November 16, 2011

November 18, 2011

Ngày 14 tháng 10 năm 2011

Bạn ta,

Ông Tú Xương có thể là một tay tài tử, lịch lãm chuyện đời nhưng đối với bà nhà, ông là một người đàn ông vô tích sự, thái vô ích như ông đã nhận.

Ông nhận là ông ăn lương vợ, tức là được vợ nuôi. Thưng đấu nhờ tay bà Tú, để mặc bà Tú thân cò lặn lội bờ sông… ông thì nay hàng Thao, mai phố Giấy, mấy ngón xuyên tâm, lạc nhạn ông đều sành, đều giỏi. Bà đẻ cho ông mấy ông con trai tên Uông, tên Bái, tên Bột, tên Bành, giá ông không khai ra, chẳng ai biết. Bà Tú cũng là con gái nhà dòng (dõi), nhưng lấy chồng kẻ chợ, tiếng có, miếng không. Có lần ông phải nhận là ông ăn ở bạc có chồng (như ông), hờ hững cũng như không.

Mà ông Tú, thực ra không phải là trường hợp duy nhất. Một người đàn ông khác cả nước Việt Nam coi là vĩ nhân, một nhà đại cách mạng hy sinh mọi thứ trên đời để cứu nước, cũng lại là một người đối với vợ không được tốt lắm.

Ðó là cụ Phan , ông già bến Ngự như chúng ta vẫn gọi một cách yêu quí.

Cụ Phan chữ nghĩa đầy mình, thủ khoa thi Hương năm Canh Tí, viết lách sách đầy một kho, vậy mà cụ chẳng nhắc (các) cụ bà một câu trong những cuốn sách cụ viết. Người ta chỉ biết cụ ông lập gia đình hai lần, một lần đầu năm cụ 22 tuổi với bà Thái Thị Huyên hơn cụ 3 tuổi. Vì cụ bà chậm có con, cụ Phan lập gia đình một lần nữa với bà Nguyễn Thị Em . Về sau, cả hai bà đều sinh con trai cho cụ.

Rồi cụ ông ra đi biền biệt để lo chuyện cứu nước. Năm 1905, cụ Phan làm giấy li dị cả hai cụ chánh thất và thứ thất để khỏi gây phiền toái cho gia đình. Hai cụ bà có chồng mà như góa, sống cạnh nhau cho đến lúc chết, trước cụ ông có vài năm.

Cuối năm 1925 khi cụ Phan bị người Pháp giải từ Hà Nội vào Huế, ngang qua Nghệ An, chỉ có một mình cụ bà chánh thất Thái Thị Huyên được đến gặp cụ ông được chừng nửa tiếng đồng hồ.

Các sách vở viết về cụ Phan không đưa ra được thêm chi tiết nào khác về hai cụ bà. Cháu nội của cụ là Phan Thiệu Cơ cũng không có được bức ảnh nào của hai cụ bà. Thế là hai người đàn bà với những đóng góp không nhỏ cho cuộc đời cách mạng của cụ ông ngày nay không ai biết được bao nhiêu.

Phải chi mà bà Tú Xương, người con gái họ Phạm ở Lương Ðường, Hải Dương, thuộc một gia đình có nhiều người khoa bảng mấy đời, chịu khó ngồi xuống viết lại hồi ký đời mình, in ra cho người sau biết thì hay biết mấy. Rồi hai cụ Thái Thị Huyên, Nguyễn Thị Em, chánh thất và thứ thất của cụ Phan Bội Châu viết ra hai tập hồi ký thì người Việt chúng ta ngày nay đã có thêm được những tài liệu quí giá về sự nghiệp cách mạng của cụ Phan.

Các cụ đều đã không làm chuyện đó. Cũng chẳng viết lại dăm ba điều cho các con các cháu đọc với nhau (trong bếp) để biết về chuyện tình của các cụ, những hy sinh của các cụ bà, những đóng góp của hai cụ cho sự nghiệp cứu nước của cụ Phan và cho văn chương của ông Tú.

Hồi ấy, nếu các cụ bà viết xuống, đem xuất bản, lại tổ chức ra mắt sách dềnh dang, kêu gọi các cụ bạn buôn bán ở mom sông, ở bến sông Nam Ðịnh, hoặc các cụ ở cùng quê ra Hà Nội hay ra Huế tổ chức ra mắt sách, nhờ vài ba diễn giả khác lên nói về công lênh, sự nghiệp, nhan sắc của các cụ, viết báo khen các cụ đẹp (?) nhặng xị lên để cho buổi ra mắt sách thêm xôm tụ, lại thêm màn tặng hoa cho các tác giả (?), kèm trò phụ diễn vài ba bài hát nói cho các cụ ông gõ trống trầu tong tong rồi đến lượt các tác giả lên giả bộ khiêm tốn rằng nào có muốn viết bao giờ đâu, chuyện ra mắt cũng là vì mấy cụ buôn bán ở mom sông bầy vẽ ra nên phải miễn cưỡng làm một buổi ra mắt sách đấy chư vân vân và vân vân.

Nhưng có thể các cụ khiêm tốn thật nên chỉ nhiều lắm là kể chuyện đời cho mấy người con nghe ở trong bếp mà thôi nên mới không có hồi ký.

Cụ Phan , đến lúc cuối đời mới nói với các con biết về cụ thứ thất Nguyễn Thị Em và ghi lại trong đôi câu đối:

Có chồng mà ở góa, mấy chục năm tròn, ơn trời gặp hội đoàn viên, vội bỏ đi đâu, trao gánh nặng về phần chị cả.

Vì nước phải liều mình, biết bao bạn cũ, cõi Phật đưa lời trân trọng, thiêng thời phải gắng, chung lòng hăng hái với thầy tôi.

Chuyện hai cụ bà hy sinh hạnh phúc để cụ ông rảnh tay lo việc lớn đã được cụ ông kể rằng hai cụ chánh và thứ thất đều biết nhưng chưa từng hé răng một lời. Khi gặp cụ ông ở Nghệ An được nửa tiếng, cụ chánh thất chỉ nói: "Vợ chồng ly biệt nhau hơn hai mươi năm, nay chỉ được một lần giáp mặt Thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ đây trở về sau, chỉ trông mong Thầy giữ được lòng Thầy như xưa. Thầy làm những việc gì mặc Thầy, Thầy đừng phiền nghĩ tới vợ con." Khi cụ chánh thất qua đời ngày 21 tháng 5 năm 1936, cụ Phan làm đôi câu đối này để khóc cụ bà:

Tình cờ động khách năm châu, hơn ba mươi năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, nuốt đắng ngậm cay tròn đạo mẹ.

Khen khéo giữ gìn bốn đức, gần bẩy mươi tuổi sống đau hơn thác, thôi về mau cho khỏe, đền công trả nợ nặng vai con.

Cả ba người đàn bà kể trên đều là nhứng phụ nữ phi thường, và ai cũng biết điều đó, mà cả ba người đều không thèm viết hồi ký để ra mắt sách bao giờ cả.

Có lẽ người xưa in sách khó hơn bây giờ chăng? Hay là tại các cụ có quá nhiều khiêm tốn? Trong khi những hy sinh của các cụ thì to lớn biết là bao!

Mà như thế thì ra mắt sách, viềt hồi ký làm quái gì.

Tôi nhớ một câu của Andy Warhol: Everyone is entitled to be world famous for 15 minutes. Ai cũng có quyền nổi tiếng trong 15 phút.

Mà 15 phút cũng rất cần thiết với một số người.

Hay vì cụ ông có lần dẫn hai câu thơ của Tùy Viên, một nhà thơ văn chương lỗi lạc của Hàn Lâm Viện Thanh triều : "Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch / lập thân tối hạ thị văn chương "(Công ở non sông duy trúc bạch / thân nhờ bút mực quá hèn trai) rồi các cụ bà bỏ không thèm viết hồi ký, làm văn chương nữa?


Ngày 15 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Tuy đứng cùng một phe với Mussolini trong những năm đệ nhị thế chiến, nhưng không bao giờ Hitler dành cho Mussolini và nước Ý của ông trùm Phát Xít này một chút nể trọng nào.

Nước Ý của Mussolini, theo Hitler, có quyển sách mỏng nhất thế giới trong đó ghi tên các anh hùng, dũng tướng, trong khi quyển sách dầy nhất thế giới, lại là cuốn sách ghi những chuyện tình ái của người Ý, đàn ông cũng như đàn bà. Theo Hitler, mấy cậu người Ý chỉ giỏi chuyện trai gái, đến lúc ra trận thì dở ẹc, dở nhất thế giới.

Nhưng Hitler thực ra cũng không ngoa ngôn quá lắm khi nói như thế. Người Ý quả là có huê tình, có phong nguyệt thật. Bé nứt mắt ra mà đã giỏi thì như Romeo và Juliet. Già mà vẫn đại phong tình thì như Giovanni Giacomo Casanova De Seingalt.

Trò phong tình của người Ý còn lan sang cả những thứ trên người của họ: thời trang, quần áo, xe hơi... Tất cả những thứ cần thiết để phục vụ đời sống tình ái, người Ý đều giỏi. Các studio nổi tiếng nhất thế giới về vẽ kiểu quần áo, ca vát, đồng hồ, xe thể thao đều ở nước Ý. Các hãng Ford và Volkswagen đều đã phải nhờ studio Ghia của Ý vẽ kiểu xe Mustang và Karman chẳng hạn.

Thế thì người Ý chắc phải giỏi trò tán nhau lắm. Không thế mà bao nhiêu phụ nữ Mỹ phải lũ lượt đi sang Ý cho đàn ông Ý cấu đít ở ngoài đường, trên xe bus, xe điện... cho bõ những ngày cơ cực.

Nhưng có thể nào nước Ý ngày nay đang trên đà đi xuống sau những lúc hưng thịnh nhất về tình ái đó chăng? Có thể nào trò huê tình của người Ý cũng cùng một số phận tàn phai, sụp đổ tan tành như đế quốc La Mã sau khi đã lên đến tột đỉnh của văn minh không?

Người ta có thể nghĩ vậy khi biết là ở La Mã hiện nay, rất nhiều đàn ông đang phải ghi tên, đóng tiền đi học những lớp dậy tán tỉnh, quyến rũ, rù quyến phụ nữ. Học phí cho một khóa hai ngày là 400 ngàn Lira, tương đương với gần hai trăm đô la Mỹ và trường dậy đã có khá nhiều học viên đủ mọi loại tuổi, từ 19 đến 60 tuổi, nhưng hầu hết là hạng tuổi ba mươi, bốn mươi.

Các học viên được dậy những gì thì bản tin tôi đọc được của Reuters không nói rõ. Lớp sẽ do các giảng viên như thế nào phụ trách, giờ thực tập các học viên sẽ phải làm gì, và có bài tập làm ở nhà (homework) không, và bài tập đó là gì?

Ðó là những điều nhiều người muốn biết, mà không biết hỏi ai, chẳng lẽ ném ra hai trăm Mỹ kim để thỏa mãn tính tò mò. Nhưng bản tin có thể làm cho nhiều người cảm thấy tự tin hơn. Giỏi có tiếng như người Ý mà cũng còn phải đi học huống chi mình. Có bị ngúng nguẩy, xí, nguýt cho một cái thật dài, rồi bỏ đi thì cũng chẳng sao. Tắt đèn làm lại cho đến khi một tay túm được tóc, tay kia vác cái chầy vồ, kéo về hang đá là xong.

Seduction, là môn dậy của các lớp học này. Seduction không chỉ là tán tỉnh (court), mà còn tiến xa hơn thế nữa. Tán tỉnh là mới đứng ở bờ suối, chờ con hươu đến uống nước để bắn và trong khi chờ đợi, thì thả lời ong bướm, khen chị rằng chị có đôi chân ít lông, tóc dính mỡ lợn trông đẹp ác, cái mũi đeo cục xương xuyên giữa hai lỗ mũi trông sexy chết được. Trò này đã có từ thời đồ đá khi tổ tiên chúng ta vừa rời những cái ổ trên cây bước xuống đồng bằng săn bắn, kéo nhau vào hang đá để ở. Mấy chục ngàn năm trước là như thế.

Bây giờ có hơi khác một chút.

Cái chầy vồ không còn lúc nào cũng vác theo nữa. Và thay vì túm tóc kéo về, thì mời leo lên cái SUV. Thay vì quăng về phía góc hang đá nàng đang ngồi miếng thịt hươu còn rỏ máu vừa cắt bằng cục đá lửa có cạnh sắc, thì trước mặt là miếng filet mignon, hai ly đỏ, tiếng vĩ cầm bài Fascination...

Chắc mấy lớp học ở La Mã dậy cũng bài bản như vậy là cùng. Carlo Della Torre, một trong những giảng viên của lớp học này nói rằng seduction dựa trên khung cảnh khoảng 60%, dựa trên đương sự làm công việc tán tỉnh quyến rũ khoảng 30% và đối tượng chỉ 10%. Như vậy, khung cảnh quan trọng nhất. Không thể giữa trưa nắng lôi nàng vào quán hủ tiếu, gọi bình trà Hai Con Cua, đánh vật với cái dầu cháo quẩy vừa dai vừa nhạt thếch rồi, cầm tay nàng mà tỏ tình được. Ít ra cũng phải cái quán ngó xuống biển đêm lấp lánh bạc, tiếng sóng vỗ trong kè đá, thoảng chút gió lùa qua những chiếc cửa kính ở bờ biển La Jolla hay gần cầu Kim Môn ở Cựu Kim Sơn...

Còn 30% kia thì phải sạch sẽ một chút, đừng có hà tiện nước hai ba tuần mới tắm một lần, tóc tai như mấy anh Cro Magnon trong hang mới bò ra.

Còn 10% kia thì cứ là Cindy Crawford, là Sharon Stone, là Củng Lợi là được.

Ôi nếu như thế thì cớ gì phải sang tận nước Ý, chi hai trăm đôla mà làm gì? Cứ làm đúng vài ba điều ở trên là đứa nào cũng chết. Hay tại đàn bà Ý hồi này quá khó chịu nên mới cần phải một khóa học như thế? Hay là những cú cấu đít của đàn ông Ý không còn ăn khách nữa?


Ngày 16 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Trong một số Playboy, tôi đọc được một câu có thể dùng để phá tan tất cả các bức tường băng bất kể bề dầy ở mức độ nào, hữu hiệu còn hơn cả những chiến lược mà Tây phương đã dùng để kéo sập bức tường Berlin, chấm dứt giai đoạn chiến tranh lạnh hồi cuối thập niên 80.

Nhân vật chính trong truyện ngắn, tôi nhớ hình như là của John Updike, có một cách làm quen, bắt chuyện lần nào cũng thành công, mà lần nào chàng cũng chỉ dùng có câu: You smell so good... what is it?

Giản dị hết sức. Nửa đầu khen một cái đã. Nửa sau bắt đương sự phải trả lời, để sau đó, đẩy đưa câu chuyện. Mà thường thì đương sự trả lời ngay. Lý do là vì vừa được khen, đang còn sung sướng chết ngất, bị hỏi thêm một câu về cái nguyên do làm phát sinh ra lời khen đó thì phải trả lời chứ: Cô/ bà thơm lắm... mùi gì vậy?

Câu trả lời là cái tên của loại nước hoa. Aria, hay Contradiction, hay Allure... Rồi sau đó, là những chuyện khác nữa cứ từ tốn kéo ra. Lần nào nhân vật trong truyện ngắn đó của Updike cũng thành công rực rỡ.

Nhưng bây giờ, có thể lối khai mở đó sẽ không còn thành công nữa.

Khen thơm phức thì được. Nhưng hỏi mùi gì thì chưa chắc đã được trả lời. Nếu đó là thứ nước hoa không bán ở ngoài tiệm, nếu đó là thứ nước hoa được pha chế riêng cho người đang xức nó. Người bị hỏi có thể sẽ quay lại quăng ra mấy câu hỏi liên tiếp: Tại sao muốn biết? Biết làm gì? Muốn mua hả? Mua cho ai? Không nói được.

Cuộc đối thoại chấm dứt. Nhân vật của John Updike sẽ cứng họng, chịu thua không sao cứu vãn được tình hình.

Và nếu người có mùi nước hoa kỳ lạ đó muốn chia xẻ cái mùi được đặc biệt pha chế riêng cho nàng, nàng sẽ phải viết xuống giấy, ký tên cho phép như một tác giả bảo vệ tác quyền của mình, thì người kia mới mua được. Những chi tiết quái đản này tôi vừa được biết khi đọc được trong Internet một bài viết về những loại nước hoa được pha chế riêng đang được nhiều khách hàng chiếu cố.

Xức một mùi nước hoa mà được nhận ra cũng có thể sung sướng lắm chứ. Như trong phim Scent Of A Woman, đoạn Al Pacino trong vai đại tá khiếm thị Frank Slade ngửi và nhận ra, nói đúng tên của mùi nước hoa người phụ nữ trẻ lần đầu tiên ông gặp trong quán ăn. Nhưng trong một sở làm, ba bốn chị một hôm cùng rú lên vì thấy mấy chị kia cũng dùng một thứ nước hoa mua ở Nordstrom như mình thì không có gì vui hết. Và đó là lý do phải đi kiếm một mùi đặc biệt không ai có cho khỏi tức cái...mình.

Các phụ nữ có vẻ rất đồng ý với chuyện này, và công việc làm ăn của Sarah Horowitz, pha chế những mùi nước hoa theo yêu cầu của khách hàng, có chiều hướng đi lên. Nhưng với những cái giá khá cao, khoảng gần $300 cho mỗi 1/4 ounce perfume oil, người ta chưa thấy được cái ngày ai cũng một mùi riêng như tiên đoán của Internet.

Những người đàn ông có hai ba nơi để tặng nước hoa sẽ gặp vất vả. Mỗi nơi một mùi riêng có thể gây đủ mọi thứ phiền nhiễu cho các chàng. Không thể gửi hai ba nơi đó cùng một mùi, mùi Dona Karan trong cái chai rất kiểu cọ chẳng hạn. Hai ba cái nơi ấy sẽ đòi mỗi nơi một mùi thì phiền lắm. Làm sao hết cái mùi vừa chia tay ý thức hệ ở ga xe điện ngầm khi đến gặp cái mùi thứ nhì? Mà phụ nữ mũi tốt hơn đàn ông rất nhiều, đã tốt lại còn được chống đỡ bằng những miếng plastic thì phân biệt mùi chắc phải giỏi hơn. Lập tức chàng sẽ bị quay như ông Clinton bị hạch về Monica. Không thể cứ vung ngón tay, chối bay chối biến như ông Clinton được.

Vậy thì phải làm gì để thoát hiểm?

Vạn ứng Nhị Thiên dầu. Chai dầu Nhị Thiên Ðường chứ còn gì nữa. Vừa đánh át được cái mùi kia, vừa gây được thương cảm cho một người vừa trúng phải cơn gió độc, như bài học tôi học được của một trong những cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam, đại sứ P.Ð.L. lúc sinh thời mà tôi rất yêu quí.

Nhưng chai dầu này có thể sẽ bị dẹp, như tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách để ngăn không cho Hoa kỳ thiết lập một hệ thống phòng thủ chống phi đạn vậy. Lúc ấy, quần áo sực nức mùi phở lại là an toàn nhất...


Ngày 17 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ xuất bản năm 1992 ở Hà Nội có những cách định nghĩa rất kỳ cục, lại thêm rất nhiều sai sót, làm khó chịu những người khi có việc phải dùng tới nó.

Nhưng cũng có những trường hợp định nghĩa không kỳ cục, không sai, nhưng hết sức là tức cười. Tức cười vì người soạn từ điển không theo một lối, một qui ước về định nghĩa nào.

Thí dụ về những giống thú, khi định nghĩa, thì phải cho biết nó thuộc về họ nào, những chi tiết về tầm vóc, cách sinh hoạt vân vân. Ðịnh nghĩa về hổ thì phải cho biết nó họ mèo, cao bao nhiêu, thân dài bao nhiêu, sống ở đâu, những vùng nào, sống thành bầy như sư tử hay sống một mình, kiếm ăn như thế nào, hiện đang bị đe dọa và có thể bị tuyệt chủng hay không vân vân.

Hôm trước, cần định nghĩa về loài sâm cầm, tôi dùng cuốn tự điển này thì được đọc một định nghĩa chưa bao giờ thấy trước đây ở bất cứ một cuốn tự điển nào.

Một định nghĩa bình thường thì có thể sẽ như thế này: chim sống ở ao, sông, hồ thuộc họ vịt; chim trống sải cánh có thể tới 60cm chim mái nhỏ hơn, ăn tạp, ưa nước, không thuận khí hậu lạnh vân vân.

Nhưng ở trang 839, người ta đọc được những giòng nguyên văn như thế này để giải thích hai chữ sâm cầm: chim sống ở nước, lông đen, mỏ trắng, sống ở phương Bắc, trú đông ở phương Nam, thịt ngon và thơm.

Nhà làm từ điển trong khi không cho biết những chi tiết như kích thước, tầm vóc, cách sinh hoạt để người đọc có được một hình ảnh rõ hơn về giống chim này thì lại cung cấp những chi tiết hoàn toàn không cần thiết và thích hợp. Những chi tiết không cần thiết và không thích hợp trong định nghĩa của sâm cầm là "thịt ngon và thơm".

Ðang mô tả, đang định nghĩa loài chim thấy khá nhiều ở Hồ Tây ngoại thành Hà Nội, chàng lôi tắp nó xuống bếp cắt tiết, đánh đĩa tiết canh, thịt thì luộc, cổ cánh đem băm nấu canh. Nên chua thêm "thịt ngon và thơm" vào định nghĩa.

Làm từ điển mà tham ăn như vậy thì xấu quá. Mà nhà làm từ điển này lại là người rất hay ăn. Cái tật hay ăn của chàng được thấy khá nhiều lần trong cuốn từ điển. Thí dụ chàng định nghĩa gà đồng: ếch, nói về mặt thịt ăn được và ngon (trang 370). Hay rươi: giun đất, thân có nhiều tơ nhỏ, sinh theo mùa, ở vùng nước lợ, có thể ăn được(trang 827). Hay ếch: loài ếch nhái không đuôi, thân ngắn, da trơn sống ở ao đầm, thịt ăn được (trang 367). Hay trứng lộn: trứng vịt, trứng gà đã ấp dở, bắt đầu thành hình con, dùng để luộc làm món ăn (trang 1037). Hay măng: mầm tre, vầu non mới mọc từ gốc lên, có thể dùng làm thức ăn (trang 614). Hay mực: động vật ở biển, thân mềm, chân ở đầu và có hình tua, có túi chứa chất lỏng đen như mực, thịt ăn được (trang 648). Hay thỏ: thú gậm nhấm, tai to và dài, lông dầy mượt, nuôi để lấy thịt và lông (trang 929). Hay mướp: cây trồng thân leo, hoa đơn tính mầu vàng, quả dài, dùng làm thức ăn (trang 649) và cùng trang, dưới 5 giòng, là mướp đắng... cũng dùng làm thức ăn...

Như thế, bất cứ gì, thực vật hay động vật, cứ ăn được là chàng cẩn thận ghi vào từ điển: ăn được, dùng để ăn, ăn ngon...

Những chữ kể trên (chưa có thì giờ tìm hết nhưng chắc phải còn nhiều) khi dùng Việt Nam Tự Ðiển của hội Khai Trí Tiến Ðức hay Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ, người ta không thấy cái ám ảnh ăn uống như trong cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Trung Tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ. Nếu có thêm chi tiết ăn được hay không, thì cũng là rất ít. Không nhiều như nhà làm từ điển tham ăn của Hà Nội.

Có phải vì những cuốn tự điển kia được soạn trong lúc các nhà làm tự điển được ăn uống tử tế và đầy đủ không?

Khi đói, dứt khoát là không nên làm từ điển, và càng không nên làm thơ. Làm thơ lúc ấy, thơ sẽ thối dễ sợ. Ông Tố Hữu thì biết rõ điều đó lắm.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 120)

THE IMPERATIVE MOOD

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 120 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 2 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Ðây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thúy muốn hỏi thầy IMPERATIVE MOOD là gì, có liên quan gì đến IMPERATIVE VERBS không?

BBT

IMPERATIVE MOOD là một trong BA CÁCH trong Anh ngữ (hai MOOD kia là IINDICATIVE MOOD và SUBJUNCTIVE MOOD) mà chúng ta dùng để ra lệnh, hay đưa ra một lời khuyên, hay một đề nghị, hoặc một lời mời, một chỉ dẫn. Vì thế, nếu gọi IMPERATIVE MOOD là MỆNH LỆNH CÁCH thì không hoàn toàn đúng. Lý do là vì IMPERATIVE MOOD không phải lúc nào cũng được dùng để ra lệnh.

Nhưng vì IMPERATIVE VERBS là những động từ chúng ta thường dùng để ra lệnh nên người ta cũng gọi chúng là BOSSY VERBS. BOSSY là do danh từ BOSS mà ra. BOSS là ông chủ, là cấp trên. Tĩnh từ BOSSY là hách dịch, có tính cách người trên đối với kẻ dưới. BOSSY VERBS là các động từ dùng để ra lệnh.

QA

Thưa anh, các động từ BOSSY VERBS này dùng như thế nào? Nó có các thì, tức là các TENSES như PAST, PRESENT, FUTURE, PERFECT và CONTINUOUS không?

BBT

IMPERATIVE MOOD không có những thì, những TENSES như QA vừa nói. Chúng ta không thể ra lệnh trong quá khứ được. Quá khứ đã qua, không ai có thể quay ngược lại thời gian để ra lệnh hay đưa ra những đề nghị, chỉ dẫn, yêu cầu trong quá khứ được. Thí dụ liên minh NATO không thể ra lệnh cho ông Qaddafi đầu hàng ngay sau cuộc biểu tình đầu tiên chống ông ta được vì nay ông đã chết rồi, quân nổi dậy đã bắn chết ông, và thời gian để có thể ra lệnh không còn nữa. Tuy nhiên, IMPERATIVE có thể hàm ý một mệnh lệnh hay một đề nghị trong tương lai. Thí dụ chúng ta có thể nói COME TO THE MEETING NEXT WEEK. Ðây là một gợi ý, một đề nghị cho tuần tới, nhưng mệnh lệnh, đề nghị vẫn là mệnh lệnh đưa ra vào lúc này, tức là thì hiện tại.

Dùng các động từ IMPERATIVE VERBS này như thế nào ư? Cứ dùng nguyên mẫu (INFINITIVE) của động từ , bỏ TO ở trước đi là chúng ta có ngay IMPERATIVE MOOD. Thí dụ HAVE SOME COFFEE WITH ME.

LÃM THÚY

Như vậy thì tất cả các động từ đều là IMPERATIVE VERBS có phải không thầy?

BBT

Không phải. Chỉ các động từ chỉ hành động mới có thể được dùng trong IMPERATIVE MOOD. Chỉ có các động từ chỉ ACTION mới có thể là các BOSSY VERBS hay IMPERATIVE VERBS mà thôi. Thí dụ các động từ như CAN, SHALL, MUST, MAY, WOULD, SHOULD … thì không là BOSSY VERBS. Chúng ta không thể ra lệnh cho người khác có khả năng này, có khả năng khác . Không thể nói CAN SPEAK JAPANESE là người ấy nói được tiếng Nhật ngay chẳng hạn.

QA

IMPERATIVE VERBS như vậy không có chủ từ đi ở trước phải không thưa anh?

BBT

Ðúng vậy. Thực ra, chủ từ nó là ngôi thứ hai, SECOND PERSON, nhưng chúng ta không nói ra. Chủ từ YOU bao giờ cũng được hiểu ngầm (IMPLIED). Thí dụ chúng ta không ra lệnh như thế này: YOU CLOSE THE DOOR, mà chỉ cần nói CLOSE THE DOOR là đủ, không cần chủ từ YOU nữa. Ðây là một mệnh lệnh chuyển thẳng cho người đang nói chuyện với chúng ta, người ấy đang đứng cạnh chúng ta, đang trực tiếp nghe chúng ta. Cũng có khi câu IMPERATIVE của chúng ta nói không là mệnh lệnh chi hết. Thúy cho nghe một câu IMPERATIVE không mang ý nghĩa mệnh lệnh coi.

LÃM THÚY

Thí dụ khi Thúy nói với khách ở tiệm rằng CALL THIS NUMBER TO ACTIVATE THE PHONE CARD thì đây không phải là mệnh lệnh. Ai dám ra lệnh cho khách bao giờ. Thúy chỉ đưa ra một lời chỉ dẫn (INSTRUCTION) về cách dùng tấm thẻ phone mà thôi.

QA

Có lần con gái QA nói như thế này với QA khi QA dùng computer của nó: MOVE THE ARROW TO THE ICON YOU WANT TO OPEN AND CLICK IT thì cũng không phải là một mệnh lệnh phải không thưa anh?

BBT

Nhưng cùng những câu như hai câu trên, nếu nói bằng một giọng khác thì chúng là mệnh lệnh ngay. Khi viết mà thêm dấu than (!) ở cuối câu thì đó cũng là cách để cho người đọc nhận ra là mệnh lệnh.

QA

Nhưng nếu muốn làm cho câu nhẹ đi, bớt vẻ người trên nói với người dưới, không còn ý nghĩa ra lệnh nữa thì chúng ta phải làm thế nào?

BBT

Chúng ta thêm PLEASE ở phía trước, hay phía sau câu cũng đều được. PLEASE SHUT THE DOOR hay SHUT THE DOOR PLEASE.

LÃM THÚY

Ở trên anh nói IMPERATIVE MOOD không có các thì PAST, PRESENT, FUTURE nhưng IMPERATIVE vẫn phải có NEGATIVE chứ thưa anh?

BBT

Ðúng là như thế. Muốn có nghĩa NEGATIVE, chúng ta đặt DO NOT hay DON’T ở đầu câu. Thúy cho nghe ba thí dụ với NEGATIVE FORM của IMPERATIVE coi.

LÃM THÚY

DO NOT CALL PEOPLE AFTER 10 PM.

DO NOT PUT SUGAR IN MY COFFEE.

DO NOT SEND CASH BY MAIL.

BBT

Và dĩ nhiên là nếu muốn cho lễ phép, nhẹ nhàng hơn thì chúng ta nói thế nào đây QA?

QA

Chúng ta thêm PLEASE ở đầu hay cuối câu để thành PLEASE DO NOT CALL PEOPLE AFTER 10 PM. PLEASE DO NOT PUT SUGAR IN MY COFFEE.

PLEASE DO NOT SEND CASH BY MAIL.

BBT

IMPERATIVE MOOD cũng được dùng để đưa ra những lời cảnh cáo, tức là WARNING. Thí dụ câu KEEP QUIET NOW! Tùy theo cách nhấn các chữ trong câu, nó có thể là một mệnh lệnh (ORDER) hay cũng có thể là một lời cảnh cáo (WARNING).

Nếu nhấn mạnh vào cả ba chữ KEEP , QUIET và NOW nhưng xuống giọng ở NOW thì đó là một mệnh lệnh.

Nếu nhấn cả ba chữ KEEP, QUIET và NOW, nhưng lên giọng ở chữ cuối, chữ NOW thì đó là một câu dùng để cảnh cáo.

QA

Thưa anh, WARNING và ADVICE có khác nhau không?

BBT

IMPERATIVE MOOD ngoài cách dùng để ra lệnh còn được dùng để cảnh cáo hay khuyên bảo. Khuyên bảo nhẹ hơn cảnh cáo. Không nghe theo lời cảnh cáo có thể gặp chuyện không tốt. Nhưng không làm theo lời khuyên bảo có khi cũng chẳng sao. QA cho nghe một câu với lời cảnh cáo và một câu với một lời khuyên coi.

QA

TURN OFF ALL APPLIANCES BEFORE GOING AWAY là WARNING.

WEAR A TIE FOR THE JOB INTERVIEW là ADVICE.

BBT

Cô Thúy cho nghe vài lời khuyên khác coi.

LÃM THÚY

DON’T DRINK AND DRIVE.

DON’T EAT TOO MUCH RED MEAT.

DO NOT TALK ABOUT IT ON THE PHONE.

BBT

Trong những câu đưa ra những lời khuyên ADVICE, chúng ta không cần phải nhấn mạnh từng chữ như những câu cảnh cáo WARNING và mệnh lệnh ORDER.

IMPERATIVE MOOD cũng được dùng để mời mọc như COME IN AND SIT DOWN. MAKE YOURSELF AT HOME. PLEASE START WITHOUT ME. HAVE A PIECE OF CAKE.

Khi muốn lời mời mọc nghe khẩn khoản hơn, chúng ta dùng DO ở trước động từ chính. QA cho nghe lại những câu mời mọc trên với một chút khẩn khoản và ân cần hơn coi.

QA

DO COME IN AND SIT DOWN.

DO MAKE YOURSELF AT HOME.

PLEASE DO START WITHOUT ME.

DO HAVE A PIECE OF CAKE.

LÃM THÚY

Thưa anh, khi đưa ra một đề nghị, hay một cảnh cáo mà muốn bao gồm luôn cả người nói tức là ngôi thứ nhất (FIRST PERSON) thì trong tiếng Anh nói như thế nào?

BBT

Cô hỏi một câu rất hay. Chút xíu nữa thì tôi quên. Chúng ta chỉ cần thêm LET US hay LET’S vào đầu câu là ngôi thứ nhất FIRST PERSON được bao gồm vào luôn.

TALK TO HIM thì không có tôi ở trong đề nghị. LET US TALK TO HIM thì có cả tôi. LET US hay LET’S nghĩa là CHÚNG TA HÃY CÙNG làm một việc gì đó.

QA

Thế còn nếu muốn nói CHÚNG TA HÃY ÐỪNG làm một điều gì đó thì câu IMPERATIVE sẽ như thế nào?

LÃM THÚY

Hình như Thúy biết. Thúy nghe mấy đứa con bảo nhau đừng đi xem một cuốn phim nọ như thế này: LET US NOT GO TO SEE THAT FILM.

Nhưng thưa anh, có thể nói như thế này không… DON’T LET US GO TO SEE THAT FILM…

BBT

Không. Vì ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác. LET’S NOT SEE THAT FILM là CHÚNG TA HÃY ÐỪNG đi xem cuốn phim đó.

DON’T LET US SEE THAT FILM là HÃY ÐỪNG ÐỂ CHÚNG TÔI xem cuốn phim đó.

QA

Thưa anh, hồi nẫy anh nói chỉ các động từ chỉ hành động mới có thể dùng trong IMPERATIVE MOOD. Vậy thì động từ TO BE có dùng trong các câu mệnh lệnh, đềnghị không?

BBT

Ðược chứ. Thí dụ khi nói BE HONEST WITH ME chẳng hạn. BE HONEST WITH ME là hãy thành thật với tôi, thì khi làm công việc thành thật đó, ngôi thứ hai, SECOND PERSON phải có một số hành động như nói thật, can đảm, không che dấu bất cứ một điều gì… Làm bằng ấy điều thì cũng là những hành động bao gồm trong động từ TO BE HONEST chứ còn gì nữa?

Vậy thì cô QA thử đưa ra vài thí dụ với TO BE trong IMPERATIVE MOOD coi.

QA

BE KIND TO YOURSELF.

ALWAYS BE SUPPORTIVE TO YOUR CHILDREN.

NEVER BE SORRY FOR THE PAST.

DON’T BE TOO HARD TO YOURSELF.

Thưa quí vị, chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới cùng với các chương trình khác của Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

November 10, 2011

November 11, 2011

Ngày 7 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Việc tỉ mỉ ngồi cắt những chiếc coupon trong những trang báo, hay trong đống thư từ rác rến, junk mail, gửi đến tận nhà, rồi xếp loại, lưu giữ trong những chiếc hộp để sẵn trong bếp và cẩn thận mang theo khi đi chợ để gây phiền nhiễu, làm mất thì giờ của những người đứng sau tại quầy trả tiền ở siêu thị và làm mất đi vĩnh viễn hình ảnh kiêu hùng (?) của một người đàn ông cực chẳng đã phải vào chợ là việc tôi chưa thử làm bao giờ, mà cũng chưa dám nghĩ tới bao giờ nữa là khác.

Chưa làm bao giờ vì những thứ như bia Heineken, Miller, TV dinner của Swanson, của Lean Cuisine … thì không bao giờ thấy có coupon cả. Trong khi những thứ như dao cạo của phụ nữ, xà bông rửa chén, cùng vài loại sản phẩm chỉ phụ nữ phải dùng và những thứ tôi không bao giờ phải đụng tới thì tờ báo chủ nhật bao giờ cũng kẹp theo rất nhiều.

Tôi tưởng giữ mình cẩn thận như thế là thoát hẳn, không bao giò có thể trở thành hình ảnh một anh chàng Mỹ cù lần, hà tiện cả ngày chỉ hí hoáy cắt coupon được mô tả bằng giọng đầy diễu cợt của John Updike trong một truyện ngắn của ông, thì hôm qua tôi nhận được một tập coupon để dùng suốt 52 tuần lễ trong năm, lại còn được tặng thêm mấy cái để dùng trong những ngày như sinh nhật, Valentine, kỷ niệm ngày cưới …

Nhưng những chiếc coupon đóng thành một tập dầy này do Casablanca Press phát hành thì lại không tiết kiệm cho người dùng nó chút nào hết. Trái lại, khi thì chúng gây ra hao tốn sức lực, khi thì lại tạo ra những tốn kém không ít về tiền bạc . Và phía được lợi, được những tiết kiệm thì lại không phải là người có tập coupon, mà là người nhận được những chiếc coupon do người có tập coupon đưa tận tay.

Đọc tất cả những coupon do một người dấu tên gửi tới tận địa chỉ cho tôi, tôi không thấy những số tiền tiết kiệm được.

Thí dụ chiếc coupon cho người cầm nó được dự một bữa ăn tối dưới ánh nến cùng với người phát hành tấm coupon (the issuer, mà tôi nghĩ là tôi), tại một tiệm ăn thơ mộng, lãng mạn nhất thành phố: This coupon entitles the holder to have one candlelight dinner (with the issuer of the coupon) at the most romantic restaurant in town!

Những tiệm được coi là khá romantic ở nơi tôi sống với một bữa tối có ánh nến, có rượu chát, có piano ở góc, có saxophone, có tiếng balai quét nhẹ trên mặt trống … có thể làm cái bóp vơi đi khá nhiều. Cái bóp đó nhất định không phải là của người cầm chiếc coupon (the holder) mà là của người đã phát hành nó (the issuer). Khả năng tiết kiệm của chiếc coupon này hoàn toàn không có gì đáng nói. Một chiếc coupon khác thì cho the holder của chiếc coupon một chục hoa muốn gì tùy thích và được giao tận nhà nội trong ba ngày. Theo thời giá hiện nay thì một chục bông hồng là khoảng $120.00. Chiếc khác thì cho người cầm coupon được quyền mua những chiếc áo ngủ, vớ, giây nịt vớ trị giá $200.00 tại tiệm bán quần áo lót gần nhà. Chi phí dĩ nhiên do người cấp coupon thanh toán. Một coupon khác thì được dùng để đi nghe nhạc , xem ciné, khiêu vũ… Cứ như thế , phía phát hành coupon tha hồ chi mệt nghỉ. Nhưng cũng có những dịch vụ không tốn kém tiền bạc bao nhiêu, thí dụ coupon cho người cầm coupon được xoa lưng nửa tiếng, dịch vụ xoa lưng do chính người cấp coupon phụ trách, và phải để cho xoa đủ nửa tiếng mới được: This coupon entitles the holder to one sensous backrub, performed by the issuer of the coupon. Time limit: No less than 30 minutes in duration. Một coupon khác thì cho holder được tắm bằng dầu thơm, có nhạc nhẹ, có champagne bên bồn tắm có nến lung linh… và tắm xong thì người phát coupon sẽ phụ trách dịch vụ dùng khăn lau cho thật là khô, khô không còn một giọt nước nào, khô từ đầu đến chân, khô từ trong ra ngoài. Coupon này cũng không tốn phí là bao nhiêu, chỉ mất sức lao động một chút thôi. Một coupon khác thì cho người holder thưởng thức hai giờ trong vòng tay của người phát hành coupon trước lò sưởi, trên chiếc đu ngoài hàng hiên, hay trên chiếc sofa, hay trên giường … Good for 2 hours of cuddling with the coupon issuer in one of the following locations: in front of a roaring fire, on a porch swing, on a cozy couch or in bed… Người nhận được coupon cũng có thể dùng để đổi lấy một bữa tối tại nhà, do chính người cấp coupon nấu. Điều kiện duy nhất: quần áo tươm tất. Tại sao phải tươm tất thì không thấy nói. Coupon này cần phải xé quăng đi ngay, nếu tài nấu bếp của người phát hành coupon chỉ là món mì Nhật hay mì Đại Hàn.

Ngoài ra, còn có những coupon khác để đổi lấy những sinh hoạt không thể nói ra ở đây.

Như vậy thì tập coupon này cũng rất có lý, và rất nên dùng đấy chứ. Nhưng đã gọi là coupon thì tại sao chúng không đem lại những tiết kiệm cho người cầm nó là … tôi?

Mà tại sao đến bây giờ nó mới xuất hiện, mới được gửi đến tận nhà tôi, mà không xuất hiện cách đây, thí dụ hai chục năm chẳng hạn. Khi ấy, chàng thừa sức làm tất cả những dịch vụ đó.

Chứ bây giờ thì còn làm ăn thế quái nào được nữa.

Sao mà khổ thế hở Giời! Giời sao lại nỡ phụ lòng người thế này?


Ngày 8 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Tôi biết hôm nay chưa phải là ngày ấy. Còn những hơn một tuần lễ nữa nhưng tôi vẫn muốn nhắc bạn , sợ bạn bận rộn quên đi để rồi lại phải chờ cả năm nữa mới tới ngày 19 tháng 11 để trả cho được mối thù ôm suốt cả một năm.

Bạn không phải là người duy nhất ghét cái câu vô duyên ấy. Ở nước Mỹ cũng có những người ghét nó không thua bạn chút nào. Và tôi cũng ghét nó hệt như bạn.

Tôi không biết câu ấy xuất hiện từ hồi nào. William Safire, người đầy chữ đầy nghĩa, tôi nghĩ thế nào cũng phải đề cập đến câu ấy nhưng tìm đọc hết những cuốn sách của ông tôi vẫn không thấy ông nhắc đến nó. Đành chịu vậy.

Ở những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của nước Anh, người ta không nói "Have a good day" bao giờ. Người Úc nói "Good day mate" hay nhanh hơn là "G’day mate!" Nhưng đó là lúc gặp nhau. Chia tay nhau thì không "Have a good day" bao giờ. Kiwi Tân Tây Lan cũng không. Chỉ "See ya…" Nói rõ hơn thì là … xem ông / xem bà sau này – see you later – là đủ.

"Have a good day" hình như chỉ có người Mỹ nói. Có khi là "Have a good one".

"Have a good day" thì hiểu được. Chúc ông, chúc bà, chúc cô, chúc cậu có một ngày tốt. Nhưng "Have a good one" thì là cái gì? "One" là đại danh từ. Nó đại diện cho một danh từ đứng phía trước khi người nói không muốn nhắc lại danh từ ấy nữa. Nhưng trước đó, có cái danh từ quái nào đâu? Vậy thì nói cái câu vô nghĩa đó để làm gì? Mà ngay câu "Have a good day" cũng đã chắc gì là tốt đẹp? Thí dụ chàng đang trên đường ra tòa để gặp nàng và luật sư của nàng, chàng được tặng lời chúc "Have a good day" thì chàng phải làm gì? Phải quăng hết cái "Good day" đó lại cho cái đứa vừa nói câu đó chứ. Này nhá… trả lại cái good day, đem về nhà mà ăn với nhau cho nó bổ, nó béo… cậu không có nhận cái good day hôm nay đâu… có sẵn thì cứ mang về xào nấu, chiên, hấp lên mà ăn với nhau… tha cho cậu đi mà…

Ở Mỹ thế nào chẳng có những người điên lên vì câu chúc vớ vẩn đó, nên ngày 19 tháng 11 mỗi năm mới được dành để căm hờn cái câu "Have a good day " đó.

Với những người thù ghét câu chúc này, câu chúc còn thường đi kèm theo một cái "happy face", một cái vòng tròn, hai cái chấm nhỏ và một đường cánh cung ở dưới để thay cho nụ cười, nếu lời chúc được viết xuống giấy.

Ngày 19 tháng 11 là ngày để trả mối thù ôm theo suốt cả năm đó.

Trong ngày này, nhân viên của các cửa tiệm, các cơ sở làm ăn sẽ được chủ dặn là thay vì nói "Have a good day" thì phải nói "Have a bad day". Ngày 19 tháng 11 đã được một tổ chức vận động để chính thức trở thành "Have a bad day day".

Cuộc vận động mới bắt đầu cách đây không lâu, nhưng "nhất bộ khởi vạn lý", chuyến đi dài cũng phải khởi đầu bằng bước đầu tiên. Vài năm nữa, người ta sẽ không còn ngỡ ngàng khi nghe chào "Have a bad day" . Bởi vì nếu "Have a good day" không có ý nghĩa gì, không mang lại bất cứ một chuyện tử tế nào, thì "Have a bad day" sẽ mang lại chuyện không tốt lành hay sao?

Chắc không phải thế.

Vậy thì nhớ là vào ngày 19 tháng 11, cứ thoải mái gửi tặng nàng và luật sư của nàng vài chục câu "Have a rotten, wretched, damnable, awful, bloody day".

Nhưng với bạn thì tôi vẫn "Have a good day" như thường.


Ngày 9 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Cách dây đã lâu, truyền hình Mỹ có chiếu cuốn phim về một phụ nữ Mỹ – do Sally Struthers đóng—sang Việt Nam đi tìm chồng mất tích ở Bắc Việt trong thời chiến. Đó là một cuốn phim rất dở do những người không biết gì về Việt Nam thực hiện. Các vai phụ được chọn một cách cẩu thả cũng đóng góp không nhỏ cho sự thất bại của cuốn phim.

Trong một cảnh được hiểu là diễn ra tại một bản nhỏ thuộc vùng thượng du Bắc Việt, khán giả nghe được một giọng đàn ông lè nhè mời bạn bè ngồi với ông ở một chiếu tiệc dùng những món do vợ ông ta nấu. Ông ta gọi vợ là "bà xã".

Tôi không xem tiếp cuốn phim đó nữa chính vì hai chữ "bà xã" này.

Thứ nhất, hai chữ "bà xã" không hề có trong tiếng Việt miền Bắc, và lại càng không thể có trong ngôn ngữ của đồng bào Thái ở vùng thượng du.

Thứ hai, tôi ghét hai chữ "bà xã" vô cùng. Tôi ghét hai chữ này không kém hai chữ "ông xã".

"Ông xã" là người chồng. "Bà xã" là người vợ. Lai lịch của những chữ này có thể là từ cái chức vụ cũ ở miền đồng quê miền Bắc có từ thời vua Lê Thái Tổ. Đó là cái chức chỉ huy thấp vào bậc nhất: xã trưởng, người đứng đầu vài ba thôn, dưới cả chức vụ lý trưởng.

Người giữ chức vụ đứng đầu xã, ông xã trưởng, thường bị coi là thiếu hẳn những nét văn minh tiến bộ của thị thành. Vì công việc và trách nhiệm của chức vụ đảm nhận, ông còn là người không có được bao nhiêu cảm tình của người dân trong xã. Bởi thế, tất cả những nét xấu xa, hủ lậu, lạc hậu, quê mùa, dốt nát đều được đổ lên đầu của ông xã trưởng cho bõ ghét. Có thời, chức vụ của ông và ông lý trưởng đã bị các báo Phong Hóa và Ngày Nay đưa lên chế diễu suốt nhiều năm bằng những bức hí họa. Ông xã trưởng được họa sĩ vẽ thành một nhân vật to béo như một con lợn và được đặt cho cái tên là Xệ. Ông lý trưởng mắt ba vành sơn son, lại thêm tính tình lẩn thẩn quê mùa thì cho mang cái tên Toét. Nhiều họa sĩ khác sau đó cũng khai thác những nét hủ lậu, thiếu văn minh của các ông Xã Xệ và Lý Toét.

Từ những nguồn gốc không mấy vẻ vang, hiển hách lắm, những chữ "ông xã" được đưa vào khẩu ngữ hàng ngày để gọi người chồng. Hai chữ này được đem ra dùng trước vì phụ nữ không được trao cho giữ chức vụ hành chính ở trong làng. Người phụ nữ, khi dùng hai chữ "ông xã" để gọi đùa người đàn ông trong gia đình của bà thì bà không ngờ là bằng việc đó, bà đã đi bước đầu tiên của lối nói đầy nhục mạ và rẻ rúng nhắm vào những người đàn ông Việt Nam.

Trong những năm đầu của thập niên 60, một số đông đảo những người chồng Việt Nam bị cho mang cái tên "ông xã", bên cạnh sự thân mật cũng mang theo đầy vẻ rẻ rúng, miệt thị.

Khi những người đàn ông quay lại để gọi những người đàn bà là bà xã thì những người đàn ông này cũng gián tiếp, nhưng chính thức nhìn nhận mình là ông xã, chồng của những người đàn bà mà các ông vừa giọi là bà xã.

Những chữ "nhà tôi", "bố cháu", "mẹ cháu", "má sấp nhỏ", "ông già thằng Mi Xen", "má con Mạc Gô", "già tía thằng Tí Cu", "cha thằng Đực Nhỏ"… đầy những thân tình bị thay thế bằng "ông xã" và "bà xã" đầy hình ảnh ngu đần, trì độn, quê kệch.

Tôi nghĩ thế nào cũng có ngày những người đàn ông đang sống trong hạnh phúc, sau bữa cơm chiều, kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh những người đàn bà hạnh phúc không kém và nói rằng các ông sẽ không bao giờ gọi các bà là "bà xã" nữa vì ông thấy các bà rất mực thông minh, sang trọng, tỉnh thành… vì tiếp tục gọi các bà là "bà xã" là không coi các bà có những điều tốt đẹp vừa kể trên hay sao.

Và các phụ nữ này cũng sẽ hứa không bao giờ gọi chồng là "ông xã" nữa, dù cho đang trong cơn nóng giận, mất khôn cách mấy đi chăng nữa.

Sau đó, chỉ còn các phụ nữ Mỹ là còn tiếp tục gọi chồng là "hubby" và những người đàn ông sẽ gọi vợ là "the missis" hay "the missus" cho nhà quê nhà mùa với nhau chơi.

Chứ mặt mũi sáng như gương Tầu thế kia mà bị gọi là bà xã thì chịu gì nổi? Bị gọi là "bà xã" thì thà bị gọi là "con mẻ" còn vui hơn.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 119)

SOME USEFUL SUFFIXES

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 119 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

BBT

Hôm nay, tôi sẽ nói về hai ba cách không khó lắm để có thể có thêm được một số chữ mới. Đó là gắn những cái đuôi vào phía sau một số danh từ để tạo thành những tĩnh từ và trạng từ mới với ý nghĩa rất gần với các danh từ mà chúng ta đã biết rồi, đã có rồi.

Văn phạm gọi những chữ gắn vào phía đuôi, phía sau của các danh từ để biến các danh từ này thành tĩnh từ và trạng từ là tiếp vĩ ngữ, SUFFIXES. Tiếp là gắn vào, làm cho dài thêm ra. Vĩ là đuôi và ngữ là chữ. Tiếp vĩ ngữ, SUFFIXES, là những chữ gắn vào phía cuối, phía đuôi của những tiếng khác như ba tiếp vĩ ngữ FUL, LESS và LY mà chúng ta có thể gắn vào đuôi của một số chữ để tạo thành những tiếng khác. FUL nghĩa là có nhiều, là có, là đầy những. LESS là không có, thiếu vắng. Hai tiếp vĩ ngữ FUL và LESS gắn vào đuôi một số danh từ sẽ biến chúng thành tĩnh từ. Tiếp vĩ ngữ LY được thêm vào các tĩnh từ để biến chúng thành trạng từ (ADVERB) dùng cho việc phụ nghĩa các động từ.

Lãm Thúy đã bao giờ gặp những tĩnh từ có tiếp vĩ ngữ FUL ở cuối chưa?

LÃM THÚY

Có. Thúy nhớ đã gặp chữ CHEERFUL chắc là từ danh từ CHEER được thêm cái đuôi FUL vào để thành CHEERFUL. Còn danh từ này nữa: WONDERFUL từ danh từ WONDER là kỳ diệu được thêm SUFFIX FUL ở cuối.

BBT

Trái với FUL là tiếp vĩ ngữ LESS nghĩa là không có, là thiếu, là vắng. QA chắc phải biết một số tĩnh từ với cái đuôi LESS ở cuối chứ?

QA

QA biết HOMELESS từ danh từ HOME. JOBLESS từ danh từ JOB. HEARTLESS từ danh từ HEART. CARELESS từ danh từ CARE. Tất cả đều được gắn thêm cái đuôi là tiếp vĩ ngữ LESS vào cuối.

BBT

Đúng vậy. Có một số danh từ có thể dùng với cả FUL và LESS. Những danh từ khác thì được tạo thành tĩnh từ bằng những cách khác, hay dùng những tiếp vĩ ngữ khác.

Thúy có biết danh từ nào được dùng với cả FUL lẫn LESS không?

LÃM THÚY

Thí dụ danh từ CARE chẳng hạn. CAREFUL là cẩn thận. CARELESS là vô ý, là không cẩn thận. MIND là đầu óc. MINDFUL là để tâm, lưu ý, để ý. MINDLESS là không để ý đến.

QA

QA biết các danh từ này có thể dùng với cả FUL và LESS. Danh từ HOPE là hy vọng có thể đi với FUL để thành HOPEFUL là đầy hy vọng và LESS để thành HOPELESS là tuyệt vọng. Danh từ ART nghĩa là nghệ thuật, đi với FUL để thành ARTFUL nghĩa là có nghệ thuật, và với LESS để thành ARTLESS là thiếu nghệ thuật, xấu xí.

BBT

Như các cô đã thấy, hai tiếp vĩ ngữ FUL và LESS tạo ra những tiếng mới với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau, phản nghĩa lại với nhau như những thí dụ hai cô vừa dẫn ra ở trên. Nhưng lại có những danh từ đi với cả FUL và LESS để tạo thành những tĩnh từ có ý nghĩa rất xa nhau, không dính líu gì tới nhau cả. Thí dụ ARMFUL là đầy tay. ARMLESS lại nghĩa là không có tay. Đồng thời lại có những danh từ chỉ đi với FUL hay chỉ đi với LESS. Thí dụ SPOONFUL nhưng không có chữ nào là SPOONLESS trong tiếng Anh. MOUTHFUL thì có, nhưng không có MOUTHLESS.

Có những danh từ chỉ đi với LESS mà không đi với FUL như HOMELESS là vô gia cư, không nhà. Không có tĩnh từ HOMEFUL. JOBLESS nghĩa là thất nghiệp cũng vậy, không có JOBFUL. Có HEARTLESS là vô cảm, không có tình thương, nhưng không có chữ HEARTFUL. Chắc chắn chúng ta cũng đã gặp những chữ CHILDLESS, SHIRTLESS, SHOELESS, MOTHERLESS, FATHERLESS

Bây giờ hai cô cho nghe ba câu với các tĩnh từ mới học coi.

LÃM THÚY

MY NEIGHBORS ARE A CHILDLESS COUPLE.

MISTER NGUYEN IS JOBLESS MORE THAN A YEAR NOW.

A RECENT ACCIDENT SHOWED THE CHINESE ARE HEARTLESS PEOPLE.

QA

CAREFUL DRIVERS SELDOM HAVE ACCIDENTS.

MANY PEOPLE FEEL HOPELESS IN THIS ECONOMY.

THERE IS A HOMELESS MAN STANDING NEAR THE POST OFFICE.

BBT

Như vậy, hai cô biết thêm được một số tiếng mới nhờ hai tiếp vĩ ngữ FUL và LESS. Đó là cách chúng ta có thêm được ngữ vựng mới để dùng. Mỗi khi thấy có những tiếng có cái đuôi FUL hay LESS, chúng ta biết ngay đó là những tĩnh từ. Chúng ta có thể đoán ra ý nghĩa của chúng bằng cách cắt cái đuôi ra để xem nó đến từ danh từ nào, và nhờ đó, đoán ra nghĩa của chúng.

Thí dụ gặp những chữ này , cô QA có đoán được ra nghĩa không… A THOUGHTFUL MAN, A MEANINGFUL ACT, A LOVELESS MARRIAGE.

QA

THOUGHTFUL là do danh từ THOUGHT nghĩa là ý tưởng, sự suy nghĩ. A THOUGHTFUL MAN là một người quan tâm đến những người khác, lưu ý, để ý đến người khác. A MEANINGFUL ACT do danh từ MEANING là ý nghĩa. MEANINGFUL ACT là một hành động đầy ý nghĩa. A LOVELESS MARRIAGE từ LOVE mà ra. LESS là không có. A LOVELESS MARRIAGE là một cuộc sống hôn nhân không tình yêu.

BBT

Vừa rồi là những tĩnh từ được tạo thành từ danh từ với cái đuôi FUL và LESS ở cuối. Chúng ta có thể thêm vào cuối những tĩnh từ này một tiếp vĩ ngữ khác, tiếp vĩ ngữ LY, và chúng ta có ngay những túc từ để đi với các động từ. Cô Thúy thử biến các tĩnh từ sau đây thành ADVERBS tức là túc từ và dùng với một động từ coi… WONDERFUL, CHEERFUL, HOPELESS…

LÃM THÚY

WONDERFULLY. LOUIS ARMSTRONG PLAYED THE TRUMPET WONDERFULLY.

CHEERFULLY. THEY ANSWERED CHEERFULLY THAT THEY WOULD GO TO THE WEDDING PARTY.

HOPELESSLY. THEY HOPELESSLY DREAM OF GOING TO AMERICA AS REFUGEES.

BBT

Còn QA. Cô thử dùng các trạng từ mới từ các tĩnh từ này coi… CARELESS, HOPEFUL, TEARFUL.

QA

CARELESSLY. THE BOY CARELESSLY OPENED THE DOOR AND THE DOG GOT OUT.

HOPEFULLY. HE HOPEFULLY WAITED OUTSIDE THE CLASS FOR THE RESULT.

TEARFULLY. SHE TEARFULLY TOLD US ABOUT HER ESCAPE FROM VIETNAM.

BBT

Hai cô thấy là nhờ các tiếp vĩ ngữ FUL, LESS và LY chúng ta biết thêm được khá nhiều chữ mới.

Thí dụ với HOPE, chúng ta có HOPEFUL, HOPEFULLY, HOPELESS và HOPELESSLY. Tổng cộng chúng ta biết thêm được 4 tiếng mới từ một tiếng chúng ta đã biết. Nên nhớ là nếu chữ cuối là LY thì có nhiều phần đó là ADVERB. Nếu là LESS hay FUL thì chúng là ADJECTIVES.

LÃM THÚY

Tuần qua, Thúy có nhận được một lá thư của khán giả hỏi thầy một số điều. Ông nhờ giải thích sự khác biệt giữa BESIDE BESIDES.

BBT

BESIDE là một GIỚI TỪ dùng với nơi chốn, văn phạm gọi là PREPOSITION OF PLACE. Thí dụ THE SCHOOL WA BUILT BESIDE A LIBRARY.

Trong khi đó, BESIDES có "S" là trạng từ như trong câu BESIDES WORKING AS A TEACHER, HE WRITES FOR A MAGAZINE. BESIDES cũng là giới từ như trong thí dụ SHE SPEAKS ENGLISH BESIDES RUSSIAN nghĩa là cô ấy ngoài tiếng Nga còn nói cả tiếng Anh.

LÃM THÚY

Thư cũng hỏi EVERY DAY viết rời thành hai chữ và EVERYDAY viết thành một chữ có khác nhau không.

BBT

Rất khác nhau. EVERY DAY là mỗi ngày, không có một ngoại lệ nào , ngày nào cũng thế, cũng có một số việc. Trong khi EVERYDAY nghĩa là bình thường, không có gì đặc biệt. QA có thể cho hai thí dụ với EVERY DAY (viết rời) và EVERYDAY (viết liền thành một chữ) được không?

QA

MY SON WORKS OUT IN THE GYM EVERY DAY nghĩa là ngày nào con trai QA cũng tập ở phòng tập thể dục.

WE LEARN EVERYDAY ENGLISH WITH THIS PROGRAM nghĩa là chúng tôi học Anh ngữ thường đàm, Anh ngữ trong đời sống hàng ngày với chương trình truyền hình này.

LÃM THÚY

Thưa anh, còn HOW DO YOU DO?HOW ARE YOU? khác nhau thế nào?

BBT

HOW DO YOU DO? KHÔNG phải là một câu hỏi mà chỉ là một cách khác để chào nhau khi mới gặp nhau, khi được giới thiệu lần đầu tiên. Người ta dùng HOW DO YOU DO? để thay cho HELLO. Từ HOW DO YOU DO, người ta nói nhanh, nuốt bớt một vài âm để thành HOWD’YDO và sau đó thành HOWD’Y, để cuối cùng trở thành HI.

HOW DO YOU DO được người Anh dùng nhiều hơn người Mỹ. Trong khi đó, HOW ARE YOU? là câu hỏi thăm về sức khỏe nhưng thực ra, người hỏi cũng không hẳn là muốn biết đầy đủ về tình trạng sức khỏe của người kia. Câu trả lời thường là I’M FINE THANKS. AND YOU?

Có một câu mà ai cũng biết, câu thường được dùng để nói về một người vô duyên, đó là A BORE IS SOMEONE WHO WHEN ASKED "HOW ARE YOU?" WILL TELL YOU nghĩa là một anh chàng vô duyên, nhạt nhẽo, A BORE, là người mà khi được hỏi câu HOW ARE YOU? thì liền ngồi xuống, đầu cua tai nheo lôi hết hồ sơ bệnh lý của anh ta ra nói cả tiếng đồng hồ cho người hỏi nghe đầy lỗ tai luôn về đủ mọi thứ bệnh của mình. Vì thế, khi bị hỏi HOW ARE YOU? thì cứ trả lời I’M OKAY, I’M FINE… I’M GREAT… I’M GOOD… I’M WONDERFUL là đủ. Không ai muốn nghe những chuyện bệnh tật ốm đau sầu não, vợ ốm con đau của mình cả.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

November 3, 2011

November 4, 2011

Ngày 30 tháng 10 năm 2011

Bạn ta,

Hồi học tiểu học, trong những giờ tập làm văn, chúng tôi có khi phải viết một bài "văn" ngắn, và cũng có thể phải làm những bài tập, trong đó, chúng tôi phải chọn những tiếng thích hợp để điền vào những chỗ trống "cho hợp nghĩa". Bài có khoảng một chục chữ mà chúng tôi phải chọn để điền vào những câu bỏ trống cho câu đầy đủ và có ý nghĩa.

Thời ấy, chúng tôi học tiếng Việt như thế. Thầy, cô giáo gọi mấy đứa lên bảng điền vào những chỗ bỏ trống cho cả lớp chữa lấy bài của mình nếu điền không đúng. Cách dậy tiếng Việt như vậy rất hữu hiệu. Những chữ chọn đúng không thể thay thế bằng những chữ khác nếu không muốn ý nghĩa bị sai lạc đi. Tuần qua, khi nghe một chương trình nhạc ở Virginia, tôi đã thấy lại điều ấy khi nghe một ca sĩ hát khúc lời Việt một nhạc phẩm của Johan Strauss.

Bài Le Beau Danube Bleu của Johan Strauss được viết lời Việt rất hay. Tiếc là người hát đã hát sai mất mấy chữ của lời ca tiếng Việt.

Tôi đã nghe giọng hát này hát trong CD mới nhất của cô và thấy ngay điều đó. Hôm đi nghe trực tiếp ở Virginia, tôi chú tâm lắng tai nghe kỹ xem cô có hát đúng không thì thấy là cô vẫn hát sai ở ngay mấy câu đầu.

Một dòng xanh xanh
Một dòng tràn mông mênh…

Tôi đã nghe Thái Thanh, Mai Hương hát bài này nhiều lần. Một số ca sĩ khác cũng đã hát bài này bằng lời Việt. Tất cả đều hát đúng những chữ ở câu thứ nhì.

Một dòng tràn mông mênh…

boues-rouges-8.jpg

Sông Danube là con sông dài thứ nhì ở Âu châu, chỉ thua có sông Volga ở Nga. Sông Danube bắt nguồn từ Đức, chẩy suốt gần 3 ngàn kilômét, qua 4 thủ đô của trung và đông Âu trước khi đổ vào Hắc Hải.

Trên đường đi từ Đức tới Hắc Hải, sông Danube còn được tiếp thêm nước từ nhiều con sông khác nên hai chữ "mông mênh" là những chữ rất chính xác để tả con sông này.

Nhưng hai chữ "mông mênh" này đã bị hát sai bằng hai chữ khác. Sai một cách thảm hại.

Dòng sông rộng, chẩy trên một chiều dài cả ngàn kilômét từng là biên giới của 10 quốc gia Âu châu bị mô tả tầm bậy bằng cách hát sai hai chữ "mông mênh" thành "mong manh".

Tôi còn giữ được một tập nhạc in ở Sài Gòn trước năm 1975 có lời ca tiếng Việt của bài hát này, trong đó, câu thứ hai được in là "một dòng tràn mông mênh", không là "mong manh".

Mông mênh là lớn rộng, bát ngát. Mông mênh cũng cùng nghĩa với mênh mang. Đảo ngược lại là mênh mông cũng vẫn giữ nguyên được ý nghĩa.

Mong manh không có nghĩa là bát ngát. Mong manh là mềm mại, mỏng manh, không có vẻ mạnh mẽ. Sông Danube không thể mô tả bằng tĩnh từ mong manh. Người viết lời Việt cho tác phẩm của Strauss đã chọn hai chữ mông mênh trong tiếng Việt để nói về dòng sông.

Người ca sĩ hát bài này, thu thanh trong một CD mới đây có thể không có bản chính của lời ca Việt ngữ trong tay, có thể đã nghe qua các đĩa hát cũ, hay các cassette và ghi lầm thành "mong manh".

Nếu là người có hiểu biết kha khá về Việt ngữ thì nhất định phải thắc mắc về hai chữ mong manh. Hai chữ này không thể được dùng để mổ tả một con sông lớn như sông Danube. Cẩn thận thì phải đi kiếm cho được bản in để thấy đó là mông mênh, không bao giờ có thể là mong manh.

Giải lụa có thể mong manh. Tơ trời của Nguyễn Văn Đông trong Mấy Dặm Sơn Khê thì mong manh. Không gian như có dây tơ của Huy Cận thì mong manh.

Sông Danube thì nhất định không thể mong manh được.

Cô ca sĩ này hát mông mênh thành mong manh, những người ngồi cùng bàn với tôi đều thấy điều đó.

Một người bạn của tôi viết mấy chữ vào một miếng giấy để nhắc cô hát cho đúng và đem lại chỗ cô đang bán CD. Cô đáp là đã được chính người viết lời dậy cho hát như thế.

Tôi không tin điều đó.

Hai người từng gần gũi nhiều với ông là Thái Thanh và Mai Hương đã hát đúng những lời ông viết. Trong suốt bằng ấy năm, nếu hai cô hát sai, thì người viết lời Việt cho bài hát nhất định phải chỉ cho hai giọng hát này để hát lại cho đúng rồi. Nhưng chuyện đó không hề xẩy ra.

Người ca sĩ hát sai lời này đã không nhận cái sai lầm của mình. Lại có vẻ như khinh thường thính giả lớn tuổi hơn cô rất nhiều, bác bỏ ngay đề nghị của ông và tiếp tục ngồi bán CD trong khi cô được mời hát có trả tiền cho một sinh hoạt của một hội đoàn chứ không phải là để bán CD của cô.

Những người nghe thấy những sai sót của cô đã nghe bài hát này từ rất nhiều năm. Chiều dài đó có thể dài còn hơn số tuổi của cô.

Cô đem một ca khúc mà sau khi Thái Thanh hát, ít ai dám đụng tới để hát. Lập tức cô bị so sánh với Thái Thanh, và những khiếm khuyết trong giọng hát của cô được tìm thấy ngay. Những đoạn không cần luyến láy, cô cứ tự nhiên mà luyến láy, mà múa may quay cuồng như đang hát nhạc Ấn độ trong một hai DVD. Cô hát sai hai chữ rất đẹp của bài hát rồi còn tỏ thái độ không quan tâm gì tới ý kiến của người nghe, những người đã góp phần nuôi sống cô, cho cô một sự nghiệp đi hát.

Sai sót không phải là một cái tội. Ai cũng có thể lầm lẫn. Nhưng thái độ tự tôn, coi mình là một thứ diva, tự coi là một giọng hát hàng đầu, không cần lý gì tới người nghe, tưởng mình đã quá thành công, muốn cho người nghe nghe gì cũng được, thì đó là một thái độ rất không nên.

Người ta nói cô đã bơm (?) nhiều thứ vào người. Tiếc là cô không bơm được những điều tử tế vào đầu của cô. Những chỗ cô bơm không hề giúp bao nhiêu cho nghề hát xướng của cô.

Chiếc CD tôi mua hồi tháng trước có giọng hát của cô đã ra nằm cùng với những tấm giẻ lau xe đầy dầu nhớt nhem nhuốc ở thùng xe phía sau.

Tôi biết tôi sẽ không bao giờ bỏ vào máy để nghe nó nữa.

Dòng Sông Xanh Lời bài hát

tiếng hát Thái Thanh






Ngày 1 tháng 11 năm 2011

Bạn ta,

Nữ hoàng Victoria mà còn sống chắc bà lại phải cầm cái quạt lên, quạt phành phạch rồi nói bằng giọng bực bội một câu mà ai nghĩ đến bà cũng phải nhớ: I am not amused!

Nữ hoàng Victoria

Không vui là phải. Ai đời mấy thứ đồ lót của nàng không biết tên hầu cận nào bàn tay nhám lấy đi giữ cả trăm năm, mới đây đem bán đấu giá lấy tiền, nghe cũng hệt như lời một bài hát của một nhạc sĩ trong nước "…bài hát cho em, giờ đã hát cho mọi người, để rồi lãng quên…"

Tàn nhẫn và bạc bẽo đến như thế thì không ai còn có thể tệ hơn. Mấy món ấy chắc phải được lấy khỏi điện Buckingham từ những năm cuối của thế kỷ 19. Không biết chúng đi những đâu, được giấu ở chỗ nào để mãi tuần qua mới được lôi ra đem ra bán. Chúng gồm một chiếc quần lót và một đôi vớ làm bằng lụa. Chiếc quần lót thực ra là một thứ petitcoat để mặc bên trong của những chiếc váy dài, có ai ống, phía dưới chẽn lại. Có khi chúng được gọi là bloomers, có khi còn được gọi là knickerbockers, hay pantalettes, mốt của những năm từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

bloomers của Nữ hoàng Victoria

Cặp vớ lụa đen được ôm lấy chân nàng trong thời kỳ nàng để tang chồng là Prince Albert.

Vì thế, mấy món ấy không thể là những món "tàn y" Albert "xếp lại để dành hơi" như ý của mấy câu thơ rất đẹp của một người đàn ông Việt Nam không biết rõ đó là Trần Danh Án, Nguyễn Gia Thiều hay vua Dực Tông để khóc một người phụ nữ tên là Bằng của hơn hai thế kỷ trước.

Nhưng mấy món đem bán đấu giá hồi tuần trước không thể là những món mà nữ hoàng mặc hồi những năm còn trẻ.

Trong những năm ấy, Victoria cũng đẹp lắm. Nhưng trong những năm cuối của thế kỷ 19 thì nàng không còn giữ được vẻ thanh thoát của những năm còn trẻ nữa. Nàng lúc ấy đã thành một bà già to béo. Chiếc quần của nàng có thừa chỗ cho hai phụ nữ mặc vừa.

Vậy mà cả mấy thứ đó vẫn bán được gần 15 ngàn đô la Mỹ.

Ai là người mua nó? Chi tiết này được giữ kín. Hiện không ai biết người đó là ai. Mà mua về làm gì?

Mua để tưởng nhớ một mùi hương thì chắc là không. Bằng ấy năm đã qua, bao nhiêu sương gió, bụi trần đã bám vào. Có thể chúng cũng đã qua vài ba lần máy giặt, máy sấy thì còn quái gì là … hương xưa của nàng nữa. Mà có còn thì cũng hấp dẫn ở chỗ nào?

Phải chi mà đó là của Marilyn Monroe đi thì cũng có thể hiểu được. Hay đó là bộ bikini mà Ursula Andress mặc trong khi vừa lóp ngóp lội từ dưới biển lên trong phim Dr. No mà có mua với giá 40 ngàn tiền Mỹ thì cũng được đi. Ít nhất những sợi vải đó cũng chỉ mới ôm lấy đồi núi của Ursula có nửa thế kỷ. Chứ cái bloomers của Victoria thì ít ra cũng hơn 100 năm rồi thì còn chi nữa mà mua về ôm ấp, hít hà, nhìn ngắm cho bõ những ngày cơ cực?

Gần 15 ngàn đô la để mua mấy thứ đó ư?

Lần này thì đồ thật không bằng đồ giả. Đồ thật lấy từ điện Buckingham nhất định thua xa mấy thứ đồ giả bán trong những cửa hàng ở các thương xá tại Mỹ, tại những cửa tiệm mà phía ngoài bao giờ cũng có mấy người đàn ông mặt mũi u sầu ủ dột chờ những người đàn bà vào tiệm mua sắm những món mang tên là những bí mật (?) của Victoria. Toàn những thứ giả không à. Mấy thứ ấy có bao giờ ôm lấy Victoria đâu. Chúng có thể không là đồ thật, không xuất xứ từ điện Buckingham nhưng sao chúng lại hấp dẫn đến là như thế!

Nhưng nghĩ cho cùng thì ngay cả chuyện mua mấy thứ đồ giả đó, những sản phẩm gọi là những bí mật của Victoria đó thì cũng là những chuyện vô ích.

Mua làm gì khi mà mặc chúng vào để rồi cũng lại bị hối hả tháo ra trong tiếng thở hào hển trong đêm khuya?

Còn giữ chúng ư? Tại sao lại phải nài nỉ xin chúng khi chúng vừa rời cửa tiệm, còn nguyên mùi của cái xưởng may đâu đó tại Indonesia, Macao, Bangladesh…?

Mà dẫu cho đã hết mùi xưởng may, lại dính toàn mùi bột giặt và máy sấy thì mang về nhà làm gì?

Ít nhất cũng phải có mùi (?) thì mới "xếp tàn y lại để dành hơi" chứ.

Phí cả 15 ngàn đô la đi!


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 118)

THE ARTICLES

Bản chuyển tả do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 118 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 1 năm 2012.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

LÃM THÚY

Thưa anh, một trong những khó khăn mà Thúy nghĩ là lớn nhất, với những người học tiếng Anh, là cách dùng sao cho đúng những MẠO TỪ, những ARTICLES của nó. Tiếng Việt, may quá, không có mạo từ…

BBT

Tiếng Việt cũng có mạo từ, đó là CÁI, NHỮNG, CÁC.

Mạo từ CÁI được dùng với danh từ số ít. Thí dụ CÁI QUYỂN SÁCH NÀY. CÁI BÀI HỌC ĐÓ. CÁI NGƯỜI ĐÀN ÔNG KIA.

Mạo từ NHỮNG được dùng với danh từ số nhiều. Thí dụ NHỮNG NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG. NHỮNG CHUYẾN BAY NGÀY MAI. NHỮNG TÀI LIỆU LỊCH SỬ.

Mạo từ CÁC được dùng với danh từ số nhiều mà chúng ta đã nghe nói, đã biết, đã được xác định từ trước. Thí dụ CÁC BỘ TRƯỞNG CỦA CHÍNH PHỦ BẢO ĐẠI. CÁC TIẾN SĨ CỦA TRIỀU LÊ. CÁC CÔNG VIỆC BỊ MẤT ĐI…

Ngoài ra, mạo từ của tiếng Việt cũng được dùng để làm cho mạnh, cho rõ thêm nghĩa của danh từ đi sau nó.

Thí dụ ĐIỀU NÀY RẤT KHÓ HIỂU nghĩa không mạnh như CÁI ĐIỀU NÀY RẤT KHÓ HIỂU.

NHỮNG ĐIỀU ÔNG ẤY LÀM LÀ ĐÚNG và NHỮNG CÁI ĐIỀU ÔNG ẤY LÀM LÀ ĐÚNG.

Ý nghĩa của hai câu có mạo từ CÁI được làm cho mạnh thêm, người nghe sẽ chú ý đến danh từ theo sau nhiều hơn.

QA

QA biết là trong Anh ngữ có MẠO TỪ BẤT ĐỊNH (INDEFINITE ARTICLES) và MẠO TỪ XÁC ĐỊNH (DEFINITE ARTICLE). Xin anh giải thích cho như thế nào là bất định và như thế nào là xác định.

BBT

Khi cô nói cô cần cái bút để viết số điện thoại của người bạn xuống thì cô có đòi cái bút đó phải là một cái Parker 71 silver sterling, ngòi mạ vàng, dùng mực xanh Royal Blue vừa mua ở South Coast Plaza … không, hay cái bút nào cũng được miễn là viết ra chữ là được?

QA

Chắc QA không khó tính và vớ vẩn như vậy đâu, bất cứ cái bút nào cũng được, bút bi, bút ngòi lá tre, bút Pilot, bút Parker … bút nào cũng được.

LÃM THÚY

Như vậy chị QA không xác định phải là cái bút nào. Khi nói cái bút nào cũng được thì "cái bút nào cũng được" là một danh từ bất định (INDEFINITE).

BBT

Trong văn phạm, tiếng Anh, chúng ta dùng MẠO TỪ BẤT ĐỊNH tức là INDEFINITE ARTICLES "A" hay "AN" với những danh từ bất định. Nhớ là chỉ dùng mạo từ bất định với danh từ có thể đếm được COUNTABLE NOUNS. Chúng ta không dùng INDEFINITE ARTICLES A và AN với các danh từ không đếm được, nói rõ hơn là các danh từ trừu tượng. Cô Thúy kể ra mấy danh từ không đếm được trong tiếng Anh coi.

LÃM THÚY

Đây là mấy UNCOUNTABLE NOUNS: WATER, KNOWLEDGE, HAPPINESS, POVERTY…

QA

Vậy thì chúng ta không thể nói A WATER, A KNOWLEDGE, A HAPPINESS, A POVERTY được. Nhưng với các danh từ đếm được thì chúng ta phải dùng INDEFINITE ARTICLES ở đàng trước phải không thưa anh?

BBT

Đúng thế. Không thể nói I WANT PEN. WE BORROW BOOK hay THEY BUY HOUSE mà phải nói…

LÃM THÚY

I WANT A PEN. WE BORROW A BOOK và THEY BUY A HOUSE.

BBT

Nhưng với những danh từ số nhiều mà không phải là những trường hợp xác định nghĩa là những danh từ bất định, chúng ta KHÔNG dùng mạo từ INDEFINITE ARTICLES. Thí dụ MISTER OBAMA MUST HAVE NEW PLANS FOR THE ECONOMY. INDIA WANTS TO SELL SMALL CARS IN THE US.

Chúng ta cũng KHÔNG dùng INDEFINITE ARTICLES với các thứ bệnh thí dụ HE HAS TUBERCULOSIS hay MANY PEOPLE IN AFRICA STILL SUFFER FROM MALARIA.

Các nghề nghiệp luôn luôn có mạo từ bất định đứng trước. Thí dụ HE IS A LAWYER IN NEW YORK. I WAS A TEACHER IN SAIGON MANY YEARS AGO.

Chúng ta cần nhớ thêm một điều nữa về INDEFINITE ARTICLES là trước những danh từ bắt đầu bằng nguyên âm như E, I, O, U, A, chúng ta dùng mạo từ AN thay vì mạo từ A. QA cho nghe các danh từ bắt đầu bằng VOWELS để dùng với mạo từ AN coi.

QA

AN EGG, AN ID-CARD, AN ORANGE, AN UMBRELLA, AN APPLE.

BBT

A và AN là INDEFINITE ARTICLES, mạo từ bất định. Mạo từ THE là mạo từ xác định tức là DEFINITE ARTICLE. DEFINITE ARTICLE THE có thể dùng với danh từ đếm được cũng như danh từ không đếm được.

Các cô nghe hai câu này:

I WANT A PEN.

I WANT THE PEN.

Hai cô thấy chúng khác nhau không? Chắc chắn là có. Câu hỏi là khi nào dùng I WANT A PEN và khi nào dùng I WANT THE PEN? Lãm Thúy thử giải thích coi.

LÃM THÚY

I WANT A PEN là tôi muốn một cái bút, bút nào cũng được, bút xanh, bút đỏ, bút nguyên tử, bút nỉ… cứ viết thành chữ là được.

I WANT THE PEN là tôi muốn cái bút ông đang cầm trong tay, đang gài trong túi áo, hay cái bút ông đang dùng, hoặc đó là cái bút trong ngăn kéo bàn giấy. Phải là cái bút đặc biệt đó mới được. Tôi xác định cái bút ấy tôi mới dùng. Ông đưa cái bút khác thì tôi không nhận.

BBT

Cô quả là người khó tính. Nhưng cách giải thích của cô thì đúng. Đó là trường hợp DEFINITE ARTICLE dùng cho một danh từ đặc biệt đã được xác định. QA cho nghe hai thí dụ một với danh từ bất định và một với danh từ đã được xác định.

QA

MANY AMERICANS LIKE VIETNAMESE FOODS. Trong câu này, VIETNAMESE FOODS là thức ăn Việt Nam ở bất cứ đâu, ở Pháp, ở Úc, Canada hay Việt Nam đều được người Mỹ thích.

MANY AMERICANS LIKE THE VIETNAMESE FOODS IN ORANGE COUNTY. QA dùng THE VIETNAMESE FOODS vì nó đã được nói rõ, được xác định là thức ăn Việt Nam ở quận Cam. Vì thế, QA dùng DEFINITE ARTICLE THE trong khi câu trên vì không được xác định, lại là số nhiều nên QA KHÔNG dùng mạo từ A.

BBT

Cô Thúy cho nghe hai thí dụ với INDEFINITE ARTICLE và DEFINITE ARTICLE coi.

LÃM THÚY

IN MY SHOP, MUSIC CDs SELL VERY SLOW. Đĩa nhạc CD nói chung bán rất chậm. Đó không phải là những đĩa đặc biệt, đó là những CD không xác định là của ca sĩ nào, lại số nhiều nên Thúy không dùng INDEFINITE ARTICLE A.

BUT THE CDs BY TRỊNH CÔNG SƠN STILL SELL WELL. Trong câu này, các đĩa CD đã được nói rõ là của Trịnh Công Sơn, đã được xác định nên húy dùng DEFINITE ARTICLE THE ở trước.

BBT

Bây giờ chúng ta chuyển qua những trường hợp bao giờ cũng dùng DEFINITE ARTICLE THE. Trước hết là với tên của núi, sông, biển, các vùng địa lý… chúng ta bao giờ cũng dùng DEFINITE ARTICLE THE ở trước. QA cho thí dụ của vài ba trường hợp coi, sau đó là Thúy.

QA

Thí dụ THE MEKONG RIVER, THE EVEREST MOUNTAIN, THE PACIFIC OCEAN.

LÃM THÚY

THE MIDDLE EAST (Trung Đông), THE WESTERN HEMISPHERE (Tây Bán Cầu), THE NORTH POLE (Bắc Cực), THE GREAT LAKES (Ngũ Đại Hồ).

BBT

Chúng ta không dùng mạo từ trước tên của các quốc gia. Thí dụ I WAS BORN IN VIETNAM. SHE WENT TO JAPAN IN 2009.

Nhưng chúng ta phải dùng THE trong trường hợp MISTER THIEU WAS THE LAST PRESIDENT OF THE REPUBLIC OF VIETNAM. Tên các quốc gia có hàm ý số nhiều cũng phải có mạo từ THE ở trước. Thí dụ THE UNITED STATES OF AMERICA, THE SOVIET UNION, THE NETHERLANDS, THE PEOPLE’S REPUBLIC OF CHINA.

Nhưng tên của các châu lục, của các thành phố, của đường phố thì không bao giờ có THE ở trước. Thí dụ ALGERIA IS IN AFRICA. YOUNG PEOPLE LIKE NEW YORK. THE BRITISH PRIME MINISTER’S ADDRESS IS NUMBER 10 DOWNING STREET. THE US PRESIDENT LIVES AT 1600 PENNSYLVANIA AVENUE.

QA

Trong chuyến đi Hán Thành, QA ở khách sạn HILTON, QA nhớ là bao giờ cũng nghe người ta nói THE HILTON. Tại sao vậy thưa anh?

BBT

Cám ơn cô nêu chi tiết này. Lý do là vì chúng ta luôn luôn dùng mạo từ THE trước tên của các rạp hát, và khách sạn. Thí dụ I SAW THE FILM DOCTOR ZHIVAGO AT THE REX IN SAIGON. MY FRIEND STAYED AT THE MARRIOT WHEN HE WAS IN LOS ANGELES.

Các tên viết tắt cũng luôn luôn có mạo từ THE ở trước. Thí dụ THE UN (UNITED NATIONS), THE USSR (UNION OF SOVIET SOCIALIST REPUBLIC), THE IMF (INTERNATIONAL MONETARY FUND), THE WTO (WORLD TRADE ORGANIZATION)…

LÃM THÚY

Thưa anh, tại sao lại nói HE PLAYS THE PIANO mà không nói HE PLAYS A PIANO?

BBT

Chúng ta luôn luôn dùng mạo từ THE trước tên của các nhạc khí nếu các nhạc khí này được tấu lên, được nhạc sĩ sử dụng. So sánh: I BOUGHT A YAMAHA GUITAR. Tôi chỉ mua thôi, chưa chắc đã sử dụng nó. Nhưng chúng ta nói MISTER SEGOVIA WAS THE MASTER OF THE GUITAR. LOUIS ARMSTRONG PLAYED THE TROMPET. DIANA KRALL PLAYS THE PIANO, đó là các nhạc sĩ sử dụng các nhạc khí vừa kể.

Còn một điều này hai cô cũng nên nhớ, đó là chúng ta luôn luôn dùng mạo từ THE trước những thành phần dân chúng, giai cấp hay chủng tộc, giống dân như THE POOR, THE RICH, THE UNTOUCHABLES OF INDIA, THE BRITISH, THE BLACKS…

Ngoài ra, tên của du thuyền hay chiến hạm bao giờ cũng có mạo từ THE ở trước. Thí dụ THE QUEEN ELIZABETH II IS NOT SAILING ANYMORE. THE USS ENTERPRISE WAS SENT TO VIETNAM. THE HQ-10 NHAT TAO FOUGHT THE CHINESE NAVY OFF THE PARACEL ISLANDS IN 1974.

QA

Thưa anh, INDEFINITE ARTICLES có A và AN. A dùng với các danh từ bắt đầu bằng phụ âm (CONSONANTS). AN dùng với các danh từ bắt đầu bằng nguyên âm (VOWELS). Thế còn DEFINITE ARTICLES chỉ có một là THE thôi hay sao?

BBT

Tôi quên không nói chi tiết này từ đầu giờ. Cô hỏi một câu rất có lý. Tiếng Anh chỉ có một DEFINITE ARTICLE THE mà thôi. Nhưng trước các danh từ bắt đầu bằng phụ âm, chúng ta đọc THE là "dơ" và trước các danh từ bắt đầu bằng nguyên âm, chúng ta đọc THE là "di".

LÃM THÚY

Cho Thúy hỏi một câu chót. Có phải chúng ta luôn luôn dùng THE với các danh từ chỉ có một, không có hai không ? Vì nó chỉ có một nên nhắc đến thì ai cũng phải biết, như vậy nó là danh từ đã được xác định nên chúng ta dùng THE phải không thưa anh?

BBT

Đúng rồi. Thí dụ trong thái dương hệ của chúng ta, chỉ có một mặt trời, một mặt trăng, một quả đất nên nói đến mặt trời thì ai cũng biết ngay, không hề có ba, bốn hay năm mặt trời để chúng ta cần phải xác định. Do đó, chúng ta luôn luôn nói THE SUN, THE MOON, THE EARTH, không bao giờ nói A SUN, A MOON, AN EARTH…

QA

Như trong tựa cuốn tiểu thuyết của Ernest Hemingway: THE SUN ALSO RISES. Cũng như trong gia đình, chỉ có một người cha, một người mẹ nên bao giờ cũng là THE FATHER, THE MOTHER phải không thưa anh?

BBT

Đúng rồi, cám ơn cô.

QUỲNH ANH

Thưa quí vị chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.