June 27, 2015

June 26, 2015

 HÀ NỘI … CHỬI
Võ Phiến ở một bài viết trong cuốn Tùy Bút I có khẳng định rằng người Việt Nam hay chửi tục và hay nói tục. Cuốn sách ấy xuất hiện từ trước năm 1975. Vẫn theo Võ Phiến, một linh mục người Pháp cũng trình một luận án ở đại học Sorbonne về chuyện chửi bới của người Việt. Và như vậy, chuyện chửi thề tục tĩu là chuyện đã có từ lâu rồi, chẳng phải đến bây giờ người Việt mới chửi thề, văng tục. Phải nói như thế kẻo sẽ có người nói rằng người viết lại sắp sửa qui kết rằng chỉ có những người Cộng sản mới ăn nói như thế chứ còn “Ngụy” thì bao giờ cũng tốt, cũng đẹp… không chửi thề bao giờ.
Không, người Việt ai cũng chửi thề. Người ít, người nhiều mà thôi. Người ta chửi thề, văng tục là để giảm bớt những phẫn nộ, những bất mãn, những áp lực trong đời sống, mong ước những điều không hay xẩy ra cho đối phương, cho kẻ thù mà không cần phải dùng bạo động hay võ lực mà xã hội và luật pháp không cho phép. Có những câu chửi chỉ thấy trong văn hóa thờ cúng tổ tiên trong khi không hề thấy trong những văn hóa khác.
Nhưng nhiều người đồng ý rằng làn sóng người từ miền Bắc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã tạo một cú “shock” lớn khi đông đảo những thành phần ấy đem kiểu ăn nói thô tục, chửi thề độc địa ấy vào miền Nam, không một chút hạn chế, không một chút kiêng nể gì hết. Người lớn đã đành, luôn cả tuổi trẻ, và cả thầy cô giáo cũng chửi thề văng tục một cách rất “vô tư” cùng khắp mọi nơi…
Tình trạng này ở khắp nước chỉ mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn. Báo chí trong nước trong tuần qua đã để ra rất nhiều trang để nói về chuyện chửi thề và nói tục của người Việt, đặc biệt là ở Hà Nội. Các tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, An Ninh Hà Nội, Lao Động … đều đăng tải những bài báo mà bình thường có thể bị coi là bầy ra những hình ảnh tiêu cực cho chế độ và nhà nước. Một giới chức giữ chức giám đốc trung tâm phát huy và bảo tồn văn hoá dân tộc có nói với một tờ báo rằng ông ta đã đi rất nhiều nơi trong nước và nhận ra rằng không một nơi nào nói tục và chửi thề nhiều bằng Hà Nội.
Như vậy, chuyện chửi thề là chuyện lan rộng và rất nghiêm trọng đến nỗi ngay trước mặt cả các cán bộ cao cấp của nhà nước người dân vẫn văng tục và chửi thề một cách thoải mái (thì ông giám đốc này mới nghe được). Ở thủ đô, chốn nghìn năm văn vật, nhân vật này nhận định thêm rằng không một nơi nào qua mặt được Hà Nội về trò chửi thề.
Những bài báo đọc được đều lên tiếng báo động về tệ nạn chửi thề và văng tục của người Hà Nội. Nhưng có thêm một chi tiết khác mà những tờ báo này cũng như những phát biểu này đều ghi nhận là thành phần chửi thề và văng tục nhiều nhất ở Hà Nội là phụ nữ chứ không phải là nam giới. Một bài báo ghi lại nhận xét của một du khách nước ngoài rằng phụ nữ Hà Nội xinh đẹp nhưng ăn nói thô tục, chửi thề dữ quá.
Cách đây mấy tháng đã có nhiều ý kiến kêu gọi làm sạch sẽ lời ăn tiếng nói của các cán bộ nhà nước, tránh chửi bới, ăn nói xỏ xiên, dùng tiếng lóng, nói năng xách mé … nhưng cũng không đi tới đâu vì nhà nước vẫn tiếp tục lối ứng xử kinh hoàng trong khi tiếp xúc với người dân. Chuyện nói tục càng ngày càng trầm trọng thêm.
Và bây giờ, thủ đô Hà Nội đang phải nghĩ tới việc phạt những người chửi tục ở những nơi công cộng. Người ta đề nghị treo những bảng cấm trên xe buýt, trong các trường học kêu gọi dân chúng giữ mồm giữ miệng, tránh dùng những thứ ngôn từ thô tục nếu không muốn bị phạt.
Nhưng chắc chắn những răn đe đó rồi cũng chẳng đi tới đâu hết vì mấy thế hệ qua đã quá quen với lối ăn nói vô giáo dục đó mất rồi. Những thành phần vô học lớn lên từ cống rãnh thì phải ăn nói như thế chứ. Thanh lịch làm gì có nơi những thứ ấy.
Phan Văn Khải, người từng giữ chức thủ tướng, theo Lê Nhân, một người rất gần gũi với đương sự, cùng học lớp chính trị do Hoàng Minh Chính dậy, kể lại là Khải có biệt danh là Khải Đờ Mờ vì hễ mở miệng ra là phải có hai tiếng xúc phạm tới thân mẫu của mình. Có một lúc, Khải được tặng một giấy khen vì bỏ được những tiếng chửi thề cố hữu mỗi khi mở mồm. Nhưng rồi tính nào vẫn tật ấy. Tại buổi lễ khai giảng khóa chính trị Mác Lê cao cấp, có Lê Đức Thọ chủ tọa, Phan Văn Khải được chỉ định điều khiển lễ chào cờ. Trước đông đủ quan khách lớn bé, Khải đã hô lớn câu này (yêu cầu đăng nguyên văn, đừng viết tắt vì đây là lời của Phan Văn Khải) bằng giọng Củ Chi Nam Bộ: “Đù má nghiêm! Chào cờ, chào!”
Chuyện chào cờ là chuyện nghiêm trọng, trong một khung cảnh trang nghiêm mà (Khải) vẫn phải lôi thân mẫu ra … một cái thì làm sao bỏ được cách ăn nói đã quá quen mồm quen miệng như thế.
Vì thế, chuyện thay đổi lối ăn nói của người Hà Nội chắc rồi cũng chẳng đi tới đâu. Người Hà Nội đã bị làm hư mất rồi. Chửi thề, văng tục đã trở thành một chuyện không thể thiếu được. Nó là một thứ phản xạ, người Hà Nội sẽ không nói được nếu không có những câu chửi , những tiếng tục tĩu, như con chó của Pavlov, nghe tiếng chuông thì tiết ra nước miếng. Bún mắng, phở chửi, ốc lắm mồm vẫn đông nghẹt khách. Họ đến để nghe chửi, nghe những lời ăn tiếng nói thô tục. Những lời ăn tiếng nói đó đã thành một phần không thể thiếu được trong đời sống của họ. Ăn mà không nghe tiếng chửi bới mất dậy thì ăn không được.
Chao ơi “Không thơm cũng thể hoa nhài / dẫu không thanh lịch cũng người Trường An” Người Trường An đi đâu hết rồi? Nay chỉ còn bọn đười ươi đang làm xấu Hà Nội.

Vì vậy, trò chửi thề, ăn nói thô tục sẽ không bao giờ hết nơi người Hà Nội khi vẫn còn bọn đười ươi, những thứ như Phan Văn Khải và những con tương cận còn ngồi một đống ở Hà Nội.

June 21, 2015

June 19, 2015

CÒN CÁI ẤY THÌ  CÒN … CÁI NÀY
Thỉnh thoảng tôi tìm ra được một hai thứ chân lỳ vững như đinh đóng cột, thứ chân lý không sao lay chuyển, kéo sang bên này, lôi sang bên kia được.
Phổ Chiêu thiền sư, một tay nhậu có  hạng, thất tình Trương Quỳnh Như đã giải thích chuyện đi đâu cũng cặp cái be rượu của mình rằng “Còn trời còn nước còn non, còn cô bán rượu, anh còn say sưa”. Ngay cả lúc  xuống âm phủ gặp Diêm Vương mà cái be cũng không rời chàng (*) . Lập luận của Tiêu Sơn tráng sĩ tức Chiêu Lỳ Phạm Thái là trời còn, đất còn, cô bán rượu vẫn còn thì không thể bỏ nhậu được. Chàng tráng sĩ với mối tình quá đẹp ấy chỉ với hai câu lục bát đã khiến cho bao nhiêu bàn tay ngần ngừ phân vân cầm cái tire-bouchon  có thêm được  can đảm rút những cái nút liège ra khỏi những cái chai đỏ để … uống tiếp.
Còn  ba thứ trời, đất, núi non, lại còn cô bán rượu thì cứ rót. Cứ như  trong “hồ trường” Nguyễn Bá Trác. Cứ “tương tiến tửu” như Lý Bạch, cứ “tuý hậu cuồng ngâm” như Vũ Hoàng Chương …
Những biện minh cho chuyện khui chai rượu đỏ nghe cũng được.
Bây giờ quay sang một chuyện văn học nghệ thuật hơn. Ông Phạm Quỳnh, một nhân vật mà tới nay vẫn chưa có bao nhiêu người hiểu hết những việc làm của ông trong cương vị một nhà văn, một vị thượng thư của triều Nguyễn đã nói một câu mà nhiều người nghĩ là sẽ còn ở với cùng ta ít ra cũng phải  thêm vài ba thế kỷ nữa. Đó là câu
 “Truyện Kiều còn tiếng ta còn.
Tiếng ta còn, nước ta còn
”.
Tiền đề, trung đề và kết luận  chắc nình nịch, không ai có thể bẻ gẫy được. Câu nói đó có từ gần một trăm năm nay,  nhưng vẫn chưa có một phản bác nào đủ sức thuyết phục ngược lại. Tố Như không cần một giọt lệ nào để khóc ông nữa, vì câu của Phạm Quỳnh. Và Phạm Quỳnh  cũng chỉ cần một câu nói đó cũng đủ để giữ một chỗ cho ông trong tâm thức và văn học  người Việt.
Theo Phạm Quỳnh, truyện Kiều gắn liền với tiếng Việt. Mà theo ông, nếu tiếng nói của chúng ta còn, thì sẽ vẫn mãi còn nước Việt. Lập luận của ông vừa là một tiên đoán, vừa là một xác định, một quyết đoán có tính cách bất di bất dịch không thể tranh cãi được. Câu nói khẳng định  rõ ràng những liên quan  khắng khít, vững chắc dính liền không thể tách rời.
Xin tạm hết chuyện văn  học ở đây.
cong an 44 yet kieu  
Mới đây, tôi được xem hình chụp một tấm bảng dựng  ở trước trụ sở của bộ Công An  số 44 phố Yết Kiêu Hà Nội. Trong tấm bảng, có hình của hai viên công an cầm súng, bên cạnh có  hàng chữ CÔNG AN NHÂN DÂN CHỈ BIÊT CÒN ĐẢNG CÒN MÌNH. Tấm bảng được dựng lên nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam (3 tháng 2 năm 1930 / 3 tháng 2 năm 2010). Phía trên cùng của tấm bảng là hàng chữ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM. Dưới là hình búa liềm.
Bức ảnh chụp đã có từ mấy năm chắc nay không còn nữa nhưng  những hàng chữ trên tấm biển thì vẫn còn. Đó là một câu nói của Lê Duẩn trong lần phát biểu nhân đại hội công an toàn quốc lần thứ 13 năm 1959. Đoạn phát biểu đó có một câu nguyên văn : “Đảng lựa chọn công an trong  những người trung thành nhất với đảng, những người chỉ biết sống chết với đảng, chỉ biết còn đảng thì còn mình.”
À thì ra là như thế. Tưởng công an nhân dân là vì dân, vì nước, vì tổ quốc trên hết, bảo vệ quốc gia hết lòng, vì an nguy của dân tộc chứ có ai ngờ là công an chỉ biết có đảng, vì đảng, bảo vệ đảng  hết mình, còn đảng thì còn mình mà thôi.
Mà đảng thì không  bao giờ là tổ quốc, đất nước cả. Quốc gia có bao giờ cần phải có đảng đâu. Các đời Đinh, Lê, Lý, Trần … có bao giờ có cái… con đảng nào đâu. Con vật gọi là đảng đó chỉ mới có khoảng hơn 80 năm nay. Trước đây không có nó, dân tộc, đất nước của chúng ta vẫn sống, vẫn tươi đẹp biết là bao nhiêu đó chứ. Và nhất là có bao giờ đất nước lại đã rơi vào cảnh khốn khổ khốn nạn như ngày nay đâu. Thời Quang Trung, thời Lê Thánh Tôn, thời Trân Nhân Tông, thời Trưng Triệu, thời nhà Đinh, nhà Lý có bao giờ  cần tới một thứ đảng, một lũ công an mới dựng được nước hay giữ được nước đâu.
Bây giờ có đảng thì có được cái gì? Hình như ngày nay không còn câu này ở cửa miệng của người dân  như trong những năm 50 hay  60 nữa, câu “nhờ ơn bác và đảng…”
Nói của đáng tội, thí dụ tối đến, lên giường muốn một cái (?) mà lôi cả bác lẫn đảng ra để xin, mà phía bên kia cứ bế quan tỏa cảng thì bác với đảng lảm được gì. Trong những năm gần đây, trò lôi đảng ra không còn thiêng nữa thì phải. Người dân không còn sợ côg an như trước nữa. Cần xuống đường thì xuống đường. Bị cản trở, hành hung, bị những trò khốn nạn nhất, người ta vẫn xuống đường. Đảng vẫn chỉ là một con ngáo ộp vô hình không còn ai sợ nữa.
Lôi những câu thơ thối tha ngu xuẩn như thế này ra để tỏ tình với em bé thì có khi chỉ ôm đầu máu với vết giầy cao gót chạy về với má mà thôi:
… Trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để yêu em

Em xấu hổ : thế cũng nhiều anh nhỉ…
(Tố Hữu / Bài ca xuân 61)
Bố khỉ thơ với thẩn, đảng với điếc!
Gặp phải em bé không khật khùng như em trong bài thơ thế nào nó cũng tát cho mấy cái vỡ mặt rồi chửi như tát nước, dùng mọi ngôn từ có giáo dục nhất (?) của các cháu ngoan bác Hồ, cho con vuốt mặt không kịp về ôm chân đảng khóc tu tu lên cho coi. Thí dụ đại khái như thế này: “Cái thằng kia… sao mày ăn nói vô duyên thế? Mày nói mày yêu bà mà mày chỉ cho bà có một chút … híu quả tim mày. Phần to mày cho đảng, còn phần cho thứ thơ ngớ ngẩn ấy thì cút xéo đi nghe chửa…lạng quạng bà đập quần  lên cả đảng nhà mày lẫn mày bây giờ…”
Mà đảng thì cũng sắp đi tướt cha nó rồi.
Đảng hiện nguyên hình là một đảng cướp. Bọn cướp công an phải dựa vào đảng (cướp) để sống chứ có gì lạ đâu.  Vì thế, câu nói khốn nạn của Lê Duẩn lại hóa ra đúng mới đểu chứ !

 (*)
Sống ở nhân gian đánh chén nhè
Thác xuống âm phủ cặp kè kè
Diêm Vương phán hỏi rằng chi đó?
Be!

June 13, 2015

June 12, 2015

MỘT NỤ CƯỜI NÀO ĐÓ

Thực ra, cả bài hát A Certain Smile của Johnny Mathis cũng như tựa cuốn sách thứ hai của Sagan, cuốn Un Certain Sourire, đều không liên quan gì tới bức ảnh đen trắng do phái viên báo Life chụp trên một con đường Sài Gòn quãng năm 1967 hay 1968 gì đó. Ngay cái tựa của bài hát A Certain Smile, hay của cuốn tiểu thuyết, Un Certain Sourire, một nụ cười nào đó, cũng rất mơ hồ. Thế nào là một nụ cười nào đó, nụ cười đó của ai? Của Dominique, cô sinh viên luật hai mươi tuổi, hay của người phụ nữ trung niên vợ của Luc? Cuốn sách đọc từ hơn nửa thế kỷ trước không còn để lại bao nhiêu trong trí nhớ của tôi. Tôi đã quên gần hết. Nhưng đúng như mấy câu cuối của bản nhạc ‘… but in the hush of night exactly like a bitter sweet refrain comes that certain smile that haunt your heart again…” nhưng trong tĩnh lặng của đêm, hệt như đoạn điệp khúc ngọt đắng, một nụ cười nào đó sẽ lại trở về ám ảnh trái tim của bạn… 

un certain sourire

Bức ảnh đen trắng trên trang báo Life chụp một phụ nữ có nụ cười đó. Trong hình, cô còn trẻ, khoảng 24 hay 25 là cùng. Cô mặc áo dài nếu không mầu trắng thì cũng là một mầu nhạt với chiếc cổ cao của năm 67, 68. Vạt áo dài, chưa thành mốt mini của đầu thập niên 70. Cô đeo một chuỗi hột, không phải là ngọc trai hay ngọc thạch. Mái tóc dài xõa xuống vai. Tay trái có đeo nhẫn ở ngón áp út. Chắc cô đã có gia đình. Cô không có vẻ là một người ăn diện, áo quần kiểu cọ, thời trang. Nhưng cô có một nụ cười rạng rỡ làm sáng khuôn mặt một nửa có bóng mặt trời hắt ngang.

Bức ảnh chụp ở một con đường nào đó tôi không thể nói chắc. Có thể gần góc Tự Do và Lê Thánh Tôn. Lề đường lát gạch ô vuông. Tính ra bức ảnh đã được chụp cách đây gần nửa thế kỷ, 47 hay 48 năm. Người chụp bức ảnh đó chắc cũng không sửa soạn gì, có thể trong một giây phút ngẫu hứng, tình cờ gặp cô và xin phép cô để chụp bức hình đen trắng ấy. Bức hình xuất hiện trên trang báo Life có thể cô cũng không biết, vì chính tôi cũng không nhìn thấy nó trên tờ báo tôi đọc rất kỹ hồi đó. Có thể số báo có bức ảnh đó bị kiểm duyệt không cho phổ biến ở Sài Gòn như thỉnh thoảng vẫn thấy xẩy ra. Tôi chỉ thấy nó trong internet mấy năm trước.

Cảnh phía sau của bức ảnh thì quen lắm. Khúc đường ấy tôi đi lại gần như mỗi ngày. Nhưng cô thì hình như tôi không gặp bao giờ. Nên mãi đến khi tìm được bức ảnh, tôi mới nhìn thấy nụ cười ấy. Một nụ cười rất tươi và rất đẹp. Vận tốc mà tôi tin là 1/125 của máy đã đóng băng nụ cười ấy vĩnh viễn, hay ít ra cũng gần một nửa thế kỷ. 

Nụ cười được giữ mãi trong bức ảnh. Bức ảnh với những vệt sáng của nắng trên khuôn mặt của cô, của cái thành phố mà nhiều người đã yêu nó và lớn lên ở đó và nay không còn nữa…

Nụ cười ấy, nụ cười nào đó ấy vẫn ám ảnh tôi suốt mấy năm nay từ khi tìm được bức ảnh của báo Life. Bao nhiêu vật đã đổi, bao nhiêu sao đã rời. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên nụ cười của người phụ nữ tôi không hề quen biết ấy, cho đến khi không còn ở trên cõi đời này nữa. Chỉ tiếc không bao giờ tôi được gặp cô. Gần năm mươi năm đã qua, chúng ta đã bao nhiêu chuyện đi qua. Cô ở đâu sau trận đại hồng thuỷ? Những gì đả xẩy ra cho cô, cho gia đình cô? Mong sao cô giữ mãi được nụ cười ấy.

Cái giây phút khi ống kính máy ảnh mở ra rồi đóng lại gần nửa thế kỷ đó thì có hàng ngàn năm, hay hàng triệu năm cũng sẽ không đủ để ghi lại…

Des milliers et de milliers d’années
Ne sauraient suffire pour dire
La petite seconde d’éternité…(Prévert) 


Không thể nào không nhớ mấy câu của Mai Thảo:

Em vừa đi khuất nơi đầu phố
Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa
Đứng sững. Mới hay lìa cách đã
Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta.

June 5, 2015

June 6, 2015

 TÍNH ĐỘC ÁC CỦA … TÔI

Nếu có ai nói tôi là người không độ lượng, không khoan dung, nhỏ nhen, thích trả thù, hay nghĩ ác, chúc ác cho (một số) người (khác)… thì tôi cũng nhận hết. Tôi nhận tôi là người có đầy đủ những cái tính không tốt như vừa kể ở trên. Nhất là sau những chuyện tôi xin kể ra sau đây.
Một đoạn video mà tôi nghĩ là thu được ở Hà Nội xem được cách đây hai hôm, trong đó có cảnh mà nếu có là Đức Đạt Lai Lạt Ma thì cũng không có thể dằn cơn tức giận được. Ở một con đường đông đúc người qua lại, một phụ nữ quần áo lôi thôi, nhếch nhác đẩy một chiếc xe đạp phía trước có một cái giỏ đựng vài ba thứ không biết là gì, có thể vài ba cái bánh, kẹo. Phía sau là hai cái giỏ khác đựng khoảng hơn chục quả soài. Người phụ nữ mặt mũi méo xệch đang hết lời năn nỉ van xin năm công an vây quanh xin được tha cho về nhà. Người phụ nữ xưng là “cháu” và gọi đám công an là “chú”. Người phụ nữ vừa van xin, vừa giữ chặt lấy ghi đông chiếc xe đạp, bất chấp lệnh của đám công an. Người ta nghe thấy rõ lệnh được nhắc đi nhắc lại mấy lần “Có chấp hành không? Có chấp hành không?” Chấp hành thế nào được! Gia tài có cái xe, mấy giỏ soài, chấp hành thì xe bị cảnh sát đem đi, mấy giỏ soài sẽ mất toi. Lời hứa chờ mẹ về mẹ mua gạo thổi cơm sẽ trôi xuống lỗ chuột, mấy đứa con sẽ mất bữa ăn chiều, ngày mai lấy tiền đâu nộp phạt lấy lại cái xe đạp thổ tả nhưng vẫn nuôi được mấy đứa con. Mặc cho những lời van xin thảm thiết, hứa sẽ về nhà, không bán buôn gì nữa trong khi con ốm đau đang nằm ở nhà, một công an viên giật tay người phụ nữ này ra khỏi chiếc ghi đông xe mà bà vẫn cố ghì lấy không chịu buông ra để đưa cả người lẫn xe đi.
Thế thì tôi phải là người độ lượng, khoan dung với các anh công an nhé?
Tôi xin phép để nghĩ ác về các anh một chút. Tôi thành thực cầu mong sao cho vợ con của anh ra đường cũng gặp toàn những người tử tế như các anh. Hay cầu xin làm sao con gái của thằng Ba X lọt vào cái ổ điếm kinh hoàng nhất ở bên Tầu, cháu ngoại nó bị bán sang Cam pu chia, vợ nó phải hút cầu tiêu cho Ba Tầu mãn đời nhé…
Chuyện thứ hai là vụ cái tầu đắm trên sông Dương Tử chết gần hết số người trên tầu. Kỳ lạ là tôi chẳng thấy xúc động gì về vụ tai nạn chìm tầu này cả. Có thể khi nghe cái tên ấy, tôi nghĩ biết đâu trong số người chết ấy lại chẳng có vài ba đứa đi chơi lần cuối trước khi lên đường ra Trường Sa, Hoàng Sa, lên tầu hải giám để xịt nước, húc vào những cái tầu đánh cá của các ngư dân Việt Nam từ Quảng Nam ra bắt cá… Cũng có thể trong đám hành khách ấy lại có cả những đứa từng đánh sang Lào Cai, Cao Bằng, Lạng sơn… hồi năm 1979, thẳng tay bắn giết, cướp phá, hãm hiếp… và nay lên tầu đi du lịch trên sông Dương Tử.
Vậy thì cứ việc du lịch trên sông rồi đắm tầu cho mát nhé. Và tôi thì có ai nói rằng tôi độc ác vì có trong đầu những ý tưởng, ước muốn dã man, vô nhân đạo đó, thì tôi vui vẻ nhận ngay. 
Tôi chợt nhớ Kim Thánh Thán, một nhà phê bình văn học Trung Hoa sống hồi thế kỷ XVII trong một chiều mưa buồn ngồi một mình trong ngôi miếu cổ có ghi lại những phút mà ông cho là lạc thú của đời ông. Ông nhớ lại được gần bốn chục những lúc vui như thế, trong đó có một chuyện làm ông vui sướng mà tôi thấy cũng lạc thú như ông vậy. Ông kể là buổi sáng thức dậy thấy trong nhà gia nhân xôn xao không biết vì lý do gì, ông xuống nhà hỏi thì được cho biết đêm qua, có một kẻ quỉ quyệt, độc ác nhất, bị nhiều người ghét nhất trong thành vừa lăn cổ ra chết. À ra là thế. Mọi người vui là vì thế. Nghe xong, họ Kim cũng thốt lên rằng “Chẳng cũng khoái ư?”
Không biết Lâm Ngữ Đường diễn câu nói đó của Kim Thánh Thán bằng tiếng Anh trong cuốn The Importance Of Living như thế nào, nhưng cụ Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt thì không ai có thể dịch hay hơn được. Kim Thánh Thán bằng câu “Chẳng cũng khoái ư?” lập tức xóa bỏ đi bao nhiêu điều lấn cấn trong đầu óc của tôi trong suốt bao nhiêu năm nay. Đó là nghĩ xấu, chúc ác cho người khác có… xấu không? Mong những chuyện không ra gì đến với người khác có nên làm không? Nghe tin một người chết, gặp phải những điều bất hạnh có nên vui không…?
Đọc câu “Chẳng cũng khoái ư?” của Kim Thánh Thán xong tôi thấy là được. Nên lắm. Tại sao cứ “nghĩa tử là nghĩa tận”, người ta chết rồi, thôi tha cho người ta, không nên nhắc lại những chuyện cũ không có gì hay ho cả… lôi những chuyện ấy ra làm chi… hãy tha cho họ, hãy xả hết đi… tội nghiệp người ta mà…sao lại vui trên bất hạnh của người khác vân vân. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống bề gì cũng không còn trên cõi đời này nữa…
Nhưng những người đó bộ ra đi rồi là thành thánh cả hay sao? Không. Không bao giờ. Nên nếu có chết đi thì những chuyện khốn nạn mà họ làm thì vẫn còn nguyên. Ghét họ, thù họ, mong chuyện không hay xẩy ra cho họ, cho gia đình họ, cầu mong họ chết không yên là “okay” đừng có “dư nước mắt khóc người đời xưa” huống chi là đời nay.
It is okay để nghĩ ác về chúng, cầu mong toàn những chuyện khốn nạn xẩy ra cho chúng, cho con cháu nhà chúng nó.

Do đó, ai bảo tôi ác thì tôi… nhận luôn.