July 18, 2013

July 19, 2013

Ngày 15 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Báo chí trong nước cho biết Việt Nam đã nhờ Nga đóng cho một tầu ngầm mới, chiếc thứ ba thuộc loại kilo. Vẫn theo báo chí nhà nước thì trong tương lai, Việt Nam sẽ có một lực lượng tầu ngầm gồm 6 chiếc do Nga đóng.
Ngoài những tầu ngầm này, Việt Nam cũng đã tiếp nhận hai chiến hạm trang bị phi đạn, cũng do Nga sản xuất mang tên là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ- 012 Lý Thái Tổ.
Nga cũng đã đóng xong hai tầu ngầm loại kilo 636 được đặt tên là HQ-182 Hà Nội và HQ-183 Thành Phố Hồ Chí Minh. Hai tầu ngầm này đã được mang chạy thử và sẽ về tới Việt Nam khoảng cuối tháng 7.
Chiếc tầu ngầm thứ ba sẽ được đem chạy thử khoảng cuối năm nay. Nga cũng cho biết đang khởi sự đóng 3 chiếc còn lại cho hải quân Việt Nam.
Hai chiếc Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ đã về đến Việt Nam từ tháng 8 năm 2011 nhưng chưa thấy làm được gì với "chức năng" của nó. Tháng 6 vừa qua, cả hai chiến hạm này đã thực tập với các chiến hạm Trung quốc về kỹ thuật tiếp cứu các tầu gặp nạn mà báo chí nói là có thể là tầu cá, tầu dân sự của Trung quốc hay của Việt Nam. Sau đó, hai chiến hạm Việt Nam đã tới thăm hạm đội Nam Hải của Trung quốc. Nhưng trong mấy ngày qua, một số tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị những tầu lạ tấn công thì không thấy các chiến hạm của hải quân Việt Nam có hành động tiếp cứu nào.
Người ta có thể nghĩ là chuyến đi thăm thành phố Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông của hai chiến hạm Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng chỉ là chuyến đi trình diện cho hải quân Trung quốc thanh sát khả năng và võ khí của những chiếc tầu này như để cam kết rằng tầu của chúng tôi không hề đe dọa tầu chiến của quí quốc, quí quốc cứ việc sách nhiễu, gây phiền hà, bắt nạt ngư dân của chúng tôi ở những vùng lãnh hải mà quí quốc chiếm của chúng tôi.
Cứ đọc những cái tên mà các chiến hạm này được đặt cho là thấy ngay hải quân của nước ta anh hùng đến đâu.
Hai chiến hạm HQ-011 và HQ-012 được đặt cho tên của hai vị anh hùng của Việt Nam là Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Đó là việc làm hợp lý. Nhưng nghĩ lại một chút thì thấy việc dùng tên của hai ông vua này đặt cho hai chiến hạm HQ-011 và HQ-012 chắc chắn có những ẩn ý đằng sau. Hai vị vua này không đánh quân Tầu trận nào. Cả hai ông đều không ông nào đánh một trận hải chiến nào vậy mà tên được đem đặt cho hai chiến hạm.
Có dám dùng tên Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Ngô Quyền không? Chắc không, vì những cái tên đó đều là những cái tên gắn liền với những chiến công chống Nguyên, chống Nam Hán … Đặt những cái tên đó sẽ làm mất lòng người anh em phương bắc thì sao?
Rồi đến việc đặt tên các tầu ngầm cũng cho thấy người ta né tất cả những cái tên có thể làm buồn người anh em phương bắc. Không dám đặt là Chương Dương, Hàm Tử , Bạch Đằng… những cái tên nhắc tới những chiến công thắng giặc Tầu của hải quân Việt Nam.
Vì thế, người ta đem tên Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh ra đặt để khỏi bị mắng.
Cả hai cái tên Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh đều không có cái tên nào dính dáng tới những chiến công của hải quân Việt Nam. Đặt những cái tên đó rõ ràng là để khỏi làm phiền lòng người anh em phương Bắc.
Rồi chiếc tầu ngầm thứ ba sẽ được đặt tên là HQ-184 Hải Phòng. Cái tên này lại cũng vẫn là một địa danh không ghi một hoạt động đáng kể nào của hải quân Việt Nam. Tin của một tờ báo Nga cho biết thêm ba chiếc còn lại được đặt tên là HQ-186 Khánh Hòa, HQ-185 Đà Nẵng, và HQ-187 Bà Rịa Vũng Tầu. Như vậy tất cả 6 tầu ngầm đều được đặt cho những cái tên lãng xẹt, không dính líu gì tới hải quân và nhất là không một cái tên nào nhắc đến những chiến công của hải quân chống lại quân Tầu trong lịch sử Việt.
Sợ lắm. Hèn lắm.
Nhưng mà an toàn, không làm mất lòng hay gây phiền lòng, chọc giận ai hết.
Có giỏi mang tên Hoàng Sa, Trường Sa đặt cho hai chiếc đang được đóng ở St Petersburg coi sao đi!

Ngày 16 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Hồi những năm còn đi học, những năm mà chúng ta gọi là thuở "mài đũng quần ở ghế nhà trường", thì vật thân thiết nhất của bọn học trò chúng ta là cái bàn, cái ghế ở trường, và ở nhà, có thể nói là gần như ai cũng có cái bàn học để ngồi học bài, làm bài. Hay nếu không có, thì mang sách vở ra ngồi học ở cái bàn cũng còn được dùng để gia đình ngồi ăn cơm với nhau.
Ở trường, cái bàn, cái ghế là chỗ chúng ta ngồi suốt cả năm. Mặt bàn nào cũng đầy vết mực, những hàng chữ khắc bằng compas, ghi tên tuổi của người ngồi đó với đủ mọi thứ mực xanh đỏ… Cũng có khi để thông tin với người học buổi chiều hay buổi sáng. Cái bàn học ở nhà là chỗ cất sách vở, nó ở với chúng ta suốt nhiều năm. Bởi thế cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ cái bàn học cũ ấy mặc dù không biết nó đã lưu lạc đến chân trời góc biển nào, qua tay ít nhất cũng phải cả chục người khác từ khi tôi rời nó, và sau khi nó được bà mẹ tôi đem cho nó đi cho đỡ choán chỗ trong nhà.
Cái bàn học ấy của tôi được đóng bằng gỗ tạp, không sơn phết gì, sau nhiều năm, nó đã loang lổ những vết mực. Nhưng ngày ấy có nó cũng là bảnh lắm rồi. Tuần trước trên tờ Tuổi Trẻ, tôi thấy mấy bức hình chụp một chiếc bàn học trẻ em mà một gia đình ở thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình vừa mua về cho con.
Bộ bàn ghế được sơn phết khá đẹp, có hình vẽ mấy nhân vật của Disney: Mickey và Minnie. Phía dưới có mấy ngăn để sách vở, ở trên có một cái giá cũng để xếp sách vở.
Bài báo cho biết bộ bàn ghế được mua ở một cửa tiệm ở dưới phố. Nhưng khi nhìn kỹ thì người đàn ông , cha của đứa con được mẹ mua cho cái bàn kinh ngạc nhận thấy là mặt bàn có in bảng cửu chương và bảng chữ cái tất cả đều bằng tiếng Hoa.
Ông chạy ra tiệm mà vợ ông vừa mua bộ bàn học cho con thì thấy còn rất nhiều những bộ bàn học như thế, tất cả đều in chữ Hán trên mặt bàn.
Như thế, sau những cuốn sách mua từ Trung quốc về đem dịch lại bán cho học sinh Việt Nam, thì nay, đến những bộ bàn ghế cũng xuất sứ từ Trung quốc, có in bảng cửu chương và những chữ cái của Trung văn. Việc Hán hóa người Việt được thực hiện ở mọi nơi. Việc làm đó cũng chẳng tinh vi gì cho cam. Vài quyển sách viết tầm bậy được bán sang Việt Nam, dịch qua loa sang tiếng Việt, rồi cho tràn ngập các tiệm sách khắp nơi trong nước. Những bộ bàn ghế huỵch toẹt in bảng cửu chương và bộ chữ cái trắng trợn bằng tiếng Hoa.
Nhà cầm quyền không ngó mắt tới những chuyện đó sau khi đã có vài đồng bạc lót tay. Còn người dân thì hỏi có được bao nhiêu người hốt hoảng nhìn ra được những bộ chữ cái bằng tiếng Hoa in trên mặt bàn để lắc đầu, bỏ đi kiếm cái bàn học khác cho con?
Không. Chúng ta mua nhũng cuốn sách đó về dậy con học. Chúng ta cho chúng ngồi học trên bộ bàn ghế như bộ bàn ghế in chữ Hoa bán ở Tam Điệp, Ninh Bình. Chúng ta đi chợ mua các thực phẩm làm tại Trung quốc pha chế đủ mọi loại hóa chất độc hại nấu nướng cho chúng ăn. Khi chúng ta hơi hoảng hốt một chút thì người ta tháo cái nhãn Made In China để dán cho cái nhãn khác, thế là nho, cam, táo trở thành nho, cam, táo Mỹ. Trong khi đó, các thứ khác thì vẫn ngang nhiên giữ nguyên cái nhãn Made In China để tung ra đầu độc cả nước.
Vì thế, đến những cái quần jeans làm ở Trung quốc mới đây cũng tẩm những hóa chất có thể gây bệnh ung thư cho vùng kín của người tiêu thụ, cả những chiếc nịt vú cũng chứa những hóa chất có thể gây bệnh cho các phụ nữ dùng chúng.
Phố xá thì các bảng hiệu viết bằng chữ Tầu mọc lên ở khắp nơi. Ở Hạ Long, ở Bình Dương, ở cả Nghệ An … nhan nhản những tấm bảng chữ Tầu. Và ngay cả ở giữa thủ đô Hà Nội, người ta cũng thấy tấm bảng viết bằng song ngữ với những chữ Việt được đẩy xuống dưới một cách khiêm tốn và thứ yếu.
Và ở Mỹ, có được mấy đài truyền hình Việt Nam dám không chiếu những phim của Tầu? Tầu Hương Cảng, Tầu Đài Loan cũng như Tầu Hoa lục?
Những chuyện như thế làm gì có dưới các thời Ngụy của Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu bao giờ!

Ngày 17 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Phụ nữ Việt Nam mắc một món nợ lớn với ông Nguyễn Cát Tường. Có thể nói tất cả phụ nữ Việt đều thiếu ông một món nợ không biết đến bao giờ mới trả cho hết được.
Nhưng thực ra, người ta đang trả ông, cả vốn lẫn lời. Có thể nói phần lời là phần khá lớn. Bắt chước Winston Churchill khi nhắc đến các phi công của hoàng gia Anh hồi đệ nhị thế chiến và sửa sang lại chút ít, thì chưa bao giờ lại có quá nhiều người nợ một người là ông Nguyễn Cát Tường nhiều như thế.
Món nợ ấy vẫn cứ canh cánh bên lòng, mỗi lần họ xỏ tay vào chiếc áo mà ông vẽ kiểu cho họ.
Ông nối những chiếc vạt của chiếc áo tứ thân lại với nhau. Chạy một hàng cúc bấm ở bên cạnh, thay đổi những cái cổ một chút cho kín lại để chiếc yếm không còn được dùng nữa và thay thế bằng một món "nội y" mới hơn.
Thân áo cũng do một loại hàng khác mà một nhà thơ, khi ngồi bên một bến sông nhìn về ánh đèn từ Hà Nội chiếu qua đã thầm mơ đến:
…Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có rạt rào… (1)
Chính là chiếc áo ông vẽ cho phụ nữ Việt mới tạo ra được một niềm nhớ thắm thiết như thế. Trước đó, ngay cả chiếc áo của cô bé 15 tuổi trong chuyến đi chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp cũng không gây được cái hình ảnh thiết tha như chiếc áo Lemur.
Mà thật, đôi tà áo của kiểu áo mới đó lập tức tiến vào và ở lại với cái "hôm nao" đó:
… áo trắng ngây thơ mộng trắng trong
Hôm nao em đến mắt như lòng…(2)
Những chiếc áo của phụ nữ trước đó không bao giờ mang cái mầu trắng trong đó. Nó có thể đẹp để đi cùng với sợi xà tích, chiếc thắt lưng, đôi dép cong, chiếc nón quai thao như trong nhũng bức ảnh chụp hồi đầu thế kỷ 20 mà nhiều người còn giữ lại được.
Phải chờ đến đôi mắt chỉ nhìn thấy những cái đẹp và bàn tay của người họa sĩ, chiếc áo của phụ nữ Việt Nam mới hóa thân được để hai tà của nó có thể "mở khép nghìn tâm sự" và tạo ra những nỗi nhớ như trong Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng:
Hoa nở cô đơn bóng động thềm
Vườn xưa còn thoảng chút hương em
Xót xa lá cỏ vương mùi tóc
Tà áo bay về nhớ suốt đêm…(3)
Cái khép mở của tà áo chở theo cái mát của mùa xuân giữa nắng hạ:
Em đem trời đẹp vào trong lớp
Ta thấy đang hè bỗng đã xuân…(
4)
Nhất định là phải có những cái tà áo. Những cái tà áo ấy , tôi được nghe kể lại, đã là đầu mối của một mối tình giữa một người phụ nữ còn rất trẻ vấn tóc trần, chiếc áo trắng cổ thấp kiểu Lemur đứng ở cửa nhà mỗi sáng và một giáo sinh trường sư phạm ở Hà Nội ngày nào đi ngang trên đường đi học. Là một sản phẩm của mối tình với tà áo ấy, tôi cũng phải nhớ ơn ông họa sĩ Nguyễn Cát Tường.
Kiểu áo của ông nổi trôi rất nhiều. Năm 1954, dáng kiều thơm của Hà Nội phải dẹp những chiếc áo tiểu tư sản đó chỉ sau ít ngày Hà Nội đổi chủ. Cũng như nhiều chiếc áo dài rất đẹp sau năm 1975 ở miền Nam. Người ta muốn cái đẹp khác. Đẹp là phải bưng biền, cách mạng, sắt máu, mặt mũi vêu vao, thô kệch như những người phụ nữ cầm AK lạc lõng ở những con đường Sài Gòn cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1975.
Nhưng rồi cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, vẻ đẹp bưng biền đó không có chỗ đứng, và những chiếc áo dài đã trở lại.
Luôn cả mấy người đàn bà nhà quê từng hô hào dẹp bỏ những chiếc áo dài ấy cũng lôi chúng ra mặc. Vợ của các lãnh tụ Hà Nội làm mặt trơ lấy những chiếc áo một thời chính bọn họ đòi dẹp bỏ ra mặc trong những chuyến xuất ngoai với chồng thay vì khóac trên người những chiếc áo đen nón tai bèo mà họ từng có thời hết lời ca ngợi.
Cái đẹp đã thắng.
Phụ nữ Việt Nam đã làm cho áo dài Lemur lại trở lại, làm sống trở lại cái đẹp họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ cho họ.
Tuần vừa qua, đã có một buổi trình diễn các kiểu áo mà ông đã vẽ và đăng trên tờ Ngày Nay hồi thập niên 40. Những phụ nữ trong buổi trình diễn không ở trong hạng tuổi mười tám đôi mươi mà ở một số tuổi lớn hơn, trông hệt như mẹ tôi hồi ấy, hình ảnh mà tôi vẫn còn nhớ nhất của mẹ tôi.
Và vì thế, cả tôi nữa, tôi cũng mắc nợ rất nhiều với họa sĩ Nguyễn Cát Tường.
Cám ơn ông nhiều lắm.
(1) Quang Dũng
(2) Huy Cận
(3) Đinh Hùng
(4) BBT

Ngày 18 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Suýt nữa tôi đã tìm cách về Việt Nam để sống lại đời sinh viên mà tôi đã giã từ từ nửa thế kỷ nay.
Về ghi tên học Văn Chương Quốc Âm, lấy cái chứng chỉ philology và Triết Học Đông Phương mà tôi rất thích nhưng đã không bao giờ bỏ thì giờ ghi danh học. Hay nếu không thì qua trường Luật ghi tên học lại từ năm thứ nhất để kiếm cái bằng Luật cho bằng anh, bằng em với ông Ba Ếch Nguyễn Tấn Dũng, người lận lưng cái bằng cử nhân luật của một đại học nào đó trong rừng Cà Mâu.
Tôi rất muốn làm những chuyện đó, vì nhớ mãi lời của Ann Landers khi trả lời một độc giả cao niên hỏi là có nên trở lại đại học hay không. Ann Landers nói rằng nên đi học, vì sau này, khi nhìn lại, thì có trong tay cái bằng đại học, dẫu có muộn màng thì vẫn còn hơn là không có gì nếu không ghi tên trở lại đại học.
Hôm mồng 4 tháng 7 vừa qua, bộ giáo dục Việt Nam ra một thông tư nói rằng để đền ơn các bà mẹ Việt Nam anh hùng có công với cách mạng trước ngày 1 tháng 1 năm 1945 cũng như những người hoạt động với cách mạng từ 1 tháng 1 năm 1945 đến ngày cách mạng thành công năm 1945 đều được cộng thêm 2 điểm nếu các bà mẹ này thi vào các trường đại học.
Tin báo chí trong nước loan ra khiến tôi nghĩ tôi phải về nước để đi học đại học trở lại. Được ngồi cạnh các sinh viên cao niên như thế tôi sẽ có thêm được nhiều can đảm để sách đèn trở lại.
Chao ơi, mấy khi lại có được các bạn đồng môn như thế. Tôi sẽ không bị các sinh viên trẻ bắt nạt nữa. Tuổi tôi đã già, chân tay không còn được như xưa, sức vóc đâu để mà tranh lấy chỗ ngồi tốt trong giảng đường nữa. Nhưng bây giờ, nếu trở lại đại học với các cụ, tôi sẽ là thành phần sinh viên trẻ so với các cụ. Không còn sợ bị bắt nạt nữa.
Tôi nghĩ trước ngày 1 tháng 1 năm 1945 mà các cụ đã theo cách mạng, thì nay, các cụ cũng phải 90 hay ngoài 90 rồi. Được cộng thêm 2 điểm thì chắc chắn các cụ có được lợi điểm hơn tôi. Tôi sẽ phải cố gắng thêm để theo kịp các cụ.
Nhà nước tính rất đúng. Các cụ theo cách mạng từ rất sớm nên thì giờ đâu để đến trường. Nay trong tay không có được tấm bằng cầm cho trẻ nó mừng thì cũng buồn trong khi bác Ba Ếch thì có cử nhân luật dẫu cho là luật rừng. Thế rồi lại ông Nguyễn Phú Trọng vừa được tặng bằng tiến sĩ danh dự của đại học Thammasat ở Bangkok. Ai cũng có bằng thì tại sao không giúp các cụ có cái bằng treo chơi.
Con số các bà mẹ nay còn sống đến ngày hôm nay chắc không còn nhiều. Cho các cụ đi học lại cũng không tốn kém bao nhiêu. Các cụ ra trường chắc cũng không còn vác cái bằng đi xin việc được nữa. Vậy thì không có gì đáng lo, đáng ngại cả.
Thế là vài ba chục cụ đã khấp khởi mừng thầm sửa soạn lên đường làm sinh viên cho bõ nhung ngày cơ cực.
Tội nghiệp các cụ. Cả đời theo cách mạng rồi lại lăn mình ra kiếm sống, may ra có cái bảng cửu chương làm tính nhẩm trong lúc bươn chải kiếm sống. Có bao giờ nghe thấy cái phương trình bậc hai đâu. Ngay cái qui tắc tam xuất các cụ nhiều khi cũng không biết. Nhưng nay chính phủ lại khuyến khích đi học đại học thì các cụ xoay sở thế nào. Gần thế kỷ không cầm lấy cái bút, nay cầm lại, tuy có chậm một chút nhưng đã sao. Có gặp khó khăn thì sẽ có "phao" mang vào lớp. Lo gì không thi đâu , đậu đó như cả nước ngày nay. Lận lưng cái bằng thạc sĩ mà vẫn phải đi bán vé số thì nay mình đang bán vé số, kiếm cái bằng thạc sĩ thì đã sao. Nhưng học cái gì đây? Để coi mấy ông lớn học gì, mình học cái đó. Mấy ổng xuất thân làm nghề hoạn lợn, phó cúp, xếp tanh còn bằng cấp đầy người huống chi là mình. Thế là các cụ bàn nhau phải đi học. Kiếm cái Cử Nhân Giáo Khoa Anh Mỹ, Cao Học Văn Chương Pháp, Cử Nhân Kinh Tế, Cao Học Công Pháp… không biết chúng nó là cái gì nhưng nghe cũng ngộ. Thế thì cứ ghi danh thi cái coi.
Nhưng tôi lại đành phải xếp chuyện trở về với sách vở, giảng đường đại học lại, vì bộ giáo dục Việt Nam lại vừa quyết định thu hồi việc cộng thêm cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng 2 điểm nếu các cụ trở lại với đại học.
Không biết bộ giáo dục chơi xỏ các cụ, cho các cụ thêm điểm đại học để các cụ trở lại với đèn sách trong khi bộ thừa biết các cụ không thể nào đi học lại được nên nay rút lại cái thông tư cộng thêm điểm cho các cụ. Hay chính mấy anh có cử nhân luật rừng, bằng cấp tự trao cho mình, mua ở đầu đường, làm giả treo chơi sợ bị các cụ cạnh tranh nên đã dẹp ngay giấc mộng đại học của các cụ.


Thế là trước sau, đằng nào các cụ cũng vẫn bị lợi dụng và lừa bịp cả.