July 25, 2013

July 26, 2013

Ngày 22 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Thời gian này là lúc hay xẩy ra cháy rừng tại miền tây nước Mỹ. Trời nắng, không mưa, không khí khô chỉ cần một tia lửa nhỏ của một điếu thuốc quăng xuống đường, một cú sét nháng lửa là có thể gây ra ngay một trận hỏa hoạn. Cuối tháng 6 bắt qua tháng 7, các tiểu bang California, Arizona, Colorado đã bị liên tiếp nhiều trận cháy.
Không chỉ xe vòi rồng được huy động để chữa cháy mà luôn cả các phi cơ vận tải được cải biến để rải hóa chất cũng được dùng để cứu hỏa. Một hai loại trực thăng cũng được đem dùng để lấy nước ở các hồ, hay rải các chất kỵ hỏa để kiểm soát các trận hỏa hoạn. Vài chiếc trực thăng kiểu Huey UH 1B, kiểu dùng để chở quân và cứu thương hay làm gun-ship hồi chiến tranh Việt Nam cũng thấy bay xẹt xẹt, tiếng cánh quạt rất dễ nhận ra làm tôi nhớ tới âm thanh của nó hồi mấy chục năm trước ở Việt Nam.
Khi dùng để chở quân, những chiếc trực thăng HU 1B này có thể chở được tới 13 binh sĩ võ trang không kể 2 phi công chính và phụ.
Trong những hoạt động chữa cháy, những chiếc trực thăng này có thể vận chuyển một lượng nước đáng kể để rải xuống những nơi xe cứu hỏa không tới được. Nói tóm lại, nó là loại trực thăng rất mạnh. Nhấc được 15 người lính có võ trang thì nó phải mạnh lắm. Có lần nó đã được dùng để di chuyển một con tê giác tới một khu công viên dành riêng cho thú rừng ở Phi châu như trong một cuốn phim của National Geographic.
Vậy mà có một người đàn ông đã dùng hai tay ghì lấy cái càng của nó khiến nó không cất cánh lên được và người đàn ông ấy sau đó đã dùng súng bắn vào phòng lái khiến viên phi công chết ngay trên ghế lái và chiếc trực thăng lao xuống đất nổ tan.
Tôi nghĩ ngay cả Hercules tái sinh cũng không thể làm nổi công việc đó. Hercules chắc chỉ nặng bằng hai người lính là cùng. Sức nặng đó thì trực thăng HU 1B nhấc khỏi mặt đất một cách rất dễ dàng. Nếu Hercules tự trói mình vào một tảng đá lớn để dùng sức nặng của tảng đá giữ chiếc HU 1B thì với động cơ turboshaft của nó cũng thừa sức xé xác của Hercules để cất cánh khỏi mặt đất.
Người đàn ông dùng tay ghì chiếc trực thăng Huey của quân đội Mỹ không cho nó cất cánh là một người Việt Nam. Theo một bài báo trong nước thì ông ta là một du kích ở miền Trung, trong một trận đụng độ với lính Mỹ, một mình ông đã phá được một chiếc Huey và được trao huân chương anh hùng. Ông tên là gì, nơi ông ghi chiến công là ở đâu tôi đọc lướt qua và không nhớ.
Chỉ một vài chi tiết nhỏ về khả năng của loại trực thăng này cũng thấy ngay chuyện không thể nào có thật. Nhưng bài báo còn chụp hình ông ngồi ở nhà, ôn lại chiến công với con cháu.
Như vậy thời đánh Pháp thì có Lê Văn Tám, chú bé tẩm xăng vào người, châm lửa rồi chạy vào một đồn binh cho nổ một kho xăng của Pháp. Nhưng gần đây, nhà sử học Phan Huy Lê cho biết đó là chuyện bịa đặt của Trần Huy Liệu để động viên lòng yêu nước của người dân. Các y sĩ mà nhà viết sử Phan Huy Lê tiếp xúc đã khẳng định rằng cây đuốc sống đó không thể chạy quá được 10 mét thì làm sao chạy được từ ngoài cổng trại vào tận kho xăng của Pháp để đốt kho xăng của Pháp cho được.
Người anh hùng dũng sĩ diệt máy bay lên thẳng của quân xâm lược Mỹ tuy có thật, nhưng được đổ cho cái chiến tích lẫy lừng như thế thì ai lại dại dột phủ nhận. Phải nhận cho oai chứ.
Một cụ già 90 bị đổ cho tội làm phiền một lúc 10 phụ nữ trẻ thì tại sao lại phải lắc đầu chối phắt bao giờ? Nhận cho con cháu nó mừng chứ!
Cứ nhìn chiếc trực thăng Huey bay đi cứu hỏa là tôi lại phục ông du kích nọ không biết bao nhiêu mà kể. Phục tài nói phét của ông chứ còn phục gì nữa!

Ngày 23 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Như vậy là cuối cùng cậu bé dùng giờ cao su cũng phải xuất hiện. Cậu đã làm cho rất nhiều người hồi hộp ở trước bệnh viện St Mary’s ở Luân Đôn, đứng ngồi không yên chờ đợi suốt hơn một tuần lễ.
Với sự ra đời của cậu, người ta cũng biết cậu là một thằng cu. Chuyện đó cũng khiến cho khá nhiều người thua cá cược vì đoán lầm phái tính của cậu. Chắc suốt mấy hôm trước đó, cậu nhẩn nha nằm tiếp trong cái ổ êm ấm cậu đã chiếm giữ suốt 9 tháng, hai tay che lấy khu vực giữa hai đùi và thỉnh thoảng lại cười tủm tỉm một mình.
Và hôm nay thì cậu cũng đã có tên, và được ghi nhận là tuổi Bắc Giải. Muộn một ngày thì là tuổi Sư Tử mất.
Vậy ra tôi cũng lại là người thắc mắc không ít về cậu trong khi đầu tôi thì cứ muốn nhắc tôi là "who cares!" Mà tôi quả thực muốn có thái độ đó. Thắc mắc làm quái gì!
Cậu cũng chỉ là 1 trong 1 triệu em bé ra đời trong ngày. Trong số đó, khoảng trên 1 trăm ngàn em đã chết khi được sinh ra. Một con số đông đảo sẽ lớn lên trong cảnh thiếu thốn, trong những môi trường nguy hiểm. Khá nhiều sẽ không sống qua được sinh nhật đầu tiên. Một số khác sẽ không qua được 5 tuổi. Rất nhiều sẽ không sống được tới năm 30 tuổi. Tuổi thọ của một số sẽ là khoảng 40. Nhiều đứa bé sẽ lớn lên với siêu vi khuẩn HIV do cha mẹ truyền lại. Nhiều đứa sẽ bị đem bán để thành nô lệ, lao động, tình dục. Một số sẽ cầm súng học nghề giết người như ở Phi châu.
Sẽ chỉ có một mình George Alexander Louis là đứa duy nhất sẽ được hưởng một gia tài 1 tỉ đô la, và sẽ không bao giờ phải cầm cái resume đi xin việc, lo lắng làm sao nuôi vợ con.
Vậy thì để tâm tới chuyện của cậu bé đó làm gì? Đã có lúc tôi nghĩ như vậy. Nhưng rồi tôi lại nghĩ khác. Tại sao không lấy chuyện ra đời của cậu là một niềm vui chứ? Ở một cái thế giới càng ngày càng độc ác, hung hiểm như thế giới ngày nay, chúng ta thỉnh thoảng cũng cần vài ba chuyện vui như thế. Trong thế giới này lúc nào cũng có người sẵn sàng ôm một lượng chất nổ trong người để lúc thì cho nổ giữa chợ, trong giáo đường để cướp đi mạng sống của rất nhiều người, lúc thì âm mưu chuyện này, có lúc âm mưu một hành động tàn ác khác, thì thỉnh thoảng được nghe một câu chuyện cổ tích như hồi những năm còn ngồi trong lòng bà nội, bà ngoại mà không thích sao?
Chúng ta đã bao nhièu lần mơ lấy được cô vợ cóc, hay nàng tiên trong trái thị, hay người đẹp bước ra từ bức tranh? Chúng ta cũng có người muốn được hoàng tử đẹp trai cưỡi con ngựa câu đến rước về dinh. Cho nên sự ra đời của George Alexander Louis cũng là một chuyện cần thiết. Cứ xem những bức ảnh chụp người dân Luân Đôn trong mấy ngày qua là thấy ngay. Họ vui sướng một cách thật lòng. Tin cậu ra đời là một nguồn vui lớn tại một nước cũng đang gặp không ít khó khăn trong nhiều chuyện.
Thôi thì cứ tạm gác những chuyện ấy sang một bên, vui một chút cái đã. Như ông Bùi Giáng có lần nói "buồn quá, giả bộ vui" vậy mà.
Nhưng chú bé George Alexander Louis cũng gợi lại trong chúng ta những kỷ niệm khi đón đứa con đầu lòng về nhà mà gần như ai trong chúng ta cũng đã có.
Cái mùi thơm của đứa con mới sinh, cái bàn tay nhỏ sờ vào mặt chúng ta, cái mùi hơi thở của nó, tiếng nó khóc đòi ăn, những tiếng cười đầu tiên của nó…
Những thứ ấy đều làm chúng ta nhớ lại chính chúng ta, và người đàn ông đón chúng ta về nhà hôm ấy.
Vì thế, có vui một chút với George Alexander Louis cũng được!
Vả lại, cái đứa bé chúng ta đón về cũng là một cậu hoàng tử của chúng ta đấy chứ. Và luôn cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã có lần là hoàng tử của cặp vợ chồng trẻ mấy chục năm trước vậy. Đâu có chỉ riêng George Alexander Louis là hoàng tử !

Ngày 24 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Mỗi lần nghĩ về cái giọng nói của mình, cái giọng mà tôi đã dùng để nuôi thân mấy chục năm qua, từ công việc dậy học hồi còn ở trong nước qua đến những năm làm phát thanh ở hải ngoại, tôi vẫn cho là trong chuyến đi khỏi Hà Nội năm 1954 sau ngày đất nước chia đôi, tôi chỉ mang theo được hai cái dấu "hỏi" và dấu "ngã".
Bao nhiêu năm sống ở miền Nam, rồi lại lưu lạc qua nước Mỹ, tôi vẫn giữ được chúng, những thứ mà dùng theo ngôn ngữ ngày nay, phải gọi chúng là những "đặc sản" của Hà Nội. Tôi có thể nói sai những âm khác, tôi có thể lẫn lộn "CH" với "TR", "G" và "D", với "R". Nhưng hai cái dấu hỏi và ngã thì không bao giờ. Nghi ngờ một chút thì đi hỏi ngay các cụ trong Khai Trí Tiến Đức, các cụ Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, cùng với mấy cuốn từ điển chính tả là những nghi ngờ được đánh tan ngay lập tức.
Tôi vừa nhận được qua internet một bài viết không biết của ai với mấy dòng viết thêm ở đầu bài nguyên văn như thế này:
"X" LÀ HÌNH ÃNH ĐẸP CŨA MỘT CÔ GÁI GIÀ. "Y" LÀ HÌNH ÃNH ĐẸP CŨA BÀ MẸ VN VỚI NẾP RĂN GIÀ NUA CŨA THẾ KỸ THỄ HIỆN CÁI ĐẸP CŨA CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỮ DÂN TỘC VIỆT NAM.
Chỉ trong có mấy dòng vừa kể tôi thấy ngay được một điều: người viết mấy dòng chữ đó đã lấy cái dấu "hỏi" tôi mang theo trong người, cố gắng gìn giữ từ mấy chục năm nay, cẩn thận không làm mất và quăng đi không thương tiếc. Người viết đã thay tất cả những chữ có dấu "hỏi" và thay chúng bằng dấu "ngã" một cách không thương tiếc.
Thế là tất cả những chữ có dấu "hỏi" trong tiếng nói của tôi, của những người mất quê hương miền Bắc bị vứt đi hết. Tôi nhớ trong cuốn sách dậy đánh vần tiếng Việt của tôi hồi ấy có một câu đọc qua một lần là nhớ ngay để dậy cho bọn trẻ những cái dấu của tiếng Việt: "dao sắc, vòng huyền, hỏi nhau, ngã đau, vác nặng".
Bây giờ những cái dấu "hỏi" của tôi bị quăng đi mất rồi thì làm sao tôi nói tiếng Việt?
Những cái email như thế mỗi ngày tôi nhận được khá nhiều. Có những cái được người gửi dặn dò cẩn thận: "rất hay, phải đọc". Một số thì kèm theo những lời dặn dò không mang tính cách bó buộc như thế, nhưng cũng vẫn là "cần đọc". Đến lúc đọc thử vài ba hàng thì thấy cũng không có gì ghê gớm lắm. Sau vài ba lần như thế, tôi phải gửi lại mấy dòng đại khái xin đừng gửi cho tôi nữa.
Thì giờ không nhiều mà cứ dặn với dò như thế thì mệt quá, lại còn phải mất công delete chúng đi. Trước khi cho chúng biến mất máy còn hỏi là có thực sự muốn xóa chúng đi vĩnh viễn không nữa chứ.
Nhưng cái email nhất định bỏ cái dấu hỏi yêu quí của tôi thì quả là quá đáng. Mất cái dấu hỏi, tôi sẽ có thể gây ra những hiểu lầm có khi tai hại và rất đáng tiếc.
Những người quen cũa tôi sẽ không thễ hiễu được cơn gió độc nào vừa thỗi qua, làm bay đi cái dấu hõi cũa tôi, khiến cho tôi ăn nói nghe lẫn thẫn quá chừng, nghe chã hiễu gì hết . Khỗ cho tôi quá. Tự nhiên tôi thấy buồn không thễ tã được. Đó là nỗi buồn hõi ngã, nỗi buồn chính cũa tôi mà tôi cố tránh né , nay đến tuỗi này bỗng dưng bị đỗ vào tay thì có khỗ sỡ cho tôi không.
Trong khi đó, tôi có thể tin chắc rằng người lấy cái dấu hỏi của tôi vứt đi và thay thế chúng bằng những cái dấu ngã thì chính ông ấy hay bà ấy, cô ấy lại cứ viết dấu ngã nhưng lại quay ra phát âm thành dấu hỏi thì có tức không cơ chứ.

Ngày 26 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Hôm nay, tôi vào internet và được xem mấy bức ảnh chụp cuộc thi hoa hậu Việt Nam toàn cầu năm 2013 vừa diễn ra mấy hôm trước ở San Diego . Bài viết đi kèm nói là cuộc thi đã diễn ra một cách thành công tốt đẹp.
Nhưng xem những bức ảnh thì tôi thấy những nhận định đó có nhiều phần không đúng.
Người ta không chờ đợi cuộc thi đó được tổ chức theo những tiêu chuẩn của những cuộc thi hoa hậu của Mỹ. Lý do dễ hiểu là phương tiện của một cuộc thi hoa hậu Việt Nam không thể sánh ngang với những cuộc thi tầm vóc quốc tế của Mỹ.
Những hình ảnh về cuộc thi mà người ta thấy được chỉ làm hạ giá cuộc thi hoa hậu này đi rất nhiều.
Đập ngay vào mắt những người được xem những bức ảnh chụp ở cuộc thi là tấm phông lớn, làm nền cho buổi trình diễn. Hình như cuộc thi chỉ có một tấm phông đó vì tất cả các thí sinh dự thi đều xuất hiện trước nó.
Tấm phông không có lấy được một nét thẩm mỹ nào. Tấm phông có vẽ silhouette của một phụ nữ với bộ ngực lớn dáng điệu như đang uốn éo nhẩy múa, tóc bay bay. Phải nói đó là một tấm phông rất xấu. Rất xấu và thô tục. Tội nghiệp các thí sinh từ nhiều nơi đến tham dự cuộc thi đã phải trình diễn trong những trang phục đẹp nhất của họ trước tấm phông rất xấu và thô tục đó.
Chắc nhiều người cũng phải thấy điều đó. Hình vẽ người đàn bà được mô phỏng theo một hình vẽ khác mà người ta thấy bán ở các tiệm bán phụ tùng xe hơi. Hình người phụ nữ khỏa thân cũng mái tóc bay bay đó và một bộ ngực to khác thường ấy được dùng để trang trí cho những cái chắn bùn gắn ở bánh sau xe. Thường đó là những xe pick up hay những xe vận tải lớn.
Cái đẹp của những thành phần red neck phải là như thế. Phải có bộ ngực lớn. Chân phải dài, bụng như bụng búp bê Barbie.
Những người đàn ông râu ria rậm rạp, cái bụng bia thè lè vượt mặt, chiếc sơ mi không cài khuy, chiếc mũ baseball lúc nào cũng ở trên đầu và mặt mày đỏ ké, hơi thở toàn mùi bia lái những chiếc xe 18 bánh chạy với tốc độ điên cuồng trên xa lộ mà chúng ta chắc đã phải thấy nhiều lần. Những cái xe đó đều gắn những cái chắn bùn với hình ảnh phụ nữ "lý tưởng" của họ ở sau xe.
Cứ mỗi lần họ qua mặt chúng ta, chúng ta lại một phen hết hồn phải nép sang một bên.
Hình ảnh người phụ nữ đẹp theo kiểu lạ lùng đó đã được sao chép lại, phóng lớn lên để làm phông nền cho cuộc trình diễn của các thí sinh hoa hậu Việt Nam.
Cũng mái tóc bằng mấy nét vụng về đó. Cũng bộ ngực to khác thường đó. Khác chăng là trong tấm phông, người phụ nữ được cho đứng với gợi ý là đang mặc một chiếc áo dài che lấy đôi chân, thay vì ngồi duỗi chân.
Có thể ban tổ chức cố tình vẽ khác đi để tránh khỏi bị kiện tụng lôi thôi về bản quyền. Nhưng mặc dầu có vẽ khác đi một chút, người ta vẫn nhìn ra những nét giống nhau đó.
Người ta cũng thấy hình người phụ nữ trong dáng ngồi đó được gắn trên những cầu tiêu dành cho phụ nữ ở tại những nơi nghỉ dọc theo các xa lộ xuyên tiểu bang.
Toàn là những nơi chốn không có được bao nhiêu nét đẹp đẽ văn hóa.
Than ôi, thi hoa hậu mà có tấm phông làm nền như thế thì có tội nghiệp cho những người phụ nữ Việt dự tranh chức hoa hậu toàn cầu không cơ chứ! Phụ nữ Việt Nam nào lại có thứ nhan sắc tục tĩu và dâm đãng như vậy!
Tấm phông chỉ mang một hình ảnh thô tục và rất rẻ tiền chứ không hề đẹp một chút nào hết. Nó làm cho cuộc thi hoa hậu mất đi bao nhiêu giá trị và bôi bẩn những thí sinh tham dự.

Bộ đó là văn hóa của Việt Nam, và nét đẹp của phụ nữ Việt hay sao?

July 18, 2013

July 19, 2013

Ngày 15 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Báo chí trong nước cho biết Việt Nam đã nhờ Nga đóng cho một tầu ngầm mới, chiếc thứ ba thuộc loại kilo. Vẫn theo báo chí nhà nước thì trong tương lai, Việt Nam sẽ có một lực lượng tầu ngầm gồm 6 chiếc do Nga đóng.
Ngoài những tầu ngầm này, Việt Nam cũng đã tiếp nhận hai chiến hạm trang bị phi đạn, cũng do Nga sản xuất mang tên là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ- 012 Lý Thái Tổ.
Nga cũng đã đóng xong hai tầu ngầm loại kilo 636 được đặt tên là HQ-182 Hà Nội và HQ-183 Thành Phố Hồ Chí Minh. Hai tầu ngầm này đã được mang chạy thử và sẽ về tới Việt Nam khoảng cuối tháng 7.
Chiếc tầu ngầm thứ ba sẽ được đem chạy thử khoảng cuối năm nay. Nga cũng cho biết đang khởi sự đóng 3 chiếc còn lại cho hải quân Việt Nam.
Hai chiếc Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ đã về đến Việt Nam từ tháng 8 năm 2011 nhưng chưa thấy làm được gì với "chức năng" của nó. Tháng 6 vừa qua, cả hai chiến hạm này đã thực tập với các chiến hạm Trung quốc về kỹ thuật tiếp cứu các tầu gặp nạn mà báo chí nói là có thể là tầu cá, tầu dân sự của Trung quốc hay của Việt Nam. Sau đó, hai chiến hạm Việt Nam đã tới thăm hạm đội Nam Hải của Trung quốc. Nhưng trong mấy ngày qua, một số tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị những tầu lạ tấn công thì không thấy các chiến hạm của hải quân Việt Nam có hành động tiếp cứu nào.
Người ta có thể nghĩ là chuyến đi thăm thành phố Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông của hai chiến hạm Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng chỉ là chuyến đi trình diện cho hải quân Trung quốc thanh sát khả năng và võ khí của những chiếc tầu này như để cam kết rằng tầu của chúng tôi không hề đe dọa tầu chiến của quí quốc, quí quốc cứ việc sách nhiễu, gây phiền hà, bắt nạt ngư dân của chúng tôi ở những vùng lãnh hải mà quí quốc chiếm của chúng tôi.
Cứ đọc những cái tên mà các chiến hạm này được đặt cho là thấy ngay hải quân của nước ta anh hùng đến đâu.
Hai chiến hạm HQ-011 và HQ-012 được đặt cho tên của hai vị anh hùng của Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Đó là việc làm hợp lý. Nhưng nghĩ lại một chút thì thấy việc dùng tên của hai ông vua này đặt cho hai chiến hạm HQ-011 và HQ-012 chắc chắn có những ẩn ý đằng sau. Hai vị vua này không đánh quân Tầu trận nào. Cả hai ông đều không ông nào đánh một trận hải chiến nào vậy mà tên được đem đặt cho hai chiến hạm.
Có dám dùng tên Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Ngô Quyền không? Chắc không, vì những cái tên đó đều là những cái tên gắn liền với những chiến công chống Nguyên, chống Nam Hán … Đặt những cái tên đó sẽ làm mất lòng người anh em phương bắc thì sao?
Rồi đến việc đặt tên các tầu ngầm cũng cho thấy người ta né tất cả những cái tên có thể làm buồn người anh em phương bắc. Không dám đặt là Chương Dương, Hàm Tử , Bạch Đằng… những cái tên nhắc tới những chiến công thắng giặc Tầu của hải quân Việt Nam.
Vì thế, người ta đem tên Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh ra đặt để khỏi bị mắng.
Cả hai cái tên Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh đều không có cái tên nào dính dáng tới những chiến công của hải quân Việt Nam. Đặt những cái tên đó rõ ràng là để khỏi làm phiền lòng người anh em phương Bắc.
Rồi chiếc tầu ngầm thứ ba sẽ được đặt tên là HQ-184 Hải Phòng. Cái tên này lại cũng vẫn là một địa danh không ghi một hoạt động đáng kể nào của hải quân Việt Nam. Tin của một tờ báo Nga cho biết thêm ba chiếc còn lại được đặt tên là HQ-186 Khánh Hòa, HQ-185 Đà Nẵng, và HQ-187 Bà Rịa Vũng Tầu. Như vậy tất cả 6 tầu ngầm đều được đặt cho những cái tên lãng xẹt, không dính líu gì tới hải quân và nhất là không một cái tên nào nhắc đến những chiến công của hải quân chống lại quân Tầu trong lịch sử Việt.
Sợ lắm. Hèn lắm.
Nhưng mà an toàn, không làm mất lòng hay gây phiền lòng, chọc giận ai hết.
Có giỏi mang tên Hoàng Sa, Trường Sa đặt cho hai chiếc đang được đóng ở St Petersburg coi sao đi!

Ngày 16 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Hồi những năm còn đi học, những năm mà chúng ta gọi là thuở "mài đũng quần ở ghế nhà trường", thì vật thân thiết nhất của bọn học trò chúng ta là cái bàn, cái ghế ở trường, và ở nhà, có thể nói là gần như ai cũng có cái bàn học để ngồi học bài, làm bài. Hay nếu không có, thì mang sách vở ra ngồi học ở cái bàn cũng còn được dùng để gia đình ngồi ăn cơm với nhau.
Ở trường, cái bàn, cái ghế là chỗ chúng ta ngồi suốt cả năm. Mặt bàn nào cũng đầy vết mực, những hàng chữ khắc bằng compas, ghi tên tuổi của người ngồi đó với đủ mọi thứ mực xanh đỏ… Cũng có khi để thông tin với người học buổi chiều hay buổi sáng. Cái bàn học ở nhà là chỗ cất sách vở, nó ở với chúng ta suốt nhiều năm. Bởi thế cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ cái bàn học cũ ấy mặc dù không biết nó đã lưu lạc đến chân trời góc biển nào, qua tay ít nhất cũng phải cả chục người khác từ khi tôi rời nó, và sau khi nó được bà mẹ tôi đem cho nó đi cho đỡ choán chỗ trong nhà.
Cái bàn học ấy của tôi được đóng bằng gỗ tạp, không sơn phết gì, sau nhiều năm, nó đã loang lổ những vết mực. Nhưng ngày ấy có nó cũng là bảnh lắm rồi. Tuần trước trên tờ Tuổi Trẻ, tôi thấy mấy bức hình chụp một chiếc bàn học trẻ em mà một gia đình ở thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình vừa mua về cho con.
Bộ bàn ghế được sơn phết khá đẹp, có hình vẽ mấy nhân vật của Disney: Mickey và Minnie. Phía dưới có mấy ngăn để sách vở, ở trên có một cái giá cũng để xếp sách vở.
Bài báo cho biết bộ bàn ghế được mua ở một cửa tiệm ở dưới phố. Nhưng khi nhìn kỹ thì người đàn ông , cha của đứa con được mẹ mua cho cái bàn kinh ngạc nhận thấy là mặt bàn có in bảng cửu chương và bảng chữ cái tất cả đều bằng tiếng Hoa.
Ông chạy ra tiệm mà vợ ông vừa mua bộ bàn học cho con thì thấy còn rất nhiều những bộ bàn học như thế, tất cả đều in chữ Hán trên mặt bàn.
Như thế, sau những cuốn sách mua từ Trung quốc về đem dịch lại bán cho học sinh Việt Nam, thì nay, đến những bộ bàn ghế cũng xuất sứ từ Trung quốc, có in bảng cửu chương và những chữ cái của Trung văn. Việc Hán hóa người Việt được thực hiện ở mọi nơi. Việc làm đó cũng chẳng tinh vi gì cho cam. Vài quyển sách viết tầm bậy được bán sang Việt Nam, dịch qua loa sang tiếng Việt, rồi cho tràn ngập các tiệm sách khắp nơi trong nước. Những bộ bàn ghế huỵch toẹt in bảng cửu chương và bộ chữ cái trắng trợn bằng tiếng Hoa.
Nhà cầm quyền không ngó mắt tới những chuyện đó sau khi đã có vài đồng bạc lót tay. Còn người dân thì hỏi có được bao nhiêu người hốt hoảng nhìn ra được những bộ chữ cái bằng tiếng Hoa in trên mặt bàn để lắc đầu, bỏ đi kiếm cái bàn học khác cho con?
Không. Chúng ta mua nhũng cuốn sách đó về dậy con học. Chúng ta cho chúng ngồi học trên bộ bàn ghế như bộ bàn ghế in chữ Hoa bán ở Tam Điệp, Ninh Bình. Chúng ta đi chợ mua các thực phẩm làm tại Trung quốc pha chế đủ mọi loại hóa chất độc hại nấu nướng cho chúng ăn. Khi chúng ta hơi hoảng hốt một chút thì người ta tháo cái nhãn Made In China để dán cho cái nhãn khác, thế là nho, cam, táo trở thành nho, cam, táo Mỹ. Trong khi đó, các thứ khác thì vẫn ngang nhiên giữ nguyên cái nhãn Made In China để tung ra đầu độc cả nước.
Vì thế, đến những cái quần jeans làm ở Trung quốc mới đây cũng tẩm những hóa chất có thể gây bệnh ung thư cho vùng kín của người tiêu thụ, cả những chiếc nịt vú cũng chứa những hóa chất có thể gây bệnh cho các phụ nữ dùng chúng.
Phố xá thì các bảng hiệu viết bằng chữ Tầu mọc lên ở khắp nơi. Ở Hạ Long, ở Bình Dương, ở cả Nghệ An … nhan nhản những tấm bảng chữ Tầu. Và ngay cả ở giữa thủ đô Hà Nội, người ta cũng thấy tấm bảng viết bằng song ngữ với những chữ Việt được đẩy xuống dưới một cách khiêm tốn và thứ yếu.
Và ở Mỹ, có được mấy đài truyền hình Việt Nam dám không chiếu những phim của Tầu? Tầu Hương Cảng, Tầu Đài Loan cũng như Tầu Hoa lục?
Những chuyện như thế làm gì có dưới các thời Ngụy của Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu bao giờ!

Ngày 17 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Phụ nữ Việt Nam mắc một món nợ lớn với ông Nguyễn Cát Tường. Có thể nói tất cả phụ nữ Việt đều thiếu ông một món nợ không biết đến bao giờ mới trả cho hết được.
Nhưng thực ra, người ta đang trả ông, cả vốn lẫn lời. Có thể nói phần lời là phần khá lớn. Bắt chước Winston Churchill khi nhắc đến các phi công của hoàng gia Anh hồi đệ nhị thế chiến và sửa sang lại chút ít, thì chưa bao giờ lại có quá nhiều người nợ một người là ông Nguyễn Cát Tường nhiều như thế.
Món nợ ấy vẫn cứ canh cánh bên lòng, mỗi lần họ xỏ tay vào chiếc áo mà ông vẽ kiểu cho họ.
Ông nối những chiếc vạt của chiếc áo tứ thân lại với nhau. Chạy một hàng cúc bấm ở bên cạnh, thay đổi những cái cổ một chút cho kín lại để chiếc yếm không còn được dùng nữa và thay thế bằng một món "nội y" mới hơn.
Thân áo cũng do một loại hàng khác mà một nhà thơ, khi ngồi bên một bến sông nhìn về ánh đèn từ Hà Nội chiếu qua đã thầm mơ đến:
…Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có rạt rào… (1)
Chính là chiếc áo ông vẽ cho phụ nữ Việt mới tạo ra được một niềm nhớ thắm thiết như thế. Trước đó, ngay cả chiếc áo của cô bé 15 tuổi trong chuyến đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp cũng không gây được cái hình ảnh thiết tha như chiếc áo Lemur.
Mà thật, đôi tà áo của kiểu áo mới đó lập tức tiến vào và ở lại với cái "hôm nao" đó:
… áo trắng ngây thơ mộng trắng trong
Hôm nao em đến mắt như lòng…(2)
Những chiếc áo của phụ nữ trước đó không bao giờ mang cái mầu trắng trong đó. Nó có thể đẹp để đi cùng với sợi xà tích, chiếc thắt lưng, đôi dép cong, chiếc nón quai thao như trong nhũng bức ảnh chụp hồi đầu thế kỷ 20 mà nhiều người còn giữ lại được.
Phải chờ đến đôi mắt chỉ nhìn thấy những cái đẹp và bàn tay của người họa sĩ, chiếc áo của phụ nữ Việt Nam mới hóa thân được để hai tà của nó có thể "mở khép nghìn tâm sự" và tạo ra những nỗi nhớ như trong Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng:
Hoa nở cô đơn bóng động thềm
Vườn xưa còn thoảng chút hương em
Xót xa lá cỏ vương mùi tóc
Tà áo bay về nhớ suốt đêm…(3)
Cái khép mở của tà áo chở theo cái mát của mùa xuân giữa nắng hạ:
Em đem trời đẹp vào trong lớp
Ta thấy đang hè bỗng đã xuân…(
4)
Nhất định là phải có những cái tà áo. Những cái tà áo ấy , tôi được nghe kể lại, đã là đầu mối của một mối tình giữa một người phụ nữ còn rất trẻ vấn tóc trần, chiếc áo trắng cổ thấp kiểu Lemur đứng ở cửa nhà mỗi sáng và một giáo sinh trường sư phạm ở Hà Nội ngày nào đi ngang trên đường đi học. Là một sản phẩm của mối tình với tà áo ấy, tôi cũng phải nhớ ơn ông họa sĩ Nguyễn Cát Tường.
Kiểu áo của ông nổi trôi rất nhiều. Năm 1954, dáng kiều thơm của Hà Nội phải dẹp những chiếc áo tiểu tư sản đó chỉ sau ít ngày Hà Nội đổi chủ. Cũng như nhiều chiếc áo dài rất đẹp sau năm 1975 ở miền Nam. Người ta muốn cái đẹp khác. Đẹp là phải bưng biền, cách mạng, sắt máu, mặt mũi vêu vao, thô kệch như những người phụ nữ cầm AK lạc lõng ở những con đường Sài Gòn cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1975.
Nhưng rồi cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, vẻ đẹp bưng biền đó không có chỗ đứng, và những chiếc áo dài đã trở lại.
Luôn cả mấy người đàn bà nhà quê từng hô hào dẹp bỏ những chiếc áo dài ấy cũng lôi chúng ra mặc. Vợ của các lãnh tụ Hà Nội làm mặt trơ lấy những chiếc áo một thời chính bọn họ đòi dẹp bỏ ra mặc trong những chuyến xuất ngoai với chồng thay vì khóac trên người những chiếc áo đen nón tai bèo mà họ từng có thời hết lời ca ngợi.
Cái đẹp đã thắng.
Phụ nữ Việt Nam đã làm cho áo dài Lemur lại trở lại, làm sống trở lại cái đẹp họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ cho họ.
Tuần vừa qua, đã có một buổi trình diễn các kiểu áo mà ông đã vẽ và đăng trên tờ Ngày Nay hồi thập niên 40. Những phụ nữ trong buổi trình diễn không ở trong hạng tuổi mười tám đôi mươi mà ở một số tuổi lớn hơn, trông hệt như mẹ tôi hồi ấy, hình ảnh mà tôi vẫn còn nhớ nhất của mẹ tôi.
Và vì thế, cả tôi nữa, tôi cũng mắc nợ rất nhiều với họa sĩ Nguyễn Cát Tường.
Cám ơn ông nhiều lắm.
(1) Quang Dũng
(2) Huy Cận
(3) Đinh Hùng
(4) BBT

Ngày 18 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Suýt nữa tôi đã tìm cách về Việt Nam để sống lại đời sinh viên mà tôi đã giã từ từ nửa thế kỷ nay.
Về ghi tên học Văn Chương Quốc Âm, lấy cái chứng chỉ philology và Triết Học Đông Phương mà tôi rất thích nhưng đã không bao giờ bỏ thì giờ ghi danh học. Hay nếu không thì qua trường Luật ghi tên học lại từ năm thứ nhất để kiếm cái bằng Luật cho bằng anh, bằng em với ông Ba Ếch Nguyễn Tấn Dũng, người lận lưng cái bằng cử nhân luật của một đại học nào đó trong rừng Cà Mâu.
Tôi rất muốn làm những chuyện đó, vì nhớ mãi lời của Ann Landers khi trả lời một độc giả cao niên hỏi là có nên trở lại đại học hay không. Ann Landers nói rằng nên đi học, vì sau này, khi nhìn lại, thì có trong tay cái bằng đại học, dẫu có muộn màng thì vẫn còn hơn là không có gì nếu không ghi tên trở lại đại học.
Hôm mồng 4 tháng 7 vừa qua, bộ giáo dục Việt Nam ra một thông tư nói rằng để đền ơn các bà mẹ Việt Nam anh hùng có công với cách mạng trước ngày 1 tháng 1 năm 1945 cũng như những người hoạt động với cách mạng từ 1 tháng 1 năm 1945 đến ngày cách mạng thành công năm 1945 đều được cộng thêm 2 điểm nếu các bà mẹ này thi vào các trường đại học.
Tin báo chí trong nước loan ra khiến tôi nghĩ tôi phải về nước để đi học đại học trở lại. Được ngồi cạnh các sinh viên cao niên như thế tôi sẽ có thêm được nhiều can đảm để sách đèn trở lại.
Chao ơi, mấy khi lại có được các bạn đồng môn như thế. Tôi sẽ không bị các sinh viên trẻ bắt nạt nữa. Tuổi tôi đã già, chân tay không còn được như xưa, sức vóc đâu để mà tranh lấy chỗ ngồi tốt trong giảng đường nữa. Nhưng bây giờ, nếu trở lại đại học với các cụ, tôi sẽ là thành phần sinh viên trẻ so với các cụ. Không còn sợ bị bắt nạt nữa.
Tôi nghĩ trước ngày 1 tháng 1 năm 1945 mà các cụ đã theo cách mạng, thì nay, các cụ cũng phải 90 hay ngoài 90 rồi. Được cộng thêm 2 điểm thì chắc chắn các cụ có được lợi điểm hơn tôi. Tôi sẽ phải cố gắng thêm để theo kịp các cụ.
Nhà nước tính rất đúng. Các cụ theo cách mạng từ rất sớm nên thì giờ đâu để đến trường. Nay trong tay không có được tấm bằng cầm cho trẻ nó mừng thì cũng buồn trong khi bác Ba Ếch thì có cử nhân luật dẫu cho là luật rừng. Thế rồi lại ông Nguyễn Phú Trọng vừa được tặng bằng tiến sĩ danh dự của đại học Thammasat ở Bangkok. Ai cũng có bằng thì tại sao không giúp các cụ có cái bằng treo chơi.
Con số các bà mẹ nay còn sống đến ngày hôm nay chắc không còn nhiều. Cho các cụ đi học lại cũng không tốn kém bao nhiêu. Các cụ ra trường chắc cũng không còn vác cái bằng đi xin việc được nữa. Vậy thì không có gì đáng lo, đáng ngại cả.
Thế là vài ba chục cụ đã khấp khởi mừng thầm sửa soạn lên đường làm sinh viên cho bõ nhung ngày cơ cực.
Tội nghiệp các cụ. Cả đời theo cách mạng rồi lại lăn mình ra kiếm sống, may ra có cái bảng cửu chương làm tính nhẩm trong lúc bươn chải kiếm sống. Có bao giờ nghe thấy cái phương trình bậc hai đâu. Ngay cái qui tắc tam xuất các cụ nhiều khi cũng không biết. Nhưng nay chính phủ lại khuyến khích đi học đại học thì các cụ xoay sở thế nào. Gần thế kỷ không cầm lấy cái bút, nay cầm lại, tuy có chậm một chút nhưng đã sao. Có gặp khó khăn thì sẽ có "phao" mang vào lớp. Lo gì không thi đâu , đậu đó như cả nước ngày nay. Lận lưng cái bằng thạc sĩ mà vẫn phải đi bán vé số thì nay mình đang bán vé số, kiếm cái bằng thạc sĩ thì đã sao. Nhưng học cái gì đây? Để coi mấy ông lớn học gì, mình học cái đó. Mấy ổng xuất thân làm nghề hoạn lợn, phó cúp, xếp tanh còn bằng cấp đầy người huống chi là mình. Thế là các cụ bàn nhau phải đi học. Kiếm cái Cử Nhân Giáo Khoa Anh Mỹ, Cao Học Văn Chương Pháp, Cử Nhân Kinh Tế, Cao Học Công Pháp… không biết chúng nó là cái gì nhưng nghe cũng ngộ. Thế thì cứ ghi danh thi cái coi.
Nhưng tôi lại đành phải xếp chuyện trở về với sách vở, giảng đường đại học lại, vì bộ giáo dục Việt Nam lại vừa quyết định thu hồi việc cộng thêm cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng 2 điểm nếu các cụ trở lại với đại học.
Không biết bộ giáo dục chơi xỏ các cụ, cho các cụ thêm điểm đại học để các cụ trở lại với đèn sách trong khi bộ thừa biết các cụ không thể nào đi học lại được nên nay rút lại cái thông tư cộng thêm điểm cho các cụ. Hay chính mấy anh có cử nhân luật rừng, bằng cấp tự trao cho mình, mua ở đầu đường, làm giả treo chơi sợ bị các cụ cạnh tranh nên đã dẹp ngay giấc mộng đại học của các cụ.


Thế là trước sau, đằng nào các cụ cũng vẫn bị lợi dụng và lừa bịp cả.

July 11, 2013

July 12, 2013

Ngày 8 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Chiều hôm qua tôi ngồi nhà vặn truyền hình lên coi cho đỡ buồn thì lại bị "trúng" ngay một chuyện chẳng ra làm sao cả, hệt như mấy câu thơ của một người bạn ở Na Uy:
Buổi chiều rớt xuống một nỗi buồn
Rớt trúng nhằm ta có chán không…
Trong một chương trình truyền hình, một xướng ngôn viên sau khi nói vài ba câu đưa đẩy với đồng nghiệp, cô duyệt lại một vài bản tin trong tuần qua và nói rằng có một chuyện làm cho cô buồn ghê gớm. Đại khái là như thế. Tôi không nhớ được nguyên văn lời cô nói. Nhưng chi tiết ấy không quan trọng mấy. Chỉ nhớ đại khái bản tin ấy làm cho cô rất buồn. Cô thuật lại cái tin làm cho cô buồn, và không chờ nghe hết các chi tiết khác, tôi tắt máy, và như câu thơ của người bạn:
Ta nhặt trên tay ngồi ngắm nghía
Rõ khổ, buồn xưa điếng cả lòng…
Nghe mấy câu cô "intro" để dẫn nhập vào cái tin làm cho cô rất buồn đó, và hình như cô lôi cuốn thêm cả những người khác để cùng buồn với cô, tôi đã tưởng ra cả chục chuyện buồn có sẵn trong đầu. Nhưng nghe chưa hết cái tin làm cho cô buồn thì tôi thấy ngay nỗi buồn của cô không hề là nỗi buồn của tôi một chút nào cả nên tôi bèn tắt máy đi làm chuyện khác, không phải cho đỡ buồn, mà cho đỡ tức.
Tôi tưởng cô nhắc chuyện mấy cái tầu đánh cá của những ngư dân Việt Nam khốn khổ bị những chiếc tầu Trung quốc húc cho hư hại nặng ở gần Hoàng Sa tuần trước. Chuyện đó thì buồn thật đấy chứ. Phương tiện mưu sinh của những người dân ở miền quê hương tôi nghèo lắm ai ơi bị húc nát, mạng sống của họ suýt nữa không còn nữa để về với gia đình… Mà những chuyện như thế thì đã xẩy ra không biết bao nhiêu lần ở cái vùng biển cha ông để lại đang bị cướp đi một cách trắng trợn.
Tôi cũng tưởng cô nhắc đến vụ mấy tên ma cô ma cạo vào tận một tỉnh nhỏ ở miền Nam để tuyển vài ba phụ nữ đem gả cho mấy anh Tầu rồi mấy anh Tầu này, sau khi dùng thử mấy cô, thấy không vừa ý đã đem những người con gái này trả lại cho gia đình họ và đòi tiền lại như đi chợ mua hàng không thích thì đem trả lại như báo chí trong nước vừa nhắc hồi tuần qua chứ.
Hay chuyện mấy người ăn trộm chó bị dân làng bắt được hành hung đến chết, mà những chuyện như thế đang càng ngày càng xẩy ra nhiều hơn hồi gần đây. Tội nghiệp, thịt xương ai cũng là người. Làm sao phải liều mạng ăn trộm vài con chó để kiếm sống lại chỉ gặp cái chết. Bản tin còn kèm theo bức ảnh chụp người đàn ông bị đánh bất tỉnh được một phụ nữ ôm trong tay. Người phụ nữ ấy là ai? Là em, là chị, là vợ, hay là bạn của người đàn ông ấy? Đôi mắt cô đầy nét tuyệt vọng, kinh hoàng ngó lên đám đông hung tợn đang vây quanh sau khi đánh người đàn ông ăn trộm chó. Đất nước gì mà đẩy người dân vào chỗ phải làm những chuyện tệ mạt như thế để kiếm sống?
Tôi cũng tưởng cô xướng ngôn truyền hình ấy sẽ nhắc tới chuyện một người cha Việt Nam lặn lội sang tận Trung quốc để giải thoát cho con gái bị lừa bán vào động quỉ bị buộc phải tiếp 30 người đàn ông mỗi ngày chứ.
Rồi tôi lại nghĩ hay là cô nhắc chuyện 19 người lính cứu hỏa thiệt mạng trong khi tìm cách chặn ngọn lửa cháy rừng ở Arizona chứ. Những cái chết ấy làm cả nước Mỹ đau xót mà nếu chúng ta có buồn thì cũng đúng chứ sao.
Nhưng không, cô xướng ngôn viên truyền hình nọ đã không nhắc những chuyện đó. Hay có thể cũng có nhưng tôi không xem tiếp nên không biết. Tuy thế, cô mở đầu để thuật lại cái bản tin làm cho cô hết sức buồn là cái chết của hai học sinh người Hoa trên chuyến bay cả hãng hàng không ASIANA. Cô chọn tin ấy để nói đầu.
Chao ôi. Cái tin ấy mà cô cho là tin buồn nhất trong tuần hay sao?
So với những cái tin bật ra trong đầu mà tôi nói ở trên thì nó không thể lớn hơn để đến nỗi phải đưa lên đầu của câu chuyện của cô. Cô đau buồn thì cứ đau buồn. Nhưng lôi cả những người khác để cùng cô xót xa về cái chết của hai cô nữ sinh Tầu trong lúc này thì không nên. Tôi sẵn sàng đau buồn về cái chết của 19 người lính cứu hỏa. Nhưng về hai cô Tầu thì không. Nhất định là không.
Không biết cô có xem những bức hình chụp những phụ nữ Việt Nam bị bọn lính Trung quốc hãm hiếp rồi lại giết một cách tàn bạo hồi xẩy ra chiến tranh Việt Trung năm 1979 không.
Xem xong rồi có tiếc thương 2 nữ sinh Trung quốc thiệt mạng trong chuyến bay ASIANA cũng chưa muộn.

Ngày 9 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Rảnh rỗi bạn vào internet đánh mấy chữ này: giet nguoi trong mong em be hat. Xem xong cái video clip này rồi bạn thấy thế nào? (http://www.youtube.com/watch?v=xddl8ADIhpI)
Tôi được xem cái video clip ấy hôm cuối tuần khi đến nhà một người bạn ăn tối.
Trong video clip, một em bé khoảng 5 hay 6 tuổi gì đó, mặc một chiếc áo đầm đỏ, tay cầm một chiếc microphone giả, chắc lại được làm tại Trung quốc. Em cầm microphone "hát" một ca khúc diễm tình phổ từ một bài thơ của Hàn Mặc Tử, bài thơ nhan đề Làm Sao Giết Được Người Trong Mộng.
Em bé vừa hát vừa diễn tả rất nhà nghề. Quằn quại, vật vã, tay lúc vung lên, lúc diễn tả tình cảm đau đớn thì nhắm mắt lại, tay giang ra, ngả nghiêng dáng đứng như cách trình diễn của những ca sĩ người lớn hát bài ca này. Có những lúc em dùng những động tác rất người lớn và có thể nói đó là những động tác có đôi nét nét tục tĩu ở trong. Mắt đờ đẫn, lúc nhắm lại, lúc gập đôi người lại, lúc vặn vẹo người, uốn éo theo bản nhạc…
Giọng hát là một giọng còn rất trẻ, nhưng không đi đôi với miệng trong video. Nếu em hát nhép (lipsynch) thì em rất thuộc bài. Đó là cố gắng và thành công của những người dậy em hát.
Cũng rất có thể tiếng hát không phải của em, mà là của một em bé khác, giọng cũng còn rất trẻ.
Mà nếu đúng như vậy thì ở đây có tới hai cặp cha mẹ. Một cặp sinh ra em có tiếng hát. Một cặp sinh ra em bé hát nhép. Cả hai cặp cha mẹ đó đều đã làm những chuyện hết sức bậy bạ.
Bài Giết Người Trong Mộng không hợp với hai em một chút nào. Ở tuổi ấy thì hai em biết gì về những bội thề, những loài bướm đong đưa, trả thù duyên kiếp phũ phàng, mộng ê chề, tình yêu bẽ bàng… Nhưng các em vẫn được mớm cho từng chữ nhảm nhí (với tuổi thơ của các em) bằng những thứ cha mẹ bệnh hoạn, thiếu giáo dục như thế. Tuổi thơ của hai em bé bị giật lấy, quăng đi, để ấn vào tay chúng, đặt vào miệng chúng những lời hát mà ở tuổi hai mươi cũng vẫn còn có thể vận vào người, trở thành những tiếng chuông của Pavlov, xô đẩy chúng vào những chuyện chẳng ra đâu hết. Thúy Kiều cũng vì nhũng khúc đàn bạc mệnh, lãng mạn quá đáng ấy mà hỏng cả một đời.
Các cụ ngày xưa có thể khó quá: "Đàn ông chớ kể Phan Trần / đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều"… rồi lại "đàn bầu ai gẩy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu"…
Cha mẹ ai cũng cẩn thận tìm mọi cách tránh cho con cái, trai cũng như gái khỏi sa vào những chuyện ái tình quá sớm, những trên bộc trong dâu, những chuyện đôi lứa ở tuổi chưa biết suy nghĩ chỉ nhiều phần dẫn tới bất hạnh …
Nhưng ở đây, là những người cha, những người mẹ này sẵn sàng vỡ lòng dậy cho con cái những nghề nghiệp hay như thế. Người xem, một số tội nghiệp cho các em sớm bị dậy cho những chuyện tồi tệ.
Nhưng cũng có một số người đông hơn lại có ý kiến rất phục em bé, cho là em có khiếu , đáng yêu, dễ thương…Đó cũng là một chi tiết đáng ngại.
Cách đây không lâu, có một video clip được đưa lên face book của một người mẹ dậy con gái, một em nhỏ khoảng 4 tuổi bằng giọng rất đanh đá, chửi mắng người chồng tưởng tượng như tát nước vào mặt, rồi đòi bỏ chồng đi theo một người đàn ông khác. Người mẹ còn cẩn thận nhắc tuồng cho con khi đứa bé không thuộc những lời nói mà Nguyễn Trãi trong Gia Huấn Ca gọi là cách ăn nói gieo tiếng ra gẫy cây, gẫy cối, mở miệng nào có ngọn, có ngành , đến tay bụt cũng không lành , chồng con khinh bỉ thế tình mỉa mai
Có một điều có thể những người cha, những người mẹ của em bé hát bài hát diễm tình đó không biết. Đó là em bé được dậy cho làm người lớn với những cử chỉ không thích hợp cho một em bé như thế sẽ khiến cho những thành phần pedophile thích lắm đấy.
Mới đây một tờ báo trong nước đã phổ biến một trang nhật ký tình yêu nói về chuyện yêu đương của những học sinh còn rất trẻ, khoảng trên dưới 10 tuổi, một giấy hứa hôn giữa hai trẻ 11, 12 tuổi…
Dậy con ca hát như thế thì đem ra thực hành chứ có gì lạ đâu.
Nhưng hại con đến như thế thì chịu thua…

Ngày 10 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Trên một fanpage của facebook cách đây mấy ngày có một video clip cho thấy một thanh niên còn trẻ bị một đám đông hành hung, mặt bê bết máu sau khi bị bắt quả tang ăn trộm một chiếc xe gắn máy.
Đương sự khoảng trên dưới 20 tuổi, mặc áo thun, quần jeans, hai chân bị trói, hai tay cũng bị trói bằng dây thừng đang nằm cong queo dưới đường. Một lần đương sự cố đứng dậy nhưng lại ngã xuống. Trông mặt thì cũng không đến nỗi cô hồn các đảng lắm. Nhưng chuyện ăn cắp xe thì có thật, bị bắt quả tang nên bị đánh hơi nặng tay. Như vậy, đương sự chẳng hiền lành gì.
Đám người vây quanh thanh niên này cũng là những người trẻ quần áo sạch sẽ. Nơi xẩy ra vụ hành hung có thể là một công viên có bể nước, có ghế đá, không thấy rác rến cùng khắp.
Nghe những giọng nói trong đoạn video thì thấy ngay nội vụ xẩy ra ở một thành phố miền bắc.
Đương sự lúc ấy đã bị no đòn rồi nên đám đông cũng bình tĩnh trở lại. Trong số những người đứng xem, có ít nhất 2 phụ nữ trẻ, video không cho thấy mặt nhưng quần áo cũng kiểu cọ lắm. Một trong hai người này có lúc còn nhắc những người trong đám đông phải trói chân đương sự vào chân ghế đá. Một người đề nghị cho đương sự ngồi lên ghế. Đặc biệt là không hề nghe một lời can gián nào, một tiếng tội nghiệp cho người thanh niên bị đánh mặt mũi đầy máu đó.
Người thanh niên bị bắt quả tang ăn cắp xe đó thì luôn miệng van xin,nhờ nới lỏng dây trói: "Bố ơi bố cởi cái dây đằng sau mất bao nhiêu con chịu…" Lối xưng hô ấy, cách nói với những người đánh mình bằng ngôn ngữ rất giang hồ, với một đề nghị cũng giang hồ không kém. Sẵn sàng dùng tiền để mua mọi thứ. Chắc tiền bạc của một người như thế thì cũng là tiền trộm cắp chứ gì.
Việc tự ý nắm lấy luật pháp, thi hành luật pháp bằng chính tay của mình, không thông qua thủ tục xét xử của tòa án chỉ thấy ở những nơi không có luật pháp, hay luật pháp không còn được dùng để cai trị nữa. Việt Nam đã biến thành một nơi như thế từ lúc nào để người dân phải tự võ trang cho mình chống lại bọn côn quang mệnh danh là công an của nhà nước. Những vụ Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng, những vụ cưỡng chế đất đai của người dân bằng đủ mọi thủ đoạn đê hèn nhất đang xẩy ra hàng ngày. Công an không còn làm công việc bảo vệ an ninh công cộng cho người dân nữa. Công an được đem dùng vào những việc khác. Người dân không còn tin vào công an nữa. Và nhất là không còn sợ công an nữa. Và đó là lý do luật rừng được đem ra dùng để xử tội những thành phần trộm cắp. Rất nhiều trường hợp những người trộm chó đã bị hành hung trí mạng xảy ra ở khắp nơi nam cũng như bắc.
Tệ nạn trộm cắp thì thời nào cũng có. Không thể nói hồi còn Việt Nam Cộng Hòa thì không bao giờ có trộm chó, trộm xe… Nhưng chưa bao giờ những sinh hoạt phạm pháp lại diễn ra một cách quá nhiều như hiện nay. Mà cách người dân phản ứng trước những vụ phạm pháp lại dã man, vô đạo đức, bất chấp luật pháp như ngày nay. Cứ mở những tờ báo trong nước ra đọc là thấy ngay. Ngày nào cũng cả hơn một chục những thứ tin như trẻ em bị xâm hại tình dục, trộm cắp như rươi, đĩ điếm tràn lan không còn kiểm soát nổi, phụ nữ bị lừa đem bán sang Tầu làm điếm, đàn ông ngoại quốc đến tận các làng quê tìm mua phụ nữ như đi mua trâu bò, nô lệ, học sinh đánh nhau lột quần áo của nhau rồi đưa lên internet, báo chí tường thuật bằng thứ văn chương toàn những câu như "đắng lòng cảnh cháu giết bà lấy tiền chơi game, trước cảnh thôn nữ bi bán sang Tầu làm điếm, phụ nữ Việt bị rao bán ở Singapore với cam kết không tốt hoàn lại tiền…"
Ở những đoạn khác thì hết "ngắm các siêu sao lộ hàng, diện nội y hẹn hò với bạn trai Tây…"
Mấy chục năm học theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cháu ngoan bác Hồ nay đã trở thành những thứ như vậy sao? Đi thi thì phao trắng sân trường, tuyển sinh thì phải có chỗ lo lót, bằng cấp thì toàn bằng giả không thì tự nhận bằng nọ bằng kia …
Hôm nọ tôi vừa được "ngắm" một bức hình chụp một ngôi trường không biết ở thành phố nào ở dưới bức ảnh Hồ Chí Minh dang xoa đầu một em bé gái là một hàng chữ in nguyên văn thế này: NHÀ TRƯỜNG VĂN HÓA - NHÀ GIÁO MẪU MỰC – HỌC SINH THANH LỊCH.
Trong khi một ngôi trường ở ngay Hà Nội phải có lệnh cấm các học sinh không đươc lột quần áo của nhau. Nhà giáo Sầm Đức Xương thì làm chuyện dâm dục với các nữ sinh đến nỗi phải đi tù 10 năm, và học sinh thanh lịch thì chửi thề luôn miệng, chửi cả thầy cô giáo trên mạng bằng một bản tuyên ngôn, lời lẽ hỗn sược…
Như thế thì văn hóa, mẫu mực và thanh lịch ở đâu?
Và có phải vì thế mới có cảnh "đắng lòng" với chuyện trộm xe bị đánh mù mắt lăn lộn dưới đường kêu cha gọi mẹ như đoạn video trong facebook hôm mồng 5 tháng 7 vừa qua không?

Ngày 11 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Cách đây vài tuần, ở quận Cam có diễn ra một buổi ra mắt một cuốn sách. Chuyện ra mắt sách là chuyện rất thường ở đây. Tiểu thuyết, biên khảo, tùy bút, thơ, và luôn cả những CD cũng có tổ chức ra mắt.
Tại những cuộc ra mắt sách này bao giờ cũng có vài ba diễn giả được mời đến để nói về tác phẩm. Mà thường là các diễn giả ấy chỉ đưa ra những lời khen tặng gửi tới tác giả. Thực ra cũng có những cuốn sách xứng đáng được tán tụng thật.
Nhưng con số đó không nhiều lắm.
Trong những lần ra mắt sách như thế, nhiều khi còn kèm theo một chương trình thơ nhạc mà nhiều khi không dính dáng gì tới những tác phẩm được cho ra mắt.
Con số những tập thơ được cho ra mắt cũng không ít. Nhưng tìm được một tập thơ hay không phải dễ. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc trong một chuyền về Việt Nam đã phải bực mình viết trong một cuốn sách viết về thơ của ông là ông rất chán đời vì mua phải mấy cuốn thơ hết sức dở.
Thơ dở, như vậy, trong nước và ngoài nước đều có cả. Một tờ nhật báo ở đây có một dạo đăng liên tiếp một số "thơ lục bát" của một người tôi cũng quen. Gọi chúng là thơ lục bát giữa hai ngoặc kép là vì gần hết những bài thơ ấy đều là những câu lạc vận, cưỡng vận hay không có vần gì hết. Khi hỏi một người trong toà báo là tại sao lại cho đăng thứ thơ thẩn bậy bạ như thế thì tôi được trả lời là vì có sự vận động của một thân hữu nên đành phải đăng. Sau đó ít lâu, người vận động để đăng những thứ thơ thẩn ấy đã viết nguyên một cuốn sách nhỏ để biện hộ, giải thích cho những bài lục bát không vần, lạc vần đó.
Làm thơ, nếu một câu 6 chữ rồi lại một câu 8, một câu 6 rồi lại một câu 8 thì phải hiệp vần cho đúng. Luật thơ lục bát không khó. Những người nông dân cầy cấy dưới ruộng cũng có thể làm vài ba câu hò, lý, trống quân bằng thể lục bát… huống chi tác giả những bài lục bát không có vần đó lại là người có đi học. Văn chương bình dân Việt Nam thiếu gì thơ lục bát! Người dân một quốc gia có truyện Kiều viết bằng hơn ba ngàn câu lục bát thì không được quyền làm thơ lục bát mà không biết hiệp vần.
Nhưng điều đó lại được thấy trong tập thơ mới ra mắt cách đây vài tuần.
Tác giả tập thơ vừa ra mắt là một phụ nữ bình thường, có công rất lớn là nuôi dậy một đàn con nên người. Những người con muốn làm cho mẹ vui nên gom những câu thơ của mẹ viết để in thành một tập. Nhưng tất cả những bài gọi là thơ ấy đều không bài nào làm đúng luật thơ lục bát. Thôi thì bỏ qua chuyện hiệp vần của những bài thơ này. Tôi không trách tác giả vì ngay như người làm những bài lục bát vớ vẩn không biết hiệp vần đăng trên tờ nhật báo tiếng Việt nọ cũng là người có thời đến trường đại học văn khoa Sài Gòn. Học văn khoa mà còn không biết làm thơ lục bát cơ mà.
Điều đáng nói ở đây là ba bốn người được gia đình nhờ lên nói về tập sách đều hết sức ca ngợi những bài lục bát ấy, khen ngợi không tiếc lời, phân tích từng câu, nhưng tất cả các diễn giả đều không thấy được chi tiết những câu lục bát đó không vần với nhau.
Các diễn giả đều ở tuổi tứ tuần trở lên, tiếng Việt còn khá sõi, nhưng lại không biết gì về thơ lục bát.
Xa đất nước mới có gần bốn chục năm mà có cái luật thơ lục bát cũng đánh mất, hay không lận lưng mang theo thì đáng ngại thật. Đáng ngại khi nhìn về phía trước mặt.
Rồi đây thân phận lưu lạc của thơ lục bát sẽ ra sao?
Nghĩ đến đó thì lại không dám nghĩ đến nữa.

Ngày 12 tháng 7 năm 2013
Bạn ta
Bản tin về vụ hai người đàn ông ăn trộm chó ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Nghệ An bị dân làng vây đánh khiến một người chết, người kia trọng thương có kèm theo một vài bức hình chụp tại hiện trường ngay khi chuyện vừa xẩy ra.
Một trong những bức ảnh của tờ Luật Pháp đăng kèm bản tin là bức chụp một người phụ nữ còn rất trẻ ngồi dưới đất, ôm trong lòng một người đàn ông. Người đàn ông không mặc áo, có thể trong lúc bị hành hung, chiếc áo đã bị xé rách.
Vì trên người ông không mặc áo nên tôi thấy trên lưng của người này, mà tôi nghĩ là một trong hai người ăn trộm chó bị chặn đánh, có những vết thâm tím mà thoạt đầu tôi tưởng đó là những hình xâm. Nhưng nhìn kỹ thì thấy đó là những vết bầm vì bị đánh. Người phụ nữ vẻ mặt thẫn thờ, không biểu lộ bất cứ một cảm xúc nào. Kinh hoàng, sợ hãi cũng không. Tức giận cũng không. Cô ôm lấy thân thể của người đàn ông, một tay đỡ ở dưới, một tay để lên lưng người ấy. Hai bàn tay của cô nói lên được rất nhiều thứ. Có sự trìu mến, an ủi, dỗ dành ở hai bàn tay ấy. Cô mặc trên người một chiếc áo hoa và hình như cô mặc một chiếc váy ngắn vì một bên đùi được thấy rõ khi cô ngồi bệt trên mặt đường.
Bức ảnh tôi xem đã cả tuần mà cho đến ngày hôm nay vẫn tiếp tục ám ảnh tôi. Tôi không tài nào có thể xóa hẳn được trong óc hình ảnh đôi mắt và khuôn mặt của cô. Cô có một bộ mặt trong sáng, chiếc mũi, cái miệng cân đối, thanh tú. Cô có một cái nét hiền lành, chân chất. Đôi mắt cô đang ngó lên, về phía đám đông đứng chung quanh. Đám đông tờ Luật Pháp cho biết là đông tới khoảng 2 ngàn người. Chính đám đông này đã chặn không cho xe cứu thương chở hai người đi bệnh viện. Mãi sau khi công an đến can thiệp cả hai người mới được chở đi bệnh viện. Chính vì thế mà một trong hai người đã chết vì những vết thương của trận đòn hội đồng.
Bài báo không ghi chú gì thêm ở dưới bức ảnh. Người ta không biết cô cư trú ở đâu, có ở trong làng không, tuổi tác thế nào, liên hệ ra sao với người đàn ông bị hành hung mà cô ôm trong tay.
Cô là vợ người đàn ông? Là em hay con người ấy? Chắc người đọc sẽ không bao giờ biết được những chi tiết đó. Nhưng tôi nghĩ cô không có liên hệ gì với người đàn ông bị hành hung mà cô đang ôm trong tay. Hai người ăn trộm chó đến huyện Yên Thành bằng xe gắn máy. Chiếc xe bị đốt cháy khi họ bỏ xe tìm cách thoát thân. Như thế, cả hai đã đến từ xa, không là người địa phương. Hai người đi ăn trộm chó không lẽ còn chở theo cô. Vậy thì chắc cô là người trong huyện Yên Thành, không phải là người nhà, thân nhân, vợ hay em của người đàn ông bị đánh.
Cô là một người can đảm. Giữa một đám đông phẫn nộ vừa đánh trọng thương hai người ăn trộm chó, cô vẫn dám tiến lại gần người đàn ông bị đánh, ôm thấy cái thân thể đầy những vết đòn thù đó. Cô không sợ cái đám đông đang nổi điên đó hay sao?
Không những cô can đảm, cô còn là một người đầy lòng thương người, thương một đồng loại bị đối xử không bằng cách đối xử với một con vật. Người đàn ông ấy và bạn của anh ta, dẫu có làm một công việc tồi tệ, xấu xa hết sức, nhưng anh ta cũng vẫn là một con người, chỉ vì đói ăn rách áo mà phải quay sang làm càn để bị đòn hội chợ như thế. Người đàn ông này là người chết trong trận đòn ấy hay ông ta là người sống sót?
Chi tiết này không thấy được nói trong bài báo. Tôi không quan tâm lắm về các chi tiết đó. Nhưng hình ảnh người phụ nữ trẻ ấy thì vẫn còn lẩn quẩn trong đầu tôi từ mấy hôm nay.
Tôi nhớ tới bức tượng Pietà của Michelangelo đặt trong giáo đường thánh Phê Rô ở Vatican. Pietà nghĩa là thương cảm, xót sa, tội nghiệp. Michelangelo tạc pho tượng này lúc 24 tuổi, và là tác phẩm duy nhất mà ông khắc tên mình trên tác phẩm. Bức Pietà tạc cảnh Đức Mẹ ôm lấy Chúa khi người vừa được gỡ từ thập giá xuống. Mẹ có vẻ mặt hiền từ, đẹp dịu dàng, một nét chịu đựng trên khuôn mặt trẻ và đẹp đó.
Người phụ nữ trẻ trong bức ảnh trên tờ Luật Pháp cũng có những cái nét đó. Và đó là cái nét rất khó thấy trong một xã hội mà sự vô cảm đã trở thành một điều đáng sợ ở Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản hiện nay. Mấy chục năm ngự trị trên đất nước Việt Nam, chủ nghĩa và những người Cộng Sản đã biến miền đất này trở thành một xứ sở tàn bạo, xấu xí, độc ác và mất hết nhân tính như thế đấy.

Những người như cô thiếu nữ trong hình dường như không còn được bao nhiêu nữa.

July 4, 2013

July 5, 2013

Ngày 1 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Quà Father’s Day của tôi năm nay đến muộn hơn mọi năm cùng với một lời nhắn nhủ mà người nhận nghĩ mãi không biết là gì nữa.
Ðó là chiếc áo sơ mi mầu ngà của Dockers vừa thấy quảng cáo mấy tháng trước làm bằng thứ hàng không dính bất cứ một thứ gì vào được. Nếu “tai nạn” xẩy ra, chỉ cần quăng vào máy giặt, là lập tức mù tạc, sốt cà chua, xì dầu Kikoman, cả ly Merlot, ly cà phê đổ lên cũng không còn để lại bất cứ một mảy may dấu tích gì nữa.
Tờ giấy quảng cáo đi kèm còn nói rõ là luôn cả những vết son trên cổ áo cũng sẽ biến mất chỉ sau một lần giặt.
Tôi ngờ rằng người cho tôi món quà này nghĩ là mấy cái bib, cái yếm, khi ngồi xuống bàn ăn không còn thịnh hành nữa, và do đó, người đàn ông già, vụng về, lại hay đi ăn tiệm nên được cho một chiếc áo không dính các thứ ở tiệm ăn là hợp lý nhất.
Những chiếc bib quả thật đã biến mất. Cảnh Charlie Chaplin ngồi xuống bàn ăn, loay hoay với cái bib, cứ đè nó xuống, nó lại bật trở dậy, che lấy mặt chàng khiến mãi mà chưa xong được bữa. Ðã lâu lắm, người ta không còn thấy cảnh vật lộn với nhũng cái bib ở các tiệm ăn nữa. Những người đàn ông hào hoa không còn dùng tới cái bib nữa. Mà cũng không còn ai nhét cái khăn ăn vào cổ áo để bảo vệ ngực áo và cái ca vát nữa. Trông không tay chơi chút nào. Ai đời hào hoa như thế mà cứ lúc nào cũng lăm lăm lo giữ cho bộ đồ vía khỏi bị dơ thì chán quá. Khăn ăn chỉ để ngang đùi, không còn ai quàng trước ngực như trong những cuốn phim đen trắng thời thập niên 30 hay 40.
Vậy thì cái sơ mi Dockers’ Stain Defender giá $38 cũng là món quà rất hợp lý chứ không phải không. Nhưng nghĩ mãi tôi cũng không thể nhớ ra được một bữa ăn nào tay chân đã vụng về đổ cả chai mù tạc vào người bao giờ để xứng đáng được nhận món quà đầy những nhắn nhủ này.
Hay biết người nhận quà một năm nữa sẽ từ giã tuổi lục tuần, người bạn tiên liệu những vụng về nhất định sẽ thấy nơi một người đàn ông già, mà cho món quà đầy ý nghĩa đó.
Thảm biết chừng nào. Tại sao phải nhắc nhở những điều khó có thể không thấy đó vào lúc này?
Dẫu sao thì cái sơ mi với khả năng chống lại những vết xì dầu, thuốc đánh răng, những ly Shiraz, Cabernet Sauvignon vẫn đáng được ca ngợi. Mặc nó, không còn phải giữ ý, giữ tứ như trước nữa.
Mang chuyện được quà kể cho người bạn nghe, chàng nói tại sao phải nghĩ xa xôi vớ vẩn quá làm vậy. Chàng cầm miếng giấy quảng cáo gắn ở tay áo ra chỉ cho thấy một chi tiết khác. Ðó là một khả năng khác của chiếc áo: những vết son trên cổ áo cũng sẽ không khiến phải quăng luôn cái áo để phi tang tàn tích của buổi tối hôm trước.
Người bạn nêu chi tiết đó ra và theo chàng, đó mới là điều đáng nói nhất của món quà. Mặc nó, không còn sợ phải vứt nó đi, vứt đi mà tiếc hùi hụi nữa.
Chàng nói nghe cũng có lý. Nhưng điều chàng nói chỉ có thể đúng khi món quà được gửi đến cách đây vài ba chục năm. Chứ bây giờ, chuyện có vết son trên cổ áo không còn là điều cần phải phi tang nữa.
Vết son trên cổ có thể là một thành tích cần phải giữ lại.
Như vết thương ngoài mặt trận thỉnh thoảng lôi ra ngắm để nhớ lại trận đánh vẻ vang, chứ nếu vết sẹo phai đi, hay được tẩy xóa đi, thì còn gì để nhớ về chiến tích oai hùng của trận đánh nữa.
Nhất là khi người lính đã già, chuyện ra trận mạc của chàng không còn xẩy ra thường xuyên như thời còn trai trẻ.
Thế thì tại sao phải giặt cho vết son trên cổ áo biến mất đi?
Ðó có phải là lý do Uy Viễn Tướng Công ngoài bát tuần còn gửi thư xin vua cho tái ngũ đánh Pháp không? Ðể có vài vết thương cho vui tuổi già của ông quan võ chăng?

Ngày 2 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Tại một bữa tối ở nhà người bạn miền đông, chỉ vì dám bênh vực những người đàn ông bị đổ cho đủ mọi thứ tội ác, tôi trở thành người bị ghét nhất tối hôm ấy.
Nội vụ bắt đầu khi một phụ nữ ở bàn tiệc quả quyết rằng đàn ông là những người hư đốn nhất. Theo thống kê (của bà), thì tới 20% những người đàn ông có gia đình phạm tội ngoại tình. Trong khi chỉ có 5% phụ nữ làm công việc đó.
Không biết nàng lấy những con số ấy ở đâu, nhưng nàng quả quyết rằng những con số đó cho thấy đàn ông là những kẻ tệ lậu, xấu xa, trong khi phụ nữ, đại đa số là những người tử tế, đạo đức, chỉ có một số rất ít là làm những chuyện không hay.
Tôi là người dốt toán vào hạng nhất, nhưng nghe những con số ấy thì thấy không ổn và bèn góp ý rằng nếu những con số thống kê ấy đúng, thì phụ nữ dễ sợ hơn đàn ông nhiều.
Người khách ở bàn tiệc nhà bạn tôi buông đũa xuống, quắc mắt ngó sang, yêu cầu tôi giải thích.
Tôi nói là nếu số đàn ông và đàn bà ngang nhau, không chênh lệch như ở Hoa lục, thì số người có vợ và có chồng phải bằng nhau.
Như thế trong 100 người đàn ông có vợ, 20 người ngoại tình, theo thống kê ở bàn tiệc. Và cứ 100 phụ nữ có chồng, thì 5 người có những cuộc phiêu lưu bên ngoài.
Chính vì vậy mà phụ nữ dễ sợ hơn đàn ông.
Ðây nhé, 20 người ngoại tình với 5 người, thì tình trạng chênh lệch ấy phải đưa đến việc “chia sớt” thì mới không có người ngoại tình mà... thất nghiệp.
Nếu không chia sớt, thì 20 người đàn ông ngoại tình chỉ có 5 người có “nơi” ngoại tình. Trong khi đó, có 15 người ngoại tình nhưng thất nghiệp.
Nếu chia sớt để tránh cho 15 người kia khỏi ngoại tình nhưng thất nghiệp, thì 5 người phụ nữ ngoại tình kia phải thu nhận (?) thêm mỗi người 3 người đàn ông.
Chính điều đó là điều đáng sợ.
Chỉ 5 người là đã tương đương với 20 ông. Vậy mà không sợ sao cho được.
Người phụ nữ quăng cái khăn ăn, kéo chồng ra xe đi về sớm. Vì thế tôi không có cơ hội để giải thích rằng lối ngụy biện của tôi chỉ để chọc giận một phụ nữ không đẹp mà lại đầy ác cảm với đàn ông.
Nhưng cả hai phía tại bàn tiệc hôm đó đều sai hết.
Thứ nhất là sự chênh lệch không lớn như thế. Và thứ hai là phụ nữ cũng không ghê gớm hơn đàn ông chút nào.
Một tờ báo phụ nữ ở Ðức vừa thực hiện một cuộc thăm dò thì thấy là trong số 1,427 người, vừa đàn ông lẫn đàn bà từ 25 đến 35 tuổi thì 53% phụ nữ cho biết đã ngoại tình so với 59% đàn ông. (*)
Nhưng đó là những con số thống kê ở Ðức, không phải là ở Hoa kỳ. Và như thế, chúng không hề phản ảnh đời sống ở Mỹ.
Những người Ðức, đàn ông cũng như đàn bà, sau khi xem xong những con số kể trên, thì ai cũng nhận mình là thành phần thiểu số, tức là 47% và 41% cơm nhà quà chồng và vợ.
Ở Mỹ, cứ bắt chước Ðức mà khai là thiểu số thì chỉ có chết. Vì thiểu số ở Mỹ thì tội đầy, nước sông Mississippi làm sao rửa sạch.
Chỉ nên khai là thiểu số để được nâng đỡ khi nại affirmative action ra để xin học luật tại đại học Michigan mà thôi. Không thì cãi không lại đâu! 
(*)Cheating Women Catching Up with Men? Reuters

Ngày 3 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Người viết bản tin AP mà tôi đọc được hôm qua thực rất đáng bị lôi ra đánh cho một trận mới phải.
Bản tin nói về vụ tranh chấp ở thị trấn Leonia, New Jersey giữa người chủ một căn nhà và người kia là chủ của một con chó thực ra không có gì đáng nói. Nhưng cái tựa của bản tin này vừa tầm bậy tầm bạ vừa lăng mạ tất cả loài người văn minh và lịch sự của thế giới này của chúng ta.
Cái tựa nguyên văn như thế này: N.J. Men Spar Over Dog's Bathroom Habits.
Những chữ dùng trong cái tựa này làm tôi nghĩ người viết nó cần phải được gửi đi học lại để viết tin mới được.
Bathroom habits, như trong nguyên văn, có nghĩa là những thói quen trong buồng tắm. Buồng tắm có thể được dùng trong nhiều việc. Tắm rửa, gội đầu là việc chính. Các công tác bài tiết của cơ thể cũng có thể được làm trong buồng tắm. Vì thế, có khi vào buồng tắm nhưng không để tắm mà có thể là để làm những việc khác nữa.
Cũng vì lý do đó, khi nói đi vào buồng tắm, dùng cái buồng tắm là cách nói thanh tao hơn thay vì nói rõ ra chủ đích đích thực của việc cần dùng cái buồng tắm.
Nhưng thế nào là thói quen trong buồng tắm?
Ðó là những chuyện thường làm, những thói quen khi dùng cái buồng tắm. Thí dụ tắm xong thì rửa sạch bồn tắm, nhặt những sợi tóc rụng để bồn khỏi nghẹt. Dùng cái bồn rửa tay xong thì lau cho khô. Bàn chải đánh răng để vào ống. Tuýp kem đánh răng thì bóp từ dưới lên trên. Gần hết giấy thì thay giấy mới tránh gây kinh hoàng cho người vào sau. Dùng giấy thì dùng vừa phải, không phải mỗi lần vào là kéo nửa cuộn ra coi chơi. Nhấc cái bệ cầu lên thì khi xong việc phải hạ xuống. Cố nhắm cho kỹ, đừng để cho bắn lung tung ra ngoài. Nếu cần phải đọc trong khi dùng buồng tắm thì nên đọc Reader's Digest với những bài ngắn. Không nên đem trường thiên tiểu thuyết vào buồng tắm. Chỉ khi nhà có một mình và không có trẻ con hay người lớn yếu bóng vía trong nhà hãy hát trong buồng tắm. Thấy có tiếng hắng giọng bên ngoài thì cố gắng cắt ngắn thời gian chiếm đóng buồng tắm để khỏi tạo ra những đáng tiếc đầy bối rối và khó xử cho người bên ngoài. Nên mở to radio hay CD trong buồng tắm để cho tiếng hát át... các thứ tiếng khác. Nếu cần, giật nước để những tiếng thở mệt nhọc khỏi vọng ra ngoài. Xong việc, khi bước ra, nên cười (nếu ngồi quá lâu) để mặt mũi trông đỡ vẻ táo bón...
Ðó là những thói quen trong buồng tắm -- bathroom habits -- như lối hiểu thông thường của tôi. Thế thì theo bản tin của AP thì bộ loài chó cũng dùng cái buồng tắm ư?
Không. Vì không nên mới có chuyện. Con chó trong bản tin khi đi ngang qua cửa nhà người đàn ông nọ thì dừng lại và để trên bãi cỏ một chút kỷ niệm. Chủ nhà đòi chủ chó phải hốt mang đi. Chủ chó không chịu, chủ nhà kiện chủ chó ra tòa.
Như vậy, con chó trong bản tin không hề vào buồng tắm để tắm rửa. Nó chỉ dừng lại, bón cho bãi cỏ một bãi. Vậy thì cứ nói là con chó đại tiện ra bãi cỏ cũng đã là lịch sự chán. Nhưng người viết cẩn thận, có thể là sau khi thấy những tấm bảng ghi rõ Nhà Ỉa, Nhà Ðái mang từ Hà Nội vào dựng ở miền Nam, đã quyết định phải lịch sự trong ngôn ngữ một chút.
Do đó mà có những chữ bathroom habits trong tựa của bản tin.
Chó mà cũng có bathroom habits sao?
Bathroom habits của chó là thế nào? Là giơ cái chân lên vừa đủ dễ khỏi ướt? Khoảng 45 độ, chứ không cần tới 90 độ, bầy hết ra cho mọi người coi? Xong việc, quay lại hốt món quà mang về nhà chủ? Cầm theo cuộn giấy để tự làm sạch, khỏi chùi vào ghế sa lông, giường ngủ của chủ? Lúc cần cho thoát một ít hơi trong ruột thì chạy ra ngoài vườn, tránh bắt chủ phải ngửi trung tiện của chó?
Loài chó không bao giờ lịch sự và có học như thế. Chúng tiểu, trung và đại tiện lung tung mặc cho chủ lo đi sau mà hốt. Chúng không hề có những thói quen trong buồng tắm. Chúng không biết nhường nhau bao giờ. Có khi hai ba cậu chó cùng gác chân lên cột đèn, lên cột ống nước cứu hỏa, không xếp hàng trước sau gì cả. Xong việc là ngoắc đuôi chạy đi ngay, không lo chuyện giấy... má gì hết.
Tại sao vậy? Trong khi chó và giấy cùng có... má đi ngay đằng sau mà!
Phải chi mà nó biết cầm tờ Nhân Dân đọc khi dùng cái cột đèn thì giống chủ nó biết là bao nhiêu. 

Ngày 5 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Hôm qua, ở Pontiac, một thị trấn thuộc tiểu bang Michigan, một kỹ sư người Ðài Loan đã bị một toà án Mỹ xử một cách rất oan uổng chỉ vì ông làm phúc giúp một đồng hương thoát khỏi những lầm than oan khuất của đời sống.
Ông Vương Thái Diến(*) (Wang Shuo-Shan) sang Mỹ với một chiếu khán du học. Ông bị bắt trong một buổi tối tháng 6 khi cảnh sát thấy một người đàn ông ngồi trước cửa nhà ông, máu me đầm đìa. Cảnh sát dừng lại, và như trong truyện cổ tích, hỏi sao người đàn ông này lại … máu nhuộm bãi Thượng Hải, thì người đàn ông 48 tuổi đáp ông vừa nhờ ông Vương cắt bỏ một phần cơ thể vì ông bị bệnh phong tình, và không còn ham thích chuyện “đời” nữa.
Ông Vương bị cảnh sát bắt, và bị truy tố ra tòa về tội hành nghề y khoa không có giấy phép (**).
Ông Vương cho biết ông bạn của ông nhờ ông cắt bỏ đầu mối của mọi rắc rối để sống tiếp một cách thư thả nên ông liền mời bạn ngồi lên chiếc bàn trong bếp, và bằng “một nhát dao bay nghìn thuở đẹp / dù sai hay đúng vẫn là dư”, ông giúp bạn toại nguyện.
Chắc chắn ông Vương phải là một thiên tài phẫu thuật, vì xong việc, hai người còn ngồi xuống ăn với nhau cái bánh pie nhân thịt ở trong bếp. Ông Vương không đòi tiền ông bạn về dịch vụ vừa thực hiện, sau đó tiễn ông bạn ra cửa thì cảnh sát trông thấy người đàn ông máu me đầm đìa thành ra nên chuyện.
Tòa khép ông Vương vào tội hành nghề y khoa không giấy phép.
Oan cho ông Vương biết chừng nào.
Ông chỉ đi một đường dao rất ngọt. Không hề khâu vá gì hết. Cũng không xức thuốc đỏ cho bạn. Không dùng thẻ bảo hiểm sức khoẻ của bạn để … bill bạn. Không nhận bất cứ một khoản thù lao nào, lại còn “cái bánh chia nửa … ly cà phê chia hai” đúng kiểu hành xử của “anh em bạn hữu chi tồn” mà đức thánh Khổng đã dậy. Vậy mà bị khép vào tội hành nghề y khoa không giấy phép.
Bây giờ ông Vương gặp nạn. Toà có thể sẽ phạt ông trên 6 tháng tù là ít. Luật ở Michigan phạt những nguời hành nghề y khoa không giấy phép tối đa 4 năm tù.
Như thế, ông Vương có thể ngồi tù không dưới 1 năm. Chỉ vì ông muốn giúp người bạn cùng quê.
Làm thế nào ông Vương lại mát tay như thế, khiến ông bạn không hét lên tông cửa chạy ra ngoài khi được giúp giã từ vũ khí?
Người ta cũng thắc mắc như vậy. Và tại tòa án, ông Vương cho biết ông học được nghề riêng từ ông bà của ông (nguyên văn trong bản tin AP: Wang told police he learned the skill from his grandparents.) Nghĩa là cụ ông dậy đã đành, cụ bà cũng đóng góp một nửa vào việc dậy cháu! Bởi thế trong bản tin mới viết là grandparents. Tưởng tượng cụ bà cũng cầm dao dậy cháu thì thấy ghê thật.
Ông Vương cho biết sau khi học của ông bà, ông có thực tập lần đầu tiên với một con chó, sau đó, ông giải phẫu chủ của con chó và ba người bạn của ông chủ chó, tất cả đều ở Úc.
Như vậy, nói ràng ông không có kinh nghiệm cũng là không đúng. Ông có bốn thân chủ hài lòng với đường dao của ông vì bốn người này cũng như con chó của họ đều không phàn nàn gì về việc làm của ông hết.
Nay chỉ vì muốn giúp bạn, ông vất vả. Ông Vương nên được tha bổng mới phải. Mát tay như thế mà bị tù thì tội biết là chừng nào.
(*) Diến cũng đọc là Miến (Hán Việt Từ Ðiển Ðào Duy Anh trang 211)
(**) Man in Illegal Castration Case on Trial / Associated Press


Ngày 6 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Một người đàn ông ở nước Anh, cái quốc gia có một phụ nữ đứng đầu cả nước từ hơn nửa thế kỷ nay, lại có một bà khác làm thủ tướng hơn 10 năm trời, đã nhất định làm lớn một chuyện thế gian xưa nay coi rất thường tình.
Người đàn ông ở Somerset cách Luân Ðôn không xa lắm về hướng tây nam đã quyết định không nhường người phụ nữ cùng sống trong nhà ông thêm một lần nữa, ông gọi cảnh sát xin can thiệp khẩn cấp bằng cách gọi số 999, tương đương với số 911 tại Hoa kỳ, xin cảnh sát nếu không bắt giữ vợ ông, thì cũng phải làm một cái gì để can thiệp, giúp chấm dứt tình trạng ông đang phải đối diện mỗi ngày.
Vợ ông không chịu nấu nướng gì cho ông ăn, vì nàng cứ bận rộn lo trưng bầy, trang hoàng nhà cửa. Ông nói với cảnh sát nguyên văn rằng vợ ông để cho ông ở trong bếp hai cái săng uých cá thu còn thừa lại từ đêm hôm trước. Ông ngồi ở ghế chờ bà lo bữa chiều cho ông mà bà thì còn lo trang hoàng nhà cửa, không cơm nước gì cả.
Cảnh sát Anh đã từ chối không can thiệp.
Từ trước tới nay, tôi vẫn nghĩ nước Anh có một lực lượng cảnh sát hữu hiệu nhất, có khả năng nhất và đáng được nể trọng nhất. Rất ít khi đeo súng, những người cảnh sát Anh, không như cảnh sát Mỹ, hầu như bao giờ cũng giải quyết thành công những rắc rối mà không cần phải dùng tới vũ lực. Nhưng cách giải quyết vấn đề khi được người đàn ông ở Somerset yêu cầu lần này cho thấy cảnh sát Anh cũng có khi làm không được việc.
Nói đúng ra thì cảnh sát Anh đã không chịu làm việc, không can thiệp để may ra có thể cứu vãn phần nào tình trạng tồi tệ đó.
Người đàn ông ngồi chờ trên ghế chắc phải lâu lắm ông mới phải đứng dậy cầm cái điện thoại lên để kêu cứu cảnh sát. Tự nhiên chưa chắc ông đã làm việc đó, nhưng hẳn là phải có những lời thách thức, xúi giục kiểu như "tức lý thì đi thưa cò đi", và ông đã phải gọi cảnh sát.
Còn đâu là những hứa hẹn rằng anh đưa em về, em làm roast beef cho anh ăn no cành bụng, làm saveloy ngon hơn hot dog của Mỹ nhiều, sáng ra cho anh ăn porridge là anh phải mê em chết luôn.
Nhưng bây giờ, hai chiếc săng uých trên bàn bếp là bữa tối từ ngày hôm trước để lại. Chàng mới điên lên, nghĩ tới tuổi xuân hy sinh cho nàng vì mấy câu hứa hẹn đó, đến nay, chỉ còn hai cái săng uých, chàng mới bốc điện thoại lên gọi 999 kêu cảnh sát bỏ tù cái đứa không giữ lời hứa, bỏ cho cậu đói.
Như vậy, con đường đi tới trái tim người đàn ông đã được vẽ lại. Bản đồ lộ trình hòa bình ở Trung Ðông để vãn hồi hòa bình Israel và Palestine còn có thể thay đổi, vẽ lại, huống chi là con đường đi tới tim người đàn ông trung niên nhan sắc đã về chiều đó.
Lúc còn trẻ, con đường đi tới quả tim có chạy qua cái dạ dầy thật. Nhưng bây giờ, sau mười mấy năm, con đường nó lạng quạng chạy qua hướng khác, đi tắt cho gần hơn. Thế là không còn ghé: ngang qua cái dạ dầy nữa.
Do đó mà trên bàn bếp mới có hai cái săng uých nguội tanh nguội ngắt.
Ở Pháp, như André Maurois có nói, con đường tới trái tim đi ngang qua trí óc (*).
Ở Mỹ thì qua cái dạ dầy nên người Mỹ càng ngày càng nặng ký. Còn ở Anh thì nó đi ngang qua bót cảnh sát hay sao?
Có điều người đàn ông này đã xin với cảnh sát để được dấu tên. Thế có chán không cơ chứ!
Tại sao không mì gói? Dẫu có phải chan bằng nước mắt thì cũng không bao giờ phải nhờ đến cảnh sát, mà vẫn không được can thiệp!
(*) Lettres À L'Inconnue / André Maurois (lettre numéro 8).

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 173)

SEXIST LANGUAGE

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 173 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Hôm nay, thay vì là một bài học mới, chúng ta sẽ nói vài ba câu chuyện liên quan đến tiếng Anh. Kỳ tới chương trình sẽ trở lại với bài học thường xuyên. Mấy hôm trước, thống đốc tiểu bang Washington ở tây bắc Hoa kỳ đã ban hành một bộ luật mới với những thay đổi trong lãnh vực ngôn ngữ của tiểu bang. Mà ngôn ngữ của tiểu bang thì là tiếng Anh nên chúng ta cũng nên biết về những đổi thay này.
LÃM THÚY
Thưa anh, những thay đổi đó có thể làm cho tiếng Anh ở tiểu bang Washington không còn có thể hiểu được với những người nói tiếng Anh ở các tiểu bang khác không?
BBT
Không. Thực ra không phải chỉ ở tiểu bang Washington mới có những thay đổi đó, mà còn có 3 tiểu bang khác cũng đã có những bộ luật qui định một số thay đổi trong ngôn ngữ sử dụng tại các tiểu bang đó. Đó là các tiểu bang Florida, North Carolina và Illinois. Ngoài ra, còn 9 tiểu bang khác cũng đang cứu xét để đưa ra những bộ luật tương tự.
QA
Thưa anh, với những bộ luật ấy, dân của các tiểu bang này còn nói tiếng Anh, rõ hơn là họ có còn sử dụng American English nữa không?
BBT
Còn chứ. Ngày mai các cô đi tới 4 tiểu bang mà tôi nói ở trên thì các cô vẫn có thể tiếp tục nói tiếng Anh. Mọi người sẽ vẫn hiểu và người dân ở các tiểu bang này nói gì thì các cô vẫn hiểu như thường.
LÃM THÚY
Vậy thì tiếng Anh ơ đó sẽ có những thay đổi gì, và có nhiều lắm không?
BBT
Những đổi thay đó ảnh hưởng tới khoảng 40 ngàn chữ. Thực ra, dự luật về ngôn ngữ này đã được thống đốc Washington JAY INSLEE, người của đảng Dân Chủ, ký từ hồi đầu năm nhưng chỉ mới có hiệu lực từ ngày 3 tháng 7.
QA
Đó là những thay đổi gì vậy thưa anh, về văn phạm hay từ vựng. Và tại sao phải thay đổi thưa anh?
BBT
Tôi muốn dài dòng một chút trước khi đi vào chi tiết. Hồi mới học tiếng Anh, thế hệ chúng tôi ở trường trung học sử dụng một bộ sách dậy tiếng Anh của hai ông bà giáo sư Pháp tên là Carpentier-Fialip. Những bài đầu của cuốn Anglais Vivant Sixième Bleue mà chúng tôi học có những câu rất là kỳ lạ. Tôi còn nhớ mang máng những câu này: This is Mister Brown. Mister Brown is a man. A man is masculine. This is Jane. Jane is a girl. A girl is feminine. This is a table. A table is neuter…
Nhưng từ đó đến nay, tôi không bao giờ gặp lại chữ neuter nữa. Neuter nghĩa là trung tính, không đực và cũng không cái. Trong khi đó, người và thú vật thì có giống đực và giống cái, masculinefeminine.
Xã hội tiến bộ, người ta nhìn lại ngôn ngữ sử dụng thì thấy sự kiện phân biệt giống đực , giống cái tạo ra những kỳ thị và những cách đối xử không công bằng nên nhiều người muốn thay đổi, bỏ đi cái nét sexist, phân biệt giống đực, giống cái đi.
QA
Mấy đứa con của QA nói về chuyện này nhiều lắm.
LÃM THÚY
Các con của Thúy cũng vậy. Mấy anh em chúng nó cứ cãi nhau tại sao đàn ông không làm nurse được hay đàn bà không đi lính tác chiến được.
BBT
Hai cô thấy ngay là chính ngôn ngữ tạo ra những phân biệt và kỳ thị đó. Trong phim The King And I, cô giáo Anna được thuê sang Thái Lan để dậy học các hoàng tử và công chúa đã bị gọi là mister vì hồi đó người ta không quan niệm phụ nữ có thể làm nghề dậy học được.
Luật về ngôn ngữ của tiểu bang Washington nhắm việc bỏ hẳn những kỳ thị phát sinh từ ngôn ngữ bằng cách dẹp hẳn những chữ có thể tạo ra phân biệt và kỳ thị và thay vào đó là những chữ không phân biệt nam nữ. Bộ luật này ảnh hưởng đến khoảng 40 ngàn chữ trong tiếng Anh.
QA
Thưa anh, con gái QA vừa xong năm thứ nhất ở đại học. Suốt năm đầu tiên đó, nó bị mấy đứa em họ chọc quê nó, gọi nó là MAN vì danh từ để gọi một sinh viên năm đầu ở đại học Mỹ là FRESHMAN. Chắc chữ này sẽ bị loại ra khỏi tiếng Anh ở Washington phải không?
BBT
Đúng thế. Thay vì FRESHMAN, bây giờ phải gọi là FIRST YEAR STUDENT. Tôi nghĩ đây là một nét hợp lý. Ngày xưa, chuyện phụ nữ đi học lên đại học là chuyện hiếm xẩy ra nên danh từ FRESHMAN mới có lý do tồn tại chứ bây giờ thì không thể tiếp tục dùng chữ đó nữa. Thế rồi danh từ FISHERMAN cũng ở trong danh sách những chữ cần phải cho đi nghỉ hưu vĩnh viễn. Tại sao phải ghép thêm chữ MAN vào cuối? Bỏ luôn để thành FISHER vẫn đầy đủ ý nghĩa cơ mà. Hai cô thấy danh từ BOATMAN còn dùng được không?
QA
QA nghĩ danh từ này cũng phải dẹp.
BBT
Thế nếu cô là người dân tiểu bang Washington thì cô sẽ thay nó bằng chữ gì?
QA
QA sẽ dùng chữ BOATER cho số ít, hay BOAT PEOPLE cũng được.
LÃM THÚY
Thúy có quen một tu sĩ người Mỹ. Thúy quen gọi ông bằng chữ CLERGYMAN mà chữ này lại cũng là một chữ đầy nét sexist ở trong vì bây giờ cũng có phụ nữ làm mục sư và trong tương lai sẽ có phụ nữ làm linh mục thì người ta phải tính sao về danh từ CLERGYMAN này thưa anh?
BBT
Theo tài liệu tôi đọc được thì chữ có thể thay thế cho CLERGYMAN là CLERGY. Vậy thôi, không cần thêm chữ MAN ở cuối nữa.
Trong danh sách những chữ bị dẹp tôi thấy có danh từ PENMANSHIP. Tại sao vậy QA?
QA
Thưa anh chắc vì ở giữa nó có chữ MAN phải không?
BBT
Đúng thế. Luật nói rõ phải thay PENMANSHIP nghĩa là bút tự, nét chữ, tuồng chữ bằng HANDWRITING.
Nhưng tôi thấy một vài nét cực đoan trong chuyện này. Nói rằng phải bỏ FRESHMAN hay FISHERMAN hay CLERGYMAN … là đúng, vì chữ MAN ở cuối nó lộ liễu, kỳ thị quá, làm như chỉ có đàn ông mới làm được những công việc đó. Nhưng trong danh từ PENMANSHIP thì nó đâu có nghĩa là nét chữ của người đàn ông đâu mà phải bỏ để thay bằng HANDWRITING? Cứ thế thì cũng sẽ phải tạo ra những chữ mới để thay cho ROMANCE là tiểu thuyết vì trong đó có chữ MAN, hay MANICURE là làm móng tay, hay MANUSCRIPT là bản thảo, hay HANDYMAN là người làm việc vật… cũng phải đổi hay sao?
LÃM THÚY
Thúy biết mấy chữ này bây giờ phải thay bằng những chữ gì, đó là MANMADE và MANKIND chẳng hạn. Hai chữ này rõ ràng là sexist. Bộ phụ nữ không sáng tạo, chế ra, làm được các đồ vật hay sao? Và khi dùng chữ MANKIND thì không tính phụ nữ ở trong đám nhân loại đó sao?
BBT
Thúy nói rất có lý. Hai chữ này cũng có trong danh sách phải dẹp. Thay vì MANMADE là nhân tạo, phải dùng ARTIFICIAL, hay SYNTHETIC… MANKIND phải thay bằng PEOPLE, HUMANS, HUMAN BEINGS.
QA
Thưa anh, nếu không thể dùng POLICEMAN và FIREMAN thì phải thay bằng những chữ gì?
BBT
Cô có thể dùng POLICE OFFICER và FIRE FIGHTER thì không ai có thể bắt bẻ cô được.
LÃM THÚY
Thúy gặp hai chữ này chắc cũng phải tìm chữ khác để thay thế. Đó là CHAIRMAN và HEADMASTER. Thúy biết danh từ MASTER bao giờ cũng là đàn ông. Thế nên HEADMASTER là ông hiệu trưởng. Bà hiệu trưởng, bà chủ tịch là gì thưa anh?
BBT
Đã muốn tránh bị coi là sexist rồi thì tại sao cô lại muốn dùng những chữ cũng phân biệt nam nữ như thế? Để tránh kỳ thị thì tại sao không thay CHAIRMAN bằng CHAIRPERSON? Và thay vì danh từ HEADMASTER thì tại sao không dùng HEADTEACHER hay HEAD OF THE SCHOOL?
Hồi ở Canada, tôi gặp danh từ MANPOWER ở những văn phòng tìm việc. Chắc bây giờ danh từ này nên được thay thế bằng HUMAN RESOURCES là hợp lý nhất.
QA
Thưa anh, với việc Tối Cao Pháp Viện Hoa kỳ cho phép những cặp đồng tính làm hôn thú với nhau, thì QA nghĩ những chữ như HUSBAND, WIFE sẽ dần dần biến đi. Vậy thì người ta phải dùng những chữ gì để khỏi phải dùng HUSBAND và WIFE?
BBT
Tôi nghĩ chắc chúng ta sẽ dùng các danh từ NEUTER tức là trung tính, không đực, không cái là SPOUSE hay PARTNER, hay MATE là hợp lý nhất. Danh từ SIBLINGS co thể dùng để khỏi cần nói rõ ra là BROTHER/ SISTER.
LÃM THÚY
Nhưng Thúy nghĩ là sẽ vẫn còn những trường hợp không thể dẹp hẳn được hay tìm được chữ thay thế phải không thưa anh?
BBT
Cô nói đúng. Thí dụ sợi dây cắm điện mà nhà nào cũng có chẳng hạn. Cái đầu dây có hai cái ngàm thì tiếng Anh gọi là MALE, đầu kia có hai cái lỗ thì gọi là FEMALE. Và có một danh từ này, mà ngay cả các phụ nữ giải phóng cũng phải chịu, không thể phụ nữ hóa nó được. Đó là cái lỗ để người ta chui xuống sửa hệ thống ống nước, ông cống và đường dây điện ngầm ở dưới đường phố thì vẫn phải gọi là MANHOLE. Không thể tìm được một chữ khác để thay thế.
QA
Có lần QA nghe con út QA nói rằng chữ HISTORY cũng là chữ rất là sexist. Nhưng không lẽ thay nó bằng HERSTORY?
BBT
Tôi có thể đề nghị dùng STORY OF THE NATION hay STORY OF THE WORLD không biết có được không. Chuyện này nói vài năm chưa chắc đã hết. Nhưng hai cô cũng không nên quan tâm lắm. Cứ nói năng như cũ. Hai cô không là politician ra tranh cử một chức vụ công nào thì đừng sợ bị đả kích, bị coi là sexist, kỳ thị nam nữ. Cứ ăn nói bình thường thì người ta vẫn hiểu hai cô như thường. Nếu có thay đổi hẳn, và các chữ sexist biến mất thì cũng phải vài ba trăm năm nữa. Mà lúc ấy thì hai cô không còn phải quan tâm, lo ngại về tiếng Anh nữa.
QUỲNH ANH

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.