửa lại thấy một cô hay một bà đứng gần là lại thụt vào thì còn làm ăn gì nữa.

Đó là chưa nói đến chuyện kiêng cữ như vậy là một hành động xúc phạm nặng nề các phụ nữ. Các phụ nữ không là cụ, bà nội ngoại, mẹ, vợ, chị, em gái, các cháu gái thì cũng có thể là cô hàng xóm đẹp não nùng như cô gái ở căn nhà bên cạnh nhà chúng tôi ở Hà Nội chẳng hạn .

Cứ thấy là thụt vào trong nhà né một cái đã.

Ngày thường đã kiêng. Tết lại càng phải kiêng hơn nữa. Không kiêng thì rông cả năm.

Trong ba ngày tết phải kiêng quét nhà để khỏi quét đi những điều may mắn khách đem lại. Bây giờ khách đến nhà mang theo rác rến thì máy hút bụi hút hết vào trong bao, có đổ ngay ra đường đâu mà sợ mất đi những may mắn?

Kiêng không nói những tiếng xấu xa, tục tĩu. Khỉ, chó là không được lôi ra trong lời ăn tiếng nói ba ngày tết. Mà những tiếng ấy thì lại thường nằm trong những câu chửi thề, la mắng, gắt gỏng. Khoản kiêng này lũ trẻ chắc thích nhất, vì ba ngày tết đỡ bị la mắng. Không bị la mắng, không bị đòn trong mấy ngày xuân. Đó có thể là những kiêng cữ thú vị nhất và có lý nhất theo cái nhìn của trẻ con.

Mấy ngày tết là những ngày phải nói ra, phải chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Nhưng bao nhiêu người muốn được chúc những điều tốt đẹp như thế?

Ông Obama chẳng hạn. Năm nay là năm bao nhiêu điều phiền toái cho ông ở trong nưóc cũng như ở ngoại quốc. Sáng mồng một đến tòa Bạch Ốc chúc ông bằng năm bằng mười năm ngoái thì đúng là chơi ác với ông mới mong cho ông được bằng năm bằng mười năm 2011.

Hay chúc đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái? Câu chúc này không ai còn dám chúc nữa. Hai đứa trong một năm thì kiếm baby sitter ở đâu cho kịp? Tã, sữa lấy đâu ra? Không thể cứ nói Trời sinh voi, trời sinh cỏ đưọc. Trời sinh voi nhưng bố chúng nó chạy cỏ hụt hơi gần chết thì có.

Điều này, từ đầu thế kỷ hai mươi ông Tú Xương hẳn đã thấy. Ông ngán ngẩm làm 4 bài tứ tuyệt về chuyện chúc nhau sống lâu giầu bền, thăng quan tiến chức, giầu sang phú quí, con cái đầy nhà.

Nên những câu chúc bây giờ cũng có khác. Thôi thì chúc nhau nhiều sức khỏe. Nhưng vừa chúc nhiều sức khỏe, lại đụng phải một câu chúc của một nữ xướng ngôn viên: chúc bác sĩ nhiều bệnh nhân.

Thế thì làm sao người ta nhiều sức khỏe cho được.

Quay trở lại chuyện sợ rông. Người Việt tin là hễ trong ngày đầu năm chúng ta làm gì thì suốt năm những chuyện như vậy sẽ xẩy ra cho chúng ta.

Vài ba chục năm nay, tết nào tôi cũng đi làm, hay nhờ vậy mà không bao giờ thất nghiệp.

Thế nên ngày tết, cứ đi làm, càng rông càng tốt.

Còn khoản đạp đất thì sao? Ngày xưa người Việt kỹ chuyện này lắm. Ai xấu vía , xấu tính xấu nết thì nhất định không được mời xông đất. Không được mời mà dẫn xác đến có khi bị đòn . Phải là người tử tế, lắm con, nhiều tiền, vui vẻ, may mắn thì mới được mời đến xông nhà. Nhưng ngày nay, tìm đâu được những người đầy đủ những cái tốt như thế mà lại rảnh rỗi để sáng mồng một xuất hành đến cửa nhà chúng ta?

Thôi thì nhờ mấy đứa con, hay mấy đứa cháu làm cho việc đó. Con cháu thì bao giờ chẳng nghĩ tốt về mình. Nhờ chúng nó là phải.

Thế nhưng tại sao lại quên đi một người rất đẹp, lại ăn nói duyên dáng, thông minh , hiền lành và tử tế hơn biết bao nhiêu người khác làm công việc ấy?
Người ấy là ai? Thì chính là cái người quí vị nhìn thấy trong gương mỗi sáng, nhìn rồi bịn rịn không muốn bỏ đi đấy chứ còn ai trồng khoai đất này nữa?
Nhờ chính cái người ấy xông nhà. Được thì vui, có sao thì ráng chịu, khỏi oán trách phiền ai hết.


Ngày 18 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Cách đây mấy năm, cứ mở truyền hình ra xem là người ta không cách nào tránh được không phải xem những chuyện liên quan đến Tom Cruise và Katherine Holmes và cô con gái mới sinh của hai người.

Tom và Katherine sau những trò điên dại diễn xuất tỏ tình với nhau, hôn nhau trước ống kính của các chuyên viên săn hình hay nhẩy đùng đùng trên ghế sofa của Oprah Winfrey, cuối cùng sinh được một cô con gái.

Chuyện sinh con đẻ cái thì cũng không phải là chuyện lạ trong cái thế giới đang càng ngày càng chật chội vì quá đông người này.

Báo chí truyền hình tiếp tục loan tin về cái tên mà Tom và Katherine chọn để đặt cho con gái. Đứa bé được đặt tên là Suri, mà không phải là Mary, Susan, Michelle, Jane, Deborah... những cái tên thường thấy tại Mỹ.

Theo Tom giải thích thì Suri là tên Hi Bá Lai (Hebrew), một cách viết và phát âm khác của tên Sarah.

Nhưng theo một giáo sư ngôn ngữ học tại đại học Hi Bá Lai ở Jerusalem thì , trong tiếng Do Thái, tiếng Hi Bá Lai, Suri nghĩa là cút xéo, là đi đi.

Kể ra có cái tên là cút xéo thì cũng không hay lắm.

Nhưng càng ngày, thì người ta lại thấy những thứ tên như thế xuất hiện nhiều hơn.

Thí dụ Demi Moore và Bruce Willis khi còn ở với nhau, có với nhau 3 con gái. Cả ba đều được đặt cho những cái tên hết sức kỳ lạ. Rumer, Scout và Tallullah.

Hình như các diễn viên điện ảnh hay làm như thế nhất: đặt cho con cái những cái tên quái đản như vậy.

Dakota, tên một bộ lạc da đỏ cũng thấy được đặt cho nhiều người.

Tennesee Williams là tên của một nhà soạn kịch Hoa kỳ.

Keanu Reeves là tên một diễn viên điện ảnh. Oprah là tên một phụ nữ có một chương trình talk show rất nổi tiếng và rất ăn khách.

Cher là tên một ca sĩ.

Ice T hay trà đá (iced tea) là tên một ca sĩ nhạc Rap.

Snoopy Dog cũng là tên một ca sĩ nhạc Rap.

Một thám tử tư chuyên lùng bắt những tội nhân tại đào tự nhận mình là tài giỏi như ông trời, định lấy tên là God nhưng sau đó thấy kỳ, liền viết ngược chữ God thành Dog, là chó, để dùng làm biệt hiệu luôn.

Gwynette Paltrow đặt tên con gái đầu lòng là Apple. Còn bé thì tên Apple rất hay. Nhưng lớn tuổi mà lại mang tên là bà Táo thì sao tiện?

Con gái một giáo sư dậy Phật giáo Tây Tạng, giáo sư Robert Thurman được đặt là Uma Thurman. Cô trở thành một diễn viên nổi tiếng nhưng tên của cô bị David Letterman lôi ra diễu mãi trong buổi lễ phát giải Oscar cách đây mấy năm. Uma trong tiếng Phạn nghĩa là nữ thần ánh sáng. Nhưng mấy ai biết được cái nghĩa đó.

Những trường hợp như thế không ít.

Người Mỹ da đen hay đặt tên Tây cho con cái vì nghĩ là người Pháp không đem họ từ Phi châu sang làm nô lệ . Họ đặt cho con tên Tây mà không dùng tên Anh, tên Mỹ như một cách phản đối, chống lại những người đưa họ từ Phi châu sang sống đời nô lệ ở Bắc Mỹ. Những tên như Rene, Michelle, Josephine, Claude đầy rẫy trong thành phần người da đen.

Nhưng sau cuốn tiểu thuyết Roots của Alex Haley viết năm 1976 kể chuyện một người đàn ông Phi châu bị bắt bán sang Mỹ, thì lại có một phong trào đặt tên cho con cái những cái tên Phi châu. Hết Kunta Kinte, nhân vật chính trong truyện Roots, người ta đặt tên con cái là Kenya, Kintasha, Tabisha...

Ấy là chưa nhắc đến những cái tên rất Ba Lan, rất Đức, Áo, Hung như Zbigniev, như Caspar, hai ông tai to mặt lớn trong chính phủ Carter và Reagan.

Hồi còn đi dậy tiếng Anh ở Washington, tôi dậy chung với một bà giáo người Mỹ. Trong lớp của bà toàn học viên người Việt, những người vưà từ trại tị nạn sang. Bà không đọc được tên của các học viên người Việt nên đặt cho mỗi người một cái tên Mỹ nào John, nào Robert, Dick, Tom... phụ nữ thì Mary, Suzy, Sandy, Rose…

Hầu hết đều chấp nhận việc làm của bà, và gọi nhau bằng cái tên mới đó. Duy có một người đàn ông xin với trường cho đổi sang lớp khác. Ông nói rằng tên Việt Nam của ông rất hay. Ông không muốn cái tên Johnny bà giáo đặt cho ông. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông và giúp ông đổi lớp.

Ông rất có lý.

Tại sao ông Zbigniew Brzezinski không bị bắt đổi tên rồi mới cho dậy chính trị tại đại học Harvard rồi lại được mời làm cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống Carter. Ông Caspar Weinberger thì được cho làm bộ trưởng quốc phòng mà ông học viên lớp ESL thì phải đổi tên cho nghe có vẻ Mỹ? Thế thì tại sao phải đổi tên thành Johnny, thành Dick, thành Tom?

Tại sao lại không giữ nguyên cái tên cũ như ông học viên lớp ESL cuả tôi?

Những cái tên Rumer, Tallullah, Scout, Dakota, Keanu... có ai cười đâu?

Thế nên nếu có cái tên Việt Nam đọc theo kiểu Mỹ xuyên tạc đi nghe giống như cái xe vận tải thì đã sao?
Truck cũng không sao hết. Đổi đi mà không xin phép các cụ, các cụ giận chết. Các cụ nghĩ mãi mới ra cái tên ấy, nỡ lòng nào quơ đại cái tên Mỹ vào cho mình?

Margot Hemingway, cháu nội của nhà văn Hemingway là một kiểu mẫu và diễn viên điện ảnh

Thôi thì cha mẹ đặt cho cái tên mấy chục năm trước có bao giờ hai cụ nghĩ một ngày nào đó con các cụ lưu lạc sang đến bên Mỹ này sống đâu nên các cụ không thắc mắc phải làm sao đọc cho dễ, và vì thế, đến nay tên tuổi cứ bị đọc thành ra cái xe vận tải thì có chán không.

Nhưng đổi thì nhất định không. Cứ giữ nguyên thế này.


Ngày 19 tháng 8 năm 2011

Bạn ta,

Mấy hôm trời nóng làm tôi nhớ những trưa hè hồi còn bé, những trưa hè trốn nhà vào Văn Miếu chơi, bắt những con chuồn chuồn ngô bằng cái sào dài bôi nhựa mít ở trên đầu.

Đó là mùa hè cuối cùng chúng tôi ở Hà Nội. Tội nghiệp những con chuồn chuồn. Chúng vô phúc bị bắt được là kể như chúng tới số. Một miếng giấy bằng ngón tay, xé một cái lỗ tròn nhỏ vừa đủ để luồn những cái cánh của chúng vào rồi thả cho bay như món đồ chơi không tốn tiền. Con chuồn chuồn chắc chắn sẽ chết dưới sức nặng của miếng giấy. Nó sẽ kiệt lực vì phải mang một miếng giấy quá nặng, không bay nổi nữa, sẽ rơi xuống đất, làm bữa sáng hay bữa trưa, bữa chiều cho những con chim sâu tinh mắt. Hay ban đêm, sương xuống, miếng giấy thấm nước sẽ nặng hơn, nó không cất cánh bay lên được nữa thì nhất định nếu không chết thì cũng lại làm mồi cho những con sáo mà chúng tôi thấy rất nhiều ở Văn Miếu.

Tóm lại, số mạng nó kể như đã an bài sau khi chúng bị chúng tôi bắt.

Người ta vẫn nói là cho những con chuồn chuồn ngô cắn rốn thì chủ của cái rốn sẽ tự nhiên không học, không tập, không ai dậy, cũng biết bơi.

Nhưng không một người nào tôi biết đã trở thành những ông Yết Kiêu, người đàn ông bơi lội giỏi đời nhà Trần lại biết bơi nhờ những cái hàm của những con chuồn chuồn.

Thế là chúng, những con chuồn chuồn cũng vẫn không trả thù được những đứa bé độc ác bằng những cú cắn rốn đó.

Chuồn chuồn cắn rốn để biết bơi chỉ là một trong những thứ huyền thoại của tuổi trẻ, như để phấn bướm rơi vào tai thì điếc trong khi thực ra, để chút phấn (?) hay chút son (?) dính vào vành tai, chứ chưa cần vào lỗ tai thì có người sẽ bị điếc tai khi về nhà với những hạch cùng hỏi.

Những con chuồn chuồn rất hiền lành, nó hình như không làm hại ai hết, thế mà nó suýt bị một môn sinh học làm thơ haiku của Ba Tiêu, một nhà thơ Nhật nổi tiếng về thơ haiku định xé nát ra để làm một bài thơ haiku.

Người môn sinh này nói rằng xé những cái cánh đi, con chuồn chuồn sẽ thành quả ớt. Ba Tiêu nói ngay rằng đó không thể là thơ haiku. Thơ haiku phải là gắn những chiếc cánh vào quả ớt đỏ thì chúng ta có con chuồn chuồn. Trong văn học, chỉ thấy một trường hợp như thế là con người tử tế với loài chuồn chuồn.

Nó không thỉnh thoảng làm khổ thế giới một trận như bọn cào cào, châu chấu, cũng không làm điếc ai như những con ve sầu cạ hai cánh vào nhau để tìm bạn bốn phương yêu cuồng sống vội trước khi ra đi sau vài ba tuần trên mặt đất.

Những con chuồn chuồn thật tội nghiệp. Chẳng bao giờ thấy nó đưọc các nhà văn nhà thơ cho được một hai câu thơ để vào văn học một chút.

Nguyễn Du chỉ nhắc đến nó có một lần để ví những cái cánh của nó với nét mỏng manh của số phận của Kiều:

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay
(411/412).

Tagore viết nguyên một tập thơ ngắn nhan đề đom đóm. Để nguyên con đom đóm đã hạnh phúc, đã được ghi trong truyện cổ của Trung Hoa là giúp cho người học trò tên là Trác Giận học hành trong những đêm không đèn. Nhưng con chuồn chuồn thì không, trong khi chúng là niềm vui của bao nhiêu đứa trẻ trong những mùa hè của tuổi thơ.

Nó xuất hiện trong có một câu tục ngữ và hai câu đồng giao. Câu tục ngữ thì cũng chẳng đúng được bao nhiêu về thiên văn, thời tiết: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Còn câu đồng giao kia thì cũng chẳng tử tế gì với nó:

Chuồn chuồn có cánh thì bay
Có thằng kẻ trộm thò tay bắt mày

Hai câu này không hề có ý cứu nó, mà chỉ để phá người bạn nhỏ đang rình túm lấy cái đuôi của nó, gọi người bạn là thằng ăn trộm và mong cho nó bay thoát để cho nguời bạn nhỏ tức chơi.

Hai câu đồng dao miền nam thì khác một chút, nhưng mục tiêu thì vẫn là để chọc giận người bạn nhỏ:

Chuồn chồn có cánh thì bay
Kẻo thằng bụng ỏng bắt mày đem bêu

Lâu lắm tôi không thấy những con chuồn chuồn.

Lũ con tôi ra khỏi nưóc từ khi còn bé. Ở bắc Mỹ thấy được nhũng con chuồn chuồn không dễ. Chúng lớn lên ở thành phố. Không có hồ ao, không có những cây lau mọc dưới nưóc, không có những buổi trưa, buổi chiều sắn quần lội xuống nước chờ bắt những con chuồn chuồn ớt cái bụng đỏ rực rỡ, những con chuồn chuồn kim, những con chuồn chuồn ngô cái đầu to hơn những hột bắp mà không một đứa trẻ nào ở Việt Nam lại không được hưởng cái thú bắt được những con chuồn chuồn này mang về chơi những trò độc ác với chúng.

Bỗng nhớ ông Bùi Giáng , người duy nhất tử tế với những con chuồn chuồn, thỉnh thoảng ông lại đem nó vào những bài thơ của ông:

Sầu riêng châu chấu năm xưa
Em về với ruộng cầy bừa đã xong
Em về rắc cỏ vào trong
Vui về với hội trổ đồng đồng xanh
Sầu riêng gác bỏ sau ghềnh
Năm xưa châu chấu mang tên chuồn chuồn

Tội nghiệp những con chuồn chuồn .


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY



Lãm Thúy, Quỳnh Anh và Bùi Bảo Trúc

(Bài số 110)

ENGLISH ON THE MENUS

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 110 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, bữa nọ Thúy dẫn các con đi ăn ở một tiệm trên đường X. Đọc tấm thực đơn của tiệm, cả ba đứa con của Thúy đều cười lăn lộn vì những cái tên viết bằng tiếng Anh của các món ăn. Chúng không thể hiểu những chữ tiếng Anh đó trong menu là những món gì. Thúy giải thích cho chúng bằng tiếng Việt thì chúng hiểu ngay. Thầy có gặp những tấm thực đơn như thế bao giờ chưa?

BBT

Có. Nhiều lần là khác. Tính tôi tò mò nên đến các tiệm ăn thì đọc hết cái menu mặc dù chỉ gọi có một món mà thôi. Cô cho biết món gì mà dễ sợ thế?

LÃM THÚY

Thưa thầy đó là món SHAKY BEEF. Chị Quỳnh Anh đã thử món này bao giờ chưa?

QA

Không biết đó có phải là món bò lúc lắc không Thúy? Ông thầy gọi món này bao giờ chưa? Và thưa anh, tại sao lại có cái tên ấy?

BBT

Tôi nghĩ cái tên này xuất hiện đã lâu lắm. Tôi thấy nó ở một tiệm ăn ở miền đông từ mười mấy năm trước. Tại sao lại có cái tên ấy? Tôi nghĩ người dịch tấm menu ấy tra tự điển Việt Anh , tìm chữ "lúc lắc" hay chữ "lắc", thấy động từ TO SHAKE, SHOOK, SHAKEN là lắc như TO SHAKE HANDS là bắt tay, rồi cạnh đó là SHAKY là run rẩy, lúc lắc, không vững, không chắc và dùng SHAKY đặt đằng trước chữ BEEF là thịt bò để thành SHAKY BEEF.

Trong khi lúc lắc tiếng Việt là cục xí ngầu, quân súc sắc, tiếng Anh là DIE, số ít và DICE là số nhiều. Động từ TO DICE là đổ súc sắc, đổ xí ngầu, hay thái hột lựu, thái thành những viên hình vuông như những quân súc sắc. Từ đó, chúng ta có DICED STEAK coi bộ hợp lý hơn là SHAKY BEFF. Nhưng sau khi nó xuất hiện trong những cái menu khắp miền đông qua tới miền tây nước Mỹ, quán này chép lại menu của quán kia, thì người Mỹ cũng chịu thua, đành phải gọi nó là SHAKY BEEF và nay, vào internet, cứ tìm SHAKY BEEF là có ngay món VIETNAMESE BEEF DISH, lại còn được chỉ luôn cách để làm món này nữa.

LÃM THÚY

Thúy giảng cho mấy con rằng đó chỉ là món BÒ LÚC LẮC thì chúng hiểu ngay là món mẹ chúng cũng từng lâu lâu trổ tài nấu nướng ở nhà. Dịch như thế, thực khách My như mấy đứa Mỹ con, con của Thúy chịu thua không thể hiểu được thì dịch làm gì cho mất công?

QUỲNH ANH

Thưa anh, QA còn thấy trong thực đơn của một tiệm ở Garden Grove món FILET MIGNONNE. Đặc biệt trên chữ "N" còn có dấu "~" cho giống tiếng Tây Ban Nha nữa.

BBT

MIGNONNE không phải là tiếng Tây Ban Nha, mà là tiếng Pháp. Chủ nhân nhanh nhẩu đoảng thật thà hư nên cho thêm dấu "~" trên chữ "N" giữa chữ "G" và chữ "O" nên mới thành chuyện. Đúng ra phải viết là MIGNON mới đúng. MIGNONNE là xinh xắn, là CUTE trong tiếng Anh, là tiếng gọi nghĩa là cục cưng xinh xắn của … tui ơi như trong bài thơ của Pierre de Ronsard, một nhà thơ Pháp sống thời thế kỷ XVI nhan đề Gửi Cassandre, A CASSANDRE với hai câu đầu là: MIGNONNE, ALLONS VOIR SI LA ROSE/ QUI CE MATIN AVOIT DESCLOSE… Em cưng ơi, hãy ra đây cùng xem bông hồng sáng nay vừa nở…

Vậy thì khi vào tiệm ăn, nên gọi FILET MIGNON thay vì FILET MIGNONNE, rắc Maggie, sauce A-ONE và quệt mù tạc vào ăn cho cơ thể tích lũy thêm một ít cholesterol… cho đủ bộ.

LÃM THÚY

Cô bạn của Thúy một bữa cho xem một tấm thực đơn mà cô xin được ở một tiệm ăn vùng San Francisco có món NAKED SAVORY RICE BALLS, Thúy đọc mà cứ rụng rời chân tay ra. Đố thầy biết món ấy là món gì.

BBT

Tôi đoán thôi nhé. NAKED là khỏa thân, là trần truồng, là không mặc quần áo. Tôi ngạc nhiên tại sao trong tiệm ăn lại có món đòi thực khách phải khỏa thân mới ăn được. Nhưng tôi đoán đó phải là một món có chữ "trần" thì mới có tĩnh tự NAKED đi trước. Có phải "bánh ít trần" không?

LÃM THÚY

Thưa đúng.

BBT

Trong một tấm thực đơn khác tôi thấy là người dịch tên các món của tiệm sang tiếng Anh thì năm ba lần cứ đụng món hủ tiếu là lại dùng chữ "ALIMENTARY" trong khi chữ này chỉ có nghĩa là ruột, thực phẩm, hay liên quan đến thực phẩm, tiêu hóa vân vân. Tôi nghĩ mãi về chữ này mà vẫn không tìm ra được một cách giải thích nào thỏa đáng cho việc dịch món hủ tiếu là ALIMENTARY. Phải chi còn cụ Vương Hồng Sển chắc phải lặn lội đi tìm cụ để xin hỏi cụ, may ra cụ cười một trận đã đời xong rồi mới giảng nghĩa được. Thí dụ SHRIMP ALIMENTARY nhà hàng dịch từ những chữ hủ tiếu tôm cá, hay PORK ALIMENTARY là hủ tiếu xá xíu. Tất cả các chữ hủ tiếu đều được dịch thành ALIMENTARY. Hay là người dịch đụng chữ hủ tiếu, đọc lầm là HỦ TIÊU, rồi nghĩ TIÊU là tiêu hóa nên dùng ALIMENTARY? Nhưng vẫn chưa ly kỳ bằng, cũng vẫn trong tấm thực đơn ấy, hễ cứ món nào có huyết ở trong thì bao giờ cũng được dịch là BLOOD CELL nghĩa là tế bào máu. Người Mỹ đọc tên món này lên, biết còn ai dám ăn nữa hay không?

QA

Bữa nọ, có người gửi cho QA qua e-mail bản chụp tấm thực đơn của một nhà hàng ở Việt Nam làm mấy đứa con của QA được một trận cười nghiêng ngửa không biết thầy có được đọc tấm menu Anh Việt đó hay không?

BBT

Có, đó là thực đơn song ngữ của một nhà hàng ở Quảng Trị tên là Phúc Quang nằm trên đường Hùng Vương nối dài. Người yếu bóng vía không nên đọc tấm thực đơn này. Tôi nghĩ đầu óc phải méo mó lắm và hài hước lắm may ra mới lơ mơ hiểu được những chữ này.

Thí dụ món DÊ HẤP XẢ ỚT được dịch là INTERESTING SOCIAL GOAT. Tại sao lại có SOCIAL nghĩa là thuộc về xã hội trong món này? Tôi chắc vì chữ XẢ, mà người dịch tưởng là do chữ "XÃ" … HỘI nên lôi chữ SOCIAL vào đứng bên con dê cho vui. Nhưng còn INTERESTING nghĩa là hay, lý thú tại sao lại đứng đó? Chắc vì INTERESTING còn có nghĩa là "hấp dẫn" nên món DÊ (GOAT) HẤP (INTERESTING) XẢ (SOCIAL) mới được dịch như thế. Món DÊ TÁI CHANH được dịch là FINANCES GOAT chắc người dịch mắt mũi lờ mờ đọc TÁI CHANH thành TÀI CHÁNH nên phang chữ FINANCES là tài chánh vào cho tiện. NGỌC DƯƠNG TIỀM THUỐC BẮC được dịch thành NGOC DUONG POTENTIAL MEDICINE. Tiềm được người dịch hiểu là tiềm năng, tiềm tàng nên dùng chữ POTENTIAL để dịch. Món GÀ ÁC được dịch là CHICKEN EVIL vì EVIL nghĩa là độc ác. Còn món GÀ ÁC TIỀM THUỐC BẮC dịch sang tiếng Anh … Quảng Trị thành CHICKEN POTENTIAL BAD MEDICINE vì BAD cũng có nghĩa là độc ác, xấu xa… Ai dám liều mạng và gan cùng mình để ăn món có BAD MEDICINE này?

Món CÁ LÓC UM MĂNG được dịch thành PERSONAL UM CEMENT vì người dịch hiểu "CÁ" là cá nhân nên dịch là PERSONAL. UM thì người dịch chịu thua bèn để nguyên. MĂNG, theo người dịch, là từ danh tự xi măng mà ra (?) nên dịch là CEMENT. Món cá này ăn chắc rụng răng, trẹo quai hàm mất thôi.

Nhưng hay nhất là món DƯA BAO TỬ CHẤM MUỐI. Mời cô QA đọc tấm menu mà cô có xem nó là món gì trong tiếng Anh Quảng Trị đây…

QA

QA thấy ghi là MELON STOMACH DOT SALT. QA hiểu MELON là dưa. STOMACH là bao tử. SALT là muối nhưng DOT là gì, tại sao lại đứng đó?

LÃM THÚY

Thúy hiểu. Trong các địa chỉ ở internet, người ta thường viết ở cuối là YAHOO . COM, chúng ta quen đọc là YAHOO DOT COM. Trong nước người ta đọc là YAHOO CHẤM COM. Có phải vì thế mà CHẤM MUỐI thành DOT SALT không thầy?

BBT

Chịu cô Thúy. Tức cười nhất là món DỒI TRƯỜNG CHẤM RUỐC được dịch là INSTITUTION DOT RUOC trong khi INSTITUTION là cơ chế, qui chế, cơ sở, trường học, học viện. Thì ra người dịch dùng nghĩa nhà trường của danh tự INSTITUTION, để dịch chữ TRƯỜNG trong DỒI TRƯỜNG nên mới ra cơ sự.

QA

Thưa anh, tiếng Anh dẫu sao cũng là tiếng người ta, có sai thì cũng thông cảm được. Nhưng tại sao những cơ sở này không nhờ những khách người Mỹ đến ăn ở tiệm giúp sửa chữa lại những chữ tiếng Anh mà cứ để nguyên những sai sót đó? Ở Quảng Trị cũng thiếu gì du khách ghé ngang để thăm Khe Sanh, sao không nhờ họ đọc hộ cái menu tiếng Anh rồi nhờ sửa ?

BBT

Thưa cô, người được nhờ hay thuê dịch đời nào nhận là mình sai sót. Cơ bút thần thánh đã giáng xuống thì cứ để nguyên đó cho … tôi! Không có sửa sang gì hết. Tiếng Anh đã thế, tiếng Pháp cũng thê thảm không kém. Ở quận Cam có một nhà hàng mà tôi nghĩ chủ nhân muốn đặt cho nó cái tên Tây cho … sang, nhưng lại viết sai, viết thừa một chữ để thành BISTROT. Trong tiếng Pháp, BISTRO không có chữ "T" ở cuối.

Cũng liên quan đến tiếng Pháp, một nhà "truyền thông" nọ đọc cái quảng cáo trên đài phát thanh đã đọc tên của một thứ bánh là PA-TÊ CHAU có thể vì chưa bao giờ được thưởng thức món PATÉ CHAUD chăng. Một người khác thì đọc FILET MIGNON thành phi lê MI NHON.

LÃM THÚY

Tiếng Việt lưu lạc sang Mỹ cũng chung số phận. Thúy đọc được vài ba món viết bằng tiếng Việt mà cứ sững người ra. Thí dụ món BÒ NƯỚNG và BÒ NƯỚNG LÁ LỐP, đáng lẽ là BÒ NƯỚNG VỈ và BÒ NƯỚNG LÁ LỐT mới đúng. Món cù lao thì đọc thành món LẪU với dấu ngã (~) trong khi các tự điển tiếng Việt đều viết với dấu hỏi.

BBT

Mấy năm trước, tờ Far Eastern Economic Review trong mục Travellers’ Tales có đăng một bức ảnh của một độc giả chụp tấm bảng hiệu của một tiệm ăn ở Việt Nam tên là MỸ DUNG. Bức ảnh cho thấy nguyên cả ba chữ MY DUNG RESTAURANT. Chắc các độc giả Anh và Mỹ lấy làm lạ lắm không biết tiệm bán những món ăn gì mà lại mang cái tên kỳ lạ đó. DUNG là … phân thú vật. MY DUNG là … của tôi, chủ tiệm.

QA

Thưa anh, đâu phải là chỉ ở Việt Nam mới có cái tên như thế. QA biết là ngay ở California, ở phía bắc Los Angeles cũng có một tiệm ăn tên là MỸ DUNG. Khổ một nỗi là người Mỹ mấy ai đọc được chữ MỸ, phát âm đầy đủ cả dấu ngã (~) nên rủ nhau đi ăn ở MY DUNG thì ai mà dám.

LÃM THÚY

Trước đây ở gần khu Phước Lộc Thọ còn có một tấm bảng quảng cáo cho một phòng mạch y sĩ viết có bốn chữ thì sai mất ba, thay vì BÁC SĨ NHÃN KHOA thì viết thành BẤC SỈ NHẨN KHOA. Một cơ sở chủ nhân là người có học mà còn treo tấm bảng đầy lỗi chính tả Việt Nam như thế thì trách gì những tấm menu viết bằng thứ tiếng Anh như vậy.

QA

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.