October 29, 2009

October 30, 2009

Ngày 26 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Mấy năm trước, Linda K. Ross, một luật sư ở California đã đệ đơn kiện GTE Directories Sales Corp., đòi bồi thường 100 ngàn Mỹ kim vì công ty này, khi ấn hành cuốn niên giám điện thoại phổ biến trong vùng Fullerton, California, đã xếp tên của nàng, Ross, ở ngay dưới chữ Reptiles, quảng cáo của một tiệm bán rắn, rùa, cắc ké, kỳ đà...

Trong đơn kiện nộp tại tòa Orange County ở Santa Ana, người luật sư ở Fullerton cho biết vì tên của nàng bị GTE Directories Sales Corp. xếp ở dưới danh mục Reptiles, nàng đã bị đem lên báo chí, truyền thanh, truyền hình diễu cợt, cùng với những cú điện thoại gọi đến tận nhà, người gọi không lên tiếng, chỉ có tiếng phì phì như rắn phun.

Reptiles là tiếng để gọi chung loài bò sát. Linda K. Ross bực bội là vì nàng bị coi là đồng loại, là giống tương cận với những sinh vật bò sát, trong số này, loài rắn là giống bị ghét, sợ nhất vì nọc độc của nó. Mà nghề của nàng, nghề luật sư ở nước Mỹ thường bị coi là có những người miệng lưỡi còn độc địa hơn nọc độc của loài rắn. Linda K. Ross cảm thấy bị lăng mạ qua việc làm của công ty ấn hành cuốn niên giám điện thoại.

Công ty GTE có phạm phải một lỗi lầm thật, nhưng đó là một lỗi lầm không ác ý, không cố ý với chủ đích độc ác ở trong. Thay vì xếp tên Ross ở những trang quảng cáo dành cho các văn phòng luật, thì tên của nàng, cũng bắt đầu bằng chữ R, Ross, đã bị xếp cùng trang quảng cáo của tiệm bán rắn, kỳ nhông, cắc ké, rùa vân vân. Lầm lẫn này của công ty GTE quả là có gây ra nhiều phiền muộn cho Linda. Và cũng vì nàng là một luật sư, nên những trò diễu cợt phát sinh từ việc tên nàng nằm ở dưới chữ reptiles lại càng trở thành độc địa, cay độc thêm.

Nhưng thử tưởng tượng Linda không phải là luật sư, mà tên vẫn bị xếp dưới chữ reptiles thì sự chế diễu đó có xẩy ra không?

Tôi nghĩ có thể Linda bị diễu mà cũng có thể không.

Nếu Linda có thước tấc 36-24-36, thì chuyện chế diễu có thể không xẩy ra. Nhưng nếu nàng có kích thước của một bình nguyên phẳng lì, thì chuyện nàng bị xếp vào loài tương cận của những sinh vật bò sát, máu lạnh lại mang một ý nghĩa khác. Thượng Ðế rất khéo tay và cẩn thận. Ngài muốn giúp những giống bò sát di chuyển dễ dàng, không vướng víu, nên Ngài không cho chúng có vú như một số sinh vật khác, những sinh vật khi di chuyển, bụng và ngực không ở sát mặt đất.

Khi Linda bị xếp cạnh loài bò sát, thì sự sắp xếp đó có thể có một ý nghĩa hết sức độc ác: nàng bị xếp cùng loại với những sinh vật bò sát vì nàng không có vú. Nhưng nếu Linda có vú thì nàng nhất định phải kiện GTE về tội vu khống.

Nhưng GTE cũng có thể kiện ngược lại, tố cáo Linda Ross vu khống.

Những vụ kiện mạ lỵ, vu khống là những vụ rất khó thắng. Nhưng cũng có thể GTE sẽ chẳng sao nếu trưng được ra bằng cớ cho thấy Linda Ross vu khống trong khi GTE thì không hề vu khống bao giờ. Mà nếu Linda Ross bị tòa coi là vu khống, thì chuyện tên nàng xuất hiện dưới chữ reptiles cũng có sao đâu.

Làm luật sư lâu lâu cũng phải biết vu khống chứ. Ðã là luật sư, lại còn... rất vu khống thì tên tuổi bị xếp dưới rắn rết là đúng rồi. Kiện cáo làm gì cho chuyện vu khống của mình càng có nhiều người biết?


Ngày 27 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Ðã có lần, chín ông bà Tối Cao Pháp Viện đã thảo luận suốt ngày mà vẫn chưa đi được tới quyết định là nên hay không nên rút lại câu mà cảnh sát Mỹ có nhiệm vụ phải đọc lên trước khi đặt câu hỏi cho bất cứ một người nào mà cảnh sát chặn lại ngoài đường hay bắt giữ đem về bót.

Gọi nó là những lời cảnh cáo cũng được, mà gọi nó là những nhắc nhở về quyền của người bị cảnh sát chặn lại cũng được. Nó là Miranda Rights. Nó nhắc cho những người gặp rắc rối với luật pháp, và với nhân viên công lực rằng họ có quyền giữ im lặng, họ có quyền có luật sư ở bên cạnh và nếu không có khả năng thuê luật sư, nhà chức trách sẽ chỉ định luật sư cho họ, và những lời họ khai với cảnh sát sẽ có thể được đem dùng ở tòa để kết án họ sau này.

Những người muốn dẹp việc buộc cảnh sát đọc cho các nghi can nghe Miranda Rights thì nói rằng các thành phần phạm pháp được che chở quá đáng, các thành phần này có thể lợi dụng những kẽ hở để thoát. Những người muốn giữ lại thì cho rằng Miranda Rights bảo vệ cho những người vô tội, bị hàm oan, đồng thời đảm bảo nước Mỹ không trở thành một nước cảnh sát trị, một điều mà ai cũng sợ.

Việc bắt cảnh sát đọc Miranda Rights cho các nghi can nghe có thể bị dẹp mà cũng có thể không. Nhiều nước trên thế giới không có luật này mà dân chủ, nhân quyền vẫn được tôn trọng, nên chuyện Miranda Rights có được đem ra đọc hay không thực ra không quan trọng bao nhiêu. Hầu hết mọi trường hợp những kẻ phạm tội vẫn bị trừng phạt và người vô tội thì không việc gì phải lo. Ðó là đối với cảnh sát hay nhân viên công lực ở ngoài đường.

Nhưng cũng có những trường hợp những lời khai tự nguyện sau đó bị đem ra dùng để kết tội, hay đương sự không có quyền giữ im lặng và khi bị tra hỏi không được có luật sư bên cạnh, thì tại sao không thấy Tối Cao Pháp Viện nhấc một ngón tay lên để bênh vực, can thiệp cho họ bao giờ?

Những lời khai, những lời tự thú, những câu chuyện kể trong những lúc vô tình nhất, từ những thuở hồng hoang xa lắc, từ thời tiền sử,( tức là trước khi có con Ðường Vào Tình Sử của Ðinh Hùng), vẫn có thể bị lôi ra để kết án, để gây khó dễ, độc ác và dễ sợ còn hơn cảnh sát và công tố viện, thì chưa thấy một nỗ lực nào được đưa ra để bảo vệ những trường hợp đáng thương đó.

Thí dụ trong một lúc đương sự đang vui, thì được / bị hỏi là hồi đi Úc du học, có bao giờ đi nhẩy đầm không chẳng hạn. Ðương sự có thể hồn nhiên trả lời là có, nghĩ rằng ai chẳng đi nhẩy đầm, thì sau đó, vài năm, năm năm, mười năm, thế nào cũng có bữa chuyện nhẩy đầm với mấy con... Kangaroo và Koala ở Úc bị lôi ra để nhiếc móc, xỉa sói. "Ối chao ơi, hồi ấy tôi ở nhà, có người chặn tôi ở cửa trường, đưa "phong thư tình ngây dại," tôi nhất định không nhận vì tôi nghĩ đến anh ở bên ấy một mình vò võ đi về khu học xá, ai ngờ anh đi nhẩy đầm tối ngày với chúng nó... lại còn nhẩy xì lô đi bộ nữa chứ đâu có thèm paso doble hay bossa nova, bebop cho nó xa xa hộ tôi một chút... Thôi, anh đi ra ngoài phòng khách mà ngủ đi... Bỏ cái tay dơ dáy ôm mấy con đầm Úc béo ú ra, đừng có đụng vào tôi nữa...Ối giời ơi, thảo nào cứ ư ử than thở thôi em xanh mắt bồ câu / vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau (thơ Cung Trầm Tưởng)... Sao không đi hầu hạ chúng nó ngay kiếp này đi cho tôi bình yên..."

Mà giữ im lặng cũng không được. Cái tội khinh bỉ, coi thường, nhục mạ thẩm phán (contempt of court) được quàng ngay vào cổ. Mà mở miệng nói thì thế nào cũng hố. Mà hố thì chỉ có chết đứ đừ.

Rồi thêm kiểu hỏi cung đúng theo lối hỏi tù ở những gulag mà Solzhenitsyn đã tả: dựng cổ dậy hỏi vào lúc ba giờ sáng, khi bộ máy tự vệ mỏi mệt nhất, dễ nhận tội bị đổ lên đầu nhiều nhất thì kiếm đâu ra luật sư để ngồi cạnh cố vấn trả lời?

Các thứ lời khai, các chi tiết moi móc được ở tất cả mọi nơi, từ bạn bè thân quen đến sơ giao đều được ghi chép đầy đủ vào những bộ nhớ mấy trăm megabyte, lúc nào cũng có thể lôi ngay ra được để buộc tội thì các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện ở đâu không ra cứu những người này?

Có cần phải bắt những người hỏi cung đó đọc cho nạn nhân nghe mấy câu tương tự như Miranda Rights không? Có cần nhắc cho các nạn nhân này biết rằng họ được quyền giữ im lặng, tất cả những gì nói ra đều có thể bị đem ra buộc cho đủ mọi thứ tội sau này, rằng đương sự có quyền được có luật sư ngồi cạnh, nếu không có tiền thuê luật sư thì ráng chịu không?

Tôi nghĩ là có. Chứ mấy cái lời khai với cảnh sát, ra tòa, có luật sư giỏi vẫn thoát như OJ Simpson. Chỉ những nạn nhân của những vụ hỏi cung ở nhà mới tan xác mà thôi.

Các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện lúc chúng tôi cần thì chẳng thấy ma nào hết. Chán thế đấy...


Ngày 28 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Bộ trưởng tư pháp Hoa kỳ, bà Janet Reno, sau buổi gặp gỡ Juan Miguel Gonzalez, người đàn ông từ Cuba sang Mỹ để giàn xếp đưa con trai Elian Gonzalez, cậu bé 6 tuổi thoát chết trong chuyến đi tìm tự do với mẹ, trở về Cuba, có nói rằng Juan Miguel là một người cha rất thương con, bằng cớ là Juan Miguel biết Elian đi giầy số mấy.

Bà Reno từ đầu vẫn chủ trương đưa Elian trở về Cuba, nên có nói thêm một câu tốt đẹp cho Juan Miguel thì cũng chỉ là để việc trao Elian cho Juan Miguel dễ nuốt hơn. Trong khi thực ra, nếu Juan Miguel là người cha tốt, thì Juan Miguel sẽ phải để cho Elian ở lại sống ở cái quốc gia mà mẹ của nó đã mất mạng để đưa nó đến.

Chuyện ngã ngũ, Elian phải trở về Cuba.

Nhưng điều bà Reno nói về Juan Miguel rằng Juan Miguel biết giầy của con đi số mấy vẫn tiếp tục làm cho rất nhiều người khốn khổ.

Thí dụ những người đàn ông có thể được nghe mấy câu tương tự như câu bà Reno dùng để đánh giá người cha tốt hay xấu chẳng hạn.

"Anh nói anh yêu tui, mà anh biết tui đi giầy số mấy hôn?" Nhiều người sẽ chết ngay ở câu này. Không trả lời được thì cái tội tệ bạc, không ngó ngàng gì đến vợ sẽ bị quàng lên cổ, hết lối thoát.

Mà nếu trả lời đúng được câu đầu dễ ợt này, thì câu số hai chắc chắn sẽ còn khó thoát hơn nữa.

"Anh biết... của tui số mấy hôn? 32, 34 hay 36? Mà A, B hay C, hay D nào?"

Không trả lời được câu này, tội to hơn khi không trả lời được câu hỏi về giầy số mấy rất nhiều. Tiếng trách móc sẽ lớn hơn, lời than phiền sẽ nặng hơn... "Anh không lý gì đến tui hết. Sống với nhau bằng ấy năm, bao nhiêu lần... mà anh vẫn không biết tui mặc số mấy, "cup" gì thì anh có thương yêu tui bao giờ đâu... Có hỏi anh rằng tui mặc của hãng nào chắc anh cũng không biết thôi... Ừ thế của tôi là Playtex, Olga, Warner's, Bali, Vanity Fair, Delicates, Victoria's Secret, Cacique, hay Lou... nào? Anh không biết à? Vậy thì anh coi tui là gì của anh chứ? Là sex object của anh chắc... Sao anh rành mấy cái khóa thế? Khóa trước, khóa sau anh mở cái một, không chờ tui... mở hộ cho nó tình tứ gì hết... Nhưng hỏi số mấy thì không biết... Sao mà tui khổ thế này hở Trời cao, đất dầy ơi! Cái gì, anh nói 36 D hả... thôi chết rồi, tui đâu có... thô tục như thế bao giờ? Hay là của con đĩ chó nào, của con mèo mả gà đồng nào? Anh với nó... bao nhiêu lâu rồi mà tui không biết? Phải rồi, tự nhiên sao Victoria's Secret lại cứ gửi catalogue về nhà cho anh? Anh mua cho con đĩ chó bao nhiêu cái 36 D rồi? Nói tui nghe coi... Ðừng có giả bộ đọc báo nữa... Ra tui hỏi đây... Là người cha tốt thì phải biết giầy con đi số mấy như bộ trưởng tư pháp Janet Reno đã nói đấy... Còn chồng tốt, lương phu thì phải biết tui mặc nịt vú số mấy chứ... Tại sao anh ăn ở bạc bẽo với tui như thế? Tui thì biết anh mặc sơ mi cổ 16 rưỡi, tay 32, quần thì bụng 36, inseam 29, giầy 9 rưỡi... mà anh nỡ lòng nào không biết tui mặc nịt vú số mấy... Anh đi hỏi bà Reno coi như vậy có là chồng tốt hay không? Ối Trời đất ơi..."

Nhưng may mắn cho những người đàn ông này, vì đúng vào lúc này, thì nước Mỹ cũng đang ở trong tuần lễ gọi là National Bra Fit Week, tuần lễ kêu gọi phụ nữ đi thử lại nịt vú để mặc cho đúng số, khỏi nhỏ quá, khỏi lớn quá cỡ thợ mộc. Và nhờ đó, một số người sẽ thoát hiểm.

Từ mấy hôm nay, mở tờ báo nào ra cũng thấy những quảng cáo nịt vú. Và theo các chuyên gia có giấy chứng nhận thị thực đàng hoàng (Certified Fitting Consultants) mà các department stores như Lords and Taylors, May Robinson, Macy's thuê để giúp các phụ nữ tìm được những chiếc nịt vú vừa vặn thì hầu hết (80%) phụ nữ không mặc đúng số -- wrong size.

Những người đàn ông bị hạch hỏi cứ để cho những câu mè nheo đến đoạn tạm nghỉ, thì nhẹ nhàng đẩy cái quảng cáo với con số thống kê 80% mà các chuyên gia này cho biết (rằng phụ nữ không mặc nịt vú đúng số) là thoát.

Hey... 80% các đương sự tự tay chọn nịt vú cho chính mình còn chọn sai bét, thì chúng tôi làm sao đúng cho được mà đòi chúng tôi phải biết?

Nhưng cách hay nhất là tối nay, về mở tủ áo ra coi lại vài ba cái cho chắc ăn, lẩm nhẩm cho thuộc cả size (số) lẫn cup (chữ) để khi bị hỏi còn có thể trả lời bằng giọng rất bình thản cho mẹ cháu vui. Mà mình thì toàn thây.


Ngày 29 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Cuốn Ðằng Sau Dinh Ðộc Lập in lần thứ hai của Nguyễn Duy Xi do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ở Hà Nội ấn hành là một cuốn sách chứa đựng rất nhiều điều không đúng. Thí dụ rất nhiều tên người và ngôn từ, cách ăn nói trong những đối thoại của họ chẳng hạn.

Nó được xếp vào loại tiểu thuyết như chính nhà xuất bản và tác giả đã ghi rõ ở bìa trước. Ðọc ở trong, người ta thấy không có thư mục, hay những ghi chú về tài liệu tham khảo, nên nó phải là một sản phẩm của trí tưởng tượng, mặc dù các nhân vật của cuốn sách đều có những cái tên (nhiều khi viết sai) của những người có thật ngoài đời, của giai đoạn lịch sử vừa qua.

Người đọc cũng có những thắc mắc như khi đọc cuốn sách viết về Watergate của Bernstein và Woodward, ở đoạn Henry Kissinger rủ ông Nixon quì xuống đọc kinh trong một căn phòng ở tòa Bạch Ốc. Lúc ấy chỉ có hai người: ông Nixon và Kissinger. Ai trong hai người này kể chuyện đó cho Bernstein và Woodward? Ông Nixon thì không, Henry Kissinger lại càng không nữa. Vậy Bernstein và Woodward lấy đâu ra những chi tiết mà họ viết xuống trong cuốn sách của họ?

Những thắc mắc như thế được thấy đầy trong cuốn sách của Nguyễn Duy Xi. Người viết có được bao nhiêu tiếp xúc với những người có tên trong sách? Có thể nói chắc là không một người nào hết. Một số đã chết, hay không sống ở Việt Nam, mà nếu có sống ở Việt Nam, cũng không thể có chuyện những người này ngồi xuống nói lại ngọn ngành cho Nguyễn Duy Xi viết cuốn tiểu thuyết Ðằng Sau Dinh Ðộc Lập.

Nhưng những chi tiết như thế không đáng kể và thắc mắc nữa, khi chính những người làm cuốn sách cũng đã nhận đó là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Tuy thế, có một chữ ở trang 167 làm người đọc không nhịn được cười. Ðó là chữ "thôi".

"Thôi" được dùng trong một cách người ta chỉ thấy ở trong ngôn từ của miền Bắc trước năm 1975. Sau năm 1975, chữ "thôi" và cách dùng ở miền Bắc mới xuống miền Nam và làm khó chịu những người nghe không ít.

Cách dùng ấy không thấy ghi trong Việt Nam Tự Ðiển của hội Khai Trí Tiến Ðức cũng như Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Việt Nam Tân Tự Ðiển của Thanh Nghị.

Nhưng trong Từ Ðiển Tiếng Việt của trung tâm Từ Ðiển Ngôn Ngữ Hà Nội, Việt Nam, ấn bản 1992, ở trang 934 thì có ghi cách dùng đó và còn thêm cả vài ba thí dụ về cách dùng.

"Thôi", theo sách vừa dẫn, là trạng từ, "từ biểu thị ý nhấn mạnh sự miễn cưỡng đồng ý hoặc chấp nhận điều được nói đến vì người nói thấy cũng khó có ý kiến gì thêm được nữa."

Thực ra, thì lối dùng này đã có từ lâu, chẳng riêng gì miền Bắc. Nhưng khi dùng nó, sự chấp nhận chỉ là bắt buộc, không có gì tự ý, hài lòng hay mãn nguyện. Thí dụ nói "cuốn sách cũng được thôi," nghĩa là không được lắm, hay nói "cuốn sách cũng tạm thôi," thì cuốn sách không hay lắm. Ý nghĩa luôn luôn mang nét phủ định, chối bỏ, không chấp nhận, miền cưỡng. Nhưng cách dùng chữ "thôi" mang từ miền Bắc vào sau năm 1975 thì lại là cách dùng rất khác.

Nó được dùng với tĩnh từ "tốt", một cách dùng có thể nói là không hề có trước đây, ít nhất cũng là trong những năm trước 1954 ở miền Bắc.

Nhưng sau năm 1975, người ta bắt đầu nghe "cũng tốt thôi" rất nhiều từ những người miền Bắc vào.

Ðã tốt rồi, tại sao phải thêm "thôi" ở cuối để cho cái tốt đó trở thành không tốt nữa, một cái gọi là tốt nhưng lại không hoàn toàn tốt, nhưng vẫn phải chấp nhận, coi là tốt, vui vẻ tiếp thu? Hay là cái tốt ấy không tốt nhưng không được phản đối vì phản đối thì có chuyện ngay?

Thí dụ trong đoạn đối thoại: "Ðồng chí được đảng chọn đi chiến trường miền Nam". Ðồng chí liền trả lời: "Cũng tốt thôi."

Như thế là chúng tôi không muốn, chúng tôi cóc muốn vác AK đi dép râu đội nón cối cho xấu trai chúng tôi đi, để làm bia đỡ đạn cho con các cậu Lê Duẩn Lê Diếc, Ðỗ Mười Ðỗ Miếc... Nhưng ấn vào tay chúng tôi thì chúng tôi phải nhận. Cãi là chúng tôi nát thây, tan xác. Phải cố mà vui với điều ấy. Nhưng không vui thật lòng nên chúng tôi tống thêm chữ "thôi" vào cuối câu cho bõ ghét.

Do đó mà "cũng tốt thôi." Nghe khó chịu vô cùng. Vậy mà không phải vậy.

Kiểu nói đó nhất định tôi không bao giờ nghe trong mấy chục năm sống ở miền Nam.

Nhưng ở trang 167 của cuốn Ðằng Sau Dinh Ðộc Lập, tác giả Nguyễn Duy Xi cho ông Tư Mắt Kiếng tức là thủ tướng Trần Thiện Khiêm phang một câu xanh rờn khi nghe vợ (Ðinh Thùy Yến) cho biết sắp đi ủy lạo gia đình binh sĩ ở miền tây bằng phi cơ riêng: "Ô-kê thôi!"

Sao lại "Ô-kê thôi!" ông Tư Mắt Kiếng mà ăn nói kiểu ấy bao giờ?

Bịa đặt, phét lác thì cũng vừa phải thôi. Chi tiết nhỏ như thế cũng viết láo viết lếu thì làm sao mà... "ô kê" được.

Chỉ "ô-kê thôi" thôi. Sách viết như vậy mà cũng tái bản được thì lạ thật. Hay là một lũ ngu dốt đọc nhau chăng?

Cũng tốt... thôi?


Ngày 30 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Tuy là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu -- European Union -- từ năm 1973 và chỉ thua Ðức về con số đại biểu trong Nghị Viện Âu Châu, nước Anh không bao giờ hoàn toàn hài lòng về tư cách hội viên của mình trong tổ chức này.

Anh không muốn bị buộc phải thay thế đồng Bảng của họ bằng đồng Euro để thống nhất về mặt tiền tệ với các nước trong lục địa; những tranh chấp về thịt bò của Anh trong vụ bò điên với các nước hội viên khác chỉ là hai trong số những bất đồng giữa Anh với Liên Hiệp Âu Châu.

Và những bất đồng đó, hầu như người ta có thể đọc thấy rất thường trên báo chí Anh, nền báo chí mà Liên Hiệp Âu Châu mô tả là chuyên bóp méo sự thật, và những bài viết về đường lối của Liên Hiệp Âu Châu trên các trang báo Anh là những thứ bài vở đầy thành kiến và sai lạc (.. a digest of bias and error ) chỉ toàn đưa ra những chuyện không tốt đẹp và bất lợi cho Liên Hiệp Âu Châu.

Thí dụ khi viết về những giới chức có trách nhiệm áp dụng các biện pháp an toàn chung cho Âu châu, báo Anh so sánh những người này với những thành phần cộng tác với Ðức Quốc Xã -- Nazi collaborators. Viết như thế thì quả là có thành kiến và sai lạc thật, đúng như nhận xét của Liên Hiệp Âu Châu trong một phúc trình mới đây.

Nhưng báo chí của Anh cũng nổi tiếng là rất ái quốc sô vanh, cứ của Anh là đúng, là hay, là tốt, là đẹp. Cái mặc cảm cường quốc, lúc nào cũng muốn làm đàn anh thiên hạ nay vẫn còn. Anh vẫn bám lấy ghế của mình trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mặc dầu kể từ sau thế chiến, nhiều nước đã qua mặt nước Anh về nhiều phương diện để xứng đáng hơn Anh, và luôn cả Pháp, để trở thành hội viên chính thức và thường trực của Hội Ðồng Bảo An, như Ðức, như Nhật Bản, hay luôn cả Ấn độ, Á Căn Ðình...

Cái mặc cảm tự tôn, cái thái độ ái quốc sô vanh của Anh còn được thấy qua một bài báo viết về việc tiêu chuẩn hóa cỡ của những bao cao su ngừa thai -- condom size standardization-- mà nhiều nước Âu châu đang kêu gọi.

Việc tiêu chuẩn hóa có khi là việc cần thiết. Thí dụ các lực lượng trong Liên Minh Phòng Thủ Bắc Ðại Tây Dương có thể được trang bị nhiều kiểu súng khác nhau, nhưng dùng chung một thứ đạn. Việc này sẽ giúp công tác tiếp tế đạn dược ngoài chiến trường giản dị đi rất nhiều. Các nước trong liên minh Varsovie của Cộng Sản trước đây cũng đã làm như thế.

Nhưng có thể Anh cũng đúng khi phản đối việc tiêu chuẩn hóa cỡ của bao cao su ngừa thai.Tại sao phải tiêu chuẩn hóa? Ðạn thì tiêu chuẩn hóa vì nòng súng có thể chế tạo cùng cỡ. Nhưng đây không phải là trường hợp võ khí dùng ngoài chiến trường để binh sĩ Hòa Lan hết đạn, sẽ có thể dùng đạn tiếp tế cho các binh sĩ Pháp hay Anh chẳng hạn. Làm thế được là vì súng Anh, Pháp hay Hòa Lan có thể khác về khả năng tác xạ, tốc độ bắn, nhưng nòng súng thì cùng một cỡ để có thể dùng cùng một cỡ đạn.

Ðề nghị tiêu chuẩn hóa bao cao su ngừa thai không rơi vào trường hợp như vừa kể. Các bao cao su ngừa thai thường được chế tạo bằng những chất có khả năng đàn hồi, co giãn được. Con người ta sinh ra đời, đa số bình đẳng với nhau. Ngoại trừ một số rơi vào trường hợp ngoại lệ. Những trường hợp ngoại lệ đó không nhiều, vậy thì tại sao phải tạo rắc rối cho đời sống vốn đã nhiêu khê như hiện nay. Từ bao nhiêu năm nay, có bao nhiêu người phàn nàn mà nay phải đòi thay đổi.

Báo chí Anh rõ ràng không ưa đề nghị này, đề nghị mà người ta tin là do Ðức đưa ra. Một tờ báo người ta đọc được ở Anh, đã chạy hàng tít lớn này: BIG HANS, SMALL WILLI.

Hans là tên khá thường thấy tại Ðức. Willi là tiếng lóng gọi cái xúc xích, nguyên thủy trong tiếng Ðức là wiener, vẫn kẹp trong miếng bánh mì để thành món hotdog. Nghĩ là chưa đủ, tờ báo Anh này còn đăng một bức hình chụp một chiếc thước kẻ được lồng trong một cái bao cao su ngừa thai, và cái bao, khi mở hết, chỉ tới được ngấn 15cm5, tức là gần được 5 inches.

Người Anh rõ ràng là khinh bỉ cái cỡ bao cao su của người Ðức. Họ phản đối việc tiêu chuẩn hóa vì sợ sẽ gặp khó khăn với những bao cao su có cái cỡ tiêu chuẩn quá nhỏ của lục địa. Họ muốn cứ tiếp tục sản xuất những bao cao su với những cỡ khác nhau.

Chẳng gì sản phẩm này cũng do một công dân Anh, một sĩ quan cấp tá trong quân lực Anh sáng chế hồi thế kỷ thứ 17, được người Pháp gọi xỏ lá là capote anglaise để nước Anh phải đáp lễ lại bằng cách đổ sang cho Pháp: French letter. Người Anh không muốn tiêu chuẩn hóa chúng. Và do đó, trong tương lai, có thể nước Anh sẽ không tuân theo tiêu chuẩn chung của Liên Hiệp Âu Châu để cứ tiếp tục sản xuất những cỡ khác nhau, với cỡ lớn nhất được đặt cho cái tên là British size, trong khi những cỡ khác được gọi chung là European Union size.

Có thể nhờ đó, số du khách đến Anh để xem... Big Ben (?) sẽ tăng lên chăng?

Nhưng người Anh có thể chưa nghe cái quảng cáo của một hãng thuốc lá Mỹ quảng cáo cho những điếu thuốc King Size của họ. Ðó là câu: It is not what you make it long but it is how long you make it.

Câu này thì tôi thua, không dịch được. Nhưng đọc lên thì thấy yên tâm vô cùng.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 52)

Bản chuyển tả do Nhã Lan thực hiện. Bài học số 52 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

NHÃ LAN

Hôm nay, Nhã Lan xin chuyển tới anh câu hỏi về RELATIVE CLAUSES của một khán giả, cô Nguyên Ngọc ở Tampa, Florida. Nhưng trước hết, Nhã Lan xin anh giải thích thế nào là CLAUSE, Nhã Lan học đã lâu và đã quên hết mất rồi.

BBT

Cô hỏi về CLAUSE, nhưng nếu muốn hiểu CLAUSE thì phải biết qua về mấy thứ khác cuNũg đôi chút liên quan đến CLAUSE nữa.

Trước hết là PHRASE. PHRASE là một nhóm chữ, tự chúng không thể đứng một mình để có ý nghĩa đầy đủ. Thí dụ A NEW, RED CAR, hay AT THE END OF THE ROAD, hay TO PULL OUT OF IRAQ, hay FULL OF JOY, hay VERY EXPENSIVE

Tất cả những nhóm chữ kể trên đã đầy đủ ý nghĩa chưa, đọc chúng lên, và nghe chúng, chúng ta đã biết rõ ý nghĩa của chúng là gì chưa cô QA?

QA

QA thấy là chúng không rõ nghĩa, không đầy đủ ý nghĩa, người nghe thấy còn thiếu điều gì đó, thưa thầy.

BBT

Ðúng lắm. Không thể là "Em xinh em đứng một mình cũng xinh" được. Phải đứng đầu đình, phải mọc bờ ao mới coi được.

Ðó là PHRASE. PHRASE KHÔNG CÓ MỘT ÐỘNG TỪ ÐÃ CHIA, TỨC LÀ KHÔNG CÓ MỘT FINITE VERB.

Bây giờ nói qua CLAUSE. Thí dụ khi tôi nói: THAT MR. OBAMA SPENT A FEW YEARS IN INDONESIA hay WHO CAME TO SEE YOU YESTERDAY, hay WHICH SHE LENT ME LAST WEEK. Ðây là những CLAUSE. Cô Nhã Lan thấy chúng như thế nào?

NHÃ LAN

Nhã Lan thấy những câu ấy nó làm sao ấy. Nghe thiêu thiếu cái gì đó.

QA

QA thấy chưa hiểu rõ, chưa thấy được đầy đủ nghĩa.

BBT

Khác với PHRASE, chúng có động từ FINITE VERB không, chúng có động từ đã chia chưa? Nhã Lan?

NHÃ LAN

Có. Ðộng từ FINITE thì có, có cả chủ từ (SUBJECT) nhưng ý nghĩa thì không đầy đủ. Cũng không thể đứng một mình được.

BBT

Như vậy, hai cô đã thấy được những đặc điểm của CLAUSE. Ðó là một nhóm chữ, có động từ FINITE nhưng ý nghĩa thì vẫn chưa đủ, không thể đứng một mình, không thể độc lập được. Chúng là MỆNH ÐỀ PHỤ, phải đi với MỆNH ÐỀ CHÍNH mới có nghĩa.

Mệnh đề chính có thể đứng một mình được. Nhưng mệnh đề phụ thì không.

QA cho nghe một câu có đủ ý nghĩa, đứng một mình, nhất kiếm trấn ải, giang hồ một cõi coi.

QA

I KNOW MR HOÀNG. QA nghĩ nói vậy đủ rồi. Ai cũng hiểu rõ điều QA muốn nói. Muốn thêm thắt vào cũng được. Mà không thì cũng chẳng sao.

BBT

Ðồng ý hoàn toàn. Nhã Lan cho một thí dụ coi.

NHÃ LAN

I LOVE THE BOOK. Ðủ ý nghĩa chưa thầy?

BBT

Rất đầy đủ. Một mệnh đề nữa nhé: I READ IT FROM A MAGAZINE. Cũng đủ nghĩa rồi. Thực ra để cho chúng đứng một mình cũng không sao. Nhưng các cô có thấy chúng hơi hơi kỳ kỳ không? Ýù nghĩa thì có đấy, nhưng nghe vẫn thấy làm sao…

NHÃ LAN

Nhã Lan thấy như căn nhà trơ trọi, không có đồ đạc bên trong, như miếng thịt luộc không có mắm tôm chua vậy.

BBT

Rất đồng ý với cô Nhã Lan. Cô làm tôi nhớ đến câu tiếng Tây bồi mà chúng tôi hay nói đùa với nhau thời còn đi học. L’HOMME SANS AMOUR COMME LE CANH CUA SANS CÀ CHUA. Bây giờ tôi cho mấy mệnh đề ấy đứng chung với mấy mệnh đề phụ xem như thế nào.

I READ IT FROM A MAGAZINE THAT MR OBAMA SPENT A FEW YEARS IN INDONESIA.

Nghe đầy đủ ý nghĩa chưa cô QA?

QA

QA thấy đủ rồi. Tách ra làm hai, mệnh đề chính nghe cũng được rồi. Mệnh đề phụ thì ý nghĩa chưa đủ. QA ghép thử mệnh đề QA đưa ra hồi nẫy: I KNOW MR HOÀNG vào với mệnh đề phụ của anh ở trên nhá: WHO CAME TO SEE YOU YESTERDAY. Ðể cho hai mệnh đề đó đứng cạnh nhau sẽ là I KNOW MR HOÀNG WHO CAME TO SEE YOU YESTERDAY. Bây giờ thì ý nghĩa rõ hơn, đầy đủ hơn.

BBT

Cám ơn cô QA. Còn cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

I LOVE THE BOOK là mệnh đề chính. Nhã Lan sẽ ghép, sẽ cho đứng chung với mệnh đề phụ WHICH SHE LENT ME LAST WEEK để thành I LOVE THE BOOK WHICH YOU LENT ME LAST WEEK.

BBT

Những gì hai cô vừa đọc, văn phạm gọi là SENTENCES, là những câu, là những nhóm chữ có động từ đã chia (FINITE VERBS), có đầy đủ ý nghĩa, ném ra chỗ nào cũng đứng được, cũng sống được, cũng đầy đủ ý nghĩa. Bây giờ nếu tôi có một cái cây, thì một chùm lá tương đương với PHRASE hay CLAUSE, hay SENTENCE? Cô QA?

QA

Một chùm lá thì không sống một mình được. QA nghĩ là PHRASE.

BBT

Ðúng. Thế một cái nhánh, có lá, có hoa thì tương đương với gì?

NHÃ LAN

Nhã Lan nghĩ là CLAUSE. Những cái nhánh thì không đứng một mình mà sống được. Như vậy, cái thân có rễ thì nó sống, nhưng không có lá, không có cành thì chẳng có gì hấp dẫn, chẳng có gì đẹp cả, đó mới chỉ là một INDEPENDENT CLAUSE, một mệnh đề độc lập. Có thân, có rễ thì mới là cái cây, thì mới sống được.

BBT

Ðúng rồi. Có lá, có cành, có thân có rễ là một cái cây đứng một mình vừa xinh vừa đẹp. Văn phạm gọi nó là một COMPLEX SENTENCE, một câu phức tạp. Trong khi câu giản dị SIMPLE SENTENCE thì như thế này: I SPEAK ENGLISH. Ðầy đủ, khỏi thêm gì cũng vẫn rõ nghĩa. QA cho một câu giản dị coi.

QA

WE HAD A BEAUTIFUL HOUSE IN SAIGON.

NHÃ LAN

I HAVE A DAUGHTER IN COLLEGE.

BBT

Bây giờ hai cô nghe câu này: WE HAD A HOUSE IN SAIGON AND WE HAD A VILLA IN DALAT.

Hai cô thấy đây là một câu thế nào?

NHÃ LAN

Nhã Lan thấy cắt ra làm hai vẫn có nghĩa như thường. WE HAD A HOUSE IN SAIGON. Và WE HAD A VILLA IN DALAT.

BBT

Ðúng. Còn cô QA: I HAVE A DAUGHTER IN COLLEGE AND I HAVE A YOUNGER DAUGHTER IN HIGH SCHOOL.

QA

QA cũng thấy là cắt ra làm hai, hai câu đều có ý nghĩa.

BBT

Những câu vừa kể trên không phải là COMPLEX SENTENCES, mà chúng giống như hai cái cây riêng rẽ, trồng chung trong một cái bồn, hay trong một khu vườn mà chúng ta lấy rào quây lại. Chúng là COMPOUND SENTENCES.

Bây giờ, hai cô hiểu PHRASE, CLAUSE và SENTENCE rồi tôi mới chuyển sang để nói về RELATIVE SENTENCES.

Thí dụ chúng ta có hai câu này: I MET AN OLD FRIEND. THIS OLD FRIEND JUST CAME FROM VIETNAM. Hai cô sẽ thấy là hai câu nghe thì OK nhưng chỉ có một ông bạn mà cứ phải nhắc lại ông bạn già này tới hai lần. Nhắc nhiều nghe không hay mà còn làm cho ông ấy mệt. Vì thế, chúng ta cho một ông nghỉ, đứng ra ngoài cho khỏe cái thân già. Cô QA bỏ ông bạn già của tôi ra ngoài coi.

QA

I MET AN OLD FRIEND JUST CAME FROM VIETNAM.

BBT

Câu này không đúng văn phạm. Một câu đầy đủ thì phải có chủ từ, động từ. Không có chủ từ thì câu sai văn phạm.

I MET AN OLD FRIEND. Chủ từ là I, động từ là MET, túc từ là AN OLD FRIEND. Kế đến JUST CAME là vừa đến, đó là động từ. Ðộng từ này thiếu gì cô Nhã Lan?

NHÃ LAN

Thưa thầy thiếu CHỦ TỪ, thiếu SUBJECT.

QA

Thưa anh, QA tưởng chủ từ là AN OLD FRIEND đó.

BBT

Cô không nên bắt ông bạn già của tôi làm quá nhiều việc. Ông ấy là túc từ cho động từ MET rồi, nỡ lòng nào cô bắt ông ấy làm thêm việc chủ từ cho động từ CAME. Có trả overtime cho ông ấy cũng không được. Luật lao động thì đúng nhưng luật văn phạm thì không đúng.

QA

Vậy anh nói phải dùng chữ gì ở đây để vừa thay thế, đại diện cho danh từ AN OLD MAN, vừa làm CHỦ TỪ (SUBJECT) cho CAME?

BBT

Ðây, chúng ta có quí nhân phò trợ, đó là LIÊN ÐẠI DANH TỪ RELATIVE PRONOUN WHO. Chúng ta dùng nó để thay, để đại diện cho túc từ (OBJECT) OLD MAN đồng thời lại làm chủ từ cho động từ CAME. Cho cô QA cơ hội nói lại cho đúng đấy.

QA

I MET AN OLD FRIEND WHO JUST CAME FROM VIETNAM.

BBT

Rất đúng. WHO là đại danh tự thay cho người và làm chủ từ, trong câu trên, WHO thay cho OLD FRIEND và làm chủ từ cho CAME. Cô Nhã Lan nối hai câu này làm một coi: WE HAVE TO WAIT FOR OUR FRIEND. OUR FRIEND ALWAYS COMES LATE.

NHÃ LAN

WE HAVE TO WAIT FOR OUR FRIEND WHO ALWAYS COMES LATE FOR EVERYTHING.

BBT

THERE IS A MASS FOR PRESIDENT DIEM. PRESIDENT DIEM WAS KILLED IN 1963.

QA

THERE IS A MASS FOR PRESIDENT DIEM WHO WAS KILLED IN 1963.

BBT

NGUYỄN DU WROTE A LONG STORY ABOUT A YOUNG WOMAN. THIS WOMAN HAD TO SELL HERSELF TO SAVE HER FAMILY.

NHÃ LAN

NGUYỄN DU WROTE A LONG STORY ABOUT A YOUNG WOMAN WHO HAD TO SELL HERSELF TO SAVE HER FAMILY.

BBT

Cám ơn hai cô. Nhưng những thí dụ vừa rồi là những trường hợp dùng LIÊN ÐẠI DANH TỪ LÀM CHỦ TỪ WHO.

Có những trường hợp như thế này nữa: I CAME TO VISIT MY HIGH SCHOOL TEACHER OF MANY YEARS AGO. I LOVE THIS TEACHER VERY MUCH. Nếu nối hai câu này lại với nhau, cô Nhã Lan nghĩ chúng ta có thể dùng WHO để thay cho cô giáo ở câu trước và luôn cho cả cô giáo ở câu sau được không?

NHÃ LAN

Ðược. Ðể Nhã Lan thử nối hai câu lại với nhau nhé: I CAME TO VISIT MY HIGH SCHOOL TEACHER OF MANY YEARS AGO WHO I LOVE VERY MUCH.

QA

QA nghĩ là không được, vì trong câu sau, cô giáo là TÚC TỪ của động từ LOVE. Không thể dùng WHO (OBJECT) được, vì anh nói WHO chỉ có thể đóng vai CHỦ TỪ (SUBJECT) mà thôi. QA nhớ TÚC TỪ LIÊN ÐẠI DANH TỪ là WHOM. Phải bỏ WHO đi, thay bằng WHOM mới đúng.

BBT

Cám ơn cô QA. Tôi sẽ phải khen cô với các con của cô mới được. Nhã Lan sửa lại coi.

NHÃ LAN

I CAME TO SEE MY HIGH SCHOOL TEACHER OF MANY YEARS AGO WHOM I LOVE VERY MUCH.

BBT

Ðúng. Hai cô nghe hai câu này nhé: I SUPPORT SENATOR McCAIN. I VOTED FOR SENATOR McCAIN LAST YEAR. Cô Nhã Lan nối hai câu này làm một và giải thích tại sao cô nối như thế.

NHÃ LAN

I SUPPORT SENATOR McCAIN WHOM I VOTED FOR LAST YEAR.

Nhã Lan dùng WHOM vì SENATOR McCAIN là OBJECT, túc từ trong mệnh đề thứ nhì. OBJECT của Liên Ðại Danh Từ thay thế cho người là WHOM, không thể là WHO được.

BBT

Cám ơn cô Nhã Lan. Cô nối hai câu này làm một coi: I FINALLY TALKED TO MS THÁI THANH. I ADMIRE MS THÁI THANH A LOT. Cô sẽ dùng WHO hay WHOM?

QA

QA nhớ câu này của một cô giáo ngày xưa dậy QA ở Sài gòn, đó là nếu đại danh từ trong câu sau là HE hay SHE thì dùng WHO. Nếu đại danh từ trong câu sau là HIM hay HER thì dùng WHOM. WHO dùng làm chủ từ (SUBJECT). WHOM dùng làm túc từ (OBJECT)

I FINALLY TALKED TO MS THÁI THANH. I ADMIRE MS THÁI THANH A LOT hay I ADMIRE HER A LOT cũng vậy, cùng nghĩa. Vậy thì QA sẽ dùng WHOM để thành I FINALLY TALKED TO MS THÁI THANH WHOM I ADMIRE A LOT.

BBT

Cám ơn cô. Bây giờ chúng ta ôn lại WHO và WHOM. Tôi sẽ đọc hai câu lên, rồi hai cô nối chúng lại với nhau, dùng RELATIVE PRONOUNS WHO hay là WHOM.

IT WAS THE ANNIVERSARY OF THE DEATH OF PRESIDENT THIEU. HE DIED IN 2001.

NHÃ LAN

IT WAS THE ANNIVERSARY OF THE DEATH OF PRESIDENT THIEU WHO DIED IN 2001 IN BOSTON.

BBT

HERE IS MISTER VÕ PHIẾN. YOU TALKED ABOUT HIM ALL THE TIME.

QA

HERE IS MISTER VÕ PHIẾN, THE AUTHOR OF THE BOOK WHOM YOU TALKED ABOUT ALL THE TIME.

BBT

Ðúng. Hai cô có Tylenol không?

NHÃ LAN

Có đây, cả hai học trò đều đang cần đây. Uûa sao thầy cũng cần nữa sao?

BBT

Nhức đầu quá. WHO với lại chả WHOM. Chắc phải vài ba kỳ nữa tôi mới dám trở lại với RELATIVE SENTENCES, RELATIVE CLAUSES và RELATIVE PRONOUNS. Còn mệt hơn làm rể Chương Ðài nữa.

Công anh làm rể Chương Ðài
Một mình ăn hết mười hai vại cà
Giếng đâu thì dắt anh ra
Kẻo mà anh chết với vại cà nhà em…
Ðâu, thuốc nhức đầu đâu…
Thuốc đâu xin hãy đưa nhanh
Kẻo tôi chết với bài văn phạm này

QA

Thôi, hai học trò tha cho thầy để sẽ trở lại vào tuần tới. Chuyện chưa hết đâu thưa thầy. Còn những trường hợp khác nữa. Còn WHOSE, THAT, WHICH nữa chứ thầy. Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.

October 22, 2009

October 23, 2009

Ngày 19 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Có một câu từng ở cửa miệng của không biết bao nhiêu là người Việt trong suốt nhiều năm nhưng nguồn gốc của nó thì lại rất mù mờ, không ai có thể nói rõ nó xuất hiện từ lúc nào, và ai là người nghĩ ra nó và dùng nó lần đầu tiên.

Ðó là câu "Bỏ đi Tám!"

Câu nói này phải được nói đúng cách, lên xuống phải đúng kiểu thì mới có ý nghĩa. Nó có vẻ duỗi ra, giọng đầy khinh bỉ, một thái độ bác bỏ, cùng với một cái khoát tay:

"Bỏ đi Tám!"

Người đàn ông mang tên Tám không bao giờ xuất hiện, xác nhận căn cước của mình để chúng ta bầy tỏ lòng biết ơn ông ta đã để lại cho tiếng Việt một câu nói hay vô cùng, dùng lúc nào cũng có kết quả.

Lúc đầu tôi tưởng ông là nhân vật của họa sĩ Cát Hữu trên một nhật báo Sài Gòn hồi những năm cuối của thập niên 50, ông Tám Sạc Ne. Nhân vật Tám Sạc Ne có cái tên Tây đi sau chắc thường xuyên xuất hiện ở đường Charner, con đường sau đổi tên thành đường Nguyễn Huệ. Ông Tám Sạc Ne ăn nói xuề xòa, giọng điệu bình dân nhưng lại hết sức thâm thúy về đủ mọi chuyện xẩy ra ở Sài Gòn thời ấy.

Nhưng ông Tám Sạc Ne không phải là ông "Bỏ đi Tám!"

Ông Tám này, theo một cách giải thích, xuất hiện trong các quán rượu. Ông có hai bàn tay hay đi giang hồ, thích đậu lại ở những khu vực không nên đậu lại của các cô tiếp viên. Các cô không vui, đẩy tay các ông ra chỗ khác và đã nhiều lần định mắng vào mặt các ông, nhưng vì chuyện kiếm tiền, các cô phải nín.

Nín nhưng vẫn ấm ức lắm. Gọi các chàng là "dê" các chàng giận không đến ngồi với các cô nữa thì không được. Nhưng nín thì bực lắm. Gọi là "dê" càng không nên, chê các chàng là 35 cũng không xong. Không nói thì không chịu được.

Muốn bắt chước lũ trẻ đố nhau "60 chia 2, trừ đi 5, cộng 10" để thành con số 35 thì dài dòng quá. Thôi thì lấy số 3 cộng với số 5 thành số 8. Gọi các chàng là Tám thì cách gì các chàng biết được. Thế là câu "Bỏ đi Tám!" ra đời.

Tôi nghe câu này lần đầu tiên khoảng năm 1962 gì đó do một người bạn về thăm nhà mang sang. Lúc ấy, nó đã vượt ra ngoài các quán rượu để có thể dùng ở cả bên ngoài.

Từ đó đến nay, câu "Bỏ đi Tám!" vẫn tiếp tục có người dùng, chưa bị đào thải hẳn như những câu nói cửa miệng thời thượng khác. Những câu đó, trung bình ở với chúng ta nhiều nhất là khoảng 10 năm thì từ từ biến mất. Ngày nay, mấy ai còn dùng những câu nói như "chính hiệu bà Lang Trọc", hay " đệ nhất Bắc Kỳ di cư", hay "75 phần dầu", hay "xưa rồi mà Diễm" … nữa.

Nhưng "Bỏ đi Tám" thì vẫn còn được nghe. Mới đây, có một chuyện này tôi nghĩ có thể sẽ làm cho câu "Bỏ đi Tám" còn ở với tiếng Việt của chúng ta thêm nhiều năm nữa.

Một nhà sử học uy tín ở Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê, đã viết một bài báo nói rõ rằng nhân vật Tám, một cậu bé được nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội tốn bao nhiêu giấy mực để ca ngợi, sùng thượng làm thần tượng cho người dân, xúi dại trẻ con chống Mỹ bằng những việc làm điên dại nhất để cho con cái các đồng chí lớn được cha mẹ che chở, không phải vượt Trường Sơn hy sinh ở chiến trường miền Nam, chỉ là một câu chuyện được dụng đứng lên bằng những chi tiết bịa đặt láo lếu. Theo sách vở của nhà nước thì cậu bé tưởng tượng này đã đổ xăng vào người, rồi chạy lao vào kho đạn của Pháp, bật diêm đốt thân xác mình để phá nổ kho đạn.

Nhà nuớc bịa ra nhân vật này, rồi ra lệnh cho các thợ viết cong đít lên ca ngợi Tám, dựng đài kỷ niệm, đặt tên cho các trường học.

Trong khi chẳng có cậu Tám nào hết. Tám chỉ là sản phẩm của một bọn dối trá bịp bợm như kiểu bác Hồ đội một cái tên khác, Trần Dân Tiên, để ca ngợi bác sau khi đã quả quyết rằng bác là người khiêm tốn, không muốn ai nhắc đến mình.

Lời khẳng định của giáo sư Phan Huy Lê về vụ ngụy tạo nhân vật Tám đã bầy ra những việc làm dối trá, bịp bợm của nhà nước.

Người dân nghe thấy chuyện này liền hét ầm lên rằng "Bỏ đi Tám".

Vì thế, câu nói cửa miệng này lại sống dậy và lần này có thể sẽ sống lâu hơn những câu nói khác.


Ngày 20 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Từ khi có cái điện thoại cầm tay, không còn bao nhiêu người phải dùng nhũng cuốn sổ ghi điện thoại nữa. Trong máy đã có sẵn một bộ nhớ để giữ lại các số điện thoại gọi đến hay gọi đi. Những số điện thoại ấy, khi cho thêm cái tên ở đằng trước, chúng sẽ trở thành một cuốn phone book với những số điện thoại cần thiết, khi cần, chỉ kiếm cái tên, bấm nút gọi là xong, không phải mở cuốn sổ điện thoại ra, miệng lẩm bẩm đọc số điện thoại, tay thì bấm số nữa.

Chủ điện thoại có thể nghĩ ra những cái tên khác, những ký hiệu mới cho các số điện thoại như nếu không muốn trả lời, thì cứ ghi ba chữ DNA (Do Not Answer) là thoát: điện thoại reo, ngó thấy chữ DNA thì tiếp tục đọc báo, uống cà phê, nhẩy cho xong bài Tango, làm nốt công việc giấy tờ (?) trong toilet vân vân.

Muốn số điện thoại quan trọng luôn luôn ở đầu danh sách điện thoại, khỏi phải tìm kiếm lâu la, thì đặt cho nó (?) cái tên mới, như A chẳng hạn. Rồi A-1, A-2, A-3 …Mở điện thoại ra là có ngay mấy cái số ấy ở đầu danh sách, bất kể tên người ấy bắt đầu bằng chữ nào trong alphabet đi chăng nữa.

Nhưng đặt cho những số điện thoại ấy vài ba chữ A, A-1 hay A-2 … thì cũng không cho thấy bao nhiêu khả năng sáng tạo của chủ nhân cái điện thoại. Ðặt tên như vậy là thường. Thua một ngươi đàn ông ở Ả Rập Sauđi xa.

Người đàn ông này một bữa đi tắm, để cái điện thoại ở ngoài, vợ chàng nhìn thấy, tò mò cầm lên, mở ra xem coi chồng mình có bao nhiêu số điện thoại trong máy. Nàng thấy có một cái tên nghe rất hãi hùng: Guantanamo, cái trại tù nhốt khủng bố của chính phủ Mỹ ở một căn cứ hải quân tại Cuba. Nàng biết đó là một trại tù khủng khiếp, các tù nhân bị đánh đập, tra tấn kinh hoàng, kinh Koran thiêng liêng của người Hồi giáo bị tống vào cầu tiêu trước mặt các tù nhân anh dũng (?) vân vân. Ðó là theo những điều đọc được của báo chí Ả Rập. Guantanamo là một ác mộng của người Ả Rập và của cả thế giới Hồi giáo.

Chồng của nàng tại sao lại có cái số điện thoại của cái trại giam dễ sợ đó. Hay chàng đã đi theo Al Qaeda, sắp sửa ôm bom tự sát để tuẫn đạo, lên thiên đường được Allah tặng không, miễn phí 72 trinh nữ ngon lành. Nàng đã định giận chàng, nhưng nhớ lại người Hồi giáo phải chết như thế mới là chết, nàng bắt đầu phục chàng. Chắc là khi có gì cần, chàng gọi thẳng vào Guantanamo, cho bọn Mỹ ác ôn tha hồ nghe điện thoại của chàng, khỏi phải nghe lén. Gọi từ Ả Rập Sauđi thì chàng tha hồ chửi nát mặt bọn Mỹ, khỏi phải kiêng nể gì. Mỹ cách gì sang được vương quốc Ả Rập Sauđi để làm khó chàng. Chao ơi, sao nàng lại hạnh phúc đến thế! Ðược làm vợ của một người anh hùng như chàng thì vinh dự và hạnh phúc biết là bao. Chàng đâu phải là cái thứ hèn nhát, không dám đánh Mỹ, chỉ ở nhà giải trí bằng cách đánh vợ tơi tả…

Nhưng rồi nàng đọc tiếp cột bên cạnh của cái tên trại tù Guananamo thì nàng thấy cái số điện thoại ấy nghe rất quen. Nàng đọc kỹ, thì đó chính là cái số điện thoại của nàng.

Số điện thoại thì của nàng, mà tên thì lại không phải tên nàng, mà là cái tên oan nghiệt Guantanamo, cái trại tù khốn nạn từng làm khổ bao nhiêu chiến sĩ quả cảm của Hồi giáo và của Ả Rập.

Và tại sao cái trại tù khốn kiếp ấy lại dùng chung cái số điện thoại của nàng, cũng cùng area code như số của nàng?

Nghĩ thêm một chút thì nàng hiểu. Người đàn ông đầu gối tay ấp của nàng, người mà nàng sẵn sàng xõa tóc, cởi cái thobe kín mít từ đầu đến chân ra cho chàng độc quyền thưởng thức, sẵn sàng cho chàng xem cái bụng mỡ núng nính của nàng thường ngày được che kín bằng cái thobe, thì nay nàng tình cờ biết rằng nó gọi nàng là Guantanamo, tên của cái trại tù kinh khiếp đó. Vậy là nó định nói nàng độc địa như thế hay sao? Nó nghĩ là nàng sẵn sàng tra tấn nó, đổ nước vào mũi nó, rút móng tay, móng chân nó để tra khảo nó hay sao? Nàng nhận là thỉnh thoảng nàng cũng có ác với nó, nhưng so với những biện pháp tra tấn như ở Abu Ghraib hay Guantanamo thì đã thấm tháp gì.

Nàng điên tiết cầm điện thoại gọi một văn phòng chuyên lo các vụ li dị, nhờ lập thủ tục ly dị nó ngay lập tức.

Thế là cậu Ả Rập Sauđi nọ sắp vất vả đời trai. Tại sao không dùng mấy cái tên như Bà chằng lửa sửa cầu tiêu của anh ơi! Con beo gấm của anh… Con chằng tinh gấu ngựa của anh … Người đàn bà cưỡi cái chổi bay vèo vèo trong đêm Halloween của anh ơi

Những cái tên ấy thơ mộng và lãng mạn biết là bao nhiêu. Tại sao lại lấy tên Guantanamo cho nó biết nó đớp cho? Tại sao không gọi nó là Chí Hòa, là Lý Bá Sơ, là Ðầm Ðùn, là Hà Nội Hilton … có phải là nó … không biết không?


Ngày 21 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Henry Kissinger, theo Seymour M. Hersh trong cuốn The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House (New York: Summit Books, 1983), mỗi lần chán đời, ưu sầu, là chàng ăn. Và khi chàng ăn, thì chàng mập và xấu trai kinh khủng.

Khi chàng thèm ăn, thì chàng có thể làm bất cứ gì để có ăn. Vận mạng của Ðài Loan được định đoạt trong bản thông cáo chung Thượng Hải, mà để có văn kiện này, thì hình như nhà cầm quyền Hoa lục chỉ mất có một con vịt quay Bắc Kinh. Ðiều này, chính Henry Kissinger nói ra. Chàng nói rằng với một con vịt quay Bắc Kinh ngon, muốn gì chàng cũng ký.

Hồi ấy chắc chưa có thuốc Prozac nên lịch sử và chính trị Ðông Á mới có chủ trương "lưỡng quốc nhất chế" lôi thôi cho đến bây giờ, để Hoa lục dựa vào đó làm vất vả Ðài Loan từ đó đến nay.

Kissinger khi trong óc thiếu seratonin thì buồn bã, ưu sầu, ăn uống bậy bạ, gây tai hại cho tình hình thế giới như thế. Những người không phải là ngoại trưởng Mỹ thì phản ứng khác hẳn.

Chúng tôi đi shop. Chúng tôi shop cho đến khi chúng tôi té gục -- shop till you drop-- như nhiều người ở Mỹ đã cho thấy.

Ðây là một thứ bệnh, danh từ y khoa gọi là oniomania, do một nhà tâm lý học người Ðức nhận diện cách đây gần một thế kỷ. Ở Mỹ, theo Hội Tâm Lý Học Hoa kỳ (The American Psychological Association), có khoảng mười lăm triệu người bị hội chứng này. Những người mắc bệnh này thường tạo kẹt xe kinh khủng ở gần các khu buôn bán. Họ làm cho việc tìm được một chỗ đậu xe ở các mall là một cực hình trần ai khoai củ. Bệnh nhân ra khỏi nhà từ sáng sớm, thường là trước giờ mở cửa của các cửa tiệm. Cửa mở, họ xông vào, credit card trong tay, đúng lời căn dặn trong những quảng cáo của American Express là không bao giờ ra khỏi nhà mà không mang theo. Họ khuân một đống đồ ra quầy trả tiền, rồi quăng cái thẻ mua chịu ra, cà cho nát, cho mỏng teng, cho rách...

Ở mười lăm triệu người, thì bệnh đã phát. Trong khi đó, khoảng bốn chục triệu người Mỹ thì còn đang trên đường phát bệnh. Trong những con số này, khoảng 90% là phụ nữ. Ðặc biệt là theo tài liệu của Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ, rất ít đàn ông mắc thứ bệnh quái ác này.

Trong ngôn ngữ hàng ngày, họ là những người mắc chứng mua sắm không thể kiểm soát được, compulsive shoppers. Mua sắm trở thành việc làm họ không còn làm chủ được nữa. Mua sắm quay trở lại kiểm soát mọi suy nghĩ của họ.

Những cái tủ áo đầy nghẹt trong nhà, vài trăm đôi giầy trong garage (nếu ở dinh Malacanang thì con số có thể lên đến 6 ngàn đôi), bàn phấn khoảng gần một trăm đôi bông tai để phục vụ hai cái tai, ví tay vài chục cái, thắt lưng mấy chục cái, găng tay ba chục đôi... Rất nhiều thứ chưa được giải phóng ra khỏi những gói giấy ở tiệm mang về.

Vậy nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi shop tiếp. Phải quay trở lại mall, quơ thêm vài ba đống nữa thì chúng tôi mới thấy nhẹ người đi chút ít.

Nhưng tiền đồ của thế giới sắp khá. Bệnh mua sắm có thể chữa được bằng thuốc. Ðại học Stanford ở California đang thí nghiệm một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân sau khi uống thuốc, và thuốc ngấm, thì cho dù là đã ra đến cửa với một kế hoạch mua sắm chi tiết, qui mô, cũng sẽ quay vòng trở lại, thay quần áo, ở nhà làm một người Mỹ bình thường và khỏe mạnh. Thuốc giúp gia tăng seratonin trong óc, và khi lượng seratonin tăng lên tới mức bình thường, thì chúng tôi bình thường trở lại. Không đi mua sắm bậy bạ nữa, ăn nói hợp lý hơn, không lô gích một chiều nữa, không gây sự không lý do nữa, không nạt nộ người chung quanh nữa, không đòi về nhà má nữa vân vân.

Thí nghiệm của trường Stanford không biết đến bao giờ mới có kết quả, nhưng giới doanh thương Mỹ đang tìm cách chặn không để cho loại thuốc này được bầy bán trước Thanksgiving và Giáng Sinh, thời gian mua sắm kinh hoàng nhất ở Hoa kỳ. Các bệnh nhân khỏi bệnh thì làm sao kinh tế Hoa kỳ khá đây?

Nhưng biết đâu, chuyện chữa bệnh mua sắm chỉ là mục tiêu phụ, còn mục tiêu chính là chữa bệnh ăn nói càm ràm thì sao? Mà như thế thì trước hay sau Thanksgiving và Giáng Sinh có gì quan trọng lắm đâu?

Hay là cứ vào bếp lục cơm nguội ăn như Kissinger cũng đã chết ai chưa.


Ngày 22 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Sáng nay, đọc một bản tin của tờ Los Angeles Times xong, tôi không biết sẽ phải nghĩ gì nữa.

Theo tờ báo này, thì cứ ba thì có một, cứ ba mươi thì có mười, cứ chín chục thì có ba chục. Ðó là những con số rất lớn, những tỉ lệ hết sức đáng kể.

Còn nhớ mấy năm trước, thống kê cảnh sát cho biết là cứ hai mươi lăm chiếc xe chạy ngang trong buổi tối thứ sáu ở xa lộ vòng đai thủ đô, thì có một chiếc do người say rượu lái, tôi đã nghĩ là quá nhiều. Nhưng so với con số của tờ Los Angeles Times đưa ra sáng nay thì con số của cảnh sát thủ đô Mỹ thua rất xa.

Theo tờ báo này, thì con số người lái xe say rượu ít hơn con số người không rửa tay sau khi dùng buồng tắm rất nhiều. Và đó là một con số đáng sợ.

Ba người bước ra từ phòng rửa tay, có một người không rửa tay. Gọi là phòng rửa tay cho lịch sự, chứ thực ra, phải gọi là nhà cầu, nhà tiêu, nhà tiểu mới đúng.

Và dĩ nhiên là những người vào đó không chỉ để rửa tay. Ðể rửa tay mà không rửa tay thì còn gì để nói? Họ vào để làm những việc khác hơn là để rửa tay, và vì làm những việc khác đó nên mới cần phải rửa tay. Cần rửa tay, mà không rửa tay mới ghê!

Tờ Los Angeles Times nói rằng con số đó là con số tính chung cả đàn ông cũng như đàn bà. Và phụ nữ, vẫn theo tờ báo ấy, ở dơ không thua gì đàn ông. Nghĩa là cả hai phía đều một trong ba người, không rửa tay gì hết.

Ðọc xong bản tin của tờ báo, tôi nhớ lại những kinh nghiệm ở ngoài những phòng rửa tay mà tôi đã trải qua không phải là một, mà nhiều lần. (Những) người ấy từ trong bước ra, tay vẫn khô queo, đưa tay lên "vuốt tóc tôi / thở dài trong lúc thấy tôi vui".

Bây giờ thì tôi có thể hiểu tại sao những tình cảm lại trái ngược, tương phản nhau như thế. Bên thì buồn, bên thì vui. Thì ra phía bên kia thở dài thương hại cho người đàn ông dại dột, khù khờ, ngây thơ, không biết gì hết, được vuốt tóc thì mừng quá đỗi, vui ra mặt trong khi không hề biết phía bên kia thuộc thành phần một phần ba, mười phần ba chục, ba chục phần chín mươi.

Biết đâu trong số những người tôi quen, lại chẳng có một số thuộc thành phần ấy. Và người đàn ông hiền lành, không đa nghi, hồn nhiên, không hề biết những người nước hoa thơm lừng đó lại chính là những người chủ trương bảo tồn nguồn nước cho thế giới, không phung phí nước cho việc rửa tay?

Vậy mà, chao ôi, chúng tôi đã nắm tay nhau đi trong hạnh phúc ngập tràn, ở Wellington, ở Sydney, ở Sài Gòn, ở Hán Thanh, ở Tokyo, ở Hương Cảng, ở Paris, ở Luân Ðôn, ở Madrid, ở Roma, ở Hoa Thịnh Ðốn, ở Nữu Ước, ở Toronto, ở Montreal, ở Los Angeles, ở San Jose, ở San Diego...

Không những chỉ nắm tay nhau, mà còn "kỷ niệm thơm từ năm ngón tay/ trăng lên từng nét gợn đôi mày", còn "ngón tay phơ phất mùi hoang thảo / lượn nét mây vờn sợi tóc mai", còn "mười ngón tay dâng lửa nguyện cầu"...như trong Ðinh Hùng nữa mới là phiền chứ.

Làm tất cả bằng ấy chuyện với những bàn tay hà tiện nước. Sao đời của tôi lại khổ đến chừng ấy được? Bây giờ phải làm gì đây? Làm thế nào để "tấm son gột rửa bao giờ cho phai"?

Cứ tưởng tượng ra những chuyện đã diễn ra mà kinh, mà khiếp cho mình.

Tại sao tờ Los Angeles Times lại làm công việc tàn ác như thế? Có cần phải khơi lại những thương tích đã lành từ bao nhiêu lâu nay bằng những nhát dao đâm nát ra như thế không? Tại sao người đàn ông Á châu già đang mơ giấc mộng dài, lại phải lay cho chàng dậy một cách phũ phàng như thế? Tại sao không để cho "ngón tay não nuột tàn nhung bướm / gỡ cánh hoa phai lả mái đầu"?

Hay tại sao không chịu rửa tay kỹ cho chúng tôi nhờ một chút?


Ngày 23 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

"Diamonds are a girl's best friend" thực ra không phải là câu nói của Liz Taylor như tôi vẫn nghĩ từ trước đến nay.

Câu này là tựa đề của một ca khúc, nhạc của Jule Styne, lời của Leo Robin viết năm 1949, nhưng không hiểu vì sao, nhiều người cứ nghĩ là của Liz Taylor. Có thể là vì cô đào này có nhiều kim cương chăng? Mỗi lần lấy chồng, cả thẩy tám lần, nếu tôi đếm đúng, tay cô đều đeo một cục đá mới to tổ bố, nên Liz trở thành bạn thân của kim cương và kim cương trở thành bạn chí thiết của cô? Rồi một loại nước hoa mà cô quảng cáo mấy năm nay, White Diamond, lại càng làm cho tên của cô đi sát với kim cương hơn.

Nhưng ngày nay, kim cương không chỉ là bạn của phụ nữ như tên của bài hát nữa, mà là bạn của nhiều thứ rất kỳ lạ. Thí dụ của Foday Sankoh, của Charles Taylor chẳng hạn. Mà Foday Sankoh hay Charles Taylor thì không thể là phụ nữ được. Foday Sankoh là người cầm đầu Mặt Trận Cách Mạng Thống Nhất (Revolutionary United Front), lực lượng phiến loạn ở Sierra Leone, một quốc gia ở tây Phi châu. Còn Charles Taylor một thời từng là tổng thống của Liberia cũng ở tây Phi châu. Hai ông này không đeo nhiều kim cương, nhưng kim cương vẫn là bạn thiết của hai ông. Kim cương đã giúp những người như hai ông tiến hành những cuộc nội chiến chém giết khủng khiếp nhất trong lịch sử Phi châu.

Mới đây, người ta khám phá ra rằng chính kim cương đã gây ra bao nhiêu khổ nạn cho những người dân bất hạnh của Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia. Các nước này đều có những mỏ kim cương với sản lượng rất lớn. Và chính nhờ lợi tức thu được qua dịch vụ xuất cảng kim cương ra ngoài, mà các nước này mới có tiền mua võ khí để tiến hành những cuộc nội chiến kinh hoàng như thế. Những khẩu AK, những chiến xa, những hỏa tiễn 122mm, những phản lực cơ MiG trong tay các lực lượng quân sự của các nước này đều được mua bằng tiền bán kim cương. Những viên kim cương ở các quốc gia Phi châu này không chỉ là kim cương, mà là "conflict diamonds", kim cương xung đột, kim cương giúp tài trợ cho các phong trào nổi dậy, phiến loạn ở Sierra Leone, Congo, Liberia và Angola. Ở Sierra Leone, thường dân bị đuổi ra khỏi những nơi có mỏ kim cương, quân của Foday Sankoh khủng bố, chặt tay những ai dám chống lại lệnh đi khỏi các khu này. Và mới đây, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã bị quân của Foday Sankoh tấn công khi định tiến vào khu vực có mỏ kim cương. Các chi tiết này cho thấy kim cương là bạn thiết của các ông này như thế nào. Các ông không đeo chúng.

Chỉ có các phụ nữ như Liz Taylor mới lóng lánh hột soàn trên tay, như những hứa hẹn của những cuộc hôn nhân lâu dài.

Tại cuộc họp của các nhà sản xuất và buôn bán kim cương nhóm tại Antwerp, Bỉ, mới đây, các phái đoàn tham dự hội nghị đã quyết định phải chặn đứng việc buôn bán những cục "conflict diamonds" này vì nó dính quá nhiều máu của những người dân Phi châu khốn khổ. Nhưng rất nhiều kim cương "conflict" này đã lọt được ra ngoài. Số lượng kim cương này không phải là nhỏ khi nhìn vào số võ khí mà các nước Phi châu này có trong tay để theo đuổi những cuộc chiến khủng khiếp từ mấy năm nay.

Những cục đá rực rỡ trên tay những người phụ nữ mà chúng ta gặp trong những đám cưới, những đám tiệc sang trọng ở đây, có rất nhiều cục, nhìn kỹ còn thấy những vết máu của người Phi châu khốn nạn. Có những cục đã từng nằm trong hậu môn của những người phu mỏ Nam Phi khi những người phu này lén đánh cắp sau những buổi làm trong những mỏ kim cương như hình chụp trong một số báo National Geographic.

Những viên kim cương ấy có khi nằm trên những chiếc vương miện, những chiếc tiara, diadème... ngự trên những mái tóc, có khi trên những chiếc nhẫn ở những ngón tay...

Nghĩ như thế rồi liệu chúng ta có còn muốn đeo những viên kim cương này nữa không? Những người đàn ông nên nhắc những người đàn bà khi đứng trước những cửa hàng bán kim cương về những vết máu của những người dân Angola, Congo, Sierra Leone, Liberia, Burkina Faso... Làm như thế, may ra những người phụ nữ nhân đức, biết thương người này sẽ chạy sang K-Mart mua đại cái nhẫn rẻ tiền đeo tạm để máu của những người dân Phi châu không bám vào tay của họ nữa, và có khi nhờ đó, mà máu người Phi châu sẽ bớt đổ chăng.

Hay lúc đó, lại nổi cơn... khát máu người dân Phi châu vô tội, lôi câu để đời của Zsa Zsa Gabor (*), sửa đi một chút để nói rằng "tôi chưa ghét một người đàn ông nào tới mức để từ chối cục kim cương của chàng", và đòi cho bằng được cục kim cương dư sức ném vỡ đầu con chó để mấy con mụ khác tức điên lên chơi?

_________________

(*) Câu nguyên văn của Zsa Zsa Gabor là "I never hated a man enough to give him diamonds back" đọc được trong tờ Observer số đề ngày 25 tháng 8 năm 1957.

Bùi Bảo Trúc


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 51)

Bản chuyển tả do Quỳnh Anh thực hiện. Bài học số 51 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 11 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

Trong bài học hôm nay, QA xin nhờ anh cắt nghĩa về NEGATIVE QUESTIONS. NEGATIVE QUESTIONS là gì? QA tưởng là chỉ có ba loại câu là AFFIRMATIVE tức là câu xác định, NEGATIVE là câu phủ định và INTERROGATIVE hay QUESTIONS là câu nghi vấn thôi chứ, lại có cả NEGATIVE QUESTIONS nữa sao? Nếu vậy thì chúng, những NEGATIVE QUESTIONS, được dùng trong những trường hợp nào?

BBT

NEGATIVE QUESTIONS là những câu hỏi mà trong đó đã có nghĩa phủ định ở trong. Chúng ta cũng dùng những câu hỏi như thế trong khi nói tiếng Việt, và dùng chúng thường lắm. Thí dụ hai cô mất cả một buổi mới nấu xong bữa chiều cho các con. Có đứa ngồi xuống bàn, nhìn các món bầy trên bàn ăn rồi đứng dậy, ra ngồi trước máy truyền hình, vặn đài Hồn Việt Television lên xem mẹ biểu diễn nói tiếng Anh thì câu hỏi của cô Nhã Lan đặt ra cho con gái là gì, bằng tiếng Việt.

NHÃ LAN

Nhã Lan sẽ hỏi con gái là "Con không ăn à?"

BBT

Cô QA có hỏi con câu hỏi này không: "Con có ăn không?"

QA

Không, vì QA đã thấy con ra ngồi trước máy truyền hình rồi. QA nghĩ chắc nó không ăn. Nên QA phải hỏi câu của Nhã Lan: "Con không ăn à?" Trong câu hỏi đó, đã có có sự hiểu ngầm là không ăn rồi.

Nhưng trong Anh ngữ những câu NEGATIVE QUESTIONS được hợp thành như thế nào?

BBT

Trước hết, để làm thành câu hỏi, chúng ta đưa động từ của câu lên trước, đem chủ từ bỏ ra phía sau. Hai cô chắc đã thừa biết cách đặt câu hỏi rồi. Mời cô QA, cô cho nghe một câu AFFIRMATIVE, rồi đổi qua thể hỏi, QUESTION. Hãy cứ dùng động từ TO BE đã.

QA

I AM NEXT IN LINE

AM I NEXT IN LINE?

YOU ARE FROM TEXAS

ARE YOU FROM TEXAS?

NHÃ LAN

HE WAS ABOUT FORTY SOMETHING

WAS HE ABOUT FORTY SOMETHING?

THEY WERE EARLY

WERE THEY EARLY?

BBT

Bây giờ, muốn đổi những câu hỏi ở trên thành NEGATIVE QUESTIONS thì chúng ta thêm trạng từ NOT vào sau chủ từ. Mời cô QA.

QA

AM I NOT NEXT IN LINE? Bộ tôi không phải là người đứng kế hay sao?

ARE YOU NOT FROM TEXAS? Cô không phải là người Texas sao?

NHÃ LAN

WAS HE NOT FORTY SOMETHING? Ông ấy không ngoài bốn mươi sao?

WERE THEY NOT EARLY? Họ không đến sớm à?

Nhưng thưa anh, Nhã Lan ít khi nghe những câu hỏi như thế. Người ta hay nói khác chứ không phải WAS HE NOT FORTY SOMETHING phải không QA?

QA

Ðúng rồi thưa anh. ARE YOU NOT FROM TEXAS? nghe lạ quá.

BBT

Hai cô nhận xét rất đúng. Chỉ trong văn viết, hay khi nói chuyện với nữ hoàng Anh người ta mới nói như vậy. Trong khi nói chuyện hàng ngày, người ta nói tắt ARE NOT, WAS NOT và WERE NOT lại thành AREN’T, WASN’TWEREN’T. Cô Nhã Lan đổi những câu của cô thành lối nói tắt coi.

NHÃ LAN

WASN’T HE FORTY SOMETHING?

WEREN’T THEY EARLY?

BBT

Ðúng lắm. Cô QA?

QA

AMN’T I NEXT IN LINE?

AREN’T YOU FROM TEXAS?

BBT

Ðúng. Nhưng AM I NOT, nói tắt là AMN’T không còn thấy nhiều người dùng nữa. Lý do là vì phát âm chữ này … lùng bùng quá. Có một số người dùng AREN’T I, nhưng dùng như vậy là sai. ARE là động từ TO BE dùng cho NGÔI THỨ HAI (SECOND PERSON) là YOU và NGÔI THỨ BA SỐ NHIỀU (THIRD PERSON PLURAL) là THEY. Vì thế, có một phong trào dùng AIN’T I thay vì AMN’T.

Nhiều nhà văn phạm đả kích việc dùng AIN’T, coi đó là cách nói ít học, bình dân. Nhưng thực ra, AIN’T chính là chữ viết tắt của AM NOT. Có những ý kiến nói là chữ AIN’T có từ khoảng cuối thế kỷ 18. Vậy thì chúng ta cứ dùng AIN’T chẳng sao cả. Nên cô QA cứ dùng AIN’T I NEXT IN LINE? vẫn đúng như thường.

NHÃ LAN

Một người bạn cùng sở của Nhã Lan thì nhất định khinh bỉ chữ AIN’T, cương quyết không dùng nó, coi nó là thứ ngôn ngữ thất học. Anh thấy sao?

BBT

Ông ấy có lý. Nếu nó được dùng bừa bãi dể thay thế cho IS NOT như HE AIN’T HOME NOW. Hay khi nó được dùng thay cho HAS NOT, HAVE NOT như khi nói HE AIN’T GOT NO MONEY.

Ngày nay, những câu như thế này được rất nhiều người dùng: YOU AIN’T SEEN NOTHING YET, hay SAY IT AIN’T SO, hay AIN’T THAT THE TRUTH? Nhưng thôi, chúng ta phải quay về với NEGATIVE QUESTIONS. Cô QA đổi câu hỏi này thành câu hỏi phủ định, NEGATIVE QUESTION coi.

DO I KNOW YOU?

QA

DO I NOT KNOW YOU? hay DON’T I KNOW YOU? Tôi không biết ông hay sao?

BBT

Cô Nhã Lan, CAN I HAVE THE WINDOW SEAT?

NHÃ LAN

CAN I NOT HAVE THE WINDOW SEAT? hay CAN’T I HAVE THE WINDOW SEAT? Tôi không có được chỗ ngồi cạnh cửa sổ à?

BBT

SHOULD I LEAVE EARLIER? mời cô QA…

QA

SHOULDN’T I LEAVE EARLIER? Tôi không nên đi sớm hay sao?

BBT

HAD HE MOVED TO TORONTO? Nhã Lan…

NHÃ LAN

HADN’T HE MOVED TO TORONTO? Anh ấy đã không dọn đi Toronto à?

BBT

Những câu hỏi phủ định này nhiều khi được dùng không phải để hỏi, nên cũng không cần câu trả lời. Chúng ta có thể dùng chúng để thay cho những câu hô thán EXCLAMATORY SENTENCES.

Thí dụ ISN’T SHE A CUTE LITTLE BABY?

ISN’T THAT A BEAUTIFUL WEDDING GOWN?

WASN’T SHE THE MOST GORGEOUS WOMAN?

ISN’T SHE A DROP DEAD GIRL?

ISN’T THAT A WOMAN TO DIE FOR?

NHÃ LAN

ISN’T THE LESSON TODAY INTERESTING?

BBT

Cám ơn cô Nhã Lan. Còn một điều nữa tôi muốn nói ở đây, đó là cách trả lời những câu hỏi này. Khi mới học tiếng Anh, nhiều người trong chúng ta trả lời không đúng cách. Thí dụ thấy người bạn ngồi trước ly cà phê cả buổi, ly cà phê vẫn đầy nguyên, chủ nhà hỏi DON’T YOU LIKE COFFEE? Nếu người khách thích cà phê nhưng chỉ vì ông nghĩ nó đã đi qua ruột con chồn ở Ban Mê Thuột nên ông ngần ngừ. Cô Nhã Lan, nếu cô là ông khách rất thích cà phê thì cô trả lời thế nào?
NHÃ LAN

NO, I LIKE COFFEE.

BBT

Còn cô QA, nếu cô không thích cà phê, chủ nhà hỏi DON’T YOU LIKE COFFEE, cô trả lời thế nào?

QA

YES, I DON’T LIKE COFFEE.

BBT

Cả hai cô đều sai cả. Hai cô đều sai cái sai của rất nhiều người Việt khi mới học tiếng Anh. Phải trả lời NO, I DON’T LIKE COFFEE hay YES, I LIKE COFFEE mới đúng. Thực ra thì chúng ta trả lời theo cách nói của người Việt mới đúng. Người Anh sai, nhưng chúng ta phải sai theo cái sai của họ nếu muốn nói tiếng Anh cho đúng.

NHÃ LAN

Hôm qua Nhã Lan có nhận một e-mail nhờ thầy Trúc giúp giải quyết một tranh chấp giữa mấy cụ cao niên ở một quán cà phê trong khu Phước Lộc Thọ. Chuyện quan trọng vì câu trả lời sẽ quyết định ai phải trả tiền cà phê cho cả bàn vào tuần tới. Một phe nói FISH vừa số nhiều (PLURAL) vừa số ít (SINGULAR). Không thể viết FISHES được, phải viết là FISH dẫu cho đó có nghĩa số nhiều.

BBT

Xin trả lời FISH vừa là số ít, vừa là số nhiều. Thí dụ HE CAUGHT A BIG FISH FROM THE RIVER. FISH trong câu này là danh từ số ít. Nhưng khi nói PEOPLE OF JAPAN EAT A LOT OF FISH, thì FISH trong câu này là số nhiều.

FISH cũng có thể viết là FISHES để diễn tả số nhiều. Nhưng thường thì khi không đưa ra một con số nào, người ta dùng FISH. Khi đưa ra một con số, người ta dùng FISHES như THREE FISHES, ít khi dùng THREE FISH.

QA

Có những danh từ nào giống như thế không thưa anh?

BBT

Có một số danh từ nhiều ít viết giống nhau thí dụ DEER là con hươu, SHEEP là cừu, AIRCRAFT là máy bay… Những danh từ này khi dùng với nghĩa số nhiều, người ta không thêm S vào cuối. Muốn biết đó là số nhiều hay số ít thì coi động từ ở sau.

Thí dụ THE SHEEP IN THE YARD IS (SỐ ÍT) ABOUT 2 YEARS OLD.

SHEEP ARE (SỐ NHIỀU) SHORN TWICE A YEAR.

Một danh từ cũng số nhiều số ít viết giống nhau mà chúng ta nên để ý, đó là MOOSE. MOOSE là một giống hươu lớn, một giống tuần lộc, họ hàng gần với những con REINDEER kéo xe cho ông già Noel. Danh từ MOOSE số ít số nhiều viết giống nhau. Trong khi đó, GOOSE là con ngỗng, thì số nhiều là GEESE. Nhưng người ta nói GOOSE BUMP, GOOSE FLESH, GOOSE PIMPLES chứ không nói GEESE BUMP, GEESE FLESH, GEESE PIMPLES, là những chữ có nghĩa là nổi da gà như trong tiếng Việt chúng ta vẫn nói. Người Anh nói là nổi da ngỗng.

Còn hai danh từ khác có HAI CHỮ "OO" ở giữa thì số nhiều biến thành "EE". FOOT thành FEET; TOOTH thành TEETH. Nhưng MOOSE thì số ít số nhiều không thay đổi.

QA

Từ đầu bài học đến giờ, chúng ta đã nói quá nhiều về văn phạm, bây giờ, QA muốn anh dậy cho một số idiom như anh vẫn hứa là thỉnh thoảng sẽ trở lại với các idiom hay gặp nhất.

BBT

Cô muốn học về những idiom nào?

NHÃ LAN

Nhã Lan đề nghị anh dậy một vài idiom liên quan đến FACE. Nhã Lan thấy có khá nhiều idiom về FACE.

BBT

FACE là cái mặt. Thường những thứ gần với chúng ta thì có nhiều idiom về chúng. FACE là một trường hợp như thế. Nhưng tôi sẽ chỉ đưa ra những idiom thường gặp nhất về cái mặt. FACE là mặt, có thể là danh từ và cũng có thể là động từ. Ðộng từ TO FACE là đối mặt, là nhìn về phía. THE HOUSE FACES THE EAST. Căn nhà hướng về phía đông. SOMETIMES I FIND IT HARD TO FACE THE DAY, đôi khi, tôi thấy khó mà trở dậy vào buổi sáng để phải đối mặt với một ngày dài trước mặt.

Nhưng TO FACE THE MUSIC thì có nghĩa khác. HE LOST HIS PAY CHECK IN LAS VEGAS, AND NOW HE MUST GO HOME TO FACE THE MUSIC. Câu này, cô QA đoán nghĩa là gì?

QA

QA nghĩ ông ấy thua hết tiền lương ở sòng bài, bây giờ ông sẽ phải về nhà và nghe mẹ cháu … ca cho chết luôn.

BBT

TO FACE THE MUSIC nghĩa là đối mặt với trách nhiệm, với các thử thách, với hậu quả. Câu ấy nghĩa là Thầy Hai về nhà để Thầy Hai nghe COCA COLA thì cũng thế. Cô QA dịch như vậy là tuyệt.

NHÃ LAN

Trước khi Nhã Lan đi mổ hồi hai năm trước, Nhã Lan cũng phải họp FACE TO FACE với giám đốc phòng nhân viên của công ty. IT WAS A FACE TO FACE MEETING. Vậy là họp tay đôi phải không thưa anh?

BBT

Cũng đúng nhưng nếu ba người họp thì sao gọi là tay đôi được. Cứ nói là họp trực tiếp, họp mặt đối mặt là đúng nhất.

QA

Người Anh, người Mỹ khi bị rơi vào trường hợp khó xử, xấu hổ, bối rối, ngượng … có nói là bị mất mặt như người Việt không thưa anh?

BBT

Cám ơn cô hỏi một câu rất hay. Có, người Mỹ cũng có một thành ngữ giống hệt như họ dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Thí dụ nói ông John Edwards, ứng cử viên tổng thống Dân Chủ bị mất mặt vì vụ ông ngoại tình trong khi bà nhà, bà Elizabeth bị ung thư nặng, cô QA sẽ nói thế nào?

QA

Mất mặt là TO LOSE FACE. SENATOR JOHN EDWARDS LOST FACE WHEN HIS AFFAIR APPEARED ON THE FRONT PAGES.

BBT

Ðúng vậy. Ðố cô Nhã Lan biết câu này nghĩa là gì: HE GOT EGG ON HIS FACE.

NHÃ LAN

HE GOT EGG ON HIS FACE là ông ấy hát dở phải không anh? Hát dở thì bị ném trứng thối vào mặt nên ông ấy có trứng gà trên mặt.

BBT

Ðúng như thế. HE GOT EGG ON HIS FACE là ông ấy bị một phen bẽ mặt, mắc cở. Còn khi tôi nói HE IS TWO-FACED thì ông ấy là người thế nào?

QA

Ông ấy là con người hai mặt, lá mặt lá trái, không thành thật, phản trắc, không thể tín nhiệm, không thể tin được.

BBT

Ðúng. Trong một tờ báo tôi đọc được đã lâu, tổng thống Park Chung Hee được mô tả là THE STONE-FACED PRESIDENT. Cô Nhã Lan hồi ấy còn nhỏ không biết ông này, nhưng cô hiểu lối mô tả ấy như thế nào?

NHÃ LAN

Nhã Lan nghĩ tổng thống Park Chung Hee là một người mặt lạnh như tiền, không bao giờ cười, như một tảng đá phải không thầy?

BBT

Ðúng, đó là một khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm và buồn. Bây giờ cũng chấm dứt giờ nghiêm và buồn của tôi, vậy thì mời cô QA…

QA

Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


MỘT CUỐN TỰ ÐIỂN TRONG NƯỚC

Từ hơn mười năm trở lại đây, sách vở trong nước đã được đưa sang bán ở Hoa kỳ khá nhiều. Các sách biên khảo được chiếu cố nhiều nhất vì loại sách này thường không mang theo mầu sắc chính trị, những ấn phẩm mà độc giả hải ngoại vẫn còn rất nhiều dị ứng.

Trong số loại sách biên khảo này, có khá nhiều tự điển, và một trong những cuốn tự điển xuất bản trong nước được bầy bán ở một số tiệm sách ở Hoa kỳ là cuốn tự điển Kinh Doanh Thế Giới do nhà xuất bản Ðồng Nai in năm 1997 được bán với giá 160 ngàn đồng Việt Nam.

Cuốn tự điển này đã được một giới chức thuộc học viện kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu ân cần và trang trọng.

Với chiều dầy hơn 2 ngàn trang, 130 ngàn chữ, cuốn tự điển này là một cuốn sách bề thế.

Cuốn tự điển kinh doanh theo nhà xuất bản, đã gom góp được các thuật ngữ, từ vựng liên quan đến nền kinh tế thị trường.

Trước năm 1975, ở Việt Nam chỉ có một cuốn tự điển chuyên môn Anh Việt, Việt Anh của Quỳnh Lâm với các từ ngữ trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, luật pháp, nhưng số chữ thì không được bao nhiêu.

Nhóm biên soạn cuốn tự điển Kinh Doanh Thế Giới còn nói rõ hơn ở bìa sau là cuốn tự điển cung cấp các thuật ngữ kinh doanh tài chính kế toán, ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán và điện toán.

Nhưng chỉ cần đọc luớt qua nguời ta cũng thấy là cuốn sách không làm được đầy đủ những điều vừa kể. Cuốn sách có thể có 130 ngàn chữ, nhưng trong đó có rất nhiều chữ không hề liên quan gì đến các ngành sinh hoạt kinh doanh. Nếu lược bỏ những chữ cũng có trong các tự điển thông thường thì số ngữ vựng kinh doanh không có được bao nhiêu. Thay vì chuyên chú vào các từ ngữ của sinh hoạt kinh doanh, những người làm tự điển có thể vì quá tham lam nên đã ghi vào trong tự điển cả những chữ không dính líu gì vào sinh hoạt kinh doanh.

Thí dụ mở trang 1068 của cuốn tự điển này, người ta thấy là nếu xé bỏ hẳn trang này, hay trang 372, hay trang 1162 thì những ngưòi cần tra cứu các thuật ngữ kinh doanh sẽ không thấy mất mát hay thiếu vắng gì.

Những người làm cuốn tự điển này đã cho vào tự điển những chữ không hề mảy may liên quan gì đến kinh doanh, chính trị.

Thí dụ ở trang 1162, người ta thấy những chữ như muskrat là con chuột xạ, hay mussel là con trai. Hay động từ must mà cuốn tự điển dùng tới 19 dòng ở trang 1162 để cắt nghĩa. Những chữ vừa kể thì dính líu gì tới kinh doanh? Hay danh từ mustang là con ngựa rừng Bắc Mỹ, hay động từ must mà người học tiếng Anh nào cũng phải học ngay từ những bài vỡ lòng.

Những trang như trang 1162 thì không ít, ghi rất nhiều tiếng không hề cần thiết cho các sinh hoạt kinh doanh và bang giao quốc tế.

Ngoài những tiếng không cần thiết trong lãnh vực kinh tế tài chính, cuốn tự điển còn đặc biệt ở chỗ là nó không hề thiếu và bỏ qua những tiếng tục tĩu nhất của tiếng Anh. Không kể những chữ mang tính cách kỹ thuật hay khoa học để chỉ các bộ phận sinh dục nam nữ có thể dùng trong các lớp giáo dục sinh lý hay cac sách y khoa, mà luôn cả những tiếng những tiếng lóng tục tĩu mà trong những cuộc đối thoại công khai người ta cũng ít dám dùng, thì lại được ghi đầy đủ. Tất cả các từ ngữ đề cập tới các sinh hoạt tình dục đều được ghi không thiếu.

Những chữ này thì liên quan gì tới các sinh hoạt kinh doanh thế giới?

Nhưng những người làm cuốn tự điển nay cũng rất lạ lùng. Lạ lùng ở chỗ những chữ không xuất hiện trong các sinh hoạt kinh doanh thì lại được ghi đầy đủ trong khi những chữ quan trọng thì lại không chú thích hay giải thích gì. Thí dụ NAFTA, những chữ viết tắt của North American Free Trade Agreement thì lại không giải thích, cũng không cho biết hiệp ước ký năm nào, có những điều khoản nào, ký ở đâu …

Khá nhiều chữ mà các nhà làm tự điển đem ra định nghĩa thì lại sai nặng nề. Thí dụ chữ flasher được định nghĩa là người đàn ông mặc tênh hênh, chướng mắt. Giải thích như thế sai hoàn toàn. Thứ nhất, flasher không phải chỉ là đàn ông. Ðàn bà cũng có người làm việc đó. Tự điển viết mặc quần áo tênh hênh cũng sai nốt.

Hay open society được giải thích là một xã hội tự do tín ngưỡng trong khi nó chỉ có nghĩa là một xã hội cởi mở.

Tại sao tự điển kinh doanh lại có những chữ như ổ điếm, bao cao su ngừa thai, nhà tắm hơi, gái điếm, ma cô vân vân.

Nói tóm lại đây là một cuốn tự điển hoàn toàn vô giá trị, mua chỉ tốn tiền vô ích.