March 31, 2021

Hình Ảnh GIA ĐÌNH


Bùi Bảo Trúc và Thân Phụ Bùi Văn Bảo chụp tại Hải Phòng 1951










 

Chữ Nghĩa Chúng Ta - Bùi Baỏ Trúc 2009

 3-4-2009


Ông Nguyễn Thành Bửu, Garden Grove, Ca

BREAKING NEWS

"News", như ông viết trong thư, là danh từ số ít, không đếm được (uncountable noun). Muốn dùng danh từ này ở số nhiều, người ta phải dùng danh từ "items"ở trước hay sau:

There are 6 items of international news hay there are 6 international news items. Như vậy, chúng ta đếm "items "chứ không đếm "news".

Danh từ "news" bao giờ cũng có "s" ở cuối nhưng lại là số ít: No news IS good news.

Khi đọc, phải đọc rõ chữ "s" ở cuối. Do đó, như ông nói, người xướng ngôn đọc "breaking new" là sai. New (không có "s") là tĩnh từ, nghĩa là mới. Nếu là danh từ nghĩa là tin tức thì phải đọc rõ chữ "s" ở cuối.

Tại sao lại gọi là breaking news?

To break the news là loan một cái tin, báo một cái tin gì đó, thường là tin mới và gây kinh ngạc cho người nghe:

He broke the news of his engagement to his family (Anh ấy báo tin lễ đính hôn cho gia đình).

Breaking News là tin mới nhất.

Sau giới từ (prepositions) không thể dùng động từ chưa chia (nguyên mẫu) không có TO (infinitive without TO)

Bao giờ cũng phải dùng gerund (verb+ing). Trong cách dùng này, chủ từ (hiểu ngầm) của verb+ing cũng cùng là chủ từ của mệnh đề chính đi sau:

UPON return+ING home, he discovered his car had gone (When HE returned home, HE discovered his car had gone).

BEFORE com+ING to America, THEY lived in Italy (Before THEY came to America, THEY lived in Italy).

AFTER finish+ING her M.A. degree, she went to Harvard for her Ph. D. (After SHE finished her M.A. degree, SHE went to Harvard for her Ph.D.)

Cụ Phan Y. Santa Ana, California

Kowtow là tiếng Anh mượn của chữ Hán nguyên là khấu đầu. Khấu là đập, là cúi đầu.

Khấu bẩm là đập đầu xuống đất để tâu trình với người trên. Khấu thủ cũng đồng nghĩa với khấu đầu.

Kingdom come là kiếp sau, đời sống sau đời sống hiện nay, là thiên đàng, từ những chữ Thy kingdom come trong Kinh Thánh.

Trương Trào là một nhà thơ Trung Hoa sống ở thế kỷ thứ 17 mà Lâm Ngữ Ðường có trích nhiều câu ngạn ngữ ông để lại, trong đó có câu "Thà bị tiểu nhân mắng chứ không muốn bị người quân tử khinh".

Ông Phạm Ngữ, Washington DC

Dalida tên thật là Yolanda Cristina Gigliotti là người gốc Ý ra đời (17/1/1933) và lớn lên tại Ai Cập nhưng sống gần hết đời tại Pháp. Dalida được bầu làm hoa hậu Ai Cập năm 1954. Cô sang Pháp để theo đuổi giấc mơ điện ảnh. Cô đổi tên là Dalila rồi sau đổi thành Dalida. Nhưng cô lại thành công trong lãnh vực ca nhạc nhiều hơn là điện ảnh. Dalida hát và thu thanh hơn 10 ngôn ngữ khác nhau gồm tiếng Pháp, Ý, Ả Rập, Ðức, Tây Ban Nha, Hi Bá Lai, Anh, Hà Lan, Nhật và Hy Lạp.

Các ca khúc nổi tiếng của cô gồm Come Prima, Ciao Ciao Bambina, Garde-Moi la Dernière Danse, Gondolier, Paroles Paroles, Il Venait d’Avoir Dix-Huit Ans, J’Attendrai, Pour te Dire Je T’aime...

Dalida thành công trong sự nghiệp ca hát nhưng lại thất bại hoàn toàn về mặt tình cảm. Người chồng đầu tiên và hai người tình của cô đều tự tử chết. Ngày 3 tháng 5 năm 1987 Dalida cũng tự tử, để lại một mẩu giấy nhỏ với những chữ: "Pardonnez moi, la vie m’est insupportable".

Một Thính Giả Thư Bị Thất Lạc

Hai câu:

Thuyền đua thì lái cũng đua
Con cá cũng lội, con cua cũng chèo

Theo cách giải thích của những cuốn sách mà chúng tôi có thì hai câu này có nghĩa đua đòi, bắt chước một cách quá lố chứ không hề có nghĩa là thi đua. Những câu khác cùng nghĩa là: dây lang bò, rau muống cũng bò; húng mọc, tía tô cũng mọc; voi đú, khỉ đú, lợn sề cũng hộc; thấy trâu đầm, bò cũng nhẩy xuống ao; bầu leo, dây bí cũng leo; mành treo, chiếu rách cũng treo; phượng hoàng đua, chim sẻ cũng đua...

6-2-2009


Ông Ðỗ Ngọc Phú , Detroit, MI 48210

Nếu tính cả những chữ Ê, Ô, Ơ, Ư thì tiếng Việt có hơn chứ không phải là 23 hay 24 như ông viết trong thư. Ông có thể xem các từ điển của Hà Nội , Khai Trí Tiến Ðức hay Lê Văn Ðức để biết rõ hơn. Cám ơn thư của ông.

Cụ Ðặng Văn Phương , Dayton, Ohio 45440

Tại các trận quyền Anh, cutman là người săn sóc cho các võ sĩ khi bị thương nhẹ ở mặt, rách mắt, má, môi. Thương tích nặng hơn thì phải nhờ y sĩ. Assist là phụ tá huấn luyện viên. Trainer là huấn luyện viên.

Các võ sĩ kiếm rất nhiều tiền nhờ vé bán, quảng cáo, nhưng ít người giữ được những khoản tiền lớn đó vì bị bọn bấu xấu bám chung quanh bòn hết. Mike Tyson kiếm rất nhiều tiền nhưng cũng đã phải khai khánh tận.

Chia XẺ và chia SẺ đều đúng, theo các từ điển mà chúng tôi có.

Bà Nguyễn Kim, Austin, Texas

VERB+ING có thể là:

Tĩnh từ (adjective) khi đứng trước một danh từ (noun): working class

Danh từ (noun) khi làm chủ từ (subject) hay túc từ (object) cho một động từ: Working is good for the body. I love the job but it is working that I hate.

Hiện tại phân từ (present participle) khi đi cùng với động từ to be để tạo thành thì hiện tại liên tiến (present continuous tense): He is working for his graduate degree.

Có vài động từ KHÔNG thể dùng trong thì liên tiến.

Thí dụ động từ TO SEE và động từ TO HEAR nếu chúng có nghĩa là nhìn thấy hay nghe thấy.

Chúng ta nói I see his house behind the trees nhưng không nói I am seeing his house behind the trees. Tuy nhiên chúng ta có thể nói He is seeing a very young woman nếu động từ TO SEE có nghĩa là hẹn hò, cặp bồ (to date, to take somebody out, to see somebody socially) với ai đó.

Chúng ta nói We hear footsteps downstairs nhưng không thể nói We are hearing footsteps downstairs.

Seeing và hearing có thể là danh từ như trong các thí dụ sau đây:

Seeing is believing nghĩa là có thấy thì mới tin. Seeing là danh từ, chủ từ của động từ to be.

There will be a hearing on Afghanistan nghĩa là sẽ có một cuộc điều trần về cuộc chiến tại Afghanistan.

TO SAY/ TO TELL/ TO SPEAK đều là nói.

TO SAY là nói điều gì đó, theo sau có thể là hai chấm (:) và dấu ngoặc kép để nhắc lại nguyên văn lời nói.

He SAYS he is Spanish. He SAYS:" Adios." Can you SAY it in Spanish?

Không thế dùng TO SAY trong nghĩa kể chuyện hay nói (một ngôn ngữ nào đó). Không thể nói He SAYS a story. Phải nói là he TELLS a story. Cũng không thể nói He SAYS French mà phải nói là he SPEAKS French, nghĩa là ông ấy nói tiếng Pháp. Nhưng có thể nói He SAYS it in French.

TO TELL là kể, kể chuyện, nói chuyện.

He can TELL the time là nó biết xem đồng hồ.

We all TELL lies every now and then là ai trong chúng ta thỉnh thoảng cũng nói dối.

Let me TELL you a funny story là để tôi kể cho anh nghe câu chuyện cười này.

I cannot TELL who is who là hai người giống nhau quá, tôi không phân biệt được ai là ai.

To TELL fortunes là coi bói.

TO SPEAK là nói chuyện, đọc diễn văn, nói một ngôn ngữ.

I don’t want to TALK/ SPEAK to him là tôi không muốn nói chuyện với ông ấy.

The Dalai Lama will speak (GIVE A TALK) at the United Nations là đức Ðạt Lai Lạt Ma sẽ đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc.

He speaks English with Australian accent là ông ấy nói tiếng Anh giọng Úc.

Ông Nguyễn Thế Quỳnh, Santa Ana, California

Lữ thứ là quán trọ, cùng nghĩa với lữ xá, lữ điếm.

Lữ thấn là áo quan quàn ở nơi đất khách, xa quê hương. Thấn là chết mới liệm, chưa chôn. Thấn xá là nhà để quan tài người chết.

Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề là câu trong Kiều nói chú của Kim Trọng chết ở xa nhà (Liêu Dương thuộc tỉnh Phụng Thiên thuộc Mãn Châu), xác còn quàn nơi đất khách.

Chén đưa / chén mừng

Chén đưa là chén rượu tiễn chân người đi. Chén mừng là chén rượu mừng ngày tái ngộ.

Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau

là lời của Kiều khi tiễn Thúc Sinh về nhà với ... vợ, hẹn một năm sau thì trở lại.

Ông Lâm Quang Hải haiquanglam@gmail.com

Mấy câu thơ bẩy chữ của ông có gì sai quấy đâu:

Xuân buồn lữ khách vẫn xa quê
Nước non, non nước nặng câu thề
Ðón xuân, ai hẹn xuân sau đón
Chí cả cùng ai chung bước về.

Chỉ xin thay chữ "chung" trong câu 4 thành "sẽ" để cho câu thơ nghe êm hơn.

6-3-2009


Bà M. H.

Mao Tôn Cương là một phê bình gia văn học Trung quốc, người tỉnh Giang Tô, nhưng sách vở không ghi rõ ngày sinh và ngày mất. Người ta chỉ biết ông sống vào thế kỷ thứ 17, thời nhà Thanh. Ông là một trong những phê bình gia nổi tiếng viết về bộ Tam Quốc Chí của La Quán Trung. Ông cũng ký bút hiệu Tử Am. Mao Tôn Cương cùng vói thân phụ là Mao Luân còn phụ đính và phê bình một tác phẩm nổi tiếng khác của Cao Minh là Tỳ Bà Ký.

Người Việt Nam hay nói "lời bàn của Mao Tôn Cương" khi muốn đưa ra những bình luận, thường là không mấy nghiêm túc. Mao Tôn Cương là một nhân vật có thật, nhưng không phê bình những chuyện ngày nay của chúng ta. Tên của ông viết theo lối Pinin là Mao Tsung Kang, viết theo lối phiên âm Wade là Mao Zong Gang.

Ông Lê Thanh Xuân, Azusa, CA 91702

Cám ơn ông, chỉ vì muốn cho thấy những biển dâu của tiếng Việt, đã cất công mua nguyên một chai xì dầu đem đến tận tòa soạn để tặng người phụ trách mục Chữ Nghĩa Chúng Ta.

Thưa ông, ông buồn, chúng tôi cũng buồn. Tiếng Việt bị xuyên tạc như thế đấy. Có mấy chữ in trên nhãn của một sản phẩm bán cho người Việt chúng ta, họ cũng làm việc cẩu thả, lôi thôi như vậy.

Tưởng tượng những ai không biết, mua về trong uống ngoài xoa vẫn không thấy ăn thua gì (?), vẫn không cải thiện được tình hình thì sao.

Những chữ in "Si Dấu Loai Dâm" trên chai xì dầu của công ty Kim Lan đã sai từ chính tả sai đi:

Xì chứ không phải Si.

Dầu chứ không phải Dấu.

Loại chứ không phải Loai.

Ðậm chứ không phải là Dâm

Ông Huy Phương, tác giả Nhìn Xuống Cuộc Ðời

Xin cám ơn ông và Bác Sĩ Hoàng Văn Ðức đã nhắc không nên dùng ÐỒNG HƯƠNG mà nên dùng ÐỒNG BÀO.

ÐỒNG HƯƠNG là cùng quê hương, làng xóm. ÐỒNG BÀO có nghĩa rộng hơn, là người cùng một dòng giống, một đất nước.

Ông cũng nhắc không nên dùng Việt Kiều HẢI NGOẠI, mà nên gọi là người Việt QUỐC NGOẠI.

Danh từ HẢI NGOẠI làm người ta hiểu đó là lãnh thổ ở ngoài, nhưng thuộc về Việt Nam như danh từ France outre mer ngày xưa.

Một độc giả viết thư phiền trách các SPEAKERS của đài Little Saigon Radio.

Gọi các xướng ngôn viên là SPEAKERS là không đúng. SPEAKERS là loa phóng thanh, loa khuếch âm của máy phát thanh, của dàn máy nhạc stereo.

Nhưng HOUSE SPEAKER thì lại có nghĩa là chủ tịch quốc hội.

SPOKESMAN, SPOKESPERSON là phát ngôn viên, người đại diện để nói thay cho một người khác, một tổ chức, một đoàn thể.

(RADIO / TELEVISION) ANNOUNCER là người đọc tin (NEWS READER) cho đài truyền thanh, truyền hình.

ANCHOR, ANCHOR PERSON có nghĩa như ANNOUNCER nhưng cũng có nghĩa là một người được trao phó hẳn một chương trình của đài truyền thanh hay truyền hình, dẫn chương trình cho đài.

Lại "rút dây động DỪNG"

Danh từ DỪNG, không phải là RỪNG, được ghi trong Từ Ðiển Văn Học Việt Nam trang 479 cuốn 1 của Linh Mục Anthony Trần Văn Kiệm.

Rút dây động dừng cũng được tìm thấy ở trang 161 Khai Trí Tiến Ðức.

Dừng là đắp đất bùn lên tấm phên tre để làm thành vách cho nhà:

Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà dừng phên 
(ca dao)

Cô Mai Kim, Los Angeles, California

Ưu thời mẫn thế không có nghĩa là người am hiểu thời thế. Ưu là lo. Thời là thời cuộc. Mẫn cũng là lo. Thế là đời sống.

Ưu thời là lo việc đời.

Mẫn thế là lo đời, thương đời.

Ưu thời mẫn thế là những chữ để chỉ người ưu tư, lo lắng về cuộc đời, về thế sự chung quanh.

Tên của bào huynh, Ngọc Thụ là cái cây bằng ngọc, cái cây đẹp đẽ như ngọc.

Nhưng mai ngọc thụ thì lại có nghĩa khác. Mai còn có nghĩa là chôn. Mai ngọc thụ là chôn cây ngọc, là người hiền mà chết đi, gây tiếc thương cho mọi người. Mai hương là chôn hương, là người con gái đẹp mà chết.

Mai cũng là cây hoa mơ. Mai hương do đó, còn có nghĩa là mùi thơm của hoa mơ.

EPICENE là tên dùng để đặt cho cả nam lẫn nữ, cũng là unisex names hay same sex names.

Có rất nhiều tên như thế: SEAN, DANA, ALEX, ANGEL, TAYLOR...

EPICENE cũng là danh từ chỉ cả nam lẫn nữ: ATTENDANT, NURSE, TEACHER, ACTOR, SINGER...

Tuy nhiên, người ta cũng dùng ACTRESS và SONGSTRESS để nói rõ nữ diễn viên, nữ ca sĩ.

8-5-2009


Ðộc giả Châu Nguyễn (Chau.Nguyen@nashville.gov)

Ðôi câu đối đó được treo trên tường tiệm Phở Xe Lửa ở khu Eden, Falls Church, Virginia. Nguyên hai câu này là của cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo và cụ Tam Lang Vũ Ðình Chí đùa một bà chủ tiệm phở ở Tân Ðịnh cách đây đã hơn 40 năm:

Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ đã chín rồi, đừng nói với em câu tái giá
Muối tiêu không đáng ngại, lão thấy còn gân chán, hãy vui cùng lão miếng gầu dai

Con trai cụ Bảo Vân đọc lại cho ông chủ tiệm Phở Xe Lửa nghe. Ông chủ tiệm nhờ người viết thư pháp và treo lên tường của tiệm.

Phở của ông rất ngon nhưng ăn nói thì rất chướng.

Ông Nguyễn Thủy, Garden Grove, California

Chúng tôi cũng đã nghe chuyện diễu đó. Có rất nhiều chuyện diễu nhái giọng tiếng Anh của người Hoa. Chuyện kể một ông người Hoa nọ bị một người bạn Mỹ đố đặt được những câu tiếng Anh có đủ các mầu sắc như GREEN, PINK, YELLOW, BLUE, WHITE, PURPLE và BLACK. Ông người Hoa (tên là SUM TING WONG) nghĩ một lúc rồi nói:

I hear the phone GREEN, GREEN, GREEN, then I go and PINK up the phone, I say YELLOW... BLUE’s that? WHITE did you say? Aiyah, wrong number, lah... Don’t disturb PURPLE and don’t call BLACK, ok? Thank you!

Giải nghĩa thì mất hay đi nên xin miễn.

Marie Corelli là một nhà văn Anh (1855-1924). Bà cho biết tại sao bà không lập gia đình như thế này: I never married because there was no need. I have three pets at home which can replace a husband. I have a dog which growls every morning, a parrot which swears all the afternoon and a cat comes home late at night. Tôi không lấy chồng bao giờ vì không có nhu cầu. Tôi có ba con thú nuôi trong nhà có thể thay thế một ông chồng. Một con chó thì sáng nào cũng lầu bầu, càu nhàu khó chịu, một con vẹt chửi thề tục tĩu suốt buổi chiều và một con mèo đến khuya mới mò về nhà.

Ông Phạm Trung Hiếu, Chicago, Illinois

SPIC là chữ gọi người gốc Nam Mỹ (Hispanic). Ðây là một chữ mang ý nghĩa nhục mạ, coi thường những người này.

Có mấy lối giải thích về nguồn gốc của SPIC. Một trong những cách giải thích là SPIC do từ cách viết tỉnh lược của chữ Hispanic (hiSPanIC) mà ra. Còn hai cách viết khác là SPIK và SPICK. Nên tránh dùng những chữ này nếu là người không phải Latino hay Hispanic, vì đó là những chữ lăng mạ, xúc phạm những người nói tiếng Tây Ban Nha ở Hoa kỳ.

Swine là heo nái. Pig là heo nói chung. Boar là heo rừng, heo đực. Piglet là heo con. Pecary là heo rừng. Hog là heo. Tiếng lóng hog là mô tô máy lớn như Harley Davidson. Hog trong tiếng Anh lại có nghĩa là cừu non, dưới một tuổi, chưa bị xén lông lần nào. Wart hog là một loài heo rừng có những cục u như những mụn cơm rất to trên mặt, răng nanh dài và nhọn. Pork là thịt heo. Porker là heo vỗ cho béo để lấy thịt. Pork barrel là những ngân khoản trích từ ngân sách liên bang dành cho các địa phương của các nhà làm luật.

Ông Bửu Thạnh, Buffalo, New York

Ông Truman ngoài câu "In Washington, if you need a friend, get a dog" còn có một câu khác cũng không kém phần chua chát. Ðó là câu: "My choice in life was either to be a piano player in a whorehouse or a politician. And to tell you the truth, there’s hardly any difference." Trong đời, tôi muốn làm một người chơi đàn trong một nhà điếm hay nếu không thì làm một chính trị gia. Nhưng nói thực thì hai việc đó cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.

Tổng thống Truman là một nhạc sĩ sử dụng đàn dương cầm xuất sắc.

Câu ông hỏi không phải của tổng thống Truman mà của Anton Chekov: If you are afraid of loneliness, don’t marry (nếu bạn sợ cô đơn thì đừng lập gia đình).

Socrates nói một câu tương tự: All men should get married. If they are lucky, they are happy. If not, they become philosophers (Ðàn ông nên lấy vợ. May mắn thì hạnh phúc. Không may thì thành triết gia). Socrates uống thuốc độc tự tử nhưng không phải vì ông chán vợ. Ông là một triết gia.

9-1-2009


TRÂM GẪY BÌNH RƠI / HOA GẪY BÌNH RƠI?

Có một số ý kiến cho rằng câu 70 của truyện Kiều phải là "HOA" thay vì "TRÂM" (thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ), không như các bản Kiều vẫn chép.

Dương Quảng Hàm trong Quốc Văn Trích Diễm (trang 115) ghi là "trâm" nhưng không chú thích. Ðào Duy Anh trong cuốn hiệu khảo và chú giải Truyện Kiều do nhà xuất bản Văn Học Hà Nội xuất bản năm 1984 ở trang 22 cũng chép là "trâm" và giải thích "cái trâm gẫy, cái bình bị rơi vỡ là tỷ dụ về người đàn bà chết."

Trong Kim Túy Tình Từ do Phạm Kim Chi phiên chú, phủ Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Văn Hóa tái bản năm 1972, nơi trang 21 ghi là "trâm", và giải thích bằng câu "bình truy trâm chiếc (sic) thị hà như (sic)" của Bạch Cư Dị.

Nhưng Vân Hạc ở trang 21 Truyện Kiều Chú Giải viết rõ rằng "phải chép là hoa gẫy bình rơi mới đúng." Rồi Ðào Duy Anh trong Từ Ðiển Truyện Kiều ở trang 412 cũng cho rằng "Nguyễn Du đổi hình tượng bình chìm hoa gẫy thành trâm gẫy bình rơi." Hà Như Chi trong Việt Nam Thi Văn Giảng Luận trang 350, thì viết ở phần chú thích rằng "nếu đổi chữ trâm thành chữ hoa thì đúng với ý câu thơ Ðường: nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thời."

Như vậy, câu 70 của Nguyễn Du trong tất cả các bản đều chép là "trâm gẫy", nhưng ít nhất có ba người cứ muốn đổi "trâm" thành "hoa", cho rằng "trâm" là không đúng, Nguyễn Du đã đổi "hoa" thành "trâm" vì một lý do nào đó.

Tất cả đều dẫn hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn/ bình trầm hoa chiết dĩ đa thì", nghĩa là một mảnh thuyền tình đã đến bờ, bình chìm hoa gẫy đã lâu rồi, để nói đến sự muộn màng, khi người khách phương xa đến tìm, thì người phụ nữ đã ra đi vĩnh viễn. Bông hoa bị gẫy, cái bình kéo nước từ giếng lên, chưa lên đến nơi thì đứt dây rơi xuống. Hai hình ảnh đều là những đứt đoạn ở giữa lưng chừng, là cái chết khi còn thanh xuân, tuổi trẻ.

Nhưng có thể Nguyễn Du không định dùng chữ "hoa", mà ông đích thực chỉ muốn dùng chữ "trâm" thì sao?

Sở dĩ có những ý kiến cho rằng Nguyễn Du đã đổi chữ "hoa" thành " trâm" có thể là vì trong câu 69 ở ngay dòng trên, ông đã dùng hình ảnh một con thuyền ghé bến. Các nhà chú giải cho rằng vì Nguyễn Du dùng con thuyền trong câu 69, nên chắc chắn ông phải mượn ý của hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thì". Vì thế, nên câu 70 không thể là "trâm" được, mà phải là "hoa" mới hợp lý và mới đúng như chữ dùng trong nguyên bản hai câu chữ Hán.

Ðồng ý "hoa" mang nhiều hình ảnh của một người đàn bà hơn là "trâm" và chính Nguyễn Du, ở câu 66 cũng đã dùng bông hoa để nói về người đàn bà: "nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương". Cành thiên hương gẫy, người đàn bà đẹp chết.

Nhưng cũng chính vì thế, Nguyễn Du không muốn nhắc lại chữ "hoa" ở câu 70 nữa. Ông dùng "trâm" lấy từ một điển khác trong thơ Bạch Cư Dị: "bình trầm, trâm chiết, trị nại hà, tự thiếp kim triêu dữ quân biệt" nghĩa là bình chìm, trâm gẫy biết làm sao, tựa thiếp sáng nay cùng chàng từ biệt. Hai câu của Bạch Cư Dị đại ý nói việc sắp thành mà hỏng, có làm mà cũng như không, như một người đẹp chết non yểu.

Trong cổ nhạc phủ có những câu này cũng nói về trâm gẫy, bình rơi: "thạch thượng ma ngọc trâm, ngọc trâm dĩ thành trung ương chiếtTỉnh thượng văn ngân bình, ngân bình vị thượng ty thằng tuyệt" nghĩa là trên đá mài trâm ngọc, trâm ngọc vừa thành, bị gẫy ở chỗ chính giữa, trên giếng kéo bình bạc, bình bạc chưa lên đến nơi, dây tơ đứt.

Cây trâm đang mài gần xong thì bị gẫy ở giữa, chiếc bình bằng bạc thả xuống giếng múc nước lên chưa tới miệng giếng thì dây đứt. Toàn là những chuyện dang dở, giữa đường đổ vỡ, gẫy nát.

Trong câu 69, Nguyễn Du đưa ra hình ảnh người khách phương xa tới bằng thuyền, nên các nhà chú thích suy luận cho rằng ông mượn ý hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thì" nên câu 70 phải là "hoa" chứ không thể là "trâm" được. Nhưng giả sử Nguyễn Du cho người khách viễn phương đi ngựa, mà không dùng thuyền để đi tìm người đẹp thì chắc chắn sẽ không có chuyện "hoa" hay "trâm" nữa.

Hơn nữa, ở câu 749, đoạn Kiều mộng thấy Ðạm Tiên, Nguyễn Du cũng lại dùng "trâm" chứ không dùng "hoa": "bây giờ trâm gẫy, gương tan". Hình ảnh cái trâm gẫy lại được đem dùng để chỉ người đàn bà (Ðạm Tiên) chết. Và ở câu này thì không thể là "hoa" được. Nó phải là trâm (gẫy) vì nó đi cạnh tấm gương (tan), hai món trên bàn trang điểm của người phụ nữ.

Vậy nên có thể tin chắc rằng Nguyễn Du không đổi, không thay, không dùng sai chữ "hoa" thành "trâm", mà ông đã cố ý dùng như vậy, và điển mà ông mượn có phần chắc là mấy câu của Bạch Cư Dị và cổ nhạc phủ chứ không phải là hai câu có thuyền ghé bến, hoa gẫy như Vân Hòe, Ðào Duy Anh và Hà Như Chi đã giải thích.

10-4-2009


TÔI THÍCH ÐẬU PHỤ

Thích ăn đậu phụ thì chắc chắn không phải là một điều sai quấy. Nói lên điều đó cho mọi người biết thì cũng không phải là điều cần phải cấm đoán. Nói lên cái thích của mình bằng cái bảng số xe thì cũng chẳng chết ai. Vậy mà sở lộ vận của tiểu bang Colorado nhất định không cấp cho Kelly Coffman-Lee cái bảng số xe để gắn lên chiếc Suzuki của cô. Cái bảng số không đủ chỗ để viết nguyên văn I LOVE TOFU nên cô phải viết ngắn lại thành ILVTOFU.

Sở lộ vận giải thích việc không chịu cấp bảng số với những chữ cô yêu cầu rằng những chữ ấy, khi đọc lên có thể làm cho người ta nghĩ thành bậy bạ, tục tĩu.

"I" thì không cần và cũng không thể viết tắt lại được. LOVE thì phải viết ngắn lại thành "LV". Rất hợp lý. TOFU thì để nguyên không viết ngắn lại để người đọc cái bảng số ấy biết rõ lòng yêu thích dành cho món đậu phụ. Thế thì tục tĩu ở chỗ nào?

"FU" nếu muốn trở thành tục tĩu thì phải thêm hai chữ "CK" ở cuối. Chứ "FU" thì tục tĩu nỗi gì?
Hay "U" là "YOU" như trong WHILE-U-WAIT?

Thế còn "F" là cái gì? Hay nó là viết tắt của 4 chữ mà khi nói tránh đi là "four letter word"?

À thì chắc vậy.

Nếu thế thì ai mà chẳng thích.

Ðậu phụ ấy mà.

Cụ Vũ thị Nhị, Westminster, California

Mua tận gốc, bán tận ngọn nghĩa là mua hàng ngay từ nơi sản xuất, không qua trung gian để được hưởng giá thấp nhất; bán tận ngọn là bán thẳng cho người mua, cũng không qua trung gian để người mua không phải mua bằng giá quá cao.

Ông Nguyễn Trần Cửu, Los Angeles, California

Danh từ PRIMATE trong Anh ngữ có 2 nghĩa:

Nghĩa thứ nhất là tổng giám mục (archbishop) hay giám mục (bishop). Nghĩa thứ hai là khỉ độc như hắc tinh tinh (chimpanzee), đười ươi (gorilla)...

Ông Phạm Tài Anh, San Gabriel, California

Ca khúc It’s Now Or Never là lời Anh của bài O Sole Mio (Mặt trời của tôi), một ca khúc viết năm 1898 của Givanni Capurro (lời ca) và Eduardo di Capua (nhạc). Dalida hát bài này bằng tiếng Ý.

Ca sĩ Châu Hà hiện sống tại Virginia. Giọng của Châu Hà là giọng contre alto.

Vũ Ngọc Phan, tác giả bộ sách phê bình văn học Nhà Văn Hiện Ðại đã mất. Bộ sách được bào đệ là Vũ Minh Thiều in lại ở Sài Gòn sau năm 1954. Cụ Vũ Minh Thiều, dịch giả một số sách tiếng Pháp sang Việt ngữ đã qua đời tại San Jose hồi thập niên 80.

Hoài Thanh sinh năm 1909 qua đời tại Hà Nội năm 1982. Hoài Chân, em của Hoài Thanh sinh năm 1914, đồng tác giả cuốn Thi Nhân Việt Nam có thể vẫn còn sống ở Hà Nội.

Ðào Duy Anh nhà soạn tự điển, tác giả hai cuốn tự điển Pháp Việt và Hán Việt sinh năm 1904 tại Thanh Hóa, qua đời năm 1988 tại Hà Nội

Thiều Chửu tên thật là Nguyễn Hữu Kha sinh năm 1902, mất năm 1954. Sau khi bị đấu tố và hạ nhục, ông tự trầm ở sông Ðuống ngày 15 tháng 7 năm 1954. Ông là một cư sĩ rất có công với Phật giáo Việt Nam. Thiều Chửu được nhiều người biết đến qua bộ tự điển Hán Việt mà em gái ông đem in lại ở Sài Gòn năm 1952 và 1954.

Cô Thanh Tâm, Springfield, Virginia

Present Participle và Gerund trông thì giống nhau, cùng được tạo thành bởi VERB+ING nhưng không phải là một.

Present Participle (hiện tại phân từ) được dùng với động từ TO BE để làm thành các thì liên tiến (continuous). Thí dụ: He IS WORKING (present continuous) for the government; It WAS RAINING (past continuous) when I left; They WILL BE FLYING (future continuous) over Vancouver by then.

Gerund (danh động từ) được dùng làm chủ từ: BUYING a house is an important investment; hay túc từ: She likes LISTENING to music when she works.

Sẽ (dấu ngã) cũng có nghĩa là khẽ. Thí dụ giơ cao đánh sẽ.

Chí sĩ là người có tiết tháo. Chữ này có từ trước khi ông Ngô Ðình Diệm về nước cầm quyền. Trong bài phú chiến Tây Hồ cũng đã có câu: Kẻ chí sĩ làm thinh đi chẳng dứt.

Trí sĩ là thôi không làm quan nữa, đã về nhà nghỉ hưu.

13-2-2009


Nguyễn Hoàng Masayuki Vinh vinhmasayuki@gmail.com

Câu "voi đú lợn sề" thực ra phải là "voi đú, lợn sề cũng đú ". Câu này có nhiều câu tương tự khác, tất cả đều có một nghĩa là đua đòi, bắt chước những việc người khác làm, mà thường là một cách lố bịch, không phải lối, không đủ sức.

Ðú là đùa giỡn một cách lố bịch, thô lỗ.

Những câu tương tự với câu trên là:

-Thuyền đua thì lái cũng đua
Con cá cũng lội, con cua cũng chèo

-Cá nhẩy, ốc cũng nhẩy

-Thấy trâu đầm, bò nhẩy xuống ao

-Voi đú, khỉ đú, chuột chù cũng chạy quanh

-Voi rú, lợn sề cũng hộc

-Mành treo, chiếu rách cũng treo

Cô Linh Sơn Phạm Santa Ana, California

TAKE FIVE / TAKE THE FIFTH

Ðộng từ to take five là nghỉ, nghỉ tay một lúc.

To take the Fifth nghĩa là từ chối không khai khi bị hỏi cung trước tòa, nêu lý do là những điều khai ra có thể bị dùng để buộc tội lại chính người khai. The Fifth là tu chính án số 5, một trong 10 tu chính án của bản hiến pháp Mỹ được gọi chung là bộ luật Dân Quyền (Bill of Rights). Tu chính án số 5 có mục đích bảo vệ những người bị tình nghi phạm luật. Quyền không lên tiếng, giữ im lặng là quyền ghi trong tu chính án số 5 của người Mỹ.

Ðàn đứt dây hay đàn sai nhịp, lỗi nhịp là cảnh tan tác phu thê, cảnh không hạnh phúc trong hôn nhân, nhân duyên lỡ dở. Trong Kinh Thi có câu: Thê tử hảo hợp như cổ cầm sắt nghĩa là cảnh vợ chồng, con cái hòa hợp, đầm ấm như đàn cầm và đàn sắt hòa nhau.

Lời chúc tân hôn sắt cầm hòa hiệp / hảo hợp là do câu vừa kể trong Kinh Thi.

Tác phẩm Trước Ðèn là của Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc. Tác giả đã qua đời ngày 6 tháng 3 năm 2008 ở Cambridge, Anh quốc hưởng thọ 100 tuổi. Tác giả còn ký hai bút hiệu khác là Cổ Nhi Tân và Tị Tân

Bà Amy Nguyễn, Garden Grove, California

GENERATION X là danh từ để chỉ nhũng người sinh trong những năm từ 1965 đến 1980

Danh từ này được dùng lần đầu tiên ở Anh để chỉ thế hệ ngủ với nhau trước đám cưới, không tin vào thượng đế, ghét nữ hoàng, không kính trọng cha mẹ.

Cũng còn được gọi là thế hệ thứ 13: 13th Generation

Tiếp theo Generation X là Generation Y để chỉ những người ra đời trong thập niên 80 đến năm 2004

john.nguyen@tcfhe.net

Ngày Chúa qua đời là đề tài tranh cãi từ nhiều năm nay. Có nơi nói là thứ Tư, lại có nơi nói là thứ Năm, và thứ Sáu. Theo nhiều thuyết thì ngày Chúa qua đời là ngày thứ Tư, năm 31 AD, năm Chúa bị đóng đinh. Ngài được mai táng cùng ngày trước hoàng hôn và ở trong lòng đất đúng ba ngày, ba đêm trước khi sống lại. Chúa sống lại vào ngày đầu của tuần lễ: Now when he rose early on the first day of the week, he appeared first to Mary Magdalene, from whom he had cast out seven demons ( Mark 16:9).

Cụ Nguyễn Văn Lộc, Lansing, Michigan

Mấy câu cụ hỏi đều là của George Bernard Shaw, một kịch tác gia người Anh.

There are two tragedies in life. One is not to get your heart’s desire. The other is to get it (Man and Superman). Có hai thảm kịch trong đời sống. Một là không có được điều mong ước của lòng mình. Ðiều kia là có được điều mong ước ấy.

As long as I have a want, I have a reason for living. Satisfaction is death (Overruled). Chừng nào mà tôi còn ham muốn thì tôi còn có lý do để sống. Thỏa mãn rồi thì là chết.

He knows nothing, and he thinks he knows everything. That points clearly to a political career (Major Barbara). Ông ta không biết gì hết. Nhưng ông ta lại nghĩ là ông ta biết tất cả mọi thứ. Ðiều đó cho thấy rõ ông là một nhà chính trị.

Ông Phạm Ngọc Bảo, Falls Church, Virginia

Trò đổi vị trí của nhũng chữ để tạo thành nhũng tiếng mới như VIỄN PHỐ thành VÕ PHIẾN; KHÁNH GIƯ thành KHÁI HƯNG; THỨ LỄ thành THẾ LỮ... tiếng Anh gọi là anagrams. Sau đây là một vài anagrams:

DORMITORY (lưu học xá) thành DIRTY ROOM (căn phòng dơ dáy)

MOTHER-IN-LAW (mẹ chồng hay mẹ vợ) WOMAN HITLER (Hitler cái)

THE DETECTIVES (thám tử) thành DETECT THIEVES (bắt trộm)

CONVERSATION (đối thoại) thành VOICES RANT ON (lời nói lảm nhảm )

SLOT MACHINES (máy kéo ở sòng bài) thành CASH LOST IN ‘EM (tiền mất ở trỏng)

ELEVEN PLUS TWO (mười một cộng hai) thành TWELVE PLUS ONE (mười hai cộng một)

15-5-2009


Một độc giả gửi e-mail

Theo từ điển Hán Việt Ðào Duy Anh ở trang 393 thì phải là Hợp CHÚNG (dấu sắc) Quốc mới đúng, không phải là CHỦNG (dấu hỏi). Chúng ta đã nói và viết sai như thế từ nhiều năm nên đinh ninh (điều sai lầm) đó là đúng.

Cũng hệt như trường hợp của môn ÐƯƠNG hộ đối, không phải là môn ÐĂNG hộ đối; chân nam đá chân CHIÊU chứ không phải là chân SIÊU; SÁP nhập chứ không phải là SÁT nhập...

CHÚNG nghĩa là nhiều người. CHÚNG cư chứ không phải là CHUNG cư.

Ông Châu Chí Thành (tchau120@yahoo.com)

Câu ông hỏi chúng tôi nghĩ là câu trong sách Luận Ngữ: "tri giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ " nghĩa là biết người thì không còn nghi nghi ngờ, có lòng nhân thì không âu lo và có lòng dũng cảm thì không sợ chi hết.

Cụ Trần Nguyên Hồng, Annandale, Virginia

Câu "nước lỗ chân trâu chẩy ra không mạnh " thực ra là "nước lỗ chân trâu chẩy ra KHỔNG mạnh".

KHÔNG có khi đọc là KHỔNG.

KHÔNG cũng có khi là HỔNG.

KHÔNG cũng có khi là HÔN.

NƯỚC LỖ CHÂN TRÂU CHẨY RA KHỔNG MẠNH là câu các ông đồ đặt ra để dậy trẻ con về nguồn gốc Khổng Tử và Mạnh Tử. Khổng Tử người nước Lỗ. Mạnh Tử người nước Trâu.

Hai câu

Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia

là của Lê Quí Ðôn nghĩa là từ nay xin học kỹ sách của hai ông Mạnh (người nước Trâu) và Khổng (người nước Lỗ) để khỏi xấu hổ là mang danh tiếng của gia đình tử tế.

Bà Phạm Lê Bảo Khánh Santa Ana, California

Ðàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa TRONG HANG mà về

là nhắc một chi tiết trong truyện Thạch Sanh Lý Thông khi Thạch Sanh giải cứu công chúa bị đại bàng bắt bỏ vào hang núi.

Hai câu "Ðàn kêu tích tịch tình tang / Ai đem công chúa TRÊN THANG mà về " là nhắc vụ Trần Khắc Chung được vua nhà Trần sai đi Chiêm Thành giải cứu cho công chúa Huyền Trân, người chịu lấy vua Chiêm để đổi lấy hai châu Ô và Lý, khỏi bị đưa lên giàn hỏa khi Chế Mân chết.

Chữ HỜI là do chữ Hồi đọc trại ra

16-1-2009


Một công ty sản xuất nước uống làm tại Thái Lan, công ty Teptip đã có một vài nỗ lực với tiếng Việt rất tội nghiệp. Công ty này biết sản phẩm của họ được nhiều người Việt dùng nên họ đã có một cố gắng để thêm một hàng chữ Việt ở trên lon nước. Và tiếng Việt trên những nẻo đường lưu vong lại làm đau lòng người lưu lạc thêm một lần nữa.

Có phần chắc là thứ tiếng Việt này không phải là thứ mà những người Việt mang theo hồi những năm đầu thế kỷ trước khi một số lưu lạc sang Thái, và một số chữ còn sống sót ở một vài vùng thuộc bắc Thái. Thứ tiếng Việt đó đã rơi rụng gần hết, cũng không hơn gì tiếng Việt ở Nouvelle Calédonie, và không thể giúp cho công ty thực phẩm Thái Teptip phụ đề cho loại nước uống ép từ lá cây pennywort, một loại cây có lá hình tròn mọc ở những kẽ đá, vách tường hay ở những khu đồng lầy, họ hàng với giống obolaria virginica ở Bắc Mỹ.

Tiếng Việt mà công ty thực phẩm Teptip dùng trên lon nước chắc phải từ những nguồn gốc mới hơn. Nhưng công ty này có thể không sẵn sàng chi tiền để có được thứ tiếng Việt khá hơn, chính xác và hay hơn, nên mới ra nông nỗi buổi tối hôm qua.

Trước hết là chữ "NUỚC". Thay vì dấu sắc được đặt trên chữ "Ơ", thì nó nhẩy sang chữ "U" -- không phải là chữ "Ư" có râu. Chữ "N" thì lại cho mọc cái râu trông không ra làm sao cả.

Sau đó, là chữ "RÂU" có đội nón hẳn hoi, chắc để có phải đi ra đường khỏi sợ mưa nắng.

Chữ cuối là "MÁ", là chữ duy nhất được viết đúng.

Ðọc cả ba chữ in trên lon nước, thì bỗng người đàn bà, người mẹ được tặng thêm bộ râu để thành một đấng "tu mi", mày râu cho khỏi mang tiếng "bất nghì" mặc dù chuyện có râu không nằm trong những đòi hỏi của những người mẹ.

Tôi ngờ rằng công ty Teptip đã không có những nỗ lực tìm kiếm để có được thứ tiếng Việt có học, đúng chính tả, mà hình như đã chỉ quơ đại một người với một khả năng ngôn ngữ rất hạn chế tình cờ đi ngang và nhờ viết dòng phụ đề Việt ngữ cho loại nước uống ép từ lá cây pennywort, cây rau má. Và vì khả năng tiếng Việt lạng quạng đó, nên người mẹ được cho mọc bộ râu để thành thứ nước mới có cái tên đọc lên nghe ghê rợn là " NUƠC RÂU MÁ".

Nhìn quanh không thấy ông nọ ở đâu, chỉ thấy râu của ông cắm vào cằm bà kia để thành... RÂU má.

Hay là ở Thái Lan có thứ... râu má thật mà chúng ta chưa biết? Chắc là không.

Và như thế, tiếng Việt lại bị lôi ra để làm phiền và gây khó chịu cho người đọc thấy nó.

Hết "MẤM" với dấu mũ, lại đến "RÂU MÁ", cũng với cái nón trên đầu, rồi "RUỐT" với chữ "T" thay vì chữ "C" và "SỬA SOẠN CON CÁ MỰC" để dịch những chữ prepared cuttlefish, tiếng Việt đã đổi, đã thay, không như tiếng quê hương của ông già Hạ Tri Chương khi trở lại quê cũ sau một đời luân lạc: "hương âm vô cải mấn mao thôi" mà ông đã viết trong Hồi Hương Ngẫu Thư.

Nhưng làm sao được, khi mà hai tiệm ăn Việt Nam một ở miền tây, một ở miền đông nước Mỹ đều quảng cáo món đặc biệt của tiệm là món THỊT BÒ NHÚN (không có "G") GIẤM?

Trách người Thái làm gì với cái thứ tiếng Việt... chụp mũ ấy?

Cụ Nguyễn Văn Sâm, Westminster, California

Ðồng ý với cụ hai chữ "đăng quang" dùng trong trường hợp đó là sai hoàn toàn.

Ðăng là trèo lên cao. Quang là ánh sáng. Ðăng quang chỉ có một nghĩa duy nhất là lên ngôi vua.

Ðăng quang cùng nghĩa với đăng cực. Ðó là theo các tự điển Ðào Duy Anh, Khai Trí Tiến Ðức, từ điển Tiếng Việt của Hà Nội, tự điển Việt Nam của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ. Còn đăng quang dùng với ý nghĩa như trong câu cụ dẫn thì chúng tôi không biết người viết căn cứ ở sách vở nào. Không lẽ người qua đời lại lên ngôi vua ở Phật Quốc?

Cụ Lê Châu, Portland, Oregon

I saw him come đúng.

I saw him coming đúng.

I saw him came sai

I saw him comes cũng sai.

Sau các động từ TO SEE, TO HEAR, luật văn phạm đòi phải dùng động từ nguyên mẫu không có TO (infinitive without TO) hay verb+ING.

Ðộng từ TO LOOK FORWARD TO bao giờ cũng theo sau là Verb+ING. Thí dụ:

I look forward to SEEING them.

Không bao giờ nói I look forward to SEE them.

Hai câu sau đây khác nhau:

He stopped smoking nghĩa là anh ấy đã bỏ thuốc.

He stopped to smoke là anh ấy ngừng tay để hút điều thuốc.

Chúng tôi sẽ nói rõ hơn để trả lời cụ trong một chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày trên đài Hồn Việt TV vào sau Tết.

17-4-2009


Cụ Nguyễn Gia Hữu, Sacramento, California

Oriana Fallaci là một nhà báo người Ý (29/6/1929—15/9/2006). Oriana Fallaci đã phỏng vấn gần như không thiếu một nhân vật lãnh đạo nào trên thế giới, trong đó có Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, hoàng đế Iran, Ayatollah Khomeini, Muammar Qadaffi, Yasser Arafat, Lech Wasela... Oriana Fallaci đã tới Việt Nam và đã phỏng vấn tổng thống Thiệu hồi đầu năm 1973. Cụ có thể đọc bài phỏng vấn này trong cuốn Interview With History.

l.trinh@sbcgloba.net

HOÀNH TRÁNG

Tĩnh từ hoành tráng đã có từ trước năm 1975. Trong tự điển của Ðào Duy Anh cũng đã có ghi hai chữ này ở trang 379.

Hoành nghĩa là lớn rộng. Tráng là lớn. Hoành tráng nghĩa là qui mô to lớn.

Vũ t. Ngọc, Garden Grove, California

Hoành hành công tử là con vua

Vô tràng công tử là con cua

Lương thượng công tử thằng ăn trộm

Chữ AMAH mà cô nghe thấy trong phim The Last Emperor là "a mẫu", nghĩa là mẹ nuôi. Các tự điển Anh Mỹ gọi "amah" là người tớ gái Á châu (Asian female servant). Ðiều đó sai vì "a hoàn" mới là tớ gái trong chữ Hán.

Trường Hoàng Phố (Huang Pu) tên chính thức là Hoàng Phố Quân Quan Học Hiệu. Trường do nhà Thanh sáng lập từ năm 1929 nơi cũng có một số nhà ái quốc Việt Nam theo học. Trường Hoàng Phố tọa lạc trên bờ sông Châu giang thuộc tỉnh Quảng Ðông nguyên là một học viện hải quân. Khóa đầu khai giảng ngày 5 tháng 5 năm 1929. Chỉ huy trưởng học viện là Tưởng Giới Thạch, phụ tá là Liêu Trọng Khải và còn có thêm một phụ tá nữa là Chu Ân Lai.

phi đạn đạn đạo là những chữ dịch từ ballistic missile. Missile là phi đạn, một hỏa tiễn có gắn đầu đạn. Ballistic là đường bay của đạn

Nhưng go ballistic thì lại là nộ khí xung thiên

Ông Nguyễn Vũ Ðịnh, New York

Beggarsticks hay beggar ticks là 1 loại cỏ giống như cỏ may bám vào quần áo. Một kỹ nghệ gia người Pháp tên là George de Mestral đã đặt tên cho phát minh của ông là velcro sau khi ghép hai danh từ tiếng Pháp: VELOURS là nhung và CROCHET là móc.

Beggar’sticks (viết liền) không phải là gậy thằng ăn mày.

Trong tiếng Việt, thành ngữ gậy thằng ăn mày được dùng để chỉ sự lang chạ, bừa bãi trong quan hệ nam nữ: Nó như cái gậy thăng ăn mày, bạ lỗ nào cũng chọc.

Triêu như thanh ti mộ như tuyết nghĩa là sáng như tơ xanh, chiều đã trắng như tuyết, ý nói mầu tóc đổi thay quá nhanh. Câu này lấy từ bài Tương Tiến Tửu của Lý Bạch mà Cao Bá Quát đã mượn một câu để viết trong một bài hát nói. Sau đây là mấy câu đầu của bài Tương Tiến Tửu làm theo thể nhạc phủ:

Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát
Triêu như thanh ti mộ như tuyết
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt...

Ðây là bản dịch song thất lục bát của Trương Ðình Tín:

Anh chẳng thấy sông Hoàng hà nọ
Tự trời cao nước đổ về xuôi
Trôi nhanh mãi tận bể khơi
Có bao giờ nước trở lui đâu nào
Anh chẳng thấy nhà cao gương sáng
Ðứng buồn thương tóc trắng trên đầu
Sớm mai xanh mướt đẹp sao
Ðến chiều thành tuyết trắng phau còn gì?
Khi đắc ý can chi không uống
Lấy rượu vui bỏ uổng lắm thay
Chén vàng chớ để rời tay
Nằm trơ dưới ánh trăng hay ho gì
...

Bản dịch nếu thay đại danh từ "anh" thành "người" thì nghe hay hơn. Ðại danh từ "anh" nghe... mới và Tây quá.

20-2-2009


ÐỀ LUẬN: Hãy giả bộ trở lại lớp Nhì tiểu học và viết một bài luận nhân dịp vừa nhận được món quà Tết. Mô tả món quà này và nói cảm tưởng của em.

Mở Bài:

Nhân dịp Tết Kỷ Sửu, một độc giả ở Houston gửi cho em (?) một chiếc xe 2CV. Buổi sáng hôm thứ Bẩy, em nhận được chiếc hộp qua bưu điện, tay run run mở ra thì thấy nó, người gửi còn kèm theo câu tiếng Tây viết trên một tấm thiệp nhỏ: "Il était une fois une 2CV à Saigon..." nghe mơ hồ và lãng mạn biết là chừng nào. Vâng, đúng như thế, ngày xưa có thời đã có một chiếc 2CV ở Sài gòn.

Thân Bài:

Ðây là một chiếc xe bằng (?) đồ chơi rất đẹp. Em là người lớn nhưng vẫn còn thích chơi đồ chơi lắm. Hơn 60 cái tầu bay kiểu nhỏ bằng plastic ở trong nhà minh chứng cho điều đó. Chiếc xe làm đúng theo kiểu một chiếc 2CV của hãng Citroen như chiếc xe em có hồi ở Sài Gòn. Chiếc xe sơn hai mầu đen và nâu đậm. Chiếc xe của em thì mầu xám. Chiều dài nó khoảng 6cm. Chiều ngang khoảng 2cm5. Nó giống hệt chiếc xe thật, đủ cả đèn trước, đèn sau, lại còn có cả 2 chiếc đèn hiệu. Nó có 4 bánh cao su mềm, không khác gì cái xe thật của em. Mui nó mở, cuốn ra đằng sau như hộp cá Sumaco thời thơ ấu. Bên trong cũng có tay lái và hai hàng ghế. Nom thật đẹp.

Em cầm nó lên là bao nhiêu chuyện cũ ở Việt Nam lại kéo về. Chiếc 2 CV em đã dùng để đi làm, chở mấy đứa con đi chơi những ngày nghỉ. Chiều mát, em mở mui cho hai đứa nhẩy đùng đùng trên ghế sau, chạy ngang Givral ghé lại mua cà rem cho chúng. Những ngày mưa, ngồi trong xe nghe tiếng mưa rào rào trên chiếc mui vải, sao mà đời đẹp đến là như vậy.

Kết Luận:

Em rất thích chiếc xe này và xin cảm ơn vị độc giả đã mất công khó đi tìm trong các tiệm bán đồ chơi ở Houston mới mua được cho em. Em hứa sẽ giữ gìn nó cẩn thận, không đẩy cho nó chạy dưới đất để bánh nó bị dính đất bẩn, làm sứt sát chiếc xe đẹp. Em sẽ cố gắng học hành để sau này nên người hữu dụng trong xã hội và khỏi phụ công của (Huỳnh Hồng Nga) người gửi quà cho em.

HỚCH

Trong cách viết tiếng Việt, các nguyên âm O, Ơ, Ô, U, Ư, Ă, Â, E, không thể đi trước CH.

Chỉ có các trường hợp sau đây:

LỊCH KỊCH, HỀNH HỆCH, HẠCH SÁCH...

Trong một bài viết mới đây đọc được trên tờ Quán Văn, một tác giả đã viết chữ mấy lần chữ "HỚCH", có lẽ để phiên âm chữ HUG trong tiếng Anh.

Viết như vậy là sai. Nếu cãi đó là phiên âm cũng không được. Phiên âm quốc tế (International Phonetic Symbols) phải viết là [h^g].

Chỉ có Tản Ðà, trong một nỗ lực làm mới cách viết tiếng Việt mới dùng lối viết này trong câu cuối của bài hát sẩm nhan đề Gửi Cô Hiếu (Tản Ðà Vận Văn tập 2, trang 139):

Gặp nhau khi cũng bượch cười.

Nhưng rồi cụ cũng thất bại, không ai làm theo cụ, mà đó là cụ Tản Dà, chữ nghĩa đầy mình, kiến thức mênh mông.

Chứ người khác mà viết vậy thì không được.

Bà Phượng Ly (phuongly nguyen@yahoo.com)

DÒNG là đường nước chẩy, dòng nước, dòng sông, theo dòng, dòng điện, dòng châu, dòng họ, dòng giống, dòng dõi...

DÒNG là buông, thả xuống như dòng dây.

GIÒNG (cũng viết là DÒNG theo tự điển Khai Trí Tiến Ðức) là kéo như giòng thuyền. Tự điển kể trên không có chữ GIÒNG.

SẺ là một loài chim, cũng còn gọi là se sẻ.

XẺ là chia, cắt làm hai hay nhiều mảnh, miếng nhỏ. Do đó, CHIA XẺ chứ không viết CHIA SẺ.

22-5-2009


SPANISH ENGLISH

Spanish English hay Chicano English, hay Chinglish, hay Spanglish là tiếng Anh của những người gốc Tây Ban Nha nói ở Mỹ, là một thứ tiếng pha trộn vừa tiếng Anh vừa tiếng Tây Ban Nha. Những người dùng Chinglish thường đưa vào tiếng Anh những từ ngữ từ tiếng Tây Ban Nha. Cũng có khi họ dùng tiếng Anh nhưng lại hiểu theo nghĩa của tiếng Tây Ban Nha.

Tại một cái hồ ở phía đông Los Angels, người ta đọc được một tấm bảng với hàng chữ làm những người nói tiếng Anh đọc hàng chữ chắc chắn phải vô cùng kinh ngạc. Kinh ngạc không hiểu những người đến chơi ở công viên còn làm gì những con vịt ngoài chuyện ném cho chúng một ít vụn bánh mì?

Công viên nhắc khách đến chơi công viên đừng cho vịt ăn và đừng "molest" chúng.

Hiểu một cách bình thường thì động từ "moslest" trong tiếng Anh nghĩa là gạ gẫm làm chuyện dâm dục (Từ Ðiển Anh Việt / Nguyễn Ðình Hòa).

Như vậy, ở Los Angeles, người ta làm cả những chuyện ấy với mấy con vịt tội nghiệp hay sao? Không lẽ giữa nơi công viên mà cũng có người dám "trước mua vui, sau nấu cháo"?

Nghĩ một lúc thì chắc người viết tấm bảng phải là một ông hay một bà Hispanic, và người viết đã dùng động từ "molest" theo cách hiểu trong tiếng Tây Ban Nha. "Molestar" trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là quấy phá, phá phách, hoàn toàn không có nghĩa như "molest" trong tiếng Anh.

Ông Nguyễn Minh Hiển, Austin, Texas

Tốt nghiệp và tất nghiệp đều đúng.

Tất là hết, là xong. Tất nghiệp là học xong hết, hoàn tất chương trình học.

Tốt là cuối cùng, cũng đọc là thốt. Tốt nghiệp là học xong hết học khóa.

Bà Nguyễn thị Hương, California

Câu chuyện sửa mình bằng hai lọ đậu đen và đậu trắng là chuyện ông Trình Tử. Cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Ðẳng ở trang cuối, trang 101, có bài viết về ông. Mỗi khi ông Trình Tử nghĩ điều gì thiện thì ông bỏ một hạt đậu trắng vào một lọ. Khi nghĩ một điều ác thì ông bỏ một hạt đậu đen và lọ kia. Lúc đầu đậu đen nhiều, đậu trắng ít, sau đậu trắng nhiều, đậu đen ít và cuối cùng, không còn một hạt đậu đen nào nữa. Ông đã trở thành 1 người thuần nhiên, toàn thiện. Ông Trình Tử trở thành một nhà hiền triết.

Ông sống vào thời nào, làm gì thì những sách vở của chúng tôi không thấy ghi.

Cụ Lê Văn Quy, Westminster, California

Tao khang, cũng có khi đọc là tào khang hay tào khương.

Tao là bã. Khang là tấm. Cả hai là những thức ăn của nhà nghèo. Nghĩa bóng chỉ người vợ lấy từ lúc còn hàn vi.

Hậu Hán Thư kể chuyện Tống Hoàng, người Tràng An là người nổi tiếng là đạo đức, liêm khiết. Quang Vũ đế có chị góa chồng muốn kiếm chồng cho chị. Quang Vũ đế triệu Tống Hoàng vào hỏi ý thì Tống Hoàng, đã có vợ, đáp rằng: "Thần văn bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" nghĩa là thần nghe nói bạn bè quen nhau từ thuở nghèo hèn không thể quên nhau được, người vợ lấy về từ khi còn nghèo khó thì không thể (khi giầu sang) đuổi xuống nhà dưới được. Quang Vũ đế hiểu liền đổi ý, không nài ép Tống Hoàng nữa.

"Thanh mai, mã trúc"

Những chữ này là trích từ bài Trường Can Hành, một bài Ngũ Ngôn Nhạc Phủ của Lý Bạch. Bài thơ kể chuyện một cặp trai gái quen nhau từ khi còn rất nhỏ. Sau hai người nên duyên vợ chồng năm cô gái 14, tuổi lúc nào cũng e thẹn, mãi đến năm 15 mới thành vợ chồng thực sự. Năm 16 tuổi, người chồng phải đi xa, người vợ chờ chồng viết thư cho biết ngày về để nàng đi đón cho dù có cách xa, có phải đến tận Trường Phong Sa ở An Huy (cách Trường Can bẩy trăm dặm đường) nàng cũng đi. Ðây là bốn câu đầu có những chữ "trúc mã" và "thanh mai":

Thiếp phát sơ phú ngạch
Chiết hoa môn tiền kịch
Lang kỵ trúc mã lai
Nhiễu sàng lộng thanh mai

Tóc em vừa chấm trán
Chơi hái hoa trước nhà
Chàng cưỡi ngựa tre đến
Ðuổi nhau quanh ghế ngồi (ném nhau bằng những quả thanh mai)

Thanh mai và trúc mã là những kỷ niệm thơ ấu của tình yêu thuần khiết nhất.

Câu "trên khăn tang người cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân" có thể hiểu là trên chiếc khăn tang đó vẫn còn đẫm những giọt lệ của người quả phụ khóc thương chồng vừa chết trận. Tác giả viết "lóng lánh dấu ái ân" vì đó là những giọt lệ thương chồng mà người quả phụ dùng khăn tang để lau chứ không là "vệt tình" như trong thư cụ viết. Ðúng như cụ nói, người chiến sĩ đã tử trận trước khi người phụ nữ chít chiếc khăn tang lên đầu.

Cô Hoàng Dung, Virginia

Theo bản in của nhà xuất bản Văn Khoa, bản in duy nhất vì tập thơ Mai Thảo mới chỉ được nhà xuất bản Văn Khoa in, thì câu thứ 4 của bài Chỗ Ðặt (trang99) là:

Cười tủm còn thương chỗ đặt NÀO.

Không phải là chỗ đặt VÀO.

Chỗ đặt NÀO là chỗ ấy, chỉ hai người biết với nhau. Chỗ đặt NÀO mang ý nghĩa bâng khuâng, không định rõ, vì cũng không cần định rõ là đâu, chỉ hai người biết với nhau. Chỗ đặt VÀO làm mất đi ý nghĩa bâng khuâng, bất định đó.

Còn nụ cười tủm là của tác giả, ông Mai Thảo, không thể là của "người bị (?) đặt tay vào".

Không lẽ người có chỗ đặt đó lại thương cái chỗ ấy của chính mình. Người đặt tay mới thương cái chỗ đã có lần đặt tay mười năm trước. Toàn bài thơ:

Ðặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được, chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào

27-2-2009


Ông Phan X.T. Fountain Valley, California

HOMOSEXUAL: ÐỒNG TÌNH / ÐỒNG TÍNH

Homo là đồng, là cùng. Sex là tính. Do đó phải là đồng tính (dấu sắc) không thể là đồng tình (dấu huyền ) như ông đã nghe.

Ðồng tình là cùng những tình cảm, vui buồn, họa phúc, cũng là đồng ý, đồng thuận, hay cùng một ý kiến.

Ðặng Mậu Lân em trai của Ðặng Thị Huệ cậy thế của chị trong phủ chúa Trịnh làm nhiều điều sai quấy. Vụ Ðặng Mậu Lâm cưỡng dâm một phụ nữ, gia đình nạn nhân kêu quan, không được quan can thiệp nên dân gian thời ấy có hai câu truyền miệng:

Bộ Công, bộ Hộ, bộ Hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi

Ông Nguyễn Hạnh, Annandale, Virginia

Tên của ông trong chữ Hán có nhiều nghĩa. Hạnh là may mắn, là phúc như ông đã biết. Hạnh còn có nghĩa là vua đi chơi, vua ngủ với các cung nữ, hoàng hậu. Chữ này chỉ dùng cho các vua chúa thời xưa. Thí dụ nói vua Lê nghỉ lại Lệ Chi viên, đêm đó nhà vua hạnh với Thị Lộ.

TAI VÁCH MẠCH DỪNG / RỪNG

Theo các tự điển Khai Trí Tiến Ðức, Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ thì DỪNG mới đúng.

Dừng là tấm phên nứa có trét đất bùn để thay tường ngày trước.

Tự điển Khai Trí Tiến Ðức nói thêm có khi đọc là DỨNG (dấu sắc).

Dứt dây động DỪNG.

Ông Phan Minh Khuê Garden Grove, California

Khi nào viết hoa (capital/ upper case) hai chữ "tổng thống", và khi nào không viết hoa (lower case)?

Tổng thống là một chức vụ, một danh từ chung. Không viết hoa. Thí dụ: Ðứng đầu hành pháp Mỹ là một tổng thống.

Khi hai chữ này đi trước tên của một người thì phải viết hoa: Giai đoạn cầm quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm không được 10 năm. Ông Thiệu là tổng thống thứ hai của Việt Nam.

Cũng thế: Giáo Hoàng Gio An Phao Lồ đệ Nhị là giáo hoàng đầu tiên người Ba Lan.

Trong số các công chúa con của ông vua cuối cùng triều Nguyễn, Vua Bảo Ðại, có Công Chúa Phương Mai.

Có nên đọc chữ "S" trong những văn bản tiếng Việt không? Thí dụ cá bông lau 5 đồng 2 POUND hay 2 POUNDS (đọc rõ chữ "S")?

Chúng tôi thấy không cần thiết vì tiếng Việt không tạo thành số nhiều cho các danh từ bằng cách thêm chữ "S" ở cuối. Vì thế, việc đọc rõ chữ "S" là không cần.

Cũng không cần đọc rõ: Tôi muốn có một tờ 50 dollarS. Chỉ cần nói (trong tiếng Việt) một tờ 50 dollar là đủ. Trong tiếng Anh, chữ dollar trở thành tĩnh từ khi nó đi trước danh từ BILL nên dollar ở đây cũng không thay đổi thành số nhiều để có "s" ở cuối: I want a 50 dollar bill.

Tooth hay teeth? Chỉ cần nói (với nha sĩ bằng tiếng Việt): tôi bị đau 2 cái FRONT TOOTH. Nếu thích cũng có thể nói 2 cái FRONT TEETH.

Nhưng tại sao lại không nói tôi bị đau 2 cái răng cửa (bằng tiếng Việt)?

29-5-2009


Cụ Nguyên Thọ, Anaheim, California

Thưa cụ, cả hai câu đều đúng (theo sách vở chúng tôi có):

Bần tiện chi giao (quan hệ, bạn bè) mạc (chẳng) khả vong

Hay:

Bần tiện chi tri (biết, quen) bất (không) khả vong

Câu trên là theo giáo sư Nguyễn Ngọc Phách ở trang 51/ Chữ Nho & Ðời Sống Mới.

Câu dưới là theo giáo sư Nguyễn Thạch Giang ở trang 660 /Từ Ngữ Văn Nôm.

Cả hai nghĩa đều giống nhau.

Ông Tiến Quang Nguyễn, Irvine, California

Bài ca dao về con kiến có 4 câu mà chúng tôi nhớ được như sau:

Con kiến mà kiện củ khoai
Kiện đi kiện lại đã hai năm ròng
Bây giờ kiến đã lên ông
Củ khoai hà thối vẫn còn dây dưa

Bà Nguyễn T.T.X. San Gabriel, California

Ðây là mấy bài thơ viết đã lâu mà bà muốn tìm:

THƠ Ở ARCADIA

Chưa cuối năm mà đã nhớ người
Người xa vẫn tít tắp bên trời
Tìm, đây chỉ thấy mây và gió
Một nén tâm hương cháy đỏ ngời

Hình như gió còn mang mùi tóc
Thao thức mầu chiều ở cuối sông
Sớm mai người lẫn trong câu hát
Tóc giống như sông, rối mịt mùng

Ở khúc quanh, chỗ cuối con đường
Là nơi vô tận, nhớ vô cùng
Ðèn xanh vừa bật, người đi mất
Là đã đầu sông với cuối sông

Người một nơi, người vẫn một nơi
Sáng ra, nhớ đã ở trên vai
Thấy gì nơi những con đường cũ
Một nhói tim vào những sớm mai

 GỬI PASADENA

Người mới vừa đây, tỏ vết giầy
Hương còn trên áo, ấm trên tay
Biệt nhau một chuyến theo Từ Thức
Hồn gửi hồn sau một bóng mây

Môi còn để hồng trên nụ xuân
Gió đi rồi, nên vẫn đau thầm
Mỗi chân tóc mọc lên hoài cảm
Buổi sáng tìm nhau lạc dấu chân

Thềm vẫn còn thơm áo Bích Câu
Con nước phân vân dưới dạ cầu
Và trăng từ mấy trăm năm trước
Vẫn mãi mầu xanh của lúc đầu

Trở lại vườn nghe gió lặng thinh
Cỏ còn buồn nên không muốn xanh
Tìm người chỉ thấy mây và khói
Một cánh chim chao động dưới cành

CHIỀU Ở BALTIMORE

Ngồi một mình ngó ngang bãi sông
Chiều mênh mông xuống nhớ vô cùng
Trông mây tưởng thấy lời Thôi Hiệu
Không Hạc Vàng sao vẫn nát lòng?

Hỏi gió, gió đi không trở lại
Hỏi mây, mây vẫn cứ ngàn trùng
Hỏi sông, sông cứ hoài ra biển
Hỏi đêm, đêm càng rất mịt mùng

Vứt chiếc cành khô xuống dòng nước
Gửi theo chiều ở Baltimore
Nếu theo được sóng trôi ra biển
Sẽ một ngày kia đến được bờ

Chiều trôi theo những cơn sóng xô
Như dòng nước ở Mirabeau
Tiếng chuông cùng với đêm ở lại
Nỗi nhớ cùng con nước vỡ bờ

30-1-2009


Spring Essence là nhan đề cuốn sách của John Balaban (nhà xuất bản Copper Canyon Press, in lần đầu năm 2000, John Balaban giữ bản quyền) với những bài thơ của Hồ Xuân Hương được dịch sang Anh ngữ.

Dịch giả John Balaban là một người liều lĩnh nếu không nói là cẩu thả. Ông để lại rất nhiều lỗi khiến câu cách ngôn traduttore, traditore của người Ý, nghĩa là bản dịch thường thiếu nét trung thành đến độ phản bội tư tưởng của tác giả nguyên bản, cũng chỉ là nhận định quá nhẹ nhàng khi đọc những bản dịch tiếng Anh những bài thơ Hồ Xuân Hương của ông. Những lỗi ông để lại quá nhiều, và có thể nói là không bài nào không để lại một hai lỗi. Có những lỗi hết sức sơ đẳng khiến người đọc tự hỏi không biết những người ông ghi tên ở cuốn sách, nói là đã khuyến khích và giúp ông dịch những bài thơ này có thực sự đọc bản Anh ngữ của ông không. Mà toàn là những tên tuổi, bằng cấp ghê gớm cả, không giáo sư, thì cũng tiến sĩ, lại có luôn cả một nhà ngoại giao cao cấp nữa.

Bài Chùa Xưa trang 70 và 71 chẳng hạn,

Thầy tớ thung dung dạo cảnh chùa
Thơ thì lưng túi, rượu lưng hồ
Cá khe lắng kệ, mang nghi ngóp
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù
Then cửa từ bi chen chật cánh
Nén hương tế độ cắm đầy lô
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí
Phúc đức như ông được mấy bồ

John Balaban dịch như thế này:

Master and servant amble pagoda paths,
Poem bag almost full, wine flask almost empty
Pond fish, hearing prayers, flutter their gills
Hillside birds, hearing chants, bob their necks
Crowds gather at this door of compassion
placing incense sticks on smoking altars
Buddha asks so little of his monks
Blessed they gather many friends

Hồ Xuân Hương có nhiều bài thơ nhạo báng những nhà tu không xứng đáng, và bài thơ này cũng nằm trong chiều hướng đó. Tuy nói về cảnh chùa, nhưng những hình ảnh lại gợi ra những cảnh khác. Những "cá khe," "chim núi" mà tác giả mô tả "mang nghi ngóp," "cổ gật gù" là để gợi ra hình ảnh khác hơn là ở chùa. John Balaban không thấy được điều đó, nên ông dịch cá khe là pond fish. Pond là ao, không là khe được. Khe là dòng nước nhỏ, là rạch nước mà chiều ngang thường rất hẹp, không rộng như suối, như sông. Khe là creek thì đúng... ý của Hồ Xuân Hương hơn, như hơn một lần bà đã nói đến những con cá (?) này: "cá giếc le te lách giữa dòng"...

Nhưng đó chỉ là tiểu tiết. Hai câu cuối của bài thơ bị hiểu sai một cách thảm hại.

"Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí" được dịch thành Buddha asks so little of his monks. Người đọc bản tiếng Anh sẽ hiểu là Ðức Phật không đòi hỏi gì nhiều nơi những nhà sư, trong khi câu nguyên bản phải hiểu là: mô Phật, xin hỏi nhỏ nhà sư một chút nhé. Hỏi khẽ, hỏi nhẹ, hỏi một chút khác với đòi hỏi không nhiều như câu tiếng Anh của bản dịch. Câu tiếng Anh có thể hiểu là đức Phật không đòi các vị sư phải làm nhiều thứ, phải đạo hạnh, phải sống xứng đáng như những tu sĩ.

Nam mô cũng không phải là đức Phật, là Buddha như dịch giả hiểu. Nam mô trong tiếng Pali chỉ là tiếng chào, như lạy Phật.

Câu cuối của bài thơ còn bị xuyên tạc khủng khiếp hơn nữa: câu "phúc đức như ông được mấy bồ" mang một nghĩa rất mỉa mai, đó là ông thầy chùa tu trong cảnh chùa như thế (cá khe, chim núi, mang nghi ngóp, cổ gật gù, cửa từ bi chen chật cánh, hương cắm đầy lô...) thì liệu tu được bao nhiêu phúc đức! Phúc đức được đem đong bằng bồ, bằng sọt, bằng thúng thì cũng chẳng được bao nhiêu. Danh từ bồ còn mang một ý nghĩa dung tục, khinh mạn, thiếu tôn kính khi nói về số lượng phúc đức mà nhà sư này có được qua cách tu hành bậy bạ như Hồ Xuân Hương vẽ ra trong mấy câu trên.

Nhưng John Balaban không hiểu được cả chữ "bồ" đó của nhà thơ phường Khán Xuân. Ông hiểu là (các) nhà sư đó được ban phúc nên (các ông sư ấy) có được nhiều bạn: blessed, they gather many friends.

John Balaban hiểu danh từ "bồ" là bồ tèo, bồ bịch, là bạn... và dịch là "friends" thay vì là "bamboo basket" chẳng hạn.

Trời ơi là trời...

Thôi dịch như vậy thì còn "table" cái gì thêm được nữa. Bàn (table) cái gì bây giờ?

Dịch như thế không sợ Xuân Hương hiện ra sửa lưng "mấy bồ" là... "bố mày" hay sao?

Bùi Bảo Trúc

Chữ Nghĩa Chúng Ta - Bùi Baỏ Trúc 2008

1-2-2008


Bà Xuân Lan

Hào hoa phong nhã là tốt hay xấu?

Hào là tài trí, mạnh thế hơn người. Hoa là tốt đẹp. Hào hoa là tính tình rộng rãi.

Phong là thái độ, phẩm cách, dáng vẻ. Nhã là khoan thai, thanh tao, vui vẻ, ôn hòa, có lễ độ, ý nhị, trái với thô tục.

Phong nhã là phong lưu và tao nhã, dáng vẻ thanh tao, ý nhị.

Phong nhã là những chữ trong Kinh Thi. Kinh Thi có thiên Quốc Phong, thiên Ðại Nhã và Tiểu Nhã. Từ đó, hai chữ phong nhã được dùng để nói về những việc văn chương.

Hào hoa phong nhã là những chữ mô tả người rộng rãi, phóng khoáng, lịch thiệp phong cách tốt đẹp.

Kim Trọng được mô tả là con nhà trâm anh, gia đình phú hậu, tài danh, văn học, thông minh rồi thêm hai câu này:

Thiên tư tài mạo tột vời
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa

Như vậy, ai được phác họa bằng mấy chữ hào hoa phong nhã thì nên vui lắm mới phải.

Ông Trần Vũ, Irvine, California

Ông già Ba Tri là ai?

Ba Tri là tên một quận ở tỉnh Kiến Hòa. Thành ngữ ông già Ba Tri được dùng để chỉ người già mà còn cứng cỏi, cương quyết, không sợ cường quyền, không nhất thiết phải là người ở quận Ba Tri.

Cố tổng thống Trần Văn Hương thường được báo chí gọi là ông già gân. Tính tình của cụ Hương rất gần với những định nghĩa của thành ngữ ông già Ba Tri, kiểu như thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Học Lạc, Phan Văn Trị...

At stake is / are

Ðây là một thành ngữ rất khó dịch nhưng lại thường gặp trong mùa bầu cử. Dịch là đang lâm nguy hay đang bị đe dọa cũng không hoàn toàn đúng. Chúng tôi đã hỏi hai tổ sư bồ đề Nguyễn Ngọc Bích của đài RFA và Nguyễn Ngọc Phách của đài BBC và đài Úc, những người làm truyền thông lâu đời, thì cả hai đều chịu thua. Thí dụ nói rằng ông Obama đang ngang ngửa ở vài ba tiểu bang miền nam, nghĩa là ông có thể thắng và cũng có thể thua, nhưng cơ hội thua nhiều hơn thì người ta nói rằng At stake (for Obama) are several southern states.

Waterboarding

Board là một tấm ván. Wash board là tấm ván gỗ để giặt quần áo. Skate board là tấm ván có bánh xe để trượt. Snow boarding là môn thể thao trượt trên tuyết bằng tấm ván, không phải là ski.

Waterboarding là biện pháp dùng để "thẩm vấn" tù nhân bằng cách trói người tù trên một tấm ván, đặt cho phía đầu hơi dốc xuống, đắp một chiếc khăn lên mặt, phủ kín mắt, mũi và miệng. Sau đó, đổ nước vào lỗ mũi để cho đương sự bị sặc.

Theo cách mô tả này thì không thể gọi là trấn nước. Trấn nước là dìm đầu xuống chậu nước hay thùng nước. Danh từ " chuyên môn " gọi là cho đi tầu ngầm, cho đi tầu lặn.

Cơ quan CIA nhìn nhận có dùng waterboarding với ít nhất 2 nghi can khủng bố thuộc Al Qaeda. Chỉ mất 40 giây, cả hai đều "sing like a canary", nghĩa là hót như khướu theo cách nói của người Việt, có bao nhiêu anh em, đồng chí lôi ra "bán" hết. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Mike Mukasey nói tại thượng viện rằng Hoa kỳ không còn dùng cách tra hỏi này nữa.

Love sick không phải là tương tư. Tương là cùng. Tư là nghĩ. Tương tư là cùng nghĩ tới nhau thì bệnh ở chỗ nào?

Tương cố bất tương kiến

Cùng nhớ nhau mà không thấy được nhau.

Love sick là như Mỵ Nương tơ tưởng tới Trương Chi rồi ốm đau, sầu não phát bệnh. Trương Chi cũng bệnh rồi chết. Không có chuyện hai người cùng nghĩ tới nhau (trong hạnh phúc).

Cụ Lê Văn Anh, Los Angeles

Bà Benazir Bhutto là một nhân vật sẽ còn gây tranh cãi trong nhiều năm nữa. Tùy theo chỗ đứng và tùy theo góc độ nhìn, bà Benazir Bhutto có thể là cứu tinh của Pakistan, và cũng có thể là người sẽ không làm được gì tốt đẹp cho Pakistan.

Bà làm thủ tướng hai lần, nhưng không làm được bao nhiêu điều đã hứa hẹn.

Em dâu của bà đã viết một bài báo rất độc địa về bà trước khi bà bị ám sát chết, trong đó, bà Benzir Bhutto được mô tả là một người thủ đoạn, độc ác, ích kỷ, tham nhũng, không xứng đáng để lãnh đạo Pakistan. Chồng của bà cũng đóng góp nhiều vào những thất bại của bà.

Nhưng bà là người mà Hoa kỳ và Anh đặt nhiều hy vọng vào vì bà là người có khuynh hướng thân Tây phương. Hai bài báo cụ gửi cho đọc đều đưa ra những cái nhìn đối chọi nhau vì một người thì ở Beirut, một người thì viết trên quan điểm của Israel.

Cụ chẳng nên ngạc nhiên và quá thắc mắc về hai quan điểm đối nghịch này.

Ông Vincent Nguyễn (vincent.nguyen@westernyouthservices.org)

Gái ăn sương là người phụ nữ làm điếm, kiếm ăn vào lúc tối trời khi sương xuống.

Sương phụ là người đàn bà góa chồng.

Sương khuê hay sương phòng là buồng của người đàn bà góa.

Sương cư hay cư sương là ở vậy, ở góa, không lấy chồng nữa sau khi chồng chết.

1-8-2008


Ông Võ Văn Lý(ly_vanvo@yahoo.ca)

Ðộc có mấy nghĩa khác nhau trong chữ Hán.

Ði với giả (nghĩa là người), độc nghĩa là đọc.Ðộc giả chứ không phải là đọc giả. Ðọc là tiếng Nôm. Ðộc là chữ Hán.

Ðoạn thơ ông dẫn tôi không biết là của ai. Không thể dùng hai ba câu thơ ấy để giải thích cho các biến cố lịch sử của Việt Nam.

Ông Trần Gia Mẫn, Houston, Texas

GIA NGẪU / GIAI NGẪU

Gia là đẹp. Giai cũng là đẹp. Gia ngẫu hay gia ngẫu đều có nghĩa là cặp vợ chồng đẹp đôi, xứng đáng, hòa thuận. những chữ này được dùng trong những lời chúc các cặp tân hôn.

Giai lão là vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau, ở với nhau đến lúc chết.

ÐỂ KHÁNG / ÐỀ KHÁNG

Ðể là chống. Ðể kháng là kháng cự, chống lại.

Ðề kháng không có nghĩa gì.

Ðoạt sóc / đoạt sáo?

Ðoạt sóc là chiếm lấy cây giáo. Không phải là đoạt sáo.

Ðoạt sóc Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan

là hai chiến công của Trần Hưng Ðạo: chiếm lấy giáo của giặc ở Chương Dương; bắt giặc Hồ ở cửa Hàm Tử.

Ông sknguyen@rogers.com

Kiến là chữ Hán nghĩa là trông thấy, là ý thức, là dựng lên.

Kính là tôn trọng, thận trọng. Kính cũng là gương soi: đập cổ kính ra tìm lấy bóng.

Kiếng là tiếng miền Nam . Kính là tiếng miền Bắc: đeo kính, đeo kiếng

Ông hỏi câu rất khó trả lời. Muốn và muống khác nhau vì một chữ có "G", một chữ thì không.

Muốn là thích, ao ước.

Muống là một loài thảo mộc có thể ăn được: rau muống.

Bắt kỳ ăn rau muốn luột: Bắc kỳ ăn rau muống luộc. Câu này chúng tôi nghe suốt mấy năm sau ngày di cư từ những người bạn tí hon quái ác. Các chàng còn đổ cho Bắc kỳ chúng tôi ăn cá gỗ (cá rô cây) trong khi chúng tôi không hề ăn cá rô cây bao giờ. Chỉ các khóa sinh từ Thanh Nghệ Tĩnh ra Bắc để thi (theo truyền thuyết) mới mang theo con cá làm bằng gỗ để chấm nước mắm tưởng tượng ra là đang ăn cá thật cho trôi bát cơm ở quán trọ.

Hoang Nguyen (hoangnguyen252000@yahoo.com)

Dùng Ky Tô giáo hay Thiên Chúa giáo thì chính xác hơn. Cũng như Phật giáo, là tôn giáo của đức Phật.

Người Trung Hoa gọi là La Mã Thiên Chúa giáo (Roman Catholic) hay Cựu giáo.

Công giáo là tôn giáo được quốc gia thừa nhận (religion officielle). Ðây là định nghĩa của Ðào Duy Anh trang 118 Hán Việt Từ Ðiển. Xin nói trước kẻo lại bị quăng cho mấy cái mũ như mấy năm trước, và bị đổ cho cả tội nhục mạ tổ tiên (từng dầy công mới kiếm được chữ để dịch danh từ Catholic) của tác giả lá thư gửi cho người phụ trách mục này.

2-5-2008


Ông / Bà Hoàng Vương

Cựu / Nguyên

Cựu có nghĩa là xưa, cũ.

Nguyên nghĩa là vốn.

Hai chữ này gần giống nhau. Nguyên được cho đứng với một chức vụ trước cựu.

Thí dụ ông Nguyễn Văn Thiệu (sau năm 1975) là cựu tổng thống, nguyên đại tá tư lệnh sư đoàn 5.

Khi không đề cập tới hai chức vụ thì dùng cựu là đủ để gọi chức vụ gần nhất.

Thí dụ cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Cố được dùng trước tên người đang nắm giữ chức vụ ấy thì qua đời.

Cố tổng thống Ngô Ðình Diệm.

Nhưng cựu hoàng Bảo Ðại vì khi vua Bảo Ðại qua đời thì ông không còn là hoàng đế Việt Nam nữa.

Cà tha là bùa. Chỉ cà tha là dây đeo bùa cà tha. Chỉ được bện gồm 5 mầu để cầu bình an cho người đeo. Mút là cho đến lúc hết.

Mút mùa là rất lâu, rất dài.

Mút chỉ cà tha và mút mùa Lệ Thủy đều có nghĩa là rất lâu, gần như không dứt.

Ông Phạm Văn Kỳ, Houston, Texas

Wang Chang Ling (Wang Ch’ang Ling) tức là Vương Xương Linh tiểu sử rất mù mờ. Nơi sinh chỗ thì nói là Thái Nguyên, nơi nói là Trường An. Ông đỗ tiến sĩ, làm chức Úy tại Long Tiêu nên còn có hiệu là Vương Long Tiêu.

Thơ của ông rất hay, nhiều âm nhạc. Bài ông hỏi là Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm. Bản tiếng Anh chúng tôi có là của Witter Bynner:

At Hibiscus Inn Parting With Hsin Chien

With this cold night rain hiding in the river, you have come into Wo
In the level dawn, all alone, you will be starting for the mountains of Ch’u
Answer, if they ask of me at Lo-yang:
"One-hearted as ice in a crystal vase"

Bản chữ Hán:

Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở sơn Cô
Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

Trần Trọng Kim dịch:

Ðang đêm mưa lạnh vào Ngô
Sáng ngày đưa khách núi Cô trập trùng
Lạc Dương bầu bạn hỏi cùng
Băng tâm một mảnh ở trong ngọc hồ

Trần Trọng San dịch:

Mưa lạnh sông đêm vào đất Ngô
Sáng đưa tiễn khách, núi trơ vơ
Lạc Dương nếu có ai thăm hỏi
Một mảnh lòng băng ở ngọc hồ

Bài này viết khi tác giả bị đổi đi đất Ngô, ban đêm mưa lạnh trên sông thì tới. Sáng ra lại tiễn Tân Tiệm đi Lạc Dương, dặn rằng bạn bè có ai hỏi thăm thì đáp là tôi đã lạnh lùng với danh lợi, chỉ còn một quả tim băng giá trong chiếc bình ngọc.

Phan Thuận Thuan.Phan@entropic.com

BA HOA là do tiếng Pháp bavard, nghĩa là nói chuyện. Bavarder là động từ.

Ba hoa chích chòe, ba hoa xích thố, ba hoa xích đế đều có nghĩa là nói khoác, nói nhiều, nói không cơ sở, không bằng cớ.

Bà Nguyễn Phương Anh, Pasadena, California

Ðúng ra là Hùinh, không phải là Huỳnh, theo cách viết của ông.

Hùinh Tịnh Paulus Của hay Hìunh Tịnh Của là người Bà Rịa, sinh năm 1834, chết năm 1907. Ông thông thạo Pháp văn, Hán văn và dĩ nhiên cả tiếng Việt. Hùinh Tịnh Của là tác giả Chuyện Giải Buồn và Việt Nam Quấc Âm Tự Vị cùng nhiều tác phẩm khác viết bằng tiếng Việt.

Hai cuốn Chuyện Giải Buồn và Việt Nam Quấc Âm Tự Vị được in lại ở Sài Gòn trước năm 1975.

Chuyện Giải Buồn đọc rất thú vị. Tiếng Việt miền Nam của ông mộc mạc, giản dị, còn xưa hơn là tiếng Việt của Hồ Biểu Chánh và Vương Hồng Sển.

CÁNH KHỈ / CÁNH KHUỶU

Ðúng ra phải là cánh khuỷu. Khuỷu là khuỷu tay. Trói giật cánh khuỷu là trói hai khuỷu tay ngược ra phía sau.

Khỉ không có cánh nên không thể nói là cánh khỉ được.

Nhưng áo khỉ, túi khỉ thì có mặc dù khỉ không mặc áo bao giờ.

4-1-2008


Một độc giả ở Canada
 
Hai câu
Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi

Theo một số ý kiến, là của Nguyễn Gia Thiều. Vua Tự Ðức mượn lại. Nhà vua rất yêu văn học nhưng có một lối yêu văn học hơi khác. Vua sửa truyện Kiều theo ý của vua rồi cho in để thưởng thức nên mới có Kiều bản kinh và Kiều bản phường. Chi tiết đề quyết hai câu này của Nguyễn Gia Thiều có ghi trong cuốn Nam Thi Hợp Tuyển của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc.
 
Chuyện mượn như thế rất thường, nhất là khi Tự Ðức là... vua.
 
Ngũ Hổ Bình Tây là chuyện của năm viên tướng rất uy dũng (Ngũ Hổ Tướng) nhà Tống dưới thời Nhân Tông là Ðịch Thanh, Thạch Ngọc, Lưu Khánh, Trương Trung và Lý Nghĩa trong cuộc chinh phục Tây Vực, vùng đất ở phía Tây Trung quốc trong đó có vùng Tân Cương ngày nay.
Cũng còn năm viên tướng khác được gọi là Ngũ Hổ Tướng Quân nhưng thuộc nhà Thục Hán trong truyện Tam Quốc là Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Huỳnh Trung và Mã Siêu.
 
Bình Tây Sát Tả là khẩu hiệu của Văn Thân Nghệ Tĩnh nổi lên vào năm Giáp Tuất đời vua Tự Ðức. Văn Thân hội là tổ chức của cuộc vận động bài ngoại, chống Pháp của sĩ phu Nghệ Tĩnh nổi lên năm 1874 do Trần Tấn và Ðậu Như Mai lãnh đạo.
 
Ông Trần Khánh Dũng, Sacramento, California
 
Ðề nghị ông đọc hai tài liệu về Hoàng Sa và Trường Sa:
 
-- Tập San Sử Ðịa số 29 do một nhóm giáo sư và sinh viên đại học Sư Phạm Sài Gòn chủ trương do nhà Văn Nghệ in lại ở Hoa kỳ.
-- Những Biến Cố Mất Lãnh Thổ Lãnh Hải Việt Nam từ năm 939 Ðến 2002 của Trịnh Quốc Thiên do Nam Quan Ấn Quán xuất bản (qttt@yahoo.com).
 
Hai câu
Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc
Một hàng cò trắng vút trời xanh
 
Là của Tản Ðà dịch hai câu đầu một bài tuyệt cú của Ðỗ Phủ. Nguyên văn bài thơ này là:
 
Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết
Môn hạc Ðông Ngô vạn lý thuyền
 
Hai câu cuối Tản Ðà dịch như sau:
Nghìn năm tuyết núi song in sắc
Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình
Hai câu
Không sắc nhất quỳnh hoa, tiếu khứ hân nhiên, thiên thượng quần tiên đa quyến thuộc
Túy ngâm song bạch nhãn, hứng lai huy bút, nhân gian thiên thủ ngạo công hầu
 
Là của Huỳnh Thúc Kháng viếng Tản Ðà. Cụ Huỳnh đã tự dịch thành:
 
Không sắc, một hoa quỳnh, về vuốt râu chơi, tiên giới nhiều người nên quyến thuộc
Say ngâm, hai mắt trắng, hứng thơ bút múa, giá thi mấy lớp ngạo công hầu
 
Tản Ðà mất năm 50 tuổi (17 tháng 6 năm 1939) tại Ngã Tư Sở, Hà Nội. Năm 1963, mộ được cải táng đem về quê của bà Tản Ðà, chôn tại cánh đồng Cửa Quán, thôn Hội Xá, xã Hương Sơn, tỉnh Hà Tây.
Gia đình của Tản Ðà còn có người sống ở Sài Gòn.
Showa đọc theo âm Hán Việt là Chiêu Hòa, hiệu của Nhật Hoàng Hirohito
Heisei là Bình Thành, hiệu của đương kim Nhật hoàng Akihito
 
Ông Thiện Sĩ, Seattle
 
Poète maudit là danh từ gọi một nhà thơ sống ở bên ngoài xã hội hay có tư tưởng chống lại xã hội. Thường là những người dùng rượu, ma túy, mắc chứng điên loạn, nhúng tay vào những tội ác, bạo động, và thường chết trẻ. Một trong những poète maudit đầu tiên của văn chương Pháp là Francois Villon (1431-1474) nhưng danh từ poète maudit chỉ xuất hiện hồi đầu thế kỷ 19. Tiêu biểu là những người như Charles Beaudelaire, Paul Verlaine và Arthur Rimbaud. Trong tác phẩm Stello, Alfred de Vigny gọi loại thi sĩ này là "la race toujours maudite par les puissances de la terre".
 
Trong văn học Việt Nam, không có một nhà thơ nào đúng với nhận xét kể trên. Nguyễn Ðức Sơn quả là có kỳ cục. Trần Tuấn Kiệt hơi lạ lùng nhưng có lúc rất tỉnh táo. Nguyễn Bắc Sơn ngông nghênh và ngạo mạn. Vũ Hữu Ðịnh sống rất tội nghiệp.
 
Maudit là người bị nguyền rủa, là một nhả thơ có tài, trẻ tuổi, bác bỏ mọi giá trị của xã hội, sống một cuộc sống nguy hiểm, thách thức, tự hủy (un poète talentueux qui, incompris dès sa jeunesse, rejette les valeurs de la société, se conduit de manière provocante, dangereuse, asciale ou autodestructice )
 
Vũ Hoàng Chương tuy có dùng ma túy, và có viết "lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ / bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh" nhưng không phải là poète maudit. Khinh và ruồng bỏ chứ không phải là nguyền rủa.
 
Cụ Nguyễn Ðắc Tân, Santa Ana, California

TỪ HẢI
 
Từ Hải, người tỉnh An Huy, là một nhân vật có thật sống dưới thời Minh. Từ Hải từng đi tu lấy hiệu là Minh Sơn trước khi bỏ chùa đi làm giặc tự xưng là Thiên Sai Bình Hải Ðại Tướng Quân.
 
Từ Hải hoành hành dữ dội nhất tại Giang Tô và Chiết Giang. Hồ Tôn Hiến dụ họ Từ về hàng. Từ đem một đồng đảng là Trần Ðông đem nộp. Hồ Tôn Hiến giết hụt Từ Hải trong vụ này. Từ Hải nhẩy xuống sông tự trầm năm 1556 tại Thẩm Trang chứ không chết đứng (nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng) như trong Kiều.
 
DRUNK DRUNKEN DRIVER?
 
Cả hai đều đúng, drunk hay drunken đều là past participle (quá khứ phân từ) của động từ to drink được dùng như một tĩnh từ bổ nghĩa cho danh từ driver. Do đó, drunk driver hay drunken driver (như trong tin của báo Orange County Register) đều đúng.
 
Báo Orange County Register ít khi có thể sai.
 
Drunkard là người say rượu.
 
Quá khứ của to drink là drank.
 
Bà Lưu, San Jose, California
 
Ðà Nẵng là tên Việt Nam. Hiện Cảng là tên người Hoa gọi Ðà Nẵng. Người Hoa có trò chơi này đối với nhiều địa danh của các nước khác. Họ tự ý đặt ra những cái tên theo ý của họ bất chấp tên địa phương là thế nào đi nữa. Trường hợp Cựu Kim Sơn là một. Tên chính thức của Mỹ là San Francisco nhưng người Hoa vẫn viết trên bản đồ và gọi thành phố này theo lối của họ. Người Nhật cũng làm như vậy trong trường hợp họ gọi Singapore là Chiêu Nam đảo, theo cụ Trần Trọng Kim ghi trong hồi ký.
 
Ðề nghị bà đọc cuốn Lịch Sử Ðà Nẵng của Phan Văn Dật do Nam Việt xuất bản năm 2007 hay liên lạc với tác giả huonganvo@yahoo.com để được giải thích rõ hơn về tên của thành phố Ðà Nẵng cũng như lai lịch của tên Tourane.
 
Tourane nổi tiếng món sò như trong thơ Tản Ðà: Sò tươi cửa biển Tourane nên có phải vì thế mà người Hoa gọi Ðà Nẵng là Hiện (con sò, con hến) Cảng là cửa biển?
Cụ Trần Hữu Lý ( thuong_con123@yahoo.com )
 
Cám ơn cụ đã dậy cách đánh các mẫu tự của Pháp. Sẽ xin dùng ngay.

4-4-2008


Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Montreal, Canada

Sa bà hay ta bà?

Cả hai đều đúng. Ta bà thế giới hay sa bà thế giới là cõi sa bà hay cõi ta bà. Sa bà hay ta bà là từ tiếng Phạn saha. Thế là đời. Giới là cõi.

Sa / ta bà thế giới gồm tam thiên và đại thiên thế giới, tức là nơi thế giới các loài chúng sinh có thể nhịn được tất cả mọi điều phiền não khổ sở.

Ta bà được đại chúng há để có nghĩa là khắp nơi, đây đó. Thí dụ nói đi ta bà thế giới là đi khắp nơi, không mục đích nhất định.

Xất bấc xang bang chính ra là thất quốc tha bang nghĩa là mất nước, quê người. Những chữ Hán này bị đọc sai thành xất bấc xang bang để rồi được hiểu là hoàn cảnh bi đát, như người mất nước phải đi tha hương kiếm sống. Chạy xất bấc xang bang là chạy cuống cuồng, quýnh quáng.

Thất điên bát đảo là bẩy điều điên, tám điều không thuận, là điên đảo, lộn xộn.

Làm phách là làm lối, ra bộ hách dịch, lên mặt để bắt nạt người khác.

Làm phách chó là làm lối trong khi không đủ tư cách, khả năng để làm phách.

Làm lối không phải là nói lối. Nói lối là điệu hát bộ hay cải lương nghe gần như những câu nói chuyện thường với mấy câu lục bát hay văn xuôi.

Foyer éteint, famille éteinte là một câu tục ngữ của Pháp nghĩa là bếp tắt thì gia đình, nhà, mái ấm cũng không còn.

Danh từ home trong tiếng Anh không đơn thuần là cái nhà, mà phải hiểu là mái ấm.

A house is not a home.

Men build houses, women make them homes.

Cụ Xuân Văn Huỳnh, xvhuynh1920@yahoo.com

Bài thơ cụ hỏi là của Nguyễn Khuyến.

Chữ con đen trong bài là con chấy (chí) không phải là con đen trong câu tục ngữ mập mờ đánh lận con đen hay mượn mầu son phấn đánh lừa con đen (Kiều).

Bài thơ ấy nguyên văn như sau:

Trải gió, dầm mưa đã lắm rồi
Phen này cắt tóc để làm tôi
Trơn tru chẳng có còn ai cứ
Lông lốc tha hồ để mẹ bôi
Cái lược từ đây khôn lối gỡ
Con đen thôi cũng hết đường chui
Cũng toan tấp tểnh làm sư cụ
Nghĩ lại, song mà chửa chính ngôi

Làm tôi là làm tôi nhà Phật, là đi tu, do câu tục ngữ: cắt tóc làm tôi.

Cứ là nắm: cứ (nắm) người có tóc, ai cứ (nắm) kẻ trọc đầu.

Câu thứ tư mượn ý của câu hát của trẻ con: trọc đầu lông lốc bình vôi / mẹ ngồi mẹ ỉa mẹ bôi lên đầu.

Câu cuối nghĩa là muốn làm sư cụ nhưng chưa đủ tài, kinh kệ chưa thuộc, công đức chưa xứng. Tác giả cũng lại chơi chữ: trọc đầu rồi làm sao rẽ ngôi được nữa.

4-7-2008


Ông Nguyễn Hóa, Garden Grove, California

Seven dirty words là 7 chữ mà George Carlin (một kịch sĩ hài hước vừa qua đời tuần trước) coi là không thể nói ra trong các chương trình truyền thanh và truyền hình thì cũng lại là những chữ chúng tôi không thể viết ra ở đây. Những chữ này ngày nay rất thường nghe thấy trong ngôn ngữ hàng ngày của nhiều người.

Ðó là các chữ (xin viết tắt): S (phân); P (nước tiểu); F (giao hợp);C (bộ phận phụ nữ); C (làm một công việc tục tĩu); M (một người làm công việc tục tĩu); T (ngực phụ nữ).

Cái bẫy ông giăng rất khéo nhưng người phụ trách mục này đã kịp thời tránh được.

Ông Văn X. Fountain Valley, Californa

Ái quốc sô vanh là yêu nước một cách cuồng tín, mù quáng, không suy nghĩ. Danh từ này, chauvinism / chauvinisme, mang tên của một người lính thời Napoleon đệ Nhất, Nicolas Chauvin. Ông ái mộ Napoleon một cách mù quáng, coi Napoleon là người không thể sai, không thể phạm bất cứ một lầm lỗi nào. Nicolas Chauvin phục vụ trong cuộc chiến tranh Cách Mạng (1798-1800) bị thương 17 lần nhưng vẫn một lòng mến phục Napoleon, coi Napoleon là chiến lược gia đại tài. Nicolas Chauvin đeo một bông hoa tím ở ve áo để nhớ Napoleon khi Napoleon bị lưu đầy biệt xứ. Nicolas Chauvin chết trong nghèo đói, bệnh tật nhưng vẫn một lòng với Napoleon.

Heo đực sô vanh ( male chauvinist pig) là người tin rằng đàn ông tài giỏi, thông minh hơn phụ nữ. Female chauvinist là người phụ nữ cho rằng đàn ông đều ngu si hết.

Hai cách nói " học bác sĩ " và " khám bác sĩ " đều không đúng.

Phải nói là học y khoa mới đúng. Bác sĩ không phải là một ngành học ở đại học. Bác sĩ có thể là bằng Ph. D. theo lối dịch của Nhật: Bachelor là Học Sĩ; Masters là Tu Sĩ và Ph.D. là Bác Sĩ.

Người tốt nghiệp y khoa gọi đúng phải là y sĩ.

Ðến phòng mạch mà nói là đi khám bác sĩ cũng không đúng. Nói đi khám bệnh cũng không đúng. Nhưng nếu nói là đến phòng mạch cho y sĩ khám/xem bệnh thì dài quá. Thế nên tuy sai, nhưng nói quen rồi thì đành … chịu. Chỉ có bà (?) bác sĩ trong các cáo phó và tin vui mới khám (được) bác sĩ mà thôi.

Nói đi cắt tóc cũng không đúng. Tiếng Anh chính xác hơn: I have my hair cut.

Ði sửa xe cũng không đúng, tương tự như khi nói đi cắt tóc vậy.

Người Anh nói đúng hơn: I have my car repaired; I have a suit made; I had the house painted one year ago; she has her nose fixed …

Cụ Trần Lại, Virginia

Ði ngang về tắt cũng có khi nói là đi quanh về tắt là việc làm mờ ám, không quang minh chính đại, không đi đường thẳng mà đi đường ngang, đi vòng quanh và dùng đường tắt để đến mục tiêu, một cách đi đứng có chủ đích né tránh không muốn người khác biết việc làm của mình.

Vế đối của câu "Bụt không dâm sao gọi là dâm bụt" thì chúng tôi xin chịu, chưa nghe ai đối mà cố gắng đối thì chưa chỉnh nên không dám viết ra đây.

Ông Hoàng, Garden Grove, California

I don’t do nothing là cách dùng văn phạm gọi là double negative. Ðây là trường hợp khi hai hình thức phủ định xuất hiện trong cùng một câu. Cách dùng này không được coi là chỉnh trong tiếng Anh (có học). Thường thì chỉ có thành phần ít học mới dùng. Mới đây, một bức thư viết cho Ann Landers của một độc giả than phiền vợ của ông là thành phần "ain’t / don’t do nuthin’", nghĩa là thành phần học ít, ăn nói sai văn phạm. Tuy nhiên, thời Shakespeare thì lối nói này lại được coi là để nhấn mạnh (emphatic use).

Trong ngôn ngữ của tuổi trẻ, lối nói này rất phổ biến. Mick Jagger của ban The Rolling Stones là người từng tốt nghiệp trường London School of Economics không phải là người vô học, nhưng khi viết chung với Keith Richards một bản nhạc thì lại viết I Can’t Get No Satisfaction. Nói theo kiểu nữ hoàng Victoria thì phải là "I am not amused!"

I do nothing và I do not do anything là hai câu đúng văn phạm.

5-9-2008


Cô HÐ, Garden Grove, California

Cám ơn mấy câu cô gửi cho đọc:

To be happy with a man, you must understand him a lot and love him a little.
To be happy with a woman, you must love her a lot and not try to understand her at all.

(Muốn sống hạnh phúc với một người đàn ông thì phải hiểu chàng nhiều và yêu chàng một chút. Muốn sống hạnh phúc với một phụ nữ thì phải yêu nàng thật nhiều và đừng tìm hiểu gì về nàng làm gì)

Có điều là bây giờ thì quá muộn mất rồi.

Nhưng đoạn hay nhất là đoạn kể về mấy bà cô bà dì cứ gặp mặt ở đám cưới là giục lấy chồng: "Lần tới là cô đấy nhá!" Nhưng mấy bà cô này thôi không giục dã nữa sau khi người phụ nữ này đem ngay câu "Lần tới là cô đấy nhá!" để nói lại với mấy người ấy khi gặp tại nhà quàn.

Hay tuyệt!

Ông Tuấn Phạm (dr.tuanpham@yahoo.com)

Xin gọi là "ông" vì đây là mục chữ nghĩa, không phải là cuộc đối thoại giữa bệnh nhân và y sĩ, mặc dù cuối thư ông có ghi là B.S.

Người dân Campuchea (Cambodia, Cambodge, Khmer) không thích bị gọi là người Miên/ Mên/ Cao Man/ Cao Mên/ Cao Miên, vì danh xưng này là của người Việt dùng để gọi họ, trong ý nghĩa khinh thường, bỉ báng. Người Việt Nam cũng dùng một danh xưng khác là Thổ để gọi người Khmer sống ở miền tây, nhất là tại hai tỉnh Sóc Trăng (Ba Xuyên) và Trà Vinh (Vĩnh Bình).

An Nam là tên của Việt Nam do nhà Tống đặt năm 1164. Một số triều đại Việt Nam cũng dùng tên An Nam làm quốc hiệu. Ðó là dấu tích của thời Việt Nam bị Trung quốc đô hộ. Người Việt không thích bị (dân tộc khác) gọi là An Nam (annamite). Hai chữ này có thể dùng trong những lúc chúng ta đùa giỡn với nhau. Nhưng nếu bị người khác gọi là An Nam thì phản ứng có thể không tốt như bệnh nhân của ông khi bị gọi là người Miên.

Ông Bảy Quốc

"Như" viết với chữ "nữ" bên trái và chữ "khẩu" bên phải nghĩa là cùng, giống như, ví như.

Như Quỳnh là giống như ngọc quỳnh.

"Thúy "nghĩa là xanh biếc, là con chim bói cá (chim chả; chim thằng chài)); là sâu kín.

Vườn Thúy là vườn nhà Thúy Kiều.

Cái vườn có hiên Lãm Thúy là vườn nhà Kim Trọng "lấy điều du học hỏi thuê".

Hiên Lãm Thúy là hiên để ngồi xem, thưởng lãm mầu xanh của cây cỏ.

Cô Ngọc ở Garden Grove, California

"Hôn" là cha mẹ cô dâu. "Nhân" là cha mẹ chàng rể. Việc hôn nhân là việc hai họ đàng trai và đàng gái trở thành thông gia với nhau.

"Hôn" hay "thú" có nghĩa là lấy vợ.

Hôn yến là tiệc cưới.

Hôn thư là giấy giá thú. (Giá là con gái lấy chồng. Giá cũng có nghĩa là đem điều xấu trút cho người khác!))

Giá thú là con gái lấy chồng, con trai lấy vợ

Ðộc giả Donna, chengdb@yahoo.comboteo@yahoo.com

Bút sa gà chết nghĩa là khi ngòi bút đặt xuống để ký tên hay viết một điều gì, thì mấy con gà phải chết.

Ngày xưa ở trong làng xã, người dân kêu xin điều gì mà được toại nguyện thì giết gà ăn mừng hay để biếu quan, nên bút sa gà chết là như vậy.

Ông Boteo nói rằng cái bút làm từ lông con gà thì e không đúng. Ngày xưa người Việt viết bút lông, nhưng làm bằng lông thỏ.

Kim Trọng sau khi gặp Kiều, về nhà thì nhớ Kiều, không làm được việc gì. Phòng văn lạnh lẽo, không có người vào đốt lò sưởi lên đọc sách. Bút trong ống bút, bút cũng se lại, đàn không ai gẩy, dây cũng lạc đi:

Bút se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan

Ngọn thỏ là cây bút làm bằng lông thỏ.

Người Việt và người Trung Hoa ngày xưa viết bằng bút lông. Mãi đến thời ông Trần Tế Xương mới viết bằng bút sắt (... nay đổi lông ra sắt...) và bút chì (... vứt bút lông di, giắt bút chì...)

Ông Trương Tuấn (tuantruong2008@gmail.com)

Ba nhân vật ông nêu trong thư, một người là con quan; một người xuất gia đi tu từ lúc còn nhỏ; một người thì học hành không biết ở đâu nên không thể có chuyện cả ba học cùng một trường.

Ông Nguyễn Thành Chung, Anaheim, California

Tại sao lại những người thắt đáy lưng ong lại là tướng tốt?

Lưng ong coi đẹp hơn là cái vòng số hai to tổ chảng.

Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con
 (Ca dao)

Triệu Phi Yến được vua Sở rất yêu cũng là vì có cái eo nhỏ.

Chướng trung khinh là những chữ để mô tả cái lưng nhỏ của Triệu Phi Yến.

Bà Denise (ivywavepop@hotmail.com)

Cảm ơn bà đã chỉ bảo giúp lầm lẫn người phụ trách mục này. Bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh có thể tìm thấy trong cuốn Hoàng Xuân Hãn tập III, từ trang 1293 đến 1319. Nếu cần, chúng tôi có thể cho mượn để xerox lại.

KIỆT và THANH

Cám ơn lời thăm hỏi. Bao giờ xuống Dallas phải cho ăn cơm nhà do hai người nấu đấy nhé.

6-6-2008


Bà Giang, California

Phân có nghĩa là chia. Phân là thời gian ngày và đêm dài bằng nhau.

Chí có nghĩa là to lớn. Chí cũng có nghĩa là ngày dài nhất hay ngắn nhất trong năm.

Xuân phân là ngày 21 hay 22 tháng 3 dương lịch, khi đêm ngày dài ngang nhau. Xuân phân (equinox) năm 2008 là ngày 20 tháng 3, bắt đầu từ 5 giờ 48 phút.

Hạ chí là ngày 20 hay 21 tháng 6 ngày, khi ngày dài hơn hết. Hạ chí (solstice) của năm 2008 là ngày 20 tháng 6 bắt đầu từ 23 giờ 59.

Thu phân là ngày mà chiều dài của đêm bằng với chiều dài của ngày. Thu phân (equinox) năm 2008 là ngày 22 tháng 9 từ 15 giờ 44.

Ðông chí là ngày 20 hay 21 tháng 12 khi đêm dài nhất trong năm. Ðông chí (solstice) năm 2008 là ngày 21 tháng 12 từ 12 giờ 04 phút.

Lawyer là luật sư, luật gia. Lawyer có thể đại diện thân chủ tại tòa. Lawyer cũng là người học luật, có bằng luật.

Attorney-at-law là luật sư có thể cãi tại tòa.

Barrister là danh từ chỉ luật sư tại nước Anh, Úc hay Tân Tây Lan đại diện cho thân chủ tại các tòa thượng thẩm.

Counsel cùng nghĩa với attorney-at-law, lawyer.

Solicitor cố vấn pháp luật. Chữ này được dùng ở nước Anh và các nước theo hệ thống pháp luật của Anh. Tại Mỹ, solicitor là người chào hàng, bán hàng tận nhà. Vì thế ở Mỹ mới có những tấm bảng No Solicitors nghĩa là cấm, không tiếp những người chào hàng.

Sĩ là người học trò, người nghiên cứu học vấn

Sư là người thông thạo về một lãnh vực nào đó.

Ông Andy Nguyễn, Garden Grove

Chất lượng là từ hai chữ chất và lượng của chữ Hán.

Chất là vật thể, tính chất

Lượng là đong lường, đo lường, sức chứa.

Chất lượng là cái phân lượng của thực chất trong vật thể.

Miếng gỗ và miếng sắt cùng to bằng nhau (kích thước, dầy mỏng) nhưng miếng gỗ về thực chất thì ít hơn miếng sắt nên chất lượng của hai miếng khác nhau.

Chất lượng không phải là chữ Việt Cộng như ông nghĩ. Các định nghĩa ở trên đều có thể tìm thấy trong Hán Việt Từ Ðiển của Ðào Duy Anh.

7-3-2008


Cụ Trần Vinh, Irvine, Californa

Câu nằm gai nếm mật không phải là của chúng ta mà là câu của chúng ta mượn của Trung Hoa. Ðây là một câu thuộc loại tứ tự thành ngữ.

Nguyên chữ Hán là ngọa tân thường đởm: nằm trên củi nếm mật. Nằm (ngọa) trên củi (tân) thì không êm ái gì và mật (đởm) thì đắng. Toàn câu có nghĩa là sống kham khổ, hy sinh hạnh phúc để làm một việc lớn.

Trong đoạn đầu của Bình Ngô Ðại Cáo, Nguyễn Trãi viết về Lê Lợi khởi nghĩa: Thống tâm tật thủ giả thùy thập dư niên, thường đảm ngọa tân giả cái phi nhất nhật. Cụ Bùi Kỷ dịch: đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa; nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.

Khắc khổ nguyên nghĩa không giống như cách dùng thông thường trong tiếng Việt.

Thí dụ khuôn mặt khắc khổ là khuôn mặt đầy những nét gẫy, không tròn trịa, dịu dàng, phúc hậu, nhẹ nhàng.

Ðời sống khắc khổ là đời sống vất vả.

Khắc khổ nghĩa chữ Hán là công phu, rất tỉ mỉ. Khắc khổ còn có nghĩa là nhẫn nại, chịu đựng.

Ông Huỳnh Sơn, Santa Ana, California

Cordon sanitaire không phải là iron curtain mặc dù trong một cách dùng, nó có làm cho người ta nghĩ tới iron curtain. Cordon sanitaire là biện pháp kiểm dịch, phong tỏa một khu vực nào đó để tránh cho bệnh lan ra ngoài.

Cordon sanitaire trong chính trị, là hàng rào ngăn chặn không cho một thứ ý thức hệ nguy hiểm lan tới những chỗ khác, như chính sách be bờ, ngăn chặn (containment) của George F. Kennan đối với Liên Bang Xô Viết.

Iron curtain không phải là chữ Winston Churchill chế ra. Trước khi ông đọc bài diễn văn ở đại học Westminster, Fulton, Missouri, hôm mồng 5 tháng 3 năm 1946, hai chữ này đã được dùng, nhưng với những ý nghĩa khác. Winston Churchill dùng hai chữ này để nói về một biên giới mới ngăn cách Tây phương và khối Cộng Sản.

Cold War, Chiến Tranh Lạnh (viết hoa) là tình trạng căng thẳng giữa Liên Xô (cùng với các nước chư hầu ) và các quốc gia Tây phương.

Khi không viết hoa, cold war là những tranh chấp, đụng độ ngầm như những căng thẳng giữa tổng thống Johnson và gia đình Kennedy sau khi ông Johnson lên thay thế ông Kennedy bị bắn chết ở Dallas.

Danh từ Cold War là của Herbert Bayard Swope, người viết diễn văn cho Bernard Baruch trong bài nói chuyện về liên lạc giữa Hoa kỳ và Liên Xô đọc tại Colombia tiểu bang South Carolina.

Trái với cold war là hot war, shooting war, chiến tranh nóng, chiến tranh võ trang, chiến tranh có nổ súng.

Deterrent là răn đe. Võ khí nguyên tử là phương tiện răn đe trong suốt những năm chiến tranh lạnh với Liên Xô. Mutal destruction: hai chúng ta cùng chết. Ông đụng tôi thì tôi sẽ không tha ông. Chúng ta cùng hủy diệt lẫn nhau. Nghe vậy, cả hai đều không dám dùng võ khí nguyên tử. Ðó là răn đe, vừa răn vừa đe.

Bà Hà, Fullerton, California

Hết bà con cũng có nghĩa như hết tình hết nghĩa, hết anh em họ hàng. Những chữ này được dùng dể chỉ một việc làm táng tận lương tâm, không còn lý gì đến tình cảm, quen biết nữa.

Nhạc sĩ Lâm Tuyền, theo chỗ chúng tôi biết, đã qua đời ngày 31 tháng 7 năm 1996 tại Sài Gòn.

A Khuê là một nhà thơ hiện còn ở Việt Nam. Ông làm không nhiều thơ. Ông có mấy bài được Trần Quang Lộc phổ thành nhạc. Bài được biết dến nhiều nhất là bài Về Ðây Nghe Em.

Bài hát này có mấy phiên bản khác nhau. Bản Thái Thanh hát có nhiều chữ khác với bản của Hương Giang, của Thu Phương vân vân.

Ca khúc này được viết trước năm 1975 và được đón nhận ngay vào lúc cuộc chiến Việt Nam lên đến cao điểm. Người ta sợ những cái tầm thường nhất, đẹp nhất, quí giá nhất của dân tộc có thể sắp bị mất hết trong lửa đạn, thì đôi guốc mộc, chiếc áo the, bài ca dao, ngô khoai, hạt lúa mới lại được tìm thấy để khóc trên sông nước buồn, về lại với suối mát, quê hương.

Bài hát này chẳng có gì là phản động hay phản chiến gì hết, thưa bà.

Hai người viết bản nhạc này, dù cho có ở đâu đi chăng nữa, nhưng xin bà cứ nghe bài hát của họ. Chúng ta cũng đã có những lúc nghĩ như họ, và cần mấy câu ca dao, mặc chiếc áo the và đôi gốc mộc đi trên một con đường làng mà Thanh Tịnh đã viết trong đoạn văn về ngày khai trường.

8-2-2008


Ông Nguyễn Trung Ðáng

Hai câu ông hỏi:

Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Ðồng Nai

Thực ra còn có hai câu sau:

Nước sông trong sao lại chẩy hoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây

Theo Vũ Ngọc Phan, hai câu trên không có ý nghĩa gì đặc biệt. Ðây là những câu ca dao theo thể hứng, dùng cảnh rồng chầu ở Huế, ngựa chạy ở Ðồng Nai rồi nói về tình cảm của mình.

LAX là những chữ viết tắt tên của phi trường Los Angeles. Như chúng tôi đã trả lời ít nhất hai lần trong mục này, chữ X không có nghĩa gì hết, chỉ được thêm vào để cho đủ ba chữ viết tắt tên các phi trường theo một thỏa thuận chung của quốc tế. Trước năm 1930 không có thỏa thuận chung này nên tên của các phi trường được viết tắt tùy ý. Xin xem thêm ở website Los Angeles Intrnational Airport.

Hoa sữa tên khoa học là alstonia angustiloba. Còn một tên khác nữa là pulai. Hoa sữa có mùi khó chịu, nhiều người không chịu nổi.

Những cây hoa sữa ở Hà Nội chỉ thấy nhiều sau năm 1954.

Hoa sữa nay được trồng khá nhiều ở ngoài đường của Ðồng Hới.

Chi tiết về việc tại sao ông Hồ chí Minh lại mang họ Hỗ, xin ông đọc các tài liệu của giáo sư Trần Gia Phụng. Trong phạm vi rất hạn hẹp này của mục Chữ Nghĩa Chúng Ta không thể nói cho hết được.

Ðộc giả Nhung Trần hi-lwa@juno.com

Lên lon là được thăng cấp. Lon là danh từ mượn của tiếng Pháp: galon (viết với một chữ "l").

Tổ chức ăn khao vì được gắn lon mới, tiếng Pháp là arroser ses galons. Arroser là tưới, vì trong tiệc ăn mừng người ta mở champagne đổ lên lon mới để mừng người được thăng trật. Tiếng Việt cũng mượn tiếng Pháp để nó là rửa lon.

Ông Nguyễn Ðình Th. Falls Church, Virginia

"Hoãn đẹp nàng này khó nhẽ chê" nghĩa là gì?

Ðây là câu thứ 6, trong bài Mừng Ông Nghè của Nguyễn Khuyến.

Hai câu luận của bài thơ ấy là:

Rượu ngon ả nọ khôn đường tránh
Hoãn đẹp nàng này khó nhẽ chê

Tác giả khuyên ông tân khoa vừa đỗ ông Nghè rằng nên cẩn thận kẻo mà sa vào bẫy của cô bán rượu và của các phụ nữ nhà giầu.

"Rượu ngon ả nọ" là từ mấy câu ca dao:

Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè
Ông Nghè cho lính ra ve
Trăm lạy ông Nghè, tôi đã có con
Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan

Hoãn là mấy món nữ trang thời xưa, trong đó có đôi hoa tai vàng gồm một chùm thẻ vàng rất nhỏ, cứ 1 thẻ lớn thì có 9 thẻ nhỏ (một mẹ chín con). Ngày xưa chỉ các phụ nữ con nhà giầu mới có để đeo.

Bông búp / bông xòe,

Bông búp chứ không phải là bông bụp. Bông búp là nụ hoa chưa nở.

Bông xòe là nụ hoa đã nở, cánh bung ra.

Phụ nữ miền nam ngày xưa đeo hai loại hoa tai. Bông búp là hoa tai tròn, không tai (cánh) dùng dể làm lễ cưới tượng trưng cho trinh tiết của cô dâu. Phụ nữ có chồng rồi thì đeo bông xòe, theo nhà văn Hồ Trường An.

Hoa tàn là bởi mẹ cha
Khi búp không bán để tàn ai mua (Ca dao)

Hai câu này có ý trách cha mẹ khó khăn, thách cưới quá nặng, cấm cản con gái lấy chồng, đến khi người con gái quá lứa thì khó lập gia đình.

Ông Triệu Hưng, San Jose, California

Hoàn trùng / hoàng trùng

Cả hai đều đúng. Không phải là sai chính tả.

Hoàn trùng là loài sâu bọ thân mình có những đốt như vòng tròn. Hoàn là cái vòng, viết bằng bộ ngọc. Các giống châu chấu, cào cào được gọi chung là hoàn trùng

Hoàng viết với bộ trùng là con sâu lúa. Hoàng trùng cũng là con châu chấu, cào cào (locust). Giặc hoàng trùng là hiện tượng cào cào, châu chấu phá hoại mùa màng (locust plague).

Bà Nguyễn Thúy, Toronto, Ontario, Canada

Bonarder / Catinater / Quoiloirement

Ðây là mấy từ ngữ pha chế từ tiếng Pháp của người Việt trong những năm 50.

Bonarder là đi chơi phố trên đường Bonard. Sau năm 1954, đường này được chính phủ Ngô Ðình Diệm đổi tên là đường Lê Lợi. Nhưng một cách đùa nghịch, người ta vẫn tiếp tục dùng động từ ba rọi này cho mãi tới những năm 1960.

Louis Adolphe Bonard hải quân đô dốc của Pháp được triều đình Pháp trao trách nhiệm cai trị Nam Kỳ.

Catinater là dạo phố Catinat. Ðường Catinat được đổi tên thành đường Tự Do hồi đệ nhất cộng hòa. Sau năm 1975, không còn tự do nữa, thay vào đó, là một bọn khỉ (khởi) ở với nhau (đồng) nên con đường này lại thay tên lần nữa. Catinat là tên một pháo thuyền bắn phá Ðà Nẵng mở màn cho cuộc xâm lăng Việt Nam của người Pháp.

Quoiloirement là một cách qua loa. Rement là tiếp vĩ ngữ để biến tĩnh từ thành trạng từ trong tiếng Pháp.

Nhưng chữ như thế, vì bà không lớn lên trong giai đoạn đó nên không biết, mà cũng chẳng có tự điển nào giải thích.

Thời nào cũng có những tiếng lóng riêng của thời ấy. Thời người Mỹ thì ô kê sa lem, pi-ếch (post exchange: cửa hiệu bán lẻ tại các trại binh của quân đội Mỹ), vi xi, ông đại sứ (bao cao su ngừa thai, từ tên của đại sứ Henry Cabot Lodge, đọc sai thành capote của tiếng Pháp, rồi thành đại sứ).

Mấy câu song thất lục bát này cũng là sản phẩm của thời người Mỹ có mặt ở Việt Nam:

Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Bao giờ xong việc nước non
Anh về, anh có Mỹ con anh bồng

Việc sử dụng nhũng chữ như Bonarder, Catinater... không phải là hoài niệm về những năm Pháp thuộc mà chỉ là trò đùa nghịch của một số người.

Cây đa bến cộ

Cộ là cũ, do chữ cổ đọc trại ra. Nguyên bài được giáo sư Bửu Biền xếp vào loại hò ( hò mái nhì, hò mái đẩy) trong cuốn Câu Hò Tiếng Hát Xứ Huế (trang 85):

Trăm năm trót lỡ hẹn hò
Cây đa bến cộ con đò khác xưa
Cây đa bến cộ còn lưa
 (còn sót lại, còn dư, còn thừa)
Con đò đã thác năm xưa tê rồi

Theo tự điển Lê Văn Ðức, cây đa này nằm trên bờ sông Ô Lâu giáp giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, nơi chứng kiến một cuộc tình giữa một cô lái đò và một hàn sĩ ở Nghệ An vào thi ở Huế. Cuộc tình không đi đến đâu, vài năm sau, khi chàng trở lại, chỉ còn cây đa, còn con đò ( cô lái) thì không còn nữa. Các chi tiết này không thể kiếm chứng được. Có thể chỉ được dựng lên để chống đỡ cho câu hò.


 8-8-2008


NNC, Nashville, Tennessee

"Vén tay áo sô đốt nhà táng giấy" không cùng nghĩa với "nước đục thả câu".

Câu trên có thể hiểu như vậy vì hình ảnh có chút hung hãn, liều lĩnh qua việc xắn tay áo lên cầm lửa đốt cái nhà táng chăng? Nước đục thả câu là lợi dụng một tình thế khó khăn để thủ lợi.

Vén tay áo sô đốt nhà táng giấy là tại tang lễ, khi quan tài được đưa đến mộ để hạ huyệt thì nhà táng giấy (nhà làm bằng giấy và khung bằng tre để đặt trên nắp quan tài) không còn cần nữa. Người trong gia đình đem đốt trước khi hạ quan tài xuống huyệt. Nghĩa bóng là tiêu pha phí phạm không tiếc, không nương tay vì những tốn kém không phải là của mình.

Bà Nguyễn Như Thủy, Santa Ana, California

Nợ như Chúa Chổm. Chúa Chổm là ai?

Chúa Chổm là vua Lê Trang Tông của đời Hậu Lê. Lúc chưa được lên ngôi, ông vua này phải vay mượn tứ tung, ai cũng là chủ nợ. Ðến khi được Nguyễn Kim phò giúp lấy lại được ngôi vua, các chủ nợ xúm vào đòi nợ, vua phải xuất kho trả nợ. Từ đó dân chúng gọi ông là Chúa Chổm.

Ông này còn là một vua (?) nhậu nên dân gian còn có mấy câu có nhắc đến ông như sau:

Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng
Chết xuống âm phủ có mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ khác gì vua Ngô

Khi bị đòi nợ, nhà vua ra lệnh chỉ trả tới khi về đến cổng thành cửa Nam. Ngã tư đường này sau đó được đặt tên là phố Cấm Chỉ, nghĩa là tới đó thì cấm không được đòi nợ nữa. Không rõ ngày nay, tên này còn được dùng ở Hà Nội nữa không.

Ông Hiền Trần, Newport News

Người Mỹ cũng chơi trò ném thia lia: lia cầm một viên đá dẹp hay một mảnh sành, mảnh chén bát vỡ ném mạnh để cho miếng sành bay là là song song với mặt nước, và khi chạm phải nước, mảnh đá còn đà sẽ bay tới và tiếp tục trồi lên, lại chìm xuống nước nhiều lần.

Trong tiếng Anh, trò chơi này có nhiều tên gọi: skipping rocks, skipping stones, stone skimming, stone skiting, ducks and drakes...

Ô ăn quan còn gọi là luyến. Chuyền, rải ranh... là trò chơi của các em gái nhỏ.

Cụ Nguyễn Thế Khôi, Buffalo, New York

Hai danh từ này rất khác nhau. Quản tượng là người cưỡi voi, dậy voi. Danh từ Ấn độ được đưa vào Anh ngữ là mahoud.Tượng quản là cái quản bút làm bằng ngà voi.

Tour d’ivoire là cái tháp bằng ngà, một danh từ để nói về cách sống, cách nhìn sự vật hay cách sáng tác văn chương hoàn toàn xa rời thế giới thực bên ngoài. Chữ Hán là tượng nha tháp.

Côte D’Ivoire, Ivory Coast là tên một quốc gia ở tây Phi châu. Có người dịch là Bờ Biển Ngà. Chúng tôi nghĩ là không nên. Quốc gia này trước đây thuộc Pháp nên mới có tên là Côte D’Ivoire.

Cơm đường, cháo chợ là cảnh sống tạm bợ, qua ngày, không nơi chốn nhất định.

Những chữ này cũng rất gần với thành ngữ "cơm quán, ngủ đình".

Người đàn ông (?) giang hồ trong hai câu này cũng có lối sống như trong hai thành ngữ ở trên:

Ðến đây mượn chén ăn cơm
Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi

9-5-2008


Nhân ngày Mother’s Day, mục Chữ Nghĩa Chúng Ta xin gửi quí độc giả bài thơ của độc giả Trúc Mai mà chúng tôi nghĩ là còn rất nhỏ, viết về thân mẫu. Bài thơ mộc mạc, nhẹ nhàng mà thiết tha, tình cảm thật thà không trau chuốt. Cám ơn Trúc Mai.

MẸ TÔI

Ngày tôi còn nhỏ, mẹ hỏi tôi
Con thương ai nhất, hả con tôi
Nhìn mẹ thật lâu, tôi đáp khẽ
Chỉ có mẹ thôi, mình mẹ thôi

Mẹ là nắng ấm của mùa đông
Chiếc nôi ấm áp ru giấc nồng
Là làn gió mát trong ngày hạ
Dòng sữa thơm tho lúc đói lòng

Cuộc sống gia đình mẹ sắt son
Thay ba làm lụng, sức mỏi mòn
Mẹ đến gần ba rồi khuyến khích
Ráng lên ông xã, vì các con

Tuổi trẻ ham chơi hay phàn nàn
Cái chuyện học hành lắm gian nan
Mẹ không giận dỗi nhưng khuyên nhủ
Ráng mà lo học đắp vào thân

Mẹ vẫn dậy tôi sống ở đời
Dù gặp trắc trở đừng buông lơi
Hãy sống thật thà và can đảm
Ðến với mọi người nụ cười tươi

Ngày tôi tốt nghiệp mẹ cười tươi
Từ nay con mẹ sẽ vào đời
Nhìn con trưởng thành mẹ sung sướng
Ngước mắt nhìn trời dấu lệ rơi

Tôi càng khôn lớn, mẹ thêm già
Mái tóc mẹ tôi đã phôi pha
Một nỗi sợ hãi bao trùm xuống
Ngày tôi xa mẹ chẳng còn xa

Ðiều không mong đợi rồi cũng tới
Mẹ yêu của tôi đã qua đời
Lòng vẫn dặn mình phải can đảm
Nhưng sao khóe mắt vẫn lệ rơi

Mẹ tôi như biển đã ngủ yên
Dòng sông bờ bến trôi về biển
Thắp nén hương lòng con khấn nguyện
Mong mẹ sớm về cõi bình yên

Trúc Mai
5 tháng 3 năm 2008

Ông Ðức Nguyễn ggivinguyen05@gmail.com

Bài thơ ông hỏi tôi có tìm được bản tiếng Anh xin đăng lại ở dưới. Ðây chỉ là một trong mấy phiên bản. Tác giả không biết là ai nhưng có thể đoán là một người Mỹ da đen. Lý do là chỉ ở Mỹ, mới có những cảnh kỳ thị đối với ngươi da đen, và người da đen ở Mỹ mới có thời bị gọi là "colored".

Muốn đọc thêm về bài thơ này, ông đánh mấy chữ "When I was born I was black" để tìm trong Yahoo!

Ðây là bài thơ ông hỏi bằng tiếng Anh. Lưu ý toàn bài viết không đúng văn phạm như cách nói của những người da đen ít học:

When I was born, I black
When I grow up, I black
When I go in the sun, I black
When I cold, I black
When I scared, I black
When I sick, I black
When I die, I still black

You white folks
When you born,you pink
When you grow up, you white
When you in sun, you red
When you cold, you blue
When you scared, you yellow
When you sick, you green
When you bruised, you purple
When you die, you gray
So who you callin’ colored?

Ông sẽ rất thích thơ của Langston Hughes những bài như The Negro Speaks of Rivers hay I, Too... và những bài thơ khác viết về người da đen.

11-1-2008


TÔI / BÁC

Ðây là bài thơ Hồ Chí Minh làm khi đến thăm đền thờ Trần Hưng Ðạo. Khẩu khí thì có. Nhưng khẩu khí của một phường vô giáo dục, vô lễ với tiền nhân, huênh hoang tự cao tự đại, đòi ngang hàng với Ðức Thánh Trần thì đúng hơn.

Dám khoe dắt năm châu tới đại đồng là khoe láo. Không hề có chuyện năm châu tới đại đồng nhờ tay của họ Hồ. Con người duy vật này vẫn đòi linh hồn người quá vãng cười cho một tiếng để khen chàng cách mạng thành công.

Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng
Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung
Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Rằng tôi cách mạng đã thành công

Hỗn đến thế là cùng.

Ông Trần X. Irvine, California

Nguyễn Hoàng không thể đọc là Nguyễn Huỳnh được. Chính vì tên của vị chúa Nguyễn này là Hoàng mà ở miền nam đọc Hoàng thành Huỳnh để kiêng. Nay đọc Nguyễn Huỳnh là Nguyễn Hoàng thì còn gì là kỵ húy nữa.

Chữ "ta" đi sau các chữ ông, bà, anh, cô, hắn, chị... làm cho những đại danh từ kể trên mất đi nhiều sự tôn kính. Tự điển Lê Văn Ðức ở trang 1329 cũng ghi chú như thế.

Không thấy chữ này xuất hiện sau "cụ".

Trong những chữ như nước ta, nhân dân ta, đảng ta... thì "ta" lại không mang ý nghĩa khinh thường mà chỉ là nỗ lực tạo sự thân mật.

"Chị em ta" là tiếng lóng để gọi các phụ nữ làm điếm. Những chữ này ra đời khoảng cuối đệ nhất cộng hòa để diễu những chữ "chị em phụ nữ chúng ta" mà bà Ngô Ðình Nhu hay dùng.

Trong một bài phỏng vấn của một chương trình phát thanh quốc tế, người trả lời những câu hỏi về cuộ c vận động tranh cử ở Hoa kỳ luôn luôn dùng những chữ "ông ta" và "bà ta" khi đề cập đến các ứng viên của Dân Chủ và Cộng Hòa.

Ổng, ảnh, chỉ, bả của miền Nam thì không hàm ý bất kính.

Một độc giả ở Ohio

Ông trẻ là em trai hoặc em rể của ông hoặc bà, cả nội lẫn ngoại.

Bà trẻ là vợ lẽ của ông nội hoặc ông ngoại. Bà trẻ cũng là em gái hay em dâu của ông bà nội ngoại.

Bất thình lình cũng có nghĩa là thình lình. Lối ghép như thế này cũng thấy trong trường hợp đánh thắng và đánh bại. Cả hai đều cùng một nghĩa.

Cấm không và cấm đều là một. Thí dụ cấm đi cũng là cấm không cho đi.

Da trắng vỗ bì bạch có người đối là rừng sâu mưa lâm thâm.

Không chỉnh vì đối với "bì" phải là một tiếng trắc trong khi "lâm" là tiếng bằng.

Ngoài ra, lâm thâm cũng khiên cưỡng. Chúng ta nói mưa lâm râm chứ không nói mưa lâm thâm.

11-7-2008


F… OFF

Một học sinh của một trường trung học ở nước Anh đã viết một bài luận chỉ dài có hai chữ nhưng vẫn không bị cho zero mà cũng không bị phạt vì đã dùng hai chữ tục tĩu thường chỉ được dùng để chửi thề.

Ðề luận của em là hãy mô tả căn phòng em đang ngồi ở trong (Describe the room you are sitting in). Học sinh này viết vỏn vẹn hai chữ (đầy đủ, không viết tắt): F… OFF.

Giáo sư chấm bài nói rằng ít nhất học sinh này đã viết đúng chính tả của hai chữ. Vì thế, ông không thể cho em zero được.

BẢNG SỐ TỤC TĨU?

Tiểu bang North Carolina vừa gửi thư cho khoảng 10 ngàn chủ xe đăng bộ tại tiểu bang thông báo bảng số xe của họ cần được thay bằng những bảng mới vì những bảng cũ lưu hành từ mấy năm nay thì nay bị coi là tục tĩu.

Ðó là những bảng số có những chữ WTF.

Theo các thanh thiếu niên gửi text cho nhau qua điện thoại thì WTF là viết tắt của WHAT THE F…

Text Messages có một thứ ngôn ngữ riêng, thường là viềt tắt cần phải quen mới hiểu:

HAND là Have A Nice Day

LOL là Laugh Out Loud

LOL cũng là LOTS OF LOVE

J2LYK là JUST TO LET YOU KNOW

POS là PARENTS OVER SHOULDER

SEE YOU LATER là CU

TT4N là TATA FOR NOW

JJ là JUST JOKING

JK là JUST KIDDING

Trên đây chỉ là một vài thí dụ.

CÂY MUỐN LẶNG GIÓ CHẲNG MUỐN ÐỪNG

Nguyên chữ Hán là "thụ dục tịnh nhi phong bất đình". Câu này là của Tử Lộ than thở với Khổng Tử về chuyện khi ông (Tử Lộ) thành công thì cha mẹ đã qua đời, không báo hiếu được. Khi còn hàn vi, Tử Lộ phải đội gạo nuôi cha mẹ nhưng khi ông làm quan cho nước Sở, xe ngựa hàng trăm, lúa gạo đầy nhà thì không còn cha mẹ nữa.

Thực ra, câu của Tử Lộ còn một đoạn sau nữa: tử dục dưỡng nhi thân bất đãi nghĩa là con mong báo hiếu cha mẹ thì mẹ cha đã thác rồi.

Nhưng tự điển của Ðào Duy Anh chỉ dùng một vế đầu và giải thích là con cái nghĩ đến báo dáp cha mẹ mà cha mẹ mất rồi (trang 438).

Câu "cây muốn lặng gió không muốn đừng " người Việt thường hiểu là một phía muốn yên lành nhưng phía bên kia không để cho yên. Cũng có khi được dùng để nói tới một hoàn cảnh không thuận lợi như trong mấy câu ca dao quan họ sau đây:

Mặt trời đã xế về non
Trách ông Tơ hồng cùng bà Nguyệt Lão đa đoan nửa chừng
Cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng

LANG BẠT KỲ HỒ

Lang là con chó sói; bạt là nhẩy qua;  là của nó; hồ là miếng da ở dưới cằm. Lang bạt kỳ hồ là hoàn cảnh lúng túng như con chó sói không nhẩy qua được miếng da dưới cổ của nó. Nhưng người Việt Nam lại hiểu là lang thang không có chỗ ở cố định:

Trách thân lang bạt kì hồ
Buồm xiêu vì gió, trăng mờ vì mây 
(ca dao)

CỐ ÐẤM ĂN XÔI

Theo tục xưa của Trung quốc, trong ngày cưới, bà mối được nhà trai thuê đến tận nhà cô dâu để cõng cô dâu ra kiệu về nhà chồng. Cô dâu (giả bộ) không muốn rời nhà cha mẹ nên ngồi trên lưng bà mối vẫn phản đối kịch liệt bằng cách đấm thùm thụp vào lưng bà mối chứ không lẽ cười tươi rói?

Bà mối chịu cho cô dâu đấm nhưng ra tới kiệu thì được thưởng.

Người Việt hiểu là chịu đau, chịu nhục, chỉ cốt được ăn, kiếm được tiền.

Hồ Xuân Hương cũng hiểu theo cách này:

Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công

GẢ

Ðộng từ này đã bị các chuyên viên chuyển âm phim Tầu dùng sai rồi một số người xem phim bộ dùng sai luôn để có nghĩa là lấy, thành hôn (tôi muốn gả ai, tôi gả người đó).

Gả thực ra có nghĩa là làm lễ gia tiên, cử hành hôn lễ để cho con gái, em gái hay cháu gái về nhà chồng.

Gả chồng chứ không bao giờ là gả vợ.

Con trai thì cưới vợ.

Cũng nói là dựng vợ, gả chồng cho các con (trai và gái).

ÁO GẤM VỀ LÀNG / ÁO GẤM ÐI ÐÊM

Những chữ này được lấy từ một bài đồng có ý hối thúc Hạng Võ bỏ Hàm Dương thiên đô về Bành Thành:

Kim hữu nhất nhân
Cách bích diêu linh
Chỉ văn kì thanh
Bất kiến kì hình
Phú quí bất hoàn hương
Như y cẩm dạ hành

(Có một người cách bên kia tường rung cái chuông, chỉ nghe tiếng chuông mà không nhìn thấy mặt, giàu sang không về làng thì cũng như mặc áo gấm mà đi đêm)

Về Việt Nam bằng Boeing 747 là mặc áo gấm về làng.

ĂNG LÊ TRUNG QUỐC

Nhà cầm quyền Trung quốc đã cố gắng sửa chữa những lỗi văn phạm và chính tả trên các bảng hiệu, bảng dường nhưng vẫn chưa sửa được hết. Những người không đọc được chữ Hán, chỉ biết tiếng Anh thì sẽ sống như thế nào với thứ tiếng Anh này:

Please do not feed the fishes with your private chắc người viết định nói là đừng cho cá ăn bằng thức ăn của quí vị trong khi người đọc thì hiểu là đừng cho cá ăn bộ phận riêng tư của quí khách.

Please do not throw anything & toilet paper into the toilet bowel: Xin đừng bỏ bất cứ gì kể cả giấy đi cầu vào ruột già (bowel là ruột/ bowl là cái chậu, cái tô, cái bồn cầu)

Take care to fall into water: Coi chừng ngã xuống nước có thể hiểu là cẩn thận ÐỂ té xuống nước.

Slip carefully: Cẩn thận trượt té có thể hiểu là hãy trượt té một cách cẩn thận.

Please no conversation & no saliva: Xin đừng nói lớn và đừng khạc nhổ có thể hiểu là xin đừng đối thoại và nước bọt.

If you are stolen call police at once Nếu bị trộm, gọi cảnh sát ngay có thể hiểu là nếu bạn bị kẻ trộm bắt đem đi thì gọi cảnh sát ngay

Having fun prohibited: Cấm đùa nghịch hay cấm vui chơi?

This WC is free of washing

Please leave off after pissing and shitting

Cầu tiêu tự động làm sạch. Xin đi ra sau khi đái và ỉa (thanh tao dữ!)

Please don’t touch yourself

Let us help you to try out

Ðịnh nói là xin đừng tự tiện lấy hàng hóa xuống, để chúng tôi giúp có thể hiểu là xin đừng sờ mó mình, để chúng tôi giúp làm thử.

12-9-2008


Ông Châu Minh, Westminster, California

Redneck là danh từ để chỉ những người da trắng thuộc giai cấp kinh tế thấp tại Hoa kỳ và Canada. Nguyên thủy, chữ này được dùng để nói về những người sống trong vùng núi Appalachians và núi Rocky, các tiểu bang như West Virginia, Kentucky, Tennessee, Louisiana...

Một cách giải thích chữ redneck là những người thuộc thành phần lao động chân tay, làm việc ngoài trời, đứng dưới nắng cả ngày nên cổ bị nóng, cháy nắng, da có mầu đỏ. Nói những người này kỳ thị chủng tộc thì không đúng. Có thể là một số. Những người này thường là da trắng, lợi tức thấp và rất hòa đồng với những người nghèo thuộc các thành phần di dân, da đen hay những thành phần thiểu số khác.

Blue-collar worker là người công nhân làm việc lao động tay chân.

White-collar worker là thành phần lao động bàn giấy, trí thức.

Leather Necks là tên gọi các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ.

Tsk tsk tsk

Là tiếng chậc lưỡi dùng để bầy tỏ sự khinh bỉ, bực bội, sốt ruột. Cũng có khi viết là tsktsk.

Ông Phạm T. H. Buffalo, New York

Tiếng Anh cũng có thể nói lái (spoonerism), nhưng không nhiều và không dễ như tiếng Việt.

Shake a tower nói lái thành take a shower

A well oiled bicyle nói lái thành a well boiled icicle

Our dear old queen nói lái thành our queer old dean

You wasted two terms nói lái thành you tasted two worms

Ðây là một nhóm chữ nói lái khiến một xướng ngôn viên đài phát thanh BBC (tương truyền) bị mất việc:

Les populations du Cap nói lầm thành les copulations du pape.

BUMPKIN / PUMPKIN

Bumpkin là một người thô lỗ, cục cằn thiếu nét thị thành, văn minh.

Chữ này nguyên gốc từ tiếng Hà Lan, thoạt đầu để chỉ những người Hà Lan quê mùa sống ở đông bắc Hoa kỳ.

Pumpkin là quả bí đỏ.

Platonic love tiếng La Tinh là amor platonicus, là một liên hệ tình cảm không có khía cạnh xác thịt hay dục tính ở trong.

Danh từ amor platonicus có từ thế kỷ 15, cũng có khi được gọi là amor socraticus. Nhà triết học Platon đã thảo luận về liên hệ tình cảm không dục tính này trong những đoạn đối thoại giữa ông và các môn sinh và được ghi lại trong cuốn Symposium.

Phạm trù và phạm vi

Phạm trù là hình thức căn bản để suy nghĩ (category)

Phạm trù hệ là schematism. Phạm trù phụ là post predicament. Phạm trù tiên thiên là category a priori.

Phạm vi là trong vòng giới hạn của sự vật (sphere, field, scope, domain)

Ông Nguyễn Văn Mai, Garden Grove, California

Tam thiên là ba lần dọn nhà. Truyện kể khi còn nhỏ, Mạnh Tử đã phải dọn nhà ba lần, đến lần cuối, thân mẫu mới vừa ý, ở lại để nuôi Mạnh Tử. Hai chỗ trước đó, chợ và nghĩa địa) là những nơi có thể ảnh hưởng xấu cho Mạnh Tử.

Tam thiên thế giới là những chữ trong Phật giáo dùng để chỉ thế giới chúng ta hiện đang ở.

Khoáng phu là con trai lớn tuổi mà chưa có vợ. Oán nữ là con gái lớn tuổi mà chưa xuất giá.

Tảo tần nguyên có nghĩa là hai loại rau mọc dưới nước dùng để làm đồ tế lễ. Trong Kinh Thi có hai câu thơ ca ngợi người vợ hiền dâu thảo chăm lo hái hai loại rau này về cúng tổ tiên. Vì vậy, hai chữ này, tảo tần hay tần tảo, cũng được dùng để chỉ đức tính đảm đang việc nhà của người phụ nữ.

Khứ Thế

Tùy theo cách viết, khứ thế là bỏ đời, là chết. Khứ thế còn có nghĩa là thiến dái.

Khi Lê Duẩn chết, báo Nhân Dân ở Bắc kinh viết: Lê Duẩn Việt Nam lãnh thủ nhân khứ thế... Người đọc có thể hiểu thế nào cũng được.

13-6-2008


Một độc giả hỏi qua e-mail của đài Little Saigon Radio:

Khủng là sợ, làm cho sợ. Bố là sợ.

Khủng bố là sợ, là làm cho người khác phải sợ.

Cô Nguyệt Vũ, Seattle

Cây muốn lặng gió không muốn đừng là câu dịch từ một câu chữ Hán:

Thụ dục tịnh nhi phong bất chỉ

Câu này nhiều người hiểu là một phía muốn yên lành, phía bên kia tìm đủ mọi cách để gây sự. Nhưng thực ra, ý nghĩa của câu này là con cái nghĩ đến chuyện đền đáp cha mẹ thì cha mẹ đã chết rồi.

Trường hợp ông Barak Obama rất đúng với câu này. Cha ông chết tại Nairobi năm 1982 và thân mẫu cũng qua đời mấy năm trước. Cả hai đều không sống được đến ngày ông Obama vinh hiển, để ông đền đáp công sinh thành.

Linh Mục Ðỗ, Texas

Cám ơn linh mục đã gửi cho mẫu cáo phó mà linh mục cho là đúng và hợp lý nhất:

Trong niềm tin vào Chúa Ki Tô Phục Sinh, gia đình chúng tôi xin trân trọng kính báo...

Cụ XYZ

Ðã hòan tất cuộc đời trần thế và được Chúa đón về lúc...

Tang gia đồng kính báo.

Linh mục cũng đồng ý là không nên viết "Ðau đớn báo tin người thân đã được Chúa gọi về". Ðược Chúa gọi về là một ân sủng thì tại sao phải đau đớn.

Cũng như trường hợp người quá cố gặp phải một cái chết quá bi thảm và tàn khốc thì cũng không nên nói là "được Chúa gọi về".

Ông Nguyễn Bích, Garden Grove, California

Xin thú thực chúng tôi không hiểu ý nghĩa của đoạn tiếng Anh ông gửi cho đọc:

Who sell their friends’ bodies
Who rule violent and cruel
To lower the value of human beings?
After we are changed our fates
We live as like as the orang-outans
That run any where
For the whirlwind disturbs the jungle.

Nếu cố gắng lắm thì cũng chỉ có thể tạm hiểu là:

Người nào bán thân thể của bạn bè của họ
Người nào cai trị bạo động và độc ác
Ðể hạ thấp trị giá của con người
Sau khi chúng ta thay đổi số phận của chúng ta
Chúng ta sống như đười ươi
Chạy khắp nơi
Vì gió lốc làm xáo trộn khu rừng

Ðó là chưa nói đến những lỗi văn phạm đầy rẫy trong mỗi dòng. Nhất định không phải là của một tác giả Anh hay Mỹ nào. Xin chịu thua.

Câu "A preposition is not a good word to end a sentence with" có người nói là của Bernard Shaw, có người nói là của Winston Churchill. Câu này hài hước ở chỗ vừa nói là không nên dùng giới từ ở cuối câu thì chính người nói câu đó lại dùng giới từ "with" để đặt ở cuối câu.

14-3-2008


Ông R. Trần, Houston, Texas

LA SIẾT

La siết là tiếng mượn của Pháp ngữ: la sieste. Nhưng danh từ la sieste trong tiếng Pháp cũng lại được mượn từ một danh từ của tiếng Tây Ban Nha. Rồi chính danh từ siesta của tiếng Tây Ban Nha cũng lại được mượn từ tiếng La Tinh: hora sexta (hora là giờ; sexta là thứ sáu). Tính từ lúc mặt trời mọc là 6 giờ, cộng thêm với 6 tiếng nữa là 12 giờ trưa, do đó, hora sexta.

La siết là giấc ngủ ngắn buổi trưa, thường là sau bữa trưa. Tục này là của các nước thuộc vùng nhiệt đới, thời tiết buổi trưa rất nóng, khó làm việc nên người ta nghỉ tay làm một giấc.

Ngày nay, ở các nước thời tiết không quá nóng, nhiều người cũng ngủ một giấc ngắn vào buổi trưa. Cố thủ tướng Anh Winston Churchill hay nói về những giấc ngủ ngắn buổi trưa của ông mà ông gọi là power nap.

Chữ Hán gọi là trú tẩm: trú là ban ngày; tẩm là ngủ.

Thất Xuất

là bẩy tội (!) của các phụ nữ ngày xưa để có thể bị chồng bỏ: không con, dâm dật, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông và bị các trọng bệnh không chữa được.

Mưa Ngâu

Ngâu là cách phát âm khác của Ngưu. Ngưu Lang là chồng của Chức Nữ. Ngưu Lang là người chăn trâu.

Mưa Ngâu là những trận mưa lớn, dai dẳng trong tháng Bẩy, tháng tương truyền Trời cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, hai bên mừng rỡ khóc làm mưa xuống trần. Thường nói là mưa Ngâu, ít khi nói là mưa Ngưu.

Con Trời lấy chú chăn trâu cũng buồn (Tản Ðà)

Bà Mai Hương Anguyen2@css.ocgov.com

Tuần có nhiều nghĩa khác nhau:

Tuần là 10 ngày trong một tháng. Thượng tuần từ mồng 1 đến mồng 10; trung tuần từ 11 đến 19; hạ tuần từ 20 đến 30.

Khi nói về tuổi tác thì tuần là 10 năm. Thí dụ ngũ tuần là 50 tuổi, thất tuần là 70 tuổi.

Tuần còn có nghĩa là lễ cúng người chết trong thời gian 100 ngày kể từ khi chết. Có tuần 7 ngày, tuần 21 ngày, tuần 49 ngày, tuần 100 ngày.

Như vậy, trước thất tuần (49 ngày) cũng có cúng tuần cho người chết chứ không phải là không.

Theo Ðào Duy Anh trong Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, các gia đình theo Phật giáo thì sau khi thân nhân chết, cứ 7 ngày lại làm một tuần chay, làm đủ bẩy tuần, đến ngày thứ 49 thì làm lễ chung thất. Các gia đình không theo Phật giáo thì làm lễ 50 ngày rồi đến lễ 100 ngày. Sau một năm thì làm lễ tiểu tường tức là giỗ đầu, sau hai năm thì làm lễ đại tường tức là giỗ hết. Ðủ 27 tháng thì làm lễ đoạn tất, hay trừ phục là hết tang.

Xin đọc thêm Văn Minh Việt Nam của Lê Văn Siêu. Các tác phẩm của Toan Ánh như Nếp Cũ, Tín Ngưỡng Việt Nam, Phong Tục Việt Nam đều đề cập đến tục tế lễ của chúng ta.

Cô Bẩy Ða Kao, Falls Church, Virginia

Xin thú thực là chúng tôi cũng không biết dáng huyền nghĩa là gì.

Huyền là một loại khoáng vật có mầu đen nhánh. Huyền được dùng kép với một danh từ khác để thành mắt huyền (mắt đen), tóc huyền (tóc đen), hạt huyền, vòng huyền.

Nhưng dáng huyền thì không biết như thế nào. Không lẽ là bóng đen. Dáng huyền chắc là dáng của một phụ nữ đẹp.

Bóng hồng là chữ để chỉ người phụ nữ đẹp:

Bóng hồng nhác thấy nẻo xa (Kiều)

Chôm chôm tiếng Pháp là litchi chevelu (vải có lông).

Litchi hay letchi là Pháp hóa danh từ lệ chi, trái vải, của Trung quốc.

Longane là nhãn, do long nhãn (mắt rồng) của tiếng Hoa.

Lyncher, lynchage, lynch là những chữ mượn từ tiếng Mỹ.

Lynch nguyên là tên của một thẩm phán ở Bedford thuộc Virginia. Năm 1780, cướp bóc hoành hành ở vùng này dư dội, một số bị bắt được đưa tới Williamsburg để xét xử nhưng dọc đường phần lớn được đồng bọn chặn đường giải thoát. Thẩm phán Charles Lynch liền nghĩ ra cách để dẹp trộm cướp bằng cách đem xử tại chỗ, không đưa ra tòa nữa, đem treo cổ ngay.

To lynch (Loie de Lynch) là luật công chúng gia hình. Ở miền nam nước Mỹ trước đây cũng xẩy ra những vụ xử bằng cách treo cổ, không cần đưa ra tòa những người nô lệ da đen phạm tội.

Mới đây ở một vài nơi có những vụ đem treo những chiếc thòng lọng để hăm dọa, hay cũng có thể là để lăng mạ người Mỹ da đen ở trường học, sở làm. Những vụ này được coi là những hành động kỳ thị dựa trên thái độ thù ghét người da đen (hate crime) và có thể bị truy tố, phạt nặng.

To win (with) hands down là một thành ngữ xuất xứ ở trường đua. Khi người dô kề không cần phải lấy tay ghì cương và vung roi lên quất cho ngựa chạy nhanh mà vẫn thắng thì đó là to win hands down.

15-2-2008


Ông Trần Huỳnh,

Vào chữ A, ra chữ Ất là gì?

Chữ A trong câu này không phải là chữ A quốc ngữ, mà là chữ Hán. Chữ này trông giống như chữ "Y".

A, theo các tự điển của Nguyễn Văn Khôn và Ðào Duy Anh, nghĩa là vật trông giống như cái chĩa hai.

Chữ Ất viết gần giống chữ "chi" hay chữ Z của mẫu tự Tây phương.

Ðây là cách tế lễ lúc vào thì đi theo kiểu chữ A, lúc ra thì đi chữ Ất.

Ðồng ý với ông ấn phí là tiền in. Tiền in thì không thể là $18.00 cho một cuốn sách như thế. Tại sao không đề "giá bán" $18 như chúng ta đã dùng từ bao nhiêu năm nay? Tiền in chỉ khoảng 2 hay 3 Mỹ kim. Nhưng phải bán với giá 18 Mỹ kim tác giả và nhà sách mới có lời.

Liệt trong những chữ liệt vị, liệt quí vị có nghĩa là những.

Gió đông/ đông phong không có nghĩa là gió mùa đông mà là gió từ phương đông thổi tới:

Ðào hoa y cựu tiếu đông phong là hoa đào giống hệt như cũ vẫn cười trong gió đông.

Lúc Thôi Hộ trở lại kiếm người đẹp thì trời đang xuân, không thể là gió mùa đông được nữa.

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Kiều)

Cụ Nguyễn Thủ New Orleans, Louisiana

Bản dịch Anh ngữ bài Lương Châu Từ của Vương Hàn chúng tôi cũng có đọc qua và thấy bản dịch rất khác với nguyên bản:

They sing, they drain their cups of jade
They strum on horseback their guitars
Why laugh when they fall asleep drunk on the sands?
How many soldiers ever come home?

Hiểu theo bản tiếng Anh của Witter Bynner thì phải là: họ hát, họ cạn những cái chén ngọc / họ ngồi trên lưng ngựïa gẩy đàn / tại sao lại cười khi họ say rượu và ngủ trên cát / có bao nhiêu người lính trở về được nhà?

Nguyên tác chữ Hán:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Câu thứ hai phải hiểu là chưa uống vì dục ẩm là muốn uống, chỉ mới muốn thôi; tì bà mã thượng thôi là đàn tì bà đã dục lên ngựa. Như vậy là mới toan uống thì đã nghe tiếng đàn tì bà thôi thúc lên ngựa. Trong khi bản tiếng Anh của Witter Bynner thì lại khiến cho người đọc hiểu là đã uống cạn (drain). Ðàn tì bà là của người đi tiễn gẩy lên để dục người chiến sĩ lên yên ngựa chứ không phải là người chiến sĩ cầm đàn gẩy trong khi ngồi trên lưng ngựa như bản tiếng Anh.

Câu thứ ba và thứ tư phải hiểu là bạn cười người (chiến sĩ) say rượu nằm trên bãi chiến trường (nhưng) từ xưa dến nay trong chiến tranh, có người nào trở về.

Bản dịch tiếng Anh lại làm người đọc hiểu là tại sao lại cười khi những người lính say rượu nằm ngủ trên cát? Có được bao nhiêu người lính trở về nhà?

Trần Trọng San dịch sang tiếng Việt:

Rượu bồ đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu?

Mã thượng là trên lưng ngựa. Mã thượng bất tri mã hạ khổ nghĩa là ngươi ngồi trên lưng ngựa thì không biết người đi bộ ở dưới khổ thế nào.

Thượng mã là lên ngựa.

Mã thượng và thượng mã cùng có thể hiểu là ở trên lưng ngựa.

Mã thượng thôi (dục giã, thôi thúc, hối thúc) nghĩa là tiếng đàn hối thúc người chiến sĩ lên ngựa.

Nhưng mã thượng lại còn có nghĩa là lập tức. Tự điển của Linh Mục Trần Văn Kiệm giải thích câu thứ hai là vừa muốn uống lập tức có tiếng tì bà giục uống (trang 811).

Chúng tôi e là không đúng.

Ông Thanh Châu tchau120@yahoo.com

Cám ơn ông đã cho biết thêm chi tiết về ông già Ba Tri. Chúng tôi cũng đã có lần nghe tên ông Thái Hữu Kiểm một mình từ Ba Tri lặn lội ra Huế để kiện và thắng vụ đắp con đập Bến Dứa tại xã Vĩnh Hòa trên sông Ba Tri. Khi trả lời câu hỏi về ông già Ba Tri, chúng tôi chỉ dựa vào tự điển của Lê Văn Ðức nên thiếu mất chi tiết ông nhắc. Xin đa tạ.

Cô Trịnh Thu Hà thuhatrinh369@yahoo.com

Tiền bối là người trước. Tiền là trước. Bối là phe, bọn, những người.

Ông N.X.T. Fairfax, Virginia

Nhà xí / nhà xia đều là nhà cầu, cầu tiêu.

 là chữ Hán.

Xia mượn từ tiếng Pháp: chier.

Chierie là chuyện làm bực tức. Không nên lầm với chéri / chérie là cục cưng, người yêu dấu.

Chérie des dames là người có duyên với phụ nữ, nhiều đào, số đào hoa.

Nga Sô hay Nga Xô?

Nga Xô chứ không phải là Nga Sô. Liên Xô chứ không phải là Liên Sô. Liên Bang Xô Viết không phải là Liên Bang Sô Viết.

Tất cả đều phải viết bằng "X".

Hai chữ Nga Xô vẫn còn được một số báo chí và đài phát thanh Việt ngữ dùng để chỉ lãnh thổ của ông Vladimir Putin mặc dầu Liên Bang Xô Viết đã bị giải thể từ ngày mồng 8 tháng 12 năm 1991 với bản hiệp ước Belevezha ký giữa tổng thống Nga, Ukraine và Belarus.

Nước Nga của ông Putin ngày nay tên gọi chính thức là Liên Bang Nga, không còn là Nga Xô nữa.

15-8-2008


Nguyễn Ngọc Hạnh, UCI

"Gã" trong cách dùng xưa như cụ Nguyễn Đình Chiều đã dùng ở đoạn cô nêu trong thư (... cảm thương hai GÃ nữ nhi mắc nàn...), là một quán từ đi trước cả nam lẫn nữ.

Nhưng việc dùng "gã" làm quán từ đi trước danh từ "nữ nhi" rõ ràng là ngày nay không còn thông dụng nữa.

Đại danh từ "hắn" thường dược dùng thay thế cho một người đàn ông. Nhưng ở một số vùng miền Trung, đại danh từ "hắn" được dùng cho cả hai giới.

Danh từ "bọn" thời ông Tản Đà được dùng cả trường hợp này: "Bọn các cụ..." Bây giờ không dùng như vậy nữa.

Danh từ "guy" trong tiếng Anh đang càng ngày càng được dùng cho cả nam lẫn nữ mặc dù cách đây mấy chục năm, "guy" là phái nam như trong tựa của một vở nhạc kịch ỏ Broadway: Guys And Dolls.

BHHoang@technip.com

Trưng và chưng theo các tự điển của Lê Văn Đức và Trần Văn Kiệm đều đúng trong trường hợp trưng / chưng bầy.

Chưng có nghĩa là nấu, hấp cách thủy nên bánh chưng, không thể là bánh trưng.

Trưng trong chữ Hán nghĩa là vời đến, thu thuế, chứng cứ.

Chưng là khí lửa bốc lên như chưng khí cơ quan nghĩa là máy hơi nước.

Cụ độc giả ở Fountain Valley

Ca khúc One Day When We Were Young (Wer Uns Getraut) là lời ca Anh ngữ do Oscar Hammerstein II viết cho nhạc kịch The Great Waltz của Dimitri Tiomkin. Phần nhạc là của Johan Strauss.

One day when we were young
One wonderful morning in May
You told me you loved me
When we were young one day
Sweet songs of spring were sung
and music was never so gay
You told me you loved me
When we were young one day
You told me you loved me
And held me close to your heart
We laughed then, we cried then
Then came the time to part
When songs of spring are sung
Remember that morning in May
Remember you loved me
When we were young one day
We laughed then, we cried then
Then came the time to part
When songs of spring are sung
Remember that morning in May
Remember you loved me
When we were young one day

16-5-2008


Ông Lê Thanh Anh thanhanhle@gmail.com

Sự lập thành các thành ngữ mà ông nêu trong thư không có một qui luật nào rõ rệt được ghi lại trong các sách văn phạm Việt ngữ. Những chữ đó, có thể tạm giải thích là nếu có sự cấp bách, khẩn thiết, quan trọng đòi hỏi sự nhanh chóng thì chúng ta dùng động từ "chạy" như chạy ăn (chạy ăn từng bữa toát mồ hôi / Trần Tế Xương); chạy gạo; chạy chọt; chạy tang; chạy bữa; chạy áp phe...

Những việc không cần phải gấp gáp, cấp thiết thì, như ông viết trong thư, tiếng Việt dùng "đi" như đi đêm, đi khách, đi hàng hai, đi ngang, đi tắt...

Ông Tuấn Nguyễn tuan nguyen0512@yahoo.com

Cũng như ông, chúng tôi chịu thua không biết cái "sáng linh lan" là cái gì. Những chữ này cũng làm cho nhiều người khác thắc mắc như ông. Thôi thì ông cứ nghe đi. Thích thì nghe tiếp. Không thích thì làm chuyện khác. Chúc ông vui, không vì cái sáng lạ lùng ấy làm bận tâm quá nhiều.

Cô My HL Westminster, California

Cám ơn cô đã giúp chỉ cho những sai sót. Những trùng hợp giữa tổng thống Kennedy và Lincoln là những chi tiết có thật đến rợn người.

Về việc chính phủ Pháp nói rằng tai nạn hạt nhân ở Chernobyl làm gia tăng con số người bị ung thư tại Pháp là một điều có thật. Người ta tìm thấy phóng xạ trong sữa bò ở Hà Lan, ở Anh. Nhưng con số ấy không cao như con số chết vì ung thư tại Ukraine. Tai nạn hạt nhân tại lò số 4 được coi là cấp 7, mức phóng xạ nhiều gấp 40 lần quả bom ở Quàng Ðảo (Hiroshima).

Thuận Phan Thuan.Phan@entropic.com

Lời Dâng là bản dịch Việt Ngữ của tập Gitanjali. Tác giả là Rabindranath Tagore, không phải của Kahlil Gibran.

Tagore là người Băng Gan. Nhưng cả Ấn độ lẫn Pakistan đều nhận ông là người của các xứ này. Gibran ra đời tại Li Băng nhưng sống nhiều năm ở Mỹ. Có đi thăm Washington DC, cô nên đến viếng đài kỷ niệm Kahlil Gibran. Tập thơ được nhiều người biết đến nhất của Gibran là The Prophet.

Thơ Tagore tình ái hơn trong khi thơ Gibran có nhiều nét siêu hình và tôn giáo hơn.

Ông Mai Hà, Pomona, California

Vằn thắn, hoành thánh, oằn thắn là từ chữ hồn đồn mà ra. Hồn là thịt bằm.

Hồng trà người Anh gọi là trà đen, black tea.

Dốt đặc còn hơn là hay chữ lỏng nghĩa là thà không biết gì còn hơn là biết mà biết lỗ mỗ, biết sai.

Ông Vo Thi Danh

Văn mình vợ người là thái độ nhìn sự việc của khá nhiều người.

Tục tĩu hơn thì nói là cứt ai vừa mũi người ấy.

Văn của mình thì mình coi là hay nhất, vợ của người thì bao giờ cũng đẹp hơn, xinh hơn. Ðây là câu trên được diễn thành lục bát:

Xưa nay thế thái nhân tình
Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay

Chúng tôi cũng nghe một cách diễn khác:

Thế gian lắm chuyện nực cười
Văn mình thì đẹp, vợ người thì xinh.

Cách giải thích của thành ngữ "mút mùa Lệ Thủy" mà ông nêu ra có lẽ không đúng. Cô Ngô Ðình Lệ Thủy có thể nổi tiếng về chuyện khác, nhưng không bao giờ nổi tiếng ăn chơi để làm phát sinh ra thành ngữ ăn chơi mút mùa Lệ Thủy. Vả lại, nếu có lối nói đó ở bên Pháp thì nó cũng không về đến Việt Nam và lan ra rộng như thế. Chúng tôi biết cô sống rất ngoan ngoãn.

18-1-2008


MÔ-HAM

Tên của nhà văn Anh William Somerset Maugham (1874-1965) đọc là moom, không là mô gam mà cũng không là mô ham.

THÁNG CHẠP

Tháng Chạp là tên gọi khác của tháng Mười Hai, tháng cuối năm âm lịch, sau tháng Mười Một (còn gọi là tháng Một). Tháng thứ nhất của năm, thì được gọi là tháng Giêng.

Tại sao gọi là tháng Chạp?

Chạp là tế lễ trong tháng cuối của năm âm lịch.

Chạp mả là lễ đi thăm mộ vào cuối tháng tháng cuối của năm âm lịch.

Chạp tổ là ngày cúng tổ tiên trong tháng cuối của năm.

Cụ Thông, Annaheim, California.

Chúng tôi đã nói chuyện này nhiều lần, nhưng vẫn còn có nhiều người làm như thế thì biết làm sao.

Không thể đau đớn, khổ sở về một chuyện đầy ân sủng, hạnh phúc là được Chúa gọi về, cho an nghỉ trong lòng Chúa được. Không thể coi chuyện một người được Chúa gọi về, cho hưởng nhan thánh Chúa là một tin buồn được.

Cách viết trong những cáo phó nói là thông báo tin buồn một cách đau đớn khi Chúa gọi một người về là nói xấu Chúa, nói là Chúa không nhân từ. Chúa gọi một người về mà đem tin ấy báo cho người khác biết một cách đau đớn mà nghe được ư?

Những điều này là chúng tôi nghe được từ mấy chục năm trước khi còn học Triết ở trung học với linh mục Trần Văn Hiến Minh, một người chúng tôi rất yêu mến và quí trọng nên rất mong khi nhắc lại những điều vừa kể sẽ không bị đổ cho cái tội nói xấu những người theo tôn giáo bạn.

18-7-2008


Cụ Nguyễn Hoàn, New York

Hai câu ca dao

Số đâu có số lạ lùng
Con vua lại lấy hai chồng làm vua

là để nhắc lại chuyện công chúa Lê thị Bình, con vua Lê Hiển Tông em của công chúa Ngọc Hân.

Công chúa Ngọc Hân lấy Nguyễn Huệ có với Nguyễn Huệ hai con, một trai, một gái thì Nguyễn Huệ qua đời.

Lê thị Bình lấy vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) là con vợ trước của Nguyễn Huệ. Khi vua Cảnh Thịnh chết, bà Lê thị Bình lấy Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) và có với vua Gia Long bốn con là Nguyễn Phúc Quân, Nguyễn Phúc Cự và hai công chúa Ngọc Ngôn và Ngọc Khuê.

Con vua lại lấy hai chồng làm vua.

Con vua là con vua Lê Hiển Tông. Hai chồng làm vua là vua Cảnh Thịnh và vua Gia Long.

Cuộc đời của công chúa Lê thị Bình quả là lạ lùng như câu ca dao.

Ông Trần Vinh Phúc

Xin lỗi đã làm thất lạc bức thư của ông đúng một năm (thư đề ngày 7 tháng 7 năm 2007). Ðến hôm nay tôi mới tìm thấy trong đống sách vở bề bộn, xin trả lời mấy câu ông hỏi:

Castles in the air are all right until we try to move in them nghĩa là lâu đài xây trên không thì cũng được đấy, cho đến khi chúng ta tìm cách dọn vào trong để ở.

Nghĩa bóng là khi yêu nhau, thề non hẹn biển, hứa hẹn đủ điều, mơ ước đủ thứ nhưng đến khi chạm phải thực tế thì mới vỡ mặt.

Castles in the air hình như đã xuất hiện trong ca khúc Tạ Từ của Tô Vũ:" …lầu chiều còn luyến ánh hồng, lầu xây trong không, sóng gió rót chia ly …"

Tempus fugit là tiếng La Tinh nghĩa là thời giờ bỏ chạy (time flees) nhưng thường được dịch là thời gian bay vun vút (time flies)

"Thời gian tựa cánh chim bay " (Hoài Cảm của Cung Tiến).

Bài 46 trong tập The Gardener có câu: "Youth wanes year after year; the spring days are fugitive; the frail flowers die for nothing…" Tuổi xuân tàn lụi theo năm tháng; ngày xuân bỏ đi, những đóa hoa mỏng manh chết một cách vô ích …

Trân tráo và trâng tráo đều đúng.

Calendar Rhythm là cách ngừa thai dựa trên chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, tránh giao hợp trong những ngày rụng trứng. Phương pháp này cũng còn được gọi là Knaus-Ogino Method hay Rhythm Method, hay Standard Days Method.

Cô Nguyễn Phạm thị Ðiểm, San Diego, California

Mấy câu cô hỏi không phải là của Nguyễn Bính mà là của Bùi Giáng:

Mình ơi ta gọi là nhà
Nhà ơi ta gọi mình là nhà tôi
Bây giờ buôn bán ngược xuôi
Mình ơi ta gọi mình là nhà tôi

Cuốn Lục Súc Tranh Công đã được cố giáo sư Huỳnh Sanh Thông dịch sang tiếng Anh nhan đề The Quarrel Of The Six Beasts. Ðây là một bản dịch có thể tin tưởng được. Bản song ngữ được đại học Yale xuất bản năm 1981.

Bình thủy tương phùng nghĩa là bèo nước gặp nhau, chuyện tình cờ, không hẹn hò, giàn xếp.

Vương Bột là tác giả mấy câu này:

Quan sơn nan việt
Thùy bi thất lộ chi nhân?
Bình thủy tương phùng
Tận thị tha hương chi khách

(Quan sơn khó mà vượt qua được / Ai xót thương người bất đắc chí/ Bèo nước gặp nhau toàn mỗi người mỗi xứ.)

Bọt bèo thì lại có nghĩa khác. Bọt nghĩa là cái bong bóng nước. Bọt bèo là cái bọt và cánh bèo nổi trên mặt nước. Nghĩa bóng là hèn mọn, lênh đênh.

Bụa là góa. Không dùng một mình mà luôn luôn đi đôi với góa để thành góa bụa.

Góa là từ chữ quả. Quả phụ, người đàn bà chồng chết.

Quan là đàn ông chết vợ. Quan phu là người đàn ông góa vợ.

Ông Nguyễn H. Westminster, California

Khuy là cái cúc, cái nút áo quần.

Khuyết là cái lỗ để luồn cái khuy qua, giữ hai mép quần hay áo lại với nhau.

Nhưng khuy khuyết trong chữ Hán lại có nghĩa là thiếu, không đủ. Khuy là thiếu. Khuyết cũng là thiếu.

Bà Ðen tên là Lý thị Thiên Hương, một phụ nữ da ngăm đen nhưng rất đẹp. Truyền thuyết kể bà không chịu những ép buộc của một thổ hào người Miên nên quyên sinh để giữ lòng trinh bạch. Tên bà được dùng để đặt cho một ngọn núi ở Tây Ninh.

YO

Tổng thống Bush, tại hội nghị G-8 nhóm ở Nhật, hôm mồng 7 tháng 7, đã gọi thủ tướng Canada, ông Stephen Harper là "Yo, Harper!"

Ðây không phải là lần đầu tiên ông Bush dùng cách chào hỏi này.

"Yo" thường được dùng như chữ "hey" nhưng cũng còn có những nghĩa khác.

Tại miền nam nước Mỹ, "yo" là tiếng dùng để trả lời khi nghe điểm danh, tương đương với chữ "here".

"Yo" khi xuất hiện ở cuối câu, nó là một tiếng hô thán (exclamation) để làm cho nghĩa của câu mạnh hơn. Thí dụ: "The car is really beautiful, yo".

Năm 2006, cũng tại hội nghị thượng đỉnh G-8 ông Bush cũng gọi thủ tướng Anh: "Yo, Blair!"

Tiếng Việt là "Blair ớ ơ, càng cua!" chăng?

19-9-2008


Ông Bùi Liêu (lieu.bui@sbcglobal.net)

Cày sâu cuốc bẫm

Bẫm với dấu ngã. Bẫm nghĩa là mạnh, sâu.

Bẩm là cách nói của người dưới với người trên. Chữ này ngày nay không còn được dùng nữa.

Cô Nguyên Minh, Westminster, California

Phân từ, participle, là chữ xuất xứ từ một động từ có thể được dùng trong những thì kép (compound tenses), hay cách (voices) hoặc như một tiếng phụ nghĩa cho danh từ (modifier).

Trong Anh ngữ có hai participle, một là hiện tại phân từ (present participle) và một là quá khứ phân từ (past participle)

Present participle của động từ to write là writing.

He is writing a book (thì hiện tại liên tiến)

She is finishing a writing project (bổ nghĩa cho danh từ)

Past participle của to write là written.

I have written a letter to him (present perfect)

The story was written in 1945 (thụ động cách)

It was a written agreement (phụ nghĩa cho danh từ agreement)

The book was well written (phụ nghĩa cho trạng từ well)

Past và present participle sẽ được thảo luận kỹ hơn trong chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television khoảng hai tuần nữa. Xin mời cô đón xem.

Giáo sư Dương Quảng Hàm đã mất từ năm 1946. Ba cuốn sách của ông mà học sinh trung học nào trước năm 1975 nào cũng phải dùng qua là Việt Nam Văn Học Sử Yếu (1941), Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (1942), Quốc Văn Trích Diễm (1943).

Dương Quảng Hàm sinh năm 1898 tại Hưng Yên, qua đời năm 1946 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Sư Phạm, là giáo sư trường Bưởi.

Bào huynh của ông là Dương Bá Trạc và bào đệ là Dương Tụ Quán đều là những nhân vật trí thức hàng đầu của Việt Nam.

Cả ba cuốn sách của ông đều được in lại ở ngoại quốc và hiện vẫn còn thấy bầy bán ở các tiện sách ở California.

Ông Khải Nguyễn, Annandale, Virginia

Nhà băng đưa lối tìm vào lầu trang

Chữ nhà băng là băng nhân, là người làm mối.

Thời Kiều thì chưa có chữ nhà băng nghĩa là ngân hàng. Băng là danh từ mượn của tiếng Pháp: banque.

Hơi đồng trong câu tham lam chuyện thở rặt hơi đồng (Tú Xương) là đồng xú, là hơi tiền, là mùi tiền bạc. Hai chữ này được dùng để tả cái thói tham tiền.

Ðại quan lễ phục ra đầu cửa viên

Ðại quan đây không có nghĩa là quan to, quan lớn. Ðại quan là cái mũ lớn, mũ đội trong các đại lễ.

Ông Nguyễn Hữu, San Francisco, California

Bài thơ ông gửi cho là của Kahlil Gibran viết về đời sống một mối tình, từ lúc còn thanh xuân, qua đến mùa hạ, mùa thu rồi mùa đông với cái chết của hai người:

Find me with your arms and embrace me; let
Slumber then embrace our souls as one
Kiss me my beloved, for Winter has stolen
All but our moving lips
You are close by me, My Forever.
How deep and wide will be the ocean of Slumber;
And how recent was the dawn!

Thơ Kahlil Gibran mang nhiều nét triết học và tôn giáo hơn là thơ của Rabindranath Tagore. Tại thủ đô Washington DC (trên đại lộ Massachusetts, trước mặt sứ quán Anh) có một tượng đài kỷ niệm nhà thơ này do tổng thống Bush khánh thành năm 1991.

Cụ Phạm Quyến, Fountain Valley, California

Chúng tôi cũng rất khó chịu về lối nói như thế. Hồi còn trẻ, mấy người bạn của chúng tôi cho biết là đã từng bị phản đối khi các chàng nhận vơ thân mẫu của các cô mà các chàng đang tán cũng là thân mẫu của các chàng khi hỏi đại khái "Mẹ khỏe chứ em?"

Lập tức, các chàng bị sửa lưng: "Mẹ tôi chứ mẹ anh hồi nào?"

Cô ca sĩ này cứ nhắc về thân mẫu của cô là "mẹ" thế này, "mẹ" thế nọ. Cô nên nói là "mẹ tôi" hay "mẹ của X". Mẹ của cô chứ mẹ của chúng tôi nữa hay sao? Thính giả của cô cũng có cả những người lớn tuổi, không thể là con của mẹ cô được.

Nói như vậy tưởng là "cute" nhưng lại hóa ra vô lễ.

20-6-2008


Ông Nguyễn Cao, Garden Grove, California

Period là cái chấm (.). Một cách dùng của chữ này là đặt nó vào cuối một câu để nhấn mạnh rằng chuyện chỉ có thế, hay tất cả chỉ có như vậy, không thể và không cần nói thêm nữa.

Thí dụ: You are staying home, period. Mày phải ở nhà. Vậy đó. Tao nói hết rồi. Không còn gì để nói thêm nữa. Hiểu chưa?

Guy đồng nghĩa với fellow. Hồi đầu, guy bị coi là slang, tiếng lóng nhưng nay, danh từ này đã được tìm thấy ở khắp nơi. Guy được dùng, không chỉ có nghĩa là thằng cha này hay thằng cha nọ nữa, mà được dùng để nhắc đến, đề cập đến cả những người tử tế.

A Guy Is A Guy là một ca khúc của Doris Day hồi những năm 1950, khi chuyện ăn nói, ngôn từ còn được cẩn thận lắm.

Chữ guy có nghĩa là ông, là người đàn ông. Guy dần dần được dùng cho cả phụ nữ.

You guys ngày nay là những chữ phổ thông để nói các ông, các bà, số nhiều của you.

Ông Trần Khang, Annandale, Virginia

Chi tiềt về giáo sư Trần Trọng San ghi trong Từ Ðiển Văn Học Việt Nam của linh mục Trần Văn Kiệm là không đúng.

Linh mục Kiệm ghi ở trang 1056 rằng giáo sư Trần Trọng San "sau năm 1975 tiếp tục giảng bài ở trường Ðại Học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh cho tới khi mất".

Sự thực, giáo sư Trần Trọng San qua đời năm 1998 tại Canada.

Ông Phạm Trung Hiếu, Houston, Texas

Nam Sơn, ngọn núi ở phương nam còn có tên là Chung Nam Sơn và Tần Sơn. Một tên khác của ngọn núi này là Tần Lĩnh.

Mây Tần (đoái trông muôn dặm tử phần / hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa) là những chữ lấy ý từ một câu thơ của Hàn Dũ.

Hàn Dũ bị biếm đi Quảng Ðông có viết một bài thơ dặn người cháu tên là Tương trong đó có câu: Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại (mây ngang núi Tần Lĩnh, nhà ta ở đâu?)

Trăm Hoa Ðua Nở Trăm Nhà Tranh Tiếng là do câu Bách Hoa Tề Phóng, Bách Gia Tranh Minh, phong trào do Mao Trạch Ðông đưa ra mục đích là để cho các văn nghệ sĩ, các khoa học gia được tự do tư tưởng, phát biểu, sáng tạo và phê bình. Nhưng sau đó, chính Mao Trạch Ðông lại phát động chiến dịch phản ngược lại nói là để chống hữu phái và thẳng tay đàn áp, bỏ tù những người có tư tưởng chống Mao.

Can Tương trong một câu của Nguyễn Công Trứ, bài Kẻ Sĩ (ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương) là tên người nhưng sau được dùng như tên của một cây kiếm quí. Can Tương được lệnh của vua Sở đúc một cặp kiếm. Can Tương mất 3 năm mới đúc xong hai cây bảo kiếm (thư hùng bảo kiếm). Cây "hùng" được đặt tên là Can Tương; cây "thư" được dặt tên là Mạc Tà, tên vợ của Can Tương.

21-3-2008


Ông Lê N. K. Irvine, California

Nhũn như con chi chi

Chi chi là một giống cá nhỏ, vớt khỏi mặt nước thì chết, xác mềm nhũn dùng làm mắm.

Nhũn như con chi chi là thái độ hay cách ứng xử thiếu cương quyết, mềm yếu.

Chi chi là cái gì:

Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết
Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi
Mười lăm năm thấm thoắt có lâu gì
Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu 
(Dương Khuê)

Chi chi nẩy là ván bài tổ tôm lúc gặp được quân đủ vào phu, hạ được cả bài xuống mà ăn: ù chi chi nẩy.

Bà Nguyên, San Jose, California

Gàn Bát Sách

Bát Sách là tên một quân bài trong bộ bài tổ tôm. Bát Sách là một người đàn bà mặt kên kên, miệng phì phèo điếu thuốc, ngồi xếp chân bằng tròn.

Gàn Bát Sách là tính tình quái gở, xử sự không theo lẽ thường, làm những việc trái tai gai mắt.

Mở miệng nói ra gàn Bát Sách
Mềm môi chén mãi tít cung thang
 (Nguyễn Khuyến)

Gả nghĩa là cho con gái của mình di lấy chồng. Chỉ dùng cho con gái.

Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang cho
Hoài con mà gả chồng xa
Trước là mất giỗ, sau là mất con
 (ca dao)

Cưới vợ, lấy vợ, dựng vợ dùng cho con trai.

Dựng vợ, gả chồng.

Ðộng từ "gả" đã bị các nhà chuyển âm tiếng Việt cho các phim bộ Trung Hoa dùng sai khiến rất nhiều người Việt cũng dùng sai luôn:

Em thích ai, em gả người ấy.

Ðáng lẽ phải nói là Em thích ai, em lấy người ấy.

Không ai tự gả chồng cho mình cả.

Trả lời câu hỏi đặt ra cho Giáo Sư Nguyễn Thị Hồng Ðiệp

Bài thơ đó là bài Chiều của Xuân Diệu trong tập Thơ Thơ:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương
Phất phơ hồn của bông hường
Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng
Nghe chừng gió nhớ qua sông
E bên lau lách thuyền không vắng bờ
- Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu sẽ buồn
...

Bài thơ chịu ảnh hưởng của thơ Pháp thấy rõ trong câu thứ nhì:

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn

tristesse sans cause mà ông rõ ràng là đã đọc và chịu ảnh hưởng nhiều để bứt khỏi những ước lệ, ngôn ngữ của thơ cũ.

Ðôi câu đối của cụ Nguyễn Khuyến (mà Giáo Sư Nguyễn Thị Hồng Ðiệp nhắc trong tờ Việt Tide số 348, trang 52 ) viết cho ông hàng thịt trong làng nguyên văn như sau:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang

Hai câu tả cảnh mùa xuân đẹp đẽ, cảnh rặng liễu bên bờ sông. Nhưng các chữ 3,4,5 của câu trên và 3,4,5 của câu dưới lại là mấy thứ mà ông hàng thịt chuyên bán: bát tiết canh, đôi bồ dục

Ông Tráng Ðỗ (t.v.do1942@yahoo.com)

Này anh, em cũng tợ sương mù

Là một câu thơ của Nhã Ca. Tợ chứ không phải là tựa tuy ý nghĩa thì giống nhau. Tợ có nghĩa là hơi giống, tựa như.

Nguyên văn bốn câu trong bài thơ ấy là:

Ðời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh, em cũng tợ sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn khắp tuổi thơ

Muốn biết về Ðức Ðạt Lai Lạt Ma mà không muốn đi sâu vào Phật giáo Tây Tạng, ông có thể đọc hai cuốn Seven Years In Tibet của Heinrich Harrer và Kundun của Mary Craig. Cả hai đều đã được thục hiện thành phim.

22-2-2008


 
Ông Nghiêm Hữu Xuân, Orange County, California
 
Tên khoa học của măng cụt là Garcinia Mangostana. Người Anh có tên đặt cho măng cụt là The Queen Of Fruits sau khi nữ hoàng Victoria hứa là sẽ phong hiệp sĩ cho ai mang được thứ trái cây đặc biệt ngon, không có ở Âu châu về nước Anh. Trái măng cụt được mang từ Mã Lai về dâng nữ hoàng.
 
Người Trung Hoa gọi nó là mã cật. Vua Minh Mạng đặt cho nó tên mới là giáng châu tử.
 
Két có hai nghĩa. Két là một giống chim có họ với vẹt. Vẹt tên chữ Hán là chim anh vũ.
 
Anh Vũ châu là bãi Anh Vũ ở trên sông Trường Giang phía tây nam huyện Vũ Xương trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (phương thảo thê thê Anh Vũ châu).
 
Két còn là một giống chim trong họ nhà vịt, cùng với le le, sâm cầm, vịt trời. Cũng gọi là mòng két. Tục ngữ Việt Nam có câu "sợ như két".
 
Khi nói "nói như két" thì két phải là con vẹt, không thể là con vịt trời được.
 
Thuận Nguyễn (nguyen.thuan@cox.net)
 
Nếu Thuận nghĩ cảnh trong bài Lương Châu Từ là cảnh người vợ tiễn chồng lên đường đi ra trận thì cũng được. Ðọc lại đoạn đầu của Chinh Phụ Ngâm quả là có cảnh vợ con ra tiễn (câu 14: buổi tiễn đưa lòng bận thê noa); rồi cũng có cảnh uống rượu trước khi lên đường (câu 35: rượu thôi, múa cán Long Tuyền). Cảnh gió cát cũng rất gần với gió cát trong Lương Châu Từ.
 
Bản dịch của Thuận:
 
Rượu ngon rót chén dạ quang
Nâng ly, tấu khúc tiễn chàng lên cương
Cười say vào chốn sa trường
Xưa nay chinh chiến ai vương mộng về
 
Là hay rồi. Nhưng tại sao không viết:
 
Rượu bồ đào, chén dạ quang
Lên cương  vương mộng thì hơi ép
 
Cô Thanh Thủy, Santa Ana, California
 
Tabloid là báo khổ nhỏ. Chọn khổ nhỏ, theo một tài liệu, là để độc giả dễ mở ra đọc hay sang trang khi đứng hay ngồi trên xe điện đông người ở New York.
 
Ða số các báo khổ tabloid đều đăng những loại tin giật gân (sensational), những tin đồn đại (gossips) về những tài tử, ca nhạc sĩ, lực sĩ mà thường là những tin bịa đặt cốt nghe cho nổ. Loại báo này còn có tên khác là supermarket tabloids.
Báo tabloid xuất hiện lần đầu tại nước Anh rồi lan sang Mỹ.
 
Danh từ báo lá cải là chúng ta mượn từ tiếng Pháp: feuille de chou. Danh từ này có nghĩa là thuốc dở, báo hay sách viết chuyện tầm bậy, nhảm nhí.
 
Tuy nhiên không phải tất cả các báo tabloid đều là báo nhảm nhí. Tờ Christian Science Monitor hay tờ Guardian của Anh đều là những tờ báo khổ tabloid nhưng rất đứng dắn.
 
ENGRISH
 
Engrish là tiếng Anh ba tầu. Người Trung Hoa thường thì lẫn lộn giữa "R" và "L" nên English có thể bị phát âm thành Engrish.
 
Trung quốc đang cố sửa những sai sót của tiếng Anh tại các nơi công cộng để sửa soạn cho Thế Vận Hội Bắc Kinh, nhưng có thể chưa sửa được hết.
 
Các bảng hiệu vẫn còn nhũng từ ngữ ngô nghê và buồn cười.
 
Thí dụ:
 
TOILETS OF MAN. Tại sao không là MEN’S TOILETS? Tại sao TOILETS số nhiều mà MAN lại số ít?
SPECIAL FOR DEFORMED là những chữ trên tấm bảng cho biết nhà cầu đặc biệt dành cho người khuyết tật. Tại sao không là HANDICAPPED ONLY?
 
Một bảng hiệu nhắc khách muốn xem hàng thì nhờ nhân viên giúp, xin đừng tự mình lấy xuống thì viết là: PLEASE DON’T TOUCH YOURSELF, LET US HELP YOU TO TRY OUT.
 
Chủ tiệm không muốn khách tự làm lấy. Nhưng sau động từ TOUCH cần một túc từ khác hơn là YOURSELF (reflexive pronoun). Ðẩy ngay YOURSELF vào sau động từ TOUCH thì hành động sờ (touch) có túc từ là ngay chính quí khách.
Kỳ quá.
 
Tại sao không viết là DO NOT HELP YOURSELF PLEASE ASK FOR ASSISTANCE?
Một bảng hiệu khác thì bộc trực hơn:
 
THIS WC IS FREE OF WASHING
PLEASE LEAVE OFF AFTER PISSING OR SHITTING
 
Muốn đọc thêm những câu, những chữ kỳ quái này, xin vào www.engrish.com

22-8-2008


Nguyễn Huệ Ngọc, Atlanta, Georgia

Cô không nghĩ bà M. nói rằng việc những người đàn ông Việt Nam mang vợ về Việt Nam là chở củi về rừng là đúng. Việc ví von đó hoàn toàn sai, đúng như cô nghĩ.

Ðem hồng ngọc sang Miến Ðiện để bán thì đúng là chở củi về rừng vì ở Miến có nhiều mỏ hồng ngọc. Nhưng việc bà M. về Việt Nam thì có mang theo gì (sắc đẹp, tài năng, tuổi trẻ...) để ví với việc chở củi về rừng.

Trong Anh ngữ, câu tục ngữ rất gần với câu của chúng ta là "carrying coals to Newcastle", hay "selling coals to Newcastle". Hai câu này nghĩa là làm một việc vô bổ vì ở Newcastle đã có rất nhiều than. Hai câu trên xuất hiện khoảng năm 1538.

Ðôi khi người ta cũng nói là bán tủ lạnh cho người Eskimo (selling a refrigerator to an Eskimo). Có người nói đùa rằng điều đó có thể làm được: nói với người Eskimo ấy rằng trong tủ lạnh có mấy chai rượu ở trong.

Cô Denise (e-mail cho đài Little Saigon Radio)

Tôi không nhớ chương trình Việt văn bậc trung học, ít nhất là trong những năm 50 và 60 chúng tôi được học những câu cô trích dẫn. Vài ba tác giả đề cập đến Phật giáo nhưng lại chỉ rất qua loa. Trong số các tác giả này, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Chu Mạnh Trinh... tôi không tìm ra được những câu cô trích dẫn nên không thể giúp được.

Ông Nguyễn Thụ, Garden Grove

Cách giải thích chữ "bóng" mà ông ghi trong thư là một lối giải thích hơi lạ.

Bóng là hồn vía.

Bóng cô, bóng cậu ám vào con đồng.

Bóng là người tâu rỗi, chầu mời trong một đám cúng, thường là phụ nữ: bà bóng, cô bóng.

Ðồng bóng là do cốt đồng và bà bóng, hai người làm việc chung trong một đám tâu rỗi. Ðồng bóng sau có nghĩa là tính mê tín, không bình thường, thích trò cúng tế, lên đồng.

Bà bóng hay bóng còn có thêm nghĩa là một người bất bình thường, ái nam ái nữ, đồng dâm, đồng tính luyến ái.

Giải thích "bóng" là cái bóng của người đàn ông bình thường thì có lẽ không đúng.

Ðào? Kép

Ðào là tên một họ.

Tương truyền ngày xưa có một phụ nữ họ Ðào sáng lập ra nghề ca hát nên sau đó, những phụ nữ làm nghề ca hát được gọi là đào, ả đào, đào nương hay cô đào. Từ danh từ cô đào, người sau đọc trạnh ra thành cô đầu.

Ðào là người phụ nữ làm nghề ca hát.

Kép là người đàn ông làm nghề ca hát.

Hai chữ này không hề có ý nghĩa mạ lỵ, hạ thấp giá trị của những người làm nghề ca hát: kép Tư Bền, kép Hùng Cường, đào Thanh Nga, đào Lệ Thủy.

Ðào kép cũng có nghĩa là giai nhân, tài tử.

Ðào còn nghĩa là người bạn gái. Kép là người đàn ông có bạn gái là đào.

Trưng Chắc / Trưng Trắc

Trưng Chắc đúng. Trưng Nhì chứ không phải là Trưng Nhị.

Trưng triệu (không viết hoa) không phải là bà Trưng và bà Triệu mà nghĩa là cái điềm, cái chứng. Trưng là chứng, điềm. Triệu là điềm.

Tom, Dick and Harry nghĩa là tất cả mọi người (everybody) vì ba cái tên này rất nhiều người có, đụng đâu cũng gặp.

John cũng là một cái tên thường gặp. Khi nó là danh từ chung, không viết hoa, john nghĩa là khách làng chơi, người đi mua dâm. John cũng có nghĩa là cái cầu tiêu khi không viết hoa và dùng như danh từ chung.

John Doe là một người đàn ông nào đó, như trong tiếng Việt nói là Nguyễn Văn Mỗ, Nguyễn Văn Mít, Soài, Ổi.

A dear John letter là thư đoạn tình, từ chối tình cảm.

23-5-2008


Cô Hoa, Westminster, California

Ðồng ý với cô rằng có là ông gì đi chăng nữa thì cũng không nên dùng những chữ "thằng bồi" để gọi những người làm việc trong các tiệm ăn.

Ở Mỹ, người ta cố tránh không dùng những danh từ bị coi là không được chỉnh về mặt chính trị (politically incorrect).

Ðây là một vài thí dụ:

Garbage man : sanitation engineer

Homeless: outdoors urban dwellers

Housebroken: family disfunction

Housewife: domestic engineer

Old person: senior citizen

Prostitute: sex care provider

Slum: economic oppression zone

Stupid: intellectually impaired

Waiter / waitress: food server

Short: vertically challenged

Poor: economically marginalized

Blind: visually challenged

Cowboy: bovine control officer

Một số nhũng chữ kể trên có nét hài hước ở trong nhưng cũng được dùng một cách nhiêm chỉnh.

Cụ Lữ Ðắc Lập, Los Angeles, California

Ðồng ý với cụ là bài Ði Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp do Trần Văn Khê phổ nhạc hay hơn bài kia. Cụ cho xin địa chỉ để xerox biếu cụ vì bài thơ quá dài, chúng tôi không đủ can đảm để đánh máy lại.

Cũng đồng ý với cụ là không nên dùng hai chữ "lắng nghe". Ðây là một vấn đề tế nhị. Lắng là có nỗ lực để nghe. Tại sao lại nghĩ những điều mình nói mọi người phải lắng nghe? Nên khiêm tốn một chút và coi chuyện người khác nghe mình chỉ là một việc làm bình thường, không quan trọng, không đòi hỏi cố gắng thì hơn.

Nhưng "lắng nghe" trong trường hợp này thì được:

Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
...

Ông Trần văn Nhung, Rhode Island

Chĩnh là cái nồi đất, cái vại nhỏ làm bằng sành, hay vật dùng để chứa ... không tráng men.

Chĩnh gạo là cái hũ đựng gạo .

Chuột sa chĩnh gạo là cảnh người đàn ông lấy được vợ giầu.

Chuông khánh còn chẳng ăn ai
Huống chi mảnh chĩnh nằm ngoài bụi tre

Mảnh chĩnh nằm ngoài bụi tre là mảnh của cái chĩnh bị vỡ bị quăng ra ngoài góc vườn, cạnh bụi tre, nghĩa là một vật vô giá trị.

Rhode Island, tên tiểu bang nơi ông sống được người Trung Hoa phiên âm thành La Ðức Ðảo. Rhode là La Ðức. Rhodesia, tên cũ của Zimbabwe là La Ðức Tư Á.

Cám ơn ông đã mách cho Massachusetts là Mả Cha Chú Chệt.

Piano, nếu gọi đúng theo kiểu dịch của người Trung Hoa thì phải là cương cầm chứ không phải là dương cầm.

25-1-2008


Ông Phạm Ngọc Bích, Garden Grove, California
 
KIM KIỀU TÁI HỢP?
 
Ông đúng. Nhưng sự trở về của Kiều không hoàn toàn bình thường như những tái hợp khác.
Khi Kim Trọng gặp lại Kiều, Kiều không muốn trở lại cuộc sống ở ngoài nơi tu hành:
 
Mùi thiền đã bén muối dưa
Mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi
Dở dang nào có hay gì
Ðã tu, tu trót qua thì thì thôi
Sau khi được Vương Ông dỗ dành mãi, Kiều mới chịu rời chùa đi theo về nhà với cha mẹ
 
Về đến nhà, Thúy Vân đề nghị hai người, Kim Trọng và Thúy Kiều, trở lại với nhau, vì hai người chia tay, xa nhau cũng vì cơn bình địa ba đào nên mới đem duyên chị buộc vào cho em. Nhưng Kiều gạt đi, nói rằng thân đã nhơ nhuốc, chỉ muốn cho ngọn nước thủy triều chẩy xuôi, dẫu cho Kim Trọng có còn nghĩ tới chuyện cũ thì Kiều cũng không dám nữa: đã buồn cả ruột, lại dơ cả người.
 
Sau khi gia đình nói thêm vào, Kiều không còn từ chối được nữa, phải miễn cưỡng nhận:
 
Hết lời khôn lẽ chối lời
Cúi đầu nàng những ngắn dài thở than
Ðây là cảnh động phòng của Kiều và Kim:
Canh khuya bức gấm rủ thao
Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân
Như vậy, Kiều và Kim có lấy nhau ở đoạn cuối
 
Một Nữ Thính Giả Dấu Tên ở California
 
Bà viết chữ rất đẹp, rõ ràng là một nhà giáo. Nội dung bức thư cho thấy bà phải là người tốt nghiệp ban Việt Hán Ðại Học Sư Phạm / Văn Khoa Sài Gòn.
 
Xin lĩnh ý về hai chữ lầu hồng và lầu xanh.
 
Nhưng nhà đỏ cũng là khu Bình Khang, vì ngày xưa, trước những căn nhà chứa đều có treo đèn mầu đỏ. Trong tiếng Anh, the red light district là xóm điếm.
 
Danh từ red light district bắt nguồn từ việc mấy ông công nhân xe lửa, khi đi tìm hoa, mang theo cái đèn đỏ, để lại ngoài cửa để khi cần, chạy ra, có ngay cái đèn để làm việc ngay.
 
Ở Trung quốc, ngày xưa, các nhà điếm đều treo những chiếc đèn lồng mầu giấy đỏ vì mầu đỏ được coi là gợi tình hơn.
 
Thành ngữ cắn rơm cắn cỏ nghĩa là xuống nước, tự coi như trâu ngựa, loài ăn rơm ăn cỏ để van xin, cầu khẩn một chuyện gì.
 
Cắn cỏ còn có một nghĩa khác là đầy đọa thân mình để kêu oan, để làm động lương tâm người khác, để người ngoài thấy được nỗi thống khổ của mình. Ca dao miền Nam có câu này:
 
Vợ lớn đánh vợ nhỏ
Chạy ra ngoài ngõ cắn cỏ kêu trời
 
Chắc bà cũng còn nhớ câu này của Kiều:
 
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
 
Cụ Nguyễn Lộc, San Diego
 
Cám ơn cụ bổ túc thêm những chi tiết về bài thơ (tương truyền là) của Hồ Chí Minh làm khi đến thăm đền thờ Trần Hưng Ðạo tại Kiếp Bạc.
 
Chuyện ông ta có phải là tác giả bài thơ này hay không, thì cụ cũng chỉ cho là dư luận nói của một đàn em của Hồ Chí Minh. Nhưng sự hỗn sược thì không bác bỏ được. Ðiều đáng nói là cho dù đó là Hồ Chí Minh viết hay đàn em thác lời của họ Hồ để viết bài thơ ấy thì đều là những thái độ bất kính.
Xin đăng lại bài thơ của Nhượng Tống mà cụ gửi cho để đáp lại bài thơ nói là của Hồ Chí Minh:
 
Năm chục năm dư chửa chót đời
Bạc đầu thất tiết thế thì thôi
Ðã không vàng đá treo gương sáng
Thà sớm giang hồ thỏa chí chơi
Nhắm mắt đi theo phường bợm trẻ
Sướng mình để lụy lũ con côi
Ai về chốn cũ nhờ thăm hỏi
Một mảnh thân già, một áo tơi
Bài thơ này chúng tôi mới chỉ đọc lần này là lần đầu.
 
Một độc giả ở Canada (Ngọc Trương)
 
Của đáng tội / Nói của đáng tội
 
Nhóm chữ này được dùng để dẫn vào những giải thích cho những chi tiết vừa được nêu ra ở câu trước được rõ nghĩa hơn hay để cải chính những điều nói lên ở câu trước.
 
Thí dụ:
 
- Nó thường bị coi là chẳng ra gì nhưng nói của đáng tội, nó là một đứa rất hiếu với cha mẹ.
 
- Ông Musharraf bị tố là độc tài nhưng nói của đáng tội, ở Pakistan, tình thế không thể cho phép một chính phủ hoàn toàn tự do dân chủ theo kiểu Tây phương được.
 
Những điều bà / ông hỏi không thể tìm thấy ở một cuốn sách mà ở rải rác nhiều nơi.
 
Tuy nhiên, bà / ông có thể đọc trong các tác phẩm viết về sử của giáo sư Trần Gia Phụng; Vua Khải Ðịnh của Võ Hương An; Trong Cõi của Trần Quốc Vượng; Hồi Ký Nguyễn Xuân Chữ; Tìm Hiểu Nam Phong của Phạm thị Ngoạn; Hồi ký Bẩy Viễn...
 
Hoàng Nguyễn (bnguyen3308@yahoo.com)
 
Xưng "chúng tôi" là một cách nói khiêm tốn, lịch sự, nhẹ nhàng vì "tôi" nghe lớn lối và... dữ quá.
 
 
Cháu đúng hoàn toàn. Những chữ "sư" mà cháu nêu ra trong thư đã bị lạm dụng để xưng tụng nhau (hay mình) một cách quá đáng.

25-7-2008


RAU SẮN HAY RAU SẮNG?

Ông Tản Ðà một lần than thở là thèm ăn rau sắng ở chùa Hương nhưng ngại đường xa, tiền đò tốn kém thì được một phụ nữ gửi cho ông một bọc rau sắng và bốn câu lục bát:

Kính dâng rau sắng chùa Hương
Ðỡ ai tiền tốn, con đường đỡ xa
Không đi thì gửi lại nhà
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm

Người phụ nữ ấy, về sau Tản Ðà mới biết, là Song Khê nữ sĩ, em của nhà thơ Tương Phố.

Rau sắng chứ không phải là rau sắn như một độc giả thắc mắc. Xin xem tự điển Khai Trí Tiến Ðức, trang 485.

Ông Hồ Thanh, Garden Grove, California

CẤM LUYẾN

Cấm luyến là thứ thịt hiếm và ngon chỉ dành cho vua chúa ăn, dân giả không ai được ăn, như đào trường thọ để tiến vua vậy.

Truyện kể là vua Hiếu Vũ đời Tấn muốn kén rể cho con gái và đã để ý tới một người tên là Tạ Còn. Một viên quan khác cũng muốn Tạ Còn làm rể cho gia đình. Có người biết liền nói cho viên quan này rằng Tạ Còn là cấm luyến.

Trong tiếng Việt, cấm luyến tương đương với chữ đồ cúng, nghĩa là một vật không thể ăn, dùng hay đụng tới được vì những hạn chế và cấm kỵ.

HƯƠNG HỒN CỤ ÔNG …

Hương hồn là tiếng để chỉ hồn của một phụ nữ. Nói "hương hồn cụ ông" là không đúng.

Anh hồn là tiếng dùng cho hồn của một bậc anh hùng, một người đàn ông.

THẤT XUẤT

Theo tục lệ xưa ghi trong sách Nghi Lễ, thất xuất là bẩy điều người đàn ông có thể nại ra để bỏ vợ nếu người vợ: không con; dâm dật; không thờ cha mẹ chồng; lắm điều; trộm cắp; ghen tuông; có ác tật.

Tuy nhiên có ba điều người đàn ông không được đuổi vợ nếu người vợ đã để tang ba năm nhà chồng; trước nghèo, sau giầu; không thể trở về nhà cha mẹ ruột để sống.

TỬU GIA

Trong chữ Hán, tửu gia viết giống nhau, có thể hiểu hai nghĩa: tiệm, quán rượu và người uống rượu, tửu đồ.

ÔNG NGUYỄN HẢI HƯNG, Washington DC

Cám ơn ông gửi cho đọc hai câu Bút Tre (thật hay giả không biết được):

Ðồng Xuân nô nức tiếng đồn
Có cô bán trứng vịt lộn rất to

Xin gửi lại ông hai câu Bút Tre giả:

Giỏi thay chị nữ dân công
Nửa đêm đèn tắt mang lộn vào đây

Hai câu này chắc đã được viết trong một đêm khi máy bay Mỹ oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh làm đèn đóm tắt hết, chị dân công mang đạn tiếp tế cho ổ phòng không thì lại mang lộn vào chỗ tác giả đang ngồi. Thôi thì đã lộn thì dùng lộn luôn vậy.

Cô Bình, Santa Ana, California

Eat humble pie nghĩa là nhận là mình sai lầm, chịu nhục vì lầm lỗi của mình.

That is a load of bull: đó là chuyện láo toét, phóng đại, tầm bậy tầm bạ. Cũng đồng nghĩa với That is bull shit.

TRILLION

Trong tiếng Mỹ, trillion là một ngàn tỉ, viết với số 1 và 12 số zero: 1.000.000.000.000

Trong tiếng Anh, trillion viết với số 1 và 18 số zero: 1.000.000.000.000.000.000

Bài Les Feuilles Mortes là thơ của Jacques Prévert viết cho phim Les Portes de la Nuit cũng do ông viết truyện phim năm 1946.

Ðây là đoạn đầu ít ca sĩ nào hát, chỉ có vài ba người, trong đó có Yves Montand hát đầy đủ:

Oh! Je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle
Et le soleil plus brulant qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Tu vois, je n’ai pas oublié
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Les souvenirs et les regrets aussi
Et le vent du nord les emporte
Dans la nuit froide de l’oubli
Tu vois, je n’ai pas oublié
La chanson que tu me chantais…

Mấy câu hay nhất: em thấy đó, anh vẫn chưa quên … những kỷ niệm, luôn cả những hối tiếc, và cơn gió từ miền bắc thổi xuống sẽ cuốn chúng đi trong đêm lạnh của lãng quên … em thấy đó, anh vẫn chưa quên bài ca em hát cho anh ngày ấy

26-9-2008


Ông Nguyễn Phước Vĩnh Dương (vinh.duong@sbcglobal.net)

Hai câu

minh nguyệt sơn đầu khiếu
hoàng khuyển ngọa hoa tâm

theo một số tài liệu thì nói là của Vương An Thạch, còn người sửa thành

minh nguyệt sơn đầu chiếu
hoàng khuyển ngọa hoa âm

là Tô Ðông Pha.

Một vài tài liệu khác thì lại nói đó là hai câu thơ của một thí sinh, bị giám khảo Tô Ðông Pha sửa lại.

Thực hư ra sao không biết. Nhưng hai câu nguyên tác cũng như đã sửa đều không hay gì.

Trăng sáng hót đầu non hay trăng sáng chiếu đầu non và chó vàng nằm giữa nhụy hoa hay chó vàng nằm dưới bóng hoa thì đều không hay cả.

Giai thoại này chỉ để nói là không hiểu ý của tác giả thì đừng có sửa để đúng thành sai. Tô Ðông Pha, người sửa và Vương An Thạch, tác giả đều là những nhà thơ lớn của văn học Trung quốc, nhưng mấy câu nguyên tác và những câu thơ sửa đều dở.

Ông Hoàng Uyên (president.nguyen@gmail.com)

Ông định đặt tên cho cháu là Knox Leon Nguyen thì đó là quyền của ông. Ông hỏi tên cháu có giống tên của con Angelina Jolie không thì xin trả lời là không. Tên của các con Angelina Jolie là Maddox Chivan Jolie-Pitt; Zahara Marley Jolie-Pitt; Shiloh Nouvel Jolie-Pitt; Pax Thien Jolie-Pitt.

Ông hỏi Knox Leon Nguyen chữ nào là họ, chữ nào là tên thì xin thưa Nguyen là họ, vì Nguyen đứng sau cùng và cũng là họ của ông bà. Knox và Leon đều có thể là tên của cháu. Knox là tên gọi; Leon là tên đệm.

Kimmy Le (kimmyle831@gmail.com)

Tết Công Gô hay Tết Ma Rốc nghĩa là không bao giờ. Hai thành ngữ này dựa trên một tiền đề sai lầm là hai quốc gia Phi châu Ma Rốc và Công Gô là những nước thiếu văn minh và văn hóa, dân chúng không có tết.

Những lỗi tiếng Anh mà cô nêu trong thư là những lỗi thông thường của người Việt khi nói tiếng Anh. Ðó là không đọc những âm cuối (final sound). Việc sửa cách phát âm của ngươi này, người nọ không phải là việc của tôi. Cám ơn gợi ý của cô.

Ông Nguyễn Văn Trực, Garden Grove, California

Bồn binh và bùng binh đều đúng.

Kiều nhi là đứa con gái nhỏ.

Kiều nhi phận mỏng như tờ nghĩa là số phận không tốt đẹp lắm của đứa con gái nhỏ. Câu này để nói về Thúy Kiều.

Phận sao bạc mấy kiều (không viết hoa) nhi...

Chưa nóng nuớc đã đỏ gọng cũng gần như chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.

Con cua đem luộc trong nồi, khi chín thì vỏ đổi thành mầu đỏ. Nước chưa đủ nóng, chưa chín mà gọng (càng) đã đỏ có nghĩa là không nên tư hào, khoe khoang, phách lối khi chưa thành công.

Trán bánh chưng, lưng tôm càng là tướng tốt (?) của người đàn bà nhiều con, mắn đẻ.

Hải giác thiên nhai là góc bể, bên trời.

Nguyễn Du dùng những chữ này để tả sự xa xôi cách biệt:

Từ đây góc bể bên trời...

Bên trời, góc bể bơ vơ...

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời...

27-6-2008


Ông Nguyễn Bảo, Westminster, California

Ngựa Thượng Tứ là gì, có nghĩa xấu không?

Thượng Tứ là tên của một trong 10 cửa ra vào của thành Huế. Tên chính của cửa Thượng Tứ là Ðông Nam Môn nhưng người dân Huế thường dùng tên Thượng Tứ.

Ngựa Thượng Tứ là tên gọi những phụ nữ không có đời sống đứng đắn cho lắm. Ngựa Thượng Tứ thực ra là để chỉ một đơn vị kị binh của triều Nguyễn đóng ở ngay Ðông Nam Môn.

Ðây là giải thích của tác giả Võ Hương An trong tác phẩm Huế Của Một Thời.

Nho xanh không xứng miệng người phong lưu

Là câu Nguyễn Văn Vĩnh dịch câu áp chót của bài ngụ ngôn Le Renard Et Les Raisins của La Fontaine. Câu tiếng Pháp nguyên văn:

Ils sont trop verts, dit-il, et bons pour des goujats

Goujats là những kẻ thô lỗ, tục tằn.

Beauty and Sadness (Utsukushisa To Kanashimi To) là tác phẩm cuối cùng của Yasunari Kawabata (Xuyên Ðoan Khang Thành), giải Nobel Văn Chương năm 1968.

Kawabata sinh năm 1899 tại Osaka, tự tử (bằng lò ga) năm 1972 (ngày 16 tháng 4) không để lại thư tuyệt mệnh. Ðến nay vẫn không ai biết tại sao ông tự tử.

Các tác phẩm khác của Kawabata là Xứ Tuyết, Ngàn Cánh Hạc, Tiếng Núi…

Yukio Mishima (1925-1970) (Tam Ðảo Do Kỷ Phu) cũng tự sát bằng cách mổ bụng để phản đối nước Nhật mất đi hào quang và danh dự của truyền thống hiệp sĩ đạo. Các tác phẩm nổi tiếng của Mishima là Kim Các Tự, Chiều Hôm Lỡ Chuyến, Tiếng Sóng…

Kawabata sống một mình khi chết. Mishima là người đồng tính luyến ái.

Ông Phạm Ðình Hồ, Seattle

My better half là nhà tôi, thường là vợ tôi để tâng người phụ nữ lên cho các bà vui.

Cái nửa tốt hơn, đẹp hơn, hay hơn thì nhất định phải là má sấp nhỏ.

Bloody là tiếng chửi thề tương đương với DamnBloody thường được dùng để cho nghĩa của tiếng đi sau mạnh hơn. Thí dụ: A bloody good car cũng cùng nghĩa như A damn good car.

Bloody bastards là tiếng lóng của thành phần trộm cắp lưu manh dùng để gọi cảnh sát Anh.

Ông (?) Hải Trần (haitran279@yahoo.com)

Trúc lâm thất hiền là bẩy người hiền trong rừng trúc.

Nguyên đời Tấn có 7 văn nhân rủ nhau vào rừng trúc để gẩy đàn, làm thơ, đánh cờ, uống rượu với nhau. Ðó là các ông Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Ðào, Hướng Tú, Lưu Linh, Nguyễn Hàn và Vương Nhung. Không thấy nói các ông làm được gì khác ở rừng trúc.

Tử trong Tử Cấm Thành là sắc đỏ tía. Tử Cấm Thành gồm khu ngoại thành dành cho triều đình, nơi diễn ra các nghi lễ của hoàng triều. Khu nội thành là chỗ ở của vua, hoàng hậu và cung nữ. Tử Cấm Thành có từ đời Minh qua tới nhà Thanh. Phổ Nghi là hoàng đế cuối cùng ở trong hoàng thành.

Tử Cấm Thành có nhiều cung điện dùng cho các hoạt động khác nhau: điện Thái Hòa là nơi đặt ngai vua; điện Trung Hòa là nơi vua làm việc; điện Bảo Hòa là nơi vua thết tiệc

28-3-2008


Cụ Nhân Lê nlegardengrove@yahoo.com

Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn là trữ lúa gạo để đề phòng lúc đói, trữ quần áo đề phòng lúc trời lạnh.

Vì thế, nói tích y phòng hàn là trữ, để dành thuốc để phòng lúc trời lạnh là sai.

Y là quần áo. Dược là thuốc.

Muốn nói như thế, thì câu chữ Hán phải là trữ dược phòng bệnh.

Ngoài ra, cũng có khi người ta nói tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão là nuôi con đợi lúc già.

Ông Ngọc Phan, Seattle

Mấy chữ Hán ông đọc được trên những chai Coca Cola là Ke Kou Ke Le, đọc theo âm Hán Việt là Khả (có thể) Khẩu (miệng) Khả (có thể) Lạc (vui thú).

Bai Shi Ke Le là Bách Sự Khả Lạc (Pepsi Cola).

Nam Kỳ Lục Tỉnh gồm Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường (Mỹ Tho), Vĩnh Long, An Giang (Châu Ðốc), Hà Tiên.

Một thính giả ở Houston

Bẩy nghệ thuật mà ông hỏi là (theo thứ tự):

Âm nhạc

Hội họa
Ðiêu khắc
Kiến trúc
Ca kịch
Ðiện ảnh

Nghệ thuật thứ Bẩy là điện ảnh.

Thính giả Tuan12983@yahoo.com

Trong những bản tin phát thanh, truyền hình hay trên báo, khi trích dẫn nguyên văn một câu nói hay một đoạn văn và muốn người nghe hay độc giả biết rằng những câu nói hay những đoạn văn đó không phải là của người viết, người ta có thể viết hay nói trước những đoạn trích đó như sau:

  • Và đây là nguyên văn: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn."
  • Xin trích Phạm Quỳnh: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn", hết trích / ngưng trích.
  • Xin dẫn lời học giả Phạm Quỳnh: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn", hết lời dẫn.

Trong tiếng Anh, kiểu nói ấy là:

  • And I quote: "So long as The Kieu Story is still being read..." end of quote.
  • Pham Quynh, quote and unquote: "So long as The Kieu Story is..." (vừa nói, vừa dùng hai ngón trỏ và ngón giữa của hai tay ngoắc ngoắc mấy cái như vẽ trong không khí hai ngoặc kép (") cho giống... Mỹ.

Việc ngoắc ngoắc hai tay như thế, người Mỹ còn gọi là scare quotes để cảnh cáo, nói trước với người nghe rằng điều sắp nói là của người khác, không phải của tôi, tôi không chịu trách nhiệm, đừng đổ cho tôi.

Dùng unquote hay end of quote vào đoạn cuối khi đoạn trích hay dẫn quá dài, để nhắc cho người nghe là phần trích dẫn đã hết.

"Hết lời dẫn" không có nghĩa là "hết chỗ nói " và cũng không có nghĩa là "không thể tưởng tượng được".

Bà Tố Nga, Westminster, California

Lạt Ma giáo là một nhánh Phật giáo từ Ấn độ truyền vào Tây Tạng, Mông Cổ và Mãn Châu. Lạt Ma cũng đọc là Lật Ma.

Giáo chủ của Lạt Ma giáo là Ðạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma.

Ðạt Lai Lạt Ma cũng còn gọi là Ðạt Lại Lạt Ma hay Ðạt Lại Lật Ma.

Hoạt Phật là Phật sống, tiếng gọi Ðạt Lai Lạt Ma.

Phật giáo là tôn giáo chính của Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7.

Ðạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Phật Quán Âm. Từ Ðạt Lai Lạt Ma thứ hai trở đi, Tây Tạng có một hội đồng cố vấn về các chuyện ngoài đời.

Ban Thiền Ngạch Nhĩ Ðức Ni là vị Lạt Ma đứng hàng thứ nhì, dưới Ðạt Lai Lạt Ma. Ban trong tiếng Phạn nghĩa là một học giả. Thiền là tiếng Tây Tạng nghĩa là lớn. Ngạch Nhĩ Ðức Ni là tiếng Mông Cổ nghĩa là quí. Ban Thiền Ngạch Nhĩ Ðức Ni thường được gọi tắt là Ban Thiền Lạt Ma. Hiện nay Ban Thiền Lạt Ma là thứ 11. Việc sắc phong Ban Thiền Lạt Ma là do chính phủ Tây Tạng đảm nhận. Vị Ban Thiền Lạt Ma do đức Ðạt Lai Lạt Ma chọn đã bị Bắc kinh bắt đem đi mất tích, thay vào đó là một Ban Thiền Lạt Ma do Bắc kinh đưa lên.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma hiện nay là Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Tây Tạng nguyên là đất của rợ Thổ Phồn. Thủ phủ của Tây Tạng là Lhasa, đọc theo âm Hán Việt là Lạp Tát. Lạp Tát trong tiếng Tây Tạng nghĩa là thánh địa.

Hai địa danh nổi tiếng ở Lạp Tát là Bố Ðạt Lạp cung (Bu Da La Gong) và Ðại Chiêu tự (Da Zhao Si)

29-2-2008