July 11, 2013

July 12, 2013

Ngày 8 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Chiều hôm qua tôi ngồi nhà vặn truyền hình lên coi cho đỡ buồn thì lại bị "trúng" ngay một chuyện chẳng ra làm sao cả, hệt như mấy câu thơ của một người bạn ở Na Uy:
Buổi chiều rớt xuống một nỗi buồn
Rớt trúng nhằm ta có chán không…
Trong một chương trình truyền hình, một xướng ngôn viên sau khi nói vài ba câu đưa đẩy với đồng nghiệp, cô duyệt lại một vài bản tin trong tuần qua và nói rằng có một chuyện làm cho cô buồn ghê gớm. Đại khái là như thế. Tôi không nhớ được nguyên văn lời cô nói. Nhưng chi tiết ấy không quan trọng mấy. Chỉ nhớ đại khái bản tin ấy làm cho cô rất buồn. Cô thuật lại cái tin làm cho cô buồn, và không chờ nghe hết các chi tiết khác, tôi tắt máy, và như câu thơ của người bạn:
Ta nhặt trên tay ngồi ngắm nghía
Rõ khổ, buồn xưa điếng cả lòng…
Nghe mấy câu cô "intro" để dẫn nhập vào cái tin làm cho cô rất buồn đó, và hình như cô lôi cuốn thêm cả những người khác để cùng buồn với cô, tôi đã tưởng ra cả chục chuyện buồn có sẵn trong đầu. Nhưng nghe chưa hết cái tin làm cho cô buồn thì tôi thấy ngay nỗi buồn của cô không hề là nỗi buồn của tôi một chút nào cả nên tôi bèn tắt máy đi làm chuyện khác, không phải cho đỡ buồn, mà cho đỡ tức.
Tôi tưởng cô nhắc chuyện mấy cái tầu đánh cá của những ngư dân Việt Nam khốn khổ bị những chiếc tầu Trung quốc húc cho hư hại nặng ở gần Hoàng Sa tuần trước. Chuyện đó thì buồn thật đấy chứ. Phương tiện mưu sinh của những người dân ở miền quê hương tôi nghèo lắm ai ơi bị húc nát, mạng sống của họ suýt nữa không còn nữa để về với gia đình… Mà những chuyện như thế thì đã xẩy ra không biết bao nhiêu lần ở cái vùng biển cha ông để lại đang bị cướp đi một cách trắng trợn.
Tôi cũng tưởng cô nhắc đến vụ mấy tên ma cô ma cạo vào tận một tỉnh nhỏ ở miền Nam để tuyển vài ba phụ nữ đem gả cho mấy anh Tầu rồi mấy anh Tầu này, sau khi dùng thử mấy cô, thấy không vừa ý đã đem những người con gái này trả lại cho gia đình họ và đòi tiền lại như đi chợ mua hàng không thích thì đem trả lại như báo chí trong nước vừa nhắc hồi tuần qua chứ.
Hay chuyện mấy người ăn trộm chó bị dân làng bắt được hành hung đến chết, mà những chuyện như thế đang càng ngày càng xẩy ra nhiều hơn hồi gần đây. Tội nghiệp, thịt xương ai cũng là người. Làm sao phải liều mạng ăn trộm vài con chó để kiếm sống lại chỉ gặp cái chết. Bản tin còn kèm theo bức ảnh chụp người đàn ông bị đánh bất tỉnh được một phụ nữ ôm trong tay. Người phụ nữ ấy là ai? Là em, là chị, là vợ, hay là bạn của người đàn ông ấy? Đôi mắt cô đầy nét tuyệt vọng, kinh hoàng ngó lên đám đông hung tợn đang vây quanh sau khi đánh người đàn ông ăn trộm chó. Đất nước gì mà đẩy người dân vào chỗ phải làm những chuyện tệ mạt như thế để kiếm sống?
Tôi cũng tưởng cô xướng ngôn truyền hình ấy sẽ nhắc tới chuyện một người cha Việt Nam lặn lội sang tận Trung quốc để giải thoát cho con gái bị lừa bán vào động quỉ bị buộc phải tiếp 30 người đàn ông mỗi ngày chứ.
Rồi tôi lại nghĩ hay là cô nhắc chuyện 19 người lính cứu hỏa thiệt mạng trong khi tìm cách chặn ngọn lửa cháy rừng ở Arizona chứ. Những cái chết ấy làm cả nước Mỹ đau xót mà nếu chúng ta có buồn thì cũng đúng chứ sao.
Nhưng không, cô xướng ngôn viên truyền hình nọ đã không nhắc những chuyện đó. Hay có thể cũng có nhưng tôi không xem tiếp nên không biết. Tuy thế, cô mở đầu để thuật lại cái bản tin làm cho cô hết sức buồn là cái chết của hai học sinh người Hoa trên chuyến bay cả hãng hàng không ASIANA. Cô chọn tin ấy để nói đầu.
Chao ôi. Cái tin ấy mà cô cho là tin buồn nhất trong tuần hay sao?
So với những cái tin bật ra trong đầu mà tôi nói ở trên thì nó không thể lớn hơn để đến nỗi phải đưa lên đầu của câu chuyện của cô. Cô đau buồn thì cứ đau buồn. Nhưng lôi cả những người khác để cùng cô xót xa về cái chết của hai cô nữ sinh Tầu trong lúc này thì không nên. Tôi sẵn sàng đau buồn về cái chết của 19 người lính cứu hỏa. Nhưng về hai cô Tầu thì không. Nhất định là không.
Không biết cô có xem những bức hình chụp những phụ nữ Việt Nam bị bọn lính Trung quốc hãm hiếp rồi lại giết một cách tàn bạo hồi xẩy ra chiến tranh Việt Trung năm 1979 không.
Xem xong rồi có tiếc thương 2 nữ sinh Trung quốc thiệt mạng trong chuyến bay ASIANA cũng chưa muộn.

Ngày 9 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Rảnh rỗi bạn vào internet đánh mấy chữ này: giet nguoi trong mong em be hat. Xem xong cái video clip này rồi bạn thấy thế nào? (http://www.youtube.com/watch?v=xddl8ADIhpI)
Tôi được xem cái video clip ấy hôm cuối tuần khi đến nhà một người bạn ăn tối.
Trong video clip, một em bé khoảng 5 hay 6 tuổi gì đó, mặc một chiếc áo đầm đỏ, tay cầm một chiếc microphone giả, chắc lại được làm tại Trung quốc. Em cầm microphone "hát" một ca khúc diễm tình phổ từ một bài thơ của Hàn Mặc Tử, bài thơ nhan đề Làm Sao Giết Được Người Trong Mộng.
Em bé vừa hát vừa diễn tả rất nhà nghề. Quằn quại, vật vã, tay lúc vung lên, lúc diễn tả tình cảm đau đớn thì nhắm mắt lại, tay giang ra, ngả nghiêng dáng đứng như cách trình diễn của những ca sĩ người lớn hát bài ca này. Có những lúc em dùng những động tác rất người lớn và có thể nói đó là những động tác có đôi nét nét tục tĩu ở trong. Mắt đờ đẫn, lúc nhắm lại, lúc gập đôi người lại, lúc vặn vẹo người, uốn éo theo bản nhạc…
Giọng hát là một giọng còn rất trẻ, nhưng không đi đôi với miệng trong video. Nếu em hát nhép (lipsynch) thì em rất thuộc bài. Đó là cố gắng và thành công của những người dậy em hát.
Cũng rất có thể tiếng hát không phải của em, mà là của một em bé khác, giọng cũng còn rất trẻ.
Mà nếu đúng như vậy thì ở đây có tới hai cặp cha mẹ. Một cặp sinh ra em có tiếng hát. Một cặp sinh ra em bé hát nhép. Cả hai cặp cha mẹ đó đều đã làm những chuyện hết sức bậy bạ.
Bài Giết Người Trong Mộng không hợp với hai em một chút nào. Ở tuổi ấy thì hai em biết gì về những bội thề, những loài bướm đong đưa, trả thù duyên kiếp phũ phàng, mộng ê chề, tình yêu bẽ bàng… Nhưng các em vẫn được mớm cho từng chữ nhảm nhí (với tuổi thơ của các em) bằng những thứ cha mẹ bệnh hoạn, thiếu giáo dục như thế. Tuổi thơ của hai em bé bị giật lấy, quăng đi, để ấn vào tay chúng, đặt vào miệng chúng những lời hát mà ở tuổi hai mươi cũng vẫn còn có thể vận vào người, trở thành những tiếng chuông của Pavlov, xô đẩy chúng vào những chuyện chẳng ra đâu hết. Thúy Kiều cũng vì nhũng khúc đàn bạc mệnh, lãng mạn quá đáng ấy mà hỏng cả một đời.
Các cụ ngày xưa có thể khó quá: "Đàn ông chớ kể Phan Trần / đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều"… rồi lại "đàn bầu ai gẩy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu"…
Cha mẹ ai cũng cẩn thận tìm mọi cách tránh cho con cái, trai cũng như gái khỏi sa vào những chuyện ái tình quá sớm, những trên bộc trong dâu, những chuyện đôi lứa ở tuổi chưa biết suy nghĩ chỉ nhiều phần dẫn tới bất hạnh …
Nhưng ở đây, là những người cha, những người mẹ này sẵn sàng vỡ lòng dậy cho con cái những nghề nghiệp hay như thế. Người xem, một số tội nghiệp cho các em sớm bị dậy cho những chuyện tồi tệ.
Nhưng cũng có một số người đông hơn lại có ý kiến rất phục em bé, cho là em có khiếu , đáng yêu, dễ thương…Đó cũng là một chi tiết đáng ngại.
Cách đây không lâu, có một video clip được đưa lên face book của một người mẹ dậy con gái, một em nhỏ khoảng 4 tuổi bằng giọng rất đanh đá, chửi mắng người chồng tưởng tượng như tát nước vào mặt, rồi đòi bỏ chồng đi theo một người đàn ông khác. Người mẹ còn cẩn thận nhắc tuồng cho con khi đứa bé không thuộc những lời nói mà Nguyễn Trãi trong Gia Huấn Ca gọi là cách ăn nói gieo tiếng ra gẫy cây, gẫy cối, mở miệng nào có ngọn, có ngành , đến tay bụt cũng không lành , chồng con khinh bỉ thế tình mỉa mai
Có một điều có thể những người cha, những người mẹ của em bé hát bài hát diễm tình đó không biết. Đó là em bé được dậy cho làm người lớn với những cử chỉ không thích hợp cho một em bé như thế sẽ khiến cho những thành phần pedophile thích lắm đấy.
Mới đây một tờ báo trong nước đã phổ biến một trang nhật ký tình yêu nói về chuyện yêu đương của những học sinh còn rất trẻ, khoảng trên dưới 10 tuổi, một giấy hứa hôn giữa hai trẻ 11, 12 tuổi…
Dậy con ca hát như thế thì đem ra thực hành chứ có gì lạ đâu.
Nhưng hại con đến như thế thì chịu thua…

Ngày 10 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Trên một fanpage của facebook cách đây mấy ngày có một video clip cho thấy một thanh niên còn trẻ bị một đám đông hành hung, mặt bê bết máu sau khi bị bắt quả tang ăn trộm một chiếc xe gắn máy.
Đương sự khoảng trên dưới 20 tuổi, mặc áo thun, quần jeans, hai chân bị trói, hai tay cũng bị trói bằng dây thừng đang nằm cong queo dưới đường. Một lần đương sự cố đứng dậy nhưng lại ngã xuống. Trông mặt thì cũng không đến nỗi cô hồn các đảng lắm. Nhưng chuyện ăn cắp xe thì có thật, bị bắt quả tang nên bị đánh hơi nặng tay. Như vậy, đương sự chẳng hiền lành gì.
Đám người vây quanh thanh niên này cũng là những người trẻ quần áo sạch sẽ. Nơi xẩy ra vụ hành hung có thể là một công viên có bể nước, có ghế đá, không thấy rác rến cùng khắp.
Nghe những giọng nói trong đoạn video thì thấy ngay nội vụ xẩy ra ở một thành phố miền bắc.
Đương sự lúc ấy đã bị no đòn rồi nên đám đông cũng bình tĩnh trở lại. Trong số những người đứng xem, có ít nhất 2 phụ nữ trẻ, video không cho thấy mặt nhưng quần áo cũng kiểu cọ lắm. Một trong hai người này có lúc còn nhắc những người trong đám đông phải trói chân đương sự vào chân ghế đá. Một người đề nghị cho đương sự ngồi lên ghế. Đặc biệt là không hề nghe một lời can gián nào, một tiếng tội nghiệp cho người thanh niên bị đánh mặt mũi đầy máu đó.
Người thanh niên bị bắt quả tang ăn cắp xe đó thì luôn miệng van xin,nhờ nới lỏng dây trói: "Bố ơi bố cởi cái dây đằng sau mất bao nhiêu con chịu…" Lối xưng hô ấy, cách nói với những người đánh mình bằng ngôn ngữ rất giang hồ, với một đề nghị cũng giang hồ không kém. Sẵn sàng dùng tiền để mua mọi thứ. Chắc tiền bạc của một người như thế thì cũng là tiền trộm cắp chứ gì.
Việc tự ý nắm lấy luật pháp, thi hành luật pháp bằng chính tay của mình, không thông qua thủ tục xét xử của tòa án chỉ thấy ở những nơi không có luật pháp, hay luật pháp không còn được dùng để cai trị nữa. Việt Nam đã biến thành một nơi như thế từ lúc nào để người dân phải tự võ trang cho mình chống lại bọn côn quang mệnh danh là công an của nhà nước. Những vụ Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng, những vụ cưỡng chế đất đai của người dân bằng đủ mọi thủ đoạn đê hèn nhất đang xẩy ra hàng ngày. Công an không còn làm công việc bảo vệ an ninh công cộng cho người dân nữa. Công an được đem dùng vào những việc khác. Người dân không còn tin vào công an nữa. Và nhất là không còn sợ công an nữa. Và đó là lý do luật rừng được đem ra dùng để xử tội những thành phần trộm cắp. Rất nhiều trường hợp những người trộm chó đã bị hành hung trí mạng xảy ra ở khắp nơi nam cũng như bắc.
Tệ nạn trộm cắp thì thời nào cũng có. Không thể nói hồi còn Việt Nam Cộng Hòa thì không bao giờ có trộm chó, trộm xe… Nhưng chưa bao giờ những sinh hoạt phạm pháp lại diễn ra một cách quá nhiều như hiện nay. Mà cách người dân phản ứng trước những vụ phạm pháp lại dã man, vô đạo đức, bất chấp luật pháp như ngày nay. Cứ mở những tờ báo trong nước ra đọc là thấy ngay. Ngày nào cũng cả hơn một chục những thứ tin như trẻ em bị xâm hại tình dục, trộm cắp như rươi, đĩ điếm tràn lan không còn kiểm soát nổi, phụ nữ bị lừa đem bán sang Tầu làm điếm, đàn ông ngoại quốc đến tận các làng quê tìm mua phụ nữ như đi mua trâu bò, nô lệ, học sinh đánh nhau lột quần áo của nhau rồi đưa lên internet, báo chí tường thuật bằng thứ văn chương toàn những câu như "đắng lòng cảnh cháu giết bà lấy tiền chơi game, trước cảnh thôn nữ bi bán sang Tầu làm điếm, phụ nữ Việt bị rao bán ở Singapore với cam kết không tốt hoàn lại tiền…"
Ở những đoạn khác thì hết "ngắm các siêu sao lộ hàng, diện nội y hẹn hò với bạn trai Tây…"
Mấy chục năm học theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cháu ngoan bác Hồ nay đã trở thành những thứ như vậy sao? Đi thi thì phao trắng sân trường, tuyển sinh thì phải có chỗ lo lót, bằng cấp thì toàn bằng giả không thì tự nhận bằng nọ bằng kia …
Hôm nọ tôi vừa được "ngắm" một bức hình chụp một ngôi trường không biết ở thành phố nào ở dưới bức ảnh Hồ Chí Minh dang xoa đầu một em bé gái là một hàng chữ in nguyên văn thế này: NHÀ TRƯỜNG VĂN HÓA - NHÀ GIÁO MẪU MỰC – HỌC SINH THANH LỊCH.
Trong khi một ngôi trường ở ngay Hà Nội phải có lệnh cấm các học sinh không đươc lột quần áo của nhau. Nhà giáo Sầm Đức Xương thì làm chuyện dâm dục với các nữ sinh đến nỗi phải đi tù 10 năm, và học sinh thanh lịch thì chửi thề luôn miệng, chửi cả thầy cô giáo trên mạng bằng một bản tuyên ngôn, lời lẽ hỗn sược…
Như thế thì văn hóa, mẫu mực và thanh lịch ở đâu?
Và có phải vì thế mới có cảnh "đắng lòng" với chuyện trộm xe bị đánh mù mắt lăn lộn dưới đường kêu cha gọi mẹ như đoạn video trong facebook hôm mồng 5 tháng 7 vừa qua không?

Ngày 11 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Cách đây vài tuần, ở quận Cam có diễn ra một buổi ra mắt một cuốn sách. Chuyện ra mắt sách là chuyện rất thường ở đây. Tiểu thuyết, biên khảo, tùy bút, thơ, và luôn cả những CD cũng có tổ chức ra mắt.
Tại những cuộc ra mắt sách này bao giờ cũng có vài ba diễn giả được mời đến để nói về tác phẩm. Mà thường là các diễn giả ấy chỉ đưa ra những lời khen tặng gửi tới tác giả. Thực ra cũng có những cuốn sách xứng đáng được tán tụng thật.
Nhưng con số đó không nhiều lắm.
Trong những lần ra mắt sách như thế, nhiều khi còn kèm theo một chương trình thơ nhạc mà nhiều khi không dính dáng gì tới những tác phẩm được cho ra mắt.
Con số những tập thơ được cho ra mắt cũng không ít. Nhưng tìm được một tập thơ hay không phải dễ. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc trong một chuyền về Việt Nam đã phải bực mình viết trong một cuốn sách viết về thơ của ông là ông rất chán đời vì mua phải mấy cuốn thơ hết sức dở.
Thơ dở, như vậy, trong nước và ngoài nước đều có cả. Một tờ nhật báo ở đây có một dạo đăng liên tiếp một số "thơ lục bát" của một người tôi cũng quen. Gọi chúng là thơ lục bát giữa hai ngoặc kép là vì gần hết những bài thơ ấy đều là những câu lạc vận, cưỡng vận hay không có vần gì hết. Khi hỏi một người trong toà báo là tại sao lại cho đăng thứ thơ thẩn bậy bạ như thế thì tôi được trả lời là vì có sự vận động của một thân hữu nên đành phải đăng. Sau đó ít lâu, người vận động để đăng những thứ thơ thẩn ấy đã viết nguyên một cuốn sách nhỏ để biện hộ, giải thích cho những bài lục bát không vần, lạc vần đó.
Làm thơ, nếu một câu 6 chữ rồi lại một câu 8, một câu 6 rồi lại một câu 8 thì phải hiệp vần cho đúng. Luật thơ lục bát không khó. Những người nông dân cầy cấy dưới ruộng cũng có thể làm vài ba câu hò, lý, trống quân bằng thể lục bát… huống chi tác giả những bài lục bát không có vần đó lại là người có đi học. Văn chương bình dân Việt Nam thiếu gì thơ lục bát! Người dân một quốc gia có truyện Kiều viết bằng hơn ba ngàn câu lục bát thì không được quyền làm thơ lục bát mà không biết hiệp vần.
Nhưng điều đó lại được thấy trong tập thơ mới ra mắt cách đây vài tuần.
Tác giả tập thơ vừa ra mắt là một phụ nữ bình thường, có công rất lớn là nuôi dậy một đàn con nên người. Những người con muốn làm cho mẹ vui nên gom những câu thơ của mẹ viết để in thành một tập. Nhưng tất cả những bài gọi là thơ ấy đều không bài nào làm đúng luật thơ lục bát. Thôi thì bỏ qua chuyện hiệp vần của những bài thơ này. Tôi không trách tác giả vì ngay như người làm những bài lục bát vớ vẩn không biết hiệp vần đăng trên tờ nhật báo tiếng Việt nọ cũng là người có thời đến trường đại học văn khoa Sài Gòn. Học văn khoa mà còn không biết làm thơ lục bát cơ mà.
Điều đáng nói ở đây là ba bốn người được gia đình nhờ lên nói về tập sách đều hết sức ca ngợi những bài lục bát ấy, khen ngợi không tiếc lời, phân tích từng câu, nhưng tất cả các diễn giả đều không thấy được chi tiết những câu lục bát đó không vần với nhau.
Các diễn giả đều ở tuổi tứ tuần trở lên, tiếng Việt còn khá sõi, nhưng lại không biết gì về thơ lục bát.
Xa đất nước mới có gần bốn chục năm mà có cái luật thơ lục bát cũng đánh mất, hay không lận lưng mang theo thì đáng ngại thật. Đáng ngại khi nhìn về phía trước mặt.
Rồi đây thân phận lưu lạc của thơ lục bát sẽ ra sao?
Nghĩ đến đó thì lại không dám nghĩ đến nữa.

Ngày 12 tháng 7 năm 2013
Bạn ta
Bản tin về vụ hai người đàn ông ăn trộm chó ở một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Nghệ An bị dân làng vây đánh khiến một người chết, người kia trọng thương có kèm theo một vài bức hình chụp tại hiện trường ngay khi chuyện vừa xẩy ra.
Một trong những bức ảnh của tờ Luật Pháp đăng kèm bản tin là bức chụp một người phụ nữ còn rất trẻ ngồi dưới đất, ôm trong lòng một người đàn ông. Người đàn ông không mặc áo, có thể trong lúc bị hành hung, chiếc áo đã bị xé rách.
Vì trên người ông không mặc áo nên tôi thấy trên lưng của người này, mà tôi nghĩ là một trong hai người ăn trộm chó bị chặn đánh, có những vết thâm tím mà thoạt đầu tôi tưởng đó là những hình xâm. Nhưng nhìn kỹ thì thấy đó là những vết bầm vì bị đánh. Người phụ nữ vẻ mặt thẫn thờ, không biểu lộ bất cứ một cảm xúc nào. Kinh hoàng, sợ hãi cũng không. Tức giận cũng không. Cô ôm lấy thân thể của người đàn ông, một tay đỡ ở dưới, một tay để lên lưng người ấy. Hai bàn tay của cô nói lên được rất nhiều thứ. Có sự trìu mến, an ủi, dỗ dành ở hai bàn tay ấy. Cô mặc trên người một chiếc áo hoa và hình như cô mặc một chiếc váy ngắn vì một bên đùi được thấy rõ khi cô ngồi bệt trên mặt đường.
Bức ảnh tôi xem đã cả tuần mà cho đến ngày hôm nay vẫn tiếp tục ám ảnh tôi. Tôi không tài nào có thể xóa hẳn được trong óc hình ảnh đôi mắt và khuôn mặt của cô. Cô có một bộ mặt trong sáng, chiếc mũi, cái miệng cân đối, thanh tú. Cô có một cái nét hiền lành, chân chất. Đôi mắt cô đang ngó lên, về phía đám đông đứng chung quanh. Đám đông tờ Luật Pháp cho biết là đông tới khoảng 2 ngàn người. Chính đám đông này đã chặn không cho xe cứu thương chở hai người đi bệnh viện. Mãi sau khi công an đến can thiệp cả hai người mới được chở đi bệnh viện. Chính vì thế mà một trong hai người đã chết vì những vết thương của trận đòn hội đồng.
Bài báo không ghi chú gì thêm ở dưới bức ảnh. Người ta không biết cô cư trú ở đâu, có ở trong làng không, tuổi tác thế nào, liên hệ ra sao với người đàn ông bị hành hung mà cô ôm trong tay.
Cô là vợ người đàn ông? Là em hay con người ấy? Chắc người đọc sẽ không bao giờ biết được những chi tiết đó. Nhưng tôi nghĩ cô không có liên hệ gì với người đàn ông bị hành hung mà cô đang ôm trong tay. Hai người ăn trộm chó đến huyện Yên Thành bằng xe gắn máy. Chiếc xe bị đốt cháy khi họ bỏ xe tìm cách thoát thân. Như thế, cả hai đã đến từ xa, không là người địa phương. Hai người đi ăn trộm chó không lẽ còn chở theo cô. Vậy thì chắc cô là người trong huyện Yên Thành, không phải là người nhà, thân nhân, vợ hay em của người đàn ông bị đánh.
Cô là một người can đảm. Giữa một đám đông phẫn nộ vừa đánh trọng thương hai người ăn trộm chó, cô vẫn dám tiến lại gần người đàn ông bị đánh, ôm thấy cái thân thể đầy những vết đòn thù đó. Cô không sợ cái đám đông đang nổi điên đó hay sao?
Không những cô can đảm, cô còn là một người đầy lòng thương người, thương một đồng loại bị đối xử không bằng cách đối xử với một con vật. Người đàn ông ấy và bạn của anh ta, dẫu có làm một công việc tồi tệ, xấu xa hết sức, nhưng anh ta cũng vẫn là một con người, chỉ vì đói ăn rách áo mà phải quay sang làm càn để bị đòn hội chợ như thế. Người đàn ông này là người chết trong trận đòn ấy hay ông ta là người sống sót?
Chi tiết này không thấy được nói trong bài báo. Tôi không quan tâm lắm về các chi tiết đó. Nhưng hình ảnh người phụ nữ trẻ ấy thì vẫn còn lẩn quẩn trong đầu tôi từ mấy hôm nay.
Tôi nhớ tới bức tượng Pietà của Michelangelo đặt trong giáo đường thánh Phê Rô ở Vatican. Pietà nghĩa là thương cảm, xót sa, tội nghiệp. Michelangelo tạc pho tượng này lúc 24 tuổi, và là tác phẩm duy nhất mà ông khắc tên mình trên tác phẩm. Bức Pietà tạc cảnh Đức Mẹ ôm lấy Chúa khi người vừa được gỡ từ thập giá xuống. Mẹ có vẻ mặt hiền từ, đẹp dịu dàng, một nét chịu đựng trên khuôn mặt trẻ và đẹp đó.
Người phụ nữ trẻ trong bức ảnh trên tờ Luật Pháp cũng có những cái nét đó. Và đó là cái nét rất khó thấy trong một xã hội mà sự vô cảm đã trở thành một điều đáng sợ ở Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản hiện nay. Mấy chục năm ngự trị trên đất nước Việt Nam, chủ nghĩa và những người Cộng Sản đã biến miền đất này trở thành một xứ sở tàn bạo, xấu xí, độc ác và mất hết nhân tính như thế đấy.

Những người như cô thiếu nữ trong hình dường như không còn được bao nhiêu nữa.