March 31, 2021

Chữ Nghĩa Chúng Ta - Bùi Baỏ Trúc 2009

 3-4-2009


Ông Nguyễn Thành Bửu, Garden Grove, Ca

BREAKING NEWS

"News", như ông viết trong thư, là danh từ số ít, không đếm được (uncountable noun). Muốn dùng danh từ này ở số nhiều, người ta phải dùng danh từ "items"ở trước hay sau:

There are 6 items of international news hay there are 6 international news items. Như vậy, chúng ta đếm "items "chứ không đếm "news".

Danh từ "news" bao giờ cũng có "s" ở cuối nhưng lại là số ít: No news IS good news.

Khi đọc, phải đọc rõ chữ "s" ở cuối. Do đó, như ông nói, người xướng ngôn đọc "breaking new" là sai. New (không có "s") là tĩnh từ, nghĩa là mới. Nếu là danh từ nghĩa là tin tức thì phải đọc rõ chữ "s" ở cuối.

Tại sao lại gọi là breaking news?

To break the news là loan một cái tin, báo một cái tin gì đó, thường là tin mới và gây kinh ngạc cho người nghe:

He broke the news of his engagement to his family (Anh ấy báo tin lễ đính hôn cho gia đình).

Breaking News là tin mới nhất.

Sau giới từ (prepositions) không thể dùng động từ chưa chia (nguyên mẫu) không có TO (infinitive without TO)

Bao giờ cũng phải dùng gerund (verb+ing). Trong cách dùng này, chủ từ (hiểu ngầm) của verb+ing cũng cùng là chủ từ của mệnh đề chính đi sau:

UPON return+ING home, he discovered his car had gone (When HE returned home, HE discovered his car had gone).

BEFORE com+ING to America, THEY lived in Italy (Before THEY came to America, THEY lived in Italy).

AFTER finish+ING her M.A. degree, she went to Harvard for her Ph. D. (After SHE finished her M.A. degree, SHE went to Harvard for her Ph.D.)

Cụ Phan Y. Santa Ana, California

Kowtow là tiếng Anh mượn của chữ Hán nguyên là khấu đầu. Khấu là đập, là cúi đầu.

Khấu bẩm là đập đầu xuống đất để tâu trình với người trên. Khấu thủ cũng đồng nghĩa với khấu đầu.

Kingdom come là kiếp sau, đời sống sau đời sống hiện nay, là thiên đàng, từ những chữ Thy kingdom come trong Kinh Thánh.

Trương Trào là một nhà thơ Trung Hoa sống ở thế kỷ thứ 17 mà Lâm Ngữ Ðường có trích nhiều câu ngạn ngữ ông để lại, trong đó có câu "Thà bị tiểu nhân mắng chứ không muốn bị người quân tử khinh".

Ông Phạm Ngữ, Washington DC

Dalida tên thật là Yolanda Cristina Gigliotti là người gốc Ý ra đời (17/1/1933) và lớn lên tại Ai Cập nhưng sống gần hết đời tại Pháp. Dalida được bầu làm hoa hậu Ai Cập năm 1954. Cô sang Pháp để theo đuổi giấc mơ điện ảnh. Cô đổi tên là Dalila rồi sau đổi thành Dalida. Nhưng cô lại thành công trong lãnh vực ca nhạc nhiều hơn là điện ảnh. Dalida hát và thu thanh hơn 10 ngôn ngữ khác nhau gồm tiếng Pháp, Ý, Ả Rập, Ðức, Tây Ban Nha, Hi Bá Lai, Anh, Hà Lan, Nhật và Hy Lạp.

Các ca khúc nổi tiếng của cô gồm Come Prima, Ciao Ciao Bambina, Garde-Moi la Dernière Danse, Gondolier, Paroles Paroles, Il Venait d’Avoir Dix-Huit Ans, J’Attendrai, Pour te Dire Je T’aime...

Dalida thành công trong sự nghiệp ca hát nhưng lại thất bại hoàn toàn về mặt tình cảm. Người chồng đầu tiên và hai người tình của cô đều tự tử chết. Ngày 3 tháng 5 năm 1987 Dalida cũng tự tử, để lại một mẩu giấy nhỏ với những chữ: "Pardonnez moi, la vie m’est insupportable".

Một Thính Giả Thư Bị Thất Lạc

Hai câu:

Thuyền đua thì lái cũng đua
Con cá cũng lội, con cua cũng chèo

Theo cách giải thích của những cuốn sách mà chúng tôi có thì hai câu này có nghĩa đua đòi, bắt chước một cách quá lố chứ không hề có nghĩa là thi đua. Những câu khác cùng nghĩa là: dây lang bò, rau muống cũng bò; húng mọc, tía tô cũng mọc; voi đú, khỉ đú, lợn sề cũng hộc; thấy trâu đầm, bò cũng nhẩy xuống ao; bầu leo, dây bí cũng leo; mành treo, chiếu rách cũng treo; phượng hoàng đua, chim sẻ cũng đua...

6-2-2009


Ông Ðỗ Ngọc Phú , Detroit, MI 48210

Nếu tính cả những chữ Ê, Ô, Ơ, Ư thì tiếng Việt có hơn chứ không phải là 23 hay 24 như ông viết trong thư. Ông có thể xem các từ điển của Hà Nội , Khai Trí Tiến Ðức hay Lê Văn Ðức để biết rõ hơn. Cám ơn thư của ông.

Cụ Ðặng Văn Phương , Dayton, Ohio 45440

Tại các trận quyền Anh, cutman là người săn sóc cho các võ sĩ khi bị thương nhẹ ở mặt, rách mắt, má, môi. Thương tích nặng hơn thì phải nhờ y sĩ. Assist là phụ tá huấn luyện viên. Trainer là huấn luyện viên.

Các võ sĩ kiếm rất nhiều tiền nhờ vé bán, quảng cáo, nhưng ít người giữ được những khoản tiền lớn đó vì bị bọn bấu xấu bám chung quanh bòn hết. Mike Tyson kiếm rất nhiều tiền nhưng cũng đã phải khai khánh tận.

Chia XẺ và chia SẺ đều đúng, theo các từ điển mà chúng tôi có.

Bà Nguyễn Kim, Austin, Texas

VERB+ING có thể là:

Tĩnh từ (adjective) khi đứng trước một danh từ (noun): working class

Danh từ (noun) khi làm chủ từ (subject) hay túc từ (object) cho một động từ: Working is good for the body. I love the job but it is working that I hate.

Hiện tại phân từ (present participle) khi đi cùng với động từ to be để tạo thành thì hiện tại liên tiến (present continuous tense): He is working for his graduate degree.

Có vài động từ KHÔNG thể dùng trong thì liên tiến.

Thí dụ động từ TO SEE và động từ TO HEAR nếu chúng có nghĩa là nhìn thấy hay nghe thấy.

Chúng ta nói I see his house behind the trees nhưng không nói I am seeing his house behind the trees. Tuy nhiên chúng ta có thể nói He is seeing a very young woman nếu động từ TO SEE có nghĩa là hẹn hò, cặp bồ (to date, to take somebody out, to see somebody socially) với ai đó.

Chúng ta nói We hear footsteps downstairs nhưng không thể nói We are hearing footsteps downstairs.

Seeing và hearing có thể là danh từ như trong các thí dụ sau đây:

Seeing is believing nghĩa là có thấy thì mới tin. Seeing là danh từ, chủ từ của động từ to be.

There will be a hearing on Afghanistan nghĩa là sẽ có một cuộc điều trần về cuộc chiến tại Afghanistan.

TO SAY/ TO TELL/ TO SPEAK đều là nói.

TO SAY là nói điều gì đó, theo sau có thể là hai chấm (:) và dấu ngoặc kép để nhắc lại nguyên văn lời nói.

He SAYS he is Spanish. He SAYS:" Adios." Can you SAY it in Spanish?

Không thế dùng TO SAY trong nghĩa kể chuyện hay nói (một ngôn ngữ nào đó). Không thể nói He SAYS a story. Phải nói là he TELLS a story. Cũng không thể nói He SAYS French mà phải nói là he SPEAKS French, nghĩa là ông ấy nói tiếng Pháp. Nhưng có thể nói He SAYS it in French.

TO TELL là kể, kể chuyện, nói chuyện.

He can TELL the time là nó biết xem đồng hồ.

We all TELL lies every now and then là ai trong chúng ta thỉnh thoảng cũng nói dối.

Let me TELL you a funny story là để tôi kể cho anh nghe câu chuyện cười này.

I cannot TELL who is who là hai người giống nhau quá, tôi không phân biệt được ai là ai.

To TELL fortunes là coi bói.

TO SPEAK là nói chuyện, đọc diễn văn, nói một ngôn ngữ.

I don’t want to TALK/ SPEAK to him là tôi không muốn nói chuyện với ông ấy.

The Dalai Lama will speak (GIVE A TALK) at the United Nations là đức Ðạt Lai Lạt Ma sẽ đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc.

He speaks English with Australian accent là ông ấy nói tiếng Anh giọng Úc.

Ông Nguyễn Thế Quỳnh, Santa Ana, California

Lữ thứ là quán trọ, cùng nghĩa với lữ xá, lữ điếm.

Lữ thấn là áo quan quàn ở nơi đất khách, xa quê hương. Thấn là chết mới liệm, chưa chôn. Thấn xá là nhà để quan tài người chết.

Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề là câu trong Kiều nói chú của Kim Trọng chết ở xa nhà (Liêu Dương thuộc tỉnh Phụng Thiên thuộc Mãn Châu), xác còn quàn nơi đất khách.

Chén đưa / chén mừng

Chén đưa là chén rượu tiễn chân người đi. Chén mừng là chén rượu mừng ngày tái ngộ.

Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau

là lời của Kiều khi tiễn Thúc Sinh về nhà với ... vợ, hẹn một năm sau thì trở lại.

Ông Lâm Quang Hải haiquanglam@gmail.com

Mấy câu thơ bẩy chữ của ông có gì sai quấy đâu:

Xuân buồn lữ khách vẫn xa quê
Nước non, non nước nặng câu thề
Ðón xuân, ai hẹn xuân sau đón
Chí cả cùng ai chung bước về.

Chỉ xin thay chữ "chung" trong câu 4 thành "sẽ" để cho câu thơ nghe êm hơn.

6-3-2009


Bà M. H.

Mao Tôn Cương là một phê bình gia văn học Trung quốc, người tỉnh Giang Tô, nhưng sách vở không ghi rõ ngày sinh và ngày mất. Người ta chỉ biết ông sống vào thế kỷ thứ 17, thời nhà Thanh. Ông là một trong những phê bình gia nổi tiếng viết về bộ Tam Quốc Chí của La Quán Trung. Ông cũng ký bút hiệu Tử Am. Mao Tôn Cương cùng vói thân phụ là Mao Luân còn phụ đính và phê bình một tác phẩm nổi tiếng khác của Cao Minh là Tỳ Bà Ký.

Người Việt Nam hay nói "lời bàn của Mao Tôn Cương" khi muốn đưa ra những bình luận, thường là không mấy nghiêm túc. Mao Tôn Cương là một nhân vật có thật, nhưng không phê bình những chuyện ngày nay của chúng ta. Tên của ông viết theo lối Pinin là Mao Tsung Kang, viết theo lối phiên âm Wade là Mao Zong Gang.

Ông Lê Thanh Xuân, Azusa, CA 91702

Cám ơn ông, chỉ vì muốn cho thấy những biển dâu của tiếng Việt, đã cất công mua nguyên một chai xì dầu đem đến tận tòa soạn để tặng người phụ trách mục Chữ Nghĩa Chúng Ta.

Thưa ông, ông buồn, chúng tôi cũng buồn. Tiếng Việt bị xuyên tạc như thế đấy. Có mấy chữ in trên nhãn của một sản phẩm bán cho người Việt chúng ta, họ cũng làm việc cẩu thả, lôi thôi như vậy.

Tưởng tượng những ai không biết, mua về trong uống ngoài xoa vẫn không thấy ăn thua gì (?), vẫn không cải thiện được tình hình thì sao.

Những chữ in "Si Dấu Loai Dâm" trên chai xì dầu của công ty Kim Lan đã sai từ chính tả sai đi:

Xì chứ không phải Si.

Dầu chứ không phải Dấu.

Loại chứ không phải Loai.

Ðậm chứ không phải là Dâm

Ông Huy Phương, tác giả Nhìn Xuống Cuộc Ðời

Xin cám ơn ông và Bác Sĩ Hoàng Văn Ðức đã nhắc không nên dùng ÐỒNG HƯƠNG mà nên dùng ÐỒNG BÀO.

ÐỒNG HƯƠNG là cùng quê hương, làng xóm. ÐỒNG BÀO có nghĩa rộng hơn, là người cùng một dòng giống, một đất nước.

Ông cũng nhắc không nên dùng Việt Kiều HẢI NGOẠI, mà nên gọi là người Việt QUỐC NGOẠI.

Danh từ HẢI NGOẠI làm người ta hiểu đó là lãnh thổ ở ngoài, nhưng thuộc về Việt Nam như danh từ France outre mer ngày xưa.

Một độc giả viết thư phiền trách các SPEAKERS của đài Little Saigon Radio.

Gọi các xướng ngôn viên là SPEAKERS là không đúng. SPEAKERS là loa phóng thanh, loa khuếch âm của máy phát thanh, của dàn máy nhạc stereo.

Nhưng HOUSE SPEAKER thì lại có nghĩa là chủ tịch quốc hội.

SPOKESMAN, SPOKESPERSON là phát ngôn viên, người đại diện để nói thay cho một người khác, một tổ chức, một đoàn thể.

(RADIO / TELEVISION) ANNOUNCER là người đọc tin (NEWS READER) cho đài truyền thanh, truyền hình.

ANCHOR, ANCHOR PERSON có nghĩa như ANNOUNCER nhưng cũng có nghĩa là một người được trao phó hẳn một chương trình của đài truyền thanh hay truyền hình, dẫn chương trình cho đài.

Lại "rút dây động DỪNG"

Danh từ DỪNG, không phải là RỪNG, được ghi trong Từ Ðiển Văn Học Việt Nam trang 479 cuốn 1 của Linh Mục Anthony Trần Văn Kiệm.

Rút dây động dừng cũng được tìm thấy ở trang 161 Khai Trí Tiến Ðức.

Dừng là đắp đất bùn lên tấm phên tre để làm thành vách cho nhà:

Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà dừng phên 
(ca dao)

Cô Mai Kim, Los Angeles, California

Ưu thời mẫn thế không có nghĩa là người am hiểu thời thế. Ưu là lo. Thời là thời cuộc. Mẫn cũng là lo. Thế là đời sống.

Ưu thời là lo việc đời.

Mẫn thế là lo đời, thương đời.

Ưu thời mẫn thế là những chữ để chỉ người ưu tư, lo lắng về cuộc đời, về thế sự chung quanh.

Tên của bào huynh, Ngọc Thụ là cái cây bằng ngọc, cái cây đẹp đẽ như ngọc.

Nhưng mai ngọc thụ thì lại có nghĩa khác. Mai còn có nghĩa là chôn. Mai ngọc thụ là chôn cây ngọc, là người hiền mà chết đi, gây tiếc thương cho mọi người. Mai hương là chôn hương, là người con gái đẹp mà chết.

Mai cũng là cây hoa mơ. Mai hương do đó, còn có nghĩa là mùi thơm của hoa mơ.

EPICENE là tên dùng để đặt cho cả nam lẫn nữ, cũng là unisex names hay same sex names.

Có rất nhiều tên như thế: SEAN, DANA, ALEX, ANGEL, TAYLOR...

EPICENE cũng là danh từ chỉ cả nam lẫn nữ: ATTENDANT, NURSE, TEACHER, ACTOR, SINGER...

Tuy nhiên, người ta cũng dùng ACTRESS và SONGSTRESS để nói rõ nữ diễn viên, nữ ca sĩ.

8-5-2009


Ðộc giả Châu Nguyễn (Chau.Nguyen@nashville.gov)

Ðôi câu đối đó được treo trên tường tiệm Phở Xe Lửa ở khu Eden, Falls Church, Virginia. Nguyên hai câu này là của cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo và cụ Tam Lang Vũ Ðình Chí đùa một bà chủ tiệm phở ở Tân Ðịnh cách đây đã hơn 40 năm:

Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ đã chín rồi, đừng nói với em câu tái giá
Muối tiêu không đáng ngại, lão thấy còn gân chán, hãy vui cùng lão miếng gầu dai

Con trai cụ Bảo Vân đọc lại cho ông chủ tiệm Phở Xe Lửa nghe. Ông chủ tiệm nhờ người viết thư pháp và treo lên tường của tiệm.

Phở của ông rất ngon nhưng ăn nói thì rất chướng.

Ông Nguyễn Thủy, Garden Grove, California

Chúng tôi cũng đã nghe chuyện diễu đó. Có rất nhiều chuyện diễu nhái giọng tiếng Anh của người Hoa. Chuyện kể một ông người Hoa nọ bị một người bạn Mỹ đố đặt được những câu tiếng Anh có đủ các mầu sắc như GREEN, PINK, YELLOW, BLUE, WHITE, PURPLE và BLACK. Ông người Hoa (tên là SUM TING WONG) nghĩ một lúc rồi nói:

I hear the phone GREEN, GREEN, GREEN, then I go and PINK up the phone, I say YELLOW... BLUE’s that? WHITE did you say? Aiyah, wrong number, lah... Don’t disturb PURPLE and don’t call BLACK, ok? Thank you!

Giải nghĩa thì mất hay đi nên xin miễn.

Marie Corelli là một nhà văn Anh (1855-1924). Bà cho biết tại sao bà không lập gia đình như thế này: I never married because there was no need. I have three pets at home which can replace a husband. I have a dog which growls every morning, a parrot which swears all the afternoon and a cat comes home late at night. Tôi không lấy chồng bao giờ vì không có nhu cầu. Tôi có ba con thú nuôi trong nhà có thể thay thế một ông chồng. Một con chó thì sáng nào cũng lầu bầu, càu nhàu khó chịu, một con vẹt chửi thề tục tĩu suốt buổi chiều và một con mèo đến khuya mới mò về nhà.

Ông Phạm Trung Hiếu, Chicago, Illinois

SPIC là chữ gọi người gốc Nam Mỹ (Hispanic). Ðây là một chữ mang ý nghĩa nhục mạ, coi thường những người này.

Có mấy lối giải thích về nguồn gốc của SPIC. Một trong những cách giải thích là SPIC do từ cách viết tỉnh lược của chữ Hispanic (hiSPanIC) mà ra. Còn hai cách viết khác là SPIK và SPICK. Nên tránh dùng những chữ này nếu là người không phải Latino hay Hispanic, vì đó là những chữ lăng mạ, xúc phạm những người nói tiếng Tây Ban Nha ở Hoa kỳ.

Swine là heo nái. Pig là heo nói chung. Boar là heo rừng, heo đực. Piglet là heo con. Pecary là heo rừng. Hog là heo. Tiếng lóng hog là mô tô máy lớn như Harley Davidson. Hog trong tiếng Anh lại có nghĩa là cừu non, dưới một tuổi, chưa bị xén lông lần nào. Wart hog là một loài heo rừng có những cục u như những mụn cơm rất to trên mặt, răng nanh dài và nhọn. Pork là thịt heo. Porker là heo vỗ cho béo để lấy thịt. Pork barrel là những ngân khoản trích từ ngân sách liên bang dành cho các địa phương của các nhà làm luật.

Ông Bửu Thạnh, Buffalo, New York

Ông Truman ngoài câu "In Washington, if you need a friend, get a dog" còn có một câu khác cũng không kém phần chua chát. Ðó là câu: "My choice in life was either to be a piano player in a whorehouse or a politician. And to tell you the truth, there’s hardly any difference." Trong đời, tôi muốn làm một người chơi đàn trong một nhà điếm hay nếu không thì làm một chính trị gia. Nhưng nói thực thì hai việc đó cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.

Tổng thống Truman là một nhạc sĩ sử dụng đàn dương cầm xuất sắc.

Câu ông hỏi không phải của tổng thống Truman mà của Anton Chekov: If you are afraid of loneliness, don’t marry (nếu bạn sợ cô đơn thì đừng lập gia đình).

Socrates nói một câu tương tự: All men should get married. If they are lucky, they are happy. If not, they become philosophers (Ðàn ông nên lấy vợ. May mắn thì hạnh phúc. Không may thì thành triết gia). Socrates uống thuốc độc tự tử nhưng không phải vì ông chán vợ. Ông là một triết gia.

9-1-2009


TRÂM GẪY BÌNH RƠI / HOA GẪY BÌNH RƠI?

Có một số ý kiến cho rằng câu 70 của truyện Kiều phải là "HOA" thay vì "TRÂM" (thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ), không như các bản Kiều vẫn chép.

Dương Quảng Hàm trong Quốc Văn Trích Diễm (trang 115) ghi là "trâm" nhưng không chú thích. Ðào Duy Anh trong cuốn hiệu khảo và chú giải Truyện Kiều do nhà xuất bản Văn Học Hà Nội xuất bản năm 1984 ở trang 22 cũng chép là "trâm" và giải thích "cái trâm gẫy, cái bình bị rơi vỡ là tỷ dụ về người đàn bà chết."

Trong Kim Túy Tình Từ do Phạm Kim Chi phiên chú, phủ Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Văn Hóa tái bản năm 1972, nơi trang 21 ghi là "trâm", và giải thích bằng câu "bình truy trâm chiếc (sic) thị hà như (sic)" của Bạch Cư Dị.

Nhưng Vân Hạc ở trang 21 Truyện Kiều Chú Giải viết rõ rằng "phải chép là hoa gẫy bình rơi mới đúng." Rồi Ðào Duy Anh trong Từ Ðiển Truyện Kiều ở trang 412 cũng cho rằng "Nguyễn Du đổi hình tượng bình chìm hoa gẫy thành trâm gẫy bình rơi." Hà Như Chi trong Việt Nam Thi Văn Giảng Luận trang 350, thì viết ở phần chú thích rằng "nếu đổi chữ trâm thành chữ hoa thì đúng với ý câu thơ Ðường: nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thời."

Như vậy, câu 70 của Nguyễn Du trong tất cả các bản đều chép là "trâm gẫy", nhưng ít nhất có ba người cứ muốn đổi "trâm" thành "hoa", cho rằng "trâm" là không đúng, Nguyễn Du đã đổi "hoa" thành "trâm" vì một lý do nào đó.

Tất cả đều dẫn hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn/ bình trầm hoa chiết dĩ đa thì", nghĩa là một mảnh thuyền tình đã đến bờ, bình chìm hoa gẫy đã lâu rồi, để nói đến sự muộn màng, khi người khách phương xa đến tìm, thì người phụ nữ đã ra đi vĩnh viễn. Bông hoa bị gẫy, cái bình kéo nước từ giếng lên, chưa lên đến nơi thì đứt dây rơi xuống. Hai hình ảnh đều là những đứt đoạn ở giữa lưng chừng, là cái chết khi còn thanh xuân, tuổi trẻ.

Nhưng có thể Nguyễn Du không định dùng chữ "hoa", mà ông đích thực chỉ muốn dùng chữ "trâm" thì sao?

Sở dĩ có những ý kiến cho rằng Nguyễn Du đã đổi chữ "hoa" thành " trâm" có thể là vì trong câu 69 ở ngay dòng trên, ông đã dùng hình ảnh một con thuyền ghé bến. Các nhà chú giải cho rằng vì Nguyễn Du dùng con thuyền trong câu 69, nên chắc chắn ông phải mượn ý của hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thì". Vì thế, nên câu 70 không thể là "trâm" được, mà phải là "hoa" mới hợp lý và mới đúng như chữ dùng trong nguyên bản hai câu chữ Hán.

Ðồng ý "hoa" mang nhiều hình ảnh của một người đàn bà hơn là "trâm" và chính Nguyễn Du, ở câu 66 cũng đã dùng bông hoa để nói về người đàn bà: "nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương". Cành thiên hương gẫy, người đàn bà đẹp chết.

Nhưng cũng chính vì thế, Nguyễn Du không muốn nhắc lại chữ "hoa" ở câu 70 nữa. Ông dùng "trâm" lấy từ một điển khác trong thơ Bạch Cư Dị: "bình trầm, trâm chiết, trị nại hà, tự thiếp kim triêu dữ quân biệt" nghĩa là bình chìm, trâm gẫy biết làm sao, tựa thiếp sáng nay cùng chàng từ biệt. Hai câu của Bạch Cư Dị đại ý nói việc sắp thành mà hỏng, có làm mà cũng như không, như một người đẹp chết non yểu.

Trong cổ nhạc phủ có những câu này cũng nói về trâm gẫy, bình rơi: "thạch thượng ma ngọc trâm, ngọc trâm dĩ thành trung ương chiếtTỉnh thượng văn ngân bình, ngân bình vị thượng ty thằng tuyệt" nghĩa là trên đá mài trâm ngọc, trâm ngọc vừa thành, bị gẫy ở chỗ chính giữa, trên giếng kéo bình bạc, bình bạc chưa lên đến nơi, dây tơ đứt.

Cây trâm đang mài gần xong thì bị gẫy ở giữa, chiếc bình bằng bạc thả xuống giếng múc nước lên chưa tới miệng giếng thì dây đứt. Toàn là những chuyện dang dở, giữa đường đổ vỡ, gẫy nát.

Trong câu 69, Nguyễn Du đưa ra hình ảnh người khách phương xa tới bằng thuyền, nên các nhà chú thích suy luận cho rằng ông mượn ý hai câu "nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn, bình trầm hoa chiết dĩ đa thì" nên câu 70 phải là "hoa" chứ không thể là "trâm" được. Nhưng giả sử Nguyễn Du cho người khách viễn phương đi ngựa, mà không dùng thuyền để đi tìm người đẹp thì chắc chắn sẽ không có chuyện "hoa" hay "trâm" nữa.

Hơn nữa, ở câu 749, đoạn Kiều mộng thấy Ðạm Tiên, Nguyễn Du cũng lại dùng "trâm" chứ không dùng "hoa": "bây giờ trâm gẫy, gương tan". Hình ảnh cái trâm gẫy lại được đem dùng để chỉ người đàn bà (Ðạm Tiên) chết. Và ở câu này thì không thể là "hoa" được. Nó phải là trâm (gẫy) vì nó đi cạnh tấm gương (tan), hai món trên bàn trang điểm của người phụ nữ.

Vậy nên có thể tin chắc rằng Nguyễn Du không đổi, không thay, không dùng sai chữ "hoa" thành "trâm", mà ông đã cố ý dùng như vậy, và điển mà ông mượn có phần chắc là mấy câu của Bạch Cư Dị và cổ nhạc phủ chứ không phải là hai câu có thuyền ghé bến, hoa gẫy như Vân Hòe, Ðào Duy Anh và Hà Như Chi đã giải thích.

10-4-2009


TÔI THÍCH ÐẬU PHỤ

Thích ăn đậu phụ thì chắc chắn không phải là một điều sai quấy. Nói lên điều đó cho mọi người biết thì cũng không phải là điều cần phải cấm đoán. Nói lên cái thích của mình bằng cái bảng số xe thì cũng chẳng chết ai. Vậy mà sở lộ vận của tiểu bang Colorado nhất định không cấp cho Kelly Coffman-Lee cái bảng số xe để gắn lên chiếc Suzuki của cô. Cái bảng số không đủ chỗ để viết nguyên văn I LOVE TOFU nên cô phải viết ngắn lại thành ILVTOFU.

Sở lộ vận giải thích việc không chịu cấp bảng số với những chữ cô yêu cầu rằng những chữ ấy, khi đọc lên có thể làm cho người ta nghĩ thành bậy bạ, tục tĩu.

"I" thì không cần và cũng không thể viết tắt lại được. LOVE thì phải viết ngắn lại thành "LV". Rất hợp lý. TOFU thì để nguyên không viết ngắn lại để người đọc cái bảng số ấy biết rõ lòng yêu thích dành cho món đậu phụ. Thế thì tục tĩu ở chỗ nào?

"FU" nếu muốn trở thành tục tĩu thì phải thêm hai chữ "CK" ở cuối. Chứ "FU" thì tục tĩu nỗi gì?
Hay "U" là "YOU" như trong WHILE-U-WAIT?

Thế còn "F" là cái gì? Hay nó là viết tắt của 4 chữ mà khi nói tránh đi là "four letter word"?

À thì chắc vậy.

Nếu thế thì ai mà chẳng thích.

Ðậu phụ ấy mà.

Cụ Vũ thị Nhị, Westminster, California

Mua tận gốc, bán tận ngọn nghĩa là mua hàng ngay từ nơi sản xuất, không qua trung gian để được hưởng giá thấp nhất; bán tận ngọn là bán thẳng cho người mua, cũng không qua trung gian để người mua không phải mua bằng giá quá cao.

Ông Nguyễn Trần Cửu, Los Angeles, California

Danh từ PRIMATE trong Anh ngữ có 2 nghĩa:

Nghĩa thứ nhất là tổng giám mục (archbishop) hay giám mục (bishop). Nghĩa thứ hai là khỉ độc như hắc tinh tinh (chimpanzee), đười ươi (gorilla)...

Ông Phạm Tài Anh, San Gabriel, California

Ca khúc It’s Now Or Never là lời Anh của bài O Sole Mio (Mặt trời của tôi), một ca khúc viết năm 1898 của Givanni Capurro (lời ca) và Eduardo di Capua (nhạc). Dalida hát bài này bằng tiếng Ý.

Ca sĩ Châu Hà hiện sống tại Virginia. Giọng của Châu Hà là giọng contre alto.

Vũ Ngọc Phan, tác giả bộ sách phê bình văn học Nhà Văn Hiện Ðại đã mất. Bộ sách được bào đệ là Vũ Minh Thiều in lại ở Sài Gòn sau năm 1954. Cụ Vũ Minh Thiều, dịch giả một số sách tiếng Pháp sang Việt ngữ đã qua đời tại San Jose hồi thập niên 80.

Hoài Thanh sinh năm 1909 qua đời tại Hà Nội năm 1982. Hoài Chân, em của Hoài Thanh sinh năm 1914, đồng tác giả cuốn Thi Nhân Việt Nam có thể vẫn còn sống ở Hà Nội.

Ðào Duy Anh nhà soạn tự điển, tác giả hai cuốn tự điển Pháp Việt và Hán Việt sinh năm 1904 tại Thanh Hóa, qua đời năm 1988 tại Hà Nội

Thiều Chửu tên thật là Nguyễn Hữu Kha sinh năm 1902, mất năm 1954. Sau khi bị đấu tố và hạ nhục, ông tự trầm ở sông Ðuống ngày 15 tháng 7 năm 1954. Ông là một cư sĩ rất có công với Phật giáo Việt Nam. Thiều Chửu được nhiều người biết đến qua bộ tự điển Hán Việt mà em gái ông đem in lại ở Sài Gòn năm 1952 và 1954.

Cô Thanh Tâm, Springfield, Virginia

Present Participle và Gerund trông thì giống nhau, cùng được tạo thành bởi VERB+ING nhưng không phải là một.

Present Participle (hiện tại phân từ) được dùng với động từ TO BE để làm thành các thì liên tiến (continuous). Thí dụ: He IS WORKING (present continuous) for the government; It WAS RAINING (past continuous) when I left; They WILL BE FLYING (future continuous) over Vancouver by then.

Gerund (danh động từ) được dùng làm chủ từ: BUYING a house is an important investment; hay túc từ: She likes LISTENING to music when she works.

Sẽ (dấu ngã) cũng có nghĩa là khẽ. Thí dụ giơ cao đánh sẽ.

Chí sĩ là người có tiết tháo. Chữ này có từ trước khi ông Ngô Ðình Diệm về nước cầm quyền. Trong bài phú chiến Tây Hồ cũng đã có câu: Kẻ chí sĩ làm thinh đi chẳng dứt.

Trí sĩ là thôi không làm quan nữa, đã về nhà nghỉ hưu.

13-2-2009


Nguyễn Hoàng Masayuki Vinh vinhmasayuki@gmail.com

Câu "voi đú lợn sề" thực ra phải là "voi đú, lợn sề cũng đú ". Câu này có nhiều câu tương tự khác, tất cả đều có một nghĩa là đua đòi, bắt chước những việc người khác làm, mà thường là một cách lố bịch, không phải lối, không đủ sức.

Ðú là đùa giỡn một cách lố bịch, thô lỗ.

Những câu tương tự với câu trên là:

-Thuyền đua thì lái cũng đua
Con cá cũng lội, con cua cũng chèo

-Cá nhẩy, ốc cũng nhẩy

-Thấy trâu đầm, bò nhẩy xuống ao

-Voi đú, khỉ đú, chuột chù cũng chạy quanh

-Voi rú, lợn sề cũng hộc

-Mành treo, chiếu rách cũng treo

Cô Linh Sơn Phạm Santa Ana, California

TAKE FIVE / TAKE THE FIFTH

Ðộng từ to take five là nghỉ, nghỉ tay một lúc.

To take the Fifth nghĩa là từ chối không khai khi bị hỏi cung trước tòa, nêu lý do là những điều khai ra có thể bị dùng để buộc tội lại chính người khai. The Fifth là tu chính án số 5, một trong 10 tu chính án của bản hiến pháp Mỹ được gọi chung là bộ luật Dân Quyền (Bill of Rights). Tu chính án số 5 có mục đích bảo vệ những người bị tình nghi phạm luật. Quyền không lên tiếng, giữ im lặng là quyền ghi trong tu chính án số 5 của người Mỹ.

Ðàn đứt dây hay đàn sai nhịp, lỗi nhịp là cảnh tan tác phu thê, cảnh không hạnh phúc trong hôn nhân, nhân duyên lỡ dở. Trong Kinh Thi có câu: Thê tử hảo hợp như cổ cầm sắt nghĩa là cảnh vợ chồng, con cái hòa hợp, đầm ấm như đàn cầm và đàn sắt hòa nhau.

Lời chúc tân hôn sắt cầm hòa hiệp / hảo hợp là do câu vừa kể trong Kinh Thi.

Tác phẩm Trước Ðèn là của Lãng Nhân Phùng Tất Ðắc. Tác giả đã qua đời ngày 6 tháng 3 năm 2008 ở Cambridge, Anh quốc hưởng thọ 100 tuổi. Tác giả còn ký hai bút hiệu khác là Cổ Nhi Tân và Tị Tân

Bà Amy Nguyễn, Garden Grove, California

GENERATION X là danh từ để chỉ nhũng người sinh trong những năm từ 1965 đến 1980

Danh từ này được dùng lần đầu tiên ở Anh để chỉ thế hệ ngủ với nhau trước đám cưới, không tin vào thượng đế, ghét nữ hoàng, không kính trọng cha mẹ.

Cũng còn được gọi là thế hệ thứ 13: 13th Generation

Tiếp theo Generation X là Generation Y để chỉ những người ra đời trong thập niên 80 đến năm 2004

john.nguyen@tcfhe.net

Ngày Chúa qua đời là đề tài tranh cãi từ nhiều năm nay. Có nơi nói là thứ Tư, lại có nơi nói là thứ Năm, và thứ Sáu. Theo nhiều thuyết thì ngày Chúa qua đời là ngày thứ Tư, năm 31 AD, năm Chúa bị đóng đinh. Ngài được mai táng cùng ngày trước hoàng hôn và ở trong lòng đất đúng ba ngày, ba đêm trước khi sống lại. Chúa sống lại vào ngày đầu của tuần lễ: Now when he rose early on the first day of the week, he appeared first to Mary Magdalene, from whom he had cast out seven demons ( Mark 16:9).

Cụ Nguyễn Văn Lộc, Lansing, Michigan

Mấy câu cụ hỏi đều là của George Bernard Shaw, một kịch tác gia người Anh.

There are two tragedies in life. One is not to get your heart’s desire. The other is to get it (Man and Superman). Có hai thảm kịch trong đời sống. Một là không có được điều mong ước của lòng mình. Ðiều kia là có được điều mong ước ấy.

As long as I have a want, I have a reason for living. Satisfaction is death (Overruled). Chừng nào mà tôi còn ham muốn thì tôi còn có lý do để sống. Thỏa mãn rồi thì là chết.

He knows nothing, and he thinks he knows everything. That points clearly to a political career (Major Barbara). Ông ta không biết gì hết. Nhưng ông ta lại nghĩ là ông ta biết tất cả mọi thứ. Ðiều đó cho thấy rõ ông là một nhà chính trị.

Ông Phạm Ngọc Bảo, Falls Church, Virginia

Trò đổi vị trí của nhũng chữ để tạo thành nhũng tiếng mới như VIỄN PHỐ thành VÕ PHIẾN; KHÁNH GIƯ thành KHÁI HƯNG; THỨ LỄ thành THẾ LỮ... tiếng Anh gọi là anagrams. Sau đây là một vài anagrams:

DORMITORY (lưu học xá) thành DIRTY ROOM (căn phòng dơ dáy)

MOTHER-IN-LAW (mẹ chồng hay mẹ vợ) WOMAN HITLER (Hitler cái)

THE DETECTIVES (thám tử) thành DETECT THIEVES (bắt trộm)

CONVERSATION (đối thoại) thành VOICES RANT ON (lời nói lảm nhảm )

SLOT MACHINES (máy kéo ở sòng bài) thành CASH LOST IN ‘EM (tiền mất ở trỏng)

ELEVEN PLUS TWO (mười một cộng hai) thành TWELVE PLUS ONE (mười hai cộng một)

15-5-2009


Một độc giả gửi e-mail

Theo từ điển Hán Việt Ðào Duy Anh ở trang 393 thì phải là Hợp CHÚNG (dấu sắc) Quốc mới đúng, không phải là CHỦNG (dấu hỏi). Chúng ta đã nói và viết sai như thế từ nhiều năm nên đinh ninh (điều sai lầm) đó là đúng.

Cũng hệt như trường hợp của môn ÐƯƠNG hộ đối, không phải là môn ÐĂNG hộ đối; chân nam đá chân CHIÊU chứ không phải là chân SIÊU; SÁP nhập chứ không phải là SÁT nhập...

CHÚNG nghĩa là nhiều người. CHÚNG cư chứ không phải là CHUNG cư.

Ông Châu Chí Thành (tchau120@yahoo.com)

Câu ông hỏi chúng tôi nghĩ là câu trong sách Luận Ngữ: "tri giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ " nghĩa là biết người thì không còn nghi nghi ngờ, có lòng nhân thì không âu lo và có lòng dũng cảm thì không sợ chi hết.

Cụ Trần Nguyên Hồng, Annandale, Virginia

Câu "nước lỗ chân trâu chẩy ra không mạnh " thực ra là "nước lỗ chân trâu chẩy ra KHỔNG mạnh".

KHÔNG có khi đọc là KHỔNG.

KHÔNG cũng có khi là HỔNG.

KHÔNG cũng có khi là HÔN.

NƯỚC LỖ CHÂN TRÂU CHẨY RA KHỔNG MẠNH là câu các ông đồ đặt ra để dậy trẻ con về nguồn gốc Khổng Tử và Mạnh Tử. Khổng Tử người nước Lỗ. Mạnh Tử người nước Trâu.

Hai câu

Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia

là của Lê Quí Ðôn nghĩa là từ nay xin học kỹ sách của hai ông Mạnh (người nước Trâu) và Khổng (người nước Lỗ) để khỏi xấu hổ là mang danh tiếng của gia đình tử tế.

Bà Phạm Lê Bảo Khánh Santa Ana, California

Ðàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa TRONG HANG mà về

là nhắc một chi tiết trong truyện Thạch Sanh Lý Thông khi Thạch Sanh giải cứu công chúa bị đại bàng bắt bỏ vào hang núi.

Hai câu "Ðàn kêu tích tịch tình tang / Ai đem công chúa TRÊN THANG mà về " là nhắc vụ Trần Khắc Chung được vua nhà Trần sai đi Chiêm Thành giải cứu cho công chúa Huyền Trân, người chịu lấy vua Chiêm để đổi lấy hai châu Ô và Lý, khỏi bị đưa lên giàn hỏa khi Chế Mân chết.

Chữ HỜI là do chữ Hồi đọc trại ra

16-1-2009


Một công ty sản xuất nước uống làm tại Thái Lan, công ty Teptip đã có một vài nỗ lực với tiếng Việt rất tội nghiệp. Công ty này biết sản phẩm của họ được nhiều người Việt dùng nên họ đã có một cố gắng để thêm một hàng chữ Việt ở trên lon nước. Và tiếng Việt trên những nẻo đường lưu vong lại làm đau lòng người lưu lạc thêm một lần nữa.

Có phần chắc là thứ tiếng Việt này không phải là thứ mà những người Việt mang theo hồi những năm đầu thế kỷ trước khi một số lưu lạc sang Thái, và một số chữ còn sống sót ở một vài vùng thuộc bắc Thái. Thứ tiếng Việt đó đã rơi rụng gần hết, cũng không hơn gì tiếng Việt ở Nouvelle Calédonie, và không thể giúp cho công ty thực phẩm Thái Teptip phụ đề cho loại nước uống ép từ lá cây pennywort, một loại cây có lá hình tròn mọc ở những kẽ đá, vách tường hay ở những khu đồng lầy, họ hàng với giống obolaria virginica ở Bắc Mỹ.

Tiếng Việt mà công ty thực phẩm Teptip dùng trên lon nước chắc phải từ những nguồn gốc mới hơn. Nhưng công ty này có thể không sẵn sàng chi tiền để có được thứ tiếng Việt khá hơn, chính xác và hay hơn, nên mới ra nông nỗi buổi tối hôm qua.

Trước hết là chữ "NUỚC". Thay vì dấu sắc được đặt trên chữ "Ơ", thì nó nhẩy sang chữ "U" -- không phải là chữ "Ư" có râu. Chữ "N" thì lại cho mọc cái râu trông không ra làm sao cả.

Sau đó, là chữ "RÂU" có đội nón hẳn hoi, chắc để có phải đi ra đường khỏi sợ mưa nắng.

Chữ cuối là "MÁ", là chữ duy nhất được viết đúng.

Ðọc cả ba chữ in trên lon nước, thì bỗng người đàn bà, người mẹ được tặng thêm bộ râu để thành một đấng "tu mi", mày râu cho khỏi mang tiếng "bất nghì" mặc dù chuyện có râu không nằm trong những đòi hỏi của những người mẹ.

Tôi ngờ rằng công ty Teptip đã không có những nỗ lực tìm kiếm để có được thứ tiếng Việt có học, đúng chính tả, mà hình như đã chỉ quơ đại một người với một khả năng ngôn ngữ rất hạn chế tình cờ đi ngang và nhờ viết dòng phụ đề Việt ngữ cho loại nước uống ép từ lá cây pennywort, cây rau má. Và vì khả năng tiếng Việt lạng quạng đó, nên người mẹ được cho mọc bộ râu để thành thứ nước mới có cái tên đọc lên nghe ghê rợn là " NUƠC RÂU MÁ".

Nhìn quanh không thấy ông nọ ở đâu, chỉ thấy râu của ông cắm vào cằm bà kia để thành... RÂU má.

Hay là ở Thái Lan có thứ... râu má thật mà chúng ta chưa biết? Chắc là không.

Và như thế, tiếng Việt lại bị lôi ra để làm phiền và gây khó chịu cho người đọc thấy nó.

Hết "MẤM" với dấu mũ, lại đến "RÂU MÁ", cũng với cái nón trên đầu, rồi "RUỐT" với chữ "T" thay vì chữ "C" và "SỬA SOẠN CON CÁ MỰC" để dịch những chữ prepared cuttlefish, tiếng Việt đã đổi, đã thay, không như tiếng quê hương của ông già Hạ Tri Chương khi trở lại quê cũ sau một đời luân lạc: "hương âm vô cải mấn mao thôi" mà ông đã viết trong Hồi Hương Ngẫu Thư.

Nhưng làm sao được, khi mà hai tiệm ăn Việt Nam một ở miền tây, một ở miền đông nước Mỹ đều quảng cáo món đặc biệt của tiệm là món THỊT BÒ NHÚN (không có "G") GIẤM?

Trách người Thái làm gì với cái thứ tiếng Việt... chụp mũ ấy?

Cụ Nguyễn Văn Sâm, Westminster, California

Ðồng ý với cụ hai chữ "đăng quang" dùng trong trường hợp đó là sai hoàn toàn.

Ðăng là trèo lên cao. Quang là ánh sáng. Ðăng quang chỉ có một nghĩa duy nhất là lên ngôi vua.

Ðăng quang cùng nghĩa với đăng cực. Ðó là theo các tự điển Ðào Duy Anh, Khai Trí Tiến Ðức, từ điển Tiếng Việt của Hà Nội, tự điển Việt Nam của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ. Còn đăng quang dùng với ý nghĩa như trong câu cụ dẫn thì chúng tôi không biết người viết căn cứ ở sách vở nào. Không lẽ người qua đời lại lên ngôi vua ở Phật Quốc?

Cụ Lê Châu, Portland, Oregon

I saw him come đúng.

I saw him coming đúng.

I saw him came sai

I saw him comes cũng sai.

Sau các động từ TO SEE, TO HEAR, luật văn phạm đòi phải dùng động từ nguyên mẫu không có TO (infinitive without TO) hay verb+ING.

Ðộng từ TO LOOK FORWARD TO bao giờ cũng theo sau là Verb+ING. Thí dụ:

I look forward to SEEING them.

Không bao giờ nói I look forward to SEE them.

Hai câu sau đây khác nhau:

He stopped smoking nghĩa là anh ấy đã bỏ thuốc.

He stopped to smoke là anh ấy ngừng tay để hút điều thuốc.

Chúng tôi sẽ nói rõ hơn để trả lời cụ trong một chương trình Anh Ngữ Trong Ðời Sống Hàng Ngày trên đài Hồn Việt TV vào sau Tết.

17-4-2009


Cụ Nguyễn Gia Hữu, Sacramento, California

Oriana Fallaci là một nhà báo người Ý (29/6/1929—15/9/2006). Oriana Fallaci đã phỏng vấn gần như không thiếu một nhân vật lãnh đạo nào trên thế giới, trong đó có Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, hoàng đế Iran, Ayatollah Khomeini, Muammar Qadaffi, Yasser Arafat, Lech Wasela... Oriana Fallaci đã tới Việt Nam và đã phỏng vấn tổng thống Thiệu hồi đầu năm 1973. Cụ có thể đọc bài phỏng vấn này trong cuốn Interview With History.

l.trinh@sbcgloba.net

HOÀNH TRÁNG

Tĩnh từ hoành tráng đã có từ trước năm 1975. Trong tự điển của Ðào Duy Anh cũng đã có ghi hai chữ này ở trang 379.

Hoành nghĩa là lớn rộng. Tráng là lớn. Hoành tráng nghĩa là qui mô to lớn.

Vũ t. Ngọc, Garden Grove, California

Hoành hành công tử là con vua

Vô tràng công tử là con cua

Lương thượng công tử thằng ăn trộm

Chữ AMAH mà cô nghe thấy trong phim The Last Emperor là "a mẫu", nghĩa là mẹ nuôi. Các tự điển Anh Mỹ gọi "amah" là người tớ gái Á châu (Asian female servant). Ðiều đó sai vì "a hoàn" mới là tớ gái trong chữ Hán.

Trường Hoàng Phố (Huang Pu) tên chính thức là Hoàng Phố Quân Quan Học Hiệu. Trường do nhà Thanh sáng lập từ năm 1929 nơi cũng có một số nhà ái quốc Việt Nam theo học. Trường Hoàng Phố tọa lạc trên bờ sông Châu giang thuộc tỉnh Quảng Ðông nguyên là một học viện hải quân. Khóa đầu khai giảng ngày 5 tháng 5 năm 1929. Chỉ huy trưởng học viện là Tưởng Giới Thạch, phụ tá là Liêu Trọng Khải và còn có thêm một phụ tá nữa là Chu Ân Lai.

phi đạn đạn đạo là những chữ dịch từ ballistic missile. Missile là phi đạn, một hỏa tiễn có gắn đầu đạn. Ballistic là đường bay của đạn

Nhưng go ballistic thì lại là nộ khí xung thiên

Ông Nguyễn Vũ Ðịnh, New York

Beggarsticks hay beggar ticks là 1 loại cỏ giống như cỏ may bám vào quần áo. Một kỹ nghệ gia người Pháp tên là George de Mestral đã đặt tên cho phát minh của ông là velcro sau khi ghép hai danh từ tiếng Pháp: VELOURS là nhung và CROCHET là móc.

Beggar’sticks (viết liền) không phải là gậy thằng ăn mày.

Trong tiếng Việt, thành ngữ gậy thằng ăn mày được dùng để chỉ sự lang chạ, bừa bãi trong quan hệ nam nữ: Nó như cái gậy thăng ăn mày, bạ lỗ nào cũng chọc.

Triêu như thanh ti mộ như tuyết nghĩa là sáng như tơ xanh, chiều đã trắng như tuyết, ý nói mầu tóc đổi thay quá nhanh. Câu này lấy từ bài Tương Tiến Tửu của Lý Bạch mà Cao Bá Quát đã mượn một câu để viết trong một bài hát nói. Sau đây là mấy câu đầu của bài Tương Tiến Tửu làm theo thể nhạc phủ:

Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát
Triêu như thanh ti mộ như tuyết
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt...

Ðây là bản dịch song thất lục bát của Trương Ðình Tín:

Anh chẳng thấy sông Hoàng hà nọ
Tự trời cao nước đổ về xuôi
Trôi nhanh mãi tận bể khơi
Có bao giờ nước trở lui đâu nào
Anh chẳng thấy nhà cao gương sáng
Ðứng buồn thương tóc trắng trên đầu
Sớm mai xanh mướt đẹp sao
Ðến chiều thành tuyết trắng phau còn gì?
Khi đắc ý can chi không uống
Lấy rượu vui bỏ uổng lắm thay
Chén vàng chớ để rời tay
Nằm trơ dưới ánh trăng hay ho gì
...

Bản dịch nếu thay đại danh từ "anh" thành "người" thì nghe hay hơn. Ðại danh từ "anh" nghe... mới và Tây quá.

20-2-2009


ÐỀ LUẬN: Hãy giả bộ trở lại lớp Nhì tiểu học và viết một bài luận nhân dịp vừa nhận được món quà Tết. Mô tả món quà này và nói cảm tưởng của em.

Mở Bài:

Nhân dịp Tết Kỷ Sửu, một độc giả ở Houston gửi cho em (?) một chiếc xe 2CV. Buổi sáng hôm thứ Bẩy, em nhận được chiếc hộp qua bưu điện, tay run run mở ra thì thấy nó, người gửi còn kèm theo câu tiếng Tây viết trên một tấm thiệp nhỏ: "Il était une fois une 2CV à Saigon..." nghe mơ hồ và lãng mạn biết là chừng nào. Vâng, đúng như thế, ngày xưa có thời đã có một chiếc 2CV ở Sài gòn.

Thân Bài:

Ðây là một chiếc xe bằng (?) đồ chơi rất đẹp. Em là người lớn nhưng vẫn còn thích chơi đồ chơi lắm. Hơn 60 cái tầu bay kiểu nhỏ bằng plastic ở trong nhà minh chứng cho điều đó. Chiếc xe làm đúng theo kiểu một chiếc 2CV của hãng Citroen như chiếc xe em có hồi ở Sài Gòn. Chiếc xe sơn hai mầu đen và nâu đậm. Chiếc xe của em thì mầu xám. Chiều dài nó khoảng 6cm. Chiều ngang khoảng 2cm5. Nó giống hệt chiếc xe thật, đủ cả đèn trước, đèn sau, lại còn có cả 2 chiếc đèn hiệu. Nó có 4 bánh cao su mềm, không khác gì cái xe thật của em. Mui nó mở, cuốn ra đằng sau như hộp cá Sumaco thời thơ ấu. Bên trong cũng có tay lái và hai hàng ghế. Nom thật đẹp.

Em cầm nó lên là bao nhiêu chuyện cũ ở Việt Nam lại kéo về. Chiếc 2 CV em đã dùng để đi làm, chở mấy đứa con đi chơi những ngày nghỉ. Chiều mát, em mở mui cho hai đứa nhẩy đùng đùng trên ghế sau, chạy ngang Givral ghé lại mua cà rem cho chúng. Những ngày mưa, ngồi trong xe nghe tiếng mưa rào rào trên chiếc mui vải, sao mà đời đẹp đến là như vậy.

Kết Luận:

Em rất thích chiếc xe này và xin cảm ơn vị độc giả đã mất công khó đi tìm trong các tiệm bán đồ chơi ở Houston mới mua được cho em. Em hứa sẽ giữ gìn nó cẩn thận, không đẩy cho nó chạy dưới đất để bánh nó bị dính đất bẩn, làm sứt sát chiếc xe đẹp. Em sẽ cố gắng học hành để sau này nên người hữu dụng trong xã hội và khỏi phụ công của (Huỳnh Hồng Nga) người gửi quà cho em.

HỚCH

Trong cách viết tiếng Việt, các nguyên âm O, Ơ, Ô, U, Ư, Ă, Â, E, không thể đi trước CH.

Chỉ có các trường hợp sau đây:

LỊCH KỊCH, HỀNH HỆCH, HẠCH SÁCH...

Trong một bài viết mới đây đọc được trên tờ Quán Văn, một tác giả đã viết chữ mấy lần chữ "HỚCH", có lẽ để phiên âm chữ HUG trong tiếng Anh.

Viết như vậy là sai. Nếu cãi đó là phiên âm cũng không được. Phiên âm quốc tế (International Phonetic Symbols) phải viết là [h^g].

Chỉ có Tản Ðà, trong một nỗ lực làm mới cách viết tiếng Việt mới dùng lối viết này trong câu cuối của bài hát sẩm nhan đề Gửi Cô Hiếu (Tản Ðà Vận Văn tập 2, trang 139):

Gặp nhau khi cũng bượch cười.

Nhưng rồi cụ cũng thất bại, không ai làm theo cụ, mà đó là cụ Tản Dà, chữ nghĩa đầy mình, kiến thức mênh mông.

Chứ người khác mà viết vậy thì không được.

Bà Phượng Ly (phuongly nguyen@yahoo.com)

DÒNG là đường nước chẩy, dòng nước, dòng sông, theo dòng, dòng điện, dòng châu, dòng họ, dòng giống, dòng dõi...

DÒNG là buông, thả xuống như dòng dây.

GIÒNG (cũng viết là DÒNG theo tự điển Khai Trí Tiến Ðức) là kéo như giòng thuyền. Tự điển kể trên không có chữ GIÒNG.

SẺ là một loài chim, cũng còn gọi là se sẻ.

XẺ là chia, cắt làm hai hay nhiều mảnh, miếng nhỏ. Do đó, CHIA XẺ chứ không viết CHIA SẺ.

22-5-2009


SPANISH ENGLISH

Spanish English hay Chicano English, hay Chinglish, hay Spanglish là tiếng Anh của những người gốc Tây Ban Nha nói ở Mỹ, là một thứ tiếng pha trộn vừa tiếng Anh vừa tiếng Tây Ban Nha. Những người dùng Chinglish thường đưa vào tiếng Anh những từ ngữ từ tiếng Tây Ban Nha. Cũng có khi họ dùng tiếng Anh nhưng lại hiểu theo nghĩa của tiếng Tây Ban Nha.

Tại một cái hồ ở phía đông Los Angels, người ta đọc được một tấm bảng với hàng chữ làm những người nói tiếng Anh đọc hàng chữ chắc chắn phải vô cùng kinh ngạc. Kinh ngạc không hiểu những người đến chơi ở công viên còn làm gì những con vịt ngoài chuyện ném cho chúng một ít vụn bánh mì?

Công viên nhắc khách đến chơi công viên đừng cho vịt ăn và đừng "molest" chúng.

Hiểu một cách bình thường thì động từ "moslest" trong tiếng Anh nghĩa là gạ gẫm làm chuyện dâm dục (Từ Ðiển Anh Việt / Nguyễn Ðình Hòa).

Như vậy, ở Los Angeles, người ta làm cả những chuyện ấy với mấy con vịt tội nghiệp hay sao? Không lẽ giữa nơi công viên mà cũng có người dám "trước mua vui, sau nấu cháo"?

Nghĩ một lúc thì chắc người viết tấm bảng phải là một ông hay một bà Hispanic, và người viết đã dùng động từ "molest" theo cách hiểu trong tiếng Tây Ban Nha. "Molestar" trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là quấy phá, phá phách, hoàn toàn không có nghĩa như "molest" trong tiếng Anh.

Ông Nguyễn Minh Hiển, Austin, Texas

Tốt nghiệp và tất nghiệp đều đúng.

Tất là hết, là xong. Tất nghiệp là học xong hết, hoàn tất chương trình học.

Tốt là cuối cùng, cũng đọc là thốt. Tốt nghiệp là học xong hết học khóa.

Bà Nguyễn thị Hương, California

Câu chuyện sửa mình bằng hai lọ đậu đen và đậu trắng là chuyện ông Trình Tử. Cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Ðẳng ở trang cuối, trang 101, có bài viết về ông. Mỗi khi ông Trình Tử nghĩ điều gì thiện thì ông bỏ một hạt đậu trắng vào một lọ. Khi nghĩ một điều ác thì ông bỏ một hạt đậu đen và lọ kia. Lúc đầu đậu đen nhiều, đậu trắng ít, sau đậu trắng nhiều, đậu đen ít và cuối cùng, không còn một hạt đậu đen nào nữa. Ông đã trở thành 1 người thuần nhiên, toàn thiện. Ông Trình Tử trở thành một nhà hiền triết.

Ông sống vào thời nào, làm gì thì những sách vở của chúng tôi không thấy ghi.

Cụ Lê Văn Quy, Westminster, California

Tao khang, cũng có khi đọc là tào khang hay tào khương.

Tao là bã. Khang là tấm. Cả hai là những thức ăn của nhà nghèo. Nghĩa bóng chỉ người vợ lấy từ lúc còn hàn vi.

Hậu Hán Thư kể chuyện Tống Hoàng, người Tràng An là người nổi tiếng là đạo đức, liêm khiết. Quang Vũ đế có chị góa chồng muốn kiếm chồng cho chị. Quang Vũ đế triệu Tống Hoàng vào hỏi ý thì Tống Hoàng, đã có vợ, đáp rằng: "Thần văn bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" nghĩa là thần nghe nói bạn bè quen nhau từ thuở nghèo hèn không thể quên nhau được, người vợ lấy về từ khi còn nghèo khó thì không thể (khi giầu sang) đuổi xuống nhà dưới được. Quang Vũ đế hiểu liền đổi ý, không nài ép Tống Hoàng nữa.

"Thanh mai, mã trúc"

Những chữ này là trích từ bài Trường Can Hành, một bài Ngũ Ngôn Nhạc Phủ của Lý Bạch. Bài thơ kể chuyện một cặp trai gái quen nhau từ khi còn rất nhỏ. Sau hai người nên duyên vợ chồng năm cô gái 14, tuổi lúc nào cũng e thẹn, mãi đến năm 15 mới thành vợ chồng thực sự. Năm 16 tuổi, người chồng phải đi xa, người vợ chờ chồng viết thư cho biết ngày về để nàng đi đón cho dù có cách xa, có phải đến tận Trường Phong Sa ở An Huy (cách Trường Can bẩy trăm dặm đường) nàng cũng đi. Ðây là bốn câu đầu có những chữ "trúc mã" và "thanh mai":

Thiếp phát sơ phú ngạch
Chiết hoa môn tiền kịch
Lang kỵ trúc mã lai
Nhiễu sàng lộng thanh mai

Tóc em vừa chấm trán
Chơi hái hoa trước nhà
Chàng cưỡi ngựa tre đến
Ðuổi nhau quanh ghế ngồi (ném nhau bằng những quả thanh mai)

Thanh mai và trúc mã là những kỷ niệm thơ ấu của tình yêu thuần khiết nhất.

Câu "trên khăn tang người cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân" có thể hiểu là trên chiếc khăn tang đó vẫn còn đẫm những giọt lệ của người quả phụ khóc thương chồng vừa chết trận. Tác giả viết "lóng lánh dấu ái ân" vì đó là những giọt lệ thương chồng mà người quả phụ dùng khăn tang để lau chứ không là "vệt tình" như trong thư cụ viết. Ðúng như cụ nói, người chiến sĩ đã tử trận trước khi người phụ nữ chít chiếc khăn tang lên đầu.

Cô Hoàng Dung, Virginia

Theo bản in của nhà xuất bản Văn Khoa, bản in duy nhất vì tập thơ Mai Thảo mới chỉ được nhà xuất bản Văn Khoa in, thì câu thứ 4 của bài Chỗ Ðặt (trang99) là:

Cười tủm còn thương chỗ đặt NÀO.

Không phải là chỗ đặt VÀO.

Chỗ đặt NÀO là chỗ ấy, chỉ hai người biết với nhau. Chỗ đặt NÀO mang ý nghĩa bâng khuâng, không định rõ, vì cũng không cần định rõ là đâu, chỉ hai người biết với nhau. Chỗ đặt VÀO làm mất đi ý nghĩa bâng khuâng, bất định đó.

Còn nụ cười tủm là của tác giả, ông Mai Thảo, không thể là của "người bị (?) đặt tay vào".

Không lẽ người có chỗ đặt đó lại thương cái chỗ ấy của chính mình. Người đặt tay mới thương cái chỗ đã có lần đặt tay mười năm trước. Toàn bài thơ:

Ðặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được, chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào

27-2-2009


Ông Phan X.T. Fountain Valley, California

HOMOSEXUAL: ÐỒNG TÌNH / ÐỒNG TÍNH

Homo là đồng, là cùng. Sex là tính. Do đó phải là đồng tính (dấu sắc) không thể là đồng tình (dấu huyền ) như ông đã nghe.

Ðồng tình là cùng những tình cảm, vui buồn, họa phúc, cũng là đồng ý, đồng thuận, hay cùng một ý kiến.

Ðặng Mậu Lân em trai của Ðặng Thị Huệ cậy thế của chị trong phủ chúa Trịnh làm nhiều điều sai quấy. Vụ Ðặng Mậu Lâm cưỡng dâm một phụ nữ, gia đình nạn nhân kêu quan, không được quan can thiệp nên dân gian thời ấy có hai câu truyền miệng:

Bộ Công, bộ Hộ, bộ Hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi

Ông Nguyễn Hạnh, Annandale, Virginia

Tên của ông trong chữ Hán có nhiều nghĩa. Hạnh là may mắn, là phúc như ông đã biết. Hạnh còn có nghĩa là vua đi chơi, vua ngủ với các cung nữ, hoàng hậu. Chữ này chỉ dùng cho các vua chúa thời xưa. Thí dụ nói vua Lê nghỉ lại Lệ Chi viên, đêm đó nhà vua hạnh với Thị Lộ.

TAI VÁCH MẠCH DỪNG / RỪNG

Theo các tự điển Khai Trí Tiến Ðức, Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ thì DỪNG mới đúng.

Dừng là tấm phên nứa có trét đất bùn để thay tường ngày trước.

Tự điển Khai Trí Tiến Ðức nói thêm có khi đọc là DỨNG (dấu sắc).

Dứt dây động DỪNG.

Ông Phan Minh Khuê Garden Grove, California

Khi nào viết hoa (capital/ upper case) hai chữ "tổng thống", và khi nào không viết hoa (lower case)?

Tổng thống là một chức vụ, một danh từ chung. Không viết hoa. Thí dụ: Ðứng đầu hành pháp Mỹ là một tổng thống.

Khi hai chữ này đi trước tên của một người thì phải viết hoa: Giai đoạn cầm quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm không được 10 năm. Ông Thiệu là tổng thống thứ hai của Việt Nam.

Cũng thế: Giáo Hoàng Gio An Phao Lồ đệ Nhị là giáo hoàng đầu tiên người Ba Lan.

Trong số các công chúa con của ông vua cuối cùng triều Nguyễn, Vua Bảo Ðại, có Công Chúa Phương Mai.

Có nên đọc chữ "S" trong những văn bản tiếng Việt không? Thí dụ cá bông lau 5 đồng 2 POUND hay 2 POUNDS (đọc rõ chữ "S")?

Chúng tôi thấy không cần thiết vì tiếng Việt không tạo thành số nhiều cho các danh từ bằng cách thêm chữ "S" ở cuối. Vì thế, việc đọc rõ chữ "S" là không cần.

Cũng không cần đọc rõ: Tôi muốn có một tờ 50 dollarS. Chỉ cần nói (trong tiếng Việt) một tờ 50 dollar là đủ. Trong tiếng Anh, chữ dollar trở thành tĩnh từ khi nó đi trước danh từ BILL nên dollar ở đây cũng không thay đổi thành số nhiều để có "s" ở cuối: I want a 50 dollar bill.

Tooth hay teeth? Chỉ cần nói (với nha sĩ bằng tiếng Việt): tôi bị đau 2 cái FRONT TOOTH. Nếu thích cũng có thể nói 2 cái FRONT TEETH.

Nhưng tại sao lại không nói tôi bị đau 2 cái răng cửa (bằng tiếng Việt)?

29-5-2009


Cụ Nguyên Thọ, Anaheim, California

Thưa cụ, cả hai câu đều đúng (theo sách vở chúng tôi có):

Bần tiện chi giao (quan hệ, bạn bè) mạc (chẳng) khả vong

Hay:

Bần tiện chi tri (biết, quen) bất (không) khả vong

Câu trên là theo giáo sư Nguyễn Ngọc Phách ở trang 51/ Chữ Nho & Ðời Sống Mới.

Câu dưới là theo giáo sư Nguyễn Thạch Giang ở trang 660 /Từ Ngữ Văn Nôm.

Cả hai nghĩa đều giống nhau.

Ông Tiến Quang Nguyễn, Irvine, California

Bài ca dao về con kiến có 4 câu mà chúng tôi nhớ được như sau:

Con kiến mà kiện củ khoai
Kiện đi kiện lại đã hai năm ròng
Bây giờ kiến đã lên ông
Củ khoai hà thối vẫn còn dây dưa

Bà Nguyễn T.T.X. San Gabriel, California

Ðây là mấy bài thơ viết đã lâu mà bà muốn tìm:

THƠ Ở ARCADIA

Chưa cuối năm mà đã nhớ người
Người xa vẫn tít tắp bên trời
Tìm, đây chỉ thấy mây và gió
Một nén tâm hương cháy đỏ ngời

Hình như gió còn mang mùi tóc
Thao thức mầu chiều ở cuối sông
Sớm mai người lẫn trong câu hát
Tóc giống như sông, rối mịt mùng

Ở khúc quanh, chỗ cuối con đường
Là nơi vô tận, nhớ vô cùng
Ðèn xanh vừa bật, người đi mất
Là đã đầu sông với cuối sông

Người một nơi, người vẫn một nơi
Sáng ra, nhớ đã ở trên vai
Thấy gì nơi những con đường cũ
Một nhói tim vào những sớm mai

 GỬI PASADENA

Người mới vừa đây, tỏ vết giầy
Hương còn trên áo, ấm trên tay
Biệt nhau một chuyến theo Từ Thức
Hồn gửi hồn sau một bóng mây

Môi còn để hồng trên nụ xuân
Gió đi rồi, nên vẫn đau thầm
Mỗi chân tóc mọc lên hoài cảm
Buổi sáng tìm nhau lạc dấu chân

Thềm vẫn còn thơm áo Bích Câu
Con nước phân vân dưới dạ cầu
Và trăng từ mấy trăm năm trước
Vẫn mãi mầu xanh của lúc đầu

Trở lại vườn nghe gió lặng thinh
Cỏ còn buồn nên không muốn xanh
Tìm người chỉ thấy mây và khói
Một cánh chim chao động dưới cành

CHIỀU Ở BALTIMORE

Ngồi một mình ngó ngang bãi sông
Chiều mênh mông xuống nhớ vô cùng
Trông mây tưởng thấy lời Thôi Hiệu
Không Hạc Vàng sao vẫn nát lòng?

Hỏi gió, gió đi không trở lại
Hỏi mây, mây vẫn cứ ngàn trùng
Hỏi sông, sông cứ hoài ra biển
Hỏi đêm, đêm càng rất mịt mùng

Vứt chiếc cành khô xuống dòng nước
Gửi theo chiều ở Baltimore
Nếu theo được sóng trôi ra biển
Sẽ một ngày kia đến được bờ

Chiều trôi theo những cơn sóng xô
Như dòng nước ở Mirabeau
Tiếng chuông cùng với đêm ở lại
Nỗi nhớ cùng con nước vỡ bờ

30-1-2009


Spring Essence là nhan đề cuốn sách của John Balaban (nhà xuất bản Copper Canyon Press, in lần đầu năm 2000, John Balaban giữ bản quyền) với những bài thơ của Hồ Xuân Hương được dịch sang Anh ngữ.

Dịch giả John Balaban là một người liều lĩnh nếu không nói là cẩu thả. Ông để lại rất nhiều lỗi khiến câu cách ngôn traduttore, traditore của người Ý, nghĩa là bản dịch thường thiếu nét trung thành đến độ phản bội tư tưởng của tác giả nguyên bản, cũng chỉ là nhận định quá nhẹ nhàng khi đọc những bản dịch tiếng Anh những bài thơ Hồ Xuân Hương của ông. Những lỗi ông để lại quá nhiều, và có thể nói là không bài nào không để lại một hai lỗi. Có những lỗi hết sức sơ đẳng khiến người đọc tự hỏi không biết những người ông ghi tên ở cuốn sách, nói là đã khuyến khích và giúp ông dịch những bài thơ này có thực sự đọc bản Anh ngữ của ông không. Mà toàn là những tên tuổi, bằng cấp ghê gớm cả, không giáo sư, thì cũng tiến sĩ, lại có luôn cả một nhà ngoại giao cao cấp nữa.

Bài Chùa Xưa trang 70 và 71 chẳng hạn,

Thầy tớ thung dung dạo cảnh chùa
Thơ thì lưng túi, rượu lưng hồ
Cá khe lắng kệ, mang nghi ngóp
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù
Then cửa từ bi chen chật cánh
Nén hương tế độ cắm đầy lô
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí
Phúc đức như ông được mấy bồ

John Balaban dịch như thế này:

Master and servant amble pagoda paths,
Poem bag almost full, wine flask almost empty
Pond fish, hearing prayers, flutter their gills
Hillside birds, hearing chants, bob their necks
Crowds gather at this door of compassion
placing incense sticks on smoking altars
Buddha asks so little of his monks
Blessed they gather many friends

Hồ Xuân Hương có nhiều bài thơ nhạo báng những nhà tu không xứng đáng, và bài thơ này cũng nằm trong chiều hướng đó. Tuy nói về cảnh chùa, nhưng những hình ảnh lại gợi ra những cảnh khác. Những "cá khe," "chim núi" mà tác giả mô tả "mang nghi ngóp," "cổ gật gù" là để gợi ra hình ảnh khác hơn là ở chùa. John Balaban không thấy được điều đó, nên ông dịch cá khe là pond fish. Pond là ao, không là khe được. Khe là dòng nước nhỏ, là rạch nước mà chiều ngang thường rất hẹp, không rộng như suối, như sông. Khe là creek thì đúng... ý của Hồ Xuân Hương hơn, như hơn một lần bà đã nói đến những con cá (?) này: "cá giếc le te lách giữa dòng"...

Nhưng đó chỉ là tiểu tiết. Hai câu cuối của bài thơ bị hiểu sai một cách thảm hại.

"Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí" được dịch thành Buddha asks so little of his monks. Người đọc bản tiếng Anh sẽ hiểu là Ðức Phật không đòi hỏi gì nhiều nơi những nhà sư, trong khi câu nguyên bản phải hiểu là: mô Phật, xin hỏi nhỏ nhà sư một chút nhé. Hỏi khẽ, hỏi nhẹ, hỏi một chút khác với đòi hỏi không nhiều như câu tiếng Anh của bản dịch. Câu tiếng Anh có thể hiểu là đức Phật không đòi các vị sư phải làm nhiều thứ, phải đạo hạnh, phải sống xứng đáng như những tu sĩ.

Nam mô cũng không phải là đức Phật, là Buddha như dịch giả hiểu. Nam mô trong tiếng Pali chỉ là tiếng chào, như lạy Phật.

Câu cuối của bài thơ còn bị xuyên tạc khủng khiếp hơn nữa: câu "phúc đức như ông được mấy bồ" mang một nghĩa rất mỉa mai, đó là ông thầy chùa tu trong cảnh chùa như thế (cá khe, chim núi, mang nghi ngóp, cổ gật gù, cửa từ bi chen chật cánh, hương cắm đầy lô...) thì liệu tu được bao nhiêu phúc đức! Phúc đức được đem đong bằng bồ, bằng sọt, bằng thúng thì cũng chẳng được bao nhiêu. Danh từ bồ còn mang một ý nghĩa dung tục, khinh mạn, thiếu tôn kính khi nói về số lượng phúc đức mà nhà sư này có được qua cách tu hành bậy bạ như Hồ Xuân Hương vẽ ra trong mấy câu trên.

Nhưng John Balaban không hiểu được cả chữ "bồ" đó của nhà thơ phường Khán Xuân. Ông hiểu là (các) nhà sư đó được ban phúc nên (các ông sư ấy) có được nhiều bạn: blessed, they gather many friends.

John Balaban hiểu danh từ "bồ" là bồ tèo, bồ bịch, là bạn... và dịch là "friends" thay vì là "bamboo basket" chẳng hạn.

Trời ơi là trời...

Thôi dịch như vậy thì còn "table" cái gì thêm được nữa. Bàn (table) cái gì bây giờ?

Dịch như thế không sợ Xuân Hương hiện ra sửa lưng "mấy bồ" là... "bố mày" hay sao?

Bùi Bảo Trúc