October 9, 2009

October 9, 2009

Ngày 5 tháng 9 năm 2009

Bạn ta,

Tờ Los Angeles Times hôm thứ sáu tuần trước có đăng bức thư của một độc giả không ký tên thật, nêu thắc mắc và than phiền tại sao quần áo phụ nữ không có nhiều túi như quần áo của đàn ông để phụ nữ cũng có thể, như đàn ông, bỏ bút và những thứ cần dùng khác, khỏi phải cầm trong tay, bận tay bận chân.

Jeannine Stein, một tiếng nói thẩm quyền về thời trang, cho biết là có thể các nhà họa kiểu quần áo sẽ không bao giờ cho quần áo phụ nữ có nhiều túi như quần áo của đàn ông.

Mà quần áo của đàn ông thì nhiều túi thật. Nếu mặc một bộ suit ba mảnh (?) thì số túi có thể lên đến gần hai chục cái.

Sơ mi ít nhất có một túi. Quần dài bốn cái, có thể là năm nếu có thêm một chiếc túi đựng bật lửa hay chìa khóa. Áo gilet có bốn túi. Jacket ba túi ngoài, ba túi trong. Tổng cộng là mười sáu cái túi. Móc mệt nghỉ.

Người nữ độc giả viết thư cho tờ LA Times ghen tức là phải.

Nhưng nếu Jeannine Stein nói đúng, nghĩa là thời trang sẽ không bao giờ để phụ nữ có nhiều túi như quần áo đàn ông, thì đó phải là tin mừng cho những người đàn ông.

Con số túi trong quần áo đàn ông là thành trì cuối cùng chưa bị phụ nữ xâm phạm (?) và nên được bảo vệ đến cùng. Lý do là trong khoảng hơn ba chục năm trở lại đây, nhiều khu vực thời trang của đàn ông đã bị lấn chiếm tàn bạo. Những chiếc ca vát chẳng hạn. Phụ nữ cũng đã lôi ra đeo khi mặc sơ mi, cũng của đàn ông. Hay quần dài, có cả zipper ở phía trước (mặc dù không biết dùng để làm gì). Những chiếc quần dài này cũng có túi trước, túi sau để người mặc cũng có thể tay trong túi đi tung tăng như những người đàn ông không biết làm gì với đôi tay trơ trẽn của mình. Quyền bỏ tay vào túi quần của đàn ông bị xâm phạm thô bạo vì những cái túi quần đó.

Trong khi váy của phụ nữ thì đàn ông không bao giờ lấn chiếm (?) hay vi phạm (?) ngoại trừ đàn ông Tô Cách Lan với những cái kilt, họ hàng rất xa của những "cái thúng mà thủng hai đầu" của phụ nữ.

Sự thực thì các nhà họa kiểu thời trang không may nhiều túi cho phụ nữ không phải vì họ không muốn phụ nữ lấn chiếm thêm nữa vào lãnh vực quần áo đàn ông, mà việc không may nhiều túi cho phụ nữ là vì lý do địa lý hình thể.

Thí dụ những cái túi áo sơ mi mà đàn ông vẫn dùng để đựng một trăm thứ chẳng hạn. Bút mấy cái, thẻ ra vào sở, vài ba thứ giấy không bỏ vào ví được. Những thứ ấy, khi cần, đều có thể lấy ra rất dễ dàng, không hề gây trở ngại lưu thông bao giờ. Nhưng tưởng tượng Demi Moore hay Julia Roberts, hay Sharon Stone tìm cách lấy những thứ họ đựng trong túi ra mà xem. Việc làm đó sẽ khó khăn hơn việc làm của những người đàn ông rất nhiều. Những cái túi của họ, không để gì ở trong cũng đã cộm (?), đã như nhồi nhét (?) một triệu thứ. Bây giờ phải tìm cách lấy cái bút ra thì khổ đời những người qua lại biết là chừng nào.

Như vậy thì nhất quyết là không nên cho họ những cái túi áo như người độc giả muốn.

Thế còn túi quần?

Cũng không nên. Lý do như đã nói ở trên, là cảnh thọc tay trong túi quần, huýt sáo đi tung tăng là đặc quyền của đàn ông. Ðàn bà không có lý do gì để thọc tay trong túi quần hết.

Hơn nữa, có những lúc đàn ông phải để tay trong túi quần. Thí dụ như khi bị hỏi một câu tương tự như câu của Mae West: "Is that a gun in your pocket or is it because you are glad to see me?"

Bị hỏi như thế, lại không dấu súng trong người, không thọc tay vào túi quần, bỏ đi lập tức thì phải làm gì bây giờ? Ðàn ông phải có túi quần, đàn bà thì không là vì thế.

Không cần thì đòi túi làm gì?


Ngày 6 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Hôm nay tôi đọc được một chữ mà tôi thích vô cùng, đó là chữ "only" trong bức thư của một độc giả viết cho Ann Landers.

Bạn sẽ thắc mắc rằng chữ "only", cái trạng từ chúng ta dùng đã nát ra từ bao nhiêu năm nay, cái chữ chúng ta học được ngay từ rất sớm trong lớp vỡ lòng Anh ngữ mà tại sao đến tận bây giờ tôi mới thấy nó đáng yêu?

Bạn nói đúng, chữ "only" ấy phải đâu đến hôm nay tôi mới thấy nó. Nhưng bạn phải hiểu là ở tuổi của chúng ta mà thấy nó được dùng như trong một câu ở bức thư thì làm sao mà không yêu nó cho được.

Người viết là một phụ nữ. Bà đặt chữ "only" trong câu nguyên văn thế này: "...but I am only 65 years old..."

Ðó, từ mười mấy năm nay, mỗi lần phải cung khai tuổi tác, và mặc dầu chúng ta còn thua bà đến gần một thập kỷ, chúng ta có còn dám đẩy chữ "only" vào trước số tuổi của chúng ta nữa không? Tôi nghĩ là kể từ năm bắt đầu bằng con số bốn, chúng ta đã không còn đủ can đảm và liều lĩnh để dùng cái trạng từ đó nữa. Chúng ta băt đầu thoải mái hơn với chữ "already" thì phải.

Một đằng là "đã", và một đằng là "chỉ mới". Một đằng là chấp nhận, một đằng là chưa chịu thua. Một đằng là nhìn nhận số tuổi đi đằng sau không còn nhỏ nữa, một đằng vẫn còn muốn thách thức, vẫn còn chưa coi những con số đứng cạnh là cần phải che dấu, hạ thấp xuống, trừ bớt đi.

Người phụ nữ ở Wyoming chọn thái độ thứ hai, bằng cách dùng trạng từ "only". Không "already" như một sự chịu thua, đầu hàng.

Tác giả bức thư viết cho Ann Landers để bầy tỏ những bực dọc về ông chồng của bà. Ông về hưu cách đây ba năm, và ông không chỉ về hưu với công việc ở sở mà ông còn về hưu luôn cả với công việc ở nhà, công việc với... bà nữa. Hai năm đầu thì ông than là quá bận. Nay ông không thèm giải thích nữa. Ông cứ lờ đi. Bà nhờ y sĩ gia đình giúp, thì vỉ Viagra ông dùng đúng hai viên. Bà không muốn vì chuyện ấy, hay nói rõ hơn là vì không có chuyện ấy, mà bà phải bước ra khỏi cuộc hôn nhân.

Rồi bà viết "...but I am only 65 years old, and would hate to think that my sex life is over."

Bà cho biết bà mới chỉ 65 tuổi và rất buồn khi nghĩ rằng đời sống kia của bà cũng về hưu luôn với chuyện về hưu ở sở của ông.

Bà không hề biết rằng chỉ một chữ "only" trong bức thư, bà đem lại bao nhiêu niềm vui cho rất nhiều người đàn ông Mỹ, những người từ lâu nay không còn dám nghĩ là mình "mới" bằng này hay bằng kia tuổi nữa, mà luôn luôn là "đã" ngần này tuổi, "đã" bằng kia tuổi, thì nay bao nhiêu tự tín lại bay về đậu ở trên vai các chàng từ sáng nay.

Và cái lưng của các chàng không còn còng xuống, nó bỗng thẳng lên được một chút. Những bước đi cũng nhanh lên từ sau lúc đọc xong bức thư của người độc giả ở Wyoming.

Chao ơi, cái trạng từ "only" bà dùng sao mà nó hay đến là như thế.

Thêm vào đó, bà độc giả này còn nói thêm được một chuyện khác nữa, đó là ở tuổi 65 đó, bà vẫn còn có một đời sống mà bà chưa muốn buông xuôi.

Bà viết thư cho Ann Landers để than thở chuyện đó. Ann Landers cũng đồng ý rằng một phụ nữ có chồng ở tuổi 65 không nên chịu thua với một cuộc sống về hưu quá sớm đó. Ann Landers khuyên bà không nên bỏ cuộc và phải tìm cách kiếm cho ra cái "công tắc" để... bật người đàn ông ấy lên -- to turn this man on...

Tôi cũng mong bà tìm được cái nút... bật điện đó. Mới có 65 tuổi thôi mà.

Ðọc thư của bà, tôi lại càng có thêm được tin tưởng và hy vọng là như thế.


Ngày 7 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Recanati là tên một thị trấn nhỏ ở Ý với dân số khoảng hai chục ngàn người. Sau tháng giêng năm tới, số dân hai chân của Recanati có thể giảm đi hay cũng có thể gia tăng hoặc giữ nguyên mức hiện tại, nhưng số dân bốn chân có thể sẽ gia tăng đáng kể.

Ðất lành chim đậu. Ðất tử tế thì chó, mèo kéo nhau đến ở cũng là chuyện dễ hiểu.

Bản tin Reuters tôi đọc được hồi tuần qua cho biết là kể từ đầu năm tới, thị trấn này sẽ cho áp dụng những luật lệ để bảo vệ quyền của thú vật nói chung và chó nói riêng rất nghiêm ngặt. Các luật lệ này đòi người dân phải tôn trọng những quyền căn bản của các giống vật nuôi trong nhà như nhu cầu giao du với những con thú cùng giống và nhu cầu sinh lý chính đáng, hợp pháp của chúng (... respect domestic animals' need to socialize with their own breed and their legitimate sexual needs...) Ngoài ra, nơi ăn chốn ở (living quarters chứ không phải là dog house, chuồng chó nghe đầy vẻ miệt thị) của chúng phải có một diện tích ít nhất là 9 mét vuông, có đèn sáng, thoáng khí và được giữ ở một nhiệt độ thoải mái.

Những đòi hỏi về nơi ăn chốn ở cho chúng thì dễ hiểu và cũng dễ thực hiện. Gắn đèn cho chó khỏi sợ ma, khỏi sủa ủng oẳng như... chó cắn ma khiến cho chủ khó yên giấc, việc đó nên làm. Nhiệt độ phải giữ cho điều hòa để chó khỏi biến thành "nhiệt cẩu", tiếng Anh gọi là hot dog, bị lôi ra bán ở thủ đô gần mấy bảo tàng viện thì chỉ có chết... chó. Toàn là những đòi hỏi chính đáng và hợp lý. Nếu thích, còn có thể treo ở bên trong... nhà chó một bức Van Gogh như Snoopy được Charlie Brown cẩn thận lo lắng săn sóc nơi ăn chốn ở mà chúng ta đã thấy trong loạt tranh Peanuts của Charles Schulz.

Việc tôn trọng nhu cầu giao du với đồng loại cũng hợp lý. Chó phải để cho chơi với chó. Không thể ăn chung bàn với chó, ngủ chung trên giường với chó vì chủ chó không là đồng loại với chó, những chuyện chúng ta thấy rất nhiều người làm.

Phải đăng báo kiếm bạn đồng loại cho chó. Thí dụ phải rao trên báo như thế này để tìm bạn cho cậu: Pit Bull một tuổi rưỡi, biết karate, cắn không bao giờ nhả, hobby là moi thùng rác, đứng đầu băng du côn trong xóm, chuyên đái đường, ỉa bậy, ghét thức ăn khô của Alpo, mê thịt ngựa nhập cảng của Pháp, thích rượt các ông phát thư, mê nhạc rap của Tupac Shakur, không thích nhạc Trịnh Công Sơn, mê mầu đỏ, ghét mầu tím, muốn tìm một Pit Bull gái một tuổi trở lên cùng sở thích và có cùng những trò mất dậy để học hỏi và an ủi nhau trong những lúc vui buồn. Dữ hay hiền tùy người đối diện. Nếu hợp hơn sẽ tiến xa. Xin gửi ảnh và số phone. Sẽ hồi âm cả những thư đến muộn...

Chuyện lo cho các cậu chó, mợ chó giao du với đồng loại như vậy là cũng không khó lắm. Thế nào cậu chó cũng kiếm được mợ chó xứng đôi vừa lứa.

Nhưng còn khoản tôn trọng những nhu cầu sinh lý của cậu chó thì làm sao đây?

Khó chứ không đùa đâu.

Thứ nhất là không được lôi chúng đi cắt đốt cột để không cho chúng được sống đời những cậu chó bình thường và khỏe mạnh. Cắt bỏ đi rồi thế chỗ bằng hai viên bi nhỏ (neuticles) như nhiều người đã làm là không được.

Phải biết tháng bẩy là tháng các cậu các mợ lên cơn rượn, đi tìm nhau mà thả các cậu và các mợ ra đầu đường cho các cậu các mợ rửng mỡ date nhau, rủ nhau đi bới thùng rác ăn nhậu no nê và làm tình với nhau...

Các cậu các mợ xong việc đi về, không được hạch hỏi đi với con đĩ chó nào, hay thằng đĩ chó nào. Phải cho các cậu ăn steak cho khỏe, hôm sau đi rượn tiếp.

Vất vả quá thể.

Cứ đà như thế, các cậu chó các mợ chó sau một thời gian sẽ rủ nhau ra tranh cử, các cậu các mợ đắc cử, sẽ viết những bộ luật chó khác để cai trị bọn hai chân ngu dại lỡ để cho chúng liếm mặt.

Lúc ấy, các bàn độc sẽ không sao kiếm ra được nữa. Các cậu các mợ sẽ chiếm lĩnh hết, và loài mèo sẽ khổ. Không có chó, hay chó không chịu, mèo sẽ chết vì những thứ mà chó không chịu ăn.

Nhưng khi loài chó không còn bị bỏ đói nữa, thì câu ví von như trong ca dao Việt Nam cũng sẽ biến mất, thí dụ như hai câu:

Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó đói đứng trông trên bờ…

Biết đâu, vì hai câu ấy không còn thì cảnh trôi dưới sông cũng không xẩy ra nữa. Vậy thì những luật mới về chó của thành phố Recanati chưa chắc đã là những điều bất lợi cho con người.


Ngày 8 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Cho mãi tới trước ngày đọc được bài viết của Gloria Steinem, một trong những lãnh tụ của phong trào phụ nữ giải phóng, đồng thời cũng là chủ bút của tờ MS, tôi vẫn cứ nghĩ, từ bao nhiêu lâu nay, cái hình tạo thành bởi hai cái dấu chấm hỏi, bỏ hai dấu chấm ở dưới, rồi cho quay mặt vào nhau là biểu tượng cho quả tim, cho tình yêu.

Biểu tượng này được vẽ cho khác một chút, bỏ đi những động mạch, tĩnh mạch chạy ra, chạy vào, với các tâm thất tả hữu, những gân máu nổi hằn lên như quả tim thật có lẽ để khi cặp tình nhân nói trao nhau quả tim, việc làm đó đỡ gợi ra những hình ảnh máu me của bộ phận bơm máu đi nuôi cơ thể như hình minh họa trong các sách dậy về cơ thể học.

Hơn nữa, vẽ quả tim như chúng ta vẫn thấy cũng giản dị hơn, dễ hơn nhiều. Thí dụ như khi vẽ nó lên thân cây, thêm mũi tên và vài giọt máu với mấy chữ viết tắt ở dưới chẳng hạn. Hay những cái bumper sticker dán trên cản xe hơi để bầy tỏ lòng yêu mến thành phố New York. Hoặc ở đầu, cuối những bức thư mà trong đời tất cả mọi người nhất định phải đã nhận được một lần. Và người đại cù lần như tôi đã có lần tưởng người viết bức thư tình còn hào phóng vẽ tặng vài ba con... ruồi để người đọc xem cho đỡ buồn.

Tôi tưởng khi nhìn mấy quả tim thành ra những con ruồi đã là dễ sợ lắm rồi. Nhưng điều Gloria Steinem nhìn ra thì còn ghê rợn hơn nhiều.

Hình trái tim, mà chúng ta vừa bị ném cho vài triệu cái trong dịp lễ Valentine, theo Gloria Steinem, không phải là biểu tượng cho trái tim, cho tình yêu gì hết trơn hết trọi. Không, nó chính là biểu tượng cho cái bộ phận Gloria Steinem có, mà tôi thì không có (trên người) chứ không hề là quả tim bao giờ.

Gloria Steinem viết nguyên văn: "The shape we call a heart resembles the vulva more than the organ that shares its name..."

Người phụ nữ giải phóng này viết rõ rằng cái hình mà chúng ta vẫn gọi là quả tim giống (cái ấy) hơn là giống quả tim rất nhiều.

Ðây là một điều hết sức mới lạ với tôi. Tôi không hề biết điều đó. Tôi không thể biết được điều đó. Chỉ Gloria Steinem mới có được sự hiểu biết đó, hiểu biết một cách chính xác về điều nàng phát biểu. Ai nói thì tôi không tin, nhưng Gloria Steinem nói thì tôi phải tin. Không thể cãi được. Nàng là tiếng nói của thẩm quyền. Nàng mới được quyền nói ra điều đó. Mà nói là phải đúng. Không thể sai được. Không thể nghi ngờ về sự chính xác của nhận định đó được.

Thì ra là thế. Tôi làm sao mà biết được điều Gloria vừa tiết lộ.

Ðiều đó, chỉ Gloria Steinem hay một y sĩ chuyên về sản phụ khoa mới có thể nói một cách đầy thuyết phục như thế được. Và từ nay, tôi sẽ phải tập nhìn cái biểu tượng tạo thành bởi hai dấu chấm hỏi quay mặt vào nhau một cách khác. Nó không là quả tim, nó không là tình yêu nữa. Gloria Steinem đã nói như thế rồi mà.

Cũng may, ở tuổi này, tôi không thường nhận được những bức thư có vẽ những cái hình đó ở đầu thư và cuối thư nữa. Cũng không còn mấy ai viết cho cái thư, hẹn cho quả tim, và thay hai chữ "quả tim" bằng cái hình vẽ đó nữa. Vì từ nay trở đi, tôi sẽ phải hiểu hình vẽ đó theo lối nhìn của Gloria Steinem. Chuyện cho trái tim, viết xuống giấy rồi vẽ cái biểu tượng quả tim như chúng ta vẫn làm, có thể tạo ngộ nhận phiền phức vô cùng. Người cho thì định trao một thứ, người nhận, cứ nghe lời Gloria Steinem mà đòi nhận một món khác.

Thế rồi ngay như lối phụ nữ tô điểm, hay thời trang cũng sẽ không còn như xưa nữa. Thí dụ kiểu vẽ môi hình trái tim sẽ không được gọi như vậy nữa thì phải gọi như thế nào, tôi chưa dám nghĩ tới. Hay cổ áo hình trái tim thì nói thế nào?

Chao ôi, tôi yêu người phụ nữ này biết bao! Mặc dù chính Gloria Steinem là người để lại cho thế giới câu này: "A woman needs a man like a fish needs a bicycle," phụ nữ cần đàn ông như con cá cần chiếc xe đạp...

Nàng lấy đi của chúng ta chiếc xe đạp (đem cho con cá nó đạp nó đi chơi), rồi bây giờ lại lấy của chúng ta quả tim thì làm sao chúng ta sống nổi đây? Nhưng tôi cám ơn Gloria Steinem vì nhờ cô mà lần đầu tiên, từ nay, tôi biết hình thù nó ra sao.

Nó không giống quả tim thật. Nó giống... Gloria Steinem.


Ngày 9 tháng 10 năm 2009

Bạn ta,

Mỗi năm nhuận, khi tháng 2 có 29 ngày, ở Tô Cách Lan, theo một tục lệ rất cổ có từ thế kỷ 13, các phụ nữ chưa chồng được quyền đi hỏi chồng thay vì ngồi nhà chờ những người đàn ông tới ngỏ lời trước.

Những phụ nữ này chắc chắn đã phải để mắt tới một hai người đàn ông nào đó trong làng rồi, nên chỉ chờ cho đúng đến ngày 29 của tháng 2 nhuận là chị em lập tức lên đường. Và khi các nàng hỏi, là các chàng phải nhận lời cầu hôn của các nàng ngay, không được phép từ chối. Ai từ chối sẽ phải nộp phạt cho làng 3 Bảng Anh, một khoản tiền không nhỏ ở Tô Cách Lan trước đây. Nhiều người đàn ông sợ phải nộp phạt, nên đành trao duyên cho các nàng vậy.

Trong ngày đi hỏi chồng như thế, các phụ nữ Tô Cách Lan cũng đặt ra những tiêu chuẩn để tìm các chàng chứ không phải là bạ ai cũng xin bàn tay cho bõ những ngày cơ cực như nhiều người có thể nghĩ.

Cách đây vài năm, một tài liệu mật về những tiêu chuẩn kén chồng của các phụ nữ này bị lộ ra ngoài. Tập tài liệu có tựa đề là What I Want In A Man ghi những điều các phụ nữ tìm kiếm ở những người đàn ông trong ngày 29 tháng 2. Những tiêu chuẩn này khác nhau tùy theo tuổi tác của những người phụ nữ. Thí dụ phụ nữ trong hạng tuổi từ 20 đến 30 thì đi kiếm những người đàn ông nhất định là phải rất khác những người mà các phụ nữ trong hạng tuổi 50 đi tìm. Tập tài liệu này không những chỉ giúp ích cho phụ nữ trong việc tuyển chọn, mà còn giúp cho cả những người đàn ông biết mà giữ mình.

Tôi nghĩ vì thế, bạn cũng cần biết nên chép ra một số chi tiết...

Trong hạng tuổi 20 đến 30, các phụ nữ tìm những người đàn ông có các tiêu chuẩn sau đây:

-Ðẹp trai

-Duyên dáng

-Thành công về tài chính

-Biết nghe nàng nói chuyện

-Ăn nói giỏi

-Khỏe mạnh

-Phục sức lịch sự

-Biết thưởng thức những cái hay và đẹp trên đời

-Lúc nào cũng có thể gây ngạc nhiên thích thú cho người đối diện

-Là một người tình đầy sáng tạo và lãng mạn

Ở tuổi ngoài 30, người đàn ông mà phụ nữ đi kiếm phải:

-Trông được

-Biết mở cửa xe, kéo ghế cho phụ nữ

-Có tiền để mời nàng đi ăn ở những nhà hàng sang trọng

-Biết nghe nhiều hơn là nói

-Biết cười đúng chỗ mỗi khi nàng kể chuyện diễu

-Ðủ sức để giúp nàng khuân vác khi đi chợ

-Có ít nhất một cái ca vát

-Biết thưởng thức một bữa ăn ngon nàng nấu ở nhà

-Nhớ ngày sinh nhật nàng và ngày kỷ niệm hai người gặp nhau

-Lãng mạn (?) với nàng ít nhất mỗi tuần một lần

Ở tuổi 40, phụ nữ tìm người đàn ông:

-Không quá xấu trai

-Không vội lái xe đi trong khi nàng chưa... ngồi vào xe

-Có công ăn việc làm tử tế, lâu lâu đi ăn McDonald một lần cũng được

-Biết gật gù ra chiều hiểu những gì nàng nói

-Nhớ lúc nào cần cười khi nghe chuyện tiếu lâm của nàng

-Có sức khỏe để thỉnh thoảng … kê lại bàn ghế

-Mặc áo sơ mi che kín bụng

-Nhớ hạ nắp bồn cầu xuống sau khi dùng

-Nhớ thay cuộn giấy khi hết giấy

-Cuối tuần cạo râu

Ở tuổi 50, phụ nữ kiếm đàn ông biết:

-Giữ lông mũi và lông tai vừa phải, không dài quá

-Không gãi ở chốn công cộng

-Không ợ to ở tiệm ăn

-Không ngủ gật khi nàng nói chuyện

-Không kể lại một câu chuyện cười quá năm lần

-Khỏe mạnh để thỉnh thoảng đứng dậy khỏi cái sofa trước máy truyền hình

-Mặc quần áo lót sạch và biết đi hai chiếc vớ cùng mầu

-Biết thưởng thức TV dinner của nàng... nấu

-Nhớ tên của nàng

-Thỉnh thoảng cạo râu

Ở tuổi 60 các phụ nữ kiếm những ngươi đàn ông thế này:

-Không làm trẻ con sợ mất ngủ mỗi khi trông thấy mặt

-Nhớ cầu tiêu ở chỗ nào trong nhà

-Biết nhắm khi đi tiểu

-Ngáy nhỏ khi có khách đến thăm nhà

-Gắn răng vào trước khi cười

-Ðủ sức khỏe để tự đứng dậy một mình

-Mặc quần áo ngay cả khi ở nhà một mình

-Nhớ chỗ để bộ răng giả để khỏi mất công đi kiếm

Ở tuổi 70, các bà kiếm người đàn ông:

-Còn thở...

Vậy thì trong ngày 29 tháng 2, nếu ở Tô Cách Lan, ai có những đặc tính khó kiếm như tập tài liệu mật mà tôi trích gửi cho bạn thì cẩn thận mà giữ mình.


ANH NGỮ TRONG ÐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


(Bài số 49)
Bản chuyển tả do Nhã Lan thực hiện. Bài học số 49 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 10 năm 2009.

QUỲNH ANH:

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống hàng ngày. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.

NHÃ LAN

Nhã Lan có câu hỏi trước để gửi thầy. Ðây là câu thỉnh thoảng Nhã Lan có nghe mà không hiểu là gì: KEEP UP WITH THE JONESES. Câu này là gì thưa anh?

BBT

JONES là họ, SURNAME, khá thường gặp tại nước Anh và xứ Wales . Theo những ghi chép xưa nhất thì họ JONES đã xuất hiện ở nước Anh từ thế kỷ thứ 13. JONES nguyên là từ tên JOHN mà ra. KEEP UP là theo kịp. KEEP UP WITH THE JONESES là cố gắng theo cho kịp, cố làm cho được những điều, những việc mà mấy ông hàng xóm (gọi chung là mấy ông Jones) làm được. Thấy con ông JONES đi học ba lê thì cũng phải cho con đi học ba lê. Thấy ông hàng xóm JONES lái cái Lexus thì cũng phải có cái Lexus đậu đằng trước nhà cho đẹp. Thấy họ có cái TV 60 inches thì cũng phải có một cái để hát karaoke cho hàng xóm cùng vui. Nói tóm lại là phải làm sao đuổi bắt cho kịp mấy gia đình hàng xóm. Câu này nghĩa là đua đòi, một cách hành xử không hay, không đẹp lắm. Nhưng ở nước Anh bây giờ, nhiều người lại nói KEEP UP WITH THE BECKHAMS. Hai cô biết tại sao không?

QA

Là chạy sao cho kịp, bằng anh, bằng em với vợ chồng cầu thủ bóng tròn David Beckham và Victoria Beckham phải không thưa thầy? Nhưng mà cố làm cho bằng, cho giống Victoria Beckham thì QA không ham.

BBT

Ðúng lắm. Nhân gợi ý của câu Nhã Lan hỏi, trong bài Anh ngữ hôm nay, tôi sẽ nói về một số thành ngữ có tên người ở trong, như câu cô Nhã Lan hỏi là KEEP UP WITH THE JONESES. Thí dụ tôi nói ONE OF MY DISTANT COUSINS IS QUỲNH ANH ‘S NAMESAKE thì câu đó nghĩa là gì?

QA

QA nghĩ câu ấy nghĩa là anh có người em họ xa cùng tên, trùng tên với QA. SHE IS MY NAMESAKE phải không anh?

BBT

Ðúng. Nói là SHE IS MY NAMESAKE hay SHE IS MY NAME’S SAKE đều được cả.

Tự điển Webster’s giải thích chữ NAMESAKE là do những chữ này mà ra: PERSON NAMED FOR THE SAKE OF SOMEONE, nghĩa là một người được đặt cho cái tên của một người khác. Tiếng Việt là trùng tên.

NHÃ LAN

Nhã Lan có quen một gia đình tất cả mấy chị em đều tên là Anh cả: Tố Anh, Tuyết Anh, Khuê Anh, Huệ Anh. Như vậy THEY ALL SHARE ONE NAME. Trong trường hợp này, Nhã Lan có thể nói THE SISTERS ARE THEIR NAMESAKES được không?

BBT

Rất đúng. Nhân chúng ta vừa nói về tên tuổi, để tôi gửi hai cô hai câu này đọc lên xem sao:

SHE CALLS HIS NAMESHE CALLS HIM NAMES.

Hai cô thấy chúng có khác gì nhau không?

QA

QA không thấy khác nhau gì cả.

NHÃ LAN

Nhã Lan cũng vậy, hai câu không khác nhau gì hết. Còn ông thầy thì sao?

BBT

Rất khác nhau. Hiểu lầm thì vất vả lắm. SHE CALLS HIS NAME là cô ấy gọi tên anh ấy. HIS là sở hữu tĩnh từ (POSSESSIVE ADJECTIVE), tiếng đứng trước danh từ để cho biết danh từ đi sau thuộc về ai. MY là của tôi; YOUR là của anh, của ông, của bà, của chị; HER, HIS, OUR, THEIR là các sở hữu tĩnh từ.

SHE CALLS HIS NAME là cô ấy gọi tên (của) anh ấy.

SHE CALLS HIM NAMES. HIM là nhân vật đại danh từ. HIM là túc từ, làm túc từ cho động từ CALLS. Các túc từ đại danh từ là ME, YOU, HIM, HER, US, THEM. NAMES là tên. Nhưng SHE CALLS HIM NAMES thì lại có nghĩa là cô ấy gọi anh ta bằng đủ mọi thứ tên trên đời này. Nghĩa là cô ấy lăng mạ anh ta, chửi anh ta, gọi anh ta là con này con nọ, thằng nọ thằng kia.

Như vậy thì cũng có hơi khác chứ hai cô?

QA

Khác quá đi chứ ông thầy. Vậy thì QA phải rất cẩn thận, không thì nguy to. SHE CALLS HIS NAME là cô ấy gọi tên anh ấy. Anh ấy chỉ có MỘT tên thôi thì NAME phải là số ít (SINGULAR). SHE CALLS HIM NAMES. Có rất nhiều chữ có thể dùng để lăng mạ nên NAMES phải có "S", phải ở số nhiều là phải. QA phải ghi nhớ điều này không thì nguy.

BBT

Bây giờ, chúng ta sẽ học một số thành ngữ khác cũng dùng tên người như câu hỏi của Nhã Lan.

Trong các nước nói tiếng Anh, JOHN, như hai cô đã biết, là cái tên thường gặp nhất. Khi "john" không viết hoa, không viết với capital "J", thì chữ "john" đó là danh từ chung (COMMON NOUN), danh từ chỉ người, đồ vật, không phải là tên người (PROPER NOUN).

NHÃ LAN

Ðúng rồi, có lần Nhã Lan thấy tại một khu xây cất một cái hộp, không, một cái thùng, không, một cái phòng nhỏ thì đúng hơn với hàng chữ PORTABLE JOHN. Ðó là cái nhà cầu nhỏ, cái toilet có thể mang theo, chở theo trên xe phải không anh?

BBT

Ðúng. Tại các cuộc biểu tình tụ họp đông người, chúng ta cũng thấy chúng. John không viết hoa là cái nhà cầu. Nhưng khi nói THE POLICE ROUNDED UP SEVERAL JOHNS DURING THE RAID, thì JOHNS (cũng không viết hoa) lại có nghĩa khác. JOHN không viết hoa ở trong câu trên, là danh từ chung, hơi lóng một chút, nghĩa là khách tìm hoa.

QA

Thưa anh, ông John này về nhà chắc vợ tống cho cái thư DEAR JOHN LETTER mất thôi.

BBT

Cám ơn cô QA nhắc tôi về một chữ JOHN khác. Nhưng trong thành ngữ A DEAR JOHN LETTER thì JOHN phải viết hoa. A DEAR JOHN LETTER trong câu HE WAS BROKEN HEARTED SINCE HE GOT A DEAR JOHN LETTER FROM HER. A DEAR JOHN LETTER là thư tuyệt tình, thư để cắt đứt, chấm dứt mọi liên lạc tình ái gửi cho một người đàn ông …. JOHN được dùng vì đó là tên rất thường gặp, của khá nhiều người. Cũng như chúng ta nói ÔNG X. hay BÀ X. vậy. JOHN ở đây là bất cứ người đàn ông nào mà chúng ta không biết tên, hay không muốn nêu rõ tên ra.

NHÃ LAN

Người Mỹ có những chữ nào tương đương với tiếng Việt khi chúng ta nói ông Nguyễn Văn Mỗ không, thưa anh?

BBT

Có. Cô có biết Mỗ là tiếng để ngôi thứ nhất tự xưng không? Mỗ là tôi, là ta. Lão Mỗ là lão già này. Mỗ cũng là tiếng để thay cho một cái tên khác như MỖ DANH, MỖ XỨ, MỖ LÀNG, nghĩa là cái tên nào đó, cái xứ nào đó, cái làng nào đó.

Nếu chúng ta gọi một người chúng ta không quen biết, hay một người nào đó mà chúng ta không tiện nói tên ra để tôn trọng quyền riêng tư của ông ta, để khỏi bị lôi ra tòa kiện tụng lôi thôi, thì chúng ta dùng chữ Mỗ. Trong tiếng Anh, nhân vật MỖ này là JOHN Q PUBLIC, cũng giống như khi chúng ta gọi đùa: THƯA ÔNG PHÓ THƯỜNG DÂN chẳng hạn.

JOHN DOE là NGUYỄN VĂN X.; JANE DOE là NGUYỄN THỊ X. như chúng ta nói trong tiếng Việt.

QA

Nhưng thưa anh, khi nào chúng ta dùng những cái tên như thế?

BBT

Trong những trường hợp chúng ta không biết tên, hay không cần, không phải, không nên, không được nói tên của người ấy ra.

Thí dụ một nạn nhân tai nạn xe cộ trong người không có giấy tờ ncăn cước, không biết tên là gì, thì người ta dùng tên JOHN DOE trong hồ sơ cảnh sát để gọi ông ta, và dùng JANE DOE cho đàn bà. Trong nhà xác, xác vô danh thường được gọi là JOHN DOE hay JANE DOE chờ cho đến khi có được căn cước, tên tuổi đích xác. BABY DOE dùng cho em nhỏ.

NHÃ LAN

Vậy là đã hết chuyện về ông JOHN chưa thưa thầy?

BBT

Hai cô thấy là những thành ngữ sử dụng tên JOHN đều đề cập đến những người, những chuyện liên quan đến đàn ông. Nhưng thành ngữ này thì có khác, nam nữ dùng chung đều được, thí dụ khi tôi nói: PUT YOUR JOHN HANCOCK HERE, hay PUT YOUR JOHN HENRY HERE thì câu đó tôi có thể nói cho một ông bạn của tôi, hay cho hai cô QA và Nhã Lan đều được. Nó chỉ có nghĩa là xin ông hay bà, hay cô ký tên vào đây.

NHÃ LAN

Tại sao lại lam phiền ông JOHN HANCOCK và JOHN HENRY như vậy thưa thầy? Tại sao lại không dưng lôi tên của hai ông ra nhắc trong khi chỉ muốn xin cái chữ ký của QA và Nhã Lan ?

BBT

Hai cô nếu có dịp xem tận mắt bản tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ (DECLARATION OF INDEPENDENCE) thì các cô hiểu ngay. John Hancock là một trong những người ký tên vào bản văn ấy. Chàng ký cái tên của chàng rất to, ở ngay giữa bản tuyên ngôn. Ký xong, chàng quay lại nói với các đại biểu đang đứng chờ ký rằng chàng ký chữ ký lớn như vậy là để cho Anh hoàng George đệ Tam trông thấy cho rõ: "Let George III see it." Từ đó mới có danh từ John Hancock nghĩa là chữ ký.

NHÃ LAN

Thưa anh, Nhã Lan có tới 3 người bạn đều tên là Jack. Vậy JACK có phải là tên thường gặp không?

BBT

Có chứ. JACK cũng là tên rất thường găïp. JACK là tên gọi thân mật của JOHN. Như câu tục ngữ JACK OF ALL TRADES, MASTER OF NONE có nghĩa là một người mà ôm đồm tất cả mọi việc, việc gì cũng làm thì không giỏi chuyên về một việc gì đặc biệt. JACK cũng như JOHN, được dùng để gọi chung tất cả những người đàn ông. Tiếng Việt có một câu rất gần với câu JACK OF ALL TRADES, MASTER OF NONE, đó là "một nghề cho chín, còn hơn chín nghề".

QA

Trên đường đến đài Hồn Việt TV, QA thấy có một tiệm hamburger có tên là JACK IN THE BOX. Tại sao lại đem JACK nhốt vào trong hộp?

BBT

JACK IN THE BOX là tên tiệm bán hamburger như cô QA nhìn thấy trên đường Brookhurst, nhưng thực ra, JACK IN THE BOX là một món đồ chơi. JACK IN THE BOX có một chiếc hộp vuông nhỏ có nắp. Trong hộp có một con chó hay một con mèo nhỏ bằng bông hay plastic, cũng có khi là một hình nhân, một chú hề có gắn một chiếc lò so. Người ta ấn chú hề, hay con chó, con mèo vào trong hộp rồi đậy nắp hộp, cài nắp lại cho khỏi bì lò xo đẩy bung ra. Người không biết, tò mò mở cái khóa ra thì nắp hộp mở tung, hình nhân trong hộp bị lò xo đẩy mạnh ra, người mở chiếc hộp có thể giật mình, kinh ngạc đến độ kêu thét lên. Ðây là món đồ chơi chọc cười trẻ con nhiều nhất.

QA

Hình như còn có một câu tục ngữ khác cũng có tên JACK ở trong, anh giúp trí nhớ của QA một chút được không?

BBT

Ðúng. Cô QA chắc muốn nói câu này chứ gì : ALL WORK AND NO PLAY MAKES JACK A DULL BOY. Câu này tôi yêu từ lâu lắm rồi, từ thời còn đi học. Ðây là câu để cứu mạng, để biện minh cho chuyện gấp sách lại, chạy ra cửa đánh bi với bạn. ALL WORK AND NO PLAY nghĩa là chỉ chúi đầu vào làm việc, không nghỉ tay giải trí một chút; MAKES JACK A DULL BOY nghĩa là sẽ biến Jack thành một cậu bé ù lì, nhạt nhẽo, chán nản, vô duyên. Vậy thì phải gấp sách lại chạy ra cửa chơi nửa tiếng rồi vào học tiếp. Thuở ấy thì tôi chưa biết câu tục ngữ tiếng Anh này, nhưng được bà nội đề nghị với ông bố cho nó nghỉ tay một chút không thì học quá thằng bé mụ người ra.

NHÃ LAN

Ông này thì có cái tên xưa lắm, Nhã Lan không biết tên của ông có ở trong các thành ngữ tiếng Anh không…

QA

Ông Adam phải không Nhã Lan? QA cũng thắc mắc không biết ở ngoài Thánh Kinh, ông có xuất hiện trong lối nói của người Anh và người Mỹ không.

BBT

Có, nhưng không nhiều như hai cô nghĩ. Như khúc sụn ở cổ của chúng ta chẳng hạn. Tiếng Anh gọi nó là trái táo của Adam. Tại sao lại gọi nó là ADAM’S APPLE?

QA

QA nghĩ nó là dấu tích của cái tội mà ông Adam đã phạm phải khi còn ở vườn Ðịa Ðàng. Thượng Ðế dặn ông không được ăn trái táo cấm. Ông cứ ăn, thế là ông bị đuổi ra khỏi vườn Ðịa Ðàng. Trái áo lúc ấy còn ở trong miệng, ông nuốt vội nên nó nghẽn ở cổ. Ðến nay, trái táo vẫn còn đó nên người ta gọi cái cục ở cổ là ADAM’S APPLE. Người Việt gọi đó là những người bị lộ hầu, tướng không thọ.

BBT

Ðúng vậy. Ông Adam vì ở quá xa chúng ta như thế nên chúng ta chắc chắn không biết mặt mũi ông ra làm sao. Thế nên thành ngữ Mỹ cũng có câu đại khái nghĩa là có đặt ai bên cạnh ông Adam, tôi cũng không biết người nào là ông Adam, người nào là ông ta: I DON’T KNOW HIM FROM ADAM.

Còn có ba cái tên này người ta cũng thường gặp lắm, chúng xuất hiện trong một thành ngữ có nghĩa là tất cả mọi người. Ðó là tên của TOM, DICK và HARRY.

QA

Kiểu như người Việt nói Mít, Soài, Ổi phải không thưa anh?

BBT

Ðúng vậy. TOM , DICK, HARRY là những tên rất thường gặp. Bởi thế, khi muốn nói là tất cả mọi người, toàn dân thiên hạ, nói một cách hơi cường điệu một chút, người ta nói là EVERY TOM, DICK AND HARRY. Nhưng ý nghĩa của câu nói thường không mang ý nghĩa tôn trọng, mà thực ra, nó mang theo nhiều ý nghĩa khinh miệt, không tôn trọng. Ba cái tên này, khi nói, thường có thêm chữ EVERY để cho mạnh thêm. Sự thực nó chỉ có nghĩa là EVERYBODY như trong tiếng Pháp người ta nói là PIERRE, PAUL OU JACQUES. TOM, DICK AND HARRY là bất cứ ai, là tất cả mọi người. Thí dụ khi người ta nói: YOU CAN MEET EVERY TOM, DICK AND HARRY AT THE PARTY nghĩa là ở party, bạn có thể gặp đủ mặt bầu cua.

NHÃ LAN

Thưa anh TOM, DICK, HARRY đều là tên đàn ông. Thế thì khi muốn nói tất cả các phụ nữ thì phải nói thế nào?

BBT

Cô hỏi câu này rất hay. Trong các sách mà tôi có, thì thành ngữ này cũng có thể dùng trong các trường hợp cô hỏi. TOM , DICK AND HARRY không nhất thiết chỉ được dùng để đề cập hay nói chuyện về những người đàn ông. Thí dụ khi người ta nói: HIS SISTER CAN BE ANY TOM, DICK AND HARRY.

QA

Chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television vào tuần tới. Bùi Bảo Trúc, Nhã Lan và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị và hẹn gặp lại quí vị trong bài học tới.


CHỮ NGHĨA CHÚNG TA


Ông Nguyễn Năm, Bakesfield, CA 93313

Phiếu (cũng đọc là xiếu) là giặt , rửa. Mẫu là người phụ nữ, người mẹ. Phiếu mẫu là người đàn bà giặt vải.

Truyện kể là khi Hàn Tín còn hàn vi phải đi câu kiếm sống. Một hôm bụng đói, không có gì ăn thì được bà lão giặt vải cho ăn một bát cơm. Tín hứa với bà là về sau làm nên sẽ đền tạ. Khi Hàn Tín làm tể tướng, đã tìm gặp bà lão hậu tạ nghìn vàng.

Chén cơm phiếu mẫu nghìn vàng khó quên nghĩa là chén cơm mà bà già giặt vải cho Hàn tín ăn khi còn hàn vi là cái ơn Hàn Tín không thể quên được và đã hậu tạ bà bằng một nghìn lạng vàng.

Trong Kiều cũng có hai câu nhắc điển tích này:

Nghìn vàng gọi chút lễ thường
Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân

Ông Trịnh Xuân, San Diego, California

Những tiếng ông hỏi đều xuất xứ từ tiếng Pháp.

Ba đờ suy là do chữ pardessus nghĩa là áo mặc ra ngoài các thứ áo khác. Tiếng Anh là overcoat.

Bóp tầm phơi hay bóp phơi, hay poóc tờ phơi là portefeuille, cái ví đựng giấy tờ. Portefeuille còn xuất hiện trong danh từ kép ministre sans portefeuille, bộ trưởng không giữ một bộ nào tức là chức quốc vụ khanh.

Phơi dơ tông là feuilleton, truyện viết thành nhiều kỳ đăng trên báo.

Xà beng là la pince

Ông Lê Kính, Santa Ana, California

Xà ích là do danh từ SAIS nghĩa là người dắt lừa ở Ai Cập. Nghĩa thứ hai là người đánh xe ngựa. Sais còn một nghĩa nữa là người hướng dẫn khách du lịch. Danh từ này có thể xuất xứ từ tiếng Ả Rập.

Cô Ðức Nguyễn, Garden Grove, California

Know Nothing Movement là một phong trào chính trị của những năm 1840 và 1850. Phong trào này xuất hiện vào lúc một số người lo sợ là nước Mỹ có thể bị khống chế bởi những người di dân Ái Nhĩ Lan theo đạo Thiên Chúa. Phong trào có chủ trương chống lại chính sách thu nhận di dân và nhập tịch, sợ rằng nước Mỹ không giữ được bản chất dân tộc. Phong trào Know Nothing mạnh nhất trong những năm từ 1854 đến 1856. Ða số những người theo phong trào này là thành phần trung lưu, đạo Tin Lành. Phong trào này ra đời tại New York năm 1843 và trở thành đảng Native American Party năm 1845. Năm 1855, đảng đổi tên thành American Party. Danh xưng Know Nothing được dùng để gọi một tổ chức nằm trong đảng American Party. Những ngươi trong tổ chức này, khi bị hỏi về các hoạt động của tổ chức, bao giờ cũng trả lời "I know nothing."

Ông Nguyễn Duy Tưởng, Irvine, California

Ðậu hủ hay đậu hũ?

Hủ là nát ra. Ðậu ngâm, xay nát ra như tương để làm thức ăn. Do đó, đậu hủ (dấu hỏi), không thể là đậu hũ (dấu ngã).

Tofu là đậu hủ. Tu Fu hay Du Fu là Ðỗ Phủ, một nhà thơ lớn đời Ðường.

Ông Phạm Ðình Huy, Springfield, Texas

Samizdat là sinh hoạt sách báo chui ở Liên Xô. Samizdat phổ biến các tài liệu không được phép xuất bản bằng cách đánh máy chuyền tay các bản thảo. Alexander Solzhenitsyn là một trong các tác giả có tác phẩm được phổ biến theo hình thức này.

Samizdat là danh từ ghép từ hai chữ sam là tự và izdat là xuất bản. Samizdat ra đời khoảng thập niên 60.

Ông Trần Công Thành (tct1937@yahoo.com)

Người lái xe cho tổng thống Thiệu ra phi trường Tân Sơn Nhất là Frank Snepp, một chuyên viên tình báo của CIA làm việc tại sứ quán Mỹ. Chi tiết về chuyến xe chở tổng thống Thiệu ra phi trường được Frank Snepp viết lại ở chương High-Class Chaufeur (trang 426-437) của cuốn Decent Interval.

Frank Snepp hiện làm việc cho đài truyền hình KNBC-TV ở Los Angeles.