March 24, 2011

March 25, 2011

Ngày 21 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

André Maurois viết một loạt mấy chục bức thư cho một phụ nữ không quen biết (Lettres À L’Inconnue) đề cập đến rất nhiều chuyện, nhưng lúc nào ông cũng từ tốn nhỏ nhẹ. Đọc những bức thư Maurois viết, độc giả mường tượng ra người viết là một ông già đáng mến, bao dung và thân thiện. Còn người phụ nữ không quen biết của ông già Maurois, mặc dù độc giả không biết mặt, cũng không quen, bỗng trở thành rất quen biết, thân tình và đáng mến.

Tôi cũng có một người phụ nữ không quen biết và cũng muốn viết cho cô một bức thư nhưng mãi mà không viết được. Vì cứ ngồi xuống định viết là thấy không sao giữ được sự thân thiện như Maurois đã giữ được qua suốt mấy chục lá thư ông viết.

Cứ nghĩ đến cô, nhớ khuôn mặt của cô là lại muốn nổi điên lên. Cô không phải là người xấu. Cô có nhan sắc, quần áo đẹp, và lái một chiếc xe đắt tiền. Cô cũng lại là người nếu không đồng hương thì cũng phải là đồng bào với tôi. Vậy mà tôi không sao giữ được sự bình tĩnh khi nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên và duy nhất ấy.

Buổi sáng hôm đó tôi lái xe đi làm, đang chạy trên đường X. thì cô từ trong một bãi đậu xe xộc ra, xe của cô cắt ngang đầu xe của tôi. Không nhanh mắt, phản ứng chậm là hai hãng bảo hiểm lại phải liên lạc với nhau để giàn xếp ổn thỏa cho chuyện chúng tôi gặp gỡ. Tôi thấy cô rất bình tĩnh sau đó. Cô không thèm ngó lại, hay tỏ ra một cử chỉ gì, dẫu cho rất nhỏ cho thấy cô suýt gây tai nạn cho tôi trong khi cô hoàn toàn có lỗi. Cô từ trong bãi đậu xe chạy ra, không thèm dừng lại, ngó những xe khác. Cô chạy vọt ra, cắt ngang dòng xe và chỉ một chút là đụng vào xe của tôi.

Tôi lái tiếp, theo sau xe cô, xem cô còn tiếp tục lái xe kiểu ngang ngược như thế nữa hay không. Tôi giữ một khoảng cách an toàn và trên một đoạn đường không dài lắm, tôi thấy cô lái xe khác hẳn cách lái mà cô lái khi thi để lấy bằng của tiểu bang California hay bất cứ một một tiểu bang nào khác.

tail gate xe trước, đi sát một chiếc Camry, chỉ chừa một khoảng cách chừng hai mét. Cô có vẻ đang vội vàng đi đâu không biết. Chiếc điện thoại áp vào tai. Cô tiếp tục nói chuyện bằng điện thoại. Người lái xe trước cô phải nhường cô, đổi sang một lane khác cho cô vọt lên. Không một cái vẫy tay cám ơn. Đến ngã tư, cô lại lái sát một chiếc xe trước và khi đèn xanh, cô thình lình quẹo phải. Chiếc xe cô lái còn mới nên không thể nói những chiếc đèn signal để ra hiệu quẹo phải quẹo trái bị hư. Chắc cô không thích đụng tay vào nó thôi. Tới một ngã tư sau đó, đèn đỏ cô phải ngừng lại. Tôi đổi lane để quẹo trái, và xe của hai chúng tôi đậu sát nhau. Cô ngó sang tôi. Hình như cô nhận ra tôi là người vừa bị cô cắt ngang trên đường X. Cô lầu bầu nói gì tôi nghe không được. Nhưng đó không phải là chi tiết quan trọng. Tôi hạ kính xe nói với cô: "Use your turning signals, will you!"

Và điều cô đáp lại khiến tôi rùng mình. Cô nói khá lớn "F… you!"

Chao ơi, hồi còn trai trẻ, sức còn hăng sao không ai mời tôi làm việc đó. Bây giờ già yếu, thân tàn ma dại thì mời nhau một … cái ngay giữa đường. Nghĩ đến chuyện làm việc ấy với cô tôi nhớ một câu của ca sĩ K.L., câu nói nguyên văn tôi không thể nhắc lại đúng từng chữ ở đây: "Tránh cái thứ ấy ra nghe ông… ấy (?) nó là chỉ bẩn (cái ấy) ra mà thôi!"

Cô rơi đúng vào trường hợp ấy. Thân mình là trọng. Chịu khó giữ cho sạch một chút. Thôi, không bõ đâu.

Con cái nhà ai mà mất dậy đến là như thế. Tôi chợt nhớ đến cái nghĩa địa xe cách đây mấy tháng có đi theo một người bạn kiếm mua một món phụ tùng xe. Trong những chiếc xe nằm ngổn ngang trong nghĩa địa bi đụng tan nát có một chiếc giống hệt chiếc xe của cô lái. Ghế trước còn nguyên những vết máu khô.

Lái xe như cô chắc thế nào cũng có ngày chiếc xe của cô vào nằm trong nghĩa địa cho có đôi.

Mà cô thì cũng không còn có thể làm … bẩn (?) người khác được nữa.


Ngày 22 tháng 3năm 2011

Bạn ta,

Bản tin của AP phổ biến trong ngày hôm qua, 21 tháng 3 có tường thuật một vụ cảnh sát bắt bạch phiến làm những nghi ngờ của tôi từ mấy chục năm nay bỗng nhiên tan biến hết.

Tin AP viết rằng cảnh sát Pennsylvania hôm cuối tuần qua có chặn một phụ nữ trong một tai nạn xe hơi. Tại nơi xẩy ra tai nạn, cảnh sát tìm thấy mấy gói bạch phiến trong túi áo của cô. Người phụ nữ 27 tuổi này cho biết cô còn mang trong (?) người một số bạch phiến khác. Cảnh sát quyết định đưa cô về trụ sở để điều tra thêm.

Cảnh sát được cô cho biết còn dấu một số bạch phiến khác trong người nên đã phải mời một y sĩ đến khám vì các nữ cảnh sát viên có thể không đủ kinh nghiệm hay khả năng, hiễu biết (về cơ thể học) để khám những trường hợp như thế.

Đây chắc không phải la trường hợp nuốt bạch phiến vào người để qua mặt nhà chức trách. Nếu làm vậy, chỉ cần đưa cô vào một căn phòng nhỏ có tiện nghi giúp làm sạch ruột những người nuốt ma túy vào người: một chiếc bồn cầu làm bằng plastic trong suốt. Ngồi ở đó vài ba phút, tặng không cho hai ba cục suppository để giúp cho đường xá (?) trơn tru là xong ngay. Cảnh sát hay nhân viên bài trừ ma túy khều ra túi nọ bịch kia dễ ợt như trong một bài báo của tờ National Geographic mấy năm trước.

Nhưng người phụ nữ ở Pennsylvania chắc không dấu theo lối thông thường đó nên cảnh sát mới phải nhờ một y sỹ đến khám giùm.

Một hồi sau, người ta lấy từ một nơi rất kín đáo của cô hơn 50 túi plastic đựng bạch phiến, 31 bao plastic chưa dùng và 51 đô la 22 xu.

Một câu thơ của Hồ Xuân Hương, câu " một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa…", câu thơ làm cả bọn học trò đệ tứ lúc ấy thắc mắc và không tin có thể xẩy ra chuyện ấy bỗng không còn là điều nghi ngờ của tôi nữa. Bỏ được bằng ấy thứ vào trong thì Hồ Xuân Hương nói thật chứ không hăm dọa (?) ai hết.

Tôi đã trông thấy những cái bao plastic đựng bạch phiến. Hơn 50 cái bao ấy chiếm rất nhiều chỗ. Lại thêm 31 cái bao chưa dùng thì lại cần thêm chỗ (?) mới đủ. Nhưng cảnh sát cho biết ngoài những bao, những túi plastic đó, ông y sĩ còn tìm được 51 đô la 22 xu. Nhà chức trách không cho biết số tiền này như thế nào, mấy tờ tiền giấy… một tờ 50 hay 2 tờ 20, một tờ 10 đồng, một tờ 1 đồng hay … tất cả đều là giấy 1 đồng cả?

Tuy nhiên cái số tiền 22 xu lẻ mới khó hiểu. Không thể là một đồng quarter được. Một quarter là 25 xu. Nhưng đây là 22 xu. Có thể nào là 22 đồng xu đỏ có hình ông Lincoln hay 2 đồng dime có hình ông Roosevelt, hay bốn đồng nickel và 2 đồng xu đỏ?

Những đồng tiền kim khí này rất nặng. Làm sao bỏ vô rồi lại đi đứng … ngon lành như cô được?

Đọc bản tin về cô, người ta bỗng thấy những chữ "đồng tiền nhơ bẩn" bỗng nghe rất có lý. Tưởng tượng nàng đi shopping hay mời chàng đi ăn. Ăn xong, nàng loay hoay, vặn người mấy cái, tiền bạc rơi rớt rổn rảng. Nàng nhặt lên trả tiền cho bữa ăn của hai người thì bữa ăn liệu có còn ngon không?

Tôi nhớ tới ông cụ hàng xóm ở Hà Nội mà mấy ông chú kể lại một bữa cụ được một thanh niên đang rượt cô con gái xinh đẹp của cụ mời cả nhà đi ăn. Cuối bữa, cụ đứng dậy mắng cho người thanh niên một trận, cấm không được héo lánh tới nhà cụ nữa chỉ vì chàng thò tay ra túi sau lấy cái ví ra trả tiền bữa ăn. Cụ nhìn thấy và coi đó là hành động vô lễ vì "nó dám móc tiền trong đít ra mời tao ăn cơm".

May mà cụ chết đã lâu, không biết còn những chỗ khác để bỏ tiền chứ cái túi quần sau thì đã nhằm nhò gì.


Ngày 23 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Trưa nay tôi đi ăn ở một quán Đại Hàn chuyên nấu các món đậu phụ. Tôi nhận ra một điều: bữa ăn không ngon. Dở là đằng khác.

Tôi thấy cách nấu của tiệm không có gì khác với những lần trước. Các thực khách khác trong tiệm có vẻ không có điều gì phiền trách nhà hàng. Tất cả đều ăn uống vui vẻ. Nhưng bữa ăn trưa hôm nay với tôi quả là không ngon.

Thì vẫn những đĩa kim chi, dưa chuột muối ớt, giá bỏ chung vào kim chi cay xé lưỡi. Nhưng không ngon.

Hồi sau, hình như tôi thấy ra lý do. Đó là những chiếc đũa. Mấy lần đến ăn ở tiệm trước đây, tiệm dùng những đôi đũa bằng nhôm, không dùng đũa tre như trưa hôm nay. Đũa Nhật và đũa Đại Hàn ngắn hơn đũa của Trung Hoa và Việt Nam. Điều đó ai đi ăn tại các tiệm Nhật và Đại Hàn đều thấy. Không có gì để phàn nàn cả. Nhưng đôi đũa mà tiệm mang ra cho tôi trưa nay thì, theo tôi, đã khiến cho bữa ăn bớt ngon đi rất nhiều.

Nghĩ lại thấy con người ta cũng kỳ. Thứ nào phải ra thứ ấy. Đôi đũa tre ở tiệm ăn Đại Hàn làm cho bữa ăn bớt ngon. Mà phải đâu thực khách ăn luôn những đôi đũa ấy.

Chúng được gói trong bao giấy. Hai chiếc đũa vẫn còn dính vào nhau để bảo đảm cho khách biết là chưa ai dùng nó. Như vậy là an toàn. Nhớ lại những đôi đũa tre ở những xe bò khô vài ba chục năm trước mà kinh. Đầu đũa đen kịt vì đã ngấm bao nhiêu tương đen, xì dầu, tương ớt, và nhất định thêm luôn cả nước bọt của cả trăm, cả ngàn khách hàng. Nhưng chúng tôi không than phiền gì hết. Vẫn thưởng thức tận tình những đĩa bò khô ở cổng trường.

Nhưng đôi dũa tre ở tiệm Đại Hàn tại sao lại làm cho bữa trưa của tôi kém ngon đi? Có phải tôi bỗng dưng trở thành khó tính không?

Chắc là không. Ăn phở không thể dùng những cái muỗng ăn súp trong bộ dao nĩa ở nhà được. Những cái muỗng ấy có sang, có đẹp cách mấy vẫn không thể dùng để ăn phở được. Phải là những cái muỗng mang cái tên khá lạ lùng: muỗng cao lầu mới được. Bất cứ thứ muỗng nào khác đều không được. Tô phở sẽ bớt ngon đi ngay.

Ly cà phê sữa đá phải uống từ một cái ly thủy tinh. Ly sứ không được. Nhưng cà phê đen nóng hay cà phê sữa nóng thì phải uống bằng ly sứ. Không thể quấy đường trong ly cà phê bằng những cái muỗng cao lầu được. Phải là cái muỗng nhỏ bằng kim loại. Tô đậu hũ nước đường phải dùng một loại muỗng có cạnh mỏng để cắt vụn những miếng đậu hũ ra. Bia lạnh phải uống bằng ly thủy tinh. Không bao giờ uống bia bằng ống hút, mà cũng không bao giờ dùng muỗng để uống bia. Rượu đỏ không thể uống bằng ly … mủ, ly sứ, hay bằng bát ăn cơm.

Thế nên đôi đũa tre ở tiệm ăn Đại Hàn bỗng trở thành vô duyên tận mạng. Người đàn ông ngẩn ngơ với đôi đũa tre đã làm mất đi sự ngon miệng của bữa trưa bỗng có cảm tưởng mình là người khó tính.

Nhưng chắc không phải là như vậy. Đức Khổng Tử dậy mọi việc phải chính danh mới được. Chiếc chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi. Bữa trưa với đôi đũa tre ngắn ngủn, nhẹ tênh vẫn còn những cái sơ của tre thì làm sao ngon cho được. Mà cầm hai chiếc đũa cọ vào nhau một lúc cho đầu đũa, thân đũa nhẵn nhụi một chút thì còn đâu là nét văn vẻ của người … cố đô nữa.

Bởi thế nên bữa trưa ở tiệm đậu hũ Đại Hàn mới bớt ngon đi là như thế.


Ngày 24 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Tôi không biết làm sao dịch cho hay và cho sát câu tục ngữ Ăng lê này: A friend in need is a friend indeed. Có được một người bạn vào lúc cần, trong lúc khó khăn thì người ấy chính là người bạn đích thực của mình vậy.

Ý có thể đúng và sát. Nhưng không vần như câu tiếng Anh. In needindeed thì vần không chạy vào đâu được.

Nhưng trong đời sống, thường thì ít khi có được những người bạn như thế.

Nhiều khi vừa thấy khó, những thứ bạn ấy lỉnh ra xa ngay, nhất định không đến gần, nói chi đến chuyện đưa tay ra giúp chúng ta bao giờ.

Nước Mỹ thật tội nghiệp. Tử tế với bạn bè như thế mà bạn bè cũng ít khi đối xử lại tử tế. Mà đau một điều là những xứ mà Hoa kỳ giúp đỡ nhiều nhất thì trong những lúc ấy, lại bầy ra những bộ mặt xấu xa nhất.

Trong cuộc chiến ở Iraq, người ta thấy một số nước mà Hoa kỳ đối xử cũng tử tế vừa phải thôi thì lại ủng hộ nước Mỹ hết mình.

Trong liên minh đa quốc tham chiến tại Iraq, người ta thấy có binh sĩ của Honduras, khoảng trên một trăm người. Ngay cả các nước như Georgia, Azerbaijan, Uzbekistan … những nước trước đây nằm trong liên bang Sô Viết cũng gửi những lực lượng tượng trưng đến Iraq để chiến đấu cạnh Hoa kỳ cho Hoa kỳ có được thêm phần chính nghĩa. Nhật Bản không được phép đưa binh sĩ tác chiến ra hải ngoại thì đóng góp một số công binh và phi cơ vận tải. Anh, Pháp, Ý, Ba Lan, Đức … thì không kể. Đó là những đồng minh đã giúp Hoa kỳ rất nhiều.

Nhưng có một nước được hưởng rất nhiều trợ giúp của Hoa kỳ thì không hề đóng góp gì cho những việc làm của Hoa kỳ. Trái lại còn thỉnh thoảng lên tiếng chỉ trích gay gắt những việc làm của nước Mỹ.

Đó là Mexico, quốc gia nằm sát cạnh Hoa kỳ, quốc gia được hưởng rất nhiều lợi lộc qua những liên hệ, với Hoa kỳ. Kỹ nghệ Hoa kỳ chuyển nhiều nhà máy sang Mexico, tạo công ăn việc làm cho dân Mexico. Người Mỹ chi rất nhiều tiền để du lịch tại Mexico. Người dân Mexico bỏ trốn sang Hoa kỳ sinh sống kiếm tiền gửi về cho gia đình mỗi năm nhiều tỉ đô la.

Nhưng cách đối xử của Mexico dành cho Hoa kỳ là cách đối xử không tốt đẹp gì.

Mexico không hề nhấc một nón tay để giúp Hoa kỳ trong các hoạt động của Hoa kỳ tại Afghanistan và Iraq. Thay vì ủng hộ Hoa kỳ, dẫu bằng vài ba việc làm tượng trưng, vài ba trăm binh sĩ, một hai vận tải cơ, thì Mexico không hề làm bất cứ gì mà còn quay ra chỉ trích Hoa kỳ không ít.

Tổng thống Mexico, và luôn cả chính phủ của ông đã nhiều lần lên tiếng can thiệp vào các việc làm của nước Mỹ, của các tiểu bang Hoa kỳ nếu Hoa kỳ hay các tiểu bang này đụng chạm nhẹ tới những người dân Mexico ùn ùn kéo sang Mỹ ở lậu.

Thay vì tìm cách khuyến khích người dân Mexico ở lại xây dựng đất nước, không tha phương cầu thực để làm mất phẩm giá của đất nước và con người Mexico thì các nhà lãnh đạo Mexico đòi Hoa kỳ phải làm việc này, việc kia để trợ giúp cho các công dân Mexico chạy sang Mỹ kiếm sống.

Tổng thống Mexico nào mới lên cũng chạy sang Mỹ đòi chính phủ Mỹ làm đủ mọi chuyện cho Mexico. Ngay cả người đã rời chức cũng sang Hoa kỳ để có ý kiến về luật di trú như ông Vicente Fox đã làm.

Có một người láng giềng như thế thì phiền thật. Vậy thì còn cần chi kẻ thù ở bên cạnh nữa.

Tới hôm nay, trong vụ Libya, người ta vẫn chưa thấy bàn tay giúp đỡ nào của Mexico.

Nhưng chờ đợi như vậy có phải là hy vọng hão huyền không?


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


QUỲNH ANH

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh và xin kính chào quí vị.

Chương trình đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại cho chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày.

Tuần này, QA biết là Thúy nhận được thư của một khán giả của chương trình tiếng Anh. Thúy cho biết thắc mắc của khán giả có giống như thắc mắc của Thúy và QA không?

LÃM THÚY

Thưa thầy Trúc, thư của bà Lê Tiến Ngọc Sơn ở Garden Grove nhờ chương trình giúp làm sao dùng đúng những chữ mà bà thấy rất giống nhau là VERY, SO và TOO. Thúy thấy đó cũng chính là những thắc mắc của Thúy, vậy xin thầy giảng những chữ vừa kể trong bài hôm nay.

QA

Và đó cũng là thắc mắc của QA. QA thấy tất cả đều là những tiếng chỉ những điều khác thường, không bình thường nhưng không biết dùng thế nào cho đúng.

BBT

Trước hết, để tôi nói về chữ VERY đã. Đây là tiếng chúng ta gặp rất nhiều, dùng rất nhiều và cũng không khó lắm.

VERY có thể là một tĩnh từ (ADJECTIVE) phụ nghĩa cho một danh từ, và cũng còn là một trạng từ (ADVERB) để phụ nghĩa cho một tĩnh từ.

Khi VERY là tĩnh từ, nó có nghĩa là ngay, chính, đúng, theo sau là một danh từ.

Thí dụ: IN THIS VERY PLACE nghĩa là ngay tại chỗ này.

ON THIS VERY DAY là ngay vào ngày hôm đó.

THE VERY WORDS HE USED là nguyên văn, đúng những điều ông ta nói.

THE VERY THOUGHT OF YOU, tên một ca khúc của Nat King Cole nghĩa là chỉ ý nghĩ về em, chỉ nghĩ về em là tôi đã … vân vân.

LÃM THÚY

THAT IS THE VERY GRAMMAR POINT WE WANT TO LEARN TODAY

QA

Đó là chính điểm văn phạm mà chúng ta muốn học trong bài hôm nay.

BBT

Cám ơn hai cô. Như vậy là hai cô đã hiểu nghĩa của VERY khi nó là tĩnh từ. Bây giờ chuyển qua VERY khi nó được dùng làm ADVERB, khi nó là trạng từ.

Như hai cô đã biết, TRẠNG TỪ là tiếng phụ nghĩa, nói thêm về 1 động từ để làm cho rõ thêm về động từ đó. HE SPEAKS SPANISH FLUENTLY. Chữ FLUENTLY là trạng từ, nghĩa là lưu loát. Anh ấy nói tiếng Tây Ban Nha như thế nào? Anh ấy nói FLUENTLY nghĩa là anh ấy nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát.

VERY khi là trạng từ, nó phụ nghĩa cho tĩnh từ.

HE IS OLD nghĩa là ông ấy già. Hơi già, già vừa vừa, già lắm. Hơi hơi, vừa vừa, lắm lắm là trạng từ phụ nghĩa cho tĩnh từ già. HE IS A BIT OLD. HE IS SOMEWHAT OLD. HE IS VERY OLD.

Sau khi nói xong, chúng ta có thể bỏ đi, không có ai chạy theo nắm áo hỏi còn nói gì nữa hay không. Chúng ta không nói thêm nữa vì như thế đủ rồi. Đó là VERY.

QA

Tại sao anh phải nêu ra chi tiết đó?

BBT

Lý do là vì tôi muốn nói qua những chữ khác như SO, SUCH và TOO. Sau VERY, ngưng cũng được, mà nói thêm cũng không sao.

Thí dụ THE BOOK IS VERY DIFFICULT. Nói xong thì ngưng cũng được. Nói thêm I HAD TO READ IT TWICE nghĩa là tôi phải đọc hai lần mới hiểu hết. Không nói thêm, người nghe vẫn hiểu.

Nhưng với SO thì hơi khác. SO cũng là một ADVERB, một trạng từ.

Thí dụ IT IS SO HOT nghĩa là trời nóng quá.

LÃM THÚY

Thúy thấy câu anh vừa nói có vẻ như còn thiêu thiếu cái gì chứ chưa đủ phải không QA?

QA

QA cũng thấy như thế. IT IS VERY HOT là trời rất nóng. Nhưng IT IS SO HOT, nghĩa là trời quá nóng. QA nghĩ nói như vậy chưa đủ. QA thấy phải nói thêm gì sau câu đó. Thí dụ trời quá nóng, QA phải vặn máy lạnh lên. Hay trời quá nóng, thành phố kéo hết ra biển. Quyển sách quá dài phải đọc một tuần mới hết.

BBT

Đúng là như thế. IT IS SO HOT. I HAVE TO TURN ON THE AIR CONDITIONER.

LÃM THÚY

IT IS SO HOT. EVERYBODY GOES TO THE BEACH.

QA

THE BOOK IS SO LONG. I FINISH IT IN ONE WEEK.

BBT

Hai cô nói rất đúng. Bây giờ tôi nhắc thêm cho hai cô một điều nữa. Hai cô vừa dùng HAI câu để nói cho hết ý. Nhưng chúng ta có thể nối hai câu lại với nhau bằng THAT để thành một câu với nghĩa QUÁ … ĐẾN NỖI. Đó là cách đặt câu SO … THAT.

Bây giờ tôi nhờ hai cô nối mấy câu hồi nẫy vào với nhau coi.

QA

IT IS SO HOT. I HAVE TO TURN ON THE AIR CONDITIONER. Trời nóng. Tôi phải mở máy lạnh.

Đổi thành IT IS SO HOT THAT I HAVE TO TURN ON THE AIR CONDITIONER. Trời quá nóng đến nỗi tôi phải mở máy lạnh.

LÃM THÚY

IT IS SO HOT. EVERYBODY GOES TO THE BEACH. Trời nóng quá. Mọi người ra biển.

IT IS SO HOT THAT EVERYBODY GOES TO THE BEACH.

BBT

Như vậy, hai cô đã hiểu cách nói những câu SO… THAT, nghĩa là quá đến nỗi. Nhưng nhớ là khi nói, phải nhấn mạnh vào SO và THAT cũng như khi nói tiếng Việt, chúng ta cũng phải nhấn và những chữ QUÁ và ĐẾN NỖI thì mới diễn được ý nghĩa của câu.

Bây giờ chúng ta chuyển qua chữ TOO.

TOO là một TRẠNG TỪ.

TOO có nghĩa là CŨNG như hai cô đã biết. TOO cũng đồng nghĩa với ALSO. Thí dụ nói THÚY LIVED IN SAIGON AND I LIVED IN SAIGON TOO/ ALSO.

QUỲNH ANH SPEAKS VIETNAMESE WITH SOUTHERN ACCENT AND I DO TOO/ ALSO.

Một cách dùng TOO thông tục hơn là ME TOO. Trong một lần khác tôi sẽ nói về ME TOO.

Nhưng khi TOO có nghĩa là quá thì cách dùng nó khác. TOO trong trường hợp này có nghĩa là quá mức, quá độ …

TOO YOUNG là quá trẻ như bài hát TOO YOUNG của Nat King Cole.

Sau TOO chúng ta dùng tĩnh từ ADJECTIVE.

Hai cô cho tôi nghe vài thí dụ với TOO. Quỳnh Anh …

QA

THE HOUSE IS TOO LARGE / EXPENSIVE/ FAR FROM LITTLE SAIGON / ISOLATED / SMALL…

LÃM THÚY

THE JOB IS TOO DIFFICULT. THE BOY IS TOO HEAVY. LIFE IS TOO SHORT.

BBT

Bây giờ chúng ta chuyển qua cách đặt câu khá đặc biệt với TOO.

Có hai kiểu câu với TOO. Điều đáng ghi nhớ ở đây là cả hai đều có nghĩa phủ định mặc dù chúng ta không thấy một chữ phủ định nào.

Trước hết là câu TOO … FOR. Sau FOR chúng ta dùng một DANH TỪ hay một ĐẠI DANH TỪ.

Thí dụ: THE HOUSE IS TOO LARGE FOR … Cô QA cho thêm một tiếng danh từ vào sau coi.

QA

THE RING IS TOO BIG FOR MY FINGER

LÃM THÚY

THIS APARTMENT IS TOO EXPENSIVE FOR A COLLEGE STUDENT

BBT

Bây giờ hai cô cho một đại danh từ vào cuối coi.

QA

WINTER IN ALASKA IS TOO COLD FOR HIM

LÃM THÚY

THAI FOOD IS TOO HOT FOR ME

BBT

Hai cô đã hấy đặc điểm của những câu này chưa?

QA

QA thấy là tất cả đều có nghĩa NEGATIVE, nghĩa phủ định ở trong. WINTER IN ALSAKA IS TOO COLD FOR HIM nghĩa là mùa đông tại Alaska thì quá lạnh đối với anh ấy. Câu này không nói rõ nhưng nghe là hiểu ngay có nghĩa phủ định ở trong. Alaska quá lạnh với anh ấy nên anh ấy KHÔNG thích sống ở đó, anh ấy KHÔNG thích đi du lịch ở đó, anh ấy KHÔNG thích mua nhà, đi học, kiếm việc ở đó. Tất cả đều có nghĩa KHÔNG ở trong.

LÃM THÚY

Câu của Thúy là THAI FOOD IS TOO HOT FOR ME nghĩa là cơm Thái quá cay đối với tôi. Quá cay nên tôi không thích, không ăn hết, không trở lại nữa.

BBT

Đúng rồi. Nhưng như hai cô vừa nói, Alaska quá lạnh vói ông ấy. Cơm Thái quá cay với tôi. Nghe vậy, tôi không biết quá lạnh nên ông ấy không thích, hay không sống ở đó nữa, hay không muốn kiếm việc ở đó. Cô Thúy thì nói cơm Thái quá cay với cô. Nhưng tôi không hiểu vì quá cay cô không trở lại nữa hay không ăn tiếp, hay là không trả tiền. Người nghe không biết được cô làm gì. Bây giờ tôi chỉ hai cô thêm một khúc dưới người nghe sẽ hiểu hai cô chính xác hơn.

Hai cô chỉ thêm vào cuối một động từ NGUYÊN MẪU CÓ TO (INFINITIVE WITH TO) là rõ nghĩa ngay.

Thí dụ câu của QA là ALSAKA IS TOO COLD FOR HIM, chúng ta chỉ cần thêm TO + VERB là rõ ngay, là hiểu ông ta sẽ không làm gì ngay. Cô QA thử thêm vào một động từ coi.

QA

Thí dụ QA nói Alaska quá lạnh để cho ông ấy đi bơi thì QA sẽ nói thế này: ALASKA IS TOO COLD FOR HIM TO GO SWIMMING. Hay ALASKA IS TOO COLD FOR HER TO GO OUT WEARING ONLY A T-SHIRT. Hay ALASKA IS TOO COLD FOR US TO WALK WITHOUT SHOES.

LÃM THÚY

THAI FOOD IS TOO HOT FOR ME TO FINISH THE MEAL.

IT IS TOO EARLY FOR YOU TO GO HOME NOW.

THE CAR IS TOO EXPENSIVE FOR THEM TO PAY CASH.

HE IS TOO YOUNG TO GROW A BEARD

THEY ARE TOO BUSY TO ANSWER ALL THE LETTERS

BBT

Không biết hai cô đã nghe câu này chưa? Tôi chắc đã sống ở Mỹ thì thế nào cũng phải nghe người ta nói vài lần. Đó là câu IT IS TOO GOOD TO BE TRUE, hay TOO GOOD TO BE TRUE.

LÃM THÚY

IT IS TO GOOD TO BE TRUE là quá tốt để có thể là sự thật. Thúy nghĩ là câu này được dùng để nói về một chuyện gì đó, nghe như truyện cổ tích thần tiên, chỉ có trong trí tưởng tượng, không bao giờ có thể có được trong cuộc đời này.

BBT

Chẳng hạn như thế nào cô QA?

QA

Thí dụ QA bữa nọ nghe có một công việc ở Úc trả 100 ngàn đô la trong 6 tháng, được cho ở 1 căn nhà nhìn xuống biển, mỗi ngày ra bãi biển đi bộ, đi câu, đi bơi, về viết mấy dòng về hòn đảo nhỏ đó. QA liền nghĩ ngay IT IS TOO GOOD TO BE TRUE.

BBT

Đúng rồi. Hay những hứa hẹn, cam đoan mua bộ sách dậy tiếng Anh về học ở nhà trong 3 tháng sẽ nói được tiếng Anh lưu loát như hoàng tử nước Anh, hay mua cái máy tập thể dục chỉ mất hai tháng xuống 60 pounds. Tất cả nghe xong đều có thể dùng câu TOO GOOD TO BE TRUE.

QA

Bây giờ QA có một thắc mắc khác, đó là khi nào dùng EACH OTHER và khi nào dùng ONE ANOTHER. Văn phạm gọi những tiếng này là gì? QA biết chúng là đại danh từ dùng làm túc từ cho động từ.

BBT

Đó là HỖ TƯƠNG ĐẠI DANH TỪ tiếng Anh gọi là RECIPROCAL PRONOUNS. Hỗ tương là lẫn nhau, là nhau, là có qua lại giữa hai bên. Có hai đại danh từ hỗ tương là EACH OTHER và ONE ANOTHER

EACH OTHER dùng khi có HAI người. ONE ANOTHER dùng cho BA người trở lên.

Khi nói THEY HELP EACH OTHER, không cần phải nói HAI NGƯỜI, HAI ANH EM, HAI NGƯỜI BẠN, HAI ÔNG LÁNG GIỀNG chúng ta biết ngay là chỉ có HAI người mà thôi.

Thúy cho nghe 1 thí dụ với EACH OTHER coi.

LÃM THÚY

WE SAT NEXT TO EACH OTHER IN SCHOOL FOR 7 YEARS.

WE HELPED EACH OTHER A LOT AFTER THE FALL OF SAIGON.

WE FOUND EACH OTHER AGAIN IN CALIFORNIA.

BBT

Hay lắm. Thế còn QA?

QA

QA nhắc các con YOU MUST LOVE EACH OTHER. MY SISTER AND I SEE EACH OTHER EVERY WEEK-END.

WE SPEAK TO EACH OTHER BY PHONE EVERY NIGHT.

BBT

Trong khi đó, ONE ANOTHER là đại danh từ dùng cho BA người trở lên. Cô QA, cô thấy câu này thế nào: JOHN AND MARY LOVE ONE ANOTHER.

QA

Ông thầy vừa dậy ONE ANOTHER dùng cho BA người trở lên vậy thì câu này sai. JOHN và MARY là HAI người. Không dùng ONE ANOTHER được. Phải dùng EACH OTHER. Phải nói là JOHN AND MARY LOVE EACH OTHER.

BBT

Đố cô Thúy câu này nghĩa là gì

JUST LIKE THE CREPE COVERS THE MIRROR

PEOPLE OF THE SAME COUNTRY MUST LOVE ONE ANOTHER

LÃM THÚY

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

QA

Cám ơn thầy Trúc. Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây tạm chấm dứt. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin cảm ơn sự theo dõi của quí vị và xin hẹn gặp lại quí khán giả trong chương trình tuần tới.

March 17, 2011

March 18, 2011

Ngày 14 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Hôm nói về mấy đứa bé mồ côi mẹ sống hiu hắt ở Cao Bằng, cảnh con chị cõng con em, tôi có đưa ra nhận xét là ba chị em Hoàng thị Mũ buổi tối ngồi ăn với nhau trên sàn nhà, mỗi đứa một bát cơm, không thấy có mâm cơm, hay một hai đĩa thức ăn nào cho ba chị em.

Căn phòng trơ trụi, vách đan bằng tre không biết có đủ chắn những cơn gió mùa lạnh cho ba chị em không. Nhưng có một chi tiết khác về căn nhà của ba đứa bé. Đó là người ta không thấy cái giường, cái bàn, cái ghế, quyển sách, quyển vở cho ba đứa bé. Và nhất là không có một món đồ chơi nào trong căn phòng.

Một người bạn nghe tôi nêu ra chi tiết này liền nói rằng chao ôi, ở đó mà đồ chơi. Ăn đã đủ chưa mà còn nói chuyện đồ chơi. Áo đã đủ ấm chưa mà đòi đồ chơi.

Người bạn của tôi nói đúng. Tôi thấy nhận xét của mình bỗng trở thành ngớ ngẩn. Trong hoàn cảnh của ba đứa bé ở cái làng nghèo ở Cao Bằng mà nhắc chuyện đồ chơi cho ba chị em thì quả là có vớ vẩn thật.

Tôi nghĩ tới chi tiết đó có thể là vì tôi vừa đi thăm mấy đứa cháu về. Trong góc của một căn phòng trên lầu nhà, tôi thấy cả một núi đồ chơi của ba chị em chúng. Những con thú nhồi bông, những con búp bê đủ mọi kiểu quần áo, những đồ chơi điện tử… chất đầy một góc. Nhớ căn phòng đầy đồ chơi của lũ cháu, rồi lại trông thấy hình chụp ba chị em Hoàng Thị Mũ nên tôi chợt nói ra điều những đứa bé ở Cao Bằng không có lấy một món đồ chơi trong căn nhà xác xơ của chúng. Lo cho có được bữa tối để đi ngủ khỏi đói chắc chắn là cần thiết hơn là những món đồ chơi.

Nhưng thực ra, đồ chơi không hoàn toàn vô ích, không phải lúc nào cũng không cần thiết như người bạn tôi nói. Đồ chơi là những thứ cần thiết của trẻ em, từ lúc con người còn sống trong hang động cho đến khi đời sống văn minh hơn, lúc nào trẻ em cũng cần đồ chơi. Trong các mộ cổ Ai Cập, trong những xã hội chưa văn minh lắm, người ta đều thấy các đồ chơi của trẻ.

Đồ chơi dậy cho trẻ những vai trò chúng sẽ đóng khi lớn lên. Những con búp bê dậy cho các bé gái làm chị, làm mẹ. Những món đồ chơi của các bé trai có thể là chiếc cung, mũi tên của đời sống khi các em lớn lên.

Những hình nhân quần áo, mũ, biển của ông tiến sĩ có thể làm Nguyễn Khuyến không vui nhưng đó là hoài bão của người cha, người mẹ khi mua những ông tiến sĩ giấy về cho con chơi:

Gớm chú hoa man khéo vẽ trò
Bỡn ông mà lại giứ thằng cu…

Trong một làng nhỏ thời ấy của Nguyễn Khuyến, trẻ con trong làng vẫn được cha mẹ mua cho mấy món đồ chơi: ông tiến sĩ giấy, cái trống bỏi kêu long tong cho vui.

Những món đồ chơi cũng lớn theo những đứa bé. Lớn rồi, không chơi những chiếc xe chạy bằng dây cót (dây thiều) nữa. Những đồ chơi của những đứa bé trở thành những chiếc máy chụp ảnh, cả hai, ba chục chiếc Nikon, Canon, Fujica … như trong chiếc tủ trong nhà của một đứa bé nay đã ngoài bốn mươi mà tôi rất quen. Hay những chiếc chiếc máy bay plastic tỉ lệ 1/36 hay 1/48 phải mấy tiếng đồng hồ mới gắn xong. Đó là những món đồ chơi không phải là đồ chơi con nít bao giờ. Chúng là đồ chơi của người lớn. Có những người đàn ông là ông nội, ông ngoại cũng vẫn còn chơi.

Ba chị em Hoàng thị Mũ có thể không bao giờ thấy được con búp bê nhắm mắt, mở mắt, không bao giờ có trong tay một con quay (vụ), không bao giờ có cỗ chuyền để chơi trước giờ vào lớp. Đứa em 8 tháng chắc cũng chưa bao giờ có cái pacifier ngậm trong miệng để khỏi làm phiền con chị trong lúc con chị hái rau hay ngồi trong lớp…

Trong một bài báo khác, người ta đọc thấy một người có chiếc điện thoại iPhone nhờ bọc vàng, chạm một con rồng uốn lượn trên vỏ, và gắn tổng cộng 585 hạt kim cương trên chiếc vỏ nặng 4 lượng vàng với chi phí trên 300 triệu đồng do một công ty có tên là Golden Ace thực hiện.

Thì đó cũng là một món đồ chơi vậy. Không biết ghé miệng nói vào cái phone 3GS này có là "ngọc thốt đoan trang" không, hay chỉ thấy thối um lên mà thôi.

Miệng người sang có gang có thép
Đồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm…

Rõ là bố khỉ!


Ngày 15 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Nước có loạn mới biết tôi trung, nhà có đói mới biết con có hiếu.

Chờ cho nước gặp cảnh loạn lạc hay đợi cho nhà trải qua cơn đói thì có thể hơi lâu mới biết được mặt trung thần hay người con đáng được ghi thêm vào cuốn Nhị Thập Tứ Hiếu của Lý Văn Phức. Vậy thì nhận được ra mặt tử tế mà cũng khó vậy sao?

Tôi nghĩ không cần đợi lâu như thế. Ngó chung quanh là thấy liền.

Thí dụ thử ngó sang Christchurch là thấy ngay. Christchurch là một thành phố ở Tân Tây Lan vừa bị một trận động đất kinh hoàng. Gần như toàn thể thành phố với 350 ngàn dân này ở đảo nam (South Island) đã bị tàn phá nặng. Nhiều người dân ở đây có thể sẽ phải vĩnh viễn bỏ đi khỏi thành phố này , không trở về tái thiết nữa vì Christchurch nằm ngay trên một vết nứt của trái đất. Và vì như thế, thành phố này sẽ còn bị động đất nữa. Năm ngoái, Christchurch đã bị hai trận khá nặng. Chưa xây dựng lại được thì bị thêm một trận động đất mới.

Số ngươi chết tổng cộng lên tới gần 400 người. Trong số này có khoảng hơn 60 du học sinh từ nước ngoài đến học tại Tân Tây Lan. Và trong số hơn 60 du học sinh thiệt mạng, có 24 du học sinh từ Trung quốc tới học. Tin tức không nói rõ những người này là sinh viên tự túc, đi học bằng tiền của gia đình, hay bằng học bổng của chính phủ Tân Tây Lan, của chương trình Colombo…

Đến nay, người ta mới tìm được xác của 7 du học sinh Trung quốc.

Chính phủ Tân Tây Lan đã bồi thường cho gia đình của các du học sinh này một số tiền, cho cha mẹ, vợ hay chồng và con của người chết đồng thời trang trải chi phí đưa xác của những người này về nước.

Nhưng ngay lập tức, một giới chức tại sứ quán Trung quốc ở Tân Tây Lan liền lên tiếng đòi chính phủ Tân Tây Lan phải tăng số tiền bồi thường cho gia đình của các sinh viên Trung quốc tử nạn ở Christchurch. Giới chức này nói với một đài phát thanh Tân Tây Lan rằng gia đình của các sinh viên Trung quốc thiệt mạng trong trận động đất phải được bồi thường nhiều hơn gia đình của các sinh viên ngoại quốc khác. Lý do là vì các sinh viên Trung quốc này đều là con một trong những gia đình theo đúng chủ trương của nhà nước là mỗi gia đinh chỉ có một con. Những người con này sẽ lo cho cha mẹ lúc cha mẹ về già, sẽ là bảo hiểm cho tuổi già của cha mẹ. Những mất mát của các gia đình này lớn hơn mất mát của những gia đình có nhiều con. Vì thế, chính phủ Tân Tây Lan nên bồi thường cho các gia đình của các sinh viên Trung quốc nhiều hơn.

Thế là vừa ngửi thấy hơi tiền, sứ quán liền nhào tới. Không biết có chấm mút được gì không, nhưng thế nào chẳng được tiếng là hết lòng bênh vực cho công dân, cho kiều bào.

Nhưng đồng thời việc lên tiếng của giới chức này cũng lộ ra cho thấy khuôn mặt tệ lậu của sứ quán Trung quốc.

Trong lúc Tân Tây Lan còn đang chưa hết choáng váng vì trận địa chấn kinh hồn ở Chtrsitchurch, trong lúc còn một số xác chưa tìm thấy được thì người ta đem chuyện tiền ra nói.

Những bản tin hôm qua cho thấy Tân Tây Lan đã gửi một toán chuyên viên cấp cứu tới Nhật để giúp các nạn nhân động đất và sóng thần.

Cường quốc kinh tế vừa vượt được lên trên nước Nhật hãy làm một vài việc xứng đáng với tư cách cường quốc của mình xem. Vừa thấy có tiền là sứ quán xúi nhân viên đi đòi tiền, làm như nhân đạo lắm, quan tâm nhiều lắm tới mạng sống của người dân không bằng.

Cái thái độ nhân đạo đó không hề thấy trong những vụ tầu lạ (?) tấn công những chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp của ngư dân Việt Nam hành nghề ngay trong vùng biển của Việt Nam. Tầu lạ (?) không những phá chìm các thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam, và không những không bồi thường, mà còn phạt các thuyền đánh cá này những món tiền lớn mới thả cho các ngư nhân Việt Nam về nước.

Tại sao lúc thì nói toàn giọng nhân nghĩa, rồi lại quay ra ăn nói hành xử một cách khốn nạn như vậy?

Cường quốc cái con củ gì mà tệ lậu như thế?


Ngày 16 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Tôi nghĩ sẽ không bao giờ có thể quên được đôi mắt ấy. Đôi mắt mà trước đây tôi chỉ nghe thấy qua cách mô tả: glassy eyes. Nó ướt lệ. Nước mắt như một lớp thủy tinh, một lớp kính mờ che lại.

Hôm ấy tôi không lái xe, phải nhờ người chở đi làm một số việc. Vì thế, tôi chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối.

Một chiếc xe đắt tiền bảng số cho thấy xe không phải là xe ở California. Chiếc xe đậu lại cách xe của chúng tôi khoảng 3 mét là cùng. Một người đàn ông tuổi trạc ngoài 50 quần áo đẹp mở thùng xe lấy ra một chiếc xe lăn. Ông đẩy chiếc xe lăn đến sát ghế sau của chiếc Mercedes mầu trắng còn rất mới và mở cửa ra, đỡ một người đàn ông cao niên, khoảng 80 gì đó. Ông dìu người đàn ông lớn tuổi ngồi vào xe lăn. Chiếc Mercedes do một phụ nữ trẻ lái chạy tiếp, có thể là vợ của người đàn ông quần áo đẹp đó. Người đàn ông đẩy chiếc xe lăn lên lề đường của một cái chợ. Tôi nghĩ người đàn ông đẩy xe lăn cho bố đi chợ nhân dịp cuối tuần. Một lúc sau, người đàn ông trở lại, tất tả đi kiếm chiếc xe Mercedes của ông lúc ấy đã được đậu tại một chỗ trong bãi đậu xe của chợ. Chiếc xe chạy thật nhanh ra ngoài bãi đậu xe và biến mất trong dòng xe sáng thứ Bẩy tại Little Saigon. Tôi chắc ông cụ được giao cho một người khác trong gia đình để giúp cụ đi chợ. Bạn tôi ra xe, nhưng không đi ngay vì ông còn phải làm thêm một hai việc khác. Ông đi kiếm chỗ đậu xe, và tôi xuống xe đi theo ông. Trước một tiệm bán bánh, tôi thấy ông cụ ngồi trên xe lăn, im lặng, đầu hơi cúi xuống. Tôi thấy ông cụ giống một cụ ông tôi quen hồi còn ở miền đông. Nhưng chắc là không phải. Cụ kia đã qua đời cả chục năm trước. Cụ cũng đẹp lão, quần áo lúc nào cũng tươm tất, đầu tóc chải gọn gàng. Cụ ở miền đông nói tiếng Pháp không chê vào đâu được.

Cụ ngồi xe lăn trông cũng có cái vẻ lịch sự đó. Tôi nhìn kỹ hơn thì thấy ở cổ cụ có đeo một tấm bảng . Đến gần, tôi đọc được hàng chữ: PLEASE HELP. I HAVE ALZHEIMER.

À thì ra vậy, cụ được cho ngồi trên xe lăn, đẩy đến một chỗ đông người qua lại, quàng vào cổ tấm bảng cho biết cụ bị Alzheimer và để cụ ngồi tiếp ở đó.

Đám đông vẫn di chuyển qua chỗ cụ ngồi. Hôm đó là ngày trước Tết. Mọi người bận đi mua sắm. Có người chắc phải trông thấy cụ. Có thể còn thấy cả tấm bảng cụ đeo trên cổ nữa. Nhưng tất cả đều đang tất bật với cái Tết cận kề. Có thể cụ sẽ phải ngồi đó rất lâu. Có thể cho đến khi chợ Tết vãn người mới có người để ý đến cụ. Có thể cảnh sát được gọi đến. Có thể cụ sẽ được đưa đến một văn phòng xã hội nào đó. Cụ sẽ không còn biết gì nữa. Tên của cái anh đàn ông đẩy cái xe lăn cho cụ chắc cụ cũng không nhớ nổi.

Ngày nào cụ còn đưa nó đi học, mua cho nó bộ quần áo mới. Ngày nào nó ra trường, đi học đại học ở nước ngoài. Ngày nào nó lấy vợ, đẻ những đứa cháu nội xinh dẹp cho cụ. Chắc cụ cũng chẳng nhớ được hết tên của chúng nó. Mấy người Mỹ hỏi cụ bằng cái thứ tiếng cụ không biết được bao nhiêu. Cụ chỉ cười với hàm răng không còn một cái.

Nhưng may cho cụ, cụ không nhớ được bằng ấy chuyện. Bệnh Alzheimer đã lấy đi hết tất cả. Chứ nếu trí nhớ của cụ mà còn, thì cụ còn khổ biết là chừng nào. Và đôi mắt glassy eyes đó sẽ khóc nhiều lắm. Cụ không khóc được nữa.

Cuối năm mà bị ném ra đường như vậy thì khóc là phải.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


PASSIVE VOICE

Kính thưa quí vị, đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Hôm nay, QA sẽ đóng vai học trò để truy bài, khảo bài ông giáo Trúc và mời quí vị đặt câu hỏi với ông giáo và QA sẽ chuyển lại để cho ông giáo bị truy bài đến lúc bí thì thôi, bù lại những lần ông khó khăn với học sinh hồi ông còn đi dậy học ở Việt Nam.

Thưa anh, trong chương trình hôm nay, vấn đề gì của Anh ngữ sẽ được anh trình bầy cùng quí khán giả của Hồn Việt Televison?

BBT

Cô QA làm ơn nhắc lại câu hỏi của cô cho tôi nghe lần nữa được không?

QA

Thưa anh, trong chương trình hôm nay, vấn đề gì sẽ được anh đem ra thảo luận?

BBT

Cô QA nghe kỹ lại câu cô hỏi mà xem. Thực ra khi đến phòng thu hình của Hồn Việt Television hôm nay, tôi đã định nói về một vài thành ngữ quen gặp trong tiếng Anh, nhưng nghe câu hỏi của cô, tôi quyết định sẽ nói về điều nằm ngay trong câu hỏi của cô.

QA

Điều gì đã được QA đặt trong câu hỏi, QA không hiểu. Điều đó có thể được anh nói lại cho QA biết hay không?

BBT

Cô có thấy mấy câu cô vừa nói đều đưa ra một vấn đề, vấn đề mà tôi sẽ trình bầy trong chương trình hôm nay không? Cô nghe lại coi, QA nói tiếng Việt mà dùng một cách nói hoàn toàn Mỹ đó cô không thấy sao?

QA

QA vẫn không hiểu. Vấn đề đó có thể được anh nói rõ hơn không?

BBT

Đó, cô lại nói kiểu Mỹ rồi. Thôi để tôi nói rõ ra nhé. Cô toàn dùng PASSIVE VOICE tức là thụ động cách trong mấy câu cô vừa nói. Đó là lối nói rất Ăng lê. Người Việt rất ít khi dùng lối nói đó. Chúng ta dùng ACTIVE VOICE tức là chủ động cách thường hơn.

QA

À thì ra thế. Passive Voice là thụ động cách. QA không ngờ lối nói này đã nhập vào người QA lúc nào không biết. Bây giờ anh nêu ra thì QA mới thấy là QA dùng Passive Voice hơi nhiều . Chắc tại nói chuyện, nghe các con QA mỗi ngày nên nhập tâm luôn.

BBT

Đúng là như thế. Tôi nhận ra điều đó khi nói chuyện với bạn bè hàng ngày, ở đây trong tiếng Việt chúng ta cũng dùng Passive Voice nhiều hơn hồi ở Việt Nam.

QA

Anh nói về sự khác biệt giữa ACTIVE VOICE và PASSIVE VOICE giúp trí nhớ cho QA được không?

BBT

ACTIVE VOICE là cách nói cho chủ từ là chủ của hành động. PASSIVE VOICE là cách nói chủ từ KHÔNG làm gì hết. Mọi việc đều do túc từ làm.

QA

Thí dụ QA nhắc các con làm bài của các thầy cô ra cho làm ở nhà, cậu lớn nói THE HOMEWORKS ARE DONE chẳng hạn có phải như thế không?

BBT

Rất đúng. THE HOMEWORKS ARE DONE. Chủ từ là THE HOMEWORKS. Chủ từ này KHÔNG làm gì hết. Bài tập trường ra cho hồi sáng đã được làm xong. Bài làm, HOMEWORKS thì KHÔNG làm gì hết. Túc từ là con trai QA mới là người làm những bài tập đó.

QA

Thế còn khi dùng ACTIVE VOICE thì con trai QA phải nói là I HAVE FINISHED THE HOMEWORKS phải không thưa anh?

BBT

Đúng. I HAVE FINISHED THE HOMEWORKS nghĩa là con đã làm xong bài tập rồi. Chủ từ là con trai của QA. Động từ là HAVE FINISHED và túc từ là THE HOMEWORKS. Như thế, chủ của hành động làm bài tập là chủ từ, là "I".

QA

Thưa là con trai QA. Quá rõ rồi sao thầy còn hỏi là AI nữa.

BBT

Cô QA, tôi nói chủ từ là "I", tôi không hỏi chủ từ là AI.

QA

QA thấy tiếng Anh lôi thôi quá. Khi nói "I" thì lại là tôi. Khi nói tôi thì lại là "I".

BBT

Cô QA lại đem tiếng Anh ra diễu cợt rồi. Cô phải nói thế này tôi mới hiểu. Khi nói TÔI trong tiếng Việt thì tiếng Anh là "I". Trong tiếng Anh, "I" lại là TÔI trong tiếng Việt.

QA

Như thế thì còn mắc cười ở đâu nữa. Thôi để QA hỏi thêm anh về PASSIVE VOICE. Thưa anh, PASSIVE VOICE được lập thành như thế nào?

BBT

PASSIVE VOICE dùng động từ TO BE và PAST PARTICIPLE của động từ chính.

Động từ chính là DO THE HOMEWORKS. Past participle của TO DO là DONE.

Động từ TO BE được đặt ở phía trước.

THE HOMEWORKS ARE DONE.

QA

Thế nếu muốn đặt túc từ vào câu này thì để ở đâu?

BBT

Để sau giới từ BY.

THE HOMEWORKS ARE DONE BY ME/ BY QA’S SON. Bài tập đã được làm xong bởi con trai QA.

QA

Kiểu nói như vậy trong Anh ngữ có thường không thưa anh? Sao QA thấy nó trúc trắc quá.

BBT

Có, cũng thường lắm. Rất thường là khác. Nó chỉ trúc trắc khi dịch sang tiếng Việt mà thôi. Chúng ta ít khi nói như thế.

Thí dụ người Mỹ sẽ nói như thế này:

MY CAR IS REPAIRED BY SUNNY AUTO.

QA

MY CAR IS REPAIRED BY SUNNY AUTO nghĩa là xe của QA được sửa bởi Sunny Auto.

Câu này thì Mỹ thật. QA nói tiếng Việt thì ngược lại: Sunny Auto đã sửa cái xe của QA. SUNNY AUTO REPAIRED MY CAR. Nhưng tại sao người ta lại dùng PASSIVE VOICE?

BBT

Có nhiều lý do. Thí dụ khi chúng ta không biết ai đã làm công việc đó thì chúng ta dùng Passive Voice, thụ động cách.

Thí dụ nói THE CAR IS STOLEN. Chiếc xe bị đánh cắp.

QA

Đúng vậy thưa anh. Nếu biết người nào lấy trộm cái xe thì dễ cho cảnh sát biết mấy nhưng vì không biết ai nên Passive Voice được đem ra dùng. Cũng có thể nói SOMEONE STEALS MY CAR chứ thưa thầy?

BBT

Đúng là như thế.

Có khi chúng ta biết ai làm công việc đó, nhưng chi tiết ai đó KHÔNG quan trọng nên chúng ta bỏ ra ngoài, không nhắc đến.

QA

Thí dụ QA có thể nói THE PARIS PEACE AGREEMENT WAS SIGNED IN 1973 khi QA muốn nhấn mạnh vào bản hiệp định Ba Lê chứ ai ký thì chúng ta đều đã biết. Trong trường hợp này, QA không cần phải nói THE REPULIC OF VIETNAM SIGNED THE PARIS AGREEMENT IN JANUARY 1973.

BBT

Cô nói đúng. Passive Voice cũng được dùng khi chủ của hành động không quan trọng , không cần nói tới bằng túc từ trong câu ACTIVE, câu chủ động cách .

Thí dụ khi cô QA đến lấy chiếc xe cô gửi để sửa , thì ông chủ gara Kiên Nguyễn chỉ cần nói: THE CAR IS FIXED.

Cô QA có cần biết rõ ai sửa xe cho cô không? .

QA

Chắc không. QA cần xe để đi làm, xe được sửa xong, trả tiền ông chủ gara, lấy xe về đi làm là vui rồi.

BBT

Tôi không thích PASSIVE VOICE lắm. Thí dụ câu này rất hay gặp: NHÀ BÁN BỞI CHỦ. FOR SALE BY OWNER. Nói đầy đủ ra thì phải nói la THE HOUSE IS BEING SOLD BY OWNER. Nhưng vẫn phải dùng. Câu này muốn nói với những người mua nhà rằng chính chủ nhà đứng ra bán, không phải trả tiền cho chuyên viên địa ốc nên nhà rẻ hơn là qua trung gian.

QA

Vậy thì Passive Voice cũng cần lắm chứ đâu phải là không cần.

BBT

Đúng. Nhưng QA có biết là PASSIVE VOICE trong tiếng Việt cũng rất khác Passive Voice trong tiếng Anh không? Passive Voice trong tiếng Việt rõ hơn trong tiếng Anh nhiều.

QA

Điều đó QA hình như không thấy, chỉ thấy Passive Voice trong tiếng Việt nghe trúc trắc hơn trong tiếng Anh mà thôi.

BBT

Rất khác. Và trong tiếng Việt, PASSIVE VOICE còn cho thấy tâm tình, thái độ của câu nói, của người nói nữa.

Câu Passive Voice thụ động cách của tiếng Việt còn cho thấy việc làm trong câu đó là điều đem lại vui sướng, hạnh phúc hay khổ đau bất hạnh nữa. Điều đó không thấy trong tiếng Anh.

QA

Anh cho nghe một thí dụ để QA hiểu rõ hơn được không?

BBT

Thí dụ câu này trong tiếng Anh thì người nghe không thể biết được chủ từ vui hay không vui.

THE AMBASSADOR WAS ASKED TO RETURN TO SAIGON.

Câu này, người nghe không biết là ông đại sứ buồn hay vui. Nếu ông đại sứ được đề nghị làm ngoại trưởng trong nội các mới, nghĩa là ông đại sứ được thăng chức, thì ông sẽ vui lắm.

Nhưng nếu ông về Sài Gòn theo lệnh của tổng thống để ngồi chơi xơi nước thì như thế, ông bị hạ tầng công tác, chắc ông không vui.

QA

Như vậy thì QA thấy rồi. Trong tiếng Anh, câu ấy không thể cho người nghe biết ông đại sứ vui hay buồn nếu không có những chi tiết đi sau. Thí dụ phải nói thêm là ông đại sứ được đề nghị làm ngoại trưởng trong nội các mới, hay ông đại sứ bị cho đãi lệnh, ngồi chơi xơi nước, SIT PLAY DRINK WATER như cậu em của QA vẫn nói .

BBT

Và như thế chúng ta mới có thể dịch sang Việt ngữ một cách xuôi tai được. Nếu ông đại sứ vui thì chúng ta nói ông đại sứ đã ĐƯỢC triệu hồi về Sài Gòn. Nếu ông không vui, thì chúng ta nói ông đại sứ BỊ gọi về Sài Gòn.

QA

Như năm 1954, ông Ngô Đình Diệm ĐƯỢC quốc trưởng Bảo Đại mời sang Pháp. Nhưng sau đó, ông BỊ quốc trưởng Bảo Đại gọi sang Pháp. Lần đầu là để ĐƯỢC cho thay thủ tướng Bửu Lộc và lần thứ hai là để BỊ thay thế nhưng thủ tướng Diệm không đi .

BBT

Cô QA thuộc sử cận đại quá. Cũng như thế, khi gặp phải câu này, tôi nhất định phải dịch là BỊ, không thể dùng chữ ĐƯỢC được. Câu HE WAS DRAFTED IN 1972. Có yêu nước và ủng hộ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cách mấy đi chăng nữa, tôi vẫn dịch là ANH ẤY BỊ ĐỘNG VIÊN NĂM 1972. Tôi thấy không thể dịch là ANH ẤY ĐƯỢC GỌI QUÂN DỊCH NĂM 1972 được.

QA

QA cũng thấy như thế. Đang sống như ông thầy Trúc, ngày nào dậy học xong cũng ra quán LA PAGODE ở Sài Gòn ngồi, đi quân dịch là tóc phải cắt ngắn, phải đeo ba lô, bò dưới hỏa lực, không Thủ Đức thì cũng Đồng Đế thì ĐƯỢC làm sao được. Phải là BỊ gọi quân dịch mới đúng.

Như vậy, QA đồng ý với anh là PASSIVE VOICE trong tiếng Việt hay hơn trong tiếng Anh nhiều. Người Anh nói HE IS LOVED thì làm sao biết tình thương đó làm cho người ấy vui hay khổ đau. Thí dụ THƯƠNG CÁI XƯƠNG KHÔNG CÒN thì là BỊ thương chứ ĐƯỢC thương bao giờ.

BBT

Như vậy, có thể nói là PASSIVE VOICE đã được cô QA hiểu rành rọt chưa?

QA

Rồi ạ. Bài học đã được quán triệt . Những thắc mắc đã được giải tỏa. Bài học đã được trình bầy đầy đủ.

BBT

Và PASSIVE VOICE đã được cô QA đem ra dùng một cách quá độ.

QA

Dạ đúng. Kính thưa quí khán giả của đài Hồn Việt TV, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày với thầy Trúc đến đây tạm chấm dứt. Xin hẹn gặp lại quí vị trong chương trình tới.

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2011. 

March 10, 2011

March 11, 2011

Ngày 7 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Năm nay là năm con mèo, năm tiếp theo năm con cọp. Mèo và cọp là hai giống thú họ hàng rất gần nhau, lại được cho đi cạnh nhau trong tử vi đông phương chắc để con nọ đỡ cho con kia, con kia đỡ cho con nọ

Nhưng cả hai, chỉ có con mèo là không khốn khổ chứ anh em họ của mèo thì vất vả nặng. Cọp chẳng hạn. Oai như thế nhưng theo các chuyên gia về thú hoang thì trong vòng hai chục năm nữa, trên thế giới sẽ không còn con cọp nào nữa. Những viên Viagra có tốt thật, nhưng người ta vẫn thích kiếm những bộ phận cắc cớ (?) của cọp để ăn cho nó bổ những bộ phận cắc cớ (?) của người. Mà cọp thì mỗi con có được một cái cắc cớ. Vậy thì làm sao thỏa mãn được đòi hỏi của các bà qua ngả (?) các ông. Thế là cứ cọp đực chúng tôi vồ ăn ngấu nghiến để cho các bà khen là cọp (?) giỏi .

Kể cũng lạ. Của người, ít ra cũng được giữ gìn sạch sẽ. Bảo ăn là giận. Vậy mà của cọp, cứ nhào vào ăn cho vui lòng các bà.

Cọp ở Á châu số phận như thế chỉ vì mấy ông Tầu. Tưởng anh em chú bác cọp ở Bắc Mỹ phải khá hơn. Nhưng không phải vậy. Tuần trước, chính phủ Mỹ chính thức loan báo một anh em họ hàng của mèo là sư tử núi, mountain lion hay puma, còn gọi là cougar đã tuyệt giống luôn ở miền đông Hoa kỳ.

Những con thú này chỉ còn thấy rất ít tại miền tây và vùng phía nam của châu Mỹ. Đây là những con thú rất đẹp, về kích thước chỉ thua loài báo . Chúng gần với mèo hơn vì chúng không gầm được như sư tử, hay cọp và báo vì xoang mũi của chúng nhỏ hơn, không rung được để phát thành tiếng gầm. Như vậy, sau mấy trăm năm bị lấn đất giành dân, giống sư tử núi đã thua giống người, đành chung số phận với những con kiếm nha (saber tooth tigers) từng có thời nhởn nhơ sống khắp Bắc Mỹ.

Nhưng loài thú nayđúng như một câu nói của người Anh: những con mèo có tới 9 đời sống. Chúng không bao giờ chết cả.

Nhưng vừa đọc bản tin nói là những con cougar tuyệt giống ở miền đông Hoa kỳ thì ngay hôm sau, trong tờ LA Times có một bản tin về cuộc đại hội của cougar ở nam California. Không lẽ bọn cougar khăn gói quả mướp lên tầu bay di tản sang California hết hay sao. Một hai năm trở lại đây, vùng Orange county đã xẩy ra mấy vụ cougar tấn công người, cả người lớn và trẻ em ở những khu có cây cối, đồi núi. Cảnh sát đã bắn hạ vài ba con và khuyên dân chúng nên cẩn thận.

Bây giờ cougar kéo nhau đến họp ở Orange county sau khi vừa có tin là cougar tuyệt giống ở miền đông.

Niềm thắc mắc khôn nguôi của tôi đã phần nào được giải tỏa khi vào internet để tìm hiểu về những con cougar này. Và những chi tiết đọc được trong internet thì lại rất không giống như những chi tiết đọc được trên báo chí mấy ngày qua. Những con cougar này hoàn toàn không có dấu hiệu tuyệt chủng. Chúng vẫn thường xuyên lưu tới những quán rượu để bắt những người đàn ông trẻ. Theo định nghĩa của urbandictionary.com thì mấy con (?) cougar thường trong hạng tuổi trên 35, chuyên đi săn những người đàn ông trẻ, chừng hai mươi mấy, sẵn sàng làm bất cứ gì mà cougar muốn. Chúng xuất hiện nhiều nhất tại các khu nhiều tiệm rượu, hộp đêm ở San Francisco. Và đây là nguyên văn mấy câu trong định nghĩa của danh từ cougar: chúng thường được thấy mặc những cái nịt vú độn dăm bẩy lớp mousse, áo hở ngực bầy ra một thung lũng silicone tại các bar rượu… Chúng đứng đợi, rình mồi, chờ tung móng vuốt ra để vồ những người đàn ông ngây thơ thích tiêu tiền của cougar. Những cougar nổi tiếng phải kể Demi Moore, Naomi Watts, Susan Sarandon, Cameron Diaz, Joan Collins …

Đọc danh sách cougar, không biết có bao nhiêu người đàn ông thở dài ngao ngán rằng chờ mãi chẳng thấy con cougar nào tới vồ, mang đi cho bõ những ngày cơ cực…


Ngày 8 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Mấy tháng trước, trong một bài báo viết về những thứ dơ dáy nhất mà hàng ngày chúng ta phải tiếp xúc, tôi thấy mình không mấy quan tâm về bài báo đó, và vì thế, cũng không nghĩ phải đề phòng, né tránh những thứ dơ dáy mà bài báo đề cập.

Thí dụ cái bàn phím computer chẳng hạn. Mấy cái computer của tôi ở phòng làm việc thì chỉ có tôi dùng. Dơ bẩn , trong hay sạch, nhiều vi trùng hay ít vi trùng thì computer … nhà vẫn hơn. Ai phàn nàn về sự dơ dáy của chính mình bao giờ.

Những cái quả đấm cửa nhà cầu thì phải cẩn thận đã đành. Rửa tay xong đừng cho ai vừa từ trong nhà cầu bước bắt tay nữa là an toàn. Đại khái là vài ba chuyện cũng nên cẩn thận là hơn.

Nhưng bài viết còn kể cả những chiếc xe trong siêu thị cũng là những thứ bẩn kinh hồn thì tôi không tin mấy. Không lẽ mua thức ăn trong chợ mà mấy cái xe cũng trở thành dơ như vậy hay sao. Nhưng những cái xe trong chợ thì , nghĩ lại, quả là có dơ thật. Dơ nhất là cái giá ở cạnh cái tay vịn để đẩy xe. Đó là chỗ dơ nhất trong xe.

Trước đây, thỉnh thoảng đi chợ tôi vẫn nghĩ đó là chỗ sạch nhất. Mua trái cây về cúng các cụ thì xếp vào đó. Phải tôn trọng các cụ một chút cho các cụ vui. Không xếp chung hoa quả cùng với các món khác xếp ở dưới.

Nhưng một bữa, tôi nghĩ chắc cái giá đó không được chế để xếp hoa quả vào cho sạch như tôi nghĩ. Mà là để cho mấy đứa bé ngồi vào khi mẹ chúng cho chúng đi theo vào chợ. Như thế, cách mấy đứa bé và cái giá chỉ là những cái tã. Mà những cái tã thì không phải lúc nào cũng sạch sẽ và không rò rỉ ra ngoài. Hết đứa bé này ngồi lên, lại đến những đứa khác ngồi vào. Bao nhiêu là thứ chắc chắn đã lê qua … đời của cái giá trên xe. Vậy mà tôi nỡ lòng nào để những quả táo, những quả đào, những quả lê vào đó và mang về nhà bầy lên bàn thờ. Nhưng không biết tại sao các cụ cũng chẳng chịu báo mộng cho con cháu biết.

Từ đó, vào chợ mua hoa trái cho các cụ, người đàn ông già nhất định cầm tay những cái túi plastic, nhất định không đẩy những chiếc xe của chợ nữa.

Có lẽ tại vậy nên ở nhiều con đường tại quận Cam người ta thấy rất nhiều những chiếc xe đem từ các siêu thị ra và quăng ra đường.

Nhìn kỹ, người ta thấy những chiếc xe này bị quăng ra đường một cách rất tức giận. Có những cái nửa nằm trên lề, nửa nằm dưới mặt lộ. Có những cái bị vật cho nằm nghiêng trên đường. Tội nghiệp vô cùng. Chung qui chỉ vì mấy cái xe không được các siêu thị lau chùi sạch sẽ cho khách hàng sử dụng để rồi bị các cụ giận đến nỗi phải cho một trận giữa đường đi lối lại là như thế.


Ngày 9 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Tuần qua, một người bạn gửi cho tôi một bức thư viết chung, kêu gọi các cựu sinh viên từng đi học ở Tân Tây Lan đóng góp vào quĩ trợ giúp cho thành phố Christchurch vừa bị một trận động đất nặng.

Bức thư viết rằng đóng góp có thể nhỏ so với nhu cầu của thành phố, nhưng đó là cách bầy tỏ lòng biết ơn với cái quốc gia đã mở vòng tay đón chúng tôi , giúp đỡ chúng tôi mấy chục năm trước. Điều đó đúng. Chúng tôi không bao giờ quên Tân Tây Lan. Cho đến bây giờ, cứ mỗi lần nhìn thấy hai chữ NZ là tôi lại nhớ đến nó. Nhìn vào bản đồ Nam bán cầu là thế nào tôi cũng liếc nhìn xem có Úc và Tân Tây Lan không. Mở miệng nói một câu tiếng Anh là tôi nhớ đến Tân Tây Lan. Nghe cái giọng tiếng Anh của Anna Paquin , của Russell Crowe … là tôi nhớ cái thứ tiếng Anh được coi là "the best English outside England…"

Bức thư viết Tân Tây Lan đã trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi.

Tôi đã quyết định gửi một món tiền nhỏ cho người bạn đứng ra quyên góp dù biết vài ba trăm không thấm tháp gì so với những thiệt hại khủng khiếp mà trận địa chấn 6 chấm 8 đo được trên địa chấn kế Richter đã gây ra cho Christchurch. Ngôi nhà thờ tôi từng có vài ba kỷ niệm mà tôi nghĩ là cho đến chết cũng không quên được đã bị động đất làm sập. Cái tháp chuông nơi người bạn (nay đã chết) và tôi từng đi qua ba nhiêu lần không còn nữa.

Nhưng trước khi gửi tấm ngân phiếu đi cho quĩ cứu trợ Christchurch, thì một người bạn khác gửi cho xem 9 bức ảnh đăng trên một tờ báo điện tử ở trong nước (24h.com.vn). Vì những bức hình đó, số tiền nhỏ mà tôi định gửi cho Christchurch thấy có một nơi khác cần và đáng gửi hơn.

Đó là những bức ảnh chụp một đứa bé 9 tuổi tên là Hoàng thị Mũ ở thị trấn Bảo Lâm, huyện Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng. Tháng 7 năm 2010, Mũ mất mẹ và 1 đứa em 4 tuổi trong một trận mưa lớn.

Mũ còn bố nhưng người bố chán đời quay ra uống rượu liên miên, bỏ nhà đi biền biệt, không lo cho ba đứa con còn sống là Mũ, một đứa em trai 6 tuổi và đứa em út mới được 8 tháng.

Hoàng thị Mũ phải lo cho các em trong căn nhà trống, bố thì đi uống rượu nhiều đêm không về. Mũ cũng biết lấy nước cơm cho em uống để thay sữa mẹ. Đứa em 6 tuổi được Mũ chuẩn bị cho đi học lớp 1.

Một bức ảnh chụp Hoàng thị Mũ lo tắm rửa cho hai em, hái rau về làm bữa cho các em. Em út Mũ phải địu trên lưng, lo quần áo, ăn uống cho cả ba. Những bức ảnh khác chụp cảnh ba chị em đi học, lội bộ qua đoạn đường dài hơn 2 km. Không thấy có bàn tay của người cha dẫn các con đi học. Ba chị em Mũ được các cô giáo lo cho bữa sáng và bữa trưa. Nhưng còn đoạn đường quá dài trước mặt thì Mũ sẽ xoay sở như thế nào. Đứa em út càng lớn, càng nặng, con chị oằn người xuống bên vườn rau, trong căn nhà trơ trụi, bữa ăn đạm bạc chưa chắc đủ no cho ba đứa bé.

Ở Cao Bằng trời rất lạnh. Đứa em địu trên lưng được chị Mũ mặc quần áo ấm, chân đi vớ len. Còn con chị, chỉ có một đôi dép plastic để dẫn em đi học, hái rau trong vườn…

Thôi đành tạm không bầy tỏ lòng biết ơn với Christchurch lần này đã. Cao Bằng chưa nuôi tôi một ngày, nhưng tự nhiên tôi thấy mình mắc với Hoàng thị Mũ một món nợ lớn. Tôi đang nhờ người kiếm cách trả món nợ cho Hoàng thị Mũ bằng cách nào để bố cháu không đem đi uống rượu hết và ba chị em thì vẫn tiếp tục đói lạnh như trong mấy bức ảnh.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


THE VERB TO WONDER

Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 99 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 4 năm 2011.

QUỲNH ANH:

Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy, và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.

Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại. Thúy có câu hỏi thì phải.

LÃM THÚY

Một khách hàng của Thúy nhờ hỏi thầy về cách dùng động từ TO WONDER sao cho đúng . Thúy cũng gặp động từ này rất thường nhưng thú thật là Thúy cứ dùng đại đi thôi chứ chưa bao giờ ngồi xuống nghĩ về nó.

BBT

Thực ra cứ dùng đại đi là hay nhất. Cứ nghe các con cô nói chuyện với nhau, bắt chước dùng theo chúng một hồi là phải đúng. Văn phạm không … gột nên hồ. Nhiều khi văn phạm chỉ làm cho chúng ta thêm rối trí, mất can đảm, chỉ sợ nói sai… mà thôi. Nhưng cũng nên biết qua một chút văn phạm.

Chữ WONDER có thể là động từ, có thể là danh từ. Khi là danh từ, WONDER có nghĩa là điều, sự kỳ diệu, nhiệm mầu. Thí dụ THE SEVEN WONDERS OF THE WORLD là 7 kỳ quan của thế giới. Vịnh Hạ Long cũng có thể gọi là một WONDER . Hay đền Angkor Watt ở Campuchea cũng là một trong những WONDER của thế giới. Lê Quí Đôn là một WONDER KID, khi cậu bé này nhớ nguyên quyển sổ thuế của làng mặc dù chỉ đọc qua có một lần. Thêm cái đuôi FUL vào WONDER, nó thành một tĩnh từ: WONDERFUL như trong ca khúc IT’S A WONDERFUL WORLD của Louis Armstrong. WONDERFUL là tuyệt vời, tuyệt diệu. Trong bài SECRET LOVE của Doris Day cũng có chữ này: JUST HOW WONDERFUL YOU ARE…

Cô QA cho nghe hai thí dụ với WONDERFUL coi.

QA

A BABY’S FIRST SMILE IS THE MOST WONDERFUL THING TO A MOTHER.

THE WONDERFUL THING ABOUT HIM IS HE CAN READ YOUR MIND.

BBT

Còn cô Thúy?

LÃM THÚY

I THINK THE MOST WONDERFUL INVENTION OF THE LAST CENTURY IS THE INTERNET.

COMPUTERS CAN DO A LOT OF WONDERFUL THINGS FOR OUR LIVES.

BBT

Bây giờ chúng ta chuyển qua động từ TO WONDER. Động từ này hai cô chắc cũng thấy là chúng ta hay gặp lắm. Và vì thế, nó cũng là động từ giúp chúng ta nhiều, chúng ta có thể dùng nó được vào nhiều việc. Trong bài học hôm nay, chắc chắn chúng ta không thể nói hết các cách dùng của TO WONDER vậy tôi sẽ chỉ đem ra một vài trường hợp hay gặp và chúng ta có thể đem ra dùng ngay mà thôi.

LÃM THÚY

Thúy biết TO WONDER có nghĩa là TO WANT TO KNOW, TO WANT TO FIND OUT nhưng dùng như thế nào cho đúng thì phải nhờ anh.

BBT

Không khó lắm đâu. I WONDER , như cô vừa nói, có nghĩa là I WANT TO KNOW. Thí dụ nói tôi muốn biết mấy giờ rồi thì chúng ta có thể nói I WANT TO KNOW WHAT TIME IT IS. Không muốn dùng I WANT TO KNOW , chúng ta thay bằng I WONDER thì ra ngay chứ có gì khó đâu. Cô Thúy nói thử coi.

LÃM THÚY

I WONDER WHAT TIME IT IS. Nhưng cuối câu có dấu hỏi (QUESTION MARK) không thưa thầy?

BBT

Không. Lý do là vì WHAT TIME IT IS là OBJECT của động từ TO WONDER . Đó không phải là câu hỏi mà là OBJECT của TO WONDER.

QA

Như vậy, những trường hợp đi theo sau WHEN, HOW, WHERE, WHICH, WHO … cũng không có dấu hỏi ở cuối phải không thưa anh? QA nói thế này có đúng không:

I WONDER WHEN HE COMES.

I WONDER HOW SHE GOT THAT JOB.

QA cũng có thể nói I WANT TO KNOW WHEN HE COMES và I WANT TO KNOW HOW SHE GOT THAT JOB.

BBT

Rất đúng. Bây giờ để cô Thúy cho vài thí dụ. Cô nêu câu hỏi ra thì cô phải cho vài thí dụ.

LÃM THÚY

I WONDER WHERE THEY WENT FOR THE VACATION.

I WONDER WHICH HOUSE THEY BOUGHT.

I WONDER WHO HE IS.

Thúy cũng có thể thay I WONDER bằng I WANT TO KNOW.

BBT

Đúng. Nhưng khi có một câu hỏi mà câu trả lời có thể là hai hay ba, bốn cách, chúng ta dùng TO WONDER IF.

Thí dụ tôi không biết anh ấy có nhà không chẳng hạn. Anh ấy có thể có nhà, có thể không. Tôi tự hỏi họ có thích cái nhà đó không thì có thể họ thích, có thể họ không. Chúng ta dùng WONDER IF. Quỳnh Anh cho nghe hai thí dụ với WONDER IF coi.

QA

PEOPLE WONDER IF MRS PALIN IS RUNNING IN 2012.

WE WONDER IF IT WILL RAIN THIS SUNDAY.

LÃM THÚY

I WONDER IF I CAN BORROW YOUR DICTIONARY FOR A SECOND.

MY SON WONDERS IF SAN DIEGO UNIVERSITY WILL ACCEPT HIM .

BBT

Có một cách nói này hai cô cũng nên biết. NO WONDER. Thí dụ cậu con trai ở nhà quên để đồng hồ báo thức nên dậy muộn. Cô QA nói thế nào?

QA

HE FORGOT TO SET THE ALARM.

BBT

Bây giờ cho thêm một câu … bình luận coi.

QA

NO WONDER HE WAS LATE FOR THE BUS.

BBT

Làm sao dịch câu này sang tiếng Việt đây cô Thúy?

LÃM THÚY

Nói là HÈN CHI được không thưa thầy?

BBT

Được chứ. Cũng có thể nói THẢO NÀO.

QA

Nam kỳ thì chắc nói BỞI VẬY…

BBT

Thực ra, nói cho đủ thì phải nói như thế này: IT IS NO WONDER HE WAS LATE. Nói ngắn gọn lại thì hành NO WONDER HE WAS LATE. Thúy cho nghe hai thí dụ với NO WONDER coi.

LÃM THÚY

HE LIVED IN ENGLAND FOR FOUR YEARS. NO WONDER HIS ENGLISH IS PERFECT.

MISTER OBAMA STUDIED LAW. NO WONDER HE TALKS LIKE A LAWYER.

QA

Thưa anh mấy tuần trước QA nhận được e mail của khán giả muốn anh nói về một số thành ngữ liên quan đến trái tim nhân lúc ấy gần đến dịp Valentine. Nhưng rồi anh có vấn đề với quả tim. Bây giờ, câu hỏi bị mất thời gian tính, vì không còn là Valentine nữa. Tuy nhiên, hôm qua Thúy nói đây mới là lúc thích hợp để anh nói về những idiom có quả tim ở trong.

BBT

Cám ơn hai cô đã nhắc tới chuyện mổ tim của tôi. Thôi thì đã lòng hạ cố đến nhau thì chúng ta nói về một số idiom liên quan đến quả tim vậy.

Hầu hết những thành ngữ có chữ HEART đều dùng HEART với nghĩa bóng. TO LEARN BY HEART là học thuộc lòng.TO KNOW SOMETHING BY HEART là biết, hiểu ngọn ngành. TO BREAK SOMEONE’S HEART là làm cho ai đau khổ. Không ai đập vỡ được tim người khác bao giờ, cũng như không hề có chuyện "biết em nhặt được tim tôi" như trong mấy câu ca dao chúng ta đã nghe. A BROKEN HEART là một trái tim tan vỡ, một cõi lòng tan nát. Sarah Vaughan có một ca khúc rất nổi tiếng, bài BROKEN HEARTED MELODY, bài hát nói về một chuyện tình chắc chắn là tan vỡ rồi. Tan vỡ nên mới là BROKEN HEARTED MELODY.

Cô Thúy đoán thử trong tiếng Anh người ta sẽ nói như thế nào nhé: trái tim ngào đường của tôi ơi …

LÃM THÚY

MY SWEET HEART đúng không thầy? Còn câu tục ngữ này Thúy nghe nhưng sót mất một hai chữ. Nguyên văn ra làm sao thưa anh … Thúy nghe ABSENCE MAKES THE HEART… làm sao đó…

BBT

Chắc cô định nói câu ABSENCE MAKES THE HEART GROW FONDER chăng? Chúng ta thường hay nghe câu này nhiều hơn: OUT OF SIGHT, OUT OF MIND nghĩa là ra khỏi tầm nhìn, không trông thấy, không gặp, không nhìn thấy thì cũng ra khỏi cái đầu của chúng ta. Xa mặt cách lòng. Câu ABSENCE MAKES THE HEART GROW FONDER thì nghĩa ngược lại: xa cách nhau chỉ làm cho tình cảm của quả tim gia tăng thêm mà thôi.

Câu này thì có thể hai cô chưa nghe. Đoán xem nghĩa nó như thế nào: WEAR ONE’S HEART ON ONE’S SLEEVE.

QA

Là ruột để ngoài da phải không thưa anh? WEAR ONE’S HEART ON ONE’S SLEEVE là đeo quả tim ở cái tay áo có phải vậy không?

BBT

Không phải. Đây là một thành ngữ rất cổ của tiếng Anh. Người ta đọc thấy nó trong một đoạn kịch của Shakespeare. Cả câu chỉ có nghĩa là bầy tỏ cảm tình, hay biểu lộ tình yêu một cách công khai, không dè dặt gì.

Trong sử của nước Anh có một ông vua được đặt cho biệt hiệu RICHARD THE LION HEARTED. Theo hai cô thì ông vua này anh hùng, dũng cảm hay nhát như thỏ đế?

LÃM THÚY

Thúy có xem phim này do Robert Taylor đóng nên biết vua Richard rất can đảm, người có quả tim sư tử. Nhưng trái với tim sư tử có phải là RABBIT HEARTED không ?

BBT

Không. Người Anh lại không coi thỏ là con vật chết nhát. QA biết con thú gì bị coi là nhát, là không anh hùng trong tiếng Anh?

QA

QA nhớ mấy đứa con ở nhà hồi chúng còn bé, không biết chuyện gì, đứa nọ gọi đứa kia là CHICKEN vậy trái với tim sư tử chắc phải là tim gà…

BBT

Mà tim gà tiếng Anh nói thế nào?

QA

Là CHICKEN HEARTED.

BBT

Từ LION HEARTED qua CHICKEN HEARTED cô Thúy nói tiếng Anh thế nào để diễn tả sự hết lòng, khi người ta đem hết tâm can ra làm một việc gì nào?

LÃM THÚY

Hết lòng là WHOLE HEARTED, trái lại là HALF HEARTED.

BBT

QA cho nghe một câu với ý nghĩa không hết lòng coi.

QA

MY SON CHOSE COMPUTER SCIENCE BUT I KNOW HE DID IT WITH HALF A HEART.

BBT

Có một câu có thể làm người nghe sôi máu lên, hai cô có muốn biết không?

LÃM THÚY

Chắc chắn là muốn rồi thưa thầy.

BBT

Đó là câu EAT ONE’S HEART OUT. Để chọc quê ai, để chọc giận ai, câu này là câu hay nhất. Hồi bé các cô có bao giờ bị bạn bè chọc bằng câu "Tức không? Tức thì đi thưa cò đi…" Đó chính là câu EAT YOUR HEART OUT! Thí dụ nói: EAT YOUR HEART OUT…MY SON IS GOING TO HARVARD NEXT YEAR!

Hai cô cho nghe mỗi cô một câu thật đanh đá coi.

LÃM THÚY

EAT YOUR HEART OUT! I AM INVITED TO PRINCE WILLIAM’S WEDDING BUT I AM NOT GOING.

QA

EAT YOUR HEART OUT…YOUR MERCEDES DID NOT START THIS MORNING AGAIN. MY CAMRY IS JUST FINE, THANK YOU.

BBT

Một độc giả có gửi cho chương trình một e-mail hỏi là câu quảng cáo của McDonalds viết có đúng văn phạm không: I AM LOVING IT. Xin trả lời nếu xét về mặt thuần túy văn phạm thì câu này sai. Động từ TO LOVE dĩ nhiên có thể dùng trong thể liên tiến (PROGRESSIVE FORM) nhưng động từ này ít khi dùng như thế. Đã yêu ai, cái gì, điều gì thì đó là tình cảm (chắc) cũng lâu dài, không chỉ thoáng qua trong vài giây, vài phút. Yêu người cha, người mẹ, đứa con thì phải lâu hơn vài ba phút một ngày. Chúng ta cũng không sai khiến để mình yêu người cha trong 5 phút, rồi sau đó quay sang học bài để sửa soạn cho kỳ thi. Tình cảm yêu dành cho ngươi cha thì lúc nào cũng có trong chúng ta, không chỉ một thoáng rồi ngưng để quay sang làm việc khác. Các nhà văn phạm xếp động từ LOVE và NEED vào danh sách những động từ chỉ tình cảm, do đó không thể dùng trong thể PROGRESSIVE được. Tuy nhiên, có thể McDonalds muốn tạo chú ý cho người đọc, cho thân chủ nên đã bất chấp luật về văn phạm.

QA

Bài học Anh ngữ thứ 99 của chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày của Hồn Việt Television tạm chấm dứt ở đây. Chương trình sẽ trở lại trên màn ảnh Hồn Việt Television trong bài học tới. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin gửi lời chào tạm biệt quí vị.

March 3, 2011

March 4, 2011

Ngày 28 tháng 2 năm 2011

Bạn ta,

Tôi biết Malawi là một quốc gia Phi châu. Đâu đó ở Phi châu. Tôi không rõ nó nằm ở đâu, cũng không muốn lôi cuốn Atlas ra kiếm coi trong bản đồ Phi châu nó nằm ở chỗ nào nữa. Kiếm bản đồ của nó để làm gì? Đi du lịch một chuyến chăng? Tại sao phải đi Malawi trong khi có biết bao nhiêu chỗ khác để đi? Một cuốn sách tôi có trong tủ sách với cái tựa đọc lên đã thấy muốn nổi máu giang hồ: 1000 Places To Visit Before You Die.

Trong cuốn sách đó không thấy có ghi Malawi.

Bản tin đọc được hôm qua của AFP lại càng cho thấy không nên đến Malawi làm gì cho mệt xác. Một dự luật đang nằm ở quốc hội xứ này sẽ được đem ra biểu quyết trong một hai tuần nữa, và nếu được thông qua, việc thỉnh thoảng thả cái trung tiện cho đời lên … hương một chút chắc không thể làm được ở Malawi nữa. Luật khi được ban hành sẽ cấm những người dân Malawi, luôn cả du khách ghé ngang qua, già trẻ lớn bé đều không được thả trung tiện ở những nơi công cộng nữa. Dự luật nói rõ như thế này: Bất cứ ai làm ô nhiễm bầu không khí công cộng, gây tổn hại cho sức khỏe công chúng tại những nơi người dân sinh sống, sinh hoạt, làm việc, qua lại, luôn cả dọc theo xa lộ, bến sông, bờ hồ đều bị phạt.

Nói rõ ra là luật cấm đánh rắm. Cấm đánh rắm tại những nơi công cộng.

Như thế thì cuộc sống còn gì vui nữa! Xin vào internet đánh hàng chữ này thì sẽ đọc được ngay bản tin quái ác đó: No fart in Malawi.

Chuyện rắm rít là những hoạt động tự nhiên của cơ thể con người. Thức ăn vào trong bụng được biến chế thành các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Những phản ứng hóa học trong dạ dầy, trong ruột cho chất bã thêm chút hương hoa cho đời (?), rồi cơ thể đẩy mới đẩy nó ra ngoài. Tự nhiên nó chẳng có gì xấu xa cả. Nhưng rồi xã hội dậy chúng ta rằng cái mùi ấy là mùi khó chịu. Thế thôi. Có những mùi khác còn kinh hoàng hơn nhiều, nhưng chúng đâu có bị khinh bỉ, thù ghét như mùi rắm đâu. Nếu chúng ta nhìn lại vấn đề như thế, chúng ta sẽ thấy bớt ghét chúng đi rất nhiều.

Ông Trời cũng ác. Phần bã của những thứ đồ ăn sau khi được gạn lọc, chế biến thành chất nuôi cơ thể thì cơ thể tống ra ngài. Cớ sao ông Trời lại phải biến nó thành mùi thối ghê khiếp như thế? Thì cứ nhuộm cho chúng chút mầu vàng, mầu nâu là chúng tôi biết để tránh, không đạp chân lên rồi. Tại sao phải làm cho nó thối khủng khiếp như thế? Và chút hơi nằm chung với những chất bã này trong ruột già một thời gian ngắn cũng bị làm cho thối theo, trước khi được đẩy ra ngoài. Chưa hết, cùng với cái mùi không thơm đó, còn có một loạt âm thanh đi theo phụ họa để mọi người nghe mà biết mùi hương ấy sẽ theo sau để mà bịt mũi hay chạy ra xa.

Ông Trời quả là có độc. Rồi lại dậy cho con người là cái mùi, cái âm thanh đó không hay ho gì nữa mà làm chi?

Luôn cả các chị đẹp người, lịch sự như Tây Thi, Bao Tự, Cleopatre… và các anh đàn ông văn học nghệ thuật đầy mình như Shakespeare, thơ hay như Verlaine, hát hay như Trương Chi, vẽ đẹp như Renoir… anh nào anh nấy đều thủ sẵn một ít bom ngạt, lâu lâu ném ra cho thiên hạ sợ.

Thiên hạ sợ thôi chứ chính các anh, các chị này đâu có sợ gì cái mùi hương ấy. Các anh các chị, lâu lâu thả quả bom ngạt còn thú vị là khác. Thả xong chắc chắn thế nào cũng thần người ra, suy nghĩ xem cách đó vài tiếng ăn những gì mà mùi rắm kinh hoàng như thế. Dương Quí Phi thì nhớ lại mấy quả vải vừa được người tiến, đang tha thướt " vân tưởng y thường, hoa tưởng dung" như Lý Bạch viết trong Thanh Bình Điệu thì bỗng vãi ra một hơi rắm dài. Nếu ở Malawi, là cảnh sát đã rượt biên phạt Dương Quí Phi về tội đánh rắm.

Thế thì chán thật. Đẹp như Dương Quí Phi vẫn bị dí cho cái giấy phạt vì đánh rắm to quá và thối quá. Bố Lý Bạch cũng không dám viết tiếp câu đầu trong đệ nhị thủ: Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương… nữa cho mà coi.

Và như thế, ở Malawi chắc sẽ không còn những thứ mà tiếng Anh gọi là fart catcher nữa. Bọn này sẽ phải nghĩ ra cách khác để nịnh xếp chứ ở đó còn ai được quyền đánh rắm một cách thơ thới hân hoan như ở các nước khác để mà rượt theo đằng sau, bắt lấy cái rắm rồi hít hà khen lấy khen để như mấy cậu thi sĩ quốc doanh ở nước ta …


Ngày 1 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Dustin Hoffman, diễn viên đóng vai chính trong The Rain Man sau khi được cho hưởng mùi đời lần đầu tiên: một cái hôn của một phụ nữ không đến nỗi ma chê quỉ hờn, đã quệt miệng, ngao ngán báo cáo lại cho Tom Cruise rằng:"It’s wet…"

Chàng có vẻ không vui bao nhiêu. Trong một ca khúc của Burt Bacharack, bài I’ll Never Fall In Love Again có một câu đại khái nghĩa là bạn được gì khi hôn một cô gái, bạn được tặng cho một đống vi trùng để sưng phổi mà chết…

Do đó, không nhất thiết cứ nhận được cái hôn là sướng có thể gần chết được như không ít người đã nghĩ.

Vấn đề cái hôn đó từ đâu đến cũng quan trọng nữa. Các thứ ông nội, ông ngoại được những đứa cháu cho mấy cái ướt nhẹp trên má là có thể sướng cả tuần lễ chưa hết sướng.

Nhưng nếu đó là những cái hôn không đến từ những đứa cháu, không từ … thí dụ Nicole Kidman, Cindy Crawford … thì sao?

Thì phải tránh cho bằng được. Bức hình tôi nghĩ là ghê khiếp nhất mà tôi đã thấy phải là bức hai anh trùm Cộng sản Leonid Brezhnev và Eric Honecker hôn nhau (vào internet xem Honecker Brezhnev Kiss). Hai người đàn ông "khóa môi" nhau khi gặp nhau để tình đồng chí keo sơn bền vững rốt cuộc vẫn tan nát cuộc đời.

Tôi rất sợ bắt tay người lạ. Vừa rửa tay sạch sẽ (như lời mẹ dặn) trước khi ngồi xuống đối mặt với tô phở, thì chàng từ trong nhà cầu bước ra, chìa tay cho bắt một cái cho đỡ buồn đời di tản thì tôi phải làm sao đây? Bắt cái tay ấy xong, lại phải vào nhà cầu rửa tay cho sạch trở lại, len lén đi ra với tô phở, mong không một ai nhìn thấy và chìa cho bàn tay dính đủ thứ trong nhà cầu đòi bắt một cái.

Chỉ mới có bắt cái tay là đã có thể làm khổ nhau như thế, nói chi đến tặng nhau cái hôn trên má, trên trán trong khi chàng không bao giờ là Kate Middleton, Catherine Zeta Jones...

Ở đây, mỗi lần đến tiệm ăn quen thuộc nọ, tôi đều bị một người đàn ông ôm hôn ngon lành không thua gì Thanh Tâm Tuyền trong Dạ Tâm KhúcĐi đi em, đến một góc công viên, nơi anh sẽ hôn em đắm đuối… ôi môi em như mật đắng, như móng sắc thương đau

Gần như lần nào gặp tôi, ông cũng đều tìm cách hôn tôi đắm đuối…

Mà tôi thì sợ những cái hôn của ông gần chết. Ông cứ hết má, lại đến trán của tôi mà hôn có khổ cái thân già không cơ chứ. Về sau, tôi nghĩ ra một cách để không bị hôn nữa: ngồi vào góc, tuốt phía trong, để cho mấy người bạn ngồi chắn phía bên ngoài. Nhờ thế, tôi thoát được những cái hôn như vậy. Có thể vì ông thấy đường xá ngăn sông cách núi quá chăng? Nhưng nếu đi một mình thì làm sao? Thì đành phải bò đến quán ăn khác vậy. Vì thế, hễ đi một mình thì phải cố mà né ông bằng cách đi tiệm khác vậy.

Nhưng chuyện bị hôn không phải là chuyện duy nhất khó khăn xẩy ra cho đời tôi. Đến một tiệm ăn khác, hễ bước vào là thế nào tôi cũng bị ông chủ đến bên bàn, gạ chuyện. Mà hình như cứ trông thấy tôi, là ông đem tất cả những chuyện vô duyên nhất lôi ra tặng tôi thì phải. Tôi hoàn toàn không thắc mắc gì về những chuyện ông làm như lâu lâu về Hà Nội một cái, làm chuyện này chuyện nọ… Ông có kiểu nói không chủ từ, túc từ nên nhiều lúc tôi cũng không biết ai nó với ai nữa.

Tôi vào ăn, chỉ cốt cho xong bữa rồi về nhà hay đi làm việc khác. Nhưng ông không tha tôi. Nói của đáng tội, tiệm của ông nấu thì rất được. Nhưng chuyện của ông thì nghe không được. Tôi nghĩ ra một cách là hễ thấy ông đến gần, thì cầm cái cell phone lên, nói vài câu vào máy như đang nói chuyện với ai. Quả nhiên, nhìn thấy thế, ông tha tôi. Ông lảng ra phía khác. Nhưng khi đồ ăn dọn lên, tôi bắt đầu ăn thì ông lại rề rề đến bên cạnh. Đã mấy lần, tôi muốn đứng dậy, nói với ông rằng: " Ông ơi, Trời đánh còn tránh miếng ăn… Tôi có tội gì mà đang ăn cứ bị ông rề rề bên cạnh như thế này…"

Nhưng rồi tôi sợ những món trong menu vừa gọi, trong chuyến đi từ bếp ra bàn của tôi, biết bao nhiêu chuyện kinh hoàng có thể xẩy ra, nên lại thôi.

Từ đó, tôi ít đến tiệm của ông để khỏi nghe chuyện vô duyên của ông. Tưởng mình là người khó tính, nên thỉnh thoảng tôi cũng thấy hơi ân hận. Người ta muốn thân mật một chút, tại sao lại phụ lòng … đồng hương như vậy?

Nhưng một bữa đến ăn cơm tại nhà ông bà V. P. thì tự nhiên chuyện đi ăn tiệm được khơi ra. Và bà chủ nhà, bà V.P., một phụ nữ hiền lành, tử tế mà tôi rất kính trọng, tự nhiên đề cập đến chi tiết hay nói chuyện vô duyên của ông chủ tiệm. Bà cho biết ông bà đều rất ngại đến tiệm ăn này chỉ vì chuyện nói nhiều của ông chủ tiệm.

Nghe xong, buổi trưa hôm ấy tôi lại thấy mình bình thường trở lại, không quá khó tính như mình vẫn nghĩ

Hai ông bà V.P. thì ai dám nói là khó tính. Mà cả hai cũng vẫn phải có ý kiến về ông chủ tiệm ăn nọ.

Tôi thấy mình chỉ là một khách hàng ăn bình thường, không có gì là quá khó tính cả.


Ngày 3 tháng 3 năm 2011

Bạn ta,

Đến bây giờ thì tôi phải tin là quả thực có những âm mưu hại người già, hay nếu không thì cũng là gây khó khăn cho rất nhiều người già ở nước Mỹ này.

Khi tuổi tác còn trẻ, tay chân còn khỏe mạnh, tôi không thấy như thế bao giờ. Chỉ mới gần đây tôi mới nhận ra rất rõ điều đó. Cũng có thể đó là nỗ lực cố ý để giúp cho người già, nhưng ý tốt đó được đẩy đi quá đà chăng?

Lúc đầu tôi không để ý. Lại còn thán phục những việc làm đó. Hộp chewing gum chẳng hạn. Tại sao lớp giấy bóng bọc ở bên ngoài lại có thể dai và khó xé đến như thế. Cứ thử xem những hộp bánh kẹo làm ở Việt Nam bán sang đây là thấy ngay. Cũng bọc bằng giấy bóng kính chứ có phải không đâu. Gỡ nhẹ là bao giấy bóng kính gần như vỡ vụn ra ngay trong tay. Trong khi cái bao hộp chewing gum thì tháo mãi, xé mãi không được.

Thôi thì cũng tạm hiểu được đi. Sau vụ Tylenol bị bỏ thuốc độc hồi cuối thập niên 70, chúng ta đồng ý là những cái bao giấy kính hay plastic đó sẽ bảo đảm không ai làm được chuyện trộn thêm ít hóa chất độc hay bỏ thêm vào chai thuốc vài viên capsule có đựng thuốc độc vào trong. Gói cho chắc, bao cho chặt như vậy thì cũng có lý. Những sản phẩm khác cũng được gói kỹ để không ai có thể lén vào trong 1 góc tiệm, mở ra, rồi cạo râu cho mình và để lại trên giá cho người khác mua về, lãnh theo những sợi râu không sạch sẽ gì... Nhưng cái lọc đặt trong bồn rửa bát thì bọc cứng lại làm gì? Mua xong mang về nhà, muốn lười một chút cũng không được. Lại phải cái kéo, hay có khi phải nhờ cả cái kìm mới tháo được lớp plastic bọc bên ngoài.

Nhưng những hộp đựng thuốc mới là quá đáng. Các công ty dược phẩm mua những chiếc hộp plastic để đựng thuốc bán cho khách. Những chiếc hộp được đậy bằng những cái nắp gọi là child proof để trẻ em không thể mở ra và lôi… kẹo ra ăn. Ý kiến thì rất hợp lý. Nhưng sau chuyến vào bệnh viện mới đây, tôi về nhà với vài ba chục hộp thuốc xếp trên bàn phòng khách để mỗi tối đem ra dùng theo lời của y sĩ tôi mới thấy tất cả những chai thuốc đó đều được đậy bằng những cái nắp child proof đó để làm nản lòng những bàn tay nhỏ ở trong nhà, mà trong trường hợp của tôi thì không có. Sau trận mổ tay chân của tôi, vốn đã không còn khỏe như hai ba chục năm trước, lại càng yếu đi, vụng về hơn rất nhiều.

Stock photo : Tops Of Pill Bottles

Vậy mà những cái nắp ấy đòi hỏi tới ba cách mở khác nhau. Thứ nhất là vừa đè mạnh cái nắp xuống, vừa đè vừa xoay cái nắp ngược chiều kim đồng hồ để mở. Thứ hai là dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp mạnh vào thành nắp đậy rồi xoay cái nắp theo ngược chiều kim đồng hồ. Thứ ba là xoay cái nắp để góc nhọn của tam giác trên nắp chĩa đúng và góc nhọn của lọ thuốc rồi dùng ngón tay cái bẩy ngược lên.

Tôi loay hoay cả hơn nửa tiếng cũng chỉ mở được 5 lọ thuốc. Còn hơn 10 lọ kia thì thua. Bỗng có tiếng gõ cửa. Nghe tiếng gọi mới biết có ông hàng xóm qua thăm. Ông dẫn theo một đứa cháu nội tên là Eric. Tôi cũng quen Eric. Thỉnh thoảng nó quăng hộ tờ báo vào sân để "ong noi" khỏi phải ra đừơng từ sớm mới có báo đọc. Tôi xin phép ông của Eric để nhờ nó mở thử mấy hộp thuốc xem nó có làm được không. Chú bé con học lớp Hai xoay xoay mấy cái là tất cả hơn một chục lọ thuốc của tôi đã được mở xong, bầy ngay ngắn lên bàn.

Tôi cám ơn nó và cho nó 5 đồng. Nó không nhận, nói rằng "It was so easy ong noi!"

Tội nghiệp tôi biết là chừng nào. Những chai thuốc được vẽ kiểu để ngừa trường hợp mấy đứa con nít thì nay, chính"ong noi" của mấy đứa con nít mới không làm ăn gì được, khiến cho một đứa bé học lớp hai khinh bỉ không thèm lấy tiền thưởng vì việc mở mấy cái nắp ấy chúng coi là dễ … ẹc.


Ngày 3 tháng 3 năm 2011

Bạn ta

Ở Luân Đôn tuần qua, tại một tiệm cà phê, người ta đã có thể mua thử và thưởng thức một món mới. Đó là cà rem làm bằng sữa người.

breast-milk-ice-cream.jpg

The dessert, called Baby Gaga, is churned with donations from London mother Victoria Hiley, and served with a rusk and an optional shot of Calpol or Bonjela.

Việc uống sữa không phải là sữa của mẹ là chuyện không có gì lạ cả. Sữa …rừng (?) còn thay được sữa mẹ như một cuốn phim tình cảm ca vũ nhạc Ấn độ chiếu ở rạp Long Phụng vài chục năm trước mà.

Tôi còn được kể chuyện là hồi còn bé, có ba bà mẹ trẻ ở gần nhà nhau cùng sinh con trước sau vài ba ngày. Nên khi một bà bận chuyện gì, bà liền đem con gửi cho hai bà kia coi giùm vài ba tiếng. Trong vài ba tiếng ấy thì ba đứa bé được cho "bú rình" mẹ của nhau. Bây giờ, một trong ba đứa bé ấy đã chết cả gần hai chục năm trước. Còn ba bà mẹ thì chỉ còn có một cụ còn sống.

Cũng như chuyện nhà giầu hồi xưa thuê vú để nuôi con chủ nhà vậy. Trần Trung Phương có một bài thơ đọc rất cảm động kể chuyện chị vú em một bữa nghe được con bê nhỏ than thở không được bú bò mẹ, sữa của bò mẹ bị đem đi bán lấy tiền về cho chủ nhà. Chị vú nói với con bê rằng chị cũng có khá gì hơn đâu vì con của chị, chị phải để ở nhà cho chồng nuôi èo uột trong khi sữa của chị để nuôi cậu con chủ càng ngày càng xổ sữa.

Việc lấy sữa người làm ice cream cũng gần tương tự như những trò "bú rình" hay thuê vú về nuôi con của thời trước. Khác chăng là ở Luân Đôn, sữa được làm thành ice cream rồi bán ngoài tiệm.

Đọc bản tin tôi thấy thấy hơi ghê ghê. Chuyện ba đứa bé uống sữa từ mấy cái "bar" chung nghe thấy vui, mà không ghê ghê gì hết. Nhưng vào tiệm cà phê ở Luân Đôn, bỏ ra 22 đô la ăn cái ice cream thì hơi ghê thật.

Chẳng biết xuất xứ của nó ở đâu. Thủ đô Luân Đôn thì có biết bao nhiêu nguồn sữa. Sữa gốc Jamaica, Trinidad, Tobago… sữa gốc Nam Á, Pakistan, Bangladesh, Ấn độ… sữa gốc Trung Phi Sierra Leone, Uganda, Nam Phi … rồi sữa Anglo Saxon. Người tinh tường về vị giác chắc phải dễ dàng nhận ra có thứ sữa có mùi càri, có thứ phảng phất mùi thịt rừng, có thứ có mùi roast beef

Người dở về thính giác và vị giác thì chép miệng nhận xét rằng nó cũng có khác gì mùi … bò đâu. Nói như vậy là làm nản lòng chiến sĩ quá đáng. Một đằng cứ gắn cái máy vắt sữa vào là vài ba phút có một ga lông bỏ vào chai plastic bầy ở siêu thị. Nhưng đây là sữa người. Sao lại giống nhau được? Nhưng cính đó mới là chi tiết để thấy ghê ghê.

Thí dụ một người bỏ thuốc lá hơn 40 năm, nay lạng quạng bước vào tiệm ice cream gọi một ly kem ăn thử cho biết, nói rõ là không muốn mùi gì khác… Không vanilla, xúc cù là cũng không. Cứ ice cream là được rồi. Nhưng lúc tiệm mang ra, khách thử một chút đã phun phì phì ra, hai tay móc họng, khạc nhổ vang lừng nghe vọng tới tận điện Buckingham rằng sao ice cream sữa người mà lại có mùi thuốc lá Salem thế này hở Trời.

Thì đã bảo mà! Bò không hút thuốc lá Salem bao giờ hết.